You are on page 1of 119

CHÂU VĂN THÀNH

(Biên dịch và tổng hợp bài viết của nhiều tác giả, chỉ dùng cho nghiên cứu nội bộ)

- Tài liệu Không dùng cho Mục đích Thương mại -

NHỮNG CÂU CHUYỆN NGẮN VỀ

KINH TẾ VĨ MÔ
Tập 4

Tháng 5/2021

1
Lời nói đầu

Những Câu Chuyện Ngắn Về Kinh Tế Vĩ mô – Tập 4 tập họp các bài viết về xu hướng thay
đổi của kinh tế học vĩ mô và các trường phái kinh tế vĩ mô dòng chính thống.

Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu môn học này, tôi nhận ra rằng hầu hết những người
tiếp cận môn kinh tế học vĩ mô ở Việt Nam thường chỉ học tập và tham khảo môn học từ các
giáo trình cơ bản. Sau đó, mở rộng ứng dụng sang thực tế bằng cách đọc các báo cáo thường
niên về Kinh tế - Xã hội. Đồng thời, trong các cuộc tranh luận các vấn đề kinh tế vĩ mô,
chúng ta thường chỉ dựa vào lý thuyết cơ bản (như Lý thuyết được cho là Kích cầu của
Keynes chẳng hạn). Thực chất, những điều chúng ta biết là chưa đủ và chưa đúng bản chất
của nó.

Do vậy, tôi quyết định chọn và chuyển ngữ những bài viết từ các giáo sư chuyên ngành hàng
đầu, và từ các giáo trình kinh tế vĩ mô được sử dụng phổ biến trên thế giới nhằm hỗ trợ bạn
đọc yêu thích môn học này. Có tổng cộng 12 bài trong tài liệu này được sắp xếp theo trình tự
lịch sử. Khác với các tập trước, bạn đọc nên đọc các bài theo thứ tự để có thể theo dõi xu
hướng thay đổi và phát triển của kinh tế học vĩ mô theo thời gian.

Bạn sẽ tìm thấy trong các câu chuyện lần này nhiều điều bổ ich về kiến thức, bắt đầu bằng
câu chuyện bản vị vàng; Đại Khủng hoảng 1929-1933; và các thay đổi lớn trong kinh tế học
vĩ mô từ sau Đại Khủng hoảng, bao gồm: giải pháp Keynes, tổng hợp tân cổ điển, lời phê
phán của Lucas, trường phái cổ điển mới so với trường phái Keynes mới, các cập nhật lý
thuyết tăng trưởng, những chuyển động của kinh tế vĩ mô cho đến cuộc Đại Suy thoái 2008-
2009, và những bài học bổ sung trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô hiện hành.

Trong quá trình biên soạn, tôi cũng mạn phép thay đổi cấu trúc cho phù hợp lời văn tiếng
Việt và có viết thêm những lởi giải thích với hy vọng giúp người học ở trình độ cơ bản có thể
dễ dàng tiếp cận. Dù có cố gắng giữ lại những ý tưởng nguyên thủy của các tác giả, nhưng có
thể sẽ phát sinh những điểm thiếu sót. Rất mong nhận được những lời góp ý xây dựng của
bạn đọc.

Hãy cùng nhau học tập và giữ vững khung phân tích kinh tế cơ bản của bạn trước khi chúng
ta có thể làm được những điều lớn lao hơn.

Trân trọng,

Châu Văn Thành

2
Nội dung
Lời nói đầu ............................................................................................................................ 2
Bài 1 - NHỮNG THAY ĐỔI QUAN TRỌNG CỦA KINH TẾ VĨ MÔ ........................................ 4
Bài 2 - BẢN VỊ VÀNG .......................................................................................................... 24
Bài 3 - ĐẠI KHỦNG HOẢNG ............................................................................................... 31
Bài 4 - JOHN MAYNARD KEYNES ..................................................................................... 45
Bài 5 - KINH TẾ HỌC THEO KEYNES ............................................................................... 50
Bài 6 - KINH TẾ HỌC TÂN CỔ ĐIỂN .................................................................................. 59
Bài 7 - CHỦ NGHĨA TIỀN TỆ VÀ NHỮNG NHÀ KINH TẾ TIỀN TỆ .................................... 65
Bài 8 - BÀI DIỄN THUYẾT CỦA FRIEDMAN VỀ CUỘC CÁCH MẠNG TƯ TƯỞNG KINH TẾ
VĨ MÔ ................................................................................................................................. 70
Bài 9 - KỲ VỌNG HỢP LÝ .................................................................................................. 91
Bài 10 - KINH TẾ HỌC VĨ MÔ CỔ ĐIỂN MỚI ..................................................................... 99
Bài 11 - KINH TẾ HỌC THEO KEYNES MỚI.................................................................... 108
Bài 12 - Tình huống: Các trường phái kinh tế học vĩ mô hiện đại đáp lại cuộc khủng hoảng kinh tế
2007-2008 như thế nào? ....................................................................................................... 115

3
Bài 1 - NHỮNG THAY ĐỔI QUAN TRỌNG CỦA
KINH TẾ VĨ MÔ1
Kinh tế vĩ mô (macroeconomics) hình thành và phát triển theo thời gian gắn với các cột mốc
quan trọng. Nhiều trường phái tư tưởng lần lượt nổi lên, kể cả dòng chính thống và phi chính
thống. Tuy nhiên, do các giáo trình dùng giảng dạy trong các trường Đại học hiện nay chỉ tập
trung vào những khung lý thuyết được đồng thuận nhiều nhất, nên đã tạo ra những cách hiểu
chưa thật sự chính xác và đầy đủ về môn khoa học quan trọng này. Tổng hợp sau đây sẽ giúp
chúng ta có cái nhìn mang tính hệ thống về xu hướng và những thay đổi quan trọng của kinh
tế vĩ mô kể từ sau cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933 (Great Depression) đến nay.

Các cột mốc quan trọng có thể được tóm tắt như sau:

1. Keynes và Đại Khủng hoảng 1929-1933: trỗi dậy của lý thuyết Keynes.
2. Thập niên 1950 – 1970: tổng hợp Tân Cổ điển, hợp nhất ý tưởng của Keynes với ý
tưởng các nhà kinh tế học trước đó – Thời kỳ vàng son của kinh tế học vĩ mô.
3. Thập niên 1970 – 1980: xuất hiện lời phê phán của Lucas, trào lưu xem xét lại kinh tế
học vĩ mô - Cấu trúc cơ bản kinh tế học vĩ mô được mở rộng, bao hàm các hàm ý ứng
dụng của kỳ vọng hợp lý.
4. Cuối thập niên 1980 - khủng hoảng 2009: ba nhóm thống trị - những người theo cổ
điển mới (new classicals), những người theo Keynes mới (new Keynesians) và những
nhà lý thuyết tăng trưởng mới (new growth theorists).
5. Hậu khủng hoảng 2009 – đến nay: đánh giá lại toàn bộ kinh tế học vĩ mô – những bài
học ban đầu.

KEYNES VÀ ĐẠI KHỦNG HOẢNG 1929-1933 (GREAT DEPRESSION)

Lịch sử Kinh tế học Vĩ mô Hiện đại (Modern Macroeconomics) bắt đầu từ năm 1936 đánh
dấu bằng sự ra đời tác phẩm General Theory of Employment, Interest, and Money (tạm dịch
Lý thuyết Tổng quát về Việc làm, Tiền lãi và Tiền tệ) được viết bởi nhà kinh tế lỗi lạc của thế
kỷ 20 John Maynard Keynes.

1 Người tổng hợp: Châu Văn Thành, email: thanhcv@ueh.edu.vn, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường
Đại học Kinh tế TP. HCM. Đây là bài lược dịch từ Chương 24: Epilogue: The Story of
Macroeconomics, sách Macroeconomics của giáo sư Olivier Blanchard, NXB Pearson, xuất bản lần
thứ Tám, năm 2021. Dùng cho tham khảo và nghiên cứu chuyên ngành.

4
Cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933 không chỉ là một thảm họa kinh tế mà còn là sự thất bại
trí tuệ của các nhà kinh tế trong việc nghiên cứu về một thuật ngữ mà sau này kinh tế học vĩ
mô đặt tên là lý thuyết chu kỳ kinh tế (business cycle theory). Một số nhà kinh tế đã cố gắng
giải thích cuộc Đại Khủng hoảng này. Các biện pháp kinh tế thời chính quyền Roosevelt như
là một phần của kế hoạch New Deal được dựa chủ yếu vào bản năng hơn là vào lý thuyết
kinh tế. Tác phẩm General Theory của J. M. Keynes được đánh giá là thành công trong việc
cung cấp lời giải thích về các sự kiện, khuôn khổ trí tuệ và lập luận về sự can thiệp của chính
phủ.

Tác phẩm General Theory nhấn mạnh cầu hiệu dụng (effective demand) – giờ đây chúng ta
gọi là tổng cầu (aggregate demand). Keynes lập luận rằng trong ngắn hạn, cầu hiệu dụng xác
định sản lượng. Ngay cả cuối cùng rồi thì sản lượng cũng sẽ quay trở lại mức tiềm năng,
nhưng tiến trình này là chậm chạp. Một trong những trích dẫn nổi tiếng nhất của Keynes đó
là: “Trong dài hạn, tất cả chúng ta đều chết”.

Trong tiến trình phác họa ra cầu hiệu dụng, Keynes đã giới thiệu nhiều kiến thức trong số các
khối kiến thức về kinh tế vĩ mô hiện đại, như là:

• Mối quan hệ giữa tiêu dùng (consumption) và thu nhập (income) , và số nhân
(multiplier), từ đó giải thích cách thức các cú sốc đối với cầu có thể được nhân lên và
dẫn đến những dịch chuyển lớn hơn của sản lượng.
• Tính ưa thích thanh khoản (Liquidity preference), thuật ngữ Keynes gán cho cầu
tiền, từ đó giúp giải thích cách thức chính sách tiền tệ có thể tác động đến lãi suất và
tổng cầu.
• Tầm quan trọng của kỳ vọng (expectations) trong việc tác động lên tiêu dùng và đầu
tư, và ý tưởng cho rằng tâm lý bầy đàn (animal spirits) (dịch chuyển kỳ vọng) là nhân
tố chính đằng sau sự dịch chuyển của cầu và sản lượng.

General Theory còn cung cấp cho các nhà kinh tế các gợi ý chính sách. Theo Keynes, đợi cho
nền kinh tế tự hồi phục không còn phù hợp nữa. Giữa lúc suy thoái sâu, cố gắng cân bằng
ngân sách không chỉ là việc làm ngu ngốc mà còn nguy hiểm nữa. Việc chủ động sử dụng
chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển nền kinh tế sang trạng thái có
việc làm cao.

TỔNG HỢP TÂN CỔ ĐIỂN (NEOCLASSICAL SYNTHESIS)

5
Chỉ trong vài năm, General Theory đã chuyển thành kinh tế học vĩ mô (macroeconomics).
Không phải tất cả mọi người đều hấp thu và chấp nhận hoàn toàn học thuyết của Keynes.
Nhưng hầu hết các cuộc thảo luận đã bắt đầu được tổ chức xoay quanh lý thuyết này.

Đến đầu thập niên 1950, sự đồng thuận lớn đã nổi lên, dựa trên sự hợp nhất những ý tưởng
của Keynes và các ý tưởng của các nhà kinh tế học trước đó. Sự đồng thuận này được gọi là
Tổng hợp Tân Cổ điển (Neoclassical Synthesis). Khuôn khổ sự đồng thuận đã duy trì sự
thống trị của mình 20 năm tiếp theo sau đó. Sự tiến bộ này được xem là thời kỳ vàng son của
kinh tế học vĩ mô từ đầu thập niên 1940 cho đến đầu thập niên 1970.

Sự tiến bộ trên tất cả các mặt trận

Mô hình IS-LM

Một số việc công thức hóa các ý tưởng của Keynes đã được thực hiện. Trong số đó, mô hình
có tầm ảnh hưởng nhất đó là mô hình IS-LM do John Hicks và Alvin Hansen phát triển vào
thập niên 1930 và đầu thập niên 1940. Phiên bản ban đầu của mô hình IS-LM đóng góp vai
trò quan trọng cho việc hiểu biết và tạo ra sự thành công của các mô hình và công trình
nghiên cứu sau này. Dù vậy, mô hình này đã bị chỉ trích do thiếu vắng vai trò của kỳ vọng
(expectations), cũng như thiếu sự điều chỉnh của giá cả (prices) và tiền lương (wages). Các
cuộc thảo luận cũng được tổ chức xoay quanh độ dốc (slopes) của đường IS và LM, biến số
nào bị bỏ qua trong mối quan hệ của các đường này, phương trình nào hàm chứa giá cả và
tiền lương nên được đưa thêm vào mô hình, và nhiều thứ khác nữa.

Các lý thuyết về tiêu dùng, đầu tư và cầu tiền

Keynes đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hành vi tiêu dùng và đầu tư, và sự lựa chọn giữa
tiền (money) và các loại tài sản tài chính khác (financial assets). Sự tiến bộ lớn đã đạt được
trên cả ba vấn đề này.

Trong thập niên 1950, Franco Modigliani và Milton Friedman, cả hai nghiên cứu độc lập với
nhau nhưng đã phát triển nên lý thuyết về tiêu dùng. Cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng
của kỳ vọng (expectations) đến việc xác định các quyết định tiêu dùng hiện hành.

James Tobin đã phát triển lý thuyết về đầu tư, dựa trên mối quan hệ giữa hiện giá của lợi
nhuận và đầu tư. Lý thuyết này đã được phát triển rộng hơn và kiểm nghiệm bởi Dale
Jorgenson.

6
Tobin cũng phát triển lý thuyết về cầu tiền, và tổng quát hơn, lý thuyết về lựa chọn giữa các
tài sản khác nhau dựa vào tính thanh khoản (liquidity), sinh lợi (return), và rủi ro (risk). Công
trình nghiên cứu của Tobin đã trở thành nền tảng cơ sở không chỉ cho việc cải thiện cách thức
ứng xử với thị trường tài chính trong kinh tế học vĩ mô mà còn đối với lý thuyết tài chính nói
chung.

Lý thuyết tăng trưởng

Song hành với các công trình nghiên cứu và biến động kinh tế (fluctuations), nhiều nghiên
cứu tập trung cải thiện sự hiểu biết về tăng trưởng (growth). Trái với thời kỳ đình trệ
(stagnation) trong kỷ nguyên trước thế chiến II, hầu hết các quốc gia trải qua tăng trưởng
nhanh trong thập niên 1950 và 1960. Thậm chí các nước này từng phải chịu các biến động
kinh tế (fluctuations), nhưng mức sống của họ vẫn tăng lên nhanh chóng theo thời gian. Mô
hình tăng trưởng đã được Robert Solow phát triển vào năm 1956 đã cung cấp một khuôn khổ
giúp suy nghĩ về các nhân số tạo ra tăng trưởng. Mô hình này đã làm bùng nổ loạt công trình
nghiên cứu về vai trò của tiết kiệm và tiến bộ công nghệ trong việc xác định tăng trưởng.

Các mô hình kinh tế lượng vĩ mô

Tất cả các đóng góp này đã được hợp nhất ngày càng nhiều hơn vào các mô hình kinh tế
lượng vĩ mô lớn hơn (macroeconometric models). Lawrence Klein đã phát triển mô hình kinh
tế lượng vĩ mô đầu tiên ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1950, với sự mở rộng mối quan hệ
đường IS, với 16 phương trình. Với sự phát triển của hệ thống hạch toán thu nhập và sản
phẩm quốc gia (National Income and Product Accounts) do sự sẵn có của dữ liệu nhiều hơn
và tốt hơn, cùng sự hỗ trợ của kinh tế lượng (econometrics) và máy vi tính (computers), các
mô hình này nhanh chóng phát triển về quy mô. Nỗ lực ấn tượng nhất đó là công trình xây
dựng mô hình MPS (viết tắt từ MIT-Penn-SSRC, bao gồm hai trường đại học và một viện
nghiên cứu, Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Xã hội – Social Science Research Council phối
hợp thực hiện) đã được phát triển suốt thập niên 1960 với sự lãnh đạo của Modigliani. Cấu
trúc của mô hình này là phiên bản mở rộng mô hình IS-LM kết hợp với cơ chế của đường
Phillips. Nhưng các cấu phần của mô hình – tiêu dùng, đầu tư và cầu tiền – tất cả phản ánh
được sự tiến bộ về thực nghiệm và lý thuyết lớn lao kể từ Keynes.

Những người theo Keynes (Keynesians) và những nhà kinh tế tiền tệ (Monetarists)

7
Với sự tiến bộ nhanh chóng như vậy, nhiều nhà kinh tế học vĩ mô – những người tự nhận
mình là những người theo Keynes (Keynesians) – đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng của
lĩnh vực nghiên cứu. Bản chất của các biến động (fluctuations) đã trở nên được hiểu biết
nhiều hơn; sự phát triển của các mô hình cho phép các quyết định chính sách được thực hiện
hữu hiệu hơn. Thời điểm nào nền kinh tế có thể được can thiệp điều chỉnh và suy thoái xảy ra
nhưng có thể được ngăn chặn – tất cả khả năng này dường như không còn xa trong tương lai.

Sự lạc quan này đã đối mặt với một dạng chủ nghĩa hoài nghi bởi một nhóm nhỏ nhưng có
tầm ảnh hưởng lớn lúc bấy giờ, những nhà kinh tế tiền tệ (monetarists), dưới sự lãnh đạo
của Milton Friedman. Mặc dù Friedman nhận ra nhiều tiến bộ đã được thực hiện – và bản
thân ông cũng là cha đẻ của một trong những đóng góp chính yếu cho kinh tế học vĩ mô, lý
thuyết tiêu dùng – ông đã không chia sẻ sự hứng khởi chung này. Friedman tin rằng việc hiểu
biết về nền kinh tế vẫn còn rất hạn chế. Ông nghi ngại về các động cơ (motives) của chính
phủ cũng như những khái niệm (notions) mà họ thực sự hiểu đủ để có thể cải thiện các kết
cục kinh tế vĩ mô.

Trong thập niên 1960, nhiều cuộc tranh luận giữa những người theo Keynes và những nhà
kinh tế tiền tệ thống lĩnh hầu hết các đề mục tin tức. Các cuộc tranh luận này xoay quanh ba
vấn đề: (1) tính hữu hiệu của chính sách tiền tệ so với chính sách tài khóa, (2) đường Phillips,
và (3) vai trò của chính sách.

Chính sách tiền tệ (Monetary Policy) so với chính sách tài khóa (Fiscal Policy)

Keynes nhấn mạnh chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ với vai trò chìa khóa chống
lại các cuộc suy thoái. Lập luận cho rằng đường IS khá dốc. Các thay đổi lãi suất có tác động
rất nhỏ đến cầu và sản lượng. Do vậy, chính sách tiền tệ không vận hành tốt. Chính sách tài
khóa sẽ tác động trực tiếp lên cầu, nên có thể ảnh hưởng đến sản lượng nhanh hơn và đáng tin
cậy hơn.

Friedman thách thức mạnh mẽ kết luận này. Trong quyển sách Lịch sử Tiền tệ của Hoa Kỳ
giai đoạn 1867-1960 xuất bản năm 1963 (A Monetary History of the United State), Friedman
và Anna Schwartz đã tái xem xét một cách cẩn thận các bằng chứng về chính sách tiền tệ và
mối quan hệ giữa tiền và sản lượng ở Hoa Kỳ trải qua một thế kỷ. Kết luận của họ đó là
không chỉ chính sách tiền tệ có sức mạnh rất lớn mà những thay đổi của tiền tệ cũng đã giải
thích được hầu hết các biến động (fluctuations) sản lượng. Họ đã diễn dịch cuộc Đại Khủng
hoảng (Great Depression) là do sai lầm nghiêm trọng của chính sách tiền tệ, giảm cung tiền

8
(money supply) là nguyên nhân tạo ra hậu quả thất bại của các ngân hàng (bank failures) –
một sự sụt giảm mà lẽ ra Fed đã có thể ngăn chặn bằng cách gia tăng cơ sở tiền (monetary
base).

Thách thức của Friedman và Schwartz đã kéo theo một cuộc tranh luận mạnh mẽ và các
nghiên cứu chuyên sâu về tác động của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Cuối cùng,
sự đồng thuận trí tuệ cũng đã đạt được. Cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều có
tác động rõ ràng đến nền kinh tế. Và nếu các nhà hoạch định chính sách không chỉ quan tâm
đến mức mà còn cấu phần của sản lượng thì chính sách tốt nhất đó là phối hợp cả hai chính
sách này.

Đường Phillips

Cuộc tranh luận thứ hai tập trung vào đường Phillips. Đường Phillips không phải là cấu phần
của mô hình Keynes ban đầu, nhưng bởi vì nó cung cấp (và đáng tin cậy) một cách thức giải
thích về sự chuyển động của tiền lương (wages) và giá cả (prices) theo thời gian, nên đường
Phillips đã trở thành một phần trong tổng hợp tân cổ điển (neoclassical synthesis). Trong thập
niên 1960, dựa vào bằng chứng thực nghiệm mãi cho đến sau này, nhiều nhà kinh tế học theo
Keynes tin rằng có một sự đánh đổi (trade-off) đáng tin cậy giữa thất nghiệp (unemployment)
và lạm phát (inflation), ngay cả trong dài hạn.

Milton Friedman và Edmund Phelps không đồng ý với kết luận này. Họ lập luận rằng sự tồn
tại của sự đánh đổi dài hạn như vậy là không đúng trong lý thuyết kinh tế cơ bản. Hai nhà
kinh tế này cho rằng sự đánh đổi hiển nhiên này sẽ nhanh chóng biến mất nếu các nhà hoạch
định chính sách thực sự cố gắng khám phá về nó – có nghĩa là họ cố gắng để đạt được thất
nghiệp thấp bằng cách chấp nhận lạm phát cao hơn. Điều này được chứng minh trong cuộc
cách mạng của đường Phillips. Milton Friedman và Edmund Phelps đã đúng. Đến giữa thập
niên 1970, đã có sự đồng thuận về việc không có sự đánh đổi trong dài hạn giữa lạm phát và
thất nghiệp.

Vai trò của chính sách

Cuộc tranh luận thứ ba đặt trọng tâm vào vai trò của chính sách. Nổi lên sự nghi ngờ về việc
liệu rằng các nhà hoạch định chính sách có thực sự am hiểu đủ để bình ổn sản lượng và liệu
rằng họ có đáng được tin cậy để thực hiện điều đúng đắn. Friedman đã kêu gọi sử dụng các
quy tắc đơn giản, ví dụ như là tốc độ tăng trưởng tiền ổn định (steady money growth).

9
Cuộc tranh luận về vai trò chính sách này đã không được giải quyết. Bản chất của các lập
luận cũng đã thay đổi đôi chút, nhưng chúng vẫn còn tồn tại với chúng ta cho đến tận ngày
nay.

SỰ NỔI LÊN CỦA LỜI PHÊ PHÁN VỀ KỲ VỌNG HỢP LÝ (RATIONAL


EXPECTATIONS CRITIQUE)

Bất chấp các cuộc chiến giữa những người theo Keynes và các nhà kinh tế tiền tệ, kinh tế học
vĩ mô vào khoảng năm 1970 dường như là một lĩnh vực thành công và trưởng thành. Kinh tế
học vĩ mô đã cung cấp những lời giải thích phù hợp cho các sự kiện và đưa ra các hướng dẫn
cho việc lựa chọn chính sách. Hầu hết các cuộc tranh luận được gói gọn trong khuôn khổ trí
tuệ chung. Nhưng trong vài năm, lĩnh vực này đã rơi vào khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng
này phát sinh từ nguồn cội của cả các sự kiện thực tế và ý tưởng mới.

Một là các sự kiện (events). Cho đến giữa thập niên 1970, hầu hết các quốc gia trải qua tình
trạng đình lạm (stagflation), một thuật từ hình thành lúc bấy giờ để miêu tả về sự tồn tại đồng
thời của thất nghiệp cao (high unemployment, hay đình đốn (stagnation)) và lạm phát cao
(high inflation). Các nhà kinh tế học vĩ mô đã không dự báo trước về tình trạng đình lạm này.
Sau sự kiện này và sau một vài năm nghiên cứu, đã có một cách giải thích thuyết phục hình
thành, dựa trên các tác động của các cú sốc cung bất lợi (adverse supply shocks) lên cả lạm
phát và sản lượng. Nhưng lời giải thích này đã quá trễ để có thể ngăn chặn được thiệt hại này.

Mặt khác là các ý tưởng (ideas). Vào đầu thập niên 1970, một nhóm nhỏ các nhà kinh tế học
– Robert Lucas, Thomas Sargent và Robert Barro đã dẫn dắt một cuộc tấn công mạnh mẽ vào
dòng kinh tế học vĩ mô chính thống – Sự nổi lên của Kỳ vọng Hợp lý (Rational Expectations)

Ba hàm ý chính sách của kỳ vọng hợp lý

Lập luận chủ yếu của Lucas và Sargent cho rằng kinh tế học theo Keynes đã bỏ qua hàm ý
ứng dụng đầy đủ về tác động của kỳ vọng (expectations) đến hành vi (behavior). Họ lập luận
rằng cách tiến hành đó là giả định mọi người hình thành kỳ vọng dựa vào tính hợp lý, căn cứ
vào các thông tin mà họ có được. Việc nghĩ về mọi người hướng theo kỳ vọng hợp lý (rational
expectations) sẽ kéo theo ba hàm ý ứng dụng và tất cả chúng sẽ tạo ra các thay đổi lớn trong
kinh tế học vĩ mô theo Keynes.

Phê phán của Lucas (Lucas Critique)

10
Hàm ý ứng dụng thứ nhất đó là các mô hình kinh tế vĩ mô hiện hữu có thể không còn được sử
dụng để thiết kế chính sách. Mặc dù các mô hình này đã nhận ra kỳ vọng hợp lý tác động đến
hành vi, nhưng các mô hình này đã không đưa kỳ vọng thể hiện trong các mô hình. Tất cả các
biến số được giả định là phụ thuộc vào giá trị hiện hành và giá trị quá khứ của các biến khác,
bao gồm cả các biến số chính sách. Do vậy, những gì mà các mô hình này cung cấp đến
chúng ta là một tập hợp các mối quan hệ giữa các biến số kinh tế mà chúng được hình thành
trong quá khứ, dưới các chính sách trong quá khứ. Lucas lập luận, khi các chính sách này
thay đổi, cái cách mà mọi người hình thành kỳ vọng cũng sẽ thay đổi theo, làm cho các mối
quan hệ được ước tính – và, thông qua hàm ý ứng dụng, các mô phỏng tạo ra từ việc sử dụng
các mô hình kinh tế lượng vĩ mô hiện hữu này – cung cấp các hướng dẫn không còn phù hợp
cho những gì sẽ xảy ra dưới những chính sách mới này. Lập luận phê phán này đối với các
mô hình kinh tế lượng vĩ mô được biết đến với tên gọi phê phán của Lucas (Lucas critique).
Lấy lại lịch sử của đường Phillips như một ví dụ, dữ liệu mãi cho đến đầu thập niên 1970 cho
rằng có sự đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát. Nhưng khi các nhà hoạch định chính sách
cố gắng khám phá về sự đánh đổi này thì nó đã biến mất.

Kỳ vọng hợp lý và đường Phillips

Hàm ý ứng dụng thứ hai đó là khi kỳ vọng hợp lý được giới thiệu vào trong các mô hình theo
Keynes, các mô hình này đã đưa ra các kết luận không phải Keynes nữa.

Lập luận này dựa vào việc tái xem xét lại mối quan hệ đường Phillips. Trong các mô hình
theo Keynes, mức sản lượng quay trở lại mức tiềm năng của nó một cách chậm chạm là do sự
chậm điều chỉnh của giá và lương thông qua cơ chế của đường Phillips. Ví dụ, tăng cung tiền,
trước tiên sẽ làm cho sản lượng cao hơn và thất nghiệp thấp hơn. Thất nghiệp thấp hơn kéo
theo tiền lương danh nghĩa cao hơn và giá cả cao hơn. Sự điều chỉnh này tiếp diễn cho đến
khi tiền lương và giá cả tăng lên theo cùng tỷ lệ với tiền lương danh nghĩa, cho đến khi cả
thất nghiệp và sản lượng quay trở lại mức tự nhiên của chúng.

Nhưng Lucas đã chỉ ra rằng, sự điều chỉnh này phụ thuộc rất lớn vào kỳ vọng vào lạm phát
theo cách nhìn ngược lại của những người xác định mức tiền lương. Ví dụ, trong mô hình
MPS, tiền lương chỉ phản ứng lại với lạm phát quá khứ và hiện hành và với thất nghiệp hiện
hành. Nhưng một khi giả định thay đổi, những người định ra tiền lương có kỳ vọng hợp lý, sự
điều chỉnh này dường như nhanh hơn nhiều. Những thay đổi của tiền, trong phạm vi mà
những thay đổi này được dự kiến (anticipated), có lẽ không có tác động đến sản lượng. Ví dụ,

11
dự kiến được tiền sẽ tăng 5% trong năm tới, những người xác định tiền lương sẽ tăng tiền
lương danh nghĩa trong các hợp đồng trong năm tới là 5%. Các doanh nghiệp đến lượt họ sẽ
tăng giá cả lên 5%. Kết quả là trữ lượng tiền thực (real money stock) sẽ không thay đổi, và
không thay đổi cầu (demand) hay sản lượng (output).

Vì vậy mà Lucas đã lập luận rằng, theo logic của các mô hình theo Keynes, chỉ có những
thay đổi của tiền ngoài dự kiến (unanticipated changes in money) sẽ tác động đến sản lượng.
Những chuyển động có thể dự báo được của tiền sẽ không có tác động lên hoạt động kinh tế
(activity). Khái quát hơn, nếu những người định ra tiền lương có kỳ vọng hợp lý, những dịch
chuyển của cầu (demand) thì dường như có tác động đến sản lượng (output) chỉ khi nào mà
tiền lương danh nghĩa được hoạch định – một năm hay tương tự như vậy. Ngay cả trong
chính các thuật ngữ của mình thì mô hình theo Keynes đã không cung cấp được một lý thuyết
thuyết phục về những tác động kéo dài của cầu lên sản lượng.

Kiểm soát tối ưu (Optimal Control) và lý thuyết trò chơi (Game Theory)

Hàm ý ứng dụng thứ ba đó là nếu người dân và các doanh nghiệp có kỳ vọng hợp lý, sẽ
không đúng khi nghĩ rằng chính sách (policy) như là một cách thức kiểm soát (control) một
hệ thống phức tạp nhưng có tính thụ động. Thay vào đó, cách đúng đắn đó là suy nghĩ chính
sách như là một trò chơi (game) giữa các nhà hoạch định chính sách (policymakers) và nền
kinh tế (economy). Công cụ đúng đắn (right tool) không phải là kiểm soát tối ưu (optimal
control) mà là lý thuyết trò chơi (game theory). Và lý thuyết trò chơi sẽ dẫn đến một tầm nhìn
(vision) khác về chính sách. Một ví dụ điển hình đó là vấn đề tính không tương thích về thời
gian (time inconsistency) do Finn Kydland và Edward Prescott phát hiện.

Tóm tắt lại: khi kỳ vọng hợp lý được giới thiệu, các mô hình theo Keynes có thể không còn
được sử dụng để xác định chính sách; các mô hình theo Keynes có thể không giải thích
những sự lệch pha kéo dài của sản lượng ra khỏi mức tiềm năng của nó; lý thuyết về chính
sách phải được thiết kế lại, sử dụng các công cụ của lý thuyết trò chơi.

Sự hợp nhất của kỳ vọng hợp lý

Tranh luận kinh tế vĩ mô thì căng thẳng vào đầu thập niên 1970. Bạn có thể đoán được điều
này qua lập luận của Lucas và Sargent. Nhưng trong một vài năm, tiến trình hợp nhất (về ý
tưởng, chứ không phải con người) đã bắt đầu, và sự hợp nhất này thống trị thập niên 1970 và
1980.

12
Rất nhanh sau đó, ý tưởng cho rằng kỳ vọng hợp lý là một giả định vận hành tốt đã đạt được
sự chấp nhận rộng rãi. Điều này có được không phải là do các nhà kinh tế học vĩ mô tin rằng
người dân, các doanh nghiệp, và các tác nhân trong các thị trường tài chính luôn hình thành
kỳ vọng một cách hợp lý. Họ không làm như vậy. Mà là kỳ vọng hợp lý đã xuất hiện để trở
thành thước đo tham chiếu tự nhiên (natural benchmark) – ít nhất cho đến khi các nhà kinh tế
học tìm ra sự tiến bộ nhiều hơn trong việc hiểu biết liệu rằng khi nào, và cách nào kỳ vọng
thực tế (actual expectations) khác biệt một cách có hệ thống so với kỳ vọng hợp lý (rational
expectations).

Công việc nghiên cứu từ đó bắt đầu dựa trên những thách thức của Lucas và Sargent.

Các hàm ý ứng dụng của kỳ vọng hợp lý

Đầu tiên, đã có một khám phá có tính hệ thống về vai trò và các hàm ý ứng dụng của kỳ vọng
hợp lý trong các thị trường hàng hóa (goods markets), các thị trường tài chính (financial
markets) và các thị trường lao động (labor markets). Ví dụ như:

• Robert Hall chỉ ra rằng nếu người tiêu dùng có tầm nhìn xa (foresighted), thì những
thay đổi tiêu dùng sẽ không thể phán đoán được. Dự báo tốt nhất cho tiêu dùng năm
tới sẽ nên là tiêu dùng của năm nay! Đặt vấn đề theo một cách khác, những thay đổi
tiêu dùng sẽ khó phán đoán. Kết quả này đến như một bất ngờ đối với hầu hết các nhà
kinh tế vĩ mô lúc đó nhưng đó là một thực tế dựa trên trực giác đơn giản. Nếu những
người tiêu dùng có tầm nhìn xa, họ thay đổi tiêu dùng chỉ khi họ tìm hiểu được cái gì
đó mới trong tương lai. Nhưng theo định nghĩa, những gì mới mẻ này thì không thể
phán đoán được. Hành vi tiêu dùng này được biết đến với tên gọi bước ngẫu nhiên
của tiêu dùng (random walk of consumption) và nó đã trở thành thước đo tham chiếu
(benchmark) trong nghiên cứu tiêu dùng sau đó.
• Rudiger Dornbusch đã chỉ ra những dao dộng lớn của tỷ giá hối đoái dưới cơ chế tỷ
giá hối đoái thả nổi - mà trước đây từng được nghĩ đến như là kết quả của việc đầu cơ
của các nhà đầu tư không duy lý (irrational investors) - thì tương thích hoàn toàn với
tính hợp lý (rationality). Lập luận của Dornbusch cho rằng những thay đổi của chính
sách tiền tệ có thể dẫn đến những thay đổi kéo dài của các mức lãi suất danh nghĩa;
những thay đổi của lãi suất danh nghĩa hiện hành và kỳ vọng đến lượt chúng tạo ra
các thay đổi lớn của tỷ giá hối đoái. Mô hình của Dornbusch, được biết đến với tên
gọi mô hình tăng vọt của tỷ giá hối đoái (overshooting model of exchange rates). Mô

13
hình này đã trở thành một thước đo tham chiếu trong các cuộc thảo luận về sự chuyển
động của tỷ giá hối đoái.

Xác định tiền lương và giá cả

Thứ hai, đã có một sự khám phá mang tính hệ thống về việc xác định tiền lương và giá cả,
vượt ra xa hơn mối quan hệ của đường Phillips. Hai đóng góp quan trọng được thực hiện bởi
Stanley Fischer và John Taylor. Cả hai đã chỉ ra rằng sự điều chỉnh của giá cả và tiền lương
đáp lại những thay đổi của thất nghiệp có thể chậm ngay cả dưới kỳ vọng hợp lý.

Fischer và Taylor chỉ ra một đặc tính quan trọng của cả việc định ra tiền lương và giá cả, tính
do dự hay không đồng bộ của các quyết định về lương và giá (the staggering of wage and
price decisions). Trái với câu chuyện đơn giản chúng ta đã đề cập đến trước đây, ở đó tất cả
giá cả và tiền lương gia tăng một cách đồng thời theo như dự kiến (anticipation) trước một sự
gia tăng tiền, các quyết định tiền lương và giá cả thực sự (actual wage and price decisions) bị
do dự hay không đồng bộ theo thời gian. Do vậy mà không có một sự điều chỉnh đồng bộ bất
ngờ của tất cả các mức giá cả và tiền lương đối với sự gia tăng tiền. Thay vào đó, sự điều
chỉnh này dường như chậm lại, với giá cả và tiền lương điều chỉnh theo thời gian ứng với
mức tiền mới thông qua tiến trình nhảy cóc. Vì vậy mà Fischer và Taylor đã chỉ ra rằng vấn
đề thứ hai được đặt ra bởi lời phê phán về kỳ vọng hợp lý đã có thể được giải quyết, đó là sự
quay lại một cách chậm chạp của sản lượng về mức tiềm năng của nó có thể tương thích với
kỳ vọng hợp lý trong thị trường lao động.

Lý thuyết về chính sách

Thứ ba, việc suy nghĩ về chính sách theo thuật ngữ lý thuyết trò chơi đã kéo theo sự bùng nổ
nghiên cứu về bản chất của các trò chơi được thực hiện, không chỉ giữa các nhà hoạch định
chính sách với nền kinh tế mà còn giữa các nhà hoạch định chính sách với nhau – giữa các
đảng chính trị, hay giữa ngân hàng trung ương và chính phủ, hay giữa các chính phủ của các
quốc gia khác nhau. Một trong những thành tựu đạt được chủ yếu của dạng nghiên cứu này
đó là sự phát triển cách suy nghĩ nghiêm túc hơn về các thuật ngữ có tính mơ hồ như là “sự
tín nhiệm” (credibility), “danh tiếng” (reputation) và “cam kết” (commitment). Cùng lúc đó,
đã có hiện tượng dịch chuyển có tính khác biệt trong sự tập trung từ “những gì chính phủ nên
thực hiện” (what governments should do) sang “những gì chính phủ thực sự thực hiện” (what
governments actually do), một sự nhận thức về các ràng buộc chính trị đang gia tăng mà các
nhà kinh tế vĩ mô nên tính đến khi tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách.

14
Nói ngắn gọn: cho đến cuối thập niên 1980, các thách thức đặt ra của lời phê phán về kỳ vọng
hợp lý đã dẫn đến một cuộc xem xét lại hoàn toàn về kinh tế học vĩ mô. Cấu trúc cơ bản kinh
tế học vĩ mô đã được mở rộng để bao hàm các hàm ý ứng dụng của kỳ vọng hợp lý, hay khái
quát hơn, các hàm ý ứng dụng của hành vi hướng về phía trước (forward-looking behavior)
của người dân và các doanh nghiệp.

CHUYỂN ĐỘNG CỦA KINH TẾ VĨ MÔ CHO ĐẾN TRƯỚC CUỘC KHỦNG HOẢNG
2009

Từ cuối thập niên 1980 cho đến cuộc khủng hoảng 2009, có ba nhóm thống trị các đề mục
nghiên cứu: những người theo cổ điển mới (new classicals), những người theo Keynes mới
(new Keynesians) và những nhà lý thuyết tăng trưởng mới (new growth theorists).

Kinh tế học Cổ điển Mới (New Classical Economics) và Lý thuyết Chu kỳ Kinh tế Thực
(Real Business Cycle Theory)

Lời phê phán về kỳ vọng hợp lý (rational expectations critique) còn có vai trò hơn cả một sự
chỉ trích đối với kinh tế học theo Keynes. Nó còn đưa ra cách giải thích của chính mình về
các biến động (fluctuations). Lucas lập luận rằng thay vì dựa vào các đặc tính không hoàn
hảo (imperfections) của các thị trường lao động, sự điều chỉnh chậm chạp của tiền lương và
giá cả, và những thứ khác nữa để giải thích cho các biến động, các nhà kinh tế học vĩ mô nên
nhìn xa hơn và rộng hơn để giải thích về các biến động cùng những tác động của các cú sốc
trong các thị trường cạnh tranh (competitive markets) với giá cả và tiền lương linh hoạt hoàn
toàn (fully flexible prices and wages).

Lịch trình nghiên cứu này đã được thực hiện bởi các nhà kinh tế học cổ điển mới (new
classicals) với sự lãnh đạo của Edward Prescott, và các mô hình mà ông và những người theo
ông đã phát triển được biết đến với tên gọi các mô hình chu kỳ kinh tế thực (real business
cycle (RBC) models). Tiếp cận của họ dựa trên hai tiền đề có tính cơ sở.

Thứ nhất là tính phương pháp luận (methodological). Lucas đã lập luận rằng, để tránh các
cạm bẫy sớm hơn, các mô hình kinh tế học vĩ mô nên được xây dựng từ các nền tảng cơ sở vi
mô (explicit microfoundations) (như là cực đại hóa hữu dụng của những người công nhân, tối
đa hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp, và kỳ vọng hợp lý). Điều này là rất khó thực hiện,
thậm chí có thể nói là bất khả thi trước khi có sự phát triển của máy vi tính. Các mô hình
được xây dựng theo cách này có thể trở nên quá phức tạp để có thể giải quyết và phân tích.

15
Thật vậy, nhiều trong số các công trình nghiên cứu về kinh tế học vĩ mô thể hiện với các
phiên bản rút gọn (shortcuts) nhằm rút ra ý nghĩa của một mô hình trong khi vẫn giữ cho mô
hình đơn giản đủ để có thể tìm ra lời giải (điều này duy trì thành phiên bản trong việc viết
thành một quyển giáo trình tốt). Sự phát triển của sức mạnh tính toán của máy vi tính đã giúp
cho việc giải các mô hình phức hợp như vậy khả thi hơn trên phương diện các con số, và một
đóng góp quan trọng của lý thuyết RBC là sự phát triển của những phương pháp giải các con
số này ngày càng mạnh hơn, cho phép phát triển các mô hình ngày càng mở rộng hơn.

Thứ hai đó là tính khái niệm (conceptual). Mãi cho đến thập niên 1970, hầu hết các biến động
(fluctuations) đều được nhìn nhận từ kết quả của các đặc tính không hoàn hảo (imperfections)
về sự lệch pha của sản lượng thực tế (actual output) ra khỏi mức sản lượng tiềm năng
(potential output), mà các mức tiềm năng này đang di chuyển có tính chậm chạp. Tiếp theo
lời khuyến nghị của Lucas, Prescott đã lập luận ra một loạt các đóng góp có tầm ảnh hưởng
lớn. Các lập luận này cho rằng các biến động (fluctuations) có thể được diễn dịch xuất phát từ
các tác động của các cú sốc công nghệ (technological shocks) trong các thị trường cạnh tranh
với giá cả và tiền lương linh hoạt hoàn toàn. Nói cách khác, ông cho rằng các chuyển động
của sản lượng thực tế (actual output) có thể được xem như là những chuyển động của mức
sản lượng tiềm năng (potential output) – thay vì sự lệch pha của sản lượng thực tế ra khỏi
mức sản lượng tiềm năng. Ông lập luận rằng khi các khám phá mới (new discoveries) làm
cho năng suất (productivity) tăng lên, kéo theo làm tăng sản lượng. Sự gia tăng năng suất kéo
theo tăng tiền lương, tiền lương tăng hấp dẫn hơn đối với công việc, dẫn đến người lao động
làm việc nhiều hơn. Do vậy, năng suất (productivity) tăng kéo theo sự gia tăng của cả sản
lượng (output) và việc làm (employment), đây chính là những gì chúng ta nhìn thấy trong thế
giới thực. Biến dộng (fluctuations) là những đặc tính (features) của nền kinh tế, chứ không
phải là những thứ mà các nhà hoạch định chính sách nên cố gắng giảm chúng.

