You are on page 1of 21

VIỆT BẮC (TỐ HỮU)

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN


1. Tác giả (1920 – 2002)
* Vị trí:
- Là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, mỗi chặng đường thơ của ông
gắn liền và phản ánh chân thực một chặng đường cách mạng của dân tộc.
- Người chiến sĩ cách mạng suốt đời phấn đấu hy sinh vì tương lai tươi đẹp
của dân tộc
* Phong cách thơ:
- Khuynh hướng thơ trữ tình – chính trị: mọi sự kiện, vấn đề của đời sống
cách mạng, lý tưởng chính trị, những tình cảm chính trị, thông qua trái tim
nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực
sự.
- Khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn.
+ Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu là cái tôi chiến sĩ nhân danh cộng đồng,
nhân danh Đảng và dân tộc. Nhân vật trữ tình thể hiện tập trung những phẩm
chất của giai cấp, dân tộc
+ Cảm hứng chủ đạo: hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng
và niềm say mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tình cách mạng và
con người cách mạng => thơ Tố Hữu cất lên thành tiếng hát: khúc hát tâm
tình, bài ca chiến đấu và tiếng reo ca chiến thắng.
- Giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết: “Thơ là chuyện đồng điệu. [...] Thơ là
tiếng nói đồng ý và đồng tình, tiếng nói đồng chí” => giãi bày tâm sự, trò
chuyện, kêu gọi, nhắn nhủ; cách diễn đạt tự nhiên, hơi thơ liền mạch
- Tính dân tộc đậm đà:
+ Về nội dung: gắn bó, hòa nhập với truyền thống tinh thần, tình cảm và đạo
lý dân tộc, làm phong phú thêm cho truyền thống ấy
+ Về nghệ thuật:
 Thể thơ: sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ truyền thống của dân tộc
(như lục bát, song thất lục bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ) và có những
sáng tạo làm phong phú thêm cho các hình thức thơ ca này
 Những lối so sánh, các phép chuyển nghĩa và cách diễn đạt trong thơ ca
dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt
 Sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng quen thuộc
 Nhạc điệu: phong phú về vần và những phối âm trầm bổng, nhịp nhàng
=> dễ ngâm, dễ thuộc
=> Nghệ thuật thơ Tố Hữu nghiêng về tính truyền thống hơn là sự tìm tòi đổi
mới theo hướng hiện đại hóa
=> Vượt lên bao biến động thăng trầm, thơ Tố Hữu vẫn kiên định niềm tin
vào lý tưởng và con đường cách mạng, tin vào chữ nhân luôn tỏa sáng ở mỗi
hồn người.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
- Tháng 10 năm 1954, cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ rời Việt Bắc
về thủ đô Hà Nội.
- Bài thơ ra đời vào một thời điểm nhạy cảm: khúc giao thời của lịch sử và
lòng người, chia tay với chiến tranh về với hòa bình, chia tay với quá khứ khổ
đau về với hiện tại và tương lai tươi sáng.
- Hoàn cảnh ấy dễ khiến con người ta quên đi những ngày tháng gian khổ
trong quá khứ.
=> Việt Bắc của Tố Hữu không chỉ ghi lại một thời kì lịch sử gian khổ, hào
hùng của dân tộc Việt Nam mà còn chính là lời nhắc nhở người chiến sĩ cách
mạng về đạo lý uống nước nhớ nguồn, ân tình thủy chung.
b. Nhan đề
- “Việt Bắc”: địa danh nổi tiếng được biết đến là cái nôi của cách mạng Việt
Nam, là nơi được lựa chọn làm cơ quan đầu não trong cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp.
- Là nơi gợi nhắc những sự kiện trọng đại của lịch sử - một thời kháng chiến
gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Không những thế còn là nơi ghi lại những
kỉ niệm đẹp đẽ, gắn bó sâu nặng nghĩa tình giữa nhân dân miền ngược với cán
bộ kháng chiến miền xuôi.
=> Hai từ “Việt Bắc” như một sự hội tụ sâu sắc tình cảm thủy chung, son sắt
của nhà thơ – người cán bộ kháng chiến đối với quê hương cách mạng.
. Kết cấu
- Diễn biến tâm trạng của tác giả được phân thân vào hai tuyến nhân vật trữ
tình: Người đi và người ở. Một bên cất lên lời hỏi thì một bên đáp lại khiến
người đọc nhớ đến lối đối đáp giao duyên trong ca dao - dân ca. Hỏi và đáp
đều mở ra bao nhiêu kỷ niệm về cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh
hùng, bằng cả nỗi nhớ thương. Thực ra, bên ngoài là đối đáp, còn bên trong là
lời độc thoại, là biểu hiện tâm tư tình cảm của chính nhà thơ, của những người
tham gia kháng chiến.
- Cách xưng hô “ta” – “mình” gần gũi thân thương được Tố Hữu vay mượn
trong ca dao - dân ca, khiến cho cuộc chia tay giữa hai tập thể người như một
cuộc chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn, vấn vương, thương nhớ của đôi lứa yêu
nhau. Lời hỏi đáp như lời thủ thỉ, ân tình, cứ ngọt ngào, thấm sâu vào lòng kẻ
ở, người đi.
d. Cảm hứng chủ đạo và bố cục
- Cảm hứng chủ đạo: Cả bài thơ được dệt bằng nỗi nhớ triền miên. Điệp từ
“nhớ” kết nối toàn bài. Nhớ cũng là cảm xúc chi phối, bao trùm toàn bộ bài
thơ. Nhớ cảnh vật, nhớ con người, nhớ kỉ niệm kháng chiến, kỉ niệm tình
quân dân, đồng bào, đồng chí, kỉ niệm tình yêu.
- Bố cục 4 phần:
+ P1 (8 câu đầu): Cuộc chia tay lưu luyến giữa kẻ ở, người đi.
+ P2 (12 câu tiếp): Nỗi niềm băn khoăn, trăn trở của người ở lại.
+ P3 (62 câu tiếp): Nỗi nhớ sâu sắc của người ra đi với thiên nhiên, con người
Việt Bắc và cuộc sống kháng chiến.
 4 câu đầu: Khẳng định tấm lòng thủy chung.
