You are on page 1of 19

KHÁM THẦN KINH SỌ

Hình 1: Thân não nhìn từ mặt dưới và các dây thần kinh sọ1
1. Dây I (khứu giác)
1.1. Giải phẫu
Các dây thần kinh khứu giác thực sự là các sợi phóng chiếu ngắn từ niêm mạc mũi đến
hành khứu nằm bên trong hộp sọ. Mỗi bên não có khoảng 9 đến 15 dây thần kinh khứu giác.
Hành khứu nằm ngay trên xương sàng và bên dưới thùy trán. Sợi trục của hành khứu tập trung
lại thành cuống khứu giác, tiếp hợp trong nhân khứu giác trước, và tận cùng ở vỏ não khứu giác
nguyên phát.
Hình 2: Mặt bên của hành khứu, dải khứu, màng nhầy, và các dây thần kinh khứu giác
1.2. Khám
Dây thần kinh khứu giác ít khi được khám trong thực hành lâm sàng. Việc nhận biết hầu
hết các mùi đòi hỏi dây thần kinh khứu giác phải còn nguyên vẹn. Tuy vậy, một vài tác nhân
(như ammoniac…) có thể được niêm mạc mũi nhận biết mà không cần dây thần kinh khứu giác
phải còn nguyên vẹn.
Nên khám dây khứu giác trong những trường hợp có chấn thương đầu, nghi ngờ bệnh lý
tại nền sọ (các u màng não ở mặt dưới của thùy trán, các loại glioma thùy trán có thể chèn ép vào
dây thần kinh khứu giác nằm ngay bên dưới).
Dùng các lọ nhỏ có chứa các chất quen thuộc (như xà phòng, cà phê, dầu gió, nước
hoa…), tránh các chất có tính kích thích (như ammoniac…) vì có thể gây kích thích dây thần
kinh V. BN được yêu cầu nhắm mắt, và che kín một lỗ mũi. Người khám đưa lọ nhỏ chứa chất
đã chọn vào lỗ mũi còn lại, và yêu cầu bệnh nhân xác định là mùi gì.
Đơn giản hơn, có thể sử dụng các vật dụng của BN (một mẩu bánh mì, trái cây, nước
ngọt…) và hỏi xem liệu BN có còn ngửi được mùi của các vật dụng này không.
1.3. Đánh giá
BN có thể xác định được chính xác các mùi: bình thường.
BN không thể nhận biết được các mùi: mất mùi (anosmia).
Tình trạng mất mùi có ý nghĩa khi BN không có các bệnh lý tại mũi (nghẹt mũi…). Tổn
thương dây I có thể do khối u (meningioma, hoặc hiếm hơn là glioma…) chèn ép vào.
2. Dây II (thị giác)
2.1. Giải phẫu
Dây thần kinh thị giác (optic nerve) dẫn truyền các sợi hướng tâm cho hai chức năng:
giác quan (thị giác) và co đồng tử (pupilloconstriction).

