You are on page 1of 33

CHƯƠNG 4

 
SỰ KHÁC BIỆT VỀ VĂN HOÁ*

MỤC TIÊU HỌC PHẦN

Sau khi đọc xong chương này, bạn có thể:

LO1 Giải thích thế nào là văn hoá xã hội


LO2 Nhận biết các tác nhân dẫn đến sự khác biệt trong văn hoá xã hội
LO3 Nhận biết ý nghĩa của sự khác biệt văn hoá đối với nền kinh tế và hoạt động kinh doanh
LO4 Nhận biết mức độ ảnh hưởng của sự khác biệt văn hoá xã hội đến giá trị tại nơi làm
việc.
LO5 Nhận thức ý nghĩa của sự thay đổi văn hoá đối với nền kinh tế và hoạt động kinh
doanh.

Lời mở đầu

Ở Chương 2 và Chương 3, ta đã nhận thức được những khác biệt trong hệ thống kinh tế,
chính trị, và pháp lý ảnh hưởng thế nào đến lợi ích, chi phí và rủi ro của việc kinh doanh giữa
các quốc gia. Trong chương này, ta sẽ tìm hiểu sự khác biệt trong văn hoá xuyên quốc gia
hay trong cùng một quốc gia ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh quốc tế. Có một
vài chủ đề sẽ được thảo luận ở chương này. Đầu tiên là sự thành công trong kinh doanh ở các
quốc gia khác nhau đòi hỏi kỹ năng hiểu biết sự khác biệt về văn hoá. Kỹ năng hiểu biết sự
khác biệt về văn hoá là hiểu được sự khác biệt về văn hoá xuyên quốc gia và trong cùng một
quốc gia có thể ảnh hưởng thế nào đến cách thức kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối
cảnh truyền thông toàn cầu, phương tiện vận tải nhanh chóng, thi trường rộng khắp thế giới,
và các thương hiệu phổ biến trên toàn cầu như ngày nay, kỷ nguyên của ngôi làng toàn cầu
dường như chỉ xoay quanh một góc nhỏ, điều đó khiến ta dễ dàng quên đi sự khác biệt về
văn hoá thật sự là như thế nào. Dưới vẻ ngoài hiện đại, thật ra sự khác biệt về văn hoá vẫn
còn tồn tại sâu sắc.
Ví dụ, nhiều người dân Ả Rập Xê-út đang sở hữu ngày càng nhiều các sản phẩm vật
chất của xã hội hiện đại. Đặc biệt là các thành phố Saudi dường như rất hiện đại với các toà
cao ốc văn phòng, cửa hàng, trung tâm mua sắm, và đường cao tốc. Tuy nhiên, dưới vẻ ngoài
hiện đại theo phong cách phương Tây, các giá trị văn hoá lâu đời bắt nguồn từ truyền thống
của những người Ả Rập du cư và chủ nghĩa Wahhab hà khắc của Hồi giáo vẫn có những ảnh
hưởng sâu sắc trong xã hội. Các nhà quản lý ngoại quốc ở Ả rập Xê-út cần nhận thức về
những truyền thống này và cách chúng tác động đến quá trình kinh doanh ở đây. Từ ví dụ
trên, ta sẽ thảo luận trong chương này tầm quan trọng của việc các nhà quản lý nước ngoài
cần có sự biểu biết về văn hoá thịnh hành trong những quốc gia mà họ kinh doanh và để
thành công thì doanh nghiệp nước ngoài cần phải thích nghi với nền văn hoá của nước chủ
nhà.
Một chủ đề khác được đề cập ở chương này là mối quan hệ giữa văn hoá và chi phí
kinh doanh ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ. Các nền văn hóa khác nhau có thể hỗ trợ ít
hoặc nhiều cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và có thể làm tăng hoặc giảm chi phí
kinh doanh. Ví dụ, một số nhà quan sát cho rằng các yếu tố văn hóa đã làm giảm chi phí kinh
doanh ở Nhật Bản và giải thích cho việc đi lên nhanh chóng của nền kinh tế Nhật Bản trong
                                                                                                               
*
Nội dung của chương này được dịch bởi Ngô Thanh Trà từ chương 4, sách International Business (9th ed) của tác giả
Charles W.L. Hill. Phần dịch này được dùng để làm tài liệu tham khảo hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy, không dùng cho
mục đích kinh doanh hay thương mại.

1
những năm 1960, 1970 và 1980. Tương tự như vậy, các yếu tố văn hóa đôi khi có thể làm
tăng chi phí kinh doanh. Trong lịch sử, sự phân chia giai cấp là một đặc điểm quan trọng của
nền văn hóa Anh, và trong suốt một thời gian dài, các công ty hoạt động tại Vương quốc Anh
rất khó khăn để có được sự hợp tác giữa tầng lớp quản trị và người lao động. Sự phân chia
giai cấp dẫn đến mức độ xung đột cao ở đất nước này suốt những năm 1960 và 1970, làm
tăng chi phí kinh doanh cao hơn so với các nước khác như Thụy Sĩ, Na Uy, Đức, Nhật Bản,
nơi mà mâu thuẫn giai cấp là ít phổ biến trong lịch sử.
Tuy nhiên, ví dụ về người Anh mang đến cho chúng ta một chủ đề khác sẽ được tìm
hiểu trong chương này. Văn hóa không phải là một khái niệm tĩnh. Nó có thể phát triển, mặc
dù tốc độ thay đổi văn hoá lại là một câu chuyện khác. Các khía cạnh quan trọng của văn hóa
Anh đã thay đổi đáng kể trong hơn 30 năm qua, và điều này được phản ánh trong việc phân
biệt giai cấp không còn sâu sắc và các cuộc tranh chấp trong công nghiệp cũng giảm đi. Từ
giữa những năm 1995 đến năm 2005, số ngày làm việc bị mất trên 1.000 công nhân do các
cuộc đình công ở Vương quốc Anh trung bình là 28 ngày một năm, ít hơn đáng kể so với Mỹ
(33 ngày), Ireland (81 ngày), và Canada (168 ngày). Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý là
chính các công ty đa quốc gia có thể là động lực cho sự thay đổi văn hóa. Tại Ấn Độ là một
ví dụ, McDonald và các công ty kinh doanh thức ăn nhanh phương Tây có thể làm thay đổi
văn hóa ẩm thực của quốc gia này, lôi kéo họ ra khỏi những nhà hàng truyền thống và hướng
tới các cửa hàng thức ăn nhanh.

Văn hoá là gì? LO1

Các học giả chưa bao giờ thống nhất với nhau về một định nghĩa đơn giản về văn hóa. Trong
những năm 1870, nhà nhân chủng học Edward Tylor đã định nghĩa văn hóa là “một phức hệ
bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập quán, và năng lực khác
của con người khi là một thành viên của xã hội”. Kể từ đó, hàng trăm định nghĩa khác về văn
hoá đã được đưa ra. Geert Hofstede, một chuyên gia trong lĩnh vực khác biệt văn hóa và
quản trị, định nghĩa văn hóa là “những chương trình có tính chất tập thể đã tồn tại sẵn trong
tư tưởng để phân biệt thành viên của một nhóm người này với một nhóm người khác... Văn
hóa, theo nghĩa này, bao gồm hệ thống các giá trị; và giá trị là một trong những khối xây
dựng nên văn hóa”. Một định nghĩa khác về văn hóa của nhà xã hội học Zvi Namenwirth và
Robert Weber cho rằng, văn hóa là một hệ thống các quan niệm và những quan niệm này cấu
thành nên lối sống.
Ở đây chúng ta sẽ kết hợp cả Hofstede, Namenwirth và Weber bằng cách xem văn hoá
là một hệ thống các giá trị và chuẩn mực được một cộng đồng người cùng chia sẻ và khi kết
hợp lại sẽ tạo nên lối sống. Giá trị là ý niệm trừu tượng về những gì mà cộng đồng cho là tốt
đẹp, là đúng đắn và khát khao có được. Nói cách khác, giá trị là sự công nhận chung về mọi
thứ nên được làm như thế nào. Chuẩn mực là các quy tắc và hướng dẫn của xã hội quy định
hành vi thích hợp trong các tình huống cụ thể. Chúng ta sẽ sử dụng thuật ngữ xã hội để chỉ
một nhóm người có chung giá trị và chuẩn mực. Mặc dù một xã hội có thể tương đương với
một quốc gia, một số quốc gia có thể bao gồm nhiều xã hội (tức là có nhiều nền văn hóa), và
một số xã hội có thể bao trùm nhiều hơn một quốc gia.

Giá trị và chuẩn mực

Giá trị hình thành nền tảng cho một nền văn hóa. Giá trị tạo ra bối cảnh để các chuẩn mực xã
hội được hình thành và khẳng định. Giá trị có thể bao gồm thái độ của xã hội đối với những
vấn đề như tự do cá nhân, dân chủ, sự thật, công bằng, sự trung thực, lòng trung thành, nghĩa
vụ xã hội, trách nhiệm tập thể, vai trò của phụ nữ, tình yêu, giới tính, hôn nhân, v.v... Giá trị
không chỉ là những ý niệm trừu tượng mà còn có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt cảm xúc.

2
Người ta tranh luận, đấu tranh và thậm chí chết vì những giá trị như sự tự do. Giá trị cũng
thường được phản ánh trong hệ thống chính trị và kinh tế của xã hội. Như chúng ta đã thấy
trong Chương 2, thị trường tự do dân chủ của tư bản chủ nghĩa là sự phản ánh của hệ giá trị
triết lý đề cao tự do cá nhân.
Chuẩn mực là những quy tắc xã hội chi phối hành vi của con người với nhau. Chuẩn
mực có thể được chia thành hai loại chính: tập quán và tục lệ. Tập quán là những quy ước
trong cuộc sống thường ngày. Thông thường, tập quán là những hành động ít có ý nghĩa về
mặt đạo đức. Thay vào đó, tập quán là các quy ước xã hội liên quan đến những vấn đề như
cách ăn mặc phù hợp trong từng ngữ cảnh, thái độ cử chỉ đúng đắn, sử dụng đúng muỗng,
nĩa khi ăn, cách đối xử với hàng xóm láng giềng, v.v… Mặc dù tập quán xác định cách hành
xử được coi là đúng đắn, nhưng nếu lỡ hành xử không đúng tập quán thì cũng không phải là
vấn đề thật sự nghiêm trọng. Những người hành xử không đúng tập quán thì sẽ bị coi là lập
dị hay không lịch sự chứ không bị coi là xấu xa. Ở nhiều quốc gia, những người ngoại quốc
ban đầu vẫn được thông cảm vì hành xử không đúng tập quán.
Một ví dụ hay về tập quán liên quan đến thái độ về thời gian giữa các quốc gia. Quốc
gia nhận thức sâu sắc thời gian trôi qua là Hoa Kỳ và các nền văn hóa Bắc Âu như Đức và
Anh. Doanh nhân rất có ý thức về việc lập lịch trình thời gian và rất dễ nổi giận nếu thời gian
của họ bị lãng phí vì đối tác kinh doanh đi họp trễ hoặc làm họ phải chờ đợi. Họ coi thời gian
như thể đó là tiền bạc, là cái gì đó có thể chi tiêu, tiết kiệm, lãng phí và mất mát. Thay vào
đó, trong các nền văn hoá Ả Rập, Latin, và Châu Phi, thời gian có tính co giãn hơn. Giữ đúng
lịch trình được xem ít quan trọng hơn là kết thúc một cuộc hội thoại với người khác. Ví dụ,
một nữ doanh nhân người Mỹ có thể cảm giác bị coi thường nếu cô phải chờ 30 phút bên
ngoài văn phòng của một nhà điều hành Châu Mỹ Latin trước cuộc họp; nhưng người Mỹ
Latin chỉ cần hoàn thành cuộc đối thoại với đối tác và xem các thông tin thu thập được từ
cuộc đối thoại quan trọng hơn là tuân theo một lịch trình cứng nhắc. Nhà điều hành Châu Mỹ
Latin không có ý coi thường, nhưng do sự hiểu nhầm về tầm quan trọng của thời gian, điều
mà người Mỹ vốn nhìn nhận rất khác biệt. Tương tự như vậy, thái độ của người Saudi với
thời gian cũng bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá của người Ả rập du cư, trong đó việc đúng giờ
không đóng vai trò thực sự quan trọng, đến một nơi nào đó ngày mai có thể nghĩa là tuần
sau. Giống như người Mỹ Latin, nhiều người Ả-rập Xê-út không chắc hiểu được nỗi ám ảnh
của người Mỹ về việc chính xác về thời gian và lịch trình, và người Mỹ cần phải điều chỉnh
kỳ vọng của họ cho phù hợp.
Tập quán bao gồm cả các lễ nghi và hành vi mang tính biểu trưng. Lễ nghi và biểu
tượng là những biểu hiện dễ thấy nhất của một nền văn hóa và tạo thành các biểu hiện bên
ngoài của các giá trị ẩn sâu bên trong. Ví dụ, trong cuộc họp với một nhà quản lý của doanh
nghiệp nước ngoài, nhà quản lý Nhật Bản sẽ cầm danh thiếp bằng cả hai tay và cúi đầu khi
trao danh thiếp cho vị đối tác nước ngoài. Hành vi lễ nghi này thể hiện biểu tượng văn hóa
sâu sắc. Danh thiếp xác định địa vị của ông giám đốc điều hành Nhật Bản, là một phần thông
tin rất quan trọng trong xã hội phân tầng như Nhật Bản (Người Nhật thường in danh thiếp
một mặt bằng tiếng Nhật và mặt khác bằng tiếng Anh). Cúi đầu là một biểu hiệu của sự tôn
trọng, và độ cúi đầu càng sâu thì càng thể hiện sự tôn kính. Trong xã hội phân tầng, người
nhận danh thiếp cần xem danh thiếp một cách cẩn thận, đó là cách thể hiện sự tôn trọng và
thừa nhận vị trí của người trao danh thiếp. Người nước ngoài cũng cần cúi đầu khi nhận danh
thiếp, và đáp lại cũng sẽ cúi đầu khi trao danh thiếp của mình cho vị giám đốc điều hành
Nhật Bản. Nếu không làm như vậy, hay thiếu sót khi xem danh thiếp được trao, thay vì xem
lại vô tình cất vào trong áo khoác, sẽ vi phạm nghi lễ quan trọng này và bị coi là thô lỗ.
Tục lệ là những chuẩn mực trung tâm cho sự vận hành của xã hội và đời sống xã hội.
Chúng có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với tập quán. Theo đó, việc phá vỡ tục lệ có thể bị
trừng phạt rất nặng. Tục lệ có thể bao gồm các yếu tố buộc tội hành vi trộm cắp, ngoại tình,
loạn luân, và tục ăn thịt người. Ở nhiều nước, một số tục lệ được ban hành thành luật. Do đó,

3
tất cả các xã hội tiên tiến đều có luật chống trộm cắp, loạn luân, và ăn thịt người. Tuy nhiên,
cũng có nhiều sự khác biệt về tục lệ giữa các nền văn hóa. Ví dụ như ở Mỹ, việc uống rượu
được chấp nhận rộng rãi, trong khi ở Ả rập Xê-út, tiêu thụ rượu lại vi phạm tập tục xã hội
nghiêm trọng và sẽ bị phạt tù (một số người phương Tây làm việc tại Ả Rập Xê-út đã nhận
biết được điều này).

Văn hoá, Xã hội và Quốc gia

Chúng ta đã định nghĩa xã hội là một nhóm người cùng chia sẻ các giá trị và chuẩn mực
chung; đó là, những người gắn bó với nhau trong một nền văn hóa chung. Không có mối
tương đồng chặt chẽ giữa một xã hội và một quốc gia. Quốc gia được tao nên bởi yếu tố
chính trị. Quốc gia có thể bao gồm một hoặc nhiều nền văn hóa. Trong khi quốc gia Pháp có
thể được coi là hiện thân chính trị của văn hóa Pháp, quốc gia của Canada có ít nhất ba nền
văn hóa - văn hóa Anglo của người Anh, văn hoá “Quebec” nói tiếng Pháp, và nền văn hóa
của người Mỹ bản địa. Tương tự như vậy, nhiều nước ở châu Phi có sự khác biệt văn hóa
quan trọng giữa các nhóm bộ lạc, bằng chứng là trong những năm 1990, đất nước Rwanda đã
đắm chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu giữa hai bộ lạc, những người Tutsi và người Hutu.
Châu Phi không phải là trường hợp duy nhất về vấn đề này. Đất nước Ấn Độ cũng bao gồm
nhiều nhóm văn hóa khác biệt. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên năm 1991, quan
điểm phổ biến của người phương Tây cho rằng Iraq là một quốc gia Ả Rập đồng nhất. Tuy
nhiên, thực chất mỗi xã hội khác nhau tồn tại trong Iraq lại có một nền văn hóa riêng của
mình. Người Kurd ở miền Bắc không xem mình là người Ả Rập và có lịch sử lẫn truyền
thống riêng. Có hai cộng đồng Ả Rập: người Shiites ở miền Nam; người Sunnis cư trú ở
miền trung của đất nước và cai trị Iraq dưới chế độ của Saddam Hussein (các thuật ngữ
Shiites và Sunnis nói về các giáo phái khác nhau trong tôn giáo của đạo Hồi). Trong số
những người Sunnis ở phía nam lại là một cộng đồng riêng biệt của 500.000 người Marsh Ả
Rập sống tại hợp lưu của sông Tigris và sông Euphrates, và lối sống của họ có từ thời cách
đây 5.000 năm.
Tuy nhiên, văn hóa cũng có thể bao trùm nhiều quốc gia. Một số học giả cho rằng
chúng ta có thể nói về xã hội hay văn hoá Hồi giáo là nói đến nền văn hoá của các công dân
đến từ nhiều nước khác nhau ở Trung Đông, châu Á và châu Phi. Ở chương trước, quan điểm
các nền văn hóa mở rộng bao gồm nhiều quốc gia củng cố quan điểm của Samuel
Huntington về một thế giới được phân chia thành nhiều nền văn minh khác nhau, bao gồm cả
phương Tây, Hồi giáo, và Trung Quốc.
Phức tạp hơn nữa, ta cũng có thể đề cập đến văn hóa ở nhiều cấp độ khác nhau. Rất
hợp lý khi nói về “xã hội Mỹ” và “văn hóa Mỹ”, nhưng có một số xã hội trong nước Mỹ, mỗi
xã hội lại có nền văn hóa riêng của mình. Người ta có thể nói về văn hóa người Mỹ gốc Phi,
văn hóa Cajun, văn hóa người Mỹ gốc Trung Quốc, nền văn hóa người Mỹ gốc Tây Ban Nha
và Bồ Đào Nha, văn hóa Ấn Độ, văn hóa người Mỹ gốc Ai-len, và văn hóa miền Nam. Mối
quan hệ giữa văn hóa và quốc gia thường khá mơ hồ. Ngay cả khi quốc gia có một nền văn
hóa riêng đồng nhất, nền văn hóa của quốc gia đó cũng thường là một bức tranh ghép mảnh
từ các nền tiểu văn hóa.

