You are on page 1of 12

Giã từ vuc khí hemingway

A. Mở đầu

Hemingway là một nhà văn lớn với tư tưởng nhân đạo và nhiều quan niệm tiến
bộ

B. Nội dung

I. Tác giả

1. Cuộc đời

Ernest Miller Hemingway - tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà báo người Hoa Kỳ.
Ông sinh ngày 21 tháng 07 năm 1899 tại Oak Park, Illinois, một nơi thuộc vùng
ngoại ô Chicago, Hoa Kỳ. Là người con thứ hai trong gia đình có sáu người
con, cha ông - Clarence Edmonds Hemingway là một bác sĩ, cha chính là người
đã truyền cho Hemingway một tình yêu thiên nhiên sâu sắc thông qua những
chuyến đi câu cá, đi săn. Mẹ ông là bà Grace Hall, một người vô cùng say mê
âm nhạc, ca hát, bà luôn mong muốn các con của mình sẽ học và chơi một loại
nhạc cụ, có lẽ chính yếu tố này đã giúp Hemingway nuôi dưỡng cho mình một
tình yêu nghệ thuật từ khi còn bé. Năm 18 tuổi, Hemingway nộp đơn tham gia
Thế chiến thứ nhất nhưng do thị lực kém, không thể ra trận. Ông nhận nhiệm
vụ lái xe cứu thương tại Hội chữ thập đỏ. Một lần, đạn cối phát nổ, Hemingway
bị thương nặng ở chân, phải phẫu thuật nhiều lần. Tại đây, ông gặp và yêu
Agnes von Kurowsky - y tá đã chăm sóc mình. Tuy nhiên, khi bị cô từ chối,
ông rơi vào trầm cảm thời gian dài - chứng bệnh sau này đeo bám ông suốt
cuộc đời. Chiến tranh kết thúc, ông hoạt động với vai trò phóng viên tự do, chủ
bút.

Khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, ông trở thành phóng viên chiến trường, có
mặt và chứng kiến những thời khắc quan trọng nhất của cuộc chiến đấu. Khi
cuộc chiến kết thúc, ông gặp và kết hôn với người vợ thứ 4 là Mary Welsh
Hemingway sau khi ông cùng Ellis Martha Gellhorn ly dị không lâu. Trong
suốt thời gian này, ông vẫn tiếp tục công việc sáng tác và cho ra đời những tác
phẩm vô cùng xuất sắc. Đỉnh cao là năm 1954, ông nhận được giải Nobel văn
học, đánh dấu một thời kỳ sáng tác vô cùng rực rỡ, nhưng đồng thời đây cũng
chính là thời kỳ mà ông suy sụp nhiều nhất khi phải đối mặt với rất nhiều
chứng bệnh hành hạ ông cả về thể xác lẫn tinh thần. Chính những yếu tố đó đã
dẫn đến bi kịch vào ngày 2 tháng 7 năm 1961, ông đã tự sát bằng một khẩu
súng săn, kết thúc 61 năm cuộc đời tại nhà riêng

2. Sự nghiệp sáng tác

Con đường sáng tác của Hemingway bắt đầu từ khi ông bắt tay vào viết báo
cáo và nhờ có những thực tế trải nghiệm mà ông đã có những trang viết mang
đầy tính thực tế và sinh động. Đề tài sáng tác chủ yếu xoay quanh hai mảng chủ
đạo là chiến tranh và những hoạt động thường ngày mang tính chất mạnh mẽ,
mạo hiểm. Ông cũng luôn quan tâm đến nội lực con người, ý nghĩa tồn tại của
con người.

Trong suốt chặng đường sáng tác của mình, nhà văn đã đem đến cho bạn
đọc không biết bao nhiêu tác phẩm giá trị, có thể đề cử như: Mặt trời vẫn mọc
(1926), Giã từ vũ khí (1929), Có và không có (1937), Chuông nguyện hồn ai
(1940), Ông già và biển cả (1952),.…

Đặc biệt tác phẩm “Ông già và biển cả” đã mang về cho Hemingway giải
thưởng Pulitzer – giải thưởng văn học danh giá nhất của Hoa Kỳ năm 1953 và
chính tác phẩm này cũng đã giúp ông đạt được giải Nobel về Văn học năm
1954, một thành quả xứng đáng cho những cống hiến của ông.

