You are on page 1of 13

Đề luyện:

Phân tích vẻ đẹp của dòng sông Hương từ góc nhìn văn hoá. Từ đó nhận xét
về nghệ thuật miêu tả đặc sắc của HPNT trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”

Dàn ý chi tiết

1. Giới thiệu tác giả và tác phẩm


+ Như chúng ta biết, Ai đã đặt tên cho dòng sông? của HPNT không chỉ viết
về sông Hương với những vẻ đẹp tự nhiên của nó, mà còn là dòng sông gắn với
văn hoá-lịch sử của vùng đất kinh kì cũ.
+ Đã có những dòng sông quê hương thành thơ, thành nhạc, nhưng ít có
dòng sông nào mang chứa trong mạch ngầm của nó những lớp trầm tích văn hoá
như sông Hương.
+ Vẻ đẹp của sông Hương đã được tiếp cận từ nhiều góc độ. Nếu từ góc nhìn
địa lí, sông Hương hiện lên như một dòng sông thuộc về một thành phố duy nhất-
là “người tình” dịu dàng, mãnh liệt, thuỷ chung của kinh thành Huế, nếu từ góc
nhìn lịch sử, sông Hương hiện ra như một thiên sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh
biếc, thì từ góc nhìn văn hoá, sông Hương là một “người mẹ phù sa của một vùng
văn hoá xứ sở”.

2. Phân tích
2.1. Sông Hương-dòng sông của âm nhạc.
+ Trước hết, tác giả đã gắn côi nguồn của nền âm nhạc cổ điển Huế với
sông Hương: “Quả đúng như vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh
thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa
tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya”. Dường như từ những âm thanh
của dòng sông tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga rền mặt nước, tiếng mái chèo
khua nước đêm khuya, tiếng nước vỗ mạn thuyền, hay những giọt nước rơi nhẹ...,
những nghệ nhân xưa, nhìn mặt nước sông Hương in bóng trăng thanh, đã cảm
hứng mà soạn ra những bản nhạc cổ điển và cả những điệu hò mái nhì, mái đẩy để
gửi lòng mình với quê hương xứ sở.
+ Và ngược lại, hôm nay trên sông nước mênh mang, những câu hò xứ Huế
vút lên, luyến láy, ngân vang bồi hồi xao xuyến, những câu hò mang vẻ đẹp của
người xứ Huế: “Còn non, còn nước còn dài, còn về còn nhớ….”
+ Bằng những liên tưởng thú vị, HPNT đã ví sông Hương như “một người
tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Từ dòng sông “mềm như tấm lụa, với những chiếc
thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi ”, những điệu hò vút lên, khiến nhà
văn liên tưởng đến tiếng đàn của bậc tài nữ Thuý Kiều. Chỉ có những bậc tài nhân
tinh tế mới có được những liên tưởng như thế.
+ HPNT còn có phát hiện về mối liên hệ giữa sông Hương-âm nhạc Huế và
Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đại thi hào đã từng có thời gian sống ở Huế. Trong
trí tưởng tượng của HPNT, Nguyễn Du đã có những đêm trăng xuôi thuyền trên
sông Hương, ngắm “phiến trăng sầu” treo lơ lửng giữa bầu trời trên sông nước êm
đềm. Giữa dập dềnh trăng nước, thi nhân lắng nghe âm thanh của dòng sông, gửi
hồn vào những điệu nhạc dìu dặt từ khoang thuyền, để rồi âm hưởng của dòng
nhạc cổ điển cũng như những điệu hò dân gian đã ít nhiều để lại dấu vết trong
Truyện Kiều chăng? Dấu vết ấy thể hiện rõ nhất ở tiếng đàn ai oán, nỉ non của
nàng Kiều: Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời.
HPNT đã dẫn ra câu chuyện về một nghệ nhân già khi nghe những câu thơ tả tiếng
đàn của TKiều, đã chợt nhận ra âm hưởng của âm nhạc cung đình và bật thốt lên:
Đó chính là “Tứ đại cảnh”-tên một bản nhạc cổ Huế tương truyền do vua Tự Đức
sáng tác.
+ Bóng dáng NDu và những trang Kiều nhiều lần xuất hiện trong bài kí bộc
lộ môt khả năng liên tưởng phong phú, một vốn liếng văn hoá sâu rộng và sự gắn
kết với truyền thống cũng như sự đồng điệu của những tâm hồn nghệ sĩ tài hoa trên
dòng Hương Giang.