 18 câu tiếp: Nhớ thiên nhiên, con người Việt Bắc và cuộc sống kháng
chiến
 10 câu tiếp: Bức tranh tứ bình thiên nhiên và con người Việt Bắc.
 30 câu cuối: Khung cảnh Việt Bắc kháng chiến.
+ P4 (Còn lại): viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ca ngợi công ơn của
Đảng, Bác.
PHẦN II. PHÂN TÍCH CHI TIẾT
1. Phần 1 (8 câu đầu)
- Vị trí: khai mở cảm xúc cho toàn bộ thi phẩm. Cả bài thơ dâng đầy nỗi nhớ.
Nỗi nhớ khởi đầu từ cuộc chia tay của người cán bộ miền xuôi và nhân dân
Việt Bắc. Đoạn thơ đã khắc họa khung cảnh chia ly thấm đẫm màu sắc núi
rừng, chan chứa tình cảm quyến luyến, bịn rịn giữa người đi và người ở
a. Bốn câu đầu: Lời của người ở lại
“ - Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”
- Tố Hữu để cho người ở lại mở lời trước. Đây là một sự khéo léo và hợp lý
trong cách sắp xếp cấu tứ thơ. Người ở lại dự cảm về những đổi thay, nhìn
vào đâu, chạm vào đâu cũng thấy kỉ niệm hiện về
- Câu thơ đầu tiên, hai chữ “mình”, “ta” được đặt ở đầu và cuối câu thơ tạo
nên một nhịp tâm trạng, một dự cảm về sự xa xôi, cách trở. Tố Hữu đã vận
dụng sáng tạo đại từ “mình”, “ta” với hình thức đối đáp giao duyên trong ca
dao, dân ca để thể hiện tình cảm gắn bó, thủy chung giữa nhân dân với cách
mạng.
- Người ở lại mong người về xuôi hãy nhớ những năm tháng gắn bó, mặn
nồng. 15 năm là tính từ thời kháng Nhật; là khoảng thời gian đủ dài để con
người có thể khắc ghi cuộc sống ân tình ân nghĩa, chia ngọt sẻ bùi từ thuở hàn
vi cho đến ngày chiến thắng.
- Người ở lại còn khơi dậy những kỉ niệm tràn ngập không gian Việt Bắc:
“Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”.
=> Bốn câu thơ điệp lại bốn lần chữ “nhớ” gợi một nốt nhấn của tâm trạng,
tạo thành điệp khúc của tình cảm. Mặt khác, bốn câu thơ còn sử dụng hai câu
hỏi tu từ, một câu hỏi hướng về thời gian, một câu hỏi hướng về không gian.
Người ở lại hỏi người về xuôi “có nhớ” cũng là cách khẳng định lòng mình
không bao giờ quên. Giọng điệu của lời thơ vì thế tha thiết, lay động.
b. Bốn câu sau: Tâm trạng của người về xuôi
“ - Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau/ biết nói gì/ hôm nay”
- Hình ảnh người về xuôi được diễn tả qua ba trạng thái tình cảm.
+ “Tha thiết” là tiếng nói cất lên từ đáy lòng đầy yêu thương. Hai chữ “tha
thiết” hô ứng với hai chữ “thiết tha” ở câu thơ “Mười lăm năm ấy thiết tha
mặn nồng” tạo sự cộng hưởng về cảm xúc, một mạch ngầm tri kỉ thật đẹp đẽ
giữa người đi và người ở.
+ “Bâng khuâng” diễn tả tâm trạng nuối tiếc, hụt hẫng.
+ “Bồn chồn” đặc tả trạng thái nôn nao, chờ đợi, phấp phỏng không yên.
- Đọng lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người về xuôi là hình ảnh “áo chàm”:
+ Nghệ thuật hoán dụ: Áo chàm là trang phục đặc trưng gợi lên bóng dáng
giản dị, thân thương của người dân Việt Bắc trong buổi chia tay
+ Hình ảnh thơ còn mang ý nghĩa biểu tượng ẩn dụ cho tình cảm sắt son, thủy
chung của nhân dân với cách mạng, bởi màu áo chàm hay cũng chính là “màu
của lòng người” bình dị nhưng khó phai mờ.
- Hành động “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” gợi nhiều ý nghĩa. Ở đây
không phải không có gì để nói mà là muốn nói rất nhiều nhưng nghẹn ngào
không nói nên lời => Nhịp thơ lẻ 3/3/2 cho thấy sự bối rối của lòng người.
*Tiểu kết:
Tố Hữu đã tạo nên một sắc điệu mới cho thơ ca chia ly. Nếu thơ ca chia ly
trong văn học xưa nay chất chứa nỗi sầu muộn thì thơ Tố Hữu cũng có nỗi
nhớ da diết, tình cảm quyến luyến nhưng vẫn tràn ngập lòng yêu đời, yêu
thiên nhiên, yêu con người tha thiết. Chia tay để rồi gặp lại, cả người đi và
người ở đều hướng về một tương lai tươi sáng.
2. Phần 2: Nỗi niềm băn khoăn, trăn trở của người ở lại (12 câu tiếp)
a. 10 câu thơ đầu
* Nội dung: Những kỉ niệm của những ngày tháng gian nan khi Đảng và dân
cùng gây dựng phong trào hiện lên sống động trong tâm trí người ở lại.
- Nhớ Việt Bắc là nhớ những hình ảnh thiên nhiên: “Mình đi có nhớ những
ngày/ Mưa nguồn, suối lũ, những mây cùng mù”
Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên với những đặc trưng vốn có: mưa nguồn, suối
lũ, mây mù. Hình ảnh thiên nhiên vừa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng
cho những ngày tháng cơ cực, gian khổ đã qua.
- Người ở lại còn nhắc đến ngày tháng gian khổ, thiếu thốn về vật chất nhưng
mối thù sâu nặng, sục sôi về tinh thần: “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng
vai”. “Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh”
- Trong khi nhắc nhớ những kỉ niệm, mảnh đất và con người Việt Bắc hiện
lên thân thương, tình nghĩa biết bao:
“Trám bùi để rụng, măng mai để già”
“Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”

* Nghệ thuật:
- Đoạn thơ là năm câu hỏi của người ở lại với người đi, những câu hỏi dồn
dập, gấp gáp bởi nỗi nhớ trào dâng khi giờ phút chia tay đang đến gần. Sự đắp
đổi nhịp nhàng trong điệp ngữ ở các câu 6 “mình đi có nhớ”, “mình về có
nhớ”, sự đăng đối trong hai vế của câu 8 với nhịp 4/4
“Miếng cơm chấm muối/mối thù nặng vai”; Hắt hiu lau xám/ đậm đà lòng
son”; “Trám bùi để rụng/ măng mai để già”; “Mưa nguồn/ suối lũ, những
mây/ cùng mù” tạo nhạc điệu ngân nga, dìu dặt, ngọt ngào cho đoạn thơ.
