You are on page 1of 5

BẢN THAM LUẬN: LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC SINH THPT ĐỊNH HƯỚNG

ĐƯỢC NGÀNH NGHỀ TRONG TƯƠNG LAI?


Kính thưa Đoàn chủ tịch Đại hội!
Kính thưa quý vị đại biểu khách quý, thưa toàn thể Đại hội! Lời đầu tiên tôi xin
trân trọng gửi tới quý vị đại biểu cùng toàn thể Đại hội lời kính chúc sức khỏe, hạnh
phúc, chúc đại hội thành công tốt đẹp!
Kính thưa Đại hội!
1. Đặt vấn đề
Bạn đã có định hướng gì trong tương lai của mình ?
Được sự phân công của Ban tổ chức Đại hội, tôi Bùi Minh Thu đến từ chi đoàn 11A10
xin phép báo cáo tham luận LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC SINH THPT ĐỊNH HƯỚNG
ĐƯỢC NGÀNH NGHỀ TRONG TƯƠNG LAI?
Kính thưa Đại hội !
E.A.Kilomốp đã từng tâm niệm: “Lựa chọn nghề nghiệp là ngày sinh nhật thứ 2 của con
người, vị trí của nó trong xã hội, sự thoả mãn trong công tác, tình hình sức khoẻ và thể
chất cũng như tinh thần, niềm vui và hạnh phúc đều phụ thuộc vào sự lựa chọn con
đường đúng đắn đến mức nào.”
Chọn nghề đối với mỗi cá nhân trước ngưỡng cửa vào đời mang một ý nghĩa rất quan
trọng. Nó không đơn thuần là việc chọn một ngành nghề mà còn là chọn một cách sống,
một tương lai, một con đường cho bản thân của mỗi người. Dần dần việc chọn nghề
không còn mang ý nghĩa cá nhân mà còn có ý nghĩa đến toàn xã hội. Đặc biệt ngày nay
với học sinh THPT, bên cạnh việc học tập là chủ đạo thì việc lựa chọn ngành nghề là một
mối quan tâm sâu sắc, ảnh hưởng tới tất cả học sinh, không chỉ vào năm cuối cấp mà kể
cả khi học sinh học lớp 10,11.
2. Thực trạng
-  Hàng năm có hơn 400.000 cử nhân ra trường. Tuy nhiên, con số thất nghiệp là gần
200.000 lao động.
- Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, quý 4 năm 2017 cả nước có 1071,2 nghìn người lao
động trong độ tuổi thất nghiệp và đặc biết trong đó có 215,3 nghìn người có trình độ đại
học trở lên kèm theo đó là tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành lên tới 60%. Đặc biệt,
trong bối cảnh thị trường tuyển dụng có nhiều xáo trộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
như hiện nay, việc chọn được một vị trí công việc phù hợp, đúng theo chuyên ngành đào
tạo càng trở nên nan giải.
Vậy theo thầy cô, nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này?
3. Nguyên nhân: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những thực trạng trên là do học
sinh có những sai lầm trong việc lựa chọn ngành nghề
a, Thiếu nhận nhận thức về các ngành nghề:
- Bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài của nghề, không hiểu được bản chất, nội dung và yêu cầu của
nghề đó: Ngày nay trên các trang báo mạng hay các ứng dụng giải trí như Tiktok,
Facebook,.. luôn có những bài viết, video với chủ đề như “5 ngành hot nhất hiện nay, Top
những ngày ra trường dễ xin việc,...” thu hút rất nhiều lượt xem đặc biệt là học sinh.
Chính từ đó và cùng với yếu tố tác động đã khiến học sinh thích thú, nhanh chóng quyết
định chọn 1 ngành nghề mà không cần tìm hiểu nó ra sao, đặc thù của nó như thế nào?
Chỉ thông qua một vài video 2,3 phút hay một bài báo mạng không rõ minh chứng xác
thực mà các bạn quyết định luôn con đường cho cuộc đời mình.
- Không nhận thức, đánh giá được đúng năng lực của bản thân nên lúng túng trong việc
chọn nghề thậm chí chọn ngành vượt quá trình độ của bản thân.
B, Học sinh bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài
- Sự định hướng của cha mẹ:
+) Những tác động từ phía gia đình, mà cụ thể là ở những thành viên lớn tuổi trong gia
đình có những ảnh hưởng đáng kể tới quá trình chọn nghề của học sinh. Theo văn hoá
truyền thống của người Việt Nam, người lớn luôn có vị thế xã hội cao hơn so với thế hệ
con cháu, mặt khác, người lớn thường có nhiều ưu thế hơn về kinh nghiệm do đó, người
lớn thường có xu hướng áp đặt cho con cháu phải lựa chọn những nghề mà theo kinh
nghiệm, hiểu biết và các mối quan hệ của họ được họ đánh giá là tốt đẹp.
+) Mặt khác, là cha mẹ ai cũng muốn con cái nối nghiệp con đường mà họ đã trải qua ,
đặc biệt các bậc cha mẹ đã có những thành công nhất định trong nghề nghiệp thường có
định hướng cho con mình tiếp tục truyền thống nghề nghiệp đó.
- A dua theo bạn bè cùng trang lứa: không khó để ta thấy những tình trạng học sinh chơi
thân, tình cảm gắn bó nên muốn thi cùng trường, chọn cùng ngành để học cùng nhau.
=> Dù là trong trường hợp nào thì đối với những học sinh có lối sống thụ động trong mọi
công việc thì những ảnh hưởng bên ngoài sẽ có tác động mạnh mẽ lên quyết định lựa
chọn của các em, và vì thế kết quả của sự lựa chọn nghề thường không phù hợp năng lực,
tính cách của học sinh nên họ sẽ không thực sự thích thú với con đường mình chọn.
4. Hậu quả

