You are on page 1of 535

CHƯƠNG 1: ĐẠI CƯƠNG VỀ KIỂM NGHIỆM DƯỢC PHẨM

QUY ĐỊNH VỀ CHẤT LƯỢNG THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM


THUỐC
Quy định chung
1. Cơ sở kinh doanh dược, cơ sở pha chế thuốc áp dụng tiêu chuẩn chất
lượng của thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo dược điển hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở
đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở sản xuất, pha chế.
2. Cơ sở kinh doanh dược, cơ sở pha chế thuốc phải tiến hành thẩm
định, đánh giá phương pháp kiểm nghiệm ghi trong tiêu chuẩn chất lượng thuốc,
nguyên liệu làm thuốc do cơ sở sản xuất công bố áp dụng. Việc thẩm định phương
pháp kiểm nghiệm thực hiện theo hướng dẫn về thẩm định quy trình phân tích của
Hiệp hội các nước Đông Nam Á hoặc ICH được quy định tại Thông tư quy định
việc đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
3. Bộ Y tế tổ chức thẩm định hồ sơ và phê duyệt tiêu chuẩn chất lượng
thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định về đăng ký thuốc, nguyên liệu làm
thuốc, quy định về cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu thuốc chưa có giấy đăng
ký lưu hành.
Tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc là văn bản quy định về đặc
tính kỹ thuật, bao gồm chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng, phương pháp kiểm
nghiệm và yêu cầu quản lý khác có liên quan đến chất lượng thuốc, nguyên liệu
làm thuốc.
GLP là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Good Laboratory Practices”, được dịch
sang tiếng Việt là “Thực hành tốt phòng thí nghiệm thuốc”.
WHO là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “World Health Organization”, được dịch
sang tiếng Việt là Tổ chức Y tế thế giới.
ICH là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “International Conference on
Harmonisation of Technical Requirements for Registration of Pharmaceuticals for
Human Use”, được dịch sang tiếng Việt là Hội nghị quốc tế về hài hòa các thủ tục
đăng ký dược phẩm sử dụng cho con người.
Áp dụng dược điển
1. Áp dụng Dược điển Việt Nam, dược điển tham chiếu:
a) Cơ sở kinh doanh dược, cơ sở pha chế thuốc được áp dụng Dược điển
Việt Nam hoặc một trong các dược điển tham chiếu sau đây: Dược điển Châu Âu,
Anh, Hoa Kỳ, Quốc tế, Nhật Bản;
b) Việc áp dụng tiêu chuẩn trong các dược điển quy định tại Điểm a Khoản
này phải bao gồm toàn bộ các quy định về chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng và
phương pháp kiểm nghiệm quy định tại chuyên luận thuốc, nguyên liệu làm thuốc
tương ứng của dược điển áp dụng; bao gồm cả quy định về chỉ tiêu chất lượng,
mức chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm chung được quy định tại Phụ lục của
dược điển;
c) Trường hợp cơ sở sản xuất công bố áp dụng một trong các dược điển quy
định tại Điểm a Khoản này nhưng sử dụng phương pháp kiểm nghiệm khác với
phương pháp kiểm nghiệm được ghi trong chuyên luận riêng của thuốc, nguyên
liệu làm thuốc trong dược điển đã chọn thì phải chứng minh sự tương đương giữa
phương pháp kiểm nghiệm của nhà sản xuất với phương pháp kiểm nghiệm được
ghi trong dược điển. Kết quả kiểm nghiệm sử dụng phương pháp kiểm nghiệm ghi
trong dược điển là căn cứ để kết luận chất lượng thuốc;
d) Đối với thuốc dược liệu, cơ sở kinh doanh dược, cơ sở pha chế thuốc
được áp dụng dược điển quy định tại Điểm a Khoản này hoặc dược điển nước xuất
xứ của thuốc.
2. Áp dụng dược điển nước ngoài khác với các trường hợp quy định tại
Điểm a Khoản 1 Điều này:
Trường hợp cơ sở kinh doanh dược, cơ sở pha chế thuốc áp dụng dược điển
nước ngoài khác dược điển tham chiếu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, tiêu
chuẩn chất lượng áp dụng tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng và mức chất lượng được quy định
tại chuyên luận tiêu chuẩn chất lượng tương ứng của Dược điển Việt Nam hoặc
một trong các dược điển tham chiếu;
b) Phương pháp kiểm nghiệm chung được áp dụng phải phù hợp với phương
pháp kiểm nghiệm chung tương ứng được ghi tại Dược điển Việt Nam hoặc một
trong các dược điển tham chiếu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
Áp dụng tiêu chuẩn cơ sở
1. Tiêu chuẩn cơ sở về thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải đáp ứng quy định
tại Điểm b Khoản 2 Điều 102 của Luật dược, cụ thể như sau:
a) Đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng được quy định tại
chuyên luận tương ứng của Dược điển Việt Nam và chỉ tiêu chất lượng, mức chất
lượng, phương pháp kiểm nghiệm chung được quy định tại các Phụ lục của Dược
điển Việt Nam;
b) Trường hợp Dược điển Việt Nam, dược điển tham chiếu quy định tại
Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư này chưa có chuyên luận thuốc, nguyên liệu làm
thuốc tương ứng, cơ sở xây dựng tiêu chuẩn trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa
học (bao gồm cả kết quả nghiên cứu phát triển sản phẩm) hoặc theo quy định của
dược điển nước ngoài khác.
2. Tiêu chuẩn cơ sở của thuốc pha chế, bào chế tại cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh do cơ sở xây dựng, đánh giá sự phù hợp và được người đứng đầu cơ sở
ban hành.
Cập nhật tiêu chuẩn chất lượng và áp dụng dược điển cập nhật
1. Đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc đăng ký lưu hành, đăng ký gia hạn:
Tại thời Điểm nộp hồ sơ đăng ký, tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm
thuốc phải đáp ứng dược điển thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
a) Dược điển phiên bản hiện hành;
b) Các dược điển phiên bản trước phiên bản hiện hành, nhưng không quá 02
năm tính đến thời Điểm dược điển phiên bản hiện hành có hiệu lực.
2. Đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp phép lưu hành: Trong
thời hạn tối đa 02 năm kể từ thời Điểm phiên bản dược điển mới nhất được ban
hành, cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất có trách nhiệm cập nhật tiêu chuẩn chất lượng
thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại phiên bản dược điển đó.
3. Trong quá trình lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ sở sản xuất, cơ
sở đăng ký phát hiện yếu tố có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, an toàn,
hiệu quả của thuốc hoặc theo yêu cầu của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược), cơ sở sản
xuất phải tiến hành cập nhật chỉ tiêu vào tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu
làm thuốc để kiểm soát được yếu tố ảnh hưởng trên.
Kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc
1. Việc kiểm nghiệm phải được thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng thuốc,
nguyên liệu làm thuốc đã được phê duyệt và cập nhật.
Trường hợp tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc không được
cập nhật, cơ sở kiểm nghiệm áp dụng dược điển tương ứng quy định tại Khoản 1
và Khoản 2 Điều 6 Thông tư này, tính theo ngày sản xuất lô thuốc, nguyên liệu làm
thuốc được kiểm nghiệm.
Trường hợp thuốc pha chế, bào chế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc
kiểm nghiệm được thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng thuốc do cơ sở xây dựng,
ban hành.
2. Việc lấy mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để kiểm nghiệm thực hiện theo
quy định tại Phụ lục I, biên bản lấy mẫu theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ
lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Trả lời kết quả phân tích, kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc:
a) Kết quả phân tích, kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được
thể hiện trên phiếu kiểm nghiệm hoặc phiếu phân tích quy định tại Mẫu số 02 và
Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được mẫu thuốc, cơ
sở kiểm nghiệm phải trả lời kết quả kiểm nghiệm, phân tích mẫu thuốc được lấy
bởi cơ quan kiểm tra chất lượng trong các trường hợp sau:
- Thuốc có thông tin về phản ứng có hại nghiêm trọng;
- Thuốc của cơ sở có vi phạm nghiêm trọng về đáp ứng Thực hành tốt;
- Thuốc được lấy mẫu bổ sung trong các trường hợp quy định tại Điểm b
Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 14 Thông tư này.
c) Trong thời hạn tối đa 20 ngày, kể từ ngày nhận được mẫu thuốc, cơ sở
kiểm nghiệm phải trả lời kết quả kiểm nghiệm, phân tích trong trường hợp sau:
- Thuốc phải kiểm nghiệm trước khi lưu hành theo quy định tại Khoản 1
Điều 8 Thông tư này;
- Thuốc không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm d Khoản này.
d) Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được mẫu thuốc, nguyên
liệu làm thuốc, cơ sở kiểm nghiệm phải trả lời kết quả kiểm nghiệm, phân tích mẫu
trong các trường hợp sau:
- Thuốc, nguyên liệu làm thuốc có các phép thử có yêu cầu về thời gian thử
nghiệm kéo dài;
- Thuốc, nguyên liệu làm thuốc có tiêu chuẩn chất lượng cần thẩm định lại
hoặc đánh giá lại kết quả kiểm nghiệm;
- Thuốc, nguyên liệu làm thuốc có nghi ngờ về thành Phần, chất lượng, phải
áp dụng phương pháp kiểm nghiệm khác với phương pháp ghi trong tiêu chuẩn
chất lượng đã đăng ký;
- Thuốc, nguyên liệu làm thuốc có phép thử mà cơ sở kiểm nghiệm không có
đủ Điều kiện thử nghiệm (ví dụ: thiếu thiết bị máy móc, hóa chất, thuốc thử, chất
chuẩn).
đ) Trường hợp không đáp ứng được thời hạn trả lời kết quả phân tích, kiểm
nghiệm theo quy định tại các Điểm b, c và d Khoản này, cơ sở kiểm nghiệm phải
giải trình lý do tại văn bản kèm theo phiếu kiểm nghiệm, phiếu phân tích;
e) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời Điểm ban hành phiếu kiểm nghiệm hoặc
phiếu phân tích, cơ sở kiểm nghiệm phải gửi phiếu kiểm nghiệm hoặc phiếu phân
tích tới cơ quan kiểm tra chất lượng, cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu có thuốc,
nguyên liệu làm thuốc được lấy mẫu và cơ sở được lấy mẫu.
Trường hợp mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất
lượng, trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời Điểm ban hành phiếu phân tích hoặc phiếu
kiểm nghiệm, cơ sở kiểm nghiệm phải gửi công văn thông báo về mẫu thuốc,
nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng kèm theo phiếu kiểm
nghiệm hoặc phiếu phân tích tới Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) theo hình thức văn
bản hành chính và văn bản điện tử (bản scan) đến địa chỉ email:
quanlychatluongthuoc.qld@moh.gov.vn hoặc tin nhắn đến số điện thoại của Cục
Quản lý Dược từ địa chỉ, số điện thoại giao dịch chính thức của cơ sở kiểm nghiệm
và Sở Y tế nơi có thuốc, nguyên liệu làm thuốc được lấy mẫu.
g) Đối với mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược, cơ
sở sử dụng, tổ chức, cá nhân gửi tới để phân tích, kiểm nghiệm hoặc thẩm định tiêu
chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thời gian trả lời kết quả phân tích,
kiểm nghiệm theo thỏa thuận của các bên.
4. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại kết quả kiểm nghiệm:
a) Trường hợp không nhất trí với kết quả kiểm nghiệm mẫu, trong thời hạn
05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên
liệu làm thuốc, cơ sở kinh doanh dược có quyền đề nghị cơ quan kiểm tra chất
lượng nhà nước chỉ định cơ sở kiểm nghiệm khác tiến hành phân tích, kiểm
nghiệm xác định kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
b) Việc kiểm nghiệm lại chỉ tiêu chất lượng bị khiếu nại kết quả được thực
hiện tại cơ sở kiểm nghiệm do Bộ Y tế chỉ định theo quy định tại Khoản 2 Điều
105 của Luật dược.
5. Lưu mẫu:
a) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc sau khi được kiểm nghiệm và kết luận xác
định chất lượng phải được lưu mẫu. Mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu phải
được niêm phong và bảo quản theo Điều kiện ghi trên nhãn.
b) Thời gian lưu mẫu:
- Đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc:
mẫu thuốc thành phẩm phải được lưu ít nhất 12 tháng sau khi hết hạn dùng của
thuốc; mẫu nguyên liệu là hoạt chất dùng cho sản xuất thuốc phải được lưu ít nhất
12 tháng sau khi hết hạn dùng của thành phẩm sản xuất từ nguyên liệu đó;
- Đối với cơ sở kiểm nghiệm thuốc: thời gian lưu mẫu ít nhất 12 tháng
sau khi hết hạn dùng của thuốc; hoặc 24 tháng kể từ ngày lấy mẫu đối với mẫu
thuốc được lấy để kiểm tra chất lượng, hoặc kể từ ngày tiếp nhận đối với mẫu gửi
trong các trường hợp lấy mẫu bổ sung quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b
Khoản 2 Điều 14 Thông tư này.
6. Lưu hồ sơ, tài liệu:
a) Hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác kiểm tra chất lượng thuốc, nguyên
liệu làm thuốc đều phải lưu giữ theo quy định tại Luật lưu trữ và các văn bản
hướng dẫn liên quan;
b) Hồ sơ, tài liệu liên quan đến thuốc, nguyên liệu làm thuốc chứa gây
nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ: thời gian lưu
trữ ít nhất là 02 năm kể từ khi hết hạn dùng của thuốc;
c) Hồ sơ, tài liệu khi hết thời gian lưu trữ được xử lý theo quy định
hiện hành.
Kiểm nghiệm trước khi lưu hành đối với thuốc
1. Thuốc thuộc một trong các trường hợp sau đây phải được kiểm nghiệm
bởi cơ sở kiểm nghiệm do Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) chỉ định trước khi lưu
hành:
a) Thuốc quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 103 của Luật dược;
b) Sinh phẩm là dẫn xuất của máu và huyết tương người;
c) Thuốc nhập khẩu theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 54/2017/NĐ-
CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi Tiết một số Điều và
biện pháp thi hành Luật dược (sau đây viết tắt là Nghị định số 54/2017/NĐ-CP);
d) Thuốc được sản xuất bởi cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài thuộc Danh
sách cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng do Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược)
công bố.
2. Quy định việc kiểm nghiệm xác định chất lượng thuốc:
a) Lấy mẫu thuốc:
- Đối với thuốc quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này, việc lấy
mẫu do cơ sở sản xuất (đối với thuốc sản xuất trong nước) hoặc cơ sở nhập khẩu
(đối với thuốc nhập khẩu) thực hiện;
- Đối với thuốc quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này, cơ sở nhập khẩu đề
nghị cơ quan kiểm tra chất lượng hoặc cơ quan kiểm nghiệm nhà nước lấy mẫu.
b) Cơ sở nhập khẩu thực hiện việc gửi mẫu thuốc đã lấy kèm theo
bản photocopy phiếu kiểm nghiệm gốc của nhà sản xuất tới cơ sở kiểm nghiệm
thuốc theo quy định tại Khoản 3 Điều này để kiểm nghiệm xác định chất lượng
thuốc theo tiêu chuẩn chất lượng thuốc đã được phê duyệt;
c) Cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu vắc xin, sinh phẩm là huyết thanh chứa
kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết tương người thuộc trường hợp quy định tại
các Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này tiến hành gửi mẫu theo quy định tại Điều
10 và Điều 11 Thông tư này;
d) Trong thời hạn quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 7 Thông tư này, cơ sở
kiểm nghiệm phải trả lời kết quả kiểm nghiệm đối với mẫu thuốc nhận được.
3. Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) chỉ định cơ sở kiểm nghiệm đã được cấp
Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược có phạm vi kiểm nghiệm thuốc
hoặc cơ sở kiểm nghiệm quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Luật dược đáp ứng
GLP thực hiện việc kiểm nghiệm thuốc quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trường hợp cơ sở kiểm nghiệm không đủ Điều kiện để thử một hoặc một số
phép thử, cơ sở kiểm nghiệm phải thông báo và phối hợp với cơ sở sản xuất, cơ sở
nhập khẩu gửi mẫu để thử nghiệm các phép thử này tại cơ sở kiểm nghiệm khác
đáp ứng GLP hoặc Phòng thử nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 và có đủ
Điều kiện thực hiện phép thử.
4. Định kỳ hàng tháng, cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định báo cáo việc kiểm
nghiệm thuốc về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) theo quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục
III ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) công bố và cập nhật danh sách cơ sở kiểm
nghiệm được chỉ định theo quy định tại Khoản 3 Điều này trên Trang thông tin
điện tử của Cục Quản lý Dược.
6. Cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thuốc chịu trách nhiệm:
a) Chi trả kinh phí kiểm nghiệm xác định chất lượng thuốc của cơ sở sản
xuất, cơ sở nhập khẩu theo quy định;
b) Cung cấp chất chuẩn, chất đối chiếu, tạp chuẩn cho cơ sở kiểm nghiệm
trong trường hợp Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc
thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế hoặc
cơ sở kiểm nghiệm khác chưa nghiên cứu thiết lập được;
c) Chỉ được đưa ra lưu thông, phân phối các lô thuốc đã có kết quả kiểm
nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
7. Việc kiểm nghiệm vắc xin, sinh phẩm là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn
xuất của máu và huyết tương người được thực hiện theo quy định tại Điều 10 và
Điều 11 Thông tư này.
Thời hạn kiểm nghiệm thuốc của cơ sở có tên trong Danh sách cơ sở sản xuất
có thuốc vi phạm chất lượng và việc rút tên khỏi Danh sách
1. Thời hạn kiểm nghiệm tính từ thời Điểm lô thuốc đầu tiên được nhập
khẩu sau thời Điểm Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) công bố Danh sách cơ sở sản xuất
có thuốc vi phạm chất lượng như sau:
a) 06 tháng đối với cơ sở sản xuất có 01 lô thuốc vi phạm mức độ 3;
b) 12 tháng đối với cơ sở sản xuất có 01 lô thuốc vi phạm mức độ 2 hoặc có
từ 02 lô thuốc vi phạm mức độ 3 trở lên;
c) 24 tháng đối với cơ sở sản xuất có 01 lô thuốc vi phạm mức độ 1 hoặc có
từ 02 lô thuốc vi phạm mức độ 2 trở lên;
d) Trường hợp cơ sở sản xuất tiếp tục có thuốc vi phạm chất lượng, thời gian
phải thực hiện kiểm nghiệm kéo dài theo phương pháp cộng dồn.
2. Cơ sở sản xuất được rút tên khỏi Danh sách cơ sở sản xuất có thuốc vi
phạm chất lượng khi đáp ứng đầy đủ các quy định sau đây:
a) Cơ sở nhập khẩu thực hiện đầy đủ việc kiểm nghiệm thuốc trước khi đưa
ra lưu hành theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đăng ký thuốc có báo cáo theo quy định tại
Mẫu số 07 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo bằng chứng thực
hiện việc kiểm nghiệm toàn bộ các lô thuốc nhập khẩu vào Việt Nam trong thời
hạn thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này;
c) Cơ sở sản xuất không có vi phạm chất lượng thuốc (kể cả thu hồi thuốc
theo hình thức tự nguyện vì lý do chất lượng) trong thời hạn thực hiện quy định tại
Khoản 1 Điều này.
3. Định kỳ hàng tháng, căn cứ báo cáo của cơ sở kiểm nghiệm tham gia vào
hoạt động kiểm nghiệm, báo cáo của cơ sở sản xuất, cơ sở đăng ký thuốc, Bộ Y tế
(Cục Quản lý Dược) công bố cập nhật Danh sách cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm
chất lượng, rút tên cơ sở sản xuất đáp ứng quy định tại Khoản 2 Điều này khỏi
Danh sách cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng.
Kiểm nghiệm vắc xin, sinh phẩm là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất của
máu và huyết tương người
1. Cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu phải gửi mẫu và hồ sơ sản xuất vắc xin,
sinh phẩm là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết tương người
đến Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế để kiểm nghiệm đánh giá
trước khi đưa ra lưu hành. Hồ sơ gửi mẫu kiểm nghiệm được quy định tại Điều 11
Thông tư này.
Cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu chỉ được phép đưa ra lưu hành, sử dụng lô
vắc xin, sinh phẩm là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết
tương người sau khi có giấy chứng nhận chất lượng do Viện Kiểm định Quốc gia
vắc xin và sinh phẩm y tế cấp, xác nhận lô vắc xin, sinh phẩm đạt tiêu chuẩn chất
lượng, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
2. Trong thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư này, kể từ ngày
nhận đủ mẫu và hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này, Viện Kiểm định
Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế tiến hành:
a) Rà soát hồ sơ, tiến hành kiểm nghiệm mẫu vắc xin, sinh phẩm gửi tới;
b) Cấp giấy chứng nhận chất lượng theo quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục III
ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó chỉ rõ các nội dung đáp ứng hoặc không
đáp ứng yêu cầu và kết luận về chất lượng, an toàn, hiệu quả của lô vắc xin, sinh
phẩm;
c) Thông báo kết quả kiểm nghiệm về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).
Hồ sơ và mẫu kiểm nghiệm đánh giá chất lượng, an toàn, hiệu lực đối với vắc
xin, sinh phẩm là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết
tương người
1. Đối với vắc xin, sinh phẩm là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất của
máu và huyết tương người được sản xuất trong nước: Cơ sở sản xuất gửi hồ sơ sản
xuất và mẫu của lô sản phẩm (thành phẩm, bán thành phẩm) tới Viện Kiểm định
Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế bao gồm:
a) Phiếu gửi mẫu kiểm nghiệm;
b) Mẫu vắc xin, sinh phẩm để kiểm nghiệm (số lượng mẫu đối với từng loại
vắc xin, sinh phẩm theo quy định tại Hướng dẫn về kiểm nghiệm xuất xưởng vắc
xin, sinh phẩm là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết tương
người);
c) Hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm tra chất lượng của lô vắc xin, sinh
phẩm (bản sao có đóng dấu xác nhận của cơ sở sản xuất);
d) Phiếu kiểm nghiệm lô của cơ sở sản xuất.
2. Đối với vắc xin, sinh phẩm là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất
của máu và huyết tương người nhập khẩu: Cơ sở nhập khẩu phải gửi hồ sơ sản
xuất và mẫu của lô sản phẩm tới Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y
tế bao gồm:
a) Phiếu gửi mẫu kiểm nghiệm;
b) Mẫu vắc xin, sinh phẩm kiểm nghiệm (số lượng mẫu đối với từng loại vắc
xin, sinh phẩm theo quy định tại Hướng dẫn về kiểm nghiệm xuất xưởng vắc xin,
sinh phẩm là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết tương người);
c) Hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm tra chất lượng của lô vắc xin, sinh phẩm
nhập khẩu (bản sao có đóng dấu xác nhận của cơ sở sản xuất hoặc của cơ sở nhập
khẩu);
d) Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu
kèm theo đối với từng lô vắc xin, sinh phẩm nhập khẩu (bản sao có đóng dấu xác
nhận của cơ sở nhập khẩu);
đ) Bảng dữ liệu theo dõi Điều kiện bảo quản (dây chuyền lạnh) trong quá
trình vận chuyển lô hàng nhập khẩu (có đóng dấu xác nhận của cơ sở nhập khẩu)
từ các thiết bị tự ghi nhiệt độ, kết quả chỉ thị đông băng (nếu có).
3. Cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của
các tài liệu do cơ sở cung cấp.
Thủ tục thu hồi thuốc theo hình thức bắt buộc
1. Tiếp nhận thông tin về thuốc vi phạm:
Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) tiếp nhận thông tin về thuốc vi phạm từ:
a) Thông tin đánh giá thuốc không bảo đảm hiệu quả Điều trị, tính an toàn
của Hội đồng tư vấn đăng ký thuốc hoặc Hội đồng tư vấn về xử lý tai biến sau tiêm
chủng vắc xin;
b) Thông tin về chất lượng thuốc không đạt từ cơ sở kiểm nghiệm thuốc;
c) Thông tin về thuốc vi phạm do Cục Quản lý Dược, Cơ quan thanh tra y tế/
dược phát hiện;
d) Thông báo về thuốc vi phạm của cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, cơ quan
kiểm tra chất lượng nhà nước về thuốc của nước ngoài;
đ) Thông tin về thuốc vi phạm do cơ quan công an, hải quan, quản lý thị
trường phát hiện;
e) Thông tin về thuốc do cơ sở kinh doanh dược đề nghị thu hồi tự nguyện
cung cấp.
2. Xác định mức độ vi phạm:
a) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời Điểm tiếp nhận thông tin về thuốc vi
phạm quy định tại các Điểm a, c, d, đ và e Khoản 1 Điều này, Bộ Y tế (Cục Quản
lý Dược) tiến hành xác định mức độ vi phạm của thuốc và kết luận về việc thu hồi
thuốc vi phạm trên cơ sở đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe của người sử dụng.
Trường hợp cần xin ý kiến của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành
thuốc để xác định mức độ vi phạm theo quy định tại Mục IV Phụ lục II ban hành
kèm theo Thông tư này, thời hạn xác định mức độ vi phạm của thuốc phải thực
hiện tối đa 7 ngày.
b) Mức độ vi phạm của thuốc được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm
theo Thông tư này;
c) Đối với thông tin về thuốc vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều
này, việc xử lý được tiến hành theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
3. Ban hành quyết định thu hồi thuốc:
a) Trong thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời Điểm kết luận về việc thu hồi
thuốc, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) ban hành quyết định thu hồi thuốc theo quy
định tại Khoản 1 Điều 65 của Luật dược;
b) Quyết định thu hồi phải bao gồm các thông tin sau: tên thuốc, số giấy
đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu, tên hoạt chất, nồng độ, hàm lượng,
dạng bào chế, số lô, hạn dùng, cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, mức độ thu hồi, cơ
sở chịu trách nhiệm thu hồi thuốc.
4. Thông báo quyết định thu hồi thuốc:
a) Quyết định thu hồi thuốc của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) thông báo dưới
các hình thức thư tín, fax, email, điện thoại hoặc các phương tiện thông tin đại
chúng. Phạm vi thông báo quyết định thu hồi theo quy định tại Khoản 3 Điều 63
của Luật dược;
b) Ngay sau khi có quyết định thu hồi, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) công
bố quyết định thu hồi thuốc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Trang thông
tin điện tử của Cục Quản lý Dược và trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dược của Bộ Y
tế;
Sở Y tế công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin
điện tử của Sở ngay sau khi nhận được quyết định thu hồi.
Cơ sở sản xuất thuốc trong nước, cơ sở nhập khẩu phải thông báo thông tin
về thuốc bị thu hồi đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng đã mua thuốc.
c) Trường hợp thu hồi thuốc vi phạm ở mức độ 1, ngoài việc thực hiện theo
quy định tại Điểm b Khoản này, quyết định thu hồi thuốc phải được Bộ Y tế thông
báo trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam.
5. Triển khai thu hồi thuốc:
a) Cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc phải dừng việc cung cấp, sử dụng; biệt
trữ thuốc còn tồn tại cơ sở; lập danh sách các cơ sở kinh doanh, sử dụng, cá nhân
(nếu có) đã mua thuốc, liên hệ và tiếp nhận thuốc được trả về; trả về cơ sở cung
cấp thuốc;
b) Cơ sở sản xuất (đối với thuốc sản xuất trong nước), cơ sở nhập khẩu phối
hợp với cơ sở ủy thác nhập khẩu hoặc cơ sở đầu mối phân phối thuốc (đối với
thuốc nhập khẩu) chịu trách nhiệm thực hiện thu hồi thuốc vi phạm. Biên bản thu
hồi thuốc thực hiện theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo
Thông tư này.
Trường hợp cơ sở kinh doanh, cung cấp thuốc không thực hiện thu hồi thuốc
hoặc không tiếp nhận thuốc trả về, cơ sở, cá nhân mua, sử dụng thuốc báo cáo Sở
Y tế trên địa bàn để xử lý theo quy định.
c) Việc thu hồi thuốc phải được hoàn thành trong thời hạn quy định tại
Khoản 3 Điều 63 của Luật dược.
6. Báo cáo kết quả thu hồi, đánh giá hiệu quả thu hồi và xử lý bổ sung:
a) Trong thời hạn 01 ngày đối với trường hợp thu hồi mức độ 1, 03 ngày đối
với trường hợp thu hồi mức độ 2, mức độ 3 kể từ ngày hoàn thành việc thu hồi, cơ
sở chịu trách nhiệm thực hiện thu hồi phải báo cáo bằng văn bản kết quả thu hồi về
Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) và Sở Y tế trên địa bàn cơ sở kinh doanh được chịu
trách nhiệm thu hồi thuốc. Báo cáo gồm các tài liệu sau đây:
- Báo cáo tóm tắt về thuốc bị thu hồi theo quy định tại Mẫu số 05 Phụ
lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
- Danh sách các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc (bao gồm cơ sở được cung
cấp trực tiếp từ cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện thu hồi thuốc vi phạm và các cơ
sở được cung cấp từ các cơ sở phân phối) kèm theo thông tin về địa chỉ, số điện
thoại, email (nếu có), số lượng cung cấp, số lượng thuốc đã thu hồi;
- Biên bản giao nhận, hóa đơn xuất trả lại hàng hoặc các bằng chứng khác
thể hiện việc thu hồi thuốc;
- Báo cáo tự đánh giá về hiệu quả thu hồi thuốc;
- Kết quả Điều tra, đánh giá nguyên nhân, đánh giá nguy cơ đối với các lô
khác của thuốc vi phạm và/hoặc các thuốc khác được sản xuất trên cùng
dây chuyền sản xuất.
b) Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) xem xét báo cáo kết quả thu hồi quy định tại
Điểm a Khoản này, đánh giá hoặc giao Sở Y tế đánh giá hiệu quả thu hồi. Trường
hợp hiệu quả thu hồi được đánh giá chưa triệt để, sản phẩm có khả năng vẫn tiếp
tục được lưu hành, sử dụng và có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử
dụng, Cục Quản lý Dược phối hợp với Sở Y tế và cơ quan chức năng có liên quan
tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi.
Thủ tục thu hồi thuốc theo hình thức tự nguyện
1. Cơ sở kinh doanh dược thu hồi thuốc theo hình thức tự nguyện tự đánh
giá, xác định mức độ vi phạm của thuốc và báo cáo bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục
Quản lý Dược), trong đó nêu rõ thông tin về thuốc vi phạm, mức độ vi phạm, lý do
thu hồi, đề xuất biện pháp xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định tại Khoản 3, Khoản
4 Điều 15 Thông tư này.
2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ sở kinh
doanh dược, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) xem xét báo cáo của cơ sở kinh doanh
dược, xác định mức độ vi phạm của thuốc theo quy định tại Phụ lục II ban hành
kèm theo Thông tư này.
a) Trường hợp đồng ý với đề xuất của cơ sở kinh doanh dược về vi phạm
mức độ 3 của thuốc, Bộ Y tế(Cục Quản lý Dược) có văn bản đồng ý để cơ sở thu
hồi tự nguyện;
b) Trường hợp xác định thuốc vi phạm mức độ 1 hoặc 2, Bộ Y tế (Cục Quản
lý Dược) thực hiện các thủ tục thu hồi thuốc quy định tại các Khoản 3, 4, 5 và 6
Điều 12 Thông tư này;
c) Trường hợp cần bổ sung hoặc làm rõ thông tin trong báo cáo của cơ sở
kinh doanh dược, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) có văn bản yêu cầu cơ sở cung cấp
bổ sung, giải trình. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ
Y tế (Cục Quản lý Dược), cơ sở phải có văn bản bổ sung, giải trình.
3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời Điểm Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) có
văn bản đồng ý để cơ sở thu hồi tự nguyện, cơ sở kinh doanh được ban hành quyết
định thu hồi thuốc, thông báo tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng và thực hiện việc
thu hồi thuốc quy định tại các Khoản 5 và Khoản 6 Điều 12 Thông tư này.
Xử lý thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo nơi lấy mẫu
1. Trường hợp mẫu thuốc vi phạm do cơ quan kiểm tra chất lượng lấy tại cơ
sở bán lẻ thuốc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng III, hạng IV:
a) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời Điểm nhận được phiếu kiểm nghiệm
hoặc phiếu phân tích do cơ sở kiểm nghiệm gửi tới, Sở Y tế tiến hành niêm phong
thuốc không đạt chất lượng tại cơ sở đã lấy mẫu;
b) Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời Điểm nhận được phiếu kiểm nghiệm
hoặc phiếu phân tích do cơ sở kiểm nghiệm gửi tới, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược)
có văn bản yêu cầu cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất hoặc cơ sởnhập khẩu có trách
nhiệm:
- Báo cáo về việc phân phối thuốc gửi Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược);
- Đề nghị cơ quan kiểm tra chất lượng lấy mẫu bổ sung tại cơ sở sản xuất
thuốc trong nước hoặc cơ sở nhập khẩu đối với thuốc nước ngoài và tại ít nhất 02
cơ sở bán buôn, trong đó có cơ sở bán buôn đã cung cấp thuốc cho cơ sở đã được
lấy mẫu;
- Gửi mẫu đã lấy tới cơ sở kiểm nghiệm tuyến Trung ương để kiểm tra chất
lượng đối với chỉ tiêu không đạt.
c) Trường hợp ít nhất 01 (một) mẫu thuốc được lấy bổ sung không đạt tiêu
chuẩn chất lượng, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) xác định mức độ vi phạm và kết
luận về việc thu hồi thuốc vi phạm theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo
Thông tư này, ban hành quyết định thu hồi thuốc theo quy định tại Khoản
3 Điều 12 Thông tư này. Phạm vi và thời gian thu hồi thực hiện theo quy định tại
Khoản 3 Điều 63 Luật dược;
d) Trường hợp các mẫu thuốc được lấy bổ sung đạt tiêu chuẩn chất lượng,
Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) chỉ xác định mức độ vi phạm, kết luận về việc thu hồi
thuốc vi phạm, ban hành quyết định thu hồi và xử lý đối với thuốc của cơ sở đã lấy
mẫu ban đầu.
2. Trường hợp mẫu thuốc vi phạm do cơ quan kiểm tra chất lượng lấy tại cơ
sở bán buôn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng II trở lên:
a) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời Điểm nhận được phiếu kiểm nghiệm
hoặc phiếu phân tích do cơ sở kiểm nghiệm gửi tới, Sở Y tế tiến hành niêm phong
thuốc không đạt chất lượng tại cơ sở đã lấy mẫu;
b) Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời Điểm nhận được phiếu kiểm nghiệm
hoặc phiếu phân tích do cơ sở kiểm nghiệm gửi tới, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược)
ban hành quyết định thu hồi thuốc trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương nơi lấy mẫu và các cơ sở kinh doanh, sử dụng đã được cơ sở bán buôn nơi
lấy mẫu thuốc cung cấp theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư này và có văn
bản yêu cầu cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất hoặc cơ sở nhập khẩu có trách nhiệm:
- Báo cáo về việc phân phối thuốc gửi Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược);
- Đề nghị cơ quan kiểm tra chất lượng lấy mẫu bổ sung ít nhất 02 mẫu thuốc
tại cơ sở bán buôn khác, trong đó có cơ sở bán buôn đã cung cấp thuốc cho cơ sở
đã được lấy mẫu;
- Gửi mẫu đã lấy tới cơ sở kiểm nghiệm tuyến Trung ương để kiểm tra chất
lượng đối với chỉ tiêu không đạt.
c) Trường hợp ít nhất 01 (một) mẫu thuốc được lấy bổ sung không đạt tiêu
chuẩn chất lượng, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) xác định mức độ vi phạm và kết
luận về việc thu hồi thuốc vi phạm theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo
Thông tư này, ban hành quyết định thu hồi thuốc theo quy định tại Khoản 3 Điều
12 Thông tư này. Phạm vi và thời gian thu hồi thực hiện theo quy định tại Khoản 3
Điều 63 Luật dược;
d) Trường hợp các mẫu thuốc được lấy bổ sung đạt tiêu chuẩn chất lượng,
Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) chỉ thực hiện quy định tại Điểm b Khoản này.
3. Trường hợp mẫu thuốc do cơ quan kiểm tra chất lượng lấy lại cơ sở sản
xuất, cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản hoặc mẫu thuốc được
xác định vi phạm chất lượng do nguyên nhân trong quá trình sản xuất, Bộ Y tế
(Cục Quản lý Dược) xác định mức độ vi phạm và kết luận về việc thu hồi thuốc vi
phạm theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, ban hành quyết
định thu hồi thuốc theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư này. Phạm vi và
thời gian thu hồi thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 63 Luật Dược.
Xử lý thuốc bị thu hồi
1. Thuốc bị thu hồi được phép khắc phục hoặc tái xuất trong trường hợp vi
phạm mức độ 3 và không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
2. Thuốc bị thu hồi phải tiêu hủy khi thuộc một trong các trường hợp sau
đây:
a) Thuốc bị thu hồi do vi phạm mức độ 1 hoặc mức độ 2;
b) Thuốc bị thu hồi do vi phạm mức độ 3, được Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược)
xem xét theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này và kết luận không thể khắc
phục, tái xuất được;
c) Thuốc bị thu hồi do vi phạm mức độ 3 được Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược)
cho phép khắc phục hoặc tái xuất nhưng cơ sở không thực hiện được việc khắc
phục, tái xuất.
3. Thủ tục đề nghị khắc phục thuốc bị thu hồi:
a) Cơ sở có thuốc bị thu hồi có văn bản gửi Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược)
kèm theo quy trình khắc phục, đánh giá nguy cơ đối với chất lượng, độ ổn định của
thuốc, Chương trình theo dõi, giám sát chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc
trong quá trình lưu hành;
b) Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị khắc
phục của cơ sở, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) phải xem xét, có ý kiến trả lời bằng
văn bản đồng ý hoặc không đồng ý việc khắc phục. Trường hợp không đồng ý phải
nêu rõ lý do;
c) Trường hợp cần bổ sung hoặc làm rõ thông tin liên quan đến việc khắc
phục, trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Y tế
(Cục Quản lý Dược), cơ sở phải nộp tài liệu bổ sung, giải trình. Sau thời hạn trên,
cơ sở không nộp tài liệu bổ sung, giải trình thì đề nghị khắc phục không còn giá trị.
4. Thủ tục đề nghị tái xuất thuốc bị thu hồi:
a) Cơ sở có thuốc bị thu hồi có văn bản gửi Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược)
kèm theo phương án tái xuất nêu rõ thời gian và nước tái xuất;
b) Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của
cơ sở, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) có ý kiến trả lời bằng văn bản đồng ý hoặc
không đồng ý tái xuất; trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.
5. Việc khắc phục, tái xuất thuốc bị thu hồi chỉ được thực hiện sau khi có ý
kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).
6. Hủy thuốc:
a) Người đứng đầu cơ sở có thuốc bị tiêu hủy ra quyết định thành lập Hội
đồng hủy thuốc. Hội đồng có ít nhất là 03 người, trong đó phải có 1 đại diện là
người chịu trách nhiệm chuyên môn;
b) Việc hủy thuốc phải bảo đảm an toàn cho người, súc vật và tránh ô nhiễm
môi trường theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Việc hủy thuốc phải kiểm soát đặc biệt phải thực hiện theo quy định tại
Điều 48 của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP;
d) Cơ sở hủy thuốc phải báo cáo kèm theo biên bản hủy thuốc tới Sở Y tế
theo quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
7. Thời hạn xử lý thuốc bị thu hồi không quá 12 tháng kể từ thời Điểm hoàn
thành việc thu hồi theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 3 Điều 63 của Luật
dược.
Trách nhiệm thu hồi thuốc
1. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và
người sử dụng:
a) Thực hiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 64 của Luật dược;
b) Thường xuyên kiểm tra, cập nhật thông tin về thu hồi thuốc trên Cổng
thông tin điện tử của Bộ Y tế, Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược và
Sở y tế.
2. Trách nhiệm của Cục Quản lý Dược:
a) Tiếp nhận thông tin, xác định mức độ vi phạm của thuốc và ban hành
quyết định thu hồi thuốc;
b) Thông báo quyết định thu hồi thuốc theo quy định tại Điểm a Khoản 4
Điều 12 Thông tư này, công bố thông tin về thuốc bị thu hồi trên Cổng thông tin
điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược sau khi có
quyết định thu hồi thuốc. Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói
Việt Nam công bố thông tin về thu hồi thuốc vi phạm ở mức độ 1;
c) Xem xét báo cáo đánh giá và trả lời về đề xuất tự nguyện thu hồi, đề xuất
xử lý khắc phục, tái xuất thuốc bị thu hồi của cơ sở kinh doanh dược;
d) Phối hợp với các đơn vị liên quan (Thanh tra Bộ, Sở Y tế, Y tế các ngành)
thanh tra, kiểm tra việc tổ chức và thực hiện thu hồi thuốc; xử lý cơ sở vi phạm
theo quy định của pháp luật;
đ) Có văn bản hướng dẫn chi Tiết về quy trình xử lý, thu hồi thuốc, đánh giá
hiệu quả thực hiện thông báo thu hồi thuốc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh
dược.
3. Trách nhiệm của Sở Y tế:
a) Công bố thông tin quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử
của Sở Y tế;
b) Tổ chức thông báo, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn về các thông tin thu hồi thuốc;
c) Thực hiện hoặc chỉ đạo trung tâm kiểm nghiệm phối hợp với cơ sở có
thuốc vi phạm chất lượng lấy mẫu thuốc bổ sung theo quy định tại Điểm b Khoản
1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 14 Thông tư này;
d) Tổ chức giám sát việc thu hồi thuốc trên địa bàn; xử lý, xử phạt cơ sở vi
phạm các quy định về thu hồi thuốc theo thẩm quyền;
đ) Tham gia hoặc thực hiện đánh giá hiệu quả thu hồi thuốc của các cơ sở
kinh doanh dược trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược). Báo
cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) về các trường hợp cơ sở sản xuất, cơ sở nhập
khẩu, cơ sở bán buôn là đầu mối phân phối thuốc không thực hiện hoặc thực hiện
không đầy đủ việc thu hồi thuốc;
e) Tổ chức, tham gia việc cưỡng chế thu hồi thuốc
Tổ chức thực hiện
1. Cục Quản lý Dược có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
triển khai thực hiện Thông tư này;
b) Chủ trì phối hợp với Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm
nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh
phẩm y tế xây dựng kế hoạch lấy mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng trình Bộ Y tế
xem xét, phê duyệt và bố trí ngân sách thực hiện kế hoạch theo thẩm quyền.
Triển khai việc lấy mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng và cập nhật vào hệ
thống dữ liệu thông tin kiểm tra chất lượng thuốc của Bộ Y tế các thông tin về mẫu
thuốc, nguyên liệu làm thuốc được lấy (bao gồm các thông tin: tên thuốc, nguyên
liệu làm thuốc, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, số lô, hạn dùng, số giấy đăng
ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu, cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, cơ sở lấy
mẫu) và kết quả kiểm tra chất lượng đối với mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
c) Cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật liên quan đến bảo đảm chất
lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Cung cấp cho Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm
thuốc thành phố Hồ Chí Minh mẫu nhãn và bản tiêu chuẩn chất lượng của thuốc,
nguyên liệu làm thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập
khẩu, bản cập nhật trong trường hợp có thay đổi. Đối với vắc xin và sinh phẩm,
mẫu nhãn và bản tiêu chuẩn chất lượng được chuyển đến Viện Kiểm định Quốc gia
vắc xin và sinh phẩm y tế;
d) Tổ chức kiểm tra chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất, pha
chế, lưu hành và sử dụng trên toàn quốc. Chỉ đạo, giám sát hệ thống kiểm nghiệm
thuốc trên toàn quốc. Kết luận về chất lượng thuốc trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm
thuốc của cơ sở kiểm nghiệm của nhà nước về thuốc và các hồ sơ liên quan;
đ) Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện chức năng kiểm tra nhà nước, thanh tra
và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng thuốc theo thẩm quyền.
2. Sở Y tế có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng thuốc trên địa bàn và xử lý vi
phạm theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng kế hoạch lấy mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để kiểm tra
chất lượng trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét,
phê duyệt và bố trí ngân sách thực hiện kế hoạch theo thẩm quyền;
c) Cập nhật vào hệ thống dữ liệu thông tin kiểm tra chất lượng thuốc của Bộ
Y tế các thông tin về mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được lấy (bao gồm các
thông tin: tên thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế,
số lô, hạn dùng, số giấy lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu, cơ sở sản xuất, cơ sở
nhập khẩu, cơ sở lấy mẫu) và kết quả kiểm tra chất lượng đối với mẫu thuốc,
nguyên liệu làm thuốc.
3. Hệ thống kiểm nghiệm thuốc có trách nhiệm:
a) Cơ sở kiểm nghiệm thuốc tuyến Trung ương (Viện Kiểm nghiệm thuốc
Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm định
Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế):
- Thực hiện phân tích, kiểm nghiệm mẫu để xác định chất lượng thuốc,
nguyên liệu làm thuốc sản xuất, lưu hành, sử dụng; báo cáo kết quả kiểm nghiệm
về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) và Sở Y tế nơi lấy mẫu;
- Nghiên cứu, thiết lập và công bố trên trang thông tin điện tử của các Viện
và của Cục Quản lý Dược danh Mục các chất chuẩn, chất đối chiếu, tạp chất chuẩn
phục vụ cho việc phân tích, kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được
sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam;
- Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố
Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm cung cấp cho Trung tâm kiểm nghiệm thuốc tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, theo địa bàn được phân công, bản sao hoặc văn
bản điện tử của tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
- Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, theo định kỳ hàng
năm, rà soát, đánh giá xu hướng chất lượng vắc xin, sinh phẩm và trình Bộ Y
tế xem xét ban hành Hướng dẫn về kiểm nghiệm xuất xưởng vắc xin, sinh phẩm
là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết tương người (bao gồm
cả việc xem xét các chỉ tiêu phải thử nghiệm khi kiểm nghiệm để cấp giấy chứng
nhận chất lượng đối với từng lô vắc xin, sinh phẩm).
Cập nhật thông tin về việc cấp giấy chứng nhận chất lượng vắc xin, sinh
phẩm là huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết tương của người
trên trang thông tin điện tử của Viện Kiểm định và Cục Quản lý Dược,
b) Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Thực hiện phân tích, kiểm nghiệm mẫu để xác định chất lượng thuốc,
nguyên liệu làm thuốc sản xuất, lưu hành, sử dụng;
- Báo cáo kết quả kiểm nghiệm về Sở Y tế và Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).
4. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm:
a) Tổ chức nghiên cứu và triển khai thực hiện quy định của pháp luật về chất
lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc được ban hành tại Thông tư này;
b) Triển khai các quy định về kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng
thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Thực hiện hoạt động quản lý chất lượng để bảo đảm
chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong suốt quá trình hoạt động của cơ sở;
c) Thiết lập hệ thống hồ sơ tài liệu đảm bảo theo dõi được quá trình lưu hành
của thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Thực hiện theo dõi, giám sát chất lượng thuốc,
nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh; kịp thời phát hiện và xử lý thuốc vi
phạm, báo cáo cơ quan quản lý, cơ quan kiểm tra chất lượng thuốc.
5. Trong giai đoạn lực lượng kiểm soát viên chất lượng thuốc các cấp chưa
được bổ nhiệm, Bộ Y tế giao:
a) Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố
Hồ Chí Minh, Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, theo chức năng,
nhiệm vụ và phạm vi hoạt động được phân công:
- Xây dựng kế hoạch lấy mẫu thuốc để kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc,
nguyên liệu làm thuốc; dự trù và tiếp nhận sử dụng kinh phí hàng năm cho hoạt
động lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
- Thực hiện việc lấy mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo kế hoạch được
phê duyệt tại cơ sở kinh doanh dược, cơ sở sử dụng thuốc;
- Cập nhật thông tin về mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được lấy để kiểm
tra chất lượng và kết quả kiểm nghiệm đối với mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc
vào hệ thống dữ liệu thông tin kiểm tra chất lượng thuốc của Bộ Y tế;
- Báo cáo kết quả kiểm nghiệm về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) và Sở
y tế nơi lấy mẫu đối với mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn
chất lượng theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư này.
- Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin
kiểm tra chất lượng thuốc của Bộ Y tế;
b) Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Xây dựng kế hoạch lấy mẫu để kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc,
nguyên liệu làm thuốc; dự trù và tiếp nhận sử dụng kinh phí hàng năm cho hoạt
động lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
- Thực hiện lấy mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để kiểm tra chất lượng
theo kế hoạch được phê duyệt tại cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc;
- Cập nhật thông tin về mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được lấy để kiểm
tra chất lượng và kết quả kiểm nghiệm vào hệ thống dữ liệu thông tin kiểm tra chất
lượng thuốc của Bộ Y tế;
- Báo cáo kết quả kiểm nghiệm về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược), Sở Y tế đối
với mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy
định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư này.
Xác định mức độ vi phạm và kết luận các trường hợp thuốc phải thu hồi
I. Thuốc vi phạm mức độ 1: là thuốc vi phạm có nguy cơ gây tổn hại nghiêm
trọng đối với sức khỏe hoặc ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng, thuộc
một trong các trường hợp sau đây:
1. Thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
2. Thuốc có chứa các chất bị cấm sử dụng trong sản xuất thuốc;
3. Thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu không phải mục đích dùng
cho người hoặc nguyên liệu chưa có giấy phép sử dụng trong sản xuất thuốc hoặc
thực phẩm dùng cho người;
4. Thuốc được sản xuất tại cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh
doanh;
5. Thuốc tiêm, tiêm truyền không có bằng chứng đã được kiểm tra chất lượng
trong quá trình sản xuất và trước khi xuất xưởng;
6. Thuốc có thông báo thu hồi khẩn cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
nước ngoài;
7. Thuốc có kết luận không bảo đảm yêu cầu về an toàn của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền;
8. Thuốc nhầm lẫn hoạt chất;
9. Thuốc nhầm lẫn hàm lượng có thể gây hậu quả nghiêm trọng;
10. Thuốc tiêm truyền không đạt chỉ tiêu vô trùng hoặc không đạt chỉ tiêu
chất gây sốt hoặc chỉ tiêu nội độc tố;
11. Thuốc tiêm không vô trùng;
12. Thuốc ghi nhãn không đúng về hàm lượng, đường dùng, liều dùng đối với
thuốc có chứa hoạt chất có hoạt tính mạnh, giới hạn an toàn nhỏ.
II. Thuốc vi phạm mức độ 2: là thuốc có bằng chứng không bảo đảm đầy đủ
hiệu quả điều trị hoặc có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng nhưng chưa
đến mức gây tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe hoặc chưa ảnh hưởng đến tính
mạng của người sử dụng, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Thuốc có kết luận không bảo đảm yêu cầu về hiệu quả điều trị của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền;
2. Thuốc được sản xuất từ nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng;
3. Thuốc không có bằng chứng đã được kiểm tra chất lượng trong quá trình
sản xuất và trước khi xuất xưởng (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Mục II);
4. Thuốc không có giấy đăng ký lưu hành hoặc chưa được phép nhập khẩu;
5. Thuốc có giấy đăng ký lưu hành được cấp dựa trên hồ sơ giả mạo theo kết
luận của cơ quan có thẩm quyền;
6. Thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu làm thuốc đã hết hạn dùng
hoặc nguyên liệu đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
hoặc nguyên liệu không có nguồn gốc hợp pháp (nhập lậu, cơ sở sản xuất nguyên
liệu chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược);
7. Thuốc được sản xuất tại cơ sở sản xuất trong thời gian đình chỉ hoạt động
hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh
doanh dược;
8. Thuốc có hàm lượng nằm ngoài mức giới hạn 5% so với giới hạn quy định
tại hồ sơ đăng ký;
9. Thuốc có nhầm lẫn hoạt chất (trừ trường hợp được đánh giá vi phạm ở mức
độ 1);
10. Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ nhiễm khuẩn (trừ các trường
hợp quy định tại khoản 10 và khoản 11 Mục II);
11. Thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ
trong, tạp chất, tiểu phân nhìn thấy hoặc tiểu phân không nhìn thấy bằng mắt
thường;
12. Thuốc viên không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ tan rã mà thời gian tan
rã trong môi trường acid kéo dài hơn 02 (hai) giờ (trừ thuốc viên tan rã trong ruột);
13. Thuốc viên tan rã trong ruột chứa hoạt chất không bền hoặc gây kích ứng
trong dạ dày không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ rã trong môi trường
acid hoặc chỉ tiêu độ hòa tan trong môi trường acid;
14. Thuốc tiêm dạng lỏng có thể tích nhỏ hơn 75% so với thể tích trên nhãn;
15. Thuốc tiêm bột có khối lượng thuốc nhỏ hơn 75% so với khối lượng trên
nhãn;
16. Thuốc viên có độ hòa tan trung bình nhỏ hơn 50% so với mức chất lượng
quy định trong tiêu chuẩn chất lượng;
17. Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về tạp chất liên quan;
18. Thuốc tiêm, tiêm truyền không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ pH;
19. Thuốc viên giải phóng kéo dài, giải phóng biến đổi không đạt tiêu chuẩn
chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan;
20. Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ lắng của hỗn dịch, nhũ dịch
tiêm;
21. Thuốc bị thu hồi bởi cơ quan quản lý nước ngoài, trừ trường hợp thu hồi
khẩn cấp, và được kiểm tra có nhập khẩu vào Việt Nam;
22. Thuốc không đúng chủng loại do nhầm lẫn trong sản xuất, dán nhãn;
thuốc có nhãn ghi không đúng đường dùng, liều dùng, hàm lượng, nồng độ hoạt
chất, công dụng (nhưng không thuộc trường hợp quy định tại mục I);
23. Thuốc sản xuất, nhập khẩu không đúng hồ sơ đăng ký hoặc giấy phép
nhập khẩu;
24. Thuốc có chứa các chất có hàm lượng, nồng độ vượt quá giới hạn cho
phép.
III. Thuốc vi phạm mức độ 3: là thuốc không thuộc trường hợp quy định tại
mục I, II mà do các nguyên nhân khác nhưng không ảnh hưởng đến hiệu quả điều
trị và an toàn khi sử dụng, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Thuốc không đạt chất lượng về chỉ tiêu cảm quan: biến đổi màu sắc; tách
lớp đối với thuốc mỡ, kem gel;
2. Thuốc không đạt chất lượng về chỉ tiêu tỷ trọng;
3. Thuốc viên không đạt chất lượng về chỉ tiêu chênh lệch khối lượng (khối
lượng trung bình viên);
4. Thuốc kem, mỡ không đạt chất lượng về chỉ tiêu chênh lệch khối lượng;
5. Thuốc tiêm bột có khối lượng lớn hơn 75% so với nhãn nhưng nhỏ hơn giới
hạn tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký;
6. Thuốc viên giải phóng trong dạ dày không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ
tan rã nhưng thời gian tan rã ít hơn 02 (hai) giờ;
7. Thuốc viên bao đường, viên hoàn cứng không đạt độ tan rã;
8. Thuốc viên không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ hòa tan (trừ trường hợp
quy định tại khoản 17 Mục II);
9. Thuốc viên không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu hàm lượng hoạt
chất nhưng nằm trong phạm vi 5% so với giới hạn quy định tại hồ sơ đăng ký;
10. Thuốc viên dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng về tạp chất, độ ẩm;
11. Thuốc viên tân dược, thuốc tiêm bột, thuốc tiêm đông khô không đạt tiêu
chuẩn chất lượng về độ ẩm;
12. Thuốc dạng lỏng không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ pH (trừ trường
hợp quy định tại mức độ 2);
13. Thuốc nước uống không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ lắng cặn;
14. Thuốc nước uống, thuốc nước dùng ngoài không đạt tiêu chuẩn chất lượng
về thể tích;
15. Thuốc tiêm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về thể tích nhưng không thấp
hơn 75% so với thể tích trên nhãn ký;
16. Thuốc tiêm truyền không đạt tiêu chuẩn chất lượng về thể tích;
17. Thuốc không đáp ứng đầy đủ yêu cầu về ghi nhãn, trừ trường hợp mức độ
1 và 2 nêu trên;
18. Thuốc có vật liệu bao bì và dạng đóng gói không đáp ứng yêu cầu bảo
quản;
19. Thuốc vi phạm về chỉ tiêu khối lượng trung bình, thuốc sản xuất không
đúng với hồ sơ đăng ký thuốc: thay đổi khối lượng viên, tỷ lệ tá dược, loại tá dược.
IV. Các trường hợp vi phạm khác: Cục Quản lý Dược kết luận mức độ vi
phạm của thuốc sau khi có ý kiến của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành
thuốc của Bộ Y tế. Ý kiến của Hội đồng được xác định trên cơ sở đánh giá nguy cơ
ảnh hưởng của thuốc vi phạm đến sức khỏe của người sử dụng.
QUY DỊNH VỀ CHẤT LƯỢNG DƯỢC LIỆU, THUỐC CỔ TRUYỀN
Giải thích từ ngữ
1. Lô dược liệu là một lượng xác định dược liệu có cùng nơi trồng hoặc thu
hái, được sơ chế, chế biến theo cùng một quy trình trong một khoảng thời gian xác
định tại cùng một cơ sở.
2. Lô thuốc cổ truyền là một lượng xác định thuốc cổ truyền được sản xuất
theo cùng một quy trình trong một khoảng thời gian xác định tại cùng một cơ sở và
có chất lượng đồng nhất.
3. Hạn dùng của dược liệu là thời gian hoặc thời hạn sử dụng dược liệu mà
sau thời gian hoặc thời hạn này dược liệu không bảo đảm chất lượng theo quy
định, được thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn hoặc thể hiện tháng, năm hết
hạn (được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn).
4. Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền là văn bản quy định về
đặc tính kỹ thuật của dược liệu, thuốc cổ truyền bao gồm chỉ tiêu chất lượng, mức
chất lượng, phương pháp kiểm nghiệm và các yêu cầu kỹ thuật, quản lý khác có
liên quan đến chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền.
Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu, thuốc cổ truyền
1. Dược liệu, thuốc cổ truyền phải áp dụng tiêu chuẩn chất lượng của dược
liệu, thuốc cổ truyền theo dược điển hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở của cơ sở sản xuất,
chế biến (sau đây gọi là cơ sở sản xuất).
2. Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền phải tiến hành thẩm định,
đánh giá phương pháp kiểm nghiệm ghi trong tiêu chuẩn chất lượng dược liệu,
thuốc cổ truyền do cơ sở sản xuất công bố áp dụng tại phòng kiểm nghiệm đạt
Thực hành tốt phòng thí nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GLP).
3. Bộ Y tế tổ chức thẩm định hồ sơ và phê duyệt tiêu chuẩn chất lượng dược
liệu, thuốc cổ truyền theo quy định về đăng ký dược liệu, thuốc cổ truyền, quy định
về cấp phép nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền chưa có giấy đăng ký lưu hành.
Áp dụng Dược điển
1. Áp dụng Dược điển Việt Nam và dược điển tham chiếu:
a) Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền được áp dụng Dược điển
Việt Nam hoặc một trong các dược điển tham chiếu: Trung Quốc, Hồng Kông,
Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Quốc tế, Châu Âu, Anh, Mỹ;
b) Việc áp dụng tiêu chuẩn trong các dược điển quy định tại điểm a khoản
này phải bao gồm toàn bộ quy định về chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng và
phương pháp kiểm nghiệm quy định tại chuyên luận dược liệu, thuốc cổ truyền
tương ứng của dược điển áp dụng và chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng, phương
pháp kiểm nghiệm chung được quy định tại Phụ lục của dược điển áp dụng;
c) Trường hợp cơ sở nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền vào Việt Nam áp
dụng dược điển Việt Nam mà chỉ tiêu chất lượng và mức chất lượng quy định trong
Dược điển Việt Nam thấp hơn dược điển tham chiếu thì áp dụng dược điển tham
chiếu;
d) Trường hợp cơ sở sản xuất công bố áp dụng Dược điển Việt Nam hoặc
dược điển tham chiếu quy định tại điểm a khoản này nhưng sử dụng phương pháp
kiểm nghiệm khác với phương pháp kiểm nghiệm được ghi trong chuyên luận
riêng của dược liệu, thuốc cổ truyền trong dược điển áp dụng thì phải chứng minh
sự tương đương giữa phương pháp kiểm nghiệm của cơ sở sản xuất với phương
pháp kiểm nghiệm ghi trong dược điển. Kết quả kiểm nghiệm sử dụng phương
pháp kiểm nghiệm ghi trong dược điển là căn cứ để kết luận chất lượng dược liệu,
thuốc cổ truyền.
2. Quy định áp dụng dược điển nước ngoài khác:
Trường hợp cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền áp dụng dược điển
khác các dược điển quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, tiêu chuẩn chất lượng áp
dụng tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Đáp ứng các yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng và mức chất lượng được quy
định tại chuyên luận tiêu chuẩn chất lượng tương ứng của Dược điển Việt Nam
hoặc dược điển tham chiếu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Các phương pháp kiểm nghiệm chung được áp dụng phải phù hợp với
phương pháp kiểm nghiệm chung tương ứng được ghi tại Dược điển Việt Nam
hoặc một trong các dược điển tham chiếu tại điểm a khoản 1 Điều này.
Áp dụng tiêu chuẩn cơ sở
1. Tiêu chuẩn cơ sở của dược liệu, thuốc cổ truyền do cơ sở sản xuất xây
dựng, áp dụng phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 102 Luật dược, cụ
thể như sau:
a) Đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng được quy định tại
chuyên luận tương ứng của Dược điển Việt Nam hoặc dược điển tham chiếu và chỉ
tiêu chất lượng, mức chất lượng, phương pháp kiểm nghiệm chung được quy định
tại các Phụ lục của Dược điển Việt Nam hoặc dược điển tham chiếu;
b) Trường hợp Dược điển Việt Nam, dược điển tham chiếu chưa có chuyên
luận dược liệu, thuốc cổ truyền tương ứng thì cơ sở xây dựng tiêu chuẩn dựa trên
kết quả nghiên cứu khoa học (bao gồm cả kết quả nghiên cứu phát triển sản phẩm)
hoặc theo quy định của dược điển nước ngoài khác.
2. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối dược liệu phải công bố tiêu chuẩn
cơ sở đối với dược liệu không thuộc danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành
theo quy định tại khoản 3.2 Mục IV về hướng dẫn xây dựng và công bố tiêu chuẩn
cơ sở của Thông tư số 21/2007/TT–BKHCN ngày 28/09/2007 của Bộ Khoa học và
Công nghệ hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn cơ sở của
dược liệu công bố phải bảo đảm các yêu cầu kĩ thuật theo quy định tại Mẫu số 01B
Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Tiêu chuẩn cơ sở của thuốc cổ truyền sản xuất tại cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh do cơ sở xây dựng, đánh giá sự phù hợp và được người đứng đầu cơ sở xét
duyệt, ban hành. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện sản xuất thuốc cổ
truyền theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật dược thì phải tiến hành thẩm định
tiêu chuẩn cơ sở, phương pháp kiểm nghiệm ghi trong tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở
công bố áp dụng.
4. Việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn cơ sở, phương pháp kiểm nghiệm
phải được tiến hành tại cơ sở có phòng kiểm nghiệm đạt Thực hành tốt phòng thí
nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GLP).
Cập nhật tiêu chuẩn chất lượng và áp dụng dược điển cập nhật
Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền phải kịp thời cập nhật tiêu
chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền và áp dụng dược điển cập nhật như
sau:
1. Đối với dược liệu thuộc danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành và
thuốc cổ truyền khi đăng ký lưu hành, đăng ký gia hạn: Tại thời điểm nộp hồ sơ
đăng ký, tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong hồ sơ đăng ký,
đăng ký gia hạn phải đáp ứng: Dược điển phiên bản hiện hành hoặc các dược điển
phiên bản trước phiên bản hiện hành, nhưng không quá 02 năm tính đến thời điểm
phiên bản hiện hành có hiệu lực.
2. Đối với thuốc cổ truyền, dược liệu thuộc danh mục dược liệu phải đăng
ký lưu hành đã được cấp phép lưu hành: Trong thời hạn 02 năm kể từ khi phiên
bản dược điển mới nhất được ban hành, cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất có trách
nhiệm cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu, thuốc cổ truyền theo quy định
tại phiên bản dược điển đó.
3. Đối với dược liệu không thuộc danh mục dược liệu phải đăng ký lưu
hành: Trong thời hạn 01 năm kể từ khi phiên bản dược điển mới nhất được ban
hành, cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối dược liệu có trách nhiệm cập nhật tiêu
chuẩn chất lượng của dược liệu theo quy định tại phiên bản dược điển mới nhất và
công bố lại tiêu chuẩn chất lượng.
4. Trong quá trình lưu hành dược liệu, thuốc cổ truyền mà cơ sở sản xuất, cơ
sở đăng ký phát hiện có yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, an toàn,
hiệu quả của dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc theo yêu cầu của Bộ Y tế (Cục Quản
lý Y, Dược cổ truyền), cơ sở sản xuất phải tiến hành cập nhật chỉ tiêu vào tiêu
chuẩn chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền để kiểm soát được yếu tố ảnh hưởng
trên và công bố lại tiêu chuẩn chất lượng đối với trường hợp dược liệu không thuộc
danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành.
Yêu cầu quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong quá trình
kinh doanh, lưu hành và sử dụng
1. Áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trong suốt quá trình
kinh doanh, lưu hành và sử dụng phù hợp với phạm vi kinh doanh của cơ sở.
2. Dược liệu, nguyên liệu sản xuất thuốc cổ truyền, bao bì tiếp xúc trực tiếp
với thuốc cổ truyền trước khi đưa vào sản xuất thuốc cổ truyền phải được cơ sở sản
xuất tiến hành kiểm nghiệm và đạt tiêu chuẩn chất lượng.
3. Thuốc cổ truyền, dược liệu trước khi xuất xưởng phải được cơ sở sản xuất
tiến hành kiểm nghiệm và đạt tiêu chuẩn chất lượng.
4. Người đứng đầu và người phụ trách chuyên môn của cơ sở sản xuất, xuất
khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ; người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ
sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý chất lượng và kiểm tra chất
lượng dược liệu, thuốc cổ truyền tại cơ sở.
5. Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền có trách nhiệm tổ chức và
thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền,
nguyên liệu sản xuất thuốc cổ truyền tại cơ sở.
6. Cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền phải tổ chức công tác kiểm tra,
kiểm nghiệm xác định, đánh giá được chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền,
nguyên liệu làm thuốc cổ truyền trong suốt quá trình sản xuất, xuất xưởng, đưa ra
lưu hành, sử dụng.
7. Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền phải lưu giữ các tài liệu,
thông tin liên quan đến mỗi lần mua bán, nhập khẩu, xuất xưởng, phân phối dược
liệu, thuốc cổ truyền nhằm theo dõi, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, kiểm soát
được đường đi và điều kiện bảo quản của dược liệu, thuốc cổ truyền và nguyên liệu
làm thuốc cổ truyền.
8. Cơ sở có trách nhiệm thực hiện các quy định khác của phát luật về dược
nhằm bảo đảm, duy trì chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong suốt quá trình
kinh doanh, lưu hành và sử dụng.
Yêu cầu quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền tại cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh
1. Dược liệu, thuốc cổ truyền sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải
có phiếu kiểm nghiệm chất lượng do Phòng kiểm nghiệm đạt Thực hành tốt phòng
thí nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc ban hành, trừ trường hợp thuốc cổ truyền
quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với thuốc cổ truyền do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản xuất theo quy
định tại Điều 70 Luật dược: Định kỳ 03 tháng một lần, cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh phải gửi lô thuốc cổ truyền mới nhất đến cơ sở kiểm nghiệm thuốc, nguyên
liệu làm thuốc của Nhà nước hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc,
nguyên liệu làm thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
thuốc để kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng.
3. Dược liệu, thuốc cổ truyền phải được kiểm tra, kiểm nhập thông qua Hội
đồng kiểm nhập của bệnh viện quy định tại Thông tư số 22/2011/TT-BYT ngày 10
tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động của Khoa
Dược bệnh viện hoặc bộ phận kiểm nhập của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Bộ phận kiểm nhập do người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định
thành lập tối thiểu gồm: người phụ trách bộ phận dược, kế toán, thủ kho, cung ứng.
Dược liệu, thuốc cổ truyền chỉ được sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
khi đạt yêu cầu về chất lượng.
4. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức
kiểm tra định kỳ ít nhất 03 tháng một lần và kiểm tra đột xuất khi cần thiết về chất
lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kết quả kiểm
tra phải được lập thành biên bản.
5. Trường hợp phát hiện có yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dược
liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải gửi mẫu đến cơ sở kiểm
nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Nhà nước hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ
kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều
kiện kinh doanh thuốc để kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng.
Kiểm nghiệm dược liệu, thuốc cổ truyền
1. Việc kiểm nghiệm dược liệu, thuốc cổ truyền phải thực hiện tại Phòng
kiểm nghiệm đạt Thực hành tốt phòng thí nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc
(GLP).
2. Lưu mẫu:
a) Dược liệu, thuốc cổ truyền sau khi kiểm tra chất lượng và đã được kết
luận chất lượng phải được lưu mẫu. Mẫu lưu phải được niêm phong và bảo quản
trong điều kiện phù hợp ghi trên nhãn;
b) Thời gian lưu mẫu:
- Đối với các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ
truyền: thời gian lưu mẫu chế phẩm thuốc cổ truyền ít nhất 12 tháng sau khi hết
hạn dùng của thuốc; thời gian lưu mẫu dược liệu, vị thuốc cổ truyền đến khi hết
hạn dùng của dược liệu, vị thuốc cổ truyền;
- Đối với các cơ sở kiểm nghiệm: thời gian lưu mẫu dược liệu, vị thuốc cổ
truyền ít nhất 06 tháng kể từ ngày lấy mẫu hoặc 12 tháng kể từ ngày lấy mẫu đối
với mẫu dược liệu, vị thuốc cổ truyền được lấy để kiểm tra chất lượng; thời gian
lưu mẫu thuốc cổ truyền ít nhất 12 tháng sau khi hết hạn dùng của thuốc hoặc 24
tháng kể từ ngày lấy mẫu đối với mẫu thuốc được lấy để kiểm tra chất lượng.
3. Trường hợp mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền không đạt tiêu chuẩn chất
lượng, trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm ban hành phiếu phân tích hoặc phiếu
kiểm nghiệm, cơ sở kiểm nghiệm phải công bố trên trang thông tin điện tử của cơ
sở và gửi công văn thông báo về mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền không đạt tiêu
chuẩn chất lượng kèm theo phiếu kiểm nghiệm hoặc phiếu phân tích tới Cục Quản
lý Y, Dược cổ truyền – Bộ Y tế theo hình thức văn bản hành chính và văn bản điện
tử (bản scan) trên hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử của Bộ Y tế
(Voffice) hoặc gọi điện đến số điện thoại của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền từ địa
chỉ, số điện thoại giao dịch chính thức của cơ sở kiểm nghiệm và Sở Y tế tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế tỉnh) nơi có dược liệu,
thuốc cổ truyền được lấy mẫu.
4. Các nội dung khác về kiểm nghiệm dược liệu, thuốc cổ truyền áp dụng
theo quy định của Bộ Y tế về kiểm nghiệm đối với thuốc hóa dược, thuốc dược
liệu, nguyên liệu làm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu.
Kiểm nghiệm dược liệu, thuốc cổ truyền có tên trong danh sách cơ sở
sản xuất, cơ sở nhập khẩu có dược liệu, thuốc cổ truyền vi phạm chất lượng
và rút tên khỏi Danh sách cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu có thuốc cổ truyền
vi phạm chất lượng
1. Tính từ thời điểm lô thuốc cổ truyền đầu tiên được sản xuất, nhập khẩu
sau khi Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố Danh sách cơ sở sản
xuất, cơ sở nhập khẩu có thuốc cổ truyền vi phạm chất lượng, cơ sở phải thực hiện
kiểm nghiệm đối với tất cả các thuốc cổ truyền vi phạm chất lượng được nhập
khẩu, sản xuất trong thời hạn quy định như sau :
a) 06 tháng đối với cơ sở sản xuất có 01 lô thuốc cổ truyền vi phạm mức độ
3;
b) 12 tháng đối với cơ sở sản xuất có 01 lô thuốc cổ truyền vi phạm mức độ
2 hoặc có từ 02 lô thuốc cổ truyền vi phạm mức độ 3 trở lên;
c) 24 tháng đối với cơ sở sản xuất có 01 lô thuốc cổ truyền vi phạm mức độ
1 hoặc có từ 02 lô thuốc cổ truyền vi phạm mức độ 2 trở lên;
d) Trường hợp cơ sở sản xuất tiếp tục có thuốc cổ truyền vi phạm chất
lượng, thời gian phải thực hiện kiểm nghiệm kéo dài theo phương pháp cộng dồn.
2. Tính từ thời điểm lô dược liệu đầu tiên được sản xuất, nhập khẩu sau khi
Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố Danh sách cơ sở sản xuất, cơ sở
nhập khẩu có dược liệu vi phạm chất lượng, cơ sở phải thực hiện kiểm nghiệm đối
với tất cả các lô dược liệu vi phạm chất lượng được nhập khẩu, sản xuất trong thời
hạn quy định như sau:
a) 06 tháng đối với cơ sở sản xuất có 01 lô dược liệu vi phạm bị thu hồi được
phép khắc phục và tái sử dụng;
b) 12 tháng đối với cơ sở sản xuất có 01 lô dược liệu vi phạm bị thu hồi phải
tiêu hủy hoặc 02 lô dược liệu vi phạm bị thu hồi được phép khắc phục và tái sử
dụng trở lên;
c) 18 tháng đối với cơ sở sản xuất có 02 lô dược liệu vi phạm bị thu hồi phải
tiêu hủy trở lên;
d) Trường hợp cơ sở sản xuất tiếp tục có dược liệu vi phạm chất lượng, thời
gian phải thực hiện kiểm nghiệm kéo dài theo phương pháp cộng dồn.
3. Cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu được rút tên khỏi Danh sách cơ sở sản
xuất, cơ sở nhập khẩu có dược liệu, thuốc cổ truyền vi phạm chất lượng khi đáp
ứng các quy định sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thực hiện đầy đủ việc kiểm nghiệm dược
liệu, thuốc cổ truyền trước khi đưa ra lưu hành theo thời hạn quy định tại khoản 1
hoặc khoản 2 Điều này;
b) Cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đăng ký dược liệu, thuốc cổ truyền có báo cáo
việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền theo quy định tại Mẫu
số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo bằng chứng thực hiện
việc kiểm nghiệm toàn bộ các lô dược liệu, thuốc cổ truyền nhập khẩu vào Việt
Nam trong thời hạn thực hiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này;
c) Cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu không có vi phạm chất lượng dược liệu,
thuốc cổ truyền (kể cả thu hồi dược liệu, thuốc cổ truyền theo hình thức tự nguyện
vì lý do chất lượng) trong thời hạn thực hiện quy định tại điểm a, b và c khoản 1
hoặc khoản 2 Điều này.
4. Định kỳ hàng tháng, căn cứ báo cáo của cơ sở kiểm nghiệm tham gia vào
hoạt động kiểm nghiệm, kết quả rà soát báo cáo của cơ sở sản xuất, cơ sở đăng ký
thuốc, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố cập nhật Danh sách cơ sở
sản xuất, cơ sở nhập khẩu có dược liệu, thuốc cổ truyền vi phạm chất lượng, rút tên
cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều này khỏi Danh
sách cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu có dược liệu, thuốc cổ truyền vi phạm chất
lượng.
Kiểm tra nhà nước về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền
1. Cơ quan kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền:
a) Cơ quan kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền ở Trung ương là
Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế;
b) Cơ quan kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền ở địa phương là
Sở Y tế tỉnh.
2. Nội dung kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong sản xuất
bao gồm:
a) Việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc nguyên liệu, vật liệu, bao bì đóng
gói trước khi đưa vào sản xuất;
b) Các điều kiện sản xuất, kiểm nghiệm và việc thực hiện quy trình công
nghệ sản xuất và các quy trình kiểm nghiệm, vệ sinh nhà xưởng, máy móc, bao
gồm:
- Việc kiểm soát chất lượng bán thành phẩm và thành phẩm;
- Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi nhập kho, xuất xưởng;
- Kiểm tra hồ sơ lô của sản phẩm;
- Kiểm tra hồ sơ truy xuất nguồn gốc của dược liệu, nguyên liệu.
3. Nội dung kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền xuất khẩu, nhập
khẩu và lưu hành, sử dụng, bao gồm:
a) Kiểm tra việc triển khai các quy định về kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc,
chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong quá trình nhập kho, bảo quản, vận
chuyển và xuất kho;
b) Kiểm tra về giấy đăng ký dược liệu (nếu có), thuốc cổ truyền hoặc giấy
phép nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền và sự tuân thủ về việc ghi nhãn dược
liệu, thuốc cổ truyền, hướng dẫn sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền;
c) Kiểm tra việc tuân thủ các thông báo thu hồi dược liệu, thuốc cổ truyền
của cơ quan kiểm tra chất lượng và của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập
khẩu, bán buôn;
d) Tiến hành lấy mẫu để phân tích, kiểm nghiệm xác định chất lượng dược
liệu, thuốc cổ truyền và thực hiện việc kiểm nghiệm mẫu dược liệu, thuốc cổ
truyền theo tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu, thuốc cổ truyền trong hồ sơ đăng
ký/hồ sơ công bố/hồ sơ nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền không có giấy đăng
ký đã được Bộ Y tế chấp nhận.
4. Việc kiểm tra nhà nước đối với chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền thực
hiện theo pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Kiểm soát nguồn gốc của dược liệu, thuốc cổ truyền
1. Cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
có sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc
để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm sản phẩm tại các công đoạn xác định của
quá trình nuôi trồng, thu hái dược liệu, kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ
truyền.
2. Việc truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm xác định được thông tin về cơ sở
cung cấp và cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền trong suốt quá trình kinh
doanh, sử dụng của cơ sở.
Tài liệu chứng minh nguồn gốc của dược liệu, thuốc cổ truyền
1. Tài liệu chứng minh nguồn gốc đối với dược liệu nhập khẩu không thuộc
danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành, bao gồm:
a) Giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ của từng lô dược liệu do cơ quan
nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp (Giấy C/O);
b) Giấy chứng nhận chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất
hoặc các tiêu chuẩn quốc tế (C/Q) (kèm theo bản dịch ra Tiếng Việt) đối với từng
lô dược liệu và Phiếu kiểm nghiệm (kèm theo bản dịch ra Tiếng Việt) đối với từng
lô dược liệu.
2. Tài liệu chứng minh nguồn gốc đối với dược liệu được cơ sở trong nước
nuôi trồng, thu hái dược liệu hoặc khai thác dược liệu tự nhiên đạt Thực hành tốt
nuôi trồng, thu hái dược liệu, khai thác thác dược liệu tự nhiên (GACP), bao gồm:
Tài liệu chứng minh cơ sở đạt Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu, khai
thác dược liệu tự nhiên (GACP).
3. Tài liệu chứng minh nguồn gốc đối với dược liệu do cơ sở kinh doanh thu
mua từ các cá nhân trong nước nuôi trồng, thu hái dược liệu hoặc khai thác dược
liệu, bao gồm: Bản cam kết về địa điểm nuôi trồng, thu hái dược liệu tại địa
phương theo mẫu quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư
này.
4. Tài liệu chứng minh nguồn gốc đối với dược liệu thuộc danh mục dược
liệu phải đăng ký lưu hành là Giấy đăng ký lưu hành dược liệu.
5. Tài liệu chứng minh nguồn gốc đối với thuốc cổ truyền, bao gồm:
a) Tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên liệu để sản xuất thuốc cổ
truyền;
b) Giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền.
Quy định về việc lưu trữ các tài liệu liên quan đến nguồn gốc xuất xứ
của dược liệu, thuốc cổ truyền
1. Cơ sở kinh doanh dược phải lưu giữ các tài liệu bằng bản giấy hoặc phần
mềm quản lý liên quan đến mỗi lần nhận và mỗi lần cung cấp dược liệu, thuốc cổ
truyền, nguyên liệu làm thuốc bảo đảm đầy đủ, chính xác các thông tin sau:
a) Tên cơ sở sản xuất, tên cơ sở nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
b) Thông tin về sản phẩm thuốc, nguyên liệu làm thuốc (tên sản phẩm, dạng
bào chế, nồng độ hoặc hàm lượng, số lô, ngày sản xuất, hạn dùng…);
c) Số lượng nhận hoặc cung cấp;
d) Ngày nhận, ngày cung cấp;
đ) Tên, thông tin về địa chỉ, số điện thoại, email (nếu có) của người/cơ sở
kinh doanh cung cấp thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với mỗi lần nhận, của
người/cơ sở kinh doanh nhận thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với mỗi lần cung
cấp.
2. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu có thực hiện hoạt động phân phối, cơ sở bán
buôn là đầu mối phân phối phải phối hợp với các cơ sở bán buôn, bán lẻ, thiết lập
hệ thống chuỗi phân phối và có biện pháp theo dõi, bảo đảm truy xuất được nguồn
gốc, kiểm soát được đường đi và điều kiện bảo quản dược liệu, thuốc cổ truyền,
nguyên liệu làm thuốc.
3. Thời gian lưu các tài liệu liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ
a) Tài liệu liên quan đến nguồn gốc của dược liệu, vị thuốc cổ truyền phải
lưu ít nhất 06 tháng sau khi hết hạn dùng của dược liệu, vị thuốc cổ truyền;
b) Tài liệu liên quan đến nguồn gốc của thuốc cổ truyền phải lưu ít nhất 12
tháng sau khi hết hạn dùng của thuốc cổ truyền.
Thủ tục thu hồi thuốc cổ truyền theo hình thức bắt buộc
1. Tiếp nhận thông tin về thuốc cổ truyền vi phạm:
Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) tiếp nhận thông tin về thuốc cổ
truyền vi phạm từ:
a) Thông tin đánh giá về hiệu quả điều trị, tính an toàn của thuốc cổ truyền
của Hội đồng tư vấn đăng ký thuốc cổ truyền;
b) Thông tin về chất lượng thuốc cổ truyền từ cơ sở kiểm nghiệm thuốc;
c) Thông tin về thuốc cổ truyền vi phạm do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền,
Cơ quan thanh tra y tế, dược phát hiện;
d) Thông báo về thuốc cổ truyền vi phạm của cơ sở sản xuất, cơ quan quản
lý, cơ quan kiểm tra chất lượng nhà nước về thuốc của nước ngoài;
đ) Thông tin về thuốc cổ truyền vi phạm do cơ quan công an, hải quan, quản
lý thị trường phát hiện;
e) Thông tin về thuốc cổ truyền do cơ sở kinh doanh dược đề nghị thu hồi tự
nguyện cung cấp.
2. Xác định mức độ vi phạm:
a) Trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin về thuốc cổ
truyền vi phạm quy định tại các điểm a, c, d, đ và e khoản 1 Điều này, Bộ Y tế
(Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) tiến hành xác định mức độ vi phạm của thuốc cổ
truyền được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và kết luận về
việc thu hồi thuốc cổ truyền vi phạm trên cơ sở đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe
của thuốc vi phạm.
Trường hợp cần xin ý kiến của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành
thuốc cổ truyền theo quy định tại mục IV Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư
này, việc xác định mức độ vi phạm của thuốc cổ truyền phải thực hiện trong thời
hạn tối đa 7 ngày.
b) Đối với thông tin về thuốc cổ truyền vi phạm quy định tại điểm b khoản 1
Điều này, việc xử lý được tiến hành theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.
3. Ban hành quyết định thu hồi thuốc cổ truyền:
a) Trong thời hạn không quá 24 giờ, kể từ khi có kết luận về việc thu hồi
thuốc cổ truyền, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền ban hành quyết định
thu hồi thuốc cổ truyền vi phạm theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 65
Luật dược;
b) Quyết định thu hồi phải bao gồm các thông tin sau: tên thuốc, số giấy
đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu, tên thành phần dược liệu, khối
lượng, dạng bào chế, số lô, hạn dùng, cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, mức độ thu
hồi, cơ sở chịu trách nhiệm thu hồi.
4. Thông báo quyết định thu hồi:
a) Quyết định thu hồi thuốc cổ truyền của Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ
truyền) được thông báo đến Sở Y tế tỉnh, cơ sở sản xuất hoặc cơ sở nhập khẩu dưới
các hình thức thư tín, fax, email, điện thoại hoặc các phương tiện thông tin đại
chúng;
b) Ngay sau khi có quyết định thu hồi, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền công
bố quyết định thu hồi thuốc cổ truyền trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế,
Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế và trên cơ sở
dữ liệu quốc gia về dược của Bộ Y tế; Sở Y tế công bố thông tin về quyết định thu
hồi thuốc cổ truyền trên Trang thông tin điện tử của Sở ngay sau khi nhận được
quyết định thu hồi; Cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền trong nước, cơ sở nhập khẩu phải
thông báo thông tin về thuốc bị thu hồi đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng đã mua
thuốc;
c) Trường hợp thu hồi thuốc cổ truyền vi phạm ở mức độ 1, ngoài việc thực
hiện theo quy định tại điểm b khoản này, quyết định thu hồi thuốc cổ truyền phải
được Bộ Y tế thông báo trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam.
5. Triển khai thu hồi thuốc cổ truyền
a) Cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc cổ truyền phải dừng việc cung cấp, sử
dụng; biệt trữ thuốc còn tồn tại cơ sở; lập danh sách các cơ sở kinh doanh, sử dụng,
cá nhân (nếu có) đã mua thuốc, liên hệ và tiếp nhận thuốc được trả về; trả về cơ sở
cung cấp thuốc;
b) Cơ sở sản xuất (đối với thuốc sản xuất trong nước), cơ sở nhập khẩu phối
hợp với cơ sở ủy thác nhập khẩu hoặc cơ sở đầu mối phân phối thuốc (đối với
thuốc nhập khẩu) chịu trách nhiệm thực hiện thu hồi thuốc cổ truyền vi phạm. Biên
bản thu hồi thuốc cổ truyền thực hiện theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục I ban
hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp cơ sở kinh doanh, cung cấp thuốc cổ truyền không thực hiện thu
hồi thuốc cổ truyền hoặc tiếp nhận thuốc trả về, cơ sở, cá nhân mua, sử dụng thuốc
cổ truyền báo cáo Sở Y tế trên địa bàn để xử lý theo quy định.
c) Việc thu hồi thuốc cổ truyền phải được hoàn thành trong thời hạn quy
định tại khoản 3 Điều 63 của Luật dược.
6. Báo cáo kết quả thu hồi, đánh giá hiệu quả thu hồi và xử lý bổ sung:
a) Trong thời hạn 01 ngày đối với trường hợp thu hồi mức độ 1, 03 ngày đối
với trường hợp thu hồi mức độ 2, mức độ 3 kể từ ngày hoàn thành việc thu hồi, cơ
sở chịu trách nhiệm thực hiện thu hồi phải báo cáo bằng văn bản kết quả thu hồi về
Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) và Sở Y tế địa bàn của cơ sở kinh doanh
thuốc cổ truyền chịu trách nhiệm thu hồi thuốc cổ truyền gồm các tài liệu sau đây:
- Báo cáo thu hồi thuốc cổ truyền bị thu hồi theo quy định tại Mẫu số 03 Phụ
lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
- Danh sách các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc cổ truyền được cung cấp
trực tiếp kèm theo thông tin về địa chỉ, số điện thoại, email (nếu có), số lượng cung
cấp, số lượng thuốc cổ truyền đã thu hồi;
- Danh sách các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc cổ truyền được cung cấp từ
các cơ sở phân phối, kèm theo thông tin về địa chỉ, số điện thoại, email (nếu có), số
lượng cung cấp, số lượng thuốc cổ truyền đã thu hồi;
- Biên bản giao nhận, hóa đơn xuất trả lại hàng hoặc các bằng chứng khác
thể hiện việc thu hồi thuốc cổ truyền;
- Kết quả tự đánh giá về hiệu quả thu hồi thuốc cổ truyền;
- Kết quả điều tra, đánh giá nguyên nhân, đánh giá nguy cơ đối với các lô
khác của thuốc vi phạm và/hoặc các thuốc cổ truyền khác được sản xuất trên cùng
dây chuyền sản xuất.
b) Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) xem xét báo cáo kết quả thu
hồi, đánh giá hoặc giao Sở Y tế đánh giá hiệu quả thu hồi. Trường hợp hiệu quả thu
hồi được đánh giá chưa triệt để, sản phẩm có khả năng vẫn tiếp tục được lưu hành,
sử dụng và có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, Cục Quản lý Y,
Dược cổ truyền phối hợp với Sở Y tế và cơ quan chức năng có liên quan tổ chức
thực hiện cưỡng chế thu hồi.
Thủ tục thu hồi thuốc cổ truyền theo hình thức tự nguyện
1. Cơ sở tự đánh giá xác định mức độ vi phạm của thuốc cổ truyền và có văn
bản báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) kèm theo các tài liệu liên
quan, trong đó nêu rõ thông tin về thuốc cổ truyền vi phạm, mức độ vi phạm, lý do
thu hồi, đề xuất biện pháp xử lý thuốc sau khi thu hồi và kèm theo các tài liệu liên
quan.
Trường hợp đề nghị khắc phục, cơ sở phải gửi kèm quy trình khắc phục,
đánh giá nguy cơ đối với chất lượng, độ ổn định của thuốc, quy trình theo dõi,
giám sát chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc trong quá trình lưu hành.
2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ sở kinh
doanh dược, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) xem xét báo cáo của cơ sở
kinh doanh dược, xác định mức độ vi phạm của thuốc cổ truyền theo quy định tại
Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
a) Trường hợp đồng ý với đề xuất của cơ sở kinh doanh dược về vi phạm
mức độ 3 của thuốc cổ truyền, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) có văn
bản đồng ý để cơ sở thu hồi tự nguyện;
b) Trường hợp xác định thuốc cổ truyền vi phạm mức độ 1 hoặc 2, Bộ Y tế
(Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) thực hiện các thủ tục thu hồi thuốc cổ truyền quy
định tại các khoản 3, 5 và 6 Điều 16 Thông tư này;
c) Trường hợp cần bổ sung hoặc làm rõ thông tin trong báo cáo của cơ sở
kinh doanh dược, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) có văn bản yêu cầu cơ
sở cung cấp bổ sung, giải trình. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn
bản của Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền), cơ sở phải có văn bản bổ sung,
giải trình.
3. Thông báo quyết định thu hồi:
a) Trường hợp vi phạm mức độ 1 hoặc mức độ 2, thì Bộ Y tế thực hiện thủ
tục thông báo theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư này;
b) Trường hợp vi phạm mức độ 3 thì cơ sở thông báo đến Sở Y tế tỉnh, cơ sở
sản xuất hoặc cơ sở nhập khẩu dưới các hình thức thư tín, fax, email, điện thoại
hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Việc triển khai thu hồi và báo cáo kết quả thu hồi, đánh giá hiệu quả thu
hồi và xử lý bổ sung thực hiện theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 16
Thông tư này.
Xử lý thuốc cổ truyền không đạt tiêu chuẩn chất lượng
1. Trường hợp mẫu thuốc cổ truyền vi phạm do cơ quan kiểm tra chất lượng
lấy tại cơ sở bán lẻ thuốc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng III, hạng IV:
a) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được phiếu kiểm nghiệm
hoặc phiếu phân tích do cơ sở kiểm nghiệm gửi tới, Sở Y tế tiến hành niêm phong
thuốc cổ truyền không đạt chất lượng tại cơ sở đã lấy mẫu;
b) Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được phiếu kiểm nghiệm
hoặc phiếu phân tích do cơ sở kiểm nghiệm gửi tới, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược
cổ truyền) có văn bản yêu cầu cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất hoặc cơ sở nhập khẩu
có trách nhiệm:
- Báo cáo về việc phân phối thuốc cổ truyền gửi Bộ Y tế (Cục Quản lý Y,
Dược cổ truyền);
- Đề nghị cơ quan kiểm tra chất lượng lấy mẫu bổ sung tại cơ sở sản xuất
thuốc cổ truyền trong nước hoặc cơ sở nhập khẩu đối với thuốc cổ truyền nước
ngoài và tại cơ sở bán buôn;
- Gửi mẫu đã lấy tới cơ sở kiểm nghiệm tuyến Trung ương để kiểm tra chất
lượng đối với chỉ tiêu không đạt.
c) Trường hợp ít nhất 01 (một) mẫu thuốc cổ truyền được lấy bổ sung không
đạt tiêu chuẩn chất lượng, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) xác định mức
độ vi phạm và kết luận về việc thu hồi thuốc cổ truyền vi phạm theo quy định tại
Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, ban hành quyết định thu hồi thuốc cổ
truyền theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này;
d) Trường hợp các mẫu thuốc cổ truyền được lấy bổ sung đạt tiêu chuẩn chất
lượng, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) chỉ xác định mức độ vi phạm, kết
luận về việc thu hồi thuốc cổ truyền vi phạm và ban hành quyết định thu hồi thuốc
đối với cơ sở đã lấy mẫu ban đầu.
2. Trường hợp mẫu do cơ quan kiểm tra chất lượng lấy tại cơ sở bán buôn,
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng II trở lên:
a) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được phiếu kiểm nghiệm
hoặc phiếu phân tích do cơ sở kiểm nghiệm gửi tới, Sở Y tế tiến hành niêm phong
thuốc cổ truyền không đạt chất lượng tại cơ sở đã lấy mẫu;
b) Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được phiếu kiểm nghiệm
hoặc phiếu phân tích do cơ sở kiểm nghiệm gửi tới, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược
cổ truyền) ban hành quyết định thu hồi thuốc cổ truyền trên địa bàn tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương nơi lấy mẫu theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư
này và có văn bản yêu cầu cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất hoặc cơ sở nhập khẩu có
trách nhiệm:
- Báo cáo về việc phân phối thuốc gửi Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ
truyền);
- Đề nghị cơ quan kiểm tra chất lượng lấy mẫu bổ sung ít nhất 02 mẫu thuốc
cổ truyền tại cơ sở bán buôn khác;
- Gửi mẫu đã lấy tới cơ sở kiểm nghiệm tuyến Trung ương để kiểm tra chất
lượng đối với chỉ tiêu không đạt.
c) Trường hợp ít nhất 01 (một) mẫu thuốc cổ truyền được lấy bổ sung không
đạt tiêu chuẩn chất lượng, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) xác định mức
độ vi phạm và kết luận về việc thu hồi thuốc cổ truyền vi phạm theo quy định tại
Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, ban hành quyết định thu hồi thuốc cổ
truyền vi phạm trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư
này;
d) Trường hợp các mẫu thuốc cổ truyền được lấy bổ sung đạt tiêu chuẩn chất
lượng, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) chỉ xác định mức độ vi phạm, kết
luận về việc thu hồi thuốc cổ truyền vi phạm và ban hành quyết định thu hồi thuốc
cổ truyền đối với cơ sở đã lấy mẫu ban đầu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương nơi lấy mẫu.
3. Trường hợp mẫu thuốc cổ truyền do cơ quan kiểm tra chất lượng lấy tại
cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản hoặc mẫu
thuốc cổ truyền được xác định vi phạm chất lượng do nguyên nhân trong quá trình
sản xuất, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) xác định mức độ vi phạm và
kết luận về việc thu hồi thuốc cổ truyền vi phạm theo quy định tại Phụ lục II ban
hành kèm theo Thông tư này, ban hành quyết định thu hồi thuốc cổ truyền vi phạm
theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này.
4. Trường hợp thuốc cổ truyền vi phạm là thuốc cổ truyền do cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh sản xuất theo quy định tại các khoản 1, khoản 2 Điều 70 Luật
dược, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) đánh giá xác định mức độ vi phạm
và ban hành quyết định thu hồi thuốc cổ truyền theo quy định các khoản 2 và 3
Điều 16 Thông tư này. Quyết định thu hồi được gửi tới bệnh viện và Sở Y tế tỉnh
nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động để thu hồi thuốc cổ truyền.
Xử lý thuốc cổ truyền bị thu hồi
1. Thuốc cổ truyền bị thu hồi được phép khắc phục hoặc tái xuất trong
trường hợp vi phạm mức độ 3 và không thuộc trường hợp quy định tại điểm b
khoản 2 Điều này.
2. Thuốc cổ truyền bị thu hồi phải tiêu hủy trong các trường hợp sau đây:
a) Thuốc cổ truyền bị thu hồi do vi phạm mức độ 1 hoặc mức độ 2;
b) Thuốc cổ truyền bị thu hồi do vi phạm mức độ 3 không thể khắc phục
được sau khi Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) xem xét theo quy định tại
khoản 3 Điều này;
c) Thuốc cổ truyền bị thu hồi do vi phạm mức độ 3 được phép khắc phục
hoặc tái xuất nhưng không thực hiện được việc khắc phục, tái xuất.
3. Thủ tục đề nghị khắc phục thuốc cổ truyền bị thu hồi:
a) Cơ sở có thuốc cổ truyền bị thu hồi phải có văn bản gửi Bộ Y tế (Cục
Quản lý Y, Dược cổ truyền) kèm theo quy trình khắc phục, đánh giá nguy cơ đối
với chất lượng, độ ổn định của thuốc, chương trình theo dõi, giám sát chất lượng,
an toàn, hiệu quả của thuốc trong quá trình lưu hành;
b) Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của
cơ sở, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) có ý kiến trả lời bằng văn bản
đồng ý hoặc không đồng ý việc khắc phục. Trường hợp không đồng ý phải nêu rõ
lý do;
c) Trường hợp cần bổ sung hoặc làm rõ thông tin liên quan đến việc khắc
phục, trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ
sở, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) có văn bản yêu cầu cơ sở cung cấp bổ
sung, giải trình;
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Y tế (Cục
Quản lý Y, Dược cổ truyền) yêu cầu bổ sung, giải trình, cơ sở phải nộp tài liệu bổ
sung, giải trình. Sau thời hạn trên, cơ sở không nộp tài liệu bổ sung, giải trình thì
đề nghị khắc phục không còn giá trị.
4. Thủ tục đề nghị tái xuất thuốc cổ truyền bị thu hồi:
a) Cơ sở có thuốc cổ truyền bị thu hồi phải có văn bản gửi Bộ Y tế (Cục
Quản lý Y, Dược cổ truyền) kèm theo phương án tái xuất nêu rõ thời gian và nước
tái xuất;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ sở,
Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) có ý kiến trả lời bằng văn bản; trường
hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.
5. Việc khắc phục, tái xuất thuốc cổ truyền bị thu hồi chỉ được thực hiện sau
khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền).
6. Tiêu hủy thuốc cổ truyền:
a) Người đứng đầu cơ sở có thuốc cổ truyền bị tiêu hủy ra quyết định thành
lập Hội đồng hủy thuốc. Hội đồng có ít nhất là 03 người, trong đó phải có 01 đại
diện là người chịu trách nhiệm chuyên môn;
b) Việc hủy thuốc cổ truyền phải bảo đảm an toàn cho người, súc vật và
tránh ô nhiễm môi trường theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Cơ sở hủy thuốc cổ truyền phải báo cáo kèm theo biên bản hủy thuốc cổ
truyền tới Sở Y tế tỉnh theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo
Thông tư này;
d) Cơ sở kinh doanh dược có thuốc cổ truyền vi phạm phải chịu trách nhiệm
về kinh phí hủy thuốc;
7. Thời hạn xử lý thuốc cổ truyền bị thu hồi không quá 12 tháng kể từ thời
điểm hoàn thành việc thu hồi theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 63
của Luật dược.
Trách nhiệm thu hồi thuốc cổ truyền
1. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
và người sử dụng:
a) Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 64 của Luật dược;
b) Thường xuyên kiểm tra, cập nhật thông tin về thu hồi thuốc cổ truyền trên
Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Y,
Dược cổ truyền và Sở Y tế tỉnh.
2. Trách nhiệm của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền:
a) Tiếp nhận thông tin, xác định mức độ vi phạm của thuốc cổ truyền và ban
hành quyết định thu hồi thuốc cổ truyền;
b) Thông báo quyết định thu hồi thuốc cổ truyền theo quy định tại điểm a
khoản 4 Điều 16 Thông tư này, công bố thông tin về thuốc cổ truyền bị thu hồi trên
Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Y,
Dược cổ truyền sau khi có quyết định thu hồi thuốc cổ truyền. Phối hợp với Đài
truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam công bố thông tin về thu hồi thuốc
cổ truyền vi phạm ở mức độ 1;
c) Xem xét báo cáo đánh giá và trả lời về đề xuất tự nguyện thu hồi, đề xuất
xử lý khắc phục, tái xuất thuốc cổ truyền bị thu hồi của cơ sở sản xuất, kinh doanh;
d) Phối hợp với các đơn vị liên quan (Thanh tra Bộ, Sở Y tế tỉnh, Y tế các
ngành) thanh tra, kiểm tra việc tổ chức và thực hiện thu hồi thuốc cổ truyền; xử lý
cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật;
đ) Có văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình xử lý, thu hồi thuốc cổ truyền,
đánh giá hiệu quả thực hiện thông báo thu hồi thuốc của các cơ sở sản xuất, kinh
doanh dược.
3. Trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh:
a) Công bố thông tin quyết định thu hồi thuốc cổ truyền trên Trang thông tin
điện tử của Sở Y tế tỉnh;
b) Tổ chức thông báo, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn về các thông tin thu hồi thuốc cổ truyền;
c) Thực hiện hoặc chỉ đạo trung tâm kiểm nghiệm phối hợp với cơ sở có
thuốc cổ truyền vi phạm chất lượng lấy mẫu thuốc cổ truyền bổ sung theo quy định
tại điểm b khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 18 Thông tư này;
d) Tổ chức giám sát việc thu hồi thuốc cổ truyền trên địa bàn; xử lý, xử phạt
cơ sở vi phạm các quy định về thu hồi thuốc cổ truyền theo thẩm quyền;
đ) Tham gia hoặc thực hiện đánh giá hiệu quả thu hồi thuốc cổ truyền của
các cơ sở trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền).
Báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) về các trường hợp cơ sở sản
xuất, cơ sở nhập khẩu, cơ sở bán buôn là đầu mối phân phối thuốc cổ truyền không
thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc thu hồi thuốc cổ truyền;
e) Tổ chức, tham gia việc cưỡng chế thu hồi thuốc cổ truyền.
Tổ chức thực hiện
1. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
triển khai thực hiện Thông tư này;
b) Chủ trì phối hợp với Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm
nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh:
- Xây dựng kế hoạch lấy mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền để kiểm tra chất
lượng trình Bộ Y tế xem xét, phê duyệt và bố trí ngân sách thực hiện kế hoạch theo
thẩm quyền;
- Triển khai việc lấy mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền để kiểm tra chất lượng
và cập nhật vào hệ thống dữ liệu thông tin kiểm tra chất lượng thuốc của Bộ Y tế
các thông tin về mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền được lấy (bao gồm các thông tin:
tên thuốc cổ truyền, tên dược liệu, nồng độ/hàm lượng, dạng bào chế, số lô, hạn
dùng, số giấy đăng lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu, cơ sở sản xuất, cơ sở nhập
khẩu, cơ sở lấy mẫu) và kết quả kiểm tra chất lượng đối với mẫu dược liệu, thuốc
cổ truyền;
c) Cung cấp cho Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm
thuốc thành phố Hồ Chí Minh mẫu nhãn và bản tiêu chuẩn chất lượng của dược
liệu, thuốc cổ truyền đã được cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập
khẩu, bản cập nhật trong trường hợp có thay đổi.
d) Tổ chức kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất, chế biến,
lưu hành và sử dụng trên toàn quốc; Chỉ đạo, giám sát hệ thống kiểm nghiệm thuốc
trên toàn quốc về kiểm nghiệm dược liệu, thuốc cổ truyền; Kết luận về chất lượng
dược liệu, thuốc cổ truyền trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm dược liệu, thuốc cổ
truyền của cơ sở kiểm nghiệm của nhà nước và các hồ sơ liên quan; Thực hiện thu
hồi dược liệu vi phạm theo quy định tại Điều 102 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP
ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định quy định chi tiết một số điều và biện pháp
thi hành Luật dược;
đ) Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện chức năng kiểm tra nhà nước, thanh tra
và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền theo thẩm
quyền;
e) Tổng hợp báo cáo sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền trên toàn quốc,
trước ngày 30 tháng 12 hằng năm;
g) Cập nhật đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Y, Dược
cổ truyền danh sách các cơ sở có Bản cam kết về địa điểm nuôi trồng, thu hái dược
liệu tại địa phương.
2. Sở Y tế tỉnh có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trên
địa bàn và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng kế hoạch lấy mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền để kiểm tra chất
lượng trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, phê
duyệt và bố trí ngân sách thực hiện kế hoạch theo thẩm quyền;
c) Cập nhật vào hệ thống dữ liệu thông tin kiểm tra chất lượng dược liệu,
thuốc cổ truyền của Bộ Y tế các thông tin về mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền được
lấy (bao gồm các thông tin: tên thuốc cổ truyền, tên dược liệu, nồng độ/hàm lượng,
dạng bào chế, số lô, hạn dùng, số giấy đăng lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu, cơ
sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, cơ sở lấy mẫu) và kết quả kiểm tra chất lượng đối
với mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền.
d) Tổ chức việc thu thập thông tin và cập nhật đăng tải trên Trang thông tin
điện tử của Sở Y tế tỉnh danh sách các địa điểm, cơ sở nuôi trồng, thu hái, khai thác
dược liệu tại địa phương.
3. Hệ thống kiểm nghiệm dược liệu, thuốc cổ truyền có trách nhiệm:
a) Cơ sở kiểm nghiệm thuốc tuyến Trung ương (Viện Kiểm nghiệm thuốc
Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh):
- Thực hiện phân tích, kiểm nghiệm mẫu để xác định chất lượng dược liệu,
thuốc cổ truyền sản xuất, lưu hành, sử dụng; báo cáo kết quả kiểm nghiệm về Bộ Y
tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) và Sở Y tế tỉnh nơi lấy mẫu đối với mẫu dược
liệu, thuốc cổ truyền không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tại Điều 10
Thông tư này;
- Nghiên cứu, thiết lập và công bố trên Trang thông tin điện tử của các Viện
và của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền danh mục các chất chuẩn, chất đối chiếu,
tạp chất chuẩn phục vụ cho việc phân tích, kiểm nghiệm mẫu dược liệu, thuốc cổ
truyền được sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam;
- Chịu trách nhiệm cung cấp cho Trung tâm kiểm nghiệm thuốc tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương theo địa bàn được phân công bản sao hoặc văn bản điện
tử của tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu, thuốc cổ truyền.
b) Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Thực hiện phân tích, kiểm nghiệm mẫu để xác định chất lượng dược liệu,
thuốc cổ truyền sản xuất, lưu hành, sử dụng;
- Báo cáo kết quả kiểm nghiệm về Sở Y tế tỉnh và Bộ Y tế (Cục Quản lý Y,
Dược cổ truyền) đối với mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền không đạt tiêu chuẩn chất
lượng theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
4. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm:
a) Tổ chức nghiên cứu triển khai việc thực hiện quy định của pháp luật về
quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền được ban hành tại Thông tư này;
b) Bảo đảm chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong suốt quá trình hoạt
động của cơ sở; Thực hiện hoạt động quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền
theo đúng phạm vi được cấp phép trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật;
c) Phải bảo quản dược liệu, thuốc cổ truyền nhập khẩu tại kho đáp ứng Thực
hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc sau khi được thông quan;
d) Thường xuyên báo cáo, cập nhật các tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất
xứ của dược liệu về Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền để đăng tải trên Trang thông
tin điện tử của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền;
đ) Khi phát hiện dược liệu giả, thuốc cổ truyền giả thì tách riêng và thực
hiện ngay việc truy xuất nguồn gốc của dược liệu, thuốc cổ truyền và thông báo
ngay cho các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền và cơ
sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền khác.
5. Trong giai đoạn lực lượng kiểm soát viên chất lượng dược liệu, thuốc cổ
truyền các cấp chưa được bổ nhiệm, Bộ Y tế giao:
a) Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành
phố Hồ Chí Minh, theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động được phân
công:
- Xây dựng kế hoạch lấy mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền để kiểm tra, giám
sát chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền; dự trù và tiếp nhận sử dụng kinh phí
hàng năm cho hoạt động lấy mẫu, thử nghiệm mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền;
- Thực hiện việc lấy mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền theo kế hoạch được phê
duyệt tại cơ sở kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền;
- Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc
cổ truyền của Bộ Y tế. Cập nhật thông tin về mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền được
lấy để kiểm tra chất lượng và kết quả kiểm nghiệm trên Trang thông tin điện tử của
Viện;
- Báo cáo kết quả kiểm nghiệm về Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền)
và Sở Y tế nơi lấy mẫu đối với mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền không đạt tiêu
chuẩn chất lượng theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
b) Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
chịu trách nhiệm:
- Xây dựng kế hoạch lấy mẫu để kiểm tra giám sát chất lượng dược liệu,
thuốc cổ truyền; dự trù và tiếp nhận sử dụng kinh phí hàng năm cho hoạt động lấy
mẫu, thử nghiệm mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền;
- Thực hiện lấy mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền để kiểm tra chất lượng theo
kế hoạch được phê duyệt tại cơ sở kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền;
- Cập nhật thông tin về mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền được lấy để kiểm tra
chất lượng và kết quả kiểm nghiệm trên Trang thông tin điện tử của Trung tâm;
- Báo cáo kết quả kiểm nghiệm về Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền),
Sở Y tế đối với các mẫu dược liệu, thuốc cổ truyền không đạt tiêu chuẩn chất
lượng theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
6. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm:
a) Chỉ được sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền có nguồn gốc, xuất xứ rõ
ràng theo quy định tại Điều 14 Thông tư này và được cung cấp bởi các cơ sở kinh
doanh dược liệu, thuốc cổ truyền đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
dược;
b) Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền có
trong cơ sở theo tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu, thuốc cổ truyền đã trúng
thầu. Trường hợp phát hiện dược liệu, thuốc cổ truyền không bảo đảm chất lượng,
dược liệu giả, thuốc cổ truyền giả thì tách riêng và thực hiện ngay việc truy xuất
nguồn gốc của dược.
7. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng thuốc
trong công tác phòng chống dược liệu giả, thuốc cổ truyền giả:
a) Thực hiện việc tiếp nhận thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân có
liên quan, công bố các địa chỉ liên lạc cần thiết (số điện thoại trực, email, fax…);
b) Truyền thông, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp về tác hại của dược
liệu giả, thuốc cổ truyền giả, các dấu hiệu nhận biết, các biện pháp phòng tránh
mua dược liệu giả, thuốc cổ truyền giả và cách thức thông báo cho các cơ quan
quản lý nhà nước về các trường hợp nghi ngờ dược liệu giả, thuốc cổ truyền giả;
c) Thông báo công khai trên Cổng/Trang thông tin điện tử, các phương tiện
thông tin đại chúng phù hợp khác về dược liệu giả, thuốc cổ truyền giả phát hiện
trên thị trường, kết quả xử lý các trường hợp phát hiện;
d) Thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra
giám sát thị trường, kịp thời phát hiện các dược liệu giả, thuốc cổ truyền giả lưu
hành trên thị trường;
đ) Phối hợp và hỗ trợ các cơ quan chức năng điều tra truy tìm nguồn gốc của
dược liệu giả, thuốc cổ truyền giả;
e) Xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán dược
liệu giả, thuốc cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc, nhập lậu;
g) Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền là đầu mối phối hợp, liên lạc, trao đổi
thông tin về dược liệu giả, thuốc cổ truyền giả với các tổ chức quốc tế liên quan
(WHO…) và các cơ quan quản lý dược các nước.
8. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm:
a) Thường xuyên cập nhật các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của dược liệu
đã được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền
để giám sát việc thanh toán bảo hiểm y tế;
b) Tạm dừng thanh toán bảo hiểm trong các trường hợp dược liệu, thuốc cổ
truyền chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.
HƯỚNG DẪN LẤY MẪU TRONG KIỂM NGHIỆM DƯỢC PHẨM
I. Trình tự lấy mẫu và các thao tác lấy mẫu
1. Dụng cụ lấy mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc
Dụng cụ lấy mẫu, đồ đựng mẫu phải được làm bằng vật liệu trơ, sạch thích
hợp với đặc điểm của từng loại mẫu, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến chất
lượng mẫu, không đưa tạp chất vào mẫu gây ô nhiễm, nhiễm chéo đối với mẫu
cũng như phải đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu (Tham khảo Mục III).
2. Lượng mẫu cần lấy
2.1. Lượng mẫu cần lấy để phân tích và để lưu được tính toán tuỳ thuộc vào
yêu cầu kiểm tra, tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc áp dụng,
phương pháp thử của mẫu nhưng ít nhất phải đủ cho ba lần phân tích hoặc phải đủ
để thực hiện các phép thử đảm bảo thu được kết quả chính xác và tin cậy.
2.2. Thông thường, mỗi lô sản xuất được lấy hai mẫu (một mẫu phân tích và
một mẫu lưu tại cơ quan kiểm nghiệm). Trường hợp cần thiết, số mẫu phân tích và
mẫu lưu có thể nhiều hơn hai để đủ gửi kiểm nghiệm và lưu ở các cơ quan, tổ chức
có liên quan.
3. Thao tác lấy mẫu
3.1. Nguyên tắc lấy mẫu:
- Tùy theo mục đích kiểm tra và theo từng loại sản phẩm, người lấy mẫu
quyết định lựa chọn phương pháp lấy mẫu thích hợp.
- Quá trình lấy mẫu phải được giám sát và được ghi chép lại đầy đủ. Tất cả
các dấu hiệu không đồng nhất, hư hỏng của thuốc và bao bì bảo quản đều phải
được ghi chép lại.
- Quy trình lấy mẫu phải đảm bảo sao cho có thể kịp thời phát hiện tính
không đồng nhất của thuốc trong từng đơn vị lấy mẫu và của cả lô thuốc. Các dấu
hiệu không đồng nhất bao gồm sự khác nhau về hình dạng, kích thước, hoặc màu
sắc của các tiểu phân chất rắn ở dạng kết tinh, dạng hạt hoặc dạng bột; lớp vỏ ẩm
của các chất hút có tính hút ẩm; sự lắng đọng các dược chất ở dạng rắn trong thuốc
dạng chất lỏng hoặc bán rắn; sự tách lớp của thuốc dạng chất lỏng.
- Không trộn lẫn, phối hợp các mẫu được lấy từ các phần có dấu hiệu khác
nhau, từ các bao bì có nghi ngờ chất lượng của lô thuốc, vì sự trộn lẫn này làm che
khuất các dấu hiệu tạp nhiễm, hàm lượng thấp hoặc các vấn đề chất lượng khác.
Phải tạo thành mẫu riêng biệt từ các phần, các bao bì này.
- Đối với thành phẩm thuốc, quy trình lấy mẫu cần tính đến các phép thử
chính thức và phép thử bổ sung đối với từng dạng thuốc (ví dụ: thuốc viên nén,
hoặc thuốc tiêm truyền...). Các phép thử bổ sung bao gồm các phép thử để xác định
thuốc giả mạo, thuốc bị pha trộn, thuốc thêm các chất không được phép.
- Không nên trộn lại thuốc đã lấy ra khỏi bao bì trực tiếp với thuốc còn trong
bao bì.
3.2. Trình tự lấy mẫu
- Kiểm tra tình trạng vật lý của lô hàng: phân tách theo từng loại sản phẩm
và từng lô sản xuất, mỗi lô lại tách riêng các thùng hàng có dấu hiệu bị hư hại,
không đảm bảo vệ sinh để kiểm tra, lấy mẫu riêng. Loại bỏ các đơn vị bao gói
không có nhãn.
- Từ lô sản phẩm lấy ra các đơn vị lấy mẫu, mở các bao gói để lấy các mẫu
ban đầu và làm kín ngay lại các bao gói đã được lấy mẫu. Số lượng nguyên liệu
trong mẫu ban đầu được tính toán đủ để chuẩn bị mẫu tiếp sau.
- Trộn đều các mẫu ban đầu thành những mẫu riêng của từng đơn vị lấy
mẫu.
- Trộn đều các mẫu riêng thành một mẫu chung.
- Tạo mẫu cuối cùng: Từ mẫu chung lấy ra các phần bằng nhau tạo thành
mẫu cuối cùng gồm mẫu phân tích và mẫu lưu.
3.3. Các mẫu phân tích và mẫu lưu phải được cho vào đồ đựng, hàn kín và
dán nhãn. Nhãn của đồ đựng mẫu phải ghi rõ tên thuốc, tên nhà sản xuất, ký hiệu
lô sản xuất, hạn dùng, số thùng đã lấy mẫu, nơi lấy mẫu, số lượng mẫu đã lấy (nếu
mẫu lấy là nguyên liệu thuốc gây nghiện, hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và
nguyên liệu thuốc phóng xạ số lượng cần phải ghi bằng chữ), ngày lấy mẫu, các
điều kiện bảo quản phù hợp với biên bản lấy mẫu.
3.4. Sau khi lấy mẫu xong, các thành viên tham gia lấy mẫu phải niêm
phong riêng biệt mẫu phân tích và mẫu lưu để đảm bảo mẫu được an toàn trong
quá trình vận chuyển từ nơi lấy mẫu đến nơi giao mẫu. Trên niêm phong của mẫu
phải ghi rõ ngày tháng lấy mẫu và có ít nhất chữ ký của người lấy mẫu và đại diện
cơ sở được lấy mẫu.
Trong trường hợp cần thiết, phần còn lại sau khi lấy mẫu cũng phải niêm
phong để đề phòng sự tráo mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
3.5. Lập biên bản lấy mẫu: biên bản lấy mẫu phải ghi rõ số lô, ngày lấy mẫu,
địa điểm lấy mẫu, các điều kiện bảo quản, ghi chép về bất cứ nhận xét nào khác
liên quan và những bất thường của quá trình lấy mẫu, có ít nhất tên và chữ ký của
người lấy mẫu và đại diện cơ sở được lấy mẫu.
Trong trường hợp đoàn kiểm tra chất lượng tiến hành lấy mẫu thì phải có
thêm chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra.
Trong trường hợp đại diện cơ sở được lấy mẫu không ký biên bản, thì biên
bản có chữ ký của người lấy mẫu và người chứng kiến.
Biên bản phải làm thành ít nhất ba bản: một bản lưu tại cơ sở được lấy mẫu,
một bản lưu ở cơ quan kiểm nghiệm, một bản lưu tại cơ quan quản lý, kiểm tra
chất lượng thuốc.
4. Lấy mẫu nguyên liệu làm thuốc
4.1. Trường hợp nguyên liệu chỉ có một bao gói:
a) Lấy mẫu nguyên liệu dạng rắn: Lấy mẫu ban đầu ở các vị trí khác nhau
của thùng hàng (phía trên, giữa và đáy). Nếu các mẫu ban đầu không có các dấu
hiệu cảm quan khác nhau thì trộn đều các mẫu ban đầu thành mẫu riêng.
b) Lấy mẫu nguyên liệu dạng lỏng hoặc bán rắn: Nếu không đồng đều thì
phải trộn đều trước khi lấy mẫu. Ví dụ nếu chế phẩm lỏng phân lớp phải khuấy đều
trước khi lấy mẫu, hoặc nếu có cặn lắng trong chất lỏng phải làm tan cặn lắng hoặc
phân tán đều trước khi lấy mẫu bằng cách có thể làm ấm hoặc khuấy trộn đều.
4.2. Trường hợp lô nguyên liệu có nhiều bao gói:
Tùy theo mục đích của lấy mẫu kiểm tra, mức độ đồng nhất và chất lượng
của lô thuốc mà chọn phương án lấy mẫu thích hợp theo quy định tại Mục I, khoản
9 của Phụ lục này.
5. Lấy mẫu bán thành phẩm chưa đóng gói
Các sản phẩm loại này là thuốc bột, thuốc nước, siro thuốc, thuốc mỡ, thuốc
cốm, thuốc viên, thuốc tiêm... chứa trong các bao gói lớn để chuyển đến cơ sở
đóng gói lẻ. Mỗi lô sản xuất được lấy mẫu theo cách sau:
1. Nếu lô sản phẩm chỉ có 1 - 2 bao gói, thì mở cả hai bao gói. Nếu lô sản
phẩm có từ 3 bao gói trở lên thì mở ba bao gói. Lấy ít nhất 3 mẫu ban đầu ở các vị
trí khác nhau của mỗi bao gói.
2. Trộn các mẫu ban đầu lại thành mẫu chung rồi tạo mẫu cuối cùng gồm
mẫu phân tích và mẫu lưu.
6. Lấy mẫu vật liệu bao gói
Lấy mẫu vật liệu bao gói thực hiện theo quy định tại Mục I, khoản 9 của Phụ
lục này.
7. Lấy mẫu thuốc thành phẩm
7.1. Lấy mẫu thuốc thành phẩm để kiểm tra hoặc giám sát chất lượng:
a) Việc lấy mẫu theo nguyên tắc lấy mẫu ngẫu nhiên và phải lấy mẫu ở
những vị trí khác nhau của lô hàng.
b) Căn cứ tiêu chuẩn chất lượng thuốc, số lượng thuốc được lấy sao cho đủ
để thử nghiệm và lưu mẫu. Trường hợp không có đủ thông tin để tính toán chính
xác số lượng thuốc cần lấy, tham khảo số lượng thuốc thành phẩm tối thiểu cần lấy
theo quy định tại Mục V của Phụ lục này.
c) Trình tự lấy mẫu được thực hiện trên cơ sở hướng dẫn tại Mục II của Phụ
lục này.
7.2. Lấy mẫu để kiểm tra cảm quan khi nhập thuốc: số lượng mẫu lấy để
kiểm tra cảm quan theo quy định tại Mục IV của Phụ lục này.
8. Lấy mẫu dược liệu
Dược liệu hoặc dược liệu đã được chế biến một phần, kể cả động vật, thực
vật (cây thuốc đã làm khô và các phần của cây) và khoáng chất, được coi như
nguyên liệu không đồng đều, lấy mẫu theo quy định tại Mục I, khoản 9, sơ đồ r của
Phụ lục này.
9. Sơ đồ lấy mẫu nguyên liệu ban đầu và vật liệu bao gói
9.1. Trước khi thực hiện việc lấy mẫu, người lấy mẫu phải kiểm tra tính
nguyên vẹn, mức độ hư hỏng của thùng đựng, sự đồng đều của sản phẩm bên trong
của mỗi đơn vị lấy mẫu.
9.2. Việc lấy mẫu có thể được thực hiện theo một trong ba sơ đồ lấy mẫu ghi
tại Bảng 1 dưới đây.
Bảng 1: Các giá trị n, p hoặc r cho N đơn vị bao gói

Giá trị n, Giá trị N


Sơ đồ n Sơ đồ p Sơ đồ r
p, r
2 Tới 3 Tới 25 Tới 2
3 4-6 25 - 56 3-4
4 7 - 13 57 - 100 5-7
5 14 - 20 101 - 156 8 - 11
6 21 - 30 157 - 225 12 - 16
7 31 - 42 17 - 22
8 43 - 56 23 - 28
9 57 - 72 29 - 36
10 73 - 90 37 - 44

a) Sơ đồ n
Sử dụng “Sơ đồ n” trong trường hợp lô nguyên liệu cần lấy mẫu được coi là
đồng nhất và được cung cấp từ một nguồn xác định. Có thể lấy mẫu từ bất kỳ phần
nào trong thùng nguyên liệu (thường từ lớp trên cùng). “Sơ đồ n” dựa trên công
thức n = 1 + N , với N là số đơn vị bao gói của lô hàng. Số đơn vị lấy mẫu tối
thiểu n có được bằng cách làm tròn đơn giản. Từ n đơn vị lấy mẫu được chọn ngẫu
nhiên, lấy ra các mẫu ban đầu, đựng trong các đồ đựng mẫu riêng biệt. Nếu các
mẫu ban đầu lấy được không có nghi ngờ gì về cảm quan và định tính, các mẫu
ban đầu được trộn đều thành mẫu riêng, mẫu chung để chia thành mẫu phân tích và
mẫu lưu theo trình tự chung.
b) Sơ đồ p
Sử dụng “sơ đồ p” trong trường hợp lô nguyên liệu được xem là đồng nhất,
từ một nguồn xác định và mục đích chính là để kiểm tra định tính. “Sơ đồ p” dựa
vào công thức p = 0,4 N , với N là số đơn vị bao gói của lô hàng. Giá trị p có
được bằng cách làm tròn lên đến số nguyên lớn nhất tiếp theo. Các mẫu ban đầu
được lấy từ mỗi trong số N đơn vị bao gói của lô hàng và được đựng trong các đồ
đựng mẫu riêng biệt. Các mẫu ban đầu này được kiểm tra về cảm quan, định tính.
Nếu kết quả phù hợp, p mẫu chung được tạo thành bằng cách trộn lẫn thích hợp
các mẫu ban đầu để lưu hoặc phân tích (nếu cần thiết).
c) Sơ đồ r
Sử dụng “sơ đồ r” khi lô nguyên liệu bị nghi ngờ là không đồng nhất
và/hoặc tiếp nhận từ nguồn không xác định, dược liệu hay các nguyên liệu ban đầu
là dược liệu đã được chế biến một phần. Sơ đồ này dựa trên công thức r = 1,5 N ,
với N là số đơn vị bao gói của lô sản phẩm. Giá trị r thu được bằng cách làm tròn
tới số nguyên lớn nhất tiếp theo.
Các mẫu ban đầu được lấy từ mỗi trong số N đơn vị bao gói và được đựng
trong các đồ đựng mẫu riêng biệt. Các mẫu ban đầu này được kiểm tra cảm quan
và định tính. Nếu kết quả phù hợp, lựa chọn ngẫu nhiên r mẫu để thực hiện kiểm
nghiệm riêng rẽ. Nếu kết quả kiểm nghiệm đồng nhất, các mẫu lưu có thể được
gộp lại thành 01 mẫu lưu.
9.3. Lấy mẫu nguyên liệu ban đầu để định tính đối với các cơ sở sản xuất
không áp dụng các sơ đồ trên mà theo nguyên tắc “Thực hành tốt sản xuất thuốc”
theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO).
II. Các bước thực hiện lấy mẫu
1. Các chế phẩm lỏng chờ đóng gói
Các bước cần được xem xét khi lấy mẫu các chế phẩm lỏng chờ đóng gói
như sau:
- Đọc và hiểu các khuyến cáo thận trọng để đảm bảo an toàn khi cấp phát
nguyên liệu.
- Tập trung các thiết bị lấy mẫu cần thiết (ống lấy mẫu hay bình lấy mẫu có
thể cân được weighted sampling, các bình đựng mẫu lấy và nhãn) và kiểm tra để
đảm bảo tất cả những dụng cụ cần thiết đều sạch.
- Xác định vị trí của lô.
- Kiểm tra các đồ đựng xem có dấu hiệu ô nhiễm lô hay không. Ghi lại bất
cứ điểm nghi ngờ nào.
- Kiểm tra các nhãn để phát hiện những khác biệt rõ ràng và những dấu hiệu
thay đổi, kể cả tẩy xoá và ghi nhãn nhầm. Ghi lại bất cứ điểm nghi ngờ nào.
- Tìm hiểu và làm rõ các nguồn gốc gây sai sót vì bất kỳ lý do gì trước khi
tiến hành.
- Chọn ống lấy mẫu chế phẩm lỏng có cỡ và miệng phù hợp với độ nhớt của
chế phẩm lỏng cần lấy mẫu.
- Lấy mẫu chế phẩm lỏng, hỗn dịch hay nhũ tương (đã được khuấy đều, nếu
thích hợp) bằng cách ấn từ từ ống lấy mẫu để mở vào chế phẩm lỏng theo phương
thẳng đứng sao cho lấy được sản phẩm từ mỗi lớp.
- Đóng chặt ống mẫu, rút ống mẫu ra khỏi chế phẩm lỏng và để cho chế
phẩm dính bên ngoài ống được róc hết. Chuyển toàn bộ mẫu đã lấy trong ống sang
một bình đựng mẫu sạch và có dán nhãn.
- Lặp lại các bước trên cho đến khi lấy đủ mẫu để phân tích và để lưu.
- Niêm phong bình đựng mẫu.
- Niêm phong lại thùng sản phẩm vừa lấy mẫu và dán nhãn “đã lấy mẫu”.
- Làm sạch và khô ống lấy mẫu, lưu ý những thận trọng về an toàn.
- Tiếp tục lấy mẫu ở những thùng sản phẩm khác theo cách tương tự các
bước ở trên.
- Làm sạch ống lấy mẫu bằng quy trình làm sạch đã quy định.
- Chuyển các mẫu phân tích tới phòng kiểm nghiệm và các mẫu lưu đến kho
lưu mẫu. Báo cáo lại bất cứ điểm nghi ngờ nào liên quan tới việc lấy mẫu mà
người phân tích và thanh tra viên cần lưu ý.
- Kiểm tra giấy chứng nhận phân tích của nhà cung cấp so với các tiêu
chuẩn, nếu có.
2. Nguyên liệu ban đầu dạng bột
Các bước cần thực hiện khi lấy mẫu nguyên liệu ban đầu dạng bột như
sau:
- Đọc và hiểu các lưu ý thận trọng cần thực hiện để đảm bảo an toàn khi xử
lý nguyên liệu.
- Tập hợp các thiết bị lấy mẫu (xiên lấy mẫu, bình đựng mẫu lấy và nhãn) và
kiểm tra xem tất cả có sạch hay không.
- Xác định đợt hàng và đếm số thùng
- Kiểm tra tất cả các thùng xem có gì khác và có dấu hiệu bị hư hỏng không.
Ghi lại bất cứ điểm nghi ngờ nào.
- Kiểm tra tất cả các nhãn xem có khác hay có dấu hiệu thay đổi nào không,
kể cả tẩy xóa và ghi nhầm nhãn. Ghi lại bất cứ điểm nghi ngờ nào.
- Tách các thùng bị hư hỏng và những thùng mà sản phảm bên trong nghi bị
hỏng để kiểm tra riêng. Sau đó những thùng này phải được đề cập hay bị từ chối.
- Tách riêng các thùng có số lô khác và xử lý riêng.
- Đánh số những thùng còn lại.
- Chọn sơ đồ lấy mẫu thích hợp (n, p hoặc r).
- Chọn những thùng cần lấy mẫu theo yêu cầu của sơ đồ đã được chọn (dùng
bảng số ngẫu nhiên, vẽ sơ đồ lô hay dùng đánh số ngẫu nhiên).
- Mỗi lần mở một thùng và kiểm tra sản phẩm bên trong. Ghi lại nếu có khác
biệt.
- Chọn xiên lấy mẫu thích hợp và sạch, xiên (với cửa lấy mẫu đóng kín) vào
bột thuốc sao cho đầu xiên chạm đáy thùng.
- Mở cửa để lấy bột thuốc vào các khoang xiên, sau đó đóng lại
- Rút xiên ra khỏi thùng đựng mẫu và chuyển xiên đã chứa bột thuốc được
lấy sang một bình đựng mẫu đã dán nhãn
- Lặp lại các bước trên cho đến khi lấy đủ vật liệu để phân tích và lưu.
- Niêm phong bình đựng mẫu lấy.
- Niêm phong lại thùng sản phẩm vừa lấy mẫu và dán nhãn có ghi “đã lấy
mẫu”.
- Lau sạch xiên lấy mẫu nếu cần, chú ý những thận trọng về an toàn, trước
khi lấy mẫu các thùng khác.
- Lặp lại các bước như trên với mỗi thùng đã chọn.
- Lau sạch xiên lấy mẫu dùng quy trình làm sạch đã quy định.
- Chuyển các mẫu phân tích tới phòng kiểm nghiệm và các mẫu lưu đến kho
lưu mẫu. Báo cáo lại bất cứ nghi ngờ nào liên quan tới lấy mẫu mà người phân tích
và thanh tra viên cần lưu ý.
- Kiểm tra giấy chứng nhận phân tích của nhà cung cấp so với các tiêu
chuẩn, nếu có.
3. Nguyên liệu bao gói
Các bước cần xem xét thực hiện khi lấy mẫu nguyên liệu đóng gói như sau:
- Kiểm tra đợt hàng so với hồ sơ liên quan.
- Kiểm tra các thùng trung chuyển theo các chi tiết sau và báo cáo bất cứ sự
chênh lệch nào nếu cần:
+ Xác định các thông tin đúng;
+ Niêm phong còn nguyên vẹn, nếu có niêm phong;
+ Không bị hư hỏng.
- Lấy mẫu cần thiết từ số thùng nguyên liệu theo yêu cầu, đặc biệt lưu ý đến
những quy định về lấy mẫu nguyên liệu đóng gói ở Mục I, khoản 9 của Phụ lục
này.
- Đưa mẫu đã lấy vào các đồ đựng mẫu thích hợp.
- Đánh dấu các thùng nguyên liệu đã được lấy mẫu.
- Lưu ý bất kỳ tình huống đặc biệt nào xảy ra trong quá trình lấy mẫu (ví dụ:
hàng kém chất lượng hay các thành phần bị hư hại). Báo cáo những bất thường
quan sát được.
- Chuyển tất cả các pa-lét hay thùng nguyên liệu đã lấy mẫu khỏi khu vực
lấy mẫu cùng với toàn bộ hồ sơ.
- Kiểm tra giấy chứng nhận phân tích của nhà cung cấp so với các tiêu
chuẩn, nếu có.
4. Thuốc thành phẩm
Khi lấy mẫu thành phẩm cần cân nhắc các bước sau:
- Xác định số pa-lét cho mỗi lô trong đợt hàng.
- Tính toán số pa-lét dựa theo số đơn vị lấy mẫu để kiểm tra mẫu bằng cảm
quan quy định:
+ Kiểm tra điều kiện của pa-lét và bao bì về tính toàn vẹn của nguyên liệu
đóng gói bên ngoài.
+ Kiểm tra phía ngoài của hàng hóa trên các pa-lét xem có sạch không.
+ Kiểm tra xem ghi nhãn trên các pa-lét có phù hợp với danh mục hàng hóa
đóng gói không.
+ Đếm, phân loại và ghi chép các sai sót.
- Tính tổng số gói (hộp) đựng hàng vận chuyển trên số pa-lét hiện có và xác
minh tổng số căn cứ vào danh mục đóng gói hàng.
- Kiểm tra các gói (hộp) hàng vận chuyển (đơn vị đóng gói trung gian) từ số
pa-lét đã chọn:
+ Kiểm tra xem nguyên liệu đóng gói của các hộp đựng hàng có còn nguyên
vẹn không.
+ Kiểm tra xem các hộp có sạch không.
+ Kiểm tra xem nhãn trên các hộp có bị hư hỏng không.
+ Kiểm tra các hộp xem có hư hỏng gì không.
+ Kiểm tra các nhãn xem có lỗi chính tả không.
+ Kiểm tra ngày sản xuất và hạn dùng trên các nhãn.
+ Đếm, phân loại và ghi chép các sai sót.
- Kiểm tra bằng cảm quan các đơn vị đóng gói cuối cùng từ các đơn vị đóng
gói trung gian:
+ Kiểm tra xem vật liệu đóng gói của các đơn vị đóng gói cuối cùng có còn
nguyên vẹn không.
+ Kiểm tra xem các gói hàng có sạch không.
+ Kiểm tra hình dạng và màu sắc của các gói hàng.
+ Kiểm tra xem nhãn trên các gói hàng có bị hư hỏng không.
+ Kiểm tra các gói xem có hư hỏng gì không.
+ Kiểm tra các nhãn xem có lỗi chính tả không.
+ Kiểm tra ngày sản xuất và hạn dùng trên các nhãn.
+ Đếm, phân loại và ghi chép số lỗi.
- Từ số gói hàng được chọn, dựa theo têu chuẩn chất lượng, bằng phương
pháp lấy mẫu ngẫu nhiên, tính số gói hàng cần kiểm tra lý học, hóa học và số
lượng cần cho mẫu lưu.
- Kiểm tra giấy xác nhận phân tích của nhà cung cấp so với các tiêu chuẩn,
nếu có.
III. Các loại dụng cụ lấy mẫu

Hình 1. Các loại xẻng lấy mẫu chế phẩm rắn

Hình 2. Tuýp lấy mẫu chế phẩm lỏng và chế phẩm bôi ngoài da
Tuýp lấy mẫu
thân tròn
Tuýp trong

Tuýp ngoài

Lỗ thu thập mẫu


Hình 3. Lấy mẫu từ các đồ đựng nguyên liệu rắn sâu lòng
(i) Tuýp lấy mẫu thân tròn (Hình 3.i): gồm một ống rỗng với một thanh bên
trong có một đầu nhọn để chọc được vào bột ở một vị trí kín. Đầu của thanh bên
trong thường nhọn để ít ảnh hưởng tới lớp bột. Một số loại có khoá cho phép ước
lượng mẫu lấy ở mức cần thiết, nên sẽ giảm được chênh lệch về khối lượng giữa
các mẫu lấy.
(ii) Tuýp lấy mẫu kép: (Hình 3.ii): gồm hai ống đồng tâm, ống bên trong
làm bằng vật liệu cứng trừ các khoang đựng mà mẫu được lấy vào đó, ống bên
ngoài rỗng có lỗ hổng có thể khớp với các khoang đựng mẫu ở ống bên trong, đầu
nhọn để giảm thiểu tình trạng làm vỡ đối với lớp bột.
Chú ý: Khi đưa dụng cụ này vào một hỗn hợp bột tĩnh sẽ làm xáo trộn hỗn
hợp bột, làm di chuyển bột thuốc từ các lớp trên xuống các lớp dưới. Mức độ xáo
trộn tùy thuộc vào động tác đưa dụng cụ theo kiểu đưa từ từ hay giật cục hay xoáy.
Do đó cán bộ phải được đào tạo sử dụng kỹ thuật thích hợp.
Góc đưa dụng cụ vào khối bột thuốc cũng có thể ảnh hưởng tới mẫu lấy
được. Nếu đưa dụng cụ lấy mẫu vào khối bột thuốc theo phương thẳng đứng thì có
thể lấy được mẫu với kích thước tiểu phân khác so với những mẫu lấy được khi
dùng cùng dụng cụ đó nhưng được đưa vào khối bột theo một góc nhọn. Ngoài ra,
mẫu lấy được cũng bị ảnh hưởng bởi vị trí của buồng đựng mẫu của dụng cụ lấy
mẫu so với khối bột thuốc (tức là buồng đựng mẫu ở vị trí đỉnh, đáy hoặc ở giữa
của dụng cụ lấy mẫu).
Mẫu lấy được cũng bị ảnh hưởng bởi độ dày (độ sâu) của bao bì đựng thuốc,
do bột nguyên liệu thuốc bị đẩy vào các buồng đựng mẫu bởi lực nén tĩnh của khối
bột thuốc. Lực nén ở dưới đáy của thùng lớn lớn hơn nhiều so với lực nén ở lớp
giữa hay ở trên cùng. Do vậy, với cùng một dụng cụ lấy mẫu, có khả năng lấy được
các phần của mẫu có kích thước tiểu phân bột thuốc khác nhau ở lớp trên và lớp
đáy của khối bột thuốc tĩnh.

Dây có đánh dấu


khoảng cách

Dụng cụ lấy
mẫu
Nơi đựng mẫu
lấy được

Cân
Hình 4. Dụng cụ lấy mẫu có thể cân được (weighted container)
Lấy mẫu từ các bể chứa và thùng chứa lớn thì dùng loại dụng cụ lấy mẫu có
thể cân được. Đồ đựng này được thiết kế sao cho có thể mở ra ở một độ sâu cần
thiết. Các điểm đánh dấu trên dây được dùng để xác định khi nào thì dụng cụ đựng
tới độ sâu phù hợp.
A

Hình 5. Các loại xiên lấy mẫu đơn giản


A: Xiên lấy mẫu đóng, được sử dụng lấy mẫu có kích thước hạt lớn như sắn
B: Xiên lấy mẫu đóng, được sử dụng lấy mẫu có kích thước hạt nhỏ
C: Xiên lấy mẫu mở
D: Xiên lấy mẫu hai tuýp
Các loại xiên để lấy mẫu từ các túi sản phẩm, để dễ dàng đưa dụng cụ lấy
mẫu vào túi sản phẩm xiên lấy mẫu thường có hình vót thon, đường kính ngoài
khoảng 12 mm, nhưng có thể tới 25 mm, dài khoảng 40 - 45 cm.

