You are on page 1of 10

Bậc danh sư

Thân thế cụ Võ Trường Toản được cụ Phan Thanh Giản sơ lược lại trong
một văn bia. Đây là tư liệu thành văn tương đối chính xác về tài đức của
vị danh sư được đời sau tôn kính, vinh danh:“Tiên sinh họ Võ, húy
Trường Toản. Đời trước hoặc nói là người Thanh Kệ (Quảng Đức), hoặc
nói người Bình Dương (Gia Định), trước thọ nghiệp cùng ai chưa biết
rõ. Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật có
thuật nghiệp thâm uyên thông đạt. Xảy hồi loạn Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn
mở trường dạy học, thường học trò đến mấy trăm. Ông Ngô Tùng
Châu là môn sinh cao đệ nhất. Thứ đến là các ông Trịnh Hoài
Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tịnh.
Bậc danh sĩ là ông Chiêu, ông Trúc đều ẩn dật. Ngoài ra không kể hết
được...Các ông ấy đều gặp hồi phong vận, thời trung hưng triều Gia
Long đức bậc tôi hiền, có người hoặc sát thân để làm nên điều nhân,
hoặc quên mình để trọng tiết nghĩa, thảy đều nên công nghiệp lớn... Lúc
ngự vào Gia Định, đức Thế Tổ Cao Hoàng đế hằng triệu tiên sinh tới đối
ứng... Tiên sinh không hứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được
sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng
những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài, mà còn truyền thuật,
giảng luận, trau dồi về sau”...
Cụ Võ Trường Toản là người học rộng, tài cao, kiến thức uyên bác, đạo
đức hơn người. Học trò theo học đông đảo, có những người sau này nổi
tiếng anh tài, tham gia chính sự như các cụ Ngô Tùng Châu, Phạm Ngọc
Uẩn, Lê Bá Phẩm… cùng các văn gia xuất sắc như Trịnh Hoài Đức, Ngô
Nhân Tịnh, Lê Quang Định (người đời gọi là “Gia Định tam gia thi”). Vì
vậy cụ Võ Trường Toản được người đời tôn xưng là “Vạn thế sư biểu”,
ngoài sự nghiệp “Lương sư hưng quốc”, cụ còn là một nhà thơ, nhưng
nay chỉ còn lưu truyền duy nhất một bài Phú “Hoài cổ” với 24 “đôi câu”.
Với bút pháp cổ thi, dùng những điển tích, sự kiện xưa trong sử sách
thánh hiền, để nói về việc nhân nghĩa, đạo đức làm người.
Trước và trong suốt nửa cận cuối thế kỷ XVIII là thời kỳ loạn lạc, chiến
tranh liên miên. Theo lưu truyền, lúc ấy Chúa Nguyễn Ánh nghe danh
tài đức của cụ Võ Trường Toản, đã trân trọng mời cụ ra tham chính,
nhưng cụ khước từ. Bù lại, cụ dâng 10 kế sách giúp an dân, trị quốc; đào
tạo nhiều học trò có tài đức giúp Chúa Nguyễn khôi phục cơ nghiệp, xây
dựng, phát triển, đất nước…
Năm 1792, chiến sự với quân Tây Sơn diễn ra ác liệt, Chúa Nguyễn Ánh
giong thuyền ra tiến đánh Quy Nhơn, hay tin cụ Võ Trường Toản mất,
Chúa tặng cụ Võ Trường Toản hiệu “Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên
sinh”. Về sau, khi lên ngôi, Vua Gia Long truy tặng cụ đôi liễn:
“Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử
Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong"
Dịch nghĩa:
Lúc sống, dạy dỗ được người, không con mà như có
Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn.
Viếng mộ danh sư
Từ thành phố Bến Tre, chúng tôi theo tỉnh lộ 885 về thị trấn Ba Tri
(huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), sau đó lần theo hương lộ 16 qua Tân Ngãi,
rồi đến Bảo Thạnh, tìm viếng nơi an nghỉ của cụ Võ Trường Toản. Đây
là làng quê thanh bình, yên tĩnh, nằm giữa hạ lưu hai dòng Hàm Luông
và Ba Lai mênh mông.
