You are on page 1of 9

BỘ NGOẠI GIAO

HỌC VIỆN NGOẠI GIAO


KHOA CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ & NGOẠI GIAO

CHỦ ĐỀ
NGOẠI GIAO CÔNG CHÚNG
Học phần : Công tác ngoại giao
Lớp : CTNG-QHQT49.1_LT
Giảng viên hướng dẫn : TS. Doãn Mai Linh
Nhóm : 8
Nhóm sinh viên thực hiện: Bùi Thị Quý Phượng
Bùi Mai Linh
Mai Như Quỳnh
Mai Quỳnh Anh
Souphaphone Sybounta
I. Khái niệm Ngoại giao công chúng
1. Lịch sử hình thành:
Thời cổ đại: Giao tiếp giữa các nền văn minh, trao đổi sứ giả, thư từ. Các vị
vua, hoàng đế và nhà lãnh đạo đã sử dụng diễn văn, thư từ, và sự hào nhoáng của
nghệ thuật để tạo dựng hình ảnh và uy tín của họ.
Thế kỉ 19: Thuật ngữ “ngoại giao công chúng” xuất hiện lần đầu tiên trong một
bài báo viết về Tổng thống thứ 14 của Hoa Kỳ Franklin Pierce, đăng trên tờ Thời
báo London (Anh) vào tháng 1-1856, trong đó “ngoại giao công chúng” được đề
cập đến với ý nghĩa tương tự cụm từ “văn minh” khi yêu cầu những nhà chính
khách ngoại giao Mỹ cần có tác phong chuẩn mực, làm gương cho người dân trên
toàn đất nước.
Thế kỉ 20: Trong CTTG II và Chiến tranh lạnh, Liên Xô và Mỹ rất chú trọng
hình thức ngoại giao này nhằm tập hợp lực lượng (hay còn gọi là “thu phục con
tim và khối óc”) trong cuộc đối đầu ý thức hệ của trật tự hai cực. Năm 1941, Liên
Xô thành lập Cục Thông tin Xô-viết (Sovinformburo). Năm 1942, Mỹ thành lập
Văn phòng Thông tin Chiến tranh và năm 1953 thành lập Cục Thông tin Hoa Kỳ
(USIA)
Năm 1965, Edmund Gullion, đưa ra khái niệm khá đầy đủ về ngoại giao công
chúng, khi thành lập Trung tâm Ngoại giao công chúng mang tên Edward R.
Morrow. Theo định nghĩa của Edmund Gullion, “ngoại giao công chúng xử lý
những vấn đề liên quan tới tác động của công luận đối với quá trình hoạch định và
triển khai chính sách đối ngoại. Ngoại giao công chúng đề cập về những phương
diện QHQT bên ngoài khuôn khổ của ngoại giao truyền thống; về định hướng dư
luận của chính phủ ở các nước khác; về mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích phi
chính phủ của nước này với những nước kia; về thông tin tuyên truyền đối ngoại
và tác động chính sách; về thông tin, tiếp xúc giữa các nhà ngoại giao và giới
truyền thông nước ngoài; và về các quá trình thông tin, giao lưu giữa các nền văn
hóa. Trọng tâm của ngoại giao công chúng là luồng thông tin và ý tưởng xuyên
quốc gia.”Tuy nhiên, thuật ngữ này sau đó đã gây nên nhiều tranh cãi do mang
nặng tính tuyên truyền, chưa có tính hai chiều và chủ yếu nhằm đối phó với những
chính sách, hệ tư tưởng của các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó.

2. Khái niệm:
Hiện nay, định nghĩa được chấp nhận rộng rãi nhất về ngoại giao công chúng đó
là quá trình truyền thông của một chính phủ tới công chúng các nước khác nhằm
mang lại sự hiểu biết về quan điểm và tư tưởng của nước đó, thể chế và văn hóa
cũng như mục tiêu và chính sách của nước đó. Cách hiểu này cho thấy, ngoại giao
công chúng hướng tới đối tượng bên ngoài của một quốc gia, là phương thức ngoại
giao có nhiều chủ thể của quốc gia tham gia và sử dụng các phương tiện truyền
thông đa dạng nhằm tác động đến tình cảm, suy nghĩ của công chúng nước ngoài,
tạo một hình ảnh đẹp về quốc gia mình, qua đó tác động tới chính sách, quan hệ
ngoại giao đối với chính phủ nước ngoài.
II. Đặc điểm Ngoại giao công chúng :

