You are on page 1of 11

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

BÀI TẬP LỚN


Môn: Kinh tế chính trị Mác-Lênin

Đề bài:
Trình bày lý luận của C.Mác về hàng hóa sức lao động? Thực trạng và giải pháp
để phát triển thị trường hàng hóa sức lao động ở nước ta hiện nay?

Họ và tên: Cao Ngọc Diệp


Lớp: POHE3 - Truyền thông Marketing 64
MSV: 11221288
Giảng viên giảng dạy: TS. Nguyễn Thị Hào

Hà Nội 2023
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU...………………………………………………………………..…….3
CHƯƠNG 1: HÀNG HÓA SỨC LAO ĐỘNG...…………………...…….…..4
1.1. Khái niệm sức lao động và điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa....4
1.1.1. Khái niệm sức lao động....………………………………………....4
1.1.2. Điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa…………………….4
1.2. Thuộc tính của hàng hóa sức lao động……………………………………...4
1.2.1. Giá trị hàng hóa sức lao động...........................................................4
1.2.2. Giá trị sử dụng hàng hóa sức lao động.............................................5
CHƯƠNG 2: THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA SỨC LAO ĐỘNG Ở VIỆT
NAM…………………………………………………………………………….6
2.1. Khái niệm thị trường sức lao động…………………………………………6
2.2. Thực trạng thị trường hàng hóa sức lao động ở Việt Nam hiện nay.……….6
2.2.1. Mất cân bằng cung - cầu lao động..…………………………..……6
2.2.2. Thất nghiệp………....……………………………………......…….7
2.2.3. Trình độ lao động thấp……………………………………...….......7
2.3. Giải pháp để phát triển nền thị trường hàng hóa sức lao động……………..8
2.3.1. Định hướng phát triển đến năm 2030…………………………...…8
2.3.2. Một số giải pháp trong thời gian tới……………………………….8
KẾT LUẬN....…………………………………………………………………10
TÀI LIỆU THAM KHẢO……………………………………………………11

2
MỞ ĐẦU
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động hiện nay, vấn đề thị trường hàng
hóa sức lao động không chỉ là tiêu thức kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị.
Đối với một đất nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến
tới hội nhập toàn cầu thì vấn đề này lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Với tư cách là một sinh viên – thế hệ tương lai của đất nước, em thấy tầm quan
trọng của việc phân tích và làm rõ lý luận hàng hóa sức lao động và thị trường
lao động để củng cố niềm tin vào đường lối chính sách của Đảng, đóng góp vào
sự phát triển của quốc gia và chuẩn bị hành trang cho sự nghiệp của bản thân
sau này. Vì vậy, em xin chọn đề tài “Trình bày lý luận của C.Mác về hàng hóa
sức lao động? Thực trạng và giải pháp để phát triển thị trường hàng hóa sức lao
động ở nước ta hiện nay” làm đề tài cho bài tiểu luận này.

3
CHƯƠNG 1: HÀNG HÓA SỨC LAO ĐỘNG
1.1. Khái niệm sức lao động và điều kiện để sức lao động trở thành hàng
hóa
1.1.1. Khái niệm sức lao động.
Theo C.Mác: “Sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực
thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và
được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó”
Nói cách khác, sức lao động là toàn bộ thể lực và trí lực trong cơ thể con người
và được vận dụng vào quá trình sản xuất.
1.1.2. Điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa.
Mọi công việc sản xuất kinh doanh đều cần đến lao động. Tuy nhiên, hàng
hóa sức lao động không phải xuất hiện ngay khi có sản xuất hàng hóa. Theo
thực tiễn lịch sử phát triển kinh tế thế giới, sức lao động chỉ trở thành hàng hóa
khi sản xuất hàng hóa phát triển đến trình độ nhất định làm xuất hiện những
điều kiện biến sức lao động thành hàng hóa.
Thứ nhất, người lao động phải được tự do về thân thể. Điều này có nghĩa là
trên thị trường, chỉ khi do người làm chủ thân thể của mình và có quyền bán sức
lao động thì sức lao động mới trở thành hàng hóa.
Thứ hai, người lao động buộc phải bán sức lao động của mình. Khi người lao
động không có đủ các tư liệu sản xuất cần thiết để tự kết hợp với sức lao động
của mình tạo ra hàng hóa để bán cho nên họ phải bán sức lao động của mình để
tồn tại.
1.2. Thuộc tính của hàng hóa sức lao động
Tương tự như những loại hàng hóa thông thường khác, hàng hóa sức lao động
cũng có hai thuộc tính là giá trị và giá trị sử dụng
1.2.1. Giá trị hàng hóa sức lao động
Giá trị hàng hóa sức lao động được quyết định bởi số lượng thời gian lao động
cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động. Tuy nhiên, do hàng hóa sức
lao động tồn tại trong con người đang sống nên để có thể tái sản xuất ra năng
lực đó, người lao động phải tiêu dùng một số lượng các tư liệu sinh hoạt nhất
định. Nói cách khác là giá trị của hàng hóa sức lao động sẽ được đo lường gián
tiếp thông qua giá trị của các tư liệu sinh hoạt để tái sản xuất ra sức lao động.

