You are on page 1of 12

DU LỊCH NÔNG NGHIỆP: HƯỚNG ĐẾN

CHUYỂN ĐỔI NÔNG NGHIỆP ĐA CHỨC NĂNG


Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Agritourism: Towards Multifunctional Agriculture
Transition in Vietnamese Mekong Delta

DƯƠNG TRƯỜNG PHÚC*

Tóm tắt: Trong hơn 30 năm qua (1986-2020), nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu
Long đã có sự tăng trưởng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu phát triển (đảm bảo an ninh
lương thực, phục vụ xuất khẩu). Tuy vậy, bản chất nền nông nghiệp của khu vực này là
tăng trưởng dựa vào quy mô và đơn chức năng sản xuất lương thực, thực phẩm. Trong
bối cảnh có nhiều ngoại tác bên ngoài như biến đổi khí hậu (thiên tai, mất mùa), dịch
bệnh (thị trường đóng cửa, nông sản tồn đọng) thì chiến lược phát triển cần có sự thay
đổi. Một số chiến lược chuyển đổi chú ý đến chức năng giải trí và du lịch của nông
nghiệp thông qua du lịch nông nghiệp. Hình thức này được tập trung phát triển theo
hướng chuyển đổi từ nông nghiệp đơn chức năng sang đa chức năng. Kết quả phân
tích từ nguồn dữ liệu thứ cấp cùng với quá trình khảo sát thực tế ở ĐBSCL cho thấy
phát triển du lịch nông nghiệp sẽ góp phần đa dạng hóa chức năng nông nghiệp, cải
thiện sinh kế nông dân và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống nông nghiệp.
Từ khóa: Chuyển đổi sinh thái-xã hội, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp đa
chức năng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Abstract: Over 30 years (1986-2020), the agriculture of the Vietnamese Mekong


Delta (VMD) has experienced rapid growth to meet development needs (ensuring food
security, serving exports). However, the agricultural nature of this region is scale-
based growth, and monofunctionality (food production). In the context of many
external risks such as climate change (natural disasters, crop failure), epidemics
(closed markets, agricultural backlogs), the development strategy needs to change.
Some transition strategies pay attention to the recreational and tourism functions of
agriculture through agritourism. This form is focused on developing towards the
transition from monofunctional to multifunctional agriculture. The analysis results
from secondary data sources combine with the fieldwork in some provinces of the
VMD showed that the development of agritourism contributes to diversifying
agricultural functions, improving farmers' livelihoods, and enhancing the adaptability
of agricultural system.
Keywords: Socio-ecological transformation, agritourism, multifunctional
agriculture, climate change adaptation.

*
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

232
1. Giới thiệu
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là đồng bằng châu thổ nằm ở hạ
nguồn lưu vực sông Mekong được kiến tạo bởi trầm tích phù sa của phức
hợp hoạt động sông biển qua các thời kỳ biển tiến, biển thoái với diện tích
tự nhiên vào khoảng 4,0 triệu ha chiếm 12,0% diện tích tự nhiên cả nước
(GSOV, 2020a). Từ xưa, đồng bằng được biết đến là một vùng đất trẻ và
giàu tiềm năng phát triển kinh tế bậc nhất ở Đông Nam Á nói chung và Việt
Nam nói riêng. Kết quả của quá trình khai thác hàng trăm năm ở các vùng
sinh thái nước ngọt, nước mặn và nước lợ đã tạo điều kiện cho đồng bằng
trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm về sản xuất lương thực thực phẩm,
mỗi năm cung cấp hơn 50% sản lượng lương thực (90% sản lượng xuất
khẩu), 80% cây ăn trái, 60% thủy sản và đóng góp hơn 35% GDP của đất
nước (AusAID, 2013; MARD, 2012).
Nông nghiệp là ngành tạo ra sinh kế cơ bản cho khu vực nông thôn
(Adger et al., 2003) nhưng lại rất nhạy cảm với tác động bên ngoài và đặc
biệt mức độ nhạy cảm sẽ tăng lên trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Parry &
Carter, 1985; Rosenzweig & Parry, 1994). Ở ĐBSCL, biến đổi khí hậu đang
diễn ra với các tác động đáng chú ý đến môi trường sinh thái-thủy văn như
thay đổi về thời gian và không gian ngập lũ, tần suất và cường độ hạn hán,
gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh phá hoạt mùa màng.
Những tác động này mang đến các rủi ro mới và làm nổi bật những khó
khăn đã tồn tại từ trước (Keskinen et al., 2010; Pettengell, 2010). Mặt khác,
sản xuất nông nghiệp cũng ảnh hưởng đến thay đổi khí hậu (Deressa et al.,
2011) thông qua việc phát thải các khí nhà kính (GHG) từ các hoạt động
nuôi trồng khác nhau (Edwards-Jones et al., 2009; Maraseni et al., 2009).
Tính dễ tổn thương của ngành nông nghiệp ở ĐBSCL phản ánh sự cần
thiết phải chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng sinh thái-xã hội
nhằm tiếp cận gần hơn với phát triển bền vững. Bên cạnh quan điểm chuyển
đổi nội sinh là sử dụng bền vững nguồn lực địa phương gắn liền với việc đa
chức năng nông thôn (rural multifunction) (Iosifides & Politidis, 2005), thì
với định hướng hướng ngoại, du lịch trở thành động lực và đóng vai trò
quan trọng ở khu vực nông thôn (Brohman, 1996; Goodwin, 2000;
Rogerson & Rogerson, 2014).
Khai thác tiềm năng to lớn của du lịch trở thành trọng tâm của kế hoạch
phát triển kinh tế nông thôn ở các nước đang phát triển-nơi ngày càng nhận
ra triển vọng về chức năng giải trí, nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá của
nông nghiệp trong hình thức du lịch nông nghiệp (agritourism). Du lịch

