You are on page 1of 10

ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH TỰ NHIÊN

(2 tiết)
Mục tiêu:
1. Trình bày được đặc điểm của đáp ứng miễn dịch tự nhiên.
2. Trình bày được vai trò của da và niêm mạc trong việc bảo vệ cơ thể trước sự
xâm nhập của kháng nguyên.
3. Trình bày được đặc điểm và vai trò của các phân tử hoà tan và các tế bào tham
gia vào đáp ứng miễn dịch tự nhiên.
4. Vận dụng kiến thức đã học để giải thích được một số hiện tượng trong đáp ứng
miễn dịch tự nhiên.

Nội dung

1. Đại cương
Miễn dịch là khả năng của cơ thể nhận biết, đáp ứng và loại bỏ các yếu tố lạ gây
hại. Do vậy, miễn dịch là phương thức đề kháng tự vệ hết sức quan trọng của cơ thể.
Khi bị yếu tố gây bệnh (miễn dịch học gọi là kháng nguyên) xâm nhập, trước tiên
cơ thể vận hành ngay một số tế bào và phân tử sẵn có để kịp thời ngăn chặn, xử lý, sau
đó tạo ra các tế bào và phân tử đặc hiệu tương ứng với từng loại kháng nguyên khác
nhau để loại trừ chúng. Đáp ứng miễn dịch ở người được chia thành hai loại: đáp ứng
miễn dịch tự nhiên còn gọi là miễn dịch bẩm sinh hay miễn dịch không đặc hiệu và
miễn dịch thu được còn gọi là miễn dịch đặc hiệu.
Miễn dịch tự nhiên được hình thành trong quá trình tiến hóa của động vật để chống
lại sự xâm nhập gây nhiễm của các vi sinh vật gây bệnh.
2. Đặc điểm của đáp ứng miễn dịch tự nhiên
- Là miễn dịch sẵn có của cơ thể từ khi mới sinh ra không cần đòi hỏi có sự tiếp xúc
trước của cơ thể với kháng nguyên, được hình thành sớm trong quá trình tiến hóa của
động vật với vai trò chống lại sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh, là khả năng
nhận biết và phân biệt cái gì là của mình, cái gì không phải của mình.
- Miễn dịch tự nhiên không để lại trí nhớ, nghĩa là đáp ứng như nhau về cường độ và
quy mô nếu yếu tố xâm nhiễm như nhau bất kể đó là xâm nhiễm lần đầu hay lần sau.
- Có tính chất bền vững, ổn định, ít bị sai sót khuyết tật khi di truyền, khác nhau giữa
các loài và các cá thể trong cùng một loài.
- Các yếu tố thuộc miễn dịch tự nhiên là phương tiện chung dùng để chống lại sự xâm
nhiễm của các vi sinh vật gây bệnh không phân biệt đó là vi khuẩn, virus hay ký sinh
trùng.
- Trong nhiều trường hợp, đáp ứng miễn dịch tự nhiên là giai đoạn mở đầu cho đáp
ứng miễn dịch đặc hiệu.
3. Các mô, tế bào, phân tử tham gia vào đáp ứng miễn dịch tự nhiên
3.1. Da và niêm mạc

1
Da và niêm mạc là hàng rào đầu tiên có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của các
vi sinh vật gây hại.
Da có nhiều lớp tế bào, đặc biệt là lớp tế bào sừng hóa ở ngoài cùng luôn đổi mới,
khi bong ra kéo theo vi sinh vật bám trên đó. Do chứa nhiều acid béo và acid lactic nên
pH của da nghiêng về toan làm cho vi khuẩn không tồn tại được lâu.