Không ngạc nhiên gì, quan điểm có tính cấp tiến này lại bị chỉ trích từ nhiều mặt trận. Theo
giáo trình, tiến bộ công nghệ (technological progress) là do kết quả của nhiều phát minh đổi
mới sáng tạo (innovations), mỗi phát minh đổi mới sáng tạo này phải mất thời gian dài để có
thể khuếch tán vào trong nền kinh tế. Khó mà thấy được sự tiến bộ này có thể tạo ra điều gì
giống như là những biến động (fluctuations) lớn trong ngắn hạn đối với sản lượng mà chúng
ta có thể nhìn thấy trong thực tế. Cũng khó mà nghĩ ra rằng các đợt suy thoái (recessions) là
những lúc thoái lui công nghệ (technological regress), khi mà cả hai năng suất (productivity)
và sản lượng (output) đều giảm. Cuối cùng, như chúng ta đã chứng kiến, có bằng chứng

16
mạnh mẽ rằng những thay đổi của tiền (changes in money), mà chúng không có tác động đến
sản lượng trong các mô hình RBC, sự thực là chúng lại có tác động mạnh đến sản lượng trong
thế giới thực. Vẫn còn đó, tiếp cận RBC theo khái niệm (conceptual RBC approach) đã chứng
minh được tầm ảnh hưởng và tính hữu dụng của nó. Tiếp cận này đã đưa ra một điểm quan
trọng, đó là không phải tất cả các biến động (fluctuations) của sản lượng đều là những sự lệch
pha của sản lượng ra khỏi mức tiềm năng của nó, mà là những chuyển động (movements) của
chính mức tiềm năng (natural level) này.

Kinh tế học theo Keynes Mới (New Keynesian Economics)

Thuật ngữ new Keynesian dùng nói về những người theo Keynes mới – một nhóm những
nhà nghiên cứu cùng chia sẻ chung niềm tin cho rằng sự tổng hợp (synthesis) nổi lên nhằm
đáp lại chỉ trích kỳ vọng hợp lý (rational expectations critique) về cơ bản là đúng. Nhưng họ
cũng chia sẻ một niềm tin cho rằng phần lớn những gì được nghiên cứu về bản chất của các
đặc tính không hoàn hảo (nature of imperfections) trong các thị trường khác nhau và về các
hàm ý ứng dụng (implications) của các đặc tính không hoàn hảo này đối với các biến động
kinh tế vĩ mô (macroeconomic fluctuations).

Đã có các công trình nghiên cứu xa hơn về các đặc tính kết dính danh nghĩa (nominal
rigidities). Fischer và Taylor đã chỉ ra rằng việc điều chỉnh không đồng bộ (hay do dự) của
các quyết định về giá cả và tiền lương, sản lượng có thể lệch ra khỏi mức sản lượng tiềm
năng trong thời gian dài. Kết luận này làm dấy lên một số câu hỏi. Nếu sự không đồng bộ của
các quyết định này có thể được đáp lại, ít nhất là một phần, trước các biến động
(fluctuations), thì tại sao những người hoạch định tiền lương/những người hoạch định giá cả
lại không đồng bộ hóa các quyết định của mình? Tại sao giá cả và tiền lương không điều
chỉnh thường xuyên hơn? Tại sao tất cả các mức giá cả và tất cả các mức tiền lương lại không
điều chỉnh, ví dụ như là điều chỉnh vào cùng một ngày đầu tiên của mỗi tuần? Để giải quyết
các vấn đề này, George Akerlof, Janet Yellen và N. Gregory Mankiw đã phác họa ra một kết
quả quan trọng và gây ngạc nhiên, với tên gọi là lời giải thích chi phí thực đơn của những
biến động sản lượng (menu cost explanation of output fluctuations).

Mỗi một người hoạch định tiền lương và hoạch định giá cả có sự khác nhau rất nhiều trong
việc phản ứng là khi nào và mức độ thường xuyên bao lâu để anh ta quyết định thay đổi tiền
lương và giá cả (đối với một người bán lẻ, việc thay đổi giá cả trên kệ hàng của mình mỗi
ngày so với mỗi tuần thì không tạo ra nhiều sự khác biệt về lợi nhuận tổng thể của cửa hàng).

17
Do vậy, ngay cả chi phí ít ỏi của việc thay đổi giá cả - như là chi phí để in lại một thực đơn
mới – có thể dẫn đến sự điều chỉnh giá cả không thường xuyên hay bị do dự. Sự không đồng
bộ này kéo theo sự điều chỉnh chậm về mức giá cả và dẫn đến biến động lớn của tổng sản
lượng (aggregate output fluctuations) trong việc đáp lại các chuyển động của tổng cầu
(aggregate demand). Nói ngắn gọn, các quyết định không phải là vấn đề lớn đối với mức độ
cá nhân (mức độ thay đổi thường xuyên như thế nào của tiền lương và giá cả) kéo theo những
tác động tổng thể lớn (điều chỉnh chậm của mức giá (the price level) và dịch chuyển của tổng
cầu (aggregate demand) có tác động lớn đối với sản lượng).

Dòng nghiên cứu khác tập trung vào tính không hoàn hảo (imperfections) của thị trường lao
động. Tiền lương hiệu quả (efficiency wages) – ý tưởng cho rằng, nếu những người lao động
nhận thấy tiền lương của mình là quá thấp, điều này có thể dẫn đến việc người lao động trốn
việc, những vấn đề về tinh thần trong nhà máy xuất hiện, khó tuyển dụng và giữ chân những
người lao động giỏi, v.v...Nhà nghiên cứu có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực này đó là
Akerlof, người đã khám phá ra vai trò của “các thông lệ” (norms), các quy tắc được phát triển
trong bất kỳ tổ chức nào – trong trường hợp này, một doanh nghiệp – để đánh giá điều gì là
tốt-đẹp-công bằng (fair) và không tốt-đẹp-công bằng (unfair). Nghiên cứu này đã giúp ông và
những nhà nghiên cứu khác nữa khám phá ra các vấn đề tồn tại trước đây để nghiên cứu về
xã hội học (sociology) và tâm lý học (psychology), và để xem xét các hàm ý ứng dụng kinh tế
vĩ mô của họ. Trong một hướng nghiên cứu khác, Peter Diamond, Dale Mortensen, và
Christopher Pissarides đã nhìn vào thị trường lao động làm bật lên các đặc tính như tái phân
bổ thường xuyên và ổn định (constant reallocation), các dòng lưu lượng lớn (large flows), và
việc đàm phán giữa người lao động và các doanh nghiệp – một đặc tính được chứng minh là
cực kỳ hữu ích.

Một dòng nghiên cứu khác nữa mà nó đã trở nên cực kỳ có ý nghĩa khi cuộc khủng hoảng
xảy ra, khám phá về vai trò các tính chất không hoàn hảo (imperfections) của các thị trường
tín dụng (credit markets). Hầu hết các mô hình kinh tế vĩ mô đều giả định rằng chính sách
tiền tệ vận hành thông qua lãi suất, từ đó các doanh nghiệp có thể vay những khoản vốn mà
họ cần theo lãi suất thị trường. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ có thể vay từ các ngân
hàng. Và các ngân hàng thường bác tiếp cận của những người đi vay tiềm năng, mặc cho
những người đi vay tiềm năng này sẵn lòng trả lãi suất theo mức chào của các ngân hàng. Tại
sao điều này lại diễn ra, và nó tác động như thế nào đến sự hiểu biết của chúng ta về cách
thức vận hành của chính sách tiền tệ - Ben Bernanke đang tập trung vào dạng nghiên cứu này.

18
Lý thuyết Tăng trưởng Mới (New Growth Theory)

Các chủ đề nghiên cứu về tăng trưởng từng nổi lên vào thập niên 1960 và đã thực sự quay lại
mạnh mẽ vào cuối thấp niên 1980 với tên gọi lý thuyết tăng trưởng mới (new growth theory)
với sự đóng góp nổi bật của hai nhà kinh tế học Robert Lucas và Paul Romer.

Lý thuyết tăng trưởng đã từng lu mờ vào cuối thập niên 1960. Hai vấn đề lớn chưa được giải
quyết. Thứ nhất, vai trò của sinh lợi tăng lên theo quy mô (increasing returns to scale). Thứ
hai, các nhân tố xác định tiến bộ công nghệ (determinants of technological progress).

Các thảo luận về các tác động của nghiên cứu và phát triển R&D đối với tiến bộ công nghệ,
và tương tác giữa tiến bộ công nghệ và thất nghiệp gần đây đã trà lời phần nào cho một số
tranh luận trước đây. Đóng góp quan trọng được thực hiện bởi Philippe Aghion và Peter
Howitt. Hai tác giả này đã phát triển chủ đề do Joseph Schumpeter khám phá lần đầu tiên
trong thập niên 1930: khái niệm cho rằng tăng trưởng là một tiến trình hủy diệt có tính sáng
tạo (creative destraction) theo đó các sản phẩm mới được giới thiệu không ngừng nghỉ, làm
cho các sản phẩm cũ trở nên lỗi thời. Các thể chế (institutions) làm chậm tiến trình tái phân
bổ này (như là gây khó khăn cho việc hình thành các doanh nghiệp mới hay tạo ra chi phí cao
hơn khi doanh nghiệp sa thải lao động) có thể làm chậm tốc độ tiến bộ công nghệ và do vậy
mà làm giảm tăng trưởng.

Nghiên cứu cũng cố gắng xác định vai trò chính xác đối với các thể chế cụ thể trong việc tạo
ra tăng trưởng. Andreib Shleifer đã khám phá ra vai trò của các hệ thống luật pháp khác nhau
trong việc ảnh hưởng đến tổ chức của nền kinh tế, từ các thị trường tài chính đến các thị
trường lao động, thông qua các kênh này, hệ thống luật pháp sẽ tác động lên tăng trưởng.
Daron Acemoglu đã khám phá ra cách thức đi từ mối tương quan giữa thể chế (institutions)
và tăng trưởng (growth) – các nước dân chủ nhìn chung thì giàu có hơn – đến quan hệ nhân
quả từ thể chế đến tăng trưởng. Mối tương quan này có cho chúng ta biết liệu dân chủ kéo
theo sản lượng trên mỗi đầu người cao hơn, hay sản lượng trên mỗi đầu người cao hơn dẫn
đến dân chủ hơn, hay có nhân tố nào khác tạo ra cả dân chủ nhiều hơn và sản lượng trên mỗi
đầu người cao hơn?

Hướng đến sự hợp nhất

Thập niên 1980 và 1990, các cuộc thảo luận diễn ra giữa ba nhóm tiếp diễn. Các cuộc tranh
luận giữa những người theo cổ điển mới và theo Keynes mới luôn luôn rất căng thẳng. Những

19
người theo Keynes mới cáo buộc những người theo cổ điển mới về việc dựa vào những cách
giải thích không đáng tin cậy về các biến động kinh tế và bỏ qua các tính chất không hoàn
hảo hiển nhiên (obvious imperfections); những người theo cổ điển mới thì chỉ ra những điểm
không thuyết phục trong các mô hình Keynes mới. Đến nỗi, nhìn bên ngoài – thậm chí là cả
bên trong nữa – kinh tế học vĩ mô trông giống như là một cuộc chiến đang đánh nhau chứ
không thuần túy là một lĩnh vực nghiên cứu nữa.

Đến những năm 2000, sự đồng thuận bắt đầu nổi lên. Về phương pháp luận, nó được xây
dựng dựa vào tiếp cận RBC (chu kỳ kinh tế thực) và được mô tả cẩn thận về các vấn đề tối ưu
hóa của người dân và các doanh nghiệp. Về mặt khái niệm, nó đã nhận thức được tầm quan
trọng của tiềm năng, được nhấn mạnh bởi RBC và lý thuyết tăng trưởng mới, về những thay
đổi trong xu hướng tiến bộ công nghệ. Nhưng nó cũng cho phép nhiều đặc tính không hoàn
hảo (imperfections) được nhấn mạnh bởi những người theo Keynes mới, từ vai trò của việc
đàm phán nhằm xác định tiền lương, đến vai trò của thông tin không hoàn hảo của hoạt động
tín dụng và thị trường tài chính, từ vai trò của các biến số có tính kết dính danh nghĩa trong
việc định hình nên vai trò của tổng cầu tác động lên sản lượng. Không có sự hội tụ vào một
mô hình duy nhất hay vào một danh mục duy nhất các đặc tính không hoàn hảo quan trọng,
nhưng đã có một sự đồng thuận trên khuôn khổ và cách thức tiến hành.

Một ví dụ điển hình cho sự hội tụ này là công trình nghiên cứu của Michael Woodford và
Jordi Gali. Woodford, Gali và một số các đồng tác giả đã phát triển một mô hình, được biết
đến như mô hình new Keynesian model, bao hàm cực đại hóa hữu dụng và lợi nhuận, kỳ vọng
hợp lý, và các đặc tính kết dính danh nghĩa. Mô hình này đã chứng minh tính hữu ích và tầm
ảnh hưởng lớn lao lên việc tái thiết kế chính sách tiền tệ - từ việc tập trung vào hoạch định
lạm phát mục tiêu (inflation targeting) đến dựa vào các quy tắc lãi suất (interest rate rules).
Mô hình này đã dẫn đến sự phát triển của một lớp các mô hình lớn hơn được xây dựng trên
cấu trúc đơn giản của nó nhưng cho phép một danh mục các đặc tính không hoàn hảo (menu
of imperfections) và vì vậy mà phải được giải quyết bằng con số. Các mô hình này được biết
đến với tên gọi các mô hình cân bằng tổng quát dao động đảo chiều có tính động DSGE
(dynamic stochastic general equilibrium), và đang trở thành các mô hình vận hành tiêu chuẩn
của hầu hết các ngân hàng trung ương.

HẬU KHỦNG HOẢNG 2009 VÀ NHỮNG BÀI HỌC ĐẦU TIÊN

20
Khi sự dồng thuận mới xuất hiện và các nhà kinh tế học vĩ mô cảm nhận rằng họ có được các
công cụ để có thể hiểu về nền kinh tế và thiết kế chính sách, một cuộc khủng hoảng tài chính
(financial crisis) 2008-2009 bắt đầu và kéo theo Khủng hoảng Sâu (Great Recession). Đại
Khủng hoảng 1929-1933 (Great Depression) đã dẫn đến việc đánh giá lại một cách toàn diện
kinh tế học vĩ mô và hình thành cuộc cách mạng của Keynes. Liệu cuộc Suy thoái Sâu này có
tạo ra một cuộc cách mạng nào khác không? Dù có hay không một cuộc cách mạng trong
kinh tế học vĩ mô thì việc đánh giá lại lĩnh vực này sẽ là điều nên làm của những nhà kinh tế
học.

Không phải bàn cãi, khủng hoảng tài chính lần này đã chứng minh sự thất bại trí tuệ lớn của
kinh tế học vĩ mô. Thất bại bởi vì đã không thể nhận ra cuộc khủng hoảng lớn như vậy lại có
thể xảy ra. Cú sốc giảm giá nhà ở Hoa Kỳ lại có thể kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính
toàn cầu trầm trọng và khủng hoảng kinh tế học vĩ mô. Nguồn gốc của thất bại này có thể
nằm ở sự tập trung không đầy đủ cho vai trò của các định chế tài chính trong nền kinh tế.
Công bằng mà nói, đã có vài cảnh báo của một số các nhà kinh tế khi họ nghiên cứu chuyên
sâu về hệ thống tài chính.

Hệ thống tài chính và vai trò phức hợp của các ngân hàng và các định chế tài chính khác như
là trung gian của các nguồn quỹ giữa người cho vay và người đi vay đã bị bỏ qua trong hầu
hết các mô hình kinh tế vĩ mô. Cũng đã có những ngoại lệ. Công trình nghiên cứu của Doug
Diamond và Philip Dybvig trong thập niên 1980 đã làm rõ bản chất của hiện tượng rút vốn ồ
ạt ở các ngân hàng (bank runs). Các tài sản thiếu tính thanh khoản (illiquid assets) và nghĩa
vụ nợ có tính thanh khoản (liquid liabilities) đã tạo ra rủi ro của hiện tượng rút vốn ồ ạt (runs)
ngay cả đối với các ngân hàng đầy đủ khả năng thanh toán. Trục trặc này chỉ có thể được
ngăn chặn bởi sự giám sát thanh khoản của ngân hàng trung ương nếu và khi cần thiết. Công
trình nghiên cứu của Bengt Hohnstrom và Jean Tirole đã chỉ ra rằng các vấn đề thanh khoản
(liquidity issues) là căn bệnh hiện hữu của một nền kinh tế hiện đại. Không chỉ các ngân hàng
mà các doanh nghiệp cũng có thể rơi vào tình thế khi mà họ hoàn toàn có khả năng thanh
toán (solvent) nhưng mất tính thanh khoản (illiquid), không thể huy động các dòng tiền bổ
sung (additional cash) để hoàn thành một dự án hay không thể hoàn trả cho các nhà đầu tư
khi họ muốn trả nợ. Một nghiên cứu quan trọng của Andrei Shleifer và Robert Vishny về cái
gọi là “Các giới hạn của kinh doanh chênh lệch giá” (The Limits of Arbitrage) đã chỉ ra rằng,
sau một đợt sụt giảm giá của tài sản (asset price) thấp hơn giá trị nền tảng của nó
(fundamental value), các nhà đầu tư có thể sẽ không thể tận dụng lợi thế của cơ hội từ kinh

21
doanh chênh lệch giá (hay mua thấp bán cao): thật vậy, tự họ có thể bị buộc phải bán tài sản
này, dẫn đến sự sụt giảm giá sâu hơn và lệch xa hơn so với giá trị nền tảng. Các nhà kinh tế
học hành vi (behavioral economists) như Richard Thaler chẳng hạn, đã chỉ ra cách hành xử
của các cá nhân khác với mô hình cá nhân duy lý (rational individual model) thường được sử
dụng trong kinh tế học, và đã rút ra các hàm ý ứng dụng đối với các thị trường tài chính.

Do vậy, hầu hết các yếu tố (elements) cần thiết để hiểu về cuộc khủng hoảng này giờ đây
đang có sẵn. Tuy nhiên, nhiều trong số các công trình nghiên cứu đã được thực hiện bên
ngoài kinh tế học vĩ mô, trong các lĩnh vực tài chính (finance) hay tài chính doanh nghiệp
(corporate finance). Các thành tố này không được hợp nhất vào trong một mô hình kinh tế vĩ
mô tương thích và sự tương tác giữa chúng chưa được hiểu thật đầy đủ. Đòn bẩy (leverage),
sự phức hợp (complexity) và thanh khoản (liquidity), các nhân tố (factors) mà khi kết hợp lại
sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng thì gần như thiếu vắng hoàn toàn trong các mô hình kinh tế vĩ mô
của các ngân hàng trung ương.

Giờ đây, trải qua hơn một thập niên kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu xảy ra, mọi thứ đã
thay đổi đáng kể. Không ngạc nhiên, các nhà nghiên cứu đã chuyển sự chú ý của họ vào hệ
thống tài chính (financial system) và bản chất của các mối liên kết tài chính vĩ mô
(macrofinancial linkages). Công trình nghiên cứu xa hơn đang được thực hiện dưới dạng các
mảnh ghép khác nhau, và các mảnh ghép này đang bắt đầu được hợp nhất vào các mô hình
kinh tế vĩ mô lớn. Các bài học về chính sách cũng đang được rút ra, đưa vào sử dụng như các
công cụ thận trọng vĩ mô (macroprudential tools) hay các mức độ nguy hiểm của nợ công
cao. Sẽ còn một chặng đường dài phía trước để có thể tiến về đích đến, nhưng các mô hình
kinh tế vĩ mô sẽ được tăng cường, với những hiểu biết tốt hơn về hệ thống tài chính.

Các bài học từ cuộc khủng hoảng lần này có thể vượt ra khỏi việc đưa thêm khu vực tài chính
vào các mô hình kinh tế vĩ mô và các phân tích. Cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933 (Great
Depression) đã đặt ra cho hầu hết các nhà kinh tế học câu hỏi về các đặc tính kinh tế vĩ mô
của một nền kinh tế thị trường và đề xuất vai trò lớn hơn về sự can thiệp của chính phủ. Cuộc
Suy thoái Sâu 2009 (Great Recession) đang dấy lên các câu hỏi tương tự. Cả hai dạng những
mô hình theo cổ điển mới và theo Keynes mới đều có chung một niềm tin cho rằng, ít nhất là
trong trung hạn, nền kinh tế một cách tự nhiên sẽ quay trở lại mức tự nhiên của nó. Những
người theo cổ điển mới chấp nhận vị thế cực đoan rằng sản lượng luôn luôn nằm ở mức tự
nhiên. Những người theo Keynes mới giữ quan điểm cho rằng, trong ngắn hạn, sản lượng có
thể lệch ra khỏi mức tự nhiên, nhưng trong trung hạn, các yếu tố hay lực lượng tự nhiên

22
(natural forces) cuối cùng cũng sẽ đưa nền kinh tế quay lại mức tiềm năng. Cuộc Đại Khủng
hoảng 1929-1933 (Great Depression) và sự sụt giảm kéo dài ở Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng;
tuy nhiên, chúng bị xem như những sai lầm và bị gán cho rằng chúng xảy ra là do các lỗi lầm
chính sách nghiêm trọng mà lẽ ra đã có thể tránh được. Nhiều nhà kinh tế học ngày nay tin
rằng sự lạc quan này là quá dư thừa. Bảy năm đối mặt với bẫy thanh khoản (liquidity trap) ở
Hoa Kỳ đã làm rõ một cơ chế điều chỉnh thông thường – có thể nói cụ thể là biện pháp giảm
mức lãi suất để đáp lại mức sản lượng thấp sẽ bị đổ vỡ và ngăn chặn việc quay trở lại trạng
thái bình thường.

Nếu có một sự đồng thuận, điều đó có thể là: để đáp lại các cú sốc nhỏ và những biến động
bình thường, tiến trình điều chỉnh sẽ vận hành tốt, nhưng để đáp lại các cú sốc lớn và có tính
ngoại lệ, một tiến trình điều chỉnh thông thường có thể thất bại, không gian cho chính sách có
thể bị giới hạn, và có thể mất thời gian lâu hơn để nền kinh tế tự nó điều chỉnh. Hiện giờ đây,
ưu tiên của các nhà nghiên cứu là cần hiểu rõ hơn những gì đã và đang xảy ra, và đối với các
nhà hoạch định chính sách sử dụng (theo một cách tốt nhất có thể) các công cụ chính sách tài
khóa và chính sách tiền tệ mà họ có, để đưa nền kinh tế toàn cầu quay lại trạng thái khỏe
mạnh của nó.

Và KINH TẾ HỌC VĨ MÔ thì RẤT PHỨC HỢP.

23
Bài 2 - BẢN VỊ VÀNG
(Gold Standard)
Michael D. Bordo

Bản vị vàng (hay hệ thống tiền tệ theo bản vị vàng, gold standard) là một cam kết giữa các
quốc gia thành viên nhằm cố định giá cả các đồng tiền trong nước (domestic currencies) của
họ dưới dạng số lượng vàng được xác định. Tiền quốc gia (national money) và các hình thức
khác của tiền (tiền gửi ngân hàng (bank deposits) và tiền giấy (notes)) được chuyển đổi tự do
ra vàng theo một mức giá cố định (fixed price). Anh là nước tuyên bố theo bản vị vàng trên
thực tế vào năm 1717, và áp dụng chính thức bản vị vàng vào năm 1819. Hoa Kỳ đã chuyển từ
song bản vị (vàng và bạc) sang bản vị vàng trên thực tế (de facto) vào năm 1834 và chính thức
được luật định (de jure) vào năm 1900 khi Quốc Hội nước này thông qua Đạo Luật Tiêu chuẩn
Vàng (Gold Standard Act). Năm 1834, Hoa Kỳ cố định giá vàng ở mức 20,67 đô la/ounce và
duy trì mãi cho đến năm 1933. Các nước lớn khác tham gia bản vị vàng vào thập niên 1870.
Giai đoạn từ năm 1880 đến 1914 được biết đến với tên gọi là bản vị vàng cổ điển (classical
gold standard). Suốt thời kỳ này, đa số các quốc gia cam kết luật chơi gắn với vàng (ở các mức
độ khác nhau). Đây cũng là thời kỳ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ chưa từng có đi kèm với
THƯƠNG MẠI TỰ DO một cách tương đối đối với hàng hóa, lao động và vốn.

Bản vị vàng đổ vỡ trong suốt thời gian diễn ra Thế chiến I, khi các nước tham gia giao chiến
chính của cuộc chiến theo đuổi chính sách tài trợ lạm phát (inflationary finance). Cơ chế bản
vị vàng tái hồi phục một thời gian ngắn với tên gọi Bản vị Trao đổi Vàng (Gold Exchange
Standard). Theo tiêu chuẩn này các quốc gia có thể nắm giữ vàng hay đô la Mỹ hay bảng Anh
dưới dạng dự trữ, ngoại trừ Hoa Kỳ và Anh – hai quốc gia này chỉ dự trữ vàng. Phiên bản này
lại đổ vỡ vào năm 1931 khi nước Anh đối mặt với dòng vốn và vàng đi ra khổng lồ. Năm 1933,
Tổng thống Franklin D. Roosevelt của Hoa Kỳ đã quốc hữu hóa vàng thuộc sở hữu tư nhân và
bãi bỏ các hợp đồng thanh toán theo vàng. Giữa năm 1946 và 1971, các quốc gia vận hành dưới
hệ thống Bretton Woods (Bretton Woods system). Với sự bổ sung thêm này của bản vị vàng,
hầu hết các quốc gia thực hiện thanh toán các giao dịch quốc tế của họ theo đô la Mỹ (USD),
nhưng chính phủ Hoa Kỳ hứa sẽ quy đổi lượng đô la nắm giữ của các ngân hàng trung ương
khác ra vàng theo mức cố định 35 USD/ounce. Tuy nhiên, thâm hụt cán cân thanh toán (BOP)
triền miên làm giảm một cách bền bỉ lượng dự trữ vàng của Hoa Kỳ, kéo theo giảm niềm tin
vào khả năng Hoa Kỳ có thể quy đổi tiền tệ của quốc gia khác ra vàng. Cuối cùng, vào ngày

24
15/08/1971, Tổng thống Richard M. Nixon tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không quy đổi tiền của mình
ra vàng nữa. Đây là bước cuối cùng trong việc bãi bỏ tiêu chuẩn vàng.

Sự bất mãn lan rộng do LẠM PHÁT cao vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 đã làm
dấy lên sự quan tâm trở lại đối với hệ thống bản vị vàng. Mặc dù sự quan tâm này không mạnh
mẽ hiện nay, nhưng dường như nó lại bùng lên dữ dội cứ mỗi lần lạm phát chuyển động vượt
khỏi mức 5%. Điều này thật sự có ý nghĩa bởi vì bất kể các trục trặc nào khác đã từng xảy ra
với bản vị vàng, thì lạm phát triền miên không phải là một trong số các vấn đề đó. Giữa những
năm 1880 và 1914, thời kỳ mà Hoa Kỳ đang theo cơ chế “bản vị vàng cổ điển” (classical gold
standard), lạm phát trung bình chỉ 0,1%/năm.

Cơ chế Bản vị Vàng vận hành thế nào?

Bản vị vàng (gold standard) với vai trò là một tiêu chuẩn trong nước điều tiết số lượng và tốc
độ tăng trưởng CUNG TIỀN (money supply) của một quốc gia. Bởi vì việc sản xuất vàng mới
sẽ chỉ là một tỷ phần nhỏ trong trữ lượng tích lũy, và bởi vì các cơ quan chức năng đã bảo đảm
việc chuyển đổi tự do từ vàng sang dạng tiền không phải là vàng (nongold money), bản vị vàng
bảo đảm rằng cung tiền, và vì vậy mà mức giá cả, sẽ không thay đổi nhiều. Nhưng những đợt
gia tăng định kỳ của trữ lượng vàng thế giới, như những lần khám phá vàng ở Úc và California
vào khoảng năm 1850, đã làm cho giá cả rất không ổn định trong ngắn hạn.

Bản vị vàng cũng là một tiêu chuẩn quốc tế trong việc xác định giá trị đồng tiền (currency) của
một quốc gia dưới dạng tiền tệ của các quốc gia khác. Bởi vì sự tuân thủ luật chơi của tiêu
chuẩn này được duy trì bởi một mức giá cố định đối với vàng (theo tiền tệ của mỗi quốc gia),
do vậy mà tỷ lệ trao đổi giữa các đồng tiền gắn với vàng nhất thiết cũng phải cố định. Ví dụ,
Hoa Kỳ cố định giá vàng là 20,67 đô la/ounce, và Anh cố định giá vàng là 4,25 bảng/ounce.
Do vậy, tỷ giá hối đoái giữa đô la Mỹ và bảng Anh – (còn gọi là “par exchange rate”, tạm dịch
là tỷ giá hối đoái cân bằng tiền tệ, hay tỷ giá hối đoái ngang giá, hay tỷ giá hối đoái mệnh giá
- tại đó có sự cân bằng cung và cầu tiền của mỗi loại tiền tệ) – cũng nhất thiết tương đương
khoảng 4,86 đô la/1 bảng.

Bởi vì tỷ giá hối đoái được cố định, bản vị vàng tạo ra sự di chuyển cùng nhau của các mức giá
cả trên toàn thế giới. Sự di chuyển cùng nhau này đã xảy ra chủ yếu thông qua một tiến trình
điều chỉnh cán cân thanh toán tự động được gọi là cơ chế price-specie-flow (dòng chảy giá-
vàng). Đây là cách thức cơ chế này vận hành. Giả sử rằng một SỰ ĐỔI MỐI SÁNG TẠO công

25
nghệ đã mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế thực (real economic growth) nhanh hơn ở Hoa Kỳ.
Bởi vì cung tiền (vàng) (supply of money (gold)) chủ yếu được cố định trong ngắn hạn, mức
giá Hoa Kỳ giảm. Giá xuất khẩu ở Hoa Kỳ giảm một cách tương đối so với giá nhập khẩu.
Điều này làm cho nước Anh tăng CẦU hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ và người Mỹ cầu ít
nhập khẩu hơn. Thặng dư cán cân thanh toán Hoa Kỳ được tạo ra, làm cho vàng (gold (specie))
chảy từ Anh sang Hoa Kỳ. Dòng vào của vàng làm tăng cung tiền ở Hoa Kỳ, đảo ngược đà
giảm của mức giá cả ban đầu trước đó – hay giá cả ở Hoa Kỳ bắt đầu tăng lên. Ở Anh, dòng ra
vàng làm giảm cung tiền và vì vậy làm giảm thấp mức giá cả. Kết quả ròng là giá cả được cân
bằng giữa các quốc gia này.

Tỷ giá hối đoái cố định cũng đã gây nên cả những cú sốc tiền tệ và phi tiền tệ (sốc thực)
(monetary and nonmonetary (real) shocks) được truyền dẫn thông qua các dòng chảy của vàng
và vốn (flows of gold and capital) giữa các quốc gia. Do vậy, một cú sốc ở một nền kinh tế đã
tác động đến cung tiền (money supply) trong nước, chi tiêu (expenditure), mức giá (price level)
và thu nhập thực (real income) ở quốc gia khác.

Việc khám phá ra vàng ở California năm 1848 là một ví dụ về cú sốc tiền tệ (monetary shock).
Vàng mới được sản xuất ra đã làm tăng cung tiền ở Hoa Kỳ, và tiếp theo làm tăng chi tiêu trong
nước, thu nhập danh nghĩa và cuối cùng là tăng mức giá. Giá trong nước tăng làm cho xuất
khẩu Hoa Kỳ đắt đỏ hơn, gây nên thâm hụt cán cân thanh toán (balance-of-payments) Hoa Kỳ.
Đối với các bạn hàng thương mại của Hoa Kỳ, các yếu tố tương tư đã tạo sự thặng dư cán cân
thương mại (a balance-of-trade surplus). Thâm hụt thương mại Hoa Kỳ được tài trợ bằng một
dòng ra của vàng (gold (specie) outflow) đến các bạn hàng thương mại, làm giảm trữ lượng
vàng tiền tệ (monetary gold stock) ở Hoa Kỳ. Ở các nước bạn hàng, cung tiền tăng lên, làm
tăng chi tiêu trong nước, thu nhập danh nghĩa, và sau cùng làm tăng mức giá. Tùy thuộc vào tỷ
phần tương đối của trữ lượng vàng tiền tệ Hoa Kỳ trong tổng trữ lượng thế giới, giá cả và thu
nhập thế giới tăng lên. Mặc dù tác động ban đầu của việc khám phá vàng là làm tăng sản lượng
thực (real output) (bởi vì lương và giá đã không tăng lên ngay tức thì), cuối cùng tác động đầy
đủ là chỉ hướng vào mức giá mà thôi.

Để bản vị vàng vận hành đầy đủ, những nơi có sự hiện hữu của các ngân hàng trung ương cần
tuân thủ theo “các quy tắc của cuộc chơi” (rules of the game). Nói cách khác, các ngân hàng
trung ương được cho là phải tăng lãi suất chiết khấu (discount rates) – lãi suất mà theo đó ngân
hàng trung ương cho vay tiền (money) đến các ngân hàng thành viên – để tăng tốc dòng chảy

26
vào của vàng (gold inflow), và giảm thấp lãi suất chiết khấu để tạo điều kiện cho dòng chảy ra
của vàng (gold outflow). Do vậy, nếu một quốc gia đang trải qua thâm hụt cán cân thanh toán,
quy tắc của cuộc chơi này yêu cầu quốc gia đó cho phép một dòng chảy ra của vàng cho đến
khi tỷ số của mức giá của nước này so với mức giá của các nước bạn hàng thương mại chính
được tái lập về tỷ giá hối đoái cân bằng tiền tệ hay tỷ giá hối đoái ngang giá (par exchange
rate).

Trường hợp điển hình cho hành vi này của ngân hàng trung ương là Ngân hàng Trung ương
Anh (Bank of England, BOE). Ngân hàng BOE đã tuân thủ các quy tắc luật chơi này hầu như
suốt giai đoạn giữa năm 1870 và 1914. Bất cứ khi nào nước Anh đối mặt với cán cân thanh
toán thâm hụt và BOE thấy dự trữ vàng của mình giảm xuống, ngân hàng này đã tăng “lãi suất
ngân hàng” (bank rate) (lãi suất chiết khấu, discount rate). Bằng cách làm cho các mức lãi suất
(interest rates) ở Anh cũng tăng theo, sự gia tăng lãi suất ngân hàng (bank rate) được cho là
nguyên nhân giữ cho tồn kho (inventories) và các chi tiêu đầu tư khác (investment
expenditures) giảm. Những sự sụt giảm này tiếp theo tạo ra sự sụt giảm tổng thề của chi tiêu
trong nước và giảm mức giá cả. Đồng thời, lãi suất ngân hàng (bank rate) tăng sẽ ngăn chặn
bất kỳ dòng vốn ngắn hạn chảy ra (short-term capital outflow) và thu hút các nguồn quỹ ngắn
hạn từ nước ngoài.

Hầu hết các quốc gia khác theo bản vị vàng đã không hoàn toàn tuân thủ đúng các quy tắc của
cuộc chơi, đáng chú ý là Pháp và Bỉ. Các quốc gia này không bao giờ cho phép lãi suất tăng đủ
để giảm mức giá trong nước. Nhiều trong số các quốc gia khác cũng thường xuyên phá vỡ luật
chơi bằng cách “vô hiệu hóa” (sterilization) – thông qua việc che chắn cung tiền trong nước
không rơi vào tình trạng mất cân bằng bên ngoài bằng cách mua hay bán chứng khoán trong
nước. Ví dụ, nếu ngân hàng trung ương Pháp mong muốn ngăn dòng vàng chảy vào làm tăng
cung tiền trong nước, ngân hàng trung ương này sẽ bán chứng khoán lấy vàng, do vậy làm
giảm số lượng vàng trong lưu thông.

Tuy nhiên, việc vi phạm các quy tắc của các ngân hàng trung ương cần phải được đặt vào bối
cảnh. Mặc dù tỷ giá hối đoái ở các quốc gia chính thường bị lệch ra khỏi tỷ giá mệnh giá (par
exchange rate), các chính phủ này hiếm khi giảm giá đồng tiền của họ hay chơi trò chơi thao
túng bản vị vàng nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh tế trong nước. Việc đình chỉ khả năng chuyển
đổi (convertibility) ở Anh (1797-1821, 1914-1925) và Hoa Kỳ (1862-1879) đã xảy ra trong
những lúc khẩn cấp của thời chiến. Nhưng như đã cam kết, khả năng chuyển đổi theo sự ngang

27
bằng nguyên thủy đã được hồi phục sau khi tình trạng khẩn cấp qua đi. Những lần tái hồi phục
này đã củng cố mức độ tin cậy của quy tắc bản vị vàng.

Thành quả của cơ chế Bản vị Vàng

Như đã đề cập, ưu điểm rất lớn của bản vị vàng là bảo đảm được sự ổn định giá cả trong dài
hạn. Hãy so sánh tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm 0,1% giữa năm 1880 và 1914 đã nói đến
trước đây với con số trung bình 4,1% giữa năm 1946 và 2003. (Lý do chúng ta loại bỏ giai
đoạn từ năm 1914 đến 1946 vì giai đoạn này không thuộc thời kỳ bản vị vàng cổ điển (classical
gold standard) cũng không thuộc thời kỳ mà các chính phủ hiểu về cách thức quản lý chính
sách tiền tệ (monetary policy)).

Nhưng bởi vì các nền kinh tế dưới cơ chế bản vị vàng rất dễ tổn thương trước các cú sốc thực
(real shocks) và sốc tiền tệ (monetary shocks), giá cả rất không ổn định trong ngắn hạn. Một
thước đo về sự bất ổn giá cả ngắn hạn đó là hệ số biến thiên (coefficient of variation) – tỷ số
giữa độ lệch chuẩn (standard deviation) của phần trăm thay đổi hàng năm của mức giá với phần
trăm thay đổi trung bình hàng năm. Hệ số biến thiên càng cao thì sự bất ổn ngắn hạn càng lớn.
Đối với Hoa Kỳ giữa năm 1879 và 1913, hệ số này là 17,0, đây là mức khá cao. Giữa năm 1946
và 1990 chỉ là 0,88. Trong thập niên biến động nhất của cơ chế bản vị vàng, 1894-1904, tỷ lệ
lạm phát trung bình là 0,36 và độ lệch chuẩn là 2,1, cho kết quả hệ số biến thiên là 5,8; trong
thập niên biến động mạnh của thời kỳ sau bản vị vàng, như thập niên 1946-1956, tỷ lệ lạm phát
trung bình là 4,0, độ lệch chuẩn là 5,7, và hệ số biến thiên là 1,42.

Hơn nữa, bởi vì bản vị vàng cho phép chính phủ rất ít có sự tùy nghi (discretion) trong việc sử
dụng chính sách tiền tệ, các nền kinh tế dưới cơ chế bản vị vàng ít khả năng ngăn chặn hay bù
trừ các cú sốc thực hay các cú sốc tiền tệ. Do vậy, sản lượng thực (real output) đã thay đổi
nhiều dưới bản vị vàng. Hệ số biến thiên đối với sản lượng thực là 3,5 giữa năm 1879 và 1913,
và chỉ là 0,4 giữa năm 1946 và 2003. Không phải ngẫu nhiên, vì chính phủ không thể có được
sự tùy nghi đối với chính sách tiền tệ, THẤT NGHIỆP (unemployment) đã cao hơn suốt những
năm theo cơ chế bản vị vàng. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình 6,8% ở Hoa Kỳ giữa năm 1879 và
1913, và 5,9% giữa năm 1946 và 2003.

Cuối cùng, bất kỳ sự xem xét về ưu và nhược điểm của bản vị vàng cần phài bao hàm một điểm
có tính tiêu cực lớn này: chi phí nguồn lực sản xuất ra vàng (resource cost of producing gold).

28
Milton Friedman đã ước tính chi phí duy trì tiêu chuẩn đồng tiền vàng đầy đủ ở Hoa Kỳ năm
1960 là nhiều hơn 2,5% GNP. Vào năm 2005, chi phí này lên đến hơn 300 tỷ đô la.

Kết luận

Mặc dù những vết tích cuối cùng của bản vị vàng đã biến mất vào năm 1971, nhưng sức hấp
dẫn của cơ chế này vẫn còn mạnh mẽ. Những người phản đối việc trao quyền tùy nghi cho
ngân hàng trung ương luôn bị hấp dẫn bởi sự đơn giản của quy tắc cơ bàn của cơ chế này.
Nhiều người khác xem nó như một cái neo hiệu quả đối với giá thế giới. Vẫn còn nhiều người
khao khát nhìn vào cơ chế này với sự ổn định của tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, bất chấp sự hấp
dẫn của cơ chế bản vị vàng, nhiều trong số các điều kiện đã từng làm nên sự thành công của
bản vị vàng đã biến mất vào năm 1914. Đặc biệt là tầm quan trọng của các chính phủ gắn với
toàn dụng lao động (full employment) có nghĩa là họ không có khả năng thực hiện việc duy trì
mối liên kết bản vị vàng với hệ quả của nó - sự ổn định giá cả dài hạn - một mục tiêu chính của
chính sách kinh tế.

Nguồn: https://www.econlib.org/library/Enc/GoldStandard.html

Về tác giả
Michael D. Bordo là giáo sư kinh tế tại Đại học Rutgers. Ông lãnh đạo đội ngũ nghiên cứu của
Ủy ban về Vàng thuộc Quốc hội Hoa Kỳ giai đoạn 1981-1982.

Đọc thêm

Bordo, Michael D. “The Classical Gold Standard—Some Lessons for Today.” Federal
Reserve Bank of St. Louis Review 63, no. 5 (1981): 2-17.

Bordo, Michael D. “Financial Crises, Banking Crises, Stock Market Crashes, and the Money
Supply: Some International Evidence, 1870-1933.” In Forrest Capie and Geoffrey E. Wood,
eds., Financial Crises and the World Banking System. London: Macmillan, 1986.

Bordo, Michael D., and A. J. Schwartz, eds. A Retrospective on the Classical Gold Standard,
1821-1931. Chicago: University of Chicago Press, 1984. Especially “The Gold Standard and
the Bank of England in the Crisis of 1847,” by R. Dornbusch and J. Frenkel.

Bordo, Michael D., and A. J. Schwartz, eds. “Transmission of Real and Monetary
Disturbances Under Fixed and Floating Rates.” Cato Journal 8, no. 2 (1988): 451-472.

29
Ford, A. The Gold Standard, 1880-1914: Britain and Argentina. Oxford: Clarendon Press,
1962.

Officer, L. “The Efficiency of the Dollar-Sterling Gold Standard, 1890-1908.” Journal of


Political Economy 94 (1986): 1038-1073.

Categories: Economic History Economic Systems Government


Policy Macroeconomics Money and Banking

30
Bài 3 - ĐẠI KHỦNG HOẢNG
(Great Depression)
Gene Smiley

Đại Khủng hoảng (Great Depression) - một đợt suy giảm sâu trên bình diện rộng khắp toàn thế
giới đã đánh gục nhiều quốc gia vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường vào cuối thập niên
1920. Mặc dù cuộc Đại Khủng hoảng này tương đối nhẹ ở một số quốc gia, nhưng lại rất
nghiêm trọng ở các quốc gia khác, nhất là Hoa Kỳ nơi mà cho đến năm 1933, 25 phần trăm
tổng số lao động và 37 phần trăm lao động phi nông nghiệp hoàn toàn không có việc làm. Một
số rơi vào nạn đói; nhiều người khác bị mất nông trại và nhà cửa của mình. Nhiều người vô gia
cư lẻn lên các chuyến tàu chở hàng đi xuyên đất nước. Những người nông dân trồng bông bị
tước đoạt tài sản – họ còn có tên gọi là “Okies”, đã chất vội tài sản của mình lên những chiếc
Model Ts và di cư đến California với hy vọng hão huyền tin rằng những tấm áp phích quảng
cáo nhiều việc làm là có thật. Mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu hồi phục vào quý II năm
1933, sự phục hồi này đã bị đình trệ hầu như suốt các năm 1934 và 1935. Cũng đã có một sự
phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm 1935 và tiếp tục gặp vấn đề vào năm 1937 khi một cuộc suy
giảm sâu mới đã xảy ra. Nền kinh tế chưa thực sự hồi phục hoàn toàn từ cuộc Đại Khủng hoảng
thì Hoa Kỳ đã dấn vào Thế chiến II tháng 12 năm 1941. Do sự phục hồi chậm chạp một cách
đáng kinh ngạc này mà toàn bộ thập niên 1930 ở Hoa Kỳ thường được xem là thập niên Đại
Khủng hoảng.

