You are on page 1of 12

VỀ VẤN ĐỀ QUY TỤ LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG TRONG TÁC PHẨM

ĐƯỜNG KÁCH MỆNH - 90 NĂM NHÌN LẠI NHỮNG GIÁ TRỊ CHƯA CŨ
ThS. Phạm Minh Thế*

Năm 1927, cuốn sách Đường Kách Mệnh được Bộ Tuyên


truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xuất bản - đây là
cuốn sách tập hợp những bài viết, bài nói của Nguyễn Ái Quốc
trong khi lên lớp tập huấn, đào tạo cán bộ cho Hội Việt Nam Cách
mạng Thanh niên từ năm 1925 đến năm 1927. Nó được coi là cẩm
nang, là cuốn "giáo trình" về lý thuyết và phương pháp cách mạng
của các chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ. Nội dung của cuốn sách
bao quát nhiều vấn đề cốt lõi của cách mạng, trong đó có vấn đề
quy tụ, tập hợp lực lượng cách mạng - một trong những vấn đề
then chốt dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và thành
công của cách mạng Việt Nam ở các giai đoạn sau. Với ý nghĩa
đó, bài viết này của chúng tôi tập trung làm rõ các quan điểm của
cuốn sách Đường Kách Mệnh về các vấn đề lực lượng cách mạng
và tập hợp lực lượng cách mạng, đồng thời chỉ ra những giá trị cơ
bản của quan điểm này trong diễn trình cách mạng Việt Nam.

Có thể nói, đối với mọi cuộc cách mạng vấn đề tập hợp lực lượng
luôn là vấn đề then chốt, quyết định sự thành hay bại của cách mạng. Bởi
lý lý thuyết và phương pháp cách mạng có hay đến mấy, nhưng nếu
không có lực lượng tham gia thì cuộc cách mạng đó cũng khó có thể
thành công. Song muốn tập hợp được lực lượng thì cần phải hiểu cho rõ
các vấn đề: Vì sao phải tập hợp lực lượng cách mạng? Lực lượng cách
mạng là những ai? Phương pháp tập hợp, quy tụ họ như thế nào? Đó là
những câu hỏi lớn của một cuộc cách mạng đòi hỏi tổ chức lãnh đạo cách

*
Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học
Quốc gia Hà Nội.
mạng phải giải đáp và cuốn sách Đường Kách Mệnh đã luận giải một
cách hết sức rõ ràng, súc tích các vấn đề đó.
1. Về vấn đề tại sao phải tập hợp lực lượng cách mạng?
Có thể nói, đây là một câu hỏi tưởng rằng giản đơn, nhưng trên
thực tế thì để giải thích nó cho thật đầy đủ lại không hề dễ dàng. Bởi lẽ,
nếu chúng ta chỉ hiểu một cách đơn giản rằng làm cách mạng thì phải có
lực lượng cách mạng và phải tập hợp lực lượng cách mạng, thì rõ ràng nó
chưa đủ. Mà phải hiểu được bản chất của cách mạng là như thế nào, cách
mạng cần cái gì? Để rồi từ đó mà tập hợp lực lượng làm cách mạng.
Cũng bởi lẽ đó, ngay sau phần nói về tư cách người cách mệnh, trong
phần Vì sao phải viết sách này? - Nguyễn Ái Quốc đã trả lời cho câu hỏi
Vì sao phải tập hợp lực lượng? Ông cho rằng: "Phàm làm việc gì cũng
vậy, bất kỳ lớn bé, bất kỳ khó dễ, nếu không ra sức thì chắc không thành
công. Tục ngữ Tàu có câu: "Sư tử bắt thỏ tất dùng hết sức". Sư tử mạnh
biết chừng nào, nếu bắt thỏ thì có khó gì, thế mà còn phải dùng hết sức,
huống gì việc làm to tát như giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào,
cho nhân dân, nếu không hết sức thì làm sao được" 1. Với luận điểm này
có thể thấy, ý Ông muốn nói: làm cách mạng là để giải phóng đồng bào,
giải phóng nhân dân cho nên phải tập trung sức mạnh của toàn thể nhân
dân, phải quy tụ được lực lượng rộng lớn của cả dân tộc, phải đồng tâm
hiệp lực. Điều này được thể hiện ngay ở đoạn tiếp theo của phần này khi
Ông nói rõ rằng: "Lại nhiều người thấy khó thì ngã lòng, không hiểu rằng
"nước chảy đá mòn" và "có công mài sắt, có ngày nên kim". Việc gì khó
cho mấy, quyết tâm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều
người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi" 2. Và rằng: "Mục đích của
sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống
thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung của cả dân chúng

1
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2 (1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội - 2011, tr. 282.
