You are on page 1of 17

BÀI 2

CẤU TRÚC TẾ BÀO


Bộ môn Sinh học - Di truyền
Khoa KHCB - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
Sau khi học xong bài này, sinh viên có thể:
1. Trình bày được cấu trúc và chức năng các thành phần của tế bào
Prokaryote.
2. Trình bày được cấu trúc và chức năng các thành phần của tế bào
Eukaryote.

Introduction
An overview of cell structure

1. Cấu trúc tế bào Prokaryote


1.1. Cấu tạo
Tế bào Prokaryote (còn gọi là nhân sơ, tiền hạch, sơ hạch) bao
gồm hai đại diện chính là vi khuẩn (Bacteria) và vi khuẩn lam
(Cyanobacteria).
Tế bào Prokaryote thường có cấu tạo gồm màng sinh chất, tế bào
chất và miền nhân (vùng nhân) chưa có màng bao bọc (Hình 2.1).
Một số vi khuẩn còn có thêm vỏ bọc, vách tế bào, lông và roi.
Phần lớn tế bào Prokaryote không có các bào quan có màng bao
như ở tế bào Eukaryote, DNA bộ gen không có protein histon.

1
Hình 2.1 Cấu tạo tế bào vi khuẩn.

1.1.1. Các thành phần bên ngoài


màng sinh chất
1.1.1.1. Vỏ bọc, lông và roi
Một số vi khuẩn có vỏ bọc là một lớp nhầy có bản chất protein
hoặc polisaccharid do vi khuẩn tiết ra, giúp vi khuẩn đính vào cơ
chất của chúng và bảo vệ bề mặt tế bào. Một số vi khuẩn có các
lông nhỏ để bơi gọi là lông hay roi để vận động (Hình 2.1). Cấu
tạo lông hay roi này không có vi ống.
1.1.1.2. Vách tế bào
Vách tế bào cứng chứa peptidoglycan, nằm bên ngoài màng sinh
chất giúp bảo vệ và giữ hình dạng tế bào. Với phản ứng nhuộm
Gram, người ta phân biệt được hai loại vi khuẩn Gram dương hấp
thụ và giữ lại màu, Gram âm không nhuộm màu. Vi khuẩn Gram
dương với một lượng tương đối lớn peptidoglycan còn vi khuẩn
Gram âm có ít peptidoglycan hơn nhưng màng ngoài chứa
lipopolysaccharid. Phần lipid trong lớp này giúp bảo vệ tế bào vi
khuẩn khỏi hàng rào bảo vệ của cơ thể. Do lớp màng này cảng
thuốc vào tế bào vi khuẩn nên vi khuẩn Gram âm thường kháng lại
kháng sinh tốt hơn vi khuẩn Gram dương.

1.1.2. Màng sinh chất


Màng sinh chất có tính thấm chọn lọc với hàng trăm loại protein
khác nhau có khả năng điều khiển quá trình trao đổi chất giữa vi
khuẩn với môi trường xung quanh, protein xúc tác tổng hợp ATP
và khởi đầu sao chép DNA.

1.1.3. Tế bào chất

2
Tế bào chất chứa ribosom, các chất dự trữ và các mesosom (Hình
2.1). Mesosom là phần lõm vào của màng sinh chất, có hoạt động
chức năng như ty thể của tế bào Eukaryote. Phần lớn vi khuẩn
quang hợp chứa chlorophyl gắn với màng hay các phiến mỏng.

1.1.4. Miền nhân


Miền nhân của vi khuẩn không được giới hạn bởi màng nhân, bên
trong chứa DNA trần dạng vòng (nhiễm sắc thể của vi khuẩn)
(Hình 2.1). Ngoài ra, trong tế bào Prokaryote còn có các phân tử
DNA nhỏ độc lập dạng vòng tròn gọi là plasmid, nằm tách biệt
hoặc gắn vào nhiễm sắc thể của vi khuẩn.

1.2. Sinh sản


Vi khuẩn thường có khả năng sinh sản nhanh ở môi trường thích
hợp bằng cách phân đôi tế bào. Đột biến tự nhiên tạo điều kiện
thuận lợi cho vi khuẩn thích nghi với những điều kiện sống khác
nhau. Ví dụ đột biến thích ứng với thuốc kháng sinh (kháng
thuốc).
Ba đặc điểm sinh học quan trọng trong sự sinh sản của vi khuẩn:
kích thước nhỏ, sinh sản bằng con đường phân đôi và có thời gian
thế hệ ngắn.

