You are on page 1of 5

CHIỀU TỐI (MỘ)

Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn, để lại
cho dân tộc một sự nghiệp sáng tác đồ sộ về số lượng, phong phú về thể loại, sâu sắc về nội
dung tư tưởng và độc đáo về phong cách. Bên cạnh những áng văn chính luận, những truyện
ngắn, Người còn mang tới những vần thơ trữ tình vừa cổ điển vừa hiện đại. Ta phải kể tới tập
thơ “Nhật kí trong tù” tiêu biểu cho mảng thơ đó. Nằm trong tập thơ, bài thơ “Chiều tối” là
một trong những tác phẩm hay nhất miêu tả bức tranh thiên nhiên vùng sơn cước, qua đó bộc
lộ vẻ đẹp thơ và vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh.
Bài thơ được sáng tác vào cuối thu năm 1942, Bác bị chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây sang
nhà lao Thiên Bảo. Trên con đường chuyển lao ấy, người tù phải bị gông cùm xiềng xích
nhưng vẫn luôn bay bổng, thả hồn vào thiên nhiên và cuộc sống con người nơi đây. Giống
như các bài thơ khác trong tập “Nhật kí trong tù”, "Chiều tối" mang vẻ đẹp thơ chan chứa
chất tình và chất thép, sự hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, từ đó khắc họa bức chân dung tinh
thần của Hồ Chí Minh.
Hai câu đầu bài thơ mở ra bức tranh thiên nhiên vùng sơn cước nơi Bác chuyển lao đi
qua :
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
dịch thơ :
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
Trước tiên, ta bắt gặp hình ảnh cánh chim mỏi mệt “quyện điểu” đang vội vã bay về
rừng tìm chốn ngủ. Đây là một hình ảnh quen thuộc, mang tính chất ước lệ tượng trưng của
thơ Đường. Thời gian lúc này đã sang chiều, ngày đã tàn. Dựa vào sắc thái của cánh chim
“quyện” (mệt), ta hình dung ra một đôi cánh mỏi mệt sau một ngày kiếm ăn cực nhọc, bỏ lại
phía sau bóng chiều tàn, bỏ lại những vất vả để sinh tồn mà tìm về chốn nghỉ. Hơn nữa, nhà
thơ còn khéo léo sử dụng bút pháp cổ điển chấm phá, điểm nhãn với cánh chim. Cánh chim
nhỏ bé trở thành điểm nhấn nổi bật giữa nền trời, lột tả một không gian bao la, rộng lớn của
núi rừng. Ở đây, bằng nghệ thuật lấy động tả tĩnh trong thơ cổ, Hồ Chí Minh miêu tả cánh
chim chuyển động nhưng lại càng khắc họa thêm vẻ tĩnh lặng, mênh mông, trống trải của
không gian, cảnh vật phảng phất nét buồn.
Cánh chim trong thơ Bác không đơn thuần hiện lên với chuyện động bay về rừng mà
nó hiện lên trong cả một hành trình di chuyển với trạng thái bên trong. Rõ ràng để miêu tả
được hình ảnh thiên nhiên, người tủ phải dõi theo nó cả quá trình, thấu hiểu tâm trạng, trạng
thái bên trong sự vật nhỏ bé. Trong hoàn cảnh tù đày khổ cực, người chiến sĩ vẫn tinh tế,
nhạy cảm để ý tới những sự vật tưởng như vô tri vô giác. Đó hẳn là biểu hiện cho lòng yêu
thiên nhiên đặc biệt ở một thi nhân.
Người không chỉ yêu cảnh mà còn thấu hiểu cảnh. Khi bị chuyển lao, Bác như thấy
mình và cánh chim kia có sự đồng điệu về hoàn cảnh, phải trải qua một ngày dài đầy khó
khăn chưa biết điểm dừng, không tránh khỏi cảm thấy mệt mỏi, rệu rã, gần như kiệt sức, chán
chường. Nhà thơ đặt tâm hồn mình vào nơi cánh chim, sau một ngày dài, những chú chim trở
về nơi rừng sâu để nghỉ ngơi, người tù xa xứ vẫn phải tiếp tục chặng đường đầy khổ cực
không có điểm dừng nên chỉ gửi nhờ nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết, khôn nguôi.
