You are on page 1of 21

HỌC VIỆN NGOẠI GIAO

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ ĐỐI NGOẠI

TIỂU LUẬN TÌNH HUỐNG


CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC
NGẠCH CHUYÊN VIÊN CHÍNH VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG

Tên tình huống: “Giải quyết tình huống phát sinh trong công tác quản lý
hội nghị, hội thảo quốc tế trong khuôn khổ Đối thoại nhân quyền
Việt – Mỹ lần thứ 24 (2020)”

Học viên: Lê Quang Bình


Chức vụ: Bí thư thứ Hai
Đơn vị công tác: Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp
quốc tại Geneva (Thụy Sỹ)

Hà Nội, 10/2022
MỤC LỤC

ĐẶT VẤN ĐỀ ...................................................................................................... 2


PHẦN I: NỘI DUNG TÌNH HUỐNG ............................................................... 3
1.1. Hoàn cảnh ra đời ......................................................................................... 3
1.2. Mô tả tình huống ......................................................................................... 4
PHẦN II: PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG ........................................................... 6
2.1. Mục tiêu phân tích tình huống .................................................................... 6
2.2. Cơ sở lý luận ............................................................................................... 6
2.3. Phân tích diễn biến tình huống.................................................................... 7
2.4. Nguyên nhân dẫn đến tình huống ............................................................... 7
2.5. Hậu quả của tình huống .............................................................................. 8
PHẦN III: XỬ LÝ TÌNH HUỐNG ................................................................. 10
3.1 Mục tiêu xử lý tình huống .......................................................................... 10
3.2 Đề xuất các phương án, lực chọn phương án tối ưu .................................. 10
3.3 Các giải pháp thực hiện phương án đã lựa chọn ........................................ 12
PHẦN IV: KIẾN NGHỊ .................................................................................... 14
4.1. Kiến nghị với các cơ quan Đảng, Nhà nước ............................................. 14
4.2. Kiến nghị với các cơ quan chức năng ....................................................... 16
KẾT LUẬN ........................................................................................................ 19

1
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các hội
nghị, hội thảo quốc tế ngày càng được tổ chức nhiều tại Việt Nam, từ trung ương
tới địa phương, với nhiều nội dung, thành phần tham dự ngày càng đa dạng. Thông
qua những hội nghị, hội thảo quốc tế này, các bộ, ngành, địa phương đã góp phần
quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chính sách của Đảng và
Nhà nước trên nhiều lĩnh vực quan trọng, giới thiệu hình ảnh của Việt Nam ra thế
giới và nâng cao rõ rệt trình độ, kiến thức kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức
trong thời kỳ mới. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tổ chức và quản
lý hội nghị, hội thảo quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do số lượng và
nội dung đa dạng của các hội nghị, hội thảo quốc tế trong diện phải quản lý tăng
lên rõ rệt trong một vài năm qua, sự bất cập trong quy định hiện hành của pháp
luật trong lĩnh vực này, cũng như những yếu tố chủ quan về nhận thức và trình độ
của đội ngũ cán bộ thực hiện.

Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính


phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế
sau hơn 10 năm thực hiện. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết
định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 để thay thay thế Quyết định
76/2010/QĐ-TTg trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn vẫn không tránh
khỏi những tình huống phức tạp, phát sinh, đòi hỏi cán bộ, công chức phụ trách
phải xử lý linh hoạt, khéo léo để vừa đảm bảo yêu cầu tuân thủ đúng quy trình
quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế, vừa đảm bảo yêu cầu đối ngoại, hội nhập quốc
tế theo đúng phương châm ưu tiên “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát
triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” hiện
nay của Bộ Ngoại giao. Trên cơ sở đó, tôi lựa chọn tình huống “Giải quyết tình
huống phát sinh trong công tác quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế trong khuôn
khổ Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 24 (2020)” để hoàn thành tiểu luận
cuối khóa chương trình bồi dưỡng công chức ngạch chuyên viên chính.

2
PHẦN I: NỘI DUNG TÌNH HUỐNG
1.1. Hoàn cảnh ra đời
Hàng năm, Việt Nam và Mỹ đều tổ chức đối thoại về nhân quyền ở cấp Vụ
trưởng và thay nhau luân phiên tổ chức phiên đối thoại này. Theo thông lệ, những
vòng đối thoại này sẽ diễn ra trong vòng một ngày làm việc, sau đó là phần đi
thực tiễn tại nước tổ chức đối thoại trong ngày thứ hai. Nội dung trao đổi, đối
thoại chủ yếu nhằm cập nhật cho nhau các nỗ lực, thành tựu, cũng như các thách
thức của mỗi nước trong việc thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người; trao đổi
về tất cả các lĩnh vực quyền con người cùng quan tâm, đặc biệt tập trung vào các
vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền, quá trình cải cách tư pháp, quyền tự do
ngôn luận, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, quyền của người khuyết tật
và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quyền con người tại diễn đàn đa phương,
đặc biệt tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, qua đó đóng góp vào đà phát
triển chung của Quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ.