Các yếu tố góp phần hình thành văn hoá LO2

Giá trị và chuẩn mực của một nền văn hóa không được định hình rõ nét. Chúng hình thành
và phát triển qua thời gian dưới tác động của nhiều yếu tố, trong đó có cả những triết lý về
chính trị và kinh tế đang thịnh hành, cấu trúc của xã hội, các tôn giáo chiếm ưu thế, ngôn ngữ
và giáo dục (xem hình 4.1). Các triết lý chính trị và kinh tế chúng ta đã thảo luận trong
Chương 2. Có những triết lý ảnh hưởng rõ ràng đến hệ thống giá trị của một xã hội. Ví dụ,

4
các giá trị ở xã hội cộng sản Bắc Triều Tiên là tự do, công bằng và thành tựu cá nhân rõ ràng
là khác với các giá trị của nước Mỹ, chính vì mỗi xã hội vận hành theo triết lý chính trị và
kinh tế khác nhau. Dưới đây chúng ta sẽ thảo luận về ảnh hưởng của cấu trúc xã hội, tôn
giáo, ngôn ngữ và giáo dục. Chuỗi các mối quan hệ nhân quả này tác động cả hai chiều.
Trong khi các yếu tố như cấu trúc xã hội và tôn giáo ảnh hưởng rõ ràng đến giá trị và chuẩn
mực trong xã hội, các giá trị và chuẩn mực lại có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội và tôn
giáo.
HÌNH 4.1.
Các yếu tố góp
phần hình thành
văn hoá

Cấu trúc xã hội

Cấu trúc xã hội đề cập đến tổ chức cơ bản của xã hội. Mặc dù cấu trúc xã hội bao gồm
nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có hai tiêu chí đặc biệt quan trọng giải thích cho sự khác
biệt giữa các nền văn hóa. Tiêu chí thứ nhất là mức độ một đơn vị cơ bản của tổ chức xã hội
là cá nhân, đối lập với nhóm. Nhìn chung, xã hội phương Tây có xu hướng nhấn mạnh đến
tầm quan trọng của cá nhân, còn nhóm đóng vai trò quan trọng hơn trong nhiều xã hội khác.
Tiêu chí thứ hai là mức độ mà một xã hội được phân chia thành các tầng lớp hoặc các đẳng
cấp. Một số xã hội được đặc trưng bởi mức độ phân chia giai tầng xã hội tương đối cao và
khả năng thay đổi địa vị cá nhân tương đối thấp (ví dụ như Ấn Độ); các xã hội khác lại đặc
trưng bởi mức độ phân chia giai tầng xã hội tương đối thấp và khả năng thay đổi địa vị cá
nhân tương đối cao (ví dụ như Mỹ).

Cá nhân và nhóm

Nhóm là một tập hợp của hai hay nhiều cá nhân có cùng đặc tính và tương tác với nhau theo
những cách thức có cấu trúc trên nền tảng có cùng kỳ vọng về cách hành xử. Đời sống xã hội
của con người là đời sống theo nhóm. Cá nhân là một tế bào của gia đình, các nhóm làm
việc, các nhóm xã hội, các nhóm giải trí, v.v… Tuy nhiên, mặc dù nhóm tồn tại trong tất cả
các xã hội, nhưng các xã hội khác nhau ở chỗ mức độ mà nhóm được xem như là thành phần
chính của cấu trúc xã hội. Trong một số xã hội, sự đóng góp của cá nhân và thành tựu cá
nhân được xem là quan trọng hơn nhóm; nhưng trong một số xã hội khác thì ngược lại.

Cá nhân

Trong chương 2, chúng ta đã thảo luận chủ nghĩa cá nhân theo triết lý về chính trị. Tuy
nhiên, chủ nghĩa cá nhân không chỉ là một triết lý chính trị trừu tượng. Trong nhiều xã hội
phương Tây, cá nhân là khối xây dựng cơ bản nên tổ chức xã hội. Điều này được phản ánh
không chỉ trong tổ chức chính trị và kinh tế của xã hội mà còn trong cách mọi người nhìn

5
nhận bản thân họ và quan hệ với người khác trong môi trường xã hội và kinh doanh. Ví dụ,
hệ giá trị của nhiều xã hội phương Tây thường nhấn mạnh đến thành tích cá nhân. Địa vị xã
hội của cá nhân không phụ thuộc nhiều vào vấn đề họ làm việc cho ai mà phụ thuộc vào
thành tích họ đạt được trong môi trường làm việc họ chọn.
Sự nhấn mạnh đến thành tích cá nhân trong nhiều xã hội phương Tây cũng có mặt tích
cực và mặt tiêu cực. Tại Mỹ, sự nhấn mạnh thành tích cá nhân thể hiện ở việc hoan nghênh
những cá nhân xuất thân từ trong gian khó và tinh thần khởi nghiệp. Mặt tích cực của điều
này là các hoạt động khởi nghiệp diễn ra sôi nổi tại Mỹ và nhiều xã hội phương Tây khác. Cá
nhân khởi nghiệp ở Mỹ đã tạo ra nhiều sản phẩm mới và cách thức kinh doanh mới (như máy
tính cá nhân, máy photocopy, phần mềm máy tính, công nghệ sinh học, siêu thị, các cửa
hàng bán lẻ có giảm giá). Người ta có thể cho rằng sự năng động của nền kinh tế Mỹ phụ
thuộc nhiều vào triết lý chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân cũng thể hiện ở mức độ thay đổi công việc trong cấp quản trị giữa
các công ty, điều mà không hẳn là tốt. Mặc dù đối với cá nhân, việc chuyển dịch từ một công
ty này sang một công ty khác là tốt để có được hồ sơ xin việc ấn tượng, nhưng điều đó không
hẳn tốt cho công ty của Mỹ. Thiếu lòng trung thành và cam kết với công ty, và xu hướng
chuyển sang một nơi tốt hơn, có thể tạo nên các nhà quản lý có kỹ năng chung tốt nhưng
thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và mối quan hệ cá nhân tích luỹ từ nhiều năm làm việc
trong cùng một công ty. Một người quản lý giỏi là người dựa trên kinh nghiệm cụ thể của tổ
chức hiện tại, áp dụng kiến thức, mối quan hệ cá nhân trong nội bộ để giải quyết các vấn đề
hiện tại trong tổ chức đó, và các công ty Mỹ có thể bị ảnh hưởng nếu các nhà quản lý của họ
thiếu những đặc tính này. Một khía cạnh tích cực của mức độ thay đổi công việc ở cấp quản
trị là các nhà điều hành được tiếp xúc với nhiều cách thức kinh doanh khác nhau. Khả năng
so sánh các cách thức kinh doanh giúp họ xác định cách thức và kỹ thuật nào tốt nhất đã
được phát triển trong công ty cũ để mang lại nhiều lợi ích khi áp dụng trong công ty mới.
Sự đề cao chủ nghĩa cá nhân cũng có thể gây khó khăn khi xây dựng đội nhóm trong tổ
chức để thực hiện công việc chung. Nếu mỗi cá nhân luôn cạnh tranh với nhau để giành lấy
thành tích cao, điều đó có thể gây khó khăn khi hợp tác. Một nghiên cứu về khả năng cạnh
tranh của Mỹ do Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng, các công ty Mỹ bị tổn thất trong
nền kinh tế toàn cầu bởi họ thất bại để đạt được sự hợp tác trong công ty (ví dụ, giữa các
phòng ban chức năng, giữa tầng lớp quản lý và người lao động) và giữa các công ty (ví dụ,
giữa công ty với nhà cung cấp). Với sự tôn sùng chủ nghĩa cá nhân trong hệ giá trị của Mỹ
thì thất bại này không phải là điều đáng ngạc nhiên. Việc đề cao chủ nghĩa cá nhân ở Mỹ một
mặt tạo nên nền kinh tế khởi nghiệp đầy năng động nhưng cũng có thể làm tăng chi phí kinh
doanh do tác động tiêu cực của sự di chuyển công việc ở cấp quản trị và khả năng hợp tác.

Nhóm

Trái ngược với sự nhấn mạnh tính cá nhân của phương Tây, trong nhiều xã hội khác thì
nhóm lại là đơn vị cơ bản của tổ chức xã hội. Ví dụ, tại Nhật Bản, địa vị xã hội của một cá
nhân được quyết định bởi chỗ đứng của nhóm mà anh ta thuộc về và cả thành tích cá nhân
mà anh ta đạt được. Trong xã hội truyền thống Nhật Bản, nhóm là gia đình hoặc ngôi làng
của cá nhân đó. Ngày nay, nhóm thường chỉ về nhóm làm việc hoặc tổ chức kinh doanh của
cá nhân đó. Trong một nghiên cứu từ cổ điển đến hiện đại về xã hội Nhật Bản, Nakane lưu ý
điều dưới đây có thể thường gặp trong cuộc sống hàng ngày:

Khi một người Nhật Bản thể hiện ra bên ngoài (đứng trước một người khác) và nói về vị trí xã hội
của mình, anh ta có khuynh hướng ưu tiên giới thiệu về tổ chức hơn là về nghề nghiệp của mình.
Thay vì nói, "Tôi là một người chuyên đánh máy chữ" hoặc "Tôi là một văn thư", anh ta thường
nói, "Tôi đến từ Nhà xuất bản B" hoặc "Tôi làm trong công ty S."

6
Nakane tiếp tục quan sát thấy việc cá nhân đề cao nhóm của mình thường phát triển thành sự
gắn bó tình cảm sâu sắc, trong đó mối liên kết với nhóm trở thành điều hết sức quan trọng
trong cuộc sống của một con người. Một giá trị trung tâm của văn hóa Nhật Bản là tầm quan
trọng gắn liền với thành viên nhóm. Điều này có thể có những tác động tích cực cho các
doanh nghiệp trong kinh doanh. Sự gắn bó chặt chẽ với nhóm tạo động lực cho các cá nhân
hết lòng giúp đỡ nhau và hành động chung vì tập thể. Nếu giá trị của cá nhân gắn liền với
thành tựu của nhóm (là công ty), như Nakane xác nhận trong trường hợp ở Nhật Bản, điều
này tạo ra một động lực mạnh mẽ cho từng thành viên của nhóm làm việc cùng nhau vì lợi
ích chung. Một số người cho rằng sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản trong nền
kinh tế toàn cầu một phần dựa vào khả năng đạt được sự hợp tác chặt chẽ giữa các cá nhân
trong công ty và giữa các công ty với nhau. Điều này thể hiện bằng sự khuếch tán rộng khắp
các các nhóm làm việc tự quản trong các tổ chức của Nhật Bản, sự hợp tác chặt chẽ giữa các
phòng ban chức năng trong công ty (ví dụ, giữa bộ phận sản xuất, tiếp thị và R&D), và sự
hợp tác giữa công ty và các nhà cung cấp trong các vấn đề về thiết kế, kiểm soát chất lượng,
và giảm hàng tồn kho. Trong tất cả các trường hợp trên, nhu cầu nâng cao năng suất nhóm
(là các công ty kinh doanh) đã tạo động lực cho sự hợp tác.
Việc đề cao giá trị của tinh thần gắn bó với nhóm khuyến khích các nhà quản lý và
người lao động không chuyển đổi công việc giữa các công ty. Làm việc suốt đời trong một
công ty là chuẩn mực trong suốt một thời gian dài ở một số lĩnh vực nhất định của nền kinh
tế Nhật Bản (ước tính từ 20 đến 40 phần trăm các nhân viên người Nhật được bảo đảm chính
thức hoặc không chính thức về việc làm trong suốt cuộc đời). Theo thời gian, các nhà quản
lý và nhân công cùng nhau xây dựng kiến thức, kinh nghiệm và mạng lưới các quan hệ kinh
doanh giữa các cá nhân. Tất cả những điều đó giúp các nhà quản lý thực hiện công việc của
họ hiệu quả hơn và đạt được hợp tác tốt hơn với các thành viên khác.
Tuy nhiên, việc nhóm chiếm ưu thế không phải luôn luôn có lợi. Cũng như xã hội Mỹ
được đặc trưng bởi tính năng động và tinh thần khởi nghiệp nhờ sự đề cao giá trị của cá
nhân, một số người cho rằng đặc trưng xã hội Nhật Bản thiếu tính năng động và tinh thần
khởi nghiệp. Mặc dù những hệ quả lâu dài vẫn chưa rõ ràng, nhưng nước Mỹ vẫn tiếp tục tạo
ra ngành công nghiệp mới hơn Nhật Bản và vẫn tiếp tục thành công khi là người tiên phong
đưa ra những sản phẩm mới và những cách thức kinh doanh mới.

Sự phân chia giai tầng xã hội LO2

Tất cả các xã hội được phân tầng trên cơ sở phân cấp thành các loại - đó là các tầng lớp xã
hội. Tầng lớp xã hội thường được xác định dựa vào các đặc điểm như nền tảng gia đình,
nghề nghiệp và thu nhập. Mỗi cá nhân được sinh ra trong một tầng lớp xã hội nhất định. Họ
là thành viên của nhóm xã hội mà cha mẹ họ thuộc về. Những người sinh ra trong tầng lớp
trên của hệ thống phân tầng xã hội thường có nhiều cơ hội sống tốt hơn so với những người
sinh ra trong một tầng lớp thấp. Họ được hưởng nền giáo dục, điều kiện y tế, mức sống, và
cơ hội việc làm tốt hơn. Mặc dù tất cả các xã hội đều có sự phân tầng ở mức độ nhất định,
nhưng chúng vẫn khác nhau theo hai cách. Thứ nhất, chúng khác nhau ở mức độ chuyển dịch
giữa các tầng lớp xã hội với; thứ hai, chúng khác nhau ở mức độ ý nghĩa của các tầng lớp xã
hội trong bối cảnh kinh doanh.

Khả năng thay đổi địa vị xã hội cá nhân

Khả năng thay đổi địa vị xã hội cá nhân đề cập đến mức độ mà cá nhân có thể thoát khỏi
tầng lớp xã hội mà họ sinh ra. Khả năng thay đổi địa vị cá nhân thay đổi đáng kể từ xã hội
này sang xã hội khác. Hệ thống cứng nhắc nhất của sự phân chia giai tầng là hệ thống đẳng
cấp. Một hệ thống đẳng cấp là một hệ thống khép kín của sự phân chia giai tầng trong đó vị

7
trí xã hội được quyết định bởi gia đình mà cá nhân đó sinh ra, và thường là không thể thay
đổi trong suốt cuộc đời. Một vị trí đặc quyền thường gắn liền với một nghề nghiệp cụ thể.
Thành viên của một đặc quyền có thể là nhà sản xuất giày, có thể là người bán thịt, v.v...
Những ngành nghề này tạo nên đẳng cấp và lưu truyền trong gia đình tạo nên thành công cho
nhiều thế hệ. Mặc dù các xã hội có hệ thống đẳng cấp đã thu hẹp nhanh chóng trong suốt thế
kỷ hai mươi, tuy nhiên một phần của xã hội đó vẫn còn tồn tại. Ấn Độ có bốn đẳng cấp chính
và hàng ngàn đẳng cấp phụ. Tuy hệ thống đẳng cấp này chính thức được bãi bỏ vào năm
1949, hai năm sau khi Ấn Độ giành được độc lập, nhưng nó vẫn tồn tại trong xã hội nông
thôn Ấn Độ, nơi mà nghề nghiệp và các cơ hội kết hôn vẫn còn một phần liên quan đến đẳng
cấp.
Hệ thống giai cấp là một hình thức ít cứng nhắc hơn của sự phân chia giai tầng xã hội,
trong đó cho phép sự chuyển dịch giữa các tầng lớp xã hội. Nó là một hình thức phân chia
giai tầng mở, trong đó địa vị một người được sinh ra có thể thay đổi nhờ thành tích cá nhân
hoặc nhờ vào may mắn của họ. Cá nhân được sinh ra trong một tầng lớp thấp của hệ thống
phân tầng xã hội có thể nhờ vào làm việc để lên được tầng lớp cao hơn; ngược lại, cá nhân
sinh ra trong một tầng lớp cao của hệ thống phân cấp có thể bị đẩy xuống tầng lớp thấp hơn.
Trong khi nhiều xã hội có hệ thống giai cấp, khả năng thay đổi địa vị cá nhân cũng
khác nhau giữa các xã hội. Ví dụ, một số nhà xã hội học đã lập luận rằng, nước Anh có một
cấu trúc giai cấp cứng nhắc hơn một số xã hội phương Tây khác như Mỹ. Trong lịch sử, xã
hội Anh được chia thành ba giai cấp chính: tầng lớp thượng lưu, bao gồm các cá nhân có gia
đình mà nhiều thế hệ giàu có, có danh tiếng, có năng lực nghề nghiệp chuyên môn; tầng lớp
trung lưu, gồm các thành viên làm việc trong các ngành nghề chuyên môn, quản lý, và văn
phòng; và giai cấp công nhân, là những người kiếm sống từ lao động tay chân. Tầng lớp
trung lưu lại được chia nhỏ thành tầng lớp trung lưu trên, là những người làm việc trong các
ngành nghề quản lý quan trọng và có danh tiếng (như luật sư, kế toán, bác sĩ), và tầng lớp
trung lưu dưới, là những người làm việc liên quan đến văn phòng (như giao dịch viên ngân
hàng) và các ngành nghề ít danh tiếng (như giáo viên).
Hệ thống giai cấp Anh thể hiện sự phân kỳ rõ rệt giữa cơ hội trong cuộc sống của các
thành viên thuộc các tầng lớp khác nhau. Tầng lớp thượng lưu và trung lưu trên thường cho
con cái của họ đi học ở một nhóm trường tư riêng, nơi hoàn toàn không có con cái của các
tầng lớp thấp hơn và ở đây trẻ con của giới thượng lưu được trang bị cách phát biểu và các
chuẩn mực xã hội khẳng định chúng thuộc tầng lớp cao hơn của xã hội. Các trường tư thục
này cũng có mối liên kết chặt chẽ với các trường đại học danh tiếng nhất như Oxford và
Cambridge. Cho đến thời gian gần đây, Oxford và Cambridge vẫn dành số lượng tuyển sinh
nhất định cho các sinh viên tốt nghiệp từ các trường tư thục này. Tốt nghiệp từ một trường
đại học danh tiếng, con cái của các tầng lớp thượng lưu và trung lưu trên lại có những cơ hội
tốt để được nhận vào các vị trí uy tín trong các công ty, ngân hàng, công ty môi giới, công ty
luật được điều hành bởi chính các thành viên của giai cấp thượng lưu và trung lưu trên.
Ngược lại, con cái của tầng lớp công nhân và trung lưu dưới ở Anh thường đi học ở
các trường công. Phần đông nghỉ học khi đến 16 tuổi, và những em còn lại tiếp tục học lên
thì cũng rất khó khăn để được các trường đại học danh tiếng chấp nhận. Khi đi học, họ nhận
thấy giọng điệu của tầng lớp thấp và thiếu các kỹ năng xã hội khẳng định họ xuất thân từ
tầng lớp xã hội thấp hơn, khiến họ khó khăn để tìm được các công việc uy tín.
Bởi vì điều này mà hệ thống giai cấp ở Anh tồn tại mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác,
và khả năng thay đổi địa vị cá nhân rất hạn chế. Mặc dù sự chuyển dịch lên tầng lớp phía trên
là có thể, nhưng thông thường điều này không thể đạt được trong cùng một thế hệ. Tuy một
cá nhân từ tầng lớp lao động có thể có mức thu nhập tương ứng với thành viên thuộc tầng lớp
trung lưu trên, người đó vẫn không được tầng lớp trung lưu trên công nhận là ngang cấp với
họ do giọng nói và địa vị thấp kém. Tuy nhiên, bằng cách gửi con cái của mình vào “đúng
loại trường,” cá nhân đó có thể đảm bảo rằng con cái của mình được chấp nhận.