2.2. Sông Hương- dòng sông của thi ca.


+ Bằng những kiến thức phong phú, với một cách viết đầy chất thơ, HPNT
thức dậy một dòng sông đã gợi cảm hứng sáng tạo cho bao người nghệ sĩ xưa, nay
và mai sau.
+ Trước hết, với cách viết liên văn bản, HPNT đã làm sống dậy những vần
thơ biếc xanh của Tản Đà về Huế : Dòng sông trắng-lá cây xanh (bài Chơi Huế).
Trên văn bản của HPNT, câu thơ Tản Đà như một nét chấm phá gợi cảm khiến
dòng sông Hương qua ngòi bút nhà văn càng thêm thơ mộng. Giữa “màu cỏ lá
xanh biếc” của một nhà văn rất Huế và ‘dòng sông trắng-lá cây xanh” trong con
mắt đa tình Tản Đà có sự tương giao đồng điệu của những tâm hồn nghệ sĩ nhạy
cảm với sắc biếc của thiên nhiên.
+ Nhà văn cũng làm sống dậy một sông Hương hùng tráng bất tử, với khí
phách ngang tàng trong thơ Cao Bá Quát: ‘Trường giang như kiếm lập thanh
thiên” (sông dài như kiếm dựng trời xanh). Tinh tế hơn, tác giả cảm nhận trong
không gia Huế và dòng sông Hương có “nỗi quan hoài vạn cổ”, nỗi buồn trời, non,
nước bãng lãng trong thơ BHTQuan. Đặc biệt, một lần nữa tác giả lại đặt sông
Hương cạnh những trang Truyện Kiều của Nguyễn Du, và từ thân phận nàng Kiều,
thật bất ngờ nhà văn gợi lại dòng Hương giang “nước trong veo” với những kiếp
sống giang hồ được phục sinh trong xã hội mới (Bài thơ Tiếng hát sông Hương-
Tố Hữu).
+ Sông Hương thay hình đổi dạng trong những trang thơ: dòng sông mềm
như dải lụa, dòng sông trắng hay như kiếm dựng trời xanh đều xuất phát từ những
trái tim nặng lòng với Huế. Bằng vốn kiến văn phong phú, HPNT khơi dậy vẻ đẹp
của một dòng sông trong dòng chảy thi ca dân tộc và theo tgiả: dòng sông ấy
không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ.
+ Với Ai đã đặt tên cho dòng sông?, HPNT đã góp thêm một bài thơ-văn
xuôi vào dòng cảm hứng vô tận về sông Hương- xứ Huế.

Đề luyện: Cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của Sông Đà trong tuỳ bút
Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và sông Hương trong bút kí Ai đã đặt tên
cho dòng sông(Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Dàn ý chi tiết


1. Giới thiệu hai tác phẩm, tác giả
+ Hình ảnh dòng sông trong văn chương: Được khai thác ở rất nhiều phương
diện, từ vẻ đẹp của cảnh quan, đến ý nghĩa lịch sử, từ những rưng động mà song có
thể gợi ra trong tâm hồn người đến sắc màu văn hoá hội tụ trong nó.
+ Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều là những nhà văn có niềm
say mê, thiết tha với vẻ đẹp của đất nước quê hương. Hai nhà văn đã có sự gặp gỡ
trong cảm hứng nhưng cũng có những khám phá riêng khi thể hiện vẻ đẹp thơ
mộng, trữ tình của dòng sông đất nước qua hai hình tượng: sông Đà, sông
Hương…