Hình 3: Đường thị giác


Dây thần kinh thị giác chứa các sợi trục myelin hóa, xuất phát từ các tế bào hạch tại võng
mạc. Sau khi rời khỏi nhãn cầu, nó được bọc trong bao màng não. Sau khi qua khỏi giao thoa thị
giác, nó được đổi tên thành dải thị (optic tract). Các sợi trục tiếp tục phóng chiếu đến củ não sinh
tư trên, và đến thể gối ngoài thuộc đồi thị. Sau đó sẽ truyền thông tin về vỏ não thị giác thuộc
thùy chẩm thông qua tia thị (optic radiation) (Hình 3).
2.2. Khám thị lực
Nguyên tắc: khám từng mắt riêng biệt, cho BN mang mắt kính để điều chỉnh các tật khúc
xạ nếu có.
Khám sàng lọc thị lực bằng cách yêu cầu BN đọc chữ trên những vật dụng xung quanh
(như sách, báo, tạp chí…).
Nếu BN có than phiền giảm thị lực, tiếp tục khám bằng cách yêu cầu BN đếm ngón tay
người khám ở các khoảng cách khác nhau (ví dụ bắt đầu đếm ở khoảng cách 30 cm, nếu chưa
đếm được ở khoảng cách 30 cm thì tiếp tục với các khoảng cách 20 cm, 10 cm…). Nếu BN
không đếm được ngón tay, cho BN quan sát bóng bàn tay di chuyển qua lại trước mặt BN. Nếu
BN vẫn không thấy được bóng bàn tay, khám tiếp tục cảm nhận sáng/tối bằng cách chiếu đèn pin
vào mắt. Nếu BN vẫn không thấy được ánh sáng chiếu vào mắt thì ghi nhận là mù hoàn toàn.
Phần khám thần kinh thường quy không bao gồm khám thị lực bằng bảng chữ Snellen
hoặc khám cảm nhận màu sắc. Nếu cần thiết, có thể cho BN khám thêm nhãn khoa.
Kết quả
 Giảm thị lực có thể điều chỉnh được bằng mắt kính: tật khúc xạ.
 Giảm thị lực không thể điều chỉnh được bằng mắt kính: có thể có các vị trí tổn
thương trên đường đi của hệ thống thị giác như sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể,
xuất huyết võng mạc, bệnh dây thần kinh thị giác (do viêm, thiếu máu, chèn
ép…), hoặc tổn thương vỏ não thùy chẩm hai bên (mù vỏ não)…
2.3. Khám thị trường
Nguyên tắc: khám từng mắt riêng biệt, và khám bằng phương pháp thị trường đối chiếu.

Hình 4: khám thị trường đối chiếu


Khám thị trường đối chiếu bằng cách ngồi đối diện với BN ở khoảng cách khoảng 50 cm
như hình vẽ. Yêu cầu BN dùng bàn tay (T) để che mắt bên (T) lại, nhìn thẳng vào mắt người
khám, không được liếc nhìn ra xung quanh.
Giữ ngón trỏ bàn tay (T) của người khám ngay bên ngoài thị trường của người khám ở
một phần tư dưới thị trường phía thái dương. Di chuyển chậm ngón tay của người khám dần dần
về phía trung tâm. Yêu cầu BN nói “thấy” ngay khi thấy được ngón tay người khám, và so sánh
với thị trường của người khám. Khám từng một phần tư của mỗi mắt riêng biệt.
Kết quả
 Kết quả khám thị trường, và các vị trí tổn thương tương ứng được minh họa trong
Hình 5.

Hình 5: Các vị trí tổn thương điển hình của đường thị giác: (A) – mù một mắt; (B) – bán
manh hai thái dương; (C) – bán manh đồng danh bên (P); (D) – góc manh đồng danh 1/4
trên bên (P); (E) – bán manh đồng danh bên (P).
2.4. Soi đáy mắt (được giới thiệu trong một bài riêng)
3. Dây III (vận nhãn chung), IV (ròng rọc), và VI (vận nhãn ngoài)
3.1. Giải phẫu
Dây III, IV xuất phát từ nhân vận nhãn chung và nhân ròng rọc tại trung não, sau khi rời
khỏi hộp sọ, dây III và IV vào ổ mắt qua khe ổ mắt trên. Dây III chi phối cho các cơ: thẳng
trong, thẳng trên, thẳng dưới, chéo dưới, và cơ nâng mi trên. Dây IV chi phối cho cơ chéo trên.
Ngoài ra, phần đối giao cảm của dây III còn chi phối cho hạch mi, và cơ co đồng tử.
Dây VI xuất phát từ nhân vận nhãn ngoài tại cầu não, cũng vào ổ mắt qua khe ổ mắt trên,
và chi phối cho cơ thẳng ngoài (Hình 6).