Ông là một nhà văn lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ nhà văn
sau này trên thế giới, trong đó có Việt Nam.. Rất nhiều tác phẩm của ông được
xếp vào hàng kinh điển và có thể nói Hemingway đã để lại một gia tài văn
chương đồ sộ cho kho tàng văn học thế giới.

II. Tác phẩm

1. Giới thiệu tác phẩm

Có câu nói rằng: “Trong mỗi tác phẩm có một phần nào tiểu sử tác giả”, các
sáng tác của Hemingway có thể xem là một mặt phản ánh cuộc đời tác giả. Bởi
ở ông ta có thể thấy hai con người, một nhà mạo hiểm, phiêu lưu và một nhà
văn nhạy cảm với các vấn đề xã hội. Tác phẩm “Giã từ vũ khí” (A Farewell to
Arms) là một câu chuyện của Henry và Catherine, hai người nam nữ gặp nhau
và yêu nhau tại một nơi xa lạ. Diễn biến câu chuyện được lấy cảm hứng từ
chính câu chuyện tình của tác giả và cô y tá Agnes trong thế chiến thứ nhất,
Hemingway đã dành tình yêu say đắm cho nữ y tá hơn mình sáu tuổi nhưng
quan hệ của họ không có kết cục tốt đẹp do ông phải trở lại Mĩ. Thay vì đi cùng
ông như dự định ban đầu, cô y tá này đã có cảm tình với một sĩ quan Italia và
sớm chia tay nhà văn trẻ. Những thất vọng, day dứt về mối tình sâu đậm này
nhanh chóng trở thành động lực để nhà văn tạo nên Giã từ vũ khí - nơi ông sẽ
viết tiếp những giấc mơ còn dang dở, khai triển những tưởng tượng sinh động
và phong phú hơn nhiều so với đời thực.

“Giã Từ Vũ Khí” là một tiểu thuyết của nhà văn Ernest Hemingway viết vào
năm 1929. Bối cảnh diễn ra trên mặt trận nước Ý trong Thế chiến thứ nhất. Câu
chuyện được xem là tự truyện của chính tác giả thông qua chuyện tình của
Frederic Henry, một trung úy quân y người Mỹ trong quân đội Ý và Catherine
Barkley, một nữ y tá người Anh. Trên phông nền của chiến trường khốc liệt là
những xúc cảm của tình yêu đôi lứa, là những ước hẹn và khao khát nên đôi
của cả hai.

2. Tóm tắt tác phẩm

“Vào cuối hạ năm ấy, chúng tôi đóng quân trong một ngôi nhà ở một làng trông
sang sông và trông sang cánh đồng bằng chạy dài đến chân núi. Lòng sông
trong vắt nhiều sỏi, đá cuội, long lanh ngời dưới ánh nắng mặt trời và nước thì
ngả màu xanh cuồn cuộn chảy”

