You are on page 1of 31

Chương 2.

TRAO ĐỔI LIPID Ở ĐỘNG VẬT

Tóm tắt chương:


Ở dạng nhũ tương hóa, các loại lipid của thức ăn được tiêu hóa nhờ các enzyme lipase,
cholesterylesterase, phospholipase của dịch tụy. Sản phẩm tiêu hóa lipid được vận chuyển
trong máu chủ yếu dưới dạng chylomicron đến các tổ chức. Lipoprotein lipase thành mạch
phân giải triacylglycerol (TAG) của chylomicron thành glycerol và các acid béo.
Ở gan và một số cơ quan khác, glycerol được ôxy hóa thành glyceraldehyde-3-
phosphate và có thể được chuyển hóa theo đường phân và chu trình Krebs.
Các acid béo được ôxy hóa chủ yếu theo cơ chế β-ôxy hóa: tách dần ra các acetyl-CoA
(2C), xảy ra chủ yếu ở ty thể tế bào gan. Các thể ketone (acetoacetate, β-OH-butyrate và
acetone) hình thành ở gan, là nguồn cung cấp năng lượng cho các mô ngoại vi.
Quá trình tổng hợp acid béo (nối dài từng đoạn 2C vào chất mở đầu acetyl-CoA) diễn ra
ở tế bào chất (nhất là trong tế bào mô mỡ, ruột, gan), nhờ các tổ hợp đa enzyme. Động vật
không tổng hợp được 2 acid béo không no là linoleic acid (ω6) và linolenic acid (ω3).
Triacylglycerol và các loại lipid phức tạp như phospholipid được tổng hợp theo đường hướng
Kennedy. Phosphatidate là sản phẩm trung gian chung trong quá trình tổng hợp cả hai loại
lipid này.
2.1. TIÊU HÓA VÀ HẤP THU LIPID
2.1.1 Tiêu hóa lipid
Quá trình tiêu hóa các chất dinh dưỡng diễn ra nhờ sự thủy phân. Tuy nhiên, lipid không
hòa tan trong nước, nên sự tiêu hóa và hấp thu lipid có những nét đặc thù riêng.
Ở miệng, lipid chỉ bị tác dụng cơ học, vì nước bọt không chứa lipase. Dạ dày gia súc
non có chứa lipase, nhưng hoạt lực yếu. Tuy nhiên, mỡ sữa đã ở dạng nhũ tương, nên được
tiêu hóa một phần. Ở dạ dày động vật trưởng thành hầu như không có quá trình thủy phân
lipid. Sự tiêu hóa lipid được bắt đầu ở hành tá tràng nhờ tác dụng phối hợp của enzyme lipase
và các acid mật hay muối mật.
Tác dụng của acid mật
Các acid mật bao gồm: cholic, deoxycholic, chenocholic và litocholic acid được hình
thành ở gan từ cholesterol. Trước khi được dự trữ trong túi mật, chúng thường liên kết với
glycine hay taurine tạo thành các acid mật liên hợp. Các acid mật được tiết vào ruột non và ở
đây chúng có tác dụng nhũ tương hóa lipid của thức ăn. Trong ruột các gốc glycine và taurine
sẽ bị tách ra, một lượng nhỏ các acid mật bị bài tiết, còn phần lớn được ruột tái hấp thu và
được đưa trở lại gan.
Lipid của thức ăn rời dạ dày và vào ruột non và được nhũ hóa (được phân tán thành
những hạt nhỏ có nước bao bọc xung quanh) nhờ acid mật. Acid mật là những hợp chất lưỡng
cực (có hai đầu kỵ nước và ưa nước), dễ xen vào các hạt lipid, làm giảm sức căng bề mặt, làm
lipid được tách ra thành những hạt nhỏ dưới dạng nhũ tương. Ở trạng thái được nhũ hóa như
vậy, diện tích bề mặt tăng, lipase dễ dàng tiếp xúc để thủy phân.
Tác dụng của lipase:
Lipase ở tá tràng có hai nguồn gốc từ dịch tụy và từ niêm mạc ruột non tiết ra. Lipase
của tụy khi mới tiết ra còn ở dạng zymogen và được hoạt hóa bởi các acid mật.
Lipase của dịch tụy là enzyme đóng vai trò chính trong sự tiêu hóa triacylglycerol
(TAG) của thức ăn, được tiết ra cùng với bicarbonate. Khi HCl vào ruột sẽ kích thích ruột tiết
secretin, hormone này lại kích thích tụy tiết bicarbonate. Bicarbonate có tác dụng trung hòa
HCl từ dạ dày vào ruột, làm tăng độ pH trong dịch ruột đến khoảng pH tối ưu cho hoạt động
của các enzyme tiêu hóa trong ruột.

51
Hình 2-1. Một số acid mật và dạng liên hợp của chúng với taurine và glycine.

Hình 2-2. Tác động của lipase

Hình 2-3. Tác động của cholesteryl esterase và phospholipase A2

Hình 2-4. Tác động của các loại phospholipase

52
Nhờ lipase, TAG được phân giải thành glycerol và các acid béo. Trước hết, các liên kết
ở C1 và C3 bị thuỷ phân khá nhanh. Phần còn lại là 2-monoacylglycerol (2-MAG) bị thuỷ
phân chậm hơn, trước khi tiếp tục được lipase thuỷ phân, chất trung gian này phải được đồng
phân hoá thành 1- monoacylglycerol (1-MAG).
Sự thủy phân TAG ở hành tá tràng diễn ra không triệt để, nên tạo ra một hỗn hợp gồm:
TAG, DAG, MAG, các acid béo và glycerol.
Tụy cũng sản sinh các cholesterylesterase để thủy phân cholesterylester thành
cholesterol và một acid béo, phospholipase A2 để thủy phân phospholipid cho ra một acid béo
tự do và một lysophospholipid (Hình 2-4).
Phospholipid gồm nhiều loại như phosphatidylcholine, phosphatidyl serine,
phosphatidyl ethanolamine, … Các enzyme tham gia thủy phân các liên kết ester gồm:
phospholipase A, phospholipase B, phospholipase C, phospholipase D và lysophospho-lipase.
Tác dụng của các enzyme trên được thể hiện qua hình 2-4.

Hình 2-5. Sự tiêu hóa mỡ ở động vật có xương sống.


(Tiêu hóa và hấp thu mỡ ở ruột non, các acid béo tách ra từ triacylglycerol kết hợp với các thành phần khác và
được phân phối đến mô cơ và mô mỡ).

2.1.2. Sự hấp thu và vận chuyển lipid của thức ăn trong cơ thể
Glycerol dễ hòa tan trong nước nên thẩm thấu nhanh vào tế bào niêm mạc ruột. Các acid
béo liên kết với acid mật tạo thành phức chất "choleic acid" hòa tan và được hấp thu vào tế
bào vách ruột một cách thụ động hoặc phần lớn theo phương thức ẩm bào. Sau khi vào tế bào
thành ruột, acid mật tách khỏi acid béo và vào hệ tĩnh mạch để trở về gan. Tại gan acid mật đổ
vào túi mật để làm nhiệm vụ như ban đầu. Các sản phẩm trung gian như MAG, DAG cũng
được hấp thu theo phương thức ẩm bào.