- Điệp cấu trúc “mình đi” – “mình về”: lời nhắc nhở nhẹ nhàng, ân tình
người cán bộ kháng chiến về những kỉ niệm đã cùng gắn bó nơi núi rừng Việt
Bắc. Đi – về vốn chỉ chuyển động ngược chiều nhau, ở đây đều gắn với người
cán bộ cách mạng. Nó khiến ý thơ thành lời thề, lời hứa thiêng liêng: ra đi là
để trở về, mặt khác, người đọc cảm nhận được với người đi, Việt Bắc đã trở
thành quê hương thứ hai.
- Câu hỏi tu từ: Mười hai câu thơ là sáu cặp câu hỏi tu từ, hỏi để gợi nhắc về
những kỉ niệm, những ngày tháng đồng cam cộng khổ đã cùng nhau trải qua
trong suốt 15 năm.
b. Hai câu thơ cuối
“Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa”
- Câu thơ “Mình đi, mình có nhớ mình” có hai cách hiểu:
+ Người ở lại hỏi người ra đi: khi về xuôi, anh có nhớ tới tôi không, có nhớ
tới những ngày gian lao? Khi ấy câu hỏi xao xuyến một nỗi nhớ nhung, day
dứt một niềm trăn trở.
+ Cũng có thể hiểu đây là lời người ra đi tự vấn lương tâm: khi về xuôi, liệu
có nhớ những ngày tháng “mưa nguồn suối lũ”, “miếng cơm chấm muối”, có
nhớ đến bản thân mình không? Câu hỏi là lời nhắc nhở tha tiết, nghiêm nghị,
lời nhắc nhở đừng đánh mất mình, đừng quên những tháng ngày gian khổ.
- Đình Hồng Thái là điểm dừng chân đầu tiên của Bác trên đường đến Tân
Trào. Đây cũng là nơi họp quốc dân đại hội 8/1945. Bên gốc đa Tân Trào, đội
Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã làm lễ xuất phát, chuẩn bị cho
tổng khởi nghĩa. Những địa danh Tân Trào, Hồng Thái gắn liền với cội nguồn
của cách mạng - về một thời không thể nào quên.
=> Tố Hữu đã tiên đoán được sự đổi thay nên mượn lời người ở lại để nhắc
nhở người ra đi về đạo lý uống nước nhớ nguồn.
3. Phần 3 (từ câu 21 – câu 82): Nỗi nhớ sâu sắc của người ra đi với thiên
nhiên, con người Việt Bắc và cuộc sống kháng chiến.
a. Bốn câu đầu: Khẳng định tấm lòng thủy chung, son sắt
“Ta với mình mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”
- Câu 1: Người đi trả lời, đáp ứng ngay nỗi băn khoăn của người ở lại. Đó là
lời khẳng định như lời thề với người yêu, với lòng mình mối quan hệ tuy hai
mà một, tuy một mà hai của “ta với mình”, “mình với ta”. Quan hệ từ “với”
nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó, quấn quýt giao hòa giữa mình - ta.
- Câu 2: “Sau trước” chính là thủy chung, sống có trước có sau, trước sau như
một. Ý thơ còn gợi ra một khoảng thời gian dài từ quá khứ tới tương lai, để
khẳng định “đinh ninh” tình cảm bền chặt theo thời gian.
- Hai câu cuối như một lời thề thủy chung đáp lại câu hỏi “Mình đi mình có
nhớ mình?”
+ Chữ “mình” ở cuối câu thơ có thể hiểu là kẻ ở, cũng có thể hiểu là người đi.
Mình - ta đã hòa quyện vào nhau trong giờ phút chia tay.
 Mình - người ở lại: câu trả lời của người đi thể hiện nỗi nhớ nhung tha
thiết của những con người có sự gắn bó, hòa nhập sâu sắc bởi ta với
mình tuy một mà hai.
 Mình - người đi: câu thơ là lời khẳng định: ánh đèn thành phố không
bao gời có thể khiến người trở về quên quá khứ đẹp đẽ, nghĩa tình, càng
không bao giờ đánh mất mình.
+ Cặp từ quan hệ: bao nhiêu - bấy nhiêu gợi nhớ những câu ca dao ân tình
đằm thắm
=> Nỗi nhớ vốn là khái niệm trừu tượng, nay được cụ thể hóa, định lượng,
hiện hữu như nước trong nguồn, đầy ắp, lặng thầm mà vô tận. Hình ảnh này
còn gợi những suy ngẫm về cội nguồn, về đạo lý thủy chung tình nghĩa “uống
nước nhớ nguồn”
b. 18 câu tiếp (từ câu 25 – câu 42): Nỗi nhớ sâu sắc với thiên nhiên, con
người Việt Bắc và cuộc sống kháng chiến
* 2 câu đầu: Nỗi nhớ Việt Bắc da diết, thủy chung như tình yêu lứa đôi:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”
- Câu thơ đầu sử dụng nghệ thuật so sánh độc đáo: tình cảm cách mạng lại
được so sánh trực tiếp với tình yêu lứa đôi. Điều này cho thấy tình cảm sắt
son trong cõi lòng của người về xuôi dành cho đất và người Việt Bắc
- Câu thơ thứ hai: nỗi nhớ Việt Bắc được đặt trong một không gian trữ tình.
Đó là hình ảnh một đêm trăng thanh bình giữa núi rừng bát ngát, một chiều
nắng vàng rực rỡ trên nương. Nỗi nhớ đọng lại trong một khoảnh khắc của
thiên nhiên với vẻ đẹp điển hình của núi rừng Việt Bắc: thơ mộng, yên ả.
