You are on page 1of 161

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG

ĐÓNG GÓP Ý KIẾN CHO VIỆC XÂY DỰNG


CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT,
CHUYÊN NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2022


DANH MỤC BÀI VIẾT HỘI THẢO CẤP TRƯỜNG
ĐÓNG GÓP Ý KIẾN CHO VIỆC XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
NGÀNH LUẬT, CHUYÊN NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ngày 31 tháng 08 năm 2022
STT NỘI DUNG TRANG

Sự cần thiết xây dựng Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên
1 ngành Luật Sở hữu trí tuệ 1
PGS. TS. Vũ Thị Hải Yến

Đề xuất xây dựng mục tiêu và chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo
2 ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ 16
TS. Vương Thanh Thúy

Đề xuất xây dựng các môn học kỹ năng trong Chương trình đào tạo
3 ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ 24
LS. Trần Mạnh Hùng

Đề xuất xây dựng các học phần trong Chương trình đào tạo trình độ
4 đại học ngành Luật - chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ 33
ThS. Phạm Minh Huyền

Đề xuất các hoạt động hợp tác với các đối tác, đơn vị trong nước để
thực hiện Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở
5 64
hữu trí tuệ
TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh

Đề xuất các hoạt động nghiên cứu khoa học để thực hiện Chương
6 trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ 71
ThS. Nguyễn Phan Diệu Linh

Kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ tại hoa kỳ
7 80
TS. Nguyễn Bích Thảo

Những kiến thức, kỹ năng cần thiết của sinh viên chuyên nghành Luật
8 Sở hữu trí tuệ - Góc nhìn thực tiễn 88
LS. Lê Xuân Lộc, LS. Nguyễn Thị Mai Linh, Hoàng Thái Sơn
Kinh nghiệm của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong
tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và các cuộc thi về sở hữu
9 trí tuệ nhằm thúc đẩy sự yêu thích và năng lực của sinh viên trong 108
lĩnh vực này
TS. Hoàng Thị Hải Yến

Đào tạo sinh viên chuyên ngành Sở hữu trí tuệ - Kinh nghiệm từ
10 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân, Đại học Quốc gia Hà Nội 115
ThS. Hoàng Lan Phương

Cách thức giảng dạy Luật Sở hữu trí tuệ tại một số trường đại học trên
11 thế giới - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam 130
ThS. Bùi Thị Minh Trang
Định hướng, chính sách, cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Chương
12 trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ 137
TS. Lê Đình Nghị
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT,
CHUYÊN NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

PGS.TS. ⁎
Vũ Thị Hải Yến

Tóm tắt: Để làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng chương trình đào tạo ngành
Luật - chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ, bài viết nhấn mạnh vai trò của việc bảo hộ
quyền sở hữu trí tuệ trong xu thế hội nhập và bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0;
Chính sách của Nhà nước đối với việc đào tạo Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; Phân
tích nhu cầu của xã hội và thực trạng đào tạo về Sở hữu trí tuệ trong các cơ sở đào tạo
đại học tại Việt Nam nói chung và tại Trường Đại học Luật nói riêng.
Từ khóa: Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ,
bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

1. Vai trò của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong xu thế hội nhập và bối cảnh cách
mạng công nghiệp 4.0
Từ lâu, trên thế giới, các tài sản trí tuệ (TSTT) đang ngày càng đóng vai trò quan
trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội,
quyết định sự phát triển và thịnh vượng của mỗi doanh nghiệp, quốc gia, khu vực cũng
như toàn xã hội, trở thành “động lực nội sinh cho sự phát triển kinh tế”, “trở thành một
nguồn của cải tạo ra sự thịnh vượng”.1 Sở hữu trí tuệ (SHTT) được ghi nhận như là
như một tài sản vô hình quan trọng do nó đại diện 80% tổng giá trị của một công ty và
là giải pháp để đảm bảo lợi thế cạnh tranh trong các dây chuyền giá trị đang được
toàn cầu hóa2. Các đối tượng sở hữu trí tuệ thường mang yếu tố sáng tạo và đổi mới,
đặc biệt nó có sự gắn bó mật thiết với khoa học, công nghệ cũng như hoạt động sản
xuất, kinh doanh, do đó, pháp luật sở hữu trí tuệ cũng phải thay đổi không ngừng để
bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ. Lịch sử nhân loại đã trải
qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, mỗi cuộc cách mạng đều đặc trưng bằng sự thay
đổi về bản chất của nền sản xuất được tạo ra bởi các đột phá của khoa học công nghệ.
Hiện nay, thế giới đang chuyển sang một cuộc cách mạng công nghiệp mới - Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư hay Công nghiệp 4.0, với những đột phá về khoa học, kỹ
thuật đã và đang làm thay đổi bộ mặt của thế giới và có tác động trực tiếp đến lĩnh vực
sở hữu trí tuệ.


Khoa Pháp luật Dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội
1
Kamil Idris, “Sở hữu trí tuệ - một công cụ để phát triển kinh tế”, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, tr 55 (bản dịch
của Cục Sở hữu trí tuệ)
2
Marcos Eduardo Kauffman, “Intellectual Property Law in the Fourth Industrial Revolution: Trade Secrets Risks
and Opportunities”, Revista Jurídica vol. 03, n°. 52, Curitiba, 2018. tr 208
https://www.researchgate.net/publication/332255116 (Truy cập ngày 26/06/2022)

1
SHTT có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng
công nghiệp 4.0. Những sáng tạo trí tuệ đã tạo ra những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh
vực khoa học, công nghệ, kinh doanh, là chìa khóa thành công tạo nên sự thịnh vượng
cho các doanh nghiệp, các quốc gia cũng như toàn xã hội. Bảo hộ quyền SHTT ngày
càng trở thành yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng chiến lược quốc gia nhằm đạt
được sự phát triển kinh tế xã hội bền vững thông qua việc nâng cao tính cạnh tranh của
nền kinh tế. Nếu như trước đây, mối quan tâm của các nhà làm luật sở hữu trí tuệ chỉ tập
trung vào việc sử dụng quyền SHTT như một vũ khí để bảo vệ các vật thể hữu hình như
thiết bị, đồ vật, cấu trúc hay sự liên kết hữu hình. Tuy nhiên, với việc ứng dụng công
nghiệp 4.0, thách thức đặt ra là phải tập trung mở rộng phạm vi bảo vệ cả những sản
phẩm vô hình như cấu trúc, phương pháp của hệ thống ảo; quyền sở hữu, xử lý và lưu
trữ đối với dữ liệu, các thuật toán, sự nhận diện thương hiệu…3 Với sự phát triển mạnh
mẽ của khoa học kỹ thuật cùng với sự sáng tạo của con người và kết quả của cuộc cách
mạng công nghiệp 4.0 đã có nhiều tác động đến các vấn đề pháp lý về luật sở hữu trí
tuệ. Những đột phá về công nghệ trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lại đang
đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: tạo ra cơ chế bảo
hộ phù hợp cho các đối tượng SHTT trong bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học
kỹ thuật; bảo vệ được quyền và lợi ích cho các chủ thể sáng tạo và đầu tư để khuyến
khích hoạt động sáng tạo mà không gây rào cản đối với sự tiếp cận của công chúng đối
với các kết quả sáng tạo; bảo đảm sự phát triển khoa học – kỹ thuật, văn hoá xã hội.
Bảo hộ quyền SHTT đóng vai trò quan trọng đối với sự tiến bộ về khoa học công
nghệ, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội
của mỗi quốc gia. Kể từ khi SHTT trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu
của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các nước đang phát triển như Việt Nam chỉ
có thể tiếp cận và khai thác nguồn tri thức nhân loại để phục vụ cho sự nghiệp phát
triển kinh tế, xã hội của đất nước khi làm chủ được các vấn đề SHTT, nắm bắt và khai
thác được lợi thế của hệ thống SHTT quốc tế và quốc gia với một hệ thống các luật lệ,
quy tắc và thể chế…
Để có thể khai thác tối đa những lợi ích mà quyền SHTT có thể mang lại, tận
dụng SHTT như một công cụ hữu hiệu cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất
nước, bên cạnh việc xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật tạo cơ sở pháp lý
cần thiết cho việc bảo hộ quyền SHTT, một yêu cầu rất quan trọng là phải xây dựng
và đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về SHTT để đáp ứng nhu cầu của
xã hội, đặc biệt trước xu thế hội nhập khu vực và thế giới hiện nay.

3
Marcos Eduardo Kauffman, “Intellectual Property Law in the Fourth Industrial Revolution: Trade Secrets Risks
and Opportunities”, Revista Jurídica vol. 03, n°. 52, Curitiba, 2018. tr 208
https://www.researchgate.net/publication/332255116 (Truy cập ngày 26/06/2022)

2
2. Chính sách của nhà nước đối với việc đào tạo về sở hữu trí tuệ trong các
trường đại học của Việt Nam hiện nay
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập
sâu, rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế và hội nhập kinh tế thế giới đặt ra yêu
cầu về nguồn nhân lực pháp lý có chất lượng cao. “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính
sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và
công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Tiếp tục
đổi mới đồng bộ mục tiêu và nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo
dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện,
đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ,
thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”4.
Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đào tạo về SHTT để đáp ứng nhu cầu
của xã hội và nền kinh tế đã được thể hiện rõ tại khoản 4 Điều 8 Luật SHTT: “Ưu tiên
đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng
có liên quan làm công tác bảo hộ quyền SHTT và nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ
thuật về bảo hộ quyền SHTT”. Cụ thể hoá quy định này, Điều 3 Nghị định số
103/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/9/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp quy định: Bộ Khoa học
và Công nghệ có nhiệm vụ “Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp
xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, pháp luật về sở
hữu công nghiệp”. Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 Quy
định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên
quan khẳng định một trong những chính sách của Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên
quan là: “Ưu tiên đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm công tác
quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa
phương”. Bên cạnh đó, các văn bản kể trên cũng quy định trách nhiệm phối hợp giữa
Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT-DL trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ
chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê
duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một
chiến lược mang tầm quốc gia về SHTT, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh
vực SHTT, khẳng định SHTT là một công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động
đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Chiến lược
đã đặt ra chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện, trong đó nhiệm vụ thứ

4
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - tập 1, Nxb Chính trị Quốc
gia Sự thật, Hà Nội, tr. 136

3
7 là “Tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ”, nhấn mạnh yêu cầu
xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực về SHTT, chú trọng đào tạo
nguồn nhân lực có trình độ cao về SHTT, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
cho các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền SHTT, xây dựng một số cơ sở đào tạo
chuyên sâu về SHTT với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm
đối tượng; hình thành văn hoá SHTT trong xã hội thông qua xây dựng chương trình
đào tạo, bồi dưỡng về SHTT trong các cơ sở giáo dục đào tạo đại học.
Trên cơ sở chính sách và pháp luật của Nhà nước về đào tạo, nâng cao năng lực
cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và thực thi quyền SHTT, xuất phát từ nhu cầu
thực tế về đào tạo SHTT, Quyết định số 2205/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày
24/12/2020 về việc Phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 với
mục tiêu chung “Đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển
kinh tế, văn hoá, xã hội”, trong đó có đặt ra những nội dung về: “tăng cường các hoạt
động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT”; “xây
dựng và triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về
SHTT phù hợp với từng nhóm đối tượng”; “thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và
chống xâm phạm quyền SHTT”. Chiến lược SHTT đến năm 2030 với quan điểm hoạt
động SHTT có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện
nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh
nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác TSTT, đồng thời, thúc đẩy
các hoạt động tạo ra TSTT và khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ
là một trong các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thực
hiện để triển khai Chiến lược.
3. Nhu cầu xã hội đối với việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức
về sở hữu trí tuệ
3.1. Nhu cầu về nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về SHTT đáp ứng yêu
cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0
Từ khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến
nay, tiến trình toàn cầu hoá hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng và
mạnh mẽ. Đặc biệt thời gian gần đây, Việt Nam đã kí kết nhiều Hiệp định thương mại
tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và
Liên minh Châu Âu (EVFTA)… Điều này đã tạo cơ hội thuận lợi cho các sản phẩm,
hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường các nước và ngược lại,
sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp nước ngoài cũng xuất hiện phổ biến trên thị
trường Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội là không ít thách thức, một trong
những thách thức

4
là khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Để có thể đứng vững trong thị trường
quốc tế với sự cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn chủ động tìm
ra lợi thế cạnh tranh, nắm bắt cơ hội và những phương thức bảo vệ chỗ đứng của mình.
Một trong những lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế phát triển như hiện nay, đó là việc
doanh nghiệp tạo dựng, phát triển và bảo vệ hiệu quả TSTT của mình.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thông tin trong cuộc cách mạng 4.0, đã trở
thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thương mại điện tử trên thế giới, cũng
như tại Việt Nam. Thương mại điện tử đã từng bước xóa bỏ rào cản địa lý đối với hoạt
động kinh doanh của các chủ thể, khách hàng từ mọi miền đất nước, thậm chí trên toàn
thế giới đều có thể truy cập, tìm hiểu và tiến tới giao dịch, mang đến sự linh hoạt cho cả
người mua và người bán. Ngoài ra, thương mại điện tử giúp các chủ thể kinh doanh
thực hiện việc quảng cáo, phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ của mình dễ dàng
hơn, từ đó, thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh của các chủ thể. Tuy nhiên, đi cùng với
sự phát triển và tiện lợi vượt bậc của thương mại điện tử là những thách thức trong việc
bảo hộ quyền SHTT trong môi trường này.
Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường trong bối cảnh kinh tế tri thức và cuộc
Cách mạng Công nghiệp 4.0 ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong
đó, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới mô hình
tăng trưởng đất nước. Các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, dịch vụ trong thời
kỳ hội nhập quốc tế, chịu sự tác động sâu sắc của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0
đã làm nhiều ngành nghề, lĩnh vực phát triển mạnh mẽ như Logistics, Bitcoin,
Blockchange, Fintech, Startup; mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế xanh, mô
hình kinh tế tuần hoàn; thương mại điện tử, bán hàng và thanh toán điện tử … cũng
như áp lực chuyển đổi sang nền kinh tế số, xã hội số. Quyền SHTT đóng vao trò quan
trọng trong các loại hình kinh doanh mới này. Tuy nhiên, chương trình đào tạo đại
học hiện nay chưa có những nội dung giảng dạy về những khía cạnh pháp lý của quyền
SHTT trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp 4.0, thương mại điện tử. Việc trang bị
những kiến thức cập nhật về quyền SHTT trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp 4.0,
mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử… cho sinh viên là hết sức cần thiết để cung
cấp nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh
doanh trong nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu.
Thực tế cho thấy kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 150 của
WTO và tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, những quan tâm của xã hội
đối với SHTT ngày càng tăng trên nhiều lĩnh vực khác nhau: phát triển hàm lượng trí
tuệ trong tài sản doanh nghiệp; xác lập quyền đối với các kết quả đầu tư, sáng tạo của
các nhà sản xuất, kinh doanh; thương mại hóa tài sản trí tuệ qua các hoạt động chuyển
giao, góp vốn, liên doanh, liên kết, nhượng quyền thương mại…; định giá tài sản trí tuệ

5
trong cổ phần hóa, hợp nhất, sáp nhập chia, tách… doanh nghiệp; giải quyết các tranh
chấp và xử lý xâm phạm quyền SHTT trong kinh doanh, thương mại… và rất nhiều vấn
đề khác nảy sinh trong xã hội hiện đại ngày nay. Tất thảy những vấn đề đó chỉ được
giải quyết nếu chúng ta không chỉ có một hệ thống SHTT vững chắc mà còn phải có
một đội ngũ nhân lực có trình độ cao về SHTT trong các lĩnh vực chuyên môn khác
nhau có liên quan đến SHTT. Trong khi nhu cầu của xã hội đối với nguồn nhân lực có
hiểu biết về SHTT ngày càng tăng thì thực tế chúng ta đang thiếu hụt lực lượng này cả
về số lượng, chất lượng.
3.2. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức về Sở hữu trí tuệ
cho các cơ quan quản lý nhà nước
Hiện nay, các cơ quan Nhà nước, bao gồm cả lập pháp đến hành pháp đều cần các
chuyên gia giỏi về SHTT để xây dựng, hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển
tài sản trí tuệ quốc gia kết hợp với các hoạt động phát triển văn hóa, khoa học, công
nghệ, thương mại; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về SHTT; quản
lý nhà nước về SHTT như cấp và thực hiện các thủ tục khác liên quan đến Văn bằng
bảo hộ, Giấy chứng nhận về quyền SHTT, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp
luật về SHTT… Lĩnh vực SHTT liên quan đến nhiều bộ ngành như Bộ Khoa học và
Công nghệ, Bộ Văn hóa-thể thao và du lịch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông
thôn, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính…
mà ở đó luôn cần có đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực còn khá mới mẻ này.
Thực tế cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang thiếu nguồn nhân sự được
đào tạo bài bản, am hiểu kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Trong những năm vừa
qua, hệ thống kiến thức về lĩnh vực SHTT được trang bị cho sinh viên mới “dừng lại”
ở những kiến thức lý thuyết mang tính đại cương; chưa đi sâu vào các vấn đề ở tầm
vĩ mô như như xây dựng chính sách về SHTT, quản lý TSTT, hay những vấn đề về
thương mại hoá, định giá, kiểm toán… TSTT. Vì vậy, các cử nhân luật còn thiếu hụt
kiến thức hệ thống liên quan đến hoạch định chính sách, chiến lược hay quản lý về
SHTT dẫn đến không khỏi lúng túng, bỡ ngỡ trong công tác liên quan đến lĩnh vực
này.
Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi hành chính như Quản lý thị trường, Hải quan,
Ủy ban nhân dân cũng rất cần đội ngũ cán bộ có chuyên môn giỏi về SHTT để thực hiện
nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền SHTT của các chủ thể
trong xã hội. Thực tế cho thấy các cán bộ trong các cơ quan này hầu như chưa được đào
tạo bài bản, hệ thống các kiến thức có liên quan đến SHTT mà mới chỉ được tham gia
những khoá đào tạo ngắn ngày về SHTT nên kiến thức mang tính chắp vá, thiếu hệ
thống. Mặc dù nhu cầu về nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về SHTT là rất lớn,
thực tiễn hiện nay cho thấy những hiểu biết của những người công tác trong các lĩnh
vực có liên quan về SHTT còn quá ít ỏi và hạn chế so với yêu cầu của thực tiễn. Những
kiến
6
thức về SHTT của những người làm công tác thực tiễn có liên quan hiện nay chủ yếu
được bồi dưỡng một cách chắp vá, thiếu hệ thống hoặc tự mày mò nghiên cứu.
3.3. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức về Sở hữu trí tuệ
cho hệ thống cơ quan tư pháp
Trên thế giới, để theo kịp với sự phát triển và gia tăng không ngừng của các tài sản
trí tuệ cũng như giải quyết tranh chấp SHTT, nhiều quốc gia đã cải cách tư pháp để
thích nghi với thực tiễn thực thi các quyền SHTT để bảo đảm quyền và lợi ích cho các
chủ thể quyền một cách hiệu quả nhất. Qua tham khảo kinh nghiệm bảo vệ quyền SHTT
của một số quốc gia trong khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc,
Hàn Quốc… có thể nhận thấy các quốc gia này rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ
Thẩm phán xét xử là những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên sâu về SHTT để
bảo đảm được tính chủ động, chính xác trong xét xử các vụ án về SHTT - vốn là những
vụ án có tính đặc thù và phức tạp. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc
đã thành lập riêng hệ thống Toà án chuyên trách để xét xử các vụ án về SHTT, trong
đó, các Thẩm phán đều là những người được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên sâu
và kinh nghiệm thực tiễn về bảo vệ quyền SHTT.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, Toà án có thể xét xử nhiều loại
vụ án khác nhau về SHTT như: Toà dân sự, Toà kinh tế xét xử các vụ án dân sự, kinh
doanh thương mại liên quan đến các tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT; Toà hình sự
xét xử các vụ án mà hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố cấu thành tội phạm; Toà
hành chính có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về các quyết định/hành vi hành
chính có liên quan đến SHTT như: Quyết định chấm dứt/huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo
hộ đối tượng SHCN, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm
quyền SHTT… Bên cạnh Toà án là cơ quan trực tiếp xét xử, các cơ quan Kiểm sát, Thi
hành án, Giám định tư pháp, Điều tra cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xét
xử cũng như thi hành bản án của Toà án nói chung, án SHTT nói riêng.
Về nhân sự, đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống cơ quan tư pháp ở Việt Nam hiện nay
đang không ngừng được củng cố và phát triển. Tính đến 15/3/2021 toàn ngành Toà án
có 13.361 cán bộ (trong đó có 6.028 thẩm phán, 5776 thẩm tra viên, thư ký và các chức
danh khác.5 Về đội ngũ cán bộ kiểm sát, tính đến ngày 30/12/2020, ngành kiểm sát
nhân dân có 14.425 cán bộ, trong đó có 5702 kiểm sát viên sơ cấp, 3612 kiểm sát viên
trung cấp, 277 kiểm sát viên cao cấp và 14 kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối
cao.6 Về đội ngũ cán bộ Thi hành án, tính đến cuối năm 2020, chúng ta có 9.088 cán
bộ, trong đó

5
Toà án nhân dân tối cao, Tài liệu Hội nghị toàn quốc “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm triển khai nhiệm vụ 6
tháng cuối năm 2021” ngày 14-15/03/2021
6
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo công tác năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

7
có 4.099 Chấp hành viên, 790 Thẩm tra viên, 1636 Thư ký thi hành án.7 Đây chính là
những người tham gia vào hoạt động xét xử, theo dõi, kiểm sát hoạt động xét xử và thi
hành bản án của Toà án.
Tuy nhiên, vì SHTT được coi là một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam,
nên phần lớn các cán bộ tư pháp, đặc biệt là cán bộ trực tiếp tham gia xét xử như Thẩm
phán, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên… đều chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực này.
Do thiếu kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm xét xử án về SHTT, nên khi phải
xét xử loại vụ án này, Thẩm phán, Kiểm sát viên cũng như các cán bộ của cơ quan tư
pháp thường khá lúng túng, mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu, văn
bản về SHTT, thậm chí, thường phải yêu cầu các cơ quan chuyên môn như Cục SHTT,
Cục Bản quyền tác giả hỗ trợ, cung cấp ý kiến tư vấn… dẫn đến thiếu chủ động trong
việc xét xử và kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Sự hạn chế về kiến thức và kinh
nghiệm xét xử về SHTT của đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp là một trong những
nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động xét xử, dẫn đến tâm lý e
ngại, dè dặt của chủ thể quyền SHTT khi muốn việc lựa chọn Toà án là cơ quan bảo
vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.
3.4. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức về Sở hữu trí tuệ
cho khối doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp, TSTT có vị trí quan trọng trong cơ cấu vốn của doanh
nghiệp, ảnh hưởng đến các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, là nhân tố quyết
định sự gia tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ cũng như giá trị của doanh nghiệp trong
bối cảnh cạnh tranh của thị trường. Do đó, việc quản lý tốt TSTT trước hết giúp các
doanh nghiệp giữ lợi thế cạnh tranh từ các sáng tạo trí tuệ được bảo hộ độc quyền, tạo
sự ổn định và phát triển thị phần, xây dựng và phát triển uy tín đối với người tiêu dùng,
nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị
trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tế, đặc biệt trong xu
thế hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động quản lý TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam
vẫn còn rất hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm hoặc lúng
túng, thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong việc quản lý TSTT của mình. Nhiều doanh
nghiệp chưa định hình được chính xác những TSTT mà mình nắm giữ và đặc tính của
nó, vì vậy mà chưa chủ động trong kế hoạch đăng ký, kiểm soát, quản lý, phát triển
TSTT. Rất ít doanh nghiệp có sự quan tâm và đầu tư kinh phí và nhân lực cho hoạt
động tạo lập, quản lý, phát triển và bảo vệ TSTT. Hoạt động thương mại hoá TSTT trí
tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn khá hạn chế.

7
Bộ Tư pháp, Báo cáo tổng kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2020, phương
hướng nhiệm vụ và giải pháp năm 2021, ngày 11/12/2020

8
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động quản lý TSTT trong doanh nghiệp,
ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến vấn đề này, trong đó có nhu cầu
đối với các cán bộ chuyên trách về quản lý TSTT cũng như chuyên gia am hiểu về vấn
đề này để hỗ trợ doanh nghiệp tư vấn, quản trị, phòng ngừa rủi ro đối với TSTT của
doanh nghiệp. Việt Nam hiện có trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động và số
lượng tăng nhanh trong giai đoạn gần đây; trong khi theo dự báo đến năm 2021,
số lượng doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý là trên 90%. Bên cạnh đó,
xu hướng tích cực hội nhập vào thị trường quốc tế của Việt Nam thông qua việc ký
kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) với Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc
và Nhật Bản … đặt ra nhiều áp lực về nhân lực hiểu biết sâu sắc, nắm bắt kịp thời, đầy
đủ, có hệ thống pháp luật trong lĩnh vực SHTT trong nước và quốc tế. Các doanh
nghiệp cần có các cán bộ, chuyên gia am hiểu về SHTT để xây dựng, phát triển và
quản lý tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; đối mặt với các vấn đề cạnh tranh không
lành liên quan đến SHTT ở cả thị trường trong và ngoài nước; Tăng cường hoạt
động chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương mại, liên doanh, liên kết, hợp
nhất, sáp nhập…;
3.5. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức về Sở hữu trí tuệ
cho các tổ chức hành nghề luật sư, đại diện, tư vấn, thực hiện dịch vụ về SHTT
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;
sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội còn chưa đạt được kỳ vọng vì nhiều nguyên nhân
khác nhau, trong đó, có nguyên nhân về sự thiếu hụt đội ngũ luật sư và người tư vấn
pháp lý trong lĩnh vực thương mại, sở hữu trí tuệ. Hiện nay, các tranh chấp thương mại
– sở hữu trí tuệ xảy ra ngày càng nhiều không chỉ trong thị trường nội địa mà cả thị
trường quốc tế, do đó, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ pháp lý của các luật sư,
chuyên gia để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền SHTT của mình trên thị trường.
Đại diện SHTT được hiểu là chủ thể đại diện sẽ thay mặt cho doanh nghiệp/cá nhân
thực hiện các công việc liên quan đến SHTT tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,
được pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam ghi nhận là ngành nghề có điều kiện.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 219 tổ chức đại diện SHCN và 367 cá nhân
được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN. Trong số các tổ chức đại diện
SHCN đang hoạt động, 162 tổ chức có trụ sở đặt tại Hà Nội, 56 tổ chức có trụ sở đặt tại
TP. Hồ Chí Minh, 01 tổ chức đặt tại TP. Cần Thơ. Các tổ chức có trụ sở đặt tại Hà Nội
đều có văn phòng giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh và ngược lại.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam trước các vụ
kiện, tranh chấp quốc tế cần phải có đội ngũ đại diện, luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi
về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu luật lệ thương mại quốc tế, SHTT và có trình độ sử
dụng ngoại ngữ thành thạo nhằm tranh tụng sòng phẳng với các luật sư quốc tế. Rất
nhiều các tổ chức Luật sư, trọng tài thương mại, tổ chức Đại diện SHTT, Tổ chức giám

9
định SHTT, Tổ chức định giá tài sản, các Tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền
liên quan…đang cần những người có kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ để giải
quyết các vấn đề liên quan đến SHTT không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả các
tranh chấp ở khu vực và trên thế giới. Đây là một lý do lý giải sự cần thiết của việc xây
dựng chương trình đào tạo ngành Luật – chuyên ngành Luật SHTT.
Theo đánh giá của Chính phủ Việt Nam, mặc dù đạt được những thành công nhất
định nhưng đội ngũ luật sư của Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Đội ngũ luật sư nói
chung còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và “chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư phá
p; phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế”; theo đó: “…trong lĩnh vực tham gia tố tụng, các
luật sư còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề cũng như việc tuân thủ quy tắc đạo
đức nghề nghiệp và kỷ luật hành nghề luật sư còn chưa cao đã làm ảnh hưởng đến
chất lượng giải quyết vụ việc nói chung cũng như chất lượng tranh tụng nói riêng.
Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, số lượng luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư,
kinh doanh, thương mại (sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, hàng không, hàng hải, bảo
hiểm, thương mại quốc tế…) còn rất ít, chiếm tỷ lệ 1,2%; trong đó, chỉ khoảng 20 luật
sư có trình độ ngang tầm với luật sư trong khu vực. Thời gian qua, phần lớn các vụ
tranh chấp thương mại quốc tế, các cơ quan, tổ chức của Việt Nam vẫn phải thuê luật
sư nước ngoài làm đại diện, tư vấn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”8.
Thực trạng và hạn chế này cần được nhanh chóng khắc phục với việc có đủ nguồn nhân
lực cán bộ pháp lý chất lượng cao trong lĩnh vực dân sự - kinh tế, SHTT, góp phần đảm
bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong các vụ việc
tranh tụng quốc tế với đội ngũ cán bộ pháp lý, luật sư am hiểu hệ thống pháp luật kinh
tế, pháp luật quốc tế, luật lệ, quy tắc, thương mại quốc tế, sử dụng thành thạo tiếng Anh
pháp lý, tranh tụng tại các tòa án, trọng tài nước ngoài… Đây là một lý giải sự cần thiết
của việc xây dựng chuyên ngành đào tạo ngành Luật -chuyên ngành Luật SHTT tại
Trường Đại học Luật Hà Nội.
4. Thực trạng đào tạo về SHTT tại Trường đại học Luật Hà Nội và trong các
trường đại học ở Việt Nam hiện nay
4.1. Đào tạo về SHTT trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay
Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách làm cơ sở nền tảng cho việc mở rộng
mạng lưới đào tạo về SHTT trong các trường đại học Việt Nam cũng như nhu cầu của
xã hội đối với nguồn nhân lực có hiểu biết về SHTT là rất lớn, cho đến thời điểm hiện
nay, việc đào tạo về SHTT trong các trường Đại học của Việt Nam chưa được chú trọng
một cách đúng mức. “Đào tạo về SHTT tại các trường đại học hầu hết mới mang tính
tự phát, chưa bảo đảm tính kết nối, liên thông giữa các bậc đào tạo và giữa các ngành

8
Theo “Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020” được Ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg
ngày 05 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

10
đào tạo”9. Trong toàn bộ hệ thống các trường đại học, mới chỉ có một số cơ sở đào tạo
đưa nội dung SHTT vào chương trình đào tạo, chủ yếu thuộc các ngành khoa học xã hội
như Luật, Kinh tế, Thương mại, Khoa học quản lý…
Đối với chương trình đào tạo cử nhân Luật của các cơ sở đào tạo Luật hiện nay,
hầu hết đều có môn học về SHTT. Đối với chuyên ngành Luật nói chung, trước đây nội
dung SHTT ít nhiều đã được đưa vào giảng dạy qua cách thức lồng ghép vào nội dung
của môn học Luật Dân sự và Tư pháp quốc tế với thời lượng rất hạn chế. Nhưng trong
khoảng gần 15 năm trở lại đây, ngày càng nhiều cơ sở đào tạo luật đưa giảng dạy Luật
SHTT như một môn học tự chọn (hoặc bắt buộc) của học chế tín chỉ.
Ở các trường đại học thuộc khối Kinh tế, gần đây đã có sự thay đổi nhận thức về
vấn đề giảng dạy SHTT bằng việc đưa một số môn học độc lập về SHTT vào chương
trình giảng dạy, đi đầu là Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế
quốc dân. Tuy nhiên thời lượng các môn học liên quan đến SHTT cũng khá hạn chế.
Các trường đại học thuộc khối KHXH&NV đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh
vực về khoa học xã hội và nhân văn như văn học, ngôn ngữ, triết học, báo chí, lưu trữ
học, quốc tế học, tâm lý học, thông tin, thư viện, khoa học quản lý, du lịch… Nhóm các
trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật như Đại học Văn hóa; Đại học Mỹ thuật; Đại học
Sân khấu, điện ảnh; Nhạc viên… mặc dù đặc thù có liên quan nhiều đến lĩnh vực Quyền
tác giả và Quyền liên quan nhưng hầu như chưa có sự quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực
SHTT. Các trường mới chỉ kết hợp với Cục Bản quyền tác giả mở một số khóa tập huấn
mang tính chất giới thiệu về lĩnh vực này, trong khi đó, sinh viên sau khi ra trường, các
hoạt động nghề nghiệp của họ luôn song hành với hoạt động bảo hộ quyền SHTT.
Ngoại lệ có trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã có lồng ghép một số nội dung liên
quan đến SHTT trong môn học “Các văn bản pháp luật về văn hóa và quản lý văn
hóa”. Có thể thấy Chương trình đào tạo của các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật
hầu như chưa triển khai.
Trong các trường đại học ngành xã hội và nhân văn, Khoa Khoa học quản lý
thuộc Trường Đại học KHXH&NV là cơ sở duy nhất có Chương trình đào tạo về
SHTT đã được triển khai từ năm 2003, cho thấy sự nhạy bén, bắt kịp nhu cầu của xã
hội trong đào tạo SHTT. Khoa Khoa học quản lý là cơ sở đầu tiên có đào tào chuyên
ngành SHTT cho hệ cử nhân với các môn học chuyên sâu về SHTT. Đối với chuyên
ngành Khoa học quản lý nói chung, bên cạnh môn học bắt buộc Tổng quan về SHTT (3
tín chỉ) trong Chương trình đào cử nhân, người học có thể tiếp tục được đào tạo
chuyên sâu về SHTT trong Chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học quản lý và Quản lý
Khoa học và Công nghệ.

9
Bộ khoa học và Công nghệ, Báo cáo tổng kết đề án nghiên cứu cấp bộ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và cơ sở thực
tiễn để đưa sở hữu trí tuệ vào giảng dạy và đào tạo tại các trường đại học”, năm 2008.

11
Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về SHTT, từ năm 2004 đến nay, Trường Đại
học KH - Xã hội và Nhân văn, và sau này là Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đã phối hợp
với Cục SHTT tổ chức Khóa đào tạo 6 tháng cấp chứng chỉ C về Pháp luật và nghiệp vụ
SHTT để đào tạo những học viên có kiến thức cơ bản và chuyên sâu về SHTT.
4.2. Thực trạng giảng dạy môn Luật SHTT cho hệ cử nhân ngành Luật học và
Luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội
Nhận thức được nhu cầu của xã hội và tầm quan trọng của SHTT trong xu thế hội
nhập và phát triển của Việt Nam, từ năm 2006, Trường Đại học Luật Hà Nội là một
trong các cơ sở đào tạo Luật đầu tiên đưa môn Luật SHTT trở thành một môn học độc
lập trong chương trình đào tạo Cử nhân Luật, sau đó là chương trình Cử nhân ngành
Luật Thương mại quốc tế và ngành Luật Kinh tế.
Nội dung giảng liên quan đến SHTT cho Hệ cử nhân Ngành Luật học tại Trường
Đại học Luật Hà Nội có 2 môn học: (i) Luật SHTT là môn tự chọn với thời lượng 3 tín
chỉ và (ii) Môn Kỹ năng tư vấn trong lĩnh vực SHTT với thời lượng 2 tín chỉ. Với môn
Luật SHTT, do thời lượng hạn chế nên nội dung giảng dạy tập trung vào giới thiệu
những kiến thức cơ bản về quyền SHTT và quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề
này. Cụ thể, qua môn học này, người học nắm bắt được tổng quan về tài sản trí tuệ,
quyền SHTT (các khái niệm, đặc điểm, nguyên tắc bảo hộ); các bộ phận cấu thành của
quyền SHTT; các đối tượng SHTT… Môn học tập trung chuyên sâu vào quy định của
Pháp luật SHTT Việt Nam với 5 nội dung chính: Điều kiện bảo hộ với từng đối tượng
SHTT; Căn cứ, trình tự thủ tục xác lập quyền SHTT; Chủ thể, nội dung, thời hạn bảo hộ
và các giới hạn quyền SHTT; Chuyển giảo quyền SHTT; Hành vi xâm phạm và các
biện pháp bảo vệ quyền SHTT. Do thời lượng môn học hạn chế nên không có điều kiện
giảng dạy chuyên sâu về các Điều ước quốc tế cũng như pháp luật quốc tế về SHTT, mà
giảng viên chỉ lồng ghép dưới góc độ so sánh với PL SHTT VN.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá
và hội nhập kinh tế quốc tế, nhận thức của các cá nhân, tổ chức về vai trò quan trọng
của bảo hộ quyền SHTT ngày càng được nâng cao, nhu cầu được tư vấn các vấn đề liên
quan đến bảo hộ quyền SHTT của các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp
cũng ngày càng phát triển. Tư vấn trong lĩnh vực SHTT đã trở thành mảng hoạt động
quan trọng không chỉ của các văn phòng luật, công ty luật, đại diện SHTT mà còn của
các cơ quan, tổ chức có liên quan. Môn kỹ năng tư vấn trong lĩnh vực SHTT là môn học
tự chọn 2 tín chỉ, điều kiện tiên quyết là sinh viên phải học môn Luật SHTT. Môn học
Kĩ năng tư vấn trong lĩnh vực SHTT cung cấp cho người học những kiến thức thực tế
và những kĩ năng cơ bản của hoạt động tư vấn trong lĩnh vực SHTT bao gồm các nội
dung chính.

12
Vấn đề 1. Tổng quan về hoạt động tư vấn trong lĩnh vực SHTT
Vấn đề 2. Kĩ năng chung trong tiến hành các thủ tục đăng kí, xác lập quyền SHTT
Vấn đề 3. Kĩ năng đặc biệt trong đăng kí sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp
Vấn đề 4. Kĩ năng tư vấn trong hoạt động khai thác quyền SHTT
Vấn đề 5. Kĩ năng giải quyết tranh chấp về SHTT
Vấn đề 6. Kĩ năng quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp
Đối với hệ đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật Kinh tế, Môn học Luật SHTT
thuộc khối kiến thức chuyên ngành bắt buộc với thời lượng 03 tín chỉ. Trước đây,
môn học này đang được bố trí trong thời gian học 05 tuần. Tuy nhiên, qua thực tiễn 03
năm giảng dạy, chúng tôi nhận thấy bất cập là thời gian học như vậy quá ngắn, kiến thức
bị dồn ép, dẫn đến không bảo đảm tốt chất lượng dạy và học, nên Bộ môn Luật SHTT
đã đề xuất chuyển đổi thành môn học trong 15 tuần và bắt đầu áp dụng từ tháng
08/2017. Bên cạnh môn Luật SHTT, sinh viên mã ngành Luật KT còn có thể đăng ký
môn học tự chọn là “Quản lý TSTT trong doanh nghiệp”. Môn học cung cấp cho người
học những kiến thức chuyên sâu về quản lý TSTT trong doanh nghiệp, đồng thời cung
cấp những kỹ năng thực tế trong xây dựng chiến lược SHTT trong doanh nghiệp, xây
dựng kế hoạch quản lý TSTT trong doanh nghiệp, tiến hành các thủ tục đăng kí, xác
lập quyền SHTT, khai thác thương mại quyền SHTT, giải quyết tranh chấp và bảo vệ
TSTT của doanh nghiệp.
5. Kết luận
SHTT là một lĩnh vực rộng, mang tính đa ngành liên quan đến nhiều khía cạnh của
hoạt động thực tiễn như: nghiên cứu sáng tạo, khai thác, sử dụng, quản lý, chuyển giao,
bảo vệ tài sản trí tuệ… Luật SHTT cũng điều chỉnh nhiều khía cạnh pháp lý khác nhau
liên quan đến các quan hệ kể trên như: dân sự, thương mại, hành chính, tư pháp quốc tế,
hình sự… Trên thực tế, việc đào tạo cử nhân luật hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu
và đòi hỏi của thực tiễn đối với nguồn nhân lực có hiểu biết chuyên sâu và có hệ thống
về cả lý luận và thực tiễn, các khía cạnh pháp lý, kinh tế của bảo hộ quyền SHTT.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như nâng cao khả năng của sinh viên
chuyên ngành Luật sau khi ra trường, việc xây dựng chương trình đào tạo Ngành Luật,
chuyên ngành Luật SHTT là rất cần thiết để cung cấp những kiến thức hệ thống và
đầy đủ về lĩnh vực SHTT cũng như tăng cường thêm những kỹ năng hành nghề thực tế
liên quan đến SHTT như: kỹ năng xây dựng và quản lý tài sản trí tuệ; kỹ năng tư vấn
trong đăng ký, xác lập quyền; kỹ năng trong thương mại hóa tài sản trí tuệ; kỹ năng
tư vấn trong giải quyết tranh chấp về SHTT. Bên cạnh đó cũng nên chú trọng vào
các nội dung chuyên sâu có liên quan đến quản lý SHTT như: quản lý Nhà nước về
SHTT và chuyển giao công nghệ; chiến lược SHTT trong chiến lược phát triển khoa
học và công nghệ quốc gia; các chính sách thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ; nguyên
tắc cân bằng lợi ích
13
trong hoạt động SHTT./.

14
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tư pháp, Báo cáo tổng kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành
chính năm 2020, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp năm 2021, ngày 11/12/2020
2. Bộ khoa học và Công nghệ, Báo cáo tổng kết đề án nghiên cứu cấp bộ “Nghiên
cứu cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn để đưa sở hữu trí tuệ vào giảng dạy và đào tạo tại
các trường đại học”, năm 2008.
3. Chính phủ, “Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020” được Ban hành
kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng
Chính phủ.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII - tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội
5. Toà án nhân dân tối cao, Tài liệu Hội nghị toàn quốc “Sơ kết công tác 6 tháng
đầu năm triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021” ngày 14-15/03/2021
6. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo công tác năm 2020, phương hướng
nhiệm vụ năm 2021.
7. Kamil Idris, “Sở hữu trí tuệ - một công cụ để phát triển kinh tế”, Tổ chức Sở
hữu trí tuệ thế giới, tr 55 (bản dịch của Cục Sở hữu trí tuệ);
8. Marcos Eduardo Kauffman, “Intellectual Property Law in the Fourth Industrial
Revolution: Trade Secrets Risks and Opportunities”, Revista Jurídica vol. 03, n°. 52,
Curitiba, 2018. tr 208 https://www.researchgate.net/publication/332255116 (Truy cập
ngày 26/06/2022);
9. Vichai Ariyanuntaka (2010), Intellectual Property And International Trade
Court: A New Dimension For IP Rights Enforcement In
Thailand, https://www.wipo.int, Bangkok;
10. Japan (Act No.119 of June 18, 2004). Katsumi Shinohara (2005), “Outline of
the Intellectual Property High Court of Japan”, AIPPI Journal, pp. 131-147;
11. Intellectual Property Strategy for SMEs - KIPO’s Supporting Programs for
SMEs, Jong-Hyub CHOI, Chánh án Tòa Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (tài liệu Hội thảo
“WIPO Asia Regional Workshop on IP for Managers and Staffs of SMEs and SME
Support Institutions”).

15
ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG MỤC TIÊU VÀ CHUẨN ĐẦU RA CỦA
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT,
CHUYÊN NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

TS. Vương Thanh Thuý⁎

Tóm tắt: Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Trường Đại học Luật Hà Nội lên kế
hoạch xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật, chuyên
ngành Luật sở hữu trí tuệ. Chuyên đề này đưa ra những đề xuất đối với mục tiêu đào
tạo và chuẩn đầu ra (về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khả
năng học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp) của Chương trình đào tạo.
Từ khóa: Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu
trí tuệ; mục tiêu đào tạo; chuẩn đầu ra.
Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật 4.0 với sự phát triển như
vũ bão của các thành tựu sáng tạo và công nghệ. Đời sống xã hội được thụ hưởng rất
nhiều giá trị đem lại từ các thành tựu này. Các kết quả sáng tạo ngày càng góp phần gia
tăng lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp và hỗ trợ sự tiện lợi cho cuộc sống của mỗi
gia đình, mỗi cá nhân. Xuất phát từ thực tế này, nhu cầu xác định, công nhận và bảo hộ
các tài sản trí tuệ ngày càng phát triển, cùng với yêu cầu được bảo hộ chặt chẽ và hợp lí
trước vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lan rộng, đặc biệt trong một thế giới
phẳng khi mà internet đã kết nối và xoá nhoà mọi ranh giới về địa lí.
Pháp luật, với ý nghĩa là công cụ hiệu quả của Nhà nước, cần thiết được xây dựng
phù hợp với chức năng quản lí xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy và khuyến khích khả năng
sáng tạo, góp phần phát triển nền khoa học, công nghệ của quốc gia nói riêng và thế giới
nói chung. Bên cạnh hệ thống pháp luật Sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, đội ngũ
nhân sự được đào tạo và có chuyên môn sâu trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ là vô cùng cần
thiết cho một xã hội đẩy mạnh và khuyến khích các kết quả sáng tạo tinh thần, đem lại
nguồn lực mạnh mẽ đưa quốc gia vào dòng chảy vĩ đại của khoa học thế giới.
Chính vì vậy, Trường Đại học Luật Hà Nội lên kế hoạch xây dựng và triển khai
chương trình đào tạo cử nhân ngành luật chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ đối với sinh
viên Trường Đại học Luật Hà Nội. Chuyên đề này xin được góp ý và đưa ra những đề
xuất liên quan đến mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ngành luật
chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ.


