You are on page 1of 5

Trường : THPT Ngô Quyền KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ I

Lớp : 10A10 Môn : Ngữ Văn


Họ tên : Nguyễn Thuỳ Linh
STT : 21

ĐIỂM NHẬN XÉT CỦA GIÁO VIÊN

BÀI LÀM CỦA HỌC SINH

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: Nghị luận
Câu 2: Tiêu đề cho văn bản: “Hãy tin vào chính mình!”
Câu 3:
- Câu hỏi tu từ được sử dụng trong văn bản: "Nhưng sẽ thế nào nếu như bạn đánh mất
niềm tin vào chính bản thân mình?”
- Tác dụng: thể hiện tầm quan trọng của niềm tin cho bản thân mình
Câu 4: Qua văn bản, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải:
Một trong những điều quan trọng để đạt đến thành công là niềm tin. Chính vì vậy ta phải
luôn giữ vững niềm tin, tin vào bản thân mình, không để sợ sệt lấn át, làm lung lay ý chí.
Một khi đã nắm chắc lòng tin tưởng vào chính mình, đánh giá cao giá trị của bản thân,
từng bước một đi đến thành công sẽ dễ dàng hơn.

II. LÀM VĂN


Câu 1:
Một nhà văn người Pháp đã nói: “Để làm được những điều to lớn, chúng ta không
những phải hành động mà còn phải mơ mộng, không những phải có kế hoạch mà còn phải
có niềm tin”. Qua đây ta thấy niềm tin là một trong những yếu tố lớn lao để chạm tới
thành công. Vậy nên trái lại, sợ sệt chính là bạn đồng hành của thất bại. “Sợ sệt” vốn là
cảm giác sợ hãi, rụt rè, trên con đường đi đến thành công, nó còn thể hiện ý chí yếu đuối,
mất niềm tin vào bản thân của con người ta. Bất kì ai trong chúng ta đều dễ dàng rơi vào
cái bẫy của sợ sệt, chỉ bằng việc đánh mất chút niềm tin cho bản thân. Vì sợ sệt, ta chẳng
dám làm gì. Mang trong mình tâm lý sợ sệt, người ta thường nản chí ngay trong lần thất
bại đầu tiên, ta sợ thất bại tiếp đến, sợ thất bại sẽ vây quanh ta mà không nghĩ rằng việc
đầu tiên cần làm là nắm lấy bàn tay vững chắc của sự tin tưởng. Rồi tâm lý sợ sệt đó sẽ