8
Theo nhiều nhà bình luận, xã hội Anh hiện đại đang nhanh chóng thoát khỏi cấu trúc
giai cấp và hướng tới một xã hội không giai cấp. Tuy nhiên, các nhà xã hội học tiếp tục tranh
cãi về điều này và đưa ra bằng chứng khẳng định rằng điều đó không hẳn như vậy. Ví dụ,
một nghiên cứu chỉ ra rằng các trường công lập ở Islington - ngoại ô London, với dân số
175.000 người, chỉ có 79 ứng cử viên cho các trường đại học, trong khi riêng một trường tư
thục có danh tiếng, Eton, đã gửi hơn số đó vào đại học Oxford và Cambridge. Theo các tác
giả của nghiên cứu, điều này có nghĩa là “tiền vẫn sinh ra tiền.” Họ cho rằng một trường
trung học tốt có nghĩa là một trường đại học tốt, một trường đại học tốt nghĩa là một công
việc tốt, và những người không nằm trong chuỗi mắt xích này dù có tốt nghiệp xuất sắc cũng
chỉ có cơ hội rất hạn chế để chen chân vào vòng tròn nhỏ chặt chẽ này.
Hệ thống giai cấp ở Mỹ không rõ nét như ở Anh và khả năng thay đổi địa vị cá nhân
lớn hơn. Giống như Anh, Mỹ cũng có tầng lớp thượng lưu, trung lưu, và công nhân. Tuy
nhiên, thành viên giai cấp được quyết định phần nhiều do thành tựu kinh tế cá nhân, chứ
không phải từ địa vị xuất thân và trường học. Do vậy, một cá nhân có thể chuyển từ tầng lớp
công nhân sang tầng lớp thượng lưu trong đời họ bằng thành tựu kinh tế riêng của mình. Cá
nhân thành công có xuất thân từ nguồn gốc khiêm tốn lại được tôn trọng cao trong xã hội
Mỹ.
Một xã hội khác mà sự phân chia giai tầng xã hội có tầm quan trọng lịch sử là Trung
Quốc, nơi có sự khác biệt lâu đời giữa cơ hội trong đời sống của nông dân nông thôn và cư
dân đô thị. Trớ trêu thay, sự phân chia có tính lịch sử này càng sâu sắc hơn trong thời gian
cai trị đỉnh cao của chế độ Cộng sản, vì một hệ thống cứng nhắc của việc đăng ký hộ khẩu
hạn chế phần lớn người dân Trung Quốc chỉ ở nơi họ sinh ra trong suốt cuộc đời. Gắn liền
với canh tác tập thể, nông dân bị tách khỏi nhiều đặc quyền của đời sống đô thị, như giáo dục
phổ cập, trường học chất lượng, chăm sóc sức khỏe, nhà ở công cộng, đa dạng loại thực
phẩm, và họ chủ yếu sống trong nghèo đói. Khả năng thay đổi địa vị cá nhân theo đó là rất
hạn chế. Hệ thống này sụp đổ sau cải cách cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, và
hệ quả sau đó là lao động nông thôn di cư tràn ngập lên các thành phố của Trung Quốc để
tìm việc làm. Các nhà xã hội học hiện nay đưa ra giả thuyết cho rằng một hệ thống giai cấp
mới đang nổi lên ở Trung Quốc ít dựa trên sự phân chia giữa nông thôn và thành thị mà chủ
yếu dựa trên sự phân chia nghề nghiệp ở thành thị.

Ý nghĩa

Ở góc độ kinh doanh, sự phân chia giai tầng trong xã hội có ý nghĩa nếu nó ảnh hưởng đến
hoạt động của các tổ chức kinh doanh. Trong xã hội Mỹ, khả năng thay đổi địa vị xã hội của
cá nhân là rất cao và sự đề cao chủ nghĩa cá nhân làm hạn chế tác động của nền tảng giai cấp
trong kinh doanh. Điều này cũng đúng ở Nhật Bản, nơi mà hầu hết dân số tự coi mình là tầng
lớp trung lưu. Tuy nhiên, ở một đất nước như nước Anh, sự thiếu tương đối khả năng thay
đổi địa vị xã hội cá nhân và sự khác biệt giữa các tầng lớp đã dẫn đến việc xuất hiện ý thức
về giai cấp. Ý thức về giai cấp đề cập đến điều kiện mà người ta có xu hướng nhận thức bản
thân trên nền tảng về giai cấp của họ, và điều này hình thành mối quan hệ của họ với thành
viên của các giai cấp khác.
Ý thức về giai cấp đã diễn ra ở xã hội Anh trong sự thù địch lâu đời giữa các nhà quản
lý tầng lớp trung lưu trên và người nhân viên thuộc tầng lớp công nhân. Sự đối kháng lẫn
nhau và sự thiếu tôn trọng có tính lịch sử đã làm cho sự hợp tác giữa tầng lớp quản lý và
người lao động trong nhiều công ty Anh khó khăn hơn, dẫn đến một mức độ tương đối cao
các tranh chấp lao động. Tuy nhiên, những tranh chấp này đã giảm đáng kể trong hai thập kỷ
qua, củng cố lập luận cho rằng đất nước này đang hướng tới một xã hội không giai cấp (mức
độ tranh chấp lao động tại Vương quốc Anh hiện nay còn thấp hơn ở Mỹ hay Cananda).

9
Thay vào đó, như đã đề cập ở trên, ý thức về giai cấp có thể xuất hiện trở lại trong các đô thị
Trung Quốc, và nó có thể được chứng minh là có tác động đến hoạt động kinh doanh.
Mối quan hệ đối kháng giữa tầng lớp quản lý và tầng lớp lao động, kết quả của sự thiếu
hợp tác và mức độ chia rẽ lao động cao, có xu hướng làm tăng chi phí sản xuất ở những quốc
gia có sự phân chia giai tầng đáng kể. Từ đó, chi phí cao hơn có thể làm cho các công ty có
trụ sở tại quốc gia này khó khăn hơn để tạo nên lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

TIÊU ĐIỂM QUỐC GIA

Guanxi

Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò là quyền lực về kinh tế, chính trị và sức mạnh về quân sự
trong tương lai, là mối quan tâm của tất cả các nước. Chỉ trong hơn 30 năm, Trung Quốc đã vươn
lên từ một nước kinh tế lạc hậu trở thành một siêu cường quốc về kinh tế. Dưới ngòi bút của các nhà
báo phương Tây, Trung Quốc được mô tả vừa là bạn, vừa là kẻ thù tiềm năng vì họ vừa nể phục vừa
sợ tiềm năng của quốc gia này.
Các nước bắt đầu muốn kinh doanh tại Trung Quốc, với Trung Quốc và với các công ty đang
phát triển của Trung Quốc. Khi các thị trường truyền thống không còn hấp dẫn, Châu Á nổi như là
thị trường màu mỡ cứu cánh cho nhiều quốc gia. Để làm ăn với các công ty Châu Á và đặc biệt là
các công ty ở Trung Quốc đòi hỏi phải có tư duy khác biệt. Việc áp dụng các mô hình kinh doanh
của Anh hay Châu Âu thì tốt nhưng cần xem xét cẩn thận và xem xét các yếu tố bên trong cách thức
kinh doanh của người Châu Á và Trung Quốc. Trung Quốc quá mạnh, quá rộng lớn và đa dạng về
văn hoá nên không thể xếp Trung Quốc như một loại Châu Á ở phía bắc bán cầu. Cách người Châu
Á làm kinh doanh sẽ tác động đến mô hình kinh doanh và các nhà đầu tư phương Tây vì cách thức
kinh doanh theo kiểu đi đường vòng.
Chìa khoá để hiểu người Trung Quốc làm kinh doanh thế nào là chấp nhận thuật ngữ Guanxi.
Từ này có nhiều ý nghĩa ở tiếng Anh nhưng dịch là “mối quan hệ” thì gần đúng nhất với ngữ cảnh
kinh doanh. Đơn giản vì, không phải đối tượng mà một người nào đó quen biết thì ai cũng có thể
quen biết. Mối quan hệ càng chặt chẽ sẽ tạo nền tảng quyền lực và từ đó sẽ giúp bạn giải quyết trơn
tru mọi việc. Các công ty nên chú ý tạo dựng các mối quan hệ với những người có quyền lực hoặc
những người thân cận quyền lực, nếu không việc kinh doanh sẽ rất khó khăn. Nhiều công ty đa quốc
gia khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, việc đầu tiên và không có lựa chọn nào khác là phải
liên doanh với một công ty Trung Quốc để công việc kinh doanh thuận lợi hơn, dù điều này cũng
mang đến không ít phiền toái. Vấn đề này không giống như hệ thống đẳng cấp cứng nhắc ở Ấn Độ.
Đó vừa là sự ban ơn vừa là sự khinh thường. Nó bao gồm nhiều mối quan hệ chồng chéo phức tạp
bạn cần phải biết và hiểu ai ngồi vị trí nào và cách thức tiếp cận họ ra sao để đạt được các cơ hội
mong muốn.
Đây là sự chuyển biến về mặt nhận thức cho các nhà quản lý của các công ty đa quốc gia. Tại
sao họ không thể nắm bắt được những cơ hội đang đến, tại sao họ phải được sự đồng thuận của
những người bên ngoài công ty để làm kinh doanh? Điều này có thể gần giống thời chủ nghĩa phong
kiến hay sự chiếu cố của bề trên nhưng nó lại xảy ra ở một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và
không có nghĩa mọi thứ cũng phát triển cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do vậy việc kinh doanh
ở đây không thể theo quy tắc của chủ nghĩa tư bản thị trường hay quy tắc của nhiều nơi khác trên thế
giới.

Hệ thống đạo đức và tôn giáo LO1

Tôn giáo là những tín ngưỡng và lễ nghi mang ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tâm linh
được một cộng đồng cùng chia sẻ. Hệ thống đạo đức là một tập hợp các nguyên tắc, các giá
trị về đạo đức, được dùng để hướng dẫn và định hình hành vi của con người. Hầu hết các hệ
thống đạo đức trên thế giới đều là sản phẩm của tôn giáo. Do đó, chúng ta có thể nói về đạo

10
đức Cơ đốc giáo và đạo đức Hồi giáo. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ các nguyên
tắc của hệ thống đạo đức không được bắt nguồn từ tôn giáo. Nho giáo và đạo đức Nho giáo
ảnh hưởng đến hành vi và định hình phần lớn nền văn hóa ở châu Á, tuy nhiên không chính
xác nếu coi Nho giáo là một tôn giáo.
Mối quan hệ giữa tôn giáo, đạo đức và xã hội rất tinh tế và phức tạp. Trong số hàng
ngàn tôn giáo trên thế giới ngày nay, bốn tôn giáo lớn chiếm ưu thế về số lượng tín đồ là: Cơ
đốc giáo với 1,9 tỷ tín đồ, Hồi giáo với khoảng 1,2 tỷ tín đồ, Ấn Độ giáo với 750 triệu tín đồ
(chủ yếu ở Ấn Độ), và Phật giáo với 350 triệu tín đồ (xem bản đồ 4.1). Mặc dù nhiều tôn
giáo khác cũng có ảnh hưởng quan trọng ở một số vùng của thế giới hiện đại (ví dụ, Do Thái
giáo cũng có 18 triệu tín đồ), tuy số lượng tín đồ của những tôn giáo này chỉ là con số khiêm
tốn nếu so sánh với các tôn giáo chiếm ưu thế (là tiền thân của cả Cơ đốc giáo và Hồi giáo,
Do Thái giáo có ảnh hưởng gián tiếp vượt xa số lượng tín đồ của nó). Chúng ta sẽ xem xét
bốn tôn giáo chính cùng với Nho giáo, tập trung vào ý nghĩa của các tôn giáo này đối với
hoạt động kinh doanh. Một số học giả cho rằng ảnh hưởng quan trọng nhất của tôn giáo đến
kinh doanh đó là, các tôn giáo khác nhau, ở mức độ nào đó, hình thành thái độ đối với công
việc, tinh thần khởi nghiệp và ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh ở một quốc gia.
Không nên đưa ra sự khái quát chung chung về bản chất mối quan hệ giữa tôn giáo, hệ
thống đạo đức và kinh doanh. Tuy một số học giả cho rằng có mối quan hệ giữa tôn giáo, hệ
thống đạo đức và hoạt động kinh doanh trong xã hội, tuy trong thế giới mà các quốc gia có
số đông là Thiên chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo đều có bằng chứng
cho thấy hoạt động kinh doanh và tăng trưởng kinh tế bền vững, cũng rất cần thiết để xem
xét các mối quan hệ trên với sự hoài nghi. Các mối quan hệ trên có thể tồn tại, nhưng ảnh
hưởng của chúng có lẽ là nhỏ so với tác động của các chính sách kinh tế. Một nghiên cứu
gần đây của nhà kinh tế học Robert Barro và Rachel McCleary cho rằng, tín ngưỡng tôn giáo
mạnh mẽ, và đặc biệt là niềm tin vào thiên đường, địa ngục, và một thế giới bên kia trong bất
kì tôn giáo nào, có tác động tích cực lên tốc độ tăng trưởng kinh tế. Barro và McCleary xem
xét tín ngưỡng tôn giáo và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở 59 quốc gia trong suốt những năm
1980 và 1990. Giả định của họ là tín ngưỡng tôn giáo càng mạnh thì càng kích thích tăng
trưởng kinh tế bởi vì tín ngưỡng đó giúp duy trì các khía cạnh của hành vi cá nhân dẫn đến
năng suất cao hơn.

Biểu đồ 4.1 (chèn)

Cơ Đốc Giáo

Cơ đốc giáo là tôn giáo được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Khoảng 20 phần trăm dân
số thế giới theo đạo Cơ đốc giáo. Phần lớn tín đồ Cơ đốc giáo sống ở châu Âu và châu Mỹ,
mặc dù số lượng này cũng đang tăng lên nhanh chóng ở châu Phi. Cơ đốc giáo bắt nguồn từ
Do Thái giáo. Giống như Do Thái giáo, đây là một tôn giáo độc thần (thuyết độc thần là
niềm tin vào một vị thần). Một bộ phận tôn giáo trong thế kỷ mười một dẫn đến việc thành
lập hai tổ chức Cơ đốc giáo - Giáo Hội Thiên chúa giáo La Mã và Giáo Hội Chính Thống
phương Đông. Ngày nay, Giáo Hội Thiên chúa giáo La Mã chiếm hơn một nửa tín đồ Cơ đốc
giáo, hầu hết là ở miền nam Châu Âu và Châu Mỹ Latin. Giáo Hội Chính Thống phương
Đông, tuy có ảnh hưởng ít hơn nhưng vẫn có tầm quan trọng lớn ở một số nước (như Hy Lạp
và Nga). Trong thế kỷ 16, một cuộc cải cách đã dẫn đến một sự phân chia hơn nữa ở La Mã;
một nhánh thứ ba tách khỏi Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã tạo nên đạo Tin Lành. Bản chất
phi quốc giáo của đạo Tin Lành đã tạo điều kiện xuất hiện của nhiều giáo phái trong đạo tin
lành (ví dụ, đạo Baptist, Phong trào Giám lý, Thần đạo Calvin).

Ý nghĩa kinh tế của Cơ đốc giáo: Đạo đức làm việc của đạo Tin lành

11
Một số nhà xã hội học lập luận rằng trong các nhánh chính của Cơ đốc giáo – Thiên chúa
giáo, Chính Thống giáo và Tin Lành thì đạo Tin lành có những tác động kinh tế quan trọng
nhất. Năm 1904, nhà xã hội học người Đức, Max Weber, trở nên nổi tiếng khi đưa ra mối
liên hệ giữa đạo đức Tin lành và “tinh thần của chủ nghĩa tư bản”. Weber cho rằng chủ nghĩa
tư bản xuất hiện ở Tây Âu, nơi mà:

các nhà lãnh đạo công ty, chủ sở hữu vốn, các tầng lớp cao hơn của lao động có kĩ năng, và thậm
chí là nhiều nhân viên được đào tạo về kỹ thuật và kinh doanh của các doanh nghiệp hiện đại, hầu
hết đều theo đạo Tin Lành.

Weber đưa ra giả thuyết có một mối quan hệ giữa đạo Tin lành và sự xuất hiện của chủ nghĩa
tư bản hiện đại. Ông lập luận rằng đạo đức Tin Lành nhấn mạnh tầm quan trọng của làm việc
chăm chỉ, tạo ra của cải (vì vinh quang của Đức Chúa trời) và sự thanh đạm (tiết chế những
lạc thú ở thế gian). Theo Weber, hệ thống giá trị này cần thiết để tạo điều kiện cho chủ nghĩa
tư bản phát triển. Những người theo đạo Tin lành làm việc chăm chỉ và có phương pháp để
tích lũy của cải. Tuy nhiên, đức tin khổ hạnh xui khiến họ đầu tư mở rộng các doanh nghiệp
tư bản thay vì tiêu xài của cải bằng cách thỏa thích tận hưởng những lạc thú thế gian. Do đó,
sự kết hợp của làm việc chăm chỉ và sự tích lũy vốn, được sử dụng để tài trợ cho đầu tư và
mở rộng sản xuất, đã mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu và sau đó ở
Hoa Kỳ. Ngược lại, Weber cho rằng lời hứa của Thiên chúa giáo về sự cứu rỗi linh hồn khi
qua thế giới bên kia, chứ không phải ở thế giới này, không tạo điều kiện phát triển cho loại
hình đạo đức làm việc như đạo Tin Lành.
Đạo Tin Lành cũng khuyến khích sự phát triển của chủ nghĩa tư bản theo cách khác.
Bằng cách phá vỡ sự thống trị thứ bậc của đời sống tôn giáo và đời sống xã hội đặc trưng của
Giáo Hội Thiên chúa giáo trong phần lớn lịch sử, đạo Tin lành đã mang lại cho cá nhân nhiều
tự do hơn để phát triển mối quan hệ của mình với Đức Chúa trời. Quyền tự do thờ cúng là
trung tâm của bản chất phi quốc giáo của đạo Tin lành trước đây. Sự đề cao tự do tôn giáo
của cá nhân đã mở đường cho sự đề cao tự do kinh tế, tự do chính trị và sự phát triển của chủ
nghĩa cá nhân như là một triết lý kinh tế và chính trị. Như chúng ta đã thấy ở Chương 2, một
triết lý như vậy tạo nền tảng cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do kinh doanh. Từ điều này,
một số học giả khẳng định có một mối liên hệ giữa chủ nghĩa cá nhân, được khích lệ từ đạo
Tin Lành, và mức độ hoạt động kinh doanh trong một quốc gia. Một lần nữa, người ta phải
cẩn thận không khái quát quá nhiều từ quan điểm lịch sử xã hội này. Trong khi các quốc gia
có truyền thống đạo Tin lành phát triển như Anh, Đức, và Hoa Kỳ là những người dẫn đầu
trong cuộc cách mạng công nghiệp, thì các quốc gia có đa số người Thiên chúa giáo hay
Chính thống giáo lại có hoạt động kinh doanh bền vững, quan trọng và sự tăng trưởng kinh tế
trong thế giới hiện đại.

