You are on page 1of 6

“RỜI GIA ĐÌNH” - BƯỚC NGOẶT TRONG LỘ TRÌNH TRƯỞNG THÀNH

"Rời gia đình" (leaving home) không đơn giản là một sự kiện mà là một tiến trình được tiếp
tục theo một cách thức khá bất định và mọi người sớm hay muộn đều phải đối diện với nó... Hiển nhiên
nó sẽ xảy ra ở mọi gia đình, tuy có thể rất rắc rối ở một số trường hợp. Đó chính là cái "cổ chai" (một lối
ra hẹp) mà qua đó từng người một phải đi len qua nhưng cũng đủ để gây nên một cơn khủng hoảng đậm
đà đối với toàn thể gia đình...
"Rời khỏi gia đình" là đề tài liên quan đến sự trưởng thành của những người trẻ tuổi từ gia
đình gốc - Một đề tài thiết thực liên quan đến cuộc sống và sự phát triển của mỗi cá nhân chúng ta, cũng
là chủ đề rất quan trọng khi làm công việc hỗ trợ cho các cá nhân cũng như các gia đình.
Bài thuyết trình này sẽ khái quát hóa những yếu tố, tác nhân gây ra những ảnh hưởng thuận lợi
cũng như trở ngại cho tiến trình trưởng thành; đồng thời liên hệ đến những tình huống lâm sàng có khó
khăn trong những gia đình mà các chuyên viên tham vấn và trị liệu tâm lý có thể gặp phải trong việc thực
hành chuyên môn của mình.
CHU TRÌNH ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH (FAMILY LIFE CYCLE)
Mỗi cá nhân đều trải qua quá trình phát triển và trưởng thành từ trẻ em sang người lớn. Chu trình
phát triển cá nhân (theo Erik Erikson) bao gồm 8 giai đoạn, với giai đoạn 5 (tuổi vị thành niên) là giai
đoạn giúp định hình bản sắc cá nhân, để sau đó bước sang tuổi thành niên với sự trưởng thành kể cả về
sinh học lẫn tâm lý – xã hội.
Các giai đoạn Tính chất

Nhũ nhi Trust vs Mistrust (Tin – Nghi ngờ)

1-3 tuổi Autonomy vs Shame & Doubt (Tự chủ – Hoài nghi và xấu hổ)

3-6 tuổi Initiative vs Guilt (Tự khởi xướng – Thiếu khả năng)

6-12 tuổi Industry (Competence) vs Inferiority (Tài năng – Tự ti)

Vị thành niên Identity vs Role Confusion (Bản sắc – Nhầm lẫn vai trò)

Người trẻ Intimacy vs Isolation (Quan hệ mật thiết – Cô lập)

Trung niên Generativity vs Stagnation (Sáng tạo – Đình trệ)

Cao niên Ego Integrity vs Despair (Thống hợp – Thất vọng)

Mỗi cá nhân đều sinh ra và lớn lên từ gia đình. Mỗi gia đình cũng có chu trình đời sống (vòng
đời) của nó, với giai đoạn 4 (giai đoạn có con tuổi vị thành niên) và giai đoạn 5 giai đoạn có con trưởng
thành) là những giai đoạn quan trọng khi những đứa con lần lượt trải qua quá trình “rời gia đình”.
Nhiều yếu tố hoàn cảnh dự phần vào việc tạo thuận tiện hoặc gây trở ngại cho tiến trình này. Có
yếu tố thuộc về sinh học; có yếu tố thuộc về gia cảnh, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội; ngoài ra còn có
những yếu tố liên quan đến phát triển tâm lý cá nhân cũng như những mối quan hệ bên trong gia đình…
tuy rằng, trong đa số trường hợp, sự trưởng thành và “rời đi” từ gia đình gốc của một con người diễn ra
tương đối thuận lợi.
Nhiều vấn đề tâm lý nẩy sinh và có thể gây ra những xáo trộn cho cá nhân đang trưởng thành
cũng như cho cả gia đình vào những thời điểm quan trọng này.
Mỗi gia đình có một “đời sống” của riêng mình, diễn ra theo một chu trình, hay còn gọi cách khác
là “vòng đời” của gia đình. Chúng tôi tạm chia chu trình ấy thành 7 giai đoạn như sau:
Các giai đoạn Tính chất

