You are on page 1of 9

Quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

a. Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn có trước kết quả về
mặt thời gian. Tuy nhiên, không phải mọi sự nối tiếp nhau về thời gian đều là
quan hệ nhân quả.
Ví dụ, ngày và đêm không phải là nguyên nhân của nhau. Sấm và chớp không phải
nguyên nhân của nhau. Muốn phân biệt nguyên nhân và kết quả thì phải tìm ở
quan hệ sản sinh, tức là cái nào sinh ra cái nào.

Một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều kết quả khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện
cụ thể, ví dụ: gạo và nước đun sôi có thể thành cơm, cháo, v.v phụ thuộc vào
nhiệt độ, mức nước, v.v.

Ngược lại, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ: sức khoẻ của
chúng ta tốt do luyện tập thể dục, do ăn uống điều độ, do chăm sóc y tế tốt v.v
chứ không chỉ một nguyên nhân nào.

b. Trong những điều kiện nhất định, nguyên nhân và kết quả có thể chuyển hoá
lẫn nhau. Nghĩa là cái trong quan hệ này được coi là nguyên nhân thì trong quan
hệ khác có thể là kết quả. Ví dụ, chăm chỉ làm việc là nguyên nhân của thu nhập
cao. Thu nhập cao lại là nguyên nhân để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho
bản thân.

Kết quả, sau khi xuất hiện lại tác động trở lại nguyên nhân (hoặc thúc đẩy nguyên
nhân tác động theo hướng tích cực, hoặc ngược lại). Ví dụ, nghèo đói, thất học
làm gia tăng dân số, đến lượt nó, gia tăng dân số lại làm tăng nghèo đói, thất học,
v.v.

A. ĐẶT VẤN ĐỀ:


Để suy nghĩ và trao đổi tư tưởng cho nhau con người thường phải sử dụng những
khái niệm nhất định như “cái bàn”, “cái ghế”, “con người” Tùy theo mức độ bao
quát của khái niệm mà chúng ta có các khái niệm rộng hay hẹp khác nhau. Trong
đó, phạm trù là khái niệm rộng nhất phản ánh những mặt, những thuộc tính,
những mối liên hệ chung, cơ bản nhất của các sự vật và hiện tượng thuộc một lĩnh
vực nhất định. Các phạm trù là kết quả quá trình nhận thức của con người, là hình
ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Thế giới khách quan không chỉ tồn tại độc
lập với ý thức của con người mà còn luôn vận động, phát triển, chuyển hóa lẫn
nhau. Phép biện chứng duy vật đã khái quát những mối liên hệ phổ biến nhất vào
sáu cặp phạm trù cơ bản. Sau đây, chúng tôi xin làm rõ cặp phạm trù nguyên nhân
kết quả qua một số tình huống thực tiễn.

