You are on page 1of 6

Khoa học xã hội và nhân văn với sự phát triển bền vững của

đất nước
Tin đăng ngày: 11/1/2019 - Xem: 8311

LTS: Trong sự phát triển hiện nay trên thế giới, cùng với sự toàn cầu hóa diễn ra
nhanh chóng thì các lĩnh vực về khoa học tự nhiên lại trở thành sự lựa chọn hàng đầu
của người Việt Nam, trong khi các lĩnh vực thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn
dường như ngày càng bị xem nhẹ. Như vậy, để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để thu
hút nguồn lực cho ngành khoa học xã hội và nhân văn trong quá trình hiện đại hoá -
toàn cầu hoá ở Việt Nam hiện nay, thì có lẽ trước khi đưa ra những biện pháp giải quyết,
chúng ta cần phải nhìn nhận lại vai trò của nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn
trong đời sống xã hội.
Bàn về vấn đề này, Chuyên san KHXH&NV đã có bài phỏng vấn với GS.TS Hồ
Sỹ Quý - Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

GS.TS Hồ Sỹ Quý

P.V: Khoa học là một hệ thống tri thức mà nhân loại phải trải qua quá trình lịch sử sáng
tạo dài lâu mới có thể có được. Hệ thống tri thức đó được phân loại thành các loại hình
khoa học khác nhau, như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học nhân văn v.v...
Theo đó, khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) là một hệ thống những tri thức về xã
hội và con người. Nhiệm vụ của KHXH&NV, về đại thể là nhằm phát hiện những quy luật
của sự hình thành, phát triển của con người và xã hội loài người, làm rõ quan hệ giữa
con người với con người, giữa con người với xã hội và giữa con người với giới tự nhiên.
Vậy theo ông, trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước, KHXH&NV có vai trò như thế
nào đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng quan điểm và chiến
lược phát triển bền vững của Việt Nam nói riêng?
GS.TS. Hồ Sĩ Quý: KHXH&NV, sau đây tôi sẽ gọi chung là KHXH, ở Viện Hàn lâm KHXH
Việt Nam cũng như ở nhiều Trung tâm KHXH khác trên thế giới, tên gọi “Viện KHXH” hay
“Trung tâm KHXH” đã ngầm định bao gồm trong đó tất cả các khoa học nhân văn và
một số ngành Arts (nghệ thuật học).
Như nhiều học giả trong và ngoài nước đã khẳng định, vào những năm đầu thời
kỳ Đổi mới, KHXH Việt Nam trên thực tế, đã tự đổi mới mình và làm “Bừng tỉnh” xã hội
bằng những quan niệm rất mới mẻ về những vấn đề cốt tử làm nền tảng cho sự vận
động của đời sống xã hội. Đó là những quan niệm về CNTB, về CNXH, về thời kỳ quá độ,
về bóc lột, về kinh tế tư nhân, về vai trò của đảng cầm quyền, về văn hóa và về con
người... Cũng phải mất một thời gian xã hội mới quen dần với những nhận thức mới để
từ đó có một thái độ mới với các vấn đề đó. Nhưng đó thực sự là những chuyển biến có
ý nghĩa cách mạng. Ngày nay thái độ chung của toàn xã hội và của từng cá nhân (đối
với những vấn đề đó) đã mềm dẻo hơn và thực tế hơn rất nhiều - điều mà trước những
năm 1980, ngay cả những đầu óc cấp tiến nhất cũng không thể hình dung được. Xã hội
chắc chắn không thể có được bước phát triển và diện mạo như ngày nay, nếu chúng ta
vẫn giữ những quan niệm cũ gắn liền với thái độ cũ về kinh tế tư bản tư nhân, về đặc
trưng của CNXH, về sự bóc lột và lao động làm thuê, về văn hóa và truyền thống, về tôn
giáo và tâm linh, về con người và giải phóng các nguồn lực…
Tôi muốn nói rằng, KHXH dường như không đi tiên phong nhưng thực tế lại không
đứng ngoài những điểm nóng nhất của đời sống xã hội, cung cấp những nền tảng nhận
thức và hành động đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội mà thường
