You are on page 1of 11

NGUYÊN TẮC TẤT CẢ CÁC DÂN TỘC BÌNH ĐẲNG VÀ CÓ QUYỀN

TỰ QUYẾT, THỰC TRẠNG ÁP DỤNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM


Tóm tắt: Trong thời đại toàn cầu hóa, những nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc
tế càng thể hiện rõ sứ mệnh của chúng trong việc ổn định quan hệ giữa các quốc
gia và ấn định khuôn khổ hệ thống pháp luật quốc tế. Trong đó, bài tiểu luận
chọn nghiên cứu về nguyên tắc “Tất cả các dân tộc bình đẳng và có quyền tự
quyết” bởi nhận thức rõ được tầm quan trọng của nguyên tắc này đối với việc
thiết lập quan hệ quốc tế cũng như đảm bảo sự phát triển tối ưu nhất của quốc
gia. Kết cấu bài bao gồm: làm rõ bản chất, nội dung nguyên tắc; phân tích những
vụ việc thực tế đã xảy ra trên thế giới cũng như ở Việt Nam để rồi thấy được đây
là vấn đề vô cùng phức tạp ảnh hưởng đến tinh thần hữu nghị giữa các quốc gia.
Từ khóa: Nguyên tắc dân tộc bình đẳng và có quyền tự quyết, chủ nghĩa ly
khai, quyền dân tộc thiểu số.
1. Nguyên tắc tất cả các dân tộc bình đẳng và có quyền tự quyết
Nguyên tắc dân tộc bình đẳng và có quyền tự quyết thuộc nhóm 7 nguyên tắc
cơ bản của Luật Quốc tế (fundamental principles of international law) bao gồm:
(1) nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, (2) nguyên tắc cấm
dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, (3) nguyên tắc giải
quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình, (4) nguyên tắc không
can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, (5) nguyên tắc các dân tộc
bình đẳng và có quyền tự quyết, (6) nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác
với nhau, (7) nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda).1
Trong đó, có thể coi quyền dân tộc bình đẳng và tự quyết là nền tảng để những
quyền năng khác của quốc gia cũng được tôn trọng và bảo đảm. Bởi đó là yếu tố
tiên quyết quyết định vận mệnh dân tộc, là sự khởi đầu thiêng liêng cho mọi giá
trị được tạo ra sau này mà không một chủ thể nào được phép xâm phạm.
Trước hết, cần nhận định bình đẳng là một vấn đề cần thiết cho sự phát triển,
và cũng chính là mục tiêu của sự phát triển. Ngày nay, khi xã hội ngày càng hiện
đại, sự bình đẳng lại càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn trong mọi lĩnh vực,
điều đó có thể dễ thấy qua những nỗ lực phá bỏ rào cản phân biệt giàu nghèo,
giới tính, màu da ở khắp các quốc gia trên thế giới, hay những báo cáo được
Oxfam và Tổ chức Phát triển Tài chính Quốc tế (DFI) công bố hàng năm về Chỉ
số cam kết giảm Bất bình đẳng (CRII) của 158 quốc gia. Theo Rousseau- một
1
Điều 2, Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945 và Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày
24/10/1970
triết gia người Pháp thế kỷ XVIII với tư tưởng cấp tiến luôn đấu tranh vì quyền
con người, để một chủ thể có khả năng và cơ hội thực hiện những điều tốt đẹp thì
xã hội phải tạo cho họ một số điều kiện nhất định và một trong những điều kiện
then chốt đó chính là sự bình đẳng.2 Tư tưởng này đã làm thay đổi nhận thức của
nhiều nhà triết gia trên thế giới, và đến ngày hôm nay Rousseau đã chứng minh
được tính thuyết phục của quan điểm đó khi mà sự bình đẳng không chỉ là một
vấn đề giữa các giai tầng xã hội trong quốc gia mà còn có sức ảnh hưởng toàn
cầu, được Luật Quốc tế thừa nhận.