Vòng 24 Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ được tổ chức ngày 06/10/2020
qua hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp và Việt Nam là nước chủ nhà theo luân
phiên. Trưởng đoàn Việt Nam là Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Vụ TCQT),
Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. Trưởng đoàn Mỹ là Quyền Phó Trợ lý Bộ trưởng
Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Scott Busby. Đại sứ Daniel Kritenbrink và
một số cán bộ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tham dự trực tiếp tại Hà Nội. Đại sứ
Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc tham gia trực tuyến buổi đối thoại này.

Theo kế hoạch trước đó, hai bên chỉ thống nhất sẽ tạo điều kiện cho đoàn
Đại sứ quán Mỹ đi thực tế tại Trại tạm giam của Công an Thành phố Hà Nội
(Thanh Trì) và thăm một cơ sở đào tạo nghề cho người người khiếm thị ở quận
Đống Đa, Hà Nội vào ngày 07/10. Tuy nhiên, ít ngày trước khi đối thoại bắt đầu,
Vụ TCQT nhận được thông tin từ đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an về kế hoạch
của đoàn Mỹ gặp gỡ một số đối tượng chống đối Nhà nước ta tại TP. Hồ Chí Minh
dưới hình thức Hội thảo quốc tế về "Vai trò của các tổ chức xã hội, nhà nước và
các bên liên quan trong cung cấp và giám sát dịch vụ công". Tuy nhiên, về thực

3
chất, một số tổ chức đã mượn danh việc tổ chức hội thảo này để thúc đẩy không
gian hoạt động của “xã hội dân sự” tại Việt Nam, nhằm làm phức tạp tình hình
chính trị - xã hội, hướng đến mục tiêu thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam như
đã từng xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây. Những
đối tượng này vẫn thường xuyên nhận được sự ủng hộ cả ngầm và công khai từ
Mỹ và các nước phương Tây để hoạt động tại Việt Nam, trong đó có sự tham gia
trực tiếp của không ít nhà ngoại giao Mỹ công tác tại Việt Nam.

1.2. Mô tả tình huống


Sau khi nhận được thông tin từ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an về
“hội thảo quốc tế” nói trên, Vụ TCQT, Bộ Ngoại giao đã tích cực liên hệ những
đơn vị nghiệp vụ này để làm rõ thêm về thời gian, địa điểm, thành phần tham dự,
nội dung chính và nguồn kinh phí của hội thảo này. Đây là những thông tin hết
sức cần thiết để Vụ TCQT phối hợp với Cục Ngoại vụ (đơn vị đầu mối của Bộ
Ngoại giao trong công tác quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế) làm rõ cấp nào sẽ
có thẩm quyền cho phép tổ chức hội thảo này và tuân thủ đầy đủ quy trình thẩm
định việc tổ chức hội thảo như quy định tại Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg.

Vụ TCQT được biết đây là hội thảo thường niên lần ba của các tổ chức “xã
hội dân sự” tại Việt Nam. Đồng tổ chức hội thảo là 8 tổ chức xã hội dân sự như
Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG), Liên minh hành động vì
công bằng và sức khỏe (PAHE), Nhóm quản trị và cải cách hành chính công
(GPAR), Không gian nhân quyền (HRS), Mạng giới và phát triển cộng đồng
(GENCOMNET). Hội thảo có sự góp mặt của khoảng 100 người tham dự, trong
đó các diễn giả là các “tên tuổi” trong giới “xã hội dân sự” thuộc các tổ chức nói
trên.

Tuy nhiên, nội dung hội thảo có rất nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến
quyền con người và đề cương chương trình làm việc, nguồn kinh phí của hội thảo
vẫn còn nhiều điểm chưa cụ thể và chưa rõ ràng. Hiện Vụ TCQT chưa nhận được
thông tin từ Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh về tiến trình xin cấp phép tổ chức hội

4
thảo này với UBND TP. Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn nào và cấp dự hội thảo
(nếu có) của Đại sứ quán Mỹ.

Các trang tin tiếng Việt của các hãng thông tấn nước ngoài như VOA, BBC,
RFA đã bắt đầu đăng tin và bình luận về việc tổ chức hội thảo này trong thời gian
tới và thu hút được sự quan tâm của dư luận người Việt Nam trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng rất quan tâm về việc Đại sứ quán Mỹ dự định tham
gia hội thảo này sau khi phía Mỹ điều chỉnh kế hoạch đi thực tiễn mà không tham
vấn đầy đủ trước với Bộ Ngoại giao ta. Bên cạnh đó, có thể Ngoại giao đoàn của
EU và Đại sứ quán một số nước phương Tây khác như Đức, Anh, New Zealand,
Canada, Na Uy và Thụy Sỹ sẽ phối hợp với phía Mỹ để tăng cường tham dự gây
tiếng vang cho hội thảo, đồng thời gây sức ép lên Việt Nam trong lĩnh vực dân
chủ, nhân quyền.

