You are on page 1of 11

Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối

ối loạn đại tiện

TIẾP CẬN BỆNH NHÂN RỐI LOẠN ĐẠI TIỆN


MỤC TIÊU
Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Nhận định được triệu chứng rối loạn đại tiện
2. Định hướng được các cơ quan tổn thương gây nên các loại rối loạn đại
tiện
3. Đề xuất được các thăm dò cận lâm sàng ở bệnh nhân rối loạn đại tiện
NỘI DUNG
Đại cương
Bình thường phân chứa một lượng nước bằng 80% trọng lượng phân, phân
chứa trên 85% nước là phân lỏng, dưới 75% nước là phân táo, lượng phân mỗi
ngày trung bình từ 200-300g, số lần đại tiện trung bình từ 1-2 lần/ ngày.
Ỉa chảy là sự tăng vận chuyển của ruột và phân nhiều nước, được định nghĩa
khi số lần đại tiện ≥ 3 lần/ ngày và phân có nhiều nước (không thành khuôn, phân
lỏng hoặc nhão). Khi thời gian tiêu chảy dưới 2 tuần được gọi là tiêu chjayr cấp
tính, tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần gọi là tiêu chảy mạn tính.
Táo bón là sự chậm vận chuyển của ruột và phân ít nước, được định nghĩa
khi số lần đại tiện ≥ 3 ngày một lần hoặc ≤ 3 lần/ tuần kèm theo phân cứng.
A. TIÊU CHẢY
I. Nhận định bệnh nhân tiêu chảy
1. Hỏi bệnh
* Đặc điểm của tiêu chảy
- Thời gian xuất hiện tiêu chảy?
- Hoàn cảnh xuất hiện tiêu chảy? (sau ăn uống thức ăn lạ, uống thuốc, phẫu thuật
…)
- Số lần đại tiện
- Tính chất phân:
+ Hình thái phân: lỏng toàn nước, nước lẫn phân lợn cợn, sền sệt.

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập


Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối loạn đại tiện

+ Màu sắc: trắng trong như nước, trắng đục như nước vo gạo, vàng, xanh, hồng
như nước rửa thịt, đen (xuất huyết tiêu hóa cao), nâu đỏ (xuất huyết tiêu hóa thấp).
+ Thành phần: toàn nước, có thức ăn chưa tiêu hóa, có mỡ, có nhầy, có mủ, có
máu nâu đỏ máu cục, có máu tươi, giun, sán, dị vật …
+ Mùi: không mùi, chua, thối khẳn (xuất huyết tiêu hóa cao), tanh (có máu tươi)

* Các triệu chứng kèm theo
- Đau bụng
- Nôn, buồn nôn
- Sốt
- Ăn kém
- Gầy sút cân
- Khát nước, mệt mỏi
- Chướng bụng
* Tiền sử:
- Dị ứng
- Ăn uống: thức ăn lạ, thức ăn nguy cơ nhiễm khuẩn, sống, thuốc gây tiêu chảy …
- Bệnh lý mạn tính
2. Khám toàn thân
Cần tìm các dấu hiệu sau ở bệnh nhân tiêu chảy:
- Dấu hiệu mất nước rối loạn điện giải: môi khô, nước bọt quánh, da nhăn nheo,
mắt trũng, mạch nhanh. Có thể có trụy mạch, sốc do giảm thể tích tuần hoàn trong
tiêu chảy cấp mất nước nặng (tinh thần lơ mơ, vật vã kích thích, da tái lạnh, mạch
nhanh nhỏ, huyết áp tụt, thở nhanh, thiểu niệu vô niệu).
- Dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc: sốt, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, vẻ mặt mệt
mỏi.
- Dấu hiệu suy dinh dưỡng: thường xảy ra ở các bệnh nhân ỉa chảy kéo dài. Biểu
hiện gầy mòn suy kiệt, phù thiểu dưỡng (mua bàn tay, bàn chân có thể toàn thân),
thiếu máu, da khô bong vẩy, móng tay gãy, tóc xơ rụng, loét miệng, da…

