You are on page 1of 5

1. Thơ mới – Sự bùng nổ của cái Tôi cá nhân, cá thể.

                      Trong giai đoạn “gió Âu mưa Mỹ” tràn vào nước ta, “người thanh niên Việt Nam đang đi tìm thi nhân
của mình như con đi tìm mẹ” (Lưu Trọng Lư). Và lẽ dĩ nhiên, “Phương Tây đã giúp chúng ta phát hiện ra
mình” nhưng đó là sự phát hiện ra mình trên mảnh đất giàu tiềm năng và bề dày trầm tích văn hóa. Vì vậy, Thơ mới
là “một bước tổng hợp mới những giá trị văn hóa Đông Tây, truyền thống và hiện đại” (Phan Cự Đệ). Có thể nói như
nhà thơ Huy Cận: “Thơ mới là nỗi niềm, thái độ , là một cuộc ra trận của cả một thế hệ văn chương, một lực lượng
trẻ văn hóa dân tộc quyết đổi mới cả một nền văn thơ, văn chương đã mỏi mòn, khô cứng, bạc màu”. Thơ mới đã làm
một cuộc cách mạng, thay đổi cả hệ thống thi pháp. Cuộc cách mạng trong Thơ mới gắn với quá trình giải phóng cái
tôi cá nhân khỏi những ràng buộc của con người phận vị, “con người chức năng trong xã hội luân thường” (Trần
Đình Hượu).  Thơ mới là sản phẩm của “khát vọng thành thật” (Hoài Thanh), đưa cái tôi cá nhân vào trung tâm của
thơ ca, cho phép biểu đạt mọi cung bậc của cảm xúc và suy tưởng.Thơ ca bao giờ cũng là dấu ấn sáng tạo của người
cầm bút, thể hiện bản ngã, cái tôi.
            Từ thời trung đại, Hồ Xuân Hương đã cá tính sắc nhọn trong từng lời thơ và tự xưng tên trong thơ “Quả cau
nho nhỏ miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương mới quệt rồi”(Mời trầu). Nguyễn Công Trứ cũng thể hiện rõ bản ngã
của cái tôi tài tử. Thế nhưng, cái tôi trong thơ trung đại hầu hết hòa trong cái ta chung. Thơ ca trung đại đề cao tính vô
ngã. Phải đến Thơ mới, cái tôi mới được nhận thức và thể hiện như là trung tâm của thơ ca. Phương Tây đã đi một
quãng đường khá xa trong sự khẳng định cái tôi cá nhân. Thế nhưng ở nước ta, cùng những yếu tố nội sinh cộng với
sự tiếp biến văn học phương Tây, cái tôi mới được tìm thấy và nở rộ trong thơ. Cái tôi đó được thai nghén cả nghìn
năm trong thơ ca trung đại, đến đầu thế kỷ XX mới trở dạ và thể hiện đậm nét trong dòng Thơ mới.
          Có thể nói, thơ ca hướng vào thể hiện cái tôi chính là con đường đưa thơ trở về với bản ngã của chính nó. Thơ
mới khám phá cái tôi với tư cách là chủ thể nhận thức và là đối tượng phản ánh của thi ca. Với tư cách là chủ thể nhận
thức, cái tôi cùng hệ thống quan niệm thẩm mĩ mới mang dấu ấn của những tìm kiếm mới, sáng tạo mới, phong cách
mới mà văn học mấy thế kỷ qua chưa đạt tới được. Cái tôi ấy không chỉ bó hẹp thơ ca trong mục đích tải đạo, nói chí,
giáo huấn mà là chủ thể sáng tạo mang cá tính riêng, phong cách riêng với nhu cầu tự khẳng định mình. Cái tôi cũng
là đối tượng phản ánh của thi ca với tất cả sự phong phú, hấp dẫn, phức tạp của nó. Với nhu cầu khẳng định cái tôi cá
nhân, cá thể, các nhà thơ Mới đã “đồng loạt cất lên bản hòa tấu tuyệt đẹp với những âm thanh mới lạ, tân kỳ chưa
từng có trước đó”(GS. Hồ Thế Hà).
            Thơ mới về cơ bản hoàn toàn đối lập với thơ cũ, như Lưu Trọng Lư đã nói một cách hình tượng “Các cụ ta ưa
những màu đỏ chót, ta lại ưa những màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuâng vì những tiếng trùng đêm khuya, ta lại nao
nao vì tiếng gà gáy đúng Ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì cho là
mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình
muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình giây phút, cái tình nghìn
thu”.
             Thơ mới đã làm một cuộc cách mạng thi ca, từ nghệ thuật biểu hiện đến nội dung, tư tưởng. Thơ mới đã đưa
thơ ca nước ta tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa. Con người cá nhân, cá thể xuất hiện trong Thơ mới là con
người trực tiếp đối diện với thế giới và đối diện với chính mình, là con người đã rũ bỏ gánh nặng của nhà luân lý với
thơ và bằng thơ, là con người hoàn toàn tồn tại với tư cách là một cái tôi mang cảm xúc cá thể. Xuân Diệu trong lời
tựa “Gửi hương cho gió” đã từng nhận mình "Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hót chơi…”. Chế Lan Viên cũng
bộc lộ “Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là
Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai”. Còn Hàn Mặc Tử thì viết :" Người thơ là
khách lạ đi giữa Nguồn Trong Trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng; xung quanh Người là mơn trớn
với yêu đương vây phủ bởi trăm giây quyến luyến - làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai. Gió phương mô đẩy đưa
Người đến bến bờ xa lạ, đầy trinh tiết và đầy thanh sắc... Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một
đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng... Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả
những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật".
          Mỗi nhà thơ với cá tính sáng tạo riêng đã bộc lộ cái tôi không giống nhau. Và có lẽ, chưa bao giờ như bây giờ,
