You are on page 1of 7

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BÀI GIẢNG DẠNG VĂN BẢN (SCRIPT)

Môn học: Quản trị học

Chương 1: Tổng quan về quản trị học

Chủ đề 3: Các lý thuyết về quản trị

Phần 3: Lý thuyết quản trị hiện đại

Các bạn thân mến, theo cách tiếp cận quản trị theo khoa học, nhà quản trị thực hiện nguyên

tắc chuyên môn hóa dựa trên quan niệm rằng con người sẽ làm việc với hiệu suất cao khi

công việc được mô tả chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên điều này có thể làm hạn chế cơ hội tự

thể hiện của người lao động. Theo quan điểm của cách tiếp cận hành chính, con người làm

việc trong 1 tổ chức có các quy định, quy tắc rõ ràng, 1 hệ thống cấp bậc được mô tả và

phân cấp rõ ràng với sự chỉ đạo và kiểm soát từ cấp cao thì sẽ có kết quả và hiệu suất tốt.

Tuy nhiên điều này sẽ tạo ra những nhân viên phụ thuộc và thụ động, ảnh hưởng đến tâm

lý người lao động.

Các nhà lý thuyết tâm lý cho rằng các nhà quản trị nên thay đổi quan niệm về người lao

động, họ không phải là những người thụ động, thích được chỉ huy, giao việc cụ thể mà

ngược lại họ sẽ làm việc tốt hơn, có nhiều sáng kiến và năng suất lao động tăng cao hơn

nếu có được sự tin tưởng từ cấp trên, được chủ động trong công việc. Hơn nữa, các mối

quan hệ trong tổ chức, bao gồm mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các đồng

nghiệp với nhau, cần được cải thiện để tạo ra môi trường làm việc thân thiện và tích cực.

Tuy có những ưu điểm như vậy nhưng lý thuyết quản trị hành vi cũng còn nhược điểm là

coi con người là phần tử trong hệ thống khép kín chứ chưa quan tâm đến yếu tố ảnh hưởng

từ bên ngoài.
1
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Và bây giờ chúng ta sẽ nghiên cứu trường phái quản trị hiện đại với lý thuyết quản trị định

lượng, lý thuyết quản trị hệ thống, (lý thuyết) quản trị chất lượng, lý thuyết quản trị tình

huống.

Lý thuyết quản trị định lượng ra đời từ trong thế chiến II, khi nước Anh đã tập hợp nhiều

nhà khoa học nghiên cứu cơ chế chống lại sự tấn công của Đức. Kết thúc chiến tranh thế

giới II và từ thập niên 50, các kỹ thuật định lượng được các nhà công nghiệp Mỹ quan tâm

và áp dụng vào nghiên cứu, tạo điều kiện để nâng cao tính chính xác của các quyết định

quản trị. Những nỗ lực này của họ là cơ sở để phát triển các lý thuyết khác về quản trị Đó

chính là: lý thuyết quản trị định lượng, lý thuyết hệ thống, lý thuyết quyết định.

Các lý thuyết này được xây dựng dựa trên quan điểm “quản trị là ra quyết định, và muốn

quản trị đạt hiệu quả thì các quyết định phải đúng đắn”. Lý thuyết định lượng nhấn mạnh

phương pháp khoa học trong khi giải quyết các vấn đề quản trị, áp dụng phương pháp tiếp

cận hệ thống để tìm kiếm các quyết định tối ưu trong hệ thống khép kín.

Và quản trị hướng tới tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực. Do vậy, quan điểm cơ bản của lý

thuyết quản trị định lượng khác biệt hoàn toàn với hai lý thuyết trên.

Lý thuyết này dựa trên giả thiết là tất cả các vấn đề đều có thể giải quyết được bằng các

mô hình toán, sử dụng kết quả thống kê với sự trợ giúp của máy tính điện tử, chú trọng các

yếu tố kinh tế - kỹ thuật hơn các yếu tố tâm lý xã hội. Vì vậy người ta cho rằng lý thuyết

định lượng là sự tiếp nối của lý thuyết quản trị khoa học.

Ngày nay lý thuyết quản trị định lượng đã thâm nhập hầu hết mọi tổ chức hiện đại với

những kỹ thuật phức tạp. Các kỹ thuật này đã đóng góp rất lớn cho công tác lập kế hoạch,

tổ chức thực hiện và kiểm soát các hoạt động.