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập


Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối loạn đại tiện

3. Khám bộ phận
Cần tìm dấu hiệu bụng chướng hơi, điểm đau, khối u…, thăm trực tràng,
khám phân trực tiếp.
II. Cận lâm sàng cần làm ở bệnh nhân tiêu chảy
- Xét nghiệm phân: soi tươi tìm hồng cầu, bạch cầu, ký sinh trùng, đo độ pH, thức
ăn chưa tiêu (lượng mỡ, tinh bột, đạm), cấy phân tìm vi khuẩn.
- Công thức máu: số lượng bạch cầu, hồng cầu, Hb, Ht …
- Sinh hóa máu: Điện giải đồ, chức năng thận (ure, crreatinin), chức năng gan mật

- Nội soi đại tràng, ruột non
- Siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính đánh giá gan mật tụy
III. Định hướng nguyên nhân gây ra triệu chứng tiêu chảy
1. Tiêu chảy cấp
* Ỉa chảy do nhiễm khuẩn
Nguyên nhân thường do 2 nhóm vi khuẩn chính là vi khuẩn xâm nhập tế
bào niêm mạc ruột gây tổn thương niêm mạc (Shigella, Campylobacteria jejuni,
Salmonelala, E. Coli, Yersinia) và vi khuẩn không xâm nhập gây bệnh do nội độc
tố (Cholera, tụ cầu, E. Coli, Perfringen)
Lâm sàng: thường xảy ra sau ăn uống thức ăn có nhiễm khuẩn, thường kèm
theo sốt, hội chứng nhiễm trùng, đau bụng cơn quanh rốn hoặc dọc khung đại
tràng, buồn nôn, nôn, có thể bụng chướng hơi, tính chất phân thay đổi tùy theo
từng loại vi khuẩn.
Cận lâm sàng: công thức máu bạch cầu tăng cao, bạch cầu đa nhân trung
tính tăng, các thăm dò hình thái bụng bình thường, cấy phân mọc vi khuẩn gây
bệnh.
* Ỉa chảy do virus:
Virus gây bệnh đường ruột người có nhiều loại thường có 2 nhóm chính là
parvovirus và reovirus hoặc rotavirus.

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập


Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối loạn đại tiện

Lâm sàng: thường biểu hiện tiêu chảy đột ngột, không thấy yếu tố khởi phát
như sau ăn uống hay nhiễm độc, thường kèm theo buồn nôn, nôn, đau bụng và
các dấu hiệu khác của nhiễm virus như sốt, mệt mỏi, đau người, không có dấu
hiệu nhiễm khuẩn, khám bụng bình thường hoặc chướng hơi.
Cận lâm sàng: các xét nghiệm nhiễm khuẩn và thăm dò hình thái ổ bụng,
xét nghiệm phân bình thường, test virus dương tính.
* Ỉa chảy do ký sinh trùng:
Thường ít gây ỉa chảy cấp, chỉ có một số như Trichomonas, Giardia,
Lambilia…
Lâm sàng cần khai thác các yếu tố dịch tễ để xác định nguy cơ nhiễm ký
sinh trùng, thường tiêu chảy kèm theo đau bụng, buồn nôn, ít khi có sốt.
Cận lâm sàng: Soi phân có thể thấy dc ký sinh trùng đường ruột. Công thức
máu có thể tăng bạch cầu ái toan.
* Các nguyên nhân khác
- Nhiễm độc cấp
- Dị ứng: thường kèm theo đau bụng, không sốt, có thể có mề day, ban dị ứng trên
da, khai thác lâm sàng có yếu tố dị nguyên. cận lâm sàng bình thường, có thể tăng
bạch cầu ái toan.
- Do dùng thuốc gây tiêu chảy, các thuốc nhuận tràng.
- Do tinh thần, tâm lý
2. Tiêu chảy mạn tính
Nguyên nhân đa dạng và phức tạp, bệnh nhân có thể có biểu hiện của hội
chứng kém hấp thu, suy dinh dưỡng hoặc không tùy thuộc vào thời gian, mức độ
tiêu chảy và nguyên nhân gây tiêu chảy.
* Nguyên nhân do tổn thương thực thể ở ruột: khối u, ung thư, viêm ruột (lao ruột,
bệnh crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu), ký sinh trùng (lỵ amip, nấm, giun
lươn, sán …), bệnh HIV-AIDS.

