You are on page 1of 10

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI


KHOA PHÁP LUẬT HÀNH CHÍNH – NHÀ NƯỚC

BÀI TẬP NHÓM


Môn: Luật hiến pháp Việt Nam

ĐỀ TÀI: Để quản lý thông tin, phát ngôn trên Internet,


cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự định ban hành quy
định người nào muốn livestream trên mạng xã hội phải
xin phép cơ quan nhà nước. Bằng kiến thức Luật hiến
pháp hãy đưa ra các luận điểm để ủng hộ/phản đối quy
định trên.

Ngành: Luật
Lớp: 4801
Nhóm: 02 – Phản đối

Hà Nội, 2023
MỤC LỤC

Lời mở đầu............................................................................................................tr 2
Giải thích thuật ngữ...............................................................................................tr 3
Các luận điểm phản đối.........................................................................................tr 3
I.Luận điểm 1: Quy định ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân tr 3
1. Cơ sở pháp lý...................................................................................tr 3
2. Phân tích luận điểm.........................................................................tr 3
2.1 Ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận................................tr 4
2.2 Ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh..............................tr 4
II. Luận điểm 2: Quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn..........................tr 5
III. Luận điểm 3: Quy định thiếu tính hiệu quả dẫn đến những ảnh hưởng tiêu
cực đến các vẫn đề liên quan............................................................................tr 6
1. Vấn đề thiếu nhân lực, ngân sách nhà nước....................................tr 6
2. Biểu hiện tiêu cực trong việc thực hiện quy định............................tr 6
IV. Giải pháp...................................................................................................tr 7
Kết luận.................................................................................................................tr 7
Tài liệu tham khảo.................................................................................................tr 8
LỜI MỞ ĐẦU

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 - kỷ nguyên số, khi mà
công nghệ thông tin có sự phát triển vượt bậc, tác động lên mọi mặt của đời sống,
đánh dấu bước nhảy vọt đột phá của nền văn minh nhân loại trong tiến trình chinh
phục, khai phá tiềm năng trí tuệ. Trong đó, phải kể đến sự ra đời của Internet mà
đặc biệt là tính năng “phát trực tiếp” – livestream trên các nền tảng mạng xã hội.
Sự ra đời này đã hợp thức hóa những vấn đề về khoảng cách địa lý, điều kiện di
chuyển,… giúp người dùng có thể tạo những buổi gặp mặt online, lưu giữ những
khoảnh khắc đáng nhớ, là công cụ hữu hiệu để con người dễ dàng kết nối với nhau
hơn. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid – 19 có những diễn biến phức tạp, việc ứng
dụng livestream vào hầu hết các lĩnh vực đã phần nào giải quyết được sự đình trệ -
hậu quả Covid – 19 để lại.

Tuy nhiên thời gian gần đây, hiện tượng lợi dụng tự do ngôn luận trên
không gian mạng để đưa thông tin sai sự thật, bôi nhọ, vu khống các cá nhân, tổ
chức, trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí xuyên tạc, chống phá Nhà nước…
đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó kiểm soát (dù Việt Nam đã có nhiều quy
định để ngăn chặn các hành vi này như Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận
thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018). Trước tình hình đó, cần có
nhiều biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý thông tin, phát ngôn trên Internet,
một trong những biện pháp đang được thảo luận gần đây đó là: “dự định ban hành
quy định người nào muốn livestream trên mạng xã hội phải xin phép cơ quan nhà
nước”. Tuy nhiên, dưới góc độ Luật hiến pháp và đặt trong bối cảnh hiện tại ở Việt
Nam thì việc áp dụng quy định này là chưa thực sự phù hợp. Phần trình bày dưới
đây của nhóm sẽ đi sâu vào phân tích những lý do mà nhóm phản đối việc ban
hành quy định này.
GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ

Livestream là thuật ngữ chỉ tính năng “phát trực tiếp" trên các nền tảng sử
dụng Internet như mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử. Khái niệm livestream
lần đầu tiên được biết tới vào năm 2007 khi Facebook quảng bá cho tính năng
Upstream dành riêng cho binh lính Mỹ để họ có thể trực tiếp trò chuyện với người
thân.
Với livestream, việc kết nối giữa con người với con người trở nên dễ dàng
hơn. Tính năng này có thể thực hiện trên bất cứ thiết bị điện tử thông minh nào có
kết nối Internet, dù là điện thoại, máy tính hay máy tính bảng. Đây là công cụ, tính
năng rất hữu hiệu để con người tương tác trực tiếp với nhau trên phạm vi rộng.