Trường Đại học Luật Hà Nội

16
1. Mục tiêu của Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở
hữu trí tuệ
Mục tiêu của chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tu
được xây dựng với nền tảng về sứ mệnh và mục tiêu của Trường Đại học Luật Hà Nội,
kết hợp với mục tiêu chung của Chương trình đào tạo ngành Luật, thấm nhuần tư tưởng
Hồ Chí Minh, mang đậm phong cách hiện đại, chuyên nghiệp của thời kì khoa học cách
mạng 4.0, hướng tới hình thành và phát triển những nhân sự ngành luật vững bước vào
xã hội, tự tin về nghề, có nền tảng đạo đức vững chắc và nhuần nhuyễn các kĩ năng,
công cụ để tham gia được các công việc mang tính đặc thù, không chỉ trong môi trường
pháp luật quốc gia mà có thể tham gia vào môi trường pháp luật quốc tế.
Chính vì vậy, chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật chuyên ngành Luật
Sở hữu trí tuệ được xây dựng nhằm cung cấp cho xã hội nguồn lực con người có chất
lượng cao, có kiến thức nền tảng vững chắc về khoa học pháp lý nói chung và pháp luật
sở hữu trí tuệ nói riêng, có phẩm chất chính trị vững vàng; đủ năng lực đảm nhận nhiều
vị trí trong các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, góp phần xây dựng Nhà nước pháp
quyền và hội nhập quốc tế trong thời đại công nghệ 4.0.
Với định hướng và nền tảng nêu trên, chương trình đào tạo trình độ đại học ngành
Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ trang bị cho người học về kiến thức, kĩ năng,
thái độ và phẩm chất sau:
Thứ nhất, người học có hiểu biết sâu sắc về những kiến thức nền tảng của khoa
học nói chung và khoa học pháp lý nói riêng; có kiến thức lý luận chuyên sâu và kiến
thức thực tiễn vững chắc về hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ quốc gia và quốc tế.
Hệ thống các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ mang tính chuyên ngành sâu sắc và
rất đặc trưng. Để có thể tiếp thu tối đa các kiến thức liên quan đến sở hữu trí tuệ, người
học bắt buộc phải được trang bị những kiến thức nền tảng về khoa học pháp lí cơ bản.
Không chỉ có vậy, cái gốc của sở hữu trí tuệ chính là sáng tạo đổi mới, ứng dụng nhiều
kiến thức khoa học để có thể tạo ra các sản phẩm khoa học kĩ thuật, có khả năng áp
dụng vào đời sống, tạo ra tiện nghi và hỗ trợ sức lao động của con người. Do đó, nếu chỉ
dừng lại ở kiến thức chung về pháp lí, người học mới tiếp cận các quy định của pháp
luật sở hữu trí tuệ ở phần ngọn. Để có thể hiểu tận gốc rễ và có thể áp dụng phù hợp
cũng như góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật chính xác, người học cần
có những kiến thức nền tảng về khoa học kĩ thuật ở mức độ nhất định.
Thứ hai, người học có năng lực thích ứng và xử lý tình huống sáng tạo trong các
hoạt động thực tiễn theo chuyên ngành pháp luật sở hữu trí tuệ và trong mối liên hệ với
các lĩnh vực pháp luật khác; vận dụng thành thạo kiến thức được đào tạo, các thành tựu
khoa học pháp lý để giải quyết những vấn đề thực tiễn.

17
Có thể nói, pháp luật về sở hữu trí tuệ là khoa học pháp lý có tuổi đời trẻ trung
hơn so với các ngành khoa học pháp lý nền tảng. Bởi vì, sở hữu trí tuệ là sản phẩm
của xã hội hiện đại, khi mà các thành tựu khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, hỗ trợ
đắc lực cho cuộc sống con người và các sản phẩm của hoạt động tinh thần sáng tạo
ngày càng có giá trị kinh tế to lớn trên thực tế. Xuất phát từ tính trẻ và hiện đại của khoa
học pháp lý về sở hữu trí tuệ, bản thân những người làm việc trong ngành này cũng phải
rèn luyện được những đặc trưng năng động, hiện đại, sáng tạo để có thể theo kịp hơi
thở của đời sống và ứng dụng hợp lí các vấn đề quy định pháp luật.
Thứ ba, người học có kỹ năng phản biện, phân tích, tổng hợp, nghiên cứu và thực
hành nghề luật, đặc biệt là chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ với hiệu quả cao trong một
tập thể đa ngành, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn với sự tham gia của các chuyên gia đến
từ nhiều ngành khác nhau; giao tiếp và làm việc hiệu quả trong nhóm đa ngành, hội
nhập tốt trong môi trường quốc tế bằng Tiếng Anh.
Kĩ năng làm việc nhóm và thành quả tập thể là đặc trưng không thể thiếu của
thành công trong thời đại mới. Tư duy phản biện, sử dụng phong cách suy nghĩ đa
chiều, ra khỏi lối mòn, kết hợp sức mạnh của các cá nhân để bổ khuyết cho những điểm
yếu từng cá thể là những yếu tố không thể thiếu của doanh nhân cũng như những người
thành đạt hiện nay. Đặc biệt, khi thế giới đã “phẳng hoá” ngôn ngữ khác nhau không
còn là rào cản. Do đó, nhân sự ngành luật nói chung và nhân sự chuyên ngành luật sở
hữu trí tuệ nói riêng cần thiết phải trang bị cho bản thân những yếu tố để có thể bắt kịp
xu thế của thời đại và thu được những thành tựu vượt bậc trong nghề nghiệp.
Thứ tư, người học có phẩm chất, thái độ của những công dân toàn cầu thể hiện qua
tư duy và hành động có trách nhiệm xã hội, văn hóa cao, tinh thần cộng đồng gắn với
năng lực cộng tác và hoạch định phát triển bản thân; có phẩm chất đạo đức và đạo đức
nghề nghiệp tốt.
Phụng sự cộng đồng, xây dựng xã hội là sứ mệnh chung của mỗi cá nhân khi được
sinh ra. Điều này càng đúng hơn nữa đối với những nhân sự nghề luật. Trong lĩnh vực
sở hữu trí tuệ, các sản phẩm của hoạt động tinh thần sáng tạo được bảo hộ xuất phát từ
mong muốn khuyến khích và thúc đẩy hoạt động sáng tạo của toàn xã hội loài người nói
chung, từ đó, nâng cao đời sống cũng như tiện nghi của toàn xã hội. Tuy nhiên, sự phát
triển của khoa học kĩ thuật luôn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt với trình độ kĩ thuật hiện đại
như thời đại hiện nay có thể mang lại những đe doạ đối với đời sống con người tư
chính sự phát triển như vũ bão của khoa học. Do đó, nền tảng đạo đức, tinh thần trách
nhiệm với cộng đồng và bản lĩnh trí tuệ là những yếu tố vô cùng cần thiết đối với
những nhân sự được đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ.

18
Có thể nói, mục tiêu đào tạo của ngành luật, chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ là
hướng tới những người học, sau khi được đào tạo, có kiến thức chuyên sâu về pháp luật
sở hữu trí tuệ, có hiểu biết về khoa học kĩ thuật, có thái độ sống tích cực, có kĩ năng
hợp tác, làm việc nhóm, tinh thần tập thể, có khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao
tiếp và làm việc, có mục đích sống hướng tới phục vụ cộng đồng, định hướng vì con
người, thái độ sống đúng đắn, xác định thành công của cá nhân không tách rời thành
công của tập thể, là những con người đại diện cho thế hệ trẻ, nhiệt huyết, trí tuệ, giàu
lòng trắc ẩn, có thể sống hài hoà và làm việc hiệu quả trong môi trường đa sắc tộc của
một thế giới phẳng và không ngừng phát triển.
2. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành luật sở
hữu trí tuệ
Trên cơ sở mục tiêu của chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở
hữu trí tuệ, chuẩn đầu ra cũng được xây dựng dự kiến phù hợp và tương thích với mục
tiêu đào tạo. Cụ thể như sau:
2.1. Về kiến thức
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật, chuyên ngành Luật
Sở hữu trí tuệ sẽ có các kiến thức:
- K1: Kiến thức nền tảng về văn hoá, chính trị, lịch sử, kinh tế, khoa học tâm lý,
quản lý.
Đây là khối kiến thức nền tảng, được trang bị thông qua các môn học cơ sở.
Những kiến thức này phục vụ cho mục tiêu về khối kiến thức rộng bao quát trong xã hội
và khối lượng kiến thức về khoa học nói chung.
- K2: Kiến thức cơ bản cả lý luận và thực tiễn về nhà nước và pháp luật; lĩnh vực
Luật Hiến pháp; lĩnh vực pháp luật hành chính; lĩnh vực pháp luật dân sự và sở hữu trí
tuệ; lĩnh vực pháp luật hình sự; lĩnh vực pháp luật tố tụng; lĩnh vực pháp luật quốc tế và
lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế.
Đây là khối kiến thức luật nền tảng, phục vụ mục tiêu về đào tạo nhân sự chuyên
ngành luật sở hữu trí tuệ phải đáp ứng kiến thức về pháp lý nói chung. Toàn bộ những
kiến thức này vô cùng cần thiết để nhân sự chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ có thể vận
dụng khi xử lí các tình huống cụ thể trên thực tế, như khởi kiện dân sự đối với vấn đề vi
phạm quyền, xác định tội phạm khi xem xét vi phạm sở hữu trí tuệ dưới góc độ luật
hình sự, thương mại hoá tài sản trí tuệ để góp phần nâng cao giá trị của các chủ thể
sáng tạo…. Với nền tảng kiến thức pháp lí sâu rộng này, người học chuyên ngành luật
sở hữu trí tuệ, sau này là nhân sự chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ sẽ có những kiến
thức hiệu quả, phục vụ cho công việc, hỗ trợ quá trình trợ giúp pháp lí đối với khách
hàng, doanh nghiệp với những sản phẩm đạt chất lượng cao.

19
- K3: Kiến thức lý luận và thực tiễn cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật
sở hữu trí tuệ như các vấn đề về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả,
quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, các vấn đề xâm phạm và xử
lí xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ…
Sinh viên chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ sẽ có thời gian được đào tạo chuyên sâu
về các kiến thức lí luận, pháp lý và thực tiễn về các khía cạnh khác nhau của sở hữu trí
tuệ. Khối lượng kiến thức này được trải dài qua ba mảng kiến thức bao gồm: quyền tác
giả và quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Trong đó, nội dung kiến thức bao gồm các vấn đề về đối tượng, chủ thể, nội dung, giới
hạn quyền, thủ tục xác lập, thủ tục chấm dứt, vấn đề xâm phạm và xử lí xâm phạm, vấn
đề bảo vệ quyền. Các kiến thức sẽ được trang bị dưới góc độ lí thuyết, phân tích các quy
định của pháp luật. Bên cạnh đó, chuyên ngành sẽ mời sự tham gia của các chuyên gia
thực tiễn đến từ các cơ quan quản lí nhà nước, các tổ chức tư vấn, cũng như những cá
nhân chuyên làm thực tiễn để trao đổi, trang bị màu sắc thực tế cho hoạt động đào tạo,
cũng như phối kết hợp các hoạt động thực tế để đào tạo mang tính hiệu quả, gắn liền với
hơi thở của nghề nghiệp trên thực tế.
- K4: Kiến thức từ vựng chuyên môn tiếng Anh pháp lý chuyên ngành, đặc biệt là
chuyên ngành pháp luật sở hữu trí tuệ để giúp cho người học có thể nghiên cứu các tài
liệu chuyên môn bằng tiếng Anh và tham gia các hoạt động chuyên môn với các đối tác
nước ngoài.
Tiếng Anh là ngôn ngữ rất cần thiết hiện nay, là công cụ để bất kì một nhân sự nào
có thể thành công và trở thành công dân toàn cầu khi thực tế kết nối và công việc là
công bằng trên toàn thế giới. Để có thể phát triển trong lĩnh vực pháp lý nói chung và
lĩnh vực chuyên ngành sở hữu trí tuệ nói riêng, tiếng Anh lại càng đặc biệt cần thiết
và quan trọng. Vốn tiếng Anh sâu rộng và chuyên ngành sẽ giúp người học có thể dễ
dàng tiếp cận khối lượng kiến thức sở hữu trí tuệ khổng lồ mà các quốc gia phát triển
đã có thời gian tích luỹ lâu dài, cũng như có thể dễ dàng tham gia các hoạt động thực
tế, kĩ năng và hành nghề sở hữu trí tuệ tại bất kì đâu trên thế giới và phục vụ các khách
hàng khác nhau, đến từ các quốc gia khác nhau.
2.2. Về kỹ năng
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật, chuyên ngành Luật
Sở hữu trí tuệ của Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến sẽ được trang bị đầy đủ các kỹ
năng sau đây:
- S5: Kỹ năng thực hành nghề luật: kỹ năng nghe, đọc, hỏi, lập luận và tranh luận;
kỹ năng nói và kỹ năng viết; kỹ năng tra cứu, phân tích pháp luật và suy luận luật học;
kỹ năng đàm phán… trong thực hành nghề luật.

20
Đây là nhóm kĩ năng nền tảng để thực hiện các công việc nghiên cứu và thực hành
nghề luật nói chung. Nhóm kĩ năng này cung cấp công cụ cho người học và sau này là
người lao động khả năng tự làm việc, phát hiện vấn đề và trưởng thành trong nghề
nghiệp.
- S6: Kỹ năng tư vấn, xây dựng lập luận pháp lý, phản biện và bảo vệ quan điểm
cá nhân trong hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ; kỹ năng đàm
phán và soạn thảo các văn bản có tính pháp lý phục vụ cho các công việc thuộc lĩnh vực
pháp luật liên quan đến công việc đảm nhiệm.
Đây là nhóm kĩ năng phục vụ trực tiếp hoạt động hành nghề. Những kĩ năng này
sẽ giúp cho người học, nhân sự chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ rèn luyện và phục vụ
trực tiếp cho giải quyết các vụ việc cụ thể trong thực tế, cũng như góp phần vào thực
hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật nói chung của xã hội.
- S7: Kỹ năng làm việc độc lập, lập kế hoạch, điều phối, quản lý công việc, đánh
giá và cải thiện hiệu quả công việc; kỹ năng làm việc nhóm, hướng dẫn, giám sát và
phối hợp với các đồng nghiệp trong xử lý công việc; kỹ năng nghiên cứu khoa học; kỹ
năng khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác trong nghề luật; kỹ giao
tiếp ứng xử với đồng nghiệp, với cá nhân, đơn vị, tổ chức.
Đây là những kĩ năng mở rộng phương thức làm việc, mở rộng mạng lưới quan hệ
xã hội, mở rộng khả năng phát triển nghề nghiệp, tạo sự linh hoạt, chủ động và không
bó hẹp trong phạm vi một công việc cụ thể hay hạn chế. Những kĩ năng này cộng với
kiến thức chung, kiến thức ngành luật và kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ sẽ là
nền tảng tạo ra sự thành công và chủ động ứng biến trước bất kì sự thay đổi nào trên
thực tế.
- S8: Kỹ năng Tiếng Anh giao tiếp (tối thiểu đạt bậc 4/6 theo khung năng lực
ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương) và kỹ năng sử dụng Tiếng Anh
chuyên ngành pháp lý để nghiên cứu, học tập, làm việc với đối tác nước ngoài trong
lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ.
Tiếng Anh cần được sử dụng như một công cụ, phương tiện làm việc, không đơn
thuần chỉ dừng lại ở kiến thức hay lý thuyết. Do đó, kĩ năng tiếng Anh, đặc biệt là kĩ
năng giao tiếp và kĩ năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ là một
trong những kĩ năng quan trọng hàng đầu trong chương trình đào tạo cho người học
ngành luật chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ.
- S9: Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin ở mức cơ bản (gồm đủ 6 mô đun cơ
bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT); khai thác hiệu quả thông tin qua
môi trường mạng, sử dụng thành thạo các phần mềm tin học tra cứu tài liệu nghiên cứu
nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ; kiến thức tin học ở mức độ nâng cao

21
theo tiêu chuẩn quốc tế MOS (Microsoft Office Standard) phục vụ cho công việc
chuyên môn.
Bên cạnh tiếng Anh và các kĩ năng mềm khác, ứng dụng công nghệ thông tin trong
làm việc là một kĩ năng thiết yếu và không thể thiếu khi làm việc, học tập hiện nay.
Chính vì vậy, cử nhân ngành luật, chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ cần thiết được trang
bị nhóm kĩ năng này để phục vụ hiệu quả cho quá trình học tập, nghiên cứu khoa học tại
trường, cũng như sẵn sàng tham gia môi trường làm việc năng động, hiện đại sau khi tốt
nghiệp.
2.3. Về năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Trên nền kiến thức, kĩ năng như đã định hướng, sinh viên tốt nghiệp chương trình
đào tạo ngành Luật chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ của Trường Đại học Luật Hà Nội
sẽ có năng lực tự chủ tự chịu trách nhiệm như sau:
- T10: Tinh thần thượng tôn pháp luật, phụng sự công lý; công bằng, liêm chính
và nhân văn; tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích
công cộng và lợi ích của doanh nghiệp, công ty; phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cần
thiết của một luật gia nói chung và của một cố vấn pháp lý về sở hữu trí tuệ nói riêng.
Theo một nghiên cứu của UNDP, sự thành công của cá nhân được tạo thành từ 4%
kiến thức, 26% kĩ năng và 70% thái độ. Như vậy, thái độ sống, thái độ cống hiến và
phục vụ cộng đồng, vì lợi ích chung chính là nền tảng cơ bản và sâu sắc nhất của bất kì
chủ thể nào trong xã hội. Do đó, bên cạnh việc đào tạo kiến thức, rèn luyện kĩ năng, trau
dồi và tạo môi trường để phát triển, thúc đẩy tinh thần, thái độ đúng đắn là hoạt động
cần thiết không thể thiếu, cần chuẩn bị và trang bị cho người học ngành luật, chuyên
ngành luật sở hữu trí tuệ.
- T11: Tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm với công việc; chủ
động, tự tin trong công việc, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn bày tỏ quan điểm và biết
lắng nghe.
Theo hầu hết các công trình nghiên cứu tâm lí học hiện đại, rào cản lớn nhất hạn
chế sự thành công, cũng như khả năng thực hiện được ước mơ, hoài bão của con người,
không đến từ các lực cản hoặc khó khăn ngoại cảnh mà lại đến từ chính sự hạn chế của
chính nội tâm. Nói cách khác, nỗi sợ hãi của mỗi người, sự tự ti của mỗi người chính là
sự cản trở lớn nhất để bước đi, để suy nghĩ khi gặp những vấn đề khó hoặc những vấn
đề mới. Chính vì vậy, rèn luyện tinh thần tự tin và sự mạnh dạn trong bày tỏ quan điểm,
dám nghĩ, dám làm là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với người học ngành luật,
chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ.
- T12: Tinh thần trách nhiệm và đạo đức của công dân toàn cầu: có ý thức, nhận
thức và tham gia các hoạt động của cộng đồng, trách nhiệm về hành động và vai trò của

22
bản thân; tôn trọng sự khác biệt và cách thức vận hành của thế giới theo hướng công
bằng, phát triển bền vững.
Sự phát triển của mỗi cá nhân không thể tách biệt so với sự phát triển của toàn xã
hội, của cộng đồng nói chung. Sứ mệnh của con người khi được sinh ra chính là để đóng
góp vào sự phát triển của xã hội, tạo ra sự tốt đẹp và thịnh vượng của cộng đồng. Đây
chính là quy luật mà ngày càng được nhận thức sâu sắc và được các diễn giả, các
chương trình đào tạo cấp toàn cầu nêu rõ và nhấn mạnh. Do đó, người học ngành luật,
chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ cũng không thể tách biệt khỏi quy luật chính thống
và luôn chính xác nay. Trong chương trình đào tạo, những vấn đề này rất cần thiết để
trau dồi, trang bị cho người học.
Có thể nói, bên cạnh kiến thức, kĩ năng thì thái độ, tinh thần trách nhiệm, sự đóng
góp và ý thức đối với xã hội là những nội dung không thể thiếu khi xây dựng ngành
luật, chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ. Do đó, những yếu tố này rất cần thiết khi đào tạo
cho người học ngành luật, chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ.
2.4. Khả năng học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu
trí tuệ của Trường Đại học Luật Hà Nội có thể tiếp tục theo học:
- Khoá đào tạo các chức danh tư pháp (thẩm phán, công chứng viên, chấp hành
viên, luật sư, đấu giá viên...), các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghề nghiệp
tại các cơ sở đào tạo nghề luật.
- Khoá đào tạo luật ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo luật trong nước
và nước ngoài.
- Chương trình đào tạo chuyên sâu về pháp luật sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí
tuệ và các đơn vị đào tạo luật trong và ngoài nước khác.
Ngoài những đơn vị đào tạo về luật và chuyên ngành về luật sở hữu trí tuệ học
viên có thể phát triển và nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp, với những kĩ năng nền
tảng và thái độ, trách nhiệm phù hợp, đúng đắn, kĩ năng hiện đại, người học còn có thể
phát triển nâng cao trình độ ở nhiều chương trình, khoá học, thậm chí là ngành học
khác nhau để có thể linh hoạt và chủ động trong các công việc tương ứng.
Có thể nói, học viên của ngành luật, chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ được dự kiến
sẽ tham gia chương trình đào tạo có đầy đủ kiến thức, kĩ năng, thái độ, năng lực để có
thể thực hiện được các công việc đa dạng trong lĩnh vực luật và chuyên sâu về khía cạnh
luật sở hữu trí tuệ. Định hướng và mục tiêu của chương trình đào tạo hướng tới những
cử nhân luật có kiến thức tốt, kĩ năng thành thạo, thái độ tích cực, tinh thần cống hiến,
sẵn sàng thực hiện các công việc, phục vụ lợi ích của cộng đồng, hướng tới lẽ phải, có
đạo đức và vì một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh./.

23
ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CÁC MÔN HỌC KỸ NĂNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH
ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT, CHUYÊN NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

ThS. ⁎
LS. Trần Mạnh Hùng

Tóm tắt: Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã và đang trở thành một trong những vấn đề
được quan tâm hơn bao giờ hết của nền kinh tế, cùng với đó nhu cầu tuyển dụng đối với
ngành luật SHTT ngày một tăng cao. Tuy nhiên, tình trạng nổi bật hiện nay là chất
lượng sinh viên có định hướng phát triển theo ngành luật SHTT là chưa đảm bảo.
Trước thực trạng trên, việc phát triển đào tạo các môn học kỹ năng thuộc chuyên
ngành luật SHTT giúp cho các sinh viên có được các kỹ năng và kiến thức cần thiết để
áp dụng trong thực tiễn hành nghề luật. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các môn học về
kỹ năng hành nghề luật về SHTT nhằm đào tạo và củng cố kỹ năng cơ bản giúp cho
sinh viên hội nhập, thích nghi với nhu cầu của thị trường. Cụ thể, tác giả đề xuất ba
môn học kỹ năng bao gồm:
(i) Tra cứu, phân tích thông tin và các vấn đề pháp lý chuyên ngành luật SHTT
(ii) Tư vấn pháp luật về sở hữu trí tuệ
(iii) Thực thi và Giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ
Từ khóa: Sở hữu trí tuệ, chương trình đào tạo ngành luật Sở hữu trí tuệ, kỹ năng
hành nghề luật Sở hữu trí tuệ.

1. Tính cấp thiết của đề tài


Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã và đang trở
thành một trong những vấn đề quan trọng của nền kinh tế và được quan tâm hơn bao
giờ hết. Điều đó được thể hiện thông qua sự phát triển và thay đổi của pháp luật liên
quan đến SHTT trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Khi xét đến lĩnh vực hành nghề luật, càng ngày càng có nhiều công ty/văn
phòng luật tham gia tư vấn/hành nghề liên quan đến SHTT. Điều này khiến cho nhu cầu
tuyển dụng các sinh viên định hướng phát triển nghề nghiệp theo ngành luật SHTT
ngày một tăng cao. Sinh viên có thêm nhiều sự lựa chọn hơn nhưng kèm theo đó là
yêu cầu về kiến thức cũng như kỹ năng liên quan đến SHTT mà nhà tuyển dụng đưa
ra cũng cao hơn trước đây.
Tuy nhiên, có một thực trạng mà các công ty/văn phòng luật nhận thấy là chỉ
có một số ít các bạn sinh viên có những kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể tham
gia tư vấn các vấn đề liên quan đến SHTT. Đa phần các bạn sinh viên mới ra trường
được tuyển dụng để làm các công việc liên quan đến SHTT đều cần phải được đào tạo


Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN (liên minh Baker McKenzie)

24
từ đầu và thường phải mất ít nhất từ sáu tháng trở lên, thậm chí là đến một năm hoặc
hơn, các bạn mới dần quen với công việc. Điều này làm tốn rất nhiều thời gian và
nguồn lực của các công ty/văn phòng luật, và hầu như chỉ có các công ty/văn phòng
luật có chính sách đào tạo nhân lực dài hạn mới có thể kiên nhẫn thực hiện được việc
đào tạo này. Ngay cả các nhân lực đã được đào tạo lâu dài, việc duy trì khả năng cạnh
tranh để tồn tại với nghề là cấp thiết, do sự đào thải của nghề nghiệp có tính cạnh
tranh cao, sự thay đổi của thị trường, khách hàng và công nghệ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc học và nghiên cứu các kiến thức chuyên môn pháp
luật thuần tuý, bản thân các sinh viên cần trang bị cho mình những kỹ năng tối thiểu để
có thể tự tin hành nghề luật sau khi tốt nghiệp.
Việc học các môn học kỹ năng có phần khác so với việc học các kiến thức và
phân tích lý thuyết thuần tuý, bởi các môn học kỹ năng tập trung vào cách xử lý
các tình huống thực tế, phát triển các kỹ năng mềm được đúc kết từ thực tiễn
hành nghề của các luật sư. Bất kỳ sinh viên nào, bên cạnh một nền tảng kiến thức
pháp lý vững chắc, cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng để thích ứng với môi
trường hành nghề luật nói chung và ngành luật SHTT nói riêng.
Dựa vào thực tiễn hành nghề luật, việc xây dựng và đào tạo các môn học kỹ năng
trong chương trình đào tạo ngành luật chuyên ngành luật SHTT có thể xử lý các vấn đề
cấp thiết dưới đây:
- Thứ nhất, việc học các môn học kỹ năng giúp cho các sinh viên có được các kỹ
năng cơ bản cần thiết để áp dụng pháp luật trong thực tiễn hành nghề luật.
- Thứ hai, việc học các môn kỹ năng giúp sinh viên có những hiểu biết và cái
nhìn thực tế về môi trường hành nghề pháp lý cũng như thực tiễn hành nghề luật.
- Thứ ba, việc học các môn kỹ năng giúp nâng cao năng lực và giá trị bản thân
của mỗi sinh viên luật, từ đó giúp các sinh viên có nhiều cơ hội việc làm từ phía các nhà
tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ra trường.
- Phần phân tích chi tiết các nội dung này như được trình bày dưới đây:
1.1. Thứ nhất, việc học các môn học kỹ năng giúp cho các sinh viên có được các
kỹ năng mềm cần thiết để áp dụng trong thực tiễn hành nghề luật
Thực tế cho thấy rất nhiều sinh viên luật sau khi ra trường được trang bị một nền
tảng kiến thức pháp lý vững chắc, nhưng lại thiếu những kỹ năng cơ bản cần thiết mà
bất kỳ đơn vị/tổ chức hành nghề pháp lý cũng yêu cầu, ví dụ như (i) kỹ năng tra cứu và
phân tích thông tin, (ii) kỹ năng xử lý các yêu cầu của khách hàng cũng như lên định
hướng chiến lược tư vấn trao đổi công việc với khách hàng, (iii) kỹ năng soạn thảo các
văn bản pháp lý, (iv) kỹ năng tranh tụng về các vấn đề pháp lý, v.v…

25
Bởi vậy, việc học các môn học kỹ năng sẽ giúp cho sinh viên có được các kỹ năng
cần thiết để áp dụng trong thực tiễn hành nghề luật sau khi tốt nghiệp ra trường. Những
kỹ năng này không thể đợi đến khi đi làm thực tế mới được tiếp cận hoặc để phụ thuộc
vào việc đào tạo bởi các đơn vị/tổ chức hành nghề pháp lý, bởi các đơn vị/tổ chức này
luôn muốn chọn cho mình những ứng viên xuất sắc cả về chuyên môn và kỹ năng, chứ
không phải tốn thêm thời gian để đào tạo lại cơ bản từng kỹ năng khi sinh viên ra
trường và đi làm thực tế.
1.2. Thứ hai, việc học các môn kỹ năng giúp sinh viên có những hiểu biết và cái
nhìn thực tế về môi trường hành nghề pháp lý cũng như thực tiễn hành nghề luật
Nhiều sinh viên khi ra trường luôn mang trong mình tâm thế có nền tảng kiến thức
pháp lý là đủ, trong khi việc bồi đắp các kỹ năng cần thiết cho việc hành nghề thì còn
thiếu. Đây là cách hiểu sai về thực tiễn hành nghề pháp lý, bởi hành nghề pháp lý
không chỉ đơn giản là nghiên cứu khoa học pháp lý hay đào sâu vào các vấn đề học
thuật mang tính lý thuyết, mà hành nghề pháp lý là việc áp dụng kiến thức pháp lý cùng
với các kỹ năng để xử lý các vấn đề pháp lý trong thực tiễn cuộc sống.
Chính bởi cách hiểu sai về môi trường hành nghề pháp lý như đã nêu đã làm các
bạn sinh viên mất đi nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Do đó, việc học các môn
học kỹ năng có trong chương trình đào tạo cử nhân luật cũng phần nào giúp các bạn
sinh viên có hiểu biết và cái nhìn thực tiễn hơn về môi trường pháp lý cũng như những
kỳ vọng và yêu cầu từ phía các đơn vị/tổ chức hành nghề pháp lý.
1.3. Thứ ba, việc học các môn kỹ năng giúp nâng cao năng lực và giá trị bản
thân của mỗi sinh viên luật, từ đó giúp các sinh viên có nhiều cơ hội việc làm từ phía
các nhà tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ra trường
Đứng từ phía góc độ nhà tuyển dụng, tôi nhận thấy rằng nếu các sinh viên luật đã
trang bị những kỹ năng cần thiết trong quá trình hành nghề luật từ khi còn đi học thì
đều có cho mình nhiều cơ hội việc làm tốt hơn sau khi ra trường. Đó là quy luật của
thị trường lao động.
Việc trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết góp phần giúp sinh viên nâng
cao năng lực và vị thế cạnh tranh khi tham gia ứng tuyển vào các đơn vị/tổ chức hành
nghề pháp lý. Một đơn vị/tổ chức hành nghề pháp lý thường xem xét tuyển dụng các
bạn sinh viên không chỉ vững về kiến thức pháp lý mà còn có các kỹ năng để xử lý các
công việc hàng ngày (dù chỉ ở mức cơ bản). Trên thực tế, những bài kiểm tra đầu vào
khi tuyển dụng hiện nay thường không hỏi những câu hỏi thuần lý thuyết mà đa số
thường đưa ra các câu hỏi để ứng viên thể hiện kỹ năng đánh giá và xử lý vấn đề.
Do đó, những ứng viên chứng minh được bản thân có các kỹ năng chuyên môn sẽ được
đánh giá cao hơn. Bởi vậy, việc học các môn học kỹ năng giúp nâng cao năng lực

26
và giá trị bản thân của mỗi sinh viên luật, từ đó giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm
từ phía các nhà tuyển dụng.
2. Những đề xuất về các môn học kỹ năng trong chương trình đào tạo chuyên
ngành SHTT
2.1. Môn học “Tra cứu, phân tích thông tin và các vấn đề pháp lý chuyên ngành
luật SHTT”
Lý do đề xuất môn học
Tôi đề xuất đưa vào chương trình đào tạo luật chuyên ngành luật SHTT môn học
“Kỹ năng tra cứu, phân tích thông tin và các vấn đề pháp lý chuyên ngành luật SHTT”
với lý do như sau:
- Việc học cách tra cứu các thông tin liên quan đến SHTT là điều bắt buộc mà
sinh viên luật nào khi theo đuổi ngành luật này cũng đều phải nắm rõ. Bên cạnh đó,
khác với các ngành luật khác, ngành luật SHTT đòi hỏi sự nhạy bén trong việc nắm bắt
các thông tin trong cuộc sống, sự biến chuyển về xu hướng kinh tế, công nghệ cũng như
sự phát triển của các doanh nghiệp, v.v… Việc bảo vệ các tài sản SHTT như nhãn hiệu
và sáng chế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát triển bền vững
của bất kỳ doanh nghiệp nào nói riêng và xã hội nói chung.
- Việc phát triển khả năng tra cứu và phân tích các thông tin sẽ giúp cho các sinh
viên có được khả năng tìm tòi, phát hiện và phân tích đánh giá các vấn đề trong thực
tiễn cuộc sống có liên quan đến lĩnh vực luật SHTT để đưa vào các nội dung tư vấn
pháp lý cho khách hàng.
Ví dụ, khi một doanh nghiệp yêu cầu luật sư tư vấn về việc bảo hộ sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp và/hoặc nhãn hiệu, việc chỉ biết cách tra cứu các văn bản pháp lý có
liên quan là không đủ. Thay vào đó, các bạn sinh viên khi mới ra trường cũng phải nắm
bắt được các kỹ năng tra cứu cơ bản liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp đã
nêu để có thể tham mưu và bàn bạc với luật sư phụ trách.
Việc tra cứu và phân tích thông tin có thể kể đến việc tra cứu và phân tích thông
tin về (i) hoạt động hiện có và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp khách hàng, (ii)
các đối tượng SHTT của khách hàng, (iii) các đối thủ cạnh tranh trên cùng thị trường
của doanh nghiệp khách hàng, (iv) các đối tượng SHTT của các bên thứ ba có thể ảnh
hưởng đến việc bảo hộ tài sản SHTT cũng như hoạt động kinh doanh của khách
hàng.v.v.
Thực tiễn áp dụng môn học có tính chất tương tự tại một số trường đại học trên thế
giới
Nhiều trường đại học trên thế giới đã đưa vào chương trình đào tạo luật chuyên
ngành luật SHTT các môn học có tính chất tương tự với môn học được đề xuất, thậm

27
chí là môn học cơ bản và bắt buộc trong chương trình đào tạo, có thể kể đến một số
trường đại học dưới đây:
- Đại học Fordham (Mỹ): Kỹ năng tra cứu thông tin pháp lý liên quan đến luật
nhãn hiệu và quyền tác giả (tiếng Anh: Legal Research: Copyright and Trademark
Law)10
- Đại học Boston (Mỹ): Kỹ năng phân tích và nghiên cứu pháp lý chuyên ngành
Luật SHTT (tiếng Anh: Intellectual Property Law Research)11
- Đại học Queen Mary (Vương Quốc Anh): Kỹ năng phân tích nghiên cứu trong
ngành luật SHTT (tiếng Anh: IP Research Seminar)12
- Đại học New Hampshire (Mỹ): Kỹ năng phân tích thông tin và nghiên cứu pháp
lý (tiếng Anh: Legal Research and Information Literacy)13
Nội dung giảng dạy được đề xuất cho môn học
- Các nội dung được đề xuất cho môn học này bao gồm:
- Tra cứu các văn bản pháp lý về SHTT có liên quan trực tiếp đến các vấn đề
pháp lý cần xử lý hoặc theo yêu cầu của khách hàng.
- Tra cứu, khai thác, phân tích và sử dụng các thông tin liên quan đến các nhóm
đối tượng SHTT, bao gồm (i) nhóm quyền tác giả và quyền liên quan, (ii) nhóm quyền
sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, v.v.) và (iii) giống cây
trồng.
Trong đó, thông tin đa dạng và phong phú nhất là các thông tin về sở hữu công
nghiệp (SHCN). Thông tin về SHCN là các thông tin kỹ thuật, thông tin pháp lý và
thông tin thương mại do các Cơ quan SHTT quốc gia và các tổ chức SHTT quốc tế
công bố theo định kỳ về các đối tượng SHCN.
Ví dụ, môn học này cần hướng dẫn sinh viên một cách cơ bản nhất về kỹ năng tra
cứu và phân tích các thông tin liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp
trên các nguồn thông tin về SHTT và các cơ sở dữ liệu về các đối tượng SHTT như cơ
sở dữ liệu của Cục SHTT Việt Nam, hệ thống dữ liệu trực tuyến của Tổ chức Sở hữu trí
tuệ thế giới (WIPO), và các hệ thống dữ liệu quốc tế khác để có thể nắm bắt các thông
tin liên quan đến tài sản SHTT của khách hàng và thậm chí là của các bên thứ ba trên
thị trường cùng với khách hàng – từ đó có thể đưa ra các ý kiến tư vấn pháp lý chính
xác và phù hợp với thực tiễn.

10
https://www.fordham.edu/info/22297/intellectual_property_and_information_law
11
https://www.bu.edu/law/academics/llm-masters-degrees/intellectual-property-law/courses-of-study/
12
https://www.qmul.ac.uk/law/postgraduate/courses/llm/modules/
13

https://courses.unh.edu/timeroom/202210?tcc=&Title=&Campus=L&Subject=LIP&Delivery=&Instructor=&Le
vel=&Credits=&PTerm=&Time=&CRN=

28
2.2. Môn học “Tư vấn pháp luật về sở hữu trí tuệ”
Lý do đề xuất môn học
Đây là môn học chủ đạo giúp cho sinh viên có được những kỹ năng mềm cần thiết
cho việc thực hành luật SHTT sau khi ra trường.
Bên cạnh việc nắm chắc kiến thức pháp lý, các sinh viên cần làm quen với các kỹ
năng soạn thảo đơn đăng ký các đối tượng SHTT (ví dụ như soạn thảo đơn đăng ký
nhãn hiệu, đơn đăng ký bản quyền, bản mô tả sáng chế), các văn bản trong quá trình làm
việc với các cơ quan nhà nước thay mặt cho khách hàng (ví dụ như đơn phản đối hay
huỷ bỏ hiệu lực đối tượng sở hữu công nghiệp), cách viết thư tư vấn cho khách hàng (ví
dụ như thư tư vấn về khả năng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu
hoặc kiểu dáng công nghiệp).
Song song với kỹ năng soạn thảo đó, sinh viên cần trang bị cho mình kỹ năng tư
vấn pháp lý, ví dụ như cách tiếp cận một vấn đề pháp lý mà khách hàng yêu cầu hoặc
khi nhận được các công văn/thông báo từ các cơ quan có thẩm quyền cần báo cáo lại
cho khách hàng (ví dụ như khi nhận được yêu cầu tư vấn khả năng bảo hộ đối tượng sở
hữu công nghiệp từ phía khách hàng, hoặc khi nhận được thông báo từ Cục SHTT về
đơn yêu cầu phản đối bảo hộ nhãn hiệu của khách hàng từ phía một bên thứ ba). Việc
rèn luyện những kỹ năng này giúp sinh viên ngay khi tốt nghiệp có thể quen với các
công việc cơ bản mà ngành Luật SHTT yêu cầu.
Thực tiễn áp dụng môn học có tính chất tương tự tại một số trường đại học trên thế
giới
Nhiều trường đại học trên thế giới đã đưa vào chương trình đào tạo luật chuyên
ngành luật SHTT các môn học có tính chất tương tự với môn học được đề xuất, có thể
kể đến một số trường đại học dưới đây:
- Đại học Fordham (Mỹ): (i) Kỹ năng phân tích và tư vấn các vấn đề pháp lý về
SHTT và công nghệ thông tin (tiếng Anh: Counseling and Advocacy in Intellectual
Property and Information Technology Matters); (ii) Soạn thảo các văn bản SHTT (tiếng
Anh: IP Drafting)14
- Đại học George Washington (Mỹ): Kỹ năng thực tiễn và xây dựng chiến lược
tư vấn đối với sáng chế (tiếng Anh: Patent Strategies and Practice)15
- Đại học Queen Mary (Vương Quốc Anh): Kỹ năng tư vấn bào chữa trong việc
giải quyết các tranh chấp thương mại (tiếng Anh: Advocacy in Commercial Disputes)16

14
https://www.fordham.edu/info/22297/intellectual_property_and_information_law
15
https://www.law.gwu.edu/courses#ip
16
https://www.qmul.ac.uk/law/postgraduate/courses/llm/modules/

29
- Đại học Maastricht (Hà Lan): Kỹ năng soạn thảo bản mô tả sáng chế tại Châu
Âu (tiếng Anh: European Patent Convention claim drafting)17
Nội dung giảng dạy được đề xuất cho môn học
Các nội dung được đề xuất cho môn học này bao gồm:
- Nghiên cứu và phân tích các thủ tục và quá trình đăng ký bảo hộ các đối tượng
SHTT.
- Kỹ năng đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng SHTT (ví dụ như soạn
thảo đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký bản quyền, bản mô tả sáng chế) và các thủ tục
sau đăng ký.
- Kỹ năng phân tích, đánh giá và xử lý các vấn đề có liên quan trong quá trình
đăng ký bảo hộ và sau đăng ký đối với các đối tượng SHTT (ví dụ như việc phản đối
đơn đăng ký SHCN hay huỷ bỏ hiệu lực đối tượng sở hữu công nghiệp, việc trả lời các
thông báo dự định từ chối bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp).
- Thương mại hóa quyền SHTT - kỹ năng tư vấn hợp đồng li xăng và nhượng
quyền thương mại
2.3. Môn học “Thực thi và Giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ”
Lý do đề xuất môn học
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền
SHTT trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ
kinh tế quốc tế. Thực tế cũng cho thấy, tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam
hiện nay vẫn khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Do đó, việc thực thi các quyền
SHTT là điều thiết yếu.
Theo quan sát, hiện nay các nội dung lý thuyết được giảng dạy trong nhà trường
về SHTT mới chỉ đề cập một cách sơ lược về quyền của các chủ thể quyền SHTT được
bảo hộ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc áp dụng các quyền đó vào thực tiễn
như thế nào thì lại chưa được giảng dạy kỹ lưỡng. Ví dụ, trong trường hợp một chủ sở
hữu nhãn hiệu phát hiện ra một hành vi xâm phạm, sinh viên có thể biết thế nào là một
hành vi xâm phạm hay chế tài áp dụng đối với hành vi xâm phạm đó, nhưng chủ thể
quyền có những biện pháp xử lý như thế nào trên thực tế và các thức để áp dụng các chế
tài pháp luật thì các bạn chưa được học. Trong khi đó, những nội dung này mới là
những nội dung mà khách hàng đòi hỏi luật sư cần tư vấn cho họ khi họ gặp phải vấn đề
đó.
Bên cạnh đó, việc thực thi và giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền SHTT đòi
hỏi luật sư cần phải có các kỹ năng riêng biệt để tư vấn hay tham gia tranh tụng. Những
kỹ năng này các bạn sinh viên có thể phần nào được trau dồi ở các khóa học sau đại học

17
https://www.maastrichtuniversity.nl/sites/default/files/llmmsc.pdf

30
(ví dụ như khóa đào tạo hành nghề luật sư). Tuy nhiên, việc làm quen với các kỹ năng
cơ bản ngay từ khi học đại học sẽ tốt hơn rất nhiều.
Thực tiễn áp dụng môn học có tính chất tương tự tại một số trường đại học trên thế
giới
Tương tự như trên, các trường đại học trên thế giới cũng đưa vào chương trình đào
tạo luật chuyên ngành luật SHTT các môn học có tính chất tương tự với môn học được
đề xuất, có thể kể đến một số trường đại học dưới đây:
- Đại học Fordham (Mỹ): (i) Tranh tụng về bản quyền (tiếng Anh: Copyright
litigation18) (ii) Tranh tụng về sáng chế (tiếng Anh: Patent litigation19)
- Đại học George Washington (Mỹ): Thực thi quyền SHTT tại Mỹ (tiếng Anh:
Enforcement of Intellectual Property Rights in the U.S. International Trade
Commission (6489)20)
- Đại học Queen Mary (Vương Quốc Anh): Pháp luật và thực tiễn của Tòa án
Sáng chế Thống nhất (tiếng Anh: Law and Practice of the Unified Patent Court21)
- Đại học Maastricht (Hà Lan): Thực thi và thủ tục quyền SHTT (tiếng Anh: IP
Enforcement and Procedure22)
Nội dung giảng dạy được đề xuất cho môn học
Các nội dung được đề xuất cho môn học này bao gồm:
- Kỹ năng đánh giá, xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT (Hành vi xâm
phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng; Hành vi cạnh tranh không lành
mạnh,v.v.).
- Kỹ năng áp dụng các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT (biện
pháp hành chính, dân sự, hình sự, kiểm soát biên giới).
- Các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường mạng và các biện pháp
bảo vệ và thực thi quyền.
3. Kết luận
John Dewey (nhà triết học, tâm lý học và nhà cải cách giáo dục người Mỹ) có
viết: "Quá trình giáo dục thực sự nên là quá trình học cách tư duy thông qua việc
thực hành trên những vấn đề thực tế ("The real process of education should be the
process of learning to think through the application of real problems"). Do đó, kỹ
năng hành nghề sẽ là chìa khóa giúp cho sinh viên tự tin khi ra trường nếu tư duy pháp

18
https://www.fordham.edu/info/22297/intellectual_property_and_information_law
19
https://www.fordham.edu/info/22297/intellectual_property_and_information_law
20
https://www.law.gwu.edu/courses#ip
21
https://www.qmul.ac.uk/law/postgraduate/courses/llm/modules/
22
https://www.maastrichtuniversity.nl/sites/default/files/llmmsc.pdf

31
lý học được trên giảng đường có thể áp dụng để thực hành để giải quyết các vấn đề thực
tiễn pháp lý.
Kiến thức thuần túy sẽ có thể phai mờ theo thời gian bởi các quy định pháp luật sẽ
thay đổi theo từng thời điểm, nhưng những kỹ năng cơ bản thì luôn mới bởi nó giúp cho
sinh viên sẽ luôn sáng tạo để có thể hội nhập, thích nghi với nhu cầu của thị trường.
Vì vậy, đổi mới việc giảng dạy các môn học kỹ năng liên quan đến SHTT là rất
quan trọng, giúp cho người học nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng hành nghề
đối với sự thành công của một người hành nghề luật. Điều cơ bản là các môn học kỹ
năng sẽ trang bị hành trang tốt cho sinh viên, cũng như nâng cao chất lượng sinh viên
của trường Đại học Luật Hà Nội (như một "đặc sản" có khả năng tự thân phân biệt),
trong bối cảnh thị trường tuyển dụng nghề luật càng ngày càng sôi động và mang tính
cạnh tranh cao và khốc liệt hơn bao giờ hết./.