IV. Số đơn vị bao gói thương phẩm của thuốc thành phẩm cần lấy để kiểm tra
bằng cảm quan (ISO 2859-1)

Cỡ lô Số đơn vị bao gói thương phẩm


Số đơn vị bao gói thương phẩm/lô cần lấy cho một mẫu kiểm tra
Từ 2 đến 8 2
Cỡ lô Số đơn vị bao gói thương phẩm
Số đơn vị bao gói thương phẩm/lô cần lấy cho một mẫu kiểm tra
9 - 15 3
16 - 25 5
26 - 50 8
51 - 90 13
91 - 150 20
151 - 280 32
281 - 500 50
501 - 1200 80
1201 - 3200 125
3201 - 10000 200
10001 - 35000 315
35001 - 150000 500
150001 - 500000 600
500001 trở lên 1250

V. Cơ số mẫu lấy để kiểm tra chất lượng


Số mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được lấy để kiểm tra chất lượng (chưa
bao gồm mẫu để lưu) được quy định như sau:

STT Dạng bào chế Chủng loại, quy cách Số lượng


1 Thuốc viên nén, viên 1 hoạt chất 80 viên
nang, viên bao  2 hoạt chất 120 viên
2 Thuốc nước ≥ 100 ml 20 chai (lọ)
10 - 100 ml 30 chai (lọ)
5ml - 10ml 50 chai (lọ)
< 5ml 100 chai (lọ)
3 Cốm, bột Đóng gói theo đơn vị đơn ~ 100 gam
liều hoặc đa liều
Hoàn cứng, hoàn > 0,5 g/viên 120 viên
mềm 0,1 - 0,5 g/viên 200 viên
< 0,1 g/viên 500 viên
4 Rượu thuốc ≤ 650 ml 7 chai
STT Dạng bào chế Chủng loại, quy cách Số lượng
> 650 ml 5 chai
5 Dịch truyền  250 ml 20 chai
100 ml - 250 ml 25 chai
< 100 ml 50 chai
Ống tiêm 1ml 150 ống
 2 ml 120 ống
Nước cất tiêm 2 ml 250 ống
5 ml 100 ống
10 ml 80 ống
6 Thuốc nhỏ mắt ≤ 2ml/100mg 100 lọ (tuýp)
> 2ml/100mg 80 lọ (tuýp)
7 Thuốc mỡ, kem, gel ≤ 100mg 30 lọ (tuýp)
dùng ngoài > 100mg 40 lọ (tuýp)
8 Thuốc bột tiêm < 100 mg 150 lọ
100 - 450 mg 120 lọ
> 450 mg 100 lọ
9 Dầu xoa 1 - 2 ml 30 lọ
 5 ml 20 lọ
10 Cao thuốc Các loại ~ 100 g
11 Dược liệu Chứa tinh dầu 250 g
Không chứa tinh dầu 100 g
12 Tinh dầu Các loại 150 ml
13 Vắc xin, sinh phẩm Các loại Theo quy định của nhà
sản xuất
14 Nguyên liệu Nguyên liệu quý 20 g
Nguyên liệu kháng sinh 50 g
Nguyên liệu thuốc gây 10 g
nghiện, hướng thần, tiền chất
Nguyên liệu thường 100 g
Nhựa hạt 200 g
15 Dây truyền dịch Các loại 30 bộ
STT Dạng bào chế Chủng loại, quy cách Số lượng
16 Ống thủy tinh rỗng 2 ml 500 ống
 5 ml 300 ống
17 Chai đựng dịch Các loại 10 chai
truyền

QUY ĐỊNH DỊCH VỤ KIỂM NGHIỆM MẪU THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC,

1. Giá cụ thể dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc dùng cho người tại tổ
chức cung ứng dịch vụ chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng của dịch vụ cung ứng quy định tại Phụ lục ban
hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp mức giá quy định bằng ngoại tệ thì quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá
ngoại tệ mua vào theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại
thương Việt Nam tại thời điểm thu tiền dịch vụ hoặc cuối ngày làm việc liền trước ngày lễ, ngày nghỉ.
2. Khi thu tiền dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc dùng cho người, tổ
chức cung ứng dịch vụ sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-
CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ (gọi tắt là
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP); Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính
phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ (gọi tắt là Nghị định số 04/2014/NĐ-CP); Thông tư
số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị
định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
3. Nguồn thu từ cung ứng dịch vụ, sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước
theo quy định của pháp luật thì phần còn lại được để lại tổ chức cung ứng dịch vụ sử dụng theo quy định
của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Trường hợp nguồn tài chính của tổ chức cung ứng dịch vụ không bảo đảm hoạt động thường
xuyên, đồng thời tổ chức cung ứng dịch vụ đó được cấp có thẩm quyền phân loại là đơn vị sự nghiệp
công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi
thường xuyên thì tiếp tục được ngân sách nhà nước bảo đảm phần chi phí phục vụ công tác kiểm
nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc dùng cho người chưa được bù đắp từ nguồn thu qua
giá dịch vụ theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
GIÁ CỤ THỂ DỊCH VỤ KIỂM NGHIỆM MẪU THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC, THUỐC DÙNG
CHO NGƯỜI

Mức giá cụ thể (đồng)


STT CHỈ TIÊU Mẫu gửi tới kiểmMẫu thẩm định tiêu
nghiệm chuẩn
Kiểm tra khi giao nhận, lưu mẫu, đăng ký và trả lời kết
1 20.000 40.000
quả
Nhận xét bên ngoài bằng cảm quan (mùi vị, màu sắc,
2 20.000 40.000
hình dáng, đóng gói, nhãn...)
- Kích thước, cảm quan, mùi, màu, mốc, mọt của dược
20.000 40.000
liệu, đông dược (tính cho mỗi chỉ tiêu)
Thử vật lý đối với nguyên liệu ban đầu và các chế phẩm
3
thuốc
- Thể tích 20.000 40.000
- Độ lắng cặn 30.000 60.000
- Cắn sau khi bay hơi 200.000 400.000
- Soi độ trong thuốc tiêm 60.000 120.000
- Đếm, đo kích thước tiểu phân bằng máy đếm tiểu phân 200.000 400.000
- Soi độ trong thuốc nước 30.000 60.000
- Độ trong, độ đục, màu sắc của dung dịch (tính cho mỗi
60.000 120.000
chỉ tiêu)
4 Thử thuốc viên, thuốc cốm, thuốc bột...
- Chênh lệch khối lượng thuốc bột, thuốc cốm, thuốc
30.000 60.000
viên (trừ viên nang)
- Chênh lệch khối lượng thuốc viên nang, thuốc tiêm bột 60.000 120.000
- Thử tính tan của thuốc, phân tán của thuốc cốm 20.000 40.000
- Đo độ dày, đường kính, độ mài mòn, độ cứng của viên,
20.000 40.000
cỡ hoàn (tính cho mỗi chỉ tiêu)
- Độ tan rã thuốc viên nén, viên nang 40.000 80.000
- Độ tan rã viên bao tan trong ruột 80.000 160.000
- Độ tan rã thuốc viên đạn, thuốc trứng, viên đặt 60.000 120.000
- Độ mịn 40.000 80.000
- Độ hòa tan bằng phương pháp đo quang phải qua xử lý500.000 1.000.000
- Độ hòa tan bằng phương pháp đo quang tính theo E1%300.000 600.000
- Độ hòa tan bằng phương pháp đo quang tính theo
400.000 800.000
chuẩn
Tính thêm 20% cho mỗi giai đoạn thử
- Độ hòa tan của viên giải phóng hoạt chất chậm
theo phép thử độ hòa tan tương ứng
- Độ hòa tan bằng phương pháp HPLC trực tiếp 500.000 1.000.000
- Độ hòa tan bằng phương pháp HPLC phải qua xử lý 700.000 1.400.000
Tính bằng 150% phép thử định lượng
- Độ đồng đều hàm lượng
tương ứng
5 Thuốc mỡ
- Độ đồng đều khối lượng 60.000 120.000
- Độ đồng nhất 40.000 80.000
- Đo kích thước tiểu phân thuốc mỡ tra mắt 60.000 120.000
- Các phần tử kim loại trong thuốc mỡ tra mắt 100.000 200.000
6 Định tính
- Đơn giản, mỗi phản ứng 20.000 40.000
- Phức tạp 100.000 200.000
- Phương pháp quang phổ tử ngoại 100.000 200.000
- Phương pháp quang phổ hồng ngoại 200.000 400.000
- Soi bột kép 100.000 200.000
- Vi phẫu 200.000 400.000
- Soi bột dược liệu 80.000 160.000
Tính bằng 50 % các phép thử định
- Các phương pháp sắc ký
lượng tương ứng
7 Thử tinh khiết, thử tạp chất
- Mỗi ion đơn giản 40.000 80.000
- Chất hữu cơ 40.000 80.000
- Kim loại nặng (mỗi ion), Asen không phải xử lý 60.000 120.000
- Kim loại nặng (mỗi ion), Asen phải qua xử lý 100.000 200.000
- Xác định aldehyd trong tinh dầu 100.000 200.000
- Tìm đường tráo nhân tạo trong mật ong 100.000 200.000
- Tạo chất trong dược liệu 20.000 40.000
- Độ vụn nát của dược liệu 40.000 80.000
Tính bằng phép thử định lượng tương
- Xác định tạp chất bằng các phương pháp sắc ký
ứng
- Tìm nguyên tố độc, kim loại nặng trong dược liệu và
thuốc bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử 600.000 1.600.000
(tính cho mỗi nguyên tố)
8 Xác định hàm lượng nước, mất khối lượng do làm khô
- Phương pháp sấy 120.000 240.000
- Phương pháp sấy chân không 180.000 360.000
- Phương pháp Karlfischer 300.000 600.000
- Phương pháp cất dung môi 80.000 160.000
9 Cắn tro
- Tro toàn phần 200.000 400.000
- Tro sulfat 240.000 480.000
- Tro không tan trong acid 200.000 400.000
- Tro tan trong nước 300.000 600.000
10 Các chỉ số
- Chỉ số acid 140.000 280.000
- Chỉ số xà phòng hóa 180.000 360.000
- Chỉ số Acetyl 200.000 400.000
- Chỉ số khúc xạ 100.000 200.000
- Chỉ số Iod 180.000 360.000
- Chất không xà phòng hóa 200.000 400.000
- Chỉ số Hydroxyl 200.000 200.000
- Chỉ số Peroxyd 100.000 200.000
- Chỉ số trương nở 60.000 120.000
11 Điểm chảy và điểm nhỏ giọt
- Của chất biết trước 40.000 80.000
- Của chất chưa biết 80.000 160.000
- Của cao xoa 40.000 80.000
12 Độ đông đặc 40.000 80.000
13 Độ sôi
- Đơn giản bằng mao quản 40.000 80.000
- Phức tạp có cất 100.000 200.000
14 Thăng hoa 40.000 80.000
15 Đo tỷ trọng
- Bằng tỷ trọng kế 30.000 60.000
- Bằng cân thủy tĩnh 50.000 100.000
- Bằng Picnomet 80.000 160.000
16 Đo độ nhớt
- Bằng máy Hoppler hay Ostwald 200.000 400.000
- Bằng thiết bị đo độ nhớt dải rộng, không phải chuẩn bị
300.000 600.000
mẫu
- Bằng thiết bị đo độ nhớt dải rộng, phải chuẩn bị mẫu 400.000 800.000
17 Năng suất quay cực 50.000 100.000
18 Độ hạ bằng điểm 80.000 160.000
19 Đo pH
- Trực tiếp 40.000 80.000
- Qua xử lý 60.000 120.000
20 Đo độ cồn
- Đơn giản 40.000 80.000
- Phức tạp 100.000 200.000
21 Các phép thử sinh vật và vi sinh vật
- Chất gây sốt 300.000 600.000
- Thử nội độc tố vi khuẩn 1.200.000 2.400.000
- Thử độc tính cấp 2.000.000 4.000.000
- Thử độc tính bất thường 200.000 400.000
- Thử độ kích ứng da 300.000 600.000
- Chất hạ áp 400.000 800.000
- Thử vô khuẩn bằng phương pháp màng lọc 500.000 1.000.000
- Thử vô khuẩn bằng phương pháp cấy trực tiếp 300.000 600.000
- Phân lập và định danh vi khuẩn: tính mỗi chỉ tiêu 100.000 200.000
- Làm kháng sinh đồ 280.000 560.000
- Thử giới hạn nhiễm khuẩn (xử lý đơn giản) 240.000 480.000
- Thử giới hạn nhiễm khuẩn (xử lý phức tạp) 320.000 640.000
- Định lượng kháng sinh (nguyên liệu) 400.000 800.000
- Định lượng kháng sinh (thành phẩm) không qua xử lý 500.000 1.000.000
- Định lượng kháng sinh (thành phẩm) phải qua xử lý 600.000 1.200.000
- Định lượng vitamin B12 bằng phương pháp vi sinh 800.000 1.600.000
22 Định lượng
1. Phương pháp thể tích
- Phương pháp chuẩn độ acid kiềm 160.000 320.000
- Phương pháp thể tích phải qua xử lý 260.000 520.000
- Nitrit 220.000 440.000
- Định lượng penicilin 300.000 600.000
- Đo bạc 200.000 400.000
- Complexon 200.000 400.000
- Chuẩn độ môi trường khan trực tiếp 240.000 480.000
- Chuẩn độ môi trường khan phải qua xử lý 300.000 600.000
- Chuẩn độ đo thế, đo ampe (tính cho mỗi phương pháp) 400.000 800.000
2. Phương pháp cân 240.000 480.000
3. Phương pháp vật lý
- Phương pháp đo quang trực tiếp, tính theo E1% 200.000 400.000
- Phương pháp đo quang trực tiếp, tính theo chuẩn 300.000 600.000
- Phương pháp đo quang phải qua chiết tách, tính theo
400.000 800.000
chuẩn
- Phương pháp đo quang phải qua chiết tách, tính theo
300.000 600.000
E1%
- Sắc ký lớp mỏng (chưa tính các phép thử định lượng
200.000 400.000
tương ứng khác)
- Sắc ký lớp mỏng cạo vết chiết đo quang 500.000 1.000.000
- Sắc ký trên giấy (chưa tính các phép thử định lượng
150.000 300.000
tương ứng khác)
- Sắc ký trên cột 140.000 280.000
- Định lượng mật độ kế trên sắc ký đồ lớp mỏng
+ 2 vết - 4 vết 200.000 400.000
+ Từ 4 vết trở lên, cứ thêm 1 vết cộng thêm 24.000 48.000
120.000 240.000
- Phương pháp sắc ký trao đổi ion (chưa tính các phân
Đối với thuốc nhiều thành phần, mỗi
tích hỗ trợ kèm theo)
thành phần tính thêm 50.000đ
500.000 1.000.000
- Phương pháp sắc ký khí trực tiếp Đối với thuốc nhiều thành phần, mỗi
thành phần tính thêm 50.000đ
600.000 1.200.000
- Phương pháp sắc ký khí phải qua xử lý Đối với thuốc nhiều thành phần, mỗi
thành phần tính thêm 50.000đ
500.000 1.000.000
- Phương pháp sắc ký khí lỏng (HPLC) trực tiếp Đối với thuốc nhiều thành phần, mỗi
thành phần tính thêm 50.000đ
600.000 1.200.000
- Phương pháp sắc ký khí lỏng (HPLC) phải qua xử lý Đối với thuốc nhiều thành phần, mỗi
thành phần tính thêm 50.000đ
1.000.000 2.000.000
- Phương pháp sắc ký khí lỏng khối phổ Đối với thuốc nhiều thành phần, mỗi
thành phần tính thêm 50.000đ
600.000 1.200.000
- Định lượng acid amin Đối với thuốc nhiều thành phần, mỗi
thành phần tính thêm 50.000đ
600.000 1.200.000
- Định lượng bằng phương pháp quang phổ hồng ngoại Đối với thuốc nhiều thành phần, mỗi
thành phần tính thêm 50.000đ
600.000 1.200.000
- Định lượng bằng phương pháp điện di mao quản Đối với thuốc nhiều thành phần, mỗi
thành phần tính thêm 50.000đ
- Phương pháp quang phổ huỳnh quang 200.000 400.000
4. Định lượng những đối tượng đặc biệt
- Định lượng nitơ toàn phần trực tiếp 240.000 480.000
- Định lượng nitơ toàn phần phải qua xử lý 300.000 600.000
- Định lượng Rutin trong dược liệu 500.000 1.000.000
- Định lượng Menthol toàn phần trong tinh dầu bạc hà 200.000 400.000
- Định lượng Methyl salicylat bằng phương pháp đo Iod 300.000 600.000
- Định lượng tinh dầu trong cao xoa bằng bình Cassia 300.000 600.000
- Định lượng tinh dầu trong dược liệu 120.000 240.000
- Ơgennol 300.000 600.000
- Xineol 300.000 600.000
- Andehydcinnamic 300.000 600.000
- Ascaridol 480.000 960.000
- Long não 360.000 720.000
- Tanin 200.000 400.000
- Caroten trong dầu gấc 700.000 1.400.000
- Vitamin A trong dầu cá 400.000 800.000
- Chất chiết được trong dược liệu 400.000 800.000
- Các hoạt chất khác trong dược liệu (alcaloid, saponin, Tính bằng phép thử định lượng và
flavonoid...) phương pháp xử lý mẫu tương ứng
- Dầu béo 600.000 1.200.000
- Iốt trong dược liệu 800.000 1.600.000
- Định lượng tinh dầu tràm 300.000 600.000
- Đường trong mật ong theo phương pháp Caussbonan 300.000 600.000
- Serratiopeptidase 400.000 800.000
- Protease 400.000 800.000
- Papain 400.000 800.000
- Alphachymotrypsin bằng phương pháp đo quang 300.000 600.000
- Alphachymotrypsin bằng phương pháp đo thế 400.000 800.000
- Beta-Amylase 300.000 600.000
- Alpha-Amylase 300.000 600.000
- Cellulase 400.000 800.000
- Lipase 400.000 800.000
- Streptokinase 600.000 1.200.000
- Heparine 460.000 920.000
- Oxytoxine 500.000 1.000.000
- Insuline 1.500.000 3.000.000
23 Vỏ nang rỗng
- Độ dòn 100.000 200.000
- Điểm đông Gelatin 200.000 400.000
- Các chỉ tiêu khác Áp dụng như thuốc
24 Bộ dây truyền dịch
- Cảm quan 40.000 80.000
- Độ trong suốt 40.000 80.000
- Độ kín, độ bền chịu lực 100.000 200.000
- Độ kéo dãn 40.000 80.000
- Tính chịu nóng lạnh 100.000 200.000
- Phần tử lạ 100.000 200.000
- Tốc độ dòng chảy 100.000 200.000
- Chiết dung dịch thử 100.000 200.000
- Các thử nghiệm hóa lý khác Áp dụng như thuốc
25 Đồ đựng dùng trong y tế, găng tay cao su
- Độ kín 60.000 120.000
- Độ gấp uốn 40.000 80.000
- Độ trong của dung dịch chiết 200.000 400.000
- Độ trong của đồ đựng 60.000 120.000
- Độ truyền ánh sáng 100.000 200.000
- Độ đựng bằng kim loại dùng cho thuốc mỡ tra mắt 300.000 600.000
- Độ ngấm hơi nước 100.000 200.000
- Độ bền đối với nước của mặt trong đồ đựng 300.000 600.000
- Các chỉ tiêu hóa lý, sinh học khác Áp dụng như thuốc
- Độ dày găng tay cao su 50.000 100.000
Thử nút cao su chai huyết thanh và nút cao su lọ thuốc
26
tiêm
- Độ bền 200.000 400.000
- Độ kín 140.000 280.000
- Kích thước 40.000 80.000
- Các phép thử hóa lý, sinh học khác (tính cho mỗi chỉ
100.000 200.000
tiêu)
Phương pháp xử lý mẫu đối với những đối tượng đặc
27 400.000 500.000
biệt
28 Kiểm nghiệm hóa pháp
- Kiểm tra khi giao nhận mẫu, nghiên cứu hồ sơ và các
20.000
tài liệu liên quan
- Các phương pháp định tính, định lượng để phân tích
Tính theo các mục tương ứng của thuốc
độc chất, hóa pháp
- Xử lý mẫu Tính theo các mục tương ứng của thuốc
- Mẫu khai quật từ sau 10 ngày trở lên cộng thêm 100.000
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM
1.1. Lịch sử Dược điển Việt Nam
Năm 1983, Bộ Dược điển Việt Nam I đã được hoàn chỉnh cả về tân dược và
đông dược. Từ giữa thập kỷ 80, đất nước đã bắt đầu quá trình thực hiện đường lối
và chính sách đổi mới của Đàng và Nhà nước. Yêu cầu về chất lượng thuổc ngày
càng cao trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng đã thúc đẩy công
nghiệp dược trong nước bắt đầu phát triển. Thời kỳ này Hội đồng cũng đâ có thêm
nhiều Dược điển mới cùa các nước để tham khảo. Trình độ cán bộ dược đã được
nâng lên, Ngành Dược có thêm nhiều giáo sư, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa. Hệ
thống kiểm nghiệm thuốc của Nhà nước và các doanh nghiệp từng bước được hiện
đại hóa theo yêu cầu của quản lý chất lượng và yêu cầu phục vụ cho công tác sản
xuất – kinh doanh dược phẩm. Đến lúc này nội dung DĐVN I cỏ nhiều điểm không
còn phù hợp.
Việc soạn thảo Dược điển Việt Nam lần thứ 2 (DĐVN II) đã trở thành một
yêu cầu thực tế. Ngày 12/5/1984 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 328/BYT-QĐ bổ
sung và kiện toàn tổ chức HĐDĐVN đê biên soạn DĐVN II. Vãn phòng Hội đồng
Dược điển Việt Nam là một đơn vị hành chính chuyên môn, trong biên chế Viện
Kiểm nghiệm, giúp việc cho Ban Thường trực và Ban Thư ký. Tổng số cán bộ
tham gia xây dựng DDVN II là 221 người gồm các giáo sư, tiến sĩ, dưực sĩ chuyên
khoa, trong đó có 5 bác sĩ Y khoa, 4 lương y và 9 cán bộ ngành khác. Dược điển
Việt Nam II gồm 3 tập. Tập 1 về Tân dược có 89 chuyên luận xuất bản năm 1990
gồm 39 hóa dược, 12 bào chế, 8 dược liệu, 29 phương pháp kiểm nghiệm chung, 1
quy định chung, phát hành 1500 cuốn. Tập 2 (thuốc đông dược), xuất bản năm
1991, gồm 63 chuyên luận dược liệu và một chuyên luận chung về phương pháp
chể biến dược liệu cồ truyền. Tập 3 xuất bản tháng 12-1994 gồm 84 hóa dược, 70
thành phẩm bào chế, 70 dược liệu, 62 phương pháp kiểm nghiệm chung, 90 phổ
hồng ngoại. DĐVN II, tập 3 có nhiều chuyên luận mới và các chuyên luận khác đã
được soát xét, nâng cao, cũng như đưa vào một sổ phương pháp kiểm nghiệm
chung hiện đại như sắc ký khí, sắc kỷ lỏng.
Sau 10 năm đổi mới, tình hình ngành Dược trong nước đã có nhiều chuyển
biển tích cực đáng kể. Vào giữa thập niên 90, thị trường thuốc ở Việt Nam đã tâng
gấp 6 lần những năm cuối thập kỳ 80. Công nghiệp dược trong nước đă có bước
phát triển mới, sản xuất gần 5000 dược phẩm. Khoảng 200 công ty dược phẩm
nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động ở Việt Nam. Khoảng 4000 được phẩm
nước ngoải thuộc các khu vưc trên thế giới được cấp số đăng ký ờ Việt Nam. Công
tác tiêu chuẩn hóa và đảm bào chất lượng thuốc trong nước, thuốc nước ngoài ngày
càng được nâng cao. Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ mười của Hiệp
hội các quốc gia Đông Nam Á (khối ASEAN) và từng bước chủ động tham gia tiến
trình hội nhập quốc tế. Việc soạn thảo và ban hành Dược điển Việt Nam lần thứ 3
là một biện pháp quan trọng để bảo đảm hiệu lực cho công tác quản lý nhà nước về
chất lượng thuốc trong tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế mới. Ngày 25-7-
1994, trong Quyết định sổ 519/BYT-QĐ Bộ trường Bộ Y tế đã công bố danh sách
Ban thường trực HĐDĐVNIII gồm 11 thành viên. Cuổi năm 1997, trong Quyết
định sổ 2678/1997/BYT-QĐ ngày 21-12-1997 Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm
PGS.TS. Lê Văn Truyên – Thứ trưởng Bộ Y tê giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng
Dược điển Việt Nam III, tiếp nối nhiệm vụ Chủ tịch HĐDĐVN mà GS.TS. Trương
Công Quyền đã đảm nhiệm trong hơn 3 thập kỷ.
Các Ban của Hội đồng nói chung vẫn giữ nguyên vê tổ chức, riêng ban
phương pháp kiểm nghiệm chung tách thành 2 ban; Ban phương pháp phân tích
thuốc thử và chất đối chiếu và Ban phương pháp sinh học. Trong 5 năm (1995 –
2000), Hội đồng Dược điển Việt Nam đã hoàn thành việc biên soạn Dược điển Việt
Nam III và in hai tập Dự thảo. Dự thảo Dược điển Việt Nam III (Thuốc cổ truyền)
gôm 154 chuyên luận in vào năm 1998. Dự thảo Dược điển Việt Nam III (Tân
dược và Dược liệu) in vào năm 2000. Hai bản Dự thảo Dược điên Việt Nam III
được gửi tới các đơn vị trong toàn ngành để ỉấy ý kiến đóng góp. Nàm 2001, sau
khi thu thập cảc ý kiến đóng góp, Hội đồng đã tổ chức thẩm định, nghiên cứu bổ
sung và hoàn thiện các chuyên luận đê Dược điên Việt Nam III được in chính thức
đâu năm 2002. So với lần xuất bản trước, Dược điển Việt Nam III đẫ đưa thêm
nhiêu chuyên luận thuôc mới, bố sung những kỹ thuật và phương pháp tiên tiến,
hiện đại trong kiểm nghiệm thuốc, đã nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của nguyên
liệu làm thuốc và thành phâm tương đương với trình độ tiên tiến trong khu vực và
trên thế giới, đáp ứng với yêu câu thực tế của Việt Nam vả yêu cầu hội nhập quốc
tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác Dược điền trong thời kỳ đẩt
nước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, Bộ Y tế chủ trương củng cố HĐDĐVN để
hướng dẫn việc triển khai áp đụng DĐVNIII và tiếp tục xây dựng Dược điển, tiến
tới ban hành DĐVN IV. Ngày 28/02/2003, tại Quyết định sổ 689/BYT-QĐ, Bộ
trưởng Bộ Y tế đã bổ nhiệm PGS.TS. Trịnh Văn Quỳ, Viện trưởng Viện Kiểm
nghiệm iảm Chủ tịch HĐDĐVN, thay PGS.TS. Lê Văn Truyền. Sau đó, Ban
Thường trực Hội đồng đã được củng cổ lại với các Phó chủ tịch là những cán bộ
đang giữ chức vụ quản lý của Cục quản lý Dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc, Viện
Kiểm định vắc xin và Sinh phẩm y tế và Vụ Khoa học và Đào tạo Bộ Y tế. Ngày
31/3/2008, Bộ trường Bộ Y tế đã bổ nhiệm TS. Nguyền Văn Tựu, Phó viện trưởng
Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, làm Chủ tịch Hội đồng Dược điển Việt Nam
thay PGS.TS. Trịnh Văn Quỳ nghỉ chế độ hưu trí, để tiếp tục điều hành các công
việc của Hội đồng Dược điển Việt Nam. Tiếp theo đó, ngày 2 tháng 1 năm 2009,
Bộ Trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định sổ 08/QĐ-BYT thành lập Trung tâm Dược
điển – Dược thư Việt Nam trên cơ sở của Văn phòng Hội đồng Dược điển Việt
Nam, là một đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Viện Kiểm nghiệm thuốc
Trung ương, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm Dược
điển – Dược thư Việt Nam là cơ quan thường trực của Hội đồng Dược điển Việt
Nam. Sau khi cùng cố Ban Thường trực Hội đồng, các Ban chuyên môn cũng đều
được tổ chức lại theo hướng giảm đầu mối, trong đó Ban Dược liệu và Ban Thuốc
cổ truyền nhập thành Ban Dược liệu – Đông dược; Ban Phương pháp phân
tích, thuốc thử và chất đối chiếu và Ban Phương pháp sinh học nhập thành Ban
Phương pháp kiểm nghiệm chung. Các ủy viên Ban Thường trực Hội đồng đă được
phân công trực tiếp phụ trách các ban chuyên môn; các cán bộ Văn phòng HĐDĐ
Việt Nam được cử làm Thư ký của các ban chuyên môn. Đông thời với việc cùng
cố tổ chức, Hội đồng triển khai ngay các hoạt động chuyên môn. Năm 2003 –
2004, Hội đồng tập trung vào việc dịch chuyển ngữ DĐVN III sang tiếng Anh và
biên tập thành phiên bản tiếng Anh cùa DĐVN III. Tháng 4 năm 2005, phiên bản
tiếng Anh DĐVN III đã được xuất bản và phát hành, chủ yếu đến các đổi tác nước
ngoài, các công ty xuất nhập khẩu thuốc và các tổ chức quốc tế. Đây là lần đầu tiên
Dược điển Việt Nam có thêm phiên bản tiếng Anh, giúp các đồng nghiệp nước
ngoài có thể tiếp cận dễ dàng với bộ Tiêu chuẩn quốc gia về thuốc của Việt Nam,
một đất nước có ngành Dược đang phát triên mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng với
nên kính tê trên thê giới. Cũng trong các năm 2004 – 2005 Hội đồng đã tiến hành
rà soát, chỉnh sửa và bổ sung DĐVN III. Đầu năm 2006 Bản bổ sung DĐVN III
được ban hành và xuất bản, Nội dung của Bản bổ sung đã được chuẩn bị như một
phần của DĐVN IV sẽ xuất bản sau này.
Công tác xây dụng DĐVN IV được triển khai với một kể hoạch tổng thể được
Bộ Y tể phê duyệt. Vào thời kỳ này, Luật Dược đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp
thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005. Dược điển Việt Nam đã được xác định trong Luật
Dược là bộ Tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng thuốc và các phương pháp kiểm
nghiệm thuốc. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng được Quốc hội khóa
XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006 chi phối việc xây dựng và ban hành
Dược điển, đòi hỏi công tác này phải tuân theo những quy trình, thủ tục đầy đủ và
chặt chẽ. Ngày 29/12/2008, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Thông tư
liên tịch số 11/2008/TTLT/BYT-BKHCN để hướng đẫn xây dựng, thâm định, công
bố Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc và ban hành, xuât bàn Dược điển Việt
Nam. Thông tư này đã đưa công tác tiêu chuẩn thuốc lên một bước phát triển mới,
đàm bào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về thuốc – Dược điển Việt Nam
tuân thủ các quy định của Luật Dược, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật,
phù hợp với đặc thù của tiêu chuẩn quốc gia về thuốc và thông lệ quốc tế; đáp ứng
yêu cầu hội nhập quốc tế về dược. Thời gian này, Dược điển Việt Nam IV đà cơ
bản hoàn thành và được Bộ Y tế nghiệm thu cấp Bộ. Để đáp ứng các quy định tại
Thông tư 11/2008/TTLT/BYT-BKHCN, các tiêu chuẩn quốc gia về thuốc của
Dược điển Việt Nam IV đã được gửi thẩm tra về chuyên môn tại Cục Quản lý
Dược và thẩm định tại Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng.
Ngày 16 tháng 7 năm 2009, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký
công bố Bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN I: 2009) xuất bản lần 1, bao gồm: TCVN
1-1: 2009 Bộ tiêu chuẩn quốc gia vê thuốc – phần 1: Phương pháp kiểm nghiệm
thuốc; TCVN 1-2: 2009 Bộ tiêu chuẩn Quổc gia về thuốc – phần 2: Nguyên liệu
hóa dược; TCVN 1-3: 2009 Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc – phần 3: Thành phâm
hóa dược; TCVN 1-4: 2009 Bộ tiêu chuân quồc gia về thuốc – phần 4: Dược liệu
và thuốc từ dược liệu; TCVN 1-5: 2009 Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc – phần 5:
vẳc xin và sinh phẩm y tế.
Trên cơ sở công bố Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc TCVNI: 2009 của Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 01 tháng 9 năm 2009, Bộ trưởng Bộ Y tế
đã ký Quyết định số 3195/QĐ-BYT về việc ban hành Dược điển Việt Nam lần xuất
bản thứ tư, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2010. Song song với việc ban hành Dược
điển IV, ngày 14 tháng 10 năm 2009, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra Quyểt định
số 3931/QĐ-BYT thành lập Hội đồng Dược điển Việt Nam V bao gôm Chủ tịch,
các Phó chủ tịch, Ban thường trực Hội đồng và 7 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn về thuốc.
Theo Quyết định này, Chủ tịch Hội đồng Dược điển Việt Nam V là TS.
Nguyễn Văn Tựu. Cuối năm 2010, TS. Nguyên Văn Tựu được Nhà nước cho nghỉ
chế độ, vì vậy ngày 31 tháng 12 năm 2010 Bộ trường Bộ Y tê đã ra quyêt định
5322/QĐ-BYT cử PGS.TS. Trịnh Văn Lâu làm Chủ tịch Hội đông Dược điển Việt
Nam V. Ngay sau khi được thành lập, Hội đồng Dược điển V cùng với Trung tâm
Dược điển – Dược thư Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổng thể xây dựng Bộ tiêu
chuẩn quổc gia về thuốc và ban hành Dược điển Việt Nam V đông thời
khẩn trương triển khai sau khi được Bộ Y tể phê duyệt.
Từ năm 2012, hằng năm lần lượt các Bộ tiêu chuẩn quổc gia về thuốc được
cống bố: Bộ TCVN 11:2012 bao gồm 79 tiêu chuẩn theo Quyết định sổ 2702/QĐ-
BKHCN ngày 08 tháng 10 năm 2012; Bộ TCVN 111:2014 bao gồm 51 tiêu chuẩn
theo Quvết định số 759/QĐ-BKHCN ngày 22 thảng 4 năm 2014; Bộ TCVN
IV:2015 bao gồm 58 tiêu chuẩn theo Quvểt định sổ 746/QĐ-BKHCN ngày 15
tháng 4 nãm 2015; Bộ TCVN V:2017 bao gồm 109 tiêu chuẩn quốc gia về thuốc
theo Quyết định sổ 968/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 4 năm 2017; Bộ TCVN
VI:2017 bao gồm 64 tiêu chuẩn theo Quyết định số 2760/QĐ-BKHCN ngày 13
tháng 10 năm 2017. Các tiêu chuẩn quốc gia về thuốc của Bộ TCVN II, III, IV đã
được tập hợp trong Bản bổ sung Dược điển Việt Nam V và được Bộ trưởng Bộ Y
tế ban hành vào tháng 6 năm 2015.
Giai đoạn xây dựng Dược điển V là giai đoạn mà việc áp dụng công nghệ
thông tin và các kỹ thuật tiên tiến đà giúp cho việc kiểm tra đánh giá chất lượng
thuốc có những kêt quả tiến bộ vượt bậc, nâng trình độ của Việt Nam lên ngang
tầm với các nước trong khu vực và quốc tế. Bắt nhịp với xu thế hội nhập, Hội đồng
Dược điển chủ trương mở rộng hợp tác quốc tể, tham gia và đóng góp tích cực vào
các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm kiểm tra đánh giá, quản lý chất lượng và hòa
hợp tiêu chuẩn thuốc trong khu vục và quốc tế, cả trên lĩnh vực thuốc tân dược và
thuổc đông dược – dược liệu. Dược điển Việt Nam lần xuất bản lần thứ năm có số
chuyên luận tăng vượt bậc với 1519 chuyên luận, trong đó cỏ 228 chuyên mục
chung, 485 nguyên liệu hóa dược, 385 thành phẩm hóa dược, 372 dược liệu và
thuôc từ dược liệu, 41 vắc xin và sinh phẩm y tế, 8 bao bì và nguyên liệu sán xuất
bao bì. Với nội dung tăng lên tương đương với khoảng 2200 trang sách, Dược điển
Việt Nam V được in thành hai tập, tập 1 gồm nguyên liệu hóa dược và thành phẩm
hóa dược, tập 2 gôm dược diệu, thuốc từ dược liệu, vắc xin, sinh phẩm và các phụ
lục. Trải qua hơn 50 năm lịch sử, với 5 lần xuất bàn, Dược điển Việt Nam đã trở
thành tài liệu tham chiếu kỹ thuật không thể thiếu của ngành Dược, đóng góp vai
trò quan trọng trong việc đàm bảo chất lượng thuốc phục vụ sự nghiệp chăm sóc
sức khỏe cộng đông, góp phân vào sự phát triên kinh té xã hội của đất nước.
1.2. Dược điển Việt Nam V
1.2.1. Nội dung chính của Dược điển Việt Nam V
Trải qua năm lần xuất bản, Dược điển Việt Nam đã trở thành văn bản quy
phạm kỹ thuật quan trọng về tiêu chuẩn hóa thuốc được áp dụng trong toàn ngành
Dược phục vụ công tác quản lý, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc sản xuất, xuất
nhập khẩu và lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Dược điển Việt Nam lần xuất bản thứ tư (Dược điển Việt Nam IV – DĐVN
IV) đã được Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Dược điển Việt
Nam IV là một văn bản kỹ thuật chuẩn mực của Bộ Y tế và được tham chiếu trong
mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan đến thuốc ở các đơn vị trong
toàn ngành y tế. Dược điển Việt Nam IV đã góp phần tích cực vào việc phát triển,
hiện đại hóa ngành Dược, đảm bảo và nâng cao chất lượng thuốc phục vụ sự
nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ngay sau khi ban hành Dược điển Việt Nam IV, Bộ trường Bộ Y tế đã ra
Quyết định số 3931/QĐ-BYT ngày 14/10/2009 và Quyết định sô 5322/QĐ-BYT
ngày 31/12/2010, vê việc thành lập Ban Thường trực Hội đông Dược điển Việt
Nam V và giao cho Hội đồng việc xây dựng, biên soạn Dược điển Việt Nam V
(DĐVN V), đồng thời hướng dẫn triển khai thực hiện DĐVN IV.
Qua 7 năm triển khai thực hiện, đến nay Hội đồng đã hoàn thành việc xây
dựng các Bộ tiêu chuẩn Quốc gia về thuốc và đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học
công nghệ công bố. Trên cơ sở đó, ngày 28 tháng 11 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế
đã ký Quyết định số 5358/QĐ-BYT về việc ban hành Dược điển Việt nam V,
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Ở lần xuất bản này,
Dược điển Việt nam có một bước tiến mới cả về chất lượng và sổ lượng với 361
chuyên luận mới và 357 tiêu chuẩn DĐVN IV được sửa đổi, bổ sung, cập nhật. Các
chuyên luận mới và các chuyên luận sửa đổi đã được xây dựng với các chỉ tiêu
đánh giá toàn diện hơn về chất lượng thuốc như các chi tiêu về giải phóng dược
chất, đánh giá tạp chất, độ an toàn…. Các phép thử có độ tin cậy cao hơn, các
phương pháp phân tích hiện đại, hiệu quả hơn cũng được đưa vào nhiều hơn,
nhưng vẫn đảm bảo tính thực thi áp dụng đổi với các cơ sở sản xuất, kinh doanh
trong nước, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế và hài hòa với các Dược điển
tiên tiến trên thế giới. Dược điển Việt Nam V có số chuyên luận tăng vượt bậc với
1519 chuyên luận, trong đó có 485 nguyên liệu hóa dược, 385 thành phẩm hóa
dược, 372 dược liệu và thuốc từ dược liệu, 41 vắc xin và sinh phẩm y tế, 8 bao bì
và nguyên liệu sản xuất bao bì cấp 1, 138 phổ hông ngoại chuẩn, 228 chuyên mục
chung và trên 650 hóa chất, thuốc thử. Với nội dung tăng lên tương đương với
khoảng 2200 trang sách, Dược điển Việt Nam V được in thành hai tập, tập 1 gồm
nguyên liệu hóa dược và thành phẩm hóa dược, tập 2 gồm dược liệu, thuốc từ dược
liệu, vắc xin, sinh phẩm và các phụ lục.
Dược điển Việt Nam V đã được xây dựng và biên soạn một cách khoa học,
công phu, theo một quy trình thống nhất, có tham khảo những Dược điên nước
ngoài mới nhất, đối chiếu với thực tế sản xuất và kiểm nghiệm thuốc ở Việt Nam
hiện nay cùng như 5 năm tiếp theo. Nhằm đảm bảo khả năng triển khai áp dụng
trong thực tế, phần lớn kỹ thuật kiểm nghiệm trong các chuyên luận đều đã được
thẩm định tại các cơ sở kiểm nghiệm thuốc (Viện Kiểm nghiệm thuốc- Trung ương,
Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Phúth, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin
vả sinh phẩm y tế, các trường đại học Dược, một số Trung tâm Kiểm nghiệm dược
phẩm – mỹ phẩm và một số doanh nghiệp Dược…).
Dược điển Việt Nam V là bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc đã được xác định
tại Luật Dược và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Điều này khẳng định
tính quy phạm kỳ thuật của tiêu chuẩn dược điển. Vi vậy, việc triển khai áp dụng
DĐVN V là yêu cầu cần thiết trong sản xuất kinh doanh và kiểm tra chất lượng
dược phẩm nhằm góp phần vào việc đảm bảo chất lượng thuốc.
Các cơ quan đơn vị tham gia xây dựng Dược điển Việt Nam V:
Cục quàn lý Dược, Bộ Y tế
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ
Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ưonng, Bộ Y tế
Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP, Hồ Chí Phúth, Bộ Y tế
Trường Đại học Dược Hà Nội
Khoa Dược, Đại học Y - Dược TP. Hồ Chí Phúth
Viện Dược liệu, Bộ Y tế
Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và Sinh phẩm Y tế, Bộ Y tế
Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bộ Y tế
Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội
Trung tâm Kiểm nghiệm Thuổc, Mỳ phẩm, Thực phẩm Thừa Thiên Huế
Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phấm, Thực phẩm TP. Hồ Chí Phúth
Viện kiểm nghiệm, nghiên cứu Dược và trang thiết bị y tế quân đội
Danh mục phụ lục mới của Dược điển Việt Nam V so với Dược điển Việt
Nam IV:
Phụ lục 1: Dung dịch rửa vết thương, Yêu cầu chung đối với các chế phẩm
probiotic, Thuật ngữ dạng thuốc theo mỏ hình giải phóng dược chất.
Phụ lục 4: Phổ khối, Phổ khối - plasma cảm ứng (ICP- MS), Phổ huỳnh quang
tia X, Phổ Raman.
Phụ lục 6: Phân tích nhiệt, Xác định khối lượng riêng thô và khối lượng riêng
gõ cùa bột.
Phụ lục 10: Xác định các chất bảo quản kháng khuẩn, Định lượng acid
omega-3 trong dầu cá, Định lượng vitamin D.
Phụ lục 11: Phép thìr độ đồng đều đơn vị liều, Phép thử độ giải phóng dược
chất của thuốc dán thấm qua da
Phụ lục 12: Xác định hàm lượng adatoxin B1 trong dược liệu, Xác định acid
aristolochic I trong dược liệu, Hướng dẫn thiết lập dấu vân tay hóa hục của dược
liệu bằng phương pháp sắc ký lỏng hoặc sắc ký khí, Lỗ khí và chỉ số lỗ khí.
Phụ lục 13: Định lượng hoạt tính vitamin B12 bằng phương pháp vi sinh vật
1.2.2. Các quy định chung trong Dược điển Việt Nam V
Tên chính của các chuyên luận là tên Việt Nam, sau tên Việt Nam là tên Latin
và những tên Việt Nam thông dụng khác nếu có.
Đổi với dược liệu: Có thể dùng tên qui ước của dược liệu hoặc dùng tên cây,
con kèm theo bộ phận dùng làm thuốc để làm tên chuyên luận, những từ chỉ bộ
phận dùng làm thuốc để trong dấu ngoặc đơn, ví dụ: (Lá), (Quả), (Thân rễ).... Tên
qui ước của dược liệu là tên của vị thuốc đã được dùng trong y học cổ truyền.
Mỗi chuyên luận của Dược điển Việt Nam V (chuyên luận riêng hay phụ lục)
là một tiêu chuẩn về chất lượng thuốc hoặc phương pháp kiểm nghiệm thuốc của
Việt Nam.
Các đơn vị đo lường dùng trong Dược điển Việt Nam V đều tuân theo Luật
Đo lường ban hành ngày 11/11/2011 và Nghị định của Chính phủ số 86/2012/NĐ-
CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường.
Nếu không có chỉ dẫn khác, mọi nhiệt độ được ghi trong Dược điển Việt Nam
V đều được biểu thị bằng độ bách phân Celsius, ký hiệu là °C.
Nhiệt độ tiêu chuẩn được qui định là 20°C, nhiệt độ bình thường của phòng
thí nghiệm (nhiệt độ phòng) được qui định là 20 đến 30°C. Nếu không có chỉ dẫn
gì khác, tất cả thử nghiệm đối với thuốc phải thực hiện ở nhiệt độ phòng và những
nhận xét két quả phải thực hiện ngay sau khi thao tác. Tuy nhiên khi đánh giá kết
quả một thử nghiêm bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ thì phải thực hiện ở điều kiện nhiệt
độ tiêu chuẩn (20°C).
Trong thử nghiệm Mất khối lượng do làm khô, nếu chỉ qui định tiến hành ở
một nhiệt độ nào đó, thì giới hạn cho phép về nhiệt độ được hiểu là: Nhiệt độ qui
định ± 2°C.
Nhiệt độ nước: Nước cách thủy là nước có nhiệt độ 98°C đến 100°C, trừ khi
có chỉ dẫn khác; cụm từ trong cách thủy có nghĩa là dụng cụ ngâm trong nước đun
sôi, "trên cách thủy" có nghĩa là dụng cụ chỉ tiếp xúc với hơi nước đun sôi. Nước
nóng: 70°C đến 80°C. Nước ấm: 40°C đến 50°C. Nước lạnh: 2°C đến 10°C. Nước
đá: 0°C.
Nhiệt độ nơi bảo quản: Lạnh sâu: Dưới -10°C. Lạnh: 2°C đến 10°C. Mát:
10°C đến 20°C.
Nhiệt độ phòng: 20°C đến 30°C (là nhiệt độ phổ biến ở nơi làm việc).
Nhiệt độ phòng có điều nhiệt: 20°C đến 25°C (là nhiệt độ được duy trì bằng
máy điều hòa nhiệt độ). Nóng: 35°C đến 40°C. Rất nóng: Trên 40°C.
Áp suất được biểu thị bằng số đơn vị kiloPascan (kPa).
Nếu ghi chân không mà không cỏ chỉ dẫn gì khác thì có nghĩa là áp suất
không quá 2,0kPa (15 mm thủy ngân).
Khái niệm cân chính xác là cân tới 0,1 mg; 0,01 mg hoặc 0,001 mg tùy theo
độ nhạy của loại cân phân tích dùng để cân sao cho sai số của phép cân không quá
0,1 %.
Khối lượng cân được có độ chính xác phù hợp với độ lặp lại xác định. Độ lặp
lại đó tương ứng với +5 hoặc -5 đơn vị sau chữ số có nghĩa cuối cùng đâ cho; ví
dụ: Lượng cân 0,25 g nghĩa là lượng cân đó nằm trong khoảng 0,245 g đến 0,255
g.
Khái niệm “cân” nghĩa là phép cân được thực hiện với sai số dưới 1%.
Khái niệm “cân khoảng” là cân để lấy một lượng không quá ± 10 % lượng chỉ
định trong chuyên luận.
Khái niệm “sấy đến khối lượng không đổi” và “nung đến khối lượng không
đổi” nghĩa là hai lần cân liên tiếp không khác nhau quá 0,5 mg. Lần cân thứ hai
tiến hành sau một thời gian sấy hoặc nung thêm (thường 1 giờ là thích hợp) tùy
theo tính chất và lượng cân.
Khái niệm “đã cân trước” (chén nung, bình, vại...) nghĩa là dụng cụ được xử
lý đến khối lượng không đổi. Nếu trong chuyên luận có qui định phải cân một cắn
hay một tủa (sấy khô, nung, đun bốc hơi) trong những dụng cụ thì có là những
dụng cụ này được sấy hoặc nung đển khối lượng không đổi.
Khi đo thể tích, nếu chữ số sau dấu thập phân là 0 hoặc tận cùng bằng 0 thì
thể tích đó phải đong, đo chính xác (ví dụ 10,0 ml hoặc 0,50 ml). Khái niệm
“đong, đo chính xác” để lấy một thể tích dung dịch hay chất lỏng là phải đong đo
bằng pipet chính xác, bình định mức hay buret chuẩn. Còn “đong, đo” được hiểu là
dùng ống đong hoặc những phương tiện khác thích hợp để đo thể tích. Những thể
tích cỡ microlit được đo bằng micropipet hay microsyringe (bơm chất lỏng siêu
vi).
Để đếm giọt, dùng ống đếm giọt chuẩn, 20 giọt nước tinh khiết của ống này ở
20°C có khối lượng từ 0,90 g đến 1,10 g.
"Nước" có nghĩa là nước tinh khiết. Nước tinh khiết được sử dụng trong tất cà
các thử nghiệm thuốc nhưng không dùng với những chế phẩm tiêm. Một dung
dịch, nếu không ghi rõ dung môi sử dụng thì được hiểu là dung dịch trong nước
tinh khiết hay nước cất.
Khái niệm "ngay" và "ngay lập tức" dùng trong thừ nghiệm thuốc cỏ nghĩa là
thao tác này phải thực hiện trong vòng 30 giây sau thao tác trước đó.
Thử định tính là phép thử cần thiết đổ nhận biết một dược chất hay những
thành phần chính của thuốc dựa trên tính chất vật lý hay hóa học đặc trưng. Nhận
biết một dược liệu hay thuốc từ dược liệu dựa trên mô tả, đặc điểm vi phẫu, bột và
các phép thừ vật lý hóa học đặc trưng.
Phổ hấp thụ hổng ngoại là phương pháp chuẩn xác để định tính, vì mồi một
chất chỉ cho một vùng "điẻm chỉ" của phổ, không trùng lặp với phổ của những
chất khác. Những đặc tinh của phố hồng ngoại có thể được dùng như là phép thử
hàng đầu để định tính. Thường thì phép thử phổ hồng ngoại tự nó đà đủ tin cậy và
không cần thêm phép thử nào khác. Tuy nhiên, khi một sản phẩm là một muối thì
cần thiết thử thêm "ion đặc hiệu". Nhữmg phép thử định tính tiếp theo trong
chuyên luận là để khẳng định lại về định tính của phổ hồng ngoại đã làm trước.
Trong trường họp cần thiết, cần tiến hành xác định thêm điểm chảy cùa thuốc; khi
điểm chảy không có sự lặp lại đúng như nhiệt độ đã qui định thì có thể dùng một
giá trị xấp xỉ, giới hạn sai số được qui định trong chuyên luận riêng.
Thừ tinh khiết là tập hợp các phép thử nhằm phát hiện những tạp chất nhiễm
vào thuốc. Để kiểm tra độ tinh khiết, phải thử xác định sự có mặt các tạp chất, số
lượng và giới hạn của chúng cũng như những yêu cầu khác tùy theo mỗi chuyên
luận. Những tạp chất được coi là đối tượng phải thử là những chất thường được
đưa vào trong quá trình sản xuất hoặc xuất hiện trong quá trình bảo quản và những
tạp chất bất thường như những kim loại nặng, arsen...Dược điển chỉ quy định kiểm
tra những tạp chất thường gặp. Nồng độ của tạp chất được biểu thị bằng phần triệu
của khối lượng, hoặc khi giới hạn vượt quá 500 phần triệu thì được biểu thị bằng
phần trăm (%). Những giá trị này chỉ là khoảng giá trị phù hợp với những yêu cầu
đã được xác định dựa trên sự thích hợp với những thử nghiệm đã cho.
Trong chuyên luận kháng sinh, tại mục định lượng có ghi đồng thời hai
phương pháp là phương pháp vi sinh vật và hóa học hay hóa lý; mỗi phương pháp
đều có thể được sử dụng. Phương pháp định lượng vi sinh vật là phương pháp được
khuyến cáo áp dụng, nếu dùng phương pháp khác để định lượng thì phương pháp
đó không kém tin cậy hơn phương pháp vi sinh vật. Nếu kết quả của hai phương
pháp quá chênh lệch thì lấy kết quả theo phương pháp vi sinh vật để kết luận (trừ
khi có chỉ dẫn khác).
Phương pháp qui định trong Dược điên Việt Nam có thể được thay thế bằng
những phương pháp khác có độ đúng, độ chính xác cao hơn. Tuy nhiên, khi có sự
chênh lệch, nghi ngờ, thì chỉ kết quả thu được từ phương pháp ghi trong Dược điển
là có giá trị để đưa ra kết luận cuối cùng.
Khi thử nghiệm hay định lượng (trừ chỉ dẫn khác) nếu qui định mẫu thử phải
so sánh với mẫu kiểm tra trắng thì phải chuẩn bi mẫu này như mẫu thử nhưng
không cho chất cần thử hay cần định lượng và phải tiến hành song song cùng điều
kiện như mẫu thừ. Cũng tương tự như vậy khi thừ nghiệm được yêu cầu tiến hành
song song với mẫu đối chiếu (chứng).
Trong cách biểu thị nồng độ dung dịch, nếu không có chỉ dẫn gì khác, nồng
độ được biểu thị là phần trăm (%) khối lượng trên thê tích (kl/tt), tính theo số gam
chất hòa tan trong 100 ml dung dịch, ký hiệu là % (kl/tt) hoặc %.
Ethanol không có chỉ dẫn gì khác thì có nghĩa là ethanol tuyệt đối. Khái niệm
"alcol" không có chỉ dẫn gì nghĩa là alcol chứa khoảng 96% (tt/tt) ethanol. Dung
dịch ethanol trong nước ở những nồng độ khác được chỉ bằng từ ethanol kèm theo
tỷ lệ phần trăm.
Bình hút ẩm: một bình kín có kích thước thích hợp, bên trong chứa silica gel
hoặc một chất làm khô khác để giữ cho không khí trong bình có độ ẩm thấp. Bình
hút ẩm chân không là bình hút ẩm chứa một chất làm khô thích hợp và có áp suất
không quá 2,0 kPa.
Danh pháp thực vật, động vật của cây, con làm thuốc gồm tên chi và tên loài,
họ thực vật hay động vật. Dược liệu được ghi trong Dược điển là bộ phận dùng làm
thuốc có lưu hành trên thị trường, không lẫn tạp chất.
Việc làm khô dược liệu tại chỗ hay trong quá trình thu hái dược liệu được
hiểu như sau:
Thuật ngữ "làm khô", có nghĩa là có thể sấy, nướng khô, phơi dưới ánh sảng
mặt trời hoặc phơi trong bóng râm.
Thuật ngữ “làm khô ở nhiệt độ thấp” có nghĩa là phơi, sấy nhiệt độ không quá
60°C, được dùng cho dược liệu không chịu được nhiệt độ cao.
Thuật ngữ “dược liệu khô kiệt” có nghĩa là dược liệu được điều chỉnh khối
lượng bằng cách trừ đi khối lượng nước được xác định theo phương pháp sấy hoặc
cất với dung môi ghi trong chuyên luận riêng.
Tránh ánh sáng có nghĩa là chất đựng được để trong chai lọ thủy tinh màu hổ
phách, hoặc chai lọ thủy tinh màu, chai thủy tinh bọc bằng giấy đen hoặc bất kỳ
đồ đựng nào không bị ảnh hường bởi ánh sáng.
Đậy kín có nghĩa là đồ đựng có thể tránh cho các chất đựng bên trong không
bị bụi bẩn và các chẩt lạ bên ngoài nhiễm vào.
DƯỢC ĐIỂN CÁC NƯỚC
DƯỢC ĐIỂN ANH
DƯỢC ĐIỂN MỸ
DƯỢC ĐIỂN TRUNG QUỐC
CHƯƠNG 2: PHƯƠNG PHÁP KIỂM NGHIỆM DƯỢC PHẨM
PHƯƠNG PHÁP CHUẨN ĐỘ
PHƯƠNG PHÁP CHUẨN ĐỘ COMPLEXON
1 Nhôm (Al) 2 Bismuth (Bi) 3 Calci (Ca) 4 Chì (Pb) 5 Magnesi (Mg) 6 Kẽm
(Zn)
Nhôm (Al)
Lấy một lượng dung dịch như chỉ dẫn trong chuyên luận riêng cho vào một
bình nón 500 ml. Thêm 25 ml dung dịch Trilon B 0,1 M (CĐ) và 10 ml hỗn hợp
đồng thể tích của dung dịch amoni acetat 2 M và acid acetic loãng . Đun sôi dung
dịch 2 phút, để nguội, thêm 50 ml ethanol và 3 ml dung dịch dithizon 0,025 %
(kl/tt) mới pha trong ethanol rồi chuẩn độ dung dịch Trilon B 0,1 M thừa bằng
dung dịch kẽm Sulfat 0,1 M (CĐ) đến khi màu của dung dịch chuyển từ xanh sang
tím đỏ. 1 ml dung dịch Trilon B 0,1 M (CĐ) tương đương với 2,698 mg Al.
Bismuth (Bi)
Nếu không có chỉ dẫn gì khác, pha loãng chế phẩm với nước thành 250 ml.
Vừa lắc vừa thêm từng giọt amoniac 13,5 M cho đến khi tủa bắt đầu xuất hiện.
Thêm 0,5 ml acidnitric và đun nóng đến 70 °C, duy trì nhiệt độ này cho đến khi
dung dịch trong suốt. Thêm khoảng 50 mg hỗn hợp da cam xylenol rồi chuẩn độ
bằng dung dịch Trilon B 0,1 M (CĐ) đến khi màu của dung dịch chuyển từ tím
hồng sang vàng. 1 ml dung dịch Tri lon B 0,1 M (CĐ) tương đương với 20,90 mg
Bi.
Calci (Ca)
Lấy một lượng dung dịch chế phẩm như chỉ dẫn trong chuyên luận cho vào
một bình nón 500 ml rồi pha loãng với nước thành 300 ml, Thêm 6 ml dung dịch
natri hydroxyd 10 M và khoảng 200 mg hỗn hợp calcon rồi chuẩn độ bằng dung
dịch Trilon B 0,1 M (CĐ) đến khi màu của dung dịch chuyển từ tím sang xanh
hoàn toàn. 1 ml dung dịch Trilon B 0,1 M (CĐ) tương đương với 4,008 mg Ca.
Chì (Pb)
Lấy một lượng dung dịch chế phẩm như chỉ dẫn trong chuyên luận cho vào
một bình 500 ml rồi pha loãng với nước thành 200 ml. Thêm khoảng 50 mg hỗn
hợp da cam xylenol và một lượng hexamin vừa đủ để thu được dung dịch có màu
hồng tím rồi chuẩn độ bằng dung dịch Trilon B 0,1 M (CĐ) đến khi dung dịch
chuyển sang màu vàng. 1 ml dung dịch Trilon B 0,1 M (CĐ) tương đương với
20,72 mg Pb.
Magnesi (Mg)
Cho vào một bình nón 500 ml một lượng dung dịch chế phẩm như chỉ dẫn
trong chuyên luận và pha loãng với nước thành 300 ml hoặc hòa tan một lượng chế
phẩm như chỉ dẫn trong chuyên luận trong 5 ml đến 10 ml nước hoặc trong một
lượng nhỏ dung dịch acid hydrocloric 2 M rồi pha loãng với nước thành 50 ml.
Thêm 10 ml dung dịch đệm amoniac pH 10,0 và khoảng 50 mg hỗn hợp đến
eriocrom T vào dung dịch cuối cùng. Đun nóng dung dịch đến 40 °C và chuẩn độ ở
nhiệt độ đó bằng dung dịch Trilon B 0,1 M (CĐ) đến khi màu của dung dịch
chuyển từ tím sang xanh lam hoàn toàn. 1 ml dung dịch Trilon B 0,1 M (CĐ) tương
đương với 2,431 mg Mg.
Kẽm (Zn)
Cho vào một bình nón 500 ml một lượng dung dịch như đã chỉ dẫn trong
chuyên luận rồi pha loãng với nước thành 200 ml. Thêm khoảng 50 mg hỗn hợp da
cam xylenol và một lượng hexamin vừa đủ để làm dung dịch chuyển sang màu
hồng tím. Thêm 2 g hexamin nữa rồi chuẩn độ bằng dung dịch Trilon B 0,1 M
(CĐ) đến khi màu của dung dịch chuyển sang vàng. 1 ml dung dịch Trilon B 0,1 M
(CĐ) tương đương với 6,54 mg Zn.
PHƯƠNG PHÁP CHUẨN ĐỘ BẰNG NITRIT
Chuẩn độ bằng nitrit là phương pháp định lượng thể tích, trong đó dung dịch
chuẩn độ là dung dịch natri nitrit. Phương pháp này được dùng chủ yếu để định
lượng các chế phẩm có chứa nhóm amin thơm bậc nhất hoặc những chế phẩm khác
mà qua biến đổi hóa học chuyển được thành hợp chất có nhóm amin thơm bậc
nhất.
Cách tiến hành: Cân chính xác một lượng chế phẩm tương ứng với khoảng
0,002 phân tử gam hoạt chất (hoặc theo chỉ dẫn trong chuyên luận riêng) hòa tan
trong 20 ml acid hydrocloric, và 50 ml nước. Cho thêm 2 g kali bromid, làm lạnh
trong nước đá rồi chuẩn độ bằng dung dịch natri nitrit 0,1 M (phải để đầu nhỏ dung
dịch chuẩn độ của buret ngập dưới mặt dung dịch cần chuẩn độ). Trong quá trình
chuẩn độ phải lắc bình liên tục, nhẹ nhàng sao cho không tạo ra dòng xoáy không
khí trong dung dịch (tốt nhất là dùng máy khuấy từ). Nhỏ dung dịch chuẩn độ với
tốc độ lúc đầu chừng 2 ml trong một phút, đến trước điểm tương đương khoảng 1
ml thì nhỏ từng 0,1 ml một và để yên ít nhất 1 phút sau mỗi lần thêm dung dịch.
Điểm kết thúc được xác định bằng phương pháp đo điện (theo hướng dẫn trong các
Phụ lục 10.1, Phương pháp chuẩn độ đo ampe hoặc Phụ lục 10.2, Phương pháp
chuẩn độ đo điện thế) hoặc bằng chỉ thị màu thích hợp.
PHƯƠNG PHÁP CHUẨN ĐỘ TRONG MÔI TRƯỜNG KHAN
Chuẩn độ trong môi trường khan là phương pháp chuẩn độ acid và base yếu
hoặc những muối của chúng trong môi trường không phải là nước.
Phương pháp 1 (Áp dụng cho base và muối của chúng): Hòa tan một
lượng chế phẩm như chỉ dẫn trong chuyên luận riêng trong một thể tích thích hợp
acid acetic khan đã được trung tính hóa trước với chỉ thị quy định trong chuyên
luận riêng, nếu cần thiết có thể làm ẩm hay làm lạnh, hoặc chuẩn bị một dung dịch
như chỉ dẫn trong chuyên luận riêng. Khi chế phẩm là muối của acid hydrocloric
hoặc acid hydrobromic thì thêm 15 ml dung dịch thủy ngân (II) acetat 5 % trước
khi trung tính dung môi, trừ khi có những chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng.
Chuẩn độ bằng dung dịch acid percloric 0,1 N (CĐ) đến khi có sự chuyển màu của
chỉ thị, điều này tương ứng với giá trị tuyệt đối cao nhất của dE/dV trong chuẩn độ
đo thế của chế phẩm thử, ở đây E là thế điện động và V là thể tích dung dịch chuẩn
độ. Việc trung tính hóa dung dịch thủy ngân (II) acetat và chuẩn hóa dung dịch
chuẩn độ cũng phải dùng cùng một chỉ thị được quy định trong chuyên luận riêng
cho chuẩn độ chế phẩm. Khi nhiệt độ t2 của dung dịch chuẩn độ ở thời điếm định
lượng khác với nhiệt độ t1 của dung dịch chuẩn độ lúc được chuẩn hóa thì tính kết
quả định lượng căn cứ vào thể tích dung dịch chuẩn độ hiệu chỉnh. Tiến hành
chuẩn độ mẫu trắng khi cần thiết.
Phương pháp 2 (Áp dụng cho acid yếu): Dung dịch chuẩn độ, dung môi và
chỉ thị được chỉ dẫn trong chuyên luận riêng. Bảo vệ dung dịch thử và dung dịch
chuẩn độ khỏi sự thâm nhập của carbon dioxyd và độ ẩm của không khí trong suốt
quá trình chuẩn độ. Hòa tan chế phẩm trong một thể tích thích hợp dung môi đã
trung tính hóa trước với chỉ thị quy định, nếu cần có thể làm ấm hay lạnh, hoặc
chuẩn bị một dung dịch chế phẩm như đã chỉ dẫn trong chuyên luận riêng. Chuẩn
độ cho đến khi có sự chuyển màu của chỉ thị, điều này tương ứng với giá trị tuyệt
đối cao nhất của dE/dV trong chuẩn độ đo thế của chế phẩm, ở đây E là thế điện
động và V là thể tích dung dịch chuẩn độ. Dung dịch chuẩn độ được chuẩn hóa
bằng cách sử dụng dung môi và chỉ thị giống như đã sử đụng cho chuẩn độ chế
phẩm. Tiến hãnh chuẩn độ mẫu trắng khi cần thiết.
PHƯƠNG PHÁP CHUẨN ĐỘ ĐO AMPE
Trong chuẩn độ đo ampe, điểm kết thúc được xác định bằng cách quan sát sự
biến đổi của cường độ dòng điện đo giữa hai điện cực (một điện cực chỉ thị và một
điện cực so sánh hoặc hai điện cực chỉ thị) nhúng trong dung dịch khảo sát và duy
trì một hiệu điện thế không đổi. Cường độ dòng điện này là một hàm số mà biến số
là lượng dung dịch chuẩn độ thêm vào. Thế của điện cực đo cần phải đủ để đảm
bảo dòng khuếch tán đối với chất điện hoạt.
Thiết bị
Máy gồm có một nguồn cung cấp điện thế điều chỉnh được và một dồng hồ đo
microampe nhạy. Hệ thống để phát hiện nói chung gồm một điện cực chỉ thị (ví dụ:
điện cực platin, điện cực giọt thủy ngân, điện cực có đĩa quay hoặc điện cực than)
ghép đôi với một điện cực so sánh như điện cực calomel hoặc điện cực bạc – bạc
clorid. Có thể dùng máy có 3 điện cực, máy này ngoài điện cực chỉ thị và điện cực
so sánh còn có điện cực bổ trợ phân cực.
Cách tiến hành
Chính thế của điện cực chỉ thị theo các chỉ dẫn trong chuyên luận riêng. Lập
đồ thị biểu diễn cường độ dòng ban đầu và các giá trị cường độ dòng khác thu
được trong khi chuẩn độ, dưới dạng một hàm số với biến sổ là lượng dung dịch
chuẩn độ thêm vào. Khi tổng lượng dung dịch chuẩn độ thêm vào đại xấp xỉ 80 %
thể tích lý thuyết dung dịch chuẩn độ cần dùng để đạt điểm tương đương, thêm
dung dịch chuẩn độ không ít hơn 3 lần liên tiếp để tiến dần tới điểm tương đương.
Các giá trị thu được này cần phải ở trên một đường thẳng. Tiếp tục thêm dung dịch
chuẩn độ đến quá điểm tương đương và lại thêm không ít hơn ba lần liên tiếp dung
dịch chuẩn độ nữa, các giá trị thu được lần này phải ở trên một đường thang khác.
Điểm kết thúc của phép chuẩn độ là giao điểm của hai đường thẳng nói trên. Trong
trường hợp chuẩn độ đo ampe bằng hai điện cực chỉ thị nên ghi lại toàn bộ đường
cong chuẩn độ và dùng đồ thị này để xác định điểm tương đương.
PHƯƠNG PHÁP CHUẨN ĐỘ ĐO ĐIỆN THẾ
Trong chuẩn độ đo điện thế, điểm kết thúc của chuẩn độ được xác định bẳng
cách quan sát sự biến đổi hiệu số điện thế đo được giữa hai điện cực (một điện cực
chỉ thị và một điện cực so sánh hoặc hai điện cực chỉ thị) nhúng trong dung dịch
khảo sát. Sự biến đổi này như là một hàm số mà biến số là lượng dung dịch chuẩn
độ thêm vào. Điện thế thường được đo ở cường độ dòng điện bằng không hoặc
thực tế bằng không. Máy Máy được sử dụng (máy đo thế đơn hoặc máy có tổ hợp
mạch điện tử) gồm có một vôn kế cho phép đọc được tới 1 mV. Tùy theo bản chất
của hợp chất cần định lượng mà chọn điện cực chỉ thị, có thể là điện cực thủy tinh
hoặc điện cực kim loại (như platin, vàng, bạc, thủy ngân….). Điện cực so sánh
thường là điện cực calomel hoặc điện cực bạc – bạc clorid. Trong chuẩn độ acid
kiềm, trừ trường hợp có những chỉ dẫn khác của chuyên luận riêng, người ta
thường dùng điện cực kép thủy tinh – calomel hoặc thủy tinh – bạc – bạc clorid.
Cách tiến hành Lập đồ thị biểu diễn những biến đổi về điện thế tương ứng với
lượng dung dịch chuẩn độ thêm vào cho đến và vượt điểm tương đương giả định.
Điểm kết thúc của chuẩn độ tương ứng với điểm mà ở đó có sự thay đổi đột biến
về điện thế.
PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ
PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ GIẤY
Nguyên tắc
Phương pháp sắc ký giấy, cũng như phương pháp sắc ký lớp mỏng, được áp
dụng trong kiểm nghiệm chất lượng thuốc để định tính, thử tinh khiết và đôi khi để
bán định lượng và định lượng. Sự tách các chất bằng phương pháp sắc ký giấy dựa
chủ yếu trên sự khác nhau về hệ số phân bố của chúng giữa hai pha lỏng: Một pha
tĩnh và một pha động. Pha tĩnh ở đây là nước có sẵn trong sợi celulose của giấy,
hoặc thành phần thân nước từ hỗn hợp dung môi của pha động được hút chọn lọc
vào giấy. Pha động là một hệ dung môi thích hợp cho sự tách đã được quy định
trong các chuyên luận. Mức độ di chuyển của một chất được đặc trưng bởi hệ số di
chuyển (Rf) và tính bằng tỷ lệ giữa khoảng cách di chuyển của chất đo và khoảng
cách di chuyển của dung môi: Rf = a/b Trong đó: a là khoảng cách di chuyển của
chất phân tích; b là khoảng cách di chuyển của dung môi tính từ điểm chấm mẫu.
Giá trị Rf bao giờ cũng nhỏ hơn 1.
Trong trường hợp sắc ký liên tục không còn xác định được giới tuyến của
dung môi, người ta dùng hộ số di chuyển Rr. Rr là tỷ số giữa khoảng cách di
chuyển của chất phân tích và khoảng cách di chuyển của chất dùng làm chuẩn so
sánh. Giá trị Rr có thể nhỏ hơn hay lớn hơn 1.
Cách tiến hành
Chuẩn bị bình sắc ký: Bình sẳc ký là những bình thủy tinh hình trụ hoặc hình
hộp dẹt, có kích thước thích hợp, có nắp đậy kín. Nắp có lỗ ở giữa để lắp bình gạn
có khóa đựng dung môi. Trong bình có các giá để máng đựng dung môi và treo
giấy sắc ký được thiết kế thích hợp cho kiểu sắc ký đi lên hay sắc ký đi xuống.
Chuẩn bị dung môi: Thành phần và tỷ lệ các dung môi được quy định trong các
chuyên luận. Việc trộn các thành phần được tiến hành trong bình gạn, sau khi lắc
đều, để yên. Nếu có tách lớp thì gạn lấy lớp pha thân nước, thường là lớp dưới, làm
dung môi pha tĩnh để bão hòa giấy sắc ký sau khi đã chấm các chất phân tích, còn
lớp trên dùng làm dung môi pha động. Nếu dung môi không tách lớp thì dùng
chính dung môi đó để bão hòa giấy sắc ký. Chuẩn bị giấy: Giấy sắc ký là loại giấy
đặc biệt dành riêng cho sắc ký, có bề dày thích hợp. Tùy theo kích thước của bình
và so lượng các vết cần chấm mà cắt những khổ giấy hình chữ nhật thích hợp,
chiều dài dọc theo thớ giấy. Chiều rộng phải nhỏ hơn chiều dài của máng dung môi
nhưng không được nhỏ hơn 2,5 cm. Bề dài phải tính sao cho khi treo giấy vào bình
không được để đầu dưới chạm vào máng dung môi trong khi bão hòa dung môi.
Trường hợp bình sắc ký có hình chuông úp thì giấy phải cuộn tròn và cố định bằng
móc thủy tinh hoặc khâu bằng chỉ. Đường kính của cuộn giấy phải nhỏ hơn đường
kính của đĩa để giấy nhằm tránh giấy chạm vào thành đĩa. Chấm sắc ký: Kẻ một
đường chỉ mảnh song song với mép giấy (đường vạch để chấm sắc ký) theo chiều
rộng và cách mép giấy 3 cm đối với sắc ký đi lên để sao cho các vết chấm không bị
ngập vào dung môi, 6 cm đối với sắc ký đi xuống để vạch chấm không trùng với
đũa thủy tinh đỡ giấy mà thấp hơn 2 cm khi đặt giấy treo vào máng ở phần trên của
bình. Dùng micropipet chia độ tới 0,001 ml đến 0,002 ml hoặc mao quản có dung
tích xác định (2 μl; 5 μl; 10 μl) để chấm các dung dịch chất cần sắc ký thành vết có
đường kính không quá 8 mm. Muốn giữ đường kính của vết chấm nhỏ, phải chấm
nhanh nhiều lần, đợi giọt trước khô mới chấm tiếp. Lượng chấm và nồng độ dung
dịch chất thử được quy định trong chuyên luận.Khi chấm nhiều vết trên một dải
giấy thì vết chấm :phải cách vết chấm kia ít nhất là 30mm.
Triển khai sắc ký
Phương pháp sắc ký đi lên: Rót dung môi làm pha động vào máng dung môi
để được một lớp dung môi cao 2,5 cm, và trong trường hợp pha tĩnh được chỉ định
(là phần tách lớp phía dưới khi trộn hỗn hợp dung môi) thì rót pha tĩnh vào khe
giữa máng dung môi và thành bình sắc ký. Đậy kín nắp bình, để yên trong 24 h ở
nhiệt độ 20 °C đến 25 °C và duy trì ở nhiệt độ này trong quá trình tiếp theo. Sau đó
treo giấy đã chuẩn bị vào bình, đậy nắp, để yên tiếp 90 phút. Tiếp theo dùng tay
vặn ở ngoài bình để hạ tờ giấy sắc ký vào máng dung môi sao cho vạch chấm
không ngập vào dung môi. Triển khai sắc ký đến một thời gian hoặc một khoảng
cách quy định trong chuyên luận. Lấy giấy ra, đánh dấu ngay giới tuyến dung môi
và để khô ngoài không khí hoặc làm khô bằng không khí nóng của máy quạt sấy.
Phải chú ý tránh ánh sáng trong suốt quá trình triển khai. Làm hiện vết bằng cách
phun thuốc thử màu thích hợp, hoặc soi dưới đèn tử ngoại theo quy định của
chuyên luận. Tính giá trị Rf và đánh giá kết quả.
Phương pháp sắc ký đi xuống: Cũng tiến hành tương tự như sắc ký đi lên,
chỉ khác các điểm sau đây: Rót dung môi làm pha tĩnh vào đáy bình, tạo một lớp
cao khoảng 2 cm; đặt giấy vào máng dung môi ở phần trên bình, dùng một đũa
thủy tinh để chèn giấy, gác đầu gíấy treo qua đũa thủy tinh để không cho giấy
chạm vào mép máng và chạm vào thành bình. Sau thời gian để bão hòa bình và
giấy theo quy định như trên, rót pha động vào máng đựng dung môi ở phía trên.
Thường sắc ký đi xuống được áp dụng cho các hỗn hợp khó tách và phải chạy sắc
ký liên tục nên phải tính kết quả theo Rr.
PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ LỚP MỎNG
Phương pháp sắc ký lớp mỏng được dùng để định tính, thử tinh khiết và đôi
khi bán định lượng hoặc định lượng hoạt chất. Sắc ký lớp mỏng là một kỹ thuật
tách các chất dược tiến hành khi cho pha động di chuyển qua pha tĩnh trẽn đó đã
chấm hỗn họp các chất cần tách. Pha tĩnh là chất hấp phụ được chọn phù hợp theo
từng yêu câu phân tích, được trải
thành lóp mòng đồng nhất và được co định trên các phiến kính hoặc phiến
kim loại. Pha động là một hệ dung môi đơn hoặc đa thành phẩn được trộn với
nhau theo tỷ lệ quy định trong từng chuyên luận. Trong quá trình di chuyển qua
lớp hấp phụ, các cấu tử trong hỗn hợp mẫu thử được di chuyển trên lớp mỏng, theo
pha động, với những tốc độ khác nhau. Kết quả thu được là một sắc ký đồ trên lớp
mỏng. Cơ chế của sự tách là cơ chế hấp phụ, phân bố, trao đổi ion, sàng lọc phân
tử hay sự phối hợp đồng thời của nhiều cơ chế tùy thuộc vào tính chất của chất làm
pha tĩnh và dung môi làm pha động. Đại lượng đặc trưng cho mức độ di chuyển
của chất phân tích là hộ số di chuyển Rf được tính bang tỷ lệ giữa khoảng dịch
chuyển của chát thừ và khoảng dịch chuyển của dung môi.
Pha tĩnh là chất hấp phụ được chọn phù hợp theo từng yêu cầu phân tích,
được trải thành lớp mỏng đồng nhất và được cố định trên các phiến kính hoặc
phiến kim loại, thường pha tĩnh là silica gel,aluminium oxid, hoặc cellulose được
phủ trên một mặt phẳng chất trơ. Pha động là một hệ dung môi đơn hoặc đa thành
phần được trộn với nhau theo tỷ lệ quy định trong từng chuyên luận.
Dụng cụ: Bình triển khai, thường bằng thủy tinh trong suốt có kích thước phù
hợp với các phiến kính cần dùng và có nắp đậy kín. Đèn tử ngoại, phát các bức xạ
có bước sóng ngắn 254 nm và bước sóng dài 365 nm. Dụng cụ để phun thuốc thử.
Tủ sấy điều nhiệt để hoạt hóa và sấy bản mỏng và sắc ký đồ, hoặc để sấy nóng đối
với một số phản ứng phát hiện. Tủ hút hơi độc. Máy sấy dùng để sấy khô sắc ký đồ
và cho phép chấm nhanh nhiều lần những dung dịch pha loãng chất cần phân tích.
Một máy ảnh tốt có thề chụp lưu giữ sắc ký đồ ở ánh sáng ban ngày với khoảng
cách 30 cm đến 50 cm. Tủ lạnh để bảo quản những thuốc thử để hỏng. Bản mỏng
tráng sẵn chất hấp phụ có chất phát quang thích hợp.Trường hợp phòng thí nghiệm
không có điều kiện trang bị các loại bản mỏng tráng sẵn thì tự chuẩn bị lấy bản
mỏng
Cách tiến hành:
Chuẩn bị thiết bị, hóa chất chính
+ Các chất hấp phụ sử dụng: Silicagel, nhôm oxyd, cellulose, bột polyamid…
Chất hấp phụ được trãi dưới dạng bột nhão có chất kết dính thành bản mỏng dính
chắc, hoặc dạng bột mịn không có chất kết dính thành bản mỏng dính chắc. Hiện
nay trong thực tế nhiều phòng thí nghiệm người ta dùng bản mỏng tráng sẵn:
Silicagel G, Silicagel GF254, …
+ Dung môi: Chọn dung môi pha động phụ thuộc vào bản chất chất nghiên
cứu. Dung môi có thể là đơn hoặc hỗn hợp chất. Các dung môi phải có độ tinh
khiết cao.
+ Bình triển khai: thường bằng thuỷ tinh trong suốt có kích thước phù hợp và
có nắp đậy kín.
+ Dụng cụ chấm sắc kí: có thể dùng máy chấm sắc kí, dùng Micropipet nhiều
cỡ từ l, 2, 5, 10 đến 20 ml, các ống mao quản hoặc dụng cụ thích hợp.
+ Phát hiện: Ðèn tử ngoại, phát các bức xạ có bước sóng ngắn 254 nm và
bước sóng dài 365 nm, dụng cụ để phun thuốc thử hay máy đo mật độ vết.
- Chuẩn bị bản mỏng: lựa chọn bản mỏng, lựa chọn chất hấp phụ phù hợp với
yêu cầu phân tích, điều chế vữa chất hấp phụ, trãi bản mỏng, làm khô tự nhiên,
hoạt hóa bản mỏng.
- Hoạt hóa: Cho các bản mỏng đã khô mặt vào tủ sấy và sấy ở 105 - 110oC
trong 30 phút (nếu không có chỉ dẫn ở chuyên luận riêng). Ðể nguội rồi bảo quản
trong bình hút ẩm. Khi dùng, nếu cần thì hoạt hóa lại bằng cách sấy ở 105-110 oC
trong 1 giờ rồi cạo bỏ một dải mỏng chất hấp phụ dọc hai bên cạnh của tấm kính.
- Chuẩn bị bình khai triển:
Các bình khai triển thường là bình thủy tinh, hình hộp hay hình trụ, có nắp
đậy kín, kích thước thay đổi tùy theo yêu cầu của các bản mỏng sử dụng.
Bão hòa hơi dung môi trong bình bằng cách lót giấy lọc xung quanh thành
trong của bình, rồi rót một lượng vừa đủ dung môi vào bình, lắc rồi để giấy lọc
thấm đều dung môi. Lượng dung môi sử dụng sao cho sau khi thấm đều giấy lọc
còn lại một lớp dày khoảng 5 mm đến 10 mm ở đáy bình. Ðậy kín nắp bình và để
yên 1 giờ ở nhiệt độ 20 - 25oC hoặc tới khi dung môi chạy hết giấy lọc.
- Chấm chất phân tích lên bản mỏng:
Lượng chất hoặc hỗn hợp chất đưa lên bản mỏng có ý nghĩa quan trọng đối
với hiệu quả tách sắc ký, đặc bịệt ảnh hưởng rất lớn đến trị số Rf. Lượng chất quá
lớn làm cho vết sắc ký lớn và kéo dài, khi đó, vết của các chất có trị số Rf gần nhau
sẽ bị chồng lấp. Lượng chất nhỏ quá có thể không phát hiện được do độ nhạy của
thuốc thử không đủ (thông thường độ nhạy của các thuốc thử trên 0,005 mg).
Lượng mẫu thông thường cần đưa lên bản mỏng là 0,1 - 50 mg ở dạng dung dịch
trong ether, c1oroform, nước hay dung môi thích hợp khác. Thể tích dung dịch từ
0,001 ml đến 0,005 ml đối với trường hợp đưa mẫu lên bản mỏng dưới dạng điểm
và từ 0,l - 0,2 ml khi đưa mẫu lên bản mỏng dưới dạng vạch như trong trường hợp
sắc ký điều chế. Ðối với sắc ký điều chế thì lượng chất có thể lên tới 10 - 50 mg.
Ðối với các dung dịch có nồng độ rất loãng thì có thể làm giàu trực tiếp trên bản
mỏng bằng cách chấm nhiều lần ở cùng một vị trí và sấy khô sau mỗi lần chấm.
Ðường xuất phát phải cách mép dưới của bản mỏng 1,5cm - 2 cm và cách bề
mặt dung môi từ 0,8 - 1 cm. Các vết chấm phải nhỏ, có đường kính 2 - 6 mm và
cách nhau 15 mm. Các vết ở bìa phải cách bờ bên của bản mỏng ít nhất 1 cm để
tránh hiệu ứng bờ.
- Triển khai sắc ký: Ðặt bản mỏng gần như thẳng đứng với bình triển khai, các
vết chấm phải ở trên bề mặt của lớp dung môi khai triển. Ðậy kín bình và để yên ở
nhiệt độ không đổi. Khi dung môi đã triển khai trên bản mỏng được một đoạn theo
quy định trong chuyên luận, lấy bản mỏng ra khỏi bình, đánh dấu mức dung môi,
làm bay hơi dung môi còn đọng lại trên bản mỏng rồi hiện vết theo chỉ dẫn trong
chuyên luận riêng.
- Đánh giá: Quan sát các vết xuất hiện, tính giá trị Rf và tiến hành định tính,
phát hiện tạp chất hoặc định lượng như quy định trong chuyên luận riêng.
PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ LỎNG
Sắc ký lỏng là phương pháp tách sắc ký các chất dựa trên sự phân bố khác
nhau của chúng giữa hai pha không trộn lẫn, trong đó pha động là một chất lỏng
chảy qua pha tĩnh chứa trong cột. Sắc ký lỏng được tiến hành chủ yếu dựa trên cơ
chế hấp phụ, phân bố khối lượng, trao đổi ion, loại trừ theo kích thước hoặc tương
tác hóa học lập thể.
Mục lục [Ẩn] 1 Thiết bị 1.1 Hệ thống bơm 1.2 Bộ phận tiêm mẫu 1.3 Pha tĩnh
1.4 Pha động 1.5 Detector 2 Các đại Iượng đặc trưng cho quá trình sắc ký 3
Phương pháp tiến hành 4 Hiệu năng 5 Thể tích tiêm 6 Pic phụ (Pic thứ cấp) 7
Nguyên vật liệu
Thiết bị
Thiết bị bao gồm một hộ thống bơm, bộ phận tiêm mẫu, cột sắc ký (bộ phận
điều khiển nhiệt độ có thể được sử dụng nếu cần thiết), detector và một hệ thống
thu dữ liệu (hay một máy tích phân hoặc một máy ghi đồ thị). Pha động được cung
cấp từ một hoặc vài bình chứa và chảy qua cột, thông thường với tốc độ không đổi
và sau đó chạy qua detector.
Hệ thống bơm
Hệ thống bơm trong sắc ký lỏng phải giữ cho pha động luôn chảy với một lưu
lượng không đổi. Những biến đổi áp suất sẽ được giảm thiểu, ví dụ cho dung môi
chạy qua một thiết bị giảm xung. Ống dẫn và hệ thống nối phải là loại chịu được
áp suất sinh ra do hệ thống bơm. Các bơm có thể được lắp với thiết bị loại bỏ bọt
khí. Hệ thống điều khiển bằng bộ vi xử lý có khả năng cung cấp pha động hoặc
hằng định (rửa giải lẳng dòng) hoặc thay đổi tỷ lệ thành phần (rửa giải gradient)
theo một chương trình xác định. Trong trường hợp rửa giải gradient, hộ thống bơm
lấy các dung môi từ một vài bình chứa và các dung môi có thể được trộn lẫn ở áp
suất thấp hoặc áp suất cao.
Bộ phận tiêm mẫu
Dung dịch mẫu thử được đưa vào dòng pha động hoặc vào vị trí gần đầu hoặc
đầu cột nhờ một bộ phận tiêm mẫu có khả năng hoạt động ở áp suất cao. Có thể
dùng vòng chứa mẫu thử, có thể tích cố định hoặc thiết bị có thể tích thay đổi, có
thể vận hành bằng tay hoặc tự động. Khi tiêm mẫu bằng tay có thể gây ra sai số đo
thể tích tiêm vào vòng chứa mẫu không đủ.
Pha tĩnh
Có nhiều loại pha tĩnh có thể được sử dụng trong sắc ký lỏng, bao gồm:
– Silica (silic dioxyd), nhôm oxyd hoặc than graphit xốp thường được dùng
trong sắc ký pha thuận mà quá trình phân tách dựa trên sự khác nhau về khả năng
hấp phụ hoặc (và) phân bố khối lượng;
– Nhựa hoặc polymer có chứa các nhóm chức acid hoặc base, sử dụng trong
sắc ký trao đổi ion mà trong đó sự chia tách được thực hiện dựa trên sự cạnh tranh
giữa các ion cần tách và các ion trong pha động;
– Silica xốp hoặc polymer, sử dụng trong sắc ký rây phân từ, ở đó sự chia tách
dựa trên sự khác nhau về kích thước phân tử, tương ứng với sự loại trừ không gian;
– Rất nhiều chất mang biến đổi hóa học được chế tạo từ polymer, silica gel
hoặc than graphit xốp được dùng trong sắc ký lỏng pha đảo mà ở đó sự chia tách
về nguyên tắc cơ bản dựa trên sự phân bố phân từ các chất giữa pha động và pha
tĩnh;
– Pha tĩnh loại biến đổi hóa học đặc biệt, ví dụ dẫn xuất của celulose hoặc
amylose, protein hoặc peptid, cyclodextrin v.v… dùng để tách các đồng phân đối
quang (sắc ký đối quang). Phần lớn sự chia tách dựa trên cơ chế phân bố, sử dụng
silica biến đổi hóa học làm pha tĩnh và các dung môi phân cực làm pha động. Bề
mặt của chất mang, ví dụ như các nhóm silanol của silica được phản ứng với các
thuốc thử silan khác nhau tạo thành các dẫn xuất silyl có liên kết cộng hóa trị, che
phủ một số lượng khác nhau các vị trí hoạt động trên bề mặt chất mang. Bản chất
của các pha liên kết là tham số quan trọng để xác định các tính chất tách của hệ sắc
ký. Các pha liên kết dùng phổ biến là: Trừ khi có tiêu chuẩn riêng của nhà sản xuất,
thông thường các cột sắc ký pha đảo dựa trên silica được coi là ổn định đối với pha
động có pH từ 2,0 tới 8,0. Cột chứa than graphit xốp hoặc các hạt vật liệu polymer
như styren – divinylbenzen copolymer ổn định ở một khoảng pH rộng hơn. Phân
tích sử dụng sắc ký pha thuận với pha tĩnh là silica không bị biến đổi, than graphit
xốp hoặc silica biến đổi hóa học làm cho phân cực (ví dụ cyanopropyl hoặc diol)
và pha động không phân cực được sử dụng trong một số trường hợp. Đối với sự
tách nhằm mục đích phân tích, kích thước hạt của pha tĩnh phổ biến nhất từ 3 μm
đến 10μm. Các hạt có thể hình cầu hoặc không có hình dạng nhất định, có độ xốp
khác nhau và diện tích bề mặt đặc hiệu. Những tham số này cấu thành biểu hiện
sắc ký của từng pha tĩnh cụ thể. Trong trường hợp pha đảo, các yếu tố bổ sung như
bản chất của pha tĩnh, mức độ liên kết, ví dụ như độ dài mạch carbon liên kết, hoặc
các nhóm hoạt động bề mặt của pha tĩnh có được che phủ hết hay không. Sự kéo
đuôi pic, đặc biệt của các chất base, có thể xảy ra khi có mặt các nhóm silanol bề
mặt của silica. Cột được làm bằng thép không gỉ trừ khi có chỉ dẫn khác trong
chuyên luận riêng, có chiều dài và đường kính trong (∅) khác nhau được sử dụng
cho phân tích sắc ký. Cột với đường kính trong nhỏ hơn 2 mm thường được coi là
vi cột. Nhiệt độ của pha động và cột phải được giữ ổn định trong suốt thời gian
phân tích. Phần lớn quá trình tách được thực hiện ở nhiệt độ phòng, nhưng cột có
thể được làm nóng nhằm thu được hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, nhiệt độ cột cũng
không được phép vượt quá 60°C vì khả năng phân hủy của pha tĩnh hoặc sự thay
đổi thành phần của pha động có thể xảy ra.
Pha động
Đối với sắc ký pha thuận, thường sử dụng dung môi ít phân cực. Sự có mặt
của nước trong pha động phải được hạn chế và kiểm tra chặt chẽ nhằm thu được
kết quả tái lặp lại. Đối với sắc ký lỏng pha đảo, sử dụng pha động chứa nước, có
hoặc không có dung môi hữu cơ. Các thành phần của pha động thường được lọc
nhằm loại bỏ các tiểu phân lớn hơn 0,45 μm. Pha động chứa nhiều thành phần
được chuẩn bị bằng cách đong các thể tích qui định (trừ khi có chỉ định về khối
lượng) của các thành phần riêng lò rồi sau đó trộn lẫn với nhau. Ngoài ra, dung
môi cũng có thể được cấp qua các bơm riêng lẻ, điều khiển bằng các van chia tỷ lệ,
để có thể trộn lẫn theo các tỷ lệ mong muốn. Dung môi thường được loại khí trước
khi bơm bằng cách sục khí heli, lắc siêu âm hoặc sử dụng hệ thống lọc màng
lọc/chân không trực tuyến nhằm tránh sự tạo bọt khí trong cốc đo của
detector.Dung môi dùng để chuẩn bị pha động thường không được chứa các chất
làm ổn định và phải trong suốt (không hấp thụ quang) ở vùng bước sóng phát hiện,
nếu như sử dụng detector tử ngoại. Dung môi và những thành phần khác được
dùng phải có chất lượng phù hợp. Khi cần điều chỉnh pH chỉ thực hiện với thành
phần nước của pha động mà không điều chỉnh với hỗn hợp. Nếu sử dụng dung dịch
đệm, cần phải rửa hệ thống bằng hỗn hợp nước và dung môi hữu cơ (5 % tt/tt)
nhằm ngăn chặn sự kết tinh muối sau khi kết thúc quá trình sắc ký. Pha động có thể
chứa những thành phần khác, ví dụ một ion trái dấu trong sắc ký tạo cặp ion hoặc
một chất chọn lọc đối quang trong trường hợp sắc ký sử dụng pha tĩnh không chọn
lọc đối quang.
Detector
Detector hấp thụ tử ngoại/khả kiến gồm cả detector chuỗi diod là được sử
dụng phổ biến nhất. Detector huỳnh quang, detector khúc xạ vi sai, detector điện
hóa, detector khối phổ, detector tán xạ ánh sáng bay hơi, detector phóng xạ hoặc
các loại detector đặc biệt khác cũng có thể được sử dụng.
Phương pháp tiến hành
Làm cân bằng cột với pha động và tốc độ dòng theo qui định, ở nhiệt độ
phòng hoặc nhiệt độ qui định trong chuyên luận riêng, cho đến khi đường nền ổn
định. Chuẩn bị các dung dịch chuẩn và dung dịch thử theo yêu cầu. Các dung dịch
phải không được có các tiểu phân rắn.
Hiệu năng
Qui định về tính phù hợp của hệ thống được mô tả trong Phụ lục 5. Các kỹ
thuật tách sắc ký. Xác định và điều chỉnh các thông số của hệ thống sắc ký có thể
được thực hiện nhằm đáp ứng các yêu cầu về tính phù hợp của hệ thống cũng được
trình bày trong Phụ lục này. Thành phần và tốc độ dòng của pha động được qui
định trong chuyên luận riêng.
Pha động là hỗn hợp dung môi được đuổi khí bằng bơm chân không hoặc
bằng một thiết bị đuổi khí khác phù hợp nhưng không ảnh hưởng đến thành phần
của hỗn hợp. Trong quá trình định lượng, khi trong chuyên luận riêng không qui
định dùng chuẩn nội, nên sử dụng bộ phận tiêm mẫu có thể tích cố định. Trong một
số trường hợp ngoại lệ, khi trong chuyên luận chỉ dẫn tính theo chiều cao pic thì
không cần quan tâm đến hệ số đối xứng. Cột sắc ký thường được làm bằng thép
không gỉ có kích thước (chiều dài X đường kính trong) được qui định trong chuyên
luận riêng. Trong chuyên luận riêng, khi pha tĩnh được ký hiệu bằng một chữ cái
thì tra cứu ở phần Nguyên vật liệu nêu ở dưới đây. Đường kính danh nghĩa của hạt
pha tĩnh được để trong ngoặc đơn ngay sau ký hiệu chữ cái cụ thể. Nếu không có
chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, quá trình sắc ký được tiến hành ở điều kiện
nhiệt độ không đổi trong môi trường phòng thí nghiệm. Khi sử dụng các pha động
có pH cao với cột có bản chất là silica nên sử dụng một tiền cột ở trước cột phân
tích. Trừ khi có các chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, hệ thống detector gồm
một detector đo quang gắn với một cốc đo có thể tích nhỏ (khoảng 10 μl là phù
hợp). Phải đặt bước sóng theo chỉ dẫn trong chuyên luận riêng. Khi dùng một máy
sắc ký có thiết kế riêng biệt có thể phải thay đổi các điều kiện sắc ký đã ghi trong
chuyên luận riêng. Trong trường hợp này, người phân tích cần đảm bảo rằng những
thay đổi đó cho kết quả tương đương.
Thể tích tiêm
Khi thể tích tiêm không qui định trong chuyên luận riêng, nên chọn một thể
tích tiêm phù hợp để áp dụng. Chọn thể tích tiêm phụ thuộc vào đáp ứng của phép
phân tích, detector sử dụng, hiệu lực cột và toàn bộ hiệu năng của hệ thống sắc ký.
Khi không có chỉ dẫn, thường dùng thể tích tiêm là 20 μl, tuy nhiên cần kiểm tra sự
thích hợp trong điều kiện cụ thể.
Pic phụ (Pic thứ cấp)
Có thể cần chất đổi chiếu để xác định pic phụ. Pic phụ là một pic có trên sắc
ký đồ nhưng không phải là pic chính hay pic của chuẩn nội hoặc pic của dung môi
hay của các thuốc thử tạo dẫn xuất.

PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ RÂY PHÂN TỬ


Nguyên tắc
Sắc ký rây phân tử là phương pháp chia tách các phân tử trong dung dịch dựa
trên kích thước của chúng. Trong trường hợp pha động là một dung môi hữu cơ, kỹ
thuật được gọi là sắc ký tham qua gel, còn trường hợp pha động là nước thì kỹ
thuật được gọi là sắc ký lọc trên gel. Mẫu được đưa vào cột chứa đầy gel hoặc một
loại vật liệu xốp, và được pha động dẫn chạy qua cột. Sự chia tách theo kíchthước
được thực hiện nhờ sự trao đổi lặp đi lặp lại các phân tử chất tan giữa dung môi
pha động và cùng dung môi đó được pha tĩnh giữ ở trong các lỗ xốp của gel.
Khoảng kích thước lỗ của vật liệu nhồi trong cột sẽ xác định khoảng kích thước
phân tử được chia tách qua quá trình sắc ký. Những phân tử có kích thước đủ nhỏ
để có thể đi vào trong tất cả khoảng không gian của lỗ xốp được rửa giải trong thể
tích thấm tổng Vf. Các phân tử có kích thước lớn hơn kích thước lỗ xốp lớn nhất
chỉ di chuyển được dọc theo cột qua các khoảng trống giữa các hạt vật liệu nhồi mà
không bị giữ lại, được rửa giải trong thể tích loại trừ V 0 (thể tích trống). Sự chia
tách theo kích thước phân tử xảy ra giữa thể tích trống và tổng thể tích thấm, chia
tách hiệu quả thường được thực hiện ở hai phần ba đầu tiên của khoảng này.
Thiết bị
Thiết bị bao gồm một cột sắc ký có kích thước phù hợp, nếu cần thiết phải
khống chế nhiệt độ, được nhồi đầy vật liệu chia tách có thể phân loại theo các
khoảng kích thước phân từ phù hợp. Kích thước của cột (chiều cao X đường kính
trong) được quy định ở chuyên luận riêng. Pha động chạy qua cột ở tốc độ không
đổi dưới tác dụng của trọng lực hoặc nhờ một bơm. Một đầu của cột được nối với
một thiết bị phù hợp để cấp mẫu theo kiểu bộ phận điều chỉnh lưu lượng dòng, một
bơm tiêm đi qua vách hoặc một van tiêm và có thể được nối với một bơm điều
khiển lưu lượng dòng dung dịch rửa giải. Một cách khác là mẫu có thể được tiêm
vào trực tiếp trên bề mặt lớp gel hoặc dưới dung dịch rửa giải nếu như mẫu có tỷ
trọng lớn hơn dung dịch rửa giải. Đường ra của cột được nối với một detector có
gắn với một máy ghi tự động để theo dõi nồng độ tương đối của các thành phần
trong mẫu. Detector thường được thiết kế dựa trên các tính chất hấp thụ quang,
khúc xạ ánh sáng hay phát quang. Bộ phận thu hứng phân đoạn tự động có thể
được lắp trong trường hợp cần thiết. Vật liệu trong cột có thể là một chất mang
mềm như gel nở hay một chất mang cứng cấu tạo từ thủy tinh, silic hoặc một hợp
chất cao phân tử liên kết chéo tương thích dung môi. Chất mang cứng thường đòi
hỏi hệ thống điều áp để tăng tốc độ phân tách. Pha động thường được chọn theo
loại mẫu, môi trường phân tách và phương pháp phát hiện. Vật liệu nhồi cần được
xử lý và được nạp vào cột như mô tả trong chuyên luận hoặc theo hướng dẫn của
nhà sản xuất.
Xác định tỷ lệ thành phần tương đối
Tiến hành phương pháp theo các điều kiện ghi trong chuyên luận riêng. Nếu
có thể, theo đòi quá trình rửa giải một cách liên tục và ghi lại diện tích của các pic
tương ứng. Nếu mẫu được xác định dựa vào tính chất hóa lý mà tất cả các thành
phần của mẫu đều cho một đáp ứng tương đương (ví dụ cùng có một hệ số hấp thụ
riêng), thì lượng tương đối của mỗi thành phần có thể được xác định bằng cách
tính tỷ lệ diện tích mỗi pic thu được trên tổng diện tích pic của những thành phần
quan tâm. Nếu sự đáp ứng khác nhau, tính tỷ lệ thành phần tương đối bằng cách
dựa vào đường chuẩn của các dung dịch chuẩn được ghi trong chuyên luận riêng
hoặc bằng phương pháp khác được ghi trong chuyên luận riêng.
Xác định khối lượng phân tử
Thực hiện phương pháp với dung dịch thử và các dung dịch chuẩn theo quy
trình ghi trong chuyên luận riêng. Xây dựng một đồ thị biểu thị sự phụ thuộc giữa
thể tích lưu của các chất chuẩn dùng cho hiệu chuẩn và hàm logarit của khối lượng
phân tử của chúng. Đường chuẩn thường xấp xỉ với một đường thẳng nằm giữa
giới hạn loại trừ và giới hạn thấm tổng thể. Khối lượng phân tử của thành phần
quan tâm có thể được ước lượng từ đường chuẩn. Việc xây dựng đường chuẩn chỉ
có giá trị đối với một hệ cụ thể trong những điều kiện thí nghiệm xác định.
Sự phân bố polymer theo kích thước phân tử
Sắc ký rây phân tử có thể được sử dụng để xác định sự phân bố các polymer
theo kích thước phân tử. Tuy nhiên, việc so sánh mẫu sẽ chỉ có ý nghĩa nếu kết quả
thu được là cùng một điều kiện thí nghiệm. Nguyên liệu sử dụng để xây dựng
đường chuẩn và phương pháp xác định sự phân bố dựa theo kích thước phân tử của
các polymer được ghi trong chuyên luận riêng.
Phân bố khối lượng phân tử trong dextran
Kiểm tra bằng phương pháp sắc ký rây phân tử. Dung dịch thử: Hòa tan 0,200
g mẫu thử vào pha động và pha loãng tới 10 ml bằng pha động. Dung dịch đánh
dấu: Hòa tan 5 mg dextrose chuẩn và 2 mg chất đối chiếu hóa học dextran pha
trong 1 ml pha động. Dung dịch hiệu chuẩn: Hòa tan riêng rẽ 15 mg các chất đối
chiếu hóa học dextran 4, dextran 10 dùng cho hiệu chuẩn và 20 mg các chất đối
chiếu hóa học dextran 40, dextran 70, dextran 250 dùng cho hiệu chuẩn trong 1 ml
pha động. Dung dịch kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Hòa tan 20 mg chất đối
chiếu dextran 40 dùng cho chuẩn hiệu năng (đối với dextran 40) hoặc 20 mg
dextran 60/70 dùng cho chuẩn hiệu năng (đối với dextran 60 và dextran 70) vào 1
ml pha động. Điều kiện sắc ký: Cột (0,3 m X 10 mm) nhồi agarose loại liên kết
chéo dùng trong sắc ký hoặc một dãy các cột (0,3 m x 10 mm) nhồi gel polyether
hydroxyl hóa dùng trong sắc ký. Pha động: Dung dịch chứa 7 g natri sulfat khan và
1 g clorobutanol trong 1 lít nước. Tổc độ dòng: 0,5 ml/phút đến 1 ml/phút, giữ ổn
định với sai số ± 1 %/h. Detector khúc xạ ánh sáng vi sai. Buồng tiêm mẫu dung
tích 100 μl đến 200 μl. Duy trì hệ thống hoạt động ở nhiệt độ ổn định (± 0,1 °C).
PHƯƠNG PHÁP SẮC KÝ KHÍ
Nguyên tắc
Sắc ký khí là một phương pháp tách dựa trên sự phân bố khác nhau của các
chất giữa hai pha không trộn lẫn vào nhau, trong đủ pha động là chất khí (khí
mang) đi qua pha tĩnh chứa trong cột. Sắc ký khí được áp dụng để tách những chất
hoặc dẫn xuất của chúng mà có thể hóa hơi ở nhiệt độ phân tích. Phương pháp sắc
ký khí dựa trên cơ chế hấp phụ, phân bố hoặc loại theo kích thước (dùng rây phân
từ).
Thiết bị gồm nguồn cung cấp khí, bộ phận tiêm mẫu, cột sắc ký chứa trong
buồng ổn nhiệt, hệ thống phát hiện và ghi sắc đồ. Khí mang đi qua cột với tốc độ
và áp suất có kíểm soát và đi qua detector. Nhiệt độ của cột hoặc được giữ ở một
giá trị không đổi hoặc thay đổi theo một chương trình quy định trong chuyên luận
riêng. Sự đặc thù về thiết kế của máy sẳc ký khí có thể yêu cầu phải thay đổi điều
kiện sắc ký đã ghi trong chuyên luận riêng. Trong những trường hợp có thay đổi
như thế, phải cho những kết quả tương tự. Nếu cần, điều chỉnh tốc độ dòng khí
mang để cải thiện chất lượng sắc ký đồ hoặc để thay đổi thờí gian lưu của các pic
quan tâm.
Bộ phận tiêm mẫu
Tiêm mẫu trực tiếp: Là kiểu tiêm mẫu thường dùng trừ khi có chỉ dẫn khác.
Có thể tiêm mẫu trực tiếp vào đầu cột bằng bơm tiêm (syringe) hoặc dùng van tiêm
mẫu hoặc đưa vào buồng hóa hơi có thể có gan thêm bộ chia dòng.
Tiêm pha hơi: Có thể thực hiện bằng hệ thống tiêm mẫu head-space tĩnh hay
động.
Hệ thống tiêm mẫu head-space động (kỹ thuật bẫy và làm sạch): Bao gồm
thiết bị nhúng chìm vào dung dịch cho các chất bay hơi bám vào cột hấp phụ ở
nhiệt độ thấp. Các chất lưu giữ được giải hấp phụ vào pha động bằng cách làm
nóng nhanh cột hấp phụ.
Hệ thống tiêm mẫu head-space, tĩnh: Bao gồm buồng ổn nhiệt mẫu có kiểm
soát nhiệt độ trong đó đặt lọ đựng mẫu chứa mẫu rắn hoặc lỏng trong thời gian cố
định để cho các thành phần bay hơi đạt được trạng thái cân bằng giữa pha hơi và
pha lỏng hoặc rắn. Sau khi đạt được trạng thái cân bằng, một lượng mẫu khí xác
định trước được đưa vào máy sắc ký kín.
Pha tĩnh
Pha tĩnh chứa trong cột có thể là: Cột mao quản làm bằng silica nung chảy,
pha tĩnh phủ trên thành cột. Cột nhồi chứa hạt chất mang, trơ tấm pha tĩnh lỏng.
Cột nhồi chứa pha tĩnh rắn. Cột mao quản có đường kính trong từ 0,1 mm đến 0,53
mm và dải từ 5 m đến 60 m. Pha tĩnh là một lớp phim bề dày từ 0,1 μm đến 5,0 μm
có thể gắn kết về hóa học vào bề mặt bên trong. Cột nhồi làm bằng thủy tinh hay
kim loại, thông thường dài từ 1 m đến 3 m, đường kính trong từ 2 mm đến 4 mm.
Pha tĩnh thường là chất polymer xốp hoặc chất mang rắn phủ pha tĩnh lỏng. Trong
phân tích các hợp chất phân cực ở cột nhồi với pha tĩnh có dung lượng thấp, tính
phân cực thấp, chất mang phải trơ để tránh làm cho pic không đối xứng. Hoạt tính
chất mang có thể được giảm đi bằng cách silan hóa trước khi phủ pha tĩnh lên.
Thường dùng diatomit nung, rửa với acid. Các chất mang thường có các kích thước
hạt khác nhau, thường sử dụng nhất các hạt từ 150 μm đến 180 μm và 125 μm đến
150 μm.
Pha động
Thời gian làm và hiệu lực cột phụ thuộc vào tốc độ dòng khí mang: Thời gian
lưu tỉ lệ thuận với chiều dài cột và độ phân giải tỉ lệ thuận với căn bậc hai chiều dài
cột. Đối với cột nhồi, lưu lượng khí mang tính bằng ml/phút ở áp suất khí quyển và
nhiệt độ phòng. Lưu lượng đo ờ đầu ra của detector bằng dụng cụ đo cơ học có
chia độ hoặc ống đo tốc độ dòng dùng bọt xà phòng ở nhiệt độ cột đang phân tích.
Tốc độ dài của dòng khí mang đi qua cột nhồi tỉ lệ nghịch với căn bậc hai đường
kính trong của cột ở một thể tích dòng, xác định. Lưu lượng 60 ml/phút trong cột
đường kính trong 4 mm và lưu lượng 15 ml/phút trong cột đường kính trong 2 mm
cùng cho tốc độ dòng như nhau, do đó thời gian lưu tương đương nhau. Thường
dùng heli và nitrogen làm khí mang cho cột nhồi và nitrogen, heli và hydrogen cho
cột mao quản.
Detector
Thường dùng detector ion hóa ngọn lửa, ngoài ra còn dùng detector dẫn nhiệt,
nitrogen-phosphor (electron nhiệt hay nhiệt điện từ), cộng kết điện tử, phổ khối,
phổ hồng ngoại FTIR và các loại detector khác tùy theo mục đích phân tích.
Phương pháp tiến hành
Ổn định cột, buồng tiêm và detector ở nhiệt độ và tốc độ dòng khí mang quy
định trong chuyên luận cho đến khi đường nền ổn định. Chuẩn bị các dung dịch
thử và đối chiếu theo quy định của chuyên luận. Các dung dịch phải không được có
các tiểu phân rắn. Dùng dung dịch chuẩn để xác định các điều kiện đo phù hợp đặt
trên thiết bị và thể tích dung dịch mẫu tiêm cần dùng để tạo ra một đáp ứng phù
hợp. Tiến hành các lần tiêm lặp lại đề kiểm tra độ lặp lại của đáp ứng và kiểm tra
số đĩa lý thuyết, nếu có yêu cầu. Tiêm các dung dịch thử và ghi lại sắc ký đồ thu
được. Tiến hành tiêm lại nhiều lần để kiểm tra độ lặp lại của đáp ứng. Xác định
diện tích pic của các thành phần cần quan tâm khi không có chỉ dẫn khác. Cũng có
thể xác định chiều cao của pic tương ứng với các thành phần chất cần quan tâm khi
hệ số đối xứng từ 0,80 đến 1,20. Từ những giá trị thu được tính ra hàm lượng của
một thành phần hay nhiều thành phần có trong mẫu đem thử. Khi dùng một chất
làm chuẩn nội, pic của chất này không được che phủ pic của mẫu thử. Trong những
áp dụng có chương trình nhiệt độ, phải tính kết quả theo diện tích pic. Trừ những
chỉ dẫn khác quy định trong chuyên luận riêng, dùng nitrogen làm khí mang và
detector ion hóa ngọn lửa. Thỉnh thoảng cần tiến hành xác định bằng kỹ thuật tiêm
on-column, trong đó mẫu được tiêm trực tiếp vào chất nhồi cột không sử dụng bộ
phận nạp mẫu gia nhiệt. Khi mẫu thử là chất không bay hơi được tiêm vào cột, nén
dùng tiền cột phù hợp, loại có thể thay đổi được của nó, bản chất và bậc của chất
mang rắn theo đúng quy đinh của chuyên luận riêng. Cột phải luyện theo chỉ dẫn
của nhà sản xuất. Trong đa số các trường hợp, tên thương mại của cột ghi trong
chuyên luận là phù hợp cho mục đích phân tích nhưng có thể dùng cột có tên
thương mại khác tương đương.
Chuẩn nội
Các thuốc thử được dùng làm chuẩn nội không được chứa bất kỳ tạp chất nào
gây ra các pic có ảnh hưởng tới việc xác định các thành phần của mẫu thử đã mô tả
trong chuyên luận riêng.
Chuẩn hóa
Trong một số trường hợp, cần tiến hành xác định bằng phương pháp quy về
100 % để đánh giá một hoặc nhiều thành phần hoặc các tạp chất liên quan. Trong
những trường hợp này, tổng diện tích của một pic hay các pic của các thành phần
hoặc các tạp chất liên quan được biểu thị dưới dạng tỷ lệ phần trăm so với tổng
diện tích của tất cả các pic thu được từ mẫu đem thử. Trong quá trình xác định, cần
sử dụng bộ khuếch đại để mở rộng thang đo và bộ tính tích phân tự động.
Thể tích tiêm
Khi thể tích tiêm không qui định trong chuyên luận riêng, nên chọn một thể
tích phù hợp để áp dụng. Chọn thể tích tiêm phụ thuộc vào đáp ứng của phép phân
tích, detector sử dụng, hiệu lực cột và toàn bộ hiệu năng của hệ thống sắc ký. Khi
không có chỉ dẫn, thường dùng thể tích tiêm là 1 μl, tuy nhiên cần kiểm tra sự thích
hợp trong điều kiện cụ thể.
Pic phụ (pic thứ cấp)
Có thể cân chất đối chiếu để xác định pic phụ. Pic phụ là một pic có trên sắc
ký đồ nhưng không phải là pic chính hay pic chuẩn nội hoặc pic của dung môi và
các thuốc thử tạo dẫn xuất.
Sắc ký khí head-space
Sắc ký khí head-space là phương pháp đặc biệt thích hợp để tách và xác định
các chất bay hơi hiện diện trong mẫu rắn hay lỏng. Phương pháp dựa trên sự phân
tích pha hơi sau khi đạt được trạng thái cân bằng với pha rắn hoặc pha lỏng.
Thiết bị: Máy sắc ký khí kết nối với bộ phận nạp mẫu tự động có thiết bị
kiểm soát nhiệt độ và áp suất. Trong trường hợp cần thiết, có thể gắn thêm bộ phận
đuổi dung môi. Đưa mẫu vào lọ đựng mẫu có nắp đậy gắn với hệ thống van có thể
cho phép khí mang đi qua. Đặt lọ đựng mẫu trong buồng ổn nhiệt ở nhiệt độ tùy
theo bản chất của mẫu và duy trì nhiệt độ này trong thời gian sao cho đạt được
trạng thái cân bằng giữa pha rắn hoặc lỏng và pha hơi. Đưa khi mang vào lọ đựng
mẫu và sau thời gian quy định, mở van tương ứng để khí khuếch tán vào cột sắc ký
mang theo các chất bay hơi cần phân tích.
Thuốc thử: Các thuốc thử và các dung môi sử dụng trong việc chuẩn bị các
dung dịch khảo sát cần có chất lượng phù hợp cho phân tích trên sắc ký khí. Có rất
nhiều chất hóa học được dùng làm pha tĩnh như các polyethylen glycol, các ester
và các amid có phân tử lượng cao, các hydrocarbon, các silicon dạng gôm hay
dạng lỏng (polysiloxan đã được thế bằng nhóm methyl, phenyl, nitril, vinyl hoặc
fiuoroalkyl, hoặc hỗn hợp của chúng) và các vi hạt rỗng cấu tạo đa nhân thơm liên
kết chéo. Pha tĩnh phù hợp khi nồng độ Nếu không có bộ phận nạp mẫu tự động,
có thể dùng bơm tiêm (syringe) mẫu khí đưa mẫu trực tiếp vào cột sau khi đạt
được trạng thái cân bằng trong buồng ổn nhiệt đặt riêng. Cần lưu ý tránh nhưng
yếu tố làm thay đổi trạng thái cân bằng.
Phương pháp tiến hành: Dùng các dung dịch đối chiếu để xác định tính
thích hợp của cài đặt thiết bị để cho đáp ứng đạt yêu cầu.
Định lượng trực tiếp: Lần lượt cho mẫu thử và mẫu đối chiếu vào các lọ
đựng mẫu đồng nhất như quy định trong chuyên luận riêng, tránh tiếp xúc giữa
mẫu thử và thiết bị lấy mẫu. Đậy kín lọ và đặt trong buồng ổn nhiệt đã đặt nhiệt độ
và áp suất như trong chuyên luận riêng. Sau khi đạt được trạng thái cân bằng, tiến
hành sắc ký theo điều kiện quy định trong chuyên luận riêng.
Phương pháp thêm chuẩn: Lần lượt cho cùng một thể tích mẫu thử vào các
lọ đựng mẫu đồng nhất. Thêm vào mỗi lọ một lượng thích hợp dung dịch đối chiếu
của chất cần xác định có hàm lượng đã biết trước để có một dãy dung dịch có nồng
độ tăng dần một cách đều đặn. Đậy kín lọ và đặt trong buồng ổn nhiệt đã đặt nhiệt
độ và áp suất như trong chuyên luận riêng. Sau khi đạt được trạng thái cân bằng,
tiến hành sắc ký theo điều kiện quy định trong chuyên luận riêng. Lập phương
trình tuyến tính của đồ thị bằng phương pháp bình phương tối thiểu và tìm được từ
đó nồng độ của chất cân xác định trong dung dịch. Theo một cách khác, vẽ đồ thị
trung bình các nồng độ xác định được theo lượng dung dịch đối chiếu thêm vào.
Kéo dài đường nối các điểm trên đồ thị cho đến khi gặp trục nồng độ. Khoảng cách
giữa điểm này và giao điểm của các trục thể hiện nồng độ chất cần xác định trong
dung dịch.
PHƯƠNG PHÁP PHỔ HỌC
PHƯƠNG PHÁP QUANG PHỔ HẤP THỤ TỬ NGOẠI VÀ KHẢ KIẾN
Phương pháp quang phổ hấp thụ tử ngoại và khả kiến còn được gọi là phương
pháp quang phổ hấp thụ điện từ, là một trong các phương pháp phân tích dựa trên
sự hấp thụ bức xạ điện từ.
1. Xác định độ hấp thụ
Độ hấp thụ A của một dung dịch là logarit thập phân của nghịch đảo độ truyền
quang T khi cho ánh sáng đơn sắc đi qua.
Độ hấp thụ riêng của một chất trong một dung môi xác định và đo ở một bước
sóng xác định là một đặc tính của chất đó. Trừ những chỉ dẫn khác trong chuyên
luận riêng, người ta đo độ hấp thụ ở độ dài sóng quy định và sử dụng quang trình
dài 1 cm ở 19°C đến 21°C. Ngoại trừ các chỉ dẫn trong chuyên luận riêng. Các
phép đo được tiến hành so sánh với dung môi hoặc với hỗn hợp dung môi đã dùng
để chuẩn bị mẫu thử. Độ hấp thụ của dung môi hoặc hỗn hợp dung môi đó đối
chiếu với không khí không được vượt quá 0,4 và tốt nhất là dưới 0,2. Khi vẽ phổ
hấp thụ, đặt độ hấp thụ hoặc hàm so của độ hấp thụ trên trục tung và đặt độ dài
sóng hoặc hàm số của độ dài sóng trên trục hoành. Khi một chuyên luận riêng đưa
ra một trị số riêng lẻ cho vị trí của một cực đại, điều này được hiểu là trị số khảo
sát được có thể lệch không quá ± 2 nm.
2. Thiết bị
Máy quang phổ thích hợp dùng cho việc đo phổ vùng từ ngoại và khả kiến
bao gồm một hệ thông quang học có khả năng cung cấp ánh sáng đơn sắc trong dải
từ 200 nm đến 800 nm và một thiết bị phù hợp để đo độ hấp thụ. Hai cóng đo dùng
cho dung dịch thử và dung dịch đối chiếu cần phải có đặc tính quang học như
nhau. Khi đo trên máy tự ghi hai chùm tia, cốc đựng dung dịch đối chiếu được đặt
ở bên có chùm tia đối chiểu đi qua.
3. Kiểm tra độ dài sóng
Kiểm tra thang độ dài sóng bằng cách sử dụng cực đại hấp thụ của dung địch
holmi perclorat. Vạch phổ của đèn nguồn hydro hoặc đèn deuterium và các vạch
phổ của đèn hơi thủy ngân được chỉ ra ở dưới đây: Giới hạn sai lệch cho phép là ±
1 nm ở vùng tử ngoại và ± 3 nm ở vùng khả kiến.
4. Kiểm tra độ hấp thụ
Kiểm tra độ hấp thụ cúa dung dịch kali dicromat ở các độ dài sóng. Mỗi độ
dài sóng có một giá trị chính xác của độ hấp thụ riêng A (1 %, 1 cm) và các giới
hạn cho phép. Dung sai độ hấp thụ là 0,01. Đế kiểm tra độ hấp thụ ở bước sóng
235 nm, 257 nm, 313 nm và 350 nm, dùng một dung dịch kali dicromat được
chuẩn bị theo cách sau: Hòa tan 57,0 mg đến 63,0 mg kali dicroinat đã được sấy ở
130°C đến khối lượng không đổi trong một lượng dung dịch acid sulfuric 0,005 M
để tạo thành vừa đủ 1000 ml dung dịch. Để kiểm tra độ hấp thụ ở bước sóng 430
nm, hòa tan 57,0 mg đến 63,0 mg kali dicromat đã được sấy ở 130°C đến khối
lượng không đổi trong một lượng dung dịch acid sulfuric 0,005 M để tạo thành vừa
đủ 100 ml dung dịch
5. Giới hạn ánh sáng lạc
Ánh sáng lạc có thê được phát hiện ở độ dài sóng đã cho bằng kính lọc thích
hợp, hoặc dung dịch hóa chất thích hợp ví dụ độ hấp thụ của dung dịch kali clorid
1,2 % trong một cốc đo có quang trình dài 1 cm phải tăng rõ rệt giữa bước sóng
220nm và bước sóng 200nm và phải lớn hơn 2,0 ở độ dài sóng 198 nm khi so sánh
với nước cất.
6. Độ phân giải (cho phân tích định tính)
Khi có quy định trong chuyên luận, tiến hành kiểm tra độ phân giải của máy
như sau: Ghi phổ của dung dịch toluen 0.02 % (tt/tt) trong hexan. Giá trị tối thiểu
của tỷ số giữa độ hấp thụ ở cực đại 269 nm và độ hấp thụ ở cực tiểu 266 nm được
quy định trong chuyên luận riêng.
7. Độ rộng khe phổ (cho phân tích định lượng)
Để tránh sai số gây ra bởi độ rộng khe phổ, khi sử dụng một máy có độ rộng
khe phổ thay đổi ở độ dài sóng đã chọn thì độ rộng khe phổ phải nhỏ so với nửa độ
rộng của băng hấp thụ. Nhưng độ rộng này phải đủ lớn để thu được giá trị cao của
cường độ ánh sáng tới 10 và việc thu hẹp độ rộng khe phổ sau đó phải không làm
cho độ hấp thụ đọc được tăng lên.
8. Cốc đo (cóng đo)
Dung sai về độ dài quang trình của cốc đo là ± 0,005 cm. Khi đã được nạp
đầy cùng một dung môi, các cốc đo có ý định sử dụng để chứa dung dịch mẫu thử
và để chứa dung dịch mẫu trẳng phải có độ truyền quang như nhau. Nếu tiêu chuẩn
này không được đáp ứng thì cần có sự hiệu chỉnh thích hợp. Các cốc đo cần được
làm sạch và thao tác thận trọng.
9. Phương pháp phổ đạo hàm
Phương pháp phổ đạo hàm là sự chuyển dạng của phổ hấp thụ sang phổ đạo
hàm bậc một, bậc hai hoặc bậc cao hơn. Phổ đạo hàm bậc một là đồ thị của
gradient đường cong hấp thụ (tốc độ của sự thay đổi độ hấp thụ theo độ dài sóng)
theo độ dài sóng. Phổ đạo hàm bậc hai là đồ thị của độ cong của phổ hấp thụ theo
độ dài sóng. Nếu độ hấp thụ tuân theo định luật Lambert Beer, đạo hàm bậc hai tại
bất kỳ độ dài sóng λ nào cũng liên quan tới nồng độ
Thiết bị: Là một máy quang phổ đáp ứng các yêu cầu về kiểm tra độ dài sóng,
kiểm tra độ hấp thụ đã nói ở trên và được ghép nối thêm một modun vi phân trở –
tụ cho tín hiệu tương tự, hoặc một vi phân kế kỹ thuật số, hoặc một thiết bị khác
thích hợp, tạo ra được phổ đạo hàm bậc hai. Máy được sử dụng theo sự hướng dẫn
của hãng sản xuất.
Một vài phương pháp tạo phổ đạo hàm bậc hai đưa đến sự trôi sóng so với vị
trí của độ dải sóng ở phổ bậc không, điều này cần được tính đến khi cần thiết. Trừ
khi có những chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, độ rộng khe phổ của máy phải
được điều chỉnh như chỉ dẫn trong mục độ rộng khe phổ ở trên. Nhiệt độ của tất cả
các dung dịch dùng trong phép thử không dược khác nhau quá 0,5°C.
Độ phân giải: Khi được quy định trong chuyên luận riêng, ta ghi phổ đạo hàm
bậc hai của dung dịch toluen 0,020 % (tt/tt) trong methanol trong dải độ dài sóng
từ 255 nm đến 275 nm, dùng methanol trong cóng đối chiếu. Phổ phải thấy rõ một
cực trị âm nhỏ ở giữa hai cực trị âm lớn trong khoảng 261 nm và 268 nm. Trừ khi
có chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, tỷ lệ độ hấp thu giữa hai bước sóng không
được nhỏ hơn 0,2.

PHƯƠNG PHÁP QUANG PHỔ HỒNG NGOẠI


Máy quang phổ
Máy quang phổ hồng ngoại dùng để ghi phổ trong vùng từ 4000 cm -1 đến 650
cm-1 (từ 2,5μm đến 15,4μm) hoặc trong một vài trường hợp tới 200 cm -1 (50 μm).
Máy quang phổ chuyển dạng Fourier sử dụng bức xạ đa sắc và tính toán phổ theo
dải tần số từ các dữ liệu gốc bằng chuyển dạng Fourier. Các máy quang phổ với hệ
thống quang học tạo bức xạ đơn sắc trong vùng đo cũng có thể được sử dụng.
Thông thường phổ được xem là hàm số của độ truyền quang T; T là tỷ số của
cường độ bức xạ truyền qua và cường độ bức xạ tới. Độ hấp thụ ánh sáng (A) là
logarit thập phân của nghịch đảo độ truyền quang.
Chuẩn bị mẫu
Để ghi phổ truyền quang hay phổ hấp thụ, chất thử được chuẩn bị theo một
trong các phương pháp sau:
Chất lỏng: Đo phổ của một chất lỏng dưới dạng phim giữa 2 tấm phẳng trong
suốt đối với bức xạ hồng ngoại hay trong cốc đo có bề dầy thích hợp và cũng trong
suốt đối với bức xạ hồng ngoại. Các chất lỏng hay chất rắn chuẩn bị dưới dạng
dung dịch. Chuẩn bị dung dịch thử với dung môi thích hợp. Chọn nồng độ và bề
dày của cốc đo thích hợp để có thể ghi được một phố tốt. Nói chung, có thể thu
được kết quả tốt với nồng độ từ 1,0 % đến 10 % và bề dày của cốc do từ 0,5 mm
đến 0,1 mm.
Chất rắn: Đo phổ của chất rắn được phân tán trong một chất lỏng (bột nhão)
hay trong một chất rắn thích hợp (đĩa halid). Nếu có quy định trong chuyên luận
riêng, làm một phim mỏng từ khối chất rắn nóng chảy giữa hai tấm phẳng trong
suốt với bức xạ hồng ngoại. Bột nhão Nghiền một lượng nhò chất thử với một
lượng tối thiểu parafin lỏng hoặc chất lỏng khác phù hợp. Dùng từ 5 mg đến 10 mg
chất thử là vừa đủ để tạo một bột nhão phù hợp. Ép bột nhão giữa hai tấm phẳng
trong suốt với bức xạ hồng ngoại.
Viên nén: Trừ khi có chỉ dẫn khác, nghiền 1 mg đến 2 mg chất thử với 300 mg
đến 400 mg bột mịn kali bromid (IR) hoặc kali clorid (IR) đã sấy khô. Lượng này
thường đủ để tạo một viên nén có đường kính 10 mm đến 15 mm và cho phổ có
cường độ phù hợp. Nghiền hỗn hợp cẩn thận và rải đều nó trong một khuôn thích
hợp. Nén khuôn có hỗn hợp chất thử tới áp suất khoảng 800 MPa trong điều kiện
chân không. Một vài yếu tố có thể tạo nên viên nén không tốt như: Nghiền không
kỹ hay nghiền quá kỹ, độ ẩm, các tạp chất trong môi trường phân tán. Viên nén
không đạt yêu cầu nếu kiểm tra bằng mắt thấy viên nén không đồng nhất và không
trong suốt hay độ truyền quang ở khoảng 2000cm-1 (5 μm) nhò hơn 60 % khi
không có băng hâp thụ đặc hiệu ở vùng này và không có bù trừ bên tia đối chiếu,
trừ khi có chỉ dẫn khác.
Chất khí: Ghi phổ các khí trong cốc đo trong suốt với bức xạ hồng ngoại và
có quang trình 50 mm đến 100 mm. Đối với các chất khí có hệ số hấp thụ hồng
ngoại nhỏ hoặc có ở dạng vết, ta dùng các cốc đo có hệ thống gương, tạo nên sự
phản xạ bên trong cốc nhiều lần. Tạo chân không trong cốc đo và nạp đầy khí đến
áp suất yêu cầu nhờ một nút xoay hoặc một van kim với đường chuyển khí thích
hợp nối cốc đo với bình chứa khí cần khảo sát. Nếu cần điều chỉnh áp lực trong cốc
đo đến áp suất khí quyển, dùng một khí trong suốt với bức xạ hồng ngoại, ví dụ khí
nitrogen hay argon. Để tránh ảnh hưởng sự hấp thụ của hơi nước, carbon dioxyd
hoặc những khí khác có mặt trong bầu khí quyển, đặt một cốc đo tương tự như cốc
đo đựng khí cần khảo sát bên tia đối chiếu. Cốc đo này đã được hút chân không
hoặc được nạp khí trong suốt với bức xạ hồng ngoại. Ghi phổ bằng phản xạ toàn
phần suy giảm Đặt mẫu thử tiếp xúc trực tiếp với lăng kính phản xạ toàn phần suy
giảm.
Ghi phổ bằng phản xạ nhiều lần
Khi có chỉ định trong chuyên luận riêng, chuẩn bị chất thử theo các phương
pháp sau: Dung dịch: Hòa tan chất thử trong dung môi thích hợp theo những điều
kiện đã được quy định trong chuyên luận riêng. Làm bay hơi dung dịch trên tấm
thali bromo-iodid hoặc tấm phẳng khác phù hợp.
Chất rắn: Đặt chất thử trên tấm thali bromo-iodid hoặc trên tấm phẳng khác
phù hợp sao cho có sự tiếp xúc đồng đều. Định tính Định tính bằng các chất đối
chiếu hóa học Chuẩn bị chẩt thử và chất đối chiếu theo cùng một quy trình và ghi
phổ từ 4000 cm-1 đến 650 cm-1 (2.5 μm đến 15,4μm) trong những điều kiện như
nhau. Cực tiểu độ truyền qua (cực đại hấp thụ) trong phổ của chất thử và chất đối
chiếu phải tương ứng về vị trí và cường độ. Khi phổ của chất thử và của chất đối
chiếu ở dạng rắn có sự khác nhau về vị trí của cực tiểu độ truyền qua (cực đại hấp
thụ), phải xử lý chất thử và chất đối chiếu theo cùng một cách sao cho chúng kết
tinh hay tạo thành cùng dạng, hay tiến hành như mô tả trong chuyên luận riêng rồi
mới ghi phổ.
Định tính bằng phổ đối chiếu
Kiểm tra độ phân giải của máy. Ghi phổ của phim polystyren có bề dày 35μm.
Kiểm tra thang số sóng: Có thể kiểm tra thang số sóng bằng cách dùng phim
polystyren.
Chuẩn bị chất thử theo chỉ dẫn đi kèm với phổ đối chiếu. Tiến hành trong điều
kiện giống như khi kiểm tra độ phân giải, ghi phổ của chất thử và chồng phổ lên
các băng của polystyren ở 2849,5 cm-1 (3,51μm), 1601,2 cm-1 (6,25μm) và 1028,3
cm-1 (9,72μm).
So sánh phổ chất thử với phổ đối chiếu và với các băng của polystyren như
chỉ dẫn trên. Dùng các vị trí của băng polystyren để làm chuẩn, vị trí của các băng
có giá trị trong phổ của chất thử và phổ đổi chiếu phải tương ứng trong khoảng 0,5
% thang số sóng. Cường độ tương đối của các băng phải phù hợp giữa 2 phổ.
Phương pháp quang phổ cận hồng ngoại
Phương pháp quang phổ cận hồng ngoại là kỹ thuật đặc biệt hữu ích để định
tính các chất hữu cơ. Mặc dù các phổ chỉ giới hạn trong các cộng hưởng của C – H,
N – H, O – H và S – H, thường chúng cho các thông tin có giá trị. Tuy vậy, các phổ
phụ thuộc vào một số thông số như kích thước hạt, tính đa hình, vết dung môi, độ
ẩm … mà những thông số này không thể luôn được kiểm soát. Vì lý do này, không
thể so sánh trực tiếp phổ của chất thử với phổ đối chiếu mà cần xử lý dữ liệu bằng
phương pháp toán học đã được thẩm định.
PHỔ RAMAN
Nguyên tắc
Là phổ dao động nên có liên quan đến phổ hồng ngoại (IR) và cận hồng ngoại
hay hồng ngoại gần (NIR). Hiệu ứng Raman là kết quả của một sự thay đổi độ
phân cực của các liên kết phân tử trong một kiểu dao động xác định và được đo
dưới dạng tia tán xạ không đàn hồi. Ta có thể thu được một phổ Raman khi kích
thích mẫu phân tích lên đến một trạng thái ảo bằng một nguồn sáng đơn sắc, đặc
biệt là nguồn laser. Tia tán xạ đàn hồi (không có thay đổi bước sóng) được gọi là
tán xạ Rayleigh và không được quan tâm trong phổ Raman, trừ việc nó được dùng
để đánh dấu bước sóng tia laser. Tuy vậy, nếu mẫu từ trạng thái kích thích rơi về
một mức năng lượng dao động khác với ban đầu thì tia tán xạ sẽ có chuyển dịch về
năng lượng (có thay đổi về bước sóng). Sự chuyển dịch này trùng với hiệu năng
lượng giữa các trạng thái năng lượng dao động đầu và cuối. Đây là tia “tán xạ
không đàn hồi” và được gọi là tán xạ Raman. Chỉ có khoảng 1 trong số 106 – 108
các photon đi tới là cho tán xạ Raman. Vì thế, các tia laser được sử dụng trong các
phổ kế Raman. Nếu photon tán xạ Raman có năng lượng thấp thì nó được gọi là
tán xạ Stokes. Nếu nó có năng lượng cao thì được gọi là tán xạ đối Stokes. Trên
thực tế, hầu như tất cả các phép đo có ý nghĩa về mặt phân tích đều sử dụng sự tán
xạ Raman chuyển dịch Stokes. Một phổ Raman trông rất giống như một phổ hồng
ngoại tuyến tính về độ hấp thụ. Cường độ tia Raman (số photon Raman đếm được),
được vẽ đối chiếu với độ chuyển dịch năng lượng. Trục hoành thường được ghi là
“Chuyển dịch Raman/cm-1” hay “Số sóng/cm-1”. Độ chuyển dịch Raman thường
được biểu thị theo số sóng và bằng giá trị tuyệt đối của hiệu giữa số sóng của pic
và số sóng của tia laser. Phổ Raman được biện giải theo cách như với phổ hồng
ngoại giữa tương ứng. Các vị trí của các số sóng (chuyển dịch Raman) cho một
kiểu dao động xác định là đúng với các số sóng của các dải tương ứng của một phổ
hấp thụ hồng ngoại. Tuy nhiên, các pic mạnh trong phổ Raman lại ứng với các pic
yếu trong phổ hồng ngoại, và ngược lại. Vì thế, hai kỹ thuật phổ Raman và hồng
ngoại thường được cho là hai kỹ thuật bổ sung cho nhau. Kỹ thuật phổ Raman có
ưu điểm là thường cho kết quả đó đúng và nhanh mà không cần phải phá hủy mẫu
và không cần chuẩn bị mẫu hoặc chỉ cần chuẩn bị tối thiểu; mẫu có thể là chất rắn,
nửa rắn, lỏng và đôi khi là chất khí. Phổ Raman cung cấp thông tin về các kiểu dao
động cơ bản của phân tử trong mẫu thử mà nhờ đó ta có thể hiểu thêm cả về mẫu
thử lẫn quá trình chế biến. Tín hiệu chủ yếu nằm trong vùng khả kiến và cận hồng
ngoại, nên có thể ghép nối có hiệu quả với sợi quang học. Điều này cũng có nghĩa
là có thể thu nhận tín hiệu từ bất kỳ một môi trường nào trong suốt đối với tia laser,
như thủy tinh, chất dẻo, hay các mẫu trong môi trường nước. Hơn nữa, vì trong
phổ Raman thường dùng các tia khả kiến hay cận hồng ngoại để kích thích, nên các
hộ phận quang học có thể làm bằng thạch anh hoặc thủy tinh thường. Về mặt thiết
bị, các hệ thống máy hiện đại dễ sử dụng và cho kết quả phân tích đáng tin cậy và
nhanh, trong thời gian tính bằng giây đến phút, Tuy thế, cần chú ý là tia laser năng
lượng cao, nhất là trong vùng cận hồng ngoại, rất nguy hiểm, không được nhìn
vào. Các đầu dò bằng sợi quang cần được sử dụng thận trọng, và tuân thủ các qui
định hiện hành về tia laser và các loại laser. Bên cạnh phổ Raman “thường”, còn có
nhiều kỹ thuật Raman chuyên biệt khác như Raman cộng hưởng (RR), phổ Raman
nhạy bề mặt (SERS), phổ Raman quang hoạt (ROA) và nhiều kỹ thuật khác. Các
kỹ thuật này ít được dùng trong ngành dược nên sẽ không được đề cập đến ở đây.
Định nghĩa các thuật ngữ và ký hiệu
Mô hình hiệu chuẩn (calibration model) là một biểu thức toán học của sự liên
hệ giữa đáp ứng của một máy phân tích và các tính chất của mẫu.
Độ rộng gỉải phổ (intrument bandpass) hay Độ phân giải (resolution) là thước
đo khả năng tách các bức xạ có bước sóng gần nhau của một phổ kế.
Đánh giá vận hành (operational qualification) là quá trình làm việc và ghi
chép để chứng phúth rằng máy hoạt động theo đúng các chỉ tiêu kỹ thuật của máy
và có thể đáp ứng được mục đích sử dụng, cần thực hiện việc này sau khi có bất kỳ
sự thay đổi có ý nghĩa nào như lắp đặt, đổi chỗ, sửa chữa quan trọng.
Đánh giá hiệu năng (performance qualification) là quá trình sử dụng một hay
nhiều vật liệu đối chiếu ổn định và có các đặc tính xác định rõ để kiểm chứng hiệu
năng làm việc ổn định của máy. Trong việc đánh giá này có thể sử dụng các chuẩn
khác nhau cho các đặc tính hiệu năng khác nhau.
Phổ Raman (Raman spectra) là đồ thị chỉ trên trục tung năng lượng bức xạ,
hay số photon, tán xạ bởi mẫu khi có tương tác giữa dao động phân tử trong mẫu
và một bức xạ đơn sắc có tần số cao hơn nhiều so với tần số dao động. Trục hoành
thường là hiệu số số sóng giữa ánh sáng tới và ánh sáng tán xạ.
Tán xạ Raman thường (Nomal Raman scattering) là sự tán xạ không đàn hồi
của ánh sáng xảy ra khi có thay đổi độ phân cực của các liên kết liên quan trong
một dao động phân tử. Phổ Raman (thường) xuất hiện khi mẫu được kích thích bởi
một bức xạ không cộng hưởng với sự chuyển dịch điện từ trong mẫu.
Định tính bằng phổ Raman
Phổ Raman cho các thông tin về các nhóm chức hóa học có trong mẫu. Vì phổ
Raman là đặc trưng cho một hợp chất nhất định nên phép đo Raman định tính có
thể được dùng như một phép thử định tính một chất cũng như dùng để suy đoán
cấu trúc phân tử của chất đó.
Định lượng bằng phổ Raman
Sử dụng một thiết bị có detector đo công suất quang (như máy quang phổ
Raman chuyển dạng Fourier, FT-Raman), có thể định lượng bằng phổ Raman dựa
trên mối quan hệ giữa tín hiệu Sv tại một số sóng đã cho v , và nồng độ chất phân
tích C: Sv = Kσv (vL – vB )4 P0C Trong đó: K là một hằng số phụ thuộc vào
đường kính của chùm tia laser, hệ thu quang, thể tích mẫu và nhiệt độ; σv là mặt
cắt ngang Raman của một kiểu dao động nhất định; vL là số sóng của tia laser;
vB là số sóng của kiểu dao động; P0 là công suất của tia laser. Mặt cắt ngang đặc
trưng cho bản chất của kiểu dao động nhất định đó. Thể tích mẫu được xác định
bởi kích thước tiêu điểm của chùm tia laser trên mẫu, phần quang học dùng để hội
tụ, và tính chất quang học của bản thân mẫu. Kích thước của điểm chiếu laser trên
mẫu có thể thay đổi từ dưới 1 μm cho một vi đầu dò đến 6 mm cho một hệ mẫu
diện tích lớn. Với các phổ kế Raman có thể đo số photon trên một giây (như các
phổ kế Raman có bộ ghép-thay đổi (change-coupled device [CCD]-Raman
spectrometers) thì dùng phương trình sau: Sv= KσvvL( vL – vB )3 P0C Từ các
phương trình nêu tren, ta thấy tín hiệu của pic tỷ lệ thuận với nồng độ. Mối quan hệ
tuyến tính này là cơ sở cho đa số các áp dụng định lượng của phổ Raman.
Các yếu tố do mẫu
Các yếu tố thuộc về mẫu quan trọng nhất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng
đến việc định lượng bằng phổ Raman là sự huỳnh quang, sự làm nóng mẫu, sự hấp
thụ bởi nền mẫu hay bản thân mẫu và ảnh hưởng bởi sự phân cực. Nếu nền mẫu có
chất huỳnh quang thì tín hiệu đo được thường có phần đóng góp của sự huỳnh
quang đó. Chỉ có thể quan sát được sự huỳnh quang nếu bước sóng của tia laser
kích thích xen phủ lên một dải hấp thụ của chất huỳnh quang. Huỳnh quang có thể
được quan sát thấy như là một nền rộng và dốc nằm dưới đường cong phổ Raman.
Sự huỳnh quang làm cho đường nên bị chênh và làm giảm tỷ số tín hiệu trên nhiễu.
Khoảng bước sóng và cường độ huỳnh quang phụ thuộc vào thành phần hóa học
của vật liệu huỳnh quang. Vì huỳnh quang thường có hiệu suất mạnh hơn so với
tán xạ Raman, nên chỉ một chút tạp huỳnh quang cũng có thể làm cho tín hiệu
Raman suy giảm đáng kể. Có thể làm giảm ảnh hưởng của huỳnh quang bằng cách
sử dụng nguồn kích thích có bước sóng dài hơn như 785 nm hoặc 1064 nm (bước
sóng dài hơn thì số sóng nhỏ hơn). Tuy nhiên, nên nhớ rằng cường độ của tín hiệu
Raman là tỷ lệ với (vL – vB )4 vì thế ưu điểm của việc sử dụng tia laser kích thích
có bước sóng dài để làm giảm thiểu huỳnh quang đã bù trừ phần nào cho sự làm
yếu tín hiệu Raman của bước sóng dài. Tỷ số tín hiệu trên nhiễu lớn nhất có thể đạt
được bằng cách cân bằng các yếu tố như sự loại bỏ huỳnh quang, cường độ tín hiệu
và đáp ứng của detector. Huỳnh quang ở chất rắn đôi khi có thể được làm yếu đi
bằng cách phơi mẫu dưới bức xạ laser trong một khoảng thời gian trước khi đo. Sự
giảm huỳnh quang này là không rõ rệt khi lượng chất huỳnh quang không phải ở
dạng vết hoặc khi mẫu là chất lỏng. Sự làm nóng mẫu bởi tia laser có thể tạo ra
một số hiệu ứng khác nhau như sự nóng chảy, thay đổi trạng thái thù hình, cháy
mẫu. Mẫu dễ bị nóng nhất khi điểm chiếu trên mẫu có kích thước nhỏ tức là khi
dùng vi đầu dò. Nóng mẫu thường là một vấn đề đối với các vật liệu có màu, có
tính hấp thụ mạnh hay các hạt rất nhỏ có khả năng truyền nhiệt thấp. Ảnh hưởng
do làm nóng mẫu thường quan sát được dưới dạng sự thay đổi phổ Raman theo
thời gian, hoặc khi kiểm tra mẫu bằng mắt. Để giảm thiểu sự nóng mẫu do tia laser,
bên cạnh việc làm giảm luồng laser, có thể sử dụng nhiều phương pháp khác như di
chuyển mẫu hay di chuyển tia laser trong khi đo hay cải thiện sự truyền nhiệt từ
mẫu bằng cách nhúng vào chất lỏng. Tín hiệu Raman có thể được hấp thụ bởi nền
mẫu hoặc bản thân mẫu. Điều này xảy ra nhiều hơn với các hệ máy FT-Raman
bước sóng dài. Ở đây, tín hiệu Raman có thể xen phủ với một dải hấp thụ hòa cao
(overtone) trong NIR. Hiệu ứng này phụ thuộc vào bộ quang của hệ thống cũng
như cách trình bày mẫu, sự khác nhau của kích thước hạt trong chất rắn. Dù sao,
những hiệu ứng này là không nghiêm trọng như trong phổ NIR. Cuối cùng, nên
biết rang bức xạ laser là phân cực và các phổ Raman của các chất kết tinh và các
mẫu định hướng khác có thể khác nhau đáng kể, phụ thuộc vào cách mẫu đươc
định vị. Nếu máy phổ Raman có thể cho bức xạ phân cực phẳng trên mẫu thì nên
dùng một bộ trộn (scrambler) phân cực trong việc phân tích mẫu hàng ngày.
Các yếu tố do lấy mẫu
Thuât ngữ lấy mẫu ở đây có thể được hiểu là phương cách lấy thông tin từ
mẫu. Kỹ thuật phổ Raman là một kỹ thuật nền bằng không, nghĩa là khi không có
mẫu thì tín hiệu tại detector bằng không. Trong phổ hấp thụ thì ngược lại, khi
không có mẫu thì tín hiệu tại detector lại là cực đại (T =100 %). Các kỹ thuật nền
bằng không vốn rất nhạy, chỉ một thay đổi nhỏ về nồng độ chất trong mẫu cùng sẽ
có một thay đổi cường độ tín hiệu theo tỷ lệ tương ứng. Các nguồn sáng khác (như
tia lạc) cũng có thể làm thay đổi tín hiệu đo được. Ngoài ra, một tín hiệu nền lớn
do huỳnh quang tạo ra sẽ làm tăng mức nhiễu. Vì thế, việc dùng tín hiệu Raman
tuyệt đối để xác định trực tiếp một chất phân tích có thể sẽ rất khó khăn. Các yếu tố
khác là sự thay đổi độ đục và độ không đồng nhất trong mẫu, sự thay đổi công suất
laser chiếu lên mẫu và sự thay đổi vị trí của mẫu. Có thể giảm thiểu những ảnh
hưởng này bằng cách lấy mẫu một cách ổn định, có tính đại diện. Thiết kế cẩn thận
thiết bị cũng có thể giảm bớt nhưng không thể loại bỏ được hoàn toàn những ảnh
hưởng đó. Có nhiều cách để hạn chế sự dao động của kết quả đo tháng giáng
cường độ tuyệt đối gây nên. Cách thông dụng và hiệu quả nhất là thêm chất chuẩn
nội và sử dụng các pic được tách khỏi chất chuẩn đó; cũng có thể dùng một dải
hình thành do một phần của phần tử như một vòng thơm mà mặt cắt ngang Raman
của nó không thay đổi theo cách chuẩn bị mẫu. Với phổ của một dung dịch, có thể
sử dụng một pic dung môi tách biệt vì dung môi tương đối ít thay đổi từ mẫu này
sang mẫu khác. Cũng vậy, với một chế phẩm, có thể dùng pic của một tá dược nếu
pic đó là đáng kể so với pic chất phân tích. Với giả thiết là những thay đổi định
hướng của tia laser hay của mẫu có ảnh hưởng đồng đều lên toàn phổ, thì toàn bộ
một phổ cũng có thể sử dụng như một phổ đối chiếu. Một yếu tố quan trọng thứ hai
do lấy mẫu cần được xem xét là tạp nhiễm phổ. Tán xạ Raman là một hiệu ứng
yếu, có thể bị che lấp bởi một số yếu tố bên ngoài. Các nguồn tạp nhiễm thông
thường là những dị biệt của giá mẫu (như bình chứa hay giá thể/cơ chất) và ánh
sáng môi trường xung quanh. Những vấn đề này có thể được xác định và giải quyết
qua các thực nghiệm thận trọng.
Các bộ phận
Tất cả các thiết bị phổ Raman hiện đại đều có quá trình đo bao gồm việc
chiếu một chùm tia laser lên mẫu, thu nhận các tia tán xạ, loại bỏ các tia tán xạ
Rayleigh, tách các tia Raman theo bước sóng, và cho kết quả là một phổ Raman.
Để có thể thực hiện các công việc trên, tất cả các máy phổ Raman trên thị trường
đều có các bộ phận chính sau đây:
Nguồn laser kích thích
Các laser UV cũng được dùng cho các ứng dụng chuyên biệt khác, nhưng
chúng có những điểm bất lợi cho các phép đo phân tích. Vì ngày càng có nhiều áp
dụng mới của laser UV được đưa rạ, có khả năng là chúng cũng sẽ được dùng
trong kỹ thuật phổ Raman.
Bộ phận lấy mẫu
Có nhiều thiết kế khác nhau, trong đó có giao diện quang học trực tiếp, kính
hiển vi, đầu dò sợi quang (loại không tiếp xúc hoặc loại quang học nhúng) và
khoang chứa mẫu (bao gồm giá đỡ mẫu chuyên dụng và bộ phận thay đổi mẫu tự
động). Đầu quang học lấy mẫu cũng có thể được thiết kế để có thê thu được một
phổ Raman phụ thuộc vào sự phân cực và như vậy thường có thêm thông tin. Việc
lựa chọn thiết bị lấy mẫu thường tùy thuộc vào chất phân tích và mẫu. Tuy nhiên
cũng cân xem xét đến những vấn đề như thể tích mẫu lấy, tốc độ đo, an toàn laser,
sự đồng nhất của mẫu để chọn bộ lấy mẫu tối ưu cho một ứng dụng cụ thể.
Bộ phận lọc
Tán xạ Rayleigh tại bước sóng của tia laser có cường độ lớn hơn nhiều bậc so
với tín hiệu Raman và cần phải được loại bỏ trước khi đến detector. Lục Notch
được dùng phổ biến và vừa có kích thước nhỏ, vừa cho phép loại bỏ hết tán xạ
Rayleigh. Phương pháp lọc truyền thống dùng các bộ đơn sắc nhiều cấp tuy vẫn
còn nhưng ít được sử dụng. Ngoài ra, tùy theo bố trí hình học để thu góp tín hiệu
của máy, có thể cần dùng nhiều bộ lọc hay lá chắn để che chắn mẫu khỏi các bức
xạ bên ngoài (như ánh sáng trong phòng, các vạch plasma laser).
Bộ xử lý bước sóng
Thang bước sóng có thể được mã hóa hoặc bởi một bộ đơn sắc quét, một bộ
đa sắc cách tử (trong các phổ kế Raman CCD) hay một giao thoa kế hai chùm tia
(trong các phổ kế FT-Raman). Thiết bị phù hợp để sử dụng phải có thể dùng cho
các phép đo định tính. Nhưng để đo định lượng, cẩn lựa chọn máy cẩn thận vi sự
tuyến tính của độ tán sắc và của dây cáp ứng có thể không đồng đều trên toàn
thang phổ.
Detector
Chuỗi CCD trên nền silic là detector phổ biến nhất cho các máy tán sắc.
Chuỗi CCD được làm mát cho phép đo trên thang phổ với độ chuyển dịch Raman
từ 4500 – 100 cm-1 với nhiễu thấp khi sử dụng hầu hết các nguồn laser khả kiến
như Nd:YAG, 532 nm (frequency-doubled neodymium-doped ytrium-alutninum-
garnet) hay helineon, 632,8 nm. Với diod laser 785 nm, dải sóng giảm xuống còn
khoảng 3100 – 100 cm-1. Với các CCD dùng phổ biến nhất, độ đáp ứng bước sóng
đạt đỉnh khi dùng nguồn laser thông dụng 632,8 nm của laser khí He-Ne hay 785
nm của laser diod. Các máy FT thường sử dụng các detector một kênh germani hay
indi-gali-arsenid (InGaAs) có đáp ứng trong vùng cận hồng ngoại để hợp với bước
sóng kích thích 1064 nm của laser Nd:YAG.
Hiệu chuẩn
Các phương pháp hiệu chuẩn thiết bị dưới dây nhằm cung cấp thông tin tham
khảo. Việc hiệu chuẩn máy Raman bao gồm ba phần: bước sóng sơ cấp (trục x),
bước sóng tia laser và cường độ (trục y).
Hiệu chuẩn bước sóng sơ cấp (trục x): Trong trường hợp các máy Rarnan
FT, việc hiệu chuẩn bước sóng sơ cấp được thực hiện ít nhất đến mức gần đúng
đầu tiên, với nguồn laser He-Ne nội tại. Hầu hết các thiết bị tán sắc đều sử dụng
đèn phát xạ nguyên tử để hiệu chuẩn bước sóng sơ cấp. Với các máy phù hợp cho
phép đo phân tích Raman, nhà cung cấp sẽ đưa ra một quy trình hiệu chuẩn tia X
mà người sử dụng có thể thực hiện được. Với các máy tán sắc Raman, phương
pháp hiệu chuẩn dựa trên nhiều vạch phát xạ nguyên tử được dùng nhiều hơn. Giá
trị của cách hiệu chuẩn này có thể kiểm tra qua hiệu chuẩn bước sóng laser tiếp
theo bằng cách sử dụng một chuẩn độ chuyển dịch Raman thích hợp. Với các thiết
bị tán sắc quét, có thể cần hiệu chuẩn thường xuyên hơn và cần kiểm tra độ chính
xác (precision) trong cả hai phương thức vận hành tĩnh tại và vận hành quét.
Hiệu chuẩn bước sóng tia laser: Bước sóng laser dao động có thể tác động
lên cả độ chính xác của bước sóng lần độ chính xác của tín hiệu quang của máy.
Ngay cả những nguồn laser ổn định nhất vẫn có thể cho các tia có bước sóng khác
nhau đôi chút. Vì vậy cần khẳng định bước sóng để đảm bảo độ đúng của vị trí độ
chuyển dịch Raman cho các máy Raman FT hay Raman tán sắc. Để làm được việc
này, có thể dùng một vật liệu chuẩn của độ chuyển dịch Raman như mô tả trong
ASTM hay một vật liệu được kiểm tra thích hợp. Ghi chú: Các giá trị chuẩn đáng
tin cậy của độ chuyển dịch Raman cho các thuốc thử thường dùng, dạng lỏng hay
rắn cần cho việc hiệu chuẩn số sóng cho các phổ kế Raman được cung cấp trong
ASTM đã nêu. Các giá trị này có thể được dùng cùng với các vạch phát xạ có độ
đúng và độ chính xác cao của đèn hồ quang áp suất thấp, các vạch này có sẵn để
dùng trong hiệu chuẩn máy Raman. Các vật liệu tinh khiết phổ có thể mua tại các
nhà cung cấp phù hợp. Một số máy có thể dùng một chuẩn Raman có sẵn bên cạnh
quang trình ban đầu. Thiết bị chuẩn ngoại tái lập đúng quang trình của tia tán xạ
(Khi sử dụng các chuẩn hóa học, cần chú ý tránh làm nhiễm tạp và khẳng định tính
ổn định của chuẩn). Trừ khi máy dùng là loại có hiệu chuẩn liên tục, ngay trước khi
đo bước sóng laser, nên hiệu chuẩn trục bước sóng sơ cấp theo quy trình của nhà
cung cấp máy. Trong hiệu chuẩn ngoại, nên đặt chuẩn độ chuyển dịch ở nơi đặt
mẫu và tiến hành đo, sử dụng các thông số thu nhận tín hiệu thích hợp. Nên đánh
giá trung tâm của pic trên một dải mạnh, phân giải tổt trong vùng phổ cần quan
tâm. Có thể xác định vị trí pic bằng phương pháp thủ công hoặc dùng một thuật
toán xác định pic đáng tin cậy. Phần mềm do người bán máy cung cấp có thể cho
phép đo bước sóng laser và hiệu chỉnh bước sóng laser một cách thích hợp sao cho
pic này nằm đúng vị trí. Nếu người bán máy không cung cấp phần mềm có chức
năng này thi phải điều chỉnh bước sóng laser bằng tay. Tùy theo loại laser, bước
sóng laser có thể thay đổi theo nhiệt độ, dòng, và thế. Dung sai bước sóng có thể
thay đổi tùy theo áp dụng cụ thể.
Hiệu chuẩn cường độ (trục y): Việc hiệu chỉnh trục đo cường độ tín hiệu có
thể quyết định sự định lượng thành công, nhờ có một sổ phương pháp phân tích
{như đo lường hỏa học (chemometrics)} và chuyển phương pháp giữa các máy. Cả
hai loại phổ kế Raman FT và Raman tán xạ nên được hiệu chuẩn theo các quy trình
tương tự. Dung sai chấp nhận được của độ chính xác cường độ tín hiệu
(photomctric precision) cho một phép đo cụ thô cần được đánh giá trong giai đoạn
xây dựng phương pháp. Để hiệu chuẩn đáp ứng quang của một máy Raman, nên
dùng một nguồn phát xạ băng rộng. Có hai phương pháp được chấp nhận là:
Phương pháp A sử dụng một đèn wolfram phát ánh sáng trắng đã được hiệu chuẩn.
Nhiều nhà cung cấp máy cũng cung cấp các chuẩn hiệu chuẩn độ bức xạ được nối
chuẩn đến các phòng thí nghiệm đo lường quốc gia. Phương pháp này được áp
dụng cho tất cả các bước sóng laser kích thích thông thường được nêu trong Bảng
1. Phương pháp B sử dụng các vật liệu chuẩn (SRM) do các phòng thí nghiệm đo
lường quốc gia cung cấp. Một số chuẩn huỳnh quang bằng thủy tinh kích thích
(doped-glass) có sẵn trên thị trường. Phương pháp A: Nguồn được đặt vào vị trí
của mẫu, với tia laser tẳt và đo đáp ứng detector (sử dụng các thông số thích hợp
cho máy). Đầu ra của nguồn được sử dụng để hiệu chuẩn phải được biết. Phải xác
định tỷ số giữa đáp ứng đo được và đáp ứng thực và lập ra một hồ sơ hiệu chỉnh.
Việc hiệu chỉnh phải được áp dụng cho tất cả các phổ thu được từ máy đó. Hầu hết
các nhà cung cấp sẽ cung cấp cả nguồn hiệu chuẩn và phần mềm thích hợp. Nếu
nhà sản xuất không cung cấp quy trình hay phương pháp thì người sử dụng có thể
dùng một nguồn được hiệu chuẩn và một phần mềm thích hợp. Nếu dùng một
phương pháp của nhà sản xuất thì cần chú ý đến tính giá trị hợp lệ của nguồn và
quy trình hiệu chuẩn. Người dùng phải có được tài liệu thích hợp từ nhà sản xuất
để đảm bảo là cách làm đã được thẩm định đánh giá. Phương pháp B: Đặt chuẩn
huỳnh quang vào chỗ đặt mẫu. Với nguồn laser bật, ghi phổ của vật liệu chuẩn
SRM (có các thông số thích hợp cho máy). Đầu ra của nguồn được sử dụng để hiệu
chuẩn phải được biết. Phải xác định tỷ số giữa đáp ứng đo được và đáp ứng thực,
và lập ra một hồ sơ hiệu chỉnh. Việc hiệu chỉnh phải được áp dụng cho tất cả các
phổ thu được từ máy đó. Hầu hết các nhà cung cấp sẽ cung cấp cả nguồn hiệu
chuẩn và phần mềm thích hợp. Nếu nhà sản xuất không cung cấp quy trình hay
phương pháp thì người sử đụng có thể dùng một vật liệu chuẩn và một phần mềm
thích hợp. Nếu dùng một phương pháp của nhà sản xuất thì cần chú ý đến tính giá
trị hợp lệ của vật liệu chuẩn và quy trình hiệu chuẩn. Người dùng phải có được tài
liệu thích hợp từ nhà sản xuất để đảm bảo là cách làm đã được thẩm định đánh giá.
Hiệu chuẩn ngoại: Nên sử dụng chuẩn ngoại để hiệu chuẩn đầy đủ chức
năng của máy, nhằm chứng phúth tính phù hợp của các máy trong phòng thí
nghiệm, ngay cả khi máy có phương pháp hiệu chuẩn nội bộ. Việc sử dụng chuẩn
ngoại không loại bỏ yêu cầu phải có các quy trình kiểm tra nội bộ; mà là để có tư
liệu về sự phù hợp của thiết bị cho mục đích hoặc phép phân tích cụ thể. Với các
thiết bị được lắp đặt tại một dây chuyền hay trong một lò phản ứng, là nơi không
thể thường xuyên đặt một chuẩn ngoại và ngay cả với các máy có hiệu chuẩn nội
bộ thì việc so sánh hiệu năng của phương pháp hiệu chuẩn nội và ngoại cũng phải
được định kỳ kiểm tra. Mục đích của việc này là để kiểm tra những thay đổi trong
các thành phần mà có thể không có được trong phương pháp hiệu chuẩn nội (thấu
kính quá trình, đầu dò sợi quang, V.V.), ví dụ như việc hiệu chuẩn quang của hệ
quang.
Đánh giá và kiểm tra các phổ kế
Có thể đánh giá phổ kế Raman thông qua: Tính phù hợp của hệ thống, đánh
giá vận hành và kiểm tra hiệu năng (xem mục Định nghĩa các thuật ngữ và ký
hiệu). Mục đích của việc đánh giá tính phù hợp là để đảm bảo rằng công nghệ của
thiết bị là phù hợp cho phương pháp định áp đụng. Mục đích của việc đánh giá vận
hành là để đảm bảo rằng máy phù hợp cho mục đích sử dụng và qua đánh giá lại
định kỳ, máy sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong thời gian dài. Cần thường xuyên kiểm
tra hiệu năng của máy khi máy được dùng cho một phép đo định tính hay định
lượng cụ thể. Vì có nhiều cách đo phổ Raman khác nhau, nên trong việc đánh giá
vận hành và kiểm tra hiệu năng có thể dùng những chuẩn ngoại mà có thể dùng
cho một máy bất kỳ. Như với bất kỳ một phổ kế nào, phổ kế Raman cần được đánh
giá về cả độ chính xác số sóng (cho trục X và độ chuyển dịch từ nguồn kích thích)
cũng như độ chính xác đo quang (trục tín hiệu y). Trong kiểm tra hiệu năng, có thể
sử dụng sự đánh giá mức độ phù hợp (quality-of-fit) với phổ quét ban đẩu hay một
nhóm phổ quét (thường được tập hợp trong các máy không quét). Trong một phép
phân tích như thế, có thể cho rằng các phổ chuẩn thu được trên một máy mới hay
máy mới được sửa chữa và được vận hành đúng cách là đại diện cho các phổ tốt
nhất có thể có được. Việc so sánh các phổ thu được qua thời gian với các chuẩn
tương đồng (hoặc là chuẩn gốc hay các chuẩn mới cùng loại, khi có quan ngại về
độ ổn định của chuẩn) là cơ sở để đánh giá độ ổn định lâu dài của hệ đo phổ
Raman.
Tần số thử nghiệm
Việc đánh giá thiết bị được tiến hành theo từng khoảng thời gian xác định hay
sau khi sửa chữa, thay đổi cấu hình quang học như thay nguồn laser, thay detector
hay thay các lọc. Việc đánh giá lại toàn bộ thiết bị có thể không cần thiết khi thay
đổi các phụ tùng như vi đầu dò, buồng chứa mẫu, đầu dò sợi quang cố định. Trong
những trường hợp này có thể chỉ cần tiến hành đánh giá hiệu năng là đủ; và nên
làm theo chỉ dẫn cụ thể của nhà cung cấp về các yêu cầu đánh giá cho một loại
máy xác định. Các phép thử bao gồm thử độ chính xác bước sóng (của trục X và
độ chuyển dịch từ nguồn kích thích), và độ chính xác đo quang (của trục tín hiệu
y). Các phép thử đánh giá thiết bị đòi hỏi phải đạt yêu cầu về dung sai cho ứng
dụng phân tích cụ thể. Việc kiểm tra hiệu năng được thực hiện trên thiết bị được
cấu hình cho các phép đo phân tích và được thực hiện thường xuyên hơn đánh giá
thiết bị. Kiểm tra hiệu năng bao gồm việc đo độ không đảm báo của bước sóng và
độ chính xác của thang cường độ. Trước khi thu thập dữ liệu cho một ngày cần tiến
hành các phép thử độ chính xác bước sóng và độ chính xác thang cường độ là cần
thiết. Hiệu năng được kiểm tra bằng cách so các phổ thu được với các phổ thu
được trong lần đánh giá thiết bị trước.
Đánh giá vận hành thiết bị (thẩm định vận hành)
Trong đánh giá vận hành cũng như đánh giá hiệu năng, điều quan trọng cần
lưu ý là các tiêu chuẩn cần đạt được nên chỉ là các yêu cầu chung. Các tiêu chuẩn
cụ thể cho các máy và các áp dụng cụ thể có thể thay đổi theo phương pháp phân
tích được sử dụng và độ đúng mong muốn của kết quả cuối cùng. Các vật liệu
chuẩn ASTM được chỉ định với quy ước là trong một số trường hợp (đặc biệt là
các áp dụng trực tuyến ở xa) việc sử dụng một trong số các vật liệu chuẩn này là
không thực tế và có thể dùng các vật liệu khác đã được kiểm tra thích hợp. Trong
trường hợp này, điều quan trọng là cần lưu ý các thông số cụ thể như nhiễu của phổ
kể, các giới hạn phát hiện (LOD), giới hạn định lượng (LOQ) và độ rộng chấp
nhận được của dải phổ cho một áp dụng đã cho sẽ phải được xác định trong quá
trình xây dựng phương pháp phân tích. Các giá trị cụ thể cho phép thử như độ lớn
của nhiễu và độ rộng của chùm tia của phổ kế sẽ phụ thuộc vào thiết bị sử dụng và
mục đích được đưa ra. Vì vậy, những phép thử thiết bị cụ thể cho các thông số nói
trên sẽ không được trình bày trong chương này.
Độ đúng bước sóng (trục x)
Điều quan trọng là đảm bảo độ đúng của trục bước sóng thông qua hiệu chuẩn
để duy trì tính toàn vẹn của vị trí các pic Raman. Việc hiệu chuẩn bước sóng của
phổ kế Raman gồm có hai phần: Hiệu chuẩn trục bước sóng sơ cấp và hiệu chuẩn
bước sóng laser. Sau khi hiệu chuẩn trục bước sóng sơ cấp và bước sóng laser có
thể xác định độ không đảm bảo do bước sóng của thiết bị. Để hoàn thiện có thể sử
dụng một chuẩn của độ dịch chuyển Raman, ví dụ như chuẩn ASTM hay một vật
liệu đã được kiểm tra phù hợp khác. Nên chọn một chuẩn với các dải có mặt trên
toàn thang phổ Raman để có thể đánh giá độ không đảm bảo bước sóng của thiết bị
tại nhiều vị trí trên phổ. Dung sai của độ chính xác bước sóng cho một thiết bị nên
được đánh giá trong giai đoạn xây dựng phương pháp. Ghi chú: Với các thiết bị tán
sắc quét, việc hiệu chuẩn có thể cần thực hiện thường xuyên hơn và có thể cần
kiểm tra độ chính xác trong cả hai kiểu vận hành tĩnh và vận hành quét.
Độ chính xác đo quang
Độ dao động của laser, tính theo tổng photon phát ra, xảy ra giữa hai lần do có
thế gây nên sự thay đổi độ chính xác đo quang của thiết bị. Điều không may là rất
khó tách được những thay đổi của đáp ứng đo quang (gắn với dao động của tổng
photon phát ra) khỏi các biến động do cảm ứng bởi mẫu và lấy mẫu. Đây là một lý
do vì sao không nên thực hiện các phép đo Raman tuyệt đối và vì sao những yêu
cầu về độ chính xác đo quang được quy định tương đối lỏng lẻo. Nên đánh giá
dung sai độ chính xác đo quang của một thiết bị ngay trong giai đoạn xây dựng
phương pháp.
Đánh giá hiệu năng (thẩm định hiệu năng)
Mục tiêu của việc đánh giá hiệu năng là để đảm bảo rằng thiết bị đang hoạt
động đúng trong giới hạn đã chỉ ra về độ chính xác bước sóng, độ chính xác đo
quang và độ nhạy. Trong một số trường hợp, thiết bị đã được thiết kế để dùng cho
một phép đo cụ thể (ví dụ, để đặt trong trong dây chuyền một lò phản ứng), thì
không thể hoặc không cần đo bước sóng và tín hiệu đo quang, sử dụng các chuẩn
đánh giá đã nêu. Nêu như việc đánh giá vận hành đã chứng phúth rằng máy là phù
hợp cho mục đích sử dụng, thì có thể dùng một chuẩn bên ngoài duy nhất để
thường xuyên kiểm tra lại chức năng của máy (ví dụ, sau khi làm sạch lò phản ứng,
kiểm tra tín hiệu của dung môi xử lý cả về độ chính xác bước sóng và độ chính xác
đo quang). Chuẩn kiểm tra hiệu năng phải phù hợp với khuôn hình của mẫu đang
phân tích càng nhiều càng tốt và phải dùng các thông sổ thu nhận phổ giống nhau.
Các phép đo định lượng của một phổ chuẩn kiểm tra hiệu năng sẽ kiểm tra cả độ
chính xác bước sóng (trục X và bước sóng laser) và độ chính xác tín hiệu đo
quang. Nếu việc so sánh một chuỗi các phổ là tốt thì điều đó chứng phúth rằng
thiết bị đang tiếp tục hoạt động tốt.
Độ chính xác bước sóng
Độ chính xác bước sóng được xác định bằng cách thu thập dữ liệu của một
phổ của một vật liệu chuẩn độ dịch chuyển Raman đã chọn, trong một khoảng thời
gian bằng với thời gian dùng để thử độ ổn định đo quang. Nếu thuận tiện thì các
mẫu đã nghiền bột nên được đóng gói lại (repack) giữa hai loạt đo. Vị trí các pic
trên toàn bộ vùng phổ đáng quan tâm được dùng để tính độ chính xác. Hiệu năng
được kiểm tra bằng cách đối chiếu vị trí các pic với vị trí thu được trong lần đánh
giá thiết bị trước và không được sai khác quá ± 0,3 cm-1 so với độ lệch chuẩn, mặc
dù tiêu chuẩn này có thể điều chỉnh theo độ đúng yêu cầu cho phép đo.
Độ chính xác đo quang
Độ chính xác đo quang phải được đo bằng cách thu thập các dữ liệu phổ của
một vật liệu chuẩn kiểm tra thích hợp, trong một thời gian đã định. Sau khi hiệu
chỉnh đường nền, phải dùng một thuật toán thích hợp để tính diện tích một số các
dải trên vùng phổ quan tâm. Diện tích của dải mạnh nhất được cho là 1 và các dải
(envelopes) khác được chuẩn hóa theo dải này. Hiệu năng được kiểm tra bằng cách
so sánh diện tích các dải hiện đo được với các diện tích tương ứng đã thu được
trong lần đánh giá thiết bị trước đó. Sự sai khác không được vượt quá 10 % mặc dù
chỉ tiêu này có thể được hiệu chỉnh theo yêu cầu về độ đúng của phép đo.
Độ chính xác và độ đúng của công suất laser đầu ra
Phép thử này chỉ được áp dụng cho các thiết bị Raman có máy đo công suất
laser nội tại và tự động. Thiết bị không có máy này thì phải sử dụng một máy đo
công suất laser đã được hiệu chuẩn của một nhà cung cấp có uy tín. Đầu ra của
laser phải được thiết lập sao cho có tính đại diện và đáp ứng được các yêu cầu của
phép đo phân tích và của công suất laser được đo. Đầu ra phải được đo và kiểm tra
đối chiếu với đầu ra đo dược khi đánh giá thiết bị. Công suất (tính theo mili watt
hay watt) phải không sai khác quá 25 % so với mức khi đánh giá. Nếu sai khác lớn
hơn thì thiết bị cần được bảo dưỡng (vì sự sai khác này có thể chỉ ra rằng, bên cạnh
những điều khác, có sự lệch lạc lớn của hệ thống hoặc này sinh hư hỏng của nguồn
laser). Với các thiết bị có máy đo công suất laser bên trong, độ đúng của các giá trị
do máy đo công suất laser bên trong cho ra phải được so sánh với một máy đo
công suất bên ngoài đã hiệu chuẩn trong khoảng thời gian không quá 12 tháng. Giá
trị tính được của máy bên trong phải được so với giá trị của máy bên ngoài. Hiệu
năng được kiểm tra bằng cách so sánh giá trị hiện có với giá trị thu được trong lần
đánh giá thiết bị trước đây. Nhà sản xuất thiết bị có thể cung cấp một phần mềm để
việc phân tích này được dễ dàng. Nếu thiết kế của thiết bị không cho phép sử dụng
một máy đo công suất bên ngoài thì khi đó nhà cung cấp phải đưa ra tài liệu đảm
bảo chất lượng của thiết bị và cung cấp một quy trình được khuyến cáo để có thể
thực hiện được việc phân tích nói trên cùng với kỳ bảo dưỡng đã định.
Thẩm định phương pháp
Việc thẩm định các phương pháp phổ Raman được làm theo các qui định
chung đối với các tiêu chí về độ đúng, độ chính xác. Tuy nhiên, nhiều tiêu chí
trong đó bị ảnh hưởng bởi các biến đặc trưng của phổ Raman. Huỳnh quang có thể
là biến đầu tiên có thể ảnh hưởng (lên tính phù hợp của một phương pháp. Sự có
mặt của các tạp huỳnh quang trong mẫu có thể rất khác nhau và có ít ảnh hưởng
đến tính chấp nhận được của vật liệu, Phương pháp phải đủ linh hoạt để chấp nhận
được các chế độ lấy mẫu cần áp dụng để giảm thiểu ảnh hưởng của các tạp này. Độ
tuyến tỉnh của detector phải được khẳng định trên thang các mức tín hiệu có thể có.
Huỳnh quang có thể đẩy cao cả đường nên lẫn nhiều so với khi tham định; trong
trường hợp này, phải làm giảm huỳnh quang hoặc phải sửa đổi phương pháp cho
phù hợp với mức huỳnh quang cao. Khi nhiễu đường nên tăng cao sẽ có tác động
tiêu cực đến độ chính xác, giới hạn phát hiện và giới hạn định lượng của phương
pháp.Vì hùynh quang có thể ảnh hưởng đến kết quả định lượng do chuyển dịch
đường nền, nên phải khẳng định việc định lượng là có thể chấp nhận được ở các
mức khử quang (photobleaching) khác nhau. Tác động của laser lên mẫu phải được
xác định. Với các phép đo dùng các công suất laser và thời gian tiếp xúc với tia
khác nhau, việc kiểm tra mẫu bằng mắt và kiểm tra định tính của phổ Raman sẽ
khẳng định được là mẫu không bị biến đổi (không tính đến sự khử quang). Để
khẳng định trung phổ Raman, các biến đặc trưng là sự chuyển dịch vị trí của pic,
những thay đổi chiều cao pic và độ rộng dải và những thay đổi không mong đợi
của cường độ nền. Độ chính xác của phương pháp cũng phải tính đến vị trí của
mẫu. Cách trình bày mẫu là một yếu tổ trọng yếu cho cả chất lỏng lẫn chất rắn và
phải được kiểm soát chặt chẽ hoặc phải tính đến trong mô hình hiệu chuẩn. Độ
nhạy cảm của vị trí mẫu thường có thể được hạn chế bằng cách chuẩn bị mẫu thích
hợp hoặc bằng hình học của giá đỡ mẫu, nhưng nó còn thay đổi từ máy này sang
máy khác tùy theo cấu hình quang học của bộ thu nhận và kích thích.