Vào mùa Thu năm 1916, tuyết rơi sớm nên quân đội Ý hoãn các cuộc tấn công
qua năm sau. Henry vì thế được nghỉ phép. Vị tuyên úy thúc dục chàng về miền
quê thăm gia đình nhưng Henry đã đi tới hai thành phố Rome và Naples, tại hai
nơi này chàng chỉ uống rượu và theo đuổi phụ nữ. Sau kỳ nghỉ phép, Henry trở
lại đơn vị, lòng đầy bất mãn và cảm thấy tội lỗi vì đã phí phạm thời giờ và tiền
bạc. Tại đơn vị, một người bạn cùng phòng của Henry tên là Rinaldi cho chàng
biết rằng các nữ y tá người Anh mới tới phục vụ tại bệnh viện và Rinaldi đã để
ý tới một cô, tên là Catherine Barkley. Rinaldi kéo Henry tới thăm các cô y tá
rồi ngay sau đó, Henry và Catherine đã chú ý tới nhau. Khi không bận việc lái
xe cứu thương, Henry thường tới thăm Catherine. Chàng coi sự giao du này là
cách tán tỉnh trong thời chiến, một mối liên lạc tốt đẹp hơn là tìm cách yêu
đương một trong các nàng kiều nữ tại Villa Rossa, một ổ điếm dành cho các sĩ
quan. Tuy nhiên, Henry thú nhận rằng chàng cảm thấy "cô đơn và trống rỗng"
sau mỗi lần say sưa, và chàng nhớ nhung nàng Catherine. Về phía Catherine,
thái độ của nàng phức tạp hơn. Nàng có vẻ cần tình yêu và đã từng bị tổn
thương vì người yêu mà nàng đã đính hôn, một cậu trai người Anh, đã bị chết
vì mìn nổ tại nước Pháp. Nàng giúp đỡ Henry và trước khi chàng ra trận, nàng
đã tặng cho chàng chiếc mề đay Saint Anthony để hộ mệnh cho chàng. Tại mặt
trận, quân đội Ý bắt đầu tấn công. Khi bị quân Aùo oanh tạc, Henry cùng bốn
người tài xế khác trú ẩn trong một hầm hố nhưng một quả đạn đại bác đã nổ rất
gần, khiến cho Henry bị thương nặng ở chân. Một người tài xế khác bị chết do
không cầm được máu. Henry được đưa về trạm y tế rồi được chuyển sang bệnh
viện. Tại nơi này, vị linh mục và Rinaldi đã tới thăm Henry. Chàng lại nhận
được một tin mừng là sẽ được chuyển sang điều trị tại một bệnh viện Hoa Kỳ ở
Milan, nơi mà nàng Catherine đã được thuyên chuyển tới làm việc. Tại Milan,
Henry phục hồi dần và Catherine thường viếng thăm chàng. Mỗi lần nàng bước
vào phòng, chàng thấy rung cảm, thấy yêu nàng. Và nàng Catherine cũng tình
nguyện làm ca đêm để hai người có thể ở bên nhau nhiều thời giờ hơn. Sau đó,
cuộc giải phẫu chân của Henry đã thành công. Chàng có thể đi đứng bình
thường và cùng với nàng Catherine, họ tới quán ăn, cùng ngồi xe ngắm cảnh và
cưỡi ngựa. Henry muốn kết hôn với Catherine nhưng nàng còn lưỡng lự. Thế
rồi vào một đêm, Catherine cho chàng biết nàng đã mang thai. Ngày hôm sau,
Henry tỉnh dậy và được chẩn bệnh là mắc bệnh vàng da. Người trưởng y tá đã
báo cáo với cấp trên là Henry tìm cách trốn tránh ra trận tuyến bằng cách uống
rượu say sưa. Giấy nghỉ phép của Henry vì thế bị từ chối và chàng được lệnh ra
mặt trận ngay sau khi bình phục. Frederic Henry trở lại mặt trận. Tới lúc này,
quân đội Ý đang gặp thất bại. Quân Đức đã tăng cường giúp quân Aùo khiến
cho quân Ý phải bỏ chạy tán loạn. Henry đã lái xe cứu thương rút lui trước khi
quân Đức tiến tới. Để tránh lối bế tắc trước mặt, Henry dùng con đường bên.
Xe cứu thương bị xa lầy. Các tài xế đã bỏ xe, chạy lấy người. Trong cuộc bỏ
chạy này, họ suýt gặp các toán quân tuần tiễu Đức. Có người trong nhóm bị
chết vì bị bắn sẻ, cũng có người phải đầu hàng quân địch. Henry và nhiều
người khác đi theo dòng người rút lui, tới được cây cầu bắc qua giòng sông
Tagliamento. Tại phía bên kia của cây cầu, các quân cảnh người Ý đang lùng
bắt các sĩ quan cao cấp, xét xử họ một cách sơ sài rồi đem ra xử bắn vì tội đào
ngũ. Do nói tiếng Ý với giọng ngoại quốc, Henry bị bắt vì bị tình nghi là một
kẻ gián điệp Đức. Chàng đã tìm cách lẩn trốn, nhẩy xuống dòng sông, bơi ra xa
ngoài tầm đạn bắn tới. Chàng trú ẩn trong cánh đồng miền Venetian rồi theo xe
tải, đi tới Milan. Trở lại bệnh viện, chàng được tin nàng Catherine đang nghỉ
phép tại Stresa, một tỉnh nằm trên bờ hồ gần biên giới Thụy Sĩ. Henry bèn dùng
quần áo dân sự, đi tới Stresa để gặp Catherine. Tại khách sạn, người pha rượu
cho Henry biết chàng đang bị truy nã và rồi hai người đã tìm cách trốn qua
nước Thụy Sĩ trung lập. Tối hôm đó, Henry chèo thuyền suốt đêm. Chàng lẩn
tránh được các toán tuần phòng người Ý và cuối cùng đã tới được đất Thụy Sĩ.
Tại nơi này, hai người đã bị cảnh sát bắt giữ nhưng nhờ có đủ thông hành hợp
lệ, họ được trả tự do. Henry và Catherine mướn phòng khách sạn và trải qua
nhiều thời giờ yên vui, chờ đợi đứa con chào đời. Họ bàn chuyện sẽ làm gì khi
chiến tranh chấm dứt. Sau đó, họ dời về Lausanne, gần một bệnh viện. Trong
lần sinh con, Catherine đã gặp khó khăn. Bác sĩ chăm sóc nàng đã phải dùng
thuốc mê và đứa con đã chết sau lần giải phẫu. Henry tới thăm viếng Catherine
trong bệnh viện. Nàng bị xuất huyết và ít có hy vọng sống sót. Henry đã nhìn
thấy nàng chết dần dần. Chàng đã cố gắng ngỏ lời từ biệt với người chết và
thấy rằng cách bày tỏ tâm sự này giống như nói với một pho tượng. Chàng từ
biệt và trở về khách sạn trong cơn mưa.

