You are on page 1of 27

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


KHOA VĂN HÓA HỌC
******

TIỂU LUẬN CUỐI KỲ


HỌC PHẦN: VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Đề tài: Nghệ thuật dân ca Nam Bộ

Giảng viên hướng dẫn: TS. Ngô Anh Đào


Sinh viên thực hiện: Trương Thị Hồng Thắm
Lớp: K15.2
MSSV: 2156140064

TP Hồ Chí Minh, 2023


Mục lục

1. Lý do chọn đề tài.............................................................................................................3
2. Cơ sở lý luận....................................................................................................................3
2.1. Loại hình nghệ thuật âm nhạc...................................................................................3
2.2. Khái niệm dân ca.......................................................................................................3
3. Cơ sở thực tiễn.................................................................................................................4
3.1. Tổng quan vùng Nam Bộ..........................................................................................4
3.2. Sự hình thành và phát triển của dân ca Nam Bộ.......................................................5
4. Đặc trưng nghệ thuật dân ca Nam Bộ..............................................................................6
4.1. Dân ca của người Kinh (Việt)...................................................................................6
4.2. Dân ca của người Khmer.........................................................................................13
4.3. Đặc điểm ngôn ngữ dân ca Nam Bộ........................................................................14
5. So sánh dân ca Nam Bộ với dân ca Bắc Bộ và Trung Bộ.............................................17
6. Chức năng của dân ca Nam Bộ......................................................................................19
7. Thực trạng và bảo tồn nghệ thuật dân ca Nam Bộ.........................................................20
7.1. Thực trạng................................................................................................................20
7.2. Bảo tồn nghệ thuật dân ca Nam Bộ.........................................................................22
8. Kết luận..........................................................................................................................23
Tài liệu tham khảo.............................................................................................................26

2
1. Lý do chọn đề tài
Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống với những thể
loại âm nhạc đa dạng. Dân ca là một trong những thể loại âm nhạc cổ truyền của Việt
Nam, những làn điệu dân ca luôn nhẹ nhàng, mộc mạc, dễ nhớ... Dân ca Việt Nam rất
phong phú và đa dạng, đi liền với tiếng hát ru, đồng dao, các điều hò, điệu lý... Dân ca
cũng mang những màu sắc khác nhau tùy địa phương, vùng miền, giọng nói... và khi nói
đến dân ca Nam Bộ, chắc hẳn ai cũng sẽ nhớ ngay đến những làn điệu ngọt ngào, sâu
lắng của tâm hồn con người vùng đất phương Nam. Dân ca là thứ tài sản tinh thần quý
giá dễ mang theo nhất của các dòng người Việt di cư vào vùng đất Nam Bộ và trong quá
trình lưu truyền, phổ biến rộng rãi bằng phương thức truyền miệng trong lao động sản
xuất, sinh hoạt văn hóa... người Nam Bộ còn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới làm
phong phú thêm và tạo nên những đặc trưng riêng của kho tàng dân ca Nam Bộ. Bởi tính
đa dạng, độc đáo cũng như những giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này nên tôi đã
chọn đề tài “Nghệ thuật dân ca Nam Bộ” để làm đề tài cho bài tiểu luận cuối kỳ.

2. Cơ sở lý luận
2.1. Loại hình nghệ thuật âm nhạc
Âm nhạc là một trong bảy loại hình nghệ thuật lớn của nhân loại.
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật thời gian, sử dụng âm thanh để thể hiện tâm tư,
tình cảm, tư tưởng và những mong muốn của con người. Âm nhạc tác động đến con
người qua ngôn ngữ riêng của nó, bằng chủ đề âm nhạc, hình tượng âm nhạc, nội dung
cũng như hình thức.
Điều đáng chú ý là âm nhạc phát hiện các trạng thái nội tại mà không cần phải
miêu tả các hình thái bên ngoài của chúng như các loại hình nghệ thuật khác, nó chỉ tập
trung biểu hiện cảm xúc và rung động trong quá trình phát triển liên tục và năng động của
nó với tất cả các sắc thái và sự chuyển hóa phong phú. Chính vì vậy người ta coi âm nhạc
với con người bằng “ngôn ngữ trực tiếp của tâm hồn”, vì cơ sở nội dung trong hình tượng
âm nhạc trước hết là những cảm xúc, những tình cảm của con người.
Đối với âm nhạc, tình cảm không chỉ là đối tượng phản ánh gần gũi, sinh động,
tinh tế nhất mà còn là phương tiện để trình bày một chân dung cuộc sống rộng lớn, đa
dạng và phong phú hơn nhiều. Âm nhạc là một phương tiện mạnh mẽ, tinh tế, năng động
để giáo dục thẩm mỹ, tình cảm cho con người.
2.2. Khái niệm dân ca
Chưa có một định nghĩa nào đưa ra để giải thích chính xác được khái niệm dân ca
là gì. Người Đức gọi dân ca là volkslied (bài ca của nhân dân), người Pháp gọi là chanson

3
populaire (bài ca phổ cập trong quần chúng)... Ngay cả trong tài liệu của Việt Nam về
dân ca hay công trình nghiên cứu của GS.TS Vũ Ngọc Khánh “Tiếp cận kho tàng folklore
Việt Nam” cũng không có khái niệm dân ca cụ thể, rõ ràng.
Dân ca Việt Nam là một thể loại nhạc cổ truyền, qua việc truyền miệng, truyền
ngón các bài dân ca, mỗi người diễn xướng có quyền ứng tác tự do, góp phần sáng tạo
của mình vào các tác phẩm trong quá trình biểu diễn. Do vậy họ gần như là “đồng tác
giả” với những người sáng tác mà người sáng tác ban đầu không rõ là ai.
Một bài dân ca thường tồn tại với một bản coi như bản gốc, gọi là lòng bản và
nhiều bản được ứng tấu thêm hay sửa đổi gọi là dị bản. Những bài dân ca được nhiều
người yêu thích sẽ được truyền bá đi khắp nơi. Hiện nay các nhạc sĩ đã sáng tác thêm
những lời ca mới dựa trên các làn điệu đã tạo nên sự đa dạng và phong phú cho dân ca.
Theo GS.TS Trần Quang Hải làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa
học về Sơ lược về dân ca Việt Nam: “Dân ca là những bài hát, khúc ca được sáng tác và
lưu truyền trong dân gian mà không thuộc về riêng một tác giả nào. Đầu tiên bài hát có
thể do một người nghĩa ra rồi truyền miệng qua nhiều người từ đời này qua đời khác và
được phổ biến ở từng vùng, từng dân tộc... Các bài dân ca được gọt giũa, sàng lọc qua
nhiều năm tháng bền vững với thời gian”.

3. Cơ sở thực tiễn
3.1. Tổng quan vùng Nam Bộ
Nam Bộ bao gồm 17 tỉnh từ Bình Phước trở xuống phía nam và hai thành phố là
Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cần Thơ.
Gồm 2 tiểu vùng:
- Đông Nam Bộ, bao gồm: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa –
Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh
- Tây Nam Bộ, bao gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng
Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Thành phố
Cần Thơ.
Địa hình trên toàn vùng Nam Bộ khá bằng phẳng, phía Tây giáp Vịnh Thái Lan,
phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, phía Bắc và Tây Bắc giáp Campuchia và một
phần phía Tây Bắc giáp Nam Trung Bộ. Hai hệ thống sông lớn nhất trong vùng là sông
Đồng Nai và sông Cửu Long. Các nhà nghiên cứu lịch sử về vùng đất này cho rằng, cách
đây hàng triệu năm nơi này vốn là một vịnh lớn nhưng đã được bồi đắp dần bởi phù sa

