You are on page 1of 13

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

KHOA : BÁO CHÍ VÀ TRUYỀN THÔNG


_ _ _ _ *****_ _ _ _

CHUYÊN ĐỀ THỰC
TẬP TỐT NGHIỆP

KHOA :
BÁO CHÍ VÀ TRUYỀN
THÔNG
HỆ ĐÀO TẠO :
CHÍNH QUY
KHÓA HỌC : QH – X-2016

Sinh viên thực tập : Bùi Thị Thuy


MSSV : 16031310
Lớp : K61 Tôn giáo học- Kép Báo Chí
Nơi thực tập : Văn phòng đại diện báo Tuổi trẻ tại Hà Nội

Hà Nội , tháng 8 năm 2020

LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành kỳ kiến tập này, em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến quý thầy cô giáo
Khoa Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã tạo
cơ hội cho chúng em có một khoảng thời gian trải nghiệm thực tế môi trường báo
chí chuyên nghiệp.
Chân thành cảm ơn Ban lãnh đạo Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội đã cho phép
và tạo điều kiện cho chúng em được kiến tập trong khoảng thời gian tại quý báo.
Chân thành cảm ơn những anh chị phóng viên, nhà báo Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại
Hà Nội đã giúp chúng em có những trải nghiệm đáng nhớ trên hành trình làm báo
của mình. Được học hỏi, trải nghiệm từ những người làm báo đi trước là một trong
những cơ hội quý giá mà em có được trong suốt chặng đường học tập của mình.
Để có được kết quả trong kỳ kiến tập ngày hôm nay, không thể không kể đến những
nhân vật đã giúp đỡ tôi trong quá trình tác nghiệp. Xin dành lời tri ân đến họ, những
người cung cấp thông tin để tôi có thể hoàn thành những sản phẩm báo chí của
mình.
Cuối cùng, tôi xin dành lời cảm tạ đến những độc giả đã yêu thương và chia sẻ
trong từng bài viết của tôi trong thời gian qua. Những lượt tương tác, những dòng
bình luận và cả những lời góp ý, chia sẻ là động lực cho tôi tiếp tục cố gắng trên
hành trình theo đuổi sự lựa chọn của mình. Tôi luôn luôn cảm thấy vui sướng và
hạnh phúc khi được phụng sự bạn đọc, được đóng góp sức lực của mình trong việc
đưa thông tin đến với bạn đọc.
Kính chúc mọi người nhiều sức khỏe và bình an!

LỜI MỞ ĐẦU

Đối với sinh viên báo chí, năm 3 là một năm quan trọng vì là lần đầu tiên được phân
đi kiến tập tại một cơ quan báo chí. Đây là bước đệm quan trọng giúp sinh viên có
cơ hội thị thực, cọ xát trước kỳ thực tập kéo dài 3 tháng vào năm cuối. Hơn nữa,
việc được tiếp cận với môi trường báo chí chuyên nghiệp thông qua các hoạt động
sinh hoạt tại các cơ quan thông tấn, tòa soạn, công ty truyền thông...là một cơ hội
tốt để sinh viên có thể học hỏi và trau dồi kinh nghiệm với ngành học mình đã chọn.
Bước chân từ giảng đường vào hoạt động báo chí thực tiễn, sinh viên có thể áp dụng
những bài học lý thuyết trước đây vào các công việc chính thức như: viết tin, làm
kịch bản, quay phim, biên tập phóng sự, tìm kiếm đề tài, phỏng vấn nhân vật,... Đây
cũng là dịp để mỗi kiến tập sinh hoàn thiện hơn những kỹ năng mềm như giao tiếp,
ứng xử, xây dựng phong cách làm việc linh hoạt, chuyên nghiệp và có trách nhiệm
với những gì mình được giao.
Trong quá trình đi thực tập, nhiều sinh viên có thể còn gặp nhiều bỡ ngỡ và khó
khăn khi những điều thu nạp được từ sách vở đôi khi lại hoàn toàn khác xa với
những gì được chứng kiến trong hoạt động nghề nghiệp thực tế. Mỗi môi trường
báo chí chuyên biệt có những đặc thù trong cách thức hoạt động và những yêu cầu,
đòi hỏi khác nhau. Chính vì vậy mà qua mỗi kỳ thực tập, sinh viên không chỉ được
mở mang tầm nhìn hiểu biết mà còn tự rút ra cho mình một chiêm nghiệm riêng về
nghề.
Kết thúc kỳ thực tập, điều quan trọng nhất đối với mỗi sinh viên không nằm ở việc
có được bao nhiêu sản phẩm, đóng góp ở một vị trí, cơ quan nào mà là qua lần trải
nghiệm ấy, chúng ta có tự rút ra cho mình những thiếu sót cần khắc phục và vót
nhọn những khả năng vốn có của mình vào công việc hay không. Mục đích cuối
cùng của kỳ thực tập chính là giúp cho sinh viên học hỏi và trau dồi những kinh
nghiệm, kỹ năng đối với nghề. Để sau khi ra trường, những bài học đó sẽ trở thành
hành trang khi sinh viên bước chân vào một chặng đường làm báo của mình.