4
Quy mô những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người lao động là một đại lượng
xác định do những bộ phận sau hợp thành:
Một là, giá trị những tư liệu sinh hoạt (vật chất và tinh thần) cần thiết để tái sản
xuất sức lao động, duy trì đời sống của người lao động.
Hai là, phí tồn đào tạo người lao động.
Ba là, giá trị những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho gia đình, cho con cái của
người lao động
Ngoài ra, do sức lao động chỉ tồn tại trong cơ thể sống của con người nên giá
trị hàng hóa sức lao động bao hàm cả yếu tố tinh thần và lịch sử. Yếu tố tinh
thần thể hiện việc người lao động không chỉ có nhu cầu về vật chất mà còn có
nhu cầu về tinh thần. Yếu tố lịch sử tác động đến nhu cầu qua các hoàn cảnh
lịch sử quốc gia, thời kì, trình độ văn minh, phong tục tập quán, vị trí địa lý và
khí hậu của nước đó.
1.2.2. Giá trị sử dụng hàng hóa sức lao động
Giá trị sử dụng hàng hóa sức lao động được thể hiện qua quá trình tiêu dùng
sức lao động, nói cách khác là quá trình người công nhân tiến hành lao động sản
xuất. Tuy nhiên, những tính chất riêng biệt của hàng hóa sức lao động vẫn được
thấy rõ qua hai biểu hiện sau:
Thứ nhất, đối với hàng hóa thông thường, sau quá trình tiêu dùng và sử dụng,
giá trị và giá trị tiêu dùng đều giảm và biến mất dần theo thời gian. Ngược lại,
đối với hàng hóa sức lao động, quá trình tiêu dùng lại là quá trình sản xuất ra
một loại hàng hóa, giá trị mới lớn hơn nhiều so với ban đầu. Phần lớn hơn này
được gọi là giá trị thặng dư - đặc điểm cơ bản nhất của giá trị sử dụng hàng hóa
sức lao động.
Thứ hai, con người là chủ thể của hàng hóa sức lao động dẫn đến vấn đề cung
ứng sức lao động sẽ bị phụ thuộc vào các yếu tố như tâm lý, kinh tế, xã hội. Đối
với hầu hết các thị trường khác, con người sẽ gây nên những tác động đến cầu
nhưng tại thị trường lao động, con người sẽ ảnh hưởng quyết định đến cung.

5
CHƯƠNG 2: THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA SỨC LAO ĐỘNG Ở
VIỆT NAM
2.1. Khái niệm thị trường sức lao động
Thị trường ra đời, phát triển gắn liền với sự phát triển của sản xuất hàng hóa.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của sản xuất và trao đổi, khái niệm thị
trường cũng có nhiều cách quan niệm khác nhau. Song, khái niệm thị trường có
thể hiểu như sau: “Thị trường là sự biểu hiện thu gọn của quá trình mà thông
qua đó các quyết định của các gia đình về tiêu dùng các mặt hàng nào, các quyết
định của các công ty về sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và các quyết định
của người công dân về việc làm bao lâu cho ai đều được dung hòa bằng sự điều
chỉnh giá cả”
Trong hệ thống các thị trường, thị trường lao động được xem là một trong
những loại thị trường cơ bản và có vị trí đặc biệt do những tính chất của hàng
hóa sức lao động.
2.2. Thực trạng thị trường hàng hóa sức lao động ở Việt Nam hiện nay
Trong quá trình phát triển thị trường lao động ở Việt Nam trong thời đại công
nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn liền với hội nhập quốc tế, thị trường lao động ở Việt
Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề như sau:
2.2.1. Mất cân đối cung-cầu lao động
Đánh giá về thị trường lao động trong thời gian qua, Bộ Lao động – Thương
binh và Xã hội cho biết, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một
thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều, đáng chú ý là việc mất
cân đối cung – cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề
kinh tế, giữa các loại lao động khác nhau
Theo vùng kinh tế, vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 11,9% lực lượng
lao động cả nước, nhưng chỉ có 8% lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ
sở sản xuất kinh doanh của cả nước. Tỷ lệ tương ứng của các vùng lần lượt như
sau: Đồng bằng sông Hồng 22,3% - 30,5%; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền
Trung 20,2% - 16%; Tây Nguyên 7,1% - 3%; Đông Nam Bộ 20,14% - 28,5%;
Đồng bằng sông Cửu Long 18,2% - 12,7%.
Lực lượng lao động tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn (lực lượng lao động
ở nông thôn chiếm 62,8%). Dư cung lao động tập trung ở vùng Bắc Trung bộ và
Duyên hải miền Trung, Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, trong khi
dư cầu lao động lại ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng.

