You are on page 1of 2

“Sao anh không về chơi thôn vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên


Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Câu hỏi tu từ “sao anh không về chơi thôn vĩ?” gợi người đọc nhiều ý nghĩa và nhiều
cách hiểu. Cách dùng từ “về chơi” của tác giả tạo sự gần gũi, tự nhiên và chân tình Thực ra
đây là lời mời mọc tha thiết và cũng là một lời trách yêu, một sự dỗi hờn thể hiện nỗi trông
ngóng da diết của cô gái ở thôn Vĩ. Nhưng trong thực tế thì không có người con gái nào đang
trực tiếp đối với Hàn Mặc Tử cả. Lời nói dịu dàng và chứa đầy yêu thương ấy chính là nhà
thơ tự phân thân để hỏi chính mình. Nhà thơ mượn lời cô gái thôn Vĩ Dạ để tự trách mình về
một việc cần làm mà đáng ra phải làm từ lâu – đó là trở về lại thôn Vĩ. Không chỉ ở Hàn Mặc
Tử ao ước trở về quê hương mà còn là ở những con người xa quê hương, trông ngóng và
khao khát trở về Thôn Vĩ. Nhớ lắm, thương lắm, khao khát lắm nhưng cũng đầy mặc cảm và
hoài nghi về khả năng thực hiện ao ước của mình. Liệu có còn cơ hội về lại Vĩ Dạ hay
không? Câu thơ chốt lại vừa là chủ thể trữ tình vừa là khách thể trữ tình, mang một cảm xúc
tiếc nuối của nhà thơ khi đang nằm trên giường bệnh vì không thể quay về thôn Vĩ Dạ.
Ở câu thơ thứ hai chúng ta hết sức bất ngờ vì lời mới vừa cất lên thì ngay lập tức
Hàn Mặc Tử đã có mặt ngay ở trong không gian thôn Vĩ Dạ. Rõ ràng đây là một cuộc hành
trình trong tâm thức.
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”
Câu thơ xuất hiện với hai từ “nắng”. Một cái nắng được phát hiện, miêu tả cùng với
“hàng cau” và một cái nắng tinh khôi mới mẻ, nó khiến nhà thơ phải xuýt xao reo lên như trẻ
con “nắng mới lên”. Đây không phải là thứ nắng của mặt trởi mà ngày nào chúng ta cũng
thấy. Đây là một thứ nắng rất mới vì nó xuất hiện trong buổi bình minh. “nắng hàng cau”:
hình ảnh của cái nắng sớm mai, ánh nắng đan xen những hàng thân cau thẳng tấp, cao vút và
nắng chiếu rọi trên những tàu lá tươi xanh. Cái nắng khi này dường như khiến cho nhà thơ
mườn tượng ra hình ảnh bước chân của bóng người trở về từ phía xa.Từ trước đến nay người
ta đều cho rằng điểm nhìn của Hàn Mặc Tử là từ xa đến gần. Người du khách thấy được nắng
hàng cau và càng đến gần khu vườn càng thấy màu xanh ngọc của lá cây. Thực ra ông trở về
bằng tâm thức thì không nhất thiết phải có một cuộc dạo chơi như vậy. Đôi mắt của Hàn Mặc
Tử đang ở trên cao, trên khu vườn thôn Vĩ. Nhà thơ đang xé toạt vòm trời đen để nhìn thấy
bình minh nắng mới diệu kì thắp lên từ thôn Vĩ Dạ. Nhờ vậy mà cái đẹp của thôn Vĩ là sự kết
hợp của nắng rực rỡ chiếu rọi trên hàng cau thẳng tấp, cao vút, tươi xanh. Hàng cau trong
ánh nắng của bình minh, trong cái mướt xanh của khu vườn rất thân quen, rất thực và đời
thường. Không gian có người mình yêu lúc này là một khu vườn địa đàng, là nơi có nhiều
phép màu cổ tích. Về với thôn Vĩ là trút được những nỗi phiền muộn đớn đau. Vì thế nên
tâm thức của Hàn Mặc Tử đã đáp xuống khu vườn thôn Vĩ Dạ.
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Câu thơ có đến hai lần xuýt xao, kinh ngạc. Đã “vườn ai mướt quá” lại còn “xanh
như ngọc”. Tất cả đều non tơ, tất cả đều xanh tươi, mọi chiếc lá ở đây đều xanh như ngọc.
Nó không chỉ cho ta cảm nhận bằng thị giác mà còn cho ta cảm nhận tiếng va chạm của
những chiếc lá ngọc. Câu thơ khi này không phải là môt lời nhận xét mà là lời cảm thán.