* Hai câu tiếp: Nỗi nhớ bản làng và người thương
“Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
- Hình ảnh bản làng trong sương sớm, khói lam chiều, gợi không gian bình dị,
dân dã của quê hương cách mạng, gợi nhắc sự sum họp, thấm đượm nghĩa
tình
- Hình ảnh bếp lửa trong hai khoảng thời gian: “sớm – khuya” cùng hình ảnh
“người thương” thể hiện được chiều sâu cuộc sống ân tình ân nghĩa
+ “Bếp lửa” ấp iu, nồng đượm gợi sự chở che, nuôi dưỡng
+ Hình ảnh “người thương” có thể hiểu là những cô gái Việt Bắc chịu thương
chịu khó đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người cán bộ. Tuy vậy, ở đây
nên hiểu “người thương” là chỉ con người Việt Bắc nói chung. Đó là người
mế, người anh, người chị, người em… mà cán bộ kháng chiến đã coi như máu
thịt, như gia đình của mình.
* Hai câu tiếp: Nỗi nhớ trải rộng khắp núi rừng Việt Bắc
“Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”
- Nghệ thuật liệt kê đã khắc họa được vẻ đẹp thiên nhiên tươi đẹp của đất
rừng Việt Bắc: “rừng nứa, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê”.
- Hai chữ “vơi đầy” có nhiều lớp nghĩa. Trước hết chỉ trạng thái tự nhiên của
những dòng sông, con suối. Sâu xa hơn, tác giả dùng ngoại cảnh để nói hộ
tâm cảnh. Dẫu thiên nhiên, năm tháng có đổi thay thì tình cảm của người cán
bộ vẫn không thay đổi.
* Hai câu thơ tiếp: lời thề thủy chung, nghĩa tình của anh cán bộ kháng
chiến với Việt Bắc
“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi”.
- Cách xưng hô của nhân vật trữ tình thật tình tứ “mình – ta”.
- “đắng cay” tượng trưng cho những gian khổ, khó khăn, “ngọt bùi” tượng
trưng cho hạnh phúc, niềm vui. Người về xuôi nhớ về Việt Bắc là nhớ từ thuở
hàn vi cho đến ngày chiến thắng.
* Bốn câu thơ tiếp: lòng biết ơn chân thành với quê hương và con người
cách mạng
“Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng/ Nhớ người
mẹ nắng cháy lưng/ Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”
- Sắn lùi đơn giản chỉ là một món ăn bình dị, dân dã. Chăn sui được làm từ vỏ
loài cây rất cứng, chẳng lấy gì làm cao sang. Hành động “chia củ sắn lùi”,
“bát cơm sẻ nửa”, “chăn sui đắp cùng” đã diễn tả được sự thiếu thốn, khó
khăn trong buổi đầu cuộc kháng chiến của quân và dân ta. Các động từ “chia,
sẻ, đắp” thể hiện sự chở che, đùm bọc của nhân dân Việt Bắc với cán bộ cách
mạng.
- Hình ảnh người mẹ: cái nắng “cháy lưng” tưởng như muốn hủy diệt con
người vậy mà người mẹ Việt Bắc vừa địu con thơ vừa nhẫn nại “bẻ từng bắp
ngô” để nuôi con, để chia ngọt sẻ bùi với cán bộ cách mạng. Hình ảnh thơ
được đặt trong thế tương phản, đối lập giữa thiên nhiên khắc nghiệt với ý chí,
nghị lực của con người. Hình ảnh người mẹ trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp
con người Việt Bắc cần cù, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh.
=> Bốn câu thơ đã làm nổi bật đức hi sinh, phẩm chất yêu nước, yêu cách
mạng của nhân dân Việt Bắc; mặt khác thể hiện lòng biết ơn khắc nghĩa ghi
tình của cán bộ cách mạng với nhân dân; ngợi ca truyền thống ân tình thủy
chung uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam.
* Bốn câu thơ tiếp theo: Nhịp sống cách mạng ở Việt Bắc
“Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”
- Việt Bắc sôi nổi “diệt giặc dốt” đêm đêm giữa mênh mông núi rừng vang
lên tiếng học i tờ.
- Việt Bắc còn chung vui trong những giờ liên hoan với cán bộ kháng chiến.
Hình ảnh “Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan” gợi đến những đêm
liên hoan văn hóa, văn nghệ thấm đẫm tình quân dân giữa thủ đô cách mạng –
mảnh đất tự do.
- Câu thơ “Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo” khẳng định con đường cách
mạng còn gian khó nhưng người dân Việt Bắc và cán bộ cách mạng đều lạc
quan yêu đời.
* Hai câu thơ cuối đoạn: khẳng định nỗi nhớ nhịp sống muôn đời Việt
Bắc
“Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa”
- Những âm thanh mang linh hồn của cuộc sống Việt Bắc: “tiếng mõ rừng
chiều, tiếng chày giã gạo” đều đều nơi suối xa => âm thanh cuộc sống thật êm
đềm, thanh bình đã lắng sâu vào tâm hồn của người cán bộ cách mạng về xuôi
- Nghệ thuật lấy động tả tĩnh gợi lên bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp cổ
điển với không gian yên ả, vắng lặng, thanh bình rất đặc trưng của núi rừng
Việt Bắc
=> Tiểu kết: Đoạn thơ vừa là những kỉ niệm ân tình vừa là khúc hòa tấu ngọt
ngào, tươi vui về nhịp sống của thiên nhiên và con người quê hương cách
mạng với cảm hứng “uống nước nhớ nguồn”. Đoạn thơ thể hiện tấm lòng yêu
cách mạng, yêu đất nước của Tố Hữu thật sâu sắc bởi lẽ nó bắt nguồn từ lòng
yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống ân tình ân nghĩa mang đạo lý của con người
dân tộc Việt Nam.
c. 10 câu tiếp (từ câu 43 – câu 52): Bức tranh tứ bình về thiên nhiên, con
người Việt Bắc
* Hai câu đầu: lời nhắn gửi ân tình
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người”
- Nhân vật trữ tình xưng hô tình tứ “mình – ta”
- Câu thơ thứ nhất không đơn thuần chỉ là lời hỏi mà còn ngầm chứa một
thông điệp: không biết “mình” có nhớ “ta” không còn “ta” thì luôn nhớ
“mình”.
- Câu thơ thứ hai cụ thể hóa đối tượng gửi thương gửi nhớ. Người về xuôi nhớ
về “hoa” và “người” Việt Bắc.
