You are on page 1of 4

Họ và tên: ............................................ Lớp: ........

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP KTCK II - KHTN 7


Năm học: 2022-2023

A. PHÂN MÔN VẬT LÝ


I- NAM CHÂM – TỪ TRƯỜNG:
1. Nam châm:

- Nam châm là vật có từ tính.


- Những nam châm có từ tính tồn tại lâu dài gọi là nam châm vĩnh cửu.
- Nam châm chỉ tương tác với các vật liệu từ, như sắt, thép, nickel,…
- Nam châm có hai từ cực, khi để tự do, đầu luôn luôn chỉ hướng bắc gọi là cực Bắc, kí hiệu
là N. Còn đầu luôn chỉ hướng Nam gọi là cực Nam, kí hiệu là S.
- Khi đưa từ cực của 2 nam châm lại gần nhau thì chúng hút nhau nếu các cực khác tên, đẩy
nhau nếu các cực cùng tên.
* Mô tả hiện tượng chứng tỏ nam châm vĩnh cửu có từ tính:
- Đưa một thanh nam châm vĩnh cửu lại gần các vật bằng sắt, thép. Ta thấy nam châm hút
được sắt, thép. Hiện tượng trên chứng tỏ nam châm vĩnh cửu có từ tính.
2. Từ trường – Từ phổ – Đường sức từ:
- Không gian xung quanh nam châm, xung quanh dòng điện có khả năng tác dụng lực từ lên
kim nam châm đặt trong nó. Ta nói không gian đó có từ trường.
- Từ phổ là hình ảnh các đường mạt sắt sắp xếp xung quanh nam châm. Từ phổ cho ta hình
ảnh trực quan về từ trường.

- Mỗi đường sức từ có 1 chiều xác định. Bên ngoài thanh nam châm, các đường sức từ có
chiều đi ra từ cực Bắc (N), đi vào cực Nam (S) của nam châm.
- Nơi nào từ trường càng mạnh thì đường sức từ dày, nơi nào từ trường càng yếu thì đường
sức từ thưa.
- Hướng của đường sức từ tại một vị trí nhất định được quy ước là hướng Nam – Bắc của
kim la bàn đặt tại vị trí đó.
Họ và tên: ............................................ Lớp: ........

II – Nam châm điện:


- Cấu tạo: Ống dây dẫn và lõi sắt non.
- Các cách làm tăng lực từ của nam châm điện:
+ Tăng cường độ dòng điện qua các vòng dây.
+ Tăng số vòng của ống dây.

B. PHÂN MÔN SINH HỌC


I. PHẦN LÝ THUYẾT
1. Chuyển hóa năng lượng là biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.
- Ví dụ 1: Nguồn năng lượng cơ thể sinh vật giải phóng ra ngoài môi trường dưới dạng
nhiệt năng là chủ yếu.
- Ví dụ 2: Trong quá trình quang hợp, cây xanh chuyển hoá năng lượng ánh sáng mặt trời
(quang năng) thành hóa năng (tạo thành chất hữu cơ).
2. Chuyển hóa các chất: là tập hợp các phản ứng sinh hoá xảy ra bên trong tế bào được thể
hiện qua quá trình tổng hợp và phân giải chất.
3. Trao đổi chất: là quá trình cơ thể sinh vật lấy các chất từ môi trường cung cấp cho quá
trình chuyển hóa trong tế bào, đồng thời thải các chất không cần thiết ra môi trường.
4. Vai trò của quá trình trao đổi chất và chuyển hóa: có vai trò quan trọng đối với sự sống,
sự sinh trưởng và phát triển và sinh sản của sinh vật.
5. Khái niệm của quá trình quang hợp và hô hấp.
5.1 Khái niệm quá trình quang hợp
- Quang hợp là quá trình tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất vô cơ nhờ năng lượng ánh
sáng mặt trời. Trong đó, năng lượng ánh sáng mặt trời được lục lạp ở lá cây hấp thụ, chuyển
hóa thành dạng năng lượng hóa học tích trữ thành chất hữu cơ (glucose, tinh bột), đồng thời
giải phóng khí oxygen.
- Thời gian diễn ra: khi có ánh sáng.
- Cơ quan thực hiện: lá cây.
5.2 Khái niệm quá trình hô hấp
- Hô hấp tế bào là quá trình tế bào phân giải chất hữu cơ tạo thành carbon dioxide, nước,
đồng thời giải phóng năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào và cơ thể.
- Thời gian diễn ra: suốt ngày đêm.
- Bào quan thực hiện: ti thể.
6. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và hô hấp.
- Quang hợp: nước, ánh sáng, hàm lượng khí cacbon dioxide, nhiệt độ.
- Hô hấp: nước, nhiệt độ, nồng độ oxygen, nồng độ cacbon dioxide.
7. Cấu tạo và chức năng của khí khổng.
- Cấu tạo: Mỗi khí khổng có hai tế bào hình hạt đậu áp sát vào nhau. Các tế bào hạt đậu có
thành trong dày, thành ngoài mỏng tạo nên một khe hở (lỗ khí) giữa hai tế bào hạt đậu.
- Chức năng của khí khổng: trao đổi khí và thực hiện quá trình thoát hơi nước cho cây.
8. Trình bày quá trình trao đổi khí:
- Ở thực vật: trao đổi khí qua quá trình thoát hơi nước ở lá.
- Ở động vật: trao đổi khí diễn ra suốt ngày đêm.
Họ và tên: ............................................ Lớp: ........