Nguyên tắc dân tộc bình đẳng và có quyền tự quyết được công nhận sau Cách
mạng tháng 10 Nga 1917, sau khi các dân tộc thuộc địa bị áp bức lần lượt đứng
lên đấu tranh giành độc lập, nhân dân nô lệ tự làm chủ cuộc đời mình, bắt tay
vào xây dựng chế độ xã hội mới mà chính họ mong muốn, lựa chọn và đặt niềm
tin vào. Tuy nhiên, ở giai đoạn này nguyên tắc chưa được phổ biến rộng rãi, nó
chỉ mới được lan truyền như một định hướng hay một quan điểm. Đến sau thế
chiến thứ hai, nguyên tắc này mới được đề cập trong Hiến chương Liên Hợp
Quốc tại điều 1 và điều 55 như một công cụ pháp lý có hiệu lực tối cao duy trì sự
hòa bình, tôn trọng, hợp tác giữa các quốc gia. Ngoài ra, được khẳng định trong
Nghị quyết 1514 của Đại hội đồng về Tuyên ngôn Trao Độc lập cho các Quốc
gia và Dân tộc thuộc địa năm 1960, Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của Luật
Quốc tế 1970, Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công
ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR). Từ các văn bản quốc
tế trên, tựu chung lại nguyên tắc dân tộc bình đẳng và có quyền tự quyết gồm 3
nội dung chính như sau:
Một là, các dân tộc thuộc địa có quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đấu
tranh giành độc lập dù là đấu tranh vũ trang, có quyền nhận mọi nguồn lực ủng
hộ để tiến hành đấu tranh mà không bị ngăn cản bởi bất kỳ quốc gia nào khác.
Nguyên tắc còn bao gồm việc cấm lợi dụng quyền này để xúi giục, thúc đẩy các
lực lượng ly khai tự trị.
Như vậy, Luật Quốc tế đã sớm nhận ra đây là vấn đề có tính chất đe dọa lớn đến
toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị và sự tồn vong của quốc gia, nhất là những
quốc gia đa dân tộc, có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú như Việt Nam
ta. Bên cạnh đó, quyền dân tộc tự quyết không cho phép các dân tộc thiểu số của
quốc gia thành lập nhà nước độc lập mà chỉ những dân tộc theo nghĩa “nhân
dân” mới có quyền quyết định vận mệnh của mình. Điều này xuất phát từ thực
2
An associate at the New York law firm of Davis Polk & Wardwell, Equality and Democracy,
https://oycf.org/equality-and-democracy/, truy cập ngày 26/7/2021
tiễn sau chiến tranh Lạnh khi mà các dân tộc thiểu số của các quốc gia Châu Âu
và Châu Phi dựa vào nguyên tắc này để đấu tranh thành lập quốc gia riêng, gây
ra sự hỗn loạn lớn đến hòa bình quốc gia, an ninh thế giới.
Hai là, mỗi dân tộc có quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế - xã hội và
văn hóa; tự quyết định các vấn đề đối nội, đối ngoại mà không có sự can thiệp từ
bên ngoài (without external interference); tự do lựa chọn con đường phát triển
phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, điều kiện địa lý; có chủ quyền đối với
tài nguyên thiên nhiên của mình.
Có thể coi đây là nội dung chủ đạo, cốt lõi của nguyên tắc dân tộc có quyền bình
đẳng và tự quyết. Quyền tự quyết dân tộc bao gồm quyền tự quyết bên trong
(internal self-determination) quyết định về vấn đề nội bộ trong phạm vi lãnh thổ
của quốc gia, và quyền tự quyết bên ngoài (external self-determination) đảm bảo
quốc gia không bị tác động, can thiệp từ bên ngoài.3 Như vậy, nội dung quyền tự
quyết bên trong của quốc gia có mối quan hệ gần gũi với nguyên tắc cấm can
thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia. Có thể coi nguyên tắc cấm can thiệp
vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia và nguyên tắc dân tộc bình đẳng, tự quyết
bổ sung cho nhau, thể hiện mối quan hệ hai chiều trong quan hệ quốc tế. Cụ thể,
nếu như Luật pháp Quốc tế cho phép một quốc gia tự do quyết định vận mệnh
của mình thì những quốc gia khác bị nghiêm cấm can thiệp vào những vấn đề đó,
dù là trực tiếp hay gián tiếp, trừ khi sự can thiệp đó được sự đồng ý của quốc gia
sở tại (consent).
Ba là, không cho phép bất kỳ chủ thể nào được tước bỏ quyền quyết định, tự
do, độc lập của dân tộc khác; hay coi thể chế, xu hướng chính trị của mình là
khuôn mẫu của nhân loại để áp đặt lên dân tộc khác.