phải có thời gian người ta mới nhận thấy được. Thực chất là KHXH đã làm thay đổi
phương thức phát triển đất nước - từ chỗ cứng nhắc, sách vở, chủ quan… sang phương
thức mới, mềm dẻo hơn, thực tế hơn, năng động hơn - giải phóng được các nguồn lực
nội sinh, sử dụng được ngoại lực, tiếp thu được sức mạnh và tinh hoa văn minh bên
ngoài, gần gũi hơn với xu hướng tiến bộ của cộng đồng thế giới. Đến nay, Việt Nam đã
có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên LHQ, tham gia và là thành viên
tích cực của hơn 70 định chế quốc tế; có quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác
toàn diện với 11 nước; được 70 nước công nhận là Việt Nam có nền kinh tế thị trường;
tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục khoảng 5-7%/năm…
P.V: Một trong những nhiệm vụ của KHXH&NV là cung cấp các luận cứ khoa học cho
việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển đất nước nhanh và bền vững
trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị... Thực tế, những kết quả nghiên cứu của
KHXH&NV đã giúp Chính phủ hoạch định các chính sách đúng đắn, làm nền tảng cho sự
phát triển bền vững của quốc gia. Điều quan trọng hơn, KHXH&NV còn đóng vai trò thiết
yếu để phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc. Vì thế, KHXH&NV cần phải
được đặt đúng vị trí, vai trò của nó và việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực KHXH&NV
phải luôn là một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất
nước. Những điều GS vừa nói liệu có đánh giá quá cao KHXH hay không, khi thực
trạng…?
GS.TS. Hồ Sĩ Quý: Dĩ nhiên điều vừa nói không có nghĩa là bản thân KHXH Việt
Nam không hề có vấn đề gì và sự phát triển của đất nước hiện đều tốt đẹp cả. Ngược lại,
với nhu cầu cần phải phát triển nhanh đồng thời bền vững, thì nền kinh tế - xã hội đất
nước trên thực tế đang đứng trước những thử thách không hề nhỏ và cũng khá nan giải.
KHXH cũng thế, so với khu vực và thế giới cũng như so với tiềm năng và nhu cầu phát
triển thì ở rất nhiều mặt, KHXH đang cần phải có những bứt phá rất căn bản mới có thể
thu hẹp được khoảng cách với ngay cả các nước quanh ta như Thái Lan, Singapore.
Nhưng có lẽ những điều bất cập của KHXH và của sự đối xử với KHXH, chúng ta
sẽ nói sau, còn bây giờ xin được tiếp tục nói sơ qua về những điểm tương đối tích cực
mà KHXH phải rất nhọc công mới có được đã.
Ngày nay xã hội nước ta đã ở vào một trình độ khác so với hai ba mươi năm
trước. Khoảng hơn một thập niên qua, tại các Trung tâm khoa học lớn như Viện Hàn lâm
KHXH Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…
giới KHXH đã cố gắng rất nhiều và do vậy cũng đã đạt được những thành tựu mới, rất
đáng ghi nhận trong hợp tác nghiên cứu và đào tạo với nước ngoài, trong việc công bố
quốc tế, và cả trong tư vấn chính sách với Chính phủ và với các cơ quan công quyền có
trách nhiệm…
KHXH có chức năng cố hữu của nó là nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách.
Đấy là nói thật ngắn gọn để đỡ phải trình bày dài về các thành phần cùng những đặc
trưng khá phức tạp của từng chức năng đó. Phương thức mà KHXH đi vào xã hội, vào
đường lối, chủ trương, chiến lược, chính sách… của Đảng, Chính phủ và các thiết chế xã
hội… rất đặc thù là vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Nhà KHXH và một quan niệm nào đó của
KHXH có thể trực tiếp can thiệp, tác động vào chiến lược, chính sách… Tuy nhiên,
phương thức gián tiếp thông qua dân trí để tác động vào văn hóa và con người cũng
không kém phần hiệu quả. Ở nước ta, cách thức thứ hai này thường phổ biến hơn.