B. NỘI DUNG CHI TIẾT:


I, LÝ THUYẾT CHUNG:
1.Cặp phạm trù nguyên nhân kết quả:
Nguyên nhân là phạm trù chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật
hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó.
Kết quả là những biến đổi xuất hiện do sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong
một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra.
Ví dụ: Đô thị hóa dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Trong đó,
chất thải công nghiệp độc hại là nguyên nhân còn ô nhiễm môi trường là kết quả.
2. Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả:
Mối quan hệ nhân quả có tính khách quan, tính khách quan này quy định mối
quan hệ nhân quả dựa trên lập trường duy vật.
Do tính phổ biến của mối liên hệ nhân quả nên một nguyên nhân có thể sinh ra
nhiều kết quả và một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân tạo ra. Ta có thể lấy ví
dụ trên thực tế như: nguyên nhân làm bầu ôzôn bị thủng ảnh hưởng đến sức
khỏe và sự tồn tại của loài người. Nhưng kết quả của sự ô nhiễm môi trường cũng
do nhiều nguyên nhân gây nên: đó là do con người, do công nghiệp, chất độc hại,
và chính những nguyên nhân này lại gây nên nhiều kết quả khác Nhiều nguyên
nhân nhưng chỉ gây ra một kết quả. Do vậy muốn có được một kết quả tốt thì
phải biết phát hiện các nguyên nhân, phải biết hạn chế những tác động của
nguyên nhân ngược chiều, tạo điều kiện cho nguyên nhân cùng chiều; phải chú
trọng đến nguyên nhân chủ yếu , nguyên nhân bên trong. Chẳng hạn: trong quá
trình bảo vệ môi trường như hiện nay, nếu mọi người cùng có ý thức bảo vệ thì
hiệu quả sẽ tăng lên gấp bội. Nhưng thực tế có không ít nguyên nhân tác động
ngược chiều làm hạn chế hoặc triệt tiêu kết quả dự định. Có thể thấy điều này
thông qua quá trình thực hiện dự án bảo vệ môi trường: một số cán bộ được giao
nhiệm vụ thực hiện dự án nhưng họ đã lợi dụng tham nhũng của công
Khi xác định một mối liên hệ nhân quả cụ thể trong một thời gian nào đó nguyên
nhân có trước kết quả vì chỉ có tác động lẫn nhau mới gây ra sự biến đổi. Nhưng
khi xét cả quá trình mối liên hệ nhân quả thì ta thấy có thể chuyển đổi vị trí cho
nhau một cách biện chứng.
Ví dụ: Bảo vệ môi trường tốt và mọi người có ý thức giữ gìn môi trường tốt thì kết
quả là môi trường trong sạch và là nguyên nhân của sự phát triển kinh tế đất
nước bền vững, sức khỏe của mọi người được bảo vệ tốt hơn, đời sống của nhân
dân được cải thiện.
Nói tóm lại, chúng luôn có mối liên hệ phổ biến với nhau tác động qua lại, quy
định sự thâm nhập và chuyển hóa lẫn nhau của sự vật hiện tượng, quá trình.
3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu cặp phạm trù này:
Mối liên hệ nhân quả là mối liên hệ có tính khách quan và tính phổ biến mà
quy luật con người có thể nhận thức, vận dụng nó để đạt được mục đích của
mình, tạo điều kiện cho nguyên nhân đi đến kết quả và ngược lại, đồng thời hạn
chế hoặc triệt tiêu những nguyên nhân, những điều kiện sinh ra hiện tượng xấu.
Cải tạo sự vật hay xóa bỏ sự vật chính là cải tạo hay xóa bỏ nguyên nhân sinh ra
nó.
Mỗi sự vật, hiện tượng có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra. Những nguyên nhân
này có vị trí rất khác nhau trong việc hình thành kết quả. Vì vậy, trong hoạt động
thực tiễn chúng ta cần phải phân loại, xác định vai trò, vị trí của từng loại nguyên
nhân để có những biện pháp giải quyết đúng đắn.