Nội dung nguyên tắc này có vai trò to lớn trong việc khai trừ chủ nghĩa thuộc địa
trên thế giới lúc bấy giờ. Liên Hợp Quốc đã tạo động lực cho các dân tộc thuộc
địa tiến hành quá trình phi thực dân hóa, phá bỏ sự thống trị của đế quốc thông
qua Tuyên ngôn Trao Độc lập cho các Quốc gia và Dân tộc thuộc địa năm 1960
như sau: mỗi dân tộc thuộc địa có quyền thành lập quốc gia độc lập hay cùng với
các dân tộc khác thành lập các quốc gia liên bang trên cơ sở tự nguyện.4 Ngoài
ra, Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế 1970 còn quy định rằng
quy chế pháp lý của thuộc địa tách biệt khỏi lãnh thổ của quốc gia quản lý nhằm
bảo vệ sự sáp nhập lãnh thổ của quốc gia thực dân đế quốc vào lãnh thổ dân tộc
3
Trần H.D. Minh, Nguyên tắc dân tộc tự quyết, https://iuscogens-vie.org/2018/09/23/98-nguyen-tac-dan-toc-tu-
quyet/, truy cập ngày 27/7/2021
4
Principle VI, Resolution 1514 (XV), 15 December 1960
thuộc địa. Về vấn đề này, Lênin cũng đã từng có những định nghĩa về quyền tự
quyết của dân tộc như sau: “Quyền dân tộc tự quyết có nghĩa là quyền phân lập
về mặt Nhà nước của các dân tộc đó ra khỏi tập thể dân tộc khác, có nghĩa là sự
thành lập một quốc gia dân tộc độc lập.”.5Tuy nhiên điều này không có nghĩa là
Lênin ủng hộ bất cứ một dân tộc nào trong một quốc gia đấu tranh đòi thành lập
một quốc gia riêng biệt, Lênin chỉ ủng hộ việc dân tộc tìm con đường riêng cho
mình khi dân tộc đó bị áp bức, bóc lột.
Trong Luật Quốc tế, những nguyên tắc cơ bản tồn tại dưới dạng quy phạm có
tính chất jus cogens và được ghi nhận trong điều ước quốc tế, tập quán quốc tế.
Tuy nhiên, mặc dù đang từng bước công nhận nguyên tắc bình đẳng và tự quyết
như một quyền năng pháp lý trong Luật Quốc tế, song Tòa án Công lý Quốc tế
chỉ khẳng định nguyên tắc này như một nghĩa vụ erga omnes,6 và cho đến nay
chỉ duy nhất quy định về cấm tra tấn được Tòa công nhận là một quy phạm jus
cogens. Thuật ngữ “nghĩa vụ erga omnes” được Tòa ICJ lần đầu tiên nhắc đến
trong vụ xét xử năm 1972 về Barcelone Traction, Light and Power Company
giữa Tây Ban Nha và Bỉ,7 đó được hiểu là một quy phạm có giá trị pháp lý với
mọi chủ thể trong Luật Quốc tế. Như vậy, mối quan hệ giữa erga omnes và jus
cogens là gì khi mà Tòa ICJ coi nguyên tắc quyền tự quyết dân tộc là một nghĩa
vụ erga omnes trong khi hiện nay nguyên tắc đó được công nhận như một jus
cogens? Giữa quy phạm jus cogens và erga omnes mặc dù bản chất khác nhau
tuy nhiên chúng có mối liên quan khá gần gũi, tất cả những quy phạm jus cogens
đều có tính chất erga omnes nhưng chiều ngược lại thì không, theo Tòa ICJ các
quy phạm jus cogen đều tạo ra nghĩa vụ erga omnes.8 Ngoài ra về phạm vi điều
chỉnh, cả jus cogens và erga omnes đều có có giá trị pháp lý với mọi quốc gia.
Song, quy phạm jus cogens có hiệu lực pháp lý tối cao và không chấp nhận bất
kỳ sự vi phạm nào, còn erga omnes chỉ có giá trị tương đương với các quy phạm
khác trong hệ thống Pháp luật Quốc tế,9 như vậy giá trị ràng buộc của jus cogens
cao hơn erga omnes.
Về mối quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết và quyền con người, theo nhóm
nghiên cứu đề tài, 2 quyền năng này có giá trị bổ sung cho nhau. Trước tiên,
quyền con người là nền tảng, cơ sở để ra đời và phát triển quyền dân tộc tự
5
V.I.Lênin: Toàn tập, t.25, Nhà xuất bản Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, tr.303
6
Trần H.D. Minh, Nguyên tắc dân tộc tự quyết, tlđđ
7
Barcelona Traction, Light and Power Company, Limited (Belgium v. Spain) (New Application: 1962),
https://www.icj-cij.org/en/case/50, truy cập ngày 27/7/2021
8
Alina Kaczorowska, Public International Law, Routledge, 2010, page 51
9
Trần H.D.Minh, Quy phạm erga omnes trong luật pháp quốc tế, https://iuscogens-vie.org/2018/10/07/102/, truy
cập ngày 27/7/2021
quyết. Tư tưởng này có thể dễ thấy trong Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày
2/9/1945 của Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi Người viện dẫn từ quyền của con người
trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ để suy luận một cách vô cùng thuyết
phục về quyền bình đẳng, quyền tự do của dân tộc, để rồi tư tưởng đó trở thành
một giá trị to lớn cho cả một thời đại. Trái lại tôn trọng quyền dân tộc bình đẳng
chính là cách gián tiếp tôn trọng và đảm bảo quyền con người. Bởi mỗi một con
người là một cá thể mang trong mình giá trị lịch sử, tinh thần, bản chất của mỗi
quốc gia, đặc biệt quyền lực của mỗi quốc gia bao trùm và truyền tải qua quyền
lợi của mỗi công dân nước mình. Do đó, quyền con người chỉ có thể được bảo vệ
khi con người được sống trong quốc gia độc lập chủ quyền và có quyền tự quyết.