53
Hình 2-6. Cấu trúc phân tử của một chylomicron
Lớp ngoài là các phân tử phospholipid với đầu ưa nước hướng ra ngoài. Các triacylglycerol ẩn vào
bên trong, chiếm trên 80% khối lượng. Một số apolipoprotein (B-48, C-III, C-II) nhô ra bề mặt, là các tín
hiệu cho sự hấp thụ và chuyển hóa các thành phần của chylomicron. Chylomicron có đường kính khoảng
100 - 500 nm.
Trong các tế bào niêm mạc ruột, các acid béo và 2-MAG nhờ các enzyme ở lưới nội
chất nhẵn ngưng tụ lại thành TAG. Trước hết, các acid béo cũng được hoạt hóa thành acyl-
CoA theo cách tương tự như trước khi được -ôxy hóa. Sau đó acyl-CoA phản ứng với 2-
MAG tạo thành DAG, chất này lại phản ứng với acyl-CoA thứ hai để thành TAG. Như vậy có
sự khác nhau giữa sự tổng hợp TAG ở niêm mạc ruột (2-MAG là hợp chất trung gian) và ở
các mô bào khác (hợp chất trung gian là phosphatidic acid).
Các phân tử TAG được vận chuyển trong các hạt lipoprotein vì chúng không tan trong
nước. Nếu TAG trực tiếp vào máu, chúng kết thành từng đám và cản trở sự lưu thông của
máu. Trong niêm mạc ruột, TAG kết hợp với protein và các phospholipid tạo thành các
chylomicron là các hạt lipoprotein (tan trong nước). Chylomicron còn chứa cả cholesterol và
vitamin tan trong lipid. Thành phần protein của các lipoprotein được gọi là apoprotein.
Loại apoprotein chính kết hợp với chylomicron khi chúng rời các tế bào niêm mạc
ruột là B-48. Apoprotein B-48 cùng họ với B-100 (được tổng hợp ở gan, vận chuyển loại lipid
khác là VLDL). Hai apoprotein này được mã hóa bởi cùng một gene. Ở ruột, gene được sao
chép song bị cải biên, mã kết thúc xuất hiện khi mới phiên dịch được 48% (so với protein
được tổng hợp ở gan).
Các protein của lipoprotein được tổng hợp ở lưới nội chất nhám. Các lipid được tổng
hợp ở lưới nội chất nhẵn và kết hợp với protein thành các chylomicron.
Bằng phương thức xuất bào, chylomicron được tế bào niêm mạc ruột tiết vào hệ thống
mạch quản. Chylomicron bắt đầu vào máu sau khi ăn 1-2h; khi thức ăn được tiêu hóa và hấp
thu, chúng tiếp tục vào máu sau nhiều giờ sau đó. Các chylomicron mới hình thành, được gọi
là chylomicron mới sinh; sau khi nhận các protein từ lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) trong
bạch huyết và máu sẽ trở thành các chylomicron thành thục.
HDL chuyển apoprotein E (apoE), apoCII và apoCIII cho các chylomicron mới sinh.
ApoE được nhận biết bởi các receptor màng, đặc biệt là các receptor bề mặt tế bào gan. Lúc
đó các lipoprotein vào tế bào nhờ cơ chế nhập bào và được lysosome phân giải. ApoCII có tác

54
dụng hoạt hóa lipoprotein lipase (LPL) của màng tế bào mao mạch trong cơ và mô mỡ. LPL
sẽ phân giải các TAG của chylomicron và lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) trong máu.

Hình 2-7. Số phận các chylomicron.


TAG của chylomicron được phân giải bởi lipoprotein lipase (LPL) gắn ở màng tế bào
thành mạch. LPL được tổng hợp bởi các tế bào mô mỡ và các tế bào cơ (đặc biệt cơ tim) và
các tế bào tuyến vú. Các isozyme được tổng hợp ở mô mỡ có Km cao hơn so với isozyme
được tổng hợp ở cơ. Do đó, các LPL mô mỡ hoạt động mạnh hơn sau khi ăn, khi hàm lượng
chylomicron tăng cao trong máu. Insulin kích thích sự tổng hợp và bài tiết LPL của mô mỡ,
thường sau bữa ăn, khi lượng TAG tăng trong máu. Hoạt tính LPL được điều khiển (qua sự
giải phóng insulin) để tăng cường thủy phân các AB từ TAG.
Các AB giải phóng từ TAG không tan trong nước, trở nên hòa tan trong máu khi kết
hợp với albumin. Phần lớn các AB được dự trữ dưới dạng TAG trong mô mỡ. Tuy nhiên,
chúng cũng có thể được ôxy hóa trong cơ và các mô bào khác để khai thác năng lượng. LPL
trong mao mạch ở cơ có Km thấp hơn so với Km mô mỡ. Do đó các tế bào cơ có khả năng thu
nhận các AB từ lipoprotein trong máu để khai thác năng lượng ngay cả khi nồng độ
lipoprotein trong máu rất thấp.
Glycerol giải phóng từ TAG của chylomicron có thể được sử dụng để tổng hợp TAG
trong gan ở trạng thái ăn no.
Phần chylomicron còn lại trong máu sau tác động của LPL gắn với các tế bào gan
(nhờ apoE) và được tế bào gan hấp thu theo cơ chế nhập bào. Trong tế bào gan, chylomicron
sót lại này được các enzyme của lysosome phân giải. Các sản phẩm tạo thành (AB, glycerol,
cholesterol, các acid amin, phosphate) lại được tế bào sử dụng.

2.1.3. Vai trò của gan trong quá trình tiêu hóa và hấp thu lipid
Trong cơ thể động vật, gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và hấp thu
lipid. Gan sản sinh acid mật có tác dụng nhũ tương hóa mỡ và hoạt hóa lipase. Nếu quá trình
tiết mật kém, sự tiêu hóa và hấp thu mỡ sẽ bị đình trệ. Hầu hết các mô bào của cơ thể động vật
có khả năng dùng mỡ vào nhu cầu năng lượng, nhưng chủ yếu dưới dạng các sản phẩm của
mỡ đã được chế biến ở gan.

55
Hàng ngày có một lượng mỡ nhất định được chuyển từ các mô dự trữ về gan và được sơ
chế ở gan trước khi vận chuyển đến các mô bào khác sử dụng. Trường hợp cơ thể thiếu
carbohydrate do dinh dưỡng, trạng thái sinh lý hoặc bệnh lý, ... thì lượng mỡ ở gan tăng lên
rõ rệt. Nếu tế bào gan không hoạt động ôxy hóa tốt do các nguyên nhân bệnh lý, mỡ sẽ ứ đọng
ở gan gây tình trạng gan nhiễm mỡ.
2.2. SỰ PHÂN GIẢI LIPID

Vận tốc và lượng acid béo tự do được phóng thích từ mô mỡ chịu sự điều khiển của
nhiều hormone. Insulin có tác dụng làm giảm lượng acid béo tự do trong huyết tương, làm gia
tăng sự tổng hợp triacyl glycerol trong mô mỡ, tăng quá trình ôxy hóa glucose, đồng thời làm
tăng sự xâm nhập glucose vào mô mỡ. Insulin còn ức chế hoạt động của lipase, đình chỉ sự
phóng thích các acid béo tự do và glycerol. Trong cơ thể động vật, mô mỡ là vị trí chính để
insulin thể hiện tác động. Tác động của hormone prolactin trên mô mỡ tương tự như tác động
của insulin nhưng cần với hàm lượng cao hơn.
TAG là lipid thuần tiêu biểu, thường được dự trữ nhiều ở mô mỡ, dưới tác dụng của
lipase bị phân giải thành glycerol và các acid béo. Lipase của tế bào mô mỡ khu trú tại
microsome thường nhạy cảm với hormone. Các hormone ACTH, adrenaline, noradrenaline và
glucagon đều có tác động làm tăng sự thủy phân mỡ, tăng lượng acid béo tự do trong huyết
tương. Cơ chế tác động của nhóm hormone này chủ yếu làm tăng hoạt động của lipase cảm
ứng hormone. Sự hoạt hóa lipase (phosphoryl hóa lipase) cũng cần protein kinase phụ thuộc
cAMP được adenylate cyclase tạo thành từ ATP.