Không ồn ào, khoa trương, nhưng khá vững vàng, nhất quán và kiên định, KHXH
nước ta đã thổi vào xã hội, khơi dậy những tư tưởng sáng suốt mang đậm bản sắc
truyền thống Việt Nam về độc lập, tự chủ quốc gia; về chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt về
chủ quyền biển đảo; về sức mạnh lòng dân; về ý chí dân tộc… Về điều này, Đại hội XII
của Đảng đánh giá: “Trong những năm qua, khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần
quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ
trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định lịch sử hình thành
và phát triển dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá
trị và bản sắc văn hóa Việt Nam”(1).
Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, KHXH đã làm xã hội ngày
càng nhận thức sâu sắc thêm và có thái độ hợp lý hơn trong quan hệ với các đối tác, đặc
biệt với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ…
Với trình độ một nước tuy mới ở mức thu nhập trung bình thấp nhưng có nền
tảng công nghệ thông tin khá phát triển, lượng người dùng mạng xã hội đông đảo tới
bốn năm chục triệu người, KHXH thông qua con đường dân trí đã góp phần định hướng
cho xã hội những quan niệm và thái độ hợp lý hơn về dân chủ và trách niệm, về công
khai, minh bạch và quyền công dân… góp phần tương đối tích cực trong công cuộc xây
dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống; chống tham nhũng, bòn rút của cải quốc gia…
Sức lay động, ảnh hưởng của KHXH thông qua các Hội thảo, hội nghị khoa học
quốc gia và quốc tế; các báo cáo định kỳ và không định kỳ của các thiết chế khoa học;
các bài báo quốc tế và quốc gia; các tạp chí và báo chí, kể cả online; các kiến nghị, tư
vấn, đặc biệt những kiến nghị trực tiếp tới các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các
ý kiến tư vấn khác của các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín và đông đảo các nhà
giáo, các nhà hoạt động xã hội… trên thực tế đã làm đời sống tinh thần xã hội phải
không ngừng trăn trở với từng bước đi và hành động của mình. Công cuộc chống tham
nhũng quyết liệt và hiệu quả của Đảng gần đây đã tiếp thêm sức mạnh để KHXH góp
phần lấy lại niềm tin trong xã hội. Quan niệm “làm quan-bổng lộc” (mà thuật ngữ khoa
học gọi là Kleptocray) nay đã buộc phải thay đổi. Đó thực sự là tín hiệu đáng mừng. Tôi
nói KHXH không ồn ào, khoa trương, nhưng khá vững vàng, nhất quán và kiên định với
lập trường của mình là vì vậy.
P.V: Những điều vừa rồi, chủ yếu GS nói về KHXH Việt Nam. Vậy ở các nước phát triển,
thì KHXH&NV có vị thế như thế nào trong nền khoa học cũng như sự phát triển kinh tế -
xã hội nói chung?
GS.TS Hồ Sĩ Quý: Tất cả các quốc gia thành công đều là các quốc gia tôn trọng
khoa học xã hội và thường có nền KHXH hùng mạnh. Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Anh, Đức…
đều là những nước có nền KHXH mạnh. Ở Đông Á và Đông Nam Á, KHXH Singapore, Đài
Loan, Trung Quốc… cũng có nhiều ngành KHXH thuộc vào loại có tiếng thế giới. Điều tôi
quan sát và thấy rất đáng chú ý là, gần như tất cả các bộ máy chiến lược, các Think
Tank, các trung tâm đầu não của các chính phủ mạnh đều là nơi tập trung trí tuệ của
các nhà KHXH uyên bác. Các “cỗ máy tư duy chiến lược” như Goldman Sachs, Brookings
Institution, Heritage Foundation (Mỹ); Chatham House (Anh); European Policy Center
(EU); Nira, Japan Institute of International Affairs (Nhật Bản), Institute of Southeast
Asian Studies (Singapore)… đều là những Think Tanks như vậy.
