You are on page 1of 5

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

TIỂU LUẬN GIỮA KÌ


HỌC PHẦN: CHÍNH TRỊ VÀ TRUYỀN THÔNG

Đề tài: Chức năng truyền thông đại chúng và việc thực hiện chức năng đó trong đời
sống chính trị hiện nay.

GVHD: Nguyễn Linh Khiếu


Họ tên sinh viên: Nguyễn Văn An
Mã sinh viên: 19030307
Lớp: K64 Chính trị học

Hà Nội, tháng 6 năm 2022


A. MỞ ĐẦU

Truyền thông đại chúng từ lâu đã chứng tỏ được sự ảnh hưởng của nó tới nhiều lĩnh
vực trong cuộc sống nhưng quan trọng nhất phải kế tới đó là những tác động của nó
đối với lĩnh vực chính trị. Khi cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ngày càng phức
tạp và kinh tế thị trường ngày càng phát triển, các thế lực chính trị ngày càng tăng
cường tận dụng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của truyền thông đại chúng. Truyền thông
đại chúng có vai trò hết sức quan trọng trong chính trị bởi các chức năng của nó trong
đời sống chính trị đóng góp vô cùng to lớn.

B. NỘI DUNG
I. Chức năng của truyền thông đại chúng
1.1 Chức năng thông tin
Đây là chức năng cơ bản nhất mang tính tiên quyết của truyền thông đại chúng. Đó
là việc thu nhận và phổ biến những tin tức, sự kiện, quá trình… của đời sống xã
hội đến cơ quan công truyền và người dân. Truyền thông đại chúng thường tập
trung truyền phát thông tin về những sự kiện, vấn đề nổi bật, có ý nghĩa xã hội dựa
trên nhu cầu thông tin của quần chúng. Mặt khác, thông tin truyền thông đại chúng
cũng đồng thời là chất liệu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính
thông tinlà nhân tố trực tiếp tác động đến dư luận xã hội. Đó có thể là thông tin
đơn thuần, cũng có thể là thông tin mang tính định hướng, tức là có kèm theo bình
luận, đánh giá của chủ thể đưa tin nhằm hướng công luận theo quan điểm của
mình. Trên thực tế, hầu hết thông tin đều mang tính định hướng dù nó được thể
hiện ở dưới nhiều hình thức khác nhau.

1.2 Chức năng tư tưởng (giáo dục, định hướng xã hội)


Công tác tư tưởng là hoạt động tác động vào ý thức của con người nhằm hình thành và củng
cố hệ tư tưởng chính trị lãnh đạo xã hội. Chức năng này được thực hiện theo hai phương thức:
một là, hướng dẫn và hình thành dư luận xã hội tích cực, đúng đắn trên cơ sở thông tin nhanh
chóng, đầy đủ và phong phú về các sự kiện thời sự của đời sống xã hội, những vấn đề mới nảy
sinh; hai là, giáo dục chính trị tư tưởng, trang bị những tri thức cần thiết làm cơ sở, điều kiện
cho việc hình thành chất lượng nội tại về chính trị - tư tưởng, tức là quan điểm, lập trường thái
độ chính trị đúng đắn, tiến bộ và tích cực.
1.3 Chức năng giám sát, phản biện và quản lý xã hội
Đây là chức năng quan trọng của truyền thông đại chúng. Thứ nhất, giám sát sự vận hành của
các tiến trình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội phát hiện và cảnh báo kịp thời những nguy cơ,
những vấn đề nảy sinh; giám sát các cơ quan, tổ chức quyền lực công quyền, các cá nhân có
trách nhiệm, quyền lực trong hệ thống chính trị và kinh tế. Nó không chỉ đóng vai trò quyền
lực phản biện sự thực thi công vụ của cá nhân, đoàn thể nắm quyền lực trong xã hội, đồng
thời cũng đóng vai trò là toà án dư luận, một thứ quyền lực công cộng của nhân dân. Thứ hai,
tham gia hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trên phạm vi
toàn xã hội hay ở những khía cạnh nhất định của đời sống xã hội. Thứ ba, là diễn đàn dân
chủ,động viên, tổ chức cho nhân dân bằng nhiều con đường khác nhau tham gia quản lý xã
hội. Nó phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trước các sự kiện, thời sự cũng như các
vấn đề liên quan tới vận mệnh quốc gia; phản ánh thái độ, yêu cầu của dân về chất lượng hoạt
động của các cơ quan quyền lực, về trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ nhà nước.

1.4 Chức năng văn hoá


Chức năng văn hoá là góp phần nâng cao trình độ hiểu biết chung của nhân dân, khẳng định
và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp, hình thành và không ngừng hoàn thiện lối sống tích
cực trong xã hội. Nội dung thứ nhất là hoạt động nhằm nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt
của nhân dân như truyền bá những tri thức về các nền văn hoá, phổ biến kiến thức khoa học
kỹ thuật, pháp luật,… Nội dung thứ hai là giáo dục, phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp.
Đó là truyền bá những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, quảng bá tiếp thu những tinh
hoa của các dân tộc khác trên thế giới. Nội dung thứ ba là giáo dục, xây dựng lối sống tích
cực cho nhân dân.