Hình 6: Các dây thần kinh sọ III, IV, VI, và các cơ vận nhãn

Hình 7: Sơ đồ các cơ vận nhãn


Hình 8: khám các hướng vận nhãn theo sơ đồ hình chữ H2
3.2. Khám vận nhãn
Trong lúc hỏi bệnh sử, người khám cũng đã đánh giá sơ bộ các hướng vận nhãn của BN.
Bắt đầu khám vận nhãn bằng cách đặt nhẹ tay lên đỉnh đầu của BN và yêu cầu BN chỉ di
chuyển mắt, không xoay đầu. Yêu cầu BN nhìn cố định vào một ngón tay của người khám đặt
cách BN khoảng 50 cm (khi khám các hướng vận nhãn theo chiều ngang và khám hội tụ, đặt
ngón tay người khám theo chiều dọc. Ngược lại, khi khám các hướng vận nhãn dọc, đặt ngón tay
người khám theo chiều ngang).
Bắt đầu khám ở vị trí số 1 như Hình 8, sau đó di chuyển ngón tay đến vị trí số 2 và dừng
lại để quan sát tầm vận nhãn của cả hai mắt, nystagmus (nếu có)…
Tiếp tục di chuyển ngón tay đến vị trí số 3 và số 4, ở mỗi vị trí đều dừng ngón tay người
khám lại và quan sát tầm vận nhãn giống như ở vị trí số 2.
Di chuyển ngón tay về lại mặt phẳng ngang, và tiếp tục đến các vị trí 5,6, và 7.
Di chuyển ngón tay về lại vị trí 1 và yêu cầu BN nhìn thẳng vào ngón tay người khám,
sau đó người khám di chuyển ngón tay dần về phía mũi BN để khám hội tụ của hai mắt.
Cuối cùng, di chuyển ngón tay người khám đến vị trí số 8 và số 9 và quan sát tầm vận
nhãn giống như ở vị trí số 2.
Ở mỗi hướng nhìn, hỏi BN xem nhìn thấy một hay hai ngón tay, để khảo sát BN có bị
song thị ở hướng nhìn nào hay không.
Hình 9: Liệt dây III (T) ở bệnh nhân đái tháo đường. Mắt (T) nhìn vô trong bị giới hạn, sụp
mi, và chức năng đồng tử còn bình thường.
3.3. Khám đồng tử
Bắt đầu khám đồng tử với ánh sáng phòng bình thường, yêu cầu BN nhìn vào một điểm
bất kỳ trên tường, trần nhà… để tránh co đồng tử do phản xạ điều tiết.
Đồng tử bình thường tròn đều, hai bên bằng nhau, đường kính khoảng 2-3 mm.
Quan sát kích thước, hình dạng đồng tử, và so sánh hai bên.
Khám phản xạ của đồng tử với ánh sáng trực tiếp và đồng cảm: hướng dẫn BN nhìn vào
một điểm bất kỳ trong phòng, chiếu đèn pin vào mỗi mắt riêng biệt từ phía bên ngoài vào. Quan
sát xem đồng tử hai bên có co lại giống nhau không. Đồng tử của mắt được chiếu sáng co trực
tiếp được gọi là phản xạ ánh sáng trực tiếp (direct light reflex). Co đồng tử của mắt còn lại được
gọi là phản xạ ánh sáng đồng cảm (consensual light reflex). Bình thường phản xạ trực tiếp và
đồng cảm giống nhau.
Tránh chiếu ánh sáng đột ngột và trực tiếp từ phía trước mặt của BN vì có thể làm BN
nhìn vào đèn pin tạo ra phản xạ điều tiết gây co đồng tử, và có thể gây khó chịu cho BN.
Hình 10: Đường đi của phản xạ đồng tử với ánh sáng
4. Dây V (sinh ba)
4.1. Giải phẫu
Dây V là một dây hỗn hợp chứa các sợi cảm giác chi phối cho hầu như toàn bộ da và
niêm mạc vùng đầu mặt, và phần vận động nhỏ hơn chi phối cho hầu như tất cả các cơ nhai và cơ
tensor tympani ở tai trong. Nhân vận động của dây V nằm tại cầu não; nhân cảm giác kéo dài từ
trung não đến hành não trong đó nhân cảm giác chính nằm tại cầu não.
Hình 10: Sơ đồ phân bố cảm giác của dây V
4.2. Khám
Khám cảm giác sờ nông:
Yêu cầu BN nhắm mắt lại, dùng mẩu bông gòn nhỏ chạm vào mặt BN theo từng vùng
phân bố của ba phân nhánh của dây V. Yêu cầu BN nói “có” mỗi khi cảm nhận được mẩu bông
gòn chạm vào mặt. Chạm vào các vùng mặt, và thay đổi khoảng thời gian giữa các lần chạm một
cách ngẫu nhiên để tránh tình trạng BN dự đoán những lần chạm một cách đều đặn.

