You are on page 1of 2

Đề 2: Phân tích khổ 2 và 3 của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

I. Mở bài
Không biết tự bao giờ, mùa xuân đã trở thành nguồn thi hứng dạt dào cho bao
thi sĩ. Thanh Hải, người con xứ Huế, trước lúc đi xa cũng đã góp thêm cho đời một
khúc ca xuân thật đẹp: “Mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ đã phác họa một bức tranh xuân
thật tươi tắn, tràn đầy sức sống, rộn ràng niềm vui, đồng thời bộc lộ tiếng lòng tha
thiết đầy yêu mến và gắn bó của nhà thơ với đất nước, với cuộc đời của thi nhân. Đến
với thi phẩm, người đọc không chỉ được chiêm ngưỡng bức tranh mùa xuân xứ Huế
thật tươi tắn, nên thơ mà còn cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc đời và sức sống của mùa
xuân đất nước thật mãnh liệt qua hai khổ thơ 2 và 3:
(Chép nguyên văn đoạn thơ)
II. Thân bài
1. Giới thiệu chung:
* Tác giả:
Thanh Hải là người con của xứ Huế, cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với mảnh đất
cố đô. Thanh Hải là một nhà thơ cách mạng với tiếng thơ ngọt ngào, sâu lắng, giàu
cảm xúc và nhạc điệu.
* Hoàn cảnh sáng tác và vị trí đoạn trích:
Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được viết vào cuối năm 1980, một tháng trước khi
nhà thơ qua đời. Trong cái lạnh se sắt của xứ Huế, Thanh Hải đang ở điểm chót của
đường đời, nhưng MXNN lại thấm đẫm tình yêu mùa xuân, tình yêu sự sống. Bài thơ
không chỉ thể hiện cảm xúc thiết tha của thi nhân trước mùa xuân thiên nhiên và mùa
xuân đất nước mà còn là lời nhắn gởi chân tình: mỗi người phải là một mùa xuân nho
nhỏ góp phần tô điểm và làm đẹp cho mùa xuân lớn của đất nước thân yêu.
Đoạn trích đã tái hiện bức tranh rộn ràng, tươi vui, tràn đầy sức sống của mùa
xuân đất nước, cuộc đời. Nếu như ở khổ thơ thứ nhất, TH đã tái hiện bức tranh thiên
nhiên mùa xuân tươi đẹp, thơ mộng, mang vẻ đẹp rất riêng của đất Huế thì đến hai
khổ thơ 2 và 3, cảm xúc thơ hướng về vẻ đẹp của cuộc sống con người, mùa xuân của
dân tộc, của đất nước trong những năm tháng cả nước bắt tay vào tái thiết đất nước,
xây dựng cuộc sống mới sau chiến tranh.
2. Phân tích cụ thể
a. Khổ 2:
Trong không khí ấm áp của nắng xuân, rộn ràng của âm thanh tiếng chim, nhịp
sống con người dường như cũng tấp nập, hối hả:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Hình ảnh người chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc và người nông dân ra đồng
hăng say lao động để xây dựng đất nước là đại diện tiêu biểu của con người VN trong
công cuộc dựng xây CNXH. Điệp cấu trúc câu gợi lên sức sống căng tràn của mùa xuân.
Xuân về khắp nơi, xuân đến với mọi người, mọi nhà. Sắc xuân trên chồi cây sắc lá.
“Lộc” là chồi non, cành biếc mơn mởn. Mùa xuân về, cây cối đâm chồi nảy lộc. Lộc non
là những chồi cây căng tràn nhựa sống, đang mang trong mình sắc xuân. Lộc non giắt
trên lưng người chiến sĩ, lộc non ra đồng cùng người gieo mạ. Mùa xuân đọng lại trên
từng khuôn mặt, dáng điệu hành động của con người hay con người đang góp nhặt từng
lộc non để làm nên mùa xuân đất nước? “Lộc” trong văn cảnh này là một sáng tạo bất
ngờ của Thanh Hải. “Lộc” ở đây còn mang ý nghĩa ẩn dụ. Lộc là hình ảnh gợi lên sự sinh
sôi, may mắn, gắn với những điều tốt lành đang đến cùng mùa xuân. “Lộc” là tượng
trưng cho vẻ đẹp của mùa xuân và sức sống mãnh liệt của đất nước. Vòng lá ngụy trang
của người chiến sĩ xanh biếc như mang theo sức sống mùa xuân, sức mạnh dân tộc cùng