thơ ca đạt đến độ chín của nhiều phong cách, nhiều cái Tôi cá nhân, cá thể trong tư cách là chủ thể sáng tạo như thế.
Đúng như Hoài Thanh đã khẳng định “Tôi quyết rằng chưa có thời đại nào phong phú như thời đại này trong lịch sử
thi ca Việt Nam. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như
Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như
Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”.
             Khám phá vườn Thơ mới, ta có thể nhận ra hương sắc riêng của từng phong cách. Và cũng từ những vần thơ
mang dấu ấn chủ thể sáng tạo ấy, cái Tôi phức tạp nhưng đầy hấp dẫn đã đi vào trung tâm thơ ca với đầy đủ ý nghĩa
nhân bản. Đó là một Thế Lữ như "người khách đi qua trần thế" thoát ly để đi tìm cái đẹp“Tôi chỉ là một khách tình si/
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể”, mộng mơ trong chốn bồng lai tiên cảnh với tiên nga, ngọc nữ, tiếng sáo Thiên
Thai, hạc trắng hoa đào. Đó là một Xuân Diệu tự xem mình “Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất” luôn băn khoăn, rạo
rực trong tình yêu với nỗi phấp phỏng muốn chiếm lĩnh thời gian: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi,
tình non sắp già rồi”; “Gấp đi em anh rất sợ ngày mai/ Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn”.Đó là một Huy Cận
với cái tôi mang nỗi “sầu vạn kỷ” nơi quán chật đèo cao, sông dài trời rộng “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang
thiên cổ sầu”. Đó là một Chế Lan Viên với cái tôi tiếc thương quá khứ, lạc trong thế giới điêu tàn siêu hình, thần bí,
băn khoăn nghi nghờ bản thể “Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta/ Ý của ai trào lên trong đáy óc”. Dường như trước sự biến
suy của xã hội cùng ảnh hưởng văn hóa Tây phương, cái tôi trong Thơ mới bấy lâu dồn nét chợt vỡ òa. Cái tôi đó vừa
là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền văn hoá mới. Các nhà Thơ mới đều có ý thức khẳng định mình như một thực thể
duy nhất không lặp lại. Hướng đến khám phá và thể hiện cái tôi cá nhân, cá thể, Thơ mới mang lại cho thơ Việt sự
thanh tân, tươi mới, một lối thơ hiện đại, đoạn tuyệt với thơ ca trung đại gò bó, khuôn thước.
        Cái tôi cá nhân, cá thể bùng nổ trong thơ làm đảo lộn mọi quan niệm. Quan niệm thẩm mĩ thay đổi, nội dung tư
tưởng đổi khác và chúng hiện lên trong bộ cánh hình thức cũng mới mẻ vô cùng. Không còn là thơ để tải đạo, để nói
chí, thơ ca bây giờ bám rễ vào cuộc đời trần thế với tất cả niềm vui, nỗi buồn, sự đam mê, cô đơn, hoài nghi, chán
nản…Đến với thơ Xuân Diệu, ta bắt gặp ở đó cái tôi bộc lộ đầy đủ, trọn vẹn, cá tính trong khát khao tình yêu, lồ lộ
đam mê mãnh liệt “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”. Con người ấy nồng
nhiệt, tha thiết sống, sống hối hả, sống cuống quýt, muốn là dây “quấn quýt lấy mình xuân”, muốn “chân hóa rễ để hút
màu dưới đất” nhưng cũng không tránh khỏi nỗi cô đơn “Em là em, anh vẫn là anh/ Có lẽ nào qua Vạn Lý trường
thành/ Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật” và cả sự bế tắc trước cuộc đời “Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi
đâu đứng sầu bóng tối”. Thơ Hàn Mặc Tử lại đưa ta khám phá “một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng", “rộng không bờ
không bến, càng đi xa càng ớn lạnh..." (Hoài Thanh) và bắt gặp một cái tôi mê dại, não nề đến rên xiết, cô độc đến
trống rỗng, khát thèm đến đê mê trong thú đau thương. Cái tôi ấy đắm mình trong ngổn ngang nỗi niềm day diết quặn
đau; xa đời, xa người và xem thế giới ảo mộng là người tình tri kỉ. Hàn Mặc Tử mê tơi trong những ảnh hình kì dị. Cái
tôi phân thân, trao phận vào cõi hư vô ắp đầy ám gợi: “Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng/ Cho ngây người mê dại
đến tâm can” (Rướm máu).
  Nếu trong thơ truyền thống, con người bé nhỏ, tan biến trong vũ trụ, hoặc con người hướng tới cái thiêng liêng, cái
siêu việt thì trong Thơ mới, cái tôi được giải phóng, con người cá nhân được ý thức và khẳng định như là trung tâm
của vũ trụ. Thơ mới khả năng diễn đạt những rung cảm tinh tế của cái Tôi cá nhân cá thể, tạo nên sự cách tân đáng kể
so với thơ cũ.
Cùng với đó, quan niệm thẩm mĩ cũng đổi khác. Nếu thơ xưa xem thiên nhiên là chuẩn mực cái đẹp thì trong Thơ
mới, con người mới là vẻ đẹp toàn bích. Vì vậy, Xuân Diệu – “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới” (Hoài Thanh)
khi miêu tả thiên nhiên luôn lấy vẻ đẹp con người làm chuẩn mực: “Lá liễu dài như một nét mi”, “Mây đa tình như thi
sĩ thời xưa”, “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”…Còn với Huy cận, thiên nhiên là bức tranh mang hồn quê,
hồn nước, đẹp mà buồn: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu” (Tràng giang). Với Hàn
Mặc Tử, thiên nhiên là hiện thân xác thịt, là người thiếu nữ gợi cảm, là cám dỗ của trái cấm: “Trăng nằm sóng soải
trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi…Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe...”
(Bẽn lẽn).
 