PHẦN 1: NỘI DUNG VÀ TIẾN ĐỘ CÔNG VIỆC


GIỚI THIỆU CƠ QUAN THỰC TẬP

VÌ SAO TÔI LẠI CHỌN BÁO TUỔI TRẺ LÀM CƠ QUAN THỰC TẬP?
Điều đầu tiên tôi lựa chọn kiến tập Tuổi trẻ bởi ngay từ những ngày đầu tiên theo
đuổi đam mê làm báo của mình, tôi đã mong muốn được gắn bó với tờ báo này.
Tuổi trẻ là môi trường thực sự tốt và nghiêm khắc để rèn luyện nghiệp vụ báo chí.
Tôi yêu Tuổi trẻ từ những điều nhỏ nhất, từ cách mà Tuổi trẻ đặt tên phóng viên ảnh
sau mỗi bức ảnh báo chí, từ việc mỗi bức ảnh ở Tuổi trẻ luôn cần có chú thích, điều
này hoàn toàn khác với cách làm việc của những tờ báo khác. Tôi cảm nhận được
sự nghiêm túc và cố gắng chỉn chu tới mức cao nhất trong cách làm việc của mỗi
phóng viên, nhà báo ở đây. Tôi cũng mong muốn rằng, mình sẽ trở thành một người
làm báo tử tế, viết những điều tử tế, giống như họ.

Thứ hai, từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã luôn nghe thầy cô nhắc đến
Tuổi trẻ là một tờ báo gặp nhiều sóng gió. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy hiếm có năm
nào mà Tuổi trẻ không có người bị kỷ luật, thậm chí là ra toà. Từ vụ PMU18 gây
chấn động làng báo chí đến năm trước Tuổi trẻ bị kỷ luật đình bản 3 tháng là những
minh chứng sống động cho nhận định này. Tại sao lại như vậy? Chính bởi, ở Việt
Nam, hiếm có tờ báo nào dũng cảm dám vạch trần những sai phạm, tham ô tham
nhũng, phanh phui những oan trái của một số sâu mọt trong bộ máy công quyền và
bảo vệ quyền lợi của nhân dân, đứng về những điều tốt đẹp như Tuổi trẻ. Những
nhà báo như anh Nguyễn Văn Hải, anh Đà Trang, chú Bùi Thanh,… đã giúp tôi yêu
thêm nghề báo và tin vào sự tử tế sẽ còn sống mãi trong lòng độc giả.