Hình 2-8. Sự luân chuyển triacylglycerol ở động vật

Sự chuyển hóa glycerol phụ thuộc vào enzyme hoạt hóa nó là glycerol kinase. Mô mỡ
không có enzyme này, nên glycerol được đưa đến các mô bào khác để phân giải. Enzyme
glycerol kinase có nhiều ở gan, thận, niêm mạc ruột và tuyến vú đang làm sữa.
Các acid béo tự do được đưa vào máu, gắn với albumin huyết thanh tạo thành một dạng
lipoprotein rồi được vận chuyển đến các mô để ôxy hóa. Các mô như gan, tim thận, cơ, phổi,
tinh hoàn, mô mỡ đều có khả năng ôxy hóa các acid béo có mạch carbon dài. Một số mô như
cơ tim chủ yếu sử dụng năng lượng từ quá trình ôxy hóa acid béo.
2.2.1. Sự phân giải glycerol

Glycerol là sản phẩm dễ chuyển hóa trong cơ thể. Glycerol cung cấp khoảng 5% tổng
năng lượng ôxy hóa của triacylglycerol. Ở gan và một số cơ quan khác, glycerol được hoạt

56
hóa tạo thành glycerol-3-phosphate nhờ enzyme glycerol-kinase. Sau đó chất này bị ôxy hóa
thành glyceraldehyde-3-phosphate (GAP) nhờ enzyme glycerol-3-phosphate dehydrogenase.
Sự chuyển hóa tiếp theo của GAP có thể xảy ra theo hai hướng: tiếp tục bị ôxy hóa trong các
phản ứng đường phân và chu trình Krebs để tạo thành CO2, H2O và năng lượng hoặc bằng các
phản ứng ngược với đường phân để tổng hợp thành carbohydrate.

Hình 2-9. Sự phân giải glycerol

2.2.2. Sự ôxy hóa acid béo

Phần lớn các acid béo được phân giải bằng cách tách dần từng đoạn 2C từ đầu có nhóm
carboxyl, theo cơ chế β-ôxy hoá. Quá trình này tạo ra acetyl-CoA khi liên kết giữa Cα và Cβ bị
phá vỡ. Ngoài ra, sinh vật còn có cơ chế α-ôxy hoá, -ôxy hóa, nhưng đây không phải là
những cơ chế chủ yếu.

57
Ở động vật, các acetyl-CoA tạo ra có thể được ôxy hoá trong chu trình Krebs để khai
thác năng lượng. Còn ở các hạt đang nảy mầm, acety-CoA thường là nguyên liệu để tạo
đường và các sản phẩm khác.
a. Quá trình -ôxy hoá acid béo có số carbon chẵn
Ở động vật, -ôxy hoá diễn ra chủ yếu trong chất nền ty thể, ngoài ra còn xảy ra ở
peroxisome. Trước hết, các acid béo phải được hoạt hoá. Đây là bước duy nhất đòi hỏi năng
lượng trong quá trình phân giải acid béo. Khi có ATP, coenzyme A và enzyme acyl-CoA
synthetase (thiokinase) xúc tác, acid béo được chuyển thành acyl-CoA (acid béo hoạt động).
Acyl-CoA synthetase có trong lưới nội chất, peroxisome, bên trong và trên bề mặt màng
ngoài ty thể.

PPi + H2O  2Pi

Hình 2-10. Phản ứng hoạt hoá acid béo

Hình 2-11. Hoạt hoá acid béo và vận chuyển acyl vào chất nền

Phản ứng hoạt hoá có hai bước và là phản ứng thuận nghịch. Tuy nhiên, PP i giải phóng
ra bị pyrophosphatase thuỷ phân ngay thành 2Pi, AMP cũng được adenylate kinase
phosphoryl hoá trở lại thành ADP (AMP + ATP ↔ 2 ADP). Nhờ hai phản ứng phụ trên mà
phản ứng hoạt hoá được kéo theo chiều thuận, tạo ra acyl-CoA. Như vậy, quá trình hoạt hoá
một phân tử acid béo đã tiêu tốn mất 2ATP.
Acyl-CoA chuỗi dài chỉ qua được màng ngoài, không tự qua được màng trong. Sự vận
chuyển acyl vào chất nền cần sự tham gia của carnitine và các enzyme vận chuyển (Hình 2-10
và 2-11).

58
Carnitine-acyl transferase I (CAT I), có ở màng ngoài, chuyển acyl từ acyl-CoA cho
carnitine tạo thành acylcarnitine. Acylcarnitine được carnitine-acylcarnitine translocase ở
màng trong chuyển vào chất nền. Enzyme này cùng lúc đổi chỗ acylcarnitine vào trong và
carnitine ra ngoài. Trong chất nền, nhờ carnitine-acyl transferase II (CAT II), có ở màng trong,
acyl từ aylcarnitine được chuyển cho CoASH của chất nền, tạo ra acyl-CoA và giải phóng
carnitine. Acyl-CoA được tái tạo lại trong chất nền sẽ là cơ chất của quá trình -ôxy hoá, còn
carnitine lại được translocase chuyển ra ngoài.

Hình 2-12. Bốn bước của một vòng -ôxy hóa acid béo được lặp lại đến khi acid béo chẵn carbon
được phân giải hoàn toàn đến acetyl-CoA. FAD.H2 và NADH được ôxy hóa trong chuỗi hô hấp.

Các phản ứng của quá trình -ôxy hoá acid béo trong ty thể được trình bày qua hình 2-
12. Mở đầu là một phản ứng ôxyhoá khử, do enzyme acyl-CoA dehydrogenase xúc tác. Một
H được tách ra từ Cα và H thứ hai từ Cβ, được chuyển đến FAD tạo ra FADH2 (từ đây được
chuyển cho UQ trong chuỗi hô hấp). Phản ứng thứ hai, xúc tác bởi enoyl-CoA hydratase,
ghép nước vào nối đôi giữa Cα và Cβ; chú ý là Cβ được hydroxyl hoá (gắn OH). Trong phản
ứng tiếp theo, được β-hydroxyacyl-CoA dehydrogenase xúc tác, nhóm OH này bị tách hydro,
sản phẩm tạo thành là một β-ketoacyl-CoA; các điện tử được chuyển đến NAD+ tạo NADH.
Cuối cùng, enzyme thiolase (còn gọi là β-ketoacy-CoA thiolase) bẻ gãy liên kết giữa Cα và
Cβ, một acetyl-CoA được giải phóng; sản phẩm thứ hai là một acyl-CoA ngắn đi 2C. Bốn phản