5
PHẦN II: PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG
2.1. Mục tiêu phân tích tình huống
Mục tiêu phân tích tình huống nhằm làm rõ cơ sở pháp lý của Quyết định
số 06/2020/QĐ-TTg về việc cấp phép cho hội thảo này; hiểu rõ động cơ của Đại
sứ quán Mỹ khi điều chỉnh chương trình đi thực tiễn tại Việt Nam và đặt vấn đề
tham dự hội thảo này và các ưu tiên của các cơ quan chức năng liên quan của Việt
Nam trong vụ việc. Từ đó đề xuất phương hướng tối ưu để xử lý và kiến nghị với
các cơ quan chức năng của ta về chủ trương, chính sách, bài học kinh nghiệm
nâng cao hiệu quả phối hợp xử lý công việc tốt hơn trong tương lai.

2.2. Cơ sở lý luận
Theo Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chịu trách
nhiệm quản lý nhà nước đối với hội nghị, hội thảo quốc tế trong cả nước và chịu
trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quyết định này. Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm
tuân thủ quy trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo
quốc tế theo quy định tại Quyết định này.

Do hội thảo này không có thành viên tham dự là người đứng đầu hoặc quan
chức cấp Bộ trưởng hoặc tương đương trở lên của các nước, các vùng lãnh thổ,
các tổ chức quốc tế và không có nội dung liên quan trực tiếp đến các vấn đề về
chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng hoặc thuộc phạm vi bí mật nhà nước
theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước nên thẩm quyền cấp phép tổ
chức hội thảo thuộc về UBND TP. Hồ Chí Minh, trong đó đơn vị tham mưu chính
cho UBND TP. Hồ Chí Minh là Sở Ngoại vụ.

Trong Bộ Ngoại giao, Cục Ngoại vụ là đơn vị đầu mối về quản lý hội nghị,
hội thảo quốc tế tại Việt Nam; Vụ TCQT là đơn vị đầu mối tổ chức Vòng đối
thoại Nhân quyền Việt – Mỹ hàng năm. Các đơn vị liên quan trong Bộ Ngoại giao
phối hợp xử lý tình huống theo Nghị định 26/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của

6
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Ngoại giao.

2.3. Phân tích diễn biến tình huống


Hoạt động bên lề của các đoàn ngoại giao trong thời gian công tác ở Việt
Nam luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, phức tạp cho các cơ quan chức năng của ta do phía
bạn muốn tận dụng thời gian để gặp gỡ, trao đổi với các đối tượng chống đối Nhà
nước ta và bạn hiếm khi thông tin cụ thể, minh bạch trước với ta về chương trình
làm việc với các đối tượng phi nhà nước ở Việt Nam.

Ở các vòng đối thoại nhân quyền trước giữa hai nước, phía Mỹ chỉ gặp
riêng lẻ một số cá nhân Mỹ quan tâm tại trụ sở của một tổ chức “xã hội dân sự”
hoặc trong khuôn viên Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh. Những buổi gặp
này có diện hẹp, không đông người tham dự và ít khi được truyền thông rộng rãi.
Tuy nhiên, năm nay phía Mỹ có ý định dự một hội thảo do các nhóm “xã hội dân
sự” phối hợp tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh với hàng trăm người tham dự và có kế
hoạch đưa tin rộng rãi về sự kiện này. Điều này cho thấy Mỹ muốn thể hiện sự
ủng hộ mạnh mẽ, công khai hơn với các nhóm “xã hội dân sự” chống đối Nhà
nước ta, qua đó gia tăng áp lực với ta trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và gián
tiếp “nhắc nhở” ta không nên cản trở hay có biện pháp “mạnh tay” với những
nhóm "xã hội dân sự” được Mỹ ủng hộ.

Việc xử lý hài hòa quan tâm, lợi ích của cả phía ta và Mỹ trong tình huống
này đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý, chính trị chắc chắn, khéo léo trong động thái
cụ thể, đảm bảo các quy tắc cơ bản của ngoại giao và hợp tác quốc tế, nhất là với
một đối tác kinh tế, chính trị, an ninh quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ.

2.4. Nguyên nhân dẫn đến tình huống


Thứ nhất, do công tác quản lý hội nghị, hội thảo hiện nay ở nước ta cần sự
phối hợp chặc chẽ của nhiều cơ quan ở nhiều cấp khác nhau và các quy định hiện
hành không phải lúc nào cũng rõ ràng, cụ thể để có thể áp dụng thống nhất nên
một số đối tượng đã lợi dụng để tổ chức “hội thảo” trá hình này nhằm phô trương
thanh thế, chống phá Nhà nước ta.
7
Thứ hai, trên thực tế, rất nhiều các cơ quan, tổ chức hội nghị, hội thảo gửi
hồ sơ quá gấp với thời gian tổ chức hội nghị, hội thảo, thiếu hồ sơ, hồ sơ không
đầy đủ thông tin theo quy định, gây khó khăn cho Sở Ngoại vụ địa phương và Cục
Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao trong quá trình cấp ý kiến pháp lý và mất thời gian cho
cơ quan, tổ chức khi phải điều chỉnh hồ sơ.