Thứ ba, Tuổi trẻ luôn xem trọng việc phụng sự bạn đọc, xem đó là kim chỉ nam, là
tôn chỉ cho quá trình làm việc của mình. Khi một tờ báo đặt bạn đọc lên trên hết chứ
không phải một điều gì khác, tôi tin, tờ báo đó xứng đáng được trân trọng. Trong
bài viết chia tay bạn đọc của Tuổi trẻ Online trước khi bị đình bản, có một câu tôi
hết sức xúc động: ‘Xin tạm biệt, chúng tôi luôn nhớ bạn đọc của mình’. Hay trong
lá thư Ban biên tập gửi độc giả ngày trở lại, Chân thành cám ơn bạn đọc gần xa đã
chia sẻ với Tuổi trẻ, cũng như đã đồng hành với Tuổi trẻ suốt 43 năm qua. Mãi mãi
đối với chúng tôi, bạn đọc là một tài sản vô giá. Bởi, giá trị một tờ báo được tạo
dựng không chỉ bằng những cây bút dấn thân, chính trực, mà bằng sự thấu hiểu sâu
sắc niềm vui, nỗi đau và niềm hy vọng của công chúng. Và từ sự trao gửi đó, chính
bạn đọc đã tạo ra một Tuổi trẻ với bản sắc và giá trị riêng biệt. Chúng tôi luôn nhớ
điều đó. Và luôn nhớ thông điệp truyền đi qua nhiều thế hệ nhà báo: Vì một cuộc
sống ngày mai tốt đẹp và tử tế, Tuổi Trẻ mãi mãi phụng sự bạn đọc!
Điều đó giúp tôi tin rằng, Tuổi Trẻ thực sự là một nơi vô cùng đáng mơ ước để có
thể trở thành một phần của tờ báo này, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Bởi lẽ, theo
cuốn “Những sáng tạo trong báo chí Báo cáo toàn cầu 2018 – 2019”: “Rất nhiều cơ
quan báo chí nghĩ mình có độc giả, trong khi tất cả những gì họ có là lượt truy cập”.
Việc Tuổi Trẻ chiếm được tình cảm và niềm tin của bạn đọc khắp muôn nơi như
vậy chứng tỏ rằng đây là một tờ báo uy tín trong cuộc bùng nổ thông tin hiện nay.

Tuổi Trẻ luôn chiếm được tình cảm trong lòng bạn đọc. - ảnh: THUY THANH

Thứ tư, Tuổi Trẻ không chỉ là một môi trường rèn luyện nghiệp vụ báo chí tuyệt vời
mà còn là nơi tôi có thể tham gia các hoạt động xã hội giàu tính nhân văn. Có lẽ khi
nhắc đến những chương trình như “Tiếp sức đến trường”, “Ước mơ của Thuý”,
“Ngày hội tư vấn tuyển sinh” hay các chương trình gắn liền với chủ quyền biển đảo
như Chương trình Góp đá xây Trường Sa, ủng hộ tặng xuồng cứu hộ CQ cho
Trường Sa, mọi người đều nhớ đến thương hiệu của báo Tuổi Trẻ,… Dường như
mọi hoạt động Tuổi trẻ làm đều đi đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo nói riêng cũng
như của báo chí nói chung: Vạch trần cái xấu, bênh vực người yếu thế và lan tỏa
những điều tốt đẹp.
Các em học sinh THPT chăm chú đọc báo Tuổi Trẻ trong ngày hội tư vấn tuyển
sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức. - ảnh: THUY THANH

Từ những lý do trên, tôi chắc rằng, Tuổi Trẻ chính là nơi đáng để bất cứ sinh viên
nào cũng mơ ước được thử sức tại đây. Dù khi tôi chọn cái tên Tuổi Trẻ vào tờ đơn
đăng ký, nhiều người bảo tôi nên chọn một tờ báo dễ tính hơn, ít khó khăn hơn để
đảm bảo số lượng tin bài. Tuy nhiên, tôi nghĩ, sau 1 tháng thực tập, thứ mà mỗi sinh
viên cần quan tâm không phải là chỉ tiêu tin bài, không phải có đủ số lượng theo
yêu cầu của khoa, mà là qua thời gian đó, sinh viên học được những gì, và có cơ hội
bước những bước chân chập chững trên chặng đường làm báo đầy gian truân phía
trước của mình. Tôi thực sự hy vọng, tôi sẽ học được nhiều điều tử tế tại Tuổi Trẻ,
tờ báo mà tôi thực sự muốn gắn bó trong nghiệp báo của mình.

