You are on page 1of 2

Ý PHỤ VỀ RỪNG XÀ NU- NGUYỄN TRUNG THÀNH

1. Về nghệ thuật qua bức tranh thiên nhiên rừng xà nu:


Bút pháp miêu tả giàu chất sử thi và cảm hứng lãng mạn, bay bổng thể hiện một cái
nhìn khâm phục, trân trọng và ngưỡng vọng đối với cái cao cả; cảm hứng ngợi ca, tôn vinh cái
hùng, cái đẹp của thiên nhiên và con người. Với ngôn ngữ đậm chất sử thi nhưng cũng trữ tình,
đầy chất thơ, khi mạnh mẽ, hùng tráng khi tha thiết, tự hào; vừa lãng mạn bay bổng, trữ tình
sâu lắng... Mạnh mẽ, hùng tráng khi miêu tả, nhấn mạnh sự khốc liệt của chiến tranh; tha thiết,
tự hào khi miêu tả sức sống kì diệu của cây xà nu. Giọng văn đầy biểu cảm với những cụm từ
được lặp đi lặp lại gây cảm tưởng đoạn văn giống như một đoạn thơ trữ tình. Chất thơ và chất
sử thi hòa làm một thể hiện rõ phong cách văn xuôi Nguyễn Trung Thành: vừa say mê, vừa
trầm tư, vừa giỏi tạo hình vừa giàu tính khái quát.
Nghệ thuật xây dựng hình tượng nghệ thuật có vẻ đẹp lớn lao, kì vĩ. Khi miêu tả
rừng xà nu tác giả sử dụng kĩ thuật điện ảnh lúc miêu tả cận cảnh (cây xà nu non, bị thương),
lúc lùi xa (rừng xà nu chạt tít tắp), có lúc ống kính chao đảo (luồng ánh sáng thẳng tắp, long
lánh bụi vàng)… Phối hợp cảm nhận của nhiều giác quan trong việc miêu tả những cây xà nu
với vóc dáng đầy sức lực, tràn trề mùi nhựa thơm, ngời xanh dưới ánh nắng... Miêu tả cây xà
nu trong sự so sánh, đối chiếu thường xuyên với con người. Các hình thức nhân hóa, ẩn dụ,
tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hùng vĩ, khoáng đạt của thiên
nhiên đồng thời gợi nhiều suy tưởng sâu xa về con người, về đời sống. Đối lập giữa sự tàn
khốc của chiến tranh với sức sống của cây xà nu.
2. Vẻ đẹp của con người Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ
Qua nhân vật cụ Mết cũng như hệ thống nhân vật trong tác phẩm, chúng ta có thêm
nhiều hiểu biết về người Tây Nguyên và thực sự xúc động, trân trọng vẻ đẹp của con người ở
vùng đất đầy nắng gió và có âm vang của tiếng cồng tiếng chiêng ấy. Đó là những con người
anh hùng, có tâm hồn trong sáng, thủy chung; yêu quê hương, đất nước, căm thù giặc, gan góc
dũng cảm; sớm lí tưởng giác ngộ cách mạng, trung thành với Đảng, cách mạng và sẵn sàng
sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Họ đã phát huy truyền thống của dân tộc và là
lực lượng nòng cốt của cách mạng những năm kháng chiến chống Mĩ. Chính những con người
Tây Nguyên ấy đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp chiến đấu chung để giải phóng dân tộc
để đất nước được độc lập, thống nhất như ngày nay.
3. Nhận xét vẻ đẹp sử thi của nhân vật Tnú:
Sử thi là những áng văn tự sự (bằng văn vần hoặc văn xuôi), có quy mô hoành tráng, có
tính chất toàn dân và có ý nghĩa lớn lao trọng đại đối với cộng đồng, dân tộc, ca ngợi những
người anh hùng tiêu biểu cho phẩm chất và khát vọng của dân tộc. Qua hình tượng Tnú,
Nguyễn Trung Thành gợi ra được số phận và phẩm chất của cả cộng đồng trong cuộc chiến
đấu bảo vệ buôn làng thân yêu. Đó là tình cảm gắn bó thiết tha sâu nặng với quê hương đất
nước, với núi rừng Tây Nguyên, căm thù giặc sâu sắc, một lòng một dạ đi theo cách mạng,
không ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh, tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách mạng.
Đặc biệt, chi tiết bàn tay Tnú khi bị thiêu đốt bằng chính nhựa xà nu thành mười ngọn đuốc trở
thành biểu tượng đậm chất sử thi. Hai bàn tay đuốc lửa của Tnú đã châm ngòi cho phong trào