Nơi yên nghỉ của cụ Võ Trường Toản.
Sau hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày cụ Võ Trường Toản mất, năm 1855, để
tưởng nhớ công đức của vị lương sư đã đào tạo ra nhiều thế hệ nhân tài
cho đất nước, Vua Tự Đức lập nơi thờ cụ Võ Trường Toản tại làng Hòa
Hưng (Bình Dương) mà năm xưa cụ ở ẩn, dạy học. Từ đó mỗi năm đều
tổ chức cúng tế long trọng. Năm 1862, thực dân Pháp xâm lược, đánh
chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, các nhà nho yêu nước Nguyễn
Thông, Phan Thanh Giản… xin lệnh vua Tự Đức di dời mộ cụ Võ
Trường Toản cùng với vợ và con của cụ về an táng tại thôn Bảo Thạnh,
huyện Bảo An (ngay là Ba Tri, Bến Tre). Lúc ấy, khi cải táng xong, cụ
Phan Thanh Giản xin vua Tự Đức cho 5 người dân lo việc giữ gìn phần
mộ đồng thời lập bài vị cụ để thờ ở Tụy Văn Lâu (Văn Thánh Miếu ở
Vĩnh Long).
Ngày nay, theo con đường thôn nhỏ, vắng vẻ cách chợ Bảo Thạnh chừng
2km về hướng Đông Bắc, sẽ đến khu di tích Võ Trường Toản. Nơi đây
gồm có khu mộ cụ, phu nhân, con gái được cải táng cách nay hơn 150
năm. Trước mặt nền mộ, về phía trái 10 mét là đền thờ được xây dựng
khang trang. Trong đền có bàn thờ và tượng đồng do Trường Võ Trường
Toản, TP Hồ Chí Minh tặng. Khu mộ gia đình cụ nằm trên một nền đất
cao ráo, ba ngôi mộ bằng xi măng xây theo kiểu dáng “tượng quỳ” (voi
phục). Mộ bia cụ Võ, hàng ngang trên hết ghi hai chữ: “Sắc Tứ”, kế ghi
theo hàng dọc mấy chữ: “Gia Định Xử Sĩ Sùng Đức Võ Tiên Sinh chi
mộ”. Mộ cụ bà khắc theo hàng dọc: “Đức phối thục thận nhụ nhân chi
mộ”. Mộ bia người con gái cũng khắc theo hàng dọc: “Tòng táng lịnh ái
chi mộ”. Cụ Phan Thanh Giản đã soạn một bài văn bia khắc tại mộ phần
của cụ để lưu dấu mai sau. Tấm bia chí kích thước 1,2m x 0,8m x 0,2m
do cụ Phan Thanh Giản soạn nằm như tấm bình phong phía trước, cách
mộ chừng 5 mét. Ngày 24 tháng 1 năm 1998, di tích khu mộ và đền thờ
cụ Võ Trường Toản được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công
nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Những học trò nổi tiếng của cụ Võ Trường Toản
Ngô Tùng Châu: (? -1801), người huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; là học
trò xuất sắc, đầu bảng của cụ Võ, một trong những bậc khai quốc công
thần của nhà Nguyễn. Là văn quan (Lễ bộ Thượng thư) nhưng cụ Ngô
Tùng Châu đi chinh chiến như một võ tướng. Năm 1801, ông cùng cụ
Võ Tánh giữ thành Bình Định và bị quân Tây Sơn vây khốn, nên đã
uống thuốc độc tự tử. Sau đó cụ Võ Tánh giao thành và mong tướng Tây
Sơn Trần Quang Diệu không giết hại binh lính, rồi cũng tự thiêu. Cụ
Trần Quang Diệu giữ lời hứa và chôn cất hai ông trang nghiêm, tử tế.
Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825): Ông là công thần của triều Nguyễn,
một nhà thơ, nhà văn, sử gia nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX.
Ông là tác giả bộ sách Gia Định Thành Thông Chí – bộ bách khoa tự
điển địa lý nhân văn của Nam bộ từ thời ấy còn giá trị đến bây giờ. Cụ
Trịnh Hoài Đức làm quan cho triều Nguyễn lên đến chức Lại bộ thượng
thư kiêm Binh bộ thượng thư.
Ngô Nhơn Tịnh (1761 - 1813): Lúc thiếu thời, ông theo học với thầy Võ
Trường Toản ở làng Hòa Hưng (Gia Định) và là đồng môn với các cụ Lê
Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu. Cụ Ngô Nhơn Tịnh làm
quan nhà Nguyễn tới chức Thượng thư bộ Công kiêm Hiệp Hành Tổng
Trấn tỉnh Gia Định và được phong tước Tinh Viễn hầu.
Lê Quang Định (1759 - 1813): Người huyện Phú Vang, phủ Thừa
Thiên (Thừa Thiên - Huế), vì hoàn cảnh gia đình nên ông theo anh vào
ngụ ở huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Ông và Ngô Nhân Tịnh, Trịnh
Hoài Đức, theo học thầy Võ Trường Toản, kết thân với nhau rồi sáng lập
ra “Bình Dương thi xã”. Khi chúa Nguyễn Ánh tái chiếm Gia Định vào
năm 1788, mở khoa thi chọn người hiền tài ra làm quan giúp nước, Lê
Quang Định và Trịnh Hoài Đức thi đỗ, được cử làm Hàn Lâm Viện chế
cáo, giữ việc biên soạn sổ sách, sau điều chức Điền tuấn quan (chăm lo
việc khai khẩn, khuyến nông), rồi lãnh chức Đông cung thị giảng (dạy
học cho hoàng tử Cảnh). Năm 1802, Chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua,
hiệu là Gia Long, cụ Lê Quang Định được giữ chức Thượng thư bộ
Binh, rồi làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Năm 1806, ông
đảm nhận việc biên soạn “Hoàng Việt nhất thống địa dư chí” gồm 10
quyển, là bộ địa chí đầu tiên của nhà Nguyễn. Năm 1810, ông giữ chức
Thượng thư bộ Hộ kiêm coi Khâm Thiên Giám (tức đài quan sát thiên
văn).
Ngoài ra còn có các nhà nho, nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Nam bộ,
như: Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị thuộc thế hệ kế
tiếp đều có theo học ông.
Võ Trường Toản (?-1792), hiệu Sùng Đức quê Bình Dương, phủ Gia
Định, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Thời loạn lạc, ông ở ẩn tại quê
nhà, dạy học. Học trò ông có nhiều người giỏi như Trịnh Hoài Đức, Lê
Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Ngô Tùng Châu.
Đúng, ông là Võ Trường Toản
Võ Trường Toản (chưa rõ năm sinh, mất 1792) hiệu Sùng Đức do chúa
Nguyễn Phước Ánh (sau này là hoàng đế Nguyễn Thế Tổ) phong tặng.
Ông là nhà giáo nổi tiếng "học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn
người".
Võ Trường Toản quê ở làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, Gia Định
(nay là hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám ở quận 3 và 10 của TP
HCM). Sách Đại Nam nhất thống chí ghi tổ tiên Võ Trường Toản từ
miền Trung di cư vào Nam theo làn sóng chung, được khởi phát mạnh
mẽ từ năm 1623. Đây cũng là thời điểm người Việt vào xứ Đồng Nai,
Gia Định lập nghiệp.
Theo sách Đất và người Nam Bộ của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh (Nhà
xuất bản Trẻ, 2016), công đức giáo dục của ông có nhiều ảnh hưởng
trong giới tri thức, không chỉ cuối thế kỷ 18 mà cho đến sau này, đặc biệt
là thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm chiếm. Sĩ phu yêu nước và nghĩa binh
Nam Bộ, Sài Gòn rất tôn kính ông. Khi nhắc đến ông, các nhân sĩ trí
thức, nhà nghiên cứu đều gọi là "cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ".
