You are on page 1of 173

1

2
3
4
5
6
7
8
9

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, nhiều cảnh quan địa lý đặc trưng như các
hệ thống các đảo, vịnh, đầm, phá, cửa biển... Tại đây đã hình thành cộng đồng dân
cư thích nghi với từng hình thể địa lý cảnh quan biển có những đặc trưng văn hóa
riêng.
Bình Định có một hệ thống đầm Trà Ổ, Đề Gi, Thị Nại, đặc biệt đầm Thị Nại
là đã nổi tiếng qua nhiều thời kỳ lịch sử và có vai trò về kinh tế văn hoá xã hội.
Đầm Thị Nại thuộc huyện Tuy Phước ở phía Nam của tỉnh Bình Định, địa bàn từng
thuộc Chămpa cổ.
Hiện nay, không ít những công trình nghiên cứu về môi trường sinh thái, biến
đổi khí hậu, phát triển du lịch bền vững, giá trị kinh tế nguồn lợi thuỷ sản, nhưng
nghiên cứu về vấn đề văn hoá biển và cộng đồng cư dân nơi đầm Thị Nại chưa được
quan tâm nhiều, chính vì lý do này chúng tôi chọn đề tài “Cộng đồng cư dân ở đầm
Thị Nại, huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định” để thực hiện luận văn cao học. Vùng
đất Bình Định nơi đây cũng chính là quê hương của chúng tôi nên việc tìm hiểu đề
tài này tương đối thuận lợi trong việc tìm hiểu văn hoá của cư dân đầm Thị Nại.
Trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay, việc áp dụng kỹ
thuật công nghệ cao nhằm nâng cao đời sống vật chất của con người, tuy nhiên điều
này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, tài nguyên thiên nhiên ngày
càng cạn kiệt, đã tác động một cách tiêu cực đến cộng đồng cư dân nơi đây. Việc
nghiên cứu cộng đồng cư dân đầm Thị Nại qua các mặt kinh tế - xã hội, văn hoá là
một vấn đề quan trọng góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền
thống văn hóa, phát triển bền vững cộng đồng cư dân.
2. Mục đích nghiên cứu:
Mục đích của chúng tôi khi khảo sát đề tài này nhằm tìm hiểu về sự tác động
của môi trường sinh thái đến quá trình hình thành cộng đồng dân cư thông qua các
hoạt động kinh tế và các đặc trưng văn hóa của cư dân sinh sống tại đầm Thị Nại.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi đã sử dụng phương pháp
10

nghiên cứu định tính qua phương pháp quan sát tham dự, phỏng vấn sâu các thành
phần cư dân tại khu vực xã Phước Thuận, cùng tham gia vào cuộc sống thường nhật
của người dân qua các lĩnh vực văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần và văn hoá xã
hội. Bên cạnh đó, chúng tôi đã áp dụng các lý thuyết nghiên cứu nhân học để thực
hiện khảo sát nhằm tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng cư dân đầm Thị Nại.
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề:
Vấn đề nghiên cứu về cộng đồng ngư dân trên đầm, biển ở Việt Nam nói
chung và Bình Định nói riêng hầu như chưa nhiều. Trong quá trình thực hiện luận
văn, chúng tôi dựa vào các nguồn tài liệu chủ yếu sau đây:
- Công trình sách liên quan đến biển:
Nước non Bình Định (1967), Quách Tấn. Công trình là cuốn địa phương chí
tỉnh Bình Định với nguồn tài liệu đa dạng, phong phú về lịch sử, địa lý, văn hóa.
Sách gồm 3 chương, trong đó có một phần đề cập đến bờ biển và cửa biển của tỉnh
Bình Định như cửa Kim Bồng, An Giũ, Hà Ra, Đề Gi, Vũng Tô suối Bún, Cửa Thử,
Thị Nại, Quy Nhơn… và các đầm: Trà Ổ, Đạm Thủy, Thị Nại, Ngạc Đàm, Giao
Trì.
Quá trình trầm tích trong nghiên cứu đầm phá ven biển (1981) Nicholes M,
Allen G. Tác giả đã đề cập đến hoạt động của đầm phá liên quan đến biển và các
hình thái, động lực dòng chảy của đầm.
Đại Việt sử ký toàn thư (1993) Ngô Sĩ Liên, Nxb Khoa học Xã Hội – Hà Nội,
có nội dung đề cập đến mối quan hệ với người Việt với biển.
Biển của người Việt cổ (1996), Viện Đông Nam Á, Nxb Văn hoá thông tin.
Nghiên cứu về biển dưới cách tiếp cận khảo cổ học, khái quát về lịch sử biển ở
nước ta qua các thời tiền sử, sơ sử trong bối cảnh Đông Nam Á lục địa và hải đảo.
Văn hóa dân gian làng ven biển (2000), Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian,
Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Nxb Văn hoá dân tộc. Công trình đề cập đến khía cạnh
văn hóa dân gian của các cộng đồng cư dân ven biển người Việt, từ Quảng Ninh
đến Thừa Thiên Huế.
11

Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam (2002), Nguyễn Duy Thiệu, Nxb Khoa học
Xã hội – Hà Nội. Công trình đầu tiên nghiên cứu về cộng đồng ngư dân Việt Nam
mang tính tổng quan, có quy mô, chất lượng khoa học cao. Công trình đã cung cấp
khung lý thuyết cho việc nghiên cứu, khảo sát các làng chài với cơ cấu tổ chức xã
hội truyền thống trong thời kỳ hợp tác xã và thời kỳ hiện đại, một hướng nghiên cứu
mới về cộng đồng ngư dân và cư dân ven biển.
Lễ hội dân gian của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu (2004), Phan An và Đinh
Văn Hạnh, Nxb Trẻ. Công trình tập trung nghiên cứu lễ hội dân gian thuộc các tín
ngưỡng: thờ thần Thành Hoàng, thờ Nữ - Mẫu thần, cá Ông... của ngư dân tỉnh Bà
Rịa – Vũng Tàu trong quá trình hình thành và phát triển.
Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam Bộ (2004), Trần Hồng Liên, Nxb Khoa học
Xã hội – Hà Nội. Đây là công trình viết về cộng đồng ngư dân ven biển ở Nam Bộ
qua việc nghiên cứu đối sánh trường hợp giữa hai cộng đồng ngư dân ven biển ở
Bà Rịa – Vũng Tàu (Đông Nam Bộ) và Tiền Giang (Tây Nam Bộ).
Văn hoá ẩm thực Bình Định (2005), Nguyễn Phú Liêm – Hà Giao, Nxb Thanh
niên. Công trình đề cập đến ẩm thực của Bình Định như: bánh ít lá gai, nem Chợ
Huyện, rượu Bàu Đá, bánh hỏi Diêu Trì…góp phần vào việc giữ gìn và phát huy
bản sắc văn hoá của vùng đất con người Bình Định.
Địa đàng ở Phương Đông (2005), Stephen Oppenheimer, Nxb Lao Động và
Trung tâm Văn hóa Đông Tây với bản dịch của Lê Sỹ Giảng và Hoàng Thị Hà. Tác
giả đã đưa ra giả thuyết về cái nôi của nền văn minh Đông Nam Á chính là biển
Đông, bao gồm cả vịnh Bắc Bộ và khu vực biển Đông Việt Nam. Công trình này đã
nói đến các thời kỳ biển dâng, quá trình hình thành biển và ảnh hưởng của nó đến
quá trình di cư và văn hóa của cư dân Đông Nam Á.
Biển trong văn hóa Việt Nam (2006), Nguyễn Thị Hải Lê, Nxb Quân đội nhân
dân. Khái quát về văn hóa biển của Việt Nam và các sắc thái đặc trưng về văn hoá
biển của người Việt ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Địa chí Bình Định (2006) gồm 3 tập, Đỗ Bang, Nguyễn Tấn Hiếu (chủ biên).
Nội dung sách giới thiệu vị trí và địa lí tự nhiên; địa chất, địa hình, khí hậu, thủy
12

văn sông, biển, sự biến động dân cư; các dân tộc thiểu số; tổ chức hành chính và bộ
máy quản lí nhà nước Bình Định thời phong kiến, thời Pháp thuộc, thời chống Pháp
và chống Mỹ, bộ máy quản lí Nhà nước tỉnh Bình Định từ 1975 – 2000 và phản ánh
lịch sử Bình Định, quá trình phát triển đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
của cư dân qua các thời kỳ: Từ Bình Định thời Sa Huỳnh và Chămpa… cho đến
thời kỳ Bình Định trong công cuộc xây dựng và đổi mới (1975 - 2000).
Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ (2008), Hội văn nghệ
dân gian Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa. Công trình tập hợp các bài viết có liên
quan về chủ đề văn hóa biển, giới thiệu các thành tố văn hóa dân gian.
Văn hóa biển miền Trung trong mối quan hệ với văn hóa biển Đông Nam Á
(2008), Mai Ngọc Chừ, Nxb Từ điển bách khoa. Giới thiệu sơ lược mối quan hệ của
văn hoá biển miền Trung với văn hoá biển Đông Nam Á ở khía cạnh lịch sử và
những bất lợi khí hậu, thiên tai của biển Đông Nam Á tác động đến biển miền
Trung. Khái quát về chiến lược biển và môi trường văn hóa biển miền Trung.
Văn nghệ dân gian Bình Định - tác giả và tác phẩm (2010), Chi hội Văn nghệ
dân gian Bình Định, công trình mang lại cái nhìn toàn diện về văn hóa dân gian
Bình Định ở các khía cạnh: ẩm thực, sân khấu bài chòi, âm nhạc dân gian…
Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền (2010), Nguyễn Xuân Nhân, Nxb
Khoa học xã hội. Công trình nhấn mạnh tầm quan trọng sự hình thành, phát triển
phồn vinh rồi suy tàn của cảng thị Nước Mặn trong lịch sử.
Người Việt với biển (2011), Nguyễn Văn Kim (chủ biên), Nxb Thế giới. Nhóm
tác giả đã nghiên cứu theo hướng tiếp cận liên ngành từ Khảo cổ học, Sử học đến
Quốc tế học. Tác phẩm có ba phần chính: Phần 1: Truyền thống và tư duy hướng
biển của người Việt; Phần 2: Vị trí thương mại Biển và quan hệ giao thương; Phần
3: Ý thức về chủ quyền và an ninh, kinh tế biển. Giúp hiểu rõ giá trị văn hoá biển
trong mối quan hệ với sự phát triển lịch sử.
Đời sống xã hội, kinh tế - văn hóa của cư dân vùng biển, đảo Nam Bộ (2014),
Phan Thị Yến Tuyết, Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Qua góc nhìn
nhân học biển (Maritime anthropology) tác giả đã cung cấp thông tin đa dạng về đời
13

sống cư dân 9 tỉnh thành có biển ở Nam Bộ qua các khía cạnh xã hội-kinh tế-văn
hóa trong sự tương tác, thích nghi, sáng tạo với môi trường biển. Bên cạnh đó tác
giả cũng đề cập đến một số vấn đề bất cập trong việc ứng xử của cư dân với sự biến
đổi của môi trường xã hội và môi trường biển.
Nghề đánh cá thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định
(2012), Trần Xuân Toàn, Trần Xuân Liếng, Nxb Thời đại. Công trình khắc họa rõ
nét những đặc trưng của nghề đánh cá thủ công xưa của người dân vùng biển Hoài
Nhơn với những bài viết, bản vẽ công phu, tập trung vào các nghề khơi, nghề lộng
và những vấn đề có liên quan mật thiết như phương tiện đánh bắt cá, chế biến hải
sản cách tìm phương hướng, cách đoán thời tiết của người dân xưa…Bên cạnh đó
tác giả tìm hiểu về tín ngưỡng, lễ hội và những điều kiêng kỵ trong nghề biển của
ngư dân Hoài Nhơn trước kia đã cho thấy được những biến đổi về giá trị văn hoá
tinh thần.
Một góc nhìn về văn hóa biển (2014), Nguyễn Thanh Lợi, Nxb Tổng hợp
thành phố Hồ Chí Minh. Công trình như một phác thảo gồm nhiều bài ngắn về văn
hóa biển Việt Nam, chủ yếu ở một vài địa phương khu vực Nam Trung Bộ và Nam
Bộ. Các bài viết đề cập đến các thành tố văn hóa dân gian liên quan đến biển như
ghe bầu, tục vẽ mắt thuyền, tục thờ cá Ông, cô hồn biển, Thủy Long...
Tuy Phước lịch sử và văn hoá (2015), Uỷ ban Nhân dân huyện Tuy Phước.
Cuốn sách đề cập đến tiến trình lịch sử và những đặc trưng văn hoá của huyện Tuy
Phước qua các thời kỳ văn hoá tiền-sơ sử, văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Chămpa,
hành trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của quốc gia Đại Việt...Theo phương thức
tiếp cận khoa học, tính biện chứng lịch sử, kết hợp các chuyên ngành văn hoá học,
khu vực học và phương pháp điền dã, nhằm phát hiện và lý giải những nét chung,
riêng về văn hoá của vùng.
- Các tạp chí khoa học liên quan đến biển:
Việc tổ chức đời sống tín ngưỡng trong cộng đồng ngư dân ở Việt Nam (số 1-
2001), Nguyễn Duy Thiệu, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật. Nội dung tác giả đề cập
14

một số loại hình tín ngưỡng và việc tổ chức đời sống của các loại hình tín ngưỡng,
góp phần phát triển đời sống văn hoá của cộng đồng ngư dân Việt Nam hiện nay.
Bàn về văn hoá cộng đồng (số 26-2010), Phạm Hồng Tung, Tạp chí Khoa học
ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tác giả đề cập đến khái niệm văn hoá
cộng đồng của mình dựa trên quan điểm văn hoá cộng đồng chính là văn hoá ứng
xử của cộng đồng và làm rõ một số thành tố quan trọng nhất của văn hoá cộng đồng
như qui tắc ứng xử, mô thức ứng xử...
Văn hoá biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (số12-2014), Ngô Thị Thu
Hương, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. Nội dung tác giả tìm hiểu những đặc
trưng văn hoá biển nhằm phác hoạ những nét cơ bản nhất, mang bản sắc của văn
hoá biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Nhận diện văn hoá biển - đảo ở Việt Nam (số11-2015), Nguyễn Duy Thiệu,
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. Tác giả bước đầu nhận diện các thành tố chính
cấu thành văn hoá biển – đảo từ đó có cái nhìn cụ thể cho công tác bảo tồn và phát
huy các giá trị văn hoá biển – đảo trong cuộc sống đương đại.
Những loại hình kinh tế biển, đảo và tiềm năng kinh tế tại vùng biển Nam bộ,
Việt Nam - Tiếp cận sinh thái văn hoá (cultural ecology), (số X2-2015), Phan Thị
Yến Tuyết. Nội dung, tác giả vận dụng lý thuyết sinh thái văn hoá (cultural
ecology) và nhân học sinh thái (ecological anthropology) để giải thích sự thích nghi
của cộng đồng ngư dân và cư dân trong môi trường sinh thái tự nhiên vùng biển
Nam Bộ, đồng thời tìm hiểu mối quan hệ giữa môi trường biển và hoạt động sinh
tồn của các cộng đồng ngư dân và cư dân.
Di sản văn hóa biển trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
(2016), Kỷ yếu hội thảo khoa học tại Quảng Nam. Nội dung của các báo cáo tập
trung đề cập các vấn đề về giá trị văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội vùng biển đảo,
khai thác di sản văn hóa biển... Hội thảo đã làm rõ vai trò của di sản văn hóa biển để
đưa ra các gợi ý chính sách đối với các di sản văn hóa biển trong định hướng phát
triển kinh tế biển khu vực duyên hải miền Trung.
15

Tính dễ bị tổn thương của cộng đồng dân cư nghèo khu vực đầm Thị Nại tỉnh
Bình Định trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam học - Kỷ yếu hội thảo
quốc tế lần thứ 4. Nội dung, tác giả đề cập đến bối cảnh biến đổi khí hậu đẩy nhanh
sự suy giảm về số lượng, chất lượng rừng ngập mặn và các loại thuỷ sinh của khu
vực đầm làm mất chức năng sinh thái và vai trò kinh tế ảnh hưởng trực tiếp sự phát
triển bền vững của địa phương.
- Các luận án, luận văn công trình nghiên cứu liên quan đến đề
tài biển:
Những chuyển biến trong đời sống kinh tế - xã hội của ngư dân ở tỉnh Bình
Thuận trong giai đoạn 1991 – 2011, (2017) Phạm Thị Phương Thanh, luận án tiến
sĩ, tác giả đã ghi nhận đời sống kinh tế của ngư dân tỉnh Bình Thuận với những
chuyển biến tích cực hơn so với thời gian trước. Sự phát triển về kinh tế cùng với
những chính sách đầu tư của nhà nước ở vùng ven biển, hải đảo đã làm cho đời
sống xã hội của ngư dân tỉnh Bình Thuận có những thay đổi tích cực về nhiều mặt
như sự cải thiện hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ dân sinh, chất lượng cuộc
sống trong gia đình...
Văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre (2008), Dương
Hoàng Lộc, luận văn thạc sĩ, tác giả đã tập trung khảo sát các hình thức tín ngưỡng,
cơ sở thờ tự, lễ hội của cộng đồng ngư dân ven biển ở tỉnh này, các dạng thức tín
ngưỡng được đề cập trong luận văn như thờ Mẫu thần, cá Ông, Quan Công.
Đời sống văn hóa cư dân đảo Hòn Tre, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
(2015), Trương Thị Quốc Ánh, luận văn thạc sĩ, tác giả trình bày và lý giải được tác
động của môi trường sinh thái trong việc hình thành hình thái cư trú, đời sống kinh
tế, văn hoá của cư dân trên đảo Hòn Tre.
Xác lập cơ sở khoa học phục vụ định hướng quy hoạch không gian đầm Thị
Nại, tỉnh Bình Định trong bối cảnh biến đổi khí hậu (2016), Đặng Thị Hương, luận
văn thạc sĩ, tác giả đã nghiên cứu, phân tích các cơ sở khoa học về điều kiện tự
nhiên, tài nguyên, môi trường, kinh tế-xã hội phục vụ định hướng quy hoạch không
16

gian nhằm góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường khu vực đầm
Thị Nại, tỉnh Bình Định trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu hiện trạng và nguyên nhân bồi lấp một số cửa sông ven biển Bình
Định (2017), Đinh Thị Quỳnh, luận văn thạc sĩ, tác giả đã làm sáng tỏ hiện trạng,
nguyên nhân gây bồi lấp một số cửa sông ven biển tỉnh Bình Định dưới ảnh hưởng
của các yếu tố nội sinh, ngoại sinh, nhân sinh và đề xuất giải pháp khoa học công
nghệ khắc phục hiện tượng bồi lấp nhằm phục vụ phát triển bền vững khu vực ven
biển tỉnh Bình Định.
Những công trình nghiên cứu biển về Việt Nam nêu trên đã giúp chúng tôi
tham khảo, nhờ đó có được những hiểu biết, kiến thức trong quá trình thực hiện
luận văn cao học. Với đề tài nghiên cứu của mình, chúng tôi đã tiến hành điền dã
thực tế 5 lần (4/2016 – 9/2018) để nghiên cứu về cộng đồng cư dân đầm Thị Nại, tại
huyện Tuy Phước, thu thập được khá nhiều tài liệu thông qua 31 cuộc phỏng vấn và
nhiều cuộc trao đổi thông tin trực tiếp với cư dân địa phương. Những thông tin được
trình bày trong luận văn chủ yếu là tài liệu điền dã thực tế mà chúng tôi đã thu thập
được.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là cộng đồng cư dân đầm Thị Nại qua các
khía cạnh kinh tế, văn hoá và xã hội. Qua đó tìm hiểu sự thích nghi của môi trường
sinh thái tại đầm và môi trường xã hội nơi đây đã tác động đến sinh hoạt của cộng
đồng cư dân.
Phạm vi nghiên cứu về không gian: Đầm Thị Nại có 4 xã: Phước Thuận,
Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Hoà, chúng tôi chọn xã Phước Thuận là xã điểm
nhưng tuỳ theo vấn đề mà chúng tôi mở rộng ra các xã khác. Tiêu chí chúng tôi
chọn xã Phước Thuận vì:
- Nơi đây có đầy đủ cơ sở tín ngưỡng như thờ cúng Cá Ông, Ngài Đen, Thanh
Minh mà các xã khác không có.
- Về tôn giáo nơi đây có Phật giáo (8 chùa), Công giáo (Tiểu chủng viện Làng
Sông) và nhà nguyện họ Nại.
17

- Xã có hầu như đầy đủ các loại hình đánh bắt (ở các thôn đều có câu kiều, câu
thẻo, nghề lưới, đào phễnh...), nuôi trồng thuỷ hải sản, nghề thủ công liên quan đến
biển. Các thôn đều có các loại hình đánh bắt như câu kiều, câu thẻo, nghề lưới, đào
phễnh...
- Có tổ chức vạn chài.
Phạm vi nghiên cứu về thời gian, luận văn của chúng tôi nghiên cứu giai đoạn
từ sau 1975 đến nay vì đa phần tài liệu chúng tôi thu thập và tìm được đều chủ yếu
trong khoảng thời gian này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ vận dụng tài liệu trước
1975 bổ sung những vấn đề cần thiết trong luận văn.
5. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn:
- Ý nghĩa khoa học:
Việc tiếp cận lý thuyết và vận dụng các phương pháp nghiên cứu và phân tích
để khảo sát và miêu tả cuộc sống của các cư dân đầm Thị Nại có thể tìm ra những
đặc trưng nổi bật trong tổng thể văn hoá tại đầm và mối quan hệ tương tác giữa môi
trường đầm phá và cư dân nơi đây. Riêng với ngành Việt Nam học, nghiên cứu đề
tài này cung cấp một nguồn tư liệu về cộng đồng cư dân người Việt ở đầm Thị Nại
qua vận dụng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu quan trọng nhất là nhân học và
dân tộc học.
- Ý nghĩa thực tiễn:
Nội dung luận văn góp phần đưa ra những thuận lợi và những vấn đề bất cập
trong sinh hoạt của cộng đồng cư dân tại đầm, bước đầu cung cấp tư liệu cho các
ban ngành chức năng tham khảo. Tài liệu trong luận văn có thể góp phần sử dụng
trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như góp phần đáp ứng nhu
cầu tìm hiểu về biển, đảo.
6. Phương pháp nghiên cứu:
Để tìm hiểu và phân tích đối tượng nghiên cứu, chúng tôi chủ yếu tiếp cận
nghiên cứu liên ngành cùng vận dụng phương pháp nghiên cứu định tính như: khảo
sát, điền dã, quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố.
18

- Tiếp cận nghiên cứu liên ngành (Interdisciplinary research):


Nghiên cứu liên ngành là sự liên kết các ngành khoa học liên quan đến đề tài
nhờ đó có thể tìm hiểu được vấn đề nghiên cứu vốn đa dạng. Trong nghiên cứu liên
ngành chúng tôi xác định ngành nghiên cứu chính của luận văn là Việt Nam học,
còn các ngành liên kết bổ trợ là nhân học/ dân tộc học, sử học, địa lý, văn hóa dân
gian…
- Nghiên cứu định tính: (Qualitative research)
“Nghiên cứu định tính là một hoạt động có vị trí định vị người quan sát trong xã
hội. Bao gồm một loạt các cách thực hành diễn giải làm làm người ta hiểu rõ xã hội,
bao gồm: các ghi chép thực địa (fieldnote), quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, hội
thảo, thảo luận nhóm, các hình ảnh, băng ghi âm, hồi ký... nhằm mô tả, diễn giải,
giải thích chủ thể”. [57: tr.16]
Chúng tôi áp dụng phương pháp này qua một số cuộc phỏng vấn sâu và phỏng
vấn hồi cố các thành phần cư dân liên quan đến đề tài. Những biên bản phỏng vấn
sâu và phỏng vấn hồi cố giúp chúng tôi tìm hiểu ký ức cuộc sống người dân cũng
như cũng như cuộc sống hiện tại. Đây là nguồn tài liệu chủ yếu để chúng tôi thực
hiện luận văn vì thông tin thu thập được qua phỏng vấn là tiếng nói của người trong
cuộc, của đối tượng nghiên cứu chứ không phải ý kiến chủ quan của tác giả.
- Phương pháp quan sát tham dự ( Participant observation):
“Quan sát tham dự là phương pháp mà theo đó, người nghiên cứu thâm nhập
vào nhóm, cộng đồng thuộc vào đối tượng nghiên cứu và được tiếp nhận là một
thành viên của nhóm hay cộng đồng. Khái niệm tham dự ở đây được hiểu theo
nhiều mức độ khác nhau: từ quan sát tham dự một phần vào các hoạt động đến sự
hòa hợp hoàn toàn của người quan sát vào trong nhóm người được quan sát”. [6:
tr.50]
Áp dụng phương pháp này, chúng tôi tham gia vào hoạt động sản xuất, nghề thủ
công, các lễ hội...của cộng đồng cư dân tại xã Phước Thuận để tìm hiểu các đối
19

tượng nghiên cứu của mình qua các hình thức phỏng vấn, ghi chép, chụp ảnh, quay
phim...những vấn đề liên quan đến nội dung nghiên cứu trong đề tài luận văn.
- Phương pháp phỏng vấn sâu: (In-depth interviewing)
“Phỏng vấn sâu là phương pháp mà người nghiên cứu đặt ra các câu hỏi tập
trung xoáy sâu về các vấn đề nghiên cứu và các thông tín viên trả lời câu hỏi, phỏng
vấn viên lưu lại nguyên văn những câu trả lời đó nhằm thu thập những thông tin
phù hợp và cần thiết cho đề tài nghiên cứu”. [33: tr.36]
- Phương pháp phỏng vấn hồi cố (Oral history research), còn gọi là phương
pháp phỏng vấn lịch sử theo lời kể.
Phương pháp này thể hiện những trải nghiệm, bộc lộ những cảm nhận mà cá
nhân từng sống qua và họ kể lại. Áp dụng phương pháp này chúng tôi tìm hiểu lịch
sử từ dòng hồi ức của một số người sinh sống ở địa phương lâu đời để tìm hiểu về
cuộc sống trước đây của họ.
Trong phương pháp này, chúng tôi tiến hành hỏi khá kỹ về những vấn đề liên
quan đến đề nội dung tài luận văn, có khi phải hỏi nhiều lần vào những nơi hoặc
thời điểm khác nhau. Các đối tượng mà chúng tôi tiến hành phỏng vấn sâu tại địa
bàn bao gồm các thành phần khác nhau liên quan đến đề tài như những người quản
lý ở địa phương, ngư dân và cư dân ven biển: thợ thủ công, nuôi trồng thuỷ hải sản,
ban quản lý miếu... Thông tin viên bao gồm độ tuổi 30 đến 65 tuổi vì họ có những
trải nghiệm trong từng vấn đề nghiên cứu.
7. Bố cục luận văn:
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phục lục thì đề tài bao gồm 3
chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận của đề tài và tổng quan về đầm Thị Nại
Trong chương đầu tiên, chúng tôi trình bày những khái niệm, lý thuyết liên
quan đến đề tài nghiên cứu. Nội dung của chương còn đề cập đến các vấn đề như vị
trí địa lý, đặc điểm tự nhiên và lịch sử hình thành cộng đồng dân cư đầm Thị Nại,
cũng như khái quát hình thành xã Phước Thuận là điểm chọn ở đầm Thị Nại.
Chương 2: Hoạt động kinh tế và văn hoá vật chất của cư dân đầm Thị Nại:
20

Chương này chúng tôi giới thiệu về hoạt động kinh tế của cộng đồng cư dân
bao gồm các nghề: đánh bắt, khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản, nghề làm muối,
nghề tiểu thủ công truyền thống Bên cạnh đó, chúng tôi còn trình bày đặc điểm văn
hoá vật chất qua các khía cạnh nhà ở, trang phục, ẩm thực phương tiện đi lại..
Chương 3: Văn hoá tinh thần và văn hoá xã hội của cộng đồng cư dân đầm Thị
Nại
Trong chương này chúng tôi tập trung trình bày về văn hoá tinh thần của cộng
đồng cư dân đầm Thị Nại, chủ yếu đề cập đến hoạt động tín ngưỡng và lễ hội,
phong tục tập quán, văn học nghệ thuật.
Phần phụ lục của luận văn bao gồm các biên bản phỏng vấn, bảng biểu và hình ảnh
liên quan đến đề tài.
21

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI VÀ TỔNG QUAN VỀ ĐẦM


THỊ NẠI.
1.1. Cơ sở lý luận:
1.1.1. Khái niệm
v Cộng đồng dân cư:
Cộng đồng dân cư là một tập thể gồm những thành viên gắn với nhau bằng
những giá trị chung. Cộng đồng có một sự cố kết nội tại không phải do những quy
tắc rõ ràng, những luật pháp thành văn, mà những liên hệ sâu hơn. Sự cố kết hữu cơ
giữa các cá nhân mới là nền tảng thật sự của cộng đồng. Có hai cách hiểu về cộng
đồng, thứ nhất là cộng đồng tính: là thuộc tính hay quan hệ xã hội như tình cảm
cộng đồng, nhóm xã hội có tính cộng đồng… thứ hai là cộng đồng thể: là các nhóm
người, nhóm xã hội có tính cộng đồng với rất nhiều loại (thể) có quy mô khác nhau.
Có thể phân cộng đồng thành 2 loại:
- Cộng đồng địa lý: bao gồm những người dân cư trú trong cùng một địa
bàn có thể có chung các đặc điểm văn hoá xã hội và có thể có quan hệ
ràng buộc với nhau. Họ cùng được áp dụng chính sách chung.
- Cộng đồng chức năng gồm những người có thể cư trú gần nhau hoặc
không gần nhau nhưng có lợi ích chung. Họ liên kết với nhau trên cơ sở
nghề nghiệp, sở thích, hợp tác hay các hiệp hội có tổ chức1.
Trong đề tài nghiên cứu này, cộng đồng được hiểu là một nhóm dân cư sinh
sống trong một thực thể xã hội, có cơ cấu tổ chức và có cùng một giá trị cơ bản. Do
đó cộng đồng cư dân đầm Thị Nại bao hàm cả cộng đồng địa lý (cư trú lâu đời ở
đầm ven biển) lẫn cộng đồng chức năng (chủ yếu nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải
sản, làm muối...).
v Đầm:
Đầm/phá ( coastal lagoon) là một loại hình thủy lực ven bờ, phía ngoài ngăn
cách với biển bởi một hệ thống các doi cát chắn( sand barrie) dọc bờ và thông với

                                                                                                                         
1
Thuật ngữ tra cứu Anh Việt ngành nhân học do Phan Thị Yến Tuyết chủ biên, công trình nghiệm
thu, chưa xuất bản
22

biển bởi một hoặc vài cửa. Các phá điển hình thường phát triển ở các rìa đồng bằng
cát ven biển, nơi giàu bồi tích cát, trong điều kiện động lực của vùng bờ có xu thế
san bằng và với vai trò thống trị của dòng sóng dọc bờ. Ở Việt Nam có nơi gọi phá
là đầm, hay đầm phá.
Hệ sinh thái điển hình của vùng cửa sông ven biển bao gồm các thành phần
như vùng châu thổ (delta), vùng đồng bằng ven biển, các vùng đất ngập nước, các
bãi biển và cồn cát, các rạn san hô, các vùng rừng ngập mặn (rừng sác), đầm phá
(lagoon), và các đặc trưng ven bờ khác. Chính những khu hệ khác nhau này cùng sự
pha trộn giữa môi trường nước biển và nước ngọt đã tạo ra nguồn lợi thủy sản vô
cùng đa dạng và phong phú. Thế nhưng, đây cũng là vùng vô cùng nhạy cảm, dễ bị
tổn thương bởi tác động của các hiện tượng tự nhiên cũng như các hoạt động khác
nhau của con người như sự gây ô nhiễm và việc khai thác quá mức nguồn tài
nguyên thủy sản.2
“Đầm có thể có một hay nhiều cửa biển, đóng mở thường xuyên hoặc định kỳ
về mùa lũ, có khi trên mặt đất lại đóng kín nhưng nước đầm vẫn luân lưu với nước
biển phía ngoài nhờ thẩm thấu qua thân đê các chắn. Đầm phá ven bờ có mặt ở
nhiều nơi, chiếm khoảng 13% chiều dài bờ đại dương thế giới. Theo hình thái –
động lực, đầm phá ven biển phân thành 4 kiểu – đầm phá dạng cửa sông ( estuarine
lagoon), dạng mở (open lagoon), dạng kín từng phần (partly closed lagoon) và dạng
kín (closed lagoon)” [78: tr.27-80]
Ở Bình Định có một đầm nước lợ - ngọt là đầm Trà Ổ (Phù Mỹ) và hai đầm
nước lợ - mặn là đầm Đề Gi (Phù Mỹ - Phù Cát) và đầm Thị Nại (Tuy Phước). Sở
dĩ có 1 đầm nước lợ - ngọt và 2 đầm nước lợ - mặn do có nhiều hệ thống sông suối
đổ vào 3 đầm này như sông Lại Giang, sông La Tinh, sông Côn, sông Hà Thanh
cùng nhiều suối làm thay đổi tính chất, nguyên tắc phải nước mặn vì đầm là một
thành tố của biển, nước trong đầm là nước mặn. Đầm Thị Nại là một đầm nước lợ -

                                                                                                                         
2 (Nguồn:http://www2.hcmuaf.edu.vn/data/nguyenvantrai/file/Sinh%20th%C3%A1i%20CHUONG

%201.pdf)
23

mặn tự nhiên ven biển. Tuy nhiên theo từng thời kỳ mà đầm cũng có nước ngọt do
lưu lượng các nhánh của sông Côn và sông Hà Thanh đều chảy vào trong đầm.
Đầm Thị Nại dài 15km và rộng 4km, diện tích 5.060ha lúc triều lên và
khoảng 3.200ha lúc triều xuống, diện tích mặt nước lớn trên 900 ha, đầm chính là
nơi lưu giữ dinh dưỡng, phù sa, thích hợp phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn và
là môi trường thuận tiện cho việc cư trú, sinh sản của một số loại thuỷ sản theo mùa
như tôm, cá, có vai trò cân bằng tự nhiên và sinh thái ven bờ. Đầm Thị Nại có vị trí
thuận lợi phát triển cảng biển quốc gia, là nơi có cây cầu vượt biển dài nhất Việt
Nam hiện nay. Không những phát triển về giao thông, thuỷ lợi, các ngành nông-
lâm-ngư nghiệp, ngăn chặn lũ lụt mà đầm còn là nơi hình thành cuộc sống dân sinh,
phát triển đời sống vật chất và tinh thần của cả cộng đồng dân cư rộng lớn. Về
những chức năng môi trường của hệ sinh thái đầm, phá thực chất là những giá trị
không tính toán, định lượng được. Tuy vậy giá trị của nó có thể quan trọng hơn
nhiều các giá trị tài nguyên cụ thể được xác định và khai thác trực tiếp.
Phát triển kinh tế, xã hội theo năng suất và sản xuất tài nguyên thiên nhiên
phong phú và đa dạng đầm, phá cung cấp cho con người nhiều loại hải sản và tạo
điều kiện phát triển theo các lĩnh vực kinh tế như: đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải
sản, du lịch sinh thái, kinh tế cảng biển.3
v Tài nguyên vị thế (Position Resources)
Tài nguyên vị thế là những giá trị và lợi ích có được từ vị trí địa lý và các
thuộc tính về cấu trúc, hình thể sơn văn và cảnh quan, sinh thái của một không gian,
có thể sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc
phòng và chủ quyền quốc gia.
Theo nguồn gốc thì tài nguyên thiên nhiên gồm có ba nhóm cơ bản: sinh vât,
phi sinh vật, vị thế (không gian).
Tài nguyên vị thế biển là không gian biển và ven bờ, nổi và ngầm, gồm:
Luồng lạch, bến bãi, đất đai ven bờ, bán đảo và hải đảo, bãi cát biển, thềm đá, hang
động... Một vịnh nước sâu và kín, không có tài nguyên truyền thống phong phú,
                                                                                                                         
3
https://tailieu.vn/doc/dam-pha-428284.html
24

nhưng có thể sử dụng thành một cảng biển, mang lại những lợi ích kinh tế to lớn
nhờ sử dụng tài nguyên vị thế. Nhiều quốc gia đảo coi tài nguyên vị thế biển là tiềm
năng lớn nhất để phát triển kinh tế dịch vụ và du lịch.
Tài nguyên vị thế biển Việt Nam bao gồm hệ thống thuỷ hệ hoặc địa hệ với
cả ba hợp phần nền đất (hoặc đáy), nước và không khí, nằm trong phạm vi chủ
quyền quốc gia và được phân cấp như sau:
- Cấp 1- biển Việt Nam;
- Cấp 2- các vùng của biển Việt Nam;
- Cấp 3- các thuỷ hệ - địa hệ nằm trong các vùng biển, tạo thành các hệ thống
riêng như hải đảo, đầm phá, cửa sông và vũng vịnh4.
Chúng tôi nghĩ rằng đầm Thị Nại có đầy đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển
cộng đồng như tài nguyên vị thế biển và những vai trò như chức năng môi trường,
chức năng cân bằng tự nhiên, hệ sinh thái và phát triển kinh tế xã hội. Đầm có sự
liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh, kinh tế của một cộng đồng dân cư rộng
lớn.
1.1.2. Lý thuyết và các quan điểm học thuật:
Đề tài nghiên cứu này dựa trên cơ sở lý thuyết: tổng thể văn hoá tộc người,
vùng văn hoá, thuyết chức năng, thuyết sinh thái văn hóa.
- Tổng thể văn hoá tộc người
Theo quan điểm học thuật của X.A.Tokarev, một học giả nổi tiếng người Nga
về tổng thể văn hoá tộc người bao gồm ba thành tố là văn hóa vật chất, văn hóa tinh
thần và văn hóa xã hội. Việc phân chia này chỉ có ý nghĩa tương đối vì giữa các
thành tố không thể có sự phân chia ranh giới rạch ròi mà thành tố này là tiền đề, là
hình thức tồn tại của thành tố kia, chúng bổ sung và có mối liên hệ hỗ tương lẫn
nhau, tác động qua lại lẫn nhau để tạo thành Tổng thể văn hóa tộc người. Muốn hiểu
văn hóa của một dân tộc, một cộng đồng cư dân nào cần phải tìm hiểu văn hóa vật
chất và văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội.
                                                                                                                         
4  Phan Thị Yến Tuyết (2015), Giáo trình Văn hoá biển, Khoa Việt Nam học, trường Đại học

KHXH & NV, Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Nguồn: Võ Minh Tập, Tài nguyên vị thế của hệ
thống Vũng vịnh ven bờ Việt Nam  
25

Văn hóa vật chất là tổng hòa tất cả sản phẩm vật chất, hữu hình do lao động
sáng tạo của con người tạo nên trong một xã hội nhất định, ví dụ: công cụ sản xuất,
ẩm thực, phương tiện di chuyển…Văn hóa tinh thần hội tụ những khía cạnh thuộc
về lĩnh vực học thuật, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán, văn học, nghệ
thuật…Văn hóa xã hội bao gồm những ứng xử trong gia đình, cộng đồng, xã hội,
các quy tắc xã hội về hôn lễ, tang lễ, hội đoàn, tổ chức hôn nhân của gia đình, các
thiết chế văn hóa, đời sống pháp luật, tổ chức chính trị...[6: tr.169]
- Thuyết chức năng: (Functionalism)
Thuyết chức năng chủ yếu nhấn mạnh tính liên kết chặt chẽ của các bộ phận
cấu thành nên một chỉnh thể mà mỗi bộ phận đều có chức năng nhất định góp phần
đảm bảo cho sự tồn tại của chỉnh thể đó với tư cách là một cấu trúc tương đối ổn
định. Thuyết chức năng xuất hiện vào đầu thế kỷ XX gắn liền với tên tuổi của
Bronislaw Malinowski (1884-1942) và Arthur Reginal Radcliffe-Brown (1881-
1995). [56: tr.12].
B.Malinowski cho rằng chức năng của các tập tục là để thoả mãn những nhu
cầu sinh học chủ yếu của cá nhân thông qua phương tiện văn hoá. Theo ông, để giải
thích các tập tục phải dựa vào chức năng hiện có của chúng và điều này sẽ làm cho
việc kiểm chứng được dễ dàng và khoa học hơn. Ông đưa ra ví dụ người dân đảo
Trobriand, trong những trường hợp được xem là nguy hiểm như khi đóng thuyền đi
biển, trong quá trình hoàn tất chiếc thuyền, người thợ thường đọc những “thần chú”
hoặc khi đi đánh bắt ngoài biển khơi, họ luôn thực hiện những nghi lễ “bùa phép”.
Giải thích cho hai trường hợp này, B.Malinowski cho rằng, việc “đọc thần chú”và
“làm bùa phép” là nhằm trấn an tâm lý cho con người, giúp người thợ có sự tự tin
để hoàn thành con thuyền và người đánh cá sẽ an tâm hơn khi đối mặt với biển cả.
Do đó những tập tục xuất hiện trong đời sống cộng đồng đều gắn liền với một chức
năng nào đó vào mặt tâm lý của con người và những tập tục xuất hiện theo nguyên
tắc của nó 5 .