2
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội - 2011, tr. 282.
chứ không phải việc một hai người" 3; "Sách này chỉ ước ao sao đồng bào
xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết
nhau mà làm cách mệnh"4. Tiếp đó, trong phần Cách mệnh, mục Cách
mệnh khó hay dễ, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ hạn chế của dân tộc Việt
Nam là lực lượng bị chia rẽ, phân tán, nhân tâm không thống nhất. Ông
viết: "Dân thường chia rẽ phái này bọn kia, như dân ta người Nam thì
nghi người Trung, người Trung thì khinh người Bắc, nên sức yếu đi, như
đũa mỗi chiếc mỗi nơi"5. Cũng chính vì nhân tâm ly tán đã tạo ra sự chia
rẽ, phân tán của lực lượng quốc gia dân tộc, dó đó mà các phong trào yêu
nước chống Pháp đều thất bại vì không tập hợp, thống nhất được lực
lượng dân tộc. Sức mạnh quốc gia dân tộc do đó mà yếu đi. Nhận thức
được điều đó nên trong Đường Kách mệnh - Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ
rằng: "Sức cách mệnh phải tập trung" 6 - có nghĩa là phải quy tụ, tập hợp
lực lượng cách mạng, phải tập trung sức mạnh của cả dân tộc để làm cách
mạng. Có như vậy cách mạng mới mong có thể thành công.
Như vậy có thể thấy, rõ ràng theo Nguyễn Ái Quốc thì để cách
mạng thành công phải có lực lượng cách mạng cách mạng rộng lớn, song
quan trọng hơn là phải có sự đồng tâm, đoàn kết, hiệp lực của lực lượng
cách mạng - tức là phải tập hợp, quy tụ lực lượng cách mạng. Đó là
nhiệm vụ đầu tiên của cách mạng. Song, muốn quy tụ được lực lượng
cách mạng, trước hết lại phải xác định cho được: Lực lượng cách mạng là
những ai? Đâu là thành phần nòng cốt của lực lượng cách mạng?
2. Về vấn đề lực lượng cách mạng
Có thể nói, việc xác định rõ được lực lượng của cách mạng là
những ai và ai là lực lượng nòng cốt là điều vô cùng quan trọng, quyết
3
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội - 2011, tr. 283.
4
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội - 2011, tr. 283.
5
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội - 2011, tr. 289.
6
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội - 2011, tr. 289.
định trực tiếp đến thắng lợi hay thất bại của cách mạng. Bởi nếu không
xác định được điều này ta sẽ không xác định được sức mạnh của lực
lượng cách mạng tập trung ở thành phần nào, đâu là thành phần lực lượng
cốt yếu của cách mạng, ai hay lực lượng nào giữ vai trò dẫn dắt, lãnh đão
cách mạng, do đó dẫn đến tình trạng đánh giá sai vai trò, trách nhiệm và
sức mạnh của từng bộ phận, thành phần lực lượng cách mạng. Và cũng
bởi vậy sẽ dẫn đến việc quy tụ, tập hợp sai hoặc bỏ sót lực lượng cách
mạng từ đó dẫn đến hạn chế trong việc mà phát huy sức mạnh của các lực
lượng cách mạng. Điều này thể hiện rõ trong vấn đề tập hợp lực lượng
của các phòng trào yêu nước và các tổ chức, đảng phái chính trị yêu nước
trước đó như: Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Việt Nam
Quang phục Hội,… và sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã
ra đời như Việt Nam Quốc dân Đảng, Tân Việt Cách mạng Đảng,…
Không xác định được lực lượng cách mạng và lực lượng nòng cốt của
cách mạng là một trong những nguyên nhân cơ bản là cho các phong trào
yêu nước theo cả hai khuynh hướng phong kiến và tư sản bị thất bại.