59
ứng được mô tả vắn tắt như trên tạo thành một vòng của quá trình -ôxy hoá acid béo. Sau
mỗi vòng, tách ra được 1 acetyl-CoA, 1FDAH2 và 1NADH; acyl-CoA ngắn đi 2C lại vào
vòng tiếp theo. Quá trình, cứ như vậy tiếp diễn, và ở vòng cuối cùng butyryl.CoA (4C) bị vỡ
ra thành 2 acetyl-CoA.
Từ palmitoyl-CoA (16C), sau vòng -ôxy hoá thứ nhất, tách ra được acetyl-CoA (2C)
và myristoyl-CoA (14C):
Palmitoyl-CoA + CoA.SH + FAD + NAD+ + H2O →
Myristoyl-CoA + Acetyl-CoA + FADH2 + NADH
Myristoyl-CoA sẽ qua 6 vòng -ôxy hoá nữa để được phân giải hoàn toàn. Phương trình
tổng quát khi ôxy hoá hoàn toàn phân tử palmitoyl-CoA như sau:
Palmitoyl-CoA + 7CoA.SH + 7FAD + 7NAD+ + 7H2O →
8 Acetyl-CoA + 7FADH2 + 7NADH
Acetyl-CoA đi vào chu trình Krebs cho ra 3 NADH, 1 FADH2 và 1 GTP. Ôxy hoá mỗi
cặp FADH2 trong quá trình vận chuyển điện tử và phosphoryl hoá ôxy hoá tạo ra 1,5 ATP,
còn NADH tạo ra 2,5 ATP. Hoạt hoá palmitate thành palmitoyl-CoA sử dụng năng lượng
tương đương 2 ATP. Như vậy, từ palmitate tạo thành 106 ATP.

Hình 2-13. Khái quát về -ôxyhóa.


Ôxy hóa ở C diễn ra nhờ tách liên kết C-C , tạo acetyl-CoA và acyl-CoA ban đầu ngắn đi 2C.

Ở động vật, acid béo được ôxy hoá chủ yếu trong ty thể; song cũng xảy ra cả trong
peroxisome, theo cách tương tự, nhưng không giống hệt như trong ty thể.
Peroxisome ở động vật có vú hoạt động nhiều và mạnh đối với các acid béo có chuỗi rất
dài như hexacosanoic (26:0), các acid mạch nhánh như phytanic và pristanic. Những acid béo
ít gặp này có trong mỡ động vật nhai lại, thịt và cá. Sự phân giải chúng trong peroxisome liên
quan đến một số enzyme phụ trợ chỉ có ở bào quan này. Những người mất khả năng ôxy hóa
các hợp chất trên có thể mắc một số bệnh nghiêm trọng. Người có hội chứng Zellweger không
tạo ra được peroxisome nên thiếu tất cả các chuyển hóa độc đáo liên quan đến bào quan này.
Khi mắc bệnh loạn dưỡng XALD (X-linked adrenoleuko-dystrophy), peroxisome không ôxy
hóa acid béo chuỗi rất dài, là do thiếu một protein chức năng vận chuyển các acid béo này
trong màng peroxisome. Cả hai khiếm khuyết trên đều làm tích tụ các acid béo này, đặc biệt
loại 26:0 trong máu, gây mất thị giác, rối loạn hành vi, và người bệnh có thể chết sau vài năm.

60
Ở động vật có vú, khẩu phần ăn chứa nhiều mỡ sẽ làm tăng sự tổng hợp các enzyme của
quá trình ôxy hóa acid béo ở peroxisome trong gan. Peroxisome của gan không có enzyme
của chu trình Krebs, nên các acid béo chuỗi dài hoặc có mạch nhánh được phân giải thành các
sản phẩm ngắn hơn (như hexanoyl-CoA), rồi chuyển sang ty thể để tiếp tục được ôxy hóa.
b. Sự ôxy hóa các acid béo lẻ carbon

Hình 2-14. Hình thành propionyl-CoA từ các acid béo lẻ carbon

Hình 2-15. Biến đổi propionyl-CoA thành succinyl-CoA

Đa số các acid béo trong tự nhiên có số C chẵn. Tuy nhiên ở một số thực vật và một số
động vật biển còn có acid béo có số C lẻ. Ngoài ra, ở dạ cỏ động vật nhai lại cũng luôn hình
thành propionic acid. Đối với acid béo có số C lẻ, các sản phẩm tạo ra trong quá trình ôxy hóa là
acetyl-CoA, trừ sản phẩm cuối cùng chứa 3 carbon là propionyl.CoA. Quá trình ôxy hóa
propionyl.CoA cần thêm 3 phản ứng (Hình 2-15):
- Carboxyl hóa propionyl-CoA tạo ra D-methylmalonyl-CoA nhờ propionyl-CoA
carboxylase xúc tác.
- Đồng phân hóa D-methylmalonyl-CoA nhờ enzyme methylmalonyl-CoA epimerase
xúc tác tạo ra L-methylmalonyl-CoA.
- Tái sắp xếp nhóm chức trong phân tử L-methylmalonyl-CoA nhờ enzyme
methylmalonyl-CoA mutase chứa coenzyme B12 xúc tác tạo ra succinyl-CoA, là sản phẩm
trung gian của chu trình Krebs.

61
c. Sự ôxyhóa các acid béo không no (không bão hòa)

Các acid béo không no như acid oleic được β-ôxy hoá gần giống như các acid béo bão
hoà. Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần chú ý:

Hình 2-16. Ôxyhoá acid béo không no một nối đôi (oleic acid)
(1) Liên kết đôi trong acid béo không no trong tự nhiên ở dạng cis, còn trong chất
chuyển hoá trung gian của acid béo bão hoà lại thuộc dạng trans.
(2) Các liên kết đôi của hầu hết các phân tử acid béo không no thường thấy ở những vị
trí mà sau khi phân cắt dần những mẩu 2C kể từ đầu carboxyl sẽ tạo ra những enoyl.CoA có
liên kết đôi ∆3, không phải là ∆2 như trong các hợp chất chuyển hoá trung gian của các acid
béo bão hoà.
Qua 3 vòng β-ôxy hoá, từ oleoyl-CoA tạo ra cis-∆3–dodecenoyl-CoA. Chất này được
đồng phân hoá thành trans-∆2-enoyl-CoA, rồi được enoyl-hydratase chuyển thành L-β-
hydroxyacyl-CoA. Sự ôxy hoá lại tiếp tục và đến khi kết thúc từ oleoyl-CoA sẽ tạo ra 9
acetyl-CoA (Hình 2-16).