1. Tính bổ trợ:
Ngoại giao công chúng đóng vai trò bổ trợ cho ngoại giao chuẩn mực nhà nước
và các hình thức ngoại giao khác dựa trên cơ sở dung hòa các nguyên tắc và hành
vi ứng xử đặc thù của từng “kênh”. Như vậy, ngoại giao công chúng cũng góp
phần phục vụ mục tiêu chung của chính sách đối ngoại, đó là an ninh, phát triển và
ảnh hưởng (nâng cao vị thế). Nhìn chung, Bộ Ngoại giao các nước trên thế giới
thực hiện những nhiệm vụ chính sau: cung cấp cán bộ và hỗ trợ hoạt động của các
cơ quan đại diện ở nước ngoài; tham mưu và thực thi chính sách, phối hợp chính
sách; giao thiệp với các nhà ngoại giao nước ngoài; và ngoại giao công chúng. Như
vậy, theo quan điểm truyền thống và Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao năm
1961, mục tiêu của ngoại giao, bao gồm cả ngoại giao công chúng, là nhằm tác
động đến chính sách, quan điểm và hành động của các quốc gia khác.
2. Tính gián tiếp, không chính thức:
Ngoại giao công chúng (hay ngoại giao lấy nhân dân/công chúng làm trọng tâm)
khác với các hình thức ngoại giao còn lại ở tính chất “gián tiếp” và “không chính
thức” trong quá trình tác động này. Tuy nhiên, khái niệm này đang dần được mở
rộng và hiểu một cách linh hoạt hơn nhằm phản ánh thực tiễn ngày càng đa dạng
và phức tạp. Đối với một số quốc gia, trọng tâm của ngoại giao công chúng ngày
nay không chỉ giúp tác động đến chính sách, hành vi của một quốc gia khác mà
còn là thay đổi cách nhìn, tình cảm và xây dựng những mối quan hệ phi nhà nước
với các xã hội khác. Ví dụ, năm 2005, chính phủ Anh định nghĩa Ngoại giao công
chúng nhằm “cung cấp thông tin và hợp tác với các cá nhân và tổ chức ở nước
ngoài với mục đích nâng cao hiểu biết về nước Anh và phát huy ảnh hưởng của
nước Anh, phù hợp với những mục tiêu trung và dài hạn của chính phủ Anh”. Theo
báo cáo năm 2005 của Hội đồng Ngoại giao Công chúng Hoa Kỳ, “ngoại giao
công chúng nhằm phục vụ lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ thông
qua việc hiểu biết, cung cấp thông tin và tác động đến công chúng ngoài nước cũng
như mở rộng đối thoại giữa công chúng và các tổ chức ở Hoa Kỳ với công chúng,
tổ chức ở các nước khác”. Rõ ràng, đối tượng giao tiếp ở nước ngoài của ngoại
giao đã được mở rộng và về lâu dài, những sợi dây liên hệ “không chính thức” này
sẽ có tác động không nhỏ đến quan hệ “chính thức” giữa các chính phủ. Đáng chú
ý là một số nước lớn từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20 đã đẩy mạnh thực hiện chiến
lược “Diễn biến hòa bình”, trong đó đề cao việc sử dụng kênh ngoại giao gián tiếp,
không chính thức này dưới các chiêu bài “dân chủ hóa về chính trị” (nhân quyền,
tôn giáo, đa nguyên, đa đảng,…) và “tự do hóa về kinh tế” trong quan hệ với các
nước có khuynh hướng phát triển phi tư bản chủ nghĩa, về lâu dài nhằm thâm nhập,
thẩm thấu và kích động sự chống đối từ bên trong, từng bước chuyển hóa chế độ
chính trị các nước này theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa.
3. Tính chiến lược, dài hạn:
Như trên đã phân tích, ngoại giao công chúng không chỉ là việc chuyển tải
thông điệp, xây dựng mạng lưới,… mà còn mang tầm chiến lược dài hạn dựa trên 3
mục tiêu của chính sách đối ngoại là an ninh, phát triển và ảnh hưởng. Để thực
hiện chiến lược dài hạn này, ngoại giao công chúng có 3 nhiệm vụ chính là: (i) xây
dựng nhận thức chung, hiểu biết chung giữa nhà nước và các chủ thể phi nhà nước
(thông tin, quan niệm, cơ hội gặp gỡ, đối thoại, tranh luận); (ii) xây dựng một
chương trình/kế hoạch hành động chung/đa phương (mạng lưới, tầm nhìn, nhóm
giải pháp); và (iii) thiết lập một cơ chế chung để xử lý, giải quyết một vấn đề nào
đó (thể chế hóa).
4. Tính phối hợp:
Để thực hiện thành công 3 nhiệm vụ trên, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, linh
hoạt giữa ngoại giao nhà nước và các hình thức ngoại giao căn cứ theo chủ thể tiến
hành như ngoại giao nghị viện, ngoại giao nhân dân,… cũng như sự phối hợp giữa
ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác thông tin,
tuyên truyền đối ngoại… (căn cứ vào nội dung, mục đích hoạt động).