Hồi giáo

Với khoảng 1,2 tỷ tín đồ, Hồi giáo là tôn giáo chính lớn thứ hai trên thế giới. Hồi giáo ra đời
từ năm 610 sau công nguyên, mặc dù lịch Hồi giáo bắt đầu từ năm 622 sau công nguyên, khi
nhà tiên tri Muhammad truyền bá giáo lý Hồi giáo. Khi đó, để thoát khỏi sự phản đối ngày
càng tăng, Muhammad đã rời thánh địa Mecca đến định cư ở ốc đảo Yathrib, sau này là
Medina. Người Hồi giáo chiếm đa số ở hơn 35 quốc gia và sống ở dải đất tiếp giáp từ bờ
biển phía Tây Bắc của châu Phi, xuyên qua Trung Đông, đến Trung Quốc và Malaysia ở
vùng Viễn Đông.
Hồi giáo có nguồn gốc từ cả Do thái giáo và Cơ đốc giáo (Hồi giáo xem Chúa Giêsu là
một trong những nhà tiên tri của đức Chúa trời). Gống như Cơ đốc giáo và Do Thái giáo, Hồi

12
giáo là một tôn giáo độc thần. Tư tưởng trung tâm của Hồi giáo là chỉ có một Chúa trời có
quyền năng vô hạn. Hồi giáo đòi hỏi phải chấp nhận vô điều kiện tính duy nhất, sức mạnh,
và quyền lực của Chúa trời và hiểu rằng mục tiêu của cuộc sống là thực hiện mệnh lệnh theo
ý chí của Chúa trời với hy vọng sẽ được lên thiên đàng. Theo Hồi giáo, của cải và quyền lực
ở trần gian chỉ là sự ảo tưởng. Những người theo đuổi sự giàu có trên thế gian có thể đạt
được chúng, nhưng những người từ bỏ tham vọng thế gian để tìm kiếm sự ủng hộ của thánh
Allah có thể đạt được kho tàng lớn hơn – đó là lên thiên đường. Những tư tưởng quan trọng
khác của Hồi giáo bao gồm: (1) trân trọng và tôn kính cha mẹ, (2) tôn trọng quyền của người
khác, (3) hào phóng nhưng không hoang phí, (4) tránh giết người ngoại trừ nguyên nhân
chính đáng, (5) không ngoại tình, (6) đối xử hợp lẽ và công bằng với những người khác, (7)
có trái tim và tinh thần thanh khiết; (8) che chở, cưu mang trẻ em mồ côi, và (9) nhún
nhường, không kiêu căng. Những tư tưởng này rõ ràng cũng tương đồng với các tư tưởng
trung tâm của cả Do Thái giáo và Cơ đốc giáo.
Hồi giáo là một phương cách sống bao trùm tất cả các mặt đối với người Hồi giáo. Như
là người đại diện của Thiên Chúa trong thế giới này, một người Hồi giáo không phải là một
đại diện được tự do hoàn toàn mà bị hạn chế bởi các nguyên tắc tôn giáo - quy tắc ứng xử
cho các mối quan hệ cá nhân - trong các hoạt động kinh tế và xã hội. Tôn giáo là tối cao
trong mọi mặt của cuộc sống. Người Hồi giáo sống trong một cấu trúc xã hội được định hình
bởi các giá trị và chuẩn mực đạo đức của Hồi giáo. Tính chất lễ nghi trong đời sống hàng
ngày ở một quốc gia Hồi giáo gây ấn tượng sâu sắc với một vị khách phương Tây. Trong số
những thứ khác, nghi lễ chính thống của Hồi giáo đòi hỏi cầu nguyện năm lần mỗi ngày (các
cuộc họp kinh doanh có thể tạm dừng khi những tín đồ Hồi giáo tham gia vào các nghi lễ cầu
nguyện hàng ngày), đòi hỏi phụ nữ phải mặc quần áo kín đáo, và nghiêm cấm việc tiêu thụ
thịt lợn và rượu.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Ba thập kỷ qua đã chứng kiến sự phát triển của một trào lưu xã hội thường được đề cập nhiều
là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ở phương Tây, trong giới truyền thông, khi nói đến chủ
nghĩa Hồi giáo cực đoan, người ta nghĩ ngay đến binh lính, những kẻ khủng bố, và các cuộc
biến động bạo lực, chẳng hạn như cuộc xung đột đẫm máu xảy ra ở Algeria, giết chết khách
du lịch nước ngoài tại Ai Cập, và cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu
Năm Góc tại Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Thực ra sự liên hệ này có phần phiến
diện. Giống như những người Cơ đốc giáo cực đoan được thúc đẩy bởi các giá trị tôn giáo
chân thành và sâu sắc bắt nguồn vững chắc trong đức tin của họ, Hồi giáo cực đoan cũng như
vậy. Tính chất bạo lực mà giới truyền thông phương Tây gắn cho chủ nghĩa Hồi giáo cực
đoan được gây ra bởi một thiểu số “cực đoan” tấn công vào tôn giáo cho mục đích chính trị
và bạo lực. (Một số tín đồ Cơ đốc giáo “cực đoan” cũng đã làm như vậy, như Jim Jones và
David Koresh). Phần đông người Hồi giáo đều cho rằng Hồi giáo dạy hòa bình, công bằng,
và bao dung, không bạo lực và quá quắt, và đạo Hồi bác bỏ rõ ràng sự bạo lực mà một thiểu
số đã thực hiện.
Sự gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan do nhiều nguyên nhân. Một phần, đó là
sự phản ứng với áp lực xã hội tạo ra trong xã hội Hồi giáo truyền thống khi xã hội hướng về
sự hiện đại và do ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây, chẳng hạn như tự do dân chủ, sự
thiên về vật chất, quyền bình đẳng cho phụ nữ, và thái độ đối với tình dục, hôn nhân và rượu.
Tại nhiều quốc gia Hồi giáo, hiện đại hóa đi cùng với khoảng cách ngày càng tăng giữa một
thiểu số người giàu thành thị và đa số tầng lớp bần cùng ở đô thị và nông thôn. Đối với phần
đông những người nghèo khó, lợi ích từ hiện đại hóa trên khía cạnh tiến bộ kinh tế thì không
nhiều nhưng lại đe dọa đến hệ giá trị truyền thống. Do đó, đối với một người Hồi giáo yêu
mến truyền thống của mình và cảm thấy rằng đặc tính cá nhân của mình bị đe dọa bởi sự

13
xâm nhập của giá trị phương Tây ngoại lai, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là sự cứu cánh cho
họ.
Những người theo trường phái Hồi giáo cực đoan đòi hỏi cam kết với tín ngưỡng và
nghi lễ tôn giáo truyền thống. Kết quả là một sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng các cử
chỉ mang tính biểu trưng để khẳng định các giá trị của Hồi giáo. Ở những nơi có trào lưu Hồi
giáo cực đoan phát triển mạnh, phụ nữ tiếp tục mặc váy dài đến sàn, có tay dài, che đi mái
tóc của mình; nghiên cứu về tôn giáo gia tăng trong các trường đại học; các ấn phẩm của
những luận văn ngắn về tôn giáo; và các bài thuyết giảng về tôn giáo trước công chúng cũng
tăng lên. Ngoài ra, cảm tính của một số nhóm Hối giáo cực đoan thường chống phương Tây.
Có thể đúng hay sai, nhưng ảnh hưởng của phương Tây đang bị quy cho là nguyên nhân của
một loạt các tệ nạn xã hội, và những người Hồi giáo cực đoan đang hành động chống lại
chính phủ phương Tây, biểu tượng văn hóa phương Tây, các doanh nghiệp phương Tây, và
thậm chí cả cá nhân người phương Tây.
Ở một số nước Hồi giáo, những người Hồi giáo cực đoan đã đạt được quyền lực chính
trị và sử dụng quyền lực này để biến luật của Hồi giáo (như trong kinh Koran, là kinh thánh
của đạo Hồi) thành luật của quốc gia. Cũng có những nền tảng cho vấn đề này trong học
thuyết Hồi giáo. Hồi giáo không phân biệt giữa giáo hội và nhà nước. Nó không chỉ là một
tôn giáo; Hồi giáo cũng là nguồn gốc của pháp luật, hướng dẫn để quản lý nhà nước và là
trọng tài cho các hành vi xã hội. Người Hồi giáo tin rằng mọi nỗ lực của con người đều thuộc
phạm vi của đức tin và điều này bao gồm cả hoạt động chính trị - bởi vì mục đích duy nhất
của bất kỳ hoạt động nào đều phục vụ ý muốn của Chúa trời. (Một số người Thiên chúa giáo
cực đoan cũng đồng tình quan điểm này). Những người Hồi giáo cực đoan thành công nhất ở
Iran, nơi mà một đảng cực đoan đã cầm quyền từ năm 1979, nhưng họ cũng đã có ảnh hưởng
ở nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Afghanistan (nơi người Taliban thành lập một nhà
nước cực đoan sau này bị loại bỏ bởi các liên minh do Mỹ cầm đầu vào năm 2002), Algeria,
Ai Cập, Pakistan, Ả Rập Saudi và Sudan.

Ý nghĩa kinh tế của Hồi giáo

Kinh Koran thiết lập một số nguyên tắc kinh tế rõ ràng, và nhiều nguyên tắc trong số đó nói
về doanh nghiệp tự do. Kinh Koran đồng tình với những doanh nghiệp tự do và thu được lợi
nhuận hợp pháp bằng thương mại (nhà tiên tri Mohammed cũng là một thương nhân). Việc
bảo đảm cho quyền sở hữu tư nhân cũng được đề cập trong Hồi giáo, mặc dù Hồi giáo khẳng
định rằng mọi tài sản đều là đặc ân của thánh Allah (Chúa trời), người tạo ra mọi thứ và do
đó sở hữu tất cả mọi thứ. Những ai đang nắm giữ tài sản được coi là người được ủy thác
trông nom tài sản chứ không phải là chủ sở hữu theo nghĩa của người phương Tây. Là người
được ủy thác, họ có quyền nhận lợi nhuận từ tài sản nhưng được khuyên nhủ sử dụng nó một
cách chính đáng, mang lại lợi ích cho xã hội, và khôn ngoan. Điều này phản ánh mối quan
tâm của Hồi giáo với công bằng xã hội. Hồi giáo chỉ trích những ai kiếm được lợi nhuận
bằng việc bóc lột người khác. Theo quan điểm của Hồi giáo về thế giới, con người là một
phần của tập thể, trong đó những người giàu có và thành công có nghĩa vụ giúp đỡ những
người khó khăn hơn. Nói một cách đơn giản, ở các nước Hồi giáo, kiếm được lợi nhuận là
điều tốt, miễn là lợi nhuận đó kiếm được một cách công bằng và không dựa trên việc bóc lột
người khác vì lợi ích của riêng mình. Và cũng rất tốt nếu những người kiếm được lợi nhuận
thực hiện hành vi từ thiện giúp đỡ người nghèo. Ngoài ra, Hồi giáo nhấn mạnh tầm quan
trọng của việc sống theo các nghĩa vụ đã cam kết, của việc giữ lời hứa, và không lừa gạt hay
mánh khoé. Để xem xét kĩ hơn sự tồn tại của Hồi giáo, chủ nghĩa tư bản, và toàn cầu hóa,
hãy đọc Tiêu điểm quốc gia ở dưới đây về vùng xung quanh Kayseri ở miền trung Thổ Nhĩ
Kỳ.

14
Với khuynh hướng ủng hộ cơ chế thị trường, các quốc gia Hồi giáo dễ tiếp nhận các
doanh nghiệp quốc tế, miễn là các doanh nghiệp đó hành xử theo cách thức tương đồng với
đạo đức của đạo Hồi. Doanh nghiệp nào xem việc kiếm lợi nhuận không công bằng thông
qua bóc lột người khác, bởi sự lừa dối, hoặc bằng cách phá vỡ các nghĩa vụ hợp đồng thì
không được chào đón tại một quốc gia Hồi giáo. Ngoài ra, ở các nước Hồi giáo, nơi trào lưu
chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang gia tăng, sự thù địch đối với các doanh nghiệp có chủ sở
hữu là người phương Tây sở hữu cũng tăng lên.
Một nguyên tắc kinh tế của Hồi giáo là nghiêm cấm việc thanh toán hoặc nhận tiền lãi,
vốn được xem là cho vay nặng lãi. Đây không phải chỉ là vấn đề về mặt tôn giáo; ở một số
quốc gia Hồi giáo, nó cũng là vấn đề của luật pháp. Kinh Koran dứt khoát lên án tiền lãi,
được gọi là riba trong tiếng Ả Rập, như là bóc lột và bất công. Trong nhiều năm, các ngân
hàng hoạt động ở các nước Hồi giáo lờ đi sự lên án này, nhưng bắt đầu khoảng cách đây 40
năm, cùng với việc thành lập một ngân hàng Hồi giáo ở Ai Cập, các ngân hàng Hồi giáo
được mở ra ở nhiều quốc gia Hồi giáo. Đến năm 2009, hơn 400 ngân hàng Hồi giáo ở trên 50
quốc gia sở hữu khoảng 400 tỷ USD, trong khi 800 tỷ USD được quản lý bởi các quỹ hỗ
tương cũng tuân theo các nguyên tắc của Hồi giáo. Ngay cả các ngân hàng thông thường khi
thâm nhập thị trường – như Citigroup và HSBC, hai tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, cũng
cung cấp các dịch vụ tài chính của Hồi giáo. Trong khi chỉ có Iran và Sudan bắt buộc các
ngân hàng thông thường tuân theo nguyên tắc của Hồi giáo, ngày càng nhiều các quốc gia
Hồi giáo khác, khách hàng có thể lựa chọn giữa ngân hàng thông thường và ngân hàng Hồi
giáo.
Các ngân hàng thông thường kiếm lợi nhuận dựa trên sự chênh lệch lãi suất họ trả
người gửi tiền và mức lãi suất cao hơn họ thu của người vay tiền. Bởi vì các ngân hàng Hồi
giáo không thể trả hoặc tính lãi suất, họ phải tìm một cách khác để thu lợi nhuận. Ngân hàng
Hồi giáo đã thử nghiệm hai nghiệp vụ ngân hàng khác nhau - mudarabah và murabaha.
Hợp đồng mudarabah tương tự như một chương trình chia sẻ lợi nhuận. Theo hợp
đồng mudarabah, khi một ngân hàng Hồi giáo cho vay tiền để kinh doanh, thay vì tính lãi
cho khoản vay đó, ngân hàng sẽ thu một phần lợi nhuận có được từ đầu tư. Tương tự, khi
một doanh nghiệp (hoặc cá nhân) gửi tiền tại một ngân hàng Hồi giáo bằng tài khoản tiết
kiệm, tiền gửi được coi là vốn chủ sở hữu trong bất cứ hoạt động nào ngân hàng sử dụng
vốn. Như vậy, người gửi tiền sẽ nhận được một phần lợi nhuận từ đầu tư của ngân hàng (thay
vì trả tiền lãi) theo một tỷ lệ đã thống nhất. Một số người Hồi giáo khẳng định đây là cơ chế
hiệu quả hơn cơ chế ngân hàng của phương Tây, vì nó vừa khuyến khích tiết kiệm dài hạn
lẫn đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, không có bằng chứng thuyết phục nào cho luận điểm này, và
nhiều người tin rằng một hệ thống mudarabah là kém hiệu quả hơn so với một hệ thống ngân
hàng phương Tây thông thường.
Nghiệp vụ ngân hàng Hồi giáo thứ hai, là hợp đồng murabaha, được sử dụng rộng rãi
nhất trong các ngân hàng Hồi giáo trên thế giới, chủ yếu bởi vì nó dễ thực hiện nhất. Trong
hợp đồng murabaha, khi một công ty muốn mua thứ gì đó bằng cách sử dụng một khoản vay
– ví dụ như một trang thiết bị có chi phí 1.000 USD – công ty sẽ thông báo cho ngân hàng
sau khi đàm phán giá với nhà sản xuất thiết bị. Ngân hàng sẽ đi mua thiết bị với giá 1.000
USD, và sau này người đi vay sẽ mua lại từ ngân hàng với giá 1.100 USD, mức giá gồm cả
phần tăng 100 USD dành cho ngân hàng. Người hoài nghi có thể chỉ ra rằng phần tăng giá
như vậy có chức năng tương đương với một khoản thanh toán lãi vay, và phương pháp này
tương tự với phương pháp mà các ngân hàng thông thường sử dụng, thậm chí các ngân hàng
thông thường còn làm cho nó dễ dàng áp dụng hơn rất nhiều.

15
TIÊU ĐIỂM QUỐC GIA

Chủ nghĩa tư bản Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ

Trong nhiều năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã vận động hành lang Liên minh Châu Âu cho phép nước này gia nhập
khối thương mại tự do như là một quốc gia thành viên. Nếu EU đồng ý, đây sẽ là nhà nước Hồi giáo đầu
tiên trong Liên minh. Nhiều nhà phê bình trong EU lo ngại rằng chủ nghĩa tư bản Hồi giáo và chủ nghĩa tư
bản theo phong cách phương Tây không phù hợp với nhau, và cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập vào EU là
một sai lầm. Tuy nhiên, xem xét kỹ những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thấy rằng quan điểm này có
thể không còn phù hợp. Hãy nhìn vào khu vực xung quanh thành phố Kayseri ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều người rời bỏ vùng đất nông nghiệp rộng lớn và nghèo khó này, vốn được biết như một vùng nước
đọng không có người Châu Âu sinh sống, biệt lập với sự nhộn nhịp muôn thuở của thủ đô Istanbul. Đó là
vùng đất nơi mà các giá trị Hồi giáo truyền thống vẫn còn thống trị. Chưa hết, nó cũng là vùng đất sản sinh
rất nhiều doanh nghiệp Hồi giáo lớn mạnh mà đôi khi còn được gọi là “những con hổ của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Các doanh nghiệp có trụ sở ở đây gồm các nhà sản xuất thực phẩm lớn, các công ty dệt may, nhà sản xuất
đồ gỗ, và các doanh nghiệp kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp trong số đó xuất khẩu một tỷ lệ đáng kể sản
phẩm sản xuất của họ.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp địa phương đóng góp cho sự thành công của công ty trong khu vực
bằng một tinh thần kinh doanh mà họ gọi đó là một phần của đạo Hồi. Họ chỉ ra rằng nhà tiên tri
Muhammad, vốn cũng là một thương nhân, ca tụng thương nhân là nghề danh dự và truyền rằng 90 phần
trăm cuộc đời người Hồi giáo nên cống hiến làm việc để kiếm tiền. Các nhà quan sát bên ngoài đã đi xa
hơn khi cho rằng những gì đang xảy ra ở Kayseri là một ví dụ về thần học Calvin của Hồi giáo, một sự hợp
nhất các giá trị Hồi giáo truyền thống và đạo đức làm việc của đạo Tin Lành nói chung, và thần học Calvin
nói riêng.
Tại Kayseri, ảnh hưởng của Hồi giáo có thể nhìn thấy rõ ràng. Nhiều công ty dành riêng các phòng
bên trong và thời gian giải lao 15 phút cho mọi người cầu nguyện. Hầu hết các doanh nhân lớn tuổi đều đã
hành hương đến thánh địa Mecca, việc làm có ý nghĩa với tất cả người Hồi giáo mà họ cần thực hiện ít
nhất một lần trong đời. Trong số ít các quán cà phê và nhà hàng ở Kayseri phục vụ rượu, hầu hết phụ nữ
đều đội khăn trùm đầu.
Tại nhà máy đường Kayseri, một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất khu vực, một nhà
quản lý cấp cao cho rằng Hồi giáo đã đóng một vai trò lớn trong việc làm tăng khả năng sinh lợi của doanh
nghiệp. Trong suốt một thời gian dài, nhà máy mua phần lớn củ cải đường từ một nhà cung cấp độc quyền
duy nhất, người đã đòi mức giá rất cao. Vì đạo Hồi thuyết giáo về cơ hội bình đẳng trong kinh doanh, các
nhà quản lý tại nhà máy đường đã quyết định làm theo điều răn của Hồi giáo đó là đa dạng hóa nguồn
cung cấp và khuyến khích các nhà sản xuất nhỏ bán củ cải cho họ. Ngày nay, nhà máy mua củ cải đường
từ 20.000 người trồng trọt nhỏ. Sự cạnh tranh giữa họ đã làm giá giảm xuống và tăng lợi nhuận của nhà
máy. Người quản lý này cũng lưu ý rằng “Nếu bạn không phải là một người Hồi giáo ngoan đạo, không
cầu nguyện năm lần một ngày và vợ bạn không đội khăn trùm đầu, bạn có thể gặp khó khăn khi làm kinh
doanh ở đây”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng Hồi giáo là động lực cho sự thành công của vùng đất
này. Saffet Arslan, giám đốc điều hành của Ipek, nhà sản xuất đồ gỗ lớn nhất trong vùng (doanh nghiệp đã
xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia) cho rằng một động lực khác cho sự thành công chính là toàn cầu hóa!
Theo ông Arslan, trong ba thập kỷ qua, những người Hồi giáo địa phương đã từng né tránh việc kiếm tiền,
chỉ tập trung vào tôn giáo thì giờ đây lại đang đặt việc kinh doanh lên trên hết. Họ nhìn thế giới của
phương Tây và chủ nghĩa tư bản phương Tây là một hình mẫu, chứ không phải Hồi giáo, vì toàn cầu hóa
và các cơ hội đi cùng với nó có thể giúp họ thành công. Đồng thời, ông Arslan là một người Hồi giáo thực
hành (là người thực hành theo 5 nền tảng cơ bản của đạo Hồi) đã xây dựng một nhà thờ Hồi giáo ở tầng
hầm của tòa nhà trụ sở Ipek để mọi người có thể cầu nguyện tại nơi làm việc.
Nếu có một hạn chế trong mô hình kinh doanh Hồi giáo đang nổi lên ở những nơi như Kayseri, đó
chính là thái độ truyền thống đối với vai trò của phụ nữ tại nơi làm việc, và tỉ lệ thấp của lao động nữ trong
khu vực. Theo một báo cáo của tờ Sáng kiến ổn định Châu Âu, nhóm cũng cho rằng vùng Kayseri là một
ví dụ của Thần học hồi giáo Calvin, thì mức độ tham gia thấp của phụ nữ trong lực lượng lao động địa
phương được ví như gót chân Achilles của nền kinh tế và có thể cản trở nỗ lực của khu vực trong việc bắt
kịp với các nước khác thuộc khối Liên minh Châu Âu.