Niêm mạc tuy chỉ có một lớp tế bào nhưng được bao phủ bởi một lớp chất nhầy
(niêm dịch) che chở bảo vệ, không cho các yếu tố gây bệnh bám vào gây tổn thương và
tiến vào sâu. Niêm mạc có diện tích gấp 200 lần so với diện tích da, nơi tiếp xúc nhiều
các chất lạ theo đường tiêu hóa và hô hấp, nên đã hình thành một tổ chức đề kháng
phong phú và hiệu quả. Dịch tiết của hệ thống niêm mạc (mắt, hô hấp, tiêu hóa, tiết
niệu) có tác dụng vừa làm loãng vừa rửa sạch. Dịch tiết của niêm mạc còn chứa nhiều
lysozym (bản chất là muramidase) có tác dụng tiêu vỏ của một số vi khuẩn. Một protein
khác của niêm dịch có tác dụng làm tăng tính thấm của vi khuẩn: BPI (Bacterial
Permeability Increasing Protein) có thể liên kết với lipopolysacharid vách vi khuẩn để
rồi chọc thủng vi khuẩn. Niêm mạc đường hô hấp còn có các vi nhung mao có tác dụng
ngăn cản bụi, vi khuẩn; phản xạ ho, hắt hơi có tác dụng tống các chất lạ ra ngoài. Hệ vi
khuẩn bình thường trong cơ thể (vi khuẩn cộng sinh) giúp ngăn chặn sự phát triển của
nhiều vi khuẩn và nấm có khả năng gây bệnh bằng cách cạnh tranh các chất dinh dưỡng
thiết yếu hoặc sản xuất ra các chất ức chế.
3.2. Các tế bào
Các tế bào tham gia đáp ứng miễn dịch tự nhiên gồm: tế bào thực bào (đại thực
bào, tiểu thực bào), tế bào diệt tự nhiên, một số tế bào tham gia trong phản ứng viêm
như bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm, tế bào mast…
3.2.1. Thực bào
Thực bào là các tế bào có khả năng nuốt, tiêu các vi sinh vật. Thực bào bao gồm
2 loại: tiểu thực bào (microphage) là các bạch cầu hạt trung tính và đại thực bào
(macrophage) bao gồm bạch cầu mono ở máu (monocyte) và đại thực bào ở mô.
- Tiểu thực bào: bạch cầu hạt trung tính (BCTT) làm nhiệm vụ tiểu thực bào (ăn các
đối tượng có cỡ khổ bé), là loại bạch cầu đông đảo nhất trong máu ngoại vi (chiếm
khoảng 60% tổng số bạch cầu ở máu ngoại vi). Trên bề mặt BCTT có các thụ thể
(receptor) đối với các chất hoá ứng động giúp chúng di chuyển tới ổ viêm, thụ thể với
Fc của IgG, IgA, thụ thể với C3b của bổ thể, thụ thể với các yếu tố tăng trưởng. Trong
viêm, khi có yếu tố hoại tử u (TNF: tumor necrosis factor), interleukin-6 (IL-6) của đại
thực bào tiết ra, BCTT còn tiết ra một số phân tử kết dính bề mặt giúp chúng bám vào
thành mạch và chui ra ngoài tới ổ viêm. Ngoài ra, bạch cầu trung tính còn có khả năng
cố định và tiêu diệt các vi khuẩn ngoại bào và nấm bằng cách hình thành các bẫy ngoại
bào (NET: neutrophil extracellular trap) thông qua việc giải phóng DNA: BCTT hoạt
hoá có thể kích hoạt con đường tự huỷ, kết quả là giải phóng các thành phần của nó vào
ngoại bào, các thành phần này hoạt động như một cấu trúc mạng nhện, có thể giăng
lưới và tiêu diệt vi sinh vật ngay tại chỗ. Trong các NET có một lượng lớn DNA,

2
histone, các hạt protease giúp hạn chế hoạt động của mục tiêu và làm tăng sự tập trung
của chúng. Histone cũng có tính kháng khuẩn mạnh.
