You are on page 1of 4

NGUYỄN BÍNH và THƠ

I/ Tác giả:

a/ Cuộc đời – con người:

- Nguyễn Bính tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính (1918-1966), quê quán tại xóm Trạm, thôn Thiện
Vịnh, xã Đồng Đội nay là xã Cộng Hòa, thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

- Ông sinh ra và lớn lên trong một vùng quê nổi tiếng với truyền thống văn chương và khoa bảng. Nơi
ấy mang đậm nét đặc trưng của vùng làng quê Bắc Bộ xưa với những đêm hát giao duyên giữa các
liền anh liền chị, các gánh hát chèo giữa các thôn xóm, bản làng. Tất cả những nét sinh hoạt đó, sau
này đã ảnh hưởng rất nhiều tới các sáng tác của Nguyễn Bính.

- Nguyễn Bính được nhận xét là một con người rất lãng mạn và đào hoa. Ông trải qua rất nhiều mối
tình và nhiều cuộc hôn nhân khác nhau. Tuy nhiên, trong sự nghiệp văn chương thì Nguyễn Bính lại
tỏ ra là một con người vô cùng chỉn chu, cần mẫn và sống hết mình với sự nghiệp thi ca trong suốt 30
năm.

- Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ Mới (1932-1945). Những
sáng tác của ông gây ấn tượng với công chúng bằng ngôn ngữ mộc mạc,giản dị. Với hình ảnh dân dã
mang đậm tinh thần dân tộc.

- Người có ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời thơ ca của ông chính là Đại thi hào Nguyễn Du. Ông
luôn coi Đại thi hào Nguyễn Du là thần tượng số một của mình. Chính bởi sự ngưỡng mộ đó,nên
những vần thơ của Nguyễn Bính có đôi lúc phảng phất âm hưởng của truyện Kiều. Ông yêu văn hóa
dân tộc ,yêu ngôn ngữ dân tộc và yêu tất cả những chất liệu thơ ca truyền thống.

b/ Sự nghiệp văn học:

- Bài thơ Cô hái mơ là sáng tác đầu tiên của Nguyễn Bính được đăng báo. Năm 1937, ông gửi tập
thơ Tâm hồn tôi đi dự thi và giành được giải khuyến khích của nhóm Tự lực văn đoàn. Năm 1940,
Nguyễn Bính bắt đầu trở nên nổi tiếng nhờ số lượng các tác phẩm thơ

- Nhắc tới Nguyễn Bính là nhắc tới một thi sĩ của đồng quê. Trong khi những nghệ sĩ đương thời đều
chọn hướng sáng tác thơ tự do, phóng khoáng, mang đậm ảnh hưởng của phương Tây thì Nguyễn
Bính lại chọn cho mình một con đường riêng khác biệt. Thơ của ông như tiếng đàn bầu du dương,da
diết cất lên những giai điệu dân tộc giữa một giàn nhạc giao hưởng hiện đại trên thi đàn thời bấy
giờ. Cũng chính bởi tính gần gũi và trung thành với những những chất liệu truyền thống của dân tộc
nên thơ Nguyễn Bính có sức sống vô cùng bền lâu trong lòng công chúng. Đọc tác phẩm của Nguyễn
Bính, người đọc đều thấy được những nét dung dị, đằm thắm, đậm sắc hồn dân tộc và vô cùng gần
gũi. Cái tình trong thơ của ông luôn tỏ rõ được sự mặn mà, mộc mạc, sâu sắc và rất tế nhị, phù hợp
với phong cách và tâm hồn của người Á Đông.

- Cũng bởi vậy mà thơ của Nguyễn Bính rất dễ đi vào tâm hồn của con người ta, chiếm được cảm
tình của đông đảo độc giả từ thành thị cho đến nông thôn. Đặc biệt là những người ở tầng lớp bình
dân, họ thuộc lòng và ngâm nga thơ của Nguyễn Bình nhiều nhất. Và thơ hay không phải là một bài
thơ phải dùng đến quá nhiều ngôn ngữ đặc biệt, mà bài thơ đó phải dễ thuộc, dễ khiến cho con
người ta nhận thấy được sự đồng cảm.