III. Cơ hội và thách thức Ngoại giao công chúng trong thế kỷ 21 :
Thế kỷ 21 chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy trong đời sống
nhân loại do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một cuộc cách mạng
làm thay đổi sâu sắc cách con người sống, làm việc và giao tiếp với nhau. Tác
động đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia và toàn xã hội. Sự ra đời của trí
tuệ nhân tạo, các xa lộ thông tin, sự bùng nổ của mạng internet và MXH. Sự phát
triển mạnh mẽ của cách mạng số diễn ra trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội,
khoa học - công nghệ, chính trị… vừa là tiền đề, vừa là động lực quan trọng để
thúc đẩy ngoại giao công chúng.

1) Cơ hội của ngoại giao công chúng trong thế kỷ 21


Sự phát triển của các phương thức thông tin đối ngoại tất yếu dẫn đến sự
thay đổi trong tư duy, cách thức đối ngoại của các quốc gia. Mười hai năm sau khi
mạng in-tơ-nét được giới thiệu đến với thế giới, năm 2004, Trung Quốc đã thành
lập Phòng Ngoại giao công chúng, trực thuộc Vụ Thông tin, Bộ Ngoại giao Trung
Quốc. Việc ứng dụng ngoại giao công chúng vào công tác thông tin đối ngoại đã
giúp Trung Quốc tạo dựng ảnh hưởng không chỉ đối với các quốc gia láng giềng,
mà còn vươn xa tới các quốc gia phương Tây, như Mỹ, Ca-na-đa...
"Trong chuyển đổi số, các nước tăng cường ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội,
AI,…”. Thực tiễn triển khai ngoại giao công chúng của các nước cũng là cơ sở để
Việt Nam tham khảo và xây y dựng ngoại giao công chúng mang đậm bản sắc Việt
Nam.
Dữ liệu về Dân số toàn cầu từ Liên Hiệp Quốc cho thấy đến hiện tại thế giới có
8,08 tỉ người, tăng 74 triệu người so với năm ngoái (0,9%). Theo báo cáo Digital
2024, số lượng người sử dụng internet và mạng xã hội đã ở mức gần 2/3 dân số
toàn cầu.

Truyền thông theo kiểu xuôi chiều mang tính chất tuyên truyền trước đây có nhiều
hạn chế, không đạt được hiệu quả cao do không gần với nhu cầu công chúng, thiếu
hấp dẫn, độ tin cậy. Việc tìm những phương thức truyền thông mới đang tạo ra
những cơ hội lớn cho ngoại giao công chúng, giúp các nước đi tắt, đón đầu => Tạo
điều kiện cho việc thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, với dung
lượng thông tin lớn hơn, dễ chia sẻ; => Tạo ra sự tương tác hai chiều thuận tiện,
đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công tác đối ngoại giữa cơ quan đối ngoại của Nhà
nước với nhân dân diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn.

Những động cơ và nguyên nhân tiếp tục dẫn đến sự hội nhập mạnh mẽ của
ngoại giao công chúng vào quan hệ quốc tế thế kỷ 21 như sau (Cơ hội):

