You are on page 1of 8

CHƯƠNG 2

CÁCH TỔ CHỨC VÀ
PHƯƠNG PHÁP TẬP HÁT

Sinh hoạt chính của một ban hợp xướng không phải là những buổi trình diễn
mà lại là những buổi tập hằng tuần để chuẩn bị. Buổi trình diễn có thành công hay
không, phần lớn do các buổi tập quyết định.

I. TỔ CHỨC TẬP DƯỢT

I.1. Một số vấn đề tổng quát:


1. BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC ĐÚNG GIỜ.
2. GIỜ TẬP HÁT TỐT NHẤT LÀ KHOẢNG CUỐI BUỔI SÁNG. Từ 10g trở
đi là lý tưởng nhất cho một buổi tập dài một tiếng rưỡi.
3. CHIA BUỔI TẬP RA LÀM HAI PHẦN. Như vậy sẽ có kết quả là tập liên tục
trong một khoảng thời gian dài. Giữa hai phần có thể là vài phút nghỉ tự do tại chỗ
hoặc thay đổi nội dung tập hát.
4. ĐÀO TẠO TRƯỞNG BÈ HOẶC NHỮNG NGƯỜI PHỤ TẬP HÁT. Những
người này ngoài nhiệm vụ tập riêng cho các bè còn giúp chỉ huy sắp xếp phòng tập,
điểm danh, phân phối bản nhạc, kềm cặp những người yếu kém. Chúng ta nên dành
riêng thời gian để huấn luyện những người này về kỹ thuật điều khiển để có thể
thay thế người chỉ huy khi cần.
5. THỈNH THOẢNG NÊN CHO HỢP XƯỚNG ĐỨNG DẬY ĐỂ TẬP HÁT.

115
I.2. Đối với người Chỉ huy hợp xướng:
1. PHẢI NGHIÊN CỨU TỔNG PHỔ TRƯỚC GIỜ TẬP. Cần coi mỗi giờ tập
dượt như một giờ học thực sự. Nên khi nghiên cứu tổng phổ (bản dẫn nhạc) cần phải
có những ghi chú về cường độ, tốc độ, v.v…
2. TẬP TRUNG CHÚ Ý VÀO TỪNG NHÓM NGƯỜI HƠN LÀ VÀO TỔNG
PHỔ NHẠC.
3. ĐỪNG BAO GIỜ KHỞI TẤU THEO KIỂU ĐẾM “2, 3, vào!” hay “2, 3,
mời!”. Tập cho mọi người quen nhìm và hát với thủ điệu chuẩn bị và khởi tấu của
người chỉ huy.
4. TRONG LÚC TẬP NÊN PHỐI HỢP TÍNH HÀI HƯỚC để giảm căng thẳng.
5. KUYẾN KHÍCH! Tốt hơn là những phê bình, chỉ trích dễ làm cho không khí
buổi tập nặng nề.
6. HÁT MẪU CHỨ KHÔNG HÁT CÙNG VỚI HỢP XƯỚNG.
7. TRƯỚC KHI PHẤT NHỊP PHẢI DỪNG VIỆC NÓI CHUYỆN RIÊNG CỦA
CÁC THÀNH VIÊN LẠI. Các mệnh lệnh cần được đưa ra trong sự im lặng lắng
nghe.
8. NÓI ÍT, HÁT NHIỀU!
9. HƯỚNG DẪN NGUYÊN TẮC CHỨ KHÔNG TÌM CÁCH GIẢI QUYẾT
TRƯỜNG HỢP.

I.3. Đối với người đệm đàn:


1. NÊN GIAO BẢN NHẠC CHO NGƯỜI ĐỆM ĐÀN TRƯỚC BUỔI TẬP
ĐẦU TIÊN. Trước khi tập một bài nào, nên thảo luận với người đệm đàn về tốc độ,
những chỗ cần chỉnh sửa, thay đổi trong bản nhạc, những chỗ cần lưu ý hay cần làm
nổi bật. Như vậy sẽ tránh làm mất thời gian của tập thể do việc gặp trục trặn, phối
hợp không ăn ý giữa người chỉ huy và người đệm.
2. NÊN ĐẶT PIANO HAY ORGAN Ở CHỖ NÀO CHO NGƯỜI ĐỆM ĐÀN
DỄ QUAN SÁT NGƯỜI CHỈ HUY NHẤT. Tốt nhất là nên ở phiá trước ban hợp
xướng để các bè, mọi người đều có thể nghe như nhau.
3. Ở NHỮNG NHỊP ĐẦU TIÊN NÊN ĐÀN VỪA PHẢI. Cốt là tập cho những
thành viên khi mới nghe hợp âm đầu là có thể nhận ra ngay những nốt nhạc đầu tiên
ở bè của mình.
4. THỈNH THOẢNG YÊU CẦU NGƯNG ĐỆM ĐÀN ĐỂ HÁT A
CAPPELLA. Như vậy tránh cho việc ban hợp xướng quá dựa vào đàn. Đây cũng là
một trong những cách để trị bệnh hát xuống cung.