6
2.2.2. Thất nghiệp
Trước biến động của thị trường quốc tế và trong nước, những tháng cuối năm
2022, một số doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ
đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải
cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Theo báo cáo nhanh của 63 tỉnh, có 528 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh
doanh, phải cắt giảm việc làm; số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh
nghiệp hơn 600 nghìn người (trong đó hơn 50 nghìn người bị mất việc làm (chiếm
8,4% số lao động bị ảnh hưởng). Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý
IV/2022 là hơn 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước. Cùng
trong thời gian này, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng 0,04%.
Theo Tổng cục Thống kê nhận định: “Trong thời gian tới, tình hình trong nước
và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Tình hình sản xuất, kinh doanh
của doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm
có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất
việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống”
2.2.3. Trình độ lao động thấp
Nguồn cung lao động ở Việt Nam hiện nay luôn xảy ra tình trạng thiếu
nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động một số ngành dịch vụ
(ngân hàng, tài chính, thông tin viễn thông, du lịch…) và công nghiệp mới. Năm
2022, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 26,2%, chưa đáp ứng được
yêu cầu phát triển của thị trường.
Ngoài ra, tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả
về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai, chưa đáp ứng được cường
độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn
quốc tế. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc
theo nhóm, không có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng
kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc. Có thể nói, chất lượng nguồn nhân lực
như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm
hơn 20% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu
vực ASEAN.

7
2.3. Giải pháp để phát triển nền thị trường hàng hóa sức lao động hiện nay
2.3.1. Định hướng phát triển đến năm 2030
Với giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đại hội XIII của Đảng xác
định: Phải tạo bước phát triển mới cho đất nước với mô hình tăng trưởng dựa trên
cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới
sáng tạo. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công
nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là
nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045
trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Để phát triển thị trường Việt Nam hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế, Chính
phủ có quyết định về việc “Ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường
lao động đến năm 2030” theo hướng tiếp cận chuẩn mực nền kinh tế thị trường
hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế với mục tiêu chung và quan điểm định hướng
như sau:
Về quan điểm định hướng:
Một là, phát triển thị trưởng toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả,
phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát
triển KT-XH của đất nước.
Hai là, nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển thị trường thông qua
việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống văn
bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những
rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ba là, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong
nước gắn với thị trường lao động quốc tế.
2.3.2. Một số giải pháp trong thời gian tới.
Vậy để thực hiện những mục tiêu, định hướng trên, nhà nước cần thực hiện
đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để
thị trường hàng hóa sức lao động phát triển theo hướng hiện đại, đầy đủ và hội
nhập quốc tế.
Hoàn thiện chính sách theo hướng giải phóng triệt để sức sản xuất và sức lao
động, phát huy cao nhất đóng góp của người lao động có kỹ năng cho tăng trưởng