III. Phân tích nhân vật

1. Frederic Henry
Trong suốt tác phẩm, hai nhân vật Henry và Catherine đã được Hemingway thể
hiện một cách khá đặc biệt. Tác giả không miêu tả tỉ mỉ về dáng vóc nhân vật hay
tiểu sử của Henry và Catherine. Thay vào đó, Hemingway chỉ cung cấp những
chi tiết cần thiết để đánh mạnh vào trí tưởng tượng người đọc để họ hình dung ra
dáng hình của nhân vật. Henry phải trải qua nhiều đổi thay về tâm trạng lẫn thái
độ đối với tình yêu và chiến tranh. Thuở đầu, trước khi bị thương và gặp
Catherine Henry chỉ là một chàng trung úy người Mỹ tình nguyện lái xe cứu
thương trong quân đội Ý, thậm chí anh còn không giải thích được vì sao mình lại
tình nguyện tham gia chiến trường Ý: “Không biết nữa. Bao giờ cũng có những
việc không giải thích được”. Nhưng dù vậy, anh vẫn là người kiên cường chống
chọi lại sức ép, những khó khăn cũng như quan tâm, lo lắng cho đồng đội. Những
người đồng đội của anh cũng gọi anh là “người bạn đích thực của cách đàn
ông”khi chủ đề nói chuyện của họ đa phần là phụ nữ và rượu, Henry cũng luôn
sẵn sàng tham gia những câu chuyện cười của mọi người.

Khi gặp Catherine, dù cho hai người đã chú ý tới nhau ngay từ lần gặp đầu tiên
nhưng với tính cách phóng khoáng của mình, Henry vẫn coi sự giao du này là
cách tán tỉnh trong thời chiến, một mối liên lạc tốt đẹp hơn là tình yêu.