+ “Hoa” là vẻ đẹp tươi tắn, mộng mơ của thiên nhiên.
+ “Người” là đối tượng đẹp nhất của cuộc sống
+ Liên từ “cùng” chỉ mối quan hệ song song, sóng đôi. Thiên nhiên và con
người hòa quyện, cùng tôn lên vẻ đẹp.
* Tám câu cuối: Bộ tứ bình đông - xuân - hạ - thu
- Nhận xét chung:
+ Tám câu tiếp có kết cấu thật đặc biệt với bốn cặp lục bát, cứ một câu lục nói
về thiên nhiên xen kẽ một câu bát nói về con người tạo nên bộ tứ bình đặc sắc
về cảnh bốn mùa Việt Bắc.
+ Bốn mùa của Việt Bắc hiện ra bắt đầu bằng mùa đông và kết thúc là mùa
thu. Phải chăng đây là dụng ý thể hiện quá trình vận động của cách mạng?
Mùa đông gắn với những khó khăn, gian khổ trong buổi đầu kháng chiến.
Mùa thu là bức tranh cuối cùng trong bộ tứ bình, cảnh thu không chỉ là cảnh
sắc thơ mộng của thiên nhiên mà còn là mùa thu hòa bình trong hiện tại, là
mùa chia li với bao vấn vương, lưu luyến. Tranh tứ bình xưa vốn hướng tới
miêu tả ngoại cảnh; với điệp từ “nhớ” trong đoạn thơ, Tố Hữu đã cho thấy
đây là những bức tranh tâm cảnh.
- Cảnh mùa đông:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
+ Thiên nhiên:
 Mùa gắn liền với những kỉ niệm cách mạng, kháng chiến. 12/1944, tại
Tân Trào, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ xuất quân;
12/ 1946 Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; chiến
dịch Việt Bắc Thu Đông 1953 - 1954. Và giờ đây, 10/1954, cơ quan
trung ương Đảng và Chính phủ lại chuyển từ Việt Bắc về Hà Nội.
 Cảm nhận trên hai bình diện màu sắc: màu xanh thẫm của những cánh
rừng đại ngàn, màu đỏ tươi của những bông hoa chuối nở bung rực rỡ.
Màu đỏ là gam màu nóng, gợi sự ấm áp, tin yêu. Hình ảnh này kết hợp
với ánh nắng chan hòa ở câu thơ thứ hai khắc họa một mùa đông Việt
Bắc ấm áp – chiến khu tự do
+ Con người:
 Vị trí: đèo cao => Con người đứng trên đỉnh đèo, ánh nắng chiếu vào
lưỡi dao gài ở thắt lưng làm lóe sáng tạo nên hai mặt trời sóng đôi thú
vị: mặt trời của thiên nhiên ở trên cao và mặt trời con người hiện diện
trên mặt đất
 Tư thế: vững chắc, làm chủ núi rừng, tích cực lao động sản xuất để
phục vụ kháng chiến.
- Cảnh mùa đông:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
+ Thiên nhiên:
 Mùa gắn liền với những kỉ niệm cách mạng, kháng chiến. 12/1944, tại
Tân Trào, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ xuất quân;
12/ 1946 Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; chiến
dịch Việt Bắc Thu Đông 1953 - 1954. Và giờ đây, 10/1954, cơ quan
trung ương Đảng và Chính phủ lại chuyển từ Việt Bắc về Hà Nội.
 Cảm nhận trên hai bình diện màu sắc: màu xanh thẫm của những cánh
rừng đại ngàn, màu đỏ tươi của những bông hoa chuối nở bung rực rỡ.
Màu đỏ là gam màu nóng, gợi sự ấm áp, tin yêu. Hình ảnh này kết hợp
với ánh nắng chan hòa ở câu thơ thứ hai khắc họa một mùa đông Việt
Bắc ấm áp – chiến khu tự do
+ Con người:
 Vị trí: đèo cao => Con người đứng trên đỉnh đèo, ánh nắng chiếu vào
lưỡi dao gài ở thắt lưng làm lóe sáng tạo nên hai mặt trời sóng đôi thú
vị: mặt trời của thiên nhiên ở trên cao và mặt trời con người hiện diện
trên mặt đất
 Tư thế: vững chắc, làm chủ núi rừng, tích cực lao động sản xuất để
phục vụ kháng chiến.
- Cảnh mùa xuân:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
+ Thiên nhiên: Màu sắc tinh khiết của hoa mơ tràn ngập không gian Việt
Bắc. Chữ “trắng” về bản chất vốn là tính từ nhưng ở đây đã được “động từ
hóa” gợi sự chuyển biến về màu sắc và bước đi của thời gian. Người đọc có
cảm giác cả cánh rừng Việt Bắc bỗng chốc bừng sáng vì sắc trắng của hoa
mơ, thời gian luân chuyển từ đông sang xuân => gợi được một vẻ đẹp trong
sáng, tràn đầy sức sống, một không gian thoáng đãng, rộng lớn của núi rừng
Việt Bắc khi xuân về.
+ Con người:
 hành động “đan nón chuốt từng sợi giang” gợi tính cách chăm chỉ, tỉ
mỉ, tài hoa.
 ý thơ còn thấm đượm ân tình cách mạng, người Việt Bắc đan những
chiếc nón gửi tặng dân công, bộ đội ra hỏa tuyến.
- Cảnh mùa hạ:
+ Thiên nhiên: Câu “Ve kêu rừng phách đổ vàng” được xem là câu thơ hay
nhất trong đoạn thơ hay nhất
 Hai chữ “đổ vàng” diễn tả ba cuộc chuyển đổi:
 Chuyển đổi trong không gian: âm thanh đánh thức sắc màu, chỉ trong
chốc lát những nụ phách còn ẩn mình trong kẽ lá xanh được tiếng ve
đánh thức bỗng đồng loạt nhuộm trong sắc vàng kì ảo.
 Chuyển đổi trong thời gian: màu vàng của rừng phách đưa thiên nhiên
chuyển từ xuân sang hạ.
 Chuyển đổi về cảm giác: từ thính giác để nghe âm thanh chuyển sang
thị giác để cảm nhận sắc màu.