1
lớn dần, hình thành nên định nghĩ thất bại ăn sâu vào con người ta càng lớn, ta bắt đầu
nghĩ rằng mình sẽ không làm được ngay cả khi chưa bắt tay vào làm. Kể cả khi đã đặt
được bước chân trên bước đường thành công, nó cũng là thứ khiến con người ta không
dám bước qua giới hạn của bản thân, chỉ dám dậm chân tại chỗ. Để đặt tâm lý đó sang
bên, ta cần chuẩn bị cho mình một lòng tin vững chắc. Bác Hồ chỉ với hai bàn tay trắng
nhưng Người đã chẳng hề sợ sệt, luôn vững tin rằng mình sẽ mang được độc lập đến cho
dân tộc, mang được sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Và Bác đã thành công. Chính
vì vậy, học hỏi các thế hệ đi trước và học trong chính bản thân mình, ta cần rũ bỏ ngay
cảm giác sợ sệt đó, vững tin vào bản thân để tiếp bước trên con đường đạt đến ước mơ.
Hãy là đoá hoa hướng dương tràn đầy niềm tin của chính mình!
Câu 2:
Văn học dân gian là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của người Việt Nam ta. Trong đó,
truyền thuyết là một thể loại được yêu thích. Đến với An Dương Vương và Mị Châu-
Trọng Thuỷ, ta không thể quên được hình ảnh nàng công chúa Mị Châu. Nàng công chúa
xinh đẹp nết na chỉ vì tình yêu sâu nặng với chồng mà để đất nước rơi vào cảnh lầm than,
chính nàng cũng phải ra đi vì sự nhẹ dạ, cả tin của mình. Tấm oan tình của nàng để lại
trong lòng người đọc những xúc cảm và những bài học sâu sắc.
Truyện “An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ” gắn với lịch sử dân tộc trong thời
kì nhà nước Âu Lạc, qua cái nhìn của nhân dân lý giải nguyên nhân mất nước, khiến đất
nước rơi vào cảnh ngàn năm Bắc thuộc. Theo truyền thuyết, chính vì sự mất cảnh giác, lơ
là của An Dương Vương đã khiến “cơ đồ đắm biển sâu” nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn
đến sự tình đau thương này lại chính là nàng Mị Châu. Mị Châu là con gái của An Dương
Vương Thục Phán, là cô công chúa lá ngọc cành vàng, được vua cha yêu chiều hết mực.
Nàng được vua cha gả cho Trọng Thuỷ.
Mị Châu là cô công chúa ngây thơ, trong sáng, đoan trang, thuỳ mị. Hơn thế, nàng còn
là người có trách nhiệm với đất nước và có đạo hiếu với cha mình. Bởi lẽ, nàng đã vâng
lời cha lấy Trọng Thuỷ. Khi lấy Trọng Thuỷ, nàng còn thể hiện là một người vợ thuỷ
chung, nghĩa nặng tình sâu, thương yêu chồng hết mực. Chính vì những phẩm chất tốt đẹp
như vậy của nàng mà Trọng Thuỷ từ chỗ ban đầu chỉ coi đây là cuộc hôn nhân gián điệp
đã yêu nàng say đắm. Nếu như không có âm mưu xâm lược của Triệu Đà thì họ hẳn đã có
một tình yêu đẹp.
Trọng Thuỷ sắm cho mình hai thân phận và chàng đã quá xuất sắc trong vai trò một tên
gián điệp, đến mức đẩy Mị Châu vào tấn bị kịch đầy đau đớn. Bản tính ngây thơ, cả tin,
không thấu hiểu sự đời, không nghĩ đến trách nhiệm của cá nhân đối với đất nước, lại
càng không nghĩ đến quyền lợi của đất nước tác động lên cá nhân, chỉ biết nghĩ cho tình
yêu của riêng mình, mù quáng trong tình yêu khiến nàng trở thành tội đồ của dân tộc. Sự
phục tùng và nghe lời chồng đã trở thành lưỡi kiếm giết chết nàng và đem lại sự thất bại
cho vua cha. Mị Châu đã trở thành tội nhân thiên cổ khi sự ngây thơ, khờ khạo đã khiến
nàng mắc mưu Trọng Thuỷ quá nhiều lần.
Đầu tiên là việc nàng đã không ngần ngại cho Trọng Thuỷ xem và kể ra bí mật về chiếc
nỏ ngay khi chàng ngỏ lời. Mị Châu đã không nhận ra âm mưu ngấm ngầm của Trọng
Thuỷ. Nàng vừa đáng trách lại vừa đáng thương vì đã dùng bí mật vận mệnh quốc gia để