Nhận thức được điều đó cho nên, khi xác định muốn làm cách
mạng phải tập hợp cho được lực lượng cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong
tác phẩm Đường Kách mệnh cũng đã chỉ rõ lực lượng của cuộc cách
mạng ở Việt Nam là những ai và đâu là lực lượng nòng cốt của cách
mệnh. Ngay trong phần Vì sao phải viết sách này? - Nguyễn Ái Quốc đã
xác định rõ lực lượng cách mạng là toàn thể nhân dân Việt Nam khi Ông
nói: "… cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc
một hai người"7.
Tiếp đó, trong Phần Cách mệnh, sau khi giải thích các khái niệm:
Cách mệnh là gì? Có mấy thứ cách mệnh? Vì sao mà sinh ra tư bản cách
mệnh?Vì sao mà sinh ra dân tộc cách mệnh? Vì sao mà sinh ra giai cấp
cách mệnh? Cách mệnh chia làm mấy thứ? - ở mục Ai là những người
cách mệnh? - Ông đã chỉ rõ rằng: "Vì bị áp bức mà sinh ra cách mệnh,
7
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội - 2011, tr. 283.
cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách
mệnh càng quyết. Khi trước tư bản bị phong kiến áp bức cho nên nó cách
mệnh. Bây giờ tư bản lại đi áp bức công nông, cho nên công nông là
người chủ cách mệnh.
1. Là vì công nông bị áp bức nặng hơn,
2. Là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết,
3. Là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một
kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc. Vì những cớ
ấy, nên công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ
nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng
ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi"8.
Như vậy, với các quan điểm này ta thấy, Nguyễn Ái Quốc đã xác
định rất rõ: Lực lượng của cách mạng là cả dân chúng, là toàn thể những
người bị áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản, trong đó lực lượng nòng cốt
- giữ vai trò là gia cấp lãnh đạo, là gốc của cách mệnh, chủ của cách
mệnh - là hai giai cấp công nhân và nông dân. Các lực lượng dân tộc
khác như học trò (trí thức - tác giả (TG)), nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ
cũng là lực lượng của cách mạng, nhưng họ chỉ là bầu bạn cách mệnh
của công nông - tức là, họ là những người tham gia cách mạng, đi bên
cạnh, tư vấn, tham mưu cho giai cấp công - nông và chịu sự lãnh đạo của
hai giai cấp này. Như vậy, với tư cách là cuốn cẩm nang/giáo trình về lý
luận và phương pháp cách mạng - Đường Kách Mệnh đã xác định được
một cách rõ ràng: lực lượng cách mạng là toàn thể nhân dân Việt Nam,
lực lượng nòng cốt của cách mạng là hai giai cấp công nhân và nông dân,
và kêu gọi phải tập hợp cho được những bộ phận cốt yếu của lực lượng
cách mạng để tạo sức mạnh tập trung đánh bại kẻ thù.
3. Về phương pháp tập hợp lực lượng
Theo Đường Kách Mệnh muốn tập hợp lực lượng trước hết phải
làm cho quần chúng nhân dân hiểu rõ mục đích của cách mạng, làm cho
8
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội - 2011, tr. 288.