2. Cảm nhận khái quát


+ Giải thích: Vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình là vẻ đẹp có khả năng khơi gợi
những cảm xúc lãng mạn, cảm giác dịu dàng, những rung động sâu sắc được miêu
tả để biểu hiện những cảm xúc tình cảm của người nghệ sĩ trước cuộc sống
+ Trong 2 thiên tuỳ bút, dưới ngòi bút tài hoa, tài tử của Nguyễn Tuân và
Hoàng Phủ Ngọc Tường, hình tượng hai con sông đều hiện ra như những sinh thể-
nhân vật có hồn có tâm trạng.
+ Nếu sông Đà của Nguyễn Tuân là con sông có hai tính cách đối lập nhau
là hung bạo và trữ tình, thì sông Hương của HPNT là dòng sông mang vẻ đẹp của
một thiên sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Và hai nhà văn đã gặp gỡ nhau ở
việc miêu tả vẻ đẹp dịu dàng trữ tình của hai còn sông, dùng tất cả bút lực của
mình để điểm tô cho hai dòng sông trở thành những ấn tượng khó quên trong lòng
người đọc.
3. Cảm nhận chi tiết
3.1. Vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà
+ Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, dòng sông Đà không chỉ hiện lên như
một loài thuỷ quái nham hiểm, một kẻ thù hung bạo số một, mà còn hiện ra như
một giai nhân yêu kiều đằm thắm. Thật vậy, dòng sông dữ dằn và hung bạo như
vậy đồng thời cũng là một dòng sông hiền lành, trữ tình, thơ mộng và rất mĩ lệ.
+ Khắc hoạ vẻ đẹp trữ tình này, hình ảnh của NT đầy chất thơ, lời văn cũng
mềm mại tươi mát. Vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà được thể hiện chủ yếu ở phần sau
đoạn trích, đó là sự miêu tả Sông Đà nhìn từ trên cao, Sông Đà với sắc nước đổi
theo mùa, Sông Đà với quãng sông yên ả thanh bình và Sông Đà với đôi bờ sông
hoang dại...Và trên tất cả, SĐ qua ngòi bút tài hoa của NT trở thành môt giai nhân
yêu kiều đằm thắm.
- Diện không gian được miêu tả:
+ Trước hết, từ điểm nhìn trên cao, NT đã khắc hoạ dáng hình mềm mại
uyển chuyển của dòng sông: Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình,
đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng
hai và cuồn cuộn trong khói núi Mèo đốt nương xuân. Đó là một hình ảnh thật thi
vị, thướt tha diễm lệ...SĐ hiện ra thật hấp dẫn và ấn tượng vô cùng.
+ Ở góc nhìn gần, NT miêu tả màu nước Sông Đà với bảng màu của một
hoạ sĩ : nhà văn cảm nhận sự thay đổi của màu nước SĐ qua các mùa trong năm:
mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ không xanh màu xanh canh hến như sông
Gâm, sông Lô. Mùa thu nước SĐ lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rưọu
bữa. Để viết những câu văn ấy, phải là một nghệ sĩ biết nhiều những dòng sông
trên đất nước, phải là một nghệ sĩ tinh tế về sắc màu của hội hoạ.
- Cảnh thiên nhiên: Hoà mình trên dòng sông, trôi trên dòng sông, NT lại có cái
nhìn tinh tế về cảnh vật hai bên bờ sông, không khí lặng tờ của bờ sông: SĐ thật
mĩ lệ, nhà văn có sự cảm nhận sự im ắng của một quãng SĐ. Hai bên bờ cây cối tốt
tươi, hươu nai hồn nhiên gặm cỏ. NT ví những quãng sông này với hình ảnh đầy
chất thơ: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Đặc biệt, hình ảnh con nai ngơ
ngác, thơ ngộ ngẩng đầu nhìn lên ông khách SĐ,...
-Cốt cách tâm hồn của dòng sông
+ Vẻ hiền hoà trong nhịp sông, nhịp vận động khi cùng con thuyền êm trôi
giữa đôi bờ cỏ hoa hoang dại.
+ Vẻ đằm thắm, ấm áp như cố nhân lâu ngày mới gặp lại…
+ Vẻ mơ mộng đa cảm khi vừa gắn bó thắm thiết với vùng đất vừa đi tới
(lắng nghe giọng nói êm êm của người xuôi) vừa không nguôi nhớ thương những
vùng đất nó đã đi qua (quãng sông này lửng lờ như nhớ thương những hòn đá thác
xa xôi để lại trên thuợng nguồn Tây Bắc)
- Trong suy tư từ góc nhìn văn hoá NT khẳng định rằng: SĐ là nguồn cảm hứng vô
tận cho nghệ thuật, gợi cảm xúc riêng biệt cho mỗi người khi tiếp xúc với tính cách
trữ tình của nó: nó có chất Đường thi cổ điển, cái lặng lờ của nó gợi một quá khứ
xa xăm từ thời Lý Trần Lê, nó lửng lờ nhớ thương, và đang lắng tai nghe với vẻ rất
dịu dàng, uỷ mị và thầm kín, nó gợi cố nhân, nó như một người tình nhân chưa
quen biết, vừa xa xôi vừa gần gũi, vừa bí ẩn vừa quyến rũ...
=> Tóm lại, với vẻ đẹp lãng mạn trữ tình đó, SĐ trong mắt NT như một trang giấy
trắng phẳng lặng để nhà văn đề lên đó bao vần thơ say đắm...