Tìm nguyên nhân xuất hiện của một hiện tượng nào đó, phải tìm trong chính hiện
tượng đó và phải tìm những sự tác động của các mặt, các mối liên hệ có trước đó.
II, TÌNH HUỐNG.
1. Thực trạng môi trường:
Ngày 13 tháng 9 năm 2008, sau hơn ba tháng mật phục, các cơ quan chức năng
mới bắt được hành vi xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải của Công ty
Vedan Việt Nam.
Công ty Vedan được xây dựng trên diện tích hơn 120ha với nhiều hạng mục gồm:
nhà máy Xút- clo, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột biến đổi, nhà máy Lysine,
ba hệ thống xử lý rác thải, hồ chứa nước cho sản xuất . Hoạt động thải chất thải
của Vêdan đã diễn ra trong suốt 14 năm từ năm 1994 nhưng phải đến năm 2008
hành động này của Vedan mới bị lực lượng cảnh sát bảo vệ môi trường phát hiện.
Trong suốt 14 năm, Vêdan đã thải một lượng khổng lồ chất độc hại ra sông Thị
Vải. Trung bình mỗi ngày sông Thị Vải phải tiếp nhận khoảng 5000 m3 chất thải
độc hại từ các nhà máy của Vêdan. Lượng chất thải mà Vêdan thải ra cao hơn ít
nhất 10 lần so với cho phép. Chính lượng chất thải từ công ty Vêdan là nguyên
nhân trực tiếp gây ra sự ô nhiễm cho dòng sông Thị Vải. Việc trốn chính quyền và
cơ quan chức năng để thải chất thải đã giúp Vedan tiết kiệm hàng chục tỉ đồng mà
nếu xử lí nước thải từ các nhà máy Vêdan sẽ phải chi ra để thực hiện.
Trước hết ta đi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước
trên sông Thị Vải.
14 năm qua, Vedan đã thành công khi qua mắt được các cơ quan chức năng để
thực hiện hành động của mình mà không hề bị phát hiện? Đã từng rất nhiều lần
người dân khu vực Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh lên tiếng phản ánh với các cơ quan
chức năng nhưng mãi không thấy giải quyết. Vậy đâu là nguyên nhân? Sự lơ là của
cơ quan chức năng hay “ không thể bắt tận tay” trong 14 năm? Chính thái độ lơ là
trong quản lý cũng như thiếu chặt chẽ trong điều tra đã gián tiếp gây ra “cái chết”
cho sông Thị Vải.
Từ trên ta thấy, sự ô nhiễm của sông Thị Vải là do nhiều nguyên nhân khác nhau
với mức độ tác động khác nhau. Dù trực tiếp hay gián tiếp thì sông Thị Vải cũng
phải rất lâu mới có thể được làm sạch.
Sự ô nhiễm trên sông Thị Vải là kết quả của hành động thải chất thải độc hại chưa
qua xử lý của công ty Vedan cũng như thái độ lơ là của các cơ quan chức năng.
Nhưng cũng chính sự ô nhiễm này lại gây ra hàng loạt những hậu quả khác.
Lượng chất thải độc hại trong dòng sông Thị Vải khiến cho môi trường sống ở đây
trở thành môi trường chết với tất cả các loài sinh vật sống dưới nước. Theo người
dân sống nhờ nuôi trồng tôm cá ven sông thì “nuôi tôm tôm chết, thả cá cá nổi”,
khiến kinh tế của người dân trở nên khó khăn.
Lượng chất độc hại quá lớn thải ra không chỉ làm nước sông ô nhiễm mà còn
ngấm vào nguồn nước ngầm làm nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm độc trầm
trọng.
Không chỉ ảnh hưởng đến người dân quanh lưu vực sông Thị Vải, các doanh
nghiệp Việt Nam cũng phải lên tiếng. Hoạt động của các doanh nghiệp này bị đình
trệ. đặt hàng tại nước ngoài nhưng tàu chở hàng của nước ngoài không chịu đi
vào Thị Vải vì sợ tàu bị ăn mòn Đặc biệt là đơn của công ty Cầu cảng Đồng Nai,
theo đó thì do tình trạng ô nhiễm của dòng sông Thị Vải, các cầu cảng và tài sản
do công ty xây dựng bị hao mòn rất nhanh do ô nhiễm xâm nhập vào bêtông, sắt
thép làm giảm tuổi thọ cầu cảng khiến công ty thương xuyên phải sửa chữa gây