quần chúng nhân dân tin tưởng thì mới tạo được sự đồng tâm, nhất trí,
tức là mới tập hợp được lực lượng. Sách Đường Kách Mệnh viết: "Muốn
đồng tâm hiệp lực, muốn bền gan thì trước ai ai cũng phải hiểu rõ vì sao
mà phải làm, vì sao mà không làm không được, vì sao mà ai ai cũng phải
gánh một vai, vì sao phải làm ngay không nên người này ngồi chờ người
khác. Có như thế mục đích mới đồng; mục đích có đồng, chí mới đồng;
chí có đồng, tâm mới đồng; tâm đã đồng, lại phải biết cách làm mới
nhanh chóng"9. Phải làm cho dân hiểu rằng: "Vì sao cách mệnh là việc
chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người" 10. Để làm
cho dân hiểu, dân tin thì trước hết phải: "(3) Đem lịch sử cách mệnh các
nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho
đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm
thế nào?"11. Tức là phải làm công tác tuyên truyền, giáo dục lại quần
chúng nhân dân - lực lượng cách mạng. Cuốn sách nhấn mạnh: "Tụi tư
bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy tôn giáo và văn hóa làm cho dân ngu,
lấy phép luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy phú quý làm
cho dân tham. Nó làm cho dân nghe đến 2 chữ cách mệnh thì sợ rùng
mình.
Vậy cách mệnh trước phải làm cho dân giác ngộ"12.
Và rằng: "Vậy cách mệnh phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho
dân hiểu"13; "Cách mệnh phải hiểu phong triều thế giới, phải bày sách
lược cho dân"14.
9
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội - 2011, tr. 282.
10
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội - 2011, tr. 283.
11
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội - 2011, tr. 283.
12
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội - 2011, tr. 288.
13
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội - 2011, tr. 289.
14
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội - 2011, tr. 289.
Như vậy, rất rõ ràng là để tập hợp lực lượng cách mạng cần phải
có phương pháp mà phương pháp mà Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh ở đây
chính là tuyên truyền, vận động, giáo dục và giác ngộ quần chúng. Chỉ
có làm cho dân biết, dân hiểu, dân tin thì mới có thể lôi cuốn, tập hợp
được quần chúng nhân dân đi theo, dẫn dắt họ phương pháp đấu tranh
cách mạng và tổ chức cho họ đấu tranh. Song để làm được điều đó, trước
hết cần có một tổ chức đứng ra để lãnh đạo, điều hành thực hiện tập hợp
lực lượng cách mạng và tổ chức cho lực cách mạng đấu tranh. Hơn nữa
phải có lý thuyết và phương pháp để tuyên truyền, vận động và giác ngộ
quần chúng.
4. Về tổ chức tập hợp lực lượng cách mạng
Xác định rõ phương pháp tập hợp lực lượng cách mạng là tuyên
truyền, vận động, giáo dục giác ngộ quần chúng, Nguyễn Ái Quốc trong
Đường Kách Mệnh cũng chỉ ra rằng cần phải có một tổ chức cách mệnh
đứng ra để thực hiện nhiệm vụ, phương pháp này - tức là đảng cách
mệnh. Ông nói: "Dân thường chia rẽ phái này bọn kia, như dân ta người
Nam thì nghi người Trung, người Trung thì khinh người Bắc, nên nỗi yếu
sức đi, như đũa mối chiếc mỗi nơi.
Vậy nên sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có
đảng cách mệnh"15.
Ông đã chỉ ra một cách cụ thể rằng:
"Cách mệnh trước hết phải có cái gì?
Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ
chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai
cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người
cầm lái có vững thuyền mới chạy"16.

15
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội - 2011, tr. 289.
16
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội - 2011, tr. 289.
Có thể thấy, theo quan điểm này của Nguyễn Ái Quốc trong
Đường Kách Mệnh thì vấn đề tập hợp lực lượng cách mạng đã không chỉ
khuôn hẹp trong khuôn khổ của quốc gia dân tộc, mà còn mở rộng ra
toàn thế giới. Đây chính là điều khác biệt giữa Nguyễn Ái Quốc với
những nhà cách mạng tiền bối và cũng thời với ông về vấn đề xác định
lực lượng cách mạng và quy tụ lực lượng cách mạng. Bởi các bậc tiền bối
của ông như: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng,
Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… chỉ mong ngóng cầu ngoại viện, mà
ít quan tâm đến vấn đề vận động quần chúng trong nước, kết hợp giữa
đấu tranh của quần chúng nhân dân trong nước với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ
quốc tế và chính quốc. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho họ
không thể quy tụ được một lực lượng cách mạng to lớn để tiến hành cách
mạng đến thắng lọi cuối cùng.