          Thơ mới biểu hiện một cuộc cách mạng của tư duy thơ : đặt cái tôi cá nhân ở trung tâm cảm thụ thế giới. Trong
Thơ mới, có một sự giao hòa giữa thế giới nội cảm (cảm xúc, cảm giác, tâm trạng) của chủ thể trữ tình với thế giới
ngoại cảnh, có sự nới rộng những biên độ của sự cảm thụ thế giới bằng việc kết hợp các giác quan một cách kỳ lạ.
Thiên nhiên trong thơ mới là một thứ thiên nhiên rạo rực những cảm giác của con người: “Vườn cười bằng bướm hót
bằng chim / Dưới nhánh không còn một chút đêm / Những tiếng tung hô bằng ánh sáng /Ca đời hưng phục trẻ trung
thêm” (Lạc quan - Xuân Diệu). Có khi nội cảm hóa ngoại cảnh, làm cho ngoại cảnh nhuốm màu cảm xúc con người:
“Nắng chia nửa bãi, chiều rồi.../ Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu / Sợi buồn con nhện giăng mau / Em ơi hãy ngủ
anh hầu quạt đây” (Ngậm ngùi - Huy Cận). Có khi ngoại cảnh hóa tâm hồn “Đây chùm thương nhớ, khóm yêu
đương / Đây em cành thẹn lẫn cành thương” (Xuân Diệu). Con người trong quan niệm của các nhà Thơ mới là con
người trần thế. Từ đó, không gian và thời gian nghệ thuật trong  Thơ mới là tính chất, hằng số tâm lí – xã hội của con
người cá nhân, cá thể.
            Có thể nói, mọi phương diện thi pháp trong Thơ mới đã hoàn toàn thoát li thơ cũ. Tất cả chịu sự chi phối của
cái Tôi cá nhân, cá thể. Trong khu vườn Thơ mới, mỗi cái Tôi mang một hương sắc riêng, tạo nên một thế giới thơ đa
dạng, phong phú về phong cách. Sự bùng nổ cái Tôi đã đưa thơ vươn tới bao giá trị mới chưa từng có trước đó.