Võ Trường Toản không làm quan cả Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn, sống ẩn
dật với chính quyền nhưng không ẩn dật với xã hội. Ông mở trường dạy
học hàng trăm học sinh ở làng Hòa Hưng (Gia Định), khuôn viên nay là
đình Chí Hòa trong con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10,
TP HCM.
Phan Thanh Giản - danh sĩ triều Nguyễn viết về Võ Trường Toản: "Chỉ
biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật và có thuật
nghiệp thâm uyên, thông đạt. Ở ẩn mở trường dạy học, thường học trò
đến mấy trăm người".
Là nhà nho, nhưng ông không rơi vào lối dạy máy móc, giáo điều mà
chủ trương lấy "nghĩa lý để giáo hóa". Khi giảng sách Đại học, một sách
trong Tứ thư, ông nói rõ: "Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tán ra
gồm vô số sự vật, tóm lại còn 200 chữ, tóm nữa thì còn một chữ, tóm lại
nữa một chữ cũng không".
Đại ý, thầy căn dặn học trò cần thấu triệt nội dung cuốn sách chứ không
nên học vẹt từng câu, từng chữ, cách dạy ấy thường gọi là "Tri ngôn
dưỡng khí". Tri ngôn là hiểu lời, còn dưỡng khí là nuôi dưỡng khí phách,
muốn có được khí phách phải tập nghĩa, tức là làm việc nghĩa, cống hiến
hết mình cho nghĩa lớn.
Trên cơ sở nhân nghĩa truyền thống Việt Nam, ông đào tạo học trò vừa
có dũng, vừa có trí.
Một trong những danh nhân đó là nhà giáo Võ Trường Toản-xử sĩ đất
Gia Định, quê ở phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (thuộc TP Hồ Chí Minh
ngày nay).
Võ Trường Toản là một nhà nho lớn, một nhà giáo đức độ, tài ba ở miền
Nam, thế kỷ 18. Sở học của tiên sinh họ Võ đã đạt tới bậc danh nhân và
có kiến thức uyên thâm, thông đạt. Học trò của danh sư Võ Trường Toản
có tới mấy trăm người, nhưng nổi tiếng hơn cả là “Gia Định tam gia
thi”: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh... đều là những
danh nhân đất Nam Kỳ. Mặc dù về quê ở ẩn không ra làm quan cho triều
đình phong kiến, không tham gia chính sự, không màng công danh
nhưng ông vẫn mở trường dạy học để đào tạo những nhân tài cho đất
nước. Ông coi đó là trách nhiệm của kẻ sĩ!
Khác với những nhà nho cùng thời, Võ Trường Toản không rơi vào lối
dạy máy móc, giáo điều của Nho học lạc hậu, cổ hủ lúc bấy giờ. Ông
chủ trương dạy theo phương pháp “nghĩa lý để giáo hóa”, tức là hiểu kỹ
ý nghĩa chứ không nên học vẹt từng câu, từng chữ và nuôi dưỡng khí
phách để làm việc nghĩa, cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước
chứ không câu nệ tiểu tiết. Sau này, những nho sĩ tài danh thuộc thế hệ
hậu bối như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa,
Trương Định, Nguyễn Hữu Huân... đều khâm phục và chịu ảnh hưởng
về đạo đức, tư tưởng, sĩ khí của nhà giáo Võ Trường Toản, nên đã giữ
tròn khí tiết khi nước nhà bị xâm lăng. Soi vào thực tiễn ngành giáo dục
nước ta hiện nay, triết lý dạy học “nghĩa lý để giáo hóa” của Võ Trường
Toản vẫn còn nguyên giá trị. Học cốt ở tinh thần, tư tưởng chứ không
phải học theo kiểu rập khuôn máy móc, học thuộc lòng từng dấu chấm,
dấu phẩy để rồi mất đi tư duy sáng tạo.