2. Thực trạng áp dụng nguyên tắc
2.1. Phạm vi quốc tế
Nguyên tắc tất cả các dân tộc bình đẳng và có quyền tự quyết dần thể hiện vai
trò của nó giúp các quốc gia trên thế giới ổn định phạm vi lãnh thổ, thể chế chính
trị, có thể thấy qua những vụ việc sau:
Thứ nhất, ta có thể dựa trên quan điểm của ICJ đối với tranh chấp tại khu vực
phía Tây hoang mạc Sahara năm 1975. Năm 1884, nơi đây bị Tây Ban Nha
chiếm làm thuộc địa. Năm 1957, Morocco đề xuất sự can thiệp từ phía hội đồng
Liên Hợp Quốc. Mười tám năm sau, vua Hassan của Morocco tiếp tục đưa vấn
đề xung đột khu vực này lên Tòa án thế giới ở Hague. Tòa nhận định rằng mọi
người được phép quyết định vấn đề chủ quyền thông qua quyền tự quyết. Từ
tháng 11 năm 1975 cho đến cuộc trưng cầu dân ý được ấn định vào tháng 1-
1992, các quốc gia tiến hành nhiều hình thức để tranh giành quyền lợi. Năm
2003, phía Liên Hợp Quốc tiếp tục đề nghị nơi này trở thành một khu vực bán tự
trị của Morocco trong thời kỳ quá độ 5 năm và tiến hành cuộc trưng cầu ý dân để
đưa ra quyết định lãnh thổ này sẽ nằm trong quyền quản lý của chủ thể nào. “Dư
luận thế giới hoan nghênh việc Morocco và Polisario đồng ý tiến hành các cuộc
đàm phán về vùng lãnh thổ Tây Sahara dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Hội
đồng Bảo an kêu gọi các bên tham gia đàm phán không đưa ra điều kiện tiên
quyết nào để đạt được một giải pháp chính trị công bằng, lâu dài và cùng chấp
nhận được, bảo đảm được quyền tự quyết của nhân dân Tây Sahara.”10 Ta có thể
nhận thấy những nhà chức trách đã xem Nguyên tắc tự quyết là một quyền của
các dân tộc. Nhà nước ta cũng thể hiện sự quan tâm dành cho tình hình tại khu
vực này, Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc luôn đưa ra kêu gọi
10
Cuộc đàm phán về vùng lãnh thổ Tây Sahara, https://nhandan.vn/chuyen-thoi-su/cuoc-dam-phan-ve-vung-
