You are on page 1of 7

CÂU 2: Mô tả cơ chế miễn dịch của quá mẫn tức thời, nêu một số bệnh lý liên quan và

phương pháp xét nghiệm xác định nguyên nhân gây quá mẫn tức thời qua trung gian
IgE.

1. Mô tả cơ chế miễn dịch của phản ứng quá mẫn tức thời.
Theo quy luật chung, hệ miễn dịch sẽ phản ứng với tất cả các kháng nguyên lạ để bảo vệ cơ
thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Song, hệ thống miễn dịch đôi khi đáp ứng quá mức hoặc
bất thường, gây ra các tình trạng bệnh lý gây hại cho chính cơ thể gọi là phản ứng quá mẫn.
Và dựa vào cơ sở cơ chế chính chịu trách nhiệm gây tổn thương mô và bệnh lý, người ta chia
phản ứng quá mẫn thành 4 type: I, II, III, IV.
Quá mẫn tức thời (type I): phản ứng gây phóng thích các hóa chất trung gian từ tế bào mast
và liên quan đến kháng thể globulin miễn dịch IgE
Quá mẫn qua trung gian kháng thể (type II): liên quan đến các kháng thể lớp IgM và IgG,
khi gắn lên tế bào hoặc mô sẽ khởi hoạt đáp ứng viêm, gây tổn thương tế bào, mô (type IIA).
Ngoài ra, một số kháng thể khi gắn lên không tổn thương tế bào mà gây thay đổi chức năng
của tế bào (type IIB)
Quá mẫn do phức hợp miễn dịch (type III): kháng thể chống lại kháng nguyên hòa tan, tạo
thành phức hợp kháng nguyên- kháng thể, khi phức hợp này lắng đọng ở các mạch máu trong
các mô khác nhau, sẽ gây viêm và tổn thương mô
Quá mẫn qua trung gian tế bào (type IV), còn gọi là quá mẫn muộn, liên quan đến các phản
ứng của tế bào lympho T, gây viêm và tổn thương mô
Trong đó, quá mẫn type I hay phản ứng quá mẫn tức thời (diễn ra từ vài phút đến vài
tiếng) là phản ứng quá mẫn phổ biến và thường gặp nhất. Quá mẫn tức thời là phản ứng miễn
dịch qua trung gian kháng thể IgE và tế bào mast đối với một số kháng nguyên, phản ứng quá
mẫn này nhanh chóng gây ra sự thoát mạch (do tăng tính thấm thành mạch, dãn mạch), xuất
tiết niêm mạc và thường theo sau là đáp ứng viêm. Các rối loạn liên quan đến IgE này hay
còn gọi dưới tên phổ biến hơn là dị ứng, những người có xu hướng hình thành phản ứng này
được gọi là những người có cơ địa dị ứng.
Cơ chế miễn dịch của phản ứng quá mẫn tức thời:
Khởi đầu bằng việc kích hoạt các các tế bào lympho Th2 và sản xuất kháng thể IgE từ
lympho B. Ở những người có cơ địa dị ứng, việc tiếp xúc với dị nguyên (kháng nguyên có
khả năng kích thích sự sản xuất IgE), dẫn đến sự hoạt hóa các tế bào Th2, Tfh để sản xuất ra
IL-4 và IL-13. Các cytokine này kích thích tế bào lympho B chuyển lớp thành tương bào sản
xuất IgE.
Các kháng thể IgE gắn vào thụ thể Fc đặc hiệu (Fc RI) trên bề mặt các tế bào mast. Kháng
thể IgE được tạo ra sẽ gắn với các thụ thể FcRI có ái lực cao, biểu hiện trên tế bào mast. Cấu
trúc của FcRI bao gồm 3 chuỗi polypeptide, một trong số đó gắn kết rất mạnh với phần Fc
của chuỗi nặng trên IgE, với Kd  10-11M (Nồng độ IgE trong huyết tương là khoảng 10 -9 M,
điều này giải thích tại sao ngay cả ở những người bình thường, các tế bào mast luôn có IgE
gắn trên bề mặt). Hai chuỗi khác của thụ thể là các protein truyền tín hiệu
Sau đó, tế bào mast đã được mẫn cảm với IgE (tức là đã gắn IgE trên bề mặt) tiếp xúc lại với
kháng nguyên, tạo ra liên kết bắc cầu giữa IgE gắn kết bởi kháng nguyên, kích hoạt tế bào
mast gây phóng thích các hóa chất trung gian. Dị nguyên sẽ gắn với hai hoặc nhiều kháng thể
IgE trên bề mặt tế bào, dẫn đến liên kết bắc cầu giữa các phân tử FcRI, từ đó hoạt hóa tế bào
mast và dẫn đến 3 loại phản ứng trong tế bào mast: phóng hạt để phóng thích các amin vận
mạch và protease; tổng hợp và tiết chế các hóa chất trung gian lipid; tổng hợp và tiết chế các
cytokine