2. Cấu trúc tế bào Eukaryote


Các dạng sinh vật có cấu tạo tế bào Eukaryote (còn gọi là nhân
chuẩn, chân hạch, đã có nhân chính thức) gồm sinh vật nguyên
sinh, nấm, thực vật và động vật. Tế bào Eukaryote gồm 3 thành
phần chính: màng sinh chất, tế bào chất và nhân (Hình 2.2).

Hình 2.2. Cấu tạo tế bào động vật và thực vật.

3
Một số tế bào Eukaryote như tế bào thực vật, nấm có vách (thành)
tế bào giàu carbohydrat ở phía ngoài màng sinh chất. Vách (thành)
tế bào là phức hợp polysaccharid cellulose dưới dạng các sợi dài.
Các sợi cellulose được gắn với nhau nhờ chất nền của các
carbohydrat khác, chủ yếu là pectin và hemicellulose. Vách tế bào
không có tính chất của màng bán thấm. Trên vách có nhiều lỗ để
nước, không khí và các chất hòa tan có thể qua lại tự do từ tế bào
này sang tế bào khác. Vách tế bào vi khuẩn, nấm khác với tế bào
thực vật là cellulose được thay bằng kitin, một phần vách tế bào vi
khuẩn còn có peptidoglycan (murein). Vách cellulose pectin tạo
khung cứng giúp tế bào thực vật có một hình dạng nhất định và
được xem là bộ xương tế bào thực vật. Vách tế bào còn là ranh giới
ngoài cùng bảo vệ tế bào chống chịu với tác động bên ngoài.

2.1. Màng sinh chất


2.1.1. Cấu tạo của màng sinh chất
Màng sinh chất có tính thấm chọn lọc, giới hạn độ lớn của tế bào,
duy trì sự khác nhau cần thiết giữa cấu trúc bên trong tế bào với
môi trường bên ngoài.
Dưới kính hiển vi điện tử, màng sinh chất là một lớp màng rất
mỏng, dày khoảng 8nm, gồm 3 lớp với hai lớp màu đậm kẹp giữa
là một lớp màu nhạt. Lớp màu nhạt là lớp lipid kép, còn hai lớp
màu đậm gồm các phân tử protein và các đầu tự do của các phân tử
protein lộ ra khỏi lớp lipid. Các protein tham gia cấu tạo màng
gồm có protein xuyên màng (kênh protein), protein hội nhập và
protein neo. Ngoài ra, glycolipid, cholesterol, glycoprotein và
carbohydrat cũng tham gia cấu tạo màng sinh chất (Hình 2.3).

Hình 2.3. Cấu tạo màng sinh chất.

2.1.1.1. Lớp lipid kép


Lớp lipid kép gồm hai dãy phân tử lipid áp sát nhau. Các lipid có
trên màng sinh chất gồm: photpholipid, cholesterol và glycolipid.

4
Cả 3 loại đều có phần đầu ưa nước quay ra phía bề mặt trong và bề
mặt ngoài tế bào để tiếp xúc với nước, phần đuôi kỵ nước quay vào
nhau và là ranh giới của hai dãy phân tử lipid. Tính chất dấu đầu
kỵ nước làm cho màng luôn có xu hướng kết dính nhau và khép
kín lại. Nhờ đó màng lipid có tính linh động, tái hợp nhanh mỗi khi
mở ra, nó có thể tiếp nhận một lipid mới vào màng, có thể hợp nhất
hai màng tế bào khi hai màng tế bào hòa nhập với nhau. Hiện
tượng hợp nhất này dễ dàng thấy được khi có hiện tượng nội nhập
bào trong vận chuyển vật chất qua lại màng.
Photpholipid là thành phần nhiều nhất trong màng sinh chất. Các
photpholipid khác nhau về phần đầu ưa nước, về kích thước, hình
dạng và điện tích. Sự sắp xếp của các phân tử màng điện tích tạo
nên điện tích khác nhau trên hai bề mặt trong và ngoài của màng tế
bào. Chức năng của các photpholipid là làm dung môi của protein
màng hoặc giúp cho protein màng có hoạt động tối ưu. Một số
protein màng chỉ có thể hoạt động nhờ các nhóm photpholipid đặc
hiệu.
Cholesterol là sự kết hợp của sterol với axit béo. Các phân tử
cholesterol nằm xen với các photpholipid. Cholesterol có tác dụng
ngăn cản các chuỗi hydrocarbon liên kết với nhau và tạo nên tính
lỏng linh động của màng. Cholesterol còn có tác dụng duy trì tính
bền cơ học của màng. Cholesterol còn là tiền chất quan trọng của
nhiều phân tử sinh học quan trọng như axit mật tạo ra ở gan,
hormon steroid tạo ra từ tế bào nội tiết, vitamin D tạo ra ở da và
gan.
Glycolipid là các phân tử lipid có chứa oligosaccharid. Các
glycolipid nằm xen kẽ với các phân tử photpholipid nhưng các
nhóm đường bộc lộ ra bề mặt tế bào. Chức năng của glycolipid còn
trong giả thuyết, có thể là các phân tử tiếp nhận các tín hiệu giữa
các tế bào.
2.1.1.2. Các protein
Các protein tham gia cấu tạo màng sinh chất có kích thước lớn
hơn nhiều so với lipid, đảm nhận phần lớn chức năng đặc hiệu của
màng. Protein chiếm khoảng 50% khối lượng của màng sinh chất

