You are on page 1of 7

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

Trường Kinh tế

Học phần: KỸ NĂNG GIAO TIẾP (KT022)


NHÓM 1 SÁNG THỨ 2
Giảng viên: ThS. Trần Thy Linh Giang

CHỦ ĐỀ 15

“Nếu bạn chỉ giao tiếp, bạn có thể tồn tại.


Nhưng nếu bạn giao tiếp khéo léo, bạn có thể tạo ra điều kỳ diệu”

“If you just communicate, you can get by.


But if you communicate skillfully, you can work miracles”

Thành viên nhóm:


1. Võ Diệu Tường B1909643
2. Ngô Huỳnh Thiên Nhi B2009128
3. Huỳnh Hằng Ny B2009131
4. Trần Thị Kim Phụng B2009134
5. Bùi Thị Thúy Vy B2009154
“Lạ thay nết nói nết cười,
0
Nết sao lại khiến cho người muốn thương”
Từ xa xưa, ông bà ta đã biết cách con người ta ghi điểm và chiếm được cảm tình
của mọi người nhờ sự có duyên, và cái duyên dáng đó được tạo nên thông qua lời ăn
tiếng nói. Kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng tưởng chừng như rất dễ nhưng nó lại vô cùng
quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Đó là lý do ngày càng nhiều lớp học về kỹ năng
giao tiếp được mở ra. Nếu chỉ giao tiếp thông thường thì ai cũng làm được, nhưng không
phải ai cũng có khả năng giao tiếp khéo léo để chinh phục lòng người, gây ấn tượng với
người đối diện. Jim Rohn, một diễn giả người Mỹ, từng có nhận định rất hay về giao tiếp:
“If you just communicate, you can get by. But if you communicate skillfully, you can
work miracles”, tạm dịch là “Nếu bạn chỉ giao tiếp, bạn có thể tồn tại. Nhưng nếu bạn
giao tiếp khéo léo, bạn có thể tạo ra điều kỳ diệu”.
Giao tiếp là hoạt động diễn ra thường nhật, mọi lúc mọi nơi, mọi lĩnh vực. Từ khi
xã hội bắt đầu xuất hiện, giao tiếp đã là hoạt động thiết yếu để gắn kết con người với
nhau. Trong thế kỷ 21, thời đại 4.0 hiện nay, thời đại của toàn cầu hóa thì kỹ năng giao
tiếp lại càng cần thiết. Xã hội là một cộng đồng có sự ràng buộc, liên kết với nhau. Ở đó,
con người kết nối với nhau thông qua giao tiếp. Giao tiếp là cơ thể của sự tồn tại, phát
triển của con người trong học tập, công việc và cuộc sống. Vậy, thử tưởng tượng một xã
hội tồn tại mà không có giao tiếp thì sẽ ra sao? Đánh giá về kỹ năng giao tiếp, nhà diễn
thuyết, chính trị gia người Mỹ Les Brown cũng có nói: “Kỹ năng giao tiếp là một công
cụ quan trọng trong cuộc hành trình theo đuổi mục tiêu, dù là gia đình, đồng nghiệp hay
khách hàng của bạn”
Trở lại câu nói của Jim Rohn, “Nếu bạn chỉ giao tiếp, bạn có thể tồn tại. Nhưng
nếu bạn giao tiếp khéo léo, bạn có thể tạo ra điều kỳ diệu”. Điều kỳ diệu ở đây là gì?
Đó là sự thành công trong tạo lập và duy trì các mối quan hệ, thành công trong xây dựng
và giữ gìn hạnh phúc gia đình, và đặc biệt là thành công trong công việc và thăng tiến
trong sự nghiệp. Xã hội ngày càng tiên tiến, phát triển, sự cạnh tranh cũng ngày càng gay
gắt. Giao tiếp để tồn tại thôi chưa đủ, chúng ta cần biết giao tiếp, ứng xử khéo léo để tạo
1
nên “điều kỳ diệu”. Chẳng hạn như hai nhân viên đều có kỹ năng chuyên môn tốt như
nhau nhưng người có kỹ năng giao tiếp tốt, khéo léo thì sẽ được sếp trọng dụng, được
mọi người yêu quý, từ đó sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn người giao tiếp kém. Ngoài
ra, một khảo sát cho thấy mức tiền lương trung bình theo giờ của các ngành thuộc chuyên
ngành Kinh tế - Tài chính và Giáo dục là trên 45 nghìn đồng mỗi giờ. Những ngành nghề
này đòi hỏi khá nhiều về khả năng giao tiếp tốt, ngoại ngữ và sự nhạy bén trong xử lý
tình huống. Trong khi đó, các ngành không đòi hỏi về kỹ năng giao tiếp nhiều như Vật lý,
Nông nghiệp, hay Kiến trúc thì mức tiền lương chỉ từ 30 đến 35 nghìn đồng mỗi giờ 1.
Như vậy, kỹ năng giao tiếp tốt giúp con người có cơ hội việc làm tốt hơn và cải thiện chất
lượng cuộc sống hơn.
Biết rằng có kỹ năng giao tiếp tốt là rất quan trọng, nhưng làm sao để rèn luyện
được được kỹ năng này? Liệu không có năng khiếu ăn nói thì có thể được làm được
không? Đó là băn khoăn của rất nhiều người. Tuy nhiên, đã có nhiều báo cáo chứng minh
rằng giao tiếp tốt là qua quá trình tập luyện mà có được chứ không phải do năng khiếu
bẩm sinh. Vậy, để có thể làm tốt kỹ năng này, đầu tiên chúng ta cần nắm rõ những khái
niệm và nguyên tắc liên quan.
Kỹ năng giao tiếp bao gồm khả năng truyền đạt thông điệp, lắng nghe tích cực, trao
đi và nhận lại phản hồi giữa chủ thể giao tiếp (người nói) và đối tượng giao tiếp (người
nghe) nhằm đạt được một mục đích giao tiếp nhất định. Giao tiếp trong công việc được
thể hiện ở nhiều khía cạnh bao gồm giao tiếp bằng thư từ, bằng ngôn ngữ cơ thể, bằng lời
nói, bằng văn bản,...
Khi nhắc đến hoạt động giao tiếp thì người ta sẽ nghĩ ngay đến kỹ năng nói đầu
tiên. Đương nhiên, kỹ năng nói là một trong những điểm quan trọng nhất trong quá trình
nói chuyện. Những câu từ, giọng điệu, cách ngắt nghỉ,...sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc
giao tiếp. Rèn luyện kỹ năng nói giúp chúng ta đảm bảo người nghe sẽ hiểu đúng nội