32
ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CÁC HỌC PHẦN TRONG
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC NGÀNH LUẬT -
CHUYÊN NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

ThS. Phạm Minh Huyền

Tóm tắt: Trong quá trình nghiên cứu xây dựng một chương trình đào tạo chuyên
ngành trình độ đại học, việc thiết kế các học phần phù hợp với quy định chung của Bộ
Giáo dục và Đào tạo, gắn liền với chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo cũng như
đáp ứng được nhu cầu của xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trên cơ sở quy định
hiện hành, nghiên cứu đối sánh với Chương trình dạy học ngành Luật (hệ tiêu
chuẩn) và tham khảo một số chương trình đào tạo chuyên ngành có liên quan, bài viết
đề xuất các học phần trong chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật – chuyên
ngành Luật Sở hữu trí tuệ làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng chương trình
đào tạo ngành Luật – chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ của Trường Đại học Luật Hà
Nội.
Từ khóa: Chương trình dạy học; ngành luật; chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ

1. Bối cảnh và nguyên tắc xây dựng các học phần trong chương trình đào tạo
trình độ đại học ngành Luật – chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ
Thực hiện Quyết định số 2538 QĐ-ĐHLHN ngày 30/06/2022 ban hành Kế hoạch
5 năm thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội giai đoạn 2021-
2025, Khoa Pháp luật Dân sự đã triển khai nghiên cứu và đề xuất các học phần trong
chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật – chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ
(SHTT) hướng tới mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, có nền tảng
vững chắc về khoa học pháp lý nói chung và chuyên môn về sở hữu trí tuệ nói riêng, đủ
năng lực và phẩm chất để đảm nhiệm nhiều vị trí trong các ngành nghề, lĩnh vực khác
nhau, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế trong thời đại công
nghệ 4.0. Việc xây dựng chương trình dạy học ngành Luật – chuyên ngành Luật
SHTT được xây dựng dựa trên các nguyên tắc chính, đó là:
(i). Kế thừa Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật (hệ tiêu chuẩn)
vừa được nhà trường tổ chức rà soát và ban hành mới ngày 30/6/2021 theo Quyết
định số 2260/QĐ-ĐHLHN. Trên cơ sở nguyên tắc này, về cơ bản đã giữ nguyên vị trí
và số tín chỉ nhiều học phần trong chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật
hiện hành.
(ii). Đảm bảo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/06/2021
của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm
định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Theo đó,


ThS. NCS, Trường Đại học Luật Hà Nội. Email: huyenphamlaw@gmail.com. ĐT: 0979323273

33
chương trình dạy học cần đáp ứng yêu cầu về khối lượng học tập, cấu trúc, nội dung
chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập cũng như thể
hiện sự khác biệt nhất định của chương trình đào tạo chuyên ngành. Cụ thể là chương
trình chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ được xây dựng với các học phần bao gồm các
môn khoa học pháp lý cơ bản và các môn học trực tiếp và gián tiếp bổ trợ cho các hoạt
động liên quan đến chuyên môn như Luật Dân sự; Luật Thương mại; Luật Hình sự;
Luật tố tụng Dân sự; Luật tố tụng hành chính; Luật Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng; Tư pháp quốc tế… cũng như các môn học mang tính chuyên môn
sâu như Pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Pháp luật về quyền sở hữu công
nghiệp; Quản lý tài sản trí tuệ; Tiếng Anh chuyên ngành sở hữu trí tuệ; Bản quyền
trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, truyền hình; Bảo hộ quyền SHTT trong môi
trường thương mại điện tử…
(iii). Đảm bảo tính liên thông giữa các chương trình đào tạo CTĐT, đặc biệt
là tính liên thông với CTĐT ngành Luật hệ Chất lượng cao và CTĐT ngành Luật hệ
tiêu chuẩn. Tuân thủ nguyên tắc này, các học phần Tiếng Anh nâng cao, Tiếng Anh
pháp lý cơ bản, Tiếng Anh pháp lý nâng cao là những môn học được giảng dạy trong
CTĐT ngành Luật hệ Chất lượng cao được bổ sung vào CTĐT chuyên ngành Luật
SHTT. Bên cạnh đó, đối với các học phần dạy bằng Tiếng Việt, các môn bắt buộc và tự
chọn trong CTĐT ngành Luật hệ tiêu chuẩn hầu hết đều có mặt trong CTĐT ngành
Luật – chuyên ngành Luật SHTT với số tín chỉ và vị trí môn học cơ bản như nhau. Điều
này thể hiện tính liên thông giữa các CTĐT.
2. Phân tích đối sánh chương trình dạy học ngành Luật - chuyên ngành Luật
SHTT với chương trình đào tạo ngành Luật hệ tiêu chuẩn
2.1. Đối sánh về kết cấu chương trình dạy học
Thời gian và kết cấu Ngành Luật Ngành Luật - chuyên
STT
chương trình (hệ tiêu chuẩn) ngành Luật SHTT
1 Thời gian đào tạo 4 năm 4 năm
Tổng số tín chỉ (không kể
2 129 tín chỉ 129 tín chỉ
GDTC, ANQP)
Khối Kiến thức giáo dục 25 tín chỉ 25 tín chỉ
3
đại cương (21 BB + 4 TC) (21 BB + 4 TC)

Khối kiến thức giáo dục 88 tín chỉ 88 tín chỉ


4
chuyên nghiệp (64 BB + 24 TC) (64 BB + 24 TC)
5 Thực tập tốt nghiệp 7 tín chỉ 7 tín chỉ

34
Khóa luận tốt nghiệp
6 9 tín chỉ 9 tín chỉ
hoặc các học phần thay thế

2.2. Đối sánh chi tiết chương trình dạy học với chương trình dạy học ngành
Luật hệ tiêu chuẩn
- Về khối kiến thức đại cương: trong phần các môn học bắt buộc chung, thay môn
Ngoại ngữ học phần 1 (3 tín chỉ) và Ngoại ngữ học phần 2 (4 tín chỉ) bằng môn Tiếng
Anh nâng cao (3 tín chỉ) và Tiếng Anh pháp lý cơ bản (4 tín chỉ); phần tự chọn bổ sung
học phần Tiếng Anh pháp lý nâng cao (2 tín chỉ) nhằm tập trung và tăng cường kiến
thức, kỹ năng dịch thuật, giao tiếp Tiếng Anh cho người học bởi SHTT trở thành vấn đề
mang tính quốc tế, chủ thể và nội dung tư vấn các vấn đề về SHTT đa phần là có yếu tố
nước ngoài như các doanh nghiệp đến từ các quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Italia, Nhật
Bản, Hàn Quốc… có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam hoặc khách hàng Việt
Nam muốn mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh ra nước ngoài. Bên
cạnh đó, khoa học, công nghệ không ngừng phát triển, nảy sinh rất nhiều vấn đề mới
mẻ và phức tạp nên nhu cầu tìm hiểu các điều ước quốc tế, pháp luật cũng như thực tiễn
bảo hộ quyền SHTT tại các quốc gia trên thế giới để hoàn thiện pháp luật và triển khai
bảo hộ trên thực tế tại Việt Nam rất lớn. Do vậy, sinh viên theo học chuyên ngành về
SHTT được trang bị kiến thức và kỹ năng sử dụng thành thạo Tiếng Anh để có thể tự
tin theo đuổi lĩnh vực này.
- Về khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, phần bắt buộc thay thế một số môn
như Lịch sử nhà nước và pháp luật, Tội phạm học, Luật Tài chính, Luật Đất đai, Pháp
luật cộng đồng ASEAN; chuyển môn Luật Lao động, Công pháp quốc tế từ bắt buộc
thành tự chọn 3 tín chỉ; chuyển môn 2 học phần 4 tín chỉ là Luật Hiến pháp và Luật
Hành chính Việt Nam xuống 3 tín chỉ (tham khảo CTĐT ngành Luật Kinh tế ban hành
kèm theo Quyết định số 2262QĐ-ĐHLHN ngày 30/06/2021) để bổ sung các môn học
liên quan trực tiếp đến chuyên ngành như Luật tố tụng hành chính (liên quan đến việc
giải quyết các vụ việc về khởi kiện quyết định cấp văn bằng/từ chối cấp/chấm dứt, hủy
bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các
cơ quan thực thi như Quản lý thị trường, Thanh tra, Hải quan…), Luật cạnh tranh và
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (liên quan đến việc xem xét và xử lý các hành vi cạnh
tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng
vi phạm quyền SHTT…). Ngoài ra, CTĐT chuyên ngành Luật SHTT chuyển học phần
Kỹ năng tư vấn trong lĩnh vực SHTT từ tự chọn thành bắt buộc nhằm cung cấp cho
người học những kiến thức thực tế và kĩ năng cơ bản của hoạt động tư vấn trong lĩnh
vực SHTT như: kĩ năng tiến hành các thủ tục đăng kí, xác lập quyền SHTT; kĩ năng tư
vấn trong hoạt động khai thác quyền SHTT; kĩ năng giải quyết tranh chấp về SHTT; kĩ

35
năng quản trị tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp… Bên cạnh đó, CTĐT chuyên
ngành Luật SHTT cũng được kết cấu lại và xây dựng bổ sung các học phần chuyên
sâu về SHTT như Nhập môn SHTT, Pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan,
Pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, Quản lý TSTT, Tiếng Anh chuyên ngành Luật
SHTT. Cụ thể, học phần Nhập môn Luật SHTT bắt buộc 3 tín chỉ giới thiệu các khái
niệm, đặc điểm, nguyên tắc, các bộ phận cấu thành quyền SHTT, đề cập đến chủ thể,
nội dung, phạm vi quyền, căn cứ xác định hành vi xâm phạm và các biện pháp bảo vệ
quyền SHTT nói chung. Trên cơ sở đó, học phần Pháp luật về quyền tác giả, quyền
liên quan sẽ đi sâu phân tích các học thuyết, lịch sử hình thành và phát triển của hệ
thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong các điều ước quốc tế, pháp
luật của một số quốc gia trên thế giới cũng như pháp luật hiện hành của Việt Nam,
tập trung luận giải căn nguyên của các quy định và thực tiễn bảo hộ quyền tác giả,
quyền liên quan. Sinh viên sẽ được nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và rút ra những kết
luận về các vấn đề thông qua nhiều vụ việc đã được biên soạn một cách hợp lý, khoa
học. Bên cạnh đó, học phần Pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp sẽ tập trung nghiên
cứu sâu quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng để giải quyết các vấn đề xoay
quanh điều kiện bảo hộ, chủ thể, nội dung, giới hạn, xác lập, chuyển giao, xác định
hành vi xâm phạm và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cụ thể. Ngoài ra,
học phần Quản lý tài sản trí tuệ cung cấp cho người học những kiến thức chuyên sâu
về quản lý TSTT trong doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, đồng thời
cung cấp những kỹ năng thực tế trong xây dựng chiến lược SHTT, xây dựng kế
hoạch quản lý TSTT, tiến hành các thủ tục đăng kí, xác lập quyền SHTT, khai thác
thương mại quyền SHTT, giải quyết tranh chấp và bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp,
cơ quan, đơn vị liên quan. Hơn nữa, học phần Tiếng Anh chuyên ngành Luật SHTT
được xây dựng nhằm trang bị cho người học nhiều thuật ngữ chuyên ngành, phục vụ
cho công việc liên quan đến lĩnh vực SHTT, đặc biệt là các thuật ngữ về khoa học,
công nghệ, lập luận về khả năng phân biệt của nhãn hiệu, tính sáng tạo của kiểu dáng
công nghiệp, dịch thuật các văn bản, quyết định, soạn thảo hợp đồng chuyển giao công
nghệ…
Trong phần tự chọn, môn Luật SHTT đã được thay đổi kết cấu và chuyển thành
môn bắt buộc; lược bỏ môn Luật La Mã, Luật Bình đẳng giới, Luật Nhà ở và bổ sung
thêm các học phần phù hợp với chuyên ngành SHTT như Pháp luật về khai thác, thương
mại hóa TSTT; Bảo hộ quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử. Trong đó,
học phần Pháp luật về khai thác, thương mại hóa TSTT sẽ cung cấp cho người học
những kiến thức chuyên sâu về khái niệm, đặc điểm của thương mại hóa TSTT, kỹ
năng nhận diện, tạo lập các TSTT có thể khai thác thương mại, các phương pháp định
giá TSTT, nghiên cứu và làm bài tập thực hành về từng phương thức khai thác,
thương mại hóa TSTT như chuyển giao quyền SHTT, li-xăng chéo, chuyển giao
công nghệ, nhượng
36
quyền thương mại, thế chấp, góp vốn bằng TSTT, vận dụng các quy định của pháp luật
để thúc đẩy thương mại hóa các TSTT tại địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo,
viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc bảo hộ quyền SHTT trong môi trường thương
mại điện tử cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức bởi môi trường này có những
đặc trưng nhất định, khác biệt với việc bảo hộ trong môi trường truyền thống. Chính
bởi vậy, học phần Bảo hộ quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử sẽ trang
bị cho người học những kiến thức và kỹ năng để xử lý các vấn đề mới phát sinh, các
biện pháp công nghệ, kỹ thuật để bảo hộ quyền SHTT trong môi trường thương mại
điện tử.
Đối với các môn kỹ năng, CTĐT chuyên ngành Luật SHTT dự kiến lược bỏ các
học phần Kỹ năng thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, Kỹ năng tư vấn
pháp luật trong lĩnh vực lao động, Kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai, Kỹ
năng tư vấn pháp luật thuế, tài chính doanh nghiệp để phù hợp hơn với chuyên ngành
và bổ sung thêm học phần Kỹ năng tranh tụng nghề luật, Kỹ năng tra cứu và khai thác
thông tin sở hữu công nghiệp.
Bảng đối sánh chi tiết các học phần trong CTĐT trình độ đại học ngành Luật hệ tiêu
chuẩn và CTĐT trình độ đại học ngành Luật – chuyên ngành Luật SHTT thể hiện như
sau:

37
CHƯƠNG TRÌNH DẠY HỌC
CHƯƠNG TRÌNH DẠY HỌC NGÀNH LUẬT
NGÀNH LUẬT – CHUYÊN NGÀNH LUẬT SHTT
(hệ tiêu chuẩn)

LOẠI ĐIỀU
LOẠI HP SỐ SỐ
STT TÊN HỌC PHẦN MÃ HP STT TÊN HỌC PHẦN MÃ HP HP (BB KIỆN
(BB /TC) TC TC
/ TC) TQ
I. KHỐI KIẾN THỨC ĐẠI CƯƠNG I. KHỐI KIẾN THỨC ĐẠI CƯƠNG:
1.1. Phần bắt buộc chung: 21 tín chỉ 1.1. Phần bắt buộc chung: 21 tín chỉ
Triết học Mác - ĐCBB0
1 BB 3 1 Triết học Mác Lê-nin ĐCBB01 BB 3
Lênin 1
Kinh tế chính trị ĐCBB0 Kinh tế chính trị Mác ĐCB
2 BB 2 2 ĐCBB02 BB 2
Mác - Lênin 2 Lê-nin B01
ĐCB
Chủ nghĩa xã hội ĐCBB0 Chủ nghĩa xã hội B01 +
3 BB 2 3 ĐCBB03 BB 2
khoa học 3 khoa học ĐCB
B02
ĐCB
Tư tưởng Hồ Chí ĐCBB0 Tư tưởng Hồ Chí B01 +
4 BB 2 4 ĐCBB04 BB 2
Minh 4 Minh ĐCB
B02 +

38
ĐCB
B03
ĐCB
B01 +
Lịch sử Đảng Cộng ĐCBB0 Lịch sử Đảng Cộng ĐCB
5 BB 2 5 ĐCBB05 BB 2
Sản Việt Nam 5 Sản Việt Nam B02 +
ĐCB
B03
Phương pháp điều tra ĐCBB0 Phương pháp điều tra
6 BB 1 6 ĐCBB06 BB 1
xã hội học 6 xã hội học
Ngoại ngữ học phần
1 (chọn 1 trong các
tiếng Anh, Nga,
Pháp, Trung, Nhật, ĐCBB0
7 BB 3 7 Tiếng Anh nâng cao23 ĐCBB07 BB 3
Đức), tiếng Việt 7
pháp lý (áp dụng cho
sinh viên nước
ngoài).

23
Thay thế học phần Ngoại ngữ học phần 1 (3 tín chỉ) bằng học phần Tiếng Anh nâng cao (3 tín chỉ).

39
Ngoại ngữ học phần
2 (chọn 1 trong các
tiếng Anh, Nga,
Pháp, Trung, Nhật, ĐCBB0 Tiếng Anh pháp lý cơ ĐCB
8 BB 4 8 ĐCBB08 BB 4
Đức), Tiếng Việt 8 bản24 B07
pháp lý (áp dụng cho
sinh viên
nước
ngoài).
ĐCBB0
9 Tin học BB 2 9 Tin học ĐCBB09 BB 2
9
1.2. Phần tự chọn: 4 tín chỉ 1.2. Phần tự chọn: 4 tín chỉ
ĐCTC0
10 Xã hội học pháp luật TC 2 10 Xã hội học pháp luật ĐCTC01 TC 2
1
ĐCTC0
11 Kinh tế vĩ mô TC 2 11 Kinh tế vĩ mô ĐCTC02 TC 2
2
Quan hệ kinh tế quốc ĐCTC0 Quan hệ kinh tế quốc
12 TC 2 12 ĐCTC03 TC 2
tế 3 tế
Lịch sử văn minh thế ĐCTC0 Lịch sử văn minh thế
13 TC 2 13 ĐCTC04 TC 2
giới 4 giới

24
Thay thế học phần Ngoại ngữ học phần 2 (4 tín chỉ) bằng học phần Tiếng Anh pháp lý cơ bản (4 tín chỉ).

40
Đại cương văn hóa ĐCTC0 Đại cương văn hóa
14 TC 2 14 ĐCTC05 TC 2
Việt Nam 5 Việt Nam
ĐCTC0
15 Tâm lý đại cương TC 2 15 Tâm lý đại cương ĐCTC06 TC 2
6
ĐCTC0 ĐCB
16 Logic học TC 2 16 Logic học ĐCTC07 TC 2
7 B01
Nghề luật và phương ĐCTC0 Nghề luật và phương
17 TC 2 17 ĐCTC08 TC 2
pháp học luật 8 pháp học luật
Tiếng Anh pháp lý ĐCB
18 ĐCTC09 TC 2
nâng cao25 B08
II. KHỐI KIẾN THỨC GIÁO DỤC CHUYÊN II. KHỐI KIẾN THỨC GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP: 88
NGHIỆP: 88 tín chỉ tín chỉ
2.1.PHẦN BẮT BUỘC: 64 tín chỉ, gồm các học 2.1.PHẦN BẮT BUỘC: 64 tín chỉ, gồm các học phần thuộc
phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và kiến thức khối kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành; thực tập nghề)
ngành)
Lý luận về nhà nước CNBB0 Lý luận về nhà nước
18 BB 4 19 CNBB01 BB 4
và pháp luật 1 và pháp luật
Lịch sử nhà nước và CNBB0
19 BB 2 Lược bỏ học phần này
pháp luật 2

25
Bổ sung thêm học phần Tiếng Anh pháp lý nâng cao (2 tín chỉ).

41
Luật hiến pháp Việt CNBB0 Luật hiến pháp Việt
20 BB 4 20 CNBB02 BB 3
Nam 3 Nam26
CNB
B01 +
Xây dựng văn bản CNBB0 Xây dựng văn bản CNB
21 BB 2 21 CNBB03 BB 2
pháp luật 4 pháp luật B02 +
CNB
B04
CNB
Luật hành chính CNBB0 Luật hành chính Việt B01 +
22 BB 4 22 CNBB04 BB 3
Việt Nam 5 Nam27 CNB
B02
CNBB0 CNB
23 Luật hình sự 1 BB 3 23 Luật hình sự 1 CNBB05 BB 3
6 B01
CNBB0 CNB
24 Luật hình sự 2 BB 2 24 Luật hình sự 2 CNBB06 BB 2
7 B05
CNBB0
25 Tội phạm học BB 2 Lược bỏ học phần này
8

26
Giảm 1 tín chỉ học phần Luật Hiến pháp Việt Nam từ 4 tín chỉ xuống còn 3 tín chỉ.
27
Giảm 1 tín chỉ học phần Luật Hành chính Việt Nam từ 4 tín chỉ xuống còn 3 tín chỉ.

42
CNB
CNBB0 B05 +
26 Luật tố tụng hình sự BB 3 25 Luật tố tụng hình sự CNBB07 BB 3
9 CNB
B06
CNBB1 CNB
27 Luật dân sự 1 BB 3 26 Luật dân sự 1 CNBB08 BB 3
0 B01
CNBB1 CNB
28 Luật dân sự 2 BB 2 27 Luật dân sự 2 CNBB09 BB 2
1 B08
Luật hôn nhân và gia CNBB1 Luật hôn nhân và gia CNB
29 BB 3 28 CNBB10 BB 3
đình 2 đình B08
CNB
B08 +
CNBB1 CNB
30 Luật tố tụng dân sự BB 3 29 Luật tố tụng dân sự CNBB11 BB 3
3 B09 +
CNB
B10
CNBB1 CNB
31 Luật thương mại 1 BB 3 30 Luật thương mại 1 CNBB12 BB 3
4 B08
32 Luật thương mại 2 CNBB1 2 CNB
BB 31 Luật thương mại 2 CNBB13 BB 2 B12
5

43
CNBB1
33 Luật lao động BB 3 Chuyển học phần này xuống phần tự chọn (3 tín chỉ)
6
34 CNBB1
Luật tài chính BB 3 Lược bỏ học phần này
7
CNBB1
35 Luật đất đai BB 3 Lược bỏ học phần này
8
CNBB1
36 Công pháp quốc tế BB 4 Chuyển học phần này xuống phần tự chọn (3 tín chỉ)
9
CNBB2
37 Tư pháp quốc tế BB 4 32 Tư pháp quốc tế CNBB14 BB 3
0
38 Pháp luật cộng đồng CNBB2
BB 2 Lược bỏ học phần này
ASEAN 1
39 Luật thương mại CNBB2 Luật thương mại quốc CNB
BB 3 33 CNBB15 BB 3
quốc tế 2 tế B13
CNB
B08 +
34 Nhập môn SHTT28 CNBB16 BB 3
CNB
B09

28
Chuyển học phần Luật SHTT tự chọn 3 tín chỉ thành học phần Nhập môn Luật SHTT bắt buộc 3 tín chỉ do Bộ môn Luật SHTT – Khoa PLDS đảm nhiệm.

44
Pháp luật về quyền
CNB
35 tác giả và quyền liên CNBB17 BB 3
B16
quan29
Pháp luật về quyền sở CNB
36 CNBB18 BB 3
hữu công nghiệp30 B16
CNB
37 Quản lý TSTT31 CNBB19 BB 3
B16
CNB
38 Luật tố tụng hành CNBB20 BB 2
B04
chính32
CNB
39 Luật cạnh tranh và CNBB21 BB 3
B12
bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng33 ĐCB
40 CNBB22 BB 3
Tiếng Anh chuyên B08
ngành Luật SHTT34 CNB
41 CNBB23 BB 2
Kỹ năng tư vấn trong B16 +
lĩnh vực SHTT35

29
Xây dựng học phần Pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan do Bộ môn Luật SHTT – Khoa PLDS đảm nhiệm.
30
Xây dựng học phần Pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp do Bộ môn Luật SHTT – Khoa PLDS đảm nhiệm.
31
Xây dựng học phần Quản lý TSTT do Bộ môn Luật SHTT – Khoa PLDS đảm nhiệm.
32
Bổ sung học phần Luật tố tụng hành chính do Bộ môn Luật Hành chính – Khoa Pháp luật HCNN đảm nhiệm.
33
Bổ sung học phần Luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Bộ môn Luật Cạnh tranh – Khoa PLKT đảm nhiệm.
34
Xây dựng học phần Tiếng Anh chuyên ngành Luật SHTT do Khoa Ngoại ngữ pháp lý đảm nhiệm.
35
Chuyển học phần Kỹ năng tư vấn trong lĩnh vực SHTT từ phần tự chọn lên phần bắt buộc và giữ nguyên 2 tín chỉ.

45
CNB
B17 +
CNB
B18
2.2. PHẦN TỰ CHỌN: 24 tín chỉ, gồm các học phần 2.2. PHẦN TỰ CHỌN: 24 tín chỉ, gồm các học phần thuộc
thuộc khối kiến thức: Cơ sở ngành, chuyên ngành và khối kiến thức: Cơ sở ngành, chuyên ngành và kỹ năng
kỹ năng
2.2.1. Kiến thức cơ sở ngành 2.2.1. Khối kiến thức cơ sở ngành
CNB
CNTC0 B01 +
40 Luật học so sánh TC 3 42 Luật học so sánh CNTC01 TC 3
1 CNB
B02
Xây dựng lập luận Xây dựng lập luận
CNTC0
41 pháp lý và viết trong TC 2 43 pháp lý và viết trong CNTC02 TC 2
2
hành nghề luật hành nghề luật
2.2.2. Kiến thức chuyên ngành 2.2.2. Kiến thức chuyên ngành
CNTC1
57 Luật SHTT TC 3 Đã thay đổi chuyển thành môn bắt buộc
8
Pháp luật về bảo
CNTC1 Pháp luật về bảo đảm CNB
58 đảm thực hiện nghĩa TC 2 44 CNTC03 TC 2
9 thực hiện nghĩa vụ B08 +
vụ

46
CNB
B09
CNTC2
59 Luật La Mã TC 2 Lược bỏ học phần này
0
CNTC2
60 Luật bình đẳng giới TC 3 Lược bỏ học phần này
1
Thủ tục đặc biệt CNTC2 Thủ tục đặc biệt trong CNB
61 TC 2 45 CNTC04 TC 2
trong tố tụng dân sự 2 tố tụng dân sự B11
Luật thi hành án dân CNTC2 Luật thi hành án dân CNB
62 TC 3 46 CNTC05 TC 3
sự 3 sự B11
CNB
Pháp luật về quyền CNTC2 Pháp luật về quyền B08 +
63 TC 2 47 CNTC06 TC 2
nhân thân 4 nhân thân CNB
B09
Pháp luật về hợp CNTC2 Pháp luật về hợp CNB
64 TC 3 48 CNTC07 TC 3
đồng chuyên sâu 5 đồng chuyên sâu B09
Pháp luật về trách Pháp luật về trách
nhiệm bồi thường CNTC2 nhiệm bồi thường CNB
65 TC 2 49 CNTC08 TC 2
thiệt hại ngoài hợp 6 thiệt hại ngoài hợp B09
đồng chuyên sâu đồng chuyên sâu

47
CNTC2
66 Luật nhà ở TC 2 Lược bỏ học phần này
7
CNB
B16 +
CNB
Pháp luật về khai
B17 +
50 thác, thương mại hóa CNTC09 TC 2
CNB
TSTT
B18 +
CNB
B19
Bảo hộ quyền SHTT
CNB
51 trong môi trường CNTC10 TC 2
B16
thương mại điện tử
CNB
B08 +
52 Luật lao động CNTC11 TC 3
CNB
B09

CNB
53 Công pháp quốc tế CNTC12 TC 3
B02

48
2.2.3. Các học phần kỹ năng 2.2.2. Các học phần kỹ năng
Kỹ năng chung về tư CNTC4 Kỹ năng chung về tư
88 TC 2 54 CNTC13 TC 2
vấn pháp luật 9 vấn pháp luật
Kỹ năng soạn thảo Kỹ năng soạn thảo
CNTC5 CNB
89 văn bản hành chính TC 2 55 văn bản hành chính CNTC14 TC 2
0 B04
thông dụng thông dụng
Kỹ năng thẩm định,
CNTC5
90 thẩm tra văn bản quy TC 2 Lược bỏ học phần này
1
phạm pháp luật
Kỹ năng tư vấn pháp Kỹ năng tư vấn pháp
CNTC5 CNB
91 luật trong lĩnh vực TC 2 56 luật trong lĩnh vực CNTC15 TC 2
2 B04
hành chính hành chính
Kỹ năng tư vấn pháp Kỹ năng tư vấn pháp
CNTC5 CNB
92 luật trong lĩnh vực TC 2 57 luật trong lĩnh vực CNTC16 TC 2
3 B01
hình sự hình sự
CNB
B08 +
Kỹ năng tư vấn pháp Kỹ năng tư vấn pháp
CNTC5 CNB
93 luật trong lĩnh vực TC 2 58 luật trong lĩnh vực CNTC17 TC 2
4 B09 +
dân sự dân sự
CNT
C15

49
Kỹ năng tư vấn pháp Kỹ năng tư vấn pháp
CNTC5 CNB
94 luật trong lĩnh vực TC 2 59 luật trong lĩnh vực CNTC18 TC 2
5 B10
hôn nhân và gia đình hôn nhân và gia đình
Đã chuyển thành môn bắt buộc thuộc khối kiến thức giáo dục
Kỹ năng tư vấn CNTC5 TC chuyên nghiệp
95 2
trong lĩnh vực SHTT 6

CNB
Kỹ năng tư vấn pháp Kỹ năng tư vấn pháp
CNTC5 B12 +
96 luật trong lĩnh vực TC 2 60 luật trong lĩnh vực CNTC19 TC 2
7 CNB
thương mại thương mại
B13
Kỹ năng tư vấn pháp
CNTC5
97 luật trong lĩnh vực TC 2 Lược bỏ học phần này
8
lao động
Kỹ năng tư vấn pháp
CNTC5
98 luật trong lĩnh vực TC 3 Lược bỏ học phần này
9
đất đai
Kỹ năng tư vấn pháp
CNTC6
99 luật thuế, tài chính TC 2 Lược bỏ học phần này
0
doanh nghiệp

50
CNB
B08 +
CNB
B09 +
Kỹ năng đàm phán, Kỹ năng đàm phán,
CNTC6 CNB
100 soạn thảo và thực TC 3 61 soạn thảo và thực CNTC20 TC 3
1 B12 +
hiện hợp đồng hiện hợp đồng
CNB
B13 +
CNT
C13
Kỹ năng tham gia Kỹ năng tham gia giải
CNTC6
101 giải quyết các vụ án TC 2 62 quyết các vụ án hành CNTC21 TC 2
2
hành chính chính
Kỹ năng thực hành Kỹ năng thực hành
CNTC6
102 một số hoạt động TC 3 63 một số hoạt động CNTC22 TC 3
3
trong tố tụng hình sự trong tố tụng hình sự
Kỹ năng tham gia giải CNB
Kỹ năng tham gia
CNTC6 quyết các vụ án dân B08 +
103 giải quyết các vụ án TC 3 64 CNTC23 TC 3
4 sự CNB
dân sự
B09 +

51
CNB
B11
Kỹ năng nghiên cứu CNTC6 Kỹ năng nghiên cứu CNB
104 TC 2 65 CNTC24 TC 2
và phân tích án lệ 5 và phân tích án lệ B01
Kỹ năng diễn án giả CNT
Kỹ năng diễn án giả tưởng trong lĩnh vực C15 +
tưởng trong lĩnh vực CNTC6 pháp luật thương mại CNB
105 TC 2 66 CNTC25 TC 2
pháp luật thương 6 quốc tế B11 +
mại quốc tế CNB
B13
Kỹ năng tranh tụng CNT
67 CNTC26 TC 2
36 C02
nghề luật
Kỹ năng tra cứu và CNB
68 khai thác thông tin sở CNTC27 TC 2
B18
hữu công nghiệp37
III.KHỐI KIẾN THỨC TỐT NGHIỆP: 16 tín chỉ III.KHỐI KIẾN THỨC TỐT NGHIỆP: 16 tín chỉ
73 Thực tập tốt nghiệp 7 69 Thực tập tốt nghiệp 7
Viết khóa luận tốt Viết khóa luận tốt
73 7 70 9
nghiệp (Hoặc chọn nghiệp (Hoặc chọn

36
Bổ sung học phần Kỹ năng tranh tụng nghề luật 2 tín chỉ
37
Xây dựng học phần Kỹ năng tra cứu và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp do Bộ môn Luật SHTT – Khoa PLDS đảm nhiệm.

52
học 9 TC các HP tự học 9 TC các HP tự
chọn thuộc khối kiến chọn thuộc khối kiến
thức giáo dục thức giáo dục chuyên
chuyên nghiệp) nghiệp)

53
3. Cấu trúc của chương trình dạy học (dự thảo 1)
3.1. Thông tin chung
- Số tín chỉ: 129 tín chỉ (Không bao gồm học phần Giáo dục Quốc phòng - An
ninh và học phần Giáo dục thể chất).
- Thời gian đào tạo: 4 năm
3.2. Cấu trúc chương trình dạy học
- Khối kiến thức giáo dục đại cương: 25 tín chỉ, chiếm tỷ lệ 19% CTĐT, trong đó:
+ Kiến thức bắt buộc: 21 tín chỉ, chiếm tỷ lệ 16% CTĐT
+ Kiến thức tự chọn: 04 tín chỉ, chiếm tỷ lệ 3% CTĐT
- Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 88 tín chỉ, chiếm tỷ lệ 68% CTĐT, trong đó:
+ Kiến thức bắt buộc: 64 tín chỉ, chiếm tỷ lệ 50% CTĐT
+ Kiến thức tự chọn: 24 tín chỉ, chiếm tỷ lệ 18% CTĐT
- Khối kiến thức tốt nghiệp: 16 tín chỉ, chiếm tỷ lệ 13% CTĐT, trong đó:
+ Thực tập tốt nghiệp: 7 tín chỉ, chiếm tỷ lệ 6% CTĐT
+ Khóa luận tốt nghiệp: 9 tín chỉ, chiếm tỷ lệ 7% CTĐT.
+ Người học không viết khóa luận chọn học 9 tín chỉ, chiếm tỷ lệ 8%
3.3. Bảng các học phần trong chương trình dạy học:
STT TÊN HỌC Mã Loại Số HÌNH THỨC TỔ CHỨC ĐIỀU
PHẦN HP HP TC DẠY – HỌC KIỆN
(BB/ TRÊN LVN Tự TQ
TC) LỚP học
LT TL
1. KHỐI KIẾN THỨC ĐẠI CƯƠNG: 25 tín chỉ
1.1. PHẦN BẮT BUỘC CHUNG: 21 tín chỉ
1 Triết học Mác ĐC BB 3 24 10 6 giờ 5 giờ
– Lênin BB0 giờ giờ TC TC
1 TC TC
2 Kinh tế chính ĐC BB 2 16 7 4 3 ĐCBB
trị Mác – Lênin BB0 01
2
3 Chủ nghĩa xã ĐC BB 2 16 7 4 3 ĐCBB
hội khoa học BB0 01
3 ĐCBB
02
4 Tư tưởng Hồ ĐC BB 2 16 7 4 3 ĐCBB
Chí Minh BB0 01
4

54
ĐCBB
02
ĐCBB
03
5 Lịch sử Đảng ĐC BB 2 16 7 4 3 ĐCBB
Cộng Sản Việt BB0 01
Nam 5 ĐCBB
02
ĐCBB
03
6 Phương pháp ĐC BB 1 6 4 3 2
điều tra xã hội BB0
học 6
7 Tiếng Anh ĐC BB 3 18 12 8 7
nâng cao BB0
7
8 Tiếng Anh ĐC BB 4 26 14 10 10 ĐCBB
pháp lý cơ bản BB0 07
8
9 Tin học ĐC BB 2 12 8 5 5
BB0
9
1.2. PHẦN TỰ CHỌN: 4 tín chỉ
ĐC TC 2 12 8 5 5
10 Xã hội học
TC0
pháp luật
1
11 Kinh tế vĩ mô ĐC TC 2 12 8 5 5
TC0
2
12 ĐC TC 2 12 8 5 5
Quan hệ kinh
TC0
tế quốc tế
3
ĐC TC 2 12 8 5 5
13 Lịch sử văn
TC0
minh thế giới
4

55
ĐC TC 2 12 8 5 5
14 Đại cương văn
TC0
hóa Việt Nam
5
15 Tâm lý đại ĐC TC 2 12 8 5 5
cương TC0
6
16 Logic học ĐC TC 2 12 8 5 5 ĐCBB
TC0 01
7
17 Nghề luật và ĐC TC 2 12 8 5 5
phương pháp TC0
học luật 8
18 Tiếng Anh ĐC TC 2 12 8 5 5 ĐCBB
pháp lý nâng TC0 08
cao 9
II. KHỐI KIẾN THỨC GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP: 88 tín chỉ 2.1.PHẦN
BẮT BUỘC: 64 tín chỉ, gồm các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và
kiến thức ngành; thực tập nghề)
19 Lý luận về nhà CN BB 4 26 14 10 10
nước và pháp BB0
luật 1
20 Luật hiến pháp CN BB 3 18 12 8 7
Việt Nam BB0
2
21 Xây dựng văn CN BB 2 12 8 5 5 CNBB
bản pháp luật BB0 01
3 CNBB
02
CNBB
04
22 Luật hành CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
chính Việt BB0 01
Nam 4 CNBB
02
23 Luật hình sự 1 CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
BB0 01
5

56
24 Luật hình sự 2 CN BB 2 12 8 5 5 CNBB
BB0 05
6
25 Luật tố tụng CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
hình sự BB0 05
7 CNBB
06
26 Luật dân sự 1 CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
BB0 01
8
27 Luật dân sự 2 CN BB 2 12 8 5 5 CNBB
BB0 08
9
28 Luật hôn nhân CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
và gia đình BB1 08
0
29 Luật tố tụng CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
dân sự BB1 08
1 CNBB
09
CNBB
10
30 Luật thương CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
mại 1 BB1 08
2
31 Luật thương CN BB 2 12 8 5 5 CNBB
mại 2 BB1 13
3
32 Tư pháp quốc CN BB 3 18 12 8 7
tế BB1
4
33 Luật thương CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
mại quốc tế BB1 13
5
34 Nhập môn CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
SHTT BB1 08
6

57
CNBB
09
35 Pháp luật về CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
quyền tác giả BB1 16
và quyền liên 7
quan
36 Pháp luật về CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
quyền sở hữu BB1 16
công nghiệp 8
37 Quản lý TSTT CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
BB1 16
9
38 Luật tố tụng CN BB 2 12 8 5 5 CNBB
hành chính BB2 04
0
39 Luật cạnh CN BB 3 18 12 8 7 CNBB
tranh và bảo vệ BB2 12
quyền lợi 1
người tiêu
dùng
40 Tiếng Anh CN BB 3 18 12 8 7 ĐCBB
chuyên ngành BB2 08
Luật SHTT 2
41 Kỹ năng tư vấn CN BB 2 12 8 5 5 CNBB
trong lĩnh vực BB2 16
SHTT 3 CNBB
17
CNBB
18
2.2. PHẦN TỰ CHỌN: 24 tín chỉ, gồm các học phần thuộc khối kiến thức: Cơ sở
ngành, chuyên ngành và kỹ năng
2.2.1. Khối kiến thức cơ sở ngành
42 Luật học so CN TC 3 18 12 8 7 CNBB
sánh TC0 01
1 CNBB
02

58
43 Xây dựng lập CN TC 2 12 8 5 5
luận pháp lý và TC0
viết trong hành 2
nghề luật
2.2.2. Kiến thức chuyên ngành
44 Pháp luật về CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
bảo đảm thực TC0 08
hiện nghĩa vụ 3 CNBB
09
45 Thủ tục đặc CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
biệt trong tố TC0 11
tụng dân sự 4
46 Luật thi hành CN TC 3 18 12 8 7 CNBB
án dân sự TC0 11
5
47 Pháp luật về CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
quyền nhân TC0 08
thân 6 CNBB
09
48 Pháp luật về CN TC 3 18 12 8 7 CNBB
hợp đồng TC0 09
chuyên sâu 7
49 Pháp luật về CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
trách nhiệm TC0 09
bồi thường 8
thiệt hại ngoài
hợp đồng
chuyên sâu
50 Pháp luật về CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
khai thác, TC0 16
thương mại 9 CNBB
hóa TSTT 17
CNBB
18
CNBB
19

59
51 Bảo hộ quyền CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
SHTT trong TC1 16
môi trường 0
thương mại
điện tử
52 Luật lao động CN TC 3 18 12 8 7 CNBB
TC1 08
1 CNBB
09
53 Công pháp CN TC 3 18 12 8 7 CNBB
quốc tế TC1 02
2
2.2.2. Các học phần kỹ năng
54 Kỹ năng chung CN TC 2 12 8 5 5
về tư vấn pháp TC1
luật 3
55 Kỹ năng soạn CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
thảo văn bản TC1 04
hành chính 4
thông dụng
56 Kỹ năng tư vấn CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
pháp luật trong TC1 04
lĩnh vực hành 5
chính
57 Kỹ năng tư vấn CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
pháp luật trong TC1 01
lĩnh vực hình 6
sự
58 Kỹ năng tư vấn CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
pháp luật trong TC1 08
lĩnh vực dân sự 7 CNBB
09
CNTC
15
59 Kỹ năng tư vấn CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
pháp luật trong TC1 10
lĩnh vực hôn 8

60
nhân và gia
đình
60 Kỹ năng tư vấn CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
pháp luật trong TC1 12
lĩnh vực 9 CNBB
thương mại 13
61 Kỹ năng đàm CN TC 3 18 12 8 7 CNBB
phán, soạn TC2 08
thảo và thực 0 CNBB
hiện hợp đồng 09
CNBB
12
CNBB
13
CNTC
13
62 Kỹ năng tham CN TC 2 12 8 5 5
gia giải quyết TC2
các vụ án hành 1
chính
63 Kỹ năng thực CN TC 3 18 12 8 7
hành một số TC2
hoạt động 2
trong tố tụng
hình sự
64 Kỹ năng tham CN TC 3 18 12 8 7 CNBB
gia giải quyết TC2 08
các vụ án dân 3 CNBB
sự 09
CNBB
11
65 Kỹ năng CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
nghiên cứu và TC2 01
phân tích án lệ 4
66 Kỹ năng diễn CN TC 2 12 8 5 5 CNTC
án giả tưởng TC2 15
trong lĩnh vực 5 CNBB

61
pháp luật 11
thương mại CNBB
quốc tế 13
67 Kỹ năng tranh CN TC 2 12 8 5 5 CNTC
tụng nghề luật TC2 02
6
68 Kỹ năng tra CN TC 2 12 8 5 5 CNBB
cứu và khai TC2 18
thác thông tin 7
sở hữu công
nghiệp
III.KHỐI KIẾN THỨC TỐT NGHIỆP: 16 tín chỉ
Thực tập tốt
69 7
nghiệp
Viết khóa luận
tốt nghiệp
(Hoặc chọn
học 9 TC các
70 HP tự chọn 9
thuộc khối
kiến thức giáo
dục chuyên
nghiệp)

62
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/06/2021 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy
định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào
tạo các trình độ của giáo dục đại học.
2. Quyết định số 2538 QĐ-ĐHLHN ngày 30/06/2022 ban hành Kế hoạch 5 năm thực
hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
3. Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội
ban hành theo Quyết định số 2260/QĐ-ĐHLHN ngày 30/6/2021 của Hiệu trưởng
Trường Đại học Luật Hà Nội.
4. Chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành Luật của Trường Đại
học Luật Hà Nội ban hành theo Quyết định số 2261/QĐ-ĐHLHN ngày 30/6/2021 của
Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.
5. Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học
Luật Hà Nội ban hành theo Quyết định số 2262/QĐ-ĐHLHN ngày 30/6/2021 của Hiệu
trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.