Cuộc Đại Khủng hoảng này thường được gọi là “”thời khắc có tính quyết định” (defining
moment) trong lịch sử thế kỷ 20 của Hoa Kỳ. Tác động lâu dài nhất của Đại Khủng hoảng này
là sự chuyển dịch vai trò của chính phủ liên bang đối với nền kinh tế. Sự thu hẹp kinh tế kéo
dài và sự phục hồi chậm chạp đầy đau thương này khiến nhiều người dân Mỹ chấp nhận và
thậm chí đã kêu gọi chính phủ cần có vai trò rộng lớn hơn dù cho hầu hết các nhà kinh doanh
cảm thấy phẫn nộ trước sự kiểm soát ngày càng gia tăng của chính quyền liên bang đối với các
hoạt động của họ. Chính phủ liên bang đảm nhận trách nhiệm đối với lực lượng dân số già bằng
việc tạo ra AN SINH XÃ HỘI (social security) và chương trình trợ giúp thất nghiệp không tự
nguyện (involuntarily unemployed unemployment compensation). Đạo luật Wagner (Wagner
Act) đã làm thay đổi đáng kể cách thức đàm phán giữa người lao động và người thuê mướn lao
động thông qua việc thúc đẩy các nghiệp đoàn và hoạt động nghiệp đoàn với vai trò như trọng
tài nhằm bảo đảm “công bằng” trong các đàm phán hợp đồng lao động. Tất cả những điều này
yêu cầu gia tăng quy mô của chính phủ liên bang. Suốt thập niên 1920, có trung bình khoảng

31
553.000 nhân viên dân sự được trả lương thuộc chính phủ liên bang. Đến năm 1939 đã có
953.891 người, và năm 1940 là 1.042.420 người. Năm 1928 và 1929, các khoản thu liên bang
về ngân sách hành chính (ngân sách hành chính không bao gồm bất kỳ số tiền nào được nhận
hay chi từ các quỹ ủy thác (trust funds) và bất kỳ khoản được vay hay sử dụng để thanh toán
nợ) trung bình là 3,8 phần trăm GNP trong khi đó các khoản chi tiêu trung bình là 3,04 phần
trăm GNP. Năm 1939, liên bang đã nhận 5,5 phần trăm GNP, trong khi chi tiêu liên bang tăng
vụt lên mức 9,77 phần trăm GNP. Các con số này cung cấp một chỉ báo về việc mở rộng khổng
lồ vai trò chính phủ liên bang thời kỳ suy giảm thập niên 1930.

Đại Khủng hoảng (Great Depression) cũng đã làm thay đổi suy nghĩ kinh tế. Bởi vì nhiều nhà
kinh tế học và những người khác đã đổ lỗi cho cuộc suy thoái sâu (depression) là do cầu không
đủ lớn (inadequate demand), quan điểm theo Keynes cho rằng chính phủ có thể và nên bình ổn
cầu nhằm ngăn chặn các cuộc suy thoái sâu trong tương lai. Cách suy nghĩ này đã trở thành
quan điểm chủ đạo trong ngành kinh tế học ít nhất nhiều thập niên nữa. Mặc dù ngày càng có
nhiều nhà kinh tế bắt đầu hoài nghi quan điểm này, nhưng công chúng nhìn chung vẫn còn
chấp nhận nó.

Điều thú vị là với tầm quan trọng của cuộc Đại Khủng hoảng này đối với sự phát triển của tư
duy kinh tế và chính sách kinh tế, các nhà kinh tế học không hoàn toàn đồng ý về điều gì là
nguyên nhân gây nên nó. Nghiên cứu của Peter Temin, Barry Eichengreen, David Glasner, Ben
Bernanke và những người khác đã tạo ra một sự đồng thuận về việc tại sao sự thu hẹp
(contraction) đã bắt đầu vào năm 1928 và 1929. Có ít sự thống nhất về việc tại sao thời kỳ thu
hẹp này lại dài hơn và nghiêm trọng hơn ở một số các quốc gia và tại sao sự suy giảm sâu này
đã kéo quá dài ở một số các quốc gia, nhất là Hoa Kỳ.

Cuộc Đại Khủng hoảng bắt đầu vào cuối thập niên 1920 này là một hiện tượng toàn cầu. Đến
năm 1928, Đức, Brazil và các nền kinh tế Đông Nam Á đã bị suy giảm sâu. Vào đầu năm 1929,
các nền kinh tế Ba Lan, Argentina và Canada đang thu hẹp lại, và nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào
suy giảm vào giữa năm 1929. Temin, Eichengreen và những người khác đã chỉ ra rằng nhân tố
lớn hơn đã cột chặt các quốc gia này với nhau đó là Bản Vị Vàng quốc tế (international GOLD
STANDARD).

Cho đến năm 1914, hầu hết các nước phát triển đã theo đuổi bản vị vàng với tỷ giá hối đoái cố
định giữa tiền tệ quốc gia và vàng – và do vậy cố định tỷ giá trao đổi giữa các đồng tiền các
quốc gia với nhau. Trong Thế chiến I, các nước châu Âu rời bản vị vàng để in tiền, và kết quả

32
lạm phát giá (price INFLATION) đã đưa một số lượng lớn vàng của thế giới đến các ngân hàng
ở Hoa Kỳ. Hoa kỳ vẫn duy trì bản vị vàng mà không thay đổi giá trị vàng theo đô la (gold value
of the dollar). Các nhà đầu tư và những người khác – những người nắm giữ vàng gửi vàng của
họ đến Hoa Kỳ, nơi mà vàng đã duy trì giá trị của nó như là một dạng đầu tư an toàn và đầu tư
tốt. Đến cuối Thế chiến I, rất ít quốc gia, điển hình nhất là Hoa Kỳ, đã tiếp tục với bản vị vàng
trong khi các quốc gia khác theo đuổi tạm thời cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi (floating exchange
rates). Trung tâm tài chính quốc tế của thế giới dịch chuyển từ Luân Đôn sang New York, và
người Anh nóng lòng muốn lấy lại địa vị cũ. Một số quốc gia đã cam kết quay lại bản vị vàng
với đồng tiền đã bị mất giá (devalued currencies), trong khi các quốc gia khác đi theo sự dẫn
dắt của Anh và hướng theo mục tiêu trở lại với vàng theo tỷ giá hối đoái trước chiến tranh.

Tuy nhiên, điều này không thể khả thi. Có quá nhiều tiền (money) đã được tạo ra suốt cuộc
chiến để có thể cho phép quay lại bản vị vàng mà không bị mất giá tiền tệ lớn (currency
devaluations) hoặc giảm phát giá cả (price deflations). Thêm nữa, trữ lượng vàng Hoa Kỳ đã
gấp đôi và vào khoảng 40 phần trăm vàng tiền tệ (monetery gold) của thế giới. Đơn giản là
không đủ vàng tiền tệ đối với phần còn lại của thế giới để hỗ trợ tiền tệ (currencies) của các
quốc gia với tỷ giá hối đoái hiện hữu. Kết quả là các nước dẫn đầu đã thiết lập một hệ thống
trao đổi vàng (gold exchange system) nơi mà các chính phủ Hoa Kỳ và Anh sẽ sẵn lòng và cam
kết mọi lúc để đổi đô la và bảng ra vàng, và các quốc gia khác sẽ giữ hầu như hầu hết dự trữ
quốc tế của họ dưới dạng bảng Anh và đô la Mỹ.

Cầu vàng tăng lên khi các quốc gia chuyển sang bản vị vàng. Bởi vì đồng franc đã bị định giá
thấp (undervalued) khi Pháp chuyển sang bản vị vàng vào tháng 6 năm 1928, Pháp bắt đầu có
dòng vàng chảy vào (gold inflows). Franc định giá thấp đã làm cho xuất khẩu của Pháp trở nên
ít đắt đỏ hơn tính theo các đồng tiền của các nước bên ngoài và làm cho nhập khẩu nước ngoài
vào Pháp mắc hơn tính theo franc. Khi xuất khẩu của Pháp tăng và nhập khẩu Pháp giảm, các
tài khoản quốc tế của xuất nhập khẩu cân bằng theo hướng vàng chuyển vào Pháp. Trái với các
nguyên lý của bản vị vàng, chính phủ Pháp đã không sử dụng các dòng vào này để mở rộng
CUNG TIỀN (money supply) của mình. Năm 1928, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã
tăng lãi suất chiết khấu (discount rate) – đó là mức lãi mà Fed tính trên các khoản cho vay đến
các ngân hàng thành viên – nhằm tăng LÃI SUẤT (interest rates) ở Hoa Kỳ, theo đó sẽ ngăn
được dòng chảy ra của vàng từ Hoa Kỳ và giảm đà bùng nổ của THỊ TRƯỜNG CHỨNG
KHOÁN (stock market). Kết quả là Hoa Kỳ đã bắt đầu nhận được sự dịch chuyển của vàng.
Đến năm 1929, khi các quốc gia xung quanh trên thế giới mất vàng vào tay Pháp và Hoa Kỳ,

33
chính phủ các quốc gia này đã khởi xướng các chính sách giảm phát để ngăn dòng chảy ra của
vàng và duy trì trên cơ sở bản vị vàng. Các chính sách giảm phát này được thiết kế để hạn chế
hoạt động kinh tế và giảm mức giá cả, và đó chính xác là những gì họ đã thực hiện. Do đó, bắt
đầu cuộc Đại Khủng hoảng trên toàn thế giới.

Làn sóng thu hẹp (contraction) này đã kết thúc sự bùng nổ và khiến thị trường chứng khoán
sụp đổ vào cuối tháng 10 năm 1929. Tuy nhiên, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán không
gây ra cuộc suy thoái sâu này; nó cũng không thể giải thích về độ dài và độ sâu bất thường của
sự thu hẹp kinh tế Hoa Kỳ. Ở hầu hết các quốc gia, như Anh, Pháp, Canada, Hà Lan và các
nước Bắc Âu, cuộc suy thoái sâu (depression) này ít nghiêm trọng, ngắn hơn và kết thúc vào
năm 1931. Các quốc gia này cũng không có các cuộc khủng hoàng tài chính và khủng hoảng
ngân hàng (banking and financial crises) như ở Hoa Kỳ, và hầu hết đã rời cơ chế bản vị vàng
sớm hơn Hoa Kỳ. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, sự thu hẹp đã tiếp diễn 4 năm kể từ mùa hè năm 1929
đến quý I năm 1933. Suốt thời gian này, GNP thực giảm 30,5 phần trăm, giá cả bán sĩ giảm
30,8 phần trăm và giá cả tiêu dùng giảm 24,4 phần trăm.

Ở các đợt suy giảm sâu trước đây, mức lương (wage rates) thường giảm từ 9-10 phần trăm suốt
thời gian thu hẹp một-hai năm; nhờ mức giảm lương này mà có nhiều lao động hơn có thể giữ
được việc làm của họ. Tuy nhiên, ở cuộc Đại Khủng hoảng này, các hãng sản xuất công nghiệp
đã giữ mức lương (wage rates) gần như không đổi vào năm 1931, điều mà các nhà bình luận
cho là khá bất thường. Với mức giá giảm và mức lương không đổi, tiền lương thực theo giờ đã
tăng lên nhanh chóng trong năm 1930 và 1931. Dù sự lan truyền việc làm đã diễn ra nhưng các
công ty sa thải lao động là chủ yếu. Kết quả là, thất nghiệp (unemployment) bắt đầu tăng mạnh
trong khi sản xuất giảm mạnh, nhất là trong khu vực công nghiệp chế tạo hàng lâu bền (durable
manufacturing sector), nơi mà sản xuất đã giảm 36 phần trăm giữa cuối năm 1929 và cuối 1930
và rồi sau đó giảm 36 phần trăm một lần nữa vào giữa cuối năm 1930 và cuối 1931.

Tại sao tiền lương đã không giảm như đã từng giảm ở các đợt thu hẹp (contractions) trước đó?
Một lý do đó là Tổng thống Herbert Hoover đã ngăn chặn việc giảm lương. Ông đã từng trải
qua kinh nghiệm việc cắt giảm lương thời kỳ suy giảm sâu 1920-1921 và đã khuyến khích
chính sách “lương cao” xuyên suốt thập niên 1920. Vào cuối thập niên 1920, nhiều lãnh đạo
doanh nghiệp, lãnh đạo lao động và các nhà kinh tế học hàn lâm tin tưởng rằng các chính sách
giữ cho mức lương cao sẽ duy trì sức mua của người lao động, cung cấp cho các thị trường “ổn
định hơn” và cách làm này là cần thiết để có thể ngăn chặn các đợt thu hẹp kinh tế. Khi Tổng

34
thống Hoover tổ chức các hội nghị vào tháng 12 năm 1929 nhằm thúc giục các lãnh đạo doanh
nghiệp, các ngành công nghiệp và lãnh đạo lao động giữ cho mức lương (wage rates) và cổ tức
(dividends) không bị ảnh hưởng, ông đã tìm thấy sự đồng lòng từ thính giả của mình. Với Đạo
luật Thuế quan Smoot-Hawley (Smoot-Hawley Tariff) bảo hộ cao được thông qua vào giữa
năm 1930, đã hỗ trợ việc bảo hộ cho các hãng thực hiện duy trì mức lương khỏi hàng hóa nhập
khẩu chi phí thấp. Do đó, mãi đến năm 1931, khi các điều kiện kinh doanh trở nên xấu đi rõ rệt
đã khiến hội đồng quản trị của một số công ty lớn bắt đầu cắt giảm mức lương đáng kể, quyết
định này áp đảo sự phản đối của các giám đốc điều hành hàng đầu của các hãng, những người
đã cam kết duy trì mức lương cao.

Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley là một phần khác trong chiến lược của Hoover. Dù không
có một lời kêu gọi chung nào về việc tăng thuế quan, Hoover đã đề xuất nó vào năm 1929 như
là phương tiện trợ giúp nông dân. Ông đã nhanh chóng mất quyền kiểm soát đạo luật này và
nó đã kết thúc việc bảo vệ các doanh nghiệp Hoa Kỳ trên phương diện tổng thể với rất ít kết
quả bảo hộ thực đối với nông dân. Nhiều mức tăng thuế quan trong Biểu Thuế quan Smoot-
Hawley là khá lớn; ví dụ, thuế quan đối với lúc mì Canada đã tăng 40 phần trăm, và mức thuế
đối với các dụng cụ thủy tinh khoa học tăng từ 65 lên 85 phần trăm. Tổng quát, đối với hàng
nhập khẩu chịu thuế, suất thuế quan (tariff rate) đã tăng từ 40,1 lên 53,21 phần trăm. Đã có một
số biện pháp trả đũa biểu hiện rõ ràng đối với sự gia tăng thuế quan của Hoa Kỳ như là Biểu
thuế Wais của Tây Ban Nha. Một số sự gia tăng thuế quan theo kế hoạch của các quốc gia khác
đã được khuyến khích và được thúc đẩy nhanh chóng xuất phát từ hành động của Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Hoover về việc chuyển kết quả của sự thu
hẹp (contraction) đối với LỢI NHUẬN (profits) thay vì với cổ tức (dividents). Cổ tức năm
1930 hầu như bằng với năm 1929, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp chưa phân phối đã giảm
mạnh từ 2,8 tỷ đô la năm 1929 xuống -2,6 tỷ đô la năm 1930. (Các con số này có lẽ khá nhỏ,
nhưng so sánh với GNP Hoa Kỳ năm 1929 là 103,1 tỷ đô la thì xem ra con số này là đáng kể.
Giá trị chứng khoán của các hãng cũng giảm mạnh, dẫn đến sự suy giảm mạnh danh mục tài
chính (portfolios) của các ngân hàng. Khi các điều kiện xấu đi và thua lỗ của các ngân hàng
tăng lên, hiện tượng RÚT TIỀN Ồ ẠT (bank runs) và thất bại ngân hàng (bank failures) tăng
theo. Các đợt rút tiền ồ ạt và thất bại ngân hàng lớn đầu tiên đã xảy ra ở vùng Đông Nam vào
tháng 11 năm 1930; sau đó là nhiều lần rút vốn ồ ạt và thất bại ngân hàng diễn ra vào tháng 12.
Tiếp theo là làn sóng rút vốn ồ ạt và thất bại ngân hàng vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè năm
1931. Sau khi Anh rời bỏ bản vị vàng vào tháng 9 năm 1931, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ

35
(Fed) đã bắt đầu tăng lãi suất chiết khấu khá lớn nhằm ngăn chặn dòng chảy ra của vàng. Các
nhà đầu tư nước ngoài ở các quốc gia vẫn còn theo bản vị vàng kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ hoặc là phá
giá đồng đô la hay sẽ ra khỏi bản vị vàng như Anh đã thực hiện . Kết quả là số đô la họ nắm
giữ hay chứng khoán mệnh giá đô la của họ sẽ có giá trị thấp hơn. Nhằm ngăn ngừa kết quả
này, họ đã bán ra đô la và thu gom vàng từ Hoa Kỳ. Các động thái chính sách của Hoa Kỳ đã
làm cho các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng cam kết theo bản vị
vàng của mình. Việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ cũng khiến cho việc bán tài sản Hoa Kỳ lấy đô
la để quy đổi ra vàng trở nên tốn kém hơn. Việc tăng lãi suất không chỉ gây ra nhiều thất bại
kinh doanh hơn mà còn làm cho thất bại ngân hàng gia tăng đáng kể. Vào cuối mùa xuân và
đầu mùa hè năm 1932, Fed cuối cùng cũng thực hiện nghiệp vụ mua trên thị trường mở (open
market purchases), mang lại một vài tín hiệu về niềm tin và sự phục hồi khả dĩ cho nền kinh tế
Hoa Kỳ đang bị bủa vây.

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA (fiscal policy) của Hoover đã làm tăng tốc sự sụt giảm này. Vào
tháng 12 năm 1929, như một cách thức thể hiện niềm tin của chính quyền vào nền kinh tế,
Hoover đã giảm tất cả suất thuế thu nhập (income tax rates) năm 1929 xuống 1 phần trăm do
thặng dư ngân sách tiếp diễn. Đến năm 1930 thặng dư chuyển thành thâm hụt diễn ra nhanh
chóng khi nền kinh tế bị thu hẹp. Đến cuối năm 1931 Hoover đã quyết định đề xuất tăng thuế
lớn nhằm nỗ lực cân bằng ngân sách; Quốc hội đã thông qua việc tăng thuế vào năm 1932.
Miễn giảm thuế cá nhân (personal exemptions) giảm mạnh nhằm tăng số lượng người nộp thuế,
và suất thuế (rates) tăng đáng kể. Suất thuế biên thấp nhất tăng từ 1,125 phần trăm lên 4,0 phần
trăm, và suất biên cao nhất tăng từ 25 phần trăm tính trên thu nhập chịu thuế vượt 100.000 đô
la cho đến mức 63 phần trăm đối với thu nhập chịu thuế vượt 1 triệu đô la khi các mức thuế
tính theo dạng lũy tiến mạnh hơn nhiều. Chúng ta giờ đây hiểu rằng sự gia tăng thuế khổng lồ
như vậy thì không thể thúc đẩy sự hồi phục suốt thời kỳ thu hẹp. Bởi cắt giảm thu nhập khả
dụng của các hộ gia đình sẽ kéo theo giảm chi tiêu hộ gia đình và thu hẹp nhiều hơn nữa các
hoạt động kinh tế.

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ mở rộng của Fed kết thúc vào đầu mùa hè năm 1932. Sau khi đắc cử
vào tháng 11 năm 1932, Tổng thống đắc cử Roosevelt đã từ chối vạch ra các chính sách của
mình hay tán thành chính sách của Hoover, và Ông cũng đã từ chối phủ nhận rằng Ông sẽ phá
giá đồng đô la so với vàng sau khi Ông chính thức nắm quyền vào tháng 3 năm 1933. Hiện
tượng rút vốn ồ ạt và thất bại ngân hàng tái diễn với sự hằn hộc của công chúng, và đô la Mỹ
bắt đầu được chuyển đổi ra vàng khi mà dòng chảy ra của vàng tái lập. Khi các điều kiện tài

36
chính trở nên tồi tệ vào tháng 1 và tháng 2 năm 1933, các chính quyền bang bắt đầu tuyên bố
tạm dừng hoạt động ngân hàng (banking holidays), đóng cửa toàn bộ khu vực tài chính của các
bang. Việc dừng hoạt động ngân hàng toàn quốc của Roosevelt đã dừng được tình trạng rút
vốn ồ ạt và thất bại ngân hàng và cuối cùng cũng đã kết thúc được tình trạng thu hẹp.

Giữa năm 1929 và 1933, 10.763 trong số 24.970 ngân hàng thương Hoa Kỳ đã thất bại. Khi
công chúng ngày càng nắm giữ nhiều tiền (currency) hơn và ít tiền gửi (deposits) hơn, và khi
các ngân hàng tích lũy nhiều dự trữ dư (excess reserves) hơn, cung tiền (money supply) giảm
30,9 phần trăm so với mức năm 1929. Dù Fed đã tăng dự trữ ngân hàng (bank reserves), nhưng
mức tăng này là quá nhỏ để dừng sự sụt giảm cung tiền. Khi các doanh nghiệp chứng kiến các
dòng tín dụng (lines of credit) và các khoản dự trữ tiền (money reserves) của họ giảm cùng với
các ngân hàng đóng cửa, và người tiêu dùng nhìn thấy của cải tiền gửi ngân hàng (bank deposit
wealth) bị ràng buộc cùng với các thủ tục phá sản (bankrupcy) kéo dài, chi tiêu giảm, làm trầm
trọng thêm sự sụp đổ của cuộc Đại Khủng hoảng.

Việc tạm dừng hoạt động ngân hàng toàn quốc (national banking holiday) đã chấm dứt khủng
hoảng ngân hàng kéo dài, bắt đầu hồi phục niềm tin của công chúng vào ngân hàng và nền kinh
tế, và cuộc hồi phục đầu tiên từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1933. Tổng thống Roosevelt bắt đầu
nhiệm kỳ với việc đề xuất kế hoạch “New Deal” cho người Mỹ, nhưng các cố vấn của Ông đã
tin tưởng dường như theo một cách bị ngộ nhận rằng VIỆC CẠNH TRANH (excessive
competition) quá mức đã dẫn đến sản xuất dư thừa (overproduction), gây nên suy thoái sâu
(depression). Trọng tâm của New Deal là Đạo luật Điều chỉnh Nông nghiệp (Agricultural
Adjustment Act, AAA) và Điều hành Khôi phục Quốc gia (National Recovery Administration,
NRA), cả hai đều nhằm mục đích giảm sản xuất (production) và tăng tiền lương (wages) và giá
cả (prices). Dĩ nhiên, sản xuất sụt giảm là những gì xảy ra trong các đợt suy thoái sâu
(depressions), và việc cố gắng đưa đất nước ra khỏi suy thoái sâu bằng cách giảm sản xuất
thêm nữa là điều không bao giờ nên làm. Với sự nhiệt thành của mình, chính quyền rõ ràng đã
không xem xét tính bất khả thi cơ bản của việc gia tăng tất cả mức tiền lương thực (real wage
rates) và tất cả mức giá cả thực (real prices).

AAA ngay tức thì lập kế hoạch giết 6 triệu con lợn con và giảm số lượng lợn nái sinh sản để
giảm sản lượng thịt lợn và tăng giá. Vì trồng bông bị xem là quá dư thừa, những người nông
dân trồng bông được trả tiền để cày xới một phần tư trong tổng số 40 triệu mẫu (acres) bông
để giảm sản lượng đưa ra thị trường nhằm tăng giá. Hầu như các khoản thanh toán đều vào tay

37
của các chủ đất, không phải những người làm thuê, khiến cho những người nông dân làm thuê
trở nên tuyệt vọng. Dù cho những người chủ đất được cho là sẽ chia các khoản thanh toán cho
những người nông dân làm thuê của mình, nhưng họ không bị ràng buộc pháp lý để làm điều
đó và hầu hết đã không thực hiện việc này. Kết quả là, những người nông dân làm thuê, và nhất
là những nông dân làm thuê da đen - những người dễ bị phân biệt đối xử hơn, đã không nhận
được bất kỳ khoản thanh toán nào, thu nhập ít hơn hoặc không có thu nhập từ sản xuất bông
sau khi phần lớn vụ mùa bị cày xới bỏ đi. Khi việc thuyết phục không có hiệu quả đối với các
nông dân độc lập nhằm giảm sản lượng, chính phủ liên bang đã dự định ra lệnh cắt giảm sản
xuất và mua lại sản phẩm để đưa chúng ra khỏi thị trường và tăng giá cả.

NRA là một thử nghiệm rộng lớn trong việc tổ chức lại ngành công nghiệp Hoa Kỳ. Các cơ
quan quản lý các quy tắc (Code authorities) trong mỗi ngành công nghiệp được thành lập nhằm
xác định việc sản xuất (production) và đầu tư (investment) , cũng như tiêu chuẩn hóa các thông
lệ thực hành (practices) và chi phí (costs) của doanh nghiệp. Toàn bộ bộ máy nhằm mục đích
tăng giá và giảm, chứ không tăng hoạt động sản xuất và đầu tư. Khi các quy tắc NRA bắt đầu
có hiệu lực vào mùa thu năm 1933, rõ ràng là chúng đã có tác dụng. Sự phục hồi dường như
rất hứa hẹn vào mùa hè phần lớn đã bị dừng lại, và có rất ít sự gia tăng hoạt động kinh tế từ
mùa thu năm 1933 xuyên suốt đến giữa mùa hè năm 1935. Việc thực thi các quy tắc rất rời rạc,
sự bất đồng về các quy tắc tăng lên, và trong các ngành công nghiệp nhỏ hơn, cạnh tranh nhiều
hơn, ít doanh nghiệp tuân thủ các quy tắc hơn. Tòa án Tối cao (Supreme Court) đã kết luận
NRA vi hiến vào ngày 27/05/1935, và AAA vi hiến vào ngày 06/01/1936. Thoát khỏi sự kiềm
kẹp của NRA, ngành công nghiệp Hoa Kỳ bắt đầu mở rộng sản xuất. Đến mùa thu năm 1935
một sự hồi phục mạnh mẽ đã được tiến hành.

Việc giới thiệu NRA ban đầu đã mang lại sự gia tăng đáng kể mức tiền lương danh nghĩa và
mức tiền lương thực (money and real wage rates) khi các doanh nghiệp nỗ lực tuân thủ quy tắc
chung của NRA. Khi sự nhiệt tình của các doanh nghiệp đối với NRA suy giảm, mức lương
danh nghĩa (money wage rates) tăng chút ít và mức tiền lương thực trung bình thực tế đã bị
giảm nhẹ vào năm 1934 và đầu năm 1935. Ngoài ra, nhiều công nhân đã quyết định không
tham gia các NGHIỆP ĐOÀN LAO ĐỘNG (labor unions) độc lập. Những nhân tố này đã giúp
cho sự hồi phục. Tuy nhiên, không hài lòng với sự thiếu sức mạnh của công đoàn, vào mùa hè
năm 1935, Thượng nghị sĩ Robert Wagner đã đề ra Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia
(National Labor Relations Act) để bảo đảm các thành viên công đoàn có thể buộc những người
công nhân khác tham gia vào các công đoàn của họ với phiếu bầu đa số đơn giản, do vậy làm

38
gia tăng tính độc quyền hiệu quả cho lực lượng lao động. Sự bất đồng nội bộ và sự phát triển
các chiến lược mới của Đại hội các Tổ chức Công nghiệp (Congress of Industrial
Organizations, CIO) nhằm tận dụng luật mới đã khiến các liên đoàn lao động không tận dụng
được đạo luật mới này cho đến cuối năm 1936. Vào nửa đẩu năm 1937, các hoạt động thúc đẩy
tổ chức lớn mạnh của CIO đã dẫn đến việc công nhận liên đoàn lao động (labor union) ở nhiều
công ty lớn. Nhìn chung, các hợp dồng mới đã tăng mức lương theo giờ (hourly wage rates) và
tạo ra mức lương vượt giờ (overtime wage rates) khi mà chi phí lao động theo giờ thực (real
hourly labor costs) đã tăng lên.

Một số nhân tố khác cũng góp phần làm tăng chi phí lao động thực (real labor costs). Một trong
số đó là thuế An sinh Xã hội (Social Security taxes) mới được đưa vào áp dụng năm 1936 và
1937. Roosevelt còn đưa ra một loại thuế mới đánh vào lợi nhuận doanh nghiệp chưa phân
phối, với hy vọng loại thuế này khiến các công ty chi trả lợi nhuận chưa phân phối dạng cổ tức.
Dù một số doanh nghiệp đã chi trả phần thu nhập giữ lại dưới dạng cổ tức lớn hơn, các doanh
nghiệp khác, như là các công ty trong ngành công nghiệp thép, cũng đã trả những khoản thưởng
(bonuses) và tăng mức lương (wage rates) nhằm tránh việc chi trả từ những khoản thu nhập giữ
lại của họ cho các loại thuế mới. Khi ba loại chính sách này kết hợp với nhau, chi phí lao động
thực theo giờ đã nhảy vọt mà không đi cùng với sự gia tăng cầu (demand) hay giá cả (prices),
và các doanh nghiệp đã phản ứng bằng cách giảm sản xuất và sa thải lao động.

Thay đổi chính sách lớn thứ hai đó là chính sách tiền tệ. Tiếp nối vào thời kỳ cuối của đợt thu
hẹp này (contraction), để đề phòng việc rút vốn ồ ạt (bank runs), các ngân hàng bắt đầu nắm
giữ dự trữ dư (excess reserves) lớn. Các quan chức của Fed biết rằng nếu các ngân hàng sử
dụng tỷ phần phần trăm lớn từ các khoản dự trữ dư này để tăng cho vay ra, cung tiền (money
supply) sẽ nhanh chóng mở rộng và lạm phát giá cả (price inflation) sẽ kéo theo là không thể
tránh khỏi. Các nghiên cứu của họ cho rằng các khoản dự trữ dư đã được phân phối rộng khắp
giữa các ngân hàng, và họ cho rằng các khoản dự trữ này là do mức cầu vốn vay thấp. Bởi vì
các ngân hàng không vay qua cửa sổ chiết khấu (discount window) và Fed không có TRÁI
PHIẾU (bonds) để bán qua thị trường mở, công cụ duy nhất của Fed để giảm dự trữ dư là một
dạng công cụ mới với các yêu cầu dự trữ (reserve requirements) khác nhau. Giữa ngày
01/08/1936 và 01/05/1937, qua 3 bước, Fed đã tăng gấp đôi yêu cầu dự trữ đối với tất cả các
loại ngân hàng thành viên, xóa phần lớn các khoản dự trữ dư này, nhất là tại các ngân hàng lớn
hơn. Từng bị thiêu rụi bởi tình trạng thiếu dự trữ dư vào đầu thập niên 1930, các ngân hàng đã
đáp lại bằng việc bắt đầu tái lập các khoản dự trữ dư, dẫn đến giảm các khoản cho vay (loans).

39
Trong vòng 18 tháng, dự trữ dư hầu như đã trở về mức trước khi tăng yêu cầu dự trữ, và hệ quả
là trữ lượng tiền hay khối tiền (stock of money) đã thấp hơn.

Đến tháng 06/1937, đợt hồi phục – mà suốt thời kỳ đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 12
phần trăm – đã kết thúc. Hai chính sách, tăng chi phí lao động (labor cost increases) và chính
sách tiền tệ thắt chặt (contractionary monetary policy), là khiến cho nền kinh tế thu hẹp nhiều
hơn. Mặc dù sự thu hẹp (contraction) đã kết thúc khoàng tháng 06/1938, sự phục hồi sau đó
diễn ra khá chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình cả năm 1938 là 19,1 phần trăm, so với tỷ
lệ thất nghiệp trung bình của năm 1937 là 14,3 phần trăm. Ngay cà năm 1940, tỷ lệ thất nghiệp
trung bình vẫn là 14,6 phần trăm.

Tại sao sự hồi phục từ cuộc Đại Khủng hoảng lại quá chậm như vậy? Một số các nhà kinh tế
giờ đây lập luận rằng NRA và chính sách tiền tệ là các nhân tố quan trọng. Một số cho rằng
các chính sách bị bỏ trống của Roosevelt và các quy định điều tiết mới của liên bang đã cản trở
sự phục hồi (Gary Dean Best, Richard Vedder và Lowell Gallaway, và Gary Walton), trong
khi những người khác nhấn mạnh đến các nhân tố tiền tệ (Milton Friedman và Anna Schwartz,
Christian Saint-Etienne, và Barry Eichengreen). NRA của New Deal đã hứng chịu nhiều chỉ
trích (Gary Dean Best, Gene Smiley, Richard Vedder và Lowell Gallaway, Gary Walton, và
Michael Weinstein). Có một cách giải thích hiện không còn tin cậy nữa là của Alvin Hansen.
Ông cho rằng Hoa Kỳ đã cạn kiệt cơ hội đầu tư. E. Cary Brown, Larry Peppers, và Thomas
Renaghan nhấn mạnh đến các chính sách tài khóa liên bang chính là lực cản đối với việc quay
trở lại mức toàn dụng việc làm (full employment). Michael Bernstein cho rằng các trục trặc
đầu tư đã cản trở sự phục hồi bởi vì các ngành công nghiệp lâu đời đã không tạo ra đủ đầu tư
trong khi các ngành công nghiệp trẻ hơn đang tăng trưởng lại gặp vấn đề thu hút các quỹ đầu
tư trong một môi trường bị kiềm nén. Alexander Field cho rằng việc đầu tư vào NHÀ Ở
(housing investment) không kiểm soát ở thập niên 1920 đã làm giảm nghiêm trọng việc đầu tư
nhà ở trong thập niên 1930.

Một trong những cách giải thích được cho là mạch lạc nhất bằng cách đặt một số chủ đề này
lại với nhau đến từ nhà sử học kinh tế Robert Higgs mang tên “sự không chắc chắn của cơ chế”
(regime uncertainty). Theo Higgs, kế hoạch New Deal của Roosevelt đã làm cho các nhà lãnh
đạo doanh nghiệp đặt ra câu hỏi liệu rằng “cơ chế” hiện hành của QUYỀN SỞ HỮU TƯ
NHÂN (private property rights) về vốn (capital) của các công ty của họ và dòng thu nhập
(income stream) sẽ được bảo vệ hay không. Do vậy, họ bắt đầu không sẵn lòng đầu tư vào các

40
tài sản với dòng đời dài. Roosevelt trước đó đã đình chỉ luật CHỐNG ĐỘC QUYỀN (antitrust
laws) để cho các nhà kinh doanh Hoa Kỳ sẽ hợp tác với các CARTELS do chính phủ xúi giục;
sau đó Roosevelt đã chuyển sang sử dụng luật chống độc quyền để truy tố các công ty tham gia
trong việc hợp tác này. Một số loại thuế mới đã được ban hành, và một số sau đó đã được dỡ
bò; việc tăng QUY ĐỊNH ĐIỀU TIẾT kinh doanh đã làm giảm khả năng hoạt động một cách
độc lập và tăng vốn của các doanh nhiệp; và quy định luật pháp mới đã làm giảm sự tự do của
họ trong việc thuê mướn và sử dụng lao động. Các cuộc khảo sát dư luận công chúng về kinh
doanh vào cuối thập niên 1930 đã cung cấp bằng chứng cho sự không chắc chắn của cơ chế
này. Các cuộc thăm dò vào tháng 03 và tháng 05/1939 đã hỏi rằng liệu thái độ của chính quyền
Roosevelt đối với hoạt động kinh doanh có đang trì hoãn sự phục hồi hay không, và kết quả
lần lượt 54 và 53 phần trăm cho rằng có, trong khi 26 và 31 phần trăm cho là không. Trong
cùng kết quả khảo sát, 56 phần trăm tin rằng trong 10 năm nữa chính phủ sẽ kiểm soát kinh
doanh nhiều hơn trong khi chỉ 22 phần trăm nghĩ là chính phủ sẽ kiểm soát ít hơn. 65 phần
trăm các nhà điều hành doanh nghiệp nghĩ rằng các chính sách của chính quyền Roosevelt đã
ảnh hưởng quá nhiều đến sự tự tin của hoạt động kinh doanh đến mức mà sự phục hồi đã bị
kéo lùi lại một cách nghiêm trọng. Ban đầu, nhiều công ty đã do dự không muốn tham gia vào
các hợp đồng chiến tranh. Đại đa số tin rằng chính quyền Roosevelt có xu hướng chống lại hoạt
động kinh doanh (antibusiness) quá mạnh, và điều này không khuyến khích sự hợp tác thực tế
với Washington trong việc tái vũ trang.

Lập luận phổ biến cho rằng Thế chiến II đã tạo ra sự kích thích mang nền kinh tế Hoa Kỳ hồi
phục từ cuộc Đại Khủng hoảng. Số lượng lao động thất nghiệp đã giảm 7.050.000 người giữa
năm 1940 và 1943, nhưng số người nhập ngũ đã tăng lên 8.590.000 người. Thất nghiệp giảm
có thể được giải thích trên giấy tờ, chứ không phải từ sự phục hồi kinh tế. Tăng GNP thực cũng
phản ánh các vấn đề tương tự. Hầu hết ước tính chỉ ra chi tiêu tiêu dùng giảm, có nghĩa là người
tiêu dùng trở nên tồi tệ hơn suốt thời kỳ chiến tranh. Đầu tư kinh doanh giảm suốt thời kỳ chiến
tranh. Chi tiêu chính phủ vào nỗ lực chiến tranh đã vượt sự mở rộng của GNP thực. Tuy nhiên,
các con số này là đáng ngờ bởi vì chúng ta biết rằng ước tính của chính phủ về giá trị chi tiêu
vũ khí đạn dược, rồi gắn tên của nó vào một khu vực chủ yếu, đã bị phóng đại quá mức ngày
càng tăng lên khi cuộc chiến tiến triển. Trên thực tế, việc KIỂM SOÁT GIÁ (price controls),
việc phân phối theo chỉ đạo, và kiểm soát sản xuất của chính phủ mở rộng làm cho dữ liệu về
GNP, tiêu dùng, đầu tư, và mức giá cả ít có ý nghĩa hơn. Làm thế nào chúng ta có thể thiết lập
một chỉ số giá (price index) nhất quán khi mệnh lệnh chính phủ đã loại bỏ việc sản xuất của
hầu hết hàng hóa tiêu dùng lâu bền? Hay giá xăng dầu có ý nghĩa gì khi giá cả bị kiềm giữ ở

41
mức thấp và việc mua xăng dầu được phân bổ theo mệnh lệnh nhằm giải quyết tình trạng thiếu
hụt do việc kiểm soát giá tạo ra? Giá cả của những chiếc lốp xe mới có ý nghĩa gì khi không
có những chiếc lốp xe mới được sản xuất ra cho người tiêu dùng? Đối với người tiêu dùng, sự
hồi phục đã trở lại khi chiến tranh kết thúc, khi mà họ đã có thể mua được sản phẩm có sẵn;
nhưng trái lại, chúng đã không sẵn có trong thời gian chiến tranh và không thể có khả năng chi
trả trong suốt thập niên 1930.

Liệu cuộc Đại Khủng hoảng này có thể xảy ra lần nữa không? Khủng hoảng là hoàn toàn có
thể, nhưng một sự kiện như vậy là không thể xảy ra bởi vì Fed không thể ngồi yên khi mà cung
tiền giảm đi một phần ba. Sự thông thái có được trong những năm kể từ thập niên 1930 có lẽ
cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách có đủ sự sáng suốt và hiểu biết để ra các quyết
định giúp cho nền kinh tế thoát ra khỏi một cuộc suy thoái sâu đến mức như vậy.

Nguồn: https://www.econlib.org/library/Enc/GreatDepression.html

Về tác giả
Gene Smiley là giáo sư kinh tế emeritus tại Đại học Marquette.

Đọc thêm

Bernstein, Michael. The Great Depression: Delayed Recovery and Economic Change in
America, 1929-1939. New York: Cambridge University Press, 1987.

Best, Gary Dean. Pride, Prejudice, and Politics: Roosevelt Versus Recovery, 1933-
1938. New York: Praeger, 1991.

Bordo, Michael D., Claudia Goldin, and Eugene N. White, eds. The Defining Moment: The
Great Depression and the American Economy in the Twentieth Century. Chicago: University
of Chicago Press, 1998.

Brown, E. Cary. “Fiscal Policy in the Thirties: A Reappraisal.” American Economic


Review 46 (December 1956): 857-879.

Brunner, Karl, ed. The Great Depression Revisited. Boston: Martinus Nijhoff, 1981.

42
Cole, Harold L., and Lee E. Ohanian. “New Deal Policies and the Persistence of the Great
Depression: A General Equilibrium Analysis.” Journal of Political Economy 112 (August
2004): 779-816.

Eichengreen, Barry. Golden Fetters: The Gold Standard and the Great Depression, 1919-
1939. New York: Oxford University Press, 1992.

Field, Alexander J. “Uncontrolled Land Development and the Duration of the Depression in
the United States.” Journal of Economic History 52 (June 1992): 785-805.

Friedman, Milton, and Anna Jacobson Schwartz. A Monetary History of the United States,
1867-1960. Princeton: Princeton University Press, 1963.

Glasner, David. Free Banking and Monetary Reform. New York: Cambridge University
Press, 1989.

Hall, Thomas, and J. David Ferguson. The Great Depression: An International Disaster of
Perverse Economic Policies. Ann Arbor: University of Michigan Press, 1998.

Hansen, Alvin. Full Recovery or Stagnation? New York: Norton, 1938.

Higgs, Robert. Crisis and Leviathan: Critical Episodes in the Growth of American
Government. New York: Oxford University Press, 1987.

Higgs, Robert. “Regime Uncertainty: Why the Great Depression Lasted So Long and Why
Prosperity Returned After the War.” Independent Review 1 (Spring 1997): 561-590.

Higgs, Robert. “Wartime Prosperity? A Reassessment of the U.S. Economy in the


1940s.” Journal of Economic History 52 (March 1992): 41-60.

O’Brien, Anthony Patrick. “A Behavioral Explanation for Nominal Wage Rigidity During the
Great Depression.” Quarterly Journal of Economics 104 (November 1989): 719-735.

Peppers, Larry. “Full-Employment Surplus Analysis and Structural Change: The


1930s.” Explorations in Economic History 10 (Winter 1973): 197-210.

Renaghan, Thomas. “A New Look at Fiscal Policy in the 1930s.” Research in Economic
History 11 (1988): 171-183.

43
Saint-Etienne, Christian. The Great Depression, 1929-1938: Lessons for the 1980s. Stanford:
Hoover Institution Press, 1984.

Smiley, Gene. Rethinking the Great Depression: A New View of Its Causes and
Consequences. Chicago: Ivan R. Dee, 2002.

Temin, Peter. Did Monetary Forces Cause the Great Depression? New York: Norton, 1976.

Temin, Peter. Lessons from the Great Depression. Cambridge: MIT Press, 1989.

Temin, Peter. “Socialism and Wages in the Recovery from the Great Depression in the
United States and Germany.” Journal of Economic History 50 (June 1990): 297-308.

Temin, Peter, and Barrie Wigmore. “The End of One Big Deflation.” Explorations in
Economic History 27 (October 1990): 483-502.

Vedder, Richard K., and Lowell P. Gallaway. Out of Work: Unemployment and Government
in Twentieth-Century America. New York: Holmes and Meier, 1993.

Walton, Gary M., ed. Regulatory Change in an Atmosphere of Crisis: Current Implications of
the Roosevelt Years. New York: Academic Press, 1979.

Weinstein, Michael. Recovery and Redistribution Under the NIRA. Amsterdam: North-
Holland, 1980.

Wright, Gavin. “The Political Economy of New Deal Spending: An Econometric


Analysis.” Review of Economics and Statistics 56 (February 1974): 30-38.

Categories: Economic History Economic Regulation Economic Systems Government


Policy Macroeconomics Schools of Economic Thought

44
Bài 4 - JOHN MAYNARD KEYNES

(1883-1946)

John Maynard Keynes đã tạo ra tầm ảnh hưởng lớn đến mức mà toàn bộ một trường phái tư
tưởng hiện đại mang tên ông. Nhiều ý tưởng của Keynes có tính cách mạng; hầu như tất cả
các ý tưởng này đều mang hàm ý tranh luận. Kinh tế học theo Keynes (Keynesian economics)
đóng vai trò như một loại thước đo để chúng ta có thể xác định rạch ròi tất cả các nhà kinh tế
học thời kỳ hậu Keynes.