nhiều tốn kém. Đồng thời mùi hôi thối từ dòng nước ô nhiễm gây khó chịu cho
người lao động, không những thế còn khiến lượng lớn công nhân nhân viên bị
viêm xoang, viêm mũi sức khoẻ giảm sút dẫn đến tình trạng đau ốm liên tục.
Có thể thấy, chỉ với 1 nguyên nhân là ô nhiễm môi trường sông Thị Vải đã dẫn đến
rất nhiều hậu quả khác nhau.
Sự ô nhiễm trên sông Thị Vải nói riêng và tình trạng ô nhiễm môi trường nói
chung đang là vấn đề nhức nhối cần được cả cộng đồng quan tâm đúng mức. Các
cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn và phục
hồi. Tuy nhiên, các biện pháp này có phần thiếu hiệu quả. Chúng tôi xin đưa ra
một vài ý kiến:
- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của mọi người.
- Bổ sung chính sách thu thuế, quỹ môi trường, chính sách áp dụng công
nghệ sạch hơn, ít chất thải, công nghệ xử lý chất thải.
- Tăng cường biện pháp cưỡng chế tài chính đối với hành vi không tuân thủ bảo vệ
môi trường.
Tóm lại, nguyên nhân sâu xa của tình trạng ô nhiễm môi trường là do ý thức của
con người. Vì vậy trong hoạt động nhận thức và thực tiễn, chúng ta phải có cái
nhìn toàn diện và cụ thể để đưa ra những biện pháp thiết thực để bảo vệ môi
trường.
2. Quan niệm sống của giới trẻ hiện nay “Sống thử”:
Nữ sinh viên T.T.A quê ở Thái Bình, sau khi đỗ đại học Đông Đô đã ra Hà Nội bắt
đầu cuộc sống sinh viên. Những năm đầu trôi qua tốt đẹp. Đến năm thứ 3, A gặp
phải những khó khăn về cả vật chất và tinh thần. Khi đó A đã gặp và yêu T, T học
cùng trường và hơn A 2 tuổi, yêu nhau được 2 tháng T đã rủ A sống thử. Đúng 3
tháng sau 2 người đã chia tay vì lý do không hợp nhau. Sau khi tốt nghiệp, A đã
kết hôn cùng N là người cùng quê. Cưới nhau được 8 tháng nhưng vẫn chưa có
con. A đi khám và biết mình bị vô sinh do đã uống thuốc tráng thai quá liều (trong
thời sinh viên). Cuộc sống gia đình A hoàn toàn sụp đổ.
Trong tình huống trên, 1 chuỗi sự kiện được nêu ra: Do hoàn cảnh đưa đẩy, A đã
sống thử dẫn đến sau này bị vô sinh và gia đình đổ vỡ. Các sự kiện nối tiếp nhau
về mặt thời gian và có mối quan hệ nhân - quả với nhau. Sự kiện sau chính là kết
quả của sự kiện trước và sự kiện trước chính là nguyên nhân dẫn đến sự kiện sau,
cụ thể:
Sự kiện A sống thử là do nguyên nhân: xuất phát từ bản thân 2 người về tâm lý tò
mò, tư tưởng phóng túng, ham muốn bản thân nên đã đẩy A vào lối sống thử.
Bên cạnh đó có thể nói hoàn cảnh bên ngoài cũng là những điều kiện dẫn đến hậu
quả trên, chẳng hạn như A sống xa gia đình, thiếu đi sự quản lý, quan tâm, chăm
sóc của bố mẹ; hoàn cảnh gia đình A tương đối khó khăn không đủ khả năng chu
cấp tiền ăn học đầy đủ cho A gây nên những thiếu thốn về vật chất. Trong hoàn
cảnh đó, A lại bắt gặp trào lưu sống thử của sinh viên mà chính bạn bè A cũng
đang “ thử” Với những điều kiện ngoại cảnh đó tác động như thế, A đã sa vào lối
sổng thử.
Để biện hộ cho hành vi đó, A lấy cớ là vì A đang thiếu thốn về tình cảm lẫn vật
chất. Khi yêu T, T chính là chỗ dựa duy nhất của A về mặt tinh thần, mặt khác T
cũng lo cho A được một phần kinh phí học hành và chỗ ăn, chỗ ở.
Hậu quả của những nguyên nhân nêu trên đó là A đã quyết định sống thử với T.
Với tình huống này ta thấy mối quan hệ sản sinh thể hiện rất rõ ở chỗ một sự kiện
vừa có thể là nguyên nhân, vừa có thể là kết quả: sống thử - hậu quả của những
suy nghĩ phóng túng, lập trường không vững vàng; sống thử - nguyên nhân của
việc A bị vô sinh, cuộc sống gia đình không hạnh phúc.