lanh-tho-tay-sahara-423480/, truy cập ngày 28/7/2021
mong các bên giữ hòa bình và quan điểm giải quyết thông qua đàm phán trên cơ
sở tôn trọng tinh thần luật pháp quốc tế.11
Thứ hai, ta có thể xem xét Vụ xin ý kiến tư vấn Tòa ICJ về việc chia tách quần
đảo Chagos khỏi thuộc địa Mauritius trong quá trình phi thực dân hóa.12 “Từ
1638 Mauritius trở thành thuộc địa của Hà Lan, sau đó Hà Lan từ bỏ vào năm
1710. Pháp chiếm hữu quốc đảo này và đổi tên thành Ile de France từ năm 1715.
Quần đảo Chagos được xem là một phần của Ile de France dưới sự quản lý của
Pháp. Năm 1814 Pháp chuyển nhượng Ile de France, bao gồm cả quần đảo
Chagos cho Anh bằng Hiệp định Paris ngày 30/5/1814. Từ đó cho đến ngày
08/11/1965 – ngày quần đảo Chagos bị tách khỏi Mauritius – quần đảo này được
quản lý như một lãnh thổ phụ thuộc của Mauritius.”13 Đại hội đồng Liên Hợp
Quốc trong quá trình phân xử đã xem xét kỹ vấn đề “Tất cả các dân tộc có quyền
tự quyết; theo quyền đó họ tự do quyết định thể chế chính trị và tự do theo dõi
phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa” trong Nghị quyết 1514 (XV) năm 1960 bên
cạnh các Nghị quyết 2066 (XX) ngày 16/12/1965, Nghị quyết 2232 (XXI) ngày
20/12/1966 và Nghị quyết 2357 (XXII) ngày 19/12/1967. Như vậy chứng tỏ rằng
Liên Hợp Quốc luôn đề cao tính tự quyết để bảo đảm sự công bằng trong các
tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia.14 Có thể so sánh Vụ việc này với Việt
Nam vì nước ta đã từng là thuộc địa và giải phóng thông qua bạo lực cách mạng,
ngược lại với biện pháp đàm phán hòa bình ở Mauritius. Ngày 01 tháng 03 năm
2018, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã gửi bản lập luận đến Tòa ICJ nêu
quan điểm rằng tòa có thẩm quyền tư vấn trong vụ việc này. Hành động này
phần nào thể hiện vai trò tham gia hội nhập quốc tế cũng như sự tích cực của đội
ngũ pháp lý Bộ Ngoại Giao.
Một ví dụ nữa để thể hiện thực trạng áp dụng nguyên tắc trên là vụ việc Vùng
Catalan ly khai khỏi Tây Ban Nha.15 Vào tháng 10 năm 2017, Tổng thống vùng
Catalan thuộc Tây Ban Nha đã ký văn kiện tuyên bố độc lập tách vùng Catalan
khỏi lãnh thổ Tây Ban Nha.16 Thủ tướng Tây Ban Nha sau đó đã có phát biểu
11
Việt Nam nêu quan điểm giải quyết tình hình Tây Sahara và Colombia, https://baochinhphu.vn/Quocte/Viet-
Nam-neu-quan-diem-giai-quyet-tinh-hinh-Tay-Sahara-va-Colombia/428980.vgp, truy cập ngày 29/7/2021
12
Trần H. D. Minh, [28] Vụ xin ý kiến tư vấn Tòa ICJ về việc chia tách quần đảo Chagos khỏi thuộc địa
Mauritius trong quá trình phi thực dân hóa, https://iuscogens-vie.org/2017/08/15/28/, truy cập ngày 29/7/2021
13
Chagos Marine Protected Area Arbitration (Mauritius v. United Kingdom), https://pca-cpa.org/en/cases/11/,
truy cập ngày 26/7/2021
14
Trương Hùng, Liên Hiệp Quốc buộc Anh giao trả quần đảo Chagos, https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-
antg/Lien-Hiep-Quoc-buoc-Anh-giao-tra-quan-dao-Chagos-i523025/, truy cập ngày 29/7/2021
15
Trần H. D. Minh, [40] Vùng Catalan ly khai khỏi Tây Ban Nha, https://iuscogens-vie.org/2017/10/11/40/, truy
cập ngày 1/8/2021
16
Adrian Croft và Julien Toyer, Catalan leader signs document declaring independence from Spain,
https://www.reuters.com/article/us-spain-politics-catalonia-document/catalan-leader-signs-document-declaring-
yêu cầu Catalan rút lại ý định ly khai, và đe doạ sẽ đình chỉ quy chế tự trị của
vùng này và áp đặt quyền kiểm sát trực tiếp từ Madrid.17 Thủ tướng Tây Ban
Nha đe doạ sẽ kích hoạt Điều 155 Hiến pháp nước này nếu Catalan tiếp tục có ý
định ly khai.18 Việc này là kết quả một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày
01/10/2017 với 90% người dân chọn độc lập. ICJ đưa ra lập luận rằng Luật pháp
Quốc tế không cấm việc đưa ra tuyên bố độc lập đơn phương, ở đây, điều mà có
thể đã bị vi phạm là luật pháp của chính Tây Ban Nha. Ngày 31/10/2017 Người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có phát ngôn chính thức rằng:
“Đây là công việc nội bộ của Tây Ban Nha và cần được giải quyết trên cơ sở tôn
trọng Hiến pháp và pháp luật, vì sự thống nhất và ổn định của Tây Ban Nha.”19
Phát ngôn này đề cao sự tự quyết của Tây Ban Nha trong công việc nội bộ theo
đúng quy định tại Hiến pháp nước này, quan trọng nhất là dựa theo thỏa thuận đã
thống nhất của các bên.
