You are on page 1of 2

Phân tích ĐÂY THÔN VĨ DẠ KHỔ 1

Hàn Mặc Tử - một hiện tượng kì lạ của phong trào thơ mới. Một đời thơ không
dài nhưng ông đã để lại một lượng tác phẩm đáng khâm phục được ví như “ngôi sao
băng có ánh sáng khác lạ vụt qua bầu trời văn học” làm người ta nhớ mãi không
quên. Giọng thơ độc đáo mới lạ cùng với những vần thơ điên, thơ say, thơ trữ tĩnh
ngọt ngào mà đằm thắm. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Hàn Mặc
Tử là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” in trong tập thơ Điên (1938). Bài thơ chính là thanh
âm trong trẻo được cất lên từ bản nhạc đau thương của cuộc đời tác giả khi nằm trên
giường bệnh. Sâu trong nỗi nhớ và niềm nhớ thương về người con gái xứ Huế, bài
thơ còn vẽ lên bức tranh thật đẹp nơi thôn Vĩ, từ đó bộc lộ sâu sắc nỗi cô đơn chất
chứa trong tim tác giả.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Mở đầu bài thơ là một câu hỏi tu từ như là một lời trách yêu, một sự dỗi hờn thể
hiện nỗi trông ngóng da diết của cô gái ở thôn Vĩ. Nhưng thực tế thì không có cô gái
nào đang trực tiếp đối với Hàn Mặc Tử cả. Lời nói dịu dàng và chứa đầy yêu thương
ấy cũng chỉ là một niềm tha thiết, nỗi xúc động của thi sĩ khi được trở về quê hương,
dù chỉ là trong tâm tưởng. Ở đây tác giả sử dụng từ “không về” chứ không phải “chưa
về”, là “về chơi” chứ không phải “về thăm”. Nếu ta đọc kĩ, ta sẽ thấy một câu thơ
hàm ẩn bao ý niệm. “Chưa về” nghĩa rằng sẽ còn về được nữa, “về thăm” thì nghe
thật xa lạ biết bao. Đứng ở tâm thế của một người con từng rất gắn bó với xứ Huế,
Hàn dùng tâm thức của bản thân để viết những câu thơ tiếp theo. Cảnh vườn thôn Vĩ
hiện ra, ngời ngời sắc xanh, long lanh ánh sáng:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”
Câu thơ này xuất hiện hai từ “nắng”.Thôn Vĩ Dạ ngập tràn trong nắng. Ánh nắng
ấy đầy rực rỡ đến đong đầy không gian, vương trên vạn vật, chảy tràn sánh vàng tựa
mật. Cái nắng tinh khôi mới mẻ, khiến nhà thơ phải xuýt xoa reo lên như trẻ con
“nắng mới lên”. Một thứ nắng rất mới chỉ xuất hiện trong buổi bình minh. Nó thắp
trên những hàng cau. Trong khu vườn thôn Vĩ, cau là loài cây cao nhất, đón ánh nắng
đầu tiên. Bởi vậy, “nắng hàng cau” là thứ nắng trong trẻo nhất, thanh tân nhất, thuần
khiết nhất. Đôi mắt của Hàn Mặc Tử đang ở trên cao, trên khu vườn thôn Vĩ. Mặt trời
càng lên cao, mực chất lỏng càng lên phủ qua tán cau, cũng là bao trùm cả khu vườn
bằng thứ màu sắc của nó, thắp lên chút ánh sáng trong cõi lòng phiền muộn đớn đau
của nhà thơ.
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Đại từ phiếm chỉ “ai” khiến câu thơ thêm phần ý vị mang âm hưởng của điệu Nam
Bình. “Vườn ai” không chỉ riêng một khu vườn cụ thể mà như theo bước chân của
người phiêu lãng, theo dấu hành trình trong tâm tưởng, hai bên đều là những mảnh vườn
như thế.”Mướt” là trạng thái tươi tốt, càng tràn sức sống, ánh lên sắc xanh ngọc bích
dưới nắng vàng của bình minh. Hẳn khu vườn phải được chăm sóc hết sức tỉ mỉ, cẩn
thận bởi đôi bàn tay khéo léo. Hình ảnh so sánh “xanh như ngọc” là nét vẽ thần tình tô
đậm hồn cây trong “vườn ai”. Ta có thể nghe thấy tiếng nhựa sống chuyển mình trong
tán lá, hương vườn yểu điệu bước ra. Vẻ đẹp được sánh ngang với ngọc không chỉ tráng
lệ mà còn quý giá vô cùng. Sắc xanh dân dã của cỏ hoa cũng có thể trở thành hình ảnh
diệu vời, tựa như phép màu vừa lướt qua.
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Người con gái xứ Huế thường gắn với tà áo dài tím mộng mơ. Nhưng trong thơ,
thiếu nữ ấy e ấp “che ngang” gương mặt sau “lá trúc”. Một nét vẽ rất dịu dàng, “mặt
chữ điền” ẩn hiện sau cành trúc, lá trúc thanh mảnh, thon thả. Cây trúc trong thi ca vốn
là biểu tượng cho người quân tử. Mảnh vườn “xanh như ngọc” có người con gái dịu
dàng, e ấp, mượn lá trúc “che ngang” gương mặt “chữ điền”. Chân dung người con gái
được tác giả phác thảo một cách thấp thoáng, mơ màng, hư hư thực thực. Khuôn mặt
chữ điền trong quan niệm xưa là một khuôn mặt biểu hiện cho tâm tình hài hoà, hiền
hậu hoà quyện với thiên nhiên tạo nên vẻ đẹp hồn hậu, cứng cáp, mang cốt cách của tao
nhân nghìn xưa. Hình ảnh thơ chỉ là những mảng kí ức mờ nhạt nhưng lại quá đỗi sống
động. Vĩ Dạ hiện lên là một vùng quê yên bình, êm đềm, một chốn đi xa thì ta luôn
khao khát được trở về. Cảnh và người hoà hợp trong nhau đến một lần thì chắc chắn sẽ
không bao giờ quên.
Với hình ảnh độc đáo giàu sức gợi, giàu giá trị thẩm mĩ, ngôn ngữ giản dị, hàm súc
kết hợp với các biện pháp tu từ một cách khéo léo, “Đây thôn Vĩ Dạ” thể hiện tình yêu
tha thiết của tác giả đối với xứ Huế - nơi nhà thơ đã từng có những kỉ niệm ngọt ngào,
đồng thơi thể hiện khát khao được sống, được yêu của một con người. Nhà thơ đã vẽ
nên một bức tranh phong cảnh thật đẹp về thiên nhiên xứ Huế, từ đó thể hiện tình yêu
và khát vọng sống mãnh liệt.

You might also like