Giai đoạn 0 Người trưởng thành độc thân Single young adult

Giai đoạn 1 Gia đình mới tạo lập, chưa có con Family-of-Creation, no kids

Giai đoạn 2 Gia đình có con nhỏ Family with young children

Giai đoạn 3 Gia đình có con đến tuổi đi học Family with school-aged children

Giai đoạn 4 Gia đình có con vị thành niên Family with adolescents

Giai đoạn 5 Gia đình có con tuổi trưởng thành Launching children and moving on

Giai đoạn 6 Giai đoạn cuối đời, “chiếc tổ trống” Later life – The “empty nest”

“Rời gia đình” là lộ trình biến chuyển từ đứa trẻ đang lớn trở thành một người lớn còn trẻ; từ một
thành viên của nhóm gia đình sang một thành viên của các nhóm khác lớn hơn trong xã hội, ngoài gia
đình.
Có thể xem xét “rời gia đình” trên hai khía cạnh: thể lý (physical) và tình cảm (emotional). Giai
đoạn “người trẻ độc thân” là giai đoạn của tình trạng “đâu đó ở giữa” (in-between) một bên là gia đình
gốc (family-of-origin) và bên kia là thế giới rộng lớn bên ngoài. Mỗi người có kiểu rời gia đình của riêng
mình, nhưng cách rời gia đình đều có liên quan đến những chủ đề của gia đình gốc. Mỗi người đều đi vào
thế giới của công việc và những mối quan hệ bên ngoài gia đình với bản sắc của riêng mình.
CÁ BIỆT HÓA BẢN NGÃ (DIFFERENTIATION OF SELF)
Murray Bowen (1913-1990) đưa ra khái niệm “cá biệt hóa bản ngã”, nhấn mạnh đến sự
trưởng thành của một con người về cả hai mặt: trí năng (intellectual) và cảm xúc (emotional), qua
đó một cá thể trở nên tự chủ trong các quyết định quan trọng của đời sống cá nhân nhưng vẫn duy trì các
quan hệ cảm xúc gắn bó với gia đình gốc của mình. Nói cách khác, giữa người trẻ và gia đình gốc hình
thành mối quan hệ “tương quan phụ thuộc” giữa những người trưởng thành, không “quá gắn dính” đồng
thời cũng không có sự đoạn giao, cắt đứt quan hệ cảm xúc với nhau.
Trong giai đoạn 4 của chu trình đời sống gia đình, bên trong gia đình diễn ra những điều chỉnh
quan trọng, trong đó đứa con vị thành niên có thể “được phép” dành nhiều thời gian hơn cho những quan
hệ ở trường học và bạn bè. Đứa trẻ “đi đi, về về” khiến cho gia đình trở nên “mở” hơn so với các giai
đoạn trước.
Giai đoạn gia đình có con vị thành niên (và cả những giai đoạn trước) giúp cho đứa con hình
thành nên những tố chất quan trọng như lòng tin, khả năng tự chủ, những kỹ năng học tập thành thạo,
lòng tự tôn, cùng những hy vọng, hoài bão… Một gia đình gốc, nói chung, cần tạo ra một môi trường có
tính nâng đỡ, “vừa đủ tốt”; cha mẹ vừa có tính nâng đỡ, bảo bọc, cho phép, định hướng, hướng dẫn, đồng
thời cũng giúp con định hình những giới hạn và những luật lệ. Thứ tự sinh và số con trong gia đình cũng
có ảnh hưởng tùy người con ấy là con trưởng, con thứ, con út hay con một.
Mức độ cá biệt hóa bản ngã của chính cha mẹ có ảnh hưởng lớn trên khả năng cá biệt hóa ở
các con. Khả năng gia đình gốc ứng phó và xử lý các tình huống khó khăn, gây stress, sẽ là những “bài