Keynes sinh ra ở Cambridge và theo học Đại học King thuộc Cambridge, nơi ông nhận bằng
toán học năm 1905. Ông đã tiếp tục ở lại đây học tập một năm nữa dưới thời Alfred
Marshall và Arthur Pigou, cơ hội nghiên cứu của các tác giả này về thuyết số lượng tiền đã
dẫn dắt sự hình thành nên tác phẩm của Keynes với tựa đề Tract on Monetary Reform (tạm
dịch Lần theo Cuộc Cải cách Tiền tệ) nhiều năm sau đó.

Sau khi rời Cambridge, Keynes nhận công việc liên quan đến dịch vụ dân sự ở Anh. Suốt thời
gian ở đây, ông đã thu thập tư liệu cho quyển sách đầu tay của mình về kinh tế học, Indian
Currency and Finance (Tiền tệ và Tài chính của Ấn Độ), trong đó ông mô tả về hoạt động
của hệ thống tiền tệ ở Ấn Độ. Ông trở lại Cambridge năm 1908 với vai trò là giảng viên, và
làm việc cho Bộ Tài chính Anh. Ông thăng tiến nhanh với công việc hành chính và đến năm
1919 đã là trưởng đại diện của Bộ Tài chính tại hội nghị hòa bình ở Versailles. Ông đã từ
chức sau đó bởi vì nghĩ rằng Hiệp ước Versailles tạo ra gánh nặng quá sức đối với người dân
Đức.

Sau khi từ chức, ông trở lại Cambridge tiếp tục công việc giảng dạy. Keynes vừa là một diễn
giả, một nhà báo và là một trong những người nổi tiếng của Bloomsbury Group bao gồm
Virginia Woolf và Bertrand Russell. Tại Hội nghị Bretton Woods năm 1944, nơi Quỹ Tiền tệ
Quốc tế (IMF) được thành lập, Keynes là một trong những người thiết kế nên hệ thống cơ chế
tỷ giá hối đoái cố định thời hậu chiến. Năm 1925 ông lập gia đình với vũ công ba lê người

45
Nga Lydia Lopokova. Keynes mất vào ngày 21 tháng 4 năm 1946. Cha của Keynes, John
Neville Keynes, cũng được biết đến như một nhà kinh tế học có tiếng lúc sinh thời.

Keynes trở nên nổi tiếng ngay cả trước khi là một trong những nhà kinh tế học được kính
trọng nhất của thế kỷ. Điều đã mang lại vị thế thành danh này chính là quyển sách có tính
hùng biện mang tựa đề The Economic Consequences of the Peace (tạm dịch Những Kết Cục
Kinh Tế của Thời Bình). Keynes viết quyển sách này để phản đối những khoản thanh toán bồi
thường mang tính trừng phạt mà các quốc gia Đồng minh áp đặt lên nước Đức sau Thế chiến
I. Ông viết rằng khoản bồi thường yêu cầu của các nước Đồng minh là quá lớn đến nỗi nếu
nước Đức cố gắng thanh toán chúng thì sẽ bị rơi vào tình trạng nghèo vĩnh viễn, và do vậy sẽ
không thể ổn định chính trị. Giờ đây chúng ta biết rằng Keynes đã đúng. Bên cạnh phân tích
kinh tế xuất sắc về những khoản bồi thường, quyển sách của Keynes đã hàm chứa một phân
tích sâu sắc về Hội đồng Bộ Tứ (Clemenceau của Pháp, Thủ tướng Lloyd George của Anh,
Tổng thống Woodrow Wilson của Hoa Kỳ và Vittorio Orlando của Ý).

Keynes viết: “Hội đồng Bộ Tứ đã không chú ý đến những vấn đề này [bao gồm việc biến
nước Đức và Áo – Hungary trở thành những láng giềng tốt], họ đang bận tâm đến những vấn
đề khác – Clemenceau muốn đè bẹp cuộc sống kinh tế của kẻ thù của mình, Lloyd George chỉ
muốn thực hiện được thỏa thuận và mang về nước mình một vài thứ gì đó chỉ sau cuộc dạo
chơi trong một tuần, Tổng thống thì không làm gì đúng đắn và có ý nghĩa cả.” (Ch. 6, par.
VI.2).

Trong thập niên 1920, Keynes là người tin vào thuyết số lượng tiền (quantity theory of
money) (ngày nay gọi là chủ nghĩa tiền tệ - monetarism). Việc viết lách của ông về chủ đề
này được hình thành chủ yếu dựa trên các nguyên lý ông đã học từ những người hướng dẫn
mình, đó là Marshall và Pigou. Năm 1923 ông viết Tract on Monetary Reform (Lần Theo
cuộc Cải cách Tiền tệ), và sau này ông đã xuất bản tác phẩm Treatise on Money (Khái Luận
về Tiền Tệ), cả hai đều nói về chính sách tiền tệ. Quan điểm chính sách chủ yếu của ông về
cách thức ổn định nền kinh tế là ổn định mức giá, và để thực hiện điều đó ngân hàng trung
ương của chính phủ cần phải giảm thấp hơn nữa mức lãi suất khi giá cả có chiều hướng tăng
và tăng lãi suất khi giá cả có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, các ý tưởng của Keynes đã có một sự thay đổi mạnh mẽ, khi thất nghiệp ở Anh
kéo dài suốt thời kỳ xảy ra cuộc chiến tranh, chạm mức 20 phần trăm. Keynes điều tra những
nguyên nhân khác của tình trạng kinh tế tệ hại này ở Anh, và tác phẩm The General Theory

46
of Employment, Interest and Money (Lý Thuyết Tổng Quát về Việc Làm, Tiền Lãi và Tiền Tệ)
đã ra đời.

Lý Thuyết Tổng Quát của Keynes đã cách mạng hóa cách thức mà các nhà kinh tế suy nghĩ về
kinh tế học. Tác phẩm này làm thay đổi lối tư duy cũ theo những phương cách khác nhau.
Hai phương cách quan trọng nhất đó là: thứ nhất, giới thiệu ký hiệu có tính khái niệm về tổng
cầu (aggregate demand) như là tổng của tiêu dùng (consumption), đầu tư (investment), và chi
tiêu chính phủ (government spending). Thứ hai, việc chỉ ra (hay nhằm chỉ ra) toàn dụng lao
động (full employment) có thể được duy trì chỉ với sự hỗ trợ của chi tiêu chính phủ
(government spending). Các nhà kinh tế học vẫn tranh luận về những gì mà Keynes cho là
nguyên nhân tạo ra thất nghiệp cao. Một số nghĩ rằng Keynes quy kết thất nghiệp là do phải
mất thời gian dài để tiền lương (wages) có thể giảm xuống. Nhưng Keynes thực sự muốn tiền
lương không giảm, và đã thể hiện sự ủng hộ điều này trong Lý Thuyết Tổng Quát rằng tiền
lương cần được giữ ổn định. Ông cho rằng cắt giảm lương sẽ làm giảm thu nhập (income),
tiêu dùng (consumption), và tổng cầu (aggregate demand). Điều này sẽ bù trừ bất kỳ lợi ích
nào đối với sản lượng đầu ra mà mức giá của lao động thấp hơn có thể đóng góp.

Keynes cũng nghĩ rằng tại sao mà chính phủ lại không nên làm thay công việc của doanh
nghiệp thông qua việc đầu tư vào các công trình công cộng và thuê mướn những người thất
nghiệp? Lý Thuyết Tổng Quát đã ủng hộ chi tiêu thâm hụt (deficit spending) suốt thời kỳ suy
giảm kinh tế nhằm duy trì việc làm toàn dụng (full employment). Kết luận của Keynes ban
đầu đã gặp phải sự phản đối. Vào thời gian đó, ngân sách cân bằng (balanced budgets) là
thông lệ thực tế mang tính tiêu chuẩn đối với các chính phủ. Nhưng ý tưởng này đã sớm được
chấp nhận và chính phủ Hoa Kỳ đã đưa người dân trở lại làm việc ở các dự án công trình
công cộng. Dĩ nhiên, một khi các nhà hoạch định chính sách đã chấp nhận chi tiêu thâm hụt
ăn sâu vào tâm trí của mình thì rất có thể là họ sẽ không để cho nó tự ra đi.

Trái với một số lời lẽ khẳng định của những người chỉ trích mình, Keynes là một người ủng
hộ tương đối mạnh mẽ về thị trường tự do (free markets). Chính Keynes, không phải Adam
Smith, là người đã nói rằng “không có bất kỳ sự phản đối nào nhằm để chống lại phân tích cổ
điển về phương thức theo đó lợi ích cá nhân sẽ xác định sản xuất cái gì, các yếu tố sản xuất sẽ
được kết hợp lại theo một tỷ lệ cấu thành như thế nào để sản xuất những thứ đó, và cách thức
mà giá trị của sản phẩm cuối cùng sẽ được phân phối như thế nào giữa các nhân tố sản xuất
đó”. Keynes tin rằng một khi công ăn việc làm toàn dụng đạt được thông qua các biện pháp
chính sách tài khóa (fiscal policy), thì cơ chế thị trường có thể vận hành một cách tự do.

47
Keynes đã viết tiếp như thế này “Do vậy, ngoại trừ sự cần thiết của những biện pháp kiểm
soát tập trung nhằm mang lại sự điều chỉnh giữa khuynh hướng tiêu dùng và sự thúc đẩy đầu
tư, thì không có lý do nào nữa để can thiệp vào xã hội hóa đời sống kinh tế đã diễn ra trước
đó”

Chỉ số ít công trình nghiên cứu nguyên thủy của Keynes tồn tại trong lý thuyết kinh tế hiện
đại. Thay vào đó, các ý tưởng của ông đã được sửa đổi, mở rộng và tranh luận không ngừng
nghỉ. Kinh tế học theo Keynes (Keynesian economics) ngày nay, trong khi vẫn có cội rễ từ
Lý Thuyết Tổng Quát, thì chủ yếu là sản phẩm của công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế
học thế hệ sau này, bao gồm John Hicks, James Tobin, Paul Samuelson, Alan Blinder, Robert
Solow, William Nordhaus, Charles Schultze, Robert Heller và Arthur Okun. Nghiên cứu về
kinh tế lượng đã được tạo ra phần lớn là để giải thích những vấn đề có tính thực nghiệm về
các mô hình kinh tế vĩ mô của Keynes. Tuy nhiên, thực tế về việc tư tưởng của Keynes đã trở
thành nguồn gốc ra đời của rất nhiều công trình của các nhà kinh tế học xuất chúng là minh
chứng cho tầm quan trọng và ảnh hưởng từ những ý tưởng của ông.

Nguồn: https://www.econlib.org/library/Enc1/bios/Keynes.html

Tham khảo chọn lọc

The Economic Consequences of Mr. Churchill. 1925. Reprinted in Keynes, Collected


Writings, vol. 9.

The Economic Consequences of the Peace. 1919. Reprinted in Keynes, Collected


Writings, vol. 2.

The Economic Consequences of the Peace. 1920. Harcourt, Brace, and Howe, Inc.
The General Theory of Employment, Interest and Money. 1936. Reprinted in Keynes,
Collected Writings, vol. 7.

Indian Currency and Finance. 1913. Reprinted in Keynes, Collected Writings, vol. 1.

A Tract on Monetary Reform. 1923. Reprinted in Keynes, Collected Writings, vol. 4.

A Treatise on Money. Vol. 1: The Pure Theory of Money. 1930. Reprinted in Keynes,
Collected Writings, vol. 5.

48
A Treatise on Money. Vol. 2: The Applied Theory of Money. 1930. Reprinted in Keynes,
Collected Writings, vol. 6.

49
Bài 5 - KINH TẾ HỌC THEO KEYNES
(Keynesian Economics)
Alan S. Blinder

Kinh tế học theo Keynes (Keynesian economics) là lý thuyết về tổng chi tiêu của nền kinh tế
(còn gọi là tổng cầu - aggregate demand) và về các tác động của tổng cầu lên sản lượng
(output) và lạm phát (inflation). Dù thuật ngữ này được sử dụng (và bị lạm dụng) để mô tả
nhiều thứ, sáu nguyên lý cơ bản (tenets) dường như trở thành trung tâm đối với chủ nghĩa
Keynes (Keynesianism). Ba nguyên lý đầu tiên mô tả cách thức nền kinh tế vận hành.

1. Một người theo Keynes (a Keynesian) tin rằng tổng cầu chịu ảnh hưởng bởi một loạt các
quyết định kinh tế - cả chính phủ và tư nhân – và đôi khi các quyết định này hành xử một
cách thất thường. Các quyết định công (hay quyết định của chính phủ) nổi bật nhất bao
gồm như là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa (như chi tiêu chính phủ và thuế). Vài
thập niên qua, các nhà kinh tế học đã thảo luận sôi nổi về sức mạnh tương đối của chính
sách tiền tệ và chính sách tài khóa, với việc một số những người theo Keynes
(Keynesians) lập luận rằng chính sách tiền tệ thì kém sức mạnh, và một số nhà kinh tế
tiền tệ (monetarists) thì cho rằng chính sách tài khóa kém sức mạnh. Cả hai lập luận này
giờ đây đã là những vấn đề lỗi thời. Gần như tất cả những người theo Keynes và những
nhà kinh tế tiền tệ hiện nay tin tưởng rằng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều
tác động đến tổng cầu. Tuy nhiên, một số ít các nhà kinh tế học tin vào điều được gọi là
tính trung lập của nợ (debt neutrality) – học thuyết nói về sự thay thế của việc vay mượn
của chính phủ đối với thuế thì không có tác động lên tổng cầu.

2. Theo lý thuyết của những người theo Keynes (Keynesian theory), những thay đổi tổng
cầu, dù là đúng như dự kiến (anticipated) hay ngoài dự kiến (unanticipated), có tác động
ngắn hạn mạnh nhất lên sản lượng thực (real output) và việc làm (employment), chứ
không có tác động lên giá cả (prices). Ví dụ như ý tưởng này được mô tả trên đường
Phillips đã chỉ ra rằng lạm phát thay đổi một cách chậm chạp khi thất nghiệp thay đổi.
Những người theo Keynes tin rằng ngắn hạn (short run) kéo dài đủ lâu để có thể trở nên là
một vấn đề quan trọng. Họ thường trích dẫn tuyên bố nổi tiếng của Keynes “Trong dài
hạn, tất cả chúng ta đều chết” để nhấn mạnh đến ý này.

Chính sách tiền tệ được dự kiến (anticipated monetary policy, có nghĩa là những chính
sách mà người dân kỳ vọng trước) có thể tạo ra các tác động thực lên sản lượng và việc

50
làm chỉ khi nếu tồn tại một số mức giá cả có tính cứng nhắc (prices are rigid) – ví dụ, như
là tiền lương danh nghĩa (nominal wages) (lương tính bằng tiền, không theo sức mua
thực) không điều chỉnh ngay tức thời. Nếu không thì một động tác bơm thêm tiền mới sẽ
làm thay đổi tất cả giả cả với cùng một tỷ lệ. Vì vậy các mô hình của những người theo
Keynes nhìn chung thường giả sử hay cố gắng giải thích giá cả (prices) hay tiền lương
(wages) có tính cứng nhắc (rigid). Việc hợp lý hóa giá cả cứng nhắc thì khó thực hiện bởi
vì theo lý thuyết kinh tế vi mô tiêu chuẩn, cung (real supplies) và cầu (real demands) thực
không thay đổi nếu tất cả giá cả danh nghĩa (nominal prices) tăng hay giảm theo cùng tỷ
lệ.

Nhưng những người theo Keynes tin rằng, bởi vì giá cả thì phần nào có tính cứng nhắc,
những biến động trong bất kỳ thành phần nào của chi tiêu – tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi
tiêu của chính phủ (G) - sẽ làm cho sản lượng biến động. Ví dụ, nếu chi tiêu chính phủ
tăng và tất cả các thành phần khác của chi tiêu duy trì như cũ, thì sản lượng sẽ tăng. Các
mô hình hoạt động kinh tế của những người theo Keynes cũng bao gồm một hiệu ứng
được gọi là hiệu ứng số nhân (multiplier effect). Có nghĩa là, sản lượng tăng theo bội số
của khoản thay đổi ban đầu. Do vậy, một khoản tăng chi tiêu chính phủ là 10 tỷ đô la có
thể làm cho tổng sản lượng tăng là 15 tỷ đô la (số nhân là 1,5) hay bằng 5 tỷ (số nhân là
0,5). Ngược với những gì nhiều người tin tưởng, phân tích của những người theo Keynes
không yêu cầu số nhân lớn hơn 1. Tuy nhiên, để cho kinh tế học của những người theo
Keynes vận hành, số nhân phải lớn hơn zero.

3. Những người theo Keynes tin rằng giá cả và nhất là tiền lương phản ứng một cách chậm
chạp trước những thay đổi của cung và cầu, gây nên kết quả thiếu hụt (shortages) và
thặng dư (surpluses), đặc biệt là đối với lao động (labor). Ngay cả đối với các nhà kinh tế
học tiền tệ (monetarists) – những người luôn tự tin hơn những người theo Keynes về khả
năng các thị trường điều chỉnh trước những thay đổi của cung và cầu, dù vậy nhiều nhà
kinh tế học tiền tệ chấp nhận quan điểm của những người theo Keynes về vấn đề này.
Milton Friedman - nhà kinh tế học tiền tệ nổi tiếng nhất, cũng công nhận điều này.

Không có những quy định chính sách theo sau ba niềm tin có tính nguyên lý này. Và nhiều
nhà kinh tế học dù không tự gọi mình là những người theo Keynes – bao gồm hầu hết các nhà
kinh tế học tiền tệ - tuy nhiên, họ lại chấp nhận toàn bộ danh mục này. Điều phân biệt những

51
nhà kinh tế học theo Keynes (Keynesians) với các nhà kinh tế học khác là ở niềm tin của họ
vào ba nguyên lý (tenets) tiếp theo về chính sách kinh tế.

4. Những người theo Keynes không nghĩ rằng mức thất nghiệp điển hình là lý tưởng (typical
level of unemployment is ideal) – một phần là bởi vì thất nghiệp là đối tượng của sự thất
thường của tổng cầu, và một phần bởi vì họ tin rằng giá cả chỉ điều chỉnh từ từ. Thực tế,
những người theo Keynes thường xem thất nghiệp là quá cao xét ở mức độ trung bình và
quá biến động, dù họ biết rằng lời biện minh lý thuyết nghiêm ngặt cho các quan điểm đó
thì khó mà có thể đạt được. Những người theo Keynes cũng cảm thấy khá chắc chắn rằng
những giai đoạn suy thoái (recession) hay suy thoái sâu (depression) là những căn bệnh
hay trục trặc kinh tế, chứ không phải là những phản ứng thị trường hiệu quả trước các cơ
hội không chắc chắn. (như đã được ghi chú, các nhà kinh tế học tiền tệ có niềm tin sâu sắc
vào bàn tay vô hình).

5. Không phải tất cả, nhưng khá nhiều những người theo Keynes ủng hộ chính sách bình ổn
chủ động (activist stabilization policy) để giảm sự biến động của chu kỳ kinh tế (business
cycle), điều mà họ xếp vào một trong số trục trặc quan trọng nhất của tất cả các vấn đề
kinh tế. Ở đây, các nhà kinh tế theo Keynes và những nhà kinh tế học tiền tệ (ngay cả một
số các nhà kinh tế theo Keynes bảo thủ) cùng nghi ngờ về tính hiệu quả của chính sách ổn
định hóa hay sự thông minh của nỗ lực thực hiện chính sách đó.

Điều này không có nghĩa là những người theo Keynes (Keynesians) ủng hộ những gì
được gọi là việc tinh chỉnh (fine-tuning) hay điều chỉnh chi tiêu chính phủ, thuế, và cung
tiền nên thực hiện cứ mỗi vài tháng nhằm giữ cho nền kinh tế ở mức việc làm toàn dụng.
Hầu hết tất cả các nhà kinh tế học, bao gồm hầu hết những người theo Keynes, giờ đây tin
rằng chính phủ đơn giản là không thể biết đủ nhiều và đủ sớm để tinh chỉnh thành công.
Ba độ trễ (lags) có thể làm cho việc tinh chỉnh sẽ không vận hành tốt được. Thứ nhất, có
độ trễ thời gian giữa lúc cần phải thay đổi chính sách với việc chính phủ nhận ra điều đó.
Thứ hai, có độ trễ giữa việc chính phủ nhận ra rằng có yêu cầu cần thay đổi chính sách và
khi các thay đổi chính sách này bắt đầu được triển khai thực hiện. Ở Hoa Kỳ, độ trễ này
thường rất dài đối với chính sách tài khóa bởi vì Quốc Hội và chính quyền trước nhất phải
đồng ý với hầu hết các thay đổi của chi tiêu và thuế. Độ trễ thứ ba đến giữa thời gian mà
chính sách được thay đổi và khi những thay đổi này tác động lên nền kinh tế. Tương tự
như vậy, độ trễ này có thể mất nhiều tháng. Tuy nhiên, nhiều người theo Keynes vẫn tin

52
rằng các mục tiêu vừa phải hơn đối với chính sách ổn định hóa – việc điều chỉnh thô
(coarse-tuning), nếu bạn sẵn lòng – thì không chỉ là phòng thủ mà còn là hợp lý nữa. Ví
dụ, một nhà kinh tế học không cần kiến thức định lượng chi tiết về độ trễ để đưa ra một
liều lượng về chính sách tiền tệ mở rộng khi tỷ lệ thất nghiệp là 10 phần trăm hay nhiều
hơn – như những gì đã từng xảy ra ở nhiều nền kinh tế công nghiệp hàng đầu trong thập
niên 1980.

6. Cuối cùng, và thậm chí ít có sự nhất trí, nhiều người theo Keynes thì quan tâm nhiều hơn
đến việc chống thất nghiệp hơn là việc chinh phục lạm phát. Họ đã đưa ra kết luận từ
bằng chứng rằng chi phí của lạm phát thấp thì nhỏ. Tuy nhiên, có khá nhiều những người
theo Keynes chống lại lạm phát (anti-inflation Keynesians). Ví dụ, hầu hết các lãnh đạo
ngân hàng trung ương trước đây và hiện nay trên thế giới xứng đáng với danh hiệu này dù
họ thích việc làm đó hay không. Không cần phải nói, các quan điểm về tầm quan trọng
tương đối của thất nghiệp và lạm phát ảnh hưởng mạnh đến việc tư vấn chính sách mà các
nhà kinh tế học nêu ra và những lời tư vấn chính sách mà các nhà hoạch định chính sách
chấp nhận chúng. Những người theo Keynes (Keynesians) thường ủng hộ các chính sách
mở rộng có tính chủ động (aggressively expansionist policies) hơn là những người không
theo Keynes (non-Keynesians).

Những người theo Keynes đặt niềm tin vào hành động của chính phủ mang tính chủ động
và tích cực nhằm bình ổn nền kinh tế dựa vào những đánh giá giá trị và vào niềm tin cho
rằng (a) các biến động kinh tế vĩ mô làm giảm đáng kể phúc lợi kinh tế, (b) chính phủ có
đủ sự hiểu biết và năng lực để cải thiện thị trường tự do, và (c) thất nghiệp là một trục trặc
quan trọng hơn là lạm phát.

Cuộc chiến dai dẳng và tiếp diễn, và ở một mức độ nhất định, giữa những người theo
Keynes (Keynesians) và những người theo phái tiền tệ (monetarists) được tìm thấy chủ
yếu từ (b) và (c).

Ngược lại, cuộc tranh luận ngắn hơn và gần đây hơn giữa những người theo Keynes
(Keynesians) và các nhà kinh tế học cổ điển mới (new classical economists) chủ yếu là
hướng vào (a) và vào ba nguyên lý đầu tiên của Chủ nghĩa theo Keynes (Keynesianism) –
những nguyên lý mà những người theo trường phái tiền tệ chấp nhận. Những người theo
phái cổ điển mới (New classicals) tin rằng những thay đổi được dự kiến (anticipated
changes) của cung tiền (money supply) không tác động đến sản lượng thực (real output);

53
họ tin rằng các thị trường, ngay cả thị trường lao động, điều chỉnh nhanh chóng nhằm loại
trừ những thiếu hụt (shortages) và thặng dư (surpluses); và tin rằng chu kỳ kinh tế
(business cycles) có thể hiệu quả. Với những lý do sẽ được làm rõ dưới đây, tôi tin rằng
bằng chứng khoa học “khách quan” về các vấn đề quan trọng này chỉ ra bằng chứng mạnh
mẽ theo hướng những người theo Keynes.

Tuy nhiên, trước khi rời vương quốc của khái niệm, tôi phải nhấn mạnh một vài thiếu sót hiển
nhiên và có chủ đích.

Thứ nhất, tôi đã không nói gì về trường phái tư tưởng kỳ vọng hợp lý (xem Rational
Expectations). Cũng như chính Keynes, nhiều người theo Keynes nghi ngờ quan điểm của
trường phái mà người ta sử dụng tất cả các thông tin có sẵn để hình thành các kỳ vọng của họ
về chính sách kinh tế (kỳ vọng có tính hợp lý). Những người theo Keynes khác chấp nhận
quan điểm này. Nhưng khi đề cập đến những vấn đề lớn mà bản thân tôi quan tâm, không có
gì nhiều để có thể biết liệu rằng kỳ vọng là có tính hợp lý hay không. Ví dụ, kỳ vọng hợp lý
không ngăn cản giá cả cứng nhắc (rigid prices). John Taylor của Stanford và Stanley Fischer
của MIT đã xây dựng các mô hình kỳ vọng hợp lý với giá cả kết dính (sticky prices) mà
chúng hoàn toàn là quan điểm theo Keynes với định nghĩa của tôi. Thiết nghĩ, tôi nên ghi chú
rằng một số những nhà kinh tế cổ điển mới (new classicals) xem kỳ vọng hợp lý như là nền
tảng cơ bản nhiều hơn đối với cuộc tranh luận này.

Thiếu sót thứ hai là kiểm định giả thuyết (hypothesis) cho rằng có một “tỷ lệ tự nhiên”
(natural rate) của thất nghiệp trong dài hạn. Trước năm 1970, những người theo Keynes tin
rằng mức thất nghiệp dài hạn phụ thuộc vào chính sách của chính phủ, và chính phủ có thể
đạt được một tỷ lệ thất nghiệp thấp bằng việc chấp nhận một tỷ lệ lạm phát cao nhưng ổn
định (steady). Vào cuối thập niên 1960, Milton Friedman - nhà kinh tế học tiền tệ, và
Edmund Phelps của Đại học Columbia - nhà kinh tế học theo Keynes, đã bác bỏ ý tưởng về
sự đánh đổi dài hạn như vậy trên cơ sở lý thuyết. Họ lập luận rằng chỉ có một cách duy nhất
chính phủ có thể giữ thất nghiệp thấp – điều họ gọi là “tỷ lệ tự nhiên” đó là đi kèm với các
chính sách kinh tế vĩ mô mà sẽ lèo lái tiếp diễn lạm phát ngày càng cao hơn nữa. Họ lập luận,
trong dài hạn tỷ lệ thất nghiệp có thể không thấp hơn tỷ lệ tự nhiên. Không lâu sau đó, Những
nhà kinh tế học theo Keynes như là Robert Gordon của Đại học Northwestern đã trình bày
bằng chứng thực nghiệm cho quan điểm của Friedman và Phelps. Từ khoảng năm 1972,
những người theo Keynes đã hợp nhất “tỷ lệ tự nhiên” của thất nghiệp ("natural rate" of

54
unemployment) vào cách nghĩ của họ. Vì vậy kiểm định giả thuyết về tỷ lệ tự nhiên (natural
rate hypothesis) đã không có vai trò quan trọng trong sự tranh luận sôi nổi của tri thức kinh tế
thời kỳ 1975-85.

Thứ ba, tôi đã bỏ qua sự lựa chọn giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa như là công
cụ tham chiếu của chính sách ổn định hóa. Các nhà kinh tế học có sự khác nhau về vấn đề
này và đôi khi thay đổi nhóm này hay nhóm khác mà họ ủng hộ. Tuy nhiên, theo định nghĩa
của tôi, hoàn toàn có thể là một người theo Keynes và vẫn tin tưởng hoặc là có trách nhiệm
đối với chính sách ổn đinh hóa về mặt nguyên tắc nhưng lại nhường vai trò này cho cơ quan
chức trách tiền tệ, và trách nhiệm đó đã được nhượng lại trên thực tế.

Lý thuyết theo Keynes đã bị chê bai nhiều trong giới học thuật từ giữa thập niên 1970 cho
đến giữa thập niên 1980. Tuy nhiên, học thuyết này đã trở lại mạnh mẽ kể từ đó. Lý do chính
cho sự xuất hiện trở lại đó là vì kinh tế học theo Keynes (Keynesian economics) có thể giải
thích tốt hơn về các sự kiện kinh tế của thập niên 1970 và 1980 so với phái cạnh tranh học
thuật chính của nó – kinh tế học cổ điển mới (new classical economics).

Đúng như gốc rễ cổ điển, lý thuyết cổ điển mới (new classical theory) đã nhấn mạnh đến khả
năng của nền kinh tế thị trường nhằm chữa trị các cuộc suy thoái bằng cách điều chỉnh giảm
lương (wages) và giá cả (prices). Các nhà kinh tế học tân cổ điển (new classical economists)
thời kỳ giữa thập niên 1970 cho rằng các đợt suy giảm kinh tế (economic downturns) là do
nhận thức sai (misperceptions) của người dân về điều gì đang xảy ra với giá cả tương đối
(relative prices) (như là tiền lương thực (real wages) chẳng hạn). Họ lập luận nhận thức sai sẽ
tăng lên nếu người dân không biết về mức giá hiện hành hay tỷ lệ lạm phát. Nhưng những
nhận thức sai như vậy sẽ là thoáng qua và không thể là quá lớn trong các xã hội mà các chỉ số
giá cả được công bố hàng tháng và tỷ lệ lạm phát hàng tháng thường là dưới 1 phần trăm. Do
vậy mà các đợt suy giảm kinh tế, theo quan điểm tân cổ điển, sẽ là rất nhẹ và ngắn thôi. Tuy
nhiên, suốt thập niên 1980 hầu hết các nền kinh tế công nghiệp của thế giới gánh chịu các đợt
suy thoái (recessions) sâu và kéo dài. Kinh tế học theo Keynes (Keynesian economics) có thể
không quá chặt về mặt lý thuyết, nhưng chắc chắn là một lý thuyết phù hợp dự đoán về
những thời kỳ thất nghiệp không tư nguyện có tính dai dẳng (persistent, involuntary
unemployment).

Theo lý thuyết cổ điển mới (new classical theory), việc giảm tăng trưởng cung tiền được nhận
biết một cách chính xác sẽ có tác động (nếu có) nhỏ đối với sản lượng thực. Tuy nhiên, khi

55
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) công bố chính sách tiền tệ
sẽ được thắt chặt để chống lạm phát, và sau đó đã hoàn thành tốt chức năng của mình như lời
hứa của họ, thì các cuộc suy thoái nghiêm trọng kéo theo đã xảy ra ở mỗi quốc gia. Những
người theo phái cổ điển mới có thể cho rằng việc thắt chặt này là ngoài dự kiến
(unanticipated) (bởi vì người dân đã không tin vào những gì các cơ quan chức trách tiền tệ đã
nói). Có lẽ đây cũng là một phần. Nhưng chắc chắn những ý tưởng chung về các chính sách
thắt chặt này đã được dự kiến trước, hay ít nhất là đã được nhận thức chính xác khi chúng
được tiến hành. Lý thuyết theo Keynes thời kỳ đầu (Old-fashioned Keynesian theory) cho
rằng bất kỳ sự hạn chế tiền tệ nào thì đều có tính thu hẹp bởi vì các doanh nghiệp và các cá
nhân bị khóa chặt vào các hợp đồng giá cố định (fixed-price contracts), không phải là những
hợp đồng được điều chỉnh theo lạm phát (inflation-adjusted) thì dường như là nhất quán với
các sự kiện thực tế.

Một nhánh của lý thuyết cổ điển mới được xây dựng bởi Robert Barro của Harvard là ý tưởng
về tính trung tính của nợ (debt neutrality). Barro lập luận rằng lạm phát, thất nghiệp, GNP
thực, và tiết kiệm quốc gia thực sẽ không bị tác động bởi hoặc là chính phủ tài trợ cho chi
tiêu của mình với thuế cao và thâm hụt thấp hay với thuế thấp và thâm hụt cao. Ông lập luận,
bởi vì người dân thì có tính duy lý, họ sẽ nhận thức chính xác rằng thuế thấp và thâm hụt cao
ngày hôm nay sẽ phải đồng nghĩa với thuế trong tương lai sẽ cao hơn đối với họ và con cháu
của họ. Barro cho rằng họ sẽ cắt giảm tiêu dùng và tăng tiết kiệm của chính mình một đô la
ứng với mỗi đô la tăng lên của nghĩa vụ thuế tương lai. Do vậy, khoản tăng tiết kiệm tư nhân
sẽ bù trừ bất kỳ sự gia tăng nào của thâm hụt chính phủ. Trái lại, phân tích theo Keynes thuần
túy, xem thâm hụt tăng lên, với chi tiêu chính phủ được giữ không đổi, như là một sự gia tăng
của tổng cầu. Như đã từng xảy ra ở Hoa Kỳ, nếu kích thích vào cầu mà bị vô hiệu hóa bởi
chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất thực (real interest rates) sẽ tăng mạnh. Theo quan điểm
theo Keynes, không có lý do để kỳ vọng tỷ lệ tiết kiệm tư nhân sẽ tăng.

Việc cắt giảm thuế khổng lồ ở Hoa Kỳ giữa năm 1981 và 1984 đã cung cấp một số điều
tương thích như một phép thử có tính thí nghiệm cho những quan điểm thay thế này. Điều gì
đã xảy ra? Tỷ lệ tiết kiệm tư nhân đã không tăng. Lãi suất thực đã tăng vọt, mặc dù phần lớn
rất đáng ngạc nhiên của cú sốc này đã được hấp thu bởi tỷ giá hối đoái thay vì là bởi lãi suất.
Với kích thích tài khóa đã bị bù trừ bởi thắt chặt tiền tệ, tăng trưởng GNP thực gần như
không bị tác động; mức tăng trưởng GNP thực vào khoảng gần bằng với mức đã có được

56
trong quá khứ trước đó. Một lần nữa, tất cả điều này dường như nhất quán nhiều hơn với
quan điểm theo Keynes so với lý thuyết cổ điển mới.

Cuối cùng, có một cuộc suy thoái sâu ở châu Âu vào thập niên 1980, được xem là xấu nhất kể
từ cuộc Đại Khủng hoảng ở thập niên 1930. Lời giải thích của những người theo Keynes là
đơn giản. Chính phủ, được dẫn dắt bởi ngân hàng trung ương của Anh và Đức, đã quyết định
chống lạm phát với các chính sách tài khóa và tiền tệ hạn chế ở mức cao. Cuộc thập tự chinh
chống lạm phát đã được tăng cường bởi Hệ thống Tiền tệ châu Âu (EMS), mà về mặt tác
động, nó lan truyền chính sách tiền tệ nghiêm khắc của Đức ra toàn châu Âu. Trường phái cổ
điển mới không có lời giải thích so sánh. Các nhà kinh tế học cổ điển mới và các nhà kinh tế
học bảo thủ nhìn chung lập luận rằng các chính phủ châu Âu can thiệp quá mạnh vào thị
trường lao động (ví dụ, với các lợi ích thất nghiệp cao và các hạn chế đối với việc sa thải lao
động). Nhưng hầu hết các can thiệp này đã thực thi vào đầu thập niên 1970, khi mà thất
nghiệp đã là cực kỳ thấp.

Nguồn: https://www.econlib.org/library/Enc1/KeynesianEconomics.html

Về tác giả

Alan S. Blinder là giáo sư kinh tế Đại học Princeton. Ông từng là phó chủ tịch Hội đồng
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed), và trước đó là thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế
Tổng thống Clinton.

Đọc thêm

Blinder, Alan S. Hard Heads, Soft Hearts. Chaps. 2, 3. 1987.

Blinder, Alan S. "Keynes after Lucas." Eastern Economic Journal (July-September 1986):
209-16.

Blinder, Alan S. "Keynes, Lucas, and Scientific Progress." American Economic Review (May
1987): 130-36. (Reprinted in John Maynard Keynes (1833-1946), vol. 2, edited by Mark
Blaug. 1991.)

Gordon, Robert J. "What Is New-Keynesian Economics?" Journal of Economic


Literature 28, no. 3 (September 1990): 1115-71.

57
Keynes, John Maynard. The General Theory of Employment, Interest, and Money. 1936.

Mankiw, N. Gregory. "A Quick Refresher Course in Macroeconomics." Journal of Economic


Literature 28 (December 1990): 1645-60.

58
Bài 6 - KINH TẾ HỌC TÂN CỔ ĐIỂN
(Neoclassical Economics)

E. Roy Weintraub

Các nhà kinh tế học thường xuyên bất đồng với nhau. Những bất đồng này diễn ra ở mức độ
rất cụ thể và chi tiết. Nhưng khi nói đến lý thuyết kinh tế rộng lớn, hầu như họ lại đồng ý với
nhau. Trong lần bảo vệ cho hoạt động chi tiêu thâm hụt chống lại cáo buộc bảo thủ rằng mình
là “một người theo Keynes” (Keynesian), Tổng thống Richard Nixon được cho là đã đáp lại
rằng “Tất cả chúng ta giờ đây là những người theo Keynes (Keynesians)”. Thực tế, những gì
ông ấy nên nói phải là: “Tất cả chúng ta giờ đây là những người theo Tân cổ điển
(neoclassicals), ngay cả những người theo Keynes”, “bởi vì những gì được dạy cho sinh viên
- những gì thuộc về dòng kinh tế học chính thống ngày nay, là kinh tế học tân cổ điển
(neoclassical economics)”

Đến giữa thế kỷ thứ 19, các nhà kinh tế học nhìn chung đã chia sẻ với nhau một quan điểm về
lý thuyết giá trị (value theory) và lý thuyết phân phối (distribution theory). Ví dụ như giá trị
của một giạ bắp được cho là phụ thuộc vào chi phí liên quan đến việc sản xuất ra giạ bắp đó.
Sản lượng đầu ra hay sản phẩm của một nền kinh tế được cho là được phân chia hay phân
phối giữa những nhóm xã hội khác nhau gắn liền với chi phí mà các nhóm này chi ra trong
quá trình sản xuất ra sản lượng đầu ra này. Đây có thể nói đại khái là “Lý thuyết Cổ điển”
(Classical Theory) được phát triển bởi Adam Smith, David Ricardo, Thomas Robert
Malthus, John Stuart Mill và Karl Marx.

Nhưng có những khó khăn trong cách tiếp cận này. Đứng đầu trong số những khó khăn này
đó là giá cả (prices) trên thị trường (market) đã không nhất thiết phản ánh thứ được định
nghĩa là “giá trị” (value) trong trường hợp mà mọi người thường sẵn lòng trả nhiều hơn cho
một cái gì đó được đánh giá là “đáng giá” (worth). Các lý thuyết về giá trị thuộc về phái cổ
điển xem giá trị như là một đặc tính sở hữu vốn dĩ gắn với một vật thể, dần dần nhường chỗ
cho quan điểm theo đó giá trị gắn liền với mối quan hệ giữa một vật thể với người nắm giữ
vật thể đó. Một số các nhà kinh tế học cùng thời đó (thập niên 1870 và 1880) đã bắt đầu đặt
cơ sở giá trị (value) vào mối quan hệ giữa chi phí sản xuất (costs of production) và “các thành
tố có tính chủ quan” (subjective elements), sau này được gọi là “cung” (supply) và “cầu”
(demand). Điều này được biết đến như là Cuộc Cách mạng Biên tế trong kinh tế học

59
(Marginal Revolution in economics), và lý thuyết bao trùm này đã được phát triển từ các ý
tưởng được gọi là kinh tế học tân cổ điển (neoclassical economics). (Người đầu tiên sử dụng
thuật ngữ “neoclassical economics” có thể là nhà kinh tế học người Mỹ tên là Thorstein
Veblen).

Chúng ta có thể tóm tắt khuôn khổ kinh tế học tân cổ điển (neoclassical economics) một cách
khá dễ dàng. Những người mua nỗ lực tối đa hóa phần lợi thu được (gains) của họ từ việc có
được các hàng hóa, và họ thực hiện điều này bằng cách gia tăng mua sắm các hàng hóa này
cho đến khi những gì mà họ đạt được từ một đơn vị tăng thêm vừa cân bằng đúng với những
gì mà họ phải từ bỏ để có được nó. Với cách làm này, họ cực đại hóa “hữu dụng” (utility) –
sự thỏa mãn đi kèm với tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. Tương tự như vậy, các cá nhân cung
cấp lao động của mình cho các doanh nghiệp mong muốn thuê họ, thông qua việc cân bằng
phần lợi thu được (gains) từ việc chào một đơn vị biên tế (marginal unit) dịch vụ của họ (tiền
lương mà họ sẽ nhận) với phần hữu dụng (utility) giảm của chính lao động đó – phần mất đi
của việc nghỉ ngơi, vui chơi giải trí (loss of leisure). Các cá nhân thực hiện các lựa chọn dựa
vào chênh lệch lợi ích và chi phí này (at the margin). Các kết quả này được phản ánh trong lý
thuyết cầu hàng hóa, và cung các yếu tố sản xuất.

Tương tự, các nhà sản xuất nỗ lực sản xuất ra các đơn vị của một loại hàng hóa nào đó cho
đến khi mà chi phí của việc sản xuất một đơn vị tăng thêm hay một đơn vị biên tế vừa đúng
cân bằng với doanh thu mà nó tạo ra. Theo cách này họ tối đa hóa lợi nhuận. Các doanh
nghiệp cũng thuê lao động cho đến điểm mà chi phí thuê thêm một lao động vừa đúng bằng
với giá trị sản lượng mà lao động thuê thêm vào đó sẽ sản xuất ra.

Do vậy tầm nhìn tân cổ điển liên quan đến “các tác nhân” (agents) kinh tế, các hộ gia đình
hay các doanh nghiệp, hướng theo tối đa hóa (thực hiện tốt nhất có thể), là đối tượng đối với
tất cả các ràng buộc (constraints) liên quan. Giá trị (value) được nối kết với các ước muốn
(desires) không có giới hạn và các mong muốn (wants) tương tác với các ràng buộc
(constraints), hay sự khan hiếm (scarcity). Những giằng co và các vấn đề quyết định được
giải quyết thông qua thị trường (markets). Giá cả (prices) là tín hiệu báo cho các hộ gia đình
và các doanh nghiệp liệu rằng các ước muốn có tính mâu thuẫn của họ có thể được hòa giải
hay không.

Ví dụ, tôi muốn mua một chiếc xe hơi mới. Ở mức giá tương tự thì những người khác có thể
cũng muốn mua xe hơi này. Nhưng các nhà sản xuất có thể không muốn sản xuất quá nhiều

60
xe hơi như tất cả chúng ta muốn. Điều này gây thất vọng cho phía người mua và có thể dẫn
đến việc chúng ta “đấu giá” (bid up) các chiếc xe hơi này, loại ra một số người mua tiềm
năng (potential buyers) và khuyến khích một số nhà sản xuất biên tế (marginal producers).
Khi giá thay đổi, sự mất cân bằng giữa lệnh đặt mua và lệnh chào bán giảm xuống. Đây là
cách thức tối ưu hóa dưới sự phụ thuộc liên đới giữa thị trường và ràng buộc dẫn đến một sự
cân bằng kinh tế. Đây là tầm nhìn tân cổ điển (neoclassical vision).