                                                                                                                         
5
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/llvhh-nhung-van-de-chung/1762-
arradcliffe-brownban-ve-khai-niem-chuc-nang-trong-khoa-hoc-xa-hoi-.html.
26

Theo B.Malinowski, môi trường xã hội càng bất trắc, nguy hiểm thì con
người càng cần đến bùa chú, cúng kiếng. Chức năng tâm lý của tôn giáo là làm dịu
đi lo lắng về những điều nguy hiểm trong đời sống mà con người thường đối mặt.
Khi cuộc sống con người còn khó khăn, nhiều hiện tượng thiên nhiên chưa lý giải
được, trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế thì họ càng tin rằng cúng kiếng sẽ giúp
ngăn ngừa các thế lực đe đoạ cuộc sống của mình. Còn Emile Durkheim quan tâm
đến chức năng xã hội với việc giải thích đầy đủ một sự kiện xã hội được tiến hành
theo trình tự: trước là đi tìm “nguyên nhân tác động gây ra hiện tượng ấy”, sau khi
tìm được nguyên nhân rồi, ta sẽ tìm “chức năng mà hiện tượng ấy thực hiện” trong
xã hội [17: tr.257-258].
Khác với B.Malinowski, Radcliffe-Brown quan tâm đến chức năng theo
hướng cấu trúc, khi ông cho rằng chức năng của mỗi tập tục là vai trò mà nó nắm
giữ trong việc duy trì sự toàn vẹn của hệ thống xã hội, việc mưu sinh càng nhiều bất
trắc, tai ương thì hệ thống thần linh của các tín ngưỡng tôn giáo nơi ấy càng dày đặt,
càng chứng tỏ môi trường sinh thái nơi đó tiềm ẩn nhiều hiểm họa, bấp bênh. Bất
kỳ một hệ thống nào cũng được xác định bằng các đơn vị (yếu tố) cấu thành nó và
các quan hệ giữa chúng. Do đó chức năng của một tập tục là sự đóng góp của nó
vào đời sống liên tục của “cơ chế xã hội”. [56: tr.12].
Trong luận văn này chúng tôi vận dụng thuyết chức năng của B.Malinowski vì
nó phù hợp dùng để giải thích cho nhu cầu thực hiện các nghi lễ, phong tục và chức
năng của mỗi nghi lễ trong văn hoá của cộng đồng cư dân ở đầm Thị Nại, mà
trường hợp điển hình là cộng đồng cư dân ở xã Phước Thuận.
- Thuyết sinh thái văn hóa: (Cultural ecology)
Sinh thái văn hoá là quá trình một tộc người thích nghi với môi trường tự
nhiên xung quanh, cùng với môi trường xã hội. Sinh thái văn hoá của một tộc người
còn là sự nhận thức về thế giới quan, phương thức sản xuất, phương thức xã hội,
cấu trúc xã hội, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán... Trong đó con người phải
thích nghi với môi trường sinh thái tự nhiên, bao gồm đất đai, song suối, ao hồ,
rừng rậm, biển cả...Cùng với hệ thống động thực vật, điều kiện khí hậu và các
27

nguồn tài nguyên tự nhiên khác. Thông qua sự nhận thức hợp lý về môi trường sinh
thái tự nhiên, con người quyết định phương thức và lựa chọn hình thức cư trú, hành
vi ứng xử và khế ước nhất định với thế giới tự nhiên [57: tr.9].
Ngoài thuyết sinh thái văn hoá thì Theo Julian Steward (1902-1972) cho rằng:
“Nhân học sinh thái là sự tương tác giữa tự nhiên và văn hoá. Nghiên cứu sinh thái
văn hoá là phân tích mối quan hệ giữa một nền văn hoá và môi trường của nó. Mục
đích là để tìm hiểu những biến đổi xã hội bên trong mang tính chất tiến hoá bắt đầu
từ sự thích nghi với môi trường để biến thành một nền văn hoá. Vận dụng lý thuyết
này để nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hoá với môi trường, trong đó thể hiện sự
tương tác của môi trường văn hoá và sự tác động ngược lại của văn hoá với cách
con người tác động đến môi trường tự nhiên” [6: tr.31]. Steward phân biệt rất rõ
cách tiếp cận sinh thái văn hóa khác với sinh thái nhân văn và sinh thái xã hội ở chỗ
nó đi tìm kiếm cách giải thích nguồn gốc những đặc điểm và dạng thức văn hóa cụ
thể đặc trưng cho các vùng khác nhau thay vì tìm kiếm các nguyên tắc chung áp
dụng cho tất cả các tình huống môi trường văn hóa”. [28: tr.15]
Chúng tôi vận dụng lý thuyết sinh thái văn hoá để tìm hiểu sự thích nghi,
thích ứng của cộng đồng cư dân trong môi trường sinh thái tự nhiên của cư dân đầm
Thị Nại, cũng như việc sáng tạo các sắc thái văn hoá đặc trưng.
1.1.3. Câu hỏi nghiên cứu, giả thiết nghiên cứu và lý thuyết tiếp cận:
Theo nội dung đề tài luận văn của mình, chúng tôi đặt ra hai câu hỏi nghiên cứu và
giả thiết nghiên cứu như sau:
- Câu hỏi nghiên cứu:
1. Có phải cộng đồng cư dân đầm Thị Nại dù sinh sống ở đầm ven biển nhưng
hoạt động kinh tế và đời sống văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần và văn hoá
xã hội của họ vẫn mang đậm sắc thái đặc trưng văn hoá biển?
2. Phải chăng do nhiều yếu tố thuận lợi về địa lý, tài nguyên vị thế biển nên cư
dân đầm Thị Nại là một cộng đồng cư dân ổn định, đời sống phát triển, gắn
kết khá chặt chẽ về kinh tế- văn hoá – xã hội?
- Giả thuyết nghiên cứu:
28

Cộng đồng cư dân đầm Thị Nại dù sinh sống ở đầm nhưng hoạt động kinh tế
và đời sống văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần, văn hoá xã hội của họ vẫn mang
đậm sắc thái đặc trưng của văn hoá biển. Do nhiều yếu tố thuận lợi về địa lý, tài
nguyên vị thế biển...nên cư dân đầm Thị Nại là một cộng đồng cư dân ổn định,
đời sống phát triển, gắn kết khá chặt chẽ về kinh tế- văn hoá – xã hội. Nơi đây
ngoài cuộc sống mưu sinh về đánh bắt xa bờ, gần bờ (trong đầm) và nuôi trồng
thuỷ hải sản thuận lợi nên kinh tế của cư dân khá ổn định. Ngoài ra các hoạt
động tín ngưỡng, tôn giáo ở đây vẫn thể hiện tâm thức của cư dân tuy mưu sinh
ở đầm ít nguy hiểm hơn ở biển, nhưng họ vẫn cầu mong được thần linh bảo trợ
bình an như khi đánh bắt ngoài biển khơi.
Để làm rõ giả thuyết nghiên cứu này, chúng tôi dựa vào khung lý thuyết Sinh
thái văn hoá (Cultural ecology), chức năng luận (Functionalism), tổng thể văn
hoá tộc người. Ngoài ra chúng tôi sẽ kiểm nghiệm giả thuyết nghiên cứu trên
trong quá trình khảo sát thực địa tại địa bàn đầm Thị Nại.
29

Sơ đồ 1.1: Mô hình khung lý thuyết của luận văn (Theoretical framework)

Khái niệm Lý thuyết và quan điểm học thuật

- Cộng đồng dân cư


- Sinh thái văn hóa (Cultural ecology).
- Đầm - Chức năng luận (Functionalism).
- Tài nguyên vị thế - Tổng thể văn hóa tộc người.

Câu hỏi nghiên cứu Giả thuyết nghiên cứu

Cộng đồng cư dân đầm Thị Nại dù sinh sống


1. Có phải cộng đồng cư dân đầm Thị ở đầm nhưng hoạt động kinh tế và đời sống
Nại dù sinh sống ở đầm ven biển nhưng văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần, văn hoá
hoạt động kinh tế và đời sống văn hoá xã hội của họ vẫn mang đậm sắc thái đặc
vật chất, văn hoá tinh thần và văn hoá trưng của văn hoá biển. Do nhiều yếu tố
xã hội của họ vẫn mang đậm sắc thái thuận lợi về địa lý, tài nguyên vị thế biển...
đặc trưng văn hoá biển? nên cư dân đầm Thị Nại là một cộng đồng cư
2. Phải chăng do nhiều yếu tố thuận lợi dân ổn định, đời sống phát triển, gắn kết khá
về địa lý, tài nguyên vị thế biển nên cư chặt chẽ về kinh tế- văn hoá – xã hội. Nơi
dân đầm Thị Nại là một cộng đồng cư đây ngoài cuộc sống mưu sinh về đánh bắt
dân ổn định, đời sống phát triển, gắn kết xa bờ, gần bờ (trong đầm) và nuôi trồng thuỷ
khá chặt chẽ về kinh tế - văn hoá – xã hải sản thuận lợi nên kinh tế của cư dân khá
hội? ổn định. Ngoài ra các hoạt động tín ngưỡng,
tôn giáo ở đây vẫn thể hiện tâm thức của cư
dân tuy mưu sinh ở đầm ít nguy hiểm hơn ở
biển, nhưng họ vẫn cầu mong được thần linh
bảo trợ bình an như khi đánh bắt ngoài biển
khơi.

Vẽ sơ đồ: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 8/2018


30

Với giả thuyết nghiên cứu chúng tôi chủ yếu dựa vào 3 lý thuyết nghiên cứu
và quan điểm học thuật là: sinh thái văn hóa (Cultural ecology), chức năng luận
(Functionalism), tổng thể văn hóa tộc người.
- Nội dung nghiên cứu của luận văn về cộng đồng cư dân đầm Thị Nại, tại
huyện Tuy Phước, một cộng đồng mang đậm dấu ấn của biển. Để làm rõ sắc thái
đặc trưng thông qua văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần chúng tôi vận dụng quan
điểm học thuật về Tổng thể văn hóa tộc người.
Tổng thể văn hóa tộc người của X.A.Tokarev bao gồm 3 thành tố là văn hóa
vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội. Nhưng việc phân chia này chỉ có ý
nghĩa tương đối vì giữa 3 thành tố trên có mối liên hệ hỗ tương lẫn nhau, tác động
qua lại lẫn nhau để tạo thành Tổng thể văn hóa tộc người [6: tr.169]. Trong luận văn
này chúng tôi khảo sát 3 thành tố văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hoá xã
hội của cộng đồng cư dân đầm Thị Nại. Do điều kiện thời gian và những hạn chế
khách quan khác chúng tôi tập trung khảo sát các lĩnh vực: Về văn hóa vật chất thể
hiện qua phương tiện đi lại, phương tiện và công cụ đánh bắt hải sản, nuôi trồng
thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp, ẩm thực...Về văn hóa tinh thần thể hiện qua hoạt
động tín ngưỡng và lễ hội, phong tục tập quán, văn học dân gian...Về văn hoá xã
hội chúng tôi chủ yếu khảo sát những tổ chức chính thức và phi chính thức cùng
phong tục tập quán của người dân.
- Thuyết sinh thái văn hóa (cultural ecology)
Môi trường sinh thái ảnh hưởng trực tiếp và hình thành nên cuộc sống của
cộng đồng cư dân đầm Thị Nại, họ thích nghi với môi trường sinh thái, môi trường
xã hội. Sinh thái văn hóa là nghiên cứu con người thích nghi với các môi trường
thiên nhiên cụ thể theo những cách khác nhau và sáng tạo nên những dạng thức văn
hóa. Theo Julian Steward, nghiên cứu sinh thái văn hóa là phân tích mối quan hệ
giữa một nền văn hóa và môi trường của nó. Chúng tôi vận dụng lý thuyết sinh thái
văn hóa để nghiên cứu sự thích nghi của cộng đồng cư dân trong môi trường sinh
thái tự nhiên vùng đầm Thị Nại, cũng như việc sáng tạo nên những sắc thái văn hóa
đặc trưng. Với cộng đồng cư dân tại đây, môi trường đầm, phá có vai trò quan trọng
31

trong việc hình thành nét văn hóa đặc trưng với những đặc điểm nổi bật là văn hoá
biển cận duyên vì đầm là một hình thái tự nhiên của biển. Thông qua môi trường
sống, con người tại đây đã có sự thích nghi cao độ và văn hóa của họ chịu ảnh
hưởng lớn từ tài nguyên môi trường đầm mà họ sử dụng.
-Thuyết chức năng (functionalism) chủ yếu nhấn mạnh tính liên kết chặt chẽ
của các bộ phận cấu thành nên một chỉnh thể mà mỗi bộ phận đều có chức năng
nhất định góp phần đảm bảo sự tồn tại của chỉnh thể đó với tư cách là một cấu trúc
tương đối ổn định. Trong luận văn này, chúng tôi vận dụng thuyết chức năng vì nó
phù hợp để giải thích cho nhu cầu thực hiện các nghi lễ, phong tục và chức năng
của mỗi nghi lễ trong cuộc sống mưu sinh của cộng đồng cư dân đầm Thị Nại.
Ngoài ra, trong cuộc sống sinh kế, môi trường đầm phá mang tính chất an toàn hơn
ở biển nhưng cư dân đầm Thị Nại vẫn thực hiện các nghi lễ, phong tục và các cơ sở
tâm linh thờ tự cùng với hệ thống các vị thần biển vì mục đích cầu cho cuộc sống
bình an, mùa vụ đánh bắt được bôi thu cộng đồng cư dân rất phong phú, đa dạng.
Từ giả thuyết nghiên cứu và 3 lý thuyết nêu trên, chúng tôi đã trải qua quá
trình tìm hiểu, điền dã để kiểm nghiệm trên thực tế lý thuyết mà chúng tôi đưa ra.
1.2. Khái quát về đầm Thị Nại:
Đầm Thị Nại nằm phía Đông Bắc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo
Đại Nam Nhất thống chí, đầm có tên là Hải Hạc Đàm hoặc đầm Biển Cạn nhưng
trong dân gian từ lâu vẫn gọi là đầm Thị Nại. Do xuất phát từ cách gọi tắt địa danh
Chàm nguyên gốc tiếng Phạn là Cri Vinaya, phiên âm sang tiếng Hán là Thị Li Bì
Nại. Đầm tiếp giáp với các đơn vị phường xã ở thành phố Quy Nhơn và 4 xã ở
huyện Tuy Phước là Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hoà, Phước Thắng.
Tuy Phước là huyện đồng bằng rộng lớn và trù phú nằm phía Đông Nam tỉnh
Bình Định, với diện tích 217,12km2. Phía Bắc tiếp giáp huyện Phù Cát, An Nhơn;
phía Tây giáp huyện An Nhơn, Vân Canh; phía Đông và phía Nam giáp với thành
phố Quy Nhơn, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên). Địa hình đồng bằng tích tụ ven
sông và đồng bằng duyên hải do có nhiều hệ thống sông suối là những nhánh chi
32

lưu của 2 sông lớn sông Côn và sông Hà Thanh, thuận lợi cho việc phát triển giao
thông đường thuỷ và các loại hình kinh tế nông nghiệp.
Sông Côn là con sông lớn ở Bình Định, trước kia có tên gọi khác là sông Tam
Huyện vì nó chảy qua ba huyện Tuy Viễn, Tuy Phước, Phù Cát. Thượng nguồn
sông Côn ở phía tây huyện Hoài Ân, nhờ có phụ lưu sông lớn nên sông Côn khi
xuống khỏi An Thái đã chia thành hai nhánh lớn. Hạ lưu sông Côn chảy vào hướng
vịnh Thị Nại, có các nhánh sông như: sông Côn Nam Phái, sông Côn Bắc Phái và
sông Côn Trung Phái. Đặc biệt trong nhánh sông Côn Trung Phái có nhiều nhánh
đổ ra biển nên lại có nhiều tên gọi khác nhau: sông Ngang, sông Hà Bạc, sông Cây
Da. Sông Hà Thanh, bắt nguồn từ vùng rừng núi của huyện Vân Canh, chảy xuống
Vân Hội (sông Cây Da) nay thuộc thị trấn Diêu Trì, sông chảy theo hướng đông –
tây nên tiếp nhận nhiều được nhiều lượng nước. Sông chảy thành hai hướng qua thị
trấn Tuy Phước đều đổ vào đầm Thị Nại. [42: tr29]
33

Hình 1.1: Bản đồ đầm Thị Nại


(Nguồn: Thư viện tỉnh Bình
Định)
 

Nối liền sông Côn và sông Hà Thanh ở phía Đông đầm Thị Nại là cửa Thử ở
phía Bắc và cửa Thị Nại ở phía Nam vịnh Thị Nại. Cửa Thử 6 rất rộng nên tàu
thuyền ra vào cảng Thị Nại thời Chămpa và cảng Thị Nước Mặn dưới thời các chúa
Nguyễn rất thuận tiện. Sông Côn trước kia đổ nước ra cửa Thử nhưng do quá trình
bồi lấp của tự nhiên nên cửa Thử bị lấp hẳn gần 200 năm, vịnh Thị Nại trở thành
đầm [42: tr15]. Từ mũi Mác chạy chếch về hướng tây, qua hòn Phương Mai đến
Ghềnh Hổ. Ghềnh Hổ là cánh cửa phía bắc của cảng Thị Nại. Lưỡi cát Thị Nại chạy
về phía bán đảo Phương Mai như hình cổ rùa nên gọi là mũi Cổ Rùa làm cánh cửa
phía Nam. Ghềnh Hổ và mũi Cổ Rùa giao nhau trước cửa Vịnh Thị Nại. Các nhà
phong thuỷ cho đây là vùng có hình thể “Thuỷ khẩu giao nhau” [39: tr24].

                                                                                                                         
6
Cửa Thử: Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi cửa Thử có tên là Lãnh Cầu
34

Hình 1.2: Ghềnh Hổ và Mũi Rùa giao


nhau ở Vinh Thị Nại
(Nguồn: Nhà thờ Chánh toà
Quy Nhơn)

Tuy Phước nói riêng và Bình Định nói chung, trước kia đều nằm trong địa bàn
phân bố của Văn hoá Sa Huỳnh, được chia thành hai giai đoạn tiền Sa Huỳnh và
văn hoá Sa Huỳnh. Giai đoạn tiền Sa Huỳnh có cư dân sinh sống sử dụng công cụ
lao động bằng đá, sang tới giai đoạn văn hoá Sa Huỳnh cư dân sử dụng công cụ lao
động bằng sắt. Thông qua những di tích khảo cổ tìm thấy ở Bình Định có thể nhận
định cư dân văn hoá Sa Huỳnh sớm có mặt trên vùng đất Bình Định, họ tập trung
sinh sống ở nơi địa hình ven biển, đất đai màu mỡ, có nhiều vũng, vịnh, đầm, phá
thuận lợi cho việc phát triển các loại hình kinh tế như đánh bắt thuỷ hải sản, trồng
trọt...Với những lý do trên, có thể khẳng định cư dân văn hoá Sa Huỳnh có mặt trên
vùng đất Tuy Phước, Bình Định từ rất sớm. [42: tr20]
Cuối thế kỷ X, Vijaya trở thành kinh đô của vương quốc Chămpa. Người đặt
nền móng cho sự ra đời của Vương triều Vijaya là Băng vương La Duệ. Năm 988,
ông đăng quang tại Phật Thành (tức là Phật Thệ - Vijaya, còn gọi là thành Chà Bàn)
tự đặt niên hiệu là Cu Thị Lị Ha Thân Bài Mà La7. Tuy nhiên đến khoảng năm 990,
nhà vua trở lại Indrapura (Đồng Dương), chăm lo củng cố chính quyền, sau khi
Băng vương La Duệ (Hrivanman) qua đời, người lên nối ngôi có tên là Yan Pô Cu
Vijaya Sri ( Đức vua tôn quý Thắng Lợi). Năm 1000, Vua Vijaya Sri rời Indrapura,
trở lại địa điểm Phật Thành, xây dựng kinh đô, lấy hiệu của mình đặt cho kinh đô

                                                                                                                         
7
Ngô Sỹ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr24
35

mới, Vijaya chính thức mở đầu một vương triều mới, Vương triều Vijaya Thắng
Lợi tồn tại được 5 thế kỷ từ thế kỷ X đến thế kỷ XV.
Qua các tài liệu nghiên cứu trước đây, nơi này chính là khu vực sinh sống của
người Chăm, họ làm ăn, buôn bán giữa hai nhánh sông mở đầu cho việc hình thành
cảng thị Thị Nại. Theo Nguyễn Xuân Nhân: “Ở Bình Lâm, dân trong vùng khi đào
giếng, đào móng xây nhà hay bắt gặp những kho gạch Chăm bị vùi lấp. Có gia đình
phát hiện ra gạch Chăm xếp thành tầng, thành lớp, họ lấy lên có thể xây đủ một căn
nhà” [39: tr52]. Thông qua các di tích lịch sử vẫn còn tồn tại như hệ thống Tháp
Chăm, điển hình ngôi tháp Bình Lâm. Theo các nhà khảo cổ: “Trong hệ thống Tháp
Chămpa hiện còn ở Bình Định, tháp Bình Lâm được xếp vào nhóm tháp có niên đại
sớm nhất nằm trong giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn sang phong cách
Bình Định (thế kỷ XI)”8. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống tháp, người Chăm còn
xây dựng thành luỹ trên cảng thị để bảo vệ kinh thành, lúc bấy giờ gọi là thành Thị
Nại với chức năng phòng thủ mặt biển.
Cảng thị Thị Nại được hình thành từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, bấy giờ cửa
Thử rất rộng biển ăn sâu vào đất liền, sông Côn từ thượng nguồn đổ về thôn Bình
Lâm chia làm hai nhánh tại ngã ba Âm Phù, nhánh phía Bắc gọi là sông Gò Bồi,
nhánh phía Nam gọi là sông Cầu Đun, cả hai đều đổ nước ra biển. Cảng Thị Nại
gồm vùng nội thành và ngoại thành nằm trong thôn Bình Lâm, có sông ngăn cách ở
ba hướng Bắc, Tây, Nam và hướng Đông là vịnh biển (hình 1.1). Thị Nại vừa là
quân cảng vừa là thương cảng của vương quốc Chămpa. Vì thành Thị Nại có vị trí
trọng yếu đề tiến vào kinh đô Vijaya và là thương cảng quan trọng bậc nhất của
vương quốc giao lưu, buôn bán với các nước trong khu vực Phương Đông. Với vị
trí tự nhiên thuận lợi là cửa khẩu ven vịnh có vị thế vươn ra biển, Thị Nại sớm trở
thành thương cảng phát triển nhất của Vương quốc Chămpa.

                                                                                                                         
8
Lê Đình Phụng: Vài ý kiến về thành Cổ Chămpa ở Bình Định, Sđd tr 52
36

Hình 1.3: Bản đồ cảng thị Thị Nại


(Nguồn: Nguyễn Xuân Nhân, tr4)
Đến khi cuộc chiến Việt – Chăm diễn ra (1471) thành Thị Nại suy tàn, một
bộ phận người Chăm ở lại sinh sống cộng cư với người Việt, bộ phận khác di cư lên
các vùng núi cao sống chung với đồng tộc ở vùng núi Vân Canh.
Sau chiến thắng ở kinh thành Vijaya, vua Lê Thánh Tông đã lấy vùng đất từ
Quảng Nam đến Bình Định lập ra 3 phủ Thừa Tuyên Quảng Nam, trong đó có phủ
Hoài Nhơn (Bình Định). Vua Lê quan tâm đến việc đưa người Việt vào khẩn hoang
lập ấp tại vùng đất mới “Cư dân vào đạo Quảng Nam theo cuộc hành quân của Lê
Thánh Tông đóng ở vùng ven biển. Một số đóng tại huyện lỵ, phủ lỵ, châu lỵ. Còn
phần nhiều tỏa ra các điểm dân cư mới, giống như miền Thanh Nghệ hay đồng
bằng sông Hồng” 9. Bên cạnh dân nghèo còn có quân đội đi trấn nhậm tiền phương
và có cả các tội nhân bị lưu đày. Tháng 4-1474, vua Lê Tháng Tông có sắc chỉ: “Tù
nhân bị tội lưu; ở châu gần sung vệ ở Thăng Hoa, ở châu ngoài sung quân vệ Tư
                                                                                                                         
9
Nghiên cứu lịch sử di dân của người Việt từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX, Phụ san Lịch sử - 1994,
Sđd, tr 77
37

Nghĩa, ở châu xa thì sung quân vệ ở Hoài Nhân, những kẻ được tha tội chết cũng
sung làm quân vệ ở Hoài Nhơn” 10.
Như vậy, lớp cư dân người Việt đầu tiên vào thế kỷ XV di dân vào Tuy
Phước gồm những nông dân nghèo, binh lính và phạm nhân trọng tội được đặc ân.
Trải qua những chính sách khẩn hoang từ thời Vua Lê đến thời Chúa Nguyễn
(1471-1771) vùng đất này nhanh chóng trở thành khu vực kinh tế nông nghiệp, thủ
công nghiệp, ngư nghiệp phát triển, xóm làng đông đúc, thúc đẩy hoạt động thương
nghiệp. Nông nghiệp phát triển cây lúa trở thành cây trồng chính, theo như Giáo sĩ
Cristophoro Borri khi vào Tuy Phước và xứ Đàng Trong, đã miêu tả về sự trù phú
nền nông nghiệp ở đây: “ Nước lụt làm cho đất đai màu mỡ phì nhiêu, nên mỗi năm
có ba vụ lúa, đầy đủ và dồi dào đến nỗi không ai phải lam lũ để sinh sống, ai cũng
sung túc” [7: tr19]. Ngư nghiệp được chú trọng nhất là ở đầm Thị Nại. Thủ công
nghiệp với các ngành nghề truyền thống cũng được hình thành điển hình như nghề
làm muối, dệt, nung vôi, làm chiếu...
Với sự suy tàn của đế chế Champa và sự trỗi dậy của một số thương cảng khác
như Phố Hiến ở Đàng Ngoài, Thanh Hà ở Thừa Thiên, Hội An ở Quảng Nam của
Đại Việt, Thị Nại dần mất đi vai trò của mình. Thế kỉ XVI – XVII diễn ra chiến
tranh Nam – Bắc triều và chiến tranh Trịnh – Nguyễn đã chia cắt đất nước làm đôi
khiến đời sống của cư dân vùng Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh lâm vào tình cảnh cơ cực,
nạn đói xảy ra buộc họ phải di cư vào Tuy Phước, Tuy Viễn để mưu sinh. Nền đại
thương nghiệp phát triển, các nước phương Đông (Trung Quốc), phương Tây (Bồ
Đào Nha, Hà Lan, Ý) dong thuyền theo Biển Đông để tìm kiếm thị trường buôn
bán, với chính sách mở cửa buôn bán giao thương với nước ngoài trước đó của chúa
Nguyễn đã đặt ra vấn đề cấp thiết phải xây dựng cảng thị ven biển của người Việt
thay thế cảng Thị Nại trước đó của người Chăm. Chính yếu tố này đã giúp cho cảng
thị Nước Mặn ra đời. Cảng thị Nước Mặn nằm bên bờ sông Hà Bạc thuộc một
nhánh của sông Côn Trung Phái. Tuy nhiên, khi làm chủ vùng đất Tuy Phước,
người Việt rút kinh nghiệm phòng thủ từ người Chăm không xây dựng kinh thành,
                                                                                                                         
10
Quách Tấn (1999), Nước Non Bình Định, Sđd, tr 48
38

cảng thị trên vùng đất ba hướng là sông, một hướng giáp biển tách biệt khỏi đất liền
nên cảng thị Nước Mặn được xây dựng sâu vào đất liền. Sở dĩ có tên gọi Nước Mặn
là do xưa nước mặn từ biển dâng lên sâu trong đất liền ảnh hưởng đến việc trồng
trọt. Buổi đầu người Việt vào cộng cư sinh sống với người Chăm phải đắp đập ngăn
mặn, đào sông xẻ mương đưa nước ngọt vào rửa mặn cho đất biến vùng sình lầy
ven biển trở thành ruộng vườn. [39:tr56]
Thời kỳ phồn vinh của cảng thị Nước Mặn từ đầu thế kỷ XVII cho đến giữa
thế kỷ XVIII, nơi đây là trung tâm buôn bán xuất nhập khẩu lớn ở vùng Tây
Nguyên, vùng Nam Trung Bộ - một trong những trung tâm hàng hoá lớn nhất Đàng
Trong. Theo Giáo sĩ Cristophoro Borri miêu tả về cảng thị Nước Mặn khi ông cùng
đoàn thừa sai đên vùng đất này truyền giáo “Chúng tôi leo lên lưng voi ngay để
cùng đoàn tuỳ tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới
một dặm rưỡi” 11. Cảng thị này chạy dài theo bờ Nam sông Hà Bạc ngày xưa, bắt
đầu từ thôn An Hoà (xã Phước Hưng) qua thôn Lương Quang (xã Phước Quang)
thôn Kim Xuyên (xã Phước Hoà) tới Cầu Vạn rồi ra tận cửa sông Hà Bạc đổ nước
vào sông Nam Phái tại thôn Tân Giảng. Hơn một thế kỷ sau, khi người Việt đến
cộng cư sinh sống với người Chăm ở vùng ngoại thành Thị Nại, phía Bắc sông Gò
Bồi đã hình thành cảng thị Nước Mặn thay thế cho cảng Thị Nại của người Chăm
trước kia.
Cảng thị mới ra đời đã giúp nhiều đoàn thuyền đến tập trung buôn bán và một
số cư dân người Hoa đã định cư, lập ra các ấp, các làng, xã.“Vì số người Hoa đông,
nhất là sau khi nhà Minh sụp đổ, nhiều gia đình quý tộc, quan lại dùng thuyền chạy
qua Đàng Trong lánh nạn, đã xin thành lập trang Vĩnh An và có trang trưởng đứng
đầu” [40: tr 53]. Khi các làng xã của người Hoa được xây dựng họ bắt đầu mở phố
buôn bán, làm các nghề thủ công, xây dựng các miếu thờ. Không chỉ có người Hoa
vào định cư sinh sống mà trong khu vực này còn có sự xuất hiện của các giáo sĩ và
cha đạo. “Cha đạo người Ý, người Bồ, người Nhật được Quan phủ Trần Đức Hoà

                                                                                                                         
11
Christophoro Borri, Xứ Đàng trong năm 1621, tr 99
39

đón từ Quảng Nam vào để giúp xây dựng nhà thờ truyền đạo Thiên Chúa” [40: tr
58].

Hình 1.4: Bản đồ Nước Mặn ngày xưa


(Nguồn: Thư viện tỉnh Bình Định)

Chú thích:
: Đường phố ngày xưa
P : Phố
C : Chợ
Đ : Đình
40

Vùng trung tâm cảng thị có nhiều dãy phố chạy ngang dọc như kẻ bàn cờ. Có
những dãy phố chuyên bán một loại hàng hóa như phố Hàng Xáo chuyên bán vàng
bạc và đồ trang sức, phố Tàu Đông có nhiều tiệm thuốc bắc, vừa bán thuốc vừa bắt
mạch, có phố bán hàng mã, hàng tơ lụa gấm vóc...Sầm uất nhất là khu phố chợ. Chợ
Nước Mặn họp hàng ngày nhưng tấp nập nhất là những ngày chợ phiên: 5, 10, 15,
20, 25, 30 âm lịch. Cùng với buôn bán, thương cảng này còn thu hút các nhà truyền
giáo các thừa sai Phương Tây, giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong vào
đầu thế kỷ XVII. Họ là những người có trình độ học vấn cao, hiểu biết những phát
triển mới về khoa học, kỹ thuật nên đã mang tới Nước Mặn những nhân tố văn hóa,
lối sống mới. Không chỉ là thương cảng, Nước Mặn còn đóng vai trò quan trọng
trên con đường tiến về phương Nam của các chúa Nguyễn. Từ đây người Việt dong
thuyền đưa quân vào khai phá vùng đất Phú Yên (Cù Mông - Bà Đài) và mở rộng
biên giới Đàng Trong tiến dần về phía Nam. [42: tr 46 ]
Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của chúa Nguyễn, người Việt di cư vào
sinh sống cộng cư với người Chăm, người Hoa (miền Nam Trung Quốc) đã vào cư
trú và mở phố buôn bán. Người phương Tây cũng sinh sống tại đây, nhưng họ chỉ
cư trú một thời gian ngắn, sau khi hoàn thành xong công việc buôn bán và nhiệm vụ
ngoại giao thì trở về nước. Những yếu tố này đã giúp cho cảng thị Nước Mặn phát
triển phồn vinh kéo dài từ thế kỉ thứ XVII đến giữa thế kỉ XVIII. Sự cộng cư sinh
sống của nhiều dân tộc khác nhau lúc bấy giờ đã tạo ra một đặc trưng văn hoá riêng
biệt đó chính là sự giao thoa, dung hợp văn hoá Bắc – Nam và văn hoá Đông – Tây.
Theo các tác giả của công trình Địa chí Bình Định (tập Thiên Nhiên – Dân cư
và Hành chính) đã có nhận xét:
“Quá trình hình thành cộng đồng cư dân ở huyện Tuy Phước là quá trình lâu
dài, đa tuyến. Những cư dân có mặt trên vùng đất này ngày nay vừa là những
cư dân có mặt từ rất sớm trong lịch sử phát triển của Bình Định (Kinh, Chăm),
vừa là những cư dân từ nơi khác đến vào những thời điểm lịch sử khác nhau
(Kinh, Hoa)” .[42: tr370]
41

Cộng đồng cư dân người Việt có mặt tại khu vực huyện Tuy Phước thông qua
quá trình di cư và cộng cư với nhiều dân tộc khác, đã tạo ra sự biến chuyển văn hoá
xã hội mạnh mẽ, góp phần xây dựng và làm phong phú truyền thống văn hoá, lịch
sử của vùng đất này.
Cuối thế kỉ XVIII sang đầu thế kỉ XIX Cửa Thử bị lấp, phù sa sông Côn đổ
về, ngưng tụ lại, nên đã lấp cạn phía Bắc vịnh Thị Nại làm cho lòng sông nâng lên,
cửa sông dần cạn, tàu thuyền lớn không thể ra vào cập bến cảng thị Nước Mặn mà
phải lui xuống Cầu Vạn. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại phải lui xuống cập
bến Gò Bồi, cuối cùng phải dừng lại ở cửa biển Quy Nhơn để hình thành cảng thị
mới nằm sát Biển Đông, chính là cảng thị Quy Nhơn. “Năm 1888 khi Jean Marquet
vẽ bản đồ phụ cận Quy Nhơn thì không còn địa danh cảng thị Nước Mặn nửa và thị
xã Quy Nhơn đang hình thành với quy mô còn rất nhỏ [39: tr104].
42

Sơ đồ 1.2: Quy Nhơn và vùng phụ cận – Jean Maquet (1927)


Roi de Se’Dangs (1888 - 1890)

(Nguồn: Thư viện tỉnh Bình Định)


Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và với những chủ trương
thực hiện sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Diện mạo của Bình Định nói
chung, Tuy Phước nói riêng có sự thay đổi nhất định ở các khía cạnh kinh tế, xã hội và
văn hoá. Lúc này cảng Quy Nhơn ra đời đáp ứng nhu cầu phát triển thương nghiệp
trong thời kỳ hiện đại. Đầm Thị Nại ngày nay là đầm nước lợ có diện tích lớn nhất tỉnh
Bình Định, với những nguồn lợi thuỷ hải sản đa dạng, phong phú, đóng góp lớn vào sự
43

phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh, đầm Thị Nại còn đóng góp vào việc phát
triển du lịch ở Bình Định, không chỉ nổi tiếng có thắng cảnh đẹp, mà còn nổi tiếng với
cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam hiện nay.

Hình 1.5: Cầu vượt biển qua đầm Thị Nại


(Nguồn: https://nld.com.vn)
Đầm Thị Nại có những đặc điểm, điều kiện thuận lợi để phát triển các nguồn lợi
kinh tế có sẵn trong đầm. Điển hình như các đặc điểm về địa hình thổ nhưỡng, hệ
thống sông ngòi, đặc điểm khí hậu
• Về địa hình thổ nhưỡng, vùng đầm chủ yếu là lớp trầm tích biển, được phù sa sông
Côn và sông Hà Thanh bù đắp, đất đai vùng ven đầm khá màu mỡ nhưng có độ
nhiễm mặn cao, khả năng chịu lực kém, bở rời. Vùng ven đầm đặc biệt là các cửa
sông điều kiện đất đai và nguồn nước thuận lợi cho việc nuôi tôm xuất khẩu.
• Về sông ngòi đầm Thị Nại có lưu vực 3.647 km2 của sông Côn và sông Hà Thanh.
Đặc điểm chung nổi bật của sông Côn và sông Hà Thanh là khi chảy về đồng bằng,
sông không có dòng chính mà chia thành nhiều nhánh nhỏ, lòng sông hẹp và nông.
- Sông Côn có chiều dài 178 km bắt nguồn từ Hoài Ân, An Lão và huyện Vĩnh
Thạnh có diện tích lưu vực là 3.067 km2.
- Sông Hà Thanh bắt nguồn từ vùng núi Tây huyện Vân Canh có chiều dài 48 km và
diện tích lưu vực là 580 km2.
44

• Đặc điểm khí hậu:Đầm chịu ảnh hưởng tính chất khí hậu khắc nghiệt của miền
Trung. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 chiếm 70 – 75% lượng mưa năm,
trong đó tháng 10 và 11 là hai tháng mưa nhiều nhất chiếm 50 – 54% lượng mưa
năm. Lượng mưa nhiều tập trung dẫn đến khu vực đầm xảy ra hiện tượng lũ lụt, tuy
nhiên lũ chỉ xuất hiện trên ruộng đồng, bờ bãi và thường rút nhanh từ 2-3 ngày.12
Từ những đặc điểm trên, có thể thấy được nguồn lợi phát triển kinh tế trong đầm
chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên. Đặc biệt hiện tượng mưa, lũ xảy ra tác động mạnh
đến quá trình di cư của nhiều loại thuỷ hải sản. Đầm Thị Nại là môi trường sinh sống
thích hợp của nhiều loại thuỷ hải sản. Người dân đánh bắt trong đầm quanh năm, tuy
nhiên thời vụ đánh bắt đạt nhiều sản lượng nhất là từ tháng 6 đến tháng 12 vì thời gian
này nguồn lợi thuỷ hải sản tập trung nhiều nguồn lợi thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao
giúp cho đời sống của người dân được ổn định.
v Khái quát về xã Phước Thuận
Để có cái nhìn sơ nét về xã Phước Thuận, đầu tiên chúng tôi tìm hiểu về cơ cấu
dân cư tại đây thông qua những số liệu thống kê cụ thể về dân cư phân chia theo số hộ
gia đình, độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo và chất lượng dân số. Bước đầu phân tích
về tình hình dân số có mặt tại địa phương với những số liệu mà chúng tôi thu thập từ
điều tra dân số (2009) của Chi cục thống kê huyện Tuy Phước.
Cộng đồng cư dân ở huyện Tuy Phước đa phần tập trung từ nhiều dân tộc khác
nhau, chính điều này cũng tạo ra sự đa dạng về số lượng dân cư.
Bảng 1.1: Dân cư phân chia theo dân tộc, giới tính ở xã Phước Thuận
Đơn vị tính: Người
Dân tộc Tổng số Nam Nữ
Tổng số 16.349 7.985 8.364
1. Kinh 16.343 7.984 8.359

                                                                                                                         
12
http://www2.hcmuaf.edu.vn/data/nguyenvantrai/6Quy%20hoach%20tinh%20Binh%20Dinh.pdf
45

3. Thái 1 - 1
5.Khơ Me 1 - 1
12.Ba Na 3 - 3
18.Hrê 1 1 -
(Nguồn: Chi cục thống kê huyện Tuy Phước)
Dân tộc Kinh chiếm đa số, cộng đồng cư dân trong khu vực này căn bản được
hình thành từ quá trình di dân của người Việt từ khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ vào đây
từ chiến tranh 1954-1955 và giai đoạn 1975 khi đất nước thống nhất hai miền Nam
Bắc.
Đời sống văn hoá tinh thần đa dạng, phong phú từ Phật giáo, Công giáo đến tín
ngưỡng thờ cúng dân gian. Đây là khía cạnh quan trọng thấy được cư dân nơi đây có sự
thay đổi, thích nghi và tiếp nhận những văn hoá khác nhau phù hợp với môi trường
sinh thái tự nhiên và điều kiện sống.
Bảng 1.2: Dân cư phân chia theo tôn giáo, giới tính ở xã Phước Thuận
Đơn vị tính: Người
Đơn vị hành chính và tôn Tổng số
giáo Tổng số Nam Nữ
16.349 7.985 8.364
Phật giáo 3.437 1.624 1.813
Công giáo 1.244 598 646
Cao Đài 81 38 43
Không tôn giáo 11.587 5.725 5.862
(Nguồn: Chi cục thống kê huyện Tuy Phước)
Phật giáo là tôn giáo chiếm số dân đông nhất, có 3.437 người, trong đó dân số
nam là 1.624 người và 1.813 nữ. Phước Thuận tập trung nhiều ngôi chùa. Phật giáo
được xem là tôn giáo cư dân dễ dàng tiếp nhận nhất với quan niệm từ bi, bác ái, quy
46

luật nhân quả, tinh thần vô ngã, vị tha, sự giác ngộ tất cả đều phù hợp với đời sống
chân phương mộc mạc và gần gũi với cư dân.13
Cơ cấu dân cư phân chia theo nhóm tuổi đã phản ánh được tốc độ gia tăng dân số
của các thế hệ sinh trong giai đoạn điều tra hiện tại (4/2009). Tuy nhiên có một đặc
điểm, sinh suất, tử suất và tốc độ dân số thay đổi theo từng ngày, từng giờ nên số liệu
điều tra mang tính chất tương đối.14
Việc tìm hiểu cơ cấu dân cư theo số liệu cụ thể, có thể thấy đa phần người dân
tham gia hoạt động kinh tế theo hình thức lao động phổ thông, chất lượng dân cư còn
thấp. Theo ông NĐH, “hằng năm vẫn có số liệu điều tra mức độ gia tăng dân số nhưng
số liệu dân này chỉ mang tính tương đối vì dân số thay đổi liên tục theo từng mức độ
khác nhau nhưng những số liệu cơ cấu dân cư theo độ tuổi, tôn giáo, số dân cư theo hộ
gia đình, tình trạng đi học hay chưa đi học được thực hiện theo quy định 10 năm một
lần”.15 Chính vì lý do này, chúng tôi chỉ sử dụng những số liệu được điều tra năm
2009 để bước đầu tìm hiểu những nét căn bản có trong cộng đồng cư dân đầm Thị Nại
ở xã Phước Thuận.
Bảng 1.3: Dân số xã Phước Thuận qua các năm
Đơn vị tính: Người
Năm 2010 2014 2015 2016 Sơ bộ Prel.
2017
Dân số trung bình 16328 16572 16655 16665 16695
Dân số trung bình nam 7935 8053 8091 8100 8104
Dân số trung bình nữ 8393 8519 8564 8565 8591
(Nguồn: Chi cục thống kê huyện Tuy Phước)
Cư dân trong xã có kết cấu nghề nghiệp lao động rất đa dạng từ nông nghiệp, ngư
nghiệp, đến các nghề tiểu thủ công và một số ít hộ làm dự án trồng rừng ngập mặn.
                                                                                                                         
13
Theo lời ông HTD, trích BBPV số 1
14
Theo lời ông NĐH, trích BBPV số 28
15
Theo lời ông NĐH, trích BBPV số 28
47

Phước Thuận là một trong 4 xã khu Đông ven đầm Thị Nại, với diện tích 2265,3
ha. Xã có 7 thôn: Bình Thái, Diêm Vân, Lộc Hạ, Nhân Ân, Phổ Trạch, Quảng Vân và
Tân Thuận. Phước Thuận phát triển kinh tế theo các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp,
tiểu thủ công, trong đó ngư nghiệp là ngành tương đối phát triển vì có nhiều hộ dân cư
theo nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản. Đặc trung kinh tế biển của một số thôn
trong xã như sau:
• Thôn Bình Thái: hoạt động đánh bắt xa bờ và gần bờ. Thôn có 262 hộ, tỉ lệ đánh
bắt chiếm 70%, trong đó có 25-30 hộ làm nghề đánh bắt xa bờ (nghề câu kiều), 5-
10 hộ có nghề tiểu thủ công là ngư cụ câu kiều. Đa phần các hộ cư dân trong thôn
đều biết nghề đan, vá lưới. Bình Thái được xem là nơi đầu tiên và duy nhất ở
huyện Tuy Phước có lễ hội cầu ngư và tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông và lễ hội Cá
Ông. Trong thôn có vạn chài.
• Thôn Nhân Ân: hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản ở đây là nghề câu thẻo và nghề thủ
công đóng ghe, tàu.
• Thôn Lộc Hạ: có các nghề thủ công truyền thống như làm nghề lưới gõ, lưới chồ...
• Thôn Diêm Vân: đa phần các hộ trong thôn đều theo nghề làm muối (diêm nghiệp)
truyền thống, một số ít hộ làm nghề nuôi trồng thuỷ hải sản.
Xã Phước Thuận không chỉ phát triển về các hoạt động kinh tế mà đời sống tín
ngưỡng tôn giáo cũng đa dạng, phong phú mang nét đặc trưng văn hoá biển. Nơi đây
có nhiều cơ sở tín ngưỡng tôn giáo về Phật giáo có 8 ngôi chùa là: Nhơn Hoà, Vân
Sơn, Phổ Bảo, Long Phước, Phổ Quang, Pháp Hải, Hải Minh và Hải Phong. Công giáo
có Tiểu chủng viện Làng Sông (nơi có cơ sở in chữ Quốc ngữ trong giai đoạn lịch sử)
và 2 giáo xứ là Tân Dinh và Tân Quán. Ngoài ra các cơ sở tín ngưỡng gồm miếu Thanh
Minh, miếu Ngài Đen và lăng thờ Ông Nam Hải (thôn Bình Thái).
Đặc trưng nhất trong xã Phước Thuận là “vạn chài” Bình Thái, trong vạn chài
có 262 hộ, nghề đánh bắt chiếm 70%, còn lại làm nghề nuôi trồng thuỷ hải sản. Trong
48

vạn chài có lăng thờ Cá Ông và lễ hội cầu ngư diễn ra vào ngày 16/2 âm lịch hằng
năm.
Sơ đồ 1.3: Xã Phước Thuận