Hơn thế nữa, bài viết cũng muốn đưa ra các lập luận ủng hộ quyền ly khai trên
cơ sở quyền dân tộc tự quyết thường được trích dẫn từ phán quyết năm 1998 của
Tòa án Tối cao Canada trong vụ việc liên quan đến vấn đề Bang Quebec ly khai
khỏi Canada làm căn cứ khẳng định tính áp dụng nguyên tắc tôn trọng tính tự
quyết trên thực tế.20 Tòa án Canada cho rằng: “Khi một dân tộc bị ngăn cản thực
thi quyền tự quyết bên trong, thì dân tộc đó được quyền thực thi quyền tự quyết
bằng việc ly khai như một giải pháp cuối cùng.”
2.2. Liên hệ Việt Nam
Dưới góc độ Luật pháp quốc tế, vấn đề tôn trọng quyền tự do của các dân tộc
có thể tự chọn đường lối, chính sách phát triển riêng của mình là một trong
những cơ sở xây dựng quan hệ quốc tế giữa các quốc gia. Tại Khoản 2, Điều 1
Hiến chương Liên Hợp Quốc ghi nhận “Phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân
tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và dân tộc tự
quyết”.21 Tiếp đó, trong 7 tuyên bố những nguyên tắc của Liên Hợp Quốc cũng
ghi nhận “Việc thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập
vào nhà nước độc lập khác hoặc liên kết với quốc gia đó, cũng như việc thiết lập
independence-from-spain-idUSKBN1CF2VI, truy cập ngày 31/7/2021
17
Adrian Croft, Mark Heinrich và Julien Toyer, Spain gives Catalan leader 8 days to drop independence,
https://www.reuters.com/article/us-spain-politics-catalonia/spain-gives-catalan-leader-eight-days-to-drop-
independence-idUSKBN1CG12O, truy cập ngày 1/8/2021
18
Điều 155 Hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha
19
Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về những diễn biến gần đây liên quan đến
Vùng Cataluna, https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns171101100103, truy cập ngày 2/8/2021
20
Reference re Secession of Quebec, https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/1643/index.do, truy cập
ngày 3/8/2021
21
Khoản 2 Điều 1, Hiến Chương Liên Hợp Quốc năm 1945
bất cứ chế độ chính trị nào do nhân dân tự do quyết định là các hình thức thể
hiện quyền dân tộc tự quyết” và “mỗi quốc gia đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền
này, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc”.22 Giống như các chủ thể khác
trong Luật pháp Quốc tế, Quyền dân tộc tự quyết đối với Việt Nam là quyền mà
dân tộc ta được các dân tộc khác tôn trọng, không bị can thiệp vào nội bộ; tự do
chọn lựa chế độ chính trị - một Đảng lãnh đạo các đường lối chính sách kinh tế -
xã hội phù hợp với truyền thống, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng và điều kiện tự
nhiên.
Tuy nhiên không thể hiểu Quyền dân tộc tự quyết của quốc gia có thể bị ly
khai hay tự chủ bởi một hoặc một nhóm sắc tộc trong một quốc gia. Quyền này
được gọi theo một khái niệm khác là Quyền dân tộc thiểu số. Hai khái niệm này
nhìn chung khá giống nhau, nhưng Quyền dân tộc thiểu số là một phạm trù được
bao hàm của Quyền dân tộc tự quyết. Trong Công ước Quốc tế về Tuyên ngôn
toàn thế giới về quyền con người của Liên Hiệp Quốc (UDHR) năm 1948 có ghi
nhận: “Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này
không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ,
ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài
sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.”23, cùng với Công ước quốc tế về
các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) năm 1966 ghi nhận: “Ở những quốc gia
có nhiều nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, những cá nhân thuộc
các nhóm thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình,
không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực
hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.”24 Như
vậy, hai văn kiện trên công nhận quyền cơ bản của mỗi con người, mỗi nhóm
dân tộc, dù là nhóm dân tộc thiểu số nào, họ đều có đầy đủ các quyền chính trị,
quyền dân sự, hay kinh tế, văn hóa, xã hội đối với chính họ và cả quốc gia mà
không bị bất kì rào cản phân biệt đối xử nào. Quốc gia có trách nhiệm đảm bảo
mỗi dân tộc thiểu số đều được thừa hưởng tất cả các quyền cơ bản trên một cách
bình đẳng. Từ đó, có thể phân biệt được chủ thể Quyền dân tộc tự quyết là một
quốc gia - dân tộc chứ không phải là một nhóm dân tộc thiểu số trong một quốc
gia và Quyền dân tộc thiểu số là tập con của nó, được thừa hưởng quyền trong