Kinh tế học tân cổ điển là những gì được gọi là một siêu lý thuyết (lý thuyết cơ bản,
metatheory). Nghĩa là lý thuyết này là một bộ các quy tắc ẩn ngầm hay những sự hiểu biết về
việc xây dựng các lý thuyết kinh tế (satisfactory economic theories). Nó là một chương trình
nghiên cứu khoa học tạo ra các lý thuyết kinh tế dựa trên các giả định nền tảng xác định
những hiểu biết được chia sẻ giữa những người mà họ tự gọi mình là các nhà kinh tế học tân
cổ điển (neoclassical economists), hay đơn giản chỉ là các nhà kinh tế học (economists) mà
không gắn với bất kỳ tính từ nào. Các giả định cơ bản này bao gồm:

1. Con người có những lựa chọn mang tính duy lý giữa một số các kết cục khác nhau;
2. Các cá nhân tối đa hóa hữu dụng và các doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận;
3. Con người hành xử một cách độc lập dựa trên cơ sở thông tin đầy đủ và có liên quan
với nhau.

Các lý thuyết dựa vào hay được hướng dẫn bởi các giả định này chính là các lý thuyết tân cổ
điển (neoclassical theories).

Do vậy, chúng ta có thể nói về lý thuyết lợi nhuận, hay việc làm, hay tăng trưởng, hay tiền tệ
tân cổ điển. Chúng ta cũng có thể tạo ra mối quan hệ sản xuất tân cổ điển giữa các nhập
lượng và các xuất lượng, hay các lý thuyết tân cổ điển về việc lập gia đình hay ly hôn và
khoảng cách để sinh con. Ví dụ, hãy xem xét về việc sa thải lao động. Lý thuyết giả định rằng
các quyết định sa thải của một doanh nghiệp dựa vào sự cân bằng giữa các lợi ích của việc sa
thải thêm một lao động và các chi phí đi kèm với hành động đó sẽ được xem là một lý thuyết
tân cổ điển. Lý thuyết giải thích quyết định sa thải bởi sở thích của các nhà quản lý những
người lao động mà họ thuê dựa vào các đặc tính cụ thể sẽ không phải là một lý thuyết tân cổ
điển.

Trường phái nào tương phản với kinh tế học tân cổ điển? Một số người cho rằng có một số
trường phái tư tưởng trong kinh tế học cho đến hiện nay. Họ chỉ ra (neo-)Marxian
economics, (neo-)Austrian economics, post-Keynesian economics, hay (neo-)institutional

61
economics như là các khuôn khổ lý thuyết cơ bản (metatheoretical frameworks) dùng xây
dựng các lý thuyết kinh tế. Các xã hội và các tạp chí phát hành các ý tưởng gắn liền với các
quan điểm này. Một số trong các trường phái này có những sự hiểu biết sâu sắc mà các nhà
kinh tế học tân cổ điển phải học hỏi; các kiến thức sâu sắc về tinh thần doanh nghiệp trong
kinh doanh (entrepreneurship) nhánh trường phái Áo (Austrian insights) là một ví dụ. Nhưng
trong phạm vi các trường phái này bác bỏ khối kiến thức cốt lõi của kinh tế học tân cổ điển –
ví dụ như những người theo trường phái Áo (Austrians) bác bỏ tối ưu hóa (optimization) – họ
bị các nhà kinh tế học tân cổ điển xem như là những người bảo vệ các nguyên nhân bị đánh
mất hay như những nhà phê bình sai lầm, và những kẻ kỳ hoặc phản khoa học. Tình trạng của
những nhà kinh tế học phi tân cổ điển (non-neoclassical economists) trong khoa kinh tế học ở
các trường đại học (nói tiếng Anh) thì cũng tương tự như những nhà khoa học xem trái đất là
phẳng trong khoa địa lý: sẽ an toàn hơn để nói lên các quan điểm như vậy sau khi đã có biên
chế chính thức, chỉ có vậy thôi.

Có một nỗ lực đặc biệt để giảm tín nhiệm (hay không tin) kinh tế học tân cổ điển từ nhà kinh
tế học người Anh Joan Robinson, các đồng nghiệp và sinh viên của bà tại Cambridge trong
thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Cuộc tranh luận mang tên “Two Cambridges Capital
Controversy” đã ngộ nhận về các hàm ý (implications) và các hạn chế (limitations) của việc
gộp “vốn” (capital) của Paul Samuelson và Robert Solow và việc đối xử biến gộp (aggregate)
như là một nhập lượng đầu vào của hàm sản xuất. Tuy nhiên, cuộc tranh luận này thực sự bắt
nguồn từ một sự xung đột tầm nhìn về những gì sẽ cấu thành nên một lý thuyết “có thể chấp
nhận được” về phân phối thu nhập. Điều đã trở thành quan điểm hậu Keynes (post-Keynesian
position) đó là phân phối thu nhập được giải thích “tốt nhất” bởi những khác biệt quyền lực
(power) giữa những người lao động (workers) và giới chủ tư bản (capitalists), trong khi lời
giải thích tân cổ điển (neoclassical) được phát triển từ một lý thuyết thị trường về giá cả các
yếu tố sản xuất (a market theory of factor prices). Cuối cùng thì cuộc tranh luận đã không
được giải quyết nhiều và nó được đặt sang một bên vì kinh tế học tân cổ điển đã trở thành
kinh tế học chính thống.

Một dòng chính thống (orthodoxy) như thế đã nổi lên như thế nào? Nói ngắn gọn, sự thành
công của kinh tế học tân cổ điển được kết nối với “khoa học hóa” (scientificization) hay
“toán học hóa” (mathematization) của kinh tế học ở thế kỷ 20. Việc một số các Nhà Biên tế
đầu tiên (Marginalists), các nhà kinh té học như là William Stanley Jevons và F. Y.
Edgeworth ở Anh, Leon Walras ở Lausanne, và Irving Fisher ở Hoa Kỳ, đã mong muốn hợp

62
pháp hóa kinh tế học trong số các ngành học thuật có tính hàn lâm đóng vai trò thật sự quan
trọng. Thời đại này cũng rất lạc quan về tương lai gắn liền với thành công của công nghệ
(technology). Sự tiến bộ sẽ trở nên được bảo đảm trong một xã hội sử dụng kiến thức khoa
học tốt nhất. Các mục tiêu xã hội sẽ có thể đạt được nếu các nguyên lý khoa học có thể tổ
chức nên các chương trình nghị sự xả hội. Chủ nghĩa xã hội khoa học (Scientific socialism)
và quản lý khoa học (scientific management) là những cụm từ dễ dàng tuôn ra từ ngòi bút của
các nhà lý luận xã hội.

Kinh tế học tân cổ điển đã khái niệm hóa các tác nhân (agents), các hộ gia đình (households)
và các doanh nghiệp (firms), như là các nhân tố hành động có tính duy lý (rational actors).
Các tác nhân được mô phỏng thành những người tối ưu hóa (optimizers) mà từ đó họ đã đạt
được đến các kết cục “tốt hơn” (better outcomes). Kết quả cân bằng là “tốt nhất” (best) theo
nghĩa rằng bất kỳ sự phân bổ hàng hóa và dịch vụ nào khác sẽ để lại một số tác nhân bị xấu đi
hay bị ảnh hưởng. Do vậy, hệ thống xã hội trong tầm nhìn tân cổ điển là không có mâu thuẫn
không thể giải quyết (free of unresolvable conflict). Thuật ngữ “hệ thống xã hội” (social
system) là một thước đo cho sự thành công của kinh tế học tân cổ điển, về ý tưởng của một
hệ thống, với các thành phần tương tác, các biến số (variables) và các tham số (parameters)
và các ràng buộc (constraints) của nó, là ngôn ngữ của các nhà vật lý giữa thế kỷ thứ 19. Lĩnh
vực cơ học duy lý (rational mechanics) đã là mô hình cho khuôn khổ tân cổ điển. Các tác
nhân (agents) tương tự như các nguyên tử (atoms), hữu dụng (utility) tương tự như năng
lượng (energy); tối đa hóa hữu dụng (utility maximization) tương tự như việc tối thiểu hóa
năng lượng tiềm năng (minimization of potential energy) và nhiều thứ khác nữa. Bằng cách
này sự hùng biện của khoa học thành công được gắn vào lý thuyết tân cổ điển, và bằng cách
này kinh tế học (economics) đã tự mình trở nên được nối kết với khoa học (science). Dù mối
liên kết này đã được hoạch định bởi các nhà biên tế (Marginalists), hay đúng hơn là một đặc
tính của sự thành công chung của chính bản thân khoa học, thì nó ít quan trọng hơn những
hàm ý ứng dụng của mối liên kết đó. Vì một khi kinh tế học tân cổ điển được hòa nhập với
kinh tế học khoa học (scientific economics), để thách thức tiếp cận tân cổ điển (neoclassical
approach) thì dường như là chúng ta đang thách thức khoa học (science) và sự tiến bộ
(progress) và sự hiện đại (modernity).

Giá trị của kinh tế học tân cổ điển có thể được đánh giá trong bộ sưu tập những “chân lý”
theo đó chúng ta được dẫn dắt bởi sự soi sáng của nó. Các loại “chân lý” về các động cơ
khuyến khích (incentives) – về giá cả (prices) và thông tin (information), về sự liên đới giữa

63
các quyết định (interrelatedness of decisions) và các kết cục không lường trước của các lựa
chọn (unintended consequences of choices) – tất cả được phát triển rõ ràng trong các lý
thuyết tân cổ điển, như là một ý thức hiểu biết về việc sử dụng bằng chứng. Ví dụ, để lập kế
hoạch nhu cầu điện tương lai ở bang mà tôi đang sinh sống, Ủy ban Tiện ích Công đã phát
triển một dự báo về cầu (tân cổ điển), liên kết nó với một phân tích chi phí (tân cổ điển) về
các phương tiện phát điện với quy mô và chủng loại khác nhau (ví dụ, một nhà máy than phát
thải lưu huỳnh thấp 800 megawatt), và phát triển một kế hoạch tăng trưởng hệ thống có chi
phí thấp nhất và một chiến lược định giá (tân cổ điển) cho việc triển khai kế hoạch đó. Tất cả
khía cạnh của các vấn đề này, từ ngành công nghiệp cho đến các đô thị, từ các công ty điện
cho đến các nhóm môi trường, tất cả đều nói cùng một ngôn ngữ về độ co giãn cầu và tối
thiểu hóa chi phí, về chi phí biên và suất sinh lợi. Các quy tắc của sự phát triển và sự đánh giá
lý thuyết là rất rõ ràng trong kinh tế học tân cổ điển, và sự rõ ràng đó được chấp nhận mang
lại lợi ích cho cộng đồng các nhà kinh tế học. Tính khoa học của kinh tế học tân cổ điển, trên
quan điểm này không phải là điểm yếu mà là điểm mạnh của nó.

Nguồn: https://www.econlib.org/library/Enc1/NeoclassicalEconomics.html

Về tác giả

E. Roy Weintraub là giáo sư kinh tế học của Đại học Duke và nhà biên tập của History of
Political Economy.

Đọc thêm

Becker, Gary. The Economic Approach to Human Behavior. 1976.

Dow, Sheila. Macroeconomic Thought: A Methodological Approach. 1985.

Mirowski, Philip. More Heat Than Light. 1989.

Weintraub, E. Roy. General Equilibrium Analysis: Studies in Appraisal. 1985

64
Bài 7 - CHỦ NGHĨA TIỀN TỆ VÀ NHỮNG NHÀ
KINH TẾ TIỀN TỆ
Tiền là gì và tiền có vai trò quan trọng như thế nào đối với hoạt động kinh tế là câu hỏi khởi
đầu cho một chương học về tiền và hoạt động ngân hàng, hay tăng trưởng tiền và lạm phát
trong các giáo trình kinh tế học vĩ mô. Bởi lẽ, tiền có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế và lạm
phát luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu trong nhiệm vụ bình ổn vĩ mô của mọi quốc gia.
Trước tiên hãy tưởng tượng rằng chuyện gì xảy ra nếu sự vận hành hàng ngày của chúng ta
mà không có tiền tham gia vào. Thật là rắc rối phải không? Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về
tiền và vai trò của tiền trong nền kinh tế ở bất kỳ giáo trình cơ bản nào. Ở đây chúng ta hãy
tập trung cho vấn đề học thuật khác, đó là chủ nghĩa tiền tệ và vị thế của trường phái này
trong gia phả kinh tế học vĩ mô.

Chủ nghĩa tiền tệ

Chủ nghĩa tiền tệ (monetarism) là một trong những trường phái tư tưởng kinh tế. Theo trường
phái tiền tệ, cung tiền (tổng khối tiền hay tổng trữ lượng tiền trong một nền kinh tế) chính là
nhân tố quyết định mức sản lượng GDP hiện hành trong ngắn hạn và mức giá cả của nền kinh
tế trong dài hạn. Chính sách tiền tệ là một trong những công cụ của chính phủ dùng để tác
động đến kết quả tổng thể của một nền kinh tế thông qua việc ngân hàng trung ương sử dụng
các công cụ như là các mức lãi suất chính sách nhằm điều chỉnh tổng khối tiền. Các nhà kinh
tế tiền tệ tin rằng các mục tiêu của chính sách tiền tệ sẽ có kết quả tốt nhất thông qua hoạch
định tốc độ tăng trưởng của cung tiền. Trường phái này đã đạt được sự thuyết phục và tầm
ảnh hưởng lớn vào thập niên 1970 với thành tựu góp phần giảm lạm phát ở Hoa Kỳ và Anh.
Gần đây, chủ nghĩa tiền tệ đã một lần nữa chứng minh tầm ảnh hưởng của mình đối với các
quyết định của Fed trong việc hồi phục nền kinh tế Hoa Kỳ suốt cuộc Khủng hoảng kinh tế
toàn cầu 2007-2008.

Ngày nay, chủ nghĩa tiền tệ được biết đến gắn liền với nhà kinh tế học nhận giải thưởng
Nobel Kinh tế Milton Friedman. Trong tác phẩm Lịch sử Tiền tệ Hoa Kỳ giai đoạn 1867-
1960 (A Monetary History of the United States, 1867–1960) mà ông đã viết cùng với nhà
kinh tế Anna Schwartz vào năm 1963, Friedman lập luận rằng chính sách tiền tệ yếu kém của
ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (hay Cục Dự trữ Liên bang, Fed), là nguyên nhân chủ yếu gây
nên cuộc Đại Khủng hoảng ở Hoa Kỳ thập niên 1930. Theo quan điểm của các nhà kinh tế
này, thất bại của Fed là không thể trừ khử những lực tạo ra sức ép sụt giảm cung tiền và hành

65
động giảm trữ lượng tiền của Fed thì đối nghịch hoàn toàn với những gì mà lẽ ra cơ quan này
nên làm lúc bấy giờ. Họ cũng lập luận rằng bởi vì các thị trường có xu hướng di chuyển một
cách tự nhiên đến điểm cân bằng ổn định, một quyết định hoạch định mức cung tiền không
chính xác đã làm cho các thị trường phản ứng một cách ngập ngừng.

Chủ nghĩa tiền tệ đã chiếm ưu thế trong thập niên 1970. Năm 1979, mức lạm phát ở Hoa Kỳ
đạt đỉnh 20%, Fed đã chuyển hướng điều hành chiến lược của mình sang ý tưởng của lý
thuyết chủ nghĩa tiền tệ. Nhưng chủ nghĩa tiền tệ đã bị lu mờ trong những thập niên sau đó
khi học thuyết này đã không thể giải thích những hiện tượng diễn ra ở nền kinh tế Hoa Kỳ.
Tuy vậy, một số các quan điểm sâu sắc mà các nhà kinh tế tiền tệ mang đến cho việc phân
tích kinh tế đã được các nhà kinh tế phi tiền tệ áp dụng.

Nền tảng của chủ nghĩa tiền tệ là Thuyết Số lượng Tiền (the Quantity Theory of Money). Lý
thuyết này dựa trên một đồng nhất thức hạch toán cho rằng cung tiền (Ms) nhân với vòng
quay tiền (V, mức mà tiền chuyển từ tay người này sang người khác) bằng với tổng mức chi
tiêu danh nghĩa của nền kinh tế (P.Y, hàng hóa và dịch vụ bán ra nhân với giá trung bình). Vì
là một đồng nhất thức nên phương trình này là đúng và không bàn cãi. Nhưng vấn đề nằm ở
V, vòng quay của tiền. Thuyết tiền tệ xem V nhìn chung là ổn định, điều này ngụ ý rằng tổng
thu nhập danh nghĩa (P.Y) là một hàm phụ thuộc chủ yếu vào cung tiền. Những biến thiên
của tổng thu nhập danh nghĩa phản ánh những thay đổi của hoạt động kinh tế thực (lượng
hàng hóa và dịch vụ được bán) và lạm phát (biến động mức giá trung bình).

Thuyết số lượng là cơ sở của những nền tảng học thuật trong tư tưởng của chủ nghĩa tiền tệ:

(1) Tính trung lập của tiền trong dài hạn (Long-run monetary neutrality): Tăng khối tiền
sẽ kéo theo tăng mức giá chung trong dài hạn, nhưng không tác động đến các nhân tố
thực như tiêu dùng hay sản lượng.
(2) Tính không trung lập của tiền trong ngắn hạn (Short-run monetary nonneutrality):
Tăng khối tiền có tác động tạm thời đến sản lượng thực (GDP) và việc làm trong ngắn
hạn bởi vì tiền lương và giá cả cần phải có thời gian để điều chỉnh (tính kết dính).
(3) Quy tắc tăng trưởng tiền theo hằng số (Constant money growth rule): Friedman đã đề
xuất một quy tắc tiền tệ cố định theo đó Fed nên được yêu cầu đặt mục tiêu tốc độ
tăng trưởng tiền bằng tốc độ tăng trưởng GDP thực, trong khi duy trì mức giá không
đổi. Nếu nền kinh tế được kỳ vọng tăng trưởng 2% một năm, Fed nên cho phép cung

66
tiền tăng 2%. Fed nên tuân thủ quy tắc cố định trong việc thực thi chính sách tiền tệ vì
sức mạnh tùy nghi có thể làm bất ổn nền kinh tế.
(4) Sự linh hoạt của lãi suất (Interest rate flexibility): Quy tắc tăng trưởng tiền hướng đến
cho phép lãi suất (tác động đến chi phí tín dụng) linh hoạt nhằm bảo đảm người đi vay
và người cho vay tính toán đến những biến động của lạm phát kỳ vọng và thay đổi của
lãi suất thực.

Nhiều nhà kinh tế tiền tệ cũng tin rằng các thị trường ổn định một cách lâu bền khi không có
những biến động ngoài dự kiến của cung tiền. Can thiệp của chính phủ thì thường sẽ làm bất
ổn hơn là giúp ích cho việc ổn định nền kinh tế. Các nhà kinh tế tiền tệ cũng tin rằng không
có sự đánh đổi trong dài hạn giữa lạm phát và thất nghiệp vì nền kinh tế đạt trạng thái cân
bằng dài hạn tại mức sản lượng toàn dụng.

Cuộc tranh luận lớn

Mặc dù chủ nghĩa tiền tệ đạt được những thành tựu trong thập niên 1970. Nhưng cũng tồn tại
nhiều tranh luận. Những người theo Keynes lấy tư tưởng của nhà kinh tế học người Anh John
Maynard Keynes, tin rằng cầu hàng hóa và dịch vụ mới là nhân tố quyết định sản lượng kinh
tế. Họ tin rằng vòng quay tiền không ổn định, do vậy thuyết số lượng tiền và các quy tắc đặt
ra của các nhà kinh tế tiền tệ thì ít có ý nghĩa. Nền kinh tế luôn biến động và bất ổn theo từng
giai đoạn, thật nguy hiểm khi yêu cầu Fed phụ thuộc vào việc hoạch định mục tiêu tiền tệ
theo quy tắc. Thay vào đó, Fed nên “tùy nghi” thực hiện chính sách tiền tệ. Những người theo
Keynes không tin các thị trường điều chỉnh để nhanh chóng tiến đến mức sản lượng toàn
dụng.

Chủ nghĩa Keynes nổi lên sau Thế chiến II trong khi các nhà kinh tế tiền tệ thách thức lý
thuyết Keynes suốt thấp niên 1970 – thập niên đánh dấu bằng lạm phát cao và tăng nhanh đi
cùng với tăng trưởng kinh tế chậm chạm. Lý thuyết Keynes tỏ ra không phù hợp trong việc
phản ứng chính sách, trong khi Friedman và các nhà kinh tế tiền tệ khác đã thuyết phục thành
công bằng lập luận cho rằng tỷ lệ lạm phát cao là do đi kèm với sự gia tăng quá nhanh cung
tiền. Kiểm soát cung tiền là chìa khóa cho một chính sách phù hợp.

Năm 1979, Paul A. Volcker trở thành chủ tịch Fed và tuyên bố chống lạm phát là ưu tiên
hàng đầu. Fed đã hạn chế cung tiền (theo quy tắc Friedman) để kiềm chế lạm phát và đã
thành công. Lạm phát được ngăn chặn dù vậy chi phí suy thoái là đáng kể.

67
Chủ nghĩa tiền tệ đạt một thành tựu khác ở Anh. Khi Margaret Thatcher trở thành thủ tướng
năm 1979, Anh đối mặt nhiều năm lạm phát nghiêm trọng. Margaret Thatcher đã áp dụng chủ
nghĩa tiền tệ như một vũ khí chống lạm phát và đã đạt thành quả đưa mức lạm phát thấp hơn
5% năm 1983.

Tuy vậy, cung tiền sẽ chỉ hữu ích như một mục tiêu chính sách chỉ khi mối quan hệ giữa tiền
và GDP danh nghĩa (và do vậy lạm phát) là ổn định và có thể dự báo trước. Có nghĩa là nếu
cung tiền tăng thì GDP danh nghĩa cũng tăng và ngược lại. Do vậy, để đạt được tác động trực
tiếp này thì vòng quay của tiền phải có thể dự báo trước.

Thập niên 1970, vòng quay tiền đã gia tăng ở một mức khá ổn định và thuyết số lượng tiền là
đúng và thuyết phục. Tốc độ tăng cung tiền (đã được điều chỉnh hay loại trừ mức vòng quay
tiền có thể dự báo được) đã xác định GDP danh nghĩa. Nhưng thập niên 1980 và 1990, vòng
quay tiền trở nên rất bất ổn và không thể dự báo. Mối liên kết giữa cung tiền và GDP danh
nghĩa không còn rõ ràng và nghi vấn về thuyết số lượng tiền bắt đầu nổi lên. Nhiều nhà kinh
tế đã chất vấn tiếp cận này từ đó.

Hầu hết các nhà kinh tế học nghĩ sự thay đổi của khả năng có thể dự báo được của vòng quay
tiền có nguyên nhân chủ yếu từ những thay đổi của các quy tắc hoạt động ngân hàng và
những phát minh sáng kiến tài chính. Trong thập niên 1980, các ngân hàng được cho phép trả
lãi cho các khoản tiền gửi có thể viết séc hay tài khoản thanh toán, ảnh hưởng xói mòn đến sự
phân biệt giữa tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm. Hơn nữa, nhiều người dân phát
hiện rằng các thị trường tiền tệ, các quỹ tương hỗ và các tài sản khác là những lựa chọn tốt
hơn là các khoản tiền gửi ngân hàng truyền thống. Kết quả là, mối quan hệ giữa tiền và thành
quả kinh tế đã thay đổi.

Vẫn còn những liên kết với nhau

Những gì mà các nhà kinh tế tiền tệ giải thích về Đại Khủng hoảng 1929-1933 không hoàn
toàn bị lãng quên. Trong phát biểu vào cuối năm 2002, kỷ niệm 90 năm ngày sinh Milton
Friedman, Ben S. Bernanke, người sau đó 4 năm đã trở thành chủ tịch Fed nói rằng: “Tôi
muốn nói với Milton và Anna rằng: Về cuộc Đại Khủng hoảng, các ngài đã đúng. Chúng tôi
[Fed] đã có những sai phạm. Chúng tôi rất xin lỗi. Nhưng cảm ơn các ngài, chúng tôi sẽ
không lập lại sai lầm đó một lần nữa.” Chủ tịch Fed Bernanke đã đề cập đến tư tưởng của
Milton Friedman và Anna Schwartz trong quyết định hạ lãi suất và tăng cung tiền để kích
thích nền kinh tế suốt cuộc suy thoái toàn cầu bắt đầu từ năm 2007 ở Hoa Kỳ. Những nhà

68
kinh tế tiền tệ triển vọng (bao gồm Schwartz) lập luận rằng Fed kích thích kinh tế sẽ không
dẫn đến lạm phát cao một cách cực đoan. Thay vào đó, vòng quay tiền giảm sâu, và giảm
phát được dự báo là sẽ mang đến nhiều rủi ro hơn.

Mặc dù hầu hết các nhà kinh tế ngày nay bác bỏ sự tập trung mù quáng đối với tăng trưởng
tiền – điều mà được xem là trung tâm phân tích của các nhà kinh tế tiền tệ, một số những
nguyên lý quan trọng của chủ nghĩa tiền tệ đã và đang tìm thấy hướng giải quyết của mình
trong các phân tích của các nhà kinh tế phi tiền tệ hiện đại, làm giảm đi sự khác biệt giữa chủ
nghĩa tiền tệ và chủ nghĩa Keynes. Xu hướng hợp nhất này là khá rõ ràng trong hơn ba thập
niên qua. Có lẽ điều quan trọng nhất là lạm phát không thể tiếp diễn một cách vô hạn nếu
không tiếp tục tăng cung tiền, và việc kiểm soát lạm phát thông qua việc kiểm soát cung tiền
nên được xem là một nhiệm vụ quan trọng trước tiên, nếu không muốn nói rằng điều đó chính
là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của ngân hàng trung ương.

Biên soạn theo: Monetarism: Money Is Where It’s At


Tác giả: Sarwat Jahan and Chris Papageorgiou
https://www.imf.org/external/pubs/ft/fandd/basics/16_monetarism.htm

69
Bài 8 - BÀI DIỄN THUYẾT CỦA FRIEDMAN VỀ
CUỘC CÁCH MẠNG TƯ TƯỞNG KINH TẾ VĨ MÔ2
N. Gregory Mankiw và Ricardo Reis (2018)

Các bài diễn thuyết trước Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (American Economic Association, AEA)
luôn là những sự kiện đáng chú ý. Những người trình bày các bài diễn thuyết này là các học
giả danh tiếng, với đầy đủ phẩm chất đức hạnh và được hội đồng học thuật kinh tế rất kính
trọng. Các bài nói chuyện tại các diễn đàn AEA thường niên này luôn có số lượng rất đông
thính giả tham dự. Nội dung trình bày sau đó được xuất bản như một bài viết hàng đầu trong
tạp chí chuyên môn chuyên sâu American Economic Review - một trong những tạp chí học
thuật được đón nhận nhiều nhất. Do vậy, các bài diễn thuyết như thế này thường đóng vai trò
quan trọng trong việc tạo ra cuộc cách mạng ở một lĩnh vực nào đó thì không có gì làm cho
chúng ta quá ngạc nhiên.

Bài diễn thuyết của Milton Friedman với chủ đề “Vai trò của Chính sách Tiền tệ” (The Role
of Monetary Policy) được trình bày 50 năm trước vào tháng 12 năm 1967. Tác phẩm này
được xuất bản trong số tháng 3 năm 1968 của American Economic Review, và đã có vai trò
khác thường trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô. Số lượng trích dẫn phản ánh thước đo về tầm ảnh
hưởng của tác phẩm này. Bài viết đã được trích dẫn hơn 7500 lượt theo Google Scholar và là
bài diễn thuyết được trích dẫn nhiều thứ ba trong lịch sử AEA, chỉ sau bài nói chuyện của
Simon Kuznets về “Tăng trưởng Kinh tế và Bất Bình đẳng Thu nhập” (Economic Growth and
Income Inequality) (vào năm 1954, xuất bản năm 1955) và bài nói chuyện của Theodore
Schultz về “Đầu tư vào Vốn Nhân lực” (Investment in Human Capital) (vào năm 1960, xuất
bản năm 1961). Bài trình bày này của Friedman được trích dẫn ít hơn quyển sách của ông về
Chủ Nghĩa Tư Bản và Sự Tự Do (Capitalism and Freedom) năm 1962 và một bài viết tóm tắt
mà ông viết trên The New York Times Magazine năm 1970 về “Trách Nhiệm Xã Hội của
Kinh Doanh là để Tăng Lợi Nhuận cho Doanh Nghiệp” (The Social Responsibility of
Business Is to Increase Its Profits). Nhưng số lượng trích dẫn của bài diễn thuyết này của
Friedman thì gần như ngang với quyển sách Lịch sử Tiền tệ của Hoa Kỳ (A Monetary History

2Bài lược dịch của Châu Văn Thành, giảng viên Kinh tế học, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế
TP. HCM (Email: thanhcv@ueh.edu.vn). Xem phiên bản gốc: Mankiw NG, Reis R. Friedman's
Presidential Address in the Evolution of Macroeconomic Thought. Journal of Economic Perspectives.
2018;32 (1) :81-96. Dùng cho nghiên cứu và tham khảo.

70
of the United States) do Friedman và Anna Schwarts viết vào năm 1963. Nếu không kể đến
những trường hợp này, bài diễn thuyết năm 1967 của Friedman đã được trích dẫn nhiều hơn
bất kỳ những sản phẩm nào khác mà ông đã viết trong suốt sự nghiệp lâu dài, sung mãn và có
tầm ảnh hưởng của mình.

Điều gì giải thích những ảnh hưởng to lớn của công trình nghiên cứu này của Friedman với
độ dài chỉ khoảng 17 trang như vậy? Một phần là vì Friedman giải quyết một chủ đề quan
trọng. Một lý do nữa là nó được viết một cách đơn giản, rõ ràng, do vậy bài viết đã trở thành
ý tưởng bổ sung vào danh mục tài liệu tham khảo của nhiều khóa học. Tuy nhiên, những đặc
điểm tương tự cũng xuất hiện trong nhiều bài diễn thuyết khác của AEA. Điều làm nên khác
biệt trong bài trình bày của Friedman đó là nó thu hút thính giả tái định hướng suy nghĩ của
họ theo một cách thức rất căn cơ. Đây là một bài thuyết trình đầy tính thuyết phục bởi lẽ sau
khi nghe những lập luận của ông, nhiều độc giả đã lựa chọn sự đồng thuận. Thật vậy, sẽ
không quá lời nếu xem bài diễn thuyết trước AEA vào năm 1967 của Friedman đã đánh dấu
một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nghiên cứu kinh tế vĩ mô.

Mục tiêu của chúng ta ở đây là để đánh giá sự đóng góp này, với lợi ích của một nửa thế kỷ
nhận thức muộn màng. Chúng ta thảo luận vị thế của kinh tế học vĩ mô trước khi có bài nói
chuyện này, đâu là những hiểu biết sâu sắc mà Friedman đã mang lại cho chúng ta, những gì
mà các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý ngân hàng trung ương đang triển khai ngày nay
cũng xuất phát từ những vấn đề này, và (nhất là về mặt lý thuyết) bài diễn thuyết cũng có thể
cung cấp cho chúng ta những lựa chọn dích đến trong tương lai. Chúng ta chỉ tập trung vào
bài trình bày này, đặt qua một bên nhiều đóng góp khác của Friedman (ví dụ như những gì đã
được thảo luận ở Nelson năm 2017).

Kinh tế học vĩ mô trước khi có bài diễn thuyết của Friedman

Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xác định giai đoạn thời gian. Khi Friedman trình bày bài diễn
thuyết của mình vào năm 1967, cả hai chúng tôi - tác giả viết bài viết mà các bạn đang đọc
này, một thì đang ở trường tiểu học và người kia thì chưa sinh ra, vì vậy cả hai chúng tôi đều
không thể có được trải nghiệm ban đầu vào đúng thời gian mà Friedman trình bày bài thuyết
trình của mình. Nhưng sử dụng các ghi chép lịch sử, chỉ cần một chút trí tưởng tượng để có
thể hình dung về những gì đang ngự trị trong tư tưởng của hầu hết các nhà kinh tế học vĩ mô
khi Friedman bước lên bục thuyết trình lúc đó.

71
Dường như không có gì để nghi ngờ rằng sự kiện thu hút sự chú ý của các nhà kinh tế học vĩ
mô vào kỷ nguyên lúc bấy giờ vẫn là cuộc Đại Khủng hoảng (Great Depression) những năm
1930. Vào thời điểm cuối thập niên 1960, cuộc Đại Khủng hoảng này thay vì được xem là
một sự kiện vừa xảy ra, thì nó đã bắt đầu lu mờ theo lịch sử. Nhưng nhiều nhà kinh tế học vĩ
mô vào thời điểm đó đang lắng nghe Friedman, nhất là đối với nhiều nhà kinh tế học vĩ mô
có thâm niên đã từng sống qua thời kỳ suy giảm kinh tế mang dấu mốc lịch sử này, và đối với
họ, cuộc Đại Khủng hoảng thập niên 1930 được xem là sự kiện sống động cho cuộc đời
nghiên cứu chuyên nghiệp của mình.

Điều này cũng đúng với Friedman. Trong đóng góp của ông vào bộ sưu tập tuyệt vời mang
tên Lives of Laureates (tạm dịch Cuộc đời của Những Người Đoạt Giải, được hiệu đính bởi
Breit và Hirsch năm 2004), Friedman đã viết:

“Tôi tốt nghiệp đại học năm 1932, khi Hoa Kỳ đã rơi xuống đáy của cuộc suy thoái
trầm trọng nhất trong lịch sử trước đó và kể từ đó. Trục trặc nổi lên lúc bấy giờ là
kinh tế học (economics). Làm thế nào để thoát ra khỏi cuộc suy thoái sâu này
(depression)? Làm thế nào để giảm được thất nghiệp (unemployment)? Điều gì đã giải
thích nghịch lý (paradox) giữa một bên là nhu cầu rất lớn (great need) và bên kia là rất
nhiều nguồn lực không được sử dụng đến (unused resources)? Trước những hiện
tượng như vậy, việc trở thành một nhà kinh tế học dường như là phù hợp với những
vấn đề nóng bỏng này hơn là trở thành một nhà toán học ứng dụng hay một chuyên
gia tài chính kế toán” (pp. 69-70).

Ngày nay, chúng ta có thể tự tin nói với nhau rằng thế giới này đã trở nên tốt đẹp hơn là nhờ
Milton Friedman đã bỏ qua cơ hội trở thành một nhà toán học ứng dụng hay một chuyên gia
tài chính kế toán!

Nhiều thập niên sau khi Friedman tốt nhiệp đại học, các nhà kinh tế học đã phát triển sự hiểu
biết về cách thức xem xét những biến động kinh tế một cách khá châm chạp. Sự hiểu biết đó
được khai phá dựa vào quyển sách khai nguyên của John Maynard Keynes mang tên The
General Theory of Employment, Interest and Money (1936). Tầm nhìn của Keynes đã được
làm sáng tỏ và đơn giản hóa trong công trình của Hicks (1937) và Hansen (1953). Thậm chí
một số người còn cho rằng nó đã bị đơn giản hóa một cách quá mức. Mô hình IS-LM của
Hicks-Hansen cung cấp lý thuyết quy chuẩn giúp giải thích việc tổng cầu không đủ lớn đã
kéo theo suy giảm kinh tế như thế nào, cũng như cách thức chính sách tài khóa và chính sách

72
tiền tệ có thể giải quyết sự suy giảm này. Công trình này cũng cung cấp điểm khởi đầu cho
các mô hình kinh tế lượng lớn hơn được sử dụng cho việc dự báo và phân tích chính sách,
như là mô hình MPS của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), công trình được bắt đầu vào
năm 1966 dưới sự lãnh đạo của Franco Modigliani, Albert Ando và Frank de Leeuw. Tên gọi
MPS bắt nguồn từ MIT, University of Pennsylvania và Social Science Research Council
(Brayton, Levin, Lyon và Williams 1997).

Mô hình IS-LM chấp nhận mức giá là cho trước, đây có lẽ là một giả định hợp lý trong khuôn
khổ ngắn nhất của ngắn hạn (short-runs), nhưng các nhà kinh tế học ở vào kỷ nguyên đó cũng
đã chú ý đến các lực lượng có thể làm cho mức giá thay đổi theo thời gian. Bằng chứng tham
chiếu quan trọng là bài viết năm 1960 của Paul Samuelson và Robert Solow mang tên “Các
Khía cạnh Phân tích về Chính sách Chống Lạm phát” (Analytical Aspects of Anti-Inflation
Policy). Samuelson và Solow thảo luận nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát, nhấn mạnh đến
sự khó khăn trong việc xác định liệu rằng bất kỳ sự gia tăng nào của lạm phát có thể có
nguyên nhân từ các yếu tố chi phí hay từ sự gia tăng của phía cầu hay không. Tuy nhiên, bài
viết của họ có lẽ được nhớ đến nhiều nhất ở điểm nhấn về đường Phillips như là một bổ sung
hữu ích vào hộp công cụ của các nhà kinh tế học vĩ mô. Friedman không trích dẫn bài viết
này trong bài diễn thuyết của mình, nhưng dù sao nó cũng đại diện cho thế giới quan mà các
nhà kinh tế vĩ mô chính thống đã áp dụng và theo đó Friedman đã phản biện lại.

Samuelson và Solow (1960) trình bày đường Phillips như là “một thực đơn lựa chọn giữa các
mức độ thất nghiệp và các mức bình ổn giá cả khác nhau” (p. 192). Trong khi xem ý tưởng về
thực đơn này chính là lực đẩy chủ đạo, thì họ cũng đã nhận ra khả năng có thể xảy ra đó là
thực đơn này có thể không ổn định theo thời gian. Nhất là Samuelson và Solow đã thảo luận
về một số cách thức khác nhau theo đó một nền kinh tế có áp lực thấp (low-pressure
economy) – được hiểu là một nền kinh tế với lạm phát thấp và thất nghiệp cao – có thể dịch
chuyển đường Phillips theo thời gian. Một mặt, “có thể là do sức cầu áp lực thấp (low-
pressure demand) sẽ hành xử chống lại hay gây bất lợi cho tiền lương và các kỳ vọng khác
khi dịch đường cong hướng xuống trong dài hạn hơn” (p. 193). Mặt khác, một “nền kinh tế
áp lực thấp có thể tự nó hình thành số lượng thất nghiệp cơ cấu ngày càng lớn hơn năm này
qua năm khác”, kết quả là “xuất hiện sự dịch chuyển hướng lên của thực đơn lựa chọn” (p.
193). Do vậy, Samuelson và Solow đã kết hợp những gì mà về sau này được biết đến với tên
gọi là đường Phillips được tăng cường yếu tố kỳ vọng (expectation-augmented Phillips
curve) và hiệu ứng độ trễ (hysteresis effects) (nói về khả năng sự gia tăng kéo dài tình trạng

73
thất nghiệp sau một cuộc suy thoái). Nhưng những hiệu ứng này được xem như là những
cảnh báo đối với phân tích chính của họ chứ không phải là vấn đề trung tâm của phân tích đó.
Đối với hầu hết những người đọc bài viết của Samuelson và Solow, điểm quan trọng được
nhận ra ngay đó là đường Phillips như là một thực đơn về các kết cục sẵn có cho các nhà
hoạch định chính sách, cả trong ngắn hạn và trong dài hạn.

Những hiểu biết thấu đáo mang tính then chốt

Chỉ một vài năm sau khi cùng với Anna Schwartz xuất bản quyển sách Monetary History
(Lịch sử Tiền tệ), Milton Friedman đã có bài diễn thuyết vào tháng 12 năm 1967. Dù
Friedman nghiên cứu rất sâu về lịch sử tiền tệ, ông đã không sử dụng cơ hội này để xem xét
lại tư liệu lịch sử. Thay vào đó, ông tập trung sự chú ý của công trình đầu tư của mình cho lý
thuyết tiền tệ, hướng mục tiêu vào việc cung cấp tầm nhìn tổng quát về tiềm năng và những
giới hạn của chính sách tiền tệ. Điều đáng ghi nhận là tầm nhìn của Friedman đã tạo nên tiếng
vang về một số ý tưởng nhất định mà chúng cũng được thể hiện gần như đồng thời lúc bấy
giờ bởi Edmund Phelps (1967, 1968). Chúng ta không rõ Friedman có nhận ra công trình của
Phelps trong lĩnh vực này hay không - thực tế thì dường như không ai trích dẫn của ai – nhiều
khả năng cả hai học giả vĩ đại này đã được dẫn dắt theo cùng một hướng bởi môi trường học
thuật và trí tuệ vào thời gian này.

Chủ đề chính thứ nhất trong bài trình bày của Friedman (1968) là tập trung vào hành vi của
nền kinh tế trong dài hạn (long run). Samuelson và Solow (1960) dường như xem dài hạn gần
như là một kết cục của một chuỗi ngắn hạn (short runs) theo quan điểm của những người theo
Keynes. Ngược lại, Friedman (1968) xem dài hạn là một khung thời gian theo đó chúng ta sẽ
áp dụng các nguyên lý của kinh tế học cổ điển (principles of classical economics), đặc biệt là
tính trung lập của tiền (monetary neutrality). Bất kể những gì ngân hàng trung ương đã thực
hiện, thất nghiệp theo thời gian sẽ tiếp cận tỷ lệ tự nhiên (natural rate) của nó – tỷ lệ thất
nghiệp mà Friedman định nghĩa như là “mức sẽ hình thành bởi hệ thống các phương trình cân
bằng tổng quát Walras, gắn với các phương trình này là các đặc tính cơ cấu của thị trường lao
động và thị trường hàng hóa, bao gồm sự không hoàn hảo của thị trường (market
imperfections), khả năng thay đổi ngẫu nhiên của cầu (demands) và cung (suplies), chi phí
của việc thu thập thông tin về các công việc được chào mời và sự sẵn có của lao động, chi phí
của sự di chuyển, và nhiều thứ khác” (p. 8). Sự thấu hiểu về cách thức nền kinh tế vận hành
trong dài hạn này đã cung cấp cơ sở cũng như những hạn chế đối với cách thức chúng ta cố
gắng hiểu về hành vi của nền kinh tế đó trong ngắn hạn.

74
Chủ đề chính thứ hai và có liên quan trong bài trình bày của Friedman (1968) tập trung vào
kỳ vọng (expectaions). Như đã ghi chú ở trên, Samuelson và Solow (1960) đã chú ý trước đó
về vai trò của kỳ vọng, và họ hiểu rằng vai trò của kỳ vọng có thể phân biệt ngắn hạn và dài
hạn. Nhưng mối quan tâm này không phải là sự tập trung chủ yếu của Samuelson và Solow,
và họ đã kết luận rằng không có ý nghĩa đặc biệt nào đối với việc lạm phát thực tế (actual
inflation) và lạm phát kỳ vọng (expected inflation) có giống nhau hay không. Trái lại, đối với
Friedman, kỳ vọng (expectations) là chìa khóa để giải thích cách thức nền kinh tế có thể xuất
hiện sự đánh đổi của đường Phillips (Phillips curve trade-off) và cách thức sự đánh đổi đó sẽ
biến mất nếu như chúng ta cố gắng khám phá về kỳ vọng. Ông đã viết rằng “luôn có một sự
đánh đổi tạm thời (temporary trade-off) giữa lạm phát (inflation) và thất nghiệp
(unemployment); không có sự đánh đổi lâu dài (permanent trade-off). Sự đánh đổi tạm thời
này không phải từ tự thân của lạm phát, mà là từ lạm phát ngoài dự kiến (unanticipated
inflation), với ý nghĩa tổng quát đó là từ một tỷ lệ lạm phát đang gia tăng (a rising rate of
inflation)” (1968, p. 11). Sự lệch pha của thực tế (reality) so với kỳ vọng (expectations) chính
là yếu tố làm cho nền kinh tế bắt đầu chuyển động xuất phát từ tiêu chuẩn tham chiếu cổ điển
của nó (classical benchmark). Nhưng theo thời gian, mọi người bắt kịp với những gì đang
diễn ra, kỳ vọng và thực tế sau cùng cũng phải gặp nhau, bảo đảm rằng những sự chuyển
động này chỉ có tính chuyển đổi một cách tạm thời (transitory).