63
ĐỀ XUẤT CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC VỚI CÁC ĐỐI TÁC, ĐƠN
VỊ TRONG NƯỚC ĐỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
NGÀNH LUẬT, CHUYÊN NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh⁎

Tóm tắt: Ngành luật là một trong những ngành học đang có tiềm năng phát triển
trong tương lai. Hầu hết các trường đào tạo mang tính chất tổng hợp đều có các khoa
hoặc trường thành viên đào tạo ngành luật. Trong ngành luật có rất nhiều chuyên
ngành nhỏ như chuyên ngành Luật dân sự, Luật hình sự, Luật kinh tế… Mặc dù hệ
thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã trải qua lịch sử hình thành hằng chục năm,
nhưng chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ trong chương trình đào tạo ngành luật hiện
nay còn được triển khai rất hạn chế ở các cơ sở đào tạo ngành luật. Chính vì vậy để
xây dựng chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ - một chuyên ngành có phổ rộng, rất cần có
sự phối hợp chặt chẽ không chỉ giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo mà rất cần có sự tham
gia, phối hợp của các nhóm chủ thể trong hệ thống sở hữu trí tuệ như các cơ quan
quản lý nhà nước về xác lập quyền, các cơ quan thực thi và cả các tổ chức tư vấn, đại
diện.
Từ khóa: đào tạo, luật sở hữu trí tuệ, hợp tác

Một chương trình giảng dạy về sở hữu trí tuệ phải được xây dựng theo cách thừa
nhận sự khác biệt của các luật chuyên ngành trong phạm vi luật sở hữu trí tuệ: luật sáng
chế, luật bản quyền, luật bí mật thương mại, luật nhãn hiệu và luật kiểu dáng công
nghiệp. Cũng giống như việc bệnh nhân tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế từ các bác sĩ
chuyên khoa, khách hàng tìm kiếm dịch vụ tư vấn pháp lý từ chuyên gia pháp lý liên
quan. Để đạt được sự chuyên môn hóa như vậy, cần có các chương trình giảng dạy
được cụ thể hoá. Việc chuyên môn hóa cũng sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu pháp
luật và viết bài, từ đó thúc đẩy sự phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ - một yếu tố
quan trọng trong sự phát triển của bất kỳ hệ thống pháp luật nào.
Một mục tiêu quan trọng khác trong việc phát triển chương trình giảng dạy về sở
hữu trí tuệ chính là tính phù hợp của môi trường, phương pháp và nội dung đào tạo đối
với mỗi loại đối tượng học viên. Không có chương trình đào tạo nào “phù hợp cho tất
cả” mà từng chương trình cần được xây dựng phù hợp dành cho từng nhóm đối tượng
khác nhau. Luật sở hữu trí tuệ thay đổi tương đối nhanh chóng và thường xuyên (so với
các lĩnh vực pháp luật lâu đời khác). Những thay đổi thường xuyên nhất là liên quan
đến nội dung của luật và các vấn đề chồng chéo với nhiều lĩnh vực khác. Thứ nhất, các
quy tắc cơ bản luật sở hữu trí tuệ được liên tục cập nhật bởi tòa án và cơ quan lập
pháp) để


Cục Sở hữu trí tuệ
64
phù hợp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và xã hội. Thứ hai, liên tục có
những vấn đề mới chồng chéo giữa luật sở hữu trí tuệ và các ngành luật khác hoặc thậm
chí các khoa học khác (như kinh tế học, xã hội học, v.v.). Ví dụ như pháp luật liên quan
đến không gian mạng, trong thập kỷ vừa qua nổi lên như một chủ đề pháp lý riêng biệt
và thường xuyên tương tác với luật sở hữu trí tuệ. Một ví dụ khác là "Tri thức bản địa"
và luật sở hữu trí tuệ đã trở thành một vấn đề pháp lý toàn cầu. Rất khó để dự đoán lĩnh
vực nào sẽ trùng lặp với luật sở hữu trí tuệ trong tương lai, nhưng điểm quan trọng là
một chương trình giảng dạy về Sở hữu trí tuệ phải đủ linh hoạt để đáp ứng các vấn đề
mới sẽ phát sinh. Vì vậy, mục tiêu đạt được tính linh hoạt trong chương trình giảng dạy
cũng không kém phần quan trọng.
Theo số liệu thống kê về giáo dục đại học trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo
dục và Đào tạo, tính đến năm 2020, cả nước có 237 trường đại học38, trong đó có 172
trường đại học công lập và theo số liệu thống kê về tuyển sinh năm 2022 thì hiện có 210
trường cao đẳng. Trong số các trường đại học và cao đẳng này có khoảng gần 90 cơ sở
đào tạo chuyên ngành luật39, một số cơ sở giáo dục đại học ngành Luật đã đưa bộ môn
Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) vào chương trình đào tạo, ví dụ Khoa Luật – Đại học Quốc
gia Hà Nội – một trong những cơ sở đào tạo luật lâu năm và có uy tín của Việt Nam có
xây dựng môn pháp luật SHTT là môn học bắt buộc với 2 tín chỉ dành cho bậc cử nhân,
được giảng dạy vào năm thứ ba. Nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống SHTT
thì việc triển khai đào tạo chuyên ngành Luật SHTT là điều cần thiết. Để công tác đào
tạo đạt được hiệu quả, đảm bảo chất lượng sinh viên đầu ra đáp ứng được nhu cầu của
xã hội thì các cơ sở giáo dục đại học nên tổ chức tốt công tác hợp tác với các đối tác,
đơn vị trong nước trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo. Do không có điều
kiện tiếp cận một cách đầy đủ chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo chuyên ngành
luật, bài viết này được trình bày từ góc độ đánh giá khách quan của cá nhân tôi với
kinh nghiệm tham gia vào hoạt động đào tạo, giảng dạy về SHTT với một số trường đại
học, cao đẳng.
Là một quốc gia đang phát triển, SHTT phần nào vẫn còn khá xa lạ với đa số công
chúng Việt Nam, mặc dù đây là lĩnh vực có mối liên quan chặt chẽ tới tất cả các mặt của
đời sống kinh tế - xã hội như văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, kinh doanh
thương mại... Do sự non trẻ của thị trường SHTT mà số lượng giảng viên có thể giảng
dạy pháp luật SHTT còn khá khiêm tốn so với các ngành luật phổ biến khác. Tình trạng
thiếu giảng viên trong lĩnh vực SHTT có thể càng trở lên khó khăn hơn do ngân sách
hạn hẹp, các cơ sở đào tạo không thể thuê nhiều giảng viên chuyên giảng dạy về SHTT.
Trong khi SHTT là một nội dung xuyên suốt qua các lĩnh vực thậm chí hoàn toàn khác

38
https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=7389
39
tuyensinh247.com

65
nhau thì một giảng viên thường không thể có đủ hiểu biết chuyên môn sâu trong tất cả
các lĩnh vực của Luật SHTT40. Ví dụ như khó có thể có một giảng viên đại học am hiểu
tất cả các quy định chuyên sâu từ quyền tác giả, quyền liên quan đến các đối tượng của
quyền sở hữu công nghiệp cũng như quyền đối với giống cây trồng…
1. Một số vấn đề tác động tới việc việc đào tạo về SHTT
Như chúng ta đều biết, SHTT còn liên quan tới nhiều lĩnh vực luật khác như pháp
luật về chống cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật về tài sản và hợp đồng, pháp luật
bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khía cạnh pháp lý của SHTT chỉ là một phần của câu
chuyện, nắm vững lý thuyết là chưa đủ để giảng dạy về SHTT mà các kỹ năng thực
hành cũng là một phần rất quan trọng. Ví dụ, việc soạn bản mô tả sáng chế là một vấn
đề rất phức tạp, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng riêng biệt. Thực hiện công tác này yêu cầu
nhiều kỹ thuật khác nhau, điều này khiến chúng ta phải lưu tâm đến khái niệm “học
nghề”. Nó đòi hỏi các lĩnh vực kiến thức và chuyên môn khác nhau, vì vậy đòi hỏi
phải có giảng viên với các định hướng khác nhau (cả về lý thuyết lẫn thực hành)41. Khó
có thể yêu cầu một chuyên gia có hiểu biết chuyên sâu về tất cả các đối tượng quyền
SHTT. Ví dụ, chuyên gia có thể giảng dạy về quyền tác giả nhưng không thể hướng
dẫn viết bản mô tả sáng chế hay bản mô tả kiểu dáng công nghiệp và ngược lại.
Thực tế cho thấy là chuyên gia giảng dạy SHTT ở Việt Nam còn đang hạn chế về số
lượng, việc bồi dưỡng chuyên môn về SHTT cho các giảng viên SHTT cũng chưa được
thực hiện thường xuyên và bài bàn. Đứng trước thực trạng như vậy, các trường đại học
có thể hợp tác với nhau trong xây dựng một mạng lưới giảng viên, trao đổi chuyên
môn nhằm đảm bảo chất lượng cho công tác giảng dạy chương trình đào tạo chuyên
ngành Luật SHTT. Ngoài việc hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo cũng có
thể hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước, công ty luật mời chuyên gia thỉnh giảng
nhằm mở rộng cộng đồng giảng viên SHTT, đa dạng nội dung giảng dạy, giúp sinh
viên tiếp cận được kiến thức đa chiều từ lý thuyết tới thực tiễn. Đặc biệt, đối với sinh
viên khối ngành kỹ thuật, lượng kiến thức và kỹ năng liên quan đến sở hữu công
nghiệp lại cần được chú trọng hơn là đối với sinh viên ngành luật hay các ngành khoa
học xã hội khác.
Việc xây dựng mạng lưới giảng viên không chỉ dừng lại ở công tác giảng dạy mà
có thể mở rộng hơn sang hoạt động chia sẻ tài liệu đào tạo. Rõ ràng là các giảng viên đã
đầu tư thời gian, công sức và sự sáng tạo để phát triển bài giảng số của mình và coi các
tài liệu này thuộc về riêng cá nhân - theo cả ý nghĩa pháp lý cũng như trí tuệ. Không chỉ
riêng các nước đang phát triển mà ngay cả trong quốc gia phát triển, vẫn tồn tại sự lo
ngại đối việc trao đổi miễn phí tài liệu đào tạo. Các trường đại học có thể cùng hợp tác
để tổng hợp tài liệu đào tạo SHTT thành một cơ sở dữ liệu cho phép truy cập, nhưng để

40
WIPO, Teaching IP in counties in transition, 2013, trang 5
41
WIPO, Teaching IP in counties in transition, 2013, trang 5

66
làm được điều này thì các trường cần tìm cách xóa bỏ những lo ngại của giảng viên.
Nhằm khuyến khích việc chia sẻ tài liệu giảng dạy như ghi chú trên lớp, bài giảng
power point, tệp đa phương tiện …, các trường đại học nên xây dựng một số cơ chế trả
thù lao thích đáng trong việc cùng xây dựng và đóng góp vào cơ sở dữ liệu tài nguyên
giảng dạy về SHTT.
Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng đối với chương trình đào tạo
chuyên ngành Luật SHTT đó là giáo trình. Giáo trình là một trong những tài nguyên
giảng dạy quan trọng nhất mà giáo viên có thể khai thác. Việc có sẵn tài nguyên các
sách giáo trình cho phép giảng viên có thể giảng dạy về một chủ đề nhất định với
nhiều góc độ hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, ở Mỹ, một giảng viên có thể chọn lý thuyết
về quyền tác giả từ các cuốn giáo trình khác nhau với phương pháp giảng dạy khác
nhau, lý thuyết chính trị và thái độ đối với việc bảo vệ quyền tác giả cũng khác nhau,
v.v. Có cuốn sách nhấn mạnh vào lý thuyết, trong khi đó có cuốn sách lại tập trung vào
các quy tắc; có sách đi vào phân tích vấn đề kinh tế, cuốn khác lại nhấn mạnh vào
quyền tự nhiên. Có những giáo trình tập trung vào vấn đề quyền tác giả chính thống
trong khi những sách khác chủ yếu đề cập đến bản quyền và công nghệ mới, có giáo
trình cơ bản và nâng cao. Đương nhiên là những cuốn giáo trình này hằng năm đều
được cập nhật mới cả về lý thuyết lẫn thực hành. Việc tiếp cận với nhiều loại giáo trình
khác nhau giúp giảng viên có thể giảng dạy về SHTT ở tất cả các cấp độ và định hướng
khác nhau. Như đã đề cập đến tình trạng thiếu hụt nhân lực và ngân sách khiến công tác
biên soạn giáo trình về SHTT chưa được phổ biến, dẫn đến nguồn giáo trình sử dụng
cho đào tạo SHTT ở Việt Nam chưa đa dạng giống như ở các quốc gia phát triển. Đặc
biệt là đối với chương trình đào tạo chuyên ngành Luật SHTT sẽ không chỉ dừng lại ở
các vấn đề lý luận chung mà sẽ đi sâu vào từng nhóm đối tượng quyền và các kỹ năng
khác có liên quan, các quy định pháp luật về các đối tượng phải rõ ràng, dễ hiểu và
người học có thể áp dụng đúng. Để giải quyết vấn đề này, các trường đại học có thể lựa
chọn hợp tác với nhiều đối tác trong biên soạn giáo trình về pháp luật SHTT để phù
hợp với chương trình đào tạo. Hợp tác ở đây có thể là hợp tác về nhân lực hoặc hợp tác
về tài chính.
Đối với bất cứ chuyên ngành đào tạo nào thì trong chương trình không thể thiếu
nội dung thực tập. Các sinh viên chuyên ngành Luật nói chung thường sẽ có cơ hội thực
tập tại các cơ quan tư pháp như tòa án, viện kiểm sát hoặc công ty luật. Tuy nhiên, do
luật SHTT là luật chuyên ngành nên phạm vi thực tập sẽ thu hẹp hơn. Nhằm giúp học
viên có cơ hội tiếp cận với thực tiễn của lĩnh vực này, kinh nghiệm ở các quốc gia cho
thấy cơ sở giáo dục đại học ngoài việc có thể hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với nhau
còn có thể hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT, các đại diện
sở hữu công nghiệp để tổ chức hoạt động thực tập giúp củng cố, mở rộng kiến thức và
kĩ năng cho sinh viên.

67
2. Một số đề xuất
Mục tiêu rõ ràng trong đào tạo chuyên ngành luật SHTT trong Chương trình đào
tạo ngành luật là truyền đạt các kiến thức cơ bản về luật SHTT. Các sinh viên cần được
tiếp nhận một cách đầy đủ các quy định pháp luật và các kiến thức, kỹ năng để áp dụng
và giải thích vào các tình huống thực tế. Như phần trên đã đề cập, SHTT là một lĩnh vực
rộng, cần có sự kết hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như việc đánh giá về sự
tương tự dẫn đến xác định hành vi xâm phạm quyền trong lĩnh vực quyền tác giả sẽ
khác hẳn với việc xác định sự tương tự về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ… để đánh giá
hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, hoặc đối với vấn đề giống cây trồng lại lại là
một lĩnh vực khác hẳn.
Chất lượng của một chương trình đào tạo chuyên ngành luật SHTT sẽ phụ thuộc
phần lớn vào kinh nghiệm và mức độ quan tâm của cơ sở đào tạo. Với thực trạng còn
thiếu nguồn lực để thực hiện chương trình đào tạo chuyên ngành Luật SHTT ở Việt
Nam, hoạt động hợp tác giữa trường đại học và các nhóm chủ thể khác là điều cần thiết
để có thể tạo ra chương trình đào tạo Luật SHTT hữu ích, thu hút sinh viên và xây dựng
nguồn nhân lực SHTT chất lượng cho Việt Nam.
Kinh nghiệm của một số trường đại học lớn trên thế giới cho thấy, với tầm quan
trọng và sự quan tâm ngày càng tăng của lĩnh vực SHTT, nhiều giảng viên có xu hướng
chuyên sâu hơn vào lĩnh vực này. Tuy nhiên việc đầu tư để chuyên sâu vào SHTT cũng
khá vất vả do cần có sự nỗ lực để nắm vững lượng kiến thức khổng lồ về SHTT. Tuy
nhiên, họ sẽ tìm thấy một thế giới với những kiến thức và thách thức giá trị, đáng để họ
nỗ lực theo đuổi. Thực tiễn các nước cũng cho thấy giảng viên đại học không phải là
những người duy nhất có đủ trình độ để giảng dạy về pháp luật SHTT. Trong những
năm gần đây, qua các hội nghị, hội thảo và các khóa học có thể thấy nhiều giảng viên là
những người không khởi nghiệp từ đầu bằng nghề giáo, mà họ từng là những cán bộ
quản lý, cán bộ thực thi và luật sư, tư vấn trong lĩnh vực SHTT. Sau một thời gian tích
lũy kiến thức và kinh nghiệm, kết hợp với sự đam mê trong việc truyền bá kiến thức họ
đã dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy. Một nguồn giáo viên không chuyên có
trình độ có thể lấp đầy khoảng trống của giảng viên đại học toàn phần, gồm các luật sư
hành nghề sẵn sàng dành thời gian của họ để giảng dạy tại các khóa đào tạo SHTT.
Những giảng viên này cung cấp một chương trình giảng dạy SHTT toàn diện và chất
lượng cao một cách hiệu quả và tiết kiệm. Đó là quan hệ cộng sinh - vừa mang lại lợi
ích cho một chương trình đại học từ sự tham gia của nhiều chuyên gia có trình độ khác
nhau, cung cấp một khối lượng kiến thức rộng lớn không thể có được từ một nhóm vài
giảng viên với chi phí thấp. Nó nâng cao uy tín cho các nhà thực hành pháp luật nhờ
hợp tác giảng dạy với trường đại học, khuyến khích giảng viên luôn cập nhật những
phát triển mới của pháp luật, và kích thích, truyền cảm hứng cho tư duy mới mẻ, mang
đến

68
góc nhìn mới cho các vấn đề cũ. Học viên thích nghe những câu chuyện thực tế, còn
giảng viên thì thích chia sẻ kinh nghiệm của mình với người nghe.
Với thực trạng hiện nay chuyên ngành luật SHTT còn là nội dung khá mới trong
chương trình đào tạo ngành luật của các trường đại học, cao đẳng. Chương trình và giáo
trình sau khi được xây dựng trước tiên nên áp dụng ở những cơ sở đào tạo luật đã có
kinh nghiệm để dần hoàn thiện và phát triển sang các cơ sở đào tạo khác. Từ những trao
đổi trên đây, có thể thấy đào tạo pháp luật SHTT toàn diện cần sự tham gia giảng dạy
của sự phối hợp giữa các giảng viên luật toàn phần, các chuyên gia và những người
hành nghề luật bán toàn phần.
Các cơ sở đào tạo luật lâu năm có uy tín bên cạnh việc xây dựng chương trình đào
tạo cũng nên tích cực và đóng vai trò chính trong việc tạo mạng lưới giảng viên, chuyên
gia giảng dạy. Việc phân chia chủ đề giảng dạy cũng cần có sự cân nhắc để đảm bảo về
cả chuyên môn và đồng thời tận dụng tối đa ưu thế về kinh nghiệm thực tiễn của các
chuyên gia. Các giảng viên chuyên nghiệp cần đảm nhận phần lý thuyết, nguyên tắc cơ
bản để mang đến góc nhìn tổng thể về toàn bộ lĩnh vực này. Họ có lợi thế là nắm được
phương pháp giáo dục pháp luật và nhu cầu sư phạm của sinh viên luật. Phần đi sâu vào
áp dụng pháp luật và thực tiễn thực thi có thể cần sự tham gia giảng dạy của cả các
giảng viên và chuyên gia. Chuyên gia có lợi thế là đã áp dụng pháp luật SHTT, vận
dụng các quy định trong các tình huống khác nhau, thậm chí có được những va chạm
trong tranh luận trong áp dụng pháp luật về SHTT và hiểu rõ từng chi tiết nhỏ của nó.
Vì vậy, trong việc triển khai môn học chuyên ngành về pháp luật SHTT nên có sự kết
hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo luật chuyên nghiệp nói riêng và có sự phối hợp
của các chuyên gia đến từ các cơ quan liên quan trong hệ thống SHTT.
Việc chia sẻ tài liệu giảng dạy cũng rất cần thiết để phát triển chuyên ngành mới
mẻ này. Một thực tế rõ ràng rằng ngay cả trong các môi trường giáo dục phát triển thì
mối lo ngại trao đổi miễn phí đào tạo vẫn là vấn đề được quan tâm. Các cơ sở đào tạo
muốn tổng hợp tài liệu vào một cơ sở dữ liệu cho phép truy cập nên tạo ra những cơ chế
phù hợp vừa khuyến khích việc chia sẻ tài liệu vì lợi ích cộng đồng nhưng cũng cần có
những động viên kịp thời và thích đáng đối với sự cống hiến, chia sẻ. Tài liệu cần chia
sẻ ngoài các tài liệu mang tính lý luận, nên khuyến khích các chuyên gia thường xuyên
cập nhật các tình huống thực tiễn.
Và cuối cùng, như trên đã trao đổi, đối với đào tạo đại học ngày nay nói chung và
đào tạo chuyên ngành luật nói riêng, việc tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập,
“học nghề” một cách trực tiếp là việc làm rất cần thiết, nâng cao hiệu quả của công tác
đào tạo. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, một trong các địa chỉ quan trọng cho sinh viên có
thể thực tập là các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, cụ thể là Cục Bản quyền
tác giả, Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Trồng trọt để học viên nắm vững các vấn đề về lý

69
luận, về chính sách và pháp luật, cụ thể hơn nữa là hoạt động quản lý nhà nước về sở
hữu trí tuệ, nguyên tắc xác lập quyền. Ngoài ra, liên quan đến thực thi quyền, xử lý xâm
phạm thì cần liên hệ cho sinh viên thực tập tại các cơ quan thực thi như quản lý thị
trường, công an, hải quan, thanh tra các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học
và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tòa án.
Từ thực tiễn hoạt động sở hữu trí tuệ thời gian qua có thể thấy một trong các hoạt
động quan trọng để đảm bảo tài sản trí tuệ được bảo hộ và khai thác một cách hiệu quả
là nhờ vào hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn về SHTT, đặc biệt là các
tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Để có thể hành nghề trong lĩnh vực tư vấn xác lập
quyền sở hữu công nghiệp các đại diện được đào tạo và qua các kỳ thi chính thức. Hiện
nay có khoảng gần 300 tổ chức đại diện, trong đó một số đại diện lớn và có nhiều hoạt
động tư vấn hiệu quả. Các tổ chức đại diện này cũng là những địa chỉ cần lưu ý trong
việc cử sinh viên đi thực tập, học nghề.
Với chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ - một chuyên ngành khá mới trong đào tạo
ngành luật ở Việt Nam, việc từng bước hoàn thiện chương trình là việc làm cần thiết và
trong quá trình hoàn thiện rất cần có sự phối hợp, hợp tác với các chuyên gia về SHTT
nói riêng và các cơ sở đào tạo luật, các cơ quan liên quan trong hệ thống SHTT để trang
bị một cách đầy đủ và toàn diện nhất kiến thức pháp luật về SHTT cho sinh viên./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. WIPO: Teaching IP in countries in transition, 2013

70
ĐỀ XUẤT CÁC HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ĐỂ THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT, CHUYÊN
NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

ThS. Nguyễn Phan Diệu Linh⁎

Tóm tắt: Trong bối cảnh vai trò của các tài sản trí tuệ được chú trọng, quan tâm
thì Luật Sở hữu trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống. Vì lẽ đó, trường
Đại học Luật Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở
hữu trí tuệ. Nhằm đóng góp cho việc xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, tác
giả bài viết tập trung nghiên cứu nhằm đề xuất các hoạt động nghiên cứu khoa học để
thực hiện chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ.
Từ khoá: Nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyên ngành
luật sở hữu trí tuệ.

1. Cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường
Đại học Luật Hà Nội
Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10
tháng 11 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Khoa Pháp lí của
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng Pháp lí Việt Nam. Lúc đó,
Trường có tên là Trường Đại học Pháp lí Hà Nội với nhiệm vụ: “Quyết tâm đưa
Trường Đại học Pháp lý Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm
nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý. Đến năm 1982, đáp ứng
yêu cầu tăng cường đào tạo cán bộ pháp luật, Bộ Tư pháp đã quyết định mở rộng quy
mô Trường và thống nhất một đầu mối đào tạo nguồn nhân lực pháp luật ở Việt Nam
bằng cách sáp nhập Trường Trung học chuyên nghiệp Pháp lí I và Trường Cán bộ Toà
án Hà Nội vào Trường Đại học Pháp lí Hà Nội. Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập
quốc tế, Trường đã được mang tên gọi mới là Trường Đại học Luật Hà Nội (theo Quyết
định số 369/QĐ-BTP ngày 06/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)... Ngày 21 tháng 9
năm 2019, Trường Đại học Luật Hà Nội được gần 70 cơ sở đào tạo Luật của Việt Nam
bầu là Trưởng ban điều hành mạng lưới cơ sở đào tạo luật của Việt Nam nhiệm kỳ
2019 – 2022. Năm 2020, Trường Đại học Luật Hà Nội đã ban hành Chiến lược phát
triển Trường đến năm 2030 trong đó định hướng phát triển Trường trở thành cơ sở
giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; trường trọng điểm về đào tạo pháp luật,
trung tâm nghiên cứu và truyền bá


Khoa PLDS - trường Đại học Luật Hà Nội
Email: nguyenphandieulinh@gmail.com

71
tư tưởng pháp lý hàng đầu của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên
thế giới42.
Với định hướng như trên, trường Đại học Luật Hà Nội không ngừng thực hiện các
hoạt động đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn khách quan. Nhìn nhận
được sự quan trọng của Luật Sở hữu trí tuệ ở trong nước cũng như trên thế giới, trường
Đại học Luật Hà Nội trong thời gian vừa qua đã nghiên cứu nhằm xây dựng chương
trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ. Việc mở các chuyên ngành
đào tạo mới được thực hiện theo đúng nhiệm vụ của trường được quy định tại khoản 4
Điều 2 Quyết định số: 868/QĐ – BTP ngày 07/5/2015 Quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trường Đại học Luật Hà Nội:
“4. Tổ chức các hoạt động đào tạo, bao gồm:
a) Xác định và mở các ngành, chuyên ngành đào tạo đại học, sau đại học phù hợp
với chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật;
b) Phát triển chương trình đào tạo theo hướng đa dạng hóa, chuẩn hóa và hiện
đại hóa; xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo dài hạn, ngắn hạn với quy mô,
hình thức và phương pháp đào tạo hợp lý nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào
tạo;…”
Nhằm thực hiện một cách có hiệu quả chương trình đào tạo này trên thực tiễn, nhà
trường cần thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học một cách chủ động và tích
cực. Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường
được ghi nhận tại Quyết định số: 868/QĐ – BTP ngày 07/5/2015 Quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trường Đại học Luật Hà Nội. Cụ thể, tại
khoản 8 Điều 2 của Quyết định này đã ghi nhận:
“8. Tổ chức các hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với chức năng, nhiệm
vụ được giao, bao gồm:
a) Xây dựng và thực hiện các chiến lược, định hướng, kế hoạch nghiên cứu khoa
học dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của Nhà trường;
b) Huy động các nguồn lực phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học theo quy
định pháp luật;
c) Tổ chức cho các tập thể, công chức, viên chức và sinh viên, học viên trong
Trường thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học;
d) Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào các hoạt động của Trường;
thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu theo đặt
hàng của các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật”.

42
https://hlu.edu.vn/News/Details/12

72
Như vậy có thể thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm
vụ quan trọng của nhà trường và hoạt động này càng cần thiết trong quá trình triển
khai thực hiện chương trình đào tạo mới mà cụ thể là chương trình đào tạo ngành luật,
chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ.
Nhằm tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhà trường đã ban hành
Quyết định số 2273 ngày 30 tháng 6 năm 2021 Quy định chế độ làm việc của giảng
viên cơ hữu trường Đại học Luật Hà Nội. Tại Điều 5 của Quyết định này quy định về
nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các chức danh nghề nghiệp giảng viên như:
(i) Chủ trì hoặc tham gia thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài nghiên
cứu khoa học;
(ii) Nghiên cứu khoa học để phục vụ xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng,
biên soạn giáo trình cho trường hoặc được trường phân công, đồng ý cử tham gia; biên
soạn sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra,
đánh giá môn học;
(iii) Công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo khoa
học có ISSN trong và ngoài nước, tạp chí điện tử, diễn đàn khoa học trên trang thông tin
điện tử của Trường;
….
Như vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên đó là thực hiện các
hoạt động nghiên cứu khoa học để phục vụ cho việc xây dựng chương trình đào tạo. Do
đó, việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học để thực hiện chương trình đào tạo
ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ là một hoạt động không thể thiếu, có cơ
sở pháp lý dựa trên các văn bản, quyết định của trường Đại học Luật Hà Nội.
2. Sự cần thiết của các hoạt động nghiên cứu khoa học đối với việc thực hiện
chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ
Ngay tại Điều 19 Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định:
“1. Hoạt động khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ của cơ sở giáo dục.
2. Cơ sở giáo dục tự triển khai hoặc phối hợp với tổ chức khoa học và công nghệ,
cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển
giao công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
3. Nhà nước tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục hoạt động khoa học và công nghệ,
kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất nhằm nâng cao chất lượng giáo
dục; xây dựng cơ sở giáo dục thành trung tâm văn hóa, khoa học và công nghệ của địa
phương hoặc của cả nước.

73
4. Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển hoạt động khoa học và công nghệ
trong cơ sở giáo dục. Các chủ trương, chính sách về giáo dục phải được xây dựng trên
cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng quốc
tế”.
Như vậy có thể thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm
vụ quan trọng hàng đầu và không thể thiếu, đặc biệt trong các trường đại học. Điều
này xuất phát từ tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và đối
với việc thực hiện chương trình đào tạo mới nói riêng.
Sự cần thiết của các hoạt động nghiên cứu khoa học đối với việc thực hiện chương
trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ được thể hiện như sau:
Một là, việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học để thực hiện chương
trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ sẽ nâng cao vị thế của
trường, tạo tiền đề thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao tham gia giảng dạy và học
tập.
Nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng tạo nên danh tiếng của trường. Bên
cạnh đó, nghiên cứu khoa học đáp ứng sự kỳ vọng của người học về năng lực của họ khi
hoàn thành chương trình đào tạo tại trường, đặc biệt là đối tượng sinh viên, học viên,
nghiên cứu sinh với kiến thức chuyên môn và nhiều kỹ năng mềm khác đều đã được
hình thành và phát triển rõ rệt trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Hai là, các hoạt động nghiên cứu khoa học giúp nâng cao năng lực và kinh nghiệm
để thực hiện chương trình đào tạo mới nói chung và chương trình đào tạo ngành luật,
chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng.
Việc nghiên cứu khoa học để thực hiện chương trình đào tạo mới sẽ giúp giảng
viên tự cập nhật thông tin, tri thức và tự đào tạo nâng cao trình độ. Các hoạt động
nghiên cứu khoa học giúp giảng viên tự động cập nhật thông tin, kiến thức một cách
hiệu quả, giúp cho giảng viên có thêm lượng kiến thức mới từ các nguồn khác nhau để
bổ sung kiến thức cho bản thân và chương trình đang giảng dạy, từng bước đổi mới
nội dung, phương pháp giảng dạy.
Ba là, nghiên cứu khoa học giúp nhà trường và giảng viên có điều kiện đào sâu
hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình chuẩn bị giảng dạy, kịp thời
điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức chưa chuẩn xác trong chương trình đào
tạo mới chuẩn bị được triển khai.
Bốn là, nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng để xây dựng hệ thống học
liệu, tài liệu tham khảo đối với môn học cho giảng viên, sinh viên. Việc học tập, nghiên
cứu luôn luôn cần các nguồn tài liệu, đặc biệt với các chương trình đào tạo mới thì các
học liệu cần được quan tâm, xây dựng để đáp ứng chương trình đào tạo. Do đó, các hoạt

74
động nghiên cứu khoa học rất cần thiết và không thể thiếu để tạo ra các học liệu cần
thiết đối với chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ.
3. Một số hoạt động nghiên cứu khoa học để thực hiện chương trình đào tạo
ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ
Để thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu
trí tuệ cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, các hoạt động nghiên
cứu khoa học này cần được triển khai một cách đa dạng, phong phú và đồng bộ. Các
hoạt động nghiên cứu khoa học để thực hiện chương trình đào tạo ngành luật, chuyên
ngành Luật Sở hữu cần được tập trung bao gồm:
3.1. Thực hiện hoạt động xuất bản học liệu - các giáo trình, tập bài giảng, sách
chuyên khảo, tham khảo và các ấn phẩm khoa học khác (chuyên đề, sách hướng dẫn
học, đề cương môn học…)
Để xây dựng và triển khai thực hiện bất cứ một chương trình đào tạo nào thì điều
được quan tâm hàng đầu đó là các học liệu đã có và cần phải có để phục vụ cho chương
trình đào tạo đó. Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức đào tạo theo các ngành khác
nhau như ngành luật, ngành luật kinh tế, ngành ngôn ngữ Anh, ngành luật thương mại
quốc tế. Với mỗi một ngành khác nhau thì học liệu cung cấp cho người dạy và người
học cũng được tương thích theo các chương trình đào tạo. Trường Đại học Luật Hà
Nội là một trong những cơ sở đào tạo luật quan tâm sâu sắc tới vấn đề học liệu. Điều
này được minh chứng qua sự đầy đủ và đồ sộ về hệ thống giáo trình, các sách tham
khảo, chuyên khảo và nhiều ấn phẩm khác.
Do đó, trước hết để thực hiện chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật
Sở hữu trí tuệ thì một trong những hoạt động nghiên cứu khoa học quan trọng, được
quan tâm hàng đầu đó là thực hiện hoạt động xuất bản học liệu theo sát với chương trình
đào tạo của chuyên ngành này. Để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học này thì cần
phải triển khai các công việc cụ thể sau đây:
- Tiến hành rà soát các học liệu đã có dựa trên chương trình đào tạo ngành luật,
chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ đã được xây dựng. Công việc rà soát học liệu này sẽ
giúp tập thể giảng viên xác định được những học liệu nào đã có, học liệu nào chưa có,
học liệu nào vẫn còn phù hợp với chương trình được xây dựng…;
- Sau bước tiến hành rà soát các học liệu, công việc tiếp theo cần phải xác định cụ
thể: (i) Các học liệu đã có nhưng cần phải được tiến hành sửa đổi để phù hợp với
chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ; (ii) Các học liệu
chưa có cần được nghiên cứu, triển khai viết và xuất bản để đáp ứng chương trình đào
tạo.
Học liệu là vấn đề cốt lõi, cần phải có với bất cứ một chương trình đào tạo nào. Do
đó, khi thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học để xây dựng cũng như xuất bản các

75
học liệu cần có lộ trình thời gian hợp lý, tránh việc kéo dài dẫn đến thực trạng sinh viên
không đủ học liệu cần thiết để nghiên cứu đối với môn học. Vấn đề học liệu càng có vai
trò quan trọng hơn nữa trong bối cảnh thúc đẩy và nâng cao ý thức tự học của sinh viên
nói chung và sinh viên luật nói riêng.
3.2. Công bố các công trình khoa học trên các tạp chí pháp lý chuyên ngành
trong và ngoài nước
Đại học Luật Hà Nội luôn được đánh giá là đơn vị đào tạo tích cực và có nhiều
thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và hoạt động công bố các
công trình khoa học trên các tạp chí pháp lý chuyên ngành trong và ngoài nước nói
riêng.
Để thực hiện chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ
thì hoạt động công bố các công trình khoa học trong lĩnh vực này trên các tạp chí là hoạt
động cần thiết và khả năng thực hiện với hiệu suất cao.
Thông qua việc công bố các công trình khoa học trên các tạp chí pháp lý trong lĩnh
vực sở hữu trí tuệ cho thấy tầm quan trọng của chuyên ngành này đồng thời cũng xây
dựng và cung cấp thêm hệ thống các tài liệu tham khảo đối với sinh viên luật nói chung
và đặc biệt là sinh viên thuộc ngành luật, chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, hiện nay, xu hướng đăng tải các bài viết trên các tạp chí nước ngoài
đã được chú trọng và được Nhà trường khích lệ hơn. Do đó, để thực hiện hiệu quả
chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ thì cần thúc đẩy
mạnh hơn nữa hoạt động công bố các công trình khoa học trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
trên các tạp chí quốc tế.
3.3. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp
Thực hiện bất cứ một dự án hay chương trình đào tạo mới nào thì việc nghiên cứu
về chương trình đó cũng là bước không thể thiếu. Do đó, để thực hiện chương trình đào
tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ cũng cần thực hiện các đề tài nghiên
cứu khoa học các cấp. Các đề tài này được thực hiện theo một trong hai định hướng sau
đây:
(i) Các đề tài tập trung vào chính việc nghiên cứu về chương trình đào tạo ngành
luật, chuyên ngành luật Sở hữu trí tuệ. Các đề tài này sẽ cung cấp toàn diện cho người
giảng dạy, người học và các chủ thể liên quan khác các vấn đề cụ thể về chương trình
đào tạo ngành luật, chuyên ngành luật Sở hữu trí tuệ như: số lượng tín chỉ của chương
trình đào tạo; các môn học bắt buộc, tự chọn trong chương trình; các học liệu cần phải
có tương ứng với từng môn học trong chương trình đào tạo…
(ii) Các đề tài tập trung vào các khía cạnh pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Mặc dù đây không phải là các đề tài nghiên cứu về chương trình đào tạo nhưng thông

76
qua việc nghiên cứu về chính luật sở hữu trí tuệ sẽ cung cấp cho người học các học liệu
quan trọng trong quá trình được đào tạo theo chuyên ngành này.
Việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp thể hiện bằng những hoạt
động cụ thể bao gồm:
- Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp trường;
- Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học mà trường hợp tác chủ trì cùng với các
cơ quan, đơn vị khác.
3.4. Hoạt động mời chuyên gia nói chuyện chuyên đề, tổ chức các Hội thảo
khoa học, Tọa đàm khoa học
Đây cũng là hoạt động khoa học gắn liền với công tác thực tiễn, qua đó để học hỏi
kinh nghiệm cũng như nắm bắt được cách thức triển khai chương trình đào tạo ngành
luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong những năm gần đây, các vấn đề pháp lý về sở hữu trí tuệ ngày càng được
quan tâm cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này trong đời sống xã hội. Do đó, hiện
nay cũng rất nhiều cơ sở đào tạo luật trong nước và quốc tế cũng đã chú trọng đến việc
xây dựng và đào tạo sinh viên chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, một trong
những phương thức hiệu quả và thiết thực nhằm triển khai chương trình đào tạo
ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ đó là tiến hành các hoạt động mời
chuyên gia nói chuyện chuyên đề, tổ chức các Hội thảo khoa học, Tọa đàm khoa học
với các chủ đề xoay quanh chương trình đào tạo này. Mục đích chính của hoạt động
khoa học này nhằm:
Một là, học hỏi kinh nghiệm về cách thức xây dựng và triển khai thực hiện chương
trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ từ các cơ sở đào tạo luật và
các chuyên gia đã thực hiện chương trình đào tạo này. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết
thực bởi việc học hỏi kinh nghiệm từ chính những chủ thể đã tiến hành trực tiếp các
chương trình đào tạo này;
Hai là, thông qua việc chia sẻ của các chuyên gia đã có kinh nghiệm thực tiễn
trong việc triển khai chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ
cần xác định được các bất cập mà cơ sở đào tạo của họ đang gặp phải. Đây là kinh
nghiệm quý báu để trường Đại học Luật Hà Nội tiến hành xây dựng chương trình đào
tạo một cách hiệu quả và phù hợp nhất;
Ba là, trao đổi, thảo luận và xin ý kiến các chuyên gia về bản thảo chương trình
đào tạo đã được xây dựng sơ bộ. Qua đó có các tư liệu quan trọng để hoàn thiện chương
trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ cho cơ sở đào tạo của mình.

77
3.5. Tham gia các dự án, đề tài, chương trình do nước ngoài tài trợ
Những năm gần đây, hoạt động này được trường Đại học Luật Hà Nội trú trọng
thông qua hợp tác quốc tế.
Sở hữu trí tuệ là vấn đề toàn cầu không riêng tại Việt Nam. Hơn nữa, rất nhiều các
tài sản trí tuệ tại nước ngoài đã, đang và cần được bảo hộ trong tương lai tại Việt Nam.
Do đó, lĩnh vực sở hữu trí tuệ là lĩnh vực tương đối thuận lợi để tiến hành các hoạt động
liên kết với các tổ chức, đơn vị nước ngoài. Do đó, chúng tôi đề xuất cần đẩy mạnh các
hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc tham gia các dự án, đề tài, chương trình
do nước ngoài tài trợ liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
3.6. Phát huy sức mạnh của các nhóm nghiên cứu của trường Đại học Luật Hà
Nội
Nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường, trường Đại học
Luật Hà Nội đã có quyết định về việc thành lập các nhóm nghiên cứu. Khoa Pháp luật
Dân sự, trường Đại học Luật Hà Nội cũng tổ chức một nhóm nghiên cứu do PGS.TS
Trần Anh Tuấn là trưởng nhóm. Do đó, để tận dụng trí tuệ tập thể, chúng tôi đề xuất
nhóm nghiên cứu của Khoa tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học để qua đó
triển khai thực hiện chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ
trên thực tế. Một số hoạt động nghiên cứu khoa học mà nhóm nghiên cứu của Khoa có
thể tiến hành như: đề xuất xây dựng chương trinh đào tạo ngành luật, chuyên ngành
Luật Sở hữu trí tuệ; đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp phục vụ trực tiếp
cho việc triển khai và thực hiện chương trình đào tạo ngành luật, chuyên ngành Luật
Sở hữu trí tuệ./.

78
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Giáo dục năm 2019;
2. Thông tư số 20/2020/TT- BGDĐT Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ
sở giáo dục đại học;
3. Quyết định số: 868/QĐ – BTP ngày 07/5/2015 Quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trường Đại học Luật Hà Nội;
4. Quyết định số 2273 ngày 30 tháng 6 năm 2021 Quy định chế độ làm việc của
giảng viên cơ hữu trường Đại học Luật Hà Nội.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ
trong các cơ sở giáo dục đại học, nguồn:https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/khoa-
hoc-va-cong- nghe/Pages/Default.aspx?ItemID=4946.

79
KINH NGHIỆM ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ
TẠI HOA KỲ

TS. Nguyễn Bích Thảo⁎

Tóm tắt: Với hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) phát triển bậc nhất thế
giới, Hoa Kỳ cũng là quốc gia đi đầu trong đào tạo chuyên gia về luật SHTT. Tuy nhiên
với đặc thù của đào tạo luật ở Hoa Kỳ, chuyên ngành luật SHTT chỉ được đào tạo ở bậc
sau đại học (thạc sĩ); Hoa Kỳ không có chuyên ngành đào tạo về luật SHTT ở bậc đại
học. Chuyên đề này nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành luật SHTT ở Hoa
Kỳ, tập trung vào việc thiết kế chương trình đào tạo.
Từ khóa: đào tạo chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ, chương trình đào tạo, Hoa Kỳ

1. Sự ra đời các chương trình đào tạo chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ tại
Hoa Kỳ xuất phát từ nhu cầu xã hội
Với sự gia tăng các loại tài sản trí tuệ cũng như tầm quan trọng của chúng trong
nền kinh tế toàn cầu vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nhu cầu về nguồn nhân lực
chất lượng cao trong lĩnh vực luật SHTT được đặt ra cấp thiết không chỉ ở Hoa Kỳ -
quốc gia đi đầu về tạo lập tài sản trí tuệ và bảo hộ quyền SHTT – mà còn ở các nước
khác trên thế giới. Do đó, năm 2000 đánh dấu một sự “bùng nổ” của các chương trình
đào tạo chuyên ngành Luật SHTT trong các trường luật ở Hoa Kỳ, với vai trò không chỉ
cung cấp chuyên gia pháp luật SHTT phục vụ nhu cầu trong nước mà còn đào tạo
chuyên gia luật SHTT cho các quốc gia khác, bởi có rất nhiều sinh viên quốc tế đến Hoa
Kỳ để theo học các chương trình này, đặc biệt là sinh viên đến từ các quốc gia Đông
Á vốn dành sự quan tâm đặc biệt về SHTT trong chiến lược phát triển kinh tế của
mình như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu đối với các chuyên gia luật
SHTT được đào tạo chuyên sâu, bài bản đã thúc đẩy sự ra đời của các chương trình
đào tạo chuyên ngành luật SHTT ở Hoa Kỳ. Nhu cầu này xuất phát từ cả khu vực công
(các cơ quan nhà nước) và khu vực tư (các doanh nghiệp, công ty luật, thậm chí là các
tổ chức phi lợi nhuận cũng có nhu cầu tuyển dụng chuyên gia luật SHTT). Ở khu
vực công, chuyên gia luật SHTT làm việc ở các vị trí khác nhau trong các cơ quan
quản lý về SHTT như Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (U.S.P.T.O), chuyên
viên trong các cơ quan bộ, ngành có liên quan đến SHTT như bộ thương mại, cơ quan
cạnh tranh…., hoặc là thẩm phán trong các tòa án chuyên trách về SHTT. Ở khu vực
tư, chuyên gia luật SHTT có thể làm việc ở vị trí đại diện sáng chế (patent agent) hoặc
là luật sư nội bộ


Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Email: thaonb@vnu.edu.vn
ĐT: 0934438994

80
trong các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực ngành nghề dựa chủ yếu vào SHTT như
âm nhạc, điện ảnh, dược, công nghệ sinh học, sản xuất hàng điện tử, phần cứng và
phần mềm máy tính… hàm lượng SHTT không cao cũng đặc biệt chú trọng đến tài sản
trí tuệ và có nhu cầu tuyển dụng chuyên gia luật SHTT để quản trị tài sản trí tuệ của
họ, đặc biệt là nhãn hiệu, bí mật kinh doanh. Các công ty luật cũng có nhu cầu lớn
trong việc tuyển dụng chuyên gia luật SHTT bởi các vấn đề pháp lý về SHTT xuất
hiện trong rất nhiều lĩnh vực hành nghề luật, từ các giao dịch mua bán, chuyển
nhượng, chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ, nhượng quyền thương mại
(franchising), giao dịch tài trợ vốn, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, đến các vụ kiện
tụng, thuế, phá sản, các tranh chấp về lao động… Hơn thế nữa, các doanh nghiệp Hoa
Kỳ sản xuất và phân phối sản phẩm ở nhiều nước đang phát triển, bởi vậy nhu cầu
tuyển dụng luật sư nước ngoài được đào tạo bài bản pháp luật SHTT ở Hoa Kỳ nhưng
đồng thời am hiểu pháp luật nước họ cũng rất lớn, bởi sự góp mặt của những luật sư
này đặc biệt có giá trị đối với cả hai bên trong giao dịch. Chẳng hạn, khi một doanh
nghiệp Mỹ sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc hoặc nhượng quyền thương mại cho một
doanh nghiệp Trung Quốc, cả doanh nghiệp Hoa Kỳ và Trung Quốc đều nhận thấy
lợi thế rất lớn của việc sử dụng luật sư Trung Quốc đã được đào tạo chuyên sâu về
luật SHTT ở Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, sự phát triển của khung pháp lý quốc tế về bảo hộ quyền SHTT, đặc
biệt là sự ra đời của Hiệp định TRIPS về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT đã
đặt ra nhu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, hoạch định
chính sách về SHTT. Các trường luật tăng cường tuyển dụng giảng viên có kiến thức và
kinh nghiệm chuyên sâu về SHTT để phát triển chương trình đào tạo về SHTT và tham
gia giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn chính sách về SHTT, tạo nên bầu không khí học thuật
về SHTT ngày càng sôi động hơn.
Với đặc thù của hệ thống đào tạo luật ở Hoa Kỳ là không đào tạo luật ở bậc cử
nhân, các chương trình đào tạo chuyên ngành luật SHTT ở Hoa Kỳ được thiết kế dưới
hình thức chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành luật SHTT (gọi tắt là LL.M.).43
2. Đối tượng tuyển sinh của các chương trình đào tạo chuyên ngành luật sở
hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ
Sinh viên quốc tế chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng số sinh viên theo học các
chương trình đào tạo chuyên ngành luật SHTT trong các trường luật ở Hoa Kỳ. Ở hầu
hết các quốc gia khác, ngành luật được đào tạo ở bậc cử nhân, do đó, rất nhiều sinh viên
quốc tế sau khi tốt nghiệp cử nhân luật ở trong nước đã tìm kiếm cơ hội du học ở bậc

43
Để hành nghề luật sư ở Mỹ, ứng viên phải tốt nghiệp chương trình Juris Doctor (J.D.) và thi đỗ kỳ thi lấy chứng
chỉ hành nghề luật sư của bang. Juris Doctor không phải là chương trình cử nhân luật (undergraduate) nhưng đây
cũng không phải là chương trình đào tạo văn bằng hai, thạc sĩ, hay tiến sĩ. Đó là một chương trình ở bậc sau đại
học. (graduate) kết hợp với đào tạo nghề (professional training), vì trong chương trình này, sinh viên được đào tạo
một cách toàn diện cả ba yếu tố: kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề luật và đạo đức nghề nghiệp.