233
nông nghiệp đại diện phổ biến nhất cho chiến lược đa chức năng nông
nghiệp (Lupi et al., 2017), mang đến nhiều lợi ích đối ứng (reciprocal
benefit) về mặt kinh tế và phi kinh tế cho nông dân, du khách và cộng đồng
(Lupi et al., 2017; McGehee & Kim, 2004; Schilling et al., 2012; Sonnino,
2004; Tew & Barbieri, 2012). Tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp đã
tăng lên gần đây nhưng ý nghĩa của loại hình này trong bối cảnh chuyển đổi
nông nghiệp đa chức năng vẫn chưa được xem xét rộng rãi (Rogerson &
Rogerson, 2014).
Bài viết này mang tính chất là nghiên cứu định tính, dựa trên nguồn dữ
liệu thứ cấp phong phú từ các tập san chuyên ngành về phát triển và chuyển
đổi nông nghiệp, du lịch nông nghiệp… và kết quả khảo sát thực địa tại một
số địa phương ở ĐBSCL nhằm:
 Phân tích tổng hợp lý luận về chuyển đổi phát triển nông nghiệp đa
chức năng.
 Khái quát thực trạng phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL và sự cần thiết
phải chuyển đổi.
 Định hướng chuyển đổi nông nghiệp đa chức năng ở ĐBSCL thông
qua hình thức du lịch nông nghiệp.
2. Lý luận về chuyển đổi phát triển nông nghiệp đa chức năng
2.1. Chuyển đổi phát triển nông nghiệp
Trải qua quá trình phát triển hàng nghìn năm, nông nghiệp đã có những
thay đổi cơ bản, thậm chí mang tính “cách mạng”. Từ thay đổi giống sản
xuất, phương thức canh tác đến công nghệ, quan điểm sản xuất, thị trường
và nhu cầu tiêu dùng (Mazoyer & Roudart, 2006). Tuy nhiên, nhiều tranh
luận vẫn cho rằng nông nghiệp chỉ thật sự chuyển đổi từ Thế chiến II đến
nay và khoảng thời gian hơn 50 năm đó ấn tượng và sâu sắc hơn những gì
quá khứ đã để lại (Mannion, 1995).
Những dự đoán về việc Thế giới phải đối mặt với sự chấm dứt của kỷ
nguyên nông nghiệp “thông thường” với mục đích duy nhất là sản xuất
lương thực, thực phẩm để chuyển sang một hình thái nông nghiệp đa dạng
hơn các chức năng (Bryant & Wilson, 1998). Khi đó, hoạt động nông
nghiệp mang tính hiện đại và thương mại hơn là truyền thống và tự cấp
(Rezaei-Moghaddam et al., 2005), nông dân đóng vai trò là người quản lý
môi trường hơn là một người lệ thuộc vào môi trường (Marsden, 1999a). Đó
chính là quá trình chuyển từ thời kỳ chủ nghĩa sản xuất (productivism) sang
thời kỳ chủ nghĩa hậu sản xuất (postproductivism) (Cloke & Goodwin,
1992; Marsden et al., 1993).