CÁC LẬP LUẬN PHẢN ĐỐI

I. LUẬN ĐIỂM 1: QUY ĐỊNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYỀN CON NGƯỜI,
QUYỀN CÔNG DÂN
1. Cơ sở pháp lý
Điều 3 Hiến pháp 2013: “Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm chủ
của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền
công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,
mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn
diện”.
Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn
hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp
luật”.
Điều 25 Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do
pháp luật quy định”.
Điều 33 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh
trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
2. Phân tích lập luận
Theo Điều 3 Hiến pháp 2013: “Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm
chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người,
quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển
toàn diện” và được tái khẳng định tại Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp 2013: “Ở nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về
chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo

3
đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Tuy nhiên, việc ban hành quy định người nào
muốn livestream trên mạng xã hội phải xin phép cơ quan nhà nước đã giới hạn
phần nào các quyền cơ bản của con người, của công dân đi ngược lại với Hiến
pháp, do đó cần xem xét lại quy định này. Cụ thể như sau:
2.1 Ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận
Điều 25 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền
này do pháp luật quy định”.
Quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người, đó là quyền thiêng
liêng, bất khả xâm phạm mà mỗi người tự khi sinh ra đều có được. Tự do ngôn
luận là nguyên tắc đảm bảo cho cá nhân hay cộng đồng được bày tỏ quan điểm và
ý kiến của mình mà không sợ bị trả thù, kiểm duyệt hay bị trừng phạt về mặt pháp
lý. Theo nguyên tắc trên, việc ban hành quy định người nào muốn livestream trên
mạng xã hội phải xin phép cơ quan nhà nước có thể hạn chế quyền tự do ngôn luận
của con người mà Nhà nước công nhận và bảo vệ bằng pháp luật, trái với Hiến
pháp.
Quyền tự do ngôn luận được coi là cần thiết cho việc duy trì một xã hội dân
chủ và thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển. Khi quy định này được ban hành, quyền tự
do ngôn luận sẽ phần nào bị hạn chế, bởi giả dụ muốn bày tỏ quan điểm của mình
về một danh thắng mà bản thân có cơ hội được chiêm ngưỡng cũng phải chờ cấp
phép. Trong khi đó, các đối tượng lạm dụng quyền tự do ngôn luận để thực hiện
các hành vi trái pháp luật chỉ là một bộ phận người dùng, thay vì đặt ra những biện
pháp để xử lý cho các đối tượng này lại đưa ra quy định có phần khiên cưỡng cho
toàn xã hội liệu có bất hợp lý?
2.2 Ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh
Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh
trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.”
Quy định người dùng phải xin phép cơ quan nhà nước trước khi livetream
có thể ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, gây bất công cho việc cạnh tranh
trên thị trường, tổn thất doanh số đồng thời trở thành rào cản trong việc phát triển
kinh doanh cho những cá nhân, doanh nghiệp có nguồn thu chủ yếu đến từ kinh
doanh online mà đặc biệt là qua hình thức livestream.
Hiện nay, livestream là một hình thức bán hàng/quảng bá sản phẩm đang
rất được ưa chuộng. Trước đây khi muốn kinh doanh một sản phẩm nào đó người
kinh doanh phải tính toán các khâu từ thuê mặt bằng, địa điểm cho đến nhân viên
và sẽ tốn một khoản tiền khá lớn nhưng vấn đề này đã được giải quyết bằng giải
pháp bán hàng online đặc biệt là thông qua tính năng livestream. Không những tối
ưu hoá chi phí đầu tư, livestream còn miễn phí và tương tác rất tốt, có thể đạt vài
nghìn lượt xem cho một buổi livestream bán hàng, tạo điều kiện mở rộng thương
hiệu để nhiều người biết đến hơn. Ngoài ra, việc livestream bán hàng cũng làm linh
hoạt hơn các hình thức kinh doanh, là một công việc bán thời gian hiệu quả cho