“Tôi chẳng hề quan tâm đến con đường phiêu lưu tình ái tôi đang lao vào. Tôi
biết là tôi không yêu Catherine mà cũng chẳng có mảy may ý định nào yêu nàng.
Tôi chỉ xem đó như một trò đùa…”

2. Catherine Barkley

IV. Tình yêu trong thời chiến của Henry và Catherine


Song song với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất là một câu chuyện
tình yêu nảy nở trên phông nền của cuộc chiến tranh khốc liệt của hai nhân vật
chính - trung úy Frederic Henry và nữ y tá Catherine Barkley. “Giã từ vũ khí”
đã mang đến cho chúng ta một câu chuyện tình yêu vừa chân thành vừa dị
thường giữa cuộc chiến tranh phi lý, tàn ác. Từ chính những trải nghiệm của
nhà văn Hemingway trong câu chuyện tình vừa lãng mạn, vừa thực tế về chủ đề
chiến tranh và tình yêu đã làm cho câu chuyện mang tính thuyết phục, và mang
đến sự thương cảm sâu sắc đến mối tình kinh điển của thời đại.

1. Tình yêu với những khó khăn, cách trở

Ở đầu tác phẩm, thứ tình cảm giữa Henry và Catherine chất chứa những
hoài nghi và dường như niềm tin vào tình yêu của họ đã bị triệt tiêu sau khi
những hiện thực tàn nhẫn đã gây ra. Henry khi mới gặp Catherine cũng đã nói
rằng sẽ không có ý định yêu nàng và sự gặp gỡ này chỉ là mối quan hệ tốt đẹp
trong thời chiến. Bởi trong thời cuộc kinh hoàng mà chiến tranh mang lại,
chẳng còn ai tin tưởng về lời thề hẹn bên nhau mãi mãi, vì chẳng ai biết được
mình sẽ sống sót đến khi nào giữa muôn ngàn bom đạn ngoài kia

“Người ta sẽ giận nhau hoặc là chết. Luôn luôn là thế, không bao giờ
cưới được nhau cả.”

Khi mới gặp nhau, họ đã không thật lòng nghĩ đây là mối quan hệ tình
cảm chân thành. Catherine là một người có nội tâm phức tạp đặc biệt khi cô
mang tổn thương lớn ở quá khứ. Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của vị hôn
phu của cô. Nỗi mất mát lớn ấy đã hằn sâu trong lòng Catherine, chính điều
này cũng tạo nên sự đấu tranh nội tâm của cô khi một bên muốn được yêu,
được mở lòng thêm lần nữa nhưng một mặt cô cũng né tránh tình yêu vì sợ
những tổn thương. Còn chàng Henry lại xem tình yêu như một nhu cầu tinh
thần trong thời chiến, chàng tán tỉnh nàng mãnh liệt vì trò chơi tình ái giúp
Henry tạm quên thực tại.

Bước ngoặt thử thách tình cảm của họ là sau sự kiện anh bị thương nặng
ở chân do vụ nổ ở hầm trú ẩn. Đó là khi Henry đối mặt với ranh giới sinh tử,
anh dường như thoát chết sau vụ nổ kinh hoàng và mang những ám ảnh khủng
khiếp về vụ nổ ấy “chỉ trừ có một lần tôi giật mình sợ hãi thức giấc, mồ hôi
ướt như tắm, xong tôi cố ngủ lại và quên đi giấc mơ hãi hùng.”. Nhà văn đã
miêu tả từng cảm xúc và hành động nhỏ của hai nhân vật, anh cảm thấy vui
sướng khi nhìn thấy cô, hay khi cô chấp nhận trực nhiều ca đêm để có thể ở bên
cạnh chăm sóc anh nhiều nhất có thể. Những giờ phút bên cạnh nhau lại ngày
càng củng cố thêm về niềm tin trong tình yêu, những rung cảm trong anh mỗi
khi nhìn thấy cô đến, hay khi trái tim cô cũng đang dần mở lòng mình hơn,
dường như hai trái tim xa lạ và nhiều hoài nghi trước đó đang dần kết nối gần
nhau hơn. Họ ở bên cạnh nhau bình yên sau những chịu đựng kinh hoàng và
ám ảnh về cái chết do chiến tranh mang lại. “Chúa biết là trước đây tôi không
muốn yêu nàng. Trước đây tôi không muốn yêu ai cả. Nhưng Chúa biết tôi đã
yêu và tôi đã nằm ở gian phòng bệnh viện Milan, mọi việc diễn lại trong trí tôi,
tôi cảm thấy khoan khoái và nhẹ nhàng.”.