3.2.Vẻ đẹp trữ tình của sông Hương


+ Sông Hương tự nó đã đẹp với những sắc thái đa dạng, nhưng bằng sự mẫn
cảm của một trái tim thi sĩ, HPNT đã quan sát và miêu tả những biến thái của thiên
nhiên một cách tinh tế. Nhà văn thổi hồn vào dòng sông, biến sông Hương thành
một sinh thể có tính cách, có nỗi niềm. Sông Hương chảy tràn trên những trang bút
kí của HPNT với nhiều dáng vẻ, biến hoá linh hoạt. Có khi sông Hương là “một cô
gái di gan phóng khoáng và man dại”, có lúc sông Hương là “người con gái đẹp
nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại”, có khi lại là “người
mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”; có lúc lại hiện ra như “một tài nữ đánh
đàn lúc đêm khuya”…
- Cảnh sắc thiên nhiên
+ Trước hết HPNT đã vẽ sắc nước sông Hương và khung cảnh thiên nhiên
Huế với một bảng màu của một hoạ sĩ tài năng. Những từ chỉ sắc màu được HPNT
sử dụng linh hoạt khiến cho dòng sông Hương và khung cảnh thiên nhiên Huế trở
nên mơ màng, hư ảo. Từ “chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng” đến “những
mảng phản quang nhiều sắc màu trên nền trời tây nam thành phố, sớm xanh, trưa
vàng, chiều tím”..
+ Đặc biệt nhà văn tạo ấn tượng đậm nét về sắc biếc xanh và màu tím Huế.
Những câu văn đầy màu sắc đượm chất thơ mượt mà: từ “sắc nước xanh thẳm” của
sông Hương, những biền bãi xanh biếc, màu biếc xanh của tre trúc và của những
vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ đến màu áo điều -lục của những cô dâu Huế và màu
tím giăng giăng với sương khói sương khói sông Hương. Người đọc có cảm giác
như nhà văn hoà nhập với thiên nhiên, ngoại giới và nội tâm có sự tương giao sâu
sắc. Không yêu thiên nhiên, không yêu Huế, nhà văn không thể viết được những
câu thơ đẹp như tranh vẽ. Phải đi nhiều, phải quan sát kĩ, và phải gắn bó với thiên
nhiên, HPNT mới thể hiện hết mình sự tài hoa và tấm lòng yêu quê hương nồng
cháy qua hình ảnh dòng sông Hương giữa vùng đất cố đô.
+ HPNT đã sáng tạo ra được những câu văn đẹp, đầy hình ảnh với những so
sánh liên tưởng bất ngờ thú vị để tái hiẹn hình dáng của dòng sông . Ngoài một số
hình ảnh so sánh quen thuộc nhưng vẫn gây ấn tượng như “dòng sông mềm như
tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi”, thì còn có
những hình ảnh so sánh độc đáo, giàu sức biểu cảm.
+ Nhà văn so sánh “chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ
nhắn như những vành trăng non”. Câu văn này bộc lộ khả năng quan sát và liên
tưởng tinh tế của nhà văn. Chiếc cầu sơn trắng bạc với những vai cầu hình bán
nguyệt (cầu Tràng Tiền sáu vai 12 nhịp…), nhìn từ xa trông giống vành trăng non.
Cách so sánh đầy hình tượng này đã tôn tạo nên vẻ đẹp của dòng sông.
+ Hình ảnh so sánh đặc biệt nhất, ấn tượng nhất phải kể đến đó là HPNT đã
ví những khúc quanh của dòng Hương như những đường cong mềm mại và hơn
thế nữa như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu. So sánh cái hữu hình của
dòng sông với một trạng thái cảm xúc của nội tâm của con người, quả là xưa nay
hiếm.
- Những sắc màu văn hoá: Sông Hương là dòng sông của âm nhạc và dòng sông
của thi ca
+ Tác giả đã nhìn thấy sự tương đồng giữa những bức tranh phong cảnh
trong Truyện Kiều và cảnh thiên nhiên hữu tình của Huế. Nhà văn đã cảm nhận ra
“cái âm hưởng sâu thẳm của Huế trên mỗi trang Truyện Kiều”. Theo tác giả, khi
NDu viết Truyện kiều hình ảnh “dòng sông đáy nước in trời và những nội cỏ thơm,
nắng vàng khói biếc, nỗi u hoài của dương liễu và sắc đẹp nồng nàn của hoa trà
mi, những mùa thu quan san, những vầng trăng thắm thiết” có bóng dáng của
thiên nhiên Huế.
+ Cũng như từ những câu thơ miêu tả tiếng đàn của Thuý Kiều, nhà văn liên
tưởng đến giai điệu âm hưởng của âm nhạc cổ điển Huế….
+ Sông Hương là nguồn thi cảm không bao giờ vơi cạn trong thơ ca…
- Cốt cách tâm hồn của dòng sông
+ Trong cách nhìn riêng của HPNT, Sông Hương “quả thực là Kiều, rất
Kiều” nghĩa là không chỉ xinh đẹp, tài hoa mà còn rất mực đa tình. Nhà văn ví sự
gắn kết giữa sông Hương và kinh thành Huế như tình yêu muôn thủa, như đôi tài tử
giai nhân Kim Trọng- Thuý Kiều, tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca
và âm nhạc.
+ Đặc biệt, chỗ rẽ dòng của sông Hương để gặp lại thành phố lần cuối ở thị
trấn Bao Vinh xưa cổ nhà văn xem đó là “nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín
đáo của tình yêu”. Thật bất ngờ khi nhà văn liên tưởng từ địa hình của dòng sông
đến tính cách nàng Kiều “giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ sông
này, sông Hương đã chí tình trở lại với Kim Trọng của nó, để nói môt lời thề trước
khi về biển cả: còn non còn nước còn dài/ còn về còn nhớ… . Từ đó, HPNT lại liên
hệ với tính cách và con người xứ Huế: lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông
Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hoá xưa mãi
mãi chung tình với quê hương xứ sở. So sánh địa thế của một dòng sông với nỗi
niềm, tâm trạng con nguời quả là độc đáo.
+ Dẫu đóng vai nào, sông Hương qua cảm nhận tinh tế của nhà văn vẫn độc
đáo, không lặp lại với bất kì một dòng sông nào trong văn học. Trong mọi không
gian và thời gian, dưới ngòi bút tài hoa của HPNT, sông Hương hiện ra quen thuộc
mà vẫn đầy lạ lẫm, hấp dẫn đến bất ngờ. Người đọc như khám phá thêm rất nhiều
vẻ đẹp mới mẻ của một dòng sông ngỡ đã thân thuộc vô cùng.

