You are on page 1of 3

MÔI TRƯỜNG SỐNG CA NGỢI THIÊN CHÚA

Một cô diễn viên múa sau này là diễn viên điện ảnh kể cho tôi nghe một câu chuyện
buồn cười, dễ hiểu với người ở Việt nam, nhưng nếu là người ở nước khác nghe chuyện
này chắc sẽ thấy khó hiểu tại sao. Khoảng mười năm trước, đoàn múa của cô đi Singapore.
Một buổi sáng cô đứng trên lầu khách sạn nhìn xuống thấy các bạn trong đoàn múa đang
vui vẻ chụp hình dưới công viên. Bất ngờ một viên cảnh sát đến ra hiệu cho họ đi chỗ
khác. Cô chạy ngay xuống để xem sao vì trong đoàn múa chỉ có mình cô biết nói tiếng Anh
thôi. Cô đến hỏi viên cảnh sát tại sao lại không cho bạn bè cô chụp hình ở đó, có thấy bảng
cấm quay phim chụp hình nào đâu. (Tôi nghĩ cô ta nên nói là ở Singapore người ta phải tôn
trọng nhân quyền, không phải hứng lên là cấm quay phim chụp hình!). Nhưng lời của viên
cảnh sát làm cô ta bỗng ngớ ra: “Tôi đâu dám cấm các chị chụp hình. Tôi chỉ muốn giải
thích với các chị rằng đừng chụp hình với cái này. Nó xinh xinh vậy chứ nó là cái thùng rác
đó”. Khi cô nói lại với bạn bè, ai cũng cảm thấy ngượng ngùng và vội vã bỏ đi. Có một
điểm đáng nói ở đây: dường như đối với nhiều người Việt, cái gì mà chung quanh không
có rác thì chắc chắn không phải là thùng rác! Câu chuyện bi hài nho nhỏ này đặt ra cho
chúng ta câu hỏi bi hài lớn lao hơn: bao giờ dân Việt chúng ta mới ý thức rằng môi trường
là quà tặng của Đấng Tạo Hoá, cần được nâng niu và giữ gìn một cách cẩn thận bởi cả một
cộng đồng để chung sức gìn giữ chứ không phải muốn làm gì thì làm?

1. Môi trường là quà tặng của Thiên Chúa.


Một trong những niềm vui của cuộc sống là được nhận những món quà. Người tặng
quà càng quyền cao chức trọng thì người nhận quà càng trân quí món quà. Nhưng nói
chung món quà tự nó cũng là quí giá dù do ai tặng đi nữa. Món quà dù chỉ là một tấm ảnh
nhỏ, người ta cũng nâng niu nó. Nếu món quà có giá trị cao, người ta lại quí nó theo một
cách khác. Thế nhưng có một món quà cao hơn các của cải bình thường, đẹp hơn mọi tác
phẩm nghệ thuật và do Chúa tể trời đất ban tặng mà người ta lại đang coi thường. Ấy là
món quà vũ trụ, là mặt đất, là môi trường mà con người đang no say hưởng dùng. Vậy mà
con người lại phung phí và ra sức huỷ hoại nó. Có những món quà lỡ phá huỷ rồi còn có
thể sửa lại được. Còn môi trường khi đã phá đi thì sức người vô phương khôi phục. Học
Thuyết Xã Hội Công Giáo dạy rằng vũ trụ này “chính là ân huệ Chúa ban, là đất đai và kế
hoạch Chúa giao cho con người quản lý và làm việc với tinh thần trách nhiệm của một con
người” (chương X, khoản 451). Và Học Thuyết đã nhìn thấy trước những điều tàn nhẫn mà
con người có thể thực hiện trên người mẹ thiên nhiên đang mang lấy con người trong lòng
mình, đồng thời đã gióng lên tiếng chuông thiết tha, nhưng dường như con người chưa
nghe hoặc chưa muốn nghe tiếng chuông cảnh tỉnh ấy.
Kinh Thánh ghi lại rất rõ ràng Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ bằng quyền năng,
nhưng cách Kinh Thánh diễn tả công trình tạo dựng qua từng ngày từng ngày để cho thấy
Đấng Tạo Hoá muốn chăm chút cho công trình của mình, bởi vì Ngài muốn ban tặng cho
con người món quà tuyệt vời ấy như là công trình của tình yêu, vừa là tài nguyên nuôi sống
con người và còn là tác phẩm nghệ thuật tinh xảo nhất. Thuở xa xưa, con người gắn bó với
thiên nhiên lạ lùng. Thi ca và hội hoạ của các thời đại trước cho thấy con người gần gũi với
thiên nhiên và yêu quí môi trường biết bao. Rồi thời đại khoa học kỹ thuật xuất hiện như
một bước tiến của nhân loại, đồng thời lại là bước lùi của giao tiếp với môi trường thiên
nhiên.