1
Trích dẫn bài viết: Nguyễn Hà Đăng Khoa. (2022). Lựa chọn ngành học tác động thế nào đến tiền lương của sinh viên sau khi ra trường?
Bằng chứng từ Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, 33(4), 43–72

2
dung mình truyền tải, không gây hiểu lầm hay căng thẳng cho cuộc trò chuyện, ngoài ra
còn làm cho đối phương cảm thấy bị cuốn hút tập trung vào câu chuyện của mình làm
cho ta dễ dàng đạt được mục đích mà mình hướng đến.
Có câu: “Một câu nói có thể khiến người ta cười, cũng có thể khiến người ta phiền
não”. Một lần chị Lan và chị Huệ cùng đi ăn ở quán A, đồ ăn rất ngon nhưng thái độ của
nhân viên thiếu tôn trọng khách, nói năng cộc lốc và có vẻ tức giận khi hai chị nhờ lấy
thêm dụng cụ ăn. Chị Lan quyết định sẽ không bao giờ trở lại quán này ăn nữa. Vài hôm
sau, hai chị đi ăn ở quán B đối diện, dù mùi vị không quá xuất sắc nhưng cả ông chủ và
nhân viên ở đây đều rất niềm nở đón tiếp khách khiến cho họ cảm thấy thoải mái hơn. Cả
2 đã đến quán ăn mỗi ngày để được trò chuyện cùng với nhân viên trong quán. Một ví dụ
khác về tầm quan trọng của giao tiếp khéo léo đó là sự việc chị quản lý quán bán món ăn
Hàn Quốc Hancook lớn tiếng với nhân viên. Những nhân viên trong quán sau khi nghỉ
việc đã chia sẻ về việc chị quản lý luôn lớn tiếng quát nạt nhân viên ngay trong quán và
trước mặt khách. Điều này không chỉ khiến những nhân viên đó mất mặt trước mọi người
mà còn khiến cho những người khách tại quán cũng cảm thấy phiền và khó chịu. Sau khi
bài viết được chia sẻ trên các hội nhóm, nhiều người cũng chia sẻ là từng chứng kiến
cảnh này và tuyên bố nếu chị quản lý đó không thay đổi thì họ cũng sẽ không trở lại quán
này lần nào nữa. Vậy nên giọng điệu khi nói và nói đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh và
điều khiển âm lượng khi nói là vô cùng quan trọng, nó có thể khiến cho sự việc trở nên
nhẹ nhàng hơn, hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu chỉ “giao tiếp để tồn tại” theo
cách của người phục vụ quán A hay chị quản lý quán Hancook thì sẽ khó mà có được
thành công trong cuộc sống, ngược lại họ còn khiến cho doanh thu quán bị sụt giảm, ảnh
hưởng đến cuộc sống của hai vị chủ quán của họ và cả những nhân viên khác trong quán
cũng bị vạ lây, mang tiếng xấu.
Bên cạnh kỹ năng nói còn có một kỹ năng quan trọng không kém đó là kỹ năng
lắng nghe. Một nhà triết học Hy Lạp có câu: “Chúng ta có 2 tai và 1 miệng để nghe
nhiều hơn và nói ít hơn”. Lắng nghe chiếm 90% sự thành công của cuộc giao tiếp bên
3
cạnh kỹ năng nói. Việc lắng nghe đối phương nói sẽ giúp chúng ta thu thập thông tin và
nắm bắt vấn đề một cách đầy đủ. Nhờ đó, nâng cao khả năng tương tác giữa hai bên và
việc đàm phán giải quyết vấn đề cũng dễ dàng hơn. Ngoài ra, lắng nghe cũng thể hiện sự