(Vẽ sơ đồ: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 8/2018)


Cộng đồng cư dân nơi đây bên cạnh việc đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản...họ
còn trồng rừng ngập mặn với mục đích tạo môi trường thuận lợi bảo vệ nguồn lợi thuỷ
hải sản, tạo được vành đai che chắn bảo vệ thôn trong những mùa mưa bão. Về hình
thức trồng rừng ngập mặn chủ yếu người dân nhận khoán từ Trung tâm biến đổi khí
hậu của nhà nước.
Hộp 1
PVV: Trồng rừng ngập mặn ở đây là sao ạ? Công dụng của nó là gì hả anh?
CTV: Rừng ngập mặn trồng lên với mục đích là bảo vệ nguồn lợi của bà con, nguồn lợi ở
đây chính là bảo vệ con giống và tạo được vành đai che chắn cho thôn của mình.
PVV: Dạ vậy anh cho em hỏi là trồng rừng ngập mặn là kết hợp với xã làm hay sao ạ?
CTV: Đây là mình nhận khoán của bên Trung tâm biến đổi khí hậu của Tỉnh.
PVV: Cho em hỏi nhận khoán là thế nào ạ?
49

CTV: Chủ đầu tư là của bên Trung tâm biến đổi khí hậu của Tỉnh mình về đây trực tiếp
trong 1 thôn có từ 8-10 hộ đứng ra nhận để trồng cây.
PVV: Anh cho em hỏi cây này chủ yếu là cây gì ạ? Anh có thể dẫn em đi coi mấy cây này
được không ạ?
CTV: Được em. Cây này chủ yếu là cây bần trắng với mắm trắng. Đợt tháng 11 bão vừa
rồi thì cũng hư hại nhiều, hiện tại thì đang tiến hành trồng dặm lại
PVV: Như mỗi lần có bão lũ lụt thiên tai thì ở thôn mình có ảnh hưởng nhiều không ạ? Và
bão ở mình thường tập trung vào những tháng nào chủ yếu ạ?
CTV: Ở thôn mình ảnh hưởng nhiều lắm chứ em. Do thôn mình nằm ở ven đầm nên giờ
mình phải cố gắng để tạo được rừng ngập mặn để đỡ được phần nào. Bão thì vào tháng 9-
11 nhưng chủ yếu vào tháng 9.
Ông HTD, trích BBPV số 1
Diện tích mặt đầm là 5.060ha. Thời gian trước diện tích rừng ngập mặn rất rộng
khoảng 1000ha nhưng do sự phát triển kinh tế xã hội lúc bấy giờ diện tích rừng ngập
mặn thay đổi, thế vào đó diện tích ao nuôi trồng thuỷ hải sản, đặc biệt là nuôi tôm công
nghiệp vì lợi ích kinh tế mang lại rất cao. Hiện nay tổng diện tích rừng ngập mặn
khoảng 32,7ha, cây trồng chủ yếu là cây bần trắng, cây bần chua, cây mắm trắng và
một ít cây đước. Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội
và chống biến đổi khí hậu và những dự án xây dựng hệ thống đê ngăn mặn không cho
tràn vào các nội đầm làm mặn hoá nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống của cư dân,
rừng ngập mặn luôn là phương án tối ưu được Nhà nước lựa chọn đưa vào dự án để
bảo vệ vành đai bên ngoài đê vì chi phí thấp, hiệu quả mang lại cao. Vào những tháng
mưa bão tại vùng đầm Thị Nại nếu không có rừng ngập mặn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến
cộng đồng cư dân ở đây. Đó là một vành đai che chắn rất tốt, giúp giảm cường độ
mạnh của gió. Đối với hệ thống bờ ao nuôi trồng thuỷ hải sản tiếp đầm Thị Nại, ở
những bờ đê người dân trồng rừng ngập mặn bằng cây đước bao bọc xung quanh với lý
do bộ rễ của cây đước chống và giảm tác động của sóng biển giúp hệ thống bờ bao đất
bên trong không bị thiệt hại nhiều do thuỷ triều hay mưa bão.
50

Mặc dù sinh sống ở đầm nhưng vẫn bị ảnh hưởng mưa của bão, phải bảo vệ môi
trường mới đạt được nguồn lợi thuỷ hải sản cao. Nhận thức được điều này nên hầu hết
ở các thôn hiện người dân phải trồng rừng ngập mặn để tạo được môi trường cư trú an
toàn cho cộng đồng dân cư, đồng thời giảm bớt nguy cơ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Rừng ngập mặn không chỉ có chức năng bảo vệ môi trường cư trú của cộng
đồng dân cư mà còn xây dựng được hệ sinh thái giúp phát triển kinh tế theo lĩnh vực du
lịch. Tuy nhiên vấn đề đặt ra khi làm du lịch người dân chưa có ý thức bảo vệ môi
trường cũng như bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản trong đầm, nên hiện nay du lịch sinh
thái nơi đây chưa phát triển mạnh.
51

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1


Cơ sở lý luận, bao gồm việc tìm hiểu các khái niệm: cộng đồng dân cư, đầm, tài
nguyên vị thế biển. Hai quan điểm tiếp cận chủ yếu được sử dụng để nghiên cứu đề tài
luận văn này đó là thuyết sinh thái văn hoá, cách tiếp cận này quan trọng nhất trong
quá trình nghiên cứu, cho thấy chính môi trường sống và điều kiện tự nhiên đã tạo ra
tính đặc thù của văn hoá mà ở đây là văn hoá biển. Quan điểm tiếp cận chức năng luận,
lý giải hoạt động tín ngưỡng, lễ nghi, phong tục tập quán thể hiện trong văn hoá tinh
thần của cộng đồng cư dân đầm Thị Nại, trường hợp ở xã Phước Thuận. Để làm rõ nội
dung của đề tài chúng tôi đưa ra giả thuyết nghiên cứu: Cộng đồng cư dân đầm Thị Nại
dù sinh sống ở đầm nhưng hoạt động kinh tế và đời sống văn hoá vật chất, văn hoá tinh
thần, văn hoá xã hội của họ vẫn mang đậm sắc thái đặc trưng của văn hoá biển. Do
nhiều yếu tố thuận lợi về địa lý, tài nguyên vị thế biển....nên cư dân đầm Thị Nại là một
cộng đồng cư dân ổn định, đời sống phát triển, gắn kết khá chặt chẽ về kinh tế- văn hoá
– xã hội. Nơi đây ngoài cuộc sống mưu sinh về đánh bắt xa bờ, gần bờ (trong đầm) và
nuôi trồng thuỷ hải sản thuận lợi nên kinh tế của cư dân khá ổn định. Ngoài ra các hoạt
động tín ngưỡng, tôn giáo ở đây vẫn thể hiện tâm thức của cư dân tuy mưu sinh ở đầm
ít nguy hiểm hơn ở biển, nhưng họ vẫn cầu mong được thần linh bảo trợ bình an như
khi đánh bắt ngoài biển khơi. Chúng tôi sẽ tiến hành điền dã kiểm nghiệm trên thực tế
giả thuyết chúng tôi đưa ra là phù hợp với nội dung đề tài.
Về tổng quan đầm, Thị Nại trong điều kiện tự nhiên, khí hậu, hệ thống sông
ngòi, thể hiện được những mặt thuận lợi trong việc phát triển nghề đánh bắt và nông
nghiệp. Thông qua quá trình lao động con người đã tạo ra những đặc trưng văn hoá
riêng cho cộng đồng của mình, phù hợp với môi trường sống và điều kiện tự nhiên của
vùng.
Bên cạnh đó, vùng đất Tuy Phước nói chung và xã Phước Thuận nói riêng đều
là người Việt đặt chân đến khai hoang, lập làng, xã và sinh sống cộng cư với người
Chăm trước đó. Qua thời gian các cảng thị phát triển người Hoa và người phương Tây
52

(Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp...) vào đây định cư buôn bán. Tất cả đã tạo ra một sự
dung hợp văn hoá đặc trưng cho vùng miền nơi đây. Trong quá trình sinh sống với
những dân tộc người khác nhau, người Việt qua quá trình lao động đã có sự sáng tạo,
đúc kết kinh nghiệm và biến đổi văn hoá để có thể thích ứng với môi trường tự nhiên.
Từ đây họ tạo cho mình những sắc thái đặc trưng văn hoá riêng mà điển hình là văn
hoá của cộng đồng cư dân đầm Thị Nại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước tỉnh Bình
Định.
 
53

CHƯƠNG 2: VĂN HOÁ VẬT CHẤT VÀ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CỦA CƯ


DÂN VÙNG ĐẦM THỊ NẠI.
2.1. Hoạt động kinh tế:
Hoạt động kinh tế của ngư dân trong đầm Thị Nại khá đa dạng các loại hình
đánh bắt truyền thống lẫn hiện đại như: các loại lưới (lưới gõ, lưới chồ, tủ ngao, lưới
tôm, lưới lồng…), các loại câu (câu thẻo, câu kiều…), các dạng đào bắt ven bờ biển
(đào phễnh, sò, xìa...). Ngoài ra còn mặt mạnh trong kinh tế vùng đầm là nuôi trồng
thuỷ hải sản (nuôi các loại hải cá, tôm, cua và vớt rong biển), làm muối, nghề thủ công
truyền thống liên quan đến biển.
2.1.1. Đánh bắt thuỷ hải sản
Để có cái nhìn khái quát nhất về phương tiện đánh bắt và hoạt động khai thác của
ngư dân đầm Thị Nại, chúng tôi đi vào tìm hiểu các nghề đánh bắt của ngư dân. Tuỳ
theo điều kiện thời tiết, hằng năm ngư dân dựa vào kinh nghiệm cá nhân của mình để
phân chia việc đánh bắt thành các thời vụ khác nhau, đầu mùa mưa là mùa sinh sản của
nhiều loại thuỷ hải sản và đến mùa gió bấc tháng 9, tháng 10 về lại đầm. Từ tháng chạp
đến tháng sáu ngư dân đi câu ngoài biển khơi, tháng bảy đến tháng chạp thì họ đánh
bắt trong đầm bằng nghề lưới. Có hai thời vụ như vậy cũng vì khu vực miền Trung có
thời tiết khắc nghiệt, tháng bảy đến tháng mười hai khu vực này xảy ra mưa bão thiên
tai làm cho việc đánh bắt ngoài khơi của ngư dân gặp khó khăn, nguy hiểm.
Sơ đồ: 2.1: Thời vụ đánh bắt

Vẽ sơ đồ: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 8/2018


54

Hộp 2
PVV: Dạ vâng, em cảm ơn nhiều. Lúc nãy em có nghe anh nói anh đang làm lưới này để
chiến đấu với mùa đông sắp tới, là như thế nào ạ?
CTV: Nghĩa là chuẩn bị mùa đông thì mình đi làm trong đầm Thị Nại này thôi, còn mấy
mùa khác thì đi câu kiều ngoài biển ngoài kia. Thường thì tụi anh chỉ đi câu ngoài khơi kia
là từ tháng một tới tháng sáu, còn làm trong đầm từ tháng bảy đến tháng mười hai đó em.
PVV: Vì sao lại chia ra như vậy hả anh?
CTV: Do ở miền Trung thời tiết trước vậy mà em, tháng bảy đến tháng mười hai mưa to gió
lớn, lũ lụt liên miên nên không ra khơi được, ghe của tụi anh cũng là ghe nhỏ chứ đâu như
mấy tàu, ghe lớn chuyên đánh bắt ngoài khơi kia đâu.
(Trích BBPV số 17)
Thời gian đi đánh bắt trong ngày của ngư dân cũng có sự thay đổi tuỳ theo con
nước hay tuy vào ban ngày hay ban đêm mà có nhiều loại hình đánh bắt khác nhau. Đa
phần ngư dân dựa vào kinh nghiệm cá nhân16.
Tuỳ từng nghề lưới khác nhau theo các loại thuỷ hải sản mà ngư dân sử dụng
các loại ghe, thuyền, ngư cụ đánh bắt cho phù hợp. Vì sống trong đầm nên nghề lưới
của họ được xem là cố định, tuy nhiên về sau do sự du nhập những loại hình đánh bắt
mới như xung điện, xiếc máy, máy hút phễnh nên nguồn thuỷ hải sản trong đầm cũng
có lúc bị biến động làm cho những nghề lưới bị suy giảm. Từ xưa đến nay đầm Thị Nại
có các loại nghề đánh bắt như: nghề chồ rớ, nghề tủ ngao, nghề lưới gõ, nghề lưới tôm,
nghề lưới lồng17.
2.1.1.1. Nghề lưới
v Lưới gõ
Lưới gõ còn gọi là lưới bén, là loại hình đánh bắt có từ lâu đời. Đối với ngư dân
nghề này gắn bó với họ quanh năm không có một thời vụ nào nhất định, chỉ khác nhau

                                                                                                                         
16
Theo ông PĐD, trích BBPV số 5
17
Nghề lưới lồng: hiện nay chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cấm, tuy nhiên hiện nay loại
hình này vẫn hoạt động do không có sự thay thế phù hợp.
55

thời gian đánh bắt trong ngày, như đi từ 12 giờ đêm hoặc đi từ 4-5 giờ sáng. Thời gian
hành nghề của ngư dân một ngày kéo dài 6-7 tiếng. Nghề này tập trung chủ yếu ở xã
Phước Sơn, sản phẩm ngư dân đánh bắt chủ yếu là các loại cá: cá dìa, cá phi, cá món...
Hộp 3:
Lưới gõ vốn có tên ban đầu là lưới bén vì sử dụng cặp lưới bén để đánh cá. Nhưng theo
thời gian, người ta chuyển sang gọi là lưới gõ bởi đặc trưng sử dụng âm thanh “cọc cọc”
để đuổi cá vào lưới. Thời gian sau giải phóng, ở đây, bà con đi lưới gõ nhiều lắm! Bên
cạnh cào ngao, bắt cua, đào phễnh, vớt rau câu... có đến 70% số hộ trong thôn đi lưới gõ.
Thu hút nhiều người đi như vậy là bởi lưới gõ thời ấy ăn nên làm ra. Đầm hồi đó mênh
mông hơn bây giờ, nguồn lợi thủy sản dồi dào. Người đi lưới gõ lại sử dụng phương
thức đánh bắt thủ công nên tôm cá có quanh năm.
(Trích BBPV số 7)

Ngư dân chỉ đánh bắt trong khu vực đầm nên phương tiện đánh bắt là chiếc
sõng18, ngư cụ đánh bắt là đôi lưới bén (trị giá khoảng 800.000 đồng). Ngoài ra còn có
các vật dụng khác như: dầm gỗ dùng để gõ và để “bơi” 19 , thùng xốp để ướp
cá...Phương pháp đánh bắt của nghề, khi thả lưới, ngư dân dùng một đôi gỗ dài gõ vào
nhau phát ra tiếng kêu “cọc cọc” để cá nghe âm thanh sợ thì chạy vào lưới.

Hình 2.1: Ngư dân làm nghề lưới gõ


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4/2016)
 

                                                                                                                         
18
Sõng: là một loại ghe nhỏ đánh bắt gần bờ, kích thước nhỏ hơn chiếc thuyền
19
Bơi: chèo sõng
56

Gắn bó với nghề lưới gõ hơn nửa đời người, ngư dân cho biết nghề này rất vất
vả. Phải đi từ sáng sớm cho đến khi đánh được cá. Nhiều người còn chọn đi đánh lưới
buổi tối và trở về nhà lúc mờ sáng. Tai nạn nhiều nhất trong lúc đánh bắt là: người vì
ngủ quên hoặc do gió lớn sõng bị lật. Nhưng thường không sao vì đã có những người
xung quanh ứng cứu. Trong trường hợp này ngư dân mất sẽ mất ngư cụ và sản phẩm
đánh bắt. Ngoài việc dùng lưới gõ để đánh cá, ngư dân còn sử dụng lưới ngâm để đánh
bắt cua, ghẹ. Gọi là lưới ngâm do cách thức đánh bắt đơn giản, chỉ cần thả lưới rồi
ngâm dưới nước độ chừng 1 tiếng, sau đó kéo lên và gỡ những sản phẩm dính vào lưới.
Hộp 4
PVV: Dạ chú cho cháu hỏi nghề lưới chú làm có tên gì vậy ạ?
CTV: Ừ! Chú làm lưới gõ, lưới ngâm tuỳ hôm thôi cháu.
PVV: Chú ơi lưới ngâm là sao ạ?
CTV: Thì mình thả lưới rồi ngâm nó dưới đó 1 tiếng đồng hồ sau kéo lưới rồi gỡ lưới.
PVV: Sản phẩm chú đánh bắt được chủ yếu là gì ạ?
CTV: Lưới ngâm thì chú đánh bắt cua, ghẹ. Lưới gõ thì đánh cá.
(Trích BBPV số 8)
Hiện nay, nhiều ngư dân sử dụng lưới lồng, dùng xung điện, xiếc máy đánh bắt hải
sản làm cho ngư trường bị thu hẹp, nguồn hải sản trong đầm cạn kiệt. Đây là nguyên
nhân chính khiến cho nghề lưới gõ khó khăn, người dân bám trụ với nghề không còn
nhiều.
v Lưới chồ (chồ rớ)
Chồ rớ được xem là nghề lâu đời của ngư dân trong đầm. Đặt chồ giống như đặt
vó trên sông ở vùng Nam Bộ. Chồ không cần mồi, chỉ cần thả lưới xuống đầm cá, tôm
đi ngang dính vào lưới. Tuy nhiên để có được lưới chồ thì không phải dễ. Theo kinh
nghiệm của ngư dân, tùy theo thủy chế của dòng nước mà ngư dân đặt cố định chồ rớ.
Ngư cụ được sử dụng cho nghề chồ rớ có: Lưới rớ - Chòi rớ - Gọng rớ - Dây giằng. Rớ
57

chồ có nơi còn gọi là rớ vàn20, gồm một tấm lưới hình vuông mỗi cạnh từ 10-12 sãi tay,
bốn bề viền lớn bằng ngón chân cái gọi là miệng rớ. Từ miệng rớ trở vào giữa lưới
được đan từ thưa cho đến dày. Bốn góc có 4 cây tre thường gọi là gọng rớ. Mỗi gọng
có 2 dây giằng theo góc thẳng của miệng rớ. Để rớ được kéo lên, hạ xuống nhờ có
chòi, trên chòi có trục quay với 6 tay quay (chia làm 2 bên, mỗi bên gồm 2 tay đôi và
một chiếc để cho thuận tay kéo - đạp). Những cọc này cứ tới mùa đông ngư dân kéo
vào vì gió, mưa, bão sẽ quật gãy.

Hình 2.2: Chồ rớ trên đầm


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4/2016)
 

Người ta thả rớ từ 6 giờ chiều ngày hôm trước thả lưới đến 6 giờ sáng hôm sau
kéo lên. Ngư dân dựa vào kinh nghiệm của mình trong việc kéo, thả lưới, như tùy theo
con nước thủy triều, nước trở, trăng lặn, trăng lên mà trục nới kéo rớ. Để thu hoạch
được cá, sau khi đã quay trục kéo rớ lên, ngư dân chèo sõng ra rớ rồi dùng một roi tre
đập đập vào rớ gọi là quét rớ cho bớt nước và để dồn cá vào rốn của rớ, cuối cùng ngư
dân mở dây rốn (dây rốn có thể nằm giữa rớ hay hai bên gần đáy rớ) kéo xuống cho tất
cả cá, tôm lọt xuống lòng sõng. Xong việc, người ta cột dây rốn lại và về chỗ cũ. Sản
phẩm đánh bắt được thường là tôm đất, tôm rằn, tôm sú, tôm bạc, cá dìa...Khi thả rớ
ngư dân thường treo bóng đèn để cá, tôm chạy vào lưới.
Những năm trước nghề chồ mất mùa do tệ nạn đánh bắt bằng “xung điện, xiếc
máy” khiến nguồn thuỷ hải sản trong đầm bị tận diệt. Từ năm 2003 trở đi nguồn hải

                                                                                                                         
20
Rớ vàn/vàng/giàn: là những tên gọi của chồ rớ, do cách đọc và phát âm của người Nam Trung Bộ.
Theo ý riêng của chúng tôi, tên gọi phù hợp và có nghĩa là rớ giàn.
58

sản phục hồi nên đời sống ngư dân dần được cải thiện. Toàn thôn Vinh Quang 2 có
thêm 10 hộ chồ rớ mới ngoài 37 hộ khác còn giữ được chồ rớ cũ nay tiếp tục làm nghề.
Nhiều hộ thu được gần 100.00 đồng qua một đêm hành nghề.
v Tủ ngao
Tủ ngao là hình thức đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản nhỏ, lẻ ven đầm và diễn ra
quanh năm. Ngư cụ tủ ngao đơn giản nên hầu hết ngư dân đều mua nguyên liệu về tự
làm. Nguyên liệu làm tủ ngao gồm lưới (chiều dài khoảng 5mét), phao xốp, chì, dây
dọi, dây thừng, vỏ ngao, giỏ đan bằng tre giống21.
Hoạt động đánh bắt của ngư dân thường diễn ra trong ngày, bắt đầu từ hừng đông
và kết thúc khi chiều tối. Sản phẩm đánh bắt là cá bống, có nhiều loại cá bống như cá
bống thệ, cá bống găm, cá bống sao... Mùa vụ đánh bắt từ tháng ba đến tháng chín âm
lịch vì cá bống ngon nhất vào mùa này. Cách thức đánh bắt: người ta dùng hai cây tre
để cắm xuống đất sau đó gây (buộc chặt) lưới vào dây ngao, ngư dân dùng dây dọi để
xác định vị trí thả một đầu dây ngao xuống đầu bên này, tương tự qua đầu dây ngao
bên kia, mỗi người nắm một đầu kéo qua kéo lại tạo ra âm thanh để “dụ” cho cá bơi
vào tủ (lưới), sau đó ngư dân chỉ cần nắm dây nâng lên sẽ thu hoạch được cá bống.
Phương tiện đánh bắt của ngư dân là sõng. Ngư dân đi đánh bắt thường bao gồm
những người trong gia đình họ. Nghề tủ ngao tuy đánh bắt nhỏ, lẻ nhưng giúp ngư dân
có nguồn thu nhập ổn định. Nghề lưới tủ ngao không gây thiệt hại mội trường nhưng
hiện nay những nghề đánh bắt truyền thống như tủ ngao ngày càng giảm do tệ nạn
đánh bắt bằng xung điện, xiếc máy, lưới lồng đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thuỷ
hải sản trong đầm. Như ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn có 1.200 hộ nhưng số hộ
còn làm nghề tủ ngao chỉ chiếm 20%.

                                                                                                                         
21
Theo lời ông TTX, trích BBPV số 9
59

Hình 2.3: Lưới tủ ngao Hình 2.4: Dây ngao

(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, tháng 4/2016)

v Lưới tôm
Lưới tôm là nghề truyền thống của ngư dân thôn Bình Thái. Ngư dân đánh bắt
gần bờ từ khu vực thôn Bình Thái đến cảng Thị Nại. Mùa đánh bắt từ tháng 7 đến
tháng chạp.Về kinh nghiệm thả lưới, khi thả lưới phải canh lưới thẳng đứng thì cá, tôm
sẽ dễ vào lưới. Để canh được như vậy ở 2 đầu dọi người dân để 2 cái khoé cố định, thả
đầu 1 bên cố định rồi chạy ghe tới chỗ khác bỏ đầu dọi còn lại xuống22.
Ngày trước lưới tôm có cấu tạo một mặt, ngư dân chỉ đánh bắt tôm bạc nên cứ
canh khoảng 4-5 tiếng kéo lưới 1 lần và có thể kéo, thả lưới nhiều lần trong ngày. Hiện
nay, đặc thù của lưới tôm là cấu tạo hai lưới, vì ô nhiễm môi trường và do ngư dân sử
dụng lưới lồng đánh bắt nên nguồn hải sản cạn kiệt. Để thích ứng với điều kiện sống và
môi trường, ngư dân buộc phải nghĩ ra cách làm lưới tôm có cấu tạo hai lưới để khi
đánh bắt thu được nhiều loại hải sản hơn.
Phương tiện và hình thức đi đánh bắt cũng chỉ hai vợ chồng trên một ghe. Khi đi
đánh bắt họ theo kinh nghiệm dân gian dựa vào thuỷ triều lên, xuống. Nghề lưới tôm
mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân trong đầm. Những ngày bão, lũ, biển động
không đi câu ngoài khơi được, họ sẽ tập trung lại gần bờ để đánh lưới tôm.
                                                                                                                         
22
Theo lời ông HVT, trích BBPV số 17
60

Hộp 5:
Mùa hè, tầm tháng 7-8 cứ hừng đông thì ngư dân đi thả lưới, lúc này con nước lên thì
cứ nửa tiếng là kéo lưới, nếu cảm thấy đủ thì về, chờ con nước xuống lại di chuyển
qua nơi khác. Tuy nhiên, khi nước xuống thì lưới rê đi không có cá, tôm buộc ngư
dân phải canh lưới sao cho lưới rê đến đúng chỗ có cá, tôm. Có hôm họ đánh bắt 9/10
“giác” 23 trong một ngày.
(Trích BBPV số 17)
v Lưới lồng
Hiện nay, lưới lồng là hoạt động mưu sinh phổ biến của ngư dân đầm Thị Nại.
Lưới lồng còn có tên gọi khác là lồng xếp, lồng bẫy, lờ dây, lờ bát quái. Đây là loại
ngư cụ khai thác thủy hải sản có xuất xứ từ Trung Quốc, bắt đầu du nhập vào tỉnh Bình
Định những năm 2004 – 2005.
Do cấu tạo lưới lồng không giống những lưới khác nên ngư dân sử dụng để đánh
bắt thì hải sản dù là nhỏ nhất khi dính lưới cũng không thể thoát ra ngoài được. Chiều
dài lưới lồng tầm 6m, một dãi lưới có 30 khung chữ nhật, mỗi khung cỡ 20-30cm và
cách nhau 20cm, lưới làm bằng chất liệu nilông có kích thước mắt lưới rất nhỏ từ 10
đến 17 mm, còn tại bộ phận tập trung cá (đụt cá), mắt lưới chỉ từ 5 đến 15mm.
Nghề lưới lồng đánh bắt quanh năm, ngư dân chủ yếu làm vào ban đêm là do cá
hay ẩn náu vào lúc chập choạng tối và hừng đông, lúc này cá di chuyển nhiều nên buổi
chiều ngư dân thả lưới đến 2 giờ sáng hôm sau thì kéo lưới lên, 4-5 giờ sáng trở về bán
cho các chủ nậu, nậu rỗi. Cứ một ghe chở được 100 cái lưới lồng. Khi đến địa điểm đã
chọn, người dân chỉ việc kéo dài lưới ra, bỏ mồi cá biển tươi bên trong, rồi thả xuống
đáy đầm hoặc sông, bên trên có dây phao nổi để nhận biết. Tôm, cua, cá… bắt mùi
tanh của mồi sẽ chui vào lưới lồng để ăn và bị dính lại trong lưới. Ngư dân chủ yếu

                                                                                                                         
23
Giác: số lần thả lưới
61

đánh bắt trong khu vực đầm. “Phương tiện chủ yếu là ghe, hộ nào cũng có ghe, ghe ai
người nấy đi chứ không đi bạn như hình thức đi ngoài biển lớn”24.

Hình 2.5: Lưới lồng Hình 2.6: Ghe đánh bắt lưới lồng

(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, tháng 4/2016)


Việc sử dụng lưới lồng để khai thác thủy sản đã làm cho trên 40% số lượng thủy
hải sản còn nhỏ bị đánh bắt một cách vô tội vạ. Mặt khác, lưới lồng còn có tác động
xấu đến hệ sinh thái và môi trường thực vật thủy sinh, làm mất đi nơi trú ẩn của nhiều
loài tôm cá. Chính quyền địa phương đã có lệnh cấm nhưng không hiệu quả, thứ nhất
do chưa được quản lý nên lưới lồng phát triển tràn lan tại nhiều địa phương, gây bức
xúc trong cộng đồng ngư dân không đánh bắt theo phương tiện này. Thứ hai, đây là
công việc chính của một bộ phận ngư dân, họ chưa có phương cách đánh bắt khác thay
thế. Hơn nữa, trong thực tế, lưới lồng, mang lại thu nhập cao cho ngư dân. Nên hiện
nay ngư dân ở bốn xã khu Đông đầm Thị Nại hầu như đều khai thác lưới lồng và trước
mắt đời sống của họ được cải thiện khá hơn so với việc sử dụng các loại ngư cụ khác.
Đây là một vấn nạn rất khó giải quyết.
2.1.1.2. Nghề câu
v Nghề câu thẻo (câu giàn)

                                                                                                                         
24
Theo lời bà PTN, trích BBPV số 3
62

Câu thẻo25 là nghề truyền thống ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận. Câu thẻo hoạt
động chủ yếu ở vùng biển Quy Nhơn, Khánh Hoà, Quãng Ngãi, Đà Nẵng. Nghề câu
thẻo đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản theo hình thức dây câu có lưỡi và có mồi, mồi câu
chính là mực cơm. Nguyên liệu để làm câu thẻo gồm dây cước câu số 120, mí (kẽm),
lưỡi, phao (nhựa, xốp) những nguyên liệu này không thấm nước và có tuổi thọ cao.
Cấu tạo giàn câu gồm dây câu có chiều dài hàng ngàn mét, mỗi dây câu có một thẻo
câu gắn lưỡi câu. Câu thẻo đánh bắt cá mú, cá ngừ, cá sơn la...nhưng chủ yếu là cá hố.
Về cách thức thả câu thì cứ một lần đi ngư dân thả khoảng 2000 lưỡi câu tương
đương với 2000m. Tình hình nêu trên là ở dưới nước, còn trên mặt bằng có khi lên đến
4000m, cứ 15 nẹp câu thì họ chạy 2 cây số, theo nguyên tắc cứ thả câu xuống nước sâu
chừng nào thì chiều dài lưới rút ngắn lại chừng đó. Mùa vụ chính của câu thẻo thường
từ tháng chạp đến tháng tư âm lịch vì mùa này cá về khu vực gần bờ, còn những mùa
khác cá ra khơi. Do đặc trưng của cá hố, bắt đầu từ tháng 4-5-6-7 âm lịch cá hố kiếm
ăn về đêm trên mặt nước, còn tháng 12-1-2-3 cá kiếm ăn ban ngày ở dưới biển sâu26.
Hộp 6:
Nguyên tắc của câu thẻo khi đi câu bất kỳ giờ nào ngư dân cũng có thể thả câu, chỉ
cần vùng đó có cá, chỉ cần xác định được cá nằm vùng họ sẽ cho chạy ghe tới thả
giàn câu ở nơi cá bơi qua lại, thả vắt ngang qua vùng chảy của nơi đó. Cũng vì con
cá di chuyển liên tục nên khi thả giàn câu gần 2000 lưỡi câu thì không phải lưỡi
câu nào cũng dính cá.  
(Trích BBPV số 23)

                                                                                                                         
25
Thẻo là đoạn nẹp câu ở dưới sau đó gắn lưỡi câu vào
26
Theo lời ông VVT và ông VVX, trích BBPV số 23
63

Sơ đồ 2.2: Giàn câu thẻo

(Nguồn:http://www.khafa.org.vn/?file=privateres/htm/khaithacts/b11.htm.aspx)

Ngư dân câu thẻo cho biết ngư trường đánh bắt phụ thuộc vào nghề giã cào hay
nghề đánh lưới. Tháng được mùa câu, ngư dân sẽ đi 3-4 lần (trung bình một lần đi câu
là 4 ngày, nếu câu gần bờ), khi trúng mùa vụ ngư dân thu hoạch được 500-700kg cá,
còn trái mùa họ chỉ thu hoạch từ 70-100kg. Tuy nhiên có một nghịch lý, khi vào mùa
giá trúng thì cá chỉ khoảng 110-120.000 đồng/1kí. Nghề câu thẻo tuy vất vả, gian nan
nhưng đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân.
Thời gian thả câu thẻo của ngư dân là cả ngày. Khi thả câu gần bờ vào buổi sáng
thì đêm tối họ chạy ghe vào sát chân núi để nghỉ ngơi, 3-4 giờ sáng họ lại đánh bắt tiếp.
Còn nếu họ thả câu ngoài khơi vào chiều tối thì sáng họ nghỉ ngơi. Khi câu ngoài khơi,
trên ghe của ngư dân luôn đem theo điện thoại để theo dõi vấn đề thời tiết trên biển.
v Nghề câu kiều
Thôn Bình Thái có 262 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu. Nghề câu kiều đã có từ lâu
đời, thời gian trước hầu như các hộ trong thôn có ghe đều làm câu kiều nhưng đến nay
chỉ còn khoảng 23-25 hộ làm nghề, sở dĩ không còn nhiều hộ làm nghề vì vất vả, gian
nan27. Mùa đi câu thường từ tháng giêng đến tháng 6. Nghề câu kiều đánh bắt, khai

                                                                                                                         
27
Theo lời ông HTD, trích BBPV số 1
64

thác thuỷ hải sản theo hình thức dây câu có lưỡi và không cần mồi. Câu kiều có hình
dạng cũng giống như một tấm mành trúc treo cửa, đầu là một thanh mò o dài khoảng
hai gang tay nằm ngang, dọc thanh mò o được đục nhiều lỗ để mắc được nhiều lưỡi
câu, mỗi lưỡi câu được nối với các phao bằng xốp thông qua các sợi cước. Khi thả câu
kiều thì tùy vào vùng nước nông hay sâu mà ngư dân buộc thêm vào lưới một sợi dây
(dây dọi) thả xuống biển cho tới khi các lưỡi câu gần chạm đáy.
Ngư dân làm nghề câu kiều phân bổ từ biển Quy Nhơn đến biển Đại Lãnh (Khánh
Hoà). Khi chuẩn bị đi câu bên “nghề” tức chủ ghe sẽ sắm hết mọi thứ trên ghe như mua
tổm (thực phẩm), dụng cụ câu, đá, thùng xốp đựng đá để ướp cá. Câu kiều chủ yếu
đánh bắt cá đuối vì là cá da trơn, bơi sát đáy biển, đáy cồn cát vô tình vướng phải dây
câu. Do cấu tạo có nhiều lưỡi câu được mắc gần nhau nên khi vùng vẫy cá đuối càng bị
nhiều dây câu khác mắc vào không thể thoát. Giới hạn của câu kiều là phải cách một
khoảng nhất định, ngư dân phải làm cờ phao buộc vào dây câu để đánh dấu vị trí thả.
Câu kiều hoạt động cách bờ khoảng 3 - 4 hải lý, bởi đây là vùng biển nông, sau
khi thả lưỡi câu kiều có thể xuống chạm tới đáy. Cách thức thả câu khá phức tạp và
mất nhiều thời gian, để thả 150 - 200 nẹp câu (tương đương 1.000m) mất ít nhất 2 giờ.
Khi thả câu, ngư dân luôn đeo sợi dây gắn chiếc dao trên cổ để khi lưỡi câu không may
mắc vào tay thì lập tức cắt bỏ lưỡi câu đó, nếu không các lưỡi khác có thể đồng loạt
móc vào tay và như vậy rất nguy hiểm. Trên tàu, một người chịu trách nhiệm lái tàu,
hai người còn lại sẽ thả câu.
Hộp 7:
“Ngư dân đi câu kiều xác định được vị trí có cá đều theo tri thức địa phương, họ đều canh
những ngày nước rong trong tháng mà đi câu. Việc thả câu kiều bắt cá đuối chỉ hiệu quả
vào những ngày tối trời từ tháng 4 đến tháng 8. Những ngày biển lặng thì việc thả câu được
dễ dàng, còn những ngày biển động thì công việc càng trở nên khó khăn bởi sóng biển luôn
làm thuyền chao đảo, do thời tiết làm nước đổ, gió chuyển làm rối câu.  
(Trích BBPV số 17)
65

Một chuyến đi câu kiều trên ghe lớn hoặc nhỏ thường kéo dài từ 5-7 ngày hay
nửa tháng, thuận trời thì ngư dân đi lâu, còn nghịch trời thì họ đi ít hơn. Một lần câu
kéo dài khoảng 5-6 tiếng, nếu đánh bắt nhiều ngư dân sử dụng đá ướp cá để bảo quản
cá được lâu hơn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm câu kiều có khi ngư dân bán ở cảng Quy
Nhơn, khi thì bán ở cảng Khánh Hoà tuỳ vào lộ trình đi câu sao cho thuận tiện nhất.
Tuỳ theo thời tiết của biển mà giá bán cũng khác nhau, bình thường thì 55.000
đồng/1kí, trời biển động thì 70.000 đồng/1kí. Những hôm trúng đậm cá nhiều, ngư dân
bán được cả triệu đồng.
Nghề câu kiều còn được xem là nghề đặc trưng riêng của vùng bởi câu kiều
chuyên rà xác chết, những vùng nào có người chết thì đều nhờ câu kiều này mà tìm
được28.
Câu kiều và câu thẻo đều giống nhau ở điểm, ngư dân phải canh giữ không cho
những loại đánh bắt khác làm hư giàn câu, đặc biệt là giã cào. Trong đêm, giữa biển cả
bao la, một ghe giã cào kéo qua những vị trí thả câu kiều thì hôm đó ngư dân câu kiều
chỉ ra về tay trắng. Nhiều người dân không bám trụ được với nghề vì không bảo vệ
được ngư cụ đánh bắt của mình do hậu quả của ghe giã cào.
2.1.1.3. Nghề đào, bắt hải sản
- Đào phễnh
Phễnh còn có tên gọi là ốc phi. Trước kia, khi còn nhiều cồn, bãi, vào những lúc
rãnh rỗi ngư dân đi bắt phễnh. Ngư dân làm nghề này quanh năm, tuy nhiên thời gian
đi làm trong ngày khác nhau (6 tháng nước cạn vào buổi sáng, 6 tháng nước cạn vào
buổi chiều). Vào 6 tháng nước cạn buổi sáng, ngư dân đi làm từ 4 giờ sáng đến 11-12
giờ trưa về, còn buổi chiều họ đi tầm 12-1 giờ trưa đến 7-8 giờ tối về. Thường trong hộ
gia đình chồng đi đánh lưới xa, vợ ở nhà đào phễnh như nghề chính. Người dân đi đào
phễnh vào những lúc con nước xuống, lộ ra những bãi cát, đất đen, lúc này họ tiến
hành đào đất bắt phễnh. Phễnh là một loại nhuyễn thể có hai vỏ, phễnh không những ăn
                                                                                                                         
28
Theo lời ông HTD, trích BBPV số 1
66

ngon mà còn giúp ngư dân kiếm thêm thu nhập, từ đó nghề đào phễnh gắn liền với ngư
dân vào ngày nhàn rỗi.
Trước kia ngư cụ và phương tiện hành nghề đào phễnh rất đơn giản, ngư dân sử
dụng cái xuỗng, cái muỗng để đào và một cái xô nhựa để đựng phễnh. Nếu phễnh to,
người ta dùng cái xuỗng, phễnh nhỏ dùng cái muỗng. Phễnh có hai loại, một loại ở
trong rong có hình dạng nhỏ gọi là phễnh ta, giá 20.000 đồng/1kí, còn loại phễnh ở sâu
trong đất, cát gọi là phễnh rằn, giá dao động từ 25-30.000 đồng/1kí. Để nhận biết kích
thước phễnh, người dân nhận biết theo các loại hang khác nhau. Hang phễnh lớn có hai
lỗ nhỏ như hạt bắp khoảng cách từ 9 đến 10cm, hang phễnh nhỏ thì dày hơn, lỗ hang
khoảng từ 1 đến 2cm. Phương tiện hành nghề là sõng, khi đi đánh bắt 7-8 người trong
xóm đi cùng.
Nghề đào phễnh khó khăn cực nhọc rất nhiều, làm việc cật lực dưới nắng gắt 12
giờ trưa đến 7-8 giờ tối mà chỉ thu hoạch được 10-20.000 đồng, có hôm chỉ được mấy
ngàn đồng.
Hộp 8:
Theo cô NTB, đào phễnh được mùa nhất là vào hè, mùa đông mưa gió ngư dân đi làm
khổ hơn nhiều, có hôm đào không được họ chuyển qua đào ốc ở trên cát, dân nẫu làm
cái cào rồi đi trên cát cào lui, nẫu biết cái mánh ở đó thì nẫu lấy cái xuỗng như cô
chọt xuống nghe nó cái cốc thì nậy nó lên lấy. Công việc lụm hàu, mò cua khó khăn
nên nhiều người chuyển qua “nghề đụng”
(Trích BBPV số 22)
Hiện nay nhiều hộ ngư dân vì ham lời, trúng mùa phễnh đã sử dụng loại hình
khai thác bằng máy bơm hút. Nhiều người dân bị sập hầm, sập hố, do những hầm, hố
đó sâu cả mét khiến nhiều người rơi xuống chết đuối. Khai thác phễnh theo hình thức
này thiếu tính bền vững không những gây nguy hại đến nguồn lợi thuỷ hải sản mà còn
đe doạ đến tính mạng người dân.
67

Khai thác phễnh chủ yếu dùng máy nổ có công suất khoảng 20 CV trở xuống
được nối với một hệ thống ống hút, gắn với thiết bị cày xới di chuyển, sục tung dưới
đáy đầm, hút hết các loại bùn, cát và các loại nhuyễn thể đang sinh sống, ẩn nấp ở dưới
đó, trong đó phổ biến là loài phễnh. Ống hút nước được đưa qua hệ thống lọc để thu lại
các loài hải sản như phễnh, nghêu, sò, ốc, vẹm. Phương pháp đánh bắt này gây hậu quả
nghiêm trọng là hủy diệt các loài hải sản khác, gây ô nhiễm môi trường và tạo hố sâu,
những ụ cát làm cản trở tàu thuyền qua lại.

Hình 2.7: Ngư dân khai thác phễnh bằng


máy hút
(Nguồn: https://baomoi.com/can-ngan-
chan-nan-khai-thac-phenh-bang-may-bom-
hut-tren-dam-thi-nai/c/13272916.epi)
 

Riêng với nghề bắt hàu, đây là nghề chính của ngư dân thôn Nhân Ân, họ làm
nghề này rất giỏi và chuyên nghiệp.
Bên cạnh nghề đào, bắt phễnh, xìa, sò, hàu, ngư dân còn những nghề phát sinh
theo tháng như vớt rau câu. Đối với nghề vớt rau câu, người dân trong đầm thích nghi
rất nhanh. Những tháng có rau câu xuất hiện nhiều ngư dân có thu nhập khoảng 500-
600.000 đồng/1ngày.
Bảng 2.1: Các hình thức đánh bắt thuỷ sản tại đầm Thị Nại.

HÌNH THỨC MÙA VỤ ĐỊA PHƯƠNG SẢN PHẨM


ĐÁNH BẮT
Lưới gõ Quanh năm Thôn Vinh Quang 2, Cá dìa, cá phi,cá
Lộc Thượng, xã móm
68

Phước Sơn. Thôn


Lộc Hạ
Lưới Tủ ngao Quanh năm Thôn Vinh Quang 2, Cá bống: cá bống
xã Phước Quang thệ, cá bống găm,
cá bống sao.