PHƯƠNG PHÁP QUANG PHỔ HUỲNH QUANG


Phương pháp quang phổ huỳnh quang là phương pháp phân tích dựa trên phép
đo cường độ huỳnh quang phát ra từ một chất hóa học khi nó được kích thích do
hấp thụ bức xạ từ ngoại, khả kiến hoặc các bức xạ điện từ khác. Trong phương
pháp này, cường độ huỳnh quang của chất thử được so sánh với cường độ huỳnh
quang của chất chuẩn đo trong cùng điều kiện.
Vận hành máy quang phổ huỳnh quang theo chỉ dẫn của hãng sản xuất máy.
Chuẩn bị dung dịch như mô tả trong chuyên luận, chuyển dung dịch vào cốc
đo của máy quang phổ huỳnh quang và chiếu vào nó bức xạ kích thích với bước
sóng đơn sắc đã được ghi trong chuyên luận. Đo cường độ huỳnh quang của dung
dịch ở bước sóng phát huỳnh quang được ghi trong chuyên luận. Để định lượng,
đưa vào máy cốc đựng dung môi hoặc hỗn hợp dung môi dùng để hòa tan mẫu thử
và điều chỉnh máy về điểm “0”. Đưa dung dịch chuẩn đã được chuẩn bị như mô tả
trong chuyên luận vào máy và điều chỉnh độ nhạy của máy để kết quả đọc trên
thang đo lớn hơn 50. Nếu thay đổi khe sáng khi điều chỉnh lần thứ hai thì phải đặt
lại điểm 0 và cường độ huỳnh quang của chuẩn cũng phải được đo lại. Cuối cùng,
đưa mẫu thử vào máy, đo cường độ huỳnh quang và tính nồng độ của dung dịch
thử.
Khi cường độ huỳnh quang không thật sự tỷ lệ thuận với nồng độ, việc định
lượng có thể được thực hiện dựa trên đồ thị chuẩn. Trong một số trường hợp, phép
định lượng có thể được so sánh với một mẫu chuẩn đối chiếu có bản chất hóa học
khác mẫu thử (Ví dụ: Thủy tinh phát huỳnh quang hoặc dung dịch một chất phát
huỳnh quang khác với mẫu thừ). Trong trường hợp này, nồng độ của chất thử phải
được xác định bằng đồ thị chuẩn đo trong củng điều kiện với mẫu thử.
PHỔ HUỲNH QUANG TIA X
Nguyên tắc
Khi nguyên tử của một nguyên tố nhận được năng lượng của một chùm tia X
chiếu vào (tia X sơ cấp), nguyên tử đó có thể mất đi một electron lớp trong của nó
(ví dụ lớp K) và bị ion hóa, để lại một chỗ khuyết (trong lớp K). Trong một khoảng
thời gian rất ngắn sau đó, một electron lớp ngoài (có năng lượng cao hơn) có thể
rơi vào chỗ khuyết ở lớp trong và phát ra một tia X khác, đó là tia X huỳnh quang.
Phổ huỳnh quang tia X là một kỹ thuật phân tích dựa trên việc đo cường độ
bức xạ huỳnh quang phát ra bởi một nguyên tố có nguyên tử số từ 11 đến 92 được
kích thích bởi một bức xạ tia X sơ cấp liên tục. Cường độ huỳnh quang của một
nguyên tố không chỉ phụ thuộc vào nồng độ nguyên tố đó có trong mẫu mà còn
phụ thuộc vào sự hấp thụ bức xạ tới và bức xạ huỳnh quang bởi nền mẫu. Ở mức
nồng độ vết, khi đường chuẩn tuyến tính, cường độ bức xạ huỳnh quang phát ra
bởi một nguyên tố trong một nền mẫu xác định, ở một bước sóng xác định, sẽ tỷ lệ
thuận với nồng độ của nguyên tố đó và tỷ lệ nghịch với hệ số hấp thụ khối (mass
absorption coefficient) của nền mẫu tại bước sóng đó.
Tiến hành
Chuẩn bị và sử dụng thiết bị theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Các mẫu lỏng
được đặt trực tiếp vào máy; mẫu rắn phải được ép thành viên trước, đôi khi mẫu
rắn còn phải trộn thêm với một chất kết dính trước khi ép viên. Để xác định được
nồng độ của một nguyên tố có trong mẫu cần đo tốc độ xung thật (net impulse rate)
tạo nên bởi một hay nhiều mẫu chuẩn có hàm lượng đã biết của nguyên tố đó trong
các nền mẫu xác định và tính hoặc đo hệ số hấp thụ khối của nền mẫu cần phân
tích.
Hiệu chuẩn
Từ một dung dịch hay một dãy các dung dịch hiệu chuẩn của nguyên tố phân
tích trong các tiền mẫu khác nhau, ta có thể tính được độ dốc b0 của đường chuẩn
theo phương trình sau: b0 x I/μM = INC/C Trong đó: μM là hệ số hấp thụ của nền
mẫu M, đã được tính hay đo; INC là tốc độ xung thật; C là nồng độ của nguyên tố
cần định lượng trong dung dịch chuẩn.
Hệ số hấp thụ khối của nền mẫu
Nếu biết công thức phân tử của mẫu phân tích, có thể tính hệ số hấp thụ khối
dựa trên thành phần nguyên tố và bảng hệ số hấp thụ khối của nguyên tố. Nếu
không biết thành phần nguyên tố, có thể đo cường độ I0 của tia X tán xạ (tán xạ
Compton) và tính hệ số hấp thụ khối của nền mẫu μMP theo phương trình: 1/ μMP
= a + b I0 Trong đó: μMP là hệ số hấp thụ khối của nền mẫu, I0 là cường độ tia X
tán xạ.
Xác định tốc độ xung thật của nguyên tố phân tích trong mẫu
Tính tốc độ xung thật INEP của nguyên tố phân tích dựa trên cường độ của
vạch huỳnh quang và cường độ của vạch (hay các vạch) nền do các tạp nhiễm có
trong bất kỳ ống nào.

PHƯƠNG PHÁP QUANG PHỔ PHÁT XẠ NGUYÊN TỬ


Các phương pháp quang phổ nguyên tử phát xạ và hấp thụ được sử dụng để
xác định nồng độ của các nguyên tố bằng phép đo cường độ phát xạ hoặc hấp thụ
ánh sáng ở bước sóng đặc trưng bởi hơi nguyên tử của nguyên tố được hóa hơi từ
chất cần phân tích, ví dụ, bằng cách đưa một dung dịch của chất phân tích vào
ngọn lửa.
Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử là phương pháp xác định nồng độ
của một nguyên tố trong một chất bằng cách đo cường độ của một trong các vạch
phát xạ của hơi nguyên tử của nguyên tố được hóa hơi từ chất đó. Việc xác định
nồng độ nguyên tố được tiến hành ở bước sóng tương ứng với các vạch phát xạ
này.
Thiết bị: Máy quang phổ phát xạ nguyên tử bao gồm các bộ phận chủ yếu là
bộ phận hóa hơi nguyên tử của các nguyên tố cần xác định (ngọn lửa, plasma, hồ
quang điện), bộ đơn sắc hóa và bộ phận phát hiện. Nếu bộ phận hóa hơi là ngọn
lửa, nước là dung môi được lựa chọn để pha dung dịch thử và dung dịch chuẩn.
Tuy nhiên, dung môi hữu cơ cũng được sử dụng nếu đảm bào chắc chắn rằng nó
không ảnh hưởng đến độ ổn định của ngọn lửa.
Phương pháp tiến hành: Vận hành máy quang phổ phát xạ nguyên tử theo
như chỉ dẫn của hãng sản xuất về cách đặt bước sóng quy định. Đưa dung dịch mẫu
trắng vào bộ phận hóa hơi nguyên tử và hiệu chỉnh tín hiệu đọc được về “0”. Đưa
dung dịch chuẩn đặc nhất vào buồng hóa hơi nguyên tử và hiệu chỉnh độ nhạy của
máy để có trị giá đọc thích hợp. Việc định lượng được thực hiện bằng cách so sánh
các dung dịch thử chưa biết nồng độ với các dung dịch chuẩn của nguyên tố cần
xác định bằng phương pháp xác định trực tiếp (phương pháp 1) hoặc bằng phương
pháp thêm chuẩn (phương pháp 2). Sử dụng phưong pháp 1, trừ khi có chỉ dẫn
khác.
Phương pháp 1: Phương pháp xác định trực tiếp
Chuẩn bị dung dịch chất để thử (dung dịch thử) như được mô tả trong chuyên
luận riêng sao cho nồng độ của nguyên tố cần xác định nằm trong khoảng nồng độ
của các dung dịch chuẩn. Chuẩn bị không ít hơn ba dung dịch chuẩn của nguyên tố
cần xác định có nồng độ nằm trong khoảng phụ thuộc tuyến tính giữa nồng độ và
cường độ vạch phát xạ của nguyên tố cần phân tích. Bất kỳ thuốc thử nào được
dùng trong việc chuẩn bị các dung dịch thử đều phải được thêm vào các dung dịch
chuẩn và dung dịch mẫu trắng ở cùng nồng độ. Đưa dung dịch mẫu trắng vào máy,
điều chỉnh tín hiệu đọc được về “0”. Đưa lần lượt dung dịch thử và từng dung dịch
chuẩn vào máy, ít nhất mỗi dung dịch làm ba lần, ghi lại kết quả đọc ổn định. Rửa
máy bằng dung dịch mẫu trắng sau mỗi lần đo cho đến khi tín hiệu trở về giá trị
đọc ban dầu của mẫu trắng. Từ cường độ vạch phát xạ đọc được của các dung dịch
chuẩn, thiết lập đường chuẩn biểu thị sự thay đổi cường độ vạch phát xạ theo nồng
độ nguyên tố cần xác định và từ đường chuẩn này xác định nồng độ nguyên tố
trong dung dịch thử.
Phương pháp 2: Phương pháp thêm chuẩn
Cho vào ít nhất ba bình định mức có dung tích như nhau, các thể tích bằng
nhau của dung dịch chất đem thử (dung dịch thử) được chuẩn bị như chỉ dẫn trong
chuyên luận. Thêm vào tất cả các bình, trừ một bình, các thể tích lớn dần của dung
dịch chuẩn có nồng độ đã biết của nguyên tố cần xác định sao cho nồng độ của
nguyên tố này trong các bình đều nằm trong khoảng tuyến tính giữa nồng độ và
cường độ phát xạ. Pha loãng các dung dịch có chứa trong bình đến vừa đù thể tích
bằng dung môi. Đưa dung dịch mẫu trắng (dung môi) vào máy, điều chỉnh tín hiệu
đọc được về “0”. Đưa lần lượt từng dung dịch thử và từng dung dịch chuẩn vào
máy, ít nhất mỗi dung dịch làm ba lần, ghi lại kết quả đọc ổn định. Rửa máy bằng
dung dịch mẫu trắng sau mỗi lần đo cho đến khi tín hiệu trở về giá trị đọc ban đầu
của mẫu trang. Tính phương trình hồi quy của đường chuẩn bằng cách dùng
phương pháp bình phương tối thiểu và từ đường thẳng này, xác định nồng độ của
nguyên tố cần định lượng trong dung dịch thử. Một cách khác, vẽ đồ thị biểu điền
sự liên quan giữa giá trị đọc được và lượng thêm vào của nguyên tố cần xác định.
Nổi các điểm trên đồ thị và kéo dài về phía trái cho đến khi nó gặp trục nồng độ.
Khoảng cách giữa điểm này và điểm giao nhau cùa trục tọa độ là nồng độ của
nguyên tổ cần xác định trong dung dịch thử.
PHƯƠNG PHÁP QUANG PHỔ HẤP THỤ NGUYÊN TỬ
Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử là phương pháp xác định nồng độ
của nguyên tố trong một chất bằng cách đo độ hấp thụ bức xạ bởi hơi nguyên tử tự
do của nguyên tố đó được hóa hơi từ chất thử. Việc định lượng được tiến hành ở
bước sóng của một trong những vạch hấp thụ của nguyên tố cần xác định.
Thiết bị: Máy quang phổ hấp thụ nguyên tử chủ yêu bao gồm nguồn bức xạ,
bộ phận hóa hơi nguyên tử của nguyên tố cân xác đinh (ngọn lửa, lò graphit…), bộ
đơn sắc hóa và bộ phận phát hiện. Phương pháp đưa các chất vào để phân tích phụ
thuộc vào kỹ thuật nguyên tử hóa mẫu. Nếu nguyên tử hóa băng ngọn lửa, các chất
sẽ được hóa hơi và nước là dung môi đươc chọn để chuẩn bị các dung dịch chuẩn
và thử, tuy nhiên các dung môi hữu cơ cũng có thế được sử dụng nếu đảm bảo chắc
chắn là dung môi không ảnh hưởng đến độ ổn định của ngọn lửa. Nếu nguyên từ
hóa không ngọn lửa (sử dụng lò graphit), các chất đưa vào có thể được hòa tan
trong nước hoặc trong dung môi hữu cơ. Quá trình hóa hơi nguyên tử cũng có thể
được tạo ra bên ngoài máy quang phổ, ví dụ, phương pháp hóa hơi lạnh cho thủy
ngân hoặc một số hydrid. Đối với thủy ngân, nguyên tử được hóa hơi bằng sự khử
hóa học và hơi nguyên tử được dẫn bằng một dòng khí trơ đến một cốc đo đặt trên
trục quang của máy. Các hydrid được dẫn bằng hỗn hợp khí đốt hoặc bằng khí trơ
đến một cốc đo đã được đốt nóng, tại đây chúng được nguyên tử hóa.
Phương pháp tiến hành: Vận hành máy quang phổ hấp thụ nguyên tử theo
các chỉ dẫn của hãng sản xuất máy về cách đặt bước sóng quy định. Đưa dung dịch
mẫu trắng vào buồng hóa hơi nguyên tử và hiệu chình kết quả sao cho độ hấp thụ
đọc được trên máy bằng “0”. Đưa dung dịch chuẩn có nồng độ lớn nhất vào máy
và hiệu chỉnh độ nhạy để đạt được một phép đọc độ hấp thụ thích hợp. Việc định
lượng được thực hiện bằng cách so sánh với các dung dịch chuẩn đã biết nồng độ
của nguyên tố cần xác định bằng phương pháp xác định trực tiếp (phương pháp 1)
hoặc bằng phương pháp thêm chuẩn (phương pháp 2). Sử dụng phương pháp 1 trừ
khi có chỉ dẫn khác.
Phương pháp 1: Phương pháp xác định trực tiếp
Chuẩn bị dung dịch chất để thử (dung dịch thử) như được mô tả trong chuyên
luận riêng sao cho nồng độ của nguyên tố cần xác định nằm trong khoảng nồng độ
của các dung dịch chuẩn. Chuẩn bị không ít hơn ba dung dịch chuẩn của nguyên tố
cần xác định có nồng độ nằm trong khoảng tuyến tính giữa nông độ và độ hấp thụ
của nguyên tố cần phân tích. Bất kỳ thuốc thử nào được dùng trong việc chuẩn bị
các dung dịch thử đều phải được thêm vào các dung dịch chuẩn và dung dịch mẫu
trắng ở cùng nồng độ. Đưa dung dịch mẫu trắng vào máy. Điều chỉnh tín hiệu đọc
được về “0”. Đưa lần lượt dung dịch thử và từng dung dịch chuẩn vào máy, ít nhất
mỗi dung dịch làm ba lần, ghi lại kết quả đọc ổn định. Rửa máy bằng dung dịch
mẫu trắng sau mỗi lần đo cho đến khi tín hiệu trở về giá trị đọc ban đầu của mẫu
trắng. Nếu sử dụng kỹ thuật nguyên tử hóa không ngọn lửa, lò graphit phải được
đốt lại giữa các lần phân tích. Từ cường độ vạch hấp thụ đọc được của các dung
dịch chuẩn, thiết lập đường chuẩn biểu thị sự thay đổi cường độ vạch hấp thụ theo
nồng độ nguyên tổ cần xác định và từ đường chuẩn này xác định nồng độ nguyên
tố trong dung dịch thử.
Phương pháp 2: Phương pháp thêm chuẩn
Cho vào ít nhất ba bình định mức có dung tích như nhau, các thế tích bằng
nhau của dung dịch chất đem thử (dung dịch thử) được chuẩn bị như chỉ dẫn trong
chuyên luận. Thêm vào tất cà các bình, trừ một bình, các thể tích lớn dần của dung
dịch chuẩn có nồng độ đã biết của nguyên tố cần xác định sao cho nồng độ của
nguyên tổ cần xác định trong các bình đều nằm trong khoảng tuyến tính giữa nồng
độ và cường độ hấp thụ. Pha loãng các dung dịch có chứa trong bình đến vừa đủ
thể tích bằng dung môi. Đưa dung dịch mẫu trắng vào máy, điều chỉnh tín hiệu đọc
được về “0”. Đưa lần lượt dung dịch thử và từng dung dịch chuẩn vào máy, ít nhất
mỗi dung dịch ba lần, ghi lại kết quả đọc ổn định. Rửa máy bằng dung dịch mẫu
trắng sau mỗi lần đo cho đến khi tín hiệu trở về giá trị đọc ban đầu của mẫu trẳng.
Nếu sử đụng kỹ thuật nguyên tử hóa không ngọn lửa, lò graphit phải được đốt lại
giữa các lần phân tích. Tính phương trình hồi quy của đường chuẩn bằng cách
dùng phương pháp bình phương tối thiểu và từ đường thẳng này, xác định nồng độ
của nguyên tố cần định lượng trong dung dịch thử. Một cách khác, vẽ đồ thị biểu
diễn sự liên quan giữa giá trị đọc được và lượng thêm vào của nguyên tố cần xác
định. Nối các điểm trên đồ thị và kéo dài về phía trái cho đến khi nó gặp trục nồng
độ. Khoảng cách giữa điểm này và điểm giao nhau của trục tọa độ là nồng độ của
nguyên tổ cần xác định trong dung dịch thử.
PHỔ KHỐI
1. Nguyên tắc
Chất phân tích được chuyển sang thể khí và ion hoá, tạo thành các ion dương
hoặc âm. Phương pháp phổ khối dựa trên việc đo trực tiếp tỷ số m/z, là tỷ số giữa
khối lượng m và điện tích z của ion chất phân tích. Tỷ số này được trình bày dưới
dạng đơn vị khối lượng nguyên tử (1 a.m.u = 1/12 khối lượng của 12C) hay dalton
(1 Da = khối lượng nguyên tử hydro). Trong máy phổ khối, các ion được tạo thành
trong nguồn ion, được gia tốc rồi được tách trong bộ phân tích trước khi đến
detector. Tất cả quá trình trên được thực hiện trong một buồng được hút chân
không đến khoảng 10-3 đến 10-6 Pa. Phổ thu được biểu diễn cường độ tương đối của
các ion khác nhau phụ thuộc vào tỷ số m/z của các ion đó. Tín hiệu tương ứng với
một ion là một nhóm các pic tương ứng với phân bố thống kê của các đồng vị khác
nhau của ion đó. Đó là hình ảnh đồng vị của ion và trong đó pic của đồng vị có
cường độ lớn nhất của một nguyên tử được gọi là pic đơn đồng vị. Tử phổ khối ta
có được những thông tin định tính (xác định khối lượng phân tử và thông tin về cấu
trúc có được nhờ các mảnh thu được) hay định lượng (dùng chuẩn nội hay chuẩn
ngoại) với giới hạn phát hiện trong khoảng từ picomol (10 -12 mol) đến femtomol
(10-15 mol).
2. Nạp mẫu
Cần phải đưa mẫu vào máy sao cho không ảnh hưởng nhiều đến chân không
trong máy. Một phương pháp thường dùng là nạp trực tiếp mẫu lỏng; mẫu được đặt
lên đầu một thanh hình tạt (trong một chén thạch anh, trên một sợi hay trên một bề
mặt kim loại). Thanh này được đưa vào máy phổ khối sau khi đi qua một chốt chân
không mà ở đây được duy trì một chân không đầu tiên, có áp suất trung gian giữa
áp suất khí quyển và áp suất của chân không thứ hai ở trong máy. Trong những hệ
thống nạp mẫu khác, các thành phần trong hỗn hợp mẫu thử được tách trên một
máy khác (như máy sắc ký) trước khi đi vào trong máy khối phổ được ghép nối với
máy đó.
Sắc ký khí – khối phổ: Trong sắc ký khí – khối phổ, một đầu của cột sắc ký
(mao quản hay bán mao quản) được đưa trực tiếp vào trong nguồn ion của máy
khối phổ.
Sắc ký lỏng – khối phổ: Sự kết hợp sắc ký lỏng – khối phố là kỹ thuật đặc
biệt hữu ích trong việc phân tích các hợp chất phân cực, là những chất ít bay hơi
hay rất dễ phân hủy bởi nhiệt, không phân tích được bằng sắc ký khí – khối phổ.
Khó khăn trong kỹ thuật sắc ký lỏng – khối phổ là làm thế nào thu được các ion ở
thể khí từ pha lỏng, vì vậy cần có những giao diện đặc biệt như: Nạp trực tiếp: Pha
động từ đầu cột sắc ký đi ra, được phun sương và dung môi được bay hơi ở trước
nguồn ion của máy khối phổ. Giao diện chùm hạt: Pha động với lưu lượng tới
khoảng 0,6 mL/phút được phun sương và loại dung môi trong một buồng nhỏ, chỉ
còn lại các hạt chất phân tích trung hòa điện đi tới nguồn ion của máy khối phổ; kỹ
thuật này được dùng cho các hợp chất có độ phân cực tương đối thấp và khối lượng
phân tử nhỏ hơn 1000 Da. Giao diện băng chuyền: Pha động với lưu lượng tới
khoảng 1 mL/phút được đưa lên một băng chuyền; sau khi dung môi bay hơi, các
chất phân tích được lần lượt đưa tới nguồn ion và được ion hóa ở đó; kỹ thuật này
ít phù hợp cho các chất rất phân cực hay dễ phân hủy nhiệt. Các kiểu ghép nối khác
(phun điện, phun nhiệt, ion hóa hóa học ở áp suất khí quyển) được coi như thực
chất là các kỹ thuật ion hóa và sẽ được mô tả trong phần các kiểu ion hóa.
Sắc ký chất lỏng siêu tới hạn – khối phổ: Trong kỹ thuật sắc ký chất lòng
siêu tới hạn – khối phổ, pha động (thường là carbon dioxyd siêu tới hạn) khi đi qua
một van chiết nóng nằm giữa cột sác ký và nguồn ion sẽ chuyển sang thể khí. Điện
di mao quản – khối phổ Trong kỹ thuật điện di mao quản – khối phổ, dịch rửa giải
từ cột mao quản được đưa vào nguồn ion và trong một số trường hợp một dung
môi khác được thêm vào để đạt được lưu lượng cỡ vài μl/phút. Kỹ thuật này có hạn
chế là lượng mẫu nhỏ và cần dùng dung môi bay hơi.
3. Các kiểu ion hóa
Bắn phá điện tử: Mẫu thử ở trạng thái khí được ion hóa dưới tác động của
một chùm electron có năng lượng lớn hơn năng lượng ion hóa của mẫu (thường là
70 eV). Bên cạnh các ion phân tử M*, sẽ hình thành các mảnh đặc trưng cho cấu
trúc của phân tử. Kỹ thuật này bị hạn chế chủ yếu vì phải hóa hơi mẫu. Vì vậy nó
không phù hợp cho các chất phân cực, dễ phân hủy nhiệt hay có khối lượng phân
tử lượng lớn. Kiểu ion hóa bằng bắn phá điện tử phù hợp cho kỹ thuật ghép nối
khối phổ với sắc ký khí và đôi khi với sắc ký lỏng.
lon hóa hóa học: Trong kiểu ion hóa này, người ta dùng một thuốc thử ở thể
khí như methan, amoniac, nitrogen oxyd, nitrogen dioxyd hay oxygen. Phổ khối
thu được sẽ đặc trưng bởi các ion kiểu (M+H)+ hay (M–H)– hay các ion cộng hợp
giữa chất phân tích và khí thuốc thử. Các mảnh hình thành ít hơn so với kiểu bắn
phá điện từ. Một biến thể khác của kỹ thuật này được dùng khi chất phân tích dễ bị
phân hủy nhiệt; trong trường hợp này, mẫu được đưa lên một sợi dây và bay hơi rất
nhanh do hiệu ứng nhiệt Joule-Thomson (ion hóa hóa học giải hấp).
lon hóa bằng bắn phá nguyên tử nhanh (FAB) hay ion nhanh (khối phổ
ion thứ cấp lỏng – LSIMS): Trong kỹ thuật này, mẫu thử được hòa tan trong một
chất nền nhớt như glycerin, rồi cho lên một bề mặt kim loại và được bắn phá bởi
một chùm nguyên tử trung hòa như argon hay xenon, hoặc bằng các ion cesi động
năng cao. Kết quả là sẽ xuất hiện các ion kiểu (M–H)– hay (M+H)+ hay các ion
cộng hợp hình thành từ chất nền hay mẫu thử. Kiểu ion hóa này rất thích hợp cho
các chất phân cực hay dễ phân hủy nhiệt, cho các chất có phân tử lượng tới 10 000
Da. Kỹ thuật này có thể dùng kết hợp với sắc ký lỏng trong đó pha động được cho
thêm 1% đến 2% glycerin; tuy vậy lưu lượng pha động phải rất thấp (vài μl/phút).
lon hóa điện trường và khử hấp điện trường: Trong kỹ thuật này, mẫu thử
được bay hơi gần một sợi dây có phủ các vi kim (ion hóa điện trường) hay được
đặt lên sợi dây (giải hấp điện trường). Mẫu thử được ion hóa dưới tác động của
một điện áp khoảng 10 kV đặt giữa sợi dây và một đối điện cực. Hai kỹ thuật này
chủ yếu tạo nên các ion phân tử M+, các ion (M+H)+ và được dùng cho các chất
có độ phân cực thấp và hay dễ phân hủy nhiệt.
lon hóa khử hấp bằng laser có nền hỗ trợ (MALDI): Ở đây, mẫu thử trong
một nền thích hợp được đặt lên một giá dỡ kim loại và được ion hóa bởi một chùm
xung tia laser có bước sóng trong vùng từ tử ngoại đến hồng ngoại (các xung này
rất ngắn, chỉ kéo dài trong một pico giây đến vài nano giây). Kiểu ion hóa này
đóng vai trò thiết yếu trong việc phân tích các chất có khối lượng phân tử rất cao
(trên 100 000 Da) nhưng chỉ dùng cho các máy có bộ phận tích thời gian bay (xem
thêm ở dưới đây).
Phun điện: Kiểu ion hóa này được thực hiện ở áp suất khí quyển. Các mẫu
thử trong dung dịch được đưa vào nguồn ion qua một Ống mao quản mà ở đầu ống
này có một điện thế cỡ 5 kV. Có thể dùng một khí để phun sương. Lưu lượng khí
có thể từ vài μL/phút đển 1 mL/phút. Kỹ thuật này phù hợp cho các chất phân cực
và cho việc nghiên cứu các phân tử sinh học có khối lượng tới 100 000 Da. Có thể
dùng trong ghép nối với sắc ký lỏng hay điện di mao quản.
Ion hóa hóa học ở áp suất khí quyển (APCI): lon hóa được thực hiện ở áp
suất khí quyển nhờ tác động của một điện cực có điện thế nhiều kilo vôn đặt trên
đường đi của pha động; pha động được phun sương bằng hiệu ứng nhiệt và một
luồng khí nitrogen. Các ion hình thành có một điện tích và là ion kiểu (M+H)+
trong chế độ phân cực dương và kiểu (M–H)– trong phân cực âm. Kiểu ion hóa
này có thể áp dụng cho kết nối với sắc ký lỏng ở lưu lượng pha động cao đến 2
mL/phút. Mẫu thử trong pha động có nước, các dung môi hữu cơ và một chất điện
ly dễ bay hơi (thường là amoni acetat), sau khi đi qua một mao quản kim loại có
nhiệt độ được kiểm soát, được đưa vào nguồn ion dưới dạng phun sương. Lưu
lượng thích hợp là trong khoảng 1 – 2 mL/phút. Các ion của chất điện ly sẽ ion hóa
các chất phân tích. Quá trình ion hóa này có thể được thay thế hay tăng cường bằng
sự phóng điện ở khoảng 800 vôn, đặc biệt là khi tất cả là dung môi hữu cơ. Kỹ
thuật này phù hợp cho việc ghép nối khối phổ với sắc ký lỏng.
4. Bộ phân tích khối
Các bộ phân tích khối (hay bộ phân tích) có hiệu năng khác nhau chủ yếu do
hai thông số: – dài khối, tức là dải đo tỷ sổ m/z; – độ phân giải, tức là khả năng
tách hai ion có cường độ bằng nhau và có tỷ sổ m/z khác nhau ΔM, và phần xen
phủ giữa hai pic được đo bằng chiều cao của hõm tính theo phần trăm; ví dụ, độ
phân giải (M/ΔM) là 1000 với hõm 10 % cho ta biết có thể tách hai tỷ số m/z 1000
và 1001 với dãy hõm có cường độ 10 % trên đường nền. Tuy vậy, trong một số
trường hợp (bộ phân tích thời gian bay, tứ cực hay bẫy ion) độ phân giải được định
nghĩa là tỷ số giữa khôi lượng phân tử và chiều rộng của pic ở nửa chiều cao (ứng
với hõm 50 %).
Bộ phân tích từ và phân tích tĩnh điện: Các ion tạo thành trong nguồn ion
được gia tốc bởi một điện áp V, được hội tụ về bộ phân tích từ có từ trường B hay
bộ phân tích tĩnh điện có điện trường tĩnh điện E, tùy theo cấu hình của máy. Các
ion này đi theo một quỹ đạo bán kính r, theo định luật Laplace. Có hai kiểu quét để
thu nhận và đo các ion khác nhau sinh ra trong nguồn ion: quét B với V cố định và
quét V với B cố định. Bộ phân tích từ trường được tiếp nối bởi một ngăn điện có
tác dụng như một bộ lọc động năng, làm tăng đáng kể độ phân giải của máy. Độ
phân giải tối đa của một máy loại này (loại hai ngăn) nằm trong khoảng 10.000 đến
150.000 nhờ đó, trong hầu hết các trường hợp, cho phép tính toán đủ chính xác các
tỷ số m/z đế xác định được thành phần nguyên tố của các ion. Với các ion có điện
tích bằng 1, dải khối là từ 2000 Da đến 15 000 Da. Một số iọn có thể phân hủy
nhanh chóng vì là kết quả của sự chuyển dịch kém bền hoặc do va chạm với một
khí trong những vùng vô trường giữa nguồn ion và detector [phân ly do hoạt hóa
bởi va chạm (CAD)]. Xem xét những sự phân hủy này là rất có ích cho việc xác
định cấu trúc cũng như đặc tính của một chất cụ thể trong hỗn hợp, việc xem xét
này cần đến kỹ thuật khối phổ tiếp nối. Có nhiều kỹ thuật như vậy có thể áp dụng,
tùy theo sự phân hủy xảy ra ở vùng nào: – kiểu ion con (xác định các ion phân hủy
của ion mẹ) gọi là MIKES (Mass-analysed lonKinetic Energy Spectroscopy – Phổ
động năng ion phân tích khối); – kiểu ion mẹ (xác định tất cả các ion mà khi phân
hủy cho một ion có tỷ số m/z xác định), kiểu mất mảnh trung hòa (kiểu mảnh mất,
neutral-loss mode, phát hiện tất cả các ion cùng mất một mảnh).
Bộ phân tích tứ cực: Bộ phân tích này gồm có bốn thanh kim loại song song
hình trụ hay có tiết diện hình hyperbol. Chúng được đặt đối xứng hai bên đường đi
của các ion; các cặp đối diện với nhau qua trục đối xứng của các thanh điện cực thì
được nối điện với nhau. Điện thế của hai cặp thanh điện cực là đối nhau. Điện thế
này là tổ hợp của một thành phần một chiều và một thành phần xoay chiều. Các ion
hình thành trong nguồn ion được truyền đi và tách bằng cách thay đổi thế đặt trên
các điện cực sao cho tỷ số giữa thế một chiều và thế xoay chiều là hằng số. Bộ tử
cực thường có dài khối từ 1 a.m.u. đến 2 000 a.m.u., một số có thể tới 4 000 a.m.u.
Mặc dù các bộ tử cực có độ phân giải thấp hơn các bộ phân tích từ, nhưng chúng
cho ta hình ảnh đơn đồng vị của các ion một điện tích trên toàn dải phổ. Có loại
dùng bộ phân tích gồm ba tứ cực xếp nổi tiếp nhau Q1, Q2, Q3 (gọi là bộ ba tứ cực
hay tứ cực chập ba) để ghi phổ. Tứ cực Q2 là ngăn để cho các ion va chạm, tạo ra
các ion mảnh nhỏ hơn, như vậy thực ra Q2 không có vai trò phân tích; khí dùng
cho va chạm thường là khí argon. Các kiểu quét thông dụng nhất là: – kiểu ion con:
Q1 tách lấy ion có m/z, ion này được đưa vào Q2 và được phân mánh do va chạm,
các mảnh tạo thành được phân tích trong Q3 ; – kiểu ion mẹ: Q1 quét một dải khối
xác định, Q3 chỉ lọc lấy một ion có m/z nhất định. Như vậy chỉ những ion nào
phân hủy sinh ra mảnh ion chọn bởi Q3 là được phát hiện; – kiểu mảnh mất: Q1 và
Q3 quét một dải khối nào đó trong khoảng tương ứng với các ion mất một mảnh
đặc trưng cho một chất hay một nhóm chất. Cũng có thể ghi phổ khối dùng phổi
hợp bộ tứ cực với bộ phân tích từ hay tĩnh điện; đó là các máy khối phổ lai.
Bộ phân tích bẫy ion: Bộ phân tích này về nguyên tắc cũng giống như bộ tứ
cực, nhưng sử dụng điện trường ba chiều. Bộ phân tích kiểu này cho phép thu được
phổ các ion hình thành qua nhiều thế hệ (MSn) hay gọi là phổ MS nhiều lần.
Bộ phân tích cộng hưởng cyclotron ion: Ở đây, các ion hình thành trong một
ngăn và được đưa vào một từ trường đều, mạnh, chuyển động trên quỹ đạo tròn với
tần số có thể tỷ lệ thuận với tỷ sổ m/z của chúng nhờ áp dụng thuật toán chuyên
hóa Fourner. Hiện tượng này được gọi là cộng hưởng cyclotron ion. Các bộ phân
tích kiểu này gồm có những nam châm siêu dẫn và có độ phân giải cao (1.000.000
và hơn nữa) cũng như cho ta phổ MSn, nhưng đòi hỏi phải có chân không cao tức
là áp suất rất thấp (cỡ 10-7 Pa).
Bộ phân tích thời gian bay: Ở đây, các ion hình thành trong nguồn ion được
gia tốc ở điện áp 10 kv đến 20 kv. Chúng đi qua một bộ phận tích gồm ống vô
trường thường được gọi là ống bay, dài khoảng 25 cm đến 1,5 m. Thời gian t cần
cho một ion đi đến detector tỷ lệ thuận với căn bậc hai của tỷ sổ m/z. Về lý thuyết,
dải khối của bộ phân tích này là vô hạn; nhưng trên thực tế nó bị hạn chế bởi sự
ion hóa hay phương pháp khử hấp, Bộ phân tích thời gian bay chủ yếu dùng cho
các chất có khối lượng phân tử cao (đến vài trăm ngàn dalton). Kỹ thuật này rất
nhạy (đến vài picomol). Độ chính xác của phép đo và độ phân giải có thể được cải
thiện nếu dùng gương tĩnh điện (reflection).
5. Thu nhận tín hiệu
Chủ yếu có ba kiểu thu tín hiệu.
Kiểu toàn phổ: Toàn bộ tín hiệu thu được trên một dải khối được ghi lại. Phổ
trình bày sự phụ thuộc của cường độ tương đối của các ion khác nhau vào tỷ số
m/z của các ion đó. Kết quả thu được chủ yếu có ý nghĩa định tính. Việc sử dụng
thư viện phổ đối chiếu cho phép ta định tính nhanh chóng.
Kiểu đo mảnh (theo dõi ion chọn lọc): Tín hiệu thu được là của một ion (theo
dõi một ion, SIM) hay nhiều ion (theo dõi nhiều ion, MIM) đặc trưng cho chất
được phân tích. Giới hạn phát hiện có thể được thu nhỏ đáng kể trong kiểu thu tín
hiệu này. Có thể tiến hành các phép thử định lượng hay bán định lượng nhờ dùng
các chất chuẩn ngoại hay chuẩn nội (ví dụ, dùng chuẩn deuteri hóa). Không thể
tiến hành các phép thử này với các bộ phân tích thời gian bay.
Kiểu đo mảnh phổ khối hai lần (theo dõi nhiều phản ứng, MRM): Kiểu đo
này cho phép theo dõi chọn lọc sự phân hủy đơn phân tử hay đôi phân tử của một
tiền ion đã chọn, đặc trưng cho chất phân tích. Độ chọn lọc và tính đặc hiệu của
kiểu thu tín hiệu này cho phép đạt đến độ nhạy rất cao làm cho kiểu đo này trở
thành một phép đo thích hợp nhất trong các nghiên cứu định lượng nếu dùng chất
chuẩn nội thích hợp (như chuẩn deuteri hóa). Kiểu phân tích này có thể thực hiện
trên máy có ba tứ cực ghép nối tiếp, các bộ phân tích bẫy ion hay cộng hưởng
cyclotron.
6. Hiệu chuẩn
Việc hiệu chuẩn cho phép ta gán một giá trị m/z tương ứng với một tín hiệu
thu được. Trên nguyên tắc, việc hiệu chuẩn được thực hiện nhờ sử dụng một chất
đối chiếu. Nên dùng chuẩn ngoại, phổ chất đối chiếu được ghi riêng; nếu dùng
chuẩn nội thì chất đối chiếu được trộn với chất đêm thử. So ion hay số điểm chuẩn
cần thiết (để việc hiệu chuẩn đảng tin cậy) phụ thuộc vào kiểu bộ phân tích và độ
chính xác mong muốn, ví dụ như khi dùng bộ phân tích từ thì càng làm nhiều điểm
càng tốt vì ở đây tỷ số m/z biến đổi theo hàm sổ mũ với giá trị từ trường.
7. Phát hiện tín hiệu và xử lý dữ liệu
Các ion sau khi được tách trong bộ phân tích, được chuyển thành tín hiệu điện
trong một hệ thống phát hiện như một nhân quang hay một nhân electron. Các tín
hiệu được khuếch đại trước khi được chuyển lại thành tín hiệu số để xử lý dữ liệu
cho phép hiệu chuẩn, dựng thành phổ, tự động định lượng, lưu trữ, đưa vào thư
viện phổ hay sử dụng thư viện phổ. Máy tính được dùng để kiểm soát các thông số
vật lý điều hành hoạt động của cả hệ thống máy.
PHỔ KHỐI – PLASMA CẢM ỨNG (ICP-MS)
Nguyên tắc
Phổ khối-plasma kết hợp cảm ứng, gọi tắt là Phổ khối plasma cảm ứng (ICP-
MS) là một phương pháp phổ khối với nguồn ion hóa là plasma kết hợp cảm ứng
(inductivelycoupled plasma-ICP).
Nguyên lý cơ bản của sự hình thành ICP được mô tả: Plasma cảm ứng ICP là
một nguồn khí trơ (thường là khí argon) được ion hóa cao độ, có số ion và số
electron bằng nhau và được duy trì bằng một trường điện từ tần số radio (RF). Khi
mẫu thử tiếp xúc với ICP, nhiệt độ cao của plasma sẽ khử dung môi, hóa hơi, kích
thích và ion hóa các nguyên tử trong mẫu. Giới hạn phát hiện của phương pháp
ICP-MS đạt tới cỡ nanogam/lít. Plasma được hình thành khi một dòng khí mang
chạy qua “ngọn đèn” hay “torch” gồm 3 ống đồng tâm bằng thạch anh. Một cuộn
dây kim loại cuốn quanh đầu trên của đèn và được nối với một nguồn phát tần số
radio. Cuộn dây này được cấp một công suất thường là 700 – 1500 w, tạo nên một
từ trường cảm ứng dao động ứng với tần số của nguồn tần số radio thường là 27
MHz, 40 MHz. Plasma hình thành khi khí mang được kích thích bởi một một
nguồn phóng điện, sinh ra cac ion và electron mầm. Trong từ trường cảm ứng, các
phần tử tích điện (ion và electron) bị ép chạy qua con đường hình vành khuyên
khép kín. Do cản trở dòng chảy của chúng, quá trình sinh nhiệt xảy ra và tạo thêm
ion. Quá trình hình thành plasma xảy ra hầu như tức thời và plasma đạt được toàn
bộ cường độ và kích thước. Sự dao động với tần số radio của công suất đặt trên
cuộn dây tạo ra điện trường và từ trường tần số tại khu vực phía trên phần đầu của
đèn. Khi tia lửa điện (được tạo ra bởi ống Tesla hay một thiết bị kích thích khác)
tác động lên luồng khí mang đi qua đèn, thì một số electron bị bứt khỏi các nguyên
tử khí mang. Các electron này bắt gặp từ trường cảm ứng và tăng tốc. Sự tăng năng
lượng cho các electron nhờ cuộn dây điện này được gọi là sự kết hợp cảm ứng
(inductive coupling). Các electron năng lượng cao này lại va đập với các nguyên tử
khí mang khác làm bật ra thêm nhiều electron hơn nữa. Sự ion hóa (do va đập) của
khí mang tiếp tục xảy ra theo một phản ứng dây chuyền, làm cho khí mang biến
thành một thực thể plasma bao gồm các nguyên tử, các electron, và các ion khí
mang. Plasma được duy trì trong phạm vi đèn và cuộn dây nhờ năng lượng có tần
số radio được liên tục truyền cho plasma qua quá trình kết hợp cảm ứng. ICP được
thấy như một plasma hình lông chim mạnh mẽ và sáng chói. Phần đáy của plasma
có hình vòng xuyến, được gọi là vùng cảm ứng, là vùng ở đó có quá trình truyền
năng lượng cảm ứng từ cuộn dây cho plasma. Mẫu thử được đưa qua vùng cảm
ứng này vào trung tâm của plasma.
Trong ICP-MS, plasma sẽ ion hóa các nguyên tố có trong mẫu. Các ion này
được đưa vào máy phổ khối và được tách theo tỷ số khối/điện tích (m/z). Hầu hết
các máy phổ khối có một hệ tử cực hoặc một nam châm. Các ion đi từ plasma qua
bộ phận giao diện gồm một côn lấy mẫu (sampler cone) và một côn gạn lọc
(skimmer cone) tới bộ quang học ion. Bộ quang học ion này gồm có một thấu kính
tĩnh điện, thấu kính này đưa các ion từ một vùng có áp suất khí quyển sang bộ
phận lọc khối có chân không được duy trì ở mức bằng 10-8 Pa hoặc nhỏ hơn, nhờ
một bơm turbo phân tử. Sau khi được lọc, các ion có tỷ số khối/điện tích được
chọn đi tới detector (Là một nhân quang, một cốc Faraday hay các dynod), tại đây
các dòng ion được chuyển thành tín hiệu điện. Nguyên tố được định lượng dựa trên
số ion đi tới detector và tạo ra các xung điện trong một đơn vị thời gian. Trong máy
phổ ICP-MS còn có một hệ thống nạp mẫu và bộ xử lý dữ liệu như trong máy phổ
ICP-AES.
Thiết bị
Một máy ICP-MS bao gồm các thành phần chủ yếu sau: Bộ nạp mẫu gồm một
bơm nhu động để bơm dung dịch đến bộ phận phun sương với tốc độ dòng không
đổi; Bộ sinh tần số radio; Bộ đèn plasma (plasma torch); Giao diện có hai côn để
chuyển các ion đến bộ quang học ion; Máy phổ khối; Detector; Bộ thu nhận dữ
liệu.
Yếu tố ảnh hưởng
Vấn đề chính là nhiễu khối lượng, đặc biệt là trong khoảng giữa của dải khối
(ví dụ 40 – 80 đơn vị a.m.u), các phần tử có cùng khối lượng che phủ đáng kể tín
hiệu khối của ion phân tích. Tổ hợp các ion nguyên tử cũng dẫn đến các nhiễu đa
nguyên tử hay nhiễu phân tử . Nên mẫu cũng có thể ảnh hưởng lên một số chất
phân tích. Một số nền mẫu có tác động lên sự hình thành giọt sương hay lên nhiệt
độ ion hóa trong plasma. Những hiện tượng này có thể làm mất các tín hiệu của
chất phân tích. Có thể tránh ảnh hưởng vật lý bằng cách sử dụng phương pháp
chuẩn nội hay thêm chuẩn. Nguyên tố dùng làm chuẩn nội tùy thuộc vào nguyên tố
cần đo Đặc tính hàng đầu của một thiết bị ICP-MS là độ phân giải, tức là hiệu lực
tách hai khối gần nhau, về mặt này, các máy dùng tứ cực kém hơn các máy dùng
nam châm.
Tiến hành
Chuẩn bị mẫu và nạp mẫu
Việc chuẩn bị mẫu thường có bước phá hủy nền mẫu bằng một phương pháp
phù hợp như dùng lò vi sóng. Ngoài ra cần đảm bảo nồng độ chất phân tích nằm
trong khoảng làm việc của máy (bằng cách pha loãng hay làm đậm đặc dung dịch
mẫu) và đảm bảo dung dịch mẫu có thể được phun sương ổn định. Nhiều hệ thống
nạp mẫu cho phép sử dụng các acid đậm đặc, nhưng acid sulfuric và acid
phosphoric có thể ảnh hưởng đến đường nền. Vì thế nên dùng acid nitric và acid
hydrocloric. Nếu có bộ nạp mẫu và đèn plasma làm bằng vật liệu chịu acid
hydrofluoric (như polymer perfluoroalkoxy) thì có thể dùng acid hydrofluoric. Khi
lựa chọn phương pháp nạp mẫu, cần tính đến yêu cầu về độ nhạy, độ ổn định, tốc
độ, cỡ mẫu, khả năng chống ăn mòn và chống bị tắc. Một bộ phun sương phun
ngang kết hợp với một buồng phun và đèn plasma có thể đáp ứng với hầu hết các
yêu cầu. Dung dịch mẫu thường được bơm bằng bơm nhu động với tốc độ khoảng
20 – 1000 μl/phút. Khi có sử dụng dung môi hữu cơ thì khi đưa oxygen vào phải
tránh lớp dung môi hữu cơ.
Chọn điều kiện làm việc
Cần tuân theo các điều kiện thao tác chuẩn do nhà sản xuất thiết bị đưa ra.
Thông thường, có các nhóm điều kiện thao tác khác nhau cho các dung dịch trong
nước và dung dịch trong dung môi hữu cơ. cần lựa chọn đúng các thông số làm
việc: Lựa chọn các côn bằng vật liệu thích hợp (côn lấy mẫu và côn gạn lọc); Lựa
chọn tốc độ dòng khí mang (các ống ngoài, giữa và trong của đèn); Lựa chọn công
suất của dòng tần số radio (RF); Lựa chọn tốc độ bơm; Lựa chọn một hay nhiều
đồng vị của nguyên tố cần đo.
Lựa chọn đồng vị
Có nhiều tiêu chí để lựa chọn chất đồng vị. Để đạt được độ nhạy tối đa, chọn
đồng vị có mật độ cao nhất. Ngoài ra, nên chọn một đồng vị ít chịu ảnh hưởng bởi
các phần tử khác trong nền mẫu và của khí mang. Trong phần mềm của nhà sản
xuất thiết bị ICP-MS thường có sẵn thông tin về ảnh hưởng của các phần tử có
cùng khối lượng và các ion đa nguyên tử thuộc nhiều loại khác nhau như các
hydrid,các oxyd, các clorid, v.v.
Kiểm tra hiệu năng của máy
Tính phù hợp của hệ thống
Trước khi chạy mẫu, phải chỉnh máy để có thể theo dõi và điều chỉnh các
phép đo. Kiểm tra độ đúng của khối, dùng một dung dịch chứa nhiều đồng vị phủ
kín thang khối. Ghi lại độ nhạy, độ ổn định ngắn hạn và dài hạn. Tối ưu hóa các
thông số máy (điều kiện plasma, các thấu kính ion, thông số tứ cực) để thu được số
lần đếm cao nhất có thể. Chỉnh độ phân giải và trục khối (sử dụng một dung dịch
Li, Y và TI) để đạt được một đáp ứng chấp nhận được trên một dải khối rộng. Phải
đánh giá hiệu lực phân hủy các oxyd của plasma để giảm thiểu ảnh hưởng của
oxyd. Tỷ số Ce/CeO và/hay Ba/BaO là một chỉ thị tốt và chỉ số này cần nhỏ hơn
khoảng 3 %. Giảm thiểu sự hình thành các ion hai điện tích với Ba và Ce. Tỷ số tín
hiệu của các ion hai điện tích trên nguyên tố phân tích phải nhỏ hơn 2 %. Kiểm tra
độ ổn định dài hạn bằng cách chạy một dung dịch chuẩn trước và sau khi chạy một
chuỗi dung dịch mẫu và kiểm tra xem muối đọng trên các côn có làm giảm tín hiệu
đo trong quá trình chạy hay không.
Các phương pháp được mô tả trong các chuyên luận phải có hiệu năng đạt yêu
cầu trong các kiểm tra định kỳ với khoảng cách thời gian thích hợp.
Độ tuyến tính
Chuẩn bị và chạy ít nhất 4 dung dịch chuẩn nằm trong khoảng hiệu chuẩn và
một mẫu trắng. Với mỗi dung dịch làm lặp lại ít nhất 5 lần. Đường chuẩn được tính
toán bằng phương pháp hồi quy bình phương tối thiểu, dựa trên tất cả các dữ liệu
thu được. Đường hồi quy, các trị giá trung bình, các dữ liệu đo, và khoảng tin cậy
phải được ghi lại. Phương pháp có giá trị sử dụng khi: Hệ số hồi quy đạt tối thiểu
là 0,99; Các điểm thực nghiệm thu được tại mỗi nồng độ chuẩn phải phân bố ngẫu
nhiên hai bên đường chuẩn. Tính các trị giá trung bình và độ lệch chuẩn tương đối
tại mức nồng độ chuẩn thấp nhất và cao nhất. Nếu tỷ số giữa hai độ lệch chuẩn tính
được nhỏ hơn 0,5 hay lớn hơn 2,0 thì có thể tính lại theo phương pháp hồi quy
tuyến tính hữu trọng (hay hồi quy tuyến tính có trọng số – weighted linear
regression) để có được đường chuẩn chính xác hơn. Áp dụng cả hai hàm hữu trọng
bậc 1 và bậc 2 để biết được dùng hàm nào là thích hợp nhất. Nếu các trị giá trung
bình so với đường chuẩn cho thấy có độ lệch khối sự tuyến tính thì phải dùng phép
hồi quy tuyến tính hai chiều.
Độ đúng
Nên kiểm tra độ đúng bằng cách sử dụng chất đối chiếu có chứng chỉ (CRM).
Nếu không thể làm việc đó thì tiến hành thử độ thu hồi.
Độ thu hồi
Với phép thử định lượng, cần đạt độ thu hồi 90 % đến 110 %. Khi xác định
một lượng vết nguyên tố, phải đạt độ thu hồi từ 80 % đến 120 % trị giá lý thuyết.
Có thể xác định độ thu hồi trên một dung dịch đối chiếu (dung dịch trong nền mẫu)
có cho thêm một lượng đã biết của chất phân tích(khoảng nồng độ có phải phù hợp
với mẫu đem phân tích).
Độ lặp lại
Độ lặp lại (độ lệch chuẩn tương đối) không được lớn hơn 3 % trong các phép
định lượng và 5 % trong phép thử xác định tạp chất.
Giới hạn định lượng
Kiểm tra để đảm bảo rằng giới hạn định lượng nhỏ hơn giá trị cần đo.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN DI
PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN DI
Nguyên tắc
Điện di là hiện tượng liên quan đến sự di chuyển của các protein, các colloid,
các phân tử, hay các tiêu phân tích điện hòa tan hoặc phân tán trong dung dịch điện
giải khi có dòng điện đi qua. Điện di được chia thành hai loại tùy theo thiết bị sử
dụng: Điện di dung dịch tự do hay điện di với sự chuyển dịch của các lớp biên và
điện di vùng. Trong phương pháp điện di dung dịch tự do, dung dịch đệm của các
protein trong một ống hình chữ u dưới tác dụng của dòng điện sẽ hình thành nên
các lớp protein có linh độ giảm dần. Chỉ phần di chuyển nhanh nhất của protein sẽ
tách rõ rệt khỏi các protein khác, kiểm tra sự dịch chuyển của các lớp biên bằng hệ
thống quang học sẽ cung cấp các dữ liệu để tính toán linh độ điện di và các thông
tin về mặt định tính và định lượng của thành phần hỗn hợp protein. Trong điện di
vùng, mẫu được đưa vào dưới dạng một dải hẹp hay điểm trong cột, trên tấm
phẳng, hay trên một lớp phim chứa đệm. Sự di chuyển của các thành phần trong
các dải hẹp cho phép tách hoàn toàn chúng. Có thể tránh sự chồng lấn giữa các dải
hẹp do sự đối lưu nhiệt bằng cách đưa chất điện giải vào các nền (matrix) xốp như
chất rắn dạng bột, hay nguyên liệu dạng sợi như giấy, hay gel như tinh bột, agar
hoặc polyacrylamid. Các phương pháp điện di vùng có ứng dụng rộng rãi. Điện di
gel, đặc biệt là điện di đĩa được sử dụng để tách protein do khả năng cho độ phân
giải cao. Sự di chuyển điện di của các tiểu phân của một chất nhất định phụ thuộc
vào tính chất của tiểu phân mà chủ yếu là điện tích, kích thước hay khối lượng
phân tử và hình dạng của các tiểu phân cũng như các tính chất và các thông số thực
nghiệm của hệ thống. Những thông số này bao gồm: pH, nồng độ ion, độ nhớt và
nhiệt độ của chất điện giải, mật độ hoặc độ liên kết chéo của các matrix nền như
gel và điện thế áp đặt.
Ảnh hưởng của điện tích, kích thước tiểu phân, độ nhớt của chất điện giải và
biến thiên điện thế 2 Ảnh hưởng của pH 3 Ảnh hưởng của lực ion và nhiệt độ 4
Ảnh hưởng của môi trường nền, dòng điện thẩm 5 Sự rây phân tử 6 Điện di gel 7
Thiết bị cho điện di gel 8 Điện di đĩa 9 Cơ sở của điện di đĩa 10 Linh độ tương đối
11 Quan sát các vùng phân tách 12 Những điều an toàn cần chú ý
Ảnh hưởng của điện tích, kích thước tiểu phân, độ nhớt của chất điện
giải và biến thiên điện thế:
Các tiêu phân tích điện sẽ di chuyển về phía điện cực ngược dấu với chúng,
sự di chuyển của các phân tử tích cả điện dương và điện âm phụ thuộc vào điện
tích mạng. Tốc độ di chuyển tỷ lệ thuận với độ lớn của điện tích mạng trên tiểu
phân và tỷ lệ nghịch với kích thước tiểu phân, mà kích thước tiểu phân lại có liên
quan trực tiếp với phân tử lượng. Những tiểu phân hình cầu lớn, khi định luật
Stoke có giá trị, linh độ điện di μ0 sẽ tỷ lệ nghịch với bán kính của tiểu phân theo
phương trình: Phương trình này chỉ có giá trị giới hạn ở độ pha loãng nhất định và
không có sự hiện diện của các nền như giấy hoặc gel. Các ion và peptid có trọng
lượng phân tử lớn hơn 5000, đặc biệt khi có mặt môi trường nền, không tuân theo
định luật Stoke
Ảnh hưởng của pH
Hướng và tốc độ di chuyển của phân tử có nhiều nhóm chức có thể bị ion hóa
như acid amin và protein sẽ phụ thuộc vào pH của dung dịch chất điện giải.
Ảnh hưởng của lực ion và nhiệt độ
Lực ion của chất điện giải dùng trong điện di nói chung nằm trong dãy từ
khoảng 0,01 đến 0,10. Hoạt độ ion thích hợp phụ thuộc một phần vào thành phần
của mẫu thử, do đó dung lượng đệm phải đủ lớn để duy trì pH hằng định trên diện
tích của các dải hợp phần. Các dải hợp phần trở nên sắc nét hơn và hẹp hơn khi lực
ion tăng.
Nhiệt độ ảnh hưởng gián tiếp lên linh độ, vì độ nhớt q của chất điện giải nền
phụ thuộc vào nhiệt độ. Độ nhớt của nước sẽ giảm theo tỷ lộ khoảng 3%/°C trong
vùng từ 0 °C đến 5 °C và tỷ lệ giảm này sẽ thấp hơn khi ở nhiệt độ phòng. Bởi vậy,
linh độ điện di sẽ tăng cùng với sự tăng nhiệt độ của chất điện giải. Nhiệt giải
phóng là đáng kể khi dòng điện chạy qua chất điện giải. Nhiệt nàỵ tăng cùng với sự
tăng thế đặt và lực ion tăng, ở các thiết bị lớn, cho dù có bộ phận làm lạnh, nhiệt
giải phóng vẫn tạo nên sự biến thiên về nhiệt độ ở bể điện di, dẫn đến làm biến
dạng các dải phân cách. Bởi vậy, cần quan tâm thiết kế các dụng cụ đặc biệt tính
đến lực ion và thế đặt.
Ảnh hưởng của môi trường nền, dòng điện thẩm
Khi dòng điện chạy qua chất điện giải chứa trong ống thủy tinh hoặc chứa
giữa các bản thủy tinh hoặc bản plastic thì xuất hiện dòng chất điện giải hướng về
phía đầu một điện cực, gọi là dòng điện thẩm. Dòng điện thẩm được hình thành do
điện tích trên bề mặt của thành dụng cụ phát sinh do quá trình ion hóa các nhóm
chức trong vật liệu hay do các ion hấp phụ trên thành buồng điện di chứa các chất
điện giải. Hiệu ứng này thường tăng khi buồng điện di chứa các chất xốp như gel,
được sử dụng để làm ổn định cho chất điện giải nên và đề phòng hiện tượng xáo
trộn các dải phân tách do sự đối lưu nhiệt và hiện tượng khuếch tán. Dung dịch
ngay sát trên bề mặt sẽ hình thành điện tích băng nhưng ngược dấu với điện tích
trên bề mặt và điện trường đi qua buồng điện di sẽ tạo nên sự chuyển động của
dung dịch về phía điện cực ngược dấu. Các chất thường được sử dụng làm môi
trường nền trong điện di vùng sẽ tạo diện tích âm trên bề mặt, dòng điện thẩm của
chất điện giải sẽ di chuyển về phía cathod. Vì vậy tất cả các vùng, bao gồm cả các
chất trung tính sẽ di chuyển về phía cathod trong quá trình điện di. Mức độ thẩm
thấu sẽ thay đổi khi các chất nền thay đổi. Độ thẩm thấu thay đổi đáng kể đối với
gel agar và thay đổi không đáng kể đối với gel polyacrylamid.
Sự rây phân tử
Khi không có sự hiện diện của môi trường nền hay trong trường hợp môi
trường rất xốp thì sự tách điện di của các phân tử là do sự khác nhau về tỷ lệ của
điện tích với kích thước phân tử. Nếu có sự hiện diện của chất nền, sự khác nhau
về khả năng hấp phụ hay ái lực của phân tử đối với môi trường tạo nén hiệu ứng
sắc ký có thể làm tăng hiệu quả tách. Hiệu ứng rây phân tử sẽ xuất hiện nếu môi
trường nền là các loại gel có sự phân nhánh nhiều đến mức tạo thành các lỗ xốp để
tách các phân tử theo kích thước. Hiệu ứng này tương đương hiệu ứng thu được
trong quá trình tách thẩm thấu gel hay sắc ký rây phân tử, nhưng trong điện di gel
hiệu ứng này chồng lên quá trình tách điện di. Có thể nhận thấy sự rây phân tử độ
cản trở không gian đối với sự di chuyển của các phân tử lớn. Các phân tử nhỏ di
chuyển qua các lỗ xốp có kích thước lớn, nên sự điện di qua gel không bị cản trở.
Khi kích thước phân tử tăng, một số ít hơn các lỗ xốp cho phép các phân tử đi qua,
làm chậm sự di chuyển của các phân tử có trọng lượng phân tử lớn.
Điện di gel
Quá trình sử dụng một gel như agar (thạch), tinh bột hay polyacrylamid làm
môi trường nền được hiểu theo nghĩa rộng là điện di gel. Phương pháp này đặc biệt
thuận lợi cho sự tách các protein. Sự tách này đạt được tùy thuộc vào tỷ lệ điện tích
đối với kích thước phân tử đi đôi với hiệu ứng rây phân tử phụ thuộc chủ yếu vào
khối lượng phân tử. Gel polyacrylamid được sử dụng nhiều do có một số thuận lợi.
Nó có đặc tính ít hấp phụ và tạo nên hiệu ứng dòng điện thẩm không đáng kể. Các
gel với dải rộng các lỗ xốp có kích thước khác nhau có thể được điều chế bằng
cách thay đổi nồng độ gel tổng cộng (dựa trên monomer kết hợp với các yếu tố tạo
mạch nhánh) và phần trăm của chất tạo mạch nhánh dùng để tạo gel. Lượng các
chất được biểu thị bằng phương trình sau: Trong tác nhân tạo mạch nhánh thường
chiếm khoảng 1/10 đến 1/20 lượng monomer (C = từ 10 % đến 5 %), tỷ lệ phần
trăm nhỏ hơn được dùng cho giá trị cao hơn của T. Trong quá trình điều chế gel, bể
của dụng cụ điện di chứa dung dịch nước của monomer và tác nhân tạo mạch
nhánh, thường được cân bằng bằng dung dịch đệm đến pH mong muốn trong
những lần chạy cuối và được polymer hóa tại chỗ bằng quá trình gốc tự do. Quá
trình polymer hóa được kích hoạt bởi quá trình hóa học, thông thường sử dụng
amoni persulfat kết hợp với N,N,N’,N’-tetramethylendiamin hay quang hóa hỗn
hợp riboflavin và N,N,N’,N’-tetramethylendiamin. Quá trình polymer hóa bị cản
trở bởi các phân tử oxy và môi trường acid. Lựa chọn thành phần của gel và điều
kiện polymer hóa phải bảo đảm chất lượng của gel.
Thiết bị cho điện di gel
Nói chung bể hay môi trường để thực hiện quá trình điện di có thể được đặt
theo phương thẳng đứng hay nằm ngang tùy theo thiết kế của thiết bị. Để so sánh
sự tách có thể thực hiện trong một số ống riêng biệt hay đưa các mẫu khác nhau
vào các hố kề bên nhau vào khuôn hay cắt vào phiến của gel. Phiến gel thẳng đứng
thuận lợi cho sự so sánh trực tiếp một số mẫu. Tốt nhất là sự so sánh các mẫu trong
cùng một bàn gel như vậy sẽ đồng nhất hơn về mặt thành phần so với các khuôn
gel trong nhiều bể điện di. Đặc tính của nhiều loại thiết bị là phải hàn kín buồng
đệm phía dưới với chân đế của bể điện di, cho phép mức đệm trong buồng đệm
phía dưới bằng mức đệm trong buồng đệm phía trên để loại trừ áp suất thủy tĩnh
trên gel. Ngoài ra có một vài bộ phận tuần hoàn làm lạnh cả hai mặt bể điện di gel.
Để điều chế gel, buồng gel được đậy bằng nẳp thích hợp có chứa dung dịch
monomer, tác nhân tạo mạch nhánh và chất xúc tác. Một cái lược có răng với kích
thước thích hợp được đặt lên phía trên và cho phép quá trình polymer hóa xảy ra
hoàn toàn. Sau khi lấy được ra sẽ tạo thành các hố trên bản gel được polymer hóa.
Trong điện di gel đơn giản, chỉ sử dụng một dung dịch đệm cho vào buồng đệm
phía trên và phía dưới giống nhau. Sau khi cho dung dịch đệm vào buồng đệm,
mẫu được hòa tan trong nước đường hay dung dịch đặc và hơi nhớt khác để đồ
phòng sự khuếch tán. Sau đó mẫu được đưa vào đáy các hố dựng mẫu bằng bơm
tiêm hay micropipet và bắt đầu thực hiện quá trình diện di.
Điện di đĩa
Điện di gel polyacrylamid sử dụng một dãy không liên tục các đệm và cũng
thường sử dụng nhiều lớp gel không liên tục được gọi là điện di đĩa. Tên của
phương pháp xuất phát từ dạng hình dạng đĩa của các dải hẹp được tạo thành. Do
tạo thành các dải hẹp, nên kỹ thuật này có độ phân giải đặc biệt cao và thường
được sử dụng trong phân tích đặc tính của hỗn hợp protein và phát hiện tạp chất
mà có thể có linh độ gần thành phần chính. Cơ sở của điện di đĩa được trình bày
trong phần sau có liên quan đến các hệ anion thích hợp cho việc phân tách protein
mang điện tích âm. Để hiểu được điện di đĩa cần phải có kiến thức chung về điện
di và dụng cụ đã được mô tả.
Cơ sở của điện di đĩa
Độ phân giải cao thu được trong điện di đĩa phụ thuộc vào việc sử dụng hệ
đệm không liên tục về pH và thành phần. Thường phối hợp hai hoặc ba gel khác
nhau về tỷ trọng.
Gel phân tách có chiều cao vài cm với tỷ trọng cao (T = 10 % – 30 %) được
polymer hóa trong đệm tris-clorid trong bể của thiết bị. Trong quá trình polymer
hóa đệm được phủ lên một lớp nước mỏng đổ đề phòng hiện tượng tạo thành mặt
khum trên bề mặt của gel. Lớp nước phủ lên sau đó được loại đi, lớp gel mỏng tỷ
trọng thấp (T = 3 %), có bề dày 3 mm đến 10 mm được gọi là khoảng trống hay gel
phân cách, được polymer hóa trong đệm tris-clorid trên mặt của gel phân tách. Lớp
nước phủ phía trên lại tiếp tục được sử dụng để tạo mặt phẳng. Mẫu được trộn với
một lượng nhỏ dung dịch monomer dùng để tạo gel phân cách, đổ lên mặt của gel
phân cách và được polymer hóa. pH của gel phân tách thường là 8,9, trong khi đó
pH của gel phân cách và gel chứa mẫu là 6,7. Tất cả ba loại gel này được điều chế
dùng clorid làm anion. Dung dịch đệm chứa trong buồng chứa đệm phía trên và
phía dưới có pH là 8,3 và được điều chế từ tris và glycin. pH này khoảng 3 % phân
tử glycin mang điện tích âm. Khi đặt điện thế lên hệ thống, lớp tiếp giáp glycinat-
clorid sẽ di chuyển theo hướng đi xuống và về phía anod. Lớp tiếp giáp bắt đầu ở
vị trí lớp tiếp xúc của buồng chứa đệm phía trên và đỉnh của lớp gel chứa mẫu. Tại
đây ion clorid do có kích thước nhỏ nên sẽ di chuyển nhanh hoặc bất kỳ protein
nào hiện diện trong mẫu. pH của lớp gel mẫu và lớp gel phân cách được chọn phải
thấp hơn giá trị pKa cao của glycin khoảng 3 đơn vị. Do vậy, khi băng qua các lớp
gel này, chỉ có khoảng 0,1 % phân tử glycin tích điện âm. Cho nên, glycin sẽ di
chuyển chậm hơn clorid. Khuynh hướng dịch chuyển nhanh hơn của clorid khỏi
glycinat làm giảm nồng độ nơi tiếp giáp, tạo nên sự giảm thế nhiều hơn ở lớp tiếp
giáp, điều này làm cho glycinat bắt kịp ion clorid. Trong điều kiện này, lớp tiếp
giáp rất hẹp được duy trì, và khi đó nó di chuyển qua lớp gel mẫu thử và lớp gel
phân cách, các protein trong mẫu thử ở lớp tiếp giáp sắp xếp thành lớp rất mỏng
theo thứ tự về linh độ. Quá trình này là nguồn gốc của việc các đĩa được phân tách.
Các protein được sắp xếp theo trình tự khi tiếp xúc với gel phân tách tỷ trọng cao,
chúng sẽ di chuyển chậm lại do quá trình rây phân tử. pH cao hơn trong gel phân
tách làm cho glycinat di chuyển nhanh hơn, đến mức độ làm cho lớp tiếp xúc của
các đệm không liên tục sẽ vượt qua các protein và cuối cùng sẽ tiếp xúc với đáy
của gel phân tách. Trong chu trình này, các đĩa protein tiếp tục phân tách bằng quá
trình điện di và quá trình rây phân tử trong gel phân tách. Kết thúc quá trình tách,
pH của gel phân tách số tăng từ giá trị ban đầu là 8,9 lên khoảng pH 9,5.
Linh độ tương đối
Bromophenol xanh thường được sử dụng như là một chuẩn để tính toán linh
độ tương đối của các dải phân tách và để quan sát các quá trình tách. Nó có thể
được thêm vào trong hố đựng mẫu hoặc trộn lẫn với mẫu, hoặc đơn giản được
thêm vào dung dịch đệm ở buồng chứa đệm phía trên.
Quan sát các vùng phân tách
Do polyacrylamid trong suốt, nên các dài protein có thể được quan sát bằng
đo mật độ quang với ánh sáng UV. Các vùng có thể cố định bằng cách nhúng vào
các dung dịch làm tủa protein như acid phosphotungstic hoặc acid tricloracetic 10
%. Các thuốc thử hiện màu được sử dụng bao gồm naphtalen đen (amido đen) và
Coomassie lam sáng R250. Những vùng được cố định hay có màu có thể được
quan sát một cách thuận lợi và được chụp ảnh với ánh sáng truyền qua từ nguồn
phát tia X.
Những điều an toàn cần chú ý
Thế sử dụng trong điện di có thể gây sốc chết người. Nguy cơ này sẽ tăng do
sử dụng dung dịch đệm nước và điều kiện môi trường làm việc ẩm ướt. Bộ phận
cung cấp nguồn của thiết bị cần được bao lại trong các lồng kim loại có dây nối đất
hoặc cần được chế tạo bằng các vật liệu cách điện, các long kim loại này cần có
chốt tự cắt nguồn khi mở nắp thiết bị. Vì sự nguy hiểm của thế cao áp, nhân viên
phòng thí nghiệm cần làm quen với thiết bị trước khi sử dụng chúng.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN DI MAO QUẢN


