You are on page 1of 12

GIAO LƯU VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT-PHÁP | 1

HỆ THỐNG GIÁO DỤC HOA KIỀU Ở NAM KỲ THỜI PHÁP THUỘC (1862-1945)

ĐOÀN THỊ CẢNH1

Tóm tắt: Giai đoạn Pháp thuộc ở Nam Kỳ, chính quyền thuộc địa xem người Hoa
là thành phần ngoại tịch, họ đã áp dụng các mô hình quản lý như kiểu phương Tây
lên các nước thuộc địa, trong đó có chính sách dành cho giáo dục. Giáo dục của
người Hoa ở Việt Nam lúc bấy giờ vốn có đặc thù riêng, tiếp thu thêm sự quản lý
có tính hiện đại, quốc tế của Pháp bấy giờ hình thành nên những đặc điểm mới. Bài
viết này trên cơ sở tư liệu các Công báo Đông Dương thuộc Pháp và các tư liệu
hiện còn lưu trữ được, trình bày các vấn đề hệ thống giáo dục Hoa kiều bao gồm:
hệ thống giáo dục người Hoa (écoles chinoises) và giáo dục Pháp – Hoa (lycée
franco-chinois). Nền giáo dục Hoa kiều ấy, đặc biệt là giáo dục Pháp - Hoa với
những điểm giao lưu văn hóa giáo dục mang tính hiện đại của người Hoa ở Nam
Kỳ là một “di sản” đã mất mà ngày nay chỉ còn có thể nhìn lại bằng tư liệu lịch sử.
Từ khóa: Nam Kỳ, Hoa kiều, giáo dục, thuộc địa.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Người Hoa ở Việt Nam hiện nay có nguồn gốc từ người Hoa di cư từ Trung Quốc lẻ tẻ
do điều kiện địa lý – kinh tế hoặc các đợt lớn theo các sự kiện chính trị. Trong lịch sử đã từng
có hai giai đoạn có làn sóng di cư mạnh mẽ. Giai đoạn thứ nhất từ thế kỷ 17, người Hoa di cư
chính trị phản Thanh phục Minh và kéo dài sau đó dưới thời Nguyễn, định cư và sinh sống
phần lớn ở phương Nam. Giai đoạn thứ hai từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Hoa di cư
lao động đến các đô thị lớn ở Đông Dương trong đó có Việt Nam thời Pháp thuộc.
Trong lịch sử ngoại giao Việt – Trung, Trung – Pháp, người Hoa ở Việt Nam trải qua
những giai đoạn phát triển rất khác nhau, có sự phức tạp riêng. Ở thời điểm hiện nay người
Hoa là một trong 54 dân tộc Việt Nam, đã có sự định cư tiếp biến lâu dài đồng thời cũng
mang dấu ấn của quá khứ, cần thiết phải nhìn nhận quá khứ trong hình thành nên cộng đồng
hiện nay.
Lịch sử thuộc địa người Hoa ở Việt Nam còn là một khoảng mờ trong nghiên cứu vì vấn
đề không chỉ nằm trong quan hệ Pháp - Việt hay Việt - Trung mà từng khu vực chính sách
thuộc địa, bảo hộ sẽ khác nhau. Những “di sản” người Hoa thời Pháp và vấn đề tiếp biến văn
hóa, giao lưu cho đến nay phần lớn đã mất, hoặc chưa được đánh giá đúng mức trong lịch sử
phát triển của dân tộc. Đây chính là tính cần thiết của bài viết.
Bài viết chọn hệ thống giáo dục Hoa kiều thông qua các tư liệu của người Pháp và
những quan sát thực địa về cấu trúc xã hội người Hoa hiện nay để nhìn nhận một giai đoạn
giáo dục Hoa kiều đặc biệt ở Nam Kỳ, trong lòng xã hội Việt Nam, có ảnh hưởng của Pháp
nhưng lại có sự biệt lập nhất định và những ảnh hưởng của nó đến cấu trúc xã hội người Hoa
hiện nay.
1.1. Xã hội người Hoa ở Nam Kỳ giai đoạn Pháp thuộc
Chính sách dành cho người Hoa di dân phụ thuộc vào quan điểm quốc tịch của chính
quyền nước sở tại giai đoạn ấy. Người Hoa thời Nguyễn đồng hóa từ chính sách nhà Nguyễn
là Minh Hương (về mặt pháp lý hiểu đây là công dân Việt Nam), và số còn lại giữ phong tục
1
NCS, Khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM; Nghiên cứu viên - Viện Văn hóa
nghệ thuật quốc gia Việt Nam – Vicas, Email: doancanhvicas@gmail.com.
2 | HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC LẦN THỨ 3 (ICCE 2022)

người Hoa (Thanh khách, Thanh nhân). Đến thời Pháp, cơ bản người Minh Hương được quy
vào bản xứ, người Hoa được xếp vào ngoại kiều1. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chính
quyền Pháp cần khai thác thuộc địa, giành lại thị phần Nam Bộ từ tay người Hoa và kiểm soát
hoạt động của các tổ chức cách mạng trong nước liên kết với cách mạng Trung Quốc, họ bắt
đầu lập hệ thống an ninh để quản lý ngoại kiều liên tục từ nhiều năm: Thành lập Ban chỉ đạo
các vấn đề Đông Dương (Direction des Affaires Politiques de l'Indochine), Sở tình báo và an
ninh Đông Dương (Service central de Renseignements et de Surete générale) quản lý các vấn
đề Hoa kiều, an ninh tư pháp, căn cước…(23.5.1915;18.6.1917;4.5.1921).
Làn sóng di dân của người Hoa vào Nam Kỳ hình thành ở Việt Nam các đô thị lớn như
Chợ Lớn, Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ. Số lượng dân cư nhập cư Hoa kiều trở nên đông đúc,
quản lý Hoa kiều ở Nam Kỳ được đặt dưới bang hội. Làn sóng di dân này đến Nam Kỳ nằm
chung trong làn sóng di dân người Hoa đến Đông Dương, liên quan đến những cuộc khai thác
thuộc địa của người Pháp. Một số lượng lớn người lao động (mà báo chí Pháp gọi là cu li –
coolie) được tuyển dụng. Cu li tức là những người lao động chân tay có địa vị xã hội thấp
được tuyển dụng đến những công xưởng, những bến cảng theo hợp đồng cư trú ngắn hạn hoặc
dài hạn. Đồng thời tại những đô thị lớn của người Hoa ở Gia Định trên cơ sở phát triển trước
đây, lớp thương nhân, các công ty trường học tiếp tục tuyển dụng giáo viên, người lao động
hình thành lớp di trú mới xây dựng nên những cơ sở sinh hoạt sản xuất của mình tại đô thị Sài
Gòn Chợ Lớn. Năm 1928 – 1929 thống kê người Hoa kết tụ ở Sài Gòn: 75.000 và Chợ Lớn
95.000; PhnomPenh: 24.000; Hải Phòng: 15.000 (Delamarre, 1931, tr.47). Ngoại trừ năm
1929 - ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng lao động, con số người Hoa đến Nam Kỳ, đặc biệt Sài
Gòn – Chợ Lớn thống kê được từ các đợt khai thác thuộc địa của người Pháp rất lớn; chưa kể
dòng di dân không có hợp đồng lao động vẫn được báo cáo nhưng không thể thống kê. Sự
tăng lên đó từ nhu cầu di dân của chính người Hoa rời Trung Quốc tránh các cuộc xung đột và
lý do kinh tế. Quan trọng nhất là do luật di dân, cư trú, tuyển dụng lao động của chính quyền
Pháp áp dụng ở thuộc địa nhằm phục vụ mục tiêu kinh tế. Trong điều kiện mới ấy, người Hoa
di dân nhập cư và ở lại các đô thị người Hoa đã có điều kiện sẵn từ thời Nguyễn. Với số lượng
rất lớn và tăng dần, cùng với việc di cư định cư gia đình xuất hiện nhu cầu giáo dục trong
cộng đồng người Hoa.
Bảng 1. Thống kê qua cảng Sài Gòn, của những người Hoa đến định cư ở Nam Kỳ
trong những năm 1926-1928.
Năm 1926 1927 1928
Đàn ông 14123 15815 18.703
Phụ nữ 10.463 12.583 15.174
Trẻ em 10.214 13.149 16.936
Tổng 34.800 41.547 50.807
(Delamarre,1931, tr. 46)
Chính quyền Pháp ở Nam Kỳ xét người Minh Hương như người bản xứ và người Hoa là
người Trung Quốc hải ngoại, có hệ thống giáo dục riêng biệt so với người Việt.
Bang hội của người Hoa ở Nam Kỳ
Người Hoa thời Pháp thuộc sẽ được quản lý qua bang hội – một hệ thống công sở đồng
hương – bang hội nằm trong sự quản lý của cục Di dân và chính quyền tỉnh, thành.
Cơ chế bảo lãnh người di trú theo luật di trú 1884 yêu cầu phải có sự tham gia của
người đứng đầu hội đoàn người Hoa (bang trưởng) ở thuộc địa. Luật này được cụ thể hóa qua
1
Nói là cơ bản vì từng giai đoạn thuộc Pháp có khác nhau.
GIAO LƯU VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT-PHÁP | 3