 Ngoại giao công chúng tạo ra cơ hội lớn cho các chính phủ tham gia trực
tiếp với nhiều đối tượng xã hội dân sự, cũng như với các chính phủ khác
và các cá nhân có ảnh hưởng. Các nhà ngoại giao sử dụng các công cụ kỹ
thuật số trong công việc hàng ngày của họ, từ đàm phán, đại diện đến
giao tiếp và phân tích chính sách. Các quốc gia đã áp dụng ngoại giao
công chúng và sử dụng các nền tảng như ngoại giao Twitter, ngoại giao
Facebook… để giao tiếp.
 Ngoại giao công chúng có khả năng chuyển mạng lưới ngoại giao từ thủ
tục giấy tờ và thế giới thực sang một mạng lưới kết nối kỹ thuật số ảo,
thúc đẩy việc phổ biến thông tin, điều này đã trở nên đặc biệt rõ ràng
trong thời gian bùng phát Covid 19. Thực tế cho thấy, do nhiều yếu tố tác
động như khủng hoảng kinh tế, chính trị hay ở nhiều vùng có xung đột
chiến sự, nhiều quốc gia đã hạn chế các hình thức đại diện ngoại giao
truyền thống như đại sứ quán, lãnh sứ quán,... (VD: Tình hình đầy biến
động ở Trung Đông, Pháp tạm thời đóng cửa các cơ sở bao gồm cả đại sứ
quán và trường học tại 20 quốc gia).
 Mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang trong
quá trình chuyển đổi. Không chỉ bộ ngoại giao của các nước lớn và giàu
có mà chính các nước đang phát triển và nghèo cũng NGCC cho phép các
quốc gia nhỏ có thể sáng tạo hơn trong việc sử dụng công nghệ thông tin
phục vụ đối ngoại, đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, từ đó giành
được không gian trao đổi và đàm phán với các bên liên quan trong
QHQT.
 Bên cạnh đó, tình hình thế giới trong những năm gần đây xuất hiện nhiều
biến động mới đe dọa đến an ninh toàn cầu, chủ nghĩa đa phương, làm
nảy sinh căng thẳng giữa các quốc gia không cùng lợi ích. Những biện
pháp ngoại giao truyền thống không còn phát huy tác dụng tối ưu trong
việc tham gia giải quyết các mối căng thẳng này. Vì vậy, ngoại giao công
chúng trở thành biện pháp mới nhằm ứng phó với những thách thức mới,
các vấn đề bao trùm, mang tính toàn cầu. Theo nhà nghiên cứu Giô-xép
Nai, ngoại giao công chúng cũng là công cụ giải quyết khủng hoảng, qua
đó giúp xây dựng mối quan hệ bền vững, hiệu quả hơn và tránh các xung
đột không cần thiết.
2) Thách thức của ngoại giao công chúng TK21
 Thông tin không đáng tin cậy và tin tức giả mạo: Do sự phổ cập của internet
và các nền tảng truyền thông xã hội mà thông tin có thể lan truyền nhanh
chóng và rộng rãi thông qua các mạng xã hội, tin tức và thông điệp được
truyền tải và tiếp cận, không chỉ từ các cơ quan thông tin chính thống mà
còn từ các cá nhân và tổ chức phi chính phủ. Tuy tạo ra một môi trường
truyền thông đa dạng và phong phú, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng
nguy cơ thông tin sai lệch và tin giả. Từ đó làm giảm sự tin cậy và uy tín của
các quốc gia hoặc tổ chức trong mắt cộng đồng quốc tế.
 Sự lan truyền của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố: Với sự phát triển của
mạng xã hội, Internet tạo ra cơ hội cho các phần tử này tuyên truyền thông
điệp của họ đến cộng đồng công chúng rộng lớn tạo ra sự lo sợ cho dư luận.
Hơn hết còn làm cho các quốc gia bị chia rẽ, sự phản ứng của các chính phủ
và dư luận có để dẫn đến sự căng thẳng và mất ổn định trong quan hệ quốc
tế.
 Rào cản về quốc tịch, văn hóa và ngôn ngữ giữa các quốc gia gây trở ngại
cho giao tiếp và hạn chế khả năng hợp tác cũng như tiếp cận tài nguyên và
cơ hội từ các quốc gia khác, các doanh nghiệp tổ chức không thể tận dụng
được cơ hội thị trường và hợp tác do sự bất đồng trong quan điểm và
phương pháp làm việc. Trầm trọng hơn có thể dẫn đến xung đột và mâu
thuẫn trong quan hệ quốc tế, làm giảm hiệu suất của các cuộc thương lượng
và hợp tác giữa các quốc gia.

= > Như vậy, mặc dù còn tồn tại nhiều rủi ro như rò rỉ thông tin, tin tặc, ẩn danh
người dùng… song ngoại giao công chúng vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn đối với
các hoạt động đối ngoại của một quốc gia. Chính vì vậy, trong thế kỷ 21, ngoại
giao công chúng vẫn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt
động ngoại giao truyền thống trong quan hệ quốc tế.