- Đại thực bào: Đại thực bào (ĐTB) là tế bào có khả năng nuốt và xử lý các vật lạ kích
thước lớn. Nếu đối tượng ở dạng tiểu thể, hạt, tế bào, mảnh mô thì được gọi là ăn
(phagocytosis), nếu ở dạng phân tử thì gọi là ẩm bào (pinocytosis). Tuỳ theo nơi cư trú
hoạt động mà đại thực bào có những tên khác nhau: tế bào mono (máu), Kupffer (gan),
Langerhans (da), đại thực bào phế nang (phổi), đại thực bào phúc mạc (ổ bụng), glia
(não)… Đối với một số chất, sau khi nuốt và xử lý, đại thực bào sẽ trình diện các peptid
kháng nguyên để hoạt hoá các tế bào lympho, do vậy, chúng còn có tên: tế bào trình
diện kháng nguyên (APC: antigen presenting cell). Trên bề mặt ĐTB có nhiều thụ thể:
thụ thể hóa ứng động, thụ thể bám dính giúp chúng thâm nhập vào mọi nơi; thụ thể có
bản chất lectin kết dính được với gốc đường (mannose, fructose) có trên màng vi khuẩn;
thụ thể với C3 của bổ thể, với Fc của globulin miễn dịch (Ig) nên khả năng thực bào
tăng lên khi kháng nguyên kết hợp với kháng thể. Trên bề mặt ĐTB có phân tử MHC
lớp I và lớp II có vai trò quan trọng trình diện kháng nguyên cho các tế bào lympho,
mở màn cho miễn dịch thu được (miễn dịch đặc hiệu). Đại thực bào hoạt hoá còn có
khả năng bài tiết cytokin và chemokin tác động lên các tế bào nội mô mạch máu gần
đó, gây tăng tính thấm thành mạch, do đó các protein có thể xâm nhập vào mô nhiễm
trùng (trong số đó có nhiều protein có đặc tính diệt khuẩn) và bạch cầu trung tính có
thể di chuyển tới ổ viêm. Đại thực bào trong những trường hợp nhất định cũng có thể
triển khai các bẫy ngoại bào.
- Quá trình thực bào: được chia ra ba giai đoạn chính:
+ Giai đoạn tiếp cận, gắn với đối tượng: các vi sinh vật và sản phẩm của chúng có
tính hấp dẫn đối với các thụ thể hoá ứng động trên bề mặt thực bào, dẫn đến hoạt hóa
kinase, hình thành giả túc giúp chúng di chuyển đến đối tượng. Thụ thể kết dính giúp
thực bào áp sát và gắn vào đối tượng, tín hiệu được chuyển vào trong và thực bào được
hoạt hoá.
+ Giai đoạn nuốt: màng tế bào và nguyên sinh chất hình thành gọng kìm ôm kín đối
tượng, chuyển đối tượng vào bên trong tạo thành hốc thực bào (phagosom).
+ Giai đoạn tiêu: Lysosom tiến đến hốc thực bào, cả hai tiểu thể này hoà màng tạo
nên một tiểu thể chung: phagolysosom. Vi sinh trong phagolysosom bị tiêu diệt theo 2
cơ chế:
Cơ chế phụ thuộc oxy: oxy trong tế bào được chuyển thành anion superoxyd (𝑂!" ),
𝐻! 𝑂! nhờ NADPH oxydase. 𝐻! 𝑂! chuyển thành acid hypochloro (HOCl) nhờ
myeloperoxydase có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, virus. Enzym tổng hợp oxyd nitơ (NO
synthetase) tạo ra oxyd nitric cũng có tác dụng diệt khuẩn.
Cơ chế không phụ thuộc oxy: các enzym tiêu protein (cathepsin); lysozym… và các
enzym thuỷ phân khác tiêu huỷ các đối tượng.
-Tế bào đuôi gai: Tế bào đuôi gai là đại thực bào có chức năng đặc biệt. Chúng có vai
trò cầu nối trung gian giữa miễn dịch tự nhiên và miễn dịch đặc hiệu. Các tế bào đuôi
gai có các nhánh bào tương dài (đuôi gai) giúp cho chúng tăng khả năng tiếp xúc với
3
môi trường xung quanh chúng. Ở mô, các tế bào đuôi gai chủ yếu có vai trò nhận diện
kháng nguyên thông qua việc liên tục thực bào và ẩm bào. Sau khi nhận diện và thực
bào các kháng nguyên lạ, tế bào đuôi gai hoạt hoá thành tế bào đuôi gai trưởng thành,
có khả năng vận động cao, chúng di chuyển đến hạch bạch huyết gần nhất để trình diện
kháng nguyên cho bạch cầu lympho – đánh thức các tế bào của miễn dịch đặc hiệu. Có
thể nói tế bào đuôi gai có vai trò kích hoạt miễn dịch đặc hiệu.