học” cho các con thông qua quá trình dưỡng dục (parenting). Chất lượng đời sống hôn nhân của cha mẹ
cũng ảnh hưởng lên việc dưỡng dục con cái và cũng ảnh hưởng lên việc cha mẹ chuẩn bị cho giai đoạn
“tổ trống”.
TRỞ NGẠI TRONG VIỆC “RỜI GIA ĐÌNH”
Theo Bowen (1978), sự cá biệt hóa của người con chịu tác động bởi tiến trình phóng chiếu trong
gia đình (family projection process), sự hình thành những “quan hệ bộ ba” (triangles) và sự ứng phó của
gia đình với những sự kiện gây stress.
Tiến trình phóng chiếu trong gia đình thể hiện sự phóng chiếu khả năng cá biệt hóa bản ngã của
thế hệ cha mẹ thông qua dưỡng dục con cái và nó có thể truyền lan xuyên qua các thế hệ. Sự tạo lập
những “tam giác” hay những “quan hệ bộ ba” là những kiểu ứng phó xảy ra giữa những thành viên trong
gia đình hạt nhân ở hiện tại.
Gia đình lành mạnh sẽ giúp con cái phát triển khả năng cá biệt hóa bản ngã, hình thành những ý
niệm về bản thân, những mối quan hệ với người khác, những thái độ, kỳ vọng, trách nhiệm và những luật
lệ.
Những sự kiện gây stress là khó tránh khỏi trong quá trình sống và phát triển của mọi gia đình.
Những mô hình ứng phó theo kiểu đoạn giao (cutoff), xa cách, hoặc ngược lại quá gắn bó đều thể hiện sự
kém trưởng thành (cá biệt hóa kém), từ đó có thể tiếp tục duy trì tình trạng stress và càng gia tăng thêm
những khó khăn trong việc chia sẻ và giải quyết những vấn đề khác trong tương lai, ảnh hưởng lên những
mối quan hệ mật thiết giữa các cá nhân và khả năng phát triển của những đứa con.
* Quan hệ quá gắn, quá kết dính (enmeshment; over-involvement): Những kiểu quan hệ này gây
trở ngại cho sự phát triển cảm xúc và tính độc lập ở những cá nhân, làm gia tăng sự phụ thuộc vào nhau,
khó trở nên trưởng thành và tự chủ. Ngoài ra, nó còn khiến gia đình ấy trở nên tách xa với môi trường
sống xung quanh.
* Quan hệ đoạn giao, xa cách (cutoff; disengagement): Kiểu quan hệ này có thể xảy ra giữa cá
nhân với gia đình hạt nhân, hoặc giữa các thế hệ với nhau. Chúng dễ tạo nên cảm nhận về sự trống rỗng,
dễ tổn thương khi cá nhân rời mái ấm mà không được hỗ trợ đầy đủ.
* Các “quan hệ bộ ba” (triangles; triangulation): Là sự hình thành một “bộ ba” trong đó, có một
đối tác ở xa, và một đối tác ở gần. Có sự nhập cuộc của một đối tác thứ ba (có thể là người hoặc không
phải là người), ban đầu là ở xa nay trở nên gần, để làm giảm bớt căng thẳng giữa đương sự với đối tác thứ
hai, ban đầu là người trong cuộc (ở gần) nay trở nên “ở xa”. Đây là kiểu quan hệ “xa xa/gần gần”
(distance/closeness).
NGƯỜI TRẺ “Ở LẠI GIA ĐÌNH” VÀ “VỊ THÀNH NIÊN CHƯA HOÀN TẤT” (Delayed
Home-Leaving & Unfinished Adolescence)
Ngày càng có nhiều hiện tượng những người trẻ vẫn “ở lại trong gia đình”, không chịu “rời gia
đình”. Trong một số lớn trường hợp lý do chính là điều kiện kinh tế khó khăn phải chia sẻ chung nơi cư
trú. Tuy nhiên, một số không nhỏ là có những lý do liên quan đến vấn đề khó khăn trong sự trưởng thành