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập


Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối loạn đại tiện

Lâm sàng: tiêu chảy kéo dài, phân thường có nhầy, có thể có máu, kèm theo
đau bụng cơn, có thể có mót rặn, không sốt, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn,
thường có biểu hiện toàn thân suy mòn suy kiệt.
Cận lâm sàng: nội soi đại tràng, ruột non phát hiện thấy tổn thương đặc
hiệu.
* Ỉa chảy do tiêu hóa kém, thiếu men tiêu hóa: cắt đoạn dạ dày, suy gan, viêm tụy
mạn, u tụy… Lâm sàng có biểu hiện của các bệnh căn nguyên, cận lâm sàng thăm
dò chứa năng và hình thái các cơ quan thấy có tổn thương.
* Ỉa chảy do rối loạn chức năng: tiêu chảy chức năng, hội chứng ruột kích thích.
Lâm sàng tiêu chảy kéo dài nhưng phân không có nhầy máu, mủ, có thể có đau
dụng hoặc không, không có sốt, không gầy sút cân, không có tổm thương thực
thể. Các thăm dò cận lâm sàng hoàn toàn bình thường.
* Ỉa chảy do loạn khuẩn ruột: thường xảy ra sau khi dùng kháng sinh hoặc do ứ
trệ vận động ruột kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh (ỉa chảy sau
táo bón). Không có sốt và đau bụng, không có tổn thương thực thể, các thăm dò
cận lâm sàng bình thường, xét nghiệm vi khuẩn chí đường ruột biến đổi.
B. TÁO BÓN
I. Nhận định bệnh nhân táo bón
1. Hỏi bệnh
* Triệu chứng táo bón
- Thời gian và hoàn cảnh xảy ra táo bón (đột ngột, sau dùng thuốc, …)
- Tính chất phân, màu sắc (thường phân rắn, lổn nhổn như phân dê), phân biệt với
trường hợp bệnh nhân giảm tần suất đại tiện nhưng phân vẫn lỏng, nát.
- Có máu tươi theo phân không, có nhầy máu không.
- Bệnh nhân có phải rặn nhiều, có móc phân hay thụt tháo để đại tiện.
* Các triệu chứng kèm theo
- Đau bụng: thường đau dọc theo khung đại tràng, có trường hợp đau dữ dội, đặc
biệt những trường hợp bán tắc ruột hoặc tắc ruột do sỏi phân (táo bón lâu ngày).
- Đau đầu, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, ăn kém ngon.

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập


Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối loạn đại tiện

- Gầy sút cân, thiếu máu hoa mắt chóng mặt (táo bón do u đại tràng)
- Nôn, đau đầu (táo bón do viêm màng não, tăng áp lực nội sọ)
- Bí tiểu, tiểu tiện không tự chủ (tổn thương tủy sống, chèn ép dây thần kinh)
- Sốt kéo dài
- Run (táo bón do parkinson)
* Thói quen ăn uống, sinh hoạt, thói quen đại tiện, nghề nghiệp…: uống ít nước,
ăn ít, ít chất xơ, ăn nhiều thức ăn gây táo bón, lười vận động, ngồi nhiều, nhịn đại
tiện
* Tiền sử dùng thuốc gây táo bón: thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày, các opiat, chẹn
beta giao cảm, kháng cholinergic …
* Tiền sử bệnh lý mạn tính: suy giáp, đái tháo đường, trĩ…, phẫu thuật ổ bụng
2. Khám thực thể
Cần phát hiện các dấu hiệu sau:
- Thiếu máu
- Suy mòn suy kiệt
- Bụng chướng hơi, sờ thấy lổn nhổn cục phân dọc khung đại tràng.
- Thăm trực tràng thấy phân cứng, xây sát, nứt kẽ hậu môn do táo bón.
II. Đề xuất các thăm dò cận lâm sàng ở bệnh nhân táo bón
- Công thức máu
- Sinh hóa máu: điện giải đồ, đường máu, hormon giáp…
- Chụp bụng không chuẩn bị nếu nghi ngờ bán tắc ruột, tắc ruột
- Chụp khung đại tràng có cản quang
- Nội soi đại trực tràng
- Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng nếu nghi ngờ do dính ruột, u trong ổ bụng
III. Định hướng chẩn đoán nguyên nhân táo bón
1. Táo bón chức năng
Nguyên nhân thường gặp là hội chứng ruột kích thích, táo bón chức năng,
do thói quen sinh hoạt, tâm lý, chế độ ăn uống không hợp lý.