Công việc hoạch định chiến lược, hay định hướng phát triển của các quốc gia
chính là nơi không thể thiếu trí tuệ của KHXH. Thậm chí ở đây, KHXH còn quan trọng
hơn cả khoa học tự nhiên và công nghệ. Ở một số nước châu Âu, một số kiến thức
chuyên ngành KHXH như Luật, Kinh tế, Chính trị học, Ngoại giao… còn trở thành điều
kiện cần để một người nào đó có thể trở thành chính khách. Ngày nay, nhiều sản phẩm
của khoa học tự nhiên và công nghệ, kể cả những sản phẩm chiến lược, người ta đều có
thể nhập khẩu được. Một số quốc gia còn không ngần ngại thuê luôn cả nhân lực vận
hành cùng với việc nhập sản phẩm khoa học tự nhiên và công nghệ. Cách thức này thực
ra không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng, tốc độ hay diện mạo phát triển của một quốc
gia.
Nhưng với KHXH thì hoàn toàn khác. Chẳng hạn, khi những đối tượng thuộc văn
hóa Việt Nam hay con người Việt Nam, thuộc xã hội Việt Nam hay lịch sử Việt Nam…
được KHXH nước ngoài nghiên cứu, thì kết quả nghiên cứu dù tốt đến mấy cũng chỉ có ý
nghĩa tham khảo. Nghĩa là, không gì có thể thay thế KHXH Việt Nam trong việc nghiên
cứu và cung cấp những căn cứ khoa học về con người và xã hội Việt Nam được. Đặc biệt
là trong những nghiên cứu liên quan đến sự thành bại hay an nguy của dân tộc, đất
nước.
Nhờ khả năng trực tiếp định hướng cho hành động, khoa học xã hội bao giờ cũng
là chỗ dựa tinh thần và tâm lý tuyệt đối vững chắc, trang bị sức mạnh tư tưởng và văn
hóa đủ tin cậy, cung cấp luận cứ khoa học có chiều sâu lịch sử… để các chính phủ kịp
thời hoạch định chiến lược hay các quyết sách, ứng phó với tình huống, từ giải pháp
chính trị đến đột phá phát triển kinh tế hay chiến lược bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngày
nay, phát triển dù chọn phương thức nào thì các quốc gia cũng đều coi các giá trị về con
người và bản sắc văn hóa dân tộc là lý do tồn tại đầu tiên của mình.
Với Việt Nam, bằng hành trang lịch sử có bề dày hàng nghìn năm, tương lai của
đất nước chắc chắn đã ít nhiều được đảm bảo bằng các giá trị con người và văn hóa mà
các thế hệ cha ông dày công tạo dựng bằng cả mồ hôi, máu, và nước mắt để lại cho con
cháu.
Từ những điều vừa nói, tôi muốn lưu ý và nhấn mạnh rằng, KHXH có vai trò
không thể thiếu, không thể xem nhẹ đối với từng bước phát triển của đất nước, của con
người và của xã hội. Nếu hôm nay, chúng ta xem nhẹ hay đánh giá thấp tiếng nói của
khoa học xã hội, thì ngày mai hậu quả có thể sẽ là khôn lường.
P.V: Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay, KHXH&NV đang dường như không
được coi trọng. Có thể thấy, dư luận xã hội và ngay cả giới nghiên cứu cũng thừa nhận,
hiệu quả ứng dụng các đề tài KHXH&NV vào cuộc sống rất hạn chế; tình trạng nghiên
cứu xong “cất vào tủ” khá phổ biến. Nếu điều đó không sai thì lý do vì sao vậy, thưa
GS.?