62
Hình 2-17. Ôxyhoá linoleic acid (có 2 nối đôi)
Sự ôxy hoá các acid béo không no nhiều nối đôi đòi hỏi thêm enzyme phụ thứ hai, vì
chúng có nhiều nối đôi dạng cis. Từ linoneoyl-CoA, sau 3 vòng ôxy hoá, tạo ra acyl-CoA có
12C với 2 liên kết đôi dạng cis-∆3 và cis-∆6. Enoyl-CoA isomerase sẽ chuyển chất này thành
đồng phân dạng trans-∆2 và cis-∆6. Sau một vòng nữa và sau bước ôxy hoá lần 1 của vòng
tiếp theo sẽ tạo ra acyl-CoA 10C có 2 nối đôi dạng trans-∆2 và cis-∆4. Chất này được 2,4-
dienoyl-reductase có coenzyme là NADPH chuyển thành trans-∆3-enoyl-CoA, sau đó thành

63
trans-∆2-enoyl-CoA (nhờ enoyl-CoA isomerase xúc tác) và sự ôxy hoá lại tiếp tục để tạo ra 5
phân tử acetyl-CoA (hình 2-17).
Quá trình điều hòa sự ôxy hóa acid béo được sơ lược ở hình 2-18.
Khi được hoạt hóa bởi cAMP, protein kinase hoạt động sẽ phosphoryl hóa gốc Thr của
acetylCoA carboxylase và làm enzyme này bất hoạt. Malonyl-CoA, hợp chất trung gian thứ
nhất trong tổng hợp acid béo không được hình thành, và nồng độ malonyl-CoA giảm sẽ làm
ức chế enzyme carnitine acyltransferase I, nên acid béo không được chuyển vào chất nền để
ôxy hóa nữa.

Hình 2-18. Điều hòa quá trình -ôxy hóa.


(1) Các hormone điều hòa nguồn acid béo trong máu. (2) Carnitine:acyl transferase I bị ức chế bởi malonyl.CoA, là chất
được tạo thành nhờ acetyl-CoA carboxylase (ACC). AMP-PK là protein kinase phụ thuộc cAMP. (3) Tốc độ sử dụng ATP
điều khiển tốc độ của chuỗi hô hấp, chuỗi này điều khiển các enzyme của quá trình -ôxy hóa và của chu trình Krebs.

d. Sự hình thành và chuyển hóa các thể ketone

Ở động vật, trong quá trình -ôxy hóa acid béo, acetyl-CoA được tạo ra rất nhiều. Tế
bào gan chỉ sử dụng một phần nhỏ acetyl-CoA cho nhu cầu của mình, còn phần lớn được đưa
đến các mô bào khác để sử dụng. Thể ketone được hình thành ở tế bào gan là dạng chuyển
vận trung gian của acetyl-CoA.

Quá trình tạo ra thể ketone (Hình 2-19) có thể tóm tắt như sau: acetoacetyl-CoA hình
thành từ 2 phân tử acetyl-CoA nhờ enzyme thiolase xúc tác sẽ ngưng tụ tiếp với acetyl-CoA
thứ 3 nhờ enzyme -hydroxy--methylglutaryl-CoA synthase (HMG-CoA synthase) xúc tác
tạo ra -hydroxy--methylglutaryl-CoA (HMG-CoA). Tiếp theo HMG-CoA bị phân giải
thành acetyl-CoA và acetoacetate nhờ enzyme HMG-CoA lyase xúc tác. Acetoacetate sau đó
dễ dàng bị khử thành -hydroxybutyrate nhờ enzyme -hydroxybutyrate dehydrogenase. Mặt
khác acetoacetate cũng tạo ra acetone do enzyme acetoacetate decarboxylase xúc tác.
Ở các mô ngoài gan, các thể ketone lại được chuyển thành acetyl-CoA (Hình 2-20) và
được các mô bào ngoại vi này sử dụng. Ở não, bình thường glucose là nguồn cung cấp năng
lượng chủ yếu. Tuy nhiên khi cơ thể bị đói, não sẽ sử dụng acetoacetate và -hydroxy
butyrate để khai thác năng lượng. Khoảng 70-80% thể ketone trong máu tồn tại ở dạng -
hydroxybutyrate.

64
Hình 2-19. Sự hình thành các thể ketone ở gan Hình 2-20. Sử dụng các thể ketone ở
các mô ngoại vi
Như vậy, thể ketone là những chất chuyển hóa bình thường của cơ thể động vật.
Thể ketone là nguyên nhân gây chứng toan huyết chỉ khi nào được sản sinh quá nhiều do sự
điều tiết trong chuyển hóa carbohydrate và lipid bị rối loạn. Để phòng ngừa chứng ketosis,
trong chăn nuôi gia súc sữa cao sản cần phải xây dựng những khẩu phần ăn có hàm lượng
carbohydrate thích hợp.
Ở thực vật (hạt có dầu) và vi sinh vật, acetyl-CoA có thể được chuyển hóa qua chu trình
glyoxylate, một dạng cải tiến của chu trình Krebs, để tạo ra các sản phẩm carbohydrate cần
cho quá trình nảy mầm.

65
2.3 SINH TỔNG HỢP LIPID
Sinh tổng hợp lipid là một cơ chế dự trữ năng lượng ở sinh vật. Hầu hết các mô bào
động vật đều có khả năng tổng hợp lipid. Tuy nhiên, mô bào có khả năng tổng hợp lipid mạnh
và thường xuyên là gan, mô mỡ và cơ.
Nguyên liệu chính mà cơ thể sử dụng để tổng hợp mỡ là glyceraldehyde-3 phosphate,
phosphodioxyacetone và acetyl-CoA. Ở động vật nhai lại, phần lớn mỡ ở các mô nhất là mỡ
sữa được tổng hợp từ các acid béo có phân tử nhỏ như acetate, propionate (do quá trình phân
giải carbohydrate ở dạ cỏ cung cấp). Khoảng 50% mỡ trong sữa bò được tạo thành từ acetate
có nguồn gốc chủ yếu từ dạ cỏ được máu đưa tới tuyến sữa. Lợn là loài có khả năng rất lớn
trong việc chuyển hóa carbohydrate thức ăn thành lipid của cơ thể.

2.3.1 Tổng hợp glycerol-3-phosphate


Glycerol-3-phosphate có thể được tạo thành bằng cách phosphoryl hoá glycerol tự do,
hoặc khử DHAP của quá trình đường phân (Hình 2-21).

Hình 2-21. Tổng hợp glycerol-3-phosphate

2.3.2 Sinh tổng hợp acid béo ở bào tương


a. Tổng hợp acid béo bão hòa
Ở thực vật, acid béo được tổng hợp nhờ hai phức hợp enzyme ở lục lạp và ở tế bào chất.
Ở động vật bậc cao, quá trình tổng hợp acid béo bão hòa thường xảy ra ở tất cả các tổ chức
nhưng đặc biệt rất mạnh ở trong mô mỡ (50%), ruột (12%) gan (5%) và tuyến vú.
Nguyên liệu để tổng hợp acid béo là acetyl-CoA. Tuy nhiên, chỉ phân tử đầu tiên đi vào
chuỗi carbon của acid béo là nguyên dạng (2C); từ phân tử thứ hai trở đi, vào dưới dạng
malonyl-CoA (3C). Sự carboxyl hoá acetyl-CoA thành malonyl-CoA là phản ứng cần ATP và

66
acetyl-CoA carboxylase (có coenzyme là dẫn xuất của biotin) xúc tác; diễn ra qua hai bước
như ở hình 2-24.
 Bước 1: carboxyl hoá biotin-enzyme, cần ATP
 Bước 2: chuyển carboxyl cho acetyl-CoA để tạo malonyl-CoA
Có hai dạng tổ hợp đa enzyme tổng hợp acid béo. Ở thực vật, vi khuẩn và động vật bậc
thấp, tổ hợp này có những enzyme riêng biệt khác nhau, và các chuỗi acyl (sản phẩm trung
gian) gắn với protein mang acyl (acyl carrier protein, ACP). Còn ở động vật có vú và chim, tổ
hợp đa enzyme tổng hợp acid béo là phức hợp polypeptide có nhiều hoạt tính enzyme
(multienzyme polypeptide complex). ACP cũng là thành phần của tổ hợp, có nhóm ghép 4’-
phosphopantetheine là dẫn xuất của pantothenic acid với nhóm SH, là nơi tiếp nhận malonyl
và gắn các acyl trung gian đang hình thành trong quá trình tổng hợp.
Tổ hợp đa enzyme tổng hợp acid béo là một dimer (có 2 đơn vị hoạt động). Ở động vật,
hai đơn vị này giống hệt nhau, mỗi đơn vị là một polypeptide lớn chứa 7 hoạt tính enzyme và
một ACP. Cận kề với mỗi đơn vị là nhóm SH của cysteine thuộc 3-ketoacyl synthase (enzyme
ngưng tụ) ở đơn vị thứ hai; hai đơn vị sắp xếp theo kiểu ‘‘đầu-đuôi’’.

