You are on page 1of 9

Việt Bắc

- Tố Hữu-
I. Dàn ý
1.
Mở bài
-Dẫn dắt vấn đề.
-Trích thơ.
2.
Thân bài
2.1 Khái quát
- Tác giả:
+ Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị.
+ Thơ Tố Hữu thể hiện cuộc sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng.
- Tác phẩm:
+ Hoàn cảnh sáng tác: ra đời vào tháng 10-1954 khi các cơ quan Trung
ương của Đảng và Chính Phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội.
+ Xuất xứ: in trong tập thơ cùng tên “Việt Bắc".
- Vị trí và nội dung đoạn trích: giữa đoạn trích “Việt Bắc”, thể hiện nỗi
nhớ đồng thời khẳng định tình cảm thủy chung không thay đổi với thiên
nhiên và con người VIệt Bắc của người cán bộ về xuôi.
2.2 Bàn luận
a. 4 câu đầu: lời khẳng định tấm lòng thủy chung không thay đổi.
- Hai câu thơ đầu:
+ “Mình – ta” nối bằng quan hệ từ “với”: sự ngọt ngào, quen thuộc, sâu
lắng
+ Nhịp thơ 3/3: diễn tả sự quấn quýt, gắn bó
+ Các từ cùng trường từ vựng “sau trước - mặn mà - đinh ninh”: tình cảm
sâu đậm, nghĩa tình
- Hai câu thơ tiếp:
+ Điệp từ “mình”: nhấn mạnh những nhớ thương, lưu luyến, đầy ắp hết
không gian, thời gian.
+ “Bao nhiêu - bấy nhiêu” + “uống nước nhớ nguồn”: khắc sâu tình cảm
thủy chung
b. 6 câu tiếp: nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc.
- Câu thơ đầu:
+ Chuyện ân tình cách mạng được nhà thơ khéo léo thể hiện như tâm trạng
của tình yêu đôi lứa.
+ “Nhớ người yêu”: nỗi nhớ thường trực, cháy bỏng, mãnh liệt -> lời thơ
chân thành, bộc lộ tình cảm nhớ nhung đậm sâu, tha thiết, lãng mạn.
- Ba câu tiếp:
+ Nỗi nhớ về thời gian và không gian của tình yêu, hò hẹn hữu tình, mơ
màng, huyền ảo (cảnh đêm trăng, nắng chiều, cảnh núi đèo, ...)
+ “Sớm khuya bếp lửa”: người Việt Bắc tần tảo, chịu thương chịu khó ->
gợi lên cảm xúc thân thương.
+ Cách gọi trìu mến “người yêu”, “người thương”: diễn tả tình cảm gắn bó
sâu sắc.
- Hai câu cuối:
+ Liệt kê “rừng nứa bờ tre”, “ngòi Thia”, “sông Đáy”, “suối Lê”: nơi diễn
ra các sự kiện kháng chiến hào hùng -> nỗi nhớ lan tỏa khắp không gian.
+ Tính từ “vơi đầy” + điệp từ “nhớ”: gợi nỗi nhớ, tình cảm tràn đầy trong
trí nghĩ.
➔ Những vần thơ trên đã gợi ra một bức họa về cảnh rừng Việt Bắc thơ mộng,
hữu tình qua đôi mắt của người đã từng gắn bó với Việt Bắc. Mỗi khoảnh khắc,
thời điểm, cảnh vật nơi đây đã trở thành kí ức ngọt ngào không thể phai mờ.