Điện di là hiện tượng di chuyển của tiểu phân tích điện hòa tan hay phân tán
trong chất điện giải khi có dòng điện đi qua. Cation di chuyển về phía cực âm
(cathod), anion di chuyển về phía cực dương (anod). Các phân tử không tích điện
không bị hút về phía hai điện cực. Trong phương pháp điện di mao quản (CE) việc
sử dụng mao quản để làm kênh di chuyển cho phép thực hiện quá trình tách điện di
trên một thiết bị có thể so sánh với thiết bị của sắc ký lỏng hiệu năng cao. Tuy
nhiên, vẫn còn những khác biệt rõ rệt về cách vận hành, những điểm thuận lợi và
không thuận lợi so với sắc ký lỏng hiệu nâng cao. Quá trình vận hành của CE điển
hình với mao quản mà mặt trong thành mao quản không có lớp bao và mao quản
chứa dung dịch “đệm làm việc”, thì nhóm silanol hiện diện trên thành phía trong
của mao quản thủy tinh sẽ giải phóng ion hydrogen vào dung dịch đệm và bề mặt
thành mao quản SC tích điện âm ngay cả ở pH rất thấp. Cation hay các chất hòa
tan tích điện dương một phần trong môi trường bị hút tĩnh điện vào thành mao
quản tích điện âm tạo nên một lớp điện tích kép. Quá trình điện di bắt đầu bằng
cách đặt thế trên chiều dài cột mao quản làm cho phần dung dịch của lớp điện tích
kép di chuyển về phía đầu cathod của mao quản kéo theo khối dung dịch. Sự
chuyển động của khối dung dịch dưới tác dụng của lực điện trường được gọi là
dòng điện thẩm (electroosmotic flow – EOF). Mức độ ion hóa của nhóm silanol
trên thành mao quản phụ thuộc chủ yếu vào pH của dung dịch đệm làm việc và các
chất điều chỉnh được thêm vào chất điện giải. Ở pH thấp, nhóm silanol nói chung
có độ ion hóa thấp và dòng EOF nhỏ. Ở pH cao hơn, nhóm silanol bị ion hóa nhiều
hơn và dòng EOF tăng. Trong một số trường hợp, các dung môi hữu cơ như
methanol hay acetonitril được cho thêm vào dung dịch đệm để làm tăng độ tan của
các chất hòa tan và các chất phụ gia hay để ảnh hưởng đến mức độ ion hóa của
mẫu. Nói chung, việc thêm các chất điều chỉnh hữu cơ sẽ làm giảm dòng EOF.
Detector được đặt về phía đầu cathod của mao quản. Dòng EOF thường lớn hơn
linh độ điện di. Do vậy, ngay cả anion cũng bị đẩy về phía cathod và detector. Khi
sử dụng đệm phosphat pH 7,0 ở mao quản không có lớp bao, thông thường trình tự
xuất hiện các chất tan trong điện di đồ là các cation, các chất trung tính và các
anion. Hiện nay, có 5 loại chủ yếu của điện di mao quản: Điện di mao quản vùng
(capillary zone electrophoresis – CZE) còn gọi là điện di dung dịch tự do hay điện
di mao quản dòng tự do. Sẳc ký mixen điện động, còn gọi là sắc ký điện động
mixen (micellar electrokinetic chromatography – MEKC). Điện di mao quản gel
(capillary gel electrophoresis – CGE). Điện di mao quản hội tụ đẳng điện (capillary
isoelectric focusing – CIEF) Điện di mao quản đang tốc (capillary isotachophoresis
– CITP). Trong điện di mao quản vùng, quá trình tách được kiểm soát bằng sự
khác nhau về linh độ tương đối của từng thành phần trong mẫu thử hoặc dung dịch
thử. Linh độ là hàm số của điện tích chất phân tích và kích thước trong điều kiện
nhất định của phương pháp. Chúng được tối ưu hóa bằng cách kiểm soát các thành
phần của đệm, pH và lực ion. Trong sắc ký mixen điện động, các chất hoạt động bề
mặt được thêm vào dung dịch đệm làm việc ở nồng độ lớn hơn nồng độ mixen tới
hạn. Các chất phân tích có thể phân bố trong pha tĩnh giả do mixen tạo thành. Kỹ
thuật này thường được ứng dụng để tách các chất trung tính và các ion Trong điện
di mao quản gel, tương tự như lọc gel, sử dụng các mao quản chứa gel để tách các
phân tử, dựa trên cơ sở sự khác nhau tương đối về khối lượng phân tử hay kích
thước phân tử. Nó được dùng chủ yếu để tách các protein, peptid và các oligomer.
Các gel có ưu điểm là làm giảm dòng EOF và đồng thời làm giảm một cách đáng
kể sự hấp phụ protein trên thành phía trong của mao quản, do đó làm giảm đáng kể
hiệu ứng bất đối của pic. Trong điện di mao quản hội tụ đẳng điện, các chất được
tách trên cơ sở sự khác nhau tương đối về điểm đẳng điện. Nó được thực hiện bằng
cách biến đổi pH đệm để thu được các vùng mẫu thử ở trạng thái bền (pH thấp ở
anod và pH cao ở cathod). Quá trình biến đổi được xác lập bằng cách đặt thế vào
mao quản chứa hỗn hợp thành phần của các chất mang bao gồm các chất lưỡng cực
có giá trị pH khác nhau. Trong điện di mao quản đẳng tốc sử dụng hai đệm bao
quanh các vùng chất phân tích. Cả anion và cation có thể tách thành những vùng rõ
rệt. Ngoài ra, nồng độ chất phân tích như nhau trong mỗi vùng. Như vậy, chiều dài
của mỗi vùng sẽ tỷ lệ thuận với lượng chất phân tích. Hai kỹ thuật điện di mao
quản thường được sử dụng nhiều nhất là điện di mao quản vùng và sắc ký mixen
điện động. Chúng được đề cập một cách tóm tắt trong các phần sau.
Nguyên lý của điện di mao quản vùng: Điện di mao quản vùng sử dụng
nguyên lý của điện di và điện thẩm để tách các tiểu phân tích điện.
Nguyên lý của sắc ký mixen điện động: Trong MEKC, môi trường chất điện
giải nền có chứa chất hoạt động bề mặt ở nồng độ cao hơn nồng độ mixen tới hạn
(CMC). Trong môi trường nước, các chất hoạt động bề mặt tự ngưng kết và hình
thành mixen gồm nhóm có đầu thân nước tạo nên một lớp áo bên ngoài và nhóm
có đuôi không thân nước tạo nhân không phân cực ở bên trong mixen để cho các
chất tan có thể phân bố. Nói chung, các mixen có những anion trên bề mặt ngoài,
dưới tác dụng của điện thế áp đặt chúng di chuyển theo hướng ngược lại so với
dòng EOF. Kiểu phân bố này tương tự với phân bố trong chiết xuất với dung môi
hay trong sắc ký lỏng hiệu năng cao pha đảo. Sự phân bố khác nhau của các phân
tử trung tính vào pha động nước và pha “tĩnh giả” mixen là cơ sở duy nhất cho quá
trình tách. Dung dịch đệm và các mixen tạo thành hệ thống hai pha, chất tan có thể
phân bố giữa hai pha này. Hệ thống mixen thích hợp cho MEKC phải đáp ứng các
tiêu chuẩn sau: Chất hoạt động bề mặt tan tốt trong đệm và dung dịch mixen đồng
nhất và trong suốt đối với detector UV. Chất hoạt động bề mặt phổ biến nhất cho
MEKC là natri dodecyl Sulfat (chất hoạt động bề mặt anion). Những chất hoạt
động khác bao gồm cetyltrimethylamoni bromid(chất hoạt động bề mặt cation) và
các muối mật (chất hoạt động bề mặt chiral). Độ chọn lọc của hệ thống MEKC chủ
yếu tùy thuộc vào bản chất của chất hoạt động bề mặt. Dung môi hữu cơ thường
thêm vào trong đệm MEKC để điều chỉnh hệ số dung lượng, tương tự như trong
tách bằng sắc ký lỏng pha đảo. MEKC có thể sử dụng để tách các đồng phân đối
quang. Để tách các đồng phân, trong dung dịch đệm được thêm vào các chất phụ
gia chiral hoặc chất hoạt động bề mặt chiral như muối mật. Kiến thức chung về sắc
ký cột cổ điển sẽ hỗ trợ cho sự hiểu biết nguyên lý MEKC. Tuy vậy, trong MEKC,
các mixen không thuần túy là pha tĩnh. Bởi vậy, lý thuyết sắc ký cột cần thiết phải
được điều chỉnh. Sự điều chỉnh cơ bản đối với nguyên lí cùa MEKC là bản chất
xác định của cửa sổ tách đối với các phân tử trung tính. Tương tác giữa chất tan
tích điện và mixen có thể được sử dụng để tối ưu hóa sự tách. Cặp ion có thể hình
thành nếu như điện tích trên chất hoạt động bề mặt và chất tan là trái dấu nhau.
Trong trường hợp ngược lại, chất hoạt động bề mặt và chất tan đẩy nhau. Sự khác
biệt này có thể ảnh hưởng có ý nghĩa đến sự tách của các phân tử tích điện.
Các điều chú ý đối với thiết bị
Hệ thống CE điển hình bao gồm một mao quản bằng silica nung chảy có
đường kính trong từ 50 μm đến 100 μm và chiều dài từ 20 cm đến 100 cm. Các đầu
mao quản được nhúng vào các bình điện giải riêng biệt. Nguồn cung cấp điện một
chiều có khả năng tạo điện áp cao từ 0 kV đến 30 kV. Thêm vào đó một detector,
bộ phận tiêm mẫu tự động và thiết bị ghi dữ liệu là đủ một hệ thiết bị CE. Hệ thống
cung cấp dung dịch đệm tự động và hệ thống kiểm soát bằng máy vi tính, ghi nhận
dữ liệu hay kiểm soát nhiệt độ cho cả mao quản và bộ phận tiêm mẫu tự động có
thể thấy ở các thiết bị có mặt trên thị trường. Những điều cần quan tâm đầu tiên đối
với thiết bị là kiểu mao quản, cấu hình, cách tiêm mẫu, nguồn cung cấp điện và
kiểu detector.
Các loại mao quản và cấu hình thiết bị
Mao quản dùng trong CZE thường được làm bằng silica nung chảy và không
có lớp bao mặt trong mao quản. Một vài thiết bị có cấu hình với cột mao quản để
tự do, nghĩa là mao quản không đưa vào bên trong hộp chứa. Trong hầu hết các
thiết bị trên thị trường, mao quản được đặt vào trong một hộp chứa. Cả hai cấu
hình đều có những ưu và nhược điểm riêng. Điều quan trọng là khả năng của thiết
bị có thể tương thích được các loại mao quản khác nhau với chiều dài và đường
kính mao quản khác nhau. Mao quản với chất bao mặt trong khác nhau hiện nay
cũng có mặt trên thị trường. Bởi vậy, khả năng tương thích với các loại cột khác
nhau rất quan trọng. Các chất bao mặt trong mao quản có thể được sử dụng để thay
đổi cường độ hay hướng của dòng EOF hay làm giảm sự hấp phụ của mẫu. Nếu sử
dụng mao quản có chất bao mặt trong, phải có ghi các chi tiết về chất bao và nhà
cung cấp trong phương pháp. Mao quản từ nhà cung cấp khác cũng có thể được sử
dụng nếu chúng thích hợp.
Kỹ thuật đưa mẫu và tiêm mẫu
Cách đưa mẫu vào trong mao quản bao gồm tiêm kiểu di chuyển điện (kiểu
điện động) và tiêm áp suất âm và tiêm áp suất dương (kiểu thủy tĩnh). Để tiêm kiểu
di chuyển điện, dung dịch mẫu được đưa vào mao quản bằng cách nhúng mao quản
và điện cực vào trong lọ mẫu và đặt lên đó một điện thế cao trong thời gian ngắn.
Mẫu đi vào mao quản bằng sự phối hợp của điện di và dòng EOF. Bởi vậy, các chất
phân tích có linh độ khác nhau đi vào trong mao quản ở mức độ khác nhau. Độ dẫn
của mẫu thử và chất chuẩn cũng ảnh hưởng đến dòng EOF và thể tích tiêm. Tiêm
áp suất âm là đặt áp suất âm ở đầu mao quản có detector và hút dung dịch mẫu vào
đầu tiêm của mao quản. Tiêm áp suất dương là tạo áp suất lên lọ chứa mẫu, đẩy
mẫu vào trong mao quản. Tiêm áp suất có thể đưa tất cả các thành phần của mẫu
vào trong mao quản ở cùng một mức độ, nói chung là cho độ tải lặp tốt nhất và là
cách tiêm thường được áp dụng nhất. Thể tích mẫu phụ thuộc vào chiều dài và
đường kính trong của mao quản và điện thế hay áp suất áp đặt. Thể tích mẫu đặc
trưng được tiêm vào trong mao quản khoảng từ 1 μl đến 20 μl. Mỗi một phương
pháp tiêm mẫu có những ưu và nhược điểm riêng, tùy thuộc vào thành phần của
mẫu, kiểu tách và áp dụng phương pháp. Không có kiểu tiêm mẫu nào nói trên có
độ tái lặp như bộ tiêm mẫu của máy sắc ký lỏng hiệu năng cao hiện đang có mặt
trên thị trường. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, cần thiết phải sử dụng chất chuẩn nội
cho các phương pháp cụ thể khi cần sự tiêm mẫu chính xác.
Cung cấp nguồn điện
Hầu hết các thiết bị CE có mặt trên thị trường có nguồn điện một chiều, nó có
khả năng tạo nguồn điện thay đổi từ hai hay từng nấc đảm bảo duy trì được điện
thế mong muốn một cách ổn định. Điều này sẽ đảm bảo có được đường nền tương
đối phẳng. Một đặc điểm thiết yếu khác của nguồn điện là khả năng sử dụng nguồn
này để đưa mẫu vào đầu cathod hay anod của mao quản. Bởi vì trên thực tế không
thể thay đổi vị trí detector từ đầu này đến đầu kia của thiết bị, mà chỉ có thể ấn
định đầu tiêm mẫu ở phía cathod hay anod.
Các kiểu detector
Nói chung hệ thống CE thường ghép với các detector UV-Vis và detector
huỳnh quang cảm ứng laser. Detector quét phổ UV hay detector dãy diod có thể
thấy ở nhiều thiết bị CE hiện có mặt trên thị trường.Sự ghép nối CE với phổ khối
cho phép thu được thông tin về cấu trúc kết hợp các dữ liệu điện di. Phát hiện bằng
detector huỳnh quang sẽ làm tăng độ nhạy phát hiện đối với mẫu chứa một lượng
rất nhỏ chất cần phân tích có khả năng hấp thụ UV. Việc ghép một nhóm huỳnh
quang với những chất không hấp thụ UV có thể là có ích. Các chất không hấp thụ
UV hoặc không phát quang có thể được phát hiện bằng cách thêm trực tiếp vào
dung dịch đệm các chất mang màu hay chất có huỳnh quang: Các chất không hấp
thụ được phát hiện nhờ sự mất tín hiệu so với chất nền hấp thụ hay huỳnh quang.
Detector đo độ dẫn và đo amper có thể được sử dụng, nhưng nói chung chúng
không thông dụng ở các thiết bị có mặt trên thị trường.
Những điểm cần chú ý khi phân tích mẫu
Một vài thông số như kích thước mao quản, điện thế, lực ion và pH được tối
ưu hóa để đạt độ phân giải và sự tách phù hợp. Cần tránh sự thay đổi nhiệt độ vì sẽ
ảnh hưởng đến độ nhớt của dung dịch đệm và ảnh hưởng cả đến dòng EOF và linh
độ của chất tan.
Kích thước mao quản
Những thay đổi về đường kính và chiều dài mao quản có thể ảnh hưởng đến
độ phân giải điện di. Chiều dài mao quản tăng sẽ kéo dài thời gian di chuyển,
thông thường sẽ tăng độ phân giải và làm giảm dòng điện. Đường kính mao quản
tăng thường làm tăng dòng điện và tạo ra gradient nhiệt độ bên trong cột, dẫn đến
làm giảm độ phân giải. Ngược lại, giảm đường kính trong của mao quản sẽ làm
giảm sinh nhiệt và cho độ phân giải tốt hơn. Tuy nhiên, ở mao quản có đường kính
lớn hơn có thuận lợi là tiêm được lượng mẫu nhiều hơn và cải thiện được tỷ lệ tín
hiệu trên nhiễu.
Ảnh hưởng điện thế
Khi đặt một điện thế cao hơn, xảy ra sự tăng sinh nhiệt của dung dịch đệm
làm việc bên trong mao quản vì có dòng điện đi qua dung dịch đệm. Hiệu ứng
nhiệt này còn gọi là nhiệt Jun cần phải được kiểm soát vì trở kháng, hằng số điện
môi và độ nhớt phụ thuộc vào nhiệt độ và làm thay đổi tốc độ dòng EOF và linh độ
của chất tan. Nói chung, sự tăng điện thế sẽ làm tăng hiệu lực tách và độ phân giải
đến điểm mà nhiệt Jun không phát tán được. Độ phân giải tôi đa có thể đạt được,
bằng cách duy trì điện thế ở dưới mức xảy ra sự phát nhiệt Jun và sự khuếch tán trở
thành yếu tố giới hạn.
Ảnh hưởng của lực ion
Kiểm soát lực ion cho phép điều chỉnh độ phân giải, hiệu lực tách và độ nhạy.
Tăng lực ion nói chung sẽ cải thiện độ phân giải, hiệu lực tách và hình dạng pic.
Độ nhạy có thể được cải thiện do có sự tụ hợp tốt hơn. Tuy nhiên, bởi vì dòng điện
sinh ra tỷ lệ thuận với nồng độ đệm, nhiệt sinh ra nhiều hơn khí lực ion của đệm
tăng, do đó cần hạn chế tăng lực ion.
Ảnh hưởng của pH
Độ phân giải, độ nhạy và hình dạng pic có thể thay đổi một cách rõ rệt khi có
sự thay đổi pH vì thông số này ảnh hưởng đến mức ion hóa của chất tan và dòng
EOF. Dòng EOF cao ở pH cao và thấp ở pH thấp đối với cột mao quản bằng silica
nung chảy không có lớp bao mặt trong.
Các thông số vận hành
Các bước cơ bản trong quá trình vận hành hệ thống CE là thiết lập hệ thống,
quy trình rửa cột mao quản, chuẩn bị mẫu, thử tính phù hợp hệ thống, phân tích
mẫu, xử lý dữ liệu và tắt hệ thống.
Thiết lập hệ thống
Cần quan tâm đến khả năng tách, độ phân giải, lực ion của dung dịch đệm và
ảnh hưởng pH để chọn cột có kích thước và lớp bao bề mặt cho phù hợp. Điều chế
dung dịch đệm có thành phần, lực ion và pH thích hợp, loại khí nếu cần thiết và lọc
qua lọc thích hợp. Tất cả dung môi, bao gồm cả nước cần dùng loại tinh khiết dùng
cho sắc ký lỏng hay CE.
Quy trình rửa mao quản
Sự ổn định về thời gian di chuyển và độ phân giải có thể thu được nếu tuân
theo quy trình rửa cột mao quản nhất định. Quy trình rửa và cân bằng mao quản
phải phù hợp với các chất phân tích, các nền mẫu (matrix) và phương pháp phân
tích. Bởi vậy, những qui trình này được xây dựng như là một phần của phương
pháp và được quy định trong từng chuyên luận riêng. Rửa cột có thể dùng dung
dịch acid phosphoric 0,1 N, nước và dung dịch natri hỵdroxyd 0,1 M. Trước khi
bắt đầu quá trình phân tích mẫu, cột mao quản có thể được rửa với năm lần thể tích
cột bằng dung dịch đệm làm việc dùng cho quá trình phân tích. Khi thay đổi thành
phần đệm, nên rửa cột mao quản với năm lần thể tích cột bằng dung dịch đệm làm
việc mới để làm sạch đệm của lần phân tích trước. Khi sử dụng cột mao quản mới
bằng silica nung chảy không có lớp bao, thông thường yêu cầu phải hoạt hóa các
nhóm silanol trên bề mặt mao quản. Quá trình này bao gồm việc tráng rửa kỹ với
dung dịch natri hydroxyd. Đối với các loại mao quản có lớp bao bên trong, quy
trình rửa cột cần theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất vì rửa cột không đúng cách
có thể làm phá hủy lớp bao bên trong cột. Cột có thể được chỉ định chuyên dùng
cho những loại đệm hay cho những phương pháp phân tích cụ thể để đề phòng
nhiễm chéo.
Tiến hành phân tích mẫu
Để có được độ phân giải, độ nhạy và sự tách tốt với pic có hình dạng dẹp cần
phải lựa chọn cột mao quản, chất điện giải và qui trình tiêm mẫu phù hợp. Khi cần
thì sử dụng nội chuẩn để có được độ chính xác khi tiêm mẫu. Khi lựa chọn nội
chuẩn cần quan tâm đến khả năng tách khỏi chất cần phân tích. Sự hoàn hảo của hệ
thống có thể được cải thiện bằng cách rửa mao quản giữa các lần tiêm và cung cấp
đệm mới cho hai lọ đệm dùng áp đặt thế trong quá trình tách. Có thể tiêm lặp lại từ
cùng lọ mẫu thử miễn là tránh được sự nhiễm chéo. Nếu có sự nhiễm chéo xảy ra,
nên rửa đầu mao quản nơi tiêm mẫu bằng cách nhúng nhanh nó vào trong một lọ
có chứa đệm trước khi nhúng vào trong lọ chứa mẫu hay lọ chứa chất điện giải.
Các thông số vận hành được quy định cụ thể trong từng chuyên luận nhằm làm
giảm ảnh hưởng của điện thế, lực ion và pH. Thiết bị được lắp đặt để phân tích
mẫu với cột mao quản và điều kiện tiêm mẫu phù hợp nằm trong khoảng tuyến tính
động học của detector. Sự chính xác về độ di chuyển có thể đạt được bằng cách
chọn chất pha loãng mẫu, chất điện giải và điều kiện xử lý cột mao quản phù hợp.
Khi tiến hành phân tích chú ý tránh hiện tượng đưa lượng mẫu quá tải vào cột vì
điều này sẽ làm giảm hiệu lực và độ tái lặp.
Tính phù hợp của hệ thống
Các thông số được đo đạc có thể bao gồm độ lặp của bộ phận tiêm mẫu, độ
chọn lọc và hiệu lực của hệ thống, và sự đối xứng của pic. Độ phân giải giữa các
chất phân tích và các chất khác có thể được xác định bằng cách sử dụng các chất
chuẩn hỗn hợp. Các thông số tiêu biểu dùng để xác định tính phù hợp hệ thống bao
gồm độ lệch chuẩn tương đối (RSD), hệ số dung lượng (k’) > số đĩa lý thuyết (N),
độ nhạy (giới hạn phát hiện và giới hạn định lượng), số đĩa lý thuyết tính trên 1
mét (n), hệ số đối xứng (T) và độ phân giải (R). Hình dạng pic được kiểm tra chặt
chẽ, pic lý tưởng phải đối xứng, không có vai và không kéo đuôi. Nếu những điều
kiện này không đạt, cần phải tiến hành điều chỉnh trước khi tiến hành phân tích.
Việc tích phân pic cũng phải được kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo tín hiệu đáp ứng
của pic được định lượng chính xác. Tiêm lặp lại dung dịch chuẩn với nồng độ biết
trước để xác định độ tái lặp của hệ thống CE. Dữ liệu tiêm lặp lại từ 5 lần hoặc
nhiều hơn được sử dụng để tính toán RSD. Trừ khi có qui định trong chuyên luận
riêng, độ lệch chuẩn tương đối cho sự tiêm lặp lại không được quá 3,0 %. Giá trị
của độ chính xác nhỏ nhất có thể được qui định riêng trong phương pháp CE, đặc
biệt khi xác định các thành phần dạng vết. Việc tính toán các thông số điện di trong
MEKC, cũng như các phưcmg pháp khác của CE có thể cần đến sự kết hợp các
mối quan hệ giữa sắc ký và điện di.
Phân tích mẫu
Sau khi xác định tính phù hợp hệ thống, có thể tiêm dung dịch mẫu thử và
mẫu chuẩn. Mẫu chuẩn có thể tiêm trước hay sau mẫu thử và tiêm xen kẽ trong
suốt quá trình phân tích.
Xử lý dữ liệu
Diện tích pic được chuẩn hóa theo thời gian thường được sử dụng trong định
lượng. Các dữ liệu được xác định bằng cách chia diện tích pic đã tích phân được
cho thời gian di chuyển của chất phân tích. Điều này làm giảm sai số do trong CE,
không giống như trong sắc ký lỏng, mỗi chất cần phân tích di chuyển qua detector
với một tốc độ khác nhau. Trừ khi sự chuẩn hóa này được thực hiện, những chất di
chuyển chậm hơn sẽ có diện tích lớn bất thường so với diện tích của những thành
phần di chuyển nhanh.
Tắt hệ thống
Sau khi phân tích, cột mao quản được rửa theo sự hướng dẫn được quy định
riêng trong từng chuyên luận hay theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ví dụ: Cột
mao quản có thể được rửa bằng nước cất để loại các thành phần đệm và sau đó
được nạp không khí hoặc khí nitrogen lấy từ lọ rỗng. Thông thường, lọ đích và lọ
nguồn là các lọ được bỏ dung dịch đệm đi và được tráng kỹ bằng nước khử
khoáng.
PHƯƠNG PHÁP KIỂM NGHIỆM CÁC ĐẶC TÍNH LÝ HỌC CỦA
DƯỢC PHẨM
XÁC ĐỊNH KHỐI LƯỢNG
1. Định nghĩa
Xác định khối lượng là bước thường xuyên trong quy trình phân tích. Cân là
thiết bị phòng thí nghiệm cần thiết trong hầu hết các phép phân tích. Tuy nhiên,
phép cân lại là nguồn phổ biến gây sai do khó phát hiện. Quy trình mô tả dưới đây
áp dụng trực tiếp trên các cân điện tử.
Quy trình xác định khối lượng có thể chia thành ba bước cơ bản: Chuẩn bị
cân, kiểm tra cân và cân xác định khối lượng.
2. Chuẩn bị cân
Bước ban đầu là chọn, trang bị các dụng cụ thí nghiệm thích hợp, như các đồ
đựng vật cân (giấy cân, phễu cân…), bình chứa, kẹp gắp. pipet, thìa có kích cỡ phù
hợp … Sử dụng đồ đựng có kích cỡ không vượt quá tải trọng của cân và phải đảm
bảo sạch, khô. Chuẩn bị các mẫu cân và các hóa chất cần thiết, nếu có yêu cầu, pha
các dung dịch, thuốc thử. Mẫu cân có thể yêu cầu nghiền mịn hoặc sấy khô. Một
vài mẫu cân phải được làm nóng hoặc bảo quản trong thiết bị làm lạnh. Trước khi
cân, mẫu cân phải đảm bảo được cân bằng nhiệt với nhiệt độ của cân. Để tránh sự
ngưng tụ hơi ẩm, các mẫu cân làm lạnh phải được để tới nhiệt độ phòng trước khi
mở nắp bình đựng.
3. Kiểm tra cân
Cân phải được kiểm tra trước khi tiến hành cân để loại các sai sót có thể xảy
ra. Người sử dụng cân cần kiểm tra môi trường cân, hiệu chuẩn cân và kiểm tra độ
không đảm bảo đo của cân. Cân phải được đặt ở vị trí thích hợp có mức rung động
đủ thấp, không có luồng khí và có nguồn điện ổn định. Cân và khu vực làm việc
chung quanh phải được giữ gọn gàng và sạch sẽ. Nên dùng bàn chải lông mịn làm
sạch đĩa cân trước khi cân. Khi cân được di chuyển đến nơi khác, cần phải để cân
ổn định tới nhiệt độ của môi trường mới và phải hiệu chuẩn lại cân.
Hiệu chuẩn cân: Mở nguồn và để cân ổn định trong ít nhất 1h trước khi tiến
hành hiệu chuẩn (các cân vi phân tích cần để ổn định 24h để đạt sự cân bằng). Các
cân phân tích điện tử có hệ thống nội chuẩn dựa trên tải trọng xác định. Sự hiệu
chuẩn được tiến hành trong điều kiện nhiệt độ phòng.
Độ không đảm bảo đo của cân: Độ trôi là một trong những sai số thường gặp
và cũng là yếu tố có thể làm giảm hoặc loại bỏ dễ dàng nhất. Kiểm tra mẫu thử,
cân phân tích và môi trường phòng thí nghiệm để loại bỏ các nguyên nhân sau đây
có thể gây sai số: Cửa buồng cân mở. Nhiệt độ của cân và mẫu cân không đồng
nhất. Mẫu cân tăng hoặc giảm khối lượng. Cân mới được di chuyển nhưng chưa
được để cân bằng với môi trường hoặc chưa được hiệu chuẩn lại. Có các luồng gió
trong phòng thí nghiệm. Nhiệt độ trong phòng thí nghiệm thay đổi. Cân không đặt
thật thăng bằng. Các hoạt động trong phòng thí nghiệm gây rung động. Ảnh hưởng
của các bộ phận cơ học xảy ra trong suốt quá trình cân.
Hiện tượng trễ của cân là do sự căng quá mức các lò xo, chủ yếu gây bởi việc
cân quá tải hoặc bởi đánh rơi vật nào đó lên đĩa cân. Quy trình đảm bảo chất lượng
cho sự đo độ trôi của cân Sau một khoảng thời gian vận hành cân, độ trôi của cân
được kiểm tra bằng việc cân khối lượng quả cân chuẩn đã được nối chuẩn. Việc
kiểm tra này nên thực hiện sau khi cân đã được hiệu chuẩn ở nhiệt độ phòng thí
nghiệm, trước khi cân mẫu đầu tiên trong ngày hoặc sau một sự cố có thể làm sai
lệch cân (mất nguồn điện, di chuyển cân đến vị trí khác…). Quả cân chuẩn phải có
khối lượng hằng định và không vượt quá mức trọng tải của cân. Mỗi cân nên được
cung cấp một quả cân chuẩn, đựng trong hộp bảo vệ và đặt cạnh cân. Cần thực
hiện những quy trình sau đây để làm giảm các sai số cân và khả năng sai số do độ
trôi: Đảm bảo nối nguồn điện cho cân, kiểm tra bọt nước thăng bằng của cân.
Hiệu chuẩn cân phân tích hoặc cân vi phân tích: Hàng ngày, người đầu tiên
sử dụng cân phải kiểm tra cân bằng cách cân khối lượng quả cân chuẩn, ghi chép
khối lượng này vào sổ theo dõi để so sánh với các lần cân trước. Nếu sự chênh lệch
lớn hơn giới hạn cho phép của cân phân tích và cân vi phân tích, phải báo cáo để
sửa chữa. (Quả cân chuẩn phải được bảo quản, tránh sự tiếp xúc với những chất
gây ô nhiễm trong không khí, có thể làm sạch bằng một miếng vải gạc được làm
ẩm bằng một lượng nhỏ dung môi thích hợp như ether ethylic).
-Cân phân tích: Chọn một quả cân chuẩn có khối lượng phù hợp để kiểm tra
cân phân tích. Nếu có thể, cài đặt cân để đọc tới số thập phân thứ 5. Vận hành cân
theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Dùng kẹp gắp quả cân chuẩn đặt cẩn thận lên đĩa
cân, tránh để rơi xuống đĩa cân. Đặt quả cân vào chính giữa đĩa cân để loại trừ độ
lệch góc. Nếu không có sự trôi, khối lượng của quả cân chuẩn sẽ hằng định. Định
kỳ sử dụng quả cân chuẩn cố định sẽ phát hiện được độ trôi của cân (nếu có). Việc
kiểm tra độ trôi được thực hiện bằng cách cân ở những vị trí nhạy nhất. Mức dao
động khối lượng thu được không được vượt quá ± 0,2 mg. Ví dụ: Với quả cân 20 g,
nếu giá trị trung bình đọc được là 19,9984 g, khối lượng dao động từ 19,9982 đến
19,9986 g là chấp nhận được. Vì vậy phải đọc kết quả nhiều lần trước khi thiết lập
đúng sai.
-Cân vi phân tích: Tiến trình như hướng dẫn cho cân phân tích nhưng dùng
một quả cân chuẩn thích hợp cho loại cân này. Ví dụ: Có thể dùng quả cân chuẩn
100 mg cho cân có mức trọng tải là 150 mg hoặc có thể dùng quả cân chuẩn 10 mg
cho một cân siêu vi phân tích có mức trọng tài là 15 mg, (Người sử dụng cân phải
biết trọng tải tối đa của cân để chọn quả cân chuẩn thích hợp). Gán biểu thị khối
lượng bằng miligam. Ghi chép khối lượng ngay sau khi kết quả đọc ổn định một
vài giây. Sự biến thiên khối lượng phải trong giới hạn phù hợp với tiêu chuẩn kỹ
thuật của nhà sản xuất nhưng không được lớn hơn 0,1% lượng mẫu cân. Ví dụ:
Nếu cân các mẫu 10 mg, sự biến thiên khối lượng của quả cân chuẩn phải không
vượt quá 0,01 mg.
4. Cân xác định khối lượng mẫu
Trong bước cuối này, chọn phần thập phân của kết quả cân theo yêu cầu của
quy trình phân tích. Phần lớn các phép phân tích trong dược phẩm sử dụng một
lượng nhỏ mẫu thừ, nên yêu cầu giá trị đọc trên cân cài đặt tới số thập phân thứ
năm để đạt độ đúng cần thiết. Số thập phân thứ tư thích hợp hơn với các khối
lượng mẫu cân gần bằng gam. Không cân mẫu quá lâu để tránh những thay đổi gây
ra bởi sự tương tác với nước trong không khí và khí carbonic.
Giới hạn trọng tải: Chọn cân phù hợp với khối lượng phải cân và độ đúng cân
thiết. Mỗi cân có một giới hạn trọng tải, không nên vượt quá. Mỗi nhà sản xuất cân
đã xác định trọng tải tối đa của cân và giới hạn này thay đổi với từng loại cân.
Người sử dụng nên biết giới hạn trọng tải để tránh làm hỏng cân.
Dụng cụ chứa mẫu: Những dụng cụ chứa mẫu cân thông thường là lọ cân,
thuyền cân (phễu cân), giấy cân, bình nón… Dụng cụ chứa mẫu thích hợp phụ
thuộc vào khối lượng và trạng thái mẫu cân (lỏng, rắn, bột…). Phải chọn dụng cụ
chứa mẫu thích hợp cho từng mẫu cân. Khối lượng dụng cụ chứa cộng khối lượng
mẫu cần cân phải không vượt quá trọng tải tối đa của cân. Kích cỡ, hình dáng của
dụng cụ chứa phải phù hợp với đĩa cân và không gian buồng cân để không ảnh
hưởng đến các thao tác cân. Quan trọng là dụng cụ chứa mẫu phải sạch và khô.
Cần sử dụng găng tay, kẹp gắp và các dụng cụ để lấy các dụng cụ chứa vì mồ hôi
từ tay có thể ảnh hưởng tới khối lượng cân. Thuyền cân thường được sử dụng
nhiều nhất vì nó vừa là dụng cụ chứa vừa là phễu giúp chuyển dễ dàng mẫu cân
vào bình. Thuyền cân có nhiều cỡ khác nhau, nên chọn cỡ phù hợp cho từng
trường hợp. Giấy cân thường sử dụng để cân chất rắn. Giấy cân được cầm băng
tay, phải cẩn thận để tránh làm rơi, đổ mẫu cân.
Các phương pháp cân: Những phương pháp sau đây thường được sử dụng và
cho kết quả phân tích tốt.
Phương pháp 1. Cân trừ bì: Đặt dụng cụ chứa rỗng lên chính giữa đĩa cân và
nhấn phím cân trừ bì để khối lượng của dụng cụ chứa không hiển thị nữa (giá trị
0). Cho mẫu cân vào dụng cụ chứa và ghi nhận khối lượng mẫu cân. Chuyển lượng
mẫu cân vào bình định mức rồi cân lại dụng cụ chứa ban đầu. (Chú ý không thay
đổi sự cài đặt cân trừ bì của cân giữa 2 lần cân này). Khối lượng đọc được ở lần
cân thứ 2 chính là lượng mẫu thử không chuyển hết vào bình định mức (còn dính
lại trên dụng cụ chứa mẫu cân) và được trừ vào khối lượng mẫu cân đọc được ở lần
cân thứ nhất để xác định khối lượng mẫu thử đã được chuyển vào bình.
Phương pháp 2. Cân không trừ bì: Cho mẫu thử vào dụng cụ chứa và đặt lên
chính giữa đĩa cân. Ghi nhận khối lượng cân và chuyển mẫu thử vào bình định
mức, cân lại dụng cụ chứa ban đầu. Khối lượng đọc được ở lần cân thứ 2 là tổng
khối lượng của dụng cụ chứa mẫu và lượng mẫu cân không được chuyển hết vào
bình (còn dính lại trên dụng cụ chứa mẫu cân). Hiệu của khối lượng cân ban đầu và
khối lượng cân lần 2 là khối lượng mẫu thử đã chuyển vào bình định mức.
Phương pháp 3: Phương pháp này được xem như là phương pháp chuyển
toàn lượng. Mẫu cân được cho vào dụng cụ chứa đã cân bì, xác định khối lượng
mẫu cân bởi sự chênh lệch giữa khối lượng cân đọc được và khối lượng cân bì.
Toàn bộ lượng mẫu thử được chuyển hết vào bình bằng cách dùng một dung môi
để hoà tan mẫu và tráng dụng cụ chứa mẫu.
Quy trình xử lý mẫu cân an toàn: Người tiến hành cân cần đọc kỹ các thông
báo về mẫu thử, các tài liệu an toàn về hóa chất, nguyên vật liệu… trước khi cân.
Những nguyên liệu, hóa chất nguy hiểm (chất độc, chất ăn mòn, chất dễ cháy chất
nổ, chất gây dị ứng, chất phóng xạ…) phải đặt ở nơi riêng biệt, kín, có hệ thống lọc
khí thích hợp. Sử dụng khẩu trang che mũi và miệng để ngăn ngừa việc hít các bụi
hóa chất. Cần dùng găng tay để tránh sự tiếp xúc với da và cũng đề ngăn ngừa hơi
ẩm, mồ hôi bám trên dụng cụ chứa khi cân mẫu. Trong suốt quá trình cân, người
tiến hành cân phải tiếp xúc với các chất liệu nguyên chất ở nồng độ cao, do đó phải
luôn luôn quan tâm đến biện pháp bảo đảm an toàn. Quy trình cân được thực hiện
với nhiều loại mẫu thử khác nhau như chất rắn, bột mịn, chất lỏng (nhớt hoặc
không nhớt, bay hơi hoặc không bay hơi)…, nên mỗi loại mẫu thử yêu cầu những
thao tác riêng biệt.
Cân chất rắn:
Chất rắn có 2 dạng: Dạng khối lượng lớn có bột hay không có bột trên bề mặt
và dạng bột mịn hay những tinh thể nhỏ. Khi cân chất rắn có khối lượng lớn và có
bột trên bề mặt, dùng giấy cân để bảo vệ cân. Còn không có bột trên bề mặt, trơ có
thể đặt trực tiếp lên đĩa cân (ví dụ: viên bao). Mẫu chất rắn phải lấy bằng kẹp gắp,
không lấy bằng tay. Hiện tượng tích điện: Dạng bột mịn có xu hướng tích điện, làm
các tiểu phân bay xung quanh. Hiện tượng này phải được loại bỏ trước khi cân. Có
thể dùng thiết bị chổng tích điện để làm giảm đến mức tối thiểu vấn đề này. Hiện
tượng tích điện phụ thuộc vào độ ẩm tương đối của phòng thí nghiệm. Trong điều
kiện nào đó, có thể sự tích điện được tạo ra bởi loại quần áo mà người thao tác cân
đang mặc. Diện tích này khi phóng điện gây những sai số lớn về khối lượng. Quy
trình cân: Đặt dụng cụ chứa mẫu lên đĩa cân, đóng cửa buồng cân và cân theo chỉ
dẫn “Các phương pháp cân”, cẩn thận thêm mẫu cân dạng bột bằng một thìa xúc
vào dụng cụ chứa cho tới khi đạt lượng mong muốn. Thao tác cẩn thận để tránh rơi
vãi ra ngoài. Đóng cửa buồng cân và ghi khối lượng mẫu cân ngay khi cân ổn định.
Sự rơi vãi: Nếu chất rắn bị rơi vãi ra nơi cân, lấy dụng cụ chứa ra, loại bỏ hoàn
toàn các chất liệu rơi đổ trên cân, làm sạch bên trong, bên ngoài buồng cân, bàn
cân, tránh để người sau tiếp xúc với các chất liệu rơi vãi. (Chú ý: Không cho trờ lại
lọ chứa mẫu các mẫu cân dư).
Cân chất lỏng:
Chất lỏng có thể bay hơi hoặc không bay hơi và nhớt hoặc không nhớt. Mỗi
loại có những chú ý riêng biệt. Cân theo hướng dẫn “Các phương pháp cân”, chú ý
thêm các phần sau: Chất lỏng luôn luôn được cân vào đồ đựng (chứa) có nắp để
tránh sự bay bơi. Tốt nhất chất lỏng nên được cho vào bình cân ở bên ngoài cân để
tránh đổ tràn trên cân. (Chú ý: Chất lỏng đổ tràn trong buồng cân có thể gây những
hư hỏng nghiêm trọng cho cân và khó lau chùi sạch). Chất lỏng không nhớt có thể
được lấy bằng một pipet Pasteur có gắn một quả bóp cao su nhỏ như ống nhỏ giọt.
Chất lòng được rót vào bình, đậy nắp và đặt lên cân. Một lượng nhỏ chất lỏng nhớt
có thể được lấy bằng cách chạm một đũa thủy tinh tới bề mặt chất lòng rồi cẩn thận
chạm que này tới thành bình cân mẫu để một ít chất lỏng được chuyến qua. Cân
các chất liệu ăn mòn Nhiều hóa chất có tính ăn mòn, như các muối. Các chất liệu
có tính ăn mòn không nên để rơi đổ trên đĩa cân hoặc bên trong buồng cân. Cẩn
thận khi cân các chất liệu này.
5. Kết luận
Thực hiện chặt chẽ theo các quy trình chỉ dẫn trên, nhân viên phòng thí
nghiệm có thể loại bỏ nhiều sai số trong quá trình tiên hành cân. Tuy nhiên, phải có
cán bộ kỹ thuật có chuyên môn bảo trì và hiệu chuẩn cân định kỳ. Phải dùng các
quả cân chuẩn đã được liên kết với chuẩn quốc gia. Điều này là rất quan trọng.
XÁC ĐỊNH NHIỆT ĐỘ
Phân loại
Các thiết bị đo nhiệt độ thích hợp cho các thử nghiệm trong Bộ tiêu chuẩn
quốc gia về thuốc phải đạt các yêu cầu kỹ thuật trong hệ thống nhiệt kế chuẩn quốc
gia.
Các thiết bị đo nhiệt độ có thể là nhiệt kế thủy tinh – chất lỏng, nhiệt kế hiện
số hoặc nhiệt kế đồng hồ. Nhiệt kế hiện số hoặc nhiệt kế đồng hồ gồm một đầu dò
nhiệt độ. Đầu dò được gắn với một đồng hồ đo có khả năng chuyển tín hiệu ôm
hoặc milivôn sang đại lượng nhiệt độ. Phần đầu dò nhiệt độ được nhúng ngập trong
môi trường cần đo được làm bằng chất liệu trơ.
Chuẩn hóa
Việc chuẩn hóa nhiệt kế được thực hiện định kỳ theo tần suất xác định nối với
thang nhiệt độ chuẩn quốc gia. Cần chú ý điều kiện, thiết bị cụ thể được sử dụng để
chọn thiết bị đo nhiệt độ phù hợp. Các nhiệt kế thủy tinh – chất lỏng được chuẩn
hóa theo 3 cách: Nhúng sâu toàn phần, nhúng từng phần hoặc nhúng sâu hoàn toàn.
Vì vậy khi sử dụng các nhiệt kế này cần tuân thủ theo điều kiện đã được chuẩn
hóa. Việc chuẩn hóa các nhiệt kế được thực hiện định kỳ theo tần suất xác định nối
với thang nhiệt độ chuẩn quốc gia. Việc chuẩn hóa nhiệt kế thủy tinh – chất lỏng
loại nhúng sâu toàn phần được thực hiện bằng cách nhúng sâu nhiệt kế vào môi
trường đo tới phần trên của cột chất lỏng, phần còn lại của thân nhiệt kế ở nhiệt độ
phòng. Việc chuẩn hóa nhiệt kế thủy tinh – chất lỏng loại nhúng từng phần được
thực hiện bằng cách nhúng nhiệt kế ở một độ sâu cố định, phần thân nhiệt kế còn
lại ở nhiệt độ phòng. Loại nhiệt kế này được khắc vạch quy định độ sâu được
nhúng trong môi trường đo nhiệt độ. Việc chuẩn hóa nhiệt kế thủy tinh – chất lỏng
loại nhúng sâu hoàn toàn được thực hiện bằng cách cho toàn bộ nhiệt kế vào môi
trường cần đo nhiệt độ. Nếu cần sử dụng trong những điều kiện khác với điều kiện
chuẩn hóa thì cần phải hiệu chỉnh để có giá trị đo đúng.
XÁC ĐỊNH THỂ TÍCH
Hầu hết các dụng cụ đo thể tích dùng trong phân tích được chuẩn hóa dung
tích ở 20°C, mặc dù nhiệt độ phòng thí nghiệm và nhiệt độ quy định cho các phép
thử và định lượng thường là 25°C. Sự khác nhau này không quan trọng, miễn là
nhiệt độ phòng thí nghiệm tương đối hằng định. Khi cần tiến hành thử nghiệm
đúng ở 20°C thì yêu cầu này được ghi trong chuyên luận riêng.
Để giảm thiểu sai số phép đo thể tích, dụng cụ đo thể tích, nguyên vật liệu và
dung môi dùng pha chế dung dịch, khu vực pha chế và việc điều chỉnh thể tích cuối
cùng phải được duy trì ở cùng một nhiệt độ. Để đạt được độ chính xác yêu cầu
trong nhiều phương pháp định lượng có các phép đo thể tích chính xác. Cần lựa
chọn và dùng các dụng cụ đo thể tích thích hợp.
Chọn kích cỡ của buret phù hợp sao cho thể tích dung dịch chuẩn độ không ít
hơn 30 % thể tích danh định của buret. Muốn đo thể tích một dung dịch chuẩn độ
dưới 10 ml thì phải dùng buret 10 ml hoặc microburet. Dung sai thể tích đối với
các loại bình định mức, các pipet chính xác có bầu, pipet chia độ và các buret là
dung sai đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) thừa nhận và được ghi
trong các bảng kèm theo dưới đây. Khi sử dụng các pipet chính xác có bầu và pipet
chia độ được chuẩn hóa theo kiểu đổ ra “TD” (to deliver) phải giữ pipet thẳng
đứng và đầu pipet phải chạm vào thành bình hứng rồi cho chất lỏng chảy ra. Các số
đọc thể tích trên buret phải được lượng giá tới 0,01 ml đối với buret 25 ml và 50
ml, và tới 0,005 ml đối với buret 5 ml và 10 ml. Trong các trường hợp đặc biệt như
đo thể tích chất lỏng nhớt như sirô, dùng pipet được chuẩn hóa theo kiểu đổ vào
“TC” (to contain) hoặc bình định mức. Sau khi đã đổ chất lỏng ra, phải rửa sạch
thành trong của dụng cụ và gộp nước rửa vào phần chất lỏng đã lấy.
Rửa dụng cụ thuỷ tinh:
Độ sạch của dụng cụ thủy tinh đem dùng có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả
của một phép thử hoặc một phép định lượng. Các dụng cụ thủy tinh như cốc vại có
mỏ, buret, pipet, bình nón, bình cầu đều phải thật sạch, đặc biệt là khi được dùng
để định lượng bằng phương pháp vi sinh vật, thử chất gây sốt, hoặc khi dùng để lấy
một thể tích nhỏ chất lỏng hay dung dịch.
Một trong những chất làm sạch dụng cụ thủy tinh tốt nhất là acid nitric đun
nóng. Hỗn hợp acid cromic cũng là tác nhân làm sạch rất tốt dùng đê loại sạch chất
hữu cơ khỏi bề mặt thủy tinh mà không phải đun nóng. Hỗn hợp này được pha chế
bằng cách hòa tan 200 g natri dicromat hoặc kali dicromat vào khoảng 100 ml
nước, làm lạnh trong nước đá rồi thêm từ từ 1500 ml acid sulfuric, vừa thêm vừa
khuấy. Việc pha chế phải được thực hiện trong cốc vại bằng thủy tinh boro-silicat
và cần đeo kính bảo hộ khi thêm acid. Hỗn hợp acid cromic là chất rất ăn mòn và
hút nước, vì thế, phải được bảo quản trong những bình thủy tinh có nút mài và để ở
nơi an toàn. Khi để yên, tinh thể acid cromic có thể được tạo thành, tách ra khỏi
hỗn hợp, khi đó cần gạn để loại đi. Nếu hỗn hợp acid cromic có màu xanh thì
không dùng nữa. Dụng cụ thủy tinh được xử lý bằng hỗn hợp acid cromic cần phải
rửa bằng nước rất nhiều lần để tránh acid cromic bị hút bám lên bề mặt. Không
dùng hỗn hợp này để làm sạch những bình đựng dùng cho các phép đo quang học.
Mặc dù hỗn hợp acid cromíc là chất làm sạch rất tốt, nhưng nó cũng được khuyến
cáo không sử dụng ở nhiều phòng thí nghiệm vì acid cromic có trong danh sách
chất thải độc hại nguy hiểm của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA).
Để rửa sạch dụng cụ thủy tinh, người ta còn có thể dùng những dung dịch tẩy
rửa tổng hợp hoặc những hóa chất tẩy có tính kiềm như trinatri phosphat; dùng
những chất này cũng có yêu cầu phải rửa nhiều lần bằng nước. Tất cả dụng cụ thủy
tinh cuối cùng đều được tráng bằng nước cất và làm khô trước khi dùng.
Ống nghiệm dùng trong các phép thử so sánh:
Ống Nessler: Khi các phép thử yêu cầu sử dụng ống Nessler thì các ống
Nessler được sử dụng phải đạt các yêu cầu sau: Ống Nessler phải đạt các yêu cầu
về tiêu chuẩn của ống Nessler do nhà sản xuất đưa ra. Ống được làm từ thủy tinh
trung tính trong suốt và có thể tích danh định 50 ml. Chiều cao của ống khoảng 15
cm, chiều cao đo bên ngoài ống từ đáy đến vạch 50 ml là 11,0 cm đến 12,4 cm, độ
dày của thành ống từ 1.0 mm đến 1,5 mm, độ dày của đáy ống từ 1.0 mm đến 3,0
mm. Chiều cao đo bên ngoài ổng từ đáy đến vạch 50 ml đối với các ống dùng
trong một phép thử không được sai khác quá 1 mm.
Ống nghiệm dùng cho các phép thử so sánh: Nếu không có chỉ dẫn gì khác,
các ống nghiệm dùng trong các phép thử so sánh là những ống thích hợp được làm
bằng thủy tinh không màu, có đường kính trong đồng nhất. Đáy trong suốt và
phẳng. Khi quan sát, nhìn cột chất lỏng theo trục thẳng đứng từ trên xuống trên nền
trắng hoặc nền đen (nếu cần thiết) dưới ánh sáng khuyếch tán ban ngày. Thường
dùng những ổng có đường kính trong 16 mm. Có thể dùng những ống đường kính
lớn hơn nhưng thể tích chất lỏng đem thử phải tăng lên sao cho chiểu cao của lớp
chất lỏng không thấp hơn chiều cao của lớp chất lỏng khi thử bằng những ống có
đường kính trong bằng 16 mm.
CỠ BỘT VÀ RÂY
Cỡ bột
Các cỡ bột được quy định dựa vào các số của rây. Trừ khi có chỉ dẫn khác, khi
quy định dùng một rây đế xác định cỡ bột thì không được có dưới 97 % khối lượng
thuốc bột qua được cỡ rây đó. Khi quy định dùng hai rây đế xác định cỡ bột thì để
một rây lên trên rây kia và tiến hành rây; không được có dưới 95 % khối lượng
thuốc bột qua rây có số rây cao hơn và không được quá 40% khối lượng thuốc bột
qua rây có số rây thấp hơn.
Người ta dùng những ký hiệu sau đây để quy định các cỡ bột: Bột thô (1400/
355) là bột mà không ít hơn 95 % phân tử qua được rây số 1400 và không quá 40
% qua được rây số 355. Bột nửa thô (710/ 250) là bột mà không ít hơn 95 % phần
tử qua được rây số 710 và không quá 40 % qua được rây số 250. Bột nửa mịn (355/
180) là bột mà không ít hơn 95 % phần tử qua được rây số 355 và không quá 40 %
qua được rây số 180. Bột mịn (180/ 125) là bột mà không ít hơn 95 % phần tử qua
được rây số 180 và không quá 40 % qua được rây số 125. Bột rất mịn (125/ 90) là
bột mà không ít hơn 95 % phần tử qua được rây số 125 và không quá 40 % qua
được rây số 90.
Rây
Lưới rây có thể dệt bằng sợi kim loại hoặc sợi các vật liệu khác thích hợp và
dệt thành những mắt vuông. Lưới của rây dùng để rây bột thuốc được phân loại
bằng những con số, chủng biểu thị kích thước lỗ rây quy định tính bằng milimét
(Bảng 3.5). Vật liệu để làm lưới rây không được tạo ra một phản ứng nào với
những bột đem rây. Khi rây, tránh kéo dài thời gian vì sẽ làm tăng độ mịn của bột.
Khi không dùng vào mục đích phân tích, có thể dùng rây có mắt tròn, có đường
kính trong bằng 1,25 lần chiều rộng mắt vuông của rây có cỡ tương ứng.
Đối với bột thô hoặc nửa thô thì lấy 25 g tới 100 g bột để thử. Cho vào rây
thích hợp, lắc rây theo chiều ngang quay tròn ít nhất 20 phút và rây tới khi xong.
Cân đúng số lượng còn lại ở trên rây và số thu được trong hộp hứng. Đối với bột
nửa mịn, mịn hay rất mịn thì tiến hành như bột thô, nhưng mẫu bột lẩy đổ thử
không quá 25 g và lắc rây ít nhất 30 phút rồi rây tới khi xong. Trường hợp phải rây
những chất có dầu hay những bột khác có xu hướng bít mặt rây thì trong quá trình
rây thỉnh thoảng chải cẩn thận mặt rây, tách rời những đông tụ lại khi rây.
Số rây biểu thị kích thước đo bằng micromet của mắt rây. Những quy định
mắt rây bằng sợi kim loại chử yếu được lựa chọn trong tiêu chuẩn ISO 565-1975.
Ghi chú: Đổi với dược liệu có khi cần dùng các cỡ rây to hơn so với bảng cỡ rây
trên, trong trường họp này chỉ cần nêu rõ kích thước của cỡ mắt rây.
XÁC ĐỊNH KHỐI LƯỢNG RIÊNG
Khối lượng riêng
Khối lượng riêng của một chất ở nhiệt độ t là khối lượng một đơn vị thể tích
của chất đó, xác định ở nhiệt độ t.
Trong hệ đơn vị quốc tế SI, đơn vị của khối lượng riêng là kg/m 3. Trong
ngành dược thường xác định khối lượng riêng ở nhiệt độ 20°C có tính đến ảnh
hưởng của sức đẩy của không khí (tức là quy về giá trị xác định trong chân không)
và dùng đơn vị kg/l hoặc g/ml.
Xác định khối lượng riêng của chất rắn
Khối lượng riêng có liên quan đến sự phân bổ không gian của chất trong một
nguyên liệu. Khối lượng riêng của chất rắn thường được biểu thị bằng số g/cm 3,
khác với chất lỏng, khối lượng riêng thường được biểu thị bằng g/ml ở một nhiệt
độ quy định. Khối lượng riêng của một tiểu phân chất rắn có thể có các giá trị khác
nhau phụ thuộc vào phương pháp đo thể tích tiểu phân đó. Cần phân biệt ba loại
khối lượng riêng khác nhau: Khối lượng riêng thực của một chất là khối lượng
trung bình tính trên một đơn vị thể tích, không tính đến tất cả các khoảng trống
không có vai trò cơ bản trong việc sắp xếp các phân tử. Đó là một đặc tính bên
trong của chất, bởi vậy nó không phụ thuộc vào phương pháp xác định. Khối lượng
riêng thực của một tinh thể hoàn chỉnh có thể được xác định từ kích thước và cấu
trúc của đơn vị cấu tạo. Khối lượng riêng đo bằng picnomet được đo bằng
picnomet sử dụng khí, Đó là một phép đo khối lượng riêng thuận tiện đối với các
bột dược phẩm. Trong một picnomet khí, thể tích bị chiếm chỗ bởi một khối lượng
bột đã biết được xác định bằng cách đo thể tích của khí được thay thế vào chỗ của
bột. Tỷ số giữa khối lượng và thể tích là khối lượng riêng đo bằng picnomet. Khối
lượng riêng đo bằng picnomet bằng khối lượng riêng thực trừ khi nguyên liệu có
chứa những khoảng trống mà chất khí không thể thâm nhập vào được hoặc các lỗ
hổng bị bịt kín mà khi dùng trong phương pháp này không thể lọt vào được. Khối
lượng riêng hạt tính cả những lỗ hổng hờ nhỏ hơn một kích cỡ giới hạn vào thể tích
của tiểu phân. Giới hạn kích cỡ phụ thuộc vào phương pháp đo. Một kỹ thuật đo
chung là đo độ xốp bằng thủy ngân, tại đó kích cỡ lỗ giới hạn phụ thuộc vào áp
suất khuếch tán tối đa. Vì thể tích lỗ hỏng được tính thêm vào, nên khối lượng
riêng hạt không bao giờ lớn hơn khối lượng riêng thực. Một khái niệm có liên quan
là khối lượng riêng khi động lực, đó là khối lượng riêng của tiểu phân với một thể
tích được xác định bằng sự bao bọc tiểu phân bằng khí động lực trong một dòng
chảy. Cả hai loại lỗ hổng kín và hở đều được tính đến nhưng các lỗ hở được làm
đầy bằng chất lỏng tràn vào. Bởi vậy, khối lượng riêng khi động lực phụ thuộc vào
khối lượng riêng của chất lỏng dùng trong phép thử nếu tiểu phân là xốp. Tóm lại.
khối lượng riêng đo bằng picnomet khí và khối lượng riêng thực đều chỉ khối
lượng riêng, nếu cần có thể phân biệt dựa vào phương pháp đo. Khối lượng riêng
của một nguyên liệu phụ thuộc vào trạng thái tập hợp phân tử. Đối với chất khí và
chất lỏng, khối lượng riêng chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ và áp suất. Đối với chất rắn,
khối lượng riêng sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào cấu trúc kết tinh và độ kết tinh.
Nếu chất rắn ở thể vô định hình, khối lượng riêng của nó có thể phụ thuộc vào quá
trình tinh chế và xử lý. Bởi vậy, không giống như chất lỏng, khối lượng riêng của
hai chất rắn tương đương về mặt hóa học có thể khác nhau và sự khác nhau này
phản ánh sự không giống nhau về cấu trúc trạng thái rắn. Khối lượng riêng của các
hạt thành phần là một đặc tính lý học quan trọng của bột dược phẩm. Ngoài các
định nghĩa trên về khối lượng riêng của tiểu phân, còn có khối lượng riêng toàn
khối bao gồm cả thể tích trống giữa các hạt được tạo thành trong khối bột. Do đó,
khối lượng riêng toàn khối phụ thuộc vào cả hai: Khối lượng riêng của các tiểu
phân bột và sự sắp xếp của các tiểu phân bột. Đo khối lượng riêng bằng picnomet
khí Đo bằng picnomet khí là một phương pháp thuận tiện và thích hợp để xác định
khối lượng riêng của các tiểu phân bột.
Các chi tiết thiết kế thiết bị có thể khác nhau, nhưng tất cả các picnomet khí
đều dựa trên việc đo sự thay đổi áp suất khi một thể tích đối chiếu được thêm vào
hoặc giảm đi ở buồng thử. Khối lượng riêng đo được là khối lượng riêng trung
bình của các tiểu phân bột. Kết quả đo khối lượng riêng này sẽ mắc sai số nếu chất
khí trong phép thử bị hấp phụ vào bột hoặc có các tạp chất bay hơi thoát ra ngoài
trong quá trình đo. Sự hấp phụ chất khí có thể loại bỏ được bằng cách chọn loại khí
thử thích hợp. Khí heli nói chung hay được chọn cho phép đo này. Các tạp chất bay
hơi có trong bột có thể được loại ra khỏi bột bằng cách dùng khí heli áp suất không
đổi trước khi đo. Đôi khi bột có thể được khử khí dưới chân không. Hai lần đọc kết
quả liên tiếp của thể tích mẫu thử phải nằm trong khoảng 0,2 % nếu các chất lạ bay
hơi không có ảnh hưởng đến phép đo. Vì các chất bay hơi có thể thoát ra trong lúc
đo, nên khối lượng của mẫu thường cân sau khi đo thể tích bằng picnomet. Cách
đo Phải đảm bảo rằng thể tích đối chiếu và thể tích hiệu chuẩn dùng cho picnomet
khí đã được xác định bằng một quy trình thích hợp. Khí dùng trong phép thử là heli
trừ khi một loại khí khác được quy định trong chuyên luận riêng. Nhiệt độ
picnomet khí nên duy trì trong khoảng 15 °Cvà 30 °C và không nên thay đổi quá 2
°C trong cả quá trình đo. Cho mẫu thử đã được chuẩn bị như chỉ dẫn trong chuyên
luận riêng vào buồng đo. Dùng một lượng bột như hướng dẫn đối với picnomet.
Đậy kín buồng thử, đậy qua hệ thống picnomet dòng khi thử như trong hướng dẫn
của nhà sản xuất. Nếu mẫu phải khử khí dưới chân không, làm như quy định trong
chuyên luận riêng và hướng dẫn sử dụng của picnomet.
XÁC ĐỊNH KHỐI LƯỢNG RIÊNG THÔ VÀ KHỐI LƯỢNG RIÊNG
GÕ CỦA BỘT
Khối lượng riêng thô: Khối lượng riêng thô của bột là tỷ số giữa khối lượng
của bột chưa bị dồn nén so với thể tích của nó, bao gồm cả thể tích khoảng trống
giữa các hạt bột. Như vậy khối lượng riêng thô phụ thuộc vào khối lượng riêng của
các hạt bột và sự sắp xếp không gian giữa các hạt trong khối bột. Mặc dù đơn vị
khối lượng riêng là kg/m3 nhưng khối lượng riêng thô được biểu thị là g/ml vì phép
đo thể tích sử dụng ống đong, cũng có thể biểu thị bằng đơn vị g/cm 3. Tính chất thô
của bột tùy thuộc vào quá trình điều chế, xử lý và bảo quản bột. Các hạt bột có thể
bị nén và có khối lượng riêng thô dao động trong một khoảng nhất định, ngoài ra
một sự xáo trộn nhỏ trong khối bột cũng có thể làm thay đổi giá trị này. Vì vậy
khối lượng riêng thô thường rất khó xác định với độ lặp lại cao và khi báo cáo kết
quả nhất thiết phải chỉ rõ cách xác định. Khối lượng riêng thô của bột có thể được
xác định bằng cách đo thể tích của một khối lượng bột biết trước, được rây qua rây
và chuyển vào một ống đong chia vạch (Phương pháp 1) hoặc xác định khối lượng
bột đã biết thể tích trong một cốc hứng của thể tích kế (Phương pháp 2) hoặc trong
một cốc đo (Phương pháp 3). Phương pháp 1 và 3 là hai phương pháp hay được áp
dụng.
Phương pháp 1: Đo thể tích bằng ống đong. Bột cần xác định khối lượng
riêng thô được rây qua rây có kích thước lỗ rây không nhỏ hơn 1,0 mm. Nếu cần
có thể làm vỡ các hạt bột kết dính một cách nhẹ nhàng sao cho không ảnh hưởng
đến tính chất vốn có của bột. Cân khoảng 100 g bột đã rây mịn chính xác tới 0,1 %,
chuyển bột một cách nhẹ nhàng, không được dồn nén vào một ống đong khô. có
chia vạch dung tích 250 ml và có thể đọc chính xác đến 2 ml. cẩn thận san bằng
mặt bột, không nén, đọc thể tích biểu kiến (Vo) tại vạch chia độ gần nhất trên ống
đong. Thông thường, khi xác định tính chất này cần phải lặp lại phép đo nhiều lần.
Nếu khối lượng riêng của bột quá thấp hoặc quá cao, tức là thể tích do nhỏ hơn 150
ml hoặc lớn hơn 250 ml, thì không thể dùng 100 g mẫu thử. Trong trường hợp này
lượng mẫu thử cần lấy sao cho thể tích biểu kiến nằm trong khoảng 150 ml đến
250 ml (thể tích biểu kiến không ít hơn 60 % thể tích của ống đong). Khối lượng
mẫu thử cần được ghi kèm với kết quả. Đối với mẫu thử có thể tích biểu kiến nằm
trong khoảng từ 50 ml đến 100 ml có thể dùng ống đong dung tích 100 ml và có
thể đọc chính xác đến 1 ml. Thể tích của ống đong cần được ghi rõ khi báo cáo kết
quả.
Phương pháp 2: Đo bằng thể tích kế. Thiết bị bao gồm một phễu đặt ở trên,
gắn với một rây có kích thước lỗ rây 1,0 mm. Phễu được đặt trên một hộp có 4
vách ngăn bằng kính để bột trượt và chảy qua đó. Đáy hộp có hình phễu giúp gom
bột và chuyển bột chảy vào một cốc hứng được gắn ngay phía dưới. Cốc đo có thể
hình trụ, thể tích (25,00 ± 0,05) ml và đường kính trong (30,00 ± 2,00) mm hoặc
hình khối vuông, thể tích (16,39 ± 0,20) ml và kích thước cạnh trong (25,4 ±
0,076) mm Cách tiến hành: Cho một lượng dư bột chảy qua thiết bị vào một cốc
hứng đến khi bột tràn ra ngoài. Dùng ít nhất 25 cm 3 bột cho cốc hình vuông và 35
cm3 bột cho cốc hình trụ. Cẩn thận gạt lượng bột dư trên mặt cốc bằng một lưỡi
gạt đặt vuông góc và tiếp xúc với mặt trên của cốc. Chú ý không làm nén bộ thay
làm mất bột trong cốc đo. Gạt bỏ bột dính bên ngoài cốc và xác định khối lượng
(m) chính xác tới 0,1 %. Tính khối lượng riêng thô ra g/ml áp dụng công thức
m/Vo (trong đó Vo là thể tích của cốc). Thực hiện trên 3 mẫu thử khác nhau và tính
kết quả trung bình.
Phương pháp 3: Đo thể tích bằng cốc đo Thiết bị bao gồm một cốc hình trụ
bằng thép không gỉ dung tích 100 ml. Cách tiến hành: Lấy một lượng bột vừa đủ
cho phép thử, rây qua rây kích thước 1,0 mm nếu cần để làm vỡ các hạt kết dính có
thể hình thành trong khi bảo quản. Để mẫu chảy tự do vào cốc đo đến khi đầy tràn,
cẩn thận gạt bỏ lượng bột dư ở phía trên như mô tả ở phương pháp 2. Xác định
khối lượng của cốc chứa bột chính xác tới 0,1 %, tính khối lượng bột bằng cách trừ
đi khối lượng cốc đo rỗng. Thực hiện trên 3 mẫu thử khác nhau và tính kết quả
trung bình.
Khối lượng riêng gõ: Khối lượng riêng gõ là khối lượng riêng thô của bột
tăng lên khi dồn nén bột bằng tác động cơ học lên đồ đựng mẫu bột. Khối lượng
riêng gõ thu được bằng cách tác động cơ học (gõ) lên ống đong chia vạch hoặc cốc
chứa mẫu bột. Sau khi xác định thể tích hoặc lượng bột ban đầu, ống đo hoặc cốc
đo sẽ bị tác động cơ học cho đến khi những thay đổi về thể tích hay khối lượng là
không đáng kể. Tác động cơ học đạt được bằng cách nâng ống đo hoặc cốc đo lên
rồi để rơi tự do, độ cao khi nâng lên được chỉ ra trong 3 phương pháp dưới đây.
Thiết bị có thể quay tròn ống hoặc cốc đo trong khi gõ có ưu điểm hơn do giảm
thiểu khả năng bị phân lớp của khối bột trong quá trình gõ xuống.
Phương pháp 1: Thiết bị bao gồm: Ống đong dung tích 250 ml (có thể đọc
chính xác đến 2 ml) có khối lượng (220 ± 44) g. Một thiết bị có khả năng tạo ra
(250 ± 15) lần gõ trong 1 phút từ độ cao (3,0 ± 0,2) mm hoặc thiết bị có khả năng
tạo ra (300 ± 15) lần gõ từ độ cao (14 ± 2) mm. Giá đỡ ống đong và kẹp giữ có
khối lượng (450 ± 10) g. Cách tiến hành: Xác định thể tích thô (Vo) như mô tả ở
phần trên. Lắp chặt ống đong vào giá đỡ. Tiến hành 10, 500, 1250 lần gõ lên cùng
một mẫu bột và đọc các thể tích tương ứng V10, V500, V1250 tại vạch chia gần
nhất. Nếu V10 và V1250 khác nhau không quá 2 ml, V1250 là thể tích gõ. Nếu
V500 và V1250 khác nhau hơn 2 ml, tiếp tục gõ, ví dụ 1250 lần nữa đến khi chênh
lệch về thể tích giữa 2 lần đo liên tiếp ít hơn 2 ml. Đối với một số loại bột, có thể
áp dụng ít lần gõ hơn sau khi đã được thẩm định. Tính khối lượng riêng gõ ra g/ml.
Việc xác định tính chất này cần thực hiện bằng các phép đo lặp lại. Ghi rõ độ cao
khi rơi cùng với kết quả. Nếu không thể dùng 100 g mẫu thử, dùng một lượng bột
nhỏ hơn và ống đong 100 ml phù hợp (có thể đọc chính xác đến 1 ml) nặng (130 ±
16) g lắp với một giá đỡ nặng (240 ± 12) g. Ghi rõ những thay đổi này cùng với kết
quả.
Phương pháp 2: Tiến hành như mô tả ở phương pháp 1 nhưng dùng thiết bị
tạo ra 250 lần gõ trong 1 phút từ độ cao (3,0 ± 0,2) mm.
Phương pháp 3: Tiến hành như mô tả trong phương pháp 3 của xác định khối
lượng riêng thô. dùng cốc đo có nắp. Cốc đo có nẳp được nâng lên hạ xuống 50
đến 60 lần trong một phút và dùng thiết bị thử khối lượng riêng gõ phù hợp. Thực
hiện 200 lần gõ, bỏ nắp ra và gạt bột dư như mô tả trong phương pháp 3 của xác
định khối lượng riêng thô. Lặp lại quá trình với 400 lần gõ. Nếu khối lượng của 2
lần đo khác nhau hơn 2 %, lặp lại quy trình thử với 200 lần gõ nữa đến khi chênh
lệch khối lượng của 2 lần đo liên tiếp ít hơn 2 %. Tính khối lượng riêng gõ ra g/ml.
Thực hiện trên 3 mẫu thử khác nhau và tính kết quả trung bình. Các điều kiện thử,
bao gồm độ cao khi rơi, cần được báo cáo cùng với kết quả. Các phương pháp đo
chỉ số nén của bột Vì các tương tác giữa các hạt bột ảnh hưởng đến khối lượng
riêng thô của bột cũng là những tương tác ảnh hưởng đến tính chất chảy của bột,
nên việc so sánh khối lượng riêng thô và khối lượng riêng gõ có thể cung cấp
thước đo mức độ quan trọng tương đối của các tương tác này đối với một loại bột.
Phép so sánh này được sử dụng như một chỉ số về khả năng chảy của bột, ví dụ chỉ
số nén hoặc tỷ số Hausner. Chỉ số nén và tỷ số Hausner là những chỉ số cho biết xu
hướng bị nén của bột như mô tả ở trên. Các chỉ số này cho phép xác định khả năng
lắng xuống của bột và cho phép đánh giá mức độ quan trọng tương đối của tương
tác giữa các hạt. Với bột có tính chất chảy tự do, các tương tác này ít có ý nghĩa và
khối lượng riêng thô và khối lượng riêng gõ có giá trị gần nhau. Đối với bột khả
năng chảy kém hơn, tương tác giữa các hạt thường lớn hơn và khối lượng riêng thô
và khối lượng riêng gõ cũng khác nhau nhiều hơn. Sự khác nhau này được phản
ánh trong chỉ số nén và tỷ số Hausner.
XÁC ĐỊNH TỶ TRỌNG
Tỷ trọng tương đối của một chất là tỷ số giữa khối lượng của một thể tích cho
trước của chất đó, và khối lượng của cùng thể tích nước cất, tất cả đều cân ở 20 °C.
Tỷ trọng biểu kiến được dùng trong các chuyên luận ethanol, ethanol 96 % và
loãng hơn là khối lượng cân trong không khí của một đơn vị thể tích chất lỏng. Tỷ
trọng biểu kiến được biểu thị bằng đơn vị kg/m3
Xác định tỷ trọng của một chất lỏng theo phương pháp được chỉ rõ trong
chuyên luận. Nếu chuyên luận không chỉ rõ dùng phương pháp nào để xác định tỷ
trọng một chất lỏng, có thể dùng một trong các phương pháp sau đây:
Phương pháp dùng picnomet: Cân chính xác picnomet rỗng, khô và sạch. Đổ
vào picnomet mẫu thử đã điều chỉnh nhiệt độ thấp hơn 20 °C, chú ý không để có
bọt khí. Giữ picnomet ở nhiệt độ 20 °C trong khoảng 30 phút. Dùng một băng giấy
lọc để thấm hết chất lỏng thừa trên vạch mức, làm khô mặt ngoài của picnomet,
cân rồi tính khối lượng chất lỏng chứa trong picnomet. Tiếp đó đổ mẫu thử đi, rửa
sạch picnomet, làm khô bằng cách tráng ethanol rồi tráng aceton, thổi không khí
nén hoặc không khí nóng đuổi hết hơi aceton, sau đó xác đinh khối lượng nước cất
chứa trong picnomet ở nhiệt độ 20 °C như làm với mẫu thử. Tỷ số giữa khối lượng
mẫu thử và khối lượng nước cất thu được là tỷ trọng cần xác định. Phương pháp
này cho kết quả với 4 chữ số lẻ thập phân.
Phương pháp dùng cân thủy tĩnh Mohr-Westphal: Đặt cân trên mặt phẳng
nằm ngang. Mắc phao vào đòn cân, đặt phao chìm trong nước cất ở nhiệt độ 20 °C
và chỉnh thẳng hàng bằng các con mã đặt ở các vị trí thích hợp,thu được giá trị M.
Lấy phao ra, thấm khô rồi đặt lại phao chìm trong chất lỏng cần xác định tỷ trọng,
ở cùng nhiệt độ 20 °C, chú ý sao cho phần dây treo chìm trong chất lỏng một đoạn
bằng đoạn đã chìm trong nước cất. Chỉnh lại thăng bằng bằng các con mã đặt ở vị
trí thích hợp, thu được giá trị M1. Tỷ số M1/M là tỷ trọng cần xác định. Phương
pháp này cho kết quả với 3 chữ số lẻ thập phân.
Phương pháp dùng tỷ trọng kế: Lau sạch tỷ trọng kế bằng ethanol hoặc ether.
Dùng đũa thủy tinh trộn đều chất lỏng cần xác định tỷ trọng. Đặt nhẹ nhàng tỷ
trọng kế vào chất lỏng đó sao cho tỷ trọng kế không chạm vào thành và đáy của
dụng cụ đựng chất thử. Chỉnh nhiệt độ tới 20 °C và khi tỷ trọng kế ổn định, đọc kết
quả theo vòng khum dưới của mức chất lỏng. Đối với chất lỏng không trong suốt,
đọc theo vòng khum trên, Phương pháp này cho kết quả với 2 hoặc 3 chữ số lẻ thập
phân.
Xác định tỷ trọng của mỡ, sáp, nhựa, nhựa thơm (Dùng picnomet): Đầu
tiên cân chính xác picnomet rỗng rồi cân picnomet đổ đầy nước cất ở 20 °C. Sau
đó đổ nước đi, làm khô picnomet, dùng ống hút hoặc phễu cuống nhỏ, cho vào
trong picnomet mẫu thử đã được đun chảy khoảng 1/3 đến 1/2 thể tích của
picnomet. Để 1 h trong nước nóng, không đậy nút. Làm nguội đến 20°C, đậy nút.
Lau khô mặt ngoài picnomet rồi lại cân. Cuối cùng thêm nước cất đến vạch, lau
khô mặt ngoài picnomet rồi lại cân. Chú ý không được để bọt khí còn lại giữa lớp
nước và mẫu thử.
XÁC ĐỊNH NHIỆT ĐỘ NÓNG CHẢY, KHOẢNG NÓNG CHẢY VÀ
ĐIỂM NHỎ GIỌT
Định nghĩa
Khoảng nóng chảy (gọi tắt là khoảng chảy) của một chất là khoảng nhiệt độ
đã hiệu chỉnh, kể từ khi chất rắn bắt đầu nóng chảy và xuất hiện những giọt chất
lỏng đầu tiên, đến khi chất rắn chuyển hoàn toàn sang trạng thái lỏng.
Nhiệt độ nóng chảy (gọi tắt là điểm chảy) của một chất là nhiệt độ đã hiệu
chỉnh, tại đó hạt chất rắn cuối cùng của chất thử nghiệm chuyển thành trạng thái
lỏng, bắt đầu biến màu, hoá than hoặc sùi bọt. Khi phải xác định khoảng chảy, nếu
nhiệt độ bắt đầu hoặc nhiệt độ kết thúc nóng chảy không xác định rõ ràng, ta có thể
chỉ xác định nhiệt độ kết thúc, hoặc nhiệt độ bắt đầu nóng chảy. Nhiệt độ này phải
nằm trong giới hạn quy định trong chuyên luận riêng của chế phẩm. Để xác định
khoảng chảy và điểm chảy, tùy theo tính chất lý học của từng chất, áp dụng một
trong các phương pháp 1, 2 hay 3, còn để xác định điểm nhỏ giọt thì sử dụng
phương pháp 4.
Cách xác định
Phương pháp 1: Áp dụng cho các chất rắn dễ nghiền nhỏ
Dụng cụ: Một bình thủy tinh chịu nhiệt, trong bình chứa một chất lỏng thích
hợp, thường dùng là dầu parafin, hoặc để xác định ở nhiệt độ cao dùng dầu Silicon,
lượng chất lỏng đủ để nhúng chìm được nhiệt kế và mẫu thử sao cho bầu thủy ngăn
cách đáy bình 2 cm. Một dụng cụ khuấy có khả năng duy trì sự đồng nhất về nhiệt
độ trong chất lỏng. Một nhiệt kế đã được hiệu chuẩn và chia độ đến 0,5°C, có
khoảng nhiệt độ đo từ thấp nhất đến cao nhất không được quá 100 °C. Ống mao
quản, hàn kín một đầu, dài 6 cm đến 8 cm, đường kính trong 1,0 mm ± 0,1 mm,
thành ống dày khoảng 0,10 mm đến 0,15 mm. Nguồn nhiệt, có thể điều chỉnh
được. Dụng cụ có thể được hiệu chuẩn với các chất chuẩn có điểm chảy được
chứng nhận của Tổ chức Y tế thế giới hay những chất thích hợp khác.
Cách xác định: Nghiền thành bột mịn chất thử đã làm khô 24 h ở áp suất 1,5
kPa đến 2,5 kPa trong bình với chất hút ẩm thích hợp, hoặc sấy khô 2 h ở 100°C
đến 105°C, trừ trường hợp có chỉ dẫn trong chuyên luận riêng. Cho bột vào ống
mao quản, lèn bột bằng cách gõ nhẹ ống mao quản xuống mặt phẳng cứng để có
một lớp chế phẩm cao 4 mm đến 6 mm. Đun nóng bình đựng chất lỏng đến khi
nhiệt độ thấp hơn điểm chảy dự kiến của chất thử khoảng 10 °C, điều chỉnh nhiệt
độ sao cho nhiệt độ tăng 1 °C trong 1 phút (trừ trường hợp có chỉ dẫn trong chuyên
luận riêng), hoặc cho nhiệt độ tăng 3 °C trong 1 phút khi thử các chất không bền vì
nhiệt. Khi nhiệt độ đạt thấp hơn điểm chảy dự kiến khoảng 5 °C, lấy nhiệt kế ra,
nhanh chóng buộc ống mao quản có chế phẩm vào nhiệt kế, sao cho lớp chế phẩm
ngang với phần giữa bầu thủy ngân của nhiệt kế. Đặt lại nhiệt kế vào bình. Nhiệt
độ mà tại đó nhìn thấy cột chất thử xẹp xuống, so sánh với một điểm nào đó trên
thành ống, được xác định là điểm bắt đầu nóng chảy và nhiệt độ mà tại đó chất thử
trở thành chất lỏng hoàn toàn, được xác định là điểm cuối của sự chảy hay điểm
chảy. Hiệu chỉnh nhiệt độ quan sát được nếu nhiệt kế đo có sai số với nhiệt kế
chuẩn và sự khác biệt nếu có giữa nhiệt độ của đoạn cột thủy ngân ở ngoài chất
lỏng trong điều kiện thí nghiệm và của đoạn cột thủy ngân ngoài chất lỏng trong
điều kiện hiệu chuẩn. Nhiệt độ của đoạn cột thủy ngân ở ngoài chất lỏng được xác
định bằng cách đặt bầu thủy ngân của nhiệt kế phụ ở điểm giữa của phân cột thủy
ngân lộ ra ngoài chất lỏng của nhiệt kế chính.
Phương pháp 2: Áp dụng cho các chất không nghiền thành bột được như
mỡ, sáp, acid béo, paratin rắn, lanolin và chất tương tự, không tan trong nước
Dụng cụ: Dùng dụng cụ như phương pháp 1, riêng ống mao quản hở hai đầu,
dài 80 mm đến 100 mm, đường kính trong 0,8 phút đến 1,2 mm, thành dày 0,1 mm
đến 0,3 mm.
Cách xác định: Cẩn thận làm chảy chất thử ở nhiệt độ thấp tối thiểu, cắm ống
mao quản vào chất thử sao cho lấy được một cột chất thử cao 10 mm không có bọt.
Dùng khăn sạch lau sạch phía ngoài mao quản, để nguội ở 10 °C hay thấp hơn
trong 24 h, hoặc để tiếp xúc với nước đá ít nhất 2 h. Đố nước cất vào cốc thủy tinh,
đến chiều cao 6 cm. Treo nhiệt kế vào giá và nhúng vào chính giữa cốc nước. Đun
nóng cốc nước đến nhiệt độ thấp hơn điểm chảy dự kiến 10 °C, lấy nhiệt kế ra,
nhanh chóng buộc mao quản vào nhiệt kế bằng phương tiện thích hợp sao cho cột
chất thử ngang với phần giữa bầu thủy ngân của nhiệt kế, điều chỉnh nhiệt kế để
đầu dưới của ống mao quản cách đáy cốc 1 cm. Điều chỉnh tốc độ gia nhiệt không
quá 1 °C trong một phút. Trong lúc đó luôn khuấy nước nhẹ nhàng và quan sát cột
chất thử, khi cột chất thử bắt đầu dâng lên trong ống mao quản thì đọc nhiệt độ.
Kết quả đọc giữa 2 lần đo liên tiếp không được chênh lệch nhau quá 0,5 °C. Lấy
kết quả trung bình. Nhiệt độ này được coi là điểm chảy và phải nằm trong khoảng
nóng chảy quy định của chuyên luận.
Phương pháp 3: Áp dụng cho chất rắn dễ nghiền nhỏ, giống như phương
pháp 1
Dụng cụ: Một khối kim loại (như đồng) không bị ăn mòn bởi chất thử
nghiệm, khả năng truyền nhiệt tốt, bề mặt trên được đánh bóng cẩn thận. Khối kim
loại này được đun nóng toàn khối và đồng đều bằng một dụng cụ như đèn ga nhỏ
điều chỉnh được hay dụng cụ đun nóng bằng điện có thể điều chỉnh chính xác.
Khối kim loại có một khoảng hình ảnh nằm song song, bên dưới và cách bề mặt
đánh bóng khoảng 3 mm, có kích thước thích hợp để chứa được một nhiệt kế thủy
ngân, đặt ở vị trí giống vị trí khi hiệu chuẩn. Dụng cụ được hiệu chuẩn bằng một
chất chuẩn thích hợp đã ghi trong phương pháp 1.
Cách xác định: Đun nóng khối kim loại với một tốc độ thích hợp tới nhiệt độ
dưới điểm nóng chảy dự kiến khoảng 10 °C thì điều chỉnh nhiệt độ tăng 1 °C/phút,
tại những khoảng thời gian đều nhau, thả một vài hạt chất thử đã được làm khô
bằng phương pháp thích hợp hay theo sự chỉ dẫn trong chuyên luận và nghiền
thành bột mịn lên bề mặt khối kim loại gần vị trí của bầu thủy ngân của nhiệt kế,
lau sạch bề mặt sau mỗi lần thử nghiệm. Ghi lại nhiệt độ mà tại đó chất thử tan
chảy lần đầu tiên ngay khi nó chạm tới bề mặt kim loại (t1) và ngừng đun ngay.
Trong khi đổ nguội dần, lại thả một vài hạt chất thử trong khoảng thời gian đều
đặn, lau sạch bề mặt sau mỗi lần thử. Ghi lại nhiệt độ mà tại đó chất thử ngừng tan
chảy ngay khi tiếp xúc với bề mặt tấm kim loại (t2). Điểm chảy tức thời được tính
theo công thức: (t1 + t2)/2
Phương pháp 4: Xác định điểm nhỏ giọt, áp dụng cho vaselin và những
chất tương tự
Điểm nhỏ giọt là nhiệt độ mà tại đó giọt đầu tiên của chất thử nóng chảy rơi
xuống từ một cái chén nhỏ trong điều kiện xác định dưới đây:
Dụng cụ: Một ống kim loại (A) bao bọc nhiệt kế thủy ngân và được vặn vào
một ống kim loại thứ hai (B). một chén nhỏ bằng kim loại (F) được gắn cố định
vào phần dưới của ống (B) bằng hai cái đai xiết chặt (E), vị trí chính xác của chén
được xác định bằng hai giá đỡ ( D) dài 2 mm và cũng dùng để giữ cho nhiệt kế ở
chính giữa. Có một lỗ (C) xuyên qua thành của ống kim loại thứ 2 (B), được dùng
để cân bằng áp suất. Bề mặt lỗ thoát ờ đáy chén phải phẳng và vuông góc với thành
trong của nó. Nhiệt kế có đường kính trong của bầu thủy ngân từ 3,3 mm đến 3,7
mm, dài 5,7 mm đến 6,3 mm, được chuẩn hoá từ 0°C đến 110 °C chia vạch 1 mm
tương ứng 1°C. Dụng cụ được đặt theo chiều dọc của một ống có kích thước
khoảng 20 cm X 4 cm, được cố định bằng một cái nút và nhiệt kế xuyên qua nút
theo một đường rãnh. Miệng lỗ thoát của chén cách đáy của ống khoảng 15 phút.
Ống được nhúng vào một cái cốc vại có dung tích 1 L, chứa nước sao cho đáy của
ống cách đáy của cốc khoảng 25 mm, mặt thoáng của nước bằng với đầu trên của
ống kim loại thứ nhất (A). Một dụng cụ khuấy được dùng để giữ cho nhiệt độ của
nước đồng nhất.
Cách xác định: Nếu không có chỉ dẫn gì khác trong chuyên luận, đổ chất thử
tới miệng chén mà không làm nóng chảy nó, dùng thìa xúc hóa chất để loại bỏ
những phần dư ở miệng và đáy chén. Ấn chén vào vị trí của nó trong lớp vỏ kim
loại (B) cho tới khi chạm tới giá đỡ, dùng thìa xúc bớt chất thử đo nhiệt kê đây ra.
Đun nóng cốc nước, khi nhiệt độ đạt tới thấp hơn nhiệt độ nóng chảy hay nhỏ giọt
khoảng 10 °C thì điều chỉnh tốc độ tăng nhiệt độ khoảng 1°C /phút và ghi nhiệt độ
giọt chất lỏng đầu tiên rơi xuống. Tiến hành ít nhất 3 lần, mỗi lần thử với mẫu thử
mới. Sự khác biệt giữa các lần đọc không quá 3 °C. Nhiệt độ trung bình của 3 lần
xác định là điểm chảy hay điểm nhỏ giọt của mẫu thử.
XÁC ĐỊNH NHIỆT ĐỘ ĐÔNG ĐẶC
Nhiệt độ đông đặc là nhiệt độ cao nhất giữ nguyên không đổi trong quá trình
chuyển từ trạng thái lỏng sang trạng thái rắn.
Cách tiến hành: Lấy một lượng chế phẩm (đã được làm nóng chảy nếu cần
thiết), cho vào ống nghiệm (a) của dụng cụ sao cho bầu thủy ngân của nhiệt kế
ngập trong lớp chế phẩm và xác định sơ bộ khoảng nhiệt độ đông đặc bằng cách
làm lạnh nhanh. Đặt ống nghiệm (a) đã chứa chế phẩm vào trong một bể cách thủy
có nhiệt độ trên nhiệt độ đông đặc dự kiến khoảng 5 °C cho đến khi các tinh thể
chế phẩm cháy hoàn toàn. Làm đầy cốc (c) bằng nước hoặc dung dịch bão hòa
natri clorid ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc dự kiến khoảng 5 °C. Lồng ống
nghiệm (a) vào ống nghiệm (b) và đặt vào cốc (c). Khuấy liên tục, nhẹ nhàng và cứ
30 s lại đọc nhiệt độ trên nhiệt kế một lần. Lúc đầu nhiệt độ hạ thấp dần, rồi giữ
nguyên một thời gian hoặc tăng một chút, rồi giữ nguyên không đổi trong suốt thời
gian đông. Để tránh hiện tượng chậm đông, khi gần đến điểm đông, có thể cho vào
ống nghiệm một tinh thể nhỏ chế phẩm đã có sẵn, hoặc cọ nhẹ thành trong của ống
nghiệm.
XÁC ĐỊNH NHIỆT ĐỘ SÔI VÀ KHOẢNG CHƯNG CẤT
Nhiệt độ sôi của một chất lỏng là nhiệt độ đã hiệu chỉnh, tại đó áp suất hơi của
chất lỏng đạt tới 101,3 kPa.
Xác định nhiệt độ sôi
Dụng cụ: Bình chưng cất: Bình chưng cất đáy tròn, bằng thủy tinh chịu nhiệt
có dung tích 50 ml đến 60 ml, cổ bình cao 10 cm đến 12 cm, đường kính trong của
cổ bình từ 14 mm đến 16 mm, ở khoảng giữa chiều cao của cổ bình có một ống
nhánh dài 10 cm đến 12 cm, đường kính trong 5 mm và tạo với phần dưới của cổ
bình một góc 70° đến 75°. Ống ngưng ruột thẳng: Một ống thủy tinh thẳng dài 55
cm đến 60 cm, phần được cung cấp nước lạnh dài khoảng 40 cm. Ở cuối ống
ngưng lắp một ống nối cong để dẫn chất lỏng cất được vào bình hứng. Bình hứng
là một ống đong thích hợp có dung tích 25 ml đến 50 ml, chia độ đến 0,5 ml.
Nguồn nhiệt có thể điều chỉnh được cường độ đốt nóng, có thể dùng bếp khí đốt,
đèn cồn. Khi dùng bếp khí đốt hay đèn cồn phải dùng một lưới thép có phủ chất
chịu nhiệt hình vuông, mỗi chiều dài 14 cm đến 16 cm, ở giữa có một lỗ tròn sao
cho khi đặt bình cất vào, phần lọt xuống dưới lưới thép có phủ chất chịu nhiệt có
dung tích 3 ml đến 4 ml. Nhiệt kế đã hiệu chuẩn chia độ đến 0,5 °C hoặc tới 0,2
°C. Lắp nhiệt kế ở đúng giữa cổ bình và để đáy của bầu thủy ngân ngang với mức
thấp nhất của cổ bình.
Cách xác định: Cho vào bình cất 20 ml chất thử, thêm vào bình cất vài viên
bi thủy tinh hay đá bọt. Đun nóng bình nhanh cho đến sôi. Đọc nhiệt độ khi giọt
chất lỏng đầu tiên hứng được. Hiệu chỉnh nhiệt độ đọc được với áp suất khí quyển.
Xác định khoảng chưng cất
Khoảng chưng cất của một chất lỏng là khoảng nhiệt độ được hiệu chỉnh ở áp
suất 101,3 kPa, trong khoảng đó một chất lỏng hay một phần xác định chất lỏng
chưng cất được trong điều kiện dưới đây:
Dụng cụ: Dụng cụ giống như dụng cụ xác định điểm sôi, chỉ khác là bình cất
có dung tích 200 ml và nhiệt kế lắp sao cho đầu trên của bầu thủy ngân thấp hơn
thành dưới của ống nhánh 5 mm. Nhiệt kế được chia vạch tới 0,2 °C và có khoảng
thang đo được 50 °C. Trong khi chưng cất bình và cổ bình được bảo vệ để tránh
gió lùa bằng một tấm màn chắn thích hợp. Hứng dịch cất vào một ống đong 50 ml
chia độ tới 1 ml. Làm lạnh ống ngưng bằng nước tuần hoàn đối với các chất chưng
cất dưới 150 °C.
Cách xác định: Cho vào bình cất 50 ml chất lỏng thử nghiệm, thêm vài viên
đá bọt. Đun bình sao cho chất lỏng sôi nhanh và ghi nhiệt độ tại đó giọt chất lỏng
đầu tiên cất được nhỏ vào ống đong. Điều chỉnh nguồn nhiệt để có tốc độ cất 2
ml/phút đến 3 ml/phút và ghi lại nhiệt độ mà tất cả chất thử hay một phần quy định
chất thử ở 20 °c được chưng cất hết. Hiệu chỉnh nhiệt độ đọc được với áp suất khí
quyển.
XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ KHÚC XẠ
Chỉ số khúc xạ (η) của một chất so với không khí là tỷ lệ giữa sin của góc tới
và sin của góc khúc xạ của chùm tia sáng truyền từ không khí vào chất đó. Chỉ số
khúc xạ thay đổi theo bước sóng ánh sáng được dùng để đo và nhiệt độ. Chỉ số
khúc xạ có giá trị để định tính và đánh giá sơ bộ mức độ tinh khiết của mẫu đo.
Nếu không có chỉ dẫn gì khác, chỉ số khúc xạ được đo ở 20°C ± 0,5°C với tia sáng
có bước sóng tương ứng với vạch D của natri (589,3 nm).
Khúc xạ kế dùng để xác định góc tới hạn của môi trường. Phần chủ yếu của
khúc xạ kế là một lăng kính có chỉ số khúc xạ biết trước đặt tiếp xúc với môi
trường được khảo sát. Hầu hết khúc xạ kế được thiết kế để sử dụng nguồn sáng
trắng, khi sử dụng nguồn sáng trắng, khúc xạ kế được trang bị hệ thống bổ chính
và được hiệu chuẩn lại để cho kết quả đọc tương ứng với vạch D của đèn natri.
Thang đo chỉ số khúc xạ phải đọc được các giá trị với ít nhất 3 số lẻ thập phân.
Nhiệt kế chia độ tới 0,5°C hoặc nhỏ hơn. Để đạt được độ chính xác, cần thiết phải
hiệu chuẩn lại máy với các chất chuẩn độ nhà sản xuất cung cấp hay bằng cách xác
định chỉ số khúc xạ của nước cất tại 25°C là 1,3325 và tại 20°C là 1,3330.
XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ pH
pH là một số biểu thị quy ước nồng độ ion hydrogen của dung dịch nước.
Trong thực hành, định nghĩa trên là một định nghĩa thực nghiệm.
Máy 2 Phương pháp đo 3 Các dung dịch đệm chuẩn
Thiết bị
Trị số pH của một dung dịch được xác định bằng cách đo thế hiệu giữa điện
cực chỉ thị nhạy cảm với ion hydrogen (thường lả điện cực thủy tinh) và một điện
cực so sánh (ví dụ điện cực calomel bão hòa). Máy đo là một điện thế kế có trở
kháng đầu vào gấp ít nhất 100 lần trở kháng của các điện cực sử dụng. Nó thường
được phân độ theo đơn vị pH và có độ nhạy đủ để phát hiện được những thay đổi
0,05 đơn vị pH hoặc ít nhất 0,003 V. Các điện cực thủy tinh phù hợp và các kiểu
máy đo pH kể cả máy đo pH hiện số đều phải đáp ứng yêu cầu trên. Vận hành máy
đo pH và hệ thống điện cực theo sự chỉ dẫn của hãng sản xuất. Tất cả các phép đo
đều cần phải tiến hành trong cùng một điều kiện nhiệt độ khoảng từ 20 °C đến 25
°C, trừ những trường hợp có quy định khác trong chuyên luận riêng.
Hiệu chuẩn máy
Dùng dung dịch đệm chuẩn pH 4,0 là chuẩn thứ nhất, đo và chỉnh máy để đọc
được trị số pH của chuẩn tương ứng với nhiệt độ của dung dịch. Dùng một dung
dịch đệm chuẩn thứ hai pH kiềm, pH cao để chỉnh thang đo. Trị số pH đo được của
dung dịch đệm chuẩn thứ ba, dung dịch có trị số pH nằm giữa trị số pH của đệm
chuẩn thứ nhất và thứ hai, phải không được sai khác nhiều hơn 0,05 đơn vị pH so
với trị số pH tương ứng.
Phương pháp đo
Nhúng các điện cực vào trong dung dịch cần khảo sát và đo trị số pH ở cùng
nhiệt độ đo của các dung dịch đệm chuẩn khi hiệu chuẩn máy. Khi máy được dùng
thường xuyên, việc kiểm tra thang đo pH phải được thực hiện định kỳ. Nếu máy
không thường xuyên dùng, việc kiểm tra cần thực hiện trước mỗi phép đo. Tất cả
các dung dịch và dịch treo của chế phẩm khảo sát và các dung dịch đệm chuẩn phải
được pha chế với nước không có carbon dioxyd . Khi đo các dung dịch có pH trên
10,0 phải đảm bảo rằng điện cực thủy tinh đang dùng là phù hợp, chịu được các
điều kiện kiềm và cần áp dụng hệ số điều chỉnh trong phép đo. Sau cùng đo lại trị
số pH của dung dịch đệm chuẩn dùng để hiệu chuẩn máy và điện cực. Nếu sự khác
nhau giữa lần đọc này và trị số gốc của dung dịch đệm chuẩn ấy tới hơn 0,05 thì
các phép đo phải làm lại.
Các dung dịch đệm chuẩn
Dung dịch đệm A: Hòa tan 12,61 g kali tetraoxalat trong nước kháng có
carbon dioxyd vừa đủ để có 1000 ml dung dịch (0,05 M).
Dung dịch đệm B: Lắc kỹ một lượng thừa kali hydro (+)-tartrat với nước
không có carbon dioxyd ở 25 °C. Lọc hoặc để lắng gạn. Pha ngay trước khi dùng.
Dung dịch đệm C: Hòa tan 11,41 g kali dihydrocitrat trong nước không có
carbon dioxyd vừa đủ để có 1000 ml dung dịch (0,05 M). Pha ngay trước khi
dùng.
Dung dịch đệm D: Hòa tan 10,13 g kali hydrophtalat (đã sấy khô trước ở 110
°C ± 2 °C trong 1 h) trong nước không có carbon dioxyd vừa đủ để có 1000 ml
dung dịch (0,05 M).
Dung dịch đệm E: Hòa tan 3,39 g kali dihydrophosphat và 3,53 g dinatri
hydrophosphat khan (cả hai đã được sấy khô trước ở 120 °C ± 2 °C trong 2 h)
trong nước không có carbon dioxyd vừa đủ để có 1000 ml dung dịch (0,025 M cho
mỗi muối).
Dung dịch đệm F: Hòa tan 1,18 g kali dihydrophosphat và 4,30 g dinatri
hydrophosphat khan (cả hai đã được sấy khô trước ở 120 °C ± 2 °C trong 2 h)
trong nước không có carbon dioxyd vừa đủ để có 1000 ml dung dịch (0,0087 M và
0,0303 M cho mỗi muối theo thứ tự kể trên).
Dung dịch đệm G: Hòa tan 3,80 g natri tetraborat trong nước không có
carbon dioxyd vừa đủ để có 1000 ml dung dịch (0,01 M). Bảo quản tránh carbon
dioxyd của không khí.
Dung dịch đệm H: Hòa tan 2,64 g natri carbonat khan và 2,09 g natri
hydrocarbonat trong nước không có carbon dioxyd vừa đủ để có 1000 ml dung
dịch (0,025 M cho mỗi muối).
Dung dịch I: Lắc kỹ một lượng dư calci hydroxyd trong nước không có
carbon dioxyd và để yên ở 25 °C, gạn lấy phần dịch trong. Bảo quản tránh carbon
dioxyd.
XÁC ĐỊNH ĐỘ NHỚT
Độ nhớt của chất lỏng là một đặc tính của chất lỏng liên quan chặt chẽ đến lực
ma sát nội tại cản lại sự di động tương đối của các lớp phân tử trong lòng chất lòng
đó. Độ nhớt động lực hay độ nhớt tuyệt đối, ký hiệu là η, là lực tiếp tuyến trên một
đơn vị diện tích bề mặt, được biết như một ứng suất trượt τ (biểu thị bằng pascal),
cần thiết để di chuyển một lớp chất lỏng song song với mặt phẳng trượt ở tốc độ
(v) là 1 m/s so với lớp chất lỏng song song ở một khoảng cách (x) là 1 m.
Đơn vị của độ nhớt động lực là pascal giây (Pa.s) hoặc newton giây trên mét
vuông (N.s/m2) và ước số hay dùng là milipascal giây (mPa.s). Ngoài ra người ta
còn dùng đơn vị độ nhớt cơ bản là poise (P) và ước số hay dùng là centipoise (cP).
Độ nhớt động lực của nước cất ở 20°C xấp xỉ bằng 1 centipoise. Độ nhớt
động học (v) là tỷ số giữa độ nhớt động lực và khối lượng riêng (p) của chất lỏng
(biểu thị bằng kg/m3), cả hai đều được xác định ở cùng nhiệt độ t.
Độ nhớt động học của nước cất ở 20°C xấp xỉ bằng 1 cSt. Khi tính độ nhớt
động học của một chất lỏng theo stocker hay centistocker, đi từ độ nhớt động lực
tính theo poise hay centipoise thì khối lượng riêng của chất lỏng đó phải tính theo
g/cm3.
Độ nhớt thay đổi rõ rệt khi nhiệt độ thay đổi. Nhiệt độ tăng thì độ nhớt giảm
và ngược lại. Vì vậy, phải xác định độ nhớt của chất lỏng ở nhiệt độ ổn định, dao
động không quá ± 0,1°C.
Phương pháp xác định độ nhớt của chất lỏng
Phương pháp I: Phương pháp đo thời gian chảy của chất lỏng qua ống
mao quản
Nhiều nhớt kế mao quản với những kích thước khác nhau, thích hợp cho việc
xác định độ nhớt của các chất lỏng khác nhau. Mỗi loại có một hàng số dụng cụ (k)
riêng. Trong số những nhớt kế mao quản, nhớt kế Ostwald thường hay được sử
dụng nhất. Cách xác đinh độ nhớt bằng nhớt kế Oswald: Dùng pipet dài để chuyển
qua miệng ống B chất lỏng cần xác định độ nhớt đã được ổn định nhiệt độ ở 20 °C
± 0,1 °C (trừ khi có chỉ dẫn khác) vào bầu chứa V, sao cho không dính hoặc chỉ
dính rất ít chất lỏng đem thử vào thành ống B ở phía trên bầu V. Đặt nhớt kế thẳng
đứng và chìm hết bầu V trong môi trường điều nhiệt ở nhiệt độ 20 °C ± 0,1 °C (trừ
khi có chỉ dẫn khác) trong 30 phút. Sau đó dùng quả bóp cao su (phụ kiện của dụng
cụ đo độ nhớt) thổi từ miệng ống B để chất lỏng dâng lên quá ngấn chuẩn a thì
ngừng bơm, bỏ quả bóp cao su khỏi miệng ống B để chất lỏng đem thử chảy tự do
về bầu V. Ghi thời gian cần thiết để vòng khum dưới của chất lỏng đem thử chuyển
dịch từ ngấn a đến ngấn b. Làm như vậy 5 lần, lấy trung bình cộng của các kết quả
đo được làm thời gian t cần xác định. Sai số các kết quả đo không vượt quá 0,5 %.
Để đỡ mắc sai số lớn, cần chọn nhớt kế thích hợp sao cho thời gian t không được
dưới 200 s. Tính độ nhớt lực học η hoặc độ nhớt động học v lần lượt theo công
thức sau: Khi không có giá trị k, có thể tự xác định hằng số k bằng cách dùng một
chất lỏng đã biết trước độ nhớt η hoặc v và tính k theo công thức (1) hoặc (2). Nhớt
kế đã bị sửa chữa thì khi sử dụng lại, phải được chuẩn lại. Nếu dùng nhớt kế mao
quản với máy đo tự động thì vận hành máy theo quy trình hướng dẫn của hãng sản
xuất máy. Thời gian cần thiết để chất lỏng đem thử chuyển dịch từ ngấn a đến ngấn
b sẽ được tự động ghi lại.
Phương pháp II: Phương pháp đo thời gian rơi của trái cầu
Phương pháp này thích hợp cho các chất lỏng trong suốt và có độ nhớt cao (từ
8 poise đến 1000 poise). Dụng cụ: Gồm 1 ống thử a, dài 30 cm, đường kính trong
là 2 cm ± 0,05 cm. Trên thành ống có khắc 5 ngấn vòng quanh, mỗi ngấn cách
nhau 5 cm. Ống thử a được đặt trong bình điều nhiệt b có chứa nước, phía trên có
nắp đậy. Trên nắp có các lỗ để đặt nhiệt kế chia độ đến 0,1 °C, que khuấy c và phễu
g. Trái cầu là những viên bi bằng thép có đường kính 0,15 cm. Viên bi sẽ được thả
vào ống thử a qua một ống nhỏ d có đường kính trong là 0,3 cm. Ống d có một lỗ
ngang cao hơn mực chất thử trong ống a, đầu dưới của ống d ở ngang ngấn trên
cùng của ống a và thấp hơn mặt chất thử 3 cm. Khi không có dụng cụ như trên có
thể dùng các nhớt kế khác có tính năng tương tự, đảm bảo cung cấp giá trị độ nhớt
với độ chính xác và độ đúng như những nhớt kế đã mô tả ở trên (ví dụ: Nhớt kế
Hoppler). Phương pháp đo: Đổ chất lỏng cần xác định độ nhớt vào ống thử a sao
cho mực chất lỏng cao hơn đầu dưới của ống d 3 cm. Đặt các viên bi vào một ống
thử nghiệm nhỏ lồng qua lỗ đặt phễu g. Giữ chất lỏng cần thử và các viên bi trong
môi trường điều nhiệt có nhiệt độ ở 20 °C ± 0,1 °C trong 30 phút (trừ khi có chỉ
dẫn khác). Sau đó thả từng viên bi vào trong chất lỏng đem thử qua ống d. Ghi thời
gian rơi của 5 viên bi từ ngấn thứ hai đến ngấn thứ năm (15 cm). Lấy trung bình
cộng của 5 lần đo này làm thời gian t cần xác định. Tính độ nhớt động lực của chất
lỏng đem thử.
Phương pháp III: Thiết bị thường dùng là loại nhớt kế quay, dựa trên việc đo
lực trượt trong môi trường lỏng được đặt giữa hai ống hình trụ đồng trục, một ống
được quay nhờ môtơ, còn ống kia quay được do sự quay của ống thứ nhất tác động
vào. Dưới những điều kiện như vậy, độ nhớt (hay độ nhớt biểu kiến) trở thành phép
đo (M) độ lệch của góc đối với ống hình trụ thứ 2, tương ứng với momen lực, biểu
thị bằng N-in. Đối với lớp chất lỏng rất mỏng, độ nhớt động lực η. Hằng số k của
máy được tính ở các tốc độ quay khác nhau bằng cách sử dụng các chất lỏng có độ
nhớt chuẩn. Các máy luôn được cung cấp một bảng có các hằng số liên quan đến
diện tích bề mặt của các ổng trụ được dùng và tốc độ quay của chúng. Cách đo: Đo
độ nhớt theo sự chỉ dẫn cách vận hành nhớt kế quay. Nhiệt độ đo được chỉ dẫn
trong chuyên luận. Nếu không thể đặt được tốc độ trượt chính xác như chỉ dẫn thì
đặt tốc độ trượt cao hơn một chút và thấp hơn một chút sau đó dùng phương pháp
nội suy để tính độ nhớt.
XÁC ĐỊNH GÓC QUAY CỰC VÀ GÓC QUAY CỰC RIÊNG
Định nghĩa
Góc quay cực của một chất là góc của mặt phẳng phân cực bị quay đi khi ánh
sáng phân cực đi qua chất đó nếu là chất lỏng, hoặc qua dung dịch chất đó nếu là
chất rắn. Chất làm quay mặt phẳng phân cực theo cùng chiều kim đồng hồ được
gọi là chất hữu tuyền, ký hiệu là (+). Chất làm quay mặt phẳng phân cực ngược
chiều kim đồng hồ được gọi là chất tả tuyền, ký hiệu là (-). Nếu không có hướng
dẫn riêng, góc quay cực a được xác định ở nhiệt độ 20 °C và với chùm tia đơn sắc
có bước sóng ứng với vạch D (589,3 nm) của đèn natri qua lớp chất lỏng hay dung
dịch có bề dày 1 dm.
Góc quay cực riêng của một chất lỏng là góc quay cực đo được khi chùm ánh
sáng D truyền qua lớp chất lỏng đó có bề dày là 1 dm ở 20 °C chia cho tỷ trọng
tương đối của chất ở cùng nhiệt độ.
Góc quay cực riêng của một chất rắn là góc quay cực đo được khi chùm ánh
sáng D truyền qua lớp dung dịch có bề dày là 1 dm và có nồng độ là 1 g/ml, ở 20
°C. Góc quay cực riêng của chất rắn luôn được biểu thị cùng với dung môi và nồng
độ dung dịch đo.
Phân cực kế
Các phân cực kế thường dùng nguồn sáng là đèn hơi natri hay hơi thủy ngân,
Trong một số trường hợp cần thiết phải sử dụng phân cực kế quang điện cho phép
đo ở các bước sóng riêng biệt. Phân cực kế phải cho phép đọc chính xác tới gần
0,01°. Thang đo phải thường xuỵên được kiểm định bằng các bản thạch anh chuẩn.
Độ tuyến tính của thang đo phải được kiểm tra bằng các dung dịch sucrose.
Cách tiến hành
Xác định góc quay cực của chất thử ở nhiệt độ 19,5 °C đến 20,5 °C, nếu
không có chỉ dẫn gì khác trong chuyên luận riêng dùng tia D của ánh sáng đèn
natri phân cực. Có thể đo ở nhiệt độ khác nếu chuyên luận riêng chỉ ra cách hiệu
chỉnh nhiệt độ cho góc quay cực đo được. Tiến hành đo ít nhất 5 lần và lấy giá trị
trung bình. Xác định điểm “0” của phân cực kế với ống đo rỗng khi đo chất lỏng và
với ống đo chứa đầy dung môi khi đo dung dịch chất rắn, Tính góc quay cực riêng
theo các biểu thức sau: Căn cứ vào góc quay cực đo được, có thể tính nồng độ g/l
của chất thử trong dung dịch.
XÁC ĐỊNH ĐỘ THẨM THẤU
Xác định độ thẩm thấu là một phương pháp đo nồng độ thẩm thấu của dung
dịch mẫu thử từ phép đo của độ hạ băng điểm. Khi một dung dịch và một dung môi
tinh khiết được ngăn cách nhau bởi một màng bán thấm, thì dung môi có thể đi qua
tự do nhưng chất tan thì không thể, một phần của dung môi tinh khiết sẽ đi qua
màng sang bên ngăn của dung dịch. Sự chênh lệch áp suất giữa hai ngăn đồng thời
với việc di chuyển của dung môi qua màng được định nghĩa là áp suất thẩm thấu.
Áp suất thẩm thấu là một đặc tính vật lý phụ thuộc vào tổng các dạng tiểu phân có
mặt, bao gồm cả các phân tử trung hòa và các ion và không phụ thuộc vào bản chất
chất tan. Các đặc tính của dung dịch như áp suất thẩm thấu, độ hạ băng điểm, độ
tăng điểm sôi… không phụ thuộc vào bản chất của chất tan mà phụ thuộc vào tổng
số của tất cả các dạng tiểu phân được gọi là các đặc tính phụ thuộc số lượng của
dung dịch. Áp suất thẩm thấu của một dung dịch polymer có thể đo trực tiếp như là
sự chênh lệch áp suất thủy tĩnh giữa hai ngăn được cách nhau bởi một màng bán
thấm, ví dụ màng cellulose. Tuy nhiên, nó không áp dụng đối với dung dịch có
chứa các phần tử nhỏ có thể đi qua màng bán thấm. Mặc dù áp suất thẩm thấu của
một dung dịch như vậy không thể đo được trực tiếp, hướng và mức độ của việc di
chuyển dung môi qua màng sinh học có thể được dự đoán trước từ tổng số tất cả
các tiểu phân có mặt khi dung dịch được đặt dưới các điều kiện sinh lý. Các đặc
tính phụ thuộc số lượng khác của dung dịch như độ hạ băng điểm, độ tăng điểm
sôi, độ hạ áp suất hơi… có thể thu được trực tiếp bằng cách theo dõi sự thay đổi
của nhiệt độ và áp suất… Những đặc tính này phụ thuộc vào tổng các dạng ion và
phân tử trung hòa trong dung dịch cũng như áp suất thẩm thấu và nồng độ các hạt
phân tử được định nghĩa như là nồng độ thẩm thấu. Nồng độ thẩm thấu có thể được
định nghĩa bằng hai cách, một là nồng độ dựa trên khối lượng (độ thẩm thấu
mol/kg) và cách khác là nồng độ dựa trên thể tích (độ thẩm thấu εm, mol/l). Trong
thực tế, cách thứ hai thuận tiện hơn. Phương pháp đo độ hạ băng điểm thường
được dùng để xác định nồng độ thẩm thấu, trừ khi có chỉ dẫn khác.
Thiết bị
Thẩm thấu kế gồm một cốc đo chứa một thể tích xác định của dung dịch mẫu
thử, một bộ phận giữ cốc đo, một bể làm lạnh có bộ phận điều chỉnh nhiệt độ và
một nhiệt điện trở để phát hiện nhiệt độ.
Cách tiến hành
Một thể tích xác định của dung dịch thử được đưa vào cốc đo theo quy định
đối với từng loại thiết bị. Thiết bị trước tiên phải được hiệu chuẩn bằng phương
pháp hiệu chuẩn hai điểm dùng các dung dịch chuẩn. Để hiệu chuẩn, chọn hai dung
dịch chuẩn khác nhau để nồng độ thẩm thấu của dung dịch thử nằm trong khoảng
đó. Ngoài các dung dịch chuẩn được cho trong bảng dưới đây, nước có thể được
dùng như là một dung dịch chuẩn (0 mOsm) để đo các dung dịch có độ thẩm thấu
thấp (0 mOsm đến 100 mOsm). Sau khi rửa cốc đựng mẫu và nhiệt điện trở như
chỉ dẫn trong từng thiết bị riêng, đo độ hạ bằng điểm của dung dịch thử. Dùng
phương trình đã nêu trên để tính độ thẩm thấu của dung dịch.Trong trường hợp
dung dịch có độ thẩm thấu lớn hơn 1000 mOsm, cần hòa loãng mẫu bằng cách
thêm nước cất. Đo độ thẩm thấu của dung dịch pha loãng như chỉ dẫn ở trên. Trong
trường hợp này, cần chỉ rõ độ thẩm thấu đã được tính đối với mẫu thử là độ thẩm
thấu biểu kiến thu được bằng phương pháp pha loãng. Khi áp dụng phương pháp
pha loãng, độ pha loãng nên được chọn để độ thẩm thấu đo được gần với độ thẩm
thấu của dung dịch nước muối sinh lý. Trong trường hợp mẫu thử ở trạng thái rắn
như là thuốc đông khô, chuẩn bị dung dịch thử bằng cách hòa tan chất rắn trong
dung môi thích hợp như chi dẫn.
Sự thích hợp của thiết bị
Sau khi hiệu chuẩn thiết bị, phép thử độ thích hợp phải được làm bằng cách
lặp lại phép đo độ thẩm thấu đối với một dung dịch chuẩn không ít hơn 6 lần.
Trong khi làm phép thử này nên chọn độ thẩm thấu của dung dịch thử và dung dịch
chuẩn gần giống nhau. Trong phép thử này, độ lặp lại của giá trị đo và độ lệch
trung bình nên nhỏ hơn 2,0 % và 3,0 % tương ứng. Chuẩn bị dung dịch chuẩn để
hiệu chuẩn thẩm thấu kế Cân chính xác một lượng natri clorid chuẩn (đã được
nung trước ở 500 °C đến 650 °C trong 40 phút đến 50 phút và để nguội trong bình
hút ẩm) theo chỉ dẫn trong Bảng 6.9 và hòa tan natri clorid trong chính xác 100 g
nước để làm dung dịch chuẩn.
Tỷ số thẩm thấu
Trong phương pháp thử này tỷ số thẩm thấu được định nghĩa là tỷ số độ thẩm
thấu của dung dịch thử đối với dung dịch natri clorid đẳng trương. Tỷ số có thể
được dùng để đo độ đẳng trương của dung dịch thử.
XÁC ĐỊNH ĐIỆN DẪN SUẤT
Điện dẫn suất (còn gọi là Độ dẫn điện riêng) là giá trị nghịch đảo của điện trở
suất. Một dây dẫn có độ dài L (cm) và thiết diện S (cm 2) thì điện trở của nó được
tính theo công thức: Thiết bị và cách tiến hành mô tả dưới đây được áp dụng để đo
các mẫu có điện dẫn suất lớn hơn 10 μS-cm-1. Việc đo điện dẫn suất của nước được
đề cập trong các chuyên luận tương ứng.
Thiết bị: Thiết bị đo (là độ dẫn điện kế hay điện trở kế) được dùng để đo điện
trở của cột chất lỏng giữa các điện cực của tế bào. Do được nhúng trong chất lỏng
cần đo. Thiết bị này dùng dòng điện xoay chiều để tránh ảnh hưởng của sự phân
cực tại điện cực và được trang bị một đầu dò nhiệt độ và bộ phận bổ chính nhiệt
độ. Tế bào đo gồm hai điện cực platin song song được phủ lớp bột đen platin, cách
nhau một khoảng cách L; mỗi điện cực có diện tích bề mặt S. Cả hai điện cực được
bảo vệ bằng một ống thủy tinh. Một số loại tế bào đo khác với mô tả trên cùng có
thể được sử dụng.
Thuốc thử dùng để xác định hằng số tế bào: Chuẩn bị 3 dung dịch chuẩn
kali clorid có chứa lần lượt 0,7455 g, 0,0746 g và 0,0149 g kali clorid trong 1000
g dung dịch, dùng nước không có carbon dioxyd được điều chế từ nước cất có
điện dẫn suất không quá 2 μS-cm-1. Nếu điện dẫn suất được xác định ở nhiệt độ
khác 20 °C, dùng phương trình sau để hiệu chỉnh điện dẫn suất của các dung dịch
kali clorid. Cũng có thể sử dụng những dung dịch chuẩn khác được xác nhận cung
cấp trên thị trường, nhất là đối với các tế bào đo có hằng số 0,1 cm-1.
Cách tiến hành:
Xác định hằng số tế bào: Chọn một tế bào đo thích hợp với tính chất và độ
dẫn điện của dung dịch thử. Điện dẫn suất của dung dịch cần đo càng cao thì cần
chọn tế bào đo có hằng số C càng cao (có p thẩp) để giá trị R đo được càng lớn
càng tốt đối với máy đo. Các tế bào đo thường dùng có hằng số theo thứ tự là 0,1
cm-1; 1 cm-1 và 10 cm-1. Dùng một dung dịch chuẩn, ví dụ, dung dịch kali clorid
nồng độ thích hợp, để xác định hằng số tế bào. Nên chọn dung dịch chuẩn có điện
dẫn suất gần với giá trị điện dẫn suất dự kiến của dung dịch cân đo. Rửa tế bào vài
lần với nước cất và ít nhất hai lần với dung dịch chuẩn kali clorid trên. Đo điện trở
của tế bào với dung dịch kali clorid ở nhiệt độ 25 °C ± 1 °C, hoặc ở nhiệt độ quy
định trong chuyên luận. Hằng số C (cm -1) của tế bào đo được tính bởi công thức
sau:
Xác định diện dẫn suất của dung dịch thử: Sau khi hiệu chuẩn máy với một
trong số các dung dịch chuẩn, rửa tế bào đo vài lần với nước cất và ít nhất hai lần
với dung dịch mẫu thử ở 25 °C ± 1 °C, hoặc ở nhiệt độ quy định trong chuyên
luận. Tiến hành tiếp theo các phép đo điện trở như quy định trong chuyên luận; từ
điện trở đo được và hằng số tế bào xác định được ở trên, tính ra điện dẫn suất của
dung dịch mẫu thử.
XÁC ĐỊNH ĐỘ TRONG CỦA DUNG DỊCH
Độ trong của các dung dịch được xác định bằng cách so sánh các dung dịch
đó với các hỗn dịch đối chiếu.
Dung dịch Hydrazin Sulfat: Hòa tan 1,0 g HydrazinSulfat trong nước, pha
loãng với nước thành 100,0 ml và để yên trong thời gian 4 h đến 6 h.
Dung dịch hexamethylentetramin: Trong một bình nón thủy tinh nút mài
dung tích 100 ml, hòa tan 2,5 g hexamethylentetramin trong 25,0 ml nước.
Hỗn dịch đục gốc: Thêm 25,0 ml dung dịch hydrazin sulfat vào 25.0 ml dung
dịch hexamethylentetramin, lắc kỹ và để yên trong 24 h. Nếu được bào quản trong
lọ thủy tinh tốt (không có khuyết tật ở bề mặt) thì hỗn dịch đục gốc bền vững trong
vòng 2 tháng. Hỗn dịch này phải không được bám dính vào thủy tinh và phải được
lắc kỹ trước khi dùng.
Chuẩn đục: Pha loãng 15,0 ml hỗn dịch đục gốc thành 1000.0 ml với nước.
Chuẩn đục được chuẩn bị ngay trước khi dùng và có thể bảo quản tối đa trong
vòng 24 h.
Hỗn dịch đối chiếu: Các hỗn dịch đối chiếu từ I tới IV được chuẩn bị như chỉ
dẫn. Mỗi hỗn dịch phải được trộn kỹ và lắc trước khi sử dụng.
Cách thử
Việc so sánh được tiến hành trong các ống nghiệm giống nhau, bằng thủy tinh
trung tính, trong, không màu, đáy bằng, có đường kính trong khoảng từ 15 mm đến
25 mm, Chiều dày của lớp dung dịch thử và của hỗn dịch đối chiếu là 40 mm. Hỗn
dịch đối chiếu sau khi pha 5 phút phải được so sánh ngay với dung dịch cần thử
bằng cách quan sát chất lỏng từ trên xuống trong các ống nghiệm trên nền đen dưới
ánh sáng khuếch tán ban ngày. Ánh sáng khuếch tán phải phù hợp để có thể phân
biệt được hỗn dịch đối chiếu I với nước cất và với hỗn dịch đối chiếu II.
Cách đánh giá kết quả
Một chất lỏng được coi như trong nếu nó tương đương với độ trong của nước
cất hay của dung môi đã dùng khi thử nghiệm trong những điều kiện như đã mô tả,
hoặc nếu chất lỏng đó hơi đục nhẹ thì cũng không được đục quá hỗn dịch đối chiếu
I. Các yêu cầu khác nhau về độ đục được biểu thị theo hỗn dịch đối chiếu I, II, III,
và IV.
XÁC ĐỊNH MÀU SẮC CỦA DUNG DỊCH
Việc xác định màu sắc của dung dịch trong phạm vi nâu – vàng – đỏ được tiến
hành theo một trong hai phương pháp dưới đây, tùy theo chỉ dẫn trong chuyên
luận. Một dung dịch được coi là không màu nếu nó giống như nước cất hay dung
môi dùng để pha dung dịch đó, hoặc có màu không thẫm hơn dung dịch màu đối
chiếu N9.
Phương pháp 1: Dùng những ống thủy tinh trung tính, không màu, trong suốt
và giống hệt nhau, có đường kính ngoài 12 mm để so sánh 2,0 ml dung dịch thử
với 2,0 ml nước cất, hoặc dung môi, hoặc dung dịch màu đối chiếu theo chỉ dẫn
trong chuyên luận. Quan sát màu của dung dịch theo chiều ngang ổng nghiệm,
dưới ánh sáng khuếch tán, trên nền trắng.
Phương pháp 2: Dùng những ống thủy tinh trung tính, đáy bằng, không màu,
trong suốt, giống hệt nhau và có đường kính trong từ 15 mm đến 25 mm để so sánh
lớp dung dịch thử với nước cất, hoặc dung môi; hoặc dung dịch màu đối chiếu theo
chỉ dẫn trong chuyên luận, bề dày của lớp chất lỏng là 40 mm. Quan sát màu của
dung dịch dọc theo trục ống, dưới ánh sáng khuếch tán trên nền trắng.
PHÂN TÍCH NHIỆT
Phân tích nhiệt là một nhóm các kỹ thuật xác định những thay đổi tính chất
vật lý của một chất theo sự thay đổi nhiệt độ. Các kỹ thuật thông dụng nhất đều áp
dụng phương pháp đo sự biến thiên khối lượng hoặc biến thiên năng lượng của
mẫu thử.
Phép đo nhiệt trọng lượng (nhiệt khối): Phép đo nhiệt trọng lượng (TGA)
là kỹ thuật đo khối lượng của một chất khi thay đổi nhiệt độ theo một chương trình
nhiệt độ được kiểm soát.
Thiết bị: Bộ phận chính của một cân nhiệt gồm một thiết bị làm nóng hoặc
làm lạnh theo chương trình nhiệt độ đặt trước, một giá giữ mẫu trong môi trường
không khí được kiểm soát, một cân điện tử và một máy ghi. Trong một số trường
hợp, máy còn có thể gắn với một thiết bị cho phép phân tích các sản phẩm bay hơi.
Kiểm tra nhiệt độ: Kiểm tra thang nhiệt độ bằng một chất thích hợp theo
hướng dẫn của nhà sản xuất.
Hiệu chuẩn cân điện: Đặt một lượng thích hợp chất đối chiếu phù hợp có
chứng chỉ vào giá giữ mẫu và xác định khối lượng. Đặt tốc độ tăng nhiệt theo
hướng dẫn của nhà sản xuất và bắt đầu tăng nhiệt độ. Ghi lại biểu đồ nhiệt trọng
lượng với nhiệt độ hoặc thời gian trên trục hoành, tăng từ trái qua phải và khối
lượng trên trục tung, tăng từ dưới lên trên. Dừng tăng nhiệt độ ở khoảng 230°C. Đo
trên đồ thị sự chênh lệch giữa các đường ổn định khối lượng – nhiệt độ hoặc đường
ổn định khối lượng – thời gian ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối, tương ứng với sự
mất khối lượng. Giá trị khối lượng mất đi của chất đối chiếu được ghi trên nhãn.
Tiến hành: Tiến hành quá trình trên đối với chất khảo sát, áp dụng các điều
kiện được ghi trong chuyên luận. Tính khối lượng mất đi từ sự chênh lệch đo được
trên đồ thị, biểu thị ra phần trăm theo khối lượng. Nếu sử dụng máy đều đặn, phải
định kỳ kiểm tra nhiệt độ và hiệu chuẩn. Nếu không dùng máy thường xuyên, kiểm
tra nhiệt độ và hiệu chuẩn trước mỗi lần đo. Vì yếu tố không khí môi trường ảnh
hưởng nhiều đến kết quả đo nên các thông số như áp suất hoặc tốc độ, thành phần
khi cần được ghi lại mỗi khi đo.
Phép đo nhiệt lượng quét vi sai: Đo nhiệt lượng quét vi sai (DSC) là một kỹ
thuật cho phép nhận biết những hiện tượng năng lượng xảy ra trong quá trình làm
nóng hoặc làm lạnh của một chất (hoặc hỗn hợp nhiều chất) và xác định biên thiên
enthalpy, nhiệt dung riêng và nhiệt độ ở đó xuất hiện các hiện tượng này. Kỹ thuật
được dùng để xác định chênh lệch tốc độ nhiệt giải phóng hoặc hấp thu bởi chất
khảo sát so sánh với mẫu đối chiếu theo sự thay đổi của nhiệt độ. Có hai kiểu thiết
bị DSC. Kiểu thứ nhất áp dụng kỹ thuật bù năng lượng để giữ chênh lệch nhiệt độ
giữa mẫu thử và mẫu đối chiếu bằng không. Kiểu thứ hai giữ tốc độ tăng nhiệt đều
đặn và phát hiện sự chênh lệch nhiệt độ giữa mẫu thử và mẫu đối chiếu.
Thiết bị: Thiết bị bù nâng lượng DSC gồm một lò nhiệt có giá giữ mẫu hai
ngăn: Ngăn để mẫu thử và ngăn để mẫu đối chiếu. Thiết bị đo dòng nhiệt DSC
gồm một lò nhiệt có một ngăn để đặt chén đựng mẫu thử và chén đựng mẫu đối
chiếu. Một thiết bị đặt chương trình nhiệt độ, một detector nhiệt và một hệ thống
ghi nối với máy tính. Các phép đo được thực hiện trong điều kiện không khí môi
trường được kiểm soát.
Hiệu chuẩn thiết bị: Dùng indi có mức tinh khiết cao hoặc vật liệu thích hợp
có chứng chỉ để hiệu chuẩn nhiệt độ và biến thiên enthalpy theo hướng dẫn của nhà
sản xuất, có thể dùng kết hợp hai kim loại indi và kẽm để kiểm tra độ tuyến tính.
Tiến hành: Cân một lượng thích hợp chất khảo sát vào một dụng cụ chịu
nhiệt phù hợp. Đặt vào ngăn giữ mẫu. Đặt nhiệt độ đầu, nhiệt độ kết thúc và tốc độ
tăng nhiệt theo các điều kiện được ghi trong chuyên luận riêng. Bắt đầu phép phân
tích và ghi biểu đồ phân tích nhiệt vi sai với nhiệt độ hoặc thời gian trên trục hoành
(giá trị tăng từ trái qua phải) và biến thiên năng lượng trên trục tung (cho biết thay
đổi thu nhiệt hay tỏa nhiệt). Hiện tượng nhiệt xuất hiện ở nhiệt độ tương ứng với
giao điểm (A) của đường nền kéo dài và tiếp tuyến tại điểm dốc nhất (điểm uốn)
của đường cong. Kết thúc hiện tượng nhiệt là định của đường cong. Enthalpy của
hiện tượng tỷ lệ với diện tích dưới đường cong giới hạn bởi đường nền. Hệ số tỷ lệ
được xác định từ phép đo nhiệt nóng chảy của một chất đã biết (ví dụ indi) trong
cùng điều kiện đo. Mỗi biểu đồ nhiệt có thể kèm theo những thông số sau đây: Các
điều kiện áp dụng, ghi chép của lần hiệu chuẩn cuối cùng, lượng mẫu, định tính
(bao gồm tính chất nhiệt), bao bì, môi trường không khí (thành phần tính chất, tốc
độ dòng, áp suất), chiều và tốc độ thay đổi nhiệt độ, độ nhạy của máy đo và máy
ghi.
Áp dụng: Khảo sát các hiện tượng chuyển pha Xác định biến thiên nhiệt độ,
nhiệt dung và enthalpy của các quá trình chuyển pha xảy ra với một chất theo sự
biến đổi của nhiệt độ như sau: Biến đổi thành phần hóa học Đo nhiệt lượng hoặc
nhiệt độ của phản ứng trong các điều kiện thực nghiệm nhất định, từ đó xác định
động học của phản ứng phân hủy hoặc quá trình loại dung môi. Áp dụng đối với
biểu đồ pha Thiết lập biểu đồ pha đối với một hỗn hợp rắn. Việc thiết lập này có
thể là một bước quan trọng trong tiến trình công thức hóa sơ bộ và tối ưu hóa quá
trình đông khô. Xác định độ tinh khiết Việc đo nhiệt nóng chảy và điểm chảy bằng
DSC cho phép xác định hàm lượng tạp chất của một chất chỉ bằng một biểu đồ
nhiệt đơn lẻ, với một vài miligam mẫu và không cần thiết phải lặp lại phép đo
chính xác của nhiệt độ thực. Theo lý thuyết, điểm chảy của một chất tinh khiết, kết
tinh hoàn toàn ở áp suất hằng định có nhiệt nóng chảy đặc trưng AH1 dao động
trong một khoảng rất hẹp, tương ứng với điểm chảy To. Sự dãn rộng khoảng này là
một dấu hiệu khá nhạy về sự có mặt của các tạp chất. Do đó, các mẫu của cùng
một chất, với lượng tạp chất thay đổi vài phần nghìn, cho những biểu đồ nhiệt khác
nhau rõ rệt. Việc xác định mức độ tinh khiết mol bằng DSC dựa trên việc sử dụng
phép tính gần đúng dạng tích phân của phương trình Van’t Hoff áp dụng cho nồng
độ (không phải hoạt độ) trong hệ 2 thành phần Từ đây, việc xác định độ tinh khiết
bằng DSC giới hạn trong việc xác định các tạp chất tạo thành hỗn hợp cutectic với
thành phần chính và biểu thị ra phân số mol ít hơn 2 % trong chất cần khảo sát.
Phương pháp này không áp dụng đối với: Các chất vô định hình; Các chất solvat
hóa và đa hình không bền trong khoảng nhiệt độ khảo sát; Các tạp chất tạo thành
các dung dịch rắn với thành phần chính; Các tạp chất không tan trong pha lỏng
hoặc trong quá trình tan chảy của thành phần chính. Trong quá trình làm nóng chất
khảo sát, tạp chất chảy hoàn toàn ở nhiệt độ cutectic của hỗn hợp. Trên nhiệt độ
này, pha rắn chỉ chứa chất tinh khiết. Khi nhiệt độ tăng dần từ nhiệt độ cutectic đến
điểm chảy của chất tinh khiết, phân số mol của tạp chất trong chất lỏng giảm đều
đặn bởi vì lượng chất tinh khiết chảy lòng tăng dần. Ở tất cả mọi nhiệt độ trên điểm
cutectic.
Kính hiển vi nhiệt: Có thể quan sát quá trình chuyển pha bằng kính hiển vi
nhiệt. Phương pháp này cho phép khảo sát mẫu dưới kính hiển vi phân cực theo sự
thay đổi nhiệt độ được chương trình hóa. Những khảo sát thu được dưới kính hiển
vi nhiệt cho phép xác định rõ bản chất của các hiện tượng được phát hiện bằng
phương pháp nhiệt trọng lượng và phân tích nhiệt vi sai. Thiết bị bao gồm kính
hiển vi gắn với nguồn sáng phân cực một đĩa nóng, một thiết bị điều khiển chương
trình nhiệt độ làm nóng hoặc làm lạnh, một hệ thống máy ghi nhiệt độ chuyển pha.
Có thể có thêm máy quay và ghi video.
PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH TÍNH CÁC THÀNH PHẦN HOẠT CHẤT VÀ
XÁC ĐỊNH GIỚI HẠN TẠP CHẤT TRONG DƯỢC PHẨM
CÁC PHẢN ỨNG ĐỊNH TÍNH
Acetat
A. Đun nóng chế phẩm với cùng một lượng acid oxalic. Hơi xông ra có mùi
acid acetic.
B. Hòa tan khoảng 30 mg chế phẩm trong 3 ml nước hoặc lấy 3 ml dung dịch
theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm lần lượt 0,25 ml dung dịch lanthan nitrat 5
% , 0,1 ml dung dịch iod 0,1 N và 0,05 ml dung dịch amoniac 2 M và đun nóng
hỗn hợp cẩn thận đến sôi, sau vài phút xuất hiện tủa màu xanh lam hay màu xanh
lam thẫm.
Nhóm acetyl
Lấy một ống nghiệm (kích thước 18 mm x 180 mm), cho vào khoảng 15 mg
chế phẩm hay một lượng theo chỉ dẫn trong chuyên luận và 0,15 ml acid
phosphoric . Đậy ống nghiệm bằng một nút có mang bên trong một ống nghiệm
nhỏ hơn (kích thước 10 mm X 100 mm), ống nghiệm này chứa nước để làm sinh
hàn. Cho một giọt dung dịch lanthan nitrat 5 % bám vào thành đáy ngoài của ống
nghiệm nhỏ (sao cho giọt thuốc thử này không bị rơi xuống ống nghiệm chứa chế
phẩm trong suốt quá trình thí nghiệm, nếu rơi phải làm lại thí nghiệm từ đầu). Đặt
thiết bị trong cách thủy sôi 5 phút (trừ trường hợp chế phẩm khó thủy phân), sau đó
lấy ống nghiệm nhỏ ra, gạt chất lỏng thu được ở đáy ngoài ống nghiệm vào một
tấm sứ trắng đã chứa sẵn 0,05 ml dung dịch iod 0,02 N , thêm vào cạnh đó 0,05 ml
dung dịch amoniac 2 M . Sau 1 phút đến 2 phút, ở vòng tiếp xúc giữa hai dung
dịch xuất hiện màu xanh lam dần dần thẫm lên và bên trong một thời gian ngắn.
Đối với các chế phẩm khó thủy phân, tiến hành theo chỉ dẫn ở trên, nhưng đun hỗn
hợp từ từ tới sôi trên ngọn lửa, thay cho việc đun trong cách thủy.
Alcaloid
Hòa tan vài mg chế phẩm hoặc một lượng chế phẩm theo chỉ dẫn trong
chuyên luận trong 5 ml nước, thêm dung dịch acỉd hydrocloric 2 M đến khi có
phản ứng acid, thêm 1 ml thuốc thử Drageldorff, xuất hiện tủa màu cam hay đỏ
cam.
Amin thơm bậc nhất
Acid hóa một lượng dung dịch chế phẩm theo chỉ dẫn trong chuyên luận bằng
dung dịch acid hydrocloric 2 M hoặc hòa tan 0,1 g chế phẩm trong 2 ml dung dịch
acid hydrocloric 2 M . Thêm 0,2 ml dung dịch natri nitrit 10% , sau 1 phút đến 2
phút thêm 1 ml dung dịch 2-naphthol trong kiềm . Hỗn hợp có màu cam thẫm hay
màu đỏ và thường có tủa cùng màu.
Amoni (muối)
A. Hòa tan khoảng 0,02 g chế phẩm trong 2 ml nước hoặc lấy một lượng dung
dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận thêm 2 ml dung dịch natri hydroxyd 2 M , đun
nóng, sẽ xông ra khí có mùi đặc biệt và làm xanh giấy quỳ đỏ đã thấm nước. B.
Hòa tan khoảng 10 mg chế phẩm trong 5 ml nước hay một lượng dung dịch theo
chỉ dẫn trong chuyên luận, thêm 0.2 ml thuốc thử Nessier , hỗn hợp có màu vàng
hay tủa vàng nâu.
Arseniat
A. Đun cách thủy 5 ml dung dịch chế phẩm 5 % hoặc 5 ml dung dịch chế
phẩm theo chỉ dẫn trong chuyên luận với cùng thể tích dung dịch hypophosphit
(thuốc thử Tile), sẽ cho tủa màu nâu. B. Hòa tan khoảng 0,10 g chế phẩm trong 2
ml nước hoặc lấy 2 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận, thêm 1 ml dung
dịch bạc nitrat 2 % sẽ tạo thành tủa màu nâu đỏ, tủa này tan khi thêm một lượng
dung dịch acid nitric loãng hoặc một lượng dung dịch amoniac. C. Hòa tan khoảng
0,20 g chế phẩm trong 5 ml nước hoặc lấy 5 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong
chuyên luận, thêm 5 ml dung dịch amoni clorid , 1 ml dung dịch amoniac và vài
giọt dung dịch magnesi sulfat 5 % sẽ cho tủa kết tinh trắng.
Arsenit
A. Phản ứng A trong mục arseniat. B. Hòa tan khoảng 0,10 g chế phẩm trong
2 ml nước hoặc lấy 2 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 1 ml
dung dịch bạc nitrat 2 % sẽ tạo thành tủa màu trắng hơi vàng, tủa này tan khi thêm
một lượng dung dịch amoniac hoặc một lượng dung dịch acid nitric loãng . C. Hòa
tan 0,1 g chế phẩm trong 2 ml nước, hoặc lấy 2 ml dung dịch chế phẩm theo chỉ
dẫn trong chuyên luận, thêm 1 ml dung dịch đồng sulfat , tủa màu xanh lục sẽ được
tạo thành, tách tủa và đun với dung dịch natri hỵdroxyd, tủa sẽ chuvển thành màu
nâu đỏ.
Bạc (muối)
A. Hòa tan khoảng 10 mg chế phẩm trong 5 ml nước hoặc lấy một lượng dung
dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận, thêm 3 giọt dung dịch acid hydrocloric 10 %
sẽ xuất hiện tủa trắng lổn nhổn, tủa này không tan trong dung dịch acid nitric lõang
nhưng tan trong dung dịch amoniac 6 M . B. Hòa tan 20 mg chế phẩm trong 5 ml
nước hoặc lấy một lượng dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận, thêm 2 ml
dung dịch amoniac 6 M và vài giọt formaldehyd , đun nóng dung dịch sẽ có tủa
bạc kim loại bám vào thành ống nghiệm (phản ứng tráng gương).
Barbiturat
A. Lấy khoảng 5 mg chế phẩm, hòa tan trong 3 ml dung dịch cobalt (II) acetat
0,2 % trong methanol , thêm 90 mg đến 30 mg natri tetraborat đã được tán mịn,
đun sôi sẽ xuất hiện màu xanh tím. B. Barbiturat có hydro ở nhóm NH không bị
thay thế: Hòa tan khoảng 5 mg chế phẩm trong 3 ml methanol , thêm 0 1 ml dung
dịch có chứa 10 % cobalt (II) nitrat và 10 % calci clorid . Trộn đều, vừa lắc vừa
thêm 0,1 ml dung dịch natri hydroxyd 2M sẽ xuất hiện màu và tủa xanh tím.
Bari (muối)
A. Lấy một lượng dung dịch muối bari như chỉ dẫn trong chuyên luận, thêm
vài giọt dung dịch acid sulfuric loãng sẽ xuất hiện tủa trắng, tủa này không tan
trong dung dịch acid hydrocloric 10 % và dung dịch acid nitric loãng . B. Dùng
một dây bạch kim hoặc đũa thủy tinh lấy một lượng chất thử đốt trên ngọn lửa
không màu, ngọn lửa sẽ nhuộm thành màu xanh lục hơi vàng, khi nhìn qua kính
thủy tinh màu lục ngọn lửa sẽ có màu xanh lam.
Benzoat
A. Lấy 1 ml dung dịch trung tính 10 % chế phẩm trong nước hoặc một lượng
chế phẩm theo chỉ dẫn trong chuyên luận, thêm 0,5 ml dung dịch sắt (III) clorid
10,5 % sẽ xuất hiện tủa màu vàng thẫm, tủa này tan trong ether . B. Lấy khoảng
0,2 g chế phẩm hoặc một lượng chế phẩm theo chỉ dẫn trong chuyên luận vào một
ống nghiệm, làm ẩm bằng 0,2 ml đến 0,3 ml acid sulfuric và đun nóng nhẹ ở đáy
ống nghiệm, sẽ có tinh thể màu trắng thăng hoa bám ở thành trong của ống. C. Hòa
tan 0,5 g chế phẩm trong 10 ml nước hoặc dùng 10 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong
chuyên luận, thêm 0,5 ml acid hydrocloric , sẽ cho tủa. Kết tinh lại tủa trong nước
ấm rồi làm khô dưới áp suất giảm, tủa thu được có nhiệt độ nóng chảy từ 120 °C
đến 124 °C (Phụ lục 6.7).
Bismuth (muối)
A. Thêm 10 ml dung dịch acid hydrocloric 10 % vào 0,5 g chế phẩm hoặc
dùng 10 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Đun sôi trong 1 phút, để
nguội rồi lọc nếu cân. Thêm 20 ml nước vào 1 ml dung dịch thu được ở trên, xuất
hiện tủa trắng hay hơi vàng, tủa này sẽ chuyển thành nâu khi thêm 0,05 ml đến 0,1
ml dung dịch natri sulfid.
B. Thêm 10 ml dung dịch acid nitric 2 M vào 40 mg đến 50 mg chế phẩm
hoặc dùng 10 ml chế phẩm đã được xử lý theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Đun sôi
trong 1 phút, để nguội rồi lọc nếu cần. Thêm 2 ml dung dịch thioure 40 % vào 5
ml dịch lọc thu được ở trên, xuất hiện màu vàng da cam hay tủa da cam. Thêm 4
ml dung dịch natri fluorid 2,5 M , dung dịch không được mất màu trong vòng 30
phút.
Borat
A. Hòa tan khoảng 0,1 g chế phẩm vào 0,1 ml acid sulfuric trong một chén
sứ. Thêm 3 ml methanol , trộn đều rồi châm lửa vào hỗn hợp, hỗn hợp cháy với
ngọn lửa màu lục. B. Lấy 5 ml dung dịch chế phẩm 10 %, thêm 0,5 ml dung dịch
acid hydrocloric loãng và 0.5 ml cồn nghệ , sẽ cho màu nâu; thêm 1 ml dung dịch
natri Hydroxyd 10 % , màu nâu chuyển thành lam hay lục.
Bromid
A. Hòa tan một lượng chế phẩm có chứa khoảng 3 mg ion bromid trong 2 ml
nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Acid hóa bằng
dung dịch acid nitric loãng và thêm 0,4 ml dung dịch bạc nitrat 4 % . Lắc và để
yên, có tủa màu vàng nhạt lổn nhổn tạo thành. Lọc lấy tủa, rửa tủa ba lần, mỗi lần
với 1 ml nước. Phân tán tủa trong 2 ml nước, thêm 1,5 ml dung dịch amoniac 10 M
, tủa khó tan. B. Hòa tan một lượng chế phẩm có chứa khoảng 5 mg ion bromid
trong 2 ml nước hoặc lấy một lượng dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận,
acid hóa dung dịch bằng acid sulfuric loãng , thêm 1 ml nước clor và2 ml
cloroform , lắc. Lớp cloroform sẽ có màu đỏ đến màu nâu đỏ.
Carbonat và hydrocarbonat
A. Cho vào ống nghiệm khoảng 0,1 g chế phẩm, thêm 2 ml nước hoặc lấy 2
ml dung dịch chế phẩm đã được chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 2 ml dung dịch
acid acetic 2 M . Đậy ngay nút đã lắp sẵn một ống thủy tinh nhỏ uốn góc. Đun nhẹ
ống nghiệm, khí thoát ra được dẫn vào một ống nghiệm khác có chứa sẵn 5 ml
dung dịch bão hòa calci hydroxyd , sao cho đầu ống thủy tinh nhỏ phải ngập trong
dung dịch này, tủa trắng tạo thành, tủa này tan trong acid hydrocloric quá thừa. B.
Cho vào ống nghiệm khoảng 0,1 g chế phẩm, thêm 2 ml nước hoặc lấy 2 ml dung
dịch chế phẩm đã được chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 2 ml dung dịch magnesi
Sulfat , nếu là Carbonat sẽ cho tủa trắng, nếu là hydrocarbonat sẽ không tạo tủa
nhưng khi đun sôi cùng cho tủa trắng.
Calci (muối)
A. Lấy khoảng 20 mg chế phẩm hoặc một lượng chế phẩm theo chỉ dẫn trong
chuyên luận, hòa tan trong 5 ml dung dịch acid acetic 5 M , thêm 0,5 ml dung dịch
kali ferocyanid , dung dịch vẫn trong, thêm khoảng 50 mg amoni clorid , tạo thành
tủa kết tinh trắng. B. Thêm vào dung dịch chế phẩm theo chỉ dẫn trong chuyên luận
vài giọt dung dịch amoni oxalat 4 % , tạo thành tủa trắng, tủa này ít tan trong dung
dịch acid acetic 6 M , nhưng tan trong acid hydrocloric.
Chì (muối)
A. Hòa tan 0,1 g chế phẩm trong 1 ml dung dich acid acetic 5 M hoặc lấy 1
ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận, thêm 2 ml dung dịch kali cromat 5 %
, tủa vàng sẽ tạo thành, tủa này tan trong dung dịch natri hydroxyd 10 M . B. Hòa
tan 50 mg chế phẩm trong 1 ml dung dịch acid acetic 5 M hoặc 1 ml dung dịch
theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 10 ml nước và 0,2 ml dung dịch kali iodid
10 % , tủa màu vàng sẽ tạo thành; đun sôi 1 phút đến 2 phút cho tủa tan ra, để
nguội, tủa lại xuất hiện có dạng những mảnh vàng lấp lánh.
Citrat
A. Hòa tan khoảng 0,1 g chế phẩm trong 2 ml nước, nếu cần có thể trung tính
hóa dung dịch bằng amoniac , hoặc dùng một lượng dung dịch theo chỉ dẫn trong
chuyên luận. Thêm 1 ml dung dịch calci clorid 10 % , dung dịch vẫn trong. Đun sôi
dung dịch sẽ xuất hiện tủa trắng, tủa này tan trong dung dịch acid acetic 6 M . B.
Hòa tan một lượng chế phẩm tương đương với khoảng 50 mg acid citric trong 5 ml
nước hoặc lấy 5 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 0,5 ml acid
sulfuric , 1 ml dung dịch kali permanganat và đun nóng đến khi mất màu. Thêm
0,5 ml dung dịch natri nitrosulfat 10% trong dung dịch acid sulfuric 1 M, 4 g acid
sulfamic và từng giọt amoniac đến khi acid sulfamic tan hết, khi cho thừa
amoniac, xuất hiện màu tím chuyển dần thành xanh tím.
Ciorat
A. Thêm vài giọt acid sulfuric vào 0,1 g chế phẩm, có tiếng nổ lép bép và khí
màu vàng lục bay ra. B. Hòa tan khoảng 0,05 g chế phẩm trong 5 ml nước, thêm
0,5 ml dung dịch bạc nitrat 2 % , không xuất hiện tủa. Khi thêm 2 giọt đến 3 giọt
dung dịch natri nitrit và 2 giọt đến 3 giọt acid nitric loãng , sẽ có tủa trắng tạo
thành, tủa này tan trong dung dịch amoniac 6 M .
Clorid
A. Hòa tan một lượng chế phẩm tương ứng với 2 mg ion clorid trong 2 ml
nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Acid hóa bằng
dung dịch acid nitric 2 M , thêm 0,4 ml dung dịch bạc nitrat 2 % , Lắc và đế yên,
có tủa màu trắng, lổn nhổn tạo thành. Lọc lấy tủa, rửa tủa 3 lần, mỗi lần với 1 ml
nước, phân tán tủa trong 2 ml nước và thêm 1,5 ml dung dịch amoniac 10 M , tủa
tan dễ dàng. B. Cho vào ống nghiệm một lượng chế phẩm tương ứng khoảng từ 10
mg đến 20 mg ion clorid hay một lượng theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 1
ml dung dịch kali permanganat 5 % và 1 ml acid sulfuric , đun nóng, sẽ giải phóng
khí clor có mùi đặc biệt, khí này làm xanh giấy tẩm hồ tinh bột có kali iodid đã
thấm nước.
Đồng (muối)
A. Hòa tan khoảng 10 mg chế phẩm trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung
dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận, thêm vài giọt dung dịch kali ferocyanid , sẽ có
tủa màu nâu đỏ không tan trong acid acetic . B. Hòa tan khoảng 10 mg chế phẩm
trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm
vài giọt dung dịch amoniac , sẽ có tủa màu xanh, tủa này tan trong thuốc thử quá
thừa tạo thành dung dịch màu xanh lam thẫm.
Ester
Lấy khoảng 30 mg chế phẩm, hoặc một lượng chế phẩm theo chỉ dẫn trong
chuyên luận, thêm 0,5 ml dung dịch chứa 7 % hydroxylamin hydroclorid trong
methanol và 0,5 ml dung dịch kali hydroxyd 10 % trong ethanol . Đun sôi, để
nguội, acid hóa dung dịch bằng dung dịch acid hydrocloric 2 M , rồi thêm vài giọt
dung dịch sắt (III) clorid 1 %, sẽ xuất hiện màu đỏ hay màu đỏ có ánh lam.
lodid
A. Hòa tan một lượng chế phẩm tương ứng khoảng 4 mg ion iodid trong 2 ml
nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Acid hóa bằng
dung dịch acid nitric 2 M , thêm 0,4 ml dung dịch bạc nitrat 4 % . Lắc và để yên,
có tủa màu vàng nhạt, lổn nhổn tạo thành. Lọc lấy tủa, rửa tủa 3 lần, mỗi lần với 1
ml nước. Phân tán tủa trong 2 ml nước, thêm 1,5 ml dung dịch amoniac 10 M , tủa
không tan. B. Hòa tan một lượng chế phẩm tương ứng với 4 mg ion iodid trong 2
ml nước, hoặc dùng 2 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm vài giọt
dung dịch sắt(III) clorid 3 % , 2 giọt acid hydrocloric , 1 ml chroform và lắc, để
yên. Lớp clorofrom có màu tím.
Kali (muối)
A. Hòa tan 0,1 g chế phấm trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo
chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 1 ml dung dịch natri carbonat 10 % rồi đun
nóng, không tạo thành tủa. Thêm vào trong lúc nóng 0,05 ml dung dịch natri
sulfid , không tạo thành tủa. Làm nguội trong nước đá và thêm 1,5 ml dung dịch
acid tartric 20 % và để yên, tạo thành tủa kết tinh màu trắng. B. Hòa tan khoảng
40 mg chế phẩm trong 1 ml nước hoặc dùng 1 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong
chuyên luận. Thêm 1 ml dung dịch acid acetic 2 M và 1 ml dung dịch natri
cobaltinitrit 10 % mới pha, tạo thành tủa màu vàng hay da cam.
Kẽm (muối)
Hòa tan 0,1 g chế phẩm trong 5 ml nước hoặc dùng 5 ml dung dịch theo chỉ
dẫn trong chuyên luận. Thêm 0,2 ml dung dịch na tri hydroxyd 10 M , tạo thành
tủa trắng,tủa này tan khi tiếp tục thêm 2 ml dung dịch natri hydroxyd 10 M . Thêm
10 ml dung dịch amoni clorid 10% , dung dịch vẫn trong, thêm 0,1 ml dung dịch
natri sulfid, tủa bông trắng được tạo thành.
Lactat
Hòa tan một lượng chế phẩm tương ứng khoảng 5 mg acid lactic trong 5 ml
nước, hoặc lấy 5 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận, Thêm 1 ml nước
brom và 0,5 ml dung dịch acid sulfuric 1M . Đun trong cách thủy đến khi mất
màu, thỉnh thoảng khuấy bằng đũa thủy tinh. Thêm 4 g amoni sulfat và trộn đều.
Thêm từng giọt theo thành ống 0,2 ml dung dịch có chứa 10 % natri nitroprusiat
trong dung dịch acid sulfuric 1 M (chú ý không trộn) và 1 ml amoniac đậm đặc .
Để yên 30 phút, sẽ xuất hiện một vòng màu lục giữa bề mặt của hai chất lỏng.
Magnesi (muối)
Hòa tan khoảng 15 mg chế phẩm trong 2 ml nước hoặc lấy 2 ml dung dịch
theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 1 ml dung dịch amoniac 6 M , tạo thành tủa
trắng, tủa này tan khi thêm 1 ml dung dịch amoni clorid . Thêm 1 ml dung dịch
dinatri hydrophosphat 9 %, sẽ có tủa kết tinh màu trắng.
Natri (muối)
A. Hòa tan 0,1 g chế phẩm trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung dịch đã
được chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 2 ml dung dịch kali carbonat 15 % và đun
đến sôi. Không được có tủa tạo thành. Thêm 4 ml dung dịch kali pyroantimonat và
đun đến sôi. Để nguội trong nước đá, nếu cần cọ thành cốc bằng đũa thủy tinh. Tủa
trắng được tạo thành. B. Dùng một dây bạch kim hay đũa thủy tinh, lấy một hạt
chất thử hay một giọt dung dịch chế phẩm, đưa vào ngọn lửa không màu. ngọn lửa
sẽ nhuộm thành màu vàng.
Nhôm (muối)
Hòa tan khoảng 0,1 g chế phẩm trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung dịch
theo chi dẫn trong chuyên luận. Thêm từng giọt dung dịch amoniac (Tí) cho tới khi
tạo tủa keo trang, tủa này chuyển thành đỏ khi thêm vài giọt dung dịch alizarins
(ừ ).
Nitrat
A. Hòa tan 0,1 g chế phẩm trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo
chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm từ từ 2 ml acid sulfuric , trộn và để nguội. Cho
cẩn thận (không trộn) dọc theo thành ống nghiệm 1 ml dung dịch sắt (II) sulfat 1,5
% . Ở miền tiếp giáp giữa hai chất lỏng có một vòng màu nâu. B. Trộn 0,1 ml
nitrobenzen với 0,2 ml acid sulfuric , thêm một lượng chế phẩm đã tán nhỏ tương
ứng với khoảng 1 mg ion nitrat hoặc một lượng dung dịch theo chỉ dẫn trong
chuyên luận, để yên 5 phút, làm lạnh trong nước đá vài phút, vừa lắc vừa thêm từ
từ 5 ml nước, sau đó 5 ml dung dịch natri hydroxyd 10 M và 5 ml aceton , lắc rồi
để yên. Lớp chất lỏng ở trên có màu tím thẫm.
Oxalat
A. Hòa tan khoảng 0,1 g chế phẩm trong 5 ml nước hoặc dùng 5 ml dung dịch
theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 0,5 ml dung dịch calci clorid 10 % , tủa màu
trắng tạo thành, tủa tan trong acid vô cơ, không tan trong dung dịch acid acetic 6 M
. B. Hòa tan khoảng 0,1 g chế phẩm trong 5 ml nước hoặc dùng 5 ml dung dịch
theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Acid hòa dung dịch bằng dung dịch acid sulfuric
10 % , dung dịch này sẽ làm mất màu dung dịch kalipermanganat 5 % khi đun
nóng.
Peroxyd
A. Nhỏ 1 giọt dung dịch chế phẩm vào 10 ml dung dịch acid sulfuric 2 % ,
thêm 2 ml ether và 1 giọt dung dịch kali dicromat 5 % , lắc, lớp ether có màu
xanh. B. Lấy 1 ml dung dịch chế phẩm, acid hóa nhẹ bằng dung dịch acid sulfuric
10 % , thêm từng giọt dung dịch kali iodid , sẽ giải phóng iod, làm xanh hồ tinh
bột.
Phosphat
A. Hòa tan khoảng 50 mg chế phẩm trong 3 ml nước hoặc dùng 3 ml dung
dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Acid hóa dung dịch bằng dung dịch acid nitric
loãng , thêm 2 ml dung dịch amoni molỵbdat sẽ hiện tủa màu vàng. B. Hòa lan
khoảng 0,1 g chế phẩm trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo chỉ dẫn
trong chuyên luận. Trung tính hóa dung dịch bằng dung dịch acid nitric loãng hoặc
dung dịch natri hydroxyd . Thêm 1 ml dung dịch bạc nitrat 4 % sẽ tạo tủa màu
vàng, màu của tủa không thay đổi khi đun sôi, tủa tan khi thêm dung dịch amoniac
10 M .
Salicylat
A. Lấy 1 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 0,5 ml dung
dịch sắt (III) clorid 10,5 % , xuất hiện màu tím, màu không bị mất khi thêm 0,1 ml
dung dịch acid acetic 5 M . B. Hòa tan khoảng 0,5 g chế phẩm trong 10 ml nước
hoặc dùng 10 ml dung dịch theo chỉ dẫn của chuyên luận. Thêm 0,5 ml acid
hydrocloric , sẽ xuất hiện tủa kết tinh màu trắng. Lọc lấy tủa, rửa tủa bằng nước
đến phản ứng trung tính với giấy quỳ và làm khô trong bình hút ẩm có chứa acid
sulfuric . Nhiệt độ nóng chảy của tủa từ 156 °C đến 161 °C.
Sắt (II) (muối)
Hòa tan một lượng chế phẩm tương ứng với 10 mg sat (II) trong 1 ml nước,
hoặc dùng 1 ml dung dịch theo chì dẫn trong chuyên luận. Thêm 1 ml dung dịch
kali ferricyanid 5 %, tủa màu xanh lam tạo thành, tủa nàv không tan trong dung
dịch acid hydrocỉoric 2 M (Tỉ).
Sắt (III) (muối)
A. Hòa tan một lượng chế phẩm có chứa khoảng 0,1 mg sắt (III) trong 3 ml
nước hoặc dùng 3 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 1 ml dung
dịch acid hydrocloric. 2 M và 1 ml dung dịch kali thiocyanat , dung dịch có màu
đỏ. Dùng 2 ống nghiệm, cho vào mỗi ống 1 ml dung dịch thu được ở trên. Một ống
cho thêm 5 ml alcol amylic hoặc ether , lắc và để yên, lớp dung môi có màu hồng.
Cho vào ống nghiệm kia 3 ml dung dịch thủy ngân (II) clorid 5 % , màu đỏ sẽ biến
mất. B. Hòa tan một lượng chế phẩm tương ứng với 1 mg sắt (III) trong 1 ml nước
hoặc dùng 1 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 1 ml dung dịch
kali feroevanid tủa màu xanh lam tạo thành, tủa này không tan trong dung dịch
acid hydrocloric 2 M .
Silicat
Trong một chén nung bằng chì hay bằng bạch kim, dùng một sợi dây đồng
trộn đều một lượng chất để thử với 10 mg natri fluorid và 0,2 ml acid sulfuric đậm
đặc ( TT) . Đậy chén bằng một nắp nhựa dẻo trong, mỏng; dưới nắp nhựa có một
giọt nước. Đun nóng nhẹ, sẽ thấy xuất hiện một vòng màu trắng xung quanh giọt
nước.
Stibi (antimony, hợp chất)
Hòa tan bằng cách đun nóng nhẹ khoảng 10 mg chế phẩm trong 10 ml dung
dịch natri kali tarirai 5 % và để nguội. Lấy 2 ml dung dịch này hoặc 2 ml dung dịch
chế phẩm theo chỉ dẫn trong chuyên luận, nhỏ vào đó từng giọt dung dịch natri
sulfid , tủa màu đỏ cam tạo thành, tủa này sẽ tan khi thêm dung dịch natri
hydroxyd 2 M .
Sulfat
A. Hòa tan 45 mg chế phẩm trong 5 ml nước hoặc dùng 5 ml dung dịch theo
chỉ dẫn trong chuyên luận, thêm 1 ml dung dịch acid hydrocloric. 2 M và 1 ml
dung dịch bari clorid 5 % , sẽ có tủa màu trắng tạo thành. B. Thêm 0,1 ml dung
dịch iod 0,1 N vào hỗn dịch thu được ở phản ứng trên, hỗn dịch có màu vàng (phân
biệt với Sulfit và dithionit) nhưng mất màu khi thêm từng giọt dung dịch thiếc (II)
clorid (phân biệt với iodat). Đun sôi hỗn hợp, không được tạo thành tủa có màu
(phân biệt với selenat và tungstat).
Sulfid
Hòa tan 0,1 g chế phẩm trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo chỉ
dẫn trong chuyên luận. Thêm 1 ml dung dịch acid hydrocloric 10 % , khí bay ra có
mùi của hydrosulfid, khí này sẽ làm nâu hoặc đen giấy tẩm dung dịch chì acetat đã
thấm nước.
Bisulfit và Sulfit
A. Hòa tan khoảng 0,1 g chế phẩm trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung dịch
theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 1 ml dung dịch acid sulfuric 10 % ( TT ) .
Đun nóng nhẹ, sẽ có khí lưu huỳnh dioxyd bay ra và làm đen giấy tẩm dung dịch
thủy ngân (ỊI) nitrat . B. Nhỏ từng giọt dung dịch iod 0,1 N vào dung dịch chế
phẩm, màu của dung dịch iod sẽ mất.
Tartrat
A. Hòa tan khoảng 15 mg chế phẩm trong 5 ml nước hoặc dùng 5 ml dung
dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 0,05 ml dung dịch sắt (II) silicat 1 % và
0,05 ml dung dịch hydrogen peroxyd 10 % ; màu vàng không bền vững được tạo
thành, sau khi màu vàng biến mất, thêm từng giọt dung dịch natri hydroxyd 2 M ,
xuất hiện màu tím hay đỏ tía. B. Lấy 0,1 ml dung dịch chế phẩm chứa khoảng 15
mg acid tariric trong 1 ml hoặc dùng 0,1 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên
luận. Thêm 0,1 ml dung dịch kali bromid 10 % , 0,1 ml dung dịch resorcin 2 % và
3 ml acid sulfuric . Đun trên cách thủy 5 phút đến 10 phút sẽ xuất hiện màu xanh
lam thẫm. Để nguội và rót dung dịch vào nước, màu chuyển thành đỏ.
Thiosulfat
A. Hòa tan 0,10 g chế phẩm trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo
chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm vài giọt dung dịch iod 0,1 N, màu của iod biến
mất. B. Hòa tan 0,10 g chế phẩm trong 2 ml nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo
chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm vài giọt dung dịch acid hydrocloric. 10 % , có tủa
màu trắng dần chuyển thành màu vàng và có khí lưu huỳnh dioxyd bay ra làm đen
giấy tẩm dung dịch thủy ngân (II) nitral . C. Hòa tan 0,10 g chế phẩm trong 2 ml
nước hoặc dùng 2 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Thêm 1 ml dung
dịch bạc nitral 4 % , tủa màu trắng xuất hiện, chuyển nhanh sang màu vàng rồi dần
dần sang màu đen.
Thủy ngân (muối)
A. Nhỏ 2 giọt đến 3 giọt dung dịch thử lên một miếng đồng phôi đã được cọ
sạch, sẽ xuất hiện vết hoen màu xám tối; vết này sáng ra khi được lau nhẹ. Đốt
nóng phôi đồng đó trong ống nghiệm thì vết hoen sẽ mất. B. Hòa tan khoảng 0,10
g chế phẩm trong 2 ml nước, nếu là thủy ngân oxyd thì hòa tan trong 2 ml dung
dịch acid hydrocloric 10 % , hoặc dùng 2 ml dung dịch theo chỉ dẫn trong chuyên
luận. Thêm từng giọt dung dịch kali iodid sẽ cho tủa màu đỏ, tủa tan trong thuốc
thử quá thừa [đối với muối thủy ngân (II)]. Nếu là muối thủy ngân (I), khi thêm
từng giọt dung dịch kali iodid sẽ cho tủa màu vàng, sau đó chuyển sang màu lục.
Nhóm xanthin
Trộn vài miligam chế phẩm hoặc lấy một lượng chế phẩm theo chỉ dẫn trong
chuyên luận với 0,1 ml dung dịch hydrogen peroxyd 100 tt và 0,3 ml dung dịch
acid hydrocloric 2M, đun trên cách thủy tới khô, sẽ có cắn màu đỏ hơi vàng, thêm
0,1 ml dung dịch ammoniac 2M, màu của cắn sẽ chuyển thành tím đỏ.
XÁC ĐỊNH GIỚI HẠN CÁC TẠP CHẤT
Amoni
Dùng phương pháp A, trừ khi có chỉ dẫn khác trong chuyên luận.
Phương pháp A: Hòa tan một lượng chế phẩm thử như chỉ dẫn trong chuyên
luận với 14 ml nước trong một ống nghiệm có nút mài, kiềm hoá nếu cần bằng
dung dịch natri hydroxyd 2M , thêm nước vừa đủ 15 ml. Thêm 0,3 ml dung dịch
kali tetraiodomercurat kiềm , lắc đều rồi để yên 5 phút. So sánh màu tạo thành
trong ống thử với màu mẫu được chuẩn bị đồng thời trong cùng điều kiện như
dung dịch thử. Màu mẫu: Lấy chính xác 10 ml dung dịch amoni mẫu 1 phần triệu
NH4 cho vào một ống nghiệm, pha loãng với nước thành 15 ml. Thêm 0,3 ml dung
dịch kali tetraiodomercurat kiềm , lắc đều rồi để yên 5 phút. Khi so màu, quan sát
dọc theo trục ống nghiệm, dưới ánh sáng khuếch tán trên nền trắng. Màu vàng xuất
hiện trong ống thử không được đậm hơn màu trong ống mẫu.
Phương pháp B: Cho một lượng chế phẩm (theo chỉ dẫn trong chuyên luận
riêng) đã nghiền mịn vào một bình 25 ml có nút đậy bằng polyethylen và hòa tan
hoặc phân tán trong 1 ml nước. Thêm 0,3 g magnesi oxyd nặng . Đậy bình ngay
sau khi đã đặt xuống dưới nắp polyethylen một mẩu giấy tẩm mangan bạc hình
vuông có cạnh 5 mm đã được làm ẩm bằng vài giọt nước. Lắc xoay tròn bình,
tránh chất lỏng bắn lên và để yên ở 40°C trong 30 phút. Màu xám nếu xuất hiện
trên mẫu giấy tẩm mangan bạc ở hình thử không được đậm hơn ở bình mẫu được
chuẩn bị đồng thời trong cùng điều kiện với lượng dung dịch amoni mẫu 1 phần
triệu NH4 đã được chỉ dẫn trong chuyên luận, 1 ml nước và 0,3 g magnesi oxyd
nặng.
Arsen
Dùng phương pháp A, trừ khi có chỉ dẫn khác trong chuyên luận.
Phương pháp A: Bộ dụng cụ thử arsen gồm một bình nón nút mài cỡ 100 ml
được đậy bằng nút thủy tinh mài, xuyên qua nút có một ống thủy tinh dài khoảng
200 mm, đường kính trong là 5 mm. Phần dưới của ổng thủy tinh được kéo nhỏ lại
để có đường kính trong là 1,0 mm và cách đầu ống 15 mm có một lỗ trên thành
ống với đường kính 2 mm đến 3 mm. Khi gắn ống thủy tinh vào nút thì lỗ này phải
ở cách mặt dưới của nút ít nhất là 3 mm. Đầu trên của ống thủy tinh có một đĩa
tròn phẳng, mặt phẳng của đĩa vuông góc với trục ống. Một ống thủy tinh thứ hai
dài 30 mm, có cùng đường kính và cùng có đĩa tròn phẳng tương tự như ống thứ
nhất, đặt tiếp xúc mặt đĩa tròn với ống thứ nhất và được giữ chặt với ống thứ nhất
bằng 2 dây lò xo. Tiến hành: Cho xuống đầu thấp của ống thủy tinh dài khoảng 50
mg đến 60 mg bông tẩm chì acetat hoặc một miếng gạc cotton bọc một mẩu giấy
tẩm chì acetat có khối lượng 50 mg đến 60 mg. Đặt một miếng giấy tẩm thủy ngân
(II) bromid , hình tròn hay hình vuông, có kích thước đủ để phủ kín lỗ tròn giữa 2
ống thủy tinh (15mm x 15 mm), giữ chặt 2 ống thủy tinh bằng 2 dây lò xo. Cho
vào bình nón một lượng chế phẩm thử theo chỉ dẫn trong chuyên luận. Hòa tan
hoặc pha loãng (nếu chế phẩm thử là dung dịch) với nước thành 25 ml. Thêm 15
ml acid hydrocloric , 0,1 ml dung dịch thiếc (II) clorid AsT và 5 ml dung dịch kali
iodid 16,6 %. Để yên 15 phút rồi thêm 5 g kẽm không có arsen . Đậy ngay bình
nón bằng nút đã lắp sẵn giấy thử ở trên và ngâm bình trong nước ở nhiệt độ sao
cho khí được giải phóng đều đặn. Song song tiến hành một mẫu so sánh trong cùng
điều kiện, dùng 1 ml dung dịch arsen mẫu 1 phần triệu As hòa loãng với nước
thành 25 ml thay cho chế phẩm thử. Sau ít nhất 2 h lấy các miếng giấy tam thủy
ngân (II) bromid ra so sánh các vết màu. Vết màu nếu có trên miếng giấy của bình
thử phải không được đậm hơn vết màu trên miếng giấy của bình mẫu.
Phương pháp B: Lấy một lượng chế phẩm thử theo chỉ dẫn trong chuyên
luận cho vào một ống nghiệm chứa 4 ml acid hydrodoric và khoảng 5 mg kali
iodid , thêm 3 ml dung dịch hypophosphit . Đun cách thủy hỗn hợp trong 15 phút,
thỉnh thoảng lắc. Tiến hành song song một mẫu so sánh trong cùng điều kiện, thay
chế phẩm thử bằng 0,5 ml dung dịch arsen mẫu 10 phần triệu As . So sánh màu
trong hai ống. Màu trong ống thử không được đậm hơn màu trong ống so sánh.
Calci
Các dung dịch dùng trong phép thử này phải được chuẩn bị với nước cất.
Thêm 1 ml dung dịch amoni oxalat 4 % (TT) vào 0,2 ml dung dịch calci mẫu 100
phần triệu Ca trong ethanol 96 %. Sau 1 phút, thêm hỗn hợp gồm 1 ml dung dịch
acid acetic 2M và 15 ml dung dịch chế phẩm thử như chỉ dẫn trong chuyên luận và
lắc. Sau 15 phút, so sánh độ đục tạo thành trong ống thử với độ đục mẫu được
chuẩn bị đồng thời trong cùng điều kiện nhưng thay dung dịch chế phẩm thử bằng
hỗn hợp gồm 10 ml dung dịch calci mẫu 10 phần triệu Ca và 5 ml nước. Ống thử
phải không được đục hơn ống mẫu. 9.4.4 Chì trong đường Tiến hành theo phương
pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử (Phụ lục 4.4, phương pháp 2), dùng ngọn lửa
acetylen – không khí, đèn cathod rỗng chì và các dung dịch sau: Dung dịch thử:
Hòa tan 20,0 g chế phẩm, thử trong dung dịch acid acetic 1 M để được 100,0 ml.
Thêm 2,0 ml dung dịch bào hòa amon pyrolidin dithiocarbamat và 10,0 ml 4-
methylpentan-2-on lắc trong 30s, tránh ánh sáng. Để yên cho tách lớp và lấy lớp 4-
methylpentan-2-on. Các dung dịch đối chiếu: Chuẩn bị 3 dung dịch đối chiếu trong
cùng điều kiện như dung dịch thử, bằng cách thêm riêng biệt 0,5 ml; 1,0 ml; 1,5 ml
dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb vào mỗi bình đã có 20,0 g chế phẩm thử.
Chuẩn bị một mẫu trẳng trong cùng điều kiện giống như dung dịch thử nhưng
không có chế phẩm thử. Đo độ hấp thụ của dung dịch thử, 3 đung dịch đối chiếu và
mẫu trắng ở cực đại 283,3 nm, dùng dung dịch trắng để hiệu chỉnh điểm 0 của
máy. Vẽ đường biểu diễn sự phụ thuộc giữa độ hấp thụ với nồng độ chì trong các
dung dịch và xác định hàm lượng của chì trong chế phẩm thử. Hàm lượng chì
không được lớn hơn 0,5 phần triệu trừ khi có chỉ dẫn khác.
Clorid
Chuấn bị dung dịch thử như chỉ dẫn trong chuyên luận, cho vào một ống
nghiệm, pha loãng với nước đến 15 ml. Thêm 1 ml dung dịch acid nitric 2 M và 1
ml dung dịch bạc nitrat 2 % . Để yên 5 phút, tránh ánh sáng. So sánh độ đục tạo
thành trong ống thử với độ đục trong ống mẫu được chuẩn bị đồng thời trong cùng
điều kiện nhưng thay dung dịch thử bằng hỗn hợp gồm 10 ml dung dịch clorid mẫu
5 phần triệu Cl và 5 ml nước. Quan sát dọc theo trục ống nghiệm, dưới ánh sáng
khuếch tán trên nền đen. Ống thử không được đục hơn ống mẫu.
Fluorid
Dừng thiết bị cất như mô tả trong Hình 9.4.6 bao gồm một ống nghiệm nút
mài nối với một ổng ngưng ruột thẳng. Ống nghiệm được đặt trong một bộ phận
đun bằng thủy tinh chịu nhiệt kín có nối với một ống sinh hàn và nhiệt kế. Cân và
chuyển một lượng chế phẩm như chỉ dẫn trong chuyên luận vào ống nghiệm, thêm
0,1 g cát đã dược rửa bằng acid và 20 ml dung dịch acid sulfuric 50 % (tt/tt). Rót
teiracloroethan vào bình đun, đun nóng và giữ ở nhiệt độ sôi của tetracloroethan
(146 °C). Chưng cất và hứng dịch cất vào bình định mức 100 ml có chứa sẵn 0,3
ml dung dịch natri hydroxyd 0,1 N và 0,1 ml dung dịch phenolphtalein . Duy trì thể
tích ở trong ống nghiệm là 20 ml trong suốt quá trình cất, và giữ cho dịch trong
bình cất luôn luôn kiềm bằng cách thêm dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CD) nếu
cần. Thêm nước vào bình hứng dịch cất vừa đủ 100 m l được dung dịch thử. Chuẩn
bị mẫu chuẩn với cùng điều kiện như mẫu thử nhưng thay chế phẩm bằng 5 ml
dung dịch fluorid chuẩn 10 phần triệu F. Lấy 2 ống nghiệm nút mài, thêm riêng rẽ
20 ml dung dịch thử và dung dịch chuẩn và thêm 5 ml thuốc thử acid
aminomethylalizarindiacetic vào mỗi dung dịch, sau 20 phút nếu dung dịch thử có
màu xanh (ban đầu là màu đỏ) thì không được đậm hơn màu của dung dịch đối
chiếu.
Kali
Thêm 2 ml dung dịch natri tetraphenylborat 1 % mới pha vào 10 ml dung
dịch chế phẩm thử đã chỉ dẫn trong chuyên luận, để yên 5 phút. So sánh độ đục tạo
thành trong ống thử với độ đục trong ống mẫu được chuẩn bị đồng thời trong cùng
điều kiện một hỗn hợp của 5 ml dung dịch kali mẫu 20 phần triệu K và 5 ml nước.
Độ đục trong ống thử không được đậm hơn độ đục trong ống mẫu.
Kim loại nặng
Các phương pháp sau đây yêu cầu dùng dung dịch thioacetamid. Có thể dùng
dung dịch natri sulfid (0,1 ml) để thay thế. Vì các phương pháp dưới đây được xây
dựng dựa trên sử dụng dung dịch thioacetamid nên nếu sử dụng dung dịch natri
sulfid thay thế thì phải chuẩn bị thêm dung dịch kiểm tra khi thử theo phương
pháp 1, 2 và 8. Dung dịch kiểm tra được chuẩn bị từ lượng chế phẩm giống như
lượng chế phẩm dùng để chuẩn bị dung dịch thử và thêm thể tích dung dịch chì
mẫu giống như thể tích dung dịch chì mẫu dùng để chuẩn bị dung dịch đối chiếu.
Phép thử chỉ có giá trị khi dung dịch kiểm tra có màu đậm ít nhất là bằng màu của
dung dịch đối chiếu.
Phương pháp 1
Dung dịch thử: 12 ml dung dịch chế phẩm được chuẩn bị như chỉ dẫn trong
chuyên luận. Dung dịch đối chiếu: Hỗn hợp gồm 10 ml dung dịch chì mẫu 1 phần
triệu Pb hoặc dung dịch chì mẫu 2 phần triệu Pb tùy theo chỉ dẫn trong chuyên
luận và 2 ml dung dịch thử. Dung dịch mẫu trắng: Hỗn hợp gồm 10 ml nước và 2
ml dung dịch thử. Thêm 2 ml dung dịch đệm acetat pH 3,5 vào mỗi dung dịch
trên. Lắc đều và thêm dung dịch thu đuợc vào 1.2 ml dung dịch thioacetamid , lắc
ngay. Quan sát các dung dịch sau 2 phút. Tính thích hợp của phép thử: Dung dịch
đối chiếu phải có màu nâu nhạt khi so sánh với dung dịch mẫu trắng. Đánh giá kết
quả: Màu nâu của dung dịch thử, nếu có, không được đậm hơn màu của dung dịch
đối chiếu. Nếu như khó đánh giá kết quả, lọc các dung dịch qua màng lọc 0,45 μm
nếu không có chỉ dẫn khác. Tiến hành lọc chậm và đều với áp lực lên piston nhẹ
nhàng và liên tục. So sánh màu sắc của các vết trên màng lọc thu được từ các dung
dịch.
Phương pháp 2
Dung dịch thử: 12 ml dung dịch chế phẩm được chuẩn bị như chỉ dẫn trong
chuyên luận, dùng dung môi hữu cơ có chứa một tỷ lệ nước tối thiểu [Ví dụ như
1,4-dioxan hoặc aceton có chứa 15 % nước (tt/tt)]. Dung dịch đối chiếu: Hỗn hợp
gồm 10 ml dung dịch chì mẫu (1 hay 2 phần triệu Pb tùy theo chỉ dẫn trong chuyên
luận) và 2 ml dung dịch thử. Dung dịch ion chì mẫu 1 hoặc 2 phần triệu Pb được
pha chế bằng cách pha loãng dung dịch chì mẫu 100 phần triệu Pb với dung môi
được dùng để pha dung dịch thử. Dung dịch mẫu trắng: Hỗn hợp gồm 10 ml dung
môi được dùng để pha dung dịch thử và 2 ml dung dịch thử. Thêm 2 ml dung dịch
đệm acetat pH 3,5 vào mỗi dung dịch trên. Lắc đều và thêm dung dịch thu được
vào 1.2 ml dung dịch thioacetamid , lắc đều ngay. Quan sát các dung dịch sau 2
phút. Tính thích hợp của phép thử: Dung dịch đối chiếu phải có màu nâu nhạt khi
so sánh với dung dịch mẫu trắng. Đánh giá kết quả: Màu nâu của dung dịch thử,
nếu có, không được đậm hơn màu của dung dịch đối chiếu. Nếu như khó đánh giá
kết quả, lọc các dung dịch qua màng lọc 0,45 pm nếu không có chỉ dẫn khác. Tiến
hành lọc chậm và đều với áp lực lên piston nhẹ nhàng và liên tục. So sánh màu sắc
của các vết trên màng lọc thu được từ các dung dịch.
Phương pháp 3
Dung dịch thử: Lấy một lượng chế phẩm như chỉ dẫn trong chuyên luận
(không quá 2 g) cho vào một chén nung sứ. Thêm 4 mi dung dịch magnesi sulfat
25 % trong acid sulfuric 1 M . Trộn đều bằng một đũa thủy tinh nhỏ rồi đun nóng
cẩn thận. Nếu hỗn hợp là một chất lỏng thì làm bay hơi từ từ trên cách thủy đến
khô. Đốt dần dần để chế phẩm cháy hết và tiếp tục đốt cho đến khi thu được cắn có
màu gần trắng hay ít nhất là xám nhạt. Tiến hành nung ở nhiệt độ không quá
800°C. Để nguội. Làm ẩm cắn bằng vài giọt dung dịch acid sulfuric 1M . Bốc
hơi,nung lại và để nguội. Toàn bộ thời gian nung không được quá 2h. Hòa tan cắn
trong dung dịch acid hydrocloric 2M 2 lần, mỗi lần dùng 5 ml. Thêm 0,1 ml dung
dịch phenolphtalein , cho từng giọt amoniac đến khi có màu hồng. Để nguội, thêm
acid acetic băng đến khi dung dịch mất màu và thêm thừa 0,5 ml nữa. Lọc nếu cần
và pha loãng dung dịch với nước thành 20 ml. Dung dịch đối chiếu: Tiến hành theo
chỉ dẫn ở phần dung dịch thử, dùng một thể tích dung dịch chì mẫu 10 phần triệu
Pb như đã ghi trong chuyên luận thay cho chế phẩm. Thêm 2 ml dung dịch thử vào
10 ml dung dịch thu được. Dung dịch kiểm tra: Tiến hành theo chỉ dẫn ở phần
dung dịch thử, dùng lượng chế phẩm như lượng dùng để chuẩn bị dung dịch thử và
thể tích dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb như thể tích dùng để chuẩn bị dung
dịch đối chiếu. Thêm 2 ml dung dịch thử vào 10 ml dung dịch thu được. Dung dịch
mẫu trắng: Hỗn hợp gồm 10 ml nước và 2 ml dung dịch thử. Lấy 12 ml của mỗi
dung dịch trên, thêm 2 ml dung dịch đệm acetat pH 3,5 . Lắc đều và thêm dung
dịch thu được vào 1,2 ml dung dịch thioacetamid , lắc đều ngay. Quan sát các dung
dịch sau 2 phút. Tính thích hợp của phép thử: Dung dịch đối chiếu phải có màu nâu
nhạt khi so sánh với dung dịch mẫu trắng và dung dịch kiểm tra phải có màu ít nhất
là đậm bằng màu của dung dịch đối chiếu. Đánh giá kết quả: Màu nâu của dung
dịch thử, nếu có, không được đậm hơn màu của dung dịch đối chiếu. Nếu như khó
đánh giá kết quả, lọc các dung dịch qua màng lọc 0,45 μm nếu không có chỉ dẫn
khác. Tiến hành lọc chậm và đều với áp lực lên piston nhẹ nhàng và liên tục. So
sánh màu sắc của các vết trên màng lọc thu được từ các dung dịch.
Phương pháp 4
Dung dịch thử: Trộn đều một lượng chế phẩm như chỉ dẫn trong chuyên luận
với 0,5 g magnesi oxyd trong một chén sứ. Nung đỏ hỗn hợp cho đến khi thu được
một khối đồng nhất màu trắng hay trắng xám. Nếu sau khi nung 30 phút mà hỗn
hợp vẫn có màu thì để nguội, dùng đũa thủy linh trộn đều rồi nung lại. Nếu cần, lặp
lại thao tác đó. Cuối cùng nung ở 800 °C trong 1 h. Hòa tan cắn trong hỗn hợp
đồng thể tích của dung dịch acid hydrocloric 2 M và nước, 2 lần, mỗi lần dùng 5
ml. Thêm 0,1 ml dung dịch phenolphtalein , cho từng giọt amoniac đến khi có
màu hồng. Để nguội, thêm acid acetic băng đến khi dung dịch mất màu và thêm
thừa 0,5 ml nữa. Lọc nếu cần và pha loãng dung dịch với nước thành 20 ml. Dung
dịch đối chiếu: Lấy thể tích dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb như đã ghi trong
chuyên luận, làm khô ở 100 °C đến 105 °C, thay cho chế phẩm và tiến hành theo
chỉ dẫn ở phần dung dịch thử. Thêm 2 ml dung dịch thử vào 10 ml dung dịch thu
được. Dung dịch kiểm tra: Lấy lượng chế phẩm như lượng dùng để chuẩn bị dung
dịch thử và thể tích dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb như thể tích dùng để
chuẩn bị dung dịch đối chiếu, làm khô ở 100 °C đến 105°C và tiến hành theo chỉ
dẫn ở phần dung dịch thử. Thêm 2 ml dung dịch thử vào 10 ml dung dịch thu được.
Dung dịch mẫu trắng: Hỗn hợp gồm 10 ml nước và 2 ml dung dịch thử. Lấy 12 ml
của mỗi dung dịch trên, thêm 2 ml dung dịch đệm acetal pH 3.5. Lắc đều và thêm
dung dịch thu được vào 1,2 ml dung dịch thioacetamid , lắc đều ngay. Quan sát các
dung dịch sau 2 phút. Tính thích hợp của phép thử: Dung dịch đối chiếu phải có
màu nâu nhạt khi so sánh với dung dịch mẫu trắng và dung dịch kiểm tra phải có
màu ít nhất là đậm bằng màu của dung dịch đối chiếu. Đánh giá kết quả: Màu nâu
của dung dịch thử, nểu có, không được đậm hơn màu của dung dịch đối chiếu. Nếu
như khó đánh giá kết quả, lọc các dung dịch qua màng lọc 0,45 μm nếu không có
chỉ dẫn khác. Tiến hành lọc chậm và đều với áp lực lên piston nhẹ nhàng và liên
tục. So sánh màu sắc của các vết trên màng lọc thu được từ các dung dịch.
Phương pháp 5
Dung dịch thử: Hòa tan một lượng chế phẩm như chỉ dẫn trong chuyên luận
trong 30 ml nước hay trong thể tích như chỉ dẫn. Dung dịch đối chiếu: Nếu không
có chỉ dẫn khác, pha loãng thể tích dung dịch chì mẫu 1 phần triệu Pb như chỉ dẫn
trong chuyên luận thành thể tích bằng thể tích của dung dịch thử. Chuẩn bị một
thiết bị lọc bằng cách lắp thân một bơm tiêm, không có piston, dung tích 50 ml với
một giá đỡ có chứa, trên mặt đĩa, một mảng lọc (Kích thước lỗ 3 μm) và phía trên
có màng lọc phụ. Chuyển dung dịch thử vào bơm tiêm, lắp piston, ấn nhẹ và đều
đến khi dung dịch được lọc hết. Tháo giá đỡ và lấy màng lọc phụ ra, kiểm tra xem
màng lọc có bị nhiễm bẩn không, nếu cần thì thay màng lọc và lọc lại trong cùng
điều kiện. Thêm 2 ml dung dịch đệm acetat pH 3,5 vào toàn bộ hay một phần dịch
lọc như chỉ dẫn ở chuyên luận, lắc đều và thêm dung dịch thu được vào 1,2 ml
dung dịch thioacetamid , lắc đều ngay và để yên 10 phút. Lọc lại như chỉ dẫn ở trên
nhưng đảo trật tự màng lọc, dung dịch qua màng lọc rồi mới qua màng lọc phụ.
Quá trình lọc phải được thực hiện từ từ và đều bằng cách ấn piston nhẹ nhàng và
liên tục. Sau khi lọc xong lấy màng lọc ra, làm khô bằng cách ép trên giấy lọc.
Song song tiến hành như chỉ dẫn ở trên với dung dịch đối chiếu Đánh giá kết quả:
Màu của vết thu được từ dung dịch thử không được đậm màu hơn màu của Vết thu
được từ dung dịch đối chiếu.
Phương pháp 6
Dung dịch thử: Lấy một lượng chế phẩm như chỉ dẫn trong chuyên luận vào
một bình Kjeldahl khô và sạch dung tích 100 ml (có thể dùng bình dung tích 300
ml nếu phản ứng tạo bọt nhiều). Giữ bình nghiêng một góc 45°. Nếu chế phẩm là
chất rắn, thêm vừa đủ một thể tích hỗn hợp acid gồm 8 ml acid sulfuric và 10 ml
acid nitric để làm ẩm toàn bộ mẫu. Nếu chế phẩm là chất lỏng, thêm vài ml hỗn
hợp acid. Đun nóng nhẹ đến khi phản ứng bắt đầu, đợi phản ứng gỉam bớt và tiếp
tục thêm từng phần hỗn hợp acid, đun nóng sau mồi lần thêm, đến khi hết 18 ml
hỗn hợp acid. Tăng nhiệt độ và đun sôi nhẹ đến khi dung dịch thẫm màu. Để nguội,
thêm 2 ml acidnitric và đun nóng đến khi dung dịch thẫm màu. Tiếp tục đun và
thêm acid nitric đến khi dung dịch không còn thẫm màu thêm nữa. Đun nóng
mạnh đến khi có khói trắng, dày đặc tạo thành. Để nguội, thêm cẩn thận 5 ml nước,
đun sôi nhẹ đến khi có khói trắng, dày đặc tạo thành và tiếp tục đun đến khi còn 2
ml đến 3 ml. Để nguội, thêm cẩn thận 5 ml nước và quan sát màu của dung dịch.
Nếu dùng dịch có màu vàng, thêm cẩn thận 1 ml dung dịch hydrogen peroxyd đậm
đặc và tiếp tục đun đến khi có khói trắng, dày đặc tạo thành và dung dịch còn
khoảng 2 ml đến 3 ml. Nếu dung dịch vẫn có màu vàng, lặp lại bước thêm 5 ml
nước và 1 ml dung dịch hydrogen peroxyd đậm đặc đến khi dung dịch không màu.
Để nguội, pha loãng cẩn thận với nước và tráng vào ống Nessler dung tích 50 ml
sao cho thể tích dung dịch thu được không vượt quá 25 ml . Điều chỉnh pH dung
dịch đến 3,0 – 4,0 bằng amoniac [có thể dùng dung dịch amoniac 6 M để điều
chỉnh khi đến gần khoảng pH yêu cầu], dùng chỉ thị ngoại là giấy chỉ thị có khoảng
chỉ thị pH hẹp. Thêm nước để được 40 ml và trộn đều. Thêm 2 ml dung dịch đệm
acetat pH 3,5 . Lắc đều và thêm dung dịch thu được vào 1,2 ml dung dịch
thioacetamid . Lắc đều ngay. Pha loãng với nước thành 50 ml, lắc đều. Dung dịch
mẫu (đối chiếu): Tiến hành đồng thời như dung dịch thử, thay chế phẩm bằng thể
tích dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb như chỉ dẫn trong chuyên luận. Dung dịch
kiểm tra: Tiến hành như dung dịch thử, dùng lượng chế phẩm như lượng dùng để
chuẩn bị dung dịch thử và thể tích dung dịch chỉ mẫu 10 phần triệu Pb như thể tích
dùng để chuẩn bị dung dịch đối chiếu. Dung dịch mẫu trắng: Tiến hành như dung
dịch thử nhưng không có chế phẩm. Sau 2 phút quan sát các dung dịch đọc theo
chiều dài ống nghiệm trên nền trắng. Tính thích hợp của phép thử: Dung dịch đối
chiếu phải có màu nâu nhạt khi so sánh với dung dịch mẫu trắng và dung dịch
kiểm tra phải có màu ít nhất là đậm bằng màu của dung dịch đối chiếu. Đánh giá
kết quả: Màu nâu của dung dịch thử, nếu có, không được đậm hơn màu của dung
dịch đối chiếu.Nếu như khó đánh giá kết quả, lọc các dung dịch qua màng lọc 0,45
μm nếu không có chỉ dẫn khác. Tiến hành lọc chậm và đều với áp lực lên piston
nhẹ nhàng và liên tục. So sánh màu sắc của các vết trên màng lọc thu được từ các
dung dịch.
Phương pháp 7
Chú ý: Khi dùng thiết bị phá mẫu áp suất cao phải theo đúng hướng dẫn vận
hành và chú ý về an toàn do nhà sản xuất đưa ra. Thiết lập chu kỳ phá mẫu tùy
thuộc kiểu lò vi sóng (Ví dụ kiểu lò kiểm soát năng lượng, kiểu lò kiểm soát nhiệt
độ hoặc lò áp suất cao). Chu kỳ này phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Chu kỳ
phá mẫu là phù hợp nếu thu được dung dịch trong. Dung dịch thử: Lấy một lượng
chế phẩm như chỉ dẫn trong chuyên luận (không quá 0,5 g) vào một cốc phù hợp,
sạch. Thêm lần lượt 2,7 ml acid sulfuric, 3,3 ml acid nitric và 2,0 ml dung dịch
hydrogen peroxyd đậm đặc vừa thêm vừa khuấy đều bằng máy khuấy từ, để từng
thuốc thử phản ứng với chế phẩm trước khi thêm thuốc thử tiếp theo. Chuyển hỗn
hợp vào bình phá mẫu chịu áp suất cao (bằng fluorpolyme hoặc thạch anh), bình
phải được làm khô trước khi cho mẫu vào. Dung dịch đối chiếu: Tiến hành như
dung dịch thử, thay chế phẩm bằng thể tích dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb
như chỉ dẫn trong chuyên luận. Dung dịch kiểm tra: Tiến hành như dung dịch thử,
dùng lượng chế phẩm như lượng dùng để chuẩn bị dung dịch thử và thể tích dung
dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb như thể tích dùng để chuẩn bị dung dịch đối chiếu.
Dung dịch mẫu trắng: Tiến hành như dung dịch thử nhưng không có chế phẩm.
Đậy bình phá mẫu và đặt vào trong lò vi sóng. Tiến hành phá mẫu bằng cách sử
dụng nối tiếp 2 chương trình tách biệt thích hợp. Thiết lập các chương trình theo
một số bước để có thể kiểm soát phản ứng, theo dõi áp suất, nhiệt độ hoặc năng
lượng tùy theo kiểu lò vi sóng sử dụng. Sau khi áp dụng chương trình đầu tiên, để
nguội các bình phá mẫu trước khi mở. Thêm vào mỗi bình 2 ml dung dịch
hydrogen peroxyd đậm đặc và áp dụng chương trình thứ hai. Sau khi áp dụng
chương trình thứ hai, để nguội các bình phá mẫu trước khi mở. Nếu cần thiết để có
được dung dịch trong, lặp lại bước thêm dung dịch hydrogen peroxyd đậm đặc và
chương trình phá mẫu thứ hai. Để nguội, pha loãng cẩn thận với nước và tráng vào
một bình nón sao cho thể tích dung dịch thu được không vượt quá 25 ml. Điều
chỉnh pH dung dịch đến 3,0 – 4,0 bằng amoniac (có thể dùng dung dịch amoniac 6
M để điều chỉnh khi đến gần khoảng pH yêu cầu), dùng chỉ thị ngoại là giấy chỉ
thị có khoảng chỉ thị pH hẹp. Để tránh làm nóng dung dịch, ngâm dung dịch trong
nước đá và dùng máy khuấy từ. Pha loãng thành 40ml với nước và trộn đều. Thêm
2 ml dung dịch đệm acetat pH 3.5. Lắc đều và thêm dung dịch thu được vào 1,2 ml
dung dịch thioacetamid . Lắc đều ngay. Pha loãng với nước thành 50 ml, lắc đều và
để yên 2 phút.Lọc các dung dịch qua màng lọc thích hợp 0,45 μm nếu không có chỉ
dẫn khác. Tiến hành lọc chậm và đều với áp lực lên piston nhẹ nhàng và liên tục.
So sánh màu sẳc của các vết trên màng lọc thu được từ các dung dịch trên. Tính
thích hợp của phép thử: vết thu được từ dung dịch đối chiếu phải có màu nâu khi
so sánh với vết thu được từ dung dịch mẫu trắng và vết thu được từ dung dịch kiểm
tra phải có màu ít nhất là đậm bằng màu của vết thu được từ dung dịch đối chiếu.
Đánh giá kết quả: Màu nâu của vết thu được từ dung dịch thử không được đậm hơn
màu của vết thử được từ dung dịch đối chiếu. Phương pháp 8 Dung dịch thử: Hòa
tan một lượng chế phẩm theo chỉ dẫn trong chuyên luận trong 20 ml dung môi hay
hỗn hợp dung môi được chỉ dẫn trong chuyên luận. Dung dịch đối chiếu: Pha loãng
thể tích dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb theo chỉ dẫn trong chuyên luận thành
20 ml với dung môi để pha dung dịch thử. Dung dịch mẫu trắng: 20 ml dung môi
để pha dung dịch thử. Thêm 2 ml dung dịch đệm acetat pH 3,5 vào mỗi dung dịch
trên. Lắc đều (Trong một vài trường hợp có tủa tạo thành, khi đó chuyên luận riêng
có hướng dẫn hòa tan lại trong thể tích xác định của dung môi cho sẵn). Thêm
dung dịch thu được vào 1,2 ml dung dịch thioacetamid . Lắc ngay và để yên 2
phút. Lọc các dung dịch qua màng lọc 0,45 μm nếu không có chỉ dẫn khác. So sánh
các vết trên màng lọc thu được từ các dung dịch trên. Tính thích hợp của phép thử:
vết thu được từ dung dịch đối chiếu phải có màu đen nâu so với vết thu được từ
dung dịch mẫu trắng. Đánh giá kết quả: Màu đen nâu của vết thu được từ dung
dịch thử không được đậm hơn màu của vết thu được từ dung dịch đối chiếu.
Nhôm
Chuyển dung dịch chế phẩm thử đã chỉ dẫn trong chuyên luận vào một bình
gạn và chiết lần lượt với 20 ml, 20 ml và 10 ml dung dịch 8-hydroxyquynolin 0,5
% trong cloroform . Gộp các dịch chiết cloroform và pha loãng tới 50,0 ml bằng
cloroform (dung dịch thử). Trừ khi có chỉ dẫn khác, chuẩn bị dung dịch trắng và
dung dịch chuẩn trong cùng điều kiện như dung dịch thử. Dung dịch trắng là hỗn
hợp 10 ml dung dịch đệm acetat pH 6,0 và 100 ml nước. Dung dịch chuẩn là hỗn
hợp 2 ml dung dịch nhôm mẫu 2 phần triệu Al , 10 ml dung dịch đệm acxetat pH
6,0 và 98 ml nước. Do huỳnh quang của dung dịch thử (I1), dung dịch chuẩn (L)
và dung dịch trắng (I3) với bước sóng kích thích là 392 nm và một kính lọc phụ có
dải truyền quang tập trung ở 518 nm, hoặc đặt một thiết bị làm đơn sắc ánh sáng để
truyền quang ở chính bước sóng đó. Cường độ huỳnh quang của dung dịch thử (I1
– I3) không được lớn hơn của dung dịch chuẩn (I2 – I3).
Nickel trong polyol
Tiến hành theo phưomg pháp II của quang phổ hấp thụ nguyên tử dùng ngọn
lửa acetylen – không khí, đèn cathod rỗng nickel và các dung dịch sau: Dung dịch
thử: Hòa tan 20,0 g chế phẩm thử trong dung dịch acid acetic 1M và pha loãng
thành 100,0 ml với cùng dung môi. Thêm 2,0 ml dung dịch bão hòa amoni
pyrolidin dithiocarbamat (khoảng 1 %) và 10,0 ml 4-methylpentan-2-on lắc trong
30 s, tránh ánh sáng. Để yên cho tách lớp và lấy lớp methylpentanon. Dung dịch
đối chiếu: Chuẩn bị 3 dung dịch đối chiếu trong cùng điều kiện như dung dịch thử
bằng cách thêm riêng biệt 0,5 ml; 1.0 ml; 1,5 ml dung dịch nickel mẫu 10 phần
triệu Ni vào mỗi bình đã có 20.0 g chế phẩm thử. Chuẩn bị một mẫu trắng trong
cùng điều kiện giống như dung dịch thử, nhưng không có chế phẩm thử và dùng
dung dịch này để hiệu chỉnh điểm “0” của máy. Đo độ hấp thụ của dung dịch thử, 3
dung dịch đối chiếu và mẫu trắng ở cực đại 232,0 nm. Vẽ đường cong biểu diễn sự
phụ thuộc giữa độ hấp thụ với nồng độ nickel trong các dung dịch và xác định hàm
lượng của nickel trong chế phẩm thử. Hàm lượng nickel không lớn hơn 1 phần
triệu, trừ khi có chỉ dẫn khác.
Kim loại nặng trong dược liệu và trong dầu béo
Tiến hành bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử.
Chú ý: Khi dùng thiết bị phá mẫu áp suất cao và lò vi sóng dùng trong phòng
thí nghiệm, phải thành thạo các thao tác an toàn và vận hành thiết bị mà nhà sản
xuất đưa ra. Thiết bị Bao gồm các bộ phận sau: Bình phá mẫu bằng
polytetrafluoroethylen thể tích 120 ml có nắp đậy kin, có van điều chỉnh áp suất
bên trong và một ống bằng polytetrafluoroethylen để xả khí. Một hệ thống giữ các
bình phá mẫu kín với cùng một lực xoắn. Lò vi sóng với tần số 2450 MHz có công
suất điều chỉnh được từ 0 đến (630 ± 70) W, nối với một máy tính có phần mềm
điều khiển chương trình. Vách lò phủ một lớp polytetrafluoroethylen. Lò có quạt
hút thay đổi được tốc độ. Có hệ thống đĩa quay và ống hút để xả khói. Máy quang
phổ hấp thụ nguyên tử dùng đèn cathod rỗng là nguồn phát xạ và đèn deuterium
hiệu chỉnh đường nền. Máy được nối với: a) Bộ hóa hơi nguyên tử không ngọn lửa
lò graphit đối với cadimi, đồng, chì, sắt, nickel và kẽm. b) Bộ hoá hơi hydrid đối
với arsen và bộ phận hóa hơi lạnh cho thủy ngân, hoặc một bộ hoá hơi khác có tính
năng phù hợp cho 2 nguyên tố này. Tiến hành Nếu dùng trang thiết bị khác với mô
tả ở trên thí cần điều chỉnh các thông số thiết bị cho phù hợp. Rửa sạch các đồ
đựng bằng thủy tinh và dụng cụ thí nghiệm bằng dung dịch acid nitric 10 g/l trước
khi dùng. Dung dịch thử: Cân và chuyển vào bình phá mẫu một lượng chế phẩm
theo chỉ dẫn trong chuyên luận (khoảng 0,5 g bột dược liệu hoặc dầu béo). Thêm 6
ml acid nitric không có kim loại nặng và 4 ml acid hydrocloric không có kim loại
nặng . Đậy kín bình. Đặt bình phá mẫu vào lò vi sóng. Tiến hành phá mẫu theo 3
bước như sau (dùng cho 7 bình chứa mẫu thử): 80 % công suất ờ 15 phút đầu, 100
% công suất ở 5 phút tiếp theo và 80 % ở 20 phút cuối. Để nguội các bình ngoài
không khí, thêm vào mỗi bình 4 ml acidsulfuric không có kim loại nặng . Lặp lại
các bước phá mẫu như trên một lần nữa. Sau khi để nguội, mở bình phá mẫu ra,
thu được dung dịch trong và không màu. Chuyển toàn bộ dung dịch vào bình định
mức 50 ml, tráng bình phá mẫu 2 lần, mỗi lần với 15 ml nước và tập trung dịch
tráng vào bình định mức trên. Thêm 1,0 ml dung dịch magnesi nitrat 1 % và 1,0 ml
dung dịch amoni dihydrophosphat 10 %. thêm nước vừa đủ 50 ml. Dung dịch mẫu
trắng: Trộn 6 ml acid nitric không có kim loại nặng và 4 ml acid hydrocloric
không có kim loại nặng vào bình phá mẫu và tiến hành phá mẫu như đối với dung
dịch thử.
Định lượng Cadimi, đồng, sắt, chì, nickel và kẽm
Xác định hàm lượng cadimi, đồng, sắt, chì, nickel, kẽm bằng phương pháp
thêm chuẩn dùng các dung dịch đối chiếu của mỗi kim loại nặng và áp dụng các
thông số kỹ thuật. Độ hấp thụ của dung dịch mẫu trắng được tự động trừ vào độ
hấp thụ của dung dịch thử.
Định lượng arsen và thủy ngân
Xác định hàm lượng arsen và thủy ngân trong mẫu dựa vào các dung dịch
chuẩn arsen hoặc thủy ngân đã biết nồng độ bằng phương pháp xác định trực tiếp
với hệ thống hoá hơi hydrid đối với arsen và hóa hơi lạnh đối với thủy ngân, hoặc
với một thiết bị hóa hơi khác phù hợp.
Arsen
Dung dịch mẫu: Lấy 19.0 ml dung dịch thử hoặc trắng chuẩn bị như trên,
thêm 1 ml dung dịch kali iodid 20 %. Để yên dung dịch ờ nhiệt độ phòng trong 50
phút hoặc ở 70 °C trong 4 phút. Acid: Acid hydrocloric không có kim loại nặng .
Dung dịch khử: Dung dịch natri borohydrid 0,6 % trong dung dịch natri hydroxyd
0,5 %. Áp dụng các thông số kỹ thuật.
Thủy ngân
Dung dịch mẫu: Dung dịch thử hoặc dung dịch trắng chuẩn bị như trên. Acid:
Dung dịch chứa 515 g/l acid hydrocloric không có kim loại nặng . Dung dịch khử:
Dung dịch thiếc (II) clorid 1 % trong dung dịch acid hydrocloric loãng không có
kim loại nặng . Áp dụng các thông số kỹ thuật.
Phosphat
Thêm 4 ml dung dịch sufmolybdic vào 100 ml dung dịch đã được chuẩn bị,
nếu cân thì trung hòa như chỉ dẫn. Lắc và thêm 0,1 ml dung dịch thiếc (II) clorid
(TT1). Chuẩn bị dung dịch chuẩn trong cùng điều kiện, dùng 2 ml dung dịch
phosphat mẫu 5 phần triệu PO4 và 98 ml nước. Sau 10 phút, lấy mỗi dung dịch 20
ml và so sánh màu. Màu trong ống thử phải không được đậm hơn màu trong ống
chuẩn.
Sắt
Hòa tan một lượng chế phẩm thử quy định trong nước rồi pha loãng với nước
thành 10 ml, hoặc lấy 10 ml dung dịch chế phẩm thử như chỉ dẫn trong chuyên
luận cho vào một ống Nessler. Thêm 2 ml dung dịch acid citric 20% và 0,1 ml acid
mercaptoacetic. Lắc đều, kiềm hóa bằng dung dịch amoniac 10M và pha với nước
thành 20 ml. Để yên 5 phút. Chuẩn bị một dung dịch chuẩn trong cùng điều kiện,
dùng 10 ml dung dịch sắt mẫu 1 phần triệu Fe thay cho dung dịch chế phẩm thử.
Màu hồng tạo thành trong dung dịch thử không được đậm hơn màu trong dung
dịch chuẩn.
Sulfat
Các dung dịch dùng trong phép thử này phải được chuẩn bị trong nước cất.
Thêm 1 ml dung dịch bari clorid 25 % vào 1,5 ml dung dịch Sulfat mẫu 10 phần
triệu SO4 , lắc và để yên 1 phút. Thêm 15 ml dung dịch chế phẩm thử đã được chỉ
dẫn trong chuyên luận hoặc thêm một lượng chế phẩm thử quy định đã hòa tan
trong 15 ml nước, và 0,5 ml dung dịch acid acetic 5 M . Để yên 5 phút. Độ đục tạo
thành trong ống thử không được đậm hơn trong ống chuẩn được chuẩn bị đồng
thời trong cùng điều kiện, nhưng dùng 15 ml dung dịch Sulfat mẫu 10 phần triệu
thay cho dung dịch chế phẩm thử.
Magnesi
Lấy 10 ml dung dịch thử được pha như chỉ dẫn của chuyên luận, thêm 0,1 g
natri tetraborat. Nếu cần thì điều chỉnh pH của dung dịch tới khoảng từ 8,8 đến 9.2
bằng dung dịch acid hỵdrocloric 2 M hoặc dung dịch natri hydroxyd 2 M . Lắc 2
lần, mỗi lần với 5 ml dung dịch 8-hydroxyquinolin 0,1 % trong cloroform , mỗi lần
lắc 1 phút, đổ yên cho tách lớp rồi gạn bỏ lớp cloroform phía dưới. Thêm vào lớp
nước 0,4 ml n-butylamin và 0,1 ml triethanolamin . Nếu cần thì điều chỉnh pH tới
khoảng từ 10,5 đến 11.5. Thêm 4 ml dung dịch 8-hydroxyquinolin 0, 1% trong
cloroform, lắc 1 phút rồi để yên cho tách lớp. Nếu lớp clorofom có màu thì không
được đậm hơn màu mẫu thu được khi tiến hành như trên với 1 ml dung dịch
magnesi mẫu 10 phần triệu Mg và 9 ml nước.
Magnesi và kim loại kiềm thổ
Lấy 200 ml nước, thêm 0,1 g hydroxylamin hydroclorid ; 10 ml dung dịch
đệm amoniac pH 10,0 ; 1 ml dung dịch kẽm Sulfat 0, 1 M (CĐ) và khoảng 15 mg
hỗn hợp đen eriocrom T . Đun nóng tới 40 °C và chuẩn độ với dung dịch trilon B
0,01 M (CĐ) đến khi màu tím chuyển hẳn sang xanh. Thêm vào dung dịch một
lượng chế phẩm đã được hòa tan trong 100 ml nước, hoặc một thể tích dung dịch
chế phẩm, như chỉ dẫn trong chuyên luận. Nếu màu dung dịch chuyển sang tím, thì
chuẩn độ tiếp với dung dịch trilon B 0,01 M (CĐ) đến khi màu hoàn toàn trở lại
xanh. Thể tích dung dịch trilon B 0,01 M (CĐ) dùng trong lần chuẩn độ thứ hai
không được quá lượng quy định.
XÁC ĐỊNH MẤT KHỐI LƯỢNG DO LÀM KHÔ
Mất khối lượng do làm khô là sự giảm khối lượng của mẫu thử biểu thị bằng
phần trăm (khối lượng/khối lượng) khi được làm khô trong điều kiện xác định ở
mỗi chuyên luận. Phương pháp này dùng để xác định hàm lượng nước, một phần
hoặc toàn bộ lượng nước kết tinh và lượng chất dễ bay hơi khác trong mẫu thử.
Việc xác định mất khối lượng do làm khô không được làm thay đổi tính chất lý hóa
cơ bản của mẫu thử, vì vậy mỗi chuyên luận riêng sẽ có quy định cách làm khô
theo một trong các phương pháp sau đây:
a) Trong hình hút ẩm. Tiến hành làm khô trong bình hút ẩm với những chất
hút nước như phosphor pentoxyd, silica gel.
b) Trong chân không. Tiến hành làm khô ở điều kiện áp suất từ 1,5 kPa đến
2,5 kPa có mặt chất hút ẩm phosphor pentoxyd và ở nhiệt độ phòng.
c) Trong chân không ở điều kiện nhiệt độ xác định. Tiến hành làm khô ở điều
kiện áp suất từ 1,5 kPa đến 2,5 kPa có mặt chất hút ẩm phosphor pentoxyd và trong
điều kiện nhiệt độ quy định trong chuyên luận riêng.
d) Trong tủ sấy ở điều kiện nhiệt độ xác định. Tiến hành làm khô trong tù sấy
ở điều kiện nhiệt độ quy định trong chuyên luận riêng.
e) Trong chân không hoàn toàn. Tiến hành làm khô trong điều kiện áp suất
không quá 0,1 kPa có mặt chất hút ẩm phosphor pentoxyd và ở điều kiện nhiệt độ
qui định trong chuyên luận riêng.
Cách tiến hành
Dùng dụng cụ dùng để sấy bằng thủy tinh rộng miệng đáy bằng có nắp mài
làm bì đựng mẫu thử; làm khô bì trong thời gian 30 phút theo phương pháp và điều
kiện quy định trong chuyên luận rồi cân để xác định khối lượng bì. Cân ngay vào
bì này một lượng chính xác mẫu thử bằng khối lượng quy định trong chuyên luận
với sai số  10 %. Nếu không có chỉ dẫn gì đặc biệt thì lượng mẫu thử được dàn
mỏng thành lớp có độ dày không quá 5 mm. Nếu mẫu thử có kích thước lớn thì
phải nghiền nhanh tới kích thước dưới 2 mm trước khi cân. Tiến hành làm khô
trong điều kiện quy định của chuyên luận. Nếu dùng phương pháp sấy thì nhiệt độ
thực cho phép chênh lệch ± 2 °C so với nhiệt độ quy định. Sau khi sấy phải làm
nguội tới nhiệt độ phòng cân trong bình hút ẩm có silica gel rồi cân ngay. Nếu
chuyên luận không quy định thời gian làm khô có nghĩa là phải làm khô đến khối
lượng không đổi, tức là sự chênh lệch khối lượng sau khi sấy thêm 1h trong tủ sấy
hoặc 6h trong bình hút ẩm so với lần sấy trước đó không quá 0,5 mg. Nếu mẫu thử
bị chảy ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ sấy quy định thì trước khi đưa lên nhiệt độ đó,
cần duy trì từ 1h đến 2h ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ nóng chảy của mẫu thử từ
5°C đến 10°C. Nếu mẫu thử ở dạng nang hoặc viên bao thì phải bỏ vỏ (lấy không ít
hơn 4 viên) và nghiền nhanh tới kích thước dưới 2 mm rồi lấy lượng bột viên như
chỉ dẫn trong chuyên luận riêng. Nếu mẫu thử là dược liệu, khi chuyên luận riêng
không có chỉ dẫn gì đặc biệt thì tiến hành sấy trong tủ sấy ở áp suất thường. Dược
liệu phải được làm thành mảnh nhỏ đường kính không quá 3 mm; lượng đem thử
từ 2 g đến 5 g; chiều dày lớp mẫu thử đem sấy là 5 mm và không quá 10 mm đối
với dược liệu có cấu tạo xốp. Nhiệt độ và thời gian sấy theo yêu cầu của chuyên
luận riêng. Nếu chuyên luận không qui định thời gian sấy có nghĩa là sấy đến khối
lượng không đổi, tức là sự chênh lệch khối lượng sau khi sấy thêm 1h so với lần
sấy trước đó không quá 5 mg.
XÁC ĐỊNH TRO KHÔNG TAN TRONG ACID
Nếu không có hướng dẫn khác trong chuyên luận thì dùng phương pháp 1.
Phương pháp 1: Cho 25 ml dung dịch acid hydrocloric 2 M vào tro toàn
phần, đun sôi 5 phút, lọc để tập trung những chất không tan vào một phễu thủy tinh
xốp đã cân bì, hoặc vào một giấy lọc không tro, rửa bằng nước nóng rồi đem nung
ở 500 °C đến khối lượng không đổi. Tính tỷ lệ phần trăm của tro không tan trong
acid so với dược liệu đã làm khô trong không khí.
Phương pháp 2: Cho vào chén nung chứa tro toàn phần hay tro Sulfat (nếu
trong chuyên luận riêng không có chỉ dẫn khác) 15 ml nước và 10 ml acid
hydrocloric. . Đậy chén bằng một mặt kính đồng hồ, đun sôi cẩn thận 10 phút rồi
để nguội. Rửa mặt kính đồng hồ với 5 ml nước nóng rồi cho vào chén nung. Tập
trung chất không tan vào một phễu lọc thủy tinh xốp đã cân bì hoặc vào một giấy
lọc không trơ, rửa bằng nước nóng tới khi dịch lọc cho phản ứng trung tính. Làm
khô rồi nung tới đỏ tối, đế nguội trong bình hút ẩm rồi cân. Nung tiếp tới khi giữa
2 lần cân khối lượng chênh lệch nhau không vượt quá 1 mg. Tính tỷ lệ phần trăm
của tro không tan trong acid so với dược liệu đã được làm khô trong không khí.

XÁC ĐỊNH TRO TOÀN PHẦN


Nếu không có hướng dẫn khác trong chuyên luận thì áp dụng phương pháp 1.
Phương pháp 1: Với mẫu thử là dược liệu, thuốc từ dược liệu: Cho 2 g đến 3
g bột mẫu thử vào một chén sứ hoặc chén platin đã nung và cân bì. Nung ở nhiệt
độ không quá 450 °c tới khi không còn carbon, làm nguội rồi cân. Bằng cách này
mà tro chưa loại được hết carbon thì dùng một ít nước nóng cho vào khối chất đã
than hóa, dùng đũa thủy tinh khuấy đều, lọc qua giấy lọc không tro. Rửa đũa thủy
tinh và giấy lọc, tập trung nước rửa vào dịch lọc. Cho giấy lọc và cắn vào chén
nung rồi nung đến khi thu được tro màu trắng hoặc gần như trắng. Tập trung dịch
lọc vào cắn trong chén nung, đem bốc hơi đến khô rồi nung ở nhiệt độ không quá
450°C đến khi khối lượng không đổi. Tính tỷ lệ phần trăm của tro toàn phần theo
dược liệu đã làm khô trong không khí. Với các mẫu thử khác: Cũng thực hiện như
trên nhưng chỉ dùng 1 g mẫu thử nếu không có chỉ dẫn gì khác trong chuyên luận.
Phương pháp 2: Lấy một chén sứ hoặc chén platin nung tới đỏ trong 30 phút.
Để nguội trong bình hút ẩm rồi cân. Nếu trong chuyên luận riêng không có hướng
dẫn gì khác thì lấy 1 g mẫu thử rải đều vào chén nung, sấy 1h ở 100°C đến 105°C
rồi đem nung trong lò nung ở 600°C ± 25°C. Sau mỗi lần nung, lấy chén nung
cùng cắn tro đem làm nguội trong bình hút ẩm rồi cân. Trong quá trình thao tác
không được để tạo thành ngọn lửa. Nếu sau khi đã nung lâu mà vẫn chưa loại hết
carbon của tro thì dùng nước nóng để lấy cắn ra, lọc qua giấy lọc không tro rồi lại
nung cắn và giấy lọc trong chén nung. Tập trung dịch lọc vào tro ở trong chén, làm
bốc hơi cẩn thận tới khô rồi nung đến khối lượng không đổi.