116
5. TRONG KHI TẬP DƯỢT NÊN THAY ĐỔI KỸ THUẬT ĐỆM ĐÀN như
khi giọng Nữ hát thì đàn phần giọng Nam, hoặc đàn phần đối âm hoặc đàn ở bát độ
bên trên hoặc bên dưới.

I.4. Đối với Ban hợp xướng:


1. ĐỪNG SỢ HÁT SAI. Ngược lại, mọi người trong hợp xướng cần hiểu rằng,
một sai lỗi được xác định rõ ràng thì luôn có thể sửa dễ dàng.
2. KHI THẤY HỢP XƯỚNG CÓ VẺ MỆT MỎI, BỒN CHỒN, HÃY THAY
ĐỔI CÁCH THỨC HAY NỘI DUNG TẬP DƯỢT.
3. TRONG KHI HÁT, CÁC THÀNH VIÊN CỦA MỘT BÈ NÀY PHẢI NHÌN
ĐƯỢC CẢ PHẦN NHẠC CỦA CÁC BÈ KHÁC. Thường người hát có thói quen
chỉ nhìn bè của mình mà không để ý hay nghe các bè khác để nhận ra mối quan hệ
của toàn bộ cấu trúc âm thể (điệu thức). Mỗi thành viên thậm chí còn phải hát được
những bè khác mình. Ví dụ tenore có thể hát phần của bè alto, và ngược lại.
4. MỌI NGƯỜI NÊN CẦM BẢN NHẠC HƯỚNG LÊN, SAO CHO CÁNH
TAY RỜI XA THÂN NGƯỜI. Nếu chúc bản nhạc xuống, chúng ta sẽ không dễ theo
dõi những thủ điệu, biểu hiện nét mặt của người chỉ huy. Hơn nữa, tư thế cúi xuống
dễ làm chúng ta trở nên tiêu cực, thụ động, khó lấy hơi đúng.
5. MỌI THÀNH VIÊN BAN HỢP XƯỚNG ĐỀU PHẢI ĐÁNH ĐƯỢC
NHỮNG LOẠI NHỊP TIÊU CHUẨN như: 2/4, 3/4, 4/4 và 6/8.
6. NÊN CHÚ TÂM VÀO NỐT NHẠC VÀ CÁC KÝ HIỆU (f, p, v.v…) chứ
đừng tập trung vào lời ca. Chỉ nên nhìn ca từ theo kiểu ngoại vi (nhìn từ xa một cách
tổng quan).

II. PHƯƠNG PHÁP TẬP HÁT


II.1. Tư thế khi tập hát:
Khi đứng tập hát, các thành viên có thể thay đổi giữa 2 tư thế sau:
* đứng thẳng, hai gót chân chạm nhau, hai vai tự nhiên, sống lưng thẳng,
lồng ngực vun cao để lấy hơi nhanhn đầy, Cần chú ý giữ cho đầu vuông
góc với vai để cổ họng hoạt động thoải mái và luồng hơi lưu thông không
bị cản trở. Thế đứng này dùng cho mọi người đang đứng hát trong hợp
xướng.
* Một chân hơi tiến lên phiá trước để sức nặng toàn thân dồn lên đó. Đầu,
vai và sống lưng cần giữ như tư thế mô tả bên trên. Thế đứng này phù hợp
với người hát lĩnh xướng.
Khi ngồi tập hát, các thành viên có thể thay đổi giữa 2 tư thế sau:

117
* Ngồi nhích ra phiá trước khoảng 5 cm, thân người giữ thẳng. Hai bàn
chân nằm sát đất, một chân hơi đưa ra phiá trước để giữ thăng bằng. Đầu
thẳng góc với hai vai.
* Thân người hoàn toàn dựa vào lưng ghế và tựa thẳng. Đầu thẳng góc với
hai vai.
Cầm bản nhạc bằng hai tay, đưa ra khỏi thân người, phiá trước, tạo thành góc
khoảng 10o so với thân. Không bao giờ để bản nhạc quá thấp (trên đùi, trên bàn,…)
khiến cho người hát phải cúi đầu xem bản nhạc. Như vậy, vừa không thấy được được
nhịp của người chỉ huy, vừa làm cản trở dòng hơi trong cổ họng khi hát. Tránh
trường hợp hai, ba người coi chung một bản nhạc.