c. 12 câu cuối: nỗi nhớ về con người Việt Bắc.
- 4 câu thơ đầu: Nỗi nhớ về những ngày kháng chiến cùng đồng cam cộng khổ,
chia sẻ ngọt bùi, người cán bộ về xuôi thể hiện tình cảm chân thành tha thiết
với con người Việt Bắc.
+ Hai câu đầu: Người đi khẳng định “Ta đi ta nhớ” những tháng ngày
đắng cay ngọt bùi giữa ta và mình.
+ Cụm từ “đắng cay ngọt bùi”: lời ẩn dụ, chỉ những gian khổ khó khăn và
niềm vui nỗi buồn.
+ Đây là sự gắn bó mật thiết giữa người về xuôi với Việt Bắc đã cùng chịu
đựng gian khổ, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong suốt 15 năm.
+ “Chia sẻ”, “đắp cùng”: hiện thực gian khổ nhưng lại keo sơn gắn bó.
+ Đó là tinh thần đồng cam cộng khổ để hướng đến nhiệm vụ chung.
- 8 câu thơ tiếp: Nỗi nhớ về cuộc sống và con người Việt Bắc đơn sơ, bình dị,
gian khổ mà vẫn lạc quan yêu đời.
+ Người mẹ tần tảo, vất vả không quản khó khăn “địu con lên rẫy” bẻ ngô
nuôi chiến sĩ cách mạng.
+ “Nắng cháy lưng”: hình ảnh tả thực, lam lũ, cơ cực.
+ Người đi nhớ về những ngày cán bộ dạy chữ cho dân.
+ Cùng vui những đêm liên hoan thắm tình quân dân.
+ Nhớ những ngày tháng ở cơ quan, dẫu gian nan nhưng luôn lạc quan yêu
đời.
+ Âm thanh “tiếng mõ”, tiếng chày, tiếng suối xa: vẻ đẹp thanh bình, yên
ả ở Việt Bắc.
+ Điệp từ “nhớ”: nỗi da diết, không thể nào quên của người cán bộ khi rời
chiến khu.
2.3 Đánh giá
a. Nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát và những hình ảnh mộc mạc, giản dị được chắt lọc từ đời sống
hiện thực đã góp phần tạo nên sức sống, màu sắc cho bức tranh thiên nhiên
Việt Bắc cũng như nỗi nhớ tha thiết của người cán bộ về xuôi.
- Âm điệu ngọt ngào như cuốn hút người đọc vào dòng chảy cảm xúc, miên man
của nhân vật trữ tình.
- Ngôn ngữ và lối nói dân gian cùng với các thủ pháp nghệ thuật như điệp từ, liệt
kê được sử dụng thích hợp vừa tạo phong vị cổ điển vừa khiến cho lời thơ giàu
sức biểu cảm.
b. Nội dung:
- Tiếng lòng của người cán bộ kháng chiến về xuôi đối với toàn bộ những gì
thuộc về Việt Bắc.
- Nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc thơ mộng, yên ả, thanh bình được ví như là
“người yêu”, “người thương”.
- Nỗi nhớ về những con người mộc mạc, đơn sơ tuy đời sống gian khổ, thiếu
thốn nhưng vẫn đầy tình nghĩa chân thành.
3. Kết bài
- Chốt lại vấn đề.