làm đẹp cho tình yêu của mình. Nhưng cũng chỉ vì quá nhẹ dạ, đặt niềm tin quá lớn vào
Trọng Thuỷ nên đã lấp đi sự nghi ngờ của nàng cho mối an nguy của đất nước. Ở lần hai,
ngay sau khi lấy được nỏ thần, Trọng Thuỷ chuẩn bị về nước. Lời từ biệt đầy ẩn ý đó
đáng ra phải đánh thức sự nghi ngờ trong Mị Châu. Nhưng không, nàng chẳng những
2
không mảy may nghi ngờ mà còn yêu chàng tới mù quáng. Vì chỉ mong ngóng ngày
chồng trở về bên mình, nàng đã rất thành thật: “Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc
trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường làm dấu, như vậy sẽ có cách để
cứu được nhau”. Chiếc áo lông ngỗng tinh khôi ấy, tưởng chừng là sợi tơ duyên để hai vợ
chồng tìm thấy nhau nhưng cũng chính là những dấu vết để kẻ xâm lược có thể lần theo
và giết hại Mị Châu. Ngày Trọng Thuỷ về nước, chiến tranh nổ ra. Dù lúc này đã quá trễ
để thức tỉnh, nhưng nàng vẫn ngây thơ, không suy xét sự tình, vẫn mặc nhiên rắc lông
ngỗng để Trọng Thuỷ có thể đến bên mình. Nhưng làm vậy khác nào chỉ đường cho giặc
tới. Hình ảo chiếc áo lông ngỗng là chi tiết nghệ thuật tinh tế đã được nhân dân thổi hồn
vào thể hiện cho sự mù quáng, đáng trách và tội lỗi của Mị Châu. Nó cũng là chi tiết giữ
lại thật nhiều cảm xúc của người đọc. Vừa có giận, vừa có thương. Ta thương nàng vì quá
ngây thơ mà đã bị Trọng Thuỷ lợi dụng và ta giận nàng cũng chính vì sự ngây thơ đó,
nàng đã đẩy nước vào ách thống trị ngàn năm đầy thống khổ:
“Lông ngỗng rơi trắng đường chạy nạn
Những chiếc lông không biết tự dấu mình.
Nước mắt thành mặt trái của lòng tin
Tình yêu đến cùng đường là cái chết
Nhưng người đẹp dẫu rơi đầu vẫn đẹp
Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu.”
(Ngọc Anh)
Vì đã gây ra một sai lầm tai hại không thể nào tha thứ, nàng đã phải nhận lấy một kết
cục bi thảm. Mị Châu từ đầu đến cuối vẫn một lòng si mê, dành hết tình yêu thuần khiết
của mình cho Trọng Thuỷ mà không hề vụ lợi hay suy tính thiệt hơn. Nàng cũng đem hết
lòng tin và dâng toàn bộ trái tim của mình cho Trọng Thuỷ mà chưa một lần suy nghĩ cho
bản thân, cho quốc gia, dân tộc. Nàng quá ngây thơ tin tưởng vào tình yêu tràn đầy mình
dành cho Trọng Thuỷ và tin rằng Trọng Thuỷ cũng dành cho mình một tình cảm cũng
trong sáng và sâu sắc như thế. Nhưng chính vì bản tính ngây thơ, cả tin đến ngốc nghếch
cũng đã khiến nàng trả cái giá quá đắt: nước mất, nhà tan và nàng đã phải chết dưới lưới
kiếm của chính người cha yêu thương mình hết mực. Đau đớn hơn, ngay trước khi chết
nàng đã nhận ra tình yêu lúc này đã hoá nhục thù. Kẻ phản bội mình hoá ra lại là người
mình yêu nhất:
“Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu
Cây đổ về nơi không có vết rìu"
(Hữu Thỉnh)
Nhân dân ta đã có cách xử lí thấu tình, đạt lý. Ta không kết tội nàng dựa theo quan điểm
phong kiến thông thường- “tam tòng” mà đứng trên quan điểm của quốc gia, dân tộc để
kết tội nàng. Không chỉ để Rùa Vàng- công lý của nhân dân kết tội nàng, không khoan
nhượng gọi nàng là giặc mà còn để Mị Châu phải chết dưới lưỡi kiếm nghiêm khắc của
vua cha. Phải chăng nhân dân ta đang tuyên đọc và thi hành bản án lịch sử dành cho Mị
Châu. Có lẽ điều này phát sinh từ truyền thống yêu nước ngàn đời của người Việt.
Phần kết truyện cũng có một hình ảnh lắng đọng trong lòng người đọc. Đó chính là hình
ảnh ngọc trai. Đây là hoá thân của Mị Châu như lời nguyền trước khi chết. Nàng hoá thân