 Chữ “đổ” là một sáng tạo của Tố Hữu. Ta tưởng như tiếng ve giống
một bát phẩm màu sóng sánh đổ loang, nhuộm vàng rừng phách khi hạ
về.
+ Con người:
 Hình ảnh “cô em gái hái măng một mình” khắc họa vẻ đẹp của con
người Việt Bắc chịu thương chịu khó đồng thời còn là vẻ đẹp của con
người tâm tình đọng lại trong niềm thương nỗi nhớ của người về xuôi
 Hai chữ “một mình” thể hiện chiều sâu của lòng thương nhớ trong xa
cách giữa người miền ngược và miền xuôi.
- Cảnh mùa thu:
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
+ Thiên nhiên:
 Câu thơ mở ra hai chiều không gian của rừng thu trong đêm trăng, đó
là chiều cao và chiều rộng
 Hai chữ “trăng rọi” gợi hình ảnh ánh trăng rọi thành những luồng ánh
sáng từ bầu trời xuống núi rừng, không gian cao rộng tràn ngập sắc
trăng
 Ánh trăng gắn với khát vọng hòa bình – khát vọng cháy bỏng của dân
tộc Việt Nam lúc bấy giờ => mạch vận động của thơ ca cách mạng nói
chung: luôn hướng đến tương lai tươi sáng
+ Con người: âm thanh tiếng hát
 “Nhớ ai” là một lời hỏi kết hợp với đại từ “ai” mang tính phiếm chỉ tạo
nên cảm giác bâng khuâng, lưu luyến
 Bốn chữ “ân tình thủy chung” đã chạm đúng vào gốc rễ của đạo lý dân
tộc: truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
=> Tiểu kết: Nhìn chung đoạn thơ đã khắc họa thành công bộ tứ bình về bốn
mùa Việt Bắc. Mỗi cảnh có một nét đẹp riêng nhưng tổng thể có sự hài hòa
đến tuyệt diệu: từ màu sắc (xanh, đỏ, trắng, vàng) đến âm thanh (âm thanh
của sự sống thiên nhiên – tiếng ve ngân vang và âm thanh của cuộc sống con
người – tiếng hát thủy chung). Sự hòa quyện giữa màu sắc và âm thanh là sự
hòa quyện giữa cái hữu hình và vô hình tạo nên một cảm nhận thật thú vị.
Đoạn thơ cho thấy tính dân tộc đậm đà trong thơ Tố Hữu trên cả hai phương
diện: nội dung và hình thức.
d. 30 câu tiếp (từ câu 53 – câu 82): Khung cảnh Việt Bắc kháng chiến
* Mười câu đầu (từ câu 53 – câu 62): Thiên nhiên núi rừng Việt Bắc trong
chiến đấu
- Bốn câu đầu:
Nhớ khi giặc đánh giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.
+ Những ngày đầu kháng chiến gian khổ giai đoạn cầm cự, phòng ngự, bộ đội
phải dựa vào dân, dựa vào núi rừng Việt Bắc hiểm trở để đánh địch. Núi rừng
cũng trở nên có chí, có tình người, đã trở thành những người bạn, những
người đồng đội, những chiến sĩ anh hùng của toàn quân.
+ Chữ “rừng” và “núi” được lặp lại năm lần, rải kín câu thơ, rải kín đất Việt
Bắc tạo thế hiểm của trường thành của lũy thép vây bọc quân thù. Bằng phép
nhân hóa, rừng bạt ngàn cây, với núi đá bao la trên dưới một lòng cùng con
người đánh đuổi quân xâm lược. Đồng thời thể hiện tình cảm giữa con người
và thiên nhiên núi rừng Việt Bắc tha thiết, bao la.
=> Núi: giăng thành lũy, rừng: đảm nhận hai công việc, như một người mẹ
che chở cho con mình, rừng bao bọc cho bộ đội trước kẻ thù. Rừng trở nên
kiên quyết đến dữ dằn cùng với việc vây quân thù để tiêu diệt. Cái trùng trùng
điệp điệp của rừng, cái khí thế hiên ngang kiêu hùng của những vách núi đã
làm cho biết bao kẻ thù khiếp sợ và bất lực. Qua đó càng làm sáng tỏ thêm
nhận định: Việt Bắc là cái nôi của cách mạng dân tộc ta.
- Hai câu tiếp:
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
+ Trời đất chìm lấp trong cả màn sương giăng khắp nơi, khiến cho khung
cảnh chiến đấu trở nên uy linh và không kém phần lãng mạn.
+ Nhưng dù giữa một biển sương mù khó khăn, con người vẫn không mất đi
vẻ đẹp lãng mạn của lòng mình. Với hình ảnh chọn lọc “mênh mông bốn mặt
sương mù”, chiến khu mang nét đặc trưng rộng lớn, đồng thời thể hiện sự
phát triển của kháng chiến, chiến khu giải phóng được mở rộng hơn. Cùng với
cụm từ “Đất trời ta cả” khẳng định quyền làm chủ vùng giải phóng, và sự
tương phản “Mênh mông bốn mặt” >< “chiến khu một lòng”: Cả vũ trụ, núi
rừng Việt Bắc giờ đây đang cùng nhìn về một hướng.
- Bốn câu cuối đoạn:
Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ Phố Ràng
Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà.
+ Câu hỏi tu từ thể hiện niềm vui to lớn trước chiến thắng vẻ vang của dân
tộc. Sau đó là câu: “Ta về ta nhớ” vừa là câu trả lời, đồng thời cũng là câu nói
khẳng định ẩn chứa biết bao niềm tự hào.
+ Phép liệt kê các địa danh ở Việt Bắc gắn liền với những sự kiện quan trọng
như Phủ Thông, đèo Giàng, là nơi đã diễn ra các trận đầu cuộc kháng chiến
chống pháp. Sông Lô, phố Ràng: Trận sông Lô đánh tàu chiếm Pháp trong
chiến dịch Việt Bắc và trận đánh đồn phố Ràng. Cao – Lạng: Cao Bằng và
Lạng Sơn, năm 1950 ta mở chiến dịch giải phóng biên giới Việt – Trung. Đó
là những chiến công tiêu biểu góp phần quan trọng, mang tính quyết định
thắng lợi của cuộc kháng chiến. Những bước đầu quan trọng ấy đã làm thay
đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực cho cuộc kháng chiến, củng cố niềm
tin vào thắng lợi cuối cùng.