quốc gia- dân tộc. Pháp luật Quốc tế không cho phép một dân tộc thiểu số ở một
quốc gia được ly khai, được thành lập một quốc gia độc lập với quốc gia được
22
Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật Quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù
hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1970
23
Điều 2 Công ước quốc tế về Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên Hợp Quốc (UDHR) năm
1948
24
Điều 27 Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) năm 1966
quốc tế công nhận mà họ là công dân trong quốc gia đó. “Trong mỗi quốc gia có
nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, tất cả các dân tộc này cùng hợp thành
một dân tộc chung nhất, đồng nghĩa với nhân dân và mang tên gọi của đất nước
mình.”25
Từ khi quá độ lên chủ nghĩa xã hội và phát triển đến ngày nay, Việt Nam có 54
dân tộc đa dạng khác nhau, cùng sinh sống hòa bình, đan xen, không có chiến
tranh và xung đột. Có thể thấy đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà
Nhà nước luôn muốn duy trì đảm bảo theo như Hiến pháp đã đề ra. Nhà nước
nghiêm cấm các hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm gây chia rẽ khối
đại đoàn kết dân tộc. Song, vì còn tồn đọng việc đồng nhất khái niệm giữa
Quyền dân tộc tự quyết và Quyền các dân tộc thiểu số nên trong những năm qua,
các thế lực thù địch thường lợi dụng điều này để kích động tư tưởng các dân tộc,
ra sức mua chuộc, lôi kéo các tổ chức quốc tế vào các khu vực vùng núi như Tây
Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ,... Những khu vực này thường là bộ phận các
dân tộc thiểu số sinh sống có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bị chia cắt nhiều
về địa hình, giao thông đi lại gặp nhiều bất tiện làm đời sống kinh, xã hội thấp,
người dân không màng nhiều đến trình độ văn hóa. Bên cạnh đó là một phần sự
sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Nhà nước. Lợi
dụng cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để vu cáo
Nhà nước Việt Nam "phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc thiểu số ", ép người
dân tộc thiểu số phải “bỏ đạo, bỏ văn hoá dân tộc” để hoà nhập với “cuộc sống
văn minh” của người Việt; kích động, lôi kéo người dân tộc thiểu số biểu tình,
bạo loạn đòi “quyền dân tộc tự quyết, tự quản.”26 Chính vì vậy, nơi đây là địa
bàn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội bằng nhiều hình
thức tinh vi, có thể kể đến các cuộc ủng hộ đòi quyền tự quyết, độc lập tự chủ
của “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên năm 2001, sự kiện Mường Nhé
năm 2011, “Vương quốc Chămpa” ở Tây Nam Bộ, “Vương quốc Mông” ở Tây
Bắc,...
Đặc biệt đối với sự kiện chủ nghĩa ly khai dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên thành
lập nhà nước Đêgar. Từ những năm 1943 đến 1954, Tây Nguyên là khu vực cư
trú của các đồng bào thiểu số đã bị thực dân Pháp thực hiện âm mưu chia cắt
lãnh thổ và chia rẽ giữa người Kinh và người Thượng. Chúng thực hiện các
chính sách như: “Một quốc gia trong lòng một quốc gia” - một âm mưu chính trị
25
Không thể đánh đồng quyền dân tộc tự quyết với quyền dân tộc thiểu số, http://danvan.vn/Home/Dien-
dan/6897/Khong-the-danh-dong-quyen-dan-toc-tu-quyet-va-quyen-cua-dan-toc-thieu-so, truy cập ngày 1/8/2021
26
Không thể đánh đồng quyền dân tộc tự quyết với quyền dân tộc thiểu số, tlđđ
thâm độc mới của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Tây Nguyên, nhằm chia rẽ, gây tị
hiềm lâu dài giữa người Kinh và người Thượng, ngăn chặn làn sóng di dân của
người Kinh lên Tây Nguyên sinh cơ lập nghiệp; lập ra “Nhóm liên kết các dân
tộc bị áp bức” viết tắt là GUOM,... Sau này, Người Việt Nam đã chinh phục Tây
Nguyên trong quá trình Nam Tiến và bị áp đảo bởi Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam sau nhiều lần gây bạo loạn. Tuy nhiên, một số người
Thượng, cùng một số tổ chức phương Tây đã tiến hành phong trào ly khai cáo
buộc rằng chính phủ Việt Nam thi hành nhiều chính sách áp bức họ. Ngược lại,
chính phủ Việt Nam cho rằng những người dân tộc thiểu số trên toàn Việt Nam
luôn được hưởng các quyền công dân bình đẳng, tuy nhiên một bộ phận dân tộc
thiểu số lại bắt tay với các tổ chức phương Tây thực hiện các phong trào ly khai
bạo loạn nhằm kích động, hủy hoại khối đoàn kết 54 dân tộc từ trước tới nay.