- “Hệ lụy của việc chọn ngành, chọn nghề sai của học sinh không chỉ lãng phí thời gian,
tiền bạc mà còn khiến các bạn bắt nhịp với thị trường lao động bằng sở đoản. Vì vậy,
trong việc chọn ngành nghề, cha mẹ hãy để học sinh tự lắng nghe và trả lời các em cần gì,
muốn gì và thích gì” - TS. Vũ Xuân Hùng  (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) chia sẻ  

- Nhiều bạn chưa hiểu rõ yêu cầu, mục tiêu công việc nên ra trường rất lúng túng, vật lộn
để tìm một công việc phù hợp. Những bạn sinh viên chọn sai nghề ra trường đi làm thì lại
bỏ việc hoặc làm trái nghề

Vd: Theo điều tra của bộ Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, sau khi tốt nghiệp
chỉ khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài, trong khi 30%
muốn tìm việc khác, 40% còn lại chưa rõ mục tiêu nghề nghiệp.

5. Giải pháp

Với sự cấp thiết của vấn đề trên, các bạn có giải pháp gì cho việc chọn ngành, chọn
nghề?/Thầy cô có những phương tiện gì để giúp các bạn xác định được thế mạnh của
mình, chọn được một ngành nghề thích hợp với mình?

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, khoa học, công nghệ, dẫn đến thế giới nghề
nghiệp càng ngày càng phong phú và đa dạng. Và càng có nhiều nghề bao nhiêu thì hoạt
động lựa chọn nghề của học sinh càng khó bấy nhiêu. Hoạt động này đòi hỏi mỗi học
sinh phải có hiểu biết nhất định về nghề, hiểu biết về bản thân với những đặc tính cơ bản
như năng lực, tính cách, hứng thú...qua đó cá nhân chọn lọc, lựa chọn và ra quyết định
chọn lấy một nghề mà bản thân thấy có ý nghĩa và phù hợp nhất

- Nhận thức đúng đắn về ngành nghề mình đã chọn: (nhận thức về thế giới nghề và những
yêu cầu đặc trưng của nghề đối với người chọn nghề, nhận thức về những đặc điểm cá nhân,
nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động chọn nghề). Quá trình nhận thức
và tìm hiểu càng sâu và rộng thì khả năng chọn cho mình một đối tượng ngành nghề phù
hợp lại càng cao. Bên cạnh đó nó còn thúc đẩy hành động chọn nghề của học sinh phù hợp với
nguyện vọng, khả năng của mình giúp cho học sinh có nhu cầu nâng cao hiểu biết về nghề ngày
một phong phú hơn, sâu sắc hơn, hình thành nên tình cảm bền vững với nghề, tạo điều kiện để
con người cống hiến hết sức mình cho lợi ích xã hội và lợi ích bản thân.

- Bên cạnh việc hiểu biết về thế giới nghề nghiệp thì việc đánh giá đúng khả năng cũng
như hứng thú nghề nghiệp của bản thân có một ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn
nghề của học sinh, khi học sinh ý thức được năng lực, khả năng và hứng thú của mình, đó
là soi chúng với những yêu cầu của nghề nghiệp để qua đó chọn lọc những lĩnh vực nghề
nghiệp mà mình có khả năng đáp ứng được đầy đủ nhất. Nếu chúng ta không đánh giá
đúng năng lực, tính cách của bản thân để rồi lựa chọn một nghề mà các em không có khả
năng đáp ứng sẽ dẫn tới những khó khăn trong đào tạo nghề và quá trình thích ứng và
phát triển nghề nghiệp sau này. Ngược lại nếu các ta đánh giá quá thấp bản thân để rồi sẽ
phải bỏ lỡ lựa chọn một nghề mà các em yêu thích.