tôn trọng với đối phương, từ đó tạo thiện cảm với họ trong buổi nói chuyện, và giải quyết
mối xung đột hiệu quả. Đây cũng là bước đệm để tạo được mối quan hệ tốt trong cuộc
sống cũng như công việc.
Một câu chuyện kể rằng: Có một cậu bé rất muốn trở thành phi công. Trong một
cuộc họp báo, phóng viên hỏi cậu bé: “Nếu cháu là một phi công và chiếc máy bay mà
cháu đang lái hết nhiên liệu. Thì cháu sẽ làm như thế nào?”. Cậu bé đáp: “Cháu sẽ yêu
cầu các hành khách thắt dây an toàn, còn mình sẽ nhảy dù xuống dưới”. Những người
trong cuộc họp bắt đầu chỉ trích cậu bé không thể trở thành phi công vì quá ích kỷ và vô
trách nhiệm. Lúc này cậu nói tiếp: “Cháu về lấy nhiên liệu để quay trở lại cứu mọi
người”. Chúng ta bình thường đều như vậy, chưa lắng nghe hết đã vội vàng đưa ra phán
đoán. Đây là thời đại ủng hộ việc nói, mọi người đều trau dồi trí tuệ cảm xúc và mong
muốn cải thiện khả năng diễn đạt của mình. Nhưng muốn nói đúng thì trước hết bạn phải
nghe hiểu. Nếu cứ vội kết luận như thế thì biết đâu đôi khi chúng ta lại giết chết nhiều
nhân tố đầy tiềm năng như cậu bé nọ thì sao?
Khi bạn giao tiếp với người đối diện, ngôn ngữ chỉ chiếm 7%; giọng điệu chiếm
38%, còn quan trọng nhất là ngôn ngữ cơ thể với 55%. Từ ánh mắt, biểu cảm gương mặt
đến dáng ngồi, cử chỉ, hành động và trang phục đều phản ánh thái độ của con người trong
cuộc giao tiếp. Deborah Bull cho rằng: “Ngôn ngữ cơ thể là một công cụ rất mạnh mẽ.
Chúng ta đã có ngôn ngữ cơ thể trước khi có lời nói, và dường như, 80% những gì bạn
hiểu trong một cuộc trò chuyện được đọc qua cơ thể, không phải lời nói”. Ngôn ngữ cơ
thể là công cụ để để lại ấn tượng đầu tiên trong mắt người đối diện, vì thế nó được ứng
dụng rất nhiều trong các buổi phỏng vấn và tuyển dụng. Chẳng hạn khi đến buổi phỏng
vấn, nếu chúng ta ăn mặc trang trọng, chỉn chu, dáng ngồi và phong thái tự tin, luôn mỉm
cười và biết dùng ánh mắt giao tiếp với nhà tuyển dụng thì chắc chắn đây sẽ là điểm cộng
4
rất lớn cho buổi phỏng vấn. Ngược lại, nếu chúng ta ăn mặc quá thoải mái như thường
ngày thì sẽ khiến đối phương nghĩ rằng chúng ta không coi trọng buổi phỏng vấn. Ngoài
ra, nếu mang một gương mặt mệt mỏi, thiếu sức sống đến buổi phỏng vấn cũng sẽ mang
lại cảm giác tiêu cực cho nhà tuyển dụng. Những điều nhỏ nhặt như thế không phải ai
cũng biết, nhưng với người giỏi giao tiếp thì đây chỉ là những điều cơ bản mà họ biết
thôi. Vậy, “điều kỳ diệu” mà kỹ năng giao tiếp mang lại ở đây chính là ấn tượng tốt, tiền
đề cho sự khởi đầu một mối quan hệ, một chặng đường mới.
Nhiều tác giả nổi tiếng cũng đã có nhiều đầu sách nói về tầm quan trọng của kỹ
năng giao tiếp. Điển hình là Trác Nhã, một tác giả nổi tiếng người Trung Quốc chuyên