2. Thơ mới – Sự bùng nổ của ngôn từ:


 
           Thơ mới không chỉ là sự nở rộ cái tôi cá nhân, cá thể mà còn đánh dấu sự bùng nổ ngôn từ trên con đường hiện
đại hóa thơ ca. Nhà thơ Huy Cận đã từng cho rằng: “Thơ mới tạo ra ngôn từ mới để biểu hiện cảm xúc mới. Tiếng
Việt trẻ lại với thơ. Sự đóng góp của Thơ mới về ngôn ngữ là rất lớn …Tiếng Việt đến thời Thơ mới đã đổi thịt thay
da một lần nữa”. Có thể thấy, nếu thơ ca trung đại gò bó, ước lệ, khuôn sáo, ưa thích điển tích, điển cố trong câu chữ
thì đến Thơ mới, ngôn ngữ đã tươi mới, phong phú, giàu phép tu từ và khả năng biểu cảm, vừa hàm ẩn, súc tích vừa
trong sáng mà sang trọng, quý phái, vừa giàu nhạc tính vừa mang tính tương hợp cao, vừa có ngôn từ tượng trưng,
siêu thực vừa có ngôn từ huyền ảo kinh dị.
 
           Trải qua cả chục thế kỷ nhưng chưa bao giờ, ngôn từ thơ lại phong phú, hấp dẫn và ngồn ngộn sức sống đến
vậy. Cái tôi thi nhân Thơ mới đã tạo ra những bước đi liên tục của ngôn ngữ thơ, đưa ngôn ngữ thơ từ "điệu ngâm
sang điệu nói" (Trần Đình Sử), từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện.
         Theo Phan Ngọc thống kê thì trong 1000 bài thơ Đường luật, tức là tổng cộng 56.000 từ nhưng các nhà thơ trung
đại chỉ sử dụng có 300 từ và hoán đổi chúng trong các bài thơ. Điều đó cho thấy sự nghèo nàn, khô cứng, sự lặp lại
đơn điệu của ngôn ngữ thơ ca trung đại. Thế nhưng, khi các nhà Thơ mới đặt cái Tôi ở trung tâm, đưa thơ về với cuộc
sống trần thế trong “khát vọng thành thật” thì lối thơ mang nặng tính ước lệ, vay mượn ngôn từ, điển tích đã không đủ
sức chứa nổi muôn hình vạn trạng cảm xúc thi nhân.
 