Nhà giáo tài hoa Võ Trường Toản mất năm 1792, tại làng Hòa Hưng,
huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và được an táng tại địa
phương. Hay tin ông mất, Chúa Nguyễn cảm mến, tiếc thương, ban từ
hiệu khắc trên bia mộ là “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” (nghĩa
là bậc xử sĩ Võ tiên sinh, người Gia Định, sùng về đức độ). Để tưởng
nhớ công đức của thầy Võ Trường Toản, học trò của ông tạc đôi câu đối:
“Lúc sống dạy dỗ được người, không con mà như có/ Khi mất tiếng tăm
còn để, thân tan danh vẫn còn”.
Võ Trường Toản sống vào thế kỷ thứ 18, ông là một nhà nho lớn, một
nhà giáo đức độ, tài ba ở miền Nam.
Sinh ra gặp thời loạn thế, là bậc hiền tài hiếm có nhưng Võ Trường Toản
không màng công danh, sự nghiệp, ông từ chối ra làm quan cho cả triều
Tây Sơn và Chúa Nguyễn về quê ở ẩn, mở trường đào tạo nhân tài cho
đất nước. Ông coi đó là trách nhiệm của kẻ sĩ.
Sinh thời, môn sinh dưới trướng ông có mấy trăm người, lấy lối học
nghĩa lý để giáo hóa, trong số học trò của ông có nhiều người trở thành
trụ cột quốc gia như: Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định,
Ngô Nhơn Tĩnh...
Trong sự nghiệp giáo dục, ông được sĩ phu Nam Bộ xưng tôn là danh sư,
người đặt nền móng cho nền giáo dục phương Nam, có ảnh hưởng rộng
lớn đến học vấn, đạo đức của giới sĩ phu, nhân dân Nam Kỳ lúc bấy
giờ. Về nhân cách nhà giáo, Võ Trường Toản là một người thầy uy nghi,
mẫu mực, khiến lớp học trò phải kính nể, tôn phục.
Ngoài sự nghiệp “Lương sư hưng quốc”, Võ Trường Toản còn là một
nhà thơ. Những tác phẩm của ông hầu hết đã bị thất truyền, người đời
sau chỉ còn lưu truyền duy nhất một bài Phú “Hoài cổ” với 24 đối câu
mượn tích xưa để suy luận về nhân nghĩa, đạo đức làm người.
“Thân dữ cô vân trường luyến tụ/Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan”
Nghĩa là: “Đời như đám mây lẻ, ngừng mãi trong không gian/ Lòng
như giếng nước xưa, không bao giờ gợn sóng”.
Hiện nay, không có đầy đủ tài liệu để biết một cách cụ thể về quan niệm
học thuật và phương pháp giảng dạy của Võ Trường Toản. Từ những dữ
kiện ít ỏi còn lưu lại được về tiểu sử, thơ văn của ông cho hậu thế hình
dung về một vị tôn sư khẳng khái, đức độ, xem thường công danh, đào
tạo cho đất nước nhiều nhân tài.
Ông là người có công lớn trong việc khai thông đạo học, giáo hóa dân
chúng, chấn hưng văn khí, làm cho miền Nam trở nên đoàn kết, gắn bó
với quốc gia, trung nghĩa liều mình khi nước mất nhà tan.
Những đóng góp của ông cho nước nhà được người dân nước ta bao đời
đều tôn vinh. Ngày 24-1-1998, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Khoa
Điềm ký quyết định công nhận khu mộ và đền thờ cụ Võ Trường Toản
tại ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là Di tích
lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhiều ngôi trường, con đường trên khắp cả
nước vinh dự được mang tên ông.