Đồng khởi của dân làng Xô Man vùng lên tiêu diệt bọn giặc tàn ác và trở thành biểu tượng của
khí phách Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thời đại ngày nay. Lời văn
khi thể hiện nhân vật rất giàu hình ảnh, giàu nhạc tính có nhịp điệu, với nhiều cấu trúc thành
trùng điệp, những hình ảnh tương phản có giọng điệu khi hào hùng khi tha thiết…
4. Nhận xét về tính sử thi trong tác phẩm “Rừng xà nu”
- Sử thi là những áng văn tự sự (bằng văn vần hoặc văn xuôi), có quy mô hoành tráng,
có tính chất toàn dân và có ý nghĩa lớn lao trọng đại đối với cộng đồng, dân tộc, ca ngợi những
người anh hùng tiêu biểu cho phẩm chất và khát vọng của dân tộc.
- Tính sử thi trong truyện ngắn “Rừng xà nu” được thể hiện ở các phương diện:
+ Nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm là lời kể tác giả kết hợp lời kể nhân vật nhưng
chủ yếu là lời nhân vật. Câu chuyện về cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xôman
được cụ Mết kể bên bếp lửa với giọng kể trang trọng như truyền cho các con cháu những trang
sử bi thương và hào hùng của cộng đồng. Cách trần thuật như vậy gợi nhớ cách kể các “khan”
(trường ca) của người dân tộc ở Tây Nguyên. Bên bếp lửa chung của dân làng các bài khan
được kể như hát suốt đêm, những trường ca đầy chất sử thi về lịch sử mang màu sắc huyền
thoại của bộ tộc, về những người anh hùng tiêu biểu cho sức mạnh, khát vọng của cộng đồng.
Trong “Rừng xà nu” câu chuyện cụ Mết kể cho dân làng nghe là câu chuyện của thời hiện tại
nhưng lại được kể như một câu chuyện lịch sử với giọng điệu, ngôn ngữ mang đậm tính sử thi.
+ Thiên nhiên trong “Rừng xà nu” thấm đẫm một cảm hứng sử thi và chất thơ hào hùng
thể hiện qua từng trang sách miêu tả về rừng xà nu. Mở đầu và kết thúc tác phẩm vẫn là rừng
xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời.
+ Bằng bút pháp sử thi, với những hình ảnh đặc tả giàu khả năng gợi cảm, nghệ thuật
xây dựng nhân vật đặc sắc, nhà văn xây dựng thành công hình tượng một tập thể anh hùng.
Những anh hùng được kể đến trong tác phẩm đều có tính đại diện cao, mang trong mình phẩm
chất của cả một dân tộc. Tập thể anh hùng trong Rừng xà nu là tập thể đa dạng về lứa tuổi và
giới tính. Mỗi gương mặt anh hùng đều có những nét riêng, thể hiện một số phận riêng. Tuy
nhiên, tất cả họ đều giống nhau ở những phẩm chất cơ bản: gan dạ, trung thực, một lòng một
dạ đi theo cách mạng, yêu núi nước, yêu buôn làng, quyết tâm đánh giặc đến cùng.
+ Giọng văn mang âm hưởng vang dội như tiếng cồng tiếng chiêng của đất rừng Tây
Nguyên đại ngàn hùng vĩ. Giọng văn đó ẩn chứa chất liệu làm nên tính sử thi hoàng tráng của
tác phẩm. Giọng văn ấy cũng thấm đượm trong việc miêu tả thiên nhiên, khiến cho hình ảnh
rừng xà nu bỗng thổi tới trong lòng người đọc một cảm giác say sưa.
+ Kết cấu truyện theo lối vòng tròn hay còn gọi là đầu cuối tương ứng. Chính kết cấu đó
tạo nên dư âm hùng tráng đặc biệt. Lối kết cấu này như cái khung bền vững để nhà văn khai
triển câu truyện. Câu truyện mở ra bằng hình ảnh rừng xà nu được đặc tả kỹ lưỡng và sắc nét.
Cuối tác phẩm rừng xà nu cũng xuất hiện để khép lại câu truyện. Đây là lối kết cấu vừa đóng
vừa mở. Câu chuyện đóng lại để mở một câu truyện khác. Điều này làm chúng ta tưởng tượng
đây chỉ là một chương trong lịch sử ngàn đời của người Xô man, chỉ là một chương trong bản
anh hùng ca vô tận của Tây Nguyên.

You might also like