Lưới chồ (chồ Quanh năm Thôn Vinh Quang 2, Tôm đất, tôm
rớ) xã Phước Sơn, thôn bạc, tôm rằn, tôm
Huỳnh Giản, Kim sú, cá đối, cá
Đông dìa...

Lưới lồng Quanh năm Xã Phước Thuận, Tất cả sản phẩm


Phước Sơn, Phước lớn, bé có được
Hoà trong đầm

Lưới tôm Từ tháng7- Thôn Bình Thái, xã Tôm đất, tôm thẻ,
tháng 12 Phước Thuận tôm bạc, tôm sú.

Câu kiều Từ tháng 12- Thôn Bình Thái, xã Cá đuối, cá


tháng 6 Phước Thuận thu...câu chính la
Câu
cá đuối

Câu thẻo Từ tháng 12- Thôn Nhân Ân, xã Cá mú, cá hố, cá


4 Phước Thuận sơn la, cá mặt
trời...câu chính là
cá hố.
69

Đào phễnh, Quanh năm Thôn Kim Đông, Phễnh, don, dắt
don, dắt, sò, xìa Tân Giảng xã Phước
Hoà, thôn Bình Thái
xã Phước Thuận.
Đánh
Sứa Từ tháng 6 Xã Phước Thuận, Sứa
bắt
đến tháng 9 Phước Sơn, Phước
nhuyễn
Hoà
thể
Ruốc Từ tháng Đầm Trà Ổ, Đề Gi, Ruốc
chạp đến Tam Quan
tháng 2

Hàu Quanh năm Thôn Nhân Ân, xã Hàu


Phước Thuận

Rau câu Từ tháng 3 Xã Phước Thuận, Rau câu


đến tháng 7 Phước Sơn.

Lập bảng: Huỳnh Thị Thảo Nguyên


(Nguồn: Tổng hợp tài liệu điền dã tháng 4/2016)
Phương thức mưu sinh của người dân ở đầm Thị Nại thay đổi theo thời gian.
Một số ngư cụ, phương tiện đánh bắt trên đầm được lưu giữ từ xưa đến nay như lưới,
câu, đào bắt (phễnh), một số không còn hoặc rất ít là câu kiều. Một số ngư cụ mới gia
nhập như lưới lồng đã tận diệt ngư trường đánh bắt.
Cuộc sống mưu sinh trong đầm biến đổi theo xu thế trào lưu lợi nhuận. Những
ngư cụ xưa tuy không huỷ hoại ngư trường nhưng lợi nhuận không cao, còn nhưng ngư
cụ mới huỷ hoại ngư trường nhưng thu nhập lại cao. Chính quyền thông cảm cho ngư
dân nên không triệt để trong xử lý, chế tài và chưa ý thức cao về sự phát triển bền vững
của đầm
70

2.1.2. Nuôi trồng thuỷ hải sản


Nuôi trồng thuỷ hải sản ở khu vực đầm Thị Nại là hình thức nuôi tôm ở đầm,
đìa – đìa tôm còn được gọi là mề tôm29.
2.1.2.1 Nuôi tôm:
Phước Thuận là một trong 4 xã khu Đông ven đầm Thị Nại, có gần 100 ha nuôi
trồng thuỷ sản theo các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh; và hơn 150 ha nuôi
quảng canh cải tiến, nuôi ghép với các đối tượng thủy sản khác như tôm, cua, cá theo
phương thức “đánh tỉa, thả bù”.
Phần đông ngư dân ở xã Phước Thuận đều chọn nuôi tôm sú kết hợp nuôi cá và
các loại thủy sản khác, chủ yếu hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến. Riêng
hình thức bán thâm canh được áp dụng cho việc nuôi tôm thẻ chân trắng.
Đối với những hộ nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh thì tháng giêng là
tháng đầu vụ, ngư dân phải xả bờ, cải tạo, sau đó mua tôm giống về thả. Nuôi tôm theo
hình thức này là thả tự nhiên, đến cuối tháng 5 thu hoạch. Đó là với trường hợp tôm
được mùa, còn nếu không thì trong vòng 1-2 tháng tôm sẽ chết, buộc ngư dân phải vớt
tôm lên rồi tiếp tục mua tôm giống khác về thả. Tôm giống bán tại trại giống ở thành
phố Quy Nhơn, bình thường 1000 con tôm giống, giá 220.000/1 bịch. Ngư dân mua số
lượng nhiều hay ít thì tuỳ thuộc vào diện tích mặt đầm. Trung bình một vụ mùa nuôi
tôm là ba tháng rưỡi, cũng tuỳ theo hình thức nuôi mà khi thu hoạch tôm sẽ cho ra giá
trị khác nhau, theo hình thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến hay bán thâm canh
(tôm nuôi thở oxy). Khi thu hoạch cứ một tấn ngư dân sẽ thu được 100-150 triệu. Còn
nuôi tôm theo hình thức thâm canh (tôm tự nhiên) thì cứ 1ha thu được 80 triệu30.

                                                                                                                         
29
Theo ông HTD, trích BBPV số 1
30
Theo lời ông HTN, trích BBPV số 16
71

Sơ đồ 2.3: Hình thức nuôi tôm

NUÔI TÔM

Quảng canh: là mô Quảng canh cải Bán thâm canh: Là


hình nuôi dựa vào tiến: là hình thức dựa hình thức nuôi sử
thức ăn tự nhiên ở vào nền tảng của hình dụng thức ăn tự nhiên
trong đầm. Mật độ thức nuôi quảng canh trong trong đầm và
tôm nuôi ít do dựa nhưng có bổ sung bổ sung thức ăn từ
hoàn toàn vào nguồn thêm giống và thức bên ngoài như thức
giống tự nhiên. Diện ăn. ăn tươi sống, cám
tích đầm nuôi gạo...Tôm giống
thường lớn nên đạt được thả nuôi ở mật
sản lượng cao.   độ tương đối cao (10-
15 con/m2) trong diện
tích nuôi nhỏ (2000-
5000m2)

(Vẽ sơ đồ: Huỳnh Thi Thảo Nguyên)


(Nguồn: Dựa trên tài liệu điền dã, 6/2018)
Giai đoạn những năm 1980-2000 mặt đầm do Uỷ ban Nhân dân xã Phước
Thuận quản lý, nhưng thời gian gần đây họ bán lại cho ngư dân, cứ 1ha trị giá 30triệu
đồng31. Còn xã Phước Sơn ngư dân sử dụng mặt đầm nuôi tôm theo hình thức đấu giá,
thường thì ngư dân sẽ đấu giá có thời hạn từ 3-5 năm, cứ 1ha giá 40-50 triệu đồng, tuỳ
theo nhu cầu sử dụng ngư dân đấu giá ít hay nhiều32. Ngư dân làm nghề nuôi trồng
thuỷ hải sản đều có sự hỗ trợ của nhà nước, theo hình thức cho vay vốn (thế chấp sổ
đỏ). Hình thức nhà nước cho vay tuỳ theo diện tích mặt đầm càng rộng thì cho vay
nhiều và ngược lại diện tích mặt đầm nhỏ cho vay ít hơn.
                                                                                                                         
31
Theo lời bà TT trích BBPV số 14 & ông HTN, trích BBPV số16
32
Theo lời ông HVB, trích BBPV số 4
72

Hình 2.8: Ngư dân nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh
(Nguồn: http://thuysanvietnam.com.vn/binh-dinh-han-han-anh-huong-den-nuoi-trong-
thuy-san-article-15481.tsvn)
Ngoài những thành công đạt được, nuôi trồng thuỷ hải sản còn gặp một số vấn
đề như: cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức tại đầm Thị Nại;
phần lớn hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm,
nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ dịch bệnh phát sinh gây hại vật
nuôi rất cao. Ngoài ra trình độ sản xuất của một bộ phận người dân còn hạn chế,
thường thả tôm với mật độ dày, đầu tư chăm sóc không đảm bảo quy trình, nên tôm
nuôi chậm phát triển. Một số hộ dân khi phát hiện dịch bệnh trên tôm nuôi nhưng
không báo cáo ngành chức năng hoặc chính quyền địa phương biết để hỗ trợ xử lý mà
tự ý tháo nước ra môi trường, làm cho dịch bệnh lây lan, khó khống chế.33
2.1.2.2. Nguồn lợi nuôi trồng thủy hải sản
Lượng nước ngọt hàng năm đổ vào đầm Thị Nại khoảng trên dưới 4 tỷ mét khối
nước, mang theo phù du dinh dưỡng của đồng bằng Bình Định. Điều kiện thiên nhiên
này đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho các loại sinh vật phát triển đa dạng và
phong phú.

                                                                                                                         
33https://tepbac.com/tin-tuc/full/binh-dinh-khai-thac-thuy-san-gan-voi-bao-ve-nguon-loi-23144.html  
73

+ Về Tôm: đầm Thị Nại có 3 loài có giá trị kinh tế cao là tôm sú, tôm bạc và
tôm đất. Đặc biệt tôm sú có giá trị xuất khẩu cao trên thị trường khu vực và quốc tế.
+ Về Cá: có các loại nuôi trồng như cá dìa, cá đối, cá hồng.
+ Ghẹ Cát34 phân bố rộng rãi, sản lượng cao nhất trong vùng, thời kỳ sinh sản
diễn ra từ tháng 2 đến tháng 5. Ghẹ Hoa phân bố nhiều ở vùng nước mặn ven bờ, thời
kỳ sinh sản từ tháng 3 đến tháng 6, điểm đặc trưng thường đẻ trứng ở vùng nước mặn
ven bờ nhưng ấu trùng phát triển ở hai vùng nước mặn – lợ. Tuy nhiên trong (2 – 3)
năm trở lại đây, nguồn lợi ghẹ khá dồi dào, sản lượng khai thác vượt trội.
+ Cua Xanh có giá trị kinh tế cao, được nuôi phổ biến trong ao nước mặn – lợ,
phân bố rộng khắp vùng ven biển, nhất là vùng bãi triều có rừng ngập mặn. Giai đoạn
ấu trùng phát triển ở hai vùng nước mặn – lợ, giai đoạn sinh sản chúng di chuyển ra
vùng biển nước mặn.
+ Hàu: nguồn lợi rất phong phú, điển hình các loại như: hàu muỗng, hàu đá, hàu
dán, hàu răng cưa, trong đó hàu muỗng có giá trị thương phẩm cao nhất vì kích thước
lớn, phần thịt dày. Đây cũng là loài hải sản được nuôi chủ yếu ở đầm Thị Nại. Hiện nay
hàu giống và hàu thịt tự nhiên đã bị khai thác tận diệt, vì vậy cần phải khôi phục lại
nguồn lợi hàu trong đầm và hình thành phát triển nghề nuôi hàu thương phẩm. Điều
này góp phần làm đa dạng sản phẩm thủy sản nuôi, cải thiện môi trường nước đầm Thị
Nại, khắc phục dịch bệnh tôm nuôi, bảo đảm sản xuất bền vững.35
Ngoài các nguồn lợi thuỷ hải sản, khu vực đầm Thị Nại còn có rong biển với
136 loài gồm hệ rong và thực vật bậc cao. Rong biển ở đầm Thị Nại có đến 106 loài,
33 họ, thuộc 4 ngành rong. Sản lượng rong nhưng giá trị kinh tế không cao. Phần lớn
rong phân bố ở các đầm vũng vịnh ven biển, như đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ, Đề Gi, Ô
Loan, vịnh Quy Nhơn. Một số nguồn lợi khác như rong câu chỉ vàng, rong bún, rong
hẹ và cỏ hẹ [44].
                                                                                                                         
34  Ghẹ cát còn gọi là ghẹ chấm: toàn thân có nhiều chấm nhỏ như hạt cát, có tên khoa học Portunus

trituberculatus). Nguồn Google.com.vn


35
http://www2.hcmuaf.edu.vn/data/nguyenvantrai/6Quy%20hoach%20tinh%20Binh%20Dinh.pdf
74

2.1.2.3.Phân bố nguồn lợi thủy sản trên đầm Thị Nại


Bảng 2.2: Phân bố nguồn lợi thuỷ hải sản
Loài: Đặc điểm phân bố:

Vùng phân bố tương tư như hàu lớn. Hàu giống xuất hiện từ
Hàu giống tháng 1 đến tháng 8 trong đó tháng 4 và tháng 6 là nhiều.
Sang tháng 9-10, hàu có kích thước 3-4cm (25-30 con/kg)

Phân bố từ vùng cao triều, trung triều, hạ triều, ở các bãi


Hàu trong đầm. Hàu muỗng kích thước lớn phân bố ở vùng hạ
triều. Hàu phân bố và phát triển rất tốt ở những sinh cảnh
bùn lỏng vùng dưới triều, và nơi có dòng triều lên xuống
mạnh,. Hàu xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 8 mùa rộ nhất từ
tháng 5 đến tháng 6; hàu sữa xuất hiện vào tháng 1 đến tháng
2 và nhiều nhất sau mùa lũ
Phễnh Phân bố ở các bãi ven cửa sông, các gò nổi, vùng đáy cát; xuất
hiện từ tháng 1 đến tháng 7.
Cua phân bố các vũng bùn dưới triều, các vũng sâu (hầm);
Cua bùn vùng rừng ngập mặn. Cua kích thước nhỏ phân bố gần bờ,
như các bãi triều, cua kích thước lớn phân bố xa bờ. Cua bùn
mang trứng ở các lạch sâu, như các lạch ở Khu sinh thái Cồn
Chim, cua bùn xuất hiện quanh năm, trong đó tháng 12 và
tháng 4 là mùa cao điểm nhất, và giảm dần cho đến cuối
năm. Cua bùn mang trứng xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 7
75

Hình thái giống cua bùn, nhưng mai tròn, hai càng ngắn,
Cua đá phân bố ở ven đầm,. Cua đá xuất hiện nhiều từ tháng 3 đến
tháng 8

Phân bố ở các bãi triều ven đầm. Cua lớn dần và di chuyển
Cua giống ra vùng nước sâu hơn. Cua xuất hiện từ tháng 11 đến thág 4,
mật độ giảm rất nhanh do ngư dân khai thác. Cua giống xuất
hiện sau khi có lụt. Vào tháng giêng cua có kích thước nhỏ hơn
1cm còn tháng hai cua khoảng 3-5cm.

Ghẹ Phân bố ở các bãi gò, cồn đáy cát, dọc triền cát (vùng hạ
triều). Ghẹ xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 8. Ghẹ con kích
thước nhỏ có số lượng lớn từ tháng tháng 2 đến tháng 4. Vào
mùa mưa, khi nước ngọt từ sông đổ vào đầm, ghẹ không có
trong đầm.

Tôm phân bố vào mùa khô khi có lũ về, tôm từ các lạch dồn
Tôm đất dần ra cửa sông. Tôm đất xuất hiện quanh năm, các tháng rộ
nhất từtháng 12 đến tháng 2.

Tôm bạc Xuất hiện quanh năm, trong đó mùa tôm từ tháng 2 đến
tháng 4 và từ tháng 10 đến tháng 1.

Phong phú ở vùng nước khu vực cầu Nhơn Hội. Xuất hiện
Cá đối quanh năm, trong đó tháng 12 đến tháng 9 là mùa chính. Từ
tháng 12 đến tháng 1 số lượng cá mang trứng nhiều nhất.
76

Phân bố sâu trong đầm vào mùa khô, khi lũ về cá di chuyển


Cá dìa dần xuống cửa. Cá dìa xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 9,
trong đó tháng 6 và tháng 7 là mùa rộ nhất.
Khi có nước ngọt về là mùa cá sinh sản; cá giống kích
Cá dìa giống thước hột dưa chỉ phân bố ở các bãi cồn có cỏ biển. Cá dìa
xuất hiện quanh năm và rộ nhất vào tháng 3

Phân bố từ khu vực cửa đầm trở vào. Nước ở vùng đầm Thị
Cá hồng, cá mú Nại có độ mặn thấp, chu kỳ nước mặn ngắn nên cá mú
không phải là hải sản nuôi thích hợp.
Phân bố ở các bãi cồn có cỏ biển, thuộc bờ Tây và bờ Đông
Cá mú giống của đầm. Cá mú giống xuất hiện theo từng đợt như tháng 2
và tháng 3, đợt tháng 11.

Lập bảng: Huỳnh Thị Thảo Nguyên


(Nguồn: Tổng hợp tài liệu Hiện trạng nguồn lợi và nguồn giống thuỷ sản trong đầm
Thị Nại qua phương pháp điều tra nguồn lợi vùng bờ có sự tham gia của cộng đồng, In
trong Tuyển tập Nghiên cứu biển, số 18, tr.118-131)
77

Sơ đồ 2.4: Phân bố nguồn lợi thuỷ hải trên đầm Thị Nại

Vẽ sơ đồ: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 9/2018


Như vậy cuộc sống mưu sinh trong đầm ít nguy hiểm nhưng ngư dân chỉ thu
hoạch, đánh bắt chủ yếu từ tháng 1 đến tháng 8 chứ không phải quanh năm. Thời tiết
biển đã tác động đến cư dân ở đầm. Yếu tố văn hoá biển như những người dân sống
hoàn toàn trong môi trường biển.
Nguồn lợi thuỷ hải sản trên đầm Thị Nại luôn có quanh năm. Các bãi vùng triều
ven đầm, nơi có các thảm cỏ biển, là vùng ươm giống tự nhiên của các nhóm nguồn
lợi; các bãi sâu, lạch sâu là nơi phân bố của các cá thể kích thước lớn, hoặc tôm, cua,
ghẹ mang trứng. Các nguồn lợi như tôm bạc, cua bùn, cá đối... xuất hiện quanh năm;
một số nguồn lợi như ghẹ, cá dìa lại có theo mùa. Nguồn giống thủy sản như cá mú
giống, cá dìa giống, cua giống theo mùa và xuất hiện ít nhất 2 đợt trong năm. Từ sự đa
dạng chủng loài của nguồn lợi thuỷ hải sản trên đầm Thị Nại, cộng đồng cư dân đã
78

sáng tạo ra nhiều loại hình đánh bắt, khai thác khác nhau. Phước Thuận là xã có nghề
đánh bắt, khai thác thuỷ sản trên đầm Thị Nại phát triển mạnh nhất, với các nghề lưới
như: lưới lồng, xung điện, xiếc máy, lưới tôm, tủ ngao, lưới gõ...Trong đó, các nghề
hoạt động quanh năm là lưới lồng, lưới tủ ngao, lưới gõ; nghề làm theo mùa là lưới tôm
và nghề làm theo con nước là đào phễnh. Những hoạt động mưu sinh trên đầm Thị Nại
đã thể hiện khả năng thích nghi của người dân với môi trường sinh thái tại chỗ, tạo nên
nét đặc trưng riêng của cộng đồng cư dân đầm ven biển.
2.1.3 Nghề muối:
Muối là gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Thôn Diêm Vân là
một thôn nghèo nhất ở xã Phước Thuận, có 336 hộ trong đó hơn 200 hộ làm nghề muối
lâu đời trên diện tích 27 ha, người dân làm muối được gọi chung là “nại”. Đặc thù của
nghề làm muối chỉ làm được khi trời nắng, bắt đầu từ tháng giêng đến tháng sáu36.
Ruộng muối thuộc quản lý của nhà nước, sau đó phân quyền sử dụng cho người dân
bằng cách chia đất theo đầu người, bình quân 1 người được nửa chứa ruộng 37. Để tăng
hiệu suất từ nghề làm muối, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập huấn quy
trình sản xuất muối sạch theo phương pháp kết tinh muối trên ruộng trải bạt. Tuy
nhiên, người dân vẫn làm muối theo phương pháp truyền thống nhưng hiệu suất không
cao. Bên cạnh đó vẫn có hộ gia đình áp dụng cách làm mới của nhà nước, mang lại
hiệu quả cao cứ 9-10 ngày nắng cào lên thì được gần 800kg muối.
Quá trình cải tạo đất làm ruộng muối là những công đoạn thủ công. Đầu tiên
người dân sử dụng trâu để cày đất, sau đó phân ô đắp bờ, trải bạt, tán nhuyễn và dầm
đất để khi cho nước vào ô chứa lượng nước vẫn được giữ nguyên38.
Hộp 9:
PVV: Dạ cô con có thắc mắc sao mình không dùng máy cày mà dùng trâu cày ạ? Trâu
là nhà mình có hay đi thuê ạ? Rồi thuê thì họ tính công ra sao ạ?
                                                                                                                         
36
Do khí hậu miền Trung mưa bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12
37
Chứa ruộng: ruộng muối
38
Theo bà PTT, trích BBPV số 13
79

CTV: Do ở đây đất cứng lắm máy cày không thể nào cày nổi, trâu cày thì nó có lưỡi
cày thì sức trâu nó kéo đi thì đất mới bể ra. Trâu thuê đó con, cứ 1 chứa ruộng của cô
vậy là 800 nghìn đó, nó làm được 3 bận, bận đầu cày xong mình tát nước vô chờ khô,
bận sau nó cày lại cho nhuyễn hết, rồi lần ba cũng vậy, cuối cùng thì mình giăng dây
đắp bờ cho thẳng. Khi có ô chứa rồi thì mình cứ đập đất trong ruộng chứa đó làm đi
làm lại 3 ngày như vậy. Làm nghề này khổ lắm con, tốn công tốn sức mà tiền thu lại
không bao nhiêu.
(Trích BBPV số 13)
Quy trình làm muối trải qua các công đoạn: đầu tiên, người dân xả nước vào
ruộng chứa, trải bạt tháo nước cho chảy vào ruộng chứa, phải tháo 3 lớp nước lần lượt
tới ô nước thứ 3 thì đưa vào ruộng giá. Khi trời nắng, muối bắt đầu kết tinh lại và nổi
bọt. Những ngày gió nồm bọt bị tạt đi khắp ruộng, người dân phải cào lớp bọt nổi trên
bề mặt, muối mọc lên là nhờ lớp bọt lên trước, lúc đó hạt muối còn nhỏ buộc phải có
nắng để muối được khô và lên hạt to39.
Diêm dân làm nghề muối luôn lo lắng về vấn đề được mùa mất giá, được giá mất
mùa. Làm muối khó khăn, vất vả nhưng giá bán lại rất thấp, chỉ 400 đồng/1kg muối.
Bình quân một bao muối 50kg chỉ thu khoảng 20-30.000 đồng. Thời tiết nắng to thì cứ
3 ngày cào 1 lần được 6-7 gánh muối, bán được khoảng 200.000 đồng40. Thu nhập bấp
bênh do muối quá rẻ nên diêm dân phải làm thêm 2-3 nghề khác nhau để trang trải
cuộc sống. Nhiều diêm dân không còn bám trụ với nghề, họ chuyển sang làm nghề biển
(kéo lưới, chài lưới, lưới gõ) hay đi làm công nhân ở các xưởng gỗ. Hiện nay không ít
ruộng muối bị bỏ hoang cuộc sống lao động của diêm dân khó khăn. Nên nhà nước đã
có chính sách giúp đỡ bằng cách khuyến khích họ sản xuất muối và bán cho hợp tác xã
vào cuối mùa vụ. Tuy nhiên, chính sách này không khả thi vì muối làm ra tới đâu bán
tới đó để diêm dân có tiền trang trải cuộc sống chứ không thể chờ thu hoạch muối một

                                                                                                                         
39
Theo lời bà VTM, trích BBPV số 12 & Theo lời bà PTT, trích BBPV số 13
40
Theo lời bà VTM, trích BBPV số 12
80

lần mới bán cho hợp tác xã. Với những diêm dân có điều kiện kinh tế hơn, họ mua lại
ruộng muối từ Nhà nước, trung bình 1.500.000 đồng/1chứa ruộng.

Hình 2.9: Diêm dân cào muối Hình 2.10: Ụ muối


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, tháng 8-2016)
Muối được sử dụng trong nghề bảo quản thuỷ sản và dùng trong sinh hoạt gia
đình. Muối được cất trong chum, vại đậy kín nắp gọi là muối sống, còn muối được rang
chín gọi là muối hầm.
Người dân ở thôn Diêm Vân hầu hết có tôn giáo là Phật giáo và có một số hộ có
tôn giáo là Công giáo. Tại thôn có chùa Pháp Hải và có 1 nhà thờ nhỏ được gọi là nhà
thờ Họ Nại – “nại” ý chỉ người dân làm muối. Bên cạnh đó, người dân có những tập
tục lâu đời gắn liền với tính chất nghề nghiệp. Hằng năm, vào tháng Giêng họ tổ chức
cúng cầu mùa màng bội thu, đến rằm tháng Bảy tổ chức lễ cúng xuống đồng (xuống
ruộng muối)-khai mùa (bắt đầu làm muối); lên đồng(lên khỏi ruộng muối)-mãn mùa
(hết mùa làm muối). Mặc dù có một số người dân theo Công giáo nhưng vẫn tham gia
vào những lễ cúng của thôn vì họ quan niệm đây là những tín ngưỡng truyền thống của
thôn.
Hộp 10
CTV: Đây là nhà thờ nhỏ, cứ 1 giáo xứ thì có các giáo họ, giáo họ thì còn chia ra từng nhánh
từng nhánh nhỏ nữa gọi là nhà thờ Họ. Nhà thờ lớn là ở bên nhà thờ Làng Sông. Nhà thờ ở đây
81

gọi là nhà thờ Họ Nại.


PVV: Mà sao gọi là Họ Nại vây ạ?
CTV: Thôn đây là làm muối không mà con, từ “nại” ý là chỉ người dân làm muối.
PVV: Dạ vâng, vậy ở thôn mình có mấy ngôi chùa ạ?
CTV: Ở thôn có 1 chùa, 2 miễu đó con. Miễu thì hằng năm nẫu cúng rằm tháng 7, lên đồng
(mãn mùa), xuống đồng (khai mùa) vậy đó. Đây là theo tục lệ lâu đời ở thôn rồi, cứ đến rằm
tháng Giêng thì dân nẫu cúng để cầu cho mùa màng bội thu. Cúng ở đây là có ông Chánh miếu
cúng
(Trích BBPV số 14)
2.1.4. Tiểu thủ công nghiệp:
Hiện nay, đa phần những nghề tiểu thủ công tồn tại nhằm mục đích phục vụ cho
nhu cầu đánh bắt của ngư dân địa phương và theo quy mô hộ gia đình. Các nghề tiểu
thủ công liên quan đến biển của ngư dân đầm Thị Nại như: nghề làm lưới chồ, nghề
đan lưới tôm, nghề vá lưới, nghề làm ngư cụ câu kiều, nghề sửa sõng và đóng ghe
thuyền.
2.1.4.1. Nghề làm lưới chồ
Để làm lưới chồ, người dân thực hiện các bước như sau:
Đầu tiên cắm chồ, kế tiếp là cắm cọc gốc làm điểm tựa cho 4 gọng rớ và các dây
giằng, giàn lưới rớ được móc 4 góc rớ vào 4 trụ gọng rồi kéo thử một vài lần để điều
chỉnh. Ngoài việc xem hướng gió, người dân quan sát dòng nước chảy. Công việc cắm
rớ khá phức tạp, làm nghề rớ cần phải biết lặn để lặn chỉnh sửa mỗi khi cọc dây có trở
ngại. Vì rớ thường ngâm bùn và ngâm dưới biển nên dễ bị mục nên người dân phải xôi
lưới. Hiện nay lưới chồ được làm bằng sợi nilông nhưng trước kia ngư dân thường
dùng huyết bò trộn với dầu trầu để nhuộm rớ xong cho lên chảo để hấp hơi nước sôi
đến chín, lưới được xôi thường bền và lâu mục. Đây là một việc rất khó nhọc, thường
những cọc chồ rớ tại đầm do ông bà để lại, ngư dân không lành nghề không làm
82

được41. Để làm nên lưới chồ phải mua nguyên liệu như lưới, mỗi kí 250.00đồng là loại
lưới thưa, 300.00 đồng là lưới dày. Dây thừng mua cũng tính theo kí, tre một lần mua
25 cây giá 40-50.000/ cây.
2.1.4.2. Nghề đan lưới tôm
Lưới tôm bao gồm lưới, phao nhựa, cước, chì. Để có một lưới tôm phải trải qua 7
công đoạn:
- Đầu tiên, lưới mua về có 75 mặt (1 mặt là 4 phân) cắt ra 25 mặt, còn 50 mặt vô đủ
1 tấm lưới. Tiếp 25 mặt trước, người dân đâu (nối) lại thành 50 mặt.
- Sau đó, người dân treo lưới lên, lấy đá dằn ở dưới cho thẳng mặt lưới, dưới gấu
lưới dằn thẳng xuống cho khỏi chạy mặt lưới.
- Tiếp theo, người dân chít màn lưới cho lưới khít, để cá tôm vô được mà không ra
được.
- Kế đến kẹp phao, rồi lấy cước lớn luồn mặt lưới cho đúng kích thước, cuối cùng
là kẹp chì.
Trung bình cứ hai ngày người dân đan xong một lưới tôm. Lưới tôm cấu tạo gồm hai
lưới, lưới trong nhỏ chừng 4 phân, lưới ngoài 8 phân. Theo anh HVT, ngư dân ở đầm
đều tự mua dụng cụ về làm lưới vì chi phí chỉ khoảng 2-3 triệu đồng còn nếu đặt làm
hay mua phí tốn sẽ cao (ít nhất 5 triệu đồng)42.

Hình 2.11: Ngư dân đan lưới tôm


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4-2016)  

                                                                                                                         
41
Theo lời ông NVH, trích BBPV số 6
42
Theo lời ông HVT, trích BBPV số 17
83

Sơ đồ 2.5: Lưới tôm

Vẽ sơ đồ: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4/2016


2.1.4.3. Nghề vá lưới
Công việc vá lưới của ngư dân diễn ra sau khi họ đi đánh bắt về. Những dải lưới
lồng bị rách thì thường người vợ hay người trong nhà tự vá. Nếu lưới rách nhiều thì họ
có thể thuê những người khác giúp. Cư dân ở đầm hầu như nhà nào làm nghề lưới cũng
biết vá lưới, đan lưới. Chồng đi làm thì vợ ở nhà đan lưới, vá lưới. Khi rãnh rỗi, chồng
cũng có thể đan lưới, vá lưới. Về cách thức vá lưới: khi vá lưới, người ta cần tìm chỗ
sân rộng để trải lưới, tuỳ vào mỗi nghề lưới khác nhau mà ngư dân có cách làm khác
nhau.
Đối với lưới chồ và lưới lồng, ngư dân vá lưới cần chọn dây cước cho phù hợp.
Riêng lưới lồng vì mắt lưới nhỏ nên khi vá người ta phải tỉ mỉ, tìm những chỗ rách nhỏ
nhất để vá.
Đối với những lưới tủ ngao, lưới tôm trải qua hai công đoạn chính là đan lưới và
cột (kẹp) phao. Tuỳ công dụng từng lưới mà dây phao được cột cho phù hợp. Dây phao
được làm riêng sau đó ráp vào lưới đã đan.
84

Hình 2.12: Ngư dân vá lưới lồng


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4-2016)  
 

2.1.4.4. Nghề làm ngư cụ câu kiều


Hiện nay ở thôn Bình Thái có năm hộ làm nghề ngư cụ câu kiều. Nghề thủ công
làm câu kiều tại đầm chủ yếu theo hộ gia đình, ít thuê người ngoài. Tiền công sẽ chia
đều cho những người làm, trung bình 100.000 đồng/1 ngày. Công việc chia ra người
chính, người phụ. Đàn ông mài, cắt lưỡi câu, phụ nữ thì cột lưỡi câu, cột phao. Nghề
thủ công câu kiều làm theo đặt hàng, chủ yếu là những ngư dân đi biển ở miền Trung.
Mức độ đặt hàng dao động theo mùa ngư dân đi câu, không có tháng nào cố định họ sẽ
làm được bao nhiêu nẹp. Nghề này tuy vất vả nhưng công việc có quanh năm43.
Hộp 11
PVV: Dạ vâng. Như chú làm là làm theo đơn đặt hàng hay sao ạ?
CTV: Như làm cái nghề biển này thì người dân miền Trung ở xung quanh đây thì đặt hàng khoảng
100 cái nẹp, tới ngày rồi giao hàng cho họ thôi.
PVV: Tiền công mình làm thì chú tính thế nào ạ?
CTV: Tính theo ngày đó, tính đầu người thì 100.000 đồng/ 1 người. Ăn chia trong gia đình. Giả sử
như nhà chú làm 3 người thì cứ tháng là được 9 triệu. So với các nghề khác thì nghề làm câu kiều
tuy nhọc công hơn nhưng được cái có việc làm quanh năm, ngồi trong mát làm, rảnh lúc nào thì
mình làm lúc đó.
(Trích BBPV số 2)

                                                                                                                         
43
Theo lời ông PVB, trích BBPV số 2
85

Quy trình làm ngư cụ câu kiều phải trải qua hơn 10 công đoạn tỉ mỉ, công phu,
tất cả đều bằng thủ công: Đầu tiên, thợ làm câu kiều cắt cọng inox ra thành từng đoạn,
dùng búa đập dẹp và cắt nhọn ở cả hai đầu. Sau đó tỉ mỉ dùng một chiếc nỏ tự chế, uốn
cọng inox cong lại rồi chặt làm đôi để được hai lưỡi câu. Tiếp theo họ làm lần lượt các
thao tác như mài lưỡi, chặt ngạnh, buộc dây tiên, tóm lưỡi (móc lưỡi câu lên thanh mò
o)... Công đoạn cuối cùng của làm nẹp câu kiều là cắt và buộc phao vào lưới. Việc cắt
phao cũng đòi hỏi phải chính xác về kích thước: phao dài đúng 4cm, ngang 1,5cm; khi
buộc phao vào dây thì khoảng cách giữa các phao với nhau là 7 lưỡi câu. Nẹp câu kiều
dù loại lớn hay nhỏ đều có số lượng 160 lưỡi câu/nẹp, chỉ khác nhau về kích thước của
cọng inox dùng để làm lưỡi câu. Trung bình cứ 100 nẹp dài hơn 3000m, một nẹp dài
khoảng 35cm, có giá 160.000 đồng.
Sơ đồ 2.6: Giàn câu kiều

Vẽ sơ đồ: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4/2016


86

Hình 2.13: Người dân đang làm ngư cụ


câu kiều
(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 04/2016)  

Hộp 12
PVV: Vậy cách ngư dân họ sử dụng câu kiều này thế nào ạ?
CTV: Câu kiều đây là họ thả sát dưới đáy biển, khi thả inox nó nặng sẽ kéo xuống sát đáy
nhưng cứ 7 lưỡi thì có 1 phao nhờ phao này sẽ nổi lên. Ngư dân làm hay hay dở là họ phải thả
sao để phao và lưỡi kết hợp với nhau, làm sao để không nổi lắm và không chìm sâu là được,
nó cứ lơ lững phải canh sao để lưỡi câu căng ra cá chạy vào thì lưỡi sẽ dính vào mang cá, còn
nếu canh không đều lưỡi với phao sát mặt đất thì cá chạy ở trên sẽ bị tuột mất con mồi.
(Trích BBPV số 2)
2.1.4.5. Nghề đóng và sửa chữa ghe thuyền
Nghề đóng và sửa chữa ghe tàu chỉ thuộc quy mô nhỏ, tính chất hoạt động theo
từng hộ gia đình. Ở thôn Bình Thái có một hộ sửa ghe, sõng đã qua sử dụng; một hộ
chuyên đóng ghe mới.
- Về việc sửa chữa, người ta chỉ nhận ghe, sõng nhỏ chủ yếu đánh bắt trong khu
vực đầm. Tuỳ vào độ hư hỏng và kích thước của sõng mà thời gian sửa sẽ ngắn hay
dài, nếu sõng nhỏ có khi một buổi là xong, còn với những ghe cỡ vừa44 thì thời gian
sửa lâu hơn từ 2 đến 3 ngày. Tiền công sửa chữa người ta tính theo ngày, 300.000

                                                                                                                         
44
Ghe vừa có chiều dài từ 18-20m
87

đồng/1 ngày45. Do ghe đã qua sử dụng nên việc tu sửa tốn kém hơn làm ghe mới, vì
ghe cũ phải sửa lặt vặt rất nhiều.
- Việc đóng ghe, thuyền mới thuộc dạng công việc dây chuyền, với nhiều công
đoạn nhất định. Vật liệu để làm ghe là gỗ: gỗ bô hoặc gỗ sến. Những loại gỗ này mua
tại xưởng, khoảng vài chục triệu; và đinh sẽ mua ở các đại lý tại Quy Nhơn. Quy trình
làm ghe lần lượt qua các công đoạn: Người thợ bước đầu tiến hành dựng xỏ (xỏ lái, xỏ
mũi), bỏ đà (dựng các thanh ngang); tiếp đến là dán, bung dàn (dựng lên sườn ghe).
Phía trong sườn ghe người thợ tiến hành lắp ván sàn, làm cabin. Nếu là ghe máy, người
thợ tiến hành bắt máy(máy móc được mua ở các xưởng chuyên dụng). Riêng khâu này
người ta mời thợ máy đến lắp ráp. Công đoạn cuối cùng là sãm, đây là công đoạn ép
chặt các mối ván cho nước không vào. Sau khi chiếc ghe được hoàn thiện, việc tiếp
theo của người thợ là vẽ mắt ghe, ghi số đăng kí hải quan lên ghe, ví dụ như
“BĐ30804TS” – “BĐ” là chữ viết tắt Bình Định – “TS” thuỷ sản ghe có số đăng kí
riêng – “30804” là số đăng kí hải quan. Vẽ mắt thuyền là một tục lệ và rất quan trọng
đối với những ngư dân có ghe, tàu lớn chuyên đánh bắt ngoài khơi xa. Theo nhà nghiên
cứu Nguyễn Thanh Lợi: “Cư dân vùng sông nước xem con thuyền của mình như
một”vật linh”, một sinh vật có hồn. Họ quan niệm con thuyền cũng như con người, do
đó cần phải có mắt. Lễ mở mắt là một nghi thức khai tâm, một nghi thức thụ pháp... ở
Việt Nam, người ta khai sáng cho một chiếc thuyền mới bằng cách chạm trổ hoặc sơn
vẽ hai con mắt to ở mũi thuyền”46.

                                                                                                                         
45
Theo lời ông NTC, trích BBPV số 19
46
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/tai-lieu-pho-cap-vhh/van-hoa-viet-nam/1527-nguyen-thanh-
loi-tuc-ve-mat-thuyen.html
88

Hình 2.14: Ghe ở thôn Bình Thái


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 04/2016)

Tại khu vực đầm Thị Nại, do quy mô đánh bắt nhỏ, chủ yếu là đánh bắt gần bờ
nên vẽ mắt thuyền không có nghi thức riêng. Sau khi chiếc ghe, thuyền được làm xong,
người thợ chỉ cần đặt mẫu lên vẽ. Đối với cư dân trong trong khu vực đầm họ quan
niệm thuyền có mắt để biết được đường đi đường về tránh được rủi ro, tai nạn. Sau khi
các công đoạn hoàn tất, cuối cùng hạ thuỷ. Lễ hạ thuỷ rất quan trọng, cư dân cần coi
ngày giờ và làm lễ cúng tươm tất với mục đích cầu nguyện làm ăn phát đạt, mùa màng
bội thu.

Hình 2.15: Cư dân sửa ghe Hình 2.16: Cư dân đóng ghe mới
(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4-2016)
89

Thời gian đóng một chiếc ghe mới phụ thuộc vào mức độ ghe lớn, nhỏ nhưng
trung bình khoảng 20 ngày. Xưởng đóng ghe nhỏ của hộ gia đình nên số lượng nhân
công cũng hạn chế, thường chỉ có chủ xưởng và thợ. Giá tiền đóng ghe mới từ 25 – 40
triệu đồng. Ghe không có máy chỉ có giàn vỏ thì khoảng 20 -25 triệu đồng; còn ghe có
máy mới có giá 40triệu đồng. Giá của máy dao động từ 10 – 15 triệu đồng/1máy.
Người thợ đóng ghe chỉ làm khi có người đặt nên thời gian nhàn rỗi họ đi biển hoặc đi
Quy Nhơn xin vào các xưởng ghe.
2.2. Đời sống văn hoá vật chất của ngư dân:
Văn hoá vật chất của cộng đồng cư dân đầm Thị Nại là một quá trình xuyên suốt
các sắc thái văn hoá cổ truyền được lưu giữ và tồn tại từ đời này sang đời khác. Theo
quan điểm của nhà Dân tộc học người Nga X.A Tokarev, văn hoá vật chất chủ yếu bao
gồm: nhà ở, trang phục, ẩm thực, phương tiện đi lại, công cụ lao động... “Nó là những
yếu tố được hình thành và phát triển trong quá trình con người và tự nhiên tác động qua
lại lẫn nhau. Mỗi một môi trường tự nhiên khác nhau đòi hỏi con người phải có cách
ứng xử khác nhau để thích hợp với môi trường đó, từ đó hình thành nên các dạng văn
hoá phù hợp, đặc trưng cho mỗi khu vực tự nhiên” [6, tr.470-471]. Văn hoá vật chất
của cộng đồng dân cư đầm Thị Nại bao gồm một số lĩnh vực nhà ở, trang phục, ẩm
thực, phương tiện đi lại, công cụ lao động. Qua đó sẽ phản ánh được sự thích nghi của
cộng đồng với môi trường văn hoá, môi trường đầm phá tại vùng biển Bình Định.
2.2.1. Nhà ở:
Nhà ở là nơi cư trú, sinh hoạt của dân cư, cho dù ở bất cứ vùng miền nào. Nhà ở
đều mang tính chất bảo vệ con người và phù hợp với môi trường sống và điều kiện tự
nhiên. Chính lí do này đã khiến con người sáng tạo ra nhiều kiểu nhà khác nhau, tuỳ
vào thời gian, không gian, môi trường sống mà họ dựng nên những ngôi nhà có kiến
trúc khác nhau. Nhà ở phản ánh rõ nét sự phân hoá giàu, nghèo của các tầng lớp cư dân
qua từng thời kì lịch sử khác nhau.
90

Nhà ở có sự thay đổi theo chiều dài lịch sử, về tính chất giống nhau để bảo vệ con
người nhưng kiến trúc bên ngoài thì được con người thay đổi sao cho phù hợp với điều
kiện tự nhiên. Sự khác biệt trong việc xây dựng nhà cửa ở khu vực đầm Thị Nại, do
chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt mưa bão, hạn hán nên nhà ở đều là “nhà lá
mái”47, đây là nét đặc trưng của vùng đất Bình Định. Tính năng của nhà lá mái có thể
chống bão, mưa gió, mùa hè mát mẻ, phù hợp với môi trường sinh thái tại chỗ. Để
tránh lũ lụt, nhà cửa đều được đắp nền cao hay làm sàn nhà để chống lụt. Đặc trưng
trong việc xây dựng nhà cửa cũng đã được Quách Tấn chỉ ra “....trừ nơi thị tứ, nhà cửa
ở thôn quê đều lợp tranh. Chỉ có đến đình, chùa, miễu mới lợp ngói. Có hai thứ nhà
chính: nhà cặp và nhà mái” [57, tr.418]. Nhà cặp xưa có cấu trúc ba gian, hai chái,
diện tích gian nhà rộng hẹp phụ thuộc vào gia cảnh của cư dân. Nhà lá mái to hơn nhà
cặp, bên trong đều các cột, xiên được làm bằng gỗ, tường được hay đá tổ ong bên ngoài
quét vôi.
Ngày nay, “nhà tranh vách đất” không còn phù hợp với cuộc sống vùng biển.
Người dân muốn có một ngôi nhà vững chắc, không bị ảnh hưởng nhiều do thiên tai,
thời tiết. Họ xây nhà có tường làm bằng bê tông, cốt thép vững chắc, mái được lợp
bằng gạch nung. Nhà ở của cư dân trong khu vực đầm họ xây theo sở thích riêng của
mình và ảnh hưởng bởi kiến trúc nhà tân thời là dạng nhà có kết cấu kiên cố và theo
mặt bằng nhà 3 gian hay nhà chữ “Đinh”, cây đòn dông nhà trên thẳng vuông góc với
cây đòn dông nhà dưới như chữ (丁) trong Hán tự. Nhà ở được xây dựng sát vách hay
cách nhau bởi những con hẻm được đổ cát hay trải xi măng, những con hẻm này rộng
hay hẹp tuỳ vào việc xây dựng ngôi nhà của cư dân.
Việc sở hữu đất trên khu vực đầm, hai phần ba là do ông bà để lại, còn những
nhà xây ở mé sông đa phần là đất do cư dân lấn chiếm, ngày trước đây cư dân không

                                                                                                                         
47
Nhà lá mái: một loại nhà rương, mái nhà có hai lớp. Mái đầu tiên là lớp đất nện (đất sét, đất bùn),
mái thứ hai được lợp tranh.
91

có sổ đỏ, vài ba năm gần đây họ mới được chính quyền cấp sổ đỏ công nhận quyền sử
dụng đất 48. Đất là do ông bà để lại nên nhà ở thường có diện tích từ 100-200m2.