1.5 Các chức năng khác


Chức năng kinh doanh: sản phẩm của truyền thông đại chúng cũng là một hàng hoá, một thứ
hàng hoá đặc biệt và kéo theo cách tiêu dùng đặc biệt. Đặc biệt bởi hàm lượng văn hoá, chính
trị và vai trò xã hội to lớn của hàng hoá đó. Ngoài ra, nó còn là phương tiện kinh doanh siêu
lợi nhuận khi thực hiện quảng cáo bán hàng, tạo dư luận xã hội về thói quen sử dụng những
mặt hàng đó.
Chức năng dịch vụ: truyền thông đại chúng trực tiếp tham gia tổ chức và thực hiện một số
dịch vụ của xã hội hiện đại rất hiệu quả như: dịch vụ giao tiếp, dịch vụ tư vấn, dịch vụ du lịch,

Chức năng giải trí: truyền thông đại chúng là một trong những phương tiện giai trí quan trọng
nhất của con người. Các hoạt động giải trí. Như nghe nhạc, truy cập internet, xem phim,.. Các
phương tiện truyền thông đại chúng cũng sẳn xuất ngày càng nhiều hàng hoá giải trí để đáp
ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của đông đảo quần chúng nhân dân.

II. Liên hệ thực tiễn


Về chức năng thông tin: báo chí, truyền hình, internet,… ngày ngày đưa tin về tình hình
trong nước và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực. Một số kênh thông tin chính thống
của Việt Nam trên mạng xã hội luôn cập nhật kịp thời các thông tin về các hoạt động
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như fanpage Thông tin Chính phủ, Truyền hình
Quốc hội Việt Nam,… Hay các kênh truyền hình như ANTV, QPVN luôn nắm bắt và
đưa tin chính xác, nhanh chóng tới đồng bào. Có thể thấy, trong một số bối cảnh, chức
năng thông tin của truyền thông đại chúng được phát huy tối đa như trong giai đoạn
Covid, các phương tiện truyền thông đại chúng của nước ta đưa tin liên tục hàng giờ,
hàng ngày về thông tin ca mắc, tuyên truyền toàn dân chống dịch,… Cũng có thể nói
rằng, truyền thông đại chúng đã đóng vai trò rất lớn trong công cuộc chống dịch Covid
của đất nước ta.

Về chức năng tư tưởng: Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng trong công tác tư tưởng
cho quần chúng, đẩy mạnh truyền bá các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và
Nhà nước. Chẳng hạn như khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử, Lễ
Quốc khánh,… hàng loạt banner tuyên truyền về sự kiện được treo khắp cả nước, các
phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin hàng loạt đến nhân dân. Ngoài ra, còn
truyền bá rộng rãi các nghị quyết, quyết dịnh cho toàn dân.

Về chức năng giám sát, phản biện và quản lý xã hội: những năm qua, truyền thông đại
chúng đã làm tốt điều này. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã chủ động tham
gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối,
chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phòng chống
tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội đang làm cản trở sự phát triển của đất
nước. Trong phòng, chống tham nhũng, các phương tiện truyền thông đại chúng
đóng vai trò là chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội một cách mạnh mẽ nhất. Phần
lớn các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí, chương trình thời sự nêu ra đã
tạo áp lực cũng như tạo cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng vào cuộc
chống tham nhũng.

Trên thực tế, nhiều vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn, hành vi tham nhũng có tinh vi, phức
tạp, nhưng cũng đã được nhân dân và báo chí lật tẩy. Truyền thông đại chúng đã
làm sự việc lan toả rất nhanh và lớn. Hàng loạt vụ tham nhũng như Đinh La Thăng,
Trịnh Xuân Thanh, hay hàng loạt cán bộ bị bắt vì liên quan đến vụ Việt Á gần đây là
minh chứng của việc truyền thông đại chúng tích cực tham gia giám sát, phản biện
và quản lý xã hội.

Về chức năng văn hoá: Ứng dụng các phương thức hiện đại của truyền thông đại chúng để
bảo tồn và giới thiệu các giá trị truyền thống của dân tộc sẽ giúp quần chúng tiếp cận và thụ
hưởng. Qua đó, có thể quảng bá với bạn bè quốc tế về nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc của Việt Nam. Ví dụ như một số bảo tàng đã ứng dụng các phần mềm thuyết minh tự
động bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau vào phục vụ khách tham quan. Ngoài ra, nội dung
thuyết minh được thể hiện dưới hình thức hình ảnh động 3D, 4D. Hay nhà nước ta luôn cố
gắng truyền bá nét đẹp văn hoá dân tộc Việt Nam trên đất ngoại, ví dụ như gần đây, chương
trình giao lưu văn hoá do Bệnh viện dã chiến Sudan đã góp phần quảng bá văn hoá, đất nước,
con người Việt Nam khi tiếp đãi họ các mon ăn ngon Việt Nam, tà áo dài, làn điệu dân ca
Việt Nam,…

Tóm lại, các chức năng nêu trên đều phục vụ cho chức năng huy động, tổng động
viên lực lượng. Nó thể hiện ở chỗ thúc đẩy mọi người đến những hành động chính trị,
hoặc lôi cuốn mọi người tham gia hoạt động chính trị. Truyền thông đại chúng có khả
năng tác động mạnh đến lý trí và tình cảm con người, đến chuẩn mực tư tưởng, đến
khả năng, tiêu chí đắng giá và phong cách, hành vi chính trị chung, phù hợp với từng
mục tiêu chính trị cụ thể.
C. KẾT LUẬN
Thế giới hôm nay đang bước vào kỷ nguyên truyền thông mới, khi truyền thông đại chúng
trực tuyến hiện đại đang tiếp tục thu hút ngày càng nhiều người sử dụng hơn với những tính
năng cung cấp thông tin nhanh nhạy, toàn diện, phong phú, trực tiếp và tương tác. Truyền
thông đại chúng ngày càng chứng minh được chức năng, vai trò và sức ảnh hưởng to lớn
trong đời sống chính trị hiện nay. Trước sức lan toả như vũ bảo của truyền thông đại chúng,
các cơ quan, tổ chức, các cá nhân cần cẩn trọng, chọn lọc những thông tin lan truyền; đồng
thời, cần bổ sung, phổ cập các kiến thức, chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng.

You might also like