You are on page 1of 2

CHÍNH SÁCH VỀ CHÍNH TRỊ XÃ HỘI

Bọn đô hộ đã tiến hành các đợt di cư ồ ạt từ phương Bắc xuống, cho người
Hán sống lẫn với người Việt để đồng hoá người Việt.Chúng hi vọng điều đó sẽ
làm thay đổi được cơ cấu dân cư, theo hướng tăng tỉ lệ người nhập cư, tạo cơ sở
xã hội mới cho chính quyền giai cấp thống trị. Tình trạng này được đẩy mạnh từ
cuối thời Tây Hán và tăng cường vào đầu Đông Hán. Sử chép, nhiều lần nhà
Tần, Hán áp dụng chính sách di dân khẩn thực, đẩy những người có tội xuống
chiếm giữ phương Nam và cho ở lẫn với người Việt. Thành phần dân di cư dù tự
nguyện hay bị cưỡng bức thì cũng đều có điểm chung: họ là người Trung Quốc,
thấm sâu những phong tục tập quán và lễ nghi của Trung Quốc. Khi đến Âu Lạc,
qua một thời gian sống cùng nhân dân Âu Lạc, bộ phận này đã truyền bá văn
hóa, phong tục, tập quán vào nước ta một cách tự nhiên để biến người Việt người
Hán, làm cho tinh thần đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta bị tiêu diệt. Các
dòng họ Sỹ (Sỹ Nhiếp), họ Vy (gốc Hàn Tín), họ Thẩm (gốc nhà Chu), họ Lại,
họ Đào, họ Lê...hầu hết mới chỉ xuất hiện từ thời Bắc thuộc.
Cùng với chính sách di dân, phong kiến phương Bắc còn lợi dụng đội ngũ
quí tộc người Việt để thực hiện mưu đồ đồng hoá của chúng. Về mặt chính trị,
không phải tất cả các quí tộc Việt đều chịu hợp tác với quân đô hộ, nhưng về mặt
văn hóa thì đây là lực lượng tiếp cận ảnh hưởng văn hóa ngoại lai và lan tỏa nó
một cách rất nhanh chóng.
Trong nhiều trường hợp, một viên quan đô hộ còn sử dụng quyền lực của
mình để cưỡng bức một bộ phận nhân dân phải nghe theo. Chẳng hạn, các thái
thú Tích Quang và Nhâm Diên đã bắt người Việt phải theo lễ nghĩa Trung Quốc
(từ cách ăn mặc, lấy vợ, lấy chồng, chế tạo mũ, giầy...). Sách Hậu Hán thư có ghi
lại: “Xưa thời Bình đế, Tích Quang người Hán Trung làm Thái thú Giao Chỉ, dạy
dỗ dân Di (người Việt), dần dần hóa theo lễ nghĩa, danh tiếng ngang với Nhâm
Diên”.
Với mục đích rõ rệt như vậy, những lễ nghi ma chay, cưới xin, giao tiếp xã
hội và một số quy tắc sinh hoạt cộng đồng có nguồn gốc từ Trung Quốc đã bắt
đầu xuất hiện ở nước ta.
Thông qua các biện pháp tổ chức cai trị, bọn đô hộ cũng đã áp đặt được mô
hình tổ chức chính trị, sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán và phương thức sản
xuất của người Hán lên xã hội người Việt để nhằm làm mất ý thức dân tộc người
Việt, mất tinh thần đấu tranh giành độc lập của người Việt.
Quan hệ lệ thuộc là quan hệ bao trùm giữa nhân dân ta với chính quyền đô
hộ ngoại bang. Người Việt đều được xem là “thần dân” của Hoàng đế phương
Bắc. Chính quyền đô hộ đặt quan cai trị tới cấp huyện nhưng không khống chế
được các làng xã của người Việt. Tầng lớp hào trưởng địa phương người Việt
vẫn dựa trên cơ sở ruộng đất công hữu của các vùng, các công xã mà bóc lột
nông dân. Người Việt không ngừng củng cố quan hệ cộng đồng, làng xóm.
Tuy nhiên, do sức sản xuất phát triển, những mối quan hệ xã hội mới ra đời
và phát triển, trong khi đó một số truyền thống cũ bị phá vỡ hay không còn tác
dụng trong hoàn cảnh mới. Việc xóa bỏ cơ cấu bộ lạc, giữ lại và củng cố cơ cấu
xóm làng đã tạo điều kiện cho khối đoàn kết dân tộc được tăng cường.
Do hậu quả của chính sách chiếm đất lập đồn điền và tô thuế nặng nề, chiến
tranh tàn phá, nhiều thành viên công xã người Việt đã bị phá sản, trở thành nô tỳ
hay nông dân lệ thuộc.
Nhìn chung, thời kỳ này đã xuất hiện một số đồn điền của chính quyền đô
hộ, một số trại ấp của địa chủ gốc Hán và một số thị trấn, xóm làng của người
Hoa. Sự có mặt của các tầng lớp kể trên vừa làm gia tăng dân số, vừa tăng thêm
các yếu tố Hán hóa. Song người Việt không vì vậy mà bị Hán hóa, mà ngược lại,
một số người Hoa di cư sang Giao Châu dần bị Việt hóa, hòa nhập vào cộng
đồng người Việt.
Đặc biệt, sự xuất hiện của tầng lớp hào trưởng địa phương người Việt có
ảnh hưởng lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa trong nhân dân. Phần lớn tầng lớp
này đã trở thành thủ lĩnh của các phong trào đấu tranh, ý thức dân tộc ngày càng
cao.

You might also like