4
của sông Cửu Long. Khí hậu nhiệt đới gió mùa và cận xích đạo mang đến nhiều thuận lợi
và một lượng mưa dồi dào.
Hình thành trên một vùng đồng bằng sông nước và trên một vùng đất đa tộc người,
văn hóa Nam Bộ có hai đặc trưng chủ đạo là đặc trưng đồng bằng sông nước và sự tiếp
biến các yếu tố văn hóa của người Chăm, người Khmer, người Hoa vào văn hóa Việt
trong vùng. Những đặc trưng chủ đạo này cũng là những nét đặc thù của vùng văn hóa
Nam Bộ. Mặc dù đặc trưng đồng bằng sông nước cũng có mặt trong các vùng văn hóa
đồng bằng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, nhưng chỉ ở Nam Bộ yếu tố sông nước mới nổi lên
thành một đặc trưng chủ đạo, chi phối toàn diện cuộc sống cũng như các thành tố văn hóa
của các cộng đồng cư dân.
Nam Bộ có một kho tàng văn học, văn nghệ dân gian phong phú. Đó là các truyện
dân gian phản ánh sự nghiệp khai phá đất đai gắn liền với những danh thắng, di tích và
nhân vật lịch sử. Đó là kho tàng ca dao và dân ca với các điệu hò, điệu lý, các bài hát
đồng dao, hát vọng cổ, hát ru... Đặc biệt, hát vọng cổ và hát tài tử rất được người Nam Bộ
yêu thích. Ngoài ra, Nam Bộ còn có một số thể loại văn học dân gian đặc sắc là nói vè,
nói tuồng, nói thơ. Đây là loại hình tự sự dân gian khá phổ biến, phản ánh những nỗi
niềm, tâm sự của người dân nơi đây. Truyện thơ và hình thức diễn xướng nói thơ cũng là
một hoạt động văn nghệ dân gian phổ biến tại Nam Bộ, với các truyện thơ nổi tiếng như
Lục Vân Tiên, Thạch Sanh – Lý Thông, Thoại Khanh – Châu Tuấn... Hát bội (tuồng) từ
miền Trung đưa vào đã phát triển mạnh mẽ trên đất Nam Bộ. Hầu hết các lễ hội thường
có kèm theo hát bội. Ca nhạc tài tử phát sinh từ Gia Định rồi lan đến các tỉnh miền Tây,
là một trong những cội nguồn của nghệ thuật cải lương là loại hình sân khấu mới ra đời
tại Nam Bộ và những thành tựu của ca nhạc, sân khấu dân gian và ca nhạc tài tử Nam Bộ,
cùng với sự tiếp biến loại hình sân khấu kịch nói phương Tây, cải lương đã nhanh chóng
trở thành một trong ba loại hình sân khấu dân tộc phổ biến ở Việt Nam.
3.2. Sự hình thành và phát triển của dân ca Nam Bộ
Trong quá trình di cư vào Nam Bộ của các dòng người Việt, họ đã mang vào vùng
văn hóa này một thứ tài sản tinh thần vô cùng quý giá là dân ca, chủ yếu là dân ca Bắc Bộ
và Trung Bộ. Đồng thời trong quá trình lưu truyền, phổ biến rộng rãi bằng phương thức
truyền miệng trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt văn hóa, các lễ hội... người dân
Nam Bộ còn sáng tạo thêm ngày càng nhiều sản phẩm mới là phong phú thêm và tạo nên
những đặc trưng riêng của kho tàng dân ca Nam Bộ. Có thể nói chính những làn điệu dân
ca Nam Bộ đã góp phần hình thành ngữ điệu, giọng ca mang đặc trưng của người Nam
Bộ so với Bắc Bộ và Trung Bộ.
Theo PGS-TSKH Bùi Mạnh Nhị, vùng đất Nam Bộ mới được khai phá hơn ba thế
kỉ nay, dân ca Nam Bộ cũng chỉ thực sự được hình thành và khỏi sắc trong quãng thời
5
gian đó. Diện mạo ngôn ngữ dân ca Nam Bộ là một quá trình hội tụ, phát huy những
truyền thống của ngôn ngữ dân ca mà cha ông từ miền ngoài mang vào, đồng thời là quá
trình sáng tạo liên tục trước những đòi hỏi của cuộc sống ở mọi hoàn cảnh, mọi mục đích
giao tiếp.
Dân ca Nam Bộ một mặt phản ánh nỗi niềm của những người con xa xứ thương
nhớ đất tổ quê cha. Điều này thể hiện rất rõ qua những câu hò, điệu lý, lời ru và đặc biệt
là trong những bản đờn ca tài tử. Bên cạnh đó, do sống trên một vùng đất được thiên
nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, ruộng đồng xanh ngát, vườn trái cây trĩu nặng trái ngọt nên
bản chất con người Nam Bộ hiếu khách, đôn hậu, tính tình cởi mở, trọng nghĩa tình nên
dân ca Nam Bộ còn là những làn điệu tươi vui, dí dỏm, mộc mạc, vui tươi chứa đựng
những nội dung vô cùng ý nghĩa về tình yêu, gia đình, quê hương... ca ngợi những đức
tính tốt đẹp của con người Nam Bộ.

4. Đặc trưng nghệ thuật dân ca Nam Bộ


4.1. Dân ca của người Kinh (Việt)
Lý Nam Bộ
Lý Nam Bộ là một loại dân ca đặc sắc của Việt Nam. Lý có ở cả 3 miền Bắc,
Trung, Nam của Việt Nam, nhưng có lẽ lý phát triển mạnh nhất ở Nam Bộ.
Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, lý Nam Bộ có xuất phát từ nguồn gốc
lao độn, không do bàn tay nghệ sĩ tạo nên mà chỉ là một hình thức nghệ thuật tự phát của
quần chúng nhân dân trong quá trình khai phá và chinh phục vùng đồng bằng Nam Bộ.

Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nhà thơ Lê Giang - tác giả của nhiều công trình nghiên
cứu, sưu tầm về dân ca và lý Nam Bộ
Ảnh: Phạm Thái Bình
Lý Nam Bộ không chỉ phong phú về số lượng mà cả về đề tài, nội dung cũng như
đặc tính âm nhạc. Lý Nam Bộ đề cập đến các sinh hoạt, các công việc và tâm trạng, tâm
hồn của người dân. Lý còn đề cập đến các loài vật, các loại cây, các thứ hoa trái, nói về

6
tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng. Các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nam Bộ đã
thống kê có khoảng hơn 200 điệu lý. Nhạc điệu của chúng dựa trên thang âm ngũ cung
của âm nhạc cổ truyền Nam Bộ, thêm vào những tiếng luyến láy, tiếng đệm làm cho giai
điệu thêm phong phú và tiết tấu thường là nhịp đôi (2/4 hay 4/4).
Người dân miền Nam đặt tên cho các điệu lý dựa trên tên các con vật như: Lý con
Sáo, Lý Chim quyên, Lý con Trâu, Lý Ngựa ô, Lý Qụa kêu...; tên cây cỏ như: Lý bông
sen, Lý bông lựu, Lý cây khế, Lý cây ổi, Lý cây chanh...; tên các món ăn như: Lý bánh ít,
Lý bánh canh, Lý dĩa bánh bò... Ngoài ra, trong kho tàng các điệu lý Nam Bộ có một số
điệu lý còn dựa vào xuất xứ của nghệ thuật “Bóng rỗi” mà đặt tên như điệu “Lý giọng
bông”; dựa vào đặc tính của nhóm tiếng đệm mô phỏng các bậc âm của “chữ đờn” dân
tộc, hoặc tiếng tụng niệm kinh kệ mà đặt tên như “Lý bản đờn”; cũng có trường hợp lấy
địa danh cụ thể đặt tên như “Lý Ba Tri”, “Lý Cái Mơn”, “Lý Năm Căn”... hay tên phong
cảnh như “Lý cảnh chùa”, “Lý quán rượu”...
Có những bài ca nói lên những ước mơ của người dân bình thường, hoặc phê phán
châm biếm những cảnh chướng tai gai mắt. Lý Nam bộ thực sự là một thể loại phản ánh
cuộc sống, cách suy nghĩ và tính cách của người Việt ở Nam Bộ. Những điệu lý Nam Bộ
không chỉ đi vào sinh hoạt đời sống người dân từ hàng trăm năm trước mà di sản văn hóa
phi vật thể này còn thể hiện tinh thần lạc quan, sức sống mãnh liệt của cư dân vùng sông
nước phương Nam.
Cái hay của các điệu lý Nam Bộ trước hết bởi nó là một loại dân ca sinh động về
nội dung, phong phú về điệu thức, đa dạng về ngôn từ. Thứ hai là nó có thể xuất hiện
trong hầu hết các loại hình nghệ thuật dân gian của miền Nam, thường được xen vào các
bài ca vọng cổ, vở tuồng cải lương. Lời ca thì chân chất, mộc mạc, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ
hát nên nó thường được sử dụng rộng rãi trong mọi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng,
trong mọi thôn cùng ngõ hẻm ở quê hương Nam Bộ.
Trong dân ca miền Nam, lý là một làn điệu dân ca đặc trưng của những người
nông dân mộc mạc. Những lời ca trong những điệu lý luôn nói lên tinh thần tích cực và
sức sống mạnh mẽ của người nông dân. Lời lẽ thường chân thật và mộc mạc, không văn
chương bóng bẩy, nhưng diễn tả được tình cảm, thể hiện được cá tính bộc trực, phóng
khoáng của người Nam Bộ. Mặc dù lời ca của những điệu lý miền Nam đa phần giống
với những câu hát của ca dao, hò, vè vì chúng có vần điệu dễ hát, nhưng khác với ca dao,
hò, vè ở chỗ lý mang tính nhạc (hát), trong khi các thể loại dân gian kia mang thuộc tính
của thi ca (thơ).
Lý Nam Bộ có đặc điểm là ngắn gọn, mỗi bài chỉ có một lời, giai điệu có những
quãng nhảy xa tạo nên sắc thái sâu lắng trầm mặc hơn so với các điệu lý ở các vùng, miền