6. Kết quả
Nếu đảm bảo được những điều trên học sinh sẽ:
- Có thêm những hiểu biết về ngành nghề mình đã chọn
- Định hướng được mục tiêu để bản thân cố gắng
- Không tốn chi phí, thời gian học tập
- Tự tin hơn
- Dễ dàng tìm được công việc trong tương lai
- Con đường thành công, thăng tiến cũng đến gần hơn
7. Phương hướng trong thời gian tới
Với những phần bàn luận và giải pháp như trên thì trong thời gian tới bạn có những thay
đổi hay những phương hướng nào trong việc định hướng ngành nghề tại thời điểm hiện
tại?
- Học sinh tìm kiếm cho mình một ngành nghề phù hợp với bản thân ngay từ khi còn là
học sinh THPT: hiểu rõ được sở trường và năng lực của mình để tìm cho bản thân một
con đường phù hợp
- Tìm hiểu về ngành nghề mình sẽ chọn . Chọn nghề mà hiểu biết quá ít, thậm chí không
hiểu biết một chút gì về nghề sẽ thành trở ngại lớn cho hoạt động cá nhân tạo nên sự bi
quan miễn cưỡng trong lao động, day dứt trong cuộc sống, nhiều khi dẫn đến tình trạng
bỏ nghề vì không hoạt động có hiệu quả trong nghề mình định chọn.
- Không ngừng trau dồi bản thân băng cách rèn luyện, học hỏi nhiều hơn để bản thân có
nền tảng vững chắc, có kiến thức, nâng cao giá trị bản thân
Vd: có thói quen đọc sách mỗi ngày, học thêm một ngôn ngữ mới, rèn thói quen tự
học,....
- Năng động, tích cực hơn trong mọi hoạt động của trường, lớp
Vd: Tích cực tham gia các Câu lạc bộ, những tiết học trải nghiệm thực tế,...
- Dành thời gian đi tham quan Bảo tàng, Di tích lịch sử ở địa phương để hiểu sâu, biết
rộng
- Về phía cha mẹ: Tích cực động viên con cái, quan tâm, chia sẻ để hiểu con nhiều hơn
con và cùng con định hướng trong tương lai,...
- Về phía nhà trường: Song hành với việc giảng dạy thì nhà trường nên cùng phụ huynh
đưa ra những biện pháp, cơ hội để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trên con đường học
tập và tiến tới tương lai
Vd: Tổ chức hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, tổ chức những tiết học trải nghiệm thực
tế để học sinh khám phá được nhiều hơn, sinh hoạt Câu lạc bộ,... để học sinh tập làm
quen với sự chủ động, năng động trong mọi công việc
8. Kết luận lại vấn đề
- Qua những phần khai thác ở trên, thì vấn đề xác định đúng ngành nghề ngay từ bậc
THPT là vô cùng quan trọng. C.Mác năm 17 tuổi đã nhận thức sâu sắc được tầm quan
trọng của vấn đề này “Cân nhắc cẩn thận vấn đề này, đó là trách nhiệm đầu tiên của một
thanh niên bước vào đời mà không muốn coi những việc quan trọng nhất của mình là
ngẫu nhiên.”
- Mong rằng qua bài tham luận ngày hôm nay, các bạn ngồi dưới đây nếu ai đã có cho
mình một đam mê và khát vọng thì chúc các bạn sẽ luôn nỗ lực và đạt được thành quả
cao trên con đường bạn đã chọn. Còn với ai chưa có cho mình một định hướng rõ ràng thì
mong rằng những giải pháp và phương hướng đề cập ở trên sẽ le lói lên một tia sáng
trong tiềm thức của các bạn để các bạn cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn nữa thực
hiện khát vọng ấy. Và dù mai này các bạn có là ai, làm ngành nghề gì hay đi bất cứ con
đường nào thì xin chúc các bạn thành công trên con đường bạn đã chọn, dẫu không phải
là con đường trải đầy hoa hồng, dẫu có lắm chông gai, gian nan hay thử thách thì hãy nỗ
lực đứng lên vì “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” – chúng ta mãi mãi không thể quay lại
một thời thanh xuân năng động, nhiệt huyết này một lần nào nữa nên hãy cứ làm điều
mình thích, sống hết mình vì một tương lai tươi sáng đón chờ ta !

You might also like