4 So sánh
4.1. Sự giống nhau
- Cả NT va HPNT đều khắc hoạ hình tượng dòng sông của một miền đất,
một xứ sở để từ đó khắc hoạ những giá trị văn hoá, lịch sử, tâm hồn của quê hương
đất nước, con người. Vì thế trong cả hai tác phẩm, hình tượng sông Đà đều mang ý
nghĩa tượng trưng, đều biểu tượng cho một miền quê, một xứ sở, đều là một phần
của lịch sử đất nước, đều gắn với những khía cạnh nhất định của đời sống con
người.
- Cả hai con sông Đà và sông Hương đều được khắc hoạ như một nhân vật,
một sinh thể địa lí-văn hoá-lịch sử với những nét tính cách có phần tương phản:
hoang dại, dữ dội và thơ mộng, trữ tình. Cả hai dòng sông đều vừa mang vẻ đẹp kì
vĩ, vừa trữ tình.
+ Hai bài kí đều bộc lộ một khả năng quan sát tinh tường, một trí tưởng
tượng phong phú, với sự liên tưởng phong phú, độc đáo, bất ngờ; biện pháp nhân
hoá biện pháp so sánh được 2 nhà văn sử dụng một cách thành công...

4.2. Sự khác biệt


2.1. Hình tượng sông Đà
-Vẻ đẹp của sông Đà gắn với lịch sử, tâm hồn, văn hoá của miền Tây bắc:
hoang dại, dữ dội, nguyên sơ.
- Sông Đà được khắc hoạ ở những nét tính cách tương phản có phần gay gắt
hơn, đó là vừa hung bạo, nham hiểm, vừa trữ tình, mềm mại. Và ở điểm nào, cũng
được đẩy đến tuyệt đối. Nguyễn Tuân chú ý khai thác vẻ đẹp khác thường, kì vĩ,
dữ dằn của sông Đà để làm nổi bật v ẻ trữ tình thơ mộng của dòng sông. Chính vì
thế nhà văn tập trung miêu tả thạch trận, thác nước, xoáy nước, sóng dữ trong cuộc
giao chiến với con người. Điều này không chỉ xuất phát từ đặc trưng thiên nhiên
miền Tây Bắc mà còn do phong cách độc đáo của Nguyễn Tuân, ngòi bút luôn tìm
đến sự khác thường và dữ dội tuyệt đỉnh.

2.2 Hình tượng sông Hương


- Hoàng Phủ Ngọc Tường chú ý đến quá trình biến đổi trong vẻ đẹp của
sông Hương trong sự thống nhất của hai chiều: không gian (từ thượng nguồn về hạ
lưu) và thời gian (từ thuở dựng nước đến những cuộc chiến giữ nước thời hiện
đại). Tác giả tập trung khắc hoạ chất tâm hồn Huế: tài tử, đa tình, phóng khoáng
mà trầm lắng qua vẻ đẹp của sông Hương ở chốn cố đô.
- Cái bất ngờ của sông Hương không nằm ở thác ghềnh, sóng nước như sông
Đà mà ở sự pha trộn giữa cái đời thường bình dị và cái huyền ảo, sâu lắng, khó
nắm bắt như chất tâm hồn của một tài nữ, một mĩ nhân nơi kinh thành Huế.
- Sông Hương không có sự hung bạo như sông Đà, dòng chảy của nó được
khắc hoạ như hành trình tìm đến với tình yêu, với người yêu- kinh thành Huế, nên
vừa tình tứ, yêu kiều, dịu dàng vừa mạnh mẽ, táo bạo.

5. Nhận xét về hai phong cách nghệ thuật


+ Cả hai đều có chất tài hoa, tài tử, phóng túng, nhưng ở Nguyễn Tuân nổi
bật ở nét uyên bác, ưa chuộng sự khác thường, dữ dội; còn ở HPNT là yếu tố trữ
tình êm dịu sâu lắng. Đây cũng chính là những yếu tố dẫn đến sự tương đồng cũng
như khác biệt của hai hình tượng con sông.

Đề luyện:
Phân tích bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? (HPNT) để làm nổi bật
những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.