Hình 1.1. Cơ chế miễn dịch của quá mẫn tức thời
1.Dị nguyên được APCs bắt giữ, xử lý và trình diện cho tế bào lympho T để hoạt hóa thành
lympho Th2; 2.Lympho Th2 tiết IL-4, IL-12, để hoạt hóa lympho B; 3.Lympho B chuyển lớp
thành tương bào sản xuất IgE; 4.IgE gắn lên bề mặt tế bào tế bào mast nhớ thụ thể FcRI; 5.Sự
tiếp xúc lại với dị nguyên, dẫn đến sự kích hoạt tế bào mast, gây phản ứng dị ứng

Các hóa chất trung gian quan trọng nhất của tế bào mast.
Các amin vận mạch, trong đó histamine là amin chính gây dãn mạch, làm tăng tính thấm của
mạch máu và kích thích sự co thắt cơ trơn thoáng qua. Protease gây tổn thương mô tại chỗ.
Các chất chuyển hóa từ arachidonic acid bao gồm prostaglandin gây dãn mạch và leukotriene
kích thích sự co cơ trơn kéo dài. Cytokine như IL-4, IL-5 và TNF gây phản ứng viêm ở pha
muộn với sự thâm nhập chủ yếu là bạch cầu ái toan và có thể có bạch cầu đa nhân trung tính.
IL-5 còn được sản xuất bởi Th2, ILC2.
Hình 1.2 Các hóa chất trung gian của tế bào mast

Phản ứng quá mẫn tức thời gồm 2 pha, nguyên nhân là do đáp ứng nhanh, chậm của tế bào
mast, gồm:
+ Pha cấp: có sự gia tăng tính thấm của mạch máu và co cơ trơn một cách nhanh chóng sau
một thời gian ngắn tiếp xúc với dị nguyên, dẫn đến nhiều triệu chứng của các phản ứng dị
ứng
+ Pha muộn: các hóa chất trung gian khác như các cytokine huy động bạch cầu đa nhân trung
tính và bạch cầu ái toan đến nơi xảy ra phản ứng trong vài giờ sau đó và chủ yếu gây tổn
thương mô

Hình 1.3 Hai pha trong phản ứng quá mẫn tức thời
2 Các bệnh lý liên quan miễn dịch tức thời
2.1 Phản ứng dị ứng nặng toàn thân: sốc phản vệ, phản vệ
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng gây phản ứng toàn thân biểu hiện đặc
trưng là sự phù nề ở nhiều mô. Phản ứng này gây ra bởi sự phóng hạt tế bào Mast lan tỏa đáp
ứng với sự phân bố kháng nguyên trong cơ thể và đe dọa tính mạng do huyết áp giảm đột
ngột, tắt nghẽn đường thở.

Nguyên nhân hàng đầu là do các loại thuốc (haptens) như kháng sinh, thuốc tê, vitamin,
thuốc uống đường miệng..., tiếp đến là thức ăn như các loại hạt hoặc động vật có vỏ (tôm,
cua, ..) ,nọc độc côn trùng…

Điều trị tại chỗ bằng cách ngưng tiếp xúc với dị nguyên, dùng adrenaline.

2.2 Da: Mày đay dị ứng:


Đây là một phản ứng trên da, gây ra các vết ngứa từng mảng da thay đổi, dạng vòng, ban đỏ,
… kích thước từ nhỏ đến lớn, lan rộng nhanh nếu gãi nhiều và giảm đi nếu chườm nóng. Phù
mạch cũng có thể phát sinh khi nổi mày đay, là kết quả của sự kết hợp tế bào mast và tế bào
đa nhân ái kiềm trong lớp trung bì sâu, các mô dưới da và biểu hiện phù nề mặt và môi, đầu
chi, bộ phận sinh dục. Phù mạch có thể xảy ra trong ruột và biểu hiện là đau bụng. Phù mạch
có thể đe dọa đến tính mạng nếu tắc nghẽn đường thở xảy ra do phù thanh quản hoặc phù nề
lưỡi.

Yếu tố làm xuất hiện có thể là do thực phẩm (đậu phộng, lúa mì,..), thuốc men (penicillin,
ibuprofen,…), chất gây dị ứng(phấn hoa), lạnh(liên quan với cryoglobulin- một protein dễ
vón tủa do lạnh), đôi khi do vi khuẩn hoặc virus như viêm gan và HIV,…

Mày đay thường biến đi nhanh rồi tái hiện lại sau thời gian dài hay ngắn.