234
Thời kỳ chủ nghĩa sản xuất từ Thế chiến II cho đến giữa thập niên 1980
với đặc trưng của việc tối đa hóa sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an
ninh lương thực cho quốc gia (Woods, 2010). Tiếp đó là kỷ nguyên chủ
nghĩa hậu sản xuất với đặc trưng định hướng lại sản xuất nông nghiệp từ
tăng trưởng thuần túy sang phát triển bền vững (Wilson, 2007).
Mặc dù được định hình là thời kỳ của “việc chú trọng vào chất lượng
hơn là số lượng” nhưng chủ nghĩa hậu sản xuất không thật sự phổ biến và
bao trùm các nền nông nghiệp trên Thế giới. Thiếu cơ sở lý luận và bằng
chứng thực nghiệm rõ ràng nên những nghi ngờ và tranh luận về khả năng
áp dụng ở ngoài phạm vi các quốc gia phát triển của chủ nghĩa hậu sản xuất
vẫn còn tồn tại (Mather et al., 2006; Wilson, 2001).
Chủ nghĩa hậu sản xuất cho thấy nông nghiệp đánh mất vai trò là động
lực chính trong phát triển kinh tế nông thôn (Wilson, 2007). Theo đó, cách
tiếp cận phát triển nông thôn được thay đổi từ cách tiếp cận phát triển từ trên
xuống (top-down) sang cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up) (Far & Rezaei-
Moghaddam, 2019). Thêm nữa, trọng tâm của chủ nghĩa hậu sản xuất là các
giá trị môi trường và hệ sinh thái (Knickel & Renting, 2000; Marsden et al.,
2002). Do vậy, hiện tại đây chính là khái niệm bao quát duy nhất về quá trình
chuyển đổi nông thôn (Holmes, 2006, p. 143).
2.2. Nông nghiệp đa chức năng
Tại Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) của Hội nghị Thượng đỉnh
Trái Đất (Earth Summit) tại Rio năm 1992, khái niệm nông nghiệp đa chức
năng được đề cập chính thức (UNCED, 1992). Từ đó, khái niệm này đóng
vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc tranh luận khoa học và chính
sách về tương lai của phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Tính đa chức năng đã được giới thiệu trong những năm gần đây như
một nguyên tắc hàng đầu và mô hình mới cho sự phát triển nông nghiệp và
nông thôn trong tương lai (Durand & Van Huylenbroek, 2003, p. 16) bằng
nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế, quản lý môi trường và khả năng
tồn tại của các cộng đồng địa phương (Clark, 2005, p. 332).
Ý tưởng cơ bản đằng sau tính đa chức năng là sản xuất nông nghiệp
không chỉ cung cấp thực phẩm và chất xơ mà còn cung cấp hàng hóa tập thể
hay các mặt hàng phi thị trường khác nhau như xây dựng thị trường mới cho
các dịch vụ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo tồn
di sản, phúc lợi cộng đồng, cơ hội giải trí, định cư nông thôn… (Arovuori &
Kola, 2005; Blandford & Boisvert, 2002; Daugstad et al., 2006; Goodman,
2004; Marsden & Sonnino, 2008; Potter & Burney, 2002; Vatn et al., 2002;
Wilson, 2007, 2009; Yrjölä & Kola, 2001).