Mở rộng hơn, việc A bị vô sinh, cuộc sống gia đình không hạnh phúc cũng có thể
là nguyên nhân của những hậu quả khác như A bị xã hội dị nghị, dèm pha, A gặp
phải những mặc cảm cắn rứt, hối hận về một thời sinh viên bồng bột thiếu suy
nghĩ
Lật lại vấn đề, câu hỏi đặt ra đó là tại sao trong giới trẻ hiện nay lại muốn sông
thử? Bên cạnh những lí do đã nêu ra trong tình huống của T.T.A còn có một số
nguyên nhân khác như khi sinh viên quyết định sống thử họ chỉ thấy được một số
cái lợi trước mắt: tiết kiệm chi phí ăn ở, chứng tỏ tình yêu đôi lứa, có chỗ dựa về
tinh thần và kinh tế nhưng họ không thể nhận ra được hậu quả mà việc sống thử
để lại.
Trong xã hội mang đậm nét Á Đông như Việt Nam thì lối sống thử không được
chấp nhận. Trào lưu sống thử từ phương Tây đã xâm nhập sang Việt Nam song
giới trẻ của Việt Nam lại tiếp thu nó một cách không có chọn lọc. Vì vậy, khi du
nhập một phong cách sống mới ta nên có sự chọn lọc, đào thải sao cho phù hợp
với môi trường sống của mình.
Trở lại với tình huống của T.T.A ta thấy việc sống thử đã đem lại những hậu quả
tiêu cực. Hay nói cách khác, nếu A không sống thử A đã không gặp phải những
hậu quả trong cuộc sống gia đình sau này.
Nhìn chung, hầu hết các trường hợp sống thử đều đưa lại những hậu quả xấu. Tuy
nhiên không phải ai cũng ý thức được điều đó. Theo khảo sát của Viện Khoa học
xã hội TP HCM và TW Đoàn thanh niên cộng sản HCM thì tại năm trường Đại học
của TP HCM và ba trường Đại học của Hà Nội chỉ có khoảng 28,9% sinh viên phản
đối việc sống thử, còn phần đông cho rằng sống thử là không xấu. Như vậy ta cần
phải có những giải pháp để chỉnh đốn những suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ hiện
nay (Giáo dục, tuyên truyền, )
3. Vấn nạn giao thông:
Hàng trăm nghìn người ùn ùn đổ về xem pháo hoa bế mạc đại lễ 1000 năm Thăng
Long khiến các tuyến đường quanh khu vực Mỹ Đình ùn tắc nghiêm trọng từ 15h
chiều ngày 10/10 cho tới 2h sáng ngày 11/10/2010, nhiều người còn bị ngất xỉu.
Với tình huống trên, nguyên nhân cơ bản là do người và phương tiện lưu thông
quá tải, dẫn đến hậu quả tắc nghẽn giao thông.
Như chúng ta đã biết, đại lễ 1000 năm Thăng Long là một sự kiện quan trọng của
đất nước. Không những người dân trên khắp cả nước mà còn có cả du khách từ
nhiều nước đều hướng về thủ đô. Trong không khí tưng bừng của đại lễ, Nhà
nước ta đã tổ chức nhiều chương trình, nhiều hoạt động góp phần làm đa dạng
thêm bản sắc dân tộc, thể hiện một đất nước phát triển. Một trong những
chương trình khiến mọi người quan tâm nhất đó là hoạt động bắn pháo hoa trong
buổi bế mạc của đại lễ vào ngày 10/10/2010 tại sân vận động Mỹ Đình. Tại địa
điểm này còn tổ chức văn nghệ và các hoạt động khác. Chính những chương trình
này đã thu hút mọi người tập trung tại sân vận động Mỹ Đình. Đây là điều kiện tác
động thêm vào nguyên nhân để dẫn đến hậu quả.
Nguyên cớ của tình huống: Đó là sự tò mò, sở thích của cá nhân, muốn tìm hiểu
về nền văn hóa Việt Nam hay chạy theo tính phổ biến của xã hội, .
Một chuỗi nguyên nhân diễn ra kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt kết quả. Nếu
đại lễ 1000 năm Thăng Long không tổ chức bắn pháo hoa hoặc bắn pháo hoa tại
nhiều điểm thì sẽ không tập trung đông ở Mỹ Đình, từ đó cũng không dẫn đến tắc
đường , không gây cho nhiều người bị ngất xỉu. Qua đó, ta thấy nguyên nhân bao
giờ cũng có trước kết quả và kết quả bao giờ cũng xuất hiện sau nguyên nhân.