5
tùy từng loại tế bào. Ví dụ, protein chiếm 76% lớp màng trong ty
thể, màng myelin bao quanh sợi trục thần kinh chỉ có 18% là
protein.
Tùy theo vị trí, protein có thể được chia làm 3 loại:
+ Protein xuyên màng: xuyên qua lớp photpholipid kép và lộ hai
đầu ưa nước ra hai bên màng.
+ Protein neo: cài một phần vào màng và chỉ lộ ra ở một bên
màng.
+ Protein hội nhập (còn gọi là ngoại vi): không tương tác trực tiếp
với lõi kỵ nước của lớp photpholipid kép, gắn lỏng lẽo với bề mặt
màng.
2.1.1.3. Carbohydrat
Carbohydrat chiếm 2–10% khối lượng màng dưới dạng các chuỗi
oligosaccharid. Khi nó liên kết với protein tạo nên glycoprotein,
liên kết với lipid tạo nên glycolipid. Chức năng của các chuỗi
oligosaccharid trên màng sinh chất chưa được biết rõ, có thể
chúng giúp cho các glycoprotein bám chắc vào màng lipid, làm ổn
định cấu trúc gấp khúc của glycoprotein. Chúng có thể có chức
năng nhận diện giữa các tế bào.
2.1.2. Chức năng của màng sinh chất
Bao bọc tế bào, phân cách tế bào với môi trường bên ngoài.
Có tính chọn lọc trong quá trình trao đổi chất giữa tế bào với môi
trường, duy trì nồng độ ion khác nhau ở trong và ngoài tế bào, cho
phép thức ăn đi vào và chất thải đi ra.
Có khả năng biến hình để tế bào di động và để thực bào, ẩm bào.
Có khả năng dẫn truyền xung động thần kinh nhờ sự thay đổi điện
tích trong và ngoài màng.
Có khả năng nhận diện các tế bào đồng loại và khác loại.
Có khả năng nhận diện các hormon hoặc một số chất lạ nhờ những
phân tử protein hoặc glycoprotein đặc hiệu gọi là các phân tử tiếp
nhận hay thụ thể, và có thể dẫn các phân tử hormon hoặc các chất
lạ đó vào trong tế bào.
Có chức năng miễn dịch.