235
Tùy thuộc vào điều kiện sản xuất ở mỗi địa bàn mà biểu hiện của nông
nghiệp đa chức năng có thể ở các cấp độ khác nhau. Việc xây dựng khung
khái niệm và lý luận cho nông nghiệp đa chức năng được xem như là gợi ý
các tập hợp của các phương án của việc lựa chọn quyết định, bao gồm từ đa
chức năng mạnh đến đa chức năng yếu, thể hiện qua hành động và suy nghĩ,
nhận thức của những người theo hướng chủ nghĩa coi trọng năng suất hoặc
không coi trọng năng suất (Wilson, 2007).
Tựu chung, chủ nghĩa hậu sản xuất và nông nghiệp đa chức năng đang
hướng đến các thực tiễn nông nghiệp thân thiện với môi trường (Losch, 2004),
tăng giá trị và giảm đầu vào (WB, 2016) cũng như cho phép nông dân lựa chọn
chiến lược phát triển phù hợp với động lực và khả năng của gia đình do đó dẫn
đến sự khác biệt về không gian nông thôn mới (Evans et al., 2002).
3. Chuyển đổi nông nghiệp đa chức năng ở ĐBSCL
3.1. Thực trạng sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL
Từ giữa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XXI, ĐBSCL đã phát triển từ một
vùng rừng rậm và đất ngập nước trở thành trung tâm sản xuất lương thực,
thực phẩm lớn nhất cả nước, đáp ứng các nhu cầu phát triển (đảm bảo an
ninh lương thực, phục vụ xuất khẩu…). Các điều kiện thuận lợi ban đầu cho
phép nông dân đẩy mạnh sản xuất lương thực với cây lúa là cây trồng chủ
đạo. Hệ thống sản xuất chuyển từ 1 vụ lên 2-3 vụ, từ độc canh sang đa canh,
xen canh và luân canh. Nếu giai đoạn 1986-2000, mọi nguồn lực của vùng
được tập trung cho khai thác tiềm năng tự nhiên để mở rộng diện tích và
tăng sản lượng lúa hướng đến đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu thì
giai đoạn 2000-2020, ĐBSCL đã chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng giảm trồng trọt lương thực có hạt sang tăng cường nuôi trồng
thủy sản nhằm gia tăng giá trị từ sản xuất (xem Hình 2).
Hình 1. Xu hướng tăng trưởng lương thực có hạt và thủy sản

Nguồn: Dữ liệu (GSOV, 2020b, 2020c)/Đồ họa: Dương Trường Phúc, 2021

236
Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn mang bản chất của chủ
nghĩa sản xuất và phải đối mặt với một số thách thức quan trọng: i) rủi ro
của kinh tế thuần nông dựa vào cây lúa; ii) suy thoái môi trường do thâm
canh, tăng vụ; iii) khan hiếm tài nguyên nước và hạn mặn cực đoan liên tục
xảy ra.
Các hộ nghèo thuần nông được hưởng lợi từ việc giảm nghèo của
hoạt động nông nghiệp trong những năm qua. Tuy nhiên, từ thời điểm
năm 2014, vai trò đó đã có những suy giảm nhất định (Phạm Mỹ Duyên,
2021). Sự phụ thuộc quá mức vào sinh kế nông nghiệp của đại đa số
nông dân ở ĐBSCL không phải là tín hiệu tốt cho năng lực thích ứng với
những cú sốc từ bên ngoài.
Thực tế trên cho thấy đa dạng hóa trong hoạt động là vấn đề cấp thiết,
đặc biệt trong bối cảnh những thách thức, rủi ro ngày càng lớn, khó ứng phó
và phục hồi. Nhiều nơi trong vùng ĐBSCL đang chuyển dịch theo hướng đa
dạng hoá các mô hình sản xuất từ việc độc canh cây lúa sang các hệ thống
canh tác kết hợp: ở An Giang, mô hình hai màu-một lúa cho thu nhập tốt
hơn độc canh hai vụ lúa mỗi năm; ở Cần Thơ và Sóc Trăng cũng đạt được
kết quả tương tự khi nông dân thực hiện mô hình kết hợp nuôi tôm/cá với
trồng lúa. Các hình thức đa dạng hóa này nhằm tăng hiệu quả sản xuất và sử
dụng hợp lý các nguồn lực (Phong et al., 2010).
Nhìn chung, các hoạt động đa dạng hóa sản xuất này chỉ hỗ trợ
nông hộ và hệ thống nông nghiệp ứng phó và chống chịu với tác động
của biến đổi khí hậu và khủng hoảng sinh thái. Nền nông nghiệp vẫn
mang hình thái đơn chức năng trong khi các yếu tố khách quan (dịch
bệnh, khủng hoảng…) đòi hỏi sự đa chức năng nhằm tạo ra khả năng
ứng phó và chống chịu.
3.2. Định hướng chuyển đổi nông nghiệp đa chức năng ở ĐBSCL
Nếu nền nông nghiệp đơn chức năng ở ĐBSCL chỉ tập trung sản xuất
lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lượng thực và phục vụ xuất
khẩu thì nông nghiệp đa chức năng được xác định bao gồm các chức
năng ngoài sản xuất lương thực thực phẩm như bảo vệ môi trường, định
cư nông thôn, bảo tồn văn hóa địa phương, chăm sóc sức khỏe, giải trí và
du lịch. Trong khuôn khổ bài viết, chức năng giải trí du lịch được định
hướng thông qua hình thức du lịch nông nghiệp vốn đã được phát triển ở
nhiều nơi trên Thế giới và đầy tiềm năng ở ĐBSCL. Việc phát triển chức
năng du lịch của nông nghiệp từ du lịch nông nghiệp còn tạo ra tương tác
đa chiều với các chức năng khác (xem Hình 2).