LỊCH SỬ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BÁO TUỔI TRẺ


Báo Tuổi Trẻ là cơ quan ngôn luận của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ
Chí Minh.

Các ấn phẩm hiện nay của báo bao gồm:


Nhật báo Tuổi Trẻ
Tuần báo Tuổi Trẻ cuối tuần
Bán nguyệt san Tuổi Trẻ cười
Báo điện tử Tuổi Trẻ Online
Truyền hình Tuổi Trẻ TV Online
Tuoi Tre News (tiếng anh)

Báo Tuổi Trẻ ra đời chính thức ngày 2 tháng 9 năm 1975. Số báo Tuổi Trẻ đầu tiên
phát hành với số lượng khoảng 5.000 bản/tuần. Trụ sở đầu tiên của báo Tuổi Trẻ tại
55 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch, Q.3, Thành phố Hồ Chí Minh). Tiền thân
của tờ báo này bắt đầu từ những tờ truyền đơn và bản tin in roneo của sinh viên, học
sinh Sài Gòn trong phong trào chống Mỹ những ngày Chiến tranh Việt Nam.
Đến tháng 07 năm 1981, Tuổi Trẻ được phát hành hai kỳ/tuần (thứ tư và thứ bảy)
với số lượng 30.000 bản/kỳ. Ngày 10 tháng 8 năm 1982, Tuổi Trẻ tăng lên ba kỳ
phát hành mỗi tuần (thứ ba, thứ năm, thứ bảy).
Ngày 16 tháng 1 năm 1983, Tuổi Trẻ Chủ nhật ra đời với số lượng khoảng 20.000
tờ mỗi kỳ. Bảy năm sau, Tuổi Trẻ Chủ nhật đạt kỷ lục 131.000 tờ trong năm 1990.
Ngày 1 tháng 1 năm 1984, Tuổi Trẻ Cười ra đời, là tờ báo trào phúng duy nhất của
Việt Nam lúc đó. Số lượng phát hành ban đầu khoảng 50.000, sau đó nhanh chóng
tăng đến 250.000 tờ vào cuối năm đó.
Đến 1 tháng 9 năm 2000, số thứ sáu được phát hành. Sau đó, 2 số thứ tư và thứ hai
lần lượt được xuất bản vào các ngày 23 tháng 1 và 7 tháng 10 năm 2002.
Ngày 1 tháng 12 năm 2003, báo điện tử Tuổi Trẻ Online ra mắt chính thức. Chưa
đầy hai năm sau, TTO đã vươn lên vị trí thứ ba về số lượt truy cập trong bảng xếp
hạng tất cả các website tiếng Việt trên thế giới.
Từ ngày 2 tháng 4 năm 2006, Tuổi Trẻ chính thức trở thành một tờ nhật báo khi
được phép ra thêm một kỳ vào ngày chủ nhật. Cùng lúc đó, tuần báo Tuổi Trẻ Chủ
Nhật đổi tên thành Tuổi Trẻ Cuối tuần (hiện phát hành 60.000 bản/kỳ).
Ngày 3 tháng 8 năm 2008, Truyền hình Tuổi Trẻ - Tuổi Trẻ TV Online (TVO) được
thành lập, sản xuất những chương trình truyền hình phát trên Tuổi Trẻ Online và
hợp tác phát sóng với các kênh truyền hình trong nước.
Từ ngày 1 tháng 11 năm 2009, Tuổi Trẻ chủ nhật ra ấn bản 4 màu (tăng lên 24
trang) phát hành lần đầu tiên.
Ngày 18 tháng 6 năm 2010, báo điện tử Tuổi Trẻ News (tiếng Anh) được thành lập
và ngay sau đó là Tuổi Trẻ Mobile vào tháng 09 năm 2010.