các quy chế của Cơ quan di trú – Service de l’immigrations – trực tiếp chịu trách nhiệm qua
Cochinchine. — Réglementation da service de l'immigration asiatique (Quy định di trú của
người Châu Á) do Toàn quyền Đông Dương ký 16.10.1906. Quy chế này chỉ rõ trách nhiệm
của bang hội – từ đây hình thành 5 nhóm xã hội người Hoa theo phương ngữ – có sự kế thừa
hệ thống thất phủ thời Nguyễn. Bang hội hoạt động như một công sở dưới quyền của Sở di
trú, đặc biệt bảo lãnh cư trú rất dễ dàng, có bảo lãnh tại bến cảng cho những trường hợp cư trú
ngắn hạn, làm việc tại cảng hay thiếu chi phí đóng thuế.
Các bang sau này hình thành với tên gọi Congrégation de Canton, Congrégation de
Foukien, Congrégation de Hainan, Congrégation de Hakka, Congrégation de Tewchou1.
Người trong bang hội được cấp chứng chỉ hành nghề; không thuộc bang hội sẽ bị trục xuất.
Các bang trưởng đều có quyết định nhậm chức do Thống đốc Nam Kỳ ký. Mô hình tổ
chức xã hội người Hoa phân hóa thành các nhóm tập trung và quyền lực ở bang hội. Bang hội
là nơi sinh hoạt xã hội, tín ngưỡng, tập trung tính cố kết cộng đồng của người Hoa. Hệ thống
trường học người Hoa cũng xuất phát từ sự kết tụ kinh tế và xã hội ở bang hội mà hình thành.
Chính sách ngoại kiều, chính sách di dân ồ ạt trong đó có di dân theo gia đình có trẻ em
và phụ nữ cùng quy chế quản lý theo bang hội tạo điều kiện hình thành nên cộng đồng người
Hoa cố kết ở các đô thị Nam Kỳ, đặc biệt là các đô thị đã có cơ sở từ thời Nguyễn như Gia
Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho…là tiền đề cơ bản để hình thành nên nhu cầu giáo dục và hệ thống
giáo dục Hoa kiều trong giai đoạn này nhằm ổn định người Hoa tại Việt Nam, tạo nguồn nhân
lực cho thuộc địa.
1.3. Bối cảnh giáo dục người Hoa ở Nam Kỳ
Người Hoa ở Việt Nam thời Nguyễn hình thành 2 dòng: Thanh nhân và Minh Hương.
Việc học của người Minh Hương có thể làm quan – theo hệ thống khoa cử triều Nguyễn. Các
ghi chép về các trung tâm lớn bấy giờ như Nông Nại, Mỹ Tho, Hà Tiên…không có trường
học của nhà nước dành cho người Hoa, chỉ có các cơ sở tín ngưỡng và giáo dục gia đình.
Trường học theo quy chuẩn khoa cử triều Nguyễn dành cho người Minh Hương có thể tham
gia học và thi cử, tiến cử. Người Thanh khách qua Việt Nam buôn bán, lập thất phủ cũng là
cơ sở duy trì các mối quan hệ của họ, giáo dục mang tính gia đình, dòng họ hoặc chủ yếu sang
Việt Nam ở tuổi trưởng thành, vấn đề giáo dục trong cộng đồng chưa được đặt ra.
Khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, cùng với quá trình quản lý thuộc địa thì các nhân lực
thuộc địa cũng được yêu cầu. Quá trình khai thác Đông Dương đã làm du nhập một lượng lớn
gia đình vào Nam Kỳ, chứ không chỉ là người làm ăn đã thành niên, các thống kê về người
Hoa sang Nam Kỳ có cả phụ nữ, trẻ em trong báo cáo di dân cũng đã cho thấy một số lượng
lớn gia đình người Hoa di cư, không chỉ là đối tượng lao động. Nhu cầu lập các trường cộng
đồng, trường tư theo bang hội rất lớn, và các số liệu trên công báo cho thấy một hệ thống
trường tiểu học cho người Hoa đã hình thành và tách biệt với xã hội Việt Nam.
Nhưng những trường học Hoa kiều không có chương trình Pháp văn và chương trình
giáo dục hiện đại, nên xuất hiện nhu cầu thành lập trường Pháp – Hoa giải quyết những vấn
đề nhân sự bấy giờ về nhân lực người Hoa tham gia vào chính thể. Người Hoa sống biệt lập,
tập trung và hệ thống trường Hoa kiều chính là thể hiện đặc điểm ấy, còn hệ thống trường
Pháp - Hoa lại thể hiện tinh thần giao lưu giáo dục mới.
“Người Trung Quốc, nếu họ tự nguyện di cư, vẫn là người Trung Quốc dù ở bất cứ đâu;
họ mang theo thói quen, cách sống, đời sống xã hội, ngôn ngữ, trường học và những người