81
thạc sĩ. Bởi Hoa Kỳ là nước dẫn đầu thế giới về tạo lập tài sản trí tuệ và có hệ thống
pháp luật SHTT phát triển bậc nhất thế giới, nên các trường luật Hoa Kỳ là điểm đến
hấp dẫn cho sinh viên quốc tế có nhu cầu đào tạo chuyên ngành luật SHTT ở bậc sau
đại học.
Cũng có một tỷ lệ nhất định học viên thuộc các chương trình đào tạo thạc sĩ Luật
SHTT ở Hoa Kỳ là luật sư có mong muốn quay trở lại trường luật để học tập nâng cao
trình độ chuyên môn sau một số năm hành nghề luật sư khi họ quyết định chuyển đổi
định hướng hành nghề. Chẳng hạn, một luật sư tranh tụng trong lĩnh vực luật thương
mại nói chung muốn hành nghề chuyên sâu về tranh tụng trong lĩnh vực luật SHTT, hay
một đại diện sáng chế (patent agent) chuyên giúp khách hàng thực hiện đăng ký bảo hộ
sáng chế muốn chuyển đổi sang là luật sư tư vấn hay luật sư tranh tụng về SHTT… Khi
họ theo học chương trình đào tạo chuyên ngành Luật SHTT ở Hoa Kỳ, mục đích của họ
không chỉ là nâng cao kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực chuyên sâu này mà còn nhằm tạo
một bước đệm cho việc chuyển đổi định hướng nghề nghiệp, bước vào một mạng lưới
hay cộng đồng nghề nghiệp mới của những người hành nghề trong lĩnh vực luật SHTT.
Một nhóm đối tượng học viên khác theo học chương trình đào tạo chuyên ngành
luật SHTT để nhằm cải thiện lý lịch khoa học của mình và tăng cơ hội việc làm, bởi một
thực tế phổ biến ở Hoa Kỳ hay bất kỳ nước nào là sinh viên tốt nghiệp các trường đại
học tốp đầu có triển vọng tìm việc làm tốt cao hơn so với sinh viên tốt nghiệp các
trường tốp dưới. Trong ngành luật cũng không có ngoại lệ. Ý thức được đều này, các
học viên muốn hành nghề luật SHTT thường cho rằng việc theo học một chương trình
thạc sĩ luật SHTT là rất hữu ích để làm đẹp hơn lý lịch của họ, bởi lý lịch sẽ gửi một
tín hiệu hay thông điệp cho các nhà tuyển dụng tiềm năng là người này có mối quan tâm
nghiêm túc đến lĩnh vực luật SHTT và sẽ phát triển kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về
lĩnh vực luật SHTT – điều mà các nhà tuyển dụng đang rất cần. Chương trình đào tạo
chuyên ngành luật SHTT cũng đem lại cho học viên cơ hội chuyển đổi từ hành nghề
thực tiễn sang giới học thuật, nghiên cứu. Mặt khác, một trong những lợi ích đáng kể
đối với học viên các chương trình đào tạo chuyên ngành Luật SHTT là có thể tiếp cận
và thể hiện năng lực của bản thân với các giảng viên thỉnh giảng, thông thường là các
luật sư SHTT giàu kinh nghiệm –đồng thời cũng chính là nhà tuyển dụng tiềm năng của
học viên.
Cũng có một nhóm đối tượng học viên khác theo học chương trình đào tạo thạc sĩ
chuyên ngành luật SHTT không thực sự có mối quan tâm sâu sắc và đặc biệt đến lĩnh
vực này, mà chỉ là “học cho biết”, chưa xác định định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Nếu như trong quá khứ, tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành luật SHTT ở Hoa
Kỳ không thực sự được xã hội coi trọng, vì quan niệm cho rằng người nào không có khả
năng tìm việc làm tốt mới quay lại học lấy bằng LL.M. để cải thiện lý lịch. Tuy nhiên,
hiện nay
82
quan niệm này đã thay đổi.44 Không chỉ đối với sinh viên Hoa Kỳ, sinh viên quốc tế với
một tấm bằng thạc sĩ ở Hoa Kỳ có nhiều khả năng học tiếp lên bậc tiến sĩ luật (S.J.D) để
quay trở về nước họ làm giảng viên, nghiên cứu viên trong các cơ sở đào tạo và nghiên
cứu.
3. Thiết kế chương trình đào tạo chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ
Chương trình đào tạo thạc sĩ luật SHTT ở các trường luật Hoa Kỳ có thời lượng từ
1 năm đến 1,5 năm, với khoảng 24 tín chỉ, nhìn chung được cấu trúc thành các khối kiến
thức sau đây:
Thứ nhất: Khối kiến thức chung, nền tảng về pháp luật SHTT (IP survey
courses): Các học phần trong khối kiến thức này chỉ đề cập tổng quát về pháp luật
SHTT. Tên của học phần thường là “Luật sở hữu trí tuệ”, cung cấp cho sinh viên
kiến thức chung, nền tảng về từng loại đối tượng chính của quyền SHTT như sáng chế,
nhãn hiệu, quyền tác giả, bí mật kinh doanh. Mặc dù học phần này lúc đầu được thiết kế
hướng vào học viên cao học chương trình LL.M, nhưng thực tế là sinh viên luật trong
chương trình Juris Doctor (tiến sĩ luật thực hành) của Mỹ cũng lựa chọn môn này khá
nhiều. Vì vậy, hiện nay ở các trường luật Mỹ, môn chung Pháp luật về SHTT dành
cho cả sinh viên chương trình LL.M. và J.D.
Thứ hai: Khối kiến thức nâng cao về pháp luật SHTT: có thể chia thành 3 nhóm
học phần sau đây:
* Các học phần chuyên sâu về SHTT (IP in Depth). Sau khi sinh viên đã tích lũy
kiến thức nền tảng về luật SHTT, sinh viên học các học phần nâng cao chuyên sâu về
từng lĩnh vực của luật SHTT như Luật sáng chế, Luật bản quyền, Luật nhãn hiệu, Luật
bản quyền kỹ thuật số (Digital Copyright Law). Ngoài ra còn có môn Luật SHTT quốc
tế (International Intellectual Property), nhằm giúp sinh viên đào sâu hiểu biết về luật
SHTT từ góc nhìn luật quốc tế và luật so sánh. Bên cạnh đó, trong khối kiến thức này
nâng cao về pháp luật SHTT, một số trường luật ở Mỹ cung cấp thêm học phần về
SHTT và đổi mới sáng tạo
* Các học phần mở rộng về về mối quan hệ giữa luật SHTT và các lĩnh vực khác
(IP in Relationship). Một khía cạnh rất quan trọng trong nghiên cứu về luật SHTT là
mối quan hệ giữa SHTT với các lĩnh vực pháp luật khác và với cả những lĩnh vực liên
ngành khác (non-law disciplines). Ví dụ, mối quan hệ giữa luật SHTT và luật cạnh
tranh/luật chống độc quyền, SHTT và thuế. Với các lĩnh vực liên ngành, chương trình
đào tạo có thể có môn SHTT và phát triển kinh tế.

44
Gomulkiewicz, Robert W. "Intellectual Property, Innovation, and the Future: Toward a Better Model for
Educating Leaders in Intellectual Property Law." SMU Law Review 64 (2011): 1161

83
* Các học phần về SHTT trong từng ngành, lĩnh vực kinh doanh (IP in Context):
SHTT có vai trò quan trọng trong một số ngành, lĩnh vực như phần mềm, công nghệ
sinh học, nghệ thuật, giải trí, thể thao. Do đó, các trường luật ở Mỹ thường cung cấp
các học phần chuyên sâu về pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực, trong đó có nội dung
về SHTT như Luật về thực phẩm và dược phẩm (Food and Drug Law), Luật giải
trí (Entertainment Law), Luật thể thao (Sports Law), Nhượng quyền thương mại và
phân phối (Franchising and Distribution Law)…
Thứ ba: Khối kiến thức thực hành (kỹ năng) về SHTT
Sinh viên hành nghề luật SHTT thường sẽ đảm nhận công việc của luật sư tư vấn,
luật sư tranh tụng về SHTT, đại diện sở hữu công nghiệp, nghiên cứu xây dựng pháp
luật, chính sách hoặc tư vấn chính sách. Do đó, chương trình đào tạo thạc sĩ luật SHTT
còn cung cấp các học phần về kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực SHTT như Soạn thảo
hợp đồng li xăng quyền SHTT (IP Licensing), Xác lập quyền đối với sáng chế (Patent
Prosecution), Tranh tụng trong các vụ kiện sáng chế (Patent Litigation), hoặc Soạn thảo
hợp đồng về chuyển giao công nghệ (Drafting Technology Contracts), SHTT trong các
giao dịch kinh doanh (IP in Business Transactions)…. Ngoài ra, các trường luật ở Mỹ
thường có các văn phòng thực hành nghề luật (Law clinic) về từng lĩnh vực chuyên môn
trong đó sinh viên tham gia tư vấn, tranh tụng, thực hành trên các vụ việc và khách hàng
cụ thể. Do đó, ở một số trường đã thành lập văn phòng thực hành nghề luật trong lĩnh
vực luật SHTT như Văn phòng thực hành tư vấn luật do doanh nghiệp khởi nghiệp
(Entrepreneurial Law Clinic), Văn phòng thực hành pháp luật về công nghệ (Technology
Law Clinic)…Bên cạnh đó, còn có các học phần thực tập, thực tế (intership/externship)
chuyên sâu về SHTT
Thứ tư: Luận văn (Thesis) hoặc Bài luận nghiên cứu (Major Research Paper).
Đây là công trình khoa thể hiện sinh viên có sự tích lũy tổng hợp kiến thức, kỹ năng về
pháp luật SHTT cũng như kỹ năng nghiên cứu và viết mang tính học thuật.
Như vậy các trường luật ở Mỹ cung cấp một khung chương trình đào tạo thạc sĩ
luật SHTT gồm nhiều học phần tự chọn rất phong phú, mà sinh viên có thể lựa chọn và
đăng ký học theo một trật tự logic trong thời lượng một năm học.
Các học phần được giảng dạy trong chương trình thạc sĩ luật SHTT thường không
chỉ dành riêng cho sinh viên trong chương trình này, mà mở rộng cho cả sinh viên theo
học chương trình Juris Doctor. Sự pha trộn về thành phần sinh viên trong lớp học mang
lại nhiều lợi ích cho cả hai nhóm đối tượng. Chương trình thạc sĩ luật SHTT thường thu
hút sinh viên quốc tế đến từ các nền tảng đào tạo luật và văn hóa pháp lý đa dạng, một
số sinh viên quốc tế đã có kinh nghiệm làm việc dày dạn ở nước họ, một số còn rất trẻ
hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Sinh viên luật Mỹ trong chương trình J.D.

84
cũng rất phong phú về ngành nghề, nền tảng chuyên môn. Sự đa dạng, phong phú này
giúp sinh viên học hỏi được lẫn nhau từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng cũng đặt
ra những thách thức không nhỏ do sự không đồng đều về kiến thức, kỹ năng chuyên
môn và trình độ tiếng Anh. Do đó một số trường luật phải tổ chức một số lớp học phần
riêng cho sinh viên quốc tế theo học chương trình LL.M. như Giới thiệu hệ thống pháp
luật Hoa Kỳ, Kỹ năng tra cứu, tìm kiếm, nghiên cứu pháp luật (Legal research and
writing).
Như vậy, sự phát triển của khung chương trình đào tạo chuyên ngành luật SHTT
trong các trường luật ở Mỹ có thể khái quát thành 3 giai đoạn:45
Giai đoạn 1 (trước năm 2000): các trường luật bắt đầu đưa vào giảng dạy một số
học phần cơ bản về luật SHTT. Năm 1999,GS. Roberta Kwall (Trường Luật, Đại học
DePaul) tiến hành một khảo sát và thống kê rằng có 56 trường luật giảng dạy môn Luật
sáng chế, 54 trường luật giảng dạy môn Luật bản quyền.46
Giai đoạn 2 (sau năm 2000): nhiều trường luật đã bổ sung, phát triển các học phần
về SHTT, không chỉ bao gồm các học phần cơ bản mà cả các học phần nâng cao và
chuyên sâu về SHTT. Năm 2005, có 139 trường luật giảng dạy Luật sáng chế và 123
trường luật giảng dạy Luật bản quyền, hầu hết trong tổng số khoảng 200 trường luật ở
Mỹ giảng dạy ít nhất một học phần về SHTT, 52 trường có dạy 1-4 học phần, 89 trường
giảng dạy 5-10 học phần và khoảng 20 trường giảng dạy nhiều hơn 10 học phần về
SHTT.47
Giai đoạn 3: chuyển từ gia tăng số lượng sang nâng cao chất lượng đào tạo chuyên
ngành luật SHTT, chú trọng hơn vào sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, cũng như
bảo đảm sự logic trong cấu trúc các học phần từ cơ bản, nền tảng đến chuyên sâu.
Kinh nghiệm thiết kế chương trình đào tạo chuyên ngành luật SHTT có thể khái
quát ở một số điểm sau đây: có các học phần luật SHTT nền tảng; các học phần nâng
cao về luật SHTT đa dạng, phong phú sau khi sinh viên đã được tích lũy học phần luật
SHTT cơ bản; thiết kế trình tự các học phần một cách hợp lý; kết hợp nhuần nhuyễn
giữa lý thuyết và thực tiễn trong các học phần và giữa các học phần trong chương trình
đào tạo; tạo điều kiện tối đa cho sinh viên tiếp cận thực tiễn pháp luật SHTT.48

45
Gomulkiewicz, Robert W. "Intellectual Property, Innovation, and the Future: Toward a Better Model for
Educating Leaders in Intellectual Property Law." SMU Law Review 64 (2011): 1161.
46
Roberta Rosenthal Kwall, The Intellectual Property Curriculum: Findings of Professor and Practitioner
Surveys, 49 J. LEGAL EDUC 203 (1999), p. 206, 210.
47
Port, Kenneth L. "Intellectual Property Curricula in the United States." IDEA 46 (2005): 165.
48
Gomulkiewicz, Robert W. "Intellectual Property, Innovation, and the Future: Toward a Better Model for
Educating Leaders in Intellectual Property Law." SMUL Rev. 64 (2011): 1161.

85
4. Một số kinh nghiệm khác nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo
4.1. Đội ngũ giảng viên
Đội ngũ giảng viên chương trình đào tạo thạc sĩ luật SHTT ở các trường luật ở
Hoa Kỳ không chỉ bao gồm các giảng viên cơ hữu (full-time faculty) mà còn bao gồm
rất nhiều giảng viên thỉnh giảng (adjunct professors) là các luật sư giàu kinh nghiệm
trong lĩnh vực hành nghề luật SHTT, đặc biệt là trong các học phần kỹ năng. Giảng
viên cơ hữu cũng thường là những người đã có kinh nghiệm hành nghề thực tế trong
các công ty luật hoặc cơ quan nhà nước trước khi chuyển sang làm công tác giảng
dạy, nghiên cứu.
4.2. Trung tâm luật SHTT
Một số trường luật thành lập Trung tâm luật SHTT với những hoạt động học thuật
sôi động như tổ chức hội thảo hàng năm 1-2 lần về SHTT, thường xuyên mời diễn giả
là thẩm phán, luật sư, pháp chế doanh nghiệp, cán bộ cao cấp trong cơ quan SHTT đến
thuyết trình, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm với sinh viên, tạo cơ hội kết nối sinh viên
với nhà tuyển dụng, tăng khả năng tìm được cơ hội thực tập và tìm kiếm việc làm cho
sinh viên.
5. Kết luận
Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành luật SHTT tại Hoa Kỳ, có
thể đưa ra một số khuyến nghị sau đây cho Việt Nam:
Thứ nhất: chương trình đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu
cầu nguồn nhân lực chuyên sâu về pháp luật SHTT của xã hội, do đó cần phải khảo sát
nhu cầu một cách đầy đủ, thận trọng trước khi xây dựng chương trình.
Thứ hai: thiết kế chương trình theo cấu trúc 4 khối kiến thức: cơ bản, nâng cao,
thực hành, luận văn/khóa luận để giúp sinh viên tích lũy toàn diện các kiến thức, kỹ
năng, phẩm chất nghề nghiệp cần thiết của một chuyên gia pháp lý về SHTT, đảm bảo
trật tự logic giữa kiến thức cơ bản, nền tảng và kiến thức nâng cao, đảm bảo sự linh
hoạt, phong phú của các môn tự chọn, chú trọng các hình thức thực hành kỹ năng phong
phú cho sinh viên như thực tập, thực tế, các môn về kỹ năng, văn phòng thực hành
luật…
Thứ ba: duy trì mối liên hệ gắn bó chặt chẽ giữa trường luật với các nhà tuyển
dụng nhân lực chuyên gia pháp lý về SHTT thông qua việc mời giảng viên thỉnh giảng,
nói chuyện chuyên đề, hội thảo, kết nối sinh viên và nhà tuyển dụng để sinh viên có thể
có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo kể cả trước khi ra trường./.

86
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Yu, Peter K. "Teaching International Intellectual Property Law.". Louis ULJ 52
(2007): 923.
2. Port, Kenneth L. "Intellectual Property Curricula in the United
States." IDEA 46 (2005): 165.
3. Conley, James G. "Innovation and intellectual property in the curriculum:
Epistemology, pedagogy, and politics." Technology and Innovation 19, no. 2 (2017):
453-459.
4. Kwall, Roberta Rosenthal. "The Intellectual Property Curriculum: Findings of
Professor and Practitioner Surveys." J. Legal Educ. 49 (1999): 203.
5. Gomulkiewicz, Robert W. "Intellectual Property, Innovation, and the Future:
Toward a Better Model for Educating Leaders in Intellectual Property Law." SMUL
Rev. 64 (2011): 1161

87
NHỮNG KIẾN THỨC, KỸ NĂNG CẦN THIẾT CỦA SINH VIÊN
CHUYÊN NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ - GÓC NHÌN THỰC TIỄN

Lê Xuân Lộc*
Nguyễn Thị Mai Linh**
Hoàng Thái Sơn***

Tóm tắt: Có thể thấy quyền sở hữu trí tuệ (“SHTT”) đang ngày càng khẳng định
được vai trò không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể
quyền. Do đó, ngày càng có nhiều chủ thể quyền tìm đến các công ty luật, văn phòng
luật sư hoạt động trong lĩnh vực SHTT để yêu cầu tư vấn, hỗ trợ trong quá trình xác
lập, khai thác và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam và/hoặc nước ngoài. Thực tế này
đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được một đội ngũ luật sư hành nghề chuyên nghiệp
trong lĩnh vực SHTT để đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của các chủ thể
quyền. Tuy nhiên, thực tiễn đào tạo tại Việt Nam cho thấy phần lớn sinh viên sau khi
tốt nghiệp đại học không có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để hành nghề về SHTT. Do
đó, trong bài tham luận này, nhóm tác giả xin đưa ra và phân tích một số kiến thức, kỹ
năng chính và cần thiết của một luật sư hành nghề về SHTT - từ góc nhìn cá nhân của
nhóm tác giả - để các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, bao gồm Trường ĐH Luật Hà
Nội, tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo để một phần nào đó
trang bị cho sinh viên chuyên nghành luật SHTT những kiến thức, kỹ năng trên.
Từ khóa: Đào tạo SHTT; kiến thức để hành nghề SHTT; kỹ năng để hành nghề
SHTT

Dẫn nhập
Chúng tôi, các tác giả của tham luận này là những luật sư đang hành nghề chuyên
nghiệp trong lĩnh vực SHTT đã nhiều năm trong các công ty, tổ chức đại diện sở hữu
công nghiệp (“SHCN”), tổ chức đại diện quyền tác giả và quyền quan (“QTGQLQ”) tại
Việt Nam. Chúng tôi đã trải qua các công việc thực tiễn bao gồm cung cấp tất cả các
dịch vụ cho khách hàng trong lĩnh vực SHTT từ quá trình xác lập quyền, khai thác,
thương mại hóa cũng như thực thi, bảo vệ các quyền SHTT cũng như tích cực tham gia
vào quá trình góp ý, xây dựng các văn bản pháp lý làm nền tảng cho các hoạt động
SHTT tại Việt Nam tiêu biểu như góp ý sửa đổi Luật SHTT 2022, trước đó là các Nghị
định, Thông tư, quy chế thẩm định đơn đăng ký các đối tượng SHCN nhằm hướng dẫn
các quy định cụ thể của Luật SHTT. Đồng thời, chúng tôi cũng là thành viên của các tổ
chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực SHTT như Hội SHTT Việt Nam (VIPA), tổ
chức nhãn hiệu quốc tế (INTA), Hiệp hội sáng chế châu Á (APAA)…v.v. Chúng tôi
thường xuyên tham dự các sự kiện, hội nghị trong và ngoài nước trong lĩnh vực SHTT
để vừa

88
phục vụ cho công việc đồng thời thông qua đó hội nhập sâu rộng vào việc hành nghề
SHTT trên bình diện quốc tế.
Bối cảnh
Chúng tôi hiểu rằng Trường Đại học Luật Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng, hoàn
thiện chương trình đào tạo chuyên nghành luật SHTT cho sinh viên làm cơ sở cho việc
sẽ ghi nhận trên bằng tốt nghiệp của sinh viên về việc tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo
này.
Kỳ vọng
Khi viết tham luận này chúng tôi không tránh khỏi những băn khoăn và tự đặt ra
những câu hỏi như liệu với tư cách là người tuyển dụng lao động chúng tôi sẽ kỳ vọng
hoặc có những yêu cầu gì đối với những sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành luật
SHTT đang có nhu cầu tập sự/làm việc tại công ty chúng tôi. Liệu chúng tôi có nên
kỳ vọng ứng viên đó sẽ phải có những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ngay lập tức
thực hiện được các công việc mà một luật sư hoặc luật sư tập sự đang thực hiện hàng
ngày tại các công ty, tổ chức hành nghề về SHTT như chuẩn bị thư tư vấn cho khách
hàng và tiến hành làm các đơn xin đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền SHTT như
sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là
những công việc vốn dĩ đòi hỏi không chỉ kiến thức về pháp luật SHTT, mà quan
trọng hơn là kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn, khía cạnh vẫn thường được nói là
“chăm hay không bằng tay quen”. Ngoài ra, liệu chương trình đào tạo chuyên ngành
luật SHTT của Trường Đại học Luật Hà Nội có đặt trong mối tương quan với các
chương trình đào tạo SHTT mà các cơ sở đào tạo tại Việt Nam đang triển khai như
khóa đào tạo kéo dài khoảng sáu (6) tháng mà Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp với các
trường đại học tổ chức, hay như nội dung SHTT trong những môn như Kỹ năng tư vấn
pháp luật do Học viện Tư pháp đang triển khai.
Sau khi xem xét, cân nhắc những nội dung trên, dưới góc nhìn thuần túy cá nhân
của nhóm tác giả, chúng tôi đề xuất sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành SHTT
nên có vốn kiến thức và kỹ năng như sau:
(i) Có hiểu biết tốt về tất cả các lĩnh vực của pháp luật SHTT như sáng chế, nhãn
hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan v.v.; hiểu được nguyên
lý, cơ sở lý luận, thực tiễn của việc ra đời ngành luật SHTT; và nắm được những luồng
ý kiến khác nhau (đôi khi là trái chiều) về lĩnh vực pháp luật này.
(ii) Nắm được những đặc trưng cơ bản của từng loại quyền SHTT cũng như mối
tương quan giữa pháp luật SHTT và các ngành luật khác liên quan như pháp luật về
cạnh tranh, pháp luật về công nghệ thông tin; và

89
(iii) Nắm được những kỹ năng cơ bản về tra cứu thông tin, soạn thảo tài liệu trong quá
trình xác lập quyền, tư vấn và thực thi các quyền SHTT.
Từ cách tiếp cận đã nêu, chúng tôi đề xuất một số ý kiến để Trường ĐH Luật Hà
Nội tham khảo nhằm mục đích thiết kế, xây dựng khung chương trình đào tạo sinh viên
chuyên ngành SHTT để một phần nào đó trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ
năng vừa đề cập.
Do giới hạn về mặt thời gian và độ dài của bài tham luận, chúng tôi sẽ chỉ tập
trung phân tích một số kiến thức, kỹ năng chính và cần thiết từ góc nhìn cá nhân của
nhóm tác giả trên cơ sở thực tiễn hành nghề để một sinh viên chuyên ngành luật SHTT
sau khi ra trường có thể nhanh chóng nắm bắt, thực hiện được một số công việc mà
một luật sư hoặc luật sư tập sự ngành SHTT đang thực hiện. Bài tham luận do đó sẽ
không đưa ra và phân tích những kiến thức, kỹ năng chung mà một luật sư cần có để
hành nghề mà chỉ mang tính chất gợi mở để trường tham khảo.
1. Các môn học trong lĩnh vực SHTT
Là những người đã từng được học tập hoặc/và giảng dạy tại Trường ĐH Luật Hà
Nội, chúng tôi nhận thấy hiện nay nhà trường đang giảng dạy cho sinh viên luật môn
học SHTT nhằm cung cấp tất cả các kiến thức cơ bản, chung nhất về lĩnh vực SHTT,
thay vì giảng dạy từng môn học chuyên biệt về từng đối tượng quyền SHTT do vấn đề
về thời lượng cũng như mục đích của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu
rằng đối với chương trình đào tạo sinh viên chuyên ngành SHTT mà Trường ĐH Luật
đang xây dựng, mục đích đào tạo và thời lượng chương trình đào tạo sẽ khác. Với lý do
đó, theo chúng tôi, để trang bị cho sinh viên chuyên ngành SHTT kiến thức tốt về tất cả
các lĩnh vực của pháp luật SHTT, chương trình đào tạo nên được chia thành các môn
học chuyên biệt về từng đối tượng quyền SHTT, cũng như các khía cạnh pháp luật khác
có liên quan đến SHTT, như các cơ sở đào tạo luật SHTT tại các quốc gia phát triển
đang thực hiện49. Chúng tôi xin nêu một số ví dụ về các môn học chuyên biệt về SHTT
để nhà trường tham khảo như sau:
- Môn các vấn đề cơ bản về SHTT/pháp luật về SHTT;
- Môn sáng chế;
- Môn kiểu dáng công nghiệp;
- Môn giống cây trồng
- Môn nhãn hiệu, tên miền và chỉ dẫn địa lý;
- Môn quyền tác giả, quyền liên quan;

49
https://law.nd.edu/academics/programs-of-study/intellectual-property-technology-law/; ngày truy cập
20/7/2022

90
- Môn chuyển giao công nghệ;
- Môn các điều ước quốc tế trong lĩnh vực SHTT; và
- Môn quản lý và thương mại hóa tài sản SHTT.
Về thời lượng chương trình, mỗi môn học có thể kéo dài trong 1-2 tháng, mỗi tuần
2-5 giờ. Cả khóa học trong khoảng 12 tháng.
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát đối với một số luật sư đã có thời gian học tập
SHTT tại các trường đào tạo luật tại Việt Nam cũng như nước ngoài về nội dung
chương trình đào tạo, và gửi kèm theo bài tham luận này để nhà trường tham khảo.
2. Học liệu cho chuyên ngành SHTT
Giống như việc đào tạo các ngành luật khác tại Việt Nam, chúng tôi được biết hiện
nay tại các cơ sở đào tạo luật học liệu sẽ chỉ tập trung ở giáo trình, văn bản pháp luật,
bài giảng do các giảng viên chuẩn bị v.v…Thực tế, việc đào tạo luật tại các cơ sở đào
tạo tại Việt Nam đã cung cấp được cho sinh viên/học viên khung kiến thức cơ bản về
pháp luật, cũng như các kỹ năng cơ bản để phân tích, nghiên cứu các vấn đề pháp lý.
Tuy nhiên, việc đào tạo những môn khoa học pháp lý, bao gồm cả SHTT, thường chú
trọng vào việc học thuộc các nguyên tắc pháp lý và các điều luật cụ thể50. Do vậy, sinh
viên/học viên có ít cơ hội được tiếp cận với những tình huống pháp lý hay vụ việc cụ
thể để có thể nghiên cứu, đưa ra cách thức giải quyết phù hợp và đúng luật, để từ đó
hiểu sâu thêm về những vấn đề pháp lý liên quan.
Khác với các trường đào tạo luật tại Việt Nam, ở nhiều nước trên thế giới, việc
đào tạo luật SHTT tại các cơ sở đào tạo thường gắn liền với các bản án, quyết định của
tòa án hoặc các vụ việc cụ thể được các luật sư tư vấn cho khách hàng. Việc được
học tập/đào tạo với những loại học liệu này sẽ giúp cho sinh viên có hiểu biết tốt hơn
về nguyên lý, cơ sở lý luận, từng điều luật, cũng như quan điểm của luật sư của các
bên, các chuyên gia trong lĩnh vực SHTT hay quan điểm xử lý vụ việc của cơ quan chức
năng trong vụ việc liên quan.
Có thể khẳng định SHTT là ngành luật tại Việt Nam có tính quốc tế cao. Lý do
cho điều này là vì rất nhiều khái niệm, định nghĩa về các quyền SHTT được hiểu gần
như giống nhau tại nhiều nước. Việt Nam cũng đã tham gia vào các tổ chức quốc tế, ký
kết nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương51, mà trong đó nghĩa vụ
thực thi các cam kết về SHTT là một trong những điều kiện tham gia/ký kết, và những
nội dung trong các hiệp định, điều ước quốc tế đó đã được nội luật hóa. Do vậy, việc
sử

50
Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn – chia sẻ kinh nghiệm thực hành nghề thực tế tại Việt Nam của Luật sư
Trương Nhật Quang, do Nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2017, trang 3
51
https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018; ngày truy cập
20/7/2022

91
dụng học liệu là các bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan chức năng của nước ngoài
không những giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật SHTT của Việt
Nam, mà còn hiểu rõ được nguyên lý, cơ sở lý luận, thực tiễn ra đời của điều luật. Đối
với chúng tôi, trong thực tế hành nghề về SHTT, nhờ tham khảo các bản án, quyết định
của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài, chúng tôi đã nhiều lần tìm được
hướng xử lý vụ việc của khách hàng phù hợp với pháp luật SHTT của Việt Nam. Ngoài
ra, chúng tôi cũng nhận thấy do kiến thức, các vấn đề pháp lý nảy sinh tại Việt Nam
thường có độ trễ so với các nước đã phát triển, nhiều vấn đề được coi là “mới” ở Việt
Nam thì trước đó cũng đã được đặt ra bàn thảo, tranh luận, tìm hướng giải quyết tại các
nước khác nhau nhiều năm trước đó. Với những lý do trên, theo chúng tôi, việc sử dụng
học liệu là các bản án, quyết định của Việt Nam và nước ngoài là cần thiết để trang bị
cho sinh viên chuyên ngành luật SHTT kiến thức tốt về lĩnh vực này.
3. Tổ chức thực hành một số kỹ năng cơ bản, cần thiết trong lĩnh vực SHTT
Ngoài những kỹ năng chung mà một luật sư cần có như kỹ năng tìm hiểu yêu cầu
và xác định vấn đề pháp lý của khách hàng, kỹ năng tra cứu, tìm hiểu quy định pháp lý
và thông tin liên quan, kỹ năng phân tích và đưa ra nhận định ban đầu về giải pháp giải
quyết vụ việc, kỹ năng viết thư, kỹ năng soạn thảo hợp đồng, kỹ năng đàm phán, kỹ
năng tranh tụng v.v…, lĩnh vực SHTT còn đòi hỏi một số kỹ năng khác. Là những luật
sư đang hành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực SHTT nhiều năm, chúng tôi xin nêu
một số kỹ năng cần thiết và tiêu biểu trong lĩnh vực SHTT để nhà trường tham khảo.
Những kỹ năng này được trình bày, phân tích theo từng giai đoạn của một quá trình tư
vấn, đại diện cho khách hàng trước cơ quan có thẩm quyền, bao gồm: (i) kỹ năng tư vấn
và soạn thảo các đơn xác lập quyền SHTT, (ii) kỹ năng quản lý và khai thác quyền
SHTT, và (iii) kỹ năng tư vấn và đại diện cho khách hàng trước cơ quan thực thi/tòa án
để bảo vệ và thực thi quyền SHTT. Trong bài tham luận này, chúng tôi sẽ chỉ tập trung
phân tích một số kỹ năng gắn liền với các đối tượng quyền SHTT phổ biến, thường
được các chủ thể quyền quan tâm như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và
quyền tác giả, quyền liên quan, mà không phải mọi đối tượng quyền SHTT.
3.1. Kỹ năng tư vấn và soạn thảo các đơn xác lập quyền SHTT
Đối với các đối tượng quyền SHCN được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn
bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký như sáng chế,
kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu52, thì cách thức quan trọng nhất để có được sự bảo hộ
cho các đối tượng quyền này là tiến hành thủ tục đăng ký càng sớm càng tốt tại cơ quan
có thẩm quyền. Do vậy, nhu cầu về việc tư vấn và nộp đơn đăng ký bảo hộ các đối
tượng quyền này thường chiếm tỷ trọng lớn trong công việc hàng ngày của một luật sư
hành

52
Khoản 3, Điều 6, Luật SHTT 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019

92
nghề về SHTT. Tuy nhiên, một luật sư hành nghề về SHTT cũng có thể nhận được
những yêu cầu tư vấn và nộp đơn xin đăng ký đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan,
mặc dù quyền SHTT đối với các đối tượng này phát sinh khi tác phẩm, đối tượng quyền
liên quan được sáng tạo ra và được thể hiện/định hình dưới một hình thức vật chất nhất
định53 mà không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Vì những lý do trên, việc nắm được các kỹ năng cơ bản để tư vấn cho khách hàng
về khả năng được bảo hộ, các thông tin/tài liệu cần thiết để nộp đơn và chuẩn bị hồ sơ
đơn để nộp tại cơ quan có thẩm quyền là rất cần thiết để hành nghề về SHTT.
3.1.1. Kỹ năng tra cứu và đánh giá sơ bộ về khả đăng bảo hộ của đối tượng quyền
SHTT
Đối với các đối tượng quyền SHCN xác lập trên cơ sở đăng ký như sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp hay nhãn hiệu, trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế
trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác
biệt đáng kể với nhau, các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với
nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau, thì văn bằng bảo hộ
chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu trong đơn hợp lệ
có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện
để được cấp văn bằng bảo hộ54. Vì lý do này, kỹ năng tra cứu, tìm kiếm các thông tin về
các đối tượng quyền SHCN đã được nộp đơn trước hoặc/và cấp bằng là rất cần thiết để
đánh giá sơ bộ về khả đăng bảo hộ của đối tượng quyền SHTT dự định nộp đơn tại Việt
Nam.
Để thực hiện được việc tra cứu và đánh giá sơ bộ về khả đăng bảo hộ của đối
tượng quyền SHCN, những kỹ năng sau đây cần được nắm rõ, cụ thể:
Thứ nhất, đối với nhãn hiệu, Luật sư cần tra cứu trong nguồn thông tin tối thiểu về
nhãn hiệu để đánh giá xem nhãn hiệu dự định đăng ký có thể trùng hoặc tương tự gây
nhầm lẫn với các nhãn hiệu có trước hoặc các dấu hiệu khác hay không, bao gồm: (i)
các đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn đăng ký quốc
tế có yêu cầu chỉ định Việt Nam, có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn ngày nộp
đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang dự định nộp tại Việt Nam cho hàng hoá, dịch vụ
trùng hoặc tương tự; (ii) các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam hoặc được thừa
nhận bảo hộ tại Việt Nam (các nhãn hiệu nổi tiếng) dùng cho hàng hoá, dịch vụ trùng,
tương tự hoặc có liên quan; (iii) các nhãn hiệu được đăng ký đã chấm dứt hiệu lực trong
thời hạn chưa quá 5 năm, trừ trường hợp nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực vì lý do không
sử dụng, dùng cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự; (iv) các chỉ dẫn địa lý đang

53
Khoản 1, 2, Điều 6, Luật SHTT 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019
54
Điều 90.2 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019

93
được bảo hộ tại Việt Nam; (v) chỉ dẫn nguồn gốc địa lý hàng hoá, dịch vụ; tên địa lý,
các loại dấu chất lượng, dấu kiểm tra; quốc kỳ, quốc huy của các quốc gia; cờ, tên, biểu
tượng của các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và thế giới; tên và hình ảnh lãnh tụ, anh
hùng dân tộc, tên và hình ảnh danh nhân Việt Nam và nước ngoài55., v.v....
Thứ hai, đối với sáng chế, cần có kỹ năng tra cứu trong những nguồn thông tin tối
thiểu bắt buộc để đánh giá xem liệu sáng chế dự định đăng ký có tính mới trên cơ sở dữ
liệu về: (i) tất cả các đơn đăng ký sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận có
cùng chỉ số phân loại với chỉ số phân loại của đối tượng nêu trong đơn đang được thẩm
định - tính đến chỉ số phân lớp (chỉ số hạng thứ ba) và có ngày công bố sớm hơn ngày
nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn xin đăng ký bảo hộ; (ii) các đơn đăng ký sáng chế
hoặc các văn bằng bảo hộ sáng chế do các tổ chức, quốc gia khác công bố, trong vòng
25 năm tính đến ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn xin đăng ký bảo hộ. Trong
trường hợp cần thiết và có thể, việc tra cứu được mở rộng đến cơ sở dữ liệu quốc gia về
sáng chế56.
Thứ ba, đối với kiểu dáng công nghiệp, cần có kỹ năng tra cứu trong những nguồn
thông tin tối thiểu bắt buộc để đánh giá xem liệu kiểu dáng xin đăng ký có trùng lặp
hoặc tương tự với kiểu dáng công nghiệp có trước không, bao gồm: (i) các đơn đăng ký
kiểu dáng công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và có ngày công bố đơn
sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn xin đăng ký bảo hộ; (ii) các đơn đăng
ký kiểu dáng công nghiệp và các văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp do các tổ
chức, quốc gia khác công bố trong vòng 25 năm trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu
tiên của đơn của đơn xin đăng ký bảo hộ, được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu kiểu dáng
công nghiệp hiện có tại Cục Sở hữu trí tuệ 57 v.v... Trong trường hợp cần thiết và có
thể, việc tra cứu được mở rộng đến cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểu dáng công nghiệp.
Thứ tư, do quyền tác giả, quyền liên quan tự động phát sinh khi tác phẩm, đối
tượng quyền liên quan được tạo ra và định hình, việc tra cứu đối tượng quyền này vì thế
ít có ý nghĩa. Hơn nữa, trên thực tế, không nhiều chủ thể quyền nộp đơn yêu cầu ghi
nhận quyền này tại Cục Bản quyền tác giả, việc tra cứu đối với đối tượng quyền này
thường ít được thực hiện.
Sau khi có kết quả tra cứu, Luật sư cần phân tích, đánh giá, đưa ra được nhận định
ban đầu về việc đối tượng quyền SHCN xin đăng ký có khả năng được bảo hộ tại Việt
Nam hay không, như: kỹ năng so sánh nhãn hiệu xin đăng ký và nhãn hiệu có trước để
kết luận về việc nhãn hiệu xin đăng ký có thể bị coi là trùng hoặc tương tự đến mức gây

55
Điểm 39.7 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007, được sửa đổi bổ sung lần gần nhất theo Thông tư
01/2016/TT-BHKCN ngày 30/6/2016
56
Điểm 25.5 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007, được sửa đổi bổ sung lần gần nhất theo Thông tư
01/2016/TT-BHKCN ngày 30/6/2016
57
Điểm 35.4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007, được sửa đổi bổ sung lần gần nhất theo Thông tư
01/2016/TT-BHKCN ngày 30/6/2016

94
nhầm lẫn với nhãn hiệu có trước không; kỹ năng phân tích, đánh giá liệu sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp xin đăng ký có đảm bảo được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp
dụng công nghiệp hay không. Đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, kỹ
năng đánh giá khả năng bảo hộ thường ít được đặt ra do một tác phẩm, cuộc biểu
diễn, bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng có thể được bảo hộ không phụ
thuộc vào nội dung nếu đáp ứng được một số quy định khác của pháp luật.
Đối với các đối tượng quyền SHCN nêu trên, kỹ năng đánh giá về khả năng bảo
hộ thường đòi hỏi nhiều năm hành nghề chuyên nghiệp về SHTT mới nắm vững được.
Do vậy, do thời lượng và mục tiêu đào tạo, theo chúng tôi, sinh viên chuyên ngành luật
SHTT tối thiểu cần nắm vững được các kỹ năng như: nắm được thông tin về cơ sở dữ
liệu để tra cứu (các website chứa nội dung tra cứu), các câu lệnh tra cứu, và kỹ năng
nhận định được trường hợp nào đối tượng tra cứu bị coi là trùng với đối tượng quyền đã
được xác lập từ trước.
3.1.2. Kỹ năng soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ đơn đăng ký bảo hộ đối tượng quyền
SHCN
Sau khi đã tư vấn và nhận được yêu cầu của khách hàng về việc quyết định nộp
đơn xin đăng ký bảo hộ đối tượng quyền SHCN, việc soạn thảo hồ sơ để nộp đơn là
bước tiếp theo, cần thiết để chính thức yêu cầu cơ quan có thẩm định xem xét về khả
năng bảo hộ của đối tượng quyền SHCN và ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Trong
giai đoạn này, những kỹ năng sau đây cần được nắm bắt, như:
Thứ nhất, đối với nhãn hiệu: cần nắm được một số thông tin cơ bản về thông tin/tài
liệu cần để nộp đơn; và có thể tự chuẩn bị được Tờ khai đơn, và phân loại chính xác
hàng hóa, dịch vụ để nộp đơn theo Bảng phân loại quốc tế hàng hóa/dịch vụ Ni-xơ.
Thứ hai, đối với sáng chế: cần nắm được một số thông tin cơ bản về thông tin/tài
liệu cần để nộp đơn; và có thể tự chuẩn bị được Tờ khai đơn sáng chế, bao gồm phân
loại sáng chế, soạn thảo được bản mô tả sáng chế để đảm bảo bản mô tả sáng chế bộc lộ
đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó, người có hiếu biết
trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó, và soạn
thảo yêu cầu bảo hộ sáng chế.
Thứ ba, đối với kiểu dáng công nghiệp: cần nắm được một số thông tin cơ bản về
thông tin/tài liệu cần để nộp đơn; và có thể tự chuẩn bị được Tờ khai đơn với bản mô tả
kiểu dáng công nghiệp, bao gồm các nội dung về: tên kiểu dáng công nghiệp, lĩnh vực
sử dụng kiểu dáng công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất, nếu có, liệt
kê ảnh chụp hoặc bản vẽ, và soạn thảo được yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

