You are on page 1of 3

4 mối quan hệ bắt buộc chủ doanh nghiệp nhỏ phải có

Tạo dựng các mối quan hệ là bước cần thiết cho doanh nghiệp nhỏ muốn phát triển.
Sau đây là 4 mối quan hệ mà sếp doanh nghiệp nhỏ cần phải có

Các mối quan hệ góp phần tạo dựng thành công cho doanh nghiệp nhỏ (Ảnh minh họa)

Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ mắc sai lầm khi nghĩ rằng, họ có thể tự mình làm mọi
chuyện. Trên thực tế, điều quan trọng là họ cần phải thiết lập được những mối quan hệ
bền vững cùng với sự phát triển của công ty. Theo hai tác giả Alan S. Berson và
Richard G. Stieglitz của cuốn sách về lãnh đạo Leadership Conversations, cách bạn
tương tác và quan hệ với người khác đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề xây dựng
một nền tảng vững chãi và đáng tin cậy cho doanh nghiệp.

“Các chủ doanh nghiệp nghĩ là họ không có thời gian cho các mối quan hệ, rằng họ
phải đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng và giải quyết mọi chuyện. Nhưng
mối quan hệ là nền móng cho tất cả mọi thứ mà bạn phấn đấu”, tác giả Berson nhận
xét.

Khi công ty của bạn phát triển lên và các trách nhiệm gia tăng, mối quan hệ của bạn với
khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ, những công ty dẫn đầu lĩnh vực, các nhà tài chính,
và chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cũng phát triển theo. Trong cuốn Leadership
Conversations, hai tác giả trên đã chỉ ra 4 mối quan hệ công việc khác nhau đóng vai
trò quan trọng đối với thành công của các chủ doanh nghiệp nhỏ. Đó là mối quan hệ có
mục tiêu, mối quan hệ có chủ đích, quan hệ giao dịch, và quan hệ tin cẩn.

“Bạn cần phải nghĩ về những mối quan hệ này như một cách để duy trì mọi chuyện
suôn sẻ. Nếu bạn đợi cho tới khi bạn cần tới các mối quan hệ này, khi đó sẽ là quá
muộn”, tác giả Berson nói.
Dưới đây là những mối quan hệ mà bạn bắt buộc phải có khi là chủ một doanh nghiệp
nhỏ:

1. Mối quan hệ mục tiêu

Đây là mối quan hệ với những người mà bạn không biết, nhưng ở trong cùng lĩnh vực
kinh doanh với bạn, có thể là người cùng kinh doanh như bạn hoặc đối thủ. Bạn nên
đặt mục tiêu và kết nối với họ, vì bạn sẽ được lợi từ những gì mà họ đề xuất, cũng như
họ sẽ được lợi từ việc quen biết với bạn.

Những mối quan hệ có mục tiêu thường mang lại cảm giác không thật, bởi bạn không
thực sự biết về cá nhân những con người này. Có thể bạn sẽ kết nối với họ trên trang
nghề nghiệp LinkedIn hoặc trao đổi danh thiếp tại một sự kiện. Bạn chưa thể phụ thuộc
ngay vào những người này, nhưng nếu bạn “đầu tư” cho những mối quan hệ với họ, họ
có thể giữ vai trò quan trọng đối với bạn trong tương lai. Nếu bạn đặt mục tiêu vào
đúng người, bạn sẽ biết rõ ai là người mà bạn cần tìm đến khi lĩnh vực kinh doanh của
công ty hoặc thị trường có biến động.

2. Mối quan hệ có chủ đích

Trước khi bạn đề nghị ai đó làm điều gì đó cho mình, bạn cần phải thiết lập một dạng
quan hệ với người đó. Nếu bạn đã có cuộc trò chuyện chóng vánh với một người nào
đó tại một cuộc hội thảo hoặc một sự kiện, mối quan hệ đó là một mối quan hệ có chủ
đích. Có thể bạn chưa thực sự biết về họ, nhưng bạn đã biết đủ để có thể gửi email cho
họ và hỏi xem họ có muốn tham gia vào dự án mới của bạn hay không.