7
khác. Mỗi điệu lý Nam Bộ đều có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm
sản xuất như Lý đất giồng, Lý kéo chài chẳng hạn; hoặc ca ngợi những đức tính tốt của
con người trong cuộc sống như Lý Ba Tri, ca ngợi cái đẹp trong thiên nhiên như Lý chim
xanh; hoặc oán trách nhau như Lý lu là; hoặc mỉa mai, châm biếm bọn cường hào, ác bá
như Lý con khỉ, Lý bình vôi, Lý con sam.
Hầu như trong các điệu lý miền Nam đều có hình bóng con sông, bến nước, làng
quê với những giai điệu thật trữ tình, tha thiết, luôn chứa đựng tình cảm của người dân
phương Nam luôn nhớ về quê hương, nhớ về ký ức của lứa đôi nơi quê nhà.
Ví dụ như lời ca trong điệu Lý Cái Mơn: “Đàn cò bay về nơi thương nhớ. Nhớ bến
sông xưa in hình bóng của người yêu… Thuyền tình ơi hãy chờ đợi ta bao tháng năm trôi
qua. Nhưng người xưa vẫn luôn ngóng đợi tình chung”. Không gian làng quê hiện ra
trong điệu Lý Cái Mơn rất thơ mộng, lãng mạn với nỗi hoài niệm man mác. Điệu Lý qua
cầu có đoạn: “Trời bình minh chim về đây líu lo trên cành. Như mọi ngày dòng sông với
con đò mong manh…”. Lý qua cầu cũng nói về một mối tình trên dòng sông, bến nước
có cô lái đò và người lữ khách.
Và chuyện tình ấy có kết cuộc dang dở, buồn tênh. Một điệu lý nữa cũng gắn liền
với sông nước đó là Lý bông dừa: “Sông dài còn chảy xuôi theo dòng. Mà sao xa vắng
em tôi biết tìm nơi đâu. Dòng sông còn chứa chan ân tình. Nay dang dở tình đầu ta còn
gắn đợi ai…”. Với những dẫn chứng vừa kể trên, đã quá đủ để minh chứng điệu lý miền
Nam phản ảnh tâm tư, tình cảm, tính cách của người Nam Bộ - cũng là biểu tượng của sự
mộc mạc, phóng khoáng của cư dân sinh sống trên vùng đất màu mỡ này.
Lý Nam Bộ cũng như nhiều thể loại dân ca khác đã in sâu vào lòng người dân nơi
đồng bằng Nam Bộ, từ thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam. Cho đến hôm nay, các
điệu lý miền Nam đã thực sự chinh phục được đông đảo quần chúng, đặc biệt là người
bình dân, bởi đề tài và nội dung vô cùng phong phú, phản ánh sống động mọi khía cạnh
trong sinh hoạt thường ngày ở nông thôn Việt Nam. Lý thể hiện tình cảm trong quan hệ
giữa người với người: tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, bè
bạn; thể hiện tinh thần lạc quan và yêu thương cuộc đời; ca ngợi cuộc sống và khát vọng
hạnh phúc của con người… Nó như một di sản tinh thần nuôi dưỡng, vun đắp tâm hồn
của con người phương Nam.

Hò là một điệu dân ca phổ biến ở Nam Bộ nói riêng. Theo các nhà nghiên cứu, hò
Nam Bộ hình thành theo quá trình các lưu dân vào phương Nam khai khẩn, đa phần lấy
ca dao làm nền tảng thể hiện qua giọng ngâm, ru có luyến láy. Qua thời gian dài, hò đã có
những biến đổi thích nghi với những điều kiện mới.

8
Hò được gắn liền với sông nước, với khung cảnh êm ả, phẳng lặng. Với một âm
hưởng phóng khoáng, tự do, mang ít nhiều nhân tố "tự sự", "vịnh thán", hò thường được
dùng để ngợi ca hay đề cao một đạo lý tốt đẹp nào đấy như lòng chung thủy sắt son, niềm
tin yêu chặt dạ bền lòng... Âm điệu của các thể loại hò ở từng địa phương thường không
giống nhau về chi tiết luyến láy, về cách xử lý các "âm điệu" giữa câu, hay có đôi khi
cũng khác nhau về kết cấu toàn bộ. Ví dụ như hò Đồng Tháp thì kết ở một nốt thuộc "át
âm", nhưng trong lúc đây, tuy cùng một điêu thức "xon", nhưng hò Miền Đông, hò Bạc
Liêu, hò Gia Ninh, thì lại dùng nốt chủ âm để kết hoàn toàn.
Việc xử lý kếu cấu này tùy thuộc vào phong cách, vào nội dung của từng vùng,
nhằm thể hiện được tính cách riêng biệt, màu sắc độc đáo, chứ không phải là không có
dụng ý. Thông thường do ý nghĩa của nội dung lời hò giữ vai trò quyết định, nên giai điệu
của hò này được tiến hành theo đường nét bình ổn, "lên dần" hoặc "xuống dần", cố tránh
những bước nhảy quãng đột xuất, nhằm tạo ra một phong vị êm đềm, nhẹ nhàng như kiểu
"ngân nga, tự sự", nặng đi vào chiều sâu lắng hơn là ầm ĩ, huyên náo. Hoàn cảnh xã hội
ngày càng thay đổi, nên nội dung và hình thức hò cũng được cải biên và bổ sung cho
thích hợp. Ví dụ như, khi Mặt trận Bình dân bên Pháp chiếm được nhiều thắng lợi trên
địa hạt chính trị, thì ở Nam Bộ, kế bên những loại hò mộc, hò huê tình, hò đối, hò thơ, hò
truyện... lại xuất hiện thêm một loại hò gọi là hò quốc sự. Nội dung hò quốc sự đề cập
đến những vấn đề chính trị cổ vũ và động viên tinh thần yêu nước của quần chúng. Sau
đây là một đoạn của hò quốc sự:
Nữ (vấn):
Hò ơi! Trên đời mọi vật bẩn nhơ
Đều nhờ rửa nước trở nên trong lành
Đến khi nước phải nhơ tanh
Lấy gì mà rửa xin anh phân cùng...
Nam (đáp):
Hò ơi! Em ơi trải bao thế hệ oai hùng
Nước nhà lâm nạn anh hùng ra tay
Hi sinh bao quản thân dài
Máu đào từng rửa, "nước" rày thành trong...

9
Thời xưa, người lao động trên đồng ruộng thường giao lưu bằng những câu hò
Ảnh: DUY KHÔI
Nội dung lớn của hò phần lớn dựa trên cơ sở của lối thơ lục bát, nhưng khi xử lý
thì có thể giữ nguyên, hoặc có khi lại mở rộng dài hơn để khớp với âm điệu của câu hò.
Vì thế việc sáng tác ra những câu hò được đông đảo quần chúng tham gia dễ dàng và
nhanh chóng thu hút được sự hâm mộ của quần chúng. Về tháng bảy âm lịch, thường là
mùa cấy rộ và cũng là lúc mà các "vạn" cấy (như phường, hội) được có dịp trổ tài vừa cấy
giỏi lại vừa hò hay... và dĩ nhiên sau những lần gặp gỡ, biết mặt... biết tài nhau... là đến
những lời hò hẹn cho những ngày sau mùa gặt hái...
Có nhiều thể loại hò trong sinh hoạt văn hóa, sản xuất ở Nam Bộ những năm đầu
thế kỷ XX, nhưng khi thể hiện thì quy về 3 mối: “hò mép” còn gọi là “hò môi”, “hò văn”
còn gọi là “hò sách”, “hò truyện” còn gọi là “hò tích”.
Hò mép là một loại hình mang tính ngẫu hứng, tức cảnh sinh tình, diễn ra trong
một không gian, cảnh quan gắn liền với cảm xúc, cảm hứng của người thể hiện. Người hò
mép thường có năng khiếu sắp đặt văn nói sao cho hợp vần, êm tai trong một thời gian rất
ngắn ngủi:
“Vai mang nóp rách
Tay xách cổ quai chèo
Thương con nhớ vợ trông theo
Để bớt vận nghèo anh phải ra đi”.
Hò văn hay hò sách tức là vận dụng những câu văn trong sách nho ghép vào câu
hò. Loại hò này đòi hỏi người sáng tác và người thể hiện phải có “kiến văn”, ít nhiều hiểu
biết văn chương, điển tích, điển cố... để không nhầm lẫn trong dụng ngữ. Nhiều câu hò
văn mang giá trị nội dung sâu sắc:
“Sách có câu phu xướng phụ tùy
10
So hơn tính thiệt ích gì gia cang
Phu lìa thê như chim kia trích cánh
Thê lìa phu như như chim nọ lạc bầy.”
Vào thời Pháp thuộc, các tuồng, tích cổ điển được dịch ra phổ biến rộng rãi trong
dân gian. Mặc dù vậy, hò truyện không đơn giản là kể lại những truyện tích kia, mà vận
dụng những câu chuyện đó để chuyển tải những nội dung đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín,
phản ảnh được nội tâm của nhân vật và ý chí của chủ thể:
“Chẳng thà em chịu đói chịu rách
Học theo cách bà Mạnh, bà Khương
Không thèm như con Võ Hậu đời Đường
Làm cho bại hoại cang thường hư danh.”
Tuy nhiên, không phải lúc nào các thể loại hò cũng rạch ròi, mà trong quá trình
giao lưu biểu diễn đã phát sinh ra sự cộng hưởng, hòa nhập, thẩm thấu kết hợp giữa các
thể loại hò.
Vọng cổ
Vọng cổ, hay vọng cổ Bạc Liêu, là một điệu nhạc rất thịnh hành ở các tỉnh miền
Tây Nam Bộ, Việt Nam. Nó được bắt nguồn từ bài "Dạ Cổ Hoài Lang" (nghe tiếng trống
đêm, nhớ chồng) của nghệ sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu). Bản vọng cổ là một trong
những điệu nhạc căn bản của sân khấu cải lương.