thành châu ngọc. Xác nàng hoá thành ngọc thạch, thành tảng đá cụt đầu. Lời nguyền linh
ứng như một minh chứng cho sự chiêu tuyết, trong sạch của Mị Châu. Dù đã gây ra tội lỗi
tày trời nhưng cũng chỉ vì nàng quá nhẹ dạ, quá yêu chồng nên mới bị lừa dối. Nàng Mị
Châu trước khi chết đã nhận ra tội lỗi của mình và nàng cũng nhận thức được tội của
3
mình là hết sức nặng nề nên chỉ xin thanh minh: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản
nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành hạt bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người
lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để tẩy sạch mối nhục thù”. Nàng chỉ mong rửa
tiếng “bất trung, bất hiếu”, chỉ muốn người đời hiểu rằng nàng bị lừa dối chứ không kêu
oan, cũng chẳng xin tha tội. Chi tiết này đã thể hiện rõ sự cảm thông, bao dung của nhân
dân dành cho sự ngây thơ, cả tin của công chúa Mị Châu. Nàng được người Việt thương
xót vì đã biết tội, nhận tội và cam lòng chịu tội.
Mỗi một truyền thuyết đều là những kinh nghiệm, những bài học ngàn đời ông cha ta
muốn thế hệ sau phải học hỏi, phải giữ lấy. Kết cục bi thảm của nàng Mị Châu đã thay lời
nhân dân gửi đến tâm hồn người đọc những bài học vô cùng sâu sắc. Như bao truyền
thuyết khác, “An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ” đã nêu rõ bài học giữ nước,
không được mất cảnh giác trước kẻ thù. Bên cạnh đó còn là bài học về việc biết đặt niềm
tin đúng chỗ, tỉnh táo, lý trí trong tình yêu. Nếu vẫn một mực tin tưởng và yêu mù quáng
như Mị Châu thì kết cục cũng sẽ không tốt đẹp chút nào. Cuối cùng là bài học phải phân
chia rõ ràng giữa việc riêng và việc chung. Đừng để lợi ích cá nhân ảnh hưởng đến lợi ích
cộng đồng, lại càng không thể đặt tình yêu lên trên mối an nguy của dân tộc. Nói đến đây,
hẳn nhiều người sẽ nhớ về việc nhiều bạn trẻ Việt Nam mù quáng ủng hộ việc thần tượng
của mình chia sẻ hình ảnh đường lưỡi bò, dù vẫn biết việc làm này là phản quốc, là một
lần nữa đặt đất nước vào thế bị xâm lược. Mong họ sẽ sớm tỉnh ngộ và đừng để khi phải
nhận lấy một kết cục như nàng công chúa Mị Châu khi xưa thì mới biết hối hận.
“An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ” đã sử dụng hiệu quả nhiều chi tiết nghệ
thuật đáng giá. Trước hết, việc kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố kì ảo cùng cốt lõi lịch sử
đã khiến câu chuyện thêm phần sinh động, lại tăng giá trị thẩm mỹ. Tác giả dân gian cũng
đã thành công xây dựng những nhân vật truyền thuyết tiêu biểu và những chi tiết có giá trị
nghệ thuật cao cho ta phần nào cảm nhận rõ hơn hình ảnh nàng Mị Châu trong lịch sử. Tất
cả những giá trị nghệ thuật đã hoà vào nhau, tạo nên một bức tranh mỹ lệ về quá trình
dựng nước, giữ nước, mất nước và cả mối tình bi kịch của Mị Châu và Trọng Thuỷ.
Không mang cái kết ngọt ngào như truyện cổ tích, truyền thuyết “An Dương Vương
và Mị Châu - Trọng Thủy” đã phản ánh một sự kiện đau thương của thời kì nhà nước
Âu Lạc, khiến người đọc phải thổn thức suy ngẫm. Qua hình ảnh cô công chúa Mị Châu,
ta đã hiểu thêm về nguyên nhân đất nước rơi vào tay bọn giặc đô hộ phương Bắc qua góc
nhìn của nhân dân. Nhìn ngược về lịch sử, ta còn lưu giữ thêm nhiều bài học quý giá từ
những sai lầm của nàng, để không ai phạm phải những sai lầm từ sự ngây thơ, ngờ nghệch
của bản thân như thế nữa. Mị Châu sẽ luôn là người con gái vừa đáng thương vừa đáng
trách khiến người ta phải nhớ mãi.

4
5

You might also like