237
Hình 2. Định hướng chuyển đổi nông nghiệp đa chức năng ở ĐBSCL

Nguồn: Dương Trường Phúc, 2021

Thuật ngữ du lịch nông nghiệp thường được mô tả là các hoạt động du
lịch diễn ra tại trang trại hoặc không gian nông nghiệp (Choo, 2012;
Henderson, 2009; Kunasekaran et al., 2011) phục vụ cho mục đích giải trí,
thư giãn, chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn, giáo dục của du khách (Fleischer &
Tchetchik, 2005; Veeck et al., 2006) cũng như gia tăng thu nhập hoặc tăng
giá trị cho nông sản (Barbieri & Mahoney, 2009; Ollenburg & Buckley,
2007; Phillip et al., 2010).
Du lịch nông nghiệp đại diện cho một phân khúc mở rộng của kinh tế du
lịch ở nhiều điểm đến. Thông qua du lịch nông nghiệp có thể tìm lại các giá
trị nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh nền kinh tế được hiện đại hóa;
thúc đẩy các điều kiện kinh tế-xã hội của khu vực nông thôn, tăng cường giá
trị gia tăng của nông sản nhờ thị trường tại chỗ được tạo ra (Wicks &
Merrett, 2003). Các sản phẩm và hoạt động du lịch nông nghiệp phục vụ
cho những người tìm kiếm kinh nghiệm về nông nghiệp, lối sống và văn hóa
nông thôn đích thực (Kizos & Iosifides, 2007; Marsden, 1999b).
Mặc dù mối quan hệ giữa du lịch và nông nghiệp ở các nước đang phát
triển được xem là đa dạng và phức tạp nhưng mối liên kết cộng sinh này lại
chính là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn (Rogerson &
Rogerson, 2010) bởi vì loại hình này không nhất thiết đòi hỏi đầu tư quá
mức vào cơ sở hạ tầng, lao động và các phương tiện khác nên có thể ứng
phó với chi phí gia tăng của công nghệ và đầu vào nông nghiệp (Fisher,
2006; Ilbery, 1991; Nickerson et al., 2001).
Ở nhiều nước đang phát triển, du lịch nông nghiệp được thúc đẩy ở cấp
chính sách với mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân cùng với nâng cao nhận

238
thức về giá trị của nông nghiệp (Songkhla, 2012). Kinh nghiệm từ các nước
Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Indonesia cho thấy du lịch nông
nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng nông dân. Ở các nước này, du
lịch nông nghiệp đã trở thành một phần quan trọng của nông nghiệp và phát
triển nông thôn, chủ yếu tập trung vào cải thiện sinh kế của cộng đồng nông
nghiệp (Rambodagedara et al., 2015).
Về cơ bản có thể thấy du lịch nông nghiệp là một khái niệm lai được phát
triển dựa trên niềm tin về việc kết hợp hai ngành có thể giảm bớt các vấn đề
địa phương như thiếu hụt nhân lực du lịch và khó khăn thị trường nông sản
(Andereck & Vogt, 2000; Torres & Momsen, 2004). Việc liên kết nông
nghiệp và du lịch sẽ tạo ra tình huống cùng có lợi (win-win) cho cả hai lĩnh
vực. Việc phát triển du lịch nông nghiệp như một hoạt động du lịch thay thế
sẽ tích cực mở ra con đường cải thiện thu nhập cho nông dân, duy trì lối sống
nông thôn và tăng cường nhận thức và giữ gìn phong tục địa phương và các
đặc điểm văn hóa độc đáo của một khu vực, đặc biệt là liên quan đến sản xuất
thực phẩm (Everett & Aitchison, 2008; Ollenburg & Buckley, 2007; Turnock,
2002). Điều này sẽ dẫn đến tăng cường phát triển nông thôn bằng cách sử
dụng tối ưu nguồn tài nguyên nông nghiệp và nông thôn.
Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ tập trung vào
03 hướng bao gồm nông sản đặc trưng, tiểu vùng sinh thái và văn hóa tộc
người (xem Hình 3).
Hình 3. Chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL

Nguồn: Dương Trường Phúc, 2021

239
Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với nông sản đặc trưng là lúa, sen,
dừa, thốt nốt
Đối với lúa vốn là cây trồng phổ biến ở 13 tỉnh ĐBSCL nên việc lựa chọn
cây lúa trong phát triển du lịch nông nghiệp là giống lúa mùa nổi, lúa chiêm,
lúa ma… vốn có từ lâu đời, phương thức canh tác truyền thống, diện tích nhỏ
và sản lượng thấp nên có thể xây dựng các câu chuyện xoay quanh sản phẩm
thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đối với sen được trồng
nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, ngoài những giá trị dinh dưỡng còn mang giá
trị dược lý nên việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sen còn hỗ trợ chăm
sóc sức khỏe cho du lịch-cơ sở cho phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe
(wellness tourism). Đối với dừa vốn là cây trồng có diện tích lớn ở Bến Tre gắn
với văn hóa ẩm thực của các tộc người ở ĐBSCL-cơ sở cho phát triển du lịch
ẩm thực. Đối với thốt nốt là cây trồng tiêu biểu trong hệ thống sinh kế trồng cây
của tộc người Khmer, đây là loại cây trồng đa chức năng ngoài việc cho trái và
nước dùng để giải khát còn có thể chế biến thành đường thực phẩm, tinh dầu; lá
dùng để trang trí (tranh vẽ); thân gỗ dùng để chế tác hàng thủ công mỹ nghệ,
củi đốt và còn có thể trở thành địa điểm chụp ảnh ưa thích của du khách.
Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với tiểu vùng sinh thái là nước ngọt,
nước lợ và nước mặn
Đối với vùng sinh thái nước ngọt, đặc trưng tình trạng ngập lũ với danh
từ địa phương gọi là mùa nước nổi; trong khoảng thời gian này mực nước
dâng cao làm tạm dừng một số hoạt động nông nghiệp cơ bản nhưng lại tạo
cơ hội cho một số hoạt động khác như khai thác thủy sản (cá linh), hoa màu
(bông điên điển)… cùng với cảnh quan sông nước là những yếu tố hấp dẫn
du khách. Đối với vùng sinh thái nước lợ và nước mặn, ngoài các hoạt động
trồng lúa, hoa màu thường thấy ở vùng nước ngọt là những hoạt động đặc
trưng như nuôi tôm (trong ao, đầm, rừng ngập mặn), nuôi và khai thác sò,
nghêu trên những bãi bồi ven biển, ven sông… cũng trở nên hấp dẫn du
khách đến từ vùng nước ngọt, đô thị hay quốc tế.
Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa tộc người là Kinh, Hoa,
Chăm, Khmer
Những tộc người này quần cư và tiếp biến văn hóa lẫn nhau tạo nên
không gian văn hóa đa dạng ở ĐBSCL. Mặc dù vậy, mỗi tộc người có
những đặc trưng văn hóa sản xuất nông nghiệp rất riêng như người Chăm ở
An Giang thích trồng lúa và khai thác thủy sản; người Khmer thích dùng bò
làm sức kéo thay vì trâu… Phối hợp trong các hoạt động sản xuất của tộc
người là đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, tôn giáo, cư trú, ẩm thực, lễ hội…