16
Ấn Độ giáo

Ấn Độ giáo có khoảng 750 triệu tín đồ, hầu hết sống ở tiểu lục địa Ấn Độ. Ấn Độ giáo bắt
nguồn từ thung lũng Indus ở Ấn Độ hơn 4.000 năm trước đây và trở thành tôn giáo chính lâu
đời nhất trên thế giới. Không giống như Cơ đốc giáo và Hồi giáo, nền tảng của Ấn Độ giáo
không gắn liền với một cá nhân cụ thể. Ấn Độ giáo cũng không có một cuốn sách thánh
chính thức được ban hành như Kinh Thánh hay kinh Koran. Người theo đạo Ấn độ giáo tin
vào luân hồi, hay tái sinh vào một cơ thể khác sau khi chết. Ấn độ giáo cũng tin vào nghiệp
báo, là sự tiến triển tâm linh trong linh hồn mỗi người. Nghiệp báo của một người bị ảnh
hưởng bởi cách sống của họ. Cách sống đạo đức của họ sẽ quyết định những khó khăn họ
gặp trong cuộc sống tiếp theo. Bằng cách hoàn thiện tâm hồn trong mỗi cuộc sống mới,
người Ấn độ giáo tin rằng một cá nhân cuối cùng có thể lên được cõi niết bàn, một trạng thái
tâm linh hoàn hảo thoát khỏi kiếp luân hồi. Nhiều người Ấn độ giáo tin rằng để lên được cõi
niết bàn thì phải có lối sống khổ hạnh giản dị, không màng đến thú vui vật chất và thể xác,
cống hiến cuộc đời cho việc tìm kiếm sự cứu rỗi về mặt tinh thần hơn là vật chất.

Ý nghĩa kinh tế của Ấn Độ giáo

Max Weber, người nổi tiếng với những giải thích chi tiết về đạo đức làm việc của đạo Tin
Lành, cho rằng các tư tưởng khổ hạnh trong Ấn Độ giáo không khuyến khích tinh thần khởi
nghiệp tạo ra của cải mà chúng ta thấy trong đạo Tin lành. Theo Weber, các giá trị truyền
thống của Ấn độ giáo nhấn mạnh rằng cá nhân được đánh giá không phải bởi những thành
tựu vật chất mà là những thành tựu tâm linh của họ. Ấn độ giáo coi việc theo đuổi vật chất
làm cho việc lên được cõi niết bàn khó khăn hơn. Với sự nhấn mạnh về một lối sống khổ
hạnh, Weber cho rằng người sùng đạo Ấn độ giáo sẽ ít có khả năng tham gia vào các hoạt
động kinh doanh hơn những người sùng đạo Tin Lành.
Mahatma Gandhi, nhà dân tộc học và nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng người Ấn Độ, là
hiện thân rõ ràng của chủ nghĩa khổ hạnh Ấn độ giáo. Có lập luận cho rằng các giá trị của
chủ nghĩa khổ hạnh Ấn độ giáo và sự tự chủ mà Gandhi chủ trương đã có một tác động tiêu
cực đến phát triển kinh tế của Ấn độ sau độc lập. Nhưng những lập luận của Weber chỉ nên
mang tính tham khảo. Ấn Độ hiện đại là một xã hội kinh doanh rất năng động, và hàng triệu
doanh nhân làm việc chăm chỉ là xương sống cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng
này.
Trong lịch sử, Ấn Độ giáo là trụ cột cho hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ. Các khái niệm
về khả năng thay đổi địa vị cá nhân giữa các đẳng cấp không có ý nghĩa với người Ấn độ
giáo truyền thống. Ấn độ giáo xem khả năng thay đổi địa vị cá nhân giữa các đẳng cấp chỉ có
thể đạt được thông qua sự tiến triển về tinh thần và kiếp luân hồi. Một cá nhân có thể được
tái sinh vào một đẳng cấp cao hơn trong cuộc sống tiếp theo của mình nếu người ấy đạt được
sự phát triển về tinh thần trong cuộc sống này. Theo nhiều nhà quan sát, mặc dù hệ thống
đẳng cấp đã bị bãi bỏ ở Ấn Độ nhưng nó vẫn để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong cuộc
sống của người Ấn độ. Trong chừng mực hệ thống đẳng cấp hạn chế cơ hội cá nhân đảm
nhận những vị trí trách nhiệm và có tầm ảnh hưởng trong xã hội, hậu quả kinh tế của tín
ngưỡng tôn giáo này có phần tiêu cực. Ví dụ, trong một tổ chức kinh doanh, các cá nhân có
khả năng nhất tìm thấy con đường của họ để phát triển lên một cấp cao hơn trong tổ chức
nhưng bị chặn lại, đơn giản chỉ vì họ xuất thân từ đẳng cấp thấp hơn. Tương tự, một cá nhân
có thể được thăng tiến đến vị trí cao hơn trong công ty phần nhiều vì nền tảng đẳng cấp chứ
không phải vì năng lực của họ.

Phật giáo

17
Phật giáo được thành lập ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên bởi Thái tử Ấn độ
Siddhartha Gautama, người đã từ bỏ cuộc sống vương giả để theo đuổi một lối sống khổ
hạnh và hoàn thiện tâm hồn. Siddhartha đã lên được cõi niết bàn nhưng quyết định ở lại thế
gian để dạy cho những đồ đệ của ngài làm sao đạt được trạng thái của sự khai sáng tâm hồn.
Ngài được biết đến như Đức Phật (nghĩa là “người thức tỉnh”). Ngày nay, Phật giáo có 350
triệu tín đồ, hầu hết là ở Trung Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản. Theo
Phật giáo, đau khổ bắt nguồn từ việc con người mưu cầu lạc thú. Chấm dứt khổ đau có thể
đạt được bằng một con đường chuyển đổi. Thái tử Siddhartha chỉ ra một con đường chuyển
đổi đó là Bát Chánh Đạo. Bát chánh đạo nhấn mạnh đến suy niệm chân chính, suy nghĩ chân
chính, lời nói chân chính, hành động chân chính, sống chân chính, nỗ lực chân chính, kiên
định tập trung tâm tư vào con đường chân chính. Không giống như Ấn Độ giáo, Phật giáo
không ủng hộ hệ thống đẳng cấp. Phật giáo cũng không ủng hộ việc hành vi cực kỳ khổ hạnh
mà Ấn Độ giáo khuyến khích. Tuy nhiên, giống như Ấn độ giáo, Phật giáo nhấn mạnh thế
giới bên kia và thành tựu về tinh thần hơn là sự liên đới đến thế giới bên này.

Ý nghĩa kinh tế của Phật giáo

Tư tưởng nhấn mạnh việc tạo ra của cải trong đạo Tin Lành không tìm thấy ở trong Phật
giáo. Như vậy, trong xã hội Phật giáo, chúng ta không thấy việc nhấn mạnh về mặt văn hoá -
lịch sử đối với hoạt động kinh doanh mà Weber tìm thấy ở đạo Tin Lành của phương Tây.
Nhưng không giống Ấn Độ giáo, Phật giáo không ủng hộ hệ thống đẳng cấp và hành vi cực
kỳ khổ hạnh, điều đó cho thấy xã hội Phật giáo có thể là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động
kinh doanh hơn là nền văn hóa Ấn Độ giáo.

Nho giáo

Nho giáo ra đời từ thế kỷ thứ năm trước Công nguyên bởi K'ung-Fu-tzu, thường được gọi là
Khổng Tử. Trong hơn 2.000 năm cho đến trước cuộc cách mạng cộng sản năm 1949, Nho
giáo là hệ thống đạo đức chính thức của Trung Quốc. Tuy đạo đức Nho giáo đã bị suy yếu ở
Trung Quốc kể từ sau năm 1949, hơn 200 triệu người vẫn làm theo những lời dạy của Khổng
Tử, chủ yếu ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nho giáo dạy về tầm quan trọng của
việc đạt được sự cứu rỗi cá nhân thông qua hành động đúng. Mặc dù không phải là một tôn
giáo, ý thức hệ Nho giáo đã tạo dấu ấn sâu đậm trong nền văn hóa ở các quốc gia này qua
nhiều thế kỷ, và có tác động đến đời sống của hàng triệu người. Nho giáo được xây dựng
xung quanh một quy tắc đạo đức toàn diện làm hướng dẫn cho các mối quan hệ với người
khác. Trung tâm của Nho giáo là đạo đức, thực hiện hành động hợp với luân thường đạo lý
và trung thành với người khác. Không giống như các tôn giáo khác, Nho giáo không quan
tâm đến siêu nhiên và ít đề cập đến một đấng tối cao hay một thế giới bên kia.

Ý nghĩa kinh tế của Nho giáo

Một số học giả cho rằng Nho giáo có ý nghĩa kinh tế sâu sắc như những lập luận của Weber
về đạo Tin Lành, mặc dù bản chất của chúng khác nhau. Luận điểm cơ bản của những học
giả này cho rằng ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đến nền văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản,
Hàn Quốc và Đài Loan là làm giảm chi phí kinh doanh tại các quốc gia này, giúp giải thích
cho sự thành công trong kinh tế của các quốc gia. Về vấn đề này, ba giá trị trung tâm của hệ
thống đạo đức Nho giáo là: lòng trung thành, nghĩa vụ có qua có lại, và trung thực trong các
giao dịch với người khác.
Trong tư tưởng Nho giáo, trung thành với cấp trên được coi là nhiệm vụ thiêng liêng –
hay là một nghĩa vụ bắt buộc. Trong các tổ chức hiện đại dựa trên nền văn hóa Nho giáo,

18
lòng trung thành gắn kết nhân viên với người đứng đầu của tổ chức có thể làm giảm xung đột
giữa quản lý và người lao động mà chúng ta thường thấy trong các xã hội có ý thức về giai
cấp. Sự hợp tác giữa tầng lớp quản lý và người lao động có thể đạt được với chi phí thấp hơn
trong một nền văn hóa nơi mà đức tính lòng trung thành được nhấn mạnh trong các hệ thống
giá trị.
Tuy nhiên, trong nền văn hóa Nho giáo, trung thành với cấp trên, chẳng hạn như lòng
trung thành của một công nhân với cấp quản lý, không phải là lòng trung thành mù quáng.
Khái niệm về nghĩa vụ có qua có lại là rất quan trọng. Đạo đức Nho giáo nhấn mạnh rằng
cấp trên cũng có nghĩa vụ tưởng thưởng cho lòng trung thành của cấp dưới bằng cách đem
lại may mắn cho cấp dưới. Nếu không có “may mắn” thì lòng trung thành cũng không còn
nữa. Đạo đức Nho giáo là trung tâm cho khái niệm guanxi của Trung Quốc, trong đó đề cập
đến mạng lưới mối quan hệ được xây dựng từ những nghĩa vụ có qua có lại. Guanxi trong
bối cảnh kinh doanh có thể được hiểu là các mối quan hệ. Ngày nay, người Trung Quốc
thường xuyên nuôi dưỡng một guanxiwang, hay “mạng lưới các mối quan hệ” để hỗ trợ lẫn
nhau. Nghĩa vụ có qua có lại là chất keo kết dính mạng lưới các mối quan hệ. Nếu những
nghĩa vụ không được đáp ứng, nếu nhận được đặc ân mà không đáp lại, danh tiếng của người
phạm lỗi sẽ bị lu mờ và người đó ít có khả năng nhờ đến sự giúp đỡ từ mạng lưới
guanxiwang của mình trong tương lai. Như vậy, mối đe dọa tiềm ẩn bị xã hội trừng phạt đủ
đảm bảo ân huệ được hoàn trả, nghĩa vụ được đáp ứng, và các mối quan hệ được tôn trọng.
Trong một xã hội thiếu truyền thống pháp lý dựa trên các nguyên tắc chặt chẽ, và do đó
không có những cách thức về mặt luật pháp để uốn nắn những sai phạm khi vi phạm các thỏa
thuận kinh doanh, guanxi là một cơ chế quan trọng để xây dựng các mối quan hệ kinh doanh
lâu dài và đảm bảo cho việc kinh doanh được thực hiện ở Trung Quốc. Để hiểu tầm quan
trọng của guanxi, hãy đọc Tiêu điểm quản trị về tình huống DMG ở Thượng Hải.
Một khái niệm thứ ba được tìm thấy trong đạo đức Nho giáo là tầm quan trọng của
lòng trung thực. Nhà tư tưởng Nho giáo nhấn mạnh rằng, mặc dù hành vi không trung thực
có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho người vi phạm, nhưng sự thiếu trung thực không mang
lại lợi ích trong dài hạn. Tầm quan trọng của sự trung thực có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế. Khi
các công ty tin tưởng lẫn nhau để không phá vỡ nghĩa vụ của hợp đồng sẽ làm giảm phí tổn
trong kinh doanh. Chi phí đắt đỏ thuê luật sư giải quyết các tranh chấp cũng không cần thiết.
Trong xã hội Nho giáo, người ta dễ dàng uỷ thác nguồn lực lớn để hợp tác liên doanh hơn là
trong xã hội thiếu sự trung thực. Khi các công ty tuân thủ đạo đức Nho giáo, họ có thể tin
tưởng lẫn nhau để không vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hợp tác. Như vậy, chi phí để
đạt được sự hợp tác giữa các công ty trong các xã hội Trung Quốc, Nhật Bản thấp hơn so với
các xã hội ít có sự tin tưởng lẫn nhau.
Ví dụ, có lập luận cho rằng, tại Nhật Bản, mối quan hệ chặt chẽ giữa các công ty ô tô
và nhà cung cấp phụ tùng có nguồn gốc từ sự gắn kết giữa niềm tin và những nghĩa vụ tương
hỗ. Mối quan hệ chặt chẽ này cho phép các công ty ô tô và nhà cung cấp của họ cùng làm
việc để giải quyết các vấn đề, bao gồm giảm hàng tồn kho, kiểm soát chất lượng và thiết kế
sản phẩm. Lợi thế cạnh tranh của công ty ô tô Nhật Bản như Toyota có thể phần nào được
giải thích bởi những yếu tố trên. Tương tự như vậy, sự kết hợp giữa niềm tin và những nghĩa
vụ có qua có lại là trung tâm cho sự vận hành và tồn tại mạng lưới guanxi ở Trung Quốc.
Những người tìm kiếm và nhận được sự hỗ trợ từ mạng lưới guanxi sau đó bắt buộc phải đáp
trả đặc ân và sẽ đối mặt với sự trừng phạt của xã hội nếu anh ta không đáp lại nghĩa vụ khi
cần thiết. Nếu người đó không đáp trả đặc ân, uy tín của anh ta sẽ bị tổn hại và anh ta sẽ
không thể nhờ sự hỗ trợ của mạng lưới trong tương lai. Người ta nói rằng những mạng lưới
dựa trên mối quan hệ giúp cho việc thực thi các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp tốt hơn so
với hệ thống luật pháp Trung Quốc. Một số cho rằng mạng lưới guanxi, có thể thay thế cho
hệ thống pháp luật.

19
TIÊU ĐIỂM QUẢN TRỊ

DMG – Thượng Hải

Năm 1993, Dan Mintz, một đạo diễn phim làm việc tự do người New York, chuyển đến Trung Quốc
trong hoàn cảnh không có địa chỉ liên lạc, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo, và không
biết tiếng phổ thông Trung Quốc. Đến năm 2006, ông thành lập công ty DMG ở Trung Quốc, nổi lên
như một trong những công ty quảng cáo phát triển nhanh nhất Trung Quốc với danh sách khách hàng
bao gồm Budweiser, Unilever, Sony, Nabisco, Audi, Volkswagen, China Mobile, và hàng chục nhãn
hiệu Trung Quốc khác. Mintz cho rằng thành công của ông nhờ phần lớn vào cái mà người Trung
Quốc gọi là guanxi.
Guanxi có nghĩa là các mối quan hệ, trong bối cảnh kinh doanh tốt hơn nên hiểu nó là những
quan hệ hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Guanxi có nguồn gốc trong triết học Nho giáo coi trọng hệ thống
phân chia giai tầng xã hội và các nghĩa vụ có tính tương hỗ. Ý thức hệ Nho giáo có lịch sử 2.000 năm
ở Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ, kể cả trong gia đình và mối quan hệ
giữa chủ và tớ. Hệ tư tưởng Nho giáo dạy rằng mọi người được sinh ra vốn không bình đẳng. Trong
tư tưởng Nho giáo, lòng trung thành và nghĩa vụ đối với cấp trên (hoặc gia đình) của một người được
coi là một nhiệm vụ thiêng liêng, nhưng lòng trung thành cũng phải được đáp trả. Người cấp trên
trong xã hội có nghĩa vụ tưởng thưởng cho sự trung thành của cấp thấp hơn của mình bằng cách ban
“may mắn” cho họ; do đó, các nghĩa vụ là mối quan hệ có tính chất tương hỗ.
Ngày nay, người Trung Quốc thường xuyên nuôi dưỡng guanxiwang, “mạng lưới các mối quan
hệ,” để giúp đỡ lẫn nhau. Các nghĩa vụ có qua có lại là chất keo kết dính các mạng lưới này. Nếu
những nghĩa vụ trên không được đáp ứng – hay những đặc ân không được đáp trả – danh tiếng của
người vi phạm sẽ bị lu mờ, và người đó khó có thể nhận tiếp sự giúp đỡ từ mạng lưới guanxiwang của
mình trong tương lai. Như vậy, mối đe dọa tiềm ẩn bị trừng phạt đảm bảo rằng ân huệ được hoàn trả,
nghĩa vụ được đáp ứng, và các mối quan hệ tôn trọng nhau. Trong một xã hội mà không có truyền
thống pháp lý dựa trên nguyên tắc chặt chẽ, và do đó không có cách thức về mặt pháp luật để khắc
phục những sai phạm nếu phá vỡ các thỏa thuận kinh doanh, guanxi là một cơ chế quan trọng để xây
dựng các mối quan hệ làm ăn lâu dài và đảm bảo cho việc kinh doanh được thực hiện ở Trung Quốc.
Như một sự thừa nhận ngầm, nếu anh có guanxi phù hợp, anh không cần thực hiện theo quy định của
pháp luật.
Mintz, người bây giờ đã thông thạo tiếng phổ thông của Trung Quốc, gây dựng mạng
guanxiwang của mình bằng cách hợp tác kinh doanh với hai thanh niên trẻ Trung Quốc, Bing Wu và
Peter Xiao, là người vốn có sẵn các mối quan hệ. Bing Wu, đảm trách hoạt động sản xuất của doanh
nghiệp, là một cựu vô địch thể dục dụng cụ quốc gia, dùng uy tín để tiếp cận với doanh nghiệp và
quan chức chính phủ. Peter Xiao xuất thân trong một gia đình quân đội với nhiều mối quan hệ chính
trị. Cùng với nhau, cả ba có thể có được những cơ hội tốt mà các công ty quảng cáo phương Tây dù
đã thành lập lâu đời cũng không có được. Họ làm được dựa vào phần lớn các mối liên lạc của Wu và
Xiao, và xây dựng những mối quan hệ này để thực hiện các công việc trôi chảy.
Trường hợp điển hình là chiến dịch quảng cáo của DMG cho Volkswagen đã giúp công ty của
Đức này trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Quảng cáo sử dụng các ký tự truyền thống của Trung Quốc,
vốn bị cấm do Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc cách mạng văn hóa ủng hộ các phiên bản đơn
giản hóa. Để được phép sử dụng các ký tự đó trong phim ảnh và in ấn quảng cáo – điều đầu tiên ở
Trung Quốc hiện đại, ba người họ đã phải dựa vào mối liên hệ với chính quyền cấp cao ở Bắc Kinh.
Họ đã thuyết phục được các quan chức bằng cách cho rằng các ký tự cũ không được coi là “ký tự” mà
là nghệ thuật. Sau đó, họ quay quảng cáo trên tivi tại Bến Thượng Hải nổi tiếng, một đại lộ đông đúc
chạy dọc bờ sông của thành phố cổ. Dựa vào mối quan hệ với chính phủ, họ có thể đóng cửa Bến
Thượng Hải để thực hiện buổi quay. Steven Spielberg đã có thể đóng cửa chỉ một phần đường phố khi
ông quay phim Empire of the Sun vào năm 1986. DMG cũng quay bên trong Tử Cấm Thành ở Bắc
Kinh, mặc dù theo pháp luật thì không cho phép. Sử dụng các mối quan hệ, Mintz thuyết phục chính
phủ thay đổi luật cho phép họ quay trong 24 giờ. Như Mintz đã nói, “Chúng tôi không đầu hàng các
quy định. Bất cứ nơi nào bạn đến đều có thể gặp trở ngại. Bạn phải biết cách đi vòng và công việc sẽ
được giải quyết”.