Hình 11: vị trí chạm bông gòn khi khám phản xạ giác mạc
Khám phản xạ giác mạc:
Phản xạ giác mạc là phản xạ nhắm mắt lại khi có kích thích chạm vào giác mạc. Phản xạ
này đánh giá sự nguyên vẹn của hai dây thần kinh sọ: dây V (hướng tâm) và dây VII (ly tâm).
Dùng một mẩu nhỏ bông gòn và cuộn lại thành một điểm nhỏ (tránh dùng bông gòn trong
que tăm bông). Giải thích cho BN trước khi khám. Yêu cầu BN nhìn về phía đối bên với mắt
được khám. Chạm nhẹ mẩu bông gòn từ phía bên ngoài vào phía bên của giác mạc như điểm
đánh chéo trên hình. Tránh chạm vào lông mi, và tránh để BN nhìn thấy mẩu bông gòn vì có thể
gây chớp mắt do thị giác chứ không phải do phản xạ giác mạc.
Cũng giống như với phản xạ nôn, có thể bỏ qua phần khám phản xạ giác mạc nếu BN
không có những triệu chứng bất thường.
Khám cảm giác nhiệt:
Yêu cầu BN nhắm mắt lại và trả lời liệu có nhiệt độ nóng hay lạnh chạm vào mặt (chỉ
khám khả năng của BN phân biệt được nóng hay lạnh, không khám khả năng chịu được nhiệt độ
nóng hay lạnh đến mức nào).
Dùng vật dụng kim loại như rung âm thoa, búa phản xạ… và ngón tay của người khám
thay nhau đặt lên má BN ở cùng vị trí và yêu cầu BN trả lời khi nào là nóng là khi nào là lạnh.
Khám một cách ngẫu nhiên, không theo trình tự, để tránh BN có thể dự đoán được khi
nào là ngón tay và khi nào là vật kim loại.
Vì các thụ thể đau và nhiệt ở vùng mặt có sự trùng lắp nhau, và đều được dẫn truyền
chung bởi bó sinh ba-đồi thị (trigeminothalamic tract), nên thông thường chỉ cần khám cảm giác
nhiệt và hạn chế khám cảm giác đau (đặc biệt là khám cảm giác đau bằng cách dùng đầu kim nhỏ
để chạm vào vùng mặt).
5. Dây VII (mặt)
5.1. Giải phẫu
Dây thần kinh sọ VII cũng là một dây hỗn hợp. Phần vận động bao gồm nhân lưng (chi
phối các cơ trán, cơ da mặt trên, nửa trên cơ vòng mi), nhân bụng chi phối cho các cơ ở nửa dưới
của mặt. Phần cảm giác và giao cảm (còn được gọi là dây VII’, hay thần kinh Wrisberg) chi phối
cảm giác vị giác cho 2/3 trước lưỡi, ống tai ngoài, màng nhĩ…và chức năng phân tiết của tuyến
lệ và các tuyến nước bọt.
5.2. Khám
Mặc dù là khi khám thần kinh thường quy, chúng ta thường không khám vị giác; nhưng
chúng ta biết dây VII phân bố vị giác 2/3 trước của lưỡi, cùng với vòm miệng mềm và vòm
miệng cứng. Có thể khám vị giác bằng dung dịch mặn, đắng, chua, hoặc ngọt.
Hình 12: chi phối vận động trung ương và ngoại biên cho cơ vùng mặt. Vùng trán mỗi bên
nhận sợi trục chi phối của neuron vận động trên (Upper Motor Neuron: UMN) từ hai bán
cầu, trong khi vùng mặt thấp hơn chỉ nhận sợi trục chi phối của UMN từ bán cầu đối bên3