“xanh như ngọc”: lấy ngọc để so sánh độ xanh tốt, mơn mởn của cây lá. Không chỉ là màu
sắc, khi nói đến ngọc ta còn nghĩ đến sự lấp lánh. Biện pháp gợi tả vẻ đẹp của cây cối tô
điểm thêm ánh nhìn cho cây lá, vừa có màu sắc, vừa có ánh lấp lánh. Vẻ xanh tốt, mượt mà
của cây lá được ánh nắng hừng đông chiếu rọi vào những giọt sương động lại trên lá, tạo nên
một màu xanh, ánh lấp lánh như ngọc.
Trong “Thơ Duyên” của Xuân Diệu – “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá”, vẻ xanh tốt của cây
lá, của thiên nhiên đầy sức sống được viết ra từ Xuân Diệu – một nhà thơ trẻ tuổi đang tràn
trề sức sống. Nhưng ở Hàn Mặc Tử, ông phát họa nên những vẻ xanh tốt ấy rất sống động và
chi tiết dù khi đang trên giường bệnh. Đáng lẽ, tâm hồn con người thường sẽ trở nên mù mờ,
thiếu sức sống ấy vậy mà điều gì đã khiến Hàn Mặc Tử có ánh nhìn lạc quan và đầy sức
sống như vậy? (Dù phải đối mặt với bệnh tật, đứng trước nguy cơ không còn cơ hội trở về
cuộc sống tràn trề, nhưng ông vẫn cho ra những cái nhìn tuổi trẻ đầy sức sống). Bởi ở Hàn
Mặc Tử, ông luôn có một trái tim đặc biệt đầy tình cảm tha thiết với thôn Vĩ Dạ nơi xứ Huế
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
Ở câu thơ cuối, có người cho rằng “mặt chữ điền” chính là khuôn mặt của người con
gái đã mời Hàn Mặc Tử về chơi thôn Vĩ. Bởi vì “vườn ai” chính là vườn của em – người con
gái thôn Vĩ Dạ, nhìn thấy khuôn mặt của em trong khu vườn ấy thì rất hợp lí. Nhưng nhà thơ
Chế Lan Viên – bạn của Hàn Mặc Tử đã rất bất mãn với cách hiểu này, ông cho rằng mặt
chữ điền có thề không xấu nhưng nhất định đó là gương mặt không theo chuẩn mực cái đẹp
của người Việt Nam khi đánh giá phụ nữ. Cũng có ý kiến lại nói là “mặt chữ điền” là viên
gạch có bốn ô vuông thường được xây bên bức bình phong của những ngôi nhà ở thôn Vĩ.
Thực ra nếu đọc thơ Hàn Mặc Tử chúng ta sẽ bắt gặp nhiều hình tượng thế giới kì lạ. Việc
nhà thơ gặp mình trong quá khứ cũng như trong tương lai là rất phổ biến. Vì thế dù thật khó
tin nhưng ở đây Hàn Mặc Tử đã gặp lại chính mình với gương mặt chữ điền thời còn là
chàng trai tài hoa nổi danh trên đất Huế. Nhà thơ muốn yêu một tình yêu trong trắng, thanh
thản, đắm say thì phải trở lại là con người của quá khứ, phải là một nhà thơ đa tình phong lưu
thời còn ở Huế. Nói đúng ra là nhà thơ muốn quên mình trong hiện tại với căn bệnh hiểm
nghèo để được yêu, được đắm say cái đẹp. Hình tượng “lá trúc che ngang” càng cung cấp
cho gương mặt chữ điền ấy những nét ngang tàng, phóng khoáng mạnh mẽ của người đàn
ông. Lá trúc trong quan niệm xưa chính là biểu hiện cho người quân tử.
Bằng tài viết bút của mình, Hàn Mặc Tử đã gợi lên “cái hồn” của thôn Vĩ Dạ: cảnh
thì xinh xắn, sáng trong còn người thì hiền hòa, phúc hậu trong vẻ đẹp ngang tàn, mạnh mẽ
của con người miền Trung xứ Huế. Để viết được những câu thơ miêu tả đầy chân thực về
cảnh vật và con người yêu thiên nhiên tha thiết, tâm hồn thi sĩ khi này tràn đầy niềm yêu
cuộc sống và phải có một ân tình sâu nặng với thôn Vĩ mới có thể có được những cảm nhận
hết sức tinh tế và chân thật như vậy. Ngay mở đầu, câu hỏi tu từ “sao anh không về chơi thôn
vĩ” đã là một cái duyên cớ gợi, nhờ vậy mà thôn Vĩ Dạ mới trở thành một khung cảnh nên
thơ và tràn đầy sức sống. Khi ấy tâm hồn con người và thiên nhiên như hòa làm một để đồng
cảm và xoa dịu đi nỗi buồn của đối phương: nỗi niềm ao ước trở về thăm quê hương thôn Vĩ
ở Hàn Mặc Tử.

You might also like