Thứ ba, việc xác minh nhân thân của các chuyên gia, đại biểu nước ngoài
tham dự hội thảo rất mất thời gian và phải thông qua nhiều đơn vị chức năng của
Bộ Công an mới có thể đảm bảo. Các đơn vị của Bộ Ngoại giao và UBND các
tỉnh, thành phố không đủ thông tin, nghiệp vụ để làm rõ nhân thân của các đại
biểu nước ngoài dự hội nghị, hội thảo quốc tế. Số lượng các hội nghị, hội thảo
diễn ra ngày càng nhiều nên rất khó cho Bộ Công an kịp thời cho ý kiến xác minh
nhân thân các đại biểu này.

Thứ tư, các cán bộ/bộ phận hợp tác quốc tế tại các cơ quan, tổ chức, đơn
vị chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý
hội nghị, hội thảo quốc tế; chưa thực sự chú trọng và đánh giá cao tầm quan trọng
của việc xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo và chia sẻ thông tin, kết quả sau hội
nghị, hội thảo.

Thứ năm, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về
hội nghị, hội thảo quốc tế chưa được thực hiện thường xuyên và chưa có những
hình thức phù hợp trong khi đối tượng chịu sự điều chỉnh của Quyết định
06/2020/QĐ-TTg là khá rộng và thuộc các cơ quan, tổ chức khác nhau.

2.5. Hậu quả của tình huống


Việc các đoàn ngoại giao phương Tây tham dự và báo chí, truyền thông
đưa tin nhiều về hội thảo có thể gửi tín hiệu sai lệch cho các nhóm đối tượng
chống đối. Những đối tượng này sẽ lợi dựng sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây để
thu hút thêm tài trợ, tăng cường các hoạt động diễn biến, chống phá Nhà nước ta,
tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp cho an ninh và ổn định kinh tế - xã hội ở
Việt Nam.

8
Nếu ta không xử lý tốt tình huống này có thể dẫn đến hiểu lầm hoặc căng
thẳng ngoại giao không đáng có giữa ta với Mỹ, gây phản ứng tiêu cực trong chính
quyền và dự luận các nước phương Tây, ảnh hưởng đến đà hợp tác chung và quá
trình phát triển, hội nhập quốc tế của ta. Đây không chỉ là vụ việc khó trong khuôn
khổ Vòng đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ năm nay mà có thể là tiền lệ không tốt
cho những vòng đối thoại nhân quyền song phương trong tương lai.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo ta và Bộ Ngoại giao rất cẩn trọng trong xử lý các
vấn đề dân chủ, nhân quyền mà phía Mỹ và phương Tây quan tâm. Nếu vụ việc
này không được xử lý chuẩn xác, dư luận trong nước cũng sẽ có nhiều điểm không
thuận cho Bộ Ngoại giao và bản thân các cán bộ liên quan trực tiếp của Vụ TCQT,
Cục Ngoại vụ và Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh có thể bị nhắc nhở, khiển trách.

9
PHẦN III: XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
3.1 Mục tiêu xử lý tình huống
Nhiệm vụ cụ thể đặt ra là Vụ TCQT, Bộ Ngoại giao phải nắm chắc tình
hình, phối hợp với các đơn vị liên quan ở trong và ngoài Bộ để tham mưu, xử lý
khéo léo việc Đại sứ quán Mỹ muốn tham gia dự hội thảo này, không làm nổi vấn
đề quá mức cần thiết, giữ được thành công của Vòng Đối thoại Nhân quyền Việt
- Mỹ lần này và không để ảnh hưởng tiêu cực đến hợp tác giữa hai nước trên các
lĩnh vực quan trọng khác.

Việc xử lý cần mềm mỏng nhưng dứt khoát để hạn chế khả năng phía Mỹ
tiếp tục đặt ta vào tình huống khó xử tương tự ở các vòng đối thoại nhân quyền
song phương trong tương lai. Bên cạnh đó, cần rút ra bài học kinh nghiệm về phối
hợp giữa các cơ quan chức năng của ta, nhất là giữa UBND các tỉnh, thành phố
và Bộ Ngoại giao, trong việc kịp thời xử lý từ xa các yêu cầu đăng ký hội nghị,
hội thảo có yếu tố nước ngoài và có nhiều nội dung dân chủ, nhân quyền nhạy
cảm với Việt Nam.

Tất cả những mục tiêu này cần được thực hiện trên cơ sở bám sát các văn
bản quy phạm pháp luật và quy định của Việt Nam trong quản lý các hội nghị, hội
thảo quốc tế, nhất là Quyết định 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ
tướng Chính phủ.