Bắt đầu quan sát các cử động vùng mặt BN trong suốt quá trình hỏi bệnh. Chú ý các cử
động của co mặt khi BN nói chuyện hoặc biểu lộ cảm xúc. Một số bệnh lý ví dụ như hội chứng
Parkinson hoặc trầm cảm có thể làm giảm cử động toàn bộ cơ mặt hai bên (còn gọi là masked
face: mặt có đeo mặt nạ).
Quan sát xem có những biểu hiện rối loạn vận động khác trên mặt như co thắt mí mắt
(blepharospasm), co thắt cơ nửa mặt (hemifacial spasm), tics…
Tiếp theo, quan sát tính đối xứng của: nếp mũi má hai bên (bằng cách yêu cầu BN nhăn
hàm răng), cơ vòng mi hai bên (yêu cầu BN nhắm chặt mắt lại), và nếp nhăn trán hai bên (yêu
cầu BN nhăn trán ngước nhìn lên trên). Trong những trường hợp có liệt mặt nặng, thường sẽ dễ
nhận ra. Tuy vậy, trong những trường hợp có liệt mặt nhẹ, cần quan sát kỹ tính bất đối xứng của
một bên mặt. Cũng có thể gặp một số trường hợp bất đối xứng bẩm sinh (ví dụ nếp mũi má một
bên mờ nhẹ hơn so với bên còn lại), khi đó cần hỏi lại bệnh sử để biết xem sự bất đối xứng này
mới xuất hiện hay đã có từ trước.
Hình 13: BN bên (P) có liệt mặt bên (P) kiểu trung ương (mặt bên (P) của BN chỉ có mất nếp
mũi má, vẫn còn nhắm mắt được). BN bên (T) có liệt mặt bên (T) kiểu ngoại biên (mặt bên
(T) của BN mất nếp mũi má, và mắt nhắm không kín)

6. Dây VIII
6.1. Giải phẫu
Dây thần kinh VIII xuất phát từ hạch tiền đình và hạch ốc tai trong mê đạo của tai trong.
Nó vào trong thân não tiếp hợp tại nhân tiền đình, và nhân ốc tai thuộc điểm nối giữa cầu và
hành não (Hình 14).

Hình 14: Dây thần kinh tiền đình - ốc tai.