TIẾN ĐỘ THỰC TẬP


Báo cáo này đi kèm các văn bản ghi chép tiến độ thực tập gồm
Nhật ký thực tập với DANH SÁCH ĐẦU VIỆC TRONG QUÁ TRÌNH THỰC
TẬP và DANH SÁCH NHỮNG TÁC PHẨM ĐƯỢC ĐĂNG TẢI
BẢN IN NHỮNG TÁC PHẨM ĐƯỢC ĐĂNG TẢI TRÊN BÁO GIẤY VÀ BÁO
MẠNG

PHẦN 2: TÔI ĐÃ THỰC TẬP Ở TUỔI TRẺ NHƯ THẾ NÀO?

NHỮNG BÀI HỌC ĐÁNG GIÁ


Xin một lần nữa được nhắc lại, Tuổi Trẻ thực sự là môi trường tuyệt vời để rèn
luyện nghiệp vụ báo chí. Vậy nên, trong hơn một tháng thực tập ngắn ngủi, tôi đã
luôn luôn cố gắng học hỏi, vừa trong quá trình tác nghiệp, vừa hỏi chuyện các anh
chị phóng viên đi trước để hạn chế sai sót. Tôi học được nhiều điều hay ho mà
không phải lúc nào ngồi trên ghế nhà trường cũng có thể được học:

Tác phong tác nghiệp:

Luôn độc lập: Nếu như ở một vài cơ quan khác, các phóng viên có thể liên kết với
các phóng viên báo khác để có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh thì ở Tuổi trẻ, phóng
viên luôn phải làm việc độc lập. Ngay từ việc đưa tin sự kiện, dù nhận được thông
cáo báo chí từ BTC nhưng phóng viên Tuổi Trẻ phải tự lực quan sát, tìm kiếm điểm
mới và đưa tin sáng tạo, khác biệt, không trùng lặp. Đó cũng là điều khiến báo Tuổi
Trẻ khác biệt so với những tờ báo khác. Giữa cơn lốc thông tin ngồn ngộn, bên cạnh
việc đòi hỏi báo chí phải đưa tin chính xác, đảm bảo nguồn tin đúng đắn thì việc
đưa tin sáng tạo, độc quyền cũng là một tiêu chí để tờ báo đó chiếm được vị trí
trong lòng bạn đọc.

Luôn nhanh chóng: Ở Tuổi Trẻ có một số quy tắc bất thành văn cho phóng viên
khi tác nghiệp, đó là Nguyên tắc 30s: Khi có bất cứ một sự kiện thời sự nào, phóng
viên ngay lập tức phải ghi một tin nhanh và một ảnh để gửi về cho Ban Biên tập.
Việc đưa tin đầu tiên trong mỗi sự kiện báo chí sẽ giúp ích rất nhiều cho tờ báo có
được sự tin tưởng ở bạn đọc. Hơn nữa, việc này cũng giúp cho Tuổi Trẻ có lợi thế
hơn trong việc làm truyền thông và phát hành quảng cáo của mình. Với một tờ báo
tiên phong trong việc tự hạch toán kinh doanh, thoát khỏi sự bao cấp của cơ quan
chủ quản như Tuổi Trẻ, việc có được những hợp đồng quảng cáo là cực kỳ quan
trọng. Mà, có được sự quan tâm từ các đối tác hay không đều phụ thuộc vào tốc độ
đưa tin và làm SEO của tờ báo đó. Hơn nữa, việc đưa tin nhanh sẽ rèn luyện cho
người làm báo sự phản ứng nhanh nhạy và quan sát kịp thời. Điều đó đòi hỏi mỗi
phóng viên phải luôn sát sao với cuộc sống thường nhật, có nhiều nguồn tin và tránh
việc ngồi phòng lạnh làm báo. Đó là một trong những việc khiến tôi hết sức ấn
tượng khi làm việc tại Tuổi trẻ.