Hình 2-22. Phức hợp đa enzyme tổng hợp acid béo

67
Hình 2-23. Protein mang acyl (acyl carrier protein, ACP)

Hình 2-24. Phản ứng carboxyl hoá acetyl-CoA thành malonyl-CoA

Hình 2-25. Nguồn cung cấp acetyl-CoA và NADPH cho tổng hợp acid béo (T = vật mang
tricarboxylate, K = vật mang  -Ketoglutarate; P = vật mang pyruvate)

68
Hình 2-26. Tổng hợp acid béo bão hoà

Quá trình được khởi đầu khi acetyl-CoA gắn với nhóm SH của cysteine, enzyme xúc
tác là acetyl transacylase (Hình 2-26, phản ứng 1a). Sau đó malonyl-CoA gắn với SH trung
tâm của 4'-phosphopantetheine ở đơn vị thứ hai, nhờ xúc tác của malonyl transacylase (phản

69
ứng 1b), tạo thành acetyl (acyl)-malonyl-enzyme. Nhóm acetyl ngưng tụ với methylene của
gốc malonyl, nhờ xúc tác của β-ketoacyl synthase, CO2 được giải phóng, hình thành
acetoacetyl (β-ketoacyl)-enzyme (phản ứng 2), nhóm SH của cysteine được tự do. Sau đó β-
ketoacyl được khử lần 1, loại nước và khử lần 2 (phản ứng 3, 4 và 5) tạo ra acyl vẫn gắn với
enzyme. Sau khi gốc acyl bão hoà chuyển lên nhóm SH tự do của cysteine, phân tử malonyl-
CoA mới sẽ gắn với SH của 4'-phosphopantetheine (ACP). Chuỗi phản ứng cứ như vậy được
lặp lại 6 lần, đến khi tổng hợp được gốc acyl bão hoà có 16C (palmitoyl). Palmitate được giải
phóng khỏi tổ hợp nhờ xúc tác của enzyme thứ 7 (thioesterase hay deacylase) trong tổ hợp.
Palmitate giải phóng ra phải được hoạt hoá trước khi đi tiếp vào các con đường chuyển
hoá khác. Nó có thể được ester hoá thành acylglycerol, kéo dài chuỗi hay tách hydro (trở
thành không no) hay ester hoá thành cholesteryl ester. Trong tuyến sữa có các thioesterase đặc
hiệu riêng cho từng gốc acyl có C8, C10, hay C12 (là những acid béo thường có trong mỡ sữa).
Người ta cho rằng trong tổ hợp có hai trung tâm hoạt động, hoạt động độc lập và tổng
hợp ra hai phân tử palmitate. Phương trình tổng quát của quá trình tổng hợp palmitate từ
acetyl-CoA và malonyl-CoA như sau:
Acetyl-CoA + 7 Malonyl-CoA + 14 NADPH + 14H+ →
Palmitate + 7 CO2 + 6 H2O + 8 CoASH + 14 NADP+
Phân tử acetyl-CoA mở đầu tạo thành C thứ 15 và 16 trong palmitate. Nếu chất mở đầu
là propionyl-CoA, acid béo tổng hợp ra sẽ có số carbon lẻ, xảy ra ở thực vật, ở động vật nhai
lại (vì quá trình lên men dạ cỏ tạo ra propionate, có 3C).
Nguồn đương lượng khử (NADPH) chính sử dụng cho tổng hợp lipid bắt nguồn từ
vòng pentose phosphate.
Ôxy hoá và tổng hợp acid béo, diễn ra theo hai chiều hướng trái ngược nhau; tuy nhiên
không phải là sự triển khai thuận nghịch của một quá trình. Những nét khác nhau cơ bản của
hai quá trình ôxy hoá và tổng hợp acid béo được khái quát ở Bảng 2-1.
Bảng 2-1. Một số điểm khác nhau giữa β-ôxy hoá và tổng hợp acid béo
Ôxy hoá acid béo Tổng hợp acid béo
Sản phẩm là acetyl-CoA Tiền chất là acetyl-CoA
Không có malonyl-CoA Malonyl-CoA
Không cần biotin Cần biotin (để carboxyl hoá acetyl-CoA)
Cần FAD, NAD+ Cần NADPH
Tạo năng lượng (FAD.H2, NAD.H) Cần năng lượng (ATP, NADP.H)
Trong ty thể (peroxisome, glyoxysome) Trong tế bào chất
Enzyme không liên hợp Tổ hợp đa enzyme
Sản phẩm trung gian L-β-hydroxyacyl-CoA D-hydroxyacyl-ACP
Acyl trung gian gắn với CoASH Acyl trung gian gắn với ACP
Sự kéo dài acid béo trong lưới nội chất:
Trong cơ thể sinh vật 70-80% các acid béo ban đầu được tổng hợp dưới dạng palmitic
(16C). Sau đó, tuỳ theo nhu cầu của tế bào, acid béo này có thể được kéo dài thành các acid
có chuỗi carbon dài hơn.
Microsome sử dụng malonyl.CoA (làm nguồn cung cấp 2C), NADPH (làm chất khử) và
hệ thống enzyme elongase để kéo dài các acyl.CoA bão hoà hay không no (từ C 10 trở lên). Sự
kéo dài stearoyl-CoA thành C22 và C24 xảy ra mạnh ở não khi cần tổng hợp sphingolipid để
tạo vỏ myelin của tế bào thần kinh.

70
Hình 2-27. Hệ thống elongase ở microsome kéo dài acid béo.
NADH cũng được sử dụng, nhưng NADPH thường được sử dụng hơn.

b. Tổng hợp các acid béo không bão hòa


Acid béo không bão hòa 1 nối đôi được tổng hợp nhờ hệ thống ∆9 desaturase. Một số
mô bào, trước hết là gan, là nơi chính để tổng hợp các acid béo một nối đôi từ acid béo bão
hòa. Nối đôi đầu tiên đưa vào acid béo bão hòa luôn ở vị trí Δ9. Hệ thống Δ9– desaturase

71
trong lưới nội chất xúc tác phản ứng (ôxy hoá chức năng hỗn hợp) chuyển palmitoyl-CoA
hoặc stearoyl-CoA, tương ứng thành palmitoleyl-CoA hoặc oleyl-CoA. O2 và NADH
(NADPH) cần cho phản ứng này (Hình 2-28).