Thực chất kẻ chủ mưu sau phong trào này chính là Ksor Kok, hắn lợi dụng quy
chế tư vấn với ECOSOC của TPR, đại diện cho tổ chức này và MFI tham gia các
diễn đàn của Liên Hợp Quốc27, đứng sau các nội dung xuyên tạc về Chính quyền
Việt Nam với dân tộc thiểu số. Không những vậy còn lừa đảo và sử dụng tiền
của tổ chức cùng nhiều hành vi khác nên bị Tòa án Dân sự Mỹ tuyên phạt, sau
đó qua đời vào năm 2019. Từ đó, những cuộc bạo loạn với âm mưu xây dựng
một nhà nước tự trị mới đã kết thúc và niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ
Việt Nam ngày càng được củng cố.
Có thể thấy rằng cáo buộc trên là hoàn toàn vô căn cứ khi các quy định pháp
luật ở Nhà nước ta luôn tuân thủ với các quy định của Công ước Quốc tế về
Quyền con người đối với dân tộc thiểu số. Cụ thể ở các văn bản như Hiến pháp
năm 2013 (Điều 5)28; Các quy định về Quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong
Hiến pháp được thể chế bằng chế định về Hội đồng Dân tộc (Điều 75) hoặc gần
đây nhất là Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách
hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong những
năm 2017 – 2020. Dẫn chứng trong kỳ họp Quốc hội khóa XIII, trên tổng 500
đại biểu thì có đến 78 đại biểu là người dân tộc thiểu số thuộc 29 dân tộc khác
nhau.29 Hằng năm, Nhà nước thực hiện rất nhiều chính sách và chương trình như
phát triển kinh tế và giảm nghèo, phát triển nguồn lực, phát triển văn hóa – đời

27
Thanh Phong, Cái chết của Tổng thống tự xưng Ksor’Kok, https://hoicodo.com/2746/cai-chet-cua-tong-thong-
tu-xung-ksor-kok/, truy cập ngày 07/08/2021.
28
Điều 5 Hiến pháp Việt Nam năm 2013
29
Số lượng đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số ngày càng tăng, https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-
thoi-su/So-luong-dai-bieu-Quoc-hoi-nguoi-dan-toc-thieu-so-ngay-cang-tang-i603847/, truy cập ngày 5/8/2021
sống, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học và công nghệ30…hằm hỗ trợ
đồng bào thiểu số được phát triển toàn diện hơn, bắt kịp với các vùng miền khác.
Qua đó, việc bắt giữ các đối tượng kích động gây bạo loạn, ly khai là điều pháp
luật các nước đều có quy định, kể cả Việt Nam để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và
an ninh xã hội, nên không thể dựa vào đó để nói rằng "Chính phủ Việt Nam đàn
áp người Thượng" như các tổ chức phương Tây cáo buộc. Với vai trò là thành
viên của các Điều ước Quốc tế, là thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã
làm rất tốt vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực, là một dân tộc- quốc gia có chủ
quyền luôn nhận thức đúng đắn vấn đề về quyền tự quyết của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945
2. Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970
3. Trần Văn Thắng, Lê mai Anh, “Luật Quốc tế Lý luận và Thực tiễn”, Nhà
xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2001
4. “V.I.Lênin: Toàn tập”, Nhà xuất bản Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980
5. An associate at the New York law firm of Davis Polk & Wardwell,
“Equality and Democracy”, https://oycf.org/equality-and-democracy/
6. Trần H.D. Minh, Nguyên tắc dân tộc tự quyết, https://iuscogens-
vie.org/2018/09/23/98-nguyen-tac-dan-toc-tu-quyet/
7. Alina Kaczorowska, “Public International Law”, Routledge, 2010
8. Trần H.D.Minh, “Quy phạm erga omnes trong luật pháp quốc tế”,
https://iuscogens-vie.org/2018/10/07/102/
9. Trần H. D. Minh, “[28] Vụ xin ý kiến tư vấn Tòa ICJ về việc chia tách
quần đảo Chagos khỏi thuộc địa Mauritius trong quá trình phi thực dân
hóa”, https://iuscogens-vie.org/2017/08/15/28/
10. Trần H. D. Minh, “[40] Vùng Catalan ly khai khỏi Tây Ban Nha”,
https://iuscogens-vie.org/2017/10/11/40/
11. “Reference re Secession of Quebec”, https://scc-csc.lexum.com/scc-
csc/scc-csc/en/item/1643/index.do
12.Công ước quốc tế về Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của
Liên Hợp Quốc (UDHR) năm 1948
13. Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) năm 1966

30
Chính sách và quyền của người dân tộc thiểu số và người bản địa,
https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/ethnic-minorities-and-indigenous-people-policy/, truy cập
ngày 6/8/2021

You might also like