và cá biệt hóa về mặt tâm lý.
Nhiều tác giả đã mô tả các dấu hiệu thể hiện nơi những người trẻ này như sau: xáo trộn chu kỳ
thức – ngủ, dành thời gian quá mức cho trò chơi điện tử và media, thờ ơ, xao lãng với việc học tập và tìm
kiếm việc làm, có thể có những xung đột với cha mẹ, nhẹ thì là phản ứng bằng lời lẽ thô lỗ, nặng thì có
thể xung đột về thể chất với một hoặc hai cha mẹ. Trong khi đó, cha mẹ thì ở trong trạng thái bất lực, lo
lắng, giận dữ, đôi lúc chỉ muốn “tống cổ đứa con ra khỏi nhà” nhưng lại không thể làm được điều này.
Trong một số trường hợp, những vị thành niên ấy đã hình thành nơi mình những niềm tin lệch lạc
về những cách thức ứng xử an toàn hoặc không an toàn đối với môi trường gia đình, trong khi cố gắng
giải quyết những nhu cầu phát triển cá nhân. Một số trường hợp lại ghi nhận có những sang chấn, bất
công, xâm hại và tình trạng phụ mẫu hóa (parentification).
Nói theo nhãn quan “narrative”, đứa trẻ đã xây dựng cho mình một “câu chuyện kể” về cuộc đời
dựa trên những niềm tin phi lý, lệch lạc về bản thân và gia đình.
Theo Sebastian Kraemer (1982), một số vấn đề về sức khỏe tâm thần ở tuổi vị thành niên có thể
xem là một sự đổ vỡ (breakdown) về viễn cảnh trở thành người lớn, khi giai đoạn phải rời gia đình đang
đến gần. Hầu hết các gia đình lẫn người trẻ đều có sự ứng phó tốt với giai đoạn chuyển tiếp này, tuy
nhiên, vẫn có những khủng hoảng nổ ra trong một số gia đình khi mà người trẻ cảm thấy “còn quá sớm”
để có thể rời gia đình, hoặc như khi phía cha mẹ chưa sẵn lòng chấp nhận giai đoạn ‘tổ trống” đang chờ
đợi họ ở phía trước.
Sự “đổ vỡ” không hẳn phải là những rối loạn tâm thần trầm trọng, mà có thể biểu hiện qua những
hành vi và mô hình quan hệ khó khăn giữa người trẻ với người xung quanh. Một điều khá nghịch lý là
những người trẻ càng cảm thấy hạnh phúc và gắn bó với cha mẹ và gia đình thì việc rời gia đình sẽ
dễ dàng hơn so với những người trẻ có những lo lắng về gia đình hoặc có những xung đột với cha
mẹ và gia đình gốc của mình (Bowlby, 1979).
Những phản ứng có thể biểu thị cố gắng trở nên độc lập nhưng bị thất bại; chẳng hạn như: bỏ nhà,
bỏ học, từ chối ăn uống, lang chạ tình dục, có thai ngoài ý muốn, sử sụng chất gây nghiện… Cũng có
những phản ứng thể hiện sự “từ chối trở nên độc lập”; ví dụ như: thất bại trong việc học, sử dụng chất quá
liều, suy sụp tâm thần… tất cả dường như nói lên ý muốn “chưa sẵn sàng rời đi” của đứa con.
Hiển nhiên ở đây, chúng ta không khuyến khích, cổ vũ cho những trường hợp người trẻ phải rời
xa gia đình để vào đời sớm, càng không khuyến khích tình trạng rời gia đình theo kiểu đoạn giao, xa cách
như đã nói ở trên. Những trường hợp này có thể càng đưa người trẻ đi xa hơn và dễ sa vào nhiều nguy cơ
hơn khi phải rời gia đình mà thiếu đi những hỗ trợ cần thiết cho một cuộc sống thực sự độc lập.
Trong nhiều trường hợp, những chuyến rời gia đình lại có thể kèm theo tình trạng kết hôn sớm