II.2. Một số kinh nghiệm cá nhân:


1. ĐỪNG CHỈ LẶP LẠI CÂU NHẠC BẰNG CÁCH HÁT NỐT NHẠC
KHÔNG MÀ THÔI. Tất cả những lần lặp lại đều phải liên quan đến ca từ, âm sắc,
các đặc điểm của âm thể (điệu thức).
2. NGƯỜI ĐỆM ĐÀN NÊN CHƠI HỢP ÂM ĐẦU TIÊN CÁCH NHẸ
NHÀNG. Như vậy người hát sẽ tập được cách lấy giọng phần bè của mình mà không
có đàn. Điều này rất cần khi tập hát theo phong cách a cappella.
3. CHÚ Ý ĐẶC BIỆT ĐẾN GIỌNG NAM. Kinh nghiệm cho thấy hiên5 tượng
hợp xướng hát không rõ âm thể (giọng điệu) hay lạc cung thường có nguyên nhân ở
các bè trầm.
4. KHÔNG NÊN DUY TRÌ MỘT KIỂU TẬP HÁT NHẤT ĐỊNH. Cần có sự
thay đổi ở mỗi lần tập.
5. KHI GẶP MỘT ĐOẠN NHẠC KHÓ, HOẶC HAY BỊ SAI, NÊN CHIA
ĐOẠN NHẠC ĐÓ THÀNH TỪNG PHẦN MÀ GIẢI QUYẾT. Ví dụ, gặp phải đoạn
nhạc có các quãng nhạc bất thường đồng thời có tiết tấu lạ, chúng ta nên cho hợp
xướng:
a) Hát các quãng nhạc đó mà không cần dùng tiết tấu, thậm chí cứ kéo dài
trường độ các nốt cách tự do.
b) Hát hặc đọc ca từ theo tiết tấu lạ đó mà không quan tâm đến cao độ đúng
hay sai.
c) Phối hợp quãng nhạc (nốt) và bản văn ca từ với tiết tấu này.
6. TRONG BUỔI TẬP ĐỪNG MẤT THỜI GIAN NHIỀU VÀO MỘT PHẦN
HAY MỘT TÁC PHẨM NÀO. Một người chỉ huy thông minh sẽ biết khi nào cần
phải dừng vấn đề lại. Cứ chuyển sang nội dung, tác phẩm khác, có khi vấn đề tồn
đọng sự được tự động giải quyết trong những lần lặp lại sau.