1
Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Hakka (Hẹ, Khách gia), Triều Châu.
4 | HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC LẦN THỨ 3 (ICCE 2022)

thầy của mình. Họ kết tụ với đồng bào của họ, cùng chung sống tạo thành những “hòn đảo”
giống như những tiểu bang trong bang. Thay vì phân tán và hòa nhập vào các nhóm dân cư
mà họ đến định cư, người Hoa đã thành lập một thành phố của riêng mình bên cạnh thành phố
Đông Dương - Chợ Lớn, chẳng hạn, bên cạnh Sài Gòn, hoặc một khu phố của riêng người
Hoa bên cạnh các khu dân cư bản địa thuộc Pháp, như ở Phnom-Penh, ở Hà Nội.
Có các trường học hoàn toàn là tiếng Trung Quốc. Đây là những trường học thu phí nhỏ
được thành lập bởi các giáo viên tự do, những người làm nghề giáo, hoặc ở các thị trấn, các
trường học khá lớn do “hội” Trung Quốc lập ra và duy trì (thuật ngữ "hội" dùng để chỉ hiệp
hội được thành lập bởi người Trung Quốc có nguồn gốc từ cùng một tỉnh và cư trú trong cùng
một thành phố; họ phải đăng ký với bang đóng vai trò trung gian giữa họ với các cơ quan
công quyền). Các trường học cộng đồng là miễn phí, nhìn chung được thiết lập khá tốt. Việc
giảng dạy toàn bộ là tiếng Trung và bao gồm việc nghiên cứu các ngôn ngữ phổ biến nhất,
một số khái niệm về tính toán, khoa học, địa lý; vấn đề chỉ là chuẩn bị cho trẻ em vào những
mục đích thiết thực, vốn là những nghề thương mại mà người Trung Quốc sở trường. Không
có trường nào trong số này, ngoại trừ trường trung học Pháp - Hoa ở Chợ Lớn, chuẩn bị cho
các kỳ thi Pháp hoặc các kỳ thi Đông Dương” (Ministère de l'instruction publique,
01.01.1939, tr.399).
Giáo dục Hoa kiều là tư thục, hoặc cộng đồng bang hội dành cho người Hoa, người
Minh Hương hưởng quyền lợi như người bản xứ. Đến thời Pháp thuộc, cùng với khai thác
thuộc địa đô thị lớn hình thành, nhu cầu thụ hưởng giáo dục cũng khác đi và quá trình quốc tế
hóa giáo dục cũng diễn ra – đó là tiền đề tạo nên một nền giáo dục Hoa kiều khác với trước
đó.
2. HAI BỘ PHẬN GIÁO DỤC HOA KIỀU THỜI PHÁP THUỘC Ở NAM KỲ
Pháp chiếm Nam Kỳ đầu tiên và có nhiều nỗ lực nhằm đưa ra nền giáo dục mới phù hợp
với nhu cầu nhân lực của người Pháp với các mốc thời gian sau: Năm 1864 là kỳ thi Hương
cuối cùng ở Nam Kỳ (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây). Ngày 17.11.1874, chuẩn đô đốc Krantz,
thống đốc Nam Kỳ ký nghị định tổ chức lại ngành học, được áp dụng đến tháng 3.1879 quy
định hệ thống giáo dục với hai bậc, tiểu học và trung học. Năm 1879, nghị định cải tổ giáo
dục Nam Kỳ được ban hành, chia chương trình học chính làm ba cấp, so với giáo dục trước
1879 có điểm mới dạy Pháp văn, quốc ngữ và Hán văn chứ không nặng về Pháp văn bỏ qua
Hán văn. Năm 1906 Pháp lập nha tổng giám đốc Học chính Đông Dương để thống nhất và chỉ
đạo, điều hành giáo dục các địa phương trên toàn Đông Dương. Giai đoạn 1917-1945, đợt cải
cách giáo dục lần thứ hai thiết lập chương trình học chính Pháp - Việt, mở đầu bằng sự kiện
ngày 21.12.1917 Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký nghị định ban hành tổng quy chế
nền học chính toàn cõi Đông Dương. Ở cuối thời Pháp trị 1945-1955, tình hình giáo dục rất
phức tạp, Pháp vẫn chỉ đạo nền giáo dục tại vùng tạm chiếm Sài Gòn - Gia Định, song giữa
Pháp và các nước liên hiệp Lào, Campuchia, Việt Nam (chính quyền Sài Gòn) ký hiệp ước
chuyển giao các cơ quan giáo dục và văn hóa từ năm 1949.
Trong bối cảnh giáo dục thuộc địa ấy, rõ ràng người Hoa có một hệ thống tách biệt,
riêng trường Pháp – Hoa là mô hình của giáo dục bản xứ nằm trong sự quản lý của giáo dục
Đông Dương.
2.1. Trường học người Hoa (écoles chinoises)
Phần lớn là tiểu học, có thể chia thành 2 nhóm nhỏ: trường dân lập (do các Bang, hội
đồng hương lập), về sau, cùng với việc cấp phép mở trường khác dễ dàng hình thành trường
tư thục (do nhóm hay cá nhân tự lập ra).
GIAO LƯU VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT-PHÁP | 5