hoặc cùng lúc có tình trạng mang thai. Khi ấy, các giai đoạn 0, 1 và có thể cả giai đoạn 2 trong chu trình
đời sống gia đình sẽ xảy đến cùng một lúc. Điều này hàm nghĩa về những nguy cơ cho cuộc sống của
người trẻ ở các chặng đường tiếp theo.
Jay Haley (1973) đã từng mô tả tình trạng như sau: cha mẹ lần lượt quan sát những đứa con lớn
dần và tuần tự rời gia đình (launching), rồi “thình lình”, xuất hiện một đứa con gặp phải những khó khăn
khi đến lứa tuổi ấy. Đứa con ấy có thể có một “ý nghĩa đặc biệt quan trọng” đối với hôn nhân của họ.
Khi đứa con từ chối việc học, cha mẹ tiếp tục thúc ép và đưa con trở lại trường học; khi đứa con
bỏ nhà, cha mẹ sẽ gia tăng quản lý và giữ con lại trong nhà; khi đứa con chán ăn, cha mẹ tiếp tục chăm
mớm, ép con ăn; khi đứa con tự sát, cha mẹ gia tăng sự giám sát, trông nom; khi đứa con sử dụng media
quá mức, cha mẹ phải ra sức thiết lập lại những giới hạn, luật lệ… Trong một số tình trạng nghiêm trọng
hơn khi đứa con bị nghiện chất, bị trầm cảm hoặc bị loạn thần, đôi khi xuất hiện lại những mối quan hệ
cộng sinh hoặc đồng phụ thuộc giữa cha mẹ và đứa con. Qua những đáp ứng như thế, cha mẹ tiếp tục
“giữ” đứa con ở lại bên họ, đồng thời cũng đang giúp đứa con thực tập lại những nhiệm vụ mà lẽ ra đứa
con đã đến lúc phải tự đảm đương.
GỢI Ý VỀ NHỮNG CAN THIỆP HỖ TRỢ
Nhiều lý thuyết và mô hình can thiệp đã được vận dụng nhằm xây dựng những phương thức can
thiệp hỗ trợ cho những gia đình khó khăn trong giai đoạn đứa con rời mái ấm. Tuy nhiên, trong khuôn
khổ bài tham luận hội thảo lần này, chúng ta không thể bàn sâu các lý thuyết và các cách tiếp cận hỗ trợ
chuyên biệt, ngoài những gì chúng tôi có thể cùng các tham dự viên chia sẻ những hiểu biết và kinh
nghiệm trong thực hành lâm sàng.
Robert J. Lieb và W. David Auld (2015) đã giới thiệu loại liệu pháp có tên gọi là “Constructivist
Control Mastery Theory” như một cách thức tiếp cận để hỗ trợ cho những “người trẻ chậm rời gia đình”,
hay còn gọi là “người vị thành niên chưa hoàn tất”. Cách thức này là sự phối hợp giữa lý thuyết “Control
Mastery Theory” (CMT) của Joseph Weiss và Narrative Therapy (NT) của Michael White & David
Epston.
CMT là lý thuyết bắt nguồn từ phân tâm học, qua đó, J. Weiss nhận thấy rằng, không cần đến sự
diễn giải của nhà phân tâm, nhiều bệnh nhân có thể đạt đến khả năng nội thị (insight) về những trải
nghiệm sang chấn bị dồn nén, có thể ý thức được và làm chủ được những trải nghiệm như thế một khi họ
cảm thấy an toàn để bộc lộ chúng. “Control” (kiểm soát) chỉ về khả năng nhận biết những nỗi sợ và tự
điều chỉnh những phản ứng phòng vệ của bản thân; “Mastery” (làm chủ) chỉ khả năng và những động lực
giúp thân chủ nhận diện và hóa giải những thách thức mà họ đang đương đầu. Do vậy, khi vận dụng
CMT, nhà trị liệu giúp thân chủ nhận ra những niềm tin có tính bệnh lý của mình và giúp họ kiểm định
chúng với thực tế cuộc sống của họ. Những người trẻ khó khăn khi rời gia đình cũng đã tự xây dựng nên
