You are on page 1of 2

"CÁI TÔI" TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI

“Cái tôi” trong quan niệm triết học và mỹ học của người phương Đông hầu như khác hẳn với
“cái tôi” phương Tây. Người phương Tây tuyệt đối hóa “cái tôi”, phân biệt “cái tôi-cá nhân” và
“cái tôi- xã hội”. Họ quan niệm rằng “con người phổ quát – ta” hoàn toàn chưa phải là “con
người cá nhân – tôi”. Thậm chí sau này trường phái triết học hiện sinh còn tuyệt đối hóa cái tôi
cá nhân tới mức không bao giờ chấp nhận cái ngoài tôi với những định đề kỳ lạ rằng, tự do của
tôi là nô lệ kẻ khác và ngược lại, hoặc “địa ngục là tha nhân”. Nó chỉ chấp nhận Ngã mà chống
lại Tha. Quan niệm về “cái tôi” phương Đông khác hẳn vì nó hài hòa giữa Ngã và Tha, tôi vừa
tồn tại trong tôi, vừa ở trong cái ngoài tôi và ngược lại. Con người chỉ thực sự là con người, là
hiện hữu tôi nếu tôi đặt tôi bên cạnh tha nhân, nếu tôi đặt tôi trong những mối quan hệ sống còn
với kẻ khác và với môi trường thiên nhiên như Marx nói : “Con người là tổng hòa các mối quan
hệ xã hội”. Người phương Đông không bao giờ tách cá nhân ra khỏi gia đình, xã hội, thậm chí
không bao giờ tách cá nhân con người ra khỏi trời đất trong mối tương quan : thiên, địa, nhân.
Cho nên “cái tôi” của phương Đông là một “cái tôi kép”, vừa là tôi, vừa là ta, vừa là “tôi cá
nhân”, vừa là “tôi xã hội”, không phải là “cái tôi” đơn lẻ, cái tôi tuyệt đối phi xã hội, phi quan hệ
như phương Tây quan niệm.
Chính vì những lẽ trên, nên văn học phương Đông từ khởi thuỷ đã là nền văn học đầy tính bản
ngã vì nó là nền văn học sinh ra từ con người, vì con người. Mệnh đề “Văn dĩ tải đạo” của
Khổng Tử cần phải hiểu thông thoáng hơn, đa ngữ nghĩa hơn, chứ “Đạo” đây không chỉ là đạo lý
mà còn bao hàm cả Chân Thiện Mỹ. Chúng tôi xin lấy vài ba thí dụ trong ca dao Việt Nam như :
“Chàng ơi phụ thiếp làm chi / Thiếp là cơm nguôïi đỡ khi đói lòng”, thì nhân vật “thiếp” kia
không chỉ là một “con người phổ quát” mà còn là một ” con người cá nhân”, con người cụ thể
đầy thân phận với đủ “cái tôi” tự ý thức. Hai câu ca dao khác : “Chính chuyên chết cũng ra ma /
Lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng” hoặc “Lẳng lơ chết cũng không mòn / Chính chuyên cũng
chẳng sơn son mà thờ” là những câu ca dao phản kháng, đòi giải phóng, đòi quyền sống, quyền
tự do yêu đương, quyền tự do tìm lạc thú, quyền làm người của phụ nữ trong xã hội phong kiến
trọng nam khinh nữ .
Thơ ca bác học Việt Nam khởi từ Lý-Trần qua Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh
Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ,
Cao Bá Quát tới Tú Xương, Nguyễn Khuyến… bị ai đó dùng nội hàm văn học trung đại phương
Tây để phi ngã hóa. Khi Dương Không Lộ thời Lý viết bài thơ tứ tuyệt “Ngôn hoài” là viết trong
cảm hứng tuyệt vời bản ngã, đẩy cái tôi cá nhân lên chót vót đỉnh thiền với hai câu thơ cuối hay
đến kinh ngạc như sau : “Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh / Trường khiếu nhất thanh hàn thái