2. Phá huỷ môi trường là tội ác lớn lao.


Gọi thời khoa học kỹ thuật là buớc lùi của nhân loại trong việc giao tiếp ứng xử với
thiên nhiên là bởi vì khi khoa học phát triển thì bao hệ luỵ xảy ra phá huỷ người mẹ thiên
nhiên. Khói, chất thải và bao nhiêu bất cẩn của con người từ khoa học kỹ thuật đã phá huỷ
tầng ozone, làm ô nhiễm bầu không khí và nguồn nước, làm huỷ hoại môi trường sinh
thái… Nhưng có một điều đáng chú ý là những nước đang phát triển, nghèo đói nhưng lại
“liều mạng” phá huỷ môi trường nhiều nhất. Hơn nữa, ở những nước nghèo mà nền giáo
dục sa sút, đạo đức xã hội suy đồi, người có chức quyền chỉ lo vơ vét, thì môi trường bị
chà đạp thảm hại nhất. Ở những nước đó, người ta thờ ơ với chuyện huỷ hoại môi trường,
vô cảm với ô nhiễm, với việc xả chất thải vô tội vạ vào sông vào biển. Người ta thậm chí
còn chấp nhận những dự án khai thác tài nguyên mà hậu quả là đẩy môi trường vào cõi
chết. Cách đây ít lâu, cha Vinh sơn Phạm Trung Thành DCCT có viết: “Họ rẻ rúng mạng
con người quá, họ chỉ biết lợi nhuận dành cho họ, họ bất chấp hậu quả tai hại như thế nào
để lại cho người khác gánh chịu”. Và ngài hỏi: “Bây giờ phải làm sao?”
Học Thuyết Xã Hội Công giáo coi việc sử dụng khoa học làm hại môi trường là
điều bệnh hoạn và do tham vọng của con người. Và chính vì “bệnh hoạn” đó mà “thế cân
bằng giữa con người và môi trường dường như đã lên tới mức nguy kịch” (xem chương X,
khoản 461).
Tất cả những hành vi phá hoại môi trường là tội ác, vì ba lý do. Một là khi phá môi
trường, người ta quăng đi món quà cao cả Thiên Chúa gửi tặng con người và truyền cho họ
giữ nó nguyên tuyền cho đến ngày Ngài đến thu tất cả về một mối. Hai là khi phá hoại môi
trường như thế, người ta trực tiếp giết chết đồng loại của mình, dù cái chết đến chậm chạp.
Ba là khi đó người ta cố ý và lạnh lùng gửi vào tương lai, gửi cho con cháu mình gia sản
mang mầm mống sự chết.

3. Góp phần gìn giữ môi trường


Không biết nền giáo dục Việt nam ưu việt đến cỡ nào, nhưng dường như kết quả
của nó là làm cho các trật tự bị xới tung lên, nói theo Cha Vũ Khởi Phụng là “mọi chuyện
chưa được đặt đúng chỗ của nó”. Làm một điều tốt giữa đám đông, người ta e dè. Giết một
con người trong bụng mẹ, người ta coi như đập một con muỗi. Phá hoại môi trường thì còn
ít nghiêm trọng hơn là bị lở môi (chứ không phải môi trường)! Bởi vậy cho nên khi người
ta sử dụng chất thải bừa bãi, mua sách mà không có bao xốp cho họ đựng là họ la lối ngay.
Chạy xe nhả khói đầy đường đối với nhiều người chỉ là chuyện nhỏ. Tôi hay nói đùa với
sinh viên: nếu thấy con chuột chết, người tốt sẽ quăng ra đường, còn người xấu mới ném
sang nhà hàng xóm! Quả thật, chuyện quăng rác, ném chuột cứ xảy ra tự nhiên như người
ta đi đứng. Còn chuyện phá rừng, đổ chất thải công nghiệp, khai thác khoáng sản bừa bãi
thì “nói xong rồi bỏ”, chẳng ai quan tâm. Nếu cứ mãi như thế, đất nước và người dân này
rồi sẽ thế nào?
“Bây giờ phải làm sao?” Câu hỏi nhức nhối ấy cứ đi với chúng ta mãi cho đến khi
chúng ta biết phải làm sao. Chẳng lẽ ngồi nhìn? Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công
Giáo đang bắt đầu vang vọng, và chúng ta, những người con của Giáo Hội phải lên tiếng
nói và phải góp phần gìn giữ môi trường. Yêu quê hương yêu đất nuớc làm sao được khi
cứ khai thác quê hương bừa bãi rồi làm ô nhiễm đất và nuớc?
Học Thuyết Xã Hội Công giáo đưa ra cách ứng xử hợp lý khi ứng dụng công nghệ
để tránh làm tổn hại môi trường: “Chính vì lý do đó, “cần giữ thái độ thận trọng và chú ý
sàng lọc ra bản chất, mục đích và các phương thế của mỗi hình thức công nghệ ứng dụng”.
Bởi vậy, các nhà khoa học phải “tận dụng khả năng nghiên cứu và kỹ thuật của mình một
cách trung thực để phục vụ nhân loại”, phải biết cách bắt các khả năng ấy tuân theo “các
nguyên tắc và các giá trị luân lý, vốn luôn tôn trọng và giúp thực hiện trọn vẹn phẩm giá
con người”. (chương X, khoản 458). Như thế, việc sử dụng khoa học bừa bãi là thiếu khôn
ngoan và đi ngược lại với luân lý và đạo đức. Quan trọng hơn cả vẫn là cách nhìn về con
người: “Một điểm quan trọng mà mỗi khi ứng dụng khoa học và công nghệ người ta phải
tham chiếu là phải tôn trọng con người, và cũng kèm theo đó là thái độ cần phải tôn trọng
các sinh vật khác.” (chương X, khoản 459). Nếu coi con người là nhân vị được cứu độ, là
hình ảnh của Thiên Chúa thì người ta không thể làm hại đến môi trường sống mà Chúa đã
sáng tạo.