II. Bài làm

Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, của tình cảm con người, là khúc hát của cảm
xúc cất lên từ sâu thẳm trái tim người nghệ sĩ. Nhà thơ phải “cân một phần nghìn
milligram quặng chữ” để viết nên từng dòng thơ say đắm lòng người. Tố Hữu cũng đã
chắt chiu từng giọt mật, cân đo và viết nên những dòng thơ về thiên nhiên và con
người Việt Bắc. Đặc biệt trong bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu đã khẳng định về sự thủy
chung, không đổi thay của người cán bộ đối với con người Việt Bắc và những tình
cảm với thiên nhiên Việt Bắc được thể hiện qua đoạn trích:
“Ta với mình, mình với ta

Chày đêm nện cối đều đều suối xa”
Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt
Nam. Thơ Tố Hữu thể hiện cuộc sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng.
Thơ ông tập trung ca ngợi nhân dân, ca ngợi lãnh tụ và người anh hùng với cảm hứng
sử thi và lãng mạn dạt dào. Ông đã để lại biết bao nhiêu bài thơ hay cho nền văn học
Việt Nam, trong đó phải kể đến “Việt Bắc”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (5.1954),
Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết (7-1954), hòa bình lập lại ở miền
Bắc. Bài thơ “Việt Bắc” ra đời vào tháng 10-1954 khi các cơ quan Trung ương của
Đảng và Chính Phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Với Tố Hữu, Việt Bắc là
nơi ông đã sống và gắn bó suốt thời kỳ kháng chiến, nay phải từ giã để cùng cơ quan
Trung ương Đảng về thủ đô. Bài thơ được Tố Hữu sáng tác trong không khí lịch sử ấy
và tâm trạng khi chia tay với Việt Bắc. “Việt Bắc” thể hiện tình cảm cách mạng giữa
những người kháng chiến và nhân dân Việt Bắc cùng lòng biết ơn với những người đã
cùng kề vai sát cánh. Bài thơ sau đó được in trong tập thơ cùng tên “Việt Bắc".

Đoạn trích thuộc phần giữa bài thơ “Việt Bắc”, thể hiện nỗi nhớ đồng thời
khẳng định tình cảm thủy chung không thay đổi với thiên nhiên và con người Việt Bắc
của người cán bộ về xuôi.
Bốn dòng thơ đầu là lời khẳng định tấm lòng thuỷ chung, không thay đổi của
người ra đi dành cho người ở lại:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…”

Câu thơ đầu là một hình ảnh đẹp của “ta với mình”:
“Ta với mình, mình với ta”
Đại từ “mình – ta” được nối kết bằng quan hệ từ “với” góp phần tạo nên sự
ngọt ngào, quen thuộc, sâu lắng cho đoạn thơ. Bởi lẽ, hai đại từ xưng hô “mình – ta”
vốn là cách xưng hô quen thuộc trong các bài ca dao dân gian, của những con người
có mối quan hệ gắn bó thân thiết, mặn nồng:

“Mình về mình có nhớ chăng


Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình.”
Hay:

“Mình về ta chẳng cho về


Ta nắm vạt áo, ta đề bài thơ”

Điệp từ “ta” - “mình” kết hợp cấu trúc đảo và liên từ “với” làm các từ “ta –
mình” cứ lặp đi lặp lại càng gợi nên sự đan xen, hòa quyện, gắn kết giữa người đi và
kẻ ở. Thêm vào đó, câu thơ “ta với mình, mình với ta” lặp lại hai từ “mình” và “ta”
cùng nhịp thơ 3/3 gợi sự quấn quýt, gắn bó giữa giao hòa, khăng khít giữa những con
người đã cùng nhau đồng cam, cộng khổ, cùng “chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa, chăn
sui đắp cùng”.
Câu thơ thứ hai đã khẳng định tấm lòng sắt son “lòng ta sau trước mặn mà đinh
ninh”. Chữ “lòng” là nơi chứa đựng mọi tình cảm: vui, buồn, hạnh phúc,... và được
đặt lên đầu câu thơ thể hiện trân trọng và sâu lắng. Như tiếng lòng của người con gái
khi yêu:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
(Sóng)
Xuân Quỳnh đã tự hát cho nỗi nhớ thương khắc khoải, da diết của chính mình, đồng
thời chứng tỏ tình cảm chân thành với người mình yêu. Vì vậy, khi dùng từ “lòng”, tác
giả dường như muốn khẳng định đó là tình cảm xuất phát từ chính tâm hồn. Ngoài ra,
Tố Hữu đã sắp xếp các từ ngữ thuộc cùng trường từ vựng “sau trước - mặn mà - đinh
ninh” gợi tình cảm sâu đậm, giàu nghĩa nặng tình. Hai chữ “sau - trước” được lấy ý
từ thành ngữ “trước sau như một” gợi nên khoảng thời gian dài từ quá khứ đến hiện tại
và tương lai. “Trước”, tức là mùa thu năm 1940, khi mặt trận Việt Bắc được thành lập.
“Sau”, ý chỉ năm 1954 khi cán bộ và Trung ương Đảng rời Việt Bắc để trở về Hà Nội.
Ý thơ nhằm hướng đến thời gian 15 năm dài nhưng “trước” và “sau” thì ta đến với
mình cũng chỉ một tình cảm này. Vạn vật có thể đổi thay, thời gian có thể làm băng
hoại những lâu đài nhưng tình cảm của ta và mình “trước sau như một”. Hai chữ “đinh
ninh” đã khẳng định tình cảm thuỷ chung của người đi là tình cảm chắc chắn, vững
bền và khó để thay đổi được. Cuối cùng, tính từ “mặn mà” nằm ở giữa hai thành ngữ
“sau trước”, “đinh ninh” càng điểm tô thêm mối tình thắm thiết, keo sơn, bền chặt
giữa người đi và kẻ ở.