XÁC ĐỊNH TRO SULFAT


Áp dụng một trong các phương pháp sau đây nếu trong chuyên luận riêng
không có hướng dẫn khác.
Phương pháp 1: Nung một chén sứ hoặc chén platin tới đỏ trong 10 phút, để
nguội trong bình hút ẩm rồi cân. Nếu không có chỉ dẫn gì đặc biệt trong chuyên
luận riêng thì cho 1 g mẫu thử vào chén nung, làm ẩm với acid sulfuric , đốt cẩn
thận rồi lại làm ẩm với acid sulfuric và nung ở khoảng 800°C. Làm nguội rồi cân.
Nung lại 15 phút, làm nguội rồi cân nhắc lại. Lặp lại quá trình này cho đến khi hai
lần cân liên tiếp, khối lượng không chênh lệch nhau quá 0,5 mg.
Phương pháp 2: Nung một chén nung sứ hoặc platin ở 600 °C ± 50 °C trong
30 phút, để nguội trong bình hút ẩm rồi cân. Cho vào chén nung một lượng mẫu
thử như chỉ dẫn trong chuyên luận và cân. Làm ẩm mẫu bằng một lượng nhỏ acid
sufuric (khoảng 1 ml), đốt nóng ở mức độ nhẹ nhất có thể đến khi mẫu hóa tro
hoàn toàn. Để nguội, làm ẩm cặn bằng một lượng nhỏ acid sufuric , đốt nóng nhẹ
đến khi bay hết khói trắng và nung ờ 600°C ± 50°C đến khi cặn thành tro hoàn
toàn. Trong khi đốt và nung không được để tạo thành ngọn lửa. Để nguội trong
bình hút ẩm, cân và tính khối lượng của cặn. Nếu khối lượng cặn vượt ngoài giới
hạn cho phép thì lại làm ẩm cặn bằng acid sulfuric và nung như trên đến khối
lượng không đổi nếu không có chỉ dẫn gì khác. Lượng mẫu thử thường dùng (từ 1
g đến 2 g) được tính từ giới hạn tro Sulfat đã qui định sao cho khối lượng tro Sulfat
(khoảng 1 mg) có thể cân được để đảm bảo độ chính xác.

XÁC ĐỊNH TRO TAN TRONG NƯỚC


Đun sôi tro toàn phần với 25 ml nước trong 5 phút. Tập trung những chất
không tan vào một phễu thủy tinh xốp, hoặc vào trong một chén lọc thủy tinh xốp,
hoặc trên một giấy lọc không tro đã cân bì trước, rửa bằng nước nóng rồi nung 15
phút ở nhiệt độ không quá 450 °C. Để nguội rồi cân để xác định khối lượng cặn
không tan trong nước. Lấy khối lượng tro toàn phần trừ đi khối lượng cặn không
tan trong nước, được khối lượng tro tan trong nước. Tính tỉ lệ phần trăm tro tan
trong nước so với dược liệu đã làm khô trong không khí.
PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH LƯỢNG CÁC HOẠT CHẤT VÀ TẠP CHẤT
TRONG DƯỢC PHẨM
ĐỊNH LƯỢNG NƯỚC
Nếu không có chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, áp dụng Phương pháp 1
và định lượng trực tiếp.
Phương pháp 1 (Định lượng nước bằng thuốc thử Karl Fischer)
Nguyên tắc
Phương pháp định lượng nước này dựa trên phản ứng toàn lượng của nước
với lưu huỳnh dioxyd và iod trong dung môi khan chứa một chất base hữu cơ thích
hợp. Dung môi hữu cơ thông dụng là methanol khan nước, cùng có khi được thay
bằng dung môi hữu cơ khác thích hợp để hòa tan chế phẩm. Chất base hữu cơ là
pyridin, nhưng hiện nay đã dùng những chất base hữu cơ khác để thay thế như
imidazol, 2-methylaminopyridin. Thiết bị Hiện nay có nhiều loại dụng cụ, nhưng
nguyên tắc đều phải cấu tạo sao cho thao tác thuận tiện và tránh ẩm. Dụng cụ gồm
có một cốc chuẩn độ dung tích khoảng 60 ml, có nắp gắn điện cực kép platin, một
ống dẫn khí nitrogen, có lỗ cắm với buret và lỗ cắm ống thông hơi chứa chất hút
ẩm. Chế phẩm được đưa vào bình chuẩn độ qua lỗ trên nắp hoặc miệng bên cạnh
có nút mài. Trong quá trình chuẩn độ, khuấy bằng máy khuấy từ hoặc bằng luồng
khí nitrogen khô đi qua dung dịch. Điểm kết thúc phản ứng được xác định bằng
điện kế gắn trong mạch có biến trở 2000 Ω, nối với một nguồn pin 1,5 V. Lúc bắt
đầu kim điện kế chỉ đi ôm không, vì dòng điện chạy qua 2 điện cực platin không
đáng kể. Khi nhỏ thuốc thử Karl Fischer vào dung dịch, do hiện tượng khử cực nên
kim điện kế lệch đi nhưng lập tức trở về vị trí ban đầu, chỉ khi đến điểm kết thúc
thì một giọt thuốc thử thừa sẽ làm kim lệch đi và duy trì ít nhất 30 s.
Thuốc thử
Thuốc thử Karl Fischer gốc gồm 4 thành phần chính là lưu huỳnh dioxyd, iod,
pyridin hoặc một base hữu cơ khác và methanol pha thành một dung dịch, hoặc hai
dung dịch. Trường hợp pha thành hai dung dịch thì dung dịch A chứa lưu huỳnh
dioxyd và pyridin pha trong methanol khan, dung dịch B chứa iod pha trong
methanol khan. Trước khi dùng 1 h, trộn đều 1 thể tích dung dịch A với 1 thể tích
dung dịch B, sau đó xác định đương lượng nước của thuốc thử. Lượng thuốc thử
thu được chỉ dùng trong ngày. Hiện nay trên thị trường vừa có các loại thuốc thử
như trên, vừa có loại đã thay pyridin và methanol bằng chất kiểm hữu cơ khác và
dung môi hữu cơ khác. Do vậy, cần kiểm tra kỹ thành phần thuốc thử và cách sử
dụng cho đúng mục đích. Các thuốc thử Karl Fischer và dung môi dùng trong
phương pháp đều phải khan nước, bảo quản trong lọ màu, tránh ánh sáng, chổng
ẩm và phải xác định lại đương lượng nước trước khi dùng.
Xác định đương lượng nước của thuốc thử: Đương lượng nước của thuốc
thử Karl Fischer dễ bị thay đổi theo thời gian nên trước khi dùng phải xác định lại
và phải đạt tối thiểu 3,5 mg nước cho 1 ml thuốc thử. Có thể xác định theo 2 cách:
a. Áp dụng xác định hàm lượng nước nhỏ hơn 1%. Dùng một hóa chất có
hàm lượng nước kết tinh xác định, sau khi đã sấy ở nhiệt độ quy định đến khối
lượng không đổi để loại hết ẩm, cho tác dụng với thuốc thử rồi tính ra đương
lượng. Thường dùng natri tartrat dihydrat. Cách tiến hành: Cho một lượng
methanol khan hoặc dung môi thích hợp dùng cho thuốc thử Karl Fischer vào cốc
chuẩn độ đủ ngập điện cực platin rồi chuẩn độ bằng thuốc thử KarlFischer đến
điểm dừng. Cho nhanh khoảng từ 250 mg đến 350 mg natri tartrat dihỵdrat đã cân
chính xác vào cốc và chuẩn độ băng thuốc thử Karl Fischer đến điểm kết thúc tính
hệ số đương lượng nước F (tính bằng mg nước/ml thuốc thử) của thuốc thử.
b. Áp dụng xác định hàm lượng nước lớn hơn hoặc bằng 1%. Dùng nước
tinh khiết đã chưng cất đạt tiêu chuẩn làm chất chuẩn hòa vào methanol khan hoặc
dung môi thích hợp loại dùng cho thuốc thử Karl Fischer rồi dùng thuốc thử Karl
Fischer để chuấn độ. Cách tiến hành: Cho 25 ml methanol khan vào cốc chuẩn độ,
chuẩn độ bảng thuốc thử Karl Fischer đến điểm kết thúc. Thêm nhanh khoảng 50
mg nước tinh khiết đã cân chính xác vào cốc chuẩn độ trên và chuẩn độ bằng thuốc
thử Karl Fischer đến điểm kết thúc. Tính hệ số đương lượng nước F (tính bẳng mg
nước/ml thuốc thử) của thuốc thử.
Định lượng
Chuẩn bị mẫu thử: Nếu không có chỉ dẫn gì khác trong chuyên luận riêng, cân
hoặc lấy chính xác một lượng chế phẩm ước lượng chứa khoảng 10 mg đến 50 mg
nước đem định lượng. Thao tác phải nhanh và thực hiện trong phòng có độ ẩm thấp
để tránh ẩm ở ngoài ảnh hường đến chất phân tích.
Phương pháp định lượng trực tiếp
Nếu không có chỉ dẫn gì khác trong chuyên luận riêng, cho khoảng 20 ml
methanol khan hoặc dung môi thích hợp dùng cho thuốc thử Karl Fischer vào cốc
chuẩn độ, chuẩn độ bằng thuốc thử Karl Fischer đến điểm dừng. Cho nhanh một
lượng chế phẩm đã chỉ dẫn trong chuyên luận riêng vào cốc chuẩn độ, đóng nút
ngay, khuấy đều độ phản ứng tác dụng trong khoảng 1 phút rồi tiếp tục chuẩn độ
bằng thuốc thử Karl Fischer đến điểm dừng. Tính hàm lượng nước X (tính bằng
mg) của chế phẩm theo công thức: X = N x F Trong đó: N là thể tích thuốc thử
Karl Fischer đã dùng cho làm chuẩn độ sau khi cho chế phẩm (tính bằng ml); F là
hệ số đương lượng nước của thuốc thử Karl Fischer (tính bằng mg/ml).
Phương pháp định lượng gián tiếp
Dung dịch nước chuẩn: Pha loãng 2 ml nước tinh khiết với methanol khan
hoặc dung môi thích hợp thành 1000 ml. Lấy chính xác 25,0 ml dung dịch này cho
vào cốc định lượng và chuẩn độ bằng thuốc thử Karl Fischer vừa mới xác định độ
chuẩn. Tính hàm lượng nước w (tính bằng mg/ml) của dung dịch nước chuẩn theo
công thức: w = V x F/25 Trong đó: V là thể tích thuốc thử Karl Fischer đã dùng
(ml); F là hệ số đương lượng nước của thuốc thử Karl Fischer (tính bằng mg/ml).
Cách tiến hành: Nếu không có chỉ dẫn gì khác trong chuyên luận riêng, cho một
lượng methanol khan hoặc dung môi được chỉ dẫn trong chuyên luận riêng vào cốc
định lượng vừa đủ ngập điện cực, chuẩn độ bằng thuốc thử Karl Fischer đến điểm
kết thúc. Cho nhanh một lượng chế phẩm đã chỉ dẫn trong chuyên luận riêng vào
cốc, đóng nút ngay, thêm tiếp một lượng chính xác thuốc thử Karl Fischer vào cốc
sao cho thừa khoảng 1 ml, hoặc theo một thể tích đã chỉ dẫn trong chuyên luận
riêng. Đóng nút để yên 1 phút, tránh ánh sáng, thỉnh thoảng khuấy. Chuẩn độ phần
thuốc thử Karl Fischer thừa bằng dung dịch nước chuẩn vừa mới pha ở trên. Tính
hàm lượng nước A (tính bằng mg) có trong chế phẩm.
Chú ý: Cần phải kiểm tra xem chất thử có tương kỵ với thuốc thử Karl
Fischer không trước khi áp dụng phương pháp này. Những chất có khả năng phản
ứng với một hay nhiều thành phần của thuôc thử như acid ascorbic, các mereaptan,
các sulfid, các muối hydrocarbonat và carbonat kiềm, các oxyd và hydrat của oxyd
kim loại… không áp dụng được phương pháp này. Đối với các aldehyd và ceton,
hiện nay đã có loại thuốc thử dành riêng để định lượng nước trong các chất này.
Những dung môi hữu cơ sau đây có thế dùng thay thế methanol trong thuốc thử
Karl Fischer khi chất thử không tan trong methanol: Cloroform, methyl celosolve,
diethylen glycol monoethyl ether. Trước khi sử dụng phải làm khan bằng zeolit đạt
tiêu chuẩn cho định lượng nước. Những chât base hữu cơ sau đây có thể thay
pỵridin trong thuôc thử Karl Fischer: Imidazol, 2-methyl-aminopyridin. Phải kiểm
tra hàm lượng nước trước khi dùng.
Phương pháp 2 (Phương pháp chuẩn độ đo điện tích)
Nguyên tắc
Phương pháp chuẩn độ đo diện tích có nguyên tắc tương tự phương pháp 1
tức là dựa trên phản ứng toàn lượng của nước với lưu huỳnh dioxyd và iod trong
dung môi khan chứa một chất base hữu cơ thích hợp. Tuy nhiên, khác với phương
pháp 1, iod được tạo ra bằng cách oxy hóa ion iodid tại buồng phản ứng điện hóa.
iod tạo thành ở anod phản ứng ngay với nước và lưu huỳnh dioxyd có trong buồng
phản ứng. Hàm lượng nước trong chế phẩm tỷ lệ thuận với lượng điện tích tăng
thêm cho đến khi kết thúc chuẩn độ. Điểm kết thúc đạt được khi toàn bộ nước phản
ứng hết và iod dư xuất hiện. 1 mol iod tương ứng với 1 mol nước, 10,71°C điện
tích tương ứng với 1 mg nước. Độ ẩm bị loại khỏi hệ thống bằng quy trình trước
điện phân. Các lần định lượng có thể thực hiện nối tiếp nhau trong cùng một dung
dịch thuốc thử, trong các điều kiện sau: Mỗi thành phần của hỗn hợp thử không
tương kỵ lẫn nhau, Không có phản ứng nào khác xảy ra, Thuốc thử điện phân phải
đủ về thể tích và có đủ khả năng trung hòa nước. Phương pháp chuẩn độ đo điện
tích chỉ áp dụng được với những mẫu có hàm lượng nước nhỏ, khoảng từ 10 μg
đến 10 mg nước là phù hợp. Độ đúng và độ chính xác của phương pháp chủ yếu
phụ thuộc vào mức độ loại bỏ được độ ẩm của môi trường ra khỏi hệ thống. Việc
kiểm soát hệ thống phải được theo dõi bằng cách đo độ trôi của đường nền.
Thiết bị
Thiết bị bao gồm một buồng phản ứng, điện cực và khuấy từ. Buồng phản
ứng có một ngăn anod rộng và một ngăn cathod nhỏ hơn. Có thể có vách ngăn
phân cách hai ngăn điện cực tùy theo thiết kế. Mỗi ngăn có một điện cực platin,
Chất lỏng hoặc mẫu thử đã hòa tan được đưa vào buồng phản ứng bàng một xi lanh
qua nắp septum. Có thể áp dụng kỹ thuật bay hơi trong đó mẫu thử được làm nóng
lên trong một ống đựng mẫu (buồng sấy) và hơi nước từ mẫu được đưa đến buồng
phản ứng nhờ một dòng khí trơ khô. Phải tránh việc đưa mẫu rắn vào buồng phản
ứng. Tuy nhiên, nếu không có cách nào khác thì việc đưa mẫu rắn vào phải qua
một cổng nạp mẫu kín, phải áp dụng các biện pháp thích hợp để tránh đưa thêm độ
ẩm của môi trường vào, ví dụ phải làm việc trong hộp có lồng găng tay và trong
môi trường khí trơ khô. Quy trình thử nghiệm được theo dõi bằng một thiết bị điện
tử phù hợp, có hiển thị kết quả.
Cách tiến hành
Đổ đầy các ngăn của buồng phản ứng bằng thuốc thử điện phân dùng trong vì
định lượng nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tiến hành chuẩn độ đến điểm
kết thúc ổn định. Đưa lượng mẫu theo chỉ dẫn vào buồng phản ứng và khuấy 30 s.
Nếu không có chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, chuẩn độ đến khi đạt được
điểm kết thúc ổn định. Trường hợp phải dùng kỹ thuật bay hơi, đưa lượng mẫu như
chỉ dẫn vào buồng sấy và làm nóng. Sau khi hơi nước bay hết sang buồng phản
ứng, quá trình chuẩn độ bắt đầu.Đọc kết quả trên máy và tính phần trăm nước có
trong chế phẩm, nếu cần. Thực hiện mẫu trắng này theo loại mẫu hoặc cách chuẩn
bị mẫu. Kiểm tra độ đúng Giữa hai lần chuẩn độ, đưa một lượng nước được cân
chính xác tương đương với lượng nước trong một lần chuẩn độ mẫu thử, có thể
dùng nước hoặc dung dịch chuẩn dùng cho vi định lượng nứớc, tiến hành chuẩn
độ. Tỷ lệ tìm thấy phải từ 97,5 % đến 102,5 % trong trường hợp lượng nước thêm
vảo khoáng 1000 μg; từ 90,0 % đến 110,0 % trong trường hợp lượng nước thêm
vào khoảng 100 μg.
ĐỊNH LƯỢNG CÁC KHÁNG SINH HỌ PENICILIN BẰNG PHƯƠNG
PHÁP ĐO IOD
Phương pháp sau đây được áp dụng để định lượng phần lớn thuốc kháng sinh
họ penicillin trong Dược điển và những dạng bào chế của chúng mà phép chuẩn độ
do iod là đặc biệt thích hợp. Tiến hành thí nghiệm ờ nhiệt độ 25 °C ± 2 °C.
Dung dịch chuẩn: Cân chính xác một lượng thích hợp chất chuẩn quy định
trong từng chuyên luận, hòa tan vào dung môi và pha loãng với cùng dung môi đó
để được một dung dịch có nồng độ ở khoảng nồng độ quy định.
Dung dịch thử: Nếu không có chỉ định gì khác trong chuyên luận riêng, cân
chính xác một lượng mẫu thử thích hợp hòa tan trong dung môi và pha loãng với
dung môi đó để được một dung dịch có nồng độ ở vào khoảng nồng độ quy định.
Phương pháp tiến hành
Làm mất hoạt tính và chuẩn độ: Hút riêng rẽ 2,0 ml dung dịch chuẩn và 2,0
ml dung dịch thử vào 2 bình nón nút mài dung tích 125 ml tương ứng. Thêm vào
mỗi bình 2,0 ml dung dịch natri hydroxyd 1 M , lắc đều và để yên 15 phút. Tiếp tục
cho vào mỗi bình 2,4 ml dung dịch acid hydrocloric 1 M , thêm 10,0 ml dung dịch
iod 0,01N (CĐ), đậy ngay nút bình và để yên 15 phút. Chuẩn độ bằng dung dịch
natri thiosulfat 0,01 N (CĐ) đến gần điểm kết thúc, thêm 1 giọt dung dịch hồ tinh
bột và tiếp tục chuẩn độ đến khi mất màu xanh. Mẫu trắng: Hút 2,0 ml dung dịch
chuẩn cho vào một bình nón nút mải, thêm 10,0 ml dung dịch iod 0.01 N (CĐ).
Nếu dung dịch chuẩn là amoxicilin hay ampicilin thì thêm ngay lập tức 0,12 ml
dung dịch acid hydrocloric 1 M . Chuẩn độ ngay bằng dung dịch natri thiosulfat
0,01N (CĐ) đến gần điểm kết thúc, thêm 1 giọt dung dịch hồ tinh bột và tiếp tục
chuẩn độ đến khi mất màu xanh. Cũng làm như vậy đối với bình có chứa 2,0 ml
dung dịch thử.
ĐỊNH LƯỢNG CÁC STEROID BẰNG TETRAZOLIUM
Phương pháp này được áp dụng để định lượng các steroid chứa các nhóm
chức có tính khử. Các sản phẩm của phản ứng màu này có khuynh hướng hấp phụ
lên bề mặt của thủy tinh. Để tránh sự sai lệch kết quả, nên xử lý các bình phản ứng
thủy tinh bằng cách để chúng chứa chính các sản phẩm của phản ứng màu này
trước khi dùng. Nên giữ các bình thủy tinh đã được xử lý để dùng riêng cho phép
định lượng này và chỉ rửa bình bằng nước giữa các lần định lượng. Phương pháp
này được tiến hành trong điều kiện tránh ánh sáng.
Dung dịch thử: Trừ khi có chỉ dẫn cụ thể trong chuyên luận riêng, hòa tan
một lượng chế phẩm trong ethanol không có aldehyd để thu được một dung dịch
thử có nồng độ từ 30 μg/ml đến 35 μg/ml.
Dung dịch chuẩn: Chuẩn bị một dung dịch chất chuẩn tương ứng trong
ethanol không có aldehyd có nồng độ tương đương với nồng độ của dung dịch thử.
Tiến hành: Lấy chính xác 10 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch chuẩn cho
vào hai bình định mức 25 ml riêng biệt và cho 10 ml ethanol không có aldehyd vào
một bình định mức 25 ml thử ba. Lần lượt thêm vào các bình 2 ml dung dịch
triphenyltetrazodium clorid, 2 ml dung dịch tetramethylamoni hydroxyd loãng.
Đậy bình, trộn đều bằng cách lắc xoay tròn nhẹ nhàng và ngâm các bình phản ứng
này trong cách thủy ở 30 °C trong 1 h, trừ khi có quy định cụ thế trong chuyên luận
riêng. Làm lạnh nhanh, thêm ethanol không có aldehyd đến định mức 25 ml. Lắc
đều và đo ngay độ hấp thụ ánh sáng của các dung dịch thu được trong hai bình đầu
(theo thứ tự khi cho thuốc thử) ở cực đại 485 nm, trong cốc đo có nắp đậy, lấy
dung dịch thu được trong bình thứ ba làm mẫu trắng.
ĐỊNH LƯỢNG NITROGEN TRONG HỢP CHẤT HỮU CƠ
Nitrogen trong hợp chất hữu cơ được định lượng dưới dạng amoniac trong
amoni Sulfat thu được khi vô cơ hóa các hợp chất hữu cơ có chứa nitrogen với acid
sulfuric. Áp dụng phương pháp I nếu không có chỉ dẫn khác.
Phương pháp I
Dụng cụ: Bộ dụng cụ định lượng nitrogen có thể được chế tạo nguyên bộ
chuyên dùng cất amoniac hoặc được lắp ghép từ các dụng cụ thủy tinh cần thiết với
nhau sao cho đảm bảo đủ các bộ phận và yêu cầu. Các phần bằng cao su của thiết
bị nên được xử lý bằng cách đun sôi 10 phút đến 30 phút trong dung dịch natri
hydroxyd 1 M, tiếp theo 30 phút đến 60 phút trong nước, cuối cùng rửa lại bằng
nước trước khi dùng.
Cách tiến hành: Nếu chuyên luận riêng không có chỉ dẫn gì đặc biệt thì tiến
hành như sau: a. Vô cơ hóa Lấy chính xác một lượng mẫu thử có chứa khoảng 5
mg nitrogen cho vào bình Kjeldahl A, thêm 1 g hỗn hợp kali sulfat hoặc natri
sulfat khan và đồng sulfat (tỷ lệ 10 : 1) đã được tán nhỏ, 7 ml acid sulfuric đậm
đặc và vài viên bi thủy tinh. Đậy bình bằng một phễu có cuống dài. Đặt bình
nghiêng 45° trên ngọn lửa nhỏ để hỗn hợp nóng lên từ từ rồi tăng dần nhiệt độ tới
khi sôi và tiếp tục đun tới khi chất lỏng trong bình có màu lục tươi và không còn
những đốm đen của chất hóa than trên thành bình. Nếu chất lỏng trong bình chưa
chuyển sang màu lục tươi, có thể thêm 1 ml đến 2 ml dung dịch hydrogen peroxyd
100 tt khi đã để nguội và đun tiếp đến khi thu được màu này. Đun thêm 30 phút
nữa, để nguội. b. Chuẩn bị cất Thêm 20 ml nước cất vào bình Kjeldahl đã vô cơ
hóa, để nguội trở lại rồi lắp bình này vào bộ dụng cụ cất đã được làm sạch trước
bằng cách cho hơi nước chạy qua. Nếu bộ dụng cụ cất amoniac có bình phản ứng A
gắn liền thì dùng 20 ml nước cẩt để chuyên hỗn hợp từ bình Kjeldahl vào bình
phản ứng. Cho nước cất vào khoảng 2/3 bình cấp hơi nước B, thêm vài giọt acid
sulfuric để acid hóa chống sự thâm nhập của amoniac từ không khí. Lấy chính xác
30,0 ml dung dịch acid sulfuric 0,02 N (CĐ) và 2 giọt dung dịch hỗn hợp đỏ
methyl cho vào bình hứng K. Lắp nối các bộ phận với nhau như hình vẽ sao cho
tạo thành một hệ thống kín, đầu cuối của ống sinh hàn thu dịch cất được phải ngập
sâu trong dung dịch của bình hứng K. c. Tiến hành cất Khi việc chuẩn bị cất đã
hoàn tất, cho nước lạnh chảy qua ống sinh hàn và bắt đầu đun nước trong bình B.
Khi nước sôi thì cho vào bình phản ứng A qua phễu F từng ít một 30 ml dung dịch
natri hydroxyd 40 % bằng cách sau: đổ hết lượng kiềm này vào phễu F và dùng
kẹp G điều chỉnh cho dung dịch kiềm chảy xuống từ từ, khi xong khóa chặt kẹp lại.
Tiếp tục cất đến khi hứng được khoảng 100 ml dịch cất. Hạ thấp bình hứng và rửa
đầu sinh hàn với một ít nước cất. d. Chuẩn độ Chuẩn độ acid sulfuric thừa trong
bình hứng dịch cất bằng dung dịch natri hydroxyd 0,02 N (CĐ) tới khi chuyển sang
màu vàng, ghi số ml dung dịch natri hydroxyd 0,02 N (CĐ) đã dùng (a ml). Tiến
hành song song một mẫu trắng theo trình tự trên. Ghi số ml dung dịch natri
hydroxyd 0.02 N (CĐ) đã dùng (b ml).
Trường hợp mẫu thử có lẫn nitrat và nitrit: Tiến hành tương tự như trên nhưng
giai đoạn vô cơ hóa cần tiến hành loại trừ ảnh hưởng của nitrat và nitrit như sau:
Sau khi cho mẫu thử vào bình Kjeldahl A, thêm 10 ml acid sulfuric đã hòa tan 0,4
g and salicylic , lắc đều và để yên 30 phút (thỉnh thoảng lắc đều). Thêm 2 g natri
thiosulfat. Lắc đều, thêm 200 mg bột đồng sulfat khan rồi tiến hành vô cơ hóa như
trên bắt đầu từ “Đặt bình nghiêng 45°…”
Phương pháp II: Định lượng protein trong các chế phẩm máu
Đối với các chế phẩm máu khô, chuẩn bị dung dịch chế phẩm như chỉ dẫn
trong chuyên luận riêng. Lấy một thể tích chế phẩm tương ứng với 0,1 g protein,
pha loãng thành 20 ml bằng dung dịch natri clorid 0,9 %. Lấy 2 ml dung dịch thu
được chuyển vào ống nghiệm dung tích 75 ml, thêm 2 ml dung dịch chứa 75 %
acid sulfuric không có nitrogen, 4,5 % kali sulfid và 0,5 % đồng sulfat , trộn đều
và đậy ống nghiệm một cách lỏng lẻo. Đun nóng từ từ đến sôi và tiếp tục đun sôi
mạnh trong khoảng 1,5 h và để nguội. Nếu dung dịch thu được không trong thì
thêm 0,25 ml dung dịch dung dịch hydrogen peroxyd 20 tt và đun tiếp đến khi thu
được dung dịch trong và để nguội. Trong quá trình đun, chú ý không để phần trên
của ống nghiệm bị nóng quá. Chuyển dung dịch thu được vào bộ dụng cụ cất, dùng
nước tráng rửa 3 lần, mỗi lần 3 ml. Thêm vào bình cất 10 ml dung dịch natri
hydroxyd 10 M và cất nhanh trong vòng 4 phút. Hứng dịch cất vào trong hỗn hợp
5 ml dung dịch acid horic bão hòa và 5 ml nước, giữ đầu cuối của ống sinh hàn
ngập trong dịch hứng. Hạ thấp bình hứng để đầu ống sinh hàn không còn ngập
trong dịch hứng và tiếp tục cất thêm 1 phút nữa. Chuẩn độ bằng dung dịch acid
hydrocloric 0,02 N (CĐ) dùng dung dịch hỗn hợp đỏ methyl làm chỉ thị. Lấy một
thể tích chế phẩm tương ứng với 0,1 g protein, thêm 12 ml dung dịch natri clorid
0,9 %, thêm 2 ml dung dịch natri molybdat 7,5 % và 2 ml hỗn hợp acid sulfuric
không có nitrogen – nước (1 : 30). Lắc đều, để yên 15 phút và thêm nước vừa đủ
20 ml. Lắc và ly tâm. Lấy 2 ml dịch ly tâm ở trên chuyển vào ống nghiệm dung
tích 75 ml và tiếp tục tiến hành như trên, bắt đầu từ: “thêm 2 ml dung dịch chứa 75
% acid sulfuric không có nitrogen…” (V2). Tính hàm lượng protein trong chế
phẩm X (mg/ml).
ĐỊNH LƯỢNG VITAMIN A
Hoạt lực của vitamin A được tính theo đơn vị quốc tế (ký hiệu IU). 1 IU
vitamin A tương đương với 0,300 μg retinol; 0,344 μg retinyl aceuit; 0.359 μg
retinyl propionat hoặc 0,550 μg retinyl palmitat. Tiến hành định lượng nhanh nhất
có thể trong điều kiện tránh ánh sáng, không khí và các chất oxy hóa, các chất xúc
tác sự oxy hóa (như đồng, sắt), acid và tránh đun nóng (với vitamin A có nguồn
gốc tự nhiên), tránh đun nóng kéo dài với retinol tổng hợp đậm đặc dạng bột và
dạng dầu. Sử dụng các dung dịch mới pha. Tùy theo đặc điểm của vitamin A trong
các thuốc và nguyên liệu làm thuốc mà áp dụng 1 trong 5 phương pháp dưới đây
để định lượng.
Phương pháp 1 (Phương pháp đo quang trực tiếp): Có thể áp dụng đối với
nguyên liệu là các ester của retinol đậm đặc dạng dầu với hàm lượng lớn (> 5000
lU/g). Cân chính xác đến 0,1 % (so với lượng cân) khoảng từ 25 mg đến 100 mg
chế phẩm và đem hòa tan trong 5 ml pentan , pha loãng bằng 2-propanol để được
dung dịch chứa chính xác khoảng 10 IU đến 15 IU vitamin A trong 1 ml.
Phương pháp 2 (Phương pháp đo quang sau khi chiết tách vitamin A): Có
thể áp dụng cho các nguyên liệu vitamin A có nguồn gốc tự nhiên và đa số các
dạng thuốc chứa vitamin A: Thuốc nang, viên nén, thuốc bột, thuốc mỡ, dầu gan
cá… Lấy một lượng chế phẩm chứa khoảng 50 000 IU vitamin A vào bình nút mài,
thêm 3 ml dung dịch kali hydroxyd 50 % mới pha, 30 ml ethanol , đun sôi 30 phút
trên cách thủy có lắp ống sinh hàn hồi lưu, dưới dòng khí nitrogen không có
oxygen. Làm nguội nhanh rồi dùng 30 ml nước cất chuyển hết hỗn hợp sang bình
gạn. Chiết 4 lần mỗi lần với 50 ml ether và bỏ lớp dưới khi tách lớp hoàn toàn.
Tập trung dịch chiết lại rồi rửa dịch chiết 4 lần, mỗi lần 50 ml nước cất, (chú ý lắc
rất nhẹ nhàng ở 2 lần đầu để tránh tạo thành nhũ tương). Làm hay hơi dịch chiết
ether trên cách thủy dưới dòng khí nitrogen không có oxygen hoặc cất quay chân
không ở nhiệt độ không quá 30 °C đến hết dung môi. Hòa tan cắn trong một lượng
2-propanol vừa đủ để thu được dung dịch chứa 10 IU đến 15 IU vitamin A trong 1
ml. Đo độ hấp thụ của dung dịch thu được ở các bước sóng 300 nm, 310 nm, 325
nm, và 334 nm trong cốc dày 1 cm với mẫu trắng là 2-propanol , sau đó xác định
bước sóng có hấp thụ cực đại. Trong cách tiến hành của phương pháp 2 nếu chế
phẩm ở dạng thuốc nang, viên nén hoặc dạng bào chế thể rắn khác, sau khi đã bỏ
vỏ, nghiền thành bột mà vẫn không xà phòng hóa dược (do ở dạng vi nang) thì
phải xử lý trước bằng cách đun nóng với 10 ml nước cất trên cách thủy 5 phút,
dùng đũa thủy tinh nghiền nhỏ các chất rắn còn lại và giữ nóng 5 phút nữa. Khi
tiến hành xà phòng hóa, nếu không có khí nitrogen có thể thay thế bằng cách cho
chất chống oxy hóa vào bình phản ứng như 3 ml dung dịch hydroquinon 1 % trong
ethanol, hoặc 30 mg BHT [butyl hydroxytoluen ]. Để chiết vitamin A có thể thay
ether bằng ether dầu hỏa hoặc n-hexan.
Phương pháp 3 (Phương pháp sắc ký lỏng trực tiếp): Có thể áp dụng đối
với các nguyên liệu vitamin A tổng hợp, các thành phẩm chứa vitamin A tổng hợp
mà trong thành phần chỉ chứa vitamin A ở một dạng ester đồng nhất hoặc dạng
retinol. Phương pháp sắc ký lỏng. Pha động: Methanol – ethyl acetat – nước (90 : 7
: 3). Dung dịch thử: Lấy chính xác một lượng chế phẩm có chứa khoảng 4000 IU
vitamin A cho vào bình định mức dung tích 100 ml, thêm ethanol , lắc kỹ rồi thêm
ethanol đến định mức, lắc đều. lọc. Dung dịch chuẩn: Pha chất chuẩn vitamin A
(dạng giống với dung dịch thử: retinol, retinyl acetat, retinyl palmitat…) trong
ethanol để thu được dung dịch chuẩn có nồng độ vitamin A chính xác khoảng 40
IU/ml. Điều kiện sắc ký: Cột kích thước (25 cm X 4 mm) được nhồi pha tĩnh C (5
μm đến 10 μm). Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 325 nm. Tốc độ
dòng: 1,5 ml/phút đến 2,0 ml/phút. Thể tích tiêm: 20 μl. Cách tiến hành: Kiểm tra
tính phù hợp của hệ thống sắc ký: Tiến hành sắc ký với dung dịch chuẩn, độ lệch
chuẩn tương đối (RSD) của diện tích pic thu được trên sắc ký đồ của 6 lần tiêm lặp
lại mẫu chuẩn không được lớn hơn 2,0 %. Tiến hành sắc ký lần lượt với dung dịch
chuẩn và dung dịch thử.
Phương pháp 4 (Phương pháp sắc ký lỏng sau khi thủy phân): Có thể áp
dụng đối với nguyên liệu vitamin A tổng hợp dạng bột, dạng dầu và dạng nhũ
tương. Phương pháp sắc ký lỏng. Pha động: Methanol – nước (95 : 5). Dung dịch
thử (1): Đối với nguyên liệu dạng bột: Cân 0,200 g chế phẩm vào bình định mức
100 ml. Thêm khoảng 20 mg đến 30 mg bromelain , 5,0 ml nước và 0,15 ml 2-
propanol . Đun trong cách thủy ở 60 °C đến 65 °C trong 5 phút và thỉnh thoảng
khuấy. Thêm 40 ml dung dịch tetrabutylamoni hydroxyd 0.1 M trong 2-propanol .
Khuấy nhẹ và để thủy phân trong cách thủy ở 60 °C đến 65 °C trong 10 phút, thỉnh
thoảng khuấy. Đảm bảo chế phẩm được làm ướt hoàn toàn. Để nguội đến nhiệt độ
phòng rồi pha loãng thành 100,0 ml bằng 2-propanol có chứa 0,1 %
butylhydroxytoluen. Lắc đều cẩn thận tránh tạo bọt khí. Dung dịch có thể vẩn đục.
Đối với nguyên liệu dạng dầu hoặc nhũ tương: Cân 0,100 g chế phẩm vào bình
định mức 100 ml. Hòa tan ngay trong 5 ml pentan. Thêm 40 ml dung dịch
telrabutylamoni hydroxyd 0,1 N trong 2-propanol. Khuấy nhẹ và để thủy phân
trong cách thủy ở 60 °C đến 65 °C trong 10 phút, thỉnh thoảng khuấy nhẹ. Để
nguội đến nhiệt độ phòng, rồi pha loãng thành 100,0 ml bằng 2-propanol có chứa
0,1 % butylhydroxytoluen. Lắc cẩn thận tránh tạo bọt khí. Dung dịch thử (2): Pha
loãng dung dịch thử (1) bằng 2-propanol để thu được dung dịch có nồng độ 100
IU/ml. Lọc trước khi tiêm đối với dung dịch thử được chuẩn bị từ nguyên liệu dạng
bột. Dung dịch chuẩn (1): Cân chính xác 0,100 g retinyl acetat chuẩn (hàm lượng
khoảng 1000000 IU/g) vào bình định mức 100 ml và tiến hành như dung dịch thử
(1) đối với nguyên liệu dạng dầu hoặc nhũ tương. Dung dịch chuẩn (2): Pha loãng
5,0 ml dung dịch chuẩn (1) thành 50,0 ml bằng 2-propanol . Lắc cẩn thận tránh tạo
bọt khí. Điều kiện sẳc ký: Cột kích thước (12,5 cm X 4 mm) được nhồi pha tĩnh C
(5 μm). Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 325 nm. Tốc độ dòng: 1
ml/phút. Thể tích tiêm: 10 μl. Cách tiến hành: Tiến hành sắc ký dung dịch thử (2)
và dung dịch chuẩn (2) với thời gian gấp 1,5 lần thời gian lưu của retinol. Thời
gian lưu của retinol khoảng 3 phút.
Phương pháp 5 (Phương pháp sắc ký lỏng sau khi chiết tách vitamin A):
Có thể áp dụng đối với các chế phẩm phức tạp và có chứa vitamin A với hàm
lượng thấp không thực hiện được 1 trong 4 phương pháp trên. Phương pháp sắc ký
lỏng (Phụ lục 5.3). Pha động: Methanol – nước (97 : 3 ). Dung dịch thử: Lấy một
lượng chế phẩm chứa khoảng 2000 IU vitamin A vào bình cầu nút mài, thêm 5 ml
dung dịch acid ascorbic 10 % mới pha và 10 ml dung dịch kali hydroxyd 80 %
mới pha, 100 ml ethanol 96 % , đun sôi 15 phút trên cách thủy có lắp ống sinh hàn
hồi lưu. thêm 100 ml dung dịch natri clorid 1 % và để nguội. Chuyển dung dịch
vào bình chiết dung tích 500 ml, tráng rửa bình nút mài bằng 75 ml dung dịch natri
clorid 1 % và rửa tiếp với 150 ml dung dịch đồng thể tích ether dầu hỏa (40 °C
đến 60 °C) và ether , chuyển hết dịch tráng rửa vào bình chiết ở trên. Lắc 1 phút,
khi tách lớp hoàn toàn, bỏ lớp dưới, rửa lớp trên lần đầu với 50 ml dung dịch kali
hydroxyd 3 % trong dung dịch 10 % (tt/tt) ethanol 96 % , sau đó rửa 3 lần, mỗi lần
với 50 ml dung dịch natri clorid 1 %. Lọc nhanh lớp trên qua giấy lọc có chứa 5 g
natri sulfat khan vào bình cầu 250 ml thích hợp để lắp vào dụng cụ cất quay. Rửa
bình chiết bằng 10 ml hỗn hợp dung môi dùng để chiết mới pha [dung dịch đồng
thể tích ether dầu hỏa (40 °C đến 60 °C) và ether], lọc và gộp các dịch lọc lại. Cất
quay ở nhiệt độ không quá 30 °C dưới áp suất giảm (đuổi nước) và đóng đầy với
khí nitrogen khi bay hơi xong. Hoặc có thể bay hơi dung môi dưới luồng khí
nitrogen ở nhiệt độ không quá 30 °C. Hòa tan cắn trong 2-propanol và chuyển vào
bình định mức 25 ml, pha loãng thành 25 ml với cùng dung môi, đun nóng nhẹ hay
siêu âm nếu cắn. Dung dịch chuẩn gốc: Hòa tan retinyl acetat chuẩn trong 2-
propanol để thu được dung dịch có nồng độ khoảng 1000 IU vitamin A trong 1 ml.
Nồng độ chính xác của dung dịch chuẩn gốc được xác định bằng phương pháp
quang phổ hấp thụ tử ngoại và khả kiến. Pha loãng dung dịch chuẩn gốc bằng 2-
propanol tới nồng độ 10 đến 15 IU trong 1 ml rồi đo độ hấp thụ ở bước sóng 326
nm trong cốc đo dày 1 cm, dùng 2-propanol làm mẫu trắng. Dung dịch chuẩn: Lấy
chính xác 2 ml dung dịch chuẩn gốc đem xử lý hoàn toàn như mẫu thử. Xác định
nồng độ chính xác của dung dịch chuẩn bằng phương pháp quang phổ hấp thụ tử
ngoại và khả kiến (Phụ lục 4.1). Pha loãng dung dịch chuẩn bằng 2-propanol tới
nồng độ 10 IU đến 15 IU trong 1 ml rồi đo độ hấp thụ ở bước sóng 325 nm trong
cốc đo dày 1 cm, dùng 2-propanol làm mẫu trắng. Điều kiện sắc ký: Cột kích
thước (25 cm X 4 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 đến 10 μm). Tốc độ dòng: 1
ml/phút. Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 325 nm. Thể tích tiêm: 10
μl. Cách tiến hành: Tiến hành sắc ký 3 lần với mỗi dung dịch thử và dung dịch
chuẩn. Thời gian lưu của all-trans-retinol khoảng (5 ± 1) phút. Kết quả được chấp
nhận nếu đáp ứng các yêu cầu sau: Trên sắc ký đồ của dung dịch thử có pic tương
ứng với pic của all-trans-retinol trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn. Khi dùng
phương pháp thêm chuẩn vào dung dịch thử thì phần trăm thu hồi retinol acetat
chuẩn phải lớn hơn 95 % và phần trăm thu hồi all-trans-retinol trong dung dịch
chuẩn được xác định bằng phương pháp đo quang phải lớn hơn 95 % so với nồng
độ tính từ dung dịch chuẩn gốc.
PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH ACID AMIN
Phương pháp phân tích acid amin là phương pháp xác định thành phần và
hàm lượng các acid amin trong các protein và peptid, cũng như trong các chế phẩm
thuốc. Phương pháp phân tích acid amin được áp dụng để định tính và định lượng
các protein và peptid dựa trên các cầu tử acid amin tạo ra chúng, để giúp việc xác
định cấu trúc của các protein và peptid cũng như việc xác định cách phân đoạn của
chúng nhằm thiết lập giản đồ peptid và để phát hiện các acid amin không điển hình
có thể có mặt trong một protein hoặc peptid. Trước khi phân tích acid amin trong
protein hoặc peptid, cần thiết phải thủy phân protein hoặc peptid thành các acid
amin. Sau đó tiến hành phân tách các acid amin thử được giống như khi ta phân
tách các acid amin tự do có trong các chế phẩm thuốc. Điều quan trọng là chúng
phải được biến đổi thành các dẫn chất thích hợp cho việc phân tách và phát hiện.
Thiết bị: Các phương pháp để phân tích acid amin thường dựa trên việc tách
các acid amin có trong mẫu thử bằng phương pháp sắc ký. Các thiết bị sắc ký tự
động thường chiếm lợi thế. Thiết bị phân tích acid amin điển hình là một máy sắc
ký lỏng áp suất thấp hoặc áp suất cao, có khả năng thực hiện chương trình dung
môi để tách các acid amin khi qua cột sắc ký. Máy cần có thêm thiết bị tạo dẫn
chất acid amin sau cột, trừ khi mẫu thử được tạo thành dẫn chất trước cột. Để phát
hiện kết quả, thường dùng detector hấp thụ từ ngoại – khả kiến hoặc detector
huỳnh quang, tùy thuộc vào cách tạo dần chất đã áp dụng. Một thiết bị tích phân
cho phép chuyển đổi tín hiệu tương tự đi từ detector ra và cho phép định lượng.
Thường sử dụng các máy chuyên dụng để phân tích acid amin.
Chú ý: Nhiễu đường nền luôn là mối quan tâm của người tiến hành phân tích
acid amin. Để khắc phục, phải dùng các thuốc thử có độ tinh khiết cao (ví dụ acid
hydrocloric có độ tinh khiết thấp có thể gây nhiễm glycin). Thông thường cách một
vài tuần lại phải thay mới các thuốc thử. Chỉ dùng các dung môi dùng cho sắc ký
lỏng. Lọc lại các dung môi trước khi dùng để giảm thiểu sự nhiễm khuẩn và các
tạp chất. Đậy kín các bình đựng dung môi. Không để các thiết bị phân tích acid
amin tiếp xúc trực tiếp với tia sáng mặt trời. Chất lượng thực hành phòng thí
nghiệm có thể quyết định chất lượng phân tích acid amin. Giữ phòng thí nghiệm
sạch sẽ. Đặt thiết bị phân tích trong phòng thí nghiệm tại chỗ riêng biệt, ít bị ảnh
hưởng của các hoạt động khác. Định kỳ rửa sạch và chuẩn hóa lại các pipet. Bảo
quản đầu pipet trong hộp đậy kín. Không được cầm đầu piped bằng tay trần, phải
mang găng tay bằng cao su không xoa bột talc hoặc loại khác có chất lượng tương
đương. Hạn chế số lần mở và đóng bình đựng mẫu thử vì bụi có thể làm gia tăng
kết quả về hàm lượng các chất glycin, serin và alanin. Cần bảo dưỡng tốt thiết bị
phân tích acid amin để có kết quả chấp nhận được. Nếu thiết bị được dùng thường
ngày thì hàng ngày phải kiểm tra độ rò rỉ dung môi của thiết bị, độ ổn định của đèn
và detector, độ phân giải của cột. Định kỳ làm sạch hoặc thay thế các kính lọc của
thiết bị và các linh phụ kiện cần bảo dưỡng khác.
Các chất đối chiếu: Trên thị trường có sẵn các acid amin chuẩn để dùng
trong phân tích acid amin; chúng thường là dung dịch hỗn hợp các acid amin chuẩn
trong nước. Khi cần xác định thành phần acid amin trong một mẫu thử, các protein
hoặc peptid chuẩn phải được phân tích song song với mẫu thử để kiểm tra sự toàn
vẹn của thử nghiệm. Trong trường hợp này, chuẩn protein được sử dụng là
albuphút huyết thanh bò tinh khiết cao.
Chuẩn hóa thiết bị: Việc chuẩn hóa thiết bị phân tích acid amin được thực
hiện bằng cách phân tích một chuẩn acid amin, gồm hỗn hợp các acid amin chuẩn
đã biết trước hàm lượng của từng chất, để xác định hệ số đáp ứng và khoảng tuyến
tính ứng với mỗi một acid amin chuẩn đã thử. Pha loãng mẫu chuẩn acid amin
thành nhiều dung dịch có nồng độ khác nhau, nằm trong khoảng tuyến tính dự
đoán trước của các acid amin có trong mẫu chuẩn. Tiến hành phân tích nhiều lần
với mỗi nồng độ. Biểu thị kết quả thu được trên biểu đồ thể hiện tương quan giữa
diện tích pic thu được ứng với mỗi nồng độ của acid amin đã thử. Nhờ biểu đồ này,
có thể xác định được khoảng tuyến tính của mỗi acid amin, tại đó, các diện tích pic
thu được có tương quan xấp xỉ tuyến tính với các nồng độ của các acid amin đã
thử. Khi phân tích acid amin, để có kết quả đúng và lặp lại, điều quan trọng là phải
pha và thử nghiệm trên các mẫu thử có nồng độ nằm trong khoảng tuyến tính
tương ứng với kỹ thuật phân tích đang áp dụng. Để xác định hệ số đáp ứng cho
mỗi acid amin, ta phân tích hệ 4 nồng độ đến 6 nồng độ của acid amin chuẩn tương
ứng. Hệ số đáp ứng tính được là giá trị trung bình của diện tích pic (hoặc của chiều
cao pic) ứng với nồng độ 1 nanomol của dung dịch acid amin chuẩn. Thiết lập một
dãy chuẩn hóa bao gồm hệ số đáp ứng tương ứng của các acid amin và sử dụng dãy
này để tính nồng độ (nanomol) của mỗi acid amin có trong mẫu thử bằng cách chia
diện tích pic (hoặc chiều cao pic) thu được của acid amin đó cho hệ số đáp ứng
tương ứng có trong dãy chuẩn hóa. Trong việc phân tích thường ngày, khi dùng dây
chuẩn hóa, ta chỉ cần xác định một diện tích pic là đủ. Tuy nhiên, dây chuẩn hóa
này phải thường xuyên được thử lại bằng các phân tích kiểm tra và được cập nhật
để bảo đảm tính toàn vẹn của nó.
Độ lặp lại: Muốn có các kết quả phân tích acid amin có chất lượng ổn định tại
một phòng thí nghiệm phân tích, cần quan tâm đến độ lặp lại của phép định lượng,
cần có một hệ thống thiết bị phân tích các acid amin có khả năng cung cấp các giá
trị lặp lại của thời gian lưu của pic (để định tính) và các giá trị lặp lại của diện tích
pic (để định lượng). Cách xác định tiêu biểu độ lặp lại bao gồm việc pha chế một
dung dịch chuẩn các acid amin, rồi tiến hành đo mẫu đó nhiều lần (6 lần hoặc
nhiều hơn). Sau đó, tính độ lệch chuẩn của các giá trị thời gian và độ lệch chuẩn
các giá trị diện tích pic đã được tích phân, ứng với mỗi acid amin đã được phân
tích. Việc xác định độ lặp lại còn được mở rộng bằng cách nhiều người phân tích
khác nhau cùng tiến hành xác định độ lặp lại đó trong nhiều ngày. Người ta còn
thực hiện vì ổn định lượng nhiều dung dịch có nồng độ khác nhau của chuẩn gốc
đồ xác định sự biến thiên do việc pha chế mẫu thử. Thường người ta phân tích
thành phần acid amin của một protein chuẩn (ví dụ albuphút huyết thanh bò) để
đánh giá độ lặp lại. Nhờ việc xác định độ lệch chuẩn. Ta có thể thiết lập các giới
hạn phân tích để đạt kết quả tốt, với độ lệch chuẩn thấp nhất. Để giảm bớt sai số
trong phân tích, nhiều yếu tố cần được quan tâm và xem xét đầy đủ như: cách
chuẩn bị mẫu thử, nhiễu đường nền do chất lượng của các thuốc thử, việc thực
hành thí nghiệm, tính năng và việc bảo dưỡng máy móc thiết bị, các dữ liệu phân
tích và cách biện giải và cuối cùng là việc thực thi thành thạo của người làm phân
tích.
Chuẩn bị mẫu thử: Muốn có kết quả phân tích acid amin đúng, phải dùng
các mẫu thử protein và peptid đã tinh chế. Các tạp chất như các muối, ure, chất tẩy
rửa… có thể gây nhiễu, nên cần phải loại khỏi mẫu thử trước khi tiến hành phân
tích. Phương pháp điều chế dẫn chất sau cột sắc ký không bị nhiễm bởi các tạp chất
ờ mức độ lớn như khi điều chế dẫn chất trước cột sắc ký. Nên giảm số thao tác trên
mẫu thử để giảm nhiễu đường nền, tăng kết quả tìm thấy và giảm công lao động.
Các cách thông thường để loại tạp chất trong mẫu thử protein bao gồm: Tách bằng
sắc ký lỏng cao áp pha đảo, thu protein bằng một dung môi bay hơi có chứa một
lượng thích hợp thành phần hữu cơ rồi làm khô bằng ly tâm chân không; Thấm
tách loại bỏ tạp chất; Ly tâm siêu lọc; Kết tủa protein bằng một dung môi hữu cơ
(ví dụ aceton); Lọc qua gel.
Chất chuẩn nội: Cần dùng một chất chuẩn nội để kiểm soát những mất mát
và biến đổi lý hóa học xảy ra trong quá trình phân tích acid amin. Do đó, trước khi
tiến hành thủy phân phải thêm một lượng chính xác chất chuẩn nội vào dung dịch
protein cần phân tích. Lượng chuẩn nội tìm thấy được số lá một thông số chung
cho lượng tìm thấy được của các acid amin có trong protein. Tuy nhiên các acid
amin tự do và các acid amin liên kết trong cấu trúc protein không giống nhau về
tốc độ thủy phân hoặc phân hủy. Vì vậy việc dùng chất chuẩn nội để hiệu chỉnh sự
mất mát trong quá trình thủy phân có thể cho kết quả không đáng tin cậy. Cần chú
ý điều này khi biện giải kết quả phân tích. Ta còn có thể thêm chất chuẩn nội vào
hỗn hợp các acid amin sau khi đã được thủy phân để hiệu chỉnh những sai lệch về
kết quả phân tích gây ra do các sai lệch khi tiêm mẫu. Do thay đổi độ ổn định của
thuốc thử cũng như tốc độ dòng của dung môi. Chất chuẩn nội lý tưởng là một acid
amin bậc nhất nhân tạo. Có sẵn trên thị trường với giá rõ. Chất này phải bền vững
trong quá trình thủy phân, có hệ số đáp ứng tuyến tính với nồng độ và phải được
rửa giải cho một pic có thời gian lưu duy nhất và được phân giải tốt với các pic
tương ứng với các acid amin khác. Các chất chuẩn nội thường được dùng bao gồm
norleucin, nitrotyrosin và acid a-aminobutyric.
XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG ETHANOL
Sử dụng phương pháp 1 hoặc phương pháp 2 trừ khi có những chỉ dẫn khác
trong chuyên luận riêng.
Phương pháp 1
Tiến hành phương pháp sắc ký khí sử dụng các dung dịch sau: Dung dịch 1:
Chứa 5 % (tt/tt) ethanol và 5 % (tt/tt) propan-1-ol (chuẩn nội). Dung dịch 2: Hòa
loãng một thể tích chế phẩm thử bằng nước để được dung dịch có nồng độ ethanol
từ 4,0 % đến 6.0 % (tt/tt). Dung dịch 3: Chuẩn bị như dung dịch 2 nhưng thêm vừa
đủ chất chuẩn nội để tạo ra nồng độ cuối cùng của chuẩn nội trong dung dịch này
là 5,0 % (tt/tt). Quá trình sắc ký có thể thực hiện bằng cách dùng cột (1,5 mm X 4
mm) đã nhồi hạt xốp polymer (100 mesh đến 120 mesh) (Porapak Q hoặc
Chromosorb 101 đều thích hợp) với nhiệt độ lò cột đặt ở 150 °C, nhiệt độ buồng
tiêm và detector ở 170 °C. Tính hàm lượng phần trăm ethanol căn cứ vào các diện
tích pic ethanol trong sắc ký đồ thu được từ dung dịch 1 và dung dịch 3.
Phương pháp 2
Với những chế phẩm thử mà trong đó theo quy định của chuyên luận riêng đã
sử dụng cồn công nghiệp, xác định hàm lượng ethanol giống như phương pháp 1
nhưng chuẩn bị dung dịch 2 bằng cách hòa loãng một thể tích chế phẩm thử với
nước để tạo một dung dịch có nồng độ tổng cộng của methanol và ethanol từ 4,0
% đến 6,0 % (tt/tt). Xác định hàm lượng methanol bằng cách thực hiện quá trình
sắc ký như đã mô tả ở phương pháp 1 nhưng chuẩn bị các dung dịch như sau:
Dung dịch 1: Chứa 0,25 % (tt/tt) methanol (T) và 0,25 % (tt/tt) propan 1-ol . Dung
dịch 2: Hòa loãng một thể tích chế phẩm thử bằng nước để được dung dịch có
nồng độ methanol từ 0.2 % đến 0,3 % (tt/tt). Dung dịch 3: Chuẩn bị như dung dịch
2 nhưng thêm vừa đủ chất chuẩn nội để có nồng độ cuối cùng của chuẩn nội trong
dung địch này là 0,25 %. Tổng lượng ethanol và methanol phải ở trong giới hạn
quy định của chuyên luận riêng và tỷ số giữa lượng methanol và lượng ethanol tìm
được phải tương ứng với tỷ lệ này của cồn công nghiệp đã sử dụng.
Phương pháp 3
Phương pháp này chỉ dùng để khảo sát những chế phẩm thuộc dạng lỏng,
chắc chắn chứa ethanol đồng thời với các chất tan khác, nhưng các chất này phải
được tách khỏi ethanol khi cất. Khi cất nếu trong mẫu thử, ngoài ethanol và nước,
còn có lẫn các chất bay hơi khác thì các hướng dẫn thích hợp sẽ được quy định
trong chuyên luận riêng. Hàm lượng ethanol chứa trong một chất lỏng được biểu
thị bằng số thể tích ethanol trong 100 thể tích chất lỏng ấy ở 20 °C ± 0.1 °C và
được hiểu là phần trăm ethanol tính theo thể tích/thể tích. Hàm lượng cũng có thể
được biểu thị bằng gam ethanol cho 100 g chất lỏng và được hiểu là phần trăm
ethanol tính theo khối lượng/khối lượng. Liên quan giữa tỷ trọng ở 20 °C ± 0,1 °C,
tỷ trọng tương đối (đã hiệu chỉnh ở chân không) và hàm lượng ethanol của hỗn hợp
nước và ethanol được ghi trong Bảng của Tổ chức Quốc tế về Đo lường hợp pháp
(1972).
Thiết bị: bao gồm một bình cầu thủy tinh đáy tròn (A) gắn với một đầu cất có
bộ phận bẫy hơi (B), bộ phận này được nối với một ống sinh hàn (C) đặt thẳng
đứng. Tiếp theo là một ống dẫn gắn vào phần thấp của ống sinh hàn để dẫn dịch cất
vào bình hứng (D). Bình hứng có vạch định mức dung tích 100 ml hoặc 250 ml.
Trong suốt quá trình cất, bình hứng này được nhúng trong cốc (E) chứa hỗn hợp đá
và nước đá. Ngoài ra còn có thêm một đĩa có khoét thủng một lỗ tròn đường kính
khoảng 6 cm đặt dưới bình cất để bảo hiểm.
Xác định bằng lọ đo tỷ trọng (Pycnomet): Đong chính xác 25 ml chế phẩm
ở 20 °C± 0,1 °C chuyển vào bình cất. Pha loãng với 100 ml đến 150 ml nước cất
và thêm vài hạt đá bọt. Lắp hệ thống chưng cất. Chưng cất và hứng không dưới 90
ml dịch cất vào bình định mức 100 ml. Điều chỉnh nhiệt độ dịch cất tới 20 °C ± 0,
1°C, pha loãng đến 100 ml bằng nước cất ở 20 °C ± 0,1 °C. Xác định tỷ trọng
tương đối ở 20 °C ± 0,1 °C bằng lọ đo tỷ trọng (Phụ lục 6.5). Hàm lượng ethanol
tính bằng phần trăm theo thể tích bằng 4 lần trị số chỉ ra trong cột 3 ở Bảng 10.12.
(Liên quan giữa tỷ trọng, tỷ trọng tương đối và hàm lượng ethanol trong dung
dịch). Biểu thị kết quả với một chữ số ở phần thập phân.
Xác định bằng tỷ trọng kế: Đong chính xác 50 ml chế phẩm ở 20 °C± 0,1
°C chuyển vào bình cất. Pha loãng với 200 ml đến 250 ml nước, cất và thêm vài
hạt đá bọt. Lắp hộ thống chưng cất. Chưng cất và hứng không dưới 180 ml dịch cất
vào bình định mức 250 ml. Điều chỉnh nhiệt độ dịch cất tới 20 °C ± 0,1
°C ; Chuyển dịch cất vào một ống đong hình trụ có đường kính dung dịch lớn hơn
đường kính bầu của tỷ trọng kế ít nhất 6 mm. Nếu thập phân, thể tích dịch cất
không đủ, tăng lượng mẫu gấp đôi và pha loãng dịch cất đến 500 ml bằng nước cất
ở 20 °C ± 0,1 °C.
XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG METHANOL VÀ PROPAN-2-OL
Phương pháp: Tiến hành phương pháp sắc ký khí (Phụ lục 5.2), sử dụng các
dung dịch sau: Dung dịch chuẩn nội: Chuẩn bị một dung dịch chứa propan-1-ol
2,5 %. Dung dịch thử: Thêm 2,0 ml dung dịch chuẩn nội vào bình định mức dung
tích 50 ml có chứa dịch cất mẫu thử (dịch cất thu được từ phương pháp 3, chuyên
luận xác định hàm lượng ethanol, Phụ lục 10.12), điều chỉnh hàm lượng ethanol tới
10 % (tt/tt) bằng cách pha loãng với nước hoặc với ethanol 90 % vừa đủ để đạt tới
50 ml dung dịch thử, tùy theo hàm lượng ethanol trong dịch cất cao hay thấp hơn
10,0 % (tt/tt). Dung dịch đối chiếu: Chuẩn bị 50 ml dung dịch chứa 2,0 ml dung
dịch chuẩn nội. Ethanol 10 % (tt/tt), propan-2-ol 0,05% (tt/tt) và một lượng
methanol khan vừa đủ để có nồng độ tổng cộng của methanol trong dung dịch này
là 0,05 % (tt/tt) kể cả lượng methanol chứa trong ethanol .
Quá trình sắc ký: Có thể thực hiện bằng cách sử dụng cột thủy tinh đã nhồi
hạt xốp copolymer ethylvinylbenzen divinylbenzen (125 μm đến 150 μm) với nhiệt
độ cột đặt và duy trì ở 130 °C, buồng tiêm ở 200 °C, detector 220 °C. Tiêm 1 μl
mỗi dung dịch trên. Từ các sắc ký đồ thu được, tính hàm lượng methanol và
propan-2-ol có trong sản phẩm gốc. Độ nhạy của phương pháp Với phương pháp
này có thể phát hiện được hàm lượng methanol và propan-2-ol thấp hơn 0,025 %
(tt/tt).
XÁC ĐỊNH CÁC CHẤT BẢO QUẢN KHÁNG KHUẨN Một thành phần
quan trọng của các chế phẩm thuốc tiêm đa liều là các chất làm giảm thiểu nguy cơ
xâm nhập của vi khuẩn cho phần còn lại sau khi đã dùng một phần chế phẩm. Các
chất này thuộc nhóm chất bảo quản kháng khuẩn. Tên và hàm lượng các chất bảo
quản phải ghi trên nhãn thuốc. Các phương pháp phân tích sau đây áp dụng cho
một số chất bảo quản thông dụng nhất, nhằm kiểm tra sự có mặt của chất bảo quản
với hàm lượng không được vượt quá 20 % lượng ghi trên nhãn. Nồng độ chất bảo
quản kháng khuẩn được thêm vào một thuốc tiêm đa liều hay đơn liều, một chế
phẩm thuốc nhỏ tai nhỏ mũi hay nhỏ mắt có thể bị giảm đi trong thời hạn dùng của
sản phẩm. Vì thế, nhà sản xuất cần xác định mức liều thấp nhất còn tác dụng, và
công thức sản xuất phải được nghiên cứu sao cho mức liều này vẫn giữ được cao
hơn mức tối thiểu trong suốt thời hạn sử dụng. Tại thời điểm sản xuất, sản phẩm
cần chứa một lượng chất bảo quản kháng khuẩn được công bố (trong phạm vi ± 20
% dao động cho phép trong sản xuất và kiểm nghiệm). Việc công bố về lượng trên
nhãn của chất bảo quản kháng khuẩn không có nghĩa là lượng này được giữ
nguyên trong thời hạn sử dụng, mà chỉ là sự khẳng định về hàm lượng được thêm
vào nằm trong giới hạn của quy trình sản xuất và không vượt quá 20 %. Cách chỉ
hàm lượng chất bảo quản sẽ là một trị số tiếp theo là đơn vị đo, ví dụ 0,015 mg/ml
hay 0,1 %. Các chất kháng khuẩn thông dụng nhất là 2 hợp chất có kim thủy ngân
(phenylmercuric nitrat và thimerosal), 4 ester đồng đẳng của acid p-
hydroxybenzoic, phenol, benzyl alcol và clorobutanol. Phương pháp xác định 2
hợp chất cơ kim thủy ngân là phương pháp cực phổ các chất còn lại có thể xác định
bằng phương pháp sắc ký khí. Ngoài ra, phương pháp thông dụng hiện nay để xác
định các paraben là phương pháp sắc ký lỏng.
Phương pháp sắc ký khí
Quy trình chung ghi dưới đây có thể áp dụng để định lượng benzyl alcol,
clorobutanol, phenol và các paraben (methyl, ethyl, propyl và butyl ester của acid
p-hydroxybenzoic). Đối với các paraben nếu có mặt thì có thể xác định riêng từng
chất một. Chuẩn bị dung dịch chuẩn nội và dung dịch chuẩn cho mỗi chất như chỉ
dẫn dưới đây. Trừ khi có chỉ dẫn khác, chuẩn bị dung dịch thử từ những lượng đo
chính xác dung dịch chuẩn nội và mẫu thử sao cho nồng độ của chất bảo quản cần
phân tích và thành phần dung môi gần với nồng độ và thành phần dung môi của
dung dịch chuẩn. Các thông số của máy sắc ký khí được khuyến cáo kèm theo, khí
mang có thể là khí heli hoặc nitrogen, detector ion hóa ngọn lửa.
Hemyl alcol
Dung dịch chuẩn nội: Hòa tan khoảng 380 mg phenol trong 10 ml methanol
trong một bình định mức 200 ml. Thêm nước đến vạch, lắc đều. Dung dịch chuẩn:
Hòa tan khoảng 180 mg chất chuẩn benzyl alcol được cân chính xác, trong 20,0 ml
methanol chứa trong một bình định mức 100 ml. Thêm dung dịch chuẩn nội đến
vạch, lắc đều. Cách tiến hành: Tiêm riêng biệt các thể tích bằng nhau (khoảng 5 μl)
của dung dịch chuẩn và dung dịch thử vào hệ thống sắc ký, ghi lại các sắc đồ với
thiết bị sắc ký đã được điều chỉnh theo các thông số. Từ tỷ số diện tích pic benzyl
alcol và diện tích pic phenol thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử và dung
dịch chuẩn, nồng độ chất đối chiếu benzyl alcol trong dung dịch chuẩn, tính hàm
lượng benzyl alcol trong chế phẩm.
Clorobutanol
Dung dịch chuẩn nội: Hòa tan khoảng 140 mg benzaldehyd trong một bình
định mức 100 ml. Thêm 10 ml methanol , lắc nhẹ để hòa tan rồi thêm nước cho đến
vạch, lắc đều. Dung dịch chuẩn: Chuyển khoảng 125 mg chất chuẩn clorobutanol
được cân chính xác vào một bình định mức 25 ml. Thêm 2 ml methanol, lắc nhẹ để
hòa tan rồi pha loãng với nước đến vạch, lắc đều. Lấy 5,0 ml dung dịch thu được
và 5,0 ml dung dịch chuẩn nội cho vào một bình định mức 25 ml, lắc đều để thu
được dung dịch có nồng độ clorobutanol khoảng 2,5 mg/ml. Dung dịch thử: Pha
loãng (nếu cần) một thể tích chính xác chế phẩm thử với methanol để thu được
dung dịch chứa không quá khoảng 5.0 mg clorobutanol trong 1 ml. Trộn 3,0 ml
dung dịch thu được với 3,0 ml dung dịch chuẩn nội, lắc đều. Kiểm tra tính phù hợp
của hệ thống: Tiêm 1 μl dung dịch chuẩn. Tiến hành sắc ký theo các điều kiện ghi
trong Bảng 10.20.1, Đặt nhiệt độ buồng tiêm ở 180 °C và nhiệt độ của detector ở
220 °C. Ghi sắc ký đồ. Thời gian lưu tương đối của pic benzaldehyd là 0,8 và của
pic clorobutanol là 1,0; độ phân giải giữa pic benzaldehyd và pic clorobutanol
không được nhỏ hơn 2,0; độ lệch chuẩn tương đối của diện tích pic của các lần
tiêm lặp lại phải không được lớn hơn 2,0 %. Cách tiến hành: Tiêm riêng biệt các
thể tích bằng nhau (khoảng 1μl) dung dịch chuẩn và dung dịch thử vào máy sắc ký.
Từ tỷ số diện tích pic clorobutanol và diện tích pic benzaldehyd thu được trên sắc
ký đồ của dung dịch thử và dung dịch chuẩn, nồng độ chất đối chiếu clorobutanol
trong dung dịch chuẩn, tính hàm lượng clorobutanol trong chế phẩm.
Phenol
Dung dịch chuẩn nội: Hút 1,0 ml benzyl alcol chuẩn cho vào một bình định
mức 500 ml, thêm methanol đến vạch, lắc đều. Dung dịch chuẩn: Hòa tan khoảng
75 mg chất chuẩn phenol được cân chính xác, trong 7,5 ml methanol chứa trong
một bình định mức 100 ml. Thêm 20,0 ml dung dịch chuẩn nội rồi thêm nước đến
vạch, lắc đều. Cách tiến hành: Tiêm riêng biệt các thể tích bằng nhau (khoảng 3 μl)
dung dịch chuẩn và dung dịch thử vào hệ thống sắc ký, ghi lại các sắc đồ trên hệ
thống sắc ký đã được điều chỉnh các thông số theo Bảng 10.20.1. Từ tỷ số diện tích
pic phenol và diện tích pic benzyl alcol thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử
và dung dịch chuẩn, nồng độ chất đối chiếu phenol trong dung dịch chuẩn, tính
hàm lượng phenol trong chế phẩm.
Methylparaben, propylparaben
Dung dịch chuẩn nội: Cho khoảng 200 mg benzophenon vào một bình định
mức 250 ml, pha loãng bằng diethylether đến vạch, lắc đều. Dung dịch chuẩn: Cân
chính xác khoảng 100 mg methyl-paraben chuẩn và 10 mg propylparaben chuẩn
vào một bình định mức 200 ml. Pha loãng bằng dung dịch chuẩn nội đến vạch, lắc
đều. Hút 10,0 ml dung dịch thu được cho vào một bình nón cỡ 25 ml rồi tiến hành
như chỉ dẫn ở mục Dung dịch thử bắt đầu từ ‘Thêm 3 ml pyridin …”. Dung dịch
thử: Hút 10,0 ml mẫu thử và 10,0 ml dung dịch chuẩn nội cho vào một bình gạn
nhỏ. Lắc mạnh, để cho phân lớp, rút lớp nước vào một hình gạn khác và chuyển
lớp ether vào một hình thủy tinh nhỏ qua một phễu lọc có natri sulfat khan. Chiết
lớp nước 2 lần, mỗi lần với 10 ml diethylether và lọc dịch chiết qua phễu có natri
sulfat khan. Làm bay hơi dịch chiết ether dưới một luồng không khí không đèn khi
còn khoảng 10 ml thì chuyển sang một bình nón 25 ml. Thêm 3 ml pyridin rồi làm
bay hơi ether hoàn toàn và đun sôi trên bếp nóng cho đến khi còn khoảng 1 ml.
Làm nguội, thêm 1 ml thuốc thử silan hóa thích hợp như his(trimethylsilyl)-
trifluoroaectamid, bis(trimethylsilyl) acetamid, hoặc hỗn hợp của
hexamethyldisilazan và trimethylclorosilan (tỷ lệ 2:1 hoặc 3:1 theo thể tích). Trộn
đều rồi để yên ít nhất 15 phút. Cách tiến hành: Tiêm riêng biệt các thể tích bằng
nhau (2 μl) dung dịch đã được silan hóa của dung dịch chuẩn và của dung dịch thử
vào hệ thống sắc ký, ghi lại các sắc đồ trên hệ thống thiết bị đã được điều chỉnh
theo các thông số. Từ tỷ số diện tích pic methylparaben và diện tích pic
benzophenon thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử và dung dịch chuẩn, nồng
độ chất đối chiếu methylparaben trong dung dịch chuẩn, tính hàm lượng
methylparaben trong chế phẩm. Cũng theo cách tương tự, từ tỷ số diện tích pic
propyl paraben và diện tích pic benzophenon thu được trên sắc ký đồ của dung
dịch thử và dung dịch chuẩn, nồng độ chất đối chiếu propylparaben trong dung
dịch chuẩn, tính hàm lượng của propylparaben trong chế phẩm. Ethylparaben và
butylparaben cũng có thể được định lượng bằng cách tương tự như trên.
Phương pháp sắc ký khí sử dụng cột mao quản:
Ngoài phương pháp sắc ký khí sử dụng cột nhồi như trên, các chất benzyl
alcol, clorobutanol, phenol có thể được xác định bằng phương pháp sắc ký khí sử
dụng cột mao quản với các điều kiện sắc ký như sau; Cột DB1 (30 m X 0,25 mmX
0,25 μm), pha tĩnh 100 % dimethylpolysiloxan, tốc độ dòng 1,2 ml/phút, nhiệt độ
cột là 320 °C.
Phương pháp sắc ký lỏng xác định methylparaben và propylparaben
Pha động: Nước – acetonitril (50 : 50), điều chỉnh tỷ lệ nếu cần. Dung dịch
thử: Pha loãng chính xác một thể tích dung dịch chế phẩm có chứa khoảng 0,5 mg
methylparaben hoặc 0,2 mg propylparaben tới vừa đủ 20,0 ml bằng pha động. Lắc
đều, lọc. Dung dịch chuẩn: Cân chính xác một lượng methylparaben chuẩn và
propylparaben chuẩn, hoà tan trong pha động để thu được dung dịch có nồng độ
methylparaben khoảng 0,025 mg/ml và nồng độ propylparaben khoảng 0,010
mg/ml. Điều kiện sắc ký: Cột kích thước (15 cm X 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C
(5 μl). Detector quang phổ hấp thụ từ ngoại đặt ở bước sóng 256 nm. Thể tích tiêm:
20 μl. Tốc độ dòng: 1 ml/phút. Cách tiến hành: Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống
sắc ký; Tiến hành sắc ký đối với dung dịch chuẩn, trên sắc ký đồ, thứ tự rửa giải
lần lượt là methylparaben và propỵlparaben. Độ lệch chuẩn tương đối của thời gian
lưu và diện tích pic methylparaben và propylparaben trong 6 lần tiêm lặp lại không
được lớn hơn 2,0 %; hệ số đối xứng của các pic nhỏ hơn 2; hệ số phân giải giữa
các pic lớn hơn 2,5. Tiến hành sắc ký với dung dịch chuẩn và dung dịch thử. Tính
hàm lượng của methylparaben và propylparaben trong chế phẩm dựa vào diện tích
pic trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn và dung dịch thử, hàm lượng trong
methylparaben và propylparaben chuẩn.
Phương pháp cực phổ
Phenyltercuric nitrat
Dung dịch thử: Hút 10,0 ml mẫu thử cho vào một bình định mức 25 ml. thêm
2 ml dung dịch kali nitrat 1 % và 10 ml dung dịch đệm borat kiềm pH 9,2 , điều
chỉnh đến pH 9,2 nếu cần bằng cách thêm acid nitric 2 M . Thêm 1,5 ml dung dịch
gelatin 0,1 % mới pha, thêm dung dịch đệm borat kiềm pH 9,2 đến vạch, trộn
đều. Dung dịch chuẩn: Hòa tan khoảng 100 mg phenylmercuric nitrat chuẩn được
cân chính xác trong dung dịch natri hydroxyd 0,4 % chứa trong một bình định
mức 1000 ml, làm ấm nếu cần để dễ hòa tan. Thêm dung dịch natri hydroxyd 0,4
% đến vạch, lắc đều. Hút 10,0 ml dung dịch thu được cho vào một bình định mức
25 ml rồi tiến hành như chỉ dẫn ở mục Dung dịch thử bắt đầu từ “Thêm 2 ml dung
dịch kali nitrat … Cách tiến hành: Hút một phần dung dịch thử cho vào bình cực
phổ, đuổi không khí trong dung dịch bằng dòng khí nitrogen thổi qua trong 15
phút. Đặt điện cực giọt thủy ngân của máy cực phổ thích hợp và ghi lại cực phổ đồ
trong khoảng điện thế từ -0,6 V đến -1,5 V so với điện cực calomel bão hòa. Xác
định cường độ dòng khuếch tán của dung dịch thử, (id)u là hiệu số giữa cường độ
dòng ion dư và cường độ dòng giới hạn. Theo cách tương lự, xác định đồng thời
cường độ dòng khuếch tán, (id)s, của dung dịch chuẩn. Tính hàm lượng của
phenylmercuric nitrat trong mẫu thử tính bằng μg/ml.
Thimerosal
Dung dịch chuẩn: Vào ngày sử dụng, cân chính xác khoảng 25 mg thimerosal
chuẩn, chuyển vào bình định mức 250 ml, thêm nước cất đến vạch, lắc đều. Tiến
hành trong điều kiện tránh ánh sáng. Hút 15,0 ml dung dịch thu được cho vào một
bình định mức 25 ml. thêm 1,5 ml dung dịch gelatin 0.1 % rồi thêm dung dịch kali
nitrat đến vạch, lắc đều. Dung dịch thử: Hút 15,0 ml mẫu thử cho vào một bình
định mức 25 ml, thêm 1,5 ml dung dịch gelatin 0,1 % rồi thêm dung dịch kali
nitrat 1% đến vạch, lắc đều. Cách tiến hành: Hút một phần dung dịch thử cho vào
bình cực phổ, đuổi không khí bằng cách sục dòng khí nitrogen qua dung dịch đó
trong 15 phút. Đặt điện cực giọt thủy ngân của máy cực phổ thích hợp và ghi lại
cực phổ đồ trong khoảng điện thế từ -0,2 V đến -1,4 V so sánh với điện cực
calomel bão hòa. Xác định cường độ dòng khuếch tán của dung dịch thử, (id)u là
hiệu số giữa cường độ dòng tồn dư và cường độ dòng giới hạn. Theo cách tương
tự, xác định đồng thời cường độ dòng khuếch tán, (id)s, của dung dịch chuẩn. Tính
hàm lượng (μg/ml) của thimerosal trong mẫu thử.
ĐỊNH LƯỢNG ACID OMEGA-3 TRONG DẦU CÁ
Dầu cá là sản phẩm có nguồn gốc từ các loài cá thuộc họ Cá trồng
(Engraulidae), Cá khế (Carangidae), Cá trích (Clupeidae), Cá ốt me (Osmeridae),
Cá Hồi (Salmonidae), Cá ngừ (Scombridae). Dầu cá có chứa acid omega-3. Acid
omega-3 bao gồm acid alpha-linolenic, acid moroctic, acid cicosatetraenoic, acid
timnodonic (eicosapentaenoic), acid heneicosapentaenoic, acid clupanodonic và
acid cervonic (docosahexaenoic).
EPA và DHA
Phương pháp sắc ký khí. Quá trình xử lý mẫu cần được tiến hành nhanh, tránh
tiếp xúc với ánh sáng, các tác nhân oxy hóa, chất xúc tác quá trình oxy hóa (ví dụ:
đồng, sắt) và không khí. Phương pháp được áp dụng để phân tích dạng methyl
hoặc ethyl ester của acid (all-Z)-eicosa-5,8,11,14,17-pentaenoic và acid (all-Z)-
docosa-4,7,10,13,16,19- hexaenoic.
Chuẩn nội: Methyl tricosanoat.
Khí mang: hydrogen hoặc heli dùng cho sắc ký khí. Tốc độ dòng: 1,0
ml/phút. Detector ion hóa ngọn lửa Thể tích tiêm: 1 μl. tiêm 2 lần. Tỷ lệ chia dòng
1: 200. Nếu hệ thống sắc ký sử dụng chế độ không chia dòng, các dung dịch thử và
đối chiếu phải được pha loãng 200 lần bằng dung dịch butylhydroxytoluen 0,005
% trong trimethylpentan trước khi tiêm sắc ký.
Chương trình nhiệt độ:
Tính phù hợp hệ thống: Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (b),
phần trăm diện tích của các pic tăng dần tương ứng với các chất sau: methyl
palmitat, methyl stearat, methyl arachidat, methyl behenat. Phần trăm diện tích của
pic methyl palmitat và pic methyl behenat khác nhau không quá 2,0 %. Độ phân
giải: Trên sắc ký đồ thu được của dung dịch đối chiếu (c). độ phân giải giữa pic của
acid docosahexaenoat methyl ester và acid tetracos-15-enoic methyl ester không
nhỏ hơn 1,2. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử (a), pic của methyl tricosanoat và
bất kỳ pic của acid hencicosapentaenoic methyl ester hoặc ethyl ester khi so sánh
với sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho thấy sự tách biệt rõ (nếu không phải dùng
hệ số hiệu chỉnh).
ĐỊNH LƯỢNG VITAMIN D
Hoạt lực của vitamin D được tính theo đơn vị quốc tế (ký hiệu IU). 1 IU
vitamin D tương đương với 0,025 μg ergocalciterol hoặc cholecalciferol. Quy trình
định lượng vitamin D cần được tiến hành nhanh, hạn chế tối đa tiếp xúc với không
khí và ánh sáng, tốt hơn hết là sử dụng sự che phủ của khí trơ và thủy tinh màu.
Phương pháp sắc ký lỏng: Quy trình sắc ký lỏng được áp dụng cho định
lượng vitamin D dưới dạng ergocalciferol hoặc cholecalciferol trong các chế phẩm
thuốc đa vitamin. Pha động: Pha động A: Hỗn hợp acetonitril – methanol – nước
(25 : 25 : 1). Lượng nước và tốc độ dòng có thể thay đổi để đáp ứng yêu cầu của độ
thích hợp hệ thống. Pha động B: Hỗn hợp alcol n-amylic – hexan khan (3 : 997).
Tỷ lệ các thành phần và tốc độ dòng có thể thay đổi để đáp ứng yêu cầu của độ
thích hợp hệ thống.
PHƯƠNG PHÁP SINH HỌC TRONG KIỂM NGHIỆM DƯỢC PHẨM
PHÉP THỬ HISTAMIN
Dùng chuột lang nặng 250 g đến 350 g. Để chuột nhịn đói trong 24 h, cho
uống nước theo nhu cầu của chuột. Giết chuột đột ngột bằng một cú đánh mạnh
vào đầu chuột. Mổ bụng chuột, dùng kẹp, kẹp vào manh tràng, nâng lên và kéo ra
phía trước, sẽ thấy hồi tràng nối vào manh tràng, cẳt lấy một đoạn hồi tràng dài
khoảng 2 cm, cho vào khay đựng dung dịch B (nếu làm chậm phải sục khí
carbogen). Loại bỏ các chất còn trong đoạn ruột bằng cách dùng một pipet có dung
dịch R lồng vào đầu đoạn ruột rồi để cho dung dịch B trong pipet chảy tự nhiên
qua đoạn ruột, cần để pipet ở tư thế nghiêng sao cho mặt thoáng của dung dịch B
không cao quá 2 cm so với đoạn ruột trong khay. Thay dung dịch B mới vào khay.
Buộc vào mỗi đầu của đoạn ruột một sợi chỉ mảnh và rạch một đường ngang nhỏ ở
giữa đoạn ruột. Cho đoạn ruột vào bình nuôi cơ quan cô lập có dung tích 10 ml đến
20 ml, chứa dung dịch B, và giữ ở nhiệt độ hằng định 34 °C đến 36 °C. Sục một
hỗn hợp khí có 95 thể tích oxygen và 5 thể tích carbon dioxyd qua bình nuôi. Một
đầu sợi chỉ buộc vào gần đáy bình nuôi, đầu kia nối với đầu ghi của một
kymograph hoặc thiết bị thích hợp để ghi sự co bóp của ruột. Nếu dùng bút ghi trên
giấy thì điều chỉnh sao cho biên độ có thể khuếch đại lên khoảng 20 lần. Sức căng
của ruột nên vào khoảng 9,8 mN và điều chỉnh theo độ nhạy của ruột. Thay dung
dịch B trong bình nuôi cơ quan. Để yên 10 phút. Tiếp tục thay dung dịch B 2 đến 3
lần như vậy nữa. Thêm vào bình nuôi cơ quan, chính xác khoảng 0,2 ml đến 0,5 ml
dung dịch histamin dihydroeiorid có nồng độ nhất định để gây nên một đáp ứng
gần tối đa có thể lặp lại được. Liều này gọi là liều “cao”. Thay dung dịch B ở bình
nuôi 3 lần trước mỗi lần thêm histamin. Nên thêm histamin vào những khoảng thời
gian cách đều để ruột giãn hoàn toàn giữa các lần thêm (khoảng 2 phút). Tương tự,
thêm những thể tích bằng nhau của dung dịch có nồng độ histamin thấp để cho đáp
ứng có biên độ bằng khoảng một nửa biên độ của liều “cao” và có thể lặp lại được.
Liều này gọi là liều “thấp”. Tiếp tục thêm đều đặn các liều “cao” và liều “thấp”
histamin như đã nêu ở trên và xen kẽ thêm cùng một thể tích dung dịch pha từ mẫu
thử. Điều chỉnh độ pha loãng của dung dịch thử để cho sức co của ruột nhỏ hơn
sức co của liều “cao”. Kiểm tra xem sức co của dung dịch thử có lặp lại không và
xem đáp ứng với liều cao và liều thấp có như trước không.
Tính hoạt lực của chất thử ra microgam histamin base căn cứ vào độ pha
loãng đã xác định ở trên. Lượng histamin xác định được không được vượt quá
lượng ghi trong chuyên luận. Nếu chất thử không gây co bóp ruột, pha một dung
dịch khác và cho thêm một lượng histamin tối đa dung nạp được ghi trong chuyên
luận và thử với dung dịch này. Theo dõi xem sự co cơ của dung dịch này có tương
ứng với lượng histamin đã thêm không. Nếu dung dịch này không gây ra sự co cơ
tương ứng hoặc sự co của dung dịch thử không lặp lại được, hoặc sau khi thử chất
thử rồi, thử lại với histamin chuẩn liều “cao” và liều “thấp” mà đáp ứng có giảm đi
thì kết quà thử là không có giá trị và phải thử chất hạ áp của thuốc theo chuyên
luận Phép thử các chất hạ áp. Các dung dịch cần có Dung dịch B chỉ pha ngay
trước khi dùng và phải dùng trong vòng 24 h.
PHÉP THỬ CÁC CHẤT HẠ ÁP
Thử các chất hạ áp là phương pháp sinh học dựa vào tác dụng hạ huyết áp của
thuốc đem thử trên mèo đã được gây mê so với tác dụng hạ áp của thuốc histamin
chuẩn.
Mục lục [Ẩn] 1 Chuẩn bị thí nghiệm 2 Tiến hành 3 Đánh giá kết quả
Chuẩn bị thí nghiệm:
Động vật: Mèo khoẻ mạnh, trưởng thành, đực hoặc cái (không mang thai),
cân nặng từ 1,8 kg trở lên.
Nước muối heparin: Dung dịch chứa 50 đơn vị heparin trong 1 ml dung dịch
natri clorid 0,9 % dùng để chống đông máu. Có thể dùng một dung dịch chống
đông thích hợp khác để thay thế.
Dung dịch histamin chuẩn: Dùng histamin dihydroclorid hoặc histamin
monohydrophosphat bảo quản trong lọ kín, làm khô bằng silica gel 2 h trước khi
cân. Hòa tan trong nước cất một lượng histamin đã được cân chính xác thành dung
dịch chứa 1 mg/ml histamin base. Ngay trước khi thử, pha loãng dung dịch
histamin này (1 mg/ml) bằng dung dịch natri clorid 0,9 % đã tiệt trùng thành dung
dịch có nồng độ 0,1 mg/ml tính theo histamin base.
Mẫu thử: Pha theo từng chuyên luận tương ứng trong dung dịch natri clorid
0,9 % đã tiệt khuẩn hoặc trong dung môi thích hợp, đến nồng độ cần thiết.
Tiến hành: Mèo được gây mê bằng cloralose hoặc một loại barbiturat thích
hợp như pltenobarbilal để duy trì được huyết áp đồng đều trong suốt thời gian thí
nghiệm, cố định động vật trên bàn mổ, cần làm nhẹ nhàng sao cho mèo không bị
kích thích. Có biện pháp giữ để thân nhiệt mèo không giảm quá giới hạn sinh lý
bằng đèn hoặc lò sưởi. Thông khí quản bằng một canuyn thủy tinh. Bộc lộ động
mạch cảnh, lồng có chứa đáy nước muối heparin (hoặc dung dịch chống đông
khác) vào động mạch cảnh. Nối canuyn với huyết áp kế thủy ngân hoặc một thiết
bị ghi huyết áp khác đạt yêu cầu về độ nhạy. Bộc lộ tĩnh mạch đùi, luồn vào đó một
kim tiêm đầu tù có chứa nước muối heparin, buộc cố định lại để tiêm mẫu thử hoặc
histamin chuẩn. Xác định độ nhạy của động vật với histamin bằng cách tiêm tĩnh
mạch các lieu 1 ml (0,1 g) và 1,5 ml (0,15 μg) dung dịch histamin chuẩn cho mỗi
kg thể trọng. Khoảng cách thời gian giữa các lần tiêm ít nhất là 1 phút sau khi
huyết áp đã trở lại mức bình thường. Bình thường một liều histamin 0,1 μg/kg thể
trọng mèo làm huyết áp hạ khoảng 20 mmHg. Lặp lại liều thấp histamin chuẩn (1
ml/kg) ít nhất 2 lần. Động vật được dùng vào thí nghiệm khi sự giảm huyết áp là
hằng định ở các liều 1 ml/kg và với liều 1.5 ml/kg phảí có độ hạ áp lớn hơn. Sau
khi đã đạt yêu cầu thử độ nhạy với histamin, tiêm tĩnh mạch cho mỗi kg mèo 1 ml
dung dịch histamin chuẩn. Tiếp theo tiêm 2 liều liên tục của mẫu thử theo chỉ dẫn
của từng chuyên luận và cuối cùng lại tiêm dung dịch histamin chuẩn với liều 1
ml/kg. Thời gian giữa các lần tiêm là hằng định như đã nêu ở trên. Nhắc lại chuỗi
tiêm như trên một lần nữa và kết thúc bằng 1,5 ml dung dịch histamin chuẩn cho 1
kg mèo.
Đánh giá kết quả
a) Nếu độ hạ áp của dung dịch histamin chuẩn liều 1,5 ml/kg không lớn hơn
liều 1 ml/kg thì thí nghiệm không có giá trị.
b) Chế phẩm đạt yêu cầu về thử các chất hạ áp nếu đạt cả 2 điều kiện sau: Giá
trị trung bình của các độ hạ áp khi làm mẫu thử không lớn hơn giá trị trung bình
của các độ hạ áp khi tiêm dung dịch histamin chuẩn liều 1 ml/kg thể trọng mèo.
Mức hạ áp của mỗi lần tiêm mẫu thử đều không cao hơn mức hạ áp của dung dịch
histamin chuẩn liều kết thúc 1.5 ml/kg.
c) Chế phẩm không đạt yêu cầu nếu một trong 2 điều kiện trên không đạt.
Chú ý: Động vật không được dùng để thử tác dụng hạ áp nữa nếu trong quá trình
thử, đã có lần mẫu thử gây hạ áp kém hơn mức hạ áp (lo liều kết thúc 1,5 ml dung
dịch histamin chuẩn cho 1 kg mèo, hoặc giá trị hạ áp của dung dịch histamin chuẩn
ở liều kết thúc 1,5 ml/kg nhỏ hơn giá trị trung bình của các liều 1 ml/kg đã tiêm
trước đó.
PHÉP THỬ CHẤT GÂY SỐT
Phép thử được xác định bằng cách đo sự tăng thân nhiệt thỏ sau khi tiêm tĩnh
mạch dung dịch vô khuẩn của chất cần kiểm tra.
Mục lục [Ẩn] 1 Lựa chọn động vật thí nghiệm 2 Khu vực lưu giữ động vật 3
Dụng cụ, bơm và kim tiêm 4 Hộp, giá giữ thỏ 5 Nhiệt kế 6 Thử nghiệm sơ bộ 7
Thử nghiệm chính thức 8 Đánh giá kết quả:
Lựa chọn động vật thí nghiệm
Dùng thỏ trưởng thành, khỏe mạnh, cả 2 giống, cân nặng không dưới 1,5 kg,
nuôi dưỡng bằng thức ăn không có chứa kháng sinh và thỏ không có dấu hiệu giảm
cân trong quá trình thử nghiệm. Không dùng để thử nghiệm nếu: a) Thỏ mới được
dùng thử chất gây sốt có kết quả âm tính trong vòng 3 ngày trước đó, hoặc b) Thỏ
đã được dùng thử chất gây sốt có kết quả dương tính trong vòng 3 tuần.
Khu vực lưu giữ động vật
Thỏ được nuôi giữ riêng từng con trong khu vực yên tĩnh, có nhiệt độ ổn định.
Cho thỏ nhịn ăn từ đêm trước khi thử cho đến khi thử xong, không cho uống nước
trong quá trình thử. Tiến hành phép thử trong phòng yên tĩnh, không có tiếng ồn,
nhiệt độ phòng chênh lệch không quá 3 °C so với khu vực nuôi giữ, hoặc thỏ phải
được lưu giữ ở điều kiện phòng thí nghiệm trong khoảng ít nhất 18 h trước khi thử
nghiệm.
Dụng cụ, bơm và kim tiêm
Tất cả các dụng cụ, bơm và kim tiêm phải được rửa sạch và tráng nước cất,
sấy ở nhiệt độ 250 °C trong 30 phút hoặc 200 °C trong 1h.
Hộp, giá giữ thỏ
Các hộp, giá giữ thỏ cho trường hợp đo nhiệt độ bằng thiết bị điện được thiết
kế để giữ ở cổ con vật nhưng không được chật quá, phần cơ thể còn lại được thoải
mái để thỏ có thể ngồi ở tư thế bình thường. Không giữ thỏ bằng các loại kẹp hoặc
giá có thể gây đau hoặc khó chịu cho con vật. Thỏ phải được cho vào hộp hoặc giá
ít nhất 1 h trước khi thử và giữ ở đó trong suốt quá trình thử nghiệm.
Nhiệt kế
Nhiệt kế hoặc thiết bị điện dùng để ghi nhiệt độ có độ chính xác 0,1 °C và
được đưa vào trực tràng của thỏ với độ sâu 5 cm. Độ sâu của nhiệt kế trong trực
tràng phải giống nhau giữa các thỏ. Nếu dùng thiết bị điện, đầu đo nhiệt độ phải
được đặt trong trực tràng trong suốt quá trình thử.
Thử nghiệm sơ bộ
Chỉ nên tiến hành thử sơ bộ với những thỏ lần đầu tiên được dùng để thử chất
gây sốt. Trong vòng 1 đến 3 ngày trước khi kiểm tra mẫu thử, tiêm tĩnh mạch tai 10
ml/kg thỏ dung dịch natri clorid 0,9 % không có chất gây sốt, đã làm ấm đến
khoảng 38,5°C trước khi tiêm. Ghi nhiệt độ thỏ, bắt đầu ít nhất 90 phút trước khi
tiêm và tiếp tục trong 3 h sau khi tiêm. Không dùng những thỏ có nhiệt độ thay đổi
quá 0,6 °C vào thử nghiệm chính thức.
Thử nghiệm chính thức
Mỗi mẫu được thử trên một nhóm 3 thỏ. Chuẩn bị và tiêm mẫu thử. Mẫu thử
có thể được hòa tan trong một dung dịch không có chất gây sốt, dung dịch natri
clorid 0,9 % hoặc một chất lỏng được qui định trong chuyên luận riêng. Làm ấm
dung dịch thử lên khoảng 38.5 °C trước khi tiêm. Tiêm chậm dung dịch thử vào
tĩnh mạch tai thỏ trong khoảng thời gian không quá 4 phút, trừ khi có chỉ dẫn gì
khác trong chuyên luận riêng. Lượng mẫu thử được tiêm sẽ thay đổi tùy theo chế
phẩm cần kiểm tra và được qui định trong chuyên luận riêng. Thể tích tiêm trong
khoảng 0,5 ml/kg cân nặng đến 10 ml/kg cân nặng thỏ. Theo dõi nhiệt độ và xác
định đáp ứng: Ghi nhiệt độ thỏ 30 phút một lần, ít nhất 90 phút trước khi tiêm và
tiếp tục 3 h sau khi tiêm. Theo dõi nhiệt độ trước khi tiêm, không dùng vào thử
nghiệm nếu: Thỏ có chênh lệch nhiệt độ > 0,2 °C giữa 2 lần ghi liên tiếp, hoặc Thỏ
có nhiệt độ ban đầu cao hơn 39,8 °C hoặc thấp hơn 38 °C, hoặc Nhiệt độ ban đầu
của 3 thỏ trong các nhóm khác nhau quá 1 °C. “Nhiệt độ ban đầu” của mỗi thỏ là
trung bình của 2 giá trị nhiệt độ khi được cách nhau 30 phút, xác định trong
khoảng 40 phút ngay trước khi tiêm dung dịch thử. “Nhiệt độ tối đa” của mỗi thỏ
là nhiệt độ cao nhất ghi được cho thỏ đó trong vòng 3 h sau khi tiêm. Chênh lệch
giữa “nhiệt độ ban đầu” và “nhiệt độ tối đa” được gọi là đáp ứng. Khi chênh lệch là
âm, kết quả được coi là đáp ứng bằng 0.
Đánh giá kết quả
Đầu tiên thử trên một nhóm 3 thỏ, tùy thuộc vào kết quả thu được, thử thêm
lần lượt từng nhóm 3 thỏ khác cho đến khi tổng cộng 4 nhóm, nếu cần. Nếu lồng
đáp ứng của nhóm đầu tiên không vượt quá số ghi trong cột 2 của Bảng 13.4, thì
mẫu thử đạt yêu cầu. Nếu tổng đáp ứng vượt quá số ghi trong cột 2 nhưng không
vượt quá số ghi trong cột 3 thì lặp lại phép thử trên nhóm khác như đã nêu ở trên.
Nếu tổng các đáp ứng lớn hơn số ghi trong cột 3 thì mẫu thử không đạt yêu cầu.
Những thỏ có nhiệt độ tăng cao quá 1,2 °C thì loại và không bao giờ dùng lại cho
phép thử chất gây sốt.
PHÉP THỬ ĐỘC TÍNH BẤT THƯỜNG
Độc tính bất thường của thuốc được xác đinh bằng cách theo dõi số chuột chết
trong thời gian 48 h sau khi cho chuột một liều thuốc qua đường dùng theo qui
định.
Động vật thí nghiệm
Chuột nhắt trắng khoẻ mạnh, cân nặng 18 g đến 22 g, chưa dùng vào thí
nghiệm, nếu là chuột cái phải không có thai hoặc đang cho con bú, được chăn nuôi
trong điều kiện bình thường.
Chuẩn bị dung dịch thử
Nếu không có hướng dẫn gì khác, chuẩn bị dung dịch thử bằng cách hòa tan
mẫu thử trong dung dịch natri clorid 0,9 % hoặc nước cất tiêm (nếu thử theo đường
tiêm) hoặc phân tán đều mẫu thử Trong nước cất (nếu thử theo đường uống) để thu
được dung dịch hoặc hỗn dịch có chứa lượng chất cần thử phù hợp với mức liều
qui định trong chuyên luận riêng.
Tiến hành thử
Dùng 5 chuột, cho mỗi con 0,5 ml dung dịch thử bằng một trong những
đường dùng sau: Tiêm tĩnh mạch: Tiêm vào tĩnh mạch đuôi của mỗi chuột với tốc
độ hằng định trong 15 s đến 30 s. Tiêm trong màng bụng: Tiêm qua lớp da bụng
vào thẳng hốc bụng chuột. Tiêm dưới da: Tiêm dưới da vào một chỗ ở lưng hoặc
bụng. Uống: Cho uống bằng một kim cong đầu tít hoặc một dụng cụ khác thích
hợp, phải đảm bảo đưa thuốc vào trong thực quản hoặc dạ dày.
Đánh giá kết quả
Nếu không có hướng dẫn gì khác thì quan sát chuột 48 h sau khi dùng thuốc.
Nếu không có chuột nào chết thì mẫu thử đạt yêu cầu. Nếu có chuột chết, làm lại
thử nghiệm với 10 chuột khác, dùng chuột có cân nặng (19 ± 1) g. Sau 48 h, nếu
không có chuột nào chết thì mẫu thử đạt yêu cầu.
CÁC PHƯƠNG PHÁP TIỆT KHUẨN
Một sản phẩm được coi là vô khuẩn nếu nó hoàn toàn không chứa bất kỳ vi
sinh vật sống nào. Phương pháp tiệt khuẩn là phương pháp làm cho một sản phẩm
trở thành vô khuẩn. Do không thể đảm bảo độ vô khuẩn của sản phẩm bằng cách
thử vô khuẩn, nên độ vô khuẩn của sản phẩm chỉ có thể đảm bảo bằng cách áp
dụng một qui trình sản xuất đã được thẩm định thích hợp. Đối với mỗi qui trình tiệt
khuẩn đã chọn phải tiến hành khảo sát để đảm bảo hiệu quả tiệt khuẩn và tính toàn
vẹn của sản phẩm, bao gồm cả vật chứa và bao gói bên ngoài, trước khi áp dụng
vào thực tế. Trong quá trình sản xuất phải tuân thủ đúng qui trình tiệt khuẩn đã
thẩm định. Nếu có thay đổi lớn trong qui trình tiệt khuẩn, bao gồm cả sự thay đổi
kích cỡ lô, phải tái thẩm định qui trình. Trong khi xây dựng qui trình sản xuất
thuốc vô khuẩn phải tuân theo các nguyên tắc thực hành tốt sản xuất GMP, cụ thể
là: Sử dụng công nhân lành nghề đã trải qua quá trình huấn luyện thích hợp; Thiết
kế nhà xưởng phù hợp; Thiết kế máy móc, thiết bị sản xuất sao cho dễ vệ sinh và
tiệt khuẩn; Áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp nhằm làm giảm số lượng
vi sinh vật trong sản phẩm trước khi tiệt khuẩn; Thẩm định qui trình sản xuất cho
tất cả các công đoạn trong dây chuyền sản xuất có nguy cơ nhiễm khuẩn; Thiết lập
và thực thi chương trình giám sát chất lượng môi trường sản xuất và các qui trình
kiểm tra trong quá trình sản xuất.
Các phương pháp mô tả dưới đây chủ yếu dùng để diệt hoặc loại bỏ vi khuẩn,
nấm men và nấm mốc ra khỏi sản phẩm cần tiệt khuẩn. Đối với các sản phẩm sinh
học có nguồn gốc từ người hay động vật, trong quá trình thẩm định phải chứng
phúth khả năng loại bỏ hay làm bất hoạt virus của qui trình tiệt khuẩn. Nếu có thể,
nên ưu tiên chọn phương pháp tiệt khuẩn thành phẩm. Nếu không thể tiệt khuẩn
thành phẩm được, có thể loại vi khuẩn bằng phương pháp lọc qua màng lọc giữ lại
vi khuẩn hay phương pháp sản xuất vô khuẩn. Trong mọi trường hợp, vật chứa và
nút đậy phải có khả năng duy trì được tính vô khuẩn của sản phẩm cho đến khi hết
hạn dùng.
Mức bảo đảm vô khuẩn
Sự khử khuẩn bằng tác nhân vật lý và hóa học tuân theo qui luật số mũ, do đó
luôn luôn có khả năng còn vi sinh vật sống tồn tại trong sản phẩm sau khi tiệt
khuẩn với một xác suất thống kê nhất định. Mức bảo đảm vô khuẩn SAL (sterility
assurance level) của một qui trình tiệt khuẩn đã cho là xác suất tồn tại một đơn vị
đóng gói không vô khuẩn trong toàn bộ lô sản phẩm sau khi tiệt khuẩn bằng qui
trình đó. Ví dụ: SAL=10-6 có nghĩa là có khả năng có không nhiều hơn một vi sinh
vật sống trong 1 x 10-6 đơn vị đóng gói của sản phẩm đã tiệt khuẩn. Đối với một
qui trình tiệt khuẩn đã cho, SAL phụ thuộc số lượng vi sinh vật có trong sản phẩm
trước khi tiệt khuẩn, sức đề kháng của nó với tác nhân tiệt khuẩn và môi trường
trong đó vi sinh vật tồn tại trong quá trình xử lý. Khi có thể, sử dụng mức bảo đảm
vô khuẩn SAL để đánh giá hiệu quả tiệt khuẩn của các phương pháp mô tả trong
chuyên luận này. SAL của mỗi qui trình tiệt khuẩn được thiết lập trong khi thẩm
định qui trình.
Tiến hành tiệt khuân theo một trong các phương pháp giới thiệu dưới đây. Có
thể cải tiến hoặc kết hợp các phương pháp đã giới thiệu, tuy nhiên phải tiến hành
thẩm định phương pháp đã cải tiến để bảo đảm hiệu quả tiệt khuẩn của phương
pháp cũng như để đảm bảo tính toàn vẹn của sản phẩm cần tiệt khuẩn, bao gồm cả
bao bì sản phẩm. Đối với mọi phương pháp tiệt khuẩn, phải theo dõi các thông số
vận hành quan trọng trong suốt quá trình tiệt khuẩn của mỗi lô sản phẩm nhằm
đảm bảo các thông số đo được phù hợp với các thông số kỹ thuật đã thiết lập trước
đó trong quá trình thẩm định phương pháp, kể cả trường hợp tiệt khuẩn trong điều
kiện chuẩn.
Phương pháp tiệt khuẩn thành phẩm
Đối với phương pháp tiệt khuẩn thành phẩm, điểm quan trọng cần phải chú ý
là sự phân bổ không đồng đều của tác nhân tiệt khuẩn trong buồng tiệt khuẩn. Phải
xác định được vị trí trong buồng tiệt khuẩn mà tác nhân tiệt khuẩn khó đến nhất (ví
dụ vị trí có nhiệt độ thấp nhất trong nồi hấp) để bố trí sắp xếp sản phẩm có kiểu
dáng và kích thước bao bì khác nhau.
Tiệt khuẩn bằng nhiệt ẩm: Phương pháp tiệt khuẩn bằng nhiệt ẩm được tiến
hành trong một thiết bị chuyên dùng gọi là nồi hấp, tác nhân tiệt khuẩn là hơi nước
bão hòa dưới áp suất cao. Đây là phương pháp ưu tiên chọn lựa, khi có thể, nhất là
đối với các dung dịch nước. Điều kiện chuẩn của phương pháp tiệt khuẩn bằng
nhiệt ẩm là đun nóng ở 121 °C trong ít nhất 15 phút đối với các thành phẩm là
dung dịch nước. Có thể tiến hành tiệt khuẩn ở điều kiện nhiệt độ và thời gian khác
với điều kiện chuẩn nếu chứng phúth được hiệu quả của chế độ tiệt khuẩn đã chọn.
Phải khống chế số lượng vi sinh vật trong sản phẩm trước khi tiệt khuẩn bằng cách
áp dụng qui trình sản xuất và các biện pháp phòng ngừa thích hợp để đạt được mức
bảo đảm vô khuẩn SAL là 10-6 hay nhỏ hơn. Trong quá trình tiệt khuẩn, phải theo
dõi và ghi chép lại nhiệt độ và áp suất bên trong nồi hấp. Nhiệt độ thường được
theo dõi bằng các đầu dò nhiệt đặt ở phần nguội nhất của nồi hấp. Thông số vận
hành của mỗi chu trình tiệt khuẩn được ghi lại dưới dạng biểu đồ nhiệt độ – thời
gian, hay bảng một cách thích hợp khác.Khi đánh giá hiệu quả của quá trình tiệt
khuẩn bằng phương pháp sinh học, dùng chỉ thị sinh học thích hợp theo Phụ lục
16.2 Chỉ thị sinh học dùng cho tiệt khuẩn.
Tiệt khuẩn bằng nhiệt khô: Tiệt khuẩn bằng nhiệt khô được thực hiện trong
tủ sấy có gắn thiết bị đối lưu không khí để đảm bảo sự phân phối nhiệt đồng đều
trong toàn bộ khoang tiệt khuẩn. Điều kiện chuẩn của phương pháp tiệt khuẩn bằng
nhiệt khô là sấy ở nhiệt độ tối thiểu 160 °C trong ít nhất 2 h. Có thể tiến hành tiệt
khuẩn ở điều kiện nhiệt độ và thời gian khác với điều kiện chuẩn nếu chứng phúth
được hiệu quả của chế độ tiệt khuẩn đã chọn. Phải khống chế số lượng vi sinh vật
trong sản phẩm trước khi tiệt khuẩn bằng cách áp dụng qui trình sản xuất và các
biện pháp phòng ngừa thích hợp để đạt được mức bảo đảm vô khuẩn SAL là 10-6
hay nhỏ hơn. Trong quá trình tiệt khuẩn phải tiến hành theo dõi nhiệt độ bên trong
tủ sấy. Nhiệt độ thường được đo bằng các đầu dò nhiệt đặt ở phần nguội nhất của
tủ sấy. Phải ghi chép và lưu trữ thông số nhiệt độ của mỗi chu trình tiệt khuẩn. Khi
đánh giá hiệu quả của quá trình tiệt khuẩn bằng phương pháp sinh học, dùng chỉ thị
sinh học thích hợp theo Phụ lục 16.2 Chỉ thị sinh học dùng cho tiệt khuẩn. Tiệt
khuẩn và khử chất gây sốt các dụng cụ thủy tinh thường tiến hành ở nhiệt độ cao
hơn 220 °C. Trong trường hợp này, có thể thay chỉ thị sinh học bằng nội độc tố vi
khuẩn bền nhiệt. Để kiểm tra quá trình tiệt khuẩn, cấy một hay nhiều vật liệu cần
tiệt khuẩn với ít nhất 1000 đơn vị nội độc tố vi khuẩn. Lượng nội độc tố còn lại sau
khi sấy tiệt khuẩn phải không được nhiều hơn 1/1000 so với lượng nội độc tố ban
đầu (xem Phụ lục 13.2. Phép thử nội độc tố vi khuẩn).
Tiệt khuẩn bằng bức xạ ion hóa: Phương pháp này được tiến hành bằng cách
cho sản phẩm trong bao bì cuối tiếp xúc với bức xạ ion hóa. Hai nguồn bức xạ ion
hóa thường dùng là: tia 7 phát ra từ nguồn phóng xạ thích hợp (ví dụ đồng vị
phóng xạ Cobalt 60), và chùm electron năng lượng cao được gia tốc bởi máy gia
tốc electron. Đối với phương pháp tiệt khuẩn bằng bức xạ ion hóa, liều hấp thu
chuẩn là 25 kGy. Có thể tiến hành tiệt khuẩn với liều hấp thu khác với liều hấp thu
chuẩn nếu chứng phúth được hiệu quả của chế độ tiệt khuẩn đã chọn. Phải khống
chế số lượng vi sinh vật trong sản phẩm trước khi tiệt khuẩn bằng cách áp dụng qui
trình sản xuất và các biện pháp phòng ngừa thích hợp để đạt được mức bảo đảm vô
khuẩn SAL là 10-6 hay nhỏ hơn. Trong quá trình tiệt khuẩn phải định kỳ đo bức xạ
hấp thu bởi sản phẩm cần tiệt khuẩn bằng thiết bị đo liều thích hợp. 1 thiết bị đo
liều phải được hiệu chỉnh với nguồn bức xạ chuẩn ít nhất mỗi năm một lần. Khi
đánh giá hiệu quả của quá trình tiệt khuẩn bằng phương pháp sinh học, dùng chỉ thị
sinh học thích hợp theo Phụ lục 16.2. Chỉ thị sinh học dùng cho tiệt khuẩn.
Tiệt khuẩn bằng chất khí: Chất khí thường dùng trong phương pháp này là
ethylen oxyd. Đây là loạị khí dễ cháy, có khả năng gây đột biến và có thể để lại vết
chất độc trong vật liệu đem tiệt khuẩn, do đó chỉ nên chọn phương pháp này khi
không thể chọn phương pháp nào khác. Phải có biện pháp thích hợp để bảo đảm sự
thẩm thấu của khí và hơi ẩm vào bên trong vật liệu cần tiệt khuẩn cũng như làm
giảm lượng ethylen oxyd hoặc sản phẩm phân hủy của nó trong sản phẩm đã tiệt
khuẩn xuống dưới mức có thể gây nguy hiểm khi sử dụng sản phẩm. Khi có thể,
nên theo dõi và ghi chép nồng độ khí, độ ẩm tương đối, nhiệt độ và thời gian tiệt
khuẩn của mỗi lô tiệt khuẩn. Đánh giá hiệu quả của mỗi lô tiệt khuẩn bằng chỉ thị
sinh học thích hợp (xem Phụ lục 16.2 Chỉ thị sinh học dùng cho tiệt khuẩn).
Tiệt khuẩn bằng phương pháp lọc: Phương pháp lọc thường được dùng để
tiệt khuẩn các dung dịch kém bền nhiệt, không thể tiệt khuẩn trong bao bì cuối.
Nguyên tắc của phương pháp là dẫn dung dịch cần tiệt khuẩn qua vật liệu lọc có
khả năng giữ vi khuẩn. Vật liệu lọc thường dùng là các máng lọc có kích thước lỗ
lọc 0,22 μm hay nhỏ hơn, có khả năng giữ lại 100 % vi khuẩn Pseudomonas
diphútuta (ATCC 19146, NCIMB 11091,CIP 103020) trong điều kiện thí nghiệm
thích hợp. Kiểm tra khả năng giữ khuẩn của màng lọc bằng cách lọc qua màng lọc
một hỗn dịch vi khuẩn Pseudomonas diphútula trong môi trường nuôi cấy tryptone
soya broth, hay môi trường dinh dưỡng tương đương, có nồng độ thích hợp sao cho
mỗi cm2 bề mặt màng lọc có ít nhất 107 CFU và tốc độ lọc lớn hơn 30 Psi. Ủ dịch
lọc ở 32° C trong điều kiện hiếu khí, phải không được có vi khuẩn phát triển. Qui
trình sản xuất và môi trường sản xuất các sản phẩm tiệt khuẩn bằng phương pháp
lọc phải được thiết kế thích hợp để giảm thiểu tối đa sự nhiễm khuẩn. Phải thường
xuyên kiểm tra chất lượng môi trường sản xuất bằng một chương trình giám sát
chất lượng môi trường đã được thẩm định. Các máy móc, thiết bị, vật chứa và nấp
đậy phải được tiệt khuẩn trước khi sử dụng bằng phương pháp thích hợp. Vị trí lọc
tiệt khuẩn nên bố trí càng gần nơi đóng ống càng tốt và thời điểm tiệt khuân nên bố
trí càng gần thời điểm đóng ống càng tốt. Tất cả các thao tác sau khi lọc tiệt khuẩn
phải thực hiện trong điều kiện vỏ khuẩn. Cần có biện pháp thích hợp để tránh sự
hấp thu hoạt chất trên màng lọc, cũng như để tránh sự thôi tạp chất từ màng lọc vào
dịch lọc. Trước khi lọc phải kiểm tra để đảm bảo màng lọc không bị rách trong quá
trình lắp ráp và tiệt khuẩn hộ thống lọc, sau khi lọc xong cũng phải kiểm tra tính
toàn vẹn của màng lọc bằng phương pháp thích hợp, ví dụ phương pháp đo áp suất
điểm sùi bọt (bubble-point test) hay phương pháp đo chênh áp suất trước và sau
khi qua màng lọc (pressure hold test). Vì hiệu quả của quá trình lọc tiệt khuẩn phụ
thuộc vào số lượng vi sinh vật trong sản phẩm trước khi lọc nên nếu không thể làm
giảm số lượng vi sinh vật bằng phương pháp khác, nên lọc trước dung dịch cần tiệt
khuẩn qua liên lọc có khả năng giữ vi khuẩn.
Sản xuất vô khuẩn
Trong quá trình sản xuất vô khuẩn, sản phẩm chờ đóng gói, vật chứa rỗng và
nắp đậy được tiệt khuẩn riêng rẽ sau đó kết hợp với nhau trong điều kiện vô khuẩn
để thu được sản phẩm cuối. Bởi vì sản phẩm đã đóng gói không được tiệt khuân bổ
sung bằng bất kỳ phương pháp nào khác nên quá trình sản xuất phải tiến hành
trong điều kiện môi trường có chất lượng rất cao. Trước khi phối hợp, mỗi thành
phần của sản phẩm cuối phải được tiệt khuẩn riêng bằng phương pháp thích hợp, ví
dụ bằng nhiệt khô với vật chứa bằng thủy tinh, bằng nhiệt ẩm với nắp đậy bằng
nhựa và bằng phương pháp lọc đối với các dung dịch. Đồ duy trì tính vô khuẩn của
mỗi thành phần trong quá trình sản xuất phải chú ý đến các yếu tố sau: Môi trường
sản xuất; Con người; Các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm hở; Qui trình tiệt
khuẩn các vật liệu bao gói và qui trình vận chuyển chúng vào khu vực đóng gói;
Thời gian lưu trữ tối đa của sản phẩm chờ đóng gói trước khi đóng vào bao bì cuối.
Để đảm bảo tính vô khuẩn của thành phẩm, cả qui trình tiệt khuẩn và qui trình
đóng gói đều phải được thẩm định bằng phương pháp thích hợp trước khi áp dụng
trong thực tế. Thẩm định qui trình đóng gói phải bao gồm thử nghiệm dùng môi
trường dinh dưỡng nuôi cấy vi sinh vật thay cho sản phẩm thật (media fill test).
Phải lấy mẫu để kiểm tra độ vô khuẩn tất cả các lô của bất kỳ sản phẩm nào được
tiệt khuẩn bằng phương pháp lọc và/hoặc sản xuất vô khuẩn trước khi xuất xưởng.
CHỈ THỊ SINH HỌC DÙNG CHO TIỆT KHUẨN
Chỉ thị sinh học dùng cho tiệt khuẩn là những chế phẩm sinh học đã tiêu
chuẩn hóa, được sản xuất từ các vi sinh vật chọn lọc, dùng để đánh giá hiệu quả
của các qui trình tiệt khuẩn. Chỉ thị sinh học thường được sản xuất bằng cách cấy
một lượng bào tử vi sinh vật chỉ thị lên vật mang trơ, ví dụ băng giấy lọc, bản
mỏng thủy tinh hay ống plastic, sau đó đóng gói vật mang đã cấy khuẩn vào bao bì
thích hợp nhằm bảo vệ sản phẩm tránh bị biến chất và tạp nhiễm. Vật liệu dùng
làm bao gói phải bền, không bị phân hủy trong quá trình tiệt khuẩn, nhưng phải
cho tác nhân tiệt khuẩn thấm vào bên trong để tiếp xúc với vi khuẩn. Hỗn dịch bào
tử vi khuẩn đóng trong ống thủy tinh kín cũng có thể được dùng làm chỉ thị sinh
học. Đối với các chế phẩm lỏng, có thể cấy trực tiếp bào tử vi khuẩn chỉ thị vào
một số đơn vị đóng gói đại diện của sản phẩm Cần tiệt khuẩn hay vào chất lỏng có
thành phần gần giống sản phẩm, nếu không thể cấy trực tiếp vào sản phẩm thật.
Trong trường hợp này, phải có biện pháp kiểm tra thích hợp để đảm bảo bản thân
chế phẩm hay sản phẩm giả đều không có khả năng ức chế vi khuẩn chỉ thị.
Các thông tin bắt buộc phải cung cấp kèm theo mỗi chỉ thị sinh học bao gồm:
tên loài vi khuẩn dùng làm vi sinh vật đối chiếu, số định danh loài của bảo tàng
giống gốc, số lượng bào tử sống trên mỗi vật mang, hạn dùng và trị số D. Trị số D
là tham số tiệt khuẩn (khoảng thời gian hoặc liều hấp thụ) cần để làm giảm lượng
bào tử sống xuống còn 10 % so với lượng ban đầu. Chỉ thị sinh học có thể gồm hai
hay nhiều loài vi khuẩn trên một vật mang, nhưng không được lẫn tạp khuẩn.
Ngoài ra, trên nhãn chỉ thị sinh học phải cung cấp thông tin về môi trường nuôi cấy
và điều kiện ủ. Để kiểm tra một qui trình tiệt khuẩn, đặt chỉ thị sinh học tại vị trí
được giả định, hoặc đã được xác định trước bằng phương pháp vật lý thích hợp khi
có thể, là nơi mà tác nhân tiệt khuẩn khó luân chuyển đến nhất trong buồng tiệt
khuẩn. Sau khi cho tiếp xúc với tác nhân tiệt khuẩn, chuyến vật mang vào trong
môi trường dinh dưỡng thích hợp trong điều kiện vô khuẩn và đem ủ. Đối với chỉ
thị sinh học đóng trong ống thủy tinh kín có chứa sẵn môi trường dinh dưỡng thì
đem ủ ngay.
Các vi khuẩn chỉ thị được chọn lựa theo nguyên tắc: a) Sức đề kháng của vi
khuẩn chỉ thị đối với phương pháp tiệt khuẩn đã cho phải lớn hơn sức đề kháng của
tất cả các vi khuẩn gây bệnh và các vi khuẩn có khả năng nhiễm vào sản phẩm cần
tiệt khuẩn; b) Không gây bệnh; c) Dễ nuôi cấy. Sau khi ủ, nếu quan sát thấy vi
khuẩn chỉ thị phát triển, chứng tỏ qui trình tiệt khuẩn đã sử dụng không đạt yêu
cầu.
Tiệt khuẩn bằng nhiệt ẩm: Chỉ thị sinh học được dùng để thẩm định qui
trình tiệt khuẩn bằng nhiệt ẩm là bào tử của vi khuẩn Bacillus stearothermophilus
(ví dụ: ATCC 7953, NCTC 10007, NCIMB 8157, hav CIP 52.81). Số lượng bào tử
sống trên mỗi vật mang phải từ 5 X 105 trở lên. Trị số D ở 121 °C ± 1 °C (ký hiệu
D121) phải lớn hơn 1,5 phút. Phải kiểm tra để bảo đảm ở chế độ tiệt khuẩn ở 121
°C ± 1 °c trong 6 phút chỉ thị sinh học vẫn còn vi khuẩn sống, nhưng bị diệt hoàn
toàn ở chế độ tiệt khuẩn 121 °C ± 1 °C trong 15 phút.
Tiệt khuẩn bằng nhiệt khô: Chỉ thị sinh học được dùng để thẩm định qui
trình tiệt khuẩn bằng nhiệt khô là bào tử của vi khuẩn Bacillus subtilis (ví dụ:
var.niger ATCC 9372, NCIMB 8058, CIP 77.18). Số lượng bào tử sống trên mỗi
vật mang không được ít hơn 1 X 105 và trị số D ở 160 °C phải từ 1 phút đến 3
phút. Trong trường hợp tiệt khuẩn ở nhiệt độ cao hơn 220 °C, ví dụ tiệt khuẩn và
khử chất gây sốt các dụng cụ thủy tinh, có thể dùng nội độc tố vi khuẩn bền nhiệt
thay cho bào tử vi khuẩn (xem Phụ lục 16.1. Các phương pháp tiệt khuẩn để biết
thêm chi tiết).
Tiệt khuẩn bằng bức xạ ion hóa: Chỉ thị sinh học có thể được sử dụng để
kiểm tra mỗi lô tiệt khuẩn trong điều kiện sản xuất bình thường như một biện pháp
bổ sung để thẩm định phương pháp tiệt khuẩn bằng bức xạ ion hóa. Thường dùng
bào tử của vi khuẩn Bacillus pumilus (ví dụ: ATCC 27.142, NCTC 10327, NCIMB
10692, CIP 77.25). số lượng bào tử sống trên mỗi vật mang không được ít hơn 1 X
107. Trị số D không được nhỏ hơn 1,9 kGy. Phải kiểm tra để bảo đảm không còn vi
khuẩn sống sau khi cho chỉ thị sinh học tiếp xúc với bức xạ ion hóa ở liều hấp thu
25 kGy (liều hấp thu tối thiểu).
Tiệt khuẩn bằng chất khí: Chỉ thị sinh học được sử dụng trong tất cả các qui
trình tiệt khuẩn bằng chất khí, cả trong thẩm định hiệu quả tiệt khuẩn của qui trình
lẫn trong điều kiện vận hành bình thường. Với tác nhân tiệt khuẩn là ethylen oxyd,
thường dùng bào tử của vi khuẩn Bacillus subtilis (ví dụ: var. niger ATCC 9372,
NCIMB 8058, CIP 77.18). số lượng bào tử sống trên mỗi vật mang không được ít
hơn 5 x 105. Trị số D phải lớn hơn 2,5 phút khi tiến hành tiệt khuẩn ở 54 °C, độ ẩm
tương đối là 60 % và nồng độ ethylen oxyd trong khí mang là 600 mg/l. Phải kiểm
tra để bảo đảm không còn vi khuẩn sống sau khi xử lý chỉ thị sinh học trong 60
phút ở điều kiện nêu trên, nhưng phải còn vi khuẩn sống khi xử lý trong 15 phút ở
30 °C (30 °C, độ ẩm tương đối là 60 %, 600 mg/l). Để kiểm tra khả năng sức đề
kháng của bào từ với tác nhân tiệt khuẩn khi thiếu độ ẩm, cho chỉ thị sinh học tiếp
xúc với ethylen oxyd nồng độ 600 mg/l ở nhiệt độ 54 °C trong 60 phút không có
độ ẩm, phải còn vi khuẩn sống.
PHƯƠNG PHÁP KIỂM NGHIỆM CHỈ TIÊU ĐẶC TRƯNG CỦA CÁC
DẠNG BÀO CHẾ
GIỚI HẠN CHO PHÉP VỀ THỂ TÍCH CỦA CÁC THUỐC DẠNG
LỎNG
Lượng hoạt chất có trong các thuốc dạng lỏng liên quan đến thể tích của
chúng. Do thực tế sai số của các dụng cụ trang thiết bị và việc thực hiện qui trình
sản xuất mà mỗi thuốc dạng lỏng được phép có một khoảng chênh lệch nhất định
về thể tích so với qui định ghi trên nhãn. Đó là giới hạn cho phép về thể tích. Trừ
các thuốc có qui định đặc biệt, các thuốc dạng lỏng có giới hạn cho phép về thể
tích.
Các dạng thuốc không thuộc dạng thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền
Chế phẩm đa liều: Lấy ngẫu nhiên 5 đơn vị chế phẩm (ống, lọ…). Xác định
thể tích từng đơn vị bằng bơm tiêm chuẩn hoặc ống đong chuẩn sạch, khô, có độ
chính xác phù hợp. Thể tích mỗi đơn vị phải không dưới thể tích ghi trên nhãn.
Nếu có một đơn vị không đạt phải tiến hành kiểm tra lần thứ hai giống như lần đầu.
Chế phẩm chất yêu cầu nếu trong lần thử này không có đơn vị nào có thể tích dưới
thể tích ghi trên nhãn.
Chế phẩm đơn liều: Lấy ngẫu nhiên 10 đơn vị chế phẩm. Xác định thể tích
từng đơn vị bằng bơm tiêm chuẩn hoặc ống đong chuẩn sạch, khô, có độ chính xác
phù hợp. Thể tích mỗi đơn vị phải nằm trong khoảng từ thể tích ghi trên nhãn đến
giới hạn cho phép. Nếu có một đơn vị không đạt phải tiến hành kiểm tra lần thứ
hai giống như lần đầu. Chế phẩm đạt yêu cầu nếu trong lần thử này không có đơn
vị nào có thể tích nằm ngoài giới hạn cho phép.
Các dạng thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền
Thuốc tiêm đơn liều:
Thuốc tiêm có thể tích lớn hơn hoặc bằng 10 ml: Lấy 1 đơn vị chế phẩm để
thử.
Thuốc tiêm có thể tích lớn hơn 3 ml và nhỏ hơn 10 ml: Lấy 3 đơn vị chế
phẩm để thử.
Thuốc tiêm có thể tích nhỏ hơn hoặc bằng 3 ml: Lấy 5 đơn vị chế phẩm để
thử.
Thuốc tiêm đem đo thể tích phải để cân bằng với nhiệt độ phòng và được
phân tán đồng nhất. Dùng bơm tiêm khô, sạch, có dung tích không lớn hơn 3 lần so
với thể tích cần đo, có gắn kim tiêm số 21 (21 gauge) và dài không quá 2,5 cm.
Lấy toàn bộ thuốc của từng ống vào bơm tiêm, đẩy hết không khí trong bơm tiêm
và kim tiêm ra ngoài. Chuyển lượng thuốc có trong bơm tiêm (để lại không bơm
hết lượng thuốc còn trong kim) vào ống đong khô, sạch, có vạch chia phù hợp và
được chuẩn hóa, ống đong có dung tích sao cho thể tích được do chiếm tối thiểu 40
% thang đo của ống đong.
Cũng có thể xác định thể tích (ml) thuốc tiêm bằng cách xác định khối lượng
của lượng thuốc trong ống tiêm (g) rồi chia cho tỷ trọng (g/ml) của chế phẩm.
Đối với thuôc tiêm có thể tích nhỏ hơn hoặc bằng 2 ml, có thể lấy lượng thuốc
từ một số lượng đơn vị chế phẩm vừa đủ và gộp lại để có được thể tích đáp ứng
cho phép đo, sử dụng các bơm tiêm khô, riêng biệt cho mỗi ống.
Đối với thuốc tiêm có thể tích lớn hơn hoặc bằng 10 ml, có thể xác định thể
tích bằng cách chuyến thẳng lượng thuốc trong đơn vị chế phẩm vào ống đong
hoặc cốc đã cân bì.
Chế phẩm dạng hỗn dịch hoặc nhũ tương phải được lắc đều trước khi rút ra để
đo thể tích hoặc trước khi do tỷ trọng. Chế phẩm nhớt hay ở dạng dầu có thể làm
ẩm theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn, nếu cần, và lắc kỹ ngay trước khi lấy ra
để đo. Đo thể tích chế phẩm sau khi đã để nguội xuống 20°C đến 25°C.
Nếu tiến hành đo thể tích trên từng đơn vị chế phẩm, thể tích trong mỗi đơn vị
phải nằm trong khoảng từ thể tích ghi trên nhãn đến giới hạn cho phép. Trong
trường hợp đo mẫu gộp với thuốc tiêm có thể tích < 2 ml, thể tích đo được phải
nằm trong khoảng tổng thể tích ghi trên nhãn của các đơn vị chế phẩm lấy đem đo
đến giới hạn cho phép.
Thuốc tiêm đa liều:
Đối với thuốc tiêm đa liều mà trên nhãn có ghi số lượng liều và thể tích của
từng liều, lấy một đơn vị chế phẩm, tiến hành lấy ra từng liều như với thuốc tiêm
đơn liều, sử dụng các bơm tiêm riêng rẽ. Số tượng bơm tiêm dùng cho phép thử
tương ứng với số liều ghi trên nhãn. Thể tích của mỗi liều không nhỏ hơn thể tích
đơn vị liều ghi trên nhãn.
Thuốc tiêm truyền:
Lấy 1 đơn vị chế phẩm. Chuyển toàn bộ lượng thuốc có trong đơn vị chế
phẩm vào một ống đong khô, sạch có độ chính xác phù hợp và có dung tích sao
cho thể tích được đo chiếm tối thiểu 40 % thang đo của ống đong. Thể tích đo được
phải nằm trong khoảng từ thể tích ghi trên nhãn đến giới hạn cho phép.
PHÉP THỬ ĐỘ ĐỒNG ĐỀU KHỐI LƯỢNG
Phép thử độ đồng đều khối lượng dùng để xác định độ đồng đều phân liều của
chế phẩm, khi không có yêu cầu thử độ đồng đều hàm lượng. Tiến hành theo
phương pháp sau:
Phương pháp 1: Áp dụng cho thuốc viên nén, thuốc đạn, thuốc trứng,
thuốc dán.
Cân riêng biệt 20 đơn vị lấy ngẫu nhiên, tính khối lượng trung bình. Không
được có quá hai đơn vị có khối lượng nằm ngoài giới hạn chênh lệch số với khối
lượng trung bình quy định và không được có đơn vị nào có khối lựơng vượt gấp
đôi giới hạn đó.
Phương pháp 2: Áp dụng cho thuốc nang, thuốc bột (đơn liều), thuốc cốm
(không hao. đơn liều).
Cân khối lượng của một liều hay một gói (thuốc bột, thuốc cốm). Với viên
nang cứng, tháo rời hai nửa vỏ nang, dùng bông lau sạch vỏ và cân khối lượng của
vỏ. Với viên nang mềm, cắt mở nang, bóp hết thuốc ra. Dùng ether hoặc dung môi
hữu cơ thích hợp rửa vỏ nang, để khô tự nhiên cho đến khi hết mùi dung môi, cân
khối lượng của vỏ nang. Với gói, cắt mở gói, lấy hết thuốc ra, dùng bông lau sạch
bột thuốc bám ở mặt trong, cân khối lượng vỏ gói. Khối lượng thuốc trong nang
hay gói là hiệu số giữa khối lượng nang thuốc hay gói và khối lượng vỏ nang hay
vỏ gói. Tiến hành tương tự với 19 đơn vị khác lấy ngẫu nhiên. Tính khối lượng
trung bình của thuốc trong nang hay gói. Kết quả được đánh giá giống như Phương
pháp 1.
Phương pháp 3: Áp dụng cho thuốc bột để pha tiêm.
Loại bỏ hết nhãn, rửa sạch và làm khô bên ngoài. Loại bỏ hết các nút nếu có,
cân ngay khối lượng cả vỏ và thuốc. Lấy hết thuốc ra, dùng bông lau sạch, nếu cần
rửa với nước, sau đó với ethanol 96%, sấy ở 100°C đến 105°C trong 1 h. Nếu vỏ
không chịu được nhiệt độ này, làm khô ở nhiệt độ thích hợp tới khối lượng không
đổi, để nguội trong bình hút ẩm và cân. Hiệu số giữa hai lần cân là khối lượng của
thuốc. Tiến hành tương tự với 19 đơn vị khác lấy ngẫu nhiên. Tính khối lượng
trung bình của thuốc. Kết quả được đánh giá giống như Phương pháp 1.
Phương pháp 4: Áp dụng cho thuốc bột (đa liều), thuốc cốm (đa liều),
thuốc mỡ, cao xoa, cao động vật.
Cân khối lượng của một đơn vị đóng gói nhỏ nhất. Mở đồ chứa (gói, hộp,
lọ…), lấy hết thuốc ra, cắt mở đồ chứa nếu cần để dễ dàng dùng bông lau sạch
thuốc bám ở mặt trong, cân khối lượng của đồ chứa. Hiệu số giữa hai lần cân là
khối lượng của thuốc. Tiến hành tương tự với bốn đơn vị khác lấy ngẫu nhiên. Tất
cả các đơn vị phải có khối lượng nằm trong giới hạn chênh lệch so với khối lượng
ghi trên nhãn quy định. Nếu có một đơn vị có khối lượng nằm ngoài giới hạn đó,
tiến hành thử lại với năm đơn vị khác lấy ngẫu nhiên. Không được có quá một đơn
vị trong tổng số 10 đơn vị đem thử có khối lượng nằm ngoài giới hạn qui định.
PHÉP THỬ ĐỘ ĐỒNG ĐỀU HÀM LƯỢNG
Phép thử độ đồng đều hàm lượng của các chế phẩm đơn liều dựa trên cơ sở
định lượng hàm lượng hoạt chất của từng đơn vị, để xác định mỗi hàm lượng riêng
lẻ có nằm trong giới hạn cho phép so với hàm lượng trung bình hay không. Phép
thử này không áp dụng cho chế phẩm đa liều, thuốc truyền tĩnh mạch không phân
liều, chế phẩm chứa vitamin, nguyên tố vi lượng và các trường hợp khác được
phép miễn trừ. Trừ khi có chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, phép thử độ đồng
đều hàm lượng được tiến hành trên 10 đơn vị riêng lẻ lấy ngẫu nhiên. Kết quả được
đánh giá theo phương pháp sau:
Phương pháp 1: Áp dụng cho thuốc nang, thuốc bột không dùng pha
tiêm, thuốc cốm, thuốc đạn, thuốc trứng.
Chế phẩm đạt yêu cầu phép thử, nếu có không quá một đơn vị có hàm lượng
nằm ngoài giới hạn từ 85 % đến 115 % và không có đơn vị nào có hàm lượng nằm
ngoài giới hạn từ 75 % đến 125 % của hàm lượng trung bình. Chế phẩm không đạt
yêu cầu phép thử, nếu có quá ba đơn vị có hàm lượng nằm ngoài giới hạn từ 85 %
đến 115 %, hoặc có một hay nhiều đơn vị có hàm lượng nằm ngoài giới hạn từ 75
% đến 125 % của hàm lượng trung bình. Nếu hai hoặc ba đơn vị có hàm lượng
nằm ngoài giới hạn từ 85 % đến 115 %, nhưng ở trong giới hạn từ 75 % đến 125 %
của hàm lượng trung bình, thử lại trên 20 đơn vị khác lấy ngẫu nhiên. Chế phẩm
đạt yêu cầu phép thử, nếu có không quá ba trong tổng số 30 đơn vị đem thử có hàm
lượng nằm ngoài giới hạn từ 85 % đến 115% và không có đơn vị nào có hàm lượng
nằm ngoài giới hạn từ 75 % đến 125 % của hàm lượng trung bình.
Phương pháp 2: Áp dung cho thuốc viên nén, thuốc bột pha tiêm, hỗn
dịch để tiêm.
Chế phẩm đạt yêu cầu phép thử, nếu hàm lượng của từng đơn vị nằm trong
giới hạn từ 85 % đến 115 % của hàm lượng trung bình. Chế phẩm không đạt yêu
cầu phép thử, nếu có quá một đơn vị có hàm lượng nằm ngoài giới hạn từ 85 %
đến 115 %, hoặc có một đơn vị có hàm lượng nằm ngoài giới hạn từ 75 % đến 125
% của hàm lượng trung bình. Nếu có một đơn vị có hàm lượng nằm ngoài giới hạn
từ 85 % đến 115 % của hàm lượng trung bình, thử lại trên 20 đơn vị khác lấy ngẫu
nhiên. Chế phẩm đạt yêu cầu phép thử, nếu có không quá một trong tổng số 30 đơn
vị đem thử có hàm lượng nằm ngoài giới hạn từ 85 % đến 105% và không có đơn
vị nào có hàm lượng nằm ngoài giới hạn từ 75 % đến 125 % của hàm lượng trung
bình.
Phương pháp 3: Áp dụng cho thuốc dán (hấp thụ qua da).
Chế phẩm đạt yêu cầu phép thử, nếu hàm lượng trung bình của 10 đơn vị nằm
trong giới hạn từ 90 % đến 110 % hàm lượng ghi trên nhãn và hàm lượng của từng
đơn vị phải nằm trong giới hạn từ 75 % đến 125 % của hàm lượng trung bình.
PHÉP THỬ ĐỘ RÃ CỦA VIÊN NÉN VÀ NANG
Phép thử này xác định viên nén hay nang có rã hay không trong khoảng thời
gian quy định, khi được đặt trong môi trường lỏng ở những điều kiện thử nghiệm
chỉ định. Trong phép thử này, chế phẩm rã không có nghĩa là hòa tan hoàn toàn đơn
vị chế phẩm hay thành phần hoạt chất. Thuốc được coi là rã, khi đáp ứng một trong
những yêu cầu sau:
a) Không còn cấn trên mặt lưới, trừ những mảnh vỏ bao không tan của viên
nén hoặc vỏ nang trên mặt lưới; hoặc dính vào mặt dưới của đĩa, nếu sử dụng đĩa.
b) Nếu còn cắn, đây là khối mềm không có nhân khô. Sử dụng thiết bị A cho
viên nén và nang cỡ bình thường (không dài quá 18 mm). Sử dụng thiết bị B cho
viên nén và nang cỡ lớn.
Mục lục [Ẩn] 1 Thiết bị A: Áp dụng cho viên nén và nang cỡ bình thường 1.1
Thiết bị 1.2 Phương pháp thử 2 Thiết bị B: Áp dụng cho viên nén và nang cỡ lớn
2.1 Thiết bị 2.2
Thiết bị A: Áp dụng cho viên nén và nang cỡ bình thường
Thiết bị
Thiết bị A thử độ rã viên nén và nang gồm: a) Giá đỡ ống thử. b) Cốc đáy
bằng dung tích 1 L, chiều cao (149 ± 11) mm, và đường kính trong (109 ± 9) mm
để chứa môi trường thử. c) Bộ phận điều nhiệt để làm nóng môi trường thử trong
khoảng 35 °C đến 39 °C. d) Bộ phận cơ chuyển động lên xuống cho giá đỡ ống thử
ở tần số hằng định trong khoảng 29 r/phút đến 32 r/phút, với biên độ (55 ± 2) mm.
Thể tích môi trường thử trong cốc phải đủ, để khi giá đỡ ống thử ở vị trí cao nhất,
lưới kim loại phải ngập sâu ít nhất 15 mm so với bề mặt chất lỏng, còn khi ở vị trí
thấp nhất, lưới kim loại phải cách đáy cốc ít nhất 25 mm và miệng các ống thử vẫn
ở trên bề mặt chất lỏng. Thời gian để giá đỡ ống thử đi lên phải bằng với thời gian
giá đỡ ống thử đi xuống và sự thay đổi của hướng chuyển động phải nhẹ nhàng
không được đột ngột. Giá đỡ ống thử phải chuyển động thẳng đúng theo trục của
nó, không được dao động ngang hoặc di chuyển ra khỏi trục thẳng đứng. Giá đỡ
ống thử: Giá đỡ ống thử bao gồm 6 ống trong suốt hở đầu, các ống dài (77,5 ± 2,5)
phút, có đường kính trong (21.85 ± 1,15) mm và thành ống dày (1,9 ± 0,9) mm.
Các ống được giữ ở vị trí thẳng đứng bởi hai đĩa, có đường kính (90 ± 2) mm và
dày (6,75 ± 1,75) mm; có 6 lỗ, mỗi lỗ có đường kính (24 ± 2) mm, cách đều tâm
đĩa và cách đều các lỗ còn lại. Gắn vào mặt dưới của đĩa bên dưới là một lưới kim
loại, dệt hình vuông, có kích thước lỗ lưới (2,0 ± 0,2) mm và đường kính dây kim
loại là (0,615 ± 0,045) mm. Các bộ phận được lắp ráp và được giữ chắc chắn bằng
3 ốc vít đi qua 2 đĩa. Giá đỡ ống thử được treo phù hợp vào bộ phận chuyển động
tại một điểm trên trục của nó. Thiết kế của giá đỡ ống thử có thể thay đổi, nhưng
tiêu chuẩn của ống thủy tinh và lưới kim loại phải đúng quy định. Giá phải có kích
thước như quy định. Đĩa: Chỉ được sử dụng đĩa nếu có chỉ dẫn hoặc được cho phép
trong chuyên luận riêng hoặc chuyên luận chung tương ứng. Mỗi ống thử của giá
đỡ ống thử có một đĩa hình trụ, đường kính (20,7 ± 0,15) mm và dày (9,5 ±0,15)
mm. Đĩa được làm bằng chất dẻo trong suốt có tỷ trọng riêng 1,18 đến 1,20. Đĩa có
5 lỗ song song theo trục đĩa và xuyên qua đĩa. 1 lỗ ở chính giữa, 4 lỗ còn lại nằm
cách đều nhau trên vòng tròn bán kính (6 ± 0,2) mm tính từ tâm, các lỗ có đường
kính (2 ±0,1) phút. Có 4 rãnh hình thang, cân xứng, trên thành của đĩa, gần như
vuông góc với bề mặt đĩa, bề mặt song song của nó trùng với hai mặt của đĩa và
song song với trục nối 2 lỗ cạnh nhau, cách trục đĩa 6 mm. Cạnh đáy nhỏ của hình
thang trên đáy của đĩa, có chiều dài (1,6 ± 0,1) mm và trung tâm của cạnh có độ
sâu 1,5 đến 1,8 milli tính từ chu vi của đĩa. Cạnh đáy lớn của hình thang ở trên
đỉnh của đĩa có chiều dài (9,4 ± 0,2) mm và trung tâm của cạnh có độ sâu (2,6 ±
0,1) mm tính từ chu vi của đĩa. Tất cả các mặt của đĩa phải phẳng. Nếu sử dụng đĩa
như chỉ dẫn, cho mỗi đĩa vào 1 ống và vận hành thiết bị. Đĩa phải đáp ứng kích
thước như quy định. Việc sử dụng đĩa cải tiến có hệ thống phát hiện tự động có thể
được sử dụng theo chỉ dẫn hoặc cho phép. Đĩa này phải đáp ứng yêu cầu về tỷ
trọng và kích thước theo chuyên luận này.
Phương pháp thử
Nếu không có chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, cho vào mỗi ống thử một
viên nén hoặc nang. Nếu có chỉ dẫn trong chuyên luận chung tương ứng, cho một
đĩa vào mỗi ống. Treo giá đỡ ống thử trong cốc có chứa môi trường theo chỉ dẫn
được duy trì ở (37 ± 2) °C và vận hành thiết bị theo thời gian quy định. Lấy giá đỡ
ống thử ra khối chất lỏng và quan sát chế phẩm thử. Mẫu thử đạt yêu cầu nếu tất cả
6 viên đều rã. Nếu có 1 đến 2 viên không rã, lặp lại phép thử với 12 viên khác.
Mẫu thử đạt yêu cầu nếu không dưới 16 trong so 18 viên thử rã.
Thiết bị B: Áp dụng cho viên nén và nang cỡ lớn
Thiết bị
Thiết bị B có cấu tạo tương tự như thiết bị A, nhưng khác về cấu tạo của giá
đỡ ống thử và đĩa. Giá đỡ ống thử: Giá đỡ ống thử bao gồm 3 ống trong suốt hở
đầu, các ống dài (77,5 ± 2,5) mm, có đường kính trong (33,0 ± 0,5) mm và thành
ống dày (2,5 ± 0,5) mm. Các ống được giữ ở vị trí thẳng đứng bởi hai đĩa nhựa, có
đường kính 97 mm và dày 7 mm; có 3 lỗ. Các lỗ cách đều tâm đĩa và cách đều các
lỗ còn lại. Gắn vào mặt dưới của đĩa bên dưới là một lưới kim loại, dệt hình vuông,
bằng dây kim loại có đường kính (0.63 ± 0,03) mm và có kích thước lỗ lưới (2,0 ±
0,2) mm. Hai đĩa được cố định cách nhau 77,5 mm bằng 3 thanh kim loại chốt
thẳng đúng ở ngoài biên. Một thanh kim loại được gắn chặt vào tâm đĩa nhựa phía
trên, sao cho giá đỡ ống thử lắp ráp được với bộ phận cơ có khả năng vận hành giá
đỡ chuyển động lên xuống nhẹ nhàng ở tần số hàng định trong khoảng 29 đến 32
r/phút, với biên độ (55 ± 2) mm. Thiết kế của giá đỡ ống thử có thể thay đổi, nhưng
tiêu chuẩn của ống thủy tinh và lưới kim loại phải đúng quy định. Giá phải có kích
thước như quy định. Đĩa: Chỉ được sử dụng đĩa nếu có chỉ dẫn hoặc được cho phép
trong chuyên luận riêng hoặc chuyên luận chung tương ứng. Mỗi ống thử của giá
đỡ ống thư có một đĩa hình trụ, đường kính (31,4 ± 0,13) mm và dày (15,3 ± 0,15)
mm. Đĩa được làm bằng chất dẻo trong suốt có tỷ trọng riêng 1,18 đến 1.20. Đĩa có
7 lỗ song song theo trục đĩa và xuyên qua đĩa, các lỗ có đường kính (3,15 ±0.1)
mm, 1 lỗ ở chính giữa và 6 lỗ còn lại nằm cách đều nhau trên vòng tròn bán kính
4,2 mm tính từ tâm đĩa. Nếu sử dụng đĩa như chỉ dẫn, cho mỗi đĩa vào 1 ống và
vận hành thiết bị. Đĩa phải đáp ứng kích thước như quy định
Phương pháp thử
Nếu không có chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, tiến hành thử với 6 viên
nén hoặc nang trên 2 giá đỡ ống thử lắp song song hoặc lặp lại phép thử trên 1 giá
đỡ ống thử. Cho vào mỗi ống thử một viên nén hoặc nang. Nếu có chỉ dẫn trong
chuyên luận chung tương ứng, cho một đĩa vào mỗi ống. Treo giá đỡ ống thử trong
cốc có chứa môi trường theo chỉ dẫn được duy trì ở (37 ± 2) °C và vận hành thiết
bị theo thời gian quy định. Lấy giá đỡ ống thử ra khỏi chất lỏng và quan sát chế
phẩm thử. Mẫu thử đạt yêu cầu nếu tất cả 6 viên đều rã.

