You are on page 1of 4

SPRING CLASS - TÀI LIỆU THƠ MỚI

———————————

1/ Xuân Diệu - một cái tôi cá nhân, một khối hồn cô đơn:

Hoài Thanh trong tập “Thi nhân Việt Nam” đã nói rằng: Toàn bộ phong trào thơ mới nói
tóm gọn trong một chữ “tôi”. Mỗi thi sĩ thơ mới là một cái tôi cá nhân. Xuân Diệu cũng
vậy. Nhưng cái tôi của Xuân Diệu lại có một sự trưởng thành vượt bậc và hoàn toàn hiện
đại. So với Huy Cận và Nguyễn Bính. Nếu Huy Cận là một cái tôi vẫn còn nặng lòng với
điệu hồn, điệu cảm xúc của con người Á Đông: “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang
thiên cổ sầu”. Điệu hồn thơ Huy Cận có thể nói rằng ngưng đọng trong một khối sầu,
nhưng là khối sầu có từ ngàn xưa- sầu vũ trụ, sầu nhân thế. Trong thơ Huy Cận thấp
thoáng nỗi sầu của các thi sĩ đời Đường. Nỗi sầu nảy sinh trên cơ sở của sự ý thức về sự
đối lập giữa cái nhỏ bé và cái vô cùng, cái hữu hạn và cái vô hạn. Tôi xin lấy một bài thơ
của Trần Tử Ngang:

Tiền bất kiến cổ nhân,

Hậu bất kiến lai giả.

Niệm thiên địa chi du du,

Ðộc sảng nhiên nhi thế há.

(Đăng U Châu đài ca)

Dịch nghĩa:

Phía trước không thấy người xưa

Phía sau không thấy ai đến

Ta nghĩ rằng trời đất rộng lớn mênh mông

Riêng ta đau lòng rơi lệ.

Con người cô đơn trong cả không gian và thời gian. Con người tự thấy mình nhỏ bé
trong cái tôi vô cùng của không gian, tự thấy mình hữu hạn trong cái vô hạn của thời
gian.

Với Nguyễn Bính, đó là một cái tôi lỡ dở. Trước hết, có thể hiểu Nguyễn Bính là một
người nhà quê tự đánh mất mình:

Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh

Tôi đi dan díu với kinh thành.

(Hoa với rượu)


Từ một con người của nông thôn làng xã, Nguyễn Bính trở thành con người thị thành,
trở thành một trí thức tiểu tư sản, một cái tôi mang trong mình ý thức xã hội và văn hóa
phương Tây. Tuy nhiên, nhà thơ vẫn không thể cắt đứt sợi dây liên hệ với ý thức xã hội
và văn hóa làng quê Việt Nam truyền thống. Trên bước đường “dan díu với kinh thành”,
nhà thơ vẫn luôn giật mình:

Xót xa một buổi soi gương cũ

Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền.

(Sao chẳng về đây?)

Nhà thơ vẫn luôn hoài niệm đầy nuối tiếc, xót xa vì sự mất đi tính “chân quê”, những nét
đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Ông tự nhận thấy con người nhà quê trong mình đã
phai nhạt, phôi pha, và kịp thời giật mình- quay về lấy lại những gì đã mất:

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

(Chân quê)

Có rất nhiều cái tôi cá nhân trong thơ mới, và đa số họ vẫn còn nặng căng với ý thức xã
hội và văn hóa truyền thống.

Và đến Xuân Diệu, có thể nói rằng nhà thơ đã chính thức đoạn tuyệt với ý thức xã hội và
văn hóa phương đông, cắt đứt sợi dây liên hệ với quá khứ và chỉ để say mình thỏa sống
nơi hiện tại.

*Cái tôi cá nhân Xuân Diệu đầy ngạo nghễ với vị thế: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”.
Xuân Diệu tự tôn vị thế, tự cho mình là một đỉnh “Hy Mã Lạp sơn”, là đỉnh cao của mọi
đỉnh cao. Cái tôi Xuân Diệu đã sống theo tinh thần con người phương tây hiện đại, tự
do tuyệt đối:

Tôi là con chim đến từ núi lạ.

Ngứa cổ hát chơi.

Cái tôi đó đã xác lập quan niệm sống, cách thế sống hiện đại: sống là tận hiến, tận
hưởng:

Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn

Sống toàn thân và thức nhọn giác quan.

(Thanh niên)

*Tuy nhiên, càng trưởng thành, càng hiện đại nghĩa là càng cá thể, càng cá biệt thì cái
tôi ấy càng cô đơn. Bản chất của cái tôi là chỉ sống cho nó và vì nó. Vậy nên ý thức của
cái tôi tất yếu sẽ vị kỷ và trở thành ốc đảo cô độc, trơ trọi trong biển đời. Ngay sau khi tự
tôn vị thế của mình, cái tôi ấy đã ý thức:
Không có chi bè bạn nổi cùng ta.

Xuân Diệu đã trở thành Người Xa Lạ (tên tác phẩm của Albert Camus) trong dòng đời.
Sự cô đơn của Xuân Diệu:

- Đó là sự cô đơn trong nhiều trạng huống của sự sống- tình yêu. Ngay trong không
gian rất lãng mạn của tình yêu, đi bên người tình, Xuân Diệu vẫn không thể nguôi quên
nỗi ám ảnh cô đơn tột độ:

Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!

Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ.

(Trăng)

Ngay cả trong tình yêu, nhà thơ cũng cảm nhận được sự xa cách vời vợi:

Em là em, anh vẫn cứ là anh.

Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành

Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.

(Xa cách)

Xuân Diệu luôn sợ hãi sự cô đơn, trống vắng. Vì vậy, nhà thơ đã hóa thân vào người kỹ
nữ để nói lên tâm sự cô đơn của mình:

Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo.

2/ Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử:

Khi nói về thơ HMT thì không thể không nhắc đến đức tin (màu sắc tôn giáo). Tuy
nhiên, ta cần phân biệt giữa con chiên ngoan đạo Nguyễn Trọng Trí và nhà thơ HMT, dù
có khi hai con người ấy có thể hòa thành một. Với tư cách là một con chiên ngoan đạo
thì tôn giáo là tất cả; nhưng với tư cách một nhà thơ thì nghệ thuật mới là tối thượng.
Và tôn giáo được xem như là cái gì đó vĩnh hằng đối với nghệ thuật.

HMT không làm thơ để phụng sự tôn giáo của mình mà anh tìm vào tôn giáo để tìm sự
an ủi, tìm nguồn cảm hứng và tìm một lối thoát cho đời mình trong sự dày vò của thân
xác, bệnh tật. Niềm tin vào tôn giáo của HMT có nhuốm màu sắc của sự đau thương;
cho nên HMT vừa phản ánh cuộc sống trần thế, vừa phản ánh thế giới vô biên, cực lạc;
vừa là cái hữu hình trong cuộc sống vừa là cái siêu hình trong tâm linh. Thơ HMT là sự
giao thoa giữa tôn giáo và nghệ thuật.

HMT từng bộc bạch: “Tôi lợi dụng văn chương và triết lý nhà Phật để làm thơ mà thôi.
Tôi dung hòa cả hai thể văn và tôn giáo: Thiên chúa và nhà Phật để làm giàu cho nền
văn chương nói chung”. Chính vì thế, trong thơ HMT không có sự phân cách giữa tôn
giáo. Tuy là một con chiên của Thiên Chúa giáo nhưng HMT vẫn tìm nguồn cảm hứng
trong đạo Bồ Đề và ông cũng không ngại dùng những hình ảnh Phật giáo (từ bi, ba
ngàn thế giới, mười phương chánh quả,…). (Chú ý bài thơ “Phan Thiết”).
Tóm lại, có thể thấy đức tin là một yếu tố không thể thiếu trong thơ HMT. Nó như
nguồn sống mãnh liệt đang tuôn chảy trong huyết mạch tác giả. Đức tin là nơi tâm
hồn đau thương của HMT phần nào được xoa dịu. Từ trong đau thương ấy, HMT vịn vào
đức tin để có thể vượt lên trong một niềm khát khao sống. Trong tận cùng nỗi đau,
tiếng thơ HMT vẫn khát khao hướng về cuộc sống một cách tha thiết nhất.

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

“Tối nay” chính là hiện tại ngắn ngủi. Và “có chở trăng về kịp tối nay?” là một câu hỏi lớn,
là một khát khao mãnh liệt hướng về cõi sống, cõi sáng trong thơ HMT. Câu hỏi này vừa
là câu hỏi nhân tình nhưng đồng thời là một câu hỏi nhân sinh về sự sống. Cho nên, từ
“kịp” ở đây như tiếng nói của một sự khẩn cầu, khẩn cấp, là tiếng gọi của sự sống trong
một khoảnh khắc ngắn ngủi. “Tối nay” chứ không phải là một tối nào khác. Thấp
thoáng đâu đây một chút hy vọng để thấy rằng ngay trong lúc sự sống tưởng chừng
ngắn ngủi thì HMT vẫn còn đức tin, vẫn còn hy vọng vào vầng sáng thanh khiết, vào cõi
sống. Đức tin vừa là điều kiện vừa là bản chất sự sống trong thơ HMT. Đây là một yếu tố
không thể thiếu trong cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật của HMT.

Huy Cận trong thơ mình cũng có những yếu tố tôn giáo nhưng Huy Cận đến với tôn
giáo trong cách nhìn của một thi sĩ, một công dân không theo một tôn giáo nào cả.
Ông viết về tôn giáo như một thứ văn hóa tâm linh, như một phương diện để cắt nghĩa
về cuộc đời. Huy Cận lí giải và cắt nghĩa nỗi đau khổ của con người và ông nhận thấy
hướng giải thoát cho nỗi đau khổ ấy là con người phải tự cứu lấy mình, không trông
chờ vào một đấng cứu sinh nào cả. Khác với Huy Cận, HMT là một con chiên ngoan đạo,
cho nên ông đến với tôn giáo và thơ ca như một phương tiện để cứu rỗi linh hồn. Và
cảm hứng tôn giáo trở thành cảm hứng chủ đạo trong thơ HMT, tạo nên một thế giới
riêng đặc sắc trong thơ ông. Và với những nhà thơ Việt Nam, không ai thể hiện niềm tin
tôn giáo mãnh liệt như HMT. Và niềm tin ấy trở thành một tình cảm tôn giáo trong thơ
ông, ca ngợi Chúa- Đức Mẹ một cách chân thành và đầy cảm xúc.

You might also like