20
Ngôn ngữ LO2

Điều dễ thấy cho sự khác nhau giữa các quốc gia là ngôn ngữ. Ngôn ngữ ở đây bao gồm cả
ngôn ngữ nói và các cách thức giao tiếp không bằng lời nói hay ngôn ngữ cử chỉ. Ngôn ngữ
là một trong những đặc điểm xác định của nền văn hóa.

Ngôn ngữ nói

Ngôn ngữ không chỉ là phương thức để mọi người giao tiếp với nhau. Bản chất của ngôn ngữ
cũng thể hiện cách chúng ta nhận thức thế giới. Ngôn ngữ của xã hội có thể thu hút sự chú ý
của các thành viên trong xã hội đến các mặt nhất định của thế giới. Ví dụ minh họa điển hình
cho vấn đề này là tiếng Anh vốn chỉ có một từ “snow” (tuyết), nhưng ngôn ngữ của người
Inuit (người Eskimos) lại không có một từ chung nói về tuyết. Vì phân biệt các dạng thức
khác nhau của tuyết là rất quan trọng trong cuộc sống của người Inuit, họ có đến 24 từ mô tả
các loại tuyết khác nhau (ví dụ, bột tuyết, tuyết rơi, tuyết ướt, tuyết lở).
Bởi vì ngôn ngữ hình thành cách thức con người nhìn nhận thế giới, nó cũng giúp xác
định nền văn hóa. Những quốc gia có nhiều hơn một ngôn ngữ thường có nhiều hơn một nền
văn hóa. Canada có một nền văn hóa nói tiếng Anh và một nền văn hóa nói tiếng Pháp. Căng
thẳng giữa hai nhóm có thể dẫn đến cao trào, với một tỷ lệ đáng kể thiểu số nói tiếng Pháp
đòi tách khỏi Canada vốn “bị chi phối bởi những người nói tiếng Anh.” Hiện tượng tương tự
có thể quan sát thấy trong rất nhiều quốc gia khác. Nước Bỉ cũng được chia thành hai vùng
nói tiếng Hà Lan và vùng nói tiếng Pháp, và căng thẳng giữa hai nhóm vẫn tồn tại; tại Tây
Ban Nha, thiểu số người nói tiếng Basque với văn hóa đặc biệt riêng cũng đang kích động
đòi tách khỏi đa số người nói tiếng Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ; trên hòn đảo Síp ở Địa
Trung Hải, sự phân chia văn hoá giữa nhóm người nói tiếng Hy Lạp và nhóm người nói tiếng
Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ cuộc xung đột vào những năm 1970, và đến nay hòn đảo hiện được
chia thành hai phần. Tuy không hẳn sự khác biệt về ngôn ngữ sẽ dẫn đến sự khác biệt về văn
hóa (ví dụ Thụy Sĩ là quốc gia rất hoà hợp với bốn ngôn ngữ), tuy nhiên cũng có xu thế theo
hướng phân lập.
Trung Quốc là tiếng mẹ đẻ của số đông người nhất trên thế giới, tiếp theo là tiếng Anh
và Tiếng Ấn độ, được sử dụng tại Ấn Độ. Tuy nhiên, ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất
trên thế giới là tiếng Anh, tiếp theo là Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Trung Quốc (nhiều người
nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai). Tiếng Anh ngày càng trở thành ngôn ngữ trong
kinh doanh quốc tế. Khi một doanh nhân người Nhật và người Đức gặp nhau, gần như chắc
chắn rằng họ sẽ giao tiếp bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, mặc dù tiếng Anh được sử dụng rộng
rãi, việc sử dụng ngôn ngữ địa phương cũng có những thuận lợi rất lớn. Hầu hết mọi người
thích nói chuyện bằng ngôn ngữ riêng của họ, và việc nói được ngôn ngữ địa phương có thể
xây dựng mối quan hệ, điều rất quan trọng trong giao dịch kinh doanh. Doanh nghiệp kinh
doanh quốc tế mà không hiểu ngôn ngữ địa phương có thể làm hỏng việc nếu không có phiên
dịch tốt. Ví dụ, Công ty Sunbeam sử dụng từ tiếng Anh “Mist-Stick” cho dụng cụ kim loại
để uốn tóc bằng hơi nước, khi bước chân vào thị trường Đức, sau một chiến dịch quảng cáo
tốn kém mới phát hiện ra rằng mist trong tiếng Đức có nghĩa là chất thải (phân). General
Motors cũng gặp rắc rối bởi sự hờ hững của các đại lý Puerto Rico cho loại xe Chevrolet
Nova mới của hãng. Khi dịch nghĩa sang tiếng Tây Ban Nha, “nova” có nghĩa là ngôi sao.
Tuy nhiên, khi đọc, âm của nó có vẻ như “no va”, mà trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là
“nó không đi được.” General Motors đã phải thay đổi tên của chiếc xe mới thành Caribe.

Ngôn ngữ cử chỉ

21
Ngôn ngữ cử chỉ là cách giao tiếp không bằng lời nói. Tất cả chúng ta giao tiếp với nhau bởi
một loạt các tín hiệu phi ngôn từ. Ví dụ như rướn lông mày, ở hầu hết quốc gia là một cử chỉ
khi người ta nhận ra một điều gì đó mới, trong khi nụ cười là biểu hiện của niềm vui. Nhiều
ngôn ngữ cử chỉ giới hạn trong nền văn hóa của ngôn ngữ đó. Hiểu sai hoặc không hiểu
những ngôn ngữ cử chỉ của nền văn hóa khác có thể thất bại trong giao tiếp. Ví dụ, ngón cái
và ngón trỏ làm thành vòng tròn bằng là một cử chỉ thể hiện sự thân thiện ở Hoa Kỳ, nhưng
nó là một lời mời gợi tình thô lỗ ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Tương tự như vậy, trong khi hầu
hết người Mỹ và người châu Âu sử dụng cử chỉ ngón tay cái giơ lên để cho biết rằng “mọi
việc đều đúng hay ổn” thì ở Hy Lạp đó lại là cử chỉ tục tĩu.
Một khía cạnh khác của giao tiếp phi ngôn từ là không gian cá nhân, là khoảng cách
phù hợp giữa bạn và người đối diện mà bạn đang nói chuyện. Tại Hoa Kỳ, khoảng cách
thông thường được chấp nhận bởi các bên khi thảo luận kinh doanh là năm đến tám feet. Ở
Châu Mỹ Latinh là ba đến năm feet. Do đó, nhiều người Bắc Mỹ một cách vô thức cảm thấy
người Châu Mỹ La tinh đang xâm phạm không gian cá nhân của họ và có thể lùi lại xa hơn
trong cuộc trò chuyện. Thật vậy, người Mỹ có thể cảm thấy người Latin hung hăng và kiêu
ngạo. Ngược lại, người Mỹ Latinh cho rằng việc người Mỹ lùi ra xa có nghĩa là thái độ xa
cách. Kết quả đáng tiếc là hai đối tác kinh doanh không tạo được mối quan hệ tốt chỉ vì sự
khác biệt về văn hóa.

Giáo dục

Giáo dục chính quy đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Giáo dục là phương tiện mà
qua đó các cá nhân tìm hiểu nhiều kĩ năng về ngôn ngữ, khái niệm và toán học vốn rất cần
thiết trong xã hội hiện đại. Giáo dục chính quy hỗ trợ gia đình trong việc giúp thế hệ trẻ hòa
nhập với các giá trị và chuẩn mực của xã hội. Các giá trị và chuẩn mực được dạy một cách
trực tiếp và gián tiếp. Thông thường trường học dạy các thực tế cơ bản về bản chất xã hội và
bản chất chính trị của xã hội. Trường học cũng tập trung vào dạy các nghĩa vụ cơ bản của
công dân. Chuẩn mực văn hóa cũng được dạy gián tiếp tại trường. Tôn trọng người khác,
vâng lời cấp trên, trung thực, ngăn nắp, đúng giờ, v.v… là tất cả các phần trong “chương
trình ẩn” của nhà trường. Việc sử dụng một hệ thống đánh giá xếp loại cũng dạy cho con trẻ
biết giá trị của thành tích cá nhân và tính cạnh tranh.
Ở góc độ kinh doanh quốc tế, giáo dục cũng là một yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh
quốc gia. Có được nguồn nhân lực có tay nghề và có trình độ học vấn là một yếu tố quyết
định khả năng thành công về kinh tế của một quốc gia. Ví dụ, khi phân tích sự thành công
trong cạnh tranh của Nhật Bản kể từ năm 1945, Michael Porter nhấn mạnh rằng, sau chiến
tranh, Nhật Bản hầu như không có gì ngoại trừ một nguồn nhân lực có tay nghề và có trình
độ học vấn cao.

Với truyền thống lâu đời tôn trọng giáo dục, Nhật Bản sở hữu nguồn nhân lực có học thức, có
giáo dục, và ngày càng có tay nghề cao... Nhật Bản đã được hưởng lợi từ một nguồn nhân lực
lớn các kỹ sư được đào tạo. Số kỹ sư tốt nghiệp đại học ở Nhật Bản bình quân đầu người nhiều
hơn ở Hoa Kỳ... Một hệ thống giáo dục tiểu học và trung học hạng nhất ở Nhật Bản hoạt động
dựa trên các tiêu chuẩn cao và nhấn mạnh về toán và khoa học. Giáo dục tiểu học và trung học
mang tính cạnh tranh rất cao... Giáo dục Nhật Bản cung cấp cho hầu hết học sinh trên toàn
nước Nhật một nền giáo dục vững chắc cho việc học tập và đào tạo cao hơn. Học sinh tốt
nghiệp trung học ở Nhật Bản biết nhiều về toán học như hầu hết sinh viên tốt nghiệp đại học ở
Mỹ.

Luận điểm của Porter cho rằng hệ thống giáo dục xuất sắc của Nhật Bản là một yếu tố
quan trọng giải thích cho sự thành công trong kinh tế sau chiến tranh ở đất nước này. Một hệ
thống giáo dục tốt không chỉ là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh quốc gia, mà nó còn là

22
yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế cân nhắc khi lựa chọn địa điểm
đầu tư. Ví dụ, xu hướng gần đây là thuê ngoài các công việc trong ngành công nghệ thông tin
ở Ấn Độ, một phần do Ấn Độ có số lượng lớn các kỹ sư được đào tạo là kết quả của hệ thống
giáo dục Ấn Độ. Vì lẽ đó, không bao giờ doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất đòi hỏi lao động có
tay nghề cao tại một đất nước mà hệ thống giáo dục yếu kém đến nỗi lực lượng lao động có
tay nghề cao không có sẵn, mặc dù quốc gia đó có những yếu tố khác hấp dẫn đến thế nào đi
chăng nữa. Ngược lại, doanh nghiệp có thể đặt hoạt động sản xuất không cần đòi hỏi lao
động có tay nghề cao tại một đất nước có hệ thống giáo dục kém phát triển.
Trình độ học vấn của một quốc gia cũng là chỉ số tốt để biết loại sản phẩm nào có thể
bán tại đất nước đó và loại hình quảng cáo nào nên sử dụng. Ví dụ, ở đất nước mà hơn 70
phần trăm dân số không biết chữ chắc hẳn không phải là thị trường tốt để bán các loại sách
thông thường. Loại hình quảng cáo chứa các mô tả bằng văn bản của các sản phẩm sản xuất
hàng loạt trên thị trường dường như không có tầm ảnh hưởng trong một đất nước mà gần ba
phần tư dân số không biết đọc. Trong hoàn cảnh như vậy tốt hơn là nên sử dụng các chương
trình khuyến mãi bằng hình ảnh.

Văn hóa và nơi làm việc LO4

Ảnh hưởng của văn hóa xã hội đến giá trị tại nơi làm việc có tầm quan trọng rất lớn đối với
doanh nghiệp kinh doanh quốc tế hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau. Quy trình và việc
thực hiện công tác quản lý có thể phải thay đổi tùy theo giá trị về văn hóa liên quan đến công
việc. Ví dụ, nếu nền văn hóa của Hoa Kỳ và Pháp có các giá trị liên quan đến công việc khác
nhau, một doanh nghiệp kinh doanh quốc tế hoạt động ở cả hai quốc gia này nên thay đổi
quy trình và phương thức quản lý của mình để dung hoà những sự khác biệt đó.
Nghiên cứu nổi tiếng nhất về văn hóa liên quan đến giá trị tại nơi làm việc có lẽ là
nghiên cứu của Geert Hofstede. Khi là chuyên gia về tâm lý học làm việc cho IBM, Hofstede
thu thập dữ liệu về thái độ và quan niệm về giá trị của hơn 100.000 nhân viên từ năm 1967
đến năm 1973. Những dữ liệu này cho phép ông so sánh các tiêu chí đo lường văn hoá của
40 quốc gia. Hofstede đưa ra bốn tiêu chí mà ông cho rằng có thể khái quát hoá các nền văn
hóa khác nhau, đó là: khoảng cách quyền lực, thái độ đối với rủi ro, chủ nghĩa cá nhân và
chủ nghĩa tập thể, và chú trọng thành tích (nam tính) hay chú trọng chất lượng cuộc sống (nữ
tính).
Tiêu chí Khoảng cách quyền lực nhấn mạnh vào cách xã hội đối phó với thực tế là
mọi người không bình đẳng về năng lực thể chất và năng lực trí tuệ. Theo Hofstede, những
nền văn hóa có khoảng cách quyền lực cao được tìm thấy ở những quốc gia có tình trạng bất
bình đẳng tăng theo thời gian, trong đó có bất bình đẳng về quyền lực và bất bình đẳng giàu
nghèo. Nền văn hóa có khoảng cách quyền lực thấp có ở các xã hội cố gắng làm giảm tình
trạng bất bình đẳng càng nhiều càng tốt.
Tiêu chí chủ nghĩa cá nhân so với chủ nghĩa tập thể nhấn mạnh vào mối quan hệ
giữa cá nhân với cộng sự của mình. Trong các xã hội đề cao tính cá nhân, mối quan hệ giữa
các cá nhân lỏng lẻo, thành tựu cá nhân và tự do cá nhân được đánh giá cao. Trong các xã
hội đề cao tính tập thể, mối quan hệ giữa các cá nhân rất chặt chẽ. Trong những xã hội như
thế, con người được sinh ra trong tập thể, như trong các đại gia đình, và mỗi người đều quan
tâm đến quyền lợi của tập thể mình.
Tiêu chí thái độ đối với rủi ro đo lường mức độ thành viên trong các nền văn hóa
khác nhau cảm thấy thoải mái hay không thoải mái khi gặp các tình huống gây nhập nhằng,
khó xử và không chắc chắn. Trong các nền văn hóa né tránh rủi ro cao, con người thường
quan tâm nhiều đến việc đảm bảo công việc, mô hình nghề nghiệp, trợ cấp hưu trí, v.v... Họ
đòi hỏi nhiều các quy tắc và quy định; người quản lý được kì vọng phải đưa ra các hướng
dẫn rõ ràng, và cấp dưới thực hiện được kiểm soát chặt chẽ. Trong các nền văn hóa ít né

23
tránh rủi ro, con người sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn và ít bị tác động về mặt cảm xúc khi
đối mặt với sự thay đổi.
Tiêu chí chú trọng thành tích (nam tính) hay chú trọng chất lượng cuộc sống (nữ
tính) xem xét mối quan hệ về giới và vai trò tại nơi làm việc. Trong các nền văn hóa nam
tính, giới tính có vai trò phân biệt rõ nét và xã hội nhấn mạnh đến các “giá trị nam tính”
truyền thống như các thành tựu cá nhân đạt được và việc thực thi quyền lực. Trong nền văn
hóa nữ tính, giới tính có vai trò phân biệt ít hơn và sự phân biệt giữa nam và nữ trong cùng
một công việc là rất thấp.
Hofstede đưa ra các chỉ số cho bốn tiêu chí trong khoảng từ 0 đến 100 và điểm số cao
cho chủ nghĩa cá nhân cao, khoảng cách quyền lực cao, né tránh rủi ro cao, và mức độ nam
tính cao. Ông tính trung bình các chỉ số cho tất cả các nhân viên trong một quốc gia. Bảng
4.1 tóm tắt dữ liệu của 20 quốc gia được chọn. Các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ,
Canada, và Anh đạt điểm cao ở thước đo chủ nghĩa cá nhân và đạt điểm thấp ở thước đo
khoảng cách quyền lực. Ở thái cực khác là nhóm các nước châu Mỹ Latinh và châu Á nhấn
mạnh tính tập thể hơn là tính cá nhân và điểm số cao ở thước đo khoảng cách quyền lực.
Bảng 4.1 cũng cho thấy nền văn hóa Nhật Bản có thái độ né tránh rủi ro cao và nam tính cao.
Đặc tính này phù hợp với kiểu đặc trưng của Nhật Bản là một quốc gia mà nam giới có vai
trò chi phối và thái độ né tránh rủi ro thể hiện trong chế độ làm việc suốt đời. Thụy Điển và
Đan Mạch đặc trưng cho quốc gia có thái độ né tránh rủi ro thấp và nam tính thấp (nhấn
mạnh nhiều đến các giá trị về “nữ tính”).

