You are on page 1of 2

NGUYỄN HỒNG NGỌC - 10AV3

CẢM NHẬN VỀ TRUYỆN NGẮN “NGƯỜI CHA”


Mỗi khi nhắc đến Nguyễn Quang Thiều, người ta sẽ nhớ ngay đến một nhà văn đã đóng góp
không ít trong nền văn học Việt Nam. Ông không chỉ là người tiên phong với trào lưu hiện đại
mà còn là cây viết văn xuôi giàu cảm xúc. Một trong những tác phẩm nổi bật của ông phải kể
đến đó là “Người cha”- được sáng tác vào năm 1998 dành cho thiếu nhi. Đề tài về tình phụ tử
đã không còn quá xa lạ trong văn học Việt Nam, nhưng không phải vì thế mà nó đơn điệu và
nhàm chán. Mỗi tác phẩm, mỗi nhà văn là một thế giới riêng và Nguyễn Quang Thiều cũng đưa
vào câu chuyện của mình những bài học đầy ý nghĩa, nhân văn.
Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính bao gồm người cha và đứa con gái đầu. Khi cô con
gái mới chỉ mười hai tuổi thì người vợ đã bỏ nhà theo người đàn ông khác lên thành phố. Sau
sự rời đi của người mẹ, bố cô bé đêm nào cũng rượu bia, cứ say vào là chửi rủa, mắng nhiếc vợ
mình. Một lần, khi cô không chịu được nữa mà giằng lấy chai rượu từ tay người cha thì bị ông
tức giận mà lấy chổi đánh. Ngay chiều hôm sau, khi ông nhận thấy những vết bầm tím trên cánh
tay con thì không kìm được mà hỏi xem ai đã ra tay với cô bé. Vì sợ cha buồn lòng nên cô chỉ
đành dấu nhẹm sự thật. Bỗng một hôm, người mẹ quay trở về và dẫn theo 2 đứa con nhỏ lên
thành phố nhưng không được chồng mới của bà đồng ý để con bà sống chung. Sau đó, khi
người cha lên đón thì 2 đứa con quyết định theo ông về quê sống. Thời gian ở với ông, hai chị
em cũng không sung sướng là bao khi việc làm ăn của người cha ngày càng khó khăn, thậm chí
con bò kéo - thứ tài sản duy nhất để duy trì sự sống của gia đình cô cũng vì bệnh mà chết. Vì suy
sụp mà không đêm nào người cha không uống rượu. Khi say ông lại đánh con mà không ý thức
được mình đã làm tay con bị bong gân đến sưng vù. Nỗi tủi thân và sự uất ức trong cô bé lúc
này cũng đã đạt đến giới hạn nên cô đành nói ra sự thật. Chính sự thật ấy đã khiến người cha
thức tỉnh và nhận ra sai lầm của mình mà bỏ rượu. Câu chuyện kết thúc khi hai người nhận ra
nỗi lòng của nhau, trao cho nhau một cái ôm thật ấm áp và thấm đượm “tình cha con”.
Nhân vật của truyện gồm 5 người: người cha, đứa con gái đầu, đứa con trai út, người mẹ và
chồng mới của mẹ. Trong đó người cha và người con gái là hai nhân vật được tác giả tập trung
khắc sâu và miêu tả đậm nét hơn hết. Tác giả Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng một cốt truyện
hết sức đơn giản nhưng lại gây ấn tượng cho người đọc bởi cách mở đầu bằng việc giới thiệu
nhân vật người con cả ở trong một hoàn cảnh vô cùng éo le:” Khi tôi lên mười hai tuổi thì cha
mẹ tôi chia tay nhau. Nói cho đúng là mẹ tôi bỏ cha tôi theo một người đàn ông khác về thành
phố.” Lẽ ra độ tuổi ấy là độ tuổi mà các bạn trẻ cần có tình yêu thương và sự săn sóc của cha
mẹ. Nhưng qua cách giới thiệu của ông lại tạo ra sự đối nghịch về những bất hạnh, cô đơn mà
một cô bé 12 tuổi không đáng phải gánh chịu. Câu chuyện diễn ra hầu hết là ở trong căn nhà
của ba cha con vẫn còn “phảng phất mùi rượu và mùi ẩm mốc”. Những lời thoại trong truyện
hết sức giản đơn, đời thường nhưng vẫn khắc sâu trong tâm trí độc giả biết bao cung bậc cảm
xúc, từ thương hại, phẫn nộ, cho đến bất lực nhưng rồi lại trở nên xúc động mà thỏa mãn. Tính
chất bất ngờ trong câu chuyện có lẽ là khi người cha say xỉn đến mức xuống tay đánh con. Sự
việc ấy cũng chính là khởi đầu cho những chuỗi ngày “ám ảnh”, “tủi khổ” và đầy “uất ức” của
người con. Sự trớ trêu của câu chuyện nằm ở chỗ: những vết thương trên người cô bé là do sự
mù quáng mà cha gây ra nhưng ngay hôm sau, người cha ấy lại khi không hay biết gì mà nói ra
những lời hỏi han, quan tâm khiến cô cảm thấy tủi thân đến chạnh lòng. Bước ngoặt giúp tháo
gỡ sự xa cách giữa hai cha con là nằm ở gần cuối truyện, khi mà cô gái nói hết sự thật về những
tổn thương mà người cha gây ra thì lúc này, hai cha con mới hóa giải được khúc mắc trong lòng
nhau.