Nhà sư phạm đi trước thời đại
Suốt cuộc đời, Võ Trường Toản cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Ông
là một nhà sư phạm mẫu mực, tận tụy với nghề dạy học, không ham
công danh, sự nghiệp chỉ đau đáu một việc “dạy chữ, dựng người”. Việc
có nhiều nhân tài thành danh, cống hiến cho đất nước trưởng thành từ
mái trường của ông đã thực sự chứng tỏ uy tín và đạo đức của ông.
Không giống các nhà Nho cùng thời, Võ Trường Toản có tư tưởng giáo
dục tiến bộ, đi trước thời đại. Ông chủ trương dạy theo phương pháp
“nghĩa lý để giáo hóa”. Khi giảng với học trò về sách Đại học, một sách
trong Tứ thư, ông nói rõ: "Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tán ra
gồm vô số sự vật, tóm lại còn 200 chữ, tóm nữa thì còn một chữ, tóm lại
nữa một chữ cũng không".
Nghĩa là cần thấu triệt nội dung cuốn sách, không nên học vẹt từng câu,
từng chữ, câu nệ tiểu tiết. Đó gọi là “tri ngôn dưỡng khí”. Tư tưởng này
của ông ảnh hưởng sâu sắc đến những nho sĩ tài danh thế hệ hậu bối
như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định,
Nguyễn Hữu Huân...
Soi vào thực tiễn ngành giáo dục nước ta hiện nay, triết lý dạy học
“nghĩa lý để giáo hóa” của Võ Trường Toản vẫn còn nguyên giá trị. Học
cốt ở tinh thần, tư tưởng chứ không phải học theo kiểu rập khuôn máy
móc để rồi tự đánh mất khả năng tư duy, sáng tạo.
Mang nhân nghĩa giáo hóa chúng dân lục tỉnh
Võ Trường Toản chú trọng hướng con người đến lễ nghĩa, nhân hậu, chí
khí. Ông chủ yếu truyền dạy tư tưởng Nho gia cho học trò.
Đại thần Phan Thanh Giản từng viết về Võ Trường Toản “Từ khi tiên
sinh đem cái học nghĩa lý ra dạy người, chẳng những đương thời nung
đúc được nhiều nhân tài mà do sự truyền thuật giảng dụ mài dũa, đến giờ
dân lục tỉnh trung nghĩa cảm phát, liều chẳng tiếc mình. Tuy vì thâm
nhận hậu trạch của triều đình cố kết lòng người, nhưng cũng há chẳng do
công khai đạo của tiên sinh từ xưa để lại mới được như thế này ư”.
Võ Trường Toản dẫn dắt học trò đi theo con đường của một nhà nho
chân chính: sống trong thời loạn lạc, dẫu có thất thế, sống ẩn dật cũng
không thờ ở với vận mệnh nước nhà.
Theo lưu truyền, lúc ấy Chúa Nguyễn Ánh nghe danh tài đức của Võ
Trường Toản, đã trân trọng mời ông ra tham chính, nhưng ông khước từ.
Bù lại, ông dâng 10 kế sách giúp an dân, trị quốc; đào tạo nhiều học trò
có tài đức giúp Chúa Nguyễn khôi phục cơ nghiệp, xây dựng, phát triển,
đất nước…
Bài văn bia bằng chữ Hán của đại thần Phan Thanh Giản tóm lược tiểu
sử, ca ngợi đóng góp của Võ Trường Toản
Những tác phẩm của Võ Trường Toản hầu hết đã bị thất truyền, ông
không ra làm quan nên không có ghi nhận về sự nghiệp quan trường.
Đóng góp lớn lao nhất của ông đối với nền giáo dục nước nhà được ghi
nhận qua thế hệ học trò tài danh ông tận tâm đào tạo, là sự giáo hóa dân
chúng lục tỉnh Nam kỳ thấm nhuần văn đạo, đoàn kết, vì nghĩa lớn quên
mình.
Có thể nói rằng, những kinh nghiệm sư phạm của Võ Trường Toản được
vận dụng mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho công tác giáo dục hiện
tại, qua đó khẳng định những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp
giáo dục nước nhà theo chiều dài lịch sử.

You might also like