95
Thứ tư, đối với quyền tác giả, quyền liên quan: cần nắm được một số thông tin cơ
bản về thông tin/tài liệu cần để nộp đơn; và có thể tự chuẩn bị được Tờ khai đơn theo
mẫu của Cục bản quyền tác giả Việt Nam.
Giống như những kỹ năng tư vấn về khả năng bảo hộ của đối tượng quyền SHCN,
kỹ năng làm đơn xác lập quyền cũng đòi hỏi nhiều năm hành nghề chuyên nghiệp về
SHTT để nắm vững. Do vậy, đối với một sinh viên chuyên ngành luật SHTT, chúng tôi
chỉ kỳ vọng sinh viên đó có thể soạn thảo được một số đơn xin đăng ký ít phức tạp như
nhãn hiệu, quyền tác giả/quyền liên quan. Đối với đơn xin đăng ký sáng chế và kiểu
dáng công nghiệp, đòi hỏi này chỉ dừng lại ở việc việc nắm được thông tin cơ bản về
thông tin/tài liệu cần để nộp đơn, không kỳ vọng sinh viên có thể viết được bản mô tả
hoặc yêu cầu bảo hộ.
3.1.3. Kỹ năng theo dõi và xử lý đơn
Sau khi nộp đơn, kỹ năng theo dõi và xử lý đơn để giải quyết các vấn đề phát sinh
trong quá trình đăng ký bảo hộ đối tượng quyền SHTT sẽ được đặt ra, ví dụ: theo dõi về
việc từ chối về hình thức hoặc nội dung đơn bởi Cục Sở hữu trí tuệ hoặc sự phản đối từ
bên thứ ba, hoặc quyết định từ chối bảo hộ của cơ quan có thẩm quyền, nếu có; hoặc
việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung các tài liệu của đơn từ Cục Bản quyền tác giả trong từng
vụ việc cụ thể.
Trong trường hợp đối tượng quyền SHCN được chấp thuận bảo hộ, cần nắm được
thông tin về thời hạn bảo hộ để nhắc khách hàng duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực
văn bằng bảo hộ để đảm bảo quyền SHCN của khách hàng không bị mất hiệu lực tại
Việt Nam. Đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, kỹ năng này không đặt ra
vì đối tượng này sẽ bảo hộ trong suốt thời hạn bảo hộ theo quy định của luật.
3.2. Kỹ năng tư vấn về quản lý, khai thác quyền SHTT
Quyền SHTT chỉ thực sự mang lại lợi ích cho chủ sở hữu quyền khi những quyền
này được khai thác một cách hiệu quả58. Để khai thác quyền SHTT, chủ sở hữu quyền
có thể tự mình thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện thông qua các hợp đồng
chuyển giao quyền quyền sử dụng đối tượng SHCN. Ngoài ra, trong trường hợp không
còn nhu cầu sử dụng quyền SHCN, chủ sở hữu quyền có thể chuyển nhượng quyền sở
hữu đối tượng quyền SHCN cho chủ thể khác.
Trong giai đoạn này, những kỹ năng như giao tiếp, đàm phán, soạn thảo hợp đồng
hoặc/và sắp xếp cho các bên ký kết hợp đồng đối với đối tượng quyền SHTT cũng
tương tự như đối với các đối tượng quyền khác mà một luật sư, người hành
nghề chuyên nghiệp trong những lĩnh vực đó cần nắm vững. Tuy nhiên, trong lĩnh vực
SHTT cũng có một

58
Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp (phần chuyên sâu) của Học viện tư pháp, do Nhà xuất
bản Tư pháp xuất bản năm 2020, trang 423

96
số kỹ năng chuyên biệt. Vì tính chất lãnh thổ, đối tượng quyền SHCN của một chủ thể
được bảo hộ tại một quốc gia không đồng nghĩa với đối tượng đó được tự động bảo hộ
tại quốc gia khác, do vậy, kỹ năng tra cứu, xác định được tình trạng bảo hộ của đối
tượng quyền SHCN cần được nắm vững. Nắm được thông tin này sẽ giúp ích cho luật
sư rất nhiều trong việc đưa ra những ý kiến tư vấn phù hợp và có lợi cho khách hàng.
Ngoài ra, Luật SHTT còn có những quy định khu biệt, bắt buộc phải có để một hợp
đồng chuyển nhượng quyền SHCN59 hoặc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng
quyền SHCN60 có hiệu lực tại Việt Nam, cũng như quy định về đối tượng quyền SHCN
bị cấm hoặc hạn chế chuyển nhượng61 hoặc các hành vi/thỏa thuận bị cấm62 trong
hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền SHCN. Những nội dung này
thuần túy về mặt pháp lý, và không quá khó để nắm bắt, do vậy, chúng tôi kỳ vọng sinh
viên chuyên ngành luật SHTT cần nắm bắt sơ bộ về những nội dung này.
3.3. Tư vấn và đại diện khách hàng trong việc bảo vệ, thực thi quyền SHTT
Trong giai đoạn bảo vệ, thực thi quyền SHTT, kỹ năng đặc thù nhất là kỹ năng
xem xét, đánh giá liệu đối tượng bị xem xét có thuộc phạm vi quyền SHTT được bảo
hộ; có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét; hành vi có xảy ra tại Việt Nam; và
người thực hiện hành vi có phải là chủ thể quyền hoặc người được chủ thể quyền hoặc
được pháp luật cho phép thực hiện hay không?63.
Việc xác định có hay không hành vi xâm phạm quyền đòi hỏi phải hiểu rõ được
bản chất của đối tượng bị xâm phạm, kiến thức, kỹ năng so sánh và đánh giá các dấu
hiệu, đặc điểm, quy trình, sản phẩm,... của đối tượng SHTT bị xem xét với các yếu tố
tương đương của các đối tượng được bảo hộ64. Khi đã có nhận định ban đầu về khả năng
có hành vi xâm phạm quyền SHTT, luật sư sẽ tư vấn và đại diện cho khách hàng tiến
hành các biện pháp thực thi quyền. Khi đó, các kỹ năng chung của luật sư như kỹ năng
viết thư, kỹ năng đàm phán, kỹ năng soạn thảo thư khuyến cáo, kỹ năng thu thập bằng
chứng/chứng cứ, kỹ năng soạn đơn khởi kiện, kỹ năng tranh tụng v.v… sẽ được đặt ra.
Do thời lượng và phạm vi của bài tham luận, chúng tôi sẽ không phân tích những kỹ
năng này.
Đối với sinh viên chuyên ngành luật SHTT, chúng tôi kỳ vọng sinh viên có kiến
thức, kỹ năng tối thiểu để biết được quy trình, các bước để xử lý xâm phạm quyền, thay
vì có khả năng tư vấn và đại diện khách hàng trong việc bảo vệ, thực thi quyền SHTT,

59
Điều 140, Luật SHTT 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019
60
Điều 144, Luật SHTT 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019
61
Điều 139, Luật SHTT 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019
62
Khoản 2, Điều 144, Luật SHTT 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019
63
Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp (phần chuyên sâu) của Học viện tư pháp, do Nhà xuất
bản Tư pháp xuất bản năm 2020, trang 425
64
Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp (phần chuyên sâu) của Học viện tư pháp, do Nhà xuất
bản Tư pháp xuất bản năm 2020, trang 425

97
những kỹ năng cần phải được hoàn thiện trong quá trình hành nghề SHTT chuyên
nghiệp tại các công ty luật, văn phòng luật sư.
4. Kết hợp với các Văn phòng luật sư, công ty luật SHTT để sinh viên thực
tập
Do thực tiễn đào tạo tại Việt Nam, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không có
đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để hành nghề trong lĩnh vực SHTT. Do đó, việc thực tập
tại các công ty luật, văn phòng luật sư sẽ không chỉ giúp cho sinh viên nhanh chóng hiểu
sâu thêm về kiến thức pháp luật SHTT đã biết, ứng dụng kiến thức đó vào từng vụ việc
cụ thể, mà còn có thể giúp cho sinh viên có thêm được những kỹ năng mềm khác như
kỹ năng nghiên cứu, phân tích luật, kỹ năng trao đổi, tư vấn cho khách hàng, kỹ năng
trình bày ý kiến tư vấn, kỹ năng viết thư, v.v…cần thiết để hành nghề. Thông qua quá
trình thực tập, các sinh viên còn có thể có được những hình dung ban đầu về việc hành
nghề luật sư chuyên nghiệp về SHTT, để định hướng cho tương lai nghề nghiệp của
mình. Do vậy, theo chúng tôi, trong khung chương trình đào tạo sinh viên chuyên ngành
luật SHTT nên khuyến khích sinh viên lựa chọn đi thực tập tại các Văn phòng luật sư,
công ty luật về SHTT trong thời gian khoảng 2-3 tháng để phục vụ những mục đích
trên./.

98
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp (phần chuyên sâu) của
Học viện tư pháp, do Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2020;
2. Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn – chia sẽ kinh nghiệm thực hành nghề thực tế
tại Việt Nam của Luật sư Trương Nhật Quang, do Nhà xuất bản Lao động xuất bản năm
2017;
3. Luật SHTT 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019;
4. Thông tư 01/2007/TT-BHKCN Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày
14/2/2007, được sửa đổi bổ sung lần gần nhất theo Thông tư 01/2016/TT-BHKCN ngày
30/6/2016;
5. https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-
den-thang-112018; ngày truy cập 20/7/2022

99
KHẢO SÁT THỰC TIỄN VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC CHUYÊN NGHÀNH SỞ HỮU TRÍ TUỆ
CỦA CÁC TÁC GIẢ VÀ MỘT SỐ ĐỒNG NGHIỆP
STT Họ và tên Cấp học Nơi học Chương trình học (mô tả ngắn gọn học những gì, học Nhận xét/Bình luận
như thế nào, học trong bao lâu)

1 Lê Xuân Lộc Thạc sỹ Cộng hòa - Trường học : Khoa Luật Đại học Montpellier 1 (Nay - Khóa học tại thời
điểm Pháp là : Khoa Luật Đại học Montpellier) tác giả học là có định
(Năm 2001- - Website: hướng nghiên cứu, giúp
2002) https://formations.umontpellier.fr/fr/formations/master- cho sinh viên hiểu rõ tại
lmd-XB/master-droit-de-la-propriete-intellectuelle- sao lại cần có pháp luật về
KIOG20WX.html sở hữu trí tuệ, nội dung,
- Chương trình học kéo dài trong 1 năm đối với những đặc thù của từng đối tượng
ứng viên tốt nghiệp hệ đại học 4 năm trong đó 9 tháng quyền sở hữu trí tuệ;
học trực tiếp, khoảng 2 tháng viết khóa luận, 1 tháng nghỉ - Khóa họa dựa trên
hè. nhiều ví dụ thực tiễn chủ
- Các môn học (tại thời điểm 2001/2022) được chia yếu trong pháp luật của
thành các Module bao gồm nhưng : Pháp và châu Âu thông
qua các án lệ được giới
i) Lý thuyết chung về Sở hữu trí tuệ
thiệu trong khóa học;
ii) Sáng chế
- Khóa học không dạy về
iii) Nhãn hiệu
các kiến thức kiểu như kỹ
iv) Kiểu dáng công nghiệp
v) Quyền tác giả, quyền liên quan năng hành nghề như cách
phân loại sản phẩm/dịch

100
vi) Giống cây trồng vụ vào các nhóm khác
vii) Sở hữu trí tuệ và công nghệ, pháp luật về công nhau trong nhãn hiệu.
nghệ Không dạy về các đọc

viii) Sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh hoặc làm đơn sáng chế,
nhãn hiệu
- Việc học diễn ra chủ yếu dưới hình thức giáo viên
giảng dạy trên lớp kết hợp với việc các sinh viên tự thảo
luận. Đội ngũ giảng viên có sự kết hợp giữa giảng viên tại
trường và các luật sư có kinh nghiệm.
- Lớp học có 25 học viên và mỗi năm chỉ tuyển 25
học viên dành riêng cho khóa học thạc sỹ về chuyên
nghành luật sở hữu trí tuệ.
- Kết quả tốt nghiệp dựa trên việc thi/kiểm tra viết và
vấn đáp. Bên cạnh đó các sinh viên còn làm luận án/khóa
luận tốt nghiệp về một chủ đề nào đó thống nhất giữa sinh
viên và giáo viên hướng dẫn. Khóa luận/luận án này chỉ
cần nộp và giáo viên chấm điểm không cần bảo vệ trước
hội đồng.
2 Tào Minh Thạc sỹ CHLB Đức Trường: Munich Intellectual Property Law Center Một số điểm mạnh và đặc
Hùng (Năm 2018- (MIPLC) biệt của chương trình học:
2019) Link: https://www.miplc.de/ - thuộc Max Planck Institute + Gần như bao phủ toàn bộ
for Innovation and Competition các vấn đề liên quan đến

101
Tóm tắt chương trình học: https://www.miplc.de/llm- IP, bao gồm cả các vấn đề
ip/curriculum/ mang tính bản chất, cốt lõi
Các môn được học: https://www.miplc.de/llm- cũng như các vấn đề mang
ip/curriculum/course-list/ tính thời đại. Tất cả các
Chương trình gồm 4 Giai đoạn kéo dài trong 12 tháng stakeholder trong IP đều
(bao gồm 1 tháng nghỉ xuân được dùng để chuẩn bị sẽ tìm được những phần
các essay/presentation – và 2 tháng nghỉ hè viết khóa thiết thực với mình, dù là
luận): luật sư, nhà quản lý đổi
mới sáng tạo, nhà quản trị
+ Giai đoạn 1: Giới thiệu (không tính điểm – không bắt
tài sản trí tuệ, nhà làm
buộc): Cung cấp một chút kiến thức cơ bản về IP, về các
chính sách.
hệ thống pháp luật (do chương trình có nhiều người không
có background luật), về kinh tế vi mô và về viết học thuật. + Toàn bộ một khóa chỉ có
35 – 38 sinh viên, quy mô
+ Giai đoạn 2: Cơ bản: Học kiến thức cơ bản của Luật US
lớp học nhỏ tạo điều kiện
và EU và pháp luật quốc tế (công pháp và tư pháp) về
tương tác nhiều nhất cho
Copyright, Patent, Trademark, Unfair Competition, và
sinh viên. Các sinh viên
Design. Ngoài ra có thêm 1 học phần về Luật cạnh tranh.
được tuyển chọn từ nhiều
+ Giai đoạn 3: Lựa chọn chuyên sâu: Tùy vào định hướng,
background và quốc tịch
sinh viên có thể chọn các học phần (dù phải đảm bảo các
khác nhau, nhưng bắt buộc
học phần lựa chọn phải kết hợp được thành các module
đã phải có tối thiểu 1 năm
định sẵn, nhưng về cơ bản thì vẫn có thể lựa chọn rất
kinh nghiệm làm việc.
thoải mái). Ngoài những học phần chuyên sâu vào
các loại quyền SHTT thì sẽ có những học phần chuyên
sâu về Cạnh
tranh, Lý thuyết kinh tế cơ bản về IP, Innovation (cả trong
102
doanh nghiệp và cấp độ quốc gia), Thương mại hóa IP, + Tần suất học trên lớp rất
Big nhiều (so với các chương
Data, Quyền riêng tư và hình ảnh, Bảo vệ dữ liệu cá nhân,
Giải quyết tranh chấp, Internet, và nhóm các môn trình LLM khác). Điều này
“Practice” – nơi người dạy chắc chắn sẽ là những luật sư có thể với một số người
hành nghề lâu năm và tập trung vào việc dạy các công không phải là điểm mạnh,
việc của 1 practitioner. nhưng việc được tiếp xúc
+ Giai đoạn 4: Khóa luận: Sinh viên sẽ phải hoàn thành nhiều với các giáo sư chắc
khóa luận tốt nghiệp (không yêu cầu bảo vệ trước hội chắn giúp tối ưu hóa thời
đồng). Giai đoạn này không quá đặc biệt, ngoại trừ việc gian đi du học.
trường luôn có những milestone trong suốt năm học để yêu + Sinh viên đươc truy cập
cầu SV phải chủ động và chuẩn bị sớm cho khóa luận, tạo vào những thư viện online
điều kiện để trao đổi nhóm để brainstorm…Cũng như các cũng như offline lớn nhất
chương trình học ở nước ngoài khác, quy định về trích dẫn thế giới về IP, được đề
được phổ biến rất kỹ và phải tuân thủ chặt chẽ. xuất sách để thư viện nhập
về. Sinh viên cũng được
cấp một chỗ ngồi cố định
trong campus (một phòng
có khoảng 5 sv) để tiện lợi
hơn cho việc nghiên cứu,
học tập cũng như trao đổi
với các bạn cùng lớp.

103
+ Các giáo sư đến từ đa
dạng các nền pháp luật
khác nhau, và họ cũng thể
hiện sự tò mò, quan tâm
với chính trải nghiệm của
mỗi sinh viên tại quốc gia
nơi họ học tập và hành
nghề.
+ Đặc biệt chú trọng vào
mối quan hệ giữa IP và
Luật Cạnh tranh (nhìn IP
qua lăng kính cạnh tranh).
Đây cũng là quan điểm
định hướng xuyên suốt
của Max Planck khi viện
gắn chặt
Innovation với
Competition.
+ Bảo đảm rằng SV sẽ có
cái nhìn thận trọng và
phản biện (skeptical) hơn
về IP (so sánh: ở VN, IP
thường được dạy theo
hướng là
104
một thứ tồn tại khách quan
và tất yếu – mặt trái của
nó ít khi được đề cập).
Cũng vì vậy, SV được
khuyến khích thách thức
tất cả các norms của IP, và
không bị gò bó trong
các đáp án đúng/sai.
Việc nhấn mạnh xuyên
suốt về sự đa dạng của
truyền thống pháp luật và
tư duy về IP của các nền
pháp luật lớn giúp SV tự
tin khi đưa ra quan điểm
của mình.
+ Có sự liên kết với các
chương trình LLM IP của
các trường/viện khác để
có những sự kiện nơi sv
các trường có thể gặp
nhau, lập thành đội và
cùng nghiên cứu các vấn
đề (cụ
105
thể là chương trình
EIPIN).
3 Nguyễn Thị Thạc sỹ Hoa Kỳ Các môn Luật chuyên ngành SHTT: Sinh viên lựa chọn Chương trình học chú
Mai Linh (Năm học trong các môn sau: Các vấn đề cơ bản về SHTT; Sáng trọng vào các vấn đề thực
chế; tế, được giảng dạy thông
2006-2007)
Nhãn hiệu; Bản quyền; Chuyển giao công nghệ; Các Hiệp
định quốc tế trong lĩnh vực SHTT; Khai thác thương mại qua các vụ việc cụ thể
quyền SHTT, Hợp đồng, etc. Phần lớn các môn học trong (case law).
3-4 tháng, mỗi tuần 2-5 giờ. Cả khóa học trong 12 tháng.
Có thể lựa chọn đi thực tập trong khoảng 2 tháng để thay
thế 1 môn nào đó hoặc nếu muốn.
4 Trần Anh Thạc sỹ Úc Các môn Luật chuyên ngành SHTT: Các vấn đề cơ bản về Chương trình học chú
Đức (Năm học SHTT; Sáng chế; Bản quyền; Nhãn hiệu, tên miền và chỉ trọng vào các vấn đề thực
2018-2019) dẫn địa lý; kiểu dáng công nghiệp và giống cây trồng; tế, được giảng dạy thông
kiến
thức phi truyền thống và các vấn đề xu hướng SHTT; quản qua các vụ việc cụ thể
lý và thương mại hóa tài sản SHTT, etc. Mỗi môn học (case law).
thường kéo dài 1.5 tháng, trong đó mỗi môn học sẽ có 1
tuần học lý thuyết trên lớp.
5 Hoàng Thái Khóa Việt Nam Các môn Luật chuyên ngành SHTT được dạy trong khóa Chương trình học chú
Sơn đào tạo (Năm học học SHTT 06 tháng do Cục SHTT và Trường ĐH Luật trọng vào các vấn đề thực
SHTT 2008) thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2008, bao gồm: tế khi hành nghề về
06 tháng Pháp luật về SHTT; Sáng chế; Quyền tác giả, quyền liên SHTT, và được giảng
của Cục quan; dạy thông
Nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; kiểu dáng công nghiệp. Học qua các vụ việc cụ thể.
106
Sở hữu cuốn chiếu mỗi môn khoảng 1 tháng, bao gồm cả lý thuyết
trí tuệ và thực hành (thực hành các kỹ năng phân nhóm hàng
hóa/dịch vụ, phân loại kiểu dáng công nghiệp/sáng chế,
làm các đơn yêu cầu bảo hộ đối tượng SHTT).

107
KINH NGHIỆM CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN
VĂN TRONG TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ
CÁC CUỘC THI VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ NHẰM THÚC ĐẨY SỰ YÊU THÍCH
VÀ NĂNG LỰC CỦA SINH VIÊN TRONG LĨNH VỰC NÀY

TS. Hoàng Thị Hải Yến⁎

Tóm tắt: Từ năm 2003, học phần Sở hữu trí tuệ trở thành học phần bắt buộc đối
với sinh viên ngành Khoa học Quản lý và đồng thời, trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân Văn bắt đầu mở chuyên ngành Quản lý Sở hữu trí tuệ thuộc ngành Khoa Khoa
học Quản lý. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên và các cuộc thi về
sở hữu trí tuệ được Nhà trường quan tâm, tổ chức cũng như được sinh viên đón nhận
và tham gia tích cực. Các sự kiện này không chỉ tạo môi trường năng động cho sinh
viên tiếp cận sở hữu trí tuệ từ cả góc độ lý thuyết và thực tiễn, nắm bắt được các chủ đề
thời sự liên quan mà còn góp phần gia tăng tăng sự hứng thú, quan tâm của sinh viên
đối với học phần/chuyên ngành. Báo cáo này chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt
động nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khóa về sở hữu trí tuệ tại trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn nhằm thúc đẩy sự yêu thích và năng lực của
sinh viên trong lĩnh vực này.
Từ khóa: sở hữu trí tuệ, nghiên cứu khoa học sinh viên, các cuộc thi về sở hữu trí
tuệ
Sở hữu trí tuệ sớm được lãnh đạo trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn,
ĐHQGHN quan tâm, phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ngày 05.8.2010,
lãnh đạo Nhà trường đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về Sở hữu trí tuệ với Cục Sở hữu trí
tuệ, theo đó, hai bên cùng phối hợp tổ chức các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và các
hoạt động hỗ trợ khác về sở hữu trí tuệ.
Từ năm 2003, học phần Sở hữu trí tuệ đã sớm được đưa vào chương trình đào tạo
là học phần bắt buộc cho sinh viên ngành Khoa học Quản lý. Cùng năm đó, Nhà trường
đã bắt đầu đưa vào chương trình đào tạo hướng chuyên ngành Quản lý Sở hữu trí tuệ
thuộc ngành Khoa Khoa học Quản lý.
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo Nhà trường với lãnh đạo Cục Sở hữu
trí tuệ, các hoạt động hỗ trợ sinh viên học tập, nghiên cứu về sở hữu trí tuệ cũng thường
xuyên được quan tâm. Quá trình gần 20 năm triển khai đào tạo chuyên ngành sở hữu trí
tuệ cho sinh viên cho thấy các hoạt động hỗ trợ sinh viên về nghiên cứu, phát triển các
kỹ năng về sở hữu trí tuệ có tác động vô cùng quan trọng tới đam mê, yêu thích chuyên


Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
hthyen@vnu.edu.vn

108
ngành và phát triển nghề nghiệp của sinh viên. Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh
viên về sở hữu trí tuệ được Nhà trường quan tâm, tổ chức thường niên cùng các Cuộc
thi về sở hữu trí tuệ. Xu hướng tổ chức các hoạt động hỗ trợ này hiện nay đang dịch
chuyển từ Nhà trường tổ chức cho sinh viên tham dự sang Sinh viên chủ động tổ chức,
Nhà trường hỗ trợ và gia tăng dần sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hoạt động
này. Cụ thể có thể thấy những hoạt động này diễn ra qua các năm vừa qua tại trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn như sau:
1. Hội nghị khoa học sinh viên về Sở hữu trí tuệ
Đây là hội nghị thường niên được Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức từ năm 2010 nhân dịp chào mừng
ngày Sở hữu trí tuệ 26/4 hằng năm. Hội nghị Khoa học sinh viên về sở hữu trí tuệ
(SHTT) với mong muốn là diễn đàn thường niên kết nối các nhà khoa học và các giảng
viên, sinh viên quan tâm tới SHTT, để cùng hướng tới việc trang bị kiến thức, kỹ năng
cho các sinh viên – những chủ nhân tương lai về vai trò, tầm quan trọng và cách thức sử
dụng hiệu quả công cụ SHTT để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị hằng năm
thu hút được rất nhiều báo cáo khoa học về sở hữu trí tuệ từ sinh viên các trường Đại
học và lựa chọn ra 30 báo cáo khoa học để đăng trong Kỷ yếu hội nghị. Số lượng sinh
viên từ các trường Đại học tăng theo mỗi năm. Ngoài sinh viên đến từ các trường có
truyền thống giảng dạy và nghiên cứu về sở hữu trí tuệ như Trường đại
họcKH&XHNV, Trường đại học Luật Hà Nội, Trường đại học Ngoại thương, Trường
đại học Kinh tế quốc dân, từ năm 2019 Hội nghị còn có sự xuất hiện của đại diện đến
từ Trường đại học Luật thuộc Đại học Huế và Học viện Phụ nữ Việt Nam. Điều này
chứng tỏ hoạt động nghiên cứu về sở hữu trí tuệ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy và
thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo sinh viên. Các báo cáo khoa học đề cập
đến nhiều vấn đề của quyền SHTT đang được xã hội quan tâm như vai trò của các
nhà cung cấp dịch vụ Internet trong việc bảo hộ quyền tác giả trên môi trường số, bảo
hộ ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hay kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng xâm phạm
quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử, hoạt động quản trị tài sản
trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam, các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng. Cách
tiếp cận của các nghiên cứu rất đa dạng, từ tiếp cận có tính lý thuyết đến việc ứng
dụng vào thực tiễn (các nghiên cứu ứng dụng sáng chế không được bảo hộ tại Việt Nam
để phục vụ hoạt động sản xuất của bà con nông dân hoặc liên hệ thực tiễn từ các vụ
tranh chấp thực tế để soi chiếu vào các quy định pháp luật). Có thể thấy, các nghiên cứu
của sinh viên không chỉ dừng lại ở các nghiên cứu lý thuyết mà tiếp cận đến việc giải
quyết những yêu cầu của thực tiễn, hướng tới việc phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp,
của xã hội và gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.

109
Thông qua các hoạt động nghiên cứu, sinh viên đã tạo dựng được đam mê với sở
hữu trí tuệ và mong muốn vận dụng quyền sở hữu trí tuệ một cách thiết thực phục vụ
cuộc sống. Hội nghị không chỉ là cơ hội để sinh viên chia sẻ với nhau về quan điểm,
kiến thức, sự hiểu biết về SHTT mà đây còn là diễn đàn học thuật kết nối các em trong
cộng đồng quan tâm đến SHTT và tiến tới có thể hợp tác, triển khai những dự án về
SHTT trong tương lai. Theo đánh giá của các chuyên gia dự hội nghị, sinh viên đã nắm
bắt được những vấn đề “nóng” trong xã hội hiện tại và phản ánh nó, đưa nó vào hoạt
động học tập, nghiên cứu của mình. Có thể thấy, các em đã biết ứng dụng kiến thức học
tập vào thực tế và biết dùng lý thuyết học tập để lý giải các vấn đề của xã hội65. Từ góc
độ sinh viên tham gia, các chia sẻ của sinh viên cũng cho thấy họ hứng thú và nhận
được nhiều giá trị thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của mình. Nguyễn Thị
Thùy Linh (Trường Đại học Luật Hà Nội), Giải nhất nghiên cứu khoa học sinh
viên về Sở hữu trí tuệ năm 2019 đã chia sẻ66 “Được cô dạy ở trường giới thiệu về
hội nghị, nhóm mình đã đăng kí tham gia và chọn nghiên cứu về vấn đề thuộc mảng
hoạt động thương mại điện tử đang rất phát triển hiện nay. Thương mại điện tử ra đời đã
góp phần cách mạng hóa hoạt động kinh doanh và thói quen thiêu dùng. Không chỉ
người trẻ mà cả những người ở độ tuổi trung niên cũng bắt đầu mua hàng online. Điều
đó kéo theo yêu cầu về khung hành lang pháp lý cho hoạt động này cần có sự điều
chỉnh thích hợp. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng gặp phải nhiều rào cản trong phát
triển. Nhiều đối tượng đã lợi dụng khe hở trong việc kiểm soát, lợi dụng không gian
này để xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, gây thiệt hại trực tiếp cho chủ sở hữu quyền
sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng. Nhìn thấy bạn bè, người thân nhiều lần bị lừa vì tình
trạng xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu chính là động lực thúc đẩy chúng mình
lựa chọn đề tài này. Cũng rất khó khăn cho nhóm khi đây là đề tài rất mới. Nghiên cứu
khoa học về thương mại điện tử, đặc biệt là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên
nền tảng thương mại điện tử còn quá ít nên nhóm không có nhiều tài liệu để tham
khảo. Hoàn thành được nghiên cứu, quá trình tìm tòi nghiên cứu, tìm ra câu trả lời
cho những vấn đề mà bản thân đặt ra trong nghiên cứu chính là điều tuyệt vời nhất với
nhóm. Đến với Hội thảo, nhóm mình đã có thêm cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các bạn
đến từ các trường khác cùng có sự quan tâm đến chủ đề này. Những ý kiến nhận xét,
những câu hỏi của các bạn, của hội đồng giám khảo đã gợi mở cho chúng mình nhiều
điểm nhận thức mới về SHTT. Nguyễn Thị Thương (Trường Đại học Luật, Đại học
Huế), Giải Ứng dụng và Giải Khuyến khích nghiên cứu khoa học sinh viên về Sở
hữu trí tuệ năm 2019 chia sẻ67: “Hội nghị đã cho chúng mình những kỷ niệm rất thú
vị. Để tìm ra công thức hoàn hảo

65
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/sinh-vien/sinh-vien-5-truong-ban-ve-so-huu-tri-tue-18771.html
66
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/sinh-vien/sinh-vien-5-truong-ban-ve-so-huu-tri-tue-18771.html
67
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/sinh-vien/sinh-vien-5-truong-ban-ve-so-huu-tri-tue-18771.html

110
nhất áp dụng cho việc bảo quản cam canh, nhóm đã phối hợp với Viện Nghiên cứu
Khoa học – Công nghệ, trực thuộc Đại học Huế để tiến hành thí nghiệm. Nghiên cứu
cây quả với Viện thường chỉ có sinh viên Nông-Lâm, nay lại là sinh viên Luật, thực sự
là một trải nghiệm mới đầy hứng khởi. Giải pháp nhóm tác giải đưa ra đó là sử dụng
một sáng chế đã hết hạn đăng kí Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vào bảo quản cam. Cùng
với sự phối hợp hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ, nhóm đã phải làm
thí nghiệm rất nhiều lần để tìm ra được công thức tối ưu nhất dành riêng cho cam
Vinh. Mong là nghiên cứu đến với hội thảo sẽ nhận được sự quan tâm từ các tổ chức,
doanh nghiệp, hỗ trợ đưa nghiên cứu vào áp dụng thực tế, đem lại lợi ích kinh tế cho
người nông dân và doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, Hội nghị qua các năm cũng đã dần thu hút được các doanh nghiệp
đồng hành và tài trợ cho các nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ của sinh viên.
2. Cuộc thi về sở hữu trí tuệ
Năm 2019 là năm đầu tiên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức
các cuộc thi gắn với sở hữu trí tuệ dành cho sinh viên. Các cuộc thi không chỉ tạo môi
trường cạnh tranh, giao lưu thú vị giữa sinh viên các trường đại học về sở hữu trí tuệ mà
còn gắn liền với các hoạt động đào tạo, talkshow bên lề cuộc thi nhằm gia tăng hiểu
biết, kỹ năng liên quan tới sở hữu trí tuệ cho sinh viên, giúp sinh viên nhận thức rõ hơn
tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập.
Cuộc thi “Khởi nghiệp dựa trên quyền sở hữu trí tuệ”: Nằm trong chuỗi các sự
kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ 26/4/2019 và ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam
18/5/2019, nhằm nâng cao nhận thức và khích lệ tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của
sinh viên dựa trên nền tảng kiến thức về sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ và Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp dựa trên
quyền sở hữu trí tuệ. Cuộc thi có mục đích gắn kết giữa đào tạo về SHTT với thực tiễn
hoạt động SHTT trong doanh nghiệp, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và cũng là nơi
giao lưu giữa các “nhà quản lý tương lai” trên một sân chơi bình đẳng, đoàn kết. Sau khi
phát động Cuộc thi, Ban tổ chức đã triển khai các khóa tập huấn về sở hữu trí tuệ
(SHTT) và hỗ trợ xây dựng dự án khởi nghiệp cho sinh viên đến từ các trường đại học
trên địa bàn Hà Nội. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 ý tưởng khởi nghiệp dựa trên
quyền SHTT của sinh viên và sơ tuyển để chọn ra 4 dự án có tiềm năng nhất để tham dự
Vòng chung kết diễn ra vào sáng ngày 11/5/2019 tại Trường Đại học Khoa học và Xã
hội nhân văn. Vòng chung kết của Cuộc thi Khởi nghiệp dựa trên quyền sở hữu trí
tuệ diễn ra giữa bốn đội đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại
học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam và
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Đến tham dự cuộc thi có Lãnh đạo của hai đơn vị
đồng tổ chức, đại diện của các trường có sinh viên tham gia vòng chung kết, các nhà tài
trợ cùng các giảng

111
viên, các chuyên gia khởi nghiệp, các chuyên gia SHTT, các startup, các doanh nghiệp
và các đơn vị truyền thông quan tâm. Tại Vòng thi chung kết, trải qua 3 phần thi Chào
hỏi, Đấu Trí IP và Khởi Nghiệp, các đội thi đã mang đến cuộc thi những phần thi đấu
hấp dẫn chứa đựng những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đầy bất ngờ. Mỗi đội chơi đã
cống hiến cho khán giả những phần thi hết sức hào hứng, đầy bản sắc của từng trường
và thể hiện sự hiểu biết về vai trò của việc xây dựng, bảo vệ và quản lý tài sản trí tuệ
trong doanh nghiệp cũng như việc sử dụng quyền SHTT làm công cụ nâng cao năng lực
cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư.
Sang tới năm 2022, Cuộc thi về sở hữu trí tuệ đã được chuyển sang cho sinh viên
chủ động tổ chức. Cuộc thi "Ý tưởng Khởi nghiệp Nhân văn – S – Star 2022" là cuộc
thi được tổ chức bởi CLB Sở hữu trí tuệ Nhân văn IPUSH phối hợp cùng CLB Hỗ trợ
cộng đồng Khởi nghiệp Nhân văn SUrE. Cuộc thi gắn Khởi nghiệp với quyền sở hữu trí
tuệ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm
nay là “Ý tưởng số kiến tạo xã hội” với tiêu chí gắn liền với quyền Sở hữu trí tuệ cho
dự án khởi nghiệp Đối tượng dự thi đa dạng bao gồm học sinh trường chuyên Khoa học
xã hội và Nhân văn, sinh viên trườngTrường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
ĐHQGHN và sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội
hoặc khu vực miền Bắc có niềm đam mê khởi nghiệp, sinh viên tốt nghiệp không quá 1
năm (bao gồm cả du học sinh) trên toàn quốc quan tâm tới khởi nghiệp kinh doanh. S-
Star 2022 được tổ chức với 3 vòng thi: Vòng hồ sơ - Vòng huấn luyện - Vòng chung
kết. Trải qua hơn 2 tháng khởi động với các vòng thi chọn lọc gay gắt, cùng quá trình
được huấn luyện với đội ngũ cố vấn uy tín của cuộc thi, BTC chương trình đã chọn ra
06 đội thi xuất sắc nhất vào chung kết trong hơn 30 ý tưởng, dự án tham dự đến từ các
sinh viên không chỉ trong Trường ĐHKHXH&NV mà còn có sự góp mặt của các bạn
sinh viên trong các trường đại học khác trên thành phố Hà Nội như Trường ĐHKHTN,
ĐHQGHN, Khoa Luật ĐHQGHN, Trường Đại học Thương Mại, Trường Đại học Ngoại
Thương,... Chương trình được cố vấn bởi đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong
2 lĩnh vực Khởi nghiệp và Sở hữu trí tuệ. Các kiến thức sở hữu trí tuệ được lồng ghép
vào trong toàn bộ quá trình tổ chức cuộc thi, hỗ trợ đắc lực cho sinh viên khởi nghiệp
sáng tạo tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.
3. Câu lạc bộ về sở hữu trí tuệ
Năm 2020, Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ Nhân văn viết tắt là IPUSH được thành lập
từ nhóm sinh viên chuyên ngành sở hữu trí tuệ. Câu lạc bộ này trực thuộc Đoàn thanh
niên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Câu lạc bộ có đội ngũ cố vấn
chuyên môn là các giảng viên về sở hữu trí tuệ của trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn, các cựu sinh viên chuyên ngành sở hữu trí tuệ, hiện đang làm việc
trong các cơ quan nhà nước về sở hữu trí tuệ, tư vấn viên, giám đốc các doanh nghiệp
về sở hữu trí

112
tuệ. Câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa
học và phát triển bản thân với sở hữu trí tuệ như:
Đăng tải liên tục các bài viết giới thiệu và bình luận về các tranh chấp quyền sở
hữu trí tuệ, tổ chức các mini game trên fanpage của Câu lạc bộ về các khía cạnh của
sở hữu trí tuệ (https://www.facebook.com/ipush.club/). Các bài viết được sinh viên thể
hiện nên rất gần gũi với nhu cầu và cách cảm nhận của sinh viên, thông qua đó giúp các
bạn trẻ yêu thích và có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ như: Các nguồn thông tin và cơ
sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp bạn nên biết, Các nhận thức sai lầm về sở hữu trí tuệ,
Đuổi hình bắt chữ cùng IPUSH,…
Chuỗi sự kiện tọa đàm “Nghiên cứu khoa học sinh viên về Sở hữu trí tuệ” kéo
dài trong tháng 12/2021 giúp sinh viên biết cách triển khai một nghiên cứu khoa học và
được gợi mở các hướng nghiên cứu gắn với sở hữu trí tuệ.
Talkshow “Tri thức khởi nghiệp cho sinh viên GEN Z” - online trên nền tảng
Zoom. Nhằm mang tới cho các bạn sinh viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng
và học sinh, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung
những kiến thức, thông tin cơ bản, cập nhật về khởi nghiệp trong giai đoạn “bình
thường mới”, IPUSH phối hợp cùng SUrE tổ chức talkshow để phổ biến và thúc đẩy
tư tưởng, hoạt động khởi nghiệp của sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà
trường; khuyến khích các bạn trẻ thể hiện ý tưởng khởi nghiệp một cách sáng tạo, dám
bước ra khỏi “vùng an toàn” - dám thể hiện bản thân vươn tới ước mơ làm giàu cho bản
thân và cho xã hội.
Workshop “Sở hữu trí tuệ – chìa khóa hội nhập quốc thế cho GEN Z”: Đây là
workshop giúp sinh viên tìm hiểu những kiến thức căn bản và tầm quan trọng của sở
hữu trí tuệ, cung cấp thông tin về những ảnh hưởng của sở hữu trí tuệ đối với những
vấn đề như định hướng ngành nghề khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn
khởi nghiệp với gen Z dựa trên vấn đề sở hữu trí tuệ.
Cuộc thi Sở hữu trí tuệ quanh ta (17/1-23/1/2021) là một cuộc thi online thu hút
các bài viết về các vấn đề sở hữu trí tuệ quanh ta, đã thu hút được rất nhiều bài dự thi
của các bạn sinh viên. Nhiều chủ đề bài viết thú vị xoay quanh các xâm phạm quyền sở
hữu trí tuệ đã được sinh viên trình bày sinh động và vận dụng kiến thức sở hữu trí tuệ
bình luận, đưa quan điểm như: Phim Trạng Tí và câu chuyện xung quanh quyền tác giả,
Tết và các sản phẩm mang nhãn hiệu Choco Pai, Tippo, Custard, Silate, Silote…, Mỹ
thuật – Đừng Thủ thuật (bàn về tác phẩm “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”
dự cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền - văn hóa Năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Cục
Văn hóa cơ sở tổ chức),…
Cuộc thi làm Video hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới: Nhằm hướng đến
kỷ niệm ngày Sở hữu trí tuệ thế giới - 26/04, tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)

113
chính thức phát động cuộc thi Làm video chia sẻ những ý tưởng sáng tạo đi kèm với sự
bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cuộc thi hứa hẹn trở thành sân chơi ý nghĩa, bổ ích cho
những người trẻ đam mê lĩnh vực này đồng thời xây dựng, kiến tạo cho tương lai tốt
đẹp hơn.
Trên đây là một số kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên trong
học tập sở hữu trí tuệ thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức cuộc thi và
câu lạc bộ sinh viên về sở hữu trí tuệ của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn./.

114
ĐÀO TẠO SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH SỞ HỮU TRÍ TUỆ -KINH
NGHIỆM TỪ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN
VĂN, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

ThS Hoàng Lan Phương⁎

Tóm tắt: Bài viết chỉ ra những kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo cũng như các
hoạt động bổ trợ cho hoạt động đào tạo sinh viên theo học chuyên ngành Sở hữu trí tuệ
(SHTT) tại Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
như: hoạt động thực tập cho sinh viên, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên, hoạt
động nâng cao nhận thức và kiến thức cho sinh viên về SHTT thông qua các cuộc thi,
gameshow... về SHTT. Hy vọng bài viết sẽ đem lại những giá trị tham khảo nhất định
cho việc xây dựng và thiết kế khung chương trình đào tạo Ngành Luật, chuyên ngành
Luật SHTT tại Trường Đại học Luật Hà Nội trong thời gian tới.
Từ khoá: đào tạo, SHTT, chuyên ngành SHTT, chuyên ngành Luật SHTT.

1. Dẫn nhập
SHTT đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. SHTT
hiện nay đang trở thành một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, là nhân tố đem lại sự
tăng trưởng kinh tế cho chủ thể sở hữu và xã hội. Ngoài ra, SHTT cũng là công cụ cạnh
tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh hội nhập
quốc tế. Năm 2022, Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã công bố thông điệp của ngày
SHTT thế giới (26/4) là “SHTT và thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp
hơn” nhằm ghi nhận những tiềm năng to lớn và nhấn mạnh sức sáng tạo của giới trẻ có
thể thúc đẩy những thay đổi, kiến tạo một tương lai tốt đẹp, bền vững. Nhận thức được
tầm quan trọng của SHTT với thế hệ trẻ, trong những năm gần đây, việc tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục và đào tạo các kiến thức về SHTT cho thế hệ trẻ đặc biệt chú trọng,
nhất là trong các trường đại học ở Việt Nam. Hiện nay, có nhiều trường đại học đã đưa
học phần liên quan đến SHTT vào chương trình đào tạo bậc đào tạo Đại học của mình.
Cụ thể như học phần “Luật SHTT” đã được đưa vào chương trình giảng dạy như một
học phần bắt buộc hoặc tự chọn của các trường đại học như: Đại học Luật Hà Nội, Đại
học Luật TP. Hồ Chí Minh, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật – Đại
học Kinh tế Quốc dân, Học viện Toà án, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Tài chính – Ngân
hàng Hà Nội, Đại học Luật – Đại học Huế, Đại học Ngoại thương, Đại học FPT, Đại
học Phương Đông, Khoa Luật Kinh tế - Học viện Chính sách và Phát triển... Ngoài ra,


Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Email: phuonghl@vnu.edu.vn
SĐT: 0902585389

115
một số trường đại học cũng có các học phần chuyên sâu hơn về SHTT như: Đại học
Luật Hà Nội giảng dạy học phần “Quản lý tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp” cho sinh
viên ngành Luật Kinh tế; Khoa Luật – Đại học Kinh tế Quốc dân giảng dạy học phần
“Pháp luật quốc tế về SHTT” cho sinh viên ngành Luật; Đại học Luật – Đại học Huế
giảng dạy học phần “Pháp luật SHTT trong kinh doanh” trong chương trình đào tạo
thạc sĩ Luật Kinh tế. Tuy nhiên, theo khảo sát của tác giả, hiện nay chưa có trường đại
học nào đào tạo chuyên ngành SHTT cho sinh viên năm cuối trừ Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn.
Trong bài viết này, tác giả sẽ chỉ ra các kinh nghiệm trong việc đào tạo Cử nhân
chuyên ngành SHTT tại Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội để mang tính chất gợi mở cho các trường đại học
muốn xây dựng và thiết kế khung chương trình đào tạo chuyên ngành SHTT hoặc
chuyên ngành Luật SHTT có thể tham khảo.
2. Hoạt động đào tạo sinh viên chuyên ngành SHTT tại Khoa Khoa học Quản
lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Năm 2003, Khoa Khoa học quản lý bắt đầu đào tạo chuyên ngành SHTT cho sinh
viên năm thứ 4 và tính đến nay đã có 19 năm đào tạo sinh viên theo chuyên ngành này.
Chuyên ngành SHTT là 1 trong 5 chuyên ngành đào tạo cho sinh viên năm cuối ngành
Khoa học quản lý. Hiện tại, Khoa Khoa học quản lý vẫn đang là đơn vị duy nhất đào tạo
sinh viên chuyên ngành SHTT trong các trường Đại học tại Việt Nam và là đơn vị duy
nhất cấp bằng Cử nhân chuyên ngành SHTT.
Tại Khoa Khoa học Quản lý, 100% các sinh viên của Khoa đều phải học 01 học
phần bắt buộc liên quan đến SHTT đó là học phần “Đại cương về SHTT”. Do đó, trước
khi bước vào lựa chọn chuyên ngành học vào năm thứ 4 thì tất cả các sinh viên của
Khoa đều có các kiến thức cơ bản về SHTT. Để theo học chuyên ngành SHTT của
Khoa thì điểm số của học phần “Đại cương về SHTT” là điều kiện tiên quyết để quyết
định xem sinh viên có đủ điều kiện để tham gia học chuyên ngành này hay không.
Theo thống kê của các khoá tốt nghiệp gần đây thì tỷ lệ sinh viên theo học chuyên
ngành SHTT ngày càng tăng theo thời gian. Đặc biệt, năm học 2021-2022, số lượng
sinh viên theo học chuyên ngành SHTT là 35 sinh viên (chiếm tỷ lệ 29,6%)68. Điều này
xuất phát từ nhu cầu của thị trường về nguồn nhân lực chất lượng cao về SHTT ngày
càng nhiều và xuất phát từ bản thân sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của
SHTT tới vị trị việc làm sau khi tốt nghiệp cũng như niềm đam mê, yêu thích về SHTT
ngày càng tăng trong thế hệ trẻ.