6.2. Khám
Hỏi BN xem có bất thường về thính lực không. BN có thể nghe được điện thoại, nói
chuyện với người xung quanh, nghe được những tiếng nói thầm… bình thường không. BN có bị
ù tai (tinnitus) không.
Tạo âm thanh bên một tai của BN bằng cách xoa nhẹ các đầu ngón tay của người khám
lại với nhau, và hỏi xem BN có nghe được bình thường không. Yêu cầu BN so sánh hai bên.
Khám nghiệm pháp dẫn truyền xương-khí (Rinne test):
Khi BN có than phiền giảm thính lực một bên, chúng ta sẽ khám tiếp nghiệm pháp Rinne
để xem giảm thính lực này do nguyên nhân dẫn truyền (conduction hearing loss: chỉ nhóm
nguyên nhân do bệnh lý của tai ngoài hoặc tai giữa làm giảm dẫn truyền âm thanh từ môi trường
bên ngoài vào đến các tế bào tiếp nhận thính giác của cơ quan Corti ở tai trong), hay do nguyên
nhân thần kinh (neurosensory hearing loss: do tổn thương cơ quan Corti hoặc dây thần kinh ốc
tai).
Đặt âm thoa đang rung lên trên mỏm chũm ngay phía sau vành tai của tai giảm thính lực
(dẫn truyền qua xương), hỏi xem BN có nghe được tiếng rung từ âm thoa phát ra hay không.
Ngay khi BN vừa nói hết nghe được âm thanh của âm thoa rung, đặt âm thoa kế bên tai của BN
và hỏi xem BN còn nghe được âm thanh nữa không (dẫn truyền qua khí).
Ở tai bình thường, dẫn truyền khí (khi âm thoa đặt kế bên tai) tốt hơn so với dẫn truyền
xương (khi âm thoa đặt trên mỏm chũm). Do vậy, khi BN hết nghe được dẫn truyền xương, ta
đưa âm thoa đến kế bên tai của BN, BN vẫn nghe thêm được một lúc nữa. Đối với tai có giảm
thính lực do nguyên nhân dẫn truyền, sau khi BN hết nghe âm thanh từ dẫn truyền xương, khi
đưa âm thoa đến kế bên tai của BN thì BN cũng không nghe được thêm (dẫn truyền xương > dẫn
truyền khí). Đối với tai có giảm thính lực do nguyên nhân thần kinh thì dẫn truyền khí > dẫn
truyền xương.
Khám nghiệm pháp Weber (Weber test):
Đặt âm thoa đang rung lên trên đỉnh đầu của BN. Bình thường, BN sẽ nghe âm thanh đều
cả hai bên tai. Nếu một tai BN có giảm thính lực do nguyên nhân dẫn truyền, tai bên bệnh sẽ
nghe âm thanh rõ hơn tai bên bình thường (vì tai bên bệnh có rối loạn dẫn truyền, nên cản trở các
tạp âm từ môi trường bên ngoài, nên sẽ nghe âm thanh từ đỉnh đầu rõ hơn). Ngược lại, nếu một
tai BN có giảm thính lực do nguyên nhân thần kinh, tai bên bình thường sẽ nghe âm thanh rõ hơn
tai bên bệnh.
Chú ý: kết quả của nghiệm pháp Weber chỉ có ý nghĩa thực sự khi cho cùng kết quả sau
vài lần thực hiện nghiệm pháp.

Hình 15: khám nghiệm pháp Rinne và Weber

7. Dây IX (thiệt hầu) và X (lang thang)


7.1. Giải phẫu
Nhân của dây IX, và X hầu hết nằm ở hành não. Hai dây này có những nhân chung (nhân
nước bọt dưới, nhân mơ hồ, nhân của bó đơn độc…), và đường đi trong thân não, trong hộp sọ,
và vị trí thoát ra khỏi hộp sọ cũng tương đối giống nhau, nên thường được khám chung.
7.2. Khám
Trong suốt quá trình hỏi bệnh, người khám đã đánh giá được phần nào giọng nói của BN.
Xác định xem BN có nói đớ (dysarthria) hay không. Nếu BN có nói đớ, khám tiếp xem liệu nói
đớ này do nhóm dây thần kinh sọ IX, X chi phối (bằng cách yêu cầu BN phát âm các âm vùng
hầu họng như “khà, khà, khà”), do dây XII chi phối (yêu cầu BN nói các âm lưỡi như “la, la,
la”), hoặc do dây VII chi phối (các âm môi như “mi, mi, mi”).
Khám nuốt khó bằng cách quan sát BN uống khoảng 150 ml nước suối hoặc nước đun sôi
để nguội để xem liệu BN có nuốt sặc không. Lưu ý chỉ khám nghiệm pháp uống nước khi BN có
than phiền khó nuốt nhẹ hoặc trung bình. Đối với BN có khó nuốt mức độ nặng, hoặc đã ăn qua
sonde dạ dày thì không khám nghiệm pháp uống nước nữa vì có thể gây viêm phổi do hít sặc.
Khám vòm hầu: yêu cầu BN há to miệng và nói “Ah, Ah…”, quan sát cung vòm hầu xem
có nâng đều hai bên, hay có bên nào nâng lên kém hơn bên còn lại hay không.
Khám phản xạ nôn để quan sát rõ hơn động tác nâng vòm hầu. Dùng que đè lưỡi chạm
nhẹ vào vùng hạnh nhân của từng bên họng, và quan sát nâng vòm hầu hai bên. Phản xạ nôn có
đường hướng tâm là dây IX, và đường ly tâm là dây X. Lưu ý: thường chỉ khám phản xạ nôn vào
cuối phần khám thần kinh vì phần khám này gây khó chịu nhiều cho BN. Nếu BN không có biểu
hiện nói đớ, khó nuốt, và không có triệu chứng gì kèm theo để nghi ngờ có liệt dây IX và dây X,
thì bỏ qua phần khám phản xạ nôn. Ngoài ra, có nhiều BN lớn tuổi khỏe mạnh bình thường, vẫn
có phản xạ nôn âm tính.