Luôn bảo mật đề tài: Trong thời gian thực tập, lướt mạng xã hội, tôi thường thấy
có rất nhiều bạn check in tại địa điểm tác nghiệp, hoặc đăng tải hình ảnh về đề tài,
bài viết của mình. Điều này hoàn toàn bị cấm tại Tuổi Trẻ. Mỗi phóng viên của
Tuổi Trẻ tuyệt đối phải bảo mật đề tài, không để lộ thông tin dù là những tin bài nhỏ
nhất. Dù biết việc liên kết giữa báo chí và mạng xã hội là cực kỳ cần thiết, tuy nhiên
những hình ảnh, thông tin đó hoặc phải được gắn liền với thương hiệu của Tuổi Trẻ.
Hoặc là dừng việc đăng tải. Thậm chí, những bức ảnh báo chí sau khi lên bài, nằm
trong phòng ảnh tư liệu cũng không được phép đăng tải lên mạng xã hội. Điều đó
giúp Tuổi Trẻ trở thành tờ báo độc quyền và có những nguồn tin, bài viết mà ít có tờ
báo nào có được.

Luôn biết dấn thân: Có lẽ đây không chỉ là phong cách làm việc của Tuổi Trẻ mà
là của tất cả các cơ quan báo chí khác. Mỗi phóng viên, nhà báo luôn phải dấn thân
để có được những thông tin chính xác nhất, hình ảnh đẹp nhất gửi về tòa soạn. Bởi,
một người làm báo không thể lười, cũng không thể ngại khó ngại khổ. Tôi luôn tâm
niệm rằng, khi phóng viên báo khác làm được thì mình cũng phải làm được. Và khi
tất cả mọi người đều làm được, thì sản phẩm của mình phải là sản phẩm tốt nhất,
chất lượng nhất. Tránh kêu than khổ sở, khó khăn, bởi những gì độc giả quan tâm là
sản phẩm. Sản phẩm là kết quả sau cùng, là minh chứng cho sự dấn thân của mình.

Làm việc đúng quy trình: Việc phóng viên làm việc đúng quy trình sẽ đem lại kết
quả tốt cho việc quản lý tin bài và đỡ mất thời gian cho nhiều người. Trong ngày
đầu tiên làm việc cùng các anh chị, tôi được giao nhiệm vụ ghi nhận không khí tại
ngày hội tư vấn tuyển sinh. Theo quy trình, phóng viên sau khi gửi ảnh và viết chú
thích cùng tên người chụp để Ban Biên tập dễ dàng nhập bài. Tuy nhiên, vì còn bỡ
ngỡ, những hình ảnh đầu tiên của tôi lại quên ghi tên mình, khiến cho việc nhập liệu
lâu hơn bình thường. Tôi được các anh chị nhắc nhở và từ đó trở thành thói quen lúc
gửi ảnh về toà soạn. Thiết nghĩ, việc ghi tên sau mỗi bức ảnh báo chí cũng là một sự
trân trọng của toà soạn đối với nhân sự của mình. Điều này hiếm gặp trong phong
cách làm việc của những tờ báo khác.

Tự tìm kiếm đề tài: Trước đây, khi viết báo, tôi thường hay lên các trang thông báo
sự kiện, những trang diễn đàn để tìm kiếm đề tài. Nhưng sau khi kiến tập ở Tuổi
Trẻ, tôi thực sự thay đổi cách tìm kiếm và tư duy đề tài. Tôi sống sát sao hơn với
cuộc đời, luôn cố gắng quan sát và tìm hiểu những điều ít ai để ý. Có lẽ từ đó mà
Tuổi Trẻ đã có được những đề tài hay, mang tính phát hiện cuộc sống và không
trùng lặp với đề tài mà các báo khác đã viết.