Hai câu còn lại cất lên lời khẳng định về nghĩa tình trọn vẹn:
“Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu.”
Điệp từ “mình” được thi nhân sử dụng đã nhấn mạnh những nhớ thương, lưu
luyến, đầy ắp hết không gian, thời gian. Chữ “mình” thứ nhất và thứ hai nhằm chỉ
người đi, chữ “mình” thứ ba là người ở lại, chính mình, chúng mình. Câu thơ tiếp theo
xuất hiện hình ảnh so sánh quen thuộc trong ca dao “bao nhiêu – bấy nhiêu” cùng tư
tưởng “uống nước nhớ nguồn” - truyền thống văn hoá của người Việt, để bày tỏ, khắc
sâu một lần nữa tình cảm thủy chung trước sau không thay đổi của người ra đi. Nỗi
nhớ được nhà thơ cụ thể hóa, được định lượng như nước trong nguồn đầy ắp, lặng
thầm và vô tận.

Những dòng thơ tiếp theo thể hiện nỗi nhớ sâu đậm của người ra đi về vẻ đẹp
thanh bình, yên ả, mơ mộng của thiên nhiên Việt Bắc:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê, vơi đầy”
Chuyện ân tình cách mạng được nhà thơ Tố Hữu khéo léo thể hiện như tâm
trạng của tình yêu đôi lứa “nhớ gì như nhớ người yêu”. “Nhớ người yêu” là một nỗi
nhớ thường trực, mãnh liệt, không sao vơi cạn. Ý tưởng so sánh ấy không khiến lời
thơ trở nên máy móc mà trở nên chân thành, bộc lộ tình cảm nhớ nhưng đậm sâu, tha
thiết, lãng mạn với mảnh đất thân thương. Vì vậy, cảnh thiên nhiên trong phút chốc lại
trở về vơi đầy trong tâm trí của người ra đi. Xuân Diệu từng cho rằng: “Tố Hữu đã
đưa thơ chính trị lên đến trình độ thơ rất đỗi trữ tình”. Quả thực, câu thơ trên đã góp
phần đưa tác phẩm “Việt Bắc” trở thành khúc tình ca bậc nhất trong thơ ca cách mạng
Việt Nam.
Nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc đẹp hơn qua đôi mắt của người ngắm cảnh:
“Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
Vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng được lắng đọng trong kí ức của người ra đi. Những gì
cụ thể, nhỏ nhặt tưởng chừng có thể quên nhưng vẫn khắc sâu trong tâm trí của người
cán bộ về xuôi. Đó là nỗi nhớ về thời gian và không gian của tình yêu, hò hẹn mơ
màng, huyền ảo. Chủ thể trữ tình đã nhớ về những đêm yên ả, thanh bình với ánh
trăng bạc lấp ló sau đầu núi, nhớ những “nắng chiều” ấm áp nhạt nhòa trải vàng trên
nương rẫy hay những bản làng chìm trong sương khói của bếp lửa bập bùng trong mỗi
đêm đông. Hòa cùng vẻ đẹp thơ mộng và bình dị của thiên nhiên Việt Bắc là cảnh sinh
hoạt của con người nơi đây. Hình ảnh “sớm khuya bếp lửa” thể hiện người Việt Bắc là
những con người tần tảo, chịu thương chịu khó gợi lên cảm xúc thân thương trong
lòng độc giả. Cách gọi trìu mến như “người yêu”, “người thương” cho thấy chủ thể trữ
tình phải là người có tình cảm sâu sắc, gắn bó “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”
mới có thể gọi như vậy. Từng cảnh vật hiện lên một cách dồn dập, liên tiếp như diễn
tả một nỗi nhớ bịn rịn, lưu luyến, không nỡ rời xa.
Mạch cảm xúc vẫn tiếp tục với nỗi nhớ nhưng nỗi nhớ ấy gắn liền với những kí
ức chi tiết, cụ thể hơn:
“Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê, vơi đầy”