Vậy nhưng, khác với nhiều nhà thơ cổ để hình ảnh cánh chim lọt thỏm giữa trời mây,
lạc bay mông lung vô định, Hồ Chí Minh lại dùng cánh chim làm điểm nhấn nổi bật trên nền
trời buổi chiều tà. Vẫn là cánh chim mang vẻ đẹp cổ điển ấy nhưng giờ đây nó được thổi vào
một linh hồn hiện đại, bởi cánh chim dù có ủ rũ vẫn cố gắng đập cánh bay về rừng “tìm chốn
ngủ” lấy lại năng lượng cho ngày dài tiếp theo. Phải chăng đây cũng là ý chí, nghị lực, sức
sống kiên cường không bỏ cuộc của người chiến sĩ?
Kế đó là hình ảnh đám mây hiện ra với vẻ lững lờ chầm chậm như ngừng trôi. Lại một
bút pháp cổ điển nữa được Hồ Chí Minh sử dụng: lấy hữu hạn nói vô hạn, dùng điểm tả diện.
Chòm mây nhỏ bé có sức gợi lớn lao, khơi dậy cả một không gian khoáng đạt, rộng lớn
không thấy được đường chân trời của miền sơn cước. Chòm mây trong bức tranh không làm
cho cảnh vật thêm sinh động mà còn khiến không gian trở nên tĩnh lặng, u ám, ảm đạm, buồn
man mác.
So sánh với bản phiên âm, bản dịch thơ của Nam Trân chưa lột tả hết ý thơ, trạng thái
cô đơn lẻ loi, cùng vẻ uể oải lững lờ của chòm mây. Chữ “Cô” và chữ “mạn mạn” tưởng
như đơn giản nhưng có sức gợi vô cùng, nó vẽ nên một chòm mây cô độc trên nền trời cao.
Lại một lần nữa, nhà thơ sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, cảnh và người có sự tương giao,
người tù cách mạng lúc này cũng cảm thấy cô đơn, trơ trọi, lạ lẫm, buồn chán nơi xứ lạ.
Cũng như hình ảnh cánh chim, mây không phải là thi liệu mới mà là thi liệu quen
thuộc trong thơ Đường dùng để gợi tả nỗi buồn man mác mà dai dẳng, khôn nguôi. Tuy
nhiên mây của Hồ Chí Minh dù có buồn, có lẻ loi nhưng không chết lặng. “Cô vân” của
Người mang linh hồn thép của người tù xa xứ, tuy gần mất phương hướng, không nhìn ra hi
vọng, ánh sáng phía trước nhưng chưa vội bỏ cuộc, linh hồn ấy vẫn thôi thúc đám mây trôi,
dù không nhanh, những vẫn chứa đựng sức sống dai dẳng. Lúc này, bóng dáng người tù hiện
lên với phong thái ung dung, tự tại vượt lên hoàn cảnh để sẻ chia, đồng cảm với sự vật bên
ngoài. Ta hiểu thêm về trái tim yêu thương mênh mông cũng như ý chí nghị lực kiên cường
của người tù.
Hai câu thơ đầu vẽ nên bức tranh thiên nhiên vùng sơn cước mang vẻ đẹp cổ điển,
nhưng ẩn chứa bên trong là một hồn thơ hiện đại. Nhà thơ vừa gửi gắm vào đó tình cảm, cảm
xúc đặc biệt với thiên nhiên vừa thổi vào một ý chí, nghị lực, tinh thần lạc quan vượt lên
hoàn cảnh. Người đọc dù có nhìn thấy cái buồn, cái mệt của Người qua cảnh vật nhưng
không thể tìm ra một dấu hiệu chùn bước, bỏ cuộc.