4
nhiều đối tượng lao động muốn kiếm thêm thu nhập, nó còn góp phần giải quyết
vấn đề thiếu việc làm trong xã hội ngày nay.
Chính vì sự tiện lợi này mà việc ban hành quy định người dùng muốn
livestream phải xin phép cơ quan nhà nước thực sự gây ảnh hưởng không nhỏ đến
quyền tự do kinh doanh của mỗi người, việc kinh doanh có thể bị đình trệ, cản trở
sự phát triển của nền kinh tế mở, chuyển đổi số hiện nay. Việc quy định này cũng
vì thế mà trở nên bất hợp lý.
II. LUẬN ĐIỂM 2: QUY ĐỊNH CÒN CHƯA PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN
Thứ nhất, nó gây khó khăn cho người dùng: việc xin phép livestream là
một thủ tục quá phức tạp và tốn thời gian đối với người dùng, nhất là đối với
những ai sử dụng nó vào mục đích cá nhân, phi thương mại. Thử nghĩ, nếu ngay cả
việc livestream một bữa tiệc quây quần bên gia đình, một khoảnh khắc đẹp cần
đăng tải để nhân rộng những câu chuyện về việc tử tế mà cũng phải đợi được kiểm
duyệt, được cho phép liệu còn ai mong muốn sử dụng tính năng này và phải chăng
những mặt tốt khi livestream ra đời sẽ không còn được phát huy đúng nghĩa?
Thứ hai, nó không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dùng, nhất là
đối với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp: tính đến đầu năm 2022, có khoảng
70 đến 80 nghìn phiên livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Với một số lượng
lớn như vậy, rất khó để quản lý lượng thông tin xin cấp phép của từng cá nhân, cơ
quan, tổ chức hay các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính ở nước ta
còn khá rườm rà, phức tạp, đôi khi còn bị tồn đọng, bỏ sót. Bởi vậy, việc quy định
người dùng muốn livestream phải thông qua các cơ quan nhà nước có thể gây khó
khăn cho các cá nhân, doanh nghiệp có nguồn thu chủ yếu đến từ việc kinh doanh
online. Hay đối với người tiêu dùng cũng vậy, thông qua livestream họ có thể có
cái nhìn trực quan hơn về những mặt hàng mình muốn mua mà không phải đến tận
nơi để kiểm định, tránh được những rủi ro không đáng có. Ngoài ra, người tiêu
dùng còn có thể được tư vấn cũng như cung cấp thông tin trực tiếp về từng sản
phẩm. Đây chắc chắn là một trong những điểm ưu việt của việc giao thương qua
livestream mà các hình thức khác không có được. Đâu sẽ là giải pháp xử lý hàng
tồn kho cho các cá nhân, doanh nghiệp nếu thời gian chờ được cấp phép quá dài và
phải chăng chính quy định này sẽ có nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi xu hướng kinh
tế mở toàn cầu?
Thứ ba, nó không thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành vi vi
phạm pháp luật trên livestream, chẳng hạn như phát tán thông tin sai lệch, xuyên
tạc, kích động bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục: Nếu chỉ dừng lại ở việc cấp
phép cho livestream thì không thể ngăn chặn hoàn toàn được những hành vi nêu
trên, bởi thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, việc chúng làm giả giấy tờ, sử
dụng các tài khoản ảo để livestream hay trá hình các hình thức khác để tuyên
truyền chống phá Nhà nước,… là việc khó thể tránh khỏi. Thay vì vậy, cần hơn hết
là làm sao để kiểm duyệt thật chặt nguồn thông tin, nội dung mà người dùng đăng
tải lên, phát hiện dấu hiệu vi phạm để kịp thời xử lý bằng những chế tài thật nặng
mà pháp luật hiện hành quy định.