IV. Thực tiễn Ngoại giao công chúng ở Việt Nam :

Trải qua thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngoại giao đã và đang không
ngừng hoàn thiện bản thân cho đến hiện tại. Người đặt nền móng đầu tiên cho
ngoại giao thời hiện đại là chủ tịch Hồ Chí Minh với mục tiêu thu phục lòng người
bằng chính nghĩa, bằng nhân tình, giành sự ủng hộ quý báu của nhân dân trên toàn
thế giới đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ngày nay, Chính phủ Việt Nam
nhận thức rõ về những thay đổi cũng như xu thế lớn trên thế giới và công nhận vai
trò ngày càng quan trọng của các yếu tố cấu thành nên ngoại giao công chúng
trong việc triển khai chính sách đối ngoại của quốc gia, phục vụ các mục tiêu an
ninh, phát triển và nâng cao vị thế của đất nước. Những đặc thù của hình thức
ngoại giao này được thể hiện khá rõ nét trong chính sách đối ngoại độc lập tự chủ,
hòa bình, hợp tác và phát triển, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt
Nam thời kỳ Đổi mới. Dưới đây là hành động triển khai ngoại giao công chúng của
chính phủ:

Thứ nhất, Chính phủ coi trọng công tác đối ngoại nhân dân và giao lưu, tiếp xúc
nhân dân như một kênh đối ngoại nhằm tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, truyền
thống với nhân dân các nước, chủ động đóng góp vào các hoạt động ngoại giao
nhân dân đa phương từ đó mang lại lợi ích cho đất nước.

Thứ hai, công tác Ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ mục tiêu hàng đầu là phát
triển – ưu tiên mới trong chính sách đối ngoại – thông qua việc thường xuyên tổ
chức các cuộc đối thoại, hội thảo, diễn đàn với giới doanh nghiệp trong và ngoài
nước để chuyển tải thông điệp chính sách, lắng nghe phản hồi, đóng góp ý kiến và
cùng nhau tìm ra giải pháp, cách tháo gỡ.

Thứ ba, nhà ngoại giao dùng văn hóa là công cụ theo đuổi lợi ích quốc gia nhằm
mở đường khi những quan hệ khác chưa phát triển, có khả năng củng cố các quan
hệ chính trị, kinh tế đã có. Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao chính trị và
ngoại giao kinh tế tạo thành 3 trụ cột vững chắc của chính sách đối ngoại Việt
Nam.

Thứ tư, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại có nhiều cải tiến về phương
thức, chú trọng hiệu quả, góp phần tích cực tuyên truyền và phổ biến các chủ
trương, chính sách, thành tựu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, về quan
điểm và đường lối của ta trong lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền, đại đoàn kết dân tộc,
tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận, góp phần đẩy lùi các luận điệu xuyên tạc.
Các trang web của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài được cải
tiến về hình thức cũng như nội dung nhằm cung cấp thông tin và kết nối với bạn bè
quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

VD : Quảng bá ẩm thực Việt Nam qua hội chợ ASEAN tại Praha ( Cộng hòa Séc):
( hình ảnh về hội chợ này )

Ngày 7/11/2015, Hội chợ ẩm thực ASEAN, được tổ chức tại một trong những khu
chợ nông sản ngoài trời lớn nhất ở thủ đô Praha đã thu hút hàng nghìn lượt khách
tham dự.
Hội chợ ẩm thực ASEAN là hoạt động thường niên do Ủy ban ASEAN tại Praha
(gồm 5 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có cơ quan đại diện ngoại
giao tại CH Séc là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines) tổ
chức nhằm mục đích quảng bá văn hóa ẩm thực các nước ASEAN tại châu Âu.
khách du lịch nước ngoài có cơ hội tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc thông qua
nghệ thuật ẩm thực cũng như thưởng thức hương vị độc đáo của các món ăn và đồ
uống đặc trưng của các nước ASEAN tham gia hội chợ. người dân thuộc mọi sắc
tộc gặp gỡ, giao lưu với nhau, qua đó giúp tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết
giữa các nước thành viên ASEAN nói riêng và giữa các nước ASEAN với CH Séc
nói chung.
Từ sự thành công của sự kiện này chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa những hoạt
động khác để quảng bá ẩm thực VN tới bạn bè quốc tế.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 Báo thanh niên, truy cập 06/02/2024. https://thanhnien.vn/the-gioi-co-5-ti-nguoi-dung-mang-xa-
hoi-185240202182423976.htm
2 Vũ Khoan, An ninh, phát triển và ảnh hưởng trong hoạt động đối ngoại, trong Hội nhập quốc tế và
giữ vững bản sắc, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội (1995), trang 205.
3 Alan K.Henrikson, What Can Public Diplomacy Achieve?, Discussion Papers in Diplomacy,
Netherlands Institute of International Relations (2006),
4 Lord Carter of Coles, Public Diplomacy Review (12/2005),
5 A Call for Action on Public Diplomacy, A Report of The Public Diplomacy Council, The Public
Diplomacy Council, Washington DC (1/2005),

You might also like