Nhu cầu học tập tự nhiên hình thành khi phần đông người Hoa sang Việt Nam định cư
theo gia đình và tạo lập các gia đình mới ở đây; các trường học cộng đồng được xác lập cùng
với bang hội; thậm chí là tài sản của bang hội giống như bệnh viện, nghĩa trang, từ đường
bang. Gần như mỗi bang hội đều có trường học riêng. Những trường học này theo hệ thống
Hán văn, rất khó để có một thế hệ người Hoa thuộc Pháp làm việc. Một số trường học lâu đời
đóng vai trò lớn trong sự phát triển của cộng đồng người Hoa còn cho đến ngày nay như:
Trường học đầu tiên ở Nam Kỳ - Trường tiểu học Mân Chương (tại Hà Chương hội quán)
(Địa chỉ hiện nay: 802 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5). Trường tiểu học Mân Chương do
Hoa kiều bang Phước Kiến lập tại Chợ Lớn 1907. Năm 1911, trường đổi tên thành Mân
Chương học hiệu ( 閩漳學校 ). Năm 1923, do không thể đáp ứng số học sinh ngày càng tăng,
hai hội quán Hà Chương và Ôn Lăng họp bàn quyết định đóng cửa trường Mân Chương để
xây một trường mới trong khuôn viên của Nhị Phủ hội quán (đường Hải Thượng Lãn Ông,
quận 5 ngày nay). Năm 1924, trường mới hoàn thành, lấy tên là Phước Kiến học hiệu (福建學
校 , École de Foukien). Năm 1940, trường mở thêm bậc sơ trung và có khu nội trú cho học
sinh từ tỉnh lên học. Đây là tiền thân của trường trung học cơ sở Trần Bội Cơ (266 Hải
Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5) ngày nay.
Các bang đều có trường học, như một tài sản cộng đồng. Ở Chợ Lớn, bang Triều Châu
lập Nghĩa An học hiệu địa chỉ ngày nay ở 678 Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5; bang Hakka
lập Sùng Chính học hiệu; bang Quảng Đông lập Tuệ Thành học hiệu – tiền thân của trường
Mạch Kiếm Hùng 712 Nguyễn Trãi P.11-Quận 5 TP HCM ngày nay. Trường do Ban quản trị
hội quán Tuệ Thành vận động các nhà hảo tâm tham gia đóng góp xây dựng trường vào năm
1911.
Các trường đều được hình thành khá sớm, đặc biệt học phong từ sau 1912 rất phát triển;
khi người Pháp thực hiện cải cách giáo dục từ 1917 – 1932, chuẩn hóa trong quản lý, tạo
thuận lợi cấp phép giáo viên và thành lập trường. Các cá nhân, nhóm trên cơ sở ấy đã thành
lập rất nhiều trường tư thục. Con em người Hoa đều học trường theo bang của họ, trường tư
thường có một khoản phí cao hơn trường thuộc bang; các giáo viên được cấp bằng, chuẩn
hóa theo quy chế giáo dục 1924 với vai trò của Toàn quyền Beau.
Thống kê một vài trường năm 19341:
Thành phố Chợ Lớn:
+ Bang Phúc Kiến: Khon Duc 158 đường Cây Mai, Chi Dao nam nu học hiệu 6, ngõ
cầu cảng Cambodge số 24.
+ Bang Quảng Đông: Luong Nhut qui quan 36 đường Marchaise, Ba Dong học xã 32
đường Chiêu Thống, đồn cảnh sát Bình Tây; Dung Quan 36 cầu cảng Lò Gốm ; Tran Vinh Hi
47 đường Rue des Clochetons (khu vưc tháp chuông); Dich A học thuật 162 đường Maréchal
Joffre ; Kieu Anh học hiệu 69 - 71 đường Ohier; Trung Quang Binh Siang 103 đường Cây
Mai, Tai Hien 111 đường Palikao ; Kim Tack 65 đường 7e Quartier; Boi Anh học hiệu 27
đường Cây Mai; Lac Anh 496 Đại lộ Armand Rousseau; Kim Thien 55 Đại
lộ Charles Thomson; Manh Tai 115 đường Cây Mai; Boi Phong học thuật 92 - 94 Đại lộ
Gaudot ; Kien Nhon 61 đường Bình Tây; Trinh Luu số 2 ngõ Jaccaréo ; Trung Nhac học
hiệu 3 đường Tam Sơn, Duc Mon học xã 163 đường Marins; Tong Y 126 đường Cây Mai;
Chanh Hoa 122 đường Lý Thành Nguyên; Hoa Yinh 40 - 42 đường Kỳ Hòa; Phung Chuong
học xã 8 đường Marchaise; Weil Sul 120 đường Canton; Chon Nhu học hiệu 33 đường Gò

1
Địa chỉ theo thời điểm 1934, tên trường do không viết chữ Hoa nên tạm thời để cách viết quốc ngữ không dấu
như Công báo.
6 | HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC LẦN THỨ 3 (ICCE 2022)

Công ; Tiểu học Quảng Đông Chợ Lớn 72 đường Cây Mai; Chung Wah 39 đường Général
Beylié; Bac Thu 4 đường Lareynière; Tu Te Xuyen học hiệu 6 cầu cảng Phước Kiến; Boi Hien
học hiệu 140 - 142 đường Gia Phú, Tam Du học hiệu 384 đường Marins ; Quan Tu thơ xá 65
đường Marins; Lai Trach 58 đường Bùi Duy Thành; Tiểu học Foutchéou 118 đường Canton;
Trần Quốc Bình 118 đường Marins; Thuong Nghiem học thuật 3 đường
Thouronde; Dac Anh học hiệu 78 đường Danel; Nam Quang 207 đại lộ Galliéni; Tiểu học
Foukiên 66 đại lộ Bonhoure; Luu Tu học hiệu 15 - 16 - 17 Cầu cảng Cambodge; Tan Hoi
đường Luro, không số ; Trung Nhut nữ học hiệu 37 Đại lộ Charles Thomson; Kien Co 8
đường Cần Giuộc; Quoc Van 2 ngõ đồn cảnh sát Bình Tây; Khai Tri học hiệu cầu cảng Lò
Gốm, không số; Trung Hung học hiệu 14 đường Philastre; Quoc Hoa học hiệu 8 đường
Jaccaréo.
Tỉnh Gia Định: Phanh Nam xã Bình Hoà; Trong Duc Gò Vấp đường xã số
18; MinhTân Hóc Môn; Sung Hoa học hiệu Tân Hiệp, tỉnh lộ số 15; Dat Tri học hiệu Bà
Điểm; Duc Anh Tân Thuận Đông; Thanh Dang Xã Hạnh Thông đường Bến Cát số 177.
Thành phố Rạch Giá: Mau Bon trong hội quán Hải Nam; Hang Giang học hiệu trong
hội quán Triều Châu; Chau Giang trong hội quán Quảng Đông.
Tỉnh Vĩnh Long: Tu Dat học hiệu 11 đường Jantet TP Vĩnh long, Pham Huu Vinh làng
Tân Ngãi.
Sài Gòn: Lê Kieu 25 đường Mac Mahon; Lao Nai Dich 26 - 28 đường Mac Mahon, Tu
Chieu 4 đường Douaumont.
Sa Đéc: Hoanh Duc 12 - 14, Khu phố Sa Đéc.
Bến Tre: Tran Dien Mỏ Cày; Tran Chan Gia lỵ sở Bến Tre.
Long Xuyên: Phuoc Kiên chi hoa học hiệu, Mỹ Phước.
Mỹ Tho: Tiểu học Chinois, Điềm Hy.
(Tổng hợp từ Bulletin administratif de la Cochinchine, 1934, tr442- 450)
Các trường chủ yếu dạy cấp tiểu học, một số có thêm bậc sơ trung (cấp 2) giáo trình
theo hệ thống Trung Hoa dân quốc, tập trung ở các lỵ sở, thành phố nơi người Hoa tập trung
đông đúc, chính quyền Pháp quản lý ở vấn đề giáo viên và hiệu trưởng phải có giấy phép hoạt
động; có nhiều trường của bang và nhiều trường do một thành viên mở.
Bộ phận giáo dục này, cơ bản đảm bảo tính biệt lập của cộng đồng người Hoa trong quá
trình định cư sinh sống ở Việt Nam. Trong bộ phận này có thể thấy gồm trường của bang
được xem là trường cộng đồng và các trường tư do các nhóm, các giáo viên đủ giấy phép mở.
Bộ phận tư thục nhóm trên thống kê rõ nét tập trung ở Chợ Lớn và chủ yếu thuộc về Hoa kiều
bang Quảng Đông.
2.2. Trung học Pháp – Hoa (lycée franco-chinois)
Nhìn nhận người Hoa có thái độ khép kín và nhằm phổ biến văn hóa Pháp và văn minh
thế giới đến họ, cùng với mong muốn chiếm một thị phần trong thị trường Hoa kiều; chính
quyền Pháp đặt ra vấn đề xây dựng một trường Trung học Pháp - Hoa, để người Hoa ở Nam
Kỳ biết tiếng Pháp, hòa thành một lực lượng trong nhân sự sau này. Trong một báo cáo giám
đốc trường Pháp - Hoa Chợ Lớn, Robert đã viết: “Nếu chúng ta muốn báo chí của chúng ta
được đọc trong cộng đồng người Trung Quốc, thì người Trung Quốc phải biết ngôn ngữ của
chúng ta; nếu chúng ta muốn các danh mục và quảng cáo của các nhà kinh doanh của chúng ta
GIAO LƯU VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT-PHÁP | 7