5
III. LUẬN ĐIỂM 3: QUY ĐỊNH THIẾU TÍNH HIỆU QUẢ DẪN ĐẾN
NHỮNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC TỚI CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN
1. Vấn đề thiếu nhân lực, lãng phí ngân sách
Thứ nhất, khi quy định này được thông qua, nước ta sẽ phải thành lập một
cơ quan, một tổ chức để duyệt các đơn xin cấp phép livestream. Trong khi đó, nhu
cầu của người sử dụng là rất lớn, lượng thông tin cần xét duyệt vì thế cũng không
hề nhỏ, đòi hỏi nguồn nhân lực cho vấn đề này cũng phải rất lớn để đáp ứng nhu
cầu của người dùng. Tuy nhiên, việc thành lập một ban mới với số lượng nhân lực
lớn như vậy chỉ để xét duyệt livestream là không khả thi. Trước hết, nguồn nhân
lực cho lĩnh vực an ninh mạng ở nước ta đang thiếu một cách trầm trọng, trong khi
nước ta còn rất nhiều vấn đề như mã độc, tấn công software, lừa đảo tài chính
online,... Câu hỏi đặt ra là: “Tại sao phải thành lập một ban mới thay vì dồn nhân
lực ấy cho lĩnh vực an ninh mạng với chức năng kiểm soát chung các vấn đề ấy,
bao gồm cả việc quản lý nội dung, phát ngôn trên livestream?”. Không chỉ thế, lực
lượng chuyên trách của chúng ta về việc xét duyệt các đơn xin cấp phép livestream
là chưa có, vậy: “Nguồn nhân lực để thực hiện quy định này sẽ lấy ở đâu hay phải
mất thêm một thời gian để đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng mới
này?”
Thứ hai, nhu cầu của người dùng livestream là rất lớn, giả dụ quy định này
được thông qua, chúng ta sẽ có một cơ quan, tổ chức chuyên trách làm nhiệm vụ
xét duyệt đơn xin cấp phép livestream của người dùng và nó phải có một nguồn
nhân lực tương ứng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nên hay không việc chúng
ta phải trích ngân sách cho cơ quan, tổ chức này chỉ để cấp phép cho việc
livestream và phải thiết lập, xây dựng một hệ thống những quy định mới, cụ thể để
đưa cơ quan này vào đời sống? Phải chăng đây là một việc làm gây lãng phí ngân
sách nhà nước trong thời kì mà chúng ta phải tinh giản cán bộ và phải chăng nó
đang làm hệ thống chính trị của chúng ta mỗi lúc một phức tạp, thủ tục hành chính
của chúng ta thêm rắc rối, rườm rà hơn?
Từ cơ sở trên, có thể thấy rằng: việc quy định người nào muốn livestream
trên mạng xã hội phải xin phép cơ quan nhà nước có thể sẽ làm tiêu tốn lượng lớn
tài nguyên, chất xám và lãng phí ngân sách nhà nước. Quy định này còn thiếu tính
thực tiễn, khả thi, tồn tại những hạn chế nhất định bởi những khó khăn hiện tại của
nước ta, nhất là sự thiếu hụt nhân lực có đủ chuyên môn, nghiệp vụ trong cả lĩnh
vực an ninh mạng nói chung chứ không riêng việc kiểm soát livestream.
2. Biểu hiện tiêu cực trong việc thực hiện quy định
Khi quy định ảnh hưởng trực tiếp đến các cá nhân, doanh nghiệp có nguồn
thu chủ yếu từ việc kinh doanh online, nhất đến từ các phiên livestream bán hàng,
quảng bá thương hiệu thì việc muốn livestream phải thông qua cơ quan nhà nước
thực sự là một rào cản rất lớn đối với họ. Đặt trong trường hợp nếu việc cấp phép
diễn ra quá lâu thì doanh số của các chủ thể này cũng vì thế mà bị ảnh hưởng theo.
Từ đó, dễ sinh ra việc “hối lộ” và nhận “hối lộ” để quy trình được diễn ra nhanh
hơn, người dùng nhận được những “ưu tiên” nhất định trong quá trình cấp phép.
Đây là một trong những biểu hiện tiêu cực cần được loại trừ, bởi ảnh hưởng của nó
6
là rất lớn đến sự công bằng, minh bạch và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức quyền
hạn trong việc thực thi quyền lực nhà nước theo quy định của pháp luật.
Rõ ràng, việc quy định người dùng muốn livestream phải xin phép cơ quan
nhà nước dễ kéo theo những hậu quả tiêu cực, những rủi ro nhất định khi cơ chế
chưa thật sự được hoàn thiện và đưa vào kiểm nghiệm trong thực tế. Việc đưa ra
những quy định trên cũng chưa thể giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách trong
thực tế, không những vậy còn tồn tại những hạn chế nhất định, để lại những hệ lụy
hết sức nặng nề. Chính vì vậy, quy định này không nên được ban hành mà cần xem
xét, cân nhắc thật kĩ lưỡng.
IV. GIẢI PHÁP
Mặc dù việc ban hành quy định người dùng muốn livestream phải xin phép
cơ quan nhà nước có ý nghĩa trong việc quản lý thông tin, phát ngôn của người
dùng trong livestream nhưng quy định hiện tại còn khá nhiều bất cập, ảnh hưởng
đến nhiều quyền lợi của công dân. Vì vậy để giải quyết vấn đề đó, chúng em xin
đưa ra một số giải pháp sau:
- Thực trạng phần đa xuất phát từ ý thức của người dùng, việc đưa ra quy định
trên chỉ giải quyết được vấn đề trong tức thời, “bề nổi”, không giải quyết
được vấn đề cốt lõi, lâu dài.Vì vậy, cần phải nâng cao ý thức của người dân
khi sử dụng các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội bằng biện
pháp giáo dục, tuyên truyền người dân sử dụng mạng xã hội một cách đúng
đắn, tích cực. Mỗi người dân phải có khả năng tự nhận thức được tính đúng
đắn của thông tin mình đăng tải và kiếm soát được phát ngôn của mình trên
livestream.
- Các nền tảng mạng xã hội cần có những công cụ kiểm duyệt chặt chẽ,
nghiêm ngặt hơn để nhanh chóng xác định và xóa những nội dung không
phù hợp.
- Cần phải có bộ quy tắc chung trên livestream của các trang mạng xã hội để
người dùng nhận thức được những hành vi nào được/không được phép làm.
- Cần có những biện pháp răn đe, cưỡng chế mạnh hơn nữa đối với những
hành vi xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác, gây rối trật tự xã
hội, hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục, vi
phạm pháp luật.
- Tăng cường nguồn nhân lực, kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề an ninh mạng,
kịp thời phát hiện, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm.