các anh ra trận. Người nông dân, đem mồ hôi và sức lao động cần cù làm nên màu xanh
cho ruộng đồng, “trải dài nương mạ” bát ngát quê hương. Phải chăng, Thanh Hải đang
muốn khẳng định: người chiến sĩ và người lao động, bằng máu và mồ hôi của mình đã
góp phần tô điểm mùa xuân và giữ lấy mùa xuân mãi mãi? Ý thơ thật vô cùng sâu sắc!
Đến hai câu thơ cuối của khổ thơ, Thanh Hải gợi hình ảnh cả dân tộc bước vào
mùa xuân với khí thế thật khẩn trương:
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
“Hối hả” nghĩa là vội vã, gấp gáp. “Xôn xao” là có nhiều âm thanh xen lẫn vào
nhau, làm cho náo nhiệt. Trong câu thơ, “xôn xao” chỉ niềm vui đang dâng lên. Cặp từ
láy “hối hả”, “xôn xao” cùng với điệp cấu trúc câu “tất cả như…” đã làm cho nhịp thơ
nhanh, sôi nổi, gấp gáp như nhịp sống căng tràn, náo nức của đất nước, con người trong
những năm tháng chiến đấu hăng say và lao động miệt mài để xây dựng thành công chủ
nghĩa xã hội. Hai câu thơ như một hành khúc mùa xuân của thời đại Hồ Chí Minh.
b. Khổ 3:
Từ cảm nhận về nhịp sống mùa xuân, Thanh Hải đã bộc lộ những suy tư của
mình về đất nước và nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử:
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Khổ thơ chất chứa cảm xúc tự hào về đất nước, dân tộc Việt Nam. Chặng đường
quá khứ lịch sử mà đất nước đã đi qua là hành trình bốn ngàn năm lúc suy vong, khi
hưng thịnh với bao thử thách “vất vả và gian lao”. Thời gian đằng đẵng ấy, nhân dân ta
từ thế hệ này sang thế hệ khác, bằng nhiệt huyết yêu nước nồng nàn và tinh thần tự
cường dân tộc đã khẳng định sức mạnh Việt Nam là bất diệt. Cảm xúc thơ lắng lại khi
tâm hồn người đọc được trở về đẫm mình trong thời gian của lịch sử, truyền thống
dựng nước, giữ nước đầy gian lao, vất vả mà cũng vô cùng cao cả, hào hùng của cả
dân tộc. Nhìn lại quá khứ để ngẫm về tương lai, câu thơ “Đất nước như vì sao” là một
hình ảnh so sánh đẹp và đầy ý nghĩa thể hiện niềm tin, niềm tự hào của tác giả về tương
lai của đất nước. Sao là nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp vĩnh hằng trong không gian và
thời gian. Hành trình đi tới tương lai của dân tộc ta không một thế lực nào có thể ngăn
cản được: “Cứ đi lên phía trước”. Ba tiếng “cứ đi lên” thể hiện chí khí, quyết tâm và
niềm tin sắt đá của dân tộc Việt Nam trong khát vọng dựng xây đất nước.
3. Đánh giá:
Bằng thể thơ 5 chữ nhịp nhàng mà xôn xao, hình ảnh thơ giản dị mà giàu sức
gợi, TH đã tạo nên những nốt nhạc sôi nổi ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, dân tộc VN.
Hai khổ thơ thể hiện niềm tự hào, niềm tin mạnh mẽ, sâu sắc vào sự nghiệp cách mạng,
niềm tin ấy xuất phát từ một trái tim nóng hổi đập nhịp yêu đời, yêu cuộc sống. Đó là
niềm tin mãnh liệt của một con người đang nằm trên giường bệnh và sắp từ biệt cõi đời,
vì thế nên tình yêu ấy càng đáng trân trọng.
III. Kết bài
Với giọng thơ ngọt ngào, tha thiết; ngôn ngữ thơ trong sáng; hình ảnh đẹp, gợi
cảm, đoạn thơ không chỉ tái hiện một bức tranh bằng thơ tuyệt đẹp về sức xuân của
thiên nhiên, của đất nước mà còn thức dậy trong mỗi người đọc bao xúc cảm yêu
thương, tự hào về dân tộc. Thanh Hải dẫu sắp lìa xa trần thế nhưng tiếng thơ ông vẫn
dạt dào, sôi nổi một tình yêu mãnh liệt dành cho người, cho đời. Có lẽ bởi vậy mà
“MXNN” đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng khó quên.

You might also like