Dạ cổ hoài lang - Niềm tự hào của người dân Nam Bộ


Ảnh: T.H

11
Dạ Cổ Hoài Lang nguyên thủy là bản nhạc vọng cổ có 2 nhịp trong 1 câu. Câu 2
nhịp, tuy nhiên, không thỏa mãn được nhu cầu của các nhà soạn nhạc. Bản nhạc (bản
vọng cổ luôn gọi là "bản", không gọi là "bài") được tăng lên 4 nhịp, tức nhịp tư, trong
khoảng thời gian 1927-1935. Sau đó tăng lên nhịp tám năm 1936-1945, và cũng khoảng
thời gian này được mang tên bản "Vọng cổ". Từ nhịp tám lên nhịp 16, 32, 64, 128... Bản
thông dụng nhất hiện nay là bản nhịp 32.
Đờn ca tài tử
Đờn ca tài tử là nghệ thuật đặc trưng và là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công
nhận là di sản văn hóa phi vật thể và là một danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh
hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh thành phía nam.
Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã
nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian
đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đây là một loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những
người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.
Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là
đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách
thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử
phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao
nhã nên thường không câu nệ về trang phục.
Loại âm nhạc này đúng ra là một loại nhạc thính phòng thường trình diễn trong
phạm vi không gian tương đối nhỏ như trong gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, sinh nhật,
trong các lễ hội, sau khi thu hoạch mùa vụ, thường được biểu diễn vào những đêm trăng
sáng ở xóm làng. Nguồn gốc của nhạc tài tử là ca Huế, pha lẫn âm nhạc từ các tỉnh
Quảng Nam, Quảng Ngãi. Loại nhạc này mang đậm tính cách giải trí vui chơi chứ không
thuộc loại nhạc lễ.
Đờn ca tài tử cũng như con người Nam bộ phóng khoáng, hào sảng, chân thành,
sâu lắng và thiết tha. Do lòng luôn luôn thương nhớ cội nguồn, nên mặc dầu trong đờn ca
tài tử có rất nhiều điệu, nhiều giọng, nhiều hơi, nhưng các các điệu các hơi diễn tả nỗi u
buồn, được người ca và người nghe thích thú, say mê trong diễn tấu, miệt mài trong
thưởng thức. Đờn ca tài tử nơi hội tụ của tình đất và tình nhười vùng đất phương Nam, có
thể coi là tiếng vọng cội nguồn dân tộc, bởi vì hồn cốt châu thổ vẫn luôn sâu lắng, thấm
đẫm, cuồn cuộn chảy mãi trong mạch sống người phương Nam.

12
CLB Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương
Ảnh: NGUYỄN Á
Ngoài ra còn có một số thể loại khác như Nhạc lễ Nam Bộ - chuyên phục vụ cho
các nghi thức quan trọng, hôn lễ, tang lễ, cúng tế; cải lương - được soạn thành bài bản, có
đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và biểu diễn sân khấu....
4.2. Dân ca của người Khmer
Chính vì địa lí cảnh quan môi trường miền sông nước Cửu Long đã tạo cho các cư
dân sinh sống nơi đây sáng tạo nên những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm. Bên cạnh
dân ca của người Việt với những điệu lí, điệu hò mênh mông bát ngát là các làn điệu dân
ca của người Khmer mang bản sắc nền Văn hóa Ăng-Co. Nếu xét tính hình thức, dân ca
Khmer Nam Bộ cũng có đủ các thể loại:
Dân ca lao động
Trong dân ca lao động của người Khmer nơi đây thể hiện rất rõ những công việc,
nghành nghề cụ thể như: Hát quăng chài, tung lưới (Chriêng bong som nanh), hát đẫn gỗ
(Chriêng cap chhơ), hát bổ củi (Chriêng puốcôs), hát chăm tằm (Chriêng chinh – Chôm
neang) , hát quay tơ (chriêng rô qviy sốt), hát dệt vải (Chriêng treanh – som poôt), hát đi
săn (Chriêng Pren bo banh), hát dã gạo (Chriêng bok Srâu)
Dân ca phong tục nghi lễ
Dân ca phong tục nghi lễ thể hiện tín ngưỡng của người Khmer với đức Phật mà
họ tôn thờ, tùy theo nội dung trong buổi lễ mà có những nội dung bà hát cụ thể. Hoặc
trong đám cưới hay tang lễ đều có những làn diệu, âm hưởng của nội dung khác nhau.

13
Dân ca sinh hoạt
Dân ca sinh hoạt là những bài hát nói về đời thường, tình yêu, cuộc sống… đều
thuộc loại này, hát đối đáp nam nữ người Khmer có bài hát ném cầu (Choi chung) những
bài hát thuộc thể loại này càng làm cho đời sống sinh hoạt tình cảm thêm sâu sắc, vui
tươi.
Đọc tụng
Ngoài các hình thức dân ca vừa nói ở trên, trong kho tàng dân ca của người Khmer
còn có hình thức đọc tụng mà người ta gọi là “hát lễ”. Đọc tụng là một nhu cầu không thể
thiếu trong đời sống và nó trở thành một phong tục của những người Khmer theo tôn giáo
chính thống là đạo Phật Tiểu Thừa.
Hò (SăcKăvati)
Cũng như dân tộc Việt sống ở vùng sông nước Cửu Long có rất nhiều điệu hò,
người Khmer trong vùng là dân tộc ít người duy nhất ở nước ta có các điệu hò dân gian
gần gũi với sông nước như hò đua thuyền, hò kéo dây, hò kéo co, hò hái sen. Đó là những
điệu hò khỏe khoắn, khoan thai phù hợp với nhịp điệu lao động trên sông nước.
4.3. Đặc điểm ngôn ngữ dân ca Nam Bộ
Dân ca Nam Bộ được hình thành và khởi sắc trong vòng hơn ba thế kỉ nay và để
tạo nên diện mạo đó, người dân đã sử dụng kho tàng ngôn ngữ sẵn có của dân ca dân tộc
và mặt khác biến đổi không ít từ ngữ, câu ca và sáng tạo rất nhiều bài ca mới, từ ngữ mới.
Do đó trong vốn từ ngữ mà dân ca Nam Bộ sử dụng, bên cạnh kho từ ngữ giàu có được
phổ biến khắp cả nước, là sự có mặt của những từ ngữ nảy sinh tại địa phương. Đó là
những từ ngữ làm tên gọi cho các sự vật, những từ ngữ biểu hiện các sắc thái tình cảm
khác nhau của con người nảy sinh trong bối cảnh tự nhiên và xã hội mới. Trong quá trình
giao lưu văn hóa với các miền, một bộ phận đã biến đổi, một bộ phận vẫn giữ nguyên
tính chất của phương ngữ.
Cuộc sống người dân Nam Bộ gắn bó máu thịt với hệ thống sông ngòi dọc ngang
chằng chịt, với những cánh đồng mênh mông của đồng bằng châu thổ Cửu Long, những
miệt vườn phì nhiêu, cây trái trĩu quả ngọt. Sông nước, ruộng đồng, miệt vườn là ba bối
cảnh tiêu biểu của thiên nhiên và cuộc sống người dân Nam Bộ và cũng là ba bối cảnh
mà dân ca Nam Bộ thường bộc lộ những đặc điểm ngôn ngữ của mình.
Phản ánh cuộc sống tình cảm của nhân dân trên sông nước, dân ca Nam Bộ đã
khai thác triệt để vốn từ ngữ của địa phương để chỉ các đối tượng trên bối cảnh này.
Chẳng hạn, trong dân ca Nam Bộ có 19 từ chỉ các loại ghe xuồng: ghe tam bản, ghe giàn,
ghe lòng, ghe lườn, ghe mỏ vạch, ghe rổi, ghe tắc rán, ghe bầu, ghe bầu nóc, ghe be, ghe