KẾT LUẬN
7
Từ những cơ sở trên, có thể thấy rằng, quy định việc người dùng muốn
livestream phải xin phép cơ quan nhà nước vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế nhất
định cần phải được kiểm nghiệm, khắc phục để hoàn thiện hơn trước khi đưa vào
áp dụng. Việc ban hành quy định này là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, chưa
đáp ứng được nhu cầu của người dùng, còn có phần hơi khiên cưỡng, áp đặt. Việc
triển khai quy định này ngay trong thời điểm hiện tại cũng là một việc không khả
thi bởi chúng ta không có nguồn nhân lực chuyên trách để thực hiện, hệ thống cơ
sở pháp lí liên quan cũng chưa thực sự hoàn thiện để đưa quy định trên vào đời
sống. Có chăng là chúng ta đang lãng phí ngân sách nhà nước và kìm hãm sự phát
triển kinh tế theo xu hướng mở, chuyển đổi số của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, cần
cân nhắc kỹ lưỡng và có những giải pháp lâu dài, tối ưu để giải quyết bài toán về
việc quản lý thông tin, phát ngôn trên livestream hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

*Giáo trình:

1. Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, NXB Tư pháp, 2018.

* Tạp chí, bài báo:

2. Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí;
Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum, ngày 07/04/2023

3, Phạm Thị Bắc Hà, Quyền tự do ngôn luận theo pháp luật Canada và một số đề
xuất cho Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, ngày 13/11/2023

*Văn bản quy phạm pháp luật:


1. Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ngày
28/11/2023

8
9

You might also like