PHÉP THỬ ĐỘ RÃ CỦA VIÊN BAO TAN TRONG RUỘT


Thiết bị
Sử dụng thiết bị mô tả trong Phép thử độ rã của viên nén và nang.
Phương pháp thử
Cho một viên vào mỗi ống thử, không dùng đĩa, treo giá đỡ ống thử trong cốc
chứa dung dịch acid hydrocloric 0,1 N, nếu không có chỉ dẫn khác trong chuyên
luận riêng, vận hành thiết bị trong 120 phút. Lấy giá đỡ ống thử ra khỏi chất lỏng.
Trừ các mảnh vỏ bao, không một viên nào bị rã hay có dấu hiệu bị rạn nứt khiến
hoạt chất bị hoà tan. Thay chất lỏng trong cốc bằng đệm phosphat hỗn hợp pH 6,8 ,
cho đĩa vào ống và vận hành thiết bị trong 60 phút. Lấy giá đỡ ống thử ra khỏi chất
lỏng. Nếu mẫu thử không đạt yêu cầu do viên bị dính vào đĩa, lặp lại phép thử với
6 viên khác và không dùng đĩa. Mẫu thử đạt yêu cầu nếu tất cả sáu viên đều rã.
PHÉP THỬ ĐỘ RÃ CỦA THUỐC ĐẠN VÀ THUỐC TRỨNG
Phép thử này xác định thuốc đạn và thuốc trứng có rã hoặc mềm đi hay không
trong khoảng thời gian qui định, khi được đặt trong môi trường lỏng ở những điều
kiện thử nghiệm chỉ định.
Mục lục [Ẩn] 1 Thiết bị 2 Cách thử 2.1 Thuốc đạn 2.2 Nang đặt trực tràng 2.3
Thuốc trứng 2.4 Nang đặt âm đạo 2.5 Viên nén đặt âm đạo
Thiết bị
a) Ống trong suốt bằng thủy tinh hay chất dẻo, cao 60 mm với đường kính bên
trong 52 mm, thành dày thích hợp
b) Bộ phận kim loại gồm hai đĩa kim loại không gỉ, mỗi đĩa có 39 lỗ tròn
đường kính 4 mm và được phân bố như chỉ dẫn. Đường kính của đĩa gần tương
đương với đường kính bên trong của ống bao. Hai đĩa cách nhau khoảng 30 mm.
Bộ phận kim loại được treo bằng ba móc kẹp cách đều nhau, gắn vào thành ngoài
ống bao như chỉ dẫn. Khi thử độ rã của viên nén đặt âm đạo, bộ phận kim loại
được gắn ở dưới với đầu móc kẹp hướng lên trên như mô tả.
Cách thử
Thuốc đạn: Đặt một viên lên đĩa dưới của bộ phận kim loại, đưa bộ phận này
vào ống bao và gắn chặt vào thành ống. Nếu không có chỉ dẫn khác, đặt thiết bị thử
vào một bồn chứa ít nhất 4 L nước ấm (36 °C đến 37 °C) có gắn dụng cụ khuấy
chậm và giữ thiết bị thử ở vị trí thẳng đứng, ngập 90 mm so với mặt nước. Xoay
ngược thiết bị thử 10 phút một lần, tránh không để nhô lên khỏi mặt nước. Lặp lại
toàn bộ thử nghiệm với hai viên khác. Thuốc được coi là rã, khi đáp ứng một trong
những yêu cầu sau: a) Tan hoàn toàn. b) Phân tách ra các thành phần tạo thành, rồi
tập trung trên bề mặt (các chất mỡ nóng chảy), chìm xuống đáy (bột không tan)
hay hòa tan trong nước (các thành phần hòa tan), hoặc có thể phân tán theo một
hay vài cách nêu trên. c) Trở nên mềm, có thể biến dạng đáng kể, không nhất thiết
bị phân tách hoàn toàn ra các thành phần tạo thành, nhưng không có nhân rắn chịu
được sức ép của đũa thủy tinh. Nếu không có quy định khác trong chuyên luận
riêng, thời gian rã không quá 30 phút đối với các thuốc đạn có tá dược thân mỡ và
không quá 60 phút đối với thuốc đạn tan trong nước.
Nang đặt trực tràng: Tiến hành như mô tả trong phần Thuốc đạn. Thuốc
được coi là rã, khi vỏ gelatin vỡ ra, giải phóng các chất chứa bên trong. Thời gian
rã không được quá 30 phút.
Thuốc trứng: Tiến hành và đánh giá như mô tả trong phần Thuốc đạn. Nếu
không có quy định khác trong chuyên luận riêng, thời gian rã không quá 60 phút.
Nang đặt âm đạo: Tiến hành như mô tả trong phần Thuốc đạn và đánh giá
như mô tả trong phần Nang đặt trực tràng.
Viên nén đặt âm đạo: Đặt thiết bị thử vào bồn có đường kính phù hợp, chứa
nước ấm (36 °C đến 37 °C). Thêm dần nước ấm (36 °C đến 37 °C) cho đến khi mặt
lỗ của đĩa kim loại vừa được phủ bằng một lớp nước. Đặt viên thuốc lên đĩa trên và
đậy thiết bị bằng tấm kính để giữ các điều kiện ẩm thích hợp. Lặp lại toàn bộ thử
nghiệm với hai viên khác. Thuốc được coi là rã, khi đáp ứng một trong những yêu
cầu sau: a) Không còn cẳn trên đĩa. b) Nểu cắn vẫn còn, đấy chỉ là khối mềm hay
rỗng xốp, không có nhân rắn chịu được sức ép của đũa thủy tinh. Nếu không có
quy định khác trong chuyên luận riêng, thời gian rã không quá 30 phút.
PHÉP THỬ ĐỘ HÒA TAN CỦA DẠNG THUỐC RẮN PHÂN LIỀU
Phép thử này nhằm xác định sự phù hợp của chế phẩm đối với yêu cầu qui
định về độ hòa tan dược chất của các dạng thuốc rắn phân liều dùng đường uống.
Trong chuyên luận, một đơn vị được hiểu là 1 viên nén, 1 nang hoặc 1 lượng chế
phẩm được chỉ rõ.
Thiết bị
Thiết bị kiến giỏ quay (Thiết bị kiểu 1)
Hệ thống thiết bị này bao gồm những bộ phận sau: Một bình hình trụ dung
tích 1 L có đáy hình bán cầu bằng thủy tinh hoặc bằng vật liệu trơ và trong suốt
khác, miệng viền rộng có nắp đậy với những lỗ thích hợp (để cắm nhiệt kế ) Chiều
cao của bình từ 160 mm đến 210 mm, đường kính trong từ 98 mm đến 106 mm.
Vật liệu chế tạo bình phải không hấp phụ, không phản ứng hoặc tương tác với mẫu
thử; Một trục quay và một giỏ hình trụ như mô tả. Các bộ phận trục và giỏ quay
của thiết bị được chế tạo bằng thép không gỉ (SUS316) hoặc bằng một vật liệu trơ
khác. Giỏ quay có thể được mạ một lớp vàng dày khoảng 2.5 μm. Đơn vị được đặt
trong giỏ khô khi bắt đầu mỗi phép thử. Khoảng cách giữa đáy bình và đáy của giỏ
luôn luôn giữ trong khoảng (25 ± 2) mm suốt quá trình thử. Trục quay được định vị
sao cho trục của nó không bị lệch quá 2 mm so với trục xuyên tâm thẳng đứng của
bình ở bất kỳ điểm nào; Một động cơ có bộ phận điều tốc để duy trì tốc độ quay
trong dung sai 14 % của tốc độ qui định. Động cơ được kết nối với một trục quay
và khi vận hành thì quay nhẹ nhàng, không tạo nên sóng nước ảnh hưởng tới kết
quả; Bình được ngâm chìm một phần trong một bệ cách thủy có kích thước phù
hợp hoặc có thể được điều nhiệt bằng thiết bị thích hợp khác như áo nước. Bệ cách
thủy hay áo nước cho phép duy trì nhiệt độ bên trong bình môi trường hòa tan ở
(37 ± 0,5) °C trong quá trình thử cũng như giữ cho môi trường trong bình chuyển
động ổn định và nhẹ nhàng. Bất kỳ bộ phận nào của thiết bị, bao gồm cả bàn thí
nghiệm hay nơi đặt thiết bị, đều không được có rung động, lắc lư đáng kể; chấp
nhận những lay động rất nhẹ gây ra bởi bộ phận khuấy quay. Thiết bị được chế tạo
sao cho có thể quan sát dễ dàng mẫu thử và bộ phận quay trong khi vận hành.
Thiết bị kiểu cánh khuấy (Thiết bị kiểu 2)
Thiết bị kiểu cảnh khuấy giống như thiết bị kiểu 1 ngoại trừ có dùng một bộ
phận khuấy, bao gồm một cánh khuấy và một trục mang nó. Trục quay được định
vị sao cho trục của nó không bị lệch quá 2 mm so với trục xuyên tâm thẳng đứng
của bình ở bất kỳ điểm nào. Trục này quay nhẹ nhàng, không tạo nên sóng nước
ảnh hưởng tới kết quả. Đường thẳng đứng xuyên tâm của cánh khuấy cũng đi qua
trục của trục quay và lắp sao cho đáy của cánh khuấy ngang bằng với đáy của trục.
Khoảng cách giữa đáy cánh khuấy và đáy bình luôn được duy trì ở 25 mm ± 2 mm
trong quá trình vận hành phép thử. Trục quay và cánh khuấy được làm bằng kim
loại hay vật liệu trơ thích hợp, được gắn kết thành một khối chắc chắn. Một kiểu
thiết kế khác gồm 2 phần tháo lắp được cũng có thể được sử dụng miễn là 2 phần
này gắn kết chắc chắn trong quá trình vận hành. Cánh khuấy và trục quay có thể
được phủ một lớp mạ thích hợp để đảm bảo bề mặt hoàn toàn trơ. Đơn vị thử
thường được đặt xuống đáy bình trước khi bắt đầu cho cánh khuấy quay. Có thể
dùng bộ phận giữ mẫu thử, làm bằng vật liệu trơ, để giữ cho mẫu thử không bị nổi
lên. Những bộ phận giữ mẫu thử kiểu khác cũng có thể sử dụng miễn là được thẩm
định đạt yêu cầu. Nếu trong chuyên luận có chỉ định dùng bộ phận giữ mẫu thử và
không có qui định khác, thì dùng hộ phận giữ mẫu thử.
Thiết bị kiểu buồng dòng chảy (Thiết bị kiểu 3)
Thiết bị này bao gồm 1 bình chứa và 1 bơm để bơm môi trường hòa tan; 1
buồng cho môi trường hòa tan chảy qua; 1 bể cách thủy để duy trì môi trường hòa
tan ở (37 ± 0,5) °C. Dùng buồng dòng chảy có kích cỡ như qui định trong chuyên
luận riêng. Bơm đẩy môi trường hòa tan đi lên qua buồng dòng chảy. Sức đẩy của
bơm ở trong khoảng từ 4 đến 16 ml/phút với các tốc độ dòng tiêu chuẩn là 4, 8 và
16 ml/phút. Nó phải chuyền tải được một dòng chảy hằng định (dao động ± 5 %
tốc độ dòng qui định); giản đồ dòng phải ở dạng hình sin với tần số xung là (120 +
10) xung/ phút. Loại bơm được khử xung cũng có thể được dùng. Qui trình thử độ
hòa tan dùng buồng dòng chảy được qui định thông số đặc trưng về tốc độ dòng và
tần số xung nếu có. Buồng dòng chảy được chế tạo bằng vật liệu trơ, trong suốt,
lắp đặt thẳng đứng với hệ thống lọc (được qui định trong chuyên luận riêng) có khả
năng ngăn ngừa những tiểu phân không hòa tan thoát ra từ mặt trên của buồng;
đường kính buồng tiêu chuẩn là 12 mm và 22,6 mm; phần hình nón ngược phía
dưới thường chứa đầy những hạt bi thủy tinh nhỏ có đường kính 1 mm, trong đó có
1 hạt đường kính 5 mm được định vị ở đáy để ngăn chất lỏng đi vào ống; một bộ
phận giữ mẫu thử được dùng để định vị các dạng phân hiệu đặc biệt. Buồng được
nhúng chìm trong bể cách thủy, và được ổn nhiệt ở (37 ± 0,5) °C. Thiết bị có 2
vòng khuyên để cặp giữ buồng dòng chảy với toàn hệ thống, Bơm được đặt tách
riêng khỏi bộ phận hòa tan để giữ cho bộ phận này khỏi rung do bơm chạy. Vị trí
của bơm không nên ở mức cao hơn bình chứa môi trường hòa tan. Các đoạn ống
nối phải càng ngắn càng tốt. Dùng loại ống bằng vật liệu trơ thích hợp như
polytetrafluoroethylen, có đường kính trong khoảng 1,6 mm và các đầu nối được
viền nhẵn.
Đánh giá tính phù hợp của thiết bị
Việc xác định tính phù hợp của hệ thống thiết bị thử độ hòa tan phải bao gồm
đáp ứng yêu cầu về kích thước và khoảng sai số được nêu ở trên. Những thông số
quan trọng nhất của phép thử như nhiệt độ và thể tích môi trường hòa tan, tốc độ
quay (Phương pháp giỏ quay và Phương pháp cánh khuấy) hay tốc độ dòng của
môi trường hòa tan (Phương pháp buồng dòng chảy) cần phải theo dõi định kỳ
trong quá trình thử. Cần phải định kỳ hiệu chuẩn thiết bị thử độ hòa tan.
Phương pháp tiến hành
a. Phương pháp giỏ quay hoặc phương pháp cánh khuấy
Dạng thuốc giải phóng tức thời:
Cách tiến hành: Cho một thể tích xác định môi trường hòa tan (11 %) vào
trong bình hòa tan, lắp ghép thiết bị, cân bằng nhiệt độ môi trường hòa tan ở (37 ±
0,5) °C rồi lấy nhiệt kế ra. Cho 1 đơn vị vào thiết bị, chú ý loại bọt khí khỏi bề mặt
của mẫu thử. Cho vận hành thiết bị ngay ở tốc độ được qui định. Trong khoảng
thời gian qui định, hay ở mỗi thời điểm qui định, lấy một phần mẫu môi trường hòa
tan ở vùng giữa bề mặt môi trường hòa tan và mặt trên của giỏ quay hay mặt trên
của cánh khuấy, cách thành bình ít nhất 10 mm để thử. Nếu phép thử qui định phải
lấy mẫu nhiều lần, cần cấp bù một thể tích môi trường hòa tan mới ở 37 °C bằng
thể tích dịch mẫu thử đã lấy đi, hoặc nếu không cần thiết phải cấp bù môi trường
hòa tan thì tiến hành hiệu chỉnh sự thay đổi thể tích trong tính toán kết quả. Đậy
nắp bình hòa tan trong suốt quá trình thử và kiểm tra nhiệt độ của môi trường hòa
tan ở các thời điểm thích hợp. Mẫu thử được lọc ngay sau khi lấy trừ khi đã chứng
phúth được việc lọc dịch thử là không cần thiết, cần dùng màng lọc trơ, không hấp
phụ được chất hoặc không chứa những chất bị chiết ra gây trở ngại cho việc phân
tích. Tiến hành xác định lượng dược chất được hoà tan theo phương pháp qui đinh.
Lặp lại phép thử với những đơn vị thử khác. Nếu dùng thiết bị tự động lấy mẫu
hoặc thiết bị có thay đổi khác thì cần phải chứng tỏ rằng thiết bị này cho kết quả
tương đương với kết quả thu được từ thiết bị chuẩn đã được mô tả trên đây. Môi
trường hòa tan: Sử dụng một loại môi trường hòa tan thích hợp. Đong, đo thể tích
môi trường qui định trong điều kiện nhiệt độ từ 20 °C đến 25 °C. Nếu môi trường
hòa lẫn là một dung dịch đệm, cần điều chỉnh pH sao cho ở trong khoảng μl qui
định ± 0,05 đơn vị. Các chất khí hòa tan có thể tạo thành bọt khí làm thay đổi kết
quả phép thử. Để tránh ảnh hưởng này, cần loại khí trước khi sử dụng. Thời gian:
Nếu qui định một thời điểm lấy mẫu kiểm tra, phép thử có thể kết thúc trong
khoảng thời gian ngắn hơn nếu lượng được chất hòa tan tối thiểu đã được đáp ứng.
Mẫu thử được lấy ra chỉ ở những thời điểm qui định, thời điểm lấy mẫu được phép
sai số ± 2 %.
Dạng thuốc giải phóng kéo dài
Cách tiến hành: Tiến hành như mô tả trong mục Dạng thuốc giải phóng tức
thời. Môi trường hòa tan: Tiến hành như mô tả trong mục Dạng thuốc giải phóng
tức thời. Thời gian: Thường có 3 thời điểm lấy mẫu kiểm tra, được biểu thị bằng
giờ.
Dụng thuốc giải phóng muộn
Cách tiến hành: Theo phương pháp A hoặc phương pháp B dưới đây.
Phương pháp A:
Giai đoạn acid: Cho 750 ml dung dịch acid hydrocloric 0. 1M vào bình hòa
tan, lắp ráp thiết bị ổn định nhiệt độ môi trường hòa tan ở (37 ± 0,5) °C. Cho 1 đơn
vị vào bình, đậy nắp bình rồi vận hành thiết bị với vận tốc được qui định trong
chuyên luận riêng. Sau 2 h vận hành ở môi trường dung dịch acid hydrocloric
0.1M hứng lấy một một phần môi trường hoà tan để thử rồi tiến hành ngay Giai
đoạn đệm tiếp theo. Xác định lượng dược chất được hoà tan bằng phương pháp
thích hợp. Giai đoạn đệm: cần hoàn thành việc thêm dung dịch đệm và điều chỉnh
pH trong thời gian không quá 5 phút. Trong khi thiết bị vẫn đang vận hành ở vận
tốc qui định, thêm vào bình hòa tan 250 ml dung dịch trinatriphosphat 0,20 M đã
được ổn nhiệt ở (37 ± 0,5) °C. Điều chỉnh pH môi trường hòa tan đến 6,8 ± 0,05
nếu cần thiết, bằng acid hydrocloric 2 M hoặc bằng dung dịch natri hydroxyd 2
M . Tiếp tục vận hành thiết bị 45 phút nữa hoặc một khoảng thời gian theo quỵ
định. Hết thời gian này, lấy một phần môi trường hòa tan để xác định lượng dược
chất được hòa tan bằng phương pháp thích hợp.
Phương pháp B:
Giai đoạn acid: Cho 1000 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1M vào bình hòa
tan, lắp ráp thiết bị. Ổn định nhiệt độ môi trường hòa tan ở (37 ± 0,5) °C. Cho 1
đơn vị vào bình, đậy nắp bình rồi vận hành thiết bị với vận tốc được qui định trong
chuyên luận riêng. Sau 2 h vận hành ở môi trường dung dịch acid hydrocloric 0, 1
M, lấy một phần môi trường hoà tan để thử rồi tiến hành ngay Giai đoạn đệm tiếp
theo. Xác định lượng dược chất hòa tan bằng phương pháp thích hợp. Giai đoạn
đệm: Dùng môi trường là dung dịch đệm đã được ổn nhiệt trước ở 37 °C ± 0,5 °C.
Rút hết dung dịch acid từ bình hòa tan đi rồi thêm 1000 ml đệm phosphat pH 6,8
được pha bằng cách trộn đều dung dịch acid hydrocloric 0,1 M với dung dịch
trinatri phosphat 0,20 M theo tỉ lệ 3 : 1 và điều chỉnh pH môi trường hòa tan đến
6,8 ± 0,05 nếu cần thiết, bằng dung dịch acid hydrocloric 2 M hoặc bằng dung
dịch natri hydroxyd 2 M . Cũng có thể thực hiện việc này bằng cách nhấc bình
chứa acid ra khỏi máy, thay bằng một bình hòa tan khác chứa dung dịch đệm rồi
chuyển đơn vị thử từ bình chứa acid sang bình dung dịch đệm. Tiếp tục vận hành
thiết bị 45 phút nữa hoặc một khoảng thời gian theo qui định. Hết thời gian này, lấy
một lượng môi trường hòa tan để xác định lượng dược chất hoà tan theo phương
pháp thích hợp. Môi trường hòa tan: Tiến hành loại khí như mô tả trong mục Dạng
thuốc giải phóng tức thời. Thời gian: Các thời điểm lấy mẫu được phép sai số ±2
%, trừ khi có qui định khác.
b. Phương pháp buồng dòng chảy
Dạng thuốc giải phóng tức thời:
Cách tiến hành: Cho các viên bi thủy tinh vào buồng thử như chỉ dẫn trong
chuyên luận riêng. Đặt 1 đơn vị lên trên lớp viên bi, hoặc nếu có chỉ dẫn trong
chuyên luận riêng thì đơn vị thử được đặt trên bộ phận giữ mẫu. Lắp đầu phều lọc
và cố định các bộ phận của thiết bị với nhau bằng kẹp giữ thích hợp. Bơm môi
trường hòa tan đã được làm ấm đến (37 ± 0,5) °C đi qua đáy của buồng để có được
tốc độ dòng theo quy định và được đo với độ chính xác 5 %. Thu các phần dịch
hòa tan tại mỗi thời điểm qui định. Tiến hành định lượng như hướng dẫn. Lặp lại
phép thử với những đơn vị khác. Môi trường hòa tan: Tiến hành như chỉ dẫn trong
mục Dạng thuốc giải phóng tức thời của Phương pháp giỏ quay và Phương pháp
cánh khuấy. Thời gian: Tiến hành như chỉ dẫn trong mục Dạng thuốc giải phóng
tức thời của Phương pháp giỏ quay và Phương pháp cánh khuấy.
Dạng thuốc giải phóng kéo dài:
Cách tiến hành: Tiến hành như mô tả trong mục Dạng thuốc giải phóng tức
thời của Phương pháp buồng dòng chảy. Môi trường hòa tan: Tiến hành như mô tả
trong mục Dạng thuốc giải phóng tức thời của Phương pháp buồng dòng chảy.
Thời gian: Thường có 3 thời điểm lấy mẫu, được biểu thị bằng giờ.
Dạng thuốc giải phóng muộn:
Cách tiến hành: Tiến hành như mô tả trong mục Dạng thuốc giải phóng tức
thời của Phương pháp buồng dòng chảy. Môi trường hòa tan: Tiến hành như mô tả
trong mục Dạng thuốc giải phóng tức thời của Phương pháp buồng dòng chảy.
Thời gian: Các thời điểm lấy mẫu được phép sai số ± 2 %, trừ khi có qui định khác.
Đánh giá kết quả
a. Dạng thuốc giải phóng tức thời
Nếu không có chỉ dẫn gì khác, mẫu thử đạt tiêu chuẩn khi lượng dược chất
hòa tan từ các đơn vị đem thử đáp ứng yêu cầu. Phép thử phải trải qua bước tìếp
theo nếu kết quả không đạt ờ bước trước đó. Giá trị Q, là lượng dược chất hòa tan
theo qui định, được biểu thị bằng phần trăm so với lượng ghi trên nhãn; các giá trị
5%, 15% và 25% cũng là phần trăm của lượng dược chất ghi trên nhãn.
b. Dạng thuốc giải phóng kéo dài
Nếu không có chỉ dẫn gì khác, mẫu thử đạt tiêu chuẩn khi lượng dược chất
hòa tan từ các đơn vị đem thử đáp ứng yêu cầu. Phép thử phải trải qua bước tiếp
theo nếu kết quả không đạt ở bước trước đó. Giới hạn lượng dược chất hòa tan ở
từng thời điểm được biểu thị bằng phần trăm so với lượng ghi trên nhãn. Các giới
hạn này gắn với mỗi giá trị Q là lượng dược chất được hòa tan ở mỗi một khoảng
thời gian nhất định. Các giá trị 10 %, 20 % ghi trong Bảng 11.4.2 cũng là hàm
lượng phần trăm của lượng dược chất ghi trên nhãn. Nếu có qui định từ 2 khoảng
thời gian hay nhiều hơn, tiêu chuẩn chấp nhận được áp dụng cho từng khoảng thời
gian.
c. Dạng thuốc giải phóng muộn
Giai đoạn acid: Nếu không có chỉ dẫn gì khác trong chuyên luận riêng, mẫu
thử đạt yêu cầu ở giai đoạn nàỵ nếu lượng dược chất hòa tan tính bằng phần trăm
so với lượng ghi trên nhãn của các đơn vị được thử đáp ứng yêu cầu. Phép thử phải
trải qua bước tiếp theo nếu kết quả không đạt ở bước trước đó. Giai đoạn đệm: Nếu
không có chỉ dẫn gì khác trong chuyên luận riêng, mẫu thử đạt yêu cầu khi lượng
dược chất hòa tan từ các đơn vị đáp ứng yêu cầu. Phép thử phải trải qua bước tiếp
theo nếu kết quả không đạt ở bước trước đó. Giá trị Q trong là 75 % lượng dược
chất ghi trên nhãn được hòa tan, trừ khi có qui định khác trong chuyên luận riêng.
Trị giá của Q là tổng lượng dược chẩt được hòa tan, biểu thị bằng phần trăm, của
cả hai giai đoạn acid và đệm. Các giá trị 5 %, 15 % và 25 % cũng là phần trăm của
lượng dược chất ghi trên nhãn.
Một số quy định đối với phép thử độ hòa tan của viên nén và nang:
Đối với viên nén hoặc nang giải phóng tức thời, nếu không có quy định trong
chuyên luận riêng thì thời gian thử là 45 phút. Lấy 6 đơn vị thử, lượng dược chất
hòa tan từ mỗi đơn vị so với lượng ghi trên nhãn không được thấp hơn 70 %. Nếu
có 1 đơn vị không đạt yêu cầu thì lặp lại phép thử với 6 đơn vị khác, lần này cả 6
đơn vị đều phải đạt. Khi có quy định cho hai đơn vị thử hoặc nhiều hơn vào một
bình thử, cùng tiến hành thử sáu lần như vậy. Trong mỗi lần thử, nếu không có chỉ
dẫn khác trong chuyên luận riêng, lượng dược chất được hòa tan tính theo mỗi đơn
vị không được ít hơn 70 % lượng dược chất ghi trên nhãn. Không được phép thử
lại. Trong trường hợp vỏ nang thuốc có ảnh hưởng đến kết quả phân tích, lấy ít
nhất 6 nang thuốc, loại bỏ hết phần thuốc trong nang, hòa tan vỏ nang rỗng trong
một thể tích môi trường hòa tan qui định. Tiến hành phân tích bằng phương pháp
như đối với dung dịch mẫu thử được qui định trong chuyên luận riêng, sau đó tính
hệ số hiệu chỉnh. Hệ số hiệu chỉnh này không được lớn hơn 25 % lượng ghi trên
nhãn.
Một số hướng dẫn cho phép thử độ hòa tan của dạng thuốc rắn phân
liều:
Trong việc xác định độ hòa tan dược chất của các dạng thuốc rắn phân liều
cần xác định rõ các điểm sau đây: Loại thiết bị được sử dụng; trong trường hợp
dùng thiết bị kiểu buông dòng chảy, cần nói rõ loại buồng lớn hay buồng nhỏ;
Thành phần, thể tích và nhiệt độ của môi trường hòa tan; Tốc độ quay hoặc tốc độ
dòng của môi trường hòa tan; – Thời gian, phương pháp và lượng dung dịch hòa
tan lấy để thử hoặc các điều kiện để theo dõi liên tục; Phương pháp xác định lượng
dược chất hòa tan trong mẫu thử; – Tiêu chuẩn chấp nhận. Việc lựa chọn loại thiết
bị hòa tan được dùng tùy thuộc vào các tính chất hóa lý của dạng bào chế thuốc.
Khi một lượng lớn môi trường hòa tan được chỉ định sử dụng để đảm bảo điều kiện
“sink”, hoặc khi sự thay đổi pH môi trường hòa tan trong quá trình thử là cần thiết,
thiết bị kiểu buồng dòng chảy thường được ưu tiên sử dụng.
Các điều kiện thử
Việc dùng thiết bị kiểu giỏ quay hay thiết bị kiểu cánh khuấy, nói chung là
dựa trên nguyên tắc vận hành ở điều kiện “sink”, có nghĩa là ở điều kiện đó, dược
chất đã hòa tan vào dung dịch không có hiệu ứng đáng kể làm thay đổi độ hòa tan
của phần dược chất còn lại. Thông thường, điều kiện “sink” có được khi thể tích
môi trường hòa tan ít nhất bằng từ 3 đến 10 lần thể tích cần để bão hòa lượng hoạt
chất. Nói chung, nước thường được dùng làm dung môi để chuẩn bị môi trường
hòa tan. Các thành phần của môi trường hòa tan được lựa chọn trên cơ sở đặc điểm
hóa lý của dược chất và các tá dược sao cho các điều kiện môi trường này gần
giống với điều kiện môi trường mà thuốc tiếp xúc sau khi uống. Điều cần đặc biệt
quan tâm là pH và lực ion của môi trường hòa tan. pH của môi trường hòa tan
thường ở trong khoảng từ 1 đến 8. Trong những trường hợp cần thiết được biện
giải thỏa đáng, có thể dùng môi trường hòa tan ở pH cao hơn. Đối với những giá trị
pH thấp hơn ở vùng acid thì thường dùng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M. Một
số môi trường hòa tan được khuyến cáo sử dụng được mô tả ở phần sau. Nước
được dùng làm môi trường hòa tan chỉ khi đã chứng phúth được là sự thay đổi pH
không ảnh hưởng đến đặc tính hòa tan của hoạt chất. Trong những trường hợp đặc
biệt, môi trường hòa tan có thể chứa enzym, chất hoạt động bề mặt và một số chất
vô cơ hay hữu cơ khác. Để thử những chế phẩm chứa dược chất khó tan trong
nước, có thể cần phải làm thay đổi môi trường hòa tan. Trong những trường hợp
này, nên thêm vào môi trường hòa tan chất hoạt động bề mặt ở nồng độ thấp và
tránh dùng các dung môi hữu cơ. Không khí hòa tan trong môi trường hòa tan có
thể ảnh hưởng tới kết quả của phép thử. Ảnh hưởng này càng rõ rệt đối với thiết bị
buồng dòng chảy, vì thế, việc loại khí khỏi môi trường hòa tan là cần thiết nhằm
tránh sự tạo thành bong bóng khí trong buồng dòng chảy. Phương pháp loại khí
thích hợp như sau: Khuấy nhẹ và làm ấm môi trường lên khoảng 41 °C, lọc ngay
dưới chân không, dùng màng lọc có kích thước lỗ lọc 0,45 μm hay bé hơn, đồng
thời khuấy mạnh và tiếp tục khuấy trong chân không khoảng 5 phút. Các kỹ thuật
loại khí khác cũng có thể được sử dụng. Khi dùng thiết bị kiểu giỏ quay hoặc kiểu
cánh khuấy, thể tích môi trường hòa tan thường là 500 ml đến 1000 ml. Tốc độ
khuấy thường được chọn là từ 50 r/phút đến 100r/ phút; tốc độ này không được
vượt quá 150 r/phút. Đối với thiết bị buồng dòng chảy, tốc độ dòng của môi trường
hòa tan thường đặt giữa 4 ml/phút và 50 ml/phút.
Môi trường hòa tan
Thành phần và cách pha chế các môi trường này được chỉ ra dưới đây:
Môi trường acid hydrocloric: Dung dịch acid hydrocloric 0,2 M. Dung dịch
natri clorid 0,2 M: Hòa tan 11,69 g natri clorid trong nước rồi pha loãng với nước
đến đủ 1000,0 ml. Để pha chế các môi trường có pH khác nhau, lấy 250 ml dung
dịch natri clorid 0,2 M cho vào một bình định mức 1000 ml, thêm một thể tích
dung dịch acid hydrocloric 0,2 M rồi thêm nước vừa đủ đến vạch. Cũng có thể
thay thế natri clorid bằng kali clorid trong pha chế các môi trường acid hydrocloric.
Các dung dịch đệm acetat: Dung dịch acid acetic 2 M: Hòa trộn 120,0 g acid
acetic băng với nước vừa đủ 1000,0 ml. Dung dịch đệm acetat pH 4,5: Hòa tan
2,99 g natri acetat trong nước. Thêm 14,0 ml dung dịch acid acetic 2 M rồi pha
loãng với nước vừa đủ 1000,0 ml. Dung dịch đệm acetat pH 5,5: Hòa tan 5,98 g
natri acetat trong nước. Thêm 3,0 ml dung dịch acid acetic 2 M rồi pha loãng với
nước vừa đủ 1000,0 ml. Dung dịch đệm acetat pH 4,8: Hòa tan 6,23 g natri acetat
trong nước. Thêm 2,1 ml dung dịch acid acetic 2 M rồi pha loãng với nước vừa đủ
1000,0 ml.
Các dung dịch đệm phosphat: Để pha chế đệm phosphat với các pH khác
nhau, lấy 250 ml dung dịch kali dihydrophosphat 0,2 N cho vào một bình định mức
1000 ml. thêm một thể tích dung dịch natri hydroxyd 0,2 M ghi trong bảng rồi pha
loãng với nước cho đủ 1000,0 ml. Các dung dịch đệm phosphat khác Dung dich
đệm phosphat pH 4.5: Hòa tan 13,61 g kali dihydrophosphat trong 750 ml nước.
Điều chỉnh pH nếu cần bằng dung dịch natri hydroxyd 0, 1 M hoặc bằng acid
hydrocloric 0.1 M . Pha loãng với nước đủ 1000,0 ml.
Dịch ruột giả pH 6,8: Hòa trộn 250 ml dung dịch chứa 6,8 g
kalidihydrophosphat, 77 ml dung dịch natri hydroxyd 0,2 M và 500 ml nước.
Thêm 10 g bột tuyến tụy, trộn đều và điều chỉnh pH nếu cần. Pha loãng với nước
đủ 1000,0 ml.
Dịch dạ dày giả: Hòa trộn tan 2,0 g natri clorid và 3,2 g bột pepsin trong
nước. Thêm 80 ml acid hydrocloric 1 M rồi pha loãng với nước vừa đủ 1000 ml.
Bột pepsin có thể không cần, nếu có yêu cầu.
Tăng dần pH
Đối với phép thử độ hòa tan với pH tăng dần, có thể áp dụng một trong các
trình tự sau:
Để đạt được sự thay đổi pH, có thể thực hiện một trong các cách sau: Thay
thế một dung dịch đệm bằng một dung dịch đệm khác (thay toàn bộ); Rút bỏ chỉ
một nửa thể tích môi trường hòa tan mỗi lần (phương pháp thay thế một nửa) rồi
bù vào bằng dung dịch đệm có pH cao hơn; ví dụ: pH khởi đầu là 1,2 và dung dịch
đệm thay thế là đệm phosphat pH 7,5; Thêm vào dung dịch khởi đầu ở pH 1,5 một
lượng bột hỗn hợp chứa tris(hydroxymethyl)aminomethan và natri acetat khan để
thu được dung dịch pH 4,5 và một lượng lần thứ 2 để thu được dung dịch pH 7,2
như mô tả dưới đây:
Dung dịch acid hydrocloric pH 1,5: Hòa tan 2 g natri clorid trong nước thêm
31,6 ml dung dịch acid hydrocloric 1M rồi pha loãng với nước vừa đủ 1000 ml;
Dung dịch đệm pH 4,5: Trộn đều 2,28 g tris(hydroxymethyl) aminomethan và
1,77 g natri acetat khan . Hòa tan hỗn hợp này trong dung dịch acid hydrocloric pH
1.5 ở trên dung dịch đệm pH 7,2: trộn đều 2,28 g tris(hydroxymethyl)
aminomethan và 1,77 g natri acetat khan. Hòa tan hỗn hợp này trong dung dịch
đệm pH 14,5 ở trên. Thiết bị buồng dòng chảy có thể được dùng thử độ hòa tan
trong môi trường thay đổi liên tục pH.
Đánh giá và thẩm định
Do bản chất của phép thử độ hòa tan, chất lượng thiết kế là yếu tố đánh giá
quan trọng đối với thiết bị thử độ hòa tan in vitro. Bất kỳ một sai lệch nào như rung
động hay lắc lư quá mức do phần cơ khí không hoàn hảo đều cần phải được loại
trừ. Việc đánh giá thiết bị thử độ hòa tan cần xem xét các kích thước và dung sai
của thiết bị. Những thông số quan trọng nhất của phép thử như nhiệt độ và thể tích
môi trường hòa tan, tốc độ quay hay tốc độ dòng, lượng mẫu thử cần lấy và qui
trình thử cần phải định kỳ theo dõi đánh giá trong các khoảng thời gian sử dụng
thiết bị. Thiết bị thử độ hòa tan có thể được theo dõi đánh giá bằng cách thử một
sản phẩm đổi chiều nhạy cảm với các điều kiện thủy động học. Những phép thử
này có thể được thực hiện định kỳ hoặc liên tục để so sánh với các phòng kiểm
nghiệm khác. Trong quá trình thử, cần phải quan sát và kiểm tra một cách chặt chẽ.
Điều này đặc biệt quan trọng khi cần biện giải bất kỳ một kết quả nào lọt ra ngoài
khoảng mong đợi. Việc kiểm định hệ thống thử độ hòa tan tự động đối với bộ phận
lấy mẫu và bộ phận phân tích, hoặc việc pha chế môi trường hòa tan và vận hành
phép thử, cần phải xem xét độ chính xác. độ đúng và sự tránh nhiễm tạp do pha
lõang, chuyên vận, làm sạch và các qui trình điều chế dung môi hay chuẩn bị mẫu.
Yêu cầu về độ hòa tan đối với các dạng thuốc uống
Yêu cầu về độ hòa tan được biểu thị bằng giá trị Q, là phần trăm lượng dược
chất hòa tan so với lượng ghi trên nhãn trong khoảng thời gian qui định. Dạng
thuốc gỉai phóng tức thời (dạng quy ước) Trong hầu hết các trường hợp. khi thử
trong các điều kiện đã được khảo sát và chứng phúth là phù hợp, tiêu chuẩn chấp
nhận ở bước S1 là ít nhất 80 % lượng dược chất được giải phóng trong khoảng thời
gian quy định, thông thường là 45 phút hoặc ít hơn. Điều này tương ứng với giá trị
Q bằng 75 %, ở bước S1, mỗi một giá trị của 6 đơn vị thử không được ít hơn Q + 5
% tức là không ít hơn 80 %. Thông thường, tiêu chuẩn chấp nhận tại một thời điểm
là đủ để chứng phúth rằng phần lớn được chất đã được giải phóng, tuy vậy trong
một số trường hợp cần phải đánh giá thêm một thời điểm hoặc nhiều hơn để chứng
phúth chế phẩm đáp ứng yêu cầu về độ hòa tan. Dạng thuốc giải phóng kéo dài
Tiêu chuẩn độ hòa tan đối với dạng thuốc giải phóng kéo dài thường bao gồm từ 3
thời điểm thử trở lên. Thời điểm thử đầu tiên nhằm kiểm tra sự giải phóng dược
chất nhanh không được định trước (sự “bùng” liều). Vì thế thông thường yêu cầu
lượng dược chất được giải phóng tại thời điểm này nằm trong khoảng 20 % đến 30
%. Thời điểm thứ hai xác định cách thức hòa tan của chế phẩm và thường khoảng
50 % lượng dược chất được giải phóng. Thời điểm thử cuối cùng nhằm đảm bảo
rằng sự giải phóng dược chất gần như hoàn tất, có nghĩa là trên 80 % lượng dược
chất đã được giải phóng. Dạng thuốc giải phóng muộn Dạng thuốc giải phóng
muộn có thể giải phóng dược chất theo nhiều phân đoạn cách quãng hay giải phóng
toàn bộ một lần tùy theo thiết kế công thức bào chế khi được thử trong môi trường
hòa tan khác nhau, ví dụ trong các điều kiện pH tăng dần. Tiêu chuẩn độ hòa tan, vì
thế, phải được xác định cho từng trường hợp một. Những dạng thuốc kháng dịch vị
yêu cầu ít nhất 2 thời điểm thử theo trình tự trước sau và 2 tiêu chuẩn khác
nhau trong một phép thử song song. Trong phép thử theo trình tự, thời điểm thử
thứ nhất có một giới hạn trên và được thử sau 1 h hoặc sau 2 h trong môi trường
acid, còn điểm thử sau tại khoảng thời gian định trước trong một dung dịch đệm
thích hợp (thường là pH 6.8). Trong hầu hết các trường hợp, tiêu chuẩn chấp nhận
ở bước B1 là ít nhất 80 % lượng dược chất được giải phóng. Điều này tương ứng
với giá trị Q bằng 75 %, đối chiếu với Bảng 11.4.4, ở bước B1, mỗi một giá trị của
6 đơn vị thử không được ít hơn Q + 5 % tức là không ít hơn 80 %.
PHÉP THỬ ĐỘ GIẢI PHÓNG DƯỢC CHẤT CỦA THUỐC DÁN
THẤM QUA DA
Phép thử này được dùng để xác định mức độ hòa tan các thành phần dược
chất của dạng thuốc dán thấm qua da.
Phương pháp dùng thiết bị có đĩa lưới inox
Thiết bị: Dùng thiết bị thử độ hòa tan kiểu cánh khuấy như mô tả trong
chuyên luận Phép thử độ hòa tan của dạng thuốc rắn phân liều có bổ sung thêm
một bộ phận đĩa lưới inox hình tròn với lỗ mắt lưới 125 μm. Bộ phận đĩa lưới inox
giữ mẫu thử ở đáy của bình hòa tan và được thiết kế sao cho giảm thiểu thể tích
chết giữa đĩa lưới inox và đáy bình. Bộ phận này cũng giữ cho miếng dán thử được
căng phẳng, có mặt giải phóng thuốc ngửa lên trên và song song với đáy cánh
khuấy. Phải luôn duy trì khoảng cách (25 ± 2) mm giữa đáy cánh khuấy và bề mặt
đĩa lưới inox trong quá trình thử. Nhiệt độ được giữ ổn định ở (32 ± 0,5) °C. Bình
hòa tan có thể được đậy nắp để hạn chế bay hơi dung môi trong thời gian thử.
Cách tiến hành: Cho một thể tích môi trường hòa tan như chỉ dẫn vào bình
hòa tan và làm ổn nhiệt môi trường ở nhiệt độ quy định. Đặt miếng thuốc dán cần
thử lên đĩa lưới inox, giữ sao cho bề mặt giải phóng thuốc càng phẳng càng tốt.
Miếng thuốc dán có thể gắn vào đĩa inox bằng keo dính hoặc bằng một dải băng
dính hai mặt. Keo dính hoặc băng dính đều phải được thử trước chứng tỏ không
gây trở ngại cho phép định lượng và không hấp phụ hoạt chất thuốc. Ấn nhẹ miếng
thuốc dán có bề mặt giải phóng thuốc ngửa lên trên lên mặt của đĩa lưới inox đã có
chất dính. Miếng dán thử chỉ nằm trên phần lưới inox, không được phủ trùm lên
vành đĩa. Để làm được điều này, khi chế phẩm thuốc đồng nhất và được trải đều
lên cốt của thuốc dán, có thể đo chính xác và cắt lấy những mảnh thuốc dán có
kích thước thích hợp để thử. Đặt bộ phận đĩa inox đã gắn miếng thuốc dán thử nằm
ngang trên đáy bình hòa tan sao cho mặt giải phóng dược chất ngửa lên trên. Cho
vận hành ngay cánh khuấy quay ở tốc độ quy định, chẳng hạn 100 r/phút. Sau từng
khoảng thời gian được định trước, rút mẫu thử ở vùng giữa của bề mặt môi trường
hòa tan và mặt trên của cánh khuấy, và ở chỗ cách thành bình không dưới 1 cm.
Tiến hành định lượng mỗi mẫu dung dịch thử theo phương pháp được chỉ dẫn ở
chuyên luận riêng, hiệu chỉnh sự giảm thể tích môi trường hòa tan nếu thấy cần
thiết. Lặp lại phép thử với những miếng dán khác.
Đánh giá kết quả: Mẫu thử đạt yêu cầu thử độ hòa tan nếu lượng dược chất
giải phóng từ miếng thuốc dán thử, biểu thị bằng khối lượng tính trên 1 đơn vị diện
tích bề mặt trong 1 đơn vị thời gian (ví dụ: μg/cm2/h), phải nằm trong giới hạn quy
định ở từng thời điểm lấy mẫu xác định.
Phương pháp dùng thiết bị ống trụ quay
Thiết bị: Dùng thiết bị thử độ hòa tan kiểu cánh khuấy như mô tả trong
chuyên luận Phép thử độ hòa tan của các dạng thuốc rắn phân liều, thay thế trục và
cánh khuấy bằng một bộ phận khuấy hình ống trụ. Mẫu thuốc dán đem thử được
dính lên trên ống trụ khi bắt đầu mỗi phép thử. Khoảng cách giữa đáy bình hòa tan
và ống trụ được duy trì ở (25 ± 2) mm trong suốt quá trình thử. Nhiệt độ được giữ
ổn định ở (32 ± 0,5) °C. Bình hòa tan có thể được đậy nắp để hạn chế bay hơi dung
môi trong thời gian thử.
Cách tiến hành: Cho một thể tích môi trường hòa tan như chỉ dẫn vào bình
hòa tan và làm ổn nhiệt ở nhiệt độ quy định. Bỏ lớp bảo vệ miếng thuốc dán đem
thử. Đặt mặt dính của miếng thuốc dán lên một màng có lỗ bằng vật liệu trơ thích
hợp, màng này có kích thước lớn hơn miếng dán ít nhất 1 cm mỗi cạnh. Đặt màng
mỏng có miếng thuốc dán thử lên trên một bề mặt sạch, để cho màng mỏng tiếp
xúc với bề mặt này. Tiếp theo, tiến hành dán mẫu thử lên ống trụ bằng một trong
hai cách sau đây: Dùng một chất keo dính thích hợp bôi lên bờ cạnh của màng
mỏng và nếu cần thiết bôi lên cả mặt sau của miếng thuốc dán thử. Dùng một băng
dính hai mặt dính vào thành ngoài của ống trụ. Ép nhẹ mặt không có chất dính của
miếng thuốc dán lên ống trụ sao cho bề mặt giải phóng thuốc tiếp xúc với môi
trường hòa tan và trục dọc của dải thuốc dán bao vòng quanh ống trụ. Keo dính
hay băng dính đem dùng đều phải được thử trước chứng tỏ là không gây trở ngại
cho phép định lượng và không hấp phụ dược chất. Đặt ống trụ vào thiết bị thử độ
hòa tan rồi cho vận hành ngay ống trụ quay ở tốc độ quy định, chẳng hạn ở 100r/
phút . Sau từng khoảng thời gian được định trước, rút mẫu thử ở vùng giữa của bề
mặt môi trường hòa tan và mặt trên của ống trụ quay, và ở chỗ cách thành bình
không dưới 1 cm. Tiến hành định lượng mỗi mẫu dung dịch như chỉ dẫn trong
chuyên luận riêng, hiệu chỉnh sự giảm thể tích môi trường hòa tan nếu thấy cần
thiết. Lặp lại phép thử với những miếng thuốc dán khác.
Đánh giá kết quả: Như Phương pháp dùng thiết bị có đĩa lưới inox.

PHƯƠNG PHÁP KIỂM NGHIỆM ĐỔ ĐỰNG CỦA DƯỢC PHẨM


Đồ đựng cấp 1 dùng cho chế phẩm dược, Đồ đựng dùng cho chế phẩm dược
hay bao bì đựng thuốc là phần gắn bó hữu cơ với cấu trúc của dạng bào chế vì
chúng giữ thuốc ở liều lượng mong muốn và đảm bảo cho thuốc ổn định chất
lượng ở nhiều chỉ tiêu liên quan. Mặt trong của đồ đựng thuốc (bao bì cấp 1 ) do
tiếp xúc trực tiếp với thuốc nên phải được chọn lựa cẩn thận để khi dùng không
ảnh hưởng tới bản chất, độ ổn định của thuốc trong quá trình chứa đựng, vận
chuyển, bảo quản dù chỉ là thời gian ngắn. Việc làm kín như hàn ống thủy tinh hay
nút, nắp và xi sáp kín cũng là một phần của đồ đựng cấp 1. Chuyên luận này cung
cấp những thông tin cần thiết và những tiêu chuẩn cần đáp ứng đối với những
nguyên liệu chính như thủy tinh và chất dẻo dùng để chế tạo đồ đựng thuốc cấp 1.
ĐỒ ĐỰNG BẰNG THỦY TINH DÙNG CHO CHẾ PHẨM DƯỢC
Đồ đựng bằng thủy tinh dùng cho chế phẩm dược là vật dụng mà mặt trong
của chúng tiếp xúc trực tiếp với thuốc, nên tùy vào bản chất của thuốc mà chọn
loại thủy tinh thích hợp để chế tạo đồ đựng. Trước khi đóng thuốc, đồ đựng phải
được xử lý đạt độ sạch theo yêu cầu của từng dạng thuốc như giới hạn hạt bụi và vi
sinh vật… Đồ đựng thủy tinh có thể là đồng chất như ống tiêm, nhưng với chai lọ
thì phải có nẳp, nút thích hợp bằng thủy tinh hoặc vật liệu khác, như cao su, chất
dẻo… Nhóm đồ dựng chế tạo từ thủy tinh có nhiều loại như: Chai, lọ, ống, bơm
tiêm…
Chai, lọ đựng thuốc
Chai, lọ đựng thuốc là loại đồ đựng có thành tương đối dày và được đóng kín
bằng một loại nắp, nút và các phụ tùng thích hợp. Nút có thể là thủy tinh, cao su
hoặc chất dẻo. Những chất đựng ở trong chai, lọ có thể được lấy ra dùng một lần
(bao bì đơn liều) hoặc nhiều lần (đồ đựng đa liều). Chai, lọ có thể in, khắc vạch
đánh dấu thể tích. Riêng với chai đựng thuốc tiêm truyền và các chế phẩm tương tự
phải khắc vạch đánh dấu thể tích từ 2 hướng lên xuống theo chiều cao của chai.
Chai, lọ đựng thuốc tiêm phải dùng loại thủy tinh trung tính phù hợp, trong suốt,
không màu hoặc trường hợp thủy tinh có xử lý đặc biệt có thể làm thủy tinh hơi mờ
nhưng vẫn phải giữ mức trong suốt đủ để quan sát thuốc đựng bên trong. Chai, lọ
bằng thủy tinh để đựng thuốc đặc biệt như khí dung ở áp suất cao phải được chế
tạo đặc biệt để chịu áp lực cao của khí đầy và an toàn như độ dày hoặc bao bọc
chai, lọ bằng nhựa.
Chai, lọ đựng máu và những chế phẩm của máu
Là những đồ đựng hình trụ, có thành dày thích hợp đáp ứng yêu cầu vé độ bền
trong điều kiện sử dụng, có dung tích khác nhau và là những thủy tinh trung tính,
trong và không màu.
Ống tiêm rỗng
Là ống có thành mỏng, đầu và miệng ống có thể thuôn nhỏ hoặc cổ bồng
miệng loe, miệng ống để hở và được hàn kín sau khi đã đóng đủ thuốc. Thuốc ở
trong ống thường chỉ lấy ra dùng một lần. Ống đựng thuốc tiêm phải dùng loại
thủy tinh trung tính phù hợp. Cũng có thể sản xuất ống tiêm rỗng đạt độ sạch theo
yêu cầu và hàn kín. Khi đóng thuốc, ống được đưa vào máy tự động đốt cắt làm hở
miệng ống, đóng thuốc và hàn kín.
Bơm tiêm đựng thuốc bằng thủy tinh
Bơm tiêm bằng thủy tinh để đựng thuốc có thể gặp trong thực tế, theo đó
thuốc được đóng trong bơm tiêm và cung cấp đi liền với kim tiêm và phụ tùng
khác. Đó là loại để đựng đặc biệt dùng cho một số loại thuốc tiêm phân liều,
thường ở dạng lỏng và được đóng gói kín, vô trùng và dùng một lần.
Chất lượng của thủy tinh
Thủy tinh là muối silicat như natri silicat, calci silicat… chế tạo bằng cách
nấu chảy hỗn hợp của silic oxyd (Si02) và các chất phụ gia. Thủy tinh thường
trong suốt, không màu. Thủy tinh màu là có thêm một lượng nhỏ oxyd kim loại mà
sự lựa chọn tùy thuộc vào sự hấp thụ quang phổ người ta mong muốn. Thủy tinh
trung tính chứa một lượng đáng kể bor oxyd, nhôm oxyd thay cho một phần oxyd
kim loại kiềm. Do thành phần khác biệt của chúng nên thủy tinh trung tính có độ
bền với nhiệt cao và độ bền với nước rất cao. Thủy tinh kiềm chứa oxyd kim loại
kiềm, chủ yếu là natri oxyd và oxyd kim loại kiềm thổ, chủ yếu là calci oxyd. Với
những thành phần như vậy nên thủy tinh kiềm có độ bền với nước vừa phải. Độ
bền hoá học của đồ đựng thủy tinh đối với thuốc được biểu thị bằng độ bền với
nước trong những điều kiện quy định của thử nghiệm. Khi tiếp xúc với nước, thủy
tinh có thể giải phóng, hòa tan những chất gốc kim loại từ cấu trúc phân tử của
thủy tinh nhất là ion natri và ion kim loại kiềm, kiềm thổ tạo ra dịch có tính kiềm ít
hoặc nhiều. Định lượng độ kiềm này có thể đánh giá được độ bền với nước của
thủy tinh, qua đó phân loại và chọn loại đồ đựng thủy tinh phù hợp với dạng thuốc.
Khi thử nghiệm bằng cách cho nước tiếp xúc với mặt trong của đồ đựng thủy tinh
trong điều kiện quy định, sau đó định lượng độ kiềm của dịch, kết quả này gọi là
độ kiềm hay độ bền bề mặt của đồ đựng thủy tinh. Khi thử nghiệm bằng cách đập
vỡ bao bì thủy tinh rồi lấy lượng chính xác, tán bột và cho tiếp xúc với nước trong
điều kiện quy định, sau đó định lượng độ kiềm của dịch thu được, kết quả này gọi
là độ kiềm hay độ bền tổng cộng của vật liệu làm đồ dựng thủy tinh. Chuyên luận
này quy định đánh giá độ bền bề mặt với nước của đồ dựng thủy tinh và được tiến
hành bằng chuẩn độ kiềm giải phóng ra trong điều kiện xác định. Tùy theo độ bền
bề mặt với nước mà đồ đựng thủy tinh được phân loại theo các cấp như sau: Đồ
đựng thủy tinh cấp I: Là thủy tinh trung tính có độ bền với nước cao do thành phần
hóa học của thủy tinh. Đồ đựng thủy tinh cấp II: Thường là thủy tinh kiềm đã xử lý
bề mặt thích hợp nên có độ bền với nước khá cao. Đồ đựng thủy tinh cấp III:
Thường là thủy tinh kiềm, chỉ có độ bền với nước vừa phải. Đồ đựng thủy tinh cấp
IV: Thường là thủy tinh kiềm, có độ bền với nước ở mức thấp. Nhà sản xuất thuốc
phải chịu trách nhiệm chọn những đồ đựng thích hợp cho từng loại thuốc khác
nhau. Đồ đựng thủy tinh cấp I nói chung thích hợp với tất cả những chế phẩm tiêm,
máu và những sản phẩm của máu. Đồ đựng thủy tinh cấp II nói chung thích hợp
cho những chế phẩm có tính acid hay trung tính dùng để tiêm. Đồ đựng thủy tinh
cấp III nói chung thích hợp cho những chế phẩm không có nước hay thuốc trong
dung môi dầu dùng để tiêm, những bột dùng để tiêm và những chế phẩm dùng
ngoài đường tiêm. Đồ đựng thủy tinh cấp IV hay gọi là thủy tinh thường, chỉ dùng
cho những chế phẩm không dùng để tiêm. Có thể dùng thủy tinh màu hay không
màu cho những chế phẩm không dùng để tiêm. Các thuốc tiêm thường được đóng
trong đồ đựng thủy tinh không màu. Đồ đựng thủy tinh màu cũng có thể được dùng
cho những thuốc tiêm chứa hoạt chất nhạy cảm với ánh sáng. Những đồ đựng thủy
tinh cho chế phẩm để tiêm đủ ở dạng lỏng hoặc bột đều phải đảm bảo cho việc
quan sát kiểm tra được tính chất cảm quan của thuốc đựng ở bên trong. Những đồ
đựng thủy tinh cho chế phẩm tiêm không được đem dùng lại, trừ đồ đựng thủy tinh
cấp 1, thường là chai, lọ nhưng phải có những quy định cụ thể cho vấn đề này.
Những đồ đựng thủy tinh để đựng máu và những sản phẩm từ máu thì không được
dùng lại. Mặt trong của đồ đựng thủy tinh để đóng thuốc có thể được xử lý đặc biệt
để cải thiện độ bền đối với nước hoặc tạo ra tính không thấm nước… nhưng phải
chứng phúth tính an toàn của các biện pháp này. Mặt ngoài cùng có thể được xử lý
để làm giảm độ ma sát và tăng khả năng chống sự mài mòn, nhưng không để
nhiễm bẩn mặt trong. Khi những đồ đựng thuốc bằng thủy tinh có những bộ phận
không phải thủy tinh thì chỉ áp dụng những thử nghiệm đối với phần thủy tinh của
đồ đựng.
Độ bền đối với nước của mặt trong đồ đựng bằng thủy tinh
Phép thử này đánh giá độ bền bề mặt trong của đồ đựng bằng thủy tinh đối
với nước và chỉ áp dụng cho đồ đựng mới, chưa qua sử dụng. Số lượng mẫu thử
nghiệm và thể tích dung dịch cần lấy để định lượng phụ thuộc vào dung tích của đồ
đựng, theo chỉ dẫn.
Phương pháp thử: Rửa sạch mẫu ngay trước khi thử nghiệm bằng cách súc
với nước cất không có carbon dioxyd ít nhất 3 lần. Đổ hết nước rửa ra và đóng
nước cất không có carbon dioxyd vào trong đồ đựng với lượng quy định. Với chai,
lọ thì đậy kín miệng bằng một đĩa thủy tinh trung tính hoặc giấy nhôm mà trước đó
đã rửa sạch bằng nước cất không có carbon dioxyd . Với ống thì hàn kín bằng đèn
gas. Đặt đồ đựng đã đong đầy nước cất vào khay của nồi hấp, các khay không được
chạm vào nước trong nồi và nước của nồi hấp phải là nước cất. Đậy chặt nắp nồi
hấp. Điều chỉnh nhiệt độ của nồi như sau: Để ở 100 °C trong 10 phút cho khí trong
nồi thoát ra hết qua van xả. Nâng nhiệt độ từ 100 °C lên 121 °C trong 20 phút. Duy
trì nhiệt độ 121 °C ± 1 °C trong 60 phút. Hạ nhiệt: độ từ 121 °C xuống 100 °C
trong khoảng 40 phút, thông hơi để tránh chân không. Lấy mẫu thử ra khỏi nồi hấp
theo các thao tác chung và làm nguội nhanh mẫu bằng nước thường. Thời gian tiến
hành định lượng trong vòng 60 phút sau khi lấy ra khỏi nồi hấp. Lấy dung dịch ra
khỏi đồ đựng và trộn lẫn với nhau. Cho vào một bình nón một lượng dung dịch đã
chỉ dẫn. Cho vào bình nón thứ 2 một lượng nước cất không có carbon dioxyd
tương đương lượng dung dịch ở bình 1 (mẫu trắng). Thêm vào mỗi bình 0,05 ml
dung dịch đỏ methyl tính cho mỗi 25 ml dung dịch thử. Định lượng bằng dung
dịch acid hydrocloric 0,01 M (CĐ) cho tới khi chuyển sang màu tương đương với
màu của mẫu trắng, số ml dung dịch acid hydrocloric 0.01 M (CĐ) dùng để trung
hòa lượng kiềm do đồ đựng thủy tinh nhả vào nước là hiệu số giữa kết quả của
mẫu thử và mẫu trắng và được gọi là độ bền đối với nước của mặt trong đồ đựng,
được quy định theo 100 ml dung dịch sau khi hấp và đem định lượng. Giới hạn quy
định cho thử độ bền đối với nước của đồ dựng thủy tinh đựng thuốc không được
vượt quy định.
Phân biệt thủy tinh cấp I và cấp II
Số lượng mẫu thử nghiệm và thể tích dung dịch cần lấy để định lượng theo
chỉ dẫn. Phương pháp thử: Súc sạch đồ đựng 2 lần với nước, sau đó đong đầy
dung dịch acid hydrofluoric 4 % (tt/tt) và để yên 10 phút ở nhiệt độ phòng rồi đổ
đi, súc lại đồ đựng bằng nước ít nhất 5 lần. Tiến hành ngay thử độ bền đối với nước
của mặt trong đồ đựng bằng thủy tinh. Kết quả thu được đem so sánh. Mẫu thủy
tinh đã xử lý với acid hydrofluoric 4 % (tt/tt) đạt cấp độ:
Thủy tinh cấp I: Nếu thể tích dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (CĐ) định
lượng không vượt quá qui định cho thủy tinh cấp I hoặc cấp II.
Thủy tinh cấp II: Nếu thể tích dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (CĐ) định
lượng vượt quá qui định cho thủy tinh cấp I hoặc cấp II, nhưng không vượt quá qui
định cho thủy tinh cấp III.
Giới hạn arsen
Áp dụng cho đồ dựng thủy tinh đựng thuốc tiêm dung môi là nước. Những
ống thủy tinh phải thử nghiệm như sau: Tiến hành thử trên những ống đã được rửa
5 lần với nước vừa mới cất. Chuẩn bị một dung dịch thứ như trong thử độ bền đối
với nước với một số ống thích hợp để tạo ra 50 ml dịch thử. Dùng ống hút để lấy
10 ml dung dịch thử cho vào hình nút mài, thêm 10 ml acid nitric và làm bay hơi
cho tới khô trên cách thủy. Làm khô cắn trong tủ sấy ở 130 ° C trong 30 phút. Để
nguội, thêm vào cắn 10,0 ml dung dịch hydrazin molybdat. lắc để hòa tan và đun
20 phút trên cách thủy có ống sinh hàn ngược. Để nguội tới nhiệt độ phòng. Xác
định độ hấp thụ của dung dịch ở bước sóng cực đại khoảng 840 nm và dùng mẫu
trắng là 10,0 ml dung dịch hydrazin molybdat. Độ hấp thụ của dung dịch thử
không được vượt quá độ hấp thụ của dung dịch chuẩn được chuẩn bị trong cùng
điều kiện bằng cách dùng 0,1 ml dung dịch arsen máu 10 phần triệu As thay cho
dung dịch thử.
ĐỒ ĐỰNG BẰNG KIM LOẠI CHO THUỐC MỠ TRA MẮT
Ống bằng kim loại có thể gấp được dùng đóng thuốc mỡ tra mắt phải đáp ứng
thử nghiệm sau đây về tiểu phân kim loại: Lấy ngẫu nhiên 50 ống trong một lô ống
cần kiểm tra. Rửa sạch từng ống bằng máy rung hay máy thổi. Đun chảy một
lượng tá dược thuốc mỡ tra mắt thích hợp và đóng đầy vào từng ống. Gấp kín đáy
ống bằng 2 nếp gấp và để qua đêm ở nhiệt độ 15 °C đến 20 °C. Dùng một hệ thống
lọc chân không có lắp phễu lọc hình trụ bằng thép không gỉ hoặc bằng sứ, đáy phễu
phẳng có đục nhiều lỗ thủng nhỏ, có thể đun nóng được, đường kính trong của
phễu đặt vừa giấy lọc kích thước 4,25 cm. Cho vào phễu miếng giấy lọc có lỗ xốp
thích hợp. Đun nóng phễu lên nhiệt độ cao hơn nhiệt độ nóng chảy của tá dược.
Mở nắp ống tá dược để để qua đêm, dốc ngược ống, bóp đều từ phía đầu kín của
ống cho tá dược đi qua đầu ống đã mở vào phễu đã đun nóng, thời gian bóp hết
ống tá dược không dưới 20 s, hút chân không để lọc. Bóp và lọc hết toàn bộ 50
ống. Khi đã lọc hết tá dược chảy lỏng, rửa thành phễu và giấy lọc liên tiếp ba lần,
mỗi lần với 30 ml cloroform . Để cho giấy lọc khô, kẹp giấy lọc giữa 2 phiến kính
để quan sát. Dùng một kính phóng đại có thước đo được chia ô vuông có cạnh 1
phút, mỗi cạnh lại được chia nhỏ thành 0,2 phút để quan sát giấy lọc dưới ánh sáng
chiếu xiên góc. Đếm số tiểu phân quan sát được trong thị trường và ghi lại số tiểu
phân kim loại dài từ 1 mm trở lên, số tiểu phân kim loại dài từ 0,5 mm đến dưới 1
mm và số tiểu phân kim loại dài từ 0,2 phút đến dưới 0,5 mm. Thực hiện tiếp 2 lần
nữa việc quan sát giấy lọc ở 2 vị trí khác, sao cho ánh sáng chiếu tới từ các hướng
khác nhau. Tính số trung bình của những tiểu phân kim loại đếm được ứng với 3
khoảng giới hạn kích thước nêu trên có trong 3 thị trường đã quan sát. Mỗi tiểu
phân kim loại phát hiện được trên giấy lọc ứng với một số điểm cụ thể. Cộng toàn
bộ số điểm để đánh giá (không tính điểm đối với các tiểu phân dưới 0,2 mm). Lỗ
ống đạt yêu cầu nếu tổng số điểm dưới 100 điểm. Lỗ ống không đạt yêu cầu nếu
tổng số điểm trên 150 điểm. Trường hợp tổng số điểm là từ 100 điểm đến 150
điểm, thì thử lại với 50 ông khác và lô thử đạt yêu cầu nếu tổng số điểm trong 2 lần
thử ít hơn 150 điểm.
ĐỒ ĐỰNG VÀ NÚT BẰNG CHẤT DẺO
Chất dẻo hay nhựa dẻo là các hợp chất cao phân từ thiên nhiên hoặc tổng hợp.
Đồ đựng bằng chất dẻo dùng cho chế phẩm dược là những vật dụng được chế tạo
theo khuôn mẫu phù hợp để đựng thuốc và mặt trong của chúng tiếp xúc trực tiếp
với thuốc. Nếu đồ đựng là chai, lọ, ống hoặc loại tương tự thì thường phải có nút đi
kèm. Nút để đậy kín đồ đựng là một phần của đồ đựng, đồng thời phải có biện
pháp thích hợp như xi sáp, hàn… để khi đóng nút đồ đựng phải có độ kín đạt yêu
cầu. Ở phạm vi rộng hơn, đồ đựng chế tạo bằng chất dẻo còn có những loại khác
không cần có nút để làm kín, như túi, ống hàn kín bằng nhiệt… Nguyên liệu chất
dẻo dùng chế tạo đồ đựng thuốc có thể là một hay phối chế từ nhiều polymer và có
thể thêm một số chất. Những chất thêm vào có thể là chất chống oxy hóa, chất ổn
định, chất làm dẻo, chất làm bóng, chất màu.
Đồ đựng và nút làm bằng chất dẻo có thể dùng để đựng nhiều dạng thuốc theo
đường dùng khác nhau: Đựng thuốc tiêm như chai, túi, ong. Đựng thuốc nhỏ mắt,
thuốc tra mắt như lọ, ống. Đựng thuốc uống và thuốc dùng ngoài như chai, lọ, hoặc
vài loại đặc biệt khác. Các chất dẻo để chế tạo đồ đựng thuốc thường dùng như
polyethylen (loại tỷ trọng thấp hoặc cao) ký hiệu là: PE, polypropylen ký hiệu là
pp, polyvinyl clorid ký hiệu là PVC, ethylen vinyl acetat copolymer, polyethylen
terephthalat… Đồ đựng và nút làm bằng chất dẻo có nhiều ưu điểm như nhẹ, bền,
rẻ tiền… nhưng cũng có những nhược điểm như có thể thấm hơi nước, thấm khí từ
môi trường, chống tia cực tím không cao, nhả chất phụ gia có thể gây độc cho
người sử dụng, làm ô nhiễm môi trường. Yêu cầu chất lượng chung.
Đồ đựng và nút làm bằng chất dẻo phải có chất lượng riêng biệt cho đồ đựng
thuốc tiêm, đồ đựng thuốc nhỏ mắt, thuốc tra mắt và đồ đựng thuốc uống và thuốc
dùng ngoài hay đồ đựng cho các dạng thuốc ngoài đường tiêm. Những nguyên liệu
làm đồ đựng không được có thành phần có thể chiết ra một lượng chất làm giảm
hoạt lực và giảm tính ổn định hoặc làm tăng độc tính của thuốc. Những chất giảm
tính điện, những chất giải phóng khuôn chì có thể dùng cho đồ đựng thuốc dùng
ngoài khi được phép. Những nguyên liệu làm chất phụ gia nào được phép dùng
phải mô tả đặc tính và được ghi trong Dược điển; những chất phụ gia khác cũng có
thể được dùng nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép trong từng trường hợp.
Để chọn một đồ đựng bằng chất dẻo thích hợp và có thể đánh giá được khả năng
rủi ro thì cần phải biết đầy đủ về công thức sản xuất chất dẻo đó. bao gồm tất cả
những nguyên liệu cho thêm vào trong quá trình sản xuất đồ đựng. Đồ đựng bằng
chất dẻo được lựa chọn cho bất kỳ một chế phẩm đặc biệt nào cũng phải đảm bảo
các yêu cầu sau: Khi đựng thuốc, chất dẻo không được hấp thụ hoạt chất thuốc lên
bề mặt và không được để cho thuốc thấm vào trong chất dẻo. Chất dẻo không được
tạo ra một lượng chất đủ để làm ảnh hưởng đến sự bền vững của thuốc đựng ở
trong hoặc tạo ra khả năng gây độc. Để kiểm tra sự tương hợp của đồ đựng và chất
đựng ở trong, đảm bảo không có sự thay đổi có hại đến chất lượng chế phẩm thì
phải thực hiện nhiều phép thử khác nhau như: Kiểm tra không có sự thay đổi về
tính chất lý học; xác định chất bị mất và chất được thêm do sự thấm hút, phát hiện
sự thay đổi pH; đánh giá về những thay đổi gây ra bởi ánh sáng; những thử nghiệm
hóa học và những thử nghiệm sinh học cần thiết. Những đồ đựng sản xuất hàng
loạt phải phù hợp với mẫu vật về mọi phương diện. Chúng phải đảm bảo không có
thay đổi về thành phần, về phương pháp sản xuất và quan trọng nhất là không dùng
nguyên liệu phế loại. Những mẫu lấy từ nơi sản xuất phải được kiểm tra để đảm
bảo phù hợp với vật mẫu. Quy trình thử nghiệm hóa học, sinh học mô tả dưới đây
được áp dụng cho đồ đựng bằng chất dẻo dùng cho chế phẩm dược. Phải thấy rằng
những thử nghiệm này chưa đủ để xác định độ an toàn hoặc sự thích hợp của đồ
đựng bằng chất dẻo mà cần thiết phải xem xét kết quả những thử nghiệm kết hợp
với thông tin ở trên. Nếu có rủi ro, nhà sản xuất phải xem xét lại tiêu chuẩn của đồ
đựng và thành phần của chất dẻo hoặc chất lượng của thành phần bị hư hoặc quy
trình sản xuất và chế biến bị thay đổi.
ĐỒ ĐỰNG BẰNG CHẤT DẺO DÙNG CHO CHẾ PHẨM NHỎ MẮT
Đồ đựng bằng chất dẻo cho các chế phẩm nhỏ mắt có thể được chế tạo từ các
polymer có khối lượng phân tử đồng nhất trong một khoảng nhất định. Có thể dùng
Polypropylen hoặc đồng polymer của propylen với không quá 25 % ethylen hoặc
hỗn hợp Polypropylen và không quá 25 % polyethylen và thường có thêm các chất
hóa dẻo, ổn định, chống oxy hóa, tạo màu, làm trơn. Để lựa chọn đồ đựng bằng
chất dẻo phù hợp với chế phẩm nhỏ mẳt cần phải tiến hành các thử nghiệm về
thành phần của chất dẻo, qui trình xử lý đồ đựng, môi trường tiếp xúc, khả năng
hấp thụ và tính thấm của các chất thêm vào, điều kiện bảo quản… có thể ảnh
hưởng đến chế phẩm. Đồ đựng bằng chất dẻo cho chế phẩm thuốc nhỏ mắt phải
đáp ứng những thử nghiệm sau:
Mục lục [Ẩn] 1 Thử độ kín, độ gấp uốn, độ trong của dịch chiết, cắn không
bay hơi 2 Thử nghiệm tiêm toàn thân, tiêm trong da 3 Thử kích ứng mắt
Thử độ kín, độ gấp uốn, độ trong của dịch chiết, cắn không bay hơi: Phải
đáp ứng những thử nghiệm qui định cho đồ đựng bằng chất dẻo dùng cho chế
phẩm không phải thuốc tiêm.
Thử nghiệm tiêm toàn thân, tiêm trong da: Phải đáp ứng những thử
nghiệm qui định cho đồ đựng bằng chất dẻo dùng cho chế phẩm thuốc tiêm.
Thử kích ứng mắt: Thử nghiệm này để đánh giá đáp ứng khi nhỏ dịch chiết
của mẫu thử vào mắt thỏ. Dung môi chiết: (a) Dung dịch tiêm natri clorid 0,9%. (b)
Dầu thực vật.
Chuẩn bị mẫu thử và dịch chiết: Tiến hành giống như chuẩn bị dịch chiết để
thử nghiệm tiêm toàn thân.
Động vật thí nghiệm: Chọn những thỏ trắng khỏe mạnh, trước đó chưa dùng
để thử kích ứng mắt. Nhà chấn nuôi phải không có mùn cưa, vỏ bào hay những vật
liệu khác có thể làm kích ứng mắt thỏ. Kiểm tra cả hai mắt thỏ trước khi thử và chỉ
dùng những thỏ mà mắt không bị kích ứng để thí nghiệm.
Thử sự thích ứng của mắt thỏ: Dùng một thỏ, nhỏ vào một mắt 100 μl mẫu
trắng đã chuẩn bị trong thử nghiệm tiêm toàn thân và nhỏ vào mắt kia 100 μl nước
cất vô khuẩn để tiêm. Mắt thỏ được coi là thích ứng nếu không nhận thấy sự khác
nhau có ý nghĩa giữa hai mắt.
Qui trình thử: Dùng 3 thỏ trắng cho mỗi dịch chiết đem thử. Nhốt thỏ ở nơi
chắc chắn nhưng cần nhẹ nhàng và yên tĩnh. Kéo nhẹ và hạ mí mắt dưới xa con
ngươi để làm thành một hốc lõm và nhỏ khoảng 100 μl nước cất vô khuẩn để tiêm,
giữ mi mắt khoảng 30 s. Làm tương tự để nhỏ vào mắt kia 100 μl dịch chiết mẫu
thử đã chuẩn bị ở thử nghiệm tiêm toàn thân. Quan sát mắt thỏ vào các thời điểm
24 h, 48 h và 72 h sau khi nhỏ. Phép thử đạt yêu cầu nếu dịch chiết của mẫu thử
chứng tỏ không có kích ứng đáng kể trong quá trình theo dõi so với mẫu trắng và
mắt thỏ thích ứng với thử nghiệm. Nếu có hiện tượng kích ứng với mắt nhỏ nước
cất vô khuẩn để tiêm hoặc mắt thỏ không thích ứng với thử nghiệm thì làm lại thí
nghiệm với 3 thỏ khác. Trong lần thử lại, tất cả các thỏ phải đạt yêu cầu thử
nghiệm.
ĐỒ ĐỰNG BẰNG CHẤT DẺO DÙNG CHO CHẾ PHẨM THUỐC
TIÊM
Nguyên liệu
Chỉ những chất dẻo tinh khiết, không màu, không mùi, mới được dùng làm
nguyên liệu để chế tạo đồ đựng thuốc tiêm. Đồ đựng thuốc tiêm có thể được chế
tạo từ một hay nhiều polymer như polyethylen, polypropylen, polyvinyl clorid và
có thể thêm các chất phụ gia để chống oxy hóa, làm trơn, hóa dẻo, ổn định nhưng
không được dùng các chất để tạo màu.
Đặc tính
Đồ đựng phải đủ trong để kiểm tra được bằng mắt thường thuốc chứa bên
trong. Đồ đựng đã đóng thuốc phải chịu được phương pháp tiệt khuẩn bằng nhiệt
hoặc các phương pháp tiệt khuẩn khác. Sau khi tiệt khuẩn, đồ đựng không được có
dấu hiệu bị co lại, méo mó, biến màu, mất độ trong, rạn nứt, chảy dính hoặc bất kỳ
sự hư hỏng nào khác. Đồ đựng phải không cho vi sinh vật thâm nhập vào thuốc sau
khi đã hàn kín. Đồ đựng có thể là túi hoặc chai có kích thước, hình dáng thích hợp
cho việc sử dụng (có thể thêm các nút gan, dây treo khi tiêm truyền).
Thử nghiệm về tính chất của đồ đựng
Thử độ kín, độ gấp non: Phải đáp ứng những thử nghiệm trong chuyên luận
Đồ đựng chất dẻo cho những chế phẩm không phải thuốc tiêm.
Độ trong của đồ đựng: Hỗn dịch chuẩn: Hòa tan 1,0 g hydrazin Sulfat trong
một ít nước, thêm nước vừa đủ 100 ml, để yên trong 6 h. Thêm 25,0 ml dung dịch
hexamin 10 % vào 25 ml dung dịch này, trộn kỹ và để yên trong 24 h. Hỗn dịch
thu được bền trong khoảng 2 tháng. Pha loãng 15 ml hỗn dịch này với nước vừa đủ
1000 ml. Hỗn dịch chuẩn chỉ dùng trong vòng 24 h. Pha loãng hỗn dịch chuẩn để
thu được hỗn dịch có độ hấp thụ ở bước sóng khoảng 640 nm là 0,37 đến 0,43 (pha
loãng khoảng 16 lần). Cho một thể tích hỗn dịch thu được bằng dung tích qui định
vào 5 đồ đựng. Độ đục của hỗn dịch khi nhìn qua đồ đựng phải đục hơn so với
nước cất đựng trong đồ đựng tương ứng.
Độ ngấm hơi nước: Cho nước vào 5 đồ đựng theo dung tích qui định và hàn
kín bằng một miếng polyethylen, nhôm mỏng hay một cách khác thích hợp. Cân
chính xác mỗi đồ đựng và để yên (không phủ gì ở trên) trong 14 ngày ở độ ẩm
tương đối 60 % ± 5 % và ở nhiệt độ trong khoảng 20 °C đến 25 °C. Cân lại các đồ
đựng. Khối lượng giảm đi không được vượt quá 0,2 %.
Những đồ đựng bằng chất dẻo polyvinyl clorid (PVC) dùng cho thuốc tiêm
(tiêm truyền tĩnh mạch):
Chất di(2-ethylhexyl)phthalat chiết được: Không quá 0,010 %(kl/tt). Dùng
một ống cấp, kim hoặc bộ phận nối thích hợp. Cho vào đồ đựng một thể tích dung
môi chiết bằng khoảng một nửa dung tích. Hút hết không khí ra và hàn kín ống
cấp. Đặt đồ đựng theo hướng nằm ngang vào một nồi cách thủy và giữ nhiệt độ ở
36 °C đến 38 °C trong 60 phút ± 1 phút, không lắc. Lấy đồ dựng ra khỏi nồi cách
thủy, đảo ngược đồ đựng cẩn thận 10 lần và chuyển dịch chứa ở trong sang một
bình thủy tinh. Do ngay độ hấp thụ ở cực đại khoảng 272 nm (Phụ lục 4.1). Tính
phần trăm của di(2-ethylhexyl) phthalat theo đường chuẩn. Dung môi chiết:
Ethanol đã pha loãng để có tỷ trọng tương đối từ 0,9373 đến 0,9378 và làm ấm tới
37 °C trong một bình có nút kín. Đường chuẩn di(2-ethylhexyl) phthalat: Pha 5
dung dịch chuẩn có chứa 0,020 %; 0,010 %; 0,0050 %; 0.0020 %; 0,0010 % (kl/tt)
di(2-ethylhexyl) phthalat trong dung môi chiết. Đo độ hấp thụ trong cùng điều
kiện.
Thử nghiệm về chất liệu của đồ đựng
Dùng phần đồ đựng không có nhãn, không có vết in hoặc không bị dát mỏng
hoặc hạt chất dẻo trong trường hợp đồ đựng được chế tạo đồng thời với quá trình
đóng thuốc và hàn kín.
Bari: Làm ẩm 2 g mẫu thử với acid hydrocloric và nung trong một chén bạch
kim. Hòa tan tro trong 10 ml dung dịch acid hydrocloric 1 M, lọc và thêm 1 ml
dung dịch acid sulfuric 1 M vào dịch lọc. Độ đục không lớn hơn hỗn dịch đục
chuẩn thu được bằng cách cho 1 ml dung dịch acid sulfuric 1 M vào mỗi hỗn hợp
10 ml dung dịch bari chuẩn (10 phần triệu Ba) và 10 ml dung dịch acid hydrocloric
1M.
Kim loại nặng: Cho 2,5 g mẫu thử vào một bình đáy tròn, cổ dài, thêm 20 ml
acid sulfuric và đốt thành than trong khoảng 10 phút. Thêm từng giọt nước oxy già
(100 thể tích) vào dung dịch nóng cho tới khi hết màu, đun nóng sau mỗi lần thêm
cho tới khi có khói trắng bay lên. Để nguội, dùng 10 ml nước cất để chuyển hết cắn
từ bình sang đĩa bạch kim và bốc hơi đến khô. Hòa tan cắn vào 10 ml dung dịch
acid hydrocloric 1 M . Lọc nếu cần, thêm nước để được 25 ml (dung dịch A).
Thêm 1,2 ml dung dịch thioacetamid vào hỗn hợp gồm 10 ml dung dịch A và 2 ml
đệm acetat pH 3,5 , lắc trộn đều ngay và để yên trong 2 phút. Nếu dung dịch tạo
thành có màu vàng, màu phải không được đậm hơn màu vàng thu được bằng cách
đun 10 ml dung dịch cadmi mẫu 10 phần triệu Cd thay cho dung dịch A. Nếu là
màu nâu phải không được đậm hơn màu nâu thu được bằng cách dùng một hỗn
hợp 5 ml dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb và 5 ml nước thay cho dung dịch A.
Thiếc: Thêm 5 ml dung dịch acid sulfuric 20 % , 1 ml dung dịch natri dodecyl
sulfat 1 % (kl/tt) và 1 ml thuốc thử kẽm dithiol vào 10 ml dung dịch A trong phép
thử kim loại nặng. Đun nóng trong nồi cách thủy đúng 1 phút. Làm nguội và để
yên trong 30 phút. Nếu dung dịch tạo thành có màu đỏ thì không được đậm hơn
màu đỏ thu được bằng cách dùng 10 ml dung dịch thiếc mẫu 5 phần triệu Sn thay
cho dung dịch A.
Kẽm: Lấy 1 ml dung dịch A trong phép thử kim loại nặng, thêm nước cất vừa
đủ 100 ml. Lấy 10 ml dung dịch thu được, thêm 5 ml dung dịch đệm acetat pH 4,4
và 1 ml dung dịch natri thiosulfat 0,1 M , 5 ml dung dịch dithizon 0,001 % trong
cloroform . Lắc và để yên 2 phút. Màu tím trong lớp cloroform không được đậm
hơn màu thu được bằng cách dùng hỗn hợp 2 ml dung dịch kẽm màu 10 phần triệu
Zn và 8 ml nước thay cho dung dịch thử. Tiến hành một mẫu trắng kiểm tra, dùng
10 ml nước thay cho 10 ml dung dịch thử. Thử nghiệm không có giá trị nếu lớp
cloroform thu được trong mẫu trắng có màu xanh lục.
Cắn nung: Lấy 5 g đồ đựng đã cắt nhỏ cho vào một chén nung thích hợp đã
cân bì. Nung ở 800 °C± 2 5 °C tới khối lượng không đổi. Đổ chén nung cho nguội
trong bình hút ẩm sau mỗi lần nung, lượng cấn không được quá 0,1 %.
Thử nghiệm trên dịch chiết
Thử nghiệm hóa lý: Những thử nghiệm sau đây thực hiện trên dịch chiết từ
đồ đựng là chất dẻo, lượng chất dẻo tính theo diện tích bề mặt (cả 2 mặt) và chiết ở
nhiệt độ qui định. Mẫu chất dẻo đồng nhất về chất liệu được cắt thành những
miếng dài khoảng 5 cm và rộng khoảng 0,3 cm. Chuyển mẫu đã chia nhỏ vào một
bình thủy tinh hình trụ dung tích 250 ml có nút mài, thêm khoảng 150 ml nước.
Lắc khoảng 30 s, gạn bỏ nước và rửa lại một lần nữa. Cho vào bình chiết thích hợp
một lượng mẫu đã chuẩn bị có diện tích bề mặt khoảng 1200 cm2 nếu bề dày của
mẫu là 0,5 mm hoặc mỏng hơn, hoặc 600 cm2 nếu bề dày lớn hơn 0,5 mm. Thêm
200 ml nước và chiết nóng trong nồi cách thủy ở 70 °C trong 24 h hoặc trong nồi
hấp ở 120 °C trong 30 phút. Làm nguội nhưng không dưới 20 °C. Lấy 20,0 ml dịch
chiết vào một bình thích hợp để dùng cho phép thử dung lượng đệm. Gạn ngay
dịch chiết còn lại vào một bình sạch và đậy kín để thử các phép thử dưới đây. Dùng
nước để làm mẫu trắng trong những phép thử sau:
Độ trong và màu sắc: Dịch chiết phải trong (Phụ lục 9.2) và không màu (Phụ
lục 9.3).
Độ hấp thụ ánh sáng: Lọc dịch chiết nếu cắn và dịch lọc có độ hấp thụ ánh
sáng không quá 0,08 ở 220 nm đến 240 nm và không quá 0,05 ở 240 nm đến 360
nm (Phụ lục 4. 1). Dùng nước để làm mẫu trắng.
pH: Cứ mỗi 20 ml dịch chiết và mẫu trắng cho thêm 1 ml dung dịch kali
clorid 0,1 % , xác định pH của dung dịch (Phụ lục 6.2). Hiệu số pH của hai dung
dịch không được lớn hơn 1,5.
Chất không bay hơi: Cho 50,0 ml dịch chiết vào một chén nung thích hợp đã
cân bì và được làm sạch bằng acid. Bốc hơi trên cách thủy cho tới khô và sấy cắn ở
105 °C trong 1 h, Song song làm mẫu trắng. Hiệu số giữa cắn của dịch chiết và
mẫu trắng không được vượt quá 15 mg. Ghi chú: Nếu là cắn dầu thì kiểm tra lại
quá trình bay hơi, giai đoạn làm khô, và giảm nhiệt nếu dầu có xu hướng bám vào
thành của chén nung.
Cắn nung (Không cần phải làm thử nghiệm này nếu kết quả thử nghiệm cắn
không bay hơi không vượt quá 5 mg): Tiến hành với chất không bay hơi thu được
từ mẫu thử và mẫu trắng, nhưng cho thêm cùng một lượng acid sulfuric vào mỗi
chén nung. Hiệu số giữa cắn nung của mẫu thử và mẫu trắng không vượt quá 5 mg.
Kim loại nặng: Dịch chiết có thể lọc nếu cắn. lấy 20.0 ml cho vào 1 trong 2
ống Nessier, điều chỉnh pH tới khoảng giữa 3,0 và 4,0 với dung dịch acid acetic 1
M hay dung dịch amoniac 5 M , pha loãng với nước để thành 35 ml và trộn đều.
Cho vào ống Nessler kia 2,0 ml dung dịch chì mẫu 1 phần triệu Pb và 20 ml nước.
Điều chỉnh pH vào khoảng giữa 3,0 và 4,0 với dung dịch acid acetic 1 M hay dung
dịch amoniac 5 M . Pha loãng với nước để thành 35 ml và trộn đều. Cho vào mỗi
ống 10 ml dung dịch dihydmsuifid vừa mới pha, thêm nước thành 50 ml và trộn
đều. Trong 10 phút, nếu dịch chiết có màu nâu thì không được đậm hơn màu trong
ống chuẩn.
Dung lượng đệm: Lấy 20 ml dịch chiết đem chuẩn độ với dung dịch acid
hydrocloric 0,01 M (CĐ) hay dung dịch natri hydroxyd 0,01 M (CĐ) tới pH 7,0
xác định bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2). Song song chuẩn
độ với 20 ml mẫu trắng. Nếu mẫu thử và mẫu trắng dùng cùng loại dung dịch
chuẩn độ thì hiệu của hai thể tích đã dùng ở trên không vượt quá 10,0 ml, nếu dùng
hai dung dịch chuẩn độ khác loại cho mẫu thử hay mẫu trắng thì tổng số thể tích
không lớn hơn 10,0 ml.
Những chất bị oxy hóa: Cho 20,0 ml dịch chiết vào một bình thủy tinh nút
mài, thêm 20,0 ml dung dịch kali pemanganat 0,002 M (CĐ) và 1 ml dung dịch
acid sulfuric 10 % (kl/kl), đun sôi 3 phút. Để nguội, thêm 0,1 g kali iodid, lắc trộn
đều và để yên 10 phút trong tối. Chuẩn độ bằng dung dịch natri thiosulfat 0,01 M
(CĐ). Dùng 0,25 ml dung dịch hồ tinh bột cho vào khoảng cuối chuẩn độ làm chỉ
thị màu. Song song làm mẫu trắng, hiệu số giữa hai lần định lượng không khác
nhau quá 1,0 ml.
Thử nghiệm sinh học: Những thử nghiệm sau đây được xây dựng để đánh
giá đáp ứng sinh học của động vật đối với những vật liệu là chất dẻo hay polymer
khác khi tiêm các chất chiết từ mẫu thử nghiệm. Lượng mẫu thử được lấy theo diện
tích bề mặt đem chiết. Khi diện tích bề mặt không thể xác định được thì dùng 0.2 g
mẫu thử cho mỗi túi dịch chiết, cần thận trọng khi chuẩn bị các mẫu thử để tiêm,
tránh nhiễm khuẩn và các chất lạ. Thử nghiệm áp dụng cho các loại chất dẻo và các
polymer đúng với điều kiện sử dụng. Khi các đồ đựng phải rửa hoặc tiệt khuẩn
trước khi dùng thì thử nghiệm cũng phải tiến hành trên mẫu đồ dựng đã được xử lý
với cùng qui trình rửa và tiệt khuẩn. Mẫu thử là dịch chiết từ mẫu đồ đựng cần thử.
Mẫu trắng là dung môi dùng để chiết được xử lý trong cùng điều kiện và qui trình
như mẫu thứ. Mẫu đối chiếu âm tính là mẫu không cho phản ứng trong cùng điều
kiện thử.
a) Thử nghiệm toàn thân: Thử nghiệm dùng để đánh giá đáp ứng toàn thân
của chuột nhắt sau khi tiêm dịch chiết từ mẫu cần thử. Động vật thí nghiệm: Chuột
nhắt trắng khỏe mạnh, cùng nguồn gốc. cân nặng 18 g đến 22 g. chưa dùng vào thí
nghiệm nào trước đó. Chuột được cho ăn và uống nước bình thường. Dụng cụ: Nồi
hấp có khả năng duy trì nhiệt độ ở 121 °C ± 2 °C, có thêm hệ thống nước làm lạnh
để làm nguội bình đựng mẫu thử đèn khoảng 20°C ngay sau khi hấp. Tủ sấy có khả
năng duy trì nhiệt độ ở 50 °C ± 2 °C hoặc 70 °C ± 2 °C. Dùng ống nghiệm hoặc
ống nuôi cấy có nắp xoáy là thủy tinh trung tính (thủy tinh loại để chiết mẫu).
Chuẩn bị dụng cụ: Các dụng cụ thủy tinh cần tráng bằng hỗn hợp acid cromic hoặc
acid nitric nóng, súc rửa kỹ với nước, tráng lại bằng nước cất. Rửa các dụng cụ để
cắt lần lượt với aceton và dicloromethan trước khi dùng để cắt mẫu. Tất cả các
dụng cụ khác phải được rửa với chất tẩy rửa thích hợp rồi tráng kỹ bằng nước cất.
Làm khô và tiệt khuẩn các dụng cụ bằng phương pháp thích hợp. Dung môi chiết:
Việc lựa chọn dung môi chiết, trong số các dung môi chiết dưới đây, cần đại diện
cho thành phần dung môi có trong chế phẩm sẽ tiếp xúc trực tiếp với đồ đựng chất
dẻo đem thử nghiệm. Dung dịch tiêm natri clorid 0,9 % (vô khuẩn và không có
chất gây sốt). Dung dịch 5 % của ethanol trong dung dịch tiêm natri clorid 0,9 %
Polyethylen glycol 400. Dầu thực vật: Dùng dầu vừng, dầu lạc hoặc dầu hạt bông
mới tinh chế và phải đạt thêm các yêu cầu sau: Dùng 3 thỏ thí nghiệm theo qui
định phép thử tiêm trong da. Tiêm trong da 0,2 ml vào mỗi điểm, tiêm 10 điểm trên
mỗi thỏ. Quan sát chỗ tiêm 24 h, 48 h và 72 h sau khi tiêm. Không được có điểm
nào có phản ứng dưới dạng vết đỏ hay phồng có đường kính lớn hơn 0,5 cm.
Chuẩn bị mẫu thử: Chọn và cắt mẫu thử thành những mảnh nhỏ theo kích thước
hướng dẫn trong Bảng 17.3.2.1. Loại bỏ những vật lạ như xơ vải và những mảnh
vụn quá nhỏ bằng cách cho mẫu đã cất vào ống đong thủy tinh loại I, dung tích 100
ml, có nút mài, thêm 70 ml nước để pha thuốc tiêm. Lắc trong khoảng 30 s, gạn bỏ
hết nước, làm lại một lần nữa. Với phần mẫu dùng chiết bằng dung môi là dầu thực
vật, cần sấy khô mẫu thử ở nhiệt độ không quá 50 °C. Ghi chú: Không lau mẫu
bằng khăn khô/ẩm hoặc rửa bằng dung môi hữu cơ. Chuẩn bị dịch chiết: Cho
lượng mẫu thử đã xử lý đúng yêu cầu vào dụng cụ chiết, thêm 20 ml dung môi
chiết, Chuẩn bị như vậy với từng loại dung môi chiết theo yêu cầu phép thử. Song
song chuẩn bị một mẫu trắng dùng 20 ml cho mỗi loại dung môi và xử lý trong
cùng điều kiện. Chiết bằng cách hấp trong nồi hấp ở 120 °C trong 60 phút hoặc
trong tủ ấm ở 70°C trong 24 h hoặc ở 50 °C trong 72 h, tùy thuộc vào loại chất dẻo
đem thử. Làm nguội ngay đến nhiệt độ phòng nhưng không dưới 20 °C. lắc mạnh
trong vài phút và gạn ngay mỗi dịch chiết vào một bình khô, vô khuẩn. Bảo quản
các dịch chiết ở nhiệt độ từ 20 °C đến 30 °C nhưng không dùng để thử nếu để quá
24 h. Ghi chú: Điều kiện chiết không được làm thay đổi trạng thái vật lý của mẫu
thử, như làm chảy hoặc làm nóng chảy mẫu thử, dẫn tới làm giảm diện tích bề mặt
mẫu thử. Có thể cho phép các mảnh dính nhẹ vào nhau. Nên cho từng mảnh nhỏ đã
rửa sạch vào dung môi chiết. Nếu dùng các ống nuôi cấy để chiết với dầu thực vật
trong nồi hấp thì phải dán kín mép quanh nút với băng dính tốt để ngăn hơi nước
không vào trong dịch chiết. Tiến hành: Lắc mạnh dịch chiết trước mỗi liều tiêm để
đảm bảo chất chiết được phân bố đều. Chú ý không lấy các tiểu phân nhìn thấy
được để tiêm tĩnh mạch. Dùng 5 chuột cho một nhóm, mỗi nhóm thử với một dịch
chiết của mẫu thử hoặc mẫu trắng, Liều tiêm và đường tiêm theo hướng dẫn ở
Bảng 17.3.2.2. Riêng dịch chiết với dung môi polyethylen glycol và mẫu trắng
tương ứng cần pha loãng với 4.1 thể tích dung dịch tiêm natri clorid 0,9 % để được
dung dịch có nồng độ khoảng 200 mg polyethylen glycol trong 1 ml. Quan sát tất
cả các chuột ngay sau khi tiêm, sau 4 h và ít nhất vào các thời điểm 24 h, 28 h và
72 h sau khi tiêm. Nếu trong thời gian theo dõi không có chuột nào của nhóm tiêm
mẫu thử có phản ứng sinh học lớn hơn đáng kể so với nhóm tiêm mẫu trắng thì
mẫu thử đạt yêu cầu. Nếu có 2 chuột hoặc nhiều hơn bị chết hoặc có 2 chuột hoặc
nhiều hơn có biểu hiện bất thường như co giật, suy nhược hoặc có 3 chuột trở lên
bị giảm cân (> 2 g) thì mẫu thử không đạt yêu cầu. Nếu có một chuột bị chết hoặc
có dấu hiệu phản ứng sinh học thì thử lại trên 10 chuột khác. Với lần thử lại, mẫu
thử đạt yêu cầu nếu tất cả 10 chuột đều sống và không có biểu hiện sinh học khác
nhau đáng kể so với nhóm chứng.
b) Thử nghiệm tiêm trong da: Thử nghiệm này được xây dựng để đánh giá
phản ứng tại chỗ của thỏ với dịch chiết mẫu thử sau khi tiêm vào trong da. Động
vật thí nghiệm: Chọn thỏ trắng, da mỏng, có thể cắt lông thật ngắn và da không bị
tổn thương hoặc bị kích ứng do cọ xát. Trong thời gian theo dõi, tránh tiếp xúc vào
những chỗ tiêm trừ khi cần phân biệt giữa nốt phù nề với vết dầu đọng. Ghi chú:
Những thỏ trước đó đã dùng cho các phép thử không liên quan như thử chất gây
sốt hoặc thỏ đã nghỉ một thời gian sau lần thử trước, có thể dùng vào phép thử này
nếu da sạch và không bị tổn thương. Tiến hành: Trong ngày thí nghiệm, cắt lông
trên phần lưng thỏ, về cả hai bên sống lưng, một khoảng đủ rộng để thử. Tránh gây
kích ứng và làm tổn thương da. Dùng máy hút để loại hết lỏng rơi ra, khi cần có
thể lau nhẹ da bằng ethanol loãng và để khô trước khi tiêm. Mỗi loại dịch chiết cần
thử trên 2 thỏ, một bên tiêm dịch chiết và một bên tiêm mẫu trắng theo hướng dẫn
trong Bảng 17.3.2.3. Để tránh lãng phí, trên cùng một thỏ có thể tiêm một vài loại
dịch chiết hoặc dịch chiết của vài mẫu khác nếu kết quả không ảnh hưởng lẫn
nhau. Lắc mạnh mỗi dịch chiết trước khi lấy để tiêm. Mẫu dịch chiết với
polyethylen glycol 400 và mẫu trắng tương ứng, cần pha loãng với dung dịch tiêm
natri clorid 0,9 % để có nồng độ polyethylen glycol khoảng 120 mg trong 1 ml.
Quan sát các chỗ tiêm để phát hiện các phản ứng của mô như ban đỏ, phù nề hoặc
hoại tử. Có thể lau nhẹ bằng ethanol loãng để dễ quan sát và đánh giá kết quả.
Quan sát tất cả các thỏ thí nghiệm tại các thời điểm 24 h, 48 h và 72 h sau khi tiêm.
Chấm điểm tất cả các chỗ tiêm của mẫu trắng và mẫu thử theo thang điểm qui
định. Trong thời gian theo dõi, nếu cần có thể cắt lại lông thỏ để dễ quan sát. Tính
điểm ban đỏ và phù nề trung bình cho mẫu trắng và mẫu thử ở mỗi lần chấm điểm
(24 h, 28 h và 72 h) cho mỗi thỏ. Sau 72 h, cộng tất cả các điểm ban đỏ và phù nề
cho riêng mẫu thử và mẫu trắng, Chia tổng số điểm của từng mẫu cho 12 (2 thỏ X
3 lần ghi điểm X 2 lần ghi loại điểm) để xác định điểm trung bình chung với mỗi
mẫu thử và mẫu trắng tương ứng. Phép thử đạt yêu cầu nếu hiệu số giữa điểm
trung bình của mẫu thử và mẫu trắng tương ứng nhỏ hơn hoặc bằng 1. Nếu ở bất
kỳ lần ghi điểm nào đó, điểm phản ứng trung bình của mẫu thử nghi ngờ cao hơn
mẫu trắng, làm lại thêm trên 3 thỏ khác. Phép thử đạt yêu cầu nếu điểm trung bình
giữa mẫu thử và mẫu trắng khác nhau nhỏ hơn hoặc bằng 1,0.
c) Thử nghiệm chất gây sốt: Thử nghiệm này được qui định cho các đồ đựng
bằng chất dẻo dùng cho thuốc tiêm truyền. Dùng dung môi chiết là dung dịch tiêm
natri clorid 0,9 % không có chất gây sốt. Chuẩn bị mẫu thử và dịch chiết như
hướng dẫn trong phép thử tiêm toàn thân. Các dụng cụ chiết phải đảm bảo không
có chất gây sốt. Tiến hành theo thử nghiệm chất gây sốt (Phụ lục 13.4), tiêm 10 ml
dịch chiết cho 1 kg thỏ.
CHƯƠNG 3: KIỂM NGHIỆM CÁC DẠNG BÀO CHẾ
KIỂM NGHIỆM VIÊN NÉN
1. Định nghĩa
Viên nén là dạng thuốc rắn, mỗi viên là một đơn vị phân liều, dùng để uống,
nhai, ngậm, đặt hoặc hòa với nước để uống, để súc miệng, để rửa….
Viên nén chứa một hoặc nhiều dược chất, có thể thêm các tá dược độn, tá
dược rã, tá dược dính, tá dược trơn, tá dược bao, tá dược màu… được nén thành
khối hình trụ dẹt; thuôn (caplet) hoặc các hình dạng khác. Viên có thể được bao.
2. Yêu cầu kỹ thuật chung của thuốc viên nén
1.1. Tính chất
Viên rắn. Mặt viên nhẵn hoặc lồi, trên mặt có thể có rãnh, chữ hoặc ký hiệu,
cạnh và thành viên lành lặn. Viên không bị gãy vỡ, bờ vụn trong quá trình bảo
quản, phân phối và vận chuyển.
1.2. Độ rã
Nếu không có chỉ dẫn gì khác, viên nén phải đạt yêu cầu về độ rã qui định,
được thử theo Phụ lục 11.6. Viên nén và viên bao đã thử độ hòa tan với tất cả các
dược chất có trong thành phần thì không phải thử độ rã.
1.3. Độ đồng đều khối lượng
Thử theo Phụ lục 11.3. Viên nén và viên bao đã thử độ đồng đều về hàm
lượng với tất cả các dược chất có trong thành phần thì không phải thử độ đồng đều
khối lượng.
1.4. Độ đồng đều hàm lượng
Thử theo Phụ lục 11.2. Nếu không có chỉ dẫn khác, viên nén có hàm lượng
dược chất dưới 2 mg hoặc dưới 2 % (kl/kl) phải thử độ đồng đều hàm lượng. Đối
với viên nén có từ 2 dược chất trở lên, chỉ áp dụng yêu cầu này với thành phần có
hàm lượng nhỏ như qui định ở trên.
1.5. Độ hòa tan
Yêu cầu được chỉ ra trong chuyên luận riêng. Phương pháp thử được ghi trong
chuyên luận. Phép thử độ hòa tan của dạng thuốc rắn phân liều (Phụ lục 11.4).
1.6. Bảo quản – ghi nhãn
Thuốc viên nén phải đựng trong bao bì kín, chống ẩm và chống va chạm cơ
học. Ghi nhãn theo qui định. Nếu là viên bao cần phải ghi rõ: Bao đường, bao phim
hay bao tan trong ruột.
3. Kiểm nghiệm của các dạng viên nén khác nhau
3.1. Viên nén không bao
Viên nén không bao gồm các loại viên điều chế bằng cách nén các hạt nhỏ của
một dược chất hoặc nhiều dược chất thành viên nén một lớp hoặc viên nén nhiều
lớp. Các tá dược cho thêm vào viên không được làm thay đổi hoặc hạn chế việc
giải phóng dược chất trong dịch tiêu hóa.
Độ rã: Viên nén không bao phải đáp ứng yêu cầu về độ rã qui định trong
chuyên luận Phép thử độ rã của viên nén và nang (Phụ lục 11.6). Dùng nước làm
môi trường thử, cho đĩa vào mỗi ống thử, thời gian rã không được quá 15 phút, nếu
không có chỉ dẫn khác. Nếu viên không đáp ứng được yêu cầu do viên bị dính vào
đĩa thì thử lại với 6 viên khác, nhưng không cho đĩa vào ống. Viên nhai không phải
thử độ rã.
3.2. Viên sủi bọt
Viên sủi bọt là viên nén không bao, thường chứa tá dược sùi bọt gồm các acid
hữu cơ và muối carbonat hoặc PL-28 hydrocarbonat, phản ứng khi có nước giải
phóng khí carbon dioxyd. Viên được hòa tan hoặc phân tán trong nước trước khi
dùng.
Độ rã: Cho một viên vào cốc chứa 200 ml nước ở 15 °C đến 25 °C phải có
nhiều bọt khí bay ra. Viên được coi là rã hết nếu hòa tan hoặc phân tán hết trong
nước, không còn các hạt kết vón. Thử với 6 viên, chế phẩm đạt yêu cầu phép thử
nếu mỗi viên rã trong vòng 5 phút, trừ khi có các chỉ dẫn khác trong chuyên luận
riêng.
3.3 Viên bao
Viên bao là viên nén được bao bằng một hay nhiều lớp của hỗn hợp các chất
bao khác nhau như các chất nhựa tự nhiên hoặc tổng hợp, gôm, gelatin, chất bao
không có hoạt tính và không tan, đường, chất hóa dẻo, chống dinh, chất màu…. Tá
dược bao thường được điều chế dưới dạng dung dịch hay hỗn dịch trong dung môi
hay dẫn chất thích hợp. Sau khi bao, dung môi phải được loại bỏ khỏi viên. Khi
viên nén có lớp bao là màng polymer rất mỏng thì gọi là viên nén bao phim.
Tính chất: Viên bao có bề mặt nhẵn, có thể có màu, được đánh bóng. Khi bẻ
viên có thể quan sát thấy lớp bao.
Độ rã: Viên bao phải đáp ứng yêu cầu về độ rã qui định trong chuyên luận
Phép thử độ rã của viên nén và nang (Phụ lục 11.6). Dùng nước làm môi trường
thử, cho đĩa vào mỗi ống thử. Nếu không có chỉ dẫn khác, viên bao phim phải rã
trong 30 phút, viên bao khác phải rã trong 60 phút. Nếu có viên nào không rã thi
thử lại với 6 viên khác, thay nước bằng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M. Nếu
phép thử không đạt yêu cầu do viên bị dính vào đĩa thì thử lại với 6 viên khác
không dùng đĩa. Viên nén nhai có bao không phải thử độ rã.
3.4. Viên ngậm
Viên ngậm thường là viên nén không bao được điều chế để dược chất giải
phóng tại khoang miệng gây tác dụng tại chỗ hay hấp thu qua niêm mạc dưới lưỡi.
Độ rã: Viên ngậm phải rã trong vòng 4 h, thử theo chuvên luận Phép thử độ rã
của viên nén và nang (Phụ lục 11.6). Nếu không có chỉ dẫn khác, dùng nước làm
môi trường thử, cho đĩa vào mỗi ống thử.
3.5. Viên nén tan trong nước
Viên nén tan trong nước là viên nén không bao hoặc viên nén bao phim, được
hòa tan trong nước trước khi dùng. Dung dịch sau khi hòa tan phải trong suốt hoặc
hơi đục nhẹ. Độ rã: Viên nén phải rã trong vòng 3 phút, thử theo Phụ lục 11.6.
Dùng môi trường nước ờ 15°C đến 25°C để thử, trừ khi có chỉ dẫn khác.
3.6. Viên nén phân tán trong nước
Viên nén phân tán trong nước là viên nén không bao hoặc viên nén bao phim,
được phân tán đồng đều trong nước tạo thành hỗn dịch đồng nhất trước khi dùng.
Độ rã: Theo yêu cầu của mục Viên nén tan trong nước. Độ đồng đều phân tán
Cho 2 viên vào 100 ml nước, khuấy cho đến khi hoàn toàn phân tán. Độ phân tán
đạt yêu cầu khi dung dịch phân tán chảy hết qua lỗ mắt rây có kích thước mẳt rây
710 μm.
3.7. Viên nén phân tán trong miệng
Viên nén phân tán trong miệng là viên nén không bao, khi đặt vào miệng phải
phân tán nhanh trong nước bọt trước khi nuốt.
Độ rã: Viên nén phải rã trong 3 phút, thử theo chuyên luận Phép thử độ rã của
viên nén và viên nang (Phụ lục 11.6). Nếu không có chỉ dẫn khác, dùng nước làm
môi trường thử, cho đĩa vào mỗi ống thử.
3.8. Viên nén giải phóng biến đổi
Viên nén giải phóng biến đổi là viên nén không bao hay bao được bào chế với
các tá dược đặc biệt hoặc bằng phương pháp đặc biệt hoặc bằng cả hai cách, để
thay đổi tốc độ, vị trí hoặc thời gian giải phóng dược chất. Viên nén giải phóng
biến đổi bao gồm viên giải phóng kéo dài, viên giải phóng muộn và viên giải
phóng theo nhịp.
Độ hòa tan: Phải thử độ hòa tan theo chuyên luận riêng để chứng phúth sự
giải phóng dược chất.
3.9. Viên nén tan trong ruột
Viên nén tan trong ruột là viên nén giải phóng muộn, kháng dịch dạ dày và
giải phóng dược chất trong dịch ruột. Viên thường được bào chế từ cốm hoặc hạt
được bao lớp bao kháng dịch dạ dày hoặc viên được bao lớp bao kháng dịch dạ
dày.
Tính chất: Viên nén tan trong ruột phải đạt các tính chất chung của viên bao.
Độ hòa tan: Viên nén chứa cốm hoặc hạt đã được bao lớp bao kháng dịch dạ
dày phải tiến hành thử độ hòa tan đề kiểm tra sự giải phóng dược chất theo Phụ lục
11.4.
Độ rã: Viên nén bao tan trong ruột nếu không thử độ hòa tan thì phải đáp ứng
yêu cầu về độ rã qui định trong chuyên luận Phép thử độ rã của viên bao tan trong
ruột (Phụ lục 11.7).
KIỂM NGHIỆM VIÊN NANG
1. Định nghĩa
Thuốc nang là dạng thuốc uống chứa một hay nhiều dược chất trong vỏ nang
với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Vỏ nang được làm chủ yếu từ gelatin
hoặc polyme như HPMC… Ngoài ra trong vỏ nang còn chứa các tá dược khác như
chất hóa dẻo, chất màu, chất bảo quản… Thuốc chứa trong nang có thể là dạng rắn
(bột, cốm, pellet…) hay lỏng, nửa rắn (hồn dịch, nhũ tương, bột nhào…).
2. Yêu cầu chất lượng chung
Độ đồng đều hàm lượng: Nếu không có các chỉ dẫn khác, yêu cầu này áp
dụng cho các thuốc nang có chứa một hoặc nhiều dược chất, trong đó có các dược
chất có hàm lượng dưới 2 mg hoặc dưới 2 % (kl/kl) so với khối lượng thuốc trong
1 nang. Đối với nang có từ 2 dược chất trở lên, chỉ thử độ đồng đều hàm lượng với
thành phần nào có hàm lượng nhỏ như qui định ở trên.
Độ đồng đều khối lượng: Nếu phép thử độ đồng đều hàm lượng đã được tiến
hành với tất cả các dược chất có trong nang thì không phải thử độ đồng đều khối
lượng.
Độ hòa tan: Các thuốc nang có yêu cầu thử độ hòa tan sẽ có qui định cụ thể
trong chuyên luận riêng. Không yêu cầu thử độ rã đối với thuốc nang đã thử độ hòa
tan.
Bảo quản: Trong bao bì kín, nhiệt độ không quá 30°C.
3. Kiểm nghiệm của các dạng viên nang khác nhau
3.1. Thuốc nang cứng
Vỏ nang cứng gồm nắp nang và thân nang hình trụ lồng khít vào nhau bằng
khớp trên vỏ nang hoặc được hàn kín sau khi đóng thuốc. Thuốc đóng trong nang
thường ở dạng rắn (bột, hạt…). Quá trình chế tạo vỏ và đóng thuốc được thực hiện
riêng. Ngoài các yêu cầu chung của thuốc nang, thuốc nang cứng phải đạt các yêu
cầu sau:
Độ rã: Nếu không có chỉ dẫn gì khác, dùng nước làm môi trường thử, thời
gian rã phải trong vòng 30 phút. Nếu thử trong môi trường nước không đạt, thay
nước bằng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M hoặc dịch dạ dày giả. Nếu nang nổi
trên mặt nước, có thể dùng đĩa khi thử.
3.2. Thuốc nang mềm
Thuốc nang mềm là một khối mềm chứa dược chất và tá dược đóng trong vỏ
kín với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Vỏ nang mềm làm bằng hỗn hợp
gelatin, chất hóa dẻo, chất màu, chất bảo quản… Thuốc đóng trong nang mềm
thường ờ dạng lỏng, dung dịch, hồn dịch hay nhũ tương. Quá trình chế tạo vỏ và
đóng thuốc được thực hiện đồng thời. Thuốc nang mềm dùng để uống hoặc để đặt.
Ngoài các ycu cầu chung của thuốc nang, thuốc nang mêm phải đạt các yêu cầu
sau:
Độ rã: Nếu không có chỉ dẫn gì khác, dùng nước làm môi trường thử, cho đĩa
vào mồi ống thừ, thời gian rà phải trong vòng 30 phút. Nếu thử trong môi trường
nước không đạt, thay nước bằng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M hoặc dịch dạ
dày giả. Nếu dược chất có tương tác với đĩa, có thể thử không dùng đĩa. Nếu nang
không rã do dính vào đĩa, thử lại với 6 viên khác không dùng đĩa. Mau thử đạt yêu
cầu nếu cả 6 viên đều rã.
3.3. Thuốc nang tan trong ruột
Thuốc nang tan trong ruột là các nang cứng hay nang mềm có vỏ nang hoặc
hạt đóng nang rã trong dịch ruột. Đối với các thuốc nang đóng hạt được bao tan ở
ruột phải tiến hành thử độ hòa tan để kiểm tra sự giải phóng dược chất theo Phụ lục
11.4 và theo chuyên luận riêng. Ngoài các yêu cầu chung của thuốc nang, thuốc
nang tan trong ruột phải đáp ứng được các yêu cầu:
Độ rã: Đối với thuốc nang có vỏ nang bền với dịch dạ dày phải thử độ rã (Phụ
lục 11.6). Dùng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M làm môi trường thử. Không
dùng đĩa, nếu không có chỉ dẫn gì khác, vận hành thiết bị thử trong 2 h. Không có
nang nào được rã hoặc nứt vỡ làm thuốc trong nang lọt ra ngoài. Thay dung dịch
acid bằng dung dịch đệm phosphat pH 6,8. Cho đĩa vào mỗi ống thử, vận hành
thiết bị thử trong 60 phút. Kiểm tra từng nang, cả 6 nang phải rã hết. Nếu nang
không rã do dính vào đĩa, thử lại với 6 viên khác không dùng đĩa. Mẫu thử đạt yêu
cầu nếu cả 6 viên đều rã.
3.4. Thuốc nang tác dụng kéo dài
Thuốc nang tác dụng kéo dài là thuốc nang cứng hay nang mềm, trong đó vỏ
nang hay thuốc trong nang (hoặc cả 2) được bào chế để dược chất giải phóng kéo
dài. Ngoài các yêu cầu chung của thuốc nang, thuốc nang tác dụng kéo dài phải thử
độ hòa tan theo yêu cầu qui định trong chuyên luận riêng.
KIỂM NGHIỆM THUỐC BỘT
1. Định nghĩa
Thuốc bột là dạng thuốc rắn, gồm các hạt nhỏ, khô tơi, có độ mịn xác định, có
chứa một hay nhiều loại dược chất. Ngoài dược chất, thuốc bột còn có thể thêm các
tá dược như tá dược độn, tá dược hút, tá dược màu, tá được điều hương, vị…
Thuốc bột có thể dùng để uống, để pha tiêm hay để dùng ngoài.
2. Yêu cầu chất lượng chung
Tính chất: Quan sát màu sắc bằng mắt thường, dưới ánh sáng tự nhiên với
một lượng bột vừa đủ, được phân tán đều trên một tờ giấy trắng mịn. Bột phải khô
tơi, không bị ẩm, vón màu sắc đồng nhất
Độ ẩm: Xác định độ ẩm thuốc bột theo phương pháp Xác định mất khối
lượng do làm khô (Phụ lục 9.6), hoặc Định lượng nước bằng thuốc thử Karl
Fischer (Phụ lục 10.3), tùy theo chỉ dẫn trong chuyên luận riêng. Thuốc bột không
được chứa hàm lượng nước quá 9,0 % ,trừ các chi dẫn khác.
Độ mịn: Nếu không có chỉ dẫn khác, độ mịn của thuốc bột được xác định qua
phép thử Cỡ bột và rây (Phụ lục 3.5). Thuốc bột phải đạt độ mịn quy định trong
chuyên luận.
Độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2): Trừ khi có chỉ dẫn khác, phép thử
này áp dụng cho thuốc bột để uống, để tiêm, được trình bày trong các đơn vị đóng
gói 1 liều, trong đó có các dược chất có hàm lượng dưới 2 mg hoặc dưới 2 %
(kl/kl) so với khối lượng bột đóng gói trong 1 liều. Phép thử đồng đều hàm lượng
được tiến hành sau phép thử định lượng và hàm lượng dược chất đã đạt trong giới
hạn qui định.
Độ đồng đều khối lượng (Phụ lục 11.3): Những thuốc bột không qui định thử
độ đồng đều hàm lượng thì phải thử độ đồng đều khối lượng. Nếu thuốc bột chứa
nhiều hoạt chất, thì chi khi tất cả các dược chất đã được thử độ đồng đều hàm
lượng mới không thử độ đồng đều khối lượng.
Giới hạn nhiễm khuẩn: Đáp ứng yêu cầu Thử giới hạn nhiễm khuẩn (Phụ lục
13.6).
Ghi nhãn: Theo qui định hiện hành. Đối với thuốc bột trong một đơn vị đóng
gói 1 liều phải ghi tên và hàm lượng dược chất. Thuốc bột đóng gói nhiều liều phải
ghi tên, lượng dược chất trên tổng khối lượng. Trên nhãn phải ghi tên và lượng
chất bảo quản kháng vi khuẩn, hạn dùng, điều kiện bảo quản.
3. Kiểm nghiệm các dạng thuốc bột
3.1. Thuốc bột để uống
Thuốc bột để uống có thể dùng nuốt trực tiếp hoặc được sử dụng sau khi đã
hòa tan hay phân tán trong nước hoặc chất lỏng thích hợp. Thuốc bột để uống phải
đáp ứng các yêu cầu chất lượng chung của thuốc bột. Thuốc bột sủi bọt để uống
thường chứa tá dược sủi bọt, gồm các acid hữu cơ và muối carbonat hoặc
hydrocarbonat, phản ứng khi có nước để giải phỏng khí carbon dioxyd. Thuốc bột
sủi bọt để uống phải đáp ứng các yêu cầu chung của thuốc bột.
Độ tan: Cho một lượng bột tương ứng với một liều vào một cốc thủy tinh
chứa 200 ml nước ở 15°C đến 25°C, xuất hiện nhiều bọt khí bay ra. Khi hết bọt
khí, thuốc phải tan hoàn toàn. Thử như vậy với 6 liều đơn. Mẫu thử đạt yêu cầu
nếu mồi liều thử đều tan trong vòng 5 phút, trừ khi có chỉ dẫn riêng.
3.2. Thuốc bột dùng ngoài
Thuốc bột dùng ngoài thường đóng gói nhiều liều, có thể dùng để đắp, rắc
trực tiếp lên da, vết thương hoặc được hòa tan, phân tán trong dung môi thích hợp
để nhỏ mắt, rửa hoặc thụt. Thuốc bột dùng ngoài phải đáp ứng các yêu cầu chung
của thuốc bột, ngoài ra phải đạt các chỉ tiêu riêng sau:
Thử vô khuẩn (Phụ lục 13.7): Thuốc bột để đắp, dùng cho vết thương rộng
hoặc trên da bị tổn thương nặng, thuốc bột dùng cho mắt phải vô khuẩn.
Độ mịn: Thuốc bột dùng để đắp hoặc rắc phải là bột mịn hoặc rất mịn (Phụ
lục 3.5). Thuốc bột để pha tiêm Thuốc bột pha tiêm phải đáp ứng các yêu cầu
chung của thuốc bột và yêu cầu chất lượng đối với thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền
dạng bột (Phụ lục 1.19).
KIỂM NGHIỆM THUỐC CỐM
1. Định nghĩa
Thuốc cốm hay thuốc hạt là dạng thuốc rắn có dạng hạt nhỏ xốp hay sợi ngấn
xốp, thường dùng để uống với một ít nước hay một chất lỏng thích hợp, hoặc pha
thành dung dịch, hỗn dịch hay sirô. Thuốc cốm chứa một hoặc nhiều dược chất,
ngoài ra có thêm các tá dược như tá dược độn, tá dược dính, tá dược điều hương vị,
tá dược màu…
2. Yêu cầu chất lượng chung
Tính chất: Thuốc cốm phải khô, đồng đều về kích thước hạt, không có hiện
tượng hút ẩm, không bị mềm và biến màu.
Độ ẩm: Xác định nước trong các thuốc cốm nói chung theo phương pháp Xác
định mất khối lượng do làm khô (Phụ lục 9.6), trong các thuốc cốm chứa tinh dầu
theo phương pháp cất với dung môi (Phụ lục 12.13). Các thuốc cốm có độ ẩm
không quá 5,0%, trừ các chỉ dẫn khác.
Độ đồng đều khối lượng (Phụ lục 11.3): Thuốc cốm không quy định thử độ
đồng đều về hàm lượng thì phải thử độ đồng đều khối lượng.
Độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2): Trừ khi có chỉ dẫn khác, phép thử
này áp dụng cho các thuốc cốm đóng gói một liều, có chứa một hoặc nhiều dược
chất, phải thử đồng đều hàm lượng với các dược chất có hàm lượng dưới 2 mg
hoặc dưới 2 % (kl/kl) so với khối lượng cốm trong 1 liều.
3. Cốm sủi bọt
Cốm sủi bọt thường chứa tá dược sủi bọt gồm các acid hữu cơ và muối
carbonat hoặc hydrocarbonat, phản ứng khi có nước để giải phóng khí carbon
dioxyd. Cốm được hòa tan hoặc phân tán trong nước trước khi dùng. Cốm sủi bọt
phải đáp ứng các yêu cầu chất lượng chung của thuốc cốm, ngoài ra phải đạt yêu
cầu về độ rã như sau:
Độ rã: Cho một lượng cốm đóng gói trong một đơn vị phân liều vào cốc chứa
200 ml nước ờ 15 °C đến 25 °C, phải có nhiều bọt khí bay ra, cốm được coi là rã
hết nếu hòa tan hoặc phân tán hết trong nước. Thử với 6 liều, chế phẩm đạt yêu cầu
phép thử nếu mỗi liều rã trong vòng 5 phút, trừ khi có các chỉ dẫn khác trong
chuyên luận riêng.

THUỐC ĐẶT
1. Định nghĩa
Thuốc đặt là dạng thuốc rắn, chứa một hoặc nhiều dược chất, dùng để đặt vào
các hốc tự nhiên của cơ thể. Thuốc có thể có tác dụng tại chỗ hoặc toàn thân. Khi
đặt vào vị trí trên cơ thể, thuốc đặt thường chảy ra, mềm ở thân nhiệt hoặc hòa tan
dần trong niêm dịch để giải phóng dược chất.
Tá dược dùng cho thuốc đặt bao gồm: Bơ cacao và chế phẩm của bơ cacao,
hỗn hợp gelatin – glycerin – nước, dầu thực vật hydrogen hóa, glycerid bán tổng
hợp, hỗn hợp polyethylen glycol khối lượng phân tử khác nhau (PEG 400, PEG
1500, PEG 1540, PEG 3000, PEG 4000), este của acid béo với PEG.
2. Phân loại
Thuốc đặt trực tràng: Thường có hình dạng giống như đầu viên đạn (hình nón
cụt) hoặc hình thủy lôi, khối lượng khoảng 1 g đến 3 g.
Thuốc đặt âm đạo: Thường có hình trái xoan, khối lượng khoảng 3 g đến 10 g.
Thuốc đặt niệu đạo: Đường kính 1 mm đến 4 mm, chiều dài 6 cm đến 20 cm, khối
lượng khoảng 0,5 g đến 4,0 g.
3. Yêu cầu chất lượng
Độ rã: Đạt yêu cầu Phép thử độ rã của thuốc đạn và thuốc trứng (Phụ lục
11.5).
Độ đồng đều khối lượng: Đạt yêu cầu Phép thử độ đồng đều khối lượng (Phụ
lục 11.3).
Độ đồng đều hàm lượng (Phụ lục 11.2): Nếu không có chỉ dẫn khác, thuốc đặt
đơn liều có hàm lượng hoạt chất dưới 2 mg hoặc dưới 2% (kl/kl) phải thử độ đồng
đều hàm lượng. Đối với chế phẩm có từ 2 dược chất trở lên, chỉ áp dụng yêu cầu
này với thành phần có hàm lượng nhỏ như qui định ở trên. Thuốc đặt đã thử độ
đồng đều về hàm lượng với tất cả các dược chất có trong thành phần thì không phải
thử độ đồng đều khối lượng.
Bảo quản: Trong bao bì kín, thích hợp (hộp, màng nhôm, polymer), để nơi
mát (nhiệt độ dưới 30°C).
DUNG DỊCH THUỐC
Định nghĩa
Dung dịch thuốc là những chế phẩm lỏng trong suốt chứa một hoặc nhiều
dược chất hòa tan trong một dung môi hay hỗn hợp dung môi thích hợp.
Tính chất: Do các phân tử trong dung dịch phân tán đồng nhất, nên các dung
dịch thuốc đảm bảo sự phân liều đồng nhất khi sử dụng và độ chính xác cao khi
pha loãng hoặc khi trộn các dung dịch với nhau. Các dược chất trong dung dịch
thường ít ổn định về mặt hóa học so với dạng rắn. Các dung dịch thuốc thường cần
bao bi lớn và có dung tích lớn hơn so với dạng thuốc rắn.
Phân loại: Có thể phân loại dung dịch thuốc theo hai cách sau đây. Phân loại
theo đường sử dụng như: Dung dịch thuốc uống: Các dạng thuốc dùng được uống,
bao gồm cả sirô thuốc (qui định tại Phụ lục 1.4). Dung dịch thuốc dùng tại chỗ:
Thuốc dùng ngoài da, thuốc nhỏ mắt (qui định tại Phụ lục 1.14), thuốc nhỏ mũi
(qui định tại Phụ lục 1.15), thuốc nhỏ tai (qui định tại Phụ lục 1.16). Dung dịch
thuốc tiêm được qui định riêng trong chuyên luận Thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền
(Phụ lục 1.19). Dung dịch thuốc khí dung qui định tại Phụ lục 1.18; dung dịch
thuốc hít qui định tại Phụ lục 1.17. Phân loại theo hệ dung môi và chất tan, ví dụ:
Rượu thuốc (qui định tại Phụ lục 1.22), cồn thuốc (qui định tại Phụ lục 1.2), cồn
ngọt, nước thơm.
Phương pháp điều chế
Dung dịch thuốc thường được điều chế bằng cách hòa tan dược chất vào trong
dung môi. Với một số dung dịch thuốc uống có thể điều chế bằng cách pha loãng
dung dịch đậm đặc hoặc hòa tan bột hoặc cốm thuốc, thuốc viên vào dung môi
thích hợp. Dung môi dùng để pha chế dung dịch thuốc được lựa chọn dựa trên tính
chất của dược chất và đường dùng đồng thời phải mang lại tính chất cảm quan phù
hợp với yêu cầu của chế phẩm. Có thể cho thêm các chất bảo quản kháng vi khuẩn,
nấm mốc, chất chống oxy hóa và các tá dược khác như chất làm tăng độ tan, chất
làm ngọt hay tạo mùi vị, tạo màu…
Yêu cầu chất lượng
Tính chất: Khi quan sát bằng mắt thường, dung dịch phải trong, có thể có màu
hoặc không màu. Yêu cầu về pH, định tính, định lượng, sai số thể tích và các yêu
cầu kỹ thuật khác: Phải đạt yêu cầu kỹ thuật chung của từng loại thuốc và theo
chuyên luận riêng. Bảo quản Các dung dịch, đặc biệt là các dung dịch chứa dung
môi dễ bay hơi, phải bảo quản trong bao bì kín, để nơi mát. Cần xem xét để sử
dụng các bao bì tránh ánh sáng khi sự biến đổi hóa học do ánh sáng có thể ảnh
hưởng đến độ ổn định của thuốc.
NHŨ TƯƠNG THUỐC
Định nghĩa
Nhũ tương thuốc là dạng thuốc lỏng hoặc mềm để uống, tiêm hoặc dùng
ngoài, được điều chế bằng cách sử dụng các chất nhũ hóa để trộn đều hai chất lỏng
không đồng tan được gọi theo quy ước là: Dầu (bao gồm các dầu, mỡ, sáp, tinh
dầu, chất nhựa và những dược chất không tan trong nước) và Nước (bao gồm nước
cất, nước thơm, nước sắc, nước hãm hoặc các dung dịch nước của các dược chất).
Trong nhũ tương thuốc, một trong hai chất lỏng là pha phân tán hoặc pha nội,
ờ dạng tiểu phân có đường kính từ 0,1 µm trở lên, phân tán đều trong chất lỏng kia
gọi là môi trường phân tán hoặc pha ngoại. Khi dầu là pha phân tán và nước là môi
trường phân tán thì nhũ tương là kiểu dầu trong nước, có ký hiệu là D/N; Khi nước
là pha phân tán và dầu là môi trường phân tán thì nhũ tương là kiểu nước trong dầu
có ký hiệu là N/D.
Chất nhũ hóa quyết định kiểu nhũ tương và giúp ổn định chúng do ngăn cản
sự kết tụ các giọt nhỏ thành giọt lớn, dẫn đến sự tách lớp. Chất nhũ hóa hòa tan
trong nước sẽ tạo ra kiểu nhũ tương D/N; chất nhũ hóa hòa tan trong dầu, mở, sáp
sẽ tạo ra kiểu nhũ tương N/D. Các chất nhũ hóa là chất hoạt động bề mặt, khi có
lực phân tán, sẽ tập trung lên bề mặt tiếp xúc giữa hai pha tạo ra hàng rào ngăn
cản không cho các giọt kết tụ lại, mặt khác làm giảm sức căng lên bề mặt giữa hai
pha, nhờ vậy giúp sự nhũ hóa được dễ dàng. Các chất cao phân tử thân nước thiên
nhiên, bán tổng hợp hay tổng hợp có thể được sử dụng phối hợp với chất nhũ hóa
hoạt động bề mặt trong các nhũ tương kiểu D/N do chúng tích tụ lên bề mặt tiếp
xúc và cũng làm tăng độ nhớt của pha nước, như vậy làm giảm sự kết hợp của các
giọt. Sự kết hợp này thường sẽ dẫn đến hiện tượng: Sự nổi kem do các giọt dầu lớn
nổi lên (trong nhũ tương D/N) hoặc sự lắng xuống đáy của các giọt nước lớn (trong
nhũ tương N/D).
Phương pháp điều chế
Tùy theo điều kiện trang thiết bị, nhũ tương có thể được điều chế bằng cách:
Điều chế nhũ tương đậm đặc với chất nhũ hóa, dược chất lỏng và lượng vừa đủ pha
ngoại, sau đó pha loãng nhũ tương đậm đặc với pha ngoại.
Hòa tan chất nhũ hóa vào pha ngoại, sau đó cho dược chất lỏng vào từ từ vừa
dùng lực gây phân tán mạnh để nhũ hóa. Cần cho thêm các chất bảo quản thích
hợp vào nhũ tương do pha nước là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi
khuẩn và nấm mốc.
Hiệu lực của các chất bảo quản trong thành phẩm phải được kiểm tra.
Yêu cầu chất lượng
Tính chất: Khi quan sát bằng mắt thường, nhũ tương đặc phải mịn và đồng
nhất giống như kem; còn nhũ tương lỏng phải đục trắng và đồng nhất giống như
sữa.
Yêu cầu về pH, định tính, định lượng, sai số thể tích và các yêu cầu kỹ thuật
khác: Phải đạt qui định theo chuyên luận riêng. Nhũ tương dùng để tiêm hoặc nhỏ
mắt: Phải đáp ứng yêu cầu về Thử vô khuẩn (Phụ lục 13.7).
Bảo quản: Ở nơi mát, nhiệt độ ít thay đổi. Đóng nhũ tương thuốc vào chai lọ
có dung tích hơi lớn hơn thể tích thuốc một chút và trên nhãn có ghi dòng chữ: Lắc
trước khi dùng.
HỖN DỊCH THUỐC
1. Định nghĩa
Hỗn dịch là dạng thuốc lỏng để uống, tiêm hoặc dùng ngoài, chứa ít nhất một
dược chất rắn không hòa tan được phân tán đều dưới dạng tiểu phân mịn hoặc cực
mịn trong chất dẫn là nước hoặc dầu. Hỗn dịch có thể lắng xuống đáy và khi lắc
phải phân tán đều thành dạng huyền phù ổn định trong một khoảng thời gian đủ để
lấy ra liều đúng theo quy định. Hỗn dịch có thể chứa chất hoạt động bề mặt, chất
tăng độ nhớt nhằm duy trì trạng thái phân tán đều và ngăn cản hiện tượng các chất
lắng xuống bị đóng bánh và trở lên rắn chắc. Hỗn dịch uống có thể chứa chất bảo
quản kháng khuẩn, chất chống oxy hóa và các tá dược thích hợp khác như chất
phân tán, chất tạo hương, chất tạo màu, chất làm ngọt, chất ổn định. Các chất trong
thành phần bào chế của hỗn dịch phải đạt tiêu chuẩn Dược điển hoặc tuân thủ các
tiêu chuẩn hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.
Tùy theo hình thức cảm quan, hỗn dịch được chia làm hai loại: Dạng hỗn dịch
có thể sử dụng ngay: Là chất lỏng đục hay thể lỏng có một lớp cặn ở đáy chai, khi
lắc nhẹ cặn này phải được phân tán đều trở lại trong chất dẫn. Dạng bột hoặc cốm
để pha hỗn dịch: Trước khi sử dụng, chuyển thành hỗn dịch bằng cách lắc với một
lượng chất dẫn thích hợp. Thuốc tiêm hỗn dịch không được tiêm tĩnh mạch và
không được tiêm ống sống
2. Phương pháp điều chế
Có hai phương pháp điều chế hỗn dịch:
Phương pháp phân tán: Hỗn dịch được điều chế bằng cách thêm các chất tạo
hỗn dịch, các tá dược thích hợp khác và nước hoặc dầu vào dược chất rắn đã được
nghiền mịn và làm thành hỗn dịch đồng nhất bằng phương pháp thích hợp.
Phương pháp ngưng kết: Tạo ra dược chất rắn kết tủa trong chất dẫn ngay khi
pha chế bằng cách làm thay đổi dung môi hay bằng phản ứng trao đổi ion.
Hỗn dịch dùng để tiêm hay nhỏ mắt phải pha chế trong điều kiện vô khuẩn và
được thêm chất sát khuẩn thích hợp sau khi pha chế. Hỗn dịch uống có thể chứa
trong đồ đựng đơn liều hoặc đa liều. Đối với hỗn dịch chứa trong đồ đựng đa liều,
phải chứng tỏ có thể lấy ra lượng thuốc theo quy định từ đồ đựng. Dụng cụ đo thể
tích có thể là thìa, cốc đong 5 ml hoặc hơn có chia vạch hoặc bơm tiêm có thể tích
khác nhau.
3. Yêu cầu chất lượng
Yêu cầu chung: Hỗn dịch khi để yên thì dược chất rắn phân tán có thể tách
riêng nhưng phải trở lại trạng thái phân tán đồng nhất trong chất dẫn khi lắc nhẹ
trong 1 phút đến 2 phút và giữ nguyên trạng thái đó trong vài phút.
Yêu cầu về cảm quan, pH, định tính, định lượng, sai số, thể tích và các yêu
cầu kỹ thuật khác: Phải đạt yêu cầu kỹ thuật chung của từng loại thuốc và theo quy
định trong chuyên luận riêng.
Hỗn dịch dùng tiêm hoặc nhỏ mắt: Phải đáp ứng yêu cầu về Thử vỏ khuẩn
(Phụ lục 13.7) và yêu cầu về kích thước tiểu phân cũng như các qui định theo
chuyên luận chung. Hỗn dịch nhỏ mắt không được phân phối và sử dụng nếu có
dấu hiệu đóng bánh hoặc kết khối.
Bột hoặc cốm để pha hỗn dịch: Phải đáp ứng yêu cầu chung của Thuốc bột
(Phụ lục 1.7) hoặc Thuốc cốm (Phụ lục 1.8).
Độ hòa tan: Yêu cầu được chi ra trong chuyên luận riêng. Phương pháp thử
được ghi trong chuyên luận Phép thử độ hòa tan (Phụ lục 11.4).
Bảo quản và nhãn Đóng hỗn dịch vào chai, lọ hoặc đồ đựng kín có dung tích
lớn hơn thể tích thuốc. Nhãn có ghi “Lắc trước khi dùng”. Bảo quản ở nơi khô,
mát.
CỒN THUỐC
Định nghĩa
Cồn thuốc là những chế phẩm lỏng, được điều chế bằng cách chiết dược liệu
thực vật, động vật hoặc hòa tan cao thuốc, dược chất theo tỷ lệ quy định với
ethanol ở các nồng độ khác nhau.
Cồn thuốc dược điều chế từ một nguyên liệu gọi là cồn thuốc đơn. Cồn thuốc
dược điều chế từ nhiều nguyên liệu khác nhau gọi là cồn thuốc kép. Cách biểu thị
hoạt tính: Các cồn thuốc có nguồn gốc từ thực vật có chứa các thành phần có hoạt
tính mạnh, biểu thị hoạt tính theo 10g dược liệu trong mỗi 100 ml cồn thuốc. Phần
lớn những cồn thuốc từ dược liệu khác biểu thị theo 20g dược liệu trong mỗi 100
ml cồn thuốc. Các cồn thuốc khác nhau không nhất thiết phải pha loãng để đạt
cùng một tỷ lệ giữa dược liệu ban đầu và cồn thuốc. Tỷ lệ này sẽ tùy thuộc vào các
yêu cầu được mô tả trong các thử nghiệm xác định hàm lượng của hoạt chất hay
của nhóm hoạt chất trong các chuyên luận riêng.
Trong khi điều chế, cồn thuốc được định lượng theo những thử nghiệm xác
định hàm lượng này. Sử dụng các giá trị thu được từ kết quả định lượng, điều chỉnh
nồng độ cuối cùng của cồn thuốc bằng cách cho thêm dung môi hoặc làm bay hơi
một phần dung môi.
Phương pháp điều chế
Cồn thuốc có thể được điều chế theo ba phương pháp: Ngâm, ngâm nhỏ giọt
và hòa tan.
Phương pháp ngâm: Cho dược liệu đã chia nhỏ vào một dụng cụ thích hợp
và thêm khoảng 3/4 lượng ethanol sử dụng. Đậy kín, để ở nhiệt độ thường, ngâm
từ 3 ngày đến 10 ngày, thỉnh thoảng khuấy trộn. Sau đó gạn lọc thu dịch chiết. Rửa
bã và ép bã bằng lượng ethanol còn lại. Gộp dịch chiết, dịch ép và bổ sung ethanol
để thu được lượng dịch chiết quy định, để yên từ 1 ngày đến 3 ngày, gạn lọc lấy
dịch trong.
Phương pháp ngâm nhỏ giọt: Dùng bình ngâm nhỏ giọt có thể tích phù hợp
với khối lượng dược liệu đem chiết. Cho dược liệu đã chia nhỏ vào một dụng cụ
thích hợp, trộn với ethanol vừa đủ ẩm. Đậy nắp kín, để yên 2h đến 4h ở nhiệt độ
phòng. Cho dược liệu đã làm ấm vào bình ngâm nhỏ giọt đến khoáng 3/4 thể tích
của bình, đặt trên mặt dược liệu những vật liệu thích hợp để tránh xáo trộn khi đổ
dung môi vào. Mở khóa bình, đồ từ từ ethanol lên khối dược liệu cho đến khi có
vài giọt dịch chiết chảy ra, đóng khóa bình lại và tiếp tục thêm ethanol cho đến khi
ngập hoàn toàn khối dược liệu. Để ngâm trong khoảng 24 h hoặc tùy theo mỗi
chuyên luận, sau đó rút dịch chiết. Nếu trong chuyên luận không yêu cầu phải định
lượng hoạt chất hoặc nhóm hoạt chất, tiến hành rút dịch chiết với tốc độ nhỏ giọt
phù hợp (xem tốc độ nhỏ giọt ở mục Cao lỏng, chuyên luận Cao thuôc – Phụ lục
1.1). Thêm ethanol vào và tiếp tục rút dịch chiết đến khi thu được lượng dịch chiết
quy định. Trộn đều vả để yên trong 2 ngày đến 3 ngày, gạn lọc lấy dịch trong. Nếu
có yêu cầu phải định lượng hoạt chất hoặc nhóm hoạt chất, gộp các dịch chiết lại,
trộn, rồi định lượng theo hướng dẫn trong chuyên luận. Pha loãng phần dịch chiết
còn lại với một lượng dung môi theo tính toán từ thử nghiệm xác định hàm lượng
để thu được cồn thuốc theo yêu cầu.
Phương pháp hòa tan: Hòa tan cao thuốc, dược chát hoặc tinh dầu vào
ethanol có nồng độ qui định. Để lắng sau đó lọc để loại tủa.
Yêu cầu chất lượng
Trừ các yêu cầu qui định trong chuyên luận riêng, các yêu cầu chung đối với
cồn thuốc như sau:
Tỷ trọng, tạp chất, định tính, hàm lượng hoạt chất, hàm lượng ethanol: Đáp
ứng yêu cầu quy định trong chuyên luận riêng.
Giới hạn methanol: Không quá 0,05 % (tt/tt) nếu không có chi dẫn khác (Phụ
lục 10.13).
Cắn sau khi bay hơi: Lấy chính xác 5,0 ml hoặc 5,000 g cồn thuốc cho vào
một cốc có đường kính 5 cm đến 7 cm và cao 2 cm đến 3 cm đã cân bì trước, làm
bay hơi đến khô trên cách thủy và sấy khô ở 100°C đến 105°C trong 3h, để nguội
trong bình hút ẩm có chứa diphosphor pentoxyd và cân. Tính % khối lượng hay số
g cặn trong 1 L chế phẩm.
Bảo quản: Trong bao bì kín, để nơi thoáng mát và tránh ánh sáng. Nhãn phải
theo qui định hiện hành và có ghi tên của bộ phận dùng của cây, tên dung môi hoặc
hỗn hợp dung môi được sử dụng, nồng độ các thành phần quan trọng và tỷ lệ giữa
dược liệu thô ban đầu so với cồn thuốc.
RƯỢU THUỐC
Định nghĩa
Rượu thuốc là dạng thuốc lỏng dùng để uống hay đôi khi dùng ngoài, được
điều chế bằng cách ngâm dược liệu (thảo mộc hoặc động vật) trong rượu trắng
hoặc ethanol loãng trong một thời gian nhất định (tùy theo quy định của từng công
thức) rồi gạn hoặc lọc lấy dịch trong.
Dược liệu được chế biến và chuẩn bị theo yêu cầu của từng công thức. Các vị
thuốc là thảo mộc được chia nhỏ đến kích thước thích hợp. Dược liệu động vật có
thể dùng tươi hay sấy khô, tán bột.
Phương pháp điều chế
Rượu thuốc có thể điều chế theo phương pháp thích hợp (ngâm hoặc chiết).
Khi điều chế rượu thuốc từ thang thuốc, do thành phần dược liệu đa dạng, bản chất
dược liệu khác nhau nên có thể phải chiết riêng một số dược liệu để chiết xuất
được tối đa hoạt chất. Dung môi để ngâm thường dùng rượu trắng hoặc ethanol
loãng. Tỷ lệ dung môi, hàm lượng ethanol, nhiệt độ ngâm, thời gian ngâm, tốc độ
chiết theo yêu cầu quy định của từng công thức.
Yêu cầu chất lượng
Màu sắc: Theo yêu cầu quy định trong chuyên luận riêng. Cách tiến hành: Lấy
ở 2 chai rượu trong mỗi lô sản xuất. Mỗi chai 5 ml, cho vào 2 ống nghiệm (thủy
tinh không màu, đồng cỡ). Quan sát màu của hai ống ở ánh sáng ban ngày bằng
cách nhìn ngang, màu sắc của hai ông phải như nhau và đúng như màu sắc đã quy
định trong chuyên luận riêng.
Mùi vị: Theo yêu cầu quy định trong chuyên luận riêng. Rượu thuốc có thể có
mùi thơm của dược liệu, có vị ngọt do thêm đường hoặc mật ong.
Độ trong và độ đồng nhất: Rượu thuốc phải trong, đồng nhất, không có cặn bã
dược liệu và vật lạ. Cách tiến hành: Quan sát toàn chai rượu, không được có váng
mổc. Hút 5 ml rượu thuốc ở vị trí cách đáy chai khoảng 2 cm, cho vào ống nghiệm
(thủy tinh không màu, dung tích 10 ml đến 20 ml), quan sát ở ánh sáng ban ngày
bằng cách nhìn ngang. Thuốc phải trong và đồng nhất. Nếu không đạt yêu cầu, thử
lại lần thứ hai với một chai thuốc khác. Lần này không đạt thì lô thuốc coi như
không đạt tiêu chuẩn.
Hàm lượng ethanol: Theo yêu cầu quy định trong chuyên luận riêng. Xác định
hàm lượng ethanol theo Phụ lục 10.12.
Tỷ trọng: Theo yêu cầu quy định trong chuyên luận. Xác định tỷ trọng theo
Phụ lục 6.5.
Độ lắng cặn: Theo yêu cầu quy định trong từng chuyên luận. Cách tiến hành:
Quan sát toàn chai rượu (thể tích 500 ml, nếu không có qui định khác), nếu thấy có
cặn thì để yên khoảng 48 h, sau đó mở nút và thận trọng dùng ống cao su hay ống
nhựa làm xiphông, hút phần rượu ớ phía trên, để còn lại 15 ml đến 20 ml (đối với
rượu có thể tích cặn không quá 0,5 ml) hoặc 40-50 ml (đối với rượu có thể tích cặn
trên 0,5 ml). Lắc cặn trong chai cho tan, rót hết sang ống đong 25 ml (chia độ 0,5
ml) hoặc 50 ml (chia độ 1 ml) có nút. Lấy phần rượu trong đã hút xiphông để tráng
chai, đổ vào ống đong rồi thêm rượu thuốc vừa đủ 25 ml hoặc 50 ml. Để lắng 48 h,
đọc kết quả trên vạch chia của ống đong. Mỗi loại rượu phải đạt được yêu cầu của
tiêu chuẩn đề ra. Sau khi đọc kết quả, nghiêng ống đong nhẹ để gạn lớp rượu ở
trên, lấy lớp cặn ra bát sứ trang để quan sát. Trong lớp cặn phải không được có bã
được liệu và vật lạ.
Cắn sau khi sấy khô: Tiến hành theo một trong hai phương pháp sau đây:
Phương pháp 1: Áp dụng với các rượu thuốc có chứa đường hoặc mật ong.
Lấy chính xác 50 ml chế phẩm vào cốc miệng rộng, bốc hơi đến khô trên cách
thủy, chiết bằng ethanol bằng cách thêm vào cặn lần lượt, 4 lần, mỗi lần 10 ml
ethanol , dùng đũa thủy tinh khuấy kỹ, lọc. Gộp các dịch lọc vào một chén sứ đã
được xác định khối lượng, bay hơi trên cách thủy đến khô, sẩy cặn ở 105°C trong 3
h. để nguội trong bình hút ẩm 30 phút, cân. Xác định khối lượng cặn thu được.
Phương pháp 2: Áp dụng với các rượu thuốc không chứa đường hoặc mật
ong. Lấy chính xác 50 ml chế phẩm vào một chén sứ đã được xác định khối lượng,
bay hơi trên cách thủy đến khô, sấy cặn ớ 105 °C trong 3 h, để nguội trong bình hút
ẩm 30 phút, cân. Xác định khối lượng cặn thu được.
Thể tích: Theo yêu cầu và cách thử ở Phụ lục 11.1.
Methanol (Nếu không có chỉ dẫn khác): Không quá 0,05 % (tt/tt) (Phụ lục
10.13).
Giới hạn nhiễm khuẩn: Rượu thuốc phải đạt yêu cầu về giới hạn nhiễm khuẩn
(Phụ lục 3.6).
Định tính, định lượng và các chỉ tiêu khác: Theo yêu cầu quy định trong
chuyên luận riêng.
Bảo quản: Trong đồ đựng thích hợp, đậy kín. Để ở nơi khô mát, tránh ánh
sáng.
SIRÔ THUỐC
Định nghĩa
Sirô thuốc là chế phẩm thuốc lỏng hay hỗn dịch dùng đường uống, có vị ngọt,
chứa nồng độ cao đường trắng (sucrose) hay chất tạo ngọt khác và dược chất hoặc
các dịch chiết từ dược liệu. Sirô đơn là dung dịch đường trắng gần bão hòa trong
nước tinh khiết. Sirô cũng bao gồm những chế phẩm được hòa tan hay tạo thành
hỗn dịch bằng nước ngay trước khi sử dụng tùy theo tính chất của dược chất (sirô
khô).
Phương pháp điều chế
Chuẩn bị: Dung dịch thuốc: Dược chất được hòa tan trong dung môi thích
hợp. Dịch chiết dược liệu: Các dược liệu được chiết xuất, lọc, làm đậm đặc theo
những phương pháp thích hợp. Sirô đơn: Hòa tan đường trắng vào nước tinh khiết
bằng phương pháp hòa tan nóng hay hòa tan nguội. Lọc. Nồng độ đường trắng là
64 % (khối lượng/khối lượng).
Điều chế sirô thuốc: Tùy theo tính chất của dược chất, sirô được điều chế
bằng cách hòa tan, nhũ hóa hay trộn đều dược chất hay dung dịch thuốc, dịch chiết
dược liệu vào trong dung dịch của đường trắng hay của các chất tạo ngọt khác,
hoặc trong sirô đơn. Ngoài ra có thể điều chế siro bằng cách hòa tan đường vào
dung dịch dược chất. Lọc đối với sirô dạng dung dịch nếu cần thiết. Sirô có thể
được điều chế từ dạng bột hay cốm khô được hòa tan hay tạo thành hỗn dịch bằng
nước ngay trước khi sử dụng tùy theo tính chất của dược chất. Có thể cho thêm
chất phụ gia như: Chai bảo quản, chất làm thơm, chất ổn định với nồng độ thích
hợp (ví dụ: ethanol, glycerin, poly-alcohol). số lượng và chủng loại các chất phụ
gia phải đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý. các chất này không được làm
ảnh hưởng đến độ ổn định và việc kiểm tra chất lượng đối với chế phẩm. Điều chế
sirô trong môi trường sản xuất có cấp độ sạch theo quy định.
Yêu cầu chất lượng
Tính chất: Trừ các qui định khác, sirô phải trong (nếu là dạng dung
dịch), không được lẫn tạp chất, không có mùi lạ, bọt khí hoặc có sự biến chất khác
trong quá trình bảo quản.
Nồng độ đường: Không được ít hơn 45 % nếu dùng đường làm chất tạo ngọt.
Thể tích: Đáp ứng yêu cầu của Phụ lục 11.1.
Giới hạn nhiễm khuẩn: Đáp ứng yêu cầu của Phụ lục 13.6.
Yêu cầu về pH, tỷ trọng, định tính, định lượng và các yêu cầu kỹ thuật khác
được quy định trong chuyên luận riêng. Bột hoặc cốm để pha sirô phải đáp ứng yêu
cầu chung của dạng Thuốc bột (Phụ lục 1.7) hoặc Thuốc cốm (Phụ lục 1.8). Sau
khi hòa tan hay tạo thành hỗn dịch, chế phẩm thu được phải đáp ứng các yêu cầu
đối với sirô Sirô là hỗn dịch phải đáp ứng yêu cầu chung của Hỗn dịch thuốc (Phụ
lục 1.5).
Bảo quản: Trong bao bì kín, để nơi mát.
KIỂM NGHIỆM THUỐC TIÊM
1. Định nghĩa
Thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền là những chế phẩm thuốc vô khuẩn dùng để
tiêm hoặc tiêm truyền vào cơ thể. Thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền được phân thành
3 loại:
– Thuốc tiêm (dung dịch, hỗn dịch hay nhũ tương).
– Thuốc tiêm truyền (dung dịch nước hay nhũ tương dầu trong nước).
– Bột pha tiêm hoặc dung dịch đậm đặc để pha thuốc tiêm hay thuốc tiêm
truyền.
2. Yêu cầu chất lượng chung
2.1. Yêu cầu về pha chế thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền
Thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền được pha chế – sản xuất bằng cách hòa tan,
phân tán hoặc nhũ hóa dược chất và các tá dược vào một dung môi hoặc hỗn hợp
dung môi hay chất dẫn thích hợp, trong điều kiện tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về
pha chế – sản xuất các chế phẩm thuốc vô khuẩn, để tránh nhiễm tạp và nhiễm vi
sinh vật vào thuốc.
Các thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền phải được tiệt khuẩn theo phương pháp quy
định (Phụ lục 16.1). Trường hợp vô khuẩn bằng cách lọc thì phải sử dụng dụng cụ,
thiết bị, đồ đựng đã tiệt khuẩn và pha chế trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn. Quá
trình pha chế một mẻ thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền từ khi pha thuốc, đóng thuốc,
hàn kín và tiệt khuẩn cần hoàn thành càng nhanh càng tốt, thường trong vòng 12 h.
Nếu không, phải bảo quản thuốc trong điều kiện vô khuẩn.
Thành phần Dược chất phải là loại nguyên liệu đáp ứng yêu cầu dùng để pha
thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền. Dung môi thường dùng pha thuốc tiêm là nước cất
để pha thuốc tiêm, dung môi hòa trộn với nước (ethanol, propylen glycol,…), dầu
thực vật trung tính hoặc các dung môi thích hợp khác. Dung môi dùng trong thuốc
tiêm phải đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến hiệu lực điều trị ở thể tích
tiêm.
Các tá dược: Tùy theo bản chất của dược chất, trong thành phần thuốc tiêm có
thể thêm các chất để đẳng trương, điều chỉnh pH, tăng độ tan, độ ổn định của dược
chất, chất gây thâm, nhũ hóa,… nhưng phải đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng
đến hiệu lực điều trị của thuốc ở nồng độ sử dụng trong chế phẩm.
Thuốc tiêm đóng nhiều liều trong một đơn vị đóng gói, thuốc tiêm không
được tiệt khuẩn bằng nhiệt, sau khi đóng Ống (lọ) phải cho thêm chất sát khuẩn với
nồng độ thích hợp, trừ khi bản thân chế phẩm có đủ tính sát khuẩn cần thiết.
Không được cho chất sát khuẩn vào thuốc tiêm với liều trên 15 ml, trừ khi có
chỉ dẫn khác. Không được cho chất sát khuẩn vào thuốc tiêm để tiêm vào nội sọ,
màng cứng, dịch não tủy hoặc các tổ chức ở mắt, trừ khi có chỉ dẫn riêng. Các chế
phẩm này phải được đóng gói dưới dạng đơn liều. Không được cho chất màu vào
thuốc tiêm với mục đích nhuộm màu chế phẩm. Khi dược chất trong thuốc tiêm để
bị oxy hóa có thể cho thêm các chất chống oxy hóa thích hợp và/hoặc đóng thuốc
dưới dòng khí nitrogen hoặc khí trơ thích hợp.
2.2. Đồ đựng
Đồ đựng thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền (chai, lọ, ống, túi…) được làm từ các
nguyên liệu, sao cho đồ đựng đủ trong để cho phép kiểm tra được bằng mắt thuốc
chứa bên trong, trừ trường hợp đặc biệt. Đồ đựng không được tương tác về vật lý
hay hóa học với thuốc chứa trong nó.
Đồ đựng thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền phải đạt các chỉ tiêu chất lượng quy
định trong các Phụ lục 17.1, mục 17.3.2. Nút chai lọ thuốc tiêm và thuốc tiêm
truyền phải đạt các chỉ tiêu quy định trong Phụ lục 17.5. Đồ đựng và nút chai lọ
thuốc tiêm, thuốc, tiêm truyền phải được xử lý theo những quy trình thích hợp,
đảm bảo sạch và vô khuẩn mới được dùng để đóng thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền.
2.3. Ghi nhãn
Nhãn thuốc tiêm theo quy định hiện hành. Nhãn không che kín đồ đựng để có
thể kiểm tra được thuốc ờ bên trong. Nhãn thuốc cần có tên chế phẩm, nồng độ
dược chất hoặc lượng dược chất trong một thể tích xác định đối với thuốc tiêm
lỏng, hoặc lượng dược chất đối với thuốc tiêm bột, tên và nồng độ chất bảo quản
(nếu có). Đối với bột pha tiêm và dung dịch đậm đặc để pha thuốc tiêm, thuốc tiêm
truyền thì phải ghi rõ loại dung môi và lượng dung môi dùng để pha thuốc trước
khi sử dụng, điều kiện bảo quản và thời gian sử dụng sau khi pha. Nếu có ống dung
môi kèm theo thì trên ống phải có nhãn ghi rõ thành phần và thể tích dung môi.
3. Kiểm nghiệm các loại thuốc tiêm, tiêm truyền
3.1. Thuốc tiêm
Định nghĩa:
Thuốc tiêm là các dung dịch, hỗn dịch hoặc nhũ tương vô khuẩn để tiêm vào
cơ thể bằng các đường tiêm khác nhau. Đối với thuốc tiêm hỗn dịch, thông thường
kích thước của phần lớn (trên 90 %) các tiểu phân dược chất phải dưới 15 gm,
không quá 10 % số tiểu phân kích thước 15 pm đến 20 gm và hầu như không có
tiểu phân kích thước 20 gm đến 50 pm.
Yêu cầu chất lượng:
Màu sắc: Không màu hoặc có màu của dược chất (theo chuyên luận riêng).
Trạng thái phân tán: Thuốc tiêm hỗn dịch có thể lắng cặn nhưng phải dễ dàng
phân tán đồng nhất khi lắc và phải giữ được sự đồng nhất trong thời gian đủ để lấy
đúng liều thuốc. Thuốc tiêm nhũ tương phải không có bất kỳ biểu hiện nào của sự
tách lớp. Độ trong Thuốc tiêm dạng dung dịch phải trong suốt và không có các tiểu
phân không tan khi kiểm tra bằng mẳt thường ờ điều kiện quy định (Phụ lục 11.8,
mục B) và phải đáp ứng các yêu cầu về số lượng và giới hạn kích thước các tiểu
phân không quan sát được bằng mắt thường (Phụ lục 11.8, mục A).
Thể tích: Đáp ứng yêu cầu của Phụ lục 11.1.
Thử vô khuẩn: Phải vô khuẩn (Phụ lục 13.7).
Nội độc tố vi khuẩn: Phép thử nội độc tố vi khuẩn (Phụ lục 13.2) thực hiện
trong những trường hợp có quy định trong chuyên luận riêng. Khi chuyên luận có
quy định thử nội độc tố vi khuẩn thì không phải thử chất gây sốt, nếu không có chỉ
dẫn khác.
Chất gây sốt: Không được có chất gây sốt (Phụ lục 13.4).
Độ đồng đều hàm lượng: Áp dụng đối với thuốc tiêm hỗn dịch đóng liều đơn
có hàm lượng dược chất nhỏ hơn 2 mg hoặc nhỏ hơn 2 % sọ với khối lượng thuốc
thì phải đáp ứng yêu cầu về độ đông đều hàm lượng (Phụ lục 11.2), trừ khi có chỉ
dẫn riêng. Nếu chế phẩm có nhiều thành phần dược chất, yêu cầu này chỉ áp dụng
cho thành phần dược chất nhỏ hơn 2 mg hoặc nhỏ hơn 2 % so với khối lượng
thuốc. Yêu cầu này không áp dụng với thuốc tiêm chứa các vitamin và nguyên tố
vi lượng.
3.2. Thuốc tiêm truyền
Định nghĩa:
Thuốc tiêm truyền là dung dịch nước hoặc nhũ tương dầu trong nước vô
khuẩn, không có chất gây sốt, không chứa chất sát khuẩn, thường đẳng trương với
máu, dùng để tiêm truyền tĩnh mạch với thể tích lớn và tốc độ chậm.
Đối với thuốc tiêm truyền dạng nhũ tương, thông thường đường kính của
phần lớn (80 %) các giọt phân tán phải nhỏ hơn 0,5 μm và không có giọt có đường
kính lớn hơn 5 μm, trừ khi có chỉ dẫn riêng.
Yêu cầu chất lượng:
Thuốc tiêm truyền phải đạt các yêu cầu chất lượng đối với thuốc tiêm và các
yêu cầu sau đây:
Độ trong: Các dung dịch tiêm truyền phải đạt quy định về độ trong của thuốc
tiêm khi kiểm tra bằng mắt thường (Phụ lục 11.8, mục B) và phải đáp ứng các yêu
cầu về số lượng và giới hạn kích thước các tiêu phân không quan sát được bằng
mắt thường (Phụ lục 11.8, mục A). Các nhũ tương tiêm truyền không được có dấu
hiệu của sự tách lớp.
Thể tích: Đáp ứng yêu cầu của Phụ lục 11.1.
Thử vô khuẩn: Phải vô khuẩn (Phụ lục 13.7).
Chất gây sốt: Không được có chất gây sốt (Phụ lục 13.4). Chỉ không phải thử
chất gây sốt nếu đã có quy định thử nội độc tố vi khuẩn, trừ những chỉ dẫn khác.
Tiêm 10 ml cho mỗi kg thỏ nếu không có chỉ dẫn khác.
3.3. Bột pha tiêm
Định nghĩa:
Bột pha tiêm hay bột để pha thuốc tiêm (bao gồm cả các chế phẩm đông khô)
để pha thuốc tiêm hay thuốc tiêm truyền là những chế phẩm vô khuẩn, phải pha với
một thể tích quy định của một chất lỏng vô khuẩn thích hợp ngay trước khi dùng.
Yêu cầu chất lượng:
Độ đồng đều khối lượng: Bột để pha thuốc tiêm hay thuốc tiêm truỵền phải
thử độ đồng đều khối lượng (Phụ lục 11.3). Yêu cầu này không áp dụng với các
chế phẩm đã thử độ đồng đều về hàm lượng với tất cả các dược chất.
Độ đồng đều hàm lượng: Bột để pha thuốc tiêm hay thuốc tiêm truyền có hàm
lượng dược chất nhỏ hơn 2 mg hoặc nhỏ hơn 2 % so với khối lượng thuốc hoặc có
khối lượng thuốc bằng hay nhỏ hơn 40 mg thì phải đáp ứng yêu cầu độ đồng đều
về hàm lượng (Phụ lục 11.2), trừ khi có chỉ dẫn riêng. Nếu chế phẩm có nhiều
thành phần dược chất, yêu cầu này chỉ áp dụng cho thành phần dược chất nhỏ hơn
2 mg hoặc nhỏ hơn 2 % so với khối lượng thuốc. Yêu cầu này không áp dụng với
thuốc tiêm chứa các vitamin và nguyên tố vi lượng.
Chất gây sốt – nội độc tố vi khuẩn: Sau khi pha, thuốc phải đáp ứng yêu cầu
đối với thuốc tiêm hoặc thuốc tiêm truyền.
3.4. Dung dịch đậm đặc để pha thuốc tiêm
Dung dịch đậm đặc để pha thuốc tiêm hay thuốc tiêm truyền là những chế
phẩm vô khuẩn, phải pha với một thể tích quy định của một chất lỏng vô khuẩn
thích hợp ngay trước khi dùng.
Chất gây sốt – nội độc tố vi khuẩn: Sau khi pha, thuốc phải đáp ứng yêu cầu
đối với thuốc tiêm hoặc thuốc tiêm truyền.
THUỐC NHỎ MẮT
1.1. Định nghĩa
Thuốc nhỏ mắt là dung dịch nước, dung dịch dầu hoặc hỗn dịch vô khuẩn của
một hay nhiều hoạt chất, dùng để nhỏ vào mắt. Chế phẩm cũng có thể được bào
chế dưới dạng khô (bột, bột đông khô, viên nén) vô khuẩn, được hòa tan hoặc phân
tán vào một chất lỏng vô khuẩn thích hợp khi dùng.
1.2. Yêu cầu chung
Thuốc nhỏ mắt phải được pha chế – sản xuất trong điều kiện vô khuẩn. Các
dụng cụ, thiết bị và đồ đựng dùng trong pha chế – sản xuất phải sạch và vô khuẩn.
Dung môi để pha chế thuốc nhỏ mắt thường là nước tinh khiết hoặc các dung dịch
nước thích hợp hoặc là dầu thực vật trung tính đạt tiêu chuẩn để pha thuốc tiêm.
Trong thành phần của thuốc nhỏ mắt có thể có thêm các tá dược, để điều
chỉnh độ đẳng trương, độ nhớt, điều chỉnh hay ổn định pH của chế phẩm, tăng độ
tan và độ ổn định của hoạt chất, nhưng không được ảnh hường xấu đến tác dụng
của thuốc và không gây kích ứng đối với mắt ở nồng độ sử dụng trong chế phẩm.
Những chế phẩm thuốc nhỏ mắt nước đóng nhiều liều trong một đơn vị đóng
gói phải cho thêm chất sát khuẩn với nồng độ thích hợp, trừ khi tự chế phẩm có đủ
tính chất sát khuẩn. Chất sát khuẩn phải không tương kỵ với các thành phần khác
có trong chế phẩm và phải duy trì được hiệu quả sát khuẩn trong thời gian sử đụng
chế phẩm kể từ lẩn mở nắp đầu tiên. Không được thêm chất sát khuẩn hoặc chất
chống oxy hóa vào các thuốc nhỏ mắt dùng cho phẫu thuật ở mắt. Các thuốc nhỏ
mắt này phải pha chế – sản xuất trong điều kiện vô khuẩn và đóng gói một liều.
Không được cho thêm chất màu vào thuốc nhỏ mắt chỉ với mục đích nhuộm màu
chế phẩm.
Đồ đựng thuốc nhỏ mắt nên có đủ độ trong cần thiết để kiểm tra được bằng
mắt độ trong của dung dịch hay độ đồng nhất của hỗn dịch nhỏ mắt chứa trong đó.
Đồ đựng thuốc nhỏ mắt phải vô khuẩn và không có tương tác về mặt vật lý hay hóa
học với thuốc. Đồ đựng thuốc nhỏ mắt phải đáp ứng các yêu cầu nêu trong Phụ lục
17.3.3. Đồ đựng thuốc nhỏ mắt chứa nhiều liều phải có bộ phận nhỏ giọt thích hợp,
thể tích mỗi đơn vị đóng gói không nên vượt quá 10 ml.
Ghi nhãn:
Nhãn thuốc nhỏ mắt phải ghi theo quy chế. Nhãn phải ghi tên chất sát khuẩn
có trong chế phẩm. Đối với đơn vị đóng gói nhiều liều, trên nhãn phải ghi rõ thời
hạn sử dụng tính từ khi thuốc được sử dụng lần đầu, sau thời gian đó thuốc còn lại
phải bỏ đi, thường không quá 4 tuần, trừ khi có chỉ dẫn khác.
1.3. Yêu cầu chất lượng
Độ trong (Thử theo Phụ lục 11.8. Phần B):
Dung dịch thuốc nhỏ mắt phải trong suốt, không có các tiểu phân quan sát
được bằng mắt thường.
Hỗn dịch nhỏ mắt có thể lắng đọng khi để yên nhưng phải dễ dàng phân tán
đồng nhất khi lắc và phải duy trì được sự phân tán đồng nhất đó trong khi nhỏ
thuốc để sử dụng đúng liều. Kích thước tiểu phân (Phụ lục 11.8. Phần A).
Nếu không có chỉ dẫn khác, thuốc nhỏ mắt dạng hỗn dịch phải đạt yêu cầu
của phép thử sau: Lắc mạnh và chuyển một lượng chế phẩm tương đương với
khoảng 10 μg pha rắn vào buồng đếm hoặc lên một phiến kính thích hợp và quan
sát dưới kính hiển vi có độ phóng đại thích hợp. Không được có quá 20 tiểu phân
có kích thước lớn hơn 25 μm và không có quá 2 tiểu phân có kích thước lớn hơn 50
μm, không có tiểu phân nào có kích thước lớn hơn 90 μm.
Thử vô khuẩn: Đạt yêu cầu Thử vỏ khuẩn (Phụ lục 13.7).
Giới hạn cho phép về thể tích: + 10 % thể tích ghi trên nhãn (Phụ lục 11.1).
- Đối với dạng chế phẩm khô, dùng để pha thuốc nhỏ mắt trước khi dùng, sau
khi pha phải đáp ứng các yêu cầu chất lượng của thuốc nhỏ mắt. Đối với chế phẩm
đóng liều đơn phải đáp ứng các yêu cầu về phép thử độ đồng đều hàm lượng hoặc
độ đồng đều khối lượng (Phụ lục 11.2 hoặc 11.3), trừ khi có chỉ dẫn khác.
- Đối với các dung dịch dùng để rửa mắt, ngâm mắt hoặc để thấm vào băng
mắt, nhất thiết phải là các dung dịch đẳng trương với dịch nước mắt và phải đáp
ứng các yêu cầu chất lượng của thuốc nhỏ mắt. Thuốc rửa mắt dùng trong phẫu
thuật hoặc trong điều trị sơ cứu về mắt, không được chứa chất sát khuẩn, phải pha
chế vô khuẩn và đóng gói một liều. Thuốc rửa mắt đóng nhiều liều phải có chất sát
khuẩn ở nồng độ thích hợp và không đóng gói quá thể tích 200 ml cho một đơn vị
đóng gói nhỏ nhất. Nhãn thuốc theo quy định hiện hành và có ghi thời hạn sử dụng
sau khi mở nắp.