Sự tập trung của Friedman vào dài hạn (long run) và sự nhấn mạnh của ông vào kỳ vọng
(expectations) có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Trong một số mô hình kinh tế vĩ mô, dài hạn
là thời gian trải dài theo đó tiền lương danh nghĩa (nominal wages) và giá cả (prices) có thể
vượt ra khỏi đặc tính kết dính ngắn hạn của chúng (short-run stickiness), cho phép nền kinh
tế trở về với cân bằng cổ điển (classical equilibrium). Thay vào đó, Friedman đã xem dài hạn
như là thời gian trải dài mà theo đó mọi người có được thông tin tốt hơn và vì vậy kỳ vọng
của họ phù hợp với thực tế.

Bằng cách đưa kỳ vọng trở thành tâm điểm của câu chuyện, bài phát biểu của Friedman đã
giúp mở ra một cuộc cách mạng về kỳ vọng hợp lý (rational expectations) diễn ra sau đó. Các
bài viết có tầm ảnh hưởng vào thập niên 1970 bởi Lucas (1972), Sargent và Wallace (1975)
và Barro (1977) đã xây dựng nên nền tảng khái niệm mà Friedman đã đưa vào đó. Tuy nhiên,
điều đáng lưu ý là Friedman (1968) đã không đưa ra gợi ý về việc ông nghĩ kỳ vọng là có tính
hợp lý như những gì mà các tác giả sau này đã giả định. Thật vậy, nhấn mạnh của ông về lạm
phát ngoài dự kiến (unanticipated inflation), cùng với phán đoán của ông cho rằng phải mất

75
“khoảng hai đến năm năm” (p. 11) để cho các tác động thực (real effects) tan biến đi, cho
thấy rằng ông đã nghĩ kỳ vọng chậm thích ứng với những thay đổi của môi trường chính
sách. Trong khi có khả năng là ông đã có một số cơ chế lan truyền khác trong đầu để giải
thích những hiệu ứng dai dẳng này, bài diễn thuyết của ông được trình bày gần như theo một
cách tự nhiên nhất thông qua lăng kính kỳ vọng thích ứng kiểu cũ (adaptive expectations).
Theo quan điểm hiện đại, giả định của Friedman về kỳ vọng thì có tính chậm chạp (sluggish)
hơn là có tính hợp lý (rational). Như những gì chúng ta sắp sửa thảo luận tiếp theo, nghiên
cứu gần đây về cách thức con người hình thành kỳ vọng đã chuyển theo hướng có tính “hợp
lý”.

Các hàm ý cho chính sách tiền tệ

Việc sử dụng các chủ đề dài hạn cổ điển (classical long run) và đặc tính trung tâm của kỳ
vọng (expectations), Friedman đã gánh vác việc trả lời các câu hỏi chính sách bằng cách tách
ra thành hai phần đơn giản: điều gì mà chính sách tiền tệ không thể thực hiện và điều gì chính
sách tiền tệ có thể làm được. Đây là sự phân chia thật sự hữu ích tồn tại cho đến ngày nay
(như chúng ta thảo luận sau đó, mặc dù các nhà kinh tế học vĩ mô hiện đại có thể bao hàm
vào đó những vấn đề khác trong mỗi danh mục).

Friedman bắt đầu với những gì mà chính sách tiền tệ không thể thực hiện. Ông nhấn mạnh
rằng, ngoại trừ trong ngắn hạn, ngân hàng trung ương không thể cố định (peg) lãi suất
(interest rates) hay tỷ lệ thất nghiệp (unemployment rate). Lập luận liên quan đến tỷ lệ thất
nghiệp cho rằng do sự đánh đổi được mô tả bởi đường Phillips thì chỉ là sự chuyển đổi tạm
thời và sau cùng thì thất nghiệp cũng sẽ phải quay lại tỷ lệ tự nhiên của nó, và vì vậy bất kỳ
nỗ lực nào của ngân hàng trung ương nhằm đạt được mức này nếu không thì sẽ đưa lạm phát
vào vòng xoắn bất ổn. Lập luận liên quan đến lãi suất thì cũng tương tự như vậy: bởi vì chúng
ta có thể không bao giờ biết rõ và biết nhiều về mức lãi suất tự nhiên (natural rate of interest)
là gì, bất kỳ nỗ lực nào nhằm cố định (peg) mức lãi suất (interest rates) cũng sẽ dẫn đến lạm
phát vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Từ tầm nhìn hiện đại ngày nay, điều đáng chú ý đó là
Friedman không xem khả năng của các quy tắc phản hồi (feedback rules) từ thất nghiệp và
lạm phát như là các cách thức xác định chính sách lãi suất, điều mà ngày nay chúng ta gọi là
“Quy tắc Taylor” (Taylor rules) (Taylor 1993).

Khi Friedman chuyển đến nội dung những gì chính sách tiền tệ có thể làm được, ông nói rằng
“bài học đầu tiên và quan trọng nhất” đó là “chính sách tiền tệ có thể ngăn tiền (money) tự

76
mình không trở thành nguồn chủ yếu tạo ra sự xáo trộn kinh tế” (monetary policy can prevent
money itself from being a major source of economic disturbance) (p. 12). Ở đây chúng ta
thấy ảnh hưởng thâm thúy của công trình nghiên cứu của ông với Anna Schwartz, nhất là
quyển sách của họ mang tựa đề Monetary History of the United States. Từ quan điểm này,
lịch sử đã cho thấy có rất nhiều ví dụ về các hành động sai sót của ngân hàng trung ương và
các kết cục của chúng. Sự nghiêm trọng của cuộc Đại Khủng hoảng thập niên 1930 (Great
Depression) là một trường hợp đã được chỉ ra.

Điều này là quan trọng vì trong khi Friedman thường được mô tả như là một người ủng hộ
cho chính sách tiền tệ thụ động (passive monetary policy), thì ông cũng không quá giáo điều
về điểm này. Ông ghi chú rằng “chính sách tiền tệ có thể đóng góp vào việc bù trừ những sự
xáo trộn lớn đang nổi lên trong một hệ thống kinh tế do các nguồn lực khác gây nên”
(monetary policy can contribute to offsetting major disturbances in the economic system
arising from other sources) (p. 14). Đặc biệt là chính sách tài khóa (fiscal policy) thì được
xem như là một trong những nguyên nhân gây nên sự xáo trộn khác này. Tuy nhiên, ông cảnh
báo rằng vai trò chủ động này không nên được thực hiện quá xa, vì khả năng có giới hạn của
chúng ta trong việc nhận ra các cú sốc và việc đo lường mức độ tác động của chúng một cách
kịp thời.

Phần cuối của bài trình bài của Friedman tập trung vào việc thực hiện chính sách tiền tệ. Ông
lập luận rằng sự tập trung quan trọng trước tiên nên hướng vào những gì mà ngân hàng trung
ương có thể kiểm soát trong dài hạn – đó là, một biến danh nghĩa (a nominal variable). Ông
xem xét tỷ giá hối đoái danh nghĩa (nominal exchange rate), mức giá (price level), và các
mức tổng tiền (monetary aggregates). Ông nói rằng tỷ giá hối đoái thì không có tầm quan
trọng đủ lớn vì vai trò của ngoại thương đối với nền kinh tế Hoa Kỳ là khá nhỏ. Trong khi
mức giá là quan trọng nhất trong các biến số này, ông lập luận rằng mối liên kết giữa các
hành động của ngân hàng trung ương và giá cả thì quá là kéo dài và không thể dự báo được
mức giá nhằm phục vụ như là một mục tiêu chính sách hữu ích. Ông kết luận rằng sự tăng
trưởng ổn định (steady growth) của một số mức tổng tiền (some monetary aggregate) là điểm
khởi đầu phù hợp nhất cho chính sách tiền tệ.

Khuyến nghị cuối cùng này trong phân tích của Friedman có thể là điều mà các nhà kinh tế
học vĩ mô ngày nay bất đồng nhiều nhất (như một ngoại lệ, xem Hetzel 2017). Nền kinh tế là
đối tượng của nhiều loại sốc, ví dụ như thay đổi giá dầu, các cuộc khủng hoảng tài chính, và
việc dịch chuyển tâm lý bầy đàn (animal spirits) của các nhà đầu tư. Trong nhiều trường hợp,

77
việc duy trì đơn giản một mức tổng tiền (monetary aggregate) theo một xu hướng ổn định
(steady path) có thể là phản ứng không đầy đủ đối với sự suy giảm kinh tế vĩ mô. Hơn nữa,
trong một thế giới với hàng loạt các công cụ tài chính phức tạp ngày càng gia tăng, việc xác
định một số đo phù hợp của số lượng tiền làm mục tiêu thì rất khó khăn và có lẽ không thể
giải quyết được trục trặc. Kết quả là, trải qua một số thập niên, tỷ số của thu nhập danh nghĩa
(nominal income) với nhiều thước đo tiền (measures of money) (còn được gọi là “vòng quay
tiền” (velocity) đã không ổn định. Điều này làm cho hầu hết các nhà kinh tế và các nhà hoạch
định chính sách đi đến kết luận rằng việc hoạch định mục tiêu tiền tệ (targeting money) sẽ
dẫn đến những biến động lớn về giá cả (prices) và thu nhập (incomes).

Tình trạng hiện hành

Đại Suy thoái (Great Recession) theo sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 có thể đã
trở thành thời khắc xác lập lại khuôn khổ nghiên cứu và học thuật đối với thế hệ các nhà kinh
tế vĩ mô mới, cũng giống như là cuộc Đại Khủng hoảng (Great Depression) 1929-1933 đối
với thế hệ của Milton Friedman. Sự thu hẹp ban đầu của tình trạng sản xuất và sự hỗn loạn
trên các thị trường tài chính cũng nghiêm trọng như những gì đã xảy ra năm 1929. Tương tự
như kinh tế học cổ điển (classical economics) thập niên 1930 bị chỉ trích là không thể giải
thích tại sao có quá nhiều người muốn tìm việc mà không thể tìm được việc làm, kinh tế học
hiện đại (modern economics) đã bị chỉ trích là không thể dự báo được sự sụp đổ này. Trong
một lần đến thăm Trường Kinh tế Luân Đôn, Nữ Hoàng Anh đã hỏi một câu hỏi nổi tiếng
rằng (theo báo cáo trong bài của Pierce 2008): Tại sao không có ai báo trước về cuộc khủng
hoảng này? (Why did nobody notice it?). Các nhà kinh tế học vĩ mô đã đáp lại, và các nhà
nghiên cứu đã miệt mài thực hiện mô hình hóa các ngân hàng và các thị trường tài chính, sử
dụng dữ liệu vi mô để hiệu chỉnh và ước lược các mô hình tốt hơn, và việc nghiên cứu các
chính sách tiền tệ phi truyền thống (unconventional monetary policies). Tình trạng điều hành
hiện hành không còn giống như mười năm trước nữa.

Như là một di chúc lan tỏa trong bài diễn thuyết của Friedman (1968) với hai chủ đề chính –
việc sử dụng khung thời gian dài hạn (the long-run time frame) và tính trung tâm của các kỳ
vọng (centrality of expectations) – luôn duy trì không thể thiếu đối với kinh tế học vĩ mô và
không bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc khủng hoảng. Hầu hết các khóa học về kinh tế vĩ mô
trong hơn hai thập niên qua đã bắt đầu với dài hạn, các giáo trình đại học và sau đại học là
minh chứng. Sinh viên trước tiên học về các mô hình Solow (hay Ramsey) dành cho cuộc
cách mạng về các biến thực (real variables) và tiếp theo sử dụng sự phân đôi cổ điển

78
(classical dichotomy) và phương trình Fisher (Fisher equation) đối với các mức lãi suất để
thảo luận các biến danh nghĩa (nominal variables). Chắc chắn là luôn có sự không đồng nhất
lớn hơn giữa các định chế và giữa các giảng viên về mô hình nào nên được giới thiệu tiếp
theo. Nhưng điểm khởi đầu, như trong bài diễn thuyết của Friedman, luôn là tiêu chuẩn tham
chiếu cổ điển dài hạn (a long-run classical benchmark). Keynes (1923) có viết một câu nổi
tiếng: “Dài hạn là một hướng dẫn sai lệch về những vấn đề hiện tại. Trong dài hạn tất cả
chúng ta đều chết” (The long run is a misleading guide to current affairs. In the long run we
are all dead). Nhưng Friedman đã chiến thắng trong cuộc thảo luận này về sự liên quan của
dài hạn đối với các quyết định hiện hành, và các nhà kinh tế học ngày nay làm việc thông qua
“cái chết này của Keynes” trước khi cố gắng làm nên ý nghĩa của cuộc sống.

Khi Friedman viết bài trình bài của ông, hầu hết sinh viên đã được học và định hình tư tưởng
của họ về chu kỳ kinh tế (business cycles) thông qua việc sử dụng mô hình IS-LM. Mô hình
này cung cấp tốt nhất vai trò có tính thứ cấp của kỳ vọng. Trong khi các nhà kinh tế học theo
Keynes thời kỳ đầu tiên đôi khi đã nhấn mạnh đến vấn đề tâm lý bầy đàn (animal spirits) của
các nhà đầu tư, các vấn đề này được sử dụng để phản ảnh những cảm nhận ngoại sinh phi lý
trí (irrational exogenous sentiments) hơn là hành vi hướng về tương lai có chủ đích
(purposeful forward-looking behavior). Đây là vấn đề khác xa với thực tế của kinh tế vĩ mô
hiện đại. Hầu như tất cả các phân tích kinh tế vĩ mô hiện giờ nhấn mạnh sự đánh đổi liên thời
gian, vì vậy mà niềm tin của các tác nhân kinh tế về tương lai trở thành một phần quan trọng
của câu chuyện. Kỳ vọng luôn là vấn đề quan trọng của các phân tích kinh tế vĩ mô, như
Friedman đã tư vấn.

Đặc biệt là, các lý thuyết hiện đại về sự năng động của giá cả (price dynamics) giao cho lạm
phát kỳ vọng (expected inflation) một vai trò then chốt, và để thực hiện điều đó, các lý thuyết
này đưa vào kiểm định giả thuyết (hypothesis) của Friedman rằng thất nghiệp cuối cùng cũng
quay trở lại tỷ lệ tự nhiên của nó, bất kể các chính sách theo đuổi của ngân hàng trung ương.
Để chắc chắn điều này có xảy ra hay không, một số các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi về kiểm
định giả thuyết này và đã đề xuất các lý thuyết về độ trễ (hysteresis), theo đó chính sách tiền
tệ có thể có những hiệu ứng thực (real effects) trong dài hạn. Nhưng các lập luận này là ngoại
lệ hơn là quy tắc. Đối với hầu hết các nhà kinh tế vĩ mô, kiểm định giả thuyết tỷ lệ tự nhiên
(natural-rate hypothesis) luôn vẫn là một thử thách.

Đồng thời, tình trạng hiện hành cũng sẽ hoàn toàn khác nếu kỳ vọng là kỳ vọng thích ứng
(adaptive expectations) mà Friedman dường như đã sử dụng hay kỳ vọng là kỳ vọng hợp lý

79
(rational expectations) mà đã từng là trung tâm của nghiên cứu trong thập niên 1970. Với kỳ
vọng hợp lý, như Sargent (2008) đã ghi chú, có “một chủ nghĩa cộng đồng về niềm tin”: Tất
cả tác nhân kinh tế tin vào một thứ giống nhau, bởi vì họ quan sát một cách hoàn hảo tất cả
các biến số giống nhau và sử dụng mô hình chính xác như nhau để kết hợp chúng lại. Mô
hình được gọi là dạng omniscient model-builder. Các nhà lý thuyết kinh tế học ban đầu đã
đưa giả định này vào bởi vì nó có thể cung cấp cho họ một cách thức đồng nhất nhằm ứng xử
với kỳ vọng. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập niên cho đến nay, khi kỳ vọng đã và đang trở
thành trung tâm không chỉ với chính sách mà còn đối với nghiên cứu trong kinh tế học, tính
hợp lý của kỳ vọng (rationality of expectations), được định nghĩa theo quy ước, thì thường
được đặt ra thành câu hỏi. Thường thì ngày nay, khi ngồi trong các hội thảo về kinh tế vĩ mô,
chúng ta thấy những người thuyết trình giả định rằng các tác nhân kinh tế chỉ quan sát một số
các biến số một cách không hoàn hảo hay không thường xuyên, hay chỉ tập trung sự chú ý
một cách có giới hạn, hay chỉ tìm hiểu theo công thức bình phương bé nhất, hay chỉ áp dụng
các phương pháp phỏng đoán khác được phát hiện ra từ các hành vi. Một số thính giả nhăn
nhó khi nhìn vào những phương án lựa chọn này. Rất giống như dài han (long run), các kỳ
vọng thích ứng (rational expectations) có thể vẫn còn là điểm khởi đầu trong lớp học, nhưng
nhiều năm nghiên cứu đã và đang sản sinh ra những mô hình có sắc thái hơn về cách thức
người ta nhìn về tương lai.

Kỳ vọng (expectations) hiện giờ cũng là trung tâm trong các nghiên cứu thực nghiệm. Cùng
với Justin Wolfers, hai người chúng tôi đã đưa ra quan điểm từ rất lâu rồi rằng sự tiến bộ
trong việc nghiên cứu kỳ vọng yêu cầu các nhà kinh tế học nhìn vào dữ liệu vi mô của các
khảo sát (Mankiw, Reis, and Wolfers 2004). Có một số lượng phong phú các dữ liệu bảng
báo cáo về kết quả trả lời khảo sát của người dân những gì mà họ kỳ vọng về nhiều biến số
khác nhau. Trong khi các nhà nghiên cứu từ lâu đã xem xét mức trung bình của những kỳ
vọng này, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng mọi người cũng nên xem xét sự bất đồng giữa người
dân và cách thức sự bất đồng đó phát triển theo thời gian. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu có thể
tìm thấy cách thức các đặc điểm cá nhân, như tuổi tác hay thu nhập, có thể tác động đến độ
chính xác của các kỳ vọng này và chúng được cập nhật ở mức độ thường xuyên như thế nào.
Trong nghiên cứu về sự năng động của lạm phát hay động năng lạm phát (inflation
dynamics), nhiều nhà nghiên cứu đang dùng các dữ liệu này để tìm hiểu đâu là phương án lựa
chọn cho kỳ vọng hợp lý và nên dùng nó thay thế như là một thước đo tiêu chuẩn
(benchmark) (ví dụ, Coibion và Gorodnichenko 2012; Malmendier và Nagel 2016; Andrade,
Crump, Eusepi, và Moench 2016). Tuy nhiên, không có sự đồng thuận về lý huyết kỳ vọng

80
nào là hữu ích nhất. Dù vậy, cũng không có nghi ngờ về các dữ liệu kỳ vọng có vai trò quan
trọng hơn bao giờ hết trong kinh tế vĩ mô ngày nay, như Friedman đã từng đề xuất về vai trò
của chúng trước đây.

Phân tích biến động kinh tế vĩ mô của Friedman từ quan điểm của đường Phillips được neo
vào khái niệm dài hạn vẫn còn giá trị và vận hành tốt. Thực tế, thập niên qua đã và đang cho
thấy một ứng dụng mới về logic của Friedman. Friedman đã dự báo rằng đường Phillips xuất
hiện trong dữ liệu xuyên suốt thập niên 1950 và 1960 sẽ đổ vỡ nếu các nhà hoạch định chính
sách đi theo lời tư vấn của Samuelson và Solow (1960) và ông bắt đầu khám phá về nó. Tình
trạng đình lạm (stagflation) của thập niên 1970, khi cả lạm phát và thất nghiệp đều tăng, là
một trong những thành công vĩ đại nhất của việc dự báo nằm ngoài mẫu (out-of-sample) được
thực hiện bởi một nhà kinh tế học vĩ mô. Không lâu sau đó, các nhà kinh tế học vĩ mô đã bị
tách ra thành các nhóm hạt giống “nước ngọt” (freshwater) và “nước mặn” (saltwater), trong
phân loại đặc tính nổi tiếng của Hall (1976), phụ thuộc vào phạm vi mà họ gắn các lý thuyết
của mình vào các nguyên lý của kinh tế học cổ điển (classical economics). Nhưng vào đầu
thế kỷ này, các nhà kinh tế học vĩ mô một lần nữa đã hội tụ vào quan điểm về sự đánh đổi mà
các ngân hàng trung ương đối mặt dựa trên sự hiểu biết ngắn hạn (short-run) của kinh tế học
theo Keynes Mới (New Keynesian economics) được tóm tắt trong Mankiw và Romer (1991)
và những đặc tính dài hạn (long-run) của các mô hình cân bằng tổng quát động (dynamic
general equilibrium models) của Kydland và Prescott (1982), như Blanchard (2009) đã mô tả.
Nhằm tôn vinh về sự tổng hợp tân cổ điển (neoclassical synthesis) của Samuelson và Solow,
Goodfriend và King (1997) đã đặt tên cho tiếp cận này là Sự Tổng hợp Tân Cổ điển Mới
(New Neoclassical Synthesis). Từ quan đểm này, bài phát biểu của Friedman có thể được
xem như điểm khởi đầu cho các mô hình cân bằng tổng quát dao động đảo chiều có tính động
(dynamic stochastic general equilibrium (DSGE) models) (mặc dù Friedman có thể đã xem
xét đến nghi vấn của các khía cạnh của phương pháp luận DSGE).

Tâm điểm của sự tổng hợp mới này (new synthesis) là một đường Phillips được xây dựng
dựa vào công trình nghiên cứu của Taylor và Calvo (được thảo luận trong Taylor 2016). Các
doanh nghiệp được giả định là xác định giá cả (set prices) bằng với mức trung bình của chi
phí biên tương lai kỳ vọng (the average of their expected future marginal costs), nhưng họ
thay đổi giá cả một cách không thường xuyên và không đồng bộ (hay so le) với nhau. Tuy
nhiên, từ sự khởi đầu như vậy, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy những lỗ hổng của đường
Phillips này. Ball (1994) đã đưa ra một sự chỉ trích chỉ rõ về việc sử dụng đường Phillips này

81
cho việc hoạch định chính sách. Ông chỉ ra rằng việc mô hình này dự báo thời gian của việc
giảm lạm phát (disinflation) được thông báo nên ở vào giai đoạn mở rông kinh tế (economic
expansion) - là việc mà hầu như không bao giờ đúng trong thực tế. Và bởi vì các doanh
nghiệp đang điều chỉnh giá cả của họ hôm nay sẽ phản ứng đáp lại một cách mạnh mẽ các sự
kiện kỳ vọng diễn ra trong tương lai (future expected events), nên lạm phát trong mô hình
này có thể nhảy vọt mà không có bất kỳ quán tính nào có thể quan sát thấy được trong dữ
liệu.

Các mô hình vào đầu thập niên 2000 đã nỗ lực khắc phục những trục trặc này bằng cách giả
định rằng các doanh nghiệp đã chỉ số hóa một phần giá cả của họ đối với lạm phát trễ (lagged
inflation). Tiếp cận này đã giới thiệu quán tính lạm phát (inflation inertia). Smets và Wouters
(2007) đã tìm thấy rằng mô hình này có thể khớp với dữ liệu của Hoa Kỳ trong bốn thập niên
trước đó. Tuy nhiên, sự thành công thực nghiệm của mô hình của họ có thể kết thúc với số
phận tương tự như sản phẩm của Samuelson và Solow (1960). Giống như Friedman đã thực
hiện trước đây, một số các nhà nghiên cứu cho rằng với những nền tảng thiếu vững chắc,
đường Phillips mới này có thể bị phá vỡ khi xuất hiện một cú sốc lớn hay một sự thay đổi của
cơ chế chính sách. Trong Ball, Mankiw và Reis (2005), chúng tôi đã chỉ ra rằng “trong tình
trạng không chuẩn xác của phân tích chính sách tiền tệ” và nhắc lại câu mà Friedman đã viết
“đó là mệnh lệnh để kỳ vọng có thể điều chỉnh theo cơ chế mới”. Thập niên gần đây nhất, dữ
liệu đã cung cấp một minh chứng khác cho các lập luận của Friedman, khi độ dốc (slope) và
vị trí (location) của đường Phillips một lần nữa đã dịch chuyển, làm mất hiệu lực các ước tính
trước đó (Coibion and Gorodnichenko 2015; Blanchard 2016).

Vai trò của chính sách tiền tệ ngày nay

Kinh tế học vĩ mô hiện đại đang vượt xa hơn những quan điểm của Friedman liên quan đến
những gì chính sách tiền tệ không thể, có thể và nên thực hiện. Trong dài hạn, niềm tin cho
rằng ngân hàng trung ương có thể ít có tác động đến các biến số thực (real variables) thì vẫn
còn có tính kinh điển đối với hầu hết các nhà kinh tế học vĩ mô, và một số người còn đề xuất
rằng chính sách tiền tệ nên bao hàm cả những mục tiêu (targets) đối với sự tham gia của lực
lượng lao động (labor force participation), bất bình đẳng (inequality), hay lãi suất thực dài
hạn (long-term real interest rate). Ngày nay không có gì là bất thường khi nghe các lãnh đạo
ngân hàng trung ương giáo huấn trong các bài phát biểu của họ về các vấn đề như vậy.
Friedman cho rằng trong một bài phát biểu hay trong một bài viết về chính sách tiền tệ nên sử
dụng phần lớn không gian cho những gì mà ngân hàng trung ương không thể làm tương tự

82
như là nó được sử dụng để nói về những gì ngân hàng trung ương có thể làm – cách làm này
đã và đang bị xói mòn theo thời gian.

Trong khi Friedman yêu thích việc đặt mục tiêu vào tốc độ tăng trưởng tổng tiền (targeting
the growth rate of a monetary aggregate), thì hai thập niên qua các nhà kinh tế học vĩ mô đã
thay các mục tiêu này thành lạm phát (targets for inflation) và giao trách nhiệm này cho các
ngân hàng trung ương độc lập (Svensson 2010). Các ngân hàng trung ương lớn ở các nền
kinh tế phát triển của thế giới ngày nay chia sẻ với nhau không chỉ ở mục tiêu lạm phát
(target for inflation) mà còn thông qua một con số cụ thể - như là (lạm phát) 2 phần trăm
(chẳng hạn) – vấn đề chỉ khác nhau ở cách thức mà họ phấn đấu đạt được mục tiêu này một
cách nghiêm ngặt và nhanh chóng như thế nào mà thôi. Friedman đã lo ngại rằng sẽ khó đạt
được bất kỳ mục tiêu nào về giá cả, nhưng hồ sơ dữ liệu theo dõi cho đến nay cho thấy cách
làm này đã hoàn toàn thành công, với lạm phát hàng năm hầu như chưa bao giờ đi trệch ra
khỏi dãy từ 0 cho đến 4 phần trăm. Đối với một ngân hàng trung ương với mục tiêu nghiêm
ngặt nhất – như Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB – mức giá vào cuối năm 2016 là 38
phần trăm cao hơn mức giá vào cuối năm 1998, thời điểm khi mà ECB bắt đầu vận hành. Một
mục tiêu chính xác 2 phần trăm hàng năm sẽ dự báo mức tăng 42 phần trăm. Độ lệch hàng
năm so mức trung bình mục tiêu khoảng gần 0,2 phần trăm trong suốt giai đoạn 18 năm của
ECB, một sự thành công mà trước đây Friedman nghi ngại thì giờ đây đã có thể đạt được.

Kinh tế vĩ mô hiện đại cũng tập trung nhiều vào lãi suất danh nghĩa (nominal interest rate)
hơn là tổng tiền (monetary aggregates), cả hai đều là công cụ đối với chính sách và là một
hướng dẫn cho tình trạng của nền kinh tế. Bài diễn thuyết của Friedman đã thảo luận khái
niệm của Knut Wicksell về mức lãi suất tự nhiên (a natural rate of interest) nhưng đã bỏ qua
nó với vai trò như một hướng dẫn tốt cho việc hoạch định chính sách. Ngày nay và trong
nhiều năm nay, Friedman đã mất lập luận này vào tay của Woodford (2003), người đã thuyết
phục các học giả hàn lâm và các lãnh đạo ngân hàng trung ương nắm bắt việc sử dụng lãi suất
(interest rates) của Wicksell như một công cụ chính sách chủ yếu và độ lệch so với các mức
tự nhiên (natural rates) như là mục tiêu chính sách then chốt. Ngân hàng trung ương kiểm
soát trực tiếp một mức lãi suất, và tác động của các hành động của ngân hàng trung ương lên
các mức lãi suất khác được đánh giá là đáng tín cậy hơn so với tác động lên tổng tiền
(money).

Hơn nữa, có một sự kết nối rõ ràng từ lãi suất (interest rates) đến giá cả của tín dụng (price of
credit) và đến sự sẵn lòng của người dân để tiết kiệm (save) hay đi vay (borrow). Cục Dự trữ

83
Liên bang Hoa Kỳ tuyên bố một cách dứt khoát rằng: “tầm quan trọng của cung tiền như là
một hướng dẫn đối với việc thực hiện chính sách tiền tệ ở Hoa Kỳ đã và đang giảm dần theo
thời gian” (mục FAQ tại trang web: https://www.federalreserve.gov/faqs/money_12845.htm).

Friedman đã khuyến nghị các quy tắc nghiêm ngặt để hướng dẫn chính sách tiền tệ bởi vì ông
nghĩ rằng lệch ra khỏi các quy tắc như vậy sẽ làm tăng thêm trục trặc cho hệ thống, kéo theo
những biến động không hiệu quả cho lạm phát và nền kinh tế thực. Nhiều nhà kinh tế học vĩ
mô hiện đại dường như đồng ý với điều này. Có rất ít các lập luận học thuật hay ứng dụng
phản biện cho việc bảo vệ các lựa chọn tùy nghi thuần túy của các nhà lãnh đạo ngân hàng
trung ương. Chari và Kehoe (2006) đã tóm tắt trong tạp chí nghiên cứu hiện đại về cam kết và
sự không nhất quán thời gian tiềm tàng của chính sách tùy nghi (discretionary policy). Hai tác
giả này đã viết một cách dứt khoát rằng: “...việc thực hiện chính sách tùy nghi chỉ có chi phí
và không có lợi ích, vì vậy mà nếu các nhà hoạch định chính sách chính phủ có thể được
chọn ra để cam kết cho một quy tắc chính sách (a policy rule) thì xã hội nên tạo điều kiện cho
họ thực hiện điều này”. Cùng lúc đó, thực tế là hầu như không có ngân hàng trung ương nào
áp dụng một quy tắc nghiêm ngặt cho chính sách tiền tệ cả. Thay vào đó, các ngân hàng trung
ương đã tiếp tục sử dụng rất nhiều sự tùy nghi để suy luận ra tình trạng của nền kinh tế từ
nhiều thước đo và các biện pháp không hoàn hảo, và để phản ứng đáp lại một loạt các cú sốc
khác nhau. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã đáp lại các học giả hàn lâm bằng
việc nhấn mạnh đến tính minh bạch của các hành động của ngân hàng trung ương. Các thống
đốc ngân hàng trung ương thường xuyên đưa ra các bài phát biểu, và các định chế của họ
xuất bản các báo cáo chi tiết biện minh cho các hành động của họ, và các nghiên cứu hàn lâm
chấp nhận sự minh bạch này như là hiển nhiên đi cùng với nỗ lực nghiên cứu tìm ra cách thức
nhằm định hình hoạt động của ngân hàng trung ương (Blinder, Ehrmann, Fratzscher, De
Haan, and Jansen 2008). Những nỗ lực như vậy cùng với yêu cầu minh bạch có thể được xem
như là việc cố gắng làm giảm các trục trặc đang gia tăng xuất phát từ các hành động của ngân
hàng trung ương.

Đồng thời, các ngân hàng trung ương hiện đại diễn dịch các mục tiêu lạm phát (inflation
targets) một cách khá linh hoạt, với sự sẵn lòng đánh đổi các sai lệch của lạm phát thực tế so
với mục tiêu nhằm chống lại sự thay đổi của hoạt động (kinh tế) thực (Woodford 2010). Bằng
cách tuân theo các quy tắc phản hồi (feedback rules) để đưa ra điều kiện chính sách về tình
trạng của chu kỳ kinh tế (business cycle), các ngân hàng trung ương phản ứng đáp lại một
cách tích cực trước các giai đoạn suy thoái (recessions) và các giai đoạn bùng nổ (booms) và

84
vì vậy mà họ cam kết công khai các chính sách ổn định hóa có tính nghịch chu kỳ
(countercyclical stabilization policies) – điều mà Friedman đã nghĩ là không có kết quả. Galí
và Gertler (2007) đã làm rõ hai vấn đề kiến thức quan trọng của các mô hình kinh tế vĩ mô
hiện đại về chính sách tiền tệ, bao gồm: “1) vai trò quan trọng của kỳ vọng (expectations) từ
các hành động chính sách tương lai trong cơ chế truyền dẫn tiền tệ, và 2) tầm quan trọng của
ngân hàng trung ương trong việc theo dõi các giá trị cân bằng của giá cả có tính linh hoạt đi
cùng với các mức sản lượng tự nhiên và lãi suất thực”. Friedman hoan nghênh điều thứ nhất,
nhưng điều thứ hai đi nghịch lại với ý tưởng chính trong các khuyến nghị chính sách trong
bài diễn thuyết của ông.

Hơn nữa, bài diễn thuyết của Friedman đã lập luận rằng “quá trễ và quá nhiều là thực tế
chung” của chính sách tiền tệ bởi vì “sự thất bại của các cơ quan chức trách tiền tệ là cho
phép trì hoãn giữa các hành động của họ và những tác động tiếp theo đối với nền kinh tế” (p.
16). Các ngân hàng trung ương hiện đại đồng ý với điều đó, nhưng cũng đã đáp lại bằng cách
áp dụng chính sách “đặt mục tiêu dự báo lạm phát” (inflation forecast targeting) (Woodford
2007): có nghĩa là, họ thảo luận các chính sách theo cách đặt vấn đề là điều gì sẽ tạo ra lạm
phát được dự báo (forecasted inflation) trong hai hay ba năm tiếp theo như mục tiêu dự kiến.

Sau cùng, cuộc Đại Suy thoái (Great Recession) và các hành động của Cục Dự trữ Liên bang
đã cho thấy một sự tương phản hữu ích giữa ngân hàng trung ương mà Friedman mong muốn
có được và ngân hàng trung ương hiện hữu hiện nay. Friedman (p. 14) nghĩ rằng “chính sách
tiền tệ có thể đóng góp vào việc bù trừ những xáo trộn lớn trong hệ thống kinh tế đang gia
tăng do các nguồn lưc khác gây ra,” nhưng ông nói rằng “ tôi đã đặt điểm này sau cùng, và đã
tuyên bố về nó bằng các thuật ngữ có điều kiện – khi đề cập đến những xáo trộn lớn – bởi vì
tôi tin rằng tiềm năng của chính sách tiền tệ trong việc bù trừ các lực lượng khác tạo ra sự bất
ổn thì luôn bị hạn chế nhiều hơn là những gì mọi người thường tin tưởng”. Trong công trình
lớn của mình cùng với Anna Schwartz, ông đã đổ lỗi cho cuộc Đại Khủng hoảng (Great
Depression) là do sự thiếu hành động của Cục Dự trữ Liên bang. Trong sinh nhật lần thứ 90
của Friedman, người mà sau đó đã trở thành thống đốc của Cục Dự Liên bang Ben Bernanke
(2002) đã tuyên bố, “Ngài đúng, chúng tôi đã thực hiện điều đó. Chúng tôi rất xin lỗi. Nhưng
nhờ ngài, chúng tôi sẽ không thực hiện nó một lần nữa”.

Sau khi trở thành người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang năm 2006, Ben Bernanke đã bị đặt
vào một cuộc thử nghiệm năm 2008 khi mà một cuộc khủng hoảng tài chính có thể được so
sánh như là một sự kiện đã châm ngòi cho cuộc Đại Khủng hoảng (Great Depression) tấn

85
công vào nền kinh tế Hoa Kỳ. Trước tiên, một đợt suy thoái sâu (depression) mới dường như
sắp xảy ra. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang (và nhiều ngân hàng trung ương khác) đã phản ứng
đáp lại một cách mạnh mẽ. Thông qua việc ngăn chặn sự thất bại của ngân hàng (bank
failures), việc cung cấp tín dụng khẩn cấp cho các trung gian tài chính (emergency credit to
financial intermediaries), và việc gia tăng dự trữ của ngân hàng (bank reserves), ngân hàng
trung ương đã bảo đảm rằng cung tiền (money supply) (theo số đo M2) không giảm nhanh
chóng như trong suốt cuộc Đại Khủng hoảng (Great Depression); Friedman cũng đã chứng
minh điều đó. Cùng thời gian đó, Cục Dự trữ Liên bang đã giữ sự tập trung của mình vào lãi
suất, giờ đây đã được mở rộng thông qua hướng dẫn kỳ hạn trực tiếp (forward guidance), và
đã gia tăng bền bỉ quy mô bảng cân đối tài sản của mình thông qua các chính sách nới lỏng
định lượng (quantitative easing policies) nhằm vào mục tiêu tạo thuận lợi cho việc điều hành
thị trường cho vay thế chấp (mortgage market). Một loạt các hành động chính sách tiền tệ này
được cho là đã ngăn chặn một sự sụp đổ tài chính và đã giúp nền kinh tế hồi phục (Blinder
2013). Sau cùng thì sự thu hẹp nền kinh tế Hoa Kỳ đã kéo dài 19 tháng và sản lượng công
nghiệp đã giảm 17 phần trăm từ đỉnh xuống đáy; suốt cuộc Đại Khủng hoảng (Great
Depression) thập niên 1930, các con số so sánh tương ứng là 43 tháng và 52 phần trăm. Ít
nhất trong lần này, Cục Dự trữ Liên bang dường như đã bác bỏ thành công chủ nghĩa hoài
nghi của Friedman về khả năng của nó trong việc phản ứng đáp lại những xáo trộn lớn.

Con đường phía trước

Năm mươi năm sau bài diễn thuyết của Friedman (1968), điều đáng chú ý đó là các chủ đề
trong bài nói chuyện này vẫn còn là trung tâm của nghiên cứu về chu kỳ kinh tế và chính sách
tiền tệ. Kỳ vọng, dài hạn, đường Phillips, và tiềm năng và các hạn chế của chính sách tiền tệ,
tất cả tiếp tục được nghiên cứu một cách hết sức tích cực. Năm mươi năm tiếp theo, kiến thức
của chúng ta về mỗi chủ đề này chắc chắn sẽ khác, và chúng ta hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về
chúng, nhưng chúng tôi sẵn lòng đánh cược rằng các chủ đề này sẽ vẫn là chủ đề trung tâm
của kinh tế học vĩ mô.

Trong tương lai gần, tăng trưởng ít ỏi kể từ cuộc suy thoái 2008-2009 có thể dẫn đến việc tái
xem xét giả thuyết tỷ lệ tự nhiên của Friedman (Friedman’s natural-rate hypothesis). Ở điểm
này, lời giải thích đơn giản nhất đó là sự đình trệ này (stagnation) là do sự chậm lại của năng
suất mà không liên quan đến chu kỳ kinh tế. Tuy nhiên theo một cách khác, nó có thể mâu
thuẫn với quan điểm dài hạn cổ điển của Friedman, hoặc là bởi vì do tác động độ trễ định

86
hình sau các đợt suy thoái lớn hay do nền kinh tế có thể gánh chịu tác động của sự thiếu hụt
tổng cầu kinh niên (như Blanchard thảo luận về vấn đề này).

Dù theo cách nào, đường Phillips đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi A. W. Phillips
lần đầu tiên thiết lập mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp so với thay đổi tiền lương danh nghĩa
thông qua việc dùng dữ liệu của nước Anh. Với một đồ thị rải, đường Phillips đã dịch chuyển
quá thường xuyên đến mức mà không ai xem nó như bất cứ thứ gì khác ngoài là một mối
quan hệ thực nghiệm dưới dạng được rút gọn có tính chuyển đổi (a transitory, reduced-form
empirical relation). Tuy nhiên, như một sự đồng nghĩa với các sự cứng nhắc danh nghĩa, theo
nghĩa của mối quan hệ nhân quả hai chiều có tính cơ cấu giữa các biến thực và danh nghĩa
trong ngắn hạn, đường Phillips có tính sống động hơn bao giờ hết. Nhiều nghiên cứu gần đây
đã xoay quanh tầm nhìn của Keynes tập trung vào cách thức tiền lương và giá cả được thiết
lập ở cấp độ vi mô, cả trên lý thuyết và dữ liệu. Công việc nghiên cứu tương lai có thể được
thực hiện tốt hơn để quay trở lại xung quanh tầm nhìn của Friedman và chuyển sang mô hình
hóa kỳ vọng nhằm hiểu rõ hơn về đường Phillips (Mankiw and Reis 2002).

Việc tập trung vào kỳ vọng thì đang mang lại nhiều hứa hẹn đặc biệt nhờ các hoạt động
nghiên cứu tích cực trong lĩnh vực này (Coibion, Gorodnichenko và Kumar, sắp xuất bản).
Về phía lý thuyết, các nhà nghiên cứu đang sử dụng sự hiểu biết sâu sắc trong kinh tế học
hành vi về cách thức con người tiến tới định hình kỳ vọng của họ cùng với sự định hình các
thước đo các dòng thông tin có hạn được trích ra từ khoa học máy tính (Mankiw and Reis
2010; Sims 2010). Về phía dữ liệu, có một số lượng ngày càng nhiều các khảo sát về kỳ vọng
của người dân, các kết quả thực nghiệm theo lĩnh vực chuyên sâu chỉ ra cách thức lan truyền
các mạng lưới mới của con người, và dữ liệu phòng thí nghiệm về sự hình thành nhận thức.
Con đường phía trước dựa vào việc kết hợp các tiếp cận này để cung cấp môt mô hình thước
đo tiêu chuẩn tốt hơn về kỳ vọng (a better benchmark model of expectations) có thể thay thế
cả kỳ vọng thích ứng và kỳ vọng hợp lý (adaptive and rational expectations) (Woodford
2013).

Ngoài ra, vai trò của chính sách tiền tệ thì đang thay đổi ngày nay và đã đi khá xa so với các
chủ đề mà Friedman đã nhấn mạnh trong bài diễn thuyết của mình. Việc thiết kế tổng thể của
các ngân hàng trung ương không chỉ đáng để thảo luận mà còn là chủ đề cho việc sửa đổi
trong thực tế (Reis 2013). Con đường phía trước dường như sẽ dẫn đến sự tiến bộ trong bốn
lĩnh vực: sự tương tác giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, vai trò của dự trữ của

87
các ngân hàng (bank reserves), lãi suất gần zero (near-zero interest rates) và sự ổn định tài
chính (financial stability).

Friedman đã thảo luận chính sách tài khóa trong bài phát biểu chủ tọa chỉ ngắn gọn bằng việc
lên án “các chính sách tiền tệ rẻ tiền sau chiến tranh” đối với việc tạo ra lạm phát trong nỗ lực
vô ích của chúng nhằm giữ cho mức lãi trả cho các khoản nợ nần ở mức thấp. Mặc khác, các
cơ quan chức trách tài khóa (fiscal authorities) thì hầu như đã bị bỏ qua trong bài phát biểu.
Thay vào đó, nghiên cứu hiện hành nhấn mạnh rằng các ngân hàng trung ương không thể
hoạt động tách rời các cơ quan chức trách tài khóa. Một mặt, các ngân hàng trung ương là các
cơ quan (tác nhân) tài khóa (fiscal agents). Sự lựa chọn của họ có những kết cục cho những gì
mà các cơ quan chức trách tài khóa (fiscal authorities) có thể đạt được và các kết cục đối với
gánh nặng tài khóa (fiscal burden) họ đối mặt (Reis sắp xuất bản). Mặt khác, các cơ quan
chức trách tài khóa tác động đến sự ổn định tài chính thông qua các bảo đảm ngấm ngầm
(implicit guarantees) làm khuyến khích hành vi rủi ro, có thể làm mượt mà hay củng cố chu
kỳ kinh tế bằng việc chọn lựa giữa kích thích hay thu hẹp, và có thể đặt áp lực lên lạm phát
thông qua chính sách tài khóa không bền vững (Sims 2013). Những cuộc thảo luận về chính
sách tiền tệ ngày nay thường bao gồm các khía cạnh tài khóa, ngay cả chỉ là ngắn gọn thôi,
nhưng điều đó đã không xuất hiện trong hầu hết bài phát biểu của Friedman.