3.2 Đề xuất các phương án, lực chọn phương án tối ưu


Sự phức tạp cả về đối nội, đối ngoại của tình huống này yêu cầu ta phải có
giải pháp tối ưu, hợp lý, hợp tình để tránh các hậu quả không mong muốn, tránh
làm phức tạp hơn các khác biệt giữa hai nước trong các vấn đề dân chủ, nhân
quyền nói riêng và hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ hai nước. Để
giải quyết tình huống này, xin đề xuất một số phương án như sau:

a) Phương án 1: Bộ Ngoại giao tác động để UBND TP. Hồ Chí Minh dừng
cấp phép cho việc tổ chức thảo này với lý do hồ sơ đăng ký tổ chức hội nghị, hội
thảo cần bổ sung thông tin và thuyết phục đoàn Đại sứ quán Mỹ tiếp tục hai hoạt

10
động đi thực tế theo kế hoạch ở Trại tạm giam của Công an Hà Nội và cơ sở dạy
nghề cho người khiếm thị ở quận Đống Đa, Hà Nội.

- Ưu điểm: Phương án này dễ thực hiện về mặt hành chính, giữ được
chương trình đi thực tế cho đoàn Mỹ như kế hoạch ban đầu, ta cũng không gặp
nhiều khó khăn khi triển khai.

- Nhược điểm: Cơ sở pháp lý cho quyết định hoãn tổ chức hội thảo thiếu sự
thuyết phục do Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hồ sơ của đơn vị xin
tổ chức hội thảo và đến nay chưa có phản hồi chính thức. Quyết định hoãn đột
ngột tổ chức hội thảo có thể khiến đoàn Mỹ phật ý, gây căng thẳng giữa hai nước
do bạn cho rằng ta thiếu thiện chí, áp đặt các biện hành chính “thô bạo” quá mức
cần thiết. Do đó, việc sắp xếp chương trình công tác chính thức và hoạt động đi
thực tế ở các vòng đối thoại nhân quyền sau có thể bị ảnh hưởng.

b) Phương án 2: Ta vẫn cho phép tổ chức hội thảo này nhưng thuyết phục
Đại sứ quán Mỹ cử cán bộ tham dự ở cấp làm việc, không cử đại diện lãnh đạo
Đại sứ quán tham dự. Về phía Việt Nam, ta chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền
thông Việt Nam không đưa tin rộng rãi về hội thảo này trên các trang thông tin
chính thức và trên mạng xã hội.

- Ưu điểm: Phương án này dung hòa được lợi ích, quan tâm của cả ta và
bạn. Bạn vẫn được tạo điều kiện tham dự hội thảo để thể hiện phần nào sự “ủng
hộ” với các nhóm đối tượng tổ chức hội thảo. Ta cũng đạt được yêu cầu hạn chế
tầm ảnh hưởng, tiếng vang của hội thảo không mong muốn này. Phương án này
phát huy tốt tinh thần hợp tác thiện chí giữa hai nước trong năm kỷ niệm 25 năm
thiết lập quan hệ ngoại giao và tiến tới kỷ niệm 10 năm Quan hệ đối tác toàn diện
Việt – Mỹ.

- Nhược điểm: Việc trao đổi với phía Mỹ cử cấp dự hội thảo phù hợp không
phải lúc nào cũng dễ dàng và cần có lập luận thuyết phục cả về chính trị, pháp lý
và thông lệ hợp tác quốc tế giữ ta và Mỹ trong thời gian qua.

11
c) Phương án 3: Ta vẫn cho phép tổ chức hội thảo này, không đặt vấn đề
với phía Mỹ về cấp dự hội thảo. Tuy nhiên, ta sẽ dùng một số biện pháp kỹ thuật
để hạn chế sự tham dự kịp thời của đoàn Mỹ và quá trình tổ chức hội thảo.

- Ưu điểm: Phương án này về hình thức thể hiện được thiện chí và sự “thông
thoáng” của ta trong cấp phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế. Ở mức độ công
khai ban đầu, bạn sẽ ghi nhận nỗ lực cải cách hành chính của ta trong quản lý hội
nghị, hội thảo quốc tế và việc ta đã linh động đáp ứng yêu cầu dự hội thảo và
không can thiệp chi tiết vào công việc của đoàn bạn trong thời gian ở Việt Nam.

- Nhược điểm: Các biện pháp kỹ thuật để hạn chế sự tham dự kịp thời của
đoàn Mỹ (như làm trễ chuyến bay, ách tắc giao thông đường bộ) và hạn chế hoạt
động bình thường của hội thảo (như sự cố về điện lưới, hệ thống âm thanh, ánh
sáng ở địa điểm tổ chức hội thảo) sẽ gây phản tác dụng về truyền thông và không
thể hiện sự minh bạch, thiện chí thực chất của ta trong các hoạt động hợp tác, đối
ngoại quốc tế. Về lâu dài, bạn sẽ cảnh giác hơn, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến
lòng tin, thiện chí hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Trong ba phương án nêu trên, xin kiến nghị chọn Phương án 2 để giải quyết
tình huống vì phương án này có tính khả thi, có thể đáp ứng tối đa các mục đích,
yêu cầu đề ra, hài hòa lợi ích, quan tâm của cả hai bên và ít có rủi ro ngoài dự kiến
hơn cả. Việc thực hiện tốt phương án này sẽ góp phần vào thành công chung của
Vòng đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ năm nay và đóng góp cho sự phát triển toàn
diện, sâu rộng của quan hệ song phương.