Hình 2.17: Nhà ở của cư dân ven đầm Thị Nại


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4-2016)
Tất cả những ngôi nhà trong khu vực ven đầm không có số nhà. Để tìm đến nhà
nào chỉ cần nói đến tên chủ nhà sẽ được người dân chỉ cặn kẽ đường đến nhà ấy. Diện
tích nhà rộng nhưng nội thất bên trong bài trí đơn giản, như ở phòng khách có bộ bàn
ghế gỗ nhỏ, tivi, kệ tivi, tủ trưng bày bên trong đựng tách chén...tuỳ thuộc vào nền kinh
tế riêng của từng hộ. Xây dựng nhà ở là việc quan trọng, nó là kết quả của cư dân
thông qua quá trình lao động, giúp cư dân vùng đầm ổn định được cuộc sống. Mỗi hộ
cư dân đều có đặc điểm chung trong bài trí gian thờ. Đa số người dân thờ Quan Âm Bồ
Tát và Ông bà Tổ tiên. Họ rất coi trọng Phật giáo, nơi thờ Quan Âm Bồ Tát luôn được
đặt trên cao, thể hiện sự tôn trọng, lòng thành kính. Bàn thờ ông bà tổ tiên được đặt
phía dưới. Đa phần những ngôi nhà trong thôn đều có cách bài trí tran thờ49 và đồ đạc
trong nhà giống nhau nên chúng tôi đã chọn ngôi nhà của ông Huỳnh Tấn Dũng để
khảo sát. Nhà xây dựng theo kiểu nhà chữ “Đinh” có diện tích hơn 100m2, được thiết
kế thành 3 phòng: phòng thờ, phòng khách, phòng ngủ.
                                                                                                                         
48
Theo lời ông HTD, trích BBPV số 1.
49
Tran thờ là kệ thờ thấp hơn bàn thờ, chủ yếu thờ các vị thần bảo hộ gia chủ. Theo “Đại Nam Quấc
Âm tự vị” của Hùinh Tịnh Của và Từ điển Hán Việt (1930).
92

Hình 2.18: Cách bài trí bên trong nhà ông HTD, thôn Bình Thái, xã Phước Thuận
(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 9-2018)
93

Sơ đồ 2.7: Cách bài trí nhà chữ Đinh

Vẽ sơ đồ: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 9/2018

2.2.2. Trang phục:


Trang phục chính là một trong những thành tố văn hoá để phân biệt sự khác nhau
giữa các dân tộc, nó liên quan đến các lĩnh vực trong đời sống xã hội như: phong tục
tập quán, nghề nghiệp, địa lý, tôn giáo...Bắt nguồn từ chức năng bảo vệ cơ thể đối với
thiên nhiên, trang phục có sự kế thừa và phát triển theo dòng lịch sử thể hiện bởi hệ
quy chiếu của tôn giáo, nhu cầu làm đẹp, giao tế, phù hợp với từng giai cấp, lứa tuổi,
giới tính mà có những dạng thức khác nhau như lễ phục, trang phục lễ hội... Văn hoá
94

mặc thể hiện nét đẹp tinh thần, truyền thống văn hoá của người Việt và sự giao lưu tiếp
biến với văn hoá Đông – Tây.
Miền Trung là một khu vực có khí hậu khắc nghiệt: mùa hè nắng, nóng; mùa mưa
thì bị thiên tai lũ lụt, cộng thêm môi trường sinh sống sông nước nên cư dân vùng đầm
Thị Nại chủ yếu chọn những trang phục gọn, nhẹ, chất liệu có đặc tính giữ ấm vào mùa
lạnh, mát mẻ vào mùa nóng, phù hợp lao động môi trường nước biển của đầm phá.
Trang phục của cư dân ngày nay mang tính chất cách tân, Âu hoá hơn, để phù
hợp với đặc tính môi trường xã hội. Đối với công việc lao động ở vùng đầm ven biển
người phụ nữ mặc đồ bộ, bên ngoài luôn khoác thêm chiếc áo sơmi hay những chiếc áo
khoác thun chất liệu vải dày để chống nắng. Nam giới đơn giản hơn, để tiện cho việc
thả lưới, kéo lưới, di chuyển dễ dàng nên trang phục của họ chủ yếu là quần ngắn, quần
lửng áo thun. Cư dân ở đây chỉ mong “đủ ăn, đủ mặc”, họ không bận tâm đến việc
“mặc đẹp”, chỉ cần trang phục phù hợp, gọn gàng, dễ dàng di chuyển và tiện lợi trong
công việc. Theo xu hướng thời trang hiện nay, trang phục sinh hoạt hằng ngày của giới
trẻ có sự thay đổi họ mặc đồ bộ, áo thun, quần ngắn...

Hình 2.19: Trang phục lao động của cư dân


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4/2016)
Hộp 13:
PVV: Dạ mà con hỏi thêm tí nữa ạ? Như thường ngày cô ra ruộng thì cô mặc đồ gì ạ?
CTV: Thì như con thấy đây, ở trong đồ bộ, bên ngoài khoác thêm cái áo sơmi cũ dài tay để
95

che cho đỡ nắng, đội thêm cái nón nữa là rồi đó. Dân ở đây đâu quan trọng đẹp gì hả con, có
mặc là mừng lắm rồi. Nhiều hộ nghèo đồ đạc hầu như là của người khác cho rồi về mặc lại
đi làm, vậy là mừng lắm rồi.
(Trích BBPV số 13)
Ngoài trang phục, cư dân còn có thêm phụ kiện gắn bó với họ trong sinh hoạt
hằng ngày đó là nón lá, do môi trường nắng gắt của vùng đầm phá ven biển nên loại
phụ kiện này được sử dụng rất phổ biến. Để làm chiếc nón lá, người dân trải qua rất
nhiều công đoạn nhưng quan trọng là khâu làm lá, lá cần đủ độ tươi có màu trắng nhẹ.
Nếu chọn lá quá tuổi, nón sẽ có màu vàng, còn lá non nón sẽ có nhiều gân xanh làm
cho nón thô cứng. Nón lá có dạng hình chóp. Khi chằm nón50 người thợ thường đặt
từng thếp lá lên khung và chằm dưới mí lá. Công dụng của nón lá giúp che nắng, che
mưa, quạt mát và có thể đựng những vật dụng nhẹ khi cần thiết.

Hình 2.20: Trang phục của phụ nữ tham gia lễ hội Đô thị Nước Mặn
ở xã Phước Quang
(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 3-2018)

                                                                                                                         
50
Chằm nón: khâu nón
96

Bên cạnh những trang phục thường ngày, áo dài được người dân chọn khi tham
dự các ngày lễ, hội. Trang phục tham gia lễ hội, đối với nam trung niên, người lớn tuổi
vào những dịp quan trọng như cúng lăng, miếu...họ thường chọn áo dài đen, xanh lam
có hoa tiết bông thọ, đội khăn đóng. Với những cụ già trên 80 tuổi thường chọn áo dài
đỏ. Với nữ giới tuỳ theo độ tuổi họ chọn những màu hay những hoạ tiết thích hợp. Đa
phần cư dân vùng đầm, thường chọn những bộ áo dài đơn sắc, hoa văn nhẹ nhàng, đơn
giản. Với giới trẻ thì vào dịp lễ, tết trang phục chủ yếu là áo sơ mi, quần tây, những bộ
váy áo được may theo kiểu tân thời hiện đại.
2.2.3. Ẩm thực:
Con người khi cư trú sinh sống ở đâu thì họ đều phải thích nghi với điều kiện môi
trường sống ở đó, đặc biệt đầu tiên là trong nếp sinh hoạt ăn uống. Thông qua ẩm thực,
người ta có thể phân biệt được các vùng miền khác nhau. Người Việt vùng biển ở miền
Trung hầu hết đều quen với hương vị ẩm thực cay, mặn. Do thích nghi với môi trường
thiên nhiên tại chỗ nên thức ăn thường ngày của cư dân hầu hết là hải sản như cá, tôm,
cua và đặc biệt các loại khô và mắm cá biển.
Cũng như bao gia đình người Việt khác, cơm là lương thực chính trong bữa ăn
hằng ngày của cư dân ở đầm Thị Nại. Thực phẩm đa số là hải sản còn dư sau khi bán ở
chợ và đa phần những sản phẩm thu hoạch được. Ngoài những loại hải sản có quanh
năm thì cũng có những hải sản có theo mùa như sứa51, ruốc, cua. Sau những trận lụt
đầu mùa, cua phổng phao và thịt ngon hơn những ngày bình thường.
Món ăn thể hiện cho đặc trưng của vùng đầm Thị Nại là món bánh xèo tôm nhảy.
Món ăn có tên đặc biệt này là do khi đổ bánh, tôm tươi được cho vào chảo dầu nóng
khiến tôm búng nhảy. Nguyên liệu làm bánh là bột gạo, tôm đất52, rau, nước mắm.
Muốn bánh ngon, khâu làm bột rất quan trọng. Bột gạo xay bằng tay trong cối đá vì
xay tay bột mới dẻo. Để mua được con tôm ngon người ta phải cất công đi lựa từ sáng
                                                                                                                         
51
Sứa trước kia rất nhiều nhưng nhiều năm trước do môi trường ô nhiễm nên chỉ 3-4 năm trở lại đây
sứa mới bắt đầu có lại.
52
Tôm đất: phải vừa được đánh lưới lên và tôm đất ở sông mới ngọt
97

sớm, tôm phải là tôm đất ở sông mới ngọt, rau tươi xanh vừa mới hái, nước mắm có
xoài bằm. Bánh xèo ăn ngon nhất vào những ngày mát trời hay vào mùa đông gió
lạnh53.

Hình 2.21: Bánh xèo tôm nhảy


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 8/2016)

Bữa ăn thường ngày của ngư dân không thể thiếu mắm, hầu như nhà nào cũng
biết làm mắm, một phần vì đặc trưng của người dân miền Trung thích ăn mặn, một
phần những con cá khi đánh bắt được sau khi bán còn dư lại người dân làm mắm để
bảo quản được lâu và dùng dần vào ngày mưa bão. Chỉ bằng những nguyên liệu có sẵn
trong môi trường tự nhiên và thông qua bàn tay khéo léo của ngư dân đã chế biến nên
những món ăn dân dã nhưng mang nét văn hoá độc đáo riêng của vùng đầm Thị Nại.
Mắm có nhiều loại: mắm mòi, mắm ruốc, mắm cua, mắm thu, mắm nhum, mắm ruột
ngon nổi tiếng, được làm từ bộ lòng của cá to.
Mắm ruốc được xem là loại mắm khá phổ biến đối với người dân địa phương vì
giá thành rẻ và hợp khẩu vị. Vào khoảng đầu tháng chạp là mùa ruốc, người dân đi đến
những vũng như Trà Ổ, Đề Gi, Tam Quan để đánh bắt ruốc...Người dân làm mắm ruốc
khá đơn giản, ruốc giã nhuyễn cho vào thùng và thêm muối. Ruốc để làm mắm đa phần
là loại ruốc tươi có màu hồng được đánh bắt ở vùng ngoài khơi hay những vùng cát.
                                                                                                                         
53
Theo lời bà LTT, trích BBPV số 24
98

Hộp 14:
PVV: Dạ em cảm ơn chị, vậy ở mình có món gì là đặc trưng nhất ạ?
CTV: Em ở Quy Nhơn cũng biết mà, thường dân biển có mắm là chính chứ gì, đủ thứ loại
mắm, nhà chị thì lâu lâu chị làm mắm ruốc ăn chơi.
PVV: Dạ chị, chị có thể chia sẻ cho em cách chị làm mắm ruốc được không ạ?
CTV: Chị làm ở nhà ăn thôi chứ không bán, muối theo kiểu dân giã dễ nhà nào cũng làm
được, cứ đến đầu tháng chạp nghe tin có ruốc là ngư dân đi đến những vũng hay bến cá chủ
yếu nằm ở Trà Ổ, Đề Gi, Tam Quan, chỗ nào gần thì ngư dân đi. Làm mắm ruốc kiểu như
chị là nghiệp dư thì dễ chỉ cần có ruốc đem về bỏ vào thùng, vại và thêm muối là được, ruốc
giã nhuyễn cứ một lớp ruốc một lớp muối, ở giữa đặt một cái toi cho nước ruốc chảy đọng
dưới đó, nước này rất ngon nhưng ít nhiều người gọi là đặc sản. Chọn ruốc phải chọn những
con tươi ngon có màu hồng, đây là ruốc ngoài khơi hay ở vùng cát. Còn ruốc màu xanh là
ruốc ở gành, ruốc này làm mắm thì ít ngon, rất bay mùi.
(Trích BBPV số 3)
Mắm thu, cá thu được coi là “khả thượng khả hạ” vì nó phù hợp với khẩu vị mọi
tầng lớp xã hội, song vì cách làm cầu kì khá phức tạp nên không phải nhà nào cũng biết
làm. Mắm thu có hai loại: mắm thu xay và mắm thu nguyên con cá hay cắt lát.
+ Mắm thu xay: Cá thu lớn hay nhỏ, còn tươi đem về vùi trong muối độ một tuần
lấy ra lọc bỏ lớp da, chỉ chừa phần thịt cá lúc này có màu ửng hồng. Sau đó đem xay,
quết nhuyễn vừa quết vừa thêm tỏi, nếu muốn ăn sớm hay để lâu thì tuỳ vào lượng
muối. Một muỗng canh cá thì trộn với một muỗng muối, vừa trộn vừa quết thành hỗn
hợp đặc sệt đem vỏ vào hủ đậy kín là có thể dùng được.
+ Mắm thu nguyên con các hoặc cắt lát: mắm thu còn có loại để nguyên con hay
cắt lát cách làm đơn giản hơn nhưng cần có kinh nghiệm, chỉ những người chuyên
nghiệp mới làm được ngon. Vì chọn cá thu làm mắm này, muối cũng phải độ vừa tay,
cá này giá thành cao nên ít hộ nào làm để ăn, cá thu được vùi trong muối bỏ vào trong
thùng ván không lấy nước mắm, để bao lâu cũng được.
99

Mắm cua được xem là đặc sản nơi đây, loại cua làm mắm là cua ở hang ven
đầm. Bắt cua không những để mưu sinh mà còn là một thú vui. Cua ven bờ đầm có rải
rác ở khắp nơi 54. Cua đực thường lớn hơn cua cái, cua đực màu nâu hồng, một càng to
một càng nhỏ; cua cái màu nâu vàng hai càng bằng nhau, cả hai đều được sử dụng để
làm mắm. Mắm cua cũng có nhiều loại khác nhau: mắm cua tươi, mắm cua chua. Dù 2
loại mắm khác nhau nhưng làm mắm cua đều trải qua công đoạn như giã, rây lượt, thịt
cua kết hợp với nước cho ra hỗn hợp sệt, gọi là riêu hoặc rạm.
+ Mắm cua tươi: chỉ cần cho lên bếp, khuấy nhẹ, sau đó để yến cho tới khi riêu
chín, đóng “óc trâu”, khi ăn nêm ít muối, củ gừng giã nhỏ, lá gừng xắc lát ăn kèm với
bún hay cơm đều rất ngon.
+ Mắm cua chua: cho nhiều muối, không bắc lên bếp ngay mà phải để từ 12 đến
14 tiếng mới đem nấu, vị của mắm cua chua béo hơn mắm cua tươi. Muốn để lâu hơn
khoảng từ 1 đến 2 tuần, mắm cho vào hũ đậy nút kín rồi đem phơi nắng.
Ngoài ra cua được chế biến món cua rang chủ yếu sử dụng là cua cái. Cua khi
đánh bắt về đem ngâm nước gạo khoảng 3 tiếng để cua được chắc thịt, sau đó rửa sạch,
bẻ hết càng rồi thêm ít gia vị muối, gừng. Dầu phụng được đun nóng, khử hành, cuối
cùng cho cua vào rang đến khi chín vàng. Cua rang được ăn kèm với rau sống và bánh
tráng nướng.
Hộp 15:
PVV: Dạ con nghe cô nói muối mắm ở địa phương mình loại mắm nào là đặc trưng ạ?
CTV: Mắm thì nhiều loại lắm con, mắm thu, mắm cua, mắm ruột đủ hết, mà đặc trưng là
mắm cua đó con, cứ đến mùa cua là nẫu đi bắt vậy đó, không phải cái nghề nữa mà nó như
thú vui đó con, già trẻ lớn bé gì cùng đi. Mắm cua dễ làm lắm con, chỉ cần giã cua rồi vắt
ra nước, khi ăn thì đun nóng lên cua chín đóng thành “óc trâu” lúc đó là dùng được rồi, loại
này nẫu gọi là riêu hay rạm. Món này nổi tiếng ở Phước Sơn đó con.
(Trích BBPV số 13)

                                                                                                                         
54
Hang cua là những lỗ tròn sâu tầm ba bốn tấc, nằm theo theo chân ven bờ đầm
100

Cách ăn của những ngư dân vùng đầm, biển rất đơn sơ, “có khi chỉ là cơm nắm
với mắm mòi, con mắm thì dùng tay xé, xương thì dùng răng mà rút, ăn vậy vừa ngon
mà vừa đúng điệu” [34, tr.14]. Đầm Thị Nại thuộc vùng Nam Trung Bộ. Cư dân đầm
Thị Nại cũng là cư dân Nam Trung Bộ có đặc điểm chung, người dân thường xuyên ăn
bánh tráng trong những ngày thường hoặc ngày lễ.
Vào dịp lễ, tết, ngoài những món không thể thiếu như bánh chưng, bánh tét thì
người dân vùng đầm Thị Nại còn có các món bánh truyền thống do phụ nữ khéo tay
làm như: bánh ít, bánh in, bánh thuẫn, bánh su sê...
+ Bánh in được làm từ những nguyên liệu: bột nếp, đường cát trắng, đậu xanh,
gừng, mè trắng. Để bánh dẻo, xốp, không bị cứng và bở, khâu quan trọng nhất là làm
bột bánh. Bột nếp trộn với đường cát trắng nấu sôi để nguội theo tỉ lệ 1 kí đường 1 kí
bột, khi trộn bột người dân thường dùng chày cán thật nhuyễn để khi thành phẩm bánh
có độ mịn. Khuôn bánh được làm bằng gỗ hay nhựa có cạnh 3-5cm, được in nhiều hoa
văn khác nhau để khi bánh thành phẩm ra được nhiều hoạ tiết. Quy trình làm bánh
gồm: ép bánh vào khuôn, đổ bột vào lớp đáy, ở giữa là nhân, đổ một lớp bột lên trên,
lấy nắp đậy và dùng tay ấn nhẹ. Bánh mới làm không được lấy ra ngay mà phải để
khoảng 15 phút để bánh không bị bể. Nhân làm bánh thường có nhiều loại như nhân
đậu xanh, dừa, mè...trộn đường. Phổ biến nhất là bánh in nhân mè.

Hình 2.22: Bánh in


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 9/2018)
101

Bánh ít lá gai là loại bánh không chỉ được sử dụng trong dịp lễ, tết, giỗ chạp,
cúng kiếng, mà còn là quà vặt thường ngày. Bánh ít lá gai được làm với nguyên liệu
chính là lá gai hay lá mơ có màu đen. Lá gai rửa sạch, luộc chín, để ráo nước sau đó
người ta cho vào cối giã đều. Bột nếp dẻo trộn chung với đường và lá gai sau đó trộn
lại giã nhuyễn, thêm ít dầu phụng để bột không bị bết và dính. Tuỳ theo khẩu vị từng
hộ gia đình mà nhân bánh được làm khác nhau, có thể là nhân đậu xanh, đậu đen, nhân
dừa hay cũng có khi người dân dùng tôm, thịt để làm bánh trong trường hợp này gọi là
bánh ít mặn. Khâu cuối cùng, người dân dùng lá chuối gói bánh thành hình chóp nón
và đem hấp cách thuỷ. Bánh ít là gai là đặc sản của người dân Bình Định nói chung và
người dân đầm Thị Nại nói riêng.

Hình 2.23 Bánh ít lá gai


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 9/2018)

+ Bánh thuẫn cũng là loại bánh không thể thiếu trong dịp lễ, tết của người dân
địa phương. Bánh thuẫn dễ làm với nguyên liệu đơn giản gồm có bột năng và bột bình
tinh55, trứng gà, đường, khuôn bánh làm bằng đồng. Quy trình làm bánh như sau:
Trứng gà, đường được bánh bông, bột năng, bột bình tinh rây mịn cho vào tiếp tục
đánh đều tay cho hỗn hợp quyện lại. Khuôn bánh bằng đồng đun nóng, thoa ít dầu để

                                                                                                                         
55  Bột bình tinh: còn gọi là huỳnh tinh, mì tinh được chiết xuất từ củ và rễ của loại cây này, có tác dụng

trị các bệnh tiêu hoá.


102

khi nướng, bánh không bị dính, đổ hỗn hợp bột vào khuôn và nướng trong thời gian 15
phút.

Hình 2.24: Cách đổ bánh thuẫn


(Nguồn: http://xunau.vn/dac-san/banh-thuan-binh-dinh-603/)
+ Bánh su sê hay còn gọi là bánh phu thê, một loại bánh không thể thiếu vào lễ
cưới của người dân Bình Định nói chung và người dân đầm Thị Nại nói riêng. Bánh
được làm từ bột năng, đậu xanh, dừa và lá dừa. Quy trình làm bánh: đầu tiên người ta
làm hộp bánh: đáy hộp bằng lá dừa, lá khoảng 20cm, được gấp thành 5
đoạn(4cm/đoạn) cắt đứt xếp xéo góc cho thành hình vuông, dùng tăm tre ghim lại. Làm
nắp hộp có kích thước tương tự đáy nhưng cắt mỗi cạnh dài hơn 5mm (22,5 cm). Chế
biến bánh gồm: bột năng, nước, đường trộn chung cho lên bếp, khuấy chín, nhân bánh
được làm từ đậu xanh và dừa. Tiếp đến đổ bột vào đáy hộp, ở giữa để nhân, sau đó đổ
lớp bột lên trên cùng cho đầy hộp, thoa dầu phụng và ép cho bánh có hình vuông, cuối
cùng đem hấp cách thuỷ.56

                                                                                                                         
56
http://www.baobinhdinh.com.vn/768/2004/7/12807/
103

Hình 2.25: Bánh su sê


(Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/)

Trong những ngày giỗ chạp, cúng kiếng cư dân, vùng đầm Thị Nại thường sử
dụng thịt gà, thịt vịt, thịt bò, thịt heo, thông qua nhiều cách chế biến khác nhau như:
xào, chiên, nướng, luộc... Tuỳ thuộc vào kinh tế của từng hộ gia đình, số lượng món ăn
trong ngày giỗ, cúng kiếng sẽ khác nhau. Các món được sử dụng phổ biến nhất như:
thịt gà luộc, bò cuộn lá lốt, khổ qua nhồi thịt, chả ram, thịt nướng ngũ vị, nem, chả
lụa...Trong ngày giỗ chạp, các món ăn được bày biện trên bàn thờ ông bà tổ tiên, với ý
nghĩa “mâm cao cỗ đầy” thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà. Đặc biệt trên
mâm cúng không sử dụng hải sản vì người dân quan niệm hải sản là những món ăn
thường nhật, có trong bữa cơm gia đình, bên cạnh đó việc không sử dụng hải sản thể
hiện lòng biết ơn, kính trọng với bậc tiền nhân đã phù hộ cho họ có đời sống an bình,
mùa màng bội thu57.
Thiết đãi khách khi nhà có đám, tiệc, giỗ chạp...với người dân đầm Thị Nại thể
hiện được sự gần gũi, thân thuộc giữa bà con trong thôn, xóm. Tuỳ thuộc kinh tế từng
gia đình mà việc thiết đãi khách cũng khác nhau, có nhà dựng rạp, thuê bàn ghế, có nhà
trải chiếu trên sàn và bà con ngồi vây quanh mâm tiệc. Đầy đủ các món được bày ra
một lần, từ món khai vị, món chính đến món tráng miệng. Món khai vị ở đây là bánh
                                                                                                                         
57
Theo lời ông HVT, trích BBPV số 17
104

tráng nướng, món ăn thông dụng của người dân Nam Trung Bộ nói chung và người dân
Bình Định nói riêng. Cách chế biến đơn giản với nguyên liệu là bột gạo tráng một lớp
mỏng phơi khô và để dùng dần. Bánh tráng để khô có thể sử dụng trong thời gian dài,
khi cần có thể ăn ngay hoặc nhúng nước hay nướng tuỳ theo khẩu vị từng người. Món
chính là nem, chả, canh khổ qua nhồi thịt, thịt gà luộc, bò cuộn lá lốt.. Món tráng
miệng chính là những món bánh đặc trưng như bánh ít lá gai, bánh in hay trái cây. Hiện
nay, trong đám tiệc, giỗ chạp người dân không sử dụng rượu bọt, rượu trắng mà thay
vào đó là thức uống hiện đại như bia, nước ngọt.
2.2.4. Phương tiện di chuyển:
Điều kiện môi trường sống của cư dân chủ yếu gắn liền với đầm nên phương tiện
họ sử dụng để di chuyển hay đánh bắt chính là ghe, tàu, sõng...Hiện nay có rất nhiều
định nghĩa khác khác nhau về những loại phương tiện này. Trong luận văn này, chúng
tôi diễn giãi những phương tiện này như sau:
- Ghe: là một loại thuyền gỗ, có gắn máy, phương tiện đánh bắt chủ yếu
của cư dân. Tuỳ thuộc vào quy mô đánh bắt mà kích thước của ghe có sự
thay đổi. Trọng tải 6-7 tấn, mã lực 20CV.
- Sõng: là một loại nhỏ, không gắn động cơ, không có mái che. Phương
tiện dùng đánh bắt gần bờ.

Hình 2.26: Ghe đánh bắt trong khu vực đầm


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4-2016)
105

Tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình, quy mô đánh bắt mà mỗi hộ cư dân
trang bị cho mình từ một đến hai ghe. Những hộ kinh tế khó khăn, quy mô đánh bắt chỉ
ở trong khu vực đầm thì họ sử dụng ghe nhỏ hay sõng chèo bằng tay. Việc sử dụng
ghe, sõng không chỉ phục vụ cư dân trong công việc đánh bắt hằng ngày mà vào mùa
mưa lũ người dân sử dụng ghe, sõng để di chuyển lánh nạn đến nơi khác.

Hình 2.27: Sõng là phương tiện đánh bắt nhỏ, lẻ


trong đầm
(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4-2016)
 

Hộp 16:
PVV: Phương tiện đánh bắt chú sử dụng đây gọi là gì ạ? Làm nghề này tiền vốn chú bỏ ra
nhiều không ạ?
CTV1: Thì cái sõng này hiện nay cũng hai triệu mấy gần ba triệu, tiền lưới thì gần cả triệu
bạc. Tiền vốn bỏ ra khoảng hơn bốn triệu đó. Rồi đến mùa mưa lũ thì cũng sử dụng sõng để
đi lại, ở cái vùng này nhà nào mà không có cái sõng, nó là phương tiện thiết yếu đó cô, nhiều
khi cần nó hơn cần chiếc xe máy.
(Ông TVS, trích BBPV số 7)
PVV: Dạ anh cho em hỏi như ghe là các anh kêu thợ đóng mới luôn ạ?
CTV2: Ừ! Lúc trước chưa có tiền thì anh đi ghe đây, làm một thời gian có của ăn của để thì
anh đóng ghe mới hơn để tiện việc đánh lưới khác
PVV: Dạ vậy tiền đóng ghe mới là bao nhiêu ạ?
CTV2: Cũng 19-20 triệu là cái ghe nhỏ đây, ghe này anh dùng để đi đánh lưới tôm, còn ghe
anh đang làm nghề lưới thẻo thì anh mua cũ lại của nẫu cũng 70-80 triệu, rồi anh về sữa
106

chửa lại cũng cả 100triệu.


(Ông VVX, VVT, trích BBPV số 23)
Ngoài việc sử dụng ghe, sõng để di chuyển trên mặt nước, mỗi hộ cư dân đều có
xe gắn máy để phục vụ nhu cầu di chuyển trên đất liền.
Như vậy đời sống vật chất của người dân ở đầm Thị Nại khá sung túc và đầy đủ.
Nói đến đầm Thị Nại loại hải sản nổi tiếng là hàu và tôm đất, nguồn lợi thuỷ hải sản
dồi dào qua bàn tay khéo léo của người dân họ đã chế biến nhiều món ăn mang nét
riêng của vùng đầm. Cuộc sống của cư dân ở đầm Thị Nại nói riêng và cư dân miền
Trung nói chung khẩu vị ăn mặn nên họ rất chuộng các loại mắm như mắm mòi, mắm
ruốc, mắm cua...Phụ nữ trong đầm ngoài làm nghề biển, họ còn là làm những món ăn,
món bánh được sử dụng trong dịp cúng giỗ hay lễ, tết. Ẩm thực đa dạng, phong phú,
đời sống đầy đủ. Do đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản trên đầm nên nhà cửa đa số
kiên cố, phương tiện di chuyển khá thuận lợi.
107

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Chương 2, chúng tôi nêu lên các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế và văn
hoá vật chất của cư dân vùng đầm Thị Nại.
Hoạt động kinh tế của cư dân thể hiện qua các khía cạnh đánh bắt, nuôi trồng
thuỷ hải sản, nghề làm muối và tiểu thủ công nghiệp. Trong hoạt động khai thác thuỷ
hải sản, để thích ứng với điều kiện sống khu vực đầm Thị Nại cư dân nơi đây đã có
nhiều loại hình khai thác khác nhau với các hình thức đánh bắt đa dạng như lưới lồng,
lưới tôm, lưới gõ, lưới tủ ngao, lưới chồ, câu kiều, câu thẻo, đào phễnh. Tuy nhiên, lưới
lồng hiện nay đang bị chính quyền cấm sử dụng vì nó khai thác triệt để nguồn lợi thuỷ
hải sản có trong đầm. Vấn đề đặt ra, chính quyền ban hành lệnh cấm nhưng không tạo
cho cư dân công việc mới để chuyển đổi sinh kế nên họ vẫn sử dụng lưới lồng để đánh
bắt và cũng chưa gặp được sự chế tài nào của chính quyền. Phương tiện đánh bắt được
người dân sử dụng và cải tiến cho phù hợp với điều kiện khai thác gần bờ là ghe và
sõng. Cộng đồng cư dân vùng đầm còn nuôi trồng thuỷ hải sản như nuôi tôm, cá...để
khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản và chủ động cung cấp cho thị trường. Nghề tiểu công
nghiệp có trong khu vực này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của cư dân trong vùng.
Việc khảo sát nhà ở, ẩm thực, trang phục, phương tiện đi lại cho thấy được đời
sống của cộng đồng cư dân đầm Thị Nại hiện nay tương đối khá giả. Nhà ở được xây
dựng kiên cố, khang trang, hình thức cư trú phù hợp môi trường đánh bắt, nuôi trồng
thuỷ hải sản. Trang phục phù hợp với không gian ven biển và trên đầm, thể hiện qua
công việc lao động thường ngày ngoài trời. Đặc tính chung ở Nam Trung Bộ nói chung
và đầm Thị Nại nói riêng, đều là vùng biển, môi trường sống và môi trường đánh bắt
đều là biển cả nên món ăn thường ngày của họ là hải sản đánh bắt và mắm rất đa dạng.
Điều này đã thể hiện được dấu ấn môi trường biển. Cuối cùng là phương tiện đi lại
người dân sử dụng ghe, sõng di chuyển trên mặt nước nhưng song song đó việc di
chuyển trên đất liền cũng rất cần thiết cho việc trao đổi, mua bán hàng hoá nên người
108

dân sử dụng thêm xe gắn máy. Tất cả đều thể hiện rõ dấu ấn văn hoá biển, văn hoá ven
bờ đầm, vừa có yếu tố biển và vùng nông nghiệp phía sau.
Qua khảo sát hai khía cạnh chính hoạt động kinh tế và văn hoá vật chất của cộng
đồng cư dân tại đây, chúng tôi nhận thấy tất cả những hoạt động sống của người dân
đều phụ thuộc vào môi trường sinh thái tại chỗ. Chính yếu tố này đã giúp cho người
dân sáng tạo ra nhiều loại hình lao động khác nhau giúp kinh tế từng hộ gia đình được
ổn định và tạo ra được nét đặc trưng văn hoá riêng cho vùng đầm Thị Nại.
109

CHƯƠNG 3: VĂN HOÁ TINH THẦN VÀ VĂN HOÁ XÃ HỘI CỦA CỘNG
ĐỒNG CƯ DÂN ĐẦM THỊ NẠI
Văn hoá tinh thần tổng hợp của các thành tố: tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục,
tập quán, lễ hội, nghệ thuật... các hoạt động này gắn liền với đời sống của cư dân và có
mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Văn hoá tinh thần và văn hoá xã hội là sản
phẩm tinh thần của con người được hình thành trong quá trình lao động. Nghiên cứu về
văn hoá tinh thần và văn hoá xã hội tại đầm Thị Nại là việc tìm hiểu về sự dung hợp
văn hoá khi người Việt từ Quảng Nam vào Thị Nại chủ yếu khoảng từ thế kỷ XV và cư
dân tại đây giao lưu văn hoá với người Hoa, sau đó đoàn truyền đạo Tây Ban Nha, Bồ
Đào Nha, Pháp khiến cho vùng đầm Thị Nại có sự tiếp xức nhiều nguồn văn hoá so với
những nơi khác để làm giàu cho nền văn hoá tại chỗ.
Trong chương này chúng tôi tìm hiểu về văn hoá tinh thần và văn hoá xã hội của
cư dân vùng đầm Thị Nại thông qua các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội, văn hoá nghệ
thuật, tri thức bản địa. Văn hoá xã hội qua các tổ chức quan phương (tổ chức chính
thức), tổ chức phi quan phương (tổ chức không chính thức), phong tục tập quán,.
3.1. Văn hoá tinh thần
Vào cuối thế kỉ XVI-XVII, các Chúa Nguyễn khuyến khích nền kinh tế phát triển
bằng cách mở cửa giao thương buôn bán với nước bên ngoài để xây dựng tiềm lực cho
Đàng Trong. Các nước phương Đông, phương Tây và khu vực phía Nam Trung Quốc
đã dong thuyền đến Đàng Trong giao thương, trao đổi hàng hoá. Quá trình định cư của
các cộng đồng cư dân khác nhau đã dẫn đến sự đa dạng tín ngưỡng,mang đặc trưng
giữa sắc thái bản địa với sắc thái ngoại lai “Văn hoá của cư dân vùng đất mới , dù là
của dân tộc nào, cũng đều là sự kết hợp của truyền thống văn hoá trong tiềm thức,
trong dòng máu và điều kiện tự nhiên, lịch sử của vùng đất mới. Nó phát triển trong
điều kiện cách xa vùng đất cội nguồn cả về không gian và thời gian”58. Chính yếu tố
này đã giúp cho huyện Tuy Phước có hệ thống tôn giáo đa dạng, phong phú thể hiện từ
                                                                                                                         
58
Trần Quốc Vượng (1999), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giá dục, Hà Nội, tr.271
110

Phật giáo, Công giáo và một hệ thống tín ngưỡng đa dạng như Tín ngưỡng thờ Tiền
hiền, tín ngưỡng thờ Cá Ông, tín ngưỡng thờ Mẫu....
Qua khảo sát tại xã Phước Thuận, chúng tôi nhận thấy được vùng này có dấu ấn
tôn giáo rất mạnh chứng tỏ đây là vùng đô hội, phát triển. Ở đâu có tôn giáo hoạt động
mạnh thì nơi đó cộng đồng dân cư có đời sống cao. Thôn Bình Thái nói riêng và xã
Phước Thuận nói chung là nơi có tín ngưỡng, tôn giáo nổi trội, có 8 chùa, 3 cơ sở Công
giáo và có 3 cơ sở tín ngưỡng.
Bảng 3.1 Hệ thống tôn giáo ở xã Phước Thuận
STT TÊN CƠ SỞ ĐỊA ĐIỂM
1 Chùa Hải Minh Thôn Bình Thái
2 Lăng Ông Thôn Bình Thái
3 Miếu Thanh Minh Thôn Bình Thái
4 Miếu Ngài Đen Thôn Bình Thái
5 Chùa Pháp Hải Thôn Diêm Vân
6 Chùa Hải Phong Thôn Lộc Hạ
7 Chùa Nhơn Hoà Thôn Nhân Ân
8 Chùa Long Phước Thôn Tân Thuận
9 Chùa Phổ Bảo Thôn Phổ Trạch
10 Chùa Phổ Quang Thôn Phổ Trạch
11 Chùa Vân Sơn Thôn Quảng Vân
12 Tiểu chủng viện Làng Sông Thôn Quảng Vân
13 Giáo xứ Tân Dinh Thôn Quảng Vân
14 Giáo xứ Tân Quán Thôn Quảng Vân
(Nguồn: Phòng Nội vụ - Uỷ ban nhân dân huyện Tuy Phước)
111

3.1.1. Hoạt động tín ngưỡng


Đặc trưng của xã Phước Thuận là nơi có 3 cơ sở tín ngưỡng thờ Cá Ông, thờ
Âm hồn Cô bác, thờ Ngài Đen, trong đó đặc trưng nổi bật nhất của ngư dân là thờ Cá
Ông.
3.1.1.1. Tín ngưỡng thờ Cá Ông.
Đối với những cư dân sinh sống ở biển, cuộc sống của họ luôn gặp bất trắc,
hiểm nguy, không gian bao la rộng lớn khiến người dân luôn cảm thấy bất an. Để trấn
an, củng cố niềm tin ấy cư dân đã tin tưởng vào cá Ông và tin rằng Ông giúp cho họ có
được mùa màng bội thu, cứu cư dân thoát nạn khi có bão, sóng to gió lớn. Đối với cư
dân đầm Thị Nại, không gian trong đầm nhỏ tương đối an toàn, không chịu nhiều thiên
tai đối với những người dân đánh bắt gần bờ và nuôi trồng thuỷ hải. Tuy nhiên đầm
vẫn thuộc biển cận duyên hải với những người dân đánh bắt xa bờ họ vẫn nguy hiểm
nên họ thờ cúng cá Ông và có Lễ hội Cầu ngư. Theo lời kể lại của trưởng bản vạn
ĐVH “khi phát hiện Ông (cá voi) luỵ, dạt vào bờ biển làng chài được người dân trong
thôn phát hiện và đưa về chôn cất Ông ở bãi cát rộng cách thôn chừng ba bốn cây số,
họ gọi nơi đây là Mả Ông, ba năm sau cốt của Ông được lấy lên lau rửa bằng rượu,
xếp vào hộp đem về cúng, Đến ngày giỗ Ông, ngày 6 tháng 9 âm lịch họ lại mang cốt
Ông ra rửa. Ngày này người dân trong vạn cúng giỗ tương tự như cúng ông bà, tổ
tiên”59.
Tục thờ cá Ông tồn tại cách đây khoảng hơn 200 năm, được xem là tín ngưỡng
nghề nghiệp của cư dân phản ánh đời sống lao động sản xuất, cũng là dịp cầu mong
một thế lực siêu nhiên phù hộ cho công việc được thuận lợi, mùa màng bội thu. Đối với
cư dân, cá Ông luôn linh hiển, có sức mạnh phi thường, đáp ứng được ý nguyện của cư
dân và ứng cứu kịp thời mỗi khi họ gặp nguy hiểm. Người dân xem cá Ông như một vị
Thần gắn liền với đời sống tâm linh của họ. Dưới thời nhà Nguyễn, Cá Ông được sắc
phong nhiều thần hiệu như: “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần”, “Đông Hải Cự Tộc
                                                                                                                         
59
Theo lời ông ĐVH, trích BBPV số 21
112

Ngọc Lân tôn thần”. Ngư dân kính cẩn gọi Ông với nhiều danh xưng như Ông lớn,
Ông Nam Hải. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi: Tài liệu xưa ghi chép về tục
thờ Cá Ông có lẽ là Thoái thực ký văn: “Hải thu tục gọi là cá ông voi, mình dày không
vảy, đuôi giống tôm, kỳ nó rất sắc, mũi ở trên trán, tính có nhân hay cứu người. Người
đi thuyền gặp phong ba mà đắm, nó thường đội trên lưng đưa vào gần bờ, vẫy đuôi bỏ
lên. Người miệt biển rất kính”60
Theo lời kể của các vị cao niên, Cá Ông tồn tại trong truyền thuyết của người
Chăm, đó là Nam thần, là Po Riyah (Thần sóng): “Ngày xưa, có chàng Eh Wa xuất
thân từ nông dân nghèo, bị bọn cường hào ác bá áp bức, quyết tâm ra đi tìm thầy học
đạo. Sau bao năm tháng học tập dù chưa xong, nhưng do nỗi nhớ quê nhà, chàng xin
thầy cho về để giúp đỡ mọi người. Thầy không cho song chàng vẫn kết bè vượt sóng về
cố hương. Bị lời nguyền rủa của thầy, đến gần đất liền Eh Wa bị phong ba bão tố, vỡ
bè, chàng bị cá mập nuốt sống. Vong hồn Eh Wa nhập vào cá voi để cứu độ ngư dân
khi bị nạn. Eh Wa chết vì sóng nên được người Chăm truyền tụng là Pô Riyak (thần
Sóng)”61.. Truyền thuyết của Cá Ông còn liên quan đến Phật giáo nên dễ dàng được
người dân chấp nhận: “Theo huyền thoại, xưa kia Quán Thế Âm Bồ Tát trong lần tuần
du đại hải, Bồ Tát ngậm ngùi đau xót cho số phận của người trần bị chết chìm ngoài
biển khơi nên xé tấm pháp y làm muôn mảnh thả trên mặt biển làm phép thành Cá
Ông, lấy bộ xương voi ban cho để cá Ông có thân hình to lớn, lại ban phép thâu đường
để lội thật mau hầu tròn trách nhiệm cứu vớt người lâm nạn”62. Hay một tích truyền
khác: “Tục truyền rằng cá voi là biến thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã có lần hoá

                                                                                                                         
60
Phan Thị Yến Tuyết (2014), Đời sống xã hội-kinh tế văn hoá của ngư dân và cư vùng biển Nam Bộ,
Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr.363-364
61
http://nhanhoc.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=0261961d-bd9e-4294-be41-ebcd3c10b8a1
62
Lê Quang Nghiêm(1970), Tục thờ cúng của ngư phủ lưới đăng Khánh Hoà, Nxb Trung tâm văn bút
Việt Nam, Sài gòn
113

thân để cứu khổ chúng sanh, Ngài đã hoá thân thành Ông Nam Hải đi tuần du biển
Nam Hải” 63.
B.Malinowski khi nghiên cứu về đời sống của người Trobriand ở một hòn đảo
Thái Bình Dương:
“Biểu tượng ma thuật xuất hiện khi con người không tin vào sức mạnh của
mình, khi nó vấp phải vấn đề mà việc giải quyết không hẳn phụ thuộc vào bản thân của
con người mà chủ yếu phụ thuộc vào vô số nhân tô tham dự. Chính điều đó đã bắt con
người phải đặt hi vọng vào sự giúp đỡ của những lực lượng bí ẩn và phải thực hiện
những hành vi ma thuật” [6, tr.353].
Lăng Ông được xây dựng năm 1785 và được tu sửa năm 2002, chúng tôi ghi lại
năm tháng theo trên tường. Trong Lăng Ông hiện nay thờ cốt cá Ông, ngoài ra có các
vị Tiền Hiền – Hậu Hiền. Lăng được xây dựng quay mặt ra đầm, thiết kế theo kiến trúc
tường bê tông, mái lợp ngói, phía trên trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, cổng tam
quan với một cửa chính ở giữa và hai cửa phụ hai bên, phía trên hai đầu đốc trang trí
hình tượng con nghê (toan nghê)64. Phía trong lăng có 5 bàn thờ nhỏ (3 bàn thờ đặt ở
giữa, 2 bàn thờ đặt hai bên tường), bàn thờ ở giữa là bàn thờ Ông Nam Hải có đặt hộp
gỗ bên trong đựng cốt Cá Ông. Trên tường viết chữ Thần. Bên trái của bàn thờ Cá Ông
là bàn thờ Tả ban, bên phải bàn thờ Hữu ban. Hai bên tường có bàn thờ Tiền hiền bên
trái và Hậu hiền bên phải.