Khi các ngân hàng trung ương tập trung vào lãi suất và việc sử dụng đồng tiền (currency) có
xu hướng giảm, chủ nghĩa tiền tệ cũ mà nó đã nhấn mạnh đến vai trò trung gian trao đổi
dường như lỗi thời. Một chủ nghĩa tiền tệ mới đang được xây dựng dựa vào vai trò của tính
thanh khoản trên các thị trường tiền tệ và vào vai trò mà các khoản dự trữ (reserves) đảm
nhiệm trên các thị trường này. Công trình nghiên cứu về vấn đề này xây dựng dựa vào thực tế
cuối năm 2015, các ngân hàng Hoa Kỳ nằm giữ gấp đôi nhiều hơn số dự trữ (reserves) do
ngân hàng trung ương phát hành so với việc nắm giữ trái phiếu chính phủ (government
bonds) do Bộ Tài chính phát hành (Reis 2016). Dự trữ (reserves) là một trong những tài sản
tài chính có tính đồng nhất lớn nhất ngày nay, và ngân hàng trung ương có thể kiểm soát cả
lãi phải trả cho chúng cũng như số lượng của chúng một cách độc lập. “Chủ nghĩa Dự trữ”
(Reservism) có thể trở thành khuôn mặt mới của chủ nghĩa tiền tệ, không như là một mục tiêu
chính sách mà là một tiếp cận đối với lạm phát và như là một hướng dẫn đối với các ngân
hàng trung ương cho chính sách “nới lỏng định lượng” (quantitative easing) và các ứng dụng
khác đối với bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương (Benigno and Nistic ̣ 2015).

88
Friedman đã nghiên cứu về cuộc Đại Khủng hoảng (Great Depression) thập niên 1930 một
cách mở rộng, và các quan điểm của ông về chính sách tiền tệ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi
kinh nghiệm này. Do vậy, điều đáng ngạc nhiên là những thách thức của lãi suất tiệm cận
zero (near-zero interest rates) nhận được rất ít sự chú ý trong bài diễn thuyết của ông. Ngụ ý,
Friedman dường như đã bỏ qua quan điểm của Keynes rằng sức mạnh của chính sách tiền tệ
bị hóa giải khi lãi suất gần với zero hay ngụ ý rằng điều này yêu cầu việc sử dụng các công
cụ chính sách tiền tệ khác. Nghiên cứu gần đây về chính sách tiền tệ chấp nhận một quan
điểm khác. Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng có một mức giới hạn thấp hơn đối với lãi suất
(lower bound on interest rates) (thấp hơn zero một chút) đặt ra một sự ràng buộc đối với
chính sách tiền tệ, và đề xuất việc sử dụng các chính sách hướng dẫn kỳ hạn (forward
guidance policies) để thoát khỏi nó, hay việc tăng mục tiêu lạm phát để giảm (tần suất xảy ra)
biến cố của nó (Eggertsson và Woodford 2003). Một số nghiên cứu đi xa hơn để đề xuất
những thay đổi căn cơ đối với hệ thống tiền tệ, như là bãi bỏ tiền tệ (currency) hay giới thiệu
các đồng tiền kép (dual currencies), để đối phó với ràng buộc được đặt ra bởi giới hạn thấp
hơn zero (zero lower bound) (Agarwal và Kimball 2015; Rogoff 2017). Nghiên cứu này đề
xuất rằng nếu lãi suất thực (real interest rates) duy trì thấp như là mức mà chúng đang diễn ra
hiện hành trong thời gian dài, chính sách tiền tệ trong tương lai có thể rất khác với chính sách
tiền tệ mà Friedman đã xem xét (Eggertsson and Mehrotra 2014).

Cuối cùng, Friedman là một chuyên gia về các cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng trong bài
diễn thuyết về chính sách tiền tệ, ông đã chọn việc bỏ qua sự tương tác giữa chính sách tiền tệ
và sự ổn định tài chính. Dĩ nhiên, từ lâu đã được công nhận với vai trò như là người cho vay
cứu cánh cuối cùng (lender of last resort), ngân hàng trung ương có một phần trách nhiệm đối
với sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, bất kỳ mong muốn nhằm cố gắng kiểm soát chặt chẽ
mức giá cả tài sản thì thật là ngu ngốc vì tất cả các lý do mà Friedman đã giải thích trong bài
trình bày của ông, nhất là khi được áp dụng đối với giá cổ phiếu hay giá nhà (Brunnermeier
và Schnabel 2016). Friedman cũng đã có sự hoài nghi tương tự về sự đột phá hiện hành của
các ngân hàng trung ương đối với sự điều tiết thận trọng vĩ mô (macroprudential regulation)
(việc sử dụng các công cụ điều tiết tài chính để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế vĩ mô); bài diễn
thuyết của Friedman không có đến một từ nào về sự điều tiết như là một nhiệm vụ của chính
sách tiền tệ. Sau gần một thập niên nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng tài chính, sự đồng
thuận hiện hành trong kho tàng tư liệu học thuật dường như là các ngân hàng trung ương nên
chú ý đến các biến số tín dụng và tài trợ trong nỗ lực để dự báo và ngăn chặn các cuộc khủng
hoảng tài chính, nên tính đến tác động của các hành động của họ đối với các trung gian tài

89
chính, và đôi lúc nên sử dụng sự điều tiết tài chính để can thiệp trực tiếp vì khi làm như vậy
sẽ thúc đẩy sự ổn định tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô (Adrian và Shin 2008;
Brunnermeier và Sannikov 2013). Cũng tồn tại nhiều câu hỏi khó về vai trò mà các ngân
hàng trung ương nên thực hiện và về mức độ mà chúng ta nên kỳ vọng vào các định chế quan
trọng này. Nhưng theo tinh thần của bài diễn thuyết của Friedman, chúng tôi nghi ngờ rằng
tốt nhất là các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương nên duy trì sự khiêm tốn trong những gì
mà họ khao khát đạt được.

90
Bài 9 - KỲ VỌNG HỢP LÝ
(Rational Expectations)

Thomas J. Sargent

Lý thuyết kỳ vọng hợp lý (rational expectations) được đề xuất lần đầu tiên bởi John F. Muth
(Đại học Indiana) vào đầu thập niên 1960. Ông đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả nhiều tình
huống kinh tế với kết cục đầu ra (outcome) phụ thuộc một phần vào những gì người dân kỳ
vọng sẽ xảy ra. Ví dụ, giá của một sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc vào diện tích trồng trọt
của nông dân; mà diện tích trồng nhiều hay ít này đến lượt nó lại phụ thuộc vào mức giá mà
những người nông dân kỳ vọng sẽ thực hiện được khi họ thu hoạch và bán sản phẩm của
mình. Một ví dụ khác, giá trị của một đồng tiền và mức độ giảm giá của nó phụ thuộc một
phần vào những gì mà người dân kỳ vọng tỷ lệ giảm giá sẽ là bao nhiêu. Nếu người dân đua
nhau từ bỏ đồng tiền mà họ kỳ vọng mất giá thì hành động này sẽ góp phần làm mất giá trị
của đồng tiền đó. Tương tự, giá của một cổ phiếu hay trái phiếu phụ thuộc một phần vào
những gì mà những người mua và những người bán tiềm năng tin là chúng sẽ xuất hiện trong
tương lai.

Việc đưa kỳ vọng vào lý thuyết kinh tế học thì không phải hoàn toàn mới. Nhiều nhà kinh tế
học trước đây bao gồm A. C. Pigou, John Maynard Keynes và John R. Hicks, đã gắn vai trò
trung tâm cho kỳ vọng của người dân về tương lai trong việc xác định chu kỳ kinh tế. Keynes
gọi đây là “các làn sóng lạc quan và bi quan” giúp xác định mức hoạt động kinh tế. Nhưng
những người đề xuất lý thuyết kỳ vọng hợp lý (rational expectations) thì chi tiết hơn và đầy
đủ hơn trong việc gắn cho chúng vai trò quan trọng trong phân tích về kỳ vọng
(expectations).

Các tác động giữa kỳ vọng (expectations) và kết cục đầu ra (outcomes) tương tác theo cả hai
chiều. Trong việc định hình kỳ vọng của mình, mọi người cố gắng dự báo điều gì sẽ thực sự
xảy ra. Họ có động cơ mạnh mẽ để sử dụng các quy tắc dự báo hoạt động tốt bởi vì “lợi
nhuận” cao hơn sẽ thuộc về những ai hành động dựa trên cơ sở các dự báo tốt hơn, cho dù
người đó là một nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán hay người đó đang xem xét để
mua một chiếc ô tô mới. Và khi mọi người phải dự báo một mức giá cụ thể từ lần này qua lần
khác, họ có xu hướng điều chỉnh các quy tắc dự báo của họ nhằm loại bỏ các sai sót có thể
tránh được. Do vậy, có một sự phản hồi tiếp diễn từ các kết cục quá khứ đến các kỳ vọng hiện

91
tại. Có thể diễn dịch như thế này: trong những tình huống lặp lại cách thức tương lai mở ra
từ quá khứ có xu hướng trở nên ổn định, và mọi người điều chỉnh các dự báo của họ để phù
hợp với mô thức ổn định này.

Khái niệm kỳ vọng hợp lý (rational expectations) khẳng định rằng các kết cục đầu ra
(outcomes) không khác biệt một cách có hệ thống (nghĩa là thường xuyên hay theo một cách
có quy tắc, hay theo một cách có thể dự đoán được) so với những gì mà mọi người đã kỳ
vọng chúng sẽ hiện diện. Khái niệm này được thúc đẩy bởi suy nghĩ tương tự trong một tuyên
bố của Abraham Lincoln, “Bạn có thể đánh lừa một số người mọi lúc, và tất cả mọi người
một vài lúc, nhưng bạn không thể đánh lừa tất cả mọi người mọi lúc”. Từ quan điểm này của
học thuyết kỳ vọng hợp lý, tuyên bố của Lincoln thật sự có lý và đúng đắn. Không phủ nhận
việc mọi người thường tạo ra các sai sót dự báo, nhưng nó cũng cho thấy rằng các sai sót sẽ
không xảy ra một cách bền bỉ ở về một phía này hay phía khác.

Các nhà kinh tế học nhất là những người tin vào kỳ vọng hợp lý đặt niềm tin của họ vào giả
định kinh tế tiêu chuẩn rằng mọi người hành xử theo những cách thức nhằm tối đa hóa hữu
dụng (utility - sự tận hưởng cuộc sống) hay lợi nhuận (profits) của họ. Các nhà kinh tế học đã
và đang sử dụng khái niệm kỳ vọng hợp lý để hiểu một số các tình huống theo đó đầu cơ
tương lai là một yếu tố quan trọng trong việc xác định hành động hiện tại. Kỳ vọng hợp lý là
nền tảng xây dựng nên lý thuyết “bước ngẫu nhiên” (random walk) hay “thị trường hiệu quả”
(efficient markets) về giá cả chứng khoán, lý thuyết về động năng của siêu lạm phát
(dynamics of hyperinflations), lý thuyết về “vòng đời” (life-cycle) và “thu nhập lâu bền”
(permanent income) của tiêu dùng, lý thuyết về việc “làm phẳng thuế” (tax smoothing) và
thiết kế các chính sách ổn định hóa kinh tế.

Lý thuyết Thị trường Hiệu quả về Giá Chứng khoán

Một trong những ứng dụng sớm nhất và nổi bật nhất của khái niệm kỳ vọng hợp lý (rational
expectations) là lý thuyết thị trường hiệu quả về giá tài sản (efficient markets theory of asset
prices). Một chuỗi các quan sát trên một biến số (như là giá cổ phiếu hàng ngày) được cho là
đi theo bước ngẫu nhiên (a random walk) nếu giá trị hiện hành (current value) cung cấp một
dự đoán khả dĩ tốt nhất về các giá trị tương lai (future values). Lý thuyết thị trường hiệu quả
về giá cổ phiếu (stock prices) sử dụng khái niệm kỳ vọng hợp lý hướng đến kết luận rằng khi
được điều chỉnh hợp lý đối với chiết khấu và cổ tức, giá cổ phiếu đi theo bước ngẫu nhiên.
Chuỗi lập luận này diễn ra như sau. Trong những nỗ lực dự báo giá cả, các nhà đầu tư kết hợp

92
tất cả các nguồn thông tin, bao gồm các mô thức mà họ có thể nhận ra từ các biến động giá
trong quá khứ.

Các nhà đầu tư mua những cổ phiếu mà họ kỳ vọng là có sinh lợi cao hơn mức trung bình và
bán những cổ phiếu mà họ kỳ vọng có sinh lợi thấp hơn. Khi thực hiện điều này, họ đẩy giá
(bid up) của những cổ phiếu được kỳ vọng có sinh lợi cao hơn mức trung bình và kéo giảm
(drive down) giá của những cổ phiếu được kỳ vọng có sinh lợi thấp hơn mức trung bình. Giá
của các cổ phiếu điều chỉnh cho đến khi sinh lợi kỳ vọng (expected returns), đã điều chỉnh rủi
ro, là bằng nhau đối với tất cả các cổ phiếu. Sự bằng nhau của sinh lợi kỳ vọng (equalization
of expected returns) có nghĩa là dự báo của các nhà đầu tư trở nên được xây dựng hay được
phản ánh vào giá cả của các cổ phiếu. Chính xác hơn, điều đó có nghĩa là giá cổ phiếu thay
đổi để sau khi điều chỉnh nhằm phản ánh cổ tức, giá trị thời gian của tiền và rủi ro chênh lệch,
bằng với dự báo tốt nhất về giá tương lai (future price) của thị trường. Do vậy, các nhân tố
duy nhất có thể thay đổi giá cổ phiếu là những nhân tố ngẫu nhiên (random factors) không thể
được biết trước. Cho nên, những thay đổi của giá cổ phiếu đi theo bước ngẫu nhiên.

Lý thuyết bước ngẫu nhiên đã trải qua hàng trăm các kiểm chứng thực nghiệm theo nghĩa
đen. Các kiểm chứng có xu hướng ủng hộ lý thuyết này một cách khá mạnh mẽ. Trong khi
một số nghiên cứu cũng đã tìm thấy các trường hợp mâu thuẫn với lý thuyết, nhưng lý thuyết
này ít nhất cũng đã giải thích theo một cách thức phù hợp khá tốt cho việc hình thành giá cả
tài sản (xem thêm thị trường vốn hiệu quả - Efficient Capital Markets).

Lý thuyết Thu nhập Lâu bền về Tiêu dùng

Hàm tiêu dùng theo Keynes cho rằng có một mối quan hệ đồng biến giữa tiêu dùng của người
dân và thu nhập của họ. Công trình nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên vào thập niên 1940 và
1950 đã tìm ra một số khác biệt so với lý thuyết này. Milton Friedman đã giải thích thành
công sự khác biệt này và được chào đón với tên gọi “lý thuyết thu nhập lâu bền” (permanent
income theory) về tiêu dùng. Friedman đã xây dựng lý thuyết của mình dựa vào ý tưởng của
Irving Fisher cho rằng tiêu dùng của một người không chỉ phụ thuộc vào thu nhập hiện tại
(current income), mà còn phụ thuộc vào triển vọng của thu nhập tương lai (prospects of
income in the future). Friedman khẳng định rằng con người tiêu dùng hết phần “thu nhập lâu
bền” (permanent income) - có thể được định nghĩa như là mức tiêu dùng mà có thể được duy
trì bền vững trong khi vẫn giữ nguyên của cải (wealth). Trong định nghĩa “”của cải”,
Friedman đã bao gồm một thước đo đặt tên là ”của cải con người” (human wealth) – hiện giá

93
của các kỳ vọng về thu nhập lao động tương lai của mọi người (present value of people's
expectations of future labor income).

Dù Friedman đã không áp dụng một cách chính thức khái niệm kỳ vọng hợp lý này trong
công trình nghiên cứu của mình, nhưng nó cũng ngầm hàm chứa trong thảo luận của ông. Bởi
vì sự nhấn mạnh rất mạnh mẽ đến vai trò của kỳ vọng về thu nhập tương lai, kiểm định giả
thuyết (hypothesis) của Friedman đã là một ứng cử viên đầu tiên cho việc áp dụng kỳ vọng
hợp lý. Trong công trình nghiên cứu tiếp sau công trình của Friedman, John F. Muth và
Robert E. Hall của Đại học Stanford đã đưa kỳ vọng hợp lý vào các phiên bản của mô hình
của Friedman và tìm ra các kết quả thú vị. Trong phiên bản của Hall, việc đưa vào kỳ vọng
hợp lý tạo ra kết quả là tiêu dùng thì theo bước ngẫu nhiên: dự báo tốt nhất cho tiêu dùng
tương lai đó là mức tiêu dùng hiện tại. Kết quả này gói gọn khía cạnh làm phẳng tiêu dùng
của mô hình thu nhập lâu bền (consumption-smoothing aspect of the permanent income
model) và phản ánh những nỗ lực của mọi người nhằm ước tính của cải (wealth) của họ và
phân bổ nó theo thời gian. Nếu tiêu dùng trong mỗi thời kỳ được giữ ở mức mà nó được kỳ
vọng nhằm giữ của cải không bị thay đổi, thì theo sau đó sẽ là mỗi mức của cải và tiêu dùng
sẽ bằng giá trị của chúng trong thời kỳ trước đó cộng với một cú sốc ngẫu nhiên không thể
nhìn thấy trước hay không thể dự báo trước – sự thực đây là một sai số dự báo (forecast
error).

Phiên bản kỳ vọng hợp lý về kiểm định giả thuyết thu nhập lâu bền đã làm thay đổi cách thức
các nhà kinh tế suy nghĩ về các chính sách ổn định hóa trong ngắn hạn (như là cắt giảm thuế
tạm thời (temporary tax cuts) chẳng hạn) được thiết kế nhằm kích thích nền kinh tế. Các nhà
kinh tế học theo Keynes đã từng tin tưởng rằng cắt giảm thuế sẽ làm tăng thu nhập khả dụng
(disposable income) và do vậy làm cho người dân tiêu dùng nhiều hơn. Nhưng theo mô hình
thu nhập lâu bền, cắt giảm thuế sẽ có tác động đến tiêu dùng ít hơn nhiều so với những gì mà
các nhà kinh tế học theo Keynes đã nghĩ. Lý do là người dân đưa ra quyết định tiêu dùng dựa
vào của cải của họ, chứ không phải thu nhập khả dụng hiện hành (current disposable income).
Bởi vì chính sách cắt giảm thuế tạm thời có thể bị đảo ngược, chúng có ít tác động hay không
có tác động đến của cải (wealth), và do vậy, chúng có ít tác động hay không có tác động đến
tiêu dùng. Thế nên, mô hình thu nhập lâu bền đã có hiệu ứng “số nhân” chi tiêu giảm dần (the
effect of diminishing the expenditure "multiplier") mà các nhà kinh tế gán cho việc cắt giảm
thuế tạm thời.

94
Phiên bản kỳ vọng hợp lý về mô hình thu nhập lâu bền đã được kiểm định mở rộng, với
những kết quả khá khích lệ. Bằng chứng là mô hình này vận hành tốt nhưng không hoàn hảo.
Các nhà kinh tế học hiện đang mở rộng mô hình này để tính đến các nhân tố như là “tính kiên
trì hay sự bền bỉ của thói quen” (habit persistence) trong tiêu dùng và độ bền khác nhau của
các hàng hóa tiêu dùng khác nhau. Việc mở rộng lý thuyết này là để kết hợp các đặc tính trên
làm thay đổi dự báo “bước ngẫu nhiên” thuần túy (pure "random walk" prediction) ban đầu
của lý thuyết (và vì vậy giúp chữa trị một số thiếu sót thực nghiệm của mô hình này), nhưng
nó vẫn giữ nguyên sự hiểu biết về thu nhập lâu bền cơ bản.

Các Mô hình Làm phẳng Thuế

Chính phủ nên thiết kế chính sách thuế như thế nào khi họ biết rằng mọi người đang thực
hiện các quyết định một phần đáp lại các kế hoạch hoạch định thuế trong tương lai của chính
phủ? Có nghĩa là, khi các thành viên của khu vực tư nhân có kỳ vọng hợp lý về các quy tắc
xác định suất thuế của chính phủ, thì những quy tắc nào chính phủ nên sử dụng để xác định
các suất thuế này? Robert Lucas và Nancy Stokey, cũng như Robert Barro, đã nghiên cứu vấn
đề này dưới giả định rằng chính phủ có thể đưa ra và duy trì các cam kết nhằm thi hành các
kế hoạch mà chính phủ thiết kế. Tất cả ba tác giả này đã xác nhận các tình huống theo đó
chính phủ nên tài trợ cho một chuỗi các chi tiêu chính phủ có tính biến động (hay không trơn
tru) bằng một chuỗi suất thuế khá ổn định (hay trơn tru) theo thời gian. Các chính sách như
vậy được gọi là chính sách “làm phẳng thuế” (”tax-smoothing" policies). Việc làm phẳng
thuế là một ý tưởng tốt bởi vì nó tối thiểu hóa những bất đồng phía cung đi kèm với thuế. Ví
dụ, những người lao động phải trả một suất thuế biên (marginal tax rate) 20 phần trăm mỗi
năm sẽ giảm cung lao động của họ ít hơn (nghĩa là, sẽ làm việc nhiều hơn tại bất kỳ mức
lương cho trước nào) so với trường hợp nếu chính phủ định ra một suất thuế biên 10 phần
trăm cho phân nữa số năm này và một suất thuế biên 30 phần trăm cho nữa số năm khác.

Suốt “thời gian bình thường” (normal times) một chính phủ vận hành theo quy tắc làm phẳng
thuế thường có được ngân sách cân bằng (balanced budget). Nhưng suốt thời gian mà buộc
các chính phủ phải có chi tiêu quá lớn – như là những lúc chiến tranh – chính phủ sẽ bị thâm
hụt, và tài trợ bằng việc đi vay. Trong và sau chiến tranh, chính phủ này tăng thuế để phục vụ
cho khoản nợ đã và đang xảy ra; theo cách làm này, các loại thuế cao hơn mà chính phủ này
ban hành để tài trợ cho chiến tranh nên được dàn trải ra theo thời gian. Một chính sách như
vậy sẽ tối thiểu hóa những tác động bóp méo tích lũy của thuế - những hiệu ứng “phía cung”
bất lợi (adverse "supply-side" effects).

95
Lý thuyết làm phẳng thuế của Barro (tax-smoothing theory) giúp giải thích hành vi của chính
phủ Anh và Hoa kỳ trong thế kỷ thứ 18 và 19, khi mô thức tiêu chuẩn này là để tài trợ các
cuộc chiến tranh bằng thâm hụt nhưng còn để hoạch định ra chính sách thuế sau chiến tranh ở
mức đủ cao để trả nợ của chính phủ.

Các Mô hình Sai số Kỳ vọng về Chu kỳ Kinh tế

Một truyền thống lâu dài của lý thuyết chu kỳ kinh tế là cho rằng các sai số (errors) trong các
dự báo của chúng ta chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra các biến động kinh tế. Quan điểm
này được thể hiện trên đường Phillips (mối tương quan nghịch biến có thể quan sát thấy được
giữa thất nghiệp và lạm phát), các nhà kinh tế học quy cho mối tương quan với các sai số mà
mọi người tạo ra trong các dự báo về mức giá của họ. Trước khi có sự xuất hiện của kỳ vọng
hợp lý, các nhà kinh tế học thường đề xuất để “khai thác” hay “thao túng” những sai số dự
báo của công chúng theo những cách được thiết kế nhằm tạo ra thành quả tốt hơn cho nền
kinh tế trong chu kỳ kinh tế.

Kỳ vọng hợp lý làm suy yếu ý tưởng rằng các nhà hoạch định chính sách có thể thao túng nền
kinh tế bằng cách (một cách có hệ thống) làm cho công chúng có những kỳ vọng sai lầm.
Robert Lucas đã chỉ ra rằng nếu kỳ vọng là hợp lý, đơn giản là chính phủ không thể thao túng
những sai số (lỗi) dự báo đó theo một cách có thể tin cậy và có thể phán đoán được vì lý do là
các sai số (lỗi) này được tạo ra bởi một người dự báo hợp lý thì vốn không thể phỏng đoán
trước được. Công trình nghiên cứu của Lucas đã giúp hình thành điều được gọi là “đề xuất
không hữu hiệu về chính sách” (policy ineffectiveness proposition). Nếu mọi người có kỳ
vọng hợp lý, các chính sách cố gắng thao túng bằng việc khiến cho mọi người có kỳ vọng sai
lầm có thể gây ra nhiều “xáo trộn” (noise) hơn cho nền kinh tế nhưng về trung bình là không
thể cải thiện thành quả của nền kinh tế đó.

Thiết kế Chính sách Kinh tế Vĩ mô

Kết quả “không hữu hiệu về chính sách” chỉ liên quan đến các chính sách kinh tế mà chúng
tạo ra các tác động bằng cách gây ra các sai số (lỗi) dự báo. Nhiều chính sách của chính phủ
hoạt động thông qua việc tác động đến “phần lợi ích chênh lệch” (margins) hay các động cơ
khuyến khích (incentives), và khái niệm kỳ vọng hợp lý không tạo ra kết quả “không hữu
hiệu về chính sách” đối với các dạng chính sách như vậy. Thực tế, ý tưởng kỳ vọng hợp lý
giờ đây đang được sử dụng một cách mở rộng trong các bối cảnh nhằm nghiên cứu sự thiết kế
các chính sách điều tiết, tài khóa và tiền tệ hướng đến thúc đẩy thành quả kinh tế tốt đẹp hơn.

96
Ví dụ, sự mở rộng của các mô hình làm phẳng thuế (tax-smoothing models) đang được phát
triển theo những hướng khác nhau. Kết quả việc làm phẳng thuế phụ thuộc vào những giả
định đặc biệt khác nhau về công nghệ vật chất (physical technology) cho việc chuyển đổi các
nguồn lực theo thời gian, và cũng phụ thuộc vào một chuỗi chi tiêu chính phủ được giả định.
Các giả định này đang được nới lỏng, với những bổ sung thú vị về phương thuốc làm phẳng
thuế đang định hình kết quả. Christophe Chamley đã rút ra kết luận nổi bật rằng một kế hoạch
thuế tối ưu (optimal tax scheme) liên quan cuối cùng đến việc định ra suất thuế (tax rate) lên
vốn (capital) là zero, với lao động (labor) gánh chịu toàn bộ gánh nặng thuế. Để có được kết
quả này, Chamley giả định rằng “lao động” và “vốn” là những yếu tố rất khác nhau, với tổng
sự sẵn có của lao động đang vượt khỏi sự kiểm soát của mọi người trong khi cung vốn có thể
bị tác động bởi đầu tư và tiết kiệm. Khi các giả định của Chamley được thay đổi để thừa nhận
thành phần “vốn con người” (human capital) của lao động (labor), mà yếu tố này có thể bị tác
động bởi các quyết định của mọi người, kết luận của ông về việc đánh thuế vốn (capital
taxation) là khác nhau.

Ý tưởng kỳ vọng hợp lý cũng trở thành một công việc trong việc phát triển các đơn thuốc cho
việc lựa chọn chính sách tiền tệ tối ưu. Những người đóng góp quan trọng cho kho tàng lý
luận này như là Truman Bewley và William A. Brock. Công trình nghiên cứu của Bewley và
Brock mô tả một cách rõ ràng các bối cảnh theo đó một sự sắp xếp tiền tệ tối ưu bao gồm
việc thanh toán lãi cho các khoản dự trữ (interest on reserves) của chính phủ theo mức lãi thị
trường (market rate). Công trình nghiên cứu của họ ủng hộ, làm rõ và mở rộng các đề xuất
cho cải cách tiền tệ mà Milton Friedman đã từng thực hiện vào năm 1960 và 1968.

Lý thuyết kỳ vọng hợp lý đang trở thành một giả định sinh động trong các nghiên cứu hiện
hành nhằm cố gắng giải thích cách thức các cơ quan chức trách tài khóa và tiền tệ làm thế nào
để có thể giữ được (hay đánh mất) “danh tiếng tốt” đối với việc thực hiện các chính sách của
họ. Tư liệu học thuật này đang trở nên hữu ích giúp các nhà kinh tế học hiểu được tính đa
dạng của các chiến lược chính sách chính phủ, ví dụ như, ở các quốc gia có lạm phát cao và
các quốc gia có lạm phát thấp. Cụ thể, công trình nghiên cứu về “cân bằng danh tiếng”
(reputational equilibria) trong kinh tế học vĩ mô bởi Robert Barro và bởi David Gordon và
Nancy Stokey đã chỉ ra rằng sở thích của người dân, các nhà hoạch định chính sách, các công
nghệ sản xuất và các cơ hội giao dịch sẵn có thì tự chúng không đủ xác định liệu một chính
phủ sẽ tuân theo một hỗn hợp chính sách lạm phát thấp hay một hỗn hợp chính sách lạm phát

97
cao. Thay vào đó, danh tiếng duy trì như một nhân tố độc lập ngay cả sau khi kỳ vọng hợp lý
được giả định.

Nguồn: https://www.econlib.org/library/Enc1/RationalExpectations.html

Về tác giả

Thomas J. Sargent là giáo sư kinh tế Đại học Stanford và học giả cao cấp của Viện Hoover
thuộc Stanford. Ông là một trong những người tiên phong trong lý thuyết kỳ vọng hợp lý.

Đọc thêm

Fischer, Stanley, ed. Rational Expectations and Economic Policy. 1980.

Lucas, Robert E., Jr. Models of Business Cycles. 1987.

Muth, John A. "Rational Expectations and the Theory of Price


Movements." Econometrica 29, no. 6 (1961): 315-35.

Sargent, Thomas J. Rational Expectations and Inflation. 1986.

98
Bài 10 - KINH TẾ HỌC VĨ MÔ CỔ ĐIỂN MỚI
(New Classical Macroeconomics)

Robert King

Kinh tế học vĩ mô cổ điển mới (New classical macroeconomics, NCM) sử dụng các nguyên
lý tiêu chuẩn của phân tích kinh tế học để tìm hiểu cách thức tổng sản lượng của một quốc gia
(tổng sản phẩm trong nước, hay GDP) được xác định như thế nào. Theo quan điểm NCM,
cung và cầu là do các hành động của các hộ gia đình và các doanh nghiệp có tính duy lý về
kinh tế. Các đại lượng kinh tế vĩ mô như GDP là do kết quả từ cân bằng tổng quát của các thị
trường trong một nền kinh tế. Thật ngạc nhiên khi quan điểm này được xem như cuộc cách
mạng trong lĩnh vực kinh tế học vĩ mô trong khi chúng ta đã nhìn thấy bản chất hiện hành của
phân tích kinh tế này trong các lĩnh vực khác, như là tài chính công, thương mại quốc tế và
kinh tế học lao động. Tất cả đều sử dụng các nguyên lý kinh tế học tiêu chuẩn để phân tích
một dãy rộng các vấn đề. Kinh tế học vĩ mô (macroeconomics) bị trễ lại phía sau bởi vì kinh
tế học vĩ mô theo Keynes (Keynesian macroeconomics) đã thống lĩnh trong suốt khoảng thời
gian khi các nguyên lý của trường phái này được áp dụng một cách có hệ thống trong các lĩnh
vực khác xuyên suốt thập niên 1940 đến 1960.

Khởi đầu với tác phẩm Lý thuyết Tổng quát về Việc làm, Tiền lãi và Tiền tệ của John
Maynard Keynes vào năm 1936 (General Theory of Employment, Interest, and Money), kinh
tế học vĩ mô theo Keynes (Keynesian macroeconomics) giữ một vị trí thống trị vì ba lý do
chính. Thứ nhất, các mô hình phân tích cơ bản của nó thì đơn giản, linh hoạt và dễ sử dụng và
chúng dường như tương thích rộng rãi với các mô thức quan sát được trong hoạt động kinh
tế. Thứ hai, Keynes và các môn đệ của ông đã đưa ra phê phán mạnh mẽ và hiệu quả về
trường phái thay thế, mà họ gọi là kinh tế học vĩ mô cổ điển (classical macroeconomics), mô
tả nó là phức tạp, không linh hoạt và không liên quan đến thực nghiệm. Thứ ba, các mô hình
phân tích theo Keynes này đã cung cấp cơ sở cho các mô hình thống kê được chi tiết hóa cho
hoạt động kinh tế vĩ mô, mà chúng có thể được sử dụng cho việc dự báo kinh tế và cho việc
đánh giá các lựa chọn chính sách.

Trái lại với kinh tế học vĩ mô cổ điển (classical macroeconomics), kinh tế học vĩ mô theo
Keynes, cũ và mới, đã không bắt đầu với giả định rằng một nền kinh tế được tạo thành từ các
tác nhân phía cung (supppliers) và phía cầu (demanders) cá nhân có tính duy lý về kinh tế.
Thay vì việc bắt nguồn cầu (demand) từ các lựa chọn cá nhân (individual choices) được thực

99
hiện trong khuôn khổ của các ràng buộc cụ thể (specified constraints), ví dụ, tiến trình này
theo Keynes là để cụ thể hóa một quy tắc hành vi (behavioral rule) một cách trực tiếp.
Keynes cho rằng tổng chi tiêu tiêu dùng (aggregate spending on consumption) bị chi phối bởi
một “hàm tiêu dùng” (consumption function) theo đó tiêu dùng (consumption) phụ thuộc gần
như chủ yếu vào thu nhập hiện hành (current income). Tổng quát hơn, kinh tế học vĩ mô theo
Keynes (Keynesian macroeconomics) cho rằng mọi người tuân theo quy tắc đầu tay cố định
(fixed rules of thumb), với không có giả định từ dầu về việc các hộ gia đình và các doanh
nghiệp đưa ra các lựa chọn hợp lý. Một phần, điều này phát sinh là do sự nghi ngờ về phía
những người xây dựng mô hình theo Keynes cho rằng mọi người thường là không hành động
một cách hợp lý. Một phần, đây là một quyết định mô hình hóa có tính thực dụng: nếu hành
vi kinh tế của mọi người là có mục đích, nhiệm vụ của việc cụ thể hóa cách thức họ sẽ hành
động trong những tình huống khác nhau thì sẽ phức tạp hơn nhiều, và vì vậy mà khó mô hình
hóa hơn.

Những người theo Keynes đã đúng về việc cho rằng kinh tế học vĩ mô cổ điển của thập niên
1930 đã không thể trả lời các câu hỏi chính sách công quan trọng. Kinh tế học vĩ mô cổ điển
lúc bấy giờ, giống như hầu hết các lĩnh vực kinh tế học khác, chỉ đang bắt đầu xây dựng các
mô hình toán học và thống kê về hành vi kinh tế. Vài thập niên qua, một số lượng nghiên cứu
chuyên sâu đã và đang vượt qua các thách thức này, và bộ phận nghiên cứu này giờ đây được
gọi là kinh tế học vĩ mô cổ điển mới (new classical macroeconomics, NCM). Tiếp cận của
NCM trở nên ngày càng quan trọng trong việc thảo luận về chính sách kinh tế vĩ mô ở Hoa
Kỳ và các quốc gia khác trên toàn thế giới trong những năm gần đây.

Sự vượt trội của kinh tế học vĩ mô theo Keynes (Keynesian macroeconomics) hay kinh tế học
vĩ mô cổ điển mới (new classical macroeconomics) sẽ phụ thuộc vào những gì xuất hiện
nhằm cung cấp một sự hiểu biết tốt hơn về hoạt động kinh tế vĩ mô. Điều này thực sự quan
trọng nhằm đưa ra quyết định giữa các quan điểm tranh chấp này bởi vì chúng thường ngụ ý
về những kết cục khác nhau đối với các chính sách công (public policies).

Sự khác nhau tổng quát về quan điểm

Một số khác biệt trung tâm có tính lặp đi lặp lại về quan điểm trong chính sách kinh tế vĩ mô
có thể truy ra những khác biệt cơ bản trong kinh tế học vĩ mô theo Keynes và kinh tế học vĩ
mô cổ điển mới.

100
Ba ý tưởng có tính trung tâm đối với quan điểm theo Keynes. Thứ nhất, có ít giả định cho
rằng các kết quả thị trường là có thể như mong đợi. Điều này để lại rất nhiều phạm vi cho sự
can thiệp chính phủ. Thứ hai là những thay đổi về phía cung của các thị trường thì quan trọng
chủ yếu trong dài hạn, được xem là rất xa và vượt ra khỏi hầu hết các tình huống chính sách.
Quan điểm thứ ba theo Keynes là các nhà chức trách tài khóa và tiền tệ có thể kiểm soát các
điều kiện phía cầu đối với những sản phẩm cụ thể và đối với nền kinh tế dưới góc độ tổng
thể.

Ngược lại, ba ý tưởng trái ngược hoàn toàn là trung tâm của kinh tế học vĩ mô cổ điển mới.
Thứ nhất, bởi vì các quyết định cung và cầu thị trường được giả định là được thực hiện bởi
các tác nhân mang tính hợp lý về kinh tế, các quyết định này được coi là có hiệu quả đối với
những người thực hiện chúng. Tính hợp lý mang tính cá nhân (individual rationality) đó trong
các thị trường nói chung sẽ dẫn dắt đến những kết cục đáng mong đợi của xã hội, tất nhiên,
đây là một thông điệp mang tính cốt lõi của phân tích kinh tế từ tác phẩm Của Cải của Các
Quốc Gia của Adam Smith (Wealth of Nations) đến Kinh tế học Phúc lợi Hiện đại (modern
welfare economics). Do vậy, theo quan điểm của NCM, trường hợp can thiệp của chính phủ
yêu cầu phải có hai bước cơ bản: (1) việc xác định “thất bại thị trường” (market failure) và
(2) chứng minh rằng chính phủ thực sự có thể theo đuổi các chính sách mà sẽ dẫn đến các cải
thiện xã hội.

Thứ hai, quan điểm NCM nhấn mạnh một cách có hệ thống tầm quan trọng của hành vi cung
(supply behavior) đối với các kết cục thị trường ngay cả trong rất ngắn hạn. Thứ ba, quan
điểm NCM đặt ra các câu hỏi liệu các công cụ chính sách điển hình có thể được vận dụng để
đạt được các mục tiêu chính sách cụ thể không.

Các thảo luận chính sách hiện hành

Kinh tế học vĩ mô theo Keynes và kinh tế học vĩ mô cổ điển mới dẫn đến những kết luận rất
khác nhau về các chính sách kinh tế được khuyến nghị. Ví dụ, suốt chiến dịch tranh cử năm
1992 ở Hoa Kỳ:

1. Cắt giảm thuế tạm thời cho tầng lớp trung lưu.

2. Hồi sinh tạm thời tín dụng thuế đầu tư (investment tax credit).

101
3. Các chính sách mở rộng của Cục Dự trữ Liên bang (như tăng tốc độ tăng trưởng cung
tiền và giảm lãi suất chiết khấu).

Việc điều tra hai chủ đề đầu tiên yêu cầu một sự hiểu biết về cách thức chi tiêu tiêu dùng và
chi tiêu đầu tư được xác định như thế nào, vì vậy chúng ta bắt đầu bời việc thảo luận kinh tế
học vĩ mô theo Keynes và kinh tế học vĩ mô cổ điển mới đã tiến hành xem xét mỗi vấn đề
này như thế nào.

Các nhân tố xác định tiêu dùng (consumption) và đầu tư (investment)

Với quan điểm theo Keynes, tiêu dùng (chi tiêu của người tiêu dùng) được xác định chủ yếu
bởi những thay đổi của thu nhập khả dụng hiện hành (như thu nhập quốc gia trừ thuế). Quan
điểm cổ điển mới thì hoàn toàn khác. Với quan điểm của NCM, tiêu dùng của một hộ gia
đình trong một giai đoạn thời gian cụ thể phụ thuộc vào thu nhập hiện hành của gia đình đó
và vào thu nhập mà gia đình đó kỳ vọng trong tương lai, cũng như vào lãi suất mà theo đó gia
đình đó có thể vay hay cho vay.

Các quan điểm liên quan đến đầu tư theo Keynes và cổ điển mới cũng khác. Các nhà kinh tế
học vĩ mô theo Keynes thường nhấn mạnh dòng ngân lưu hiện hành đối với một doanh
nghiệp và chi phí vốn hiện hành như là những nhân tố xác định chi tiêu đầu tư. NCM đồng ý
rằng đây là những yếu tố quan trọng, nhưng cũng nhấn mạnh vai trò của dòng ngân lưu tương
lai kỳ vọng và chi phí vốn tương lai kỳ vọng.

Thế nên đối với cả tiêu dùng và đầu tư, một sự khác biệt then chốt giữa quan điểm theo
Keynes và cổ điển mới là tầm quan trọng mỗi bên đặt vào kỳ vọng (expectations) về các điều
kiện kinh tế tương lai. Trong khi nhiều nhà kinh tế học vĩ mô theo Keynes có thể chấp nhận
một số vai trò của kỳ vọng, họ không nghĩ kỳ vọng là quan trọng. Hơn nữa, nhiều nhà kinh tế
học vĩ mô theo Keynes xem kỳ vọng về tương lai có ít mối quan hệ có tính hệ thống với các
kết cục tương lai thực tế. Do vậy, với quan điểm theo Keynes, kỳ vọng chỉ thay đổi từ từ hay
được quy định bởi điều mà Keynes gọi là “tâm lý bầy đàn” (animal spirits). Ngược lại, NCM
xem các cá nhân trong việc cố gắng hướng đến hành xử theo quy tắc để xác định những gì sẽ
thực sự xảy ra trong tương lai và việc sử dụng thông tin mới một cách hiệu quả trong việc đo
lường khả năng tương đối của các kết cục kinh tế khác nhau.

Cắt giảm thuế tạm thời cho tầng lớp trung lưu

102
Phân tích của những người theo Keynes truyền thống về việc giảm thuế thì rất đơn giản và
trực tiếp. Bởi vì giảm thuế thì các hộ gia đình sẽ còn lại nhiều tiền hơn, kết quả là các hộ gia
đình tăng chi tiêu của họ. Với cầu sản phẩm cao hơn, sẽ có sự gia tăng sản lượng của việc
kinh doanh nội địa. Do vậy, giảm thuế kích thích nền kinh tế, dẫn đến thu nhập nhiều hơn và
việc làm nhiều hơn.

Theo quan điểm này, có hai vấn đề. Thứ nhất, những người tiêu dùng có thể tiết kiệm phần
giảm thuế của họ thay vì đem chi tiêu. Thứ hai, những người tiêu dùng có thể chi tiêu phần
giảm thuế của họ vào các hàng hóa nhập khẩu thay vì vào hàng hóa nội địa. Dù theo cách
nào, cầu sẽ không tăng một lượng hoàn toàn đúng như phần giảm thuế, và giảm thuế sẽ ít hữu
hiệu hơn trong việc góp phần giải quyết gia tăng sản xuất nội địa và tạo ra việc làm.

Nhưng các mô hình kinh tế vĩ mô theo Keynes đề xuất rằng hai trục trặc này thì không quá
quan trọng. Đi theo tư tưởng của Keynes, các nhà kinh tế học mô tả hệ số liên kết giữa thay
đổi tiêu dùng và thay đổi thu nhập như là “khuynh hướng tiêu dùng biên [MPC] so với thu
nhập” (the marginal propensity to consume [MPC] out of income). Trong một mô hình kinh
tế lượng theo Keynes điển hình, MPC vào khoảng 0,6, nghĩa là 60 phần trăm của khoản giảm
thuế là để chi tiêu. Hơn nữa, các mô hình kinh tế lượng theo Keynes tiêu chuẩn đề xuất rằng
chỉ có một phần rất nhỏ của thay đổi thu nhập được chi tiêu vào nhập khẩu. Vì vậy chính sách
kích thích kinh tế theo Keynes thì khá hiệu quả dựa trên những nền tảng này.

NCM thách thức trực tiếp logic này và kết luận rằng giảm thuế một lần (one-time tax cut) sẽ
có tác động rất nhỏ đến tiêu dùng. Từ quan điểm này của NCM, điểm chính đó là thay đổi
thuế có tính tạm thời và do vậy sẽ tích thêm một phần nhỏ vào khả năng của hộ gia đình để
tài trợ cho chi tiêu tiêu dùng trên cơ sở bền vững. Do vậy, quan điểm của NCM là khoảng 95
phần trăm phần giảm thuế sẽ được tiết kiệm. Nói cách khác, MPC đối với dạng thu nhập này
chỉ là 0,05.