4. Dân Chúa không thể im lặng trước sự phá huỷ môi trường
Đức Thánh Cha Benedicto XVI và vị tiền nhiệm của Ngài là Đức Gioan Phaolô II
đã nhiều lần lên tiếng về nguy cơ của việc huỷ hoại môi trường. Học Thuyết Xã Hội Công
Giáo nhấn mạnh rằng việc chăm sóc và bảo vệ môi trường là “nghĩa vụ chung và phổ quát,
nghĩa vụ tôn trọng một tài sản chung, được dành cho hết mọi người”. Do đó mà mỗi người
Kytô hữu phải chia sẻ nghĩa vụ đó, phải nói và làm những gì có thể để quà tặng của Thiên
Chúa không bị coi rẻ nữa.
Theo luật pháp nói chung, nếu ta thấy người khác phạm tội mà không lên tiếng thì
ta cũng có lỗi. Đó là một trong những khía cạnh của nguyên tắc liên đới trong đời sống
người Kytô hữu mà Học Thuyết Xã Hội đã nhắc nhở.
Các vị mục tử ở nước ta chắc chắn cũng đang lên tiếng hay ít ra là chuẩn bị lên
tiếng, bởi các ngài nhớ lời Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng ngài thấy ghê sợ những chủ chăn
câm lặng (chúng ta biết Đức Thánh Cha dùng từ nặng nề hơn nhiều).
Về phần mình, mỗi thành phần dân Chúa phải thực hiện đôi điều cụ thể nhất. Thứ
nhất, phải đọc và học biết Học Thuyết Xã Hội Công Giáo nói gì về việc bảo vệ môi trường.
Thứ hai phải thực hành điều mình đọc. Không thể cứ nói và rồi cứ làm hại môi trường. Và
thứ ba là hãy làm “ngọn đèn để trên mái nhà” bằng đời sống, trước hết bằng lời nói, bằng
kiến nghị để những hành vi phá hoại môi trường có thể dừng lại kịp thời. Hiện nay có
nhiều kiến nghị về môi trường, về khai thác bauxite. Vietcatholic cũng đang có kiến nghị
về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên Việt nam. Người Công giáo cần nói lên tiếng nói
của Giáo Hội và của lương tâm mình, vì muốn bảo vệ công trình tay Chúa sáng tạo, và
cũng vì muốn cho các thế hệ tương lai không phải hứng chịu những rác rưởi của thế hệ
hôm nay.
Xin hãy để vũ trụ vẹn toàn và cùng với vũ trụ mà ca ngợi Chúa: “Trời là của Chúa,
đất cũng là của Chúa, hoàn vũ với muôn loài, chính Chúa dựng nên” (Thánh Vịnh 89, 12).
“Hãy ca tụng Chúa, hỡi lửa hồng mưa đá, tuyết trắng mây mù, ngọn cuồng phong, cấp thừa
hành lời Chúa. Núi với đồi trùng trùng điệp điệp,cây ăn trái và đủ loại bá hương, thú vật
rừng hoang cùng là gia súc, loài bò sát và mọi giống chim trời”. (Thánh Vịnh 148, 9-10).
Viết bài này, con cũng muốn kính xin các vị chủ chăn trong Giáo Hội sớm lên tiếng chính
thức để bảo vệ cho công trình tay Chúa sáng tạo. Lệnh truyền của Đức Giêsu khi Người về
Trời: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân” chắc cũng bao hàm việc giảng dạy cho
muôn người cùng với vũ trụ này, môi trường sống này mà ca tụng Thiên Chúa, Đấng Tạo
Hoá quyền năng.

Sàigòn Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2009


Gioan Lê Quang Vinh

You might also like