            Vì vậy, đến Thơ mới, thơ Việt đã làm cuộc ly thân hẳn ngữ liệu cũ, ước lệ xưa. Các tác giả đã có nhãn quan
mới, giọng điệu mới làm thay đổi ngôn ngữ thơ: giai đoạn này bắt đầu xuất hiện các câu thơ định nghĩa, câu thơ giãi
bày với những hô ngữ, thán từ, cách nói bằng các con số và có thêm sự góp mặt của ngôn ngữ văn xuôi, giá trị biểu
đạt tinh tế được tăng cường. Có sự trở về với ngôn ngữ thơ cổ nhưng vẫn mang trong nó những tình ý mới. Con đường
kiếm tìm cái tôi cá nhân ấy đã phân hóa ngôn ngữ thơ theo nhiều hướng, đẩy thơ bước vào địa hạt tượng trưng, siêu
thực, mang màu sắc chủ nghĩa hiện đại. Thơ được giải phóng triệt để khỏi các phép tắc, thanh vận chặt chẽ của các thể
loại thơ truyền thống, thơ tự do bắt đầu xuất hiện với số lượng các câu thơ không còn bị giới hạn. Đặc biệt, ngôn ngữ
bình thường trong đời sống hàng ngày đã được nâng lên thành ngôn từ nghệ thuật trong thơ, không còn bị câu thúc bởi
việc sử dụng các điển cố văn học. Ngôn ngữ thơ phong phú, đầy năng lượng và biến hóa trong từng phong cách. Sau
bao năm thơ ca trung đại sử dụng ngôn từ “như những viên gạch để lắp vào bộ khung cố định của luật thơ” (Trần Đình
Sử) thì với Thơ mới, ngôn từ bùng nổ và trở nên phong phú, mới lạ hơn bao giờ hết.
          Với ý thức khẳng định mình của cái tôi trong Thơ mới, ngôn ngữ Thơ mới có sự xuất hiện đại từ nhân xưng
ngôi thứ nhất (ở thơ cũ hiếm thấy) nhằm khẳng định một cách rõ ràng, dứt khoát tư tưởng, tình cảm của cái tôi trữ
tình. Cùng với điều đó, Thơ mới xuất hiện những câu thơ định nghĩa, giai đoạn đầu có nhiều ở thơ Thế Lữ: “Tôi là
người bộ hành phiêu lãng”, “Tôi chỉ là một khách tình si”. Từ 1936, Thơ mới đi sâu hơn vào cái tôi, những câu thơ
định nghĩa xuất hiện nhiều ở Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Với những câu thơ định nghĩa như thế, cái tôi nhà thơ được
khẳng định rõ ràng, dứt khoát hơn.
Nếu Thơ cũ chủ yếu dùng “ý tại ngôn ngoại” thì Thơ mới là thơ hướng nội. Đó là thơ của cái tôi nội cảm hướng đến
thể hiện cảm giác, trình bày các trạng thái tình cảm, nên thế giới ngôn ngữ Thơ mới đầy ắp những hô ngữ, thán ngữ,
lời than, lời kể. Ví như tiếng thơ Chế Lan Viên ngỡ ngàng trước bước đi của thời gian “Chao ôi, Thu đã đến rồi sao/
Thu trước vừa qua, mới độ nào” hay lời than não nề của Hàn Mặc Tử “Trời hỡi bao giờ tôi chết đi/ Bao giờ tôi hết
được yêu vì”.
 
         Những yếu tố giao tiếp như hô ngữ, thán ngữ, lời than, lời kể… bước vào thơ một cách tự nhiên làm cho ngôn
ngữ sống động, tươi nguyên. 
Từ thơ trữ tình điệu ngâm sang thơ trữ tình điệu nói, ngôn ngữ thơ tiếng Việt đã làm cuộc chuyển hóa nhanh chóng từ
thi pháp trung đại sang hiện đại. Số từ vựng càng giàu có, cách diễn đạt càng tự nhiên, càng chuyên chở đầy đủ, tinh tế
những cảm xúc phong phú, đa dạng, đa cung bậc của cái tôi trữ tình. Sử dụng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán Nôm,
Thơ mới ít dùng từ Hán Việt. Thơ mới cũng khai thác nhiều giá trị các biện pháp tu từ, tạo cho ngôn ngữ thơ giàu sắc
thái biểu cảm, hình tượng và cảm xúc. Từ đó, nó mở ra những kết hợp mới mẻ, táo bạo, làm giàu vốn từ tiếng Việt,
cung cấp nhiều lượng thông tin mới cho từ trong hoạt động ngữ nghĩa.
 