THUỐC NHỎ MŨI VÀ THUỐC XỊT MŨI


Định nghĩa
Thuốc nhỏ mũi và thuốc xịt mũi dạng lỏng là các dung dịch, nhũ tương hay
hỗn dịch dùng để nhỏ hoặc bơm xịt vào trong hốc mũi để gây tác dụng tại chỗ hay
toàn thân. Thuốc nhỏ mũi thường được đóng vào lọ chứa đa liều có gắn bộ phận
nhỏ giọt thích hợp. Thuốc xịt mũi dạng lỏng được đóng vào trong lọ chứa có gắn
bộ phận phun hoặc đóng vào lọ dưới áp suất cao có hoặc không có van phân liều.
Kích thước của các giọt thuốc khi phun ra phải cho phép thuốc bám được vào trong
hốc mũi.
Yêu cầu về điều chế
Điều chế theo phương pháp thích hợp tùy theo thuốc là dung dịch, hỗn dịch
hay nhũ tương. Các chế phẩm có chất dẫn là nước thường phải đẳng trương và có
thể cho thêm tá dược để điều chỉnh độ nhớt, điều chỉnh hay ổn định pH, để tăng
tính tan của hoạt chất hay để ổn định chế phẩm. Trong sản xuất, đóng gói, tồn trữ
và phân phối, phải có những biện pháp thích hợp để đảm bảo yêu cầu về giới hạn
vi sinh vật. Đối với các chế phẩm vô khuẩn, phải điều chế với các nguyên liệu và
phương pháp thích hợp để đảm bảo tính vô khuẩn, tránh ô nhiễm và ngăn cản sự
phát triển của các vi sinh vật. Thuốc nhỏ mũi đóng trong lọ chứa đa liều và thuốc
xịt mũi có sử dụng chất dẫn là nước, phải cho thêm chất bảo quản ở nồng độ thích
hợp trừ trường hợp bản thân chế phẩm có tính sát khuẩn.
Yêu cầu chất lượng
Chế phẩm không được gây kích ứng và gây ảnh hưởng đến chức năng của
màng nhầỵ và hệ lỏng trong mũi. Khi bảo quản, các chế phẩm dạng nhũ tương có
thể có hiện tượng tách pha; dạng hỗn dịch có thể có hiện tượng lắng cặn xuống đáy
lọ nhưng phải dễ dàng phân tán đều trở lại khi lắc để phân chia liều được chính
xác.
Chế phẩm dạng hỗn dịch phải kiểm soát kích thước thích hợp của các tiêu
phân tùy theo mục đích sử dụng. Đồ đựng thuốc nhỏ mũi phải đáp ứng các yêu cầu
nêu trong Phụ lục 17.1 hoặc 17.3. Trừ khi có chỉ dẫn khác, thuốc nhỏ mũi được
cung cấp dưới dạng đơn liều và các thuốc xịt mũi phân liều có tác động toàn thân,
phải đáp ứng các yêu cầu của các thử nghiệm sau:
Độ đồng đều khối lượng:
Thuốc nhỏ mũi đơn liều dạng dung dịch: Cân riêng từng lượng thuốc được lấy
cẩn thận ra từ 10 lọ và xác định khối lượng trung bình thuốc trong lọ. Không được
có quá 2 đơn vị lệch hơn 10 % và không có đơn vị nào lệch hơn 20 % so với khối
lượng trung bình của thuốc.
Thuốc xịt mũi phân liều dạng dung dịch: Xịt bỏ liều đầu tiên, đợi ít nhất 5 s,
xịt bỏ tiểp một lần nữa. Lặp lại quy trình này 3 lần nữa. Cân khối lượng của lọ
thuốc, xịt bỏ một liều và cân khối lượng còn lại của lọ thuốc. Tính chênh lệch giữa
hai khối lượng. Lặp lại quy trình như trên với 9 lọ thuốc xịt khác. Chế phẩm đạt
yêu cầu của thử nghiệm nếu không có quá 2 giá trị lệch hơn 25 % và không có giá
trị nào lệch hơn 35 % so với giá trị trung bình.
Độ đồng đều hàm lượng:
Thuốc nhỏ mũi đơn liều dạng hỗn dịch hoặc nhũ tương phải đáp ứng thử
nghiệm sau: Lấy hết thuốc trong mỗi lọ ra và xác định hàm lượng riêng của thuốc
trong từng lọ. Chế phẩm phải đáp ứng yêu cầu của Phụ lục 11.2, phương pháp 1.
Độ đồng đều phân liều
Thuốc xịt mũi phân liều dạng hỗn dịch hay nhũ tương phải đáp ứng theo thử
nghiệm sau: Dùng một dụng cụ có khả năng giữ lại số lượng thuốc vừa phun ra
khối bộ phận phun. Lắc lọ thuốc trong 5 s và xịt bỏ liều đầu tiên, đợi ít nhất 5 s, lắc
trong 5 s và xịt bỏ tiếp một lần nữa. Lặp lại quy trình này 3 lần nữa. Sau 2 s, xịt
một liều thuốc vào trong dụng cụ hứng. Rửa dụng cụ hứng nhiều lần để thu hồi lại
liều thuốc. Xác định hàm lượng của hoạt chất trong nước rửa. Lặp lại quy trình như
trên với 9 lọ thuốc khác. Nếu không có chỉ dẫn khác, chế phẩm đáp ứng thử
nghiệm nếu không có quá một liều vượt ngoài giới hạn 75 % đến 125 % và không
có giá trị nào vượt ngoài giới hạn 65 % đến 135 % so với giá trị trung bình của 10
liều (lấy từ 10 lọ). Nếu có 2 hoặc 3 giá trị vượt qua giới hạn 75 % đến 125 %
nhưng vẫn nằm trong giới hạn 65 % đến 135 %, lặp lại thử nghiệm với 20 lọ thuốc
nữa. Chế phẩm đáp ứng thử nghiệm nếu không có quá 3 trong số 30 lọ vượt ra
ngoài giới hạn 75 % đến 125 % và không có giá trị nào vượt ngoài giới hạn 65 %
đến 135 % so với giá trị trung bình của 30 lọ.
Thể tích: +10 % thể tích ghi trên nhãn (Phụ lục 11.1).
Giới hạn nhiễm khuẩn: Đạt yêu cầu qui định trong Phụ lục 13.6.
Bảo quản: Đối với các thuốc vô khuẩn, bảo quản thuốc trong chai lọ vô
khuẩn, kín, có niêm bảo đảm. Các thuốc xịt mũi được đóng vào các lọ dưới áp suất
cao phải được để nơi mát, xa nguồn nhiệt. Nhãn thuốc theo qui định hiện hành và
có ghi tên, nồng độ (hàm lượng) của chất bảo quản và thời hạn sử dụng sau khi mở
nắp.

THUỐC NHỎ TAI VÀ THUỐC XỊT VÀO TAI


1.1. Định nghĩa
Thuốc nhỏ tai và thuốc xịt vào tai là các dung dịch, hỗn dịch hay nhũ tương
của một hoặc nhiều dược chất trong các chất lỏng thích hợp (như nước, các glycol
hoặc dầu béo) để đưa vào trong hốc tai nhưng không được gây ra áp lực có hại lên
màng nhĩ. Thuốc cũng có thể dùng bôi vào hốc tai nhờ một que bông được tẩm
thuốc.
Thuốc nhỏ tai thường được đóng gói trong các lọ chứa đa liều làm bằng thủy
tinh hay chất dẻo thích hợp có gắn hoặc kèm theo một bộ phận thích hợp để nhỏ
giọt. Các thuốc xịt vào tai thường được đóng gói trong các lọ chứa đa liều gắn theo
một bộ phận để phun thuốc. Các bộ phận này được thiết kế sao cho tránh sự gây
nhiễm.
1.2. Phương pháp điều chế
Điều chế theo phương pháp thích hợp tùy theo thuốc là dung dịch, hỗn dịch
hay nhũ tương. Có thể cho thêm các tá dược để điểu chỉnh độ đẳng trương, độ
nhớt, điểu chỉnh hay ổn định pH, tăng tính tan của dược chất hoặc ổn định chế
phẩm. Các tá dược này không được làm giảm tác dụng trị liệu của thuốc hay gây
độc tính hoặc gây kích ứng tại chỗ ở nồng độ sử dụng.
Trừ khi có chỉ dẫn khác, các thuốc nhỏ tai và thuốc xịt có chất dẫn là nước khi
được đóng gói trong lọ chứa đa liều phải dược cho thêm vào các chất bảo quản ờ
nồng độ thích hợp trừ khi bản thân chế phẩm có tính sát khuẩn. Thuốc dùng để
điều trị tai bị tổn thương, đặc biệt khi màng nhĩ bị thủng hay để sử dụng trước khi
phẫu thuật, phải vô khuẩn, không được chứa các chất bảo quản và được cung cấp
trong lọ chứa đơn liều. Khi đó thuốc được điều chế với các nguyên liệu và phương
pháp thích hợp để đảm bảo tính vô khuẩn, tránh ô nhiễm và tránh sự phát triển của
các vi sinh vật.
1.3. Yêu cầu chất lượng
Đạt yêu cầu chất lượng theo các chuyên luận riêng. Khi bảo quản, chế phẩm
dạng nhũ tương có thể có hiện tượng tách pha nhưng phải dễ dàng phân tán đều trở
lại khi lắc. Chế phẩm dạng hỗn dịch khi bảo quản có thể có hiện tượng lắng cặn
nhưng phái dễ dàng phân tán đều trở lại khi lắc và duy trì tình trạng ổn định này đủ
để cho phép phân liều chính xác. Có biện pháp kiểm soát để đảm bảo kích thước
tiểu phân phù hợp tùy theo mục đích sử dụng.
Đồ đựng thuốc nhò tai phải đáp ứng các yêu cầu ncu trong Phụ lục 17.1 hoặc
17.3.
Độ đồng đều hàm lượng: Trừ khi có chỉ dẫn riêng, các chế phẩm đơn liều có
hàm lượng dược chất dưới 2 mg hay chiếm dưới 2 % khối lượng của đơn vị phân
liều và các thuốc xịt phân liều phải đáp ứng yêu cầu của Phụ lục 11.2. Phép thử độ
đồng đều hàm lượng, phương pháp 1. Nếu thuốc có nhiều dược chất, yêu cầu này
được áp dụng cho thành phần có các điều kiện như trên.
Độ đồng đều khối lượng: Các chế phẩm đơn liều phải đạt Yêu cầu của Phụ lục
11.3. Nếu đã thử độ đồng đều hàm lượng của tất cà các dược chất thì không phải
thử độ đồng đều khối lượng Giới hạn nhiễm khuẩn Đạt yêu cầu qui định trong Phụ
lục 13.6. Nếu có yêu cầu vô khuẩn, thuốc phải đạt các yêu cầu cùa thử nghiệm về
Thử vô khuẩn (Phụ lục 13.7) và tính chất này phải được ghi trên nhãn thuốc.
Thể tích: + 10 % thể tích ghi trên nhãn (Phụ lực 11.1).
Bảo quản: Đối với các thuốc vô khuẩn, bảo quàn thuốc trong chai lọ vô
khuẩn, kín. Thuốc xịt được đóng gói trong các lọ chứa đóng dưới áp suất cao được
bảo quàn nơi mát, xa nguồn nhiệt. Nhãn thuốc theo quy định hiện hành và có ghi
tên của chất bảo quản và thời hạn sử dụng sau khi mờ nắp (thường không quá 4
tuần trừ khi có chỉ dẫn khác).
THUỐC KHÍ DUNG
1. Định nghĩa
Thuốc khí dung là dạng bào chế mà trong quá trình sử dụng, hoạt chất được
phân tán thành những hạt nhỏ trong không khí do thuốc được nén qua đầu phun bởi
một luồng khí đầy ở áp suất cao để tới vị trí tác dụng. Thuốc khí dung có thể dùng
ngoài da, tóc, mũi – họng, răng miệng hoặc tai và hay dùng để hít theo đường hô
hấp có tác dụng tại chỗ hoặc tác dụng toàn thân.
2. Các dạng thuốc khí dung
Thuốc khí dung hoàn chỉnh: Dạng thuốc này là một hệ thống gồm: Thuốc,
chai, lọ kín chứa thuốc có gắn đầu phun cùng với van và khí đẩy được nén ờ áp
suất thích hợp. Khi nhấn đầu phun, thuốc sẽ tự động đẩy ra khỏi đầu van. Van có
thể là loại không phân liều, nhưng nếu cần thiết thuốc phải gắn van phân liều chính
xác. Thuốc khí dung khi đóng trong đồ đựng thường ở thể lỏng như: Dung dịch,
hỗn dịch, nhũ tương.
Đồ đựng thuốc có thể là chai, lọ hoặc bình được chế tạo đặc biệt để có thể gắn
kết với các bộ phận gồm ống dẫn thuốc, van, đầu phun và nắp đậy. Đồ đựng thuốc
được chế bằng vật liệu thích hợp như thủy tinh, nhựa, kim loại hoặc phối hợp.
Khí đẩy có chức năng nén thuốc qua đầu phun và lượng khí nén đóng trong
thuốc khí dung phải đảm bảo đủ để đẩy hết liều lượng thuốc theo chỉ định. Khí đẩy
thường dùng là hỗn hợp các loại khí như khí trơ carbonic, nitrogen hoặc khí
hydrocarbon và dẫn chất halogen của hydrocarbon.
Thuốc khí dung hoàn chỉnh được sản xuất công nghiệp, tuy nhiên, kiểu đóng
thuốc dưới áp lực cao của khỉ đây còn gặp ở một số chế phẩm không phải là thuốc
khí dung như thuốc bột, thuốc lỏng để xoa da hoặc sirô thuốc và mỹ phẩm…
Thuốc khí dung kiểu piston: Thuốc này không nén sẵn khí đẩy như thuốc khí
dung hoàn chỉnh, mà gắn van kiểu piston để người dùng tự bơm nén không khí để
đẩy thuốc. Khi nhấn, piston hoạt động như van một chiều cho khí đi vào, sau vài
lần ấn áp suất đạt tới mức nhất định, van mở cho thuốc phun ra. Tiếp tục nhấn
piston, chu kỳ phun thuốc được lặp lại. Đây là một dạng thuốc khí dung chưa hoàn
chỉnh. Thuốc khí dung dùng quả bóp: Thuốc đựng trong đồ đựng riêng, khi dùng
thuốc được cho vào một đầu phun có gắn quả bóp (bằng nhựa hoặc cao su). Khi
bóp, không khí sẽ nén với áp lực đủ để đẩy thuốc ra khỏi đầu phun. Đầu phun có
hình dạng khác nhau, tùy trường hợp cho thuốc qua miệng hoặc mũi… Đầu phun
này là dụng cụ tạo khí dung cho cá nhân hay được dùng trong bệnh viện bằng cách
nói chung với máy nén khí trị liệu khí dung. Ngoài các dạng bào chế trên, còn có
thể dùng dụng cụ, thiết bị khác như máy rung động siêu âm, máy dùng diện thế tạo
ra thuốc khí dung để xông hít.
3. Yêu cầu kỹ thuật và điều kiện sản xuất
Kỹ thuật sản xuất thuốc khí dung phải đảm bảo cho hoạt chất ổn định trong
thời hạn bảo quản. Các hoạt chất kém ổn định: Oxytetracyclin, hydrocortison,
streptomycin, ritampicin,… phải sản xuất ở trạng thái khí dung khô, trong thành
phần của thuốc không được chứa nước.
Nếu hoạt chất ổn định với dung môi nước thì có thể bào chế thuốc ở thể dung
dịch nhũ tương hoặc hỗn dịch. Kích thước của các hạt mang hoạt chất trong thuốc
khí dung phải đủ mịn và phân tán đều khi được đẩy ra khỏi đầu phun. Với khi dung
trị bệnh phổi thường có hoạt chất kháng sinh, kháng viêm,… và kích thước hạt
phải nhỏ hơn 5 μm.
Mặt khác, áp lực khí đẩy của chế phẩm phải đảm bảo đưa thuốc tới được bề
mặt vị trí thuốc cần tác dụng, đồng thời phù hợp với đặc điểm sinh lý đường hô
hấp và an toàn cho người sử dụng.
Thuốc khí dung phải được sản xuất trong điều kiện đảm bảo chất lượng chung
và phù hợp với đường sử dụng thuốc; phải kiểm tra giới hạn vi sinh vật (Phụ lục
13.6 Thử giới hạn nhiễm khuẩn). Thuốc sử dụng cho vết thương phải vô khuẩn
(Phụ lục 13.7 Thử vô khuẩn). Chất liệu của đồ đựng thuốc phải lựa chọn đúng quy
định.
4. Tiêu chuẩn chất lượng
Tiêu chuẩn áp dụng cho thuốc khí dung hoàn chỉnh gồm: Áp suất khí nén, cỡ
hạt và phân bố cỡ hạt khi phun thuốc, khả năng phân liều của van, tốc độ phun.
Đặc tính an toàn: Điểm bắt lửa của thuốc khi phun, khả năng chịu áp lực của
bình, độ kín của bao bì. Nếu dung môi dùng trong khí dung có chứa ethanol thì
phải xây dựng tiêu chuẩn và phương pháp định lượng hàm lượng ethanol trong
thuốc.
Thuốc thành phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung về: Nồng độ, hàm
lượng hoạt chất,…
Quá trình pha chế, sản xuất thuốc khí dung cần phải kiểm soát các thông số
như khối lượng thuốc, lượng khí đẩy và áp suất, khả năng hoạt động của van, độ
kín của bao bì,…
Ghi nhãn theo quy định hiện hành và có tên các chất khí đẩy, các chất phụ.
Đồ đựng: Đồ đựng thuốc khí dung cần có độ bền vững không ảnh hưởng tới
hoạt chất và các thành phần của thuốc, đồng thời phải an toàn cho sản xuất và sử
dụng. Phải chịu được áp lực cao của khí đẩy. Vật liệu có thể bằng thủy tinh, kim
loại, nhựa hoặc phối hợp các vật liệu này. Đồ đựng bằng thủy tinh: Nên dùng loại
trung tính và có thể được bọc nhựa dẻo ở mặt ngoài. Đồ đựng bằng kim loại: Phải
dùng loại không rỉ như nhôm, thiếc và có thể tráng các lớp vecni bảo vệ bề mặt
trong của bình hay chai lọ nhất là bình bằng nhôm, Đồ đựng bằng nhựa dẻo: Như
polyethylen PE, polypropylen PP,…
Đồ đựng thuốc trước khi đưa vào quy trình sản xuất cần phải xử lý theo qui
định. Riêng mặt trong của đô đựng phải kiểm soát để giảm thiểu bụi, vi sinh vật
theo yêu cầu và không chứa tạp chất bôi trơn khuôn đúc đồ đựng hoặc từ chất tẩy
rửa. Van và ống dẫn thuốc. Van giữ cho bình kín dưới áp suất cao và phun thuốc
với lượng quy định, có 2 loại van: Không phân liều và phân liều.
Van không phân liều: Van cho thuốc phun liên tục khi nhân lên van. Thuốc sẽ
phun những lượng phụ thuộc vào thời gian nhấn van, thường vài giây, song có thể
kéo dài hơn nếu cần. Van phân liều: Van chỉ phun những liều thuốc chính xác,
không phun liên tục, mà theo từng liều.
Liều thuốc thường tính theo thể tích thuốc lòng tương đương với lượng hoạt
chất đáp ứng yêu cầu trị liệu. Các van có thể được chế tạo để phun thuốc theo thế
thẳng đứng hoặc dốc ngược bao bì để hít thuốc qua mũi hay miệng.
Ống nhúng: Là một ống nhỏ nhúng trong thuốc và nối với van. Ống nhúng có
chiều dài phù hợp với chiều cao của bao bì và trạng thái tập hợp của thuốc. Đường
kính trong của ống nhúng phải phù hợp với kích thước hạt và độ nhớt của thuốc.
Ống nhúng và thân van thường xuyên tiếp xúc với thuốc nên ngoài đặc tính bồn
hóa lý, không độc, còn phải có bề mặt trong nhẵn, trơn, không bị đọng thuốc, nghẹt
thuốc trong sử dụng. Nhựa polyethylen, polypropylen và nylon hay được dùng.
Đầu phun, nút bấm và nắp bảo vệ Đầu phun là một ống dẫn thuốc có lỗ nhỏ với
cấu tạo đặc biệt, gắn liền với van để đưa thuốc ra khỏi van. Đầu phun thuốc có thể
theo thể thẳng đứng hay nằm ngang và có hình dạng, kích cỡ phù hợp với cơ quan
đưa thuốc tới như miệng, mũi, tai, để hít hoặc dùng ngoài da. Nút bấm là bộ phận
gẳn liền trong hệ thống van – đầu phun, khi ấn hay di chuyển vị trí sẽ đầy van về vị
trí mở cho thuốc phát ra khỏi đầu phun. Đầu phun và nút bấm thường được chế tạo
liền một khối để dễ sử dụng, nhưng đầu phun cũng có thể tháo rời, khi dùng mới
lắp. Nắp bảo vệ có chức năng bảo vệ giữ đầu phun khỏi biến dạng và luôn sạch
trong sử dụng.
Độ bền và độ an toàn sinh học của đồ đựng: Đồ đựng thuốc cần có độ bền
vững không ảnh hưởng tới hoạt chất, đặc biệt không giải phóng những thành phần
độc hại khi thuốc tiếp xúc với da, niêm mạc đường hô hấp. Các bộ phận của đồ
đựng tiếp xúc trực tiếp với thuốc như: Chai, lọ hoặc ống dẫn thuốc, van bằng nhựa,
vòng đệm bằng cao su hoặc bao bì có lớp tráng bảo vệ bên trong cần phải chọn lựa
kỹ và có thử nghiệm đánh giá độ bền và độ an toàn sinh học. Các chất nhả ra từ
cao su lưu hóa hoặc nhựa như các chất đa nhân thơm, nitrosamin, chất chống oxy
hóa, các monome dẫn chất từ nhựa dẻo. Vật liệu chế tạo đồ đựng có bộ phận tiếp
xúc trực tiếp với thuốc cần đạt giới hạn các chất trên thông qua những thử nghiệm
hóa học thích hợp.
Van và ống dẫn thuốc bằng nhựa phải có đánh giá về an toàn sinh học, tương
tự đồ đựng thuốc tiêm (Phụ lục 17.3.2. Đồ đựng bằng chất dẻo dùng cho chế phẩm
thuốc tiêm).
Khí đẩy: Khí đẩy là thành phần đặc trưng trong thuốc khí dung, chúng có có
chức năng ép đẩy thuốc và tạo hệ phân tán mịn của thuốc qua đầu phun. Nhưng
nhiều trường hợp khí đẩy còn tham gia với vai trò như là dung môi hòa tan hoạt
chất, tham gia vào hệ phân tán trong bào chế để hình thành hệ nhũ tương trong khí
dung bột, như nhóm khí hóa lỏng. Khí đẩy có thể đóng sẵn nhưng cũng có thể nén
vào khi dùng thuốc. Trong loại khí dung đóng sẵn khí đẩy, lượng khí đẩy được nén
vào đồ đựng thuốc tương ứng với trạng thái áp suất dư, sao cho đảm bảo đẩy hết
lượng thuốc đóng gói. Các loại khí đẩy: Khí đẩy có thể ở trạng thái khí hoặc trạng
thái lỏng (khí hóa lỏng). Khí đẩy dùng đơn giản nhất là không khí như trong
trường hợp khí dung kiểu piston hoặc loại tương ứng, khi dùng khí mới được bơm
vào theo chỉ dẫn. Với trường hợp khi đẩy đóng sẵn thường dùng hỗn hợp các loại
khí như khí trơ, hydrocarbon và dẫn chất.
Nhóm khí trơ: Khí carbonic, nitrogen, nitơ oxyd. Nhóm khí hóa lỏng:
Hydrocarbon và dẫn chất halogenocarbon thường là dẫn chất của butan, pentan.
Khí được chọn phải an toàn, phù hợp với thành phần của thuốc và phối hợp ở tỷ lệ
thích hợp để đạt được đặc tính về áp suất hơi nén.
Nhãn thuốc: Nhãn thuốc khí dung thành phẩm phải có nội dung phù hợp với
quy định hiện hành. Ngoài ra. nhãn cần có những lưu ý, cảnh báo riêng biệt cần
thiết cho người sử dụng ờ từng loại thuốc khí dung, chẳng hạn:
Thuốc khí dung không được phun trực tiếp vào mắt hoặc niêm mạc.
Thuốc khí dung dùng riêng để hít, khi hít phải thận trọng, phải thực hiện theo
những chỉ dẫn của đơn thuốc hoặc hướng dẫn của thầy thuốc.
Không nên tự dùng thuốc khí dung để hít nếu không được chỉ định vì có thể
ngạt thở hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
Thuốc khí dung là chế phẩm đóng gói khí nén ở áp suất cao. Tuyệt đối không
để những loại thuốc này gần lửa hoặc để ở nơi nhiệt độ cao từ 50°C trở lên.
Không đốt, không đè nén, không chọc vật nhọn vào thuốc.
Phải đổ thuốc khí dung xa tầm tay trẻ em. Việc sản xuất các thuốc khí dung có
sử dụng khí đẩy là các hydrocarbon hoặc dẫn chất halogenohydrocarbon. phải tuân
thủ các quy định hiện hành.
THUỐC HÍT
1. Định nghĩa
Thuốc hít là dạng bào chế rắn hoặc lỏng, đóng gói kín, khi dùng thuốc sẽ bay
hơi, thăng hoa trong không khí hoặc do khí đẩy tạo ra những hạt thuốc mịn phân
tán trong khí để hít vào đường hô hấp, có tác dụng tại chỗ hoặc toàn thân. Thuốc
hít chứa một hoặc nhiều hoạt chất hòa tan trong dung môi hoặc phân tán đều trong
khối thuốc và các tá dược thích hợp như chất dẫn, chất bảo quản kháng khuẩn, chất
ổn định,…
Các tá dược phải đảm bảo không ảnh hưởng tới chức năng hoặc gây tổn
thương, kích ứng niêm mạc đường hô hấp.
2. Phân loại
Theo trạng thái: Thuốc hít có thể dưới dạng lỏng hoặc rắn.
Dạng lỏng như dung dịch tinh dầu dễ bay hơi hoặc dung dịch thuốc đóng
trong bao bì chai, lọ được nạp khí để đẩy thuốc qua van kiểu khí dung hoặc dùng
thuốc với dụng cụ thích hợp. Dạng rắn là các bột để hít thường đóng dạng khí dung
ở áp suất cao hoặc hít bởi các dụng cụ chuyên khoa mũi họng hoặc dạng khối rắn
của hoạt chất dễ bay hơi, thăng hoa trong ống hít.
Theo dạng bào chế: Ở dạng bào chế hoàn chỉnh có thuốc khí dung để hít và
ống hít.
Thuốc khí dung để hít: Dạng thuốc đóng gói dưới áp suất cao dùng qua đường
hô hấp bằng cách hít vào miệng hoặc mũi. Hoạt chất trong thuốc có thể ở dạng
dung dịch, hỗn dịch, hoặc nhũ tương. Nếu thuốc ờ dạng hỗn dịch hoặc nhũ tương,
cần lắc đều trước khi dùng. Thuốc có thể đóng gói với van phân liều hoặc không
phân liều. Tùy theo yêu cầu trị liệu mà hạt khí dung có độ mịn phù hợp. Riêng khí
dung dùng để điều trị bệnh phổi có các hoạt chất kháng sinh, kháng viêm…. kích
thước hạt phải nhỏ hơn 5 μm. Mặt khác, áp lực khí đẩy phải đảm bảo đưa thuốc tới
được vị trí thuốc cần tác dụng, đồng thời phù hợp với đặc điểm sinh lý đường hô
hấp và an toàn cho người sử dụng.
Thuốc ống hít: Dùng cho các hoạt chất dễ bay hơi, hay thăng hoa thành khí:
Tinh dầu bạc hà, camphor, menthol, eucalyptol hoặc hoạt chất được hòa tan, phân
tán đều trong tá dược dầu sáp, dung môi và trộn hoặc thấm vào các vật liệu thích
hợp tạo thành khối xốp, đặt trong ống để hít. Cấu tạo của ống hít gồm: Phần thân
ống có đáy kín, chứa khối thuốc xốp và phía trên để rỗng chứa thuốc ở trạng thái
khí. Phần đầu trên của ống có hình dạng thích hợp và đục lỗ để hít qua mũi. Nắp
bảo vệ để thuốc không thoát ra khỏi ống khi bảo quản. Bảo quản: cần bảo quản ống
hít nơi khô, mát, tránh ánh sáng.
Các thuốc khác để xông hít: Hộp chứa bột thuốc để hít: Hộp có ngăn chứa
một liều thuốc ở dạng bột mịn và nối với một đầu để hít vào miệng. Hộp mang
nhiều ngăn và có thể xoay các ngăn luân phiên cho mỗi lần sử dụng. Nang thuốc để
hít: Thuốc được cấp kèm theo một dụng cụ có bộ phận nghiền thuốc thành bột mịn
để hít. Dung dịch thuốc để xông hít: Thuốc được cấp để hít trên một máy hoặc
dụng cụ phân tán thuốc thành thể hạt mịn trong khí để xông hít. Máy tạo hạt để hít
từ dung dịch thuốc bằng rung động siêu âm hoặc kiểu máy nén khí qua đầu phun
thuốc; máy xông hơi nước dùng nhiệt độ,… Ngoài ra, dụng cụ gây mê hồi sức
cùng áp dụng kiểu trị liệu tượng tự như thuốc hít.
3. Yêu cầu về sản xuất
Các dạng thuốc để xông hít nhất là thuốc hít theo đường hô hấp phải chọn lựa
tá dược để phù hợp không gây kích ứng niêm mạc hô hấp, không gây nguy hiểm
cho bệnh nhân. Các thuốc lỏng phải chọn pH trong khoảng 3,0 đến 8,5 vừa phù
hợp sinh lý vừa giúp ổn định hoạt chất. Thuốc có chứa chất bảo quản kháng khuẩn
phải chứng tỏ hiệu lực ổn định theo quy định. Đồ đựng của thuốc hít phải được lựa
chọn theo quy định chung.
Khí dung để hít đóng dưới áp suất khí đẩy phải đáp ứng các yêu cầu chung
của thuốc khí dung, theo Phụ lục 1.18. Các thuốc nếu bào chế để dùng kèm theo
các y cụ để xông hít thuốc phải đáp ứng các quy định hiện hành về thuốc xông hít
của ngành dược. Các y cụ để xông hít thuốc phải đáp ứng các quy định chung hiện
hành về trang thiết bị y tế.
Nhãn thuốc theo quy định hiện hành. Nhãn có các nội dung về liều lượng nếu
ờ dạng khí dung và các quy định khác theo từng chuyên luận riêng.
THUỐC MỀM DÙNG TRÊN DA VÀ NIÊM MẠC
Định nghĩa
Dạng thuốc có thể chất mềm, đồng nhất dùng để bôi lên da và niêm mạc
nhằm gây tác dụng tại chỗ hoặc đưa dược chất thấm qua da và niêm mạc, làm tròn
hoặc bảo vệ.
Thành phần của thuốc gồm một hay nhiều dược chất, được hòa tan hay phân
tán đồng đều trong một hoặc hỗn hợp tá dược, thuộc hệ phân tán một pha hoặc
nhiều pha.
Tá dược sử dụng có nguồn gốc thiên nhiên hoặc tổng hợp, thân dầu hay thân
nước. Ngoài ra, trong thành phần tá dược còn có thêm chất bảo quản, chất chống
oxy hóa, chất ổn định, chất nhũ hóa, chất làm thơm và các chất làm tăng tính thấm
của dược chất.
Phân loại: Thuốc mỡ (ointments), Bột nhão (pastes), Kem (creams), Gel
(gels).
Thuốc mỡ:
Tùy theo cách phối hợp và sử dụng tá dược, thuốc mỡ được chia ra 3 loại:
- Thuốc mỡ thân dầu có thể hút (hấp phụ) một lượng nhỏ nước hoặc dung môi
phân cực. Tá dược điển hình gồm: Nhóm hydrocacbon no (vaselin, dầu parafin,
parafin rắn), dầu, mỡ có nguồn gốc động vật, glycerid bán tổng hợp, sáp và
polyalkylsiloxan lỏng.
- Thuốc mỡ thân nước có thể trộn lẫn với nước. Tá dược thường dùng là
polyethylen glycol (macrogol, carbowax).
- Thuốc mỡ nhũ hóa thân nước có thể hút được một lượng lớn nước và chất
lỏng phân cực để tạo thành nhũ tương nước-dầu (N/D) hoặc dầu-nước (D/N), tùy
thuộc vào bản chất chất nhũ hóa có trong thành phần tá dược. Chất nhũ hóa cho
nhũ tương N/D gồm: lanolin, estc sorbitan (Span), monoglycerid và alcol béo. Chất
nhũ hóa cho nhũ tương D/N gồm: Alcol béo Sulfat, polysorbat (Tween), ether hoặc
estc của acid béo với polyethylen glycol.
Bột nhão: Bột nhão bôi da là các chế phẩm nửa rắn, chứa một tỷ lệ lớn dược
chất rắn phân tán trong tá dược.
Kem: Kem bôi da là những chế phẩm thuộc hệ phân tán nhiều pha, bao gồm:
Pha dầu, pha nước và chất nhũ hóa.
Kem N/D: Pha nội thân nước, pha ngoại (pha liên tục) thân dầu. Trong thành
phần có các chất nhũ hóa tạo nhũ tương N/D như: Lanolin, este sorbitan (Span),
monoglycerid và alcol béo.
Kem D/N: Pha nội thân dầu, pha ngoại (pha hên tục) thân nước. Trong thành
phần có các chất nhũ hóa tạo nhũ tương D/N như: Xà phòng kiềm hóa trị một
(natri, kali) xà phòng amin (mono, di và triethanolamin), alcol béo sulfat,
polysorbat (Tween), ether hoặc este của acid béo với polyethylen glycol.
Gel: Gel bôi da và niêm mạc là những chế phẩm thể chất mềm, sử dụng tá
dược tạo gel thích hợp.
Gel thân dầu (olcogels): Trong thành phần sử dụng tá dược tạo gel, bao gồm
dầu parafin phối hợp với tá dược thân dầu khác, có thêm keo silic, xà phòng nhôm
hoặc xà phòng kẽm.
Gel thân nước (hydrogels): Thành phần bao gồm nước, glycerin, propylen
glycol, có thêm các tá dược tạo gel như polysacarid (tinh bột, tinh bột biến tính,
acid alginic và natri alginat), dẫn chất cellulose, polymer của acid acrylic
(carbomer, carbomer copolymer, carbomer interpolymer, methyl acrylat) và các
chất vô cơ (magnesi – nhôm silicat).
Yêu cầu chất lượng chung
Độ đồng nhất
Cách thử: Lấy 4 đơn vị đóng gói, mỗi đơn vị khoảng 0,02 g đến 0,03 g, trải
đều chế phẩm trên 4 phiến kính. Đậy mỗi phiến kính bằng một phiến kính thứ 2 và
ép mạnh cho tới khi tạo thành một vết có đường kính khoảng 2 cm. Quan sát vết
thu được bằng mắt thường (cách mắt khoảng 30 cm), ở 3 trong 4 tiêu bản không
được nhận thấy các tiểu phân. Nếu có các tiểu phân nhìn thấy ở trong phần lớn số
các vết thì phải làm lại với 8 đơn vị đóng gói. Trong số các tiêu bản này, các tiểu
phân cho phép nhận thấy không được vượt quá 2 tiêu bản.
Độ đồng đều khối lượng: Đạt yêu cầu Phép thử độ đồng đều khối lượng (Phụ
lục 11.3).
Độ nhiễm khuẩn: Đạt yêu cầu Phép thử giới hạn nhiễm khuẩn (Phụ lục 13.6).
Bảo quản: Trong chai, lọ, tuýp kín chế tạo bằng vật liệu phù hợp (kim loại,
polymer). Nếu chế phẩm vô khuẩn, cần bảo quản kín, vô khuẩn.
Thuốc mỡ tra mắt
Thuốc mỡ tra mắt là những chế phẩm thuốc mỡ dùng cho mắt chứa một hoặc
nhiều dược chất hòa tan hoặc phân tán trong tá dược, được xếp vào nhóm các chế
phẩm vô khuẩn. Tá dươc và dược chất dùng cho thuốc mỡ tra mắt phải không bị
phân hủy khi tiệt khuẩn bằng nhiệt. Ngoài các yêu cầu của thuốc mỡ nói chung,
thuốc mỡ tra mắt phải đạt các yêu cầu sau:
Thử vô khuẩn: Đạt yêu cầu Thử vô khuẩn (Phụ lục 13.7)
Các phần tử kim loại: Trừ trường hợp có chỉ dẫn riêng, lấy 10 tuýp thuốc, bóp
hết thuốc chứa bên trong vào từng đĩa Petri riêng có đường kính 6 cm, đáy bằng,
không có các vết xước và các phần tử lạ nhìn thấy được. Đậy các đĩa, đun nóng từ
80 °C đến 85 °C trong 2 h và để cho thuốc mỡ phân tán đồng đều. Làm nguội cho
thuốc mỡ đông lại, lật ngược mỗi đĩa, đặt lên bản soi của kính hiển vi thích hợp.
Chiếu sáng từ trên xuống bằng một đèn chiếu đặt ở góc 45° so với mặt phẳng của
bàn soi. Quan sát và đếm các phần tử kim loại sáng bóng, lớn hơn 50 µm ở bất kỳ
kích thước nào. Không được có quá một tuýp trong 10 tuýp thuốc đem thử chứa
nhiều hơn 8 phần tử và không được quá 50 phần tử tìm thấy trong 10 tuýp. Nếu
chế phẩm không đạt ờ lần thử thứ nhất, làm lại lần thử thứ hai với 20 tuýp thuốc
khác. Mẫu thử được coi là đạt yêu cầu nếu không có quá 3 tuýp chứa quá 8 phân từ
trong mỗi tuýp và tổng số không quá 150 phân tử trong 30 tuýp thử. Giới hạn kích
thước các phần tử Trải một lượng nhỏ chế phẩm thành một lớp mỏng trên bàn soi
của kính hiển vi, phủ phiến kính lên trên và soi. Không được có phần tử nào của
thuốc có kích thước lớn hơn 75 µm.
Bảo quản: Trong lọ, tuýp có nắp hoặc nút kín. Để nơi khô mát, tránh ánh
sáng. Bao bì đựng thuốc mỡ tra mắt phải bền ờ nhiệt độ tiệt khuẩn và không ảnh
hưởng tới chất lượng của thuốc.
THUỐC DÁN THẤM QUA DA
1.1. Định nghĩa
Thuốc dán thấm qua da (transdermal System, transdermạl patch) là những chế
phẩm bán rắn, giải phóng dược chất có kiểm soát, được dán trên vùng da nguyên
vẹn nhằm đưa dược chất thấm qua da vào hệ tuần hoàn để gây tác dụng tại chỗ
hoặc toàn thân. Trong đó, hệ trị liệu qua da (transdermal therapeutic System)
thường được thiết kế để giải phóng dược chất ở tốc độ hằng định nhằm đạt được
nồng độ trong máu ở trạng thái cân bằng và duy trì cho đến lúc bóc khỏi da.
1.2. Cấu tạo chung
Thuốc dán thấm qua da thường có 4 lớp: Lớp nền, lớp chứa dược chất, lớp
nền dính và màng bảo vệ.
Lớp nền là tấm mỏng dùng để trải lớp chứa thuốc, cấu tạo từ các vật liệu
không thấm như màng polymer hoặc lá kim loại. Lớp này không tương kị với lớp
chứa dược chất, ngoài vai trò mang thuốc, còn có tác dụng bảo vệ dược chất tránh
tác động của ngoại môi.
Lớp chứa dược chất: Có cấu tạo dưới dạng hệ cốt (matrix) hoặc bình chứa
(recevoir). Ở hệ cổt, dược chất được hòa tan hoặc phân tán đồng nhất dưới dạng
tiểu phân trong cốt polymer (như Eudragit, polyvinyl alcohol, polyvinyl pyrolidon,
chitosan, HPMC,…); khi dùng, dược chất được giải phóng bằng cách khuếch tán
qua cốt polymer và qua nền dính. Với hệ bình chứa, dược chất được hòa tan hoặc
phân tán trong chất lỏng có độ nhớt cao (Silicon, PEG lỏng,…) hoặc trong môi
trường bột nhão, gel,…Khi dùng, dược chất được khuếch tán qua một màng kiểm
soát giải phóng gắn với lớp chứa dược chất và khuếch tán tiếp qua nền dính.
Lớp nền dính: Có tác dụng làm cho hệ bắt dính da, giữ thuốc tại nơi dùng,
gồm những polymer nhạy cảm với áp suất (polyacrylat, polyisobutilen,
polysiloxan,…), có khả năng bắt dính da, không độc và không gây kích ứng hay dị
ứng với da. Trong một số thuốc dán thấm qua da, lớp chứa dược chất có thể đồng
thời đóng vai trò là lớp nền dính.
Màng bảo vệ: Thường là màng mỏng polyethylen phủ lên mặt ngoài của lớp
nền dính để bảo vệ thuốc dán trong quá trình bảo quản và được bóc bỏ trước khi
dán. Khi bóc bỏ, màng không được làm hỏng cấu trúc của lớp nền dính. Ngoài
dược chất, hệ trị liệu qua da còn chứa các chất phụ như chất hóa dẻo, chất ổn định,
chất tăng độ tan, chất tăng thấm, chất bảo quản…
1.3. Kỹ thuật bào chế
Chủ yếu sử dụng phương pháp tráng phim và đổ khuôn với các bước cơ bản
như sau:
Chế tạo lớp chứa dược chất bằng cách đun chảy polymer tạo cốt hoặc hòa tan
polymer trong dung môi hữu cơ. Thêm dược chất và các thành phần khác, khuấy
trộn đồng nhất, kiểm nghiệm bán thành phẩm.
Trải hỗn hợp cốt lên lớp nền trong máy trải hoặc đồ đưng dịch thuốc vào
khuôn rồi bốc hơi dung môi, kiểm soát bề dày lớp chứa dược chất. Sấy lớp chứa
dược chất hoặc làm khô ở nhiệt độ phòng.
Gắn màng kiểm soát (nếu có).
Tráng tiếp lớp nền dính lên lớp chứa dược chất (nếu có).
Phủ màng bảo vệ lên nền dính.
Đóng gói sản phẩm.
1.4. Yêu cầu chất lượng
Thuốc thấm qua da phải đạt các yêu cầu qui định trong chuyên luận riêng và
các yêu cầu sau đây:
Tính chất: Chế phẩm phải đồng nhất, có độ bắt dính thích hợp (dễ dính và dễ
bóc), không gây kích ứng trên da.
Độ đồng đều hàm lượng: Nếu như không có chỉ dẫn khác trong chuyên luận
riêng, tiến hành trên 10 đơn vị riêng rẽ được lấy bất kỳ, kết quả được đánh giá như
sau: Chế phẩm đem kiểm tra đạt yêu cầu phép thử nếu hàm lượng trung bình của
10 đơn vị không nằm ngoài giới hạn từ 90 % đến 110 % so với hàm lượng ghi trên
nhãn và không có đơn vị nào có hàm lượng nằm ngoài giới hạn từ 75 % đến 125 %
so với hàm lượng trung bình.
Độ đồng đều khối lượng: lớp chứa dược chất Nếu phép thử độ đồng đều hàm
lượng đã được tiến hành với tất cả các dược chất có trong thuốc dán qua da thì
không cần phải thử độ đồng đều khối lượng. Tiến hành trên 20 đơn vị bất kỳ, xác
định khối lượng lớp chứa dược chất của từng đơn vị và tính khối lượng trung bình
của lớp chứa dược chất. Cho phép không quá 2 đơn vị có khối lượng lệch ra ngoài
5 % so với khối lượng trung bình và không có đơn vị nào có khối lượng lệch ra
ngoài 10 % so với khối lượng trung bình.
Tiến hành: Cân từng đơn vị đã được loại bỏ lớp bảo vệ, ta được khối lượng m1
dùng hỗn hợp dung môi hữu cơ phù hợp để rửa hết lớp polymer chứa dược chất,
làm khô, rồi cân lại khối lượng của lớp, ta được khối lượng m2. Khối lượng lớp
chứa dược chất là hiệu số của m1 và m2
Độ đồng đều diện tích: Tiến hành trên 20 đơn vị bất kỳ. Đo diện tích của
từng đơn vị (tùy hình dạng của thuốc dán là hình tròn hay hình vuông mà có
phương pháp đo và tính toán phù hợp), tính diện tích trung bình. Cho phép không
quá 2 đơn vị có diện tích lệch ra ngoài 5 % so với diện tích trung bình và không có
đơn vị nào có diện tích lệch ra ngoài 10 % so với diện tích trung bình. Tiến hành:
Bóc lớp màng bảo vệ của từng đơn vị, đo và tính diện tích của lớp chứa dược chất.
Giải phóng dược chất: Phương pháp thử nghiệm thích hợp được yêu cầu theo
từng chuyên luận riêng để chứng phúth sự giải phóng của dược chất là phù hợp.
Thiết bị kiểu giỏ quay, kiểu cánh khuấy hoặc kiểu dòng chảy có thể được sử dụng
tùy theo thành phần, kích thước và hình dạng của mẫu thử. Sự giải phóng dược
chất qua màng cũng được sử dụng. Màng có thể là màng celulose hoặc màng
Silicon và phải không ảnh hưởng đến động học của giải phóng dược chất từ miếng
thuốc dán. Màng có thể được xử lý một cách phù hợp trước khi thử nghiệm, được
lưu giữ trong môi trường thích hợp để sử dụng cho thử nghiệm trong 24 h. Đặt bề
mặt giải phóng dược chất của miếng thuốc dán lên màng, tránh sự hình thành bọt
khí.
Thử tính kích ứng: Tiến hành theo quy định hiện hành về thử tính kích ứng
trên da áp dụng cho các sản phẩm dùng trong y tế và mỹ phẩm.
Bảo quản: Nếu không có qui định khác, chế phẩm được đựng trong bao bì
kín, bảo quản nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng.
Nhãn: Nhãn ghi rõ nơi dán thuốc, tổng hàm lượng hoạt chẩt có trong một đơn
vị, liều giải phóng cho mỗi đơn vị thời gian và diện tích bề mặt phóng thích và theo
đúng qui định hiện hành.
CAO DÁN
1.1. Định nghĩa
Cao dán (medicated plasters) là dạng thuốc quy ước có thể chất mềm dẻo, có
khả năng bắt dính da, chứa một hoặc nhiều dược chất hòa tan hay phân tán trong
nền dính được trải đều thành lóp mỏng trẽn một lớp vải hoặc vật liệu thích hợp.
Cao dán thường được dán trên vùng da lành hoặc da tổn thương (viêm, sưng,…) để
gây tác dụng tại chỗ. Cấu tạo chung Cấu tạo tương tự cấu tạo chung của thuốc dán
thấm qua da.
1.2. Kỹ thuật bào chế
Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt, cao dán thường được điều chế bởi phương
pháp trộn đều hợp chất cao phân tử trong tự nhiên hoặc tổng hợp có thể tan hoặc
không tan trong nước với các dược chất, rồi trải đều trên một miếng vải hoặc phim
với một hình dạng thích hợp. Các chất cao phân tử thường gặp: Chất béo, dầu béo,
muối của acid béo, sáp, nhựa, chất dẻo, lanolin tinh chế, cao su hoặc một hỗn hợp
đồng nhất của các chất trên. 1.3. Yêu cầu chất lượng
Cao dán phải đạt các yêu cầu qui định trong chuyên luận riêng và các yêu cầu
chung sau đây:
Tính chất: Phải đồng nhất, có độ bắt dính thích hợp (dễ dính và dễ bóc),
không gây kích ứng trên da.
Giải phóng dược chất: Phương pháp thử nghiệm thích hợp được yêu cầu theo
từng chuyên luận riêng để chứng phúth sự giải phóng của hoạt chất là phù hợp.
Thiết bị kiểu giỏ quay, kiểu cánh khuấy hoặc kiểu dòng chảy có thể được sử dụng
tùy theo thành phần, kích thước và hình dạng của miếng thuốc dán. Sự giải phóng
dược chất qua màng cũng được sử dụng. Màng có thể là màng celulosc hoặc màng
Silicon và phải không ảnh hưởng đến động học của giải phóng hoạt chất từ miếng
thuốc dán. Màng có thể được xử lý một cách phù hợp trước khi thử nghiệm, được
lưu giữ trong môi trường thích hợp để sử dụng cho thử nghiệm trong 24 h. Đặt bề
mặt giải phóng dược chất của miếng thuốc dán lên màng, tránh sự hình thành bọt
khí.
Thử tính kích ứng: Tiến hành theo quy định hiện hành về thử tính kích ứng
trên da áp dụng cho các sản phẩm dùng trong y tế và mỹ phẩm.
Bảo quản: Nếu không có qui định khác, chế phẩm được đựng trong bao bì
kín, bảo quản nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng.
Nhãn: Theo qui định hiện hành.
THUỐC HOÀN
1.1. Định nghĩa
Thuốc hoàn là dạng thuốc rắn, hình cầu, được bào chế từ bột hoặc cao dược
liệu với các loại tá dược thích hợp, thường dùng để uống.
Phân loại: Trong Y học cổ truyền, tùy theo tá dược dính sử dụng mà người ta
chia ra các loại hoàn như sau:
Thủy hoàn: Là hoàn được điều chế với tá dược dính là nước,rượu, dấm, dịch
chiết dược liệu bằng phương pháp bồi viên và thường là hoàn nhỏ (khối lượng viên
dưới 0,5 g).
Hồ hoàn: Là hoàn dùng hồ tinh bột làm tá dược dính, điều chế bằng phương
pháp chia viên hay bồi viên, thường là hoàn nhỏ.
Mật hoàn: Là hoàn bào chế với tá dược dính là mật ong. Mật được luyện
thành châu, trộn với bột thuốc khi còn nóng và bào chế hoàn bằng phương pháp
chia viên. Hoàn chất mật thường gọi là “tễ”, khối lượng có thể đến 12 g, có thể
chất nhuận dẻo.
Lạp hoàn: Lạp hoàn được điều chế với sáp ong bằng cách đun chảy và vê viên
ở nhiệt độ gần nhiệt độ đông rắn của sáp, thường có khối lượng từ 0,3 g đến 0,5 g.
1.2. Phương pháp điều chế
Thuốc hoàn được điều chế bằng 2 phương pháp: Chia viên và bồi viên.
Phương pháp chia viên: Áp dụng khi dùng các tá dược dính có độ nhớt cao
như mật, hồ, sáp. Bột thuốc được trộn với tá dược dính ở nhiệt độ thích hợp thành
khối bánh đồng nhất rồi chia viên bằng bàn hay máy chia viên.
Phương pháp bồi viên: Áp dụng cho các tá dược có độ dính thấp như nước,
dịch chiết dược liệu, hồ loãng, sirô hay mật ong pha loãng. Tá dược dính lỏng và
bột thuốc được bồi dần từng lớp lên nhân đã gây sẵn kết hợp với sấy cho đến khi
viên đạt kích thước yêu cầu.
Thuốc hoàn có thể được bao bằng các lớp áo khác nhau để bảo quản hay tăng
giá trị thẩm mỹ, viên hoàn mềm thường được đóng trong vỏ sáp.
1.3. Yêu cầu chất lượng
Nếu không có quy định riêng trong chuyên luận, bột thuốc dùng bào chế
thuốc hoàn phải là bột mịn hay rất mịn.
Mật ong dùng trong viên hoàn thường là loại mật luyện: Thêm khoảng 20 %
nước vào mật, đun sôi vớt bỏ bọt rồi lọc qua gạc và cô nhỏ lửa cho đến khi giọt
mật thành “châu” (không tan trong nước lạnh).
Tính chất
Hoàn phải tròn, đều, đồng nhất về hình dạng, màu sắc khi bảo quản, có mùi
đặc trưng của dược liệu. Hoàn mềm phải nhuận, dẻo.
Hàm ẩm
Hoàn mật ong, hoàn chứa cao đặc: Không quá 15 %.
Hoàn nước có kết hợp sirô, mật ong: Không quá 12 %.
Hoàn nước và hoàn hồ: Không quá 9 % (hoàn sáp không xác định hàm ẩm).
Tiến hành theo phương pháp Xác định mất khối lượng do làm khô (Phụ lục
9.6) hoặc Xác định hàm lượng nước bằng phương pháp cất với dung môi (Phụ lục
12.13).
Độ rã
Chỉ áp dụng cho hoàn cứng: Viên rã trong vòng 1 h (riêng hoàn hồ trong vòng
2 h, hoàn sáp thử theo viên bao tan trong ruột).
Tiến hành theo Phép thử độ rã của viên nén và viên nang (Phụ lục 11.6).
Độ đồng đều khối lượng
Đối với hoàn nông theo số viên: Cân 10 viên, xác định khối lượng từng viên.
Sự chênh lệch khối lượng của từng viên so với khối lượng trung bình phải nằm
trong giới hạn, trong đó, không được có quá 2 viên vượt giới hạn cho phép và
không được có viên nào gấp đôi giới hạn cho phép.
Đối với hoàn uống theo gam: Cân 10 phần, mỗi phần 10 viên, xác định khối
lượng trung bình chung. Sự chênh lệch khối lượng của từng phần so với khối
lượng trung bình phải nằm trong giới hạn, trong đó, không được có quá 2 phần
vượt giới hạn cho phép và không được có phần nào gấp đôi giới hạn cho phép.

Đối với đơn vị đóng gói đã chia liều: Lấy 10 gói, cân từng gói. Sự chênh lệch
khối lượng của từng gói so với khối lượng trên nhãn phải nằm trong giới hạn, trong
đó, không được có quá 2 gói vượt giới hạn cho phép và không được có gói nào gấp
đôi giới hạn đó
Định tính, định lượng: Đáp ứng theo quy định trong chuyên luận riêng.
Giới hạn nhiễm khuẩn: Thuốc hoàn phải đạt yêu cầu về giới hạn nhiễm khuẩn
(Phụ lục 13.6).
THUỐC THANG
Định nghĩa
Thuốc thang được cấu tạo từ các vị thuốc đã qua chế biến và phối hợp theo
phương pháp của y học cổ truyền, bao gồm 2 dạng: Thuốc sắc và ngâm rượu. Với
dạng sắc, thường được bào chế bằng cách đun sôi với nước sạch; dạng ngâm rượu,
thường được ngâm với ethanol 30 % đến 40 %, trong thời gian thích hợp.
Là dạng thuốc rất thông dụng, được dùng rộng rãi để phòng và điều trị nhiều
chứng bệnh khác nhau, đối với các lứa tuổi, các mùa trong năm. Dễ gia giảm theo
triệu chứng của bệnh, do đó thường cho hiệu quả cao trong điều trị. Được hấp thu
nhanh qua đường tiêu hóa. Tuy vậy thuốc thang thường dùng cho từng người bệnh,
bởi vậy, cũng gặp khó khăn nhất định trong bào chế.
Với thuốc thang dùng để uống thường được cấu tạo theo nguyên lý của y học
cổ truyền; mỗi thang thuốc phải có đủ các thành phần: Quân, Thần, Tá, Sử, với các
công năng, chủ trị, cách dùng cụ thể của nó (cô phương, tân phương). Đôi khi,
những phương thuốc gia truyền, hoặc các phương thuốc trong dân gian, cũng
không hoàn toàn theo nguyên tắc đó, nhưng phải đảm bảo tính an toàn và hiệu quả
cao trong điều trị cho người bệnh.
Số vị trong thang, nhiều hay ít tùy theo từng thang, khối lượng của từng vị
trong thang tùy theo tuổi, theo tình trạng của người bệnh (nếu là cổ phương thường
được giữ nguyên số vị và khối lượng). Tuy nhiên, trong những điều kiện cụ thể có
thể thay đổi cho phù hợp. Đối với các vị thuốc có tính độc, liều lượng phải thực
hiện theo đúng với quy định hiện hành.
Yêu cầu chất lượng
Các vị thuốc trước khi phối hợp thành thang thuôc phải đạt yêu cầu chất
lượng qui định trong từng chuyên luận riêng.
Độ đồng đều khối lượng: Thang thuốc phải đạt yêu cầu Phép thử độ đồng đều
khối lượng như hướng dẫn trong chuyên luận Thuốc hoàn (Phụ lục 1.11).
Giới hạn nhiễm khuẩn: Thuốc thang phải đạt yêu cầu về giới hạn nhiễm
khuẩn (Phụ lục 13.6).
Dụng cụ để sắc thuốc: Dụng cụ để sắc thuốc rất đa dạng, có thể dùng siêu đất,
hoặc dụng cụ bằng thép không gỉ, không dùng các dụng cụ bằng gang, đồng, sắt.
Hiện nay có nhiều loại dụng cụ sắc thuốc được đun nóng bằng điện, cần chú ý theo
dõi để tránh ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc. Nước dùng để sắc thuốc Nước
dùng để sắc thuốc phải là nước sạch, dùng để uống được. Lượng nước đưa vào mỗi
thang cần vừa đủ để hoạt chất có thể chiết xuất được. Tùy theo dung tích của dụng
cụ sắc, mức nước thường cao hơn mặt thoáng của thuốc khoảng 2 cm.
Nhiệt độ và thời gian sắc thuốc: Nhiệt độ và thời gian sắc thuốc phụ thuộc
vào tính chất của thang thuốc. Nếu thang thuốc lấy khí là chính (chất bay hơi),
trong thành phần chứa tinh dầu, và các chất bay hơi: Thuốc giải biểu, thuốc ôn
trung…, lúc đầu thường dùng lửa to (vũ hòa), để nhanh chóng nâng nhiệt độ của
thuốc đến sôi, sau đó giảm độ lửa, duy trì ờ 70 °C đến 80 °C trong thời gian 10
phút đến 15 phút. Nếu thang thuốc lấy vị là chính (thuốc bổ, thuốc thanh nhiệt…),
có thể đun sôi 1 h đến 2 h. Tuy nhiên trên thực tế, trong một thang thuốc, thường
bao gồm cả vị thuốc lấy khí và lấy vị, do đó trong quá trình sắc thuốc cần chú ý
duy trì nhiệt độ và thời gian thích hợp.
Nhiên liệu dùng sắc thuốc: Nhiên liệu sắc thuốc rất đa dạng, có thể dùng củi,
rơm, rạ…, song tránh dùng củi khi cháy cho chất độc hoặc có mùi khó chịu; có thể
dùng than khi đã cháy hồng để tránh mùi khí than; hiện nay còn dùng điện, dùng
khí đốt. cần chú ý rằng, với nguồn nhiên liệu khác nhau thì nhiệt lượng cung cấp sẽ
khác nhau, do đó thời gian sắc thuốc nên tính từ lúc sôi và cần theo dõi để tránh bị
cháy.
Cách uống thuốc:
Tùy theo tính chất của bệnh và tính chất của thang thuốc mà cách uống thuốc
có khác nhau. Các bệnh thuộc thể hàn: cảm mạo phong hàn, trúng hàn…tính chất
của thang thuốc thường ôn, nhiệt, cần uống khi còn nóng. Các bệnh thể nhiệt, tính
chất của thang thuốc thường hàn, lương, thường uống nguội. Các thang thuốc
mang tính chất tả (tả hạ, thanh nhiệt…), thường uống lúc đói. Tuy nhiên, nếu đói
quá dễ cồn cào, buồn nôn, do đó cần ăn một chút ít để tránh cồn ruột. Các thang
thuốc mang tính chất bổ (bổ khí, huyết, âm, dương), thường uống sau khi ăn 1,5 h
đến 2 h. Kiêng kị khi dùng thuốc thang Khi dùng thuốc thang, cũng kiêng kị theo
nguyên tắc chung của y học cổ truyền. Nếu uống thuốc mang tính ôn nhiệt, cần
kiêng các thức ăn sống lạnh: ốc, rau giền… Nếu uống thuốc mang tính hàn lương,
cần kiêng các thức ăn cay nóng và kích thích: ớt, rượu, hạt tiêu… Một số vị thuốc
kiêng đặc biệt: miết giáp kị rau giền, hành kị mật ong, kinh giới kị thịt gà…
Ngoài ra cần chú ý đến một số thang thuốc có các vị có tính độc , phải kiêng
cho phụ nữ có thai, hoặc sau khi đẻ , hoặc trẻ em dưới 15 tuổi: phụ tử chế , quế chi,
cà độc dược.
Lưu ý khi dùng thuốc thang Để phát huy được hiệu quả của thuốc thang,
người ghi đơn cần chú ý: Không ghi các vị thuốc mang tính chất tương kị. Ghi các
vị thuốc cần sắc sau ,để người cân thuốc có thể để riêng . Để có thể phối hợp hài
hòa giữa các lần sắc thuốc: Lần 1: đun sôi (kể từ lúc sôi) 20 phút đến 30 phút ; lần
2: đun sôi 40 phút đến 1 h ; lần 3: đun sôi 1h. Dịch thuốc sắc của mỗi lần, lấy
khoảng 1 bát (100 ml). Có thể uống riêng từng lần; hoặc uống riêng nước lần 1,
nước lần 2 và 3 trộn đều chia đôi, uống 2 lần nữa; hoặc trộn đều cả 3 lần sắc , rồi
chia 3 lần uống.
CHÈ THUỐC
1. Định nghĩa
Là dạng thuốc rắn được bào chế từ hoa, lá hoặ bột thô dược liệu và các tá
dược thích hợp dưới dạng gói hay bánh nhỏ. Khi dùng, đem hãm với nước sôi
trong khaongr thời gian thích hợp để uống.
2. Phương pháp bào chế
Chè gói: Được bào chế chủ yếu từ các dược liệu là hoa lá mỏng manh. Dược
liệu được sao nhỏ lửa hay sấy nhẹ (dưới 80°C) đến khô rồi vò thành mảnh nhỏ, xát
qua sàng (rây) có cỡ mắt ray 2 mm đến 5 mm.
Các dược liệu có cấu tạo rắn chắc nếu có ở tỉ lệ thích hợp, thường được
nghiền thành bột thô hoặc bào chế thành cao lỏng để phun vào chè trong khi sấy.
Trộn đều dược liệu theo tỉ lệ trong công tức rồi đóng túi theo khối lượng quy định
(nếu có cao lỏng thì phun vào chè, tiếp tục sấy khô rồi đóng gói).
Túi đựng chè có thể là túi giấy thường, túi giấy lọc hay túi PE. Việc đóng túi
có thể thự hiện bằng các loại máy đóng túi tự động. Túi chè cần được đóng kín,
hạn chế sự hút ẩm trở lại trong quá trình bảo quản.
Chè bánh: Thường được bào chế từ các dược liệu có cấu tạo rắn chắc như
thân, cành, rễ,… Dược liệu được chế biến, sấy khô rồi nghiền thành bột thô qua rây
có số rây 1000 đến 2000. Thêm tá dược dính thích hợp tạo thành khối ẩm (hồ tinh
bột, siro, cao đặc, bột đường, …) rồi lèn hay nén thành bánh theo khuôn. Chè bánh
sau khi tháo khỏi khuôn đưa sấy đến độ ẩm quy định rồi đóng gói thích hợp.
3. Tiêu chuẩn chất lượng
Phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận riêng và các qui định dưới đây:
Độ ẩm:
Chè gói: Độ ẩm không được quá 10% (Phụ lục 9.6), nếu không có chỉ dẫn
khác.
Chè bánh: Độ ẩm không được vượt quá 7% (Phụ lục 9.6), nếu không có chỉ
dẫn khác.
Độ đồng đều khối lượng: Cần riêng biệt 10 đơn vị đóng gói, xác định khối
lượng trung bình. So sánh khối lượng từng đơn vị với khối lượng trung bình.
Chênh lệch khối lượng phải nằm trong giới hạn.
Giới hạn nhiễm khuẩn: Chè thuốc phải đạt yêu cầu về giới hạn nhiễm khuẩn
(Phụ lục 13.6).
CAO THUỐC
Định nghĩa và phân loại
Cao thuốc là chế phẩm được chế bằng cách cô hoặc sấy đến thể chất quy định
các dịch chiết thu được từ dược liệu thực vật hay động vật với các dung môi thích
hợp. Các dược liệu trước khi chiết xuất được xử lý sơ bộ (rửa sạch, phơi khô hoặc
sấy khô và chia nhỏ đến kích thước thích hợp). Đối với một số dược liệu đặc biệt
có chứa men làm phân hủy hoạt chất, cần phải diệt men trước khi đưa vào sử dụng
bằng cách dùng hơi cồn sôi, hơi nước sôi hoặc bằng phương pháp thích hợp khác.
Cao thuốc được chia làm 3 loại:
Cao lỏng: Là chất lỏng hơi sánh, có mùi vị đặc trưng của dược liệu sử dụng,
trong đó cồn và nước đóng vai trò dung môi chính (hay chất bảo quản hay cả hai).
Nếu không có chỉ dẫn khác, quy ước 1 ml cao lỏng tương ứng với 1g dược liệu
dùng để điều chế cao thuốc.
Cao đặc: Là khối đặc quánh. Hàm lượng dung môi sử dụng còn lại trong cao
không quá 20 %.
Cao khô: Là khối hoặc bột khô, đồng nhất nhưng rất dễ hút ẩm. Cao khô
không được có độ ẩm lớn hơn 5 %.
Yêu cầu về điều chế
Quá trình điều chế cao thuốc thường có 2 giai đoạn:
Giai đoạn I: Chiết xuất dược liệu bằng các dung môi thích hợp. Tùy theo bản
chất của dược liệu, dung môi, tiêu chuẩn chất lượng của thành phẩm cũng như điều
kiện, quy mô sản xuất và trang thiết bị, có thể sử dụng các phương pháp chiết xuất:
Ngâm, hâm, hãm, sắc, ngâm nhỏ giọt, chiết xuất ngược dòng, chiết xuất bằng thiết
bị siêu âm, chiết xuất bằng phương pháp sử dụng điện trường và các phương pháp
khác. Phương pháp ngâm nhỏ giọt thường được sử dụng. Khi đó, dược liệu thô đã
được chia nhỏ đến kích thước phù hợp, được làm ẩm với một lượng dung môi vừa
đủ rồi đây kín đê yên trong khoáng 2h đến 4h. Sau đó, chuyển khối dược liệu vào
bình ngấm kiệt, thêm lượng dung môi vừa đủ đến khi ngập hoàn toàn khôi dược
liệu. Thời gian ngâm lạnh và tốc độ chạy trong quá trình chiết có thể thay đổi theo
khối lượng và bản chất của dược liệu thô đem chiết.
Giai đoạn II:
Cao lỏng: Sau khi thu được dịch chiết, tiến hành lọc và cô dịch chiết bằng các
phương pháp khác nhau để thu được cao lỏng có tỷ lệ theo như quy ước (1 ml cao
lòng tương ứng với 1g dược liệu). Trong trường hợp điều chế cao lỏng bằng
phương pháp ngâm nhỏ giọt, tốc độ chảy của dịch chiết có thể chậm, vừa hay
nhanh. Nếu chiết xuất 1000g dược liệu thì: ở tốc độ chậm: Không quá 1 ml dịch
chiết trong 1 phút. Ở tốc độ vừa: 1 ml đến 3 ml địch chiết trong 1 phút. Ở tốc độ
nhanh: 3 ml đến 5 ml dịch chiết trong 1 phút. Để riêng phần dịch chiết đầu đậm
đặc bằng 4/5 lượng dược liệu đem chiết. Sau đó cô các phần dịch chiết tiếp theo
trên cách thủy hoặc cô dưới áp suất giảm ở nhiệt độ không quá 60°C cho đến khi
loại hết dung môi. Hòa tan cặn thu được vào trong dịch chiết đầu đậm đặc và nếu
cần, thêm dung môi vào để thu được cao lỏng đạt tỷ lệ quy định. Cao lỏng có
khuynh hướng bị lắng cặn vì vậy để cao lỏng ở chỗ mát trong thời gian ít nhất 3
ngày, rồi lọc.
Cao đặc và cao khô: Dịch chiết được cô đặc đến khi dung môi dùng để chiết
xuất còn lại không quá 20 % được cao đặc. Trong trường hợp điều chế cao khô,
tiếp tục sấy khô để độ ẩm còn lại không quá 5 %. Để đạt đến thể chất quy định, quá
trình cô đặc và sấy khô dịch chiết thường được tiến hành trong các thiết bị cô dưới
áp suất giảm ở nhiệt độ không quá 60 °C. Nếu không có các thiết bị cô đặc và sấy
dưới áp suất giảm thì được phép cô cách thủy (không được cô trực tiếp trên lửa) và
sấy ở nhiệt độ không quá 80°C. Trường hợp muốn thu được cao thuốc có tỷ lệ tạp
chất thấp, phải tiến hành loại tạp chất bằng các phương pháp thích hợp tùy thuộc
vào bản chất của dược liệu, dung môi và phương pháp chiết xuất. Có thể cho thêm
chất bảo quản hoặc các chất trơ để làm chất mang hay để cải thiện các tính chất vật
lý. Đối với cao khô có thể sử dụng các bột trơ thích hợp để điều chỉnh nồng độ
hoạt chất đến tỷ lệ quy định.
Yêu cầu chất lượng
Đạt các yêu cầu theo quy định trong chuyên luận riêng và các yêu cầu chung
sau đây:
Độ tan: Cao lòng phải tan hoàn toàn trong dung môi đã sử dụng để điều chế
cao.
Độ trong, mùi vị, độ đồng nhất và màu sắc: Cao thuốc phải đúng màu sắc đã
mô tả trong chuyên luận riêng, có mùi và vị đặc trưng của dược liệu sử dụng.
Ngoài ra, cao lỏng còn phải đồng nhất, không có váng mốc, không có cặn bã dược
liệu và vật lạ.
Cách tiến hành: Lấy riêng phần phía trên của chai thuốc chỉ để lại khoảng 10
ml đén 15 ml. Chuyển phần còn lại trong chai vào một bát sứ men trắng, nghiêng
bát cho chúng chảy trên thành bát tạo thành một lớp dễ quan sát. Quan sát dưới ánh
sáng tự nhiên, thuốc phải đạt các yêu cầu quy định. Nếu không đạt, phải thử lại lần
hai với chai thuốc khác, nếu không đạt, coi như lô thuốc không đạt chỉ tiêu này.
Mất khối lượng do làm khô: Cao đặc không quá 20 %. Cao khô không quá 5
%. Hàm lượng cồn: Đạt từ 90 % đến 110 % lượng ethanol ghi trên nhãn (áp dụng
cho cao lỏng và cao đặc).
Kim loại nặng: Không được quá 20 phần triệu nếu không có chi dẫn khác.
Cách tiến hành: Lấy 1,0 g chế phẩm tiến hành theo phương pháp 3, Phụ lục 9.4.8.
Dùng 2 ml dung dịch chì màu 10 phần triệu Pb để chuẩn bị mẫu đối chiếu.
Dung môi tồn dư: Nếu điều chế với dung môi không phải là cồn, nước hay
hỗn hợp cồn – nước, dư lượng dung môi sử dụng phải đáp ứng yêu cầu qui định
trong Phụ lục 10.14. Xác định dung môi tồn dư.
Dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật: Đáp ứng yêu cầu quy định trong Phụ lục
2.17. Dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.
Giới hạn nhiễm khuẩn: Đáp ứng yêu cầu qui định trong Phụ lục 13.6 Thử
giới hạn nhiễm khuẩn.
Bảo quản: Cao thuốc được đựng trong bao bi kín, để nơi khô, mát, tránh ánh
sáng, nhiệt độ ít thay đổi. Nhãn: Theo qui định hiện hành và có ghi tên bộ phận
dùng của cây thuốc, tên dung môi, hàm lượng (%) của hoạt chất hoặc của hợp chất
nhận dạng được quy định theo từng chuyên luận riêng, tên và nồng độ của chất bảo
quán thêm vào. Khi hoạt chất chưa biết, tỷ lệ giữa dược liệu và sản phẩm cuối cùng
phái dược nêu rõ. Đối với cao đặc và cao khô. loại và số lượng tá dược thêm vào
cùng được nêu ra và tỷ lệ phần trăm của cao tự nhiên cũng phải được ghi rõ.
KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG DƯỢC
LIỆU
Dược liệu trước khi đưa vào sử dụng đều phải đưa vào kiểm tra chất lượng và
phải đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn đã đăng ký như tiêu chuẩn dược điển
hoặc tiêu chuẩn cơ sở. Kiểm tra chất lượng dược liệu bao gồm việc mô tả, định
tính, các phép thử tinh khiết, xác định hàm lượng chất chiết được và định lượng
hoạt chất trong dược liệu. Việc kiểm tra được liệu được tiến hành theo quy định.
Một số quy định:
1. Lấy mẫu kiểm nghiệm.
2. Sử dụng các mô tả của chuyên luận, một mẫu đối chiếu (dược liệu hay chất
tinh khiết) thích hợp đã đạt yêu cầu chất lượng theo chuyên luận riêng để xác nhận
kết quả kiểm nghiệm.
3. Nếu dược liệu được, kiểm tra đã bị vụn nát thì dược liệu đó vẫn phải đáp
ứng các yêu cầu chung, trừ yêu cầu về mô tả trong chuyên luận tương ứng.
4. Nếu dược liệu đòi hỏi phải được làm thành bột trước khi định tính, định
lượng thì phải tán dược liệu đó thành bột, rây và trộn đều như được mô tả trong
chuyên luận riêng.
5. Chỉ tiêu “Mô tả” bao gồm những mô tả về hình thái, kích thước, màu sắc,
mùi vị, các đặc điểm của bề mặt, vết bẻ hay mặt cắt cùa dược liệu hoặc đặc điểm
thể chất của dược liệu.
a. “Hình thái” là hình dạng của dược liệu khô. Thông thường dược liệu được
quan sát mà không cần xử lý trước. Các loại dược liệu là lá hay hoa bị nhăn nheo,
khô quăn có thể được làm ẩm, làm mềm và trải phẳng trước khi quan sát. Đối với
một vài loại quả và hạt nếu cần có thể được làm mềm và loại bỏ vỏ hạt để kiểm tra
đặc điểm bên trong.
b. “Kích thước” là chiều dài, đường kính và độ dày của dược liệu. Tiến hành
đo trên một số mẫu. Cho phép một vài mẫu có giá trị hơi cao hơn hoặc thấp hơn
giá trị đã xác định. Sử dụng thước đo chia vạch tới milimét. Đối với hạt hay vật có
kích thước nhỏ. xếp 10 hạt gần nhau theo một hàng trên một tờ giấy có chia vạch
tới milimét. Đo và tính giá trị trung bình.
c. “Màu sắc” của dược liệu được quan sát bằng mắt thường ở ánh sáng ban
ngày. Màu có thể được mô tả bằng các sắc độ như “hơi”, “đậm” hay “nhạt” (ví dụ
màu hơi vàng, màu vàng đậm, màu vàng nhạt). Nếu màu được mô tả là màu phối
hợp của hai màu thì màu chính là màu ghi trước (ví dụ trong màu nâu vàng thì màu
nâu là màu chính).
d. Đặc điểm bên ngoài, bề mặt vết bẻ hay cắt ngang của dược liệu thường
được quan sát trên dược liệu chưa sơ chế. Nếu quan sát thấy những đường văn
khác nhau trên mặt bẻ thì có thể cắt phẳng rồi quan sát.
e. “Mùi” của dược liệu được kiểm tra bằng cách ngửi trực tiếp hoặc sau khi bẻ
gãỵ và vò nát. Cũng có thể ngửi sau khi làm ẩm dược liệu bằng nước nóng.
f. “Vị” của dược liệu được kiểm tra bang cách nếm trực tiếp dược liệu hoặc
ném dịch chiết nước. Nên cẩn thận khi nếm những vị thuốc có độc.
6. Định tính là những phương pháp dùng để nhận biết dược liệu, bao gồm các
kinh nghiệm truyền thống, phương pháp vi học và các phương pháp lý hóa.
a. Nhận biết dược liệu dựa theo kinh nghiệm bằng phương pháp đơn giản và
truyền thống như sự chìm hay nổi trong nước, tiếng nổ, màu của ngọn lửa hay khói
và mùi khi đốt cháy dược liệu v.v…
b. Định tính dược liệu bằng phương pháp vi học là việc quan sát đặc điểm của
các tế bào, các mô của lát cắt, của bột hay (trong một vài trường hợp) của bề mặt
dược liệu dưới kính hiển vi.
c. Định tính lý học là việc xác định các chỉ số như độ tan, tỉ trọng, chiết xuất,
năng suất quay cực v.v… của các dược liệu.
d. Định tính hóa học là phép thử một vài thành phần trong dược liệu bằng các
phản ứng hóa học. Phương pháp tiến hành được trình bày ở các chuyên luận dược
liệu cụ thể.
e. Định tính sắc ký là việc sử dụng các phương pháp sắc ký như sắc ký lớp
mỏng, sắc ký khí, sắc ký lỏng hiệu năng cao… để phát hiện một số thành phần có
trong dược liệu; so sánh với chất chuẩn hay thành phần trong dược liệu chuẩn.
Phương pháp tiến hành được trình bày ở Phụ lục 5 và các chuyên luận dược liệu cụ
thể.
f. Định tính huỳnh quang là quan sát sự phát huỳnh quang của bề mặt hay mặt
cắt dược liệu hoặc của dịch chiết dược liệu ở điều kiện thường hay sau khi cho tác
dụng với acid, kiềm hay thuốc thử. Trừ khi có quy định riêng trong chuyên luận,
mẫu thử được quan sát dưới ánh sáng từ ngoại ở bước sóng 366 nm, cách nguồn
sáng khoảng 10 cm.
g. Trừ những qui định trong chuyên luận riêng, định tính vi thăng hoa thường
được tiến hành như sau: Đặt một vòng kim loại đường kính khoảng 2 cm, cao
khoảng 8 mm lên một tấm kim loại mỏng có kích thước hơi lớn hơn. Trải một lớp
mỏng bột dược liệu trong vòng kim loại và đậy kín bằng một phiến kính bên trên
đặt một miếng bông tẩm nước lạnh. Đặt tấm kim loại đã có dược liệu này lên một
lưới amiant có 1 lỗ tròn đường kính khoảng 2 cm sao cho vòng kim loại có dược
liệu nằm trên lỗ này. Đun nóng nhẹ phía dưới lỗ cho đến khi bột dược liệu bị cháy
xém. Nhấc phiến kính ra và để nguội. Quan sát hình dạng và màu sắc của tinh thể
chất được thăng hoa đọng lại trên phiến kính bằng kính hiển vi và hoặc tiến hành
phản ứng hóa học thích hợp đối với chất đã được thăng hoa.
7. Thử tinh khiết là cách kiểm tra độ tinh khiết của dược liệu. Tùy từng dược
liệu mà thử tinh khiết có thể bao gồm một số haỵ tất cả các chỉ tiêu dưới đây:
a. Mất khối lượng do làm khô (Phụ lục 9.6 hay 12.13 ).
b. Tro toàn phần và tro không tan trong acid hydrocloric (Phụ lục 9.7 và 9.8).
c. Các tạp chất hữu cơ, các bộ phận khác của dược liệu, các dược liệu bị biến
màu, hư thối (Phụ lục 12.11).
d. Tỉ lệ vụn nát của dược liệu (Phụ lục 12.12).
e. Hàm lượng kim loại nặng (Phụ lục 9.4.11).
f. Dư lượng các chất bảo vệ thực vật (Phụ lục 12.1 7).
g. Xác định chất chiết được là xác định hàm lượng các chất trong dược liệu có
thể chiết được bằng dung môi (nước, ethanol hay một dung môi khác) (Phụ lục
12.10).
8. Định lượng là việc xác định hàm lượng của một hay một số chất có trong
dược liệu bằng phương pháp hóa học, lý học hoặc sinh học. Định lượng bao gồm
cả việc xác định hàm lượng chất béo (Phụ lục 12.9), tinh dầu (Phụ lục 12.7) và xác
định hoạt lực bằng các phép thử sinh học.
LẤY MẪU DƯỢC LIỆU
Lấy mẫu dược liệu là việc lựa chọn, thu thập các mẫu dược liệu cho việc kiểm
tra chất lượng. Mức độ đại diện của các mẫu dược liệu được lấy có ảnh hưởng trực
tiếp đến độ chính xác và độ đúng của việc kiểm tra. Các yêu cầu chung về việc lấy
mẫu dược liệu như sau:
Kiểm tra trước khi lấy mẫu
Kiểm tra đối chiếu tên và nguồn gốc nguyên liệu; Kiểm tra đặc điểm và hình
dạng bao gói; Kiểm tra sự nguyên vẹn, sạch sẽ, mức độ nhiễm mốc và tạp chất lạ
của bao bì. Các bao gói không bình thường cần được kiểm tra riêng một cách kỹ
càng. Ghi chép chi tiết kết quả kiểm tra.
Cách thức lấy mẫu
Tổng số bao gói dưới 5: Lấy mẫu từng bao gói. Từ 5 đến dưới 100: Lấy mẫu 5
bao gói. Từ 100 đến 1000: Lấy mẫu 5 % tổng số bao gói. Trên 1000: Lấy 50 bao
gói cộng thêm số bao gói bằng 1 % của tổng số bao gói vượt quá so với 1000 bao
gói. Dược liệu quý: Lấy mẫu từng bao gói, không kể số lượng các bao gói. Dược
liệu được lấy ở trên, giữa và cuối của mỗi bao gói bằng các phương tiện thích hợp
(đối với bao gói lớn thì lấy sâu 10 cm dưới bề mặt của bao gói). Đối với thuốc có
kích thước lớn thì lấy mẫu đại diện thích hợp.
Khối lượng mẫu lấy
Nếu lượng dược liệu dưới 5 kg thì số lượng mẫu được lấy không ít hơn 3 lần
số lượng đem thử nghiệm. Nếu lượng dược liệu lớn hơn 5 kg thì số lượng mẫu lấy
được xác định như sau: Thuốc thông thường: 250 g đến 500 g; Thuốc bột: 200 g;
Thuốc quý: 5 g đến 10 g (trừ khi có chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng).
Tạo mẫu đồng nhất
Mẫu sau khi lấy được trộn đều để có một mẫu đồng nhất dùng cho thử
nghiệm. Nếu khối lượng mẫu đồng nhất lớn hơn vài lần so với mẫu thử nghiệm thì
làm một mẫu trung bình. Nếu dược liệu có kích thước nhỏ thì lấy một mẫu trung
bình bằng phương pháp chia 4 như sau: San bằng mẫu thành hình vuông, chia mẫu
theo 2 đường chéo thành 4 phần bằng nhau. Lấy 2 phần đổi diện và trộn đều. Làm
lại thao tác chia 4 cho đèn khi thu được số lượng vừa đủ để làm mẫu thử và mẫu
lưu.Trong trường hợp các dược liệu có kích thước lớn thì lấy mẫu trung bình bằng
phương pháp khác thích hợp. Khối lượng của mẫu đồng nhất hoặc mẫu trung bình
không ít hơn 3 lần số lượng của mẫu đem thử nghiệm. Lượng mẫu này được chia
làm 3 phần, 1/3 dùng để phân tích, 1/3 để kiểm tra và số còn lại làm mẫu lưu giữ
lại ít nhất 01 năm.
ĐỊNH TÍNH DƯỢC LIỆU VÀ CÁC CHẾ PHẨM BẰNG KÍNH HIỂN VI
Định tính bằng kính hiển vi là phương pháp sử dụng kính hiển vi để nhận biết
các đặc điểm của các mô, tế bào hoặc các chất chứa trong tế bào, ở các lát cắt, bột,
các mô đã được làm rã ra, hoặc các tiêu bản bề mặt của dược liệu và các chế phẩm.
Việc chọn mẫu đại diện để định tính và sự chuẩn bị tiêu bản phải phù hợp với
những yêu cầu về định tính của mỗi loại mẫu cần kiểm tra. Các tiêu bản của các
chế phẩm được chuẩn bị sau những xử lý thích hợp tùy theo các dạng chế phẩm
khác nhau.
Mục lục [Ẩn] 1 Tiêu bản dược liệu 1.1 Lát cắt ngang hoặc dọc 1.2 Tiêu bản
bột 1.3 Tiêu bản bề mặt 1.4 Tiêu bán mô đã làm rã 1.5 Tiêu bản phấn hoa và bào tử
2 Tiêu bản của chế phẩm đông dược bao gồm cả thuốc bột 3 Đo tế bào và các
thành phần của tế bào 4 Phát hiện màng tế bào 5 Phát hiện các thành phần của tế
bào 5.1 Các thuốc thử dùng cho phân tích vi thể
Tiêu bản dược liệu
Lát cắt ngang hoặc dọc
Chọn lấy một mẫu dược liệu thích hợp sao cho có đủ các đặc điểm thực vật
như sau: Thân và rễ nhỏ: Lấy một đoạn có đủ mặt cắt ngang. Thân, rễ to và rễ củ:
Lấy một phần có mặt cắt ngang hình quạt (có cấu tạo từ biểu bì đến tâm). Vỏ thân:
Lấy một phần cắt ngang hình chữ nhật (có cấu tạo từ bần đến tầng phát sinh libe-
gỗ). Lá: Lấy một đoạn gân giữa có dính mỗi bên một ít phiến lá. Hoa: Bóc biểu bì
hay cắt ngang từng bộ phận. Quả và hạt nhỏ: Lấy nguyên cả quả và hạt. Quả và hạt
to: Lấy một phần, chọn vị trí cắt có đủ các đặc điểm. Dùng lưỡi dao cạo, ổng cắt vi
phẫu cầm tay hay máy cắt vi phẫu cắt mẫu dược liệu thành từng lát mỏng 10 μm
đến 20 μm. Cũng có thể kẹp mẫu trong parafin rắn, củ khoai lang, củ đậu v.v… để
cắt. Trừ chỉ dẫn trong chuyên luận riêng, lát cắt có thể được soi ngay hoặc phải qua
các bước xử lý sau đây trước khi đem soi kính: Ngâm các lát cắt vào dung dịch
cloramin 15 % đến khi lát cắt trắng ra thì rửa sạch cloramin bằng nước. Ngâm lát
cắt vào thuốc thử cloral hydrat khoảng 10 phút rồi rửa sạch bằng nước cất. Ngâm
lát cắt trong dung dịch acid acetic 1 % trong khoảng 2 phút rồi rửa thật kỹ lại bằng
nước cất. Ngâm lát cắt trong dung dịch lục iod hoặc xanh methylen trong khoảng
từ 1 s đến 5 s, rửa nhanh bằng ethanol 60 % rồi rửa lại bằng nước cất. Ngâm lát
cắt trong dung dịch carphút 40 tới khi thấy màu bắt rõ thì rửa bằng nước cất.
Tiêu bản bột
Lấy một lượng nhỏ bột (qua rây số 250), cho vào một giọt dung dịch soi (như
nước, glycerin, cloral hydrat hay thuốc thử khác tùy thuộc vào mục đích soi) đã có
sẵn trên lam kính, dùng kim mũi mác dàn đều cho bột thấm dung dịch, đậy lam
kính, di nhẹ lam kính rồi quan sát dưới kính.
Tiêu bản bề mặt
Làm ẩm và làm mềm mẫu (nếu cần thiết), cắt lấy 2 mẫu nhỏ khoảng 4 mm2
(một mẫu để soi và một mẫu để đối chiếu) hoặc tước lấy một đoạn biểu bì, đặt lên
một lam kính, thêm thuốc thử thích hợp rồi soi kính.
Tiêu bán mô đã làm rã
Nếu mẫu thử là mô mềm hoặc chỉ có ít, lẻ tẻ các mô gỗ thì có thể dùng
phương pháp kali hydroxyd. Nếu mẫu thử cứng, có nhiều mô gỗ hoặc các mô gỗ tụ
lại thành bó lớn thì dùng phương pháp acid cromic-nitric hay phương pháp kali
clorat. Mẫu thử cần được cắt thành các đoạn dài 5 mm, đường kính 2 mm hoặc
những mẫu nhỏ dày khoảng 1 mili trước khi làm rã. a. Phương pháp kali hydroxyd:
Cho mẫu thử vào một ống nghiệm, thêm dung dịch kali hydroxyd 5 % vừa đủ, đun
nóng nhẹ (hoặc ngâm nóng trong cách thủy) đến khi ép bằng đũa thủy tinh thi mẫu
bị vỡ ra. Gạn bỏ dung dịch kiềm, rửa sạch mẫu bằng nước rồi đặt mẫu lên lam
kính. Dùng kim phẫu thuật xé mẫu ra rồi quan sát trong glycerin . b. Phương pháp
acid cromic-nitric: Cho mẫu thử vào một ống nghiệm, thêm vừa đủ thuốc thử acid
cromic-nitric , ngâm đến khi ép bằng đũa thủy tinh thì mẫu bị vỡ ra. Gạn bỏ dung
dịch acid, rửa bằng nước rồi làm tiếp như phương pháp a. c. Phương pháp kali
clorat: Cho mẫu thử vào trong ống nghiệm, thêm dung dịch acid nitric 50 % và
một ít bột kali clorat , đun nóng đến khi giảm sùi bọt. Thêm một lượng nhỏ kali
clorat đúng lúc để duy trì sùi bọt nhẹ cho đến khi mẫu bị vỡ ra khi ép bằng đũa
thủy tinh. Gạn bỏ dung dịch acid, rửa sạch mẫu bằng nước rồi làm tiếp như phương
pháp a.
Tiêu bản phấn hoa và bào tử
Nghiền phấn hoa, bao phấn, hoa nhỏ hoặc túi bào tử (được làm mềm trong
acid acetic băng bằng đũa thủy tinh và lọc vào một ống ly tâm, ly tâm rồi bỏ phần
nước. Thêm vào cắn 1 ml đến 3 ml hỗn hợp mới pha của anhydrid acetic – acid
sulfuric (9 : 1), đun nóng 2 phút đến 3 phút trên cách thủy, ly tâm. Rửa cắn bằng
nước 2 lần, thêm 3 giọt đến 4 giọt dung dịch glycerin 50 % và dung dịch phenol 1
% , làm tiêu bản trong tuchsin – glycerin – gelatin và soi. Có thể dùng doral hydrat
thay cho fuchsia – glycerin – gelatin để soi.
Tiêu bản của chế phẩm đông dược bao gồm cả thuốc bột
Để định tính các chế phẩm đông dược bao gồm cả thuốc bột, chuẩn bị tiêu
bản như đã mô tả ở mục “Tiêu bản bột” ở phần trên. Lượng mẫu lấy như dưới đây
được nghiền thành bột và lấy một lượng bột thích hợp, thêm từng giọt thuốc thử
theo yêu cầu, khuấy kỹ để làm tách rời các tế bào hay tổ chức bị dính. Thuốc bột
hoặc bột của viên nang: Lấy một lượng bột thích hợp, nghiền nhỏ. Viên nén: Lấy 2
đến 3 viên. Hoàn hồ nước, hoàn hồ, hoàn mật ong (loại bỏ lớp vỏ bao): Lấy vài
viên. Thuốc ngậm: Lấy 1 đến 2 viên. Với hoàn mật ong có thể cắt thành lát mỏng
và lấy một lượng mẫu thích hợp hoặc lấy một lượng cắn nhỏ sau khi loại bỏ mật
ong và nước để làm tiêu bản.
Đo tế bào và các thành phần của tế bào
Để đo kích thước tế bào và các thành phần của tế bào dưới kính hiển vi, có thể
dùng trắc vi thị kính. Trước hết, lắp trắc vi thị kính vào thị kính, sau đó định cỡ
bằng bàn soi trắc vi kế. Để định cỡ, xoay thị kính và di chuyển bàn soi để cho các
vạch trên 2 thang chia độ song song với những vạch ”0″ bên trái của chúng trùng
nhau, sau đó tìm những vạch khác ở bên phải. Giá trị (μm) của một vạch trắc vi thị
kính có thể được tính toán trên cơ sở những vạch chia của 2 thang chia độ giữa
những dòng trùng nhau. Để đo mẫu, đem nhân số vạch đo được của trắc vi thị kính
với giá trị (μm) của mỗi vạch. Nói chung, phép đo được thực hiện dưới một vật
kính có độ phóng đại lớn, tuy nhiên, để đo những kích thước lớn hơn của sợi, lông
v.v… thì nên dùng vật kính có độ phóng đại nhỏ. Ghi lại các giá trị cực đại và cực
tiểu (μm). Cho phép có một vài giá trị cao hơn hay thấp hơn chút ít so với yêu cầu
quy định trong chuyên luận dược điển.
Phát hiện màng tế bào
Màng tế bào hóa gỗ: Thêm 1 giọt đến 2 giọt thuốc thử phloroglucinol , để yên
một lúc, thêm 1 giọt acid hydrocloric , vùng hóa gỗ xuất hiện màu đỏ tía. Màng tế
bào hóa vân hay hóa cu tin: Thêm thuốc thử Sudan III , để yên một lúc hay làm ẩm
nhẹ, xuất hiện màu đỏ cam hay màu đỏ. Màng rehilose: Thèm thuốc thử kẽm
clorid-iod, hoặc lúc đầu thêm dung dịch iod 1 % để làm ẩm, để yên 1 phút rồi
thêm dung dịch acid sulfuric 133 ml acid sulfuric pha với nước cất vừa đủ 50 ml,
sẽ xuất hiện màu xanh lam hay xanh tím. Màng tế hào silic: Không có sự thay đổi
gì khi thêm acid sulfuric.
Phát hiện các thành phần của tế bào
Tinh bột: Thêm dung dịch iod , sẽ xuất hiện màu xanh lam hay xanh tím. Đặt
mẫu trong dung dịch glycerin-acid acetic, quan sát dưới kính hiển vi phân cực thấy
hiện tượng phân cực chéo của các hạt tinh bột, hiện lượng này mất đi ở những hạt
tinh bột bị hóa hổ. Hạt aleuron: Thêm dung dịch iod , sẽ xuất hiện màu nâu hay
màu vàng nâu. Thêm dung dịch thủy ngân (II) nitrat , xuất hiện màu đỏ gạch. Nếu
dược liệu có dầu béo, phải loại dầu béo bằng ether hay ether dầu hỏa trước khi
thử. Dầu béo, tinh dầu hay nhựa: Thêm dung dịch Sudan III , sẽ xuất hiện màu đỏ
da cam, màu đỏ hoặc đỏ tía. Trong ethanol 90 % , dầu béo không hòa tan (trừ dầu
thầu dầu và dầu bông), trong khi đó tinh dầu thì hòa tan được. Inulin: Thêm dung
dịch I-naphthol 10 % trong ethanol , sau đó thêm acid sulfuric , các tinh thể inulin
chuyển sang màu đỏ tía và hòa tan nhanh. Tinh thể calci oxalat: Không hòa tan
trong dung dịch acid acetic loãng , tan trong dung dịch acid hydrocloric. loãng ,
không sủi bọt. Hòa tan chậm trong dung dịch acid sulfuric 50 % , nhưng sau khi để
yên một lúc thì tách ra những tinh thể calci sulfat. Calci carbonat: Hòa tan trong
dung dịch acid hydrocloric loãng và có sủi bọt. Silic: Không hòa tan trong acid
sulfuric.
XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ TRƯƠNG NỞ CỦA DƯỢC LIỆU
Chỉ số trương nở là thể tích (ml) chiếm giữ của 1 g dược liệu, sau khi để
trương nở trong nước hoặc một dung môi khác theo quy định trong 4 b, gồm tất cả
các chất nhầy bám dính.
Cách xác định: Cân chính xác khoảng 1 g dược liệu, để nguyên hoặc nghiền
nhỏ ở mức độ thích hợp theo chỉ dẫn trong chuyên luận, cho vào 1 ống nghiệm
thủy tinh 25 ml có nút mài, chiều cao 120 mm đến 130 mm và chia độ 0,5 ml. Trừ
những chỉ dẫn khác, làm ẩm dược liệu với 1,0 ml ethanol 96 % , thêm 25 ml nước,
và đậy nút. Lắc kỹ 10 phút một lần trong 1 h đầu, sau đó để yên 3 h. Sau khi bắt
đầu thử nghiệm 1,5 h, loại bỏ những thể tích tự do của phần chất lỏng còn lại trong
lớp dược liệu và những phần dược liệu nổi lên bề mặt của chất lỏng bằng cách
quay ống nghiệm theo trục thẳng đứng. Đo thể tích chiếm giữ của dược liệu bao
gồm toàn bộ các chất nhầy bám dính. Mỗi mẫu tiến hành 3 lần thử nghiệm. Tính
chỉ số trương nở từ kết quả trung bình của 3 lần thử nghiệm.
XÁC ĐỊNH TỶ LỆ VỤN NÁT CỦA DƯỢC LIỆU
Cách xác định: Cân một lượng dược liệu nhất định (p gam) đã được loại tạp
chất. Rây bằng rây có số rây quy định theo chuyên luận riêng hoặc chọn bằng tay
những phần vụn đối với các bô phận cây không thái nhỏ. Cân toàn bộ phần đã lọt
qua rây và phân vụn đã chọn. Tính tỷ lệ vụn nát (từ kết quả trung bình của ba lần
thực hiện). Ghi chú: Lượng dược liệu lấy để thử (tùy theo bản chất của dược liệu)
từ 100 g đến 200 g. Đối với dược liệu mỏng manh thì chỉ lắc nhẹ, tránh làm vụn
nát thêm. Phần bụi và bột vụn không phân biệt được bằng mắt thường được tính
vào mục tạp chất.
XÁC ĐỊNH CÁC CHẤT CHIẾT ĐƯỢC TRONG DƯỢC LIỆU
Phương pháp xác định các chất chiết được bằng nước
Phương pháp chiết lạnh: Nếu không có chỉ dẫn đặc biệt trong chuyên luận
riêng, cân chính xác khoảng 4,000 g bột dược liệu có cỡ bột nửa thô cho vào trong
bình nón 250 ml đến 300 ml. Thêm chính xác 100,0 ml nước, đậỵ kín, ngâm lạnh,
thỉnh thoảng lắc trong 6 h đầu, sau đó để yên 18 h. Lọc qua phễu lọc khô vào một
bình hứng khô thích hợp. Lấy chính xác 20 ml dịch lọc cho vào một cốc thủy tinh
đã cân bì trước, cô trong cách thủy đến cắn khô. sấy cắn ở 105 °C trong 3 h, lấy ra
để nguội trong bình hút ẩm 30 phút, cân nhanh để xác định khối lượng cắn sau khi
sấy, tính phần trăm lượng chất chiết được bằng nước theo dược liệu khô.
Phương pháp chiết nóng: Nếu không có chỉ dẫn đặc biệt trong chuyên luận
riêng, cân chính xác khoảng 2,000 g đến 4,000 g bột dược liệu có cỡ bột nửa thô
cho vào bình nón 100 ml hoặc 250 ml. Thêm chính xác 50,0 ml hoặc 100,0 ml
nước, đậy kín, cân xác định khối lượng, để yên 1 h, sau đó đun sôi nhẹ dưới hồi
lưu 1 h, để nguội, lấy bình nón ra, đậy kín, cân để xác định lại khối lượng, dùng
nước để bổ sung phần khối lượng bị giảm, lọc qua phễu lọc khô vào một bình hứng
khô thích hợp. Lấy chính xác 25 ml dịch lọc vào cốc thủy tinh đã cân bì trước, cô
trong cách thủy đến cắn khô, cắn thu được sấy ở 105 °C trong 3 h, lấy ra để nguội
trong bình hút ẩm 30 phút, cân nhanh để xác định khối lượng cắn. Tính phần trăm
lượng chất chiết được bằng nước theo dược liệu khô.
Phương pháp xác định các chất chiết được bằng ethanol hoặc methanol
Dùng các phương pháp tương tự như phương pháp xác định các chất chiết
được bằng nước. Tuỳ theo chỉ dẫn trong chuyên luận riêng mà dùng ethanol hoặc
methanol có nồng độ thích hợp để thay nước làm dung môi chiết. Với phương pháp
chiết nóng thì nên đun trong cách thủy nếu dung môi chiết có độ sôi thấp.
Mất khối lượng do làm khô của các chất chiết được trong dược liệu
Cách xác định: Cân nhanh 0,50 g mẫu thử đã nghiền thành bột mịn vào một
cốc đáy bằng có đường kính khoảng 50 mm và chiều cao khoảng 30 mm đã được
sấy khô và xác định khối lượng. Sấy ở 100 °C đến 105 °C trong 3 h. Lấy ra để
nguội trong bình hút ẩm có chất hút ẩm phosphor pentoxyd hoặc silica gel và cân.
Tính toán kết quả theo phần trăm khối lượng.
XÁC ĐỊNH TẠP CHẤT LẪN TRONG DƯỢC LIỆU
Tạp chất lẫn trong dược liệu bao gồm tất cả các chất ngoài quy định của dược
liệu đó như: Đất, đá, rơm rạ, cây cỏ khác, các bộ phận khác của cây không quy
định làm dược liệu, xác côn trùng…
Cách xác định: Cân một lượng mẫu vừa đủ theo chỉ dẫn trong chuyên luận
riêng hoặc trong ghi chú dưới đây, dàn mỏng trên tờ giấy, quan sát bằng mắt
thường hoặc kính lúp, khi cần có thể dùng rây để phân tách tạp chất và dược liệu.
Cân phần tạp chất và tính phần trăm. Ghi chú: Trong một số trường hợp nếu tạp
chất rất giống với thuốc, có thể phải làm các phản ứng định tính hoá học, phương
pháp vật lý hoặc dùng kính hiển vi để phát hiện tạp chất. Tỷ lệ tạp chất được tính
bao gồm cả tạp chất được phát hiện bằng phương pháp này. Lượng mẫu lấy để thử
nếu chuyên luận riêng không quy định thì lấy như sau: Hạt và quả rất nhỏ (như hạt
Mã đề): 10 g. Hạt và quả nhỏ: 20 g. Dược liệu thái thành lát: 50 g.
XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG AFLATOXIN B1 TRONG DƯỢC LIỆU
Các aflatoxin là những chất rất độc và gây ung thư. Cần thực hiện các thao tác
trong tủ hút hơi độc bất cứ khi nào có thể. Phải đặc biệt lưu ý khi các độc tố này ở
dạng bột khô vì chúng có tính chất hút tĩnh điện và khuynh hướng phát tán vào môi
trường làm việc; trong trường hợp này nếu có thể thì thao tác trong hộp kín có
găng tay. Cần tuân thủ Quy trình khử nhiễm aflatoxin cho các chất thải phòng thí
nghiệm đã được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xây dựng. Các
aflatoxin là những độc tố vi nấm xuất hiện trong tự nhiên, chủ yếu do nấm mốc
Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus tạo ra. Các loài nấm này khá phổ biến
và phát tán trong tự nhiên, rất hay được tìm thấy khi một số loại hạt này mầm và
mọc ở những điều kiện khắc nghiệt như hạn hán. Nấm mốc xuất hiện trong đất,
trong thực vật đang phân hủy, trong cỏ khô và ở những hạt đang bị vi khuẩn phá
hủy, sẽ tác động vào tất cả các loại cơ chất hữu cơ bất cứ khi nào hoặc ở đâu có
điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển. Những điều kiện thuận lợi đó là hàm
lượng ẩm cao và nhiệt độ cao. ít nhất đã có 13 loại aflatoxin khác nhau được tạo ra
trong thiên nhiên và phần lớn trong số đó được biết là có độc tính cao và gây ung
thư. Aflatoxin B1 được xác định là chất độc nhất. Các dược liệu bị nhiễm aflatoxin
phải được xác định bằng một phương pháp phân tích đã được thẩm định. Trừ khi
có chỉ dẫn khác trong chuyên luận riêng, các dược liệu chỉ được nhiễm aflatoxin
B1 không quá 2 μg/kg. Cơ quan quản lý dược cũng có thể yêu cầu một giới hạn
cho phép là 4 μg/kg cho tổng lượng các aflatoxin B1, B2, G1 và G2. Phương pháp
mô tả dưới đây được nêu ra như một ví dụ, đã được chứng phúth là thích hợp cho
việc xác định aflatoxin trong gừng, trong quả phan tả diệp… Khi áp dụng phương
pháp này cho các dược liệu khác, cần phải xác định tính thích hợp của nó; nếu
không, phải dùng một phương pháp được thẩm định khác.
Xác định hàm lượng aflatoxin bằng phương pháp sắc ký lỏng.
Các aflatoxin đều bị ánh sáng phân hủy. Cần tiến hành định lượng trong khu
vực tránh ánh sáng ban ngày bằng cách dùng lá chắn tia tử ngoại trên cửa sổ kết
hợp với ánh sáng dịu, hoặc dùng rèm che kết hợp với chiếu sáng nhân tạo (cụ thể
bằng đèn tuýp huỳnh quang). Bảo quản các dung dịch chứa aflatoxin tránh ánh
sáng ban ngày. Tráng rửa dụng cụ thủy tinh trước khi dùng bằng dung dịch acid
sulfuric 10 % (theo thể tích), sau đó rửa cẩn thận bằng nước cất cho đến khi không
còn vết acid.
Dung dịch thử: Dùng cột sắc ký ái lực miễn dịch chứa kháng thể đối với
aflatoxin B1 có dung lượng không ít hơn 100 μg aflatoxin B1 và khả năng thu hồi
không thấp hơn 80 % khi cho một dung dịch 5 μg aflatoxin B1 trong hỗn hợp 12,5
ml methanol và 87,5 ml nước chảy qua. Giữ cột sắc ký ái lực miễn dịch ở nhiệt độ
phòng. Lấy 5,00 g dược liệu đã tán bột (qua rây số 500), thêm 100,0 ml hỗn hợp 30
thể tích nước và 70 thể tích methanol; chiết bằng siêu âm trong 30 phút. Lọc dịch
chiết qua giấy lọc. Hút 10,0 ml dịch lọc trong cho vào một bình nón cỡ 150 ml.
Thêm 70,0 ml nước, lắc đều. Hút 40,0 ml dung dịch cho chảy qua cột sắc ký ái lực
miễn dịch với tốc độ 3 ml/phút (không vượt quá 5 ml/phút). Rửa cột bằng nước 2
lần, mỗi lần 10 ml với tốc độ không quá 5 ml/phút rồi làm khô bằng cách áp một
chân không nhẹ trong 5 đến 10 s, hoặc bằng cách dùng bơm tiêm thổi không khí
qua cột sắc ký trong 10 s. Cho 0,5 ml methanol lên cột và để chảy qua cột nhờ
trọng lực. Thu dịch rửa giải vào một bình định mức cỡ 5 ml. Sau 1 phút, lại cho
tiếp 0,5 ml methanol và hứng lấy dịch rửa giải lần 2. Chờ 1 phút sau lại thực hiện
lần rửa giải thứ 3 nữa cũng với 0,5 ml methanol. Thu tối đa dịch rửa giải bằng cách
nén không khí hoặc tạo một chân không nhẹ qua cột. Thêm nước vào bình định
mức cho đủ 5 ml, lắc đều. Nếu thu được dung dịch trong thì có thể dùng ngay để
phân tích. Nếu dung dịch không trong suốt thì cần lọc trước khi tiêm sắc ký. Dùng
màng lọc sẵn dùng 1 lần (màng lọc polytetrafluoroethylen cỡ lỗ lọc 0,45 μm) đã
được chứng minh là không gây mất aflatoxin do lưu giữ.
XÁC ĐỊNH ACID ARISTOLOCHIC I TRONG DƯỢC LIỆU
Acid aristolochic I là chất có độc tính cao, được cho là có khả năng gây ra suy
thận và ung thư. acid aristolochic I thường được tìm thấy trong các cây thuộc họ
Mộc hương (Aristolochiaceae). Do đó, các dược liệu có thể có chứa acid
aristolochic I cần được kiểm tra phát hiện acid aristolochic I trước khi sử dụng.
Xác định bằng phương pháp sắc ký lỏng.
Pha động: Dung dịch đệm phosphat 0,05 M – acetonitril (11:9).
Dung dịch chuẩn: Hòa tan một lượng acid aristolochic chuẩn tương đương
với 10,0 mg acid aristolochic I trong hỗn hợp methanol – nước (3 : 1) và pha loãng
thành 200,0 ml với hỗn hợp methanol – nước (3:1). Hút 2,0 ml dung dịch này, pha
loãng thành 10,0 ml với hỗn hợp methanol – nước (3 : 1).
Dung dịch thử: Cân 2,0 g bột dược liệu (qua rây số 125) vào một bình nón
nút mài, thêm 50,0 ml hỗn hợp gồm methanol – nước (3:1), lắc kỹ trong 15 phút,
lọc.
Điều kiện sắc ký: Cột kích thước (25 cm X 4,6 mm) được nhồi pha tĩnh C (5
μm). Detector quang phổ tử ngoại khả kiến đặt ở bước sóng 400 nm. Tốc độ dòng:
1 ml/phút. Thể tích tiêm: 20 μl.
Cách tiến hành: Tiêm lần lượt dung dịch chuẩn và dung dịch thử vào máy
sắc ký, tiến hành sắc ký theo điều kiện đã mô tả, ghi lại sắc ký đồ. Mẫu thử được
chấp nhận khi trên sắc ký đồ của dung dịch thử không xuất hiện pic có cùng thời
gian lưu với pic của acid aristolochic I trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn.
HƯỚNG DẪN THIẾT LẬP DẤU VÂN TAY HÓA HỌC CỦA DƯỢC
LIỆU BẰNG PHƯƠNG PHÁP SẮC KỶ LỎNG HOẶC SẮC KÝ KHÍ
Dấu vân tay hóa học (DVT) là các thông tin hóa học của dược liệu được biểu
thị dưới dạng sắc ký đồ, các phổ và các đồ thị… được ghi bằng các kỹ thuật phân
tích (sau đây gọi là sắc ký đồ dấu vân tay( sắc ký đồ DVT). Các kỹ thuật sắc ký
(bao gồm sắc ký lỏng, sắc ký khí) thường được áp dụng khi thiết lập dấu vân tay
hóa học của dược liệu. Dấu vân tay hóa học của dược liệu được thiết lập bằng
phương pháp sắc ký lỏng và sắc ký khí có ưu điểm là độ chọn lọc, độ nhạy và độ
phân giải cao, thời gian phân tích ngắn, lượng mẫu dùng để phân tích nhỏ. Trong
sắc ký đồ DVT được thiết lập, có pic của một hoặc nhiều chất đánh dấu hóa học
hay các chất đặc trưng.
Lựa chọn mẫu dược liệu phải đảm bảo tính đại diện và bảo quản đúng quy
định theo chuyên luận riêng. Phương pháp chiết xuất và các điều kiện sắc ký phù
hợp được lựa chọn và tối ưu hóa tùy thuộc thành phần hóa học hoặc các chất đánh
dấu trong mỗi dược liệu. Dịch chiết dược liệu sử dụng cho phân tích là toàn phần
hay nhóm chất đại diện được quy định trong từng chuyên luận riêng. Phương pháp
cần đảm bảo tính chính xác, độ lặp lại và độ ổn định. Sắc ký đồ DVT cần có đầy đủ
thông tin bao gồm thành phần, chất đặc trưng và nhóm hoạt chất được thể hiện qua
các pic có độ phân giải tốt giúp định tính dược liệu một cách chính xác. Thời gian
phân tích khi tiến hành thiết lập DVT bằng phương pháp sắc ký lỏng, hoặc sắc ký
khí không nên quá 60 phút. Trong sắc ký đồ DVT của dược liệu phân tích, pic tách
hoàn toàn với các pic khác và tương ứng với pic của chất đối chiếu hóa học được
gọi là pic đánh dấu dùng để xác định thời gian lưu tương đối của các pic khác trong
sắc ký đồ. Có thể dùng một hoặc nhiều pic đánh dấu. Trường hợp không chọn được
chất đánh dấu có sẵn trong dược liệu, việc sử dụng chuẩn nội phù hợp có thể được
xem như chất đánh dấu. Pic đặc trưng trong sắc ký đồ DVT là các pic tách hoàn
toàn so với các pic kề bên (độ phân giải lớn hơn hoặc bảng 1,2), có diện tích đủ lớn
được quy định trong từng chuyên luận riêng. Pic đặc trưng có thời gian lưu ổn định
và diện tích pic lặp lại trong quá trình phân tích.
Tính phù hợp của hệ thống: Tiêm dung dịch chất đánh dấu (hoặc chất chuẩn
nội) có nồng độ quy định theo từng chuyên luận riêng 5 lần. Yêu cầu về độ lệch
chuẩn tương đối của diện tích và thời gian lưu của pic đánh dấu (hoặc chuẩn nội)
được quy định trong chuyên luận riêng. Hiệu lực cột được đánh giá dựa trên số đĩa
lý thuyết tính theo pic của chất đánh dấu (hoặc chuẩn nội) nằm trong giới hạn quy
định trong chuyên luận riêng. Độ phân giải giữa hai pic kề sát nhau trong sắc ký đồ
của dung dịch thử phải lớn hơn 1,0. Xác định thời gian lưu tương đối của pic đặc
trưng so với pic đánh dấu (hoặc pic chuẩn nội). Ứng dụng sắc ký đồ dấu vân tay
trong quản lý chất lượng dược liệu Sắc ký đồ DVT được ứng dụng trong định tính
và đánh giá chất lượng được liệu. Sắc ký đồ DVT của một dược liệu cần phân tích
được thiết lập theo đúng quy trình nêu trên. Phép định tính là đúng khi sắc ký đồ
của mẫu phân tích có đầy đủ các pic đặc trưng có thời gian lưu tương đối nằm
trong giới hạn cho phép tương ứng với các pic trong sắc ký đồ DVT đối chiếu đã
được quy định trong từng chuyên luận riêng.
CHƯƠNG 3: ỨNG DỤNG TRONG KIỂM NGHIỆM DƯỢC PHẨM

HƯỚNG DẪN THẨM ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH KIỂM


NGHIỆM

HƯỚNG DẪN CỦA ASEAN VỀ


THẨM ĐỊNH QUY TRÌNH PHÂN TÍCH
Được trích dẫn theo hướng dẫn của ICH (International Conference on
Harmonisation):
-ICH Q2A: Thẩm định phương pháp phân tích: Định nghĩa và thuật ngữ,
ngày 27 tháng 10 năm 1994
-ICH Q2B: Thẩm định quy trình phân tích: Phương pháp luận, ngày 6 tháng
11 năm 1996.
1- GIẢI THÍCH CÁC THUẬT NGỮ
1.1 Quy trình phân tích (Analytical Procedure)
Quy trình phân tích chỉ ra cách tiến hành phân tích, trong đó mô tả chi tiết
các bước cần thiết để thực hiện từng phép thử phân tích. Quy trình có thể
bao gồm cách pha mẫu thử, mẫu chuẩn và thuốc thử, cách sử dụng thiết bị,
cách thiết lập đường chuẩn, sử dụng công thức để tính kết quả.....nhưng
không chỉ giới hạn ở những phần này.
1.2 Tính đặc hiệu (Specificity)
Tính đặc hiệu là khả năng đánh giá chắc chắn một chất phân tích khi có mặt
các thành phần khác có thể có trong mẫu thử. Thông thường các thành phần
này gồm các tạp chất, sản phẩm phân huỷ, chất nền... Một quy trình phân
tích kém đặc hiệu có thể được bổ trợ bằng một hoặc nhiều quy trình phân
tích khác. Định nghĩa này có liên quan đến các phép thử sau:
+ Định tính là để khẳng định sự có mặt của chất phân tích.
+ Thử tinh khiết là để khẳng định tất cả các quy trình phân tích cho phép xác
định chính xác hàm lượng tạp chất trong chất phân tích ví dụ như phép thử
tạp chất liên quan, kim loại nặng, hàm lượng của dung môi tồn dư ...
+ Định lượng (hàm lượng hoặc hoạt lực) là đưa ra kết quả chính xác về hàm
lượng hoặc hoạt lực của chất phân tích trong mẫu thử.
1.3 Độ đúng (Accuracy)
Độ đúng của một quy trình phân tích biểu diễn sự đồng nhất giữa giá trị tìm
thấy với giá trị thực hoặc giá trị đối chiếu được chấp nhận. Đôi khi khái
niệm này còn gọi là độ xác thực (trueness).
1.4 Độ chính xác (Precision)
Độ chính xác của một quy trình phân tích diễn tả sự thống nhất (mức độ
phân tán) kết quả giữa một loạt phép đo từ nhiều lần lấy mẫu trên cùng một
mẫu thử đồng nhất dưới những điều kiện mô tả. Độ chính xác có thể chia
thành 3 cấp: độ lặp lại, độ chính xác trung gian và độ tái lặp. Độ chính xác
nên được thử trên một mẫu thử thực, đồng nhất. Tuy nhiên, nếu không có
mẫu đồng nhất thì có thể dùng mẫu tự tạo hoặc một dung dịch mẫu thử. Độ
chính xác thường được biểu thị dưới dạng độ dao động, độ lệch chuẩn hoặc
hệ số độ dao động của một loạt phép đo.
1.4.1-Độ lặp lại (Repeatability)
Độ lặp lại diễn tả độ chính xác của một quy trình phân tích trong cùng điều
kiện thí nghiệm trong khoảng thời gian ngắn. Độ lặp lại còn được gọi là độ
chính xác trong cùng điều kiện định lượng.
1.4.2- Độ chính xác trung gian (Intermediate precision)
Độ chính xác trung gian diễn tả mức dao động của kết quả trong cùng một
phòng thí nghiệm được thực hiện ở các ngày khác nhau, kiểm nghiệm viên
khác nhau và thiết bị khác nhau.
1.4.3- Độ tái lặp (Reproducibility)
Độ tái lặp diễn tả độ chính xác giữa các phòng thí nghiệm ( Các nghiên cứu
phối hợp giữa các phòng thí nghiệm thường được áp dụng để tiêu chuẩn hoá
phương pháp).
1.5 Giới hạn phát hiện (Detection Limit )
Giới hạn phát hiện của một quy trình phân tích là lượng nhỏ nhất của chất
phân tích trong mẫu thử có thể phát hiện được nhưng không nhất thiết để có
thể định lượng được.
1.6 Giới hạn định lượng ( Quantitation Limit)
Giới hạn định lượng của một quy trình phân tích là lượng nhỏ nhất của chất
phân tích trong mẫu thử để có thể định lượng được với độ đúng và độ chính
xác thích hợp. Giới hạn định lượng là một thông số của phép định lượng các
chất có nồng độ thấp trong mẫu thử, đặc biệt thường được dùng để xác định
tạp chất và/hoặc sản phẩm phân huỷ.
1.7 Tính tuyến tính (Linearity)
Tính tuyến tính của một quy trình phân tích diễn tả kết quả phân tích thu
được tỷ lệ với nồng độ (trong khoảng nhất định) của chất phân tích trong
mẫu thử.
1.8 Khoảng xác định (range)
Khoảng xác định của một quy trình phân tích là khoảng cách giữa nồng độ
trên và dưới của chất phân tích trong mẫu thử (bao gồm cả các nồng độ này),
trong khoảng nông độ này, quy trình phân tích đã được chứng minh đáp ứng
độ chính xác, độ đúng và tính tuyến tính.
1.9 Độ thô (Robustness)
Độ thô của quy trình phân tích nh»m đánh giá khả năng duy trì của quy trình
phân tích không bị ảnh hưởng bởi những biến đổi nhỏ nhưng có tính chủ
định trong các thông số của phương pháp và chỉ ra mức tin cậy của quy trình
trong điều kiện sử dụng bình thường.
2- GIỚI THIỆU
Việc thẩm định quy trình phân tích là nhằm chứng minh quy trình đó có phù
hợp với mục đích ứng dụng không.
Bản hướng dẫn này đưa ra các các hướng dẫn và gợi ý cho việc đánh giá các
quy trình phân tích dïng trong hå s¬ ®¨ng ký thuèc ở khu vực ASEAN. Tài
liệu này chủ yếu được trích dẫn từ hai bản hướng dẫn của ICH “Q2A: Thẩm
định phương pháp phân tích: Định nghĩa và thuật ngữ, ngày 27 tháng 10 năm
1994” và “Q2B: Thẩm định quy trình phân tích: Phương pháp luận, ngày 6
tháng 11 năm 1996”. Hệ phương pháp áp dụng cho các chế phẩm sinh học
và công nghệ sinh học có thể khác so với các chế phẩm hoá học.
Tất cả các số liệu liên quan thu được trong quá trình thẩm định và các công
thức được sử dụng để tính toán các đại lượng đặc trưng của việc thẩm định
cần được đưa ra và thảo luận. Các chất đối chiếu được sử dụng trong quá
trình thẩm định cần phải được đánh giá rõ ràng và kèm theo tài liệu về độ
tinh khiết. Mức độ tinh khiết phụ thuộc vào mục đích sử dụng.
Trong thực tế, thường có thể phác thảo công việc thực nghiệm nhằm xem xét
tiến hành đánh giá một cách thích hợp đồng thời nhiều thuộc tính để đưa ra
những hiểu biết về khả năng của một quy trình phân tích, ví dụ: tính đặc
hiệu, tuyến tính, khoảng xác định, độ đúng và độ chính xác. Những phương
pháp phân tích theo dược điển không yêu cầu thẩm định nhựng tính phù hợp
của chúng phải được kiểm chứng lại ở điều kiện sử dụng thực tế.
Theo yêu cầu của ASEAN : tất cả các dữ liệu liên quan đến các chỉ tiêu thẩm
định cùng với các chỉ tiêu chấp nhận tương ứng phải nộp cho cơ quan quan
lý dược phẩm.
3- CÁC LOẠI QUY TRÌNH PHÂN TÍCH CẦN THẨM ĐỊNH
Thẩm định quy trình phân tích liªn quan ®Õn 4 loại quy trình chung sau đây:
+ Định tính
+ Định lượng hàm lượng các tạp chất
+ Phép thử giới hạn tạp chất
+ Định lượng các hoạt chất trong mẫu nguyên liệu hoặc thành phẩm thuốc
hoặc một hay nhiều thành phần được chọn khác trong thành phẩm thuốc.
Sau đây là mô tả ngắn gọn các loại phép thử được đề cập trong tài liệu này:
- Định tính: nhằm để khẳng định sự có mặt của các chất phân tích trong mẫu
thử. Thông thường được thực hiện bằng cách so sánh các kết quả phân tích
(ví dụ như : phổ đồ, đáp ứng sắc ký, phản ứng hoá học, vv....) của mẫu thử
với chất chuẩn.
- Phép thử tạp chất: có thể là định lượng hoặc thử giới hạn tạp chất trong
mẫu thử, nhưng đều nhằm mục đích phản ánh chính xác mức độ tinh khiết
của mẫu thử. So với phép thử giới hạn tạp chất thì phép thử định lượng tạp
chất còn yêu cầu thêm một số chỉ tiêu thẩm định khác.
- Định lượng: nhằm mục đích đo lượng chất phân tích có mặt trong mẫu thử.
Trong tài liệu này, định lượng được hiểu là phép đo hàm lượng một hoặc
nhiều thành phần chính của dược chất. Đối với thành phẩm thuốc, những chỉ
tiêu thẩm định tương tự cũng được áp dụng khi định lượng các hoạt chất
hoặc một hay nhiều thành phần được lựa chọn khác. Các chỉ tiêu thẩm định
này cũng có thể áp dụng cho các phép định lượng liên quan đến các quy
trình phân tích khác (ví dụ thử độ hoà tan).
Mục đích của quy trình phân tích phải được hiểu rõ ràng vì điều này sẽ quyết
định những chỉ tiêu cần được đánh giá. Danh mục sau đây chỉ ra các chỉ tiêu
điển hình trong thẩm định cần được xem xét:
Độ đúng
Độ chính xác
Độ lặp lại
Độ chính xác trung gian
Độ tái lặp
Tính đặc hiệu
Giới hạn phát hiện (DL)
Giới hạn định lượng (QL)
Tính tuyến tính
Khoảng xác định
Độ thô
Các chỉ tiêu thẩm định này đã được định nghĩa trong phần giải thích các
thuật ngữ. Bảng dưới đây liệt kê các chỉ tiêu được xem là quan trọng nhất
cho việc thẩm định các loại quy trình phân tích khác nhau. Danh mục này
được xem là điển hình đối với các quy trình phân tích đã nêu, tuy nhiên các
trường hợp ngoại lệ phải được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể. Cần
chú ý rằng độ thô không được liệt kê trong bảng dưới đây nhưng cần được
xem xét đến ở các giai đoạn thích hợp trong quá trình phát triển quy trình
phân tích.
Ngoài ra việc thẩm định lại quy trình phân tích có thể cần thiết trong các
trường hợp dưới đây:
- Thay đổi trong khâu tổng hợp dược chất
- Thay đổi thành phần của thành phẩm.
- Thay đổi quy trình phân tích.
Mức độ thẩm định lại được yêu cầu tuỳ thuộc vào bản chất của sự thay đổi.
Một số thay đổi khác cũng có thể yêu cầu phải thẩm định lại.

Các chỉ tiêu Định Xác định tạp chất Định lượng:
Định Thử giới
tính - Độ hoà tan
lượng hạn
- Hàm lượng/
hoạt lực
- Độ đúng - + - +
- Độ chính xác
+ Độ lặp lại - + - +
+ Độ chính xác trung gian - +(1) - +(1)
- Tính đặc hiệu (2) + + + +
- Giới hạn phát hiện(LOD) - -(3) + -
- Giới hạn định lượng (LOQ) - + - -
- Tính tuyến tính - + - +
- Khoảng xác định - + - +

Dấu - nhằm chỉ các chỉ tiêu này thông thường không cần phải đánh giá.
Dấu + nhằm chỉ các chỉ tiêu này cần phải đánh giá
(1) trong tường hợp đã tiến hành kiểm tra độ tái lặp thì độ chính xác trung
gian không cần phải xem xét.
(2) một quy trình phân tích kém đặc hiệu có thể được bổ trợ bằng một hay
nhiều quy trình phân tích hỗ trợ khác.
(3) có thể cần trong một số trường hợp .
4- CÁC CHỈ TIÊU TRONG THẨM ĐỊNH QUY TRÌNH PHÂN TÍCH
4.1 Tính đặc hiệu.
Việc xác định tính đặc hiệu cần thiết được tiến hành trong khi thẩm định các
phép thử định tính, xác định tạp chất và định lượng. Quy trình dùng để xác
định tính đặc hiệu phụ thuộc vào mục tiêu đã định của quy trình phân tích.
Không phải lúc nào cũng xác định được một quy trình phân tích đặc hiệu
cho một chất phân tích nhất định (phân biệt hoàn toàn). Trong trường hợp
này, cần thiết phải kết hợp hai hay nhiều quy trình phân tích để đạt được
mức độ đặc hiệu cần thiết.
4.1.1- Định tính.
Những phép thử định tính phù hợp là phép thử có thể phân biệt được các
hợp chất có cấu trúc tương tự cùng có mặt trong mẫu thử. Khả năng phân
biệt của một quy trình định tính có thể được khẳng định bằng kết quả dương
tính của mẫu có chứa chất phân tích (có thể bằng cách so sánh với chất đối
chiếu đã biết) kết hợp với kết quả âm tính của mẫu thử không chứa chất
phân tích. Thêm vào đó, phép thử định tính này có thể được áp dụng cho các
chất có cấu trúc tương tự hoặc gần với với cấu trúc của chất phân tích để
chứng tỏ phép thử định tính không cho kết quả dương tính với các chất này.
Việc lựa chọn xem chất nào có khả năng lẫn vào mẫu phân tích cần dựa trên
những đánh giá khoa học kết hợp cân nhắc xem chúng có khả năng có mặt
không.
4.1.2- Định lượng và thử tạp chất.
Đối với quy trình sắc ký, các sắc ký đồ đại diện nên được sử dụng để chứng
minh tính đặc hiệu và từng thành phần riêng biệt phải được ghi lại rõ ràng.
Với những kỹ thuật phân tách khác cũng cần phải có những ghi chép tương
tự. Giới hạn của phân tách trong sắc ký cần phải được xem xét ở mức độ phù
hợp. Đối với giới hạn của phân tách trong sắc ký, chia tách quan trọng, tính
đặc hiệu có thể được chứng minh bằng độ phân giải của hai thành phần được
rửa giải gần nhau nhất. Trong trường hợp sử dụng phép định lượng không
đặc hiệu, thì cần dùng các quy trình phân tích hỗ trợ khác để chứng minh
tính đặc hiệu của chúng, ví dụ nếu dùng phương pháp chuẩn độ thể tích để
định lượng các nguyên liệu khi xuất xưởng, thì có thể kết hợp phép định
lượng này với phép thử tạp chất thích hợp. Cách đánh giá đều giống nhau
đối với cả phép định lượng và thử tạp chất bao gồm:
4.1.2.1- Những tạp chất sẵn có.
Đối với phép định lượng, cần phải chứng minh phương pháp đã dùng phân
biệt được chất cần phân tích khi có mặt của tạp chất và/hoặc các tá dược;
trong thực tế, có thể thực hiện bằng cách thêm một lượng thích hợp tạp chất
và/hoặc tá dược vào mẫu ban đầu cần định lượng (nguyên liệu hoặc thành
phẩm) và chứng minh rằng kết quả định lượng không bị ảnh hưởng bởi sự có
mặt của tạp chất và/hoặc tá dược (bằng cách so sánh với kết quả định lượng
trên mẫu không thêm tạp chất và/hoặc tá dược).
Đối với phép thử tạp chất, sự phân biệt này có thể được thiết lập bằng cách
thêm vào nguyên liệu hoặc thành phẩm một lượng thích hợp các tạp chất và
chứng minh rằng từng tạp chất riêng biệt này được tách riêng rẽ ra khỏi nhau
và/hoặc ra khỏi các thành phần khác có trong mẫu.
4.1.2.2- Những tạp chất không có sẵn.
Nếu không có tạp chất hoặc sản phẩm phân huỷ chuẩn, tính đặc hiệu có thể
được chứng minh bằng cách so sánh kết quả phân tích trên mẫu thử có chứa
tạp chất hoặc các sản phẩm phân huỷ bằng quy trình phân tích đã xây dựng
với kết quả phân tích trên mẫu thử có chứa tạp chất hoặc chất phân huỷ bằng
quy trình chính thống khác ví dụ như phương pháp dược điển hoặc quy trình
phân tích khác đã được thẩm định (quy trình độc lập). Nếu cần, thì bao gồm
cả so sánh trên mẫu được lưu trữ ở các điều kiện khắc nghiệt có liên quan
như: ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, thuỷ phân bằng acid/kiềm và oxi hoá.
- Để định lượng cần so sánh hai kết quả
- Để thử tạp chất cần so sánh các hồ sơ tạp chất đã thu được.
Các phép thử độ tinh khiết của đỉnh cũng rất hữu ích để chỉ ra rằng đỉnh sắc
ký của chất phân tích không chứa nhiều hơn một thành phần (ví dụ phép thử
độ tinh khiết bằng detector dãy di-ốt, detector khối phổ).
4.2 Tính tuyến tính.
Cần đánh giá mối tương quan tuyến tính trong khoảng xác định (xem mục
4.3) của quy trình phân tích. Tuyến tính có thể thực hiện trực tiếp trên mẫu
chuẩn (bằng cách pha loãng dung dịch chuẩn gốc) và/hoặc cân riêng biệt các
hỗn hợp tự tạo chứa các thành phần dược chất dựa trên quy trình đã đặt ra.
Cách sau có thể được dùng để nghiên cứu khoảng phân tích. Tính tuyến tính
được đánh giá bằng cách quan sát đồ thị của tín hiệu ứng với nồng độ hoặc
hàm lượng của chất phân tích. Nếu có tương quan tuyến tính thì kết quả thử
phải được đánh giá băng phương pháp thống kê thích hợp, ví dụ bằng cách
tính đường hồi quy dựa vào phương pháp bình phương tối thiểu. Trong một
số trường hợp, để có được mối tương quan tuyến tính giữa định lượng và
nồng độ của mẫu thử, các số liệu phân tích thu được cần phải qua một bước
biến đổi toán học trước khi phân tích hồi quy. Các số liệu từ đường hồi quy
có thể giúp đưa ra ước lượng toán học về mức độ tuyến tính. Cần phải đưa ra
hệ số tương quan, giao điểm với trục tung, độ dốc của đường hồi quy và tổng
hiệu các bình phương . Đồ thị của các số liệu cũng cần được đưa ra. Thêm
vào đó, việc phân tích độ lệch khỏi đường hồi qui của các điểm dữ liệu thực
tế cũng hữu ích cho việc đánh giá độ tuyến tính .
Một số quy trình phân tích như định lượng miễn dịch không thể hiện tính
tuyến tính sau bất kỳ phép biến đổi nào. Trong trường hợp này, cần có một
hàm thích hợp để biểu thị mối liên quan giữa đáp ứng thu được với nồng độ
(lượng) chất phân tích trong mẫu.
Để xác định tính tuyến tính cần tiến hành ít nhất 5 nồng độ. Trong những
trường hợp khác, cần nêu rõ lí do.
4.3 Khoảng xác định
Khoảng xác định thường được lấy từ những nghiên cứu tính tuyến tính và
phụ thuộc vào việc ứng dụng dự định của quy trình. Khoảng xác định được
thiết lập bởi việc khẳng định quy trình phân tích đã xây dựng có tính tuyến
tính, độ đúng và độ chính xác chấp nhận được khi áp dụng để định lượng
mẫu thử chứa chất phân tích với hàm lượng nằm trong khoảng hoặc ở 2 cực
(cực đại và cực tiểu) của khoảng xác định của quy trình phân tích.
Sau đây là các khoảng xác định tối thiểu cần được cân nhắc:
- Để định lượng nguyên liệu hoặc thành phẩm thuốc: Thường từ 80 -120% của
nồng độ thử.
- Đối với độ đồng đều hàm lượng: Trong khoảng từ 70 -130% nồng độ thử trừ
trường hợp do bản chất của dạng bào chế (ví dụ ống hít định liều) thì cần
khoảng xác định thích hợp rộng hơn.
- Để thử độ hoà tan:  20% khoảng quy định trong tiêu chuẩn, ví dụ nếu tiêu
chuẩn yêu cầu cho chế phẩm giải phóng hoạt chất có kiểm soát là phải giải
phóng hoạt chất trên một khoảng từ 20% sau 1 giờ đến 90% sau 24 giờ thì
khoảng được đánh giá là từ 0% đến 110% hàm lượng ghi trên nhãn.
- Để xác định tạp chất: Từ giới hạn cho phép của một tạp chất 1 đến 120% của
tiêu chuẩn; đối với các tạp chất đã biết có độc tính bất thường hoặc sinh ra
độc tính hoặc có tác dụng dược lý không mong muốn thì giới hạn phát hiện
(LOD) và giới hạn định lượng (LOQ) của tạp chất phải tương ứng với giới
hạn mà tạp chất đó cần được kiểm soát.
Ghi chú: Để thẩm định quy trình thử tạp chất được tiến hành trong phát triển
sản phẩm có thể cần thiết phải cân nhắc khoảng xác định xung quanh một
giới hạn đã được gợi ý.
Nếu định lượng và phép thử tinh khiết được thực hiện đồng thời trên cùng
một phép thử và chỉ sử dụng một chuẩn 100% thì tính tuyến tính cần phải
phủ toàn bộ khoảng xác định từ giới hạn cho phép tạp chất1 đến 120% của
tiêu chuẩn định lượng.
1
tham khảo trong chương “Reporting Impurity Content of Batches” trong
hướng dẫn của ICH : Các tạp chất trong dược chất mới và các tạp chất trong
thành phẩm thuốc mới.
4.4 Độ đúng
Độ đúng cần được thiết lập trong khoảng phân tích xác định của quy trình
phân tích.
4.4.1 Định lượng
4.4.1.1- Nguyên liệu
Một số phương pháp xác định độ đúng:
a- Áp dụng quy trình phân tích đối với chất phân tích đã biết rõ độ tinh
khiết (ví dụ chất đối chiếu)
b- So sánh các kết quả của quy trình phân tích được đề xuất với kết quả của
quy trình phân tích chính thống có độ đúng đã được công bố và/hoặc đã
được xác định (quy trình độc lập xem mục 4.1.2)
c- Độ đúng có thể được suy ra một khi độ chính xác, tính tuyến tính và tính
đặc hiệu đã được thiết lập.
4.4.1.2- Thành phẩm thuốc
Một số phương pháp xác định độ đúng:
a- Áp dụng quy trình phân tích đối với hỗn hợp mẫu tự tạo chứa các thành
phần của thành phẩm thuốc mà trong đó có một lượng đã biết trước các
dược chất cần phân tích được thêm vào.
b- Trong trường hợp không có đầy đủ các thành phần để làm mẫu tự tạo thì
có thể chấp nhận cho thêm một lượng đã biết của chất cần phân tích vào
chế phẩm hoặc so sánh kết quả thu được với một quy trình chính thống
thứ hai có độ đúng đã được công bố và/ hoặc đã được xác định (quy trình
độc lập xem mục 4.1.2)
c- Độ đúng có thể được suy ra một khi độ chính xác, tính tuyến tính và tính
đặc hiệu đã được thiết lập.
4.4.2 Tạp chất (định lượng)
Độ đúng phải được tiến hành trên các mẫu thử (nguyên liệu hoặc thành
phẩm thuốc) đã được thêm một lượng tạp chuẩn đã biết. Trong trường hợp
không có tạp và/hoặc sản phẩm phân huỷ chuẩn thì có thể chấp nhận so sánh
kết quả thu được với một quy trình độc lập (xem mục 4.1.2). Hệ số đáp ứng
của hoạt chất cũng có thể được sử dụng.
Trong mọi trường hợp, cần phải xác định rõ từng tạp chất hoặc tổng các tạp
chất được tính như thế nào so với chất phân tích chính (ví dụ khối lượng/
khối lượng hoặc phần trăm diện tích).
4.4.3 Các dữ liệu cần có
Độ đúng phải được tính dựa trên tối thiểu 9 lần định lượng trên ít nhất 3 mức
nồng độ khác nhau trong khoảng nồng độ đã được xác định của quy trình
phân tích (ví dụ 3 nồng độ, mỗi nồng độ được tiến hành 3 lần).
Độ đúng được biểu thị dưới dạng phần trăm tìm thấy của chất phân tích
trước đã biết được thêm vào mẫu thử hoặc độ lệch giữa giá trị trung bình đo
được và giá trị thực cùng với khoảng tin cậy.
4.5 Độ chính xác
Thẩm định các phép thử định lượng và các phép thử xác định hàm lượng tạp
chất cần xác định độ chính xác.
4.5.1 Độ lặp lại. (Repeatability)
Độ lặp lại có thể được đánh giá trên kết quả của:
a- Tối thiểu 9 lần định lượng trong khoảng nồng độ đã được xác định của
quy trình
(ví dụ 3 nồng độ, mỗi nồng độ được tiến hành 3 lần) hoặc
b- Tối thiểu 6 lần định lượng ở nồng độ thử 100%.
4.5.2 Độ chính xác trung gian( Intermediate Precision)
Việc xác định độ chính xác trung gian phụ thuộc vào tình hình cụ thể đối với
từng quy trình phân tích được áp dụng. Cơ sở đăng ký cần chỉ ra ảnh hưởng
của các biến cố ngẫu nhiên đến độ chính xác của quy trình phân tích. Những
thay đổi điển hình cần xem xét bao gồm: ngày phân tích, kiểm nghiệm viên,
thiết bị, v.v....Thực tế không cần phải nghiên cứu những ảnh hưởng này một
cách riêng rẽ. Khuyến khích sử dụng thiết kế thực nghiệm (ma trận).
4.5.3 Độ tái lặp (Reproducibility).
Độ tái lặp được xác định bằng cách so sánh kết quả giữa các phòng thí
nghiệm. Độ tái lặp được tiến hành đánh giá trong trường hợp tiêu chuẩn hoá
quy trình phân tích ví dụ như đối với các quy trình trong dược điển. Những
số liệu này không nằm trong hồ sơ đăng ký thuốc.
4.5.4 Dữ liệu cần có.
Độ chính xác của mỗi một quy trình cần phải đưa ra các dữ liệu sau: Độ lệch
chuẩn (standart deviation), độ lệch chuẩn tương đối (Relative standart
deviation hay hệ số biến thiên = coefficient of variation) và khoảng tin cậy.
4.6 Giới hạn phát hiện (Detection Limit= DL)
Phương pháp xác định giới hạn phát hiện tuỳ thuộc vào quy trình phân tích
là phương pháp phân tích dụng cụ hay không dụng cụ. Ngoài các phương
pháp nêu ra ở dưới đây, các phương pháp khác cũng có thể được chấp nhận
để xác định giới hạn phát hiện.
4.6.1 Dựa vào quan sát.
Phương pháp này thường dùng cho phương pháp phân tích không dụng cụ,
nhưng cũng có thể dùng cho các phương pháp phân tích dụng cụ.
Giới hạn phát hiện được xác định bằng phân tích mẫu thử có chất phân tích
đã biết nồng độ và xác định nồng độ tối thiểu mà tại đó có thể đọc được đáp
ứng của chất phân tích.