3.2.2. Bạch cầu ái kiềm (BCAK), tế bào mast, bạch cầu ái toan (BCAT)
BCAK, tế bào mast, BCAT tham gia phản ứng viêm, có vai trò trong cơ chế đề kháng
tự nhiên của cơ thể.
- BCAK và tế bào mast:
BCAK có mặt chủ yếu trong máu, tế bào mast có mặt chủ yếu trong các mô. Trong
bào tương của BCAK và tế bào mast có các hạt chứa các chất có hoạt tính sinh học:
histamin, heparin, arylsulfat, glucuronidase. Trên bề mặt của 2 loại tế bào này có thụ
thể với Fc của IgE, do đó hầu hết IgE của cơ thể đều gắn trên bề mặt của chúng. Khi
có kháng nguyên đặc hiệu kết hợp với kháng thể (IgE), tế bào bị mất hạt và giải phóng
ra các hoá chất trung gian nói trên gây các hiện tượng giãn mạch, tăng tính thấm, tăng
tiết dịch, co thắt cơ trơn trong viêm, dị ứng. BCAK còn tiết ra chất hoạt hoá tiểu cầu
(PAF: platelet activating factor) làm tiểu cầu mất hạt giải phóng serotonin. Khi hoạt
hoá, tế bào mast tiết nhiều prostaglandin, leucotrien… (sản phẩm của phospholipid
màng) là những chất vận mạch trong viêm.
- BCAT
Trong bào tương của BCAT có các hạt chứa protein kiềm (MBP: major basic
protein), protein mang điện dương (MCP: Major cationic protein) có tác dụng gây độc
tế bào, đặc biệt đối với ấu trùng ký sinh trùng.
3.2.3. Tế bào diệt tự nhiên (NK: Natural killer cell)
Tế bào NK là những tế bào dạng lympho to, chúng không có các thụ thể của tế
bào lympho T hay B nhưng có hạt chứa perforin và granzym, nên gọi là LGL (Large
granular lymphocyte). Chức năng của tế bào NK là phá huỷ các tế bào bị tổn thương
không hồi phục như tế bào nhiễm virus và tế bào khối u. Tế bào NK có khả năng tiêu
diệt nhiều loại tế bào nhiễm virus mà không cần có sự tiếp xúc trước đó hay sự hoạt
hoá của vi sinh vật hoặc khối u. Khả năng này làm cho tế bào NK trở thành một tuyến
phòng thủ sớm chống lại nhiễm virus và một số khối u. Tế bào NK có thụ thể với phần
Fc của IgG, nên nó có khả năng ly giải tế bào đích được phủ IgG. Hiện tượng này được
gọi là gây độc tế bào phụ thuộc kháng thể (ADCC: antibody-dependent cell-mediated
cytotoxicity). Hoạt động chức năng của tế bào NK được điều hoà bởi sự cân bằng giữa
các tín hiệu từ receptor hoạt hoá và receptor ức chế. Các receptor hoạt hoá nhận biết
được các phân tử bề mặt do các tổn thương khác nhau tạo ra như nhiễm trùng, tổn
thương DNA. Các receptor ức chế nhận biết các phân tử MHC lớp I biểu lộ trên tất cả
các tế bào khoẻ mạnh, ngăn cản tế bào NK tiêu diệt các tế bào bình thường. Nhiễm
virus hoặc biến đổi tân sinh thường làm tăng cường biểu lộ của các phối tử cho receptor
hoạt hoá và đồng thời làm giảm biểu lộ phân tử MHC lớp I. Kết quả là sự cân bằng
4
nghiêng về bên hoạt hoá, tế bào NK hoạt hoá giải phóng các hạt chứa perforin và
granzym về phía tế bào đích. Perforin gắn vào phosphorylcholin trên màng tế bào đích,
chọc thủng màng, các hạt granzym đi qua các lỗ thủng này để xâm nhập vào tế bào
đích, gây phân giải nhiều loại protein trong tế bào đích, làm chết tế bào. Tế bào NK
cũng bài tiết interferon-𝛾 (IFN- 𝛾) hoạt hoá đại thực bào để tăng cường phá huỷ các vi
sinh vật mà chúng ăn. Hoạt động của tế bào NK được điều hoà bởi nhiều cytokin, bao
gồm IL-2, IL-15 và IL-12. IL-2 và IL-15 kích thích sự tăng trưởng của các tế bào NK;
khi được IL-2 hoạt hoá, tế bào NK biến thành tế bào LAK (lymphokine activated killer
cell) có khả năng tiêu diệt 1 số tế bào u. Trong khi IL-12 hoạt hoá quá trình tiêu diệt và
bài tiết IFN- 𝛾 .