Trong tình huống trên có nhiều nguyên nhân dẫn đến tắc đường: Nguyên nhân
sâu xa là do đại lễ tổ chức chương trình bắn pháo hoa, còn nguyên nhân trực tiếp
do phương tiện giao thông qua lại quá nhiều. Ngoài ra còn do ý thức con người
tham gia giao thông quá kém, sự chen lấn, xô đẩy của họ cũng gây không ít khó
khăn cho việc đi lại, do sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, đường sá thì chật chội trong
khi đó số lượng phương tiện giao thông thì quá nhiều Tuy nhiên, chúng ta phải
phân loại nguyên nhân, chỉ ra nguyên nhân cốt lõi để tìm biện pháp khắc phục.
Trong trường hợp này nguyên nhân chính đó là do người và phương tiện lưu
thông quá tải.
Từ việc con người và phương tiện giao thông qua lại quá nhiều dẫn đến nhiều kết
quả: tắc nghẽn giao thông; tai nạn; sự vô ý thức chen lấn, xô đẩy nhau gây thiệt
hại cơ sở vật chất của đường phố như phá hoại các hàng rào giao thông, tiếng ồn
của phương tiện giao thông gây khó chịu cho người dân sống xung quanh Vậy một
nguyên nhân có thể gây ra nhiều hậu quả.
Hàng trăm nghìn người đổ dồn vào sân vận động Mỹ Đình gây tắc nghẽn giao
thông. Nhưng tắc nghẽn giao thông lại làm cho nhiều người khó chịu và họ có thể
quay trở về. Từ đó, giảm số lượng người xem pháo hoa. Qua đó, ta hiểu thêm một
mối quan hệ: Kết quả tác động trở lại nguyên nhân.
Trong mối quan hệ này thì bắn pháo hoa là nguyên nhân còn kết quả là tắc đường
nhưng đặt trong mối quan hệ khác việc tắc đường là nguyên nhân dẫn đến hậu
quả có nhiều người bị ngất xỉu. Như vậy, nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi
vị trí cho nhau.
Tình trạng tắc nghẽn giao thông trong ngày bế mạc của đại lễ ở sân vận động Mỹ
Đình là một đỉnh cao. Tuy nhiên, xét trên phạm vi cả nước tình trạng tắc nghẽn
giao thông xảy ra liên tục trong các thành phố lớn, phổ biến nhất là Hà Nội và TP.
Hồ Chí Minh. Trước thực trạng như vậy, nhà nước phải đưa ra các biện pháp thích
hợp nhằm khắc phục hậu quả. Sau đây chúng tôi xin đưa ra một số biện pháp:
- Trong quy hoạch tổng thể dài hạn của các đô thị nên chú ý phân bổ các khu công
nghiệp, thương nghiệp, các tổ chức hành chính, trường học, bệnh viện, một cách
hợp lý và dãn dần ra khỏi các khu trung tâm , các khu phố cổ.
- Xây dựng mới và cải tạo các hệ thống đường giao thông cũ có tính toán hợp lý
đến quy hoạch tổng thể dài hạn của đô thị. Việc này sẽ làm giảm mật độ giao
thông nhưng đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn.
- Phát triển các loại hình phương tiện giao thông công cộng (xe buýt,
tàu điện ngầm, ) cũng như phân phân phối số lượng phương tiện cho mỗi tuyến
và số lượng điểm dừng, điểm đỗ một cách hợp lý để người sử dụng các phương
tiện giao thông công cộng có nhiều tiện lợi hơn.
Tóm lại, vấn đề tắc nghẽn giao thông đã và đang là một vấn đề có ảnh hưởng
nghiêm trọng trong cả nước. Vì vậy, mọi công dân và những người có chức trách
cần phải quan tâm nhiều hơn.
C. KẾT LUẬN:
Cặp phạm trù nguyên nhân kết quả xuất hiện rất phổ biến xung quanh cuộc sống
của chúng ta. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cần có cái nhìn toàn
diện, cụ thể từng sự vật, hiện tượng để có cách giải quyết cho phù hợp.

Nguồn: http://www.kilobooks.com/threads/153511-làm-rõ-cặp-phạm-trù-
nguyên-nhân-kết-quả-qua-một-số-tình-
huống?s=a3de18dcbbd191c6cdeb8803650f92f5#ixzz2jvye8RVA
Thư Viện Điện Tử www.KILOBOOKS.com

You might also like