Trên đường chuyển lao của Hồ Chí Minh, Người không chỉ chiêm ngưỡng cảnh sắc
thiên nhiên mà còn ngắm nhìn cả cuộc sống con người vùng sơn dã. Lọt vào tầm mắt Người
là hình ảnh cô gái miền núi đang lao động, một hình ảnh bé nhỏ gợi nên biết bao điều.
Thôn sơn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
dịch thơ :
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng.
Con người trong bức tranh đối lập hoàn toàn với sự vật ở hai cầu trên. Khi sự vật đã đi
vào trạng thái nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi, con người lại xuất hiện với một công việc lao
động rất bình dị, quen thuộc. Cô gái sơn cước đang xay ngô để chuẩn bị cho bữa cơm tối của
gia đinh. Hơn nữa, nếu cánh chim hay chòm mây mệt mỏi, lững lờ, muốn nghỉ ngơi thì con
người lại mang tới một thái độ, tinh thần hăng say, vui vẻ lao động. Hình ảnh con người ấy
dù có nhỏ bé, bình thường nhưng lại hiện lên trong sự chủ động công việc, trong vẻ đẹp trẻ
trung khỏe khoắn, tạo nét đẹp trữ tình lãng mạn cho thi phẩm. Nếu như hình ảnh con người
như ngư, tiều, canh, mục trong thơ Đường chỉ bé nhỏ, lác đác, mờ nhạt, chìm vào thiên
nhiên, vũ trụ rộng lớn, thì hình ảnh cô gái xay ngô như điểm sáng, tiếp thêm sức sống ấm áp
cho bức tranh thiên nhiên lạnh lẽo, hoang sơ. Lúc này, ánh nhìn của nhà thơ đã tập trung
hướng về nơi có sự sống, có hơi ấm của con người trong cuộc sống đời thường.
Con người xuất hiện cũng là lúc thời gian thay đổi. Điệp ngữ vòng “ma bao túc” -
“bao túc ma hoàn” ý chỉ vòng quay của cối xay ngô cứ đều đều diễn ra tựa như bánh xe thời
gian đang liên tục di chuyển, trời chiều giờ đã chuyển hẳn sang tối. Bác không dùng từ “tối”
trong thơ nhưng vẫn khiến cho người đọc hiểu được về sự vận động của thời gian. Đây chính
là biểu hiện cho sự tài tình của nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ.
Hình ảnh “thôn sơn thiếu nữ” cùng vẻ đẹp của con người lao động đã đánh thức trong
lòng người chiến sĩ, khiến Người nhớ về những con người Việt Nam hiền lành, chất phác
đang chịu cảnh nô lệ khổ nhục. Cô gái sơn cước vừa gợi dậy trong lòng nhà thơ những cảm
xúc vừa tạo động lực, nhắc nhở người chiến sĩ cách mạng bước tiếp, hướng về phía trước,
không được bỏ cuộc để hoàn thành con đường cứu nước.
Tới câu thơ cuối, ta bắt gặp một ánh sáng, đó chính là ánh sáng phát ra từ phía lò than
rực hồng. Có lẽ lò than ấy đã được thắp lên từ lâu khi trời chiều, nhưng chỉ khi trời tối hẳn thì
nó mới sáng ánh lên những tia lửa hồng ấm áp. Để đảm bảo không đánh mất cái hay và tinh
tế của từ ngữ, người đọc nên nhìn nhận thời gian trong bài “Mộ” qua phần phiên âm. Vì
trong phần phiên âm không hề có chữ “tối” nên chữ “hồng” ở câu kết càng toả sáng hơn bao
giờ hết. Người ta chỉ có thể nhìn ra ánh sáng bừng lên từ chiếc lò than bé nhỏ khi vạn vật
xung quanh đã chìm trong bóng tối. Đây chính là ví dụ điển hình cho một đặc trưng của
Đường thi – “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời) hay “hoạ vân hiển nguyệt” (vẽ mây hiện
trăng).