14
bản lồng, ghe cá vom, ghe chài, ghe cửa, ghe cui, ghe hầu, ghe ngo, ghe vỏ lải, xuồng ba
lá. Có 24 từ chỉ các loại nước: nước ròng, nước rong, nước rông, nước lớn, nước kém,
nước rặc, nước nhửng, nước ương, nước chửng, nước lửng, nước sình, nước xẹt, nước
đứng, nước bò, nước nhảy, nước nằm, nước giựt, nước sụt, nước dềnh, nước lên, nước
lui, nước rút, nước sụt, nước trồi.
Trong các bối cảnh khác của tự nhiên, xã hội, nhân dân Nam Bộ cũng sáng tạo nên
những từ ngữ mang màu sắc địa phương. Chẳng hạn: Tờ đề – giấy li hôn; Rổ tiến – rổ
đựng kim chỉ vá may của các cô gái khi về nhà chồng; Để chế – để tang; Đau ban cua –
bệnh thương hàn; Nhớ mạy – nhớ không rõ; Chẳng khứng – không ưng, không chịu; gối
luôn – gối liền cho hai người, dành cho các cặp vợ chông mới cưới…
Bên cạnh việc sử dụng nhiều nhóm chữ như ca dao – dân ca các miền khác, ca dao
– dân ca Nam Bộ có những hệ thống nhóm chữ riêng, nảy sinh từ ngôn ngữ, cách nói của
nhân dân. Chẳng hạn, những bài ca mở đầu là “Mảng coi…” thường biểu hiện nỗi trách
cứ, hờn giận:
“Mảng coi cúc lủi bờ mi
Anh có vợ rồi sao không nói lại tiếng gì cho em.”
Toàn bộ những hệ thống nhóm chữ, kểu câu mở đầu đó gắn chặt với cách phát âm, cách
nói, từ ngữ, với hình ảnh tự nhiên và đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Nam
Bộ.
Dân ca Nam Bộ cũng có hệ thống biểu trưng riêng. Hình ảnh cá sấu, cọp là biểu
trưng cho thiên nhiên hoang sơ, dữ dằn trong buổi đầu cha ông ta “hành phương Nam”
khai khẩn, mở đất, mở nước: “Tới đây xứ xở lạ lùng/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp
um”; con nước lớn – biểu trưng của những gian nan, vất vả: “Bìm bịp kêu nước lớn anh
ơi/ Buôn bán không lời chèo chống mải mê”; Châu Đốc, Nam Vang – biểu trưng cho
không gian xa xôi: “Anh đi Châu Đốc, Nam Vang/ Gởi thơ nhắn lại em khoan có chồng”;
Đèn cầu tàu – biểu trưng cho những nơi phồn hoa đô hội: “Đèn cầu tầu ngọn xanh ngọn
đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu/Anh về học lấy chữ nhu/ Chín trăng em đợi, mười thu
em chờ”.
Ngôn ngữ, cách nói của ca dao – dân ca Nam Bộ thường biểu hiện ở hai cực. Một
cực là nhỏ nhẹ, hiền lành, dễ thương:
“Trông lên chữ ứ
Ngó xuống chữ ư
Anh thương em, thủng thẳng em ừ

15
Anh đừng thương vội, phụ mẫu từ nghĩa em.”
“Nước chảy liu riu
Lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương.”
Những chữ ứ, ư, ừ, từ và liu riu, líu ríu, nhỏ xíu. Giọng tâm tình rất nhỏ nhẹ,
duyên dáng và sâu lắng. Điều ấy cũng thể hiện cả trong cách xưng hộ.
Nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Nam Bộ giọng nói nhẹ trong hơn, điệu hát thanh
thú hơn. Chủ quan tôi, tôi nhận thấy câu ca dao Nam Bộ có một dáng trong trẻo, lành
hiền”.
Sắc thái tình cảm đó rất phù hợp với tâm trạng của họ – tâm trạng của những
người dân nghèo khổ, phiêu bạt, phải rời bỏ quê cha đất tổ ở miền Trung, miền Bắc vào
phương Nam mở đất, tìm một phương trời mới, để mong tháo bỏ những thiết chế của xã
hội phong kiến trên cổ, bước ra khỏi cuốn sổ đinh nặng như gông cùm phủ trên mái nhà
nhỏ bé của mình, hoặc muốn lùi xa binh lửa phân tranh đẫm máu của tập đoàn phong
kiến Trịnh – Nguyễn. Người dân Nam Bộ rất quý trọng đời sống tình cảm, tình nghĩa,
nhạy cảm với sự dịu dàng, mềm mại, duyên dáng, đầy tình nhân ái của con người và ngôn
ngữ Việt Nam.
Cực thứ hai là chất sống xông xáo, phóng túng, trẻ trung, hài hước. Điều này vừa
phù hợp với tâm lí tính cách con người; vừa phù hợp với phong cách sinh hoạt xã hội ở
Nam Bộ. Với người Vệt Nam Bộ và những di dân khác tại đây, cuộc sống trên vùng sông
nước, ruộng đồng, miệt vườn mênh mông đem đến sự tự do, thoát khỏi những qui ước,
ràng buộc nặng nề truyền thống vốn tồn tại ở những trung tâm có bề dày lịch sử như Bắc
Bộ và Trung Bộ. Người dân Nam Bộ yêu ra yêu, ghét ra ghét, cực nào cũng sống hết
mình. Cuộc đời họ đã chứng tỏ sự yêu trọng nghĩa khí, ưa tự do, thích tung hoành ngang
dọc, đề cao trung hiếu, tiết nghĩa, bản lĩnh cứng cỏi, táo bạo được hình thành trong cuộc
đấu tranh không ngừng không nghỉ trước một thiên nhiên hoang vu, dữ dằn trong những
buổi đầu mở đất và trước một thực tế lịch sử ngày càng phức tạp dưới chế độ phong kiến
– thực dân: “Trời sanh cây cững lá dai/ Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều”. Cũng vì
vậy ca dao – dân ca Nam Bộ mang phong cách ngôn ngữ mạnh mẽ, xông xáo, bộc trực,
đầy sức sống và cũng đầy dí dỏm, hài hước:
“Con ếch ngồi dựa gốc bưng
Nó kêu cái quệt biểu ưng cho rồi.”

16
Ngôn ngữ ca dao – dân ca Nam Bộ đập mạnh vào các giác quan người nghe.
Chẳng hạn, tiếng trống điểm “Trống điểm ba nhịp sáu ình ình”, cây đờn cò “Dứt dây cái
bựt quên hò xự xang”. Hàng loạt danh từ, động từ có tính từ mức độ kèm theo để diễn tả
chính xác hơn, mạnh mẽ hơn: “trời sáng phứt”, “áo rách te”, “khăn ướt mem”, “yêu đại”,
“kêu đại”, “thương quấn, thương quýt”, “bực đà quá bực”, “căm đã quá căm”, “ốm nhom
ốm nhách”, “chiều ai không chiều”… Mức độ đặc tả của ngôn ngữ ca dao – dân ca Nam
Bộ rất cao.