Các mối quan hệ có chủ đích khác với quan hệ mục tiêu vì bạn đã thực sự trò chuyện
và gặp gỡ với những người này thông qua một vài buổi cà phê hoặc ăn trưa nào đó.
Bạn nhận thấy mối quan hệ với họ phát triển, và hai bên nỗ lực để hiểu rõ về nhau hơn.
Những người này có thể đem đến lợi ích cho công ty của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn cần
biết nơi cung cấp một số mặt hàng nhất định, họ có thể giúp bạn liên lạc với đúng
người. Nếu họ là chuyên gia trong ngành, họ có thể tư vấn cho bạn về những quyết
định kinh doanh khác nhau.

3. Mối quan hệ giao dịch

Đây là những mhững mối quan hệ có mức độ cá nhân thấp và thường được các nhà
quản lý sử dụng để đạt được những mục tiêu kinh doanh cụ thể. “Các mối quan hệ này
được định nghĩa bởi điều mà một bên có thể làm được cho bên kia để giúp bên kia đạt
được những mục tiêu trong ngắn hạn, hiếm khi lan sang vấn đề sự nghiệp và các lĩnh
vực cá nhân”, chuyên gia Berson và Stieglitz viết. Chẳng hạn, các mối quan hệ với
khách hàng, bạn kinh doanh hoặc nhà cung cấp thường là các mối quan hệ giao dịch.

“Đối tác trong mối quan hệ giao dịch tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau bởi họ thường
xuyên làm việc cùng nhau và đối xử bình đẳng với nhau. Những mối quan hệ này phát
triển với những người mà bạn có thể tìm đến và dựa vào để hoàn thành công việc”, hai
đồng tác giả viết.

4. Mối quan hệ tin cẩn

Đây là mối quan hệ cá nhân nhất, giá trị nhất và thường là lâu dài nhất trong số những
mối quan hệ được nêu ở đây. Những cuộc trao đổi của bạn với những người này
thường liên quan tới các kế hoạch dài hơi.

Những người này là người tư vấn hoặc bạn làm ăn thân thiết. Dạng quan hệ này cũng
cần tồn tại giữa lãnh đạo cấp cao của công ty với đối tác trong các tổ chức khác nhau.
Các thỏa thuận kinh doanh cần phải được hình thành thông qua các mối quan hệ tin
cẩn. Để tạo dựng được một mối quan hệ như vậy, bạn cần phải có nhiều tương tác. Ở
giai đoạn đầu của các mối quan hệ tin cẩn, bạn nên giúp đỡ đối phương mà không kỳ
vọng được họ đáp trả điều gì. Một khi bạn làm vậy, sự tin tưởng sẽ hình thành giữa hai
bên. Nếu bạn quyết định làm ăn với bên kia, những tương tác như vậy có thể sẽ dẫn
tới một mối quan hệ tin cẩn, bởi bạn đã đối xử tối với họ và không lợi dụng họ để đạt lợi
ích một phía.

Các mối quan hệ tin cẩn đòi hỏi sự đầu tư nhiều nhất cả về thời gian và công sức,
nhưng điều đó là xứng đáng bởi các mối quan hệ này thường tạo ra những cơ hội lớn
và có ảnh hưởng lớn và lâu dài đối với công ty của bạn cũng như của phía bên kia.

Bạn không cần phải xây dựng mối quan hệ sâu sắc với bất kỳ ai mà bạn gặp. Cách tốt
nhất là chọn một vài người để xây dựng mối quan hệ tin cẩn, đồng thời xác định một
nhóm lớn hơn để xây dựng các mối quan hệ mục tiêu, có chủ đích và giao dịch.

You might also like