4.6.2 Dựa vào tỉ lệ đáp ứng so với nhiễu.


Phương pháp này chỉ có thể áp dụng cho những phương pháp phân tích có
nhiễu đường nền.
Việc xác định tỉ lệ đáp ứng trên nhiễu được tiến hành bằng cách so sánh đáp
ứng đo được trên mẫu thử có nồng độ chất phân tích thấp đã biết với đáp
ứng của mẫu trắng và từ đó tính được nồng độ tối thiểu của chất phân tích có
thể phát hiện được. Tỷ lệ đáp ứng trên nhiễu nằm giữa 3:1 hoặc 2:1 thường
được chấp nhận để thiết lập giới hạn phát hiện.
4.6.3 Dựa vào độ lệch chuẩn của đáp ứng và độ dốc.
Giới hạn phát hiện (DL) có thể được tính như sau:
3,3 σ
DL = ---------
S
Trong đó: σ là độ lệch chuẩn của đáp ứng
S là độ dốc của đường chuẩn
độ dốc S có thể được tính dựa vào đường chuẩn của chất phân tích. Có thể
xác định S theo nhiều cách khác , ví dụ như:
4.6.3.1-Dựa vào độ lệch chuẩn của mẫu trắng
Tiến hành một số lượng thích hợp các phân tích trên mẫu trắng, đo đáp ứng
nền và tính độ lệch chuẩn của các đáp ứng này.
4.6.3.2- Dựa vào đường chuẩn
Dựa vào đường chuẩn đặc trưng của mẫu thử có chứa chất phân tích có nồng
độ nằm trong khoảng DL. Số dư độ lệch chuẩn của đường hồi quy hoặc độ
lệch chuẩn của giá trị giao điểm với trục tung của đường hồi quy có thể được
sử dụng như là độ lệch chuẩn.

4.6.4 Các dữ liệu cần có


Cần đưa ra giới hạn phát hiện (DL) và cách xác định giới hạn phát hiện. Nếu
DL được xác định dựa vào quan sát hoặc dựa vào tỷ lệ đáp ứng trên nhiễu thì
cần đưa ra các sắc ký đồ có liên quan. Trong trường hợp ước tính giá trị DL
bằng tính toán hoặc bằng ngoại suy thì sau đó những ước tính này cần được
đánh giá bằng cách phân tích độc lập một số lượng mẫu thử thích hợp có
nồng độ đã biết gần với giới hạn phát hiện hoặc bằng giới hạn phát hiện.
4.7 Giới hạn định lượng (Quantitation Limit = QL)
Phương pháp xác định giới hạn định lượng (QL) tuỳ thuộc vào quy trình
phân tích là phương pháp phân tích dụng cụ hay không dụng cụ. Ngoài các
phương pháp nêu ra ở dưới đây, các phương pháp khác cũng có thể được
chấp nhận để xác định giới hạn định lượng.
4.7.1 Dựa vào quan sát
Phương pháp này thường dùng cho phương pháp phân tích không dụng cụ,
nhưng cũng có thể dùng cho các phương pháp phân tích dụng cụ.
Giới hạn định lượng (QL) thường được xác định bằng phân tích mẫu thử có
chất phân tích đã biết nồng độ và xác định nồng độ tối thiểu mà tại đó có thể
định lượng được chất cần phân tích với độ đúng và độ chính xác có thể chấp
nhận được.
4.7.2 Dựa vào tỉ lệ đáp ứng so với nhiễu
Phương pháp này chỉ dùng cho những phương pháp phân tích có thấy được
sự nhiễu đường nền.
Việc xác định tỉ lệ đáp ứng trên nhiễu được tiến hành bằng cách so sánh đáp
ứng đo được trên mẫu thử có nồng độ chất phân tích thấp đã biết so với đáp
ứng của mẫu trắng và xác định nồng độ tối thiểu của chất phân tích có thể
định lượng được. Tỷ lệ đáp ứng trên nhiễu thông thường là 10:1
4.7.3 Dựa vào độ lệch chuẩn của đáp ứng và độ dốc
Giới hạn định lượng (QL) có thể được tính như sau:
10 s
QL = ---------
S
Trong đó: s là độ lệch chuẩn của đáp ứng
S là độ dốc của đường chuẩn
Độ dốc S có thể được tính dựa vào đường chuẩn của chất phân tích. Cũng có
thể được tính theo nhiều cách khác ví dụ như:
4.7.3.1-Dựa vào độ lệch chuẩn của mẫu trắng
Tiến hành một số lượng thích hợp các phân tích trên mẫu trắng, đo dao động
của đáp ứng nền và tính độ lệch chuẩn của các đáp ứng này.
4.7.3.2- Dựa vào đường chuẩn
Xây dựng đường chuẩn đặc trưng của mẫu thử có chứa chất phân tích có
nồng độ nằm gần trong khoảng QL. Số dư độ lệch chuẩn của đường hồi quy
hoặc độ lệch chuẩn của các giá trị giao điểm với trục tung của đường hồi quy
có thể được sử dụng như là độ lệch chuẩn.
4.7.4 Các dữ liệu cần có
Cần đưa ra giới hạn định lượng (QL) và cách xác định giới hạn định lượng.
Giới hạn này sau đó cần được đánh giá bằng cách phân tích một số lượng
mẫu thử thích hợp có nồng độ đã biết gần với giới hạn định lượng hoặc bằng
giới hạn định lượng.
4.8 Độ thô (Robustness)
Việc đánh giá độ thô cần được xem xét trong giai đoạn phát triển phương
pháp và tuỳ thuộc vào loại quy trình phân tích đang nghiên cứu. Độ thô chỉ
ra được mức độ tin cậy của phương pháp khi có những thay đổi nhỏ có chủ
định của các thông số của phương pháp. Nếu những phép đo nhạy cảm với
những thay đổi điều kiện phân tích, thì điều kiện phân tích cần được kiểm
soát thích hợp hoặc chỉ dẫn những điểm cần lưu ý trong quá trình phân tích.
Kết quả đánh giá độ thô là kết quả đánh giá dãy các thông số phản ánh tính
thích hợp của hệ thống (ví dụ phép thử độ phân giải) phải được thiết lập để
đảm bảo duy trì được tính hiệu lực của quy trình phân tích bất kỳ khi nào sử
dụng. Những ví dụ của các biến đổi thường gặp trong phân tích là:
- tính ổn định của các dung dịch phân tích
- thời gian chiết
Trong trường hợp sắc ký lỏng, các biến đổi thường gặp là:
- Ảnh hưởng của sự thay đổi pH trong pha động
- Ảnh hưởng của sự thay đổi thành phần trong pha động
- Các cột khác nhau (do nhà cung cấp và /hoặc lô khác nhau)
- Nhiệt độ
- Tốc độ dòng
Trong trường hợp sắc ký khí, các biến đổi thường gặp là:
- Các cột khác nhau (do nhà cung cấp và /hoặc lô khác nhau)
- Nhiệt độ
- Tốc độ dòng
4.9 Phép thử tính thích hợp của hệ thống
Kiểm tra tính tương thích hệ thống là một phần không thể tách rời trong
nhiều quy trình phân tích. Đánh giá tính thích hợp của hệ thống là những
phép thử nhằm đánh giá tính thích hợp của toàn hệ thống phân tích được cấu
thành bởi các yếu tố như máy móc thiết bị, hệ thống điện, cách tiến hành
phân tích và mẫu thử. Các thông số của phép thử tính tương thích của hệ
thống được thiết lập cho từng quy trình riêng biệt phụ thuộc vào loại quy
trình được thẩm định. Các thông số này đặc biệt quan trọng trong các
phương pháp sắc ký, xem các dược điển để có thêm thông tin.
HƯỚNG DẪN NỘI DUNG KIỂM NGHIỆM TRONG HỒ SƠ ĐĂNG KÝ
THUỐC
Kiểm tra dược chất:
Tiêu chuẩn chất lượng :
a) Trường hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn dược điển:
1. Yêu cầu chung:
- Các dược điển được chấp nhận để xem xét phê duyệt phần hồ sơ về tiêu
chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm của dược chất gồm: DĐVN, BP,
USP, JP, IP (DĐQT), EP (sau đây được gọi chung là nhóm dược điển tham
chiếu). Chỉ chấp nhận đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn của các dư ợc
điển khác không thuộc nhóm dược điển tham chiếu khi dược chất được sử
dụng không có tiêu chuẩn trong nhóm dược điển tham chiếu này.
- Đối với các dược chất generic : Khuyến khích việc đăng ký tiêu chuẩn
chất lượng dược chất theo tiêu chuẩn của dược điể n.
- Các dược chất có mặt trong công thức ở dạng bán thành phẩm không được đăng
ký chất lượng theo tiêu chuẩn dược điển trừ khi công thức của dạng bán thành
phẩm đó là tương tự với công thức của dạng có tiêu chuẩn trong dược điển về
thành phần và tỷ lệ phối hợp giữa các thành phần hoạt chất và chất độn hoặc dung
môi pha loãng.
- Khi đăng ký theo tiêu chuẩn của dược điển : dược chất sẽ được đánh giá chất
lượng theo đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng với mức chất lượng (hay mức giới
hạn) tương ứng, sử dụng các phương pháp phân tích tương ứng quy định trong
tiêu chuẩn của dược điển.
2. Yêu cầu đối với hồ sơ:
Nêu tên dược điển được áp dụng để đánh giá chất lượng của dược chất kèm theo
năm xuất bản hoặc lần xuất bản của dược điển đó.
b) Trường hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn nhà sản xuất:
1. Yêu cầu chung:
- Tiêu chuẩn nhà sản xuất của một dược chất phải được thiết lập bởi đúng nhà sản
xuất ra dược chất đó. Không chấp nhận tiêu chuẩn nhà sản xuất của dược
chất do nhà sản xuất thành phẩm hoặc bất cứ một nhà sả n xuất nào khác không
phải nhà sản xuất ra dược chất xây dựng và cung cấp.
- Tiêu chuẩn nhà sản xuất của một dược chất phải bao gồm đầy đủ các chỉ tiêu
chất lượng với các phương pháp thử kèm theo, đảm bảo đánh giá được đúng bản
chất của dược chất đó cũng như độ tinh khiết mà dược chất đó phải đạt
được.
- Đối với dược chất generic : Chỉ chấp nhận việc đăng ký chất lượng theo tiêu
chuẩn nhà sản xuất khi : 1) dược chất đó chưa có tiêu chuẩn tại một trong các dược
điển thuộc nhóm dược điển tham chiếu hoặc 2) tiêu chuẩn nhà sản xuất của dược
chất đó cao hơn tiêu chuẩn quy định đối với nó được đưa ra trong các dược điển
thuộc nhóm dược điển tham chiếu hoặc 3) khi nhà sản xuất ra dược chất cung cấp
được các bằng chứng thuyết phục chứng minh các chỉ tiêu chất lượng với mức
chất lượng hoặc mức giới hạn tương ứng được đánh giá bằng các phương pháp thử
tương ứng trong tiêu chuẩn xin đăng ký là đủ để đánh giá được độ tinh khiết của
dược chất tương đương với tiêu chuẩn của dược điển (ví dụ : có sự khác biệt về
tạp chất do có sự khác biệt trong quy trình sản xuất ra dược chất đó).
2. Yêu cầu đối với hồ sơ:
Nêu đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng được yêu cầu đối với dược chất kèm theo các
mức chất lượng (hay mức giới hạn) tương ứng phải đạt.
Bố cục một tiêu chuẩn chất lượng của dược chất nên được trình bày theo thứ tự
sau:
- Nhóm 1: Bao gồm các chỉ tiêu Hình thức và Tính tan. Đây là các chỉ tiêu bắt
buộc đối với các dược chất ở dạng đơn chất tinh khiết. Đối với các dược chất
không phải dạng đơn chất tinh khiết như các bán thành phẩm là dạng phối hợp của
dược chất với các chất độn hoặc dung môi pha loãng, chỉ yêu cầu bắt buộc với chỉ
tiêu hình thức.
- Nhóm 2: Là chỉ tiêu định tính. Đây là chỉ tiêu bắt buộc, bao gồm các phép thử
định tính phản ánh đầy đủ bản chất của dược chất , trong đó bắt buộc phải có ít
nhất một phép thử mang tính đặc hiệu đối với riêng dược chất đó nhằm phân biệt
được nó với các dược chất khác có cấu trúc hóa học tương tự hoặc gần với nó (ví
dụ : các dạng đồng phân).
- Nhóm 3: Bao gồm các chỉ tiêu đánh giá độ tinh khiết của dược chất như: Độ
trong và màu sắc dung dịch, pH hay Giới hạn acid- kiềm, Năng suất quay cực,
Mất khối lượng do làm khô hoặc Nước, Điểm chảy, Điểm kết tinh, Điểm đông đặc,
Tỷ trọng, Giới hạn tạp chất, Các tạp chất liên quan, Sản phẩm phâ n hủy, Nội độc
tố vi khuẩn hoặc Chí nhiệt tố….Tuỳ vào bản chất của mỗi dượcchất cũng như
mục đích sử dụng của dược chất khi ở dạng thành phẩm, một hoặc một số
các chỉ tiêu trong nhóm này phải được đưa vào tiêu chuẩn chất lượng của
dược chất nhằm phản ánh đầy đủ độ tinh khiết của dược chất.
- Nhóm 4: Là chỉ tiêu định lượng bao gồm 1 hoặc một vài phép thử xác định hàm
lượng dược chất ở dạng đơn chất hoặc nhóm các thành phần có tác dụng dược lý
có trong dược chất. Đây là chỉ tiêu bắt buộc đối với đa số các t iêu chuẩn nhà sản
xuất của dược chất. Chỉ chấp nhận tiêu chuẩn nhà sản xuất của dược chất không có
chỉ tiêu định lượng khi dược chất có nguồn gốc từ dược liệu hoặc động vật chưa
xác định rõ cấu trúc của thành phần có tác dụng dược lý trong đó hoặc
không có một thành phần nào đã xác định được cấu trúc có đủ tính đại diện để
căn cứ vào đó đánh giá hàm lượng của các thành phần có tác dụng dược lý trong
dược chất.
Quy trình phân tích :
a) Trường hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn dược điển:
` - Khi đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn của một trong các dược điển
thuộc nhóm dược điển tham chiếu, cung cấp bản copy chuyên luận tương ứng của
dược điển đăng ký.
- Khi đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn của dược điển không thuộc nhóm dược
điển tham chiếu, c ung cấp bản copy chuyên luận tương ứng của dược điển đăng ký
kèm theo bản copy tất cả các phụ lục cần tham khảo để tiến hành phân tích các
chỉ tiêu chất lượng áp dụng cho dược chất quy định trong dược điển đăng
ký.
b) Trường hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn nhà sản xuất:
1. Yêu cầu chung:
- Các phương pháp phân tích áp dụng trong tiêu chuẩn nhà sản xuất của
dược chất phải là các phương pháp phân tích chung đã được đưa vào một trong các
dược điển thuộc nhóm dược điển tham chiếu (được mô tả ở phần Phụ lục của
các dược điển này), trừ khi có bằng chứng thuyết phục về việc không thể áp dụng
các phương pháp phân tích chung đã có trong các dược điển nêu trên để đánh giá
một chỉ tiêu chất lượng nào đó trong tiêu chuẩn nhà sản xuất của dược chất.
2. Yêu cầu đối với hồ sơ:
- Yêu cầu về trình bày quy trình phân tích trong tiêu chuẩn nhà sản xuất của dược
chất tương tự như yêu cầu về trình bày quy trình phân tích trong tiêu chuẩn nhà sản
xuất của thành phẩm quy định tại P 5.2 – phần b- mục 2, trừ việc bỏ thao tác
làm đồng nhất mẫu phân tích từ một số đơn vị liều hay đơn vị đóng gói trong Quy
trình xử lý mẫu thử.
3. Thẩm định quy trình phân tích :
- Dược chất mới : Tiến hành thẩm định đầy đủ các thông số và báo cáo số liệu
thẩm định quy trình phân tích đối với tất cả các quy trình phân tích được áp dụng
trong tiêu chuẩn theo Hướng dẫn thẩm định quy trình phân tích.
- Dược chất generic : Khi đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn nhà sản xuất hoặc
tiêu chuẩn dược điển không thuộc nhóm dược điển tham chiếu, tiến hành thẩm
định đầy đủ các thông số và báo cáo số liệu thẩm định quy trình phân tích (theo
Hướng dẫn thẩm định quy trình phân tích- Phần P5*) đối với các quy trình phân
tích nào chưa được áp dụng để đánh giá chất lượng dược chất quy định
trong các dược điển thuộc nhóm dược điển tham chiếu.
Phân tích lô: Chỉ áp dụng đối với dược chất mới.
- Cung cấp thông tin mô tả lô sản xuất gồm cỡ lô, nguồn gốc, mục đích sử dụng...
của tất cả các lô liên quan được dùng để thiết lập tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá
tính ổn định trong sản xuất.
- Cung cấp các số liệu phân tích thu được từ các lô SX nêu trên.
Thuyết minh tiêu chuẩn chất lượng:
a) Đối với dược chất mới:
- Thuyết minh việc lựa chọn các chỉ tiêu chất lượng và mức chất lượng
(hoặc mức giới hạn) đặt ra cho mỗi chỉ tiêu để đưa vào tiêu chuẩn chất lượng của
dược chất (phải dựa vào qui trình sản xuất để đưa ra giới hạn tồn dư dung môi, tạp
chất liên quan hay số liệu nghiên cứu độ ổn định để đưa ra giới hạn sản phẩm phân
hủy…). Cung cấp các số liệu thực nghiệm chứng minh (nếu cần).
b) Đối với dược chất generic:
Khi có sự khác biệt giữa tiêu chuẩn chất lượng đăng ký là tiêu chuẩn nhà sản xuất
hoặc tiêu chuẩn dược điển không thuộc nhóm dược điển tham chiếu với tiêu
chuẩn trong các dược điển t huộc nhóm dược điển tham chiếu, cần có bảnthuyết
minh về việc chất lượng của dược chất được đánh giá theo tiêu chuẩn đăng
ký là tương đương với dược chất đạt tiêu chuẩn của một trong các dược điển
thuộc nhóm dược điển tham chiếu kèm theo các số liệu thực nghiệm chứng minh
nếu cần.
Chất chuẩn hoặc nguyên liệu đối chiếu:
Cung cấp các thông tin chi tiết liên quan đến chất chuẩn hoặc nguyên liệu đối
chiếu sử dụng trong tiêu chuẩn, bao gồm:
- Nguồn gốc các chất chuẩn sử dụng (chất chuẩn theo USP, BP, DĐVN..., chuẩn
ASEAN hay chuẩn làm việc của nhà sản xuất).
- Số lô SX, hạn dùng của các chất chuẩn đã sử dụng để đánh giá chất lượngcác lô
SX trong phiếu kiểm nghiệm đệ trình.
- Phiếu kiểm nghiệm của lô chuẩn đã sử dụng.
- Đối với các chất chuẩn làm việc của nhà sản xuất: Mô tả tóm tắt quy trình thiết
lập chuẩn làm việc bao gồm: nguồn gốc và các thông tin kèm theo của lô nguyên
liệu dùng để thiết lập chuẩn làm việc, thông tin về các chất chuẩn/ chấtđối chiếu
được dùng để thiết lập chuẩn làm việc, các bước t hiết lập chuẩn làm việc (đánh
giá chất lượng nguyên liệu/ đóng gói/ đánh giá lại). Cung cấp protocol dùng
để đánh giá chất lượng chuẩn làm việc và phiếu kiểm nghiệm kèm theo.
Hệ thống bao bì:
Cần đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng (có hình và bản vẽ kỹ thuật kèm theo) của bao
bì đóng gói trực tiếp (lọ, nút, màng PVC, nhôm) và đóng gói cấp II (nhãn,
hướng dẫn sử dụng, thùng carton...). Về cơ bản, như hướng dẫn trong tài
liệu ACTD.
Độ ổn định: tham khảo nội dung tại phần P8
Kiểm tra tá dược
Tiêu chuẩn chất lượng :
a) Đối với các tá dược đã có tiêu chuẩn trong dược điển:
1. Yêu cầu chung :
- Yêu cầu đăng ký tiêu chuẩn theo dược điển.
- Các dược điển được xem xét phê duyệt tiêu chuẩn tá dược là các dược điển thuộc
nhóm dược điển tham chiếu. Chỉ chấp nhận đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn
của các dược điển khác không thuộc nhóm dược điển tham chiếu khi tá dược
được sử dụng không có tiêu chuẩn trong nhóm dược điển tham chiếunày.
2. Yêu cầu đối với hồ sơ :
- Yêu cầu ghi rõ tên dược điển được áp dụng để đánh giá chất lượng của tá dược,
năm xuất bản hoặc lần xuất bản của dược điển đó.
b) Đối với các tá dược chưa được đưa vào dược điển :
1. Yêu cầu chung :
- Đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn nhà sản xuất (trường hợp đăng ký chất
lượng theo tiêu chuẩn của một dược điển không thuộc nhóm dược điển
tham chiếu.
- Tiêu chuẩn nhà sản xuất của tá dược phải được thiết lập bởi đúng nhà sản xuất ra
tá dược đó.
- Tiêu chuẩn nhà sản xuất của tá dược phải bao gồm đầy đủ các chỉ tiêu chất
lượng đảm bảo đánh giá được bản chất của tá dược cũng như độ tinh khiết cần
thiết để được sử dụng trong sản xuất dược phẩm. Đối với các tá dược có nguồn
gốc từ động vật hoặc người : phải đánh giá mức độ an toàn về virus.
- Đối với các tá dược tạo màu, mùi, vị : Chỉ được sử dụng các chất có trong danh
mục các chất được phép sử dụng trong sản xuất dược phẩm, thực phẩm. Có thể
đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn Codex, các tiêu chuẩn áp dụng đối với các chất
này của cộng đồng Châu Âu (EC), Mỹ (USFDA) hoặc của Ủy ban chuyên
gia hỗn hợp FAO/WHO về các chất phụ gia thực phẩm (JECFA) , hoặc tiêu chuẩn
nhà sản xuất. Trong trường hợp đăng ký theo tiêu chuẩn nhà sản xuất : tiêu
chuẩn nhà sản xuất của các tá dược này phải không được thấp hơn tiêu chuẩn
Việt Nam (TCVN) quy định đối với các chất phụ gia sử dụng trong sản xuất thực
phẩm.
2. Yêu cầu đối với hồ sơ :
Cung cấp tiêu chuẩn nhà sản xuất của tá dược gồm các phần sau:
Phần 1 : Công thức cấu tạo, công thức phân tử (đối với các đơn chất) ; Công thức
thành phần (đối với các hỗn hợp). Nêu rõ nguồn gốc nếu các tá dược có nguồn
gốc động vật hoặc người.
Phần 2 : Tiêu chuẩn chất lượng : Nêu đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng kèm
theo các mức chất lượng (hay mức giới hạn) tương ứng phải đạt.
Quy trình phân tích :
Mô tả quy trình phân tích hoặc nêu rõ tài liệu tham khảo các phương pháp phân
tích được áp dụng để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng trong tiêu chuẩn
(Nếu là các phương pháp phân tích chung đã được quy định tại một trong các
dược điển thuộc nhóm dược điển tham chiếu : Phương pháp nào/ Phụ lục nào/
Dược điển nào/ Năm xuất bản hoặc lần xuất bản ; Nếu là các phương pháp phân
tích không có trong nhóm các dược điển tham chiếu: Tên phương pháp/ Tên tài
liệu/ Năm xuất bản hoặc lần xuất bản kèm theo bả n copy phương pháp đó). Nếu
phương pháp phân tích chung trong tài liệu tham khảo chưa có các quy định cụ thể,
cần trình bày cách pha các thuốc thử hoặc tài liệu tham khảo cách pha các thuốc
thử cần sử dụng, cách xử lý mẫu thử và mẫu chuẩn (nếu có), cách đá nh giá kết
quả phân tích thu được.
Tá dược có nguồn gốc từ người và động vật:
Cung cấp các thông tin về các chất ngẫu nhiên (nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng,
mô tả các phép thử, các số liệu an toàn về virus).
Tá dược mới:
- Đối với các tá dược lần đầu được sử dụng trong sản xuất dược phẩm : Cung cấp
đầy đủ các thông tin về quy trình sản xuất, đặc tính tá dược, tiêu chuẩn chất lượng
nhà sản xuất của tá dược, các dữ liệu an toàn hỗ trợ (tiền lâm sàng hoặc lâm sàng).
- Đối với các tá dược không mới nhưng được sử dụng lần đầu trong một dạng bào
chế cụ thể: cung cấp số liệu an toàn hỗ trợ (tiền lâm sàng hoặc lâm sàng) khi sử
dụng tá dược ở dạng bào chế cụ thể đó.
Kiểm tra thành phẩm
Tiêu chuẩn chất lượng :
a) Trường hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn dược điển:
1. Yêu cầu chung: - Thuốc phải có cùng dạng bào chế và chứa cùng thành phần
dược chất (đối với mỗi dược chất phải có cùng dạng muối, cùng dạng đồng phân)
với thuốc có tiêu chuẩn trong dược điển đăng ký.
- Để đăng ký theo tiêu chuẩn của dược điển, thuốc đăng ký phải được kiểm tra
chất lượng theo đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng với mức chất lượng (hay mức giới
hạn) tương ứng, sử dụng các phương pháp phân tích tương ứng quy định trong tiêu
chuẩn của dược điển đăng ký.
- Phải đánh giá sự phù hợp của việc áp dụng dược điển đăng ký để kiểm tra chất
lượng thuốc xin đăng ký.
- Các dược điển thuộc nhóm dược điển tham chiếu được chấp nhận để xem xét
phê duyệt phần hồ sơ về tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm của
thành phẩm. Chỉ chấp nhận đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn của các
dược điển khác không thuộc nhóm dược điển tham chiếu khi thuốc xin đăng ký
không có tiêu chuẩn trong các dược điển này.
2. Yêu cầu đối với hồ sơ:
- Nêu tên dược điển được áp dụng để đánh giá chất lượng thuốc xin đăng ký kèm
theo năm xuất bản hoặc lần xuất bản của dược điển đó.
- Liệt kê đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng cần đánh giá (bao gồm cả chỉ tiêuhình
thức (hay tính chất) của thuốc và các chỉ tiêu chất lượng chung đối với
dạng bào chế của thuốc) cùng với mức chất lượng (hay mức giới hạn) tương ứng
phải đạt được theo đúng các quy định chung cho mỗi dạng bào chế và các quy
định riêng trong chuyên luận tương ứng của dược điển đăng ký.
b) Trường hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn nhà sản xuất:
1. Yêu cầu chung:
- Tiêu chuẩn nhà sản xuất của một thuốc phải đảm bảo đánh giá được chất lượng
toàn diện của thuốc đó, bao gồm đầy đủ các ch ỉ tiêu chất lượng chung và các chỉ
tiêu chất lượng riêng nhằm đánh giá chất lượng của dạ ng bào chế, của các dược
chất có mặt trong dạng bào chế và, trong một số trường hợp, đánh giá chất lượng
của một số thành phần tá dược quan trọng có mặt trong công thức ảnh hưởng trực
tiếp đến chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc xin đăng ký (ví dụ: giới hạn chất
bảo quản).
- Trường hợp thuốc xin đăng ký có tiêu chuẩn trong một hoặc một vài dược điển
thuộc nhóm dược điển tham chiếu: Tiêu chuẩn nhà sản xuất không được
thấp hơn tiêu chuẩn chất lượng của thuốc tương ứng quy định trong các dược
điển thuộc nhóm dược điển tham chiếu cả về loại chỉ tiêu chất lượng và
mức chất lượng (hay mức giới hạn) đặt ra cho các chỉ tiêu đó. Đối với mỗi chỉ tiêu
chất lượng: mức chất lượng (hay mức giới hạn) được coi là tương đương khi giá trị
của nó tương đương và được đánh giá bằng cùng phương pháp phân tích hoặc sử
dụng các phương pháp phân tích khác nhau nhưng được xác định là có cùng tính
đặc hiệu, độ đúng, độ chính xác, giới hạn phát hiện, giới hạn định
lượng...tùy vào loại quy trình phân tích đang xem xét. Khi các chỉ tiêu
chất lượng và mức chất lượng (hay mức giới hạn) đặt ra cho mỗi chỉ tiêu để đánh
giá chất lượng của cùng một thuốc là khác nhau giữa tiêu chuẩn dược điển và tiêu
chuẩn nhà sản xuất, mỗi chỉ tiêu chất lượng sẽ được xem xét trong mối tương quan
với các chỉ tiêu chất lượng còn lại của cùng một tiêu chuẩn để có sự so sánh giữa
các tiêu chuẩn khác nhau của cùng một thuốc.
- Đối với các chỉ tiêu chất lượng chung nhằm đánh giá chất lượng của một dạng
bào chế: Mức chất lượng (hay mức giới hạn) đối với mỗi chỉ tiêu trong tiêu chuẩn
nhà sản xuất phải tối thiểu bằng mức tương ứng quy định tại một trong các dược
điển thuộc nhóm dược điển tham chiếu. Trong trường hợp mức chất lượng (hay
mức giới hạn) quy định đối với một chỉ tiêu là khác nhau giữa các dược điển, áp
dụng mức chất lượng (hay mức giới hạn) theo quy định tại dược điển nào thì phải
áp dụng phương pháp đánh giá tương ứng quy định trong dược điển đó. Chỉ chấp
nhận mức chất lượng (hay mức giới hạn) thấp hơn mức quy định trong dược điển
đối với mỗi chỉ tiêu trong trường hợp cùng với mức chất lượng (hay mức giới
hạn) chung đặt ra, trong dược điển có kèm theo câu “trừ khi có quy định cụ thể
trong chuyên luận riêng”.
2. Yêu cầu đối với hồ sơ:
Liệt kê đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng cần đánh giá cùng với mức chất
lượng (hay mức giới hạn) tương ứng phải đạt được. Có thể cung cấp kèm theo mã
số tham chiếu quy trình phân tích đối với từng chỉ tiêu (nếu có áp dụng mã hóa các
quy trình phân tích).
Quy trình phân tích :
a) Trường hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn dược điển:
- Khi đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn của một trong các dược điển
thuộc nhóm dược điển tham chiếu, cung cấp bản copy chuyên luận tương ứng của
dược điển đăng ký.
- Khi đăng ký theo tiêu chuẩn của các dược điển không thuộc nhóm dược điển
tham chiếu, cung cấp bản copy chuyên luận tương ứng của dược điển đăng ký kèm
theo bản copy tất cả các phụ lục cần tham khảo để tiến hành phân tích các chỉ tiêu
chất lượng áp dụng cho thuốc quy định trong dược điển đăng ký.
b) Trường hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn nhà sản xuất:
1. Yêu cầu chung:
- Các phương pháp phân tích sử dụng trong tiêu chuẩn nhà sản xuất của
thuốc xin đăng ký phải là các phương pháp phân tích chung đã được đưa vào
một trong các dược điển thuộc nhóm dược điển tham chiếu (được mô tả ở phần
Phụ lục của các dược điển này), trừ khi có bằng chứng thuyết phục về
việc không thể áp dụng các phương pháp phân tích chung đã có trong các dược
điển nêu trên để đánh giá một chỉ tiêu chất lượng nào đó trong tiêu chuẩn nhà
sản xuất của thuốc xin đăng ký.
2. Yêu cầu đối với hồ sơ: Đối với mỗi chỉ tiêu chất lượng: Mô tả đầy đủ quy trình
phân tích bao gồm một hoặc một vài hoặc toàn bộ các phần sau: a) Phương pháp
phân tích được áp dụng; b) Các thuốc thử, dung môi, các loại dung dịch khác được
sử dụng trong quy trình phân tích (nếu có); c) Phương pháp chuẩn bị mẫu
thử (nếu có); d) Phương pháp chuẩn bị mẫu chuẩn (nếu có); e) Phương pháp
đánh giá các kết quả thu được (nếu cần). Dưới đây là quy định đưa ra đối với mỗi
phần được liệt kê trên xếp theo thứ tự thường được áp dụng để mô tả một quy
trình phân tích. Tuy nhiên, thứ tự này có thể thay đổi nếu cần nhằm mục đích để
quy trình phân tích được trình bày một cách rõ ràng, dễ hiểu nhất.
Các thuốc thử, dung môi, các loại dung dịch khác đ ược sử dụng trong quy trình
phân tích: Liệt kê đầy đủ các thuốc thử, dung môi, chủng vi khuẩn, môi trường
nuôi cấy chủng, các loại dung dịch khác bao gồm dung dịch mẫu, dung dịch
chuẩn độ, dung dịch chỉ thị, dung dịch đệm được sử dụng. Đối với mỗi loại thuốc
thử, dung dịch, môi trường nuôi cấy chủng được sử dụng, cần nêu rõ cách pha
hoặc chỉ rõ tham khảo cách pha trong dược điển nào thuộc nhóm dược điển
tham chiếu.
Quy trình xử lý mẫu thử: (Áp dụng trong trường hợp phương pháp phân tích
mô tả trong chuyên luận chung của dược điển chưa bao gồm quy trình chuẩn bị
mẫu thử đưa vào phân tích hoặc có quy trình chuẩn bị mẫu thử nhưng không quy
định cụ thể lượng mẫu phân tích cần lấy và/ hoặc thể tích các dung môi sử dụng).
Yêu cầu nêu rõ số lượng đơn vị liều (đối với thuốc đơn liều) hoặc số lượng đơn vị
đóng gói (đối với thuốc đa liều) được dùng để chuẩn bị một mẫu phân tích từ mẫu
thuốc thử nhằm đảm bảo được tính đại diện c ủa mẫu phân tích,
phương pháp làm đồng nhất mẫu phân tích (nghiền mịn, lắc hay trộn
đều. ..).
Nêu rõ khối lượng hoặc thể tích mẫu phân tích lấy để chuẩn bị mẫu thử (nên quy
định tính theo lượng hoạt chất cần phân tích có trong lượng mẫu phân tích cần lấy),
quy trình xử lý mẫu tiếp theo đó (khi phương pháp phân tích mô tả trong chuyên
luận chung của dược điển chưa bao gồm quy trình chuẩn bị mẫu thử) để thu được
mẫu thử đem phân tích (hoà tan, pha loãng hay phải chiết tách, làm các phản ứng
tạo màu, tạo tủa, tạo bọt, tạo dẫn xuất, thuỷ phân hay xà phòng hoá...).
Quy trình xử lý mẫu thử như trên cũng có thể được dùng để mô tả các phản ứng
tạo màu, tạo tủa, tạo bọt, tạo dẫn xuất... với mục đích định tính.
Qui trình chuẩn bị mẫu chuẩn: Nêu rõ cách chuẩn bị mẫu chuẩn đi từ các chất
chuẩn tương ứng, sử dụng các dung môi, thuốc thử theo quy định th ông qua các
quy trình xử lý mẫu chuẩn (hoà tan, pha loãng hay phải chiết tách, làm các phản
ứng tạo màu, tạo tủa, tạo bọt, tạo dẫn xuất, thuỷ phân hay xà phòng hoá...) để
thu được các nồng độ phù hợp với mục đích thử nghiệm.
Phương pháp phân tích: Nêu cụ thể tên phương pháp phân tích được áp dụng, tên
dược điển được dùng để tra cứu phương pháp phân tích áp dụng và số của phụ
lục trong đó phương pháp phân tích áp dụng được mô tả. Nếu có nhiều
phương pháp phân tích khác nhau để đánh giá cùng một chỉ tiêu chất lượng
được mô tả trong cùng một phụ lục của dược điển, cần nêu rõ phương
pháp nào mô tả trong phụ lục đó được áp dụng. Đối với các phương pháp phân tích
trong đó một số thông tin phải được quy định riêng đối với từng trường hợp cụ thể
thì các quy định riêng đó phải được nêu rõ và đầy đủ trong quy trình phân tích
cùng với các thông tin về tên phương pháp phân tích, tên dược điển và số phụ lục
tra cứu như đã yêu cầu ở trên (Ví dụ: Bước sóng hay khoảng bước sóng đo quang
trong phương pháp quang phổ hấp thụ UV-VIS; Bước sóng đo độ hấp thụ/ phát xạ
trong phương pháp quang phổ hấp thụ/ phát xạ nguyên tử; Phương pháp xác định
điểm tương đương trong chuẩn độ thể tích; Các yêu cầu về khối lượng mẫu phân
tích đem sấy, điều kiện sấy (nhiệt độ, áp suất, thời gian, chất hút ẩm sử dụng) đối
với chỉ tiêu mất khối lượng do làm khô; Lượng mẫu phân tích đem thử và dung
môi phân tán mẫu (nếu cần) trong phương pháp xác định hàm lượng nước bằng
Karl- Fisher; Loại điện cực sử dụng trong phương pháp chuẩn độ điện thế; Các
thông số sắc ký trong các phương pháp sắc ký (thành phần pha tĩnh với các thông
số kèm theo (ví dụ : thông số cột nếu được sử dụng dưới dạng cột, thông số về bản
mỏng nếu được sử dụng ở dạng bản mỏng...), thành phần pha động, tốc độ dòng
của pha động hay khoả ng dịch chuyển của pha động, loại detector sử dụng, lượng
mẫu thử và mẫu chuẩn đem sắc ký, các thông số về nhiệt độ cột, buồng tiêm và
detector nếu được áp dụng...); Loại thiết bị sử dụng, tốc độ và thời gian vận hành
thiết bị, loại môi trường và thể tích môi trường sử dụng trong phương pháp thử độ
hoà tan ; Chủng vi khuẩn, dung dịch đệm, môi trường nuôi cấy và pH của môi
trường, nhiệt độ nuôi cấy trong các phương pháp thử vi sinh vật...). Đối với các
phương pháp có yêu cầu phải đánh giá sự phù hợp trong quá trình tiến hành (ví dụ :
phương pháp sắc ký) : Yêu cầu nêu rõ cách chuẩn bị các mẫu được dùng để đánh
giá, phương pháp đánh giá và yêu cầu cụ thể đối với các thông số được dùng để
đánh giá (sự tách sắc ký, hệ số phân giải, hiệu lực cột sắc ký, hệ số đối xứng của
pic, thời gian lưu giữ, độ lêch chuẩn tương đối của đáp ứng pic và/ hoặc thời gian
lưu giữa các lần sắc ký lặp lại dung dịch chuẩn...).
Phương pháp đánh giá kết quả thu được: Nêu rõ phương pháp sử dụng để
đánh giá kết quả thu được. Trong trường hợp phương pháp phân tích mô tả trong
các chuyên luận chung của dược điển đã bao gồm cả phương pháp đánh giá kết
quả thu được thì không cần nhắc lại cách đánh giá kết quả này trong phần
mô tả quy trình phân tích của tiêu chuẩn nữa. Nếu phương pháp đán h giá kết quả
thu được đòi hỏi phải tính toán mà công thức tính chưa được quy định cụ thể
trong phương pháp phân tích được mô tả trong chuyên luận chung của dược điển,
có thể nêu nguyên tắc tính kết quả dựa trên các số liệu đo được và các số liệu sẵn
có từ chất chuẩn sử dụng (nếu phương pháp phân tích có sử dụng chất chuẩn),
cung cấp kèm theo các thông số đã biết trước cần sử dụng trong tính toán
như độ hấp thụ riêng, hoạt lực lý thuyết hay hệ số chuyển đổi nếu cần. Cũng có thể
đưa luôn công thức tính kết q uả vào phần mô tả quy trình phân tích của tiêu chuẩn
nhưng trong trường hợp này cần phải có giải thích đầy đủ các ký hiệu đã dùng
trong công thức kèm theo đơn vị tính của mỗi đại lượng được sử dụng trong
công thức tính kết quả đặt ra.
Thẩm định quy trình phân tích :
a) Trường hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn dược điển:
- Khi đăng ký chất lượng theo một trong các dược điển thuộc nhóm dược điển
tham chiếu:
Cần có báo cáo đánh giá sự phù hợp của việc áp dụng quy trình phân tích trong
dược điển đă ng ký để kiểm tra chất lượng thuốc xin đăng ký. Tùy từng trường
hợp cụ thể, có thể áp dụng một trong 02 hình thức sau :
+ Bằng biện luận : Đưa ra các biện luận đối với mỗi quy trình phân tích được áp
dụng nhằm chứng minh kết quả phân tích thu được là khô ng bị ảnh hưởng
bởi các thành phần tá dược có mặt trong công thức thuốc xin đăng ký.
+ Bằng thực nghiệm : Cung cấp các số liệu thẩm định lại quy trình phân tích
trong dược điển áp dụng cho thuốc xin đăng ký đối với quy trình phân tích nào khi
biện luận cho thấy cần thiết phải đánh giá sự phù hợp bằng thực nghiệm. Việc thẩm
định lại quy trình phân tích của dược điển được tiến hành theo hướng dẫn thẩm
định quy trình phân tích.
- Khi đăng ký chất lượng theo một dược điển không thuộc nhóm dược điển
tham chiếu:
Cung cấp đầy đủ số liệu thẩm định quy trình phân tích như quy định đối với trường
hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn nhà sản xuất.
b) Trường hợp đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn nhà sản xuất:
Phải tiến hành thẩm định (toàn bộ hoặc một số thông số thẩm định theo yêu cầu)
đối với các quy trình phân tích được áp dụng trong các phép thử định tính, thử giới
hạn tạp chất, định lượng (bao gồm định lượng tạp chất, dược chất và các thành
phần được lựa chọn khác) nhằm chứng minh sự phù hợp của việ c áp dụng các quy
trình phân tích đó để đánh giá chất lượng của thuốc xin đăng ký. Đối với mỗi quy
trình phân tích, trong trường hợp không thẩm định thông số nào, nhà sản xuất
phải thuyết minh sự phù hợp của việc bỏ thẩm định thông số đó trong báo cáo
thẩm định quy trình phân tích.Tiến hành thẩm định và nộp báo cáo số liệu thẩm
định quy trình phân tích theo Hướng dẫn thẩm định quy trình phân tích.

TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC


Nguyên tắc chung trong thử tương đương sinh học của thuốc
Nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học của thuốc phải được thực hiện trong
điều kiện tuân thủ theo các nguyên tắc Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng
(GCP) và Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc (GLP) và chỉ được triển khai
khi đề cương nghiên cứu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ sở nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học của thuốc phải đạt đủ điều kiện
về Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng, Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc
và được cơ quan có thẩm quyền cho phép triển khai nghiên cứu y sinh học trên đối
tượng con người.
Thuốc nghiên cứu phải được sản xuất, quản lý, lưu giữ phù hợp với hướng dẫn
Thực hành tốt sản xuất (GMP), Thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) và chỉ được
sử dụng cho nghiên cứu được phê duyệt.
Cơ sở nghiên cứu có trách nhiệm quản lý các nghiên cứu đánh giá tương đương
sinh học của thuốc do mình triển khai.
Một số định nghĩa liên quan đến thử tương đương sinh học:
1. Thuốc phát minh (Innovator pharmaceutical product): là thuốc được cấp phép
lưu hành đầu tiên, trên cơ sở đã có đầy đủ các số liệu về chất lượng, an toàn và
hiệu quả.
2. Thuốc generic (Generic product): là một thuốc thành phẩm nhằm thay thế một
thuốc phát minh được sản xuất không có giấy phép nhượng quyền của công ty phát
minh và được đưa ra thị trường sau khi bằng phát minh và các độc quyền đã hết
hạn.
3. Thuốc đối chứng (Comparator product): là thuốc mà thuốc generic sẽ được dùng
để thay thế nó trong điều trị. Thông thường, thuốc đối chứng là thuốc phát minh
với các số liệu về hiệu quả, an toàn và chất lượng đã được thiết lập.
4. Tương đương bào chế (Pharmaceutical equivalence): những thuốc được coi là
tương đương bào chế nếu chúng có chứa cùng loại dược chất với cùng hàm lượng
trong cùng dạng bào chế, có cùng đường dùng và đạt cùng một mức tiêu chuẩn
chất lượng.
5. Thế phẩm bào chế (Pharmaceutical alternatives): Những thuốc được coi là thế
phẩm bào chế nếu chúng có chứa cùng loại dược chất nhưng khác nhau về dạng
hoá học của dược chất (base, muối hay ester...) hay khác nhau về hàm lượng hoặc
dạng bào chế.
6. Sinh khả dụng (Bioavailability): là đặc tính biểu thị tốc độ và mức độ hấp thu
của một dược chất hoặc nhóm chất có tác dụng vào tuần hoàn chung và sẵn có ở
nơi tác động. Cũng có thể hiểu sinh khả dụng biểu thị mức độ và tốc độ của dược
chất hoặc chất có tác dụng được giải phóng ra khỏi dạng bào chế và sẵn có ở tuần
hoàn chung.
7. Tương đương sinh học (Bioequivalence): hai thuốc được coi là tương đương
sinh học nếu chúng là những thuốc tương đương bào chế hay là thế phẩm bào chế,
và sinh khả dụng của chúng sau khi dùng cùng một mức liều trong cùng điều kiện
thử nghiệm là tương tự nhau dẫn đến hiệu quả điều trị của chúng về cơ bản được
coi là sẽ tương đương nhau.
8. Dạng bào chế quy ước (Conventional dosage form): là dạng bào chế sử dụng
những tá dược và kỹ thuật bào chế kinh điển, không có chủ ý thay đổi tốc độ phóng
thích dược chất ra khỏi dạng bào chế.
9. Dạng bào chế phóng thích biến đổi (Modified release dosage form): là dạng bào
chế sử dụng một số tá dược và/ hoặc kỹ thuật bào chế khác với dạng bào chế quy
ước nhằm tạo ra tốc độ phóng thích dược chất khác với dạng bào chế quy ước. Nó
bao gồm các dạng bào chế phóng thích muộn, kéo dài, theo nhịp, cấp tốc...
10. Dạng bào chế phóng thích kéo dài (Extended release, Sustained release dosage
form): là dạng bào chế phóng thích biến đổi có tốc độ phóng thích dược chất được
thay đổi theo hướng kéo dài tác dụng của thuốc để làm giảm tần suất sử dụng thuốc
so với dạng bào chế quy ước của cùng dược chất đó.
11. Dạng bào chế phóng thích muộn (Delayed release dosage form): là dạng bào
chế phóng thích biến đổi mà sự phóng thích dược chất bị trì hoãn trong một
khoảng thời gian nhất định sau khi dùng thuốc và sau đó lại phóng thích bình
thường như ở dạng bào chế quy ước. Dạng bào chế bao tan trong ruột thuộc loại
này.
12. Thuốc đã được phê duyệt: Trong phạm vi Thông tư này, thuốc đã được phê
duyệt được hiểu là thuốc phát minh hoặc thuốc generic với đầy đủ các số liệu
nghiên cứu sinh khả dụng/ tương đương sinh học đạt yêu cầu đã được cấp số đăng
ký lưu hành.
Quy định đối với các nghiên cứu sinh khả dụng/ tương đương sinh học:
1. Nghiên cứu phải được thiết kế và thực hiện theo các quy định trong Hướng dẫn
nghiên cứu sinh khả dụng/ tương đương sinh học ASEAN hoặc các hướng dẫn
tương đương của các tổ chức khác (như của tổ chức y tế thế giới (WHO), hội nghị
quốc tế về hòa hợp (ICH), cơ quan quản lý dược thực phẩm Mỹ (US FDA)). Đối
với các nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam, trước khi tiến hành nghiên cứu,
đề cương nghiên cứu phải được thẩm định và phê duyệt tại cơ quan kỹ thuật
chuyên ngành do Bộ Y tế ủy quyền.
2. Nghiên cứu phải được tiến hành tại các đơn vị thử nghiệm đã được cơ quan có
thẩm quyền tại nước sở tại đánh giá và công nhận, và phải được thực hiện tuân
theo các nguyên tắc về thực hành tốt lâm sàng (GCP) và thực hành tốt phòng thí
nghiệm (GLP) theo quy định của Việt Nam hoặc các quy định khác tương đương.
Cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các bằng chứng có giá trị pháp
lý về việc nghiên cứu đã được tiến hành đáp ứng các yêu cầu nêu trên.
3. Báo cáo số liệu nghiên cứu sinh khả dụng/ tương đương sinh học phải bao gồm
đầy đủ các nội dung quy định trong Biểu mẫu báo cáo- Hướng dẫn nghiên cứu sinh
khả dụng/ tương đương sinh học ASEAN.
Quy định đối với việc sử dụng thuốc đối chứng trong nghiên cứu tương đương
sinh học/ sinh khả dụng so sánh phục vụ đăng ký thuốc:
1. Đối với các thuốc generic ở dạng bào chế quy ước có tác dụng toàn thân, chứa
các dược chất nằm trong Danh mục các dược chất yêu cầu báo cáo số liệu nghiên
cứu tương đương sinh học khi đăng ký thuốc (Phụ lục 2): Thuốc đối chứng sử dụng
trong nghiên cứu được quy định kèm theo trong Danh mục.
Trong trường hợp nghiên cứu đã sử dụng thuốc đối chứng là thuốc phát minh
nhưng không phải thuốc phát minh đang lưu hành tại Việt Nam được quy định
trong Danh mục, cơ sở đăng ký cần cung cấp các số liệu chứng minh khả năng thay
thế lẫn nhau (tương đương độ hoà tan hoặc tương đương sinh học) giữa thuốc phát
minh đã sử dụng trong nghiên cứu và thuốc phát minh đang lưu hành tại Việt Nam.
2. Đối với các thuốc generic có sự phối hợp một số dược chất trong đó có dược
chất nằm trong Danh mục các dược chất yêu cầu báo cáo số liệu nghiên cứu tương
đương sinh học khi đăng ký thuốc (Phụ lục 2): Thuốc đối chứng sử dụng trong
nghiên cứu phải là thuốc phát minh có sự phối hợp tương tự về thành phần dược
chất và tỷ lệ phối hợp giữa các thành phần hoặc là thuốc đối chứng đơn thành phần
tương ứng quy định kèm theo trong Danh mục.
3. Đối với các thuốc generic ở dạng bào chế phóng thích biến đổi: Thuốc đối
chứng sử dụng trong nghiên cứu phải được lựa chọn theo các nguyên tắc nêu tại
Phụ lục 1 của Thông tư này.
4. Cơ sở đăng ký thuốc phải có trách nhiệm chứng minh thuốc đối chứng do mình
lựa chọn để thử nghiệm đáp ứng các nguyên tắc theo quy định, phải cung cấp
thông tin đầy đủ, chính xác về nước xuất xứ cũng như số lô sản xuất và hạn dùng
của thuốc đối chứng đã sử dụng trong nghiên cứu.
Nguyên tắc lựa chọn các dược chất đưa vào Danh mục các dược chất yêu cầu
báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương sinh học khi đăng ký thuốc:
Các dược chất được lựa chọn để đưa vào Danh mục phải đáp ứng một hoặc một số
các nguyên tắc ưu tiên sau:
1. Có trong các thuốc thuộc Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ
sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành và thuộc một trong các nhóm tác dụng
dược lý được ưu tiên sau:
a) Các thuốc tim mạch- huyết áp;
b) Các thuốc chống co giật, chống động kinh;
c) Các thuốc hạ đường huyết;
d) Các thuốc kháng sinh;
đ) Các thuốc tác dụng trên đường tiêu hoá làm giảm tiết acid dịch vị;
e) Các thuốc chống rối loạn tâm thần ;
f) Các thuốc kháng viêm (không steroid và steroid);
g) Các thuốc kháng virus.
2. Có trong các thuốc thuộc danh mục các thuốc được sử dụng trong các chương
trình quốc gia (thuốc lao, thuốc sốt rét, thuốc kháng HIV, thuốc tránh thai...).
3. Có khoảng điều trị hẹp và/ hoặc có vấn đề về sinh khả dụng.
Quy định đối với việc báo cáo số liệu nghiên cứu sinh khả dụng/ tương đương
sinh học trong đăng ký thuốc
Các thuốc generic ở dạng bào chế quy ước có tác dụng toàn thân:
1. Các thuốc thuộc một trong các trường hợp sau được miễn báo cáo số liệu nghiên
cứu tương đương sinh học khi đăng ký thuốc:
a) Thuốc dùng đường tiêm tĩnh mạch, có cùng dạng sử dụng khi tiêm là dung dịch
trong nước, cùng dược chất và cùng nồng độ với thuốc đã được phê duyệt;
b) Thuốc dùng đường tiêm khác đường tiêm tĩnh mạch, có cùng dạng sử dụng khi
tiêm là dung dịch trong nước hoặc dung dịch trong dầu, cùng dược chất và nồng độ
dược chất, cùng tá dược hoặc loại tá dược tương đương với thuốc đã được phê
duyệt;
c) Thuốc được sử dụng dưới dạng dung dịch trong nước khi uống, có cùng dược
chất và nồng độ dược chất với thuốc đã được phê duyệt, với điều kiện các tá dược
có trong thành phần thuốc không ảnh hưởng tới sự vận chuyển thuốc qua đường
tiêu hoá, sự hấp thu và độ ổn định của dược chất trong cơ thể;
d) Thuốc sử dụng dưới dạng khí dung.
2. Các thuốc không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 của điều này, có
chứa dược chất nằm trong Danh mục các dược chất yêu cầu báo cáo số liệu nghiên
cứu tương đương sinh học khi đăng ký thuốc (Phụ lục 2) phải báo cáo số liệu
nghiên cứu tương đương sinh học khi đăng ký.
3. Các thuốc trong công thức có sự phối hợp của một số dược chất, trong đó có
dược chất nằm trong Danh mục các dược chất yêu cầu báo cáo số liệu nghiên cứu
tương đương sinh học khi đăng ký thuốc (Phụ lục 2), phải báo cáo số liệu nghiên
cứu tương đương sinh học đối với dược chất này.
4. Đối với các hàm lượng khác nhau dùng đường uống của cùng một dược chất
(hoặc cùng sự phối hợp các dược chất), có cùng dạng bào chế của cùng nhà sản
xuất, được sản xuất ở cùng một địa điểm, báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương
sinh học của một hàm lượng có thể được xem xét chấp nhận cho các hàm lượng
còn lại (thông thường là các hàm lượng thấp hơn trừ trường hợp việc nghiên cứu
tương đương sinh học đối với hàm lượng cao hơn không thực hiện được vì lý do an
toàn) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Các hàm lượng đang xem xét có cùng một quy trình sản xuất với hàm lượng đã
dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học;
b) Công thức bào chế của các hàm lượng đang xem xét phải giống nhau về thành
phần (tá dược và dược chất) và có cùng tỷ lệ phối hợp giữa các thành phần hoặc,
trong trường hợp dược chất chiếm tỷ lệ dưới 5% trong công thức thì tỷ lệ phối hợp
giữa các thành phần còn lại trong công thức phải tương tự khi so với công thức bào
chế của hàm lượng đã dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học;
c) Có sự tương quan tuyến tính giữa hàm lượng dược chất và khả năng hấp thu của
dược chất vào cơ thể trong khoảng liều xem xét (hay liều điều trị);
d) Đối với thuốc là dạng rắn khi uống: Trong cùng điều kiện thử nghiệm độ hòa
tan, biểu đồ hoà tan của hàm lượng đang xem xét phải tương tự với hàm lượng đã
dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học (căn cứ vào phần trăm dược chất
được giải phóng theo thời gian). Phương pháp thiết lập, so sánh biểu đồ hòa tan và
giới hạn chấp nhận được quy định tại Phụ lục II- Hướng dẫn nghiên cứu sinh khả
dụng/ tương đương sinh học của ASEAN.
Các thuốc generic ở dạng bào chế phóng thích biến đổi có tác dụng toàn thân:
1. Các thuốc ở dạng bào chế bao tan trong ruột: Áp dụng như đối với các thuốc ở
dạng bào chế quy ước theo quy định tại Điều 7.
2. Các thuốc có chứa bất kỳ dược chất nào ở dạng bào chế phóng thích biến đổi
không phải bao tan trong ruột đều phải báo cáo số liệu nghiên cứu sinh khả dụng
hoặc tương đương sinh học và/ hoặc báo cáo thử nghiệm lâm sàng phù hợp tuỳ
từng trường hợp cụ thể như sau:
a) Thuốc ở dạng bào chế phóng thích biến đổi lần đầu tiên đưa ra thị trường dự
định để thay thế một thuốc ở dạng bào chế quy ước hoặc ở dạng bào chế phóng
thích biến đổi khác kiểu đã được phê duyệt của cùng dược chất:
- Nếu đã có số liệu về một tương quan giữa đáp ứng lâm sàng (bao gồm đáp ứng
điều trị và phản ứng có hại) với nồng độ thuốc hoặc chất chuyển hoá có hoạt tính
(của dược chất đem thử) trong huyết tương, yêu cầu báo cáo số liệu nghiên cứu
sinh khả dụng so sánh giữa thuốc cần thử với thuốc đối chứng tương ứng ở dạng
bào chế quy ước. Số liệu nghiên cứu sinh khả dụng so sánh thu được này sẽ được
dùng để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của thuốc ở dạng bào chế phóng thích
biến đổi đang xem xét. Nếu các số liệu dược động học thu được trong nghiên cứu
chưa đủ để chứng minh về tính an toàn và hiệu quả của thuốc đang xem xét thì cần
tiến hành một thử nghiệm lâm sàng thích hợp để bổ sung;
- Nếu chưa sẵn có số liệu về một tương quan như trên, phải tiến hành một thử
nghiệm lâm sàng phù hợp nhằm xác định đồng thời các thông số dược động học và
dược lực học của thuốc.
b) Thuốc ở dạng bào chế phóng thích biến đổi dự định để tương đương với một
thuốc ở dạng bào chế phóng thích biến đổi cùng kiểu đã được phê duyệt: Yêu cầu
báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương sinh học của thuốc so với thuốc đối chứng
tương ứng mà thuốc đang xem xét dự định thiết kế để tương đương.
3. Các thuốc generic ở dạng bào chế phóng thích kéo dài dùng đường uống:
a) Ngoài các quy định áp dụng chung cho các thuốc ở dạng bào chế phóng thích
biến đổi không phải bao tan trong ruột đã nêu tại khoản 2 Điều này, yêu cầu bổ
sung báo cáo số liệu nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn lên sinh khả dụng của
thuốc.
b) Đối với các thuốc có hàm lượng khác nhau của cùng một dược chất (hoặc cùng
sự phối hợp các dược chất) ở dạng bào chế này, có thể xem xét chấp nhận số liệu
báo cáo nghiên cứu tương đương sinh học của hàm lượng cao cho các hàm lượng
thấp hơn trong trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Là dạng viên nang có chứa cùng một loại hạt mà sự khác nhau về hàm lượng
dược chất trong viên đạt được bằng cách điều chỉnh số lượng (hay khối lượng) hạt
trong nang hoặc:
- Là dạng viên nén có cùng cơ chế phóng thích dược chất, có công thức bào chế
giống nhau về các thành phần (tá dược và dược chất) và có cùng tỷ lệ phối hợp các
thành phần này trong công thức;
- Các hàm lượng đang xem xét là của cùng nhà sản xuất, được sản xuất tại cùng
một địa điểm và có cùng quy trình bào chế với hàm lượng đã dùng trong nghiên
cứu tương đương sinh học;
- Có sự tương quan tuyến tính giữa hàm lượng dược chất và khả năng hấp thu của
dược chất vào cơ thể trong khoảng liều xem xét (hay liều điều trị);
- Trong cùng điều kiện thử nghiệm độ hòa tan, biểu đồ hoà tan của hàm lượng đang
xem xét phải tương tự với hàm lượng đã dùng trong nghiên cứu tương đương sinh
học (căn cứ vào phần trăm dược chất được giải phóng theo thời gian). Phương
pháp thiết lập, so sánh biểu đồ hòa tan và giới hạn chấp nhận được quy định tại
Phụ lục II- Hướng dẫn nghiên cứu sinh khả dụng/ tương đương sinh học của
ASEAN.
Các thay đổi đối với thuốc đã được phê duyệt:
1. Thay đổi về công thức hay quy trình bào chế có ảnh hưởng đến sinh khả dụng
của thuốc:
a) Đối với thuốc phát minh: Yêu cầu báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương sinh
học của thuốc có thay đổi so với thuốc đối chứng là thuốc phát minh có công thức
và quy trình bào chế đã được phê duyệt;
b) Đối với thuốc generic: Yêu cầu báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương sinh
học của thuốc có thay đổi so với thuốc đối chứng đã dùng trong nghiên cứu tương
đương sinh học của thuốc đã được phê duyệt.
2. Thay đổi địa điểm sản xuất (công thức bào chế và quy trình bào chế không thay
đổi): Yêu cầu báo cáo số liệu tương đương độ hoà tan của thuốc được sản xuất tại
địa điểm mới so với thuốc sản xuất tại địa điểm cũ đã được phê duyệt. Phương
pháp đánh giá tương đương độ hòa tan và giới hạn chấp nhận được quy định tại
Phụ lục II- Hướng dẫn nghiên cứu sinh khả dụng/ tương đương sinh học của
ASEAN.

Đánh giá việc đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử
tương đương sinh học của thuốc
Hồ sơ tài liệu làm căn cứ để đánh giá đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở kinh
doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc:
1. Hồ sơ tài liệu làm căn cứ để đánh giá việc đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở
kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc bao gồm:
a) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược
b) Tài liệu kỹ thuật về cơ sở được trình bày theo hướng dẫn về hồ sơ tổng thể.
Trình tự đánh giá việc đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ
thử tương đương sinh học của thuốc:
1. Cơ sở nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định đến Cục Khoa học công nghệ và Đào
tạo, Bộ Y tế.
2. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế kiểm tra tính hợp lệ của hồ
sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ
không hợp lệ phải có văn bản thông báo, hướng dẫn cụ thể cho cơ sở bổ sung cho
đến khi hồ sơ hợp lệ.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục
Khoa học công nghệ và Đào tạo thành lập Đoàn kiểm tra, thông báo cho cơ sở về
Đoàn kiểm tra và dự kiến thời gian đánh giá thực tế tại cơ sở. Trong thời hạn 15
ngày kể từ ngày có văn bản thông báo, Đoàn kiểm tra tiến hành đánh giá thực tế tại
cơ sở.
Quy trình đánh giá việc đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ
thử tương đương sinh học của thuốc:
1. Quy trình đánh giá
a) Bước 1. Đoàn kiểm tra công bố Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, mục
đích đánh giá, nội dung đánh giá và kế hoạch đánh giá dự kiến tại cơ sở.
b) Bước 2. Cơ sở được kiểm tra báo cáo tóm tắt về tổ chức, nhân sự và hoạt
động triển khai, áp dụng các nguyên tắc GCP, GLP hoặc các nội dung cụ thể theo
nội dung của đợt kiểm tra.
c) Bước 3. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế việc triển khai áp dụng
các nguyên tắc GCP, GLP tại cơ sở.
d) Bước 4. Đoàn kiểm tra họp với cơ sở để thông báo các tồn tại phát hiện
trong quá trình kiểm tra; đánh giá mức độ của từng tồn tại; thảo luận với cơ sở
trong trường hợp cơ sở không thống nhất với các tồn tại theo đánh giá của Đoàn
kiểm tra; đánh giá về mức độ đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn GCP, GLP của
cơ sở;
đ) Bước 5. Lập và ký biên bản đánh giá
Biên bản đánh giá được Lãnh đạo cơ sở cùng Trưởng đoàn kiểm tra ký xác
nhận; biên bản đánh giá phải thể hiện thành phần Đoàn kiểm tra, địa điểm, thời
gian, phạm vi đánh giá, các vấn đề chưa thống nhất giữa Đoàn kiểm tra và cơ sở;
biên bản được làm thành 02 bản: 01 bản lưu tại cơ sở, 01 bản lưu tại Cục Khoa học
công nghệ và Đào tạo.
e) Bước 5. Hoàn thiện Báo cáo đánh giá:
Đoàn kiểm tra có trách nhiệm lập Báo cáo đánh giá theo mẫu ban hành kèm
theo Thông tư này, liệt kê và phân tích, phân loại mức độ tồn tại mà cơ sở cần khắc
phục, sửa chữa, đối chiếu điều khoản tương ứng của quy định pháp luật, phân loại
về mức độ đáp ứng của cơ sở và gửi cho cơ sở được đánh giá.
Xử lý kết quả đánh giá việc đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở kinh doanh
dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc:
1. Trường hợp cơ sở đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân
sự bao gồm: địa điểm, phòng thí nghiệm phân tích dịch sinh học, trang thiết bị thí
nghiệm dùng trong phân tích dịch sinh học, khu vực lưu trú và theo dõi người sử
dụng thuốc phục vụ cho việc đánh giá tương đương sinh học, hệ thống quản lý chất
lượng, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự, Cục Khoa học công nghệ và Đào
tạo, Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ
ngày ký Báo cáo đánh giá.
2. Trường hợp cơ sở phải thực hiện hành động khắc phục: Cơ sở phải thực
hiện các hành động khắc phục và có báo cáo bằng văn bản về Cục Khoa học công
nghệ và Đào tạo kèm theo các bằng chứng chứng minh. Trong vòng 20 ngày làm
việc kể từ ngày nhận được báo cáo khắc phục những tồn tại đã được nêu trong báo
cáo kiểm tra, Đoàn kiểm tra đánh giá báo cáo khắc phục, tiến hành thông báo việc
kiểm tra trực tiếp tại cơ sở nếu cần thiết. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày đánh giá
báo cáo khắc phục đạt yêu cầu, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế trình
Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thử
tương đương sinh học của thuốc cho cơ sở.
3. Trường hợp cơ sở không đáp ứng đủ điệu kiện kinh doanh dịch vụ thử
tương đương sinh học của thuốc: cơ sở tiến hành nộp hồ sơ đề nghị lại từ đầu theo
quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
Đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh
dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc:
1. Thời gian định kỳ đánh giá việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở
kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc là 03 năm kể từ ngày kết
thúc lần kiểm tra đánh giá gần nhất (không bao gồm các đợt đánh giá đột xuất,
đánh giá giám sát của cơ quan có thẩm quyền).
2. Tháng 10 hằng năm, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo công bố trên
Trang thông tin điện tử của mình kế hoạch đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng
các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc
trong năm kế tiếp.
3. Căn cứ vào kế hoạch đánh giá định kỳ do Cục Khoa học công nghệ và Đào
tạo công bố, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc nộp
hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ theo quy định về Cục Khoa học công nghệ và Đào
tạo trong thời gian tối thiểu 30 ngày trước thời điểm đánh giá theo kế hoạch đã
được công bố.
4. Trường hợp cơ sở không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ theo thời hạn
quy định tại khoản 3 Điều này, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có văn bản
yêu cầu cơ sở giải trình về việc chưa nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ.
5. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có
văn bản yêu cầu cơ sở giải trình về việc chưa nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ,
nếu cơ sở không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ theo quy định thì Cục Khoa
học công nghệ và Đào tạo trình Bộ trưởng Bộ Y tế thu hồi Giấy chứng nhận đủ
điều kiện dịch vụ kinh doanh dược theo quy định hoặc có văn bản yêu cầu dừng
hoạt động.
6. Sau khi nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều
kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc theo quy
định, cơ sở tiếp tục được phép hoạt động theo phạm vi quy định tại Giấy chứng
nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đang còn hiệu lực.
7. Hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ
sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc:
a) Đơn đề nghị đánh giá định kỳ theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành
kèm theo Thông tư này.
b) Tài liệu kỹ thuật cập nhật về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự
của cơ sở (nếu có thay đổi).
c) Báo cáo tóm tắt hoạt động của cơ sở trong thời gian 03 năm gần đây.
8. Trình tự, quy trình đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều kiện của
cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc được thực hiện theo
quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này.
Xử lý kết quả đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở
kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc:
1. Trường hợp cơ sở đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân
sự bao gồm: địa điểm, phòng thí nghiệm phân tích dịch sinh học, trang thiết bị thí
nghiệm dùng trong phân tích dịch sinh học, khu vực lưu trú và theo dõi người sử
dụng thuốc phục vụ cho việc đánh giá tương đương sinh học, hệ thống quản lý chất
lượng, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự, Cục Khoa học công nghệ và Đào
tạo, Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ
ngày ký Báo cáo đánh giá.
2. Trường hợp cơ sở phải thực hiện hành động khắc phục: Cơ sở phải thực
hiện các hành động khắc phục và có báo cáo bằng văn bản về Cục Khoa học công
nghệ và Đào tạo kèm theo các bằng chứng chứng minh. Trong vòng 20 ngày làm
việc kể từ ngày nhận được báo cáo khắc phục những tồn tại đã được nêu trong báo
cáo kiểm tra, Đoàn kiểm tra đánh giá báo cáo khắc phục, tiến hành thông báo việc
kiểm tra trực tiếp tại cơ sở nếu cần thiết. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày đánh giá
báo cáo khắc phục đạt yêu cầu, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế trình
Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thử
tương đương sinh học của thuốc cho cơ sở.
3. Trường hợp cơ sở không đáp ứng đủ điệu kiện kinh doanh dịch vụ thử
tương đương sinh học của thuốc: cơ sở tiến hành nộp hồ sơ đề nghị lại từ đầu theo
quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
Kiểm soát thay đổi:
1. Trong khoảng thời gian giữa các đợt đánh giá định kỳ, cơ sở kinh doanh
dịch vụ thử tương đương sinh học phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng
nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 36
Luật dược hoặc báo cáo thay đổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có thay đổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Luật dược;
2. Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học có thay đổi
theo quy định, cơ sở phải gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh
doanh dược theo quy định tại Luật dược.
Trình tự đánh giá việc đáp ứng GSP, phân loại kết quả và xử ký kết quả đánh
giá việc đáp ứng GSP thực hiện theo quy định.
3. Trường hợp cơ sở bảo quản có thay đổi thuộc một trong các trường hợp quy
định, cơ sở bảo quản phải nộp báo cáo thay đổi kèm tài liệu kỹ thuật tương ứng với
sự thay đỏi về Cơ quan tiếp nhận.
a) Cơ quan tiếp nhận thực hiện đánh giá thực tế tại cơ sở bảo quản. Trường
hợp cơ sở bảo quản đáp ứng yêu cầu, Cơ quan tiếp nhận có văn bản đồng ý với
thay đổi của cơ sở bảo quản.
b) Trình tự đánh giá, phân loại kết quả và xử lý kết quả đánh giá đối với cơ sở
bảo quản có thay đổi theo quy định.
c. Trình tự đánh giá, phân loại kết quả và xử lý kết quả đánh giá đối với cơ sở
bảo quản có thay đổi theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này được thực hiện
theo quy định.
4. Trường hợp cơ sở bảo quản có thay đổi thuộc một trong các trường hợp quy
định, cơ sở bảo quản phải nộp báo cáo thay đổi kèm tài liệu kỹ thuật tương ứng với
sự thay đổi về Cơ quan tiếp nhận. Cơ quan tiếp nhận thực hiện đánh giá báo cáo
thay đổi của cơ sở bảo quản.
a) Trường hợp việc thay đổi đáp ứng yêu cầu: trong thời hạn 10 ngày làm
việc, kể từ ngày nhận văn bản thông báo, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn
bản thông báo việc đồng ý với nội dung thay đổi;
b) Trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu: trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận văn bản thông báo, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản thông
báo về các nội dung cần khắc phục, sửa chữa;
c) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày Cơ quan tiếp nhận có văn bản thông
báo, cơ sở bảo quản phải hoàn thiện việc khắc phục, sửa chữa và có văn bản thông
báo kèm theo các bằng chứng (hồ sơ tài liệu, hình ảnh, video, giấy chứng nhận)
chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa các tồn tại được nêu trong văn
bản thông báo;
d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo khắc phục
kèm theo các bằng chứng chứng minh, Cơ quan tiếp nhận đánh giá báo cáo kết quả
hành động khắc phục của cơ sở bảo quản và kết luận về tình trạng đáp ứng GSP
của cơ sở bảo quản:
- Trường hợp việc khắc phục đã đáp ứng yêu cầu: Cơ quan tiếp nhận hfo sơ
ban hành văn bản thông báo về việc đồng ý với nội dung thay đổi;
- Trường hợp việc khắc phục chưa đáp ứng yêu cầu: Cơ quan tiếp nhận thực
hiện đánh giá giám sát/đánh giá đột xuất, xử lý kết quả đánh giá theo quy định tại
Điều 12 Thông tư này.
Đánh giá giám sát, đánh giá đột xuất việc duy trì đáp ứng các điều kiện của
cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc:
1. Hằng năm, trên cơ sở đánh giá nguy cơ ảnh hưởng của thuốc đối với sức
khỏe của người sử dụng và mức độ đáp ứng GCP và GLP của Cơ sở thử tương
đương sinh học, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo xây dựng kế hoạch và thực
hiện đánh giá giám sát việc duy trì đáp ứng GCP và GLP, tuân thủ quy trình thử
tương đương sinh học tại cơ sở thử tương đương sinh học.
2. Cơ sở thử tương đương sinh học phải được đánh giá giám sát việc duy trì
đáp ứng GCP và GCP ít nhất 01 lần trong thời hạn 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt
đánh giá kỳ trước.
3. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đánh giá đột xuất việc duy trì đáp ứng
GCP và GLP tại cơ sở thử tương đương sinh học trong trường hợp có thông tin
phản ánh, kiến nghị hoặc kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng kết
luận có vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, tiêu chuẩn GCP hoặc GCP.
4. Trình tự đánh giá và việc xử lý kết quả đánh giá tại cơ sở bảo quản thực
hiện theo quy định.
Thành phần Đoàn kiểm tra do Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào
tạo quyết định theo phạm vi và mục đích tiến hành đánh giá.
5. Xử lý kết quả đánh giá đột xuất, đánh giá giám sát:
Căn cứ vào tồn tại phát triển trong quá trình đánh giá giám sát, đánh giá đột
xuất, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo ra quyết định mở rộng phạm vi đánh giá
hoặc có văn bản thông báo về không đáp ứng GCP hoặc GCP, đình chỉ một phần
hoặc toàn bộ hoạt động bảo quản của cơ sở thử tương đương sinh học: trình hoặc
kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế thu hẹp phạm vi hoạt động trên Giấy chứng nhận đủ
điều kiện kinh doanh dược hoặc thu thồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
dược đã cấp cho cơ sở kinh doanh dược theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 Luật
dược.
Đoàn kiểm tra việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch
vụ thử tương đương sinh học của thuốc:
1. Thành phần và tiêu chuẩn thành viên Đoàn kiểm tra:
a) Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Đoàn kiểm tra bao gồm các thành phần sau
đây:
- Đại diện Lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo làm Trưởng đoàn;
- Đại diện chuyên viên Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, trong đó có 01
chuyên viên làm Thư ký Đoàn kiểm tra;
- Đại diện Vụ Pháp chế làm Phó trưởng đoàn;
- Đại diện Ban Đánh giá vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học;
- Đại diện Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở kinh
doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc đặt trụ sở chính;
- Các thành phần khác có liên quan: Đại diện Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý
Khám, chữa bệnh.
b) Cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
- Có trình độ đại học trở lên, chuyên ngành y, dược, hóa học, sinh học hoặc
Luật;
- Có chứng chỉ đào tạo, tập huấn về GCP hoặc GLP;
- Trung thực, khách quan và nghiêm chỉnh chấp hành các quy chế, quy định
pháp luật trong quá trình kiểm tra, không có xung đột lợi ích với cơ sở được đánh
giá theo quy định tại điểm c Khoản này;
- Trưởng đoàn kiểm tra phải có trình độ đại học trở lên chuyên ngành y, dược
và có kinh nghiệm trong công tác quản lý y dược 05 năm trở lên.
c) Nguyên tắc đánh giá xung đột lợi ích: thành viên Đoàn kiểm tra được coi là
có xung đột lợi ích với cơ sở thử tương đương sinh học nếu thuộc một trong các
trường hợp sau đây:
- Đã từng làm việc trong vòng 05 năm gần đây cho cơ sở được đánh giá;
- Đã tham gia hoạt động tư vấn trong vòng 05 năm gần đây cho cơ sở được
đánh giá;
- Đang có quyền lợi về tài chính với cơ sở được đánh giá;
- Có vợ/chồng, con, bố/mẹ, anh/chị/em ruột đang làm việc cho cơ sở được
đánh giá.
2. Trách nhiệm và quyền hạn của Đoàn kiểm tra:
a) Trách nhiệm của Đoàn kiểm tra:
- Đánh giá toàn bộ các hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương
đương sinh học theo các nguyên tắc tiêu chuẩn GCP và GLP tương ứng tại Điều 3
Thông tư này, các phiên bản cập nhật nguyên tắc, tiêu chuẩn GCP và GCP và quy
định chuyên môn hiện hành có liên quan; ghi nhận cụ thể các nội dung đánh giá,
tồn tại phát hiện được, lập biên bản đánh giá và Báo cáo đánh giá GCP và GLP;
- Báo cáo kết quả đánh giá hoặc giải trình về báo cáo kết quả đánh giá GCP và
GCP trong trường hợp cơ sở có ý kiến không thống nhất với nội dung Báo cáo
đánh giá GSP;
- Bảo mật toàn bộ thông tin liên quan về đợt đánh giá và toàn bộ thông tin liên
quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của cơ sở; trừ
trường hợp có sự đồng ý của cơ sở hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra.
b) Quyền hạn của Đoàn kiểm tra:
- Kiểm tra toàn bộ các khu vực thuộc cơ sở và có quyền đề nghị kiểm tra các
khu vực khác có liên quan đến hoạt động thử tương đương sinh học của cơ sở;
- Yêu cầu cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh,
quản lý chất lượng và thử tương đương sinh học của cơ sở;
- Thực hiện việc thu thập các hồ sơ tài liệu bằng chứng (sao chụp tài liệu,
chụp ảnh, quay video) về các tồn tại phát hiện trong quá trình đánh giá;
- Lập biên bản và yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động thử tương đương sinh
học nếu trong quá trình dánh giá, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở có vi phạm ảnh
hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, an toàn của người tham gia thử thuốc và báo cáo
người có thẩm quyền ra quyết định xử lý chính thức.
Hướng dẫn thử tương đương sinh học của thuốc
Quy định chung về thử tương đương sinh học:
Việc triển khai nghiên cứu thử tương đương sinh học của thuốc phải tuân thủ
Hướng dẫn tiến hành nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học của Asean
ASEAN Guideline for the conduct of bioequivalence studies) phiên bản hiện hành.
Thiết kế, tiến hành và đánh giá các nghiên cứu tương đương sinh học:
Thiết kế nghiên cứu phụ thuộc vào đặc tính hóa lý của hoạt chất, đặc tính
dược động học và tỷ lệ tương ứng các thành phần trong thuốc và phải được lý giải
hợp lý, lưu ý tới việc đánh giá ở trạng thái ăn no và lúc đói.
Thiết kế chuẩn được khuyến cáo khi so sánh hai thuốc là thiết kế ngẫu nhiên,
bắt chéo, hai giai đoạn, liều đơn trong đó giai đoạn sạch thuốc giữa hai giai đoạn
điều trị cần kéo dài ít nhất 5 chu kỳ bán thải của thuốc để đảm bảo nồng độ thuốc
thấp hơn giới hạn phân tích sinh học ở tất cả các đối tượng vào đầu giai đoạn thứ
hai.
Trong những trường hợp nhất định, việc thiết kế nghiên cứu không nhất thiết
phải được thực hiện theo thiết kế chuẩn nhưng phải có các lý giải hợp lý.
Cỡ mẫu nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu:
Số lượng đối tượng đưa vào nghiên cứu phải dựa trên cơ sở tính toán cỡ mẫu
thích hợp. Cỡ mẫu khuyến cáo trong các nghiên cứu theo thiết kế chuẩn là từ 12
đến 36 bệnh nhân.
Để giảm thiểu biến thiên giữa các đối tượng nghiên cứu, các nghiên cứu
tương đương sinh học cần được thực hiện trên người tình nguyện khỏe mạnh trừ
khi có những mối quan ngại về an toàn khiến cho việc thực hiện trên người tình
nguyện khỏe mạnh là không đảm bảo vấn đề đạo đức.
Nguyên tắc lựa chọn thuốc đối chứng:
Thuốc đối chứng phải được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau:
1. Thuốc đối chứng là thuốc biệt dược gốc với đầy đủ các số liệu đã được
thiết lập về chất lượng, an toàn và hiệu quả, đã được cấp phép và đang được lưu
hành tại Việt Nam, có trong Danh mục các thuốc đối chứng đã được cấp số đăng
ký tại Việt Nam do Bộ Y tế ban hành.
2. Thuốc đối chứng là thuốc biệt dược gốc với đầy đủ các số liệu đã được
thiết lập về chất lượng, an toàn và hiệu quả, đã được cấp phép và đang được lưu
hành tại một trong các nước thuộc ICH và các nước liên kết gồm Canada, Úc,
Thụy Sỹ, Na Uy.
3. Khi không thể xác định được thuốc biệt dược gốc theo các tiêu chí nêu tại
khoản 1và khoản 2 của Điều này, tiêu chuẩn lựa chọn thuốc đối chứng được sắp
xếp theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Thuốc đã được cấp phép và đang được lưu hành tại một trong các nước
thuộc ICH và các nước liên kết gồm Canada, Úc, Thụy Sỹ. Trong số các thuốc đáp
ứng điều kiện này, ưu tiên lựa chọn thuốc đã được cấp phép và đang được lưu hành
tại Việt Nam, tiếp theo là thuốc đã được cơ quan quản lý dược một trong các nước
thuộc ICH và các nước liên kết gồm Canada, Úc, Thụy Sỹ, Na Uy công nhận là
thuốc đối chứng nếu có.
b) Thuốc đã được tiền thẩm định bởi Tổ chức Y tế Thế giới.
Đối với cả hai trường hợp a và b trên, thuốc phải đạt chất lượng theo tiêu
chuẩn trong phiên bản mới nhất của một trong các Dược điển tham chiếu gồm
Dược điển Việt Nam, Dược điển Anh, Dược điển Mỹ, Dược điển Nhật, Dược điển
Quốc tế- nếu có tồn tại các tiêu chuẩn này.
Trong trường hợp không tìm được thuốc đối chứng phù hợp trong Danh mục
các thuốc đối chứng đã được cấp số đăng ký tại Việt Nam do Bộ Y tế ban hành, cơ
sở đăng ký thuốc hoặc nhà sản xuất cần có đơn gửi Cục Quản lý Dược đề nghị xác
định thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học. Thuốc được
lựa chọn làm thuốc đối chứng theo quy trình này sẽ được công bố trên website của
Cục Quản lý Dược để các công ty có nhu cầu lựa chọn thuốc đối chứng tương tự
biết và tự động áp dụng.
Quy định đối với thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu:
1. Thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học của các
thuốc generic đơn thành phần ở dạng bào chế giải phóng ngay có chứa dược chất
thuộc Danh mục các dược chất yêu cầu báo cáo nghiên cứu tương đương sinh học
khi đăng ký thuốc được quy định kèm theo trong Danh mục.
Nếu nghiên cứu đã thực hiện sử dụng thuốc đối chứng là thuốc biệt dược gốc
nhưng không phải thuốc biệt dược gốc đã được lựa chọn làm thuốc đối chứng quy
định kèm theo trong Danh mục do được sản xuất tại các nhà máy khác của chủ sở
hữu thuốc biệt dược gốc hoặc tại các nhà sản xuất khác theo hợp đồng với chủ sở
hữu thuốc biệt dược gốc, yêu cầu bổ sung báo cáo thử tương đương độ hòa tan
giữa thuốc đối chứng đã sử dụng trong nghiên cứu và thuốc đối chứng quy định
trong Danh mục nhằm chứng minh biểu đồ hòa tan giữa 02 thuốc này là tương
đồng với nhau.
2. Thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học của các
thuốc còn lại không thuộc quy định tại khoản 1 của điều này phải được lựa chọn
phù hợp với các nguyên tắc lực chọn thuốc đối chứng quy định tại Điều 7, với các
lưu ý sau:
a) Thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học của các
thuốc ở dạng bào chế giải phóng biến đổi phải là thuốc có cùng tốc độ phóng thích
dược chất với thuốc thử.
b) Thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học của các
thuốc phối hợp cố định liều (bao gồm cả thuốc có một/ một vài thành phần dược
chất thuộc Danh mục các dược chất yêu cầu báo cáo nghiên cứu tương đương sinh
học khi đăng ký thuốc) phải là thuốc có phối hợp cố định liều tương tự. Chỉ sử
dụng các thuốc đối chứng đơn thành phần tương ứng khi không lựa chọn được
thuốc đối chứng có phối hợp cố định liều tương tự với thuốc thử và phối hợp cố
định liều của thuốc đang xem xét là để thay thế cho việc phải sử dụng cùng lúc các
thuốc đơn thành phần với chế độ liều tương tự công thức phối hợp cố định liều
đang xem xét. Trong trường hợp này, các thuốc đối chứng đơn thành phần sẽ là
thuốc đối chứng quy định kèm theo trong Danh mục các dược chất yêu cầu báo cáo
nghiên cứu tương đương sinh học khi đăng ký thuốc (nếu dược chất đang xem xét
thuộc Danh mục các dược chất này) hoặc là thuốc được lựa chọn phù hợp với các
nguyên tắc lựa chọn thuốc đối chứng.
c) Nếu thuốc đối chứng đã dùng trong nghiên cứu là thuốc biệt dược gốc
nhưng không phải là thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục các thuốc đối chứng đã
được cấp số đăng ký tại Việt Nam do Bộ Y tế ban hành do được sản xuất tại các
nhà máy khác của chủ sở hữu thuốc biệt dược gốc hoặc tại các nhà sản xuất khác
theo hợp đồng với chủ sở hữu thuốc biệt dược gốc, yêu cầu bổ sung báo cáo thử
tương đương độ hòa tan giữa thuốc đối chứng đã dùng trong nghiên cứu và thuốc
đối chứng tương ứng thuộc Danh mục các thuốc đối chứng đã được cấp số đăng ký
tại Việt Nam nhằm chứng minh biểu đồ hòa tan giữa 02 thuốc này là tương đồng
với nhau.
3. Các thuốc đối chứng đã dùng trong nghiên cứu phải có nguồn gốc, xuất xứ
rõ ràng. Các tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thuốc đối chứng cần nộp kèm
theo báo cáo nghiên cứu gồm:
- Bản sao nhãn thuốc thể hiện đầy đủ, rõ ràng các thông tin: tên thuốc, tên và
địa chỉ nhà sản xuất thuốc, số lô sản xuất, hạn dùng.
- Bản cam kết có chữ ký của giám đốc cơ sở đăng ký/ nhà sản xuất về tính xác
thực của các tài liệu đã cung cấp trên, cam kết thuốc đối chứng đã được mua từ
đúng thị trường nước nơi thuốc được cấp phép lưu hành, được bảo quản theo đúng
điều kiện bảo quản thuốc ghi trên nhãn từ thời điểm mua đến thời điểm bắt đầu
thực hiện nghiên cứu.
ĐỘ ỔN ĐỊNH THUỐC
Tổng quan về độ ổn định thuốc
Mục tiêu của nghiên cứu độ ổn định là xác định tuổi thọ, đó là khoảng thời
gian bảo quản ở một điều kiện xác định mà trong khoảng thời gian đó chế phẩm
thuốc vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng đã được thiết lập.
Độ ổn định là một yếu tố quan trọng của chất lượng, độ an toàn và hiệu lực
của chế phẩm thuốc. Một thành phẩm thuốc không ổn định có thể gây ra các biến
đổi về mặt vật lý (như độ cứng, tốc độ hoà tan, sự tách pha, ...) cũng như các biến
đổi về đặc tính hoá học (sự hình thành các chất phân huỷ có nguy hại cao). Sự
không ổn định về mặt vi sinh học của một chế phẩm thuốc vô khuẩn cũng rất nguy
hiểm.
Nghiên cứu độ ổn định bao gồm một loạt các thử nghiệm để đảm bảo độ ổn
định của một thành phẩm thuốc, đó là khả năng duy trì các tiêu chuẩn chất lượng
của thành phẩm thuốc được đóng gói trong bao bì phù hợp cho chế phẩm đó và bảo
quản ở điều kiện đã thiết lập trong một khoảng thời gian xác định.
Thử nghiệm lão hoá cấp tốc (Accelerated testing)
Nghiên cứu được thiết kế để tăng tốc độ phân huỷ hoá học hoặc biến đổi vật
lý của một dược chất hoặc một dược phẩm bằng cách dùng điều kiện bảo quản
khắc nghiệt như là 1 phần của các nghiên cưu độ ổn định chính thức. Dữ liệu thu
được từ các nghiên cứu này cùng với các nghiên cứu độ ổn định dài hạn có thể
được sử dụng để đánh giá các ảnh hưởng hoá học ở điều kiện không cấp tốc trong
thời gian dài hơn và để đanh giá tác động của việc vận chuyển trong thời gian ngắn
trong những điều kiện vượt ra ngoài điều kiện bảo quản ghi trên nhãn, chẳng hạn
điều kiện có thể xảy ra khi chuyên chở bằng tàu biển. Các kết quả thu được từ
nghiên cứu thử nghiệm lão hoá cấp tốc không phải lúc nào cũng dự đoán được
những biến đổi vật lý; xem thêm độ ổn định và các thuật ngữ có liên quan).
Thiết kế phân cực (Bracketing)
Thiết kế cho một chương trình nghiên cứu độ ổn định trong đó chỉ những mẫu
thử ở về các cực của các yếu tố thiết kế nào đó, ví dụ như hàm lượng, cỡ đóng gói,
sẽ được thử nghiệm tại tất cả các thời điểm như trong thiết kế đầy đủ.
(Thiết kế ô trống giả định rằng độ ổn định của các mức trung gian sẽ được đại
diện bởi độ ổn định của các cực thử. Khi một dãy các hàm lượng được thử nghiệm,
thiết kế ô trống được áp dụng nếu hàm lượng các chất giống nhau hoặc thành phần
công thức gần như nhau [ví dụ như đối với một dãy viên nén được dập với những
khối lượng khác nhau từ một loại cốm cơ bản tương tự nhau hoặc một dãy viên
nang được đóng với các khối lượng khác nhau từ cùng thành phần cơ bản vào các
cỡ vỏ nang khác nhau]. Thiết kế ô trống cũng có thể được dùng cho các cỡ đóng
gói khác nhau hoặc các lượng đóng đầy khác nhau trong cùng hệ thống bao bì
đóng gói).
Vùng khí hậu (Climatic Zones)
Thế giới được chia thành bốn vùng dựa theo điều kiện khí hậu hàng năm, cụ
thể:
Vùng I: Ôn đới
Vùng II: Cận nhiệt đới, với độ ẩm có thể là cao
Vùng III: Nóng và khô
Vùng IV: Nóng và ẩm
Lô cam kết (Commitment Batches)
Lô sản xuất của một dược chất hay một dược phẩm mà trên những lô này các
nghiên cứu độ ổn định được bắt đầu thực hiện hoặc hoàn thiện sau khi được cấp
giấy phép theo một cam kết trong hồ sơ đăng ký.
Hệ thống bao bì đóng gói (Container Closure System)
Tất cả các thành phần đóng gói dùng để chứa đựng và bảo vệ dạng bào chế.
Hệ thống bao gồm bao bì sơ cấp và bao bì thứ cấp (nếu bao bì thứ cấp với mục
đích bảo vệ thêm thành phẩm thuốc). Thuật ngữ hệ thống bao gói (packaging
system) tương đương với hệ thống bao bì đóng gói (container closure system).
Dạng bào chế (Dosage Form)
Một dạng thành phẩm (ví dụ viên nén, viên nang, dung dịch, kem) có chứa
dược chất, thường được phối hợp, nhưng không nhất thiết, với các tá dược.
Thành phẩm thuốc/Dược phẩm (Drug product/Pharmaceutical product)
Bất kỳ chế phẩm nào được dùng cho người với mục đích làm thay đổi hoặc
thăm dò các hệ sinh lý hoặc các tình trạng bệnh lý vì lợi ích của người dùng.
Dược chất (Drug substance)
Dược chất chưa được pha chế mà sau đó có thể kết hợp với các tá dược để tạo
ra dạng bào chế (Xem thêm Hoạt chất trong phần thuật ngữ của ACTD Quality)
Tá dược (Excipient)
Một thành phần được chủ định thêm vào dược chất mà không có các tính chất
dược lý ở lượng sử dụng.
Ngày hết hạn (Expire Date)
Ngày được ghi trên bao bì của chế phẩm thuốc mà trước ngày này chế phẩm
vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng trong suốt hạn dùng đã được phê duyệt nếu được bảo
quản trong các điều kiện đã định. (Sau ngày hết hạn, sẽ không có gì đảm bảo là chế
phẩm vẫn còn đạt các chỉ tiêu chất lượng đã được phê duyệt và do đó chế phẩm có
thể không thích hợp để sử dụng và không nên dùng).
Thay đổi lớn (Major Variations)
Thay đổi đối với một dược phẩm đã được cấp phép lưu hành ảnh hưởng đến
một hoặc một số điểm sau:
- Đường dùng
- Hàm lượng, liều dùng
- Chỉ định
- hoặc những điểm không nằm trong định nghĩa thay đổi nhỏ
(Hồ sơ xin phép cho các thay đổi lớn thường phải có các dữ liệu cần thiết về
chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của công thức mới do các thay đổi mang lại).
Bao bì không thấm (Impermeable Containers)
Bao bì có khả năng tạo ra rào chắn bền vững không cho khí hoặc dung môi đi
qua, ví dụ: tuýp nhôm hàn kín chứa chất bán rắn, ống thủy tinh hàn kín chứa dung
dịch).
Cân bằng khối (Mass Balance)
Quá trình cộng gộp kết quả định lượng và mức độ các sản phẩm phân huỷ để
thấy được độ gần của giá trị này với 100% của giá trị ban đầu, có xem xét đến sai
số phân tích
Thiết kế ma trận (Matrixing)
Thiết kế cho một chương trình nghiên cứu độ ổn định trong đó chỉ có một
nhóm mẫu được chọn trong tổng số mẫu có sự kết hợp tất cả các yếu tố sẽ được
thử nghiệm ở một thời điểm xác định. Ở một thời điểm kế tiếp, một nhóm mẫu
khác có sự kết hợp tất cả yếu tố sẽ được thử nghiệm. Thiết kế giả định rằng tại từng
thời điểm thử nghiệm, độ ổn định của mỗi nhóm mẫu đã được thử sẽ đại diện cho
độ ổn định của toàn bộ mẫu. Sự khác nhau giữa các mẫu của cùng một dược phẩm
phải đại diện cho, ví dụ: sự khác nhau về lô sản xuất, hàm lượng, cỡ đóng gói của
cùng hệ thống bao bì đóng gói, và trong một số trường hợp, có thể là sự khác hệ
thống bao bì đóng gói.
Thay đổi nhỏ (Minor Variations)
Thay đổi đối với một dược phẩm đã được cấp phép lưu hành không ảnh
hưởng tới một hoặc một số điểm sau:
- Đường dùng
- Hàm lượng, liều dùng
- Chỉ định, và
- hoạt chất
(Hồ sơ xin phép cho các thay đổi nhỏ thường phải có các dữ liệu cần thiết để
chứng minh chất lượng của công thức mới do các thay đổi mang lại)
Lô ở quy mô thử nghiệm (Pilot scale batch)
Một lô dược chất hoặc dược phẩm được sản xuất bởi một quy trình đại diện
và mô phỏng cho quy trình áp dụng ở quy mô sản xuất (Với các dạng thuốc rắn
dùng đường uống, quy mô thử nghiệm thông thường tối thiểu phải băng 1/10 quy
mô sản xuất hoặc 100.000 viên nén hoặc viên nang, tuỳ theo số lượng nào lớn hơn
trừ khi có quy định khác.
Lô đầu tiên (Primary batch)
Lô dược chất hoặc dược phẩm được dùng trong nghiên cứu độ ổn định mà các
số liệu về độ ổn định của nghiên cứu này được nộp trong hồ sơ đăng ký với mục
đích thiết lập kỳ thử nghiệm lại hoặc tuổi thọ.
(Lô đầu tiên của một dược chất ít nhất phải là lô ở quy mô thử nghiệm. Với
dược phẩm, hai trong số ba lô ít nhất phải là lô ở quy mô thử nghiệm và lô thứ ba
có thể nhỏ hơn nếu lô này đại diện cho các bước sản xuất cơ bản. Tuy nhiên, một
lô đầu tiên có thể là lô sản xuất.
Lô sản xuất (Production batch)
Lô dược chất hoặc dược phẩm được sản xuất ở quy mô sản xuất bằng cách sử
dụng các thiết bị sản xuất trong cơ sở sản xuất như mô tả trong hồ sơ đăng ký.
Thử nghiệm dài hạn (Real-time testing)
Các nghiên cứu độ ổn định ở điều kiện bảo quản đã đề xuẩt cho kỳ thử
nghiệm lại hoặc để đề xuất (hoặc phê duyệt) tuổi thọ ghi trên nhãn.
Bao bì bán thấm (semi-impermeable containers)
Bao bì cho phép dung môi, thường là nước đi qua, trong khi ngăn không làm
mất chất hoà tan.
(Cơ chế của việc vận chuyển dung môi là hấp thu lên một bề mặt bao bì,
khuếch tán vào chất liệu làm bao bì và thoát ra bề mặt kia. Sự vận chuyển là do
gradient áp suất riêng. Các ví dụ về bao bì bán thấm bao gồm các túi nhựa và túi
bán cứng bằng polyethylen tỷ trọng thấp (LDPE) dùng cho thuốc tiêm truyền thể
tích lớn (LVPs) và ống tiêm, chai và lọ thuốc tiêm bằng LDPE.
Tuổi thọ (Shelf-life, expiration dating period)
Khoảng thời gian một dược phẩm vẫn đạt các tiêu chuẩn chất lượng đã được
phê duyệt khi được bảo quản ở điều kiện ghi trên nhãn bao bì.
Tiêu chuẩn chất lượng (Specifications)
Danh mục các phép thử, tham chiếu cho các quy trình phân tích và các tiêu
chuẩn chấp nhận được biểu thị dưới dạng các giới hạn, các khoảng bằng số hoặc
các tiêu chuẩn khác cho các thử nghiệm được mô tả.
(Tiêu chuẩn chất lượng thiết lập ra tập hợp các tiêu chuẩn mà một dược chất,
dược phẩm hoặc nguyên liệu ở các giai đoạn của quá trình sản xuất phải đáp ứng
để được xem là chấp nhận được cho mục đích sử dụng. "Đạt tiêu chuẩn chất
lượng" có nghĩa là dược chất hoặc dược phẩm, khi được thử nghiệm theo các quy
trình phân tích, đạt các giới hạn cho phép. Các chỉ tiêu kỹ thuật là các tiêu chuẩn
chất lượng quan trọng do nhà sản xuất đề nghị và chứng minh, và được các cơ
quan quản lý phê duyệt.

Tiêu chuẩn chất lượng- Xuất xưởng (Specification -Release)


Tiêu chuẩn chất lượng quyết định sự phù hợp của một thành phẩm thuốc tại
thời điểm xuất xưởng của chế phẩm đó.
Tiêu chuẩn chất lượng - Tuổi thọ (Specification-Shelf life)
Tiêu chuẩn chất lượng quyết định sự thích hợp của một dược chất trong suốt
kỳ thử lại hoặc tiêu chuẩn chất lượng của một dược phẩm trong suốt tuổi thọ của
nó.
Độ ổn định (Stability)
Khả năng một hoạt chất hoặc một dược phẩm duy trì được các đặc tính của nó
ở những giới hạn đã định trong suốt tuổi thọ. (Các tính chất hoá học, vật lý, vi sinh
và sinh dược phải được xem xét).
Nghiên cứu độ ổn định (Stability studies)
Nghiên cứu ở điều kiện dài hạn và lão hoá cấp tốc (và trung gian) trên các lô
đầu tiên và/hoặc lô cam kết theo một chương trình thử nghiệm độ ổn định để thiết
lập hoặc khẳng định kỳ thử nghiệm lại của một dược chất hoặc tuổi thọ của một
dược phẩm.
Dung sai điều kiện bảo quản (Storage Condition Tolerances)
Các thay đổi chấp nhận được về nhiệt độ và độ ẩm tương đối của các thiết bị
bảo quản trong các nghiên cứu độ ổn định chính thức (Thiết bị phải có khả năng
điều chỉnh được điều kiện bảo quản trong giới hạn được nêu ra trong các hướng
dẫn hiện hành có liên quan. Nhiệt độ và độ ẩm thực - khi được điều chỉnh- phải
được giám sát trong suốt quá trình bảo quản của thử nghiệm độ ổn định. Những
biến động trong thời gian ngắn do mở cửa thiết bị bảo quản được chấp nhận vì
không thể tránh được. Ảnh hưởng của việc sai lệch do hỏng thiết bị phải được ghi
nhận và báo cáo nếu có ảnh hưởng đến các kết quả độ ổn định. Các sai lệch vượt
quá các dung sai đã đưa ra trong thời gian hơn 24 giờ phải được mô tả trong báo
cáo nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của chúng.
Thử nghiệm khắc nghiệt (dược phẩm) (Stress Testing- Drug Product)
Các nghiên cứu được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của điều kiện khắc
nghiệt lên dược phẩm. (Các nghiên cứu này bao gồm thử nghiệm độ ổn định với
ánh sáng - xem ICH Q1B- và thử nghiệm đặc hiệu cho các chế phẩm nhất định ví
dụ khí dung định liều, kem, nhũ dịch, dung dịch nước đông lạnh).
Thử nghiệm khắc nghiệt (Dược chất) (Stress Testing- Drug Substance)
Các nghiên cứu được tiến hành để làm rõ độ ổn định thực chất của một dược
chất. Thử nghiệm này là một phần của chiến lược phát triển và thông thường được
tiến hành ở các điều kiện khắc nghiệt hơn điều kiện dùng trong thử nghiệm lão hoá
cấp tốc.
Số liệu hỗ trợ (Supporting data)
Các số liệu, không phải là số liệu thu được từ nghiên cứu độ ổn định chính
thức, mà là các số liệu hỗ trợ cho các quy trình phân tích, kỳ thử nghiệm lại dự
kiến hoặc tuổi thọ, và các điều kiện bảo quản ghi trên nhãn (Các số liệu này bao
gồm (1) Số liệu độ ổn định của các lô dược chất ở giai đoạn tổng hợp đầu, lô
nguyên liệu ở quy mô nhỏ, các công thức nghiên cứu không có ý định lưu hành
trên thị trường và các công thức có liên quan, chế phẩm được trình bày trong dạng
bao bì đóng gói khác với loại lưu hành trên thị trường; (2) Các thông tin liên quan
đến các kết quả thử nghiệm trên các loại bao bì; và (3) Các cơ sở khoa học khác).
Thiết kế
Việc thiết kế nghiên cứu độ ổn định cho các chế phẩm cần được dựa trên
kiến thức về bản chất và các tính chất của dược chất và dạng bào chế.
Thử nghiệm độ ổn định đối với ánh sáng.
Thử nghiệm độ ổn định đối với ánh sáng cần được thực hiện tối thiểu với
một lô đầu tiên của thành phẩm thuốc nếu thích hợp. Những điều kiện chuẩn để thử
nghiệm độ ổn định đối với ánh sáng được mô tả trong ICH Q1B.
Lựa chọn lô thử
Vào thời điểm nộp hồ sơ đăng ký, phải cung cấp các dữ liệu thử độ ổn định
trên các lô thuốc có cùng một công thức bào chế và cùng dạng bào chế trong hệ
thống bao bì đóng gói dự kiến lưu hành trên thị trường.
- Đối với NCE, các dữ liệu độ ổn định phải được cung cấp trên ít nhất ba lô
đầu tiên.
- Đối với thuốc Generics và các thay đổi, những lựa chọn như sau sẽ được áp
dụng:
 Đối với các dạng bào chế qui ước (ví dụ: dạng thuốc rắn phóng thích
nhanh, dung dịch) và khi các dược chất là các chất bền vững, thì có thể chấp nhận
số liệu độ ổn định được thực hiện tối thiểu trên hai lô ở quy mô thử nghiệm (pilot).
 Đối với các dạng bào chế đặc biệt (ví dụ các dạng thuốc giải phóng kéo
dài) hoặc đối với các dược chất không bền vững, thì dữ liệu về độ ổn định phải
được xác định trên ba lô đầu tiên. Hai trong số ba lô đó ít nhất cũng phải ở quy mô
thử nghiệm, lô thứ ba có thể ở quy mô nhỏ hơn.
- Quy trình sản xuất đã áp dụng cho những lô đầu tiên phải là quy trình sẽ áp
dụng cho các lô sản xuất ở quy mô công nghiệp và phải cho ra sản phẩm có cùng
chất lượng và đạt cùng tiêu chuẩn chất lượng như sản phẩm dự định lưu hành.
- Khi có thể, các lô thành phẩm thuốc phải được sản xuất từ các lô nguyên
liệu dược chất khác nhau.
- Các nghiên cứu độ ổn định phải được thực hiện trên mỗi hàm lượng và mỗi
cỡ đóng gói của thành phẩm thuốc, trừ khi áp dụng thiết kế phân cực (ô trống)
hoặc ma trận.
Có thể cung cấp các dữ liệu hỗ trợ khác.
Tiêu chuẩn chất lượng (Chỉ tiêu thử nghiệm)
Tiêu chuẩn chất lượng là danh sách các thử nghiệm, với phương pháp kiểm
nghiệm kèm theo và các giới hạn chấp nhận bao gồm khái niệm các giới hạn chấp
nhận khác nhau đối với tiêu chuẩn chất lượng khi xuất xưởng và tiêu chuẩn chất
lượng tuổi thọ.
Nghiên cứu độ ổn định phải bao gồm việc thử nghiệm các đặc tính của thành
phẩm thuốc dễ thay đổi trong quá trình bảo quản và có thể ảnh hưởng đến chất
lượng, độ an toàn và/hoặc hiệu lực. Các thử nghiệm, nếu phù hợp, phải bao gồm
các đặc tính vật lý, hoá học, sinh học, vi sinh học, hàm lượng chất bảo quản (ví dụ
chất chống oxy hoá, chất kháng khuẩn) và các thử nghiệm chức năng (ví dụ với hệ
cung cấp thuốc). Quy trình phân tích phải được thẩm định đầy đủ và biểu thị được
độ ổn định theo hướng dẫn của ASEAN về thẩm định phương pháp phân tích. Việc
có phải lặp lại hay không và lặp lại ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào các kết quả từ
các nghiên cứu thẩm định.

Danh mục các chỉ tiêu thử nghiệm cho mỗi dạng bào chế được liệt kê sau đây
được xem là hướng dẫn về các loại thử nghiệm phải được thực hiện trong một
nghiên cứu độ ổn định. Nhìn chung, đối với tất cả các dạng bào chế, cần phải đánh
giá: hình thức, hàm lượng và các sản phẩm phân huỷ. Với các thuốc Generic, sản
phẩm phân huỷ phải được giới hạn theo quy định của dược điển.
Danh mục các thử nghiệm đưa ra dưới đây đối với mỗi dạng bào chế không
hẳn là toàn diện hoặc cũng không có nghĩa là mọi thử nghiệm đã liệt kê đều phải
đưa vào quy trình theo dõi độ ổn định đối với từng thuốc cụ thể (ví dụ: thử nghiệm
về mùi chỉ nên tiến hành khi cần thiết và suy xét đến tính an toàn cho người phân
tích).
Hơn nữa, cũng không có nghĩa là mọi thử nghiệm đã liệt kê đều phải thực
hiện tại mọi thời điểm theo dõi.
Hướng đặt chế phẩm khi bảo quản, như để thẳng đứng hay lật ngược, cần ghi
rõ trong đề cương thử nếu có sự thay đổi của hệ thống bao bì đóng gói.
Viên nén cần đánh giá về: hình thức viên, mùi, màu sắc, định lượng, các
sản phẩm phân huỷ, độ hoà tan, độ ẩm và độ cứng/ độ bở.
Nang gelatin cứng cần đánh giá về hình thức (kể cả sự rạn nứt), màu sắc,
mùi của phần chứa trong nang, định lượng, các sản phẩm phân huỷ, độ hoà tan, độ
ẩm và độ nhiễm khuẩn.
Thử nghiệm đối với nang mềm gelatin cần đánh giá về hình thức nang,
màu sắc, mùi của phần chứa trong nang, định lượng, các sản phẩm phân huỷ, độ
hoà tan, độ nhiễm khuẩn, pH, độ rò rỉ, và sự hình thành màng. Thêm vào đó, cần
kiểm tra sự kết tủa hay vẩn đục của thuốc đóng trong nang.
Nhũ tương: Việc đánh giá cần bao gồm hình thức (kể cả sự tách pha), màu sắc,
mùi, định lượng, các sản phẩm phân huỷ, pH, độ nhớt, giới hạn nhiễm khuẩn, hàm
lượng chất bảo quản, kích thước trung bình và sự phân bố của giọt nhũ tương.
Dung dịch và hỗn dịch uống: Việc đánh giá cần bao gồm hình thức (kể cả sự hình
thành kết tủa, độ trong của dung dịch), màu sắc, mùi, định lượng, các sản phẩm
phân huỷ, pH, độ nhớt, giới hạn nhiễm khuẩn và hàm lượng chất bảo quản.
Thêm vào đó, đối với hỗn dịch cần đánh giá khả năng tái phân tán, các tính
chất lưu biến, kích thước trung bình và sự phân bố của các tiểu phân. Sau khi bảo
quản, mẫu của các hỗn dịch cần được chuẩn bị theo chỉ dẫn ghi trên nhãn (chẳng
hạn như lắc kỹ trước khi tiến hành định lượng).
Bột pha thành dạng lỏng khi uống: Bột pha thành dạng lỏng khi uống cần được
đánh giá về hình thức, màu sắc, mùi, định lượng, các sản phẩm phân huỷ, độ ẩm,
và thời gian pha thành dạng lỏng.
Các sản phẩm đã pha thành dạng lỏng (dung dịch và hỗn dịch) cần đánh giá như đã
nêu ở mục Dung Dịch và Hỗn Dịch Uống sau khi chuẩn bị như đã ghi trên nhãn
trong suốt thời gian sử dụng tối đa đã được ấn định.
Thuốc hít có van định liều và thuốc phun mù qua mũi: Thuốc hít có van định liều
và thuốc phun mù qua mũi cần được đánh giá về hình thức (bao gồm chất
chứa bên trong, bình/ống chứa thuốc, van và các thành phần của nó), màu sắc,
vị, định lượng, các sản phẩm phân huỷ, định lượng đồng dung môi (nếu có
dùng), độ đồng đều hàm lượng phân liều, số lần ấn van một bình thuốc theo
ghi trên nhãn đạt được độ đồng đều hàm lượng phân liều, phân bố kích thước
tiểu phân khí lực học, đánh giá bằng kính hiển vi, hàm lượng nước, tốc độ rò
rỉ, giới hạn nhiễm khuẩn, sự phân phối thuốc của van (khối lượng thuốc được
phun ra), các chất chiết/chất thôi ra từ các thành phần làm bằng chất dẻo và
cao su. Các mẫu thử nghiệm cần được bảo quản cả theo hướng thẳng đứng và
hướng lật ngược/nằm ngang.
Đối với thuốc phun mù dạng hỗn dịch, hình thức các bộ phận của van và chất chứa
trong bình cần được đánh giá bằng kính hiển vi đối với các tiểu phân lớn và sự
thay đổi hình thái bề mặt tiểu phân dược chất, mức độ kết tụ, sự hình thành tinh
thể, cũng như tiểu phân lạ.

Những tiểu phân đó có thể gây tắc van hoặc làm cho sự phân liều không lặp lại. Sự
ăn mòn mặt trong bình chứa hoặc sự thoái hoá của vòng đệm có thể ảnh hưởng
không tốt đến chế phẩm thuốc.
Thuốc xịt mũi: Dung dịch và hỗn dịch
Đánh giá độ ổn định của dung dịch hay hỗn dịch thuốc xịt mũi có gắn bơm định
liều cần bao gồm: hình thức, màu sắc, độ trong đối với dung dịch, định lượng, các
sản phẩm phân huỷ, hàm lượng chất bảo quản và chất chống oxy hoá, giới hạn
nhiễm khuẩn, pH, tiểu phân lạ, độ đồng nhất về hàm lượng dược chất mỗi lần xịt,
số lần xịt đạt sự đồng nhất về lượng xịt ra của một đơn vị đóng gói, sự phân bố
kích thước giọt và/hoặc tiểu phân, sự giảm khối lượng, sự phân phối của bơm, soi
kính hiển vi (đối với hỗn dịch), kích thước tiểu phân lạ, các chất chiết /chất thôi ra
từ các thành phần của bao bì, nắp, bơm bằng chất dẻo và cao su.
Các chế phẩm dùng tại chỗ, thuốc nhãn khoa và tai: Nhóm này bao gồm các thuốc
mỡ, kem, lotion, bột nhão, gel, dung dịch và thuốc phun mù không phân liều dùng
trên da.
Các chế phẩm dùng tại chỗ cần được đánh giá về hình thức, độ trong, màu sắc, độ
đồng nhất, mùi, pH, khả năng phân tán lại (đối với lotion), độ đặc, độ nhớt, phân
bố kích thước tiểu phân (đối với hỗn dịch, khi có thể), định lượng, các sản phẩm
phân huỷ, nồng độ chất bảo quản và chất chống oxy hoá (nếu có), giới hạn nhiễm
khuẩn/độ vô khuẩn và giảm khối lượng (khi thích hợp).
Việc đánh giá đối với các chế phẩm thuốc nhãn khoa hoặc tai (như kem, thuốc
mỡ, dung dịch và hỗn dịch) cần tiến hành thêm các chỉ tiêu sau: độ vô khuẩn, tiểu
phân lạ và các chất chiết được.
Việc đánh giá các thuốc phun mù không phân liều dùng tại chỗ cần bao gồm:
hình thức, định lượng, các sản phẩm phân huỷ, áp suất, sự giảm khối lượng, khối
lượng thực được phun ra, tốc độ phun, giới hạn nhiễm khuẩn, kiểu xịt, hàm lượng
nước, và phân bố kích thước tiểu phân (đối với hỗn dịch)
Thuốc đạn cần đánh giá về hình thức, màu sắc, định lượng, các sản phẩm
phân huỷ, kích thước tiểu phân, khoảng nhiệt độ biến dạng, độ hoà tan (ở 37 0C) và
giới hạn nhiễm khuẩn.
Thuốc tiêm thể tích nhỏ (SVPs): Thuốc tiêm thể tích nhỏ bao gồm một loạt
các chế phẩm tiêm như thuốc tiêm, thuốc để pha tiêm, hỗn dịch thuốc tiêm, thuốc
để pha hỗn dịch tiêm và nhũ tương tiêm.
Đánh giá các chế phẩm thuốc tiêm cần bao gồm: hình thức, độ trong,
màu sắc, định lượng, hàm lượng chất bảo quản (nếu có), các sản phẩm phân huỷ,
tiểu phân lạ, pH, độ vô khuẩn và chí nhiệt tố/nội độc tố.
Nghiên cứu độ ổn định đối với các chế phẩm thuốc để pha tiêm cần tiến
hành: hình thức, màu sắc, thời gian pha lại, và hàm ẩm. Cũng cần đánh giá độ ổn
định của các chế phẩm thuốc sau khi pha theo như hướng dẫn trên nhãn. Những
thông số đặc trưng cần được kiểm tra vào những khoảng thời gian thích hợp trong
thời hạn sử dụng tối đa đã được ấn định của chế phẩm đã pha, được bảo quản đúng
điều kiện đã ghi trên nhãn, nên bao gồm: hình thức, độ trong, mùi, màu sắc, pH,
định lượng (hiệu lực), chất bảo quản (nếu có), các sản phẩm phân huỷ/khối kết tủa,
độ vô khuẩn, chí nhiệt tố/ nội độc tố và tiểu phân lạ.
Ngoài các thống số như đã nêu ở mục thuốc tiêm và thuốc để pha tiêm,
việc nghiên cứu độ ổn định đối với hỗn dịch thuốc tiêm và thuốc để pha hỗn dịch
tiêm cần theo dõi thêm: phân bố kích thước tiểu phân, khả năng phân tán lại và tính
chất lưu biến.
Nghiên cứu độ ổn định của các chế phẩm nhũ tương thuốc tiêm, ngoài
các thông số như đã nêu đối với thuốc tiêm, cần tiến hành theo dõi thêm: sự tách
pha, độ nhớt, kích thước giọt trung bình và sự phân bố của pha phân tán.
Thuốc tiêm thể tích lớn (LVPs): Đánh giá các chế phẩm thuốc tiêm thể tích
lớn cần bao gồm: hình thức, màu sắc, định lượng, hàm lượng chất bảo quản (nếu
có), các sản phẩm phân huỷ, kích thước tiểu phân, pH, độ vô khuẩn, chí nhiệt tố/
nội độc tố, độ trong và thể tích.
Hợp dịch thuốc: Đối với bất kỳ chế phẩm thuốc nào hoặc chất pha loãng nào
định dùng để thêm vào chế phẩm thuốc khác rất có thể xảy ra tương kỵ. Trong
những trường hợp như vậy, chế phẩm thuốc đã ghi nhãn là được dùng bằng cách
thêm vào chế phẩm thuốc khác (như thuốc tiêm, dung dịch xông hít) cần phải đánh
giá về độ ổn định và mức độ tương hợp trong hợp dịch với các chế phẩm thuốc
khác hoặc với chất pha loãng cả khi để theo chiều thẳng đứng và chiều lật
ngược/nằm ngang, nếu được cảnh báo.
Quy trình thử độ ổn định với các thử nghiệm thích hợp cần được tiến hành
vào các thời điểm 0, 6 đến 8 và 24 giờ hoặc phù hợp với khoảng thời gian sử dụng
đã dự kiến ở nhiệt độ bảo quản/ sử dụng đã nêu. Các thử nghiệm cần thực hiện là
hình thức, màu sắc, độ trong, định lượng, sản phẩm phân huỷ, pH, kích thước tiểu
phân, tương tác với bao bì/nắp đậy/dụng cụ và độ vô khuẩn. Cũng có thể đưa ra số
liệu hỗ trợ thích hợp thay cho việc đánh giá về sự phân huỷ bởi ánh sáng.
Miếng dán dùng qua da: Đối với các sản phẩm dán trực tiếp vào da với mục
đích khuếch tán liên tục một dược chất vào trong da qua lớp biểu bì, nghiên cứu độ
ổn định cần được tiến hành: hình thức, định lượng, sản phẩm phân huỷ, tốc độ giải
phóng in vitro, độ rò rỉ, giới hạn nhiễm khuẩn/độ vô khuẩn, lực tháo và dính, và
tốc độ giải phóng thuốc.
Các sản phẩm đông khô: Hình thức của cả chế phẩm đông khô và sản phẩm
thuốc pha lại, định lượng, sản phẩm phân huỷ, pH, hàm lượng nước và tốc độ tạo
thành dung dịch.
Tần số thử nghiệm
Khi nghiên cứu dài hạn, tần số thử nghiệm phải đủ để thiết lập tính ổn định
của thành phẩm thuốc. Tần số thử nghiệm ở điều kiện bảo quản dài hạn thông
thường là 3 tháng một lần trong năm đầu tiên và 6 tháng một lần trong năm thứ 2,
và một năm một lần cho các năm sau đó đến hết tuổi thọ dự kiến.
Ở điều kiện bảo quản lão hoá cấp tốc, tối thiểu là 3 thời điểm, kể cả thời
điểm đầu và thời điểm kết thúc (có nghĩa là 0, 3, và 6 tháng) đối với thời gian thử
nghiệm là 6 tháng. Trong trường hợp (dựa trên kinh nghiệm phát triển) các kết quả
nghiên cứu lão hoá cấp tốc cho thấy có sự biến đổi đáng kể của các chỉ tiêu theo
dõi, cần thực hiện thêm thử nghiệm bằng cách thêm một số mẫu ở thời điểm kết
thúc hoặc bằng cách thêm thời điểm thứ tư vào thiết kế nghiên cứu.
Các thiết kế rút gọn, như thiết kế ma trận hoặc phân cực, trong đó tần số thử
nghiệm được giảm đi hoặc không nhất nhiết phải kết hợp tất cả các yếu tố trong
thử nghiệm, có thể được áp dụng, nếu phù hợp; xem phụ lục 5.3.

Điều kiện bảo quản Các chế phẩm Tần số thử nghiệm
Điều kiện dài hạn NCE, Generics và 0, 3, 6, 9, 12, 18, 24
(Real Time) các thay đổi (MaV và tháng, hàng năm cho đến
MiV) hết hạn dùng đề xuất
Lão hoá Cấp tốc NCE, Generics, và 0, 3, và 6 tháng
(Accelerated) các thay đổi (MaV và
MiV)
Thay thế nghiên cứu Generics, và các 0, 1, và 3 tháng
lão hoá cấp tốc thay đổi (MaV và MiV)
(Alternatives to
accelerated study)

Điều kiện bảo quản


Trường hợp chung
Nói chung, một thành phẩm thuốc phải được đánh giá dưới những điều kiện
bảo quản (với sự dao động thích hợp) cho phép đánh giá về tính ổn định với nhiệt
và nếu có thể, độ nhạy cảm với ẩm hoặc khả năng mất dung môi của chế phẩm.
Các điều kiện bảo quản và thời gian nghiên cứu đã chọn phải phù hợp việc bảo
quản, chuyên chở và sử dụng sau đó (ví dụ sau khi pha hoặc sau khi pha loãng như
đã ghi ở trên nhãn).
 Thử nghiệm độ ổn định của thành phẩm sau khi pha lại hoặc sau khi pha
loãng, nếu áp dụng phải được thực hiện để cung cấp thông tin cho việc ghi nhãn
của chế phẩm về cách pha, về điều kiện bảo quản, khoảng thời gian sử dụng của
sản phẩm sau khi đã pha lại hoặc sau khi đã pha loãng. Thử nghiệm này phải được
thực hiện trên sản phẩm đã pha lại hoặc đã pha loãng với khoảng thời gian sử dụng
dự kiến dựa trên các lô đầu tiên như là một phần của các nghiên cứu độ ổn định ở
thời điểm đầu và ở thời điểm kết thúc, hoặc thời điểm nghiên cứu cuối cùng nếu số
liệu nghiên cứu độ ổn định trong điều kiện dài hạn chưa có được khi nộp hồ sơ
đăng ký . Nói chung, thử nghiệm này không cần làm lại trên các lô cam kết.
 Nghiên cứu độ ổn định được thực hiện ở điều kiện bảo
quản như sau:
Loại bao bì/nghiên cứu Điều kiện bảo quản
Các chế phẩm chứa trong Nhiệt độ 30 0C + 20C,
bao bì sơ cấp thấm hơi nước Độ ẩm tương đối 75% + 5%
Các chế phẩm chứa trong Nhiệt độ 30 0C + 20C
bao bì không thấm hơi nước không cần chỉ rõ độ ẩm tương đối
Nghiên cứu cấp tốc Nhiệt độ 40 0C + 20C
Độ ẩm tương đối 75% + 5%
Nghiên cứu khắc nghiệt Nhiệt độ 40 0C + 20C
* Độ ẩm tương đối 75% + 5%
*) Nghiên cứu khắc nghiệt là cần thiết để thẩm định phương pháp phân tích,
xây dựng công thức bào chế, xác định và kiểm soát các chất phân huỷ có thể có
trong thử nghiệm độ ổn định.
Thử nghiệm ở điều kiện dài hạn phải được tiếp tục theo dõi với chu kỳ thử
nghiệm thích hợp trong khoảng thời gian dài hơn 12 tháng đủ bao phủ tuổi thọ.
Có thể sử dụng số liệu thu được từ điều kiện bảo quản lão hoá cấp tốc để đánh
giá ảnh hưởng của việc vận chuyển trong thời gian ngắn ở điều kiện vượt ra ngoài
điều kiện bảo quản đã ghi trên nhãn (chẳng hạn điều kiện có thể xảy ra khi chuyên
chở bằng tàu biển).
 Nếu các số liệu trong hồ sơ đăng ký thuốc dựa trên các điều kiện ít khắc
nghiệt hơn điều kiện yêu cầu (ví dụ nhiệt độ 30 0C/ độ ẩm tương đối 65%) thì cần
phải bổ sung thêm các số liệu thích hợp để tiến hành các đánh giá khoa học phù
hợp. Các yếu tố cần cân nhắc sẽ bao gồm:
- Có quan sát thấy sự không ổn định nào không;
- Có cung cấp các dữ liệu ở điều kiện lão hoá cấp tốc không;
- Có cần thiết dùng bao bì có tính bảo vệ tốt hơn không.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, các cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia sẽ
quyết định không đưa ra tuổi thọ và yêu cầu đưa thêm dữ liệu trước khi phê duyệt
chế phẩm hoặc đưa ra tuổi thọ dựa trên các chứng minh về mặt kỹ thuật và yêu cầu
cơ sở đăng ký cam kết sẽ đưa ra thêm số liệu ở điều kiện mới như trong hướng dẫn
(nhiệt độ 300C/ độ ẩm tương đối 75% hoặc nhiệt độ 40 0C/ độ ẩm tương đối 75%,
hoặc cả hai) sau một thời gian nhất định.
Có thể thêm một hướng dẫn thích hợp trên nhãn như "Bảo quản dưới 30 0C và
tránh ẩm"
Các số liệu thu thập thêm trong thời gian xem xét cấp đăng ký phải được trình
lên cơ quan có thẩm quyền nếu được yêu cầu.
Các điều kiện bảo quản khác có thể cho phép nếu có lý do chính đáng, ví dụ
như các trường hợp dưới đây:
-Các dược phẩm nhạy cảm với nhiệt phải được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ
thấp hơn và nhiệt độ đó chính là nhiệt độ bảo quản dài hạn được chọn lựa.
*Đối với dược phẩm có các thành phần hoạt chất kém bền và các công thức
không thích hợp cho việc nghiên cứu thực nghiệm khi bảo quản ở nhiệt độ nâng
cao (ví dụ các thuốc đạn) thì cần nghiên cứu độ ổn định ở điều kiện dài hạn trong
thời gian dài hơn.
-Cần xem xét đặc biệt đối với các chế phẩm có biến đổi về vật lý hoặc thậm
chí cả về hoá học ở điều kiện nhiệt độ bảo quản thấp hơn, ví dụ như hỗn dịch hoặc
nhũ tương có thể lắng cặn hoặc tách kem, dầu và các chế phẩm bán rắn có thể có
độ nhớt tăng cao.
*Khi áp dụng điều kiện nhiệt độ thấp hơn, thì thử nghiệm lão hoá cấp tốc
trong 6 tháng phải được tiến hành ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ bảo quản thực đã
chọn tối thiểu là 15 0C (và điều kiện về độ ẩm tương đối phù hợp với nhiệt độ đó).
Ví dụ, Một chế phẩm được bảo quản dài hạn ở điều kiện lạnh, thì thử nghiệm lão
hoá cấp tốc phải được thực hiện ở nhiệt độ 25 0C + 2 0C, độ ẩm tương đối là 60% +
5%. Các điều kiện thực của thử nghiệm đã lựa chọn phải được phản ánh trên nhãn
và tuổi thọ (ngày hết hạn).

Đối với các thành phẩm thuốc NCE


Khoảng thời gian tối Số lô thử
Nghiên cứu Điều kiện bảo quản thiểu của dữ liệu khi (Xem phần
nộp hồ sơ đăng ký "Chọn lô")
0 0
Điều kiện dài Nhiệt độ 30 C + 2 C 12 tháng Tối thiểu 3
Độ ẩm tương đối 75% +
hạn
5%
Nhiệt độ 40 0C + 2 0C
Lão hoá cấp
Độ ẩm tương đối 75% + 6 tháng Tối thiểu 3
tốc
5%

Đối với thuốc Generics và các thay đổi (Thay đổi lớn MaV và thay đổi nhỏ
MiV)

Nghiên cứu Điều kiện bảo quản Khoảng thời gian Số lô thử (Xem
tối thiểu của dữ phần "Chọn
liệu khi nộp hồ lô")
sơ đăng ký
0 0
Điều kiện dài Nhiệt độ 30 C + 2 C 12 tháng Tối thiểu 2 lô
hạn Độ ẩm tương đối 75% + đối với dạng
5% bào chế qui ước
và dược chất
bền vững
12 tháng Tối thiểu 3 lô
đối với dạng
bào chế đặc biệt
hoặc dược chất
kém bền vững
0 0
Lão hoá cấp tốc Nhiệt độ 40 C + 2 C 6 tháng Tối thiểu 2 lô
Độ ẩm tương đối 75% +
5%

Các thành phẩm thuốc dự kiến bảo quản trong tủ lạnh


Nghiên cứu Điều kiện bảo quản Khoảng thời gian tối Số lô thử
thiểu của dữ liệu khi (Xem phần
nộp hồ sơ đăng ký "Chọn lô")
0 0
Điều kiện dài Nhiệt độ 5 C + 3 C 12 tháng Tối thiểu 3 lô
hạn
Lão hoá cấp tốc Nhiệt độ 25 0C + 2 0C 6 tháng Tối thiểu 3 lô
Độ ẩm tương đối 60% +
5%

Nếu thành phẩm thuốc được đóng gói trong bao bì bán thấm, phải cung cấp
thông tin phù hợp để đánh giá mức mất nước. Các số liệu theo dõi khi bảo quản
lạnh cần được đánh giá theo phần đánh giá của hướng dẫn này, trừ các trường hợp
được ghi rõ dưới đây:
Nếu có "biến đổi đáng kể" xảy ra trong trong vòng 3 đến 6 tháng khi thử
nghiệm ở điều kiện lão hoá cấp tốc, thì tuổi thọ dự kiến nên dựa trên các số liệu thu
được khi bảo quản ở điều kiện dài hạn.
Nói chung, “biến đổi đáng kể” đối với một thành phẩm thuốc được định nghĩa
như sau:
1. Hàm lượng giảm 5% so với giá trị ban đầu hoặc không đạt giới hạn cho
phép;
2. Có bất kỳ sản phẩm phân huỷ nào đó vượt quá giới hạn cho phép;
3. Không đạt các chỉ tiêu về hình thức, tính chất vật lý và các thử nghiệm
chức năng (ví dụ như màu sắc, tách pha, khả năng tái phân tán, đóng bánh, độ
cứng, phân phối liều mỗi lần xịt), tuy nhiên, một vài biến đổi về tính chất vật lý (ví
dụ như thuốc đạn bị mềm, kem bị chảy) có thể gặp ở điều kiện lão hoá cấp tốc thì
được xem như là bình thường đối với các dạng bào chế này.
4. Không đạt giới hạn cho phép về pH;
5. Không đạt giới hạn về độ hoà tan đối với 12 đơn vị phân liều (nang cứng
hoặc viên nén)
Nếu “biến đổi đáng kể” xảy ra trong vòng 3 tháng đầu của thử nghiệm ở điều
kiện bảo quản lão hoá cấp tốc, thì cần có sự bàn luận để chỉ rõ ảnh hưởng của việc
chuyên chở ngắn ngày trong nhưng điều kiện vượt ra ngoài điều kiện bảo quản đã
ghi trên nhãn, ví dụ như trong khi chuyên chở bằng tàu biển hoặc bốc dỡ. Nếu phù
hợp, thì việc bàn luận này có thể được làm rõ hơn bằng cách thử nghiệm thêm trên
một lô thành phẩm đơn trong khoảng thời gian dưới 3 tháng nhưng với tần số thử
nghiệm nhiều hơn bình thường. Không cần tiếp tục thử nghiệm thành phẩm thuốc
suốt 6 tháng khi mà “biến đổi đáng kể” đã xuất hiện trong vòng 3 tháng đầu tiên.
Cách làm này có thể áp dụng cho các chế phẩm thuốc như thuốc mỡ, kem
hoặc thuốc đạn là những chế phẩm không thể thử nghiệm ở điều kiện lão hoá cấp
tốc và chỉ yêu cầu thử nghiệm ở điều kiện thực.
Các thành phẩm thuốc dự kiến bảo quản đông lạnh
Nghiên cứu Điều kiện bảo quản Khoảng thời gian tối thiểu
của dữ liệu khi nộp hồ sơ
đăng ký
0 0
Điều kiện dài hạn -20 C + 5 C 12 tháng

Đối với các thành phẩm thuốc dự kiến bảo quản đông lạnh, tuổi thọ nên dựa
trên các dữ liệu ở điều kiện thực và bảo quản dài hạn. Do không có số liệu ở điều
kiện bảo quản lão hoá cấp tốc đối với các thành phẩm thuốc dự định bảo quản đông
lạnh, thử nghiệm trên một lô ở một nhiệt độ nâng cao (ví dụ 5 0C + 3 0C hoặc 250C
+ 2 0C) trong một khoảng thời gian thích hợp cần được thực hiện để chỉ rõ ảnh
hưởng của việc chuyên chở ngắn ngày trong những điều kiện vượt ra ngoài điều
kiện bảo quản đã ghi trên nhãn.
Các thành phẩm thuốc dự kiến bảo quản dưới - 20 0C
Các chế phẩm thuốc dự kiến bảo quản dưới - 20 0C cần được xử lý dựa trên
cơ sở từng trường hợp.
Hệ thống bao bì đóng gói
Thử nghiệm độ ổn định phải tiến hành đối với dạng bào chế đã đóng gói
trong bao bì dự kiến sẽ bán ra thị trường (bao gồm cả bao bì thứ cấp và nhãn bao
bì). Bất kỳ các thử nghiệm nào đã tiến hành trên sản phẩm không đóng trong bao bì
trực tiếp hoặc trong các vật liệu bao bì khác có thể lập thành một phần của thử
nghiệm khắc nghiệt của dạng bào chế hoặc có thể được xem xét như là các thông
tin hỗ trợ tương ứng.
Khi sử dụng bao bì hút ẩm để đóng gói, cần phải cân nhắc độ ổn định của chất
đựng bên trong dưới điều kiện độ ẩm cao. Độ ẩm có thể có các ảnh hưởng không
mong muốn đến độ ổn định hoá học (ví dụ một số kháng sinh có thể bị thuỷ phân)
và độ ổn định vật lý (ví dụ tốc độ hoà tan có thể thay đổi).
Cần chú ý đến khả năng thấm khác nhau của các loại nguyên liệu bao bì khác
nhau, từ đó cần phải cụ thể hoá các thông số như độ dày của nguyên liệu và hệ số
thấm.
Nói chung các loại bao bì được coi là không có khả năng hút ẩm bao gồm ống
tiêm thuỷ tinh, vỉ nhôm/nhôm, chai polyethylene tỷ trọng cao (HDPE) hoặc chai
thuỷ tinh với nút kim loại hoặc HDPE.
Ảnh hưởng của độ ẩm cao lên dạng bào chế rắn đóng gói trong bao bì có khả
năng hút ẩm phải được chứng minh bằng số liệu. Các ví dụ về bao bì có khả năng
hút ẩm gồm vỉ polyvinyl chlorid (PVC), chai polyethylen tỷ trọng thấp (LDPE),
chai polyethylene tỷ trọng cao (HDPE) hoặc thuỷ tinh với nút polypropylen.
Các thông số yêu cầu để phân loại nguyên liệu bao bì là thấm hay không thấm
phụ thuộc vào tính chất nguyên liệu làm bao bì như độ dày và hệ số thấm. Sự thích
hợp của nguyên liệu làm bao bì cho một sản phẩm đặc biệt được xác định bởi tính
chất của sản phẩm. Một ví dụ về loại, độ dày và hệ số thấm của nguyên liệu làm
bao bì được trình bày trong phụ lục 5.5.
Đánh giá
Cần có một phương pháp hệ thống trong việc trình bày và đánh giá thông tin
về độ ổn định, các thông tin cần có là kết quả từ các thử nghiệm vật lý, hoá học và
vi sinh, bao gồm cả các chỉ tiêu đặc biệt của từng dạng bào chế (ví dụ tốc độ hoà
tan đối với các dạng thuốc rắn dùng đường uống).
Mục đích của nghiên cứu độ ổn định là dựa trên thử nghiệm tối thiểu với 2
hoặc 3 lô thành phẩm thuốc để xác lập tuổi thọ, và ghi hướng dẫn bảo quản trên
nhãn áp dụng cho tất cả các lô thành phẩm thuốc sau này được sản xuất và đóng
gói dưới những điều kiện tương tự như các lô thử. Mức độ sai khác giữa các lô có
ảnh hưởng đến độ tin cậy rằng một lô sản phẩm tương lai sẽ vẫn đạt các tiêu chuẩn
chất lượng trong suốt tuổi thọ của sản phẩm.
Các nghiên cứu đơn yếu tố so với đa yếu tố và nghiên cứu thiết kế đầy đủ so
với thiết kế rút gọn có cùng khái niệm cơ bản trong việc đánh giá số liệu độ ổn
định. Đánh giá số liệu từ các nghiên cứu độ ổn định và nếu cần thì sử dụng các số
liệu hỗ trợ để xác định các chỉ tiêu chất lượng quan trọng có thể ảnh hưởng tới chất
lượng và hiệu quả của thành phẩm thuốc. Mỗi một chỉ tiêu cần đánh giá riêng biệt
và đánh giá tổng thể để dự kiến tuổi thọ. Tuổi thọ dự kiến của thành phẩm không
được vượt quá tuổi thọ dự đoán tính theo từng chỉ tiêu đơn lẻ.
Nói chung, các chỉ tiêu hoá học định lượng được (ví dụ như hàm lượng, các
sản phẩm phân huỷ, hàm lượng chất bảo quản) đối với một thành phẩm thuốc có
thể được giả định là tuân theo phương trình động học bậc 0 trong suốt thời gian
bảo quản dài hạn. Vì vậy, các kết quả này tuân theo hồi quy tuyến tính. Mặc dù
động học của một số chỉ tiêu định lượng khác (ví dụ: pH, độ hoà tan) nói chung
không được biết nhưng vẫn có thể áp dụng cùng loại phân tích thống kê. Kết quả
phân tích các chỉ tiêu định tính và vi sinh không tuân theo loại phân tích thống kê
này.
Khi các kết quả thử độ ổn định dài hạn và lão hoá cấp tốc của một chỉ tiêu cho
thấy chỉ tiêu này ít hoặc không biến đổi theo thời gian và ít hoặc không sai khác,
điều đó có thể cho thấy là thành phẩm thuốc vẫn còn đạt trong phạm vi tiêu chuẩn
cho phép đối với chỉ tiêu đó trong thời gian của tuổi thọ dự kiến. Trong những
trường hợp đó, thường không cần thiết phải xử lý thống kê, nhưng cần giải thích.
Sự giải thích có thể bao gồm việc bàn luận về cơ chế phân huỷ hoặc không có sự
phân huỷ, sự liên quan của các dữ liệu lão hoá cấp tốc, cân bằng khối và/hoặc các
số liệu hỗ trợ khác.
Nếu được, nên sử dụng một phương pháp thống kê thích hợp để phân tích các
dữ liệu độ ổn định dài hạn. Mục đích của việc phân tích này là để xác định tuổi thọ
với độ tin cậy cao, mà trong thời gian đó một chỉ tiêu định lượng của tất cả các lô
thuốc sẽ sản xuất, đóng gói và bảo quản như lô thử, vẫn đáp ứng các chỉ tiêu chất
lượng đã được quy định trong tiêu chuẩn chất lượng. Phương pháp này cũng phải
được áp dụng cho những lô cam kết để thẩm tra hoặc kéo dài tuổi thọ đã được
chính thức phê duyệt.
Phân tích hồi quy được xem là một phương pháp thích hợp để đánh giá dữ
liệu độ ổn định đối với một chỉ tiêu định lượng và để xác định tuổi thọ. Bản chất
của mối quan hệ giữa một chỉ tiêu và thời gian sẽ xác định có nên đánh giá các dữ
liệu bằng phân tích hồi quy tuyến tính hay không. Thường thì mối quan hệ đó có
thể biểu diễn bằng một hàm số tuyến tính hoặc không tuyến tính theo thang số học
hoặc thang logarit. Đôi khi một đường hồi quy không tuyến tính có thể lại phản
ánh tốt hơn mối quan hệ thực.
Một phương pháp thích hợp để ước tính tuổi thọ là phân tích một chỉ tiêu định
lượng bằng cách xác định thời gian sớm nhất mà tại đó giá trị trung bình ở mức tin
cậy 95 % dao động quanh đường cong hồi quy cắt ngang qua đường giới hạn chỉ
tiêu chấp nhận dự kiến.
Đối với một chỉ tiêu đã biết là giảm đi theo thời gian, thì nên so sánh với giới
hạn dưới của tiêu chí chấp nhận ở mức tin cậy 95%. Đối với một thuộc tính đã biết
là tăng lên theo thời gian thì nên so sánh với giới hạn trên của tiêu chí chấp nhận ở
mức tin cậy 95%. Đối với một thuộc tính có thể tăng hoặc giảm hoặc không biết
hướng biến đổi của nó thì so sánh với cả giới hạn trên và giới hạn dưới của các tiêu
chí chấp nhận ở mức tin cậy 95%.
Nếu kết quả phân tích cho thấy sự khác biệt giữa các lô là nhỏ, thì sẽ thuận lợi
để tổ hợp các dữ liệu thành một ước tính chung. Khi đó có thể áp dụng phép tính
thống kê thích hợp (ví dụ giá trị p đối với mức có ý nghĩa để loại trừ lớn hơn 0,25)
đôi với độ dốc của đường thẳng hồi quy và giá trị chặn tại thời điểm 0 cho các lô
riêng rẽ. Nếu việc kết hợp các dữ liệu của một vài lô là không thích hợp, thì tuổi
thọ chung cần dựa trên thời gian tối thiểu mà một lô vẫn đạt yêu cầu trong phạm vi
các tiêu chí chấp nhận.
Cần xem xét không chỉ về hàm lượng mà cả các sản phẩm phân huỷ và các
chỉ tiêu thích hợp khác trong việc đánh giá độ ổn định. Trong trường hợp cần thiết,
cần tập trung để xem lại đầy đủ cân bằng khối, độ ổn định khác và mức độ phân
huỷ hoạt chất.
Phương pháp tính thống kê dùng để phân tích dữ liệu phải phù hợp với thiết
kế nghiên cứu độ ổn định để đưa ra một kết luận thống kê có giá trị cho việc ước
tính tuổi thọ. Phương pháp đã mô tả trên có thể được sử dụng để ước tính tuổi thọ
cho một lô đơn lẻ hoặc cho nhiều lô kết hợp sau khi đánh giá bằng một phương
pháp thống kê thích hợp.
Cam kết về độ ổn định
Khi dữ liệu về độ ổn định ở điều kiện thực của các lô đầu tiên không đủ thời
gian của tuổi thọ dự kiến được phê duyệt tại thời điểm cấp phép lưu hành, cần có
một cam kết tiếp tục nghiên cứu độ ổn định sau khi được cấp phép lưu hành để xác
định chắc chắn tuổi thọ.
Nếu trong hồ sơ đăng ký đã có các số liệu về độ ổn định ở điều kiện thực của
ít nhất số lô sản xuất tối thiểu theo quy định mà bao quát được tuổi thọ dự định, thì
cam kết sau khi được cấp phép lưu hành được xem là không cần thiết. Ngược lại,
thì một trong số những cam kết sau cần phải làm:
a. Nếu trong hồ sơ đăng ký đã có các số liệu nghiên cứu độ ổn định của ít
nhất số lô sản xuất tối thiểu theo quy định, cần cam kết tiếp tục các nghiên cứu dài
hạn trong khoảng tuổi thọ dự kiến và các nghiên cứu lão hoá cấp tốc trong 6 tháng.
b. Nếu trong hồ sơ đăng ký đã có các số liệu nghiên cứu độ ổn định của ít
hơn 3 lô sản xuất, cần cam kết tiếp tục nghiên cứu ở điều kiện thực trong khoảng
tuổi thọ dự kiến và nghiên cứu lão hoá cấp tốc trong 6 tháng, cam kết có thêm các
lô sản xuất để có đủ ít nhất là số lô tối thiểu theo quy định, thực hiện nghiên cứu độ
ổn định ở điều kiện thực trong khoảng tuổi thọ dự kiến và nghiên cứu lão hoá cấp
tốc trong 6 tháng trên các lô này.
c. Nếu trong hồ sơ đăng ký không có các số liệu về độ ổn định của các lô
sản xuất, cần cam kết thực hiện nghiên cứu độ ổn định ở điều kiện thực trong
khoảng tuổi thọ dự kiến và nghiên cứu cấp tốc trong 6 tháng trên 3 lô sản xuất đầu
tiên.
Đề cương nghiên cứu độ ổn định áp dụng cho các lô cam kết phải giống như
đã thực hiện đối với các lô đầu tiên, trừ khi có những biện luận có tính khoa học.
Nếu báo cáo nghiên cứu độ ổn định đã nộp được thực hiện ở những điều kiện
khác và không chứng minh được rằng thành phẩm thuốc vẫn đạt các chỉ tiêu chấp
nhận được nêu ra trong hướng dẫn này, cơ sở đăng ký phải nộp cam kết và đề
cương nghiên cứu về độ ổn định sau khi được cấp phép lưu hành. Trong những
trường hợp như vậy, phải cân nhắc các lựa chọn sau đây: (1) Rút ngắn tuổi thọ (2)
dùng hệ thống bao bì đóng gói có khả năng bảo vệ tốt hơn hoặc (3) đưa thêm các
chú ý trên nhãn
Độ ổn định sau khi cấp phép lưu hành có thể được thực hiện ở bất kỳ nước
thành viên nào thuộc ASEAN, nước xuất xứ hoặc bất kỳ nước nào có điều kiện bảo
quản như đã yêu cầu.
Cách trình bày/ ghi nhãn
Phải thiết lập cách trình bày về bảo quản để ghi nhãn theo đúng các yêu cầu
thích hợp của quốc gia/khu vực. Cách trình bày về bảo quản phải dựa trên đánh giá
về độ ổn định của thành phẩm thuốc. Nếu có thể, nên đưa ra chỉ dẫn cụ thể, đặc
biệt là đối với các thành phẩm thuốc không chịu được đông lạnh. Nên tránh dùng
các thuật ngữ như “điều kiện phòng” hoặc “nhiệt độ phòng”.
Phải có sự kết nối trực tiếp giữa nội dung ghi nhãn với các đặc tính về độ ổn
định đã được chứng minh của thành phẩm thuốc.
Điều kiện bảo quản (nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm) được nêu ra phải dựa trên
các yêu cầu liên quan của quốc gia/khu vực hoặc tuân theo sự đề xuất dưới đây.
Khoảng biến đổi phải dựa trên đánh giá về độ ổn định của thành phẩm thuốc.
Các đề xuất sau đây về các điều kiện bảo quản có thể được ghi rõ trên nhãn:
Nhiệt độ bảo quản phải ghi bằng số mà không ghi bằng chữ, ví dụ:
Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 0C hoặc không bảo quản ở nhiệt độ trên 30 0C
(điều kiện bảo quản bình thường)
Bảo quản ở nhiệt độ dưới 25 0C hoặc không bảo quản ở nhiệt độ trên 25 0C
(trong phòng có điều hoà không khí)
Bảo quản ở nhiệt độ từ 2 0C đến 8 0C (trong tủ lạnh, không phải tủ đông lạnh)
Bảo quản ở nhiệt độ dưới 8 0C (trong tủ lạnh)
Bảo quản ở nhiệt độ từ -5 0C đến 0 0C (trong tủ đông lạnh)
Bảo quản ở nhiệt độ dưới - 18 0C (trong tủ đông lạnh sâu)
1. Các thuật ngữ như “điều kiện phòng” hoặc “nhiệt độ phòng” không được
chấp nhận.
2. Các chú ý chung như “Tránh ánh sáng” và / hoặc “Để ở nơi khô ráo” có
thể được ghi vào, nhưng không được dùng để che giấu các vấn đề về độ ổn định.
3. Phải ghi các yêu cầu như thời hạn sử dụng và điều kiện bảo quản sau khi
mở nắp, sau khi pha loãng hoặc sau khi pha lại thành dung dịch nếu có áp dụng. Ví
dụ, thuốc tiêm kháng sinh hoặc hỗn dịch được bào chế ở dạng bột pha tiêm.
4. Các yêu cầu cụ thể cũng phải được nêu ra đặc biệt là đối với các thành
phẩm thuốc không chịu được đông lạnh.

You might also like