5. So sánh dân ca Nam Bộ với dân ca Bắc Bộ và Trung Bộ


Tiếng địa phương, những địa danh
Những đặc điểm có trong bài dân ca như tiếng địa phương, những địa danh là cách
dễ nhận biết nhất xuất xứ của một bài dân ca.
Trong các bài dân ca miền Bắc thường có những từ đệm như: “rằng, thì, chứ...” và
các dấu giọng như: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng được dệt bới những nốt nhạc sao cho việc
phát âm được rõ nét. Một số phụ âm được phát âm một cách đặc thù như: “r, d, gi” hay “s
và x” phát âm giống nhau, không phân biệt nặng nhẹ.
Dân ca miền Trung thì thường có chữ “ni, nớ, răng, rứa...” dấu sắc được đọc thành
dấu hỏi (so với giọng người Bắc), dấu hỏi và ngã đều được đọc giống nhau và trầm hơn
chữ không dấu.
Những bài dân ca miền Nam thì thường có chữ “má (mẹ), bậu (em), đặng
(được)...” chữ “ê” đọc thành chữ “ơ”, dấu ngã đọc thành dấu hỏi... Nhưng nhìn chung thì
vẫn là thoát thai từ lòng dân với đậm tính chất mộc mạc giản dị của họ.
Hình tượng trong các bài dân ca
Người nông dân truyền thống, như C. Mác nhận xét, “trao đổi với thiên nhiên
nhiều hơn là giao tiếp với xã hội”. Nền thi ca của họ, cũng giống như bản thân họ, luôn
thở hít trong thiên nhiên tươi mát, sống động. Nhân dân luôn lấy những cảnh vật thân
thuộc quanh mình để phô bày tâm sự.
Ở Bắc Bộ, những hình ảnh tiêu biểu làm nên gương mặt của nông thôn cổ truyền –
cây đa, bến nước, mái đình, luỹ tre, cổng làng… rất hay được nhắc tới trong các bài ca.
Câu hát Trung Bộ trùng điệp hình ảnh của núi non, rừng rú, mênh mông và dữ dằn
hình ảnh của biển cả…
Trong dân ca Nam Bộ, hình ảnh ghe xuồng, sông rạch, tôm cá xuất hiện với tần số
rất cao. Nét độc đáo này biểu hiện ở những bài ca thuộc mọi chủ đề. Chuyện với mình

17
hay chuyện với người, nhân vật trữ tình thường mượn hình ảnh trung gian – sông nước và
ghe xuồng, tôm, cá.
“Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời chèo chống mải mê.”
Nếu ở Bắc Bộ, làng xóm được bao bọc, khép kín nghìn đời bằng những lũy tre
xanh, thì ở Nam Bộ, xóm ấp là làng mở, trải dài theo kinh rạch, nhà cửa người dân luôn
hướng ra thủy lộ – những dòng kênh. Chiếc xuồng là vật dụng không thể thiếu của mỗi
gia đình, được ví như “đôi chân” (“Sắm xuồng là để làm chân”) của con người vùng sông
nước. Người nông dân Nam Bộ nghe hơi gió là biết con nước sắp lên hay xuống; nhìn
con nước, màu nước là biết thời tiết hôm đó, lúc đó ra sao; ngửi mùi nước là biết dòng
kinh, con rạch nhiều hay ít cá tôm…Trong ca dao Nam Bộ, ở từng trường hợp cụ thể,
những từ ngữ nào đó sẽ có tác dụng biểu hiện trạng thái tình cảm khác nhau của nhân vật
trữ tình:
“Nước rong nước chảy tràn đồng
Tơ duyên sẵn đó, chỉ hồng chưa se.”
Khác với vườn ở đồng bằng sông Hồng thường là những mảnh vườn nhỏ trước
hoặc sau nhà, vườn ở Nam Bộ rộng lớn tạo thành những không gian vườn mênh mông,
trù phú. Nam Bộ nổi tiếng với những vùng trồng cây, trồng hoa ở Châu Thành, Cái Bè
(Tiền Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp), Lái Thiêu (Bình Dương), Long Khánh (Đồng Nai)...
Văn hóa vườn đem lại những đặc sắc cho ca dao Nam Bộ. Nếu ca dao Bắc Bộ có nhiều
hình ảnh của vải, nhãn, hương xoan, hương bưởi, hương chanh, hoa lí… thì ca dao Nam
Bộ lại có nhiều hình ảnh cây bần, cây mù u, sầu riêng, sầu đâu, trái khổ qua… Những cây
trái này thực ra chưa thật tiêu biểu cho “văn minh miệt vườn” như vú sữa, dừa, xoài,
măng cụt, chôm chôm, ổi xá lị, mận hồng đào, bình bát. Nhưng tên gọi của chúng như mù
u, bần, khổ qua, sầu riêng, sầu đâu... dễ gợi cảm xúc thơ ca về số phận, tâm trạng con
người. Ca dao Nam Bộ triệt để sử dụng ý nghĩa biểu vật và biểu thái của các từ ngữ đó.
Ngôn ngữ
Dân ca Bắc Bộ như “hòn đá lăn vạn năm được trau chuốt” và do đó “hơi thơ thoải
mái ngọt ngào, như không còn khập khiễng chỗ nào nữa. Tuy nhiên, trong cái trau chuốt
nhiều khi xảy ra cái khuôn sáo… Cái chất sáng tạo và phát hiện của nghệ thuật dường
như mòn dần, và đó là nhược điểm của nhiều bài ca dao Bắc Bộ” (Xuân Diệu).
Ca dao Nam Bộ không thiếu những câu óng ả, chải chuốt, nhưng mức độ và liều
lượng không nhiều như trong ca dao Bắc Bộ. Khác với ca dao Bắc Bộ đã đạt đến hình

18
thức cổ điển trong các phương tiện và hình thức diễn tả, nhiều câu ca dao Nam Bộ như
những lời nói nôm na, câu nói trong sinh hoạt hằng ngày đi thẳng vào. Tính cách, cách
sống của người Nam Bộ góp phần không nhỏ làm cho ngôn ngữ sinh họat đời thường
hoạt động mạnh mẽ hơn ngôn ngữ thi ca trong ca dao. Điều này một mặt giúp ca dao
Nam Bộ có thể tiến xa vào lĩnh vực hiện thực của tâm trạng, mặt khác làm cho không ít
câu ca dao chưa được trau chuốt, gọt giũa nhiều. Đây là nguyên nhân làm cho không ít
người nghiên cứu cho rằng ca dao – dân ca Nam Bộ không có giá trị cao về mặt nghệ
thuật như ca dao – dân ca các miền ngoài. Nhưng thực chất xu hướng thẩm mỹ của người
dân Nam Bộ là thích hướng về sự giản dị, chân thực trong nội dung cũng như hình thức,
thích cách nói giản dị, phù hợp với tâm tư tình cảm mọi người vùng đất này. Một điều
nữa là do tác động của môi trường diễn xướng trên sông nước, đồng ruộng mênh mông,
mỗi dòng thơ của những câu hò chèo ghe, hò cấy… có thể kéo rất dài từ 9 đến hơn 20 âm
tiết, vần và nhịp của các âm tiết đó có vẻ khá trúc trắc nhưng tạo ấn tượng rõ rệt”.
Có thể nói chính những làn điệu dân ca Nam Bộ đã góp phần hình thành ngữ điệu,
giọng nói, giọng ca mang đặc trưng riêng của người Nam Bộ so với Bắc Bộ và Trung Bộ.

6. Chức năng của dân ca Nam Bộ


Chức năng giáo dục
Bắt nguồn từ thực tế sinh động của đời sống, dân ca là bức tranh toàn cảnh phong
phú phản ánh cuộc sống sinh hoạt, tâm tư tình cảm của người dân Việt nói chung và
người dân Nam Bộ nói riêng. Trải qua nhiều ngàn năm dựng nước và giữ nước, người
dân Việt đồng hành với những thăng trầm của dân tộc. Trong đó âm nhạc chứa đựng
những biến động mang tính cộng đồng, gia đình và cá nhân mỗi người. Với sự ảnh hưởng
sâu sắc trong đời sống, âm nhạc đã trở thành một yếu tố quan trọng để giúp con người
vượt lên những khó khăn vất vả, giãi bày những tâm tư sâu kín, cũng có khi âm nhạc
phản ánh sự bất công hay ca ngợi cái đẹp của tình yêu, của thiên nhiên...
Dân ca giáo dục tình yêu quê hương đất nước, trân trọng giá trị nghệ thuật của con
người Nam Bộ. Dân ca giáo dục tình cảm và thẩm mỹ cho con người. Đó là những điều
hay lẽ phải, cách ứng xử giao tiếp với những người xung quanh. Ngoài ra đó còn là nền
tảng đạo đức, giáo dục con người qua những ca từ dễ hiểu, giai điệu mềm mại, chứa đựng
những thông điệp nhất định.
Chức năng lao động
Dân ca là một thể loại âm nhạc dân gian, chủ yếu bắt nguồn từ môi trường nông
nghiệp ở vùng nông thôn Nam Bộ và cũng có thể bắt nguồn từ một cá nhân có năng khiếu
dệt nhạc vào một bài ca dao. Và từ đó, dân ca có nhiều chức năng trong các hoạt động

19
của cuộc sống như chức năng hỗ trợ các thao tác lao động trên cạn: hát ru, xay lúa, giã
gạo, tát nước...; chức năng trên sông nước như hò chèo thuyền, kéo lưới... làm xua tan đi
sự căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình lao động, đồng thời khiến cho tinh thần của người
lao động hưng phấn hơn, tăng năng suất lao động. Những điệu hò, điệu lý mềm mại, nhẹ
nhàng, lời tỏ tình của những chàng trai, cô gái thôn quê trở thành những câu hát giao
duyên trên những con sông, cánh đồng ruộng lúa. Có thể nói, nhân dân ta sử dụng câu hát
như một ngôn ngữ đằng sau ngôn ngữ tiếng nói để giãi bày tâm sự, suy nghĩ, chia sẻ kinh
nghiệm, tỏ tình hay phản kháng một vấn đề, có bao nhiêu ngành nghề là có bấy nhiêu nội
dung dân ca.