cho mình những niềm tin theo kiểu như thế.
Liệu pháp chuyện kể (NT – Narrative Therapy) có sự tương đồng với CMT ở chỗ xây dựng
những “câu chuyện kể” (một loại ẩn dụ) giúp phản ánh và kiến tạo ý nghĩa cho thực tại đời sống của mỗi
người (constructivist). Mỗi bước cố gắng xây dựng câu chuyện kể là từng bước kiến tạo lại những trải
nghiệm trong quá khứ, giúp định dạng lại (reframing) và khám phá những ý nghĩa mới.
Để làm việc đó, nhà trị liệu phải có tính nhân văn, nhãn quan hệ thống và một lập trường “phi
bệnh lý hóa” (non-pathologizing stance). Trị liệu khi đó sẽ trở thành một tiến trình đối thoại dựa trên câu
chuyện kể, có tính khám phá, sáng tạo và kiến tạo (creative and constructive).
Các tác giả đã xem CMT như một chiếc la bàn định hướng và NT như những trợ cụ giúp đi theo
sự định hướng ấy. Tiến trình làm việc sẽ giúp đánh giá lại “sự trưởng thành về mặt quan hệ” (relational
maturity), đánh giá dựa trên sự quân bình giữa khả năng người trẻ trở nên tự chủ và vẫn duy trì những sự
gắn kết cảm xúc với cha mẹ và gia đình gốc; thống hợp các khái niệm “độc lập” (independence) và
“tương quan phụ thuộc” (interdependence) nhằm gia tăng khả năng thương thảo với nhau giữa những
người đồng ngang bằng về mặt vị thế (co-equal positions).
Theo Kraemer (1982), nhà trị liệu dù đang làm việc để giúp cá nhân người trẻ hoặc đang làm
việc với cả gia đình, đều có lúc nhận thấy mình đứng về phía một ai đó trong gia đình. Việc đứng về
phía đứa con có thể khiến nhà trị liệu lầm tin rằng “phải thay đổi cha mẹ rồi mới có thể giúp được cho
đứa con”. Khi đó, nhà trị liệu dễ đổ lỗi cho cha mẹ và muốn cứu giúp người vị thành niên thoát khỏi sự
“gây hại” hoặc “thiếu quan tâm” của cha mẹ. Ngược lại, việc đứng về phía cha mẹ cũng có thể xảy ra khi
nhà trị liệu thay vì đổ lỗi thì lại thấu cảm với cha mẹ khi thấy họ đang bước vào giai đoạn “tổ trống”; đôi
khi nhà trị liệu còn cảm thấy người con là kẻ “vô cảm”, “hư hỏng”…
Nhiều tác giả khác nhấn mạnh yêu cầu phải làm việc cùng lúc với các thành viên trong gia đình,
thiết lập sự liên minh với tất cả các thành viên của gia đình ấy, tránh tình trạng đứng về phía đứa con
chống lại cha mẹ, hoặc đứng về phía cha mẹ phê bình, chỉ trích đứa con. Selvini-Palazzoli (1980) nêu ra
khái niệm về tính trung dung (neutrality), Boszormenyi-Nagy nêu thái độ “thiên vị đa hướng”
(multidirected partiality) là nhằm hướng đến khả năng thiết lập kiểu liên minh ấy.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, cần phải nhận ra những nỗi khổ, những bất công, ghi
nhận những công trạng, nhận diện những hành vi dựa trên tính chính đáng hủy hoại (destructive
entitlement)…
Nhà trị liệu, theo cách của Kraemer, có thể không cố gắng để thay đổi gia đình. Đơn giản ông chỉ
quan sát cách thức trong đó cha mẹ và đứa con đang mắc mứu với nhau, nhưng theo một cách nhìn khác.
Nhà trị liệu có thể nói với người con vị thành niên rằng:
Cháu bị mắc mứu một cách vô vọng khi cháu tin rằng mình phải cứu vớt cha mẹ thoát khỏi những
đổi thay đang đến với họ mà họ không thể tránh được. Cháu phải dâng hiến những nỗ lực của mình cho
việc này, chứ không cố gắng vì những tiến triển cho đời sống của riêng cháu. Cháu đã được thuyết phục
rằng cha mẹ cháu không thể sống mà không có cháu…
Nhà trị liệu cũng có thể nói với cha mẹ rằng:
Con của các vị tin rằng cháu cần phải thất bại để cháu không phải rời cha mẹ mà đi, hoặc cháu
không được đạt những thành quả khiến cháu vượt trội hơn cha mẹ. Các vị càng nói rằng mình mong
muốn con mình thành công thì cháu càng tin chắc rằng các vị muốn điều ngược lại. Các vị đã không thể
thuyết phục được con mình rằng các vị không cần đến cháu, vì theo kinh nghiệm của cháu, các vị luôn
luôn ở bên cháu khiến cháu không thể tin rằng các vị có thể sống mà thiếu cháu…
Không cố gắng thay đổi điều gì, nhà trị liệu có vẻ như đang áp dụng cách thức “kê toa nghịch lý”
(paradoxical prescription) khi ông đang công nhận tính hợp lý của những khó khăn đang xảy ra. Viễn
cảnh về sự thay đổi (ở đây là sự rời gia đình của đứa con) dường như rất đáng sợ đối với cả hai phía, cha
mẹ và đứa con: cha mẹ thấy con không cần đến họ nữa, họ thấy dễ chịu hơn khi vẫn còn tiếp tục quản lý
đứa con; đứa con cũng không dễ chịu khi thấy cha mẹ không cần sự có mặt của mình nữa và dễ chịu hơn
khi ở lại gia đình.
Khi nhà trị liệu ngụ ý nói rằng không thể trông mong có sự thay đổi nào, đó cũng là lúc gia đình
nhận ra rằng “Ôi, thật là lố bịch! Chuyện không thể diễn ra theo cách như thế được!”… Và cũng khi đó,
sẽ có chuyện gì đó bắt đầu thay đổi.
Có thể cha mẹ sẽ “đẩy nhẹ” đứa con ra xa mình một chút… Có thể đứa con sẽ cố gắng tự làm một
phần trách nhiệm nào đó… Hoặc sẽ xuất hiện một ai khác từ bên trong hoặc bên ngoài gia đình đến giúp
một tay…
Nhà trị liệu nói chung không sắp đặt bất cứ điều gì cho sự thay đổi. Những gì thay đổi sau đó đều
có thể diễn ra một cách tự nhiên. Ai hoặc điều gì gây nên sự thay đổi trở nên không còn quan trọng nữa.
Nhà trị liệu để cho gia đình có sự tự do trong phát triển của họ, bằng cách chấp nhận họ. Nhà trị liệu cũng
cần đứng xa ra với những kết quả và từ bỏ đi ý muốn phải cần làm điều gì đó để thay đổi gia đình.
Về mặt chức năng, sự “đổ vỡ” của đứa con được hình dung như một “sứ mạng”, có tính liều lĩnh,
rồ dại, bí mật thực hiện việc cứu lấy cha mẹ của mình, ngay cả khi biết rằng nó sẽ thất bại. Tính nghịch lý
nằm ở chỗ đó là một sứ mạng mà muốn thành công thì phải thất bại!
Sự thật là, cha mẹ có thể làm được những gì họ sẽ phải làm; đứa con cũng như thế, nó không thể
lầm tin rằng mình “được cần” phải ở lại gia đình. Những mối quan hệ tình cảm sẽ cần được xem xét lại,
giữa cha mẹ và đứa con, giữa cha mẹ với nhau, giữa đứa con với những người khác ngoài gia đình… Cả
hai thế hệ cần có sự can đảm này khi cuộc sống vẫn tiếp tục đi tới!

You might also like