6
2.2. Tế bào chất
Tế bào chất gồm dịch tế bào chất, các thể vùi và các bào quan. Bộ
phận quan trọng nhất của tế bào chất là các bào quan với các vai
trò khác nhau trong tế bào.
2.2.1. Ribosom
Ribosom là bào quan không có màng bao bọc, được cấu tạo từ
rRNA và protein, gồm một tiểu đơn vị lớn và một tiểu đơn vị nhỏ,
có dạng hình cầu. Ribosom kết hợp thành dạng chuỗi nhỏ (5 đến 10
ribosom) gọi là polyribosom. Các đơn vị của ribosom tách đôi ra
sau những đợt tổng hợp protein trên cơ thể sống.
Khi ly tâm, khối lượng của ribosom được đặc trưng bằng trị số lắng
S (Svedberg). Ở tế bào nhân thực, tiểu đơn vị lớn của ribosom
(60S) gồm một phân tử rRNA 28S nối với một phân tử rRNA 5,8S
bằng các liên kết hydro của các base nitơ bổ sung và một phân tử
rRNA 5S nằm riêng rẻ. Các phân tử rRNA làm bộ xương định hình
cho 45 phân tử protein có cấu trúc bậc 1 gắn vào. Tiểu đơn vị nhỏ
(40S) gồm một phân tử rRNA 18S làm khung cho 33 phân tử
protein gắn vào.
Ribosom là nơi diễn ra quá trình giải mã để tổng hợp protein.
Những tế bào có tốc độ tổng hợp protein cao sẽ có số lượng
ribosom đặt biệt lớn. Ribosom tự do tổng hợp protein hòa tan hoạt
động bên trong tế bào chất. Ví dụ như các enzyme xúc tác các giai
đoạn đầu của quá trình phân hủy đường. Trong khi ribosom liên kết
trên lưới nội chất hoặc màng nhân sản xuất ra protein đóng gói như
enzym của tiêu thể, kháng thể, hormon; protein xen vào màng hoặc
để xuất khỏi tế bào. Ribosom tự do và ribosom liên kết có cấu trúc
giống nhau và có thể thay đổi vai trò cho nhau.
2.2.2. Mạng lưới nội chất
Lưới nội chất là bào quan có cấu tạo màng đơn, gồm các túi dẹt và
ống rất nhỏ, phân nhánh và thông với nhau từ màng nhân và các
bào quan đến màng sinh chất để thông với khoảng gian bào. Lưới

7
nội chất được chia làm 2 loại là lưới nội chất nhám và lưới nội chất
trơn liên kết qua lại với nhau (Hình 2.4).

Hình 2.4. Cấu tạo mạng lưới nội chất.


Lưới nội chất hạt: trên bề mặt của màng tiếp xúc với tế bào chất có
bám nhiều hạt ribosom. Tuy nhiên, nó cũng có phần không hạt gọi
là đoạn chuyển tiếp. Chức năng của lưới nội chất hạt là tổng hợp
các protein được bao trong túi. Lưới sẽ bảo quản và phân phát các
sản phẩm cho một số bào quan trong tế bào chất hoặc bài xuất
khỏi tế bào nhờ những túi bao gói làm bằng các đầu mút của các
đoạn chuyển tiếp không hạt.
Lưới nội chất trơn: không có hạt ribosom bám vào, là hệ thống các
ống chia nhánh với nhiều kích thước khác nhau, nằm gần màng
sinh chất. Chức năng của lưới nội chất trơn là vận chuyển hoặc tiết
lipid hay đường. Màng của lưới nội chất trơn phần lớn tổng hợp
các lipid như photpholipid và steroid, góp phần quan trọng vào sự
hình thành các màng bên trong tế bào. Ngoài ra, lưới nội chất trơn
còn tham gia khử độc thuốc và các chất độc, đặc biệt là ở các tế
bào gan, bằng cách bổ sung nhóm hydroxyl vào các phân tử thuốc
làm cho chúng dễ tan và dễ đẩy ra khỏi cơ thể.
2.2.3. Bộ Golgi
Bộ máy Golgi là hệ thống màng đơn, gồm các túi dẹt hình dĩa giới
hạn bởi một màng xếp như chồng dĩa với các túi cầu nhỏ có màng
bao nằm rải rác xung quanh. Các túi dẹt xếp gần song song với
nhau, uốn cong hình cung. Chồng các túi dẹt gọi là bộ máy Golgi,
có đường kính khoảng 1 micromet. Bộ Golgi gồm nhiều túi dẹt.
Số lượng Golgi thay đổi tùy loại tế bào, dao động từ một tới vài
trăm. Bộ Golgi có mặt cis và trans. Mặt trans gồm các túi khép kín
với màng sinh chất; còn các túi khép kín với trung tâm tế bào gọi
là mặt cis (Hình 2.5).

Hình 2.5. Cấu tạo bộ máy Golgi.