Chức năng sinh hoạt


Được sinh ra trong môi trường diễn xướng, qua những buổi lao động sinh hoạt
cộng đồng trên đồng ruộng hay trên sông nước, tính ngẫu hứng đầy thẩm mỹ của dân ca
thực sự chỉ được thể hiện trọn vẹn khi đưa vào môi trường diễn xướng dân ca. Trong đời
sống sinh hoạt hàng ngày, ngoài lao động thì người dân còn tổ chức những lễ hội trong
những lúc nông nhàn và có thể thấy rõ chức năng sinh hoạt trong những thể loại dân ca
như hát Lý...
Chức năng nghệ thuật
Trên thực tế thì các chức năng đều chứa đựng yếu tố nghệ thuật. Tuy nhiên, trải qua quá
trình chọn lọc tinh hoa của dân tộc, một số thể loại dân ca đã phát triển vượt ra khỏi
khuôn khổ đất nước Việt Nam và được bạn bè quốc tế yêu thích và được công nhận là di
sản văn hóa phi vật thể. Ngày 30/10/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh
mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXV năm 2018, trong đó Hò Đồng Tháp
được công nhận là một trong 08 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di
sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Âm nhạc nói chung và dân ca Nam Bộ nói riêng đã tác
động tới con người từ khi mới sinh ra với tiếng hát ru của mẹ cho đến khi từ giã cõi đời.
Tuy không trực tiếp nuôi dưỡng con người nhưng hàng ngày âm nhạc lại làm cho con
người ta thêm yêu cuộc sống và nhận thức được những ý nghĩa, giá trị trong cuộc sống
này. Nhờ ngôn ngữ biểu cảm đặc biệt của âm thanh mà con người từ khắp mọi phương
trời không cùng ngôn ngữ, không chung phong tục tập quán nhưng lại có thể hiểu thêm
được văn hóa của nhau. Sự gắn kết bằng cảm xúc đã trở thành phương tiện giao tiếp hết
sức nhạy cảm mà không cần dùng đến ngôn ngữ. Dân ca Nam Bộ là loại hình âm nhạc do
chính người dân lao động sáng tác, vì thế nó luôn mang theo những phong tục, tập quán,
20
thể hiện lối sống và cảm xúc của người dân vùng đất Nam Bộ. Mỗi loại hình như: hò, lý,
hát đưa em, hát huê tình, hát đối đáp, nói thơ, nói vè... đều có hình thức cùng giá trị nghệ
thuật độc đáo và có những thủ tục, lề lối diễn xướng riêng. Đặc biệt, nghệ thuật Đờn ca
tài tử là một trong những thể loại phổ biến nhất của Dân ca Nam Bộ, với những giá trị
văn hóa dân tộc mà nó mang lại, Đờn ca tài tử đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và
Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện
của nhân loại.

7. Thực trạng và bảo tồn nghệ thuật dân ca Nam Bộ

7.1. Thực trạng


Dân ca Nam Bộ hiện nay vẫn thu hút nhiều người nghe và có chỗ đứng trong lòng khán
giả bởi những ý nghĩa, giá trị nghệ thuật mà nó mang lại.
Liên hoan Dân ca Nam bộ thành phố Cần Thơ năm 2022 diễn ra từ ngày 1 - 4/11 tại công
viên bến Ninh Kiều đã thu hút đông lượng nghệ sĩ không chuyên và người dân đến
thưởng thức. Có thể khẳng định, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, dân ca Nam
bộ vẫn có sức sống bền chặt trong lòng mỗi người dân Việt. Nhiều khán giả chia sẻ rằng
mỗi năm đều cùng gia đình, con cháu đến Liên hoan xem biểu diễn vì đây là loại hình
nghệ thuật họ yêu thích, nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của họ cũng như giúp xua tan
những muộn phiền trong cuộc sống.

Liên hoan Dân ca Nam bộ thành phố Cần Thơ là dịp để các nghệ nhân, diễn viên không
chuyên có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Ảnh: Hồng Phương
Với sự tham gia của 40 nhạc công và l60 diễn viên đến từ Trung tâm Văn hóa –
Thể thao và Truyền thanh của 9 quận/huyện trên địa bàn thành phố, các tiết mục xoay
quanh những chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu; tình yêu quê hương, đất nước; tình
yêu lứa đôi; những thành tựu xây dựng quê hương đất nước nói chung và thành phố Cần

21
Thơ trong thời kỳ đổi mới; nêu gương người tốt, việc tốt trong lao động sản xuất; xây
dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và văn hóa nông thôn mới; xây dựng và phát
triển người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những năm gần đây, ngoài nghệ sĩ có thâm niên, lực lượng nghệ sĩ trẻ tham dự Liên hoan
ngày càng nhiều, đáp ứng được một trong những tiêu chí bảo tồn, phát huy dân ca Nam
bộ ở thành phố Cần Thơ là khơi dậy tình yêu, niềm đam mê đối với di sản quý giá của
quê hương cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, dân ca Nam Bộ vẫn đứng trước nhiều nguy cơ bị lãng quên. Trong thời kỳ hội
nhập, âm nhạc truyền thống nói chung và dân ca Nam Bộ nói riêng đang bị lấn át bởi
những dòng nhạc khác. Điều này tạo ra những mới lo ngại cũng như thách thức đối với
loại hình nghệ thuật này. Hiện nay, một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ ngày càng
xa rời âm nhạc truyền thống. Đặc biệt là nhu cầu nghe và hát những làn điệu dân ca trong
giới trẻ ngày càng ít đi.
Nghiên cứu về thực trạng, nhu cầu nghe và hát dân ca trong giới trẻ TP.HCM hiện nay,
NSƯT Trần Chính cho biết, dân ca đã không còn hấp dẫn công chúng, đang dần bị lãng
quên. Giới trẻ không thích hát dân ca, nhất là dân ca chính gốc. Mặt khác, không gian
diễn xướng của các loại hình như hò, lý… cũng không còn. Hình ảnh người mẹ, người bà
hát dân ca ru con vào giấc ngủ dần dần ít đi; thay vào đó là những chiếc nôi tự động bằng
điện, máy nghe nhạc… cũng có thể ru con trẻ đi vào giấc ngủ. Điều này đồng nghĩa với
việc những bài hát ru không còn không gian để diễn xướng, dẫn đến hiện tượng vắng
bóng dần trong đời sống.
Không những không gian của dân ca bị thu hẹp, đối tượng sử dụng các bài dân ca cũng
ngày một ít đi. Nam nữ thanh niên ngày nay không còn tỏ tình, trao đổi hàng tiếng đồng
hồ trên sông nước của lối hát huê tình, hò huê tình; phụ nữ cũng không còn tự sự bằng
những điệu hò, câu hát ru con; nhận thức của giới trẻ về dân ca bị hạn chế… NSƯT Trần
Chính cho rằng, tài liệu về dân ca Nam Bộ cũng rất khó tìm, đến các nhà sách, thư viện
trên địa bàn TP.HCM gần như không tìm được tài liệu nào mới xuất bản gần đây.
Là một kho tàng tinh hoa văn hóa quý giá, thế nhưng nghệ sĩ thiếu nơi biểu diễn, người
yêu mến thiếu nơi thưởng thức, giới trẻ xa dần những bản dân ca gốc… Đó là những dấu
hiệu cho thấy dân ca Nam Bộ đang có nguy cơ mất dần “đất sống”.
7.2. Bảo tồn nghệ thuật dân ca Nam Bộ
Để dân ca sống mãi, cần có môi trường nuôi dưỡng và phát triển lành mạnh, đúng chất.
Người sưu tầm, ký âm phải đi thực địa, điền dã, sâu sát với đời sống nông thôn - nơi đã
sản sinh những câu hò, điệu lý chứ không phải bắt nghệ nhân áo vàng áo đỏ lên sân khấu
hát hay vào phòng thu đầy kỹ thuật hát - nói như cách nói của Giáo sư Trần Văn Khê đó