240
vốn là tài nguyên quan trọng cho du lịch. Khai thác du lịch nông nghiệp tộc
người là khai thác văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của tộc người,
mang đến cho du khách kiến thức và trải nghiệm điền dã.
4. Kết luận
ĐBSCL đã có lịch sử phát triển từ rất lâu, đã thay đổi diện mạo rất
nhiều do tác động từ tự nhiên và nhân sinh. Nông nghiệp chính là hệ quả
của sự tương tác, ứng xử của cư dân đồng bằng với môi trường sông nước.
Trải qua hơn 30 năm phát triển, ngành nông nghiệp của cũng đã có những
thay đổi nhất định. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng sinh thái do nhiều yếu tố
như biến đổi khí hậu, khai thác quá mức tài nguyên đất, nước... đặt đồng
bằng vào tình thế dễ tổn thương. Các giải pháp ứng phó, chống chịu được
triển khai liên tục ở khu vực này chỉ mang đến lợi ích trong ngắn hạn. Bản
chất của vấn đề là tính chất đơn chức năng của hệ thống nông nghiệp, phụ
thuộc quá mức vào các điều kiện tự nhiên khó kiểm soát.
Sự tương tác giữa văn hóa các tộc người cư trú tại đồng bằng cùng với
cảnh quan của hệ thống nông nghiệp là những tiền đề quan trọng cho việc
chuyển đổi nông nghiệp từ đơn chức năng sang đa chức năng. Khai thác
chức năng giải trí, du lịch của nông nghiệp trong hình thức du lịch nông
nghiệp gắn với tiểu vùng sinh thái, nông sản đặc trưng, văn hóa tộc người là
những định hướng chuyển đổi nông nghiệp đa chức năng quan trọng. Việc
chuyển đổi này dự kiến cho thấy giá trị của nông nghiệp lớn hơn rất nhiều
so với trước đây; tạo ra năng lực thích ứng mạnh mẽ của hệ thống nông
nghiệp và nông hộ trong viễn cảnh nhiều bất trắc./.

Tài liệu tham khảo

[1] Adger, W. N., Huq, S., Brown, K., Conway, D., & Hulme, M. (2003).
Adaptation to Climate Change in the Developing World. Progress in Development
Studies, 3(3), 179–195.
[2] Bryant, R. L., & Wilson, G. A. (1998). Rethinking environmental
management. Progress in Human Geography, 22(3), 321–343.
[3] Choo, H. (2012). Agritourism: Development and Research. Journal of
Tourism Research & Hospitality, 1(2), 1–2.
[4] Clark, J. R. A. (2005). The “New Associationalism” in agriculture: Agro-
food diversification and multifunctional production logics. Journal of Economic
Geography, 5(4), 475–498.
[5] Evans, N., Morris, C., & Winter, M. (2002). Conceptualizing agriculture:
A ritique of post productivism as the new orthodoxy. Progress in Human
Geography, 26(3), 313–332.

241
[6] Far, S. T., & Rezaei-Moghaddam, K. (2019). Multifunctional agriculture:
An approach for entrepreneurship development of agricultural sector. Journal of
Global Entrepreneurship Research, 9(1), 1–23.
[7] Fisher, D. G. (2006). The Potential for Rural Heritage Tourism in the Clarence
Valley of Northern New South Wales. Australian Geographer, 37(3), 411–424.
[8] GSOV. (2020a). Diện tích và dân số phân theo địa phương. Niên giám
Thống kê 2019 (pp. 98). Hà Nội: Tổng cục Thống kê (GSOV).
[9] GSOV. (2020b). Diện tích và sản lượng lương thực có hạt phân theo địa
phương. Niên giám Thống kê 2019 (pp. 512, 514). Hà Nội: Tổng cục Thống kê
(GSOV).
[10] GSOV. (2020c). Diện tích và sản lượng thủy sản nuôi trồng phân theo
địa phương. Niên giám Thống kê 2019 (pp. 574, 586). Hà Nội: Tổng cục Thống kê
(GSOV).
[11] Holmes, J. (2006). Impulses towards a multifunctional transition in rural
Australia: Gaps in the research agenda. Journal of Rural Studies, 22(2), 142–160.
[12] Kizos, T., & Iosifides, T. (2007). The Contradictions of Agrotourism
Development in Greece: Evidence from Three Case Studies. South European
Society & Politics, 12(1), 59–77.
[13] Losch, B. (2004). Debating the multifunctionality of agriculture: From
trade negotiations to development policies by the south. Journal of Agrarian
Change, 4(3), 336–360.
[14] Lupi, C., Giaccio, V., Mastronardi, L., Giannelli, A., & Scardera, A.
(2017). Exploring the Features of Agritourism and its Contribution to Rural
Development in Italy. Land Use Policy, 2017(64), 383–390.
[15] Mannion, A. M. (1995). Agriculture and environmental change:
Temporal and spatial dimensions. London: Wiley.
[16] Maraseni, T. N., Mushtaq, S., & Maroulis, J. (2009). Greenhouse gas
emissions from rice farming inputs: A cross-country assessment. Journal of
Agricultural Science, 147(2), 117–126.
[17] MARD. (2012). Quy hoạch Nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến
năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hà Nội:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD).
[18] Marsden, T. (1999). Rural Futures: The Consumption Countryside and its
Regulation. Sociologia Ruralis, 39(4), 501–520.
[19] Marsden, T., Banks, J., & Bristow, G. (2002). The social management of
rural nature: Understanding agrarian-base rural development. Environmental and
Planning A: Economy and Space, 34(5), 809–825.
[20] Marsden, T., Murdoch, J., Lowe, P., Munton, R., & Flynn, A. (1993).
Constructing the Countryside. London: UCL Press.
[21] Marsden, T., & Sonnino, R. (2008). Rural development and regional
state: Denying multifunctional agriculture in UK. Journal of Rural Studies, 24(4),
422–431.
[22] Mazoyer, M., & Roudart, L. (2006). A history of world agriculture: From
the Neolithic to the current crisis. London: Earthscan.