Sự xuất hiện của lò than cùng ánh sáng đã xua tan đi cái lạnh lẽo, u ám, tối tăm của núi
rừng, trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của người tù. Và quan trọng hơn, hơi ấm của ngọn
lửa, của con người xóa đi cảm giác mệt mỏi, chán chường, gần như kiệt sức trong lòng người
tù chuyển lao. Ngọn lửa ấy còn thắp lên một ý chí, nghị lực, một niềm tin vững vàng tiến về
phía trước, không buông bỏ, chấp nhận hoàn cảnh. Người chiến sĩ đã gửi bao nỗi niềm ưu tư,
nỗi mệt mỏi cực nhọc về nơi cánh chim và chòm mây, lúc này, ta chỉ thấy dưới ánh lửa nhỏ
bé mà mãnh liệt ấy những niềm tin, hi vọng, sức mạnh, động lực khiến người chiến sĩ thêm
vững bước.
Từ hai câu thơ đầu tới hai câu thơ sau có sự chuyển đổi trong tứ thơ, thời gian từ chiều
sang tối; không gian từ lạnh lẽo u ám sang ấm áp, tươi sáng; tư tưởng cảm xúc từ chỗ mệt
mỏi, uể oải sang hi vọng, niềm tin tràn trề. Có được sự chuyển đổi đó là do chữ “hồng” -
nhãn tự của bài thơ. Một mình chữ hồng ấy làm sáng cả câu thơ, cả bài thơ, xua đi cái vẻ lạnh
lẽo hoang vu buồn man mác của không gian, ánh sáng hắt lên làm khuôn mặt cô gái xay ngô
thêm rực rỡ tươi tắn. Chính chữ “hồng” đã khiến ta cảm nhận được cái thần, cái hồn của bài
thơ, không chỉ là tả lại quãng đường chuyển lao đầy mệt mỏi, khổ cực mà còn ánh lên một
tấm lòng yêu người yêu cảnh vô bờ bến của thi sĩ. Ngọn lửa tình yêu cuộc sống, yêu thiên
nhiên không bao giờ tắt trong lòng Hồ Chí Minh, ngay cả khi gặp khó khăn, thử thách, tình
yêu ấy vẫn luôn bập bùng, trào dâng. Nhà thơ quên đi hoàn cảnh tù đày, gông cùm xiềng xích
để phát hiện và dành tình cảm, sự trân trọng cho những vật vô tri vô giác, cho những con
người lao động bình dị nơi đất khách quê người. Và hơn tất cả, chữ “hồng” còn thể hiện cho
một chất thép trong thơ Người, người tù cách mạng chủ động tìm về nơi có ánh lửa, nơi có
con người, chủ động hướng về niềm tin, hi vọng, tự bồi đắp cho mình ý chí, nghị lực, tinh
thần lạc quan để vững bước trên con đường cứu nước. Đó là biểu hiện cho một bản lĩnh thép
cứng cỏi vượt lên nghịch cảnh trong người chiến sĩ.
Quả đúng như nhiều nhà phê bình văn học nhận xét, thơ Hồ Chí Minh không cần phải
“lên giọng thép” hay “nói chuyện thép” để tỏ ra “tinh thần thép”, chất thép trong thơ Bác
luôn hiện hữu một cách tinh tế, bởi nó đã nằm sâu trong hồn thơ, mang lại cho bài thơ một vẻ
đẹp hiện đại hiếm thấy. Cùng với đó, dù những hình ảnh thơ rất đơn giản, ngắn gọn, cô đọng
ẩn chứa một tình cảm bao la, rộng lớn, “bát ngát tình”.
Đọc "Chiều tối" ta hiểu rõ hơn và càng khâm phục hơn thinh thần lạc quan, ý chí, nghị
lực kiên cường, bản lĩnh mạnh mẽ phi thường của Bác. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh còn mang
theo tấm lòng yêu thiên nhiên, một trái tim nhân ái, một tình cảm lớn cho con người bình
thường. Vì vậy, ở người chiến sĩ, ta thấy được tấm gương sáng ngời về mọi mặt. Thế hệ trẻ
Việt Nam ngày nay sống trong thời bình nên học tập và noi theo tư tưởng sống, phong cách
sống tích cực của Hồ Chí Minh, để rồi từ đó góp ích cho đời, cho người, cho đất nước.

You might also like