3.3 Các giải pháp thực hiện phương án đã lựa chọn


Để triển khai Phương án 2, các cơ quan liên quan cần tích cực, chủ động
thực hiện các bước sau:

- Bước 1: Vụ TCQT chuyển thông tin cho Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao để
Cục Ngoại vụ đề nghị Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh khẩn trương nhắc nhở đơn
vị xin tổ chức hội thảo hoàn thiện hồ sơ chi tết, bao gồm: Công văn xin phép tổ
chức; Đề án tổ chức hội thảo (theo Mẫu 01 kèm ban hành theo Quyết định

12
06/2020/QĐ-TTg) và văn bản có ý kiến của các cơ quan liên quan nếu có. Do đơn
vị tổ chức hội thảo nộp hồ sơ đăng ký gấp, Cục Ngoại vụ cần nhắc nhở đơn vị này
lưu ý nộp hồ sơ ít nhất 30 ngày trước thời điểm tổ chức hội thảo.

- Bước 2: Cục Ngoại Vụ gửi văn bản kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh
sớm phê duyệt việc tổ chức hội thảo này

- Bước 3: Vụ TCQT thông báo cho Đại sứ quán Mỹ việc các cơ quan chức
năng của Việt Nam đã tạo điều kiện cấp phép tổ chức hội thảo dù hồ sơ đăng ký
tổ chức hội thảo nộp gấp, không đảm bảo thời gian 30 ngày xem xét như quy định
tại Quyết định 06/2020/QĐ-TTg.

- Bước 4: Vụ TCQT thông báo tiếp cho đại diện Đại sứ quán Mỹ về thời
gian và các thủ tục đăng ký cần thiết để tham dự hội thảo, đồng thời phối hợp với
Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh cử cán bộ tham dự hội thảo để nắm nội dung, chuẩn
bị báo cáo sau khi hội thảo kết thúc.

- Bước 5: Vụ TCQT phối hợp với Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao
liên hệ với Ban Tuyên giáo Trung ương để chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền
thông của ta không đưa tin rộng rãi về hội thảo này.

- Bước 6: Vụ TCQT báo cáo Lãnh đạo Bộ Ngoại giao để cử Thứ trưởng
phụ trách gặp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đề nghị Đại sứ quán Mỹ cử cán bộ cấp làm
việc, không cử lãnh đạo Đại sứ quán tham dự hội thảo này.

- Bước 7: Vụ TCQT và Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao theo dõi kỹ
dư luận báo chí, truyền thông trong nước và dư luận báo chí tiếng Việt ở nước
ngoài về kết quả và các hoạt động trong khuôn khổ Vòng đối thoại nhân quyền
Việt – Mỹ năm nay để báo cáo Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và đề xuất bài học kinh
nghiệm về công tác phối hợp tổ chức, bố trí chương trình đi thực tế cho đoàn Mỹ
ở các vòng đối thoại nhân quyền sau.

13
PHẦN IV: KIẾN NGHỊ
Quá trình hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu phải quản lý hiệu lực, hiệu quả
việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế ở Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát
triển đất nước. Trong 10 năm qua, quá trình hoàn thiện văn bản quy phạm pháp
luật trong lĩnh vực này đã có rất nhiều cải tiến theo hướng tinh gọn, hiện đại, tạo
thuận lợi cho các tổ chức, cơ quan và nhiều thành phần xã hội trao đổi kinh
nghiệm, kỹ năng với các chuyên gia, học giả, doanh nghiệp và các tổ chức quốc
tế trên nhiều lĩnh vực đa dạng. Tuy nhiên, số lượng hội nghị, hội thảo quốc tế tăng
mạnh, nhiều hội nghị, hội thảo đòi hỏi ý kiến phối hợp của nhiều cơ quan chức
năng ở các cấp và các địa phương khác nhau. Hồ sơ của các đơn vị tổ chức hiếm
khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của cơ quan chức năng xét duyệt.
Do đó, rất khó để các cơ quan chức năng của ta kịp phối hợp, đáp ứng yêu cầu về
thời hạn khi ra quyết định phê duyệt tổ chức hội thảo.

Bên cạnh đó, các quy định dù cụ thể đến đâu cũng không thể theo sát sự đa
dạng của các hội nghị, hội thảo quốc tế. Do đó, vấn đề mấu chốt nhất vẫn là trình
độ, nhận thức, nhạy cảm chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách tham
mưu trong lĩnh vực này, nhất là đối với các hội nghị, hội thảo có tính chất, nội
dung phức tạp, nhạy cảm về chính trị đối với Việt Nam.