BẢNG 4.1
Các giá trị liên quan
đến công việc trong Khoảng cách Thái độ né tránh Tính Nam
20 quốc gia được quyền lực rủi ro cá nhân tính
chọn
Nguồn: Trích trong G. Argentina 49 86 46 56
Hofstede, “The Cultural
Relativity of Úc 36 51 90 61
Organizational Practices Brazil 69 76 38 49
and Theories,” Journal
of International Business Canada 39 48 80 52
Studies 14 (Fall 1983), Đan Mạch 18 23 74 16
tr. 75-89. Được in dưới
sự đồng ý của Dr. Pháp 68 86 71 43
Hofstede Đức 35 65 67 66
Anh 35 35 89 66
Ấn Độ 77 40 48 56
Indonesia 78 48 14 46
Israel 13 81 54 47
Nhật Bản 54 92 46 95
Mexico 81 82 30 69
Hà Lan 38 53 80 14
Panama 95 86 11 44
Tây Ban Nha 57 86 51 42
Thụy Điển 31 29 71 5
Thái Lan 64 64 20 34
Thổ Nhĩ Kỳ 66 85 37 45
Hoa Kỳ 40 46 91 62

24
Các kết quả của Hofstede đưa ra cách nhìn rất lý thú về sự khác biệt của các nền văn hoá
thay cho cách hiểu chung chung trước đây. Những phát hiện của Hofstede phù hợp với kiểu
khác biệt văn hóa đặc trưng của người phương Tây. Ví dụ, nhiều người tin rằng người Mỹ đề
cao tính cá nhân và bình đẳng hơn người Nhật (họ có một khoảng cách quyền lực thấp hơn),
người Nhật lại có tính cá nhân và bình đẳng hơn người Mexico. Tương tự như vậy, nhiều
người đồng tình rằng các nước Latinh như Mexico nhấn mạnh đến giá trị nam tính nhiều hơn
- họ là nền văn hóa đề cao nam tính - hơn các nước Bắc Âu như Đan Mạch và Thụy Điển.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Hofstede chỉ nên mang tính tham khảo. Nghiên cứu này bị
chỉ trích ở một số điểm. Một là, Hofstede giả định có sự tương ứng một-một giữa văn hóa và
nhà nước quốc gia, nhưng như chúng ta đã thấy trước đó, nhiều quốc gia có nhiều hơn một
nền văn hóa. Kết quả của Hofstede không thấy rõ sự khác biệt này. Thứ hai, nghiên cứu bị
ràng buộc về văn hóa. Nhóm nghiên cứu bao gồm các thành viên người châu Âu và Mỹ.
Bảng câu hỏi cho nhân viên IBM và phân tích của họ về các câu trả lời có thể bị ảnh hưởng
bởi những định kiến văn hoá và những mối quan tâm riêng của họ. Vì vậy, không có gì ngạc
nhiên khi kết quả của Hofstede khẳng định đặc trưng của người phương Tây vì nó được
người phương Tây tiến hành nghiên cứu.
Thứ ba, những đối tượng trả lời trong bảng hỏi của Hofstede chỉ làm việc trong một
ngành công nghiệp duy nhất, ngành công nghiệp máy tính, và cũng chỉ làm trong công ty
IBM. Vào thời điểm đó, IBM nổi tiếng với nền văn hóa doanh nghiệp mạnh và quá trình
tuyển chọn nhân viên chặt chẽ, cho nên quan niệm về giá trị của các nhân viên IBM có thể
khác ở một số khía cạnh quan trọng so với giá trị của nền văn hóa mà họ xuất thân. Ngoài ra,
trong bộ mẫu của Hofstede đã loại trừ một số tầng lớp xã hội nhất định (chẳng hạn như công
nhân thủ công không có tay nghề). Điều cuối cùng là nghiên cứu của Hofstede tính đến bây
giờ đã trở nên lỗi thời. Văn hóa không bao giờ bất biến; nó luôn phát triển, mặc dù chậm.
Những đặc tính được mô tả có thể hợp lý trong những năm 1960 và 1970 có thể không còn
phù hợp với ngày hôm nay.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Hofstede cũng có một số ý nghĩa nhất định. Nghiên cứu đã
đưa ra một xuất phát điểm cho các nhà quản lý khi cố gắng chỉ ra sự khác biệt giữa các nền
văn hóa và ý nghĩa của chúng đối với hoạt động quản lý. Ngoài ra, một số học giả khác đã
tìm thấy bằng chứng thuyết phục cho rằng sự khác biệt về văn hóa có ảnh hưởng đến giá trị
và thực hiện các giá trị tại nơi làm việc, và kết quả cơ bản của Hofstede đã được nhân rộng
trong các bộ mẫu về cá nhân đa dạng hơn và trong các môi trường khác nhau. Tuy nhiên, các
nhà quản lý nên thận trọng khi sử dụng các kết quả này, vì không phải bao giờ các kết quả
này cũng luôn luôn đúng.
Hofstede sau đó đã mở rộng nghiên cứu ban đầu của mình, đưa ra thêm tiêu chí thứ
năm chưa đề cập ở nghiên cứu trước đó. Ông gọi tiêu chí này là “Thuyết động lực Nho giáo”
(đôi khi được gọi là định hướng lâu dài). Theo Hofstede, thuyết động lực Nho giáo đo
lường thái độ đối với thời gian, sự kiên trì, thứ tự cấp bậc, bảo vệ sĩ diện, tôn trọng truyền
thống, và sự đáp trả với quà tặng và những đặc ân. Tên gọi này đề cập đến các “giá trị” bắt
nguồn từ giáo lý Nho giáo. Đúng như giả thiết, các nước Đông Á như Nhật Bản, Hồng Kông,
và Thái Lan có điểm số cao ở thước đo thuyết động lực của Nho giáo, trong khi các quốc gia
khác như Hoa Kỳ và Canada lại có điểm số thấp. Hofstede và các cộng sự lập luận rằng,
bằng chứng của họ cho thấy các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn thì có điểm
số cao ở thước đo thuyết động lực Nho giáo và thấp ở thước đo tính cá nhân, ngụ ý rằng Nho
giáo tốt cho sự tăng trưởng. Tuy nhiên, bằng nhiều kĩ thuật phân tích thống kê phức tạp, các
nghiên cứu sau đó chỉ ra rằng luận điểm này không hoàn toàn đúng. Trong suốt thập kỷ vừa
qua, các quốc gia có chủ nghĩa cá nhân cao và thuyết động lực Nho giáo thấp như Hoa Kỳ đã
đạt được mức tăng trưởng cao, trong khi một số nền văn hóa Nho giáo như Nhật Bản lại có
sự tăng trưởng kinh tế trì trệ. Trong thực tế, mặc dù văn hóa có thể ảnh hưởng đến sự thành
công trong kinh tế của một quốc gia, tuy nhiên nó chỉ là một trong nhiều yếu tố, và tầm quan

25
trọng của nó không nên bỏ qua cũng không nên phóng đại quá mức. Các yếu tố được thảo
luận trong Chương 2 - hệ thống kinh tế, chính trị và pháp luật - có thể quan trọng hơn yếu tố
văn hóa trong việc giải thích sự khác biệt trong tốc độ tăng trưởng kinh tế theo thời gian.

Sự thay đổi văn hóa LO5

Văn hóa không phải là khái niệm tĩnh mà thay đổi theo thời gian. Những thay đổi trong hệ
thống các giá trị có thể chậm và gây tổn thương cho xã hội. Ví dụ, trong những năm 1960,
các giá trị của văn hoá Mỹ đối với vai trò của phụ nữ, tình yêu, tình dục và hôn nhân có
nhiều thay đổi đáng kể. Các rối loạn xã hội vào thời điểm đó phản ánh sự thay đổi này. Tuy
vậy, sự thay đổi vẫn xảy ra và thường là những thay đổi sâu sắc. Tiêu biểu là vào đầu những
năm 1960, quan niệm cho rằng phụ nữ có thể giữ những vị trí quản lý cấp cao trong các tập
đoàn lớn không được chấp nhận rộng rãi. Nhiều người giễu cợt quan niệm này. Ngày nay, nó
là một thực tế, và rất ít người trong xã hội Mỹ nghi ngờ về sự phát triển hay năng lực của
phụ nữ trong môi trường kinh doanh. Văn hóa Mỹ đã thay đổi (mặc dù vẫn khó khăn hơn
cho phụ nữ để đạt được vị trí quản lý cấp cao so với nam giới). Tương tự như vậy, hệ giá trị
của nhiều quốc gia đã từng là chủ nghĩa Cộng sản, như Nga, đang trải qua những thay đổi
đáng kể khi các quốc gia dần bỏ xa các giá trị nhấn mạnh tính tập thể và hướng về các giá trị
đề cao tính cá nhân. Tuy rối loạn xã hội là kết quả tất yếu của thay đổi, nhưng sự thay đổi
vẫn có thể xảy ra.
Tương tự, một số người cũng cho rằng một sự thay đổi văn hóa lớn đã xảy ra ở Nhật
Bản, với sự dịch chuyển hướng về chủ nghĩa cá nhân. Hình mẫu nhân viên văn phòng Nhật
Bản, một “người làm công ăn lương”, được mô tả là người trung thành với cấp trên và tổ
chức đến độ sẵn sàng dành các buổi tối, ngày nghỉ cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ để phục vụ tổ
chức hay tập thể mà anh ta là một thành viên trong đó. Tuy nhiên, thế hệ mới của nhân viên
văn phòng Nhật không còn theo hình mẫu cũ nữa. Cá nhân trong thế hệ mới có vẻ thẳng thắn
hơn so với người Nhật truyền thống. Anh ta cư xử giống người phương Tây hơn, gọi là một
gaijian. Anh ta không sống vì công ty và sẽ rời bỏ công ty nếu có công việc khác tốt hơn.
Anh ta không kiên nhẫn làm thêm giờ, đặc biệt khi anh ấy đang hẹn hò. Anh ta có kế hoạch
riêng cho thời gian rảnh rỗi, trong đó không có chuyện đi uống rượu hay chơi golf với sếp.
Một số nghiên cứu cho thấy sự tiến bộ kinh tế và toàn cầu hóa có thể là những yếu tố
quan trọng làm nên sự thay đổi xã hội. Ví dụ, có bằng chứng cho thấy sự tiến bộ kinh tế đi
kèm với sự thay đổi trong giá trị, rời xa chủ nghĩa tập thể và hướng về chủ nghĩa cá nhân. Do
vậy, khi Nhật Bản trở nên giàu có hơn, văn hoá đề cao tính tập thể giảm xuống và tính cá
nhân phát triển hơn. Lý do cho sự thay đổi này có thể là trong các xã hội giàu hơn thì ít cần
đến các cấu trúc hỗ trợ về vật chất và xã hội tạo nên tính tập thể, bất kể tập thể đó là đại gia
đình hay công ty theo chế độ gia trưởng. Cá nhân có thể chăm sóc nhu cầu riêng của họ tốt
hơn. Kết quả là, tầm quan trọng phải gắn kết với tập thể giảm xuống, trong khi quyền tự do
kinh tế lớn hơn dẫn đến sự gia tăng cơ hội thể hiện chủ nghĩa cá nhân.
Văn hóa xã hội cũng có thể thay đổi khi xã hội giàu có hơn, vì tiến bộ kinh tế ảnh
hưởng đến một số yếu tố khác, và đến lượt các yếu tố này lại ảnh hưởng đến văn hóa. Ví dụ,
việc gia tăng tốc độ đô thị hóa và nâng cao chất lượng lẫn số lượng của giáo dục đều phụ
thuộc vào tiến bộ kinh tế, và đến lượt hai yếu tố này lại làm cho các giá trị truyền thống trong
những xã hội nông thôn nghèo khó không còn được chú trọng. Có một nghiên cứu về giá trị
ở 78 quốc gia qua 25 năm, gọi là Bảng khảo sát các giá trị của thế giới, được thực hiện bởi
Viện Nghiên cứu Xã hội - Đại học Michigan, ghi nhận cách thức các giá trị thay đổi. Nghiên
cứu liên kết sự thay đổi trong giá trị với những thay đổi trong mức độ phát triển kinh tế của
một quốc gia. Theo nghiên cứu này, khi các quốc gia giàu hơn, có một sự dịch chuyển rời xa
“các giá trị truyền thống” liên quan đến tôn giáo, gia đình và đất nước, hướng tới các giá trị
“thế tục hợp lý”. Những người theo chủ nghĩa truyền thống cho rằng tôn giáo rất quan trọng

26
trong cuộc sống của họ. Họ có ý thức mạnh mẽ về sự tự hào dân tộc; họ nghĩ rằng trẻ em cần
được dạy dỗ để vâng lời và nhiệm vụ đầu tiên của đứa trẻ là làm cho cha mẹ tự hào. Họ cho
rằng những vấn đề như phá thai, cái chết nhẹ nhàng, ly hôn, và tự tử không bao giờ là chính
đáng. Ở một thái cực khác, những điều trên gọi là các giá trị “thế tục hợp lý”.
Một phạm trù khác trong Bảng khảo sát các giá trị của thế giới là chất lượng các thuộc
tính của cuộc sống. Ở một thái cực, đây là những “giá trị mang tính sống còn”, là những giá
trị mà con người nắm giữ khi phải đấu tranh cho sự sinh tồn. Những giá trị này có xu hướng
nhấn mạnh sự an toàn về kinh tế và thể chất quan trọng hơn sự tự thể hiện bản thân. Giả dụ
như khi con người không có thức ăn hay không thấy an toàn thì có xu hướng bài ngoại, lo
ngại các hoạt động chính trị, có khuynh hướng độc đoán, và tin rằng đàn ông làm lãnh đạo
chính trị tốt hơn phụ nữ. Những giá trị của “sự tự thể hiện bản thân” hoặc giá trị “phúc lợi”
nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đa dạng, của cải và sự tham gia vào các quá trình chính trị.
Khi các quốc gia giàu hơn, dường như có sự thay đổi từ giá trị “truyền thống” sang giá
trị “thế tục hợp lý” và từ “giá trị sống còn” sang giá trị “phúc lợi”. Tuy nhiên, những thay đổi
đều cần thời gian, do là mỗi cá nhân được đóng khuôn vào các giá trị cũ từ khi họ còn nhỏ và
khó khăn để thay đổi khi họ trưởng thành. Những thay đổi lớn về giá trị có liên quan đến
nhiều thế hệ và lớp trẻ thường là những người tiên phong trong các thay đổi này.
Đề cập đến vấn đề toàn cầu hóa, có người cho rằng những tiến bộ trong giao thông vận
tải, công nghệ thông tin liên lạc, sự gia tăng đáng kể trong thương mại kể từ sau Thế chiến
thứ hai, sự phát triển của các tập đoàn toàn cầu như Hitachi, Disney, Microsoft và Levi
Strauss với các sản phẩm và hoạt động trên khắp toàn cầu, đang tạo điều kiện cho sự hợp
nhất và hội tụ của các nền văn hóa. Hamburger của McDonald ở Trung Quốc, The Gap ở Ấn
Độ, máy nghe nhạc iPods ở Nam Phi, và MTV ở mọi nơi đã tạo ra nền văn hóa thế hệ trẻ
đồng nhất ở khắp nơi, và khi các quốc gia trên thế giới càng tiến bộ về kinh tế thì sự khác
biệt về văn hóa càng được giảm bớt. Nói cách khác, có một sự hội tụ chậm nhưng vững chắc
giữa các văn hóa khác nhau hướng về những giá trị và chuẩn mực chung trên toàn cầu: Điều
này gọi là giả thuyết về sự hội tụ.
Phải nhấn mạnh rằng, hiện nay có sự gia tăng những xu hướng đối lập chính mà con
người không thể bỏ qua, như sự chuyển dịch hướng về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở một số
quốc gia; phong trào ly khai ở Quebec, Canada; các căng thẳng chủng tộc đang leo thang và
các phong trào ly khai ở Nga. Những xu hướng ngược chiều theo nhiều cách là sự phản ứng
lại áp lực hội tụ về văn hóa. Trong thế giới ngày càng hiện đại và thiên nhiều về vật chất,
một số xã hội đang cố gắng nhấn mạnh tầm quan trọng của cội nguồn văn hóa và tính độc
đáo về văn hoá. Sự thay đổi văn hóa có tính chất đa chiều, trong đó các nền văn hóa quốc gia
hội tụ thành một số đặc tính đồng nhất trên toàn cầu. Cũng quan trọng khi lưu ý rằng tuy một
số yếu tố của văn hóa thay đổi khá nhanh chóng, đặc biệt là việc tiêu dùng các sản phẩm vật
chất, thì các yếu tố khác lại thay đổi rất chậm chạp. Do đó, nhìn vào việc mọi người trên thế
giới mặc quần jean xanh, ăn McDonald, sử dụng điện thoại di động, xem chương trình
American idol dưới các phiên bản khác nhau ở từng quốc gia, chạy xe Ford đi làm trên các
đường cao tốc, ta không nên cho rằng họ cũng chấp nhận các giá trị Mỹ (hay phương Tây).
Để minh họa, giả dụ rằng rất nhiều người phương Tây ăn đồ ăn Trung Quốc, xem phim võ
thuật Trung Quốc, và tham gia các lớp học võ kungfu, nhưng giá trị của họ vẫn là những giá
trị của người phương Tây. Vì thế, cần phân biệt rõ những khía cạnh văn hóa vật chất hữu
hình và những cấu trúc ẩn sâu bên trong, đặc biệt là những giá trị và chuẩn mực cốt lõi của
xã hội. Sự thay đổi cấu trúc sâu bên trong diễn ra rất chậm, và sự khác biệt văn hoá ở đây
bền vững hơn nhiều so với cái ta thường nghĩ.

Các gợi ý cho nhà quản lý

27
Kinh doanh quốc tế khác với kinh doanh trong nước vì sự khác nhau giữa các quốc gia và xã
hội. Trong chương này, chúng ta đã nhận thấy sự khác nhau giữa các xã hội. Các xã hội khác
nhau vì nền văn hóa của họ khác nhau. Nền văn hóa khác nhau vì những khác biệt sâu sắc
trong cấu trúc xã hội, tôn giáo, ngôn ngữ, giáo dục, triết lý kinh tế và triết lý chính trị. Ba ý
nghĩa quan trọng trong kinh doanh quốc tế được rút ra từ những khác biệt này. Đầu tiên là sự
cần thiết phải có kĩ năng hiểu biết sự khác biệt văn hóa. Theo đó, cần nhận thức sự tồn tại
của những khác biệt văn hóa và nhận thức những khác biệt này có ý nghĩa thế nào đối với
kinh doanh quốc tế. Ý nghĩa thứ hai tập trung vào mối liên hệ giữa văn hóa và lợi thế cạnh
tranh quốc gia. Ý nghĩa thứ ba xem xét mối liên hệ giữa văn hóa và đạo đức trong việc ra
quyết định. Trong phần này, chúng ta sẽ tập trung xem xét hai vấn đề đầu tiên. Vấn đề thứ
ba, mối liên hệ giữa văn hóa và đạo đức sẽ được xem xét trong chương kế tiếp.

Kĩ năng hiểu biết sự khác biệt về văn hoá

Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với một doanh nghiệp khi ra nước ngoài lần đầu tiên
là nguy cơ bị thiếu thông tin. Doanh nghiệp kinh doanh quốc tế thiếu thông tin về các khía
cạnh của nền văn hóa khác có khả năng gặp thất bại. Kinh doanh trong các nền văn hóa khác
đòi hỏi phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống giá trị và chuẩn mực của nền văn hóa
đó. Sự điều chỉnh có thể bao gồm tất cả các khía cạnh trong hoạt động ở nước ngoài của
doanh nghiệp kinh doanh quốc tế. Cách thức đàm phán giao dịch, hệ thống trả lương phù hợp
để khích lệ nhân viên bán hàng, cơ cấu tổ chức, tên sản phẩm, quy định chung về mối quan
hệ giữa quản lý và lao động, cách thức chiêu thị sản phẩm, v.v… tất cả đều nhạy cảm với sự
khác biệt về văn hóa. Có những cách thức phù hợp với nền văn hóa này chưa chắc đã phù
hợp với nền văn hóa khác.
Để đối phó nguy cơ bị thiếu thông tin, các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế nên cân
nhắc thuê lao động địa phương để giúp doanh nghiệp làm kinh doanh trong một nền văn hóa
cụ thể. Họ cũng cần đảm bảo rằng vị giám đốc điều hành tại nước chủ nhà có đủ tầm nhìn
quốc tế để hiểu sự khác biệt về văn hóa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh quốc tế như thế
nào. Luân chuyển giám đốc điều hành ra nước ngoài theo định kỳ để trải nghiệm các nền văn
hóa khác nhau sẽ giúp xây dựng một lực lượng nòng cốt các giám đốc điều hành có tầm nhìn
quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh quốc tế cũng cần thường xuyên ngăn ngừa nguy cơ của
hành vi vị chủng. Tinh thần vị chủng tộc là niềm tin vào tính ưu việt của dân tộc mình hay
nền văn hoá của mình. Người có tinh thần vị chủng tộc thường coi nhẹ hay coi thường nền
văn hóa của quốc gia khác. Điều không hay là tinh thần vị chủng tộc lại khá phổ biến, nhiều
người Mỹ, người Pháp, người Nhật, người Anh, v.v.. đều phạm phải lỗi này. Tuy nó là điều
không nên, nhưng lại là thực tế của cuộc sống, là điều mà các doanh nghiệp kinh doanh quốc
tế cần tránh phạm phải.
Có một số ví dụ đơn giản minh họa cho tầm quan trọng của kĩ năng hiểu biết sự khác
biệt về văn hóa. Nhà nhân chủng học Edward T. Hall đã mô tả cách người Mỹ, những người
về bản chất có xu hướng không coi trọng hình thức, phản ứng gay gắt khi bị sửa lỗi hoặc bị
khiển trách công khai. Điều này có thể là vấn đề lớn ở Đức, nơi mà văn hoá có xu hướng sửa
lỗi người lạ, làm cho người Mỹ cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương. Về phần mình, người
Đức có thể ngạc nhiên khi người Mỹ thích gọi mọi người bằng tên riêng (không có họ). Điều
này gây khó chịu cho những nhà điều hành cùng cấp bậc, và có thể bị coi là xúc phạm nếu
một vị điều hành trẻ người Mỹ ở cấp bậc thấp hơn gọi vị điều hành người Đức lớn tuổi hơn
và ở cấp bậc cao hơn bằng tên riêng khi chưa được cho phép. Hall kết luận rằng, với người
Đức, bạn có thể cần thời gian dài để được phép gọi họ bằng tên riêng; nếu bạn vội vàng trong
vấn đề này thì sẽ bị coi là suồng sã và thô lỗ, và điều đó có lẽ không tốt cho kinh doanh.
Hall cũng lưu ý về sự khác biệt văn hóa trong thái độ đối với thời gian cũng có thể gây
ra rất nhiều vấn đề. Ông lưu ý rằng ở Mỹ, đưa ra thời hạn cần hoàn thành là một cách để làm

28
tăng tính cấp bách hay tầm quan trọng tương đối của nhiệm vụ. Tuy nhiên, ở Trung Đông,
đưa ra thời hạn cần hoàn thành có thể gây tác dụng hoàn toàn trái ngược. Những người Mỹ
khăng khăng buộc đối tác kinh doanh người Ả Rập đưa ra quyết định trong vội vàng có thể
bị coi là đòi hỏi quá mức và tạo cho họ sức ép thái quá. Kết quả có thể hoàn toàn ngược lại
những gì người Mỹ kỳ vọng, người Ả Rập sẽ càng chậm hơn như là cách phản kháng cho
thói kiêu ngạo và thô lỗ của người Mỹ. Về phần mình, người Mỹ có thể nghĩ rằng đối tác
người Ả Rập rất mất lịch sự nếu ông ta đến muộn trong cuộc họp chỉ vì ông ta vô tình gặp
một người bạn trên đường và dừng lại để nói chuyện. Hiển nhiên là người Mỹ rất quan tâm
đến thời gian và lịch trình. Nhưng đối với người Ả Rập, những người sống trong một xã hội
mà mạng lưới xã hội là một nguồn cung cấp thông tin chính và duy trì các mối quan hệ là rất
quan trọng, kết thúc cuộc thảo luận với bạn bè quan trọng hơn tuân việc theo một lịch trình
cứng nhắc. Thật sự, người Ả Rập có thể thấy khó hiểu khi người Mỹ luôn quan trọng hóa
quá mức thời gian và lịch trình.