Hình 16: BN A có vòm hầu nâng đều hai bên (bình thường). BN B có vòm hầu bên (P) nâng
lên kém hơn bên (T) (liệt dây IX, X bên (P))
8. Dây XI (thần kinh phụ)
8.1. Giải phẫu
Dây XI bao gồm 2 thành phần. Phần sọ (hay còn gọi là phần phụ: accessory) xuất phát từ
nhân mơ hồ (hành não), và chi phối cho các cơ của thanh quản; phần này đi chung với dây XI
trong hộp sọ, nhưng khi ra khỏi hộp sọ, thì đi chung với dây X. Phần tủy gai (spinal) xuất phát từ
mặt bên của sừng trước tủy sống cổ đoạn từ C1 đến C5 hoặc C6 (Hình 17).
Phần tủy gai chi phối cho cơ ức đòn chũm và một phần ba bên cơ thang (hai phần ba dưới
của cơ này do đám rối cổ chi phối). Khám dây XI chỉ khám phần tủy gai.
Hình 17: Sơ đồ của dây thần kinh phụ, nhìn từ bên dưới

8.2. Khám
Quan sát kích thước và tính đối xứng của cơ ức đòn chũm và phần trên của cơ thang hai
bên.
Khám sức cơ ức đòn chũm bên (P) bằng cách yêu cầu BN xoay đầu qua (T) để chống lại
sức cản của bàn tay người khám, và ngược lại. Khám sức cơ thang bằng cách yêu cầu BN nâng
hai vai lên trên chống lại sức cản bàn tay người khám. So sánh sức cơ hai bên.
9. Dây XII
9.1. Giải phẫu
Dây XII xuất phát từ nhân hạ thiệt nằm tại hành não, và chi phối tất cả các cơ của lưỡi.
Hình 18: chi phối hoạt động của cơ lưỡi. Hình nhỏ bên (P) cho thấy khi chỉ cơ lưỡi bên (P)
co, nó sẽ kéo phần nền của lưỡi bên (P) ra trước, làm lưỡi thè ra ngoài và đầu lưỡi lệch về
bên (T)
9.2. Khám
Quan sát cơ lưỡi lúc lưỡi đang ở trạng thái nghỉ ngơi là triệu chứng quan trọng nhất đối
với tổn thương dây XII. Quan sát xem có teo cơ lưỡi hoặc rung giật cơ lưỡi ở bên nào hay không.
Một số bệnh lý gây tổn thương neuron vận động dưới hai bên (ví dụ như trong bệnh xơ cứng cột
bên teo cơ: ALS (Amyotrophic Lateral Sclerosis)) gây ra teo cơ lưỡi và rung giật cơ lưỡi hai bên.
Khám sức cơ lưỡi bằng cách yêu cầu BN thè lưỡi thẳng ra trước. Bình thường đầu lưỡi
nằm ngay đường giữa. Nếu cơ lưỡi bên nào bị yếu (do tổn thương dây XII) thì đầu lưỡi sẽ lệch
về bên đó.
Hình 19: Liệt dây XII bên (P). BN được yêu cầu thè lưỡi thẳng ra trước. Lưỡi bên (P) teo và
đầu lưỡi lệch về bên (P)

Tài liệu tham khảo

1. Clinical Neuroanatomy te, McGraw-Hill – LANGE, 2010.


2. DeMyer’s The Neurologic examination (2011) se, McGraw-Hill, New York.
3. Aminoff MJ GD, Simon RP. Stroke. In: Aminoff MJ, Greenberg DA, Simon RP. Clinical Neurology,
eighth edition, McGraw-Hill, New York, 2012.

You might also like