242
[23] Ollenburg, C., & Buckley, R. (2007). Stated Economic and Social
Motivations of Farm Tourism Operators. Journal of Travel Research, 45(4), 444–452.
[24] Pettengell, C. (2010). Climate Change Adaptation: Enabling people
living in poverty to adapt. In Oxfam Policy and Practice: Climate Change and
Resilience. Oxfam International Research Report, UK: Oxfam. Retrieved from
Oxfam website: https://oxfamilibrary.openrepository.com/handle/10546/111978
[25] Phạm Mỹ Duyên. (2021). Vai trò của nông nghiệp đối với giảm nghèo
ĐBSCL. Tạp Chí Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, 2021(1+2), 235–242.
[26] Phillip, S., Hunter, C., & Blackstock, K. (2010). A Typology for Defining
Agritourism. Tourism Management, 31(6), 754–758.
[27] Phong, L. T., Van Dam, A. A., Udo, H. M. J., Van Mensvoort, M. E. F.,
Tri, L. Q., Steenstra, F. A., & Van der Zijpp, A. J. (2010). An agro-ecological
evaluation of aquaculture integration into farming systems of the Mekong Delta.
Agriculture, Ecosystems & Environment, 138(3–4), 232–241.
[28] Rambodagedara, R. M. M. H. K., Silva, D. A. C., & Perera, S. (2015).
Agro-Tourism Development in Farming Community: Opportunities and
Challenges. Hector Kobbekaduwa Agrarian Research and Training Institute.
[29] Rezaei-Moghaddam, K., Karami, E., & Gibson, J. (2005).
Conceptualizing sustainable agriculture: Iran as an illustrative case. Journal of
Sustainable Agriculture, 27(3), 25–56.
[30] Rogerson, C. M., & Rogerson, J. M. (2010). Local Economic
Development in Africa: Global Context and Research Directions. Development
Southern Africa, 27(4), 465–480.
[31] Rogerson, C. M., & Rogerson, J. M. (2014). Agritourism and Local
Economic Development in South Africa. Bulletin of Geography. Socio-Economic
Series, 26(26), 93–106.
[32] Songkhla, T. N. (2012). Impact of Agro-tourism on Local Agricultural
Occupation: A Case Study of Chang Klang District, Southern Thailand. ASEAN
Journal on Hospitality and Tourism, 11(2), 98–109.
[33] Torres, R., & Momsen, J. H. (2004). Challenges and Potential for Linking
Tourism and Agriculture to Achieve Pro-poor Tourism Objectives. Progress in
Development Studies, 4(4), 294–318.
[34] UNCED. (1992). Agenda 21: An Action Plan for the Next Century. New
York: United Nations Conference on Environment and Development (UNCED).
[35] Veeck, G., Che, D., & Veeck, A. (2006). America’s Changing
Farmscape: A Study of Agricultural Tourism in Michigan. The Professional
Geographer, 58(3), 235–248.
[36] WB. (2016). Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu
vào. Báo cáo Phát triển Việt Nam. Washington, D.C: Ngân hàng Thế giới (WB).
[37] Wicks, B. E., & Merrett, C. D. (2003). Agritourism: An Economic
Opportunity for Illinois. Rural Research Report, 14(9), 1–8.
[38] Wilson, G. A. (2007). Multifunctional agriculture: A transition theory
perspective. Wallingford: CAB International.

243

You might also like