Dàn ý chi tiết

1. Giới thiệu tác giả và tác phẩm


2. Phân tích những đặc sắc nghệ thuật
2.1.Bài kí bộc lộ một khả năng quan sát tinh tường, một trí tưởng tượng phong
phú
+ Sông Hương tự nó đã đẹp với những sắc thái đa dạng, nhưng bằng sự mẫn
cảm của một trái tim thi sĩ, HPNT đã quan sát và miêu tả những biến thái của thiên
nhiên một cách tinh tế.
+ Trước hết HPNT đã vẽ sắc nước sông Hương và khung cảnh thiên nhiên
Huế với một bảng màu của một hoạ sĩ tài năng. Những từ chỉ sắc màu được HPNT
sử dụng linh hoạt khiến cho dòng sông Hương và khung cảnh thiên nhiên Huế trở
nên mơ màng, hư ảo. Từ “chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng” đến “những
mảng phản quang nhiều sắc màu trên nền trời tây nam thành phố, sớm xanh, trưa
vàng, chiều tím”..
+ Đặc biệt nhà văn tạo ấn tượng đậm nét về sắc biếc xanh và màu tím Huế.
Những câu văn đầy màu sắc đượm chất thơ mượt mà: từ “sắc nước xanh thẳm” của
sông Hương, những biền bãi xanh biếc, màu biếc xanh của tre trúc và của những
vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ đến màu áo điều -lục của những cô dâu Huế và màu
tím giăng giăng với sương khói sương khói sông Hương. Người đọc có cảm giác
như nhà văn hoà nhập với thiên nhiên, ngoại giới và nội tâm có sự tương giao sâu
sắc. Không yêu thiên nhiên, không yêu Huế, nhà văn không thể viết được những
câu thơ đẹp như tranh vẽ. Phải đi nhiều, phải quan sát kĩ, và phải gắn bó với thiên
nhiên, HPNT mới thể hiện hết mình sự tài hoa và tấm lòng yêu quê hương nồng
cháy qua hình ảnh dòng sông Hương giữa vùng đất cố đô.

2.2. Những bút pháp nghệ thuật đặc sắc


a. Biện pháp nhân hoá
+ Biện pháp nhân hoá kết hợp với liên tưởng bất ngờ giúp nhà văn thổi hồn
vào dòng sông, biến sông Hương thành một sinh thể có tính cách, có nỗi niềm.
Sông Hương chảy tràn trên những trang bút kí của HPNT với nhiều dáng vẻ, biến
hoá linh hoạt. Có khi sông Hương là “một cô gái di gan phóng khoáng và man
dại”, có lúc sông Hương là “người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng
Châu Hoá đầy hoa dại”, có khi lại là “người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ
sở”; có lúc lại hiện ra như “một tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”…
+ Nhân hoá dòng sông Hương, HPNT còn nhìn thấy nét tương đồng giữa
nàng Kiều và tính cách dòng sông. Nhà văn ví sự gắn kết giữa sông Hương và kinh
thành Huế như tình yêu muôn thủa, như đôi tài tử giai nhân Kim Trọng- Thuý Kiều
tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc.
+ Dẫu đóng vai nào, sông Hương qua cảm nhận tinh tế của nhà văn vẫn độc
đáo, không lặp lại với bất kì một dòng sông nào trong văn học. Trong mọi không
gian và thời gian, dưới ngòi bút tài hoa của HPNT, sông Hương hiện ra quen thuộc
mà vẫn đầy lạ lẫm, hấp dẫn đến bất ngờ. Người đọc như khám phá thêm rất nhiều
vẻ đẹp mới mẻ của một dòng sông ngỡ đã thân thuộc vô cùng.
+ Như vậy, bằng những con chữ có hồn, ông đã góp phần làm nổi rõ bản sắc
của dòng sông, thiên nhiên cũg như con người xứ Huế.

b. Biện pháp so sánh được nhà văn sử dụng một cách thành công
+ HPNT đã sáng tạo ra được những câu văn đẹp, đầy hình ảnh với những so
sánh liên tưởng bất ngờ thú vị.Ngoài một số hình ảnh so sánh quen thuộc nhưng
vẫn gây ấn tượng như “dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi
ngược chỉ bé vừa bằng con thoi”, thì còn có những hình ảnh so sánh độc đáo, giàu
sức biểu cảm.
+ Nhà văn so sánh “chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ
nhắn như những vành trăng non”. Câu văn này bộc lộ khả năng quan sát và liên
tưởng tinh tế của nhà văn. Chiếc cầu sơn trắng bạc với những vai cầu hình bán
nguyệt (cầu Tràng Tiền sáu vai 12 nhịp…), nhìn từ xa trông giống vành trăng non.
Cách so sánh đầy hình tượng này đã tôn tạo nên vẻ đẹp của dòng sông.
+ Hình ảnh so sánh đặc biệt nhất, ấn tượng nhất phải kể đến đó là HPNT đã
ví những khúc quanh của dòng Hương như những đường cong mềm mại và hơn
thế nữa như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu. So sánh cái hữu hình của
dòng sông với một trạng thái cảm xúc của nội tâm của con người, quả là xưa nay
hiếm.
+ Hoặc để tả màu sương khói bàng bạc tím trên sông Hương, nhà văn đã lùi
lại một khoảng thời gian rất xa, nhớ về một sắc áo cưới màu điều –lục các cô dâu
Huế vẫn mặc sau tiết sương giáng. Từ đấy nhà văn liên tưởng màu của sương khói
trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu
khuôn mặt thực của dòng sông…
+ Nhìn từ khía cạnh lịch sử, HPNT còn so sánh sông Hương như một thiên
sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc để nhấn mạnh vẻ đẹp vừa hùng tráng vừa trữ
tình vừa mềm mại, dịu dàng vừa kiên cường kiêu dũng của sông Hương.