được đưa qua Trung Quốc, thay vì đối thủ của chúng ta, chúng ta phải có thể được hiểu ở đó,
đó là lẽ dĩ nhiên” (Archimbaud, 07.1923, tr 187).
Trường Pháp - Hoa thực chất là tư thục có sự bảo trợ của chính quyền, quản lý theo quy
chế bình đẳng. Hệ thống giáo dục Pháp - Hoa (lycée franco-chinois, chính xác là trường cho
người Hoa thuộc Pháp) không chỉ có ở Việt Nam mà tất cả quốc gia thuộc địa Pháp có người
Hoa và cả ở Trung Quốc. Tuy là tư thục, người thành lập là Hoa kiều nhưng tư cách pháp
nhân của ông thuộc quốc tịch Pháp, là trường trung học duy nhất được tạo ra cho người Hoa,
sáng kiến thành lập trường là do Toàn quyền Beau.
Trường có địa chỉ số 2 đường Haute Chợ Quán, Chợ Lớn (nay là Đại học Sài Gòn ở 273
An Dương Vương, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh) được khởi xướng do một nhóm thương nhân
Pháp và Trung Quốc, mà người đứng đầu một thương gia giàu có từ Chợ Lớn, ông Tja Mah-
Yan/ Yeng (Tạ Má Diên 谢妈延 1) quốc tịch Pháp. Nhóm thương nhân người Pháp và người
Hoa này đã thành lập một hiệp hội tư nhân, gọi là Lycée franco- chinois huy động số vốn cần
thiết và ngày 26.2.1908, lễ khánh thành diễn ra.
Ông Schneegans, chủ tịch Hiệp hội Lycée franco-chinois, nhận thấy rằng người Hoa
định cư ở thuộc địa ngày càng nhiều và Lycée franco-chinois đã được thành lập để con cái –
chủ yếu là con trai của họ có thể nhận được một nền giáo dục hoàn chỉnh bằng tiếng Pháp. Sự
hữu ích của việc thành lập một trường cao đẳng cho con em những người Hoa giàu có ở Sài
Gòn và Chợ Lớn đã được công nhận từ lâu. Nhưng số tiền phải bỏ ra để tạo và duy trì một
trường học rất lớn đã khiến dự án bị hoãn lại. Cũng chính những thương nhân người Hoa ở
Sài Gòn và Chợ Lớn đã tiếp tục gửi con cái của họ về xứ sở của họ (Trung Quốc) để học tập.
Một số bắt đầu hướng chúng đến các trường Đại học của Nhật Bản. Trong một số năm, hệ
thống này có những nhược điểm là không có sự giám hộ của cha mẹ. Hơn nữa, khi trở về
thuộc địa (Việt Nam), số nhân lực ấy không biết về ngôn ngữ và ý tưởng của người Việt và
người Pháp. Với mong muốn đẩy nhanh việc thành lập một cơ sở theo nhu cầu mà họ cũng
như người Pháp đã nhận ra, nhóm thương nhân người Hoa đã sáng kiến thành lập hội và
trường trung học Pháp - Hoa ở Chợ Lớn nhằm tạo nên một thế hệ Hoa kiều có thể làm việc
cho Pháp. Hiệp hội bao gồm các thành viên sáng lập và các thành viên đăng ký. Nó đã thu
được 150.000 piastres, một số tiền đủ để xây dựng các tòa nhà các cơ sở chính và chi phí cần
thiết của thiết bị và nội thất trường học. Trong số các nhà tài trợ chính có chủ các nhà máy
xay xát gạo ở Chợ Lớn, cũng như các đại diện thương mại cao cấp của Trung Quốc ở Nam
Kỳ. Tổng chính quyền Đông Dương, Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ đô thị Chợ Lớn và Sài
Gòn, các ngân hàng và các công ty thương mại ở đây đã liên kết với cơ sở này bằng cách trợ
cấp và quyên góp. Việc đặt viên đá đầu tiên của trường trung học Pháp-Hoa diễn ra vào ngày
26.2.1908 do Toàn quyền, dưới sự chứng kiến của Thống đốc Nam Kỳ, đại diện các cơ quan
dân cử, Lục quân và Hải quân, các trưởng bang, ngành địa phương cùng đông đảo quan chức
người Pháp và người bản xứ (Beau, 1908, tr.324-325).
Được đặt dưới sự chủ trì danh dự của Toàn quyền Đông Dương, trường được điều hành
bởi một Hội đồng quản trị bao gồm mười tám thành viên, trong đó có 6 người Pháp và 12
người Trung Quốc, bổ nhiệm giám đốc và các giáo viên của trường theo lời đề nghị của Giám
đốc.
Trường chịu một chính sách thuế khóa, ví dụ năm 1931 thành phố Sài Gòn được ủy
quyền thu bổ sung năm phần trăm vào quyền tốt nghiệp thuế cá nhân cho người Trung Quốc

1
Một vài ghi chép là Tạ Mã Điềm, Má Chín Dánh (phát âm theo âm Hoa Nam), song trên mặt chữ chính xác phải
là Tạ Má Diên theo âm Hán Việt.
8 | HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC LẦN THỨ 3 (ICCE 2022)