                                                                                                                         
63
Phan Thị Yến Tuyết (2014), Đời sống xã hội-kinh tế văn hoá của ngư dân và cư vùng biển Nam Bộ,
Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr. 364
64
Nghê: là một động vật thần thoại, là biến thể từ sư tử và chó dữ, thường được dùng làm linh vật
trong các cổng đình chùa, đền miếu Việt Nam. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Con_nghê
114

Sơ đồ 3.1. Bàn thờ Cá Ông

(Vẽ sơ đồ: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 8/2018)


Cá Ông gắn liền với đời sống tín ngưỡng của cộng đồng cư dân. Hằng năm
ngoài nghi thức cúng tế Ông trong lễ hội cầu ngư, cư dân còn ngày đêm hương khói
thờ phụng. Ngày Ông luỵ là ngày giỗ Ông, cư dân gọi chung là cúng lăng. Tục thờ Cá
Ông có từ lâu đời. Việc thờ cúng Ông do vị Chánh tế thực hiện, vị này được người dân
trong làng bầu ra 65.

                                                                                                                         
65  Theo lời ông HTD, trích BBPV số 1
115

Hình 3.1: Bàn thờ Ông Nam Hải Hình 3.2 :Lăng Ông Nam Hải
(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4/2016) (Ảnh: Thư viện huyện Tuy Phước)

Hình 3.3: Bàn thờ Tiền hiền Hình 3.4: Bàn thờ Hậu hiền
( Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 2/2017)

3.1.1.2. Tín ngưỡng Ngài Đen (Ông Ngài)


Miếu có từ lâu đời nhưng được phục dựng và trùng tu năm 2002, được ghi lại trên
cửa vào miếu. Kiến trúc được xây theo kiểu tường bê tông, trên mái đổ tấm đan. Cột
bên trái có dòng chữ “Bảo che độc phương ngung” có nghĩa che chắn bảo vệ cho một
vùng; cột bên phải ghi “Kha hộ đồng bang trạch” có nghĩa là bảo hộ những đồng bào
116

cùng tộc. Bên trong có bàn thờ Ông Ngài được đặt 3 lư nhang, 4 ly rượu, 2 đế đèn, có
hoa, trái cây, bên trái có tượng ngựa trắng, bên phải tượng ngựa đỏ là phương tiện di
chuyển của thần linh, với ý nghĩa tượng trưng cho sự nhanh nhẹn, lòng trung thành và
sự thịnh vượng, trên tường ghi chữ “Mộ linh” .
Miếu có từ lâu đời do các cụ để lại, theo truyền tích kể rằng: “Vào thời kỳ trước,
người dân hay gặp Ông có gương mặt màu đen hay cưỡi ngựa vào ban đêm, giống đi
tuần, lúc này ai cũng sợ Ông quấy phá thôn xóm nên xây dựng miếu để thờ cúng. Thời
gian sau, người dân trong thôn hay bị đau ốm những người thân của họ đã đến miếu
Ngài cầu khấn, kết quả những người này khỏi bệnh, có trường hợp người dân xin được
mùa màng bội thu, tôm cá đầy ghe. Điều này đã làm cho dân làng tôn sùng, kính trọng
Ông Ngài Đen và chọn ngày 20/6 âm lịch để cúng Ông hằng năm”66.
Hộp 17
PVV: Dạ bác cho con hỏi hình tượng Ông Ngài Đen do các cụ dựng lên thì có giống như hình
tượng Quan Công không ạ?
CTV: Không đâu con, theo như các cụ xưa kể lại thì do bà con đi gặp thì thấy mặt ông màu
đen thì gọi là ông Ngài Đen, còn Quan Công thì mặt ông màu đỏ, râu dài.
Trích BBPV số 21

Việc cúng Ngài Đen, được cư dân trong thôn tổ chức như ngày cúng giỗ ông bà tổ
tiên. Thức cúng bao gồm thịt gà, thịt heo, hoa quả, rượu, nhang đèn, các vị cao niên
đứng ra thực hiện nghi lễ cúng vái tạ ơn công lao Ông đã bảo hộ, che chở cho dân làng
và khấn xin Ông phù hộ cho dân làng được phúc lành, bình an.

                                                                                                                         
66  Theo lời ông ĐVH & ông HTL, trích BBPV số 21
117

Hình 3.5: Bàn thờ Ngài Đen


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4/2016)

Hình 3.6 : Bên ngoài Miếu Ngài Đen


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4/2016)

Ngoài ngày cúng Ngài Đen, cư dân trong thôn còn thể hiện lòng thành kính, biết
ơn Ông thông qua Lễ hội cầu ngư, vì họ quan niệm cư dân trong thôn có làm ăn phát
triển được hay không là nhờ có các vị tiên linh phù hộ chứ không riêng gì Ông Nam
Hải, nên các vị chư linh này được rước về nhập điện trong Lăng Ông.
3.1.1.3. Tín ngưỡng Cô bác
Thanh minh là nơi thờ cúng những vong linh chết trên biển, tín ngưỡng này phổ
biến trong các thôn ở huyện Tuy Phước, vì hầu như thôn nào cũng có Miếu Thanh
minh. Miếu Thanh minh có từ lâu đời lớp con cháu trong thôn thấy vậy rồi cúng kính
118

theo tục lệ ông bà để lại. Trước kia chỉ có một bàn thờ để ở ngoài rồi cúng kiếng, dân
trong thôn gọi là Sở Thanh minh. Về sau chiến tranh người dân mới xây dựng miếu
Thanh minh vào năm 1938. Năm 2007, được trùng tu. Với kiến trúc theo kiểu nhà khối
mang tính chất tân thời, tường được xây bê tông, mái đổ tấm đan. Phía trên hai đầu đốc
được trang trí hình tượng con nghê, hai bên cột có ghi chữ nhưng do chịu sự ảnh hưởng
của thời tiết các chữ này bị mờ và mất dần. Bên trong miếu phân bố ba bàn thờ, ở giữa
là bàn thờ “Hội linh” (linh bài của nhiều người), hai bên chính là bàn thờ “Tả ban” –
“Hữu ban”.

Hình 3.7: Bàn thờ được đặt trong Miếu Thanh minh
(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4/2016)

Việc cúng Miếu Thanh minh được dân làng thống nhất cúng vào tháng 3 âm lịch
nhưng ngày có thể thay đổi theo từng năm, dân gian hay có câu “Thanh minh trong tiết
tháng Ba”. Cư dân đóng góp về mặt tài chính và cử thôn trưởng đại diện dân làng thực
hiện các nghi thức cúng kiếng. Có thôn chọn cúng vào ngày rằm tháng Giêng hay vào
ngày xây dựng Miếu mà cúng, nhưng đa phần đều chọn cúng theo lịch nhà nước trong
tháng 3 âm lịch67.

                                                                                                                         
67
Theo lời ông HTL, trích BBPV số 21
119

Hình 3.8: Nơi thờ Hình 3.9: Miếu Thanh minh


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4-2016)

Đặc biệt trong ngày cúng Thanh minh người dân còn thể hiện việc cúng Bà, Hai
Cậu. Theo thần tích, Thánh Mẫu Thiên Y A Na nguyên là tiên giáng trần tại xứ cù lao
(Nha Trang), nàng hoá thân thành khúc gỗ kỳ nam theo nước biển trôi dạt tới xứ Bắc
Hải và kết duyên cùng Thái Tử sinh được hai con trai là Cậu Trài và Cậu Quý. Theo
phong tục ở vùng Nam Bộ trước khi ra khơi, người dân đốt nhang khấn vái Bà, Hai
Cậu để cầu được bình an68. Việc lồng ghép tín ngưỡng thờ cúng Bà, Hai Cậu thể hiện
được yếu tố văn hoá biển. Tín ngưỡng này có rất lâu đời từ thời ông bà truyền lại,
người dân dù làm xa hay gần đến ngày cúng họ đều trở về tham gia với mục đích cầu
an, cầu cho mưa thuận gió hoà và mùa màng bội thu69.
3.1.1.4. Lễ hội Cầu ngư
Lễ hội cầu ngư có từ lâu đời, với cư dân thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, lễ hội
cầu ngư tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, vào những năm chẵn có quy mô tổ chức hoành
tráng vì có sự tham gia và hỗ trợ từ Uỷ ban xã. Còn những năm lẻ họ tổ chức nhỏ,
người dân trong thôn tự nguyện đóng góp. Nhưng vào năm 2015 người dân quyết định
không tổ chức cúng tế để các năm chẵn thực hiện nghi lễ to lớn hơn, điều này đã dẫn

                                                                                                                         
68
Phan Thị Yến Tuyết (2014), Đời sống xã hội-kinh tế văn hoá của ngư dân và cư vùng biển Nam Bộ,
Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr.383
69
Theo lời ông PĐD, trích BBPV số 5
120

đến việc đánh bắt không thuận lợi, trong thôn gặp nhiều khó khăn70. Ý nghĩa của lễ hội
cầu ngư ở vùng này là cầu cuộc sống và mưu sinh tốt đẹp, ngư dân nơi đây tin rằng
nếu họ không cúng nghiêm túc thì đời sống của cộng đồng cư dân tại đây bị ảnh hưởng
xấu, đánh bắt không thuận lợi, có nghĩa là cuộc sống sẽ khó khăn.
Về quy trình diễn ra lễ hội, chúng tôi xin lần lượt trình bày theo các bước. Đầu
tiên, trưởng thôn sẽ cho họp dân làng để chọn ra Ban chánh tế, ban phụng sự và thống
nhất với nhau trình tự diễn ra lễ hội. Tiếp đó, trưởng thôn sẽ kêu gọi dân làng đóng góp
chuẩn bị tài lực giúp cho lễ hội được chu toàn. Mọi người tiếp tục, bầu ra Ban dự tế,
trưởng bản vạn lăng (Vạn trưởng) do dân làng chọn ra trước đó để thực hiện việc trông
coi lăng và điều hành tất cả các việc trong buổi lễ, Vạn phó sẽ lo phần hát bả trạo.
Người dân chọn ra vị “Chánh tế” - người đứng đầu thay mặt dân làng đề đạt tấm lòng
thành kính và những ý nguyện lên Ông Nam Hải và các chư vị tôn thần. Vị “Chánh tế”
phải hội tụ đủ các tiêu chí: được sự kính trọng của dân làng, hội tụ đủ đức đủ tài với
nhiều năm kinh nghiệm và không đang có tang. Cuối cùng là việc chọn Ban phụng sự
để lo việc tổ chức lễ hội như chuẩn bị những vật phẩm cúng tế, chuẩn bị thuyền nghinh
rước, đội hình tiếp tân.
Lễ hội cầu ngư diễn ra với hai phần, phần lễ và phần hội.
Nghi thức đầu tiên trong phần lễ là nghinh rước vong ngoài biển71 và cung thỉnh
Ngài Đen72 về nhập lăng để cùng dự lễ, nghi thức này gọi là Lễ an thiết bài vị 73, nghi
lễ này được thực hiện vào chiều ngày rằm 15. Rước Ông Ngài, cô hồn chỉ cần đi một
thuyền chở Ban dự tế, đi đến các gò giải mã, cúng vái xin rước “họ” về nhập điện trong
lăng. Thức cúng bao gồm bát cháo thánh (cháo hoa), gạo, muối, trầu cau, vàng mã,
rượu. Vị Chánh tế gõ ba hồi mõ, dâng ba tuần rượu, đọc văn tế cô hồn thể hiện sự yêu
thương những kẻ bất hạnh, tình cảm nhân văn của cộng đồng giành cho những linh hồn
                                                                                                                         
70
Theo lời ông HTD, trích BBPV số 1
71
Vong hồn biển: hồn người chết ngoài biển, còn được gọi cô bác
72
Ngài Đen: gọi là Ngài Đen vì ngày trước cư dân trong thôn hay gặp Ông vào buổi tối, không nhận
diện rõ khuôn mặt, là vị thần bảo vệ của địa phương giúp cho cuộc sống người dân luôn an bình.
73
Theo lời ông HTL, trích BBPV số 21
121

khốn khổ không nơi nương tựa. Lễ tế xong những thức cúng tung khắp nơi để thí thực
cô hồn. Đối với cư dân thôn Bình Thái, việc rước cô hồn và cúng tế cô hồn trong Lễ
hội cầu ngư mang đậm ý nghĩa giá trị nhân văn thể hiện tinh thần nhân ái của người
sống đối với người chết và cầu mong những oan hồn này không quấy nhiễu cư dân, để
họ bình yên làm ăn.
Đến sáng ngày 16, trước khi đi nghinh, Ban dự tế tiến hành Lễ vọng. Trong lễ này
vị Chánh tế cúng vái cầu xin thần Nam Hải linh ứng cho vạn chài những điềm báo lành
dữ trong năm, dâng đủ 3 tuần rượu, đọc bản văn tế cúng Ông ca ngợi công đức của
Ông trong việc giúp đỡ dân làng. Tiếp đến Lễ nghinh Ông (Lễ nghinh thuỷ lục) tức đi
nghinh rước Ông Nam Hải và Thuỷ Thần74, trước khi đi nghinh Vạn trưởng sẽ lên loa
thông báo cho tất cả mọi người trong thôn những người có tang nên kiêng cử tránh
sang một bên. Thời gian đi nghinh phụ thuộc vào giờ nước lên nên giờ giấc không ấn
định sẵn như những nghi lễ khác.
Khoảng 8 giờ sáng đoàn nghinh Ông bước đi thật nghiêm trang từ trong lăng ra
tới 3 chiếc thuyền nghinh được trang trí công phu trực chỉ. Lúc đi nghinh rước Ông đọc
văn tế, chèo bả trạo đi theo hầu. Khi về thì hoàng tráng hơn, lễ tế bắt đầu lúc rước Ông
về, lúc này mới lên chiêng, lên trống, đoàn bả trạo hát hầu đến khi về tới lăng. Rước
Ông về tới nơi lúc này mới bắt đầu lễ cúng tế. Ghe chính chở kiệu rước Ông Nam Hải,
Ban dự tế 75, tổng mũi( tổng sanh)76 cùng đội nhạc chiêng, trống, cờ phướn. Ghe bên
phải chở tổng thương cùng 8 người trong đoàn hát bả trạo. Ghe bên trái chở Tổng lái
cùng đoàn bả trạo 8 người và các bậc cao niên, hào lão trong thôn. Theo sau là ghe,
thuyền của bà con dân làng. Cả ba chiếc ghe cùng chạy ngang hàng nhau, đi về hướng
mặt trời mọc và dừng lại ở cầu Nhơn Hội (Quy Nhơn). Sau khi rước Ông Nam Hải và
Thuỷ Thần về nhập điện trong lăng sẽ diễn Lễ an thần, nếu như năm chẵn sẽ có cán bộ

                                                                                                                         
74
Thuỷ Thần: Thuỷ Long Thánh Mẫu hoặc Long Mẫu Nương Nương thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu của
người Hoa, đây là tục được lưu truyền từ lâu đời,
75
Ban dự tế ba gồm chánh tế, chủ lễ, 4 ông kinh cổ (đánh trống, chiêng), 2 cô hồn, 1 ông ngài Chúa
76
Tống sanh: là người đạo diễn hát bả trạo tât cả trạo phu đều nghe lời ông.
122

Sở văn hoá ở Tỉnh về đọc diễn văn khai mạc lễ hội, tiếp đến sẽ tiến hành lễ tế. Lễ tế
diễn ra trang nghiêm, có các thức cúng Ông như đầu heo, hoa quả, chè xôi (không sử
dụng hải sản để cúng). Cúng tế có đầy đủ các nghi thức lục cúng77, đọc văn tế ca ngợi
công đức của Ông Nam Hải, cầu xin mùa màng bội thu, thuyền ra khơi được xuôi chèo
mát mái, tôm cá đầy ghe.
Trong quá trình diễn ra nghi lễ, đoàn bả trạo không hát chỉ đứng hầu nghiêm
trang hai bên, khi các nghi thức cúng tế kết thúc, đoàn bắt đầu diễn xướng. Đây là một
nghi thức bắt buộc trong nghi lễ an thần. Mở đầu cho buổi lễ tổng hoà nhiều yếu tố hát
múa với đạo cụ là mái chèo. Đội hình trình diễn bao gồm các trạo phu, trong đó gồm,
16 con trạo, , 4 người đóng vai 4 tổng (tổng mũi, tổng thương, tổng lái, tổng cờ), 2
người đóng vai lồng đen, 2 người đóng vai bộ hổ. Tất cả đứng nghiêm trang chỉnh tề
thành 3 hàng dọc. Chính giữa là 4 ông Tổng và 2 lồng đèn, 2 bộ hổ; hai bên là hai hàng
trạo. Người đóng vai tổng mũi tay cầm nhịp phách chỉ huy, tổng thương (đại diện cho
sinh hoạt hằng ngày của người dân như đánh bắt, buôn bán, nấu bếp), tay cầm trượng,
tổng lái đứng cuối cùng vẽ mặt, mang râu hoá trang thành cụ già, tay cầm mái chèo lúc
chèo bên trái, lúc chèo bên phải diễn tả hành động đang chèo lái con thuyền. Nội dung
xuyên suốt của bài bả trạo là tạ ơn và ca ngợi công đức của Ông, cầu xin Ông cho ban
cho vạn chài cuộc sống bình an, sung túc78.

                                                                                                                         
77
Lễ lục cúng: dâng đủ 6 món lễ vật hương, hoa, đăng, trà, quả
78
Theo lời ông HTD, trích BBPV số 1 & Theo lời ông ĐVH – HTL, trích BBPV số 21
123
 

Hình 3.10: Nghi thức rước Ông Nam Hải


(Ảnh:Thư viện Huyện Tuy Phước, 2016)

Hình 3.11: Kiệu rước sắc Ông Nam Hải Hình 3.12: Văn tế Ông Nam Hải
(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 2-2017)

Lễ hội cầu ngư ở thôn Bình Thái có từ lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn biến
động lịch sử lễ hội cầu ngư dần được khôi phục và trở thành một loại hình nghệ thật
dân gian mang đậm tính chất lễ nghi như ngày nay. Đối với cộng đồng cư dân thôn
Bình Thái, lễ hội cầu ngư gắn liền với đời sống văn hoá tinh thần – tín ngưỡng của họ.
Cư dân ở đây họ thể hiện sự tôn trọng, lòng thành kính với các bậc thần linh. Khi đối
mặt với khó khăn, thách thức các bậc thần linh chính là yếu tố tinh thần để họ dựa dẫm
vượt qua khó khăn. Để làm đa dạng, phong phú thêm đời sống tinh thần, thoã mãn nhu
cầu tín ngưỡng tâm linh của mình, cư dân nơi đây đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật
124
 

trình diễn hát tuồng bá trạo. Một loại hình nghệ thuật dân ca mang đậm tính chất lễ
nghi, hát tuồng bá trạo không chỉ thể hiện được hình ảnh thực tế đời sống lao động
thường ngày của cư dân mà còn là ước nguyện của cư dân gửi đến các bậc thần linh,
với mong muốn cầu sự bình an, mùa màng bội thu cho gia đình, làng xã.
Lễ hội cầu ngư thể hiện đươc nét đẹp văn hoá trong đời sống lao động sản xuất.
Đây là dịp để cả cộng đồng tri ân đến vị thần linh có công trong việc phát triển làng
nghề, mang đậm giá trị nhân văn thể hiện qua tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng.
3.1.2. Tôn giáo
3.1.2.1. Phật giáo
Xã Phước Thuận hiện nay có 8 ngôi chùa Phật giáo: chùa Nhơn Hoà, chùa Vân
Sơn, chùa Phổ Bảo, chùa Phổ Quang, chùa Long Phước, chùa Pháp Hải, chùa Hải
Minh, chùa Hải Phong. Trong đó chùa nổi tiếng nhất là chùa Long Phước, chùa này nổi
tiếng vì nơi đây có môn phái võ cổ truyền Long Phước đã đào tạo ra nhiều võ sư có tên
tuổi thành danh. Chùa trong khu vực này gắn chặt với cộng đồng dân cư trong làng xã
làm nên sự hài hoà thống nhất của tổng thể văn hoá tín ngưỡng dân gian làng – xã. Đa
phần những ngôi chùa trong xã có từ lâu đời, ngoại trừ ngôi chùa Long Phước có môn
phái võ cổ truyền nổi tiếng, có sư trụ trì, các ngôi chùa còn nằm sâu trong các thôn,
xóm ở xã trước đây không có thầy trụ trì.
Chùa Hải Minh, toạ lạc tại xóm 1 thôn Bình Thái, chùa được xây dựng khoảng
thời gian năm 1959, chùa có diện tích nhỏ chỉ khoảng 800m2. Chùa trước kia không có
sư trụ trì, người dân trong thôn tự bầu người đứng ra trông nom lo việc hương khói
trong chùa, đến ngày rằm, mồng một hay dịp lễ, tết dân làng tự nguyện đóng góp mua
sắm các lễ vật để cúng Phật. Hơn 10 năm gần đây chùa được nhà sư Đồng Huệ tiếp
nhận quản lý và giữ chức trụ trì chùa. Phật giáo là tôn giáo nổi trội với người dân trong
thôn, hiện nay có khoảng 90 quý phật tử trong thôn. Đối với những gia đình có tang lễ
trong thôn, người dân hay mời nhà sư đến cầu siêu. Ngay cả những vong linh trên biển,
nhà sư được mời đến để thực hiện công việc tung kinh, cầu siêu.
125
 

Hình 3.13. Bên ngoài chùa Hải Minh


(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên,
9/2018)

Hộp 18:
PVV: Ở thôn mình thì người dân chủ yếu theo tôn giáo nào là chủ yếu vậy ạ?
CTV1: Phật giáo là chủ yếu đó con, nhưng cô thì theo Công giáo, con đang ngồi đây thì dân nẫu gọi
là xóm nhà thờ.
PVV: Người dân chủ yếu theo Phật giáo vậy ở mình Chùa có lâu chưa ạ?
CTV1: Chùa có lâu rồi con, nhiều Cụ có công xây dựng chùa thì giờ không còn nữa, chùa trước đây
đâu có thầy trụ trì chỉ có người dân tự cử ra người trông coi, quét dọn, hương khói. Rồi rằm, lễ, tết
thì bà con góp tiền vô sắm đồ lễ rồi lên cúng.
PVV: Dạ vâng, Chùa mình có tên gì vậy ạ? Ở gần đây không ạ?
CTV1: Chùa Pháp Hải đó con, chùa thì đi qua mé bờ sông bên kia nhưng nay con đi trúng hôm
mồng 1 sợ thầy đi cúng.
PVV: Dạ vâng ạ, vậy những Tự, những Miếu đây đều có từ lâu đời, vậy còn Chùa thì có khi nào ạ?
CTV2: Chùa cũng có từ lâu rồi, tuy nhiên trước kia thì Chùa này không có thầy trụ trì, tự người dân
bầu ra người thắp nhang rồi người dân góp tiền vào sắm đồ lễ cúng Phật khi tới rằm, ngày tết...
Chùa có thầy trụ trì từ năm 2007.
PVV: Vậy giờ chùa này có nhiều phật tử không ạ?
CTV2: Bây giờ thì nhiều, ở xã Phước Thuận còn có chùa Linh Phước nữa cháu, chùa này nổi tiếng
với võ cổ truyền.
PVV: Dạ vâng ạ, vậy những Tự, những Miếu đây đều có từ lâu đời, vậy còn Chùa thì có khi nào ạ?
CTV2: Chùa cũng có từ lâu rồi, tuy nhiên trước kia thì Chùa này không có thầy trụ trì, tự người dân
bầu ra người thắp nhang rồi người dân góp tiền vào sắm đồ lễ cúng Phật khi tới rằm, ngày tết...
126
 

Chùa có thầy trụ trì từ năm 2007.


PVV: Vậy giờ chùa này có nhiều phật tử không ạ?
CTV2: Bây giờ thì nhiều, ở xã Phước Thuận còn có chùa Linh Phước nữa cháu, chùa này nổi tiếng
với võ cổ truyền.
(Trích BBPV số 14 & số 21]
Bên cạnh việc thờ cúng các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo đã làm cho đời sống
tôn giáo – tín ngưỡng của cộng đồng cư dân xã Phước Thuận đa dạng, phong phú, làm
tăng thêm giá trị truyền thống đạo lý với các quan niệm về lòng từ bi, luật nhân quả,
tinh thần vô ngã vị tha, sự giác ngộ.

Hình 3.14. Gian thờ các vị chư phật


tại chùa Hải Minh
(Ảnh: Huỳnh Thị Thảo Nguyên,
9/2018)

3.1.2.2. Công Giáo


Từ khi các Chúa Nguyễn thực hiện chính sách mở cửa giao lưu buôn bán với
người nước ngoài, lúc này vùng cảng thị Nước Mặn trở thành nơi du nhập của nhiều
tôn giáo khác nhau và Công Giáo cũng hiện diện trong giai đoạn này. Theo chân các
thuyền buôn, những giáo sĩ thừa sai đặt chân đến vùng đất này và bắt đầu phát động
những cuộc truyền giáo, như các giáo sĩ: Buzomi, Alexandre de Rhodes, Pina,
Christophoro Borri. Tuy Phước là một trong nhữnng nơi khởi nguyên đầu tiên của các
127
 

hoạt động truyền giáo, được mệnh danh là “vùng đất thánh”, nơi đây có bề dày lịch sử
về việc truyền giáo và là nơi du nhập nhiều hệ thống văn hoá tâm linh – tín ngưỡng..
Nơi đây có các công trình kiến trúc nhà thờ nổi tiếng và là trung tâm thực hiện các hoạt
động truyền giáo như: Nhà thờ Gò Thị, Tiểu Chủng Viện Làng Sông.“Do hoàn cảnh
lịch sử đặc biệt, người Thiên Chúa giáo ở Tuy Phước đóng vai trò quan trọng là những
nhịp cầu, lực lượng xã hội kết nối văn hoá bản địa với văn hoá phương Tây” [42,
tr.535]. Công giáo chia ra nhiều cấp, lớn nhất là giáo phận79, tiếp theo là giáo hạt80,
giáo xứ81 và giáo họ82 là cấp nhỏ nhất. Cứ mỗi giáo xứ có giáo họ riêng và từ giáo họ
chia ra các nhà thờ nhỏ, những nhà thờ này là nhà nguyện.
Sơ đồ 3.2: Hệ thống quản lý của giáo phận Quy Nhơn

Giáo phận Quy Nhơn

Giáo hạt Gò Thị

Giáo xứ Tân Dinh Giáo xứ Tân Quán Giáo xứ Nam Bình

Giáo họ Đông Định Giáo họ Diêm Điền Giáo họ Công Gioan

(Vẽ sơ đồ:Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 4-2016)


Hộp 19
CTV: Nhà thờ này có lâu rồi con, từ 1957, nhà thờ là để sớm tối dân vô đọc kinh, cha nhà
thờ thì trên kia, trên Tân Dinh đó, 1 tháng thì cha xuống đây làm lễ 1 lần, ở đây là họ nhánh
mà con.
PVV: Cho con hỏi họ nhánh là sao ạ? Cô có thể giải thích thêm cho con được không ạ?
CTV: Đây là nhà thờ nhỏ, cứ 1 giáo xứ thì có các giáo họ, giáo họ thì còn chia ra từng
nhánh từng nhánh nhỏ nữa gọi là nhà thờ Họ. Nhà thờ lớn là ở bên nhà thờ Làng Sông. Nhà

                                                                                                                         
79
Giáo phận: là từ ngữ phân biệt ranh giới địa lý theo Công giáo, như giáo phận Bình Định, giáo phận
Đà Nẵng.
80
Giáo hạt: phân biệt các ranh giới địa lý giữa các huyện trong giáo phận
81
Giáo xứ: tên các địa danh của xã có người theo Công giáo
82
Giáo họ: chỉ các nhánh nhà thờ theo thôn, xóm có trong giáo hạt
128
 

thờ ở đây gọi là nhà thờ Họ Nại.


(Trích BBPV số 14)
Nhiều giáo xứ, giáo họ là nhân tố góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội mà
điển hình nhất chính là vai trò của Chủng viện Làng Sông, nơi đây được xem là cái nôi
phát triển chữ quốc ngữ. Trong bài viết Làng Sông và câu chuyện của chữ quốc ngữ,
đã khẳng định vai trò của nhà in Làng Sông, Nguyễn Thanh Quang cho rằng:
“Việc cấm đạo đã có từ thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đến thời Tự
Đức còn được siết chặt lại hơn. Nhưng sách vở truyền đạo vẫn tiếp tục ra đời, chữ
quốc ngữ vẫn cứ thế phát triển theo quy luật tất yếu của ngôn ngữ. Vào nửa sau
thế kỷ XIX, nhu cầu của cuộc sống phải có nhà in. Do đó, một số nhà in của các
giáo phận được thành lập, các loại sách – bao gồm kinh sách, truyện, giáo
khoa...bằng chữ quốc ngữ được in và lan truyền nhiều hơn. Ba nhà in sách quốc
ngữ đầu tiên ở Việt Nam là: Nhà in Tân Định – Sài Gòn (Nhà in của giáo phận
Tây Đàng Trong); Nhà in Ninh Phú – Tây Đàng Ngoài (Hà Nội); để ở miền
Trung, Nhà in của giáo phận Đông Đàng Trong được đặt ở Tiểu Chủng viện Làng
Sông – nay thuộc thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình
Định”83
Ngày nay nhà thờ Làng Sông không chỉ nổi tiếng là nơi phát triển chữ Quốc ngữ
mà còn có công trình kiến trúc đẹp và xây dựng từ lâu đời. Công giáo tuy trải qua
nhiều thăng trầm và biến động lịch sử nhưng rất có sức ảnh hưởng đến đời sống văn
hoá tâm linh của cộng đồng cư dân nơi đây.
3.1.3. Văn hoá – Nghệ Thuật :
3.1.3.1. Văn học dân gian
Khi tìm hiểu về một vùng đất, con người, bên cạnh những sắc thái văn hoá về đời
sống của cộng đồng cư dân thì văn học dân gian chính là yếu tố thể hiện được sự đa

                                                                                                                         
83
http://www.baobinhdinh.com.vn/baoxuan2012/2012/1/121567/
129
 

dạng, phong phú về diện mạo văn hoá của địa phương. Việc phụ thuộc vào môi trường
tự nhiên từ quá trình bồi đất lấn biển lập làng, xã đã làm cho đời sống văn hoá của cư
dân đầm Thị Nại diễn biến đa dạng từ văn hoá biển (cận duyên) sang văn hoá sông
nước – đầm phá, cuối cùng là văn hoá đất liền.
Huyền thoại, cổ tích, truyền thuyết là những sản phẩm tinh thần của người dân lao
động đã sáng tạo và lưu truyền theo suốt chiều dài lịch sử. Mặc dù có yếu tố tưởng
tượng hoang đường nhưng phù hợp và gắn bó với đời sống của người dân, phản ánh,
thoã mãn nhu cầu chân thiện mỹ. Đó cũng là thông điệp muốn gửi lại cho thế hệ sau
biết được những nỗi vất vả, gian lao của bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất mới.
v Huyền thoại
“Thể loại truyện ra đời và phát triển sớm nhất trong lịch sử kể chuyện dân gian các
dân tộc. Đó là toàn bộ những truyện hoang đường, tưởng tượng về các vị thần hoặc
những con người, những loài vật mang tính chất thần kì, siêu nhiên do con người thời
nguyên thủy sáng tạo ra để phản ánh và lí giải các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và
xã hội”. [21, tr 250]
• Theo truyện kể của dân gian lưu truyền, vùng Thị Nại cổ xưa kia có Lăng thờ
Nữ Thần Pô Inư Nưgar trong khu rừng thiêng. Trong rừng có nhiều loại cây gỗ quý,
trầm hương, nhiều loại chim đẹp như hải âu, cò biển đủ màu sắc. Giữa chốn âm u này,
trước đây người Chăm xây cất lăng thờ Pô Inư Nưgar, vị thần tối cao trong hệ thống
thờ Thần của người Chăm theo đạo Bà la môn. Theo tín ngưỡng dân gian, Bà là vị thần
xứ sở, tạo nên vương quốc Chămpa, tạo sự sinh sôi nảy nở, giúp đỡ người gặp nạn khi
đi biển hay khi săn bắn trong rừng. Dạy người Chăm làm ruộng, đắp đập khai mương
nên họ tôn sùng nơi đây như một “Tiểu Thánh Địa” [40, tr.16]
v Truyền thuyết
“Truyền thuyết có chức năng phản ánh và lý giải các nhân vật sự kiện lịch sử có ảnh
hưởng quan trọng đến một thời kỳ, một dân tộc, một địa phương hay một quốc gia”
[21, tr.310]
130
 

• Truyền thuyết về Bến Tàu Tượng: Tương truyền đây là dấu tích để lại của người
Chăm, là bến Tàu chở voi qua sông. Thuở ấy sông Gò Bồi từ chỗ sông Kôn, phân lưu
thành hai dòng nên cửa sông lúc này rất rộng. Bến Tàu Tượng được xây dựng trước
cửa bắc thành Thị Nại, nơi đây có nguồn giao thông huyết mạch cực kỳ quan trọng.
Thành Thị Nại trở thành vương quốc Chămpa, kinh đô nằm sát bờ biển nên được canh
phòng nghiêm ngặt. Mỗi khi đi nghinh lí vua Chăm đều phải đi qua Bến Tàu Tượng,
thuyền chiến lớp phục sẵn hai bên, lớp đi theo bảo vệ, hai bên tàu chở voi ngự, các đội
thuỷ binh nối đuôi nhau tuần sát cửa sông và ven biển Thị Nại. Thời phồn vinh của
thành Thị Nại, Bến Tàu Tượng tấp nập thuyền qua lại, đến thời chiến tranh cả hai địa
danh sụp đổ, hoang vắng. [40, tr.21]
v Truyện cổ tích
Truyện cổ tích dân gian được lưu truyền đến ngày nay với nội dung thể hiện ước
mơ hoàn thiện nhân cách sống nhưng bị thực tế lúc bấy giờ chối bỏ và để thoã mãn ước
mơ buộc người phải thêm vào nhiều yếu tố hư cấu, huyền bí. Truyện Hang Âm Phủ, là
mẫu truyện tiêu biểu cho nội dung này.
• Truyện Hang Âm Phủ: Ở làng nọ gần Cửa Thử ở đầm Thị Nại có hai vợ chồng
sinh sống bằng nghề làm nông và chài lưới, họ có hai người con. Người vợ tính tình
lương thiện, chất phác nhiều người quý mến; còn người chồng tính tham lam hay lừa
gạt người khác, không mấy kẻ ưa. Đến mùa chài lưới, không may người vợ bệnh nặng
và qua đời, người chồng tiếc vợ thương con nên chăm chỉ làm ăn qua ngày nuôi con
khôn lớn. Nhiều người đi chợ Cách Thử gặp người vợ đã mất và kể lại với anh. Tò mò
một hôm anh đến chợ theo dõi và gặp được vợ. Anh mừng rỡ chạy đến hỏi vợ được
sống sao không về với chồng con, người vợ giải thích vì mình sống lương thiện được
Diêm Vương thương tình cho đi chợ cõi dương mua những món hàng cần thiết cho cõi
âm, lúc này người vợ cũng khuyên chồng nên sống lương thiện bỏ tính lừa gạt, để khi
xuống cõi âm không bị tù đầy, người vợ cũng chỉ cách cho chồng mời thầy chùa về
cúng chay bảy ngọ để nghiệp tiêu tan và quan trọng phải tu tâm tích đức, sửa chữa lỗi
131
 

lầm mới mong thoát tội. Người chồng về làm theo và từ đó chăm chỉ làm ăn, nuôi con
khôn lớn và thương nhớ người vợ hiền không nguôi. [40, tr.79]
Huyền thoại, cổ tích, truyền thuyết là những sản phẩm tinh thần của người dân lao
động đã sáng tạo và lưu truyền theo suốt chiều dài lịch sử. Mặc dù có yếu tố tưởng
tượng hoang đường nhưng phù hợp và gắn bó với đời sống của người dân, phản ánh,
thoã mãn nhu cầu chân thiện mỹ. Đó cũng là thông điệp muốn gửi lại cho thế hệ sau
biết được những nỗi vất vả, gian lao của bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất mới.
v Ca dao
Ca dao thể hiện được nhiều nội dung gắn liền cuộc sống của cộng đồng cư dân
đầm Thị Nại: từ quá trình di dân, cộng cư; cuộc sống buôn bán tấp nập, việc đánh bắt
thuỷ hải sản, kinh nghiệm đi biển đến những sản vật đặc trưng tiêu biểu trong vùng
cũng được người dân thể hiện qua những câu ca dao ngắn gọn súc tích, giàu tính nhân
văn.
- Ca dao thể hiện quá trình người Việt cộng cư với người Chăm, buổi đầu gặp nhiều
khó khăn, khai hoang nhiều vùng đất mới xây dựng cảng thị ven biển :
Ai về Nước Mặn – Chùa Bà,
Đi qua Cầu Ngói cho ta nhớ mình.
Sông sâu nước chảy hữu tình,
Thuyền ghe, xe ngựa, mái đình Cây Da.
(Nguồn: [39: tr201])
- Cảng thị Nước Mặn thưở phồn vinh, thuyền bè buôn bán tấp nập, khách buôn trong
nước, ngoài nước buôn bán tấp nập nhộn nhịp:
Nước Mặn, một tháng sáu phiên
Thuyền bè, voi ngựa khắp miền về đây
Hàng nhào, hàng mã phơi bày
Vải vóc, trà thuốc là dây tơ hồng.
(Nguồn: [39: tr202])
132
 

Sự chuyển hoá từ một vạn làng thành tiểu cảng thị:


Vui sao như vạn Gò Bồi
Kẻ đứng giữa chợ người ngoài phố cao
Trên bờ xe mã lao xao
Dưới sông ghe đậu chiếc vào, chiếc ra.
(Nguồn [40: tr76])
- Thị Nại là nơi tập trung nhiều sản vật hàng hoá phong phú,như tôm cá, nước mắm,
không chỉ nổi tiếng ở dưới đồng bằng mà lên tận vùng miền núi xa xôi những sản vật
này cũng rất nổi tiếng:
Mong về xứ sở Vinh Quang
Ăn canh cua bấy, tôm rang thoả tình
Hai xóm Quang Hiển, Quang Vinh
Ăn cá lá nướng, cá kình nấu chua
Hay
Anh về dưới vạn Gò Bồi
Bán mắm, bán cá lần hồi cưới em
Gò Bồi nổi tiếng mắm ngon...
(Nguồn [40: tr])
- Nghề đánh bắt được xem là nghề chính của cư dân, thể hiện sự cần cù chăm chỉ lao
động của người dân trong một gia đình
Chồng chài vợ lưới con câu
Bà ngoại đi xúc, cháu dâu đi mò
Dừa xanh Tuy Phước, Gò Bồi
(Chài, lưới, câu, xúc) Mò con cá Bống ăn cùng cơm niêu;
(Nguồn [39: tr199])
133
 

Hay sự đa dạng về các nghề đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản:
Bình Định có đầm Quy Nhơn
Ngư dân sinh sống có hơn trăm nghề
Đi thì nhớ ở thì mê
Dễ làm, dễ sống nghề nghề no vui
Từ Lạc Điền xuống Hóc Hồi
Sáo đời, sáo đất ngược xuôi dăng hùng.
Từ Hưng Thanh đến Vinh Quang
Ruộng muối, bờ cá hàng ngàn dặm xa
Từ Bình Thới qua Khe Nhà
Nghề nò, nghề đón, nghề chà biết bao
Vinh Quang lưới, xiết, trủ, ngao
Chồ, thuyền, trủ xúc nghề nào cũng vui
(Nguồn [40: tr88])
- Trước đây cư dân đánh bắt còn nhiều gian nan vất vả, kinh nghiệm chưa nhiều nên họ
hay có tâm lý sợ biển:
Nghề biển thấy đó khó theo
Gặp cơn gió lốc hồn treo cột buồm
(Nguồn [40: tr88])
Hay
Chân trời mặt biển cheo leo
Xin cho về được (vật) con heo ăn mừng
(Nguồn [40: tr88])
Hoặc
Dừng chân bước xuống ghe buôn
Sóng bao nhiêu dợn, dạ buồn bấy nhiêu
(Dựa) cột buồm gió thổi hiu hiu
134
 

Nước mắt (ra) lai láng, dây lưng điều không khô
(Nguồn [40: tr88])
Đầm Thị Nại nơi con sông Côn và sông Lại Giang đổ ra biển, trải qua nhiều
biến động lịch sử vẫn gắn kết bền chặt, dân gian mượn hình ảnh này để nói lên, sức
chịu đựng và tấm lòng chung thuỷ chờ đợi người yêu:
Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng
Dòng sông Côn lai láng mùa mưa
Đã cam tháng năm đợi chờ
Duyên em đục chịu trông nhờ quản bao
(Nguồn:  http://cadaotucngu.com/tieuluan/cadaodongdao/cadaobinhdinh.htm)
- Ca dao thể hiện vẻ đẹp của danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Bình Định
như đầm Thị Nại, cù Lao Xanh, hòn Vọng Phu, tháp Chàm...:
Quy Nhơn có tháp Chòi Mòi
Có đầm Thị Nại chạy dài biển Đông
(Nguồn:  http://cadaotucngu.com/tieuluan/cadaodongdao/cadaobinhdinh.htm)
Hay
Bình Định có đá Vọng Phu
Có đầm Thị Nại có cù Lao Xanh
Ai về Bình Định cùng anh
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa
(Nguồn:  http://cadaotucngu.com/tieuluan/cadaodongdao/cadaobinhdinh.htm)
v Vè
“Vè là một thể loại văn học dân gian kể chuyện bằng vần, diễn xướng dưới hình
thức nói hoặc kể, mang tính chất thời sự, nhằm phản ánh những hiện tượng, những
việc thực, những con người ở một vùng đất qua đó bộc lộ thái độ, quan điểm về những
sự việc, sự kiện, những con người nơi ấy” [21: tr364]
135
 