Nếu ngoài mặt trận là cuộc chiến với mưa bom bão đạn, tiếng đạn rít,
tiếng pháo nổ liên hồi thì khi ở cùng nhau, Henry và Catherin như chìm trong
khoảng thời gian và không gian riêng chỉ có hai người họ cùng những nổi tâm
tình, ước muốn cho tương lai của cả hai “Ước gì chúng ta được đi dạo”;
“Chúng ta có thể đến công viên và dùng điểm tâm ngoài trời”; “Rồi chúng
mình sẽ đến một nơi nào đó.” ; “Sau đó có thể chiến tranh sẽ chấm dứt”.

Ta nhận ra, sau khi ở bên cạnh Catherine, henry đã có những suy nghĩ
rất khác về chiến tranh khi trở lại chiến trận với cương vị là một người lính.
Không còn là một người kiên cường, xông xáo, tham gia phục vụ chiến tranh
khi mà chính mình cũng không biết nguyên do. Người lính Henry giờ đây khi
đã nếm đủ mùi cay đắng và kinh hoàng của chiến tranh, cũng như tìm được
một tình yêu của đời mình thì Henry thấy chán ngán cuộc chiến, muốn lẩn trốn
cảnh chết chóc và quay trở về bên hai mẹ con Catherine, anh sợ hãi cái chết vì
anh đang khao khát một cuộc sống bình dị bên tình yêu đời mình. Thậm chí,
khi Henry trải qua những giờ phút kinh hoàng của cuộc chiến, anh đã rất sợ hãi
và chỉ nhớ đến giây phút bình yên bên cạnh Catherine. Chi tiết anh vứt bỏ hết
trách nhiệm và lòng thù hận của một người lính Ý để thoải mái giải thoát khỏi
cảnh tượng kinh hoàng và đầy đau đớn trước mắt, anh đã nghĩ mình sẽ không
còn phải ra chiến trận nữa, sẽ không còn lo sợ cảnh chia ly phía trước, để rồi
anh thẫn thờ không muốn nghĩ ngợi gì nữa về cảnh tượng tàn khốc trước mắt,
mà chỉ nhớ về nàng và mơ tưởng đến những ngày tháng bình yên sắp tới bên
người mình yêu “Ăn uống và ngủ với Catherine. Có lẽ đêm nay… Không, điều
đó không thể được. Nhưng đêm mai… và một bữa ăn ngon lành… và chăn gối
nữa… và không bao giờ đi đâu trừ phi hai đứa đi cùng nhau. Có lẽ phải ra đi
gấp mới được. Nàng sẽ đến. Tôi biết nàng sẽ đến.” Và sau biết bao biến cố,
khó khăn, những sự thử thách mà chiến tranh đem lại, họ cuối cùng vẫn gặp lại
nhau, tiếp tục chung sống với nhau những giờ phút yên bình và hạnh phúc bình
dị. Điều này đã đúng như ước mơ của anh, mỗi ngày, anh lại được thức dậy
cùng cô, cùng ăn uống và cùng đi dạo với nhau ở mảnh đất Thụy Sĩ - nơi quá
đỗi lý tưởng về nền hòa bình mà họ ước ao. Họ cùng chờ đợi đứa con đầu lòng
chào đời, nói nhiều hơn về những dự tính tương lai sau khi chiến tranh kết thúc
“Chúng tôi trải qua một tồn tại tuyệt vời. Tháng giêng, tháng hai trôi qua, mùa
đông rất đẹp và chúng tôi rất hạnh phúc” (Ernest Hemingway, 2004, tr. 345).
Những khát vọng bình dị mà con người vốn đáng được có lại bị chiến tranh
cướp đi một cách thật tàn nhẫn.