118
7. ĐỪNG ĐỂ CÁC BÈ KHÁC NGỒI CHƠI TRONG KHI MÌNH LO TẬP
TRUNG VÀO MỘT BÈ NÀO ĐÓ. Ví dụ, nếu bè tenore gặp khó khăn, cần phải
được tập kỹ, thì chúng ta yêu cầu các bè khác hoặc hát cùng bè tenore, hoặc hát
ngậm miệng (humming) bè của mình đi theo.
8. CÓ THỂ BẮT ĐẦU BUỔI TẬP BẰNG VIỆC LUYỆN THANH HOẶC
XƯỚNG ÂM. Tuy nhiên nên dùng chính những câu nhạc trong các bài hát sắp tập để
xướng âm. Cần phải cho các thành viên thấy họ tập xướng âm để làm gì (cách cụ thể)
chứ không phải tập như một thói quen hay cho đúng bài bản! Bài tập Luyện thanh,
Xướng âm không phải là không có tác dụng, nhưng ít sức biểu hiện hơn là những bài
tập được trích từ chính các bài hát sẽ tập sau đó,
9. KHI SỬA NHỮNG NỐT NHẠC SAI, cần chỉ ra cho hợp xướng thấy sự khác
biệt giữa cách hát sai (của họ) với cách hát đúng (như yêu cầu) và phải sửa thế nào.
10. KHI DÙNG ĐÀN (TỐT NHẤT LÀ PIANO) TRONG BUỔI TẬP THÌ CẦN
LƯU Ý:
a) Đàn nhẹ nhạc. Đừng đàn như một “nhạc cụ gõ”.
b) Khi đệm, đừng chơi liên tục. Thỉnh thoảng nhấn hợp âm ở những chỗ quan
trọng (phách mạnh, chỗ đổi hợp âm,…).
c) Khi giọng Nữ hát riêng thì đàn phần bè giọng Nam đi theo, và ngược lại.
d) Thỉnh thoảng nên chơi các nốt nhạc ở quãng tám cao hơn âm vực mà hợp
xướng đang hát. Ví dụ, khi hợp xướng đang tập một đoạn staccato, nếu
chúng ta đàn cao hơn một quãng tám (octave) sẽ tạo được cảm giác sáng
sủa, nhẹ nhàng hơn.
11. TẬP CHO HỢP XƯỚNG NHẠY CẢM VỚI NHỮNG CỬ ĐIỆU NHỎ CỦA
NGƯỜI CHỈ HUY HƠN LÀ VỚI NHỮNG CỬ ĐIỆU RỘNG.
12. LUÔN LUÔN PHẢI CÓ GIẢI THÍCH NẾU MUỐN YÊU CẦU HỢP
XƯỚNG HÁT LẠI. Tránh cách nói đơn giản: “Xin lặp lại!” mà không nói tại sao.
13. TRÁNH NHỮNG NHẬN XÉT MƠ HỒ, chẳng hạn, “Bè tenore hát xuống
cung rồi!”. Phải chỉ ra cho họ thấy chỗ nào bị xuống cung, tại sao và cách sửa.
14. MỘT HỢP XƯỚNG CHUYÊN NGHIỆP PHẢI LÀM CHỦ ĐƯỢC ÍT
NHẤT 4 KIỀU DIỄN ÂM KHÁC NHAU DƯỚI ĐÂY:
a) Legato – Hát liền tiếng. Các nốt nhạc phải được hát liền nhau cách trơn
tru, không tách biệt, không hát luyến, láy các nốt; tuy nhiên cũng nên
bỏ qua cảm giác về phách mạnh và vạch nhịp
b) Semi-legato – Khi hát, nghĩ đến legato nhưng bật hơi các nốt một cách
nhẹ nhàng.
c) Staccato – Hát tách bạch rõ ràng, tạo khoảng trống rõ giữa các nốt
nhạc. Marcato là một kiểu hát tự nhiên từ staccato và thường được
nhấn mạnh trên từng nốt nhạc hơn là tạo khoảng trống giữa các nốt.

119
d) Semi-staccato – Khi hát, nghĩ đến staccato nhưng đừng tạo khoảng
trống giữa các nốt nhiều quá.
Để triển khai “cảm giác” về sự khác biệt giữa 4 cách hát trên đây, chúng ta
dùng hát thang âm theo các cách sau:
1. Hát legato – Nghĩ đến sự trơn tru, không tạo luyến giữa các nốt nhạc.

Ví dụ 36:

2. Hát semi-legato – Nghĩ đến sự legato, nhưng thêm âm “H” vào trước mỗi
nốt nhạc.

Ví dụ 37:

3. Hát staccato – Nên tập cách hát này trước khi quay lại tập semi-staccato.
Các nốt nhạc phải được tách rời rõ ràng. Nghĩ đến khoảng cách giữa các nốt.
Hát nhẹ nhàng.

Ví dụ 38:

4. Hát semi-staccato – Nghĩ đến staccato nhưng kéo dài nhẹ nhàng riêng
từng nốt.

Ví dụ 39:

120
15. NẾU TẬP HÁT TRONG MỘT HỘI TRƯỜNG LỚN, THỈNH THOẢNG
NÊN ĐỨNG RA XA KHỎI BAN HỢP XƯỚNG mà lắng nghe từ xa. Chúng ta sẽ
phát hiện ra nhiều điều mà khi đứng trong hay gần hợp xướng sẽ không nhận ra
được. Không chỉ áp dụng điều này cho người chỉ huy mà còn cho một số thành viên
của hợp xướng.
16. KHI MỘT BÈ HÁT CÓ VẺ “YẾU”, chúng ta có thể áp dụng kỹ thuật sau:
a). Cho bè đó hát lời trong khi các bé khác hát ngậm miệng hoặc hát nốt nhạc.
b). Tất cả các bè khác hát nhỏ trong khi bè đó lắng nghe.
c). Dùng đàn đệm và đàn giai điệu dẫn trong khi bè đó hát.
d). Nếu các bè đều có vẻ yếu thì không hát lời nữa mà thay bằng các nguyên
âm. Mỗi bè một nguyên âm khác nhau.
17. NÊN KẾT THÚC MỖI BUỔI TẬP BẰNG CÁCH TẠO CHO HỢP
XƯỚNG CẢM TƯỞNG ĐÃ HOÀN TẤT ĐƯỢC MỘT KẾT QUẢ NÀO ĐÓ.

121
122

You might also like