Nhà thơ đã liệt kê tên các cảnh vật như “rừng nứa bờ tre”, “ngòi Thia”, “sông
Đáy”, “suối Lê” cho thấy nỗi nhớ lan tỏa khắp không gian. Những địa danh ấy là nơi
đã diễn ra các sự kiện kháng chiến hào hùng không thể phai nhòa trong kí ức của
người ra đi. Ta có thể thấy rất rõ qua những hình ảnh đó chính là tình cảm yêu thương
gắn bó thắm thiết, mặn nồng của người ra đi dành cho mảnh đất Việt Bắc. Đặc biệt,
tính từ “vơi đầy” kết hợp thủ pháp điệp từ “nhớ” không chỉ khiến đoạn thơ như một
điệp khúc yêu thương mà còn gợi lên nỗi nhớ, tình cảm tràn đầy trong tâm thức. Chỉ
có những người sống và gắn bó máu thịt với nơi này mới có nỗi nhớ da diết, khôn
nguôi đến thế:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)
Như vậy, những vần thơ trên đã gợi ra một bức họa về cảnh rừng Việt Bắc thơ
mộng, hữu tình qua đôi mắt của người đã từng gắn bó với Việt Bắc. Mỗi khoảnh khắc,
thời điểm, cảnh vật nơi đây đã trở thành kí ức ngọt ngào không thể phai mờ.
Mặc dù đi xa nhưng cán bộ kháng chiến không thể nào quên được khoảng thời
gian đã gắn bó với đồng bào Việt Bắc. Có lẽ điều đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong
những năm tháng ở đây chính là nghĩa tình thắm thiết của người dân nơi đây, và cũng
là thứ mà người cán bộ về xuôi nâng niu, trân trọng:
“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi….
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”
Lời cán bộ kháng chiến giãi bày với đồng bào chan chứa yêu thương trong lối
xưng hô “ta-mình”. Cách nói: “Ta đi ta nhớ” là lời xác nhận về sự chia xa, là lời
khẳng định nỗi nhớ khôn nguôi về biết bao kỉ niệm, bao gắn bó giữa “ta” với “mình”
trong suốt 15 năm ấy. Kỉ niệm chưa rõ hình hài, dáng nét nhưng nồng lên vị “đắng
cay” lẫn “ngọt bùi”. Cụm từ “đắng ngọt bùi” là một lời ẩn dụ chỉ những gian khổ khó
khăn và niềm vui. Nỗi buồn “đắng cay” là những thiếu thốn gian khổ, nhọc nhằn của
đời sống vật chất. Còn “ngọt bùi” là sự yêu thương, san sẻ giữa đồng bào và cán bộ.
Câu thơ chan chứa biết bao xúc động bồi hồi, ẩn chứa trong mấy chữ “đắng cay”,
“ngọt bùi” và dấu chấm lửng ở cuối như cảm xúc dâng trào, nghẹn ngào không thể nói
nên lời.
Chỗ sâu sắc nhất trong tình nghĩa gắn bó giữa nhân dân chiến khu với cán bộ
cách mạng chính là tình cảm thương yêu, che chở, bao bọc của người dân Việt Bắc:
“Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”
Các cụm từ "sắn lùi", "bát cơm sẻ nửa", "chăn sui" là những hình ảnh cụ thể, tả
thực về cuộc sống kháng chiến gian khổ và thiếu thốn. Tuy vật chất thật ít ỏi, đơn sơ
nhưng tình nghĩa giữa các anh thật sâu sắc, thiêng liêng. Tình đồng bào, đồng chí ấm
áp, thân thương như tình cảm gia đình ruột thịt. Giữa cán bộ và đồng bào dường như
không còn khoảng cách nào nữa. Các chi tiết nghệ thuật ở đây, vừa có ý nghĩa tả thực,
vừa có tính khái quát.