8
kinh tế, thúc đẩy tạo việc làm bền vững và có thu nhập cao. Đặc biệt là tự do hóa
mạnh hơn nữa để lao động, nhất là lao động có kỹ năng được tự do lựa chọn việc
làm, tự do di chuyển trên thị trường lao động, không bị rào cản bởi khu vực kinh
tế, địa giới hành chính và nơi cư trú. Có chính sách khuyến khích hình thành và
phát triển nhanh thị trường hàng hóa sức lao động trình độ cao, tạo môi trường
thuận tiện cho việc di chuyển giữa các ngành, vùng và lĩnh vực nhằm thúc đẩy
chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng hiện đại, phát triển kinh
tế tri thức, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu và phân công lao động
quốc tế.
Hai là, trên cơ sở cầu lao động trên thị trường hàng hóa sức lao động hiện đại,
đầy đủ và hội nhập, cần tập trung phát triển cung lao động thông qua đổi mới đào
tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, chuyển mạnh từ trang bị
kiến thức (lý thuyết) sang phát triển kỹ năng nghề đạt tiêu chuẩn Việt Nam, từng
bước đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế cho người lao động, nhất là cho lao động
trẻ; phát triển đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường, tăng
cường liên kết giữa cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp với các
mô hình đa dạng, hiệu quả; chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm (ngoại ngữ, công
nghệ thông tin, năng lực sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm và trong môi trường đa
văn hóa...).
Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức, vận hành, hỗ trợ phát triển thị trường
của Nhà nước. Trong đó, Nhà nước thiết lập hành lang pháp lý phù hợp với kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiếp cận chuẩn mực quốc tế; hỗ trợ
thị trường hàng hóa sức lao động phát triển (đầu tư hạ tầng dịch vụ, chuyển đổi
số, phát triển lưới an sinh xã hội và bảo hiểm, kết nối thị trường trong và ngoài
nước, phát triển phân khúc thị trường đặc thù); đổi mới và nâng cao hiệu quả
thanh tra thị trường; phản ứng chính sách kịp thời để xử lý những tác động không
mong muốn trong hội nhập và tham gia thị trường lao động quốc tế…
Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tổ chức như ILO, Quỹ Dân
số Liên hợp quốc (UNFPA), Ngân hàng Thế giới (WB),... và các nước phát triển,
các nước ASEAN để học tập, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính
cho xây dựng chính sách và tổ chức vận hành, quản trị hiệu quả thị trường hàng
hóa sức lao động.

9
KẾT LUẬN
Sau bài tiểu luận trên, ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc phát triển
lý luận “hàng hoá sức lao động” trong việc phát triển thị trường hàng hóa sức
lao động hiện nay. Đây là bước đệm cho những chính sách và đường lối phát
triển sau này của Đảng trong việc phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ trí thức,
nâng cao dân trí để thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước. Vì vậy, chỉ sau khi phân tích và hiểu rõ, chúng ta mới có thể ứng dụng
được một cách hiệu quả lý luận hàng hóa sức lao động của C.Mác vào thực tiễn
thị trường sức lao động ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề lao động có vai
trò quan trọng, mang tính cấp thiết, lâu dài đối với sự phát triển bền vững nền
kinh tế. Vì vậy, việc làm rõ thực trạng và những vấn đề còn tồn tại của lao động
Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề cần thiết cho sự nghiệp phát
triển của quốc gia sau này.

10
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Việt

1. Ngô Tuấn Nghĩa (2019) chủ biên. Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác - Lênin,
NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

Tài liệu internet

1. Minh Trang (2023). Năm 2023: Nguy cơ thất nghiệp và thiếu việc làm gia
tăng, Markettimes.vn, https://markettimes.vn/nam-2023-nguy-co-that-
nghiep-va-thieu-viec-lam-gia-tang-12967.html

2. Nguyễn Hữu Dũng (2022). Phát triển thị trường lao động Việt Nam hiện
đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế, tapchicongsan.org.vn,
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi//2018/825
694/phat-trien-thi-truong-lao-dong-viet-nam-hien-dai%2C-day-du-va-
hoi-nhap-quoc-te.aspx

3. Ngân Anh (2023). Quý I/2023: Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động
ước tính là 2,25%,, Nhandan.vn, https://nhandan.vn/quy-i2023-ty-le-that-
nghiep-trong-do-tuoi-lao-dong-uoc-tinh-la-225-post745234.html

4. Quỳnh Anh (2022). Lý luận của C.Mác về hàng hóa sức lao động và sự
phát triển của thị trường hàng hóa sức lao động ở Việt Nam hiện nay,
Studocu, https://www.studocu.com/vn/document/truong-dai-hoc-sai-
gon/kinh-te-chinh-tri-mac-lenin/ly-luan-cua-cmac-ve-hang-hoa-suc-lao-
dong-va-su-phat-trien-cua-thi-truong-hang-hoa-suc-lao-dong-o-viet-nam-
hien-nay/24991714

5. Nhật Dương (2022). Mất cân đối cung cầu lao động cục bộ giữa các địa
phương, VnEconomy.vn, https://vneconomy.vn/mat-can-doi-cung-cau-
lao-dong-cuc-bo-giua-cac-dia-phuong.htm

11

You might also like