Ngoài ra, cũng theo Nguyễn Ái Quốc thì muốn tập hợp được quần
chúng nhân dân - lực lượng cách mạng trước hết phải có một tổ chức
cách mệnh, một đảng cách mệnh - tức là phải có lực lượng cách mệnh
tiên phong đứng ra tuyên truyền, vận động, tập hợp lực lượng. Theo
Nguyễn Ái Quốc, đảng cách mệnh ấy muốn làm tròn được nhiệm vụ tiên
phong, lãnh đạo của mình thì phải có lý luận và phương pháp cách mạng
tiên tiến. Ông khẳng định: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm
cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng
mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có
bàn chỉ nam.
Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân
chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"17.
Có thể nói, đây là một cách nhìn hết sức sắc bén của Nguyễn Ái
Quốc về vai trò của một đảng cách mệnh trong việc vận động, quy tụ lực
lượng cách mạng. Rõ ràng rằng, để cách mạng thành công thì không chỉ
cần có một đảng cách mệnh mà còn cần phải có lực lượng cách mạng và
17
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2(1924-1929), xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội - 2011, tr. 289.
phải xác định được lực lượng cách mạng cốt yếu để quy tụ, tập hợp và
lãnh đạo, dẫn dắt họ đấu tranh.
*
*****
Qua những gì mà chúng tôi đã trình bày trên đây có thể thấy, cuốn
sách Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc dù có dung lượng rất vắn
tắt song đã chỉ rõ được tầm quan trọng của vấn quy tụ lực lượng cách
mạng. Cuốn sách đã giải thích hết sức ngắn gọn và lôgic vấn đề rằng:
Muốn cách mạng thắng lợi thì phải chung sức đồng lòng - tức là phải tập
hợp lực lượng cách mạng; Vì nhu cầu thoát khỏi sự áp bức, bót lột là của
cả dân chúng nên lực lượng cách mạng cả dân chúng. Và do đó, lực
lượng của cách mạng cũng là cả dân chúng - tức là toàn thể nhân dân
Việt Nam, song lực lượng cách mạng cốt yếu là hai giai cấp công nhân và
nông dân bởi họ là những người lao khổ nhất, cùng cực nhất, bị áp bức
nhiều nhất, số lượng đông đảo nhất, tinh thần cách mạng nhất - họ là chủ
cách mệnh, là gốc cách mệnh. Phương pháp để tập hợp, quy tụ lực lượng
cách mạng là tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng. Tức là phải
giải thích cho dân hiểu, làm cho dân tin, rồi mới tập hợp tổ chức dẫn dắt
cho dân đấu tranh. Và muốn làm được tất cả những điều ấy thì cần phải
có một đảng cách mệnh chân chính - đó là Đảng Cộng sản - đứng ra để
tiến hành tuyên truyền, vận động giác ngộ quần chúng, tập hợp và dẫn
dắt quần chúng đấu tranh.
Có thể nói, đây là quan điểm mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất
cao và cho đến ngày nay cũng vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự của
nó. Thực tiễn của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ đã chứng minh
cho sự đúng đắn của quan điểm này. Chúng ta thấy, cứ mỗi khi quan
điểm này được Đảng quán triệt thực hiện một cách nghiêm túc thì cách
mạng Việt Nam sẽ giành được những thắng lợi to lớn và khi nó bị sao
lãng, coi nhẹ thì cách mạng thụt lùi. Sự thất bại của cao trào Xô viết
Nghệ - Tĩnh, hay sự thắng lợi tạm thời, chưa đến nơi của phong trào dân
chủ 1936-1939,… là những ví dụ như vậy. Bởi tiếp thu quan điểm của
Đường Kách Mệnh, Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng tại Hội
nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
tháng 2 năm 1930 đã đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và xác
định lực lượng của cuộc cách mạng là toàn thể nhân dân Việt Nam (trừ
những bộ phận ra mặt phản cách mạng), qua đó kêu gọi tập hợp lực
lượng của toàn dân tộc để đấu tranh. Tuy nhiên, những người lãnh đạo
cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh đã chỉ nhấn mạnh một chiều đấu tranh giai
cấp, tập hợp lực lượng giai cấp, vì thế mà sức mạnh của phong trào yếu
đi, rồi bị đàn áp. Bản Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 đã tiếp tục
nhấn mạnh đến con đường đấu tranh giai cấp và tập hợp lực lượng giai
cấp, dưới tác động của Luận cương chính trị, phong trào dân chủ 1936-
1939 tiếp tục nêu cao con đường đấu tranh giai cấp, chính vì thế mà Đảng
đã chưa quy tụ được hết toàn bộ quân chúng nhân dân yêu nước đi theo
Đảng ở thời kỳ này, dẫn đến sự hạn chế về hiệu quả đấu tranh cách mạng.