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập


Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối loạn đại tiện

Lâm sàng ngoài triệu chứng táo bón không có dấu hiệu gì khác, không có
tổn thương khi khám thực thể. Có thể táo bón xen kẽ với ỉa lỏng. Các xét nghiệm
cận lâm sàng bình thường.
2. Táo bón do thuốc
Lâm sàng và cận lâm sàng không có dấu hiệu bất thường, có tiền sử dùng
các thuốc gây táo bón, dừng thuốc hết táo bón.
3. Táo bón do tổn thương tại bộ máy tiêu hóa
Bệnh phình đại tràng bẩm sinh: xảy ra ngay sau khi đẻ. Chụp khung đại
tràng phát hiện tổn thương.
To đại tràng không rõ nguyên nhân, đại tràng quá dài: táo bón diễn biến từ
từ ngày một nặng, chụp khung đại tràng phát hiện được tổn thương.
Các u ở đại tràng hoặc u trong ổ bụng đè vào đại tràng: lâm sàng thường có
gầy sút cân, thiếu máu. Nội soi đại tràng, chụp cắt lớp vi tính phát hiện ra khối u.
Rối loạn trương lực đại tràng: không có tổn thương thực thể, cận lâm sàng
bình thường, hay gặp ở người già, gầy yếu.
Do dính ruột: thường xảy ra sau phẫu thuật, kèm theo đau bụng cơn, chụp
cắt lớp vi tính ổ bụng phát hiện ra tổn thương.
Do tổn thương ở trực tràng hậu môn như trĩ, nứt kẽ hậu môn, viêm gây đau
dẫn đến sợ đại tiện nhịn đại tiện gây táo bón. Cần khám kỹ hậu môn trực tràng,
loại trừ táo bón do các tổn thương khác.
Táo bón ở phụ nữ mang thai: thai to chèn ép vào đại tràng gây táo bón. Cần
loại trừ các nguyên nhân khác.
4. Táo bón do các nguyên nhân khác ngoài đường tiêu hóa
* Bệnh nội tiết: đái tháo đường, suy giáp trạng. Lâm sàng có dấu hiệu của bệnh
lý nội tiết, tiền sử bệnh lý nội tiết.
* Do nguyên nhân thần kinh:
Tổn thương não, màng não, tăng áp lực nội sọ. Lâm sàng có dấu hiệu của
bệnh lý thần kinh, thường kèm theo đau đầu, nôn, gáy cứng, dấu hiệu kernig
dương tính. cần chọc dịch tủy sống để xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ sọ não.

