You are on page 1of 7

TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1. Các khái niệm:


1.1. Khái niệm Pháp luật đại cương:
Pháp luật đại cương là một học phần bắt buộc trong chương trình khung đào tạo đại
học. Tại trường đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, học phần pháp luật đại
cương có số lượng tín chỉ là 02, được giảng dạy trong 30 tiết học. Học phần pháp luật
đại cương cung cấp cho sinh viên những kiến thức giúp cho sinh viên xây dựng được
kĩ năng tư duy pháp lý, để từ đó có thể phân tích và xử lý các vấn đề pháp luật xảy ra
trong cuộc sống. Với mục đích là để cho sinh viên có được những kiến thức cần thiết
khi trở thành một công dân trong xã hội. Đây có thể được xem là những kiến thức nền
tảng để hình thành một sinh viên tốt trong môi trường học đường và là một công dân
gương mẫu trong cộng đồng xã hội.
1.2. Khái niệm sinh viên:
Nguyễn Lan Nguyên (2020) đã trình bày trong nghiên cứu của mình về khái niệm sinh
viên. Theo đó, sinh viên chính là một bộ phận đặc thù trong cộng đồng thanh niên của
xã hội. Có thể hiểu rằng, họ là những người đang theo học bậc đại học hoặc cao đẳng
tại “những cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào
tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng
đồng”.
Mặt khác, có ý kiến cho rằng sinh viên là những người đang trong giai đoạn phát triển
và hoàn thiện bản thân, trên đà phát triển trong lĩnh vực học vấn và rèn luyện để gia
nhập đội ngũ trí thức, lao động kỹ thuật cao của đất nước. Họ luôn là những con người
năng động, sáng tạo và là nguồn nhân lực có chất lượng cao trong xã hội ở mọi giai
đoạn lịch sử. Phần lớn sinh viên rơi vào lứa tuổi từ 18 đến 25 và đi kèm với những đặc
điểm tâm lý, xã hội đặc trưng (Nguyễn Ánh Hồng, 2002).
Tóm lại, sinh viên chính là một nhóm xã hội đặc thù đang trong quá trình học tập và
rèn luyện ở những bậc đại học, cao đẳng, được xếp vào một độ tuổi nhất định và mang
những đặc thù riêng. Cụ thể, trong phạm vi của nghiên cứu này, sinh viên chính là
những người đang theo học chương trình đào tạo tại trường đại học Công Nghiệp
Thành phố Hồ Chí Minh.
1.3. Khái niệm kết quả học tập:
Phạm Xuân Chung (2012) đã có khái niệm về kết quả học tập trong nghiên cứu của
mình rằng kết quả học tập chính là mức độ đạt được mục tiêu học tập của môn học
nhất định nào đó. Theo đó, những mục tiêu học tập này được cụ thể hoá thành các yêu
cầu về thái độ, kiến thức hoặc là kỹ năng mà người học cần phải đạt được sau khi trải
qua một quá trình học tập.
Bên cạnh đó, Lê Thị Mỹ Hà (2012) cho rằng kết quả học tập chính là những thành tựu
học tập trực tiếp của người học, do các hoạt động trong quá trình học tập mang tới, thể
hiện ở những mục tiêu cụ thể của người học, những mục tiêu này được thể hiện cụ thể
phù hợp với nội dung học tập mà môn học quy định.
Nhìn chung, kết quả học tập trong phạm vi nghiên cứu này chính là những mức độ
hoặc thành tựu mà người học đạt được hoặc mong muốn đạt được sau một quá trình
học tập và các mức độ này lại được thể hiện bằng những hình thức khác nhau.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước theo khung khái
niệm:

2.1 Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước:

2.1.1 PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC TRONG DẠY VÀ HỌC HỌC PHẦN PHÁP
LUẬT ĐẠI CƯƠNG TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP VIỆT – HUNG