cư trú tại thành phố thay mặt cho trường trung học Pháp-Hoa (L'Indochine: revue économique
d'Extrême-Orient, 20.02.1931, tr. 67).
Chương trình học chính cố định, gồm tiếng Pháp và tiếng Hoa. Các học sinh, từ mười
bốn đến mười tám tuổi, được tuyển chọn từ những đối tượng giỏi nhất của các trường tiểu học
người Hoa ở Chợ Lớn. Họ hoàn thành ở trường trung học, một quá trình bốn năm học. Các
giáo sư châu Âu dạy họ các bài tốt nghiệp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, khoa học thực hành và
kế toán (La Revue de Paris, 05.1922, tr408). Về sau, trường mở cửa cho tất cả trẻ em Trung
Quốc sống trong vùng đất Đông Dương thuộc Pháp. Đối với những người đến từ các nước
láng giềng (Trung Quốc, Xiêm, Bán đảo Mã Lai), họ cũng có thể được nhận vào theo quyết
định đặc biệt của Hội đồng quản trị.
Mục tiêu chính là đào tạo nhân lực cho các trường người Hoa, người có chứng chỉ của
trường mới được phép dạy ở các trường người Hoa khác trên toàn quốc và ở Đông Dương,
một số ví dụ cụ thể:
Ngày 14.12.1929 Ông Lâm Y Mẫn, môn tiếng Trung, được cấp bằng tốt nghiệp trung
học Lycée franco - chinois de Chợ Lớn, được uỷ quyền thực hiện chức năng quản lý và giảng
dạy tại trường tiểu học tư thục người Hoa ở Phan Thiết (Bulletin administratif de l'Annam,
1929, tr.1613).
Nghị định ngày 10.11.1937 được phép mở và hoạt động tại Svay-Rieng số 6, đường
Verdun, một trường tiểu học tư thục của Trung Quốc (nam và nữ) không có nội trú. Cơ sở này
sẽ áp dụng các chương trình tương ứng với các chương trình đang được sử dụng trong các
trường tiểu học bản xứ. Sẽ có một lớp và có thể chứa tối đa mười lăm học sinh. Ông Lý Hiệp
sẽ được hỗ trợ bởi ông Tcheng Fong bí danh Trương Phương (Quảng Đông, thẻ số 131.165),
người có bằng tốt nghiệp số 153, do trường Lycée franco-chinois de Chợ Lớn cấp, sau này
chịu trách nhiệm dạy tiếng Pháp (Bulletin administratif du Cambodge, 05.07.1937, tr.2107-
2108).
Bằng cấp của trường có hiệu lực toàn Đông Dương trong quản lý nhân sự:
“Điều 13bis. - Việc giảng dạy tiếng Pháp ở các trường tiểu học và tiểu học tư thục của
Trung Quốc, Miến Điện hoặc Malaysia có thể được cung cấp: (…) 3, giáo viên Trung Quốc,
Miến Điện hoặc Mã Lai đáp ứng các điều kiện năng lực quy định tại Điều 13 bis của lệnh này
và với điều kiện họ phải có bằng tốt nghiệp trung học Pháp-Hoa ở Chợ Lớn hoặc ngoại ngữ
của trường trung học Albert - Sarraut, hoặc chứng chỉ học sơ cấp tiếng Pháp, hoặc chứng chỉ
học tiểu học Pháp ở thuộc địa, hoặc họ đã thành công trong các bài kiểm tra đặc biệt bằng
tiếng Pháp theo các phương pháp sẽ được xác định cho từng quốc gia theo thứ tự của người
đứng đầu chính quyền địa phương, các bài kiểm tra tiếng Pháp nói trên có thể được thực hiện
cùng lúc với các bài kiểm tra của mỗi trong số hai kỳ thi năng lực quy định tại Điều 13 bis của
lệnh này” (Recueil de législation & jurisprudence coloniales, 01.01.1933, tr.519)
Trường là nơi đào tạo nên nhân lực người Hoa thông thạo Hoa – Pháp – Việt làm việc
cho Pháp trong các đơn vị: Phòng thương mại Hoa kiều, Cảng Sài Gòn, phòng quản lý di cư,
các đơn vị xuất nhập cảng…
3. ẢNH HƯỞNG TỪ VĂN HÓA PHÁP ĐẾN GIÁO DỤC HOA KIỀU
Trong giai đoạn thuộc địa này, người Hoa và nền giáo dục của họ ở Việt Nam không
vận hành theo quy luật riêng rẽ, nó cũng ảnh hưởng từ sự quản lý của Pháp, bước đầu hình
thành nền giáo dục có tính quốc tế, nhưng khác với giáo dục Pháp - Việt, ảnh hưởng này có
GIAO LƯU VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT-PHÁP | 9

tính tự nguyện hơn là cưỡng bức. Các ảnh hưởng từ văn hóa quản lý Pháp đến giáo dục Hoa
kiều có thể kể ở các bình diện sau:
+ Quản lý chung: Tất cả 395 1 trường tiểu học người Hoa ở Đông Dương về nguyên
tắc, khá nghiêm ngặt theo quy chế chung về giáo dục miễn phí ở Đông Dương, được ấn định
bởi nghị định ngày 14.5.1924. Nghị định này, lấy quan điểm rất chặt chẽ từ quy định về giáo
dục miễn phí ở Pháp, yêu cầu đội ngũ giáo viên phải có chức danh và bằng cấp, điều kiện đào
tạo tương tự như ở Pháp và đặt ra cho họ nghĩa vụ đảm bảo học tập ở trình độ ngang nhau, đối
với mỗi bằng cấp, tại trình độ giáo dục công lập tương ứng, theo dõi các lớp học chuẩn bị cho
kỳ thi tiến độ của các chương trình chính thức, áp dụng các quy định về vệ sinh của trường
công lập và cuối cùng là chịu sự kiểm soát của các cơ quan hành chính.
+ Chuẩn hóa giáo viên: Các giáo viên cấp bằng hành nghề và đánh số hiệu quản lý, cấp
phép hành nghề. Giáo viên được định danh và chuẩn hóa theo quy chế. Công báo đưa tin về
định danh của các giáo viên: “Ông Dương Minh, người Hoa bang Hakka, số hiệu B.I. 94418,
được phép chuyển đến số 34 đường Cây Mai ở Chợ Lớn, trường tư thục người Hoa Chi Nam
thuộc loại 2, mở tại số 138 đường Marins, theo sắc lệnh ngày 12.8.1933 (Bulletin
administratif de la Cochinchine, 1934, tr.440). Một danh sách giáo viên với từng lý lịch như
vậy được thành lập và công bố ở Công báo thuộc địa mỗi năm. Định danh giáo viên người
Hoa ở các trường tiểu học để quản lý về nhân sự.
+ Khuynh hướng quốc tế và hiện đại: Đối với trường Pháp - Hoa, đây là một hệ thống
toàn thuộc địa, chương trình giáo dục theo hướng hiện đại. Quy chế của Hiệp hội nêu rõ mục
đích của nó là: 1, Việc xây dựng và duy trì một trường trung học Pháp - Hoa ở Đông Dương,
mục đích là cung cấp cho trẻ em Trung Quốc một nền giáo dục hiện đại bao gồm: việc học tập
của người Hoa và ngôn ngữ Pháp, cũng như các ngôn ngữ thương mại được sử dụng ở Viễn
Đông, nghiên cứu khoa học vật lý và tự nhiên và thực hành các bài tập thể dục (Beau, 1908,
tr.325). Cách đào tạo này khác biệt với cách đào tạo của các trường Hoa kiểu cũ, hình thành
tầng lớp trí thức Tây học Hoa kiều mới và phần nào xóa nhòa tính biệt lập của người Hoa
trong mối quan hệ với bản xứ. Các trường Hoa như một tài sản riêng của mỗi Bang hội, với
sự quản lý lỏng lẻo, và chỉ dạy tiếng Hoa làm sự khu biệt vốn đã có sẵn của cộng đồng người
Hoa càng cao, thì trường Pháp - Hoa được chuẩn hóa, quốc tế hóa và áp dụng chương trình
giáo dục hiện đại đã hình thành một sự giao lưu về văn hóa Hoa – Pháp và Việt Nam.
Chương trình học có tính hệ thống và hiện đại: Hệ thống trường Pháp - Hoa trên khắp
thuộc địa ở Huế, Hà Nội, Cambodia, Lào và cả Trung Quốc. Trường chỉ nhận trẻ em Trung
Quốc có cha mẹ sống ở Đông Dương, và có thể cả trẻ em có gia đình cư trú ở Trung Quốc
hoặc Singapore; sự giao lưu ấy mở rộng cộng đồng người Hoa thành cộng đồng ngoài Trung
Quốc không chỉ là người Hoa ở thuộc địa, vừa tạo sự biệt lập của cộng đồng vừa mở ra mối
liên kết khu vực.
Đội ngũ giảng viên do các trường Pháp ở Sài Gòn cung cấp, các giáo viên này đến
trường Pháp - Hoa để dạy tiếng Pháp và các môn học khác có các khóa học về tiếng Pháp,
lịch sử, địa lý, số học, bài học nhiều thứ, trong khi các giáo viên Trung Quốc cung cấp văn
hóa Trung Quốc. Việc giảng dạy tiếng Pháp (hoặc các môn học được giảng dạy bằng tiếng
Pháp) chiếm ưu thế; trong số hai mươi tám giờ học mỗi tuần, chỉ có mười giờ được dành cho
tiếng Trung Quốc (La Revue du Pacifique, 07.1923, tr.193).
Hầu hết tất cả học sinh nội trú, được chia thành bốn lớp, cộng với một khóa học sơ cấp
cho người mới bắt đầu.