+Điệp từ “nhớ” cùng với thể thơ lục bát âm điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào, sâu
lắng diễn tả nỗi nhớ dào dạt trong kí ức của nhà thơ. Giọng thơ thay đổi linh
hoạt, lúc trầm lắng, lúc mạnh mẽ, mãnh liệt trong niềm vui khiến đọc giả như
đang hòa mình vào niềm vui lớn của dân tộc, niềm vui trọn vẹn khi đất nước
hoàn toàn tự do
* 12 câu tiếp (từ câu 63 – câu 74): Đêm Việt Bắc ra trận
- Hai câu thơ đầu tái hiện lại không khí của thời đại kháng chiến chống
Pháp:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”
+ Cụm từ “những đường Việt Bắc” vừa gợi ra một không gian rộng lớn, khắc
họa hình ảnh những con đường cụ thể có thật ở khắp núi rừng quê hương cách
mạng đồng thời còn mang ý nghĩa biểu tượng cho con đường kháng chiến,
con đường cách mạng
+ Hai chữ “của ta” cho ta thấy tư thế làm chủ, tự tin, vững mạnh của quân và
dân ta, đồng thời khẳng định Việt Bắc là mảnh đất tự do với niềm tự hào sâu
sắc
- Hai câu thơ đầu: tái hiện lại không khí của thời đại kháng chiến chống
Pháp:
+ Hình ảnh con đường ra trận:
 thời gian “đêm đêm”: gợi sự liên tục, hình ảnh đoàn quân nối tiếp bền
bỉ, bất tận từ đêm này sang đêm khác.
 Hai chữ “rầm rập” vừa gợi âm thanh vừa gợi hình ảnh. Nó diễn tả được
sự đông vui, náo nức cùng sức mạnh của quân và dân ta.
 So sánh “như là đất rung” kết hợp với nhịp thơ nhanh mạnh, âm hưởng
thơ tưng bừng, rộn rã khiến ta có cảm giác cả núi rừng như đang rung
chuyển bởi sức mạnh con người.
- Hai câu thơ tiếp: cụ thể hóa hình ảnh đoàn quân ra trận:
“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
+ Những từ láy mang giá trị tạo hình và biểu cảm “trùng trùng, điệp điệp” đã
miêu tả hình ảnh đoàn quân ra trận dài vô tận, tựa như núi rừng trùng điệp,
đông đảo, mạnh mẽ.
+ Hình ảnh thơ vừa mang chất hiện thực vừa mang cảm hứng lãng mạn: “Ánh
sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
 Hình ảnh thực: người lính hành quân trong đêm có sao sáng dẫn đường,
có thiên nhiên làm bạn.
 Ý nghĩa tượng trưng: đất trời như đang hành quân cùng người lính hay
chính tầm vóc lớn lao của người lính đã vươn tới sao trời => sức mạnh
mang tầm vóc sử thi.
- Hai câu thơ tiếp theo khắc họa hình ảnh dân công xẻ núi san đường, tải
lương thực quân nhu ra chiến trường:
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”
+ Hình ảnh “đỏ đuốc từng đoàn” là hình ảnh thơ giàu ý nghĩa, vừa gợi sự
đông vui, tấp nập, mạnh mẽ, vừa là biểu tượng cho ngọn lửa nhiệt huyết
của lý tưởng, sẵn sàng chiến đấu vì Tổ Quốc, vừa là ngọn lửa ấm áp nghĩa
tình mà hậu phương dành cho tiền tuyến
+ Cách đặc tả “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay” với nghệ thuật phóng
đại, thậm xưng đã miêu tả được sức mạnh kì diệu của nhân dân ta. Đó là
sức mạnh lấn át cả thiên nhiên, đất trời.
- Hai câu thơ tiếp: có ý thơ hướng vào tương lai, khắc họa hình ảnh đất nước
đi từ đau thương đến chiến thắng:
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”
+ Hình ảnh những đoàn xe ô tô nối đuôi nhau ra chiến trường, ánh đèn pha
bật sáng xé tan màn đêm dày đặc của núi rừng => ngợi ca sức mạnh lực lượng
cơ giới của quân đội ta
+ Ý nghĩa biểu tượng ẩn dụ:
 “Nghìn đêm thăm thẳm sương dày” muốn nói đến những năm tháng
đau thương, nô lệ của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp
và phong kiến tay sai.
 “Đèn pha bật sáng như ngày mai lên” là biểu tượng cho tương lai tươi
sáng, cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân
=> Hai câu thơ mang niềm lạc quan tin tưởng mãnh liệt với âm hưởng lãng
mạn cách mạng khỏe khoắn đã dựng lên bức tượng đài đất nước Việt Nam đi
từ đau thương đến quật khởi, anh hùng.
* Bốn câu thơ cuối diễn tả niềm vui chiến thắng khắp đất nước:
“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”
- Tố Hữu có cách viết rất hay để diễn tả niềm vui chiến thắng: “Tin vui… Vui
về… Vui từ… Vui lên…”. Không chỉ có một hoặc hai nơi rời rạc mà “trăm
miền” => niềm vui thắng trận như reo lên trong lòng hàng triệu con người,
bao trùm khắp chiều dài, chiều rộng đất nước từ Bắc vào Nam
- Các địa danh xuất hiện dày đặc: đều ghi tên những chiến công và đều là
những mảnh đất thân yêu, nghĩa tình => Đó là tiếng lòng yêu say đắm đất
nước, yêu như muốn nêu mãi tên lên mà gọi” (Chế Lan Viên).
=> Tiểu kết: Qua việc phân tích đoạn thơ, ta thấy được sự kết hợp giữa
khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu.
- Chất sử thi thể hiện ở đề tài rộng lớn, đề cập đến cuộc kháng chiến
chống Pháp vĩ đại, về tình nghĩa cách mạng và kháng chiến, ở hình ảnh
con người mang tầm vóc sử thi. Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là
những con người đại diện cho phẩm chất của con người dân tộc mang
tầm vóc của lịch sử và thời đại. Mỗi cán bộ cách mạng, mỗi người dân
Việt Bắc là một chiến sĩ. Đoạn thơ còn khắc họa được bức tượng đài
đất nước với vẻ đẹp bi tráng đi từ đau thương đến chiến thắng. Về nghệ
thuật, đoạn thơ sử dụng hình ảnh thơ mang vẻ đẹp kì vĩ, hùng tráng kết
hợp với nghệ thuật phóng đại, thậm xưng đậm chất sử thi.