Các túi dẹt của bộ Golgi làm nhiệm vụ biến đổi, chọn lọc và gói
các đại phân tử sinh học, sau đó chúng được thải ra ngoài hoặc

8
được vận chuyển đến các bào quan khác. Bộ Golgi tham gia vào sự
hình thành màng sinh chất bằng cách hòa nhập các túi khi các túi
này mang chất tiết ra khỏi màng. Một số chất tiết
mucopolysaccharide có bản chất carbohydrat được tổng hợp ngay
tại bộ Golgi. Vì vậy, Golgi có thể chế biến lại sản phẩm protein và
lipid để biến chúng thành glycoprotein, glycolipid, hoặc glycol
lipoprotein.
2.2.4. Ty thể
Ty thể gồm hai màng. Mỗi tế bào có nhiều ty thể nằm rải trong tế
bào chất hoặc tập trung ở nơi chuyển hóa cao cần nhiều năng
lượng.
Màng ngoài ty thể nhẵn có chứa nhiều protein vận chuyển. Màng
trong tạo nhiều nếp nhăn gọi là mào làm tăng tổng diện tích màng
trong. Trên bề mặt của các mào và màng trong bám đầy các thể
hình chùy gọi là oxysome (Hình 2.6). Các oxysome có chứa
enzym tạo nước trong sự hô hấp. Chất nền chứa DNA dạng vòng,
ribosom và hàng trăm loại enzym gồm các enzym dùng để oxy
hóa pyruvate và axit béo, các enzym của chu trình Krebs, các
enzym để tái bản DNA, để tổng hợp RNA, tổng hợp protein. Ty
thể là trung tâm hô hấp và là nơi chứa năng lượng của tế bào, 90%
ATP của tế bào được tổng hợp từ ty thể.

Hình 2.6. Cấu tạo ty thể.

2.2.5. Lục lạp


Lục lạp gồm 2 màng bao, có màu xanh lục, dạng hình cầu hoặc
bầu dục, kích thước khoảng vài micromet, phát triển ở các bộ phận
trên mặt đất của thực vật bậc cao và rong. Màng ngoài cho các
chất thấm qua dễ dàng. Màng trong các chất thấm qua khó hơn,
không xếp lại thành mào, không chứa chuỗi chuyền điện tử và trên
màng có protein vận chuyển. Stroma chứa nhiều enzym, các DNA
hình vòng, các ribosom, hạt tinh bột, vitamin D, E, K và các muối
Na+, K+, Ca2+, Fe2+, Si2+... Lục lạp còn có một hệ thống màng
thứ 3 là thylakoid. Các thylakoid là các túi dẹt hình dĩa, có xu
hướng xếp chồng lên nhau hình thành một granum, các khoang

9
của các thylakoid nối thông với nhau (Hình 2.7). Trên màng
thylakoid có diệp lục tố và các sắc tố khác như carotenoid và
phycobilin giúp chuyên chở các điện tử trong quang hợp và các
enzym tạo ATP trong quang hợp. Màng thylakoid không cho các
ion thấm qua. Lục lạp là nơi thu nhận năng lượng mặt trời để tổng
hợp nên chất hữu cơ từ CO2 và H20, nhờ đó thực vật có đời sống
tự dưỡng.

Hình 2.7. Cấu tạo lục lạp .

2.2.6. Không bào


Không bào là các túi được bao quanh bởi một màng, bên trong chứa
đầy nước và các chất hòa tan gọi là dịch không bào hay dịch tế bào.
Ở các tế bào thực vật trưởng thành, không bào chiếm diện tích lớn
gọi là không bào trung tâm (Hình 2.2). Trường hợp tế bào hạt già
chín và các cơ quan dự trữ trong các rễ củ thì không bào giảm thể
tích, các chất bên trong kết đặc lại như các hạt aleuron. Trong
không bào còn có thể gặp cả các giọt lipid không tan.
Không bào có những chức năng khác nhau trong những loại tế bào
khác nhau. Ví dụ, các động vật nguyên sinh sống môi trường nước
ngọt có không bào co bóp tống nước thừa ra khỏi cơ thể. Ở thực vật
và nấm, nó làm chức năng thủy phân. Tế bào thực vật trưởng thành
có không bào trung tâm dự trữ các chất hữu cơ quan trọng, có vai
trò chính trong sự sinh trưởng bởi việc hấp thụ nước, chứa các sắc
tố làm cho tế bào có màu như sắc tố của cánh hoa hấp dẫn côn trùng
tới thụ phấn.
Không bào tham gia quá trình trao đổi nước nhờ áp suất thẩm thấu.
Thành phần và nồng độ các chất hòa tan trong dịch không bào quyết
định áp suất thẩm thấu của tế bào thực vật. Áp suất thẩm thấu được
biểu hiện trong sự trương nước (khi đặt tế bào trong dung dịch
nhược trương) và sự co nguyên sinh (khi đặt tế bào trong dung dịch
ưu trương). Các chất hòa tan trong dịch tế bào tạo áp suất thẩm thấu
(P) ép lên tế bào chất và màng tế bào tạo ra sức căng (T) chống lại
các phần bên trong tế bào. Do đó, sức hút nước của tế bào (S) được
tính bằng công thức: S = P – T. Nếu P = T thì S = 0, khi đó tế bào ở