22
là loại "bảo tồn tiêu cực". Cách giữ gìn dân ca tốt nhất vẫn là đem dân ca về lại hiện thực
cuộc sống, về với đồng ruộng, sông ngòi để dân ca thực hiện đúng chức năng xã hội mà
lịch sử đã gửi gắm. Mở lớp dạy hát dân ca cho giới trẻ, mang dân ca sinh hoạt tại các nhà
văn hóa cơ sở, tổ chức nhiều CLB hát dân ca cũng là những việc làm cần triển khai sâu
rộng trong nhân dân.
Trước sự phát triển kinh tế liên tục và không ngừng thì cách bảo tồn di sản văn hóa phi
vật thể này là cần tích cực đẩy mạnh sinh hoạt ca hát dân ca tại các nhà văn hóa xóm ấp.
Cần có chương trình ca hát dân ca định kỳ hàng tháng với nhiều cách tổ chức khác nhau
như hát thi, hát đối, trao duyên, thi sáng tác lời cho dân ca. Việc tổ chức các chương trình
dân dân ca là một điều cần thiết vì đó là một hoạt động thiết thực nhằm phổ biến, lan tỏa
loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt
là định hướng thị hiếu thẩm mỹ của thế hệ trẻ trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay;
đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị âm
nhạc, làn điệu dân ca truyền thống của Nam Bộ. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ
đoàn, đội ca múa nhạc dân gian Nam Bộ để học kỹ lưỡng tất cả các thể loại dân ca, dân
nhạc cổ truyền các dân tộc ở Nam Bộ.
Trong bối cảnh của thời kì hội nhập và toàn cầu hóa, sự giao thoa và tiếp biến các giá trị
văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng đã tạo nên những trào lưu mới trong xã
hội, và cũng tạo nên những ảnh hưởng không ít tới sự hình thành và phát triển những nét
tâm lý, tính cách của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, giáo dục âm nhạc truyền thống, trong đó có
dạy hát dân ca hình thành cho thế hệ trẻ những tình cảm đúng đắn với âm nhạc nói chung,
với âm nhạc truyền thống nói riêng và để hình thành nhân cách của con người Việt Nam
chân chính. Chương trình đưa dân ca vào trường học là một hoạt động thiết thực và đã
tạo ra những chuyển biến rất lớn trong nhận thức của các em nhỏ về dân ca. Việc đưa dân
ca vào học đường phải có sự đóng góp của các nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu sẽ
trực tiếp tham gia vào các tiết học nhạc dân ca, để diễn giải cho các em về ý nghĩa bài
hát.
Hiện tại, chúng ta cũng chưa có bảo tàng cho âm nhạc truyền thống để lưu lại những gì
gọi là di sản trong âm nhạc. Do vậy, nên có một bảo tàng để lưu giữ những làn điệu dân
ca đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm được. Cho phép mọi người đến tham quan, tìm
hiểu. Song song đó, tại bảo tàng sẽ dựng lại những không gian sinh hoạt ngày xưa như
chèo thuyền, đi cấy…. Những hoạt cảnh này gắn liền nội dung bài hát để thông qua đó,
mọi người đặc biệt trẻ em hiểu rõ nội dung bài hát hơn.

23
8. Kết luận
Dân ca Nam Bộ là một loại hình âm nhạc nghệ thuật đặc trưng, có từ lâu đời, mang nhiều
bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tạo được một giá trị to lớn đối với văn hóa nước nhà.
Dân ca Nam Bộ là một mảnh đất trù phú, một kho tàng âm điệu vô tận, nơi tập trung của
tất cả những nhân tố thể hiện trực tiếp nhất, sinh động nhất tính cách dân tộc của người
dân vùng đất này. Với những ý nghĩa, giá trị nghệ thuật mà loại hình này mang lại, dân ca
Nam Bộ đã trở thành một phần trong cuộc sống của người con Nam Bộ và thu hút nhiều
khán giả từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước Việt Nam.
Hiện nay, đứng trước những nguy cơ bị lãng quên, dân ca Nam Bộ vẫn đang được chú
trọng bảo tồn và phát huy hơn nữa tại Việt Nam. Các cơ quan có thẩm quyền cần chú
trọng hơn nữa những chính sách để loại hình nghệ thuật này ngày càng phát triển trước
những tác động làm cho nó bị lấn át, lãng quên cũng như để phát huy được những giá trị
mà nó mang lại. Bác Hồ trước lúc đi xa có một yêu cầu rất là đơn giản nhưng vĩ đại và
cao quý biết bao, Bác yêu cầu trước khi đi xa Bác muốn nghe một khúc hát dân ca. Nhạc
sĩ Trần Hoàn đã sáng tác ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” câu hát cuối cùng là lời
dặn của người. Càng yêu quê hương đất nước, càng yêu khúc hát dân ca, thấm nhuần lời
dạy của Người mới càng thấy được những giá trị mà dân ca mang lại.

24
25
Tài liệu tham khảo
1. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cần có cách làm hiệu quả trong bảo tồn
và phát huy vốn dân ca Nam bộ, truy cập 18/06/2023 tại https://dangcongsan.vn/tu-
tuong-van-hoa/can-co-cach-lam-hieu-qua-trong-bao-ton-va-phat-huy-von-dan-ca-nam-
bo-96478.html
2. Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (2011), Bảo tồn, phổ biến dân ca Nam Bộ trong
quần chúng, truy cập 18/06/2023 tại https://moitruongdulich.vn/index.php/item/5471
3. Dân ca Nam Bộ cần được bảo tồn và phát huy hồn quê Việt Nam, truy cập 18/06/2023
tại https://aloviet.vn/dan-ca-nam-bo.html
4. Dân ca Nam Bộ, truy cập 18/06/2023 tại
https://sites.google.com/site/dancanambo123/dan-ca-nam-bo
5. Gia Thuận (2011), Bảo tồn, phổ biến dân ca Nam Bộ trong quần chúng, truy cập
18/06/2023 tại https://www.vietnamplus.vn/bao-ton-pho-bien-dan-ca-nam-bo-trong-
quan-chung/113296.vnp
6. Hoàng Hải (2012), Dân ca Nam Bộ: Kho báu đang dần bị lãng quên, truy cập
18/06/2023 tại http://vinhphuctv.vn/Qu%E1%BA%A3n-tr%E1%BB%8B/Tin-t%E1%BB
%A9c-chung/ID/177017/Dan-ca-Nam-Bo-Kho-bau-ang-dan-bi-lang-quen
7. Hồng Phương (2022), Dân ca Nam bộ - “món ăn tinh thần” yêu thích của nghệ sĩ và
người dân, truy cập 18/06/2023 tại https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/dan-ca-nam-bo-mon-
an-tinh-than-yeu-thich-cua-nghe-si-va-nguoi-dan-post981561.vov
8. Lan Phương (2011), Lo dân ca Nam Bộ bị lấn át, truy cập 18/06/2023 tại
https://baotintuc.vn/van-hoa/lo-dan-ca-nam-bo-bi-lan-at-20111030093515396.htm
9. Mai Lý (2021), Tìm hiểu vài thể loại hò Nam Bộ xưa, truy cập 18/06/2023 tại
https://baocantho.com.vn/tim-hieu-vai-the-loai-ho-nam-bo-xua-a137904.html
10. Minh Đức (2018), Hò Đồng Tháp được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia, truy cập 18/06/2023 tại https://truyenhinhdulich.vn/van-hoa/ho-dong-thap-duoc-
cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-457.html
11. Nam Bộ vài nét tổng quan, truy cập 18/06/2023 tại https://dantocmiennui.vn/nam-bo-
vai-net-tong-quan/130816.html
12. PGS-TSKH Bùi Mạnh Nhị (2020), Một số đặc điểm ngôn ngữ ca dao – dân ca Nam
Bộ, truy cập 18/06/2023 tại https://vanhocsaigon.com/mot-so-dac-diem-ngon-ngon-ngu-
ca-dao-dan-ca-nam-bo/

26
13. Phạm Thái Bình (2016), Lý Nam Bộ: Viên ngọc quý trong kho tàng dân ca Việt Nam,
truy cập 18/06/2023 tại https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Ly-Nam-Bo-Vien-ngoc-
quy-trong-kho-tang-dan-ca-Viet-Nam-i383987/
14. PhanHuong (2022), Dân ca là gì? Ví dụ một số bài dân ca 3 miền hiện nay, truy cập
18/06/2023 tại https://ruaxetudong.org/dan-ca-la-gi/
15. Redsvn (2023), Tổng quan về đặc trưng của 7 loại hình nghệ thuật cơ bản, truy cập
18/06/2023 tại https://redsvn.net/tong-quan-ve-dac-trung-cua-7-loai-hinh-nghe-thuat-co-
ban2/
16. TS. Lý Tùng Hiếu, Đặc Trưng Văn Hóa Nam Bộ, truy cập 18/06/2023 tại
https://cuulong.org/d%E1%BA%B7c-tr%C6%B0ng-van-hoa-nam-b%E1%BB%99/

27

You might also like