hư ” (Gặp dịp ta sẽ trèo thẳng lên ngọn núi cô độc cao ngất / Hét lên một tiếng hét dài làm lạnh
toát cả càn khôn). Qua bài thơ thần diệu của Không Lộ thiền sư, chúng ta biết thêm rằng tiền
nhân đã không chỉ lặn vào sâu thẳm nội tâm bản thể mình để đi tìm “cái tôi”, mà còn hướng ra
thái hư, thám hiểm vô biên để tìm kiếm bản ngã ngoài mình nữa.
Thơ chữ Hán và nhất là “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi quả là đại kiệt tác trong văn học Việt
Nam. “Quốc âm thi tập” chính là bài ca tuyệt mỹ của tính bản ngã, của “cái tôi” thân phận
Nguyễn Trãi hóa thân vào cuộc đời và tạo vật, là tấm lòng đau đáu, cô đơn của hồn thơ thiên tuế
“Đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay”. Người ta dùng hệ quy chiếu phương Tây để đọc cổ
nhân Việt Nam nên không thể tiếp nhận được tinh thần bản ngã của hai câu thơ hay vào loại nhất
trong “Quốc âm thi tập” : “Nguyệt xuyên há dễ thấu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng
non”. Chỉ thấy ánh trăng và cây trúc, nước chảy và bóng núi, nào thấy “cái tôi” ở đâu ? Không,
“cái tôi” đó nằm giữa hồn thơ, hồn người trong tận cùng gan ruột câu thơ và bàng bạc cả trong
trời đất. Trăng sáng chiếm lĩnh cả vũ trụ, đâu đâu cũng phủ lên, trùm lên được mà sao chỉ có
lòng trúc, ruột cây trúc là ánh trăng không thể soi thấu ? Nguyễn Trãi giấu hồn mình trong “lòng
trúc thi ca” khiến vầng trăng thời đại không thể nào tiếp cận ; cũng như ông cha ta thường giấu
“cái tôi” trong thơ ngoài tạo vật với thi pháp “thi tại ngôn ngoại”. “Nước chảy đá mòn” nhưng
với Nguyễn Trãi, nước chảy mãi vẫn không mòn được bóng núi. Bóng núi in xuống dòng sông
nhẹ như không mà nước muôn đời chảy mãi vẫn không đẩy được, trôi được bóng núi – bóng thi
ca kia. Câu thơ trên chỉ mượn trăng, mượn trúc, mượn bóng núi in trên nước chảy mà tỏ nỗi lòng
nghìn thu Nguyễn Trãi với những suy tư sâu sắc tới vô cùng về thân phận làm người, sao lại bảo
chúng thiếu vắng “cái tôi” cá nhân?
“Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm là khúc ngâm đoạn trường của “cái tôi”
cá nhân người chinh phụ trải nỗi đau, trải niềm phản kháng, trải tiếng thét gào bản thể từ khuê
phòng tới tận chiến trường đẫm máu. “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, “Truyện
Kiều” của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương… thảy đều là tiếng kêu thương đòi quyền được thể
hiện “cái tôi” cá nhân, đòi quyền sống, quyền làm người của người đàn bà trong xã hội phong
kiến. Nếu phủ nhận tính bản ngã trong thơ ca cổ dân tộc, cầm bằng như cố tình không công nhận
tính nhân bản và tính nghệ thuật của những thiên tài thơ bậc nhất Việt Nam vậy ! Chúng tôi xin
mượn lời nhà phê bình văn học kiệt xuất Viên Mai đời Thanh trong “Tùy viên thi thoại” bàn rất
hay về “cái tôi” trong thơ làm lời kết : “Làm người thì không nên có cái tôi, có cái tôi thì hay
mắc bệnh kiêu căng cậy tài. Cho nên Khổng Tử nói “không cố chấp”, “không chỉ cho mình là
đúng” vậy. Nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi. Không có cái tôi thì dễ mắc cái tệ cóp
nhặt phô diễn…”

You might also like