2.3 Đường tiêu hóa: dị ứng thức ăn


Dị nguyên được nuốt vào kích hoạt tế bào mast phóng hạt, histamine được phóng thích có thể
gây tăng nhu động ruột, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy.

2.4 Đường hô hấp: hen phế quản, viêm mũi dị ứng..


Hen phế quản là dị ứng đường hô hấp hay gặp. Dị nguyên có thể là không khí hoặc thức ăn
kích thích tế bào Mast tại phêa quản phóng thích các hóa chất trung gian, bao gồm histamine,
leukotrience gây ra các cơn co thắt phế quản, tắt nghẽn đường thở.

Viêm mũi dị ứng do protein của mạt nhà, biểu bì động vật chó mèo, phấn hoa, cỏ….là phản
ứng do các tế bào mast trong niêm mạc mũi sản xuất histamine và tế bào Th2 tạo ra IL-13,hai
chất trung gian này làm tăng sản xuất chất nhầy. Phản ứng pha muộn có thể dẫn đến tình
trạng viêm kéo dài.

3 Phương pháp xét nghiệm xác định nguyên nhân gây quá mẫn tức thời qua trung
gian IgE

3.1 Xét nghiệm in vivo:


Test lẩy da( skin prick test): giúp xác định
tình trạng mẫn cảm với các dị nguyên.
Test lẩy da được tiến hành bằng cách nhỏ
một giọt chiết xuất của dị nguyên cần test
lên bề mặt da, sau đó dùng một kim nhỏ hay
lancet đâm xuyên qua giọt dị nguyên đó cho
đến lớp thượng bì. Sau khoảng 10-15 phút,
nếu người được test có IgE đặc hiệu dị
nguyên đó gắn trên tế bào mast thì sẽ xuất
hiện nốt sần trên nền hồng ban.

Hình 3.1 Test lẩy da

3.2 Xét nghiệm in vitro để tìm kháng thể IgE đặc hiệu:
IgE đặc hiệu dị nguyên trong huyết thanh có thể được đo bằng các phương pháp xét nghiệm
miễn dịch như RAST, FAST, ELISA, v.v.
Thử nghiệm hấp thụ chất phóng xạ (Radioallergosorbent test, RAST)
Xét nghiệm hấp thụ chất phóng xạ (RAST) được tóm tắt theo sơ đồ là một xét nghiệm phóng
xạ pha rắn xác định IgE đặc hiệu với dị nguyên.
-   Một dị nguyên nhất định (kháng nguyên cỏ phấn hương, penicillin,  β -lactoglobulin, v.v.)
được liên kết cộng hóa trị với các hạt polydextran.
- Huyết thanh của bệnh nhân và dị nguyên đã liên kết với các hạt được thêm vào. Nếu huyết
thanh chứa kháng thể với dị nguyên, IgE đặc hiệu sẽ liên kết với dị nguyên.
- Sau khi rửa sạch các globulin miễn dịch không liên kết, kháng thể kháng IgE gắn nhãn
phóng xạ được thêm vào. Lượng phóng xạ liên kết IgE đặc hiệu đếm được sau khi rửa sạch
kháng thể không liên kết có liên quan trực tiếp đến nồng độ của IgE đặc hiệu với dị nguyên
có trong huyết thanh.

Hình 3.2 Thử nghiệm hấp thụ chất phóng xạ (Radioallergosorbent test, RAST)

Tuy nhiên, xét nghiệm RAST dần thay thế bằng xét nghiệm miễn dịch ELISA-với phương
pháp tương tự nhưng sử dụng kháng thể kháng IgE gắn enzym.

Việc đo lường các kháng thể IgE đặc hiệu với chất gây dị ứng trong huyết thanh có giá trị
chẩn đoán tương tự như các xét nghiệm da nhưng có khả năng tái tạo cao hơn nhiều và không
bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng hoặc điều trị đang diễn ra, ví dụ như thuốc kháng histamine
hoặc liệu pháp chống viêm. Trong một số trường hợp, đặc biệt là ở những người bị dị ứng
thực phẩm, ngay cả test lẩy da với một lượng nhỏ chất gây dị ứng cũng có thể gây ra phản
ứng phản vệ. Xét nghiệm trong ống nghiệm sử dụng mẫu máu là một phương pháp an toàn để
xác định mức độ kháng thể IgE đặc hiệu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ThS.BS. Võ Ngọc Quốc Minh, TS.BS. Phạm Lê Duy, Miễn Dịch Đại Cương, NXB Y
Học, 2020.
2. A.Abbas, A.Litchman, S.Pillai, Basic Immunology 6th edition, 2020.
3. Gabriel Virella , Medical Immunology (Seventh Edition) , 2020.

You might also like