“Người cha” được kể từ lời người kể ngôi thứ nhất, xưng tôi. Câu chuyện diễn ra một cách chi
tiết và diễn ra ngay trước mắt người đọc những tinh tiết hết sức lôi cuốn, hấp dẫn. Câu chuyện
được kể ở ngôi thứ nhất còn giúp ta thấy được rõ nét những cảm xúc của nhân vật và dẫn dắt
ta vào sâu bên trong cốt truyện. Từ đó ta còn hiểu được những tâm tư, tình cảm mà ngòi bút
Nguyễn Quang Thiều muốn thông qua nhân vật gửi gắm đến bạn đọc. Câu chuyện cũng khép lại
với một kết thúc có hậu khi người cha hiểu được lỗi lầm của mình đã tác động đến con như thế
nào để rồi: “Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa.”
Qua câu chuyện, ta thấy được vẻ đẹp của tình phụ tử - thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng và cao
đẹp. Tình cảm ấy càng trở nên sáng rực qua những hành động khi cô con gái “lấy chăn đắp cho
cha”, “ngồi nhìn cha khóc”, “chong đèn chờ cha” hay còn là tình cảm dạt dào mà người cha
dành cho con qua những lời hỏi han, quan tâm và sự tức giận khi nghĩ rằng vết thương trên tay
cô bé là do đứa em trai gây ra. Nguyễn Quang Thiều đã chứng minh được tài năng và sự khéo
léo, tinh tế của mình trong việc truyền tải một giá trị đời thường mà vô cùng sâu sắc thông qua
tác phẩm này.

Qua truyện ngắn “Người cha”, ta phần nào hiểu hơn về tình phụ tử, tình cảm ấy sẽ mãi bền
chặt, bao dung và theo mỗi con người đến hết cuộc đời. Nếu “Chiếc lược ngà” của Nguyễn
Quang Sáng là câu chuyện xúc động về tình cha thì trong truyện “Người cha”, Nguyễn Quang
Thiều cũng mở ra trước mắt người đọc hình ảnh về hai cha con tuy ban đầu có chút khúc mắc
nhưng đến cuối cùng, tình cha con đã trở thành thứ vũ khí phá vỡ mọi rào cản ngăn cách giữa
họ. Sau cùng, câu chuyện đã để lại trong người đọc những bài học sâu sắc, ý nghĩa và nhân văn
về tình cha con, qua đó còn muốn hướng đến những bạn trẻ để chúng ta hiểu được giá trị và vẻ
đẹp của tình cha con trong cuộc sống ngày nay.

You might also like