Tư duy đề tài: Trước khi viết bài hay chụp ảnh, tôi luôn nhớ đến những gì được
anh chị chia sẻ: Bài viết, hình ảnh đó có tác động như thế nào đến độc giả. Độc giả
quan tâm tới điều gì, điều gì có lợi cho bạn đọc? Những câu hỏi đó luôn xuất hiện
trong đầu tôi khi triển khai đề tài, từ đó tôi hướng bài viết của mình đến tính nhân
văn và trở nên sâu sắc hơn.

Viết bài
Khi viết bài, tôi học được rằng mình cần viết thật chân thực, ngắn gọn và súc tích
những gì mình cần nói. Độc giả hiện đại cần gì, thị hiếu như thế nào cũng là điều
mà mình cần quan tâm. Từ đó, thay vì làm theo những gì được dạy ở trường, tôi
thay đổi phong cách viết để phù hợp với phong cách của Tuổi Trẻ.

Thứ nhất, tránh những câu dài dòng, lan man. Độc giả hiện đại thích đọc những câu
đơn, ngắn gọn, câu chủ động.
Thứ hai, hạn chế tối đa những nhận định chủ quan. Thay vì nêu thẳng nhận định của
bản thân, tôi dùng việc miêu tả sự việc, chi tiết để độc giả nói hộ nhận định của
mình.

Thứ ba, những điều quan trọng đẩy lên trên cùng. Độc giả chỉ dừng lại ở mỗi bài
báo vào 7 giây đầu tiên, bởi vậy trong 7 đó tin bài phải thực sự là những thông tin
quan trọng gây ấn tượng mạnh để níu độc giả lại với bài viết.

Như vậy, trong thời gian kiến tập 1 tháng ngắn ngủi, tôi đã không ngừng học hỏi để
làm quen với tác phong làm việc ở đây, cũng như rèn luyện những kỹ năng làm báo
cho bản thân mình. Tôi cũng nhận ra ở Tuổi Trẻ một môi trường làm việc trong sự
cố gắng liên tục, nếu không muốn bản thân mình bị bỏ lại trong khi tất cả mọi người
đều không ngừng tiến lên.

NHỮNG THUẬN LỢI KHI ĐI THỰC TẬP

Nhắc đến thuận lợi, may mắn của tôi là đây không phải lần đầu tiên tôi cộng tác với
một cơ quan báo chí. Bởi câu chuyện vào trường báo chí của tôi thực sự bắt nguồn
từ niềm đam mê với nghề báo, nên ngay từ năm nhất, bên cạnh việc học lý luận ở
trường, tôi có những mối nhân duyên và cơ hội để theo các anh chị phóng viên, nhà
báo cho đi theo quan sát tác nghiệp. Từ đó đến nay, tôi đã cộng tác với nhiều cơ
quan báo chí như Nhân Dân, Lao Động, VietNamNet, Sinh viên Việt Nam, tạp chí
điện tử Gia đình mới… Trước khi kiến tập ở Tuổi Trẻ, tôi đã bắt đầu cộng tác ở
đây. Bởi vậy, quá trình kiến tập của tôi có phần bớt bỡ ngỡ hơn so với những sinh
viên bây giờ mới bắt đầu tác nghiệp báo chí.
Thứ hai, rất may mắn Tuổi Trẻ là nơi luôn tạo điều kiện cho sinh viên thực tập. Ở
đây, chúng tôi được các anh chị truyền đạt kinh nghiệm như một người đi trước với
đàn em khóa sau. Bởi vậy, ngoài việc đúc rút kinh nghiệm từ những lần đi tác
nghiệp, chúng tôi còn học được nhiều điều từ mỗi ngày lên cơ quan.