Tác giả Nguyễn Hoàng Hiếu (2019) đã nêu ra thực trạng tính tích cực trong việc học
môn Pháp luật đại cương ở hai khía cạnh là giảng viên và sinh viên. Về phía giảng
viên, tác giả nhận thấy nguyên nhân khiến cho phương pháp giảng dạy chưa có chất
lượng cao là vì kiến thức pháp luật có phần khô khan, áp lực về tiêu chí giảng dạy,
giảng viên ngại thay đổi phương pháp, không đầu tư thời gian tương xứng cho môn
học; ngoài ra còn do một bộ phận sinh viên lười học, bất hợp tác, khiến giảng viên
chán nản. Về phía sinh viên, tác giả đã thực hiện phương pháp thu thập dữ liệu dựa
trên sự khảo sát của 200 sinh viên. Kết quả cho thấy nhiều sinh viên chưa có tính tự
giác, chủ động cao, vẫn còn tâm lí ỷ lại, dựa dẫm vào bạn bè, thầy cô và tài liệu,
không tích cực tham gia các hoạt động học tập, ngại phát biểu, thờ ơ với hoạt động
nhóm. Qua đó, tác giả đã đề xuất những biện pháp như sau: giảng viên cần đổi mới
hình thức dạy học, đưa ra những tình huống gợi sự hứng thú cho sinh viên, đổi mới
hình thức kiểm tra, đánh giá; sinh viên nên thay đổi nhận thức, sự chủ động và tính
tích cực trong học tập.

2.1.2 GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY HỌC PHẦN “PHÁP
LUẬT ĐẠI CƯƠNG” TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP VIỆT – HUNG

Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – Đinh Thị Thu Hương (2017) đã
trình bày về thực trạng giảng dạy và học tập của học phần Pháp luật đại cương. Bằng
phương pháp nghiên cứu định lượng, tác giả chỉ ra rằng ý thức trách nhiệm của nhiều
giảng viên còn thấp và họ chưa đầu tư thời gian tương xứng với công việc của mình,
khả năng nghiên cứu và ứng dụng còn khá hạn chế. Về phương pháp giảng dạy, theo
khảo sát của tác giả, 100% giảng viên không ứng dụng công nghệ thông tin vào bài
giảng, vẫn còn hạn chế trong việc đưa ra những tình huống thực tế. Từ đó, tác giả đã
đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng việc học môn Pháp luật đại cương.
Về chất lượng đội ngũ giảng viên, cần nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên
môn, năng lực sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh theo hướng phát
huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
vào bài giảng. Chú trọng vào việc thực tiễn hoá kiến thức và tăng cường việc học
nhóm, thảo luận tại lớp. Ngoài ra, tác giả còn đề xuất nên đổi mới phương pháp học
tập và thay đổi thái độ học tập của sinh viên, chú trọng vào cơ sở vật chất, trang thiết
bị kĩ thuật.

2.1.3 MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIẢNG DẠY HỌC PHẦN PHÁP LUẬT ĐẠI
CƯƠNG TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Tác giả Nguyễn Thị Tuyết Vân – Vũ Thị Lan Hương (2016) đã đưa ra một số phương
pháp giảng dạy nhằm tăng sự hứng thú học tập đối với sinh viên cũng như để nâng cao
chất lượng việc học môn Pháp luật đại cương. Đầu tiên, tác giả chỉ ra những đặc điểm
chủ yếu của môn học này, vì đây sẽ là những yếu tố quyết định đến cách thức giảng
dạy. Tiếp đó, tác giả liệt kê những kinh nghiệm trong việc giảng dạy học phần Pháp
luật đại cương. Chẳng hạn, giảng viên cần làm tốt khâu chuẩn bị bài giảng, sử dụng
phương pháp dạy học linh hoạt, áp dụng phương pháp làm việc nhóm hay diễn kịch để
tiết học sinh động hơn. Ngoài ra, phương pháp giải quyết tình huống cũng là một yếu
tố quan trọng đối với học phần này. Nhìn chung, nghiên cứu này được thể hiện ở góc
độ dựa trên kinh nghiệm của giảng viên, được đúc kết sau quá trình giảng dạy học
phần Pháp luật đại cương.