Nghề biển của những ngư dân trước đây chưa có ghe máy hiện đại để báo bão,
mà phương tiện đánh bắt, vận chuyển hàng hoá chủ yếu là ghe bầu. Hành trình từ
Trung vào Nam hoặc ngược lại. Ngư dân đi biển trước kia ghi chép, kể lại hành trình
trên biển, kinh nghiệm dự báo thời tiết được tổng kết qua các bài vè thời sự, gọi chung
là Vè các lái.
Ghe bầu các lái đi buôn
Đến khuya ngồi buồn nghĩ chuyện ngâm nga
Bắt từ Gia Định kể ra
Anh em thuận hoà ngoài Huế kể vô...
Nhà nghiên cứu Trần Xuân Toàn cho rằng “bài vè không chỉ làm vơi nỗi nhọc
nhằn của người dân đi biển, nó còn thể hiện được giá trị thực tế to lớn, đối với cư dân
đi biển đây được xem là “cẩm nang” đi biển” 84
Như hải trình từ Quãng Ngãi vào Bình Định đã được ngư dân lưu dấu các vùng
duyên hải, vùng biển mà họ thường xuyên đi qua như sau:

                                                                                                                         
84
http://www.baobinhdinh.com.vn/643/2003/5/3927/
136
 

..Nới rèo, ráng lái mau mau Núi Hương, Gành Trọc, dựa kề Lộ Giao
Châu Me, Lò Rượu sóng xa Hòn Nhàn Ngó ra thấy lố Khô Cao
Vát mặt xem thấy Bàn Than Ta sẽ đi vào cửa cạn Hà Ra
Ngoài Cù Lao ré, nằm ngang Sa Kỳ Bàu Bàng, Gành Mét bao xa
Quảng Ngãi, Trà Khúc, núi chi? Trống Kinh, Hòn Đụn, thiệt là Lố Ông
Có hòn Thiên Ấn dấu ghi để đời Ngó Vô thấy mũi Vi Rồng
Hòn sụp ta sẽ buông khơi Hòn Lan, Nước Ngọt ăn vòng Hòn Khô
Trong vịnh ngoài vời núi đất mênh Trực nhìn Suối Bún, Vũng Rô
mang Ông Ầm nằm đó lớn to vô hồi
Buồm giăng ba cánh sẵn sàng Thương cha nhớ mẹ bùi ngùi
Anh em chúng bạn nhiều đàng tư lương Hòn Núi Kẻ Thử có người bồng con
Mỹ Á, Cửa Cạn, Hàng Thương Nhớ lời thề nước hẹn non
Chạy hết Bãi Trường xích thố băng Bồng con tạc đã ghi sâu để đời
băng Vũng Nôm, Vũng Bấc buông khơi
Vát ra khỏi mũi Sa Hoàng Trong vịn ngoài vời, Hòn Cỏ, Hòn Cân
Kìa kìa ngó thấy Tam Quan nhiều dừa Nam Lò, Eo Vượt rần rần
Hèn chi lời thốt thuở xưa San Hô, Mũi Mác ăn lần Hòn Mai
Nam thanh nữ tú đã vừa con ngươi Cửa Giã có hòn án ngoài
Gặp nhau chưa nói đã cười Các lái thường ngày hay gọi Lao
Kìa mũi Từ Phú là nơi nhiều ghè Xanh...
Non xanh nước biếc chỉnh ghê
(Nguồn: https://cadao.me/ve/ve-cac-lai-hat-ra/)
Bài vè Các lái (hát ra), chỉ đường từ Đồng Nai ra tới Sa Huỳnh (Quãng Ngãi),
không chỉ giới thiệu những địa danh nổi tiếng mà còn giới thiệu những đặc sản vùng
miền, nổi bật nhất ở vùng đất Bình Định:
Vô chợ ăn bún song thằn
Hỏi mua nón ngựa để dành về quê
137
 

Thiếu gì hải vị sơn khê


Vào Nam ra Bắc ê hề ngựa xe
Nói chơi sợ nẫu cười chê
Có say đất khách mới mê nết người
(Nguồn: https://cadao.me/ve/ve-cac-lai-hat-ra/)
Trong cuộc sống mua bán hàng ngày những mặt hàng quen thuộc cũng được
người phụ nữ xưa kể lại thành một bài vè mang sắc thái riêng của “xứ Nẫu” nói chung
và Thị Nại nói riêng, chúng tôi sưu tầm được ở Thị Nại do người dân địa phương cung
cấp:
Bới chị em ơi! Đi chợ Đục, chàng, kéo, dao
Chợ nào bằng chợ Gò Chàm Xem ra chẳng sót hàng nào
Tôm tươi cá trụng thịt bò thịt heo Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vào đây
Còn thêm bánh đúc bánh xèo mua
Bánh khô, bánh n,ổ bánh bèo liên u, Lại còn những món bánh khô
Những con cá chép, cá thu Xem đi, xem lại nhiều đồ lắm thay
Cá ngừ, cá nục cá chù thiệt ngon Những còn hàng dép, hàng giày
Ngó ra ngoài chợ Nón ngựa, nón chóp, bán rày liên thiên
Nẫu bán thịt phay Lại còn những món nhiều tiền
Nem tươi, chả lụa Cà ráy, hột đá, dây chuyền, dầu thơm
Rượu, trà say ngon Song thằn An Thái
Ngó ra ngoài chợ Dừa trái Tam Quan
Nẫu bán trạnh cày Đường cát An Dương
Roi mây, lưỡi cuốc Đĩa bàn Nội phủ
Nẫu bày nghinh ngang Kể đủ hàng hoa
Ngó ra ngoài chợ Cà dê, cà dĩa, cà chình
Nẫu bán sàn sàn Ớt ngà, ớt bị, ớt sừng, ớt cay
Khoai lang, bắp đỗ Rau răm, rau húng
138
 

Bầu thúng, cà tây Dễ mua dễ bán


Mua bán bạc cây Bánh tráng, kẹo cà
Những người hàng xén Xưng xoa, đậu hũ
Mấy chú rón rén Mè xửng, bánh canh
Ăn cắp thiệt lanh Dạo hết xung quanh
Mấy chú gian manh Hành ngô, cúc cải
Là anh trùm chợ Dây dừa, dầu rái
Buôn mọi bán rợ Kẹo đỗ, kẹo dừa
Mấy chú An Khê Mấy chị ngủ trưa
Ở trển đem về Nẫu mua trợt lớt
Sấp trần nài rể
(Tư liệu điền dã - Sưu tầm: Huỳnh Thị
Thảo Nguyên phỏng vấn CTV Nguyễn
Trọng Gắng, 9/2018)
139

v Tục ngữ
Nội dung chính của nhiều câu tục ngữ thường là những vấn đề được đút kết
từ kinh nghiệm của người dân chẳng hạn như kinh nghiệm về thời tiết hay về tri
thức đi biển.
Tháng giêng động dài Tháng tám mưa dồn
Tháng hai động tố Tháng chín mua tuôn
Tháng ba nồm rộ Tháng mười lụt lớn
Tháng tư nam nom Tháng một sông cạn
Tháng năm nam tròn Tháng chạp lập đông
Tháng sau giã bãi (Nguồn: Trần Xuân Toàn)
Tháng bảy mưa rãi
Những câu tục ngữ nói về tri thức đánh bắt của cư dân tôm đi chạng vạng, cá
đi rạng đông, đường đi kiếm ăn của tôm, cá theo thời gian trong ngày. Hay kinh
nghiệm nhận biết thời tiết bão, mưa bão tháng sáu heo mây/ chẳng mưa thì bão;
mây kéo xuống biển trời nắng chang chang/ mây kéo lên ngàn thì mưa như trút;
vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa – nhìn vào các loại mây mà người dân nhận đoán
được thời tiết có thuận lợi cho việc đi đánh bắt xa bờ.
Những tác phẩm tác phẩm văn học dân gian liên quan đến vùng đầm phá
sông nước, điển hình qua huyền thoại, truyền thuyết, ca dao, vè...được cư dân lưu
truyền qua nhiều thế hệ khác nhau, nội dung đi sâu vào tâm thức của cư dân thể
hiện ở các khía cạnh như:
+ Giải thích được nguồn gốc của cộng đồng dân cư ở đầm, thời kì phồn vinh và suy
tàn của một vương quốc cổ đại;
+ Kinh nghiệm đánh bắt, đi biển, kinh nghiệm nhận biết được thời tiết, tâm lý ngại
biển; phương thức lao động; tình cảm gia đình; bản tính cần cù chăm chỉ của người
lao động; ứng xử của con người khi đối mặt với những khó khăn về thời tiết.
140

3.1.3.2. Nghệ thuật diễn xướng


v Hát tuồng bá trạo
Hát tuồng bá trạo là một loại hình đậm chất nghi lễ của cư dân biển Bình
Định và toàn khu vực miền Trung. Nội dung và hình thức diễn các bản tuồng bá
trạo ở mỗi lăng trong Bình Định khác nhau dẫn đến các thuật ngữ “Hát tuồng bá
trạo” khác với “Chèo bá trạo”; “Hò bá trạo”; “Hát bá trạo”. Bình Định là “cái nôi”
tuồng hát bội, trong quy trình Hát bá trạo được người dân thực hiện theo khuôn khổ
của tuồng hát nhưng trình tự giản lược và quy mô sân khấu được thu nhỏ.
Thuật ngữ hát bá trạo được các vị cao niên trong xã Phước Thuận giải thích,
bá ở đây có nghĩa là trăm. Trạo chính là mái chèo có nghĩa là trăm mái chèo85.
Trước Cách mạng tháng Tám, với những cư dân ven biển thì lễ cầu ngư và
tục hát bá trạo được họ tổ chức thường niên, nhưng thời kỳ đó nhận thức của người
dân còn kém, có một số nghi thức cúng tế được người dân thực hiện mang tính chất
mê tín dị đoan bị chính quyền cấm tổ chức. Chính lý do này lễ cầu ngư dần dần mai
một. Nguồn gốc của bài hát bá trạo đều có nguồn gốc từ hai thôn Bình Thái và thôn
Nhân Ân. Đến năm 1990 có phong trào đổi mới trên phương diện “Các loại hình
nghệ thuật dân gian xưa” của trung tâm Văn hoá thông tin huyện Tuy Phước và
được hỗ trợ kinh phí để tập luyện thì lúc này đội bá trạo được phục hồi, lễ hội cầu
ngư từ đây được tổ chức lại. Đến sau này những hát bá trạo tham gia ở nhiều hội
diễn khác nhau, bổ sung thêm hoạt cảnh sân khấu, lời bài hát được thay đổi, đoàn
hát bá trạo cũng được xây dựng và có kịch bản phân vai cho từng người cụ thể.
Chính từ đây, cộng đồng cư dân ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận mới gọi “bổn
tuồng bá trạo”.
Hộp 20
PVV: Dạ anh. Em cũng có nghe Anh Tiến Phó Chủ Tịch xã giới thiệu với em về thôn
Nhân Ân và lễ hội cầu ngư, hát bả trạo xuất phát đầu tiên từ bên đó đúng không ạ?
CTV: Em hỏi thì anh cũng xin nói rõ về chỗ này chứ bên Anh Tiến cũng có sự nhầm lẫn ở
đây. Từ xưa rất lâu rồi có đoàn hát bả trạo của người Bình Thái này hát là cũng người ở

                                                                                                                         
85
Theo ông NTG, trích BBPV số 26
141

Nhân Ân viết (1 bài Bình Thái-1 bài Nhân Ân), bố và ông nội của anh lúc trước cũng hát ở
đoàn bả trạo, nhưng tới thời của anh thì thôn Bình Thái mới dựng lên đoàn bả trạo ở huyện
hỗ trợ tiền chi phí để tập. Nhưng khi đi diễn về được giải thì chính quyền có sự nhầm lẫn
đây là đoàn Nhân Ân, thời gian đó cứ lên đài nói là đoàn Nhân Ân. Sau đó một thời gian
thì Nhân Ân cũng thành lập đoàn hát bả trạo nhưng ở thôn Bình Thái có cái hay là người
trong đoàn hát là người trong thôn và toàn là đàn ông thanh niên nên rất tiện cho việc cúng
Ông, còn bên Nhân Ân thì trong đoàn hát toàn là phụ nữ nên hát trước lăng Ông họ rất là
kiêng cử. Đầu tiên đại diện cho huyện đi biểu diễn nhận tiền hỗ trợ là thôn Bình Thái
nhưng cuối cùng đi về là cứ tưởng đoàn Nhân Ân. Và các cụ cũng nói viết bài này là người
của thôn Nhân Ân nhưng đi biểu diễn và đoạt giải là đoàn hát thôn Bình Thái, nhưng vấn
đề này cũng không quan trọng gì.
(Trích BBPV số 1)
Kịch bản của bổn tuồng bá trạo ở các vạn, lăng trong tỉnh đều giống nhau.
Bài hát bá trạo được sáng tác từ thế kỉ XVII, bởi cụ Tú Diêu, người thôn Nhân Ân,
xã Phước Thuận. Tuy nhiên, nội dung và hình thức trình diễn mỗi vạn mỗi khác nên
lời bài hát cũng được sửa đổi cho phù hợp. Riêng đối với thôn Bình Thái, nội dung
của bổn tuồng bá trạo diễn tả cảnh đoàn thuyền ra khơi, vượt qua sóng gió và trở về
bình an.86
Đội hát bá trạo bao gồm 24 người (chưa kể ban nhạc), lần lượt chia ra 8 cặp
trạo (16 người chèo), 1 tổng mũi, 1 tổng lái, 1 tổng thương, 1 tổng cờ, 2 người đóng
vai lồng đèn, 2 người đóng vai bộ hổ, mỗi nhân vật có những chức năng khác nhau.
Tổng mũi (tổng sanh) đứng đầu đội hình bá trạo, có vai trò quan trọng là người đạo
diễn cho cả đội bá trạo, tay cầm nhịp phách bắt bài giữ nhịp, điều khiển những con
trạo đi nhanh. Tổng lái đứng cuối đội hình, tay cầm mái chèo lớn và dài nhất, vừa
hát vừa luôn tay làm động tác chèo thuyền, lúc “cạy” bên trái, lúc “bát” bên phải
giữ cho thuyền đi đúng hướng. Tổng thương nhận hiệu lệnh từ, thỉnh thoảng cầm
chiếc gàu làm động tác tát nước và khi đội bá trạo nghỉ ngơi thực hiện động tác neo
thuyền. Tổng cờ nhận hiệu lệnh từ tổng lái và ra lệnh cho các con trạo. 2 lồng đèn
có chức năng giữ sáng cho con thuyền, 2 bộ hổ ý nghĩa võ công cao cường có chức
                                                                                                                         
86
Theo lời ông NTG, trích BBPV số 26
142

năng bảo vệ con thuyền khi gặp cướp và quan sát các con trạo. Cả đội hình bá trạo
thể hiện hình ảnh đoàn thuyền đang lướt sóng trên biển. Bổn chèo bá trạo được diễn
xướng theo kết cấu:
Lớp 1: tổng mũi, tổng lái điều khiển đội trạo làm lễ cúng bái trước Lăng Ông
và kiểm tra lại đội hình chuẩn bị xuất hành.
...Tổng lái (hô)
Nhất dân nhất trạo
Đăng chức cho huy hoàng
Uy thiết tứ bài ban
Khai truyền hấu án sở
Trạo (đồng thanh): Dạ...
Lớp 2: Ca ngợi công đức Ông Nam Hải đã đem lại cuộc sống ấm no, bình an
cho dân làng. Sau đó tổng mũi ra lệnh cho trạo cầm chèo ra khơi.
....Tổng mũi (hô)
Mừng trời sanh cây đấu
Vui lúa trổ điền trâu
Nơi nơi gió thuận phong điều
Chốn chốn an phương vật thủ
Thế là truyền bả trạo bài trí buồm loan chỉnh tề trổi giọng hò lướt dặm sơn khê
Truyền bá trạo hầu linh tiến trạo...
Trạo (đồng thanh) Dạ! Đẩy thuyền đi
Lớp 3: Đội trạo nghỉ ngơi. Tổng lái lệnh cho tổng thương giăng neo, tát
nước, xem trời đất. Có những câu hát trữ tình theo lối hát Nam nói lên tâm trạng
bình an, trời yên biển lặng, trăng thanh gió mát. Lớp tổng thương khắc hoạ nét trữ
tình, chất phác, tinh thần lạc quan, sự hài hước dí dỏm của người dân thông qua các
hành động diễn xuất như: tát nước, đi câu, nấu bếp...
...Tổng lái (hát nam)
Ngày mừng lạc nghiệp an thơi
Trời nhiêu gió tạnh buồm từ lộng khơi....
143

...Tổng thương (vịnh)


Rày hạ vui cùng mây trăng ngắm
Đêm đông sáng nước xanh xanh...
Trạo (đồng thanh) Hò
Hò khoan, hò khoan hỡi hò khoan...
Lớp 4: Lớp giông bão. Ở lớp này tất cả đoàn thuyền đang nghĩ ngơi. tổng
mũi, tổng lái, tổng cờ, bá trạo đều ngủ. Tổng thương, lồng đèn, bộ hổ phải thức làm
nhiệm vụ trông gác thuyền, theo dõi sự biến động thời tiết. Khi thấy trời kéo cơn
giông, bầu trời tối mịt, biển dậy sóng, lúc này lồng đèn, bộ hổ liền báo cho tổng
thương, tổng thương trình lại với tổng lái và tổng lái ra lệnh tổng cờ thúc trạo phu
dậy lui thuyền tìm nơi trú ẩn. Tổng thương (báo) Trông thấy trời mịt mù/ Trời làm
giông dữ không phải giật hiền. Tổng lái (hô) Bá trạo, bá trạo..., lúc này bá trạo tay
cầm vững mái chèo nhanh tay đưa thuyền vượt qua giông bão. Các động tác chèo
của bá trạo được thực hiện theo nhịp dồn dập, khẩn trương, đội hình có lúc xáo trộn,
biến hoá cho phù hợp với khung cảnh thật.
Lớp 5: Lớp kết, cả đoàn thuyền vượt qua được cơn giông bão, khung cảnh
thanh bình, trời yên biển lặng trở lại, đoàn thuyền về nhà được an toàn. Đây cũng
chính là lời nguyện cầu của ngư dân khi thực hiện lễ hội cầu ngư.
...Tổng lái (báo)
Kìa kìa lăng miếu lại gần..
Tổng mũi (hô)
Hồng trần trở lại giang truân
Truyền bả trạo lui thuyền gác mái
Trạo (đồng thanh) Dạ...
(Tài liệu điền dã – Sưu tầm: Huỳnh Thị Thảo Nguyên phỏng vấn CTV Nguyễn
Trọng Gắng, 9/2018)
144

Hát tuồng bá trạo là một loại hình nghệ thuật diễn xướng gần giống với nghệ
thuật tuồng hát bội. Hình thức trình diễn nhân vật thể hiện lời hát đi kèm với điệu
bộ và có những ca từ danh xưng , giai điệu ngâm, ca, thán, vịnh.
Trong bổn tuồng bá trạo nghệ thuật múa chèo thuyền và hát bá trạo được kết
hợp nhuần nhuyễn dưới sự điều khiển của tổng mũi. Có một bổn tuồng hay không
chỉ thể hiện qua nội dung ca từ, lời hát của bài bá trạo mà còn ở nghệ thuật múa
chèo thuyền của các con trạo (trạo phu). Những hoạt cảnh đoàn thuyền chuẩn bị ra
khơi, khi trời yên biển lặng, lúc thì vượt qua bão tố được các trạo phu thực hiện sinh
động, hấp dẫn, tạo cho người xem sự hứng thú. Động tác chèo thuyền chỉ sử dụng
tay chèo nhưng qua sự thể hiện của các trạo phu không có sự lặp lại, nhàm chán,
động tác uyển chuyển của tay chèo kết hợp sự linh hoạt của đôi chân. Khi quỳ để
thực hiện nghi lễ, lúc đứng thong thả chèo thuyền khi trời yên biển lặng, khi bước
nhịp một, nhịp hai để diễn ta con thuyền gặp giông bão. Nghệ thuật múa chèo
thuyền có thể được xem là phương thức trình diễn mang nặng tính chất thực thế, thể
hiện được khung cảnh sinh hoạt của ngư dân chèo thuyền kéo lưới.
v Hát bội trong lễ cầu ngư
Nghệ thuật hát bội được xem là một phần không thể thiếu trong lễ hội cầu
ngư, bên cạnh sự phát triển của lễ cầu ngư, loại hình sân khấu nghệ thuật của hát
bội cũng phát triển vượt bậc, có sức ảnh hưởng đến đời sống của người dân, tạo nên
một nếp sinh hoạt thường niên không thể thiếu trong văn hoá miền biển. Xuất phát
từ đời sống tâm linh, các loại hình lao động tạo thành nền tảng phát triển kinh tế và
văn hoá ở địa phương, chính điều này đã làm cho lễ cầu ngư trở thành một ngày hội
quê hương.
Lễ hội cầu ngư ở xã Phước Thuận được tổ chức quy mô lớn vào năm chẵn,
quy mô nhỏ vào năm lẻ. Hát bội cũng chỉ xuất hiện trong lễ cầu ngư vào những năm
chẵn, hát bội diễn ra sau lễ tế Ông Nam Hải, gọi là hát thứ lễ. Hát thứ lễ với mục
đích ca ngợi công đức của Ông Nam Hải đã phù hộ cho dân làng có một mùa bội
thu, đời sống an bình, bên cạnh đó có những bổn tuồng được trích diễn với những
145

nội dung thể hiện phù hợp với tính chất của ngày lễ như: cầu xin mưa thuận gió
hoà, sóng yên biển lặng, gặp điều may mắn87.
Sau hát thứ lễ, đoàn hát bội sẽ hát và biểu diễn những bổn tuồng theo giờ, có
nghĩa là đoàn hát bội sẽ hát theo giờ mà Ban tổ chức yêu cầu, đa phần là sẽ trình
diễn vào buổi tối để phục vụ cho phần hội và thường kéo dài 3 đêm. Đa phần bổn
tuồng được chọn đều có liên quan đến nhân vật Quan Công.
3.1.3.3. Tri thức bản địa
Tri thức bản địa chính là kinh nghiệm của người dân được đút kết qua nhiều
thế hệ khác nhau. Nội dung chính của tri thức bản địa đa phần là kinh nghiệm nhận
biết về thời tiết, kinh nghiệm nhận biết ngư trường đánh bắt.
Với tính chất đời sống cư dân gắn chặt với khu vực trong đầm, quy mô đánh
bắt nhỏ, hoạt động đánh bắt chủ yếu diễn ra trong ngày, nguồn thuỷ hải sản trong
đầm luôn sản sinh tự nhiên, nên đối với cộng đồng cư dân nơi đây kinh nghiệm
đánh bắt của họ cũng đơn giản hơn những nơi khác.
v Về kinh nghiệm đánh bắt cá
• Đối với cư dân đánh bắt trong đầm, kinh nghiệm mà họ có được thông qua
các câu tục ngữ như: Tháng tám nước sa, tháng ba nước dậy; Tối trời ngời cá/ Tôm
đi chạng vạng/ Cá đi rạng đông. Các loại cá thường hay ẩn náu vào lúc chập tối và
hừng đông nên người dân hay đi thả lưới vào buổi chiều và kéo lưới vào sáng sớm.
Vào những cơn mưa đầu mùa các loại cá sẽ lội ngược dòng tìm nơi sinh sản, đến
mùa gió bấc cá xuôi dòng về lại nơi cư trú. Nhờ vậy người dân sẽ có tháng đánh bắt
được sản lượng nhiều hay ít.88 Nghề lưới lồng, lưới trủ, lưới gõ, lưới chồ đa phần cư
dân dựa vào kinh nghiệm này để bắt.
• Đối với những hộ cư dân làm nghề câu kiều, sản phẩm đánh bắt chính của họ
là con cá đuối. Với đặc tính tự nhiên của cá đuối là cá da trơn, nằm sát dưới đất (cá
nằm mũi) hay kiếm ăn theo đàn, cho dù có dùng máy tầm ngư cũng không xác định
chính xác được. Để xác định được địa điểm thả câu ngư dân đi theo các dãy núi, các

                                                                                                                         
87
Theo lời ông NGT, trích BBPV số 26
88
Theo lời ông PDD, trích BBPV số 5 & ông NVH, trích BBPV số 6
146

vịnh, kéo dài chừng 50-70m, như ở Mũi Điện (Đại Lãnh), Mũi Đề Gi (Phù Cát) –
đây là nơi cá đuối tập trung đông nhất.89
• Đối với hộ làm nghề câu thẻo, sản phẩm đánh bắt chính là cá hố. Đặc tính
của cá hố thường đi kiếm ăn theo mùa, có những mùa cá hố sẽ nổi trên mặt nước đi
kiếm ăn vào ban đêm ở tận ngoài khơi xa, có mùa kiếm ăn vào ban ngày nhưng cá
lại nằm sát dưới mặt đất, bên cạnh đó cá hố thường di chuyển và tập trung theo
vùng nhất định. Người dân khi chon địa điểm hành nghề câu cũng phải xác định
theo từng vùng biển nhất định. Nghề câu thẻo cư dân họ chỉ đi câu tập trung vào
tháng chạp, tháng giêng, tháng hai, tháng ba... đây là mùa ca hố nằm sát đất và kiếm
ăn vào ban ngày.90
v Về kinh nghiệm nhận biết thời tiết
Tục ngữ chính là những kinh nghiệm nhận biết thời tiết biển người dân, thời
gian hoạt động đánh bắt chỉ diễn ra trong ngày nên tính chất nguy hiểm ít hơn khi
đánh bắt xa bờ. Cộng với lý do ngày nay, tất cả các phương tiện đánh bắt đều được
trang bị bộ đàm, điện thoại nên họ có thông tin nhanh chóng, chính xác để kịp thời
tìm nơi tránh bão. Tháng giêng động dài/ Tháng hai động tố/ Tháng ba nồm rộ/
Tháng tư nam non....,Cua bò lên cao thế nào cũng lụt.
Với những ngư dân làm nghề câu kiều, câu thẻo ngoài khơi ra. Họ có thể nhìn
bầu trời, nhìn mây để nhận biết thời tiết. Bầu trời sáng, mây di chuyển thành từng
đám lớn, lúc này thời tiết đẹp công việc đánh bắt được thuận lợi. Hay vào mùa hè,
mây có hình móc câu, di chuyển nhỏ lẻ chính là dấu hiệu sắp có gió to, bão lớn.
Mây có màu xám kéo nhanh, kèm theo gió thổi từ hướng Tây Bắc kèm theo những
hạt mưa nhỏ kéo dài (mưa bay), lúc này chắc chắn sẽ có bão. 91
Nếu nhìn theo mặt biển, trước khi có giông, bão vài ngày nước biển có hiện
tượng đổ nước (nước rút xuống) hay khi xa bờ sắp có bão, biển thường động, sóng

                                                                                                                         
89
Theo lời ông HVT, trích BBPV số 17
90
Theo lời ông VVX-VVT, trích BBPV số 23
91
Theo lời ông HVT, trích BBPV số 17
147

gợn từng cuộn liên tục, nước biển có hiện tượng đục dần thì lúc này cần nhanh
chóng tìm nới trú bão an toàn. 92
v Về kinh nghiệm tránh bão khi ở ngoài khơi.
VIệc nghe tin báo bão từ các báo đài từ Trung tâm khí tượng thuỷ văn là rất
quan trọng với những ngư dân đánh bắt xa bờ, tuy nhiên việc dự báo này chỉ mang
tính tương đối chứ không chính xác hoàn toàn. Nhiều tàu thuyền trên đường tránh
bão nhưng vô tình lại đi ngay vào tâm bão đang hoạt động đã dẫn đến kết quả
không như mong muốn. Nên cần phải có ít kinh nghiệm tránh bão là rất quan trọng.
Khi nghe đài báo bão ở toạ độ và vĩ độ nhất định thì ngư dân phải tránh bão
theo hướng ngược lại, phải tìm đường theo hướng an toàn nhất. Chẳng hạn khi nghe
đài báo bão ở 1000 Bắc 100 Đông, có nghĩa lúc này bão đang di chuyển theo hướng
đi lên, ngư dân cần cho thuyền chạy theo hướng xuống là hướng Nam hay hướng
Tây để tránh được đường đi của bão. Hay khi đài báo bão đang di chuyển giờ đầu là
100km/1giờ, sang giờ thứ hai bão di chuyển nhanh hơn 150km/1 giờ, ngư dân nhận
được thông báo phải cho tàu thuyền tránh bão ở nơi gần nhất, như mũi, vịnh.93
3.2. Văn hoá xã hội
3.2.1. Tổ chức quan phương (tổ chức chính thức)
v Uỷ ban Nhân dân xã Phước Thuận
Chủ tịch xã hiện nay là ông Phan Thế Khoan. Hai phó Chủ tịch là ông Lê
Đức Chung phụ trách và quản lý về mặt kinh tế, còn ông Trương Đình Tiến phụ
trách và quản lý về măt văn hoá xã hội. Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch hội đồng
Nhân dân ông Nguyễn Tấn Phong và phó chủ tịch ông Phan Văn Thanh. Những
phòng ban chuyên môn trực thuộc của Uỷ ban Nhân dân xã, bao gồm 7 phòng ban:
Công an xã, Ban chỉ huy quân sự xã, Văn phòng thống kê, Tư pháp – Hộ tịch, Tài
chính kế toán, Văn hoá xã hội Địa chính, xây dựng – Nông nghiệp và môi trường.
Và các tổ chức chính trị xã hội như: Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hội
cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên. Các hội đều có hình
                                                                                                                         
92
Theo lời ông VVX-VVT, trích BBPV số 23
93
Theo lời ông VVX-VVT, trích BBPV số 23
148

thức quản lý giống nhau gồm 1 chủ tịch hội, 1 phó chủ tịch hội và các chi hội nhỏ
đại diện cho các thôn.
v Ban Nhân dân thôn
Hiện tại giữ chức bí thư kiêm trưởng thôn là ông Võ Văn Trà, phó thôn là bà
Đặng Thu Hảo có trách nhiệm chính giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện một số công
việc quản lý hành chính của thôn trên các khía cạnh kinh tế - văn hoá xã hội, trật tự
an ninh quốc phòng tại địa bàn thôn. Dưới phó thôn còn có công an viên phụ trách
tình hình an ninh; thôn đội hỗ trợ chính sách quân sự; đoàn thanh niên; ban mặt
trận; hội cựu chiến binh; hội nông dân; hội phụ nữ.
Sơ đồ 3.3: Sơ đồ tổ chức Ban nhân dân thôn Bình Thái

Vẽ sơ đồ: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 1/2019

v Hội phụ nữ
Chi hội phụ nữ thôn Bình Thái hiện nay do chị Lê Thị Hiệp phụ trách, có khoảng 30
hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên, đa phần các chị em đều làm nghề ngư
nghiệp như: đan vá lưới, phụ chồng đánh bắt, bán hải sản. Chi hội phụ nữ ở thôn có
quỹ đóng góp hàng năm với mục đích giúp đỡ những người dân trong thôn có hoàn
cảnh khó khăn hay những người đau ốm.
149
 

3.2.2. Tổ chức phi quan phương (tổ chức không chính thức)
v Tổ chức vạn chài Bình Thái
Theo quan sát của chúng tôi khi khảo sát tại khu vực Bình Thái, đa phần
cộng đồng cư dân tại đây 90% đều làm nghề liên quan đến biển như đánh bắt thuỷ
hải sản, đan vá lưới, nuôi trồng thuỷ hải sản còn lại làm những nghề khác như trồng
rừng ngập mặn, làm nông nghiệp, làm gỗ…
Vạn chài được xem là một tổ chức truyền thống của các ngư dân làm nghề
đánh bắt cá tại khu vực nước biển hoặc ven sông94. Vạn chài thôn Bình Thái có
người đứng đầu giữ chức danh vạn trưởng được cộng đồng ngư dân trong vạn bầu
ra. Vị này phải hội tụ đủ đức, đủ tài, có tiếng nói trong vạn, được người dân tin
tưởng. Chức danh vạn trưởng trong vạn chài Bình Thái không quy định nhiệm kỳ
bao lâu, trừ trường hợp vạn trưởng không đủ sức khoẻ kiêm nhiệm thì chức danh
vạn trưởng có người khác thay thế. Vạn trưởng cũng chính là vị Chánh tế đại diện
người dân thực hiện việc cúng tế hằng năm.
Hộp 21
PVV: Cho em hỏi như tổ chức phần lễ này thì ai làm chủ lễ như anh trưởng thôn hay là các
cụ già trong thôn ạ?
CTV: Các cụ già họ làm. Trong lễ là có ông Chánh tế. Bà con trong làng quan niệm ông
Chánh tế rất quan trọng phải tìm những người nào có đức tốt và có nhiều năm kinh
nghiệm. Tuy nhiên cũng có những năm có những người được bà con thích thì họ lại bị
vướng có tang nên không làm được, còn chọn những người bản tính không tốt thì xóm làng
có nhiều việc rắc rối. Thành ông Chánh tế rất quan trọng phải tìm những người vừa có bản
tính tốt, có kinh nghiệm và được bà con trong làng mến.
PVV: Dạ vậy anh có thể cho em hỏi Chánh tế năm nay là ai vậy ạ? Anh có thể dẫn em đi
gặp chú đó được không ạ?
CTV: Được em. Ông Chánh tế năm nay cũng chính là vạn trưởng Đặng Văn Hiếu, ông này
là trưởng bản vạn lăng Ông.
(Trích BBPV số 1)

                                                                                                                         
94
Hà Xuân Thông (2003), Đặc điểm của các cộng đồng cư dân ven biển, NXB Viện kinh tế và quy
hoạch thủy sản, Bộ Thủy Sản, tr.20.
150
 

Dưới vạn trưởng có vạn phó, ban thủ quỹ, ban thư ký và có những ban khác
được thành lập để giúp đỡ vạn những công việc trong ngày lễ cầu ngư, các nghi
thức cúng tế. Ban thủ quỹ kiểm soát chi phí đóng góp của các thành viên trong vạn,
ban thư ký có nhiệm vụ ghi chép giữ gìn sổ sách và những tài liệu của vạn. Khác
với vạn trưởng những chức danh còn lại đều thực hiện có nhiệm kỳ 3 năm.
Sơ đồ 3.4: Sơ đồ tổ chức vạn chài Bình Thái

Nguồn: Huỳnh Thị Thảo Nguyên, 1/2019


Dưới vạn là những thành phần ngư dân chuyên đi đánh bắt thuỷ hải sản và
nuôi trồng thuỷ hải sản. Về đánh bắt thuỷ hải sản, có hai nhóm nghề chính là câu
kiều và câu thẻo.
Nghề câu kiều, câu thẻo là những nghề sử dụng cho hoạt động đánh bắt xa
bờ, người dân thường đi đánh bắt ở những vùng biển xa. Đánh bắt ở một không
gian biển rộng lớn nhiều nguy hiểm cận kề, người dân liên kết với nhau thành từng
nhóm mới có thể chinh phục môi trường biển và đương đầu với giông bão. Tính
chất phải làm việc trong môi trường nhiều nguy hiểm, nên chỉ có nam giới tham gia
vào hoạt động đánh bắt này. Tuy đi đánh bắt xa bờ nhưng phương tiện đánh bắt của
người dân không lớn. Do vậy khi đi đánh bắt xa bờ chỉ có 3-4 người là nghề câu
kiều, nghề câu thẻo từ 6-7 người. Mỗi nhóm sẽ chia ra thành các thành phần như:
chủ ghe (tài công) và bạn.
151
 

• Chủ ghe (tài công): là người có điều kiện kinh tế, bỏ tiền mua ghe, mua công cụ
đánh bắt và mua những thực phẩm cần thiết cho chuyến đi đánh bắt. Sau đó chủ
ghe mời bạn đi cùng, tuỳ vào loại hình đánh bắt mà số lượng bạn trên ghe sẽ
khác nhau. Chủ ghe thường là người có kinh nghiệm đi biển, nắm rõ giao thông
trên biển nên họ sẽ kiêm luôn việc lái ghe và là người có trách nhiệm cao nhất.
• Bạn: số lượng thay đổi tuỳ vào nghề. Bạn là những thuyền viên trên ghe, họ
cùng đánh bắt và chia lời trong cùng một nhóm với công việc chính là đánh
lưới. Tuỳ vào kinh nghiệm của từng người, họ sẽ đảm nhận từng nhiệm vụ khác
nhau, người nào có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc nhận biết đàn cá được
bầu là nhóm trưởng chỉ đạo việc đánh bắt, những người còn lại máy chạy điện
hay kéo lưới.
Việc phân chia quyền lợi sau mỗi chuyến đi biển đều được thực hiện công
bằng và đều có sự thống nhất với nhau. Mỗi chuyến đi sẽ có tổng sản lượng hải sản
khác nhau, phụ thuộc tổng sản lượng này sẽ chia cho chủ ghe và bạn. Chủ ghe sẽ
được 6 phần còn 4 phần thuộc về bạn. Chủ ghe được nhiều hơn vì lý do họ phải
chịu phần sơ phí ban đầu và tính trách nhiệm cao hơn bạn.
Hộp 22
PVV: Dạ vâng. Khi các anh đi câu thì chỉ có 2 anh hay có thêm bạn đi nữa không ạ? Cho
em hỏi tiền công các anh chia cho bạn đi cùng mình thế nào ạ?
CTV: Có chứ em, có tới 6-7 người. Tiền công thì khó đây, vì sao khó nhưng cũng vô
chừng vì gọi là biển dã mà. Giả sử nha tụi anh đi một chuyến biển 4 ngày vô thì tổng thu
được 15 triệu, tụi anh bỏ ra 5 triệu sơ phí (tiền lương thực, dầu, đồ ăn, thuốc men), còn 10
triệu thì chia làm hai, bên phần bạn 6 triệu bên chủ 4 triệu. 6 triệu đó chia làm làm 6 người
thành ra 1người được 1 triệu (bao gồm cả 2 anh là tài công). Tụi anh là tài công là chủ ghe
tụi anh làm còn hơn bạn nữa chứ mình làm thua bạn thì bạn đâu chịu, kiểu là mình phải có
trách nhiệm.
(Trích BBPV số 23)
Điều này đã thể hiện tinh thần gắn kết sâu sắc bền chặt của cộng đồng cư dân
nơi đây, dù là trong khía cạnh phát triển kinh tế hay khía cạnh tinh thần thì họ cũng
đoàn kết với nhau.
152
 

Về việc nhận dự án trồng rừng ngập mặn, không những giúp người dân có
thêm thu nhập, mà còn bảo vệ nguồn lợi con giống thuỷ hải sản và tạo vành đai che
chắn cho thôn. Vì thôn Bình Thái nằm ven đầm chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai bão
lụt.
Vấn đề sở hữu đất tại đầm thì đa số hai phần ba đất do ông bà để lại, số còn
lại người dân lấn chiếm ở mé sông để xây nhà. Cộng đồng cư dân tại đây sinh sống
từ lâu đời và không có người ngoài sinh sống. Về việc sở hữu mặt nước trên đầm
chính quyền địa phương không quan tâm đến vấn đề này vì chủ yếu người dân theo
lệ làng. Ngư dân đánh bắt ở ngư trường nào được thời gian lâu thì mặc định khu
vực đó là của họ. Khu vực đầm Thi Nại thuộc xã Phước Thuận, Phước Hoà, Phước
Sơn, Phước Thắng ở Tuy Phước, còn ở Quy Nhơn thì thuộc Thi Nại, Nhơn Lý,
Nhơn Hội... Người dân ở những nơi khác hay trong thôn họ đều sống hoà đồng
không tranh giành, không chia khu vực, chia ranh giới với nhau vì họ quan niệm
không thả lưới được nơi này họ đi nơi khác, đầm rộng lớn nên ai làm được thì mừng
cho họ.
Trong những năm gần đây sản lượng nuôi tôm phát triển tương đối nhờ sự
quan tâm, giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Chi cục nuôi trồng thủy sản đã tổ chức tập
huấn người dân, hướng dẫn người dân nuôi trồng thuỷ hải sản một số biện pháp kỹ
thuật nuôi tôm nước lợ, hướng dẫn cải tạo ao hồ, kênh mương dẫn nước, thực hiện
thả giống tôm đúng lịch thời vụ, quản lý môi trường nuôi, chăm sóc, phòng bệnh
cho vật nuôi, cùng chọn lựa mật độ nuôi thích hợp. Các chi hội nuôi tôm tổ chức
họp các thành viên để bàn kế hoạch áp dụng trong nuôi trồng thuỷ hải sản. Trong vụ
nuôi trồng thủy sản, cán bộ phụ trách khuyến ngư các xã thông báo kịp thời mẫu
quan trắc môi trường cho tất cả các hộ nuôi; ngoài ra, còn thông báo tình hình dịch
153
 

bệnh trên địa bàn huyện để hộ nuôi trồng thủy sản nắm rõ và có biện pháp phòng
ngừa.95
v Về tổ chức Đội bá trạo
Đội chèo bá trạo ở thôn Bình Thái do ông Hồ Thành Long phụ trách với
khoảng hơn 20 thành viên chính thức, chủ yếu là thành viên trong vạn. Đội chèo
bá trạo tham gia chương trình lễ hội với tinh thần tự nguyện, vì người dân quan
niệm lễ hội cầu ngư là lễ hội lớn của quê hương nên họ sẽ hết lòng phụng sự để
thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn đối với thần linh.
Ngoài ra, lời bài hát và cách biểu diễn của đội bá trạo thôn Bình Thái có đặc
điểm riêng nên họ luôn nhiều nơi mời đến để tham gia biểu diễn trong các chương
trình hay dịp lễ hội đặc biệt.
Hiện nay, ở cả hai thôn Bình Thái và thôn Nhân Ân đều có đoàn hát bá trạo.
Hoạt động phổ biến và phát triển nhất là đoàn hát bá trạo ở thôn Bình Thái với lý do
trong đoàn hát đều là nam nên có điều kiện thuận lợi cho việc cúng Ông, bên cạnh
đó đoàn hát ở thôn Bình Thái được đi tham gia nhiều hội diễn và được giải. Đặc
biệt, trong đoàn hát có anh Hồ Thành Long được Sở Văn hoá thể thao và du lịch
Tỉnh công nhận là Nghệ nhân hát bá trạo. Còn đoàn hát bên ở thôn Nhân Ân chỉ
toàn phụ nữ nên họ không thể cúng trước lăng Ông vì đàn ông ở thôn đi đánh bắt xa
bờ nên đoàn hát ở đây chỉ mang tính chất giải trí.
3.2.3. Phong tục tập quán liên quan đến đầm Thị Nại
Về tục lệ kiêng kỵ, đối với việc cứu người lâm nạn trên sông, biển hay vớt
xác người trôi dạt ở đầm, cộng đồng dân cư thôn Bình Thái trước kia có không
dám cứu người chết đuối do quan niệm số mệnh của họ đến đấy là hết, người dân
sợ Thủy thần trừng phạt, vì “Hà Bá” đã lấy đi thì không ai dám cưỡng lại. Đặc biệt
trước kia với những xác chết trôi dạt cũng không ai dám vớt, nhưng hiện nay ngư
dân thôn Bình Thái đã nhận thức khác hoàn toàn, họ cho rằng cứu người là điều
tốt và cần thiết, ngoài ra còn để phúc lại cho con cháu. Đối với các xác chết trôi
                                                                                                                         