- Đoạn thơ cũng tràn đầy cảm hứng lãng mạn với vẻ đẹp bức tranh thiên
nhiên trên con đường ra trận của người lính; cảm hứng lạc quan hướng
về ánh sáng, về độc lập, tự do; niềm tin chiến thắng cùng niềm vui
chiến thắng như gieo vào lòng người niềm hạnh phúc vô bờ trước
tương lai tươi đẹp của đất nước. Chất sử thi và cảm hứng lãng mạn
được thể hiện qua giọng thơ hào hùng mà tha thiết, sảng khoái với nhịp
thơ nhanh, mạnh, dồn dập, phá vỡ nhịp điệu cân xứng của lục bát.
d. 30 câu tiếp (từ câu 53 – câu 82): Khung cảnh Việt Bắc kháng chiến
* 8 câu cuối đoạn (từ câu 75 – câu 82): Hoài niệm giản dị mà trang trọng về
cuộc họp của Chính phủ trong hang núi
“Ai về ai có nhớ không?
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Ðiều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường
Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu…”
- 2 đại từ “ai”: là đại từ phiếm chỉ người cán bộ về xuôi với người Việt Bắc:
tuy hai mà như một => nhắc nhở lại những kỉ niệm tươi sáng của đất nước.
Tình nghĩa con người với các cán bộ, tình nghĩa con người luôn son sắt, thủy
chung với cách mạng
- Câu hỏi tu từ “Ai về có nhớ ai không?”: là một câu hỏi giàu nghệ thuật để
hỏi chính lòng tác giả về nỗi nhớ khi đất nước độc lập mà đã phải trải qua biết
bao khổ đau trong kháng chiến trường kì
- Biểu tượng cho niềm tin chiến thắng với một loạt hình ảnh: “ngọn cờ đỏ
thắm”; “rực rỡ sao vàng”; kết hợp với âm hưởng tươi vui, mang lại niềm tin
sáng ngời vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân.
- Đặt ra hai nhiệm vụ cấp bách trong viễn cảnh đang trên đà thằng lợi đó là:
+ (1) Tiền tuyến: sẵn sàng điều thêm quân cho chiến dịch Thu - Đông
+ (2) Hậu phương: phát động nông dân giảm tô cho địa chủ, mở rộng giao
thông để phát triển kinh tế, giữ đê, phòng hạn và thu lương
=> Tuy con khó khăn nhưng đất nước ta đã từng bước tiến đến tự do, độc lập
=> Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ.
e. 8 câu cuối (từ câu 83 – câu 90): viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ca
ngợi công ơn của Đảng, Bác
“Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào...”
- 4 câu thơ đầu:
+ nỗi nhớ của cán bộ về xuôi cũng như nhân dân Việt Bắc về vị cha già kính
yêu của dân tộc - Người đã mở cho Cách mạng Việt Nam một con đường
mới. Lối điệp cấu trúc qua hai câu thơ 6 chữ bắt đầu bằng chữ “'ở đâu'” đều
xuất hiện hình ảnh của hiện thực đau đớn: “u ám quân thù”, “đau đớn giống
nòi”. Đó là những hình ảnh hiện thực đau đớn của một dân tộc bị mất nước, bị
giặc ngoại xâm
+ Để làm nhẹ dịu hình ảnh đau đớn ấy, nhà thơ đã lồng vào 2 hình ảnh: “Cụ
Hồ sáng soi”, “mà nuôi chí bền” ở câu thơ 8 chữ. Điệp từ “nhìn” và “trông” ở
hai câu thơ 8 chữ đểu hướng về Việt Bắc - trung tâm đầu não của cuộc kháng
chiến.
 “Cụ Hồ sáng soi” gợi đến ánh sáng của lí tường soi đường, ánh sáng
của những chỉ đạo sáng suốt, của niềm tin và hy vọng.
 Cụm từ “mà nuôi chí bền” diễn tả dù hiện thực có gian khổ đến đâu thì,
phải đối diện với khó khăn thử thách nhiều thế nào thì chỉ cần nhìn về
Việt Bắc, nhân dân sẽ cảm thấy có lòng tin và ý chí chiến đấu, nuôi chí
bền, trường kì kháng chiến chắc chắn sẽ thành công.
- Bốn câu thơ cuối là lời khằng định của người cán bộ về xuôi sẽ không quên
“15 năm ấy”
+ 15 năm gắn bó thiết tha mặn nồng, đấu tranh giành độc lập tự do cho dân
tộc; cán bộ sẽ không quên Việt Bắc là quê hương của Cánh mạng bởi chính
nơi này “mình và ta” đã cùng nhau chiến đấu để có được nền Cộng hòa cho
ngày hôm nay.
+ Một lần nữa Tố Hữu lại nhắc đến hai địa danh nổi tiếng và hai sự kiện nổi
bật đã từng diễn ra ở Việt Bắc “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào” nhấn
mạnh rằng mình sẽ luôn nhớ về Việt Bắc - cái nôi của Cách mạng. Ẩn trong
nỗi nhớ ấy chình là lòng biết ơn sâu sắc và lời hứa sẽ luôn thủy chung của
người cán bộ miền xuôi với đồng bào miền ngược.
III.Tổng kết
1.Giá trị nội dung:
- Ghi lại một thời kì lịch sử gian khổ, hào hùng của dân tộc Việt Nam
- Thể hiện những tình cảm cao đẹp của con người Việt Nam: uống nước nhớ
nguồn, yêu nước, căm thù giặc…
=> Bản hùng ca về cuộc kháng chiến và bản tình ca về thiên nhiên – con
người Việt Bắc
2.Giá trị nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát
- Kết cấu theo lối hát đối đáp giao duyên của ca dao – dân ca với đại từ nhân
xưng “mình – ta”
- Giọng điệu: tha thiết, ngọt ngào của tình thương mến
- Ngôn ngữ: giản dị mà giàu hình ảnh, lối so sánh ví von của ca dao...
=>Đỉnh cao của thơ Tố Hữu và là tác phẩm xuất sắc của văn học Việt
Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

You might also like