Nhưng quan điểm NCM này về MPC (khuynh hướng tiêu dùng biên) không tương thích hoàn
toàn với ước tính của các mô hình theo Keynes có phải không (các mô hình mà đã tìm thấy
những thay đổi thu nhập mang đến những thay đổi lớn đối với tiêu dùng)? Câu trả lời ngạc
nhiên là đúng vậy. Như Milton Friedman đã giải thích trước tiên và Robert Lucas đã nhấn
mạnh tiếp theo sau đó, các mô hình kinh tế vĩ mô theo Keynes nhầm lẫn phản ứng của tiêu
dùng tư nhân đối với những thay đổi lâu bền của thu nhập – như là những gì mà thường xảy
ra khi một ai đó thay đổi việc làm – so với những thay đổi khác có tính tạm thời hơn. Tiêu

103
dùng phản ứng nhiều trước những thay đổi lâu bền, và thay đổi ít đối với những thay đổi tạm
thời. Do thất bại trong việc phân biệt giữa các dạng thay đổi thu nhập khác nhau này, những
người theo NCM tin rằng những người xây dựng mô hình theo Keynes ước tính quá mức tác
động của giảm thuế tạm thời đối với chi tiêu tiêu dùng.

Hơn nữa, khi giảm thuế bây giờ, chính phủ phải tăng vay mượn và cuối cùng cũng sẽ tăng
thuế trong tương lai. Nhận thức về việc thuế tăng sau này có thể thực sự gây cho sức cầu trên
bình diện tổng thể hiện hành giảm xuống. Do vậy, quan điểm NCM đặt ra nghi vấn về ý
tưởng cắt giảm thuế tạm thời sẽ kích thích sức cầu tổng thể về sản phẩm.

Tín dụng thuế đầu tư

Tín dụng thuế đầu tư (investment tax credit (ITC)), đã được bãi bỏ trong cuộc cải cách thuế
vào năm 1986. ITC cho phép công ty giảm một tỷ phần giá mua của một hàng hóa đầu tư mới
từ việc thanh toán hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì lý do này nó đã cung cấp động cơ
mạnh mẽ cho đầu tư. Hầu hết các mô hình kinh tế vĩ mô theo Keynes dự đoán rằng việc hồi
phục tín dụng thuế này sẽ tạo ra sự gia tăng lớn, ngay tức thì chi tiêu đầu tư. Tính hợp lý là
việc giảm thuế cho bất kỳ hoạt động nào sẽ làm tăng số lượng của hoạt động đó.

Nhưng các mô hình theo Keynes thường bỏ qua một đặc tính then chốt của tín dụng thuế đầu
tư – bản chất bật – tắt lặp đi lặp lại (on-again-off-again nature) của nó. Một ITC mà cao một
cách tạm thời trong một năm làm cho các doanh nghiệp mong muốn trì hoãn việc đầu tư mà
họ đã lên lịch trình cho năm ngay năm trước đó và thúc đẩy hoạt động đầu tư mà lẽ ra sẽ
được thực hiện trong những năm sau đó. Do vậy, một ITC tạm thời, không giống như cắt
giảm thuế thu nhập tạm thời, nó có thể có những tác động rất mạnh đến cầu bởi vì nó là tạm
thời. Nhưng những tác động này thì dường như là ngược lại.

Hãy nhớ lại sự chậm lại của nền kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu vào mùa hẻ năm 1990 và lan dần dần
suốt năm tiếp theo. Đến mùa hè năm 1991 đã có một sự đầu cơ tin tức dữ đội của báo chí tài
chính cho rằng ITC sẽ được phục hồi. Sự đầu cơ này là có lý bởi vì ITC đã được tăng lên suốt
nhiều đợt suy thoái sau Thế chiến II. Nhưng tiếp theo sau mỗi lần suy thoái, Quốc hội thường
giảm ITC. Hãy xem xét một công ty suy nghĩ về việc nâng cấp máy in photo suốt mùa hè của
năm 1991. Giả sử rằng công ty này sẽ phải trả 30.000 đô la cho chiếc máy này. Nếu có một
ITC tạm thời là 10 phần trăm suốt năm 1992, thì công ty này có thể tiết kiệm 3.000 đô la chỉ
bằng cách trì hoãn việc mua chiếc máy cho đến khi bắt đầu năm 1992. Đây rất có thể là một

104
chiến lược mong muốn của công ty. Nhưng nền kinh tế thì ngược lại: đầu tư thấp hơn xảy ra
đúng vào lúc nền kinh tế này cần sức cầu hàng hóa đầu tư cao.

Một ghi nhận trớ trêu. Trong năm 1991 chính quyền xem xét một ITC cho năm 1992 một
phần bởi vì đầu tư thấp trong năm 1991. Nhưng một phần của lý do của đầu tư thấp này là vì
các công ty dự kiến đến ITC cho năm 1992. Do vậy, sự bật-tắt ITC lặp đi lặp lại (on-again—
off-again ITC) làm bất ổn định nền kinh tế suốt năm 1991.

Đầu tư và cắt giảm thuế tầng lớp trung lưu

Trong việc xem xét cắt giảm thuế thu nhập tạm thời, chúng ta đã tập trung hoàn toàn vào các
hàm ý đối với tiêu dùng và đã bỏ qua đầu tư. Chúng ta đã quên một thứ gì đó phải không? Nó
phụ thuộc rất nhiều vào cách thức chính phủ lên kế hoạch chi trả cho việc cắt giảm thuế. Nếu
chính phủ lên kế hoạch tăng thuế đánh vào kinh doanh, thì cũng có thể có những tác động
giống như những gì xảy ra với tín dụng thuế đầu tư. Việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với
tầng lớp trung lưu có thể phát tín hiệu thuế tương lai cao hơn đối với thu nhập vốn (capital
income) và ban thưởng thấp hơn đối với việc đầu tư hiện hành mà chúng cần thiết để tạo ra
các thu nhập này. Mối liên kết này là một mối quan hệ gián tiếp, nhưng nó có thể áp đảo dễ
dàng hiệu ứng tích cực ít ỏi lên tiêu dùng.

Chính sách tiền tệ và hoạt động kinh tế vĩ mô

Trong thập niên 1950 và 1960 quan điểm theo Keynes chính thống đó là lạm phát cao một
cách bền bỉ - do chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mở rộng – sẽ dẫn đến một sự gia
tăng bền bỉ của GDP. Một cách tương ứng, các chính sách tiền tệ mà giảm tỷ lệ lạm phát dài
hạn sẽ gây nên việc giảm GDP dài hạn. Ở Anh, sự đánh đổi như vậy đã được đề xuất bởi một
công trình nghiên cứu của A. W. Phillips, người đã cẩn thận loại bỏ việc chỉ ra liệu rằng sự
đánh đổi này là ngắn hạn hay dài hạn. Nhưng các nhà kinh tế học khác ở Hoa Kỳ và Anh đã ít
dè dặt hơn. Tầm quan trọng của sự đánh đổi này ở Hoa Kỳ đã được nhấn mạnh bởi các nhà
kinh tế học vĩ mô lý thuyết hàng đầu như Paul Samuelson và Robert Solow của MIT, và đã
được xây dựng để đưa vào hầu hết các mô hình kinh tế lượng chính, như là mô hình Các
Nguồn Dữ Liệu (Data Resources model) được phát triển bởi Otto Eckstein và các đồng
nghiệp của ông.

Nhưng có ít các nhà kinh tế học giờ đây tin rằng lạm phát cao hơn có bất kỳ các lợi ích dài
hạn quan trọng nào. Sự dịch chuyển suy nghĩ này đã xảy ra từ hai sự kiện liên quan với nhau.

105
Thứ nhất, công trình nghiên cứu về truyền thống cổ điển (classical tradition) của Milton
Friedman, Edmund Phelps và Robert Lucas đã đề xuất rằng ít hay không có sự đánh đổi dài
hạn tồn tại, ngay cả nếu các mô hình kinh tế vĩ mô đã dự báo về sự tồn tại của chúng. Thứ
hai, sự cùng tồn tại của lạm phát cao và tăng trưởng thấp ở nền kinh tế Hoa Kỳ suốt thập niên
1970 đã dẫn đến nghi vấn về sự đánh đổi này. Các nhà kinh tế học đã dành sự chú ý nhiều
hơn vào các kịch bản khác của lạm phát cao, như những gì ở châu Mỹ La Tinh trong những
thập niên vừa qua và ở châu Âu giữa các cuộc chiến tranh. Trong các kịch bản này, các tỷ lệ
lạm phát rất cao đã chứng minh là có tác động xấu một cách rõ ràng đối với GDP thực.

Do đó, nếu một cuộc suy thoái ở Hoa Kỳ là do các nhân tố thực (real factors) – như là sự sụt
giảm năng lực cạnh tranh (competitiveness) của Hoa Kỳ trên thị trường thế giới – chính sách
tiền tệ có khả năng hạn chế trong việc giúp mọi thứ tốt hơn lên. Dù cho chính sách tiền tệ mở
rộng có thể vận hành để tăng hoạt động thực trong một hay hai năm, nó không thể đối phó
với những thách thức dài hạn mang tính hệ thống mà Hoa Kỳ đối mặt. Và chính sách tiền tệ
mở rộng gây nên rủi ro châm ngòi lạm phát cao hơn.

Kết luận

Kinh tế học vĩ mô cổ điển mới áp dụng những nguyên lý kinh tế học tiêu chuẩn đối với hành
vi của nền kinh tế như một tổng thể. Do đó, điều đó có nghĩa là các nhà kinh tế học vĩ mô và
các nhà kinh tế học khác – như là các nhà kinh tế học về tài chính công – có thể sử dụng các
mô hình tương tự một cách rộng rãi để thảo luận những gì các chính sách công là tốt nhất đối
với Hoa Kỳ và đối với các quốc gia khác. Như là kết quả đang hình thành, NCM đã và đang
bắt đầu tái tập trung cuộc tranh luận về các lựa chọn phù hợp của các chính sách kinh tế vĩ
mô. Cụ thể là, vì NCM giờ đây thu hút ngày càng nhiều sự theo đuổi của các nhà kinh tế học,
có ít cuộc thảo luận chính sách tìm kiếm nhằm “tinh chỉnh” (fine-tune) nền kinh tế trong ngắn
hạn – như cắt giảm thuế tầng lớp trung lưu tạm thời hay việc tận dụng ITC có tính nghịch chu
kỳ - mà được nhấn mạnh bởi kinh tế học vĩ mô theo Keynes. Nhiều sự tập trung giờ đây
hướng đến phát triển các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy sức khỏe nền kinh tế dài
hạn.

Nguồn: https://www.econlib.org/library/Enc1/NewClassicalMacroeconomics.html

Về tác giả

106
Robert King là giáo sư kinh tế của Đại học Boston. Ông cũng là nhà biên tập của the Journal
of Monetary Economics và nhà tư vấn cho Phòng Nghiên cứu của chi nhánh Ngân hàng Cục
Dự trữ Liên bang Richmond.

Đọc thêm

Barro, Robert J. Macroeconomics. 1985.

King, Robert G. "Will the New Keynesian Macroeconomics Resurrect the IS-LM
Model?" Journal of Economic Perspectives 7, no. 1 (Winter 1993): 67-82.

Lucas, Robert E., Jr. "Econometric Policy Evaluation: A Critique." In The Carnegie-
Rochester Conference Series on Public Policy. Vol. 1, The Phillips Curve and Labor
Markets, edited by Karl Brunner and Alan Meltzer. 1976. (A classic article articulating the
NCM view that central failures of Keynesian econometric models could be traced to the fact
that these models did not build on standard principles of economics.)

McCallum, Bennett T. Monetary Economics: Theory and Policy. 1989.

107
Bài 11 - KINH TẾ HỌC THEO KEYNES MỚI
(New Keynesian economics)

N. Gregory Mankiw

Kinh tế học theo Keynes mới (New Keynesian economics) là trường phái tư tưởng trong kinh
tế vĩ mô hiện đại được cải cách từ các ý tưởng của John Maynard Keynes. Keynes viết quyển
sách The General Theory of Employment, Interest, and Money (tạm dịch Lý thuyết Tổng quát
về Việc làm, Tiền lãi và Tiền tệ) vào thập niên 1930, và đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến các học
giả và các nhà hoạch định chính sách xuyên suốt thập niên 1960. Tuy nhiên, trong thập niên
1970, các nhà kinh tế học cổ điển mới (new classical economists) như Robert Lucas, Thomas
J. Sargent và Robert Barro đã bắt đầu chất vấn nhiều điểm trong số các luận đề về cuộc cách
mạng của Keynes. Tên gọi “new keynesian” mô tả về những nhà kinh tế học vào thập niên
1980, những người đã đáp lại sự phê phán cổ điển mới bằng những hiệu chỉnh các nguyên lý
ban đầu của Keynes.

Sự bất đồng cơ bản giữa các nhà kinh tế học Keynes mới và cổ điển mới là ở cách thức điều
chỉnh tiền lương và giá cả diễn ra như thế nào. Các nhà kinh tế học cổ điển mới xây dựng các
lý thuyết kinh tế vĩ mô của họ dựa trên giả định cho rằng tiền lương và giá cả có tính linh
hoạt (flexible). Họ tin rằng giá cả “cân bằng” các thị trường – hay cân bằng cung và cầu –
bằng cách điều chỉnh một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học Keynes mới tin
rằng các mô hình cân bằng thị trường này không thể giải thích các biến động trong ngắn hạn,
và vì vậy họ ủng hộ các mô hình với tiền lương và giả cả “kết dính” (sticky). Các lý thuyết
Keynes mới dựa vào sự kết dính của tiền lương và giá cả để giải thích tại sao thất nghiệp
không tự nguyện (involuntary unemployment) tồn tại và tại sao chính sách tiền tệ có ảnh
hưởng mạnh đến hoạt động kinh tế.

Một truyền thống lâu đời trong kinh tế học vĩ mô (bao gồm cả quan điểm của các nhà kinh tế
theo Keynes và nhà kinh tế tiền tệ) nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ tác động đến việc làm
và sản xuất trong ngắn hạn bởi vì giá cả phản ứng một cách chậm chạp trước thay đổi của
cung tiền. Theo cách nhìn này, nếu cung tiền giảm, người ta chi tiêu tiền ít hơn, và cầu hàng
hóa giảm. Bởi vì giá cả và tiền lương không linh hoạt và không giảm ngay tức thời, chi tiêu
giảm kéo theo giảm sản xuất và sa thải những người lao động. Các nhà kinh tế học cổ điển
mới phê phán vấn đề truyền thống này bởi vì nó thiếu lời giải thích lý thuyết có tính mạch lạc

108
cho hành vi chậm chạp của giá cả. Nhiều nghiên cứu của những nhà kinh tế theo Keynes mới
nỗ lực sửa chữa cho thiếu sót này.

Chi phí thực đơn và ngoại tác tổng cầu

Một lý do mà giá cả không điều chỉnh ngay tức thời để cân bằng các thị trường là do việc
điều chỉnh giá cả thì khá tốn kém. Để thay đổi giá cả, một doanh nghiệp có thể cần gửi bảng
chào giá mới cho khách hàng, phân phối các danh mục giá mới cho đội ngũ bán hàng của
mình, hay trong trường hợp của một nhà hàng là cần in ra các thực đơn mới. Các chi phí điều
chỉnh giá cả mới này được gọi là “chi phí thực đơn” (menu costs) và chính các chi phí này
khiến cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá cả một cách không thường xuyên thay vì tiến hành
điều chỉnh liên tục.

Các nhà kinh tế học không nhất trí về việc liệu rằng chi phí thực đơn có giúp giải thích những
biến động kinh tế trong ngắn hạn hay không. Các nghi vấn chỉ ra rằng chi phí thực đơn
thường là rất nhỏ. Họ đồng ý rằng những chi phí nhỏ này dường như không giúp giải thích
các đợt suy thoái vốn tạo ra chi phí rất tốn kém cho xã hội. Những người đề xuất đáp lại rằng
nhỏ không có nghĩa là không có hệ quả kéo theo. Mặc dù chi phí thực đơn là nhỏ đối với một
doanh nghiệp cá thể, nhưng chúng có thể có những tác động lớn đối với nền kinh tế trên bình
diện tổng thể.

Những người đề xuất về kiểm định giả thuyết chi phí thực đơn mô tả tình huống này như sau.
Để hiểu tại sao giá cả điều chỉnh chậm chạp, người ta phải công nhận rằng những thay đổi
của giá cả có tính ngoại tác – nghĩa là, các tác động vượt ra khỏi doanh nghiệp và các khách
hàng của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp giảm giá sẽ mang lợi ích cho các doanh
nghiệp khác trong nền kinh tế. Khi một doanh nghiệp giảm thấp mức giá của mình, nó làm
giảm mức giá trung bình một chút và vì vậy làm tăng thu nhập thực. (Thu nhập danh nghĩa
được xác định bởi cung tiền). Đến lượt nó, sự kích thích từ thu nhập cao hơn này làm tăng
cầu sản phẩm của tất cả các doanh nghiệp. Tác động kinh tế vĩ mô của việc điều chỉnh giá cả
của một doanh nghiệp đến cầu sản phẩm của tất cả các doanh nghiệp khác được gọi là “ngoại
tác tổng cầu” (aggregate-demand externality).

Với sự hiện diện của ngoại tác tổng cầu, chi phí thực đơn nhỏ có thể làm cho giá cả kết dính,
và sự kết dính này có thể có chi phí lớn đối với xã hội. Giả sử rằng General Motors (GM)
thông báo giá cả của công ty mình và rồi sau đó có một sự sụt giảm cung tiền, GM phải đứng

109
trước quyết định liệu rằng có nên giảm giá không. Nếu General Motors thực sự quyết định
giảm giá, những người mua xe sẽ có thu nhập thực cao hơn và vì vậy mà họ cũng sẽ mua
nhiều sản phẩm hơn từ các công ty khác. Nhưng lợi ích mang lại cho những công ty khác thì
không phải là những gì mà General Motors quan tâm. Vì vậy, General Motors đôi khi sẽ
không trả cho chi phí thực đơn này và không giảm giá sản phẩm của mình, dù cho việc giảm
giá này là điều mong đợi đối với xã hội. Đây là một ví dụ theo đó giá cả kết dính thì không
như mong đợi đối nền kinh tế trên bình diện tổng thể, ngay cả các mức giá có thể thay đổi
này sẽ mang lại sự tối ưu đối với những công ty hoạch định ra chúng.

Điều chỉnh giá cả không đồng bộ

Phái Keynes mới giải thích về giá cả kết dính thường nhấn mạnh rằng không phải mọi người
trong nền kinh tế đều định ra mức giá cả cùng một lúc. Thay vào đó, việc điều chỉnh giá cả
xuyên suốt nền kinh tế có tính do dự hay không đồng bộ. Sự do dự này làm phức tạp tiến
trình định giá bởi vì các doanh nghiệp quan tâm đến giá cả của họ so với giá cả được xác định
bởi các doanh nghiệp khác. Sự do dự này có thể làm cho mức giá trên bình diện tổng thể điều
chỉnh một cách chậm chạp. Ngay cả khi giá cả riêng lẻ được điều chỉnh một cách thường
xuyên theo định kỳ.

Hãy xem xét ví dụ sau đây. Trước tiên, giả sử việc định giá cả đó được tiến hành đồng bộ:
mỗi doanh nghiệp điều chỉnh giá cả của mình vào đầu mỗi tháng. Nếu cung tiền và tổng cầu
tăng vào ngày 10 tháng 5, sản lượng sẽ cao hơn từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 bởi vì
giá cả cố định suốt khoảng thời gian này. Nhưng ngày 1 tháng 6 tất cả các doanh nghiệp sẽ
tăng giá của họ nhằm đáp lại cầu cao hơn, kết thúc đợt bùng nổ 3 tuần.

Bây giờ giả sử rằng việc định giá đó lại bị do dự. Một nửa số doanh nghiệp định giá cả vào
đầu mỗi tháng và một nửa thực hiện điều này vào ngày 15 của tháng. Nếu cung tiền tăng vào
ngày 10 tháng 5, thì một nửa số doanh nghiệp có thể tăng giá của họ vào ngày 15 tháng 5.
Nhưng bởi vì một nửa số doanh nghiệp sẽ không thay đổi giá cả của họ vào ngày 15, mức giá
tăng lên bởi bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ làm tăng mức giá tương đối của doanh nghiệp
đó, và sẽ làm cho doanh nghiệp đó mất khách hàng. Do vậy, các doanh nghiệp này có lẽ sẽ
không tăng giá của mình lên quá nhiều. (Ngược lại, nếu tất cả các doanh nghiệp tiến hành
điều chỉnh đồng bộ, tất cả các doanh nghiệp có thể cùng nhau tăng giá, và giá cả tương đối
không bị ảnh hưởng). Nếu ngày 15 tháng 5, những doanh nghiệp tham gia định giá thực hiện
điều chỉnh chút chút giá cả của họ, thì các doanh nghiệp khác sẽ thực hiện điều chỉnh chút

110
chút khi đến lượt của họ cho đến ngày 1 tháng 6, bởi vì họ cũng muốn tránh sự thay đổi giá
tương đối. Và quá trình tiếp diễn. Mức giá cả tăng chậm chạp này chính là kết quả của sự gia
tăng mức giá chút ít vào ngày đầu tiên và ngày 15 mỗi tháng. Vì vậy, sự do dự làm cho mức
giá cả điều chỉnh chậm chạp, bởi vì không doanh nghiệp nào muốn trở thành doanh nghiệp
đầu tiên đăng tin về sự gia tăng đáng kể mức giá của mình.

Thất bại trong việc phối hợp

Một số các nhà kinh tế học theo Keynes mới cho rằng các đợt suy thoái là do kết quả của sự
thất bại trong việc phối hợp. Các trục trặc trong việc phối hợp có thể gia tăng từ việc định lại
tiền lương và giá cả bởi vì những doanh nghiệp nào thực hiện việc định lại tiền lương và giá
cả đều phải tính đến hành động tương tự này của các doanh nghiệp khác. Những lãnh đạo
nghiệp đoàn đàm phán tiền lương có quan tâm về các nhượng bộ của các nghiệp đoàn khác sẽ
giành chiến thắng. Các doanh nghiệp hoạch định giá cả mà có tính toán cẩn thận về giá cả của
các doanh nghiệp khác sẽ tính được mức giá của mình.

Chúng ta hãy xem xét ví dụ sau đây để thấy được làm thế nào mà một đợt suy thoái có thể nổi
lên như là sự thất bại của việc phối hợp. Nền kinh tế được hình thành từ hai doanh nghiệp.
Sau một đợt sụt giảm cung tiền, mỗi doanh nghiệp phải quyết định liệu rằng có giảm giá của
mình hay không. Mỗi doanh nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận của mình, nhưng lợi nhuận
của doanh nghiệp phụ thuộc không chỉ vào quyết định hình thành giá của mình mà còn vào
quyết định được thực hiện bởi doanh nghiệp kia.

Nếu không có doanh nghiệp nào cắt giảm giá của mình, số lượng tiền thực (số lượng tiền chia
cho mức giá chung) thì thấp (do mức giá không được cắt giảm và duy trì ở mức cao như cũ),
cuộc suy thoái xảy ra sau đó, và mỗi doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận chỉ có 15 đô la.

Nếu cả hai doanh nghiệp cắt giảm giá của mình, cân bằng tiền thực sẽ cao, một đợt suy thoái
sẽ được tránh, và mỗi doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận là 30 đô la. Dù cho cả hai doanh nghiệp
thích tránh cuộc suy thoái, không doanh nghiệp nào có thể thực hiện được điều đó bởi những
hành động của chính mình. Nếu một doanh nghiệp giảm giá của mình trong khi doanh nghiệp
kia không, một cuộc suy thoái sẽ diễn ra kéo theo. Doanh nghiệp thực hiện giảm giá chỉ tạo
được ra 5 đô la lợi nhuận, trong khi doanh nghiệp kia có được 15 đô la.

Bản chất của ví dụ này đó là mỗi quyết định của doanh nghiệp ảnh hưởng đến toàn bộ kết cục
sẵn có đối với doanh nghiệp khác. Khi một doanh nghiệp A cắt giảm giá của mình, nó cải

111
thiện các cơ hội sẵn có cho doanh nghiệp B, bởi vì doanh nghiệp B này cuối cùng cũng có thể
tránh được cuộc suy thoái do việc cắt giảm giá của doanh nghiệp A tạo ra. Tác động tích cực
này của việc cắt giảm giá của một doanh nghiệp đối với các cơ hội có được lợi nhuận của
doanh nghiệp kia có thể tăng lên do ngoại tác tổng cầu.

Kết cục nào mà chúng ta nên mong đợi đối với nền kinh tế này? Một mặt, nếu mỗi doanh
nghiệp kỳ vọng doanh nghiệp kia cắt giảm giá cả, cả hai sẽ cắt giảm giá, tạo ra kết quả là kết
cục đáng mong đợi theo đó mỗi doanh nghiệp có được 30 đô la. Mặc khác, nếu mỗi doanh
nghiệp kỳ vọng doanh nghiệp kia duy trì mức giá như cũ, cả hai sẽ duy trì mức giá của mình,
kết quả là có được giải pháp kém hơn, theo đó mỗi doanh nghiệp có được 15 đô la lợi nhuận.
Vì vậy, dù là kết quả nào trong các kết cục này cũng có thể xảy ra: nghĩa là nền kinh tế sẽ có
nhiều điểm cân bằng.

Ở kết cục kém hơn, theo đó mỗi doanh nghiệp tạo được 15 đô la lợi nhuận, là ví dụ về sự thất
bại trong phối hợp. Nếu cả hai doanh nghiệp có thể phối hợp, cả hai sẽ cắt giảm giá của mình
và đạt đến kết cục mong đợi. Trong thế giới thực, không giống như ví dụ này, sự phối hợp thì
thường khó khăn bởi vì số lượng các doanh nghiệp định giá cả là rất lớn. Tính đạo đức của
câu chuyện này nằm ở chỗ mặc dù giá cả kết dính không là quan tâm của mọi người, giá cả
có thể trở nên kết dính bởi vì người ta kỳ vọng chúng là như vậy.

Tiền lương hiệu quả

Phần quan trọng khác của kinh tế học theo Keynes mới đó là sự phát triển của các lý thuyết
mới về thất nghiệp. Thất nghiệp bền bỉ tạo ra sự bối rối đối với lý thuyết kinh tế học. Thông
thường, các nhà kinh tế học cho rằng dư cung lao động sẽ gây áp lực hình thành nên sức ép
giảm tiền lương. Đến lượt nó, giảm tiền lương sẽ giảm thất nghiệp do tăng lượng cầu lao
động. Vì vậy, theo lý thuyết kinh tế tiêu chuẩn về thất nghiệp là do trục trặc tự điều chỉnh.

Các nhà kinh tế học theo Keynes mới thường chuyển vào các lý thuyết của cái mà họ gọi là
tiền lương hiệu quả để giải thích tại sao cơ chế cân bằng thị trường này có thể thất bại. Các lý
thuyết này cho rằng tiền lương cao làm cho người lao động có năng suất hơn. Ảnh hưởng của
tiền lương lên hiệu quả của người lao động có thể giải thích thất bại của các doanh nghiệp
trong việc cắt giảm tiền lương bất chấp dư cung lao động. Mặc dù việc giảm tiền lương sẽ
giảm thấp hơn hóa đơn thanh toán lương của một doanh nghiệp, nếu các lý thuyết này là
đúng, nó cũng sẽ làm giảm năng suất của người lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp.

112
Có một số lý thuyết khác nhau về cách thức tiền lương tác động như thế nào lên năng suất
của người lao động. Một dạng lý thuyết tiền lương hiệu quả cho rằng tiền lương cao làm giảm
sự luân chuyển lao động. Những người lao động rời bỏ việc làm vì nhiều lý do – để nhận một
vị trí tốt hơn ở các doanh nghiệp khác, để thay đổi nghề nghiệp, hay để di chuyển đến những
nơi khác của đất nước. Một doanh nghiệp trả lương càng cao cho người lao động của mình,
thì càng tạo ra động cơ lớn hơn cho họ ở lại với doanh nghiệp đó. Bằng cách trả lương cao,
một doanh nghiệp giảm được tần suất bỏ việc, do vậy giảm thời gian vào việc thuê mướn và
huấn luyện các lao động mới.

Lý thuyết tiền lương hiệu quả thứ hai cho rằng chất lượng trung bình của lực lượng lao động
của một doanh nghiệp phụ thuộc vào tiền lương mà doanh nghiệp đó trả cho người lao động
của mình. Nếu một doanh nghiệp giảm tiền lương, những người lao động tốt nhất có thể nhận
việc ở các nơi khác, để lại doanh nghiệp này những lao động kém năng suất hơn, những
người mà họ có ít cơ hội lựa chọn hơn. Bằng cách trả lương cao hơn mức cân bằng, doanh
nghiệp này có thể tránh được hiện tượng sự lựa chọn bất lợi này, cải thiện chất lượng trung
bình của lực lượng lao động của doanh nghiệp, và do vậy tăng được năng suất.

Lý thuyết tiền lương hiệu quả thứ ba cho rằng tiền lương cao cải thiện nỗ lực của người lao
động. Lý thuyết này đặt ra vấn đề rằng các doanh nghiệp không thể giám sát một cách hoàn
toàn nỗ lực của những người lao động của họ và rằng những người lao động này phải tự mình
quyết định mức độ làm việc chăm chỉ của họ. Những người lao động có thể chọn làm việc
chăm chỉ, hay họ có thể chọn trốn việc và rủi ro bị phát hiện và bị đuổi việc. Doanh nghiệp có
thể tăng nỗ lực của người lao động bằng cách trả lương cao. Tiền lương càng cao, chi phí đối
với người lao động bị đuổi việc càng lớn. Bằng cách trả lương cao hơn, một doanh nghiệp
khiến cho phần nhiều hơn trong số những người lao động của họ không còn trốn việc và vì
vậy mà tăng năng suất của những người lao động này.

Hàm ý chính sách

Bời vì kinh tế học theo Keynes mới là một trường phái tư tưởng liên quan đến lý thuyết kinh
tế vĩ mô, những người ủng hộ học thuyết này không nhất thiết tuân thủ theo một quan điểm
chung về chính sách kinh tế. Ở mức độ rộng nhất kinh tế học theo Keynes mới cho rằng –
ngược lại với một số lý thuyết cổ điển mới – các đợt suy thoái thì không đại diện cho chức
năng vận hành hiệu quả của các thị trường. Các yếu tố của kinh tế học theo Keynes mới, như
là chi phí thực đơn, sự do dự của giá cả (giá cả so le hay điều chỉnh không đồng bộ), thất bại

113
trong phối hợp và tiền lương hiệu quả, đại diện cho những khởi đầu quan trọng so với các giả
định của kinh tế học cổ điển, cung cấp cơ sở trí tuệ cho sự biện minh trong tranh luận thông
thường của các nhà kinh tế học. Trong các lý thuyết theo Keynes mới, suy thoái tạo ra bởi
thất bại thị trường trên bình diện rộng lớn của nền kinh tế. Do vậy, kinh tế học theo Keynes
mới cung cấp tính hợp lý cho sự can thiệp của chính phủ trong nền kinh tế, như là chính sách
tiền tệ và tài khóa nghịch chu kỳ. Tuy nhiên, liệu rằng các nhà hoạch định chính sách nên can
thiệp trong thực tế hay không là một câu hỏi khó hơn đòi hỏi những phán đoán kinh tế cũng
như những phán đoán chính trị.

Nguồn: https://www.econlib.org/library/Enc1/NewKeynesianEconomics.html

Về tác giả
N. Gregory Mankiw là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard.

Đọc thêm
Mankiw, N. Gregory, and David Romer, eds. New Keynesian Economics. 2 vols. 1991.

Rotemberg, Julio. "The New Keynesian Microfoundations." NBER Macroeconomics Annual


1987, edited by Stanley Fischer. 1987.

114
Bài 12 - Tình huống: Các trường phái kinh tế học vĩ mô
hiện đại đáp lại cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008
như thế nào?
Tháng 11/2009

“Thị trường tài chính và nền kinh tế đã có thể tốt hơn không nếu như
Fed thực hiện chính sách nới lỏng định lượng sớm hơn?”
Daniel L. Thornton, Phó Chủ tịch và Cố vấn kinh tế, Fed - Chi nhánh St. Louis

Phản ứng của Chính phủ Hoa Kỳ và Fed đối với cuộc suy thoái hiện hành tiếp tục là đề tài
tranh luận nóng bỏng. Một số câu hỏi đã nổi lên: Gói kích thích kinh tế 780 tỷ USD đã phù hợp
chưa? Chương trình giải cứu các tài sản trục trặc (TARP - the Troubled Asset Relief Program)
có hữu ích? Fed có nên tăng cung tiền sớm hơn không? Có nên cho phép Lehman Brother thất
bại? Một số câu trả lời cho các câu hỏi này nằm ở lý thuyết kinh tế, và các quyết định khôn
ngoan có nên được thực hiện hay không phụ thuộc vào người bạn hỏi là ai. Bài viết này xem
xét đến ba trường phái hiện đại và cách thức mỗi trường phái sẽ tư vấn đâu là cách tốt nhất để
đáp lại cuộc khủng hoảng vừa qua.

Tiếp cận của trường phái Keynes Mới (The New Keynesian Approach)

Kinh tế học Keynes Mới, phiên bản “mới” của trường phái này dựa trên cơ sở nghiên cứu của
nhà kinh tế học đầu thế kỷ 20 John Maynard Keynes, được hình thành dựa vào hai giả định chủ
yếu. Thứ nhất, người ta có xu hướng nhìn về tương lai; có nghĩa là họ sử dụng các thông tin có
sẵn hôm nay (lãi suất, giá cổ phiếu, giá xăng dầu…) để hình thành các kỳ vọng về tương lai.
Thứ hai, giá và lương có tính “kết dính”, nghĩa là chúng điều chỉnh dần dần. Một ví dụ về “sự
kết dính” là hợp đồng đàm phám của công đoàn về tiền lương được giữ cố định trong một
khoảng thời gian. Thực đơn (hay bảng chào giá) cũng là một ví dụ về sự kết dính của giá: Chi
phí phát sinh do in lại các thực đơn làm cho người chủ tiệm do dự về việc có nên thay thế chúng
hay không. Do những trở ngại này mà giá cả trên thị trường không điều chỉnh tức thời trước
những thay đổi không như kỳ vọng của các điều kiện kinh tế. Những nhà kinh tế theo trường
phái Keynes Mới nhìn chung lập luận rằng chính phủ cần phải thực hiện vai trò chủ động, thông
qua việc sử dụng chính sách tài khóa (chi tiêu chính phủ hay giảm thuế) hay chính sách tiền tệ
(lãi suất thấp hơn, thay đổi cung tiền, …), bất cứ khi nào các điều kiện kinh tế trở nên xấu đi
(như việc làm đang giảm hay lạm phát gia tăng).

115
Các nhà kinh tế theo trường phái Keynes Mới nhìn chung sẽ lập luận rằng sự can thiệp trong
suốt cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua là cần thiết. Hầu hết các nhà kinh tế theo trường phái
Keynes Mới đồng ý rằng hành động của chính phủ, dưới hình thức gói kích thích, và các quyết
định của Fed nhằm giữ lãi suất thấp và cho vay đến các định chế tài chính lớn đang trong tình
trạng nguy hiểm là vô cùng quan trọng. Họ cho rằng các hành động này sẽ kích thích cầu hàng
hóa và tăng trưởng việc làm. Có lẽ quan trọng hơn hết, các nhà kinh tế theo trường phái Keynes
Mới cho rằng các hành động này đã ngăn chặn được vòng xoắn đi xuống có tính tiếp diễn mà
lẽ ra nó đã có thể dẫn đến một cuộc suy thoái sâu hơn. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed)
Ben Bernanke đã bảo vệ sự đáp lại của Fed trước cuộc khủng hoảng và nói rằng “nếu các bạn
để cho một doanh nghiệp lớn sụp đổ một cách hỗn loạn, nó sẽ mang cả hệ thống sụp theo.”

Quan điểm các nhà kinh tế tiền tệ (The Monetarist Viewpoint)

Chủ nghĩa tiền tệ là quan điểm cho rằng tăng trưởng cung tiền có ảnh hưởng đáng kể đến tăng
trưởng GDP thực trong ngắn hạn và ảnh hưởng đến lạm phát trong các thời kỳ dài hơn. Chủ
nghĩa tiền tệ gắn với tên tuổi của nhà kinh tế Milton Friedman. Các nhà kinh tế tiền tệ tin rằng
các nhà kinh tế theo trường phái Keynes Mới tuyên bố thái quá về độ lớn của sự bất ổn thị
trường trong nền kinh tế. Họ lập luận rằng nền kinh tế thông thường sẽ đạt mức mà ở đó các
hãng sản xuất ở mức năng lực bình thường của chúng (cái mà các nhà kinh tế gọi là “GDP tiềm
năng”).

Để ngăn cản cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính sâu hơn, các nhà kinh tế tiền tệ cho rằng
Fed nên gia tăng tỷ lệ tăng trưởng của “tiền mạnh hay cơ sở tiền” sớm hơn, nhờ đó cung tiền
sẽ tăng lên (những gì được gọi là “nới lỏng định lượng”). Những nhà kinh tế tiền tệ tập trung
vào việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng cung tiền thay vì kiểm soát lãi suất. Khởi đầu, Fed đã cắt
giảm mục tiêu lãi suất, lãi suất quỹ liên bang (hay lãi suất cho vay liên ngân hàng) . Tuy nhiên,
bắt đầu giữa tháng 09/2008, Fed đã bắt đầu tăng cơ sở tiền nhanh chóng, từ 850 tỷ USD lên
đến 1750 tỷ USD vào tháng 01/2009. Như Dan Thornton, ngân hàng Dự trữ Liên bang St.
Louis có viết rằng từ khi các biện pháp này được ban hành nền kinh tế đã có dấu hiệu cải thiện.
Thornton tự hỏi nếu gia tăng cung tín dụng sớm hơn thì sự thất bại của Bear Stearns, Lehman
Brothers, và AIG có thể được ngăn chặn không, và nhu cầu cho Chương trình giải cứu các tài
sản trục trặc (TARP - the Troubled Asset Relief Program) quá tốn kém có thực sự cần thiết.
Ông lưu ý rằng nỗi lo lạm phát cũng có thể được giảm bớt bằng cách làm cho thị trường nhận
ra rằng cơ sở tiền sẽ được cắt giảm khi tín hiệu của cuộc khủng hoảng tạm lắng. Thay vì thế,

116
vấn đề chính là nỗi lo lạm phát nảy sinh xuất phát cùng với gói kích thích của chính phủ và các
chương trình đại loại như TARP.

Trường phái Cổ điển Mới (The New Classical School of Thought)

Trường phái Cổ điển Mới là phiên bản “mới” của trường phái dựa trên nghiên cứu của Adam
Smith, Alfred Marshall, và các nhà kinh tế “cổ điển” khác tồn tại trước Keynes. Tiếp cận này
dựa vào ba giả định lớn. Thứ nhất, người ta luôn tối đa hóa: Hộ gia đình cố gắng cực đại hóa
phúc lợi của họ và các hãng cố gắng tối đa hóa lợi nhuận. Thứ hai, giống như các nhà kinh tế
theo trường phái Keynes Mới, họ tin rằng người ta luôn nhìn vào tương lai. Thứ ba, giống như
các nhà kinh tế tiền tệ, họ tin rằng các thị trường điều chỉnh – giá cả thay đổi vì vậy mà người
mua và người bán có thể thực hiện các giao dịch – và do vậy mà nền kinh tế vận hành thông
thường ở mức tiềm năng của nó. Đối với một nhà kinh tế theo trường phái Cổ điển Mới, các
cuộc suy thoái không nhất thiết “xấu” như nghĩa thông thường của chúng theo cách mà trường
phái Keynes Mới nhìn nhận. Các cuộc Suy thoái (và cũng như hiện tượng nghịch lại của chúng
-những cuộc bùng nổ) thường lẽ ra nên được xem như là sự tái lập cân bằng lành mạnh của nền
kinh tế. Bởi vì thông tin thì hạn chế, sự hiểu nhầm là không thể tránh khỏi. Nhưng khi mà càng
nhiều thông tin sẵn có, thì càng nhiều sự thay đổi hành vi cũng như sự hiểu nhầm sẽ được chấn
chỉnh chính xác.

Các nhà kinh tế học Cổ điển Mới lập luận rằng sự đáp lại của chính phủ và Fed đối với cuộc
khủng hoảng là quá mức cần thiết và sẽ tạo ra những trục trặc nhiều hơn trong tương lai. Họ
cho rằng sự bùng nổ tín dụng được châm ngòi một phần là do Fed duy trì tín dụng quá rẻ trong
thời gian dài (các hãng và các hộ gia đình đã vay quá nhiều bởi vì tín dụng rẻ - lãi suất thấp và
các khoản cho vay quá dễ dàng tiếp cận). Bởi vì người ta đang hướng về tương lai, tính không
chắc chắn làm nản chí việc chấp nhận rủi ro, điều này ngăn cản thị trường hồi phục. Đối với
trường phái Cổ điển Mới, tính không chắc chắn chính là những gì mà Fed và chính phủ đang
tạo ra thông qua các chương trình được xác lập một cách nghèo nàn và tốn kém như là TARP.
Nếu thị trường không thể định giá chính xác một thứ gì đó, thì khả năng tái hồi phục một cách
đầy đủ của thị trường bị trì hoãn. Tương tự, sự không chắc chắn liên quan đến lạm phát và của
cải tương lai đi cùng với gói kích cầu mà đã làm bùng nổ chi tiêu chính phủ. Trường phái này
cho rằng tỷ lệ tiết kiệm cá nhân gia tăng vừa qua có thể phản ánh rõ ràng sự thật đó là các hộ
gia đình đang tiết kiệm tiền để chuẩn bị cho cái ngày mà họ sẽ bị đánh thuế để trả cho sự gia
tăng của các khoản nợ hôm nay. Cũng như các nhà kinh tế tiền tệ, trường phái Cổ điển Mới

117
nhất trí là cần phải có một lịch trình rõ ràng về chính sách tiền tệ cho các thị trường vận hành
hiệu quả.

Các nhà kinh tế học vĩ mô đồng ý những gì?

Các nhà kinh tế học sẽ luôn tranh luận về tình trạng lý thuyết kinh tế học vĩ mô hiện hành. “Tin
tốt” là có một điều cốt lõi của các nguyên lý kinh tế học vĩ mô mà theo đó tất cả các nhà kinh
tế học vĩ mô đều đồng ý. Một trong những nguyên lý này đó là không có sự đánh đổi giữa tỷ
lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp trong dài hạn nhưng có sự đánh đổi trong ngắn hạn. Cụ thể là
nếu ngân hàng trung ương cố gắng hạ thấp lạm phát bằng cách tăng lãi suất mục tiêu hay giảm
tăng trưởng tiền, sẽ làm cho thất nghiệp cao hơn một cách tạm thời. Một nguyên lý khác nữa
là ý tưởng cho rằng người ta luôn hướng về tương lai; do vậy, kỳ vọng trở nên quan trọng trong
việc đánh giá tác động của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Phân tích tương lai của cuộc khủng khoảng vừa qua sẽ bổ sung vào cuộc cách mạng của tư
tưởng kinh tế học vĩ mô. Những gì chúng ta học được có thể định hình các phản ứng nhằm đáp
lại các kịch bản tương lai của các bất ổn kinh tế.

Michelle T. Armesto, nhà nghiên cứu, chi nhánh Fed St. Louis.

118
S ki n:

Đại Khủng hoảng th p niên 1930.


Khủng hoảng giá dầu th p niên 1970.
Khủng hoảng tài ch nh toàn cầu 2008.

Giai đoạn phát tri n Macroeconomics:


Các cột mốc 1940s đầu 1970s: Tổng hợp Tân cổ đi n.
Gi a 1970s 1980s: Hợp nhất k vọng hợp l .
Cuối 1980s 2009: 3 nhánh Ne Keynes, Ne
Classical, Ne Gro th Tổng hơp Tân cổ đi n
m i.
H u khủng hoảng 2008: đ y mạnh cải cách.

119

You might also like