Nếu không có nhiều cải thiện kịp thời, việc xét duyệt, cấp phép tổ chức hội
nghị, hội thảo quốc tế có thể trở thành nút thắt hành chính, điểm nghẽn thủ tục
không đáng có đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập của Việt Nam
và gây bức xúc dư luận trong cộng đồng và xã hội. Trên cơ sở đó, xin có một số
kiến nghị như sau:

4.1. Kiến nghị với các cơ quan Đảng, Nhà nước


Thứ nhất, để tạo bước tiến trong công tác quản lý hội nghị, hội thảo quốc
tế, cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa thẩm quyền cấp phép tổ chức hội
thảo, hội nghị quốc tế cho UBND các tỉnh, thành thố trực thuộc trương ương và
thậm chí xuống tới cấp quận, huyện, để đáp ứng nhu cầu tổ chức hội nghị, hội

14
thảo quốc tế ngày các tăng của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân
ở Việt Nam.

Thứ hai, trừ những hội nghị, hội thảo có nội dung phức tạp, nhạy cảm về
mặt chính trị, an ninh, quốc phòng, dân chủ, nhân quyền, cần đơn giản hóa yêu
cầu chuẩn bị hồ sơ xin đăng ký tổ chức hội nghị, hội thảo; giảm số lượng ý kiến
phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương khi
xem xét phê duyệt. Rút ngắn thời gian các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản từ 15 ngày xuống 10 ngày đối với các hội nghị, hội thảo quốc
tế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ trưởng cơ quan Trung ương, địa phương
có nội dung đơn giản, không nhạy cảm hoặc đã nằm trong khuôn khổ các chương
trình, dự án đã được phê duyệt.

Thứ ba, nhận thức của đội ngũ cán bộ thực hiện đóng vai trò quyết định
trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Do đó,
cần thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của
pháp luật về hội nghị, hội thảo, với nhiều hình thức và đối tượng tham gia đa dạng
theo với nhu cầu và đặc thù của từng cơ quan chức năng; cung cấp các tài liệu
hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn, lồng ghép vào đoàn kiểm tra đột xuất hoặc
định kỳ.

Thứ tư, cần bổ sung các biện pháp chế tài trong trường hợp vi phạm như
các cơ quan, tổ chức không tuân thủ các quy định về xin phép tổ chức hội nghị,
hội thảo; không đảo bảo về thời gian và hồ sơ xin phép, không báo cáo đầy đủ sau
khi hội thảo kết thúc.

Thứ năm, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định
06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 thay thế Quyết định 76/2010/QĐ-TTg trong
lĩnh vực quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế, quá trình thực hiện Quyết định
06/2020/QĐ-TTg cần tập trung cải thiện các điểm cụ thể sau:

15
- Đề nghị quy định cụ thể hơn về phạm vi các hội nghị, hội thảo có liên
quan đến vấn đề nhân quyền phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tại điểm
b, khoản 1, Điều 3.

- Làm rõ thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan trung ương và Thủ trưởng cơ
quan địa phương trong việc quyết định cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc
tế ở địa phương và thẩm quyền cho phép các tổ chức nước ngoài tổ chức hội nghị,
hội thảo quốc tế tại khoản 2, Điều 3.

- Làm rõ các nội dung cần lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Công an và Bộ
Ngoại giao khi hội nghị, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, đại biểu nước
ngoài (tại điểm a, khoản 1, Điều 5).

4.2. Kiến nghị với các cơ quan chức năng


a) Đối với Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh

- Cần kiện toàn công tác quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế trên địa bàn
thành phố để kịp thời tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh duyệt cấp phép tổ
chức hội nghị, hội thảo quốc tế đáp ứng thời hạn theo quy định của Quyết định
06/2020/QĐ-TTg về quản lý và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

- Xây dựng hệ thống phân loại các hồ sơ xin tổ chức hội nghị, hội thảo quốc
tế theo độ phức tạp và lĩnh vực nội dung để đảm bảo lộ trình phối hợp, xin ý kiến
bằng văn bản các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương.

- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn và đánh giá hồ sơ xin tổ chức hội
nghị, hội thảo quốc tế cho các cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực này trong Sở
Ngoại vụ để theo kịp yêu cầu công tác trong tình hình mới.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống báo cáo về các tổ chức, cá nhân không
tuân thủ đầy đủ các quy định trong lĩnh vực này như không xin phép tổ chức hoặc
không được phép nhưng cố tình tổ chức; không đảm bảo an ninh, an toàn và các
yêu cầu khác của pháp luật; sai các quy định về tài chính khi tổ chức hội nghị, hội
thảo. Hệ thống cơ sở dữ liệu và báo cáo này sẽ giúp Sở Ngoại vụ sớm nhận diện

16
các hồ sơ có vấn đề và chủ động thông tin tốt hơn cho các cơ quan liên quan khi
phối hợp xử lý công việc.

b) Đối với Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao)

Với chức năng chủ trì quản lý các hoạt động hội nghị, hội thảo quốc tế tại
Việt Nam, Cục Ngoại vụ cần tích cực phối hợp theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn
đốc việc thực hiện công tác quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và
hướng dẫn các Sở Ngoại vụ địa phương thực hiện công tác này.

Bên cạnh đó, Cục cần chia sẻ rộng tãi hơn nữa báo cáo Thủ tướng Chính
phủ hàng năm về tình hình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam với Sở
Ngoại vụ địa phương để thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong
quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế.