95
http//cucthongke.binhdinh.gov.vn/newsdetail.php?newsid=627&id=95&__ncforminfo=Ez_8HMm_p030-
HurE4ZGX6weK_ev26Binda9XhQuero4crJQFCW3I8PjLH8x_JxppJIdp4Iy0D4Qln2muW8Qut7sw8Mk99w
w
154
 

dạt hiện nay cư dân quan niệm “Có gì mà kiêng với cữ, họ gặp nạn thì mình giúp
như là nghĩa cử của người sống đối với người chết. Ai kiêng thì mặc họ chứ riêng
dân chài Bình Thái không kiêng cữ. Từ khi cái nghiệp này vận vào người, chúng
tôi đã vớt được rất nhiều xác chết đuối”96.
Trong phong tục tập quán ở đầm Thị Nại qua quá trình điền dã chúng tôi
thấy thể hiện nổi bật phong tục về hôn lễ và tang lễ.
3.2.3.1. Hôn lễ
Phong tục cưới hỏi được chuẩn bị kỹ càng gồm 7 bước: Lễ thăm nhà, Lễ sơ
vấn (lễ nói), Lễ hỏi, Lễ đại nạp, Lễ cưới, Lễ rước dâu và Lễ hồi dâu. Tuy nhiên,
việc thay điều kiện sinh sống, người dân đã gia giảm còn 3 bước: Lễ dạm ngõ, Lễ
hỏi và Lễ cưới. Với cộng đồng cư dân xã Phước Thuận, điều kiện sinh sống khó
khăn do chỉ phụ thuộc vào nguồn lợi kinh tế từ đầm nên cư dân ở đây chỉ tiến hành
nghi thức cưới xin theo 3 bước kể trên. Nam, nữ đến tuổi trưởng thành tự lựa chọn
đối tượng để tìm hiểu và xây dựng gia đình cho phù hợp. Trước kia người dân kết
hôn trong thôn trong vìng đầm, nhưng hiện nay, các thế hệ thanh niên đi học, lập
nghiêp xa nhà và không theo nghiệp gia đình do nhiều lí do khác nhau, nên việc
dựng vợ gả chồng trong cùng thôn xã như trước kia không còn.
Việc chọn sính lễ tuỳ thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình. Khi đôi thanh niên
quen nhau họ sẽ thưa với cha mẹ, người thân sang dạm ngõ, nhà trai đến thăm nhà
gái để đề cập đến vấn đề cưới xin và chọn ngày làm Lễ hỏi. Theo quan niệm của
người dân đây là quá trình thăm dò ý kiến của hai bên gia đình, đồng thời tạo cơ hội
cho những gia đình khó khăn có thời gian dành dụm tiền bạc, chuẩn bị sính lễ chu
đáo hơn.
Sau lễ dạm ngõ là lễ hỏi, gia đình nhà trai mang cặp trà, cặp rượu, trầu cau
sang, nếu nhà gái nhận thì xem như cuộc hôn nhân được chấp thuận, ngược lại sẽ bị
từ chối. Tuy nhiên, việc từ chối ít xảy ra vì theo quan niệm của người dân nơi đây
nhận trà, rượu là xem như đã có một đời chồng, nếu trả lễ sẽ lỡ duyên cả đời con

                                                                                                                         
96
Theo lời ông HTD, trích BBPV số 1
155
 

gái97. Trong lễ hỏi, nhà gái đưa ra các điều kiện, lễ vật để nhà trai chuẩn bị. Hai bên
sẽ thống nhất về ngày tổ chức lễ cưới và coi giờ tốt rước dâu. Lễ cưới diễn ra theo
ngày, giờ đã định, nhà trai mang sính lễ qua nhà gái gồm rượu, trà, trầu cau, tiền nát
(là tiền nhà trai phải đưa cho nhà gái để chuẩn bị sính lễ) và nữ trang theo yêu cầu
của nhà gái.
Hộp 23
PVV: Dạ chú, quả ở đây mình chuẩn bị những gì ạ?
CTV : Quả thì tuỳ nhà giàu nghèo có sự khác nhau đó con, nhà giàu họ làm từ 6-8 quả,
nghèo thì chỉ có 2-4 quả thôi, cũng chỉ làm tượng trưng cho đủ hình thức đó mà. Trong quả
để bánh trái gì thì tuỳ nhưng cái bắt buộc là nhà trai phải để tiền nát vô đó.
(Trích BBPV số 4)
Lễ cưới là dịp cô dâu chú rể ra mắt hai họ và bạn bè hai bên. Nghi thức đầu
tiên, cô dâu chú rể bái lạy bàn thờ gia tiên, sau đó hai bên gia đình giới thiệu từng
thành viên trong bàn họ, mọi người sẽ tặng quà cho cô dâu chú rể với ý nghĩa cầu
chúc trăm năm hạnh phúc. Trong lễ cưới, chú rễ trao nhẫn cho cô dâu và ngược lại
cô dâu cũng trao nhẫn. Sau dó họ chính thức trở thành dâu, rể của hai nhà.
Trong buổi lễ, người dân có những kiêng kị nhất định như: không làm bể ly
chén, không trả quả. Trong trường hợp cưới chạy tang thì hai bên gia đình sẽ làm lễ
cưới hỏi chung một ngày, bỏ qua lễ dạm ngõ, vì theo họ quan niệm nếu con trai có
cha, mẹ mất thì phải sau 3 năm mãn tang mới được lấy vợ, còn cô dâu có bầu trước
khi cưới thì khi về nhà chồng không được bước vào cửa chính98.
Tuy cuộc sống khó khăn nhưng việc tổ chức cưới gả vẫn được người dân
thực hiện chu đáo, ít sai sót, lễ nghĩa đầy đủ theo các bước vì họ quan niệm hôn
nhân là việc trọng đại “đời người có một lần”.
3.2.3.2. Tang lễ
Trong gia đình khi có người già yếu hoặc bị bệnh mất, thầy cúng được rước
tới để hướng dẫn cho con cháu trong nhà thực hiện những nghi thức tang ma. Đầu
tiên, người thân nấu nước lá xả để lau người, thay quần áo mới đối với nam là áo
                                                                                                                         
97
Theo ông HVB, trích BBPV số 4
98
Theo ông HVB, trích BBPV số 4.
156
 

sơmi quần tây, nữ mặc áo dài. Tiếp đến thầy cúng thực hiện tục xông đầu cho người
chết. Ngày xưa tục này thực hiện bằng cách luộc 3 quả trứng gà và mỗi quả chia 3
phần đặt trên mâm, để bên phải đầu người mất. Ngày nay, người ta lược giản chỉ
xếp 3 vắt cơm thay trứng gà, bên cạnh thắp đèn nhỏ, tục này có ý nghĩa làm cho
linh hồn người chết được ấm áp. Tiếp theo là nghi thức Phạm hàm. Người ta dùng
gạo, ngũ cốc và đồng tiền cho vào miệng người chết, với ý nghĩa: con người lúc còn
sống được ăn gạo, ngũ cốc, tiêu tiền thì lúc chết họ cũng vẫn có thức ăn trong bụng
và có tiền qua đò đi tới cõi âm.
Song song với nghi thức trên của thầy cúng, gia đình tiến hành lập tang chủ
và ban tang lễ. Ban tang lễ có nhiệm vụ thông báo, cử người lo tang phục, quan tài,
đào huyệt, ghi chép cáo phó, phúng điếu...Gia đình tiến hành coi ngày giờ tốt để lập
thiết linh sàn (lập bàn cúng), lễ thành phục (phát tang), lễ cúng xin khai huyệt, lễ
nhập quan, lễ di quan và lễ an táng. Việc xem ngày, trong lịch sẽ hiển thị rõ ngày:
trùng tang, trùng nhật, trùng phục. Phải qua hết những ngày xấu mới tiến hành an
táng99.
Tiếp đến là lễ nhập quan – đưa người chết vào quan tài sau khi chọn giờ,
tránh tuổi. Lúc này thầy cúng đắp lên người chết chiếc khăn màu vàng, tục gọi là
Mền Quan Âm hay còn gọi là Quang Minh vì theo thuyết nhà Phật người chết được
đắp mền để giải tội lỗi trần gian. Khi đưa người chết vào quan tài, nhiều gia đình
chưa đóng nắp vì đợi con cháu về đông đủ nhìn mặt lần cuối. Quan tài được đặt ở vị
trí đầu người chết quay ra ngoài phía cửa, ý nghĩa cái chết như người rời khỏi nhà.
Trên nắp quan tài đặt 2 cây đèn, phía dưới quan tài có dĩa dầu để 7 hay 9 tim đèn,
tuỳ vào người mất là nam hay nữ (quan niệm nam 7 hồn 7 vía, nữ 9 hồn 9 vía), đốt
đèn để giữ không cho hồn siêu phách lạc. Sau đó sẽ lập thiết linh sàn.
Nghi lễ thành phục (phát tang), vợ (chồng) của người mất, con trai trưởng,
dâu trưởng, cháu nội đích tôn mới được mặc tang phục, còn con gái, con rể, cháu
ngoại sẽ đeo khăn tang. Khi người chết chưa an táng, từ sáng đến chiều đều phải

                                                                                                                         
99
Theo lời ông NVB, trích BBPV số 27
157
 

cúng cơm. Tuỳ gia đình, người ta sẽ thỉnh nhà sư đến tụng kinh cầu siêu, mời đội
kèn trống đến cử khúc bi ai khi hành lễ cúng và khi có khách đến phúng viếng.
Đến ngày giờ tốt đã định, người ta làm lễ yết tổ cúng báo với tổ tiên xin đưa
người đã mất. Con cháu quỳ lạy trước quan tài 4 lạy. Đến nghĩa trang, lúc linh cữu
hạ huyệt, con cháu vái lạy, thả nắm đất vào huyệt. Tuỳ theo từng năm mà hướng hạ
huyệt có thể thay đổi quay ra hay quay vào đầm. Sau lễ an táng xong, gia đình thực
hiện những lễ:
+ Lễ ngu tất, cầu cho linh hồn người mất được yên nghỉ ở thế giới bên kia.
Lễ khai môn chi mộ (mở của mã) được thực hiện tại mộ sau 3 ngày.
+ Lễ trung tuần: sơ thất, nhị thất,...đây là lễ cúng cơm cho người mất trong 7
tuần. Đến ngày thứ 49 là cúng thất, tuỳ theo gia đình, người dân có khi thỉnh nhà sư
cúng cầu siêu, vì quan niệm xưa cho rằng linh hồn người chết qua được 7 cửa ải (7
tầng địa ngục) đến ngày thứ 49 linh hồn trở về trần gian thăm gia đình.
+ Lễ cúng bách nhật (100 ngày).
Một năm sau ngày mất, gia đình làm lễ giỗ đầu, con gái, con rể, cháu ngoại
làm tiến hành xả tang trước. Khi đủ ba năm sau đến lượt vợ (chồng), con trai
trưởng, con dâu trưởng, cháu đích tôn xả tang. Theo quan niệm, sau 3 năm linh hồn
người chết đã được siêu thoát và đầu thai kiếp khác, gia đình thực hiện nghi thức trừ
phục. Di ảnh của người mất được rước về bàn thờ tổ tiên, không thờ riêng như lúc
mới qua đời.
Việc an táng người mất hiện nay, ở một số nơi gia đình phải mua trước phần
đất để có nơi chôn cất gọi là sinh phần, riêng với cộng đồng cư dân xã Phước
Thuận, người ta không mua sắm sinh phần vì ở vùng này nhiều bãi gò, cồn cát
không ai quản lý nên cư dân tự chiếm đất chôn cất bằng cách để sẵn tấm đan xong
dùng hàng rào, thép gai để giữ phần đất.
Hộp 24
PVV: Còn tang ma thì thế nào ạ?
CTV: Tang ma cũng y vậy, không khác gì hết, khác ở đây thì đất chôn là do dân làng
người ta lấn chiếm đất, hàng rào thép gai, dựng tấm đan sẵn để chiếm đất chứ không có
158
 

chuyện mua đất như ở thành phố, vì đây là đất quê mà em cộng thêm nhà nước không
quản lý nữa.
(Trích BBPV số 1)
Như kể trên, tang ma được người dân coi trọng và chuẩn bị đầy đủ các nghi lễ,
họ quan niệm đã là hình thức lễ nghi thì phải thực hiện chu đáo.
Đây là vùng do đặc thù có cảng biển lớn trải qua nhiều giai đoạn chuyển biến
lịch sử, cơ sở tôn giáo ở đây rất nhiều không chỉ Phật giáo (8 chùa) mà còn có cả
Công giáo (Tiểu chủng viện Làng Sông). Trữ lượng văn học dân gian còn phong
phú đa dạng nhưng qua đây chúng tôi bước đầu sưu tầm, phỏng vấn những người
am hiểu và còn nhớ, họ có ý thức lưu giữ di sản văn hoá. Qua những tài liệu thu
thập về văn hoá dân gian cho thấy vùng đầm Thị Nại có đời sống văn hoá dân gian
phong phú, hầu hết nội dung bài vè trong hệ thống vè Các lái của vùng Bình Định
nói riêng và vùng Nam Trung Bộ nói chung.
Đời sống văn hoá xã hội của người dân vùng đầm Thị Nại thể hiện đời sống
văn hoá biển và nông nghiệp của họ rất phát triển, đặc biệt tổ chức vạn đã tập hợp
người dân cùng làm nghề đánh bắt. Đời sống cộng đồng được gắn kết chặt chẽ qua
tổ chức quan phương (tổ chức chính thức) và tổ chức phi quan phương (tổ chức
không chính thức). Tổ chức xã hội của người dân mang tính ổn định cao và có cơ
hội phát triển.
159
 

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3


Chương 3 trình bày những nội dung chính về văn hoá tinh thần và văn hoá xã
hội của cư dân đầm Thị Nại. Văn hoá tinh thần bao gồm hoạt động tín ngưỡng tôn
giáo và lễ hội, văn hoá nghệ thuật và tri thức bản địa...Về văn hoá xã hội chúng tôi
khảo sát các tổ chức chính thức, phi chính thức và phong tục tập quán.
Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo và lễ hội như: tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông và
lễ hội cầu ngư. Quá trình lao động mưu sinh gắn liền với biển, đầm phá của cư dân
có từ lâu đời, trải qua bao lớp thế hệ sinh sống việc phát triển các loại hình lao động
cũng dần có những thay đổi, thích nghi để phù hợp với điều kiện tự nhiên và môi
trường sống, được vậy người dân buộc phải tin vào những thế lực siêu nhiên để thoã
mãn tinh thần văn hoá tâm linh như muốn được bảo vệ, che chở, muốn được trấn an
tinh thần khi gặp nguy hiểm và muốn được thể hiện lòng biết ơn đối với bậc thần
linh nên họ đã sáng tạo ra các loại hình tín ngưỡng dân gian. Tôn giáo tín ngưỡng
và lễ hội của cộng đồng cư dân thể hiện được niềm tin mãnh liệt vào các bậc thần
linh cứu giúp họ vượt qua hiểm nguy trên biển và cầu mong một mùa màng bội thu,
đời sống người dân được bình an. Về mặt giới nghiên cứu đoàn hát bá trạo trong lễ
hội cầu ngư rất đặc biệt không ở nơi nào có vì tín niệm của người dân tin rằng đàn
ông hát cúng trước lăng Ông thuận lợi hơn còn phụ nữ thì rất kiêng cử.
Văn hoá nghệ thuật là đa dạng từ truyện kể dân gian như truyền thuyết,
huyền thoại, đến các câu ca dao, tục ngữ, vè và cả những hình thức nghệ thuật diễn
xướng như hát bội và tuồng bá trạo. Những từ ngữ, lời ca tất cả đều thể hiện sự gần
gũi của con người với quê hương và giữa con người với không gian văn hoá ven
đầm.
Phong tục tập quán hôn nhân và tang lễ. Cuộc sống của cư dân tuy khó khăn
nhưng với họ đây là hai phong tục quan trọng gắn chặt với cuộc đời của con người.
Về phong tục hôn nhân các khâu tổ chức tuy được giản lược cho phù hợp với điều
kiện của địa phương. Phong tục tang ma, các khâu tổ chức rườm rà hơn nhưng họ
vẫn thực hiện đầy đủ tục lệ của ông bà ngày xưa.
160
 

Chính trong quá trình lao động, người dân đã góp phần làm giàu thêm văn
hoá tinh thần của mình thông qua những kinh nghiệm về tri thức bản địa để nhận
biết thời tiết đi biển, đánh bắt tôm cá.
161
 

KẾT LUẬN
Đầm Thị Nại về địa lý là một trong những đầm thuộc về tài nguyên vị thế
biển của Việt Nam, là một loại hình thủy lực rìa đồng bằng cát ven biển, nơi giàu
bồi tích, thông với biển bởi nhiều cửa sông, nơi có rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn
có các chức năng sinh thái và giá trị kinh tế rất quan trọng như: bảo vệ bờ biển khỏi
xói lở, nơi sinh nở và cư trú của nhiều loài thủy hải sản (cá, tôm, cua bùn); nơi cung
cấp thực phẩm và duy trì đời sống sinh vật của biển. Chính những khu hệ khác nhau
này cùng sự pha trộn giữa môi trường nước biển và nước ngọt đã tạo ra nguồn lợi
thủy sản đa dạng và phong phú cho đầm Thị Nai. Về mặt lịch sử, đầm Thị Nại là
nơi diễn ra nhiều sự kiện và dấu ấn quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,
an ninh quốc phòng của nhiều triều đại, nhiều thành phần và cộng động dân cư. Do
đó tìm hiểu cộng đồng cư dân tại đầm Thị Nại là công việc rất nhiều thách thức cho
một học viên cao học như chứng tôi.
Khu vực sinh sống của cộng đồng cư dân xung quanh môi trường sông nước
– đầm phá là một hình thái thiên nhiên của biển nên tính chất nghề nghiệp của cộng
đồng cư dân đầm Thị Nại chủ yếu liên quan đến văn hoá biển cận duyên như: đánh
bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, nghề tiểu thủ công đan vá lưới, làm ruộng muối… Môi
trường cư trú của cộng đồng dân cư chủ yếu ở ven đầm nhưng tính chất nguy hiểm
vẫn có do bị ảnh hưởng nhiều của bão, do đó người dân đã ý thức được tầm quan
trọng của việc trồng rừng ngập mặn làm vành đai che chắn để bảo vệ nơi cư trú và
bảo vệ nguồn lợi con giống thuỷ hải sản trong đầm. Sinh sống ở đầm tuy ít nguy
hiểm so với môi trường biển rộng lớn bên ngoài đầm, nhưng do ảnh hưởng của bão
và một bộ phận ngư dân mưu sinh bằng công việc đánh bắt xa bờ luôn tiềm ẩn
những mối hiểm nguy, bất trắc, nên cộng đồng cư dân tại đây có hệ thống tín
ngưỡng mang đậm dấu ấn văn hoá biển như: tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông, tín
ngưỡng Bà - Cậu, tín ngưỡng thờ cúng Âm hồn Cô bác chết ngoài biển, lễ hội cầu
ngư…Có thể nói cộng đồng cư dân ở đầm Thị Nại vừa là cộng đồng địa lý (bao
gồm những người dân cư trú trong cùng một địa bàn, có chung các đặc điểm văn
hoá xã hội và có thể có quan hệ ràng buộc với nhau, có cùng chính sách chung) vừa
162
 

là cộng đồng chức năng (gồm những người có lợi ích chung, liên kết với nhau trên
cơ sở nghề nghiệp). Cộng đồng cư dân đầm Thị Nại có đời sống văn hoá vật chất,
văn hoá tinh thần và văn hoá xã hội thể hiện văn hoá tộc người mang sắc thái đặc
trưng văn hoá biển và tiếp giáp biển. Cuộc sống mưu sinh của họ do đánh bắt xa bờ,
gần bờ (trong đầm) và nuôi trồng thuỷ hải sản thuận lợi nên kinh tế ổn định, văn
hóa vật chất, tinh thần và xã hội phong phong phú, phát triển. Cộng đồng cư dân nơi
đây chịu ảnh hưởng từ môi trường sinh thái tự nhiên đã quy định hoạt động kinh tế
theo khía cạnh ngư nghiệp chủ yếu: nghề đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản, nuôi
trồng thuỷ hải sản, làm muối, các nghề tiểu thủ công gắn liền với hoạt động đánh
bắt. Khía cạnh ăn uống, trang phục, nhà ở, phương tiện đi lại đều được họ lựa chọn
và sáng tạo để có thể thích nghi với môi trường tự nhiên. Tất cả những sản phẩm
này đều được cộng đồng cư dân ở đây tạo ra thông qua quá trình lao động, sản xuất.
Về văn hoá tinh thần, môi trường sinh sống của cộng đồng cư dân ở đầm tuy không
mang tính chất nguy hiểm, nhiều bất trắc như ngoài biển khơi nhưng vẫn là hệ sinh
thái biển nên họ vẫn có những phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội mang
sắc thái văn hóa biển biển như tín ngưỡng thờ Cá Ông, Bà - Cậu, thờ cúng âm hồn
cô bác... Có lẽ do đời sống kinh tế ổn định nên đời sống văn hóa tinh thần của người
dân có điều kiện phát triển, còn lưu giữ những dạng thức văn hoá dân gian hát múa
bả trạo, hoặc vẫn lưu truyền dòng văn học dân gian bao gồm các thể loại như truyền
thuyết, tục ngữ, ca dao, vè, đặc biệt là nội dung thuộc vè đi biển, vè các lái… Yếu
tố văn hoá này được người dân xây dựng đúc kết từ tiền đề văn hoá biển do đầm là
một hình thái thiên nhiên của biển. Thông qua việc khảo sát văn hoá vật chất và văn
hoá tinh thần, văn hoá xã hội giúp chúng tôi thấy được đặc trưng văn hoá tổng thể
của cộng đồng cư dân người Việt tại đầm Thị Nại nơi đây.
Cộng đồng cư dân đầm Thị Nại ổn định gắn kết khá chặt chẽ qua các tổ chức
quan phương (tổ chức chính thức) và tổ chức phi quan phương (tổ chức không
chính thức). Với những nội dung trên, chúng tôi đã khảo sát được những yếu tố thể
hiện được sự da dạng đời sống văn hoá mang đặc trưng của vùng đầm Thị Nại. Có
thể nhận thấy, đây là không gian văn hoá, là cái nôi để con người nơi đây sáng tạo
163
 

ra các dạng thức văn hoá và nuôi dưỡng những giá trị văn hoá này. Cộng đồng cư
dân nơi đây đã trải qua quá trình lịch sử hình thành cộng đồng lâu dài, họ có sự tiếp
thu, học hỏi, giao lưu và tiếp biến những nền văn hoá bản địa khác nhau để từ đó
hình thành nên sắc thái văn hoá riêng mang dấu ấn của văn hoá tự nhiên vùng đầm.
Với giả thuyết nghiên cứu của chúng tôi trong luận văn này: Cộng đồng cư dân đầm
Thị Nại dù sinh sống ở đầm nhưng hoạt động kinh tế và đời sống văn hoá vật chất,
văn hoá tinh thần, văn hoá xã hội của họ vẫn mang đậm sắc thái đặc trưng của văn
hoá biển. Do nhiều yếu tố thuận lợi về địa lý, tài nguyên vị thế biển...nên cư dân
đầm Thị Nại là một cộng đồng cư dân ổn định, đời sống phát triển, gắn kết khá chặt
chẽ về kinh tế- văn hoá – xã hội. Nơi đây ngoài cuộc sống mưu sinh về đánh bắt xa
bờ, gần bờ (trong đầm) và nuôi trồng thuỷ hải sản thuận lợi nên kinh tế của cư dân
khá ổn định. Ngoài ra các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở đây vẫn thể hiện tâm
thức của cư dân tuy mưu sinh ở đầm ít nguy hiểm hơn ở biển, nhưng họ vẫn cầu
mong được thần linh bảo trợ bình an như khi đánh bắt ngoài biển khơi. Chúng tôi
đã vận dụng các lý thuyết và quan điểm nghiên cứu như Sinh thái văn hóa (Cultural
ecology), Chức năng luận (Functionalism), Tổng thể văn hóa tộc người...để khảo
sát, phân tích. Giả thuyết nghiên cứu này đã được chúng tôi kiểm nghiệm trong quá
trình điền dã tại địa bàn đầm Thị Nại và nhận thấy giả thuyết nghiên cứu của mình
phù hợp với thực tế. Tuy nhiên việc hiểu biết kỹ càng, sâu sắc và đảm bảo tính khoa
học về một cộng đồng dân cư nhiều ngành nghề và một địa bàn địa lý đa dạng vốn
có chiều dài lịch sử phức tạp như đầm Thị Nại cần được đầu tư nhiều phương pháp
nghiên cứu đầy đủ hơn, nhiều thời gian, công sức hơn và nhiều người tham gia hơn.
Trong điều kiện thời gian không nhiều, kiến thức khoa học còn hạn chế, chúng tôi
chỉ có thể bước đầu khảo sát cộng đồng dân cư tại xã Phước Thuận của đầm Thị
Nại như một “lát cắt” đồng đại.
Qua quá trình điền dã, chúng tôi thấy được chính nhờ hoạt động phát triển
kinh tế theo hướng ngư nghiệp đã giúp cho cuộc sống của người dân trong xã
Phước Thuận nói riêng và cư dân toàn đầm Thị Nại nói chung được cải thiện, kinh
tế gia đình không còn là nỗi bận tâm lo lắng. Tuy nhiên, quá trình phát triển này đã
164
 

tạo ra những mặt tiêu cực như không gian đánh bắt bị thu hẹp do tình trạng người
dân lấn chiếm đất để xây nhà ở. Người dân nơi đây chưa có ý thức bảo vệ nguồn tài
nguyên sẵn có trong đầm, vì lợi ích kinh tế họ sử dụng hình thức lưới lồng để đánh
bắt thuỷ hải sản, điều này dẫn đến tình trạng nguồn tài nguyên cạn kiệt, một số
người dân làm nghề đánh bắt truyền thống phải bỏ nghề vì trong đầm không còn
sản phẩm để đánh bắt. Các ngành chức năng đã can thiệp nhưng chưa có chế tài phù
hợp, khiến tình trạng người dân sử dụng lưới lồng để đánh bắt vẫn còn tái diễn.
Không gian văn hoá của cộng đồng cư dân nơi đây chính là đầm, phá, nếu
không gian này mất đi đồng nghĩa với việc môi trường sinh sống bị phá huỷ, không
gian văn hoá lúc này không còn là nơi nuôi dưỡng và phát huy những giá trị văn
hoá.
Đầm là vùng vô cùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương bởi tác động của các hiện
tượng tự nhiên cũng như các hoạt động khác nhau của con người như sự gây ô
nhiễm và việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thủy sản. Chính vì để đảm bảo
phát triển bền vững cho đầm Thị Nại và cộng đồng dân cư ở đây mà Chính quyền
và cộng đồng cư dân nơi đây cần ý thức vấn đề bảo tồn, sửa sai, cải tiến, phát huy
hệ sinh thái của đầm, hoạt động kinh tế và những yếu tố văn hoá hiện hữu, chúng
tôi nghĩ Nhà nước nên chăng cần có biện pháp và chính sách hợp lý, tăng cường
việc quản lí đất đai trên khu vực đầm, phải có sự quy hoạch rõ ràng trong vấn đề
người dân sử dụng đất. Ngăn chặn ngư dân đánh bắt bằng lưới lồng và các ngư cụ
mang tính hủy diệt khi khai thác thuỷ hải sản. Chỉ sử dụng những ngư cụ đánh bắt
phù hợp với tiêu chí bảo về nguồn lợi thuỷ hải sản trong đầm nhưng vẫn mang lại
hiệu quả kinh tế cho người dân. Cơ quan ban ngành chức năng nên chăng có biện
pháp bảo tồn và phát huy những loại hình tín ngưỡng dân gian phù hợp với sự đa
dạng về tôn giáo, tín ngưỡng lễ hội của cộng đồng cư nơi đây. Không gian văn hoá
không bị thay đổi chính là yếu tố làm cho hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng không bị
thay đổi, chính vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy truyền thống tốt
đẹp. Việc đầu tư phát triển kinh tế theo hình thức du lịch sinh thái nên chăng cần
được quan tâm, cân nhắc. Vì khi phát triển du lịch không chỉ mang lại hiệu quả kinh
165
 

tế cao cho Tỉnh mà còn giúp cộng đồng dân cư tại đây có được công việc tạo thêm
thu nhập như tham gia vào dịch vụ ẩm thực, dịch vụ thương mại... Nhưng khi phát
triển du lịch sinh thái nên chăng kèm theo giải pháp bảo vệ môi trường, giữ nguyên
hiện trạng rừng không được phá vỡ hệ sinh thái rừng và đưa ra giải pháp thích hợp
để bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản trong đầm, kết nối các
hoạt động phát triển, làm thay đổi hành vi của những người hưởng dụng tài nguyên
biển để họ tự giác tham gia vào việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển như một
nguyên tắc phát triển. Theo đó, về mặt quản lý cần có những chính sách quản lý và
biện pháp thực hiện quản lý tài nguyên biển để đảm bảo cho sự tái tạo của môi
trường, đảm bảo cho một môi trường sinh sống bền vững cho con người.
 
 
 
 
 
 
 
166
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

A. TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT:


1. Alexandre De Rohdes (2004), Hành trình và truyền giáo (Divers voyages),
Hồng Nhuệ dịch, Ủy ban đoàn kết công giáo xuất bản.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định (1996), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình
Định (1954 – 1975).
3. Ban thường vụ Đảng ủy Phước Long (1990), Truyền thống cách mạng của
Đảng bộ và nhân dân xã Phước Thuận 1930 – 1975.
4. Ban chấp hành Đảng bộ xã Phước Sơn (1990),Truyền thống cách mạng xã
Phước Sơn.
5. Ban chấp hành Đảng bộ xã Phước Thuận (1991), Truyền thống cách mạng
của Đảng bộ và nhân dân xã Phước Thuận.
6. Giáo trình Nhân học đại cương (2010), Nxb Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí
Minh.
7. Christophoro Borri (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch)
(1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
8. Châu Hải, Tính dung hợp trong tôn giáo, tín ngưỡng của người Hoa ở Việt
Nam, Tạp chí văn hóa dân gian.
9. Dương Hoàng Lộc (2008), Văn hóa tín ngưỡng cộng đồng ngư dân ven biển
Bến Tre, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học Trường Đại học KHXH & NV - Đại
học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
10. Đào Duy Anh (2003), Việt Nam văn hóa sử cương (tái bản), Nxb Văn hóa
thông tin, Hà Nội.
11. Đình Huy (2005), Vè các lái, một bài vè dân gian, một giá trị tri thức của
ngư dân miền Trung. In trong Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ
dân gian Nam Trung Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
12. Địa chí Bình Định (2006), tập Lịch sử, Nxb Đà Nẵng.
13. Đỗ Trường Giang, Sự chuyển hóa từ thương cảng Chăm thành thương cảng
Việt (trường hợp Thị Nại – Nước Mặn).
167
 

14. Đinh Bá Hòa (1986), Về vị trí thành Thị Nại, Chuyên khảo Những phát hiện
mới về khảo cổ học.
15. Đinh Bá Hòa (2012), Văn hóa xã hội Bình Định, Nxb Văn hóa thông tin.
16. Đinh Văn Liên (2008), Bình Định – Đất võ trời văn, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí
Minh.
17. Émile Durkheim (2012), Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Đinh
Hồng Phúc dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội.
18. H.Russel Bernard (2009), Các phương pháp nghiên cứu trong Nhân học.
Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
19. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2008), Văn hóa biển miền Trung và văn
hóa biển Tây Nam Bộ, Nxb Bách Khoa.
20. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2012), Nguyễn Viết Trung, Nguyễn
Xuân Phong, Nghề biển truyền thống ở một số tỉnh ven biển Việt Nam, Nxb
Thanh Niên, Hà Nội.
21. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1999), Từ điển thuật ngữ văn
học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
22. Lê Văn Kỳ (2015), Văn hóa biển miền Trung Việt Nam, Nxb Khoa học xã
hội, Hà Nội.
23. Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17
và 18, Nxb Trẻ.
24. Lương Thị Vân, Tính dễ bị tổn thương của cộng đồng cư dân nghèo khu vực
đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam
học - Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ tư.
25. Ngô Đức Thịnh (2000), Văn hóa dân gian cư dân ven biển, Nxb Khoa học xã
hội, Hà Nội.
26. Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam.
NxbTrẻ.
27. Ngô Văn Lệ ( 2004), Tộc người và văn hóa tộc người, Đại học Quốc gia Tp.
Hồ Chí Minh.
168
 

28. Ngô Thị Phương Lan (2017), Thuyết sinh thái văn hóa và tiếp cận nghiên
cứu văn hóa ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội, số 1.
29. Nguyễn Công Thành (2007), Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển
một số thị tứ Nam Bình Định từ thế kỉ XVII đến giữa thế kỉ XIX, Luận văn
Thạc sĩ, Trường Đại học Quy Nhơn.
30. Nguyễn Công Thành (2009), Thương cảng Nước Mặn tỉnh Bình Định – nhận
thức một số vấn đề khoa học đặt ra, In trong Tạp chí Khoa học, Trường Đại
học Quy Nhơn, tập 3, số 2.
31. Nguyễn Duy Thiệu (2000), Việc tổ chức đời sống tín ngưỡng trong cộng
đồng ngư dân Việt Nam. In trong Tạp chí Văn hóa dân gian, Hà Nội.
32. Nguyễn Duy Thiệu (2002), Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội.
33. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Phương pháp phỏng vấn sâu trong nghiên cứu
nhân học, In trong Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 10, Hà Nội
34. Nguyễn Phúc Liêm – Hà Giao (2008), Văn hoá ẩm thực Bình Định, Nxb Tri
Thức, Hà Nội.
35. Nguyễn Phúc Liêm (2012), Làng nghề truyền thống ở Bình Định, Nxb. Văn
hóa dân tộc Hà Nội.
36. Nguyễn Thanh Lợi (2003), Giao lưu văn hoá Việt - Chăm, nhìn từ tục thờ
cúng cá Ông, In trong Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2.
37. Nguyễn Thị Hải Lê (2006), Biển trong văn hóa người Việt. Luận văn thạc sĩ
Văn hóa học, Trường Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí
Minh.
38. Nguyễn Xuân Nhân (2000), Văn hoá cổ truyền ở làng quê Bình Định, Đề tài
Khoa học – Công nghệ cấp tỉnh.
39. Nguyễn Xuân Nhân, Cảng thị Nước Mặn và Văn hoá cổ truyền, Nxb Khoa
học xã hội.
40. Nguyễn Xuân Nhân, Văn hoá dân gian vùng cổ thành Thị Nại, Chưa xuất
bản.
169
 

41. Nhiều tác giả (2010), Hiện trạng nguồn lợi và nguồn giống thuỷ sản trong
đầm Thị Nại qua phương pháp điều tra nguồn lợi vùng bờ có sự tham gia
của cộng đồng, Tuyển tập Nghiên cứu biển, số 18.
42. Nhiều tác giả (2015), Tuy Phước Lịch sử và Văn hoá, Nxb Chính trị quốc gia
– sự thật Hà Nội.
43. Nhiều tác giả (2015), Năng suất sơ cấp ở đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định, In
trong Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển, tập 15, số 2.
44. Nhiều tác giả (2016), Đặc trưng nguồn lợi sinh vật đáy của vùng nước đầm
miền Trung, Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển, tr 80-88; tập 16, số1.
45. Phạm Hồng Tung (2009), Cộng đồng: Khái niệm, cách tiếp cận và phân loại
trong nghiên cứu, In trong Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 12.
46. Phan Khoang (1969), Việt sử - Xứ Đàng Trong. Nxb Văn học
47. Phan Ngọc (2001), Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb Văn học.
48. Phan Thị Yến Tuyết (1993), Nhà ở, trang phục ăn uống của các dân tộc
vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội.
49. Phan Thị Yến Tuyết (2006), Tìm văn hóa biển tại Nam Bộ. In trong Đồng
bằng sông Cửu Long, thực trạng và giải pháp để trở thành vùng trọng điểm
kinh tế giai đoạn 2006 – 2010. Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
50. Phan Thị Yến Tuyết (2007), Nghiên cứu văn hóa biển Nam Bộ - tiếp cận
nhân học và văn hóa dân gian, In trong Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa, du lịch
biển đảo miền Tây Nam Bộ, Kiên Giang.
51. Phan Thị Yến Tuyết (2008), Sắc thái văn hóa biển của huyện Kiên Hải. Kỷ
yếu Hội thảo Văn hóa biển, Kiên Giang.
52. Phan Thị Yến Tuyết (2008), Vấn đề nghiên cứu Nhân học biển (Maritime
Anthropology) và văn hóa biển (Marine culturology) trong xã hội. Tham
luận tại Hội nghị công bố Dân tộc học.
53. Phan Thị Yến Tuyết (2008), Văn hóa vùng miền Đông Nam bộ và sự thích
nghi với môi trường sinh thái. In trong Kỷ yếu Hội thảo Vai trò của văn hóa
dân gian trong quá trình phát triển miền Đông Nam Bộ, Đồng Nai.
170
 

54. Phan Thị Yến Tuyết (2010), Tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần từ chiều kích
văn hóa biển của vùng biển đảo Kiên Hải, Kiên Giang, In trong Tạp chí
Khoa học xã hội, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, số 5, tr.141.
55. Phan Thị Yến Tuyết (2012), Văn học dân gian (giáo trình điện tử), Khoa
Nhân học, trường Đại học KHXH & NV, Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí
Minh.
56. Phan Thị Yến Tuyết (2014), Đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội của cư dân
vùng biển, đảo Nam bộ, NXB Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
57. Phan Thị Yến Tuyết (2015), Giáo trình văn hóa biển ở Việt Nam, Khoa Việt
Nam học, trường Đại học KHXH & NV, Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
58. Phan Thị Yến Tuyết (2015), Những loại hình kinh tế biến, đảo và tiềm năng
kinh tế tại vùng biển Nam Bộ, Việt Nam - Tiếp cận Sinh thái văn hóa
(cultural ecology), In trong Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ - Số
18.
59. Quách Tấn (1999), Nước non Bình Định.,Nxb Thanh Niên.
60. Quách Thế Hải ( 2000) Minh Hương xã, làng Tàu trên đất Việt, Kỷ yếu Tịnh
Nương Đường 2000. In nội bộ năm 2000.
61. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (bản dịch Phạm Trọng Điềm) (1971), Đại Nam
Nhất Thống Chí (tập 5), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
62. Tô Ngọc Thanh (2016), Văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo, Báo cáo đề
dẫn ở hội thảo khoa học toàn quốc Văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo tại
Quảng Ngãi năm 2016.
63. Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam (tái bản lần 4).
64. Trần Thị An (2016), Tục thờ cúng người vong thân trên biển, nỗi đau và tính
nhân văn của một quốc gia biển, Bài tham luận ở Hội thảo khoa học toàn
quốc Văn hoá dân gian với vấn đề biển đảo, Quãng Ngãi.
65. Trần Thị Bích Ngọc (2015), Cộng đồng người Việt tại làng nổi Chong Kneas
– Siem Reap. Luận văn Thạc sĩ Việt Nam học Trường Đại học KHXH & NV
- Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
171
 

66. Trần Quốc Vượng (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
67. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm. Nxb Văn
hóa dân tộc, Hà Nội.
68. Trần Văn Vinh, Hoàng Hoa Hồng (2012), Hiện trạng khai thác và các mối
đe doạ đến nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ hải sản ở đầm
Thị Nại – tỉnh Bình Định. Tạp chí khoa học - Công nghệ thuỷ sản, số 1
69. Trần Xuân Toàn, Trần Xuân Liếng (2013), Nghề đánh cá thủ công xưa của
ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định. Nxb Thời Đại.
70. Trịnh Hoài Đức (Lý Việt Dũng dịch, Huỳnh Văn Tới hiệu đính, giới thiệu)
(2004), Gia Định Thành thông chí. Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
71. Trương Thị Quốc Ánh (2015), Đời sống văn hóa của cư dân đảo Hòn Tre Tp
Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, Luận văn Thạc sĩ Văn hoá học trường
ĐHKHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh.
72. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định (2005), Địa chí Bình Định – tập Thiên
nhiên – dân và hành chính, Nxb Tổng hợp.
73. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định (2007), Địa chí Bình Định – tập Kinh tế,
Nxb Tổng hợp.
74. Uỷ ban nhân dân huyện Tuy Phước (2010), Tuy Phước – Đất và người, Bình
Định
75. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2005), Nam bộ - Dân tộc và tôn giáo, Nxb
Khoa học xã hội.
76. Viện nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á (1996):,Biển với người Việt cổ. Nxb
Văn hóa, Hà Nội.
77. Viện văn hóa dân gian (2000), Văn hóa dân gian làng ven biển. Nxb Văn
hóa dân gian.
B. TÀI LIỆU TIẾNG NƯỚC NGOÀI
78. Nicoles M., Allen G. (1981), Sedimentary process in coastal lagoon
research, present and future UNESCO Technical paper in marine seience.
No.33, p.27 – 80.
172
 

79. Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyễn Bích Ngọc (2004), Current status and
exploitation of wild spiny lobsters in Vietnamese waters. In trong Spiny
lobster ecology and exploitation in the South China Sea region (ed. By
Kevin C.Williams), tr.13.
80. Phleger F.B (1981), A rewiew of some features of coastal lagoon research,
present and future UNESCO Technical paper in marine seience. No.33, p.1 –
6.
81. Robert, Layton (1997) An Introduction to Theory in Anthropology.
Cambridge University press.
C. TÀI LIỆU INTERNET
82. Shahab Setudeh-Nejad (1996), Cultural and Cosmological Impact of Iranian
Civilization in Vietnam and Peninsular Areas of Southeast Asia.
http://www.iranchamber.com/culture/articles/iranian_cultural_impact_southe
astasia.pp
83. Steward Julian H. (1955), Theory of culture Change: the Methodology of
Multilineal Evolution, University of Illinos Press, tr.35
84. Đinh Văn Liên (2008), Văn hóa ẩm thực của người Bình Định.
http://dacsanbinhdinh.vn/news_detail.php?nid=41
85. A.R.Radcliffe-Brown (Đinh Hồng Phúc dịch) (2010), Bàn về khái niệm chức
năng trong khoa học xã hội http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-
van-hoa-hoc/llvhh-nhung-van-de-chung/1762-arradcliffe-brownban-ve-khai-
niem-chuc-nang-trong-khoa-hoc-xa-hoi-.html.
86. http://cucthongke.binhdinh.gov.vn/newsdetail.php?newsid=627&id=95&__n
cforminfo=Ez_8HMm_p030-
HurE4ZGX6weK_ev26Binda9XhQuero4crJQFCW3I8PjLH8x_JxppJIdp4Iy
0D4Qln2muW8Qut7sw8Mk99ww
87. http://nhanhoc.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=0261961d-bd9e-4294-be41-
ebcd3c10b8a1
173
 

88. https://tepbac.com/tin-tuc/full/binh-dinh-khai-thac-thuy-san-gan-voi-bao-ve-
nguon-loi-23144.html
89. http://www2.hcmuaf.edu.vn/data/nguyenvantrai/6Quy%20hoach%20tinh%2
0Binh%20Dinh.pdf

You might also like