3.3. Các phân tử
Các phân tử tham gia đáp ứng miễn dịch tự nhiên gồm có: hệ thống bổ thể, các
protein của pha cấp (quan trọng nhất là CRP), các cytokin và chemokin.
3.3.1. Hệ thống bổ thể:
Hệ thống bổ thể (Complement) là một hệ thống protein enzym hoạt động theo hệ
thống dây truyền. Khi gặp các yếu tố gây hoạt hoá như: lipopolysaccharid,
hydratcarbon, phức hợp kháng nguyên – kháng thể, hệ thống bổ thể được hoạt hoá và
tạo ra phức hợp tấn công màng (MAC: memberane attack complex) có tác dụng chọc
thủng các màng tế bào mang kháng nguyên. Trong quá trình hoạt hoá, một số thành
phần bổ thể được tách ra thành một số mảnh (C3a, C5a…) có tác dụng sinh học: hoá
ứng động bạch cầu, gây dãn mạch, tăng tính thấm thành mạch… C3b còn dính vào vi
khuẩn, giúp các thực bào dễ tiếp cận và tiêu diệt vi khuẩn.
3.3.2. Protein phản ứng C (CRP: C-Reactive protein)
CRP là protein của pha cấp, được cấu tạo bởi 5 đơn vị polypeptid giống hệt nhau,
được sắp xếp thành một vòng pentamer. Có tên gọi protein phản ứng C vì nó có khả
năng phản ứng với polysaccharid-C của vách phế cầu. CRP được sản xuất ở gan dưới
tác dụng hoạt hoá của các cytokin, đặc biệt là IL-6.
CRP có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách gắn với bề mặt của vi sinh vật xâm
nhập và biến chúng thành mục tiêu phá huỷ của bổ thể và thực bào. CRP là một dấu ấn
sinh học quan trọng của viêm trong nhiều tình trạng lâm sàng khác nhau như nhồi máu
cơ tim cấp, khối u ác tính, rối loạn tự miễn và can thiệp phẫu thuật. Bình thường CRP
duy trì nồng độ thấp trong huyết tương, nhưng khi xảy ra phản ứng viêm cấp thì nồng
độ của nó có thể tăng gấp hàng trăm lần. Gần đây người ta quan tâm tới việc sử dụng
CRP độ nhạy cao (hsCRP: high-sensitivity CRP) như một maker cho tăng nguy cơ nhồi
máu cơ tim ở những người bị bệnh mạch vành.
3.3.3. Cytokin
Cytokin là các protein do các tế bào hoạt hoá tiết ra, tác động lên nhiều tế bào
khác nhau qua các thụ thể tương ứng có trên tế bào đích, là chất trung gian và điều hoà
phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm.
- Trong phản ứng viêm, cytokin được chia thành 2 nhóm:

5
+ Loại thúc đẩy phản ứng viêm gồm 2 chất chủ yếu: IL-1 và TNF; đồng thời cũng
là 2 yếu tố gây sốt
+ Loại ức chế phản ứng viêm: gồm nhiều cytokin khác nhau (IL-1ra, IL-4, IL-10,
IL-11, IL-13…) và gồm cả các thụ thể hoà tan (thụ thể hoà tan của TNF: sTNFRp55,
sTNFRp75; thụ thể hoà tan typ 2 của IL-1: sIL-1RII; thụ thể typ 2 của IL-1 gắn màng:
mIL-1RII; protein gắn IL-18: IL-18BP).
- Trong phản ứng miễn dịch tự nhiên, các cytokin được sản xuất nhanh chóng sau khi
có sự xâm nhập của vi sinh vật hoặc kích thích khác, chúng có chức năng giảm viêm,
ức chế sự nhân lên của virus. Chúng chủ yếu có nguồn gốc từ đại thực bào, tế bào đuôi
gai và tế bào NK, tuy nhiên tế bào nội mô và tế bào biểu mô cũng có thể sản xuất
cytokin.