           Trong thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, hệ thống từ vựng mới và cách sử dụng mới
xuất hiện nhiều. Đó là những cách dùng từ rất lạ như “Chị ơi, em cưới mùa xuân nhé; - Nằm mãi mà xem cái nhỡ
nhàng” trong thơ Nguyễn Bính, “Hơn một loài hoa đã rụng cành”, “Vườn cười bằng bướm, hót bằng chim”, “Đây
chùm mong nhớ, khóm yêu thương” trong thơ Xuân Diệu, “Trưa gọi kêu, nâng ngực gió lên trời”, “Dưới trời huyết,
tháp chàm buồn tư lự” trong thơ Chế Lan Viên hay “Tôi vo nhớ tiếc như vo lụa, Tôi riết thời gian trong nắm tay”
trong thơ Hàn Mặc Tử. Có những từ vốn không xa lạ bước vào Thơ mới cũng như thoát xác đầy ý vị mới mẻ. Khi
Xuân Diệu viết "Chiều góa không em lạnh lẽo sao" thì từ "góa" gợi nhiều liên tưởng nghĩa mới, không chỉ gợi sự thiếu
vắng mà cả trống vắng, đơn chiếc. Hay thơ Nguyễn Bính vẫn là hình ảnh quen thuộc của ca dao nhưng mang một sinh
khí mới mẻ, đầy tính hiện đại trong sự đồng nhất cái tôi nhà thơ với thiên nhiên tạo vật: “Lợn không nuôi đặc ao bèo/
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn/ Giếng thơi mưa ngập nước tràn/ Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”.  
        Không chỉ mới mẻ trong từ ngữ và cách diễn đạt, hàm súc, cô đọng ý tình mà ngôn từ Thơ mới rất giàu tính nhạc.
Bằng cách phối hợp thanh điệu, kết hợp nguyên âm cao và phụ âm vang cùng nhịp điệu tâm hồn của thi sĩ, ngôn từ
Thơ mới tràn đầy tính nhạc. Ngấm vào máu điệu hồn dân tộc qua ca dao, Đường thi và nhanh nhạy tiếp thu nhạc tính
trong thơ tượng trưng Pháp, các nhà Thơ mới đã rất dụng công đưa nhạc vào thơ, nhạc làm nền cho thơ, nhạc hòa âm,
phối nhịp với giọng điệu thơ, dẫn dắt hồn thơ, thơ đi theo nhạc, điệp trùng những vang ngân qua nhiều giai điệu.Thơ
mới giàu nhạc điệu: nhạc điệu bằng - trắc theo kiểu thơ Đường như câu thơ Xuân Diệu “Trăng nhập vào dây cung
nguyệt lạnh / Trăng thương, trăng nhớ, hởi trăng ngần! / Đàn buồn, đàn lặng, ôi! đàn chậm / Mỗi giọt rơi tàn như lệ
ngân” (Nguyệt cầm); nhạc điệu lục bát của ca dao, dân ca được các nhà thơ tìm cách biến tấu, vắt dòng, ngắt nhịp như
câu thơ Huy Cận “Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi/ Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...” (Buồn đêm mưa).; nhạc điệu bằng lối
dùng từ tượng âm của những từ xướng âm nhạc cổ để lồng ghép vào thơ như trong bài Say đi em của Vũ Hoàng
Chương “ Khúc nhạc hồng êm ái / Điệu kèn biếc quay cuồng / Một trời phấn hương / Đôi người gió sương” ; nhạc
điệu bằng cách xây dựng câu thơ, bài thơ hoàn toàn bình thanh theo kiểu của Bích Khê như “Ô hay! Buồn vương cây
ngô đồng/Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông ” hay Xuân Diệu như “Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/
Tương tư nâng hồn lên chơi vơi”; nhạc điệu bằng cách điệp âm, điệp thanh, lặp lại khổ thơ, vắt dòng câu thơ như
“Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt/ Như hắt hiu cùng hơi gió heo may” (Tiếng trúc tuyệt vời - Thế Lữ)...
 