2
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Có thể nói là khoa học quản trị, quản trị sản xuất, quản trị vận hành, quản trị tồn kho, quản

trị chuỗi cung ứng, quản trị điều hành, quản trị hệ thống thông tin, phân tích chuỗi giá trị,

quản trị chất lượng, phân tích quy trình kinh doanh … là rất quan trọng trong các tổ chức

lớn và hiện đại. Nhà quản trị ứng dụng các công cụ toán học một cách có hệ thống để khảo

sát vấn đề mà các tổ chức đều gặp phải, đó là làm thế nào sản xuất hàng hóa và dịch vụ đạt

được kết quả và hiệu quả. Tuy nhiên, lý thuyết định lượng cũng có nhược điểm rất lớn là

ít chú trọng đến vai trò của con người trong tổ chức, mặt khác các kỹ thuật quản trị của lý

thuyết này khá phức tạp nên cần phải có các chuyên gia hỗ trợ khi thực hiện.

Tiếp theo đây, chúng ta sẽ nghiên cứu về Lý thuyết quản trị hệ thống.

Lý thuyết này xuất phát từ quan điểm xem tổ chức như là một hệ thống

Trong 1 thời gian dài. tổ chức được xem là có tính hệ thống, trong đó thành tích của tập

thể bao gồm sự đóng góp của các thành viên. Tuy nhiên sự hợp tác giữa nhiều người và

các bộ phận trong tổ chức thường là không hoàn hảo và cần phải được cải thiện, vì thế

chúng ta phải hiểu được tính phức tạp của 1 tổ chức với tính chất là 1 hệ thống, bao gồm

nhiều bộ phận tương tác với nhau, hay còn gọi là các hệ thống con, cùng hoạt động để đạt

được mục tiêu chung.

Tổ chức được mô tả như 1 hệ thống mở tương tác với môi trường trong quá trình liên tục

biến đổi các yếu tố đầu vào - bao gồm con người, công nghệ, thông tin, tiền, vật tư – thành

đầu ra là sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng. Trong một công ty, hệ thống quản trị điều

hành đóng vai trò trung tâm của quy trình tạo ra sản phẩm và dịch vụ, và nó cần được sự

hỗ trợ và phối hợp của các hệ thống khác như hệ thống cung ứng, kế toán, bán hàng, và

thông tin. Tổ chức chỉ đạt được kết quả cao khi mỗi hệ thống con đồng thời thực hiện tốt

nhiệm vụ của mình và phối hợp tốt với các hệ thống con khác.
3
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Có một lý thuyết quan trọng và thích ứng trong môi trường biến đổi hiện nay, đó là lý

thuyết quản trị theo tình huống.

Lý thuyết quản trị theo tình huống cho rằng quản trị hữu hiệu là căn cứ vào tình huống cụ

thể để vận dụng kết hợp các lý thuyết đã có từ trước. Lý thuyết cổ điển (bao gồm lý thuyết

quản trị khoa học và quản trị hành chính) cũng như lý thuyết hành vi chủ trương năng suất

lao động là chìa khóa để đạt hiệu quả quản trị. Trong khi đó lý thuyết định lượng cho rằng

việc quyết định đúng đắn là điều quan trọng nhất trong quản trị.

Chúng ta cần kết hợp các lý thuyết nói trên để vận dụng linh hoạt trong điều kiện thực tiễn

cụ thể, bởi không thể áp dụng các nguyên tắc chung đồng loạt cho các tổ chức có quy mô,

đặc điểm, mục tiêu khác nhau.

Bây giờ, chúng ta sẽ nghiên cứu về vấn đề Quản trị chất lượng.

Edwards Deming là người thiết lập nền tảng đầu tiên cho trào lưu hướng về chất lượng

trong quản trị. Phương thức quản trị chất lượng toàn diện (TQM) được hình thành và áp

dụng, nhằm nhấn mạnh việc cam kết thực hiện chất lượng toàn diện cho bất kỳ cá nhân, bộ

phận, công việc nào trong tất cả các khâu từ sản xuất đến cung ứng, phân phối sản

phẩm/dịch vụ. Các nguyên tắc quản trị chất lượng được áp dụng vào mọi khía cạnh trong

hoạt động sản xuất và nỗ lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tức là phải làm công việc

theo cách đúng nhất ngay từ đầu.

Một số tổ chức hướng đến việc đạt được giấy chứng nhận ISO của tổ chức Tiêu chuẩn quốc

tế, bởi vì giấy chứng nhận này được nhiều quốc gia xem như một chuẩn mực về việc thực

hiện quy trình đảm bảo chất lượng. Vì vậy các doanh nghiệp muốn vươn lên vị trí dẫn đầu

đều nhắm đến việc có được giấy chứng nhận về ISO ở mọi cấp độ. Các doanh nghiệp này

4
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

phải đạt tới những tiêu chuẩn được đánh giá nghiêm ngặt bởi các kiểm soát viên chất lượng

bên ngoài theo những yêu cầu của ISO.