Một số cytokin trong cơ thể:
3.3.3.1. Interferon (IFN):
Interferon gồm 2 loại:
- Interferon typ I: gồm IFN-α (do bạch cầu sản xuất) và IFN-β (chủ yếu do nguyên bào
sợi sản xuất, tuy nhiên tất cả các loại tế bào đều sản xuất được IFN-β).
- Interferon typ II: IFN-γ (do bạch cầu lympho T và tế bào NK sản xuất).
Vai trò của IFN typ I: Các tế bào nhiễm virus tổng hợp và bài tiết interferon vào
dịch ngoại bào, interferon đi đến các tế bào lân cận chưa bị nhiễm virus và gắn vào thụ
thể bề mặt của các tế bào này. Interferon tác động làm cho tế bào tổng hợp enzym
protein kinase R (PKR) và oligodenylate synthetase. PKR làm giảm tổng hợp protein
của virus, oligodenyl synthetase làm giảm tổng hợp RNA của cả virus và tế bào chủ.
Như vậy, interferon ức chế sự nhân lên của virus đồng thời hạn chế sự lây lan của virus.
IFN còn làm tăng biểu lộ MHC lớp I và lớp II, tăng hoạt tính của tế bào NK, điều biến
đáp ứng của kháng thể.
Vai trò của IFN typ II: IFN-γ làm tăng biểu lộ MHC lớp I và II, hoạt hoá đại thực
bào, tăng hoạt tính của tế bào NK, giảm kích thích IL-4 tiết IgE, đồng kích thích phát
triển và biệt hoá lympho B.
3.3.3.2. TNF (Tumor necrosis factor)
TNF (Tumor necrosis factor: yếu tố gây hoại tử u) trước đây có tên là cachetin
(chất gây suy mòn) nói lên tác dụng sinh học của nó. Nó được sản xuất nhiều trong cơ
thể người bị ung thư, làm cơ thể những người này bị suy mòn. Nay thể TNF là một
cytokin gây viêm quan trọng. Tiêm TNF vào một vị trí sẽ làm nơi đó nhanh chóng xuất
hiện ổ viêm cấp điển hình với các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau, nhất là khi nó phối hợp
với IL-1 và IL-6.
Nguồn gốc: Chủ yếu là từ đại thực bào, dưới sự kích thích của yếu tố gây viêm (ví
dụ LPS, IL-1 và các sản phẩm của vi khuẩn). Ngoài ra còn được sản xuất từ lympho
bào, tế bào Mast, tế bào nội mạc, mô mỡ, nguyên bào sợi, cơ tim và mô thần kinh.
Tác dụng sinh học:
- Trên thần kinh: TNF kích thích vùng dưới đồi và trục yên – thượng thận bài tiết
corticosteroid, đồng thời kích thích trung tâm sốt và ức chế trung tâm thèm ăn.
6
- Ở gan: trên tế bào gan, TNF kích thích sản xuất các protein pha cấp, làm tăng nồng
độ protein phản ứng C. Nó cũng cảm ứng kháng insulin.
- Bạch cầu đa nhân trung tính: bị hấp dẫn mạnh tới vùng có nồng độ cao TNF và bị
bám dính vào nội mạc mạch máu.
- Trên đại thực bào: quá trình thực bào được tăng cường, đồng thời sản xuất IL-1,
PGE2 (prostaglandin E2 – một lipid gây viêm)
- Trên mô cơ và mỡ: tăng cường khả năng kháng insulin, do vậy nồng độ glucose huyết
tăng cao trong viêm.
- Nếu nồng độ cao TNF tác dụng làm xuất hiện các triệu chứng viêm cấp, ngược lại
nếu nồng độ thấp và kéo dài sẽ gây suy kiệt cơ thể.