68
Số sinh viên có nguyện vọng theo học chuyên ngành SHTT là cao hơn 35 sinh viên nhưng do bị giới hạn số
sinh viên học chuyên ngành cũng như do không đủ điều kiện về điểm số trong học phần “Đại cương về SHTT”
nên sinh viên đã phải lựa chọn sang các chuyên ngành khác của Khoa.

116
Số lượng sinh viên theo Tỷ lệ trong tổng số sinh viên
Khoá học
học chuyên ngành SHTT Khoa Khoa học quản lý

QH-2011-X
15 11,4%
(tốt nghiệp năm 2015)
QH-2012-X
15 14,9%
(tốt nghiệp năm 2016)
QH-2013-X
23 18,9%
(tốt nghiệp năm 2017)
QH-2014-X
22 22,2%
(tốt nghiệp năm 2018)

QH-2015-X
16 26,7%
(tốt nghiệp năm 2019)
QH-2016-X
12 27,1%
(tốt nghiệp năm 2020)
QH-2017-X
12 27,6%
(tốt nghiệp năm 2021)

QH-2018-X
35 29,6%
(tốt nghiệp năm 2022)
Bảng 1. Số lượng sinh viên theo học chuyên ngành SHTT tại Khoa Khoa học quản lý
từ năm 2015-2022 (Nguồn: Báo cáo Tổng kết của Khoa Khoa học quản lý)
2.1. Nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành SHTT
Chuyên ngành SHTT tại Khoa Khoa học quản lý bao gồm 05 học phần, mỗi học
phần 45 tiết (03 tín chỉ). Cụ thể:
Mã học phần Tên học phần Số tín chỉ
Quyền tác giả và quyền liên quan
MNS3071 3
Copyright and Related Rights

Sáng chế và giải pháp hữu ích


MNS3072 3
Inventions and Utility Solutions
Kiểu dáng công nghiệp
MNS3073 3
Industrial Designs

117
Nhãn hiệu và các chỉ dẫn thương mại khác
MNS3074 3
Trademark and Trade Indications other
Quản lý sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp
MNS3075 3
Enterprise Management of Intellectual Property
Bảng 2. Các học phần được đào tạo trong chuyên ngành SHTT tại Khoa Khoa học
quản lý (Nguồn: Khung chương trình đào tạo Cử nhân ngành Khoa học quản lý
ban hành năm 2019)
Các học phần trong chuyên ngành SHTT là các học phần chuyên sâu về các đối
tượng của quyền SHTT như: quyền tác giả và quyền liên quan; sáng chế và giải pháp
hữu ích; nhãn hiệu và các chỉ dẫn thương mại khác; kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên,
các học phần trên không phải là lặp lại các kiến thức đã giới thiệu ở trong học phần
“Đại cương về SHTT” mà cung cấp các kiến thức chuyên sâu hơn về bảo hộ các đối
tượng của quyền SHTT cũng như tập trung nâng cao các kiến thức, kỹ năng hành
nghề cho sinh viên như kỹ năng tra cứu thông tin về sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng
công nghiệp; kỹ năng viết bản mô tả sáng chế, cách viết đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn
đăng ký kiểu dáng công nghiệp và các đơn đăng ký các đối tượng SHTT khác; bảo
hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số; các kỹ năng
giải quyết tình huống và các bài tập liên quan đến các đối tượng của quyền SHTT và
các vấn đề đương đại liên quan đến quyền SHTT như trí tuệ nhân tạo (AI), Bigdata,
Blockchain, kiểu dáng công nghiệp riêng phần, bảo hộ nhãn hiệu âm thanh...
Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2018 đến nay, một học phần mới được đưa vào giảng
dạy trong chuyên ngành SHTT là học phần “Quản lý SHTT trong doanh nghiệp”69.
Học phần “Quản lý SHTT trong doanh nghiệp” ngoài các nội dung về thực thi quyền
SHTT hay bảo vệ quyền SHTT thì còn có rất nhiều các nội dung mới hơn để phù hợp
với nhu cầu thực tiễn hiện nay khi mà vấn đề quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ
của doanh nghiệp đang được quan tâm. Đó là các nội dung về tạo đựng, khai thác,
thương mại hoá các tài sản trí tuệ thông qua việc tự khai thác, góp vốn, nhượng
quyền thương mại, chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng, thế chấp...;
các phương pháp định giá các tài sản trí tuệ; giám định SHTT; cách thức xây dựng các
chính sách để quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp.
2.2. Ưu điểm khi học chuyên ngành SHTT tại Khoa Khoa học quản lý:
(i) Sinh viên được học vào buổi tối hoặc thứ 7, chủ nhật
Với việc tổ chức học vào buổi tối hoặc các ngày thứ 7, chủ nhật sẽ là một cơ hội rất lớn
cho các bạn sinh viên khi muốn dành thời gian các ngày trong tuần để đi làm hoặc

69
Trước năm 2018, các sinh viên chuyên ngành SHTT được giảng dạy học phần “Thực thi quyền SHTT”.

118
tham gia học một chuyên ngành khác của Khoa Khoa học quản lý hoặc học thêm một
văn bằng đại học nữa tại các Khoa khác trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn hoặc các trường đại học khác.
(ii) Sinh viên có khả năng theo học 02 chuyên ngành cùng một lúc
Điểm đặc trưng của Khoa Khoa học quản lý là cho phép sinh viên có thể học song
song 02 chuyên ngành cùng một lúc nếu sắp xếp được thời gian và đủ điều kiện theo
học. Điều này sẽ giúp sinh viên khi ra trường sẽ có thể nhận được tấm bằng Cử nhân
với 02 bảng điểm đại học ghi 02 chuyên ngành đào tạo khác nhau. Do đó, khi tham gia
học chuyên ngành SHTT, sinh viên có thể theo học thêm 01 chuyên ngành khác vào ban
ngày.
(iii) Sinh viên được học những chuyên gia hàng đầu về SHTT, có kinh nghiệm thực tiễn
về SHTT
Khi tham gia học chuyên ngành SHTT thì sinh viên sẽ có cơ hội được học các
chuyên gia về SHTT đến từ Cục SHTT, Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công
nghệ, Viện SHTT và các giảng viên giảng dạy về SHTT tại Khoa Khoa học quản lý và
các trường đại học khác.
(iv) Sinh viên được tham gia vào các cuộc thi về SHTT
Các cuộc thi về SHTT luôn là những sân chơi thu hút các sinh viên theo học
chuyên ngành SHTT nói riêng và những sinh viên yêu thích SHTT nói chung của
Khoa Khoa học quản lý. Với những kiến thức được đào tạo về SHTT, các sinh viên
học chuyên ngành SHTT đều có thể vận dụng tối đa trong các cuộc thi về SHTT.
(v) Tham gia Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên về SHTT giữa các trường
đại học
Khoa Khoa học quản lý đã phối hợp với Cục SHTT tổ chức Hội nghị Nghiên cứu
khoa học sinh viên về SHTT giữa các trường đại học được hơn 10 năm. Đây là hoạt
động thường niên của Khoa để chào mừng Ngày SHTT thế giới (26/4). Đây là hoạt
động mang tính chất học thuật bổ ích cho sinh viên các trường đại học không chỉ trên
địa bàn thành phố Hà Nội như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội,
Khoa Luật – Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Khoa học Tự nhiên... mà còn thu hút
được sự quan tâm của các trường đại học khác ở khu vực miền Trung như Đại học
Luật – Đại học Huế.
(vi) Có khả năng tham gia các khoá đào tạo về SHTT tại nước ngoài sau khi tốt
nghiệp
Rất nhiều sinh viên của Khoa Khoa học quản lý sau khi tốt nghiệp đã tự tìm kiếm
các học bổng để nâng cao trình độ đào tạo của mình như các khoá đào tạo ngắn hạn tại

119
Nhật Bản, các chương trình đào tạo thạc sĩ về SHTT tại Trung Quốc và một số quốc gia
khác.
2.3. Cơ hội việc làm dành cho sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành SHTT:
Với những kiến thức và kỹ năng được trang bị trong quá trình theo học chuyên
ngành SHTT tại Khoa Khoa học quản lý, sinh viên tốt nghiệp có thể có cơ hội làm việc
tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực SHTT, bao gồm:
- Làm việc tại các cơ quan nhà nước chuyên về SHTT như: Cục SHTT, Viện
Khoa học SHTT, Hội SHTT...
- Làm việc tại Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) và các đơn vị trực thuộc Bộ
KH&CN
- Làm việc tại Sở KH&CN các địa phương
- Nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu
- Giảng viên về SHTT trong các trường đại học
- Làm việc tại các Phòng, ban về SHTT tại doanh nghiệp
- Làm việc tại các đại diện Sở hữu công nghiệp (SHCN), các công ty luật về
SHTT
- Làm việc tại văn phòng SHTT và chuyển giao công nghệ
- Làm việc tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp khác...
2. Hoạt động thực tập của sinh viên chuyên ngành SHTT
Đối với sinh viên theo học chuyên ngành SHTT sẽ có 02 đợt thực tập:
- Đợt 1 - Thực tập thực tế: dành cho sinh viên sau khi kết thúc năm thứ 3 và bắt
đầu lựa chọn chuyên ngành học. Đợt thực tập thực tế này sẽ diễn ra vào hè năm thứ 3
(trong khoảng tháng 7 đến tháng 8).
- Đợt 2 - Thực tập tốt nghiệp: dành cho sinh viên sau khi kết thúc học 5 học phần
chuyên ngành và thực tập chuyên sâu về chuyên ngành mình học. Sinh viên vừa thực
tập tốt nghiệp và song song với việc làm khoá luận tốt nghiệp hoặc ôn thi tốt nghiệp (02
môn thi tốt nghiệp). Đợt thực tập tốt nghiệp kéo dài 03 tháng và diễn ra vào kỳ học thứ
2 của năm thứ 4.
2.1. Thực tập thực tế
Đối với thực tập thực tế, sau khi sinh viên đã lựa chọn chuyên ngành học thì sẽ
được đi thực tập để được tiếp cận với thực tế trước khi bắt đầu vào học 05 học phần
chuyên ngành. Đây là một kỳ thực tập tương ứng với một học phần 03 tín chỉ. Có hai
lựa chọn cho sinh viên đi thực tập thực tế:
- Thực tập thực tế theo hình thức tập trung:
Đối với việc thực tập thực tế theo hình thức tập trung thì yêu cầu tất cả các sinh
viên cùng đi thực tập tại một hoặc một số địa điểm thực tập mà do giảng viên liên hệ

120
trước với thời gian thực tập là 15 ngày làm việc. Giảng viên sẽ trực tiếp dẫn sinh viên
đến các địa điểm thực tập để quan sát, học hỏi, lắng nghe và thực hành các kiến thức đã
học từ học phần “Đại cương về SHTT”.
Các địa điểm thực tập thực tế: các đại diện SHCN, Cục SHTT, các doanh nghiệp
hoạt động trong lĩnh vực SHTT, các Sở KH&CN các tỉnh và các doanh nghiệp khác.
- Thực tập thực tế theo hình thức cá thể hoá:
Hình thức đi theo hình thức cá thể hoá là hình thức đi thực tập thực tế không tập
trung. Sinh viên tự thực tập tại địa điểm do sinh viên liên hệ hoặc do giảng viên giới
thiệu. Tất cả những địa điểm thực tập này sẽ là những cơ quan, tổ chức hoạt động có
liên quan đến lĩnh vực SHTT. Thời gian thực tập thực tế theo hình thức này là 33 ngày
làm việc.
Sau khi kết thúc đợt thực tập thực tế, sinh viên sẽ phải 01 nộp báo cáo thực tập
thực tế để thể hiện được những thông tin, những kinh nghiệm học hỏi được qua quá
trình thực tập thực tế. Ngoài ra, sinh viên cũng cần nộp các giấy tờ, tài liệu để chứng
minh quá trình đi thực tập thực tế của mình như: giấy xác nhận thực tập của cơ quan
thực tập (có chữ ký và đóng dấu của người đại diện đơn vị); bảng chấm công, bản nhận
xét của người hướng dẫn thực tập (nếu sinh viên đi thực tập thực tế theo hình thức cá
thể hoá). Việc hướng dẫn sinh viên viết báo cáo thực tập thực tế sẽ do giảng viên phụ
trách nhóm sinh viên thực tập hướng dẫn trước khi sinh viên bắt đầu thực tập cho đến
khi kết thúc kỳ thực tập (tối đa 25 sinh viên/giảng viên hướng dẫn).
Trong 03 năm học gần đây, với sự nỗ lực của các giảng viên trong Bộ môn SHTT,
các hình thức thực tập thực tế cũng đã được đa dạng hoá không chỉ dừng lại ở việc thực
tập tại ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, năm học 2020-2021, do tác
động của dịch Covid-19 mà hình thức thực tập thực tế đã chuyển từ trực tiếp sang hình
thức online. Trong năm học 2021-2022, Khoa lại triển khai việc thực tập thực tế theo
hình thức cá thể hoá để phù hợp với nhu cầu của sinh viên và diễn biến của dịch Covid-
19.
Địa điểm Hình
Năm học Nội dung
thực tập thực tế thức

1. Tham quan và thực tế các phòng


2018 - 2019 1. Cục SHTT ban chức năng, các trung tâm tại Cục Thực tập
(Thực tập 2. Công ty SHTT. tập trung
thực tế tại TNHH SHTT 2. Thực tập tại Trung tâm Thon̂ g tin (15 ngày
Hà Nội) Havip của Cục SHTT về các kỹ năng tra cứu làm việc)
thông tin sáng chế, thông tin nhãn

121
hiệu và thông tin kiểu dáng công
nghiệp.
2. Tìm hiểu cơ cấu, chức năng, nhiệm
vụ của Công ty TNHH SHTT Havip
và các công việc liên quan đến SHTT
mà một đại diện SHCN thường làm.
1. Sở KH&CN
tỉnh Quảng Ninh 1. Tìm hiểu cơ cấu, chức năng, nhiệm
2. Công ty cổ vụ và các hoạt động về SHTT của Sở
phần Ngọc trai KH&CN tỉnh Quảng Ninh trong giai
Hạ Long (TP. Hạ đoạn 2017-2020.
Long) 2. Tìm hiểu việc xây dựng, quản lý và
2019 - 2020
3. Công ty phát triển nhãn hiệu chứng nhận Thực tập
(Thực tập
TNHH đầu tư “Ngọc trai Hạ Long” tập trung
thực tế tại
Hoàng Anh (TP. 3. Tìm hiểu cơ cấu tổ chức, chức năng, (15 ngày
tỉnh Quảng
Hạ Long) nhiệm vụ của Công ty TNHH đầu tư làm việc)
Ninh)
4. Hợp tác xã Hoàng Anh và các hoạt động trong
Nông dược lĩnh vực SHTT của công ty.
Quang Vân 4. Tìm hiểu việc xây dựng, quản lý và
(huyện Hoành phát triển nhãn hiệu tập thể “Ổi Hoành
Bồ, tỉnh Quảng Bồ”
Ninh)
Thực tập tại Trung tâm Thông tin của
2020 - 2021 Thực tập
Cục SHTT về các kỹ năng tra cứu
(Thực tập tập trung
Cục SHTT thông tin sáng chế, thông tin nhãn
thực tế (15 ngày
hiệu và thông tin kiểu dáng công
online) làm việc)
nghiệp.
1. Tìm hiểu cơ cấu tổ chức, chức
2021 - 2022 Thực tập
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ
(Thực tập không tập
Do sinh viên lựa quan, tổ chức, doanh nghiệp mà
thực tế theo trung (33
chọn sinh viên thực tập.
hình thức cá ngày làm
2. Trực tiếp tham gia vào các hoạt
thể hoá) việc)
động về SHTT tại địa điểm thực tập.

Bảng 3. Hình thức và địa điểm thực tập thực tế cho sinh viên chuyên ngành SHTT
của Khoa Khoa học quản lý trong các năm học 2018 - 2022

122
* Ưu điểm của hoạt động thực tập thực tế
- Tăng các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên để phục vụ cho việc học
tập chuyên ngành
Khoa Khoa học quản lý luôn đa dạng hoá các hình thức thực tập thực tế để sinh
viên trước khi vào học chuyên ngành học chính thức về SHTT có các kiến thức, kỹ năng
cần thiết để phục vụ cho hoạt động học tập các học phần chuyên ngành. Có thể nhận
thấy, hoạt động thực tập thực tế cho sinh viên sau khi kết thúc năm thứ 3 là hoạt động
hết sức cần thiết và đã mang lại nhiều phản hồi tích cực từ phía sinh viên đối với hoạt
động này.
- Tăng trải nghiệm cũng như kinh nghiệm thực tế cho sinh viên
“Học đi đôi với hành” và “lấy người học làm trung tâm” luôn là những phương
châm cốt lõi trong hoạt động đào tạo của Khoa Khoa học quản lý. Do đó, để tăng tính
thực tế cho sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên có được trải nghiệm để so sánh các kiến
thức đã học trên ghế giảng đường với thực tiễn thì hoạt động thực tập thực tế là nhiệm
vụ mà Khoa đã duy trì trong vòng 20 năm kể từ khi thành lập Khoa. Từ những trải
nghiệm và kinh nghiệm thực tế thu được từ hoạt động thực tập thực tế, sinh viên lại tiếp
tục áp dụng vào việc học các học phần trong năm thứ 4.
- Tạo ra cơ hội việc làm cho sinh viên
Hoạt động thực tập thực tế cũng mang lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngay
từ khi còn đang là sinh viên đại học. Rất nhiều sinh viên sau những đợt thực tập thực tế
đã được giữ lại để trở thành nhân viên chính thức tại các cơ quan thực tập. Do đó, hoạt
động thực tập thực tế không chỉ dừng lại ở hoạt động quan sát, học hỏi, trải nghiệm mà
còn đem lại các cơ hội việc làm đúng chuyên ngành cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi
trên ghế nhà trường.
- Tạo ra sự kết nối giữa các sinh viên và các cựu sinh viên
Hiện tại, Khoa Khoa học quản lý có rất nhiều cựu sinh viên sau khi tốt nghiệp
đang làm tại các đại diện SHCN, các công ty luật có liên quan đến lĩnh vực SHTT,
các cơ quan nhà nước về SHTT hoặc KH&CN; tự thành lập đại diện SHCN riêng...
Nếu các cựu sinh viên có nhu cầu nhận các sinh viên thực tập tại cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp của mình có thể trực tiếp liên hệ với các chi đoàn sinh viên hoặc thông
qua các giảng viên của Bộ môn SHTT, các giảng viên Khoa Khoa học quản lý để
tăng tính kết nối cũng như tạo cơ hội thực tập cho các sinh viên của Khoa. Từ đó, hình
thành và xây dựng được mạng lưới kết nối giữa sinh viên và cựu sinh viên trong Khoa
trong việc tạo cơ hội thực tập, tạo việc làm, trao đổi các kiến thức chuyên môn liên quan
đến SHTT cũng như các kinh nghiệm khi đi thi chứng chỉ hành nghề đại diện SHCN...
* Thách thức khi triển khai hoạt động thực tập thực tế

123
- Vất vả cho giảng viên hướng dẫn đoàn thực tập vì sẽ phải trực tiếp là người liên
hệ các địa điểm thực tập cho sinh viên nếu đoàn thực tập đi tập trung. Nếu thực tập thực
tế theo hình thức cá thể hoá, nếu sinh viên không tự tìm được địa chỉ thực tập thì giảng
viên của Bộ môn SHTT cũng có trách nhiệm giới thiệu địa chỉ thực tập cho sinh viên.
- Có thể gặp những trở ngại khách quan như dịch Covid-19 khiến cho việc triển
khai thực tập thực tế khó khăn, sinh viên không thể trực tiếp đến được địa điểm thực
tập, việc thực tập online có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn.
2.2. Thực tập tốt nghiệp
Học phần thực tập tốt nghiệp cũng là một học phần đào tạo 03 tín chỉ trong khung
chương trình đào tạo của Khoa Khoa học quản lý. Hoạt động thực tập tốt nghiệp sẽ diễn
ra vào học kỳ 2 của năm thứ 4 sau khi sinh viên kết thúc việc học tập 05 học phần
chuyên ngành. Đợt thực tập tốt nghiệp sẽ kéo dài trong vòng 03 tháng và song song với
việc đi thực tập tốt nghiệp, sinh viên sẽ phải hoàn thành việc làm khoá luận tốt
nghiệp hoặc tham gia 02 môn học để thi tốt nghiệp. Mục tiêu của học phần thực tập tốt
nghiệp sẽ đòi hỏi cao hơn so với học phần thực tập thực tế. Nếu như học phần thực tập
thực tế chỉ yêu cầu sinh viên nhận diện và mô tả được những vấn đề liên quan đến
SHTT hoặc các hoạt động về SHTT của các đơn vị thực tập thì học phần thực tập tốt
nghiệp yêu cầu sinh viên không chỉ đánh giá được những vấn đề liên quan đến SHTT,
các hoạt động SHTT của đơn vị thực tập, đưa ra các giải pháp để hoàn thiện những
vấn đề đó, những hoạt động đó của đơn vị thực tập mà còn yêu cầu sinh viên thực hành
được thuần thục các kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực SHTT như: kỹ năng viết bản
mô tả sáng chế, kỹ năng viết và tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế, đơn đăng ký
nhãn hiệu, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, kỹ năng giải quyết tranh chấp trong
lĩnh vực SHTT thông qua các vụ việc trong thực tiễn, kỹ năng tư vấn về SHTT... Để
có thể đánh giá, đưa ra giải pháp hoàn thiện hay hình thành được các kỹ năng trong
lĩnh vực SHTT đòi hỏi sinh viên phải đi thực tế, va chạm vào các công việc cụ thể tại
các đơn vị thực tập tốt nghiệp. Do đó, yêu cầu thực tập tốt nghiệp trong khoảng thời
gian 03 tháng là hoàn toàn phù hợp để sinh viên có đủ thời gian để trải nghiệm các
công việc thực tế tại đơn vị thực tập tốt nghiệp.
Yêu cầu khi kết thúc học phần thực tập tốt nghiệp là sinh viên sẽ phải hoàn thành
01 báo cáo thực tập tốt nghiệp cùng với các giấy tờ, tài liệu trong quá trình đi thực tập
như giấy xác nhận thực tập của cơ quan thực tập (có chữ ký và đóng dấu của người đại
diện đơn vị); bảng chấm công, bản nhận xét của người hướng dẫn thực tập. Báo cáo
thực tập tốt nghiệp không được trùng với Khoá luận tốt nghiệp của sinh viên. Báo cáo
thực tập tốt nghiệp phải thể hiện được những kinh nghiệm, kỹ năng, khả năng đánh
giá và đưa ra giải pháp hoàn thiện về một vấn đề liên quan đến SHTT tại đơn vị thực
tập của sinh viên. Cũng giống như học phần thực tập thực tế, việc hướng dẫn sinh viên
viết báo

124
cáo thực tập tốt nghiệp sẽ do giảng viên phụ trách nhóm sinh viên thực tập hướng dẫn
trước khi sinh viên bắt đầu thực tập cho đến khi kết thúc kỳ thực tập (tối đa 25 sinh
viên/giảng viên hướng dẫn).
Về hình thức thực tập tốt nghiệp: theo mô hình cá thể hoá. Sinh viên tự liên hệ nơi thực
tập, nếu không tự tìm được địa điểm thực tập thì các giảng viên của Bộ môn SHTT sẽ
hỗ trợ cho sinh viên. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đi thực tập thực tế trước khi học các
học phần chuyên ngành thì việc liên hệ các địa điểm thực tập tốt nghiệp đối với các
sinh viên theo học chuyên ngành SHTT lại không phải là một khó khăn. Các địa chỉ
thực tập tốt nghiệp mà sinh viên thường lựa chọn để nâng cao kỹ năng hành nghề sau
này của mình trong lĩnh vực SHTT đó là: các đại diện SHCN, các văn phòng luật hoạt
động có liên quan đến SHTT, Cục SHTT, Viện SHTT, các cơ quan trực thuộc Bộ
KH&CN, Sở KH&CN các địa phương...
3. Các hoạt động bổ trợ khác cho hoạt động đào tạo
3.1. Hoạt động nghiên cứu khoa học
Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên là một hoạt động rất cần thiết để sinh
viên có thể tìm hiểu sâu hơn các kiến thức về SHTT, nghiên cứu về các kiến thức SHTT
mới và giúp duy trì niềm đam mê của sinh viên với SHTT. Hàng năm, tại Khoa Khoa
học quản lý, số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học về SHTT tương đối đông
so với tổng số sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học nói chung của khoa. Trong năm
học 2020-2021, số lượng báo cáo nghiên cứu khoa học về SHTT là 29/60 báo cáo
nghiên cứu khoa học toàn khoa; trong năm học 2021-2022, số lượng này là 13/41.
Ngoài ra, một hoạt động hàng năm do Khoa Khoa học quản lý kết hợp với Cục
SHTT tổ chức đó là “Hội nghị Khoa học sinh viên về SHTT” đã thu hút được sự quan
tâm của ít nhất 05 trường đại học. Đây là hoạt động có ý nghĩa tăng cường và giao lưu
học thuật cho sinh viên về SHTT.
3.2. Hoạt động của Câu lạc bộ SHTT
Câu lạc bộ SHTT Nhân văn (viết tắt là “IPUSH”) là một câu lạc bộ trực thuộc
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn được thành lập vào ngày 19/11/2021. Câu lạc bộ được xây dựng theo mô
hình tổ hợp đào tạo nhằm nâng cao kiến thức của sinh viên toàn trường về lĩnh vực
SHTT; củng cố vị thế là trường đại học đi đầu trong lĩnh vực SHTT và đổi mới sáng
tạo. Ngoài ra, Câu lạc bộ kết hợp định hướng phát triển nghề nghiệp và hoạt động dịch
vụ trong lĩnh vực SHTT và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học
và tác nghiệp có liên quan đến SHTT như bảo vệ quyền tác giả với các tác phẩm nghiên
cứu khoa học, thương mại hóa..; liên kết với các doanh nghiệp để tạo môi trường thực
tế cho sự phát

125
triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung và lĩnh vực SHTT
nói riêng.
Câu lạc bộ SHTT Nhân văn (IPUSH) hiện nay có 35 thành viên đến từ tất cả các
Khoa trong trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với sự tham gia của Ban Cố
vấn gồm 11 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực SHTT, các cựu sinh viên của
Khoa đang làm việc trong lĩnh vực SHTT, các giảng viên giảng dạy về SHTT và đổi
mới sáng tạo.
Mặc dù được thành lập trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lễ
ra mắt của Câu lạc bộ SHTT Nhân văn (IPUSH) phải tổ chức online. Song với nỗ lực từ
phía các thành viên Câu lạc bộ và sự tích cực tham gia của các sinh viên đến từ nhiều
trường Đại học khác nhau trên địa bàn Thành phố Hà Nội, hoạt động của Câu lạc bộ
SHTT Nhân văn (IPUSH) đã có một số những kết quả tích cực như sau:
1. Hướng dẫn ôn tập, hệ thống hoá các kiến thức về SHTT cho các sinh viên Khoa
Khoa học quản lý trong việc ôn tập cuối kỳ học phần “Đại cương về SHTT”.
2. Tổ chức tư vấn, định hướng cho hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên về
SHTT (02 toạ đàm):
- Tọa đàm: “Các vấn đề trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ có thể triển khai thành
nghiên cứu”.
- Tọa đàm: “Xây dựng và triển khai ý tưởng Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực
Sở hữu trí tuệ”.
Các toạ đàm nói trên đã thu hút được trên 2000 lượt sinh viên tham gia trong đó
ngoài các sinh viên của các Khoa và Bộ môn trực thuộc của Trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn thì còn có rất nhiều sinh viên đến từ các trường Đại học khác như:
Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại
học Luật – Đại học Huế...
3. Tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày SHTT Thế giới (26/4/2022) với chủ đề “IP
and Youth innovating for a Better Future” - “SHTT và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì
một tương lai tốt đẹp hơn”.
4. Các chuỗi hoạt động do Câu lạc bộ SHTT Nhân văn - IPUSH đăng cai tổ chức
gắn liền Sở hữu trí tuệ với Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:
- Cuộc thi “Sở hữu trí tuệ quanh ta” khuyến khích sự sáng tạo và bảo hộ sự sáng
tạo.
- Talkshow: “Tri thức khởi nghiệp cho sinh viên gen Z”
- Workshop: “SHTT - Chìa khoá hội nhập quốc tế cho gen Z”

126
- Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp nhân văn (S-STAR 2022)” với chủ đề “Ý tưởng
số kiến tạo xã hội” gắn liền Khởi nghiệp sáng tạo với Sở hữu trí tuệ được tổ chức từ
11/4/2022 – 09/6/2022.
Cuộc thi S-STAR 2022 đã thu hút được hơn 30 ý tưởng khởi nghiệp từ các sinh
viên của các trường Đại học như: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học
Ngoại thương, Học viện Bưu chính – Viễn thông, Trường Đại học Thương Mại, Khoa
Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội...
Trong các năm học tiếp theo, các hoạt động liên quan đến định hướng, tư vấn cho
hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên về SHTT, hoạt động chào mừng và kỷ niệm
ngày SHTT thế giới (26/4 hàng năm) và Cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp Nhân văn (S-
STAR)) sẽ là các hoạt động duy trì thường niên của Câu lạc bộ SHTT Nhân văn. Ngoài
ra, hoạt động của CLB cũng sẽ được mở rộng trong việc tổ chức các Toạ đàm tuyên
truyền về SHTT trong sinh viên các trường Đại học; tư vấn về việc quản lý tài sản trí
tuệ và các cách thức xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT cho các cá nhân, tổ chức,
doanh nghiệp có nhu cầu; tham gia các cuộc thi liên quan đến SHTT trong các trường
Đại học...
3.3. Các cuộc thi tìm hiểu về SHTT
Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng là
đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi về SHTT dành cho sinh viên như: Cuộc thi “Nhà quản lý
trẻ”, Cuộc thi “SHTT - Cầu nối sinh viên với doanh nghiệp”; Cuộc thi “Khởi nghiệp
dựa trên quyền SHTT”; “Ý tưởng khởi nghiệp Nhân văn (S-STAR). Ngoài ra, sinh viên
của Khoa cũng tham gia các cuộc thi về SHTT như: Gameshow “IP Challenge – Đỉnh
cao thương hiệu” do Đại học Ngoại thương tổ chức, Gameshow “Bản quyền & Sáng
tạo” do Cục Bản quyền tác giả tổ chức. Thông qua các cuộc thi tìm hiểu về SHTT, các
kiến thức về SHTT trong sinh viên được củng cố thêm và góp phần duy trì đam mê về
SHTT trong sinh viên.
4. Tổng kết
Có thể nhận thấy rằng, hoạt động đào tạo và các hoạt động bổ trợ cho hoạt động
đào tạo sinh viên chuyên ngành SHTT tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn và cụ thể tại Khoa Khoa học Quản lý đã được thực hiện tương đối phù hợp với
khung chương trình đào tạo cũng như đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Sinh viên theo học chuyên ngành SHTT có thể có các cơ hội việc làm về SHTT ngay từ
khi chưa bắt đầu theo học chuyên ngành vào năm thứ 4 thông qua hoạt động thực tập
thực tế cũng như thông qua mạng lưới kết nối sinh viên và cựu sinh viên của Khoa. Đa
số các sinh viên của theo học chuyên ngành SHTT sau khi tốt nghiệp đều có thể vận
dụng các kiến thức đã học để hành nghề liên quan đến các lĩnh vực về SHTT. Có nhiều

127
sinh viên hiện nay đang là các thẩm định viên của Cục SHTT, chuyên viên của Viện
Khoa học SHTT, chuyên viên của Bộ KH&CN, Sở KH&CN các địa phương, chuyên
viên tại Cục Bản quyền tác giả, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam...;
có nhiều sinh viên đang làm tại các đại diện SHCN tại Hà Nội như Havip, Trường
Xuân, Invest Consult, Phạm và Liên danh, Công ty TNHH tư vấn đầu tư và SHTT
Rachel... và các công ty luật, tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực SHTT.
Đặc biệt, có các cựu sinh viên đã tự thành lập các đại diện SHCN của mình như:
Công ty TNHH Trust Legal Việt Nam, Công ty TNHH SHTT Anlis, Công ty luật Link
& Partner. Qua đây có thể nhận thấy được hiệu quả đào tạo sinh viên chuyên ngành
SHTT trong 19 năm vừa rồi đã đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn và khẳng định “thương
hiệu” của Khoa Khoa học quản lý nói riêng và Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn nói chung là một nơi đào tạo về SHTT uy tín trong cả nước.
Việc xây dựng chương trình đào tạo Ngành Luật, chuyên ngành Luật SHTT tại
trường Đại học Luật Hà Nội là một nhu cầu cần thiết và cấp bách trước ngưỡng cửa hội
nhập kinh tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Với tư cách là một trường đại học có quy
mô đào tạo ngành luật lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn
nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đất nước cộng với kinh nghiệm giảng dạy và
nghiên cứu trong lĩnh vực Luật SHTT nhiều năm thì việc mở một chuyên ngành đào tạo
cử nhân Luật SHTT là hoàn toàn khả thi và phù hợp. Hy vọng, với những kinh nghiệm
đào tạo chuyên ngành SHTT tại Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã
hội và Nhân văn sẽ đem lại những giá trị tham khảo nhất định cho Trường Đại học Luật
Hà Nội trong việc xây dựng Khung chương trình đào tạo chuyên ngành Luật SHTT.
Việc thiết kế các nội dung chương trình, các học phần đào tạo cũng như các hoạt động
bổ trợ hoạt động đào tạo là cần phù hợp với Khung chương trình chung cũng như các
quy định của Nhà trường để trong thời gian tới sẽ có những thế hệ sinh viên sau khi tốt
nghiệp có thể vận dụng được các kiến thức, kỹ năng trong khi học chuyên ngành Luật
SHTT tại Đại học Luật Hà Nội để thực hành nghề một cách hiệu quả nhất./.

128
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ Nhân văn (2021), Quy chế Tổ chức và hoạt động của
Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ Nhân văn.
2. Đoàn Thanh niên Cộng sản Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
(2021), Quyết định thành lập Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ Nhân văn số 244/XHNV-
QĐĐTN ngày 19/11/2021.
3. Khoa Khoa học quản lý (2015-2021), Báo cáo Tổng kết của Khoa Khoa học
quản lý.
4. Khoa Khoa học quản lý (2019), Khung chương trình đào tạo Cử nhân ngành
Khoa học quản lý.

129
CÁCH THỨC GIẢNG DẠY LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ TẠI MỘT SỐTRƯỜNG
ĐẠI HỌC TRÊN THẾ GIỚI - BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

ThS. Bùi Thị Minh Trang⁎

Tóm tắt: Chuyên đề đề cập đến tầm quan trọng của việc giảng dạy về sở hữu trí
tuệ thông quan bài học kinh nghiệm từ một số trường đại học trên thế giới. Từ đó đưa
ra giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả của việc giáo dục và khai thác các tài sản sở hữu
trí tuệ trong các trường đại học ở Việt Nam
Từ khoá: giảng dạy, sở hữu trí tuệ, đại học, Brazil, Mỹ, Việt Nam

Ngày nay, việc phổ biến những thông tin và những sáng tạo khác lạ đang trở thành
một tiêu chí mới để đánh giá sự tiến bộ kinh tế. Một trong các yếu tố được quan tâm để
phổ biến không thể không kể đến việc phổ biến và học tập về quyền sở hữu trí tuệ trong
bối cảnh ngày càng có nhiều tài liệu nhằm tìm hiểu các tác động tích cực của việc bảo
vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như mối quan hệ của quyền này với quan hệ cạnh tranh,
tầm quan trọng của chúng trong các giao dịch công nghệ quốc tế và cách các quyền này
có liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế tổng thể của một quốc gia. Trong bối cảnh
đó, nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và có vốn tri thức dày dặn được coi
là yếu tố then chốt để thay đổi chiến lược phát triển của các quốc gia và doanh nghiệp;
cho cả việc tạo ra, duy trì và củng cố những cơ chế phù hợp của mỗi quốc gia trong việc
bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bên cạnh việc khuyến khích các quốc gia tham gia các diễn
đàn quốc tế để thảo luận, ví dụ như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Sở
hữu trí tuệ Thế giới (WIPO)… để lợi ích của người có quyền sở hữu trí tuệ cũng như lợi
ích của quốc gia được bảo vệ. Những thông tin này cũng ảnh hưởng đến hình thức giáo
dục và lựa chọn nội dung cần được giảng dạy trong các trường đại học cũng như các cơ
sở giáo dục khác, trong đó việc tạo ra các chương trình hướng đến việc giảng dạy về
quyền sở hữu trí tuệ trở thành một vấn đề ngày càng được quan tâm.
Tuy nhiên, việc thiết lập “văn hoá” sở hữu trí tuệ, ở cấp quốc gia hay ở cấp cơ sở
giáo dục, phụ thuộc vào mức độ nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền
sở hữu trí tuệ, của việc đánh giá các ý tưởng sáng tạo, của khả năng khai thác kinh tế
của các kết quả nghiên cứu, trên nhất là của việc giảng dạy về quyền sở hữu trí tuệ. Tuy
nhiên, theo các cuộc khảo sát do WIPO thực hiện đã chỉ ra rằng ở nhiều quốc gia, việc
giảng dạy về sở hữu trí tuệ trong chương trình giảng dạy của hầu hết các khoá học vẫn
chưa được chú trọng đúng mức. Hơn nữa, rất thiếu các giáo sư chuyên trách toàn thời


Viện Luật so sánh - Trường Đại học Luật Hà Nội

130
gian, thiếu tài liệu giảng dạy và do đó, có rất ít các chủ đề thảo luận và nghiên cứu về
chủ đề này70.
Dựa trên nhận định này, tác giả chuyên đề sẽ tập trung mô tả một số những ví dụ
về cách thức giảng dạy về Luật Sở hữu trí tuệ ở một số trường đại học nằm rải rác trên
nhiều quốc gia khác nhau để cho thấy sự cần thiết phải giảng dạy về quyền sở hữu trí
tuệ cũng như để tìm ra cách thức giúp cho người học có thể dễ dàng tiếp thu được
những kiến thức này nhanh chóng và rõ ràng nhất có thể. Dựa vào đó có thể đưa ra
những đề xuất đổi mới, cải thiện đối với Việt Nam, hay cụ thể hơn là đối với Trường
Đại học Luật Hà Nội trong bối cảnh hội nhập và hoàn thiện chương trình đào tạo của
nhà trường.
1. Kinh nghiệm từ Trường Đại học Campinas - Brazil (The University of
Campinas - Unicamp)
Trường Đại học Campinas được thành lập vào năm 1966 – được coi là một cơ sở
giáo dục “trẻ” nhưng trường đã được công nhận về truyền thống mạnh mẽ trong giảng
dạy, nghiên cứu và các mối quan hệ với xã hội. Vào tháng 5/2012, Trường được xếp
hạng là một trong 50 trường đại học dưới 50 tuổi tốt nhất trên thế giới (vị trí thứ 22)
trong bảng xếp hạng của công ty Quacquarelli Symonds (QS) thực hiện. Cũng trong
năm đó, Trường cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) –
một trong những Viện đánh giá giáo dục đại học quan trọng nhất trên thế giới; trong
bảng xếp hạng đó, Trường xếp vị trí 44/50 trường đại học hàng đầu thế giới.
Trường có khoảng 1.750 giáo sư làm việc, trong đó khoảng 98% các giáo sư có ít nhất
bằng tiến sĩ và 89% là làm việc toàn thời gian cho trường đại học. Một năm Trường
có khoảng 17.000 sinh viên theo học và có gần 20.000 sinh viên tốt nghiệp. Bên cạnh
đó, Unicamp cũng là một trường đại học có hồ sơ công nghệ “dày dặn” khi đây là
trường đứng thứ hai trong số các tổ chức đăng ký bằng sáng chế nhất với Viện Sở hữu
công nghiệp Brazil (Brazilian Industrial Property Institute – INPI). Người ta cho rằng,
một trong các yếu tố góp phần vào việc đào tạo bền vững mà trường cung cấp chính là
mối quan hệ lịch sử giữa giảng dạy và nghiên cứu được duy trì bởi Trường. Yếu tố này
kết hợp với trình độ cao của các giáo sư và một loạt các khoá học liên quan đến các
lĩnh vực chuyên môn khác nhau cho phép Trường có thể đảm nhận một vai trò nổi bật
trong các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của họ.
Về cách thức giảng dạy của Trường thì bước đầu tiên là tập trung vào xây dựng
một hệ thống trực tuyến nhằm tìm kiếm các báo cáo về hoạt động của Unicamp nhằm
xác định ngành học, các khoá học sau đại học và các khoá học mở rộng về chủ đề “sở
hữu trí tuệ” và các lĩnh vực liên quan. Các kết quả sẽ được sử dụng để lập bản đồ số

70
WIPO (2004), WIPO Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use, WIPO Publication n° 489 (E).
Second Edition. Geneva. https://www.wipo.int/publications/en/details.jsp?id=275&plang=EN. [Accessed August
01, 2022]

131
lượng, hồ sơ và mô tả khoá học về các lĩnh vực; xác định các giáo sư chịu trách nhiệm
về các lĩnh vực và khoá học. Mục tiêu là để hiểu các khía cạnh liên quan đến việc giảng
dạy quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể hơn là sở hữu trí tuệ và các vấn đề liên quan đến nó
như các vấn đề về hợp đồng (cấp phép), tiền bản quyền và bí quyết, bí mật kinh
doanh và cạnh tranh không lành mạnh, tinh thần kinh doanh và đổi mới quản lý… Vì
mục đích này, hai bộ từ khoá đã được thiết lập để truy xuất các bản ghi có thể chứa
thông tin về sự hiện diện của chủ đề “sở hữu trí tuệ” trong mô tả khoá học của các
ngành. Tập hợp đầu tiên đề cập đến các điều khoản liên quan trực tiếp đến quyền sở
hữu trí tuệ, được gọi là các điều khoản cụ thể (sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, nhãn
hiệu, phần mềm, bằng sáng chế, tác giả, bản quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp và
giống cây trồng). Nhóm từ khoá thứ hai giải quyết các vấn đề gián tiếp liên quan đến
quyền sở hữu trí tuệ, được gọi là các thuật ngữ liên quan đến sở hữu trí tuệ (đổi mới,
tiền bản quyền, bí quyết, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và quản lý).
Đối với các khoá học đại học, tổng số các mô tả khoá học chứa các điều khoản cụ
thể về sở hữu trí tuệ tăng dần trong khoảng thời gian dài. Cụ thể là nếu như trong năm
2003 chỉ có 07 khoá học được phát hiện có các điều khoản cụ thể liên quan đến sở hữu
trí tuệ thì đến năm 2011 con số này đã lên đến 17 ngành học. Nhìn một cách tổng quảt
thì trong số 71 khoá học của Trường, có 39% các khoá học có nội dung giảng dạy liên
quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí có 04 môn học được giảng dạy cho tất cả các
khoá học giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Đối với các khoá học sau đại học, người ta thấy có 07 ngành có mô tả khoá học có
chứa các thuật ngữ liên quan trực tiếp đến chủ đề sở hữu trí tuệ. Ngoài ra có 06 khoá
học được xác định có liên quan gián tiếp đến sở hữu trí tuệ. Nhóm các chương trình đào
tạo thạc sỹ và tiến sỹ ở Unicamp cho thấy không gian tiềm năng đẻ giảng dạy về sở hữu
trí tuệ ở trường trong các khoá học sau đại học nhỏ hơn nhiều so với các khoá học ở đại
học.
Ngoài ra, trong 29 ngành/khoá học liên quan đến sở hữu trí tuệ được tìm thấy
trong các khoá học mở rộng của Trường.
Theo kết quả nghiên cứu thực hiện trong ba lĩnh vực giảng dạy tại Unicamp thì
khu vực giảng dạy đại học thể hiện mình là không gian rộng nhất để giảng dạy về sở
hữu trí tuệ, vì có nhiều cơ hội hơn cho sinh viên có thể tiếp xúc với nội dung của sở hữu
trí tuệ; mức độ phù hợp trong môi trường sau đại học là nhỏ và trong phạm vi mở rộng
là không đáng kể xem xét trên tổng số khoá học trong mỗi lĩnh vực.
Khi giáo sư có giảng dạy nội dung liên quan trực/gián tiếp đến sở hữu trí tuệ chỉ
ra hai động lực chính để đưa nội dung sở hữu trí tuệ vào nội dung khoá học bao gồm:
(1) cung cấp cho sinh viên những kiến thức nhằm hiểu rõ hơn về các khía cạnh pháp lý