GS.TS Hồ Sĩ Quý: Đúng là nhìn vào một số hiện tượng, thì KHXH ở ta có vẻ ngày
càng bị xem nhẹ, bị coi thường. Có thể nói kỹ hơn một chút.
Thí sinh đăng ký thi hoặc xét tuyển vào đại học thuộc các ngành KHXH&NV vài
năm trước đã ít đến mức báo động đỏ, hai năm nay có khá hơn, nhưng tỷ lệ vẫn thấp,
đặc biệt là khối ngành sư phạm. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên
ngành cũng không cao. Một số sinh viên tiếp tục theo học thạc sỹ hoặc tiến sỹ đôi khi
cũng vì chưa tìm được việc làm. Những người chọn KHXH làm nghề chính cho đời sống
và sự nghiệp của mình thường phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Để thành đạt trong
KHXH thì lại còn khó khăn hơn nữa, ít nhất phải mất 10 đến 20 năm mới có thể trở
thành nhà KHXH có vị thế xã hội khiêm tốn nào đó và từ đó có thể có đóng góp ít nhiều
cho xã hội. Nói chung chọn con đường dấn thân cho KHXH quả thực là mạo hiểm, nếu
người lựa chọn không có “gen KHXH” hoặc “đam mê bẩm sinh” đối với KHXH.
Ở một khía cạnh khác, hiện thời mặt bằng tri thức KHXH của nhiều đối tượng
dường như đã thấp đến mức báo động. Những hiểu biết về lịch sử Việt Nam, về văn học
và tiếng Việt, về văn hóa và truyền thống… đều hổng ở mức đáng ngại mà báo chí đã
nói nhiều từ mấy năm trước. Sinh viên, phóng viên, phát thanh viên… nói sai, viết sai,
hiểu sai… có thể bắt gặp hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí,
giáo sư, phó giáo sư cũng có những người nói và viết còn có vấn đề. Không ít sinh viên
khi ra trường còn chưa biết trích dẫn, chưa biết trình bày một văn bản khoa học giản
đơn; khi đến nhận việc tại các cơ quan, công sở, họ đều phải dành thời gian để đào tạo
lại. Các cơ sở đào tạo sau đại học cũng đôi khi cho ra lò những thạc sỹ, tiến sỹ có trình
độ khá non. Tình trạng đạo văn không khó bắt gặp.
Nhìn từ khía cạnh học thuật, thì đề tài nghiên cứu khoa học các cấp công bố ngày
càng nhiều, đầu sách ra mắt cũng không ít, nhưng số lượng xuất bản thường chỉ vài
trăm cuốn và những cuốn sách có giá trị lâu bền, có độ tin cậy cao rất hiếm. Sách dịch
rất cập nhật nhưng không ít cuốn lại sai sót, cẩu thả, cắt gọt… gây tâm lý thiếu tin cậy.
Hầu như không mấy ai nghĩ đến việc viết sách “để đời”, kể cả những nhà nghiên cứu gạo
cội; cơ chế xuất bản không khuyến khích người viết, chỉ tạo điều kiện cho người “làm
sách” nên sáng tạo KHXH vô tình rơi vào tình trạng mất động lực thôi thúc từ bên trong
để viết sách khoa học xuất bản, ngày nay rất hiếm.
Tại nhiều thư viện, việc mua bổ sung sách mới và tạp chí khoa học rất hạn chế.
Đất nước giàu có hơn, nhưng kinh phí cho mua sách, tạp chí lại ít dần, ít đến mức báo
động. Lý do được đưa ra là người đọc ngày càng ít đến thư viện. Lý do này có lẽ không
sai, nhưng theo tôi, việc cắt giảm kinh phí mua sách báo cũng lại là một trong những
nguyên nhân làm giảm lượng người đến thư viện và làm xuống cấp văn hóa đọc.