Khi nhớ về chiến khu Việt Bắc, nhớ về con người nơi đây, sự đơn sơ, bình dị
trong sinh hoạt với tình thần lạc quan, yêu đời là một hình ảnh khó phai trong tâm trí
người đi. Điều đó được thể hiện qua sáu câu thơ:
“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa….”
Khắc sâu nghĩa tình kháng chiến, nghĩa tình cách mạng, cán bộ về xuôi nhớ
mãi hình ảnh người mẹ Việt Bắc vất vả, cần cù, giàu tình yêu thương:

“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng


Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”
Hai dòng thơ như thước phim quay chậm cận cảnh người mẹ Việt Bắc lên rẫy:
trời nắng chang chang, đường lên rẫy xa xôi, con còn quá thơ bé, non nớt, người mẹ
vẫn cần mẫn lên nương, lên rẫy miệt mài bẻ từng bắp ngô. Trước ngực đứa con thơ,
sau lưng gùi ngô nặng, tấm lưng cháy nắng khó nhọc, gian nan không kể siết nhưng
tất cả vì gia đình, vì cách mạng, vì kháng chiến, người mẹ Việt Bắc vẫn băng qua mọi
gian khổ. Hình ảnh “nắng cháy lưng” thực sự là nhãn tự của câu thơ. Hình ảnh ấy đã
khắc sâu vào tâm trí người đọc sự lam lũ, vất vả, cơ cực cùng sự tần tảo, đức hi sinh
cao quý của người mẹ Việt Bắc. Thật xúc động khi Tố Hữu cất lên tiếng gọi mẹ tha
thiết, phải chăng với Tố Hữu, Việt Bắc đã trở thành gia đình mà nơi ấy có người mẹ ta
chịu ơn suốt đời?

Vẫn mang dòng chảy của những hoài niệm, nhưng là kỉ niệm về lớp học “i tờ”
cùng những buổi liên hoan tại chiến khu Việt Bắc mang lại màu sắc tươi sáng, náo
nức:
“Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan”
Cán bộ cách mạng đến vùng cao không chỉ hết mình gây dựng kháng chiến mà
còn giúp đỡ đồng bào biết đến con chữ, đem ánh sáng văn hóa xuống các bản làng.
Các lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ được mở ra khắp các bản làng. Ý thơ “Đồng
khuya đuốc sáng những giờ liên hoan” gợi ta nhớ đến “Doanh trại bừng lên hội đuốc
hoa” trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng.