3.3.3.3. Một số cytokin khác
Tên gọi Nguồn gốc Tác dụng sinh học
IL-1 đại thực bào, tế bào chất gây sốt nội sinh, mất ngủ, chán ăn,
nội mô, một số tế bào viêm, biểu lộ CD54 trên tế bào nội mạc và
biểu mô giải phóng yếu tố mô, hoạt hoá lympho bào,
sản xuất IL-6 và CSF
IL-2 Lympho T kích thích phân triển lympho T, đồng kích
thích lympho B phân triển và biệt hoá, tăng
cường NK, LAK
IL-3 lympho T, tế bào mast kích thích phân triển tế bào mast, phát triển
tế bào máu đa năng
IL-4 lympho T, tế bào mast kích thích phát triển lympho T và phát triển
thành CTL, đồng kích thích phát triển
lympho B, cùng IL-3 thúc đẩy tế bào mast
phát triển, tăng sản xuất IgE và IgG4, kích
thích biểu lộ và giải phóng CD23, tăng
MHC-I trên tế bào B, chuyển Th thành Th-2
IL-5 lympho T, tế bào mast kích thích biệt hoá BCAT, tăng cường sản
xuất IgA, đồng kích thích phát triển lympho
B của chuột
IL-6 tế bào mono, nguyên gây sốt, kích thích phân triển tương bào và
bào xơ, lympho T tế bào lai, tạo thuận sản xuất Ig, tăng biểu lộ
(chuột) MHC-I trên nguyên bào xơ; cùng với IL-2
thúc đẩy tế bào gan sản xuất protein pha cấp;
cùng IL-3 tăng phân triển các tế bào máu,
gây biệt hoá CTL
IL-7 tế bào tuỷ xương, tế kích thích tiền lympho B, quá trình chín của
bào mô đệm, tuyến ức tế bào tuyến ức
IL-8 Tế bào mono, tế bào hoá ứng động, hoạt hoá bạch cầu trung tính
nội mô, đại thực bào và lympho T

7
phế nang, nguyên bào

IL-9 lympho T phân triển một số tế bào T, tạo thuận để IL-
3 kích thích phát triển tế bào Mast
IL-10 lympho T, B hoạt hoá, giảm MHC-II, ức chế hoạt tính MAC, giảm
tế bào mono trình diện kháng nguyên, kích thích lympho
B phân triển và sản xuất kháng thể, kích
thích tế bào mast, chuyển Th thành Th2
IL-11 tế bào máu ngoại vi kích thích sản xuất kháng thể, hợp tác với
IL-3 phân triển tế bào nhân khổng lồ, kích
thích các tiền thân đại thực bào
IL-12 Tế bào mono, đại thực hoạt hoá tế bào NK tiết IFN-𝛾, chuyển Th
bào, một số lympho B thành Th1, ức chế IL-4 kích thích tiết IgE
và tế bào mast
IL-13 lympho B, đại thực kích thích tiết IgE
bào
IL-14 lympho T kích thích yếu tố phát triển lympho B
IL-15 tế bào không phải kích thích phát triển và gây độc tế bào của
hạch bạch huyết, cơ NK, biệt hoá NK
IL-16 lympho T (trước khi hoá ứng động CD4, kích thích CD25, tăng
hình thành CD8) MHC-II, kìm hãm HIV phiên mã.