viết về sách kỹ năng sống hữu ích với cuốn “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ”.
Đúng như thông điệp Tác giả muốn truyền tải “giao tiếp” đóng một vai trò vô cùng quan
trọng trong cuộc sống của mỗi người. Hay là cuốn “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie,
quyển sách được bình chọn là sách bán chạy nhất do báo The New York Times bình chọn
suốt 10 năm liền. Triết lý của “Đắc nhân tâm” là hiểu mình, thành thật với chính mình,
từ đó hiểu biết và quan tâm đến những người xung quanh để nhìn ra và khơi gợi những
tiềm năng ẩn khuất nơi họ, giúp họ phát triển lên một tầm cao mới, chỉ là giao tiếp nhưng
có thể thu được lòng người. Và còn nhiều tác giả khác cũng viết về thể loại sách này.
Điều này chứng tỏ “nói” không hề đơn giản, nó là cả một nghệ thuật mà người ta cần
phải luyện tập dài lâu mới có thể làm tốt được, mới tạo ra được những điều phi thường,
kỳ diệu khác.
Không thể phủ nhận rằng kỹ năng giao tiếp tốt là một yếu tố hết sức quan trọng để
giúp chúng ta tạo ra những điều “kỳ diệu”. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng khả năng này
như một công cụ giúp thực hiện những mục đích xấu. Một ví dụ gần đây nhất chính là vụ
“Anna Bắc Giang” - một cô gái nổi tiếng với vụ việc lừa đảo hàng chục tỷ. Nếu ai đã
từng theo dõi vụ việc trên thì cũng có thể thấy rằng cô gái này đã lợi dụng những việc ăn
nói tốt, vẻ bề ngoài,... để lấy được lòng tin và thao túng tâm lý của nhiều người nhằm
mục đích lừa đảo. Chính vì vậy, ngoài việc học hỏi nâng cao kỹ năng giao tiếp, chúng ta
5
cũng cần học cách tiếp thu những lời nói một cách có chọn lọc để không dễ dàng bị dụ dỗ
bởi những lời ngon ngọt.
Tóm lại, “điều kỳ diệu” cũng chẳng phải thứ gì đó quá xa vời, khó đoán. Nó chỉ
đơn giản là sự khéo léo hơn một chút, tinh tế hơn một chút trong giao tiếp hàng ngày,
chẳng qua chúng ta vẫn chưa đủ kiên nhẫn để đạt được nó mà thôi. Karen Salmansohn đã
từng nhắc nhở: “Không có giao tiếp thì không có quan hệ. Không có sự tôn trọng thì
không có tình yêu . Không có sự tin tưởng thì không có lý do gì để tiếp tục”. Cho nên
chúng ta cần phải nhận thức rõ được tầm quan trọng của giao tiếp để không ngừng học
hỏi và rèn luyện nó. Hãy tháo bỏ những suy nghĩ về việc giao tiếp theo bản năng, hãy học
cách trở thành một người có khả năng truyền đạt, giao tiếp giỏi, thậm chí là “bậc thầy
ngôn ngữ”. Trong thời đại công nghệ bùng nổ, không quá để chúng ta tham gia các học
tại lớp, học trực tuyến, hay là tìm kiếm các tài liệu về giao tiếp để tham khảo, và đặc biệt
là tham gia các khóa học kỹ năng giao tiếp để có cơ hội thực hành và trau dồi kỹ năng
giao tiếp từ chuyên gia. Hãy chọn cho mình một phương pháp hiệu quả và dành thời gian
để rèn luyện nó. Hãy kiên trì và tạo nên “điều kỳ diệu” cho chính mình.

You might also like