132
của sở hữu trí tuệ, ví dụ để phân biệt giữa chủ sở hữu một bằng sáng chế với nhà phát
minh của nó…; (2) làm rõ tầm quan trọng về mặt kinh tế của sở hữu trí tuệ và cách luật
sở hữu trí tuệ có thể ảnh hưởng đến kinh tế và ngược lại. Trong những cuộc phỏng vấn
này, các giáo sư đã đưa ra các đề nghị như sau:
- Tạo ra các môn học bắt buộc bao gồm chủ đề sở hữu trí tuệ, hoặc ít nhất đưa ra
trong các môn tự chọn,
- Tăng cường quảng cáo các khoá học, hội thảo và các môn ngoại khoá được
cung cấp về chủ đề này,
- Thực hiện các chiến dịch “nâng cao” nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu
trí tuệ cùng các chương trình sau đại học, đặc biệt là trong các khoá học trong đó nghiên
cứu có thể tạo ra công nghệ có thể cấp bằng sáng chế và chuyển giao công nghệ.
- Do đó có thể nhận thấy rằng sự phát triển của các đề xuất đều nhắm vào việc hỗ
trợ chuẩn bị các mô tả khoá học, thiết kế các bộ môn thông qua bài giảng và các phương
tiện khác. Các đề xuất đều xoay xung quanh việc xem xét mở rộng giáo dục sở hữu trí
tuệ tại trường đại học71.
2. Kinh nghiệm từ một số trường đại học ở Mỹ
Học viện Quốc gia về phát minh của Mỹ (National Academy of Inventors - NAI)
được thành lập vào năm 2010 nhằm đổi mới các sinh viên, giáo dục và tư vấn cho sinh
viên nhằm đưa những phát minh của sinh viên đem lại lợi ích cho xã hội. Với trách
nhiệm này, Học viên có sứ mệnh giáo dục sinh viên về phát minh, về sở hữu trí tuệ và
cách thức thương mại hoá chúng. Sự ra đời của tổ chức này đã tạo ra sự đổi mới trong
việc thực hành, nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực đổi mới và sáng chế nói riêng,
và trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung. Ngoài Học viện, các bên thứ ba bao gồm các
tổ chức tư nhân cũng đang cố gắng tạo điều kiện để mở rộng hiểu biết về sở hữu trí tuệ
cũng như cách thức nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người (bao gồm cả những nhà
phát minh và những người bình thường khác). Và ở đây, cách để giáo dục và tư vấn cho
sinh viên về sở hữu trí tuệ hiệu quả nhất chính là thông qua chương trình giảng dạy của
các trường đại học chính quy. Ở Mỹ, nhận thức luận liên quan đến việc quản lý công
nghệ và các sáng tạo đổi mới đã khai sinh ra các ngành học và chuyên môn quản lý liên
quan đến sở hữu trí tuệ. Nhận thức luận trong lĩnh vực này xoay xung quanh việc khám
phá, nghiên cứu tạo nền móng cho việc triển khai các kỹ thuật và cách thức quản lý cụ
thể, triển khai các khoá học pháp lý được giảng dạy ở các cơ sở giáo dục hàng đầu như

71
Ana Maria Nunes Gimenez, Maria Beatriz Machado Bonacelli, Ana Maria Carneiro (2012), The Challenges of
Teaching and Training in Intellectual Property, Journal of Technology Management & Innovation vol.7 no.4
Santiago dic. https://www.scielo.cl/sciel o.php?pid=S0718-27242012000400014&script=sci_arttext&tlng=pt
[Accessed August 01, 2022]

133
Đại học Bang Florida (Florida State University), Đại học Công nghệ Michigan
(Michigan Tech) và Đại học Northwestern (Northwestern University)… ở Mỹ.
Mục tiêu nhất quán trong các khoá học trong các trường đại học khác nhau đó là
mong muốn giúp sinh viên có được sự kết nối trong các mảng kiến thức khác nhau (tài
sản, kỹ thuật, quản lý/chiến lược). Tuy nhiên chi tiết các khoá học khác nhau, đối
tượng, diễn biến, mục tiêu học tập chính sẽ được ghi nhận trong mô tả về khoá học.
Mỗi khoá học diễn ra trong khoảng 11 tuần liên tục kéo dài giải quyết vấn đề thăm
dò, chuyên môn hoá và áp dụng bằng sáng chế trong từng bối cảnh. Một loạt các công
cụ sư phạm mới được sử dụng trong khoá học như phản ứng tích cực trong lớp học
(clickers), học tập kết hợp, bài giảng của giáo viên khách mời, trò chơi nhập vai, tăng
cường hợp tác với các học giả kỹ thuật hoặc luật sư chuyên về sáng chế và các bài
luận về quyền sở hữu trí tuệ trong một ngành cụ thể…72
Ở Đại học George Washington, kiến thức về sở hữu trí tuệ được giảng dạy kết hợp
giữa nội dung về bằng sáng chế với tác động thương mại trên thị trường của chúng.
Phương pháp sư phạm, định dạng, cách làm việc nhóm, quy trình dự án đều được thiết
kế đặc trưng. Ví dụ sinh viên được yêu cầu nghiên cứu hai thiết kế xung quanh một giải
pháp được cấp bằng sáng chế và ngược lại. Sinh viên cần phải hình dung cách người
khác có thể thiết kế dựa trên giải pháp của họ và sau đó sử dụng thông tin chi tiết để
cung cấp thông tin cho việc soạn thảo thông số kỹ thuật bằng sáng chế. Các nhóm làm
việc riêng biệt và bí mật để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường học tập khoá học.
Hơn 15 năm học tập tổng hợp quá trình giảng dạy khoá học tạo điều kiện cho các cuộc
thảo luận phong phú về hoạt động nhóm và việc thương mại hoá các bằng sáng chế.
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, số lượng đơn đăng ký xác lập
quyền sở hữu công nghiệp, nhất là sáng chế từ các trường đại học của Việt Nam vẫn
còn chiếm một tỷ lệ thấp. Ở Việt Nam, sở hữu trí tuệ trong trường đại học vẫn khá mới
mẻ. Tuy đã có một số trường đại học triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ, bắt đầu thành
lập bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ, nhưng hoạt động vẫn còn lúng túng.
Nguyên nhân của tình trạng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại các trường đại học chưa
hiệu quả là do phần lớn các trường chưa có quy định về sở hữu trí tuệ phù hợp với
điều kiện hoạt động của trường, dẫn đến khó khăn trong việc phân chia lợi nhuận khi
tài sản trí tuệ được thương mại hóa. Việc xác lập quyền đăng ký bảo hộ sáng chế cho
các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được các nhà khoa học nhận thức một cách
đầy đủ, nhiều kết quả nghiên cứu chưa tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế. Mặc dù
những năm gần đây số

72
James G. Conley (2017), Innovation and intellectual property in the curriculum: epistemology, pedagogy, and
politics, Technology and Innovation, Vol. 19, pp. 453-459. https://www.jamesconley.org/wp-
content/uploads/2021/07/conley-editorial.pdf [Accessed August 01, 2022]

134
lượng bài báo của trường đại học công bố trên các tạp chí khoa học tăng đáng kể,
nhưng nhiều nhà khoa học không nhận thức được cần phải đồng thời tiến hành bảo hộ
sáng chế cho các kết quả nghiên cứu đó. Ngoài ra còn do nhiều trường chưa thành lập
tổ chức có chức năng về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ, tư vấn cho
các nhà khoa học trong việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công
nghệ.73.
Nhìn lại bài học từ các trường đại học khác trên thế giới, đặc biệt là từ bài học
kinh nghiệm của Trường Đại học Campinas – Brazil. Trường đã đưa nội dung về sở hữu
trí tuệ vào giảng dạy cả trong bậc đại học và bậc sau đại học; chú trọng nâng cao chất
lượng các công trình nghiên cứu, tích cực đăng ký bằng sáng chế nhằm bảo vệ và quản
lý tài sản sở hữu trí tuệ của Trường. Hay đối với các trường đại học của Mỹ thì lại chú
trọng vào khía cạnh khai thác thương mại các bằng sáng chế, nhằm đảm bảo rằng các
bằng sáng chế có thể đem lại lợi ích xã hội thực tế chứ không chỉ dừng lại ở mức là kết
quả nghiên cứu trong cơ sở giáo dục đơn thuần.
Giải pháp đặt ra là các trường đại học trong quá trình chưa thể tự mình đưa ra giải
pháp để khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ thì có thể “bắt tay” cùng các doanh
nghiệp, đặt ra mục tiêu chuyển giao công nghệ và khai thác thương mại các sáng chế
của nhà trường. Bên cạnh đó việc đẩy mạnh giảng dạy và tư vấn về sở hữu trí tuệ trong
các trường đại học cũng cần triển khai tích cực hơn. Các môn học về sở hữu trí tuệ ở
Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn tập trung ở việc giảng dạy trong chương trình đào tạo
đại học với một (một vài) môn học tự chọn. Trong tương lai, chúng ta cần cân nhắc tới
việc có những môn học chuyên sâu trong các bậc học cao hơn như bậc đào tạo sau đại
học, hoặc theo một hướng khác là có những khoá học “mở rộng” đào tạo thêm cho
nhiều đối tượng hơn ngoài sinh viên đại học chính quy của trường.

KẾT LUẬN
Như vậy, thông qua những bài học kinh nghiệm về việc triển khai giảng dạy về sở
hữu trí tuệ ở một số các trường đại học trên thế giới (cụ thể là một số trường ở Mỹ và
Brazil) đã giúp cho chúng ta có thể khẳng định tầm quan trọng và cần thiết của việc phổ
biến kiến thức sở hữu trí tuệ. Qua đó chúng ta cũng nhận ra những hạn chế trong việc
triển khai giảng dạy và tư vấn về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Trong tương lai chúng ta sẽ
cần phải thực hiện một số biện pháp đổi mới tích cực nhằm cải thiện hiệu quả của việc
phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam./.

73
Hà Linh (2020), Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học, Website của Cục Sở hữu trí tuệ.
https://www.ipvietnam.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/thuc-ay-hoat-ong-so-
huu-tri-tue-trong-truong-ai-hoc (truy cập 10/08/2022)

135
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ana Maria Nunes Gimenez, Maria Beatriz Machado Bonacelli, Ana Maria
Carneiro (2012), The Challenges of Teaching and Training in Intellectual Property,
Journal of Technology Management & Innovation vol.7 no.4 Santiago dic.
https://www.scielo.cl/scielo.php?pid=S071827242012000400014&script=sci_arttext&
tlng=pt [Accessed August 01, 2022]
2. James G. Conley (2017), Innovation and intellectual property in the curriculum:
epistemology, pedagogy, and politics, Technology and Innovation, Vol. 19.
https://www.jamesconley.org/wp-content/uploads/2021/07/conley-editorial.pdf
[Accessed August 01, 2022]
3. WIPO (2004), WIPO Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use,
WIPO Publication n° 489 (E). Second Edition. Geneva.
https://www.wipo.int/publications/en/details.jsp?id=275&plang=EN. [Accessed
August 01, 2022]
4. Hà Linh (2020), Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học,
Website của Cục Sở hữu trí tuệ. https://www.ipvietnam.gov.vn/tin-tuc-
su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/thuc-ay-hoat-ong-so-huu-tri-tue-
trong-
truong-ai-hoc (truy cập 10/08/2022)

136
ĐỊNH HƯỚNG, CHÍNH SÁCH, CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO VIỆC
XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT,
CHUYÊN NGÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

TS. Lê Đình Nghị⁎

Tóm tắt: Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ của
Trường Đại học Luật Hà Nội được xây dựng hướng tới việc cung cấp cho sinh viên
khối kiến thức cơ bản, có hệ thống và chuyên sâu về pháp luật sở hữu trí tuệ; bước
đầu có định hướng chuyên sâu, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu và thực hành. Sản
phẩm của Chương trình đào tạo này sẽ là các cử nhân ngành Luật có phẩm chất chính
trị và phẩm chất đạo đức, có kiến thức và năng lực để có thể nghiên cứu cũng như giải
quyết được các vấn đề cơ bản trong lĩnh vực pháp luật nói chung, lĩnh vực sở hữu trí
tuệ nói riêng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,
xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. Để đạt
được mục tiêu đào tạo đó, việc hoàn thiện chương trình đào tạo tổng thể, chỉ ra
phương pháp đào tạo phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam, hiện đang đặt ra thách
thức không nhỏ cho Trường Đại học Luật Hà Nội. Do đó, bài viết góp một phần để đưa
ra định hướng, chính sách, cơ sở pháp lý trong việc xây dựng, đáp ứng u cầu cấp
thiết của Trường Đại học Luật Hà Nội trong việc triển khai thực hiện xây dựng
Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ.
Từ khóa: Luật sở hữu trí tuệ, Chương trình đào tạo, Chương trình đào tạo ngành
Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ.

1. Cơ sở lý luận cho việc xây dựng Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên
ngành Luật Sở hữu trí tuệ
1.1. Kiến thức về pháp luật sở hữu trí tuệ rất đồ sộ, có hệ thống và rất chuyên
sâu, đủ để cấu thành một ngành đào tạo mới
Pháp luật sở hữu trí tuệ là hệ thống quy phạm pháp luật có cấu trúc chặt chẽ với
đầy đủ các yếu tố cơ bản của một ngành luật, có phạm vi điều chỉnh riêng và phương
pháp điều chỉnh đặc trưng. Pháp luật sở hữu trí tuệ thực chất là một nhánh phát triển từ
pháp luật dân sự. Ở Việt Nam, trước thời kì đổi mới, trong những năm 80 của thế kỉ
XX, chỉ một vài đối tượng sở hữu trí tuệ bắt đầu được quy định trong các văn bản quy
phạm pháp luật của Chính phủ, bắt đầu bằng Điều lệ về Sáng kiến cải tiến kỹ thuật -
hợp lý hóa sản xuất và sáng chế ban hành kèm theo Nghị định số 31-CP của Chính
phủ ngày 23/01/1981 của Hội đồng Chính phủ. Trong đó, các lĩnh vực pháp luật sở hữu
trí tuệ có


Trường Đại học Luật Hà Nội

137
mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau và tồn tại trong một tổng thể tương đối
thống nhất. Nhận định này được thể hiện ở hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật
như: Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005
được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Sở hữu trí tuệ năm 2022 và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật; Các
thiết chế Điều ước quốc tế: Công ước thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới 1967;
Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp; Thỏa ước Madrid và Nghị định thư
Madrid về đăng kí quốc tế nhãn hiệu; Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học
và nghệ thuật và Các hiệp định thương mại khu vực như: FTA, EVFTA, Hiệp định
TRIPs, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã trở
thành nguồn pháp luật quốc tế quan trọng về sở hữu trí tuệ ngoài hệ thống do WIPO
quản lí. Hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ còn có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành
luật khác để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật quốc gia, nhất là luật hành
chính, luật hình sự, luật tố tụng dân sự, luật thương mại, luật hôn nhân và gia đình. Đến
nay, hệ thống quy định khá hoàn chỉnh về quyền sở hữu trí tuệ đã hình thành để có cơ
sở khẳng định về một ngành luật mới - ngành luật sở hữu trí tuệ.
Các môn học về pháp luật sở hữu trí tuệ kết hợp với nhiều môn học thuộc khối
kiến thức giáo dục đại cương và các môn học khác trong khối kiến thức giáo dục chuyên
nghiệp, thực sự là một khối kiến thức khổng lồ. Vậy nên, việc sắp xếp các môn học này
thành một chuyên ngành đào tạo mới với tên gọi “Chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ”
không chỉ đảm bảo tính khoa học trong việc giải quyết sự đồng bộ của tổng thể kiến
thức và tính liên thông của các môn học, mà còn giúp cho người học tiếp cận kiến thức
tương đối toàn diện và có hệ thống về pháp luật sở hữu trí tuệ. Do đó, nếu sự quan tâm
đối với việc đưa một hoặc một vài môn học về pháp luật sở hữu trí tuệ vào chương trình
đào tạo cử nhân ngành Luật với tư cách môn học tự chọn hay bắt buộc thì sẽ không thật
sự tương xứng với vị trí, vai trò, nội dung và tầm vóc của pháp luật sở hữu trí tuệ trong
sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.
1.2. Thực tiễn Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí
tuệ ở một số nước tiên tiến trên thế giới.
Theo nghiên cứu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ngành Luật sở hữu
trí tuệ thường được các trường đại học trên thế giới tổ chức giảng dạy dưới bốn loại
hình môn học cơ bản1. Các môn học đại cương (survey courses) cung cấp kiến thức cơ
bản về các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Các môn học chuyên sâu (specialized
courses) tập trung vào một đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể ví dụ như: Luật Sáng
chế, Luật Bản quyền, Luật Nhãn hiệu quốc tế, Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ… Các
môn học

1
World Intellectual Property Organization (2008), WIPO Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use,
WIPO, Geneve, tr.425-426.

138
nâng cao (advanced seminars) đi sâu vào một khía cạnh cụ thể hoặc các vấn đề mới của
luật sở hữu trí tuệ như chống độc quyền trong pháp luật sở hữu trí tuệ, pháp luật sở hữu
trí tuệ và đa dạng sinh học. Cuối cùng là các môn học kĩ năng hành nghề (practice
courses) tập trung giảng dạy các bước cụ thể trong quy trình đăng kí bảo hộ quyền sở
hữu trí tuệ hay kĩ năng tranh tụng trước tòa của luật sư sở hữu trí tuệ.
Ở Anh, một số trường đào tạo chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ như Đại học
Queen Mary, Đại học Nottingham Trent, Đại học kinh tế và chính trị London. Mục
tiêu của những chương trình này là cung cấp kiến thức chuyên sâu và cập nhập nhất
về sở hữu trí tuệ cho học viên có mong muốn hoặc đang làm việc trong những ngành
nghề có liên quan. Nội dung giảng dạy thường bao gồm các môn học như Luật sở hữu
trí tuệ quốc tế, Luật sở hữu trí tuệ và công nghiệp sáng tạo, Luật bản quyền so sánh,
Biện pháp dân sự trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Li-xăng quyền sở hữu trí tuệ và
Luật sở hữu trí tuệ gắn với những vấn đề mới như sức khỏe cộng đồng, cạnh tranh, bảo
tồn dữ liệu, di sản văn hóa.
Ở Hoa Kỳ, chương trình đào tạo luật bắt đầu với bằng Jurist Doctor (JD) chỉ dành
cho những sinh viên đã có một bằng đại học bất kì trước đó và được thiết kế với tính
ứng dụng cao để trang bị cho sinh viên kiến thức và kĩ năng hành nghề sau này. Các
trường luật ở Hoa Kỳ thường giảng dạy ít nhất một môn học đại cương về luật sở hữu
trí tuệ và các môn học về một trong ba nội dung là luật sáng chế, luật nhãn hiệu hoặc
luật bản quyền2, các môn học chuyên sâu hơn nữa hoặc mang tính định hướng thực
hành như Thủ tục tố tụng sáng chế (Patent Litigation), Luật về vi phạm sáng chế
(Patent Infringement Law), hoặc Luật sở hữu trí tuệ quốc tế (International IP law). Do
bằng JD ở Hoa Kỳ được coi là bằng cấp chuyên nghiệp đủ điều kiện để tham dự kì thi
hành nghề luật (Bar Exam) mà không cần đào tạo thêm, các chương trình JD còn cung
cấp những môn học thực hành pháp luật (clinics) về sở hữu trí tuệ để tạo cơ hội cho sinh
viên tham gia các hoạt động nghề nghiệp như chuẩn bị báo cáo amicus curiae, góp ý
về dự thảo luật, hay ý kiến tư vấn pháp lý cho khách hàng3.
Ở Australia, Trường Đại học New South Wales giảng dạy các môn học như Đại
cương về luật sở hữu trí tuệ (Foundations of Intellectual Property Law), Luật sở hữu trí
tuệ 1 (Intellectual Property 1), Luật sở hữu trí tuệ 2 (Intellectual Property 2), Chính
sách và thực tiễn về sở hữu trí tuệ nâng cao (Advanced Intellectual Property Policy
and Practice), Sở hữu sự sáng tạo: Các vấn đề về sở hữu trí tuệ (Owning Creativity:
Issues an Intellectual Property). Thường các môn học này tương đương 6 đơn vị tín chỉ
kéo dài

2
David W.Hill và Matthew T. Latimer, The Role of Intellectual Property Education in the United States, tr.17.
3
Ví dụ, xem nội dung thực hành của môn học “Juelsgaard Intellectual Property and Innovation Clinic” của Trường
Đại học Stanford.

139
một học kì và yêu cầu khoảng 150 giờ học trên lớp và tự học4. Về mục tiêu nhận thức,
các môn học sở hữu trí tuệ đều hướng tới cung cấp cho sinh viên kiến thức nền về các
nguyên tắc của luật sở hữu trí tuệ và rèn luyện kĩ năng giải quyết vấn đề, áp dụng pháp
luật vào các tình huống giả định5.
Nhìn chung, hầu hết trong các chương trình đào tạo ở các khoa luật của các trường
đại học tiên tiến trên thế giới đều có hệ thống các môn học về pháp luật sở hữu trí tuệ,
và được giảng dạy từ cử nhân đến tiến sĩ, ở nhiều mức độ nội dung từ cơ bản đến
chuyên sâu, phục vụ nhiều mục tiêu khác nhau từ học thuật đến thực hành và không
bó hẹp ở phạm vi các trường đào tạo luật.
1.3. Thực tiễn nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cử nhân về pháp luật sở
hữu trí tuệ của các cơ quan nhà nước, công ty luật, doanh nghiệp và các cơ sở đào
tạo luật ở Việt Nam
Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và
hội nhập quốc tế, trước yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa, xã hội Việt Nam hiện đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất
lượng cao về pháp luật, đặc biệt là pháp luật sở hữu trí tuệ. Ở hầu hết các lĩnh vực, từ
hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, hoạt động tư pháp, đào tạo pháp luật, đến tư
vấn pháp luật, đất nước ta đang rất thiếu đội ngũ chuyên gia có trình độ về pháp luật sở
hữu trí tuệ.
Trong suốt hơn 25 năm qua, các cơ quan của Đảng và Nhà nước luôn có nhu cầu
tuyển dụng các chuyên gia giỏi để thực hiện công tác hoạch định chính sách và xây
dựng pháp luật trong lĩnh vực hội nhập quốc tế. Các cơ quan tư pháp, nhất là cấp tỉnh/
thành phố và cấp trung ương, đang rất cần xây dựng một đội ngũ các điều tra viên,
thẩm phán,… tinh thông về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Chỉ tính riêng đội ngũ luật sư, theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/07/2011
của Thủ tướng chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020”,
tính đến năm 2010, số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chỉ chiếm
tỉ lệ 1,2%, trong đó, chỉ khoảng 20 luật sư có trình độ ngang tầm với luật sư trong khu
vực.
Liên quan tới pháp luật về sở hữu trí tuệ, Trong năm 2001, có 39% doanh nghiệp
có hoạt động liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ; năm 2005/2006 con số này là 50%.
Thông thường, sở hữu trí tuệ là vấn đề gắn chặt với các yếu tố pháp lý. Trên thực tế, hầu
như không có doanh nghiệp nào không phải áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ khi thực
hiện hoạt động kinh doanh có liên quan tới sở hữu trí tuệ. Và so sánh với các chế định

4
Xem thêm về các quy đổi thời gian học tập theo số tín chỉ của Trường Đại học New South Wales
5
Mục tiêu nhận thức (Course Learning Outcomes) của môn học “Foundation of Intellectual Property Law” ở
Trường Đại học New South Wales

140
khác, pháp luật về sở hữu trí tuệ được đánh giá là rất phức tạp, đòi hỏi những kiến thức
chuyên sâu của các chuyên gia pháp luật và luật sư chuyên sâu về lĩnh vực này. Điều
này buộc doanh nghiệp phải sử dụng các tư vấn pháp luật chuyên sâu. Nói cách khác,
thực tế gia tăng các hoạt động kinh doanh liên quan tới sở hữu trí tuệ dẫn tới suy đoán
rằng nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ đang tăng lên.
1.3. Tính khả thi của việc xây dựng Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên
ngành Luật sở hữu trí tuệ ở Trường Đại học Luật Hà Nội
Tính khả thi của việc triển khai xây dựng Chương trình đào tạo ngành Luật,
chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ trình độ cử nhân ở Trường Đại học Luật Hà Nội
phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có 04 yếu tố chủ yếu sau đây:
- Nhu cầu của xã hội (i);
- Tổ chức – nhân sự (ii);
- Chất lượng của Chương trình đào tạo (iii);
- Hệ thống học liệu, thư viện (iv).
1.3.1. Nhu cầu của thị trường về nguồn nhân lực chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ
(Yếu tố này đã được trình bày ở nội dung phía trên)
1.3.2. Tổ chức - nhân sự
Chương trình đào ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ có thể được thiết
kế liên thông rất cao với Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật hiện hành của
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật hiện hành của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Do đó, lực lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Luật Hà Nội tham gia Chương
trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ là rất lớn, khoảng trên 200
lượt giảng viên, trong đó có khoảng 90 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ, đảm nhiệm trên
80% khối lượng giảng dạy của Chương trình đào tạo.
Các môn học thuộc khối kiến thức ngành Luật sở hữu trí tuệ (bao gồm kiến thức
chung và kiến thức chuyên sâu) sẽ do các giảng viên cơ hữu của nhà trường đảm nhiệm,
cùng với sự hỗ trợ của các giảng viên thỉnh giảng trong nước và nước ngoài đến từ các
bộ, ngành, văn phòng luật, các tổ chức quốc tế, các cơ sở đào tạo luật khác, các chuyên
gia pháp luật cao cấp cho các dự án nước ngoài. Hầu hết các giảng viên tham gia giảng
dạy các môn học thuộc khối kiến thức ngành Luật sở hữu trí tuệ đều có học vị thạc sĩ,
tiến sĩ, thành thạo ít nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh và đủ năng lực giảng dạy nhiều
môn học. Với sự chuẩn bị về tổ chức – nhân sự nêu trên, nhất là lực lượng giảng viên
thỉnh giảng đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Bộ
Giáo dục và Đào tạo.

141
1.3.3. Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ được
xây dựng trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm của một số trường đại học tiên tiến trên
thế giới
Thứ nhất, việc đào tạo pháp luật sở hữu trí tuệ theo quan điểm “đào tạo từ gốc”.
Vì vậy, việc cung cấp kiến thức về pháp luật sở hữu trí tuệ theo cách đào tạo từ bậc đại
học là rất cần thiết cho việc đào tạo nguồn nhân lực của đất nước.
Thứ hai, chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ được
xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo Chương trình khung giáo dục đại học - Ngành Luật
của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo liên thông với chương trình đào tạo cử nhân
ngành Luật hiện hành đang thực hiện tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Thứ ba, chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ được
xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trên thế
giới.
Thứ tư, việc cấp bằng cử nhân ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ của
Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ tạo thuận lợi cho người học tiếp tục theo trình độ cao
hơn ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam hoặc theo học các lĩnh vực khác.
Có thể nói, Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ là
một chương trình định hướng đào tạo chuyên sâu về pháp luật sở hữu trí tuệ, lần đầu
tiên được xây dựng ở cơ sở đào tạo Luật nói chung và ở trường Đại học Luật Hà Nội
nói riêng, nhằm đào tạo những cử nhân ngành Luật sở hữu trí tuệ đáp ứng được đầy đủ
các tiêu chí như trang bị kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề pháp luật sở hữu trí
tuệ, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà thực
hành pháp luật cũng như các doanh nghiệp.
1.3.4. Hệ thống học liệu, thư viện
Nhà trường có đủ phòng học với các phương tiện, trang thiết bị cần thiết đáp ứng
yêu cầu giảng dạy và học tập, có đủ phòng máy, phòng học ngoại ngữ và các phần mềm
liên quan đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo; thư viện của trường đáp ứng được yêu
cầu của ngành đào tạo về số lượng phòng đọc, giáo trình, bài giảng của môn học, các tài
liệu liên quan, máy tính, phần mềm, và các trang thiết bị phục vụ cho việc mượn, tra
cứu tài liệu.
Thư viện nhà trường có tổng diện tích 579m2 với 500 chỗ đọc. Phòng tự học cho
sinh viên có 100 chỗ với diện tích 120m2. Thư viện Trường Đại học Luật Hà Nội với
sự hỗ trợ của Trường Đại học tổng hợp Lund (Thụy Điển) và Dự án MUTRAP III, được
đánh giá là rất hiện đại. Hệ thống thông tin tư liệu của thư viện được tin học hóa, phần
mềm Libol đã được đưa vào ứng dụng có hiệu quả. Tổng vốn tài liệu hiện có 15.930 tên
sách với 195.456 cuốn, bao gồm: sách 98.997 cuốn; giáo trình 91.296 cuốn; luận văn

142
thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp 3.916 cuốn; đề tài nghiên cứu khoa học 125 cuốn; báo, tạp
chí tiếng Việt và tiếng Anh: 100 loại.
2. Chính sách xây dựng Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành
Luật sở hữu trí tuệ
Một là, Việt Nam với yêu cầu đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế
Trong hơn 30 năm đổi mới, các chủ trương về hội nhập kinh tế quốc tế đã được đề
cập tại nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng và Nhà nước, cụ thể như Nghị
quyết số 22-NQ/TW ngày 10/04/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về hội nhập quốc tế;
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Hội nghị lần thứ IV của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế,
giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định
thương mại tự do (FTA). Trên cơ sở đó các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành các
chương trình, hành động phù hợp nhằm tăng cường thực thi hiệu quả của FTA mà Việt
Nam đã ký kết, góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển, ổn định và bền vững.
Mặt khác, khoa học công nghệ hiện đại phát triển với tốc độ chóng mặt cùng sự
phát triển của cách mạng thông tin và nền kinh tế trí thức đang làm biến đổi sâu sắc lực
lượng sản xuất xã hội, tạo tiền đề cho lực lượng sản xuất bước lên một bậc thang phát
triển mới. Nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ tiên tiến và mạng thông tin
và nền kinh tế trí thức đang làm biến đổi sâu sắc lực lượng sản xuất xã hội, tạo tiền đề
cho lực lượng sản xuất bước lên một bậc thang phát triển mới. Nền kinh tế tri thức dựa
trên khoa học công nghệ tiên tiến và mạng thông tin hiện đại, có năng suất, chất lượng,
hiệu quả, tốc độ tăng trưởng cao, dịch chuyển cơ cấu nhanh và không ngừng đổi mới,
song cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, biến động tạo ra nhiều cơ hội mới nhưng đồng thời
cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nước đang phát triển.
Năm 2019 là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược sở hữu trí
tuệ đến năm 2030 (theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/08/2019) với mục tiêu
phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam một cách đồng bộ và hiệu quả ở tất cả
các khâu, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công vụ quan trọng để nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Đây cũng là năm chứng kiến
các hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng mang tính cột mốc trong lĩnh vực sở hữu trí
tuệ với các hoạt động song phương nổi bật như trao đổi Văn kiện gia nhập thỏa ước La-
hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Và, lần đầu tiên kể từ khi gia nhập
ASEAN, Việt Nam đã đảm nhận nhiệm vụ chủ tịch nhóm công tác về sở hữu trí tuệ của
ASEAN (AWGIPC)6.

6
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Báo cáo thường niên hoạt động Sở hữu trí tuệ năm 2019, tr.01.

143
Hoạt động kinh tế ngày nay được tạo lập và phát triển trên cơ sở thị trường ngày
càng phong phú và đa dạng. Trong nền kinh tế tri thức, sự hiện diện của thị trường khoa
học công nghệ là vô cùng cần thiết, vì đó là nơi lưu thông các sản phẩm sáng tạo với
hàm lượng trí tuệ cao. Để đạt được sự ổn định và đóng góp thiết thực cho sự phát triển
kinh tế, bất cứ thị trường nào cũng cần có sự điều tiết bằng những chính sách và công
cụ thích hợp. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cần có mối liên hệ chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa
kinh tế và pháp lý, hệ thống pháp luật của quốc gia, đặc biệt về Chương trình đào tạo
chuyên ngành luật sở hữu trí tuệ tại các cơ sở đào tạo luôn giữ vai trò quan trọng đối với
sự biến đổi của các quan hệ kinh tế.
Hai là, yêu cầu về đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hội nhập
kinh tế quốc tế
Yêu cầu về đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hội nhập kinh tế
quốc tế được thể hiện chủ yếu trong Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/07/2011 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến
giai đoạn 2011-2020; và Quyết định số 358/ QĐ-BTP ngày 6/3/2012 của Bộ trưởng Bộ
Tư pháp phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tư pháp giai đoạn 2011-2020.
Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, Quy hoạch phát
triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp đã nhận định và yêu cầu các cơ sở đào tạo luật và
các chức danh tư pháp của Bộ Tư pháp đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau đây:
- Tăng cường đầu tư chuyên sâu cho các chuyên ngành thế mạnh của từng trường
như: luật hình sự, luật thương mại và đầu tư, luật thương mại quốc tế, luật dân sự, luật
hành chính,… để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nâng cấp và phát triển một số lĩnh vực đào
tạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nhà trường, như: quản trị công ty, tài chính,
chứng khoán, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ,…
- Xây dựng một số khoa trọng điểm, bộ môn trọng điểm với mô hình và cơ chế
quản lý phù hợp, linh hoạt để tạo thế mạnh trong cạnh tranh.
- Nâng cao chất lượng một số chương trình đào tạo có khả năng thu hút sinh viên
nước ngoài, trước mắt ưu tiên lĩnh vực luật thương mại và đầu tư, luật thương mại quốc
tế, luật sở hữu trí tuệ.
Có thể nhận thấy, pháp luật về sở hữu trí tuệ luôn là ưu tiên trong chiến lược phát
triển củng cố nguồn nhân lực góp phần vào quá trình hội nhập của ngành Tư pháp nói
riêng cũng như cả đất nước nói chung. Do đó, việc xây dựng Chương trình đào tạo
ngành Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ là vấn đề rất quan trọng, mang tính
chất cấp thiết.
Ba là, Yêu cầu xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng
điểm đào tạo cán bộ về pháp luật

144
Nghị quyết số 49 khẳng định: “Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ tư
pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, cần tiếp tục đổi mới nội dung và
phương pháp đào tạo của nhân luật. Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành
trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”.
Thực hiện Nghị quyết số 49, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Trường Đại
học Luật Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án “Xây dựng Trường
Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các
trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” trình Chính phủ phê duyệt, trong đó
nhấn mạnh chủ trương xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường đào tạo
đa ngành về pháp luật theo hướng chuyên sâu, và việc xây dựng Chương trình đào tạo
ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện chủ trương lớn này. Ngày
04/04/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 549/QĐ-TTg phê duyệt
Đề án tổng thể xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành
phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, trong đó,
đã xác định nhiệm vụ của Trường Đại học Luật Hà Nội phải khẳng định thế mạnh trong
đào tạo một số mã ngành, trong đó có mã ngành Luật sở hữu trí tuệ.
Việc xây dựng và phát triển Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật
sở hữu trí tuệ ở các trường đại học Việt Nam là một yêu cầu vừa phản ánh được tính cấp
bách trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta, vừa thể hiện được vai trò
là trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội.
3. Cơ sở pháp lý xây dựng Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành
Luật sở hữu trí tuệ
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh việc mở ngành đào tạo bao
gồm Luật Giáo dục đại học năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 (sau đây gọi tắt
là Luật Giáo dục đại học) và Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình
tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học,
thạc sĩ, tiến sĩ.
Căn cứ vào Điều 33 của Luật Giáo dục đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội được
tự chủ mở Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ nếu đáp
ứng được các điều kiện sau:
Thứ nhất, ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước, của từng lĩnh vực bảo đảm hội nhập quốc tế.
Thứ hai, Trường có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu bảo đảm về số
lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu.
Thứ ba, Trường có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu
giảng dạy, học tập, nghiên cứu.

145
Thứ tư, chương trình đào tạo cần đáp ứng các quy định về chương trình đào tạo và
giáo trình giáo dục đại học.
Để bảo đảm chất lượng và duy trì tuyển sinh cho ngành Luật, chuyên ngành Luật
Sở hữu trí tuệ, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh
giá chất lượng và ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được
kiểm định theo quy định của Luật Giáo dục đại học (theo khoản 5 Điều 33 Luật Giáo
dục đại học).
Đối với các quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình
độ đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội cần tiến hành triển khai theo hướng dẫn của
Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT. Theo đó, Trường phải đáp ứng đồng thời các điều
kiện chung đối với mở ngành đào tạo nói chung và các điều kiện riêng đối với mở
ngành đào tạo trình độ đại học, tương ứng lần lượt tại Điều 3 và Điều 4 trong Thông
tư. Các điều kiện này quy định về ngành đào tạo dự kiến mở, đội ngũ giảng viên, cơ sở
vật chất, chương trình đào tạo, cơ cấu tổ chức của cơ sở đào tạo và đơn vị chuyên môn
quản lý ngành đào tạo, giảng dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến và nghị quyết thông
qua chủ trương mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo do Hội đồng trường ban hành. Việc
chi tiết hóa các điều kiện này đòi hỏi sự liên kết, phối hợp giữa các phòng, ban và các
đơn vị chuyên môn của Trường và được thể hiện trong đề án mở ngành đào tạo.
Bên cạnh đó, để có thể mở ngành đào tạo Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ,
Trường Đại học Luật Hà Nội cần bám sát trình tự và thủ tục mở ngành đào tạo được
quy định tại Chương III của Thông tư. Theo đó, Trường cần lấy việc xây dựng, thẩm
định và phê duyệt đề án mở ngành đào tạo làm trọng tâm, cũng như giải pháp và lộ
trình thực hiện đề án.
4. Định hướng xây dựng Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành
Luật sở hữu trí tuệ
4.1. Hình thức của Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ phải đáp ứng
một số yêu cầu về hình thức theo yêu cầu của Luật Giáo dục đại học năm 2012, sửa đổi,
bổ sung năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thể hiện một số nội dung cơ bản
của Chương trình đào tạo đại học: mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung,
phương pháp và hình thức đánh giá đối với môn học, ngành học, trình độ đào tạo, chuẩn
đầu ta phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
4.2. Chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo
Chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề
nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở đào

146
tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo
thực hiện7.
Theo đó, để xây dựng Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở
hữu trí tuệ cần đáp ứng theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012, sửa đổi, bổ
sung năm 2018: “Chương trình đào tạo bao gồm mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu
trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá đối với môn học, ngành học, trình
độ đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam”8. Thông tư
22/2017/TT-BGDĐT quy định: “…a) Chương trình đào tạo của ngành đăng ký phải
bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp và đáp ứng yêu
cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác; b) Chương trình
đào tạo và đề cương chi tiết các học phần của ngành đăng ký đào tạo được xây dựng
đảm bảo chuẩn đầu ra, phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam hiện hành;…”.
9
Theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 thì: “Chuẩn đầu ra bao gồm kiến
thức thực tế và kiến thức lý thuyết; kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp
và kỹ năng giao tiếp, ứng xử; mức độ tự chủ và trách cá nhân trong việc áp dụng kiến
thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.”
4.3. Tính liên thông của Chương trình đào tạo
Liên thông trong đào tạo là một xu thế tất yếu của đào tạo trên thế giới nhằm mục
đích tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho người học được tiếp tục học nâng cao trình độ
hoặc mở rộng kiến thức từ đó dễ dàng tiếp cận các việc làm tốt hơn, nâng cao chất
lượng cuộc sống. Theo Luật Giáo dục năm 2019: “Liên thông trong giáo dục là việc sử
dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành, nghề
đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào
tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, bảo đảm liên thông giữa các cấp
học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại
học”10.
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2012, sửa đổi, bổ sung 2018: “Chương
trình đào tạo phải bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các trình độ, ngành đào tạo và bảo
đảm quy định về chuẩn chương trình đào tạo”11. Như vậy, Chương trình đào tạo ngành
Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ, phải đạt được yêu cầu về liên thông dọc (liên
thông về trình độ cùng ngành đào tạo) và liên thông ngang (liên thông về ngành đào tạo
cùng trình độ).

7
Khoản 4 Điều 3 Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/04/2015 ban hành quy định về kiến thức tối thiểu, yêu
cầu về năng lực mà người học đạt được sau tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy
trình xây dựng, thẩm định, ban hành Chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ.
8
Điểm b khoản 1 Điều 36 Luật Giáo dục đại học năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018.
9
Điểm a, b khoản 4 Điều 2 Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT ngày 06/09/2017 ban hành Quy định điều kiện, trình
tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.
10
Điều 20 Luật Giáo dục năm 2019.
11
Điểm b khoản 1 Điều 36 Luật Giáo dục đại học 2012, sửa đổi, bổ sung 2018.

147
Về vấn đề liên thông dọc giữa các trình độ đào tạo cùng ngành, tùy thuộc vào
từng Chương trình đào tạo ngành luật trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, sau đại học,
Chương trình đào tạo Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ phải có sự liên thông nhất
định đối với Chương trình đào tạo ngành luật trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, sau đại
học. Việc đảm bảo yêu cầu liên thông giữa Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên
ngành Luật Sở hữu trí tuệ trình độ đại học với Chương trình đào tạo ngành luật trình
độ trung cấp hoặc cao đẳng, sau đại học là vấn đề lớn giúp người học có thể dễ dàng
nâng cao trình độ, mở rộng kiến thức liên hệ với các môn học sở hữu trí tuệ đã học ở
bậc thấp hơn.
Về vấn đề liên thông ngang giữa các ngành đào tạo, Chương trình đào tạo ngành
Luật, chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ sẽ phải đạt được tính liên thông với các ngành
đào tạo khác phù hợp cùng trình độ giữa các ngành tại cùng một cơ sở giáo dục đại học,
tại các cơ sở giáo dục đại học khác nhau trong nước, trong khu vực hay trên thế giới.
Xét tính liên thông ngang giữa các Chương trình đào tạo khác của Trường Đại học Luật
Hà Nội, bao gồm các Chương trình đào tạo: ngành Luật, ngành Luật Kinh tế, luật
Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh, Chương trình đào tạo ngành Luật,
chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ phải có sự liên thông với các ngành này.
4.4. Tính riêng biệt của Chương trình đào tạo
Theo quy định của pháp luật, một ngành đào tạo riêng biệt phải là “tập hợp những
kiến thức, kỹ năng chuyên môn liên quan đến một lĩnh vực khoa học hay một lĩnh vực
hoạt động nghề nghiệp nhất định bên cạnh khối kiến thức cơ bản và kiến thức cơ sở
(của khối ngành, nhóm ngành và ngành), khối kiến thức ngành (gồm kiến thức chung và
kiến thức chuyên sâu của ngành) trong mỗi chương trình đào tạo trình độ đại học
phải có khối lượng tối thiểu 30 tín chỉ không trùng với khối kiến thức ngành của các
ngành gần trong khối ngành, nhóm ngành”12.
Như vậy, Chương trình đào tạo ngành Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ phải
đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một ngành đào tạo riêng biệt. Chương trình đào tạo ngành
Luật, chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ phải mang các đặc trưng riêng biệt với Chương
trình đào tạo ngành Luật, ngành Luật Kinh tế, ngành Luật Thuương mại quốc tế, ngành
Ngôn ngữ Anh, không triển khai theo phổ rộng các chuyên ngành, mà tập trung chuyên
sâu đối với một ngành “Luật sở hữu trí tuệ”, khối kiến thức ngành (gồm kiến thức
chung và kiến thức chuyên sâu của ngành) trong chương trình ngành Luật, Luật sở hữu
trí tuệ phải đảm bảo có khối lượng tối thiểu 30 tín chỉ, không trùng với khối kiến thức
ngành của các ngành gần trong nhóm là ngành Luật, ngành Luật Kinh tế.

12
Mục 1 – Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ Đại học, ban hành kèm theo Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT
ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

148
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Khoa Dân sự (2003), Sở hữu trí tuệ - Những nội dung cơ bản cần giảng dạy
trong trường Đại học Luật Hà Nội, Hội thảo khoa học, Trường Đại học Luật Hà Nội,
Hà Nội;
2. Lê Thị Nam Giang (2007), Thực trạng giảng dạy sở hữu trí tuệ tại các trường
đại học Việt Nam, Hội thảo Giảng dạy và đào tạo sở hữu trí tuệ trong các trường đại học
và cao đẳng, Cục sở hữu trí tuệ, Hà Nội;
3. Nguyễn Thị Anh Thơ, Ngô Trọng Quân (2017), “Kinh nghiệm giảng dạy môn
quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại quốc tế của doanh nghiệp và một số
kiến nghị”, Luật học, (6), tr. 73 -85;
4. Trần Văn Hải (2007), “Đào tạo nhân lực sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu hội
nhập”, Hoạt động khoa học, (573);
5. Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Hoàn thiện nội dung và phương pháp
giảng dạy môn học “Quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại quốc tế của
doanh nghiệp” ở Trường Đại học Luật Hà Nội, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp
Trường, Hà Nội;
6. Trường Đại học Luật Hà Nội (2020), Đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện các
chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội, Kỷ yếu hội
thảo khoa học cấp Trường, Hà Nội.

149

You might also like