- Đặc điểm thơ Nguyễn Bính:


+ Thơ của Nguyễn Bính thắm đượm cảnh quê, tình quê và hồn quê nước Việt với một sắc thái cũng
vô cùng lãng mạn. Người đọc có thể dễ dàng bắt gặp trong thơ của ông những hình ảnh giản dị đời
thường như hàng cau, rặng mùng tơi, cây bưởi, giàn trầu,…

+ Nguyễn Bính là một nhà thơ suốt đời muốn lưu giữ những nét “chân quê”. Chân quê ở đây còn là
những đức tính tốt đẹp có từ ngàn đời của người dân quê ta. Đó là sự hồn hậu, giản dị, chân chất,
sống tình nghĩa biết trước biết sau, biết lưu giữ và duy trì những phong tục tập quán truyền thống
của dân tộc.

+ Thơ của Nguyễn Bình cũng đặc trưng cho sự giản dị và mượt mà. Ông thường thể hiện rõ sự khéo
léo trong phong cách sáng tác khi kết hợp nhuần nhuyễn thể thơ lục bát cùng với những hình ảnh
làng quê mộc mạc, gần gũi. Bởi vậy, những vần thơ của ông khi được đọc lên đều có được sự nhẹ
nhàng và duyên dáng.

- Không chỉ mang đến cho người đọc những bài thơ mang đậm nét chân quê, giản dị mà những sáng
tác về chủ đề tình yêu của ông vô cùng ấn tượng với độc giả.

- Tập thơ tiêu biểu:

+ Lỡ bước sang ngang (1940)

+ Tâm hồn tôi(1940 )

+ Hương cố nhân (1941)

+ Mây Tần(1942)

+ Bóng giai nhân(1942)

+ Tình nghĩa đôi ta (1960)

II/ Nhận định về Nguyễn Bính và thơ:

1/ “Nhà thơ này yêu thôn quê một cách kì lạ, cái tình yêu ấy làm cho thơ anh, ở những câu bình dị
nhất, vẫn có sức lôi cuốn, vẫn có cái duyên xao động lòng người [....] Giọng anh vừa cất lên, người ta
đã nhận ngay ra hình bóng quê hương làng mạc. Cách ăn nói nghĩ ngợi của bà con làng xóm đã
thấm vào Nguyễn Bính.”

2/ “Tại sao dưới bút anh, những chữ đơn sơ, những cảnh bình thường lại có sức gợi cảm? Cái tài ấy
sinh ra từ cách nhìn của anh, anh nhìn bằng tâm tưởng, anh thấy được những điều mắt thường ta
không thấy.”

3/ “Đọc Nguyễn Bính, vì vậy, chúng ta được nhập vào hồn quê hơn là cảnh quê. Nói về cảnh thì Anh
Thơ, Đoàn Văn Cừ có nhiều chi tiết sắc và thực hơn, nhưng dựng được cái hồn quê thì chưa ai bằng
Nguyễn Bính.”

4/ “Ngày nay, nông thôn ta đã đổi thay nhiều, cả phong cảnh lẫn hồn người, những câu thơ Nguyễn
Bính như một dấu tích tâm hồn dân tộc sẽ nuôi lòng nhiều thế hệ bạn đọc.”

(Vũ Quần Phương – Nhìn nhận lại một số hiện tượng văn học)

5/ “Người Việt Nam còn yêu thơ Nguyễn Bính mãi, càng văn minh hiện đại lại càng trân trọng.”

(Vũ Quần Phương)


6/ “.....ta nhận ra phong cách thơ Nguyễn Bính. Đó là sự kết hợp tiếng thơ của thời đại với những gì
biểu hiện trong văn hóa dân gian bao đời.”

7/ “Trong đời sống thơ ca, Bàng Bá Lân nghiêng về đời quê, Anh Thơ với cảnh quê, Đoàn Văn Cừ với
nếp quê thì Nguyễn Bính đậm đà với hồn quê”

(Nguyễn Khắc Đàm)

8/ Lê Đình Kỵ từng cho rằng: “So với các nhà thơ lãng mạn trước đây, Nguyễn Bính đứng riêng một
cõi.”