10
trạng thái hoàn toàn trương nước. Nếu T = 0 thì S = P, khi đó tế bào
ở trạng thái co nguyên sinh và sức hút nước tối đa.
Các không bào hình thành từ hiện tượng ẩm thực bào hay hình
thành để bao bọc các thành phần không còn hoạt động sống trong tế
bào gọi là không bào tiêu hóa.
2.2.7. Tiêu thể (lysosome)
Tiêu thể có 1 màng bao bọc, hình túi cầu, bên trong chứa các
enzym thủy phân hoạt động tối ưu ở pH axit nên các tế bào động
vật dùng để tiêu hóa các đại phân tử (Hình 2.2). Enzym có hai
trạng thái là trạng thái nghỉ và trạng thái hoạt động. Ở trạng thái
nghỉ khi enzym được bao bọc trong túi tiêu thể và không tiếp xúc
với cơ chất, do tính chất của cơ chất là không thấm qua được màng
tiêu thể. Ngược lại, enzym ở trạng thái hoạt động khi túi tiêu thể
hòa nhập với túi cơ chất thì enzym và cơ chất gặp nhau và quá
trình tiêu hóa được thực hiện.
Tiêu thể tiêu hóa thức ăn cho tế bào, gồm các phân tử protein,
carbohydrat, lipid, axit nucleic và các hợp chất có trọng lượng
phân tử thấp. Các sản phẩm tiêu hóa là các nguyên liệu xây dựng tế
bào như các axit amin, các đường đơn, các nucleotide. Phần còn lại
không dùng được gọi là thể cặn bã hoặc các chất độc. Chúng được
bao gói lại và đưa đến màng tế bào để thải ra ngoài. Ngoài ra, tiêu
thể còn có chức năng làm sạch tế bào và các bào quan bị tổn
thương do các yếu tố bên ngoài.

2.2.8. Peroxisome
Peroxisome là bào quan được bao bọc bởi màng đơn mỏng,
thường nằm gần lưới nội chất trơn hoặc phần không hạt của lưới
nội chất nhám. Peroxisome được hình thành từ lưới nội chất; chứa
enzym catalase và một số enzym oxy hóa có pH tối ưu kiềm nhẹ.
Peroxisome là bào quan chuyên biệt để thực hiện các phản ứng
dùng phân tử oxy để oxy hóa các chất trong tế bào. Bào quan này
tạo H202 rồi lại sử dụng chất này để oxy hóa một số chất khác.
2.2.9. Glyoxysome

11
Glyoxysome là bào quan rất nhỏ, có đường kính khoảng 1
micromet, hiện diện trong hạt có dự trữ dầu, được bao bởi một
màng (Hình 2.2), chứa các enzym giúp biến đổi axit béo dự trữ
thành đường và được chuyển đi khắp nơi của cây non để cung cấp
năng lượng cho sự tăng trưởng.
2.2.10. Bộ xương của tế bào
Bộ xương tế bào gồm các vi ống, các vi sợi và các sợi trung gian.
2.2.10.1. Vi ống
Các vi ống nằm trong tế bào chất có đường kính khoảng 25 nm,
ống rỗng với thành được cấu tạo từ 13 cột các phân tử tubulin. Tiểu
đơn vị của vi ống bao gồm hai chuỗi polypeptid giống nhau £-
tubulin và β-tubulin cuộn xoắn ốc xếp chồng lên nhau tạo nên vách
của vi ống (Hình 2.8). Vi ống có vai trò chống lại các lực nén, duy
trì hình dạng tế bào.

Hình 2.8. Cấu tạo của vi ống.