Biên soạn Bản tin Ngoại vụ thường kỳ cung cấp thông tin cho các cơ quan
ngoại vụ địa phương về tình hình hoạt động đối ngoại, các văn bản, quy định mới
của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác đối ngoại và phi chính phủ nước
ngoài.

Về công tác bồi dưỡng cán bộ địa phương, Cục cần chủ trì, phối hợp xây
dựng và thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức đối
ngoại, nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng ngoại ngữ cho cán bộ địa phương và
hướng dẫn các cơ quan ngoại vụ địa phương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ địa phương.

Tăng cường phối hợp thường xuyên với các đơn vị liên quan trong Bộ
Ngoại giao như Vụ TCQT và Vụ Thông tin Báo chí để xử lý kịp thời các tình
huống liên quan đế các hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài và có nội dung
dân chủ, nhân quyền nhạy cảm.

c) Đối với Vụ TCQT (Bộ Ngoại giao)

Trong vai trò đơn vị đầu mối của Bộ Ngoại giao tổ chức các vòng đối thoại
nhân quyền Việt – Mỹ hàng năm, Vụ TCQT cần chủ động nắm chắc hơn nữa các
hoạt động chính thức và kế hoạch đi thực tiễn tại các địa phương của đoàn Mỹ
17
trong thời gian ở Việt Nam. Những hoạt động này cần được thống nhất giữa hai
bên bằng văn bản trước khi đoàn Mỹ sang Việt Nam dự đối thoại nhân quyền,
tránh tối đa việc phía Mỹ cố ý không thông tin đầy đủ chương trình làm việc cho
ta hoặc có những thay đổi vào phút chót.

Vụ TCQT cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Cục Ngoại vụ,
các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố dự kiến nằm
trong chương trình làm việc hoặc đi thực tiễn để đảm bảo ta không bị bị động, bất
ngờ trước các đề nghị điều chỉnh chương trình làm việc của phía Mỹ và không
gây ra xung đột, căng thẳng ngoại giao khi hai bên phải phối hợp để thực hiện
những điều chỉnh này.

18
KẾT LUẬN
Qua tình huống phát sinh trong công tác quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế
trong khuôn khổ Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 24 nói trên, việc tổ chức
các hoạt động đối ngoại luôn gắn liền với công tác quản lý nhà nước về đối ngoại.
Mục đích, nội dung của Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ hàng năm nhằm trao đổi
ở cấp Vụ trưởng giữa hai bên về các vấn đề chính trị, nhân quyền và hợp tác song
phương trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, do hai nước còn một số khác biệt cơ bản
trong cách tiếp cận các vấn đề dân chủ, nhân quyền và Mỹ bằng nhiều cách khác
nhau vẫn tìm cách ủng hộ các đối tượng chống đối Nhà nước ta nên các chuyến
thăm làm việc của các đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam luôn tiểm ẩn rủi ro về sự
cố ngoại giao hoặc các tình huống nhạy cảm phát sinh.

Việc thu xếp cho những chuyến thăm làm việc và hoạt động đối ngoại của
đoàn Mỹ tại Việt Nam đòi hỏi phải hiểu kỹ động cơ và lợi ích cả tổng quát và cụ
thể của Mỹ trong từng chuyến thăm để khéo leo thu xếp, đáp ứng hài hòa lợi ích
của các bên liên quan, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các bộ,
ngành, địa phương, cơ quan liên quan và nhận thức đẩy đủ, nhạy bén về chính trị,
ngoại giao của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện.

Trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp luật và các quy định liên quan của
ta về quản lý nhà nước về đối ngoại, trong đó có công tác quản lý hội nghị, hội
thảo quốc tế, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để theo kịp yêu cầu của thực
tiễn, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, nhất là Bộ Ngoại giao, cần
nâng cao vai trò, trách nhiệm, chú trọng đến công tác theo dõi, hướng dẫn, tổng
kết, chia sẻ thông tin về hội nghị, hội thảo quốc tế; định kỳ hàng năm tổ chức các
đoàn kiểm tra tại các bộ, ngành ở Trung ương, các cơ quan ở địa phương, các tổ
chức xã hội nhằm nắm bắt những thông tin chính xác, kịp thời về tình hình tổ chức
và quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế; đồng thời kịp thời phát hiện những thiếu
sót, sai phạm để đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm chấn chỉnh và đảm bảo cho
các hoạt động nói trên tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và đáp
ứng yêu cầu đối ngoại, hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới của Việt Nam.

19
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị định 26/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

2. Nghị định 81/2022/NĐ-CP ngày 14/10/2022 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao (thay thế
Nghị định 26/2017/NĐ-CP);

3. Quyết định 76/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ
về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế;

4. Quyết định 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ
về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế (thay thế Quyết định 76/2010/QĐ-
TTg);

5. Quyết định số 3088/QĐ-BNG ngày 28/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Ngoại


giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Ngoại
vụ.

20

You might also like