Văn hoá và lợi thế cạnh tranh

Một chủ đề xuyên suốt trong chương này là mối lien hệ giữa văn hóa và lợi thế cạnh tranh
quốc gia. Nói một cách đơn giản, hệ thống giá trị và chuẩn mực của một quốc gia ảnh hưởng
đến chi phí kinh doanh tại quốc gia đó. Các chi phí kinh doanh trong một quốc gia ảnh
hưởng đến khả năng công ty thiết lập lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Chúng ta đã
thấy thái độ đối với sự hợp tác giữa nhà quản lý và người lao động, thái độ đối với công việc,
và thái độ đối với tiền trả lãi bị ảnh hưởng bởi cấu trúc xã hội và tôn giáo như thế nào. Người
ta có thể lập luận rằng khi xung đột về giai cấp giữa người lao động và nhà quản lý trong các
xã hội có ý thức về đẳng cấp phát triển thành các cuộc tranh chấp trong công nghiệp, sẽ làm
tăng chi phí kinh doanh trong xã hội đó. Tương tự như vậy, chúng ta đã thấy cách mà một số
nhà xã hội học lập luận rằng, đạo đức của các nhà tu khổ hạnh ở “thế giới khác” của Ấn Độ
giáo có thể không hỗ trợ cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản như những đạo đức gắn liền
với đạo Tin lành và Nho giáo. Ngoài ra, luật Hồi giáo cấm các khoản thanh toán lãi vay có
thể làm tăng chi phí kinh doanh bằng cách ép buộc hệ thống ngân hàng của quốc gia.
Nhật Bản là một trường hợp nghiên cứu thú vị về cách văn hóa ảnh hưởng đến lợi thế
cạnh tranh. Một số học giả cho rằng nền văn hóa của Nhật Bản hiện đại làm giảm một cách
tương đối chi phí kinh doanh so với hầu hết quốc gia phương Tây. Sự đề cao nhóm liên kết,
lòng trung thành, nghĩa vụ có qua có lại, tính trung thực và nền giáo dục tốt là những yếu tố
làm tăng tính cạnh tranh của các công ty Nhật Bản. Việc nhấn mạnh vào nhóm liên kết và
lòng trung thành khuyến khích mỗi cá nhân đồng cảm mạnh mẽ với công ty mà họ đang làm
việc. Điều này có xu hướng tạo ra đạo đức làm việc chăm chỉ và sự hợp tác giữa nhà quản lý
và người lao động “vì lợi ích của công ty.” Tương tự như vậy, những nghĩa vụ có qua có lại
và tính trung thực giúp tạo ra bầu không khí tin tưởng giữa công ty với các nhà cung cấp.
Điều này khuyến khích họ hợp tác lâu dài với nhau để làm giảm hàng tồn kho, kiểm soát chất
lượng và thiết kế - tất cả những điều đó được chứng minh làm tăng khả năng cạnh tranh của
tổ chức. Mức độ hợp tác thường thấp ở các nước phương Tây, nơi mà mối liên kết giữa công
ty và các nhà cung cấp có xu hướng là những mối liên kết trong ngắn hạn thông qua cuộc
đấu thầu cạnh tranh hơn là mối liên kết dựa trên những cam kết hợp tác lâu dài. Ngoài ra,
tính sẵn có của một lực lượng lao động có tay nghề cao, đặc biệt là các kỹ sư, đã giúp các
doanh nghiệp Nhật Bản phát triển nhiều sáng kiến trong các quy trình để cắt giảm chi phí, từ
đó đã thúc đẩy làm tăng năng suất. Như vậy, các yếu tố văn hóa có thể giải thích cho sự
thành công của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trên thị trường toàn cầu. Đáng chú ý nhất,
người ta đã lập luận rằng sự trỗi dậy của Nhật Bản như là một cường quốc về kinh tế trong
nửa cuối của thế kỷ hai mươi có thể một phần do nền văn hóa của Nhật Bản.

29
Người ta cũng cho rằng văn hóa Nhật Bản ít thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp hơn
so với xã hội Mỹ. Bằng nhiều cách, hoạt động khởi nghiệp là sản phẩm của tư duy đề cao
tính cá nhân, không phải là một đặc trưng truyền thống của người Nhật Bản. Điều này có thể
giải thích tại sao các doanh nghiệp Mỹ, chứ không phải là các công ty Nhật Bản, thống trị
trong những ngành công nghiệp có tinh thần khởi nghiệp và sự sáng tạo được đánh giá cao,
như phần mềm máy tính và công nghệ sinh học. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ
rõ ràng và đặc biệt. Masayoshi Son đã nhận ra tiềm năng của lĩnh vực phần mềm nhanh hơn
bất kỳ tập đoàn khổng lồ nào của Nhật Bản; thành lập nên công ty Softbank vào năm 1981;
và xây dựng nó trở thành nhà phân phối phần mềm hàng đầu Nhật Bản trong suốt 30 năm
qua. Tương tự như vậy, các cá nhân có tinh thần khởi nghiệp năng động đã thành lập nên các
công ty lớn của Nhật Bản như Sony và Matsushita. Tuy những ví dụ này có thể là trường hợp
ngoại lệ cho các quy luật đã nói ở trên, các doanh nghiệp công nghệ cao khởi nghiệp tại Nhật
Bản vẫn không phát triển nhiều bằng những gì xảy ra ở Mỹ.
Trong kinh doanh quốc tế, mối liên kết giữa văn hóa và lợi thế cạnh tranh là rất quan
trọng vì hai lý do. Thứ nhất, mối liên kết cho thấy quốc gia nào có khả năng sản sinh ra nhiều
công ty cạnh tranh hữu hiệu nhất. Ví dụ, người ta có thể lập luận rằng các doanh nghiệp Mỹ
sẽ chứng kiến sự xuất hiện liên tục các đối thủ cạnh tranh xông xáo, hiệu quả về mặt chi phí
từ những quốc gia vòng đai Thái Bình Dương, nơi có sự kết hợp của nền kinh tế thị trường tự
do, tư tưởng Nho giáo, cấu trúc xã hội theo định hướng nhóm, và hệ thống giáo dục tiên tiến
(ví dụ như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và ngày nay là cả Trung Quốc).
Thứ hai, mối liên kết giữa văn hóa và lợi thế cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng trong
việc lựa chọn địa điểm đặt cơ sở sản xuất và làm kinh doanh. Hãy xem xét tình huống giả
định khi công ty phải lựa chọn giữa hai quốc gia, A và B, cho việc đặt cơ sở sản xuất. Cả hai
quốc gia đều có chi phí lao động thấp và là con đường tốt để tiếp cận với thị trường thế giới.
Cả hai quốc gia đều có qui mô (về dân số) xấp xỉ nhau và đều trong cùng một giai đoạn phát
triển kinh tế. Ở quốc gia A, hệ thống giáo dục chưa phát triển, xã hội được đặc trưng bởi sự
phân chia giai tầng rõ rệt giữa tầng lớp trên và tầng lớp dưới, và có sáu nhóm ngôn ngữ
chính. Ở quốc gia B, hệ thống giáo dục phát triển tốt, ít có sự phân chia giai tầng xã hội, văn
hoá quốc gia đề cao giá trị nhóm, và chỉ sử dụng một ngôn ngữ. Vậy quốc gia nào sẽ là địa
điểm tốt nhất để đầu tư?
Có lẽ câu trả lời sẽ là quốc gia B. Trong quốc gia A, mâu thuẫn giữa tầng lớp quản lý
và người lao động, giữa các nhóm ngôn ngữ khác nhau, có thể dẫn đến tranh chấp về mặt xã
hội và tranh chấp trong công nghiệp, từ đó làm tăng chi phí kinh doanh. Việc thiếu hệ thống
giáo dục tốt cũng có thể làm doanh nghiệp khó khăn hơn để đạt được mục tiêu kinh doanh.
Cùng sử dụng cách thức so sánh tương tự như trên, nếu một doanh nghiệp kinh doanh
quốc tế đang cân nhắc chọn địa điểm để tung sản phẩm của mình ra thị trường, quốc gia A
hay quốc gia B. Một lần nữa, quốc gia B sẽ là sự lựa chọn hợp lý bởi lẽ các yếu tố văn hóa
cho thấy rằng trong dài hạn, quốc gia B là nước có nhiều khả năng đạt được tốc độ tăng
trưởng kinh tế cao nhất.
Dù văn hóa là yếu tố rất quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác quan trọng hơn
giải thích sự khác biệt trong tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, như hệ thống kinh tế,
chính trị và pháp lý. Sự khác biệt về văn hóa là có ý nghĩa, nhưng chúng ta không nên quan
trọng quá mức ý nghĩa của nó trong các vấn đề về kinh tế. Ví dụ, trước đó chúng ta đã đề cập
rằng, Max Weber cho là các nguyên tắc khổ hạnh gắn liền với Ấn Độ giáo không khuyến
khích hoạt động khởi nghiệp. Tuy luận điểm này thú vị về mặt học thuật, nhưng những năm
gần đây hoạt động khởi nghiệp gia tăng đáng kể ở Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực công
nghệ thông tin, ngành mà Ấn Độ đang nhanh chóng trở thành một đối thủ trọng yếu trên toàn
cầu. Các nguyên tắc khổ hạnh của Ấn Độ giáo và sự phân chia giai tầng xã hội dựa trên hệ
thống đẳng cấp đã không thể cản trở những hoạt động khởi doanh trong lĩnh vực này.

30
TÓM TẮT CHƯƠNG

Chương này đã xem xét bản chất của văn hóa xã hội và nghiên cứu một số ý nghĩa đối với
thực tiễn của hoạt động kinh doanh. Nội dung chính của chương bao gồm:

1. Văn hóa là một phức hệ gồm có kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp
luật, tập quán, và năng lực của con người khi là một thành viên trong xã hội.
2. Giá trị và chuẩn mực là những thành phần trung tâm của văn hóa. Giá trị là những
khái niệm trừu tượng về những gì xã hội cho là tốt đẹp, là đúng đắn và mong muốn
có được. Chuẩn mực là các quy tắc và hướng dẫn của xã hội quy định cách hành xử
thích hợp trong các tình huống cụ thể.
3. Giá trị và chuẩn mực bị ảnh hưởng bởi triết lý chính trị và kinh tế, cấu trúc xã hội,
tôn giáo, ngôn ngữ và giáo dục.
4. Cấu trúc xã hội của một xã hội đề cập đến tổ chức xã hội cơ bản. Các cấu trúc xã hội
khác nhau ở hai tiêu chí chính đó là tiêu chí cá nhân – nhóm và tiêu chí phân chia giai
tầng xã hội.
5. Trong một số xã hội, cá nhân là khối xây dựng cơ bản của tổ chức xã hội. Các xã hội
này đặt thành tựu của cá nhân lên trên hết. Trong các xã hội khác, nhóm lại là khối
xây dựng cơ bản của tổ chức xã hội. Các xã hội này nhấn mạnh đến tinh thần nhóm
và thành tựu của nhóm lên trên hết.
6. Tất cả các xã hội đều được phân chia thành các tầng lớp khác nhau. Các xã hội có ý
thức về giai cấp được đặc trưng bởi mức độ thấp khả năng thay đổi địa vị cá nhân và
mức độ cao của sự phân chia giai tầng xã hội. Các xã hội ít có ý thức về giai cấp
được đặc trưng bởi mức độ cao khả năng thay đổi địa vị cá nhân và mức độ thấp của
sự phân chia giai tầng xã hội.
7. Tôn giáo được định nghĩa là một hệ thống tín ngưỡng và lễ nghi có ý nghĩa thiêng
liêng về mặt tâm linh được một cộng đồng cùng chia sẻ. Hệ thống đạo đức là một tập
hợp các nguyên tắc đạo đức, hay các giá trị, được dùng để hướng dẫn và định hình
hành vi. Các tôn giáo lớn trên thế giới là Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Phật
giáo. Mặc dù không phải là một tôn giáo, Nho giáo có tác động sâu sắc đến hành vi
như nhiều tôn giáo khác. Hệ giá trị của hệ thống đạo đức và tôn giáo khác nhau có
những ý nghĩa khác nhau đối với hoạt động kinh doanh.
8. Ngôn ngữ là một đặc trưng xác định văn hóa. Ngôn ngữ bao gồm ngôn ngữ nói và
ngôn ngữ cử chỉ. Trong các quốc gia có nhiều hơn một ngôn ngữ nói, ta thường thấy
có nhiều hơn một nền văn hoá.
9. Giáo dục chính quy là phương tiện mà qua đó con người học hỏi các kỹ năng và hoà
nhập với các giá trị và chuẩn mực của xã hội. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong
việc xác định lợi thế cạnh tranh quốc gia.
10. Geert Hofstede đã nghiên cứu cách thức văn hóa liên quan đến giá trị tại nơi làm
việc. Ông đúc kết thành bốn tiêu chí có thể giải thích cho sự khác biệt của các nền
văn hóa: khoảng cách quyền lực, thái độ đối với rủi ro, tính cá nhân so với tính tập
thể, và nam tính so với nữ tính.
11. Văn hóa không phải là một khái niệm tĩnh mà nó luôn phát triển. Tiến bộ về kinh tế
và toàn cầu hóa dường như là hai động lực quan trọng cho sự thay đổi văn hóa.
12. Nguy cơ mà một công ty gặp phải khi ra nước ngoài lần đầu tiên là thiếu thông tin.
Để phát triển kỹ năng hiểu biết sự khác biệt về văn hóa, doanh nghiệp kinh doanh
quốc tế cần sử dụng lao động của nước chủ nhà, xây dựng lực lượng nòng cốt các nhà
điều hành có tầm nhìn quốc tế, và chống lại nguy cơ của hành vi vị chủng.
13. Hệ thống giá trị và chuẩn mực của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến chi phí làm
kinh doanh tại quốc gia đó.

31
Câu hỏi tư duy phản biện và câu hỏi thảo luận

1. Đưa ra lý do tại sao văn hóa của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến chi phí kinh
doanh tại quốc gia đó. Minh họa bằng ví dụ.
2. Bạn có nghĩ rằng hoạt động kinh doanh trong một đất nước Hồi giáo có thể khác với
hoạt động kinh doanh ở Mỹ? Nếu có, sự khác biệt ở đây là gì?
3. Những khác biệt trong hệ thống đạo đức và tôn giáo chính của một quốc gia có tác
động như thế nào đối với doanh nghiệp kinh doanh quốc tế?
4. Chọn hai quốc gia có sự đa dạng về văn hóa. So sánh các nền văn hóa của hai quốc
gia này và chỉ ra sự khác biệt văn hóa ảnh hưởng như thế nào đến (a) chi phí kinh
doanh ở mỗi quốc gia, (b) khả năng phát triển kinh tế trong tương lai của quốc gia đó,
và (c) các hoạt động kinh doanh.
5. Đọc lại Tiêu điểm quốc gia về chủ nghĩa tư bản Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó trả
lời các câu hỏi sau:
a. Bạn có thể nhận thấy điều gì trong các giá trị của Hồi giáo chống đối với việc
kinh doanh?
b. Kinh nghiệm của vùng xung quanh Kayseri dạy cho chúng ta điều gì về mối
quan hệ giữa Hồi giáo và kinh doanh?
c. Tác động của các giá trị Hồi giáo trong kinh doanh đối với sự tham gia vào nền
kinh tế toàn cầu của một quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ là gì?
6. Đọc lại Tiêu điểm quản lý về DMG - Thượng Hải và trả lời các câu hỏi sau:
a. Tại sao bạn cho rằng thiết lập các mối quan hệ kinh doanh - guanxi và
guanxiwang - ở Trung Quốc là rất quan trọng?
b. Kinh nghiệm của DMG cho chúng ta biết gì về cách thức làm việc ở Trung
Quốc? Điều gì sẽ xảy ra khi một doanh nghiệp tuân theo tất cả các quy tắc và
quy định, chứ không cố gắng tìm đường đi vòng như Dan Mintz đã làm?
c. Các vấn đề đạo đức nào có thể phát sinh khi dựa vào mạng lưới guanxiwang để
các giúp cho công việc được trôi chảy ở Trung Quốc? Điều này nói lên điều gì
về hạn chế của việc sử dụng guanxiwang đối với một doanh nghiệp phương Tây
tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức chặt chẽ?

Bài tập nghiên cứu


Sự khác biệt về văn hoá

Sử dụng trang web globalEDGE™ (globaledge.msu.edu) để hoàn thành các bài tập sau:

Bài tập 1

Bạn đang chuẩn bị cho chuyến công tác đến Chi-lê, nơi bạn cần gặp gỡ với rất nhiều chuyên
gia địa phương. Vì vậy, bạn cần xem xét thu thập thông tin về văn hóa và thói quen kinh
doanh tại địa phương này trước khi khởi hành. Một đồng nghiệp ở châu Mỹ Latinh khuyên
bạn truy cập vào “Trung tâm cho sự hiểu biết lẫn nhau về văn hoá” và đọc qua những giới
thiệu về đất nước Chi-lê. Bạn hãy chuẩn bị mô tả ngắn gọn về các đặc điểm văn hóa nổi bật
nhất có thể ảnh hưởng đến giao dịch kinh doanh tại đất nước này.

Bài tập 2

Thông thường, các yếu tố văn hóa tạo nên sự khác biệt các nghi lễ xã giao trong kinh doanh
thường gặp ở chuyến công tác của doanh nghiệp kinh doanh quốc tế. Trong thực tế, nền văn
hóa Trung Đông có sự khác biệt đáng kể về các nghi lễ xã giao trong kinh doanh hơn so với

32
nền văn hóa phương Tây. Trước khi bắt đầu chuyến công tác đầu tiên đến vùng đất này, một
đồng nghiệp chỉ ra hướng dẫn nghi lễ xã giao trong kinh doanh trên toàn thế giới có thể giúp
ích cho bạn. Sử dụng trang web globalEDGE, tìm ra năm lời khuyên liên quan đến văn hoá
kinh doanh tại một quốc gia Trung Đông bất kỳ.

33

You might also like