Ở kỳ trung gian của phân bào, vi ống xuất phát từ trung tâm tế bào
tỏa ra khắp tế bào chất. Đó là các vi ống tế bào chất. Khi bắt đầu
thời kỳ phân chia, các vi ống tế bào chất bị giải thể và được thay
thế bằng vi ống của thoi phân bào. Cuối thời kỳ phân chia thì xảy ra
hiện tượng ngược lại. Vi ống còn có ở lông và roi ở một số tế bào.
Vi ống có cấu trúc không bền, dễ cảm ứng với thuốc phân bào như
colchicin, colcemid, vinblastin. Các phân tử thuốc khi vào tế bào
liên kết chặt chẽ với phân tử tubulin và ngăn cản sự trùng hợp của
các phân tử này. Vì vậy không hình thành được vi ống của thoi
phân bào, các tế bào không phân chia được.
2.2.10.2. Vi sợi
Vi sợi là những sợi cứng hình qua, đường kính khoảng 7 nm, gồm
các phân tử actin. Mỗi vi sợi gồm một chuỗi xoắn kép của các phân
tử actin, trong đó hai chuỗi actin đan với nhau theo kiểu xoắn (Hình
2.9). Vai trò của vi sợi trong bộ khung tế bào là chịu lực căng. Vi
sợi cùng với myosin đảm nhận chức năng co duỗi tế bào.

12
Hình 2.9. Cấu tạo vi sợi.
Các phân tử actin được trùng hợp nhanh chóng thành sợi trong tế
bào khi cần thiết. Khi không cần nữa, sợi actin nhanh chóng được
giải thể. Sự hoạt động của actin như vậy có vai trò trong sự vận
động của tế bào.
2.2.10.3. Sợi trung gian
Sợi trung gian có đường kính khoảng 8-12 nm, lớn hơn đường
kính vi sợi nhưng nhỏ hơn đường kính vi ống. Nó có chức năng
chuyên hóa là chịu lực căng giống vi sợi, duy trì hình dạng tế bào
và cố định vị trí của các bào quan nhất định.

2.3. Nhân
Nhân gồm 2 màng, bên trong dịch nhân có hạch nhân (nhân con)
và chất nhiễm sắc.
Màng nhân là màng kép có các lỗ thủng (lỗ nhân) giúp điều hòa
việc ra vào của của hầu hết các protein và RNA cũng như các đại
phân tử. Màng ngoài nối liền với lưới nội chất, trên đó có các hạt
ribosom. Màng trong đậm màu được gọi là lá sợi. Lá sợi có mặt ở
hầu hết các tế bào nhân thực, giữ hình dạng của màng nhân. Ở kỳ
đầu của phân bào, đa số các protein của lá sợi được phóng thích
khỏi màng nhân và được phân tán trong tế bào chất nên màng nhân
bị phá hủy khi phân bào. Ở kỳ cuối các protein đó tập hợp lại và
màng nhân được tái lập.

Hình 2.10. Cấu tạo của nhân


Hạch nhân hay là nhân con, không có màng bao bọc, là một cấu
trúc nổi bật trong nhân không phân chia, số lượng phụ thuộc vào
loài và giai đoạn trong chu kỳ sinh sản của tế bào. Hạch nhân là
nơi xảy ra quá trình tổng hợp phần lớn các RNA ribosom (rRNA)
và hình thành các tiểu đơn vị của ribosom để đưa vào tế bào chất.

13
Chất nhiễm sắc là những chất ưa màu base, thường ở dạng mạng
lưới hay hạt rất nhỏ. Khi tế bào bước vào giai đoạn phân chia nhân,
chất nhiễm sắc sẽ hình thành thể nhiễm sắc.
Nhân có vai trò quan trọng trong đời sống tế bào. Nhân chứa thông
tin di truyền, sự phân chia đều đặn của các NST về các tế bào con
đảm bảo sự chia đều thông tin di truyền cho thế hệ sau. Trong tế
bào lông hút của rễ cây, nhân đặt ở đầu ngọn của lông hút, nơi có
sự hấp thu lớn nhất. Nhân có tác dụng trong sự hình thành màng tế
bào, kéo đến chỗ màng tế bào đang dày lên. Nếu màng bị rách,
nhân sẽ kéo đến đó để tham gia vào việc làm vết thương thành sẹo.
Tóm lại, sự khác biệt về cấu tạo giữa tế bào thực vật và tế bào
động vật là:
- Những bào quan có ở tế bào thực vật mà tế bào động vật không
có: lục lạp, không bào trung tâm, glyoxysome, vách tế bào, cầu
sinh chất - các kênh chui qua vách tế bào, liên kết tế bào chất của
các tế bào liền kề.
- Những bào quan có ở tế bào động vật mà tế bào thực vật không
có: lysosome, trung tử với các trung thể, lông roi (cũng có ở giao
tử đực của một số thực vật).