Tình yêu của họ như đóa hoa nở rộ giữa thời chiến khô cằn như sa mạc.
Có sức sống mãnh liệt nhưng khi Henry cầu hôn cô, nỗi sợ hãi về thực tại trong
cô mới bắt đầu nhen nhóm, khiến cô lưỡng lự trước lời cầu hôn. Catherine lo sợ
về tương lai và những gian truân mà Henry sẽ phải đối mặt. Dù ít dù nhiều, dù
không muốn nhớ thì cái chết của vị hôn phu cũ cũng để lại một nỗi sợ vô hình
trong cô về sự sống vô thường, nhất là trong chiến tranh. Đâu ai biết khi sáng
mai mở mắt dậy ta có còn được thấy nhau không, con người trong thời chiến
vẫn luôn dè chừng và sợ hãi trước cái chết và sự mất mát. Vì thế chỉ cần những
giây phút bình yên trước mắt cũng khiến họ mãn nguyện và trân quý “Anh thấy
không, anh yêu, em rất hạnh phúc và chúng ta đã sống những giờ phút thần
tiên.”
Từ đó ta thấy được chuyện tình yêu nào cũng khó khăn mà trong thời
chiến thì khó khăn gấp bội, từ hoàn cảnh sống và những nỗi lo về mưa bão bom
đạn. Thậm chí, Catherine đã được cảnh báo là không nên có thai lúc này,
nhưng nàng vẫn sống hết mình vì tình yêu của họ. Còn về chàng Henry, sau khi
bị nhầm lẫn là lính đào ngũ và bị truy nã, chàng đã vượt mọi khó khăn để trốn
thoát đi tìm nàng Catherine ngay lập tức vì tình yêu trong chàng rất mãnh liệt.
Có thể thấy tình yêu của họ, dù là tình yêu trong thời chiến có mong manh
nhưng cũng có những khát khao chân thành và đã mang đến một sức mạnh
mãnh liệt để họ cùng vượt qua những khó khăn, trắc trở trong thế sự đầy hỗn
loạn.

2. Điềm báo “cơn mưa”

Cơn mưa là một biểu tượng lãng mạn thường xuất hiện trong chuyện
tình yêu. Nhưng cơn mưa trong câu chuyện tình yêu của Henry và Catherine
trong thời chiến đầy hỗn loạn này, nó vừa kỉ niệm, vừa là điềm báo cho sự chia
xa. Cơn mưa kỉ niệm bắt đầu từ chi tiết mô tả Catherine rất thích đi dạo dưới
mưa nhưng bên cạnh đó cũng rất sợ cơn mưa, giống như việc nàng rất muốn
được hạnh phúc nhưng lại sợ bản thân mình sẽ chìm đắm vào hạnh phúc mà
quên đi thực tại nghiệt ngã. Đến khi ấy sẽ nhấn sâu nàng vào hố sâu tuyệt vọng.
Cơn mưa cũng là một điềm báo, bởi trận chiến lại lần nữa chia ly tình yêu của
họ, hai người đã đành ngậm ngùi chia xa. Hemingway đã không cho họ chia
tay trong những câu từ ảm đạm thê lương mà chỉ cho người đọc biết là họ chia
tay nhau trong cơn mưa rả rích, vừa gợi lên nỗi u buồn nhưng cũng vừa làm
nhớ lại lời mà Catherine từng nói “Nhưng cơn mưa có hại cho tình yêu.”