Hình 2-28. Tổng hợp acid béo không no một nối đôi

Hình 2-29. Cấu trúc một số acid béo không no


(*): Các acid béo thiết yếu (không thay thế)

Sự tổng hợp acid béo không no nhiều nối đôi do hệ thống desaturase và elongase thực
hiện.

72
Hình 2-30. Tổng hợp các acid béo không no họ ω 9, ω 6 và ω 3
Mỗi bước được hệ thống enzyme kéo dài chuỗi của vi thể (microsome) hay hệ thống desaturase xúc tác. 1:
elongase; 2: ∆6 desaturase; 3: ∆5 desaturase; 4: ∆4 desaturase. ( : ức chế)

Hình 2-31. Tổng hợp acid arachidonic từ acid linoleic. Acid linoleic của thức ăn (ở dạng hoạt động là
linoleyl.CoA) được khử bão hòa ở C6, được kéo dài 2C, sau đó được khử bão hòa ở C5 thành arachidonyl.CoA.

Trừ vi khuẩn, các nối đôi mới đưa vào không liền với nhóm methylen của acid béo một
nối đôi làm cơ chất. Ở động vật, nối đôi mới thêm vào luôn ở vị trí giữa nối đôi đã có và
nhóm carboxyl; còn ở thực vật, nối đôi mới có thể được thêm vào giữa nối đôi đã có sẵn và
nhóm methyl cuối cùng. Động vật có ∆9-desaturase, nên có thể tổng hợp được họ ω9 (họ oleic

73
acid) bằng cách kết hợp giữa kéo dài và tạo nối đôi. Tuy nhiên, vì không tổng hợp được
linoleic acid (ω6) và linolenic aicd (ω3), do thiếu enzyme, các acid không no này phải được
cung cấp từ thức ăn, để có thể tổng hợp các acid béo thuộc họ ω6 và ω3. Linoleate có thể
được chuyển thành arachidonate. Các hệ thống enzyme kéo dài và tạo nối đôi có thể bị đào
thải khi động vật bị đói, khi tiếp nhận glucagon, adrenaline hay khi thiếu insulin ở bệnh tiểu
đường typ I.
c. Tổng hợp triacylglycerol theo đường hướng Kennedy
Năm 1961, Eugene P. Kennedy (nhà hoá sinh học người Mỹ) đã làm sáng tỏ cơ chế tổng
hợp triacylglycerol (TAG). Các bước chính của đường hướng này thể hiện qua hình 2-32.
Trước tiên, glycerol-3-phosphate được acyl hoá vào các vị trí C-1, rồi C-2 với sự tham gia của
hai phân tử acid béo đã được hoạt hóa thành acyl-CoA và enzyme acyltransferase, tạo ra
phosphatidic acid. Phosphatidic acid là cơ chất để tiếp tục tổng hợp TAG, song từ đây cũng
hình thành nên các loại phospholipid. Sau đó phosphatidic acid bị phosphatase thuỷ phân
nhóm phosphate, tạo thành diacylglycerol (DAG). DAG tiếp tục được acyltransferase chuyển
acyl vào nhóm OH thứ ba, tạo ra TAG.

Hình 2-32. Sự tổng hợp triacylglycerol theo đường hướng Kennedy

74
2.4.2. Sinh tổng hợp glycerophospholipid và sphingolipid
a. Sinh tổng hợp glycerophospholipid
Trong quá trình tổng hợp phospholipid, diacylglycerol (DAG) kết hợp với một nhóm
đầu phân cực (alcol). Như trong phần lớn các phản ứng tổng hợp, một trong hai hợp chất trên
phải được hoạt hoá.

(a)

(b)
Hình 2-33. Hai cơ chế hình thành liên kết phosphodiester của glycerophospholipid
Trong cả hai trường hợp, CDP đều cung cấp nhóm phosphate của liên kết phosphodiester

Bước đầu trong tổng hợp phospholipid tương tự như tổng hợp TAG: tạo phosphatidate.
Thường thì acid béo được gắn vào C-1 là acid bão hoà, còn vào C-2 là acid không no. Cách thứ
hai tạo ra phosphatidate là phosphoryl hoá DAG nhờ một kinase đặc hiệu. Nhóm đầu phân
cực của phospholipid được gắn nhờ một liên kết phosphodiester, trong đó một nhóm OH tham
gia là của C-3 ở glycerol, OH thứ 2 là của nhóm đầu phân cực X-OH (Hình 2-33a). Tuỳ nhóm

75
đầu phân cực (X-OH) là gì, mà sẽ cho ra các phospholipid khác nhau. Trong quá trình tổng
hợp, một trong hai alcol (chất mang nhóm OH) trước hết phải được hoạt hoá nhờ gắn với
nucleotide citidine (CDP). CDP hoặc gắn với DAG, tạo ra phosphatidate hoạt hoá: CDP-DAG
(đường hướng 1, hình 2-33b), hoặc gắn với OH của nhóm đầu phân cực (đường hướng 2, hình
2-33b). Tế bào eukaryote sử dụng cả hai cách, còn prokaryote chỉ sử dụng đường hướng 1.
Vai trò trung tâm của CDP trong sinh tổng hợp lipid được Eugene P. Kennedy phát hiện vào
những năm 60 của thế kỷ XX.
- Tổng hợp phosphatidylcholine (PC) có thể xảy ra như trong hình 2-34.
Phosphatidate bị thuỷ phân thành 1,2-DAG; hợp chất này cùng với choline là nguyên liệu
để tổng hợp PC.

Hình 2-34. Tổng hợp phosphatidylcholine từ choline (đường hướng 2)


Đây là quá trình đòi hỏi nhiều năng lượng. Trước hết choline được hoạt hoá với sự tiêu tốn ATP,
tạo thành phosphocholine, rồi sau đó nhờ CTP tạo thành CDP-choline. Hợp chất hoạt hoá này sẽ
chuyển phosphocholine cho 1,2-DAG, tạo ra PC.
- Tổng hợp phosphatidylethanolamine (PE) có thể xảy ra tương tự như tổng hợp PC. Từ
phosphatidate sẽ tạo ra DAG và nguyên liệu thứ hai là ethanolamine. Nhờ nguồn năng lượng

76
ATP và CTP, ethanolamine được hoạt hoá thành CDP-ethanolamine. Sau đó hợp chất này sẽ
chuyển phosphoethanolamine cho 1,2-DAG và tạo ra PE.
- Phosphatidylserine (PS): được tổng hợp bằng cách thế chỗ ethanolamine bằng serine
trong hợp chất PE.
- Sinh tổng hợp phosphatidylinositol (PI): Phosphatidate tạo thành được hoạt hoá bởi
hợp chất cao năng CTP cho ra CDP-diacylglycerol (CDP-DAG). Sau đó CDP-DAG sẽ trực
tiếp tác dụng với inositol để tạo thành PI (Hình 2-33b – đường hướng 1).
b. Sinh tổng hợp sphingolipid
Sinh tổng hợp sphingolipid diễn ra qua 4 giai đoạn:

Hình 2-35a. Sinh tổng hợp ceramide

 Tổng hợp amide có 18C từ palmitoyl-CoA và serine.