Câu hỏi lượng giá


1. Cấu trúc có ở tế bào thực vật và động vật:
A. Khí khổng, nhân và màng tế bào
B. Nhân, thành tế bào, tế bào chất
C. Nhân, màng tế bào, tế bào chất
D. Màng tế bào, lục lạp, thành tế bào
2. Chức năng của lục lạp:
A. Điều khiển hoạt động của tế bào
B. Chứa nước và những ion khoáng
C. Tổng hợp glucose nhờ quá trình quang hợp

14
D. Điều khiển những chất đi vào và đi ra khỏi tế bào
3. Hoạt động xảy ra ở tế bào sống:
A. Trao đổi chất
B. Sinh trưởng và phát triển
C. Cảm ứng và sinh trưởng
D. Cả 3 đều đúng
4. Đặc điểm tế bào nhân sơ:
A. Có kích thước nhỏ
B. Không có các bào quan như bộ máy Golgi, lưới nội chất
C. Không chứa phân tử DNA
D. Nhân không có màng bao bọc
5. Cấu trúc thuộc loại tế bào nhân sơ:
A. Virus
B. Tế bào thực vật
C. Tế bào động vật
D. Vi khuẩn
6. Trong tế bào vi khuẩn, nguyên liệu di truyền DNA có ở:
A. Màng sinh chất và nhân
B. Màng sinh chất và vỏ bọc
C. Tế bào chất và vùng nhân
D. Màng nhân và tế bào chất
7. Thành phần hóa học của ribosom gồm:
A. DNA, RNA và protein
B. Protein, RNA
C. Lipid, DNA và RNA
D. DNA, RNA và nhiễm sắc thể
8. Phát biểu nói về lục lạp:
A. Có nhiều ở tế bào động vật
B. Có thể không có ở tế bào cây xanh
C. Là loại bào quan nhỏ bé nhất

15
D. Có chứa sắc tố diệp lục tạo màu xanh ở lá cây
9. Tên gọi stroma để chỉ:
A. Chất nền của lục lạp
B. Màng ngoài của lục lạp
C. Màng trong của lục lạp
D. Enzym quang hợp của lục lạp
10. Đặc điểm cấu trúc màng nhân là:
A. Không có ở tế bào nhân sơ
B. Có cấu tạo gồm 2 lớp
C. Có nhiều lỗ nhỏ giúp trao đổ chất giữa nhân và tế bào chất
D. Cả 3 đều đúng

Tài liệu tham khảo


1. Đỗ Ngọc Liên (2007), Sinh học phân tử màng tế bào, NXB
ĐHQG Hà Nội.
2. Nguyễn Như Hiền (2012), Giáo trình sinh học tế bào, NXB
Giáo dục Việt Nam.
3. Nguyễn Xuân Hưng, Nguyễn Ngọc Liên dịch (2014), Sinh học
phân tử của tế bào, NXB trẻ TP.HCM.

Slide bài giảng tham khảo


Ts. Cao Thị Tài Nguyên

HOÀN THÀNH BÀI TỰ HỌC


XEM VIDEO HƯỚNG DẪN Ở ĐẦU BÀI ĐỂ CÀI ĐẶT VÀ MỞ
LINK BÊN DƯỚI ĐỂ HOÀN THÀNH BÀI TẬP THIẾT KẾ CÁC
LOẠI TẾ BÀO
https://www.wiley.com/legacy/college/boyer/0471661791/
animations/cell_structure/cell_structure.htm

NỘP BÀI TỰ HỌC - DEMO


forms.office.com

16
KTTX- MCQ
Link kiểm tra dành cho điện thoại
https://forms.office.com/Pages/ResponsePage.aspx? id=hKLSjwagX0-
7kaWFh7cWNqlqvcD4pcJPlFFBvN9Y5w5UMlEwSFVVS0VZMkdFR1oxU
ThLQ1JaVkhEWC4u
Ngày 17/6/2022

17

You might also like