c. Liên tưởng phong phú, độc đáo, bất ngờ


+ HPNT thường liên tưởng sông Hương với Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Những trang Kiều đã nhập vào đầu ngọn bút khiến nhà văn có những liên tưởng rất
tự nhiên.
+ Tác giả đã nhìn thấy sự tương đồng giữa những bức tranh phong cảnh
trong Truyện Kiều và cảnh thiên nhiên hữu tình của Huế. Nhà văn đã cảm nhận ra
“cái âm hưởng sâu thẳm của Huế trên mỗi trang Truyện Kiều”. Theo tác giả, khi
NDu viết Truyện kiều hình ảnh “dòng sông đáy nước in trời và những nội cỏ thơm,
nắng vàng khói biếc, nỗi u hoài của dương liễu và sắc đẹp nồng nàn của hoa trà
mi, những mùa thu quan san, những vầng trăng thắm thiết” có bóng dáng của
thiên nhiên Huế.
+ Cũng như từ những câu thơ miêu tả tiếng đàn của Thuý Kiều, nhà văn liên
tưởng đến giai điệu âm hưởng của âm nhạc cổ điển Huế.
+ Đặc biệt, chỗ rẽ dòng của sông Hương để gặp lại thành phố lần cuối ở thị
trấn Bao Vinh xưa cổ nhà văn xem đó là “nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín
đáo của tình yêu”. Thật bất ngờ khi nhà văn liên tưởng từ địa hình của dòng sông
đến tính cách nàng Kiều “giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ sông
này, sông Hương đã chí tình trở lại với Kim Trọng của nó, để nói môt lời thề trước
khi về biển cả: còn non còn nước còn dài/ còn về còn nhớ…” . Từ đó, HPNT lại
liên hệ với tính cách và con người xứ Huế: lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông
Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hoá xưa mãi
mãi chung tình với quê hương xứ sở. So sánh địa thế của một dòng sông với nỗi
niềm, tâm trạng con nguời quả là độc đáo.
2.3. Một ngòi bút kí giàu chất thơ.
+ Chất thơ của kí HPNT toát ra từ thiên nhiên cảnh vật, từ tâm hồn con
người và những huyền thoại nhà văn sử dụng đúng chỗ.
+ Đó là những hình ảnh giàu chất thơ: Những xóm làng trung du bát ngát
tiếng gà. Những con chữ, câu văn lấp lánh huyền thoại tạo chất thơ: Lập loè trong
đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ…; Phải
nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người con gái đẹp nằm
ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại; Giữa đám quần sơn lô xô
ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những
rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ toả lan khắp
cả một vùng thượng lưu “bốn bề núi phủ mây phong/mảnh trăng thiên cổ bóng
tùng vạn niên”.
+ Chất thơ của thiên kí còn lấp lánh ở cách HPNT điểm xuyết ca dao, lời thơ
Tản Đà, Cao Bá Quát, Tố Hữu hay âm hưởng hoài cổ của thơ BHTQ.
+ Chất thơ còn toả ra từ giọng điệu trữ tình, tha thiết, những câu văn giàu
nhạc điệu, hình ảnh, toả ra từ câu hỏi bâng khuâng mở ra và khép lại bài kí gợi mãi
những âm vang trầm lắng của dòng sông : ai đã đặt tên cho dòng sông?