2.1.4 THÁI ĐỘ HỌC TẬP CÁC MÔN CHUNG CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG
DHNN – DHQGHN

Ba tác giả Nguyễn Thị Chi, Nguyễn Thị Liên Hương, Nguyễn Thị Phương Hoa cho
rằng thái độ học tập đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả học tập của
sinh viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều sinh viên thiếu thái độ nghiêm túc trong
học tập các môn chung. Nghiên cứu đã đưa ra các yếu tố ảnh hưởng bao gồm: Những
nguyên nhân khách quan (Phương pháp dạy, tổ chức hoạt động của giảng viên; ảnh
hưởng của giáo trình, nội dung môn học; điều kiện cơ sở vật chất) và nguyên nhân chủ
quan từ phía sinh viên (nhận thức về ý nghĩa môn học; động cơ học tập chưa đúng;
thói quen và năng lực học tập của sinh viên còn rất hạn chế). Qua nghiên cứu cho thấy
cần tìm hiểu sâu về các yếu tố ảnh hưởng để có những biện pháp phù hợp.

2.2 Tổng quan tình hình nghiên cứu nước ngoài:

2.2.1 VẤN ĐỀ VỀ GIẢNG DẠY VÀ THỰC HÀNH TRONG VIỆC GIÁO DỤC
PHÁP LUẬT

Tác giả Xiao Yi Yuan (2021) đã đưa ra ý kiến của mình rằng pháp luật là một môn
học khô khan và khá nhàm chán đối với đa số người học, vì thế với tư cách là giảng
viên, họ nên tìm tòi, học hỏi những phương pháp giảng dạy tốt nhất. Nghiên cứu này
nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục pháp luật và đề nghị các trường học nên
tăng cường đầu tư vào thời gian giảng dạy. Bên cạnh đó, việc xây dựng một mô hình
giảng dạy hợp lý là điều vô cùng cần thiết. Bằng phương pháp thực nghiệm mà tác giả
đã triển khai, có thể thấy việc giảng dạy pháp luật cần được kết hợp với những
phương pháp hiệu quả và gắn liền với những mục tiêu đào tạo cụ thể.

Kết luận:

Từ những nghiên cứu nên trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng các yếu tố gây tác
động đến chất lượng học phần Pháp luật đại cương chủ yếu xuất phát từ phía giảng
viên và sinh viên. Theo đó, đối với giảng viên, vẫn còn nhiều hạn chế trong phương
pháp giảng dạy, chưa có sự đổi mới và sinh động đối với môn học được đánh giá là
khô khan như pháp luật đại cương. Ngoài ra, nhiều giảng viên vẫn chưa áp dụng được
công nghệ trong quá trình giảng dạy cũng như là họ chưa thật sự dành nhiều tâm huyết
trong công việc của mình. Về phía sinh viên, yếu tố được đề cập nhiều nhất chính là
tính tự giác và thái độ tích cực trong việc học, đã tác động rất lớn đối với chất lượng
học phần Pháp luật đại cương. Nhìn chung, các tác giả của những nghiên cứu trước đa
phần đề xuất những giải pháp xoay quanh việc đổi mới phương thức giảng dạy của
giảng viên và thay đổi thái độ học tập của sinh viên. Một số nghiên cứu cũng đưa ra
biện pháp bằng việc cải thiện chất lượng từ phía nhà trường, khoa, bộ môn.

3. Những vấn đề/khía cạnh chưa được đề cập trong các nghiên cứu trước đó:

- Nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Hiếu (2019) đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng trong
dạy và học môn Pháp luật đại cương về hai khía cạnh là giảng viên và sinh viên. Bằng
cách đưa ra những biện pháp nâng cao chất lượng cụ thể và thuyết phục, bài nghiên
cứu đã đưa ra được hướng giải quyết một số khó khăn và trở ngại. Tuy nhiên, các yếu
tố tác động đến học phần Pháp luật đại cương không chỉ dừng lại ở phía giảng viên và
sinh viên, nghiên cứu này vẫn còn hạn chế khi chưa đề cập đến các yếu tố xung quanh
khác như môi trường học đường, tài liệu, giáo trình hay cơ sở vật chất kĩ thuật…
v….v….