Trong nhiều công bố khoa học, số liệu nghiên cứu định lượng, kể cả số liệu điều
tra lẫn số liệu thống kê, độ tin cậy đều thường không cao. Tình trạng điều tra xã hội học
để làm đẹp luận điểm rất dễ bắt gặp.
Ngay trong bảng phân loại khoa học mà Bộ KH&CN ban hành năm 2008 và mới
khẳng định lại từ 2012, KHXH cũng chỉ là một trong sáu ngành khoa học được công
nhận ở Việt Nam, ngang hàng với nông nghiệp hay y dược… Sự phân loại này sẽ gây vấn
đề khi hoạt động khoa học có liên quan tới các quy định hành chính hoặc thể chế.
Một số học giả nước ngoài đánh giá Việt Nam tiếp thu cái mới khá nhanh. Có thể
đúng là như vậy. Nhưng tiếp thu sâu đến đâu, có triệt để hay không, có tiếp thu với tinh
thần phê phán hay không… lại là điều cần bàn. Hầu hết các “trào lưu” học thuật hay tư
tưởng có xuất xứ từ bên ngoài thường rất nhanh được PR và trở thành thời thượng tại
Việt Nam. Nhưng gần như chưa kịp hiểu và ứng dụng thì những cái mới này lại đã được
thay thế bằng cái khác. “Kinh tế tri thức”, “Thế giới phẳng”, “Nhà nước kiến tạo”, “Quốc
gia khởi nghiệp”, “Cách mạng công nghiệp 4.0”… là những hiện tượng như vậy. Hiện
nay, rất nhiều người thích nói “4.0”, nhưng rất ít người hiểu cặn kẽ tri thức này chân giả
như thế nào. Thậm chí khi Robot Sophia xuất hiện tại Việt Nam, một vài người rất có
trọng trách cũng đã không tiếc lời hồn nhiên ca ngợi.
Tôi muốn nói rằng, tình trạng hời hợt, nông cạn tương tự không phải là tư duy
truyền thống của KHXH Việt Nam.
Các KHXH&NV thì được coi là chỉ mới xuất hiện từ Auguste Comte, nhưng tư duy
thâm thúy, uyên bác, sâu sắc về con người, về xã hội, về lịch sử… của cha ông ta thì đã
có rất sớm từ trước đó. Nền học thuật Nho giáo có nhiều hạn chế, nhưng tác phong cẩn
trọng, “nói có sách” và khiêm nhường cũng là những mực thước bắt buộc được truyền
dạy. Truyền thống KHXH được tiếp thu từ Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp cũng rất
“kinh điển”, ở vào trình độ rất cao, và thực tế đã làm xuất hiện một thế hệ các nhà khoa
học Việt Nam tầm cỡ.
Cách thức nghiên cứu, giảng dạy và “hiến kế” của KHXH Việt Nam từ những năm
1950 đến rất gần đây thường bám rất sát những chuẩn mực đó. Tình trạng dễ dãi với sự
hời hợt, nông cạn, cẩu thả là sản phẩm chỉ xuất hiện mới đây thôi.
P.V. Trong bối cảnh hiện nay, KHXH&NV cần những điều kiện gì để phát triển và
đáp ứng nhu cầu của cuộc sống? Và làm thế nào để vị thế và trình độ của KHXH&NV
Việt Nam được nâng cao như đòi hỏi của thực tiễn trong điều kiện hiện nay?
GS.TS Hồ Sĩ Quý: Câu hỏi phải nói là thú vị, hay, nhưng không dễ trả lời.
Trước hết tôi thấy cần phải lưu ý điều này. Thực ra, xưa nay, từ trong tâm tưởng sâu xa,
chúng ta đều không hề coi nhẹ tri thức, tư duy hay trí tuệ về lĩnh vực xã hội và nhân
văn. Những người thâm thúy, sâu sắc, “ưu thời mẫn thế” lúc nào cũng được trọng vọng.