…NHƯNG KHÔNG TRÁNH KHỎI KHÓ KHĂN


Tuy gặp được nhiều thuận lợi trong quá trình thực tập, nhưng với một phóng viên
tập sự còn non nớt trên con đường làm báo của mình, tôi cũng gặp không ít khó
khăn.
Thứ nhất, tôi nhận thấy mình còn hạn chế trong việc triển khai đề tài. Vốn kinh
nghiệm ít ỏi, kỹ năng báo chí chưa được rèn dũa nhiều, vậy nên nhiều đề tài tôi phải
làm đi làm lại rất nhiều lần. Mỗi lần được góp ý là một lần sợi dây kinh nghiệm
càng dài. Bởi, trong nghề báo, sức trẻ không phải là thế mạnh ưu tiên. Sự xông xáo
và thông minh là ưu thế, nhưng nó không làm nên nền tảng cho một phóng viên kỳ
cựu trong tương lai. Giá trị quyết định nằm ở kinh nghiệm và kiến thức học được.
Vậy nên, việc sai sót trong quá trình tác nghiệp đã giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn
thiện mình.
Khó khăn thứ hai đối với tôi là việc bản thân mình khó có thể tiếp cận được người
khác. Không một cuốn giáo trình hay một cẩm nang nào có thể dạy cho phóng viên
cách mà anh ta có thể tiếp cận được nhân vật của mình cả. Đó là lý do mà một
phóng viên phải biết khôn khéo và mềm dịu trong cách ứng xử. Tuy nhiên, với thái
độ thẳng tính và đôi lúc còn nóng nảy, cái tôi quá cao của tuổi trẻ bồng bột, tôi cảm
thấy mình còn chưa tiếp cận được nhân vật hoàn toàn. Tuy nhiên, để tiếp tục trên
con đường làm báo của mình, tôi không thể cứ giữ tính cách đó và làm mất đi cơ
hội tìm kiếm thông tin của bản thân.

LỜI KẾT

Với tôi, nghề báo là một nghề nguy hiểm. Tôi không dung từ khó khăn cho riêng
nghề báo, bởi nhẽ nghề nào cũng có những vất vả riêng tùy theo đặc thù công việc.
Nhưng nghề báo đích thực là một nghề nguy hiểm. Nói vậy là vì, xét cho cùng,
nghề báo không mang đến cho chúng ta thứ quyền lực nào ngoài quyền được đòi
hỏi tìm đến tận cùng sự thật. Để có được sự thật đó, chúng ta phải đánh đổi nhiều
thứ, ngay cả sự an toàn của bản thân. Sau 1 tháng kiến tập chính thức tại Tuổi Trẻ,
sau 3 năm sống cùng từng nhịp thở cùng nền báo chí nước nhà, đó là những gì tôi tự
mình cảm nhận được. Những lần phóng viên bị hành hung, những tin nhắn đe dọa
nặc danh,… những điều tiêu cực vẫn tồn tại bên chúng ta mỗi ngày. Để rồi, đôi khi
chỉ vì một câu chữ không phải phép, người làm báo bị kỷ luật, bị độc giả quay lưng,
bị cô đơn trong sự nghiệp của mình,…
Nhưng, nếu vượt qua được những thứ đó, chúng ta sẽ có một điều hết sức đáng quý.
Đó là TIN. Tin- là thông tin, là điều chúng ta muốn đem lại cho bạn đọc. Tin – là
niềm tin, là thứ bạn đọc trao gửi cho những người làm báo để trở thành động lực
cho chúng ta cố gắng mỗi ngày. Một tháng kiến tập tại Tuổi Trẻ không phải là thời
gian dài nhưng cũng khiến tôi biết yêu thêm nghề báo, biết trân quý những sản
phẩm báo chí mà mình và đồng nghiệp mình làm nên. Và hơn tất cả, cái nhìn về
con đường mình đang đi được trọn vẹn và rõ ràng hơn.

You might also like