Đề luyện:
Cảm nhận về cái “tôi” tác giả trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Dàn ý
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
+ Kí là thể loại in đậm dấu ấn hình tượng tác giả. So với tiểu thuyết và
truyện ngắn, người viết kí không cần “ẩn mình” mà trực tiếp viết ra những gì mình
chứng kiến, quan sát, suy nghĩ. Cái tôi tác giả kể, thông tin, miêu tả hoặc dẫn dắt
người đọc tiếp cận với cuộc sống con người. Trong số các nhà văn viết kí nổi tiếng,
Nguyễn Tuân là người khẳng định cái tôi một cách triệt để. Ngoài ra các nhà văn
Vũ Bằng, HPNT, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi…đều để lại dấu ấn cái tôi
trong tác phẩm.
+ HPNT trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? cũng thể hiện một cái tôi
nghệ sĩ say mê kiếm tìm vẻ đẹp và luôn gắn bó với thiên nhiên; cái tôi yêu quê
hương đất nước và luôn hướng về nguồn cội với những giá trị văn hóa truyền
thống; và là một cái tôi uyên bác tài hoa.
2. Cảm nhận về cái tôi HPNT
2.1 Cái tôi say mê kiếm tìm cái đẹp và luôn gắn bó với thiên nhiên
+ Trong mẩu kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, cái tôi tác giả gắn kết, hoà
nhập thật sự với sông nước, trời mây, cây cỏ, ngàn thông. Những trang kí của
HPNT mang đến cho người đọc những miền không gian xanh thẳm, ẩn chìm
những nét trầm tích văn hoá từ thiên nhiên. Sự hoà nhập với thiên nhiên khiến nhà
văn đã viết nên những trang văn vừa giàu lượng thông tin, vừa mựot mà, đẹp như
một bài thơ.
+ Thiên nhiên trong kí HPNT chính là phiên bản tâm hồn nhà văn. Sông
Hương trong bút kí của ông không chỉ là biểu tượng của thiên nhiên thuần khiết mà
còn lấp lánh chất nhân văn của một triết lí sống. Cái tôi có lúc thoát hẳn sự ràng
buộc của bản thể để hoà nhập vào sông nước.

2.2. Cái tôi yêu quê hương đất nước và luôn hướng về cội nguồn với những giá
trị truyền thống
+ Ai đã đặt tên cho dòng sông chính là bài thơ văn xuôi ca ngợi sông Hương
gắn với thiên nhiên, văn hoá và con người xứ Huế. Bằng tấm lòng yêu thương, gắn
bó với quê hương đất nước, HPNT đã trân trọng, tự hào về bề dày lịch sử, bề dày
văn hoá và tâm hồn của con người ở vùng đất cố đô. Phải yêu sông Hương lắm nhà
văn mới xem sông Hương như một sinh thể có hồn, có tâm trạng, tính cách, một cô
gái dịu dàng, đằm thắm mà đa tài như một tài nữ đánh đàn giữa đêm khuya. Phải
tha thiết sông Hương lắm nhà văn mới nhìn thấy dòng sông như như một cô gái đa
tình, kín đáo và một chút lẳng lơ duyên dáng nhưng chung tình.
+ HPNT miêu tả sông Hương và không gian Huế với tình yêu nồng thắm,
với trái tim thi sĩ đa cảm, đồng thời bằng con mắt của một hoạ sĩ tinh tường.

2.3. Một cái tôi uyên bác, tài hoa


+ HPNT đã tỏ ra am hiểu tường tận những gì mình viết. Với xứ Huế, dường
như nhà văn am hiểu sâu sắc từng cành cây ngọn cỏ, tường tận từng tên đất tên
làng. Với sông Hương, nhà văn thông thuộc từng khúc cong, từng dòng nước, chỗ
ghềnh thác cuộn xoáy, chỗ phẳng lặng như mặt hồ yên tĩnh.
+ Nhà văn cũng am hiểu sâu sắc về văn hoá Huế, về nền âm nhạc cổ điển,
hay những trang thơ viết về sông Hương. Vốn kiến thức uyên bác ở nhiều lĩnh vực
đó là kết quả của những chuyến đi và một trí nhớ phi thường. HPNT đi nhiều, vừa
với phong thái của một người du lãm, vừa mang phong cách của một người nghiên
cứu. bằng những hiểu biết phong phú, nhà văn cung cấp cho người đọc một lượng
thông tin lớn về địa thế, dòng chảy của sông Hương, về lịch sử, về văn hoá, văn
học nghệ thuật. Bằng những con chữ lóng lánh tài hoa, HPNT đã góp phần làm nổi
rõ bản sắc của dòng sông, thiên nhiên cũng như con người xứ Huế.
+ Phải đi nhiều quan sát kĩ, và phải gắn bó với thiên nhiên HPNT mới thể
hiện hết mình sự tài hoa và tấm lòng yêu quê hương nồng nàn qua hình ảnh dòng
Hương chảy giữa vùng đất cố đô.

3. Kết luận
+ Ai đã đặt tên cho dòng sông? là một áng thơ trữ tình bằng văn xuôi ca
ngợi sông Hương và thiên nhiên Huế, qua đó nhà thơ bộc lộ niềm tự hào về lịch
sử- văn hoá Huế, đồng thời thể hiện tấm lòng yêu quê hương đất nước của mình.
+ Tác phẩm thể hiện những đặc điểm của những phong cách kí của HPNT,
đặc biệt in rõ dấu ấn của một cái tôi uyên bác tài hoa, tài tử phóng khoáng, gắn bó
tha thiết với với những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc...

You might also like