Khi Catherine sinh con, cô đã gặp khó khăn và mặc dù đã cố gắng cứu
chữa nhưng đứa bé trong bụng đã không qua khỏi. Nỗi đau mất đứa con còn
chưa kịp nguôi ngoai, thì người vợ của anh lại bị băng huyết ngay sau đó và
không còn hy vọng sống sót. Henry chỉ còn cách bất lực đứng đó nhìn nàng
chết dần đi, cảnh tượng đau thương ấy diễn ra rất đỗi nhẹ nhàng đến ám ảnh
“Tôi vào phòng và ở đó với Catherine cho đến khi nàng tắt thở. Nàng không
hồi tỉnh và chẳng bao lâu thì chết”, nó hiện lên là một khung cảnh chia ly
không quá u uất và bi thảm, mà chỉ ảm đạm và thẩn thờ, thậm chí đến cả chàng
sau khi biết nàng đã chết cũng đã không biết mình phải làm thế nào “Tôi phải
làm gì trong đêm nay”. Cái chết của nàng như một sự thức tỉnh cho anh rằng
tình yêu rồi cũng có giới hạn, điều mỉa mai nhất đối với anh là dù tình yêu
mãnh liệt thế nào cũng không thể thoát khỏi số mệnh, và đặc biệt sống trong
thời chiến, con người không chỉ cần học cách sống sót, sống tốt mà còn cần
phải học cả cách đón nhận cái chết. Nhưng không vì vậy mà mất hoàn toàn
niềm tin vào tình yêu, bởi tình yêu là chất keo, nó gắn kết con người lại với
nhau, tạo ra những khát khao cao đẹp trong cuộc sống. Đoạn kết, tác giả chỉ
miêu tả vỏn vẹn “Nhưng sau khi bảo họ đi ra và đóng cửa, tắt đèn, tôi hiểu tất
cả đều vô ích. Cũng không khác nào lời nói từ biệt trước một pho tượng. Một
lát sau tôi bước ra khỏi phòng, rời bệnh viện và tôi trở về khách sạn dưới trời
mưa.”. Đoạn miêu tả cho thấy anh đã chấp nhận cái chết tàn nhẫn của người
vợ, và dù tác giả đã không miêu tả sự đau đớn tột độ trong trái tim anh, nhưng
hình ảnh anh đi dưới mưa lại gợi cho ta nhớ lần nữa chi tiết nàng Catherine
thích đi dạo dưới mưa nhưng cũng rất ghét mưa bởi với nàng “Nhưng cơn mưa
có hại cho tình yêu.” (Ernest Hemingway, 2004, tr. 139). Một lần nữa, cơn
mưa lại xuất hiện trong cảnh chia ly, lần này nó xuất hiện như tượng trưng cho
nỗi nhớ về nàng và sự chia ly vĩnh viễn về sau.

Qua chuyện tình của chàng trung úy Frederic Henry và nàng y tá


Catherine Barkley, ta sẽ thấy tình yêu trong chiến tranh thời bom đạn cũng đẹp
đến nhường nào. Tuy cái kết cho chuyện tình này là sự chia xa đượm nỗi u
buồn nhưng dưới ngòi bút miêu tả vô cùng chân thật của nhà văn Hemingway
ta thấy được đây là một chuyện tình tuyệt đẹp, chất chứa nhiều cảm xúc và làm
lay động đến nhiều trái tim độc giả. Điều mà chúng ta chiêm nghiệm được ở
tình yêu của hai nhân vật này là: dù là tình yêu trong thời chiến hay bất kì hoàn
cảnh nào thì tình yêu phải xây dựng trên nền tảng chân thành; tình yêu giúp con
người biết trân trọng hiện tại và muốn sống tốt đẹp hơn.

Frederick Henry thật sự là hình mẫu mà những người đàn ông khác nên học hỏi. Ông là người rất đáng ngưỡng mộ: ông can đảm, đàn ông
và vô cùng chín chắn.

You might also like