Đến năm 1941, khi Đảng nhận thức lại vấn đề và nêu rõ: Cách mạng Việt
Nam chỉ giải quyết một vấn đề là đấu tranh giải phóng dân tộc, tạm gác
vấn đề ruộng đất và đấu tranh giai cấp lại, xác định lực lượng của cách
mạng Việt Nam là toàn thể dân tộc Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt
Minh để quy tụ lực lượng cách mạng chúng ta đã thành công với thắng
lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà kết quả là sự ra đời
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều đó cho thấy rõ ràng rằng,
chỉ khi nào trả lời được một cách đúng đắn, thấu đáo rằng: Vì sao phải
tập hợp lực lượng cách mạng? Lực lượng cách mạng là những ai? Đâu
lưc lượng nòng cốt? Phương pháp tập hợp, quy tụ lực lượng thế nào? Tổ
chức nào giữ vai trò là người quy tụ, lãnh đạo lực lượng?... thì chúng ta
mới mong đưa cách mạng đến thành công. Đây là quan điểm mang tính
chất logic, biện chứng và có giá trị hiện thực rất lớn đối với chúng ta
ngày nay, khi mà đất nước đang tiến hành đổi mới theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Bởi lẽ,
ở mỗi một vấn đề này, chúng ta đều phải xác định cho rõ: lực lượng nào
tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước theo hướng công nghiệp hóa,
hiện đại hóa? Đương nhiên là cả dân tộc, song đâu là lực lượng nòng cốt
của công cuộc này? Về vấn đề hội nhập cũng vậy, những lực lượng nào
là nòng cốt của đất nước và lực lượng quốc tế nào cần phải quy tụ, tập
hợp để phục vụ cho việc hội nhập của chúng ta, để chúng ta có thể hội
nhập mà không hòa tan, gìn giữ được hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ
và phát triển bền vững. Đó đều là những câu hỏi lớn mà Đường Kách
Mệnh dạy chúng ta rằng: Muốn đổi mới đất nước thành công theo hướng
công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải quy tụ được lực lượng của cả dân
tộc cho công cuộc này và lực lượng nòng cốt phải là khối liên mình công
- nông - trí, trong đó thanh niên trí thức giữ vai trò đầu tàu. Hội nhập
quốc tế cũng vậy, phải có sự quy tụ lực lượng của dân tộc với lực lượng
quốc tế một cách sâu rộng trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tin tưởng,
hợp tác cùng có lợi thì mới mong đứng vững trên sân chơi này. Song, để
làm được điều đó, chúng ta phải giữ vững được vai trò và cương vị tổ
chức tiên phong, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng phải
luôn luôn có sự trau đồi, bổ sung, đổi mới về tư duy, lý luận để xứng
đáng với vai trò là tổ chức quy tụ, lãnh đạo lực lượng cách mạng. Có như
vậy, chúng ta mới mong giành được những thắng lợi mói trên con đường
đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Họ và tên tác giả: Phạm Minh Thế.


Học vị: Thạc sĩ.
Đơn vị công tác: Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Khoa
Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc
gia Hà Nội.
Địa chỉ: Tầng 3, nhà B, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Email: thepm29@gmail.com
Điện thoại di động: 0916086983.

You might also like