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập


Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối loạn đại tiện

Tổn thương tủy sống do viêm, chấn thương: lâm sàng thường có táo bón
kèm các dấu hiệu của hội chứng đuôi ngựa, bí tiểu, tiểu không tự chủ…Chụp cộng
hưởng từ cột sống thấy được tổn thương.
C. ỈA MÁU
Ỉa máu là một triệu chứng hay gặp trên lâm sàng do rất nhiều nguyên nhân.
Có thể là ỉa cấp tính hoặc ỉa máu mạn tính. Nếu ỉa máu nhiều (thường là cấp tính)
và kéo dài có thể gây tình trạng thiếu máu nặng có thể gây sôc, nguy hiểm tính
mạng của người bệnh
I. Nhận định bệnh nhân ỉa máu
1. Hỏi bệnh
* Tính chất triệu chứng ỉa máu
- Ỉa máu từ bao giờ.
- Hình thái phân: khuôn bình thường hay táo, lỏng, sền sệt, hay xen kẽ các hình
thái.
- Khối lượng phân 1 lần đi ngoài và tổng cả ngày: ước lượng khoảng bao nhiêu
gam.
- Số lần đi ngoài / 1 ngày.
- Màu sắc của phân: vàng, đen như bã cà phê, xám...
- Thành phần của phân: lẫn nhày, mủ, thức ăn chưa tiêu hoá hết, toàn bộ là máu
hay lẫn máu.
Tính chất của máu:
+ Màu: đỏ tươi, đỏ sẫm, mận chín,...
+ Hoà quyện với phân hay tách rời bám vào phân
+ Máu ra trước, cùng hay sau khi phân đã ra ngoài
+ Có dây ra giấy vệ sinh khi chùi hậu môn.
+ Đi ngoài vào bô có lẫn nước tiểu, vào bồn cầu vệ sinh có giấy vệ sinh
quan sát có thấy màu hồng.
- Mùi khẳn, cóc chết, mùi tanh, không mùi hay bình thường...
* Các triệu chứng kèm theo

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập


Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối loạn đại tiện

- Đau bụng: ngoài hỏi các tính chất đau bụng (xem Tiếp cận bệnh nhân đau bụng)
cần chú ý hỏi thêm đau bụng có kèm đi ngoài, đi ngoài xong có hết đau
- Hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, choáng, ngất
- Hồi hộp, đánh trống ngực
- Buồn nôn, nôn, nôn máu.
- Ợ hơi, ợ chua...
- Bụng chướng....
2. Khám thực thể
* Khám phân: Nên khám ngay sau khi bệnh nhân kết thúc đi ngoài.
- Hình thái phân: khuôn bình thường hay táo, lỏng, sền sệt, hay xen kẽ các hình
thái.
- Khối lượng phân: ước lượng khoảng bao nhiêu gam.
- Màu sắc: vàng, xám, đen như bã cà phê...
- Thành phần của phân:
+ Lẫn nhày, mủ, thức ăn chưa tiêu hoá hết, toàn bộ là máu hay lẫn máu.
+ Tính chất của máu:
Màu: đỏ tươi, đỏ sẫm, mận chín, đen như bã cà phê...
Hoà quyện với phân hay tách rời bám vào phân
Có dây ra giấy vệ sinh khi chùi hậu môn.
Đi ngoài vào bô có lẫn nước tiểu, vào bồn cầu vệ sinh có giấy vệ sinh quan
sát có thấy màu hồng.
- Mùi khẳn, cóc chết, mùi tanh, không mùi hay mùi bình thường....
* Thiếu máu: (xem bài Tiếp cận bệnh nhân thiếu máu), cần ước lượng mức độ
thiếu máu.
* Khám bụng (xem bài Khám bụng), cần chý ý khám phát hiện u bụng, gan to,
lách to, cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ ...
* Khám hậu môn kèm thăm hậu môn trực tràng: đây là thủ thuật bắt buộc khi thăm
khám bệnh nhân ỉa máu. Khám hậu môn phát hiện được các tổn thương vùng mép
hậu môn, Thăm hậu môn trực tràng có giá trị xác định bệnh nhân có ỉa máu đại