Cuộc sống nơi chiến khu dẫu gian khổ nhưng luôn ấm áp, nghĩa tình, trái tim
mỗi người luôn rực sáng niềm lạc quan tin tưởng:
“Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”
Tinh thần kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi, phong trào “tiếng hát át
tiếng bom” thực sự thấm sâu vào nhận thức mỗi người, và điều đó đã được Tố Hữu
thể hiện trong ý thơ. Khép lại những thước phim về cuộc sống chiến khu giản dị,
nghĩa tình là những âm thanh quen thuộc thân thương:

“Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều


Chày đêm nện cối đều đều suối xa….”
Đọc hai câu thơ ta thấy văng vẳng những khúc nhạc đồng quê, mỗi một âm
thanh lại gợi mở bức họa bình dị mà thơ mộng. “Tiếng mõ rừng chiều” giục đàn trâu
hung hăng trở về, trong niềm vui háo hức của đám trẻ mục đồng sau một ngày lao
động hăng say. Âm thanh gợi nên một không gian êm ả, thanh bình: tiếng giã gạo đêm
khuya ghi dấu bao nghĩa tình, tiếng suối róc rách nơi rừng xa lại gợi cái trong ngần,
thơ mộng của cảnh vật.

Tác giả sử dụng các điệp từ “nhớ” với cách kết hợp linh hoạt “nhớ gì…”, “nhớ
từng…”, “nhớ người…”, “nhớ sao…” cùng thể thơ lục bát có âm điệu sâu lắng, đã thể
hiện sâu sắc nỗi nhớ, tình cảm sâu nặng của người cán bộ cách mạng đối với cảnh và
người Việt Bắc. Đoạn thơ hội tụ vẻ đẹp bình dị nhất, mộc mạc nhất trong bài thơ Việt
Bắc. Dấu chấm lửng cuối đoạn thơ tạo nên những khoảng lặng thi vị.

Tố Hữu đã thành công với đoạn trích nhờ vào những nghệ thuật đặc sắc tiêu
biểu. Với thể thơ lục bát và những hình ảnh mộc mạc, giản dị được chắt lọc từ đời
sống hiện thực đã góp phần tạo nên sức sống, màu sắc cho bức tranh thiên nhiên Việt
Bắc cũng như nỗi nhớ tha thiết của người cán bộ về xuôi. Đoạn trích với âm điệu ngọt
ngào như cuốn hút người đọc vào dòng chảy cảm xúc, miên man của nhân vật trữ tình.
Ngoài ra, ngôn ngữ và lối nói dân gian cùng với các thủ pháp nghệ thuật như điệp từ,
liệt kê được sử dụng thích hợp vừa tạo phong vị cổ điển vừa khiến cho lời thơ giàu
sức biểu cảm, hấp dẫn hơn.
Đoạn trích là tiếng lòng của người cán bộ về xuôi đối với toàn bộ những gì
thuộc về Việt Bắc. Trong nỗi nhớ ấy, mọi sự việc đều hiện lên thật gần gũi, thân
thương. Đó là nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc thơ mộng, yên ả, thanh bình được ví
như là “người yêu”, “người thương”. Hay đó là nỗi nhớ về những con người mộc mạc,
đơn sơ tuy đời sống gian khổ, thiếu thốn nhưng vẫn đầy tình nghĩa chân thành. Tất cả
đã thể hiện nỗi nhớ đồng thời khẳng định tình cảm thủy chung không thay đổi với
thiên nhiên và con người Việt Bắc của người ra đi.
Đoạn trích khép lại nhưng âm điệu vẫn mãi vang vọng trong lòng người đọc.
Toàn bộ thi phẩm “Việt Bắc” như một bản trường ca của lịch sử, đồng thời cũng như
một bản tình ca của nghĩa tình quân dân. Tác phẩm chính là kết tinh của những đặc
sắc từ phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu. Với đoạn thơ nói riêng và cả tác
phẩm nói chung, Tố Hữu xứng đáng là một nhà thơ tiêu biểu của cách mạng với dấu
ấn thơ trữ tình chính trị sâu sắc, đậm đà tính dân tộc.
-KẾT-
Thành viên:
Nguyễn Thái Bảo
Nguyễn Đoàn Uyên Nhi
Trần Thiện Thảo

You might also like