 Kết hợp acid béo (nhờ liên kết amide) tạo ra N-acylsphinganine

77
 Tạo liên kết đôi, nhờ phản ứng ôxy hoá chức năng hỗn hợp, tạo ra N-
acylsphingosine (ceramide), Hình 2-35a.
 Gắn nhóm đầu phân cực để tạo ra một sphingolipid như cerebroside hay
sphingomyelin.
Cơ chế có những nét tương tự như tổng hợp phospholipid: NADPH là đương lượng khử,
acid béo đi vào dưới dạng hoạt động (acyl-CoA). Trong quá trình hình thành cerebroside, các
đường đi vào dưới dạng dẫn xuất nucleotide hoạt động. Sự gắn nhóm đầu trong tổng hợp
sphingolipid có vài nét mới.
Trong các glycolipid, như cerebroside và ganglioside, nhóm đầu là đường được gắn trực
tiếp với nhóm hydroxyl ở C-1 của sphingosine nhờ liên kết glycoside chứ không phải nhờ liên kết
phosphodiester. Các gốc đường được mang tới từ UDP-đường như UDP-glucose hay UDP-
galactose, … (Hình 2-35b).

Hình 2-35b. Sinh tổng hợp sphingomyeline và cerebroside

2.4. CHUYỂN HÓA CHOLESTEROL


Cholesterol là chất cần thiết của cơ thể, tham gia cấu tạo màng tế bào và là tiền chất
của các hormone steroid. Cholesterol có thể bắt nguồn từ thức ăn (ngoại sinh), hoặc được tổng
hợp chủ yếu ở gan (nội sinh). Ở người, nồng độ cholesterol cao trong máu liên quan khăng
khít với bệnh tim mạch.
Cholesterol của thức ăn được hấp thu ở ruột và được vận chuyển trong máu dưới dạng
kết hợp với lipoprotein. Hai lipoprotein quan trọng nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và
lipoprotein tỷ trọng cao (HDL).
Cholesterol có thể được bài xuất ra phân dưới dạng acid mật hoặc dưới dạng steroid trung
tính.
2.4.1. Sinh tổng hợp cholesterol
Cholesterol được tổng hợp chủ yếu tại gan và ruột, ngoài ra còn ở thượng thận, tinh
hoàn, buồng trứng, da và hệ thần kinh. Quá trình tổng hợp cholesterol gồm 5 giai đoạn: 1)
tổng hợp mevalonate từ acetate, 2) biến đổi mevalonate thành isoprenoid hoạt hóa, 3) biến đổi

78
6 đơn vị isoprenoid hoạt hóa thành squalene và 4) biến đổi squalene thành lanosterol và 5)
biến đổi lanosterol thành cholesterol.

Hình 2-36. Sinh tổng hợp cholesterol


Sự tổng hợp cholesterol được điều hòa bởi cholesterol từ thức ăn, một số hormone và
acid mật. Cholesterol thức ăn không ức chế tổng hợp cholesterol ở ruột, nhưng lại ức chế tổng
hợp cholesterol ở gan qua việc gây giảm tổng hợp HMG-CoA reductase – enzyme đầu tiên
của tổng hợp cholesterol. Nhịn đói là giảm tổng hợp cholesterol ở gan do giảm lượng acetyl-
CoA, ATP và NADPH, nhưng khi chế độ ăn nhiều mỡ thì sự tổng hợp cholesterol tăng. Acid
mật có tác dụng ức chế tổng hợp cholesterol ở niêm mạc ruột. Một số hormone ảnh hưởng
đến tổng hợp cholesterol trong tế bào thông qua ảnh hưởng đến hoạt động của HMG-CoA
reductase. Enzyme này tồn tại ở hai dạng: dạng được phosphoryl hóa (không hoạt động) và

79
dạng khử phosphoryl (hoạt động). Glucagon kích thích quá trình phosphoryl hóa, còn insulin
lại làm tăng quá trình khử phosphoryl của enzyme này. Estrogen và các hormone sinh dục cái
ức chế quá trình tổng hợp cholesterol, vì ức chế HMG-CoA synthase làm giảm lượng HMG-
CoA trong tế bào. Ngoài ra, nồng độ cholesterol cao trong tế bào cùng hoạt hóa enzyme
ACAT (acylCoA:cholesterol acyltransferase).

Hình 2-37. Điều hòa sinh tổng hợp cholesterol ở gan


2.4.2. Tổng hợp các hợp chất steroid khác
Cholesterol là tiền chất của các sterol trong phân, acid mật và các hormone steroid ở động vật.
Trong cơ thể động vật, coprostanol và cholestanol là những đồng phân hình thành từ cholesterol nhờ
một số VSV đường ruột.
Con đường chính để phân giải cholesterol ở động vật là biến đổi thành các acid mật. Cấu trúc
của các acid mật thay đổi riêng biệt theo loài, được tạo nên ở gan và được bài tiết vào ruột non. Khác
với các sản phẩm khác, cholesterol không được ôxy hóa thành CO2 và nước. Việc chuyển hóa
cholesterol thành acid mật tránh cho cơ thể không bị ứ đọng cholesterol ở các tổ chức gây độc. Trong
ruột non các acid mật giúp cho lipid được tiêu hóa và hấp thu, như đã trình bày ở trên. Các acid mật
được tái hấp thu một phần lớn trong quá trình hấp thu lipid.
Sự hình thành các hormone steroid từ cholesterol được thực hiện qua hợp chất trung gian là
pregnenolone (Chương 1).

CÂU HỎI ÔN TẬP


1. Acid mật (muối mật) và vai trò của chúng.
2. Sơ lược về tiêu hóa lipid.
3. Hấp thu các sản phẩm tiêu hóa lipid.
4. Chylomicron và sự vận chuyển lipid trong máu.
5. Sự phân giải glycerol.
6. Quá trình β-ôxy hóa các acid béo bão hòa.
7. Quá trình β-ôxy hóa các acid béo không bão hòa.

80
8. Hình thành và chuyển hóa các thể ketone.
9. Tổng hợp acid béo bão hòa.
10. Tổng hợp acid béo không bão hòa.
11. Tổng hợp triacylglycerol.
12. Tổng hợp các phospholipid.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Ngô Xuân Mạnh, Lại Ngọc Hà, Đặng Thái Hải, Nguyễn Văn Kiệm (2010): Hóa sinh đại cương; NXB
Nông nghiệp, Hà Nội.
Nguyễn Hữu Chấn, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Nghiêm Luật, Hoàng Bích Ngọc, Vũ Thị Phương,
(2001). Hóa sinh. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
Colleen M. Smith, Allan D. Marks, Michael A. Lieberman (2005): Marks’ Basic Medical
Biochemistry: A Clinical Approach, 2nd Edition. Copyright © 2005 Lippincott Williams & Wilkins.
Fuller M. F. (1997). Pig nutrition and feeding. Proceeding of a seminar on pig production in tropical
and sub-tropical regions, China.
McDonald P., Edwards R.A., Greenhagh J. F. D., Morgan C. A. (2002). Animal Nutrition. Longman
Scientific Technical. Sixth edition.
Nelson D. L., Cox M. M. (2005). Lehninger Principles of Biochemistry, 4th Edition. Freeman and
Company, New York, USA.
Stryer L. (1995). Biochemistry. W.H. Freeman and company, SanFrancisco. 4th Edition.
Tom Brody (1999). Nutritional Biochemistry. Second edition, Academic Press, New York.

81

You might also like