Ông cha ta xưa đã luôn như thế và chúng ta ngày nay cũng vậy. Trong các văn bản
pháp quy, chúng ta cũng không bắt gặp có chỗ nào thể hiện thái độ coi thường các tri
thức hay vai trò của KHXH&NV.
Tuy nhiên, chỉ riêng điều đó vẫn là chưa đủ. Hiện nay và chắc cũng còn không ít
năm nữa, xã hội sẽ vẫn ưu tiên chọn hướng mưu sinh cho con cháu ở những lĩnh vực
khác, tìm đường thành danh, kiếm lợi ở những chân trời khác, chứ không phải KHXH.
Chúng ta buộc phải tính đến hoặc thừa nhận xu hướng thực tế này.
Nghĩa là, nếu muốn nhiều người chọn KHXH làm nghề nghiệp của mình, thì chắc
chắn sự điều tiết vĩ mô của xã hội và của Nhà nước cần phải có những giải pháp tạo cho
khu vực lao động trí óc đặc thù này có những lợi ích và những giá trị ít nhiều thiết thực
để khơi dậy tình yêu KHXH vốn “bẩm sinh” trong phần lớn người Việt.
Tôi nghĩ rằng khi đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao thì số người đến với
KHXH sẽ ngày càng nhiều thêm. Sẽ đến một lúc, KHXH sẽ trở thành “giá trị đầu vào”
không thể thiếu đối với tất cả mọi người, mọi nhà.
Nói như vậy có nghĩa là, những hạn chế, khiếm khuyết và cả những sai lầm của
KHXH có nguyên nhân không chỉ ở bản thân KHXH, ở nền giáo dục hay ở nền khoa học
nói chung, mà một phần, nếu không muốn nói là phần lớn, nguyên nhân lại thuộc về
môi trường xã hội, thuộc về thể chế, thuộc về trình độ của đời sống kinh tế - xã hội. Tất
nhiên sứ mệnh của KHXH là làm nền tảng để xã hội vận hành, dự báo, định hướng hành
lang an toàn để xã hội tiến bộ. Nhưng thể chế kinh tế - xã hội hoàn toàn có khả năng
trói buộc hoặc giải phóng sự sáng tạo của KHXH. Sự quan tâm tạo môi trường sáng tạo
bình thường đối với KHXH từ phía quản lý vĩ mô, là nhân tố không bao giờ thừa. Nếu
thiếu môi trường sáng tạo bình thường, KHXH rất dễ trở thành không đầy đủ hoặc méo
mó.
Ngày nay, KHXH hiện đại rất mạnh ở chức năng tham mưu, tư vấn, phản biện
(chính sách, chiến lược, đường lối…). Chính sách nếu thiếu sự tham mưu, tư vấn, phản
biện của KHXH thì rất dễ không đủ tối ưu, hoặc không hợp lý. Ở nước ta, cơ chế thực
hiện điều này hiện vẫn chưa có. Tuy nhiên, các nhà KHXH và các cơ quan KHXH có uy
tín lâu nay vẫn được tham vấn và nhiều kiến nghị cũng như những ý kiến tham vấn đã
được đánh giá rất cao. Một số Think Tank Việt Nam gần đây cũng đã xuất hiện và cũng
được trân trọng sử dụng. Vấn đề là ở chỗ, nếu không có cơ chế sử dụng tiếng nói tham
mưu, tư vấn, phản biện của KHXH, thì giá trị của tiếng nói đó đành phải hoàn toàn phụ
thuộc vào thái độ cầu thị hay không cầu thị của người có chức trách và cơ quan có trách
nhiệm.
Sẽ thật là lãng phí nếu những tiếng nói có hàm lượng chất xám cao, có độ tin cậy
được ít nhiều kiểm chứng bởi thực tế, có chiều sâu văn hóa và lịch sử…, lại vô tình bị
lãng quên.
HOÀNG ANH - HỒNG BẮC (thực hiện)
Chú thích
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII.
Nxb. CTQG. Hà Nội, tr. 118.

You might also like