Lý thuyết Quản trị theo mục tiêu được Peter Ferdinand Drucker xây dựng.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ và thông tin thay đổi hàng ngày, theo Drucker, cần

thay đổi về căn bản quan niệm và cách tiếp cận quản trị trước đây. Mục đích của quản trị

không chỉ là lợi nhuận, là hiệu quả mà còn phải đáp ứng được nhu cầu đa dạng, thường

xuyên biến đổi của khách hàng, do đó makerting phải trở thành một hoạt động không thể

thiếu của bất kỳ doanh nghiệp nào. Và quản trị doanh nghiệp là một công việc sáng tạo

trên nền tảng makerting, trong đó công việc nghiên cứu và phát triển (R&D) cần được thực

hiện thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Drucker đã phát triển cách tiếp cận quản trị theo mục tiêu (MBO), bao gồm các mục tiêu:

phục vụ khách hàng, cung cấp hàng hoá dịch vụ, trách nhiệm đối với nhân viên, trách nhiệm

đối với xã hội… Tính đa dạng của khách hàng và việc thường xuyên thay đổi nhu

cầu của họ đòi hỏi nhà quản trị phải sẵn sàng đối đầu với những rủi ro. Muốn vậy, phải có

năng lực ra quyết định, có khả năng tập hợp đội ngũ thống nhất, có khả năng thúc đẩy và

khuyến khích nhân viên tham gia ra quyết định.

Drucker nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối mục tiêu bộ phận với mục tiêu chung

của tổ chức, có nghĩa là mục tiêu tổ chức được đảm bảo từ việc đạt được các mục tiêu bộ

phận, và các mục tiêu bộ phận lại được đảm bảo từ việc đạt được các mục tiêu cá nhân.

Ông cũng nhấn mạnh việc ủy quyền để cho các nhà quản trị cấp dưới được quyền chủ động

nhằm đạt đến kết quả cuối cùng, đồng thời tạo cơ hội để các nhà quản lý cấp dưới thăng

tiến khi họ thực sự có năng lực và thành tích. Drucker đã đưa ra 3 nguyên tắc thiết kế tổ

5
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

chức khác nhau, đó là các nguyên tắc lấy nhiệm vụ làm trung tâm; lấy thành quả làm trung

tâm; và lấy quan hệ công việc làm trung tâm.

Cuối cùng, chúng ta chuyển sangvấn đề Quản trị tri thức và tổ chức học tập

Quản trị tri thức hướng đến việc liên tục tích lũy và sử dụng kiến thức để phát triển trong

một tổ chức, trong đó công nghệ thông tin được xem là công cụ đắc lực để phát triển, tổ

chức, và chia sẻ tri thức để đạt được sự thành công. Các tài sản tri thức của một tổ chức

bao gồm: bằng phát minh, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết thương mại, các quy trình và

phương pháp quản lý đặc thù, cũng như các kiến thức và sự thông hiểu tích lũy được của

toàn bộ lực lượng lao động trong tổ chức.

Một tổ chức nhấn mạnh đến quản trị tri thức được gọi là tổ chức học tập, được định nghĩa

là nơi con người, các giá trị và các hệ thống có năng lực thay đổi liên tục và cải tiến việc

thực hiện các hoạt động dựa trên nền tảng những bài học kinh nghiệm. Tổ chức học tập

luôn khuyến khích và giúp đỡ mọi thành viên liên tục học hỏi và nhấn mạnh việc chia sẻ

thông tin, làm việc đồng đội, giao quyền cho người lao động, và khuyến khích sự tham gia

của mọi người vào công việc.

Các bạn thân mến,

Có nhiều trường phái khác nhau trong cách tiếp cận và quan niệm về quản trị. Điều đó thể

hiện tính đa dạng, phức tạp của thực tiễn quản trị. Chúng ta vừa nghiên cứu 3 dòng lý thuyết

về quản trị, thể hiện cho sự thay đổi trong nhận thức của lịch sử nhân loại về quản trị. Đó

là một quá trình đi từ cách tiếp cận quản trị theo góc độ kinh tế - kỹ thuật, tổ chức - hành

chính sang cách tiếp cận theo góc độ tâm lý - xã hội, chuyển qua tiếp cận theo văn hoá và

cuối cùng là tiếp cận theo hướng tích hợp và thích nghi trong môi trường biến đổi.

6
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chúng tôi xin kết thúc bài học về lý thuyết quản trị ở đây. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn

trong những bài học sau.

You might also like