         Thơ mới là tiếng nhạc vang ngân, da diết. Các nhà thơ đều ra sức khai thác nhạc tính một cách tối đa. Thơ mới là
thơ của những tiết tấu âm vang, của những con chữ biết hát ca và trò chuyện, thơ của sắc màu rộn rã dù bàng bạc trong
nó “nỗi buồn thế hệ” của một thời. Với ngôn ngữ giàu nhạc tính, Thơ mới đã làm giàu có, đẹp đẽ hơn giá trị của tiếng
Việt.
        Ngôn từ Thơ mới còn mang tính tương hợp cao. Đó là sự ảnh hưởng sâu đậm của Baudelaire với quan niệm về sự
tương hợp của các giác quan :hương thơm, màu sắc và âm thanh cùng nhau tương hợp. Nhạc thơ xuất hiện trong
tương hợp ấy nên nó rất đẹp, lung linh, kỳ ảo, lưu giữ lâu bền chất thơ trong lòng người, nhạc hoá hồn thơ, thông qua
cách kiến trúc câu thơ đầy nhạc, đầy âm vang...tất cả được hòa quyện, chuyển hóa trong nhau để tạo thành một thế
giới nghệ thuật, thế giới của sự tương hợp giữa âm nhạc, màu sắc, hương thơm và cảm giác vang vọng, u sầu, trước
hết của chính người thơ, và sau đó, vươn đến tha nhân, để vẫy gọi những tấm lòng đồng điệu, tri âm, tri ngộ.
          Thơ Xuân Diệu có những bài tràn đầy cảm giác như bài “Nguyệt cầm”. Bài thơ thể hiện sự giao cảm giữa
hương sắc và thanh âm, giữa đất trời và cỏ cây, giữa vũ trụ và con người, giữa trần gian và âm cảnh. Có sự tương giao,
cộng hưởng giữa âm thanh và ánh sáng, da diết cảm giác tê lạnh trôi trong các vần thơ: Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ
ngời/ Ðàn ghê như nước, lạnh, trời ơi... / Long lanh tiếng sỏi vang vang hận / Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.
Tính tương hợp của ngôn ngữ thơ cũng xuất hiện hiện nhiều trong những vần thơ đầy cảm giác của Hàn Mặc Tử.
Trong Thơ mới, cuộc sống được cảm nhận vừa bằng cảm xúc, vừa bằng trí tuệ, vừa bằng cả thẩm mĩ các giác quan
hòa quyện. Một thế giới huyền ảo, thế giới của những cảm quan nghệ thuật được mở rộng từ các giác quan thẩm mĩ.
            Sự tương ứng các giác quan đã có từ Xuân Diệu với những tổ hợp từ lạ: "Long lanh tiếng sỏi", "Một tiếng cười
hương", "Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi !", sang đến Bích Khê và Hàn Mặc Tử thì càng có độ "chín". Điều này từ
Xuân Diệu đến Đoàn Phú Tứ, Bích Khê là sự vận động liên tục, là cuộc chạy tiếp sức. 
Ảnh hưởng tư tưởng nghệ thuật của Baudelaire ở quan niệm "tương ứng giữa các giác quan" nên các nhà thơ đặc biệt
chú ý đến sự dao động giữa ngữ âm và ngữ nghĩa, đưa thơ đi về phía tượng trưng.
 
             Trong Thơ mới, những hư ảo, huyền thoại, tượng trưng, siêu thực, huyền ảo, kinh dị... đậm đặc trong lớp từ
mang màu sắc tôn giáo của Hàn Mặc Tử; hồn của Bích Khê; ma của Chế Lan Viên...Vào khoảng 1941 – 1945, Thơ
mới cũng đã có nhánh rẽ về hướng siêu thực với các tác phẩm của Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Hàn Mặc Tử,
Bích Khê...Việc đổi mới này đã làm tăng vốn từ vựng, mở rộng biên giới từ, thơ diễn tả được nhiều ý tứ mới.
         Lớp từ mới này trong ngôn ngữ Thơ mới hiếm thấy trong thơ cũ. 
Nói đến tính hiện đại trong ngôn ngữ Thơ mới so với thơ cũ không có nghĩa là Thơ mới đoạn tuyệt hẳn nhưng tinh hoa
thơ cũ. Những thể thơ cũ như bảy chữ, lục bát…hay luật đối, gieo vần cũ vẫn xuất hiện nhiều trong Thơ mới nhưng
được biến hóa tự do, linh hoạt hơn. Ngôn ngữ thơ Huy Cận hài hòa những yếu tố truyền thống và hiện đại, phương
Đông và phương Tây mà rất mới lạ. Thơ lục bát Nguyễn Bính “chân quê” theo một kiểu rất riêng: “Anh đi đấy, anh về
đâu?/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”.
 
           Sự trở về ngôn ngữ thơ cổ chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của Tiếng Việt và bề dày trầm tích văn hóa truyền
thống. Vừa học tập phương Tây, vừa tiếp thu thơ Đường, vừa sử dụng tinh hoa văn học dân tộc, các nhà Thơ mới đã
làm được bước tổng hợp quan trọng giữa văn hóa Đông Tây và truyền thống, đưa thơ ca Việt Nam tiến nhanh trên con
đường hiện đại hóa.
Có thể thấy, những bước đi đổi mới đầy sáng tạo của ngôn ngữ Thơ mới đã thêu dệt nên những vần thơ hay, đẹp, giàu
chất nhạc. Thơ mới có nhiều lớp từ vựng mới, nhiều cách diễn tả lạ chưa từng thấy, đầy cảm xúc, cảm giác. Đó là
“ngôn ngữ của thế giới Huyền Diệu” (Xuân Diệu), ngôn ngữ của cái tôi thi nhân thăng hoa cảm xúc. Nó góp phần đưa
thơ bước vững vàng trên con đường hiện đại hóa thơ ca.     

You might also like