- Nghiên cứu của Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – Đinh Thị Thu Hương (2017) đã đề cập
đến nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề, biện pháp đưa ra cũng khá hoàn thiện và
đầy đủ trong việc cải thiện chất lượng học phần Pháp luật đại cương. Tuy nhiên, tác
giả chưa làm sáng tỏ về nguyên nhân của vấn đề. Chẳng hạn, tác giả chưa lí giải được
vì sao các bạn sinh viên thường hay chán nản với học phần này, hay vì sao các giảng
viên vẫn chưa áp dụng được phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất.

- Nguyễn Thị Tuyết Vân – Vũ Thị Lan Hương (2016) đã đưa ra những phương pháp
giảng dạy học phần Pháp luật đại cương dựa trên những kinh nghiệm có được. Nhìn
chung, những phương pháp đưa ra khá cụ thể và bao quát nhưng tác giả vẫn chưa đề
cập đến tính hiệu quả của chúng cũng như là kết quả khi áp dụng các phương pháp
giảng dạy này.

- Nghiên cứu của Nguyễn Thị Chi, Nguyễn Thị Liên Hương, Nguyễn Thị Phương Hoa
phân tích các yếu tố ảnh hưởng theo hai khía cạnh là khách quan và chủ quan. Tuy
nhiên, tác giả vẫn chưa đề xuất được những biện pháp nhằm nâng cao và cải thiện chất
lượng dạy và học môn Pháp luật đại cương.

- Nghiên cứu của Xiao Yi Yuan (2021) đã phân tích cụ thể và đầy đủ những yếu tố về
phía giảng viên và nhà trường nhưng lại chưa đề cập đến các yếu tố chủ quan xuất
phát từ bản thân sinh viên. Có thể nói, những nguyên nhân từ phía sinh viên có tác
động rất lớn trong việc đánh giá chất lượng học tập.

-> Phạm vi nghiên cứu: Qua những nghiên cứu cùng với sự phân tích nêu trên, nhóm
nghiên cứu xác định phạm vi nghiên cứu trong đề tài này sẽ xoay quanh hai khía cạnh
khách quan và chủ quan. Về các yếu tố khách quan như là phương pháp giảng dạy của
giảng viên, giáo trình, tài liệu, nội dung bài học, điều kiện cơ sở vật chất… Các yếu tố
chủ quan xuất phát từ phía sinh viên chẳng hạn như về nhận thức ý nghĩa của học
phần, động cơ học tập và năng lực tự học. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng sẽ
phân tích một vài yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế
này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – Đinh Thị Thu Hương, 2017. Giải pháp nâng cao chất
lượng giảng dạy “Pháp luật đại cương” tại trường đại học Công Nghiệp Việt – Hung.
Tạp chí giáo dục số đặc biệt, tháng 4/2017, 44-46.

Nguyễn Thị Tuyết Vân – Vũ Thị Lan Hương, 2016. Một số kinh nghiệm giảng dạy
học phần pháp luật đại cương trong các trường đại học. Tạp chí giáo dục số 385, tháng
7/2016, 60-62.

Nguyễn Hoàng Hiếu, 2019. Phát huy tính tích cực trong dạy và học học phần pháp
luật đại cương tại trường đại học Công Nghiệp Việt – Hung. Tạp chí giáo dục số đặc
biệt, tháng 12/2019, 303-306.

Tài liệu nước ngoài:

Xiao Yi Yuan, 2021. On the knowledge education of law practice teaching in law
education. The International Journal of Electrical Engineering & Education. Online
ISSN: 2050-4578.

You might also like