1
Số liệu 1939, theo Tạp chí Giáo dục (L'Enseignement public: revue pédagogique, 1939).
10 | HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC LẦN THỨ 3 (ICCE 2022)

+ Hướng đến sự bình đẳng và giáo dục cho mọi người: Khác với giáo dục quan chế
phong kiến ở Trung Hoa lẫn Việt Nam, trường học không dành cho nữ giới. Trường Hoa ở
Nam Kỳ có nhiều trường nam nữ, hoặc trường nữ: như Khôn Đức, Chấn Hoa, Á Đông, Thiếu
Trúc...Học sinh học trường Hoa cũng không chỉ để làm quan, hướng đến một giao dục nhằm
hiểu biết và học nghề. Giáo dục cộng đồng Hoa kiều là miễn phí và thuộc cộng đồng, điều đó
đảm bảo tính bình đẳng. Các trường tư thục và trường Pháp - Hoa học phí khá cao, hướng
đến một sự chọn lọc khác. Sự thiếu hụt nhân sự nữ giới trong lao động Hoa kiều không phải
hoàn toàn do hệ thống giáo dục mà từ quan điểm về giới của người Hoa.
+ Gia tăng tính biệt lập của tổ chức xã hội Hoa kiều: cùng với di dân, cấu trúc đô thị
người Hoa lớn mạnh, hệ thống giáo dục Hoa kiều đã làm khu biệt người Hoa mà chính quốc
gia có cộng đồng ấy phải giải quyết sau này. Cấu trúc ngũ bang hình thành từ nhiều chính
sách trong đó giáo dục Hoa kiều, sự biệt lập của cộng đồng càng trở nên cố kết. Giáo dục
người Hoa không chú ý đến quốc gia họ sinh sống, không dạy Việt ngữ, đã tạo thành một lực
lượng Hoa kiều có khả năng đối kháng với chính cộng đồng bản xứ mà hệ lụy của nó sau này
mất rất nhiều thời gian chính quyền Việt Nam mới có thể giải quyết được.
+ Hệ thống giáo dục Pháp – Hoa tuy có nhiều ưu việt, song cũng tạo thành một đặc
quyền dành cho giới tư sản Hoa kiều. Chợ Lớn hình thành nên những đại tài phiệt tư bản từ
vấn đề giáo dục có tính đặc quyền này. Người Hoa ở Việt Nam là một thân phận đặc thù so
với các dân tộc bản địa khác và so với cả những người ngoại kiều khác như Pháp, Ấn, Indo
khi đến Việt Nam, có khả năng hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng Việt Nam từ rất nhiều
yếu tố gần gũi – trong đó có văn tự, văn hóa. Về mặt quản lý, chính từ sự tự nguyện di cư và
sự phi quốc gia ở thời điểm ấy khiến họ trở thành một đối tượng quản lý ngoại kiều, làm gia
tăng số lượng ngoại kiều từ chính cộng đồng người Hoa đã ở Việt Nam có từ trước; hệ thống
trường Pháp - Hoa lại trở thành nơi những người Hoa cấp tiến đón nhận sự giáo dục mới chứ
không phải chỉ chấp nhận giáo dục cổ điển Trung Hoa. Chương trình, cách học, tính hiện đại
khiến họ trở thành những đối tượng có lợi thế bước đến hệ thống chính quyền và bước chân ra
thế giới. Mục đích của giáo dục ấy nhằm mang lại nhân lực cho bộ máy công quyền và sự bắt
tay chặt chẽ của người Pháp với người Hoa tư sản tài phiệt và đã tạo nên lớp tài phiệt người
Hoa có khả năng thao túng thị trường Đông Dương sau này.
4. KẾT LUẬN
Chủ nghĩa thuộc địa cũng đặt tình thế các quốc gia nằm trong chính sách quốc tế hóa
cưỡng bức. Nhưng là một cộng đồng di dân, cùng chịu quản lý bản xứ, người Hoa không ảnh
hưởng nhiều từ tính cưỡng bức ấy, và có phần lợi thế hơn trong việc hòa nhập các quy chuẩn
mới. Tuy không nhiều nhưng giáo dục mới đã hình thành nền giáo dục hướng đến sự bình
đẳng, các quy chuẩn hành chính xuất hiện, là mô hình của giáo dục hiện đại. Giáo dục Pháp –
Hoa như một “trường chuyên” của người Hoa, tạo nên một đội ngũ nhân lực chất lượng cao,
bước đầu đạt đến những chuẩn mực của giáo dục quốc tế.
Hoàn cảnh lịch sử thay đổi, hệ thống giáo dục Hoa kiều mất đi, hòa nhập vào giáo dục
chung của nước sở tại, nhưng những gì trong lịch sử đều là một kinh nghiệm có tính di sản
cho thế hệ sau, bởi lẽ người Hoa ở Việt Nam ngày nay là hậu thân của người Hoa trước kia,
mang trong mình những đặc điểm mà lịch sử đã hình thành.
Trường Pháp – Hoa là một nỗ lực giao lưu, mở rộng bản thân người Hoa đến một văn
hóa mới – văn hóa Pháp, xa hơn là phương Tây. Cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á có
trường học riêng của họ, nơi dạy tất cả những điều thuộc văn hóa Trung Hoa. Ở Đông Dương,
các trường học người Hoa đóng một vai trò văn hóa đáng kể, nhưng chúng cũng góp phần
củng cố sự cô lập của các khu đô thị. Mong muốn bình đẳng và chuẩn hóa về giáo dục trong
GIAO LƯU VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT-PHÁP | 11