9/ Thế Phong đã khẳng định phẩm tính của thơ Nguyễn Bính khi cho rằng: “Thơ Nguyễn Bính chẳng
giống thơ một ai, chính thi nghiệp của ông cũng như Hàn Mặc Tử là rút ra trong cuộc sống thành
khẩn của mình, sống rất sâu và nghệ thuật cao diễn tả, thành công rực rỡ. Không cầu kỳ như Vũ
Hoàng Chương, không thuần túy lãng mạn dành riêng cho một giai cấp như xuân Diệu, không khóc
đời suy tư kiểu Huy Cận, không có những hình ảnh thiên nhiên tạo vật buồn nhẹ như Lưu Trọng Lư;
nhưng đi vào khía cạnh tâm hồn mọi người; khi mà thi sĩ cũng hòa đồng rung cảm.”

10/ Vũ Bằng đã xác quyết: “Tôi có thể nói rằng sau truyện Kiều, sau thơ Tản Đà, có lẽ thơ Nguyễn
Bính được nhiều người tìm đọc và ngâm nga nhất.”

11/ Trong cái nhìn của Vũ Bằng, Nguyễn Bính là “một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư”

12/ “Nguyễn Bính đã tìm cho mình một hướng đi dị biệt, tạo cho mình một địa vị vững chắc, một chỗ
đứng có hạng trên thi đàn. Ngôi sao của Nguyễn Bính vừa mọc là sức sáng chói chang cả khung trời
nghệ thuật.”

13/ “Thơ của ông rất hay, được đại chúng biết nhiều nhất, nhưng có lẽ tài bất thắng thời nên cuộc
đời Nguyễn Bính lận đận lao đao, trôi nổi rày đây mai đó trên kiếp giang hồ.”

14/ “Thời tiền chiến, Nguyễn Bính được kể là một trong những nhà thơ lớn, chiếm ngôi vị vững chắc
trong làng thơ mới.”

15/ Cái nhìn của Nguyễn Tấn Long về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính từ sự đối sánh với các nhà thơ
của phong trào Thơ mới: “Ái tình của Nguyễn Bính, khác hẳn cái nóng nảy như Hồ Dzếnh; lãng mạn,
say đắm như Xuân Diệu; chứa chan và dễ dãi như Huy Cận hay trầm buồn như một Vũ Hoàng
Chương. Ngược lại tình yêu trong thơ Nguyễn Bính là một thứ tình yêu nhẹ nhàng, câm lặng, những
mối tình mộng đẹp; nó là thứ tình yêu của một Đỗ Tốn trong Hoa vông vang. Yêu thì tha thiết chân
thành nhưng tâm ý lại rụt rè, nhút nhát.”

(Nguyễn Tấn Long)

16/ Sông Thai khi cảm nhận về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính:

“Thơ tình yêu của Nguyễn Bính không có những đam mê da diết, không có nhục dục thô bỉ, không có
những sôi nổi ồn ào, điên loạn cuồng si hoặc bâng khuâng ray rứt... Thơ tình của Nguyễn Bính trong
sạch, kín đáo và cao thượng. Và dấu vết nổi bật nhất trong thơ ông là tấm lòng chung tình, chung
thủy”

17/ Sông Thai: “Sở dĩ thơ Nguyễn Bình gần gũi với nhân dân ta như thế là vì ông đã từng lăn lộn, hòa
đồng với nhịp sống của đồng bào, chủ yếu là đồng bào dân quê, do đó ông đã vận dụng thành công
ngôn ngữ của họ. Cách sử dụng ngôn ngữ bình dân của Nguyễn Bính lại hết sức nhuần nhuyễn tới
mức tạo cho thơ ông một sắc thái riêng biệt: duyên dáng mà không kênh kiệu, thiết tha mà không
vụng về, thành thực mà không sỗ sàng, lộ liễu. Đó cũng chính là giá trị của toàn bộ thơ ca Nguyễn
Bính”

18/ Nguyễn Bính, một thi sĩ mà theo Hoài Thanh: “vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm”

19/ “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê ẩn náu trong lòng ta.” (Hoài Thanh)

20/ Phạm Văn Song: “Thơ Nguyễn Bính không những bắt nguồn từ ca dao mà còn chịu ảnh hưởng
của ca dao trong cách diễn tả nữa.”

21/ “Nguyễn Bính, một ngôi sao sáng trong thi văn dân tộc” (Nguyên Phan)

22/ Nhận định về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính, Tạ Tỵ viết: “Bính đi vào tình yêu với một mộng
ước đắm đuối vô vàn để được trả bằng thất vọng”

You might also like