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập


Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối loạn đại tiện

thể không (lấy phân theo găng để khám), có thể sờ thầy u, polip vùng hậu môn và
trực tràng thấp, một nguyên nhân thường gặp gây ỉa máu.
* Khám chất nôn (nếu có).
* Ngoài ra còn khám các triệu chứng khác: đánh giá thể trạng gầy suy kiệt không?
vàng da, vàng mắt, xuất huyết dưới da và niêm mạc, phù, hội chứng nhiễm trùng,
hạch to ...
II . Định hướng nguyên nhân gây triệu chứng ỉa máu
1. Tại ống tiêu hoá
* Chảy máu tiêu hoá thấp: là chảy máu từ hậu môn đến hỗng tràng.
Các nguyên nhân hay gặp là u (ung thư đại trực tràng, polip), viêm đại trực
tràng do nhiều nguyên nhân, trĩ hậu môn. Nguyên nhân hiếm gặp hơn là rối loạn
đông máu cầm máu, dị dạng mạch máu, viêm túi thừa...
Đặc điểm ỉa máu của chảy máu tiêu hoá thấp là máu màu đỏ, có thể màu
mận chín, nếu máu lưu ở trong ruột trên 14 giờ có màu đen. Tuỳ theo vị trí cao
thấp mà quyện lẫn với phân hay tách rời, nếu chảy máu ở trực tràng, hậu môn
phân và máu tách rời bám vào nhau không hoà hoà quyện vào nhau, thường màu
đỏ. Bệnh nhân không bao giờ có nôn máu.
Xét nghiệm cần làm là nội soi hậu môn, trực tràng hay đại tràng toàn bộ tuỳ
theo vị trí chảy máu thấp hay cao hơn, trong qúa trình nội soi có thể sinh thiết làm
mô bệnh học nếu tổn thương là u, polip, xét nghiệm máu xác định nồng độ
CEA....., nếu tổn thương viêm nên soi tươi phân tìm ký sinh trùng, cấy phân tìm
vi khuẩn.
* Chảy máu tiêu hoá cao: là chảy máu từ thực quản đến phần trên của hỗng tràng.
Nguyên nhân thường gặp là do viêm loét dạ dày tá tràng, giãn vỡ tĩnh mạch
thực quản, dạ dày do xơ gan, rách đường Z, ung thư dạ dày..., nguyên nhân hiếm
gặp hơn là do dị dạng mạch máu, u lành...
Đặc điểm ỉa máu là phân thường màu đen như bã cà phê, mùi khẳn. Nếu
chảy máu nhanh và nhiều phân thường lỏng hay sền sết, màu mận chín, Đi ngoài

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập


Module thực hành Y khoa-Học phần: Thực hành Nội khoa 1 Bài tiếp cận bệnh nhân rối loạn đại tiện

vào bô có lẫn nước tiểu, vào bồn cầu vệ sinh có giấy vệ sinh quan sát có thấy màu
hồng.
Các triệu chứng kèm theo thường có là nôn máu, thiếu máu cấp tính.
Một số xét nghiệm cần làm là công thức máu ngoại biên, nội soi dạ dày tá
tràng, xét nghiệm chức năng thận...
2. Nguyên nhân ngoài đường tiêu hoá
Các bệnh máu có rối loạn đông máu cầm máu: bạch cầu câp, mạn, suy tuỷ
xương, giảm tiểu cầu, bệnh ưa chảy máu. hội chứng urê máu cao...
Do chảy máu toàn bộ ống tiêu hoá nên đặc điểm của ia rmáu là phân có cả
màu đen như bã cà phê lẫn màu đỏ tươi và có thể kèm nôn máu nếu chảy máu
nhiều. Triệu chứng thiếu máu thường kết hợp đặc điểm thiếu máu cấp tính và mạn
tính
Một số xét nghiệm cần làm là xét nghiệm máu ngoại biên (công thức máu,
huyết đồ), tuỷ xương (tuỷ đồ), PT%, PT time, định lượng các yếu tố đông máu...
nếu nghi là bệnh về máu. Xét nghiệm chức năng thận...
Cần lưu ý là một số trường hợp ăn lòng lợn tiết canh, ho máu nhiều khạc ra
không kịp nên nuốt vào (thường ở trẻ em hoặc người rối loạn tâm thần). Đặc điểm
là phân cũng màu đen như bã cà phê, mùi khẳn.

Tài liệu tham khảo


1. Nguyễn Thị Dung, Phạm Văn Nhiên (2012), Triệu chứng học Nội khoa, NXB
Y học, Hà Nội.
2. Japp A.G., Robertson C., Hennessey I. (2013), Macleod’s Clinical Diagnosis,
Churchill Living Store Elservier.
3. Sternm S., Cifu A., Altkorn D. (2015), Symptom to Diagnosis – An Evidence-
Based Guide, 3rd Ed, McGraw-Hill Education.

Đại học Y Dược Hải Phòng Tài liệu học tập

You might also like