cộng đồng Hoa kiều – một trong những dấu ấn Pháp rõ nhất để cộng đồng người Hoa trở
thành một cộng đồng dân tộc phi quốc gia, thiết lập các mối liên kết chặt chẽ trong nội bộ
Đông Dương.
Hệ thống giáo dục tiểu học cộng đồng Hoa kiều đảm bảo quyền lợi giáo dục của các
thành viên của Bang hội, còn hệ thống Trung học Pháp Hoa hình thành tầng lớp trí thức Hoa
kiều mới ở Việt nam, lớp Tây học và dễ dàng gia nhập vào các tổ chức xã hội Pháp, các giáo
viên xuất thân từ trường Pháp - Hoa ngày càng nhiều. Trường trung học Pháp - Hoa ở Chợ
Lớn, chuẩn bị cho các kỳ thi Pháp hoặc các kỳ thi Đông Dương mở ra cơ hội quốc tế của học
sinh người Hoa. So với các trường kiểu Hoa cũ, hệ thống trường Pháp - Hoa áp dụng kỷ luật
nghiêm ngặt, quản lý hành chính và nhân sự, là một điểm sáng trong giáo dục Pháp ở bản địa.
Trong các ghi chép giai thoại được người Nam Bộ kể lại hay trong trang văn của Hồ Biểu
Chánh, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc học sinh trường Pháp Hoa có một địa vị xã hội
rất lớn. Tiểu thuyết Nợ đời của Hồ Biểu Chánh chương 2 nói về nhân vật Mái Chín Ngánh
(Tức là Tạ Má Diên). Từ mái chín/ má chín xuất phát từ tên ông, thành tên chung người Hoa
từng học trường trung học Pháp - Hoa biết tiếng Việt – Pháp - Hoa nên họ thường bán buôn,
làm môi giới và rất giàu có. Bình Nguyên Lộc trong tiểu thuyết Tâm trạng hồng cũng hình
dung về nhân vật mái chín – học sinh xuất thân từ trường Tạ Má Diên – tức là trường Pháp -
Hoa như một thế lực trung gian lý tưởng giữa Pháp –Hoa – Việt. Tất nhiên những lý giải hay
việc hiểu như Hồ Biểu Chánh, hay Bình Nguyên Lộc vẫn là cái nhìn văn chương, có thể có
chỗ chưa xác thực nhưng là một sự tổng kết đã có trong dân gian ảnh xạ mà thành. Khi một
học phong có thể trở thành một biểu tượng trong đời sống dân gian và văn chương, đó là lại
một tổng kết rất chính xác của người dân mà không phải trường học nào cũng tạo lập được.
Nhận định về vai trò của trường, tạp chí giáo dục của Bộ Giáo dục Pháp đã nhận định:
“Đây là cơ sở duy nhất đào tạo những người Trung Quốc trẻ tuổi, có trình độ học vấn phổ
thông khá cao, hiểu biết tốt về ngôn ngữ Pháp, học sinh ra trường có thể theo học các lớp và
khóa học trung học tại các Khoa Đông Dương mà không gặp khó khăn. Bằng cách kết hợp
tiếng Pháp và tiếng Trung, trường duy trì người Hoa trong kế hoạch xây dựng nền văn minh
và văn hóa của họ và xây dựng hình thức văn minh và văn hóa Pháp tốt nhất và dễ tiếp cận
nhất” (L'Enseignement public: revue pédagogique,01.01.1939, tr.399 – 401). Đây chính là
dấu ấn cho sự quốc tế hóa đầu tiên của giáo dục, dù là cưỡng bức hay tự nguyện nó đã thay
đổi tư duy giáo dục kiểu Hoa cũ, tạo nên một thế hệ Hoa kiều Tây học trong lòng thuộc địa
Việt Nam và gần gũi với hệ thống giáo dục nhà trường hiện nay hơn hệ thống học vấn thi cử
theo quan chế phong kiến. Tất nhiên, không phải tất cả người Hoa đều được đào tạo, mà chỉ là
con em những gia đình giàu có, giáo dục mong muốn hướng đến sự bình đẳng là lý tưởng vẫn
chưa thực sự trong bối cảnh xã hội bấy giờ.
Sau 1975, giáo dục Hoa kiều không còn biệt lập, hòa chung vào hệ thống giáo dục dân
tộc Việt Nam, các trường người Hoa một số vẫn sử dụng cơ sở vật chất cũ, thay đổi công
năng và nằm trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Nhưng lịch sử với những di sản là
sự tổng kết của một quá trình hình thành nên cộng đồng hiện tại, hiểu lịch sử giáo dục người
Hoa, các dấu ấn văn hóa Pháp – Hoa cũng là một cách để hiểu diện mạo của người Hoa hiện
nay ở Nam Kỳ sau rất nhiều biến cố và hiểu văn hóa Pháp đã có dấu ấn như thế nào trong các
cộng đồng khác nhau trong cùng một thời điểm lịch sử. Người Hoa hiện nay ở Nam Kỳ, sau
rất nhiều biến cố vẫn duy trì được hệ thống giáo dục cộng đồng ở các hội quán như một hình
thức bảo tồn di sản vốn có truyền thống và sự kế thừa nhân lực từ các trường cộng đồng bang
trong quá khứ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


12 | HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC LẦN THỨ 3 (ICCE 2022)

Tiếng Việt
Ban quản trị hội quán Hải Nam (2006). Quỳnh Phủ hội quán thành phố Hồ Chí Minh. Hội quán
Chùa Bà Hải Nam.
Ban quản trị hội quán Nhị Phủ (2007). Kỷ yếu Hội quán Nhị Phủ. NXB Thông tấn.
Ban quản trị hội quán Ôn Lăng (2013). Kỷ yếu hội quán Ôn Lăng. NXB Thông tấn.
Ban quản trị hội quán Tuệ Thành (2000). Kỷ yếu Miếu Thiên Hậu – Hội quán Tuệ Thành. NXB
Trẻ.
Báu, P.T. (2015). Nền giáo dục “Pháp – Việt” (1861-1945). NXB Khoa học xã hội.
Cảnh, Đ. T. (2021). Tổ chức cư trú của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Tạp chí
Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, số 4.2021. tr.43-51.
Tiếng Pháp
Archimbaud, L. (07.1923). La Revue du Pacifique. Paris.
Beau, J. B. P. (1908). Situation de l'Indo-Chine de 1902 à 1907. Tome 2.Saïgon: imprimetie
commerciale Marcellin Rey.
Bulletin administratif du Cambodge.(05.07.1937). Pnom-Penh.
Bulletin administratif de la Cochinchine. (1934). Saïgon.
Bulletin administratif de l'Annam. (1929). Hué.
Delamarre, E. (1931). L'émigration et l'immigration ouvrière en Indochine. Hanoi: imprimerie
d'Extrême-Orient.
Études: revue mensuelle, Tome 362 N0 1. (janvier 1985). Paris.
L'Enseignement public: revue pédagogique. (01.01.1929). Paris: librairie Delagrave.
L'Indochine: revue économique d'Extrême-Orient (20.02.1931). Paris.
Recueil de législation & jurisprudence coloniales. (01.01.1933). Paris.

Title: THE OVERSEAS CHINESE EDUCATION SYSTEM DURING THE FRENCH COLONIAL
PERIOD

Abstract: During the French colonial period in Cochinchina, the colonial government managed the
Chinese as foreigners. They had adopted Western-style management models for colonial countries in
several industries and professions including education. The Chinese education in Vietnam at that time
had its peculiarities. After taking over the international management of France, it took on new
characteristics. This article, based on documents from the Official Gazette of French Indochina and
existing archives, analyzes the problems of the overseas Chinese education system, including the
Chinese education system (écoles chinoises) and the Franco-Chinese education system (lycée franco-
chinois). This overseas Chinese education, especially the Franco-Chinese school with its cultural
exchange, is a lost “legacy” that can only be seen today through historical documents.
Keywords: Cochinchina, Oversea Chinese, education, colonial.

You might also like