- Trong quá trình quang hợp: khí carbon dioxide trong không khí di chuyển từ môi trường
ngoài vào trong tế bào thịt lá; khí oxygen từ các tế bào thịt lá di chuyển ra ngoài môi trường
qua khí khổng.
- Trong quá trình hô hấp: khí oxygen trong không khí di chuyển từ môi trường ngoài vào
trong tế bào thịt lá; khí cacbon dioxide từ các tế bào thịt lá di chuyển ra ngoài môi trường
qua khí khổng.

II. PHẦN VẬN DỤNG


Câu 1. Thế nào là cảm ứng ở sinh vật? Nêu ví dụ và cho biết vai trò của cảm ứng đối với
sinh vật.
- Cảm ứng ở sinh vật là khả năng tiếp nhận kích thích và phản ứng lại các kích thích từ môi
trường bên trong và bên ngoài cơ thể.
- Ví dụ: Tính hướng sáng: các bông hoa trong dàn hoa hướng dương đều hướng về cùng một
phía với mặt trời, hiện tượng cây cong về phía nguồn sáng .
- Vai trò: Cảm ứng là một đặc trưng cơ bản của cơ thể sống, giúp sinh vật thích nghi với
môi trường để tồn tại và phát triển.
Câu 2. Thế nào là tập tính? Nêu ví dụ và cho biết vai trò của tập tính đối với động vật.
- Tập tính là một chuỗi phản ứng của cơ thể động vật trả lời kích thích từ môi trường bên
trong hoặc môi trường bên ngoài cơ thể.
- Ví dụ:
+ Tập tính sinh sản: hoạt động lên bờ để đẻ trứng của rùa biển .
+ Tập tính bảo vệ vùng lãnh thổ giúp sinh vật bảo vệ nguồn thức ăn, nơi ở và nơi sinh sản.
- Vai trò: Tập tính giúp cho động vật tồn tại và phát triển.
Câu 3. Vì sao trong quá trình quang hợp, trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng luôn
diễn ra đồng thời và có mối quan hệ chặt chẽ?
- Vì nước và khí cacbon dioxide từ môi trường được chuyển đến lục lạp ở lá cây để tổng
hợp thành chất hữu cơ (glucose, tinh bột) và giải phóng khí oxygen. Năng lượng từ ánh sáng
mặt trời (quang năng) được chuyển hóa thành năng lượng hóa học (hóa năng) tích lũy trong
các chất hữu cơ.
Họ và tên: ............................................ Lớp: ........

Câu 4. Vì sao trong quá trình hô hấp, quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ trong
tế bào có mối quan hệ mật thiết với nhau?
- Vì quá trình tổng hợp tạo ra nguyên liệu (chất hữu cơ, oxygen) cho quá trình phân giải,
ngược lại quá trình phân giải cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho quá trình tổng hợp.
Do đó quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ có biểu hiện trái ngược nhưng có mối
quan hệ mật thiết với nhau.
Câu 5. Hãy cho biết các loại hạt như ngô, thóc, đậu, lạc… sau khi thu hoạch xong thì
cần thực hiện biện pháp bảo quản như thế nào?
- Cần phơi khô hoặc sấy khô trước khi đóng gói hoặc bảo quản.
- Nên bảo quản các loại hạt giống trong chum, vại, thùng,... để ngăn cách hạt với các yếu tố
như độ ẩm, nhiệt độ,... của môi trường để tránh hiện tượng hạt hô hấp và nảy mầm.
- Không nên bảo quản hạt giống trong bao tải (cói, vải) vì bao tải không kín hoàn toàn, hạt
vẫn có thể hút ầm và hấp thụ khí oxygen từ không khí để hô hấp, làm giảm chất lượng và
hạt có thể nảy mầm.
Câu 6. Hãy nêu các biện pháp giúp quá trình hô hấp ở người diễn ra bình thường.
- Có chế độ lao động hoặc chơi thể dục thể thao vừa sức, tránh thiếu hụt oxygen.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lí.
- Trồng nhiều cây xanh.
- Không sử dụng hoặc tiếp xúc với các chất có tác dụng ức chế quá trình hô hấp ….
Câu 7. Hãy đề xuất một số biện pháp về chế độ dinh dưỡng hợp lí và vệ sinh ăn uống để
bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng.
- Để cơ thể hoạt động bình thường, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lí, không ăn quá thừa
hoặc quá thiếu các chất cần thiết.
- Cần sử dụng các nguồn thực phẩm sạch, bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách để
đảm bảo vệ sinh ăn uống, qua đó bảo vệ sức khoẻ con người.
Câu 8. Hãy cho biết chúng ta nên làm gì để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và
phòng các bệnh gây ra từ thực phẩm bị ô nhiễm.
- Đảm bảo điều kiện chế biến và bảo quản thức ăn đúng cách, hợp vệ sinh.
- Nên mua thực phẩm tại những nơi uy tín, đã được kiểm định chất lượng.
- Tăng cường công tác quản lí, bài trừ các cơ sở sản xuất thực phẩm trái phép, không đảm
bảo vệ sinh.
- Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và ăn uống
khoa học.

CHÚC CÁC EM ÔN TẬP TỐT VÀ ĐẠT KẾT QUẢ CAO TRONG KỲ THI SẮP TỚI!

You might also like