IL-17 tế bào nhớ CD4 đồng kích thích phân triển T, kích thích các
tế bào biểu mô, nội mạc, nguyên bào xơ tiết
IL-6, IL-8 và G-CSF
Yếu tố kích lympho T, đại thực kích thích phát triển các tế bào tiền thân của
thích tạo bào, tế bào mono, tế bạch cầu hạt và mono, hoạt hoá đại thực bào,
clon (CSF) bào nội mạc tăng sản xuất leukotrien của BCAT, tăng
GM-CSF hoạt tính diệt của tế bào mono
G-CSF Tế bào mono, nguyên kích thích phát triển bạch cầu hạt
bào xơ, tế bào nội mạc
M-CSF Tế bào mono, nguyên kích thích phát triển tế bào mono
bào xơ, tế bào nội mạc
Yếu tố phát ung thư rắn kích thích tạo mạch, phân triển tế bào sừng,
triển (carcinoma), tế bào tiêu huỷ xương, phát triển u
chuyển mono
dạng (TGF)
TGF-𝛼
TGF-𝛽 tiểu cầu, rau thai, tuỷ kích thích phân triển nguyên bào xơ, tổng
xương, T và B hợp collagen và fibrinogen, ức chế CTL,

8
NK, LAK, ức chế T và B phân triển, tạo
thuận quá trình tạo mạch và lành vết thương

3.3.3.4. Chemokin
Chemokin là các cytokin có liên quan đến phản ứng miễn dịch và viêm tế bào, có
vai trò kích thích bạch cầu di chuyển và điều hoà sự di chuyển của bạch cầu từ máu tới
mô. Có 4 loại chemokin là C, CC, CXC và CX. Phần lớn các chemokin thuộc loại CC
hoặc CXC. Chemokin CC thu hút các bạch cầu mono, bạch cầu lympho và bạch cầu ái
toan đến vị trí viêm mạn tính. Chemokin CXC thu hút bạch cầu trung tính tới vị trí viêm
cấp. Chemokin truyền tin cho tế bào đích bằng cách hoạt hoá receptor với protein G
ghép đôi trong tế bào. Hầu hết các protein G ghép cặp nhận diện được nhiều hơn một
chemokin, và hầu hết các chemokin nhận diện được nhiều hơn một receptor. Việc gắn
của chemokin vào receptor có thể dẫn đến việc ức chế hoặc kích thích cùng một
chemokin hoạt động như chất kích thích tại một loại receptor và ức chế tại một loại
receptor khác.
Các cytokin liên quan đến đáp ứng miễn dịch tự nhiên bao gồm: TNF, IL-1, IL-
6, IL-12, IFN-𝛼, 𝛽, 𝛾; chemokin.
Khả năng đáp ứng miễn dịch tự nhiên còn phụ thuộc vào đặc điểm về hình thái
và chức năng các cơ quan của từng cá thể (cơ địa) như: tình trạng sức khoẻ, tình trạng
thần kinh, hoạt động của nội tiết, di truyền… Vì thế khả năng đề kháng này khác nhau
giữa các loài và các cá thể trong cùng một loài.
4. Viêm không đặc hiệu
Hoạt động của hệ thống đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu được biểu hiện trong
hiện tượng thường gặp, đó là viêm không đặc hiệu. Cơ chế của các biểu hiện: sưng,
nóng, đỏ, đau trong loại viêm này là do bản thân các yếu tố gây viêm (do kháng nguyên)
gây ra, chưa có kháng thể đặc hiệu tham gia. Yếu tố gây viêm cùng các sản phẩm của
chúng và các sản phẩm do huỷ hoại tế bào, do hoạt hoá các tế bào viêm tiết ra (enzym
thuỷ phân; amin hoạt mạch: histamin, serotonin; cytokin: TNF, IL-1, IL-6; sản phẩm
của phospholipid màng: prostaglandin, leucotrien, thromboxan; protein pha cấp…) làm
xuất hiện một loạt các phản ứng tại chỗ và toàn thân. Phản ứng tế bào là trung tâm của
viêm. Dãn mạch, thành mạch tăng tính thấm, bạch cầu tập trung về ổ viêm, hình thành
dịch rỉ viêm… đều nhằm mục đích hạn chế ổ viêm, tiêu diệt đối tượng gây viêm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Bộ Y tế (2007) - Sinh lý bệnh và miễn dịch (Phần Miễn dịch học) – NXB Y học.
2. Trường Đại học Y Hà Nội (2006) – Miễn dịch học - NXB Y học.
3. Trường Đại học Y Hà Nội (2019) – Sinh lý bệnh học – NXB Y học.
4. Peter J. Delves, Seamus J. Martin, Dennis R. Burton, Ivan M. Roitt (2017) - Roitt’s
Essential Immunology, e13 - Wiley Blackwell.
5. Carol Mattson Porth (2011) - Essentials of Pathophysiology. Concepts of Altered Health
States, 3rd Ed - Wolters Kluwer.

9
6. Tommie L.Norris (2019) - Porth’s Pathophysiology. Concepts of Altered Health
States, e10- Wolters Kluwer.
7. Kumar, Abbas, Aster (